VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 10/1/2009 VÀ VỀ BỮA ĂN TẤT NIÊN NGÀY 18/1/2009 CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY Như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mở đầu một cuộc họp bằng cách giới thiệu hai cuốn sách một Xưa và một Nay. Cuốn sách Xưa là một cuốn tiểu thuyết loại “Bà Tùng Long” in ở Luân Đôn (Anh Quốc) vào năm 1864 tức là 146 năm trước, gần một thế kỷ rưỡi. Sách khổ 11cm x17cm và dày 312 trang, bìa được in nổi và có những hình vẽ trang trí thật đẹp, đồng thời cả 3 cạnh đều được mạ vàng, và mặc dầu 146 năm đã trôi qua, các cạnh sách mạ vàng vẫn còn sáng chói. Cốt truyện rất đơn giản, đời thường y như các tiểu thuyết của bà Tùng Long ở nước ta, tóm lại là rất dễ thương và dễ đi vào lòng người hơn là những loại viết cầu kỳ, khoe chữ, triết lý lung tung, đao to búa lớn vv… Tựa sách là “Những Buổi Chiều Vui Vẻ Êm Ấm” và nội dung là những buổi chiều rét mướt ở Luân Đôn nhiều người không muốn đi ra đường và cả gia đình quây quần bên nhau để rồi, mỗi người, ai nấy đều cố gắng có những hành động, những lời nói, những cử chỉ, những nét dí dỏm, mục đích là để tất cả mọi thành viên có mặt đều được cười vui, thoải mái. Cuốn sách còn có 6 minh họa nguyên trang bằng bút sắt cực kỳ rõ nét, cực kỳ đẹp và quý vì chúng đã được vẽ từ gần một thế kỷ rưỡi trước. Cuốn sách Nay thì là một dịch phẩm do một thành viên của CLB vừa dịch và được Nhà Xuất Bản Thanh Niên in, và vừa cho ra lò vài ngày trước ngày họp. Đây là một bản dịch Việt Anh một tập thơ của thi sĩ Vũ Mão, một nhà thơ kiêm chánh trị gia nói lên tình cảm của ông với con người, quê hương Việt Nam. Cuốn thơ được in rất đẹp và đạt được một kỷ lục là chỉ để lại có 3 lỗi trong bản tiếng Anh. Sau phần giới thiệu hai cuốn sách các thành viên đã cùng nhau nhìn lại những hoạt động trong năm vừa qua như là tổ chức được một hai cuộc triển lãm, đi thăm được hai nhà lưu niệm các danh nhân, tổ chức được một vài cuộc nói truyện vv… và đã cùng quyết định sẽ tổ chức một bữa ăn Tất Niên vào ngày Chủ Nhật 18/1/2009. Cuộc họp kết thúc lúc 11 giờ sáng. Sáng ngày 18/1/2009, bữa ăn Tất Niên của CLB Sách Xưa và Nay đã diễn ra ở số 387 Lê Văn Sỹ P.2 Quận Tân Bình, tức là tại Thánh Đường Tân Sa Châu mà Cha Sở là LM Nguyễn Hữu Triết, Cố Vấn của CLB. Nhiều thành viên đã tới từ lúc 10 giờ tuy bữa ăn chỉ bắt đầu lúc 11 giờ rưỡi. Mọi người đã cùng nhau gặp gỡ, chuyện trò rất vui vẻ cho tới lúc bắt đầu khi Dịch giả Vũ Anh Tuấn có nói mấy lời nhắc lại hoạt động của CLB trong năm vừa chấm dứt. Cuộc họp quy tụ trên 20 người đều là những thành viên và một hai người bạn thân của CLB, và đây là một cuộc họp rất có duyên với “Nàng Kiều” vì một thực khách, ông Bá Khoát, chủ nhân vườn Kiều ở Đồng Nai đã phát biểu rất hào hứng về Kiều và đưa ra một số câu đố Kiều. Hai vị khác là Bà Thùy Dương và nhà thơ Lưu Hoài cũng có nói về Kiều. Về cuối bữa ăn Dịch giả Vũ Anh Tuấn cũng có kể một chuyện vui để góp vui và có đưa ra một đề nghị là các nhà nghiên cứu, các cơ quan văn hóa hữu trách, các vị thông hiểu Hán Nôm hãy nên cùng ngồi lại với nhau để nghiên cứu, tìm tòi, đúc kết lấy một văn bản chính thức cho Truyện Kiều, để mỗi khi có ngoại nhân hoặc tổ chức nước ngoài nào muốn nghiên cứu về Kiều thì ta cho họ dùng văn bản chính thức đó, còn đủ loại các bản viết nhăng viết cuội khác thì ta chỉ nên coi là những dị bản. Sở dĩ nên làm như vậy vì lúc này có hằng hà sa số các bản Kiều có những từ khác nhau như “hai miệng một lời” có người viết là “hai mặt một lời”, và “kín cổng cao tường” có người căn cứ vào câu kế tiếp để suy diễn là “kín cống cao tường” vv… Trong suốt cuộc đời đọc sách của người viết, hắn chỉ gặp có “ba mặt một lời” chứ chưa hề gặp “hai mặt một lời”, cũng như “kín cổng cao tường” chứ chưa bao giờ gặp “kín cống cao tường”, vả lại cống thì nghẹt, thì nghẽn, thì tắc chứ làm sao mà kín được? Bữa ăn Tất Niên năm nay đã diễn ra rất vui, rất hào hứng từ 10 giờ sáng mãi tới 1 giờ 30 mới kết thúc sau khi mọi người chúc nhau một năm Kỷ Sửu mới Hạnh Phúc, An Lành và Thịnh Vượng. Vũ Thư Hữu CUỐN ALBUM ĐẶC BIỆT CỦA BÁO ẢNH PHÁP (L’ILLUSTRATION) VỀ CUỘC TRIỂN LÃM QUỐC TẾ Ở PARIS NĂM 1937 Trong cuộc đời đọc sách của tôi, nhà văn Pháp mà tôi yêu thích nhất là Cụ Victor Hugo, tác giả bộ “Những kẻ khốn cùng” mà tôi đã được đọc trong những ngày đầu đời. Sau này khi đã trọng tuổi, tôi lại thấy thích Cụ hơn nữa vì Cụ là người đã sống rất thực với chính Cụ và ở tuổi bát tuần vẫn còn bay bướm như thường lệ. Cách đây ba tuần, vào dịp Noel, tôi bỏ một buổi sáng đi dạo quanh các tiệm sách cũ, và khi tới một tiệm sách cũ trên đường Nguyễn Thái Sơn, Gò Vấp, tôi đã gặp được một cuốn sách lạ. Thấy cuốn sách, mắt tôi sáng lên và tôi tự nói đùa: “Đây! Quà của Cụ Victor Hugo gửi cho mi đây!” Thấy hai mắt tôi sáng rực, anh chủ tiệm sách bèn lấy cớ rằng đó là một cuốn sách của một người chơi sách gửi và “phán” một giá làm tôi đau nhói. Tôi nói thế nào anh bạn cũng không nhượng bộ và nói “Đây là của ông X ông ấy gửi, không phải của em, anh xem lấy được thì lấy chứ em không có quyền bớt”. Tôi đành “nhắm mắt đưa… tiền” và rước cuốn sách về. Thực ra vì mình nghèo nên cuốn sách mắc, chứ giá trị chơi sách cổ nhiều minh họa của nó ở nước ngoài thì nhiều hơn là số tiền tôi bỏ ra nhiều. Đây chính là cuốn Album đặc biệt của Báo Ảnh Pháp (L’Illustration) xuất bản năm 1937 trình bày thật đầy đủ bằng toàn hình ảnh cực đẹp, nhiều tấm là hình vẽ của các danh họa có mầu, về cuộc Triển Lãm Quốc Tế năm 1937 tại Paris. Cuốn Báo này, phải gọi là Báo vì nó là một số đặc biệt của tờ báo nổi tiếng này của Pháp, khổ 30cm x 40cm và dày khoảng 250 trang, chứa đầy hình ảnh và hình vẽ về đủ mọi gian hàng của đủ mọi quốc gia trên thế giới đã tới tham dự. Ở ngay đầu cuốn sách là chân dung 26 nhân vật trong đó có các ông Bộ Trưởng và Thứ Trưởng Bộ Thương Mại và 24 quan chức khác là những người chủ trương tổ chức cuộc Triển Lãm Quốc Tế này. Sau trang hình ảnh đó là các trang khác đầy hình ảnh, vừa hình chụp, vừa hình vẽ, nhưng hình vẽ chiếm đa số, vì những minh họa thời đó cực kỳ đẹp và thường được thực hiện bởi các nhà minh họa danh tiếng. Mỗi quốc gia tham dự đều có một gian hàng riêng và đều được dành cho một bài giới thiệu các đặc điểm, các phong cách, các điểm đáng mọi người chú ý về lịch sử, phong tục, văn hóa vv… Tôi để ý tìm rất lâu mới thấy một đoạn ngắn nói về Việt Nam mình, lúc đó chưa được người Pháp coi trọng vì để mình trong số ba quốc gia mà họ gọi là những Quốc Gia Liên Kết (Les Etats Associés) tức là Việt, Miên và Lào. Ba quốc gia này có chung một gian hàng (xin xem hình minh họa do một họa sĩ vẽ) và trong gian hàng đó họ có minh họa một vài hoạt động của người Việt mình (xin xem minh họa số 2), đồng thời cuốn Album cho biết trong gian hàng đó cũng có một số hình ảnh phố xá ở Hà Nội và ở Saigon, và chỉ vỏn vẹn có thế. Tôi hơi buồn, nhưng rồi lại được khuây khỏa ngay khi được xem những hình ảnh (có trên 500 hình vừa chụp vừa vẽ) cực kỳ đẹp và hoành tráng, và tôi cảm thấy là thời đó, nghĩa là vào năm 1937, hai năm sau khi tôi ra đời, có lẽ người Pháp làm hay hơn bây giờ nhiều, vì mấy chục năm gần đây tôi chẳng thấy Pháp có gì ghê gớm cả. Tôi cũng đặc biệt chú ý tới một địa điểm được gọi là Bảo Tàng Văn Học, trong đó họ dành riêng một vách tường lớn để trưng bày tất cả mọi chi tiết về văn nghiệp của H. de Balzac tác giả bộ “Tấn Tuồng Đời”. Ôi thực là xứng đáng quá vì ít ai trên đời này sống được có 51 năm mà để lại một số lượng tác phẩm vĩ đại như Balzac! (Xin xem hình 3). Được biết tờ báo Ảnh (L’Illustration) này ra đời từ thế kỷ 19 vào ngày 4-3-1843 là ngày số đầu tiên được trình làng. Chủ biên là một người tên là J. B. Paulin và được tổng cộng 5293 số khi đình bản vào năm 1944, và được in mỗi kỳ hàng 100.000 số. Số được in ra nhiều nhất là một số nói về cái chết của Thống Chế Foch được in ra năm 1929 với số lượng là 600.000 ấn bản. Giờ đây ai mà giữ được đủ 5293 số thì quả là một gia tài đồ sộ, vô giá… (Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI) Vũ Anh Tuấn Phan Châu Trinh PTC sưu tầm Tiểu sử Phan Châu Trinh, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh năm 1872 ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là Phan Văn Bình giữ một chức võ quan nhỏ, sau năm 1885 theo phong trào Cần Vương trong tỉnh, làm chuyển vận sứ phụ trách việc quân lương. Sau khi kinh thành Huế thất thủ (1885), ông theo cha, tập luyện võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa. Năm cha mất, Phan Châu Trinh mới 16 tuổi, gia đình phải dựa vào sự lo liệu của người anh cả. Năm 1892, ông đi học, bạn cùng học là Huỳnh Thúc Kháng kém ông 4 tuổi. Ông nổi tiếng học giỏi. Năm 1900, Phan Châu Trinh đỗ cử nhân; năm sau (1901), ông đỗ phó bảng. Năm 1902, ông vào học trường Hậu bổ, rồi ra làm quan với chức quan Thừa biện bộ Lễ. Tại triều đình, ông được chứng kiến cảnh mục nát hủ bại của quan trường, nên sinh ra chán nản, có khi vài tháng không đến cơ quan. Nhưng chính vào thời gian đó, ông giao du với nhiều người có tư tưởng canh tân như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Vũ Phạm Hàm... được đọc Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, Tân thư giới thiệu tư tưởng duy tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, tư tưởng dân quyền của Rousseau, Montesquieu... phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, cách mạng ở Pháp, Mỹ. Tháng 7-1904, Phan Châu Trinh gặp Phan Bội Châu, hai người trở thành đôi bạn tâm đắc. Cuối năm đó, lấy cớ phải chăm lo việc thờ phụng tổ tiên thay anh cả đã mất, ông cáo quan về quê. Từ đó, ông dốc lòng vào công cuộc cứu nước. Mặc dù rất đau xót trước cảnh người Pháp ngược đãi người Việt Nam, quan điểm của ông trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà nhiệm vụ cấp bách là phải: - Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế. - Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa. - Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa... Phan Châu Trinh yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị hiện hành để có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông đề cao phương châm "Tự lực khai hóa", vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền. Với phương châm đó, Phan Châu Trình cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh phía nam (đến Phan Thiết). Ông lại một mình ra bắc, lên tận căn cứ Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang) tìm gặp Hoàng Hoa Thám. Năm 1906, nghe tin Phan Bội Châu lại mới lên đường xuất dương cùng Cường Để, ông cũng ra nước ngoài, định sang Nhật Bản tham gia. Nhưng đến nhà Lưu Vĩnh Phúc tại Quảng Đông, ông đã gặp Phan Bội Châu đang ở đấy. Hơn 10 ngày ở Quảng Đông, hai ông cùng nhau bàn bạc việc nước. Sau đó, ông cùng Phan Bội Châu và Cường Để lên đường sang Nhật Bản. Ông tham quan các trường học, khảo cứu tình hình giáo dục, chính trị của Nhật Bản. Phan Châu Trinh rất hoan nghênh việc Phan Bội Châu đã vận động được một số học sinh ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài liệu tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước. Song, ông phản đối chủ trương bạo động và tư tưởng quân chủ muốn dựa vào ngôi vua của Phan Bội Châu. Về nước, sau một thời gian, ông gửi cho Toàn quyền Paul Beau một bức thư dài đề ngày 15-8-1906. Trong thư, Phan Châu Trinh chỉ trích Chính phủ Pháp không lo mở mang khai thác hóa cho dân mà chỉ lo thu thuế cho nhiều, do đó dân đã khổ càng khổ hơn. Ông đề nghị chính phủ Đông Dương nên thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Nam, cải tổ mọi chính sách cai trị. Trong bức thư ông tỏ ra quá tin vào truyền thống cũ của cách mạng Pháp và lòng tốt của thực dân Pháp. Có đoạn có những lời lẽ có phần nghiệt ngã, cứng nhắc đối với chủ trương bạo động và phong trào đấu tranh vũ trang của dân tộc. Mặt khác, Phan Châu Trinh còn phê phán đánh giá trình độ của nhân dân ta quá kém, để từ đó dẫn đến mức không tin cậy vào khả năng cách mạng của nhân dân. Mặc dù vậy, bức thư một khi được công bố đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, công khai nói lên tâm trạng bất mãn của dân chúng và khẳng định quyết tâm cải biến hiện trạng của đất nước. Tháng 7-1907, Phan Châu Trinh ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Đông Kinh Nghĩa Thục, những buổi diễn thuyết của ông có rất đông người đến nghe. Ông mở rộng giao du với cả một số người Pháp. Đầu tháng 3-1908, cuộc nổi dậy đòi giảm sưu thuế của nông dân bùng nổ tại Quảng Nam, rồi lan ra các tỉnh. Khâm sứ Trung Kỳ nhờ Thống sứ Bắc Kỳ cho bắt Phan Châu Trinh tại Hà Nội ngày 31-3, sau đó giải về Huế giao cho Nam triều giam giữ. Hội đồng xét xử gồm các quan lại Nam triều, có Khâm sứ Trung Kỳ ngồi dự đã kết án chém. Nhưng do sự can thiệp kịp thời của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Liên minh nhân quyền tại Hà Nội, Phan Châu Trinh chỉ bị đày đi Côn Đảo. Đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Đảo thẩm vấn riêng Phan Châu Trinh. Tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án được thiết lập, ông được “ân xá”, nhưng buộc phải xuống ở Mỹ Tho để quản thúc. Sau đó ông viết thư cho Toàn quyền đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho. Vì vậy, nhân dịp có nghị định ngày 31-10-1908 của Chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, Phan Châu Trinh cùng con trai là Phan Châu Dật đi theo đoàn này. Sang tới Pháp, ông tìm cách liên hệ với những người trong Liên minh Nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp. Nhiều Việt kiều tại Pháp cũng đến với Phan Chu Trinh. Phan Châu Trinh cùng với Phan Văn Trường đã lập Hội đồng bào thân ái gồm những Việt kiều gắn bó với quê hương. Ông viết bản điều trần về cuộc đấu tranh chống sưu thuế năm 1908 ở miền trung Việt Nam gửi Liên minh Nhân quyền. Cũng trong thời gian này, ông viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam, cho rằng không thể nhìn Việt Nam một cách cô lập mà phải đặt trong mối quan hệ với thế giới, trước nhất là với các nước mạnh và với nước Pháp, cũng như không thể chỉ nhìn hiện tại mà phải nhìn lại lịch sử đã qua và phải tìm hiểu xu thế phát triển sắp tới, tạo nên cách nhìn cả thời lẫn thế. Sang Pháp, ông ở nhà luật sư Phan Văn Trường, mở một hiệu sửa ảnh, sống thanh bạch (Nguyễn Tất Thành cũng từng làm việc tại cửa hiệu của ông). Ông tìm cách liên hệ với những người trong Liên minh Nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp. Ông cũng có những cuộc tiếp xúc với các nhóm Việt kiều và các đảng phái tiến bộ, thảo luận vấn đề độc lập, tự do, dân chủ. Năm 1914, ông lại bị bắt giam vì tình nghi có liên hệ với nước Đức. Nhờ sự can thiệp của Đảng Xã hội Pháp, nên ông mới được thả ra. Ông mất tại Sài Gòn vào ngày 24.3.1926. Đám tang của Phan Châu Trinh trở thành một cuộc biểu dương chính trị chống Pháp trên cả ba kỳ. Lăng mộ của ông hiện ở Quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh và được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia . (Học sinh viếng mộ cụ Phan Châu Trinh. Ảnh : Lê Hồng Thái) Tác phẩm Tây Hồ thi tập, Santé thi tập (gồm hơn 200 bài thơ); Thư thất điều (thư vạch 7 tội của vua bù nhìn Khải Định); Giai nhân kỳ ngộ diễn ca; Tỉnh quốc hồn ca I, II (thơ hiệu triệu, thức tỉnh đồng bào, tạo dân khí mạnh, đề cao dân quyền); Trung Kỳ dân biến tụng oan thủy mạt ký; Các bức thư gửi Toàn quyền Beau, gửi Nguyễn Ái Quốc , gửi người học trò tên Đông, và các bài diễn thuyết về “Đạo đức và luân lý Đông Tây”, về “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.
Vài nét về đám tang Phan Châu Trinh PTC sưu t ầm Đám tang Phan Châu Trinh ngày 4-4-1926 đi vào lịch sử thành phố - và lịch sử dân tộc - như đỉnh cao của phong trào phản đế những năm 1925-1926. Đây là lần đầu tiên khi đất nước ta còn dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân đã công khai tổ chức lễ quốc tang cho một nhà yêu nước - một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng yêu nước, khiến thực dân Pháp phải lo sợ, ra lệnh ngăn cấm và đàn áp. 9 giờ 30 phút tối ngày 24-3-1926, Phan Châu Trinh từ trần ở số nhà 54 đường Pellerin (bây giờ là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Ngay tối hôm đó, một ban lễ tang được thành lập và cho đăng một lời kêu gọi đồng bào toàn quốc trên các báo: “Hỡi anh chị em, Hỡi ôi! Trời gieo họa lớn cho non sông Việt Nam ta, cho cả đồng bào Hồng Lạc ta, làm cho một vị ái quốc anh hùng, bấy lâu lưu lạc nước ngoài nay mới về đây chí cao chưa toại, nghiệp cả chưa thành, đã vội ngậm cười nơi chín suối. Ấy là cụ Phan Châu Trinh tạ thế... ... Một dân tộc nào mà không biết tôn kính người ái quốc là dân tộc ấy không có lòng ái quốc". Tại số nhà 54 Pellerin, nơi quàn linh cữu Phan Châu Trinh, suốt hơn 10 ngày, lúc nào cũng tấp nập đồng bào đến phúng điếu. Học sinh và công nhân là hai giới có hoạt động sôi nổi nhất. Tờ mờ sáng ngày 4-4-1926, đồng bào từ khắp các nơi đã đổ dồn về trung tâm thành phố. Các phố buôn đều đóng cửa. Mọi sinh hoạt của thành phố đều ngừng lại. Hơn 140.000 người, tập hợp có hàng ngũ, trật tự với biểu ngữ, trướng liễn, bàn đám đã tập hợp từ đường Pellerin kéo dài xuống đường Norodom (bây giờ là đường Lê Duẩn), qua đến đường Blanchy (bây giờ là đường Hai Bà Trưng). Dẫn đầu đám tang là học sinh trường Nguyễn Phan Long, trường Chasseloup Laubat, trường Nguyễn Xích Hồng... Đồng phục trắng, băng tang đen, tay cầm hàng trăm trướng liễn màu trắng chữ đen hay màu đen chữ trắng. Dẫn đầu là một bức trướng bằng nỉ đen với hàng chữ trắng nổi bật: “Deuil National” (quốc tang), tiếp theo là một rừng trướng liễn uy nghi. Tiếp theo là đoàn học sinh tỉnh Mỹ Tho và đoàn nữ học sinh. Học sinh và phụ nữ Nam Kỳ khăn trùm trắng, áo dài đen. Phụ nữ Bắc Kỳ, tóc vấn, áo dài trắng. Các đảng viên đảng Thanh Niên, âu phục trắng, giày trắng, mũ cối trắng và thắt nơ đen với băng tang bên tay trái. Kế tiếp là công nhân viên các hãng Ba Son, hãng S.I.T, hãng Faci, nhà in Xưa Nay và học sinh trường Sư Phạm. Một đoàn thể tăng sĩ Phật giáo cũng có mặt. Tại nghĩa trang, anh em công nhân Ba Son đã đọc điếu văn vĩnh biệt nhà cách mạng dân quyền bên cạnh bài điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Ở Nam Kỳ cùng ngày, Ba Tri, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Cao Lãnh, Hương Điểm... đều có tổ chức lễ truy điệu, để tang. Nhiều nơi các hiệu buôn đã đóng cửa suốt ngày 4-4-1926. Là một người yêu nước nồng nàn, các hoạt động suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, sóng gió, gian khổ và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ và thơ văn của Phan Châu Trinh đã góp phần vào việc thức tỉnh nhân dân, dấy lên một phong trào yêu nước sôi nổi trong những thập kỷ đầu của thế kỷ hai mươi. Tác động của đám tang Phan Châu Trinh đến phong trào yêu nước Việt Nam PTC sưu tầm Ngay sau khi Phan Châu Trinh từ biệt bạn hữu thân thiết rồi lịm dần đi lúc 9 giờ 30 tối ngày 24.3.1926, một ban tang lễ đã được gấp rút thành lập... Một phong trào yêu nước sôi nổi đã phát triển khắp các thành phố, thị trấn bất chấp sự đe dọa và đàn áp của thực dân Pháp. Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Phủ Lý, Hải Phòng, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Bến Tre, Ba Tri, Vĩnh Long, Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long Xuyên, Cao Lãnh, Hương Điểm, Rạch Giá, Tây Ninh... đâu đâu cũng tổ chức lễ tang, truy điệu. Phnom Penh, Paris... Việt kiều cũng hưởng ứng. Tại Sài Gòn, đám tang Phan Châu Trinh đã trở thành một cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng (...). Từ tờ mờ sáng 4.4.1926, đồng bào từ khắp thành phố và vùng phụ cận đổ về trung tâm. Họ nhanh chóng tập hợp theo đoàn thể, xếp thành từng khối, chuẩn bị điều hành. Đám tang đi theo lộ trình: 54 Pallerin (Pasteur), qua Norodom (Lê Duẩn), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) rồi thẳng xuống Phú Nhuận (Phan Đình Phùng) đến nghĩa trang Gò Công tương tế ở Tân Sơn Nhất. Đám tang đã đi đến cuối đường Hai Bà Trưng ngày nay mà các đoàn quần chúng còn đứng lại ở đại lộ Norodom! Chứng kiến đám tang vĩ đại được tổ chức trang nghiêm trật tự, ngoại kiều ở Sài Gòn bảo nhau là “Dân tộc Việt Nam đã tỉnh giấc, thức dậy rồi!” (...) Trong báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản về phong trào cách mạng ở An Nam bằng tiếng Anh, Nguyễn Ái Quốc đã viết: “Năm 1926 có một sự thức tỉnh toàn quốc tiếp theo cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa lão thành Phan Châu Trinh. Khắp trong nước đều tổ chức lễ truy điệu (...) Trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một việc to lớn như vậy bao giờ”. (Trần Viết Ngạc) Sáng ngày 4.4.1926, tang lễ được cử hành (...). Tác động lớn nhất và sâu xa nhất là phong trào để tang cụ Phan Châu Trinh đã làm dấy lên hành động bãi khóa của học sinh các trường học, nhất là các trường trung học có tiếng lúc đó như Trường Bưởi - Hà Nội, Trường Bonnan, Trường kỹ nghệ thực hành Hải Phòng, Trường trung học Nam Định, Trường Quốc học Huế... Học sinh bãi khóa đòi để tang nhà ái quốc (...). Các cuộc bãi khóa ở các trường trung học đã bị chính quyền thực dân lên án, bắt bớ. Một số học sinh đứng đầu bị đuổi học. Trong đó, một số người có nhiệt tình cứu nước đã từng tìm đọc và tiếp xúc được với tư tưởng cách mạng mới là lý luận Mác-Lênin và hoạt động cứu nước của Nguyễn Ái Quốc do Hội Việt Nam cách mạng thanh niên truyền về, nay quyết dấn thân vào con đường cách mạng. Nay nhắc đến đám tang Phan Châu Trinh, chúng ta nhắc đến một trong những con người bất tử. Ông cha ta nói: “Sống là thể phách, còn là tinh anh”. Tinh anh của Phan Châu Trinh còn sống mãi với xứ Quảng, với non sông đất nước Việt Nam. Trong xã hội “dân giàu - nước mạnh - xã hội công bằng - dân chủ - văn minh” mà ta đang xây dựng ngày nay, tinh anh của Phan Châu Trinh là bất diệt. Phan Châu Trinh và sự thức tỉnh dân tộc thế kỷ XX Có thể nói suốt cả cuộc đời, Phan Châu Trình đã kiên trì thực thi theo một chủ thuyết. Kể từ khi theo các đồng chí tham gia chuyến Nam du, cho đến khi từ Pháp trở về Sài Gòn và mất ở đây, ông vẫn ôm ấp cao vọng: khôi phục lại độc lập dân tộc, khôi phục chủ quyền cho đất nước. Muốn thế, trước hết phải thức tỉnh dân tộc, làm cho dân tộc thoát khỏi hôn mê của độc hại chuyên chế cổ hủ. Một trong các con đường đi tới là nâng cao dân trí, chấn hưng dân khí, cải thiện đời sống nhân dân. Đây là con đường đấu tranh công khai hợp pháp, dần dần đưa dân tộc đi lên. Phải dựa vào chính sách “khai hóa văn minh” để công khai đấu tranh đòi các quyền dân chủ. Nhiệm vụ to lớn, lâu dài là làm cho dân ý thức được các quyền của mình, làm cho quyền dân chủ được thấm sâu, lan rộng đến mọi người. Cùng với hai đ/c là Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh cho rằng phải tìm kiếm một con đường đi lên cho dân tộc khác với con đường đấu tranh vũ trang bất hợp pháp. Phải kiên nhẫn tuyên truyền giáo dục cho nhân dân hiểu rõ, toàn dân một ý để đến ngày “đông tay vỗ nên bộp” Không thể nôn nóng đặt ra mục tiêu độc lập dân tộc ngay mà phải đi dần đến mục tiêu ấy theo kiểu “Ngu công dời núi”, “Tinh vệ lấp biển” . Đó là chủ thuyết đấu tranh công khai đòi cải cách xã hội dân dần. Chủ thuyết có vẻ ôn hòa này của các ông đã được nhân dân khắp ba kỳ hướng theo, dấy lên một phong trào Duy Tân rộng lớn. Chính quyền thực dân phong kiến hoảng sợ dồn phong trào trong máu lửa. Sự kiện này đánh dấu sự thức tỉnh của dân tộc, sự chuyển mình đấu tranh hướng theo ngọn cờ dân chủ tư sản, đánh dấu một giai đoạn mới khác trước về chất lượng. Quan niệm máy móc trước đây khi nghiên cứu Phan Châu Trinh là cố gắng quy tìm lập trường giai cấp của ông. Đi theo hướng này, hoặc cho rằng ông đang ở lập trường tư sản, hoặc cho rằng về thực chất ông vẫn là nhà nho phong kiến. Bởi vậy, nên thường chỉ thấy mặt hạn chế mặt tiêu cực, của lập trường hai giai cấp này, thể hiện các yếu điểm trong chủ thuyết và hành động của ông. Ngày nay, đang ở giác độ tiến bộ xã hội, nếu chú ý nghiên cứu kỹ yêu cầu cụ thể của xã hội Việt Nam tại thời điểm ông sống, ta sẽ nhìn thấy đúng mức tầm chuyển hướng tư duy cho dân tộc của ông, từ một lối tư duy truyền thống, tư duy nông nghiệp phong kiến trì trệ khép kín sang tư duy cận đại hướng ra bên ngoài, hướng tới những giá trị mới mẻ của các nền văn minh cao hơn, phù hợp với hướng chung của thế giới. Việc lựa chọn hướng đi của Phan Châu Trinh không phải là một sự ngẫu hứng mà được suy ngẫm, đúc rút từ những kinh nghiệm đấu tranh của bản thân, quê hương, dân tộc. Như ta đã biết, ông đã từng theo cha tham gia phong trào võ trang chống Pháp và đã tận mắt chứng kiến kết cục đau thương của phong trào này. Bản quán quê hương và gia đình đã phải ly tán, chia lìa vì mang tội “theo nghịch đảng”. Ông đã quay về với sách vở thánh hiền, tham gia vào quan trường, không phải để “vinh thân phì gia” mà để thực thi chí lớn cứu nước an dân, nên đã có một cái nhìn thực tế về thực chất sự hư hại của chế độ đương thời. Do có óc quan sát đặc biệt sâu sắc và tinh tế mà ông đã đi tới quyết định trên, khác xa với những người đương thời với ông. Ngay từ 1905, cùng một hướng Nam du để khảo sát thực tiễn, bắt mạch sĩ khí dân tình, nhưng Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh lại đi tới những kết luận khác nhau. Phan Bội Châu căn cứ vào sự nhiệt tình, hăng hái chống Pháp của dân Nam để cho rằng, lòng dân Nam chịu ơn chúa Nguyễn đã nhiều, vẫn hằng thờ chúa cũ. Đây là đất chứa tiền của của cả đất nước, muốn làm bạo động võ trang ắt cần tới sự ủng hộ tài chính của dân Nam. Do vậy cần dựng một vi hoàng tộc làm minh chủ để tranh thủ sự ủng hộ nhân tài vật lực ở đây. Cũng tại thời điểm này, Phan Châu Trinh lập luận khác rằng, lòng người dân Nam yêu nước chưa bao giờ hết. Chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế quan liêu với hệ thống khoa cử cổ hủ của nó là chất độc dược làm chết lòng! Bởi vậy, việc đầu tiên là phải đánh tan tư tưởng quân chủ cổ hủ, phải đánh tan mộng khoa cử, mới mong phục hồi lại hồn nước, từ đó mới dần đi tới độc lập tự chủ. Tuy khác nhau về trình tự, nhưng sự thống nhất về đích đi tới của hai ông đều là khôi phục độc lập dân tộc. Chính cụ Huỳnh Thúc Kháng là người hiểu hai cụ hơn ai hết đã nhận xét là hai con người, hai khuynh hướng “tương phản nhi tương thành”. Trước đây, bởi ảnh hưởng quan niệm tuyệt đối hóa coi bạo lực cách mạng chỉ là bạo lực võ trang, và biện pháp đấu tranh cách mạng chỉ là đấu tranh võ trang, mà có nơi có lúc, chúng ta không chú ý khai thác cống hiến của cụ Phan Châu Trinh. Thậm chí, có người còn cho cụ là sợ Pháp, sợ vũ khí tối tân, người đại diện cho giai cấp tư sản dân tộc yếu ớt bạc nhược, nên đã lựa chọn con đường “cách mạng cải lương”. Ngay ở khái niệm cải lương này cũng là vấn đề phải xem lại. Nếu như theo quan niệm phổ biến trước đây, để tuyệt đối hóa sự đối lập không khoan nhượng giữa cải lương và cách mạng, thì cải lương phản động là tư sản, phải đấu tranh đến cùng, chống mọi biểu hiện cải lương. Khi đánh giá cụ Phan Châu Trinh là cải lương vô hình trung chúng ta đã khoác cho cụ một cái áo không vừa. Thực tế lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX đã nảy sinh ra một yêu cầu dân tộc tiến lên con đường mới. Cụ Phan Châu Trinh là nhà yêu nước chủ trương mới, canh tân nhằm phát triển đất nước. Nếu cứ theo con đường cũ, thì nước không thể không mất vào tay ngoại bang. Bấy giờ, chủ quyền ta đã lọt vào tay thực dân Pháp, thực lực của ta thì yếu kém đủ đường, nếu tiếp tục con đường bạo động võ trang, ắt cũng sẽ thất bại! Phát hiện con đường mới - con đường cách mạng ôn hòa để nâng cao trình độ dân tộc lên mức mới, là công lớn của ông. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà cả dân tộc vừa mới trải qua một cuộc chống trả quyết liệt theo kiểu phong kiến cũ và không khỏi thất bại. Khi một không khí thất bại bao trùm đất nước thì những bài thơ của ông, đặc biệt là bản “Tỉnh quốc hồn ca” đã có sức thổi bạt luồng tà khí đang vây bủa, để thức tỉnh hồn nước đang hồi mê ngủ. Nhiều lần ông khêu gợi lòng tự hào chính đáng cho dân nước: "Ngồi mà nghĩ dư đồ Hồng Việt Ta cũng là một nước Á đông Xưa nay vẫn chán anh hùng… Đất nước có lịch sử oai hùng, văn hiến rực rỡ mà sao để lọt vào tay người. Lý giải nguyên nhân mất nước ông cho là do bởi: Vua ngồi thăm thẳm cung sâu Một đời chỉ biết đè đầu dân đen Dưới đại thần đua chen tước lộc Ngoài trăm quan hì hục thân danh... Và do mặt khác nữa là trình độ mọi mặt của dân ta thấp kém thua sút so với các nước khác trên thế giới nên khi tố cáo thực dân phong kiến Phan Bội Châu nhằm mục đích kích thích lòng căm thù giặc ngoại xâm, kêu gọi đồng bào đoàn kết nổi dậy đánh thực dân Pháp. Phan Châu Trinh đã phân biệt có những người Pháp văn minh. Ông còn tập trung tố cáo những tệ nạn ở chốn hương thôn, quan trường, vua quan bù nhìn tượng gỗ. Mục đích lúc này của ông là vạch chỉ cho nhân dân ta thấy rõ tính chất thối nát bất hợp lý của thượng tầng kiến trúc đương thời. Điểm mới này rất có ý nghĩa. Bởi vì, cho đến tận trước khi xã hội Việt Nam đối diện với Phương Tây, qua một thời gian hết sức lâu dài, kiến trúc ấy đã tỏ ra có tính hợp lý cao, nó bảo đảm duy trì trật tự xã hội theo hình chóp nón, có độ ổn định tương đối. Trong xã hội cũ đã ăn sâu một tư tưởng coi trật tự đó là tiền định, được chế định bởi một lực lượng siêu nhân, có thể coi như là quy luật, Phan Châu Trinh hiểu rất rõ tính chất “thâm căn cố đế” của tư tưởng này. Ông dốc sức vào đả phá, vạch trần trật tự của chính thể đó là: Vua tôn như thánh như thần Phận tôi rơm rác, phận dân trâu bò Ông chỉ rõ, đây là chính thể độc tôn, độc đoán. Vua có quyền tối thượng về cả lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chính thể chuyên chế bóp nghẹt mọi nhân quyền và dân quyền, mọi con tim và khối óc: "Cấm chẳng cho hỏi han việc nước Cấm chẳng cho ao ước thở than… Khắp chốn công quyền đầy rẫy tệ nạn: "Người cương trực lo lui bước trước Lũ nịnh tà lần lượt đầy sân Thói tham lam nhuộm sâu đến tủy Thói tham quan như đĩ tham tiền Như thế, tại thời điểm đen tối ấy, ông đã biết đặt vấn đề phát triển, tồn vong của dân tộc vào một xu hướng rộng lớn hơn của thế giới, của khu vực đó là xu thế dân chủ tư sản. Để tìm hướng đi mới ông đã suy nghĩ về điểm mạnh, điểm yếu của dân tộc mình khi so sánh với các nước láng giềng, với phương Tây. So sánh đổi chiếu không phải là một, nhưng Phan Châu trinh đã biết vượt qua lối suy nghĩ tập tổ, “Hoa hạ man di”, vượt qua cả trình độ suy nghĩ tiểu nông hạn hẹp, dám vươn tới những mẫu hình kiến trúc mới, đặt ra vấn đề thay đổi thể chế, một việc “phạm thượng” chưa từng có trong lịch sử tư tưởng của dân tộc. Không chỉ vì trật tự Vua - Quan kiểu phong kiến đã từng kéo dài hàng trăm nghìn năm, mà điều lưu ý nữa là chế độ thực dân đang cố tình duy trì trật tự ấy, để làm công cụ cho chúng áp chế nhân dân. Tầm vóc tư tưởng của ông phải được nhìn nhận ở khía cạnh đó nữa. Tuy nhiên, trên thế giới lúc bấy giờ vấn đề dân quyền, nhân dân đang là những làn sóng sôi nổi, dội vào cả phương Đông thức tỉnh dân tộc Việt Nam. Điểm khác ở chỗ, bấy giờ Việt Nam đã mất chủ quyền, nhân dân bị giam trong ngục tối, nhưng là người hết lòng yêu nước, ông đã dũng cảm, dám chỉ ra con đường dân tộc tiến lên. Suốt cả cuộc đời ông lúc được tự do hay cả lúc bị giam cầm, khi ở Việt Nam hay ở Pháp, tất cả đều nhằm một mục đích phấn đấu làm cho dân nước thấy rằng mình có quyền, cần hướng theo tôn chỉ mới: Công quyền là thánh tự do là thần Khắp thế giới toàn dân làm chủ Cùng với các đồng chí của mình, hòa với dòng tư tưởng cách tân đổi mới xã hội, hướng tới những giá trị chung phổ biến, đang có ý nghĩa cấp thiết đối với nhân dân Việt Nam. Phan Châu Trinh đã không tiếc sức mình tuyên truyền cổ vũ cho nền dân chủ. Do điều kiện lịch sử lúc đó và do cả những hạn chế của bản thân ông mà tư tưởng dân chủ này còn nhiều điểm đơn giản và gò ép Nho hóa. Dù thế nào chăng nữa việc đưa ý thức dân quyền thật sự là một cống hiến vào sự thức tỉnh dân tộc đầu thế kỷ XX. Như trên đã nói, ông chủ trương cải cách đổi mới xã hội. Bởi vì nếu có như cũ thì dân Nam chỉ có nước chết. Họ sẽ nổi dậy đấu tranh vũ trang. Đây là con đường chết, vì nước Việt Nam là nơi nước Pháp thâu lợi quyền và do đó nước Pháp sẽ mất lợi quyền. Ông khuyên chính phủ Pháp hãy thay đổi chính sách chính trị ở Việt Nam để có thể duy trì lợi quyền của cả hai nước. Đây là cơ sở của thuyết ỷ Pháp cầu tiến bộ của ông. Thực tế đã chỉ ra đó chỉ là ảo tưởng. Hy vọng ở thiện chí của chính truyền thực dân là một khả năng không có hiện thực. Để thức dậy hồn nước, Phan Châu Trinh còn đặt ra vấn đề phản ánh rất sâu vào Nho giáo, vào nọc độc khoa cử, xương sống của nó, đả phá trật tự tiên thiên vua quan cũ kỹ. Ông dành nhiều thời gian, sức lực cho việc hạ bệ mẫu người nho sĩ đương thời với nguyên lý cũ cho rằng “Sĩ nhất tứ dân”. Đối với ông, đây chẳng phải như vậy mà là bóng người: Chẳng qua là quơ quào ba chữ May ra rồi ăn xớ của dân Ông đề ra nhiệm vụ phải xóa bỏ nhân sinh quan cũ kỹ của loại này, bắt tay vào xây dựng những quan niệm con người lý tưởng mới có trí tuệ cao xa, mang màu sắc người hùng của giai cấp tư sản đang lên. Nhưng nhìn kỹ ta vẫn còn thấy phảng phất ở đây hình ảnh người quân tử với những phẩm cách cáo đẹp cổ truyền như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Đi sâu vào tầng sâu nhất của đời sống tinh thần ông đã biết đặt vấn đề xây dựng phong tục tập quán mới tốt đẹp, chống lại những thói hư tật xấu ở chốn hương thôn mà nhiều người đã nói tới! Càng nhận thấy tính chất ưu trội của một nền văn hóa mới cao hơn, ông càng thấy phải hướng nhân dân mình theo đó, vừa cố gắng duy trì những phẩm giá tốt đẹp của văn hóa cổ truyền. Bởi vậy mà có người nói ông phê phán Nho nhưng lại đứng trên lập trường Nho. Thực ra không phải như thế, bởi vì, so với các nguyên lý Nho giáo ông đã có bước tiến vượt về căn bản, như trên đã nói. Bên cạnh đó những giá trị nhân đạo, đạo đức cá nhân của Nho giáo vẫn có ý nghĩa phù hợp trong mọi thời đại, phải kế thừa và phát triển. Đây là sự tiếp thu có phê phán rất đáng trân trọng của ông. Khác với “Lễ trị”, “Đức trị” của Nho giáo, ông chủ trương lấy pháp luật làm chuẩn mực để điều hành xã hội: ông coi Rútxô, Môngtétxkiơ là những tiền bối, sách của họ được coi là sách gối đầu giường. Ông coi học phương Tây là cần thiết, nhưng ông cảnh tỉnh luôn những người học phương Tây một cách thụ động, máy móc. Với loại sùng ngoại vô lối này, ông nói bọn họ là hủ Tây. Hủ Tây và hủ nho, đều là hạng người dân nước cần sớm lìa xa, kẻo vạ cho dân nước. Nhìn lại khoảng đầu thế kỷ XX, xã hội Việt Nam ở thời kỳ bi đát nhất, không có lối ra, trên thì chính quyền thực dân có đủ mọi mánh khóe dã man khôn khéo, giữa thì bọn tham quan ô lại mất hết tính người, dưới nữa dân ta lầm than, trình độ hết sức thấp kém, lạc hậu. Mọi nẻo đường hầu như đã bị chặn đứng. Không bó tay chờ chết, Phan Châu Trinh và các đồng chí của mình đã không tiếc sức vạch ra một hướng đi, theo dòng tư tưởng canh tân đất nước trước đây, hướng dân tộc phát triển mạnh theo con đường tư bản chủ nghĩa, hòng dần dần đưa nước ta hòa nhập vào dòng văn minh chung của thế giới. Nhân dân đã không nhầm khi đi theo ngọn cờ của các ông. Về mọi mặt dân tộc Việt Nam đã có những nhảy vọt, từ phạm trù tư duy phong kiến truyền thống sang phạm trù tư duy thời cận đại, chuẩn bị cho những bước tiếp theo. Nhìn chung, những phát hiện, đóng góp của ông có ý nghĩa tiếp nối chủ nghĩa yêu nước truyền thống, khơi dậy những giá trị tốt đẹp. Ông là đại biểu xuất sắc cho tầng lớp tri thức tiến bộ chuyển hướng tư duy dân tộc sang một thời kỳ mồi một cách chủ động tích cực, xứng đáng là nhà dân chủ tiên khu của Việt Nam đầu thế kỷ XX này. Đỗ Hòa Hới
Báo Tết hiện nay · Từ năm 1993-2009 = 600 số (40x30cm) · Trong đó có 9 số báo khổ lớn (nếu trải rộng ra): o Báo Quân Đội Nhân Dân VN: 55x42cm o Hà Nội Mới: 50x40cm o Lao Động: 56x40cm · Nặng nhất: Báo Diễn Dàn Doanh Ngiệp Xuân Nhâm Ngọ (2002): o Cỡ 40x30cm o 80 trang có 197 hình. Không kể 60 trang quảng cáo. o Nặng 0.75kg chưa kể bìa.
Hội Báo Xuân được tổ chức từ năm 1993 đến nay. Bùi Đẹp st Phụ Bản I Thủ bút của Phan Châu Trinh PTC sưu t ầm Trong những tác phẩm chính luận viết bằng Hán văn của Phan Châu Trinh (1872-1926), có một tác phẩm rất quan trọng nhưng từ trước tới nay chưa được tìm hiểu đúng mức, thậm chí ít được biết đến. Tác phẩm đó mang tên là “Pháp Việt liên hợp hậu chi Tân Việt Nam” (Nước Việt Nam mới sau khi Pháp Việt liên hợp sẽ viết là Tân Việt Nam). “Tân Việt Nam” được trước tác sau khi Phan được thả từ Côn Đảo (tháng 6, 1910) và trước khi đi Pháp (tháng 3, 1911). Ở đây chúng ta không xét dưới góc độ chính trị, và không đi sâu vào nội dung mà cụ Phan muốn nói, ta chỉ xét ở góc độ văn bản dạng viết tay (thủ bút) và Thư pháp nhằm lần tìm lại những gương mặt "chữ tốt" của Việt Nam trong lịch sử. Văn bản: Di cảo “Tân Việt Nam” là một “vị định cảo”, tức là một bản thảo chưa được sửa chữa và nhuận sắc trọn vẹn. Bản thảo gồm 42 trang chữ Hán viết tay, 31 trang đầu là phần cốt lõi của tác phẩm. Có nhiều đoạn khó đọc vì chữ viết nhỏ và thảo (ở đây chỉ tình cờ sưu lượm được hình ảnh 1 trang đầu của văn bản này). Tuy nhiên, nhìn qua trang văn bản này, thấy chữ cụ Phan viết lối hành khải đôi khi đá thảo khá nhuần nhụy, thuần thục, mạch viết thông sướng, hành bút tự nhiên rất đáng để nghiên cứu và tìm hiểu thêm về thư thủ của người chí sĩ - một nhà thơ - một nhà cựu học yêu nước này. Từ Phan Chu Trinh đến Hồ Chí Minh Thực dân Pháp xâm lược Việt Nam từ năm 1858 tới những năm trước 1905 - 1910 mới diễn ra phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và phong trào Tây Du của cụ Phan Chu Trinh. Tính ra tới 50 năm sau bị thực dân chiếm đóng, nước ta mới có phong trào ra nước ngoài để tìm đường cứu nước. Đây là thời kỳ đổi mới của cuộc đấu tranh cách mạng chống kẻ thù xâm lược ở nước ta. Như vậy, những công cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp bằng vũ trang riêng lẻ từng người hay tập hợp từng nhóm của nhân dân Việt Nam đều chưa thành công. Cả Nam, Trung, Bắc trong vòng 50 năm sống dưới chế độ cai trị của Pháp luôn có nhiều cuộc đấu tranh võ trang, khởi nghĩa rất hào hùng, dũng cảm như Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương ở miền Nam, Phan Đình Phùng ở miền Trung, Hoàng Hoa Thám ở miền Bắc và còn nhiều anh hùng, sĩ phu vì nước vì dân khác nữa, ngay như phong trào Cần Vương sớm nhất của vua Duy Tân và muộn nhất là cuộc khởi nghĩa tư sản của Quốc Dân Đảng - Nguyễn Thái Học năm 1930 nhưng đều bị thực dân Pháp dập tắt và dìm trong biển máu. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914-1918 đã giúp cho nhiều dân tộc trên thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam có cơ hội và điều kiện để giải phóng đất nước. Nhưng điều kiện tiên quyết vẫn là phải có con người lãnh đạo xuất chúng, có chính nghĩa và một đường lối phù hợp. Tới khi tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều thay đổi thì phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu và Tây du của cụ Phan Châu Trinh mới xảy ra. Chính hai nhân vật lịch sử và hai phong trào tiêu biểu này đã có tác động trực tiếp tới một thanh niên. Đó là Nguyễn Tất Thành tức Hồ Chí Minh sau này. Cả hai đều là nhà Nho – sĩ phu yêu nước đồng khoa với cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Nguyễn Tất Thành – đều đậu Phó bảng và đều làm việc ở Bộ Lễ của triều đình nhà Nguyễn. Riêng cụ Phan Chu Trinh với phong trào chống thuế ở Quảng Ngãi đã lôi cuốn đông đảo học sinh Quốc Học Huế, trong đó có Nguyễn Tất Thành. Khi vào Sài Gòn, thầy giáo Thành lại càng có thêm tầm nhìn ra nước ngoài, được thu hút bởi hai phong trào của hai sĩ phu tiêu biểu cho xu hướng ra nước ngoài tìm đường cứu nước (1911). Do đó mà thanh niên Nguyễn Tất Thành đã trực tiếp noi gương ông cha họ Phan, quyết tâm lên tàu hàng Pháp ở bến Nhà Rồng vượt biên với tên Văn Ba để có cơ hội đi tới nhiều nước trên thế giới. Khi ở đất Pháp, chính Nguyễn Tất Thành có lúc ở chung với cụ Phan Chu Trinh và làm cùng nghề vẽ, sửa ảnh, viết báo. Đặc biệt nhất, giữa lúc nôn nóng cứu dân cứu nước, cả cụ Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành và luật sư yêu nước Phan Văn Trường ở trong Đảng xã hội Pháp, đã có chung một tư tưởng hợp tác biên soạn “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” gởi cho hội nghị Versailles được ký tên Nguyễn Ái Quốc. Bởi vì lúc này cả ba người đều đứng ra thành lập “Hội những người Việt Nam yêu nước” để có cơ sở lên tiếng đòi độc lập, tự do cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Sổ tay “Báo cáo viên năm 2005 của Ban TT-VH TW, trang 206” cho biết: “Khoảng đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc vào Đảng Xã hội Pháp, sau khi từ các nước và Anh trở lại Pháp. Ngày 18/6/1919, thay mặt “Hội những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tên mới của Nguyễn Tất Thành) gởi đến hội nghị Versailles bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam”… Tháng 7/1919, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến nhà số 6 phố Villa De Gobelin quận 13 Paris ở chung với luật sự Phan Văn Trường và cụ Phan Chu Trinh.” Mặc dù vậy, Bác Hồ lúc đó tuy ở chung nhà “đồng sàn” nhưng lại “dị mộng” nên vẫn không đồng tình với xu hướng “cải lương” của cụ Phan. Kịp đến ngày 17/7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm của V.I. Lê Nin “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo L’Humanité số ra ngày 16 và 17/7/1920 (sđd trang 208) đã thốt lên đầy sung sướng đến chảy nước mắt vì đã tìm ra “con đường cứu nước” – C on đường đã dẫn tôi tới chủ nghĩa Lê Nin . “Luận cương của Lê Nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên...” (Hồ Chí Minh – Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, NXB Sự Thật, 1970, trang 228). Cụ Phan về nước năm 1925 và mất tại Sài Gòn tháng 3/1926. Cùng với cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh đã mở đường ra nước ngoài tìm cơ hội cứu nước nhưng đều không thành công do chưa tìm được một đường lối, học thuyết nào phù hợp. Kể cả Bác Hồ lúc đầu, đấu tranh với kẻ thù chỉ bằng lời lẽ, văn bản điều trần thì không thể lay chuyển nổi tình thế. Nhưng rồi dịp may đã tới, một mình Bác Hồ đã nhanh chóng đến với Lê Nin, với Mác, với Ăng Ghen lãnh tụ của giai cấp công nhân, đảng cộng sản của đất nước làm nên cuộc cách mạng tháng 10/1917 vĩ đại và Quốc tế cộng sản. Từ đó, Bác Hồ đã có con đường cứu nước đúng đắn và hiệu quả làm nên điều kỳ diệu cho đất nước và dân tộc. Vương Liêm
NHÂN VẬT SỬ VIỆT PHAN CHÂU TRINH Phan Châu Trinh hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, quán làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông đậu phó bảng khoa Tân Sửu (1901) trào Thành Thái, làm quan với chức Trước Tác. Hấp thụ những tư tưởng mới Âu Tây nên Phan Châu Trinh từ quan, về lo việc cứu dân; vào Nam ra Bắc, hô hào vận động đề xướng tân học, bỏ lối khoa cử cũ. Năm 1906 ông sang Nhựt Bổn tìm Phan Bội Châu trao đổi chánh kiến đặng tiến hành việc giải thoát ách đô hộ cho đồng bào. Về nước ông làm bổn điều trần gởi lên chánh phủ Pháp giãi bày những hiểm tượng của xứ Đông Dương và vạch rõ tình cảnh lầm than của dân chúng trong nước. Năm 1908 ở Hà Nội có cuộc chống thuế ông bị bọn đố kỵ phao vu cho ông cầm đầu vụ ấy nên ông bị bắt giải về Huế, giam vào hộ thành bị xử án và đày đi Côn Đảo. Lúc ấy ông mới 37 tuổi. Ngày bị đưa đi đày ông khẩu chiến một bài thư rằng: Luy Luy thiết tỏa xuất đồ môn Khẳng khái bi ca thiệt thượng tồn Cố quốc luân vong dân tộc lụy Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn? Ông Minh Viên dịch rằng: Xiềng gông cà kệ biệt đồ môn, Khẳng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn! Đất nước đắm chìm nòi giống mõn Thân trai nào sợ cái Côn Lôn? Theo ông Minh Viên viết trên báo “Tiếng Dân” ở Huế thì Phan Châu Trinh là người chánh trị phạm thứ nhất đứng đầu cuốn sổ tù Côn Lôn và là ngôi sao sáng trong “Thi tù quốc sự” ở Côn đảo. Mấy tháng đầu, ông và các bạn tù quốc sự còn bị cấm cố trong khám, sau được ra đập đá ở sau “banh”. Ông làm bài thi “đập đá”: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn, Lừng lẫy làm cho lở núi non. Xách búa đánh tan năm bẩy đống Ra tay đập vỡ mấy trăm hòn Tháng ngày bao quản thân sành sỏi Mưa nắng càng bền dạ sắt son. Những kẻ vá trời khi lỡ bước Gian nan chi kể chuyện con con! Một ký giả Pháp mà cũng là một chiến sĩ xã hội là ông A.E. Babut triệt để bênh vực Pháp vì ông Babut biết ông Phan vô tội. Hồi năm 1907, ông Babut được biết Phan Châu Trinh khi ông Phan ra Bắc diễn thuyết tại Đông Kinh Nghĩa Thục. Lúc ấy, ông Babut chỉ huy tờ “Đại Việt Tân Báo” là tờ báo quốc ngữ thứ nhất xuất bản ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, vừa bằng chữ Nho vừa bằng chữ Việt, vì hồi đó chữ quốc ngữ chưa lan rộng các nơi. Phần chữ Nho do ông Hoàng giáp Đào Nguyên Phổ phụ trách, phần chữ Việt do ông Phạm Duy Tốn đảm nhiệm. Khi ông Đào Nguyên Phổ từ trần thì ông Babut mời Phan Châu Trinh thay thế cho ông Đào. Ông Pham nhận lời. Vì tờ Đại Việt sống dưới quyền kiểm soát của chánh phủ nên Babut lên phủ Thống sứ Bắc kỳ báo tin sự lựa chọn biên tập viên của ông. Phủ Thống Sứ cho rằng sự lựa chọn ấy không được đường hoàng cho lắm vì Phan Châu Trinh sắp bị bắt, làm cho ông Babut rất ngạc nhiên. Sau đó, Phan Châu Trinh bị bắt thật và đưa từ Hà Nội về Huế, giao cho các quan lại Việt Nam xét xử. Đồng thời với tạp chí “Đại Việt”, ông A. E. Babut xuất bản một tuần báo bằng tiếng Pháp lấy tên là “Pionnier Indochinois”. Liền sau khi hay tin Phan Châu Trinh bị bắt, ông Babut liền đăng một bài trong tuần báo này để phản kháng. Trong bài ấy, ông Babut đề quyết rằng Phan Châu Trinh vô tội và ông cảnh cáo chánh phủ Pháp rằng nếu ông Phan bị kết án tử hình và bị hành quyết thì chánh phủ Pháp phải chịu trách nhiệm. Sau đó Phan Châu Trinh bị tử hình mà được hưởng án treo và bị đưa ra Côn Đảo. Ông Babut thường viết thơ ra Côn Đảo cho Phan Châu Trinh hay rằng ông Phan không bị bỏ quên đâu, các bạn hữu vẫn săn sóc đến. Hồi năm 1908 ông Babut về Pháp. Ban Trung ương Hội Nhân Quyền mời ông Babut đến bày ý kiến. Ông này bèn thuật rõ trường hợp của Phan Châu Trinh. Hội bèn ủy thác cho hội trưởng, ông Francis de Pressensé, nghị sĩ xã hội ở Lyon, nhiệm vụ chất vấn Chánh phủ về những áp bức và các việc bất hợp pháp xảy ra ở Đông Dương. Cuộc chất vấn ấy có tiếng dội rất lớn lao. Toàn quyền Đông Dương hồi ấy là ông Klobukowski bị triệu về Pháp và ông Picquié, tổng thanh tra thuộc địa, được gởi sang Đông Dương, quyền chức Toàn quyền. Sự tình cờ xui khiến, khi ông Picquié xuống tàu ở Marselle để qua Đông Dương, ông nhận được một số “Grande Revue” trong đó có đăng một bài dài của ông Babut, đề tựa là “Vụ Phan Châu Trinh”. Liền khi tới Sài Gòn, ông Picquié phái vị Thống Đốc Nam Kỳ đi Côn Lôn viếng Phan Châu Trinh. Phan Châu Trinh có một thái độ rất xứng đáng và can đảm. Ông không “lạy” mà chỉ nói với đại diện vị Toàn Quyền rằng: “Nước Pháp đã đưa tôi ra đây, nếu nước Pháp thấy rằng bất công thì nước Pháp cứ việc đưa tôi về xứ”. Thái độ của ông bị Thống Đốc Gourbeil cho là thiếu lễ độ nên ông làm phúc trình nói ông Phan vẫn giữ đầu óc như trước, nên tốt hơn là cứ để ông ở Côn Đảo. Khi ông Picquié mời ông Babut đến văn phòng của ông cho biết bổn phúc trình của ông Thống Đốc, thì nhà Ký giả Babut liền nói rằng đó là một lời xét đoán cẩu thả. Ông Picquié là một người minh mẫn, có óc quảng đại và tư tưởng cấp tiến tỏ cho ông Babut thấy rằng ông cũng đồng ý. Nhưng ông Picquié được quyền chức Toàn quyền có 6 tháng. Trước khi về Pháp, ông Picquié kêu ông Babut tới và nói cho hay: “Không phải tôi sẽ ân xá ông Phan Châu Trinh. Nhưng ông hãy yên chí rằng khi ông Klobukowski ở Pháp trở qua, ổng sẽ ân xá”. Quả nhiên, sau đó có một chiếc tàu đặc phái ra Côn Đảo đưa Phan Châu Trinh về Sài Gòn. Phan Châu Trinh được qua Pháp với con trai là Phan Châu Dật và được lãnh một số trợ cấp cho con đi học. Ông Babut thuật rằng: “Rồi chiến tranh 1914 xảy ra. Những tay thực dân địa phương không tiêu hóa nổi việc trả tự do cho ông Phan bèn ước định rằng đã đến lúc họ nhúng tay vào việc. Họ tố cáo ông là gián điệp của Đức. Phan Châu Trinh bị bắt cùng với trạng sư Phan Vân Trường, bị cảnh cáo cùng một tội rồi bị giam ở khám đường Cherche – Midi. Sau ông Moutet cứu được cả hai. Dầu lời tố cáo vô căn cứ, Phan Châu Trinh cũng mất số tiền trợ cấp và ông phải làm nghề chụp hình phóng đại để sống”. Năm 1917, ông Babut về Pháp nhập ngũ trong cuộc chiến tranh 1914-1918. Ông gặp Phan Châu Trinh ở Paris và hai người thành bạn thân. Chừng 10 năm sau, trước khi trở về nước, Phan Châu Trinh đến từ biệt ông Babut ở hạt Oise. Về nước, Phan Châu Trinh trú ngụ tại nhà ông Nguyễn An Ninh ở Quán Tre. Năm 1925, Phan Châu Trinh diễn thuyết hai lần ở hội quán thanh niên ở Sài Gòn về “Luân lý và Đạo đức Đông Tây” cùng thuyết “Dân tri, Quân trị”, ông ngang nhiên bài bác quân quyền ca ngợi dân quyền là thuyết được hầu hết các nước văn minh trên thế giới hâm mộ. Công chúng hoan nghinh nhiệt liệt. Phan Châu Trinh sanh năm Tân Mùi (1871) từ trần ngày 24 tháng 3 năm 1926 tại Sài Gòn. Hay tin Phan Châu Trinh từ trần, đồng bào ở hải ngoại vô cùng xúc động, tiếc thương. Còn đồng bào trong nước cũng vậy, rủ nhau làm lễ truy điệu một cách trọng thể. Không những nam nữ học sinh các trường tự động chịu tang đến thầy thợ người bán rong cũng tỏ lòng ai điếu. Trong Nam các báo đều mang dấu tang. Linh cữu quàn bảy ngày trong một căn nhà ở đường Pellerin cho dân chúng kéo nhau đến chiêm bái. Ở Hà nội lễ Truy điệu cử hành tại đền Hai Bà Trưng. Đỗ Thiên Thư st Chân thành tưởng niệm Cụ PHAN CHÂU TRINH (1872-1926) “Tai nghe súng nổ cái đùng Tàu Tây đã tới Vũng Thùng anh ơi!” (1)
Chiến chinh tàn phá khắp nơi Dân tình đau khổ, cuộc đời tang thương Càng lúc càng trầm trọng hơn Giấc mơ “chuộc đất” mỏi mòn, hoang liêu
Cả miền Lục tỉnh phì nhiêu Rơi vào tay giặc, tiêu điều xác xơ Ở ngay trước ngõ Cố đô Người dân mục kích cơ đồ vỡ tan
Đuy-puy ngỗ ngược hoành hành Triều đình nhu nhược cũng đành bó tay Gác-niê táo tợn đánh ngay Vào Hà Nội suốt đêm ngày lửa binh
Sĩ dân chống đối hết mình Bọn xâm lược phải thuận tình đổi trao Mưu toan chiếm đất về sau Chiếm Hà Nội, đánh thẳng vào Thuận An
Đóng quân ngay giữa nội thành Hàm Nghi thất bại nên đành rút quân Bao nhiêu sự kiện đến gần Quê hương câu bé họ Phan lên mười.
Bắt đầu tiếp xúc với đời Sớm suy nghĩ hiểu những lời thiệt hơn Nghe người bàn tán xót thương Thứ - Khiêm cải cách, tự cường tội oan (2)
Chung quanh thân thuộc họ hàng Nhiều người chết trận, sẵn sàng hy sinh Làm xao lòng cậu bé Trinh Quyết tâm học võ, quyết dành tự do.
Mong dân chúng được ấm no Hiệu – Dư (3)Nghĩa hội, kéo cờ Cần Vương Đã thu thắng lợi can cường Cuối cùng dao động, chiến trường lung lay
Kẻ thù ám hại Cha đây Gia đình kinh hãi chứa đầy lo âu Tuổi thiếu niên, mãi về sau Dập dồn ấn tượng, ghi sâu trong lòng
Qua cơn loạn lạc non sông Cậu Phan đỗ đạt, thành công lẫy lừng Cùng Huỳnh – Trần – Nguyễn (4) oai hùng Họp thành tứ kiệt, kiên trung diệu kỳ
Vua ban “Ngũ Phụng Tề Phi” Tài năng lỗi lạc, việc gì cũng hay Đối phương bị khuất phục ngay Văn chương, biện luận phân bày tuyệt chiêu
Cuối thế kỷ, ngọn thủy triều Nghĩa quân Yên Thế vẫn nêu ngọn cờ Dư ba xáo động thời cơ Buộc người ngoài chẳng hững hờ nhìn xa
Nhật duy tân, đánh bại Hoa Bao lần chính biến, nước nhà lao đao Học trò giỏi chợt xôn xao Tìm tòi sách báo, biện bao mọi bề
Cùng đàm đạo những vấn đề Chiến tranh thời cuộc, tình quê ngập tràn Khoa Canh Tý – đỗ Cử nhân Năm sau Phó bảng làm quan triều đình
Tuy nhiên, chẳng quản hiển vinh Không nuôi ảo vọng, lợi danh chức quyền Viết về cuộc sống vô duyên “Kinh thành Nguyên Đán” của tiền hư vô
Ông mượn tiếng hát cuộc cờ Nói lên tình cảnh lơ ngơ, bù nhìn Xóa hoàng hôn, đổi bình minh Vẫn nuôi chí lớn “Giáp Thìn hồi thiên”.
Chủ trương cuộc sống tự nhiên Gởi tâm sự lớn, tâm tuyền, thơ văn Vấn vương người đẹp con quan Đánh cờ, đọc sách, hòa đàn, ca ngâm
Nhưng khi thấy vợ âm thầm Việc nhà lam lũ, lo chăm cần cù Ông bèn kiên quyết tạ từ Nhiệt tình đất nước, hận thù dâng cao
Phục tài đảm lược cụ Châu (5) Gặp nhau ở Huế, lần đầu kết thân “Xưa nay hào kiệt muôn vàn Đem thân đổi lấy giang san là thường” (*)
Nhưng ông bài bác chủ trương Duy trì quân chủ, đế vương lỗi thời Ước mơ cuộc sống tuyệt vời Toàn dân hạnh phúc, nơi nơi yên bình
Tiến hành khảo sát dân tình Cùng hai đồng chí (6) đăng trình vào Nam Ông rằng: “Sĩ khí nhân dân Bị thời chuyên chế ươm mầm quan liêu”
Rất cần kích thích lòng yêu Giang san tổ quốc, phong trào dài lâu Văn chương thơ phú làm đầu “Chí Thành Thông Thánh” Phan Châu Trinh đề.
Gọi nhân dân sớm quay về Thù nhà nợ nước, tình quê đáp đền Luôn nuôi chí lớn vững bền Ngu Công, Tinh Vệ, gương kiên nhẫn còn
Dù cho sông cạn núi mòn Lòng yêu nước mãi sắt son vững vàng Khi ông vào đến Nha Trang Thình lình phát hiện giặc đang tiến vào
Đại quân chuẩn bị theo sau Tiến lên biển bắc, ào ào sục sôi Tiếp thu, nhận rõ khúc nôi Văn minh, một vực một trời cách xa
Thời gian dưỡng bệnh, ông và… Anh em họ Nguyễn (7) mở ra học đường Công ty, xưởng dệt hội buôn Khiến cho Phan Thiết khơi nguồn vươn lên
Chủ trì, bàn luận chẳng nên Nôn nao, bạo động – xây nền Duy Tân Truyền tin rộng khắp nhân dân Phong trào, trách nhiệm Huỳnh-Trần lo toan
Hùng hồn, linh hoạt: Cụ Phan Vào Yên Thế - Hoàng Hoa Thám – hùm thiêng Để tìm hiểu hoạt động riêng Sau vào Nghệ Tĩnh, gặp hiền sĩ Ngô (8)
Dư vang của cuộc Nam du Nhân dân biết tiếng, sĩ phu học hành Cụ Phan nhanh trí nhiệt thành Gan dạ, xông xáo đấu tranh miệt mài
Đưa thanh niên học nước ngoài Chủ trương kiên quyết chống, bài ngoại xâm Mong khai dân trí chuyên tâm Chẳng nhân nhượng Pháp, đập tan cường hào.
Thơ văn đề xướng kết giao Cho dân giác ngộ, đồng bào yên vui Đinh ninh, định kiến hẳn hòi Tăng thêm nhuệ khí, diệt loài gian manh
Dũng cảm, ý chí, tự tin Sĩ phu sùng bái, hết mình noi theo Thương yêu cứu giúp dân nghèo Dù cho vượt thác băng đèo cũng cam
Thẳng tay tố cáo quan tham Hà hiếp, bóc lột – Việt Nam não nề Cụ Phan chu đáo trăm bề Quang minh chính đại, lời thề thiêng liêng
Bứt tung khỏi ách xích xiềng Nội tình, ngoại thế, dân quyền phân minh Nhu cầu khôi phục hồi sinh Thoát nghèo, vượt khó dân lành yên vui
Sao cho khỏi cảnh ngậm ngùi Thoát vòng bảo hộ, ngọt bùi đắng cay Ông vạch mặt lũ tay sai Chỉ lo hưởng lợi, chẳng thay đổi gì
Trở về xứ Quảng tường tri Khích viên cố đạo giúp thi hành liền Bốn mươi trường học dựng lên Võ, Văn, Quốc ngữ lập nền thịnh hưng
Cụ Phan hoạt động không ngừng Khuyên dân cải cách, xin đừng đam mê Dị đoan cờ bạc rượu chè Phát huy quá khứ thần kỳ liệt oanh
Siêng năng cố gắng học hành Duy Tân – chí hướng đấu tranh sinh tồn Viết bài ca “Tỉnh Quốc hồn” Gọi kêu, khuyến cáo phải khôn-mạnh-giàu.
Học nghề, phấn đấu tầm cao Anh em phải biết giúp nhau thật lòng Không áp bức, chẳng cúi lòn Xây nền tự chủ, Cháu con quật cường
Biết đoàn kết, biết yêu thương Nông đoàn hợp tác, trồng bông nuôi tằm Khai hoang tiết kiệm chuyên cần Hãng buôn, cơ sở do dân tự làm
Ông khôn khéo lúc mạn đàm Cám ơn, lịch lãm, thâm trầm, tự nhiên “Trăm năm biển khổ chìm thuyền Tự do là thuốc chữa chuyên cõi đời” (*)
Đông Kinh Nghĩa Thục kính mời Ông ra diễn giảng, thức thời, cao siêu Ông từng đăng, viết rất nhiều Trên báo Đại Việt, đã nêu chủ đề
“Thi tù tùng thọai” (9) nói về Châm ngôn, tư cách tinh vi tận tường Tình hình thế sự nhiễu nhương Biểu tình, vây phủ huyện đường ngày đêm
Bao vây bắt Lãnh binh Điền Cùng Đề đốc Tuệ ở miền Hòa Vang Tòa Khâm Sứ khống vu Phan Chủ mưu chống thuế, xui dân lộng hành
Bèn cho cảnh sát quân binh Giải Phan vào Huế tường trình lý do Hội Đồng Cơ Mật thăm dò Điêu ngoa, chất vấn, mưu mô đã rồi
Nhưng ông khẳng khái phản hồi Thượng thư cứng họng mới bôi bác vào Định sang Nhật, chống sưu cao Làm thơ kêu gọi, xuống tàu đi Nga
Cuối cùng kết án đày ra Ngoài Côn Đảo vắng gần ba năm tròn Một chín mười một (1911) cùng con Đáp tàu sang Pháp với đoàn Đông Dương
Ở Paris phải tính đường Gặp nhiều nhân vật, tìm phương điều trần Giải bày tố cáo thực dân Hành vi bạo ngược, bọn quan cậy quyền
Áng văn tiêu biểu đầu tiên Nặng tình cảm, ý thức xuyên tim hồng Tài hùng biện luận, dung thông Trình bày nỗi khổ, bất công đọa đày
Kẻ nghèo đói khát trắng tay Hàm oan, họa gởi tai bay vào mình “Lại còn trần pháp nghiêm hình Tự do là giặc, nhiệt tình là gian” (*)
Nổi sôi vô hạn, kêu oan Già nua, bệnh tật, suy tàn đớn đau Tình đồng chí nghĩa đồng bào Tuôn theo ngọn bút, dạt dào tri ân
Phải ân xá hết tù nhân Ông đòi chân lý, cân phân rạch ròi Trọn lòng yêu nước thương nòi Ông đe dọa Pháp, đứng ngồi không yên
Bức thư đạt kết quả liền Các tù chính trị, an nhiên đề huề Phục hồi học vị về quê Dư luận quần chúng hả hê, rỡ ràng
“Trung kỳ dân biến tụng oan…” Nội dung tập ký gởi toàn quyền Tây Suốt thời gian ở Mạc-xây Phan luôn tích cực, thẳng ngay kiên cường
Nói về bạo động Đông Dương Chở che, bênh vực đồng hương nhiệt tình Duyên may gặp Nguyễn Tất Thành Giao lưu, trao đổi và bình luận thơ
“Giai nhân kỳ ngộ” mong chờ U, Lan, Tấn Sĩ bơ vơ nửa chừng Đại chiến thế giới nổ bùng Pháp gây khó dễ, gọi Trường với Trinh (10)
Buộc ông gia nhập nhà binh Bắt gian, vu cáo, linh tinh chất chồng Tên quan ba Pháp Ca-rông Đặt điều, khống chế, nhốt trong ngục tù
Bạn thân ông – Thiếu tá Ru Lập hồ sơ án, giả mù sa mưa Trong tù ông vẫn làm thơ Không hề nao núng, giả vờ đùa chơi.
Bọn quan hãnh tiến đắc thời Câu thơ “Nước lụt, chó ngồi…” cợt trêu Bị giam, khốn khó trăm điều Con mất học bổng, vợ yêu qua đời.
Gian truân chẳng nói nên lời Không đủ bằn cớ, chúng thời lặng câm Tháng Tám, một chín mười lăm (8/1915) Ra tù, chưa có việc làm sinh nhai
Long đong cảnh ngộ cả hai Cha con, câu cá, làm thuê, chụp hình Chuyển về tỉnh nhỏ mưu sinh Khó khăn chồng chất điêu linh cơ hàn.
Niềm tin trong suốt thời gian Là nhiều thư Nguyễn Tất Thành gởi trao Hai ông hợp lực cùng nhau Rửa phim, chữa ảnh, trồng rau, họa vần
Cùng Văn Trường kết bạn thân “Ba tay phiến loạn An Nam” dạn dày (11) Về sau Phan đến Mạc-xây Làm quen các thủy thủ này: Việt Nam
Pháp tuy chiến thắng rộn ràng Nhưng kiệt quệ chẳng mở mang được gì Rước vua Việt đến Paris Phô trương dốt nát, tự ti quê mùa
Phan viết bức “Thất Điều Thư” Kể bày bẩy tội lỗi như tường trình Làm theo các nước văn minh Tấn công thủ đoạn van xin lợi quyền
“Cháy nhà chó dại thằng điên Cũng nghề bán giấy kiếm tiền cho qua” (*) Văn chương “Tỉnh Quốc Hồn Ca” Tập hai - ấm áp thiết tha nồng nàn
Một chín hai hai (1922) cụ Phan Gởi thơ cụ Nguyễn (12) luận bàn nhủ khuyên Dựa vào lý thuyết dân quyền “Dung nội triệt ngoại” đưa thuyền ra khơi
Tiếng bom Sa Diện long trời Của Phạm Hồng Thái, đổi đời cụ Phan Được về đất nước Việt Nam Sau lưu vong suốt mười lăm năn dài.
Đã từng tủi hận chua cay Tang thương, thiếu thốn, yếu gầy ốm đau Ông Phan đánh điện yêu cầu Khoan hồng, ân xá Bội Châu đồng thời…
Ngưng ngay kế vị nối ngôi Của vua Khải Định suy đồi bất minh Nói về đạo đức lòng tin Phong tục tập quán, lý tình đông tây
Lòng chung thủy chẳng đổi thay Ông nêu luận điệu lâu dài sâu xa Lời tâm huyết thật chan hòa Ý tình mạnh dạn đậm đà cao thâm
Cuối năm một chín hai lăm (1925) Bệnh suy nhược nặng, đã xâm phạm vào Ruột gan nội tạng tiêu hao Cả hai bác sĩ đồng bào cử ra
Chữa cho ông cũng thật thà Rằng không cứu vãn, thế mà ông vui Chỉ đau có chút xíu thôi Nếu cần bàn định, thì rồi sẽ qua
Ngày hai mươi bốn tháng ba (24/3) Một chín hai sáu (1926) ông xa cõi đời Hưởng năm mươi bốn (54) tuổi trời Lễ tang hàng chục vạn người tiễn đưa.
Nỗi đau biết mấy cho vừa Trầm hương, hoa nến, trống chưa ngớt hồi Nhiều đô thị ở khắp nơi Thành tâm vọng điếu, nghẹn lời tiếc thương
Thơ ca, sự nghiệp văn chương Sáng soi vằng vặc, chủ trương tuyệt vời Tinh thần bất khuất không rời Tô nền văn học chói ngời nghĩa nhân
“Dân ta là thánh là thần Bền gan chắc dạ quỷ thần cũng kiêng” (*) Ngàn Phương ------------------- (1) Ca dao (2) Phạm Phú Thứ - Ông Ích Khiêm (3) Nguyễn Duy Hiệu – Trần Văn Dư (4) Huỳnh Thúc Kháng – Trần Quý Cáp – Nguyễn Đình Hiến (5) Cụ Phan Bội Châu (6) Huỳnh Thúc Kháng – Trần Quý Cáp (7) Nguyễn Trọng Lôi (con cụ Nguyễn Thông) (8) Ngô đức Kế (9) Thơ cụ Huỳnh Thúc Kháng (10) Phan Văn Trường – Phan Châu Trinh (11) Câu nói của mật thám Pháp (12) Cụ Nguyễn Ái Quốc (*) Thơ của cụ Phan Châu Trinh Loạt bài kỷ niệm 4 năm ngày mất của nhà thơ Cù Huy Cận Nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày mất của nhà thơ Cù Huy Cận, Bản tin Câu Lạc Bộ xin trích đăng một số bài nhân định và đánh giá về ông của các nhà phê bình trong và ngoài nước do thành viên Phạm Thế Cường sưu tầm. |
Cù Huy Cận (1919-2005) Tiểu sử • Tên thật Cù Huy Cận, sinh ngày 31 tháng 5 năm 1919, quê làng Ân Phú huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; cha là một nhà nho. • Thuở nhỏ học trường làng, đậu Tú tài Tây ở Huế ; đến 1939 ra Hà Nội học trường Cao Đẳng canh nông ở phố Hàng Than cùng với Xuân Diệu và 1943 tốt nghiệp Kỹ sư Canh nông. • Tham gia phong trào Việt minh từ năm 1942, từ năm 1945 là Thứ trưởng rồi hàm Bộ trưởng, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ. • Làm thơ từ 1934, đăng thơ từ năm 1936. Tác phẩm tiêu biểu gồm có các tập thơ: Lửa Thiêng (1940), Kinh Cầu Tự (1942), Vũ Trụ Ca (chưa in, 1942-43), Trời Mỗi Ngày Lại Sáng (1958), Đất Nở Hoa (1960), Bài Thơ Cuộc Đời (1963), Những Năm Sáu Mươi (1968), Cô Gái Mèo (1972), Chiến Trường Gần Chiến Trường Xa (1973), Ngày Hằng Sống Ngày Hằng Thơ (1975), Ngôi Nhà Giữa Nắng (1978). • Là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của phong trào Thơ Mới, thơ ông có một bản sắc và giọng điệu riêng, có chiều sâu xã hội cũng như triết lý. Thơ Huy Cận mang một nỗi buồn sâu lắng, miên man, ảo não và thảm đạm; nỗi buồn của “đêm mưa”, của “người lữ thứ”, nỗi buồn của “quán chật đèo cao”, của “trời rộng sông dài”. Tác phẩm chọn lọc: - Tràng Giang - Ngậm Ngùi - Áo Trắng - Đi Giữa Đường Thơm - Tình Tự - Chiều Xưa - Thu Rừng - Buồn Đêm Mưa - Vạn Lý Tình - Học Sinh - Buồn Cù Huy Cận - Đời và Thơ Huy Cận sinh ra và gắn bó tuổi thơ với vùng quê Ân Phú, cạnh dòng sông La, nằm ở chân núi Mồng Gà, cảnh núi sông đẹp nhưng vắng vẻ hiu hắt. Huy Cận đã từng tâm sự: “Tôi sinh ra ở miền sơn cước Có núi làm xương cốt tháng ngày Đất bãi tơi làm ra thịt mát Gió sông như những mảng hồn bay …” (Tôi nằm nghe đất) Tuy sống ở quê hương Ân Phú chưa đến 10 năm, nhưng vẻ đẹp buồn bã của thiên nhiên đất nước nơi đây đã góp phần quan trọng tạo nên một hồn thơ độc đáo. Từ giã quê nhà từ thuở hoa niên, Huy Cận được người cậu đưa vào Huế học hết tú tài. Nơi xứ sở đẹp và thơ mộng này, cái duyên đời và duyên thơ của Huy Cận đã bén cùng Xuân Diệu để tạo nên một “trái đôi” hiếm thấy giữa đời. Cuộc tao phùng Huy - Xuân là sự gặp gỡ của hai tâm hồn “đồng thanh tương ứng”. Ngay từ buổi tựu trường năm 1936, vừa gặp lần đầu mà hai người cảm thấy gần gũi thân thiết “ gặp hôm nay nhưng hẹn đã ngàn xưa” và đôi bạn tri âm tri kỷ này đã gắn bó với nhau hơn nửa thế kỷ trên dương thế. Năm 1937, Xuân Diệu ra Hà Nội học Cao đẳng Luật và viết báo “Ngày nay”. Tết Mậu Dần (1938) bài thơ “ Chiều xưa” của Huy Cận và bài “ Cảm xúc” của Xuân Diệu cùng được đăng trên báo “Ngày nay”. Tháng 10.1939, Huy Cận ra Hà Nội học Cao đẳng Nông Lâm và hai người cùng sống với nhau ở căn gác nhà số 40, Hàng Than. Hai người vừa học tập vừa say mê sáng tác văn chương và trở thành những nhà thơ hàng đầu của phong trào Thơ mới. Năm 1940, “ Lửa thiêng ”, tập thơ đầu tay của Huy Cận, với Lời Tựa của Xuân Diệu, ra mắt bạn đọc tạo được tiếng vang lớn trên thi đàn. Có thể nói đây là tập thơ hay toàn bích, nhuần nhị, đằm thắm, hài hòa Đông - Tây, kim - cổ, kết tinh nhiều giá trị văn hóa truyền thống, là tập thơ hay nhất của Thơ mới. “Lửa thiêng” man mác, dằng dặc nỗi buồn. Trong lịch sử thơ ca dân tộc có nhiều tác phẩm thể hiện nỗi buồn nhưng không có tập thơ nào nỗi buồn được nói lên một cách đa dạng, lắm cung bậc và nhiều sắc thái như “Lửa thiêng” của Huy Cận. Lúc nghe lòng mình hay ngắm nhìn ngoại cảnh, nhà thơ đều dễ gặp nỗi buồn. Nỗi buồn tưởng như vô cớ, như nghiệp dĩ nhưng thực chất có cội nguồn từ đặc điểm tâm hồn thi nhân và đời sống xã hội. Nỗi buồn của Huy Cận thời “Lửa thiêng” là nỗi buồn nhân thế, nỗi buồn của người dân mất nước ý thức sâu sắc về cảnh ngộ non sông và thân phận con người. Nhà thơ buồn vì kiếp người nô lệ đau khổ và khao khát biết bao cuộc sống tự do, hạnh phúc. Tình cảm yêu đời, yêu người, yêu nước tha thiết của thi nhân trong xã hội cũ đã biểu hiện một phần trong nỗi đau đời quằn quại. Yêu đời và đau đời như là âm bản và dương bản trong tâm hồn Huy Cận. “Lửa thiêng” không chỉ có nỗi buồn mà còn có những niềm vui. Trong tâm hồn Huy Cận có một mảng rất hồn nhiên, tươi trẻ thường hướng về những gì non tơ, trong trắng, thơ mộng. Nhờ thế mà nhà thơ có rất nhiều bài thơ hay về tuổi thiếu niên, tuổi áo trắng học trò. Những bài thơ “ Tựu trường”, “Học sinh”, “Áo trắng” mãi mãi là bạn tâm giao của nhiều thế hệ học sinh, sinh viên và tất cả những ai còn giữ được “trái tim run run trăm tình cảm rụt rè ”. Thơ Huy Cận rất nhiều không gian. Tâm hồn nhà thơ lúc nào cũng hướng tới sông dài trời rộng để thoát khỏi không gian chật chội tù túng của xã hội đương thời và cũng để trở về cuội nguồn thiên nhiên, cuội nguồn dân tộc. Thơ đối với Huy Cận là phương tiện màu nhiệm để giao hòa, giao cảm với đất trời, với lòng người, là chiếc võng tâm tình giữa tâm hồn mình với bao tâm hồn khác. Nhưng trong cuộc đời cũ, nhà thơ khó tìm được niềm đồng cảm nên dễ rơi vào tâm trạng cô đơn. Sau năm 1940, thơ Huy Cận càng có khuynh hướng siêu thoát vào vũ trụ vời xa. Đó là cuộc hành trình của một tâm hồn chối bỏ thực tại để tìm đến miền thanh cao, trong sạch. Khi đang bế tắc về tinh thần thì may mắn thay, năm 1942, Huy Cận đã gặp ánh sáng cách mạng soi đường. Yêu thơ và say mê lý tưởng cách mạng, Huy Cận đã trở thành một trong những người hoạt động sôi nổi trong phong trào học sinh, sinh viên. Tháng 7.1945, Huy Cận tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Uỷ ban Dân tộc giải phóng toàn quốc. Khi Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Huy Cận được vinh dự đảm nhận trọng trách Bộ trưởng Bộ Canh nông, kiêm Thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Ban Thanh tra đặc biệt của Chính phủ hồi ấy chỉ có hai người: cụ Bùi Bằng Đoàn (nguyên Thượng thư Bộ Hình của triều đình Huế) và Cù Huy Cận. Nhiệm vụ chủ yếu của Thanh tra đặc biệt là chấn chỉnh kịp thời những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ nhằm đề cao kỷ cương phép nước, tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với chính quyền cách mạng. Đoàn Thanh tra đã đến nhiều địa phương nắm bắt tình hình, xử lý kiên quyết và khôn khéo những cán bộ mắc khuyết điểm, sai lầm. Những việc làm của Thanh tra đã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ vì họ thấy Chính phủ Cụ Hồ luôn bênh vực bảo vệ dân. Tháng 3.1946, trước những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị, Đảng ta chủ trương thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến với sự tham gia của nhiều lực lượng khác nhau. Một hôm, Bác Hồ cho gọi Huy Cận đến và bảo: “ Từ mai chú thôi làm Bộ trưởng nhé!” . Huy Cận đáp: “ Thưa Cụ! Cụ và cách mạng bảo làm gì thì con xin làm nấy ”. Sau đó, Bác thân mật giao nhiệm vụ: “ Chú vẫn công tác ở Bộ Canh nông, chỉ không làm Bộ trưởng nữa, nhưng mọi việc chú vẫn làm hết. Chỉ nhớ khi nào cần ký thì chú đưa cho ông Bồ Xuân Luật ký. Ông ấy được mời làm Bộ trưởng thay cho chú ”. Từ đó, suốt bốn thập kỷ, Huy Cận sẵn sàng thực hiện bất kỳ nhiệm vụ gì do Cách mạng giao phó, trong đó có nhiều việc “xa lạ” với một nhà thơ: Thứ trưởng Bộ Canh nông, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thứ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Bộ trưởng đặc trách công tác văn hóa - nghệ thuật tại Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ngoài những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa trong nước, Huy Cận còn là nhà hoạt động quốc tế năng động, có nhiều đóng góp tích cực trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Ông là đồng Chủ tịch Đại hội nhà văn Á - Phi họp ở Ai Cập (2.1962), đồng Chủ tịch Đại hội văn hóa thế giới họp ở Cu Ba (1.1968), là Uỷ viên Hội đồng UNESCO (1978 - 1983), là Phó chủ tịch Tổ chức Hợp tác Văn hóa - Kỹ thuật của 49 nước (ACCT) (1981 - 1987), là Uỷ viên Hội đồng cao cấp tiếng Pháp (1985 - 2005). Trong những lần chủ trì hoặc tham gia các hội nghị quốc tế, Huy Cận đã thể hiện được bản lĩnh vững vàng của nhà hoạt động chính trị và kiến thức uyên bác của nhà hoạt động văn hóa tài ba. Ông được nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà chính trị quý mến kính trọng. Trên dưới 50 lần làm việc, công tác tại nhiều nước trên thế giới, Huy Cận đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam đến với bè bạn năm châu và trân trọng đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại để làm phong phú thêm văn hóa dân tộc. Ông am hiểu nhiều nền văn minh, văn hóa và tiếp nhận nhiều nguồn ảnh hưởng nhưng cái gốc tâm hồn, cái gốc hồn thơ Huy Cận là ngọn nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam. Là cán bộ cao cấp của Chính phủ, phải dành nhiều tâm sức cho công tác quản lý nhưng Huy Cận vẫn say mê, bền bỉ sáng tạo thơ ca. Sự nghiệp chính trị của Huy Cận thật đáng trân trọng, trước sau nhất quán, Huy Cận vẫn là một nhà thơ. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Huy Cận có thêm gần hai chục tập thơ, trong đó có nhiều bài thơ hay, đạt tầm cao dân tộc và thời đại. Tiếp nối mạch thơ tình đời, tình người sâu nặng từ thời “ Lửa thiêng ”, thơ Huy Cận sau Cách mạng tháng Tám có sự thay đổi cơ bản về cách nhìn nhận con người và cuộc đời. Nếu trước đây nhà thơ nhìn con người trong vũ trụ, con người giữa thiên nhiên thì giờ đây ông nhìn con người giữa cuộc đời, con người gắn bó trong các mối quan hệ xã hội hòa hợp tin yêu. Thơ Huy Cận vừa giàu cảm xúc tươi mới của cuộc đời vừa mang đậm nội dung triết lý về sự sống bất diệt, về tình yêu đất nước, về sức mạnh nhân dân và vẻ đẹp tâm hồn dân tộc Việt Nam. Huy Cận tha thiết gắn bó với thiên nhiên đất nước Việt Nam, tâm hồn ông vươn lên những khoảng rộng xa vũ trụ nhưng tấm lòng nặng trĩu với đời. Hành trình thơ ca của Huy Cận đi từ “ Trời mỗi ngày lại sáng” đến “ Đất nở hoa” , từ “ Bài thơ cuộc đời” đến “ Ngôi nhà giữa nắng” , rồi từ “ Hạt lại gieo” đến “Ta về với biển”, lúc nào tâm hồn ông cũng chịu sức hấp dẫn của hai cực: vũ trụ và cuộc đời. Sức hấp dẫn ấy đã góp phần tạo nên một cá tính nghệ thuật độc đáo của Huy Cận trong vườn thơ dân tộc. Thơ Huy Cận kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây, vừa có sức sống mạnh mẽ của truyền thống vừa mang hơi thở của thời đại. Ông tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa phương Tây từ những ngày học ở Huế và qua sách báo đương thời nhưng cái gốc sâu xa làm nên gương mặt thơ Huy Cận là tiếng thơ dân tộc. Huy Cận yêu thiết tha tiếng nói dân tộc và luôn luôn có ý thức về nguồn mạch thơ ca mà mình tận hưởng. Phụ Bản II Tình yêu đất nước, tình yêu thiên nhiên, tình yêu văn hóa dân tộc đã nâng cánh thơ ông và nhờ thế ông gặp gỡ vẻ đẹp nhân bản của thơ ca nhân loại. Khi thơ ông đạt tầm cao dân tộc cũng là khi những thi phẩm ấy trở thành tài sản nhân loại. Vinh dự thay ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới. Danh hiệu cao quý ấy không chỉ minh chứng cho một tài năng văn chương cái thế mà điều quan trọng hơn là vẻ đẹp thơ ca dân tộc Việt Nam được nhân loại thừa nhận và tôn vinh. Huy Cận là nhà thơ lớn của dân tộc, là cán bộ cao cấp của Chính phủ và cũng là con người của đời thường bình dị. Ở Huy Cận có sự thống nhất hài hòa của nhiều phẩm chất, năng lực như là đối cực. Ông có tầm nhìn chiến lược và tính cẩn trọng của một nhà lãnh đạo nhưng cũng rất tinh tế, đa cảm, lãng mạn và đam mê của một thi sĩ tài hoa. Ông là người uyên bác, hiểu biết sâu sắc nhiều lĩnh vực: Triết học, tôn giáo, chính trị, kinh tế, văn hóa nhưng vẫn không quên những việc đời thường. Ông quan tâm tới những người thân đến từng việc nhỏ, ngoài 80 tuổi vẫn nhớ được vài chục số điện thoại của cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp, không bao giờ lỡ hẹn với ai dù chỉ vài phút. Trong túi áo ngực của ông luôn luôn có một bọc nhỏ có đầy đủ các loại thuốc đề phòng bất trắc, lúc khóa cửa xong bao giờ ông cũng cầm ống khóa lắc lắc 2, 3 lần xem đã chắc chưa, lúc ăn một món ăn lạ miệng ông muốn được chia sẻ với vợ con. Huy Cận là người làm việc rất nghiêm túc nhưng ăn mặc mộc mạc đến xuềnh xoàng, cởi mở chân thành đến mức hồn nhiên khi tiếp xúc với anh em, bè bạn. Huy Cận là người rất yêu đời, say mê sống, tha thiết sống. Cách đây mấy năm, tôi đến chúc Tết nhà thơ Huy Cận, ông đưa bàn tay trước mặt tôi và hỏi: “ Ông xem tôi sống được bao lâu nữa? ”. Tôi liếc qua bàn tay của ông rồi dò hỏi: “ Thế ngày tháng năm sinh chính xác của bác như thế nào?” – “ Tuổi khai sinh của tôi hiện nay là do ông cậu khai khi vào học ở Huế, còn ngày sinh chính xác là ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thìn (dương lịch là ngày 22.1.1917). Tôi có thể sống đến lúc kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội không? ”. Trân trọng niềm khát vọng tốt đẹp của ông, tôi trả lời một cách tự tin: “ Chắc là được bác ạ! Bác còn rất khoẻ mà” . Đúng vào buổi chiều ngày 29 tháng Chạp năm Giáp Thân, theo lời hẹn trước, tôi và GS. Hà Minh Đức đến để cùng nhà thơ Huy Cận làm bữa tất niên. Nhưng đến nhà Lệ Duyên mới hay, ông vừa phải vào bệnh viện. Lúc ấy, tôi cảm thấy công hoàng và chột dạ vì hôm nay là sinh nhật của ông. Ông đã chạm tới tuổi 90 rồi! Tôi không tin ông sẽ ra đi trong mùa xuân Ất Dậu, tôi vẫn nghĩ rằng nhà thơ Huy Cận kính yêu sẽ còn sống khoẻ để dự lễ kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội của chúng ta. Nhân dịp kỷ niệm 04 năm ngày mất của nhà thơ Huy Cận, dịch giả Thùy Dương có gửi đến mấy tác phẩm đặc sắc của ông mà chị dịch với tất cả lòng cảm kích. Xin giới thiệu cùng bạn đọc để chúng ta cùng tưởng niệm một nhà thơ đã để lại cho đời những bài thơ không quên… Và như thế thơ dịch truyện Kiều của Thùy Dương sẽ tạm gác lại kỳ này, xin cáo lỗi cùng bạn đọc. VAT.
KỶ NIỆM 4 NĂM NGÀY MẤTNHÀ THƠ HUY CẬN (19/2/2005-2009) VÀI NÉT VỀ NHÀ THƠ HUY CẬN (1919-2005) Nói đến Huy Cận, ai cũng biết ông là một nhà thơ cách mạng từng trải qua hai cuộc kháng chiến ác liệt và đã có lần giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin. Thế nhưng một điều rất lạ là trong thơ ca của ông ít khi người ta tìm thấy màu sắc cách mạng hay giọng điệu chính trị như nhiều nhà thơ cùng thời cùng hoàn cảnh và lứa tuổi, mà chỉ là những lời thơ đầy tình cảm thắm thiết nồng nhiệt. Có lẽ vì thế thơ ông từ xưa vẫn được nhiều người ở cả 2 bên chiến tuyến yêu thích. Sinh tại Nghệ Tĩnh, vùng đất được coi là “địa linh nhân kiệt” từng sản sinh ra Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu và nhiều anh tài hào kiệt khác, Huy Cận sớm mang trong người bầu nhiệt huyết từ thuở thiếu thời nó đã thúc đẩy ông tham gia vào phong trào Sinh Viên Yêu Nước trước 1945. Xuất thân từ một con người yêu khoa học, ông từng là một Kỹ Sư Canh Nông, thế nhưng điều đáng ngạc nhiên là điều này dường như không ảnh hưởng gì đến thơ ca của ông. Với tâm hồn nhạy cảm cao độ và lời thơ chứa chan tình người, chắc không ai ngờ tác giả là một con người khoa học. Tuy là thơ trữ tình nhưng ở Huy Cận ta ít thấy những vần thơ lãng mạn mượt mà bóng bẩy. Dường như ông làm thơ chỉ để giải tỏa những băn khoăn trăn trở trong cuộc sống đời thường, hay xa hơn một chút là quê hương đất nước, những gì đang chất chứa trong lòng người trai thế hệ. Ông bộc lộ nỗi lòng bằng những lời thơ chân chất hồn nhiên như tuổi thơ, đôi khi vụng về đến sống sượng. Nhưng những ai không chủ tâm đi tìm ở Huy Cận những vần thơ lãng mạn chải chuốt sẽ tìm thấy ở những vần thơ chân chất vụng về ấy một cái gì thật trong sáng đẹp đẽ hồn nhiên, điển hình như bài Tình mất. Tuy nhiên, đôi khi cảm xúc cao độ, hồn thơ chín mùi sẽ thăng hoa vào thế giới thơ huyền ảo tuyệt vời khiến người nghe như lạc vào một cõi mơ… như là bài Ngậm ngùi mà chắc nhiều người trong chúng ta còn vương vấn mãi với hình ảnh hư hư ảo ảo “Cây dài bóng xế ngẩn ngơ – Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau…” Một điều đáng ngạc nhiên nữa ở Huy Cận là ở vào thập niên 60 của thế kỷ trước, khi tình hình chiến sự còn căng thẳng, vấn đề tư tưởng trong hàng ngũ cán bộ được kiểm soát khắc khe, đạo Phật chưa được tôn vinh như ngày nay, ngay cả các cán bộ nữ cấp thấp cũng không dám lai vãng đến chùa những ngày lễ hội. Thế mà một cán bộ hàng đầu như Huy Cận đã dám đường đường đến vãn cảnh chùa Tây Phương, kính cẩn chiêm ngưỡng những pho tượng La Hán, để về viết nên một bài thơ tứ tuyệt dài 15 khổ (60 câu). Bài thơ “Các vị La Hán Chùa Tây Phương” đã gây được cảm xúc sâu xa cho nhiều người đọc. Nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày mất của nhà thơ, xin thành kính dâng lên hương hồn người bản dịch tiếng Anh của những bài thơ quý báu với tất cả lòng cảm kích chân thành. Các vị La Hán chùa Tây Phương Chùa Tây Phương (Sơn Tây) có những pho tượng La Hán rất đẹp, rất sinh động tạc vào thế kỷ 18. Nhà nghệ sĩ xưa đã vô tình hay hữu ý mượn đề tài chuyện Phật mà miêu tả xã hội đương thời, một xã hội quằn quại đau khổ trong nhiều biến động và bế tắc không tìm được lối ra. Lời bình của Kiều Văn (NXB Đồng Nai 1998) THE ARAHANTS IN TÂY PHƯƠNG PAGODA Introduction by Thùy Dương Located in Hà Tây province, 37km West of Hà Nội, on top of a hill about 50m high, Tây Phương is a famous ancient pagoda, established in 1632 under the reign of King Lê Thần Tông. One of the most noticeable features of the pagoda is the set of eighteen Arahants’ statues whose faces and gestures look so lively that they attract every visitor. Among these, Huy Cận, a famous poet who had been once Minister of Culture and Information in the Government, was really emotionally striken while contemplating the statues. With his sensitive imagination, our poet wondered whether the way of Buddhist training was so harsh or our ancient artist had used the Arahanhts’ statues to express the hardships that our ancestors had suffered in their struggle for the nation’s reunification and a peaceful life for the people. Các vị La Hán chùa Tây Phương Huy Cận Các vị La Hán chùa Tây Phương Tôi đến thăm về lòng vấn vương. Há chẳng phải đây là xứ Phật, Mà sao ai nấy mặt đau thương? Đây vị xương trần chân với tay Có chi thiêu đốt tấm thân gầy Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt Tự bấy ngồi y cho đến nay. Có vị mắt giương, mày nhíu xệch Trán như nổi sóng biển luân hồi Môi cong chua chát, tâm hồn héo Gân vặn bàn tay mạch máu sôi. Có vị chân tay co xếp lại Tròn xoe tựa thể chiếc thai non Nhưng đôi tay rộng dài ngang gối Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn… Các vị ngồi đây trong lặng yên Mà nghe giông bão nổ trăm miền Như từ vực thẳm đời nhân loại Bóng tối đùn ra trận gió đen. Mỗi người một vẻ, mặt con người Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi
Ảnh: Võ Văn Tường THE ARAHANTS IN TÂY PHƯƠNG TEMPLE Huy Cận (1919-2005) The Arahants in Tây Phương Temple That I visited made my heart tangle Ah! Isn’t this, indeed, a Buddha’s land? Why are all those faces twisted with pain? This one shows bare limbs, thin and bony I wonder what has burnt this skinny body So that his eye-holes got hollowed with grief As he’s been sitting still ever since in belief That one, eyes staring, brows frowning His forehead seems metempsychosis waves rising His lips curved bitterly, his soul withered Narves twisting on his hands as though his blood stirred Here’s another one, arms and legs folding Like a premature baby shrivelling Yet his large ears reaching his knees Have heard all the sad things in life’s stories They are sitting here, in calm and silence Yet they can hear storms breaking from every distance As though from deep chasms of human life Black winds were rushing out at any time Each one his own mood, all human faces Tormented by burning pain from worldly furnaces What a strange meeting where everyone is writhing! The statues do not cry, but I feel they are sweating! Mặt cúi mặt nghiêng, mặt ngoảnh sau Quay theo tám hướng hỏi trời sâu Một câu hỏi lớn. Không lời đáp Cho đến bây giờ mặt vẫn chau. Có thực trên đường tu đến Phật Trần gian tìm cởi áo trầm luân Bấy nhiêu quằn quại run lần chót Các vị đau theo lòng chúng nhân? Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu? Sống lại cho tôi hỏi một câu: Bác tạc bấy nhiêu hình khổ hạnh Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau? Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời Là cha ông đó bằng xương máu Đã khổ, không yên cả đứng ngồi. Cha ông năm tháng đè lưng nặng Những bạn đương thời của Nguyễn Du Nung nấu tâm can vò võ trán Đau đời có cứu được đời đâu Đứt ruột cha ông trong cái thuở Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ Bao nhiêu hy vọng thúc bên sườn Héo tựa mầm non thiếu ánh dương Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la Sờ soạng, cha ông tìm lối ra Có phải thế mà trên mặt tượng Nửa như khói ám, nửa sương tà. Some bowing, others turning aside or quite in the back To the eight directions as though wanting to ask A great question, but they couldn’t find the answer And that is why they kept on frowning forever Was is true that on the way to Buddha’s land Man was searching to get rid of his worldly pain By suffering tortures once for his last existence And our Arahants were sharing his acute grievance? Who was the senior artist of the ancient generation? Could you revive so I can ask you a question? You have sculpted so many figures of hardship as I see Was that the true Buddhist story? Could you tell me? Or are those the souls of our bold ancestors Who, through rough windstorms, had to suffer To pay their blood and bones for our interest Throughout their lives without a little while of rest? Years and months put heavy loads on their shoulders Like Nguyễn Du and his contemporaries, our ancestors Worries burned their hearts, hardness strained their minds Couldn’t find out a way to a reasonable life They felt heart-broken as they couldn’t make any progress At that time when the situation seemed hopeless All the earnest hopes they cherished day and night Withered like young sprouts lacking sunlight The late century was displaying its immense veil of dusk Our ancestors were groping their way to a feeble trust Is that the reason why our statues’s faces Seem half covered with smoke, half with twilight mist? Các vị La Hán chùa Tây Phương! Hôm nay xã hội đã lên đường Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương. Cha ông yêu mến thời xưa cũ Trần trụi đau thương bỗng hóa gần! Những bước mất đi trong thớ gỗ Về đây, tươi vạn dặm đường xuân. (27-12-1960) My dear Arahants in Tây Phương Temple! Today our society is on the way of renewal It seems to me that your faces are gladdening Chasing away dusk shadow, smoke and mist dispersing Dear Ancestor of those bygone times in history! Your bare sufferings suddenly draw you near to me! Every step of yours has been scored in the fibers of wood Please come back to cheer our thousands of mile springtime route! Translate by Thùy Dương In memory of the author’s departure on Feb 19, 2005 NGẬM NGÙI Nắng chia nửa bãi chiều rồi Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu Sợi buồn con nhện giăng mau Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây Lòng anh mở với quạt này Trăm con chim mộng về bay đầu giường Ngủ đi em, mộng bình thường Ru em sẵn tiếng thùy dương đôi bờ Cây dài bóng xế ngẩn ngơ Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau Tay anh em hãy tựa đầu Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi… Huy Cận SYMPATHY
The declining sun is cutting asunder the field already; Among wild grasses, virgin plants are folding their sad leaves The little spider is weaving its melancholy cobweb Sleep well, my dear, I am here to serve you with the fan My heard is opening with this fan, indeed! Hundreds of dreambirds gather round your bed… Sleep well. my dear, sleep well! And have a sound dream! Lulling you are graceful willows rattling From both sides of the murmuring spring Peaceful trees are now spreading long shadows And your little soul has ripened through burdens of sorrows Here’s my arm, lean your head and let me hear Your heavy sorrow fruit falling down, my dear! Translated by Thùy Dương
TÌNH MẤT Ôi! Những kẻ tôi chỉ chào một bận, Chân xa nhau, lòng chưa kịp giao thân, Trên đường tôi nếu trở lại một lần, Chắc ta đã yêu nhau rồi hẳn chứ… Một lời nói nếu có gan ướm thử, Một bàn tay đừng lưỡng lự trao thơ, Một lúc nhìn thêm, đôi lúc tình cờ, Chắc có lẽ đã làm nên luyến ái… Yêu biết mấy nếu có lần gặp lại! Tôi vụng về, tôi ngơ ngác, nên chi Người bên tôi mà tôi để người đi. Tôi làm nũng, quyết giữ lòng kiêu hãnh; Người ở đó, tôi làm như ghẻ lạnh, Người đi rồi, thôi mong mỏi gì đâu! Những bàn tay đáng lẽ phải giao nhau, Hờ hững thế! Không chịu cầm lưu luyến. Ôi! Những kẻ không cùng tôi hứa hẹn! Người không quen nhưng tôi chắc sẽ yêu; Mắt vừa nhìn mà chân đã muốn theo. Tình mới chép một hai dòng nhật ký. Tên viết tắt, tin rằng lòng nhớ kỹ. Bạn một hôm đi đến rất tình cờ; Tình quên đi ở trong những bức thơ Viết không gửi, xếp nằm trong sách cũ. Ôi! Bao kẻ chỉ một lần gặp gỡ! Bởi vì sao lòng tôi rất thương đau Khi nghĩ thầm: “Nếu ta đã gần nhau!”. Huy Cận Lửa Thiêng, NXB Hội Nhà Văn (10-1997) LOST LOVES There are some people I have greeted Hello just once Then parted, not having the time to make acquaintance On our way of life, if we had met again some time We might have loved each other – Who would deny? Just a word – if you were bold enough to utter Just a hand – non-hesitating to hand a letter Or another look – sometimes quite accidental Might have kindled a love affair – even so loyal What a nice chance if we happened to meet again! But I was so clumsy, so stupid, even insane To let go the person who was so close to me! And that, just because of a false vanity! When she was there, I pretended to be indifferent But when she had gone, I longed for her at every moment! Why? Those hands that should have held each other Were too apathetic to hold a nice attachment! Oh! I want to tell someone who did not leave me a promise That, who known, love between us someday might not flourish? That at first glance, I already did not want to leave And a nice feeling has spread on a few line of my diary Just the initials of your name recalled a nice memory Then one day, you came to me, quite accidentally When I had already forgotten those love letters That I had written but not sent, lying among old papers Well, there are many people I have just once met But why? My heart fells twisted and really suffers When I think: “Oh! If only we had been together!” Translated by Thùy Dương
Bài Ca Răn Cờ Bạc 排歌 噒棋泊 Nguyễn Văn Sâm Phiên âm và giới thiệu theo bản Nôm Phước An 福安藏板, In năm 1921 啓定辛酉 Bản quốc ngữ điện tử của NamKyLucTinh.org, 2008
Bản Nôm chứa tại Thư Viện Quốc Gia, Hà Nội, Việt Nam công bố trên Thư Viện Ảo Southeast Asia Digital Library Đầu thế kỷ trước có phong trào tranh thương với người Hoa. Những nhân vật cổ xúy có khi đứng chung thành nhóm như nhóm Minh Tân, nhóm Nông Cổ Mín Đàm, nhóm Lục Tỉnh Tân Văn, nhưng cũng có những người không đứng chung với ai hết, chỉ ý thức rằng để cái lợi thương mãi của nước mình cho người Hoa chi phối là việc vô lý nên viết bài, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp. Đây là một bài thuộc loại gián tiếp. Người viết thác lời phụ nữ khuyên mọi người tránh xa con đường cờ bạc. Cờ bạc là hành động đem tiền cho thằng khách nó ăn, bởi vì lúc đó chỉ có người Hoa là đủ điều kiện để mở sòng bạc mà thôi, bản thân mình thì không có thời giờ lo cho gia đình con cháu, không giúp chúng thấy được điều hay lẽ phải để giúp ích gia đình và tiến lên giúp ích xã hội. Tệ hại cờ bạc ai cũng biết nên tác giả chẳng nói nhiều, bài ngắn nhưng đủ ý, người đọc sẽ thấm khi đọc đi đọc lại. Chỉ cần phác thảo thái độ của người cờ bạc: vui vẻ thân thiện trước khi vào sòng ăn thua, sau đó khi thua sâu thì cà riềng cà tỏi gây sự, phụ nử trẻ thua thì ngoại tình, già thì gạt gẫm người chung quanh… Bao nhiêu đó cũng đủ chẳng cần nhiều hơn. Trong Nam, trước năm 1921 hơn một thập niên, bài văn ngăn ngắn nói về việc tranh thương với người Hoa xuất bản bằng quốc ngữ khá nhiều, ngoài Bắc Bài Ca Răn Cờ Bạc lại được ấn hành bằng chữ Nôm, đó cũng là một chi tiết kỳ thú về văn học. Năm 1921, chữ Nôm đang thật sự đi vào đường tàn tạ nên bản nầy có vài ba chữ sử dụng không đúng tiêu chuẩn, âu đó cũng là quy luật. Chúng tôi phiên âm bài nầy từ bản Nôm lưu trữ tại Hà nội, mới được công bố gần đây trên trang mạng Southeast Asian Digital Library, xin cám ơn những vị thực hiện việc hữu ích nầy cho học giới . (NVS Port Arthur, TX Dec. 30, 2008) 1b. Nào những đứng anh hùng thục nữ, Bỏ tài bàn [1] , đố chữ [2] đi thôi. Tổ tôm, xóc đĩa sợ [3] rồi Cải lương nay lại đua vui ít xì [4] . Nay đương bữa tranh thi chung đỉnh, 5 Ai lanh tay khéo tính thời nên. Ai mà đi chậm ngủ quên, Ắt là người phỗng tay trên [5] chẳng còn. Chẳng trách kẻ phấn son ngu dại [6] . Chỉ trách người áo giải tu mi [7] . 10 Cũng người bác lãm thư thi, Cũng người cách vật trí tri đại tài [8] . 2a. Sao nỡ sợ cuộc đời vội bấy [9] , Việc mở mang bỏ cả chẳng nhìn. Khôn gì lũ trẻ đàn em, 15 Nỡ gieo gánh nặng hay hèn biết chi. Tài đâu đủ tranh thi khôn khéo. Hóa cho nên láu đáu một mình. Đường dài muôn dặm công trình, Càng đi càng chẳng thấy anh theo nào. 20 Nếu anh bận ra vào sớm tối, Trông đàn con lễ bái nhà thờ. Hay anh còn lỡ việc nhà. Tính toan chưa kịp nên đà lại thôi. 2b. Dầu anh thôi cũng thời phải nghĩ, 25 Lũ em ngu khó thấy thạnh cường, Chờ người chỉ nẻo đưa đường [10] , Kìa thôn thương mãi, nọ làng bách công. Thời em cũng vui lòng mỏi gối. Cảm ơn anh chỉ lối mới nên 30 Ai ngờ anh bỏ kệ em, Nên hư hay dở chẳng thèm nói chi [11] . Các anh cứ say lì cờ bạc, Chỉ giắt bài mở bát [12] quanh năm. Tài bàn thua kể hàng trăm, 35 Ít xì thua kể đến năm tám ngàn. 3a. Thua thái quá xui nên lắm tệ. Pháp luật kia chẳng kể vào đâu. Có quyền ép kẻ đen đầu [13] . Không quyền liều lĩnh lừa nhau lấy tiền [14] . 40 Lúc ở ngoài như tiên đẹp đẽ. Lúc ngồi vào như thể mặt ma. Được thời vui vẻ cười xòa, Rung chân hút thuốc như là phỗng ông [15] . Kẻ thua thái [16] trong lòng tức giận. 45 Mặt Phạm Nhan [17] muốn cắn quẩn nhau. Gãi tai nghiêng cổ lả đầu, Trong mồm bẩm lẩm rủa nhầu khó nghe [18] . 3b. Mới ngồi vào hả hê thân thiết, Lúc thua sâu [19] ráo riết tận tình. 50 Bất kỳ kẻ trọng người khinh, Cha con bạn hữu cũng rình lẫn nhau [20] . Chẳng phép tắc đuôi đầu chi cả. Cứ nói năng loạn xạ chẳng kiêng [21] . Quân bài là khúc ruột liền. 55 Động vào cà tỏi cà riềng [22] được ngay. Vợ con trong thò tay đánh ké, Thầy tớ ngoài gấp ghé chia bài [23] . Thà rằng xuân nhật đua vui, Khi làm cũng có khi chơi kể gì. 60 4a. Nhưng cờ bạc suốt thì năm tháng [24] , Khi ở nhà khi bạn rủ đi, Lại thêm xóc đĩa, ít xì, Rủ nhau đi sạn [25] chơi thì đến đông. Bài Ca Vợ Khuyên Chồng đã nói [26] , 65 Mua mà xem thế thái nhân tình. Lại còn có việc thình lình, Quan mà bắt được tù hình thảm thay. Lại còn kẻ dại nay quá ngốc. Đem tiền cho thằng khách ăn không [27] . 70 Nhứt là những bạn má hồng, Nhớ tên đố chữ thuộc lòng chang chang [28] . 4b. Ngày nào cũng ngồi bàn thơ nhảm Kêu đồng nhân rỗi tán tiếng thơ [29] , Ở nhà công việc bỏ bê, 75 Phước Tông, Tất Đắc [30] rồi thua hết tiền. Có hoa hột liền đem Vạn Bửu [31] , Nhứt là thua ăn cháo cũng đành. Trẻ thời sanh thói ngoại tình, Già thì sanh thói tính quanh xử xằng [32] . 80 Xui công nợ kẻ Nam người Bắc, Hết ruộng nương [33] lại mất cửa nhà. Làm cho xấu bọn đàn bà, Chồng con mất cậy mẹ cha mất nhờ. 5a. Nào những khách đào thơ liễu yếu, 85 Phải đua khôn tranh khéo đời nay. Học hành buôn bán ra tay, Làm sao rỡ mặt cùng rày nước non. Để cha mẹ chồng con được cậy. Cuộc vinh hoa chen với người đời. 90 Cửa nhà hưng thịnh thêm vui, Lắm người nhiều của rạng đời tiếng khen. Hơn là lẽ mê tiền cờ bạc, Không được ăn mà mất của nhà. Lại thêm mang tiếng xấu xa, 95 Uổng công son phấn mặt hoa một đời. 5b. Sao cho bằng ngày trời thong thả, Hiệp sức chồng đua mở giàu sang, May ra công việc thạnh cường, Chen vai phú quí mở mang mọi nghề. 100 Người trong nước cũng thời ân đội, Ai là không khen giỏi khen tài [34] , Làm nên lệch đất nghiêng trời, Ai ai là chẳng khen người có công. Dẫu gái trai cũng trong trời đất, 105 Phải làm cho khác mặt quần thoa. Trước mình vinh hiển cửa nhà, Sao cho cả bọn đàn bà thơm lây [35] . Hết Phụ Bản III XÉT THÂN và TÂM Có một cặp “nội gián” từ vô lượng kiếp hoành hành trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Chúng dắt con người vào đường ác, tạo bao nhiêu Nghiệp chướng sâu dày để rồi như Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Như sắt sinh sét, sét trở lại ăn mòn sắt” mà người tu hành nếu không muốn triền miên để nó dắt dẫn thì phải tìm cho ra hang ổ để cải tạo chúng: Đó là THÂN VÀ TÂM, để thấy vì sao Ngũ Tổ dạy: “NẾU KHÔNG THẤY TÂM THÌ HỌC PHÁP VÔ ÍCH”. Thật vậy, tu theo Đạo Phật đã được gọi là TU TÂM, vậy thì sao ta lại mải mê quanh quẩn tầm chương, trích cú, đi tìm các cảnh giới, những thần thông, phép mầu, những sự cứu độ của Phật để ngưỡng mộ, 32 tướng tốt của Phật để ca tụng mà quên câu Phật Ngôn: “Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy, kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta”! Tại sao ta không bắt chước hành trình tu hành của Ngài?: Sau sáu năm lận đận, học sai, hành nhầm đến thân thể suy kiệt mà cũng không được thấy được điều mình luôn trăn trở. Thái Tử Sĩ Đạt Ta đã trải tòa cỏ, ngồi Thiền Định sốt 49 ngày đêm để tìm cho ra thủ phạm của SINH TỬ LUÂN HỒI, và phát nguyện chỉ đứng dậy khi gặp được hắn. Cuối cùng Ngài cũng đã tìm ra, để rồi bắt đầu từ 5 người bạn đồng học cũ, truyền lần đến 33 vị Tổ và cho đến thời nay chúng ta vẫn còn duyên may gặp được. THIỀN ĐỊNH thì về sau đó đã có vô số người hành. Nhiều người còn tự xưng là Thiền Sư. Nhưng đa phần chỉ bắt chước cái TƯỚNG THIỀN mà không hiểu được Đức Thích Ca đã làm gì trong lúc Ngồi Thiền, nên không biết được rằng Ngài đã dùng thời gian tĩnh lặng đó để theo dõi CÁI VỌNG TÂM và đã nhận diện được hắn cùng với cách thức để hóa giải hắn. Vì thế, Ngài mới hân hoan tuyên bố đã đã “Được Đạo” tức là đã ‘thấy được, gặp được con đường”. Con đường đó gọi là “CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT” hay là ĐẠO PHẬT vậy. Nói đến Giải Thoát thì phải nói đến cái cột buộc, vì “Gút ở đâu thì phải mở ở đó”. Đức Thích Ca đã thấy được thủ phạm là cái VỌNG TÂM. Ngài cho rằng chính nó là thủ phạm đã cột chúng sinh từ vô lượng kiếp về trước và mãi mãi về sau trong vòng Sinh tử Luân Hồi. Chúng ta không thể có được cái khám phá như Ngài, chỉ nương những gì Ngài đã làm, đã hướng dẫn, rồi kiểm chứng lại để có cái nhận định của riêng chúng ta. Nếu thấy những điều Ngài nói đúng lý, không bị thời gian đào thải, có ích lợi cho ta thì tại sao ta không thực hành theo? Để tìm hiểu, chúng ta cũng bắt đầu bằng việc xét CÁI TÂM và CÁI THÂN là hai thủ phạm chính theo hướng dẫn của Đạo Phật. Theo Đức Thích Ca, mỗi người đều có một cái CHÂN TÂM. Cái này không hình, không tướng, linh hoạt, thanh tịnh, như như, bất động, thường còn, không bị sinh diệt, không ô nhiễm, không vướng mắc, không khổ, vui, không thiện, ác… Nhưng từ khi nhập vào cái THÂN, bị mây Ngũ Ấm che, nên tưởng cái THÂN là NÓ rồi ở trong đó điều khiển cái Thân làm mọi việc. Do nó thấy cái THÂN là nó, nên mọi việc nó làm nhằm thỏa mãn những gì mà MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN, Ý - cũng gọi là LỤC CĂN - thu vào. Những pháp bên ngoài tác động vào LỤC CĂN thì Ngài đặt tên là LỤC TRẦN, gồm có SẮC, THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC và PHÁP. Do thấy CÁI THÂN là MÌNH, nên những gì Cái Thân hài lòng là Cái Vọng Tâm thích thú, mà những gì cái Thân đòi hỏi thì không giới hạn. Không có, muốn có. Có rồi muốn thêm... do đó mà Phật gọi là THAM. Khi không thỏa mãn được yêu cầu thì Nóng giận gọi là SÂN. Chính do VÔ MINH, hay là SI, nên không biết rằng cái THÂN chỉ là một tập hợp của Tứ Đại, chỉ có tồn tại chừng 100 năm là tan rả, nên Cái Vọng Tâm cứ đeo bám vào đó rồi thấy mình KHỔ, VUI, SỐNG, CHẾT với nó, nên Phật gọi là cái CHÂN TÂM đã BỊ MÂY VÔ MINH che phủ, trở thành cái VỌNG TÂM. Vì vậy, nhiệm vụ của người tu Phật là cần XÉT điều gì đã làm cho CHÂN TÂM trở thành VỌNG TÂM và cách thức để chuyển hóa, hay để PHẢN VỌNG, QUI CHÂN. Hành động chuyển hóa Cái Tâm đó gọi là TU TÂM. Tại sao cần phải TU TÂM? Tại vì tất cả những diễn biến mà ta nhìn thấy được qua hiện tướng đều là kết quả do CÁI TÂM điều khiển, cho nên muốn chiếm được thành thì phải thu phục Tướng... Nhưng do đâu mà Biết được rằng trong cái THÂN giả tạm này có CÁI TÂM TRƯỜNG TỒN, không hư hoại, và TA chính là cái CHÂN TÂM đó? Trong Kinh LĂNG NGHIÊM, Đức Phật giải thích cho Vua Ba Tư Nặc là trong cái THÂN đang từng giờ đi vào hư hoại này, có một cái không già, không chết chính là CÁI THẤY. Đó cũng có thể gọi là CÁI CHÂN TÂM hay CÁI BIẾT, hoặc CÁI CHÂN TÁNH. Cái này rất linh họat. Ứng vào MẮT là Biết Thấy. Ứng vào TAI là Biết Nghe. Ứng vào Mũi thì BIẾT Mùi. Ứng vào Lưỡi thì Biết Vị. Ở trong Thân thì Biết cảm giác, Biết SỐNG. Ứng vào Ý thì suy nghĩ, đối phó… mà ta đã thấy khi nó rời cái THÂN thì thân chỉ là cái xác vô tri, vô giác mà thôi. Bình thường, mọi người cứ mải mê chạy theo các pháp, hết vui tới khổ, không hề thắc mắc. Nhưng khi rơi vào tình cảnh quá đau khổ vì cuộc đời vùi dập thì con người mới bắt đầu suy nghĩ xem có cách nào để Thoát hay không? Trên đường tìm cách Thoát Khổ sinh ra hai cách nghĩ: Người cho rằng mọi sự do Thượng Đế hay đấng bề trên nào đó sắp xếp thì chỉ biết cầu xin để được cứu độ. Người tin vào giáo pháp của Đạo Phật thì tin rằng tự mình có thể Thoát được nếu tìm được cái Thật Mình, mà theo Đức Thích Ca thì mỗi người đều có, nhưng do quá trình trôi lăn nên đã quên mất. Để tìm lại được cái Thật Mình đó, mỗi người phải bắt đầu theo một trình tự nhất định. Trước hết phải Giữ GIỚI để hạn chế sự buông lung, để có SỨC ĐỊNH, rồi dùng Sức Định, tức là tập trung để quán sát cái THÂN vá CÁI TÂM. Theo Đức Thích Ca, cái THÂN của con người là một tập hợp của Tứ Đại để cho Nhân Quả thể hiện, không trường tồn, không có chủ thể. Ở trong đó, có một cái THƯỜNG CÒN, như như, bất biến, thanh tịnh, không ô nhiễm, không khổ, vui, sống, chết… nhưng do Mê Lầm nên nghĩ rằng cái Thân là Mình rồi điều khiển cho nó gây biết bao Nhân tốt hay xấu. Cũng do NHÂN QUẢ mà phải có LUÂN HỒI để các pháp vay trả với nhau cho sòng phẳng. Và cũng do tính chất trường tồn của cái CHÂN TÂM, nên nó phải luân lưu để nhận lại những việc tốt xấu mà nó đã làm: Được hưởng phước nếu tạo Nghiệp Thiện và bị đọa nếu gây Ác Nghiệp. Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN ví Luân Hồi giữa cái TÂM và những Cái Thân như con bò phải kéo xe. Tâm là con bò, THÂN là cỗ xe. Khi Nghiệp chưa hết mà xe hỏng, thì lại chủ nhân lại mắc vào cái XE khác để bắt kéo tiếp. Xét cái THÂN, ta thấy nó rất là linh hoạt. Nghe đâu là hiểu đó. Thấy gì là biết nấy. Đi, đứng, nằm, ngồi, hoạt động tay chân rất nhanh nhẹn. Nói năng lưu loát. Học gì biết nấy… Nhưng đó là tình trạng bình thường lúc CÁI TÂM còn đang trú ngụ trong đó. Cả hai hợp tác với nhau mà làm ra. Tâm nghĩ và điều khiển cho Thân hành động, cho nên chính cái Tâm cũng nhầm, ngỡ Thân là nó. Cho đến lúc cái Thân hết Nghiệp thì nó mới thấy ngỡ ngàng, chao đảo, hốt hoảng, sợ hãi vì không biết sẽ bám víu vào đâu nữa! Điều đó ta dễ dàng nhận thấy khi nhìn cái xác chết: Rõ ràng, đầu mình, tay chân mắt mũi, miệng, lưỡi, nội tạng vẫn còn nguyên, nhưng không còn thấy, nghe, hay biết, nói năng, phản ứng gì được nữa, chỉ chờ giờ hư hoại, tan rã mà thôi. Quan sát như thế để biết rằng cái bộ phận chỉ huy đã rời nó, và bộ phận chỉ huy, tên đầu não bấy lâu núp trong cái Thân hoạt động chính là CÁI TÂM. Trong mọi hoạt động của cái Thân, bộ máy điều động, thỏa mãn cũng chính là Cái Tâm, vì thật ra Cái Thân chỉ là đống Tứ Đại vô tri, không có cảm giác. Cám giác là do sự linh hoạt của Cái Tâm gá vào. Do đó, thủ phạm tạo Nghiệp phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, đã gieo thì phải gặt. Thế rồi khi gieo ác thì không hay, lúc quả ác trả lại thì đau khổ khóc lóc, than trời, trách đất hoặc cúng kiến cầu xin cho là thượng đế hay thần linh trừng phạt hoặc thử thách mình, không ngờ đó là hậu quả của chính mình đã gây tạo trong khi VÔ MINH. MINH và VÔ MINH là hai trạng thái của cùng một cái TÂM, và TA CHÍNH LÀ CÁI TÂM MINH đó, chỉ vì nhầm lẫn nên thấy rằng MÌNH là CÁI THÂN, nên trở thành MÊ LẦM chịu sự điều động của Lục Căn, chạy theo các pháp, cho tới khi nào sáng suốt quay trở về với cái CHÂN TÂM thì không còn bị sinh tử, khổ đau là những tình trạng của cái THÂN nữa. Muốn như vậy thì phải gỡ lần những Nghiệp chướng đã ngăn che. Con người đã từ Cái Thân này mà tạo Nghiệp thì cũng phải từ Cái Thân này mà Giải Nghiệp. Nếu trước kia ta không biết đến thủ phạm đã gây Nghiệp, nhờ sự hướng dẫn của Đạo Phật, nghe nói về CÁI TÂM thì ta thử chiêm nghiệm xem đúng sai ra sao. Nhờ Ngồi Thiền, trói chân tay, mắt khép hờ không nhìn trần cảnh, cái TÂM cũng bị giới hạn, không gắn vào Lục Căn được, nó sẽ suy nghĩ lung tung, tưởng tượng ra hết cảnh này đến cảnh khác. Từ đó, tư duy thêm, ta thấy rằng rõ ràng mỗi hành động của ta đều do sự điều động của nó. Nhìn Cái Thân để thấy: rõ ràng ta không làm chủ được nó. Nó muốn bịnh là bịnh, muốn già là già, muốn yếu là yếu, dù ta có đổ cho nó bao nhiêu thực phẩm cao cấp, khoác lên nó những trang phục đắt giá nhất thì nó vẫn lầm lủi đi theo quy trình SINH, LÃO, BỊNH, TỬ của nó. Như vậy Đức Thích Ca nói rằng nó là GIẢ TẠM, và KHÔNG PHẢI TA thì quá đúng rồi! Thế thì tại sao ta còn chiều theo Mắt, theo Tai để phục vụ cho nó rồi tạo Nghiệp để rồi cuối cùng bị Nghiệp cuốn trôi vào đường ác rồi phải đau khổ khi nhận lấy cái QUẢ do việc ác mình đã làm? Tại sao ta không lấy lại vị thế làm CHỦ của mình, thay vì phục vụ cho cái Thân thì trở lại bắt cái Thân phải phục vụ cho Ta? Tại sao không bắt nó phải dừng, phải ngồi lặng yên để Quán Sát, để Tư Duy tìm con đường Thoát Khổ? Nó là một chủ nhân ông tồi tệ, nhưng là một tai sai đắc lực cho công việc tu hành. Nhờ nó, ta sẽ học, hành theo lời Chư Phật, sẽ tập các Hạnh lành, sẽ tạo được bao nhiêu thiện nghiệp. Trước kia nó bắt ta chạy theo các pháp, giờ lấy lại địa vị làm chủ, ta bắt nó Giữ Giới, Thiền Định, Quán sát, Tư Duy, lần hồi Lục Tặc chấp nhận được cái lý đúng, sẽ trở thành hộ pháp để hỗ trợ cho con đường tu hành của ta. Nếu trước đây nó say mê danh, lợi, tình, ham hơn, thua, cao, thấp thì sau khi xét kỹ, thấy rằng những thứ đó cũng chỉ để trang trí cho cái Thân giả tạm này mà thôi. Những cái mà ta đấu tranh để được, thấy là hơn người đó - xét cho cùng, tuy cũng là vui, nhưng chỉ là tạm vui, sẽ tàn lụi theo thời gian, theo cái Thân, đâu có được tồn tại bao lăm mà phải quá phí công sức vào đó? Công cuộc tìm kiếm lỗi của THÂN và TÂM cũng đã khiến cho một số người thời Phật còn tại thế rơi vào cực đoan. Họ đã thuê người giết mình vì không biết rằng mỗi người còn rất cần đến Cái Thân: Khi MÊ thì nó dắt người tạo ác Nghiệp, nhưng khi Tỉnh thì nó cũng là phương tiện để đưa con người đến bờ Giải Thoát, vì thử hỏi, nếu không có Mắt lấy gì đọc Kinh sách? Không có Tai lấy gì nghe lời giảng, lời nhắc nhở của các bậc đi trước? Không có Thân lấy gì mà tư duy, hiểu biết, thực hành những pháp lành? Nó là mái nhà để cho Cái CHÂN nương vào đó để thể hiện. Nó cũng là bạn đồng hành của người tu cho đến rốt ráo giải thoát. Xưa nó hại người được thì giờ nó cũng giúp người rất là hữu hiệu - sau khi loại trừ những chất độc đã nhiễm vào nó là THAM, SÂN và SI gọi là TRỪ TAM TÂM - mà có người đã tưởng lầm là Trừ Tâm Quá khứ, Tâm Hiện Tại và Tâm Vị Lai để trở thành kẻ ngu ngơ, sống mà không còn biết để làm gì? Chết sẽ về đâu?! Đạo Phật đưa con người đến một cuộc sống thực tế, không mơ màng, ảo tưởng. Mọi đau khổ, phiền não đều bắt nguồn từ cái TÂM MÊ, nên cần tập trung để SỬA Ở ĐÓ, không phải chỉ sửa hình tướng bên ngoài. Tu Phật tức là làm thế nào để cuộc sống được như Hoa Sen, sinh ra, sống giữa bùn mà không bị ô nhiễm, tượng trưng cho cuộc đời con người, sinh ra trong phiền não, sống giữa bao nhiêu phiền não mà vẫn được giải thoát, không phải trốn đời, xa lánh cuộc đời, đóng khung ở riêng một nơi mà cho là Thoát thế gian! Nhờ quán sát, tư duy, xét kỹ mọi lý lẽ của các pháp mà người tu Phật cuối cùng đi đến một giải pháp thực tế: chấp nhận cái TẠM CÓ của thân mình, của cuộc đời và các pháp để giải quyết cuộc sống sao cho chẳng những mình và người, mà những sinh vật chung quanh đều được an vui. Đó là mục đích “Cứu Khổ, Ban Vui” của Đạo Phật. Dù giải thoát rốt ráo còn xa vời nhưng nội việc ngưng tạo ác, bớt Tham, Sân, Si thì mình và những người chung quanh cũng sẽ có được những ngày sống tốt đẹp hơn. Nhìn những diễn tỉến của cuộc đời, ta thấy, phải chăng do những cái Tâm nhiều tham vọng, ham tranh chấp, hơn thua, làm cho cuộc sống của gia đình, xã hội và thế giới không được an ổn, gieo đau buồn, tang tóc cho biết bao nhiêu sinh linh vô tội? Nếu cải tạo được nó, thay vào đó là Cái Tâm yêu thương con người, cái Tâm Từ, Tâm Bi thì cõi trần gian với cảnh sắc hữu tình, hoa cỏ xanh tốt, trái ngon bốn mùa… đã trở thành cõi Tiên, còn tìm cầu ở đâu xa vời? SÔNG MÊ QUAY ĐẦU LÀ BỜ. Chạy theo cái Thân Ngũ uẩn giả tạm là Mê Mờ, là phiền não, đau khổ, sinh tử. Làm chủ được nó là sáng suốt, là Giác, là an vui, hạnh phúc. Tóm lại, con đường tu Phật dù có đến thiên Kinh, vạn quyển, nhưng chỉ cần thấy rõ hai thủ phạm chính là THÂN VÀ TÂM để điều phục chúng nó rồi dùng lại, đâu có hủy cái Thân đi, cũng đâu có cần trốn lánh cuộc đời. Khi chưa tu hành thì trần gian là bể khổ, là chốn lưu đày, nhưng sau khi cải tạo được cái TÂM rồi thì địa ngục biến thành ao sen, cảnh sống không còn bị các pháp khảo đả nữa, được yên ổn, an vui, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Có tu hành, chứng đắc thì cũng tiếp tục cuộc sống tạm cho đến khi hết kiếp, đâu phải để thành ông thánh, ông Phật ngồi trên tòa Sen cứu nhơn độ thế như những cái Tâm chưa thật sự thanh tịnh vẫn mơ màng rồi kiêu mạn khi đạt được chút gì đó, quên luôn mục đích tu hành là để Tự Độ! Tạo ác đọa đến mấy tầng địa ngục cũng là Thân và Tâm mà tu hành cho tới đắc Vô Thượng Niết Bàn cũng vẫn là THÂN và TÂM. Tất cả những phẩm trợ đạo, những phương tiện như Lục Độ, Vạn Hạnh, Thiền Định, giữ Giới, Bát Chánh Đạo… cũng chỉ là để hỗ trợ cho việc điều phục hai tên đại gian đại ác này cho thành công mà thôi vậy. Tâm-Nguyện (12/2008) ĐỐ KIỀU BÁ KHOÁT Hỏi: Truyện Kiều xin hỏi mấy câu: Thanh y mấy lượt thanh lâu mấy lần, Đoạn trường nhắm mắt đưa chân Hỏi rằng Kiều đã mấy lần kết hôn?
Đáp: Nàng Kiều giữ Hiếu thanh cao Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Thanh y: 1. Trốn nhà họ Hoạn cực hình Vào Chùa Chiêu ẩn tụng kinh đã tường Khi Kiều nhảy xuống Tiền Đường Ngư ông cứu vớt Kiều đương mơ màng 2. Giác duyên đón rước đàng hoàng Muối dưa đắp đổi đèn nhang Phật đường.
Thanh lâu: 1. Bán mình vì hiếu tình thương Mã Sinh đưa lối vào đường lầu xanh 2. Bạc bà, Bạc Hạnh gian manh Lừa Kiều đem bán lầu xanh bốn lời.
Kết hôn: 1. Lấy chồng kể cũng nhiều nơi Trước tiên Mã Giám thấy lời liền mua 2. Trên lầu Ngưng Bích sớm trưa Sở Khanh tháo cũi ngựa đưa rước nàng. 3. Thúc Sinh nghe tiếng vội vàng Giao vàng mụ Tú chuộc nàng nên duyên Phải tay vợ cả chẳng hiền Kề răng hùm sói trốn liền ẩn am 4. Bạc bà, Bạc Hạnh cưu mang Xuống thuyền kết nghĩa cùng chàng bán buôn Lầu xanh đón khách sáng hôm Biên đình nghe tiếng mê hồn sang chơi 5. Trai tài gái sắc xứng đôi Cùng chàng Từ Hải về nơi Cung đình 6. Lấy chồng rồi lại giết tình Hồ công ép gán như hình thổ quan 7. Tái hồi Kim Trọng kêu van Động phòng dìu dặt uống ăn chén mồi Động giường chẳng chịu thì thôi Chẳng chơi cầm sắt chỉ chơi cầm kỳ Mười lăm năm ấy bước đi Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần Lấy chồng bảy lượt xoay vần Lập am niệm Phật hưởng phần thanh cao.
Bá Khoát (Đông 2008) TÌM TRONG KHO BÁU Thi Đố Kiều tháng 11 Vương Trọng Hỏi Cỏ non xanh rợn chân trời Cành Lê trắng điểm Liễu thời thướt tha. Hải đường lả ngọn bên nhà Sen tàn Cúc lại nở hoa khắp miền. Nơi nào cỏ đã mọc lên? (1) Bao loài cây đã có tên trong Kiều? (2)
Đáp (1) 1. Cỏ non mọc tận chân trời 2. Dầu dầu cỏ mọc mộ người Đạm Tiên 3. Một vùng nghĩa địa cỏ lên Trên xe kiệu rước liên miên nỗi buồn. 4. Bên đường ngọn cỏ lệ tuôn Trú phường họ Mã mê hồn Kiều nhi 5. Trên lầu ngưng bích mỗi khi Buồn trông nội cỏ dầu chi là dầu. 6. Tớ thầy hoảng hốt đến mau Quanh vườn bụi cỏ thấy đâu nàng Kiều. 7. Chàng Kim về thấy tiêu điều Đầy vườn cỏ mọc nàng Kiều mất tăm. 8. Lân la Kim mới hỏi thăm Tìm nhà viên ngoại cỏ lan sân vườn. 9. Giác duyên đưa lối dẫn đường Vạch lau cỏ đến cổng tường thảo lư. Chín nơi cỏ mọc hình như Dầu dầu ngọn cỏ tương tư nàng Kiều.
Bá Khoát Đáp (2) Những cây tả cảnh trong Kiều Ghép thơ minh họa mỹ miều thêm hoa 1. Mai vàng xuân nở trước nhà 2. Kiều buồn như Cúc xuân qua héo tàn 3. Hoa Quỳnh đêm nở ngày tan 4. Vươn lên nương tựa hoàn toàn cây Giao. 5. Nách tường cây Liễu vươn cao Gió đông bông rụng bay vào nhà Kim 6. Hải đường lả ngọn đón chim 7. Trên Đào chẳng thấy Kiều tìm kim thoa. 8. Vườn Hồng trồng ở quanh nhà 9. Trong Dâu trai gái ai mà mến ưa 10. Đào tiên đã bén tay vừa 11. Thì vin cành Quýt sớm trưa thử dùng. 12. Trúc xinh trúc mọc quanh vùng 13. Măng mai to lớn họ cùng Trúc Tre. 14. Lựu bông chớm nở lập lòe Máu gà vỏ Lựu mụ khoe trinh truyền 15. Cây Tùng ngay thẳng vươn lên 16. Cát đằng nương tựa leo trên thân Tùng. 17. Trà mi bông nở lạ lùng Mười cánh mười nhị thơm lừng tỏa hương. 18. Chàng Kim mơ mộng bụi Hường Bởi vì trong bụi (1) vấn vương hai Kiều 19. Lân la hái Mận buổi chiều 20. Sen tàn Cúc nở hoa nhiều mùa xuân. Hai mươi cây cảnh tả chân Vườn Kiều họa đủ thanh tân đoạn trường.
Bá Khoát (1) Bụi bồng: khóm bông hồng HẦU TRỜI TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU Đêm qua chẳng biết có hay không, Chẳng phải hoảng hốt, không mơ mòng. Thật hồn, thật phách, thật thân thể, Thật được lên tiên, sướng lạ lùng! Nguyên lúc năm canh nằm một mình, Vắt chân dưới bóng ngọn đèn xanh. Nằm buồn ngồi dậy đun nước uống, Uống xong ấm nước, nằm ngâm văn. Chơi văn ngâm chán, lại chơi trăng, Ra sân cùng bóng đi tung tăng. Trên trời bỗng thấy hai cô xuống, Miệng cười mũm mĩm cùng nói rằng. “Trời nghe hạ giới ai ngâm nga, “Tiếng ngâm văng cả sông Giang Hà. “Làm Trời mất ngủ, Trời đương mắng “Có hay lên đọc Trời nghe qua”. Ước mãi, bây giờ mới gặp tiên! Người tiên nghe tiếng lại như quen. Văn chương nào có hay cho lắm, Trời đã sai gọi thời phải lên. Theo hai cô tiên lên đường mây, Vù vù không cánh mà như bay. Cửa son đỏ chói oai rực rỡ! Thiên môn, Đế Khuyết, như là đây? Vào trong thấy Trời sụp xuống lạy, Trời sai tiên nữ giắt lôi dậy. Ghế bành như tuyết, vân như mây, Truyền cho văn sĩ ngồi chơi đây. Tiên đồng pha nước, uống vừa xong, Bỗng thấy chư tiên đến thật đông. Chung quanh bày ghế ngồi la liệt, Tiên bà, Tiên cô, cùng Tiên ông. Chư tiên ngồi quanh đã tỉnh túc Trời sai pha nước để nhấp giọng. Truyền cho văn sĩ đọc văn nghe, "Dạ, bẩm lạy Trời, con xin đọc". Đọc hết văn vần, sang văn suôi, Hết văn thuyết lý, lại văn chơi. Đương cơn đắc ý đọc đã thích, Chè Trời, nhắp giọng càng tốt hơi! Văn dài hơi tốt ran cung mây, Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay. Tâm tư nỡ dạ, cơ lè lưỡi, Hằng Nga, Chức Nữ, chau đôi mày. Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng, Đọc xong mỗi bài, cùng vỗ tay. "Bẩm con không dám mang cửa Trời, Nhưng các văn con in cả rồi”. Hai quyển Khối Tình, văn Thuyết lý, Hai khối tình con là văn chơi. Thần tiên, Giấc Mộng văn tiểu thuyết, Đài gương, Lên sáu, văn vị đời. Quyển đàn bà Tàu lối văn dịch, Đến quyển lên Tám nay là mười; Nhờ Trời văn con mà bán được Chữa biết con in ra mấy mươi. Văn đã giàu thay, lại lắm lối, Trời nghe, Trời cũng bật buồn cười. Chư tiên ao ước, tranh nhau dặn. Anh gánh thơ lên bán chợ Trời. Trời lại phê cho: "Văn thật tuyệt!” “Văn trần được thế chắc có ít? “Lời văn chuốc đẹp như sao băng! “Khí văn hùng mạnh như mây chuyển! “Êm như gió thoảng, tinh như sương! “Đầm như mưa sa, lạnh như tuyết ! “Chẳng hay văn sĩ tên họ gì ? “Người ở phương nào, ta chẳng biết!" "Dạ, bẩm lạy Trời con xin thưa: “Con tên Khắc Hiếu, họ là Nguyễn. “Quê ở Á Châu về địa cầu, “Sông Đà, núi Tản nước Nam Việt" Nghe xong, trời ngợ một lúc lâu Sai bảo Thiên Tào lấy sổ xét. Thiên Tào lấy sổ xét vừa xong Đệ sổ lên trình Thượng đế trông "Bẩm, quả có tên Nguyễn Khắc Hiếu, “Đài xuống hạ giới về tôi ngông". Trời rằng: "Không phải là trời đày, Trời định sai con một việc này: Là việc Thiên lương của nhân loại, Cho con xuống thuật cùng đời hay. Bẩm, Trời cảnh con thật nghèo khó, Trần gian thước đất cũng không có. Nhờ Trời năm xưa học ít nhiều, Vốn liếng còn một bụng văn đó. Giấy người, mực người, thuê người in, Mướn cửa hàng người bán phường phố. Văn chương hạ giới rẻ như bèo! Kiếm được đồng lãi thực rất khó! Kiếm được có ít, tiêu phải nhiều, Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu. Lo ăn, lo mặc xuốt ngày tháng, Học ngày một kém, tuổi ngày cao! Sức trong non yếu, ngoài chen rấp. Một cây che chống bốn năm chiều. Trời lại sai con việc nặng quá, Biết làm có nổi mà dám theo? Rằng: "Con không nói Trời cũng biết, Trời dẫu ngồi cao Trời thấu hết, Cho con cứ việc về làm ăn, Lòng thông chớ ngại chi sương tuyết. Cố xong công việc của Trời sai, Trời sẽ cho con về Đế Khuyết Vâng lời Trời dạy lại xin ra Trời sai Thiên Ngưu, đóng xe tiễn, Xe Trời đã chực ngoài Thiên môn, Chư tiên theo ra cùng tiễn biệt. Hai hàng lụy biệt giọt sương rơi! Trông xuống Trần gian vạn dặm khơi, Thiên Tiên ở lại, Chích Tiên xuống, Theo đường không khí về Trần ai. Đêm khuya khí thanh sao thưa vắng, Trăng tà đưa lối về non Đoài. Non Đoài đã tới quê Trần giới, Trông lên chư tiên không còn ai! Tiếng gà sao sác, tiếng người dậy, Giữa sân còn đứng riêng ngậm ngùi. Một năm ba trăm sáu mươi đêm, Sao được đêm đêm lên hầu Trời./. LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE (1869-1955) NGƯỜI CÓ CÔNG LỚN ĐỐI VỚI NGÔN NGỮ HỌC, VĂN HÓA VÀ SỬ HỌC VIỆT NAM Nguyễn Lý Tưởng (Dựa trên tài liệu của Tòa Tổng Giám Mục Huế và công trình nghiên cứu của Gs. Lê Ngọc Bích, VN, về Léopold-Michel Cadière). Trước 1945, xe lửa chạy suốt từ Sài Gòn ra Hà Nội theo thông lệ chỉ dừng lại các ga lớn của các thành phố, tỉnh lỵ quan trọng chứ không ngừng ở các trạm nhỏ. Nhưng có một làng nằm giữa đoạn đường Đông Hà (Quảng Trị) và Đồng Hới (Quảng Bình) là làng Di Loan, thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã được Toàn quyền Đông Dương cho phép thiết lập một ga tạm nhỏ và xe lửa chạy suốt bắt buộc phải dừng lại đó trong 5 phút để cho một nhà thông thái, một nhà văn hóa kiêm sử gia và cũng là nhà ngôn ngữ học bước lên tàu để ra Hà Nội họp tại trường Viễn Đông Bác Cổ (École Francaise d’Extrême Orient) hàng tháng: Đó là Linh Mục Léopold-Michel Cadière thường gọi là Cố Cả. Chỉ vì một người mà Toàn quyền đã ra lệnh thiết lập một trạm xe lửa thì người đó chắc chắn là một bậc vị vọng, đáng kính và danh giá như thế nào? Thế nhưng ông chỉ là một nhà tu hành, đến Việt Nam ngày 23 tháng 12 năm 1892 và đã chết tại Việt Nam ngày 10 tháng 7 năm 1955, với 63 năm phục vụ cho đất nước này không những về phương diện tôn giáo, xã hội mà còn có công lớn trong lĩnh vực nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Việt Nam nữa. Trên các tập san của trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême Orient: BEFEO) và Tạp chí Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin Des Amis Du Vieur Huế: BAVH) trước 1945, ngày nay được dịch là “Những Người Bạn Của Cố Đô Huế”… thường xuất hiện những bài nghiên cứu của Ông về các lãnh vực Ngôn Ngữ Học, Sử Học cũng như Văn Hóa Việt Nam rất giá trị đã được các nhà bác học, giáo sư, học giả trên thế giới cho là “khuôn vàng thước ngọc”, được trích dịch, trưng dẫn làm tài liệu nghiên cứu cũng như giảng dạy trong các đại học… Ông am hiểu Pháp văn (vì là tiếng mẹ đẻ), am hiểu La Tinh (vì là một Linh Mục), Hán Văn, chữ Nôm, chữ Quốc Ngữ (tiếng Việt), thông thuộc sử sách Việt Nam và Trung Hoa, thông thuộc các địa danh, biết cả văn hóa lịch sử của 3 nước Đông Dương và nhất là giỏi tiếng Việt, kể cả tiếng lóng, tiếng địa phương… Tạp chí “Mission Étrangère de Paris” ghi nhận rằng từ năm 1898-1955, trong 57 năm, ông đã viết tất cả 245 đề tài nghiên cứu đủ mọi vấn đề… Rất tiếc, từ hậu bán thế kỷ 20 về sau, vì hoàn cảnh chiến tranh, vì sự thay đổi trong ảnh hưởng văn hóa từ Pháp chuyển qua Mỹ… nên ngày nay, các thế hệ trẻ rất ít người biết đến sự nghiệp văn hóa của ông, nhất là công ơn của ông đối với nền văn hóa, lịch sử Việt Nam. Là một người học sách của ông, tiếp cận những nguồn tài liệu và công trình nghiên cứu của ông gần nửa thế kỷ nay, chúng tôi tự nhận mình cũng là một trong các môn sinh hàm thụ của ông. Và, sau khi chờ đợi các bậc đàn anh có điều kiện và tư cách để nói về ông, nhưng chưa có vị nào làm công tác đó… nên hôm nay, chúng tôi xin mạo muội viết đôi dòng về ông. Nếu có điều gì sai sót, kính mong các bậc thầy, các bậc đàn anh chỉ giáo và bổ túc cho. Chúng tôi xin chân thành cám ơn. I. THỜI THƠ ẤU CỦA LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE. Ông sinh ngày 14 tháng 2 năm 1869 trong một gia đình sống về nghề chăn nuôi trồng trọt, hấp thụ một nền giáo dục Công Giáo, bản chất hiền lành mộc mạc và ngoan đạo của xứ Sainte-Anne-des-Pinchinats, kế cận Aix-en-Provence là một xứ thơ mộng thuộc vùng cửa sông Rhône, Đông Nam nước Pháp. Nơi đây thuộc khí hậu miền Địa Trung Hải tương tự như vùng nam California, Hoa Kỳ, với bầu trời luôn xanh trong, thường khô ráo, ít mưa, mùa hè mát mẻ, mùa Đông ấm áp, là nơi lý tưởng cho khách du lịch và tuổi già. Gia đình bên ngoại và cha mẹ đều là người dân quê lâu đời của vùng này. Ông học chương trình tiểu học tại trường làng, khoảng 12 tuổi, gia đình ông về sinh sống tại thành phố Aix và gởi ông học tại trường Trung học Bourbon. Khoảng 13, 14 tuổi thì cụ thân sinh qua đời. Sau đó ông vào tu học tại Tiểu Chủng Viện và Đại Chủng Viện tại Aix thuộc tu hội Saint Sulpice (Xuân Bích). Từ Saint Sulpice, ông tình nguyện nhập Hội Truyển Giáo Ba Lê (Mission Étrangère de Paris) và chịu chức Linh Mục vào ngày 04 tháng 9 năm 1892, mới 23 tuổi. Ông được xem là một người thông minh xuất chúng ngay từ hồi còn trẻ. II. TÌNH NGUYỆN ĐẾN PHỤC VỤ GIÁO HỘI VIỆT NAM. Ngày 26-10-1892, ông rời nước Pháp lên đường qua Việt Nam. Ông đã đến Đà Nẵng ngày 3 tháng 12-1892 gặp thời tiết mưa bão, ẩm ướt nên mãi đến 10 ngày sau ông mới đến Huế (22-12-1892). Hôm sau, 23-12-1892, ông được Giám Mục Caspar (Đức Cha Lộc, 1880-1904) tiếp kiến. Ngài nhận thấy ông là một nhà thông thái trẻ và rất có năng khiếu về ngôn ngữ. GIÁO SƯ TẠI CHỦNG VIỆN. Từ tháng 01-1893 ông được bổ nhiệm là Giáo sư tại Đại Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng) thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Qua năm sau, vào tháng 10-1894, ông được gọi về Huế phụ trách môn Thần học tín lý cho các thầy tại Đại Chủng Viện Phú Xuân (Kim Long, Huế) vừa mới xây cất xong. Tuy nhiên khả năng của ông không phải ở chỗ dạy học hay nghiên cứu trong các thư viện mà chính là tiếp xúc với người địa phương. CHA XỨ Từ Tam Tòa đến Bồ Khê (Quảng Bình) Tháng 10-1895, ông được Đức Giám Mục Huế cử đi làm cha xứ Tam Tòa, Quảng Bình. Đây là một xứ đạo nằm bên bờ sông Nhật Lệ, cạnh thị xã Đồng Hới, nơi có Lũy Thầy do Đào Duy Từ xây dựng từ thời Chúa Nguyễn để chống lại họ Trịnh vào thế kỷ 17. Những di tích phong phú về lịch sử ở vùng này đã hấp dẫn ông. Chính nơi đây ông đã phát hiện một bia đá ghi lại sự tích chiến tranh thời Trịnh - Nguyễn. Công trình nghiên cứu của ông đã được giải thưởng của Viện Khoa Học Pháp và Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ đã đăng bài nghiên cứu này vào năm 1906. Ở Tam Hòa được một năm thì ông được lệnh đến làm cha xứ Cù Lạc (10-1896). Đây là một xứ đạo nhỏ bé, nghèo nàn nằm phía hữu ngạn Nguồn Son, một phụ lưu của sông Gianh, còn gọi là Câu lạc, thuộc tổng Cao Lao, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông lo xây nhà ở, trường học, dạy dỗ con chiên, hoạt động bác ái, gây được cảm tình của nhiều người làm cho số giáo dân gia tăng rất nhanh. Đến năm 1902, Đức Giám Mục Caspar đã chia xứ này thành hai xứ là Cù Lạc và Bồ Khê. Ông phải rời Cù Lạc đi nhận xứ mới Bồ Khê, một vùng quê dân trí thấp kém và nghèo nàn. Đây là một vùng đá vôi rộng lớn, nước độc, đa số dân bị bệnh sốt rét… Chỉ trong hai năm, ông đã làm cho Bồ Khê tươi sáng hẳn lên. Đây là một vùng phong cảnh rất đẹp, nước xoi mòn các lớp vôi mềm, còn lại những ròng đá cứng, đỉnh núi nhọn lởm chởm, địa thế hùng vĩ; sông ngầm chảy trong núi tạo nên những hang động thạch nhũ. Năm 1898, ông đã khám phá ra độgn Phong Nha thuộc vùng này, là một nơi danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Gần 8 năm ở Cù Lạc và Bồ Khê, ông đã hoàn thành công trình nghiên cứu về ngôn ngữ địa phương cũng như địa lý, lịch sử của vùng này. Trở về Trí Bưu (Quảng Trị) Ngày 28-6-1904, ông được lệnh về làm Cha xứ Trí Bưu kiêm Quản hạt Dinh Cát (Quảng Trị). Đây là một vùng đất lập nghiệp thuở ban đầu của nhà Nguyễn, năm 1558 Nguyễn Hoàng vào trấn Thuận Hóa đã đóng quân ở Ái Tử và lập dinh trấn gọi là Dinh Cát. Từ cuối thế kỷ 16, các nhà truyền giáo đã đến vùng này. Một trong những người Công giáo đầu tiên là Bà Minh Đức Vương Thái Phi (còn có tên là Bà Maria), là vợ của chúa Nguyễn Hoàng. Về sau bà này vào ở tại Kim Long, Huế và chết tại đây khoảng 1648-1649 (cuối đời chúa Nguyễn Phúc Lan, đầu đời chúa Nguyễn Phúc Tần). Chính nơi đây Léopold-Michel Cadière đã nghiên cứu về các di tích của chúa Nguyễn trước thời Gia Long. Các địa danh như Ái Tử, Trà Liên, Trà Bát, Dinh Cát, Miếu Bông (vào thời Vĩnh Tộ, nhà Lê 1620-1628) vv… đã được một thời được nhắc nhở qua sử sách. Song song với các di tích lịch sử thời các chúa Nguyễn còn có nhiều di tích của người Chàm như Trung Đơn (Hải Lăng), Dương Lệ (Triệu Phong) vv… Sống ở vùng này như cá gặp nước nên ông tha hồ mà tìm tòi, học hỏi. Tại Trí Bưu, ông đã sửa sang trường học, xây nhà thờ, lập nhà tu Mến Thánh Giá, nuôi trẻ mồ côi vv… La Vang chỉ cách Trí Bưu có 7 cây số, ngày xưa thuộc cha xứ Trí Bưu, cứ 3 năm có một lần Đại Hội La Vang và mỗi năm vào dịp tết lại có hành hương “Kiệu Minh Niên” nên ông đã góp công nhiều trong việc tổ chức các đại hội này (dịp 9-8-1910). PHÁT HIỆN CÁC TÀI LIỆU LỊCH SỬ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆT NAM TẠI CÁC THƯ VIỆN CHÂU ÂU. Ngày 4 tháng 12-1910, nhân dịp về Pháp chữa bệnh, ông được Giám đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội nhờ tìm kiếm một số tài liệu liên quan đến sự giao thiệp giữa các chúa Nguyễn và người Âu Châu trong các thế kỷ 16, 17, 18… Ông đã gặp được tại Roma bản chép tay cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes (thế kỷ 17) và những thư từ trao đổi giữa Nguyễn Phúc Ánh và các sĩ quan Pháp vào cuối thế kỷ 18, những liên hệ giữa Nguyễn Phúc Ánh và Đức Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), bút ký của Giáo sĩ Bénigne Vachet về xứ Đàng Trong… HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA: THÀNH LẬP HỘI “ĐÔ THÀNH HIẾU CỔ” Từ năm 1913-1918, Léopold-Michel Cadière được cử làm Tuyên úy Trường Pellerin tại Huế. Thời gian này ông đã cùng bạn bè trong giới trí thức Pháp và Việt tại Huế thành lập hội “Đô Thành Hiếu Cổ” (Association des Amis du Vieux Huế: Hội những Người Bạn Của Cố Đô Huế) vào năm 1914, và xuất bản Tập San “Đô Thành Hiếu Cổ” (Bulletin des Amis du Vieux Huế: Tập san Những Người Bạn của Cố Đô Huế, gọi tắt là B.A.V.H.) mục đích hoạt động văn hóa. Đây là một Tạp chí Khoa Học có giá trị nhất Đông Dương thời đó sau Tập san của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Bulletin de l’École Francaise d’Extrême Orient: BEFEO) chuyên viết về các vấn đề văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tôn giáo, phong tục, mỹ thuật, ngôn ngữ vv… Trước 1914, chưa có một tập san nào nghiên cứu về Huế có giá trị như B.A.V.H. và về sau, những nhà nghiên cứu về Huế vẫn phải dựa vào nó… Những nhà trí thức, nhân sĩ ở Huế thời đó đã cộng tác với B.A.V.H. như các cụ Tôn Thất Hân (Thượng thư), Nguyễn Hữu Bài (Thượng thư), Nguyễn Đình Hòe, Đào Thái Hanh, Lê Văn Miến (Họa sĩ), Tôn Thất Sa (Họa sĩ), Nguyễn Tiến Lãng, Đào Duy Anh… Người Pháp có: Dumoutier, Reyssoneux, Henri Cosserat… Các Linh Mục Pirey, Morineau, Chapuis, Delvaux… CHA XỨ DI LOAN (QUẢNG TRỊ). Nhiệm vụ chính của ông là truyền giáo nên mặc dù hoạt động văn hóa, ông vẫn phải làm nhiệm vụ tôn giáo của mình. Tháng 9-1918, ông được bổ nhiệm về làm Cha xứ Di Loan (hay Di Luân), quê hương của Đức Giám Mục Lê Hữu Từ thuộc phủ Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, là một nơi đông dân, gần Tiểu Chủng Viện An Ninh (Cửa Tùng), là cơ sở Công Giáo lâu đời và cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử thời các chúa Nguyễn… Ông vừa là cha xứ Di Loan vừa là hạt trưởng vùng Đất Đỏ (Gio Linh, Vĩnh Linh), vẫn đi thăm các giáo xứ, sinh hoạt tôn giáo mục vụ, giảng dạy con chiên. Ở đâu ông cũng chủ trương nâng cao dân trí, giúp các nữ tu dòng Mến Thánh Giá học văn hóa, học nghề để tự túc, tổ chức trồng dâu nuôi tằm, sản xuất tơ lụa, sản phẩm của Di Loan nổi tiếng khắp Việt Nam, Đông Nam Á và cả ở Pháp nữa. Tại Di Loan, ông có lập ra một vườn sưu tầm các thứ cây vùng nhiệt đới quý hiếm đem về trồng. Trong số từ 160-180 loại cây thì có khoảng 10 loại mà giới thực vật học thế giới chưa hề biết. Ông đã đặt tên cho các loại cây đó. Ông đã công bố trong một tài liệu “Các cây cỏ ở Quảng Bình” (Fougères du Quang Binh) đăng trong Revue Indochinoise tập VI (1906) tr. 647-660. Tiến sĩ Chris de Bâle đã có một chuyên khảo về các loại cây do L.Cadière tìm ra. Cũng trong thời gian này, ông được mời vào Viện Viễn Đông Bác Cổ với tư cách là thành viên hoạt động. Mỗi tháng, ông phải từ Di Loan ra Hà Nội họp. Vì thế, Toàn Quyền Pháp tại Đông Dương đã cho phép lập trạm xe lửa gần Di Loan để ông có thể lên tàu suốt Sài gòn – Hà Nội để dự họp cho kịp giờ. THUYẾT TRÌNH VỀ “GIA ĐÌNH VÀ TÔN GIÁO VIỆT NAM” TẠI PHÁP. Tháng 3-1928, nhân dịp về Pháp, ông đã tham gia “Tuần Lễ dân tộc Học Tôn Giáo” tổ chức tại Luxembourg. Tại đây ông đã thuyết trình về đề tài: “Gia Đình và Tôn Giáo Việt Nam”. Ông vẫn tiếp tục đến các thư viện của Hội Truyền Giáo Paris, thư viện Vatican… để tìm các tài liệu lịch sử liên quan đến Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và Giáo sĩ Gaspar Luis, thuộc Dòng Tên ở Macao ngày xưa… BỊ NHẬT BẮT GIAM 5 THÁNG. Sau hai năm ở Pháp, ông trở lại Di Loan vào đầu năm 1930. Ngày 9 tháng 3 năm 1945. Nhật đảo chánh Pháp tại Đông Dương, ông cùng các Linh Mục người Pháp bị Nhật bắt giam tại Huế trong 5 tháng. Khi Việt Minh cướp chính quyền, ông được tự do và trở về Di Loan. VIẾT HỒI KÝ VÀ SỐNG ÂM THẦM CHO ĐẾN HẾT ĐỜI. Thời gian sống tại Vinh (cuối 1946 đến 13/6/1953), ông viết “Souvenirs” (*) (Hồi ký). Ông đã nhận ra được rằng: “Tôi cảm ơn Chúa đã cho tôi những năm tháng thoát khỏi mọi công việc để chuyên tâm cầu nguyện”. Thời gian này ông đã sống đúng nghĩa của một người tu hành, trung thành với đức tin của mình. Năm 84 tuổi (1953) ông về Huế, sống tại Tòa Giám Mục âm thầm, chỉ những ai quen biết và thân tình với ông mới lui tới thăm viế`ng mà thôi. Hằng ngày, ông đọc kinh cầu nguyện, dâng Thánh lễ… Trong một bài viết nhân dịp kỷ niệm 50 năm chịu chức Linh Mục (1942), ông đã nói rằng: “Tôi đã hiểu người Việt vì tôi nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi đã nghiên cứu tiếng Việt ngay từ khi mới đến đây và tôi hiện nay vẫn tiếp tục nghiên cứu (…) Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng lễ nghi tôn giáo, phong tục người Việt, tôi yêu mến người Việt. Tôi yêu mến người Việt vì họ thông minh xuất sắc và tinh thần linh lợi (…) Tôi yêu mến người Việt cũng vì họ trải qua nhiều đau khổ” (Nguyệt san Nguồn Sống, địa phận Huế, số 1 ra ngày 15-7-1958 tr.45: bài “Hoài Niệm Cố Cả” của Ngọc Quỳnh). (*) Hồi ký của một người đang Việt Nam hóa (Souvenirs d’un vieil Annamitisant) đăng làm nhiều kỳ trong tờ Indochine illustréè. MỘT SỐ TÁC PHẨM QUAN TRỌNG CỦA LÉOPOLD-MICHEL CADIÈRE 1. Ngữ Âm Học Việt Nam (2 cuốn: Phương Ngữ Thượng Du Trung Kỳ, 1902 và 1911) mối quan hệ giữa tiếng Mường với tiếng Viết vùng Bắc Trung Kỳ… 2. Tín Ngưỡng và Tục Ngữ miền Thung Lũng Ngân Sơn (1901) 3. Địa Lý Lịch Sử Quảng Bình (1902) 4. Dinh Trấn Các Chúa Nguyễn Trước Gia Long (Paris,1916) 5. Tín ngưỡng và Nghi Thức Tôn Giáo của Người Việt Nam (3 tập, in tại Paris, 1944, 1955, 1956) 6. Nghệ Thuật Công Giáo Việt Nam (1953) 7. Cách tổ chức và điều hành một họ đạo Việt Nam (1955) 8. Các bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí BEFEO (Tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ) và BAVH (Tập san Đô Thành Hiếu Cổ), và các nơi khác không thể kể hết được. GIÂY PHÚT CUỐI. Vào tuổi 86, ông không còn đủ sức đi lại, giao thiệp, chuyện trò với mọi người một cách bình thường nữa. Ông nằm liệt giường kể từ ngày 6 tháng 7 năm 1955 tại nhà hưu dưỡng các Linh Mục, 37 đường Phan Đình Phùng, Huế. Ba ngày sau thì ông mất (10-7-1955). Ông được an táng trong vườn của Đại Chủng Viện Phú Xuân (Kim Long) nay là Đại Chủng Viện Xuân Bích, Huế. Về ngày mất của ông, theo tài liệu của Tòa Tông Giám Mục Huế ghi là ngày 10 tháng 7 năm 1955, trên bia mộ chỉ ghi năm sinh và năm mất. Nhưng các LM người Pháp bạn của ông như Georges Lefas (nguyên giáo sư trường Thiên Hữu Huế trước 1975) và Louis Malleret, ghi là ngày 6-7-1955. KẾT LUẬN Trên 63 năm sống tại Việt Nam, ông đã đóng góp vào việc nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ, phong tục, lịch sử Việt Nam rất lớn. Trong phạm vi một vài trang báo, chúng tôi không thể nói hết được và cũng không thể khai thác hết tất cả những tài liệu hiện có trong tay. Chúng tôi chỉ biết bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ một nhà tôn giáo, nhà tu hành, nhà đạo đức, nhà văn hóa, khoa học, sử học đáng bậc thầy, đã hy sinh đời mình vì lý tưởng, vì niềm tin tôn giáo, đã yêu thương đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam một cách chân thành. Điều đó đã làm cho chúng tôi vô cùng cảm động và yêu thương con người và sự nghiệp văn hóa và đạo đức của ông. Ông đã để lại cho người Việt Nam gồm đủ mọi thế hệ sau ông một kho tàng văn hóa, lịch sử vô giá, giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc tìm lại nguồn gốc văn hóa, lịch sử của dân tộc mình. Ông đã tham gia và xây dựng các tổ chức văn hóa khoa học như: - Hội Ngôn Ngữ Á Châu - Hội Địa Lý Học Hà Nội - Hội Bách Thảo Paris - Hàn Lâm Viện Aix - Hàn Lâm Viện Khoa Học Thuộc Địa - Hội Giáo Dục Tinh Thần và Luân Lý Việt Nam - Hội Thuần Dưỡng Paris - Hội Đông Dương Học Sài Gòn - Hội viên Trường Nhân Chủng Học Đông Dương - Hội Viễn Đông Bác Cổ vv… Hiện nay, người ta đã dịch toàn bộ công trình nghiên cứu của ông đã đăng tải trên Tập san “Đô Thành Hiếu Cổ” (Bulletin des Amois Vieux Huế) trước đây với tựa đề sách “Những Người Bạn Của Cố Đô Huế” (do nhà xuất bản Thuận Hóa) và vào khoảng 1990 trở đi, khi toàn bộ di tích Kinh Thành Huế được Quốc gia và Quốc tế (UNESCO) công nhận là di tích lịch sử của thế giới thì Léopold-Michel Cadière được tôn xưng là: “MỘT NHÀ HUẾ HỌC”, “MỘT NHÀ VIỆT NAM HỌC”. Ngày nay, trường hợp của ông đã được xét lại và chính quyền Việt Nam, nhất là những người làm công tác văn hóa, lịch sử tại Huế… đã xác nhận công lao của ông đã làm cho thế giới biết đến văn hóa, lịch sử Việt Nam, nhất là biết đến văn hóa, lich sử, nghệ thuật của Huế… Trên Tuần báo “Công Giáo dân Tộc” số 854 ra ngày 26-4-1992 tr.11-20. Võ Xuân Trang có viết một bài tựa đề: “Léopold Cadière, một Linh Mục, một nhà khoa học, một con người gắn bó với Huế”, đoạn kết, ông viết: “Một số tài liệu di khảo chưa công bố, Linh Mục đã trối lại cho Dòng Thiên An cất giữ để hậu thế sử dụng, nhưng tiếc thay bom Mỹ đã đánh trúng thư viện Dòng Thiên An…” Nguyễn Đắc Xuân, trong bài “Tưởng nhớ NHÀ HUẾ HỌC Léopold Cadière” đăng trên báo “Lao Động” xuất bản ngày 23-6-1994, có đoạn viết như sau: “Huế đã được công nhận di sản thế giới. Để có được sự công nhận ấy, một thế kỷ qua nhiều nhà Huế học, nhà văn, nhà nghiên cứu đã đóng góp biết bao công trình để giới thiệu Huế với thế giới. Người được tôn là bậc thầy trong công việc này là Léopold Cadière (…) Duy có ‘một điều lạ” là không có mấy người biết về cuộc đời Léopold Cadière. Nguyên nhân vì đúc khiêm tốn, lúc sinh thời ông cho rằng những gì nói về ông là không cần thiết”. Đào Hùng, trong Nguyệt San “Xưa và Nay” của Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam (số 6 năm 1995, tr.26-27) có bài viết: “Linh MỤc Cadière, một trong những người mở đầu môn Việt Nam học”, phần kết tác giả viết: “Có thể nói tư tưởng của LM Cadière đã mở đường cho những nghiên cứu Việt Nam đầu thế kỷ 20. Cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng cho tất cả những ai quan tâm đến môn Việt Nam học, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, phải kính cẩn suy ngẫm.” “Ông đã đem lại những hiểu biết sâu sắc về dân tộc Việt Nam, một dân tộc mà nhiều nhà nghiên cứu trước đây từng nghĩ rằng đã hoàn toàn Hán hóa, không có cá tính (…)” Sư nghiệp của ông thật là to lớn. Xin đốt lên một nén hương lòng để tưởng nhớ và tri ân ông. LM. Jos. Nguyễn Hữu Triết st Phụ Bản IV Hoàng Hạc Lâu – Lầu Hoàng Hạc. Lầu Hoàng Hạc tọa lạc tại núi Thạch Sơn nay thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, được coi là Thiên Hạ Đệ Nhất Thắng Cảnh (The First Scenery under Heaven) Tương truyền, ngày xưa đó là một tửu quán được đông đảo tửu đồ thực khách lui tới. Một hôm một đạo sĩ ăn mặc rách rưới tới gọi rượu. Chủ quán làm lơ không thèm để ý, nhưng con trai ông ta vốn là người khoan hòa nhân hậu, đem rượu ra mời đạo sĩ mà không bao giờ hỏi tiền. Đạo sĩ thường xuyên đến quán rượu trong suốt nửa năm. Một hôm đạo sĩ cho người con chủ quán biết ông ta muốn trả tiền rượu đã uống chịu từ trước đến nay. Nhưng thay vì trả bằng tiền đạo sĩ vẽ lên vách quán một con hạc vàng. Con hạc sẽ nhảy múa mỗi khi được yêu cầu. Nghe tin này nhiều người ở khắp nơi tranh nhau đến quán uống rượu để được tận mắt chiêm ngưỡng con hạc múa. Nhờ đó gia đình ông chủ quán rượu trở nên giàu có. Một thời gian sau, vị đạo sĩ trở lại quán. Sau khi uống rượu xong, đạo sĩ vẩy tay gọi con hạc trên vách xuống nhảy múa, và ông ngồi lên lưng hạc bay đi. Từ đó quán rượu không con hạc vàng nhảy múa nữa. Ông chủ quán cho xây dựng một tòa lầu đặt tên là Hoàng Hạc Lâu (Lầu Hạc Vàng) để kỷ niệm. Theo những gì còn được ghi chép lại, Lầu Hoàng Hạc được xây dựng đầu tiên vào năm 220 (thời Tam Quốc). Do lầu nằm một vị trí rất thuận tiện cho việc quan sát về mặt quân sự, nên không lâu sau đó nó được Tôn Quyền (nước Ngô) xây dựng thành một vọng lâu (đài quan sát). Đến đời Đường nhiều bậc thi hào làm thơ về lầu Hoàng Hạc, nơi này lại nổi tiếng và hấp dẫn nhiều khách tham quan. Trong nhiều thế kỷ, Lầu Hoàng Hạc bị tàn phá và tái thiết nhiều lần. Chỉ trong hai triều đại Minh (1368 - 1644) và Thanh (1644 - 1911) Lầu Hoàng Hạc cũng nhiều phen bị phá hủy rồi lại được xây dụng lại. Năm 1884, một trận hỏa hoạn thiêu rụi lầu này, và mãi gần một trăm năm sau nó mới được tái thiết (vào năm 1981), căn cứ theo một bản thiết kế vào đời nhà Thanh. Lầu Hoàng Hạc hiện nay gồm năm tầng, với các đầu mái uốn cong cách điệu hình các con chim hạc đang vẫy cánh. Lầu có chiều cao tổng cộng 51,4 mét. Bốn mặt lầu được thiết kế giống nhau. Chung quanh lầu có bố trí các con hạc màu vàng bằng đồng, các khu lưu niệm và thừa lương đình. Trong các bài thơ về Lầu Hoàng Hạc được truyền tụng từ xưa, có lẽ bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được ngưỡng mộ hơn cả. Nhiều nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam cũng đã dịch bài này ra thơ Việt. Những bài dịch Hoàng Hạc Lâu rất hay ấy có thể tìm thấy và đọc được trong nhiều sách báo. Ở đây người viết xin giới thiệu một số bài dịch sang các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức của các nhà Trung Hoa học Tây Phương nổi tiếng, và một bài dịch tiếng Anh của người viết. 黃 鶴樓 昔人已乘 黃鶴去, 此地空餘 黃鶴樓。 黃鶴一去不復返, 白雲千載空悠悠。 晴川 歷歷漢陽樹, 芳草萋萋鸚鵡洲。 日暮 鄉關何處是, 煙波江上使人愁。 崔顥 Dịch âm: Hoàng Hạc Lâu Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản Bạch vân thiên tải không du du Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ Phương thảo thê thê Anh Vũ châu Nhật mộ hương quan hà xứ thị Yên ba giang thượng sử nhân sầu
Thôi Hiệu Dịch nghĩa: Người xưa đã cưỡi hạc vàng đi rồi. Chỗ này chỉ còn lại Lầu Hoàng Hạc Hoàng hạc một lần bay đi sẽ không bao giờ trở lại Mây trắng còn trôi lơ lửng suốt ngàn năm Hán Dương trời tạnh cây xanh ngắt Cỏ thơm phơi phới trên bãi Anh Vũ Ngày tối rồi không biết quê quán ở phương nào Khói và sóng trên sông khiến người ta thấy buồn Bản dịch tiếng Anh của Herbert Allen Giles (1845 –1935) Home Longings Here a mortal once sailed up to Heaven on a crane, And the Yellow-Crane Kiosque will for ever remain; But the bird flew away and will come back no morẹ Though the white clouds are there as the white clouds of yorẹ Away to the east lie fair forests of trees, From the flowers on the west comes a scent-laden breeze, Yet my eyes daily turn to their far-away home, Beyond the broad River, its waves, and its foam. (Chinese Poetry in English Verse, 1898) Bài dịch tiếng Pháp của Paul Demiéville (1894-1979): Le Pavillon de la Grue Jaune Monté sur une grue jaune, jadis, un homme s'en alla pour toujours; Il ne resta ici que le Pavillon de la Grue Jaunẹ La grue jaune, une fois partie, n'est jamais revenue; Depuis mille ans les nuages blancs flottent au ciel, à perte de vuẹ Par temps clair, sur le Fleuve, on distingue les arbres de Han Yang; Sur l'Ile des Perroquets, les herbes parfumées forment d'épais massifs. Voici le soir qui tombẹ Où donc est mon pays natal ? Que la brume et les vagues sont tristes sur le Fleuve! (Anthologie de la Poésie Chinoise Classique, 1962) Bản dịch tiếng Đức của Guenther Debons (1921 – 2005): Der Turm zum Gelben Kranich Auf seinem gelben Kranich flog der Weise vorseiten fort. Der Turm zum gelben Kranich blieb allein am leeren Ort. Und ist der Kranich einmal fortgeflogen, bleibt er uns weit. Die Wolken aber fluten still dahin in Ewigkeit. Dort überm Strom, ganz klar, sieht man die Bäume von Han-yang blühn; Und auf dem Papageiensand der Gräser duftendes Grün. Die Sonne sinkt hinab. Sag mir, wo liegt der Heimat Erde ? Das Nebelwogen auf dem Strome macht, daß ich beklommen werde. (Lyrik des Ostens: China, 1962) Bản dịch tiếng Anh của Thiếu Khanh: YELLOW CRANE TOWER Some one has taken the yellow crane flying away Only the Yellow Crane Tower here now to stay Once gone the crane would never return For a thousand years white clouds’re in a drifting pattern In fine weather Hanyang trees appear on the water distinctly On the Yingwu islet fragrant grass shows its tender beauty In late afternoon I don’t know where’s my homeland Smoke and waves on the river make my sorrow expand
Thiếu Khanh. KHỎE NHƯ TRÂU HAY NHỜ TRÂU ? 1. Thịt trâu Về mặt dinh duỡng thịt bò và thịt trâu có giá trị dinh dưỡng ngang nhau. Tuy nhiên cho những ai quan tâm đến sức khoẻ bản thân chính thịt trâu mới đáng kén hơn thịt bò. Theo bảng thành phần hóa học thực phẩm thịt trâu có ưu điểm là nạc hơn, = ít mỡ hơn thịt bò. Trong thịt trâu chỉ có 1,6- 5,6% mỡ trong khi thịt bò có tới 10- 22% trọng lượng là mỡ. Hơn nữa, lượng sắt có trong thịt trâu lại hơn hẳn thịt bò trong khi về hàm lượng protein thì hai bên ngang nhau. Có người cho rằng ăn thịt trâu dễ bị “phong” hơn ăn thịt bò, ám chỉ tình trạng bị dị ứng như nổi mề đay, ngứa ngáy khi ăn phải thịt trâu. Thực ra đó chỉ là do định kiến thôi chứ bất cứ thức ăn nào cũng có thể gây dị ứng ở một số người có cơ địa dễ bị dị ứng thôi. Những nghiên cứu gần đây cho thấy những người lao động trí óc, dư cân, huyết áp cao và xơ vữa động mạch, có hàm lượng cholesterol cao trong máu thì thịt trâu tỏ ra là nguồn đạm rất thích hợp. Thịt trâu đặc biệt rất phù hợp với phụ nữ dư cân, béo phì bởi nó cung cấp nhiều chất đạm giúp cho họ dễ giảm cân theo ý muốn hơn. Ai cũng chuộng thịt đỏ mềm, không dai: trong quá trình chế biến, nấu nướng, để cho thịt trâu, (cũng như thịt bò) mềm có mánh lới sử dụng dứa (cho ta men bromelin) hay nhựa đu đủ xanh (đem lại men papain) giúp “tiêu” (= thủy giải) protein là chỉ sau vài phút thịt sẽ mềm, ngọt hơn hẳn. Không cứ gì cho các đối tượng trên, ngay cả đối với các cụ lớn tuổi hay trẻ con người ta cũng có thể khuyên, nên ăn những món hầm thịt trâu như phở chẳng hạn, thì lượng dưỡng chất được hấp thu so với thịt bò... còn hơn nữa. 2. Sữa trâu so với sữa bò Chẳng khác gì về mặt giá trị dinh dưỡng: Trên thực tế không có gì khác biệt về giá trị dinh dưỡng cũng như khả năng tiêu hóa, của sữa & các sản phẩm từ sữa bò và sữa trâu cả. Sữa trâu còn có phần hơn sữa bò về nhiều mặt: Hàm lượng cholesterol thấp hơn: hàm lượng cholesterol của sữa trâu là 0.65 mg/g chỉ bằng 1/5 so với lượng sữa bò tương đương 3.14 mg/g trong sữa bò. Giàu chất đạm protein hơn: Các thử nghiệm trên súc vật cho thấy Tỷ số Hiệu Quả Protein (Protein Efficiency Ratio - PER) của sữa trâu bằng 2.74 và của sữa bò bằng 2.49. Hàm lượng protein trong sữa trâu cao hơn sữa bò khoảng 11.42 %. Nhiều muối khoáng quan trọng hơn: Sữa trâu hơn sữa bò về mặt các muối khoáng quan trọng cụ thể là canxi, sắt và phosphor trong sữa trâu cao hơn, theo thứ tự, canxi hơn 92%, sắt hơn 37.7% và phosphor hơn 118% so với sữa bò. Nhiều vitamin A hơn: Trâu có khả năng chuyển hóa hết mọi chất caroten thành vitamin A (metabolizes all the carotein into vitamin A), và vitamin A này được chuyển vào sữa con vật. Các lợi điểm của sữa trâu về mặt thương mại hóa: Sữa trâu dễ chế biến hơn sữa bò trong quá trình sản xuất ra các sản phẩm từ sữa như bơ, bơ lỏng (ghee) và sữa bột chính vì trong sữa trâu lượng nước thấp hơn và lượng chất béo cao hơn. Đáng kể nhất, là hàm lượng cholesterol thấp hơn tỏ ra hấp dẫn hơn đối với đối tượng người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe. Ngay cả về mặt cảm quan, các hạt mi-xen casein sữa trâu, kết hợp với mức protein dạng keo + canxi và phosphor cao hơn, đủ khiến cho sữa trâu tự nhiên trông trắng đục hơn so với sữa bò. Các sản phẩm từ sữa trâu: sữa nước, kem qua tiệt trùng nhiệt độ cao (UHT-processed milk and cream) thực chất trắng hơn và sánh hơn (intrinsically whiter and more viscous) sản phẩm tương đương từ sữa bò. Do đó so với sữa bò, sữa trâu, thích hợp hơn cho dòng sản phẩm trà hay cà-phê “2 hay 3 trong 1” có pha sẵn sữa + đường hay không. Hàm lượng protein và chất béo lớn hơn khiến cho sữa trâu thay thế sữa bò có lợi hơn trong công nghiệp sản xuất casein, các chất caseinat, và protein nhũ thanh cô đặc (whey protein concentrates) cùng nhiều sản phẩm từ sữa giàu chất béo khác. TPHCM, Ngày 04 tháng 11, 2008 Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính _ Chuyên viên dinh dưỡng THỨ DUY NHẤT KHÔNG MUA ĐƯỢC BẰNG TIỀN Vì chiếc xe taxi chở Thuấn bị kẹt đường nên khi chàng tới khách sạn New World thì đã gần 7 giờ chiều. Chàng “bị” mời đi ăn cưới, một đám cưới Việt-Mỹ. Cô dâu là con gái một người bạn thân vẫn thường nhận chàng là chú, chú rể là một đại diện thương mại, đại diện cho một công ty đa quốc – đây chính là lý do đám cưới được tổ chức linh đình tại một trong những khách sạn lớn nhất thành phố. Bàn dành cho các người trọng tuổi đã hết chỗ, Thuấn được mời vào một bàn gần đó, đã có sẵn năm bà và sáu ông. Sau khi khẽ gật đầu chào mọi người, Thuấn ngồi vào bàn, và bỗng cảm thấy một sự ngột ngạt khi ngửi thấy một mùi nước “bông” thơm hắc toát ra từ hai người ngồi kế bên. Đó là hai người trung niên, ăn diện theo mốt mới, đi ăn cưới mà mặc đồ lụa trắng may theo kiểu áo của “Đường Sơn Đại Huynh”, và rồi Thuấn bỗng thấy sự ngột ngạt gia tăng dễ sợ, khi chàng trông thấy những món đồ trang sức như lắc vàng, dây vàng đeo cổ, mà hai vị khách đó mang trên người: chiếc lắc to như xích chó và sợi dây đeo cổ to đùng phải cân nặng không dưới 20 lượng, và Thuấn thầm kết luận rằng mình đã “bị” hơi hân hạnh ngồi cạnh hai tân đại phú gia. Thuấn đồng thời cũng thầm nghĩ “ôi đi ăn cưới mà cũng bị Trời Già chơi khăm” và chàng cố gắng vận dụng hết khả năng sử dụng học thuyết “mặckệnóism” để mong được thanh thản ăn cưới cô cháu. Nhưng rồi sự ngột ngạt bỗng tăng lên tới mức khó chịu đựng, khi chàng nghe họ nói chuyện, tuy họ nói với nhau, nhưng họ nói rất to và thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn quanh bàn như tìm sự đồng ý, đồng tình, với câu chuyện họ đang nói. Mọi người trong bàn không có vẻ tán thành gì cho lắm, nhưng không ai có phản ứng gì. Họ nói toàn những chuyện tiền tỷ, chục tỷ, trăm tỷ, nghìn tỷ, chứ không thèm nói tiền triệu. Ngồi sát ngay bên cạnh hai vị, Thuấn là người bị nghe nhiều nhất, rõ nhất. Chàng tụng thầm trong bụng “A di đà Phật, Kệ bu nó! Kệ bu nó!”, nhưng sự chịu đựng của chàng bỗng sụp đổ, khi được nghe một trong hai vị đọc một bài vè hay phú gì đó bắt đầu bằng câu: “Tiền là tiên là Phật, là sức bật của thanh niên, là… là…” Đọc xong, người đọc còn tuyên bố một câu tím ngắt: “Lúc này là thời hoàng kim của tiền bạc, phải có tiền mới nên người, có tiền mua tiên cũng được!”. Nói xong người nói lại quay sang nhìn Thuấn, trong ánh mắt hàm chứa câu hỏi “đúng không ông bạn!”. Câu “có tiền mua tiên cũng được” thì Thuấn đã nghe nhiều, nhưng câu “phải có tiền mới nên người” đã là “giọt nước làm tràn ly, và cọng rơm làm gãy lưng con lạc đà” làm Thuấn quên phăng học thuyết “mặckệnóism”, chàng nhìn thẳng vào mặt người đối thoại và chậm rãi nói: “Ông bạn nói cũng đúng, nhưng chưa đúng hẳn, trên đời còn một thứ duy nhất tiền không mua được, ít ra cũng là không mua ngay được!”. “Sao? Ông nói sao? Thứ gì không mua ngay được? Ông nói thử coi!” Không phải chỉ một người, mà cả hai tân phú gia nhao nhao hỏi. Thuấn bình tĩnh đáp lời: “Thôi mà, mình đi ăn cưới, đôi co với nhau làm gì cho mất vui!” “Không được, ông đã nói là tôi chưa đúng hẳn thì ông cần phải chứng minh lời ông nói chứ!” “Ông lại nói cái lương tâm chứ gì, xưa như trái đất!” người bạn kia xía vô, với giọng nói miệt thị ra mặt. Vẫn giữ vẻ bình tĩnh cố hữu, Thuấn nói: “Không, lương tâm đôi lúc bị bán, tức là mua được, mà còn mua rẻ nữa, không! Tôi không nói lương tâm, tôi nói thứ khác kia!”. “Vậy thứ gì thì ông nói ra đi, còn chờ gì nữa hãy chứng minh là ông nói có lý!”. Một giọng oanh vàng thỏ thẻ và cực kỳ êm ái bỗng nhập cuộc: “Hai ông ấy muốn nghe thì ông hãy nói ra đi, cho chị em tôi nghe nhờ với!” Lời nói là của một người đẹp trạc trên dưới năm mươi tuổi, ngồi gần như đối diện với Thuấn. Câu nói êm ái đi xuyên qua hàm răng trắng bóng như ngà, có một cái răng khểnh tuyệt đẹp, đã là một sức mạnh vô biên khiến Thuấn hết đường từ chối, nhưng chàng cũng cẩn thận rào trước đón sau: “Vâng, tôi nói, nhưng hai vị phải hứa là không làm mọi người bị mất vui trong bữa tiệc mới được”. Rồi, nhìn thẳng vào mắt người nói “có tiền mới nên người” Thuấn nói thật rành rẽ: “Thứ duy nhất mà tiền không mua được và tuyệt đối là không mua được ngay là mấy con chữ cọt quẹt ấy mà!” Và chàng giải thích thêm, trong khi ánh mắt vẫn nhìn thẳng vào mắt người đối thoại, và lúc này trong ánh mắt chàng có như ẩn, như hiện, một hoài nghi nào đó… “Chữ không mua được ngay phải học mới có. Khi còn nhỏ cha mẹ phải có tiền cho đi ăn học, mà học thì phải học cho chuyên cần, ngoan ngoãn, biết kính yêu thầy thì mới có được chữ. Chứ đi học mà hỗn hào, ham chơi bời nhảy nhót, đua xe, cúp cua tơi bời, bồ bịch lăng nhăng, thì cũng không mua được mấy con chữ cọt quẹt đó”. Mọi người cười rộ, mấy cái miệng hoa đều thốt ra những lời khá êm ái với đôi tai của Thuấn “Có lý! Có lý!”. Điều làm Thuấn ngạc nhiên nhất là hai người đối thoại “tỉnh queo” chỉ gật gù, mà không thèm phát biểu trả đũa gì cả, đồng thời cũng tuyệt đối không thèm tỏ ra giận dữ gì với chàng. Chàng vội vận dụng chất xám và chợt “vỡ” ra rằng, trong quá trình làm giầu, lập sự nghiệp, chắc các vị này đã quá quen thuộc với mọi “lời nói nghịch nhĩ” nên, đối với họ, những lời Thuấn vừa nói chỉ đơn thuần là đồ bỏ! Và cũng vì lý do đó, mọi giận dữ đều không thể nào đâm thủng lớp da mặt rất ư là kiên cố của họ! Tuy nhiên một lúc sau, lấy cớ đi toa lét, hai vị tân phú gia “phú lỉnh” đi bàn khác, hay đi một nhà hàng karaôkê khác thì không biết… Không khí bàn tiệc trở lại vui vẻ hơn trước nhiều. VŨ THƯ HỮU LĂNG GIA LONG Lịch sử xây dựng lăng Gia Long rất phức tạp, vì ở đây không phải chỉ có lăng Gia Long, mà lại có cả một quần thể lăng tẩm của nhiều thành viên trong gia đình và dòng họ của nhà vua. Quần thể lăng ấy nằm rải rác trên một địa bàn rộng lớn thuộc thôn Định Môn. Tất cả các lăng tẩm ấy đã được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau và trước sau cách nhau gần 2 thế kỷ (thế kỷ XVII-XIX). Riêng Thiên Thọ Lăng, tức là lăng của vua Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, việc xây dựng cũng không diễn ra trong một thời điểm đơn giản, mà lại kéo dài trong nhiều năm dưới 3 đời vua từ Gia Long tới Thiệu Trị. Công tác kiến trúc bắt đầu từ ngày 11-5-1814 với 547 người lính lấy trong 3 đơn vị quân đội tại Kinh đô Huế. Sau đó, triều đình mới huy động nhiều thợ giỏi ở các địa phương về làm. Sau khi tìm được cuộc đất tốt và trong khi thi công, nhà vua thường đến giám sát việc làm tại chỗ. Vua đã phong cho vùng núi đó là Thiên Thọ Sơn, gồm 42 ngọn núi đồi cao thấp được đặt 42 tên riêng. Điện Minh Thành nói riêng và khu vực tẩm nói chung được xây dựng năm 1815. Công tác xây lăng tẩm kéo dài trong 6 năm, từ năm 1814 đến 1820. Ngoài ra còn có một số bộ phận kiến trúc được thực hiện sau đó nữa. Tấm bia “Thánh đức thần công” ở bên trái lăng do vua Minh Mạng viết xong ngày 10-8-1820 và dựng ngày 18-9-1820. Hai hàng tượng văn võ quan viên và voi ngựa bằng đá ở bái đình mãi đến tháng 4-1833 mới hoàn tất. Hai cánh cửa ở “bửu thành môn” lúc đầu làm bằng gỗ. Đến thời Thiệu Trị, vua này mới bảo Bộ Công làm hai cánh cửa bằng đồng để thay thế (1845). So sánh 7 khu lăng vua Nguyễn ở Huế, lăng Gia Long ở vào vị trí xa xôi cách trở nhất đối với trung tâm của cố đô, nhưng đây lại là khu lăng hoành tráng nhất về cảnh trí thiên nhiên. Đứng giữa cảnh trí ấy nhìn ra chung quanh, người ta dễ có cảm tưởng mình trở nên nhỏ bé giữa vùng núi đồi trùng điệp. Các nhà kiến trúc bấy giờ đã điều khiển được thiên nhiên, bắt phong cảnh chung quanh phải phục tùng ý đồ của con người. Họ đã đưa vào thiên nhiên những công trình kiến trúc tuy khiêm tốn nhưng thích hợp, vừa phải, bằng một nghệ thuật pha trộn nhuần nhuyễn giữa kiến trúc và thiên nhiên. Đó là nghệ thuật kiến trúc truyền thống của dân tộc Việt Nam đã từng được nhiều nhà nghiên cứu mỹ thuật ca ngợi. Đơn giản nhất là trong khu mộ táng thi hài của vua và hoàng hậu. Hai nấm mồ bằng đá nằm song song, cách nhau chỉ một gang tay có cùng khuôn khổ và kích thước, bên trên đều có hai mái chảy xuôi trông như những mái nhà mà thời gian đã nhuộm đen thành màu than đá. Không một nét chạm trổ, chẳng một màu sơn thếp tất cả chỉ là những tấm đá thanh phẳng lì, trơ trụi, tạo ra giữa chốn hoang liêu này một không khí tĩnh mịch và uy nghiêm. Nhưng hai ngôi mộ nằm sát bên nhau biểu hiện biết bao tình cảm cao đẹp thủy chung giữa vua và hoàng hậu đã từng vào sinh ra tử với nhau trong suốt cuộc đời chinh chiến. Đó là một điểm độc đáo của lăng Gia Long mà người ta không tìm thấy ở lăng vua nào khác. Điện Minh Thành, công trình kiến trúc chính trong khu vực tẩm, nơi thờ vua và hoàng hậu, cũng chẳng có gì hoa mỹ, rườm rà. Sườn điện chạm trổ đơn sơ nhưng chắc khỏe. Các panô trang trí trong nội thất đều chạm trổ hình chữ “thọ” ở giữa và dây lá cách điệu ở chung quanh. Có một điều đáng chú ý là tất cả những con rồng ở các bậc sân, bậc thềm ở lăng Gia Long đều được đắp bằng vôi gạch chứ không chạm bằng đá như ở các lăng về sau. Tấm bia “Thánh đức thần công” ở lăng Gia Long tuy không lớn lắm, nhưng là một tấm bia đẹp, được khắc chữ và hình ảnh trang trí chung quanh thật uyển chuyển, công phu. Các công trình kiến trúc thành quách và cung điện dưới thời Gia Long nói chung và kiến trúc lăng Gia Long nói riêng đã chứng tỏ ông vua đầu triều Nguyễn chẳng những có tài về chinh chiến và tổ chức lại đất nước, mà cón có tài về nghệ thuật nữa. Mới đây, một nhà bỉnh bút của UNESCO đã nhận xét rằng: “Le tombeau de Gia Long, entouré d’un immense parc naturel, donne une impression de force et de sérénité” (Lăng Gia Long ở giữa một khu vườn thiên nhiên, bao la, gợi lên một ấn tượng hùng tráng và thanh thản). DSTG - Bùi Đẹp BẢO TÀNG CỐ ĐÔ HUẾ Tại khu hoàng thành Huế, Viện Bảo Tàng lưu giữ khoảng 10.000 hiện vật cổ xưa, phần lớn là những đồ dùng của 13 triều Nguyễn. Bảo tàng này do vua Khải Định thành lập năm 1923, lấy cơ sở của Tòa Điện Long An (xây năm 1845) hiện mang tên Bảo tàng Huế. Điện Long An, nơi trưng bày các hiện vật là một tòa nhà bằng gỗ trắc dài 32,6m, rộng 26,5m, tường xung quanh bằng kính. Riêng tòa nhà cũng có một giá trị độc đáo về mỹ thuật rất cao, chạm trổ rất công phu với những thềm rồng và hình ảnh Tứ linh: Long, Lân, Qui, Phụng trang trí trên mái. Những bức họa có thi châm thơ ngự chế của vua Thiệu Trị được khắc khảm trong bảo tàng (có 25 bài). Người phương Tây khen ngợi “ngôi nhà đẹp nhất kinh thành”, ở đây lưu giữ những yếu tố đặc trưng của Mô típ kiến trúc nhà rường Huế: “Trùng thiềm điệp ốc”, chính doanh, tiên doanh, có trần vỏ cua và hàng cột hiên thon dài thả xuống một sân đỡ bộ mái nhẹ nhàng, trang nhã. Lối trang trí bên trong nội thất điện Long An với gồm 1.000 ô hộc, chạm khảm sơn thép “nhất thi nhất họa” làm cho ngôi nhà càng thêm lộng lẫy. Giới chuyên môn đã tạm phân 10.000 cổ vật trong Bảo tàng thành 6 nhóm: gốm sứ, đồ gỗ, đồ đồng, kim khí quý, vãi và tượng Chàm. Đó cũng là nơi mà trí tuệ tài năng, khiếu thẩm mỹ của các thế hệ nghệ nhân Việt Nam được phô diễn, gởi gắm qua nhiều lĩnh vực: chế tác đồ sứ, chạm khắc gỗ đá, khảm cẩn xà cừ, vàng bạc, chế tác đồ pháp lam… Tinh hoa của nền văn hóa Trung Hoa, Champa và Tây Âu cũng góp mặt nơi đây. Chiếm số lượng lớn trong bảo tàng là những cổ vật bằng gốm sứ. Bộ gốm sứ này lên tới 5.000-6.000 hiện vật, trong đó đa phần là đồ sứ men lam Huế. Loại sản phẩm này sản xuất tại các lò chế tác đồ ngự dụng nhà Thanh (Trung Hoa) nhưng lại thực hiện theo đơn đặt hàng của triều đình nhà Nguyễn đã cử 18 sứ đoàn sang Trung Quốc mà họ đã mang về Huế loại sản phẩm nổi tiếng mà danh xưng xứ Huế. Hiện tại bảo tàng Huế tàng trữ khoảng 3.500 cổ vật sứ men lam có cả chiếc dĩa ký kiểu đầu tiên (năm 1804) và những chiếc đôn sứ đặt hàng lần cuối cùng dưới thời Khải Định năm 1921; còn có cả đồ gốm Thanh Hóa: lư hương, hũ, bình vôi; gốm Bình Định: bình trà, bình vôi; gốm Bát Tràng: chân đèn, bình vôi. Đồ gốm tráng men thời Trần và Mạc với những chân đèn cầu kỳ, những lục bình men ngọc cũng góp mặt trong bảo tàng Huế. Trong nửa đầu thế kỷ 20 khi mối quan hệ giữa 2 triều đình Thanh-Nguyễn bị suy yếu để nhường chỗ cho quan hệ Pháp-Việt thì những món đồ sứ của Pháp sang lại mang quốc hiệu Đại Nam xuất hiện trong triều đình Khải Định và Bảo Đại với phong cách men màu, tạo dáng khác hẳn bleu de Huế cũng được sưu tập vô trong bào tàng Huế, số lượng lên tới có nghìn hiện vật như là dấu ấn của một thời lịch sử. Sản phẩm đúc đồng trong bảo tàng Huế về số lượng hiện vật song lại dẫn đầu về khối lượng và kích thước. Trước hết phải kể đến bộ sưu tập binh khí rất đầy đủ, từ vật khí đánh gần cho bộ binh như: giáo, mác, đao, thương, súng hỏa mai đến vũ khí thần công… đã chiếm một không gian trưng bày và tàng trữ rộng lớn. Đó là những khẩu đại bác đúc tại Amsterdam (Hà Lan) được mua về từ thời chiến tranh Trịnh-Nguyễn nằm xen với những thần công đúc từ thời Minh Mạng, Tự Đức… Trước sân điện Long An là một dãy chuông vạc, nồi đồng có niên hiệu từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Đáng chú ý là gian trưng bày đồ đồng kỹ xảo chủ yếu là các sản phẩm do các phường đúc đồng nổi tiếng: Phường Đúc (Huế), Ngũ Xá (Hà Nội)… dâng tặng nhân dịp Tứ tuần Đại Khánh tiết của vua Khải Định năm 1924. Bảo tàng còn giữ được cả một bộ sưu tập tiền cổ Trung Hoa và Việt Nam và những món đồ bằng pháp lam nổi tiếng một thời ở Trung Hoa và Huế. Hiện vật đồ gỗ với ba phong cách thể hiện: chạm khắc, sơn thếp và khảm cẩn. Đó là những tủ thờ, tràng kỷ với nét chạm khắc mảnh mai, tinh tế của thời Thiệu Trị hay sâu khỏe và uy nghi của thời Minh Mạng. Đó là những sập gụ, quả hộp, tủ buffet… khảm xà cừ rực rỡ muôn màu nghìn sắc trông vào rối mắt dười thời Khải Định hay những long sàng, bàn ghế đan bằng mây có hình thắng cảnh Việt Nam từ thời Tự Đức, cây cảnh làm giả bằng vàng đều sơn son thếp vàng lộng lẫy của 2 ông vua cuối triều Nguyễn. Trong các tủ kính ở phần sau chính doanh điện Long An và các hòm rương trong kho của bảo tàng Huế là sưu tập hiện vật bằng vải vóc, áo long bào, gối thêu, hia vàng của bậc vua chúa thời Nguyễn. Du khách có thể tận mắt nhìn thấy chiếc áo vua Minh Mạng và Tự Đức vẫn mặc lúc lâm triều, có chiếc định giá 100.000 đôla hay chiếc áo của vua Tự Đức mặc lúc đi cày tịch điền… ủng hài của vua Khải Định, Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương và cảm nhận dấu tích của vua chúa như vẫn quanh quẩn đâu đây. Sưu tập cổ vật bằng bạc, vàng, đá quý trong bảo tàng Huế là phần hạn chế nhất, bởi trong cuộc cướp bóc ngày 5-7-1885, “kho tàng trong hoàng cung đã mất đi gần l24 triệu quan vàng và bạc” vào tay thực dân Pháp. Vì thế, những gì còn lại trong kho tàng này như bộ đồ trà bằng bạc thời Thành Thái, hộp đựng đồ trang sức bằng vàng, cành vàng lá ngọc phục chế thời Duy Tân… chỉ là dấu vết u buồn của một thời hoàng kim đã mất. Những hoạt động của Hội những người bạn Huế xưa trước khi Muséc Khải Định ra đời (1923) đã để lại cho bào tàng Huế những bức tượng quý giá của nền văn minh Champa. Đó là 2 bức phù điêu và 88 cổ vật Chàm (kiểm kê ngày 20-8-1960) và bộ phận tượng đại diện cho các giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của nền văn minh Champa từ thế kỷ 12-14. Những pho tượng Linga, Youi, vũ nữ Apsara, nhạc công Kinnara, nữ thần Tympan, thần Civa, thần Kala… được sưu tập từ hàng loạt các di tích Champa quanh Huế và phụ cận là một bằng chứng về sự giao lưu giữa 2 nền văn minh Việt-Chăm trên mảnh đất kinh đô này. Ngoài ra, còn ở đỉnh đồng lớn đặt trước sân Thế miếu trong hoàng thành do vua Minh Mạng thứ 16 khởi công đúc (12-1835 đến 6-1836), những phần chim muông, cây cỏ, núi sông… đến năm 1837 mới hoàn thành. Chín đĩnh đồng: Cao đỉnh 4.307 cân; Nhân đỉnh 4.160 cân; Chương đỉnh 3.472 cân; Anh đỉnh 4.261 cân; Nghị đỉnh 4.206 cân; Thuần đỉnh 3.229 cân; Tuyên đỉnh 3.421 cân; Dụ đỉnh 3.341 cân, Huyền đỉnh 3.201 cân. Trên 9 đỉnh đồng này người ta thấy 162 hình ảnh tinh xảo của đất nước. 9 súng thần công bắt đầu đúc 31-01-1803 đến 01-1804 mới hoàn thành. Những chữ thuộc về dấu và ấn tượng nói lai lịch việc đúc súng, chức tước vua phong cho mỗi khẩu súng. Tên của mỗi đại bác khắc ở nắp đậy súng. Ở chốt quay, một bên khắc nói về cách thức và phân lượng nạp thuốc súng để tác xạ, một bên nói về trọng lượng. Tên 9 súng thần công: súng thứ 1: tên Xuân nặng 17.700 cân; súng thứ 2: tên Hạ nặng 17.200 cân; súng thứ 3: tên Thu nặng 18.400 cân; súng thứ 4: tên Đông nặng 17.800 cân; súng thứ 5: tên Mộc nặng hơn 17.000 cân; súng thứ 6: tên Hỏa nặng hơn 17.200 cân; súng thứ 7: tên Thổ nặng hơn 17.800 cân; súng thứ 8: tên Kim nặng 17.600 cân; súng thứ 9: tên Thủy nặng 17.200 cân. Những súng này dùng để thờ mà thôi. 10 chiếc vạc đồng đặt tại kinh thành đúc từ thời Nguyễn Phúc Tần (1648-1687). Trang trí trên chiếc vạc đúc cuối cùng vào năm 1864 hiện để bên trái sân điện Cần Chánh (Đại nội Huế) tương tự như vạc bên phải năm 1671 và những nét mô phỏng với vạc trước lăng Đồng Khánh năm 1873. Đáng chú ý là 2 chiếc vạc tại sân điện Cần Chánh là những chiếc to nhất, nặng nhất và được trang trí đẹp hơn cả. Những vạc đồng này đặt ở đâu trong thành Huế: 1. Trước điện Kiến Trung (Đại nội Huế): nặng 2.154 cân, đúc năm 1659, đường kính 188cm, cao 93cm. 2. Bên phải viện Bảo Tàng: nặng 560 cân, năm 1659, đường kính 133cm, cao 80cm. 3. Trước nhà Tả Vu (Đại nội Huế): nặng 2.482 cân, năm 1662, đường kính 222cm, cao 100cm. 4. Trước nhà Hữu Vu (Đại nội Huế): nặng 2.425 cân, năm 1662, đường kính 222cm, cao 104cm. 5. Bên phải trước trường Âm nhạc: nặng 938 cân, năm 1669, đường kính 155cm, cao 86cm. 6. Bên phải phía trước điện Cần Thành (Đại nội Huế): nặng 1.390 cân, năm 1671, đường kính 168cm, cao 92cm. 7. Bên trái sau điện Thái Hòa (Đại nội Huế): nặng 896 cân, năm 1671, đường kính 142cm, cao 85cm. 8. Lăng Đồng Khánh: nặng 1.013 cân, năm 1675, đường kính 160cm, cao 80cm. 9. Bên trái phía trước viện Bảo tàng: nặng 560 cân, năm 1667, đường kính 127cm, cao 70cm. 10. Bên trái phía trước điện Cần Thành (Đại nội Huế): nặng 1.395 cân, năm 1684, đường kính 170cm, cao 91cm. Mặc dù sau bao cơn binh hỏa, đặc biệt là trong lần kinh thành thất thủ, thực dân Pháp đã lấy đi hàng vạn món đồ quý hiếm bằng vàng, ngọc, kim cương mà theo đánh giá của tướng De Courcy trong bức điện đề ngày 24-7-1885 gởi về Pari “Trị giá phỏng chừng các quý vật bằng vàng hay bạc dấu kỹ trong các hầm kín là 9 triệu quan, những cổ vật còn lại được tàng trữ trong kho tàng Huế cũng lên tới con số 10.000, cho dù nó chỉ bằng 1% những gì mà Huế đã có”. Với một kiến trúc tuyệt vời và số lượng cổ vật phong phú và quý giá, bảo tàng Huế là địa chỉ hấp dẫn khách du lịch bốn phương đến đây chiêm ngưỡng. DSTG - Bùi Đẹp ----- [1] Muốn biết rõ trò chơi nầy thì nên coi bài Phú Tài Bàn. [2] Đố chữ đây là một loại đề như đề số hiện lan tràn khắp Việt Nam ngày nay. Mỗi cửa tượng trưng bằng một hai chữ gì đó nghe thanh tao và có vẻ học thức, nhưng thực chất chỉ là một cửa như các trò chơi cờ bạc khác. Sau đó đề chữ được thay mỗi cửa bằng một con thú (hay thần) nhưng vẫn có chữ đi theo, rồi một cửa chỉ thuần là một con số như ngày nay căn cứ trên số Kiến Thiết. Đề xưa có 36 cửa rồi 40 cửa nay thì 100 con số, 1000 con số. Thiên hạ say mê cay cú thì thua đến nỗi viêm màng túi cả lũ. Đọc báo chí Sàigòn thập niên 40, 50 thì thấy người ta nhảy vô xe điện hay nhảy cầu Bình Lợi hà rầm, mà ác ôn là người hủy mình phần nhiều lại là nữ phái! Tội nghiệp! [3] Xóc đĩa 秃 𥒦 trong Nam gọi là đánh me . Chữ xóc bản Nôm dùng ngốc 秃 , không chuẩn . Xem chú ở dưới về chữ sợ. [4] Ít Xì 𠃣 痴 , tức dà dách, tức bài black jack. Ít xì tức là âm khác của con Ách theo giọng Nam. Chữ cải lương ở đây theo nghĩa cũ là đổi mới, bỏ cái cũ đi, không chơi bài ta nữa mà chơi bằng bài Tây. Loại bài mới so với tài bàn đố chữ thì dễ hơn và con bạc thường có cảm tưởng là mình quyết định đưọc sự thắng bại phần nào. [5] Phỗng tay trên 捧 𢬣𨕭 : chớp lấy trước. Theo luật chơi tổ tôm, hai người cùng phỗng người nào ngồi trên thì được ưu tiên. Bây giờ là thời cơ buôn bán tranh thương ai mà chậm chân thì không còn có lợi nữa. Đoạn nầy khuyên nên vào thương trường. [6] Phấn son ngu dại 粉 𣘈 愚 𢚕 : chỉ phụ nữ. Thời nầy vẫn còn khinh khi phụ nữ! [7] Không trách đàn bà, chỉ trách đàn ông! Lạ thiệt! Áo giải: Áo dài, chỉ người có đôi chút học thức và kha khá về tiền bạc trong xã hội. [8] Người có học thức. [9] Nghĩ là câu nầy phải hiểu: Sao lại sợ mà chán rồi đứng bên lề cuộc đời sớm như vậy? Chữ trá 詐 tôi nghĩ là bản thảo viết chữ sợ 怍 người khắc tưởng là chữ trá đơn 诈 r ồi khắc trá 詐 . Chờ đợi ý kiến của bạn đọc cao minh. [10] Đàn em ngu dại chờ đàn anh khôn ngoan chỉ đường lối mà đàn anh mải mê làm điều sai quấy. Chúng tôi phải đọc bằng âm chờ ở bản Nôm viết chữ chu 朱 , bản nầy có nhiều chữ Nôm không chuẩn. [11] Thời giờ lo cờ bạc, thời giờ đâu dẫn dắt đàn em, chúng nên hư không phải là sự lo âu của mình. Để ý chữ thèm ở đây viết bằng bộ nhơn 亻 trong khi ở chỗ khác viết với bộ thủy 添 . Có lẽ người khắc khắc nhầm. [12] Giắt bài 𢴑 排 là bỏ bộ bài trong túi, sẵn sàng để gầy sòng. Mở bát 鉢 là khui me, giở chén lên để đếm số hột me mà tính ăn thua. [13] Kẻ đen đầu 仉顚頭 : người dân thường . [14] Bần cùng sanh đạo tặc. [15] Đứng như tượng đá vui vẻ ở cổng chùa. Ông phỗng đá: Tượng đá hình người. [16] Thua thái 輸泰 : thua nhiều, ta quen dùng thua thái quá như trước đó 8 câu. [17] Mặt Hà Bá xấu xí. Phạm Nhan là tên của Hà Bá. [18] Thua thì càu nhàu, lầm bầm. [19] Thua sâu 輸 𡢐 đồng nghĩa với thua đậm, thua thái quá ta thưòng nói ngày nay. Chữ Nôm viết 𡢐 thường được đọc là sau. [20] Vào sòng thì hết bà con, hết ruột thịt. [21] Chẳng còn kể kẻ lớn người trên. [22] Cà riềng cà tỏi 期萾期蕞 : Cà khịa với nhau, kiếm chuyện câu mâu, gây gổ. [23] Người lớn cờ bạc thì trẻ con cũng cờ bạc theo, cha đánh thì con ké, chồng đánh thì vợ ké, chủ đánh thì tớ ké… kéo nhau hư hèn cả bọn. [24] Tết nhứt cờ bạc chút chút thì được, nhưng kéo dài suốt tháng suốt năm thì xấu, thì hư, mất thời giờ và mất tiền bạc. [25] Đi sạn 𠫾 棧 : Tức đi đến khách sạn, đến ngụ ở hotel, motel nói theo ngày nay… [26] Có một bài tương tợ như bài Bài Răn Cờ Bạc nầy tựa là Bài Ca Vợ Khuyên Chồng. [27] Thằng khách tức người Huê kiều ở VN, họ tổ chức bạc bài, với sự giúp đở của chánh quyền địa phương, vì có lợi thế đó và lợi thế tiền bạc, họ thường làm nhà cái, người tổ chức nên rất lời. [28] Họ thuộc lòng tên mấy cửa của môn đố chữ, nhưng thiệt ra việc thuộc tên đó chẳng ích lợi gì cho họ vì người khách xổ ra con gì cũng có lý của nó, và nhứt là họ chỉ xổ sau khi kiểm điểm coi cửa nào ít người đánh nhứt. [29] Kêu bạn bè rỗi hơi lại bàn ngang tán dọc một bài thơ để đánh đề chữ. Xưa, đầu thập niên 50, hằng ngày ở hai sòng bạc lớn ngay Sàigòn là Kim Chung và Đại Thế Giới có xổ đề 40 con, họ cho in mỗi ngày một bài thơ chữ Hán nào đó phát ra cho người muốn bàn đề, những người nầy đem về bàn ngang tán dọc con nầy con kia, chữ nầy chữ nọ, may thì trúng, không may thì húp cháo. [30] Tên các cửa trong trò chơi đố chữ. Lâu quá phiên giả không còn nhớ, nhưng mang máng Phước tông 福 là con dơi, Tất Đắc là con chuột. Ồ mà dơi chuột gì cũng kệ nó, dấu vết nên quên của một thời ngưòi Việt ta bị Tàu dụ dỗ đi vào màn đỏ đen đến thành nghèo hèn. [31] Chúng tôi không hiểu câu nầy. [32] Người trẻ ngoại tình kiếm chút tiền đánh thêm để gỡ hay bù phần nào lỗ hỏng tài chánh gia đình. Còn già thì dùng sự quen biết hay trí khôn lanh hiểu đời của mình mà gạt gẫm người khác kiếm chút lợi, như môi giới những chuyện phạm pháp, giựt hụi, dụ dỗ gái vào đường buôn hương … [33] Rất tiếc tôi phải đọc chữ nầy là nương 娘 trong khi chính nó là lương 粮 . Nghĩ là bản khắc đã lầm. [34] Nếu đi vào đường thương mãi làm giàu cho mình và cho nước thì ai cũng khâm phục. Chữ giỏi bản Nôm viết giải 觧 , chưa thấy ở chỗ nào khác . [35] Như là bài nầy viết cho phụ nhơn xem. Phối hợp với các báo Lục Tỉnh Tân Văn, Nông Cổ Mín Đàm thời đó khuyên lơn đàn bà đừng đánh bài thì bài nầy cũng trong nhóm, chắc thời đó người ta bài bạc dữ lắm… |