Hiện có 7 người xem / 2505125 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 6-2-2010
CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, dịch giả Vũ Anh Tuấn đã bắt đầu phiên họp bằng việc giới thiệu 2 cuốn sách, một mới, và một tương đối mới. Cuốn mới được xuất bản năm 1997 và cuốn tương đối mới được xuất bản năm 1952 (58 năm trước). Cuốn sách mới mang tựa đề là: “Việt Nam trong quá khứ trong tranh khắc Pháp” và được làm bằng ba thứ tiếng Việt, Pháp và Anh. Cuốn sách khổ 26cm x 26cm, dày 180 trang, được in trên giấy dày rất đẹp, và chứa đựng 238 tranh khắc được thực hiện từ thời Pháp thuộc, rất đẹp và rất hiếm. Tác giả Nguyễn Khắc Cần, 1 nhà nghiên cứu và sưu tầm đã có công gom các tranh khắc quý hiếm đó lại và sau đó đã chia cuốn sách ra làm 9 chương. Chương I nói về Hà Nội, Chương II nói về luật lệ, Chương III nói về sân khấu, Chương IV nói về tín ngưỡng, Chương V nói về cộng đồng người Việt, Chương VI nói về cảnh đời thường, Chương VII nói về phong cảnh, Chương VIII nói về sự biến mất của 1 triều đại, và Chương IX nói về cuộc chiến diễn ra từ 1857 tới năm 1885.

Cuốn sách được in rất đẹp, những hình ảnh cũng rất đặc sắc và quý hiếm, cho phép người xem thấy hiện ra trước mắt cả một quá khứ mà ông cha ta đã phải trải qua. Xin chia sẻ với quý bạn độc giả một số hình ảnh ở cuối bài này. Cuốn thứ hai in năm 1952 (58 năm trước) là một cuốn sách rất nổi tiếng, cuốn Chiến Tranh và Hòa Bình của Lev. Tolstoi (1828-1910), người Pháp chuyển chữ Lev. thành Léon, mà hầu như mọi người trong chúng ta đều biết hoặc nghe tiếng. Người Việt chúng ta được biết khá nhiều về tác giả người Nga này qua tác phẩm này và qua 1 tác phẩm khác nhan đề là Anna Kha Lệ Ninh đã được dịch từ thời Tiền Giải Phóng. Do đó, Dịch giả Vũ Anh Tuấn chỉ muốn giới thiệu ở đây bộ sách đặc biệt này vì nó được 1 nhà xuất bản lớn là nhà Gallimard của Pháp in ra trong 1 tủ sách tuyệt vời gọi là “Là Pleiade”. Gọi là bộ sách vì bộ Chiến Tranh và Hòa Bình này khi xuất bản lần đầu (1863-1869) là 4 cuốn, và ở các bộ do các nhà xuất bản khác in đều là nhiều cuốn, riêng ở trong tủ sách “La Pleiade” này, toàn bộ tác phẩm được in trong có 1 cuốn, trên một thứ giấy cực mỏng, cực đẹp gọi là giấy Thánh Kinh, nên tuy cuốn sách chỉ dày có 4 phân mà nó chứa đựng tới 1655 trang sách. Thật là 1 cuốn sách đặc biệt đẹp, đặc biệt tiện lợi vì người đọc có thể mang theo mình khi đi bất cứ đâu.

Sau phần giới thiệu sách, một vị khách, là anh NGUYỄN ĐỨC BÌNH, Giám đốc nhà xuất bản Văn nghệ, đã nói vài lời mời các thành viên CLB tham dự kỳ thi Tủ sách gia đình lần thứ II hay III (người viết không nhớ rõ) sẽ được tổ chức trong một ngày rất gần đây (trong tháng 3 thì phải). Tiếp lời anh Bình, 1 thành viên là anh Hoàng Minh đã giới thiệu 1 cuốn Di cảo của nhà văn NGUYỄN TUÂN do gia đình nhà văn in và không bán ra ngoài. Tiếp lời anh Hoàng Minh, BS Nguyễn Lân Đính đã giới thiệu 1 cuốn sách nói về Nước và sự cần thiết phải uống nước trong đời sống thường nhật để bảo vệ sức khỏe.

Sau đó dịch giả Vũ Anh Tuấn đã tóm lược các hoạt động của CLB Sách Xưa và Nay trong năm vừa qua, và có nhấn mạnh và yêu cầu các thành viên để tâm tìm kiếm các nhà Lưu niệm các danh nhân để CLB tổ chức các cuộc thăm viếng mỗi tam cá nguyệt.

Buổi họp kết thúc bằng 1 bữa ăn tất niên, trong đó các thành viên vui vẻ chúc nhau 1 năm mới đầy sức khỏe, hanh thông và thịnh vượng.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ MỘT CUỐN SÁCH
KHÔNG PHẢI TÔI “CHƠI” MÀ LÀ TÔI MỚI “LÀM

Đây là một cuốn sách mới ra lò ngày 6-2-2010, tựa đề của sách là: “Họa sĩ Nguyễn Gia Trí nói về sáng tạo” (Painter Nguyễn Gia Trí’s words on creation). Sách khổ 14cm x 21cm và dày 445 trang (gồm 204 trang tiếng Việt đi đầu và phần sau là 241 trang bằng tiếng Anh theo sau). Tôi nói “làm” đây không phải là làm ra cuốn sách mà là dịch nó sang tiếng Anh. Sách bao gồm một lời nói đầu của LM Thiện Cẩm và sau đó là những lời nói của Cụ Trí liên quan tới hội họa (chủ yếu là sơn mài) và đủ mọi lãnh vực khác trong cuộc sống; và những lời nói, những nhận xét, những quan điểm về hội họa, về cuộc sống, về tâm linh này của Cụ đã được 1 họa sĩ đệ tử, họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, ghi chép lại từ ngày 4-6-1975 tới ngày 31-1-1992. Sách có chứa đựng 1 số phụ bản gồm một vài tranh sơn mài của Cụ Trí, một vài bức họa và 1 phác thảo của Cụ vẽ 1 thiếu nữ Pháp, lai thì phải, và 2 bức thủ bút của Cụ.

Cụ Nguyễn Gia Trí là một người mà người viết rất phục tài và quý trọng vì ngoài tài ba xuất chúng về lãnh vực sơn mài, con người và tư cách của Cụ cũng rất là khác thường. Cụ sống một cuộc sống tự do, tự chủ, an nhiên, tự tại và sáng tạo, sáng tạo không ngừng. Người viết sau ngày giải phóng cũng có duyên nợ với Cụ đôi chút vì đã có lúc sở hữu được 1 vài bức sơn mài của Cụ, nhưng rồi lại không giữ được, vì năm 1983, sau khi gặp một gia biến, khiến người viết muốn bỏ đi nước ngoài, nên đã bán chúng đi cho bạn hữu. Người viết cũng đã tiếp xúc với Cụ Trí vài lần tại nhà riêng của Cụ và thấy Cụ sống rất an nhàn và làm việc rất hữu hiệu. Một lần nọ, người viết có tới hỏi thăm Cụ về 1 bức tranh sơn dầu cỡ 35cm x 45cm vẽ cảnh “Bến Hồng Kông” thì được Cụ cho biết là Cụ đã vẽ bức đó trong những ngày lưu vong ở Hồng Kông và rồi cũng đã có lúc bị bắt giam ở Vụ Bản, và đã có lúc bị bọn Pháp bắt mang từ Bắc vào giam ở trong Nam, tóm lại đời Cụ cũng có một thời gian dính líu đôi chút tới “Cô Chị” nhưng sau rồi có lẽ thấy “Cô Em” thơm phức và “Cô Chị” hôi rình nên Cụ đã dứt bỏ luôn không thèm dính líu tới “Cô Chị” hay là Chính trị nữa. Từ đó, Cụ sống gần như ẩn dật, gần như 1 Thiền sư, nhưng Cụ khác họ là thay vì chỉ tụng niệm lam nham, Cụ làm việc cật lực, sáng tạo không ngừng để đưa sơn mài Việt Nam lên tới tuyệt đỉnh của ngành sơn mài ở Á Đông. Thật vậy, người viết, trước ngày giải phóng, có một người bạn gái người Mỹ làm việc cho 1 hãng đấu giá lớn ở Singapore, đã cho người viết xem những cuốn sách về các hoạt động của Sotherby’s và Christie’s là hai nhà đấu giá hàng đầu trên thế giới, thì mới thấy rằng các sơn mài của Nam Dương, của Mã Lai giá bán được đến cả vài triệu đô, nhưng khi so với các tác phẩm sơn mài của Cụ Trí, thì thực là 1 vực 1 trời!

Cuộc sống của Cụ sau khi dứt bỏ được mọi dính dấp tới “Cô Chị” hôi rình, đã thực sự là một cuộc sống tuyệt vời, đáng kính trọng, đáng được xem như một gương sáng cho những ai muốn sống 1 cuộc sống an nhiên, tự tại, độc lập, tự do. Người viết rất thích những lời sau đây của LM Thiện Cẩm viết về Cụ Trí: “…Qua cuốn sách ghi lại những lời nói có vẻ không đầu, không đuôi, những câu được ghi lại giống như trong sách Luận ngữ, hay có lẽ đúng hơn, như những câu nói của một thiền sư, chúng ta thấy Cụ Nguyễn Gia Trí không phải chỉ là 1 họa sĩ danh tiếng nhưng còn là 1 đạo sĩ có thể nói không ngoa là 1 thiền sư. Vẽ tranh đối với Cụ chỉ là 1 phương tiện để đạt Đạo…”

Vì cực kỳ yêu mến và quý trọng Cụ Trí nên khi được yêu cầu dịch cuốn sách ra Anh ngữ, người viết vui vẻ nhận lời ngay, không hề nghi ngờ rằng mình sẽ phải trải qua ba năm trời gian khổ mới giữ được cho bản dịch (mà người viết làm thật kỹ càng, cẩn thận) một khuôn mặt sáng sủa dễ thương.

Trong suốt ba năm trời, tác giả cuốn sách, vì quá cầu toàn, đã mang bản dịch cuốn sách nhờ rất nhiều nhân vật đọc lại hộ và kết quả là quý vị này đã thay phiên nhau “sửa lành thành què” khiến cho bản dịch mặt mày mụn mạy lung tung, thậm chí có vị còn định đưa cả những từ “không có trong tiếng Anh” vào bản dịch nữa. Người viết kiên cường chống cự, tranh đấu và cuối cùng đã thành công khi loại bỏ được hết các mụn nhọt trên khuôn mặt dễ thương của đứa con tinh thần của mình.

Đây là bản dịch mà người viết yêu thích nhất trong gần 20 dịch phẩm của mình mà 16 dịch phẩm đã được in (15 bản Việt, Pháp ra Anh, và 1 bản Việt-Pháp văn nói về Côn Đảo).

Chính nhờ những năm chơi sách rất tích cực, đọc sách rất say mê, vừa đọc vừa học không ngưng nghỉ mà người viết đã dịch được một số tác phẩm được chấp nhận mà không cho một ngoại nhân nào xía được vào bản dịch của mình, và như vậy giữ được tính cách thuần Việt của nó; xin trân trọng giới thiệu nó với quý vị yêu sách. Một giây qua đi cũng là quá khứ, nên người viết xin được phép đưa bài này vào hồi ký chơi sách của mình để tỏ ra chơi hoài… cũng có lúc làm!

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI
Vũ Anh Tuấn

Đi tìm vị trí cũ của huyện Mê Linh –
Quê hương, kinh đô và căn cứ địa kháng chiến
của Hai Bà Trưng

Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Hán của Hai Bà Trưng tức hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị vào năm 40 sau Tây lịch đã mở đầu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc giành độc lập đầu tiên cho đất nước dưới ách thống trị của các triều đại phong kiến phương Bắc. Nếu tính từ sau triều đại An Dương Vương nước Âu Lạc (207-111 trước Tây lịch) tới sau triều đại nhà Triệu của nước Nam Việt (111-39 sau Tây lịch) đúng 150 năm nước ta bị phương Bắc đô hộ (thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất). Tới tháng 3 năm 40 thì xảy ra cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội 1971 đã chép: “Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em ruột (có tài liệu nói chị em sinh đôi), con gái Lạc tướng huyện Mê Linh (miền Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phú ngày nay), thuộc dòng dõi Hùng Vương. Trưng Trắc là một phụ nữ đảm đang, dũng cảm, mưu trí; chồng bà là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên (miền Hà Tây, Nam Hà) cũng là một người yêu nước và có chí khí quật cường (trang 80).

Tháng 3 năm 40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phát động khởi nghĩa ở cửa sông Hát (Hát Môn). Những người yêu nước ở khắp nơi rầm rập kéo về tụ nghĩa ở Mê Linh. Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến về xuôi, tiến công Luy Lâu (Thuận thành, Hà Bắc) thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ. Nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, trước sau cuộc nghĩa của Hai Bà, ở khắp bốn quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (Trung trung Bộ) và Hợp phố (nay thuộc Quảng Châu).

Theo sách sử nói trên, Mê Linh thời Hán là huyện Mê Linh vừa là nơi xuất phát cuộc nghĩa vừa là quê hương của Hai Bà. Nhưng sách này lại nói, sau khi khởi nghĩa thành công, Hai Bà xưng vương về đóng đô ở Mê Linh (Yên Lãng, Vĩnh Phú) (sđd trang 82). Tới đây, chúng ta thấy có sự tiền hậu bất nhất của Lịch sử Việt Nam tập 1. Đoạn sử trên nói Hai Bà quê ở Mê Linh và khởi nghĩa cũng ở Mê Linh thuộc vùng đất Sơn Tây, tức phía nam sông Hồng. Thế nhưng tới đọan sau lại viết đóng đô ở Mê Linh thuộc Yên Lãng – Vĩnh Phú, tức ở phía bắc sông Hồng. Tới tháng 2 năm 42, nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân đem hai vạn quân cùng hai nghìn thuyền xe sang xâm lược nước ta. Trưng Vương cùng các tướng lĩnh phát quân từ Mê Linh xuống Lãng Bạc đánh địch. Quân Trưng Vương chiến đấu rất dũng cảm song vì thế yếu nên bị thua, phải lui về Cẩm Khê (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phú). Cuối cùng vì sức yếu, quân ta tan vỡ, hai bà về Hát Môn rồi gieo mình xuống sông Hát giang tự tận. (Sđd trang 84).

Các nhà nghiên cứu sau này đều nói Lãng Bạc là Hồ Tây (Hà Nội), Cẩm Khê là Kim khê (Thạch Thất – Sơn Tây). Như vậy, đoạn sử này viết không đúng, vì nếu Mê Linh ở Yên Lãng hay Yên Lạc (Vĩnh Phú) thì sao Hai Bà lại xuống đánh giặc ở Hồ Tây rồi lại lui về Cấm Khê (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phú) và cuối cùng chạy về Hát giang tự tận. Sách sử này đã lẫn lộn giữa các vị trí địa điểm Yên Lãng, Cấm Khê, Hát Giang và Mê Linh. Đọan đầu sách nói đúng vì xác định Mê Linh ở miền Sơn Tây thuộc phía nam sông Hồng. Còn đoạn sau lại nói Mê Linh ở Yên Lãng phía bắc sông Hồng.

Thực tế, ngày nay, huyện Mê Linh nằm ở phía bắc sông Hồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (có tên từ năm 1977) nay thuộc thành phố Hà Nội, bên kia cầu Thăng Long có đường số 23 đi qua ra sân bay Nội Bài. Hơn nữa nơi đây còn có đền thờ Hai Bà. Đền thờ này là nơi thờ ông Thi Sách là chính (vì đây là Chu Diên mới, còn quê của Thi Sách ở Chu Diên cũ phía nam sông Hồng, gần Mê Linh cũ). Do đó, bà Trưng Trắc chỉ được thờ ghép có tượng bên cạnh chồng, còn Trưng Nhị chỉ có bài vị lại nằm bên dưới. Ngược lại, đền thờ chính Hai Bà ở Hát Môn tức Mê Linh cũ thuộc vùng đất Sơn Tây nay là khu vực Thạch Thất, Quốc Oai, Xuân Mai (sân bay Hòa Lạc) gần đường 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây.

Hầu hết các sách sử cũ từ đời Lý – Trần – Lê – Nguyễn về sau tới nay đều lầm lẫn về huyện Mê Linh vì thực tế vẫn còn đó huyện Mê Linh ở phía bắc sông Hồng thuộc Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Còn huyện Mê Linh cũ đã bị xóa sạch sau khi Mã Viện đánh thắng Hai Bà. Như sách Đại Nam Quốc sử diễn ca của hai tác giả Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái (dưới triều Tự Đức nhà Nguyễn, 1858 (NXB Sống Mới, Sài Gòn 1972) đã nói về Hai Bà Trưng qua bốn câu thơ sau:

Bà Trưng quê ở châu Phong
Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên.
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

Nguyên tác là chữ Hán được hai ông Ngọc Hồ (nhà giáo) và Nhất Tâm (nhà báo) chú giải đã giải thích châu Phong tức Phong Khê nay là Vĩnh Tường thuộc đất Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, xưa thuộc về Sơn Tây nay là Hà Nội. Sự thật Phong Khê tức là Phúc Thọ ngày nay nằm trên đường 32 đi Sơn Tây. Huyện Mê Linh (quê Hai Bà Trưng) thuộc miền Sơn Tây, còn huyện Chu Diên (quê Thi Sách) thời Hán ở gần Mê Linh có vị trí từ sông Đáy tới sông Hồng (sông Đáy còn gọi sông Chu Diên) nằm giữa ranh giới Sơn Tây với Hà Đông. Riêng Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1435) ghi: “Mê Linh là Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc bây giờ” hoặc nói “huyện Phúc Lộc là Mê Linh ngày xưa”. Nhưng khi nói: “Chu Diên là huyện Yên Lãng ngày nay” hoặc “huyện Yên Lãng là Chu Diên ngày xưa” là sai.(Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, NXB Hà Nội, 1983, trang 59).

Các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý đều xác nhận Mê Linh vừa là quê quán, vừa là nơi khởi nghĩa, nơi đóng đô và căn cứ địa của Hai Bà Trưng và kể cả lúc hy sinh ở Hát Giang (nay là sông Đáy). Còn Hát Môn là ngả ba sông Hồng với sông Đáy. Mê Linh thuộc vùng Thạch Thất (Sơn Tây) và Chu Diên thuộc vùng Đan Phượng, Từ Liêm ngày nay

Trong quá trình khởi nghĩa từ lúc xuất quân, thắng lợi cho tới lúc hy sinh, Hai Bà Trưng đã có các hoạt động tại vùng đất sinh quán huyện Mê Linh thuộc Sơn Tây ở phía nam sông Hồng như sau tụ quân, khởi nghĩa ở Hát Môn, tiến đánh trị sở lật đổ chính quyền Tô Định ở Luy Lâu (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh), về đóng đô ở Mê Linh, lập căn cứ kháng chiến ở Cẩm Khê huyện Mê Linh, Sơn Tây (nay là Kim Khê – suối vàng thuộc núi Vua Bà (trong dãy Ba Vì) khi Mã Viện sang xâm lược năm 43 và Hai Bà hy sinh tại nơi đây. Theo nhà nghiên cứu Đinh Văn Nhật, trên thực địa, ở vùng chân núi Vua Bà, ông đã tìm lại được làng cổ Lạc Việt là Kẻ Lói. Kẻ Lói là tên Nôm, khi chuyển sang Hán Việt thì thành Cổ Lôi và đất riêng của các vị lạc tướng Mê Linh mang tên Cổ lai trang. Các làng Hạ Lôi, Vân Lôi, Trạch Lôi vv… là những làng ngoại vi, trong đó Hạ Lôi theo truyền thuyết hiện nay vẫn còn xóm Nội, nơi hai Bà sinh ra, quán Ao nơi thờ Hai bà (nay là xã Hạ Bằng huyện Thạch Thất ngoại thành Hà Nội) (Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 3/1986, trang 19-20). Còn ở Phúc Yên vẫn có Hạ Lôi nhưng là phiên bản của Hạ Lôi trước.

Như vậy, tại sao ngày nay, huyện Mê Linh, Chu Diên mới (Vĩnh Tường -Yên Lãng) lại nằm ở miền Phúc Yên, Vĩnh Phúc thuộc phía bắc sông Hồng còn huyện Mê Linh, Chu Diên cũ ở vùng Sơn Tây, Hà Đông lại biến mất? Nhiều sách sử đều ghi nhận có sự di dời toàn bộ cư dân ở huyện Mê Linh, Chu Diên cũ (nam sông Hồng) sang huyện Mê Linh mới (Bắc sông Hồng) là do chính sách cai trị độc ác của nhà Hán: sau khi Hai Bà Trưng hy sinh, chính quyền đô hộ tái lập thực hiện ba biện pháp để trừ hậu họa: sát hại hàng loạt nghĩa quân tại đây, di dời toàn bộ nhà cửa, dân cư về phía bắc sông Hồng gần trị sở cai trị miền Long Biên (Luy Lâu – Thuận Thành) và bắt đi đày sang Linh Lăng (Hồ Nam, Trung Quốc) nhiều tướng lĩnh của Hai Bà. Thay vào cư dân mới đều là người Hán, một số quan quân của Mã Viện được cho ở lại lập nghiệp (gọi Mã lưu) ở gần di tích thành Quèn, nằm giữa Hạ Lôi và Quốc Oai. Do đó, hầu hết địa danh của nơi cũ đều được dân Giao Chỉ tới ở nơi mới đặt lại như huyện Mê Linh, làng Hạ Lôi…thuộc Phúc Yên, Vĩnh Phúc nằm ở phía bắc sông Hồng cho tới ngày nay.

Chắc chắn sau thời kỳ Bắc thuộc ngàn năm, nước ta giành lại độc lập tự chủ thời Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán thế kỷ thứ X (939) chấm dứt Bắc thuộc, nhiều di tích, địa danh cũ đều bị xóa gần hết, chỉ trừ một số tên núi, tên suối, tên sông mà thôi. Đề nghị các cơ quan chức năng nên nghiên cứu lại để có thể khôi phục các địa danh cũ, trong đó có Mê Linh cho đúng với nguồn gốc nơi có khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm.

Vương Liêm

CÁI BIẾT và SỰ PHÂN BIỆT

Hầu hết mọi người khi trưởng thành thấy gần như mọi việc đều có thể làm được dễ dàng nên quên rằng, để có thể làm được một việc – dù nhỏ bé – cũng đều cần đến CÁI BIẾT. Đứa bé lúc mới chào đời, nhờ Biết nút vú mẹ, Biết nuốt, mà sữa mới theo miệng vào dạ dày để biến thành chất dinh dưỡng cho cơ thể bé nhỏ dần lớn lên. Theo từng giai đoạn trưởng thành mà người lớn đào tạo, uốn nắn, tập cho từng bước, từ lật, trường, bò, cho đến đi, đứng.. Tập cho nó cầm, nắm, tập ăn, uống, tập nói năng, chào hỏi... mỗi mỗi đều phải học, phải BIẾT. Bắt đầu từ “học ăn, học nói, học gói, học mở” rồi lại phải Biết “Ăn coi nồi, ngồi coi hướng”, tiến tới phải BIẾT thứ nào ăn được, thứ nào không để không bị ngộ độc! Cái Nói cũng thế, không phải chỉ để trao đổi thông tin mà còn phải biết lựa lời: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”, và “BIẾT thì thưa thốt, không Biết thì dựa cột mà nghe” để tiết chế cái ham nói! CÁI BIẾT theo con người suốt từ lúc hoài thai cho đến khi cái Thân nằm bất động, không còn Biết gì nữa thì gọi là Chết.

Cái học thì không cùng. Học môn gì thì Biết môn đó. Càng học thì Cái BIẾT càng mở rộng. Trong con đường tu Phật, kế cả trong cuộc sống, mọi người rất cần đến CÁI BIẾT và sự PHÂN BIỆT. CÁI BIẾT như một sự xác định rõ ràng giữa cái này và cái khác, giữa cái Đúng với cái Sai. SỰ PHÂN BIỆT còn cao hơn một bậc, là BIẾT rõ về điều nào đó. Biết cần làm những gì? Biết phải làm như thế nào? Thí dụ ai cũng BIẾT rằng muốn vào tu Phật thì cần phải PHÁT TÂM. Nhưng SỰ PHÂN BIỆT sẽ làm cho ta thấy rõ ràng thế nào là PHÁT TÂM CHÂN CHÍNH, thế nào là dùng VỌNG TÂM mà phát?. Trên bước đường hành trì, các hạnh khác cũng thế. Ai cũng có đọc Kinh, nhưng làm cách nào để tìm được NGHĨA để Y thì rất cần SỰ PHÂN BIỆT, vì Rừng Phật Pháp thì mênh mông, kinh điển thì “thiên Kinh vạn quyển”, biết nương Kinh nào? Biết phải bắt đầu từ đâu? Bởi tất cả những năm giảng Pháp của Đức Phật được các đệ tử ghi lại trong 12 bộ Kinh, nhưng trong đó, Đức Thích Ca sử dụng Phương Tiện quá nhiều, do giảng dạy cho nhiều căn cơ bất đồng. Vì thế, người tu học về sau càng PHÂN BIỆT rõ thì càng đỡ hiểu lầm.

Với người đời thì hơn nhau ở Biết nhiều, BIẾT ít, Biết sâu, Biết cạn, nhưng Đạo Phật phân ra làm hai CÁI BIẾT. Thứ nhất là CÁI BIẾT thuộc về bản năng, tức là sẵn có trong Lục Căn: Mắt thấy, Tai nghe, Mũi ngửi, Lưỡi nếm, Thân cảm nhận, Ý phân biệt. Những sự nhận Biết này gắn liền với cái Thân, với cuộc sống. Điều nào thấy hợp thì yêu thích, không hợp là ghét. Cái nào thích thì muốn có thêm, đôi khi tranh chấp với người khác để dành phần hơn. Và những CÁI BIẾT do học hỏi, chỉ nhằm phục vụ cho các pháp Hữu TƯỚNG thì không ra ngoài đối đãi: hơn, thua, cao, thấp, được, mất, sang, hèn, ta, người.chỉ tồn tại và mất đi theo cái THÂN, nên Đạo Phật gọi đó là CÁI BIẾT MÊ LẦM.

CÁI BIẾT thứ hai gọi là CÁI BIẾT GIÁC NGỘ. Người có CÁI BIẾT này thì cũng BIẾT mọi thứ như người đời vẫn BIẾT, nhưng thêm vào đó là Ý Thức được cuộc sống. Ý thức về cái Thân người mong manh, không trường tồn. BIẾT rằng cuộc đời không tồn tại mãi. BIẾT rằng các Pháp là do DUYÊN, hợp rồi sẽ tan. Đến rồi sẽ đi, có quyến luyến, ôm ấp cũng chẳng được. BIẾT rằng càng ham muốn thì càng đau khổ. BIẾT rằng có một con đường GIẢI THOÁT có thể đưa đến an vui. BIẾT rằng mỗi người có sự TỰ CHỦ, TỰ TIN, có thể tự hành trì để Tự Giải Thoát, không phải lệ thuộc vào đấng bề trên nào, mà do chính hành động xả bỏ của mình sẽ tự cắt những dây trói đang chằn chịt, theo Tâm, theo Mắt trong vô lượng kiếp đã cột mình vào vạn pháp. BIẾT thế rồi học hỏi để chuyển từ cái BIẾT MÊ LẦM trở thành CÁI BIẾT GIÁC NGỘ, vì nó vốn dĩ chỉ là MỘT, chỉ khác nhau ở tình trạng MÊ LẦM và KHÔNG CÒN MÊ LẦM nữa mà thôi.

Vào tu theo Đạo Phật là để chặt đứt Vòng Luân Hồi. Vòng này đã từ vô lượng kiếp trói buộc con người trong Sinh Tử. Sở dĩ gọi là Bánh xe Luân Hồi vì nó như cái bánh xe, quay hết vòng cuối thì trở lại vòng đầu theo Thập Nhị Nhân Duyên, trong đó, mắc xích quan trọng nhất là VÔ MINH thì CÁI BIẾT là con dao bén chặt đứt vòng này. Phải chặt ngay cái mắc xích VÔ MINH thì vòng này mới tan rả. Do đó, người tu Phật nào không hiểu được, chưa tìm được CÁI BIẾT, chưa phá được VÔ MINH thì sẽ tiếp tục quanh quẩn để cho nó làm chủ cuộc đời rồi sống, chết với nó vô lượng kiếp mà thôi.

Muốn khai mở CÁI BIẾT về cuộc đời thì con người phải HỌC. CÁI BIẾT GIÁC NGỘ cũng thế. Khó có người “đột nhiên hoát ngộ” mà cần phải có người đã đi trước, đã BIẾT hướng dẫn cho. Phải có một số trình tự và công việc bất buộc phải làm. Có đọc Kinh ta thấy dù đã cách đây hơn 2.550 năm, nhưng Đức Thích Ca đã cẩn thận lưu ý cả hai phía, người dạy cũng như người học: Người dạy phải là người đã “Thấy Tánh”. Tổ Đạt Ma cũng dạy: “Nếu không Thấy Tánh mà nói pháp là ma nói” (Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất). Phần người nghe cũng phải là người có cái “Phát Tâm chân chính”, nghĩa là phải “Thấy Khổ, Sợ Khổ”, rồi nương Đạo Phật để hành trì với mục đích duy nhất là để “Thoát Khổ”. Vào tu học, nếu không muốn phí thời gian thì mọi người cũng cần phải phân biệt thầy có Chánh Pháp hay không để theo học, vì Kinh Viên Giác dạy: “Chúng sanh bất định chủng tánh”, tùy theo trình độ của người Thầy mà có được những quả vị tương xứng theo đó. Không thể nào có người thầy chưa giác ngộ lại đào tạo ra học trò giác ngộ được.

Kinh hay sách đều ghi lại rất nhiều bài học, nếu ta đừng quên căn bản tu hành là TU TÂM, là “Nội Quang phản chiếu” và không bị mê hoặc bởi những gì người đi trước viết lại, đã được nhiều đời ca tụng là cao. Đừng khoác lên sách xưa lớp hào quang, cho những người đi trước, hay tu lâu năm, được nhiều người ngưỡng mộ đều chứng đắc, mà nên cẩn thận xét cho kỹ, ta sẽ thấy có nhiều sách vở xưa hàng mấy trăm năm truyền lại cũng chưa chắc đã hướng dẫn được cái đúng cho người sau học hỏi!

Thí dụ như nói vể CÔNG ÁN, ta thấy không thiếu gì Công Án làm người Tham chỉ mất thì giờ, như: “Con chó có Phật Tánh không?” Nó có hay không thì đâu có ảnh hưởng gì đến con đường tu hành của ta? Giả sử ta BIẾT tu hành là phải theo trình tự “Kiến Tánh khởi tu” ắt ta sẽ hỏi: “làm thế nào để thấy được Phật Tánh của mình?” có phải cần thiết hơn không? Chính vì vậy mà trong “Góp Nhặt Cát Đá” cũng có câu chuyện tương tự: Shinkan là một Thiền Sư đã học ở trường Tendai 7 năm. Sau đó sang Trung Hoa chiêm ngưỡng Thiền 13 năm. Khi trở về Nhật thì rất nhiều người muốn viếng và tham hỏi. Có một thiền sinh 50 tuổi đạo đến hỏi vấn đề mà ông ta đã học ở Tendai từ thưở bé nhưng không thể hiểu được là “Cỏ cây cũng giác ngộ”. Shinkai hỏi lại anh ta: “Bàn luận về cỏ cây cũng giác ngộ như thế nào có ích gì đâu? Vấn đề là làm sao chính ông có thể giác ngộ được”. Hóa ra, nếu không gặp Thiền Sư Shinkan không biết Thiền Sinh nọ còn phải bỏ ra bao nhiêu năm vô ích nữa!

Bài học này cũng tương tự như nhiều người bỏ ra rất nhiều thời gian để Tham Công Án “Tổ Sư Tây lai ý”. Do không tra cứu nhiều Kinh để thấy là Tổ đã nói rất rõ: “Ta cốt sang Trung thổ. Truyền pháp cứu mê tình”, nên cứ bảo nhau Tham một câu đã sẵn có đáp án chỉ để phí thời gian! Hơn nữa, Tổ Sư có việc của Tổ Sư. Ta có việc của mình. Mình đang Vô Minh mà không tìm cách để Phá Vô Minh, lại đi tìm hiểu chuyện của người khác làm gì?

Chính vì vậy mà ngày xưa Hòa Thượng Hương Nghiêm cũng có Công Án: “Như người trên cây, miệng cắn vào cành cây, tay chân lơ lửng. Dưới cây có ngưới hỏi Tổ Sư Tây Lai Ý. Không đáp thì phụ câu hỏi, còn đáp lại thỉ bỏ thân, mất mạng. Vậy phải đối đãi làm sao?” Đó là Ngài muốn nhắc khẽ những người không lo chuyện tu hành, Giải Thoát cho bản thân, chỉ ham bàn việc của người! Mạng sống chỉ trông vào cái miệng đang cắn vô cành cây kia mà còn toan há ra để giải đáp chuyện thiên hạ! Phải chăng chưa kịp giải đáp thì đã tan xác?!

Một số trường hợp cũng vì không Tư Duy, không tìm hiểu nên rất dễ hiểu lầm lời Phật. Chẳng hạn như đọc DIỆU PHÁP LIÊN HOA, nhiều người thấy Long Nữ chỉ cần dâng cho Phật “Viên châu có giá trị bằng cõi Tam Thiên” liền thành Phật ngay lập tức. Thế là họ bèn hy sinh vàng bạc hiến cho Chùa để hùn vô xây chùa, đúc tạc tượng Phật, với hy vọng hão huyền là biết đâu sẽ được thành Phật như Long Nữ! Phân tích cho kỹ, ta sẽ thấy: Phật là Phật, Chùa là Chùa, hai từ hoàn toàn khác nhau. Phật là Vô Tướng thì Chùa cho Phật ở cũng phải Vô Tướng. Cúng dường cho Phật cũng phải bằng phẩm vật Vô Tướng! “Viên Châu có giá trị bằng cõi Tam Thiên” không phải là Châu báu, vàng bạc thế gian, mà đó là cái TÂM MÊ LẦM lúc nào cũng khởi chúng sinh Tham, Sân và Si nhiều như cư dân trong 3 cõi nước, và do con người cứ ôm ấp, gìn giữ không chịu rời xa, nên Phật ví như là châu báu, không phải là vàng bạc, châu báu thế gian.

Việc xây chùa, Đúc, tạc tượng Phật được Tổ Đạt Ma giải thích như sau: “Phật nói Kinh dùng vô số phương tiện nhắm vào tất cả chúng sanh căn trí cùn lụt, ươn hèn, không đủ sức lãnh hội nghĩa sâu, nên mượn pháp hữu vi làm tỉ dụ cho pháp vô vi.

Nếu vẫn không tu nội hạnh mà chỉ cầu ở ngoài mong làm thánh, cầu được phước, không đâu có được.

Nói “già lam” ấy là người Tây Thiên trúc nói, ở đây dịch là “thanh tịnh địa”, tức đất trong sạch, chùa chiền vậy.

Nếu vĩnh viễn trừ Ba Độc, tịnh Sáu Căn, Thân Tâm vắng không, trong ngoài ngưng lặng, đó gọi là xây dựng Già Lam.

Nói “đúc hình tạc tượng” tức đó là tất cả chúng sanh cẩu Phật đạo cần tu các giác hạnh phỏng theo chân dung diệu tướng của Như Lai, há phải đâu chỉ là việc đúc vàng tạc đồng tầm thường vậy thôi ru! Bởi vậy, người cầu đạo Giải Thoát phải lấy thân mình làm lò, lấy pháp làm lửa, lấy trí huệ làm tay thợ khéo, lấy Ba Giới tu tịnh, Sáu ba la Mật làm khuôn phép, nấu chảy, và rèn đúc chất chân như Phật Tánh ở trong Thân cho thấm nhập khắp tất cả hình thức Giới Luật; y lời dạy đó mà vâng làm, mỗi mỗi không hở sót thì tự nhiên thành tựu hình tướng của chân dung. Hình tướng đó đích thực là Pháp Thân Thường Trụ Vi Diệu và cùng tột, há phải đâu là pháp hưu vi hư đốn sao?

Người cầu đạo mà không hiểu nghĩa việc đúc tạc chân dung như vậy thì còn bằng vào đâu mở miệng nói công đức? ( Sáu Cửa vào Động Thiếu Thất tr. 52)

Nhưng làm thế nào để khai mở CÁI BIẾT? Bằng cách Quán Sát, Tư Duy, và phải Quán Sát các pháp thế gian. Trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH, Lục Tổ dạy:

“Phật pháp tại thế gian
Bất ly thế gian giác
Ly thế mịch Bồ Đề
Cáp như cầm thố giác”

Có nghĩa là Phật pháp tại thế gian, không rời thế gian mà giác ngộ. Rời thế gian mà tìm Bồ Đề cũng giống như tìm sừng thỏ”. Ràng buộc phát sinh từ thế gian thì Giải Thoát cũng phải ở ngay nơi đó, không phải ở bất cứ nơi nào khác. Và Quán Sát, thế gian tất nhiên không phải là mây trôi, lá rụng, con nước lớn, ròng, thị trường lên xuống… mà đó là THÂN, TÂM và PHÁP bởi vì ràng buộc hay Giải Thoát cũng chỉ ở 3 nơi đó.

TU là SỬA. Người muốn TU phải biết lý do mà mình muốn SỬA. Phải biết nơi nào cần Sửa. Thứ gì cần phải SỬA. Phật không còn thì phải nương Kinh điển, nhưng Đức Thích Ca có dặn dò khi đọc Kinh là phải: “Y KINH LIỄU NGHĨA bất Y Kinh vị liễu Nghĩa”. Bởi vì nếu không hiểu cho đúng Nghĩa để Y, thì chắc chắn chúng ta sẽ cứ y theo văn tự mà làm thì sẽ không bao giờ đến đâu, có khi còn trở thành “báng Phật, nhạo Pháp”!

Phật dạy người tu phải “tự thắp đuốc lên mà đi”, “Đuốc” chính là TRÍ HUỆ. Lục Tổ dạy: “Tánh của Trí Huệ là hay phân biệt”. Để có được sự Phân Biệt này, người tu cần nương GIỚI để có ĐỊNH, rồi dùng sức ĐỊNH để Quán sát, Tư Duy sẽ có.

PHÂN BIỆT của TRÍ HUỆ khác với Phân Biệt của Phàm phu. Vì phàm phu Phân Biệt là để Ghét, để Thương. Trí Huệ Phân Biệt là để thấy cái CHÁNH, cái TÀ, thế nào là NGỮ. Đâu mới là NGHĨA. Thế nào là VỌNG. Thế nào là CHÂN để “Phản Vọng, Quy Chân”. Trong TỨ Y, nếu chúng ta chưa Phân Biệt đâu là TRÍ, đâu là THỨC thì ta Y theo thứ nào? Nhìn cuộc đời tu hành của Đức Thích Ca, ta thấy Ngài chỉ làm có mấy việc: Xuất gia, cạo tóc, đắp y, khất thực, Ngồi thiền rồi đắc pháp, tại sao người sau cũng làm bao nhiêu việc đó không thấy có được bao nhiêu người đắc pháp? Như thế, nếu chúng ta không hiểu được Nghĩa để Y, cứ Y theo Ngữ thì cuối cùng mọi công phu sẽ về đâu? Thí dụ như ta thấy Kinh dạy người tu phải: “Thọ trì đọc tụng giảng nói biên chép Y Pháp tu Hành”, chính là dặn dò người tu cần nương theo một quyển Kinh nào đó, đọc cho kỹ, Phân Biệt rỏ ràng ý nghĩa rồi Y PHÁP mà TU HÀNH, thì nhiều người lại chỉ mang Kinh ra ngày mấy thời tụng nhịp nhàng theo chuông mõ… bắt Phật phải nghe lại những gì Ngài đã giảng nói từ mấy ngàn năm trước, lấy đó làm “công phu” hàng ngày!

Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Này Thiện Nam Tử, tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề. Đây cũng là do Tư Duy mà được gần Đại Niết Bàn”. TƯ DUY chính là để tìm CÁI BIẾT và SỰ PHÂN BIỆT để thấy rõ con đường và cách thức, rồi hành trì một cách tinh tấn cho đến khi đạt được rốt ráo Giải Thoát.

Tóm lại, có CÁI BIẾT, có SỰ PHÂN BIỆT thì hành giả mới có thể tiến bước được trên đường tu. Khác nào người kinh doanh phải rõ được mục tiêu của mình: Biết mình cần bán những gì? bán cho ai? Nguồn hàng ở đâu? Tu Phật mà không biết Phật là gì? Thành Phật để làm gì? Muốn thành Phật phải làm gì? làm như thế nào? Thì tu để làm gì? Sau khi biết rõ mọi việc rồi thì cứ kiên trì thực hành theo hướng dẫn trong Kinh để thấy rằng công việc tu hành không phải để về Đông Phương, Tây Phương, hay là thần thông, phép mầu, biết trước, biết sau… mà là để thành lập Phật Quốc nơi chính Cõi Tâm của mình, bằng cách trừ đi Ba Độc đã làm ô nhiễm cái Tâm của mình từ vô lượng kiếp, để đạt được sự thanh tịnh, rỗng rang, an lạc. Đó chính là Niết Bàn, là Phật Quốc mà người tu cần thành tựu cho mình, không phải chờ Phật nào độ cho, cũng chẳng phải đợi chết mới được về! Cũng chẳng phải chờ đi đến nơi Phật đã ra đời, đã giảng pháp, vì quá khứ đã trôi qua, tất cả những gì cần hiểu, cần hành đều đã được ghi rõ trong Chính Kinh, chúng ta chỉ cần tìm Nghĩa để thực hành theo đó mà thôi.

Mê hay Ngộ chỉ ở một cái Tâm của mỗi người thì việc tu hành cũng chỉ thực hiện ngay tại nơi đó. Không cần sự hỗ trợ của hình tướng, cũng chẳng cần kén chọn nơi chốn, chỉ cần nắm rõ: “Tức Tâm tức Phật”. “Tu Phật chính là Tu Tâm”. “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”. Đó là những lời tâm huyết của Tổ để lại, như ngọn hải đăng soi đường cho ta biết mình đã đi đúng hướng hay chưa? Vì dù ta có hành trì bao nhiêu pháp, chấp nhận gian khổ, khó khăn đến mấy, nhưng theo Ngũ Tổ thì: “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích” để chúng ta xét lại những gì mình đang làm, xem có hướng về đó hay không?.Khi đã phân biệt cho rõ, nắm được cốt tủy rồi, thì phần còn lại của người tu là cố gắng thực hiện cho bản thân. Chắc chắn không sớm thì muộn thì sự thành tựu phải đến, vì lời của Phật không bao giờ hư dối vậy.

11/2010
Tâm-Nguyện

Phụ Bản I

XUÂN CHƠI CHỮ
CÂU ĐỐI

· Câu đối tự tình
· Câu đối diễu đời
· Câu đối ghẹo gái
· Câu đối dằn mặt lẫn nhau

Ngày xưa, cứ mỗi lần xuân đến là các cụ nhà nho ta có lệ hay sáng tác nên những câu đối đặc biệt, diễn tả lại một ẩn ức nào đó, một sự kiện quan trọng nào đó xảy ra trong năm cũ qua nhân ảnh thiếu may mắn hoặc cay đắng của mình, cốt để riễu số mệnh, chanh chua cuộc đời, gièm pha thiên hạ… cho khuây khỏa nỗi lòng trong ba ngày xuân bên chén trà, chung rượu. Dĩ nhiên những câu đối làm ra trong dịp này hẳn đòi hỏi nhiều suy nghĩ và khổ công gọt giũa. Bởi vì, chẳng những câu đối khó khăn ở ý nghĩ mà còn khó khăn ở từng vế đối, từng chữ đối. Danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tĩnh từ đối với tĩnh từ… Ngoài ra, ý gần ý xa, nghĩa đen nghĩa bóng vẫn phải đối nhau chan chát, câu đối mới được xem là toàn bích. Chẳng hạn như câu:

“Tối ba mươi nghe nói Giao thừa: ờ ờ Tết!”

Đối lại là:

“Rạng mồng một vấp nêu Nguyên đán: à à Xuân!”

Câu đối dẫn ra đầu tiên để được phù hợp với Tết này, tưởng không gì bằng nhắc lại cái ý chê bai người đời, gièm pha thế sự một cách trào lộng đến mỉa mai này của Nguyễn Khuyến:

“Thiên hạ dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó!
Ông này khôn bất trị, rượu say túy lúy lại năm mèo!”

Sau câu đối của Nguyễn Khuyến, cứ xem như là ta đã “lịch sự” chào đón Xuân về trên đất nước với đầy đủ “lễ nghi cung cách” của người biết quý trọng bất cứ con vật nào trong hàng “Thập nhị chi”, mỗi lần Xuân lại. Giờ, ta hãy bắt chước các cụ xưa, mạnh tay tống cổ cái nghèo đói đi, rước sự giàu sang vào:

“Tối ba mươi, tống chú nghèo đi, chú bất nghĩa, chú tìm đường chú cút.
Sáng mồng một, mời ông Phúc lại, ông có chân, ông mở cửa ông vào!”

Hoặc có nợ nần như chúa chổm thì ta dùng câu này đắc địa hơn:

“Tối ba mươi, nợ hỏi tịt mũ, co cẳng đạp thằng bần ra cửa.
Sáng mồng một, rượu say túy lúy, đưa tay bồng ông Phúc vào nhà!”

Hay nếu ta là người không phải bận tâm về sự nghèo đói giữa cái thời củi quế gạo châu này để tìm một khoảng trời ủy mị, êm ả, thơ mộng hơn, ta hãy theo giọng bà Hồ Xuân Hương mà ngâm chơi câu đối của bà trong khi tâm hồn xao động, khát khao:

“Tối ba mươi, khép cánh càn khôn, ních chặt kẻo ma vương đưa quỷ tới.
Sáng mồng một, lỏng then tạo hóa, mở toang cho tiên nữ rước Xuân vào!”

Trái ngược với những câu đối của các cụ xưa vừa dẫn, nhất là câu đối đầy thơ mộng của bà Hồ Xuân Hương, trong vài năm gần đây, chính kẻ viết bài này đã bắt gặp một câu đối thật mới, thật khôi hài, hàm chứa nhiều tình ý bêu riếu cuộc đời thơ một cách thực tế như sau, dán trước nhà một thi sĩ thuộc thế hệ 54-74:

“Áo rách đời chẳng ưa, túi rỗng, tiền khan, thôi đón Tết.
Thơ suông người không thích, trà thiu, rượu lạt, đếch mơ Xuân!”

Mãi nói đến những câu đối Tết có tính cách chửi bới sự nghèo đói, kêu ca nợ nần mà quên không nhắc tới ít nhất vài câu đối đượm đầy tin tưởng trong Xuân, quả là một dụng ý đáng trách. Xin bạn thông cảm cho. Bây giờ thì xin mời bạn thưởng thức câu đối thật vui và thật vững lòng tin, ra vẻ “ta đây” này:

“Mua pháo đốt chơi để anh em nghe có tiếng.
Giật nêu đóng lại cho làng nước biết không xiêu!”

Hoặc đượm nhuần phong tục Tết, đậm đà hương vị ngày xuân như:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Nêu cao tràng pháo bánh chưng xanh”

Những câu đối Tết đại loại như vậy còn nhiều nhưng thiết nghĩ bấy nhiêu đó cũng đã quá đủ để bạn chọn lấy một mà mừng xuân, viết rồi dán chơi trước nhà cho vui.

Giờ đây, xin cống hiến các bạn một ít giai thoại về câu đối thật lý thú, vui nhộn, đầy hóc búa giữa những thi sĩ hoặc những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử để bạn cùng chúng tôi cười vui ba ngày Tết… chưa biết thịnh vượng ra sao này.

Đời vua Minh Mạng, thi sĩ Nguyễn Công Trứ có chơi thân với một nhà nho hay chữ là Hà Tôn Quyền. Một hôm Quyền gặp ông Trứ bỗng nẩy ý đùa thật cắc cớ bằng một câu đối khó, trong đó có nêu tên ông Trứ:

“Quân tử ố kỳ văn chi Trứ”

Đọc xong câu ấy, ông Quyền lấy làm đắc ý, tưởng phen hạ được ông Trứ, bèn cười khanh khách. Ông Trứ biết bạn muốn đè mình, cố gắng suy nghĩ và trả đũa lại ngay:

“Thánh nhẫn đắc dĩ dụng Quyền”

Tương truyền một nhà sư nọ “sáng tác” được một vế đối nhưng nặn óc mãi vẫn không ra vế tiếp, bèn nẩy ý viết treo lên trước cửa chùa, ngầm lòe bá tánh chơi. Vế đối của nhà sư ấy như sau:

“Thuộc ba trăm sáu chục quyển kinh, chẳng Thần, Thánh, Phật Tiên, nhưng khác tục”

Không ngờ, một hôm Nguyễn Công Trứ có dịp đi qua, thấy thế bèn xỏ lại 1 câu thật thâm thúy, làm nhà sư vội gỡ bảng, không dám treo nữa. Câu của ông Trứ quả thật là cay cú:

“Hay tám vạn ngàn tư cũng kệ, không Quân, Thần, Phụ, Tử, đếch ra người”

Một thi sĩ khác đồng thời với ông Trứ là Cao Bá Quát, lúc còn hàn vi, khi đi qua một làng có tên cường hào dốt nhưng lại hay nói chữ, tên là Tú Cát. Cát thấy ông ăn vận rách rưới, bèn nghênh ngang ra câu đối, buộc ông Quát phải đáp cho được, không thì cút khỏi làng, chẳng cho ở nữa. Câu của Tú Cát là:

“Trời sinh ông Tú Cát”

Cao Bá Quát nghe “hủi” quá, tức quá, vậy mà cũng bày trò, ông liền thị Cát như bọ hung:

“Đất nẻ con bọ hung”

Tên cường hào biết mình gặp phải tay có tài, từ đó không dám đá động gì đến ông Quát nữa.

Đời Gia Long, hai ông Đặng Trần Thường và Ngô Thời Nhậm là đôi bạn chí thân thuở nhỏ. Nhưng khi lớn lên, lại đi hai con đường khác nhau. Ông Ngô Thời Nhậm theo giúp Tây Sơn, còn Đặng Trần Thường thì phò Nguyễn Ánh. Khi ông bị bắt, ông Thường khuyên nên hàng. Nhậm từ chối, ông Thường bèn ra câu đối khiêu khích bắt ông Nhậm đối lại thế nào cho ổn thì được tha. Xướng rằng:

“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai?”

Ông Nhậm thản nhiên cười mỉa mai đối lại:

“Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế!”

Dĩ nhiên, sau câu đối đanh thép ấy, đầu ông Ngô Thời Nhậm rơi khỏi cổ!

Một giai thoại về bà Đoàn Thị Điểm và Trạng Quỳnh qua câu đối được nhiều người nhắc lại mỗi khi có dịp bàn chuyện… “tiếu lâm” với nhau như sau.

Nguyên tục truyền ông Cống Quỳnh xưa là người rất mến yêu bà Đoàn Thị Điểm, muốn được cùng bà nên duyên chồng vợ, nên luôn lui tới nhà bà để mong có dịp tỏ tình. Bà Điểm biết ý ông Quỳnh muốn gì với bà nhưng bà vốn tự kiêu về thi tài mình, xem ông Cống Quỳnh như là một kẻ thấp đòi vói cao nên luôn có ý hất hủi ông bằng những câu xướng vầy “hắc ám”, không làm sao có thể đối được, làm ông Quỳnh nhiều phen chảy mồ hôi vì phải bóp trán suy nghĩ, chẳng hạn như câu:

“Da trắng vỗ bì bạch”

Bì bạch chữ Hán có nghĩa là da trắng. Da trắng vỗ bì bạch, quả thật khi dùng trạng từ bì bạch với chủ tâm đối nghĩa giữa 2 chữ DA TRẮNG và BÌ BẠCH, cô Điểm có tài về môn chơi chữ (jeu de mots).

Thế nhưng, không lẽ bị bắt bí mãi, một ngày kia, bà Đoàn Thị Điểm cũng bị ông Cống Quỳnh “chơi” lại một vố đau khi bà ra câu xướng:

“Cây xương rồng trồng đất rắn, long lại hoàn long”

Chữ long ở đây có nghĩa là rồng nhưng ông Trạng Quỳnh cố nại ra nghĩa khác cho câu xướng trở thành tục để đối xỏ lại thẳng tay là:

“Quả dưa chuột ruột thẳng gang, thử chơi thì thử!”

Nghe xong câu đối của ông Quỳnh, bà Đoàn Thị Điểm cả thẹn, đỏ bừng mặt, lặng lẽ bỏ đi. Từ đó, mỗi khi đối đáp với ông Quỳnh, bà không dám… khinh thường nữa!

Để tạm kết, xin kể hầu bạn một chuyện có vẻ hơi hoang đường một chút. Tin hay không là quyền của bạn vì người viết chỉ là kẻ sưu tầm mà thôi.

Chuyện kể là ngày xưa, có đôi vợ chồng mới cưới nhau. Nàng là một tay sính thơ văn, còn chàng vốn chuyên võ nghiệp, nên không sành thi phú bằng nàng được. Đêm tân hôn, trước khi động phòng hoa chúc, nàng quen tính chuộng văn chương, bèn ra một câu xướng buộc chàng đối lại, khi nào đối xong mới cho… nằm gần! Và nàng tự đắc đọc:

“Bán dạ tam canh bán”

Chàng đi qua đi lại, suy nghĩ mãi vẫn không làm sao đối được. Đêm này rồi đêm khác, thời khắc cứ trôi qua và chàng vẫn phải nằm “yên” một mình trong hổ thẹn, ê chề lẫn cay đắng… Một ngày, chàng ngã bệnh và chết đi vì uất ức. Hồn chàng hóa thành chim đêm đêm bay về đậu trên mái hiên mà kêu lên thảm thiết, âm thanh lúc nào cũng tựa như lập lại câu xướng:

“Bán dạ tam canh bán”

Có người kể cho ông Mạc Đĩnh Chi nghe sự việc ấy, ông sinh cảm động, bèn đối giúp hồn chàng như sau:

“Trung thu bán nguyệt trung”

Từ đó, người ta không thấy chim đêm đêm bay về đậu trên mái hiên nhà “cô dâu sính thơ” để mà kêu gào thảm thiết nữa. Hình như chim đã hả dạ rồi!...

TH. VIỆT THANH
Đỗ Thiên Thư st

TÌNH VĂN NGHỆ

THIẾU KHANH

(Chuyện kể bên lề Hội nghị Quốc tế Giới thiệu Văn học VN)

Vào khoảng cuối thập niên năm mươi của thế kỷ trước, tôi nhớ mang máng có đọc trong tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của ông Nhất Linh một câu chuyện cảm động về tình cảm phát sinh từ tinh thần văn nghệ giữa hai quân nhân thuộc hai chiến tuyến đối địch nhau. Dường như chuyện cũng do nhà văn lớn ấy kể. Thời gian quá lâu, tôi không còn nhớ được nhiều chi tiết câu chuyện, đại khái là chuyện xảy ra trong Thế chiến thứ nhì. Một sĩ quan Mỹ bị quân Nhật bắt làm tù binh tại một trại tù thuộc quyền “quản giáo” của một sĩ quan Nhật nổi tiếng khắt khe mà sau lưng ông ta các tù binh đều gọi là “Ông pằng-tà-lồng-ộp ". Thời đó binh sĩ Đồng Minh không may rơi vào tay các quân đội phe “Trục” thì cầm chắc sự mỏng manh của hy vọng còn sống sót trở về. Theo sử gia quân sự người Anh John Keegan trong tác phẩm A History of Warfare, trong số năm triệu lính Hồng quân trở thành tù binh của Đức trong Thế chiến thứ hai đã có đến hơn ba triệu người chết vì bị hành hạ, tra tấn hay bạc đãi. Số tù binh đồng minh trong tay người Nhật đã bỏ mạng vì lý do tương tự là bao nhiêu thì nhất thời tôi không có con số chính xác, nhưng nếu ai đã xem cuốn phim “Cầu Sông Kwai” (The Bridge on the River Kwai, khoảng 1957) thì có thể hình dung được phần nào số mệnh nghiệt ngã của những người lính không may đó; và sự tàn bạo nổi tiếng của binh lính người Nhật đối với các dân tộc nằm dưới quyền kiểm soát của chúng trong cuộc chiến tranh cũng được sử gia người Anh nói trên ghi nhận – mà ngoài ông ta ra có lẽ không ai, nhất là ở các quốc gia Đông Nam Á, không biết điều đó. Thế nên hy vọng sống sót trở về của những người tù binh này cũng không nhiều hơn những người tù binh Liên xô trong tay quân Đức. Người tù binh sĩ quan Mỹ trong câu chuyện này cũng gặp hoàn cảnh tương tự như thế.

Mỗi người trong đời mình có thể có nhiều điều đáng tiếc. Một trong những điều đáng tiếc của tôi là không nhớ đầy đủ diễn tiến của câu chuyện về “ông pằng tà lồng ộp” này. Tôi chỉ có thể kể lại vài điểm chính: Trong một sự tình cờ nào đó, hai quân nhân thuộc hai phe đối địch nhau trong hoàn cảnh ở trại tù binh đã trớ trêu nhận ra cả hai cùng là nhà thơ. Tuy nhà thơ sĩ quan tù binh người Mỹ không biết nhà thơ sĩ quan cai tù người Nhật, nhưng nhà thơ người Nhật thì biết tên nhà thơ người Mỹ kia. Hai người trao đổi vài ý kiến với nhau về thi ca, và dần dần họ không những không còn thù oán hay khinh bỉ nhau nữa mà cùng tỏ ra kính trọng nhau. Cái hậu của câu chuyện là thi ca, hay tinh thần văn nghệ của những con người có văn hóa cao, đã khiến cho hai người lính đối đầu nhau ở chiến trường và trong hoàn cảnh đối chọi nhau trong trại tù binh đã trở thành hai người bạn tri kỷ và tương kính nhau.

Trong những năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam cũng xảy ra một câu chuyện có phần nào tương tự như thế giữa một nhà thơ cầm súng miền Bắc và một nhà thơ cầm súng miền Nam.

Trong chương trình của Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học VN tại Hà Nội vào đầu tháng 1/2010 có một đêm Thơ Quốc tế tổ chức tại Quảng Ninh. Khi đoàn xe đưa các nhà văn nhà thơ và dịch giả từ Hà Nội ra dự đêm thơ đó sắp đến Tuần Châu, một người đi chung xe ngồi ghế ngay trước mặt tôi đứng lên quay ra sau nói chuyện với những người phía sau và nhân đó anh hỏi bút danh của tôi là gì. Tôi nói mình là Thiếu Khanh. Anh ấy tỏ vẻ ngạc nhiên, và nói, “Còn tôi là Nguyễn Trọng Tạo. Anh Thiếu Khanh, gần bốn mươi năm trước tôi đã đọc thơ của anh!”

Tôi rất bất ngờ và rất xúc động, tuy từ năm 1985 tôi đã được biết “nhà thơ miền Bắc” này đã đọc thơ tôi từ lâu trước đó. Khi về thăm quê vợ ở Đà Nẳng vào năm 1985, tôi được một người bạn thân là nhà thơ đạo diễn truyền hình Đoàn Huy Giao nói cho biết: “nhà thơ miền Bắc” Nguyễn Trọng Tạo đọc tập thơ “Trong Cơn Thao Thức” của tôi (xuất bản tại Đà Nẳng năm 1971, ba năm sau khi tôi rời quân ngũ của “lính cộng hòa”) và thích nhiều bài thơ trong đó nên mỗi lần có việc vào Đà Nẳng anh đều có ý hỏi thăm những người quen biết để tìm tôi, nhưng bấy giờ tôi không còn ở Đà Nẳng nữa, và Đoàn Huy Giao cũng không biết tôi ở đâu. Tôi rất cảm động khi biết mình có một độc giả tri kỷ. Nhưng nghe và biết vậy thôi chớ một người trong Nam một người ngoài Bắc thì làm sao mà gặp nhau được. Ấy là chưa kể có thể có nhiều điều không thuận tiện cho một cuộc gặp gỡ nhau trong hoàn cảnh cuộc sống thời đó. Rồi tôi quên đi. Thế mà không ngờ hai chúng tôi đã “hội ngộ” ghế trước ghế sau trên cùng một chiếc xe trong đoàn xe tám chiếc của chuyến đi này. Mà tôi từ Sài Gòn ra Hà Mội tham dự hội nghị với tư cách một dịch giả, chớ không phải một nhà thơ.

Và ngay lúc đó, nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo kể cho mọi người trên xe nghe anh đã có dịp đọc thơ tôi từ năm 1973, hai năm sau khi tập thơ được xuất bản, đến bây giờ hai người chúng tôi mới có dịp gặp nhau. Ai cũng ngạc nhiên. Nhưng điều khiến tôi xúc động hơn hết là Nguyễn Trong Tạo đọc ngay cho nhiều người chung quanh cùng nghe những bài thơ, câu thơ trong tập thơ “Trong Cơn Thao Thức” của tôi mà anh vẫn còn thuộc sau ba mươi bảy năm!

Những chuyện sau đó thì Nguyễn Trọng Tạo kể lại một cách cảm động trong bài viết “37 năm tôi mới gặp Thiếu Khanh” trên blog của anh (http://nttnew.vnweblogs.com/post/14517/210547) ít lâu sau khi tôi đã trở về Nam.

Dường như có ai đã nói “Giai nhân dễ gặp, tri kỷ khó tìm.” Nếu đúng như thế tôi đã có một hạnh phúc rất lớn trong tư cách một người làm thơ. Chính tác giả của nhiều thi phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Ba Lan, và nhiều nhạc phẩm nổi tiếng trong đó nhạc phẩm “Làng quan họ quê tôi” của anh hầu như không ai yêu ca nhạc mà không từng nghe hay biết, và từng được dàn nhạc giao hưởng Leigzig trình tấu, đã dành cho tôi niềm hạnh phúc đó. Có lẽ có thể coi đây như một giai thoại. Và giai thoại này xác nhận thêm vẻ đẹp trong nhân cách một nghệ sĩ lớn. Đó là nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo.

Thiếu Khanh

VĂN HOÁ
TRONG MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG

(do Nhà giáo Lê Hùng Dương trình bày
tại Cung Văn Hóa Lao Động ngày 7-3-2010)

I. Người bạn đời

Vợ hoặc chồng thường được gọi chung bằng cái tên đầy đủ ý nghĩa là người bạn đời. Trong vai trò người vợ, người phụ nữ còn mang thêm một bổn phận làm một người bạn thân, một người tri kỷ đối với người chồng. Ngược lại người chồng cũng phải là một người bạn tri kỷ đối với người vợ. Khi đã gọi được người bạn đời với nhau thì việc đối xử với nhau rất tế nhị đòi hỏi nhiều về yêu cầu văn hóa trong mối quan hệ vô cùng quan trọng này. Tìm được người bạn đời phù hợp với mình tức là đã tìm được một nửa cái tôi rồi đó.

Luận về từ “bạn” trong “bạn đời” thì ở bất cứ trình độ văn hoá nào người ta cũng có được bạn đời. Một công nhân lao động phổ thông cũng có thể kiếm được một người vợ, như vậy anh ta cũng có thể kiếm được một bạn đời, và cũng không có gì khó khăn đối với một người đàn ông tốt nghiệp với học vị bác sĩ để đi tìm một người bạn tri kỷ cho đời mình.

Thông thường trong việc lập gia đình hầu hết phía đàn ông nắm phần chủ động, ngọai trừ một số phụ nữ đi cưới chồng theo chế độ mẫu hệ ở một số đồng bào dân tộc. Người phụ nữ khi được người đàn ông hỏi cưới, nếu thuận tình, họ sẽ hoàn toàn đặt cuộc đời của mình lệ thuộc vào người đàn ông để bước vào cuộc sống mới hoàn toàn xa lạ.

Vậy thì tại sao có nhiều cặp vợ chồng không thể kéo dài cuộc sống hôn nhân? Chính cái văn hóa trong quan hệ vợ chồng mang tính quyết định.

II. Một số quan niệm của đàn ông khi quyết định lấy vợ.

1) Lấy vợ để có người giữ của giữ nhà.

Đây là quan niệm hết sức sai lầm khi một người đàn ông trưởng thành có thêm được một quá trình kinh doanh nào đó trở nên khá giả, rồi lập gia đình. Đầu óc týp đàn ông này nghĩ rằng cần có người đàn bà để an tâm lo việc kinh doanh, còn việc nhà giao cho người vợ lo. Lớp đàn ông này coi người phụ nữ khi cưới về sẽ có hai bổn phận. Một là làm bảo vệ giữ nhà. Hai là làm người Thủ Quỹ lo giữ tài sản cho ông chồng. Đối với lọai đàn ông này thật ra không nên lấy vợ mà nên thuê một nhân viên bảo vệ để giữ nhà, và một nhân viên Thủ Quỹ để suốt đời giữ tài sản và giữ nhà cho người đàn ông này. Một trường hợp cụ thể đó là một anh chàng có học thức, làm việc trong một ngành kinh doanh, tiếp xúc với nhiều phụ nữ nhưng không chính thức tiến đến hôn nhân với người nào. Khi vào tuổi xấp xỉ 30, anh ta muốn có một bà vợ để “ổn định” công việc làm ăn. Thế là anh ta nhờ mai mối giới thiệu và rồi anh ta cũng cuới được một người vợ lớn hơn anh ta một tuổi nhưng vì duyên số chậm chạp nên khi gặp anh chàng này bà ta phải ô kê theo về năng khăn sửa túi. Đúng như điều anh ta mong muốn, bà này về làm vợ đúng là chỉ để nâng khăn sửa túi thật tức là giữ gìn tài sản và giữ nhà. Còn anh ta thì theo đuổi việc kinh doanh, thời gian rảnh rổi cùng bạn bè, rượu chè, bài bạc. Có khi bỏ nhà đi chơi với bạn dăm bảy ngày. Bà vợ không hề có ý kiến. Lấy vợ theo quan niệm trên đây gọi là tước đọat cuộc đời của người khác cho mục đích riêng của mình.

2) Lấy vợ để cho làm nội trợ sinh con nối dõi.

Xuất phát từ quan niệm xa xưa, người con trai lớn lên phải lo cưới vợ để có con nối dõi tông đường và đảm trách mọi công việc nội trợ trong gia đình chồng. Thời đại bây giờ cũng còn xảy ra tình huống này. Người phụ nữ chỉ có hai nhiệm vụ. Một là làm cái máy sản xuất con nít, và hai là làm nhiệm vụ một “ô shin”. Trong trường hợp sau một thời gian nhất định người phụ nữ này không sinh được con thì hầu hết là chia tay. May mắn cho người phụ nữ trong trường hợp này là chấm dứt được nhiệm vụ “ôshin” khốn khổ từ khi lấy chồng.

Nhiều người đàn ông theo quan niệm này rất dễ mang tính gia trưởng, tự cho mình có quyền hạn to lớn đối với người vợ. Từ đó nạn bạo hành cũng dễ dàng phát sinh.

Nhiều ông chồng may mắn có bà vợ có vẻ mặn mà một tí, thế là các ông bế quan toả cảng, nhốt bà vợ trong nhà như người ta nhốt tù. Các ông làm như bà vợ bước ra ngoài một tí là “bốc hơi” ngay. Có gia đình nọ, thấy bị nhốt trong nhà lâu quá bà vợ hết sức buồn rầu xin ông chồng cho đi học vào buổi tối để nâng cấp trình độ kiến thức nhưng ông chồng hết sức cương quyết giữ chặt bà xã không cho ra khỏi nhà. Bà vợ buồn bực lâu ngày sinh chứng stress. Ông chồng cũng mặc kệ, cho vợ đi điều trị rồi dẫn về nhà nhốt lại như cũ.

3) Lấy vợ vì quá mê đắm nhan sắc.

Đây là trường hợp người đàn ông quá say đắm nhan sắc người phụ nữ nêu chỉ sau một thời gian ngắn ngủi đã quyết định tiến tới hôn nhân. Người đàn ông này biết chắc chắn rằng khi người phụ nữ có chút nhan sắc thường có nhiều người đang rắp tâm bắn sẻ, cho nên vừa gây được chú ý ở người phụ nữ, người đàn ông quyết định liền. Đánh nhanh, đánh mạnh, “chớ để lâu ngày có kè dèm pha”. Những đấng lang quân lấy vợ chỉ vì mê đắm nhan sắc thường dễ sinh chán khi người vợ bắt đầu có con có cái, nhan sắc bắt đầu tàn phai, các ông dễ dàng bị khuất phục bởi những nhan sắc khác.

4) Lấy vợ để chứng tỏ trưởng thành khi còn rất trẻ.

Đây là trường hợp hai người vừa đến tuổi trưởng thành theo luật pháp cho phép lập gia đình, nhưng theo quan niệm của gia đình họ còn quá trẻ và không được sự đồng ý của cha mẹ hai bên. Người đàn ông này muốn lấy vợ để khẳng định mình, sẳn sàng rời khỏi gia đình để bước vào cuộc sống tự lập cùng với người phụ nữ anh ta dắt theo.

5) Lấy vợ từ tình yêu chân chính và ước mơ đích thực cho tương lai.

Đây là một quan niệm có tính chung nhất trong đại bộ phận những công dân trẻ, không phân biệt trình độ văn hóa. Trong thời gian quen biết, rồi yêu nhau, hai người có đầy đủ những suy nghĩ về cuộc sống tương lai và cùng thấy rằng không thể thiếu lẫn nhau kể từ giờ phút này. Thế là hai người cùng tiến tới việc hôn nhân bằng những bước đi vững chắc. Thường thường những người đàn ông trong những cặp vợ chồng này đi đến hôn nhân ở vào khoảng từ 28 đến 35. Cũng có những người đàn ông với quan niệm “lập nên sự nghiệp rồi mới cưới vợ”, và vì vậy có khi lập gia đình hơi bị trễ tràng dễ rớt vào cảnh “cha già con muộn”.

6) Lấy vợ để hưởng thụ thân thể người phụ nữ.

Đây là một quan niệm rất bệnh hoạn thường thấy ở những người giàu có, dùng tiền của để chinh phục hoặc mua chuộc người phụ nữ rồi rồi tổ chức lễ cưới rất long trọng hào nh oá ng để phô trương thanh thế. Nhưng cuộc hôn nhân ở đây chỉ là hình thức để hưởng thụ thân xác người phụ nữ bởi vì chỉ trong một thời gian ngắn là họ chia tay. Ngay sau đó người đàn ông này tìm một phụ nữ khác rồi cũng làm đám cưới linh đình, phô trương, rồi lại chia tay, rồi sau đó anh ta lại đi tìm một phụ nữ khác. Cứ như thế tiếp diễn. Vừa qua chúng ta cũng được biết có một đại gia lấy 3 người mẫu trong thời gian ngắn ngủi là 3 năm. Những người độc miệng đã phê phán anh ta “xài” phụ nữ một cách hoang phí. Tôi cho những kiểu đàn ông này là sống theo bản năng. Trong cuộc đời họ khó mà có được đời sống vợ chồng đúng nghĩa.

7) Lấy vợ giàu, danh gia vọng tộc để được vinh thân

Cũng có một số bạn trẻ học hành đã tương đối thành đạt loay hoay đi tìm những người con gái con nhà giàu có hay thuộc gia đình quyền cao chức trọng, một là đào được “mỏ vàng”, hai là có “quới nhân phò trợ” cho con đường tiến thân sau này. Những bạn trẻ này coi việc lấy vợ chỉ là phương tiện đổi đời, hoặc hỗ trợ cho cái tương lai sáng quắc mai hậu.

8) Lấy vợ để được chuyển hộ khẩu

Một trường hợp nữa coi việc lấy vợ là một phương tiện để xin chuyển hộ khẩu. Trường hợp này xảy ra từ những người đàn ông cư ngụ ở những vùng sâu, vùng xa tìm mọi cách cưới được vợ ở thành phố để chuyển hộ khẩu vào làm dân nhập cư.

III. Những hình thức cư xử của vợ chồng:

1) Cư xử qua lời nói.

Sau khi lấy nhau, về sống chung trong một gia đình, cá tính mỗi người dần dần xuất hiện, trước hết là những biểu hiện bằng lời nói.

Về phía người đàn ông, cách nói năng với vợ thường chịu ảnh hưởng bởi trình độ văn h óa . Không nhất thiết phải có học vị cao, nhưng với một trình độ văn hoá nhất định, những phát biểu của người chồng có thể dịu dàng nhỏ nhẹ đầy tình cảm, dù đang tranh luận một vấn đề gì đó, nhưng cũng có thể cộc cằn thô lỗ, đinh tai nhứt óc, hoặc đầy vẻ mỉa mai, thâm độc. Trong một buổi họp mặt gia đình, bà vợ giới thiệu một món ăn nhưng rủi ro không hạp khẩu ông chồng. Tuy nhiên ông chồng cũng gắp qua loa vài miếng cho có lệ. Nhưng cái độc miệng của ông chồng là ở câu nói: “Tôi ăn là ăn giùm bà, không lẽ tôi vất cho con Kiki nó ăn”.

Nhiều ông chồng hay nói nạt. Bà vợ nói cái gì không đúng, ông chồng thường phang: “Dẹp cô đi. Biết gì mà nói”.Hoặc “Bà có im đi không thì bảo”, Hoặc “Thôi, không nói nữa” đầy cộc lốc. Có ông chồng trả lời êm dịu: “Hổng dám đâu”.Hay trí thức hơn: “Không phải vậy đâu em à”.

Cũng có nhiều ông chồng nói ra một câu là chửi thề, nửa câu cũng chửi thề. Làm như không có tiếng chửi thề là không thành lời nói. Thật tốt đẹp biết bao nhiêu khi người đàn ông nói chuyện với vợ mình mà không hề có tiếng ch ử i thề.

Về phía phụ nữ, khi đối thọai với chồng nhiều bà dù có học vị tương đối nhưng khi phát biếu cũng hay dùng những từ ngữ cánh đàn ông hay dùng. Có bà chửi thề như bắp rang nghe phát khiếp. Có bà khi đề cập tới những người khác thì thường dùng từ ngữ “thằng này, con kia...”

Còn có bà thích mỉa mai, xỉa xói. Một người bạn của tôi là một dân ghiền đọc sách. Một hôm tình cờ tôi ghé thăm để hỏi về một cuốn sách. Chợt có bà vợ của anh bạn đứng gần đó, tôi buột miệng nói: “Sách của ổng nhiều quá, chị tha hồ mà đọc”. Không ngờ anh bạn tôi nói thêm: “Tao nói hoài mà có chịu đọc đâu”. Và tôi cũng được nghe liền sau đó câu nói của bà vợ: “Tôi chịu dốt quen rồi, ai có giỏi thì cứ đọc đi”.

Có nhiều ông khi đề cập tới vợ mình thường sử dụng đại từ “nó”, hoặc gọi bằng “con này, con nọ” hoặc “con mẹ này” vv…

Có bà khi đề cập tới ông chồng mình gọi là “thằng cha này”, hay “thằng chồng tôi”, cũng có khi gọi là “thằng này, thằng nọ”.

Ở nhà quê vợ chồng gọi nhau bằng “mày tao” là thường gặp.

Một nữ bác sĩ có nêu ý kiến là lời nói thô tục, cẩu thả hay thâm độc mang tính độc tài chủ quan của người chồng cũng là một hình thức mang tính bạo lực. Tôi xin đặt cho một từ ngữ mới đó là “bạo ngữ” tức là bạo lực trong ngôn ngữ, bạo lực trong lời nói. Đúng vậy lời nói thâm độc của người chồng quả là một thứ vũ khí vô cũng lợi hại gây đau khổ cho người vợ có khi còn hơn vũ lực.

Nhiều gia đình người vợ hay người chồng, có khi cả hai có lối phát biểu “cho đã nư”, để thỏa mãn tự ái của mình. Có hai gia đình gần kề nhau, ông chồng bên này sau giờ làm việc chịu khó đỡ đần công việc nhà cho vợ. Bên kia thì ông chồng không những không làm phụ việc nhà cho vợ, thỉnh th oả ng còn kéo bạn bè về nhà nhậu nhẹt tới khuya, bà vợ phải thức chờ dọn dẹp. Có lần bà vợ phàn nàn có ý so sánh ông chồng lười này với ông chồng nhà bên cạnh. Ông chồng này phang liền cho một câu xanh dờn: “Ừ bà muốn khỏe thì qua bên đó ở với thằng chả”. Thật không có tí gì là văn hóa!

Một trường hợp làm cho đã nư khác; có những ông chồng hơi bị ham vui hay la cà với bạn bè đến 1, 2 giờ sáng mới lò mò về. Có bà vợ phản ứng bằng cách đóng cửa nhốt chồng ở ngòai, nhất định không mở cửa, có bà mở cửa cho ông chồng vào nhưng quay lại huơ tay chụp cái điện thọai di động ném ông chồng u đầu sứt trán. Thật ra tình huống này nếu mấy bà vợ cứ bình tĩnh đợi ngày hôm sau ông chồng tĩnh rượu đặt thẳng vấn đề giải quyết.

Một chứng bệnh chung cho nhiều gia đình là vợ chồng con cái thi nhau lớn tiếng dù chỉ trao đổi với nhau về những chuyện thông thường. Có khi sử dụng những từ ngữ không được thanh nhã. Riêng đối với vợ chồng, lớn tiếng dễ gây hiểu lầm là người này nạt nộ người kia rồi dễ sinh bất h òa , bất h òa thì lại lớn tiếng. Chuyện trong nhà hàng xóm đều biết. Nếu không có sự đối xử dịu dàng vợ chồng sẽ ít có dịp ngồi lại tâm sự, như vậy sẽ tạo ra khoảng cách, rồi càng ngày khoảng cách càng lớn dễ xảy ra xa mặt cách lòng.

Về đặc điểm nói chuyện lớn tiếng của người Việt Nam biệu hiện rõ rệt nhất là ở những nơi cần giữ yên tĩnh như trong bệnh viện, rạp hát và những nơi công cộng khác. Đặc biệt ở cánh đàn ông thường phát thanh hết công suất trong các quán nhậu.

2) Cư xử bằng bạo hành

Với lời kêu gọi vợ chồng nên đối xử dịu dàng với nhau, chúng tôi không quên nhấn mạnh điều cần phải tránh đó là bạo hành. Tất cả mọi người nên coi bạo hành là hành động hết sức thô bỉ. Người đàn ông không thể lợi dụng câu “dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về” rồi mỗi khi bà vợ nói hay làm điều gì ông chồng không đồng ý thì thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Có l oạ i ông chồng, cũng có học vấn Tú Tài, nhưng hết sức vũ phu và dã man là đánh vợ bằng cán chổi mà không cho mặc quần áo. Chúng ta cũng từng nghe nói “không nên đánh người phụ nữ dù với một cành hoa”.

Có những ông chồng mỗi khi vợ làm điều gì trái ý, ông ta đập chén quăng đĩa. Đây là cách cư xử rất kém văn hóa.

Bạo hành cũng thường xảy ra ở những gia đính có những ông chồng nát rượu. Mỗi lúc say sưa về nhà kiếm chuyện đánh đập vợ con còn vỗ ngực xưng ta đây có võ nghệ cao cường.

Qua báo đài chúng ta đã biết rất nhiều chuyện bạo hành trong gia đình hết sức thương tâm mà hầu hết là từ người chồng với sự đối xử tàn bạo đối với vợ mình. Cái khôi hài là khi những ông chồng này đi cưới vợ thường ỉ ôi với người phụ nữ: “ tôi sẽ yêu thương em trọn đời, tôi sẽ chăm sóc em mãi mãi… ” thế mà khi về sống chung lại đối xử với vợ mình vô cùng hung bạo.

3) Tạo sự gần gũi riêng tư của vợ chồng

Có nhiều ông chồng thường tạo ra giờ phút riêng tư để hai vợ chồng cùng nhau tâm sự dù rằng đã có con cái đầy đàn. Ví dụ như có cặp vợ chồng thường tranh thủ thời gian để cùng nhau đi vòng vòng dạo phố trên chiếc xe máy của riêng hai người. Thình thoảng hai người ghé vào mốt quán sá nào đó uống ly nước mía, chai nước ngọt. Khi nào rùng rỉnh vào nhà hàng ăn một món đặc sản. Ông chồng làm một, hai chai bia còn bà vợ vẫn trường kỳ nước ngọt, nếu được cùng uống bia thì càng hay. Câu chuyện của hai người thường là những chuyện về tương lại con cái, chuyện hàng xóm, chuyện xử thế, chuyện thời sự, chuyện lạ bốn phương trên báo chí vv .. . Có người lại nói rằng vợ chồng ở nhà gặp nhau còn không có chuyện để nói, ở đây lại đi riêng với nhau nữa thì biết nói gì đây. Xin thưa rằng có đấy, chẳng qua là vì người ta không muốn.

Trong những giờ phút riêng tư của hai người trong quán ăn, bên bờ sông gió mát, người chồng chia sẻ với người vợ những nhọc nhằn trong việc nội trợ và chăm sóc con cái mà người vợ phải đảm trách mỗi ngày. Vợ chồng có thể theo dõi sức khỏe lẫn nhau, để cùng nhau chữa trị, hoặc cùng nhau hưởng thụ niềm hạnh phúc của những người khỏe mạnh.

4) Cư xử bằng sự tôn trọng lẫn nhau.

Đây là bổn phận của hai người trong quan hệ đối xử lẫn nhau. Người chồng không nên coi người vợ là người giữ nhà và giữ gìn tài sản kiêm chức vụ “ô shin”. Phải bỏ quan niệm chồng chúa vợ tôi. Sự bình đẳng giửa hai vợ chồng cần phải được hết sức tôn trọng. Bà con thân tộc, bằng hữu của vợ hay chồng phải được người kia tôn trọng. Nói rõ hơn, người chồng không nên ỷ vào sự giàu có của gia đình để rồi xem thường vợ và tất cả các thành viên của gia đình bên vợ. Ngược lại người vợ cũng không nên vin vào bất cứ một lý do gì để xem thường chồng hay gia đình bên chồng. Tôi được biết có gia đình nọ, ông chồng đến tuổi về hưu tự do. Trong khi đó bà vợ còn có nguồn kinh tế vững mạnh. Thế là ông chồng không những không được vợ thăm nuôi tiếp tế mà còn phải đảm trách mọi công việc nội trợ, kể cả chợ búa giặt gỵa. Buổi tối xong việc ông xoay gọn một góc dưới bếp, đọc sách rồi thả hồn vào giấc mơ làm triệu phú. Hiện ông ta cũng có vài chỗ dạy lai rai để uống cà phê và mua sách báo. Tôn giáo, niềm tin vào đấng tồi cao của vợ hay của chồng phải được tôn trọng như nhau. Ngọai trừ trường hợp có mê tín dị đoan giữa một trong hai người, người kia có quyền can thiệp một cách êm thắm.

Ở người vợ hay người chồng ai cũng có phần riêng tư của mình và sự riệng tư đó phải được người kia tôn trọng. Cụ thể, một cái thư, một e-mail, quà cáp đề tên riêng của người vợ, người chồng không được quyền xem trước. Đây còn là ý nghĩa của thái độ lịch sự, thái độ quân tử của người chồng. Ngược lại người vợ cũng phải tôn trọng sự riêng tư của người chồng. Không nên biện minh là vì hạnh phúc gia đình, bà vợ dành quyền xem lén những tin nhắn trên máy điện thọai của ông chồng. Đây là một sự xúc phạm vì người chồng sẽ không thấy được tôn trọng.

5) Đối xử với nhau một cách thành thực.

Vợ chồng nên đối xử thành thực với nhau càng nhiều càng tốt. Sự thành thực không thể nào đạt đến mức tối đa 100%, nhưng hai vợ chồng phải hạn chế việc nói dối đến mức có thể được. Không ai bắt một trong hai người phải thật thà khai báo việc gì có thể làm ảnh hưởng đến hạnh phúc hai người. Ví dụ trên đường đi làm việc người vợ hay người chồng gặp lại người yêu thời đi học. Thôi thì việc hỏi thăm sức khỏe, nói chuyện dăm ba câu gì đó rồi chia tay không việc gì phải về báo cáo lại cho người kia biết. Nên luôn luôn tự hỏi người này đã tỏ ra thành thực với người kia đến mức độ nào, để rồi phát huy.

6) Đối xử với nhau bằng s ự tin tưởng.

Hai vợ chồng “hãy tin nhau như chưa tin lần nào”. Không nhất thiết phải là tuyệt đối, nhưng cứ tạm tin để có hạnh phúc. Mọi gian dối, nếu có tự nhiên dần dần xuất hiện. Niềm tin tưởng lẫn nhau của đôi vợ chồng là niềm an ủi rất lớn để hai người có nghị lực vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Nếu người vợ vẫn vững tin rằng ông chồng luôn giữ những điều khoản cam kết trong thời kỳ tiền hôn nhân, tức là thời kỳ yêu nhau trước khi đi đến đám cưới. Như vậy ông chồng vẫn là của mình, không mất mát đi đâu cả.

Mỗi khi ông chồng nêu lý do này lý do nọ để đi sớm về trễ người vợ hãy tin chắc rằng ổng có thể đã “xạo” hết tám chục phần trăm. Cái khéo của người vợ là cứ tin là thật bởi vì ông chồng có thể bị bắt buộc phải nói dối. Không bao giờ có một ông chồng nào lại thành thật khai báo với vợ là đi bia ôm. Thử hỏi, và trên mảnh đất này có bao nhiêu đàn ông lành mạnh chưa hề biết đến bia ôm. Số lượng chắc chắn không quá đầu ngón tay.

Trong một môi trường mà người đàn ông có quá nhiều điều kiện dễ dàng tíếp xúc với phụ nữ, người vợ ở nhà nên tin tưởng ở bản lĩnh của ông chồng và nên thường xuyên nhắc nhở ông chồng về lời cam kết với nhau ban đầu và đừng bao giờ để “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tương tự, ông chồng nghe bà vợ nói chiều nay đi tiếp khách, ông chồng cứ vui vẻ ở nhà lo bữa ăn tối cho mình và cho con cái. Rửa bát đĩa luôn càng tốt. Xin đừng nói rằng lấy “quyền làm chồng” để bắt buộc bà vợ phải ở nhà. Quý ông nên hết sức tin vào bản lĩnh của người vợ.

7) Đối xử bằng tình thương yêu.

Dĩ nhiên phải thương yêu nhau thật lòng mới có thể sống chung với nhau trong một mái ấm. Có thương yêu nhau ngưới này có thể tha thứ cho người kia về mọi sai trái người kia mắc phải. Có thương yêu nhau về già người này sẽ thấy không thể thiếu người kia. Có những cặp vợ chồng đến với nhau bằng sự giới thiệu của bạn bè hay qua những người mai mối. Khi đã th ỏa thuận về sống với nhau tình yêu thương dần dần phát triển và kéo dài trong suốt cuộc sống hôn nhân đến khi răng long đầu bạc. Có người cho rằng tình yêu theo kiểu thời kỳ trẻ trung sẽ mất dần, nhưng sẽ được thay thế bằng tình thương như người thân ruột thịt. Vợ chồng về chung sống có con có cái rồi, bất ngờ người vợ đi công tác xa nhà nhiều hôm. Người chồng có nhớ vợ thật nhưng ông không thể lấy giấy ra làm bài thơ nhớ vợ mà có thể hình dung ra nỗi vất vả của người vợ đang trên đường công tác hay lo lắng đến sức khỏe của người vợ. Ví dụ ông chồng có thể lo lắng tới bệnh viêm xoang của bà xã sợ bộc phát vì thời tiết tại địa phương công tác.

8) Đối xủ bằng sự ân cần chăm sóc lẫn nhau :

Quan tâm lẫn nhau về mọi vấn đề, nói một cách cụ thể, từ miếng ăn, giấc ngủ, sức khỏe, tình trạng công tác. Nếu cả hai cùng đi làm việc, cần phải quan tâm lẫn nhau cùng nhau đề phòng tình trạng stress. Tất cả vấn đề liên quan đến sức khỏe của một người, người kia phải hết mực quan tâm để khuyến khích điều trị đúng mức. Mỗi người nên thường xuyên đặt câu hỏi có quan tâm đầy đủ đến người kia không?

Đừng hà tiện lời khen tặng lẫn nhau. Bà xã vất vả chế biến một món ăn mới mang lên cho chồng ăn thử. Chẳng những ông không khen trái lại còn chê bà nấu món này dở quá không bằng nhà hàng chút nào. Mấy ông xã kiểu này coi chừng có ngày bị bà xã bỏ đói thì đừng trách. Ngược lại bà xã cũng vậy, ông xã có làm được điều gì hay bà cũng nên nhớ dành cho ông xã những lời khen tặng dịu dàng.

9) Coi nhau như tri kỷ

Như trên đã trình bày, vợ chồng phải coi nhau như đôi bạn tri kỷ. Hai người nên tìm hiểu xem người kia có giống như một người bạn thân cùng giới của mình không. Người kia có hiểu được hay thông cảm được những gì mình làm không. Người kia có cho mình được những kiến thức về cuộc sống, về những họat động ngoài xã hội qua sách báo, phương tiện truyền thông. Có người sau khi lấy vợ một thời gian sau được bạn bè khen “từ khi lấy vợ, thấy bạn thông thái ra”. Ngoài ra hai người còn tìm ra được nhiều điểm chung. Có nghĩa là cùng có quan niệm sống giống nhau về nhiều vấn đề. Nói một cách nôm na là hợp nhau hay không hợp nhau nhiều hay ít.

Thực ra đối với những người cùng giới tính, việc có được một người bạn tri kỷ đã là rất khó khăn, có khi cả đời không gặp. Ở đây hai người không cùng giới tính mà muốn trở thành bạn tri kỷ thì quả là vô vàn khó khăn. Bởi vậy người ta kêu gọi vợ chồng nên có chung cái đức hy sinh. Một trong hai người phải hy sinh một số sở thích của mình nếu như người kia không hài lòng, và phải tập theo những sở thích của người kia nếu đó là những sở thích lành mạnh và tiến bộ.

Như vậy tìm kiếm người tri kỷ phải được thực hiện ngay từ buổi ban đầu. Việc tìm hiểu này nên được thực hiện từ khi hai người nam và nữ quen biết và có ý định tìm phân nửa thứ hai của mình. Đôi vợ chồng được coi là tri kỷ thường có trình độ văn hoá không quá chênh lệch, hoặc xuất thân cùng trường, cùng lớp, cùng trong môi trường xã hội. Đã có nhiều cặp vợ chồng không có hạnh phúc vì có trình độ văn hoá quá chênh lệch.

Có người khi mới quen nhau thường viết thư cho người con gái rồi chờ đợi những bức thư hồi âm. Anh chàng này đánh giá người con gái qua những bức thư hồi âm đó. Anh ta xem từng nét chữ, từng ý tưởng từng lời văn của cô gái. Quả thật những bức thư hồi âm đó nói lên rất nhiều về tính tình, về kiến thức và sự hiểu biết về mối quan hệ xã hội cũng như trình độ văn hoá của người con gái. Ngược lại, người con gái cũng có thể, qua những bức thư của người con trai để đánh giá con người anh ta như thế nào. Câu nói “văn tức là người” quả không sai.

10) Đỡ đần công việc nhà cho nhau.

Các đấng ông chồng nên hiểu cho rằng công việc bếp núc, chợ búa, dọn dẹp nhà của, chăm sóc con cái nếu giao hết cho bà vợ thì người phụ nữ nếu có chu t oà n cũng chỉ trong một thời gian ngắn nào đó thôi. Trong trường hợp không thuê được người làm, người đàn ông nên xắn tay áo tham gia vào, đỡ đần cho vợ. Sự đỡ đần này không hề tạo cho người đàn ông ý nghĩ rằng mình sợ vợ hay bị chê là mất đàn ông tính. Nguyên nhân làm cho người đàn ông bỏ quên nhiệm vụ đỡ đần công việc nhà một phần do chính các bà vợ với quan niệm cho rằng người đàn ông vô bếp là… không phải đàn ông.

11) Quan hệ gối chăn:

Trong quan hệ gối chăn nhiều nhà khoa học đã xác định được một số vấn đề sau:

ü Người phụ nữ thường cần phải có thời gian dài mới đạt cảm xúc. Người đàn ông thường tới mức sớm hơn gây cho người phụ nữ sự hụt hẩng rất khó chịu.

ü Từ khoảng tuổi U60 trở về già người phụ nữ mất dần sự hưng phấn, trong khi đấng ông chồng vẫn còn đòi hỏi, vẫn còn ham muốn quan hệ gối chăn.

Dựa trên nền luân lý Á đông, vấn đề quan hệ gối chăn gần như hoàn toàn do người đàn ông chủ động. Vì vậy, để quan hệ gối chăn đưa tới sự thoả mãn cho cả vợ và chồng, những vấn đề sau đây cần được quan tâm.

a) Đúng lúc, đúng chỗ.

Đúng lúc ở đây có nghĩ là đúng vào lúc hai vợ chồng được hoàn toàn riêng tư, và người phụ nữ ở vào tình trạng hưng phấn hoặc được tạo nên hưng phấn khi có sự gần gũi với người chồng. Đúng chỗ tức là ở nơi kín đáo, hoàn toàn riêng biệt. “ Cấm ngọai thủy không ai được biết”.

b) Hai người phải ở trong tình trạng tinh khiết thường là sau khi tắm sạch và sử dụng các loại mỹ phẩm tạo mùi thơm tự nhiên mà hai người cùng thích. Tuyệt đối không nên quan hệ khi một trong 2 người còn mồ hôi nhể nhại, nhất là ở cánh đàn ông có bịnh “viêm cánh”

c) Hết sức dịu dàng trong khi quan hệ, về ngôn ngữ cũng như về hành động.

d) Người chồng cần học hỏi nghiên cứu sách, báo phải đảm bảo tạo hưng phấn và cảm xúc cho người vợ trước khi kết thúc quan hệ.

e) Hỏi han người phụ nữ khi nào có cảm giác để gia tăng cường độ kích thích từ phía người đàn ông.

f) Sự bình đẳng trong quan hệ gối chăn cần phải được tôn trọng. Không nên bắt người phụ nữ phải thực hiện những thao tác cầu kỳ mà họ không thích, để thoả mãn cảm hứng của người đàn ông.

g) Người đàn ông không nên để say xỉn với đầy mùi thuốc lá về nhà bắt vợ phục vụ. Vừa khi kết thúc quan hệ, người đàn ông lăn quay ra ngủ là điều tối kỵ.

h) Khi người phụ nữ ở vào cái tuổi không còn muốn quan hệ, tuy nhiên trước sự hưng phấn của người chồng, người phụ nữ cũng nên sắp xếp, tạo điều kiện cho chồng thoả mãn nhưng với sự điều độ và chừng mực hợp lý.

i) Quí vị nam giới nên luôn luôn hết sức quan tâm đến việc “làm bà xã hài lòng”. Nếu bà xã không hài lòng là thiếu sót trầm trọng về phía người đàn ông, là lỗi quan trọng của người đàn ông. Nhưng bản tính người phụ nữ Việt Nam thường rụt rè nhút nhát, không dám nói ra. Thế là ông chồng cũng không biết luôn, không biết rằng mình đã có một thiếu sót hết sức trầm trọng mà hậu quả có khi không lường được.

IV. Nghĩa vợ chồng

1) Tình và nghĩa

Khi giữa hai người phát sinh một thứ tình cảm đặc biệt và tình cảm này đưa hai người đến với nhau và khi họ thấy rằng sẽ không thể nào thiếu lẫn nhau trong cuộc sống tương lai, họ sẽ cưới nhau. Đây là một thứ tình cảm có thể được gọi là một chất xúc tác để gắn chặt hai người với nhau. Đó là tình yêu. Tuy nhiên điều mà không ít người nhận thấy rằng tình yêu không thể nào kéo dài mãi theo cuộc sống vợ chồng. Sau khi cưới nhau về chung sống, tình yêu sẽ bổ sung bằng tình thương. Thương ở đây theo cái kiểu “thương cha, thương mẹ, thương chồng…” rồi tình thương này ngày càng phát triển cùng với những đứa bé lần lượt ra đời. Trong khi đó cái “nghĩa vợ chồng” cũng dần dần phát sinh.

Phụ Bản II

2) Vậy “nghĩa” ở đây là gì?

Từ nghĩa ở đây do nhóm từ “ơn nghĩa” mà ra. Vợ và chồng đều cảm thấy mang một cái ơn mà người kia đã dành cho mình. Cái ơn ở đây rất trừu tượng, không rõ ràng nhưng hai người có thể cùng cảm nhận được. Người phụ nữ có thể nghĩ rằng tại sao anh ấy không chọn những cô gái xinh đẹp hơn, học giỏi hơn, giàu có hơn mà lại chọn mình, và cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Như vậy vô hình chung cô đã cảm nhận có một cái ơn mà người đàn ông đã dành cho. Ngược lại người đàn ông cũng có thể nghĩ rằng có biết bao người đàn ông khác giàu có hơn, học vị cao hơn, nhân dạng ngon lành hơn mà sao cô ấy không chọn lại đi đồng ý khi mình ngõ lời cầu hôn, và anh đã hạnh phúc vô cùng tại cái khoảnh khắc cô ấy gật đầu. Có phải chăng anh đã cảm nhận một cái ơn mà cô gái ấy dành cho. Đó là cái ơn mà người phụ nữ sẽ dành cho anh trong vài trò người sẽ sản sinh ra những đứa con sau này, rồi dạy dỗ chúng. Người phụ nữ này còn phải làm cái công việc chăm sóc nhà cửa, cha mẹ anh, tài sản của anh vv... Khi người này cảm nhận có chịu ơn của người kia tự nhiên có ý thức rằng phải làm gì để đền đáp lại như một bổn phận, một trách nhiệm, một nghĩa vụ phải làm cho người kia thấy rằng đã nhận được sự báo đáp đó. Người vợ luôn quan tâm để làm tròn bổn phận người vợ, và người chồng cũng tương tự như vậy. Mỗi người nên đặt câu hỏi là mình đã làm tròn bổn phận của mình chưa. Nếu tất cả những cặp vợ chồng đều có cùng quan niệm như trên đây thì đẹp biết bao nhiêu.

3) Tào khang chi thê

Xưa có câu “Tào khang chi thê bất khả hạ đường”.Người vợ từ thuở nghèo hèn không được phụ rãy, ruồng bỏ. Theo một tài liệu, “tào” đọc trại từ “tao” có nghĩa là hèm, bã sau khi chưng cất rượu, khang là vỏ trấu. Tào khang chi thê ý ám chỉ người vợ từ thuở hai người còn nghèo hèn. “Bất khả hạ đường” nghĩa là không được cho ra nhà sau ở. Câu này lấy tích từ chuyện Tống Hoằng là quan hiền lương dưới triều vua Quang Vũ (6 TCN – 57 CN), người sáng lập triều Đông Hán (tức Hậu Hán). Vợ ông Hoằng bệnh, bị mù và ông luôn đích thân săn sóc, đút cơm cho vợ. Chị của vua góa chồng, rất ái mộ Tống Hoằng. Vua biết ý, một hôm ướm lời hỏi dò bụng Hoằng: “Ngạn ngữ nói: Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có vậy chăng?” (Ngạn vân: Quý dịch giao, phú dịch thê, hữu chư?). Hoằng đáp: “Thần nghe: Bạn bè chơi từ thuở nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ hắt hủi”. (Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường.)

4) Phu phụ tương kính như tân.

Vào những buổi sáng thật sớm, có hai ông bà cụ chắc phải trên 70. Ông chở bà trên một chiếc xe gắn máy đời cũ đến tại cổng vào công viên Tao Đàn. Ông có v ẻ còn khỏe mạnh trong bộ quần áo tennis, bà coi bộ hơi yếu, dáng đi lòm khòm, bước xuống xe có phần khó khăn. Ông dịu dàng dắt bà bước xuống mấy bậc tam cấp, đến ngồi ở một băng đá. Ông đưa tay chỉ đầu này đầu nọ, có lẽ muốn bà xem những cụm hoa đẹp, những khóm cây cảnh mới trồng. Bà phe phẩy chiếc quạt giấy chăm chú nghe ông. Thỉnh thoảng có lẽ để khen thưởng ông nói hay bà hướng chiếc quạt về ông phe phẩy một cách dịu dàng, âu yếm như để tưởng thưởng vì ông nói hay. Khoảng hơn nửa canh giờ, ông dìu bà ra xe, đợi bà lên ngồi ngay ngắn, ông rồ ga cho xe chạy về hướng Chợ lớn…

Thiết nghĩa trong suốt cuộc đời từ khi lấy nhau cho đến lúc này, hai ông bà cụ nói trên đã từng có những chuỗi ngày dài vô cùng đầm ấm, vô cùng hạnh phúc để rồi vào lúc tuổi tác đã xế chiều hai người vẫn còn khắn khít như vậy. Không biết trên trái đất này có được bao nhiêu cặp vợ chồng như hai ông bà lão kia?

Trong quyển Đắc Nhân Tâm của Dale Carnegie, kể chuyện bà Samrosch đã cho ta biết bí quyết như sau này: Trước khi cưới, sự lựa chọn kỹ càng bạn trăm năm là một điều quan trọng nhất. Nhưng khi cưới rồi, điều cần nhất là đãi nhau như khách quý. Nếu những bà vợ trẻ biết trọng chồng như khách quý thì vui vẻ biết bao nhiêu!...

Trong mối quan hệ vợ chồng sự thiếu lịch sự sẽ giết chết ái tình. Ai cũng biết điều đó, nhưng người ta thường lịch sự lễ phép với người dưng hơn là với người thân trong nhà.

Không bao giờ chúng ta dám nghĩ tới chuyện ngắt lời một ông khách sơ giao. Không bao giờ chúng ta dám mở thư của họ để coi lén, hoặc năn nỉ họ cho ta biết những việc riêng tư của họ. Nhưng chúng ta lại rất thường xử sự như vậy với những người gần ta nhất, thương yêu ta nhất.

Một người khác, bà Dorothy Dix còn nói: “Sự thực hiển nhiên nhất, nhưng ngược đời nhất, chính là chỉ có người trong nhà, thân cận nhất mới nói với ta những lời nhỏ mọn, tục tằn, độc ác nhất”.

Có người rất sợ làm phiền lòng những người thân, đến nỗi không dám để lộ ra nét mặt, những tình cảm của ông khi ông âu sầu, lo lắng. Ông nói: “Bắt người nhà chịu sự rầu rĩ, càu nhàu của mình có ích chi đâu?”

Những người có văn hoá kém không hành động được như vậy. Mỗi khi họ thất bại trong việc làm ăn, bị chủ rầy, bệnh hoạn khó ở, xe cộ hư hỏng, thì vừa mới về tới cửa, họ đã quát tháo inh ỏi rồi vào nhà kiếm chuyện đánh đập vợ con.

Người Hà Lan, trước khi vô nhà, phải cởi giày ra, để ở bực cửa với ý nghĩa cởi bỏ nỗi buồn phiền của họ ở sau cánh cửa rồi hãy bước vô nhà?

Biết bao người trong chúng ta, không dám lớn tiếng với một khách hàng, một bạn đồng nghiệp, mà cho sự kêu réo vợ một cách hách dịch tàn nhẫn là một điều tự nhiên. Nhiều đàn ông, không phân biệt trình độ văn h óa , thích chứng tỏ có uy quyền, mặc dù trong quan hệ ngoài xã hội họ không có uy quyền gì cả. Khi cưới vợ về, anh ta thích chứng tỏ uy quyền làm chồng. Khi có con thì lại chứng tỏ uy quyền với con cái. Có một truyện khôi hài xảy ra cách đây gần 20 năm. Một anh trưởng phòng, trình độ văn h óa kém cỏi, mới cưới vợ, không biết vừa học được ở đâu nhóm từ ngữ “kẻ trên, người dưới”, gặp ai anh ta cũng khoe để chứng tỏ mình có uy quyền trong nhà: “Trong nhà tôi luôn luôn có trật tự, kẻ trên người dưới”, nhưng bất ngờ anh ta bị tổ trác. Một anh nhân viên đẩy lại cho anh ta một câu: “Đúng rồi, vợ anh ở trên, anh ở dưới”. Tím mặt anh ta bỏ đi chỗ khác.

Như vậy, việc đối xử giữa vợ chồng phải hết sức bình đẳng, lịch sự, tôn trọng, hai người đối với nhau như bạn tri kỷ, một người khách quý.

V. Kết luận:

Trong thời buổi hiện tại, người chồng cũng như người vợ đề u có những bận bịu liên quan đến cuộc sống hằng ngày, sự gần gũi, tiếp xúc hằng ngày có khi bị hạn chế. Có nhiều cặp vợ chồng phải làm việc tất bật ở hai nơi khác nhau, khi về về đến nhà gặp nhau vào thời điểm quá trễ vào buổi tối. Hai người chỉ còn biết ăn uống xong rồi lăn quay ra nghỉ ngơi, có khi không còn thời gian chăm sóc con cái. Quan hệ vợ chồng dần dần mất đi cái thân mật, quyến luyến như khi còn ở tuổi thanh xuân. Cho nên để lúc về già vợ chồng vẫn còn khăn g khít, quyến luyến, còn tương kính được như tân, thì khi còn trẻ, cần phải tranh thủ ở mọi thời điểm tạo điều kiện vợ chồng gần gũi bên nhau, cùng tâm sự như vào thời điểm tiền hôn nhân đầy thơ mộng.

Để kết thúc, xin hãy nghe lời than thở hết sức ai oán của một người chồng tuổi hạc đã cao khóc người vợ chẳng may qua đời:

Đất chẳng phải chồng gửi thịt xương sao đặng,
Trời mà mất vợ, thử coi gan ruột mần răng.

Nhà giáo Lê Hùng Dương
Email: duonglee@gmail.com
Đt: 090 925 1072

Một cõi Xuân

Như tuyết hoa rơi trong gió thoảng
Lặng nhìn mây lướt bóng trăng soi
Hồn ta bỗng hóa thành tia nắng
Sưởi ấm trăm ngàn chiếc lá rơi.
Rồi nắng hồng lên xuân đổi mới
Trần gian hợp tấu khúc ca vui
Muôn cành khô nẩy chồi phơi phới
Và sắc hòa hương ngợp đất trời.

Xuân Vân

Mộng thầm

Kính gửi: Nhà thơ Đàm Lê Đức và Nhạc sĩ Vũ Cầm
đã cho CD Thi nhạc Giao Duyên

TLV

Thơ chị giao duyên nhạc Vũ Cầm
Như rừng hợp tấu suối ca ngâm
Lòng tôi những tưởng – say mà tỉnh
Day dứt hoàng hôn khúc bổng trầm
Phải chăng tôi đã là Lưu Nguyễn
Bên suối Đào Nguyên lạc cõi tâm
Chẳng biết buồn vui ngoài thế sự
Trời mưa hay tạnh, nắng hay dâm?
Bởi say cảm tác Đàm Lê Đức
Thưởng thức tình ca nhạc Vũ Cầm
Nửa ngọn đèn khuya giàu cảm xúc
Nâng niu giấc ngủ những âm thầm
Tay gối đầu tay buồn lặng lẽ!
Thở dài văng vẳng khúc dư âm…
Lòng tôi muốn níu thời gian lại
Nói với đời say giấc mộng thầm.

Trần Lữ Vũ

Ngày xửa..ngày xưa…

Ngày xưa
cỏ rối chân đê
Chiều tan học muộn
dặm về còn xa
Tung tăng đuổi bướm hái hoa
Sông Hồng nhuộm đỏ
phù sa ngọt lành
Trời thu Hà Nội
mong manh
Tuổi thơ khờ dại
trong xanh ngọc ngà.

8-1-2010
Ngàn Phương

Quê ngoại

Thuở dại khờ bé bỏng
Sao mà đẹp như thơ
Sao xúc động thẫn thờ
Khi trở về quê ngoại

Ôi ngày xưa nhỏ dại
Lạc bước giữa vườn hồng
Thời gian rộng mênh mông
Một chân trời xanh biếc

Một hoài mơ tha thiết
Vươn mãi đến tầm cao
Đời thay đổi – nghẹn ngào
Quê ngoại ơi quê ngoại

Vẫn còn vang vọng mãi
Dù đi bốn phương trời
Dù lưu lạc ngàn khơi
Dù vô vàn cách trở

Có một thời để nhớ
Có một thời để thương
Có một đoạn tơ vương
Tuổi mười lăm trong trắng

Dòng Trà Giang lẳng lặng
In bóng dáng học trò
Xuôi ngược những con đò
Kỷ niệm xưa còn đó

Nụ hoa lòng chớm nở
Nắng xuân hồng xôn xao
Chỉ một thoáng chiêm bao
Đủ làm đau tiềm thức

Tình thơ ngây chân thực
Đường quê trắng hoa cau
Thơm ngát mộng mai sau
Nào hay đời vạn lối.

Cuối năm 2009
Ngàn Phương

Thơ và cánh áo nâu

Mười thương đọng lại trên vai
Xuân xanh đổ bóng vươn dài bước chân.
Tháng năm mòn mõi đường trần
Dẫu cho nuối tiếc cũng gần hoan ca

***

Sóng triều biền biệt biển xa
Lá xôn xao những đóa hoa dậy thì
Hương thơm nao nức tường vi
Nhớ nhung sao nỡ cánh mi chập chờn.

***

Nhớ từ dong ruỗi tiếc thương
Nhánh lan chưa thỏa nỗi hờn phong ba
Gói trong tay những đóa hoa
Vững tâm đá cuội mưa sa lưng trời

***

Bao nhiêu cánh bướm tả tơi,
Dõi theo tuổi dại một đời thùy dương
Từ khi đếm những giọt sương
Xảy nghe ngọn cỏ cuối nương rũ sầu.

***

Ngụ ngôn với cánh áo nâu
Lưng ong mong đợi đêm nào nhiều trăng.
Đã đành bước nhẹ lông măng
Dáng chân còn đó níu băn khoăn về.

Dương Lêh

Niềm vui chưa trọn

Người làm thơ để say xuân
Tôi làm thơ xót bất công vẫn còn !
Người khen hoa đẹp huy hoàng
Tôi thương bao kẻ nặng mang nỗi niềm !
Xuân về trên khắp mọi miền
Mà hai tâm sự, hai niềm riêng tư
Lắng nghe tiếng pháo giao tưừa
Tôi mơ thiên hạ qua mùa binh đao
Đời không còn kẻ đói nghèo
Không còn nước mắt gieo neo một mình
Người người mở rộng tâm tình
Lau khô dòng lệ, thắm nghìn nụ môi
Đẹp hơn vạn cánh hoa đời
Không cần Xuân vẫn thấy vui tràn trề
Giờ dù Xuân lại trở về
Chỉ là Xuân gượng, não nề cuộc vui
Ngâm thơ Xuân thấy nghẹn lời
Ý thơ đứt nối, vần rơi sụt sùi !
Thơ còn mang vẻ ngậm ngùi
Thì người thơ biết còn cười với ai ?!

Tâm Nguyện

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 1000 NĂM THĂNG LONG
For the 1000th anniversary of Thăng Long Capital

Thăng Long hoài cổ

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm dấu tích soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường!

Bà Huyện Thanh Quan

MEMORIES OF THE ANCIENT THĂNG LONG CITADEL

Oh Creator! Why did you invent this amusement place?
So many creative works have been built up to this date!
The former carriage tracks are now hiding in the soul of autumn grass;
The ancient palace foundation looks so desolate in declining sunbath.
Yet stones remain unyielding before years and months’ destruction;
And water keeps frowning at the interchange of sea and mulberry plantation. (1)
For a thousand years may this vestige be a historical testimony?
How bitter to witness such a heartbreaking scenery!

Translated by THÙY DƯƠNG

------------------------------

(1) great changes of things

Trấn Bắc hành cung

Trấn Bắc hành cung cỏ dãi dầu
Khách đi qua đó chạnh niềm đau
Mấy tòa sen rớt mùi hương ngự
Năm thức mây phong nếp áo chầu
Sóng lớp phế hưng nghe đã rộn
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?
Ngơ ngẩn hồn thu khách bạc đầu.

Bà Huyện Thanh Quan

TRẤN BẮC JOURNEY PALACE

TRẤN BẮC JOURNEY PALACE looks abandoned in gloomy grass,
Twisting the hearts of travelers while looking in the past
Lotus flowers seems sending out imperial perfume;
Five-colored clouds recall the former royal costumes.
The billows of prosperity and decadence seem stirring;
The rolling bells of ancient and modern sound quickening.
Ah! Where are those former people and bygone sight?
Dampened in memories the white-haired traveler feels almost stupefied.

Translated by THÙY DƯƠNG

@

PHÚ ĐỒNG TIỀN

Trần Kỳ Luân (*)

Phàm kim chi nhơn, tiền nhi dĩ,
Lúc không tiền tráng sĩ cũng vô nhan
Bần đáo thị – Phú lâm san
Thử bấy nhân tình coi đủ biết
Dù những kẻ anh hùng, hào kiệt
Cái lưng không, cũng chịu khoanh tay
Nếu những người trí giỏi, tài hay
Bàn tay trắng cũng đành xếp vế…
Sinh hồ kim chi thế,
Được mấy người trọng nghĩa khinh tài!
Hoàn tiền như ÔN TẨU mấy ai,
Xuôi thế sự ông tiền là hơn cả.
Nào người phú quý, nào bậc tài danh
Nào chốn thị thành, nào nơi thôn dã
Chẳng qua là hữu mạch tắc thông
Bước chân ra sẵn có hơi đồng
Kẻ bẩm bà, người bẩm mợ
Này thưa cậu, nọ thưa ông
Tuy xa lạ xem chừng thân thích cả
Lại kể chi là Danh với Giá
Dẫu uy, si, lung, ám á, có tiền hơn.
Nghĩ ông xanh nên trách cũng nên hờn
Kẻ sao kẻ, tiền hồng, quán hủ
Người sao người, bạch thủ vô văn
Trong lưng hơi có chút “teng teng”
Thằng trẻ nhỏ, đứa ngu hèn
Cũng múa mỏ, khua môi phách tán…
Gẫm như mi, đâu phải vật chi quý báu
Khi chưa thấy thì lùi bùn, lấp cát những tanh hôi
Lúc nên dạng, nên hình, ngửa mặt sấp lưng làm bộ quí
Mi xuất hiện đã bao nhiêu thế kỷ,
Đời thành châu lập pháp hoàn tiền
Xét lại lịch sử đồng tiên
Tiền cũng vẫn có công cho xã hội
Tuy có công nhưng vẫn là có tội
Bởi vì tiền mà phản bội cùng nhau
Hiếp kẻ nghèo mà bênh vực người giàu
Xuôi thế sự trong vòng cướp bóc.
Quan lại vì tiền mà sanh lòng thâm độc, mất tiếng thanh liêm
Bà con vì tiền mà hóa dạ thù hiềm
Thầy trò lắm khi tạo phản, bầu bạn đến nổi thất giao
Nổi nổi ấy nghĩ thâm ngao ngán!
Nào những kẻ ham lời ham bán
Nọ những người tính tháng tính ngày
Quyết dùng tiền mà để cho vay, trong nhà chữa cửa ngoài đã đẻ
Nào những kẻ làm cha làm mẹ, khuyên con học để kiếm tiền
Dù cho đến bậc quan quyền
Đường thế lộ cũng đem tiền ra đút lót
Tệ nạn ấy, gẫm xem chua xót
Nặng tiền tài đạo đức mà chi?
Hởi tiền mi! Hởi tiền mi!
Sao mi làm cho phong tục đồi bại, giáo hóa lăng di như thế hử?
“Cổ kim thế sự hữu tiền năng ngữ
Thuyết đáo nhân tình ám dục minh”
Xem người ta rồi nghĩ lại mình
Việc cư xử ta phải sao đấy hé!
Lâm tiền chớ cân nặng nhẹ,
Đến nổi điều hư nghĩa, bại nhân,
Thấy ham giàu chớ có lần khân
Mà mang tiếng kẻ chê, người nói.
Cơn bỉ cực ai sao cho khỏi
Lúc có tiền, cũng lúc không tiền
Nghèo giàu bất ngoại hồ thiên
Đừng có nói: nào ai như nấy.
Hán Thịnh Đặng tiền mang tràn nhẫy, lúc hiểm nghèo đã thấy tan hoang
Tấn Thạch Sùng tiền biết muôn vàn, cơn cấp nạn chẳng đầy một lát.
Chuông cảnh tỉnh bên tai xao xác
Hởi ai ơi! Dĩnh dạt dậy mà nghe
Đồng tiền như thể bánh xe,
Đi rồi trở lại, lại rồi trở đi.
Hữu tiền phi nghĩa có chi,
Thì ta phải tính sao cho phải?
Tính xa xỉ ta nên đào thải
Thói kiệm cần ta phải học theo
Kẻ dinh dư giúp đỡ người nghèo
Để dành dụm phòng khi quẫn bách
Hữu tiền thường ký, vô tiền nhật!

(*) Ông Trần Kỳ Luân sinh năm 1895, quê tại thôn Xuân Thành – xã Phổ Cường, Quảng Ngãi. Là một vị hàn nho, hay chữ nhưng nhiều năm thi cử không đậu. Sĩ phu thời bấy giờ xem “Bài phú đồng tiền” của ông là hay nhất, xuất sắc nhất. Cách mạng tháng Tám thành công, ông có chân trong Hội Liên Việt huyện Đức Phổ. Năm 1954, ông được mời tập kết ra Bắc; tuổi già thường đau yếu, ông qua đời năm 1968.

(Tài liệu do ông Hồ Nho cung cấp.)
Bùi Đẹp (st)

TRUYỆN KIỀU

(câu 2231- 2288)

Nàng thì chiếc bóng song mai
Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây
Sân rêu chẳng rõ dấu giày,
Cỏ cao hơn thước liễu gầy vài phân
Đoái thương muôn dặm tử phần,
Hồn quê theo ngọn mây Tần xa xa
Xót thay huyên cỗi xuân già
Tấm lòng thương nhớ biết là có nguôi?
Chốc đà mười mấy năm trời
Còn ra khi đã da mồi tóc sương

Be patient to wait another few months, my dear,
No need to hurry, we shall meet at the latest in one year.
So saying, he pulled his coat flap off her hands and left,
With the wind blowing, to the open sea, the eagle sped.

* * *

Behind flowery blinds, Kiều stayed with her own shadow,
She spent endless nights in her room well bolted and closed.
No shoeprint appeared on the mossy front yard,
Grasses grew over one meter (1) high, thin willows leaned downward.
Her heart was sending thousands of miles away to homeland,
Her nostalgic soul followed remote clouds of native land.
She felt tortured thinking of her weakened mother and decaying father
Did their endless longing for their daughter ever calmed down sober?
Time slid by so fast! It had been so far ten odd year’s time,
If still alive, their skin must have freckled, their hair frost white.

Tiếc thay chút nghĩa cũ càng,
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Duyên em dù nối chỉ hồng
May ra khi đã tay bồng tay mang
Tấc lòng cố quốc tha hương
Đường kia nỗi nọ ngổn ngang bời bời
Cánh hồng bay bổng tuyệt vời
Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm
Đêm ngày luống những âm thầm
Lửa binh đâu đã ầm ầm một phương!
Ngất trời sát khí mơ màng,
Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.
Người quen thuộc kẻ chung quanh,
Nhủ nàng hãy tạm lánh mình một nơi.

How regrettable of that bygone love that still stirred in her!
Broken from each other, the loving fibers still linked them together (2)
Had her sister rejoined the rosy threads she had left,
She should have had a small child and a baby on her hips
Nostalgia and homesickness thus arose in her heart
So that her mind puzzled with so many troubles inward
That flying eagle, what a wonderful image!
At a part of sky, she had worn out her eyes fixing her gaze.
Night and day, she stayed awaiting in silence
Then one day, war fire broke out from a part of the region
Everywhere deadly smoke darkened the sky high above
Sharks (3) overflowed rivers, armors overcrowded the roads
Seeing her alone, her friends and neighbors advised her
To take refuge somewhere for a temporary hour.

---------------------

(1) About 0.40m (Chinese length measure unit)
(2) Like a lotus broken stem, both parts are still linked with their fibers
(3) Allusion to fighting junks

Nàng rằng: “Trước đã hẹn lời
“Dẫu trong nguy hiểm dám rời ước xưa.”
Còn đang dùng dắng ngẩn ngơ
Mái ngoài đã thấy bóng cờ tiếng la
Giáp binh kéo đến quanh nhà
Đồng thanh cùng gởi: “Nào là phu nhân?”
Hai bên mười vị tướng quân
Đặt gươm cởi giáp trước sân khấu đầu.
Cung nga, thể nữ nối sau,
Rằng: “Vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy.”
Sẵn sàng phượng liễu loan nghi
Hoa quan chấp chới hà y rỡ ràng
Dựng cờ nổi trống lên đàng
Trúc tơ nổi trước đào vàng kéo sau

“But my Lord has told me to stay here and wait,” said she
“No matter what danger comes to me I dare not leave.”
Kiều was quite confused, not knowing how to decide
When a crowd of soldiers waving flags shouted outside
The armored warriors came up surrounded her house,
“We want to see our Lady!”, in one voice rose the shouts.
Then ten officers came to stand in two parallel rows,
They put down their swords, took off armors, their heads bowed
Coming next were girls of grace and maids of honor
“Dear Lady,” said one of these, “under our Lord’s order,
“We came to welcome you, as his honorable bribe.”
A golden palanquin with phoenix veils came in time.
Also, a splendid ceremonial costume was provided,
Flags raised up, drums rolling, the procession started
Heading were a band of musicians with merry pieces sounding
Behind, the golden coach took the bride to her glorious meeting.

Hỏa bài tiền lộ ruổi mau
Nam đình nghe động tiếng chầu đại doanh
Kéo cờ lũy, phát súng thành
Từ công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài
Rỡ mình lạ vẻ cân đai,
Hãy còn hàm én mày ngài như xưa
Cười rằng: “Cá nước duyên ưa
“Nhớ lời nói những bao giờ hay không?
“Anh hùng mới biết anh hùng,
“Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?”
Nàng rằng: “Chút phận ngây thơ,
“Cũng may dây cát được nhờ bóng cây.
“Đến bây giờ mới thấy đây
“Mà lòng đã chắc những ngày một hai.”

The cavalry troop raised their speed to reach the South Headquaters (4),
To announce the Lord of the procession’s arrival hour
Here, rolling drums resounded, flags raised high, cannons fired,
Lord Từ on horse back, from the front gate, appeared outside.
He was glad in his imperial costume in full glory,
With the same strong eyebrows and swallow jaw as formerly
“Now, we are fish and water!”, he broke into gay laughters,
“My dear wife, don’t you remember my former words?
“And don’t you recognize your poor hero of former days?
“Come on and say if you are well satisfied today.”
“What a great honor for this genuine girl!”, Kiều uttered her bubbling speech,
“This mistletoe is lucky to be under your foliage.
“Not until now did I see your greatest victory,
“But I have been certain of it, since I met you in humblity.”

-------------------

(4) Từ Hải was supposed to win a part of South China and proclaimed himself as Emperor of South China in rebellion against Peking

Cùng nhau trông mặt cả cười
Dan tay về chốn trướng mai tự tình
Tiệc bày thưởng tướng khao binh
Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân
Vinh hoa bõ lúc phong trần
Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày.

They looked at each other, broke into joyful laughters
Then hand in hand they went back to their curtained chamber
A banquet was offered to treat officers and soldiers
Battle drums and military music deafened the ears
They found glorious days worth to compensate hardships and suffering,
Their love thus grew deeper and fresher up to the prime of Spring

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

Đính chính Truyện Kiều: Bản tin 44

Trang 64: phần tiếng Anh

Dòng thứ 5:

“My Lord, a woman’s duty is to follow you in any circumstance.”

Xin sửa là:

“My Lord, a woman’s duty is to follow her husband.”
Said Kiều, “Please let me follow you in any circumstance.”

Dòng thứ 8:

“When I hear one hundred thousand warriors on my return

Xin sửa là:

“When I head one hundred thousand warriors on my return

TÂY HÀNH NHẬT KÝ VỚI CHÚT ÍT SỬ LIỆU

Bộ Tây Hành nhật ký nguyên bản chữ Hán gồm 3 quyển:

Thượng 83 trang, Trung 100 trang, Hạ 93 trang (276 trang) đã được Cụ Phạm Phú Thứ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe và những nhận xét riêng của Cụ theo tâm tư của một nhà nho về những tiến bộ khoa học công nghệ của Âu Tây qua cuộc hành trình đi phó hội của sứ bộ nước Đại Nam sang nước Pháp để điều đình chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ đã bị liên quân Pháp Tây (1) đánh chiếm năm 1862. Triều đình Huế (Tự Đức) cử ba Ông: Phan Thanh Giản làm chánh sứ, Ông Phạm Phú Thứ làm phó sứ và ông Ngụy Khắc Đản làm bồi sứ cùng một đoàn tùy tùng gồm 63 người, vào Nam có thêm 9 người do Sài Gòn (2) cử và đi nhờ trên các tàu thủy của Pháp từ khi rời cửa Thuận An (Huế) cho đến cảng Toulon (Pháp). Các phần đất trên những nước phải đi qua, phái bộ đã được chính phủ Pháp liên hệ với các nước sở tại tiếp chuyển bằng xe lửa, chẳng hạn như khi qua Ai Cập, từ cảng Suez (3) đến Le Caire rồi Alexandrie, vì lúc bấy giờ kinh Suez chưa đào (1863). Trên danh nghĩa là nhật ký của sứ bộ nhưng thật ra Tây Hành nhật ký do chính tay Cụ Phạm Phú Thứ soạn thảo. Trong hàng con cháu của Cụ Phạm ngày nay và kể cả những độc giả khách quan cũng rất ngạc nhiên khi thấy Cụ đã ghi lại rất tỉ mỉ từ những nơi đã đi qua, rất nhiều nhận xét về phong tục, tập quán, tôn giáo và đặc biệt là những chế tạo khoa học từ kiểu mẫu cho đến chất liệu bằng những con số kỹ thuật với độ chính xác cao. Chắc hẳn trong đầu vị Phó sứ đã có ý nghĩ tiên đoán là việc xin chuộc lại đất khó có thể thành vì làm sao mà vào thời kỳ chế độ thực dân đang bành trướng, dựa vào sức mạnh do những tiến bộ khoa học của họ lại chịu từ bỏ những mảnh đất béo bở, tài nguyên phong phú như nước Nam, nên Cụ Phạm sớm chuyển hướng tư tưởng: đi sứ đây là để học hỏi những cái tân tiến của người mong sớm tự cường thì mới tránh khỏi nạn xâm lăng – và cũng nôn nóng chuẩn bị cho kịp thời nên khi phái đoàn sau chín tháng ở xứ người, mới về đến cửa Thuận ngày 28-3-1864, hai hôm sau, Cụ Phạm đã có sớ tâu lên vua Tự Đức dưới hình thức một nhật ký ghi rõ chi tiết rành mạch. Tiếc thay, từ Vua cho tới triều thần đã cho những điều Cụ Phạm ghi lại để tấu trình là… xa vời quá. Không nản chí trước tinh thần bảo thủ của triều đình lú bấy giờ, Cụ Phạm vẫn đơn phương cho ứng dụng việc dẫn thủy nhập điền tại một số tỉnh bằng phương tiện chế tạo theo kiểu mẫu lấy từ Ai Cập để chứng minh tiện dụng do phát minh sơ khai của con người: bánh xe guồng do trâu kéo để vận chuyển nước từ ao, đìa lên cho chảy vào ruộng. Lợi ích đem lại khiến Vua phải khen ngợi và dân chúng thán phục. Đó là công nghệ sơ đẳng trước tác từ những gì nhìn thấy ở nước ngoài. Thế còn trong xứ, Cụ Phạm có sáng tác ra được gì không? Trước đó vào năm 1856, lúc ngồi ghế an sát Thanh Hóa, Cụ đã vẽ kiểu và cho đóng chiếc tàu bọc đồng mang tên “Thụy nhạc” khiến triều đình phải khâm phục và khen thưởng nhiều lần, nhưng đáng kể hơn hết là lúc Cụ được cử ra làm Tổng đốc Hải An (Hải Dương – Quảng An) kiểm tổng lý thương chánh đại thần (1874). Đến lúc này thì mới thấy Cụ ứng dụng triệt để những gì đã học hỏi theo bước tiến của nước ngoài, cộng với tinh thần tự cường dân tộc, óc thông minh sáng tạo của Cụ. Trường ngoại ngữ dạy tiếng Pháp đầu tiên của nước ta tại Hải Phòng do Cụ mở ra rõ ràng nhằm mục đích để dân chúng có thể tiếp thu khoa học kỹ thuật công nghệ mong bắt kịp văn minh nước ngoài. Cuốn Tây Hành nhật ký với những điều ghi lại trong đó không phải là bản tường thuật sự việc, bảng thống kê những phát minh của Âu Tây mà là những dòng ghi nhận với những số liệu để chế tạo. Trong ý nghĩ của Cụ Phạm, chắc hẳn sự văn minh trí tuệ của con người không luận Âu hay Á, cũng không mặc cảm trước hay sau mà chỉ cần nghĩ đến tiện ích của đời sống là có thể làm ra được Cân: Tảo giao đông thổ kiêm trường kỷ, Ba lý Luân Đôn vị túc hiền đã nói lên điều đó. Ngày nay nhìn quanh các nước trong khu vực, thấy sự tiến bộ của họ và nhìn lại mình thấy chúng ta đã bỏ lỡ mất cơ hội, mà cơ hội thì có bao giờ đến với ai hai lần, nên đành ngậm ngùi với thân phận… nói là nhược tiểu thì cũng không phải là lời nói quá đáng.

Tây Hành nhật ký đã được dịch ra quốc ngữ từ trước và sau năm 1975 qua các tạp chí và tác phẩm:

Tạp chí:

- Tạp chí Văn Đàn Xuân Tân Sửu 1960, xuất bản tại Sài Gòn, do Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, chuyên viên Hán học trường Viễn Đông Bác Cổ Sài Gòn và Văn Vinh Lê Khải Văn, chuyên viên Ủy ban Dịch thuật Sài Gòn đảm trách.

Tác phẩm:

1. Tây Hành nhật ký, di thảo của Cụ Phạm Phú Thứ: bản dịch thuần túy từ Hán văn của Tô Nam và Văn Vinh, do NXB Văn nghệ TPHCM ấn hành năm 2001. Bản dịch này có phân ra 3 quyển: Thượng: từ trang 1 đến trang 56 nói về hành trình từ Huế đến Mạc-xây; Trung: từ trang 57 đến trang 143 nói về hành trình đường bộ trên đất Pháp; Hạ: nói về hành trình qua Tây Ban Nha, rồi đến Ý và trở về Việt Nam.

2. Nhật ký đi Tây do Quang Uyển dịch có thêm phần phụ lục sau bản, NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 6-1999.

3. Trúc Đường Phạm Phú Thứ với xu hướng canh tân do Hải Ngọc Thái Nhân Hòa, có thêm phần bình luận, nghị luận trước bản, NXB Trẻ 11-1999.

4. Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân, do Hội đồng hương Quảng Nam Đà Nẵng tại TPHCM biên soạn, NXB Đà Nẵng 1995.

Trong các tác phẩm trên, bản dịch nguyên ngữ: Tây Hành nhật ký, di thảo của Cụ Phạm Phú Thứ do Tô Nam và Văn Vinh dịch là đáng tin cậy nhất.

PPT ghi

Chú thích:

Pháp Tây : tức Pháp và Tây Ban Nha

Sài Gòn : lúc bấy giờ, người Pháp đã đặt xong nền hành chính của họ tại Sài Gòn

Kênh Suez : Kênh Suez là kênh đào, nằm trên đất Ai Cập, nối liền Hồng Hải và Địa Trung Hải do Ferdinand de Lesseps người Pháp chủ xướng và đào xong năm 1869. Vào năm 1863 chưa có kênh nên khi Sứ đoàn nước Nam đến cảng Suez (nằm trên bờ Hồng Hải) muốn tiếp nối hành trình phải lên bộ tiếp chuyển bằng xe lửa đến Le Caire (Thủ đô Ai Cập) rồi đến Alexandrie (cảng của Ai Cập nằm trên bờ Địa Trung Hải) lại xuống tàu đi đến cảng Toulon (Pháp).

Trước khi sung sứ bộ đi Pháp (21-6-1863) các Cụ đã giữ chức vụ gì trong nước:

Cụ Phan Thanh Giản : Tổng Đốc Vĩnh Long kiếm Kinh lược 3 tỉnh: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, do ngày 25-5-1863, vua Trị Đức sai Cụ Phạm vào tiếp thu tỉnh Vĩnh Long, đã mất ngày 23-3-1863 nay Pháp trả lại theo hiệp ước Nhâm Tuất 1862 và Cụ lãnh Tổng đốc tỉnh này – Hiệp Biện Đại học sĩ chỉ là hàm, không phải chức (hàm tống nhất phẩm). Cụ Phạm Phú Thứ : Tả Tham Tri bộ Lại

Cụ Ngụy Khắc Đản : Án sát tỉnh Quảng Nam

Trong 9 người của Sài Gòn cử đi theo phái bộ, có Cụ Trương Vĩnh Ký làm thông ngôn và Cụ Tôn Thọ Tường làm ký lục.

Phụ Bản III

BÍ ẨN GIẤC MƠ

Trong chúng ta, không ai nằm ngủ không Mơ, chỉ có điều khả năng nhớ của mọi người lại không giống nhau. Sau cơn Mơ, có những người chỉ còn nhớ lơ mơ một vài hình ảnh mờ dần. Trong khi người khác lại nhớ đến từng sự kiện, màu sắc sống động và sự mạch lạc của Giấc Mơ.

Vào thời xưa, người nào dự đoán trúng Giấc Mơ thì được coi là tiên tri, được ngưỡng mộ hết sức.

Ngày nay, các nhà nghiên cứu hiện đại đã phát hiện nhiều hiện tượng qua Giấc Mơ rất đáng kể. Người dẫn đầu phân tích Giấc Mơ một cách khoa học là Sigmund Freud . Ông đã tổng kết và liệt các loại Giấc Mơ đều có động cơ Tính dục của con người. Một nhà khoa học khác, Carl Jung lại tiến xa hơn về mặt phân tích Giấc Mơ và cho rằng Mơ là một phương tiện phát huy tinh thần trong tiến trình trưởng thành. Còn về sau, các nhà nghiên cứu thường nhắm thẳng vào sự tiến triển và hình thành, thay vì phê phán nội dung trong Mơ. Ví dụ, các nhà khoa học phát hiện rằng một người bình thường hay trải qua từ 4 đến 5 đoạn Mơ trong mỗi đêm, giữa những đoạn này, người ta thư giãn trong giấc ngủ. Sự hoạt động trong tâm hồn chùng xuống, óc họ phát sóng cũng giảm và nhịp điệu đó hòa vào giấc ngủ say. Nhà nghiên cứu nhận thấy rằng mỗi đoạn Mơ kéo dài khoảng 30 phút, trong khi khoảng cách giữa hai giấc mơ chừng 90 phút. Họ còn phát hiện rằng khi đôi mi người ngủ nhấp nháy nhanh - rất dễ nhận ra - thì đúng là người đó đang trải qua cơn Mơ.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy Giấc Mơ chính là một phần nằm trong cuộc sống. Nếu như người nào bị ngăn trở trong quá trình nằm Mơ một thời gian thì chắc chắn kẻ đó sẽ thay đổi tính nết. Chỉ cần một đêm không Mơ thôi, bảo đảm rằng người đó sẽ rất căng thẳng và bồn chồn... dấu hiệu bồn chồn của họ càng tăng dần, nếu Giấc Mơ của họ cứ bị chặn ngang. Để rồi chỉ sau vài ngày như vậy, chắc chắn cách xử sự và tâm lý cùa họ sẽ thay đổi một cách tệ hại.

Mặc dù nghiên cứu Giấc Mơ. các nhà khoa học lại không bàn về Ý nghĩa trong Mơ, có thể họ thấy chúng quá phức tạp, ẩn hiện nhiều ý nghĩa khó nói cho chính xác, mà phải tùy từng người có khuynh hướng sống, mà Mơ Mộng mang một ý nghĩa riêng.

GIẤC MƠ

Bàn về phân tích Giấc Mơ, ta hãy xét đến điểm đáng chú ý và ý nghĩa của nó. Để hiểu nó, ta phải kể đến động lực tâm lý nào khởi động cuộc sống. Nhà phân tâm học Carl Jung nghĩ rằng con người chung sống với nhau qua khả năng hiểu biết rộng và chung cùng, gọi là “Tiềm thức cộng đồng” hay “Sự hiểu biết phổ quát” - coi như đó là nơi tàng chứa tổng thể kinh nghiệm và hiểu biết của nhân loại. Dù nguồn thông tin không giới hạn này dường như nằm ngoài tầm tay sử dụng và nhìn nhận nó, nhưng thực ra nó vẫn không ngừng hướng dẫn chúng ta. Sự cảnh báo từ cái hiểu biết phổ quát tuôn chảy như một dòng bất tận, nó dẫn dắt chúng ta từng giây, từng phút một. Có người gọi điều này là ý thức của họ, hay bảo là họ nghe thấy có “tiếng thì thầm” trong lòng họ. Như thế, khả năng nghe được sự hiểu biết phổ quát còn có thể gọi là “Linh tính” hay là “Sự hiểu biết nội tại”.

Trong giấc ngủ, Linh tính tự do qua lại với trí năng phổ quát. Các Giấc Mơ của ta trở thành công cụ mạnh mẽ để giải quyết các vấn đề và giúp ta trưởng thành bản ngã. Để giải mã Giấc Mơ. ta phải học tập cách hiểu nó.Giấc Mơ ta mơ là cái trung gian để ta đạt được sự giác ngộ bản thân.

CÁC LOẠI CHIÊM BAO

Hàng đêm, con người đều có những mộng mị khác nhau, với những nội dung phức tạp mà chúng ta hoàn toàn có thể nhận biết được qua vô số những giấc mộng khác nhau đó. Có những giấc mộng mang tính chất tiên tri hay nguồn cảm hứng sáng tạo, cũng có giấc mộng mang những hoài bão, khát vọng hay những mắc mứu hàng ngày và có cả ác mộng.

1.- Giấc Mơ Cảm Tính, Lý Trí Cần Thanh Lọc

Khi chúng ta lên giường đi ngủ vào cuối ngày thì đó cũng là cơ hội tốt cho cơ thể được thư giãn và sẵn sàng đi vào giấc điệp. Tuy nhiên, đầu óc chúng ta vẫn còn nghiền ngẫm những gì đã xảy ra trong ngày. Mặt khác, tâm trí được nghỉ ngơi cũng rất quan trọng để đi vào giấc ngủ say. Trạng thái ngủ say này trong tiềm thức con người, là một nguồn mênh mông vô tận, chưa khám phá được sự thông thái và sáng tạo. Chính những hình ảnh sống động ở ngoài tiềm thức con người đã hình thành nên ngôn ngữ của giấc mơ.

2.- Giấc Mộng Chỉ Dẫn Về Tâm Linh

Khi có những thay đổi trong đời sống, Giấc mơ thanh lọc sẽ không còn là giấc mơ cuối cùng trong đêm của chúng ta nữa. Thay vào đó, giấc mơ sẽ phát triển thành cái mà ta gọi là Giấc mơ chỉ dẫn tâm linh. Chúng sẽ cho ta những chỉ dẫn cần thiết cho sự tinh tấn về mặt tâm linh của chúng ta. Các giấc mơ này sẽ thể hiện những thiếu sót linh tinh ở quá khứ mà ta đã bỏ qua hay quên mất. Chúng ta phải suy nghĩ về những lỗi lầm trước đây và có hành động sửa chữa. Nhưng trong sự vội vã, quay cuồng của xã hội hiện đại, dường như chẳng bao giờ chúng ta có đủ thời giờ để nghiền ngẫm về cuộc đời của mình, nhiều người ít chịu suy nghĩ về sự phát triển về tâm linh. Đa phần chỉ quan tâm đến việc duy trì và thăng tiến địa vị xã hội. Mục tiêu của họ chỉ xoay quanh sự gia tăng về mặt cá tính, tài chính, quyền lực và tình dục. Có lẽ, không khi nào họ có thời gian để thực sự phản tỉnh, nhìn lại bản thân mình, nội tâm mình.

3.- Giấc Mơ Tâm Linh

Người ta chú ý rất nhiều đến những Giấc mơ tâm linh. Nó là sản phẩm tự nhiên của Giấc mơ chỉ dẫn về tâm linh. Trong số các giấc mơ của mỗi đêm, có trường hợp một giấc mơ có thể vượt qua được bức tường thời gian hoặc không gian, tạo nên một giấc mơ huyền bí. Mục đích của nó là giúp ta chuẩn bị cho một sự kiện có thể xảy ra, thường là ở tương lai.

4.- Giấc Mơ Quá Khứ

Không phải tất cả những giấc mơ huyền bí đều về những sự kiện ở tương lai. Chúng cũng có thể mô tả một sự kiện ở một thời điểm quá xa hay ở một nơi nào đã quên lâu rồi, do thắc mắc về nguyên nhân gì đã khiến một sự kiện nào xảy ra, chuẩn bị cho một chuyến đi, cố tưởng tượng về những gì đã thực sự có trong quá khứ đều có thể làm phát sinh loại giấc mơ này.

CÁC BIỂU TƯỢNG

Biểu tượng là một hình thức truyền thông phổ biến mà giá trị của nó đã được thừa nhận lâu dài. Những thông điệp từ những cuộc tìm kiếm thành công cho thấy rằng con người ngày nay vẫn có thể đọc và hiểu được những gì mà người nguyên thủy đã khắc trên vách của các hang động.

1/- Các Biểu Tượng Cá Biệt

Các biểu tượng riêng này chỉ được dùng cho từng người. Chúng đại diện cho những ai ta có mối quan hệ đặc biệt và sâu sắc. Các biểu tượng riêng trong một giấc mơ hiểu thị hoặc là mối quan hệ của ta với biểu tượng đó, hoặc là cảm xúc mà biểu tượng đó khơi dậy trong ta.

2/- Các Biểu Tượng Chung

Các biểu tượng chung không bị lẫn lộn với biểu tượng phổ quát, khó nắm bắt đã được xác lập tại nơi sâu kín trong tâm não con người. Cho dù đã có những nỗ lực được lập đi lập lại để thẩm định các biểu tượng mẫu này, nhưng hầu hết những nỗ lực đó chỉ đạt được những kết quả hạn chế. Cùng với Carl Jung, những người khác cũng đã cố tìm ra nguyên gốc hay ý nghĩa cơ bản của mỗi biểu tượng. Nhưng lý trí vẫn có nhiều cấp độ định nghĩa cho mỗi biểu tượng. Dựa trên những niềm tin, tâm tính, trình độ nhận thức và sự quan tâm của riêng mỗi người sẽ có những định nghĩa khác nhau.

PHÂN TÍCH GIẤC MƠ

1/- Nhận Dạng Các Giấc Mơ Tâm Linh

Vì Giấc mơ tâm linh là loại giấc mơ dễ nhận dạng nhất trong 3 loai giấc mơ, nên chúng ta bàn về nó trước các loại giấc mơ khác. Đầu tiên, các giấc mơ đó phải hợp lý, nghĩa là chúng phải tuân theo các quy luật tự nhiên. Về thủ tục thứ 2, chúng ta tự hỏi mình xem giấc mơ đó có phải là rất sinh động không, có cảm giác giống y như thật đến mức mà việc phân biệt nó với sự kiện thực tế thật khó khăn, phải không ? Các giấc mơ tâm linh có sự sống động và sâu sắc khác thường. Màu sắc mà ta mơ thấy thường lung linh, rực rỡ và sự sống động của mỗi giấc mơ nhằm để báo hiệu, là Giấc mơ tâm linh. Thứ 3, tất cả giấc mơ huyền bí đều gợi lên những xúc cảm mãnh liệt.

Thông điệp của một giấc mơ tâm linh rất đơn giản. Nó cố gắng chuẩn bị cho chúng ta trong tương lai, kể cả khi chúng ta mơ về quá khứ. Bất cứ khi nào một sự kiện sắp xảy ra, gây cho chúng ta sự lo lắng thì một giấc mơ sẽ được hình thành để chỉ ra hậu quả có thể xảy đến.Giấc mơ tâm linh không bị giới hạn bởi các sự kiện trong tương lai. Mơ thấy một sự kiện ở tương lai thì không gì đảm bảo sự kiện đó sẽ xảy ra. Sự tự do tạo cho mỗi chúng ta khả năng thay đổi mọi sự kiện đã được nhìn thấy trước trong giấc mơ.

2/- Nhận Dạng Các Giấc Mơ Thanh Lọc Cảm Tính / Lý Tính

Nếu một giấc mơ không xuất hiện như giấc mơ tâm linh, thì nó hoặc là giấc mơ thanh lọc cảm tính / lý tính, hoặc là giấc mơ chỉ đạo về tinh thần. Không có sự phân chia nào là rạch ròi giữa 2 loại giấc mơ này. Nếu giấc mơ thanh lọc được lập đi lập lại, thì khi đó nó đòi có sự chú ý nhiều hơn. Điều này hoàn toàn có lợi cho chúng ta để xem xét vấn đề và tự tìm hiểu nguyên nhân nào mà nó vẫn cứ mơ trong khoảng thời gian dài như vậy.

3/- Nhận Dạng Giấc Mơ Hướng Dẫn Về Tâm Linh

Nếu giấc mơ không phải là mơ thanh lọc một cách rõ ràng thì nó có thể là Mơ hướng dẫn về tâm linh. Đây là những giấc mơ sẽ làm cho chúng ta quan tâm nhiều nhất. Các biểu tượng của nó chứa đựng những thông điệp mà tất cả chúng ta đều mong muốn, nó dẫn dắt ta suốt quãng đường đời.

Phân Tích Một Giấc Mơ

Một khi đề tài đã ghi chép lại, chúng ta có thể bắt đầu hình thành nên cốt truyện, một nội dung hoàn chỉnh với những gì được kể lại. Chúng ta bắt đầu liệt kê danh sách những tình tiết mà giấc mơ đã tạo ra dưới dạng những câu hoàn chỉnh. Kế đến, ta cố gắng liên kết các yếu tố đã nêu để có được sự phân tích hoàn chỉnh hơn. Nên nhớ rằng sẽ không có một phân tích nào là chính xác cho mọi giấc mơ ghi được. Chúng ta nên học hỏi kết quả phân tích của mình để biết được mức độ phù hợp với hoàn cảnh đời sống thực tế. Một khi thông điệp của giấc mơ đã được hiểu rõ thì đó cũng là lúc hành động, cần phải phơi bày ra tận nguồn gốc thực sự của vấn đề để sửa nó. Sự hướng dẫn trong những giấc mơ của chúng ta xuất phát từ chốn sâu thẳm tiềm thức của chính ta. Tâm thức con người sẽ chỉ ra vấn đề còn tồn tại để đưa ra giải pháp cho nó.

CÁC GIẤC MƠ PHỔ BIẾN

1/- Những Giấc Mơ Truy Đuổi

Giấc mơ truy đuổi là loại ta thường nhớ lại nhất. Trong giấc mơ đó, ta nhận ra chính mình hoặc người đeo đuổi hoặc đang bị đeo đuổi. Nếu ta là người đeo đuổi thì những gì ta đang theo đuổi chính là mục tiêu của đời mình. Nếu giấc mơ rượt đuổi một người được lập đi lập lại, thì vì lý do nào đó, họ đã thất bại trong việc đạt mục tiêu của họ. Sự khôn ngoan, đôi khi họ lại quên đi mục đích sống của mình.

2/- Mơ Tìm Kiếm

Đây là một hình thức khác của giấc mơ rượt đuổi. Nhưng Giấc mơ tìm kiếm bị thôi thúc bởi sự nhận thức của chính ta về một điều gì còn thiếu sót trong đời mình.

3/- Mơ Lẩn Tránh

Trong loai giấc mơ này, bằng cách nào đó, trực giác cho ta biết có cái gì đang ở sau lưng ta. Chúng ta không thể nhận thức được ai hoặc việc gì đang đến quấy rầy mình nhưng lại biết rằng nó đang đến gần. Vì vậy giấc mơ cùa chúng ta được dung nạp để tránh xa sự kiện sắp đến.

4/- Mơ Mắc Bẫy

Đây là bậc cuối cùng trong chuỗi những giấc mơ rượt đuổi.Trong giấc mơ này, chúng ta đã tự giam mình vào một góc và không có lối nào ra. Để hiểu được thông điệp của giấc mơ, chúng ta cần xác định ý nghĩa biểu tượng của người hoặc cái gì đã giăng bẫy chúng ta.

5/- Mơ Bay Lên

Mọi giấc mơ bay lên biểu thị những khát vọng cao cả mà con người lựa chọn. Nếu đó chính là bản thân mình với hình dáng bình thường thì chúng ta đang sử dụng rất nhiều thời giờ để cố gắng đạt được một số mục tiêu lý tưởng. Nếu chúng ta được ngụy trang bằng các biểu tượng thì những gì các biểu tượng đó đại diện, chính là khát vọng cao cả mà chúng ta đang nung nấu.

6/- Mơ Rơi Xuống hay Cuốn Trôi

Cảm giác bị cuốn trôi đi trong lúc ngủ là một hiện tượng phổ biến. Khi chúng ta ngủ say, ý thức của con người thực sự đã rời thể xác, lúc đêm tàn, ý thức của chúng ta trở lại và tái hợp với thân xác. Khi đó, chúng trở nên mãnh liệt và hướng thẳng về thân xác. Quá trình này diễn ra chậm chạp, bồng bềnh cho đến khi ý thức của chúng ta liên kết lại với cơ thể.

7/- Mơ Sinh và Tử

Sinh và Tử, dù có khác biệt hoàn toàn nhưng chúng là một bộ phận của một tiến trình duy nhất và sự thật chúng là 2 thái cực đối lập của cùng một tiến trình. Cả sự sinh lẫn sự tử đều không thể tồn tại tách riêng nhau. Dễ dàng nhận thấy rằng sẽ không có cái chết nếu như trước đó ta không có sinh ra, cũng như không thể có sự sinh ra cho đến khi có một cái chết để kết cuộc. Chúng ta cứ vẫn bảo thủ những gì xưa cũ thì sẽ không có chỗ cho những gì “quý báu” cho chúng ta, cho những gì mới lạ và tốt đẹp hơn với cuộc đời. Vì vậy cái chết hay sự kết thúc sẽ tạo điều kiện cho sự sinh, sự khởi đầu. Sự sinh sẽ bảo đảm cho một cái chết và cái chết sẽ bảo đảm cho việc sản sinh ra một cái mới. Giấc mơ chỉ dẫn tâm linh về sự sinh và sự tử cung cấp cho chúng ta cùng một loại thông điệp. Mơ thấy cái chết biểu thị một việc gì đó sắp sửa kết thúc. Những gì đang tàn lụi có thể được hiểu là chính cái đó của chúng ta đang biến đổi.

8/- Mơ về Bệnh Tật, Chữa Trị và Phục Hồi

Nguyên nhân gây ra bệnh tật là do thiếu sự thoải mái hay do chúng ta không thể thư giãn được. Sự ức chế có một tác dụng hết sức nguy hiểm ở một xã hội công nghiệp. Sự thiếu năng lực của chúng ta trong việc thích ứng nhanh chóng, trọn vẹn đối với tốc độ biến đổi và phát triển vũ bão của thế giới kỹ thuật và công nghệ đã tạo ra căn bệnh trầm kha này. Việc chữa trị ư ? Đó là nghỉ ngơi và thư giãn. Đơn giản như thế cũng đủ nhưng dường như chẳng bao giờ ta có được một thời gian để nghỉ ngơi. Một khi cơ thể không còn chịu được chế độ gia tăng, căng thẳng thì sẽ dẫn đến sự suy sụp, bệnh tật sẽ phát sinh. Việc nghỉ ngơi sẽ giải trừ những căng thẳng, cho phép ta tái thiết và phục hồi sức khỏe. Mơ thấy bị bệnh là một dấu hiệu cho thấy cơ thể và đầu óc đang cần sự nghỉ ngơi.

9/- Mơ Sự Già và Cải Lão Hoàn Đồng

Giấc mơ về sự già yếu cho biết rằng một tình trạng cũ cần được loại bỏ hay đào thải trước khi một cái mới hơn được hình thành. Sự khắc nghiệt của tiến trình lão hóa cho thấy mức độ lâu dài và toàn diện của sự biến đổi.

GIẢI MỘNG ĐỂ TĂNG SỨC MẠNH TINH THẦN

Khi chúng ta đã tiến bộ trong sự phân tích giấc mơ, ta nên giúp đỡ người khác , giải mộng cho họ. Đến lúc đó ta mới thấy phương pháp giải mộng đôi khi còn khiếm khuyết vì trong mộng, người ta chỉ còn nhớ loáng thoáng với vài chi tiết tổng quát. Trong các trường hợp này, bạn rất khó diễn giải giấc mộng một cách thỏa đáng. Ta chỉ có thể phân tích được một khi điền vào đủ chi tiết - tới đây, tinh thần cần đưa vào để làm rõ bức tranh mộng. Tuy nhiên, phần lớn người ta, ít ai chịu vận dụng nội tâm, cho nên họ cần có sự tập dượt để thúc đẩy tâm hồn làm việc.

Thực Hành

Giải đoán hay dự đoán cho bạn bè, thân thuộc là cách thực tập để thủ đắc tâm thần học. Phần đông, ai cũng thích có người giải đoán giấc mơ cho mình. Những buổi thực tập này thường lợi cả đôi đường, một đằng người thân của ta có dịp hiểu biết thêm về tâm linh, còn ta, tâm linh ngày càng bén nhạy. Trước khi giãi bày, bạn nên có đôi lời rằng đây chỉ là một buổi thực tập đơn thuần. Bạn đừng đưa vai gánh chịu áp lực mong chờ của người khác.

Với sự giải đoán lần đầu, bạn nên ngồi dựa lưng. Để chuẩn bị cho sự trơn tru, bạn cần ghi nhớ ý nghĩa các Biểu tượng, Giấc mơ kiểu mẫu hầu có đủ thông tin về bất kỳ giấc mơ nào. Theo với thời gian thực tập, bạn sẽ ngày càng tự tin, bạn sẽ đạt tới sự cân bằng cuộc sống ngoại cảnh và nội tâm làm một. Nên nhớ, để tác động tâm linh, ta phải hít thở sâu, trầm lặng và thư giãn để tâm trí trống vắng. Hoặc nhắm mắt, hoặc chăm chú tập trung nhìn vượt tầm người đối diện. Suốt trong thời gian ngắn ngủi này nhưng tưởng chừng như đã lâu, một hình ảnh sẽ hiện lên trong tâm trí bạn hoặc bạn nghe có tiếng nói. Hãy chắc rằng bạn nói ra điều bạn cảm nhận, đừng che giấu điều gì, hay nghĩ lời mình không đúng. Hãy cứ nói ra! Nếu không, nguồn thông tin sẽ bị đóng lại và phải rất lâu về sau nó mới lại khai thông được. Nhớ quan sát diện mạo người nghe xem họ có tiếp nhận “bản tin” không. Nếu bạn giữ sự lặng lẽ, thông tin sẽ dồn vào nhiều hơn, bạn sẽ nối nhịp với tâm linh để không chừng sẽ mở ra một hướng mới đã có sẵn.

VÀI CẢM NHẬN

Giấc mơ có lý do tồn tại của nó, nó cho ta sự hướng đạo hàng ngày rất lý thú, chỉ có điều nó có ngôn ngữ tượng hình đặc thù. Chính vì thế, nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong ca khúc “Đố Ai” như sau:

...Đố ai nằm ngủ...không mơ ớ ơ ờ ơ ?
Biết em nằm ngủ...hay mơ ớ ơ ờ ơ ?
Nửa đêm trăng xuống…đứng chờ ngoài hiên.
Nửa đêm anh đến…bến bờ yêu đương.
Đố ai tìm được... tim ai á a à a ?
Biết em nhặt được... tim tôi í i ì i ?
Để tôi ca hát…cho đời nên thơ.
Để tôi âu yếm…dâng người trong mơ ...

PHẠM CAO HOÀN - PHẠM VŨ

Thiên văn học (kỳ III)
Mặt Trăng

Mặt Trăng là vệ tinh duy nhất (không kể vệ tinh nhân tạo) của Trái Đất. Mặt Trăng có đường kính khoảng 3.500km, khoảng ¼ đường kính của Trái Đất, ở cách xa Trái Đất 384.000km. Ánh sáng mất khoảng 1,3 phút để đi từ Mặt Trăng đến Trái Đất. Diện tích của Mặt Trăng lớn bằng 7,5% diện tích của Trái Đất, nghĩa là gần bằng diện tích của Á Châu. Nhiệt độ trong ngày trên Mặt Trăng chênh lệch rất nhiều, lúc cao là 107oC, lúc thấp là -153C.


Thời gian Mặt Trăng quay quanh chính trục của nó cũng bằng thời gian Mặt Trăng quay 1 vòng quanh Trái Đất, 27 ngày 7 giờ 43 phút, vì thế lúc nào ta cũng chỉ thấy 1 phía của Mặt Trăng (phía có “thằng cuội ngồi gốc cây đa” mà thôi), còn phía kia ta không thấy được. Những vòng tròn với kích thước lớn nhỏ khác nhau trên Mặt Trăng là những vết thương do các thiên thạch va chạm vào (Trái Đất nhờ có lớp khí quyển bảo vệ nên không bị thương tích loại này).

Trọng lực trên Mặt Trăng chỉ bằng 17% trọng lực của Trái Đất, nghĩa là nếu bạn nặng 100kg, bạn chỉ cảm thấy mình nặng 17kg khi đứng trên Mặt Trăng, vì thế mà bạn có thể nhảy rất xa. Tuy thế sức hút của Mặt Trăng khá mạnh đối với Trái Đất. Ta có thể thấy được hấp lực này khi quan sát triều cường (thủy triều). Sức hút Mặt Trời tác dụng vào Trái Đất chỉ bằng non nửa (46%) sức hút của Mặt Trăng thôi, vì Mặt Trời ở quá xa Trái Đất.

Ánh Sáng Đất: ở Trái Đất ta có những đêm sáng trăng, với ánh sáng nhiều hay ít tùy theo trăng đầy hay khuyết, thì ở Mặt Trăng ta cũng có hiện tượng như vậy đối với ánh sáng đất. Ánh sáng này cũng là ánh sáng phản chiếu, từ Mặt Trời chiếu vào Trái Đất, rồi lên Mặt Trăng. Galileo là người đầu tiên nói đến ánh sáng đất, và đây là một trong những điều làm ông quả quyết rằng Trái Đất quay chung quanh Mặt Trời chứ không phải ngược lại. Ánh sáng đất mạnh hơn ánh sáng trăng rất nhiều vì Trái Đất lớn hơn Mặt Trăng, và Trái Đất là vật phản chiếu tốt. Mặt Trăng là vật phản chiếu tồi nhất trong Thái Dương Hệ.

Liên Xô đã phóng phi thuyền Lunik 2 lên Mặt Trăng năm 1959. Điều này làm cho người Mỹ cảm thấy thua kém. Năm 1961, Tổng Thống Kenedy đặt ra kế hoạch đưa người lên Mặt Trăng trong vòng 10 năm. Năm 1969, phi thuyền Apollo 11 của Mỹ đã đổ bộ với 3 phi hành gia lên Mặt Trăng. Họ cắm lá cờ đầu tiên lên Mặt Trăng. Sau đó là cờ Liên Xô, nước thứ 3 cắm cờ lên Mặt Trăng là Nhật. Năm 2008, Ấn Độ cũng đã là nước thứ tư cắm lá cờ của mình lên Mặt Trăng. Phi thuyền Chandrayaan của Ấn Độ đã khám phá ra 1 điều quan trọng là có những túi nước nằm sâu dưới những lớp đất đá của Mặt Trăng. Trước kia người ta cho rằng Mặt Trăng quá khô khan để có sự sống.

Những “pha” của Mặt Trăng: Tùy theo góc độ giữa nguồn sáng và người quan sát, vật được quan sát có những hình dạng khác nhau. Nguồn sáng ở đây là Mặt Trời, người quan sát tức là chúng ta, ở trên mặt đất, vật được quan sát là Mặt Trăng. Để biết rõ điều này, bạn có thể làm 1 thí nghiệm rất giản dị như sau: để 1 khối tròn như trái banh, trái bưởi trên bàn vào ban đêm. Tắt đèn đi, dùng đèn pin (hay nến cũng được) chiếu từ 1 phía cố định. Đi chung quanh bàn, bạn sẽ thấy phần sáng của khối cầu có hình dạng khác nhau, y như hình dạng của Mặt Trăng qua các giai đoạn từ khuyết đến đầy.

Nhật Thực: Khi Mặt Trăng ở giữa Mặt Trời và Trái Đất và trên cùng 1 đường thẳng, thì ta có hiện tượng nhật thực. Nhật thực xảy ra vào ban ngày, Trái Đất bị Mặt Trăng che khuất, Trái Đất đi dần dần vào cái bóng của Mặt Trăng, rồi ra khỏi cái bóng đó. Người ta gọi 1 cách nôm na rằng Mặt Trời bị Mặt Trăng “ăn”.

Nguyệt Thực: Khi Trái Đất nằm giữa Mặt Trăng và Mặt Trời trên cùng đường thẳng, thì ta có hiện tượng nguyệt thực. Nguyệt thực xảy ra vào ban đêm, khi đó Mặt Trăng bị Trái đất che khuất. Trái Đất “ăn” Mặt Trăng.

Từ nay đến cuối năm 2010, sẽ còn 1 lần nhật thực và 2 lần nguyệt thực nữa:

- Ngày 26/6 : nguyệt thực

- Ngày 11/7 : nhật thực

- Ngày 21/12: nguyệt thực

Khi có nguyệt thực hay nhật thực thì Mặt Trăng trông tròn nhất, tròn hơn cả trăng rằm, vì khi ấy, nguồn sáng và người quan sát cùng ở trên 1 đường thẳng.

Vệ tinh nhân tạo: Cũng phải kể đến những vệ tinh nhân tạo như là những thiên thể quan sát được trên bầu trời. Hiện có khoảng 35.000 vệ tinh đang bay chung quanh trái đất. Khi đã được phóng lên quỹ đạo mà không điều khiển được thì những vệ tinh nhân tạo cứ bay mãi, không rơi xuống đất vì không chịu ảnh hưởng của trọng trường. Một số lớn trong số 35.000 vệ tinh trên là đã hư hỏng, không còn sử dụng được nữa, chỉ là rác rưởi bay trên không gian. Vệ tinh được phóng lên với nhiều mục đích, như: quân sự (do thám), thương mại, thông tin, khoa học…

Vệ tinh có thể nhỏ bằng quả cam hoặc lớn cả chục thước. Chúng không phát ra ánh sáng mà chỉ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời. Vệ tinh bay ở độ cao khoảng 150km đến 1200km). Chúng ta chỉ có thể quan sát được những vệ tinh có kích thước lớn và bay ở độ cao tương đối thấp. Thời gian có thể quan sát được vệ tinh nhân tạo là trong khoảng 1 giờ trước khi trời tối hẳn hoặc trước khi trời sáng hẳn. Khi trời trong và không bị ô nhiễm bởi ánh sáng đô thị thì trung bình bạn có thể thấy được 1 vệ tinh trong mỗi 15 phút. Chúng bay với vận tốc chậm chậm như 1 chiếc máy bay, đang bay ở rất cao. Ta có thể nhầm vệ tinh với đèn của 1 chiếc máy bay dân sự. Những trạm không gian quốc tế (như Mir) là dễ thấy nhất vì có kích thước lớn. Những vệ tinh làm bằng chất teflon có mạ bạc phản chiếu ánh sáng rất mạnh như gương, có thể thấy được dễ dàng.

(Còn tiếp)

N.C.T

¯

Phụ Bản IV

BỔ SUNG SÔNG HƯƠNG VÀO DANH MỤC
DI SẢN THẾ GIỚI CỦA HUẾ

Các đơn vị liên quan đang tiến hành lập hồ sơ đệ trình UNESCO đề nghị công nhận lần 2 di sản văn hóa Huế đối với sông Hương và trục cảnh quan đôi bờ sông Hương. Công việc nói trên xuất phát từ kiến nghị của Ủy ban Di sản thế giới (WHC) thông qua trong kỳ họp lần thứ 28 ngày 28-7-2004 tại Tô Châu, Trung Quốc. WHC đề nghị thực hiện kiến nghị nói trên trước ngày 1-2-2005 và hoàn thành hồ sơ vào tháng 6-2005 đệ trình UNESCO xem xét trong kỳ họp lần 29.

Năm 1993 UNESCO công nhận Huế là di sản văn hóa thế giới, lúc đó Huế có 17 cụm di tích (khu vực hoàng thành; kinh thành; trấn Hải Thành; đàn Nam Giao; Văn-Võ miếu; cung An Định; Hổ quyền – điện Voi Ré; các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, lăng Vạn Vạn, điện Huệ Nam, chùa Thiên Mụ). Hầu hết các cụm di tích này đều gắn liền với các yếu tố cảnh quan của sông Hương và dùng sông Hương cùng các địa hình đôi bờ làm yếu tố phong thủy, nên việc bổ sung sông Hương và cảnh quan đôi bờ vào danh mục di sản Huế là cần thiết nhằm cải thiện việc bảo vệ các di tích Huế.

Sông Hương là dòng sông thơ mộng chảy qua thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Sông Hương có hai ngọn nguồn. Nguồn Tả Trạch xuất phát từ dãy núi Trường Sơn chảy về hướng Tây Bắc qua 55 ngọn thác hùng vĩ, rồi từ từ chảy qua ngã ba Bằng Lãng; nguồn Hữu Trạch ngắn hơn sau khi vượt 14 ngọn thác hiểm trở và qua bến đò Tuần thì đến ngã ba Bằng Lãng hợp dòng với Tả Trạch thành sông Hương thơ mộng. Sông Hương dài 30km nếu chỉ kể từ Bằng Lãng đến cửa Thuận An, độ dốc của dòng nước so với mặt biển không chênh lệch nhiều nên nước sông chảy chậm.

Sắc nước sông Hương trở nên xanh hơn khi vượt qua chân núi Ngọc Trản – điện Hòn Chén, tạo nên một lòng vực sâu thẳm.

Sông Hương đẹp từ nguồn, uốn lượn quanh co giữa núi rừng, đồi cây mang theo những mùi vị hương thơm của thảo mộc rừng nhiệt đới. Dòng sông chầm chậm lướt qua các làng mạc xanh tươi, rợp bóng cây của Kim Long, Nguyệt Biều, Vĩ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, Chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh, quyện theo mùi thơm của các loài hoa xứ Huế. Dòng sông xanh trong vắt lung linh như ngọc bích dưới ánh mặt trời, những con thuyền Huế xuôi ngược, dọc ngang với điệu hò man mác, trầm tư, sâu lắng giữa đêm khuya. Đi chơi bằng thuyền để được ngắm cảnh Hương Giang thơ mộng, nghe những điệu hò, dân ca xứ Huế lúc trời đêm thanh vắng là thú vui muôn thuở của bao lớp du khách…

Quang cảnh đôi bờ sông, nào thành quách, phố xá, vườn cây, chùa tháp… bóng lồng mặt nước phản chiếu lung linh làm cho dòng sông đã yêu kiều càng nên thơ, nên nhạc. Nhiều người nghĩ rằng sở dĩ Huế có được cái êm đềm, dịu dàng, yên tĩnh phần lớn là nhờ sông Hương, dòng sông xanh đã đem lại cho thành phố cái chất thơ trầm lắng, cái trong sáng hài hòa tỏa ra từ vùng đất có chiều sâu văn hiến.

Bùi Đẹp (DSTG)

Cầu Tràng Tiền

Khách du lịch đến Huế, cuộc gặp gỡ đầu tiên với đất cố đô là dòng sông Hương. Và điều tất nhiên là khách sẽ dõi theo dòng sông Hương tìm cầu Tràng Tiền. Buổi sáng, bàng bạc trong màn sương ẩn hiện là màu trắng của cầu Tràng Tiền “sáu vài, mười hai nhịp” nối đôi bờ sông Hương xanh ngắt bóng cây. Màu trắng đó càng nổi bật lên trong ánh nắng của những buổi trưa hay ướt sũng trong những ngày mưa dầm dề của tháng mười âm lịch. Nếu sông Hương là dòng sông của những chuyện tình mơ một hay trăng gió của du khách, thì cầu Tràng Tiền chính là khúc nối duyên tình của bao lứa trai gái xứ Huế, có khi như một mối hận của một đoạn đời người:

Cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi
Bấy lâu ni chịu tiếng mang lời
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng bởi ông Trời mà xa

Nhưng chuyện về cầu Tràng Tiền không phải là chuyện xa xưa của xứ Huế như năm tháng trôi đi theo dòng lịch sử của con sông Hương và đất kinh kỳ. Những năm cuối thế kỷ 19, khi giặc Pháp đã đánh chiếm kinh thành Huế, ngày 23 tháng 5 năm Ất Dậu (5-7-1885), gây nên “ngày quẩy cơm chung” cho cả kinh thành tang tóc, thì sông Hương vẫn cách trở đôi bờ. Muốn qua lại Nam-Bắc dòng sông, người dân xứ Huế thuở đó phải qua những con đò ngang mà mãi sau này vẫn còn tồn tại những bãi bến. Nếu không kể những bến đò ngang dưới Cồn Hến, Gia Hội, Đông Ba, dọc theo trục đường Trần Hưng Đạo (bờ Nam), ngày nay đã có 3 bến đò chính là bến đò Tràng Tiền, bến đò Thừa Phủ và bến đò Trường Súng (bên chân cầu Bạch Hổ, dưới ga Huế). Khi thực dân Pháp khai trương trục đường xuyên Đông Dương, trong đó có đoạn đường từ Đà Nẵng ra Huế với đường đèo Hải Vân và đoạn đường từ Huế ra Hà Tĩnh, Vinh (Nghệ An) vào những năm từ 1887 đến 1890, họ mới đặt vấn đề phải xây một cây cầu bắc qua đôi bờ sông Hương. Dự tính như thế, nhưng mãi đến năm 1897, năm Thành Thái thứ 9, cầu mới xây xong, toàn bằng gỗ. Cầu đó, vì vậy được đặt tên là cầu Thành Thái, nhưng vì cầu xây ngay sát xưởng đúc tiền cũ, nơi bến đò ngang vùng đó.

Nơi bến Tràng Tiền có cây đa bóng mát
Gần bến Bồ Đề có bãi cát phẳng lỳ.

Nên dân cứ gọi phổ biến là cầu Tràng Tiền và cầu cũng hòa theo nhịp sống dân dã mà đi vào ca dao, hò vè quen thuộc.

Cầu Tràng Tiền đã chứng kiến bao biến cố xáo động. Trước hết đó là cơn bão ngày mồng 5 tháng 10 năm Giáp Thìn tức ngày 11 tháng 11 năm 1904, quen gọi là cơn bão năm Thìn. Hãy nghe một câu ca để lại, mang nỗi buồn cho một đôi bạn tình:

Năm Thìn bão nổi thình lình
Kẻ trôi người nổi, hai đứa mình lạc nhau

Cơn bão đó cuồng phá hầu hết các tỉnh miền Trung, vào đến tận Bình Thuận, Vũng Tàu trong Nam. Nạn đói kinh khủng xảy ra ở mất tỉnh phía Bắc Trung kỳ, nhất là ở Nghệ Tĩnh và Bình Trị Thiên. Rồi một người đàn bà “bán trôn nuôi miệng” tên là Trần Thị Lan, lấy chồng khách tên Hồng, rồi lấy một viên quan Tư pháp, nên được gọi chung cái tên là cô Tư Hồng.

Nhờ thế chồng là sĩ quan cao cấp Pháp, cô được Tây giao thầu phá tường thành Hà Nội. Cô Tư Hồng giàu phắt lên, tậu hàng dãy nhà to lớn ở Hà Nội cho thuê, mở tiệm, nhà chứa. Tiếng tăm cô lừng lẫy. Nhân cơn bão năm Thìn đó, cô vét hết gạo ở miền Bắc, chở vào Huế định hốt bạc một chuyến lớn. Nhưng việc bị phát giác, cô bèn biến thóc gạo đầu cơ thành của bố thí, đem đi phát chẩn. Vậy là tiếng tăm cô nổi như sóng cồn. Và hơn thế nữa, vua Thành Thái vời cô cho được bệ kiến, ban ngay cho cô hàm “ngũ phẩm nghi nhân”, sắc chỉ có lời ca ngợi:

Nữ Trung phong nhã chi hào, hồng trần bạt tục
Thế thượng vân lôi chi hội, bạch thủ thành gia

(hào hoa phong nhã bậc nhất chị em, đàn bà khác thường – gặp thời mây tuôn sấm dậy, tay trắng nên nhà)

Triều đình Huế còn ban thêm cho cô một biển vàng Lạc quyên nghĩa phụ (người đàn bà làm việc nghĩa tự ý quyên góp của cải). Cô Tư Hồng còn xoay sở xin cho cha, nguyên là phó cối cái sắc “Hàn lâm thị độc”. Cô Tư về làng ăn đại khao, có nhờ Tam nguyên Nguyễn Khuyến cho mấy đại tự để khắc treo lên cổng nhà. Cụ Yên Đổ đã cho ba chữ “Chi chi dã”, nói là lấy từ sách cổ đại tiểu do chi xuất nhập khả dĩ! Thực ra là nói về con đĩ “lớn nhỏ đều có thể ra vào cửa này”…

Chuyện về cơn bão năm Thìn là thế, nhưng chính lại dính đến cầu Tràng Tiền với vua Thành Thái. Xin dẫn đoạn ghi sau đây trong Hồi ký của cụ Đặng Thai Mai (tr. 122): “Một tin đồn rằng: ngày cái cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương, được khởi công lần thứ nhất thì lão Khâm sứ, hôm bắt đầu đặt hòn đá móng cho công trình, đã nói với vua: “Khi nào cái cầu này gãy thì Nhà nước bảo hộ sẽ trả lại nước An nam cho bệ hạ”. Nào ngờ đâu, cái trận bão năm Thìn (1904) lại xô ngã nhịp cầu đầu tiên xuống sông. Thế là mấy ngày sau, khi nhà vua gặp lại Khâm sứ trong một buổi lễ, đã hỏi ngay hắn ta: “Thế nào, cái cầu gãy rồi đấy?” Lão Khâm sứ chỉ còn một nước xanh mặt lại, cười nghệ, đánh trống lảng, nói sang chuyện khác…”

Cầu Tràng Tiền đổ lần 2 vào năm Thìn (1904). Mãi năm 1906, cầu được xây lại bằng xi măng, vẫn giữ tên cầu là Thành Thái cho đến năm 1916, khi vua Duy Tân khởi nghĩa thất bại, bị giặc đưa vào Vũng Tàu ở Bạch Dinh, lại gặp ngay đúng phụ vương mình là cựu hoàng Thành Thái còn bị giam tại đó.

Cầu Tràng Tiền đúc lại bằng xi măng, có sáu vài mười hai nhịp như hiện nay. Dân Huế có câu hò kêu gọi truyền thống cứu dân cứu nước trong những năm tháng của phong trào Duy Tân và chống sưu vào những năm 1907-1908.

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại
Cầu Tràng Tiền đúc lại xi-mon
Ôi người lỡ hội chồng con
Về đây gá nghĩa vuông tròn với ta.

Sau khi đày vua Thành Thái, để tránh cái tên cầu mang tên nhà vua, bên Pháp khi chính phủ Clémenceau lên nắm quyền, thực dân Pháp đổi tên cầu Tràng Tiền là cầu Clémenceau, nhưng dân Huế vẫn giữ tên cầu như cũ.

Bùi Đẹp (DSTG)

TÌM THUỐC TRƯỜNG SINH
VÀ HẠT CHIA SEEDS

BS. Trường Xuân,MD.

Năm 1994 đánh dấu một biến cố lạ lùng nhất trong lịch sử thể thao đường trường ở Mỹ. Vào năm đó Ban tổ chức giải chạy đua siêu Marathon (Ultramarathon) gian khổ nhất thế giới tức là giải Leadville 100 tại vùng núi cao nhất tại tiểu bang Colorado. Giải này được thành lập vào năm 1982 do nhà thám hiểm Ken Chlouber bày ra để thử thách mức chịu đựng tối đa của con người đến mức độ nào.

Chặng đường kéo dài 100 dặm và ở trên cao độ 10.000 bộ và qua nhiều con đèo dốc hết sức nguy hiểm, khó khăn.

Chỉ có những thể thao gia có một thể chất cực kỳ dai sức mới có thể tham dự và được yểm trợ bởi một toán chuyên viên đặc biệt nhất với những phương tiện tối tân. Ngay cả những siêu lực sĩ như Dean Karnazes (người thắng giải Ultramarathon 300 dặm tại California) hoặc Lance Armstrong cũng không chịu nổi sau khi thử thách lần đầu tiên.

Nói chung giải Leadville 100 có thể ví như chạy 4 khúc marathon (26 dặm) liên tục trong đó 2 khúc chạy trong đêm tối, leo 26 con đèo cao và ở trên một cao độ mà các phi cơ phải được pressurized...

Vì thế chỉ những lực sĩ có một thể chất vô cùng sắt thép mới dám tham dự giải Leadville 100 và phần thưởng chẳng có gì ngoài một chiếc thắt lưng bằng bạc mà thôi. Họ chạy Leadville 100 vì lý do yêu chạy bộ ngoài ra không vì một lý do gì khác!

Vào năm 1994, nhà thám hiểm Rick Fisher có sáng kiến mời 5 người thổ dân da đỏ thuộc bộ lạc Tarahumara tham dự giải Leadville 100. Những người này sống trong rặng núi Sierra Madre occidental sau khi đất đai của họ bị người Mễ và Tây Ban Nha chiếm mất.

Ken truớc đó đã sang thám hiểm vùng này và thấy tại đây có một bộ lạc da đỏ vẫn còn sống trong thời kỳ sơ khai và có lệ hay chạy đua đường trường mà không hề mệt mỏi. Ken có sáng kiến mời họ tham dự giải Leadville 100 để so sánh họ với những lực sĩ tài giỏi nhất của nuớc Mỹ.

Từ trước đến nay trong nhiều lần giải nhất đều về tay nữ lực sĩ Ann Treason nhờ được tập luyện vô cùng kỹ lưỡng. Nhưng năm 1994 đã có sự xuất hiện của 5 nguời da đỏ từ Mexico, ăn mặc lạ lùng với áo choàng trên vai và chân đi đôi dép râu làm bằng vỏ xe như dép Bình Trị Thiên!

Kết quả là trong 5 giải đầu thì nhóm Tarahumara chiếm 3 và người đoạt giải nhất là một người Tarahumara đã 55 tuổi, trong khi Ann Treason chiếm hạng nhì. Sau đó những người Tarahumara không tham dự Leadville 100 nữa và trở về đời sống bình thường của họ…

Ký giả Christopher McDougall của hãng AP và chủ biên của tạp chí Men’s Health đã sang tận nơi nghiên cứu bí quyết của người Tarahumra và ông đã viết lại đời sống bí hiểm của những “siêu nhân” này như thế nào và nhờ thế ông đã tìm ra được một loại thực phẩm sẽ làm đảo lộn phép dinh dưỡng tại Mỹ trong những năm tới mà ông viết trong cuốn sách best seller “Born to run”…

Hạt Chia, thuốc trường sinh bất lão.

Từ hơn 25 năm qua, Y học Mỹ đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đi tìm nguyên nhân của những chứng bệnh gây tử vong là bệnh đau tim và ung thư.

Ai cũng biết là tập thể dục đều đặn, tinh thần thoải mái ổn định là tốt nhưng tất cả đều đồng ý là dinh dưỡng đúng phép là quan trọng nhất! Nhưng hiện nay các thống kê đều không lấy gì làm khả quan vì 60% dân chúng Mỹ bị mập phì, 30% mập bệnh (morbid obesity), mỗi năm 1 triệu rưỡi người bị một cơn đau tim, nước Mỹ dẫn đầu thề giới về ung thư ruột già (colo rectal cancer) và cơn khủng hoảng Y tế hiện nay cũng do những nguyên nhân kể trên mà ra. Trong khi đó thì một khảo cứu của Y sĩ đoàn AMA năm 1961 cho biết là 97% các trường hợp xơ cứng động mạch vành có thể tránh đuợc nhờ dinh dưỡng đúng phép. Nước Mỹ tiêu xài nhiều nhất thế giới về Y tế những đứng hàng thứ 37 về chất lượng chỉ vì nạn mập phì quá cao và nan giải.

Những cuộc khảo sát tiếp theo trên nguời Tarahumara cho thấy là bí quyết của họ là họ hay ăn một loại hạt mang tên là Chia mỗi khi họ chạy đua đường trường.

Lịch sử ghi lại là hạt Chia trước đây được coi là nòng cốt của nền văn minh Aztec và Maya và là thực phẩm chính của những chiến sĩ khi ra trận. Nhiều người chỉ cần ăn 1 nắm hạt Chia cũng đủ sức đi bộ hàng chục cây số mà không biết mệt..

Gần đây hạt Chia cũng đuợc phổ biến trên chương trình Oprah bởi BS tim mạch Mehmet Oz và BS Andrew Weil chuyên về tuổi thọ cũng khen ngợi hạt Chia là một môn thuốc rất tốt để phòng những chứng bệnh nan y hiện nay đang lan tràn ở Mỹ.

Chia là gì ?

Chia là một loại thảo mộc đã được người Aztec,Maya thuần hóa từ cả ngàn năm về trước và đem trồng làm thực phẩm dành riêng cho các chiến sĩ ra trận hoặc phải đi làm công tác ở xa. Chia có tên khoa học là salvia Hispaniola thuộc loại Lamiaceae tức cùng loại với các loại thảo mộc dùng làm gia vị như loại húng quế, bạc hà (mint). Hat Chia rất nhỏ trông như các hạt mè hoặc hạt é (basil). Loại húng quế (Ocimum basilicum) cũng được dùng trong nước uống tại các nước Đông Nam Á tức là nước hạt é (basil seed).

Những thí nghiệm sơ khởi cho thấy là hạt Chia khi được pha với nước thì có thể nở lớn gấp 12 lần và tạo nên một lớp gel mềm do chất soluble fiber. Nhờ lớp gel nên chất đường trong bao tử được thấm chậm và đều hơn nên có trị số glycemic index thấp, giúp tránh được bệnh tiểu đường. Nhờ chất gel nên việc biến dưỡng của chất đường điều hòa hơn và giúp cho việc điều trị bệnh tiểu đường tốt hơn và tránh được nạn mập phì. Nhiều người sau khi uống một ly nuớc pha 1 muỗng lớn hạt Chia thì không bị đói cả nửa ngày.

Nhờ có nhiều chất soluble và insoluble fiber nên hạt Chia giúp tránh được nhiều chứng bệnh đường ruột, kể cả ung thư ruột già.

Về chất đạm protein thì hạt Chia có khá nhiều và dễ tiêu hơn là protein từ thịt ra và giúp cơ thể phục hồi mỏi mệt hay sau khi bị thương hoặc giúp cho phụ nữ có nhiều sữa.

Đặc biệt nhất là hạt Chia có nồng độ lipid rất cao, nhất là loại lipid Omega 3, gấp 3 lần những loại hạt khác như flax seed hay lấy ra từ cá hồi, salmon. Chia cũng có nhiều chất linoleic acid, rất quan trọng cho việc biến dưỡng của protein và các hormones trong cơ thể.

Ngoài ra còn một số khoáng chất quan trọng như calcium, boron và nhiều loại hóa chất gọi là long chain triglycerides chống lại bệnh đau tim nhờ bảo vệ các thành mạch máu, artery walls.

Một lợi điểm của hạt Chia là dễ sử dụng. Chỉ cần pha 1 muỗng lớn với nước cam, chanh hay sữa đậu nành rồi để lâu khoảng 30 phút thì hạt sẽ nở ra trông giống như nước hạt é, cùng giống với Chia. Hiện nay chưa có khảo cứu về công dụng của nuớc hạt é nhưng có lẽ cũng có một vài lợi điểm giống như hạt Chia.

Có rất nhiều cách để dùng hạt Chia được mô tả như rắc trên salad, rắc trên thực phẩm cho trẻ em, pha với yogurt, sherbet hay với bánh ngọt, bánh mì…

BS William Anderson và Wayne Coates (Đại học Arizona) sau khi nghiên cứu tường tận về lịch sử cũng như công dụng của hạt Chia đều công nhận là loại thực phẩm này sẽ là một trong những thức ăn qúy giá nhất trong tương lại.

Hiện nay các hãng chế biến thức phẩm health foods như Akins, GNC cũng đang chế tạo nhiều loại hạt Chia và các loại energy bar để bán trên thị trường cho những người quan tâm đến sức khỏe bản thân chống lại những chứng bệnh mãn tính ở Mỹ.

Trong khi đó thì tại những bộ lạc da đỏ như Apache, Navajo, Pima... tại Arizona thì tình trạng mập phì đã lên tới mức khủng khiếp ví dụ như bộ lạc Pima có tỷ lệ bị tiểu đường cao nhất thế giới với 90% bị bệnh ở những người trên 50 tuổi. Nguyên do chỉ vì họ đã bị tiêm nhiễm lối ẩm thực quá dư thừa của nếp sống “văn minh” cơ khí ở Mỹ trong thời đại cao kỹ.

Bộ lạc Tarahumara nhờ sống biệt lập trong khu vực Copper Canyon trong rặng núi Sierra Madre xa cách với thế giới bên ngoài nên vẫn duy trì nếp sống lành mạnh đã có từ ngàn xưa như chạy bộ đường trường và dinh dưỡng bằng hạt Chia nên đã tránh được tai họa kể trên... trước khi họ bị tiêm nhiễm bởi những thói xấu do du khách đem lại!

BS Trường Xuân, MD.

13 nẻo hồi xuân
bằng ăn uống

1. Đu đủ Là loại quả có ít calo nhưng nhiều carotenoids sản sinh ra vitamin A giúp da chống lại sự ôxy hóa. Mỗi ngày bạn chỉ cần ăn khoảng 100-300 gam đu đủ là vừa.

2. Cá: không chỉ là nguồn thực phẩm giàu acid béo omega-3, cá còn là nguồn giàu chất glutamin giúp tăng cường hệ miễn dịch. Cá sống trong môi trường tự nhiên cung cấp lượng omega-3 nhiều hơn cá nuôi 30 lần.

3. Đậu nành: Chất isoflavones trong đậu nành giúp cân bằng lượng estrogen tự nhiên trong cơ thể, lập lại sự cân bằng khi lượng hormon này giảm do tuổi tác. Vì thế, phụ nữ tuổi mãn kinh ăn đậu nành có thể tìm lại cảm giác thoải mái sung sức của thời thanh xuân.

4. Cam: Vitamin C trong cam giúp bảo vệ da khỏi sự tấn công của tia cực tím. Nó còn giúp ngăn ngừa nếp nhăn bằng cách sản sinh dellaeen. Để tăng hiệu quả, bạn hãy ăn một quả cam mỗi ngày thay vì uống nước cam.

5. Chất sụn: Chất tạo sụn có nhiều trong sụn động vật như: đầu cá hồi, vây cá, da gà... giúp da giữ được độ mịn màng, mềm mại, làm giảm hoặc biến mất các nếp nhăn khiến khuôn mặt tươi trẻ.

6. Sữa: Đây là sản phẩm rất giàu canxi, giàu đạm quý (đầy đủ các axit amin thiết yếu với tỷ lệ cân đối) và chứa nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể như A, D, vitamin nhóm B nên đây là thực phẩm bổ dưỡng cần thiết cho tất cả mọi người, kể cả người cao tuổi. Để phòng tránh loãng xương, người cao tuổi nên uống sữa thường xuyên mỗi ngày 1-2 ly.

7. Sôcôla: Đây là một nguồn thực phẩm chứa nhiều axit amin (một thành phần của hầu hết các protein) rất quan trọng trong việc tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Bên cạnh đó, nó cũng có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát cân nặng và có ích cho gan.

8. Giá đỗ: Giá đỗ không chỉ hữu ích trong việc “yêu”. Ăn nhiều giá còn bảo vệ được tế bào của cơ thể, chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Ăn giá đỗ xanh hằng ngày có khả năng làm da mặt bớt khô, ngăn ngừa nếp nhăn. Vitamin E trong giá có tác dụng hấp thụ tia tử ngoại, tẩy sạch các chấm đen trên da mặt.

9. Hạt hướng dương: Đây là “nữ hoàng” dành cho sắc đẹp. Vitamin E tự nhiên trong hạt hướng dương chống lại sự ôxy hóa, sự lão hóa cực kỳ hiệu quả. Các axit béo quan trọng trong hạt hướng dương sản sinh ra lượng dầu tự nhiên giúp da không bị mất nước và luôn mềm mại, đồng thời làm giảm sự phát sinh của mụn đầu đen. Bạn có thể dùng dầu hướng dương để ăn.

10. Nước trắng: Mỗi sáng khi thức dậy bạn hãy uống một cốc nước. Một ngày, bạn nên uống tối thiểu khoảng 1,5-2 lít nước. Bởi lẽ, nước là yếu tố quan trọng để tạo nên một làn da mềm mại. Cơ thể thiếu nước thì da sẽ mất đi độ đàn hồi và xuất hiện những vết rạn chân chim và nếp nhăn.

11. Nước nho: Có tác dụng duy trì dự đàn hồi và dẻo dai của da, do trong nước nho chứa chất chống ôxy hóa polyphenol.

12. Nước trà xanh: Chứa nhiều thành phần chống ôxy hóa và flavon, giúp bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV và các chất bức xạ tự nhiên trong bầu khí quyển, ngăn ngừa sự hình thành nếp nhăn và loại bỏ nám, tàn nhang.

13. Nước cà rốt: Cà rốt là loại thực phẩm giàu beta carotene giúp tái tạo tế bào da, ngăn ngừa tác hại của tia tử ngoại. Nước cà rốt cũng rất giàu vitamin nhóm B, kali, calci và khoáng chất. Để tăng khả năng hấp thụ tối đa các vi chất có trong cà rốt, bạn nên ăn thực phẩm giàu chất béo trước khi uống cà rốt. Tuy nhiên, bạn cũng không nên uống quá 500 ml mỗi ngày. Việc dư thừa beta carotene sẽ gây quá tải cho da và gan, biểu hiện da có màu vàng.(Theo Sống Khỏe)

Bs Nguyễn Lân Đính
Chuyên viên dinh dưỡng Dưỡng

Toán vui

Phương trình 1

Đàn ông = ăn + ngủ + làm việc + giải trí
Con khỉ = ăn + ngủ
Tương đương hoán đổi: Đàn ông = con khỉ + làm việc + giải trí
Chuyển vế và đổi dấu => Đàn ông - giải trí = con khỉ + làm việc

Vậy kết luận là Đàn ông không giải trí (thì) = con khỉ làm việc

Phương trình 2

Đàn ông = ăn + ngủ + kiếm tiền
con khỉ = ăn + ngủ
Suy ra: Đàn ông = con khỉ + kiếm tiền
và chuyển vế đổi dấu: Đàn ông - kiếm tiền = con khỉ

Kết luận: đàn ông không biết kiếm tiền thì chỉ = 1 con khỉ!

Phương trình 3

Đàn bà = ăn + ngủ + tiêu tiền
con khỉ = ăn + ngủ
Đàn bà = con khỉ + tiêu tiền
và cũng lại dùng phép giở quẻ đổi vế => Đàn bà - tiêu tiền = con khỉ
Kết luận: Đàn bà mà không biết tiêu tiền thì cũng như (=) khỉ thôi.

Vậy từ Pt 2 và Pt 3 ta thu được

1/ Đàn ông không biết kiếm tiền = Đàn bà không biết tiêu tiền
2/ Đàn ông kiếm tiền để cho Đàn bà không trở thành con khỉ (tiền đề 1)
3/ Đàn bà tiêu tiền để cho Đàn ông không trở thành con khỉ

Nếu cộng lại thì:
Đàn ông + Đàn bà = con khỉ + kiếm tiền + con khỉ +(- tiêu tiền )

do kiếm tiền mang dấu dương còn tiêu tiền mang dấu âm cho nên phương trình còn lại khi hai dấu triệt tiêu sẽ là:

Đàn ông + Đàn bà = 2 con khỉ sống với nhau... haha!

M Đ st

CUỘC THI “TỦ SÁCH GIA ĐÌNH”
TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC

Để góp phần làm phong phú thêm cho chương trình của Hội Sách TP. HCM lần thứ VI diễn ra từ ngày 15 đến 21/3/2010 tại Công viên Lê Văn Tám – Quận 1, Ban Tổ chức Hội sách TP.HCM tiếp tục tổ chức cuộc thi “TỦ SÁCH GIA ĐÌNH. Nhân dip này chúng tôi đã Phỏng vấn ông Nguyễn Đức Bình- Giám đốc Nxb Văn Nghệ, thành viên BTC Hội sách, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi “Tủ sách gia đình” (TSGĐ) lần 3.

* Xin ông cho biết từ đâu mà BTC Hội sách TP.HCM có ý tưởng tổ chức Cuộc thi TSGĐ?

- Hội sách TP.HCM tổ chức lần đầu tiên vào năm 2000, và cứ thế 2 năm diễn ra một lần. Là thành viên của BTC, tiểu ban nội dung chúng tôi luôn trăn trở cố gắng tìm ra những nét mới cho Hội sách, đặc biệt là về phần hội. Sau Hội sách TP.HCM lần lần đầu tiên còn nhiều lúng túng, Hội sách lần 2 (2002) BTC đã có sáng kiến tổ chức Cuộc thi “Những cuốn sách vàng” do NXB Tổng hợp TP.HCM đăng cai tổ chức. Và trong Hội sách lần 4 (2006), theo gợi ý của TS. Quách Thu Nguyệt, giám đốc Nxb Trẻ, Phó BTC Hội sách phụ trách nội dung, Nxb Văn Nghệ đã đứng ra nhận trách nhiệm tổ chức, thực hiện cuộc thi “Tủ sách gia đình” lần đầu tiên. Và đến năm nay (2010) đang triển khai Cuộc thi TSGĐ lần 3.

Cuộc thi Tủ sách gia đình (TSGĐ) là nhằm phát hiện những “Tủ sách gia đình kiểu mẫu”, với mục đích tôn vinh và nhân rộng điển hình đời sống văn hóa cơ sở, đặc biệt là văn hóa đọc, cổ vũ nếp sống văn hóa trong mỗi gia đình. Đây cũng là cơ hội cho những người yêu sách có cơ hội giao lưu, trao đổi và xây dựng cho gia đình mình một tủ sách đẹp, phong phú, thiết thực hơn.

* Được biết Cuộc thi TSGĐ lần thứ nhất và thứ hai do Nxb Văn Nghệ tổ chức khá thành công. Ông có thể cho biết tóm tắt kết quả ?

- Qua phiếu đăng ký dự thi của các gia đình, chúng tôi đã khảo sát và phát hiện nhiều TSGĐ rất giá trị. Mỗi Tủ sách lại có những “câu chuyện văn hóa” riêng rất xúc động. Có TSGĐ được xây dựng từ TK 19 được các thế hệ trân trong gìn giữ truyền đến nay là 5 đời, có trên 5000 cuốn, trong đó có nhiều cuốn thực sự quý hiếm được đóng bìa cứng, bảo quản khoa học (Tủ sách của ông Trần Nguyên Giáp, Quận 1, TP.HCM – Giải nhất lần 1).

TSGĐ của ông Nguyễn Hữu Châu Phan (ở Thành phố Huế – giải nhất lần 2) có trên 10.000 cuốn bắt đầu hình thành với cuốn sách đầu tiên do cụ Nguyễn Hữu Đính mua từ lúc cụ còn học lớp 5, đến nay đã trên 80 năm là tủ sách gia đình lớn và nổi tiếng ở Huế. Và với quan niệm: “Sách chỉ thật sự quý khi phát huy được giá trị của nó trong cộng đồng xã hội”, ông Nguyễn Hữu Châu Phan, đã tổ chức thành “thư phòng sách gia đình Nguyễn Hưu” mở cửa mỗi tuần vào thứ hai, thứ tư, thứ sáu từ 8 giờ sáng đến 11 giờ để tiếp những ai có nhu cầu đọc và tra cứu, trong đó có rất nhiều nhà nghiên cứu và sinh viên đang làm tiểu luận. Việc phục vụ này hòan tòan miễn phí.

TSGĐ ông bà Hùynh Tấn Hưng (giải đặc biệt của BGK lần 2) ở một huyện thuộc vùng sâu vùng xa của tỉnh Vĩnh Long. Hằng ngày, với diện tích 77m2 , ngôi nhà ông bà Huỳnh Tấn Hưng – Nguyễn Thị Lời trở thành một “thư viện nhỏ” trong vùng, có cả bàn ghế để phục vụ người đọc. Mỗi ngày, trung bình có khoảng 10 người đến đọc, nếu cần cũng có thể mượn về. Tủ sách chủ yếu là sách nông nghiệp và pháp luật, thiết thực phục vụ cho việc nâng cao dân trí. Chủ nhân cũng có danh mục cho các sách: kỹ thuật, trồng trọt chăn nuôi, lịch sử, các văn bản pháp lý… Tuy chưa đạt số lượng 1000 quyển theo thể lệ nhưng chủ nhân có ý thức phục vụ cộng đồng được địa phương đánh giá cao, được Quỹ Bình đẳng giới của Đan Mạch hỗ trợ tiền để mua tủ sách.

Có tủ sách đã giúp cho gia đình vượt qua những giai đoạn khó khăn về kinh tế bằng cách cho thuê các tác phẩm văn học. Có tủ sách gia đình trên 6000 cuốn được quản lý bằng phần mềm vi tính vv…

Đặc biệt hầu hết chủ nhân các TSGĐ đó đều là những người yêu qúy trân trọng và có nhiều kinh nghiệm bảo quản sách. Kết quả sau mỗi cuộc thi BGK phải hết sức cân nhắc để chọn ra 12 TSGĐ tiểu biểu thực sự xứng đáng để trao giải.

* Qua 2 lần tổ chức cuộc thi, ông có cảm nghĩ gì?

- Người Việt mình luôn tôn trọng nếp sống gia phong, gia đình văn hóa. Theo tôi được biết có những gia đình quan niệm để tri thức cho con chứ không phải là của cải tiền bạc. Cha ông ta cũng đã từng ví “Tàng thư như tàng kim” – giữ sách như giữ vàng là gì? Tôi còn được biết có những gia đình khi mua sách về tự đóng bìa cứng và bọc nilon cẩn thận, có gia đình khi mua sách về trước khi đưa lên giá đều trân trọng đóng một dấu son đỏ ghi rõ “Tủ sách gia đình…”. Văn hóa đọc đã có từ rất lâu đời. Cuộc thi chỉ là cổ vũ tôn vinh một truyền thống có sẵn và phát hiện ra những tủ sách tiêu biểu mà thôi.

* Cuộc thi TSGĐ có bị giới hạn về địa bàn không, chúng tôi được biết ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc còn rất nhiều gia đình có Tủ sách giá trị chưa tham gia?

- Trong cuộc thi lần thứ nhất, chúng tôi chỉ giới hạn trong địa bàn TP.HCM, lần thứ 2 đã mở rộng ra các tỉnh thành từ Huế đến Cà Mau. Tuy nhiên khi báo chí đăng thể lệ, chúng tôi cũng đã nhận được nhiều thư, điện thoại của những người quan tâm từ Hà Nội và các tỉnh xa… với mong muốn được tham dự song do điều kiện xa xôi, kinh phí hạn hẹp, chúng tôi đành lỗi hẹn. Nhưng tôi nghĩ nếu tổ chức được trên phạm vi càng rộng sẽ càng phong phú. Lần này được BTC quan tâm hỗ trợ, chúng tôi dự kiến sẽ mở rộng ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc…

* Thể lệ cuộc thi cụ thể ra sao, thưa ông?

- Thể lệ chúng tôi đã đăng trên báo Tuổi Trẻ Cuối tuầnSài Gòn Giải Phóng. Hoặc gia đình nào có tủ sách đạt tiêu chí liên hệ trực tiếp với Nxb Văn Nghệ để nhận phiếu đăng ký dự thi, căn cứ trên phiếu đăng ký, BTC cuộc thi sẽ liên hệ trước với gia đình hẹn ngày đến khảo sát, chụp ảnh. Từ đó sẽ chọn ra những tủ sách tiêu biểu, nổi bật để trình Ban giám khảo.

* Ông có thể cho biết thang điểm cụ thể cho từng tiêu chí?

Khi xây dựng thể lệ, BTC cuộc thi đã nêu rõ 3 vấn đề.

1. Về nội dung: Tủ sách phải phong phú, đa dạng, có giá trị về văn hóa dân tộc, có những đầu sách quý hiếm.

2. Về hình thức: Tủ sách phải có từ 1000 tựa trở lên, trang trí đẹp, khoa học, có phương pháp bảo quản tốt.

3. Ưu điểm cộng thêm: Tủ sách mang tính truyền thống, được nhiều thế hệ trong gia đình xây, sử dụng, tạo được dấu ấn với những người thành danh.

Đặc biệt chúng tôi lưu ý đến những “câu chuyện văn hóa” xung quanh tủ sách. Theo tôi, đây sẽ là một đề tài phong phú hấp dẫn. Bởi theo tôi được biết, dù trải qua chiến tranh, thiên tai, lụt lột nhiều gia đình vẫn giữ được những tủ sách quý hiếm.

Nhà văn Trầm Hương, người có TSGĐ tham dự cuộc thi lần 2 đã tâm sự: Có những quyển sách làm thay đổi số phận con người, bởi nó làm thay đổi nhận thức, dẫn đến thay đổi định mệnh, mang lại bao điều huyền diệu cho cuộc sống. Từ những ngày lập nghiệp khó khăn, ở nhà trọ chật hẹp. Tôi vẫn dành riêng cho sách góc trang trọng nhất. Cho đến những ngày được sống tốt hơn, tôi vẫn dành cho sách góc thiêng liêng nhất”.

Mỗi cuốn sách cũng như số phận con người, cũng lênh đênh chìm nổi. Nhiều gia đình đổi nhà, chuyển địa bàn cư trú, điều băn khoăn lớn nhất chính là những tủ sách, cuốn nào nên mang theo, cuốn nào nên bỏ. Chính tôi đã là người mang tâm trạng đó, làm công tác xuất bản gần 30 năm, tôi được nhiều nhà văn, học giả trân trọng ký tặng sách, và đã xây dựng được cho gia đình mình 1 tủ sách nhiều ý nghĩa nhưng khi chuyển gia đình từ Huế vào TP.HCM, do nhà cửa chưa ổn định, nên tạm thời chỉ mang theo những cuốn cần thiết, còn lại gửi ở nhà ông bà, với hy vọng khi nào nhà cửa đàng hoàng sẽ mang vô. Thế nhưng trận lụt lịch sử năm 1999 ở Huế đã tiêu tan tất cả, giờ nhắc lại tôi còn thấy xót xa. Bởi mỗi cuốn sách trong tủ sách gia đình mình đối với tôi đều có những kỷ niệm, có cuốn do ba tôi mua tặng, có cuốn mua từ thời sinh viên, từ học bổng ít ỏi của mình, có cuốn phải nhờ và quen biết mới mua được. vv…

* Về thành phần Ban giám khảo?

- Ban giám khảo cuộc thi sẽ đều là những người yêu quý sách và am hiểu về sách và làm việc vô tư, khách quan. Vì vậy các gia đình tham dự yên tâm. Nhân đây tôi cũng xin thông báo: Trưởng Ban giám khảo Cuộc thi TSGD lần 1 là GS Viện sĩ Trần Ngọc Thêm, Trưởng ban giám khảo lần 2 là PGS. TS Huỳnh Như Phương.

* Việc “trình làng” các tủ sách được giải bằng hình ảnh liệu có thuyết phục, thưa ông ?

- Trong khuôn viên Hội sách, khi chúng tôi trưng bày các poster TSGĐ được giải nhiều bạn đọc tỏ ra rất bất ngờ và thích thú. Nhiều người đã chụp ảnh và ghi chép lại địa chỉ những TSGĐ để xin được giao lưu học hỏi. Tuy nhiên nếu bạn đọc nào có sáng kiến hay hơn, BTC sẵn sàng đón nhận. Chúng tôi, cũng rất mong được sự góp ý chân thành của bạn đọc để cuộc thi ngày càng hoàn thiện hơn.

* Những khó khăn và thuận lợi trong tổ chức cuộc thi?

- Hội sách TP. HCM tổ chức năm nay là lần thứ 6, trong quá trình diễn ra hội sách có nhiều hoạt động phong phú, tạo được sự quan tâm của bạn đọc và xã hội. Cuộc thi “Tủ sách gia đình” nằm trong chương trình của Hội sách nên được UBND Thành phố, Sở Thông tin _ Truyền thông, Tổng Công ty Văn hóa Sài Gòn và các đơn vị liên quan hỗ trợ nhiệt tình, báo chí góp phần hỗ trợ thông tin quảng bá sâu rộng đến quần chúng. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước đang quan tâm đến vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nên chúng tôi nghĩ đó là những thuận lợi khách quan. Tuy nhiên, do eo hẹp về tài chính, các giải thưởng chủ yếu là hiện vật do các Nhà xuất bản, Công ty Phát hành sách, Nhà sách Tư nhân tài trợ nên cũng chưa thật sự hấp dẫn lắm.

Xin cảm ơn ông. Chúc cuộc thi TSGĐ lần 3 thành công tốt đẹp.

BÍCH CÂU thực hiện

,_.___

Do mấy ngày Tết quá bận rộn, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã không kịp có truyện dịch hình sự pháp lý như thường lệ. Xin hẹn đến số sau sẽ lại có mỗi kỳ một truyện để chia sẻ với các bạn thành viên. Kỳ này xin các bạn đọc 1 thiên khảo cứu rất hay về danh tác Liêu Trai Chí Dị của Nguyễn Hữu Khánh.

LIÊU

TRAI

CHÍ

DỊ

LIÊU TRAI là bộ tiểu thuyết đời Thanh được dịch ra Việt văn nhiều nhất. Hiện nay, chúng ta có đến 4 bản dịch (tuy chưa đầy đủ) của 4 nhà văn: Tản Đà, Quán Chi, Nguyễn Hoạt và Kiều Yiêu.

Khác với Phấn Trang Lầu, Thất Hiệp Ngũ Nghĩa, Liêu Trai Chí Dị hình như chỉ được phổ biến trong giới trí thức. Bình dân có đọc cũng là một số rất ít.

Nhưng đối với người Trung Hoa, Liêu Trai mặc dù được viết bằng cổ văn, vẫn được nhiều người say sưa đọc. Và theo tiếng Trung Hoa, “Kể Liêu Trai” có nghĩa là “kể chuyện ma quỷ, chuyện hồ ly”.

* * *

Liêu Trai Chí Dị là một đoản thiên tiểu thuyết do Bồ Tùng Linh, người Thanh Sơ viết. Toàn bộ gồm 431 truyện ngắn, đại đa phần là chuyện hồ ma, quỷ mị. Tác giả đã phải để đến hai mươi bốn năm sưu tập trong dân gian, trong các sách Chí Quái đời Lục Triều, Truyền kỳ đời Đường, Tống, rồi viết lại và đẽo gọt rất công phu mới hoàn thành. Tỉ như những truyện Phụng Dương nhơn sĩ, Mộng Hoàng Lương… là rút trong Truyền kỳ đời Đường. Có sách chép trong thời gian viết Liêu Trai, mỗi sáng tinh sương là Bồ tiên sinh đã mang sẵn trà thuốc đến nơi có nhiều thôn dân qua lại, trải thảm, để trà thuốc xuống, rồi tìm cách bắt chuyện với họ, gợi cho họ kể lại những chuyện yêu ma, hồ quái. Được chuyện nào hay tiên sinh liền nhớ lấy, tối về nhà viết lại cho thành văn. Cứ như thế mà trong hơn 20 năm trường, tiên sinh đã xây dựng bộ Liêu Trai tuyệt kỹ.

BỒ TÙNG LINH TIÊN SINH

Bồ Tùng Linh , tự Lưu Tiên, lại tự Kiếm Thần, biệt hiệu Liễu Tuyền.

Tiên sinh là người huyện Trung Xuyên, tỉnh Sơn Đông, sanh vào những năm Minh Mạt và mất vào khoảng đời Khang Hi (1640-1715). Phụ thân tiên sinh cũng vốn là nho sĩ, nhưng vì thi mãi không đỗ, nhà lại nghèo nên truyền qua nghề buôn bán. Làm ăn hơn hai mươi năm, được một số tiền, bấy giờ mới đóng cửa đọc sách, do đó, học vấn cũng uyên bác.

Bồ Tùng Linh sanh trong gia đình thương nhân khá giả, nhưng về sau lại dần dần suy sụp. Và cũng như phụ thân, tiên sinh thi mãi không đỗ. Mãi đến già, mới được chút cống sanh (như cử nhân). Về sau, tiên sinh bỏ đường khoa cử, về thôn dã dạy học nuôi thân. Sống một cuộc đời nghèo khổ, đạm bạc trong đồng ruộng, tiên sinh đã thấy được bao nhiêu chuyện trái tai gai mắt, cùng thâm hiểu được nhân tình thế thái, nên quyết mượn chuyện quỷ ma hồ mị mà phản ảnh sự đời.

Ngoài Liêu Trai, tiên sinh còn để lại cho đời một bộ Văn tập, 4 quyển và Thi tập, 6 quyển. Và theo sự khảo chứng hiện nay, bộ “Tỉnh thế Nhân duyên” cũng là của tiên sinh. Riêng bộ Liêu Trai, gần đây người ta đã tìm ra được nguyên cảo và đã có vài nhà xuất bản ấn hành. Trong ngành tiểu thuyết Trung quốc, Liêu Trai Chí Dị là bộ duy nhất còn nắm giữ được nguyên cảo (tức bản tự tay tác giả viết ra). Thật là vô cùng quý giá.

GIÁ TRỊ CỦA LIÊU TRAI

Cũng như Hồng Lâu Mộng, Kim Bình Mai vv… truyện Liêu Trai là loại tiểu thuyết mà vấn đề định giá rất phức tạp.

Kẻ chê trách cũng nhiều, mà người ham thích cũng không ít – có lẽ còn nhiều hơn.

Phái chống Liêu Trai thì cho rằng đó là loại tiểu thuyết dâm cuồng quái đản, hồ mị viển vông, làm bại hoại thuần phong mỹ tục, gieo ảnh hưởng tai hại cho người thư lương, khuê các, là loại sách “phản luân lý, phản đạo đức”. Dĩ nhiên, những nhà đạo đức trên đây có những lập luận riêng biệt để bảo vệ cho thành trì luân lý của họ.

Nhưng “dù ai nói ngửa nói nghiêng”, từ bao lâu nay, Liêu Trai Chí Dị vẫn là bộ tiểu thuyết mà hầu hết các giới đều tán thưởng. Ngay những người lên án Liêu Trai nghiêm khắc nhất, cũng thì thụp chuyển tay nhau mà… xem vụng. Truyện Liêu Trai quả là có một sức hấp dẫn mạnh mẽ.

Thực ra, Liêu Trai Chí Dị chẳng có sức mạnh huyền bí gì cả. Nhưng Liêu Trai đã nói lên được vấn đề mà mọi người – dù nam hay nữ – đều phải nghĩ tới: Vấn đề sinh lý.

Cách đây 6 năm, trong một tờ tuần báo, ông Hồ Thiên đã viết về vấn đề ấy như sau:

“Chưa có vấn đề nào làm cho người ta nghĩ ngợi bằng sự khủng hoảng tình dục. Ai đã nhìn vào sự thật ấy đều thấy rằng tình dục thường làm cho người rối loạn, khổ cực và thất vọng. Triết lý khổ hạnh đã hoàn toàn thất bại rồi. Chống lại bản năng sinh lý có khác nào đem trứng chọi đá đâu…”

Thật ra, vấn đề này chưa phải là vấn đề số một của loài người, nhưng nó cũng là một vấn đề xã hội quan trọng, mà bất kỳ ở thời đại nào, người ta cũng phải đặt ra và có biện pháp giải quyết.

Chúng ta đã thấy những biện pháp giải quyết ấy ở một số nước “văn minh” ngày nay. Ở đó dục tính man rợ buông thõng, và người ta đã thấy những gì đã xảy đến. Người ta đã thấy “những gì đã xảy đến” đó dần dà “bỏ vòi” sang nước ta và ảnh hưởng tai hại của nó đã khiến chúng ta ghê sợ đến mức nào. Cách giải quyết như vậy cố nhiên là không ổn và cần phải được xét lại

Nhưng, những cách giải quyết dưới thời phong kiến lại càng sai lầm và vô nhân đạo hơn. Người ta đã nói nhiều đến chuyện những ông vua hằng ngàn cung tần, những ông quan, những vị hào môn có hằng trăm tì thiếp. những người con gái vô cô, nghèo khổ thường được đem đi bán, hoặc tấn cung như những người da đen Châu Phi bị bán làm nô lệ. Đó là chưa kể những lầu xanh, lầu hồng, nhà trò, vv… ở khắp các đô thị lớn nhỏ, từ Tô Châu hoa lệ, huyền ảo, cho đến Giang Châu, Thượng Hải tưng bừng. Đó, vấn đề thứ ba trong “tứ khoái” đã được những ông vua, ông quan của thời đại phong kiến giải quyết một cách bừa bãi, ô tạp, hỗn độn, vô luân như vậy đó – Hậu quả của nó ra sao, chắc ai cũng rõ: Những ông vua chết yểu, những cậu công tử bột liệt nhược, những chàng thư sinh hào hoa lầy lụa bịnh hoa liễu, và những nàng tiểu thơ đài các vụng trộm, hoang thai giữa cổng kín tường cao…

Ấy vậy mà hễ ai dám nói một tí gì đến vấn đề sinh lý, thì các ông cụ rất đạo mạo (!), rất nghiêm chỉnh (!) ấy đã vội rổn rảng mắng: nào là dâm thư, là đồi bại, là vô luân thường, vv… và vvv…

Nhưng, bất chấp cả những lời kết án khắc nghiệt, đạo đức giả vô lý đó, nhiều nhà văn thơ thời trước đã đề cập đến vấn đề tình dục một cách hết sức táo bạo.

Đọc những câu:

“Cửa son đỏ loét tùm lum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.”

Quân tử có thương thì đóng nõ,
Xin đừng mấm mó nhựa ra tay.

Trai du gối hạc khom khom cật,
Gái uốn lưng ong ngửa ngửa lòng.

Cọc nhổ đi rồi bỏ lỗ không…”

của Hồ Xuân Hương, ai mà không giật mình cho cái đức dám ăn dám nói của bà.

Và những câu:

“Chơi cho liễu chán hoa chê,
Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.

Rõ màu trong ngọc trắng ngà,
Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên.”

thì quả là… gan.

Nhưng, đến như những đoạn sau đây của Bồ Tùng Linh, mới thật là đã chẳng coi luân lý phong kiến còn… “cờ-ram” nào nữa:

[… Chàng nhìn kỹ người con gái xinh đẹp, động lòng thèm muốn, định ôm ấp ngay chỗ đó, nhưng nghĩ lại hổ thẹn là chuyện tồi bại cho nên không làm; chỉ xích lại đến gần vuốt ve nàng và bỡn hỏi:

- Cuộc chơi dâu bộc có thú vị không?

Nàng cười không nói gì. Chàng đứng xáp lá cà vạch áo nàng ra sờ soạng, nghe da thịt mát trơn như dầu, bèn hứng tay rờ mò trên dưới gần khắp.]

(Chuyện bông sen hóa người)

[Chàng mừng rỡ như điên cuồng, những muốn xích lại sát vào nàng, nhưng chạnh thương nàng yếu đuối, chàng chỉ đưa bàn tay sờ ngực nàng, và áp môi mình vào môi nàng, gọi là đùa bỡn cho ai đỡ buồn…]

(Chuyện “Bạch Thu Luyện”, Kiều Yiêu dịch)

Ngày nay, cái không khí trụy lạc cơ hồ như bao trùm cả loài người, mà người ta còn không thể dung tha được cái lối “tả chân” ngang bướng ấy, huống hồ là ngày xưa, khi mà luân lý Khổng-Mạnh còn là một thành trì kiên cố, cho nên, họ Bồ bị lên án nghiêm khắc cũng là lẽ dễ hiểu.

Nhưng xét cho kỹ, nói đến vấn đề sinh lý – vấn đề “dâm” – có gì gọi là tội lỗi chăng?

Chúng tôi nghĩ “dâm” cũng năm bảy đường “dâm” và nói đến vấn đề “dâm” cũng có năm bảy cách nói. Nếu có những người nói đến “dâm” để khiêu dâm, thì cũng có kẻ nói đến dâm để công kích hoặc tiết chế sự “dâm”. Và cũng có những người không bao giờ nói đến “dâm”. Và cũng có những người không bao giờ nói đến dâm, và luôn luôn thẳng tay lên án những ai dám nói đến dâm (dù là nói để công kích) nhưng lại rất dâm – thậm chí còn tổ chức dâm, ngấm ngầm cổ động “dâm”.

Cho nên, không phải hễ ai có nói đến “dâm” đều có tội với xã hội. Trái lại, nói đến dâm một cách xây dựng, nói để công kích những tệ đoan, để yêu cầu hạn chế những đồi trụy, như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bồ Tùng Linh, Vũ Trọng Phụng, v.v… có khi còn là nên nói.

Thật vậy, nếu chịu khó đọc kỹ những truyện của Bồ Tùng Linh, chúng ta thấy tác giả viết Liêu Trai Chí Dị không phải vì mục đích khêu gợi dục tính. Tác giả có những dụng ý rất trong sạch, mặc dù đã viết về những vấn đề bị coi là không trong sạch.

Tác giả có một quan niệm về cuộc đời khác hẳn với những qui điều cay nghiệt của lễ giáo phong kiến.

Lễ giáo phong kiến chỉ cho phép người đàn ông – đúng hơn là những người đàn ông có quyền thế, có tiền bạc – buông thõng bản năng sinh lý của họ, đến đỗi biến thành những con thú cuồng dại, và bắt buộc người đàn bà hy sinh một cách vô lý để phục vụ cho thú tánh đó.

Tác giả cho rằng như thế là bất công, là giả dối. Ông nghĩ rằng bản năng sinh lý của mọi người đều phải được phát triển một cách điều hòa, có hướng dẫn hợp với quy luật thiên nhiên. Dồn ép hay buông thõng nó thái quá đều là không hợp với thiên nhiên, đều có thể tạo thành một hiện trạng rất bình thường nguy hại.

Hơn nữa, con người phải khác hơn con vật. Con người không phải chỉ biết thỏa mãn nhục dục. Con người có linh hồn. Và khác hơn con vật, con người phải có yêu đương rồi mới đi đến gần gũi nhau về xác thịt. Cho nên quan tâm đến vấn đề sinh lý, tác giả vẫn không quên đề cao tình yêu. Nhưng tác giả cho rằng tình yêu phải tự do, phải chân thành, không lừa đảo, không phân biệt đẳng cấp.

Tình yêu chân thật, tự do tức phải dẫn đến hôn nhân, đi đến gần gũi về xác thịt. Nhưng tác giả cho rằng sự gần gũi ấy phải được tiết chế, vì nếu đi quá mức độ, sẽ “làm cho người giảm tuổi thọ”, tuy đề cao tự do luyến ái và tán thành giải quyết sinh lý hợp lý nhưng tác giả lại phản đối những thứ tình lang chạ, bừa bãi, thứ tình nhục dục thấp hèn, đồi trụy.

Tác giả vẫn không đi xa cái căn bổn nho gia của mình, và trong nhiều trường hợp, đã tỏ ra là một nhà đạo đức nghiêm chỉnh. Những chuyện “Ác báo ghê hồn”, “Lấy vợ công chúa” và nhiều chuyện khác là những bài học luân lý, thuần túy, không lẫn một chút tà dâm nào.

Nhưng, mặt khác, tác giả rất ghét cái thói đạo đức giả, nói một đường làm một ngả của những kẻ mệnh danh là quý phái.

Viết những chuyện mà trong đó, những cô thiên kim tiểu thơ, giữa thanh thiên bạch nhựt là những đóa hoa đài các, nhưng đêm đến thì lại hiện nguyên hình là những con hồ ly đa tình, dâm đãng, phải chăng tác giả muốn nói ngay vào mặt những người quý phái ấy rằng: “Các người giả dối lắm. Bề ngoài lộng lẫy, sang trọng, nhưng bên trong thì thật là thối nát bẩn thỉu?”

Ở vào thời đại mà bao nhiêu thành kiến nghiêm khắc, cổ hủ còn là bất khả xâm phạm, mà dám ăn, dám nói như Bồ, kể cũng là một cây viết cứng cỏi.

Nhưng, có người lại dựa vào đó mà cho rằng Liêu Trai là một quyển tiểu thuyết cách mạng, giá trị không kém các tác phẩm của Voltaire, Montesquieu, Rousseau thì cũng hơi quá đáng.

Không ai chối cãi rằng Liêu Trai có một ý nghĩa bài phong trong một phạm vi nhất định, trong một mức độ nhất định, – và như thế dĩ nhiên là có một tác dụng nhất định đối với đời sống xã hội, – nhưng nếu bảo rằng Liêu Trai Chí Dị đã gieo mầm cho các phong trào đại cách mạng của Trung Quốc sau này, thì quả là (xin lỗi) hiếp dâm… danh từ.

Chúng tôi nghĩ, đánh giá một tác phẩm cổ điển phải thật đúng mức, không nên hạ thấp, mà cũng không nên thổi phồng. Hạ thấp hoặc xuyên tạc, cố nhiên là đắc tội với người trước, nhưng thổi phồng hoặc gán cho những cái mà người xưa chưa có, cũng chẳng là làm thẹn tiên nhân lắm sao?

Liêu Trai Chí Dị còn nói lên được một khía cạnh xấu xa khác của xã hội phong kiến.

Tác giả đã khéo léo mượn những chuyện yêu quỷ hồ mị mà phản ánh được những tệ đoan xã hội đương thời.

Đọc Hồng Lâu Mộng, chúng ta đã thấy những thúi nát xấu xa tàn ác trong một gia đình quí tộc, đọc Nho Lâm Ngoại Sử, ta được thấy thêm những vô sỉ, hủ bại, mê danh ham lợi trong hàng ngũ sĩ phu, quan lại, bây giờ đọc Liêu Trai, ta lại có thể thấy thêm những bất công, bạo ngược, lộng quyền của bọn huyện quan, hương đảng, lính tráng đối với trăm họ, từ thành thị cho tới thôn quê nhứt là thôn quê.

Tỉ như truyện Xúc Chức (Chuyện con dế (1)) Chuyện rằng: Đời vua Tuyên Tôn nhà Minh, trong cung rất thích đá dế. Thế là lịnh truyền cho quan lại các nơi phải kiếm cho được dế hay dâng lên triều đình. Quan truyền xuống dân, dân lại khổ. Tỉnh Thiểm Tây có một Bảo giáp trưởng kia, trên Thành Danh tìm hết sức mà chẳng được dế (vì Thiểm Tây ít dế). Mãi đến gần ngày hết hạn mới được một con, vô cùng mừng rỡ, đem về cho vào hộp để lên bàn, lấy gạo bắp vàng cho ăn cẩn thận. Nhưng rủi thay:

[… Thành có đứa con 9 tuổi, thừa cha đi vắng, lén dở hộp – Dế nhảy ra thật lẹ, chụp lại chẳng được. Vồ mãi, đến dế lòi ruột gãy chân. Con sợ quá khóc òa lên, thưa cùng mẹ. Mẹ cũng sợ quá, mặt tái xanh nói: “Họa lớn rồi con ơi! Phen nầy ắt con phải chết! Cha con về chắc con phải khổ”. Mẹ con khóc lóc. Giây lát, Thành về nghe vợ nói, như bị băng tuyết. Nổi giận chạy tìm con, tìm chẳng thấy. Chạy đến giếng, thấy xác con. Hết giận, buồn tủi, thống khóc thê thảm.]

Hồn đứa con hóa thành một con dế thật hay, để cha đem nạp cho vua. Một năm sau hồn lại trở về xác, đứa con tỉnh lại.

Chỉ vì ham đá dế mà làm khổ dân đến thế, âu cũng là chánh trị của một thời.

Lại như những truyện Yêu Chi, Ngũ Thần Thông, Tịch Phương Bình, v.v… cũng đều nói lên sự lộng quyền, hà hiếp dân chúng của bọn quan lại, cường hào địa phương.

Bản thân tác giả có lẽ không tin dị đoan, hồ ma quỷ quái gì, nhưng chẳng qua là vì sống ở dưới một thời kỳ mà mọi quyền ăn nói đều bị bác tước, ông phải mượn chuyện hồ mị để thét lên tiếng nói phẫn uất của mình đó thôi – cho nên bảo rằng tác giả chẳng những là người dám viết, mà còn biết viết nữa, thì thật là đúng.

*

Về những chuyện tình giữa hồ và người, giữa ma và người, có người còn cho rằng tác giả nói chuyện chồn (có đuôi) là muốn ám chỉ mấy ông Mãn Thanh thắt bính đuôi sam (hay đuôi chồn cũng thế). Chúng tôi nghĩ vấn đề không phải hẳn ở chỗ đó. Bởi vì trong Liêu Trai, loại hồ ma mà tác giả đưa ra, phần đông là loại hồ ma bị người đời (đúng ra là giới quyền quý) phỉ báng, khinh rẻ, nhưng đều là tốt, chung thủy, thành thật. Nếu muốn chống nhà Mãn Thanh, tác giả sợ không đưa lên loại hồ mị tốt như thế, mà đưa lên loại hồ mị tốt như thế là không phải để ám chỉ Mãn Thanh. Vì nếu ám chỉ như thế té ra bảo nhà Mãn Thah tốt hay sao?

Đọc Liêu Trai, người ta có thể hiểu chồn ma là những loại người này:

Một là những phụ nữ nghèo khổ, có tài, có học, nhưng lại bị xã hội đẳng cấp rẻ rúng, chê đè. Đưa lên mối tình chung thủy, cao thượng của những người phụ nữ (chồn ma) đó lên, chẳng những tác giả muốn xác định nhân phẩm của những người bị đời bạc đãi, mà còn muốn đề cao sự luyến ái tự do, không bị lễ giáo khắt khe, vô nhân đạo trói buộc, không bị hàng rào sang hèn, giàu nghèo ngăn chặn. Quan điểm của tác giả rõ ràng là một quan điểm nhân đạo.

Hai là có thể tác giả ám chỉ những người đang hoạt động “phục Minh bài Mãn”. Đương thời, những người này bị triều đình Mãn Thanh vu cáo là “bọn yêu ma hồ mị, dùng tà thuật xảo quyệt để lừa gạt dân lành, dùng thủ đoạn quỉ quái để ép buộc, hăm dọa bá tánh”. Theo ý kiến của nhà Mãn Thanh, dân chúng nên hết sức xa lánh họ. Gần gũi họ, sẽ bị “yêu khí, bị hơi chồn mà nguy hại đến tánh mạng. Nhưng dân chúng không chịu hiểu như vậy. Và tác giả Liêu Trai cũng không muốn hiểu như vậy. Tác giả nhận rằng những người bị Mãn Thanh gọi là hồ mị yêu quái đó lại là những người rất tốt, hay thương yêu và giúp đỡ người nghèo khổ hoạn nạn, ở đời có thủy có chung. Phải chăng là tác giả muốn xuyên qua các câu chuyện chồn ma đó mà nói lên rằng: “Thanh đình nói láo, và những người hoạt động phục Minh bài Mãn đều là người tốt, đáng tin cậy, đáng gần gũi?”

*

Về văn chương của Liêu Trai, Kỹ Quân nhà Thanh có phê là miêu tả quá tỉ mỉ, lại dùng hai ba thể văn, vừa có văn dài dòng của Truyền Kỳ đời Đường, vừa có văn gọn ngắn của Chí Quái đời Lục Triều. Theo họ Kỹ, như vậy là không tốt. Nhưng theo ý kiến nhiều người thì văn Liêu Trai “khi bắt chước Tả Thi thì đúng là Tả Thi, bắt chước văn nhà Phật thì đúng văn nhà Phật, bắt chước văn Sử Hán lại đúng là văn Sử Hán…” (Bồ Tùng Linh – Nhà xuất bản N.V.T.D trang 35) thế là rất hay, chứ sao họ Kỹ lại bảo là không tốt?

Đọc Liêu Trai, ai cũng nhận là nghệ thuật tả chân của tác giả thật cao. Tả chồn, tả yêu, nhưng đều sống động, đều sát với sự thực ngoài đời. Đọc chuyện ma, chuyện chồn, nhưng người ta tưởng như không phải là ma, là hồ, mà là người. Sau Tây Du Ký, trong loại thần quái, có lẽ Liêu Trai là thành công nhất về nghệ thuật.

*

Nhưng, Liêu Trai Chí Dị còn có một vài khuyết điểm, như:

- Tin thuyết luân hồi báo ứng, thuyết định mạng, tin bói khoa, tướng số.

- Công nhận các thói ngu trung, ngụy hiếu, thừa nhận chế độ đa thê, nêu cao gương cam chịu đè nén hiếp chế của phụ nữ…

Nguyễn Hữu Khánh

------------------

(1) Tiếng quan thoại hai chữ Xúc Chức và Tất Suất (con dế) là đồng âm.  

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế