Hiện có 5 người xem / 2505077 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

CUỘC THĂM VIẾNG NIỆM TỔ ĐƯỜNG
THỜ CỤ TRÚC ĐƯỜNG PHẠM PHÚ THỨ
SÁNG NGÀY THỨ BẨY 8-12-2007

Đúng 8 giờ sáng, xuất phát từ Nhà thờ Tân Sa Châu, bảy thành viên của CLB Sách Xưa và Nay gồm quý ông: Dịch giả Vũ Anh Tuấn, LM. Nguyễn Hữu Triết, BS. Nguyễn Lân Đính, Tác giả Bùi Đẹp, Nhà thơ nữ Ngàn Phương, Nhà giáo Từ Nguyên và nhà nghiên cứu Phật Giáo Tâm Nguyện đã cùng tới thăm viếng Niệm tổ Đường thờ Cụ Trúc Đường Phạm Phú Thứ. Mặc dầu đã được chỉ dẫn rất kỹ càng, và có cả sơ đồ chỉ rõ vị trí Niệm Tổ Đường, chiếc xe chở các thành viên cũng chạy quá về phía trước gần ba cây số và đã phải quay đầu trở lại. Nhưng, quả là mọi sự đều có ý trời ở trong, chính vì đi lố đường mà các thành viên của CLB đã đến niệm tổ đường vào đúng 9 giờ sáng là giờ đã hẹn trước!

Niệm Tổ Đường là một nơi được xây cất rất trang trọng, có bề ngoài như một ngôi đình nhỏ, có treo cờ xí, có trống và một quả chuông cổ có từ lúc sinh thời cụ Phạm.

Các thành viên được gia đình tiếp đón rất nồng hậu, được giới thiệu với Ô. Trưởng tộc Phạm Phú Hạt, và được mời thắp hương trước ba bàn thờ; sau đó được mời dự một tiệc trà nho nhỏ. Trong tiệc trà các thành viên và ông Trưởng tộc Hạt đã có những trao đổi về thân thế, sự nghiệp của danh nhân lịch sử Phạm Phú Thứ. Ngoài bẩy thành viên CLB nói trên còn có Ô. Vương Liêm, nhà báo, Hội Trưởng Hội Người Cao Tuổi Q1, Nhà thơ nữ Thùy Dương Trưởng Nhóm thơ Đường CLB thơ ca Q3, và nhà nhiếp ảnh Hà Mạnh Đoàn đã đến trước bằng phương tiện riêng.

Qua cuộc thăm viếng, người viết cảm thấy rằng Cụ Trúc Đường đã rất may mắn khi có những hậu duệ biết cách tổ chức một Niệm Tổ Đường trang trọng, nghiêm túc như thế này, đồng thời cũng cảm thấy rằng con cháu cụ Phạm cũng không kém phần may mắn khi được Cụ để lại cho một gia sản tinh thần quá to lớn, có thể nói là vô tận, chẳng bao giờ hết được mà lắm kẻ, tuy có tiền rừng bạc bể, cũng vô phương so sánh. Cuộc viếng thăm kết thúc lúc 11 giờ kém 15 phút cùng ngày.

VŨ THƯ HỮU

CỤ TRÚC ĐƯỜNG – PHẠM PHÚ THỨ
(1821-1882)

I.TIỂU SỬ:

Cụ húy là Thứ, tự là Giáo Chi, hiệu Trúc Đường, biệt hiệu là Gía Viên, quê làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Sinh ngày 24 tháng Chạp Canh Thìn tức 27/01/1821. Cụ đã đậu đầu xứ, rồi tú tài, giải nguyên, tiến sĩ (1839-1843).

- Năm 1844 làm Hành Tẩu, Tri Phủ Lạng Giang (Bắc Giang).

- Năm 1849 làm ở Kinh diên khởi di chú.

- Năm 1850, thấy vua đam mê ham chơi bỏ bê việc nước. Cụ khuyên can vua, nên bị cách chức và đày đi cắt cỏ ngựa ở trạm Bưu chính Thừa Nông (Thừa Thiên).

- Năm 1851, phục chức Hàn Lâm Viện điễn tịch, được cử đi công cán ở Quảng Đông (Trung Quốc).

- Năm 1852 được thăng cấp Biên tu.

- Năm 1854 làm Tri phủ Tư Nghĩa lập 50 kho thóc cứu đói cho dân.

- Năm 1855 thăng Viên Ngoại Lang Bộ Lễ. Lúc này xảy ra vụ bạo loạn của người Thượng ở Đá Vách (Quảng Ngãi). Cụ được cử đi giải quyết thành công nên được thăng chức làm Án sát tỉnh Thanh Hóa.

- Năm 1857 đổi ra làm Án sát ở Hà Nội.

- Năm 1860 được thăng Quang Lộc Tự Khanh để lo việc nội các rồi giữ chức Tả Tham Tri Bộ Lại.

- Năm 1863 sung Phó sứ cùng Phan Thanh Giản và Ngụy Khắc Đản sang Pháp và Tây Ban Nha chuộc 3 tỉnh Nam Kỳ bị mất.

- Năm 1864 về nước dâng lên vua bộ Tây hành nhật ký và bộ Tây phù thi thảo, được cử vào Viện Cơ Mật (Viện hoạch định đường lối chính sách).

- Năm 1865 thăng Thượng Thư Bộ Hộ sung Cơ Mật Viện đại thần.

- Năm 1873 làm Thượng Thư Bộ Binh.

- Năm 1874 làm thự Tổng Đốc Hải An kiêm Tổng Lý Thương Chánh đại thần, Cụ đã lập được thành tích lớn về nhiều mặt.

- Năm 1876 được thăng lên thự Hiệp Biện Đại Học Sĩ đồng nhất phẩm.

Do nhiều năm một mình chèo lái nhiều công việc phức tạp Cụ bị kiệt sức xin về Huế chữa bệnh. Do có mâu thuẫn, người Pháp phao tin thất thiệt, cho rằng cụ dễ dãi với lái buôn người Hoa, nghiêm ngặt với lái buôn người Tây, nên Viện Thương Bạc lo hoảng trước phản ứng của lãnh sự Pháp bèn xin cấp trên cử người thay. Năm 1880 Cụ về Huế, bị giáng xuống làm Quang lộc, lãnh chức Tham Tri Bộ Binh nhưng vẫn làm Thượng Biện ở Viện Cơ Mật. Một thời gian, bệnh Cụ càng thêm nặng, Cụ xin về quê tịnh dưỡng.

Giờ Dần ngày 17 tháng Chạp Tân Tỵ, tức 05/02/1882 Cụ qua đời, thọ 62 tuổi. Nhận thấy công lao to lớn của Cụ với đất nước, Vua Tự Đức tỏ lòng thương tiếc và cho truy phong tòng Nhất Phẩm với tước: VINH LỘC ĐẠI PHU TRỤ QUỐC HIỆP BIỆN ĐẠI HỌC SĨ, dụ cho quan tỉnh đứng làm lễ tang có điếu văn của vua.

II. TÁC PHẨM:

Ngoài những thành tích kinh bang tế thế. Cụ còn để lại một sự nghiệp trước tác phong phú về nội dung lẫn số lượng:

Về Văn học có:

- Giá Viên Toàn tập (gồm 26 quyển thơ và văn)
- Giá Viên Biệt Lục hay Tây Hành Nhật Ký (3 quyển)
- Gia Phạm (Hồi ký về gia đình)

Về Sử học có:
- Bản triều liệt thánh sự lược toản yếu
- Liệt triều thông hệ niên phả toản yếu

III. HÀNH TRANG:

Cụ là nhà hành chánh có tài ứng biến trong mọi tình thế. Khi làm Tổng đốc Hải Yên (gồm Hải Dương – Đông Triều – Quảng Yên) trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Cụ đã ưu tiên giải quyết nạn đói cho 2 vạn dân ở Hải Dương do đê Văn Giang bị vỡ. Cụ xin điều gạo ở kho tỉnh khác về chẩn phát và tổ chức khai hoang ở Nam Sách, Đông Triều. Tiếp theo là lập trật tự an ninh xã hội, vừa vỗ yên bọn cướp biển ở đảo Cát Bà, vừa tiểu trừ thổ phỉ và giặc khách. Cụ lập nha phòng khẩn (loại đồn điền quân sự) để phòng chống giặc cướp và khai hoang hơn hai vạn mẫu ruộng. Để giữ vững chủ quyền đất nước, tạo mối quan hệ bình đẳng với Pháp và thực hiện mở cửa, Cụ đã đặt Nha Thương Chánh ở Ninh Hải (Hải Phòng), mở cảng ngoại thương (lịch sử cảng Hải Phòng bắt đầu từ đây), mở trường học tiếng Pháp đầu tiên ở nước ta.

Cụ còn là một chính khách có tầm nhìn chiến lược, luôn gắn chặt nhiệm vụ cứu nước với yêu cầu canh tân. Trước hành động xâm lược của giặc Pháp. Cụ chủ trương kiên quyết chống cự. Năm 1958 Cụ xin đắp đê, đào sông, xây dựng công sự bố phòng, luyện tập quân sự ở các địa phương. Đồng thời, Cụ chủ trương đổi mới, tự cường, mạnh dạn mở cửa và gấp rút học tập các nước. Từ 1864 Cụ đề nghị lập khoa Thủy học, dịch sách nước ngoài, khuyến khích nghề tiểu thủ công, khai mỏ sắt và than đá. Cụ là người tiên phong trong việc phổ biến khoa học kỹ thuật đã viết tập Tây hành Nhật ký (1863). Cụ đưa mẫu xe trâu từ Ai cập về áp dụng trong việc dẫn nước vào ruộng. Khi trấn nhậm Hải Dương, Cụ cho in các sách đã phiên dịch, biên khảo ở Trung Quốc như: Công pháp quốc tế, Kỹ thuật hàng hải, Phương pháp khai mỏ, Khoa học phổ thông vv… Khoa học kỹ thuật trở thành nguồn cảm hứng trong thơ Cụ (Tập Tây Phù Thi Thảo) đã thổi một luồng sinh khí mới vào văn học Việt Nam thời cận đại. Cụ luôn đấu tranh quyết liệt chống thủ cựu, ủng hộ, khuyến khích những người có tư tưởng đổi mới như Nguyễn Trường Tộ và Đặng Huy Trứ.

Lòng yêu nước của Cụ xuất phát từ lòng yêu dân, yêu quê hương. Cụ chấp nhận những thiệt thòi kể cả những hình phạt cay nghiệt để bảo vệ lẽ phải miễn sao đem lại lợi ích cho dân, nhất là dân nghèo. Tuy làm việc ở xa nhưng khi nghe tin ở Quảng Nam, dân bị đói do mất mùa. Cụ trích tiền riêng gửi về giúp dân, cho phép thuyền buôn người Hoa chở gạo vào bán lẻ để cứu dân qua cơn đói kém, việc làm này Cụ bị quở phạt. Cụ luôn chăm lo đào tạo bồi dưỡng lớp người trẻ tuổi, tiến cử người có đức, có tài ra gánh vác việc nước.

Ý nghĩa phong phú của cuộc đời Cụ mãi mãi là những bài học cho hậu thế. Chúng ta rất ngưỡng mộ, tự hào về những gì Cụ đã làm được cho nước, cho dân. Những điều chưa làm được đã ấp ủ trong lòng Cụ cho đến khi nhắm mắt, đó chính là: Cần sống đạo đức, sống hết mình vì đất nước, quê hương, đưa khoa học kỹ thuật vào cuộc sống để xóa sạch nghèo nàn và lạc hậu. Đó cũng là di chúc thiêng liêng cho các thế hệ nối tiếp.

Chính quyền, nhân dân địa phương góp phần cùng cháu, chắt nội ngoại cung kính xây dựng lại mộ Cụ và bia này.

Tiết Thanh minh Kỷ Tỵ (1989)

PHẠM PHÚ THỨ 
Nhà cải cách ít được biết đến

Nếu như không có “Niệm Tổ Đường Tộc Phạm Phú” tọa lạc ở 389/28 QL 13 phường Hiệp Bình Phước, huyện Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh và không có cuộc viếng thăm của CLB Sách Xưa & Nay thì không biết bao giờ chúng tôi mới có dịp biết đến cụ Phạm Phú Thứ (1821-1882) là một nhà canh tân sống cùng thời với nhà bác học Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ, Bùi Viện… phái Tây học.

Người ta chỉ biết đến cụ Phạm Phú Thứ đương kim Tả Tham tri Bộ Lại của triều đình Tự Đức là một thành viên của phái đoàn Việt Nam lúc bấy giờ vâng chỉ vua sang Pháp để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông với chức vụ Phó đoàn. Còn Trưởng đoàn là cụ Phan Thanh Giản (Hiệp biện đại học sĩ). Lãnh đạo đoàn còn có cụ Ngụy Khắc Đản (Án sát tỉnh Quảng Nam) và hai thông dịch viên là cụ Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Trường Tộ. Phái bộ có tổng số tới trên 60 thành viên đi sứ với mục đích xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường với triều đình Napoléon đệ Tam theo Hiệp ước năm Nhân Tuất 1862 do Phan Thanh Giản ký với Pháp tại Gia Định, bởi lẽ nơi đây là đất khai nghiệp của Nhà Nguyễn (Gia Định) và là quê ngọai của vua Tự Đức (Gò Công thuộc Mỹ Tho là quê của bà Từ Dũ), (dẫn nguồn : Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim – NXB VH-TT 1999, trang 524).

Cụ Phạm Phú Thứ quê ở đất Bắc nhưng tổ tiên vào định cư lập nghiệp ở đất Quảng Nam từ xa xưa nên tới nay không rõ nguyên quán là nơi đâu mà chỉ biết là cụ sinh ra và lớn lên tại quê nhà là làng Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam và lăng mộ của cụ cũng được xây dựng nơi đây là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Sinh trưởng trong gia đình “Danh gia vọng tộc” được cha mẹ thương yêu giáo dục rất tốt, bản thân bộc lộ tư chất thông minh hiếu học. Thời niên thiếu cụ Phạm Phú Thứ tên Phạm Phú Hào, khi vào trường học chữ Hán lấy tên Phạm Phú Thứ (Thứ là rộng lượng), tự Thúc Minh (nhặt cái trong sạch), trong đời thường tự là Giáo Chi (dạy học), hiệu Trúc Đường (nhà tre), biệt hiệu Giá Viên (vườn mía) và Trúc An (nấp trong tre). Khi cụ mất (5/2/1882) triều đình Tự Đức ban tên Văn Ý Công.

Thời gian đi sứ từ tháng 6/1863 đến tháng 3/1864. Trong phái bộ, cụ được phân công ghi những sự việc xảy ra trong thời gian đi sứ kéo dài 9 tháng lên đênh trên biển và chầu chực trên đất Pháp hoặc đi thăm một số nước ở châu Âu như Tây Ban Nha (Espagne) yết kiến hoàng hậu Isabelle, Ý Đại Lợi (Italie) yết kiến Đức Giáo Hoàng ở Tòa thánh La Mã. Sau khi về nước, Phạm Phú Thứ dâng lên vua Tự Đức những tài liệu ghi chép, đóng thành hai tập nhan đề: “Tây hành nhật ký” và “Tây phù thi thảo”. Ngoài ra cụ còn dâng lên bản tường trình những điều tai nghe mắt thấy ở nột số nước phương Tây và cả suốt lộ trình tàu thủy đi qua và ghé lại như Tân Gia Ba (Singapore), Ấn Độ, Ai Cập… Cụ còn sưu tầm và mang về nhiều tài liệu biên soạn, đóng thành sách do cụ đề tựa, quyên tiền in ấn để phổ biến những kiến thức mới cho đồng bào, thanh niên trong nước biết, như :

- Bác vật tân biên (sách nói về khoa học)
- Khai môi yếu pháp (sách nói về cách khai mỏ)
- Hàng hải kim châm (sách nói về cách đi biển) 
- Vạn quốc công pháp (lề lối giao thiệp quốc tế).

Trên cơ sở đó, Phạm Phú Thứ khẩn khoản đề nghị với Tự Đức thực hiện những cải cách trong nước, tuyển chọn những thanh niên ưu tú cho xuất dương du học để về xây dựng đất nước theo kịp đà tiến bộ mới và cùng đối phó với sự uy hiếp của một số nước phương Tây ở nước ta lúc bấy giờ nhưng đều bị vị vua bảo thủ “hủ Nho” bỏ qua. (Theo Sách “Phạm Phú Thứ với tư tưởng canh tân”, NXB Đà Nẵng 1995). Tập sách này tập họp các bài tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học đọc tại cuộc tọa đàm tháng 3/1993 do Ban liên lạc Hội đồng hương Quảng Nam- Đà Nẵng tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Hội khoa học lịch sử thành phố này tổ chức. Cuộc tọa đàm này đã nêu bật tư tưởng đổi mới (canh tân) của nhà Nho học Phạm Phú Thứ – tương đồng với Nguyễn Trường Tộ đương thời với ông – nhà canh tân thực hành tức biết lấy ý kiến đổi mới để làm thực nghiệm trong thời gian ông còn tại chức như đóng tàu khi làm Thượng thư Bộ Hộ (1873), mở thương cảng Hải Phòng khi làm Tổng đốc Hải Yên (1874) hoặc đưa vào sử dụng cỗ “xe trâu” (máy dẫn nước do trâu kéo, theo mô hình của Ai Cập) theo nguyên lý dẫn thủy nhập điền cho nông dân ở quê nhà tỉnh Quảng Nam.. Cuộc hội thảo lần đầu tiên này dành riêng cho Phạm Phú Thứ vừa để xác định ông là nhà Nho học có óc canh tân trong thời kỳ bảo thủ “bế quan tỏa cảng” của triều đình Nhà Nguyễn trước họa ngoại xâm về: canh tân giáo dục, ứng dụng khoa học kỹ thuật phương Tây trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế thị trường trong đó có ngoại thương, vấn đề quốc phòng chuẩn bị vũ khí - tàu chiến, khai mỏ quặng, tự do tín ngưỡng… Nguyễn Trường Tộ hay Nguyễn Lộ Trạch đều là các nhà canh tân như ông nhưng chỉ đệ trình vua bằng các bản điều trần và không trực tiếp trình bày như ông với vua, với triều đình nhất là Viện Cơ Mật lúc ấy. Cho nên bộ sách “Tây hành nhật ký” được cụ cho khắc bản in trên gỗ là sách cổ nhất Việt Nam nói về canh tân trong nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Tới hơn 100 năm (1882-1992), nhà canh tân và bộ sách ghi chép những vấn đề đổi mới ở phương Tây mới được một số nhà nghiên cứu lịch sử, văn học đề cập tới nhưng vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng liên quan nói tới hay nghiên cứu tiếp. Phải chăng sự mai một của những tư tưởng cách tân trong các tác phẩm cổ của Phạm Phú Thứ hay của Nguyễn Trường Tộ có giá trị và quan trọng đó đồng nghĩa với sự lạc hậu, thiệt thòi của đất nước trong thế kỷ qua? Điều này đã được chính tác giả “Tây hành nhật ký” tâm tư :

Tảo giao Đông thổ kim trường kỹ
Pha-lý Long-đơn vị túc hiền.

Nghĩa là :

Giá như phương Đông sớm giỏi công nghệ
Ba-lê, Luân-đôn chắc gì hơn ta!

Hoặc cụ đã từng than thở với bạn đồng liêu :

Ngày nay ngọc trong cát
Chẳng còn được ai màng
Xin nín đời tâm huyết
Để được người nghe thương!

“Ngọc trong cát” tới hôm nay mới được cuộc tọa đàm khoa học năm 1993 có hành động “phủi bụi” để cho nó lóe sáng đôi chút. Nó giống như thành ngữ “Ngọc bất trác bất thành khí”… Nghĩ làm được việc đó cũng đã khiến cho nhà cách tân trên trăm năm trước an ủi được phần nào dưới suối vàng. Và CLB Sách Xưa & Nay cũng đã có một cử chỉ đáng tự hào đôi chút đối với tác giả “Tây hành nhật ký” trong buổi sáng đẹp trời tới viếng và thắp hương tại Niệm Tổ đường Tộc Phạm Phú để được làm “người nghe thương”.

Vương Liêm (8/12/2007)

Phụ Bản I

ĐIỀU ĐẠO PHẬT MUỐN NÓI
QUA PHÁP VÔ THƯỜNG

Không ít lần trong đời, chúng ta đã buộc miệng: “Cuộc đời quả thật là Vô Thường” khi nghe tin có ai đó mà ta quen biết đang mạnh sân sẩn đột nhiên qua đời trong khi họ còn đang trên đà làm ăn phát đạt mà bạc tiền, danh vọng khiến nhiều người phải mơ ước! Vô Thường đã trở thành một định nghĩa cho sự mong manh, ngắn ngủi của cuộc sống. Nó không lệ thuộc thời gian, tuổi tác, nên có vị đã nói: “Nhược đãi lão lai phương niệm Phật. Cô phần đa thị thiếu niên nhân”.

Nói đến VÔ THƯỜNG là nói đến sự hợp, tan, còn, mất của cuộc đời, đến những cuộc sinh ly, tử biệt diễn ra đối với những gì có tướng. Đạo Phật cho rằng không có gì ghê sợ cho bằng cái chết, vì đường xa hiểm nguy, chỉ có một mình, bơ vơ, không biết nương tựa vào đâu khi rời bỏ cái thân với cảnh sống quen thuộc, náo nhiệt, đông đảo bạn bè, người thân hiện tại, nhất là biết rằng sẽ phải đối mặt với những ác nghiệp mà mình đã tạo! Dĩ nhiên Vô Thường là điều thật đáng sợ, vì mọi người chưa kịp chuẩn bị gì cho hành trình đơn độc này. Không người thân, không hành trang, không biết điều gì sẽ đến với mình bên kia kiếp sống. Thế nhưng ít ai chuẩn bị cho mình ngày đó, ngay cả khi bịnh nặng, vào bịnh viện cũng nghĩ rằng mình sẽ được chữa khỏi, sẽ lại được tiếp tục tham gia vào cuộc đời như trước. Thực tế đã cho thấy, có biết bao người đã phải đi về bằng “cửa sau”, để người thân cũng phải ngỡ ngàng, bàng hoàng. Người chết thì nuối tiếc, thấy rằng mình chưa kịp sống, còn biết bao điều chưa kịp làm. Người sống thì thấy rằng do không nghĩ trước sẽ có ngày này, nên đã vô tình, đã cư xử thiếu sót với họ lúc còn sinh thời, nên chỉ còn biết lấy nước mắt để nói lên lòng thương tiếc, hối hận... đến nỗi Đạo Phật cho rằng nước mắt chúng sanh khóc vì sinh ly, tử biệt còn nhiều hơn nước nơi biển cả!

Vậy thì Đạo Phật muốn khuyên ta điều gì qua pháp Vô Thường mà bất cứ ai khi bước vào Đạo Phật đều phải học, phải hiểu cho rõ?

Thông thường, mỗi Pháp mà Đạo Phật đặt ra là để người tu áp dụng, không phải chỉ hiểu lý suông, mà cần phải thực hành đầy thì mới trọn vẹn cho công việc tu hành. Để minh họa cho ý nghĩa này, Đạo Phật có tích sau đây: Ngày trước, trong khi vua A Dục rất mến mộ Đạo Phật và kính trọng các vị tu hành, thì em Ngài là Vitakoca không bằng lòng, bởi có lần chính Ngài đã hỏi những vị tu hành khổ hạnh, lõa thể, mỗi ngày chỉ ăn chút ít lá cây rằng “Điều gì làm cho các Ngài khó chịu nhất”? thì hầu hết đều trả lời là: “Khi thấy các loài thú rừng đực, cái, đú đởn với nhau”. Chính vì vậy, ngài cho rằng các vị tu hành khổ hạnh, ép xác đến như vậy mà lòng dâm còn chưa trừ dứt được, huống là các vị sa môn ăn uống đầy đủ!.

Để khai mở cho em, vua A Dục đã bàn với các quan cùng diễn một vỡ tuồng. Một ngày kia, khi vua kêu nóng nực nên cởi long bào để trên ngai đi tắm, thì bên ngoài, các quan xui hoàng thân Vitakoca mặc vào và thử ngồi lên ngai vàng cho biết. Votakoca nghe lời, làm theo. Thình lình vua buớc ra, buộc Ngài vào tội khi quân, truyền lịnh chém đầu. Nhưng trước khi chém, vua cho phép Ngài được làm vua trong vòng 7 ngày, được hưởng mọi thứ, từ mỹ nữ, cho đến thức ăn thượng phẩm, ca múa nhạc... như một vị vua thật sự, nhưng cuối mỗi ngày thì những vệ sĩ đứng hầu bốn góc hầm hầm hô to: “Chỉ còn 6 ngày nữa là tân vương sẽ bị xử trảm”! Ngày hôm sau thì còn 5, rồi còn 4… cứ đều đặn diễn ra như thế...

Ngày cuối cùng, vua A Dục hỏi em: “Trong 7 ngày làm vua, hẳn là ngự đệ vui sướng lắm, vì được hưởng thụ mọi thứ tốt đẹp nhất trên đời”? Vitakoca trả lời: “Trong những ngày đó, em có thấy sung suớng gì đâu! cứ nghĩ đến còn mấy ngày nữa là sẽ bị chém đầu là em ăn không ngon, ngủ không yên, còn tâm trí ở đâu mà hưởng thụ!”. Lúc đó vua A Dục mới nói cho Ngài biết dụng ý của mình và bảo: “Em chỉ mới nghĩ đến cái chết có mấy ngày mà đã chán cảnh hưởng thụ, không còn lòng dạ nào để vui, huống là các vị sa môn ngày cũng như đêm đều nghĩ tới Vô Thường? Lúc đó Vitakoca mới hối hận, xin anh cho xuất gia. Ngài đã tinh tấn tu hành, đắc quả, thời gian sau, khi trở về thăm thì vua A Dục nhìn thấy ở Ngài một phong thái ung dung thoát tục.

Nếu chỉ dừng ở đó hẳn ta sẽ cho rằng mục đích của Đạo Phật là làm cho mọi người chán sống, chê cuộc đời, không thiết tha tham gia gì vào cuộc đời nữa! Đó là một sự hiểu lầm rất tai hại, làm cho nhiều người sống dật dờ, ở trong cảnh CÓ, sử dụng tất cả sản phẩm của cái CÓ mà cứ tưởng là KHÔNG, nên thiếu thực tế, xa rời mục đích của Đạo. Kinh dạy, sở dĩ trong giai đoạn đầu Đạo Phật đưa ra cái KHÔNG là để gỡ cho những người đang dính mắc vào CÁI CHẤP CÓ. Sau khi buông bỏ được cái Chấp Có thì sẽ hướng dẫn tiếp. Thật vậy, Đạo Phật sở dĩ xuất hiện giữa đời là để giải khổ cho con người, để con người được sống an vui giữa đời, không phải để đưa con người đến cõi tưởng tượng hay cõi Niết Bàn xa vời nào, bỏ quên cuộc sống hiện tại! Thế nhưng, phần đông lại hiểu lầm lời Kinh, ý Phật, tưởng rằng “thoát tục” có nghĩa là xa lìa trần gian mà quên rằng ý nghĩa của Đạo Phật là Hoa Sen, vì hoa này vẫn sống trong bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm, chứ không phải bứng đi, mang trồng ở trong chậu nước tinh khiết! TỤC ở đây không phải là nhà cửa và những phương tiện sống của thế gian, bởi vì có vào chùa thì mọi người vẫn phải dùng những sản phẩm của đời, cũng phải di chuyển bằng xe cộ, cũng phải dùng cơm gạo, rau trái, dù chùa được xây bằng kiểu dáng có phân biệt với nhà của người đời, nhưng cũng là xi măng, cát, gạch, ngói… toàn là những sản phẩm của thế gian! Xuất thế gian cũng không có nghĩa là ngày ngày chuyên tâm tụng niệm, chỉ ăn rau quả, lúc nào cũng giữ chánh niệm, không nghĩ đến, không tham gia mọi sinh hoạt với đời để trở thành những người có lỗi với cuộc đời, vì chỉ hưởng dụng mà không đóng góp!

Nếu có đọc Kinh Viên Giác, chúng ta sẽ thấy rõ ý nghĩa của việc tu hành tóm gọn trong 4 câu Kệ:

“NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT.
CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI,
CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC,
CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT”

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cũng viết: “CÕI NƯỚC CHỖ NÀO NẾU CÓ NGƯỜI THỌ TRÌ ĐỌC TỤNG, GIẢI NÓI, BIÊN CHÉP, ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH, HOẶC LÀ Ở CHỖ CÓ QUYỂN KINH, HOẶC TRONG VƯỜN, HOẶC TRONG RỪNG, HOẶC DƯỚI CÂY, HOẶC TĂNG PHƯỜNG, HOẶC NHÀ BẠCH Y, HOẶC Ở ĐIỆN ĐƯỜNG, HOẶC Ở NÚI HANG ĐỒNG TRỐNG, TRONG ĐÓ ĐỀU NÊN DỰNG THÁP CÚNG DƯỜNG.

VÌ SAO? PHẢI BIẾT CHỖ ĐÓ CHÍNH LÀ ĐẠO TRÀNG, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ ĐẶNG VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ CHUYỂN PHÁP LUÂN, CÁC ĐỨC PHẬT Ở ĐÂY MÀ NHẬP NIẾT BÀN” (tt. 479)

Qua các đoạn kinh vừa trích dẫn, ta thấy nơi nào cũng là đạo tràng, giới nào cũng tu, cũng thành tựu được, miễn là ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH. Như vậy, rõ ràng, cái “Tục” mà người tu cần “Thoát” chính là ‘THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT” nơi Tâm của chính mỗi người, chớ đâu phải là nhà cửa, y phục, vật dụng của thế gian? Hình tướng, y phục, không mang một ý nghĩa nào đối với con đường tu hành. Phật dạy: “Hỡi này các Tỳ Kheo! Nếu chiếc áo cà sa có oai lực xóa bỏ được Tham lam, Sân hận, Si mê, thì cha mẹ hoặc người thân chỉ cần khoác lên đứa bé khi nó mới chào đời là được toại nguyện”. Và: “Như Lai không cho rằng đời đạo đức có thể tượng trưng bởi những Tỳ Kheo mặc y, mang bát. Đạo sĩ lõa lồ bẩn thỉu ngụ dưới cội cây. Khất sĩ rách rưới ăn uống khác thường. Du già đứng như trời trồng dưới cơn nắng cháy da. Giáo sĩ thông suốt thánh kinh, ăn nói hoạt bát, sành nghề bùa chú. Người tu khổ hạnh thân hình phủ đầy cát bụi. Kẻ trầm mình xuống sông hằng, lạnh buốt trong buổi sáng.

Phụ Bản II

Kẻ mang gùi tóc đan trên đỉnh đầu… nhưng thân tâm nhơ bẩn thấp hèn, và Như Lai không công nhận chúng là bậc Sa Môn”. Theo đó, dù có làm gì, mặc gì, ăn gì, cũng không có giá trị nào đối với đường tu nếu THÂN TÂM NHƠ BẨN THẤP HÈN. Tất nhiên, đâu phải do chỉ ăn rau quả mà Thân Tâm hết nhơ bẩn, thấp hèn, mà là nhờ ở sự TU sửa, loại trừ BA ĐỘC nơi Tâm .

Muốn loại trừ BA ĐỘC, người tu cần quán tưởng VÔ THƯỜNG. Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Ví như các dấu chân của muông thú, dấu chân voi là hơn cả. VÔ THƯỜNG QUÁN cũng lại như vậy, là pháp quán tưởng bậc nhất trong các pháp quán tưởng. Nếu ai tinh cần tu tập pháp này thời có thể trừ dứt tất cả sự ái nhiễm cõi Dục, cõi Sắc và cõi Vô Sắc, trừ vô minh, kiêu mạn và vô thường tưởng”. (ĐBNB Q. l tr. 71).

Trong khi những người thuần túy phàm phu cho rằng cuộc đời này là CÓ, là thật, là trường tồn, rồi tranh dành với nhau để thỏa mãn tham vọng, và những kẻ cho rằng cuộc đời là KHÔNG bị Phật chê trách là: “CHỒI KHÔ, MỘNG LÉP” vì tự mâu thuẩn, nói Không mà hành Có, vì bản thân họ cũng đang là một món Có, đang sử dụng những thứ đều Có, đâu thể không ăn khi đói, không uống thuốc khi bịnh, thậm chí đôi khi còn nổi tam bành khi bị xúc phạm thì Không ở chỗ nào? Vì thế, Phật cho là những người suy nghĩ và hành động như thế không làm ích lợi gì được cho ai, kể cả bản thân họ. Chính vì vậy, Đạo Phật dạy chúng ta nên sống trong theo TRUNG ĐẠO, tức là biết cuộc sống KHÔNG PHẢI CÓ HẲN, cũng KHÔNG PHẢI KHÔNG HẲN, chỉ là TẠM CÓ.

Ý thức rằng cuộc đời là TẠM CÓ, là VÔ THƯỜNG, là không bền, để đừng quá tham đắm vào vật chất, cho cuộc sống được an ổn hơn .Phải chăng, nếu chúng ta biết rồi sẽ phải chia tay người thân, chia tay cuộc sống, hẳn chúng ta đâu có quá tham lam, vị kỷ? Một vài tấm gương qua báo chí từ trước, và gần đây nhất, có một số người biết mình mắc bịnh nan y, cuộc sống được tính từng ngày, nên đã tranh thủ làm những điều tốt đẹp cho người khác. Họ biết rằng mình sắp chết, nên rất thiết tha muốn sống. Họ trân trọng nếm từng phút giây của cuộc đời. Họ tiếc rằng không còn nhiều thời gian… Trong khi chúng ta, mỗi người khi có mặt ở trần gian là cũng đồng thời mang sẵn một bản án tử hình, nhưng vì biên giới giữa cái sống và cái chết quá mong manh, chỉ cách nhau có mỗi làn hơi thở, vì thế, mọi người hầu như quên mất, mải đắm mê với cuộc sống, cho đến khi thần chết đến dắt đi mới giật mình thì đã quá muộn!

Hiểu được ý nghĩa của Vô Thường, biết rằng mọi thứ ta đang có rồi cũng sẽ không ở mãi với ta, từ cha mẹ, vợ chồng, con cái cho đến bạn bè, của cải… để chúng ta ý thức được sự quý giá của cuộc sống mà sống cho xứng đáng hơn. Không tạo nghiệp, trái lại, còn mở lòng ra với mọi người, cùng tiếp tay xây dựng để xã hội tốt đẹp hơn. Đó là mục đích bài học Vô Thường của Đạo Phật để mọi người có được cuộc sống an lành, một hành trang tốt đẹp khi phải rời cuộc sống, và những cuộc chia lìa với người thân, với của cải, vật chất không còn là những bất ngờ, để nước mắt hối hận không còn tuôn chảy vì đã cư xử với nhau hết lòng khi còn ở bên nhau. Phải chăng đó mới là lợi ích thật sự của người thấm nhuần Pháp Vô Thường, bởi biết đời là giả tạm nên sống vừa phải, không tham lam, không hại người, hại vật. Tất nhiên cuộc sống như thế thì thân tâm thơ thới, cần gì phải cầu an? Một đời sống thuần thiện thì khi chết chắc chắn sẽ về cõi tốt đẹp, cần gì phải cầu siêu? Người ý thức Vô Thường nên chẳng những không gây ác nghiệp, ngược lại lúc nào cũng làm điều thiện. Đó chính là hành trang cho một kiếp sau tốt đẹp hơn, vì thế họ sẽ không có gì phải lo sợ khi sống, cũng như sẽ thanh thản khi phải rời bỏ cõi đời, vì biết chắc rằng không có đường dữ chờ mình ở bên kia thế giới. Với cuộc sống như thế, Phật cho là họ đã làm xong những việc cần làm mà Kinh Đại Bát Niết Bàn gọi là “đền xong thân này” vậy.

Tâm-Nguyện (11/2007)

CUỐN “LỄ TANG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM”
(LE RITUEL FUNÉRAIRE DES ANNAMITES),
MỘT CUỐN SÁCH NGHIÊN CỨU VỀ DÂN TỘC HỌC VÀ TÔN GIÁO CỰC KỲ HAY VÀ CHI TIẾT
CỦA TÁC GIẢ GUSTAVE DUMOUTIER

Ngay trong lúc này, nếu có một tác giả nào muốn viết về “Lễ tang của người Việt chúng ta” thì có lẽ chưa chắc đã viết được vài chục trang, thế mà trên 100 năm trước vào năm 1892 (chính xác là 115 năm trước) một tác giả người Pháp, Gustave Dumoutier, một thành viên của Hội Địa Dư và đồng thời là Giám Đốc Nha Học Chính Bắc Kỳ đã viết một cuốn sách dày 300 trang, cộng với 36 phụ bản nguyên trang mô tả tất cả chi tiết của một đám tang của người Việt chúng ta.

Trước khi giới thiệu cuốn sách tuyệt vời này, người viết xin có đôi lời về tiểu sử tác giả người Pháp nói trên:

Gustave-Emile DUMOUTIER sinh ở Courpalay, près Coulommiers (Seine-et-Marne) ngày 3-6-1850, và mất ở Đồ Sơn (Bắc Việt) ngày 2-8-1904. Thoạt tiên ông theo học về Nhân Loại Học Thời Tiền Sử, sau, với tư cách học viên dự thính, ông đã học trong ba năm về ngôn ngữ và lịch sử Trung Hoa tại trường Ngôn Ngữ Đông Phương. Tháng giêng năm 1886, ông tháp tùng Toàn quyền Paul Bert tới Bắc Kỳ và làm thông ngôn tiếng Việt và tiếng Hoa cho Phủ Toàn Quyền.

Tại đây ông được giao nhiệm vụ tổ chức Nha Học Chính. Là một người hết sức họat động, tháo vát, một năm sau ngày tới Việt Nam ông đã tổ chức được một Trường Thông Ngôn, chín trường tiểu học cho nam sinh, và bốn trường tiểu học cho nữ sinh. Sau đó ông được giao chức vụ Giám đốc Nha Học Chính Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ông là tác giả của gần 60 tác phẩm gồm một số sách rất giá trị như các cuốn Lễ Tang của người Việt Nam (Le rituel Funéraire des Annamites), Các Ngôi Chùa ở Hà Nội (Les pagodes de Hanoi), Nghiên cứu về Khảo Cổ Học và Minh Văn Học tại chùa Trấn Vũ (Le grand Bouddha de Hanoi), Tiểu luận về người Bắc Kỳ (Essai sur les Tonkinois), Chùa Hai Bà (Le temple des deux Dames) vv… và trên 50 bài khảo cứu đăng trong các báo nghiên cứu vào thời đó. Ông quan tâm nhiều tới lãnh vực tôn giáo (Phật giáo) và lãnh vực tâm linh khi viết những bài nghiên cứu thật tỉ mỉ về đủ lọai bùa phép, về các thầy phù thủy, thầy pháp vv…

Bây giờ người viết xin mời các bạn độc giả trở lại với tác phẩm “Lễ Tang của người Việt Nam” (Le rituel Funéraire des Annamites) mà tôi xin giới thiệu hôm nay.

Cuốn sách dày tổng cộng 300 trang khổ lớn, ở trong có nhiều minh họa và 36 phụ bản nguyên trang cho thấy tất cả mọi chi tiết của một đám tang của người Việt thời đó. Sách có thể được tạm chia ra làm bốn phần:

Phần I cho biết tất cả mọi lo toan, mọi việc phải làm khi có tang chiếm 154 trang đầu.

Phần II nói về vong linh người chết khi xuống tới cõi âm và là một phần mô tả rất chi tiết Thập Điện Diêm Vương từ trang 155 tới trang 267.

Phần III từ trang 268 tới trang 295 là một mục giải thích các chữ Phạn và các tên bằng chữ Việt và chữ Hán dùng trong sách. Xin được nói thêm là ở cuối phần II từ trang 230 tới trang 267 là một Phụ Lục giải thích nhiều điều linh tinh và nhiều điển cố liên quan tới tang lễ.

Phần I của sách cho người đọc thấy rằng ngày trước mỗi khi có tang, thân nhân người chết phải làm không biết cơ man nào là công việc, chứ không đơn giản như bây giờ chỉ việc tìm đến một nhà đòn, đăng cáo phó, mua một ít hoa, bày bàn ghế tiếp khách là hết… chuyện. Tác giả người Pháp này đã kể rất tỉ mỉ rất nhiều điều mà ngày nay đã hoàn toàn là dĩ vãng, đã đi hẳn vào quên lãng, nếu không có ai muốn kể lại. Thí dụ như ngay đầu sách, tác giả đã cho biết một nhà sư phải đọc những câu kinh kệ nào khi được báo tin và được mời tới với một người đang hấp hối. Kế đó tác giả nói đến đủ lọai bùa phép để trừ tà, để tiễn vong hồn người chết ra đi, để để vào quan tài, để găm vào quần áo người chết vv… tất cả đều rất chi tiết, với hình ảnh minh họa thực rõ ràng. Về mặt kinh kệ thì thật là chi tiết, tùy thuộc vào người chết chết vì lý do gì, bệnh tật gì, mà lời kinh, câu kệ phải được dùng cho phù hợp. Ở cuối phần I này tác giả cũng bàn rất kỹ càng tới các lọai đất để chôn và các lọai mộ phải xây và đặt theo các phương hướng như thế nào.

Ở phần II của sách tác giả lấy tựa đề là “Vong linh người quá cố khi xuống tới cõi âm” và trong phần II này ông đã mô tả thật kỹ càng, chi tiết Thập Điện ở Diêm Đình. Một chi tiết rất lý thú là, theo tác giả, Đệ nhất Điện, do Tần Quang Vương chủ trì đã không làm tội làm tình gì người chết mà lại còn xét thưởng nếu người chết lúc sinh thời đi thu thập các cổ thư, cổ bản và đem hỏa thiêu chúng, đồng thời cũng ban phát không các loại sách cho nhiều người khác được đọc (xin xem minh họa kèm trong bài). Sau phần nói về Thập Điện, tác giả có nhắc tới sách Hồi Dương Nhân Quả và mô tả theo quan điểm của người Việt, hồn người chết sẽ được xét xử như thế nào nơi âm phủ. Sau phần này là phần Phụ Lục trong đó tác giả nói đến của hương hỏa, các loại tang phục phải mặc vv… Ở phần III tác giả giải thích tất cả các chữ Phạn, các tên bằng chữ Hoa hoặc bằng chữ Việt. Ví dụ như Prêta là một thứ ác quỷ địa ngục mà bụng thì to đùng, nhưng miệng thì bé tí síu-Địa ngục Ảo-Thông-Cẩu-Đốn là một thứ địa ngục ở đấy người chết bị CHÓ CẮN NÁT NGƯỜI RA…

Sau chót là 36 phụ bản nguyên trang vẽ họat cảnh khác nhau của đám tang, có chỉ rõ là con đẻ đứng đâu, con dâu đứng đâu, cháu chắt đứng đâu vv…

Đây quả là một cuốn sách nghiên cứu rất đa dạng, phong phú và rất tỉ mỉ, chi tiết, cho thấy lễ tang của người Việt chúng ta ngày trước không đơn giản như ngày nay.

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, Chương VI

Vũ Anh Tuấn

LỊCH SỬ CHIẾC BÚT MÁY

Ngay từ thuở khai thiên lập địa, con người đã luôn khao khát lưu lại bằng văn bản những cuộc phiêu lưu như là một bằng chứng thể hiện khả năng chinh phục của mình, đồng thời là nền tảng cho giáo dục thế hệ sau. Để làm được điều đó, cần 2 thứ: dụng cụ để viết và vật để lưu những ký tự đó. Thời tiền sử, dụng cụ đầu tiên đáp ứng được yêu cầu trên trên là mẩu than.

Người Xume là những người đầu tiên ghi lại lịch sử trên những phiến đất sét. Cách thức này được gọi là “chữ hình nêm” (tức chữ Ba Tư cổ), có từ khỏang 3.000 năm trước. Khái niệm bút và giấy đầu tiên được ra đời trong nền văn minh Ai Cập cổ. Những người chép sử, sử dụng cây sậy với đuôi được nhai nát để giữ chất màu. Sau đó, họ vẽ những chữ tượng hình lên tường hoặc giấy cói. Dần dần, cùng với sự phát triển của chất màu, những cây sậy được “lên đời” thành dụng cụ sắc nhọn với đường rãnh ở cuối, dọn đường cho việc ra đời bút lông chim. Trong thế kỷ 16, bút lông ngỗng trở thành dụng cụ viết số 1 với những ưu điểm là đầu dễ vót nhọn, dễ uốn hơn và ít gãy hơn dưới lực ép từ bàn tay. Đến giữa thế kỷ 19, kim loại được sử dụng để chế tạo đầu bút vì dễ làm được chuẩn xác mà lại bền. Thế nhưng, người viết vẫn phải chấm bút vào lọ mực nên mỗi khi di chuyển thì rất phiền phức.

Năm 1884, anh nhân viên môi giới bảo hiểm Lewis Waterman phát chán với những bất tiện trên đã tiến hành một cuộc cách mạng trong thế giới bút. Vấn đề là làm thế nào để kiểm soát được dòng chảy của mực và tạo được bình mực dự trữ ngay trong cây bút? Waterman không được đào tạo về khoa học hay kỹ thuật nhưng lại tìm ra bí quyết mà hàng trăm chuyên gia khác bó tay. Đáp án khá đơn giản! Waterman phát hiện ra rằng lực hút mao dẫn có mối liên hệ động lực với áp suất khí quyển. Làm thế nào để một cây bút chứa bình mực và làm cho mực chỉ chảy xuống khi người viết sử dụng? Câu trả lời là trong ống dẫn (đưa mực xuống đầu bút và xuống trang giấy). Waterman tạo ra 2 hoặc 3 rãnh để không khí và mực đồng thời vận động. Không khí sẽ thế chỗ của phần mực đã sử dụng. Và cuộc cách mạng bắt đầu.

Bút máy có thể chia thành 3 phần chính là bình mực dự trữ, ống dẫn và ngòi bút:

1. Bình mực dự trữ: trong đa số bút máy hiện đại, phần này dự trữ mực theo hai cách. Một cách đơn giản là đổ mực vào bình. Cách thứ hai sử dụng hệ thống pistol (một hộp kín với một que chạy dọc ở giữa và một ống bơm ở cuối).

2. Ống dẫn: hệ thống ống dẫn đưa mực xuống ngòi bút bằng một loạt các rãnh. Hệ thống này bảo đảm khả năng rò rỉ mực ở mức thấp nhất. Ống dẫn kết hợp với ngòi bút đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giữa trọng lực với áp suất khí quyển và hoạt động mao dẫn. Về phần mình, hoạt động mao dẫn bảo đảm rằng mực trong bút luôn chảy đều đặn cho dù xảy ra bất kỳ thay đổi áp suất không khí nào. Phần lớn các loại bút đều có một loạt các rãnh nhỏ để giải quyết số mực dư thừa do những sự mất cân đối áp suất trên. Những rãnh đủ mọi kích cỡ này giúp đạt được sự cân bằng tuyệt đối. Ống dẫn thường được làm bằng nhựa tổng hợp hoặc ở những cây bút “xịn” thì bằng chất ebonite (những loại chất này chống được các thành phần ăn mòn có trong mực).

3. Ngòi bút: Không chỉ có hình dáng độc đáo, chức năng viết, mà nó còn truyền cảm hứng cho người viết. Tiếng xột xoạt chạy trên giấy, cảm giác ngòi bút lướt đi có thể so sánh với cách một tay đua cảm nhận con đường qua vô lăng. Ở bút bi, ngòi bút tiếp xúc với giấy một cách đều đều và vì thế thường tạo nên một nét bút có độ rộng cố định cho dù có thay đổi góc viết đi chăng nữa. Ngược lại, bút máy tạo nên những nét đậm nhạt khác nhau tùy thuộc vào lực tay người viết, góc độ của bút với mặt giấy và độ quay của đầu ngòi bút. Hiệu quả là những nét tao nhã được tạo nên và hình thành cả nghệ thuật viết chữ đẹp.

Những kim loại quý đóng vai trò quan trọng trong việc chế tạo ngòi bút, giúp ngòi bút có độ bền và viết đẹp hơn. Thường thì người ta dùng ngòi bút bằng thép không rỉ hoặc mạ vàng. Tuy nhiên, thép không rỉ là chất liệu quá cứng và không đáp ứng được yêu cầu của những người viết khó tính, nhất là những người viết tinh tế, luôn cần sự rung động giữa ngòi bút và tờ giấy. Trong khi đó, vàng tiếp tục giữ được vị trí vượt trội trong các chất liệu làm ngòi bút. Một trong những lý do là vàng không bị ăn mòn khi tiếp xúc với mực. Tính mềm của vàng cũng rất phù hợp để tạo sự linh họat cho ngòi bút. Ở dạng nguyên chất, vàng không đáp ứng được những tiêu chuẩn đàn hồi nên dùng vàng pha là tốt nhất. Loại vàng hay được sử dụng để chế tạo ngòi bút là 14k và 18k. Đầu ngòi bút không thể làm bằng vàng vì sẽ nhanh mòn trong thời gian ngắn. người ta chọn một chất liệu rắn, thường là Iridium hoặc Rhodium. Nhờ đó, người dùng có thể viết cả đời mà đầu bút vẫn nguyên vẹn.

Nói chung các nhà sản xuất đều đưa ra nhiều loại ngòi bút khác nhau để phù hợp với sở thích của từng người viết. Hai cỡ chung nhất “mịn” và “trung bình”. Ngoài ra còn có các cỡ khác như “siêu mịn” hay “đậm” (dành cho người viết tay trái và người muốn thay đổi kiểu chữ). Thỉnh thoảng còn có cỡ phục vụ riêng cho người say mê viết chữ đẹp.

Chất liệu.

Thân bút thường làm bằng những chất liệu bền để nâng tuổi thọ cho cây bút. Những cây bút máy đời đầu có vỏ bằng cao su đã qua xử lý lưu huỳnh rất chắc chắn. Ngày nay, các nhà sản xuất sử dụng những chất liệu hiện đại hơn. Ở Italia, người ta dùng Celluloid cho những cây bút đắt tiền. Loại chất liệu này có khả năng chống va đập rất tốt và có thể tạo nên vẻ tao nhã, lịch lãm. Những cây bút làm bằng celluloid lúc mới dùng có mùi long não do có chất này trong quá trình nitơ hóa celluloid. Axetat hay nhựa tổng hợp cũng là các chất liệu quen thuộc đáp ứng được yêu cầu về độ bền. Loại bút vừa túi tiền thường có thân được làm bằng đồng thau phủ sơn, giúp cây bút có độ thăng bằng tốt và có dáng vẻ bắt mắt. Những chất liệu hiện đại giúp tạo nên nhiều màu sắc cho cây bút hơn. Còn với những cây bút cao cấp, thân bút thường được làm bằng bạc, bạc mạ vàng, vàng hoặc thậm chí cả bạch kim.

Mực

Loại mực đầu tiên trong lịch sử có từ cách đây khoảng 2.500 năm với thành phần chính là bột đen và keo hồ hoặc một chất kết dính. Loại mực phổ biến kế tiếp xuất hiện vào năm 210 trước CN và vẫn được dùng rộng rãi trong 2.000 năm sau đó. Tên loại mực này được đặt theo các thành phần tạo nên: mực xanh đen axit sắt. Bước phát triển gần đây nhất của mực là vào những năm 1800 với chất nhuộm màu anilin. Từ lâu, các nhà sản xuất đã cho thêm axit vào công thức của mình để tạo ra loại mực có màu trung thực. Ngày nay, vẫn có thể tìm thấy loại mực axit này. Mực hiện đại thì khá đơn giản, gồm nước và chất nhuộm màu có phụ gia để ngăn vi khuẩn sinh sôi. Những loại mực này thường bao gồm 7 thành phần. Chất nhuộm màu, màu và các phụ gia chiếm khỏang 2% dung dịch trong khi 98% còn lại là nước. Mỗi lọai mực lại nâng cao vẻ đẹp của nét chữ bằng cách thêm chất bôi trơn, chất tự làm sạch, khô nhanh trên giấy nhưng luôn ướt trên ngòi bút, màu sắc đậm nét hay chống phai mờ…

(TheoThể Thao Văn Hóa 12-2005)

Bùi Đẹp

ĐỂ VIẾT VĂN CŨNG CẦN ĂN KHỎE

Giã biệt cuộc đời ở tuổi 69 - cái tuổi mà hiện thời không còn được xem là “thọ” nữa - song nhà thơ Xuân Diệu vẫn là một hình mẫu của việc chăm chút, bảo vệ sức khỏe.

Nhà thơ Xuân Diệu

Đặc biệt, nếu như ai đó trong chúng ta từng có lúc nhịn ăn vì… giữ ý, chịu uống do… cả nể, thì Xuân Diệu thực sự là một tấm gương - một tấm gương không dễ noi theo. Bởi, khác với các nhà văn, nhà thơ, trong việc này Xuân Diệu không hề “sĩ diện”.

Với ông, có ăn thì mới có sức khỏe, mà có sức khỏe mới đủ sức “đương đầu” với công việc sáng tạo vốn dĩ được coi là rất nhọc nhằn, khổ ải. Nhà văn Tô Hoài quả là tinh tế khi nhận xét: “Tôi có cảm tưởng Xuân Diệu ăn uống chẳng bao nhiêu, nhưng ăn cố. Không phải Xuân Diệu ăn, mà một người nào khỏe lắm gắp hộ, nhai hộ”.

Nhà phê bình văn học Nguyên An từng kể lại kỷ niệm lần đầu ông được diện kiến Xuân Diệu. Hôm ấy, ông “bám càng” nhà thơ Hồ Khải Đại. Mấy thầy trò ngồi hàn huyên được một lúc thì đến giờ ăn trưa.

Hẳn vì cuộc gặp không hẹn trước nên Xuân Diệu cứ điềm nhiên sinh hoạt theo lịch trình thường nhật của mình. Nhà phê bình Nguyên An nhớ lại: “Đã trưa, Xuân Diệu bê ra một cái khay có hai cốc nước lọc trong suốt, mát lạnh với hai cái bánh xốp mời chúng tôi.

Còn ông, ông xin phép ngồi ăn riêng ở góc phòng: một cốc sữa, một lát giò, một cái bánh mì, và hình như còn một quả trứng luộc với vài quả dưa chuột nữa thì phải. Ông ăn và uống, hối hả, hì hụp như không còn có chúng tôi đang có ở trong phòng ”.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (trong sách “Cây bút đời người”- NXB Trẻ, 2002) cũng phát hiện ra thái độ khác thường trước bữa ăn của Xuân Diệu: “Giả sử ngồi bên mâm cơm cạnh tác giả, ta sẽ thấy ở Xuân Diệu vừa có cái sung sướng của trẻ nhỏ, thấy cái gì cũng ngon cũng bổ, cũng muốn ăn thêm một chút, để cho khỏe cho lớn thêm” và Xuân Diệu “biết ăn như thế nào thì đủ chất và có lợi cho mình nhất”.

Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh (trong sách “Xuân Diệu thơ và đời”- NXB Văn học, 1995) thì thuật lại lời trần tình của Xuân Diệu: “Có tài không đủ, phải có sức nữa. Đêm nào mình định viết một cái gì đấy, buổi chiều thế nào cũng phải mua vài lạng thịt”. Cũng theo Nguyễn Đăng Mạnh, Xuân Diệu là người luôn “tính toán ăn cái gì bổ hơn mà rẻ hơn”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương thì kể với tôi: Trước đây, anh thường được nghe chuyện Xuân Diệu về các địa phương bình thơ, ông hay hỏi người mời đã chuẩn bị cho bữa ăn của ông như thế nào, có những món ăn gì? Thấy lạ, Vũ Quần Phương đem chuyện hỏi bậc đàn anh, thì được Xuân Diệu thừa nhận là có thật.

Và Xuân Diệu lý giải, đại ý, lương của ông không phải nuôi ai, nên ở nhà ông rất chăm chút cho bữa ăn. Bây giờ, đi công tác xa, dài ngày, mệt mỏi, nếu người ta không chuẩn bị cho ông ăn uống chu đáo, thì ông đi làm gì cho… hại người.

Vả chăng, họ chuẩn bị bữa ăn thế nào, cứ nói thẳng, để ông còn liệu. Cần thiết thì ông đưa thêm tiền cho họ đi chợ. Theo Vũ Quần Phương, về việc ăn uống, khác với Nguyễn Tuân nặng về yếu tố văn hóa (ăn để thưởng thức), Xuân Diệu chủ yếu ăn là để “nạp năng lượng”.

Có nghĩa là ông không chú trọng ăn cho… ngon mà là ăn cho “đủ chất”. Ví như với trứng gà, mặc dù tanh đến mấy ông cũng húp sống chứ không thích luộc chín, vì ông quan niệm rằng ăn như thế nhiều prôtit hơn.

So với nhiều người, Xuân Diệu thiệt thòi là không có được một gia đình riêng. Việc ăn uống, nội trợ hết thảy đều do ông phải tự lo. Thành thử trong đời, ông đã mất khá nhiều thời gian cho việc suy tính “rẻ mà bổ” này.

Sinh thời, Xuân Diệu từng tiết lộ: “Muốn viết được đều đặn phải có vật chất bồi dưỡng”. Về việc này, nhà thơ Vũ Quần Phương đã kể một chuyện vui: Một lần, Xuân Diệu vẩy bút mãi mà không ra thơ.

Ông bèn đạp xe đến chợ Hàng Bè mua thịt chó. Có được món ăn “giàu đạm” này rồi thì cũng là lúc thi nhân… làm thơ được. Ông cười hà hà, bình phẩm: “Đấy, có phải “bí” thơ gì đâu mà là do mình ăn uống… thiếu chất”.

Nhân nhắc đến thịt chó - món “khoái khẩu” của Xuân Diệu, nhà thơ Chử Văn Long cũng cho biết: Một lần, Xuân Diệu mua một đĩa tú ụ thịt chó luộc và buộc anh phải ăn hết vì “thịt chó không để lại được mai, mất ngon…”.

Sợ ông anh quở trách, nhân lúc Xuân Diệu bận nghe điện thoại, Chử Văn Long đã bí mật san vợi đĩa thịt ra tờ giấy báo, cất để dành cho một người bạn. Khi quay trở vào, trông thấy đĩa thịt vơi nhiều, Xuân Diệu mừng lắm.

Và Chử Văn Long kết luận: “Dưới cái nhìn của Xuân Diệu ai cũng vêu vao ai cũng thiếu đói, nhất là những cây bút trẻ mà anh từng gặp” và vì thế mà “anh thường khuyên họ hãy lo lắng đến bữa cơm, manh áo cụ thể rồi hãy làm thơ”.

Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở. Chẳng phải tác giả của hai câu thơ trứ danh:

“Nỗi đời cay cực đang giơ vuốt
Cơm áo không đùa với khách thơ
là Xuân Diệu đó sao?

PHẠM KHẢI

Phụ Bản III

MONEY

It can buy a house
But not a home
It can buy a bed
But not sleep
It can buy a clock
But not time
It can buy you a book
But not knowledge
It can buy you a position
But not respect
It can buy you medecine
But not heath
It can buy you a blood
But not life
It can buy you sex
But not love
So you see, money is’nt everything
And it often causes pain and suffering
I tell you all this
Because I am your friend
And as your friend
I want to take away your pain and suffering
So send me all your money
Cash only please !
K.T.H.

ĐỒNG TIỀN

Tâm-Nguyện dịch

Mua nhà, nhưng không sao mua mái ấm,
Mua chiếc giường, nhưng giấc ngủ thì không!
Mua đồng hồ, không mua được thời gian,
Sách mua được, không sao mua kiến thức!
Mua địa vị, không mua lòng kính phục,
Mua thuốc men, sức khỏe dễ đâu mua!
Mua máu tươi, không mua được cuộc đời,
Mua ân ái, tình yêu không mua được!
Bạn thấy đấy, tiền đâu là tất cả,
Lại thường là duyên cớ những đau buồn,
Tại vì sao tôi kể hết nguồn cơn,
Bởi một lẽ, chúng ta là bạn hữu.
Và cũng chính vì ta là bạn hữu,
Tôi sẵn sàng chịu khổ hết thay anh;
Có bao nhiêu cứ gởi cả cho mình.
Chỉ tiền mặt, làm ơn xin nhớ đấy!

HỮU NGỌC
Rong ruổi trên những nẻo đường văn hóa

Nhiều năm qua, Hữu Ngọc hoạt động văn hóa không mệt mỏi dưới ba hình thức: viết, nói và làm. Ông viết bằng tiếng Việt để “nhập khẩu” văn hóa nước ngoài; bằng tiếng Pháp, tiếng Anh để “xuất khẩu” văn hóa Việt Nam.

Nhà hoạt động văn hóa lão thành nổi tiếng, nhà sư phạm, nhà báo, dịch giả Hữu Ngọc có một vị trí khá đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu và hoạt động giao lưu, truyền bá văn hóa ở Việt Nam và trên thế giới. Ông thuộc số ít người làm công việc vừa giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, vừa giới thiệu văn hóa nước ngoài vào Việt Nam.

Một cuốn sách về cuộc đời rong ruổi của ông, dày 800 trang khổ 16 x 24 cm, cuốn “Hữu Ngọc, những nẻo đường văn hóa”, vừa ra mắt độc giả. Cuốn sách này thuộc những bộ sách tham khảo lớn nhất của Nhà xuất bản Giáo dục, có giá trị khoa học và thực tiễn cao, mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, giáo dục sâu sắc, được trình bày và in ấn đẹp, gọi là sách tham khảo đặc biệt.

Cuốn sách gồm 3 phần.

- Phần một: “Đường xuyên đất Việt” gồm 3 chương, có 76 bài, nói đến các miền quê đất nước Bắc - Trung - Nam, bản sắc dân tộc và những giá trị, những chân dung văn hóa và những kỷ niệm, hồi ức của nghệ sĩ. - - Phần hai: “Những chân trời xa”, có 57 bài, nói đến các nền văn hóa trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Khmer, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Mỹ, Ba Tư. Phần ba: “Những ngã ba”, có 38 bài, nói đến giao lưu văn hóa Đông - Tây từ cái nhìn của hôm nay.

- Phần phụ lục của cuốn sách gồm 70 trang, có rất nhiều ý kiến đánh giá về những đóng góp của Hữu Ngọc và tiếp theo đó là thư mục Hữu Ngọc. Riêng thư mục Hữu Ngọc trình bày tóm tắt 38 cuốn sách của Hữu Ngọc và 14 cuốn sách có bài viết về Hữu Ngọc. Cuối cuốn sách, cũng thuộc phần phụ lục, có nhiều bức ảnh đẹp, sinh động phản ánh cuộc sống và sự nghiệp của ông.

Nhiều năm qua, Hữu Ngọc hoạt động văn hóa không mệt mỏi dưới ba hình thức: viết, nói và làm. Ông viết bằng tiếng Việt để “nhập khẩu” văn hóa nước ngoài; bằng tiếng Pháp, tiếng Anh để “xuất khẩu” văn hóa Việt Nam. Ông “nhập khẩu” văn hóa hay “xuất khẩu” văn hóa đều cùng một phong cách: thâm thúy, có tính triết lý, hấp dẫn, nhẹ nhàng, giản dị, cụ thể, hóm hỉnh, giàu thông tin, các kiến giải đưa ra đều chừng mực, thận trọng, khoa học mà vẫn in đậm dấu ấn cá nhân.

Hữu Ngọc cũng “xuất nhập khẩu văn hóa” bằng lời. Khi đi thuyết trình về văn hóa Việt Nam ở nước ngoài hay thuyết trình cho các đoàn nước ngoài đến Việt Nam, ông có dịp làm cho bạn bè quốc tế hiểu rõ về văn hóa, về đất nước và con người Việt Nam.

Trong mấy chục năm, Hữu Ngọc làm công tác xuất bản. Với cương vị lãnh đạo Nhà xuất bản Ngoại văn, ông cho ra đời hàng nghìn đầu sách bằng nhiều thứ tiếng. Ông làm Tổng biên tập các tạp chí “L’Entincelle, Le Vietnam en Marche”, “Vietnamese Studies” trong nhiều năm, giữ tốt mối liên hệ văn hóa khăng khít giữa Việt Nam và thế giới.

Từ hơn chục năm nay, ông là Chủ tịch hai Quỹ Văn hóa Thụy Điển - Việt Nam và Đan Mạch – Việt Nam. Hai Quỹ này đã thực hiện hơn một nghìn dự án bảo tồn di sản văn hóa và phát triển văn hóa mới trên khắp các miền đất nước Việt Nam, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi.

Là một tập hợp tuyển chọn một số công trình về văn hóa của Hữu Ngọc những năm gần đây, “Hữu Ngọc, những nẻo đường văn hóa” là một cuốn sách quý, có giá trị về lý thuyết và thực tiễn cao.

Nhiều chính khách, nhà hoạt động văn hóa, nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước đã đánh giá cao cống hiến của Hữu Ngọc. Hẳn bạn đọc rất trân trọng ý kiến của ngài Borje Lunggren, Đại sứ Thụy Điển: “Từ trước đến nay, tôi chưa từng gặp một người “bắc cầu giữa các nền văn hóa” như ông Hữu Ngọc: Cắm rễ sâu vào văn hóa Việt Nam, một con người quốc gia chân chính, rất tế nhị khi thâu nhận những nền văn hóa khác.

Khi chúng tôi thắc mắc về một truyền thống Việt Nam đặc biệt hay về một nhân vật lịch sử như Nguyễn Trãi chẳng hạn, chúng tôi quay về cuốn sách “Sketches for a portrait of Vietnamese culture” của ông. Không ai có thể nói về lịch sử Việt Nam trong 20 phút như ông Hữu Ngọc.

…Giờ tôi xin phép ông Hữu Ngọc được gắn Huân chương Ngôi sao phương Bắc lên trên áo ông. Ông Hữu Ngọc là người Việt Nam đầu tiên được nhận tấm huân chương này” (trang 728).

Và tiếp đây là ý kiến của ngài Claude Blanchemaison, Đại sứ Pháp tại buổi lễ trọng thể tổ chức tại Đại sứ quán Pháp tối 14/12/1992. Ngài Đại sứ Pháp trân trọng gắn Huân chương Cành cọ Hàn lâm cho ông Hữu Ngọc và khẳng định đây là niềm vinh dự rất có ý nghĩa đối với mình trong thời gian cuối của nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “Nếu có một nhà trí thức nào, một nhà văn nào xứng đáng nhận huân chương này từ lâu, thì đó là ông Hữu Ngọc, nhà văn hóa và nhân văn lớn”. (trang 729).

Nhà văn Mỹ Lady Borton cũng đánh giá cao Hữu Ngọc mà chúng ta không thể không đồng tình với bà: “Hữu Ngọc là một nhà nghiên cứu bao quát. Tri thức bách khoa của ông gồm 3.000 năm Lịch sử Việt Nam và 1.000 năm Văn học Việt Nam tồn tại, hiểu biết âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật Việt Nam, những truyền thống và tập tục của các nhóm dân tộc Việt Nam. Mặc dù uyên bác, phong cách viết của ông không bí hiểm hay hàn lâm mà năng động và dễ hiểu” (trang 729).

Khi đọc cuốn “Lãng du trong văn hóa Việt Nam” của Hữu Ngọc, nhà văn Lady Borton nhận xét: “Hữu Ngọc cho tất cả chúng ta một đặc ân lớn, mài giũa nền văn hóa truyền thống Việt Nam thành một viên ngọc quý mà ta có thể nâng niu mãi mãi… Đây là một món quà tuyệt vời từ Việt Nam” (trang 790).

Đã bước sang tuổi 88, ông Hữu Ngọc vẫn còn khỏe, say mê rong ruổi trên các nẻo đường văn hóa. Có thể chỉ vài năm nữa thôi, một cuốn sách mới của ông lại sẽ đến với bạn đọc, mà ở đó chắc chắn chứa đựng biết bao điều mới mẻ, lý thú.

BS. Nguyễn Lân Đính st

(CAND.com.vn)

Truyện Kiều bản tiếng Đức về Việt Nam

Dịch giả người Đức Franz Faber vừa trao tặng cho Khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du (Hà Tĩnh) cuốn sách Kiều xuất bản năm 1964 tại Berlin. Cuốn sách dày 300 trang, đầy đủ 3.254 câu Kiều được in trên giấy bóng, bìa cứng với nhiều tranh minh họa đặc sắc.

Ông Faber năm nay 92 tuổi, đã sang Việt Nam từ năm 1954-1956 với tư cách là phóng viên tờ News Deutschland. Faber tiếp xúc với Truyện Kiều lần đầu tiên là bản dịch tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh do Hồ Chủ tịch trao tặng.

Thích thú với cuốn sách, ông đã lặn lội về Tiên Điền – Hà Tĩnh để tìm hiểu thêm về tác giả Nguyễn Du. Ông đã cùng với vợ - một giảng viên ngôn ngữ - bỏ ra 7 năm trời vừa học tiếng Việt, vừa học đạo Phật và nghiên cứu về văn hóa phương Đông để có bản tiếng Đức Truyện Kiều hoàn hảo đầy nhạc điệu năm 1964.

(Theo ANTĐ)

BẢN PHOTO TRỊ GIÁ GẦN 2TRIỆU BẢNG ANH

Bản photo tập truyện "Tales of Beedle the Bard", viết tiếp tập truyện nổi tiếng Harry Potter, do JK Rowling đích thân viết tay, đã được bán ra với giá gần 2 triệu bảng Anh (tương đương với 4,1 triệu USD).

Điều đặc biệt là tập truyện viết tiếp này sẽ không bao giờ được xuất bản rộng rãi và nhà văn Rowling chỉ đồng ý bán đi một bản trong số 7 bản photo từ bản gốc.

JK Rowling giới thiệu tập sách viết tiếp bộ Harry Potter

Bộ truyện này là tập hợp 5 câu chuyện phù thủy về các bảo bối Tử thần từng được nhắc đến trong tập cuối cùng của tập truyện Harry Potter and the Deathly Hallows (Harry Potter và những bảo bối tử thần), là “món quà” mà hiệu trưởng Albus Dumbledore để lại cho nhân vật Hermione Granger, bạn gái của Harry Potter.

Bộ truyện này chỉ ra những “bí quyết” giúp Harry và những người bạn có thể chống lại thế lực đen tối của Chúa tể Hắc ám Voldemort.

Tales of Beedle the Bard (tạm dịch: Những chuyện kể của nhà thơ Bard) là tập truyện "móc xích" quan trọng với tập cuối cùng của bộ truyện Harry Potter.

Rowling đã đích thân viết tay và vẽ minh họa cho tập truyện trên. Mỗi tập truyện photo được bọc bằng bìa da dê thuộc và đóng viền bằng bạc và đá quý. Tuy nhiên nhà văn chỉ đồng ý bán đi một bản.

Nhà đấu giá Sotheby của Anh từng đánh giá giá trị của tập truyện này chỉ khoảng 50 nghìn bảng Anh.

Tuy nhiên, ngày 13/12, sau một cuộc trả giá căng thẳng giữa 6 người tham gia tại buổi đấu giá tại nhà đấu giá Sotheby, tập truyện trên đã được đại diện của những thương gia về nghệ thuật ở London là Hazlitt Gooden and Fox mua với giá 1,95 triệu bảng Anh.

Số tiền này sẽ được chuyển vào Quỹ từ thiện Tiếng nói của Trẻ em do nhà văn Rowling đứng đầu.

“Tôi rất sửng sốt và sung sướng, điều này có nghĩa là sẽ có rất nhiều trẻ em đang thiệt thòi được giúp đỡ. Điều này cũng có nghĩa Giáng sinh năm nay đến với tôi sớm hơn”, nhà văn Rowling đã thốt lên sau buổi bán đấu giá.

Phó giám đốc nhà đấu giá Sotheby Phillip Errington mô tả tập sách vừa được bán đấu giá là "một trong những tác phẩm thú vị nhất của nền văn học thiếu nhi".

Theo Vũ Hoài
Lao Động/BBC

THƯ CỦA NGƯỜI ANH EM PHƯƠNG XA

Thưa anh em,

Tôi như đã mất liên lạc với anh em cả 6 tháng nay. Nhưng lúc nào tôi cũng nhớ CLB của chúng ta, nhớ mỗi khi họp, anh Tuấn, Cha Triết, anh Cường, anh Minh và nhiều anh em khác nữa đưa ra nhiều ý hay. Tôi thấy tất cả anh em đều chân thành thương mến nhau, và thương sách vỡ, thương các sinh hoạt văn chương nói chung.

Sáu tháng nay tôi chẳng biết gì về s/h cụ thể của CLB, tôi chỉ loáng thoáng nghe rằng mỗi tháng có họp cũng chẳng biết có chuyện gì quan trọng chăng.

Chúng ta có trang web của CLB không? Anh Đoàn có còn giữ những bài đã đánh máy của tờ Nội San không? Nếu có thì cho tôi xin qua email nầy.

Mỗi số Nội san sắp tới anh Đoàn làm ơn nhắc tôi để tôi sớm gởi bài về...

Chúc tất cả anh em hưởng được Mùa Giáng Sinh vui tươi, an lạc...

Thân mến,

Nguyễn Văn Sâm

SƯU TẬP

CLB đã góp mặt được 20 bản tin, ai có nhu cầu sưu tập trọn bộ xin đăng ký với Dịch giả Vũ Anh Tuấn ĐT.38422340. Nếu số đăng ký từ 40 trở lên chúng tôi sẽ cho photo lại và chỉ tính tiền theo giá in ấn.

Phụ Bản IV

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế