Hiện có 11 người xem / 2482590 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP
NGÀY 13-03-2007

Mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách, một tạm gọi là cổ vì được xuất bản năm 1933 (77 năm trước) và một cuốn sách mới bằng Pháp văn được xuất bản năm 1998 (12 năm trước). Cuốn sách tạm coi là cổ bằng tiếng Việt của LM. Lucas Lý mang tựa đề là Lý Sự Đạo Thiên Chúa – Hiến đồng bào. Cuốn sách khổ 12cm x 18cm, dày 318 trang được in ở Quy Nhơn năm 1933. Cuốn thứ nhì là một cuốn tiếng Pháp của 2 tác giả Alberto Manguel và Gianni Guadalupi, và được dịch từ tiếng Anh ra tiếng Pháp bởi 3 dịch giả người Pháp. Cuốn này khổ 18cm x 28cm và dày 550 trang, mang tựa đề là: “Tự điển những địa danh tưởng tượng” (Dictionnaire des lieux imaginaires).

Tác giả cuốn sách thứ nhất là LM. Lucas Lý. Cha Lý được biết đến như là 1 học giả Thiên Chúa Giáo nổi tiếng. Trong cuốn sách này, ngoài các dẫn giải, lý giải về Thiên Chúa Giáo mà LM. Lý gọi là lý sự, rất là hấp dẫn, còn có đoạn III là đoạn LM. Lý so sánh Thiên Chúa Giáo với Đạo Phật, Đạo Lão và Khổng Giáo và trong đoạn so sánh này, LM. Lý đã kết luận là Cả 3 tôn giáo ở trên đều có nhiều điều khiếm khuyết, nên theo LM. Lý thì 3 tôn giáo đó không thể đem so với Thiên Chúa Giáo được. Với Đạo Hồi thì quan điểm của LM. Lý cũng tương tự. Đối với ai muốn nghiên cứu Thiên Chúa Giáo thì đây là 1 cuốn sách thật hay vì Cha Lý đã có những lập luận rất độc đáo, những lý lẽ rất thuyết phục đối với người đọc. Trên quan điểm chơi sách thì đây cũng là 1 cuốn sách quý và rất hiếm. Cuốn thứ nhì là một cuốn nói về các vùng đất, các nơi chốn chỉ có trong trí tưởng tượng của con người, ví dụ như đảo quốc Utopie, ở cách miền duyên hải Châu Mỹ La Tinh 15 dặm, có hình thể như là 1 cái bánh Croissant, nước biển tràn vào qua 1 eo biển rộng có 18 cây số và biến thành 1 hồ lớn rất thuận lợi cho việc giao thông trên đảo. Đảo quốc này gồm 54 thành phố xây giống y như nhau và chỉ cách nhau đúng 40 cây số, nghĩa là không quá 1 ngày đường; trên đảo tất cả mọi căn nhà đều có vườn cây trái, dân chúng ăn mặc cùng một kiểu trang phục, không cần thợ may hoặc mốt nọ mốt kia. Dân đảo tất cả đều tin ở Trời và sự bất tử của Linh hồn. Trên đảo quốc này, các Linh mục đều có vợ và cả nữ giới cũng có thể trở thành các nữ linh mục. Một điều đặc biệt khác là dân trên đảo quốc này không coi trọng vàng bằng sắt, và cho là sắt quý và có ích hơn vàng… Tóm lại, Utopie là 1 đảo quốc lý tưởng, và cũng vì quá lý tưởng nên Utopie trở thành không tưởng…

Cuốn sách chứa đựng khoảng 200 nước “tưởng tượng” lớn nhỏ khác nhau mà các tác giả văn học đã “tưởng tượng” ra trong các tác phẩm của họ, và đương nhiên là 1 cuốn sách lạ vì nó chứa đựng rất nhiều ý tưởng độc đáo, khác lạ, không bình thường nên rất hấp dẫn người đọc…

Sau phần giới thiệu sách, anh Vương Liêm đã có 1 thuyết trình nhỏ, qua đó anh đưa ra nhiều lý luận, nhiều nhận xét liên quan đến miền đất Mê Linh, quê hương, kinh đô và căn cứ địa kháng chiến của Hai Bà Trưng. Tiếp lời anh Vương Liêm, bà Thùy Dương có 1 bài nói về công việc dịch Truyện Kiều của bà ra Anh ngữ. Tiếp lời bà Thùy Dương, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Văn Thoa đã giới thiệu một cuốn sách cổ trong sưu tập sách cổ của LM. Nguyễn Hữu Triết là cuốn “Tân san tăng bổ thích nghĩa Thùy Huấn Kinh” được làm ra vào năm 1714 tại Quảng Nam – 1 dạng tự vựng chữ Hán giải ra chữ Nôm, 1 loại tự điển chữ Nôm lâu đời nhất.

Sau phần giới thiệu cuốn sách, anh Dương có giới thiệu với các thành viên 1 tập thơ mới in của 4 tác giả (3 người là các thành viên CLB Sách Xưa và Nay, là quý anh chị Lê Hùng Dương, Tâm Nguyện và Ngàn Phương) và 1 đồng tác giả thứ tư là nhà thơ nữ Công Bình vào lúc đó cũng có mặt. Tác phẩm mới này nhan đề là Nắng Xuân và gồm trên 100 bài thơ dài, ngắn của 4 tác giả. Sau phần giới thiệu, anh Dương có đề nghị các thành viên ủng hộ và đã được một số các thành viên mua, chính người viết cũng mua 1 cuốn vì, những cuốn bán ra này, cuốn nào cũng mang chữ ký của cả 4 tác giả. Kế đó, anh Hữu có lên ngâm tặng các thành viên 1 bài thơ rất hay.

Buổi họp kết thúc lúc 10 giờ 45 cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

Cuốn NIÊN BIỂU CÁC NỀN VĂN MINH
(Chronologie des Civilisations) của Jean Delorme

Sáng hôm mùng 10 Tết, anh C., một người bán sách cũ, cầm lại cho tôi cuốn sách này và nhờ tôi mua “mở hàng” cho anh. Nhìn cuốn sách bị mọt ăn lỗ chỗ, tôi đã có ý từ chối không mua, nhưng khi nhìn thấy tựa sách, tôi cảm thấy thinh thích, và đã bị hoàn toàn thuyết phục khi trông thấy chữ S to đùng, chữ ký của Cụ Vương Hồng Sển. Tôi bỗng thấy tội nghiệp cho cuốn sách, vì dù sao nó cũng l một đứa con tinh thần bị lưu lạc của Cụ Sển. Và tôi đã quyết định mua và bỏ ra ba ngày để lướt qua cuốn sách dày 448 trang. Qua 433 trang sách, người đọc có được 1 cái nhìn tổng quát về tất cả mọi nền văn minh của nhân loại từ thời Thượng Cổ cho tới năm 1948, vì cuốn sách được cho ra đời năm 1949. Tuy chỉ là tổng quát, không đi vào chi tiết nhưng cuốn sách cũng cho ta rất là nhiều chi tiết (chìa khóa) để có khởi điểm mà tìm tòi để được biết nhiều hơn qua sách vở.

Về tác giả Jean Delorme, tuy ông không có tên trong văn học sử Pháp, nhưng nội việc ông xuất thân từ trường Cao Đẳng Sư Phạm của Pháp (Ecole Normale Supérieure) cũng đủ để ta yên tâm về cuốn sách.

Bây giờ tôi xin được giới thiệu cuốn sách với quý vị.

Sách gồm 15 trang đầu đánh số La Mã từ I đến XV, trong đó có lời nói đầu và bảng tra các chữ tắt và 433 trang sách số thường từ 1 tới 433. ngoài 15 trang đầu đánh số La Mã, sách được chia làm 2 phần.

Phần 1 : từ trang 1 tới trang 23 nói về tất cả các thời điểm đáng ghi nhớ trong lịch sử thế giới.

Phần 2 : từ trang 24 đến trang 433 mang tựa đề là Các Bảng Niên Đại được Phân tích và được chia làm 5 thời kỳ.

- Thời kỳ đầu tiên mang tựa đề là Thượng Cổ Sử được chia làm VI bảng niên đại.

- Bảng I nói về các nền văn minh tiên khởi (3064 – 1580)

- Bảng II nói về các Đế quốc ở Đông Phương (1580 – 479)

- Bảng III nói về Cổ Hy Lạp (478 – 337)

- Bảng IV nói về các chính thể quân chủ cổ Hy Lạp và cuộc chinh phục của La Mã (336 – 31 trước Thiên Chúa Giáng Sinh)

- Bảng V nói về Nền Hòa Bình La Mã (từ năm 31 trước Thiên Chúa đến năm 192 sau Thiên Chúa Giáng Sinh)

- Bảng VI nói về Thiên Chúa Giáo và những sắc dân man rợ (193 – 395)

Đằng sau tất cả 6 bảng này đều có các ghi chú khá chi tiết.

- Thời kỳ thứ II mang tựa đề là Những Thế Kỷ Tăm Tối gồm các Bảng niên đại từ số VII đến số X..

- Bảng số VII nói về Thành Byzance và Bọn Man Rợ: Hoàng đế Justinien (395-565)

- Bảng số VIII nói về Hồi Giáo và sự phát sinh thế giới phong kiến (565-751)

- Bảng IX nói về sự hưng vong của Đế quốc Carolingien (752-887)

- Bảng X nói về Chủ nghĩa vô chính phủ thời phong kiến (888-1095)

Ở sau mỗi bảng đều có phần ghi chú.

- Thời kỳ thứ III mang tựa đề là Thời Trung cổ gồm có 5 bảng niên đại từ số XI tới số XV.

- Bảng niên đại số XI nói về Âu Châu phục hưng và các Thập Tự Quân (1096-1204)

- Bảng số XII nói về những cố gắng để đạt tới một thế giới hợp nhất (1205-1314)

- Bảng số XIII nói về sự rung chuyển của thế giới phong kiến (1305-1380)

- Bảng số XIV nói về các tranh chấp lớn ở Phương Tây và cuộc chinh phục của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ (1381-1453)

- Bảng số XV nói về Bình minh của những thời đại mới (1454-1492)

Ở sau mỗi bảng đều có phần ghi chú.

- Thời kỳ IV mang tựa đề là Lịch sử Cận đại gồm 6 bảng từ bảng XVI tới bảng XXI.

- Bảng XVI nói về thời Phục Hưng và thời Cải Cách (1493-1559)

- Bảng XVII nói về Cải cách và chống Cải Cách; Bá quyền của Tây Ban Nha (1560-1610)

- Bảng XVIII nói về sự ra đời và quân bình của Châu Âu (1611-1661)

- Bảng XIX nói về thời kỳ Cổ điển (1662-1715)

- Bảng XX nói về Thế kỷ Ánh Sáng (1716-1763)

- Bảng XXI nói về Chế độ Độc Tài được khai sáng (1764-1788)

- Thời kỳ V mang tựa đề là Lịch sử Hiện đại gồm 5 bảng niên đại từ bảng số XXII tới số XXVI

- Bảng số XXII nói về Cuộc Cách mạng và đế chế

a/ Cuộc tranh đấu của chế độ cũ và cách mạng (1789-1799)

b/ Nguyễn Phá Luân (1799-1815)

- Bảng số XXIII nói về các Sự Trung Hưng (1815-1847)

- Bảng số XXIV nói về Chủ nghĩa Tự do và các Quốc gia (1848-1870)

- Bảng số XXV nói về sự quân bình của Châu Âu và chế độ thuộc địa lan tỏa (1871-1914)

- Bảng số XXVI nói về Đệ Nhất và Đệ Nhị Thế Chiến

a/ Đệ Nhất Thế Chiến 1914-1918

b/ Sự thất bại trong việc thiết lập hòa bình (1918-1939)

c/ Những ngày đầu của Thời Đại nguyên tử (1939-1945)

Và cuối cùng là phần Mục lục theo tự mẫu.

Đây là 1 cuốn sách rất hấp dẫn nếu ta có thì giờ để “cưỡi ngựa xem hoa” qua suốt chiều dài lịch sử, và đây thực sự là 1 cuốn sách quý. Cụ Sển đáng được gọi là người chơi sách sành sỏi vì sách thì “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, chỉ cần vài trăm quyển sách quý cũng giá trị gấp bội cả ngàn, cả triệu cuốn sách loại vớ vẩn…

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI

Vũ Anh Tuấn

Hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội
Thăng Long trở thành Hà Nội như thế nào?

Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802), ngay sau khi lên ngôi vua ở kinh thành mới Huế, Gia Long đã cho một lực lượng quân sự lớn phối hợp cùng viện binh Pháp ra Bắc đánh chiếm thành Thăng Long. Tới năm Ất Sửu (1805) Gia Long cho triệt phá kinh thành Thăng Long với sự giúp đỡ của các kỹ sư và viện binh Pháp để thiết kế xây dựng lại theo kiểu thành Vauban của Pháp (1789), giống như thành Quy hay Bát Quái (Sài Gòn - 1790) trong thời kỳ Nguyễn Phúc Ánh bị quân Tây Sơn đuổi chạy phải bỏ Phú Xuân vào Nam Bộ ẩn náu.

Tới vua Minh Mạng thứ 12 (1831) đã ra chiếu chỉ sáp nhập huyện Từ Liêm thuộc tỉnh Sơn Tây vào phủ Hoài Đức cùng với phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín thuộc trấn Sơn Nam lập thành tỉnh Hà Nội và sau đó, thành Hà Nội được xây dựng trên vòng đai Hoàng thành Thăng Long có từ đời nhà Lý (1010). Chiếu chỉ này còn thông báo cho dân chúng biết từ đây kinh đô “Thăng Long” không còn nữa mà đã được thành lập tại Phú Xuân (Huế).

Năm Mậu Thân (1848) vua Tự Đức năm thứ I sai phá dỡ các cung điện trong thành Hà Nội (Thăng Long cũ) lấy đồ chạm trổ, mỹ thuật bằng gỗ quý đem vào Huế để trang trí nội thất cung điện ở đây.

Do cõng rắn về cắn gà nhà của Nguyễn Ánh (1789) mà dẫn đến cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp năm 1858. Sau khi đã đánh chiếm Nam Kỳ, ngày 01 tháng 10 năm Quý Dậu (20/11/1873), quân xâm lược Pháp tiến ra Bắc hạ thành Hà Nội lần thứ nhất (Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nhịn ăn chết, con trai là Phò mã Nguyễn Lâm tử trận) và lần thứ hai vào ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ 25/4/1882 (Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết).

Ngày 19/7/1888 Tổng Thống Pháp ra sắc lệnh thành lập Thành phố Hà Nội. Thành phố này được xếp vào loại thành phố cấp I (thành phố loại lớn). Lúc ấy, tổ chức hành chính của Thành phố Hà Nội giống với Thành phố Sài Gòn (thuộc địa của Pháp từ năm 1860) và Thành phố Hải Phòng. Ngày 01/10/1888 vua Đồng Khánh ra đạo dụ nhượng hẳn ba thành phố là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng cho thực dân Pháp để trở thành thuộc địa và Toàn quyền Đông Dương Richard đã chuẩn y bằng Nghị định ngày 02/10/1888.

Ngày 23/7/1893 tỉnh Hà Nội đã là tỉnh thuộc địa của thực dân Pháp. Tòa Đốc lý Hà Nội quyết định phá nội thành Thăng Long cũ và thành Vauban Hà Nội để mở rộng thành phố. Từ đây, thành phố Hà Nội thay thế cho kinh thành Thăng Long. Dân chúng có câu thơ hoài cảm như sau:

Chót vót Thăng Long một cột cờ

Kinh thành ngày trước, tỉnh bây giờ!

Ngày 01/02/1894 (năm Giáp Ngọ) là ngày chính thức phá thành cũ, có hơn 500 công nhân làm việc phá dỡ do nhà thầu Auguste Bazin thực hiện. Từ năm 1894 đến năm 1897, trong vòng ba năm trời, toàn bộ thành Thăng Long cũ hầu như bị san bằng. Những viên gạch hầu hết sản xuất tại làng gốm Bát Tràng được dỡ ra còn nguyên cục được nhiều quan chức đem về xây nhà, còn đá ong, đá xanh chất đống nằm la liệt ở cửa Đông, lâu ngày cũng bị dân chúng chở đi hết. Như vậy, gần 900 năm (1010-1897), các cung điện huy hoàng của kinh đô “Thăng Long” qua các triều đại từ Lý, Trần, Lê tới đầu Nguyễn, từ ngày ảm đạm ấy đã thực sự tàn tạ hết, biết bao công sức của các nghệ nhân và nhân dân lao động với mồ hôi xương máu của các triều đại phong kiến đã tiêu ma theo các công trình kiến trúc mới.

Đó là một số công trình cai trị và những đường phố xa hoa để phục vụ quyền lợi của bọn cầm quyền thực dân xâm lược Pháp như: Phủ Toàn quyền, phủ Thống sứ, Tòa Đốc lý, ngân hàng Đông Dương, Tòa án, nhà tù Hỏa Lò, sở Đoan, sở Mỏ, sở Mật thám, sở Cảnh sát, nhà hát, nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy rượu, nhà ga xe lửa, cầu Doumer (Long Biên), các trường học tây vv…

Một danh nhân thời ấy đã ngậm ngùi cảm tác:

Núi Tản, sông Lô vẫn núi sông

Thăng Long đầu bạc mắt mòn trông

Nghìn năm nhà lớn thành đường cái

Một mảnh thành con lấp cố cung !

Như vậy, các vua thuộc triều đại phong kiến nhà Nguyễn như Gia Long (1805), Minh Mạng (1831), Tự Đức (1848) và thực dân Pháp xâm lược (1893) đã góp phần triệt phá kinh thành Thăng Long. Ngày nay, các cuộc khai quật ở Hậu Lâu được ban ngành chức năng thực hiện đã có dịp đưa lên mặt đất trở lại nhiều di vật, kiến trúc, mỹ thuật xưa để làm sống lại “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương”(Thơ Bà Huyện Thanh Quan). Nhờ đó mà Thăng Long – Hà Nội mới có Đại lễ kỷ niệm 1000 năm sắp diễn ra cuối năm 2010.

Từ năm 1946 đến năm 1954, đế quốc Pháp tái chiếm Việt Nam lần thứ hai. Năm 1950 thủ đô Hà Nội bị địch tạm chiếm, sau những ngày đông đảo dân quân đã hy sinh và Trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Trước đó, trong những năm 1944-1945, quân Pháp và phát-xít Nhật đã gây ra nạn chết đói khủng khiếp ở thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, đã cướp đi mất 2 triệu đồng bào thân thương của dân tộc Việt Nam. Tuy sống trong vùng Hà Nội bị địch tạm chiếm nhưng mọi người dân đều hướng về cuộc kháng chiến chống Pháp do Đảng Cộng sản Việt Nam cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, trong lòng mong sớm có một ngày những bộ đội “Cụ Hồ” về giải phóng Hà Nội. Và ngày ấy đã đến: 8 giờ sáng ngày 10/10/1954 các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam gồm các đơn vị bộ binh theo đội hình diễu binh của Đại đoàn quân tiên phong (F.308) tiến vào nội thành Hà Nội họp quân bên hồ Hoàn Kiếm trung tâm Thủ đô giữa lúc lá cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió trên đỉnh cột cờ kinh thành Thăng Long cũ. Sau 8 năm bị thực dân Pháp chiếm đóng lần thứ hai, nhân dân và quân đội Thủ đô đã hoàn thành công cuộc giải phóng vẻ vang. Ngày 01/01/1955, sau mười năm tuyên ngôn độc lập, cũng tại quảng trường Ba Đình, diễn ra cuộc mít tinh của đồng bào Thủ đô Hà Nội chào mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trở về tôn vinh Thủ đô Hà Nội tại nơi có nền móng của kinh thành Thăng Long cũ. Nhưng phải đợi đến năm 1977 hiệp thương hai miền thống nhất đất nước, Quốc hội nước ta mới đổi tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lấy bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao làm quốc ca và công nhận Hà Nội là thủ đô.

Hà Nội đã trở thành trái tim cách mạng của cả nước, lịch sử dân tộc Việt Nam đã mở ra một trang mới với tên gọi hào hùng “Cách mạng tháng 8” và ngày Quốc khánh 2/9/1945, Hồ Chủ Tịch đã đọc bản tuyên ngôn độc lập đầy khí phách và vẻ vang của con cháu Hùng Vương với 4000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước mà trong đó, 1000 năm giành độc lập tự do từ kinh đô Thăng Long (1010) của nước Đại Việt tới thủ đô Hà Nội (2010) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sánh vai cùng năm châu thế giới.

Vương Liêm

Tài liệu tham khảo :

- Diễn biến lịch sử 1000 kinh thành Thăng Long - thủ đô Hà Nội của Nguyễn Thu Cờ - Hội đồng hương Hà Nội tại TP Hố Chí Minh, 2008.

- Việt Nam sử lược, NXB VH-TT 1999.

Sơ đồ thành Hà Nội kiểu Vauban Pháp xây dựng trên nền hoàng cung của Thăng Long xưa.

GIỚI CỦA TU SĨ và CƯ SĨ

Người đời thường có hai quan niệm về con đường tu Phật. Hoặc cho Phật là một vị thần linh tối cao, tất cả chúng sinh hữu tình đều là đệ tử của Ngài, mọi người chỉ có thể thờ phụng, cầu xin để được độ. Kẻ nào dám có ý nghĩ tu hành để thành Phật là “tăng thượng mạn”. Hoặc chấp nhận là có tu hành, chứng đắc, nhưng cho rằng chỉ những người Xuất Gia, cạo tóc, đắp y, sống cuộc sống thanh tịnh, không vướng bận vợ con, ăn chay lạt, thì may ra mới có hy vọng đắc đạo.

Cuộc sống cả hai lại có vẻ quá khác biệt: Trong khi người Xuất Gia thì đầu tròn, áo vuông, giới hạnh thanh tịnh. Ăn trường chay. Lúc nào cũng phải giữ tứ oai nghi và hàng mấy trăm giới. Không dám suy nghĩ lung tung vì sợ thất niệm. Cuộc sống đóng khung sau cửa chùa. Không làm ăn, tiếp xúc nhiều với thế nhân, chỉ chuyên đọc tụng, Kinh, giảng pháp… thì người bạch y cư sĩ lại vợ con đùm đề, làm ăn lăn lộn giữa cuộc đời. Tự do đi lại, nói năng. Ăn uống cũng thoải mái. Muốn ăn chay thì ăn. Không thích thì cứ ăn mặn, miễn là giữ 5 Giới… vậy mà cũng có thể đắc đạo được sao? Có kinh nào đề cập đến vấn đề này không ?

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: “Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc dưới cây, hoặc tăng phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là đạo tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển pháp luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết bàn ” (tr. 451).

Rõ ràng Kinh viết: dù là Tăng Phường hay ở nhà Bạch y, hoặc các nơi khác đều thành Phật, nếu “Đúng như lời tu hành”. Và “đúng như lời tu hành” là phải “Chuyển Pháp Luân”, có nghĩa là “quay bánh xe pháp” tức là chuyển từ MÊ sang NGỘ. Nếu Tăng Phường mà không chuyển được pháp luân thì cũng không thể thành Phật được. Như vậy thì đâu là chỗ giống nhau và khác nhau giữa Tu Sĩ và Cư Sĩ? Điều kiện gì để cả hai đều thành Phật?

CHAY, MẶN, DÂM… cũng là những vấn để đã gây thắc mắc không ít cho một số người, vì thường thì bạch y cư sĩ không ăn “trường chay” mà có thể một tháng chỉ một số ngày nhất định theo sự phát nguyện của họ. Như vậy nói chung là họ vẫn “ăn mặn”. Họ lại có vợ, chồng, mà theo quan niệm của nhiều người, như thế là không thanh tịnh làm sao thành Phật được? Vì vậy, tốt hơn hết chúng ta khoan vội kết luận đúng, sai, mà nên xem Kinh sách bàn về các vấn đề trên ra sao?

ĂN CHAY được Tổ Đạt Ma giảng trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT như sau:

“Còn Trì Trai ấy, cần hiểu rõ, nếu không thông đạt ắt uổng công phu.

Nói “trai” là chay, tức là nói “tề”, là sắp xếp vậy: Sắp xếp thân tâm cho thẳng, đừng cho cong rối.

Nói “Trì” là giữ, tức nói “hộ”, là giúp vậy: ở nơi Giới hạnh, cứ theo pháp mà hộ trì, nhất định ngoài cấm sáu tình, trong ngăn Ba Độc, siêng năng tỉnh xét, thân tâm thanh tịnh. Có hiểu như vậy mới gọi là chay lạt.

Còn ăn cũng có năm thứ ăn :

- Một là ăn thức ăn vui của pháp – Pháp hỉ thực – đó tức là y giữ chánh pháp, vui mừng vâng làm.

- Hai là ăn thức ngon của Thiền – Thiền duyệt thực – đó tức là trong ngoài lọc sạch, thân và Tâm vui đẹp.

- Ba là ăn thức ăn của niệm – Niệm thực – đó tức là thường niệm chư Phật, tâm và miệng hợp nhau.

- Bốn là ăn thức ăn của Nguyện – Nguyện thực – đó tức là trong lúc đi đứng nằm ngồi luôn phát nguyện lành.

- Năm là ăn thức ăn của Giải Thoát – Giải Thoát thực – đó tức là Tâm thường thanh tịnh, chẳng nhuốm bụi tục. Ăn năm món ăn ấy gọi là giữ giới chay lạt.

Người nào không ăn năm món ăn thanh tịnh như trên mà cứ rêu ra là trai giới, thì không đâu có được… Đó chỉ là phá chay. Mà đã phá thì sao rằng phước được?

Kẻ mê trong đời không ngộ được lẽ ấy, thả lỏng thân tâm, làm đủ việc dữ, ham muốn bốn tình chẳng chút thẹn thùng. Chỉ dứt có món ăn ngoài mà tự coi là chay lạt, thật không đâu có được.

Tu Phật được gọi là TU TÂM, là phải SỬA CÁI TÂM, không phải sửa cái Thân. Như thế, CHAY, MẶN đâu có thể làm cho cái Tâm trở thành thanh tịnh hay nhơ bẩn được! Tuy nhiên, không thể nói rằng không bị cấm ăn mặn rồi sát sinh để ăn cho ngon, cho khoái khẩu. Thời nay, người không sát sinh vẫn có thể mua được thịt cá chết sẵn để ăn, vì người làm không nhằm bán cho họ. Nếu họ không mua thì thiên hạ vẫn làm. Nhưng nếu tham gia thì cũng phải chia một phần nghiệp Sát gián tiếp mà thôi. Ăn mặn mà có gì ăn nấy. Không đòi hỏi món ngon, vật lạ, chỉ nhằm nuôi dưỡng cái thân cho nó được tồn tại. So với ĂN CHAY, nhưng cầu kỳ, ăn những món sang, đắt tiền, ngoại nhập, nấu nướng toàn theo vị các món mặn thì chưa biết ai tội, ai phước hơn ai! Và theo phân tích của Tổ Đạt Ma thì nếu đã gọi là ĂN CHAY thì phải ăn các món về PHÁP THỰC chớ không phải thức ăn rau đậu nhằm cung cấp năng lượng cho cái Thân mà thôi!

Nói về cái ăn thì Kinh Đại Bát Niết Bàn trang 161 có Kệ:

“Không chỗ chứa nhóm

Nơi ăn biết đủ

Như chim bay không

Dấu không thể tìm”

Vì vậy, nếu ta ăn mà không biết đủ. Ăn để phục vụ cho cái Khẩu, và chứa nhóm đủ thứ, thì ăn kiểu nào cũng chưa chắc được Thoát vậy.

DÂM tức là THAM, LÀ THÈM MUỐN KHÔNG BIẾT ĐỦ. Do đó không thể chi nói riêng về Dâm Dục.

Bàn về chữ DÂM, ta thấy Tổ nói:

“Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng áo trắng (bạch y tức người tu tại gia) vẫn là Phật .

Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc cạo râu vẫn là ngoại đạo.

Hỏi: Hàng áo trắng có vợ con, dâm dục không dứt, bằng vào đâu mà thành Phật được?

ĐÁP: Tôi chỉ nói thấy tánh, chẳng nói dâm dục. Chỉ cần Thấy được Tánh mới vỡ lẽ rằng từ vô thỉ dâm dục vẫn là không tịch, chẳng có gì phải giả dối dứt trừ, mà cũng chẳng mắc vào dục lạc. Tại sao vậy? Vì Tánh mình vốn là thanh tịnh vậy, dù nó trụ ở trong sắc thân năm uẩn. Tánh ấy bổn lai thanh tịnh, không gì có thể nhuốm dơ được.pháp thân bổn lai vốn tự nó có, không do ai ban cho, không đói không khát, không lạnh, không nóng, không bịnh, không ân ái, không bà con, không khổ vui, không xấu tốt, không dài ngắn, không mạnh yếu. Bổn lai không một vật nào khả được. Chỉ vì chấp vào sắc thân nầy nên mới có tường nóng lạnh, đói khát, chứng bịnh đủ thứ. Nếu chẳng chấp thì mặc tình đi đứng, được tự tại, ngay giữa sống chết, chuyển vận tất cả pháp, cùng với thanh nhân tự tại, vô ngại như nhau, không đâu mà chẳng an.

… Nếu Thấy Tánh, chiên đà la cũng Thành Phật.(l29)

Như vậy, điều quan trọng ở đây là phải Thấy Tánh. Chứng đắc là phải Thấy Tánh. Việc Thấy Tánh đó là kết quả của Giới, Hạnh, Quán Soi, nên không liên quan tới việc ăn là nạp năng lượng cho cái thân phàm. Ăn chay hay mặn thì cũng bồi bổ cho cái Thân mà thôi. Và nếu người ăn chay mà Tâm còn khởi Tham, Sân, Si, còn tìm cầu, đeo bám danh, lợi thì cái Tâm làm sao thanh tịnh được.

Tổ Đạt Ma giải thích rõ, cho ta một cái nhìn thoáng hơn, và ai có đọc qua sẽ không còn thắc mắc vì sao hàng áo trắng vẫn thành Phật được. Thật vậy, các tu sĩ thì diệt dục nên thấy mình thanh tịnh, và cho rằng có vợ con thì không thoát được dâm nên không thanh tịnh, mà đã không thanh tịnh thì không thể thành Phật được. Nhưng biết bao nhiêu người cả đời diệt dục mà vẫn không được đạo, trong khi đó, Ngài Duy Ma Cật, Mạt Lợi Phu Nhân, Thắng Man phu nhân… là những người có gia đình mà vẫn được đạo cho ta thấy việc tu hành không liên quan đến diệt dục hay không! Phải chăng trong đạo cũng như ngoài đời, ta thường thấy có nói đến Chánh, Tà, tức là những gì được xã hội, luật pháp công nhận, không sai với đạo lý thì điều đó đạo cũng không ngăn cấm? Hơn nữa, hiểu cho rõ về quan niệm tu hành, Kinh viên Giác viết:

“Nếu người đoạn thương, ghét

Cùng với Tham, Sân, Si

Chẳng cần tu gì khác

Cũng đều đặng thành Phật .

Bởi vì Thành Phật tức là thành tựu con đường Giải Thoát. Cái Giải Thoát này phải được thực hiện trong mọi hoàn cảnh, trong đó quan trọng là giải Thoát khỏi Ba Độc, không liên quan đến người có vợ chồng hay không. Hơn nữa “Chư Phật ba đời không nhàm chán xác thân” tức là muốn cứu độ cho cõi nào thì các Ngài phải mượn thân xác của cõi đó để hòa nhập cùng với họ mới giúp được họ. Nếu không nhờ thân xác con người thì các Ngài sẽ hiện thân vào đâu để mang giáo pháp đến với cõi đời? Nếu mọi người cứ diệt dục, con người không còn cơ hội để đầu thai, để tái sinh thì làm sao có thể tiếp tục tu hành, vì phải đâu mọi người đều có thể tu xong trong một kiếp? Thời xưa chưa có biện pháp ngừa hay tránh thai mà Phật còn bảo là được tái sinh làm con người chỉ là chút đất dính trên đầu móng tay so với đất của trái đất, thì ta thấy cơ hội làm người mong manh biết chừng nào! Mà để sinh ra với thân người nguyên vẹn, không bị dị tật bẩm sinh giữa thời buổi mà mọi thứ, từ không khí cho tới nguồn nước, thức ăn đều ô nhiễm cho ta thấy Phật dạy một trong 5 điều khó được là “Nhân thân nan đắc” quả là không cường điệu!

Nhưng nói như thế không phải là khuyến khích các vị xuất gia phá Giới, vì cho rằng có gia đình cũng thành đạo! Chúng ta nên nhớ rằng những người chọn cuộc sống xuất gia trước mắt mọi người là đã chấp nhận đời sống độc thân, thanh tịnh, thì đối với đạo và đối với thế gian đã là GIỚI. Nếu họ vi phạm thì là phá Giới. Mà người phá giới thì chính là những kẻ mượn cửa chùa để hưởng lộc của bá tánh thì chẳng phải là bậc chân tu. Không xứng đáng hưởng dụng sự kính trọng và cúng dường cũa thí chủ. Trong khi nếu thích có vợ thì họ hoàn toàn có quyền trở về đời thường, với mọi ràng buộc và trách nhiệm của một con người đối với gia đình và xã hội. Tự làm ăn để tìm phương tiện sống và tiếp tục tu hành trong hình tướng cư sĩ thì không phạm Giới. Ngược lại, nếu họ vừa muốn được mọi người tôn trọng, cung phụng, và không muốn bon chen với đời vì ngại khó. Vừa muốn mang danh cao quý của bậc tu hành, lại vừa muốn thỏa mãn dục vọng thì rõ ràng họ quá THAM LAM, sẵn sàng Vọng Ngữ, Vọng Hành! Rồi không có vợ con một cách chính đáng mà lén lút dính tới nữ sắc thì tránh đâu việc lấy của thường trụ để cung phụng cho đời sống riêng tư và để hưởng thụ?! Một Giới đã không giữ nổi thì những Giới còn lại làm sao giữ?

Những “tu tặc” như thế không phải thời này mới có, mà từ thời Phật còn tại thế cũng đã có, nên trong Kinh Đại Bát Niết Bàn Phật đã gọi là là “Cư Sĩ trọc”, là “Phá Giới tạp Tăng”, không phải chân Tăng! Nếu có đọc Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN ta sẽ thấy cái giá phải trả của người lợi dụng địa vị tu hành để hưởng dụng sự cúng dường của bá tánh. Đó là con Giả Can và những tên Phiến đề la vừa phải làm những công việc hèn hạ, vừa bị đối xử tệ bạc để trả lại cái nợ đã vay của bá tánh đó. Bởi một lẽ đương nhiên, họ có thể lừa được mọi người nhưng làm sao lừa được Nhân Quả?

Chính vì vậy mà khi nghe Phật giảng, năm trăm Tỳ Kheo thô hạnh đã xin hoàn tục, và chính La Hầu La cũng xin về vì xét thấy mình không xứng đáng thọ dụng của bá tánh, sợ bị trả quả!

Nhưng GIỚI không phải là rào cản cứng nhắc, thúc ép người tu phải chịu khổ sở, quay đâu cũng sợ đụng Giới. Suy nghĩ gì cũng ngại thất niệm! Trong Vị TẮNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN lại có tích: “Nhân một chuyến đi săn, quá giờ, vua bị đói quá nổi sân si ra lệnh giết trù giám. Hoàng hậu nghe được liền trang điểm đẹp đẽ, mang rượu, thịt, kỷ nữ đến, cùng vua ăn nhậu, đàn ca xướng hát... làm cho vua hết sầu muộn. Hôm sau, vua tỉnh ngộ, nhớ ra mình đã ra lịnh giết trù giám nên hối hận, đau khổ thì Hoàng hậu cho vua biết là nhân lúc vua vui vẻ Bà đã lén truyền lịnh tha cho trù giám rồi, nhưng vua còn chưa chịu tin, đến khi cho gọi ông ta đến thì vua mới an tâm, vui vẻ trở lại. Nhân đó, vua bạch Phật: “Mạt Lợi phu nhân giữ ngũ giới, mỗi tháng Lục trai. Nay trong một ngày đã phạm giới ẩm tửu, giới vọng ngữ và trong Bát quan trai đã phạm sáu giới. Vậy chỗ phạm Giới đó nặng hay nhẹ?”. Phật bảo: “Phạm Giới như thế đã không có tội lại được nhiều công đức. Vì có lợi ích”. (tr. 123).

Phật kết luận: “Nói tóm lại là ta bắt giữ cấm giới, chính vì người ngu si không huệ phương tiện, chớ chẳng phải là hạng người trí huệ biết rõ thời nghi vậy”. Thật vậy, nếu cứ nhắm mắt giữ Giới một cách máy móc thì Mạt Lợi phu nhân đã không cứu được trù giám và cứu vua thoát sự hối hận dáy vò vì đã giết người trong cơn tức giận! Hơn nữa, việc Giữ Giới chỉ là “Điều gì mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm với người”, đâu phải là điều gì lớn lao không thể thực hiện nổi!

Người xuất gia đã Thọ giới rồi thì không có quyền tự chế. Không được quyền làm ô uế màu áo của Phật bằng cách lợi dụng cửa Chùa để mưu cầu danh lợi vừa thỏa mãn dục vọng! Sự tôn trọng, cúng dường là đặc ân mà thí chủ dành cho những người hiến trọn cuộc đời để toàn tâm toàn ý phục vụ đạo pháp. Vì thế nếu người có chút hỗ trẽn thì khi không thể cưỡng lại dục vọng, tốt hơn hết nên trở về đời sống cư sĩ, có vợ con mà vẫn tu hành được, vì ăn của cúng dường đáng sợ đến nỗi Phật dạy: “Thà cắt thịt mình dùng để nuôi miệng, không dùng tâm tà thọ của cúng thì. Khó lắm! Khó lắm! Cẩn thận. Cẩn thận! (VTHTND)”. Câu đó đáng để cho một số người suy nghĩ lại, vì tội nặng nhất của họ không phải là phá Giới - mà là làm cho ngoại đạo nhìn vào, đánh đồng những kẻ tu hành đều là đạo đức giả - làm mất niềm tin nơi đạo, làm ảnh hưởng đến các bậc tu hành chân chính, thì tội đó không biết đền bao lâu mới hết! Hơn nữa, phải chăng không đợi họ chết thì Nhân Quả mới đến. Ngay khi họ đang cố che đậy thì miệng đời cũng đã phê phán, đã đánh giá họ vậy.

Tâm-Nguyện

Tháng 3/2010

NHÀ NGUYỄN VỚI 9 CHÚA VÀ 13 VUA

Theo lịch sử, triều Nguyễn có 9 đời chúa và 13 đời vua. Khởi nghiệp Chúa là Nguyễn Hoàng (1524-1613) tục gọi là Chúa Tiên, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ông là con thứ 2 của An Thành Hầu Nguyễn Kim, bậc công thần đã giúp nhà Lê Trung Hưng(1). Khi Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc(2) đánh thuốc độc chết, rồi anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm là anh rể ám hại vì sợ họ Nguyễn tranh quyền, Nguyễn Hoàng lo ngại mới cho người ra Hải Dương hỏi ý kiến Trạng Trình(3) và được chỉ bảo bằng lời nói ngụ ý xa xôi: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”. Nguyễn Hoàng hiểu ý mới nói với chị là Ngọc Bảo xin Trịnh Kiểm được vào trấn phía Nam. Trong thâm ý, người anh rể cũng là người lúc bấy giờ rất có quyền lực đối với triều đình muốn cho Nguyễn Hoàng đi xa, không gây ảnh hưởng đối với vua Lê, nên theo lời đề bạt của họ Trịnh, Nguyễn Hoàng được cử vào trấn đất Thuận Hóa vào năm 1558. Khi đi, Nguyễn Hoàng đem theo tất cả những người họ hàng ở huyện Tống Sơn, lại có những quân lính ở Thanh, Nghệ tình nguyện đem cả vợ con theo ông. Thoạt tiên, ông vào đóng ở xã Ái Tử thuộc huyện Đăng Xương tỉnh Quảng Trị. Vốn là người khôn ngoan, lại có lòng nhân đức nên ông được dân chúng hết sức mến phục. Để yên lòng Trịnh Kiểm, vào năm Kỷ Tỵ (1569), ông ra chầu vua Lê ở An Tường, tiếp đó ông được giao cho việc trấn thủ luôn cả đất Thuận Hóa và đất Quảng Nam. Nhân cuộc di dân này, họ Nguyễn đã gầy dựng được thế lực, mở mang mọi mặt, xây dựng vùng đất mới, nới rộng xuống phía Nam, đặc biệt chú ý đến tôn giáo, chùa Thiên Mụ trên bờ sông Hương đã được xây dựng trong dịp này. Cùng lúc dân chúng miền Bắc gặp nhiều thiên tai, mất mùa, đói kém, chạy vào Nam khá đông nên họ Nguyễn đã được khối lượng hậu thuẫn dân chúng đáng kể. Từ đó mưu đồ xây dựng cho mình một giang sơn riêng. Ban đầu họ Nguyễn còn hàng năm đem lễ vật ra tuế cống vua Lê nhưng từ khi Trịnh Tùng kéo quân vào đánh Chúa Nguyễn ở Thuận Hóa (1619), họ Nguyễn đã chấm dứt việc tuế cống. Và cũng bắt đầu từ đây, họ Nguyễn mang quốc tịch Nguyễn Phúc kế truyền cho đến 9 đời kể ra như sau:

Nguyễn Hoàng (1600-1613)

Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635)

Nguyễn Phúc Lan (1635-1648)

Nguyễn Phúc Tấn (1648-1687)

Nguyễn Phúc Trăn (1687-1691)

Nguyễn Phúc Chu (1691-1725)

Nguyễn Phúc Chú (1725-1738)

Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765)

Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777).

Vị Chúa nối nghiệp Nguyễn Phúc Thuần tức Nguyễn Phúc Ánh mới 17 tuổi được chúng tướng tôn lên làm Nhiếp Quốc Chính để chống lại Tây Sơn lúc bấy giờ đã khởi nghĩa ở miền Nam (1773). Thế rồi suốt 24 năm trời, nhờ lòng kiên nhẫn lớn lao, chịu đựng bao nhiêu gian khổ, bôn tẩu nhiều phen, cuối cùng Nguyễn Phúc Ánh cũng dứt được nhà Tây Sơn vào năm 1802, thống nhất giang sơn, lên ngôi xưng đế hiệu là Gia Long và đặt tên nước là Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân (tức Huế bây giờ) và lo sửa sang chỉnh đốn mọi việc, tổ chức chính quyền địa phương, ban hành luật lệ. Bộ Luật Gia Long hay Hoàng Việt luật lệ do Nguyễn Văn Thành soạn lục ra đời từ đây. Ở ngôi được 18 năm, đến năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long mất. Các vị vua kế truyền kể được 13 đời như sau:

Gia Long (1802-1819)

Minh Mạng (1820-1840)

Thiệu Trị (1841-1847)

Tự Đức (1848-1883)

Dục Đức (làm vua 3 ngày thì bị phế)

Hiệp Hòa (6/1883-11/1883)

Kiến Phúc (1883-1884)

Hàm Nghi(4) (1884-1885)

Đồng Khánh (1885-1888)

Thành Thái (1889-1907)

Duy Tân (1907-1916)

Khải Định (1916-1925, lễ tang từ cuối năm 1925 đến đầu năm 1926)

Bảo Đại(5) (1926-1945).

Vua Minh Mạng lên ngôi đã tìm ra cách đặt họ cho hoàng phái riêng biệt, khá chặt chẽ với 20 đời con cháu trực hệ của mình, dùng toàn những danh từ nghe rất mỹ miều đặt thành đế hệ thi ngũ ngôn tứ tuyệt như sau:

Miên, Hường, Ưng, Bửu, Vĩnh

Bảo, Quý, Định, Long, Trường

Hiền, Năng, Khảm, Kế, Thuật

Thế, Thoại, Quốc, Gia, Xương

Còn những bà con thì mang họ Tôn Thất, nhưng rồi thời cuộc đổi thay, đến năm 1945, chế độ quân chủ không còn nữa, thay vào bằng thể chế dân chủ, lúc bấy giờ nhằm vào thời vua Bảo Đại (tức Vĩnh Thụy) thuộc đời thứ năm trong đế hệ. Việc này đã tạo nên sự rắc rối cho vấn đề hộ tịch vì xưa nay theo truyền thống dân gian, con phải mang họ của cha nhưng theo đế hệ thì người cha với con khác họ (thí dụ cha họ Bửu thì con khai sanh phải là Vĩnh) và cứ nối tiếp cho đến hết 20 chữ trong đế hệ thị. Rốt cuộc hoàng phái phải chấp nhận mang một họ chung là Nguyễn Phúc, chữ của đế hệ tiếp sau là chữ lót để phân biệt thế hệ rồi mới đến tên. Tại Huế, các đời chúa được thờ ở Thế Miếu, có một số lăng tẩm các vua được xây chung quanh gần kinh thành và vùng phụ cận. Trong suốt 13 vua, chỉ có 7 vua xây lăng, đó là: Lăng Gia Long (hay còn gọi là Thiên Thọ Lăng), Lăng Minh Mạng (hay còn gọi là Hiếu Lăng), Lăng Thiệu Trị (hay còn gọi là Xương Lăng), Lăng Tự Đức (hay còn gọi là Khiêm Lăng), Lăng Dục Đức (hay còn gọi là An Lăng), Lăng Đồng Khánh (hay còn gọi là Tư Lăng), Lăng Khải Định (hay còn gọi là Ứng Lăng).

Các vị vua như Thành Thái, sau khi qua đời tại Sài Gòn và vua Duy Tân sau khi bốc mộ từ Trung Phi đã được đưa về táng tại khuôn viên An Lăng.

Ngày nay lăng tẩm các vua triều Nguyễn ở Huế là điểm đến của khách du lịch trong nước cũng như ngoài nước. Họ đến đây để tham quan một quần thể di tích mà nét kiến trúc mỗi nơi một vẻ khác nhau, nhưng nơi nào cũng thấy phảng phất vẻ uy nghiêm và quyền lực trong một không gian tĩnh mịch và địa thế như đã chọn lựa theo phong thủy Á-Đông của một vương triều thời xa xưa.

PPT ghi

Chú thích:

(1) Nhà Lê Trung Hưng: đời Lê Trang Tôn (1533) cũng gọi là Hậu Lê

(2) Hàng tướng nhà Mạc: tên là Dương Chấp Nhất

(3) Trạng Trình: tức Nguyễn Bỉnh Khiêm, sau khi làm quan cho nhà Mạc, đã về tri sĩ (1542)

(4) Vua Hàm Nghi qua đời tại Alge1rie năm 1947 là nơi nhà vua đã bị nhà cầm quyền Pháp tại Việt Nam lưu đày năm 1888.

Bảo Đại: vị vua cuối cùng Triều Nguyễn, đã qua đời tại Pháp ngày 31-7-1997 thọ 83 tuổi và an táng tại nghĩa trang Passy, thuộc quận 16 Paris.

VIẾT VỀ ĐỀ TÀI:
“VĂN HÓA TRONG MỐI QUAN HỆ VỢ CHỒNG”

Do nhà giáo Lê Hùng Dương trình bày

tại Cung Văn Hóa Lao Động ngày 7-3-2010

Trước ngày Quốc tế Phụ Nữ một ngày, tại Phòng họp số 1 Cung văn Hóa Lao Động đã diễn ra buổi báo cáo chuyên đề trước khoảng bốn chục khách đến tham dự. Tuy rằng đề tài rất phù hợp với ngày Quốc Tế Phụ Nữ, nhưng với số lượng cử tọa như thế không phải là đông lắm, có lẽ đã bị chia khách với các Trung Tâm, các Nhà Văn Hóa, các tổ chức xã hội khác đâu đâu cũng có liên hoan, chào mừng ngày trọng đại này.

Để phục vụ cho buổi báo cáo chuyên đề này, Cung văn Hóa Lao Động đã cung cấp, theo yêu cầu của diễn giả, các thiết bị như laptop, đèn chiếu, màn ảnh và diễn giả đã trình bày đề tài bằng những khung chiếu trên màn ảnh ghi lại tóm tắt nội dung những phần muốn nói để khán giả dễ dàng theo dõi. Tất cả mọi việc chuẩn bị đã nói lên được sự tôn trọng khách đến tham dự.

Mở đầu, nhà nghiên cứu Vương Liêm đã thay mặt Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay giới thiệu sơ lược một vài khía cạnh liên quan đến nội dung đề tài gây sức lôi cuốn từ người nghe đối với nội dung chuyên đề. Sau đó là phần giới thiệu diễn giả, Nhà giáo Lê Hùng Dương.

Diễn giả đã đi ngay vào chủ đề bằng tên gọi thân thiết người vợ hoặc người chồng là “người bạn đời”. Người chồng thường là người chủ động đi tìm người bạn đời. Mọi tầng lớp trong xã hội đều có thể tìm được người bạn tri kỷ cho mình. Văn hóa là điều quan trọng trong việc duy trì tình vợ chồng hay tình bạn tri kỷ đó.

Tiếp theo diễn giả nêu lên một số quan niệm của người đàn ông trong việc tạo lập gia đình. Đây là phần phân tích rất thú vị, diễn giả đã nêu lên một số quan niệm của người đàn ông coi việc lấy vợ là một phương tiện cho mục đích riêng tư của mình. Nào là lấy vợ để giữ nhà, giữ của, để nối dõi tông đường, vì mê đắm han sắc, để hưởng thụ thân thể phụ nữ vv... và đặc biệt là lấy vợ đào mỏ vàng và để chuyển hộ khẩu. Tuy nhiên diễn giả cũng có trình bày quan niệm về một tình yêu chân chính với kế hoạch xây dựng tương lai hạnh phúc lâu bền.

Qua phần những hình thức cư xử của vợ chồng, điễn giả đề cập ngay đến việc cư xử qua lời nói của cả hai bên chồng và vợ. Diễn giả kêu gọi vợ chồng nên dùng lời nói dịu dàng, tế nhị, thanh tao thay vì sử dụng những lời nói tục tằn thô lỗ, lớn tiếng ồn ào. Diễn giả cũng lên án lối cư xử bằng bạo hành, hầu hết là từ phía những ông chồng vũ phu, hoặc nát rượu.

Lối cư xử bằng cách tạo những giờ phút riêng tư của hai vợ chồng để cùng nhau tâm sự cũng cần phải có. Rồi những cách cư xử khác như bằng sự tôn trọng lẫn nhau, bằng sự thành thực, bằng sự tin tưởng, bằng tình thương yêu hay sự ân cần chăm sóc đỡ đần cho nhau, bằng tình bạn tri kỷ đã được diễn giả nêu lên và vợ chồng cũng nên tự hỏi đã đối xử nhau bằng những tình cảm này một cách đầy đủ chưa.

Đặc biệt trong phần này diễn giả đã trình bày về mối quan hệ gối chăn giữa hai vợ chồng. Diễn giả cũng đã nêu lên những vấn đề tế nhị mà rất có thể người đàn ông thường bị thiếu sót trong khi đang nắm vai trò chủ động theo nền luân lý Á đông.

Khía cạnh kế tiếp là nghĩa vợ chồng. Nghĩa là gì? Diễn giả đã phân tích và giải thích rõ rệt mối tình cảm đặc biệt ở những đôi vợ chồng già. Qua phân tích tác giả cho thấy vợ chồng, người này đã mang lấy cái ơn của người kia và ngược lại. Từ cái ơn đó mới sinh ra cái nghĩa, cái trách nhiệm hai người phải đền đáp cho nhau.

Sau cùng diễn giả nêu lên những điển tích ngày xưa như là “Tao khang chi thê bất khả hạ đường” hay “Phu phụ tương kính như tân để kêu gọi vợ chồng nên đối xử với nhau như bạn tri kỷ, như người khách quý.

Trong phần giao lưu, nhiều khách tham dự đã lên đóng góp ý kiến và trình bày thêm một số quan niệm về cách cư xử giữa vợ chồng, những thói quen mà cả hai vợ chồng cùng thích trong cuộc sống hôn nhân.

Buổi báo cáo chuyên đề đã kết thúc vào lúc 11g cùng ngày.

Bá Nhẫn

HƯỚNG TỚI 1000 NĂM THĂNG LONG
KỶ NIỆM 630 NĂM
NGÀY SINH NGUYỄN TRÃI
(1380-2010)


THÙY DƯƠNG

Tóm tắt tiểu sử Nguyễn Trãi

Nguyễn Trãi (1380-2010), hiệu là Ức Trai, người làng Nhị Khê, huyện Thường Phúc, nay thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Cha là Bảng nhãn Nguyễn Phi Khanh, ông ngoại là Trần Nguyên Đán. Năm 21 tuổi (1400), Nguyễn Trãi thi đỗ Thái Học Sinh (sau này gọi là Tiến sĩ) triều nhà Hồ. Khi giặc Minh xâm lăng diệt xong họ Hồ, bắt Nguyễn Phi Khanh đem về Tàu, Nguyễn Trãi cùng người em trai tình nguyện đi theo. Nhưng khi tới ải Nam Quan, vị cha già yêu nước đã khuyên Nguyễn Trãi trở về để lo việc phục thù giúp nước. Nguyễn Trãi nghe lời cha trở về rồi tìm vào Lam Sơn giúp Lê Lợi. Dẹp xong giặc Minh, ông được Nhà Lê thưởng công, phong tước. Đến năm 60 tuổi (1439), Nguyễn Trãi cáo quan xin về hưu, lui về ở ẩn tại Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nợ nước ơn vua đã đền xong, thảnh thơi giữa cảnh non nước hữu tình, ông say sưa ngao du sơn thủy, làm thơ ca ngợi thiên nhiên và cảnh nhàn, suy ngẫm chuyện đời mà khai thác tâm sự. Những tưởng cuộc sống mới bồng lai tiên cảnh này cứ được kéo dài như thế, nào ngờ chỉ 3 năm sau, năm ông được 63 tuổi, bỗng đâu tai họa ập đến bất ngờ, vụ án Lệ Chi Viên nổ ra do cái chết đột ngột của vua Lê Thái Tôn khiến ông bị triều đình kết án chu di tam tộc, chết thảm cùng cả họ! Nguyên do chỉ vì người hầu thiếp Nguyễn Thị Lộ có nhan sắc lại thông minh giỏi thơ văn, được triệu vào cung làm chức Lễ Nghi Học Sĩ dạy học cho các cung nữ, đồng thời ngày đêm hầu cận ông vua trẻ. Ý vua là ý Trời ai dám cãi lại?... Tai họa bất ngờ giáng xuống đầu vị hiền tài có công lớn với đất nước, ai mà ngờ được? Phải chăng “Họa phúc hữu môi phi nhất nhật – Anh hùng di hận kỷ thiên niên”? (Họa phúc do nguyên nhân tiềm ẩn từ lâu đời, không phải chỉ trong một ngày. Mối hận của người anh hùng thì có khi ngàn năm mới giải tỏa được!) Tục truyền rằng hai câu thơ ấy mà Nguyễn Trãi đã làm để chia sẻ với họ Hồ, ngờ đâu trước mặt lại vận vào chính mình! Song có lẽ vì công đức của ông quá lớn nên chẳng phải đợi đến ngàn năm mà chỉ vài chục năm sau, đến đời vua Lê Thánh Tôn (1460-1497), nhà vua cùng triều đình đã chính thức giải các án oan cho Nguyễn Trãi, phục hồi danh dự cho vị Khai quốc công thần, cho tìm con cháu sống sót để đền bù và nhất là ra lệnh sưu tầm thơ văn của Ức Trai mà đáng tiếc sau vụ án Lệ Chi Viên đã bị thất lạc không ít. Hiện nay bộ Ức Trai Thi Tập còn gom lại được 110 bài thơ Đường và vài trăm bài văn đủ loại của ông đầy cảm xúc tâm tư và có tính chất sử liệu rất cao, điển hình là bài Bình Ngô Đại Cáo (tất cả bằng chữ Nho, được người đời sau dịch ra Quốc ngữ). Năm 1980, nhân kỷ niệm 600 năm ngày sinh của ông, Nguyễn Trãi đã được UNESCO chính thức công nhận là NHÀ QUÂN SỰ LỖI LẠC, NHÀ CHÍNH TRỊ THIÊN TÀI và NHÀ VĂN HÓA XUẤT SẮC.

Nhân kỷ niệm 630 năm ngày sinh của Nguyễn Trãi, xin thành kính dâng lên anh linh Người mấy vần thơ dịch vụng về của 2 trong những bài thơ rất quý giá của bậc hiền tài đời đời còn sống mãi trong lòng dân tộc.

 

Tự thuật

Danh chẳng chuốc, lộc chẳng cầu,

Được ắt chẳng mừng, mất chẳng âu,

Có nước nhiễu song, non nhiễu cửa,

Còn thơ đầy túi, túi rượu đầy bầu.

Người tri ân ít, cầm nên lặng,

Lòng hiếu sinh nhiều, cá ngại câu.

Mấy kẻ công danh nhàn lẵng đẵng

Mồ hoang cổ lục thấy ai đâu?

NGUYỄN TRÃI (1380-1442)

In rememberance of the Author on his 630th birth anniversary (1380-2010)

SELF COMMENTS

I wish for no fame, I yearn no richness,

Feeling no worries in losses, nor pleasure in success.

Just water near my window, mountains before my house entry,

Getting my gourd full of wine, my bag full of poetry.

Lack of bosom friends make my guitar hate sounding,

Love for living creatures disconcerts my fishing.

Ah! Those who keep running after prosperity and titles,

How could they hold them under deserted gravestones?

Translated by THÙY DƯƠNG

Du Sơn Tự

Đoản trạo hệ tà dương

Thông thông yết thương phương

Vân quy thiền tháp lãnh

Hoa lạc giản lưu hương

Nhật mộ nên thanh cấp

Sơn không trúc ảnh trường

Cô trung châu hữu ý

Dục ngữ hốt hoàn vương

NGUYỄN TRÃI

Thăm Chùa trên núi

Bóng xế thuyền con buộc

Vội lên Lễ Phật đài

Mây về giường sãi lạnh

Hoa rụng suối hương trôi

Chiều tối vượn kêu rộn

Núi quang trúc bóng dài

Ở trong dường có ý

Muốn nói bỗng quên rồi!

ĐÀO DUY ANH dịch

A VISIT TO A PAGODA UPON THE MOUNTAIN*

When the afternoon sun began to decline

I fastened my boat and hurried to the Buddha shrine

Clouds gather over the temple sacred land

Flowers scatter on the curving rivlet bank

The sun is setting while the gibbons are calling their fellows

The mountains look serene as the bamboos give long shadows

Some fine ideas come to my mind all of a sudden

I want to speak out but they’re just now forgotten!

Translated by THÙY DƯƠNG

------------------

* Phật Tích Pagoda, Hà Bắc Province, built in the Ly’s dynasty

1000 năm Thăng Long – Hà Nội

HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG

Nghìn thu gặp hội thái bình,

Trải xem phong cảnh khắp thành Thăng Long:

Phố ngoài bao bọc thành trong,

Cửa Nam, Giám, Bắc, Tây, Đông rõ ràng.

Ba mươi sáu mặt phố phường,

Hàng Giấy, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào.

Người đài các, kẻ thanh tao,

Qua Hàng Thợ Tiện lại vào Hàng Gai.

Hàng Thêu, Hàng Trống, Hàng Bài,

Hàng Khay trở gót, ra chơi Tràng Tiền.

Nhác trông chẳng khác động viên,

Trên đồn cờ kéo, dưới thuyền buồm giăng.

Phong quang lịch sự đâu bằng?

Dập dìu võng lọng, tưng bừng ngựa xe.

Hàng Vôi sang phố Hàng Bè,

Qua tòa Thương Chính, trở về Đồng Xuân.

Trải qua Hàng Giấy dần dần,

Cung đàn nhịp phách riêng xuân bốn mùa.

Cầu Đông(1) vang tiếng chuông chùa,

Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương.

Mặt ngoài có phố Hàng Đường,

Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum.

Tiếng Ngô, tiếng Nhắng um um.

Lên lầu xem điếm tổ tôm đánh bài,

Khoan khoan chân trở gót hài,

Qua Hàng Thuốc Bắc, sang chơi hàng Đồng.

Biết bao của bán lạ lùng:

Kìa đồ bát bửu, nọ lồng ấp hương(2)

Hàng Bừa, Hàng Cuốc ngổn ngang.

Trở về Hàng Cót, dạo sang Hàng Gà.

Bát ngô(3), Hàng Sắt xem qua,

Hàng Vải, Hàng Thiếc lại ra Hàng Hòm.

Ở đâu nghe tiếng om om?

Trống chầu nhà hát thòm thòm vui thay!

Hàng Da chợ sắt ai bày?

Bên kia Hàng Điếu, bên này Hàng Bông.

Ngã tư Cấm Chỉ đứng trông

Qua Hàng Thợ Nhuộm thẳng rong Hàng Tàn(4)

Đoái xem phong cảnh bàng hoàng

Bút hoa giở viết chép bàn mấy câu.

Trải qua một cuộc bể dâu

Nào người đế, bá, công hầu là ai?

Đặng Huy Thu

------------------------

(1) Nay là khu phố Hàng Đường, Hà Nội

(2) Lồng ấp: hộp hình chữ nhật, mình dẹt, trong đựng mồi than luyện, dài như điếu xì-gà, ngoài vỏ hộp có bọc da hay nhung dùng cho vào trong bọc trước bụng, để sưởi khi trời rét. Lại có thứ nữa như cái lư hương dùng để sưởi ngoài.

(3) Tức là phố Hàng Bát Sứ

Tức phố Hàng Lọng

 

Duyên thơ

Tôi và anh hai người đều xa lạ

Bổng thân tình như quen biết từ lâu

Ai đưa đường chỉ lối bắt nhiệp cầu

Gần cưới đời bổng nhiên ta gặp gở.

Có gì đâu mà băng khoăn bỡ ngỡ

Nghiệp văn chương đã tạo thế đổi trao

Thơ đưa người Bắc Đẩu, kẻ Nam Tào

Hội ngộ trùng phùng, tình thơ lưu luyến.

Xướng họa giao duyên đâu cần giới tuyến

Tôi yêu thơ, anh cũng thích làm thơ

Bao thi nhân luôn mãi miết mong chờ

Thơ đã gởi, trông hồi âm trở lại

Tuy tuổi cao nhưng lòng luôn trẻ mãi

Đời đua tiền, còn ta cứ đua thơ

Nghe vui sao rộn rã những ước mơ

Gieo hạnh phúc cho bao người đang sống.

Để hồn luôn bay cao trong gió lộng

Hãy đến với thơ hòa nhịp yêu thương

Càng yêu thơ, giũ bớt những buồn vương

Ơi! Đẹp mãi, duyên thơ hòa hợp lại.

XUÂN VÂN (04-1993) 

Lâu đài trên cát

Lâu đài trên cát hồn nhiên

Tuổi hai mươi thắm còn nguyên nụ cười

Tình yêu trong trắng sáng ngời

Em nào tưởng đến cuộc đời bể dâu

Lâu đài trên cát nhiệm mầu

Dã tràng xây mộng canh thâu miệt mài

Tình yêu đẹp ướp men say

Mượt mà giọng hát đong đầy luyến lưu

Lâu đài trên cát vô ưu

Nghe trong tiếng sóng thiên thu dạt dào

Câu thơ thao thức ngọt ngào

Thanh âm dìu dặt rơi vào giấc mơ

Lâu đài trên cát bơ vơ

Sóng vùi gió dập ngẩn ngơ bẽ bàng…

Ngậm ngùi… sụp đổ, hoang mang

Tình yêu tím lịm vỡ tan u sầu

Lâu đài trên cát còn đâu

Thủy triều bôi xóa tình đầu thơ ngây

Xót xa… biển mặn vơi đầy

Tình yêu gục chết trời mây khóc thầm.

Ngàn Phương

Tâm tình

(viết về một người)

Đời mình bóng chiếc lẻ đôi

Cam đành phận mỏng người ơi chớ buồn

Đêm qua chớp bể mưa nguồn

Tay lèo lái vững, tay buông… ngóng đò

Cố tìm một cõi bến mơ

Ước tràn mộng đẹp, bao giờ thấy đâu

Đời là một cuộc bể dâu

Duyên trao ngày ấy bên cầu… gặp mưa

Ve sầu trỗi khúc hè trưa

Áo phong sương đẫm mà chưa nẻo về!

Xót xa, mong đợi, ê chề

Người ơi! Người hỡi lời thề còn đây!

Vọng về quê mẹ tháng ngày

Sang sông… con sáo nhớ mày sáo ơi!

Trách ai nhuộm tím mây trời

Để thương, để nhớ, để người… biệt ly

Tình yêu sao quá lạ kỳ

Gặp nhau bối rối ấy khi tơ vàng

Mắt sao ánh mắt rỡ ràng

Yêu nhau – chấp mấy khổ nàn người ơi!

Xuân Vân

Thôi đành quên

Tôi muốn quên em từ chiều hôm nay

Tôi muốn quên em cho cả ngày mai

Xe buýt đưa về trạm buồn cúi mặt

Tay áo cuốn tròn tờ vé bốn hai

***

Tôi muốn quên em màu tóc mật ong

Vạt áo thơ ngây ấp ủ chuyện lòng

Trong dĩ vãng nghe tâm tư mình kể chuyện

Phượng đỏ tàn rồi từ tạ nhớ mong

***

Còn có gì đâu em câu chuyện xưa

Con đường mình đi nhớ mấy cho vừa

Mây vẫn bay trên những tường vôi trắng

Và những bức thư tình trôi theo gió đưa.

Dương Lêh (2009)

 

Nhớ trăng

Thân gửi Hồng Nga

Em là trăng tôi là thơ

Tình ta trân trọng trên tờ giấy hoa

Nhớ em tôi nhớ hằng nga

Đón hoàng hôn tắt, bước ra cửa chiều

Tìm em cũng chỉ vì yêu

Đêm rằm anh đứng buồn thiu một mình

Thương em cũng chỉ vì tình

Nhớ em chân đạp lên hình bóng thôi

Em nào đâu của riêng tôi

Của trong trời đất… của người thế gian

Xin em đừng lỡ phụ phàng

Để mùa thu khóc lá vàng rụng bay

Cho lòng tôi trọn đêm nay

Nằm ôm chăn gối, thở dài nhớ em

Vò đầu đêm thức thâu đêm

Cuối tuần trăng cũng vừa lên muộn màng

Sáng mai đợi ánh trăng tàn

Thôi thì anh đứng ngỡ ngàng tìm em.

Trần Lữ Vũ

Nỗi buồn quạnh hiu

Khi thì đón lửa bình minh,

Khi thì hâm lại tâm tình hoàng hôn.

Khi thì toan tính thiệt hơn

Khi thì rảo buớc đuổi cơn gió ngàn.

***

Giá như giọt nước trên mây

Xin thêm chút nắng cho đầy tiếc thương

Đây rồi từ tạ mù sương

Ve rung cánh mỏi thiên đường dấu yêu

***

Cho dù đau đáu truyện Kiều

Để trăm năm nữa còn nhiều nhớ nhung,

Hoang đường rũ cánh mông lung

Tuổi thơ đá cuội một chung rượu tàn

***

Em là em, chút hồng nhan

Chắt chiu từng cánh ngọc lan tuổi đời

Tôi đem trân trọng đến mời

Để em phiêu bạt một thời viễn du

***

Đó là tiếng gọi mù u

Dửng dưng ngọn sóng hình thù nào đây

Chi bằng thân thuộc ngủ say

Chỗ rong rêu đó tháng ngày cưu mang

***

Nắng xô lên bãi đá hoang

Chim muông vội lắng tiếng vang suối nguồn

Rồi rưng rưng giọt mưa tuôn

Cho em ngưng nhịp cơn buồn nhẹ trôi

Dương Lêh (2009)

 

Bóng đời

(Vô cùng thương mến tặng Hồng Hà

và bảo quyến trong niềm an vui tự tại)

Nghe tin Hà bệnh ngặt nghèo

Lòng tôi thương cảm ít nhiều xót xa

Mộng đời cát bụi phù hoa

Giả thân chìm nổi có là gì đâu!

Chúng ta chung một nhịp cầu

Chia tay định nghiệp trước sau một lần

Kiếp người như bóng phù vân

Cười xua tay trả nợ trần thế thôi!

Hỏi ai níu được tơ trời

Mà đem cột bước chân người ra đi!

Nguyện cầu thế giới bên kia

Chẳng còn sinh diệt người chia rẽ người

Cảm thương nhau tận cuối trời

Đẹp lòng nhân ái nụ cười ngàn năm

Trần Lữ Vũ

TRUYỆN KIỀU
(2289-2396)

Trong quân có lúc vui vầy

2290 Thong dong mới kể sự ngày hàn vi

Khi Vô Tích, khi Lâm Tri,

Nơi thì lừa đảo nơi thì xót thương

Tấm thân rày đã nhẹ nhàng

Chút còn ân oán đôi đường chưa xong

2295 Từ công nghe nói thỉ chung,

Bất bằng nổi trận đùng đùng sấm vang.

Life in military base did spare them some leisure days

Profiting by this case, Kiều told all her life astray

To her dear husband, sometimes in Vô Tích, others in Lâm Tri,

Here she was deceived, there she received love and pity.

“Thanks to your generosity, this pour soul is now at ease,

Said she, “But there are two things, thanks and revenge, I haven’t achieved”

The whole story she told being heard from end to end,

Từ Hải then burst out into a thunderous discontent.

Nghiêm quân, tuyển tướng sẵn sàng,

Dưới cờ một lệnh vội vàng ruổi sao.

Ba quân chỉ ngọn cờ đào,

2300 Đạo ra Vô Tích, đạo vào Lâm Tri

Mấy người phụ bạc xưa kia

Chiếu danh tầm nã bắt về hỏi tra

Lại sai lệnh tiễn truyền qua

Giữ giàng họ Thúc một nhà cho yên

2305 Mụ quản gia với Giác Duyên

Cũng sai lệnh tiễn đem tin rước mời

Thệ sư kể hết mọi lời

Lòng lòng cùng giận người người chấp uy

Đạo trời báo phục chỉn ghê

2310 Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi!

Soldiers and officers were selected to get ready,

Under the flag they were ordered to set out in a hurry

The whole troop was divided into two detached parts

One heading to Vô Tích, the other to Lâm Tri straight forwards

Based on the list, the convicteds were searched, and arrested,

They were taken to the Headquarters to be interrogated

Also, a message was sent to the local authority

Ordering them to protect the whole Thúc family.

Another message inviting Giác Duyên and the Hoạn’s housekeeper

All that done, Lord Từ made his proclamation to Heaven and Earth,

Displaying everything he was doing for the sake of justice,

Everyone who heard him boiled with anger and wholly agreed.

What a frightful revenge Heaven himself helped man realize!

A good catch of traitors and tricksters gathered at a time!

Quân trung, gươm lớn, giáo dài

Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi.

Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân

2315 Trướng hùm mở giữa trung quân,

Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi.

Tiên nghiêm trống chửa dứt lời

Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa viên

Từ rằng: “Ân oán hai bên,

2320 “Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh.”

Nàng rằng: “Nhờ cậy uy linh,

“Hãy xin báo đáp ân tình cho phu

“Báo ân rồi sẽ trả thù.”

Từ rằng: “Việc ấy để cho mặc nàng.”

It was a great day in the military base,

Long swords and great spears was summoned to be used in case

Inside, a guard body was set, surrounding were two rings outside

All stood readily, imposing and dignified

Bronze cannons lay all about, banners shaded the ground

In the middle, was settled a tent with tiger hangings(1) around

In the tent, side by side, Lord Từ and his wife were sitting

The big drum hadn’t finishd its opened rolling

When the list of convicteds was waiting to be called

Từ said: “Now gratitude and revenge it’s up to you to settle.”

“Owing to your highest power”, Kiều said, “may I ask your favor

“To help me paying my debt to my benefactors

“That done, I shall manage to settle my revenge

“Well”, Từ nodded, “you may proceed how to arrange.”

-------------

(1) Hangings adorned with large pictures of tigers

2325 Cho gươm mời đến Thúc lang,

Mặt như chàm đổ, mình dường giẽ giun

Nàng rằng: “Nghĩa trọng nghìn non,

“Tri âm người cũ chàng còn nhớ không?

“Sâm Thương chẳng vẹn chữ tòng,

2330 “Tại ai há dám phụ lòng cố nhân

“Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân,

“Tạ lòng để xứng báo ân gọi là.

“Vợ chàng quỷ quái tinh ma,

“Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.

2335 “Kiến bò miệng chén chưa lâu,

“Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa”

Thúc sinh trông mặt bấy giờ,

Mồ hôi chàng đã như mưa ướt dầm!

A sword man invited Mr. Thúc in as Kiều ordered,

Her face was pale like indigo, his body shivered!

Kiều said: “What I owe you is as heavy as a thousand mountains,

“Don’t you remember me, your old bosom friend?

“But like Sâm and Thương(2) we couldn’t accomplish our union

“Because of someone else, I had to betray my companion.

“Please accept these hundred rolls of brocade and a thousand pounds(3) of silver,

“As a small gift to express my gratitude to you forever.

“As for your wife, a devilish woman, a real demon,

“This time the thief will meet the old woman(4)

“The ant couldn’t go farther on the edge of the bowl,

“For her cruel plot, I shall pay her my noble soul…”

Looking at Thúc’s face at that moment, one would say

He came from a shower as his sweat drenched all over his face!

--------------

(1) Sâm and Thương: Reference to morning star and evening star which can never see each other

(2) Pound: here literally cân, about 600gr (Chinese weigh unit)

(3) Vietnamese saying: An old woman usually gains respect and support from others. If a thief has to face his victim as an old woman, he will be ashamed before everybody and lose his face. Here Kiều played the old woman, Hoạn Thư the thief.

Lòng riêng mừng sợ khôn cầm

2340 Sợ thay mà cũng mừng thầm cho ai

Mụ già, sư trưởng thứ hai

Thoắt đưa đến trước, vội mời lên trên

Dắt tay, mở mặt cho nhìn:

“Hoa nô kia với Trạc Tuyền cũng tôi!

2345 “Nhớ khi lỡ bước sẩy vời

“Non vàng chưa dễ đền bồi tấm thương

“Nghìn vàng gọi chút lễ thường

“Mà lòng Phiếu mẫu mấy vàng cho cân!”

Hai người trông mặt tần ngần

2350 Nửa phần khiếp sợ nửa phần mừng vui

Nàng rằng: “Xin hãy rốn ngồi

“Xem cho rõ mặt biết tôi báo thù!”

He couldn’t repress his gladness and worry,

Worry for his wife’s fate but glad to see Kiều in glory

Next came abbess Giác Duyên and the old house-keeper

As soon as they came Kiều welcomed them to the place of honor

Holding their hands, Kiều unveiled her face and said:

“Do you remember my name? Hoa Nô or Trạc Tuyền, the same house maid.

“I still bear in mind those miserable days of my mishap,

“A mount of gold could not equal your noble hearts – my unpaid debt.

“Please accept this small gift – a thousand taels of gold,

“Though your kind hearted help is worth a thousand fold”

The two old women’s faces looked amazed and hesitating,

They were half frightened, half gladdened before such a great happening!

Kiều said: “Could you please linger for a while to see

“How I settle my revenge upon those evil faces.”

Kiếp truyền chư tướng hiến phù,

Lại đem các tích phạm đồ hậu tra.

2355 Dưới cờ gươm tuốt nắp ra

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư

Thoắt trông nàng đã chào thưa:

“Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây!

“Đàn bà dễ có mấy tay

2360 “Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan!

“Dễ dàng là thói hồng nhan

“Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!”

Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,

Khấu đầu dưới trướng dở điều kêu ca.

2365 Rằng: “Tôi chút phận đàn bà,

“Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.

So saying, she ordered some generals and officers.

To send up all the listed culprits and wrong doers.

Under the flag, all swords were drawn out from their heaths,

They were interrogated and had to admit their evil deeds.

First came a woman named Hoạn Thư, a culprit of great ability

At first glance, Kiều already greeted her with courtesy

“Ah! You are here, too, Madam, to honor our great day?

“Such a woman as you is peerless, I must say!

“In older times, a rare face, nowadays, no equal!

“Rosy-cheeked women are easy to treat, but don’t play them false,

“Those who play unjustly will receive unjust deeds.”

Hoạn Thư got deadly frightened, her soul lose, her heart beat

She prostrated herself on the ground, imploring:

“My heart is just that of a humble woman unthinking

“Jealousy is a common fault of every wife in life

“Nghĩ cho khi gác viết kinh

“Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo

“Lòng riêng riêng cũng kính yêu

2370 “Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai!

“Trót lòng gây việc chông gai,

“Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng?”

Khen cho: “Thật đã nên rằng:

“Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời.

2375 “Tha ra thì cũng may đời,

“Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.

“Đã lòng tri quá thì nên!”

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay

Tạ lòng lạy trước sân mây

“You might recall the Buddha shrine I offered you to write

“The cannon scripts, and your escape without my persuing,

“Honestly I always pay you high respect and nice feeling,

“But to care for a common husband, to share isn’t easy.

“I am so sorry to have caused you so many miseries,

“My only hope now is your wide-sea generosity”

Kiều praise: “You really merit a lady of great ability!

“Your words are so wise that they might please anyone’s ears.

“If I release you, you’ll be the luckiest woman. No more fear,

“But if I inflict punishment, I’ll be a mean woman.

“Since you have shown repentance for your wrong deeds, from this moment,

“Before everybody, I proclaimed you to be released.”

“Hoạn Thư prostrated herself before her old maid, quite at ease.

2380 Cửa viên lại dắt một dây dẫn vào

Nàng rằng: “Lồng lộng trời cao!

“Hại nhân nhân hại sự nào tại ta”

Trước là Bạc Hạnh, Bạc Bà,

Bên là Ưng, Khuyển, bên là Sở Khanh.

2385 Tú Bà với Mã Giám Sinh

Các tên tội ấy đáng tình còn sao?

Lệnh quân truyền xuống nội đao,

Thề sao thì lại cứ sao gia hình

Máu rơi thịt nát tan tành

2390 Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời

Cho hay muôn sự tại trời

Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta

Mấy người bạc ác tinh ma

Mình làm mình chịu kêu mà ai thương?

2395 Ba quân đông mặt pháp trường

Thanh thiên bạch nhật rõ ràng cho coi

From the front gate, a chain of culprits was led in,

Kiều said: “How high and immense the Sky is! Have you seen?

“Those who play harmful games will be repaid the same,

“It’s not my will to decide, let Heaven settle their games.”

First came Bạc Bà and Bạc Hạnh, top of the chain

Next, Khuyển and Ưng, the two servants, then Sở Khanh, the handsome man

Finally Tú Bà and Mã Giám Sinh, experts in women trade

Those sinful people, didn’t they deserve to be repaid?

With swords and knives, a group of executioners was ordered in action,

What they had sworn, now they were given an execution.

Blood and flesh were mashed and sparkled everywhere!

Everyone who witnessed the scene was filled with great fear

Thus everything in life was decided by Heaven’s law

Those who deceived others would be repaid much more.

Traitors and devilish tricksters had to suffer themselves

Of what they had done, no one would have mercy, no one else.

All soldiers and officers were present at the execution place,

In full daylight they could see everything, every face.

(To be continued)

THÙY DƯƠNG

VĂN MIẾU

- Trong khu di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, di sản của thời Lê là Bia Tiến sĩ

- 82 bia đá Tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là “Di sản tư liệu thế giới”

- Tại Macau (TQ), ngày 9-3-2010, UNESCO đã công nhận Bia đá Tiến sĩ là “Di sản tư liệu thế giới”.

Nằm giữa Thủ đô Hà Nội, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là khu di tích lịch sử văn hóa quan trọng bậc nhất của nước ta, biểu tượng của nền văn hiến và trí tuệ Việt. Với bề dày gần 1000 năm, nơi đây đã đào tạo ra hàng ngàn bậc đại khoa và hiền tài cho đất nước. Khu vườn bia Tiến sĩ gồm 82 tấm bia nằm đối xứng ở hai bên giếng Thiên Quang (ánh sáng trời). Bia Tiến sĩ bắt đầu được khởi dựng năm 1484 dưới triều vua Lê Thánh Tông kéo dài đến năm 1779, tổng cộng có tất cả 81 bia Tiến sĩ triều Lê và 1 bia Tiến sĩ triều Mạc. Sang đời Nguyễn (1842-1945), vì kinh đô ở Huế nên bia Tiến sĩ dựng ở Văn Miếu Huế. Hiện nay, Văn Miếu Hà Nội còn nguyên vẹn 82 tấm bia và Huế còn 32 tấm. Theo nghiên cứu của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, đặc điểm giống nhau của hai loại bia đều ghi danh tính, quê quán của từng vị đỗ Tiến sĩ của từng khoa. Chỗ khác nhau là bia Văn Miếu Huế chỉ ghi có quê quán, danh tính các Tiến sĩ, còn bia Văn Miếu Hà Nội thì đa số có thêm một bài ký do chính bậc đại thần, đồng thời là bậc đại Nho đương thời soạn thảo. Tại Văn Miếu Bắc Kinh, trung tâm của Nho giáo, hiện có 198 bia Tiến sĩ, bia đầu tiên lập năm 1313, bia cuối cùng năm 1904. Đa số cũng không có bài ký. Phải chăng, chính nhờ những bài ký mà bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) trở nên độc đáo, hấp dẫn lạ thường.

Bia Tiến sĩ được tạo dựng trong thời gian gần 300 năm (1484-1780), kích thước không đều nhau, cùng đặt trên lưng rùa. Mỗi tấm bia đều có 3 phần:

- Trán bia có hình khung vòm.

- Thân bia hình chữ nhật, đây là phần chính của bia. Phần trên cùng sát với trán bia khắc niên đại tổ chức khoa thi theo lối chữ Triện. Bên dưới là bài ký khắc theo chiều dọc của bia, đọc từ trên xuống dưới, từ phải sang trái có nội dung khá phong phú. Tiếp theo là năm tổ chức khoa thi, tên và chức tước của các vị được vua sai tổ chức kỳ thi với nhiệm vụ cụ thể, số lượng thí sinh, người soạn văn bia, người nhuận sắc (thường là bậc đại thần có cấp bậc cao hơn người soạn) và cả người viết chữ để khắc vào đá cũng có tên trên bia.

- Phần cuối là họ tên, quê quán của các vị đỗ kỳ thi đó theo thứ tự từ cao xuống thấp: Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đến Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân và Đệ tam giáp Tiến sĩ đồng Tiến sĩ xuất thân.

Về bài ký, thì không phải bia nào cũng có, tính ra có tới 10 bia không có. Trên 72 bia còn lại, mỗi bia có một cách diễn đạt riêng, song tất cả đều thể hiện ba nội dung sau:

1. Biểu dương và khẳng định nhiệm vụ của các Nho sĩ hiển đạt: Ngay ở tấm bia được dựng đầu tiên (khoa 1442), mục đích việc dựng bia được nói rõ ràng: “… Cho nên lại ghi tên khắc đá bầy nơi cửa hiền tài, khiến kẻ sĩ trông vào mà sinh lòng hâm mộ phấn chấn, tự rèn luyện lấy danh tiết”.

Ở các bia khác cũng có ý tương tự như vậy. 300 năm sau, ở bia 1739 cũng có ghi ý đó: “Tuy đã nêu tên trên bảng vàng, yết tên ở cửa nhà học, thỏa mãn tai mắt mọi người, song vẫn chưa đủ để lưu truyền hậu thế. Vì thế sai khắc vào bia đá dựng ở nhà Thái học khiến cho khoa danh và tên họ còn tiếng thơm mãi đến muôn đời”.

Như vậy là đã rõ, suốt ba thế kỷ dựng bia là nhằm biểu dương các Nho sĩ hiển đạt và khích lệ việc học hành thi cử. Nhưng văn bia cũng khẳng định nhiệm vụ của các sĩ phu này. Chẳng hạn bia năm 1643 viết rất rõ: “Kẻ sĩ phải cảm phục ơn lớn, mài rũa lòng trung, coi việc giúp ích cho vua là nhiệm vụ…”. Có bia thì nói một cách hoa mỹ hơn: “Lấy việc thi đậu mà tự hẹn, lấy việc giúp nước mà tự gánh, cùng nối gót ra đời làm cho quốc gia mãi mãi thái bình thịnh trị, xã tắc muôn thuở bền vững” (bia 1529).

2. Khẳng định vai trò và giá trị nhân tài: Có lẽ hầu như không tấm bia nào là không nói tới vấn đề này. Ngay tấm bia đầu tiên (khoa 1442) đã nêu vai trò và vị trí kẻ sĩ bằng những luận cứ mà ngày nay đã khá quen thuộc với mọi người: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”.

Tấm bia 1448 cũng nhắc lại ý trên: “Nhân tài đối với quốc gia có quan hệ rất lớn”, nhưng cũng chú trọng thêm ý là: “Phải có đào tạo sau mới có nhân tài”.

Như vậy có thể thấy một quy trình: Thi cử chọn ra hiền tài, nhân tài hiền tài là nguyên khí quốc gia, và nguyên khí bền hay suy ảnh hưởng tới vận mệnh mạnh yếu của quốc gia.

3. Răn dạy kẻ sĩ về trách nhiệm đạo lý: Hãy đọc đoạn văn bia đầu tiên (1442) nói về việc này: “Thử đem tên họ những người đỗ trong một khoa này mà điểm lại, hạng người đã đem văn học chính sự ra mà tô điểm cho cảnh trị bình, hiến mình cho nước nhà trong mấy chục năm nay kể cũng khá nhiều, nhưng cũng có kẻ vì hối lộ mà mắc tiếng xấu, hoặc sa ngã vào lũ gian tham, hạng người này không phải không có. Có lẽ vì đời họ chưa được trông thấy tấm bia này, ví thể được kịp thời trông thấy thì lòng thiện tất phải nẩy nở mà lòng ác phải tắt ngấm…”.

Đa số các bia đã cụ thể vấn đề này, nói thẳng ý đồ khuyến khích điều lành, ngăn ngừa điều ác.

Ngay ở tấm bia đầu tiên (1442) có thấy ghi: “Ghi tên khắc đá bày nơi cửa nhà Thái học khiến kẻ sĩ phu trông vào mà sinh lòng hâm mộ phấn chấn tự rèn luyện lấy danh tiết, gắng sức giúp vua, há chỉ là trong văn suông, ham tiếng hão mà thôi đâu”.

Như vậy là chỉ mới nêu công dụng cổ vũ, khuyến khích. Đến tấm bia năm 1478 đã nêu thêm ý giáo dục, tác dụng giáo dục của các tấm bia: “Nếu kẻ nào nhờ việc thi đỗ để làm cái cầu ấm no…, chỉ mưu cho tham không nghĩ đến nước thì người ta sẽ chỉ tận tên (trên bia) mà nói: Kẻ này gian, kẻ này nịnh, kẻ này đặt việc nhà lên trên việc nước, làm gầy người béo ta, kẻ này làm hại người lành, kết bạn cũng lũ gian tham. Như thế thì bia càng lâu càng bị cao nhọ. Đó là việc lập bia có ý nghĩa sâu xa như thế, có phải chỉ cốt để lại lâu dài cho vẻ vang thôi đâu!”.

Sang thế kỷ 17, bia năm 1664 vẫn viết: “…Thế mới biết tấm bia này dựng lên sẽ là để phân biệt ngọc với đá, để người thiện lấy đó mà tự gắng, kẻ ác thấy đó mà e dè, đâu phải chỉ để nhìn cho đẹp mắt!”.

Sang thế kỷ 18, vẫn luồng tư duy đó: “Cho nên tấm bia này dựng lên không những là sự vẻ vang của khoa cử mà còn là lời răn bảo kẻ sĩ phu, công tại thành là ở đó, mà sự quan hệ tới giáo hóa cũng là ở đó…”.

Như vậy, bia đá còn có tác dụng về mặt đạo lý, răn đe khuyến khích điều thiện, điều lành và ngăn ngừa điều xấu, điều ác.

Bia loại 1 kích thước nhỏ, trung bình cao từ 1,50m đến 1,55m, rộng từ 1m đến 1,10m, dày từ 0,15m đến 0,18m, trán bia hẹp và dẹt. Rùa đế bia sinh động, đầu cao, mõm có dáng mỏ chim, miệng rộng có 2 răng nanh, một số có lông mày và mép có nhiều tua. Thân rùa mang tính tượng trưng, mai nhẵn trơn, sống lưng có gờ nhỏ, đuôi nhỏ vắt ngược. Chân rùa cũng chỉ có dáng tượng trưng, có năm ngón bám vào thân.

Về trang trí ở bia loại 1, những nét chạm khắc giản đơn. Thường là những hình hoa lá, mây lửa và mặt nguyệt. Đặc biệt trán bia ở đây không hề thấy chạm rồng. Hoa lá quanh diềm bia gồm hoa cúc, hoa sen (là đề tài trang trí của nghệ thuật Phật giáo). Cả hình bánh xe luân hồi, đồng tiền, sừng tê là hình tượng Đạo giáo cũng có mặt trên bia loại 1.

Bia loại 2 hiện nay còn 25 tấm, đều được dựng năm 1653. Nhìn chung bia loại 2 cao to, thường cao từ 1,55m tới 1,70m, rộng từ 1m tới 1,25m và dày từ 0,20m tới 0,30m. Trán bia cong vồng lên gần thành hình bán nguyệt. Đề tài trang trí trên trán và diềm bia phong phú và tinh tế.

Trán bia đều chạm 2 rồng chầu mặt nguyệt. Rồng được chạm ở nhiều dạng khác nhau: có loại chỉ là nửa thân rồng hiện lên ở góc bia, có loại hình rồng đầy đủ. Nói chung được chạm tỉ mỉ công phu từ đuôi, vảy, vây, chân, mắt, mũi, râu, bờm với phong cách tả thực. Mây lửa (hình vút nhọn như ngọn lửa) là đặc điểm chung và có mặt trong tất cả mọi tấm bia. Cũng có bia thay rồng bằng đôi chim phượng hoặc đôi long mã. Đề tài hoa lá chiếm tỉ lệ lớn, nhiều hình, nhiều loại, phong cách tả thực: sen, mẫu đơn, cúc, mai, hồng, lựu…

Hình động vật được chạm khắc rất sinh động ở diềm bia. Có chim các loại, thú các giống. Ở đây còn gặp cả hình người: Hai cảnh sinh hoạt của con người được chạm ở diềm bia khoa 1643. Bên trái là cảnh 2 người đội mũ, mặc áo thụng, tay vòng chắp trước ngực. Phía trước là một con trâu, phía sau là một cái cày. Bên phải cũng có 2 người, một người ngồi cao hơn, áo chẽn, tay cầm dao; một người đứng dưới thấp, đội mũ, mặc áo thụng, tay chắp trước ngực. Rùa đế của bia loại 2 được tạc đơn sơ mang cái đẹp của những phác thảo.

Đầu rùa bẹt, sống mũi cao, mắt tròn lồi, cổ rụt, miệng rộng không răng và chỉ là một đường vòng cung đơn giản. Mai rùa trơn, chân rùa cũng chỉ là một khớp đá nhô ra không ngón, không móng, hoàn toàn tượng trưng.

Tất cả những tấm bia loại 2 cũng được khắc trong 1 năm (1653) có thể đại diện cho đặc điểm nghệ thuật điêu khắc đá của thế kỷ 17.

Bia loại 3 gồm 43 tấm, dựng từ năm 1713-1780. Về mặt hình khối, bia loại 3 rất lớn, thường cao từ 1,70m – 1,90m, rộng từ 1,20m – 1,30m, dày từ 0,20m – 0,25m. Tới cuối triều Cảnh Hưng, có bia cao tới 2,14m, rộng 1,37m và dày 0,30m. Về mặt trang trí, bia loại 3 mang nặng tính chất khuôn mẫu.

Trán bia vẫn giữ đề tài 2 rồng chầu mặt nguyệt. Con rồng được cách điệu khá cao, có khi cả thân rồng mang hình dáng của những khối mây, chỉ có đầu rồng là rõ rệt. Diềm bia lấy đề tài hoa lá nhưng được cách điệu hóa tới mức không còn nhận ra được là loại gì.

Rùa của bia loại 3 dễ nhận nhất ở chỗ mai rùa có chạm những hình sáu cạnh bắt chước những hình có thật trên mai rùa. Đầu rùa cũng được bắt chước như rùa thật, mõm nhọn, mắt nhỏ, cổ nhiều ngấn nhăn. Chân rùa tạo đủ 5 ngón, có con chân thò hẳn ra ngoài như ở tư thế khi bò.

Tóm lại 82 tấm bia Tiến sĩ Hà Nội được tạo rải rác trong suốt một thời gian từ 1484-1780 đã phản ánh những giai đoạn phát triển của ngành điêu khắc đá suốt ba thế kỷ của lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Giá trị nghệ thuật của từng tấm bia có cao, có thấp, song toàn bộ hợp thành bộ sưu tập quý giá của kho tàng mỹ thuật Việt Nam (bên cạnh các giá trị về lịch sử, tư tưởng…).

Văn Miếu ở Huế thường được dân chúng địa phương gọi là Văn Thánh.

Ðây là miếu thờ mà triều đình nhà Nguyễn đã lập ra tại Kinh đô Huế để tôn vinh các thánh hiền của đạo Nho, như Khổng tử, Mạnh tử vv... Ngày xưa, ở đó có trường Quốc Tử Giám dùng để đào tạo ra các nhân tài phục vụ cho chế độ. Cũng như ở Hà nội có Văn Miếu và trường Quốc Tử Giám được lập ra từ thời nhà Lý (1070).

Dưới thời các chúa Nguyễn (1558-1775), Văn Miếu của thủ phủ Đàng trong đã được xây dựng và thay đổi vị trí qua 3 địa điểm khác nhau: làng Triều Sơn, làng Lương Quán và làng Long Hồ.

Ðến đầu thời các vua nhà Nguyễn (1802-1945), Văn Miếu của triều đại này mới chính thức được xây dựng tại địa điểm hiện nay.

(Bấy giờ trường Quốc Tử Giám cũng đã được lập ra ở đó và hoạt động mãi cho đến năm 1908 mới dời về trong Thành Nội.)

Vào năm 1808, thấy chỗ đất xây Văn Miếu cũ ở làng Long Hồ không được rộng rãi mỹ quan, Vua Gia Long bàn với các đình thần nên chọn một nơi thích đáng để xây dựng một Văn Miếu mới uy nghi đồ sộ hơn, cho tương xứng với địa vị của đức Khổng Tử và tư tưởng Nho giáo của Ngài mà triều đình Nguyễn sùng thượng đến mức tuyệt đối. Triều đình quyết định chọn chỗ ở một ngọn đồi thấp nằm giữa chùa Thiên Mụ và Văn Miếu cũ, cũng ở sát bờ tả ngạn sông Hương, tức là vị trí hiện tại. Ðất đó thuộc thôn An Bình, một đơn vị hành chánh vừa mới thành lập, nằm trong làng An Ninh.

Công tác kiến trúc bắt đầu từ ngày 17-4-1808 và hoàn tất vào ngày 12 tháng 9 cùng năm. Ðồng thời, nhà vua cũng ra lệnh làm các đồ tự khí mới để thờ, thay thế tất cả đồ thờ cũ. Tượng thánh hiền được thay bằng bài vị cho trang nghiêm.

Bấy giờ sở miếu cũ ở làng Long Hồ được giữ lại để làm Khải Thánh Từ, tức là đền thờ cha mẹ của đức Khổng Tử (nay vẫn còn di tích ở gần chợ Văn Thánh).

Khi làm lễ khánh thành Văn Miếu mới, Vua Gia Long sai một vị quan ở Bộ Lễ tên là Nguyễn Gia Cát sọan một bài văn bia ghi lại lịch sử xây dựng các Văn Miếu ở Huế từ trước đến bấy giờ với những thay đổi kiến trúc cũng như trong nghi thức thờ cúng. Bài văn được khắc vào bia đá dựng tại Văn Miếu, nhưng tấm bia có kích thước tương đối nhỏ ấy đã bị thất lạc cách đây sáu bảy chục năm. Nguyên văn trước đây được tàng trữ tại thư viện trường Quốc Tử Giám trong Thành Nội, nay cũng đã mất. Hiện chỉ có được bản dịch ra Pháp văn đăng trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, năm 1917.

Trong suốt thời Gia Long (1802-1819), triều đình nhà Nguyễn chỉ mở các khoa thi Hương nên chưa dựng tấm bia tiến sĩ nào ở Văn Miếu. Từ thời Minh mạng (1820-1840) trở đi mới mở các khoa thi Hội nên bia tiến sĩ ở đây bắt đầu có. Các “Tiến sĩ đề danh bi” bằng đá lần lượt được dựng lên ở sân Văn Miếu từ năm 1831, đến năm 1919, năm có khoa thi Hội cuối cùng dưới thời Vua Khải Định (1916-1925).

Văn Miếu đã được tu sửa, làm mới một số đồ thờ và xây dựng thêm một số các công trình kiến trúc phụ vào các năm 1818 (thời Gia Long), 1820, 1822, 1829, 1830, 1840 (thời Minh mạng), 1843, 1845 (thời Thiệu Trị), 1848 (thời Tự Đức), 1895, 1903 (thời Thành Thái).

Ðến năm 1947, khi quân Pháp tái chiếm Huế, một bộ phận của lực lượng thực dân đã đến đồn trú tại Văn Thánh và gây thiệt hại cho di tích này. Bấy giờ, các bài vị thờ ở Văn Miếu được đưa về bảo quản ở Chùa Thiên Mụ. Vừa qua, một số bài vị chùa còn giữ được đã chuyển về Bảo tàng Huế.

Trong hơn nửa thế kỷ nay, Văn Thánh chẳng những không được tu sửa mà còn bị thiên nhiên và nhất là con người phá họai mỗi thời mỗi ít, càng lúc càng nặng, ngày nay cơ hồ chỉ còn lại 32 tấm bia tiến sĩ đang mòn dần theo thời gian.

Văn Miếu ở vào vị trí trung tâm của một cụm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nằm dọc theo bờ tả ngạn thượng lưu sông Hương: chùa Thiên Mụ, Võ Miếu, Văn Miếu, Công Thần Miếu, Khải Thánh Từ.

Văn Miếu quay mặt về hướng Nam. Các công trình kiến trúc chính đều xây trên mặt một ngọn đồi được san xẻ cao gần 3m so với mặt đất thường, cho nên nhìn ra chung quanh thấy rất thoáng. Trước mặt là dòng sông trong xanh phẳng lặng, nối tiếp bởi làng mạc và núi đồi lan ra từ rặng Trường Sơn. Cũng từ đó một dãy núi hình vòng cung đâm ra ở phía tây để bọc lấy đằng sau Văn Miếu. Cho nên, trong bài văn bia soạn năm 1808, Nguyễn Gia Cát đã viết rằng: “Ðây là một vị trí rất tốt, vừa dựa lưng vào núi, vừa nằm sát bờ sông rộng, ở trong một cảnh trí đẹp đẽ”.

Nếu Văn Miếu Hà Nội được phân bố trên mặt bằng hình chữ nhật, thì Văn Miếu Huế được xây dựng trên mặt bằng hình vuông, mỗi bề khoảng 160m, chung quanh có la thành cao gần 2m bao bọc. Tính ra đến bến vua ngự ở bờ sông, diện tích đất Văn Miếu chiếm trên 3 ha, bao gồm hơn 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có 32 tấm bia tiến sĩ và 4 bia đá khác. Trong thịnh thời của nó, tại đây có gần 20 công trình kiến trúc lớn: Văn Miếu (điện thờ chính, thờ đức Khổng Tử, Tứ phối và Thập nhị triết), hai nhà Ðông vu và Tây vu (thờ Thất thập nhị hiền và các Tiên nho), Thần trù (nhà bếp), Thần khố (nhà kho), Hữu Văn Đường, Duy Lễ Đường, nhà Thổ Công, Ðại Thành Môn, Văn Miếu Môn, Kim Thanh Môn, Ngọc Chấn Môn, Chấn Đức Môn; Quan Đức Môn, Linh Tinh Môn, thành trong, thành ngoài (la thành), bến vua ngự.

Các tòa nhà ở Văn Miếu đều làm bằng gỗ lim và các vật liệu đắt giá khác. Bố cục kiến trúc, trang hoàng và trang trí nội ngoại thất tại đây đều mang nặng tính đăng đối cổ điển của đạo Nho, nhưng rất uy nghi, văn vẻ, phù hợp với ý nghĩa của công trình xây dựng.

Ngày nay, những di tích có giá trị cao nhất về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử còn lại ở đây là 34 tấm bia đá.

Về hai tấm bia trong hai bi đình trên sân Văn Miếu, thì chỉ cần biết qua nội dung đại lược như sau: Bia bên trái khắc bài dụ của Vua Minh Mạng đề ngày 17-3-1836 nói rằng các thái giám trong nội cung không được liệt vào hạng người có thể tiến thân. Tấm bia bên phải khắc bài dụ của Vua Thiệu Trị đề ngày 2-12-1844 nói rằng bà con bên ngọai của vua không được nắm chính quyền.

Về 32 tấm bia tiến sĩ dựng thành hai dãy ở hai bên sân đối diện nhau, cần nói qua đôi điều về hình thức và nội dung để thấy giá trị đặc biệt của chúng.

Xét về mặt hình thức, tất cả 32 tấm đều có rùa đội bia và làm bằng đá thanh hoặc đá cẩm thạch. Về kích thước, tấm cao nhất đo được 1,15m, và rộng nhất là 0,85m. Riêng rùa đá, con lớn nhất dài 1,35m, rộng 0,77m, cao 0,60m. Bia ở đây không cao lớn bằng bia tiến sĩ ở Hà Nội, nhưng trông đều đặn hơn.

Về dạng thức, trong khi bia ở Văn Miếu Hà Nội đều có đầu tròn và chuốt thẳng từ trên xuống lưng con rùa đá, thì bia Văn Miếu Huế có nét tạo hình giàu tính nghệ thuật hơn: bên trên có trán bia mở rộng, thân bia có tai ở hai bên, tai trên nối liền với trán và tai dưới tiếp cận với lưng rùa. Bia thuộc dạng này mãi tới thời Lê trung hưng ở miền Bắc vẫn chưa có. Dạng bia ấy xuất hiện sớm nhất ở Huế là tấm bia thời chúa Nguyễn Phúc Chu dựng năm 1715 tại chùa Thiên Mụ. Ðến thế kỷ XIX, Dạng bia đó trở thành phổ biến tại Kinh đô nhà Nguyễn, rồi sau đó tỏa ra một số địa phương khác trong nước. Đây là một trong những nét đặc trưng của nền nghệ thuật Nguyễn ở Huế, khác với mỹ thuật Lý, Trần, Lê ở Thăng Long.

Mặt khác, chính trên 32 tấm bia này, ngày nay chúng ta còn đọc được tên họ, tuổi tác và quê quán của 293 vị tiến sĩ đậu chánh bảng đã từng đóng góp trí tuệ và công sức để làm nên lịch sử văn hóa Việt Nam một thời, như Phan Thanh Giản, Phan Ðình Phùng, Tống Duy Tân, Nguyễn Xuân Ôn, Ðinh Văn Chất, Phạm Văn Nghị, Dương Khuê, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Ðào Nguyên Phổ, Ngô Ðức Kế, Huỳnh Thúc Kháng...

Cũng như bia tiến sĩ ở Hà Nội, 32 tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu Huế là những “tư liệu đá” có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. “Không thể không tìm đến những tư liệu gốc trên đá này, nếu muốn tìm hiểu nghệ thuật chạm khắc, nghệ thuật viết chữ và lịch sử khoa cử” trong gần một thế kỷ dưới triều Nguyễn.

Trải qua cả ngàn năm lịch sử, ông cha ta vốn có truyền thống khuyến khích người hiếu học, ưa chuộng kẻ văn tài, coi trọng chất xám rất cần cho tổ quốc. 82 tấm bia tiến sĩ ở Hà Nội và 32 tấm bia tiến sĩ ở Huế là những chứng tích hùng hồn nhất, những tư liệu cụ thể nhất về truyền thống văn hóa tốt đẹp đó.

(DDTG)

Bùi Đẹp

Hãy yêu khi còn có thể

Ngày đẹp trời, một cặp vợ chồng khoảng 70 tuổi đến văn phòng luật sư. Họ muốn làm thủ tục ly hôn.

Lúc đầu vị luật sư vô cùng ngạc nhiên, nhưng sau khi nói chuyện với đôi vợ chồng già, ông đã hiểu ra câu chuyện…

Hơn 40 năm chung sống, cặp vợ chồng này luôn cãi nhau suốt cuộc hôn nhân của họ và dường như chẳng bao giờ đi đến quyết định đúng đắn.

Họ chịu đựng được như vậy đến tận bây giờ là vì những đứa con. Giờ con cái đã lớn, đã có gia đình riêng của chúng, đôi vợ chồng già không còn phải lo lắng điều gì. Họ muốn được tự do sau những năm tháng không hạnh phúc. Cả hai vợ chồng đều đồng ý ly hôn.

Hoàn tất thủ tục ly hôn cho cặp vợ chồng này, với vị luật sư, là điều không hề dễ. Ông thực sự không hiểu vì sao, sau 40 năm chung sống, đến tuổi 70, đôi vợ chồng ấy vẫn muốn ly hôn.

Vừa ký các giấy tờ, người vợ già vừa nói với chồng: “Tôi thực sự yêu ông, nhưng tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi xin lỗi”.

“Không sao mà, tôi hiểu…” - Ông chồng già đáp lời.

Nhìn cảnh này, ông luật sư đề nghị được mời hai vợ chồng ăn tối. Người vợ nghĩ: “Sao lại không? Dù ly hôn vẫn sẽ là bạn cơ mà”.

Bên bàn ăn, một không khí im lặng đến khó xử.

Món ăn mang ra đầu tiên là gà quay. Ngay lập tức người chồng gắp một miếng đùi gà cho vợ: “Bà ăn đi, đó là món bà thích mà”.

Nhìn cảnh này, vị luật sư nghĩ “vẫn còn cơ hội cho họ”. Nhưng người vợ đã cau mày đáp lại: “Vấn đề ở đấy đấy. Ông luôn đề cao mình quá và không bao giờ hiểu cảm giác của tôi. Ông không biết tôi ghét đùi gà thế nào à?”.

Nhưng người vợ không biết, bao nhiêu năm qua, người chồng luôn cố gắng để làm hài lòng bà. Bà không biết, đùi gà là món yêu thích của ông, cũng như ông không biết, bà chưa bao giờ nghĩ rằng ông hiểu bà. Ông không biết bà ghét đùi gà, mặc dù ông chỉ muốn dành những miếng ngon nhất, những điều tốt nhất cho bà thôi.
Đêm đó cả hai vợ chồng già đều không ngủ được. Sau nhiều giờ trằn trọc, người chồng không thể chịu đựng được nữa, ông biết rằng ông vẫn còn yêu bà và không thể sống thiếu bà. Ông muốn bà quay trở lại. Ông muốn nói lời xin lỗi, muốn nói “tôi yêu bà”.

Ông nhấc điện thoại lên và bắt đầu bấm số của bà. Tiếng chuông không ngừng reo, ông càng không ngừng bấm máy.

Đầu bên kia, bà vợ cũng rất buồn. Bà không hiểu điều gì đã xảy ra sau tất cả những năm tháng sống cùng nhau đó. Ông ấy vẫn không hiểu bà. Bà vẫn rất yêu ông nhưng bà không thể chịu đựng cuộc sống như vậy nữa.

Mặc cho chuông điện thoại reo liên hồi, bà không trả lời dẫu biết rằng đó chính là ông. Bà nghĩ “Nói làm gì nữa khi mọi chuyện đã hết rồi. Mình đòi ly hôn mà, giờ đâm lao phải theo lao, nếu không mất mặt lắm”. Chuông điện thoại vẫn cứ reo và bà quyết định dứt dây nối ra khỏi điện thoại.

Bà đã không nhớ rằng ông bị đau tim…

Ngày hôm sau, bà nhận được tin ông mất. Như một người mất trí, bà lao thẳng đến căn hộ của ông, nhìn thấy thân thể ông trên chiếc đi văng, tay vẫn giữ chặt điện thoại. Ông bị đứng tim trong khi đang cố gắng gọi cho bà.

Bà đau đớn vô cùng. Một cảm giác mất mát quá lớn bao trùm lên tâm trí.

Bà phải làm rõ tất cả tài sản của ông. Khi bà nhìn vào ngăn kéo, bà thấy một hợp đồng bảo hiểm, được lập từ ngày họ cưới nhau, là của ông làm cho bà.

Kẹp vào trong đó, bà thấy có một mẩu giấy ghi rằng: “Gửi người vợ thân yêu nhất của tôi. Vào lúc bà đọc tờ giấy này, tôi chắc chắn không còn trên cõi đời này nữa. Tôi đã mua bảo hiểm cho bà. Chỉ có 100 đô thôi, nhưng tôi hy vọng nó có thể giúp tôi tiếp tục thực hiện lời hứa của mình khi chúng ta lấy nhau. Tôi đã không thể ở cạnh bà nữa. Tôi muốn số tiền này tiếp tục chăm sóc bà. Đó là cách mà tôi sẽ làm nếu như tôi còn sống. Tôi muốn bà hiểu rằng tôi sẽ luôn luôn ở bên cạnh bà. Yêu bà thật nhiều”.

Nước mắt bà tuôn chảy. Bà cảm thấy yêu ông hơn bao giờ hết.. Bà muốn nói lời xin lỗi, muốn nói “tôi yêu ông”. Nhưng ông đã không thể nghe được nữa..

Khi bạn yêu một ai đó, hãy cho họ biết, vì bạn không lường trước được ngày mai sẽ ra sao. Hãy học cách xây đắp hôn nhân hạnh phúc. Hãy học cách yêu nhau nhiều hơn, vì người bạn yêu thương chứ không vì bất kỳ điều gì khác.

Có bao giờ bạn bỗng giật mình khi nghĩ đến những gì mình đã lỡ bỏ qua ???

Hoàng Chúc st

Những ý nguyện cuối cùng
của Alexander Đại Đế

Lúc cuối đời Alexander Đại Đế cho triệu tập các quan trong triều đình đến để truyền đạt ba ý nguyện cuối cùng của mình. Ngài phán rằng:

1 - Quan tài của ngài phải được khiêng đi bởi chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất của thời đó.

2 - Tất cả các báu vật của ngài (vàng, bạc, châu báu...) phải được rải dọc theo con đường dẫn đến ngôi mộ của ngài...

3 - Đôi bàn tay của ngài phải được để lắc lư, đong đưa trên không, thò ra khỏi quan tài để cho mọi người đều thấy.

Một vị cận thần của ngài, rất đỗi ngạc nhiên về những điều yêu cầu kỳ lạ này, và đã hỏi ngài Alexander lý do tại sao ngài lại muốn như thế.

Ngài Alexander đã giải thích như sau:

1 - Ta muốn chính các vị ngự y (bác sĩ) giỏi nhất phải khiêng quan tài của ta để cho mọi người thấy rằng một khi phải đối mặt với cái chết, thì chính họ (là những người tài giỏi nhất) cũng không có tài nào để cứu chữa.

2 - Ta muốn châu báu của ta được vung vãi trên mặt đất để cho mọi người thấy rằng của cải, tài sản mà ta gom góp được ở trên thế gian này, sẽ mãi mãi ở lại trên thế gian này (một khi ta nhắm mắt xuôi tay từ giã cỏi đời).

3 - Ta muốn bàn tay của ta đong đưa trên không, để cho mọi người thấy rằng chúng ta đến với thế giới này với hai bàn tay trắng và khi rời khỏi thế giới này chúng ta cũng chỉ có hai bàn tay trắng. Đến cuối cuộc đời, chúng ta sẽ nghiệm ra rằng, kho tàng quý giá nhất trên cuộc đời này là: thời gian.

MĐ st

KỶ LỤC TÁC PHẨM

TÁC PHẨM HOÀN THIỆN NHẤT CỦA MỌI THỜI

Kỷ lục này thuộc về bộ Bách khoa toàn thư Iunle Dadian của Trung Quốc: chứa đựng 22.973 đề mục viết tay (700 mục còn giữ được cho đến nay), bao gồm… 11.095 tập. Để hoàn thiện bộ sách khổng lồ này, hơn hai ngàn nhà khoa học Trung Hoa cổ đã làm việc ròng rã trong suốt sáu năm trời (từ năm 1403-1408).

CUỐN SÁCH NHỎ NHẤT

Đó là một đầu sách thiếu nhi, có tựa đề Ông vua già nua, ra mắt độc giả lần đầu vào năm 1985 ở Pasly (Scotland), với kích thước chiều rộng cũng như chiều dài đều bằng đúng một milimet. Nhà xuất bản khuyến cáo độc giả nên dùng đầu kim khâu để lật giở các trang trong cuốn sách siêu mini này.

CUỐN TIỂU THUYẾT DÀI NHẤT

Kỷ lục thuộc về thiên tiểu thuyết Những người thiện chí của Jiul Ronen, bao gồm 27 tập, được viết trong 13 năm ròng (từ 1930-1944) và phải mất đứt 14 năm mới in xong.

TẬP THƯ DÀY NHẤT

Là của ông Yuichi Noda, cựu Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản. Những cuộc công cán triền miên ra nước ngoài của Noda bắt đầu từ năm 1961 và cứ mỗi lần xa nhà, ông đều ghi thư đều đặn cho bà vợ Misu. Tới năm 1985, khi bà Misu mất, số thư tổng cộng lên đến 1.307 lá, được đóng trong 25 tập với tổng số 12.404 trang.

BỨC THƯ NGẮN NHẤT

Đến nay vẫn chưa ai phá được kỷ lục này của đại văn hào người Pháp Victor Hugo cùng nhà xuất bản Herst & Blacet. Tuy đang đi nghỉ, nhưng Hugo nóng lòng muốn biết kết quả việc bán cuốn tiểu thuyết “Những người khốn khổ”, ông liền cầm bút ghi: “?”. Nhà xuất bản trả lời: “!”.

CUỐN NHẬT KÝ DÀI NHẤT

Tác giả là đại tá Ernest Loftes, người Zimbabwe ở Châu Phi. Ông bắt đầu ghi nhật ký vào năm 1896 khi mới 12 tuổi và viết đều đặn hàng ngày cho tới khi mất trong năm 1987, thọ 103 tuổi.

THIÊN TRƯỜNG CA DÀI NHẤT

Đó là Thiên trường ca dân gian Manas của Kirgyzstan (một nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô trước đây). Được in lần đầu năm 1958 gồm hơn nửa triệu câu thơ.

CUỐN SÁCH ĐƯỢC IN BÁN NHIỀU NHẤT

Đó là cuốn Thánh Kinh với số lượng 36 tỷ bản và cũng là ấn phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất – hơn 2 ngàn thứ tiếng, trong đó ¼ là các ngôn ngữ thuộc “Lục địa Đen” châu Phi. Tác giả của cuốn sách kỷ lục này vẫn còn nằm trong vòng tranh cãi. “Chỉ có Chúa mới biết nổi rằng ai đã viết ra Thánh Kinh”, nhưng số nhà xuất bản trên khắp thế giới từng in Thánh Kinh thì liệt kê không xuể.

Xếp thứ nhì là Tuyển tập – Trước tác của Mao Trạch Đông: 800 triệu cuốn. Được bán hay phát không? Thậm chí sách kỷ lục Guiness cũng chẳng xác định nổi. Đứng thứ ba là cuốn Sự thật dẫn đến cuộc sống vĩnh hằng do Nhà xuất bản Watchtower Bible & Tract ở New York phát hành: từ năm 1968 đến 1991, trong vòng 23 năm nhà xuất bản này đã in 107.073.279 bản. Bản thân Guiness cũng là một ấn phẩm được xếp thứ tư, với hơn 100 triệu bản đã được bán ra và luôn được coi là cuốn best-seller (bán chạy nhất) của mọi thời.

ẤN BẢN ĐẮT GIÁ NHẤT

Kỷ lục không thể vượt qua nổi thuộc một ấn bản dày 226 trang của Hanric Lev – Công tước xứ Sacxoni, được bán đấu giá ở London (Anh) đầu năm 1983 với 8,14 triệu bảng Anh.

CUỐN SÁCH ĐƯỢC IN MÁY ĐẦU TIÊN

Đó không phải là cuốn Thánh Kinh do Gutenberg in năm 1454 ở Đức như xưa nay người ta vẫn tưởng, mà là cuốn sách chỉ có 28 trang in những bài thơ từ đời Tần, hiện được bảo quản tại thư viện Trường Đại học Tổng hợp Yonsei ở Hàn Quốc. Cuốn sách này được in năm 1160 bằng chữ in kim loại. Còn theo những nghiên cứu mới nhất, xếp thứ hai là một ấn bản ngữ pháp La-tinh của Donatus, được in vào năm 1450.

NHÀ VĂN ĐƯỢC TRẢ THÙ LAO CAO NHẤT

Kỷ lục thuộc về văn sĩ Stephen King, chuyên viết về thể loại tiểu thuyết kinh dị. Năm 1989 cây bút này được ứng trước 26 triệu bảng Anh cho 4 đầu sách sắp viết. Tuy người ta có nói đến cuốn “Thiếu tình thương” của tác giả Tom Clansy, rằng dạo tháng 8-1992 Nhà xuất bản Mỹ Berkely Petnam đồng ý trả 14 triệu USD để được quyền phổ biến cuốn sách này trên thị trường Hoa Kỳ. Điều đó có nghĩa là số tiền đặt cọc cao nhất cho một ấn phẩm từ trước tới nay. Nhưng đồng thời S. King cũng không chịu “ngồi yên”: ông còn kiếm thêm gấp bội nhờ các tác quyền chuyển thể sang kịch bản điện ảnh và phim truyền hình cho những sáng tác của mình.

NHÀ XUẤT BẢN LỚN NHẤT

Đứng đầu là Nhà xuất bản Time Warner ở New York (Mỹ), với 9.600 nhân viên cùng doanh số độ 3 tỷ USD về sách báo và tạp chí. Nhưng Nhà xuất bản Progres của Moscow (Nga) vẫn dẫn đầu về số đầu sách phát hành, kể từ khi thành lập vào năm 1931 đến 1989, Progres đã đạt tới đỉnh cao qua việc in ra 750 đầu sách, với mỗi đầu sách đều được in bằng 50 thứ tiếng khác nhau.

THƯ VIỆN LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Kỷ lục là Thư viện Quốc hội Mỹ tại Washington, bao gồm 88 triệu ấn bản, tàng thư, đầu sách (trong đó có 26 triệu ấn bản in), với 856 cây số ngăn kệ và trải trên một diện tích rộng 26 hécta.

NƠI CÓ MẬT ĐỘ CÁC HIỆU SÁCH DÀY ĐẶC NHẤT

Đó là Reodio, một ngôi làng hẻo lánh trong vùng Ardeni thuộc Vương quốc Bỉ, với 24 hiệu sách trên tổng số 300 người dân.

KỶ LỤC VỀ SÁCH TIỂU SỬ

Đứng đầu là George Simenon với 22 cuốn sách tiểu sử tự thuật về cuộc đời mình. Nhưng kỷ lục về tiểu sử dài nhất lại thuộc về cố Thủ tướng Anh Winston Churchil do A. Randolf ghi: trải dài hết… 23.932 trang.

ĐẤT NƯỚC CÓ NHIỀU VĂN SĨ ĐOẠT GIẢI NOBEL VĂN HỌC NHẤT

Dẫn đầu là nước Pháp với 13 giải Nobel văn chương; kế đến là Hoa Kỳ với 9 văn sĩ được giải; tiếp nối là nước Anh, Thụy Điển, nước Đức…

NHÀ VĂN CÓ SÁCH ĐƯỢC DỊCH NHIỀU NHẤT

Đúng ra là một nữ văn sĩ, bà Agatha Christie người Anh, từng được tôn là “Nữ hoàng của truyện trinh thám”. Một ví dụ đặc trưng: trong Niên giám thống kê của năm 2007 thuộc cơ quan UNESCO, cho thấy chỉ riêng năm 2006 đã có 279 dịch giả của 24 quốc gia đã dịch các tác phẩm của bà.

TÁC GIẢ ĐƯỢC ĐĂNG VÀ TRÍCH DẪN NHIỀU NHẤT

Đó là tác giả Augustin, người từng được phong tước hiệu Thánh của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã. Các lời văn của ông ngày nào cũng được rao giảng hay đăng tải trên các phương tiện truyền giáo đại chúng.

VĂN SĨ VIẾT NHIỀU NHẤT

Đó không phải là nhà hài kịch Lope de Vega, người Tây Ban Nha (1562-1635) với 2.200 vở kịch và truyện văn; mà là Frank Richards, “cha đẻ” của Billy Bunter – một nhân vật “người hùng” thiếu nhi. Toàn bộ sáng tác của ông bao gồm từ 72 đến 75 triệu âm tiết, với sức viết trung bình 80 ngàn từ/tuần.

CUỐN TIỂU THUYẾT ĐƯỢC BÁN NHIỀU NHẤT

Lại một nữ văn sĩ: bà Jacqueline Susann người Mỹ (1921-1974) với Thung lũng búp bê pha tạp giữa bạo lực, thuốc phiện và sex, được in lần đầu năm 1966 và đã bán được cả thảy 28.712.000 bản, vượt cả “Cuốn theo chiều gió”của Margaret Mitchel (khoảng 28 triệu bản).

TÁC GIẢ VIẾT NHIỀU SÁCH BỎ TÚI NHẤT

Không phải là Epicur gạo cội, mà là Hose Carlos Reoci Inove, một nhà văn Brazil gốc lai giữa Nhật và Bồ Đào Nha. Ông viết tới tập thứ 1.100 của cuốn Pablo Escobar đâu rồi? Trước đó ông là tác giả của 665 truyện ngắn, 112 truyện phản gián, 73 truyện về đề tài quân sự, 70 truyện hình sự, 63 tiểu thuyết tình cảm và 21 cuốn sách khoa học viễn tưởng… Văn sĩ này “thống trị” tới 90% thị trường sách bỏ túi của Brazil – quốc gia lớn nhất châu Nam Mỹ. Nhưng Inove vẫn nghèo. Lý do: số lượng phát hành rất ít ỏi cùng với bản quyền tác giả quá khiêm nhường.

NHÀ VĂN VIẾT NHANH NHẤT

Kỷ lục này thuộc về một văn sĩ người Mỹ: Erle Stanley Gardner (1889-1970), “Vị chuyên gia về các tiểu thuyết hình sự” – như giới đồng nghiệp từng phong tặng. Gardner có khả năng viết tới 7 cuốn tiểu thuyết cùng một lúc với trung bình 10 ngàn âm tiết/ngày.

TÁC GIẢ CÓ SÁCH ĐƯỢC DỰNG PHIM NHIỀU NHẤT

“Kỷ lục của mọi thời” vẫn thuộc về Đại văn hào bất hủ người Anh William Shakespeare. Đã có hơn 300 bộ phim dựng theo các tác phẩm của ông, chưa kể nhiều cuốn phim cải biên khác.

NHÂN VẬT TIỂU THUYẾT ĐƯỢC ĐƯA LÊN MÀN BẠC NHIỀU NHẤT

Nhà vô địch tuyệt đối là Sherlock Holmes. Trong 4 thập niên (từ 1960-2000), hình ảnh nhân vật thám tử nổi tiếng này do văn sĩ người Anh Conan Doyle hư cấu đã 217 lần lên phim, do 77 diễn viên khác nhau thủ vai. (Theo báo Văn nghệ 2010)

Bản thảo viết tay giá 9,5 triệu USD

Chính quyền Pháp đã mua bản thảo viết tay hồi ký Chuyện đời tôi của Giacamo Casanova (nhà văn Ý) với giá 9,5 triệu USD - lập kỷ lục mới về “bản thảo viết tay đắt nhất”. Bản thảo này có niên đại thời cách mạng Pháp, mô tả đời sống của một người thường lui tới các cung điện châu Âu thời đại ánh sáng. Sách được viết bằng tiếng Pháp và dày 3.700 trang.

Trang đầu bản thảo Chuyện đời tôi - Ảnh: Le Point

Dòng họ Brockhaus, một dòng họ xuất bản nổi tiếng ở Đức, đã sở hữu bản thảo này năm 1820 và được Frederic Arnold- Brockhaus giấu trong thời Thế chiến II, sau đó được một xe tải quân sự Mỹ chở ra khỏi thành phố Leipzig năm 1945. Cuối cùng sách này được công bố năm 1960. Các tác phẩm của Casanova từng bị giáo hội Công giáo cấm, bởi cuộc đời của ông là một chuỗi chuyện tình này tới chuyện tình khác.

Một người Pháp giấu tên đã tài trợ cho Thư viện Quốc gia Pháp mua lại bản thảo này sau hai năm tìm kiếm. Việc thương thảo về điều kiện mua bán cũng kéo dài hai năm rưỡi.

Bruno Racine, viện trưởng Thư viện Quốc gia, nói bản thảo này là một trong những bản văn “huyền bí” vừa được biết đến nhiều nhất vừa ít được biết đến nhất trong lịch sử văn chương. Nhưng tài năng đích thực của Casanova là đã vượt lên trên việc gây cười đơn giản để có những quan sát tinh tế về đời sống xã hội của thế kỷ 18.

Kỷ lục thế giới Guinness trước đây về bản thảo đắt nhất thuộc về Manifesto of surrealism của Andre Breton năm 2008 với giá 4,8 triệu USD, kể cả các chi phí thủ tục và hoa hồng.

QUANG HƯƠNG (Theo Le Point)

Kệ sách ngoài trời dài nhất

Để đánh dấu sinh nhật lần thứ 30 của kệ sách Billy, hệ thống bán lẻ Ikea của Thụy Điển đã tạo ra một thư viện ngoài trời gồm 30 kệ sách Billy đỏ, trên bờ biển Bondi nổi tiếng ở Sydney, Úc - lập kỷ lục thế giới “kệ sách ngoài trời dài nhất”.

Ikea đã xếp đầy các kệ này bằng những sách dành cho những người lướt ván, bơi lội, tắm nắng, với tiền lời được góp vào quỹ từ thiện của Hội Đọc & đếm của Úc.

Billy là kệ sách bán chạy nhất trong lịch sử với hơn 40 triệu cuốn đã được bán ra và 3 triệu cuốn/năm đang được bán.

Q.HƯƠNG (Theo The Age)

Bùi Đẹp (st)

Một bài thuốc dân gian
chữa đau họng rất hiệu quả !

Đơn giản bài thuốc dân gian này trị khỏi chứng đau họng 100% cho bất cứ ai đã thử áp dụng. Thay vì phải khổ sở chịu đau trong một tuần hay lâu hơn nữa, bạn thử ngay thì cuối ngày đã hết đau – không sang tới ngày hôm sau. Tuy nhiên , đây chỉ là “chữa mẹo” dân gian thôi, chỉ là kinh nghiệm người nọ chuyền cho người kia thực sự có tác dụng thôi (a shared experience that really works!) không phải là một lời khuyên từ ngành y (not medical advice);

Các thuốc trị đau họng thường gặp nhất là lọai người ta có thể mua không cần toa (usually over-the-counter) như thuốc xịt (sprays), kẹo ngậm thơm nhưng không mấy hiệu quả. Nếu là thuốc bác sĩ kê toa thì phải mất thời gian đi khám, bác sĩ thường kê toa kháng sinh mua tốn kém và còn có thể có tác dụng phụ - hết đau họng song bị rối loạn tiêu hóa chẳng hạn.

Trong đa số trường hợp, người ta do dự, không biết mình có thực sự đau họng không – chưa quyết định làm gì vội, và thường là... đợi cho đến khi nói, nuốt hay ăn uống khó khăn mới tìm cách đối phó.

Thuốc dân gian ở đây chỉ là muối, nhưng không phải là nước muối để xúc miệng hay “khò khò” (not just about gargling salt water), mà ở đây thực sự là sử dụng muối ăn thông thường (using common table salt) cứ để y nguyên mà dùng (as it is)

Việc phải làm rất đơn giản: ngửa đầu, há miệng và rắc một chút muối hạt trực tiếp lên phía sau cuống họng (cuống lưỡi) chứ đừng rắc lên phần giữa hay đầu lưỡi (shake a little bit of salt straight into the back of your throat. Make sure you shake it straight into your throat, onto the base of your tongue and not over the middle or the tip your tongue (làm như vậy mới không phải chịu đựng vị mặn tới mức khó chịu). Sau đó cứ để cho muối hòa tan tự nhiên vào nước miếng ở đó, càng lâu càng tốt – cố gắng đừng nuốt vội. Nếu bạn sử dụng lọ muối để rắc (salt shaker), thì có thể rắc từ 2 đến 6 lần tùy theo mức độ đau họng đau ít. Nếu bạn sử dụng gói muối để rắc đi kèm với khay bữa ăn dọn trên xe hay máy bay bạn có thể rắc khỏang 1/4 gói nhỏ trực tiếp lên cuống họng (directly into your throat).

Một điều rất khuyến khích bạn nên làm nữa là ngay trước khi đi ngủ, bạn hãy rắc một lượng muối lớn hơn nữa trực tiếp lên cuống họng. Trong thời gian giấc ngủ ban đêm, không có thức ăn đồ uống nào đi qua cuống họng, các vi khuẩn thường có thời gian ủ bệnh và phát triển không ngưng nghỉ (bacteria thrive without any interruption to incubation and growth). Bởi thế, sử dụng muối trị đau họng trong giấc ngủ ban đêm có thể hết sức hiệu quả. Hãy đặt một lọ rắc muối ngay bàn đầu giuờng bạn. Lỡ nửa đêm bạn có thức dậy cảm thấy đau họng, bạn có thể có sẵn ngay lọ muối để rắc vào cuống họng.

Muối là một bài thuốc dân gian được lưu truyền từ lâu đời để diệt khuẩn. Ngày xưa ta chẳng có câu “cá không có muối cá ươn” là gì? Muối chẳng vẫn thường dùng để bảo quản thịt hay cá khỏi bị hư thối đó sao? Tại sao? Vì muối hút nước và tấn công màng tế bào các vi khuẩn khiến cho vi khuẩn bị rút kiệt nước – khô héo đi mà chết trong quá trình tiếp xúc với muối.

Nếu chứng đau họng của bạn thực sự nghiêm trọng, bạn có thể cứ nửa giờ lại rắc muối vào họng. Ngay từ khi mới chớm thấy đau họng bạn có thể rắc muối ngay, rắc càng sớm thì càng chóng thóat khỏi chứng đau khó chịu này.

Muối thì đâu mà chẳng có. Đừng chần chờ suy nghĩ xem chứng đau họng có nghiêm trọng mới lo. Cảm nhận được những dấu hiệu đầu tiên là bạn rắc muối ngay. Súc miệng, súc họng “khò khò” bằng nước muối không có hiệu quả bằng rắc muối thẳng vào họng vì như vậy nồng độ muối mới đủ cao để giải quyết vấn đề. Với lại súc miệng bằng nước muối thì lích kích hơn nhiều: phải có ly, có nước sạch, mất thời gian đợi muối hòa tan trong nước vv... bắt bạn phải đợi lâu hơn mới hết đau họng!

Tuy nhiên, không phải chứng đau họng nào cũng là do nhiễm vi khuẩn. Đôi khi nguyên nhân gây đau họng là một siêu vi virus, như siêu vi cúm (influenza virus) chẳng hạn. Nhiêu khi chứng đau họng của bạn khởi đầu là do nhiễm siêu vi song chuyển biến thành nhiễm vi khuẩn.

Lưu ý : Muối chỉ nhằm diệt vi khuẩn, chứ có tác dụng đối với siêu vi. Thế cho nên muối có thể hoàn toàn không có tác dụng nếu họng bạn bị nhiễm siêu vi. Tuy nhiên, thực sự bạn chẳng mất mát gì khi sử dụng muối khi đau họng vì kinh nghiệm từ lâu đời đã cho thấy là muối rất có hiệu quả trong đa số các trường hợp đau họng.

Thêm một lý do nữa để chặn đứng đau họng bằng muối: Giai đọan đầu của bệnh cảm thông thường cũng là bị đau họng (the first stage of a common cold) tiếp sau đó là hay bị nghẹt mũi, hắt hơi, sổ mũi và ho. Nếu chặn được ngay từ đầu chứng đau họng, bạn sẽ đỡ làm hao mòn tổn thương hệ miễn dịch cơ thể và... tránh được các triệu chứng kế tiếp này rút ngắn hẳn thời gian bị cảm – dù là thông thường cũng khó chịu mất vài ngày.

TPHCM, Ngày 28 tháng 3, 2010

Bs. Nguyễn Lân Đính truy cập từ Internet và dịch

VUI CƯỜI


Một cô tóc vàng hoe nghi ngờ đang bị người yêu lừa dối.

Cô mua một khẩu súng lục và đi thẳng đến nhà anh chàng.

Ðúng như dự đoán, cô thấy anh ta đang ở trong vòng tay của một cô nàng tóc đỏ.

Đùng đùng nổi giận cô rút súng ra. Nỗi đau đớn ùa tới khiến cô chĩa súng vào đầu mình.

Người bạn trai hét lên:

- Ðừng, em đừng làm như vậy.

- Câm đi. Anh sẽ là người kế tiếp đấy.

Cố vấn về tình yêu hỏi cậu khách hàng trẻ tuổi:

- Thế nào, lời khuyên của tôi về chuyện hôn bạn gái vào lúc cô ta không ngờ nhất có giúp ích gì cho cậu không?

- Tôi bị đánh túi bụi vào đầu chứ ích gì đâu.

- Ô hay! Cậu rúc vào đâu mà bị đánh trên đầu?

- Thế không phải ông bảo tôi là hôn vào chỗ cô ta không ngờ nhất hay sao?

Thầy thuốc khám bệnh cho một người đàn ông, và liên tục lắc đầu.

Sau rốt, ông đặt ống nghe xuống, gọi cô vợ anh ta ra ngoài hành lang, nói nhỏ:

- Tôi chẳng thích bất cứ điểm gì ở ông nhà cả...

- Thì ngay tôi cũng vậy, thưa bác sĩ, chung quy lại phải cố chung sống vì đàn con đông đúc thôi!

Sau một buổi chiếu ra mắt phim mới, một khán giả nói với đạo diễn:

- Đáng lý ra ở cuối bộ phim ông nên bố trí một vụ nổ thật lớn.

- Tại sao?

- Để đánh thức khán giả dậy đi về!

Hai anh làm kế toán nói chuyện với nhau:

- Bảng chỉ tiêu của chúng ta, tại sao có mục chi “WTO” mất 20 triệu? Sao lại chi tiền cho tổ chức này?

- Khẽ thôi, sếp bảo viết tắt để đánh lạc hướng cơ quan thuế đấy!

- Nhưng khoản đó là gì thế?

- Đó là “VVTO”, tức là khoản chi “Vui Vẻ Tiền Ôm”.

- Cái áo này bao nhiêu tiền vậy chị?

- 100 ngàn, em ạ.

- 20 ngàn nhé!

- Trời, mới sáng sớm ngày ra mà mặc cả thế à? Nghĩ thế nào mà trả tiền cái áo không bằng giá miếng giẻ chùi chân vậy?

Nghe vậy khách bỏ đi. Cô chủ gọi lại:

- Thôi, lại đây chị bán cho.

Cô Ba ngồi đợi bồ ở một nhà hàng sang trọng! Cô muốn mình phải thật đẹp khi anh bồ tới nên cúi xuống lấy cái gương trong giỏ!

Bụng bị ép bất ngờ bắt cô ta phải xì hơi nghe thiệt to ngay lúc anh bồi bàn vừa bước tới!

Cô vội vàng ngồi thẳng lên, mặt đỏ lừng vì biết là mọi người đều nghe! Tuy thế vì giỏi ứng phó, cô liền quay qua anh bồi bàn quát:

- Này anh! Anh phải ráng chận nó lại chứ!

Anh bồi cũng không vừa:

- Vâng! Nhưng bà phải chỉ cho tôi biết nó chạy hướng nào ạ!

TK st

Trong giờ kiểm tra môn Tiếng Việt ở Đại Học. Đề bài ra có một câu như sau “Phụ nữ không có đàn ông không là gì cả” và yêu cầu các sinh viên phải đặt dấu câu cho đúng.

Khi chấm bài giảng viên phát hiện ra tất cả các nam sinh viên đều viết: “Phụ nữ không có đàn ông, không là gì cả.”. Trong khi đó các nữ sinh viên thì lại viết: “Phụ nữ không có! Đàn ông không là gì cả.”

- Nếu em nhẩy xuống nước, anh sẽ cứu em chứ, anh yêu?

- Nếu như anh nói có thì em sẽ nhảy xuống chứ, em yêu?

- Anh yêu loại người nào hơn, thông minh hay xinh đẹp?

- Anh yêu cả hai loại người ấy, và anh yêu cả em nữa.

- Anh thề là sau khi cưới vẫn yêu em chứ?

- Nhất định rồi, anh thích những phụ nữ đã có chồng.

- Ngốc ạ, anh chẳng có mắt thẩm mỹ gì cả.

- Cưng à, vì thế anh mới chọn em.

- Nếu chọn giữa một tỉ đồng và em, anh sẽ chọn đằng nào?

- Anh sẽ chọn ngay một tỉ.

- Vậy là anh không yêu em.

- Bậy nào, anh yêu em lắm chứ. Nhưng em hãy thử nghĩ một chút xem, nếu anh chọn em, anh sẽ không có một tỉ. Nhưng nếu anh chọn một tỉ, anh biết là anh sẽ có cả em.

Một giảng viên môn lịch sử thế giới cận đại có thói quen vào đề bằng câu hỏi để đánh giá hiểu biết của sinh viên, sau đó mới bổ sung và phát triển thêm chủ đề.

Một hôm, ông đặt câu hỏi cho cả lớp:

- Toàn cầu hóa là gì?

- Là cái chết của vương phi Diana. - Một sinh viên đáp.

- Sao lại thế?

- Thì vương phi người Anh đi chơi với một người bạn Ai Cập. Họ bị tai nạn giao thông trong một đường hầm nước Pháp, trên một chiếc xe hơi Đức, do tài xế người Bỉ lái - tay này uống quá nhiều whisky xứ Scotch. Họ bị những tay săn ảnh Italy đuổi theo trên những chiếc xe Nhật. Bác sĩ chữa trị cho họ người Canada gốc Brazil.

MĐ st

C
Ơ
N
ÁC
M

N
G

Sóng biển cứ tiếp nhau tràn vào bờ. Trên kia trong phòng rượu của câu lạc bộ Del Monte, Julie Benton đi vội qua mấy hàng bàn ghế rồi chạy ra con đường nhỏ tới chỗ đậu xe. Môi nàng mấp máy như người muốn khóc và nàng phải cố lắm mới không òa ra tiếng. Nàng hấp tấp lên xe, vừa cho chạy máy thì Lyle cũng vừa tới.

“Lyle ơi, sao anh có thể làm thế…? Anh có biết rằng anh chửi người ta như vậy trước mặt mọi người là vô lý không? Hay chỉ vì anh ấy là đàn ông mà anh không bằng lòng cho em nói chuyện… dù chỉ trong giây lát? Lyle, em yêu anh… anh thừa hiểu rằng em quý anh vô ngần… nhưng cái tính ghen vô lối ấy, anh phải bỏ đi… không thì chúng ta không còn có thể sống chung mãi… Nếu không thì thà chúng ta đi mỗi người một ngả còn hơn…”

Lyle vẫn ngồi yên không trả lời: bàn chân anh tự nhiên nhận mạnh xuống chân ga của Julie. Chiếc xe như mọc cánh chạy bay trên đường nhựa, lao sang bên phải, quét về bên trái.

“Lyle, anh làm gì vậy, chết cả hai đứa bây giờ?”

Xe càng chạy, tốc độ càng lên cao. Julie cố rút chân ra nhưng không được. Chiếc xe vẫn cứ lao như nước thác, mấy lần suýt đâm, muốn nhào xuống biển hay rập vào những tảng đá bên đường, Julie khiếp sợ nhưng cái nguy sắp tới trông không kinh bằng vẻ mặt lạnh lùng của chồng.

Lần này thì chắc phải chết: Julie nhắm mắt chờ tử thần. Nhưng Lyle đã vồ lấy tay lái: chiếc xe nhẩy lên hè tường rồi ngưng trong tiếng rít ghê hồn của cặp thắng.

Lặng người không hiểu sao lúc này còn sống, Julie bỏ xe chạy một lúc lâu như người trốn giặc rồi ngã người trên bãi cát biển, ôm mặt khóc nức nở.

“Để mặc tôi” Julie nói, nhưng Lyle đã đến bên nàng.

“Julie, anh xin lỗi em. Anh không hiểu vì sao anh lại thế. Anh muốn em giúp anh đỡ điên rồ như vậy… Julie em phải tin anh: anh chỉ muốn làm cho em sợ một chút… Em cũng hiểu cho anh là nếu ta ghen… ghen đến điên đến dại thì ai cũng có thể như anh. Chỉ ý nghĩ có thể mất em đã làm cho anh nhận chân lên ga… rồi cứ thế anh không rút được chân ra nữa.”

Julie dần dần nguôi, nàng ôm cổ chồng sẵn sàng tha thứ. Và như một đôi tình nhân mới yêu, họ gặp nhau trong một cái hôn điên dại… Dưới kia sóng biển vẫn nối nhau tràn vào bờ.

«

Nhiều người không hiểu vì sao Julie đã lấy Lyle, họ lại càng không hiểu sao Julie đã lấy Lyle ngay sau khi chồng chết. Dù sao nàng vẫn có tiếng là yêu Bob và cái chết bi thảm của Bob đáng lẽ phải làm cho nàng đau khổ hơn mới phải. Phải, nàng đã yêu Bob nhiều nhưng nàng cũng giận Bob đã không tin nàng, khi chết đi không trối lại điều gì, không cả cho nàng biết qua những sự thua lỗ trong việc kinh doanh đã làm cho chàng phải tự vận. Nàng giận Bob đã không cho nàng hay tình trạng tài chính khó khăn của gia đình vì dù sao nàng cũng dư can đảm bắt đầu lại một cuộc sống mới với Bob. Nhưng Bob không nói gì với vợ và một hôm người ta tìm thấy thây Bob treo lơ lửng trên trần nhà. Cảnh sát đã kết thúc cuộc điều tra vỏn vẹn trong mấy chữ: “Tự tử vì thua lỗ trong kinh doanh”.

Gần một năm sau, Julie lấy Lyle. Phải, Lyle là người không những đẹp trai mà còn có thiên tài về dương cầm và được mọi người biết tiếng. Nhưng cái vẻ buồn buồn phản chiếu trong đôi mắt thông minh của Lyle mới là cái Julie ưa hơn cả. Sau khi Bob chết, chính Lyle đã dỗ dành, khuyến khích nàng. Nhiều buổi chiều ảm đạm, Julie nằm trên ghế dài nghe Lyle cử nhạc: tiếng nhạc mê hồn dưới ngón tay thần diệu của Lyle đã làm cho nàng hiểu rằng Lyle yêu nàng với một thứ tình yêu đặc biệt, nồng nhiệt và bi đát.

Hai người lấy nhau và sống gần một năm trăng mật ở một căn nhà cô quạnh trên bờ bể, giữa tiếng đàn réo rắt và tiếng sóng đều đều của bể cả.

Thế rồi bất thình lình có việc hôm nay. Julie cũng đã nhận thấy nhiều lúc chồng buồn phiền vô cớ và tình yêu của Lyle lắm khi nhiễm vẻ đau thương. Nhưng nàng lại tự nhủ một nghệ sĩ tài giỏi như Lyle có lẽ không thể giống người thường, cho đến hôm nay nàng gặp lại Cliff Henderson, người anh họ của Bob, một nhà kinh doanh có chung vốn với Bob và đang ở Âu Châu khi Bob tự vận. Và nàng đang nói chuyện với Cliff về Bob thì Lyle tới…

«

Hôm sau Cliff Henderson đang phơi nắng ở câu lạc bộ khi Julie đến. Họ lại nói chuyện về Bob.

“Cliff, anh có chắc… chắc 100 phần trăm rằng Bob mượn tiền đó không phải là để trả nợ và cũng không phải là vì mắc nợ quá nhiều?”

“Chắc lắm.”

“Thế sao anh ấy lại tự tử?”

Rồi Julie kể cho Cliff nghe về câu chuyện trên xe hơi, nhưng nàng tiếp:

“Lyle có nhiều đức tính rất tốt. Trước khi chúng tôi lấy nhau, anh ấy là người rất tốt và đã giúp tôi rất nhiều khi Bob lìa đời.”

“Thế chị biết anh ấy có tính ghen tự bao giờ?”

“Ngay từ khi mới lấy… nhưng tôi không biết phải làm gì để cho Lyle đỡ ghen. Tôi không thể nói với Lyle “Em yêu anh thực sự, anh đừng ghen nữa” vì anh ấy sẽ không hiểu. Có lúc tôi sợ phát điên lên…”

Cliff nhíu lông mày:

“Như tôi nhớ thì dây thừng Bob dùng được treo ở chỗ khá cao. Nếu Bob tự vận thì anh ấy phải đứng lên một cái ghế khá cao và đá ghế ấy đi chỗ khác.”

“Sao chúng ta cứ phải nói mãi về chuyện đó”, Julie nói.

“Julie, đã bao giờ chị nghĩ rằng có người đã tròng dây thừng đó vào cổ Bob… sau khi bóp cổ anh?”

“Sao?”

“Hành động của một kẻ sát nhân nhưng tôi không chắc có thực thế và đó chỉ là một giả thuyết.”

“Nhưng ai đã dám làm chuyện ấy?”

“Người ấy phải là người không muốn Bob sống”, Cliff nói. “Có phải Lyle ở cùng với anh chị lúc đó…?”

“Phải… Lyle có ở với chúng tôi lúc đó… Nhưng điều đó chứng tỏ được gì?”

“Đấy chính những chi tiết đáng nghi nhỏ nhặt, đến khi chắp nối lại… có thể trở nên đáng kể. Tôi muốn chị hiểu… hôm qua khi chiếc xe chạy như vậy, Lyle có ghen với ai đâu. Làm sao mà giải thích được thái độ ấy?”

Julie bắt đầu hiểu, nàng xanh xám mặt mày. Cliff nói tiếp:

“Bob và chị yêu nhau, chị là vợ của Bob… Chị hiểu chứ?”

“Lyle vẫn ghen với Bob, anh ấy đã nhận điều đó.”

“Chị phải nhìn cái nguy trước mặt mới được. Nếu Lyle đã dám làm việc kia, rất có thể… cũng có lúc… sẽ có hôm… Lyle sẽ lại nhấn vào chân ga một lần nữa… và không rút ra như lần hôm qua đâu.”

Hai người đang nói chuyện thì Lyle tới. Họ rủ nhau ra phòng rượu uống giải khát. Chẳng mấy chốc đã đến giờ về. Nhưng Julie cố ý bỏ quên ví trên bàn nước.

“Lyle, em để quên cái ví…”

Lyle ngần ngại xong cũng trở vào trong phòng.

“Julie, tôi lo cho chị lắm”, Cliff thì thầm.

“Tôi không thể chịu được tình trạng này mãi”, Julie nói. “Tôi không thể sống bên cạnh người tôi nghĩ đã… Đêm nay tôi phải biết sự thật.”

«

Lyle ngồi đánh dương cầm, hai bàn tay như múa trên các nốt nhạc trắng, phát ra một âm điệu hãi hùng nghe như tiếng rú của gió ngàn. Julie nằm trên giường mắt đăm đăm nhìn. Nàng chỉ muốn hiểu trong óc chồng lúc này đang nghĩ gì.

“Sao anh không chơi một bài gì êm dịu hơn, bài The Twelfth of Never chẳng hạn.”

“Em còn nhớ kia à”, Lyle nói cảm động rồi bắt đầu cử bản nhạc chàng đã chơi hôm mới gặp và yêu Julie.

Đột nhiên, Julie ngắt quãng: “Lyle, anh yêu em từ chiều hôm đó… từ hôm chúng ta gặp nhau lần đầu phải không?”

“Phải, yêu một cách phi thường và tuyệt vọng.”

“… Ngay cả lúc anh biết Bob và em quyến luyến nhau rất mực?”

“Phải.”

Julie cân nhắc từng tiếng: “Lyle, nếu em yêu một người đàn ông như anh đã yêu em, thì có lẽ em không thể chịu cho người ấy ở trong tay một người đàn bà khác dù người kia có được may gặp chàng trước em.”

“Thế em có biết anh nghĩ sao khi thấy Bob và em đã thành vợ chồng?”

Vào phòng ngủ, Julie tự bảo: “Lúc này hơn bao giờ hết là lúc mình phải biết sự thật.” Nàng hỏi chồng:

“Lyle, em vẫn nghĩ không hiểu… nếu Bob còn sống thì anh sẽ làm gì?”

“Tại sao em hỏi câu đó?”

Julie quay mặt đi. Nàng không thể nhìn thẳng vào mặt Lyle: “Nếu… nếu chỉ có một cách… một cách để làm cho Bob và em xa lìa nhau… thì… anh có dùng đến cách đó không?”

“Cách gì?”

“Gi…ết…”

Không khí giữa hai người trở nên khó thở.

“Nhưng Bob đã tự tử… Tòa án cũng đã nhìn nhận như vậy.”

“Phải, tòa án đã nhìn nhận như vậy… Nhưng em muốn biết sự thực dù sự thực ấy có đau đớn đến chừng nào.”

“Julie, em chỉ đã nghi anh làm điều ấy từ lúc đi xe hơi hồi hôm phải không?”

“Tại sao anh nói vậy?”

“Vì nếu em có lúc nghĩ rằng anh đã giết Bob để lấy em thì không bao giờ em còn dám màng tưởng đến việc bỏ anh, phải không?”

“Thế là anh đã nhìn nhận có giết Bob?”

Lyle với tay tắt đèn: “Phải… phải… anh đã giết Bob. Em đừng có bao giờ bỏ anh.”

Julie không hiểu mình nghĩ gì lúc đó vì tư tưởng tới lui rộn rập trong óc nàng. Nàng chỉ biết phải trốn ngay đi nơi khác để tránh một thảm kịch thế nào cũng phải xẩy ra trong một ngày gần đây. Nhưng nàng vừa mở tủ thì Lyle đã dậy âu yếm hỏi nàng có lạnh không.

Sáng hôm sau, Julie chỉ nghĩ đến cách trốn khỏi căn nhà mà nàng đã sống trong gần một năm. Nghĩ mãi mới ra một kế, nàng bảo Lyle đi mua trứng để làm bữa sáng. Lyle vừa đi khỏi thì Julie vội thu xếp một ít đồ đạc để ra xe. Xe không chạy: Thì ra trước khi đi mua trứng, Lyle đã rút một bộ phận thông điện nhỏ cất vào túi.

Julie bắt sợ. Nàng chạy, chạy mãi theo dọc đường, mỗi lần nghe tiếng xe ở phía sau, lại tưởng Lyle đã theo kịp mà kinh khiếp, trái tim đập như muốn vỡ. Mãi sau mới được một người cho đi nhờ tới Monterey. Nàng vừa xuống một cửa hiệu bán bánh thì đã thấy xe Lyle tự đàng xa tới, chỉ còn kịp trốn vào phòng điện thoại. Julie gọi Cliff và bảo đến gặp nàng ở bót cảnh sát Monterey.

Trong khi đó thì ở phía bên kia đường, Lyle nhìn chòng chọc vào những người đi qua đường.

«

Cliff tới cảnh sát cuộc Monterey bắt gặp Julie trong một tình trạng tinh thần khủng hoảng đáng ngại vô cùng. Nàng đã nói với trưởng bót về câu chuyện Lyle và ông này đang gọi điện thoại cho sở cảnh sát ở Rafael.

“Chính Lyle đã giết Bob”, Julie bảo Cliff khi ngó thấy chàng.

Thanh tra Cole đã nói xong điện thoại và quay lại hai người: “Thưa bà, tôi đã nói chuyện với họ nhưng một khi cảnh sát đã điều tra về một vụ thì trừ phi có những bằng chứng rõ rệt lắm mới lại mở lại cuộc điều tra đó.”

“Nhưng Lyle đã nhận tội. Ông có hiểu chứ. Lyle đã nhận có giết Bob”, Julie nói như khóc vì kinh hãi và tức giận.

“Nhưng thưa bà, chỉ có bà nói thế, đối với chúng tôi chưa đủ để mở lại cuộc điều tra. Bà không có cả người làm chứng. Hơn nữa, cảnh sát ở San Rafael vừa nói với tôi họ đã điều tra về vụ này kỹ lắm.”

“Nhưng họ cũng có thể lầm được được chứ”, Julie nói thất vọng.

“Rất có thể, nhưng họ đã kết luận rằng ông Bob tự tử thì chúng tôi cũng không thể làm gì được hết.”

Quay lại Cliff: “Ông làm ơn giảng cho bà Benton hiểu luật pháp có điều cấm vợ được tố cáo chồng.”

Một cảnh sát viên chạy vội vào trong báo Lyle đang chờ ở phòng ngoài, và đến để thanh minh rằng hồi hôm chỉ đe dọa vu vơ mà thôi.

“Nếu chúng tôi phải bắt giữ tất cả những người hăm giết vợ thì chúng tôi phải có một nhà tù to bằng cả tỉnh này mới đủ chứa tù nhân. Mà ngay như chúng tôi có bỏ tù ông ta thì ông ta vẫn có thể chối và bất cứ trạng sư nào cũng có thể xin cho ông được ra tức khắc.”

Julie chán nản. Lyle đứng nhìn ở cửa, vẻ mặt như ngạo nghễ rồi nói với nàng: “Julie, em nhầm to… em đã nhầm to.”

«

Julie và Cliff ra đường bằng cửa sau, rồi vội thuê xe đi Cựu Kim Sơn. Nàng nghĩ cần phải dấu hẳn tông tích thì may ra Lyle mới không làm gì được nàng. Họ tới Cựu Kim Sơn, thuê hai phòng riêng ở một khách sạn rồi hẹn xuống gặp nhau ở phòng ăn. Julie vừa lên phòng thì có tiếng điện thoại réo. “Ai mà biết được mình ở đây”, Julie tự hỏi, “mình đã đổi lốt thay tên như thế này mà sao còn có người biết đến mình để gọi điện thoại tới đây.”

“A-lô, bà Bowers phải không?”

“Phải...”, Julie nói.

“Có người ở Monterey muốn nói chuyện với bà.”

Julie cầm ống nghe, trong lòng bồn chồn kinh hãi: “A-lô, a-lô…” Không ai trả lời nhưng tự đâu có tiếng dương cầm đánh lên một bản nhạc quen thuộc rồi giọng nói trầm trầm của Lyle gần như trong giấc mơ:

“Julie, em sắp chết, em sẽ phải chết. Em không thể trốn đi đâu, thay tên đổi dạng thế nào cũng không thoát được anh. Em không thể thoát được.”

“Lyle… sao anh có thể tởm vậy?”

“Có lẽ.”

“Thế tôi phải làm gì bây giờ…”

“Đợi, em chỉ còn cách đợi rồi sẽ biết anh quyết định sao.”

Julie vất ống nghe lên bàn rồi chạy xuống phòng ăn gặp Cliff:

“Cliff, Lyle vừa gọi tôi. Anh ấy nói sắp giết tôi. Và đã nói, thế nào anh ấy cũng sẽ làm.”

Cliff, không hiểu sao Lyle có thể biết chóng như vậy: “Chắc Lyle phải thuê thám tử theo dõi chúng mình.”

“Anh nghĩ bây giờ tôi phải làm gì? Chẳng lẽ cứ trốn mãi suốt đời à?”

“Ta lại thử đến cảnh sát ở đây xem sao.”

«

Cảnh sát Cựu Kim Sơn cũng lập lại luận điệu của cảnh sát Monterey. Không bằng chứng cụ thể, họ không thể bắt Lyle. Họ hiểu tình cảnh Julie và thông cảm với nàng nhưng không thể giúp đỡ nàng. Luật pháp không cho phép.

Julie nói như người điên: “Chuyện đời kỳ lạ thật. Lyle đã giết Bob… và đã nhận tội giết Bob. Nay lại sắp giết tôi và cũng nhận sắp giết tôi… Thế mà luật pháp cứ để mặc. Tôi phải bỏ lối sống cũ, bỏ bạn bè và người thân thích để trốn mãi suốt đời như con vật bị săn sao?”

Cliff cố khuyên dỗ nàng: “Chị phải đi xa trong một thời gian, lấy lại công việc chiêu đãi viên hàng không cũ rồi may ra thời gian sẽ giúp chị quên và Lyle cũng không biết chị ở đâu mà tìm.”

«

Mấy ngày sau, Cliff đang làm việc trong văn phòng thì nhận được một bức điện tín của Julie:

“LYLE CÓ BIẾT TÔI LÀM GÌ VÀ Ở ĐÂU KHÔNG? VẪN SỢ LẮM. SẼ Ở LẠI CỰU KIM SƠN MỘT ĐÊM. Ở VỚI DENISE MARTIN SỐ 1047 ĐƯỜNG WITON DRIVE.”

Cliff đọc xong bức điện tín thấy lo lắm: Anh nói với cô thư ký gửi cho Julie một điện tín bảo nàng rằng anh sẽ tới thăm… Rồi Cliff chạy vội đi có công chuyện cần.

Cliff vừa đi thì Lyle gọi điện thoại tới, nói muốn gặp Cliff. Cô thư ký không biết chuyện giữa hai người, trả lời rằng Cliff bận việc đi Cựu Kim Sơn ngay tối hôm đó.

«

Trời vừa tối thì Cliff lái xe đi Cựu Kim Sơn, nhưng ở phía sau, hai ngọn đèn pha cứ theo dõi xe Cliff. Cliff khó chịu, ngừng xe rồi vẫy cho xe kia lên. Nhưng xe kia cũng ngừng.

“Tôi biết chỉ anh mới theo tôi chứ chẳng còn ai khác”, Cliff nói khi nhác trông thấy Lyle.

“Tôi đã tưởng anh đưa tôi thẳng tới cửa phòng nàng.”

“Rất tiếc không thể làm vừa ý anh vì Julie đã bỏ Cựu Kim Sơn đi từ lâu rồi.”

“Không phải, tối nay thì Julie có ở Cựu Kim Sơn và anh sẽ đưa tôi đến chỗ nàng”, Lyle vừa nói vừa rút súng lục dí vào lưng Cliff.

«

Con đường sắp tới một khúc quanh. Cliff ngồi lái, đầu óc căng thẳng, tìm cách thoát thân. Cạnh chàng, Lyle ngồi yên, tay lăm lăm cầm khẩu súng.

Chiếc xe đi chậm lại. Cliff nhảy bổ ra ngoài nhưng không kịp. Một viên đạn đã xuyên qua ngực chàng. Lyle thắng xe nhảy xuống theo và khám trong túi Cliff tìm tờ giấy biên địa chỉ của Julie, rồi trở lại xe băng đi trong đêm tối.

Cliff bị đạn đau đớn vô ngần nhưng cũng cố bò tới nơi có ánh đèn sáng. Mỗi bước đi làm anh đau đớn vô cùng. Nhưng Cliff vẫn cố để báo kịp cho Julie tránh nguy.

Thanh tra Pringle và thám tử Mace nhận được tin, cho một xe đến bao vây phòng Julie. Họ nhất quyết bắt Lyle Benton và gọi điện thoại báo cho Julie biết nhưng Julie vừa đi khỏi để mua thuốc lá.

Tiếng chuông điện thoại lại reo. Công ty hàng không cho Julie biết họ cần một người đi ngay đêm hôm ấy vì có một chiêu đãi viên bị ốm. Nếu không đi thì phải mất việc nên Julie đành để lại cho Denise mấy chữ rồi sửa soạn ra phi trường.

Ngoài đường, Lyle vẫn chờ, thoáng nghe thấy Julie bảo người lái taxi: “Lối vào của hãng Consolidated Airlines ở phi trường quốc tế Cựu Kim Sơn.”

«

Thanh tra Pringle và thám tử Mace vào phòng Julie, khi nàng vừa đi khỏi. Họ bắt được bức thư nàng để lại cho Denise: “Tôi phải đi thay một người bạn ốm. Vậy xin lỗi và cảm ơn chị.”

“Liệu Benton có biết rằng vợ là một chiêu đãi viên không?”, Mace hỏi. Bây giờ Benton ở đâu. Anh ta có dư đủ thời giờ đến đây rồi. Mà cũng không hiểu anh ta có biết rằng vợ phải đi làm hôm nay không?”

Hai người lục lọi căn phòng mới biết Julie làm ở hãng Consolidated Airlines. Họ nhảy bổ tới máy điện thoại.

«

Chiếc tàu bay khổng lồ sắp cất cánh. Julie đứng trên cầu thang tiếp đón hành khách. Thừa dịp một nữ chiêu đãi khác đến thay nàng, Lyle chạy vội lên cầu thang. Biết Julie đang đứng ở phía sau nói chuyện với một nhân viên phi hành, Lyle tiến về phía trước phi cơ rồi lấy tờ báo che mặt làm như đang đọc chăm chú lắm.

Hành khách đã lên đông đủ. Cầu thang đã kéo lên. Con tàu nổ máy rồi lay chuyển, một chốc sau lơ lửng trên không trung với năm mươi hành khách và hơn chục nhân viên phi hành.

«

Julie được gọi cấp tốc vào phòng lái. Thanh tra Pringle ở Cựu Kim Sơn muốn nói chuyện với nàng.

“A-lô; ông thanh tra Pringle đấy phải không?”

“Phải, tôi đây, tôi không biết làm sao để báo tin này cho bà, nhưng chồng bà đã bắn chết một người.”

“Ai?”, Julie hỏi.

“Clifford Henderson, và hình như Benton còn đang đi trên chuyến máy bay Consolidated của bà.”

Người phi công có ống nghe nên đã hiểu rõ câu chuyện. Ông đàm luận với thanh tra Pringle về cách đối phó: “60 người đi cùng một chuyến máy bay với một kẻ sát nhân có súng thì thật là nguy, phải chuẩn bị trước cách đối phó.”

“Nhưng nếu Lyle ở trên máy bay này thì tại sao anh ấy không giết tôi ngay?”

“Chắc Lyle coi cái chết ấy là sung sướng quá đối với bà.”

Đàm luận hồi lâu trên làn sóng điện, họ quyết định việc đầu tiên phải làm là tìm xem Lyle thực có mặt ở trên máy bay không. Mà người có thể biết rõ biết chắc hơn ai hết là Julie.

“Benton biết rằng nếu có người nhìn được mặt hắn thì hắn sẽ phải hành động cấp bách”, Pringle nói rồi tiếp: “Nếu bà trông thấy Benton thì đừng có sợ quá hay đừng làm như nhận ra mặt ông ta. Bà phải cẩn thận lắm vì nếu bất cẩn một chút có thể nguy đến tính mạng.”

Julie đi lại phía sau, không dám nhìn mặt ai. Đến cuối phi cơ nàng quay trở lại nhìn kỹ mỗi người. Nàng không biết sẽ làm gì nếu trông thấy Lyle. Nàng biết đời sống mình tùy thuộc mấy giây đó. Đến chỗ người dùng báo che mặt, nàng định tâm nhìn kỹ: Không còn gì hồ nghi nữa, chính thị người ấy là Lyle.

Julie quay về phòng bếp, rút ống điện thoại:

“Đúng rồi, nhưng bây giờ tôi phải làm gì?”

“Chị cứ ở đấy… chờ tôi gọi lại…” Viên phi công lại gọi vô tuyến điện thoại cho thanh tra Pringle ở phi trường Cựu Kim Sơn nói Julie đã nhận được mặt Benton.”

Ở phi trường, thanh tra cảnh sát ra lệnh tới tấp. Có tiếng viên phi công trong máy phóng thanh.

“Bây giờ là lúc phải quyết định. Liệu tôi có nên bảo Julie ở đằng sau hay bảo nàng ra phòng lái?”

“Đằng nào cũng nguy cả, nhưng cái đó còn tùy ông.”

“Phải, máy bay này dù sao cũng ở dưới quyền tôi.”

Phòng lái hoàn toàn yên lặng: phi công ngập ngừng một lát rồi nhấc máy điện thoại:

“Chị lên đây ngay, Julie, nhưng hãy cẩn thận vì hơi một chút có thể rất nguy.”

“Để tôi sẽ bưng một cái khay cho được tự nhiên.”

“Phải, tôi sẽ để cửa mở… chị cứ việc len vào. Phải làm nhanh lên mới được. Chúng tôi đã sẵn sàng đối phó”. Phi công nói xong rút trong ngăn kéo lấy ra một khẩu súng lục.

«

Hai tay bưng mâm, Julie đi ngược lên phòng lái. Chưa lần nào nàng thấy thân máy bay dài như lần này. Phòng lái hình như ở xa tít hàng trăm cây số. Lúc đó bao nhiêu đèn đọc sách trong phi cơ đã tắt và phòng hành khách trông tối hẳn.

Julie đi rất chậm, nhiều lúc có cảm tưởng như sắp đánh rớt mâm đồ uống, nhiều lúc đã định chạy nhưng rồi lại cố bình tâm đi tự nhiên.

Khi nàng đã tới sát Lyle, Lyle ngước mắt nhìn vợ với cái nhìn căm thù hôm nào trên xe hơi.

Julie vội chạy lại phòng lái luốn vào cánh cửa để ngỏ. Nhưng Lyle đã đứng dậy theo trước khi các hành khách khác hiểu chuyện. Lyle, vào phòng lái, khóa chặt cửa rồi giữ Julie bắt nàng đứng trước như cái giá che đạn. Phi công không biết đối phó ra sao trong khi Julie còn bị giữ.

Lyle giơ súng nhằm phi công. Ông này nhảy bổ lại định giựt súng của Lyle. Julie vừa né sang một bên thì cũng vừa có hai tiếng súng cùng nổ. Phi công ngã xuống sàn chết. Người phi công thứ hai định với lấy khí giới của bạn nhưng Lyle tuy bị thương nặng vẫn cầm được chắc khẩu súng trong tay. Anh nhắm người phi công phụ, bắt người này ngồi yên rồi quay lại Julie:

“Julie, anh đã bảo em đã làm một lỗi lớn mà.”

“Anh sắp giết tôi chứ gì, sao anh không giết cho mau lên.”

“Không, không, em yêu ạ. Anh còn một ý kiến hay hơn nhiều. Em sẽ sống, anh không giết em đâu nhưng sẽ để em đi trên chiếc máy bay không người lái, lơ lửng trên vòm trời xanh thẳm này”, Lyle nói rồi, tức thì quay súng chĩa vào người phi công phụ mà bắn. Người phi công bị trúng đạn nhưng Lyle cũng ngã vật xuống sàn.

Julie trở qua phòng hành khách, mọi người đã nghe thấy tiếng súng. Cũng may trong số hành khách có một người bác sĩ da đen: Julie vội đưa ông ta vào phòng lái chỉ người phi công phụ: “Anh ấy thế nào?”

“Cô nên biết sự thật thì hơn, bây giờ ông ấy còn tỉnh nhưng rất có thể ngất đi bất kỳ lúc nào.”

Phi công quyết định bay trở về Cựu Kim Sơn. Anh nói trong máy vô tuyến điện thoại:

“Tôi muốn nhiều ánh sáng và ra-đa, nhất là ra-đa.” Anh quay lại Julie: “Chị ngồi vào ghế lái, đài kiểm soát sẽ dùng ra-đa giúp chị đáp phi cơ xuống sân bay, chị chỉ cần biết tuân theo những lời họ nói.”

“Nhưng tôi có biết lái máy bay đâu.”

“Chị buộc máy nghe này vào tai và nghe lời dặn của đài kiểm soát. Chị đi máy bay đã nhiều, thế nào cũng đã biết những cái nút kia.”

Julie cầm chắc bánh lái và tuân theo từng chữ những mệnh lệnh của đài kiểm soát: nâng cánh bên phải lên một chút… nhấc mũi lên… đi thẳng… cứ đi thẳng… hạ cánh trái xuống một chút…

Trên màn ra-đa, các chuyên viên hàng không và thanh tra Pringle nhìn cái chấm nhỏ lên lên xuống xuống, hồi hộp đến vỡ tim, mồ hôi trán chảy nhễ nhại.

“Thả bánh… Khóa bánh… chúc mũi xuống một chút… nâng cánh phải…”

Julie hạ bớt tốc độ, chiếc máy bay khổng lồ xuống gần mặt đất, xuống thấp nữa, chạm bánh vào sân, bật lên, lại hạ xuống, chạy một hồi rồi từ từ đỗ lại. Cả phi trường đổ ra đón cô chiêu đãi viên can đảm nhưng Julie không còn nghe thấy gì. Mắt nàng mờ lệ. Nàng vừa qua một cơn ác mộng khủng khiếp.

«

Julie không ngờ đời nàng lại có lúc bi đát như những phút vừa sống qua. Luôn mấy tuần trở lại với nghề cũ, nàng đã hy vọng Lyle quên và thôi không theo đuổi nàng nữa. Nhưng việc phải đến đã đến: Lyle đã lẻn được vào máy bay và đã bắn tử thương hai người phi công.

Lời nói của Lyle trước khi tắt thở còn vẳng bên tai nàng: “Anh có thể giết em dễ dàng nhưng thế thì giản dị quá. Bây giờ một mình trên chiếc máy bay không người lái, với sáu mươi hành khách kinh hoàng, em mới biết…”

Trên chiếc máy bay không phi công, Julie tự nhủ không thể nào đưa máy bay về đích, nhưng trước cảnh sáu mươi hành khách xao xuyến, nàng cố bình tâm lại; như một kẻ mất hồn, nàng làm những việc đài kiểm soát bảo. Và đến bây giờ máy bay đã ngừng bánh, nàng mới có thời giờ nhận định hiểm họa mà nàng vừa tránh thoát.

Một chiếc xe hồng thập tự chạy vội ra chân phi cơ đón mấy kẻ xấu số. Và Julie được tin Cliff bị trúng đạn rất nặng nhưng không đến nỗi nguy đến tính mạng… và bấy giờ Julie mới hiểu mình vừa thoát nạn vừa không còn bị theo dõi nữa… Mãi lúc ấy nàng mới hiểu và ôm mặt khóc nức nở.

Vũ Anh Tuấn st

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế