VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 10-4-2010 của CLB Sách Xưa & Nay
Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách một Nay và một Xưa. Cuốn sách Nay, được xuất bản ở Pháp vào ngay năm nay là năm 2010, chính là Cuốn Tiểu Tự Điển Larousse (Le petit Larousse) của nhà Larousse danh tiếng. Tuy được gọi là Tiểu (Petit), cuốn tự điển này dày 1883 trang có đánh số thứ tự, cộng với phần Niên Đại Phổ Quát dày 132 trang đánh số La Mã, vị chi tổng cộng là 1915 trang. Cuốn Tiểu Tự Điển này chứa đựng 150.000 định nghĩa, 28.000 tên riêng và 5.000 minh họa màu, cộng với 1 số bản đồ. Thật là tuyệt vời khi rảnh rỗi có thể từ từ dở từng trang để xem các minh họa cực đẹp bằng màu sắc lộng lẫy, rực rỡ. Ngoài ra, nếu có thời gian để đọc qua và “cưỡi ngựa xem hoa” suốt chiều dài lịch sử từ thời tiền sử cho tới hôm nay thì cũng thật là một điều thích thú. Cuốn tự điển này nặng gần 4 kilos. Cuốn sách Xưa được giới thiệu hôm nay là một cuốn sách Pháp do tác giả H. Bonvicini viết về người Việt Nam lúc đó bị bọn Pháp thuộc địa gọi là Annamites. Cuốn sách mang tựa đề: “Những phong tục và tập quán của người Annam” (Les Us et Coutumes Annamites). Cuốn sách này được xuất bản năm 1927 (83 năm trước) ở Sài Gòn và là một cuốn sách khảo cứu về nhiều lãnh vực linh tinh liên quan tới phong tục và tập quán của dân ta thời đó. Sách có được một số minh họa vẽ bằng bút sắt khá đẹp. Tác giả cũng chỉ là một người không mấy tên tuổi trong hàng ngũ các tác giả Pháp viết về Đông Dương, tuy nhiên vì nó đã 83 tuổi nên cũng tạm được coi là 1 thứ Sách Xưa. Sau phần giới thiệu của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, BS. Nguyễn Lân Đính cũng giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách: một cuốn nhan đề là: “Hãy chữa lành cái bệnh của bạn bằng ánh sáng mặt trời” và một cuốn khác mang tựa đề: “Nước uống diệt trừ các bệnh nan y”. BS. Đính đưa ra một số lời bình liên quan tới hai cuốn sách và 1 số lời khuyên các thành viên nên làm gì để duy trì được 1 sức khỏe tốt để mà đọc sách. Tiếp lời BS. Đính, LM. Triết cũng giới thiệu và trưng cho các thành viên được chiêm ngưỡng một cuốn sách Hán Nôm cổ là cuốn Đại Nam Quốc Sử diễn ca (lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng tới đời Gia Long), của Cụ Lê Ngô Cát. Cuốn này được lưu hành lần đầu năm 1870-1871, và đến năm 1884 thì có bản của Duy Minh Thị, bản LM. Triết cho các thành viên xem hôm nay là bản Tụ Văn Đường ra đời năm 1908, tức là cũng đã 102 năm trước. Sau phần giới thiệu sách, một thành viên là bà Thùy Dương đã có 1 thuyết trình mini về Cụ Nguyễn Trãi và oan án Vườn Lệ Chi. Gọi là oan án vì ngay lúc này mọi người đều thương Cụ Nguyễn Trãi đã hàm oan thấy rõ. Ngay trong các vở kịch mới được công diễn gần đây, người xem cũng được thấy anh vua nhóc bày đặt gạ gẫm Thị Lộ mãi rồi bỗng lăn ra ngỏm chứ Thị Lộ đâu có làm gì? Tiếp lời bà Thùy Dương, anh Lê Hùng Dương có đưa ra đề nghị làm 1 blog trên Internet để đưa các bài viết của các thành viên lên mạng. Về việc này, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã đáp ứng bằng cách thiết kế cho mình một trang web để đưa các bài viết lên rồi. Cuối cùng, một vị khách đến muộn là Bà Uyển, ái nữ Cụ Toan Ánh, đã nói về 1 cách thở để chữa bệnh và giới thiệu, mời các thành viên tham dự lễ giỗ Cụ Toan Ánh vào ngày 1 tháng 5, 2010. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ kém 15 cùng ngày. Vũ Thư Hữu TỔNG KẾT 4 NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY
Với Bản Tin số 48 mà các bạn đang có trên tay, CLB Sách Xưa và Nay đã tròn 4 năm trời hoạt động. Trong 4 năm vừa trôi qua như gió thoảng, mây bay, tuy chúng ta chưa hoàn toàn làm được những việc chúng ta mong muốn, như tổ chức thật nhiều cuộc thuyết trình liên quan tới sách, tổ chức bán đấu giá sách, tổ chức thêm các cuộc triển lãm sách báo cổ và quý hiếm vv… chúng ta cũng đã vẫn duy trì được sinh hoạt đều đặn vào mỗi ngày thứ bảy tuần thứ hai trong tháng và vẫn duy trì được Bản Tin, được ra đều đặn mỗi tháng. Các hoạt động này chứng tỏ CLB chúng ta tuy không tiến vượt bực nhưng vẫn hoạt động đều đặn không hề có 1 dấu hiệu trì trệ thoái hóa nào. Việc Bản Tin được duy trì đều đặn, và dù chỉ in mỗi tháng khoảng 100 bản để tặng cho các thành viên và bạn bè, nhưng chúng ta có thể tin rằng chúng ta có khoảng 3, 4 lần số người đọc và nhiều người khi có lại photo thêm ra để cho nhân thân, bạn bè. Và từ ngày ra đời Bản Tin của chúng ta cũng đã có được vài ba tác dụng tốt như đã cổ vũ và đã được một số người nghe theo để mà bắt đầu in sách ra với nhiều loại bản đẹp, bản thường, bản Đặc Biệt vv… Ngoài ra chúng ta còn khuyến cáo được một số người làm nghề xuất bản bớt in các loại sách to đùng nặng 3, 4 kí lô, với giá tiền ngoài tầm tay quảng đại quần chúng, chỉ đáp ứng được nhu cầu 1 thiều số nhà giàu mua về để trưng chứ không phải để đọc, khiến sách như bị nhốt vào lãnh cung, giống như những cung nữ thiếu vận may hồi còn những anh vua, chị chúa. CLB Sách Xưa và Nay của chúng ta đang sống 1 cuộc sống hoàn toàn độc lập, tự do. Chúng ta không trông nhờ vào ai tài trợ, chúng ta chung sức làm bản tin mà chẳng ai thèm nghĩ tới nhuận bút khi viết bài, ôi đây thật là một điều tuyệt vời vì nó chứng tỏ chúng ta cùng đang chia sẻ với nhau 1 đồng sở thích: lòng yêu sách, yêu văn hóa đọc. CLB Sách Xưa và Nay còn 1 điểm nữa cũng đáng tự hào là chúng ta không có tới 1 xu ngân sách thế mà vẫn tồn tại, và thậm chí tiền nguyệt liễm cũng cho qua luôn. Điều này chứng minh sự đoàn kết một lòng của những con người thực sự yêu sách hay, sách đẹp, sách giá trị… Trong năm tới, năm thứ năm, chúng ta có thể vững tin là CLB sẽ còn tiến mạnh, tiến xa hơn, và nghe nói A. Chủ Nhiệm đã có 1 trang web riêng để đưa những bài viết hay về sách của chúng ta đến với bạn bè ở khắp nơi. Xin hãy tay trong tay mang LÒNG YÊU SÁCH HAY, SÁCH GIÁ TRỊ, VÀ VĂN HÓA ĐỌC ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI! Vũ Anh Tuấn Cuộc trưng bày “Rồng về Thăng Long” – đôi điều cần góp ý
Sáng ngày 17/4/2010, tại Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh (trong Thảo cầm viên) số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm quận 1, diễn ra một cuộc trưng bày cổ vật với nhiều chủng loại và chất liệu rất phong phú và đa dạng chung quanh chủ đề “Rồng về Thăng Long”. Buổi lễ khai mạc khá trọng thể, khách đến dự rất đông, có cả người nước ngoài. Khách đến dự và tham quan đông đảo còn nhờ vào sự kết hợp với lễ phát giải thưởng Hội thi về chủ đề “Kinh đô Thăng Long qua trí tưởng tượng của tuổi thơ” có rất nhiều cháu học sinh và cha mẹ tham dự. Nói chung, cuộc trưng bày đạt kết quả tốt được tổ chức công phu và hoành tráng nhân dịp kỷ niệm Giỗ Tổ Hùng vương, 35 năm Ngày giải phóng miền Nam và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cuộc trưng bày cổ vật liên quan về Rồng là chủ đề mới và có nhiều nhà sưu tập tư nhân tham gia, hiến tặng nhiều hiện vật, từ Nam ra Trung đến Bắc và còn có nhiều bảo tàng các địa phương tới dự. Ngoài kết quả đạt được đáng khích lệ, không ít khách tham quan than phiền góp ý một số điều như sau: 1-Tấm pa-nô nhỏ quảng cáo về cuộc trưng bày treo trước cổng Thảo cầm viên thấy chưa ổn về chữ nghĩa. “Rồng về Thăng Long” muốn thể hiện ý nghĩa “rất nhiều cổ vật mang hình dáng “rồng” với nhiều chất liệu khác nhau do nhiều nhà sưu tập tư nhân đóng góp đều tập trung cho kinh đô Thăng Long xưa”. Hiện vật này dù là cổ vật của nhiều thế kỷ nhưng là ngày nay mới tập hợp lại để kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long nên xem ra còn thiếu chữ “Hà Nội”. Phải ghi thêm cho đầy đủ: “Rồng về Thăng Long – Hà Nội” mới nói hết ý nghĩa và nội dung cuộc trưng bày. Tấm pa-nô (Tranh cổ động) còn cho thấy có chú thích tiếng Anh như “Dragons flying to Thăng Long” chỉ vỏn vẹn có vậy thì đố người nước ngoài nào hiểu được đây là cuộc trưng bày cổ vật “Rồng” hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Cụm từ “Dragons flying” có nghĩa là Thăng Long (rồng đang bay lên) thì lại viết thêm “To” (tới) Thăng Long nữa, liệu có ổn không? Bản thân câu “Rồng về Thăng Long” chủ đề của cuộc trưng bày đã cho thấy chưa ổn rồi, huống hồ lại dịch sang tiếng Anh như vậy nữa thì làm sao hiểu được. Người nước ngoài đâu hiểu Thăng Long là kinh đô cũ, nay là Hà Nội. Cả chủ đề lẫn dịch nghĩa tiếng Anh đều mơ hồ, thiếu chính xác. Nếu có rút gọn câu từ thì cũng nên dùng từ ngữ cho rõ nghĩa, chính xác để chuyển tải đầy đủ nội dung của nó, như: “Rồng hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội”. 2-Hầu hết cổ vật được thể hiện dưới nhiều hình dáng làm bằng nhiều chất liệu như gốm, sứ, sành, gỗ, đồng… mà hình tượng “rồng” được sáng tác đều quy tập về chủ đề chính yếu: Lưỡng long chầu nguyệt hay Lưỡng long tranh châu. Ở đây, có mấy điều cần nói: -có nơi chú thích “chầu nguyệt”, có nơi là “chầu nhật”. Xưa nay chỉ nghe nói chầu nguyệt (mặt trăng) hay tranh châu (ngọc), chớ chưa nghe nói chầu nhật” (mặt trời), -có nơi còn chú thich “triều” nguyệt, “triều” nhật. “Triều” là từ biến dạng của “chầu” nhưng ít ai nói nên ở đây nói khiến nhiều người không hiểu! -Tất cả chú thích “Lưỡng long chầu nguyệt hay nhật” đều dịch sang tiếng Anh là “Two dragons and Moon (Sun)”… vô hình chung bỏ mất từ chính yếu “chầu” mà “chầu” là từ chủ yếu cần thể hiện. Dịch như vậy làm mất ý nghĩa hay nội dung của câu chữ Hán – Việt mang đậm đà bản sắc dân tộc “Lưỡng long chầu Nguyệt” hay “Lưỡng long tranh châu”. Hơn nữa, “chầu” không thể dịch âm ra “triều” được. Chữ “chầu” ở đây có thể hiểu là “chào” (như quan chầu vua). Xưa, quan vào triều để “chào mừng” hay “chúc mừng” vua (thiên tử) mỗi buổi sáng hay mỗi buổi thiết triều (thết trào) nên mới tung hô “Vạn tuế”, có nghĩa chúc mừng “sống lâu ngàn hay vạn năm”. 3-Trước lễ khai mạc phòng trưng bày “Rồng về Thăng Long” và phát giải thưởng hội thi cho các cháu “Kinh đô Thăng Long qua trí tưởng tượng của tuổi thơ”, có chương trình văn nghệ mang chủ đề “Hào khí Thăng Long”. Quả có nhiều bài hát, hòa tấu nhạc rất ư là đậm đà bản sắc dân tộc được nhiều người tán thưởng. Thế nhưng tiết mục múa do ba thiếu nữ biểu diễn theo điệu múa áp-sa-ra mang màu sắc dân tộc Khmer hay Chăm như thường thấy trình diễn ở nhiều nơi. Ba nữ diễn viên múa thật đẹp với trang phục hết sức “nõn nường”, biểu diễn thật sinh động và thật hấp dẫn. Nhưng rất tiếc, biểu diễn tiết mục này hình như bị lạc đề quá xa! Nhiều người tự hỏi : “Hào khí Thăng Long” hoàn toàn mang bản sắc dân tộc Việt mà lại trình diễn điệu múa cổ xa lạ như vậy sao? Vương Liêm
CUỐN “PHONG TỤC VÀ TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI ANNAM” (LES US ET COUTUMES ANNAMITES) CỦA H. BONVICINI
Trong đời chơi sách của tôi, tôi chỉ khoái có hai lãnh vực: văn học và phong tục và tôi không chú ý đặc biệt quan tâm tới một lãnh vực riêng biệt nào, ví dụ như chỉ sưu tầm các loại Truyện Tam Quốc, các loại sách Hán Nôm vv… Về lãnh vực phong tục tôi xin giới thiệu với quý bạn cuốn sách này mà tôi vừa đổi (trao đổi sách lấy sách) được từ 1 thành viên CLB. Anh H.M. đã đổi cuốn này cho tôi lấy mấy cuốn sách bằng tiếng Việt mà tôi không thích lắm như mấy cuốn của Nguyễn Khắc Mẫn, Bùi Huy Phồn vv… Cuốn “Phong Tục và Tập Quán của người Annam” này của 1 tác giả tên là H. Bonvicini. Tôi có để tâm tìm chi tiết về tác giả này, nhưng không thành công vì, hình như, tôi chỉ nói hình như, tác giả này chỉ có duy nhất 1 tác phẩm này và do đó, không “nổi” chi lắm. Tuy nhiên khi đọc lướt qua thì tôi thấy thích và tôi cho là có thể tin cậy được phần nào vì lời giới thiệu lại là của M. J. Bouchot là một Thông Tín Viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ, gồm 1 nhóm các nhà nghiên cứu mà tôi đặc biệt kính trọng. Cuốn sách được in năm 1927 (83 năm trước) và được chia ra làm nhiều đề tài khác nhau mỗi đề tài chiếm vài trang trong tổng số 84 trang. Anh H.M., người đổi sách cho tôi cho biết đã hỏi Thư Viện Tổng Hợp và cho là trang 84 là trang cuối, nhưng khi đọc dòng chữ chót của trang 84, tôi có cảm tưởng đây không phải là những dòng chót KẾT THÚC MỘT TÁC PHẨM. Tuy nhiên, một giây cũng đã là quá khứ, việc này tôi sẽ để tâm làm rõ sau. Đọc lời giới thiệu, tôi mới biết là đây là tổng hợp những bài báo mà tác giả H. Bonvicini đã viết trong tờ “l’ Opinion” (Quan Điểm), một tờ báo Pháp in ở Việt Nam, thời kỳ 192… Cuốn sách bao gồm 16 Đề Tài khác nhau như: Sinh con và Hôn lễ, Tang lễ - Hút thuốc phiện – Về ma quỷ và những lễ vật truyền thống – Tục nhuộm răng – Một số mộ phần ở Phú Lâm – Những cây quạt tay – Người Annam ăn mặc như thế nào – Tục ăn trầu – Bài viết về một bữa ăn – Thuốc Nam – Tuồng hát Annam – Cờ bạc – Các việc thờ cúng và các lễ vật phải dâng định kỳ – Các chùa và các thánh thần của Đạo Phật và Đạo Lão. Đọc qua các bài viết tôi thấy tác giả đã viết rất trung thực những gì ông ta quan sát được nơi người mình, và viết bằng một giọng văn khá thân thiện, chứ không trịch thượng như nhiều tác giả thực dân khác. Đặc biệt là ông ta có nhắc tới cả 1 vài vị thần như Thần Trà, Uất Lũy và Chung Quỳ là những vị thần tôi rất ít khi thấy được nhắc tới. Đây là những vị thần trừ tà, làm ma quỷ phải chạy xa khi hình ảnh họ được dán trước cửa nhà. Tôi đặc biệt yêu thích 20 hình vẽ bằng bút sắt ở trong sách. Cuốn này cũng là 1 đóng góp nhỏ vào kho tài liệu nghiên cứu phong tục tập quán, tôn giáo ở nước ta khoảng 8, 9 chục năm về trước, và cũng có thể được chơi như là 1 cuốn sách cổ vừa vừa… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn LÝ và SỰ
Chắc chắn không có một người thợ sửa xe nào có thể làm cho một chiếc xe hết trục trặc mà lại không biết tên gọi của các món phụ tùng, cũng như không biết nguyên lý vận hành của chiếc xe. Đó là mới đề cập tới một việc sửa xe tầm thường, không đòi hỏi người làm việc đó phải có trình độ cao hay tư duy lý luận gì. Một bác sĩ càng khó khăn hơn, không phải chỉ cần biết phối hợp các loại thuốc với nhau mà phải học từ cơ bản về những gì thuộc về cơ thể con người cũng như nguyên nhân sinh ra bệnh của các bộ phận. Càng học thuộc chừng nào thì khi định bịnh, cho thuốc càng hiệu quả chừng đó. Vào tu Phật cũng vậy. Có người nghĩ rằng Đạo Phật là những học thuyết chỉ có tính triết lý siêu nhiên với những vị Phật cao cả quyền năng mà con người không thể hiểu nổi… không biết rằng những bài thuyết giảng xem chừng như đầy tính cách triết lý đó lại vô cùng thực tế: là những toa thuốc, lý giải và hướng dẫn cách thức để chữa BỆNH KHỔ cho con người, đúng như mục đích của Đạo Phật là ĐỘ KHỔ. Người không biết mục đích của Đạo Phật cũng tương tự như người muốn sửa xe. Vì không biết tên gọi của món phụ tùng cũng như vị trí nó cần phải gắn vào, nên cứ cầm nó, săm soi, lật tới, lật lui, không biết gắn nó vào đâu. Đó là lý do người muốn sửa xe phải qua lớp đào tạo, ít ra là cũng phải được người thợ lành nghề truyền lại cho. Một bác sĩ giỏi thì phải qua hàng chục năm đào tạo. Người tu Phật cũng thế, cũng phải nắm vững phần LÝ trước khi đưa vào áp dụng gọi là LÝ CHỨNG, sau đó mới đưa vào áp dụng gọi là SỰ CHỨNG. Vậy thì LÝ của Đạo Phật là gì? Chúng ta đừng quên những căn bản: Đạo Phật được gọi là Đạo “Độ Khổ”. Đức Thích Ca cho rằng “Hữu Thân, Hữu Khổ”. vì vậy, mục đích tu hành theo Đạo Phật là để được Thoát Khổ. Nhưng chỉ một mục đích Thoát Khổ mà sinh ra nhiều lối hiểu và hành trì khác nhau. Vì nhìn chung cuộc đời tu hành của Đức Thích Ca, ai cũng thấy Ngài phải rời bỏ gia đình, sống theo nếp sống của những tu sĩ, không làm ăn, kinh doanh, chỉ đi khất thực để sống. Công phu tu hành của Ngài là Ngồi Thiền, và giảng dạy lại cho đệ tử và tín đồ gọi là thuyết pháp độ sinh… thì cho rằng ai muốn Thoát Khổ cần phải rập khuôn theo y như thế. Xét về phần hình tướng thì hoàn toàn đúng. Nhưng Đạo Phật còn có một giai đoạn quan trọng mà nhiều người về sau vô tình hay cố ý quên đi. Thật vậy, Đức Thích Ca chỉ giảng đạo sau khi đã đắc đạo, còn người thời nay, chỉ học được một mớ lý thuyết của Đạo cũng giảng đạo, cho là chỉ cần học trước một vài bài là có thể hướng dẫn cho chưa học, không biết rằng đôi khi những bài họ cho là đã hiểu rõ đó còn nằm trong giai đoạn mà Đức Thích Ca gọi là phương tiện, chưa đưa tới gần mục đích. Một thí dụ, như nói về cái KHÔNG. Những người được gọi là phàm phu, là những người thấy Tướng, chấp Tướng, cho cuộc đời là thật CÓ. Cho cái thân là Ta, do đó mà phải KHỔ. Vì thế, Đức Thích Ca phân tích các pháp hữu vi, cho thấy là các pháp chỉ là một sự kết hợp của các Duyên. Hết Duyên là tan rã. Không có gì là thật có. không có gì là trường tồn, để mọi người thấy được rằng các pháp cuối cùng thật sự là KHÔNG. Người đời cho rằng các pháp là CÓ, nhưng theo Đức Thích Ca thì tuy nó Có, nhưng không trường tồn, vì thế, Ngài gọi là TẠM CÓ. Con đường tu Phật mà Ngài mở ra là để dạy cách giải quyết cuộc sống một cách thực tế nhất: Không bám víu lấy cái Có để mà phải KHỔ. Nhưng cũng không phải đắm với cái KHÔNG, vì điều đó không sát với thực tế, mà chấp nhận cái cảnh đang TẠM CÓ, trong đó có TA, có NGƯỜI và tất cả CÁC PHÁP, giải quyết thế nào để đừng bị rối loạn, đau khổ, vì thế rất cần đến CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO: “Không phải Có, không phải Không mà cũng Có, cũng Không”. Nhưng các bậc THINH VĂN là những người chỉ nghe đến KHÔNG là đã vội chấp vào đó, bỏ hết mọi việc, không muốn tu tiến nữa, vì thế mà sau đó Đức Thích Ca phải khai mở cho họ bằng những thời pháp trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA. Trong đó, đầu tiên Ngài ca ngợi Phương Tiện, cho rằng các Đức Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều phải dùng Phương Tiện để dẫn dắt cho chúng sinh, vì không thể trong một vài thời pháp, hay chỉ một thời gian giảng dạy mà có thể đưa họ đến sự hiểu biết rốt ráo của Đạo, và người tu muốn Thoát Khổ, đạt đến Niết Bàn thì phải ĐỘ SINH. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA là Kinh đưa Con Đường Độ Sinh để hướng dẫn cho hàng Thinh Văn bước vào địa vị Bồ Tát để hoàn tất Con Đường Giải Thoát. Thế nhưng trước khi Phật giảng thì 5000 Tỳ kheo tăng thượng mạn đã bỏ ra về, vì cho rằng những gì họ được nghe đã đủ rồi, không cần phải nghe thêm gì nữa! Chúng ta thử nghĩ, với 5000 người đó, sau đó mở ra giảng dạy, cũng xưng là Đệ tử của Đức Thích Ca, và truyền nhau mãi đến tận bây giờ, thì những người theo nghe họ số phận ra sao? Đó là lý do mà mỗi người chúng ta cần nương kinh điển để tự kiểm tra lại sự hiểu biết của mình, còn nếu cứ Nghe cứ Tin, thì chẳng may người giảng dạy hiểu chưa đúng thì cuối cùng người lãnh hậu quả chính là người theo nghe, để rồi đôi khi cả đời tu hành mà chẳng được lợi ích gì, cũng chẳng biết công năng hành trì của mình rồi sẽ đưa về đâu!. Chính vì vậy, có lẽ chúng ta cũng nên xem lại sự tương quan giữa Lý và Sự để coi cái Lý mình đang hiểu đã đúng chưa? Có áp dụng được hay không? Có phù hợp với mục đích của Đạo Phật hay không? Về lý thuyết “Đời là Khổ” thì ai cũng chấp nhận được. Nhưng rời thế gian bằng cách xuất gia đã hết khổ chưa? Và cái KHỔ mà Đạo Phật đề cập là cái nào? Chỉ mới hai danh dưng: THINH VĂN và BỒ TÁT mà ta đã thấy sự khác biệt hết sức rõ ràng. Còn vô số những từ khác cũng đều cần phải phân cho rõ nghĩa thì khi thực hành mới cho ra kết quả đúng được. Chúng ta cũng thử xét về LY GIA và CẮT ÁI là hai vấn đề cơ bản của việc tu hành, để thấy tầm mức quan trọng của hai từ này khi đưa vào thực hành. Nhiều người sau khi rời bỏ nhà thế tục, không còn dính líu tới cha mẹ, anh em và những công cuộc làm ăn của đời thì cho là đã “thoát thế gian”. Trong khi đó, đối chiếu với hoàn cảnh thực tế thì ta thấy, dù họ không gần gũi, sống chung với quyến thuộc là máu mủ họ hàng, nhưng lại sống chung với những bạn đồng tu khác. Như vậy thật ra cũng là một hình thức đổi môi trường sinh hoạt mà thôi. Người tu sở dĩ cần tập trung thành nhóm như vậy là để hỗ trợ cho nhau và để bớt bị các pháp của cuộc đời quấy nhiễu, làm ảnh hưởng đến việc tu hành. Không phải là chỉ cần vô chùa là đã thoát thể gian để rồi quay lại nhìn người đời bằng cặp mắt thương hại như đó là những kẻ vô minh, tiếp tục ngụp lặn trong bể khổ! Sự thật. Phải chăng hàng ngày, người xuất gia vẫn phải mặc áo, ăn cơm. Khác chăng là áo được thiết kế riêng cho giới tu hành. Thức ăn không có thịt cá, chỉ toàn rau đậu, và không phải tự kiếm miếng ăn, do thí chủ cúng dường cho thôi? Họ tránh được cái Khổ phải bon chen với đời, nhưng cái Khổ của Sinh, Lão, Bịnh, Tử thì vẫn phải tiếp tục chịu y như những người đời, vì phải chăng có vào chùa đi nữa thì vẫn phải tiếp tục mang cái thân phàm, đâu có vì thế mà thành thánh ngay lập tức? Như vậy, suy ra họ mới chỉ Xuất Gia theo nghĩa của Văn Tự mà thôi. Nghĩa thật sự của Xuất Gia mà Kinh dạy là “ RA KHỎI NHÀ LỬA TAM GIỚI”. không phải là ra khỏi nhà thế tục. CẮT ÁI chính là: LÌA VÔ MINH VÀ THAM ÁI, vì khi chưa tu hành, chưa giải thoát thì mỗi người đều chịu sự điều khiển của hai món này, nên Đức Phật ví đó là cha, mẹ của mỗi người. QUYỂN THUỘC NGU SI mà Phật dạy phải rời xa, là rời khỏi Ba Nghiệp THAM, SÂN và SI của THÂN, KHẨU, Ý, vì khi sống, chính những nơi đó tạo nghiệp, và Nghiệp đó sẽ lôi kéo họ đến kiếp khác. Do vậy đó mới thật sự là Quyến Thuộc của mỗi người. Còn: Cha, mẹ, vợ, chồng, con cái, họ hàng… mỗi người trong khi sống đều tạo nghiệp riêng biệt. Khi chết, mỗi người sẽ theo Nghiệp của mình mà thọ thân khác, không thể theo nhau qua kiếp khác được. Vì vậy, khi sống có rời hay ở chung cũng chẳng ảnh hưởng gì đến nhau. Mới hai cái Lý của Xuất Gia và Cắt Ái, ta thấy giữa Nghĩa và Ngữ đã hoàn toàn khác nhau... Một vài cái LÝ căn bản nữa không thể thiếu cho con đường tu, là phải THẤY TÁNH, muốn Thấy Tánh thì phải Minh Tâm: “Minh Tâm mới Kiến Tánh”, “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích”. Muốn Thấy Tâm lại phải theo 3 điều kiện tiên quyết: GIỚI-ĐỊNH-HUỆ. Không thể nào có người phá Giới mà lại có sức Định để có HUỆ được. Phải CHỨNG ĐẮC nhưng phải “ĐẮC CÁI VÔ SỞ ĐẮC”, TỨC LÀ PHẢI đắc cái VÔ NGÃ. Cái “KHÔNG CÒN MÌNH”. Muốn thành Phật thì lại phải ĐỘ SINH. Muốn ĐỘ SINH thì phải thấy chúng sinh để độ. Vậy thì Chúng Sinh có phải là người đang nghe ta thuyết pháp hay không? Độ như thế nào để tất cả chúng sinh đểu Thành Phật và cuối cùng người Độ sẽ Thành Phật. Chúng ta có phải là Chúng Sinh của Phật không? Vì Ngài đã “Độ Thoát tất cả chúng sinh” nên mới thành Phật, mà Ngài đã Thành Phật rồi trong khi ta vẫn còn trầm luân trong bể khổ ở đây? Tu theo Đạo Phật thì tất cả những việc cần làm chủ yếu tập trung nơi Tâm nên gọi là TU TÂM, là phải hiểu rõ về NHÂN QUẢ. Như thế, ta có thể đối chiếu những việc ta đang làm có phù hợp với Nhân Quả không? Kinh PHÁP BẢO ĐÀN dạy: “Muốn Thấy Phật phải quay vào Thân của mình mà tìm, đứng ngó ra ngoài thân mà kiếm” (tr. 53). Vậy thì Phật là thứ gì ở trong Thân ta? Kiếm cách nào để thấy? Tu Phật là Tu Tâm vậy nếu ta không biết Tâm là gì? Ở đâu? Hư chỗ nào? thì làm sao để Sửa nó? Tụng Kinh, Niệm Phật có phải là công phu hay không? Một điều chắc chắn đó không phải là công phu của Đức Thích Ca đã làm để Thành Phật, vì Kinh chỉ được chép lại sau khi Phật nhập diệt khoảng 4 tháng. Đó là những lời của Phật đã giảng suốt 49 năm được các đại đệ tử ghi lại. Như vậy lợi ích thật sự của việc tụng Kinh là gì? Công Đức là gì mà vua Lương Võ Đế cất đến 72 kiểng chùa, độ vô số tăng cũng không phải? Khác với Phước Đức ra sao? Tất cả những LÝ đó ta đã thông suốt chưa? Nếu chưa, thì đưa vào SỰ cách nào? Nói theo ngôn ngữ của người thợ sửa xe thì đó là một số phụ tùng mà nếu muốn cái xe vận hành được thì họ không những phải biết tên gọi mà còn phải biết cách lắp ráp các món đó cho đúng vị trí. Nói theo ngôn ngữ của người tu thì đó là một số pháp mà người tu phải Hiểu để áp dụng. Như vậy, nếu chúng ta đã phát tâm, đã tu hành bao nhiêu lâu mà chưa phân biệt được những từ ngữ đó thì rõ ràng ta chưa hiểu được cái LÝ của Đạo, làm sao đưa vào thực hành? Khi Phát Tâm lại không được dùng Vọng Tâm mà phát, vậy thì ta đã theo đúng lời dặn dò của kinh Lăng Nghiêm trong khi ta vẫn trì tụng hàng ngày chăng? Về TƯỚNG của Phật, ta thấy Kinh Kim Cang dạy: - “Tu Bồ Đề ! Ý của ông nghĩ sao? Có thể do nơi thân tướng mà thấy Như lai chăng”? - Bạch đức Thế tôn! Không thể do nơi thân tướng mà đặng thấy như Lai. Bởi vì sao? Vì Đức Như Lai nói thân tướng đó chính là chẳng phải thân tướng” - Đức Phật bảo: “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng cả. Nếu nhận thấy các tướng đều không phải phải tướng chính là thấy Như Lai” Vậy thì chúng ta dùng ngọc quý, tạc tượng cho to, cho đẹp, rồi cung nghinh, cúng lạy có phải là lạy Phật chăng? Vì rõ ràng là Có Tướng? Hơn nữa, Kinh KIM CANG cũng có kệ: “Nhược dĩ sắc kiến ngã Dĩ âm thanh cầu ngã Thị nhân hành tà đạo Bất năng kiến Như Lai ” Có nghĩa là: Nếu kẽ nào nương sắc (hình tướng) để thấy Như Lai. Dùng âm thanh để cầu Ngài, thì đó chính là kẻ hành tà đạo, không thể thấy được Như Lai”! Như vậy chúng ta có đối chiếu Kinh Phật dạy với những gì mình đang thực hành xem có khế hợp hay không chưa? Hay vẫn tự cho mình là Phật tử mà bỏ ngoài tai lời Phật cảnh báo? Về lạy Phật thì Tổ Đạt Ma dạy: - “Chúng sanh điên đảo không biết tự tâm là Phật, cứ hướng ra ngoài mà gìn gữ cầu cạnh, suốt ngày lăng xăng niệm Phật, lạy Phật. Phật tại nơi đâu? Đừng nên có lối thấy ấy. Chỉ cần biết tự tâm. Ngoài Tâm rốt không có Phật nào khác. Kinh nói: Phàm cái gì có tướng đều là dối trá. Lại nói: Chính tại nơi đây mới là có Phật. Tự tâm là Phật. Đừng nên đem Phật ra lễ Phật như vậy” Ví bỗng dưng hiện ra tướng mạo Phật cùng Bố Tát, quyết cũng đừng nên kính lạy. Tâm mình vốn không tịch, không hề có những thứ tướng mạo ấy. Nếu giữ tướng tức là ma, rơi vào nẻo tà. Chẳng qua đó là những bóng dáng do Tâm dấy lên, nên đừng lễ lạy. Người lạy ắt không biết Người biết ắt không lạy . Nếu nóng lòng thấy Phật, thấy pháp cùng các thứ tướng mạo của Phật, Bồ Tát mà sanh lòng kính trọng, đó là tự mình đọa vào địa vị chúng sanh”. Vì sao gọi là “đem Phật ra mà lễ Phật”? Phật là “tình trạng giải thoát” trong Tâm của mỗi con người. Đức Thích Ca đã đạt được tình trạng đó. Ta cũng sẽ đạt được như Ngài nếu làm đúng theo những gì Ngài đã chỉ lại, cho nên không cần phải lạy Ngài. Hơn Nữa, Ngài đã tịch diệt lâu rồi. Những gì được vẽ hay đúc, tạc chỉ là mô phỏng những hình ảnh của Ngài theo mô tả trong Kinh, ta có lạy những hình tượng đó thì cũng chẳng ích lợi gì, vì nếu ta tu hành đúng cách, ta cũng sẽ trở thành Phật như Ngài. Do đó, Tổ Đạt Ma dạy: không cần đem Phật ra mà lạy Phật! LẠY, theo giải thích của Lục Tổ Huệ Năng là để PHÁ MÀN KIÊU, tức là người sụp lạy chứng tỏ họ kính trọng ai đó. Muốn tỏ lòng kính trọng Phật thì hay hơn hết là ta nên bắt chước theo các hạnh của Ngài, vì ca ngợi, tán thán lễ lạy suông thì lại rơi vào lời cảnh báo: “Kẻ nào ca ngợi Ta, tán thán Ta mà không hành theo lời ta chỉ dạy, kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta”! Như vậy, phải chăng đôi khi do không biết mà ta vô tình trở thành người phỉ báng Phật mà không hay!? Phật hay Tổ hay Kinh sách đều dạy Tu Tâm, đều bảo quay vào trong Tâm hay Thân của mình mà kiếm Phật. Dạy phải tự tu, tự độ…Ta lại quay ra, tạc tượng cho to, rồi ngày mấy thời ở trước tượng cúng vái, thắp hương cầu xin “được độ”! Nếu cứ đắm theo hình tướng như thế thì biết đến bao giờ mới thấy được Phật? CHÚNG SINH mà ta cần phải “Độ” được Lục Tổ giải thích: “Chư Thiện Tri Thức. Chúng sinh trong tâm mình là: Lòng ta mê. Lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sinh. Mỗi người phải dùng tánh mình mà độ lấy mình mới là thiệt độ. Sao gọi là dùng tánh mình mà độ lấy mình? Nghĩa là các chúng sinh trong tâm là tà kiến, phiền não, ngu si, phải đem chánh kiến mà hóa độ các tánh xấu ấy. Đã có sẵn chánh kiến thì phải dùng trí Bát Nhã mà đánh dẹp các chúng sinh ngu si, mê vọng. Mỗi mỗi mình phải độ lấy mình. Tà đến, lấy chánh mà độ. Mê lại, dùng ngộ mà độ. Ngu đến, lấy trí mà độ. Dữ lại, dùng lành mà độ. Độ như thế mới gọi là thiệt độ” Nếu chúng ta chưa thể phân biệt PHẬT là sự giải thoát trong tâm của mỗi một, và TƯỢNG là hình ảnh tượng trưng cho Đức Thích Ca được đúc hay tạc bằng vàng, ngọc, xi măng, gỗ… để rồi chúng ta cúng lạy Tượng Phật mà cứ ngỡ như đang lạy Phật thì rõ ràng ta đã nhầm lẫn thì sao có thể được phước? Giữa TU PHẬT tức là SỬA cho giống Phật hay là Sửa cho cái tâm đang phiền não, đau khổ, được Giải Thoát và THỜ PHẬT tức là xem Phật như một vị thần linh, rồi ngày ngày thắp hương để cầu xin... Hai việc đó hoàn toàn khác nhau. Nếu chúng ta hành trì còn chưa phân biệt được mình đang ở bên nào thì dù công phu một kiếp hay nhiều kiếp cũng làm sao có kết quả? Đó là một số LÝ quan trọng cần hiểu. Sau khi biết được còn phải đưa vào thực hành cho đến LÝ SỰ VIÊN DUNG thì mới hoàn tất được con đường tu hành. Chỉ cần bao nhiêu đó ta cũng có thể tạm kiểm tra vị trí của mình, xem đã được vào trong đạo hay còn đang ở ngoại đạo. Vì để thực hành đúng theo lý thuyết của Đạo không phải chỉ cần học một vài câu Kinh rồi cứ y theo nguyên văn mà thực hành, mà còn phải dò xem thế nào là phương tiện, đâu mới là cứu cánh để từng bước chỉnh đốn lại sự hiểu biết, hành trì của mình. Nếu thấy chưa đúng, thì tìm thêm. Nếu đã khế Kinh đã phân được NGỮ, NGHĨA và đang từng bước thực hành, thì chắc chắn sự thành tựu sớm muộn phải đến, vì Kinh là bản đồ, là kim chỉ nam, và lời của Phật thì không bao giờ hư dối vậy. Tháng 4/2010 Tâm Nguyện CHUYỆN LẺ BÓNG
Tuần rồi tôi lại được mời đi dự tiệc mừng đám cưới con gái bà chị họ. Cô dâu là một bác sĩ mới ra trường, còn chú rể là một kiến trúc sư. Quả là trai tài gái sắc (cô dâu cũng xinh xắn lắm), xứng lứa vừa đôi, môn đăng hộ đối. Ai cũng trầm trồ khen ngợi bà chị họ tôi vừa có con gái đẹp đẽ lại vừa học giỏi, rồi bây giờ có được rể thảo, mặt mày sáng láng trong bộ côm-lê trắng giống như tài tử phim Hàn Quốc. Bà chị tôi có ba cô con gái, không có được một tên đực rựa nào cả. Cô đầu tiên năm nay cũng ba mấy, gì đó, cũng là một bác sĩ, có chồng và hai con trai quậy cũng có hạng. Cô thứ hai là dân Kinh Tế, nghe nói cô này tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, hiện đang làm việc cho siêu thị Métro, oai vệ lắm nhưng chưa có anh chàng nào đủ điều kiện để cô làm thơ. Thôi thì đành phải chờ vậy. Luận về cái chuyện này nhiều người theo khuynh hướng đổi mới một chút thấy có một cái gì đó không “fair” chút nào giữa người nam và người nữ. Tại sao trong việc đi tìm kiếm một nửa của chính mình thì ông Trời giao toàn quyền chủ động cho giới mày râu. Tại sao chỉ có đàn ông được quyền đi tìm vợ, còn phụ nữ không được quyền chủ động đi tìm chồng, mà chỉ ngồi chờ đợi một ông nào được một đấng thiêng liêng dẫn dắt đến gặp người phụ nữ để xe duyên tơ tóc. Rủi như cơ hội đó không đến, người phụ nữ đành phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng trọn đời. Tại sao người Kinh không bắt chước một số người Dân tộc thay đổi quan niệm sống, theo chế độ mẫu hệ, ở đó người con gái được quyền đi tìm chồng, chọn chồng và cưới chồng. Phải để cho phụ nữ lật đổ cái quan niệm cũ sì để chủ động quyết định trong cuộc sống hôn nhân. Những sinh hoạt ngoài xã hội sẽ đổi khác. Khi người phụ nữ được quyền chủ động mở lời tỏ tình với người mình yêu để rồi tiến tới thành vợ thành chồng, quan niệm sống của người đàn ông sẽ đổi khác. Muốn được một người phụ nữ nào đó để mắt tới, người đàn ông phải luôn luôn trau dồi bản thân, tu tâm dưỡng tánh, rèn luyện đạo đức, học tập để trở thành một người tốt trong xã hội, có học vị cao. Học vị càng cao càng dễ dàng được phụ nữ tìm đến. Số lượng đàn ông học giỏi có học vị cao gia tăng. Tuy nhiên các đấng mày râu đừng nên nghĩ đến chuyện chạy bằng cấp, học dốt mà có bằng thiệt. Thời buổi hiện đại, mọi việc mua bằng cấp sẽ bị phát hiện ngay. Một khi người đàn ông bị phát hiện mua bằng cấp sẽ phải chịu ế vợ không có “ma” phụ nữ nào tìm đến hỏi làm …chồng. Trở lại cái đám cưới của con gái bà chị, người ta tổ chức rất rôm rả. Khung cảnh thanh lịch bên bờ sông Saigon. Sảnh đường rộng rãi chứa đựng khoảng bốn trăm người. Âm nhạc dồn dập như vừa chào mừng cô dâu chú rể, nhưng đồng thời cũng thúc giục những người còn lại trong sảnh đường, cả nam lẫn nữ, nếu chưa lập gia đình hãy nhanh chóng đến với nhau để có đôi có cặp với người ta. Tôi nhìn sang những bàn bên cạnh có nhiều cô gái đang độ thanh xuân, ăn mặc rất bảnh bao, nhìn cô dâu chú rể không chớp mắt. Có cô không chịu nổi la lên: “Đẹp quá bà con ơi”. Tôi cũng mong sao ông Trời sắp xếp cho các cô này rồi cũng sẽ có dịp bước lên xe hoa, kẻ trước người sau đừng bỏ sót ai cả. Nhưng rồi ông Trời cũng oái oăm, gán cho mỗi con người một cái “số”, hay một “tấm vé số” để cho người ta vin vào đó mà đổ lỗi cho: “cái số nó vậy”. Tại một công ty, một cô phụ trách sales, mỗi ngày cô phải gọi điện thọai lấy báo cáo từ các đại lý tại mấy chục tỉnh thành trên toàn quốc. Dáng vẻ bề ngoài của cô cũng thường thường bậc trung, năm đó cô mới ngoài ba chục, trình độ đại học, nhưng vẫn còn “thong thả”. Thong thả ở đây tức là chưa bị ràng buộc và cũng có nghĩa là chưa có anh chàng nào tìm đến. Trong lúc cô giao dịch qua điện thọai, phải nói cô này có cách làm dáng qua giọng nói rất đặc biệt, rất mực dịu dàng. Các bậc đàn chị, những người đã có tổ ấm vững vàng, rất thông cảm với cô bởi vì họ biết rằng cô đang phòng không mông quạnh nên cô phải “tiếp thị” giọng nói của mình, ngoài cái công tác marketing dáng vẻ của mình bằng các thứ hàng hiệu. Nhưng rồi mỗi năm trôi qua, mốc thời gian là mỗi kỳ nghỉ lễ 30/4 cô thường đi du lịch một quốc gia nào đó. Cho đến nay, theo một người bạn lâu ngày gặp lại cho biết, cô đã đi qua mấy chục quốc gia rồi,vẫn chưa có ai góp gạo nấu chung, chứ chưa nói đến chuyện chính thức bước lên xe hoa về nhà chồng. Một cô giáo dạy chung, chạy sô cũng nhiều, tiền bạc dư dả, nhưng cứ gần đến cuối tuần, khi đang chờ giờ lên lớp cô thường chép miệng than thở: “Chán quá, không có ai mời đi cà phê cà pháo gì cả.” Đó cũng là một “cái số”. Nhưng tôi thấy “cái số” này thường lẩn quẩn trong ngành giáo dục. Không chỉ riêng các cô giáo mà các thầy cũng có. Có thầy đã ngoài bốn mươi vẫn còn solo một cách… ổn định. Có nghĩa là trong đầu óc ông thầy giáo này không hề có một bóng dáng phụ nữ nào để thầy thức khuya làm thơ đề tặng. Cuối tuần thấy xách cần đi về vùng ngọai ô câu cá. Những con cá câu được thầy mang về tặng hàng xóm. Thế là xong cái weekend êm ả của thầy. Thêm một cái oái oăm nữa của ông Trời là trong cùng một môi trường, có điều kiện gặp gỡ tiếp xúc, vậy mà hai người nam nữ cùng solo lại ráp với nhau không được. Tiệc cưới đã gần tàn, món tráng miệng đã được dọn ra để trên bàn. Trên sân khấu bốn năm thanh niên lên hát với nhau ầm ĩ. Tôi nhón một miếng xu xoa rồi đứng dậy ra về. Dương Lêh ĐÀN NAM GIAO VÀ LỄ TẾ NAM GIAO XƯA
Trong lịch sử các triều đại quân chủ Việt Nam, kể từ thời nhà Lý (1010-1225), đàn Nam Giao đã được thiết lập ở Kinh đô Thăng Long để tế trời. Trong thời Hậu Lê (1427-1788), quy cách kiến trúc đàn tế trời và nghi lễ cúng tế được chỉnh đốn đàng hoàng hơn. Riêng ở Huế, xưa nay có 4 vị trí xây đàn Nam Giao khác nhau để các vua lên tế trời hàng năm, hoặc 3 năm một lần. Dưới thời chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), đàn tế trời được thiết lập ở một khoảnh đất thuộc làng Kim Long, gần nơi chúa đóng thủ phủ. Qua triều Tây Sơn (1788-1801), lễ tế trời diễn ra ở một ngọn đồi gần phía Tây núi Ngự Bình, gọi là Hòn Thiên hay núi Ba Tầng. Đến thời các vua nhà Nguyễn, ngay sau khi lên ngôi (1802), vua Gia Long cho đắp đàn ở làng An Ninh vào năm 1803 để tế trời. Nhưng sau đó 3 năm, triều đình nhà Nguyễn lại bỏ vị trí ấy để cho xây cái đàn tế khác ở làng Dương Xuân như chúng ta đang thấy hiện nay. Đàn tế trời lộ thiên này được khởi công xây dựng vào ngày 25-3-1806, do Thống chế Phạm Văn Nhân đứng ra điều khiển. Nhân công làm việc tại đây đều là lính và thợ thuộc bộ Công và bộ Binh. Không thấy sử nói đàn làm bao lâu thì xong nhưng có lẽ hoàn tất vào cuối năm ấy, vì qua đầu năm sau, 1807, triều đình Gia Long đã cử hành lễ tế giao lần đầu tiên tại đây. Khuôn viên đất đàn Nam Giao hình chữ nhật khá rộng rãi: bề dài 390m, chiều rộng 265m, giới hạn bởi một vòng tường thành xây bằng đá bọc xung quanh. Trong khuôn viên ấy, ngày xưa trồng rất nhiều thông, một loại cây tượng trưng cho người quân tử. Khi mới xây đàn xong, người ta trồng một cụm thông đứng biệt lập ở giữa phía nam đàn tế (trong khuôn viên) để tượng trưng cho vua Gia Long. Tại khuôn viên này, các hoàng thân và quan lớn trong triều mỗi người phải trồng một cây. Ở mỗi cây treo một tấm thẻ bài bằng đồng hay bằng đá khắc tên họ người trồng, ngày tháng năm trồng và thước tấc của mỗi cây khi mới trồng. Các quan có nhiệm vụ chăm sóc cây thông của mình, nếu thông chết, phải trồng cây thông khác thế vào. Năm 1834, trong một dịp lên tế giao, chính vua Minh Mạng cũng đã tự tay trồng 10 cây thông ở Trai Cung. Nhà vua cho treo biển đồng khắc bài bình do chính nhà vua soạn lên trên mỗi thân cây. Nhờ chính sách “trồng cây gây rừng” như thế cho nên ngày xưa ở đàn Nam Giao đã có được một rừng thông xanh rì bát ngát. Đàn Nam Giao được thiết lập ở phía nam Kinh Thành Huế, Xây dựng đàn tế trời ở vị thế ấy là giữ đúng nguyên tắc kiến trúc từ ngàn xưa của Đông Phương. Đàn Nam Giao triều Nguyễn là một đàn tế lộ thiên. Mô thức kiến trúc này mang ý nghĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền quân chủ Đông Phương, trong đó vương quyền được kết hợp chặt chẽ với thần quyền. Đàn Nam Giao gắn liền với thuyết thiên mệnh của đạo Nho. Nó cũng diễn tả được một cách rõ ràng vũ trụ bị hạn chế của bao triều đại trước trời tròn đất vuông. Bên trong khuôn viên hình chữ nhật (390m x 265m) có xây tường bằng đá để ngăn cách thế giới bên ngoài, đàn đế được xây dựng thành ba tầng, dưới lớn trên nhỏ chồng lên nhau, tượng trưng cho thuyết tam tài: Thiên, Địa, Nhân. Mỗi tầng mang một hình dạng và màu sắc riêng: trời tròn đất vuông, thiên thanh địa hoàng. Tầng trên hết hình tròn, gọi là Viên Đàn (đường kính 40,5m x cao 2,80m), tượng trưng cho trời. Lan can chung quanh quét vôi màu xanh. Đến ngày tế giao, người ta dựng lên ở tầng này một cái nhà hình nón lợp vải màu xanh gọi là Thanh Ốc. Tầng kế có hình vuông, gọi là Phương Đàn (mỗi cạnh 8,3m x cao 1m), tượng trưng cho đất. Lan can bốn phía quét vôi màu vàng (địa hoàng). Mỗi lần tế, người ta dựng lên ở đó một cái nhà vuông lợp vải vàng, nhỏ hơn nhà trên gọi là Hoàng Ốc. Tầng dưới cùng cũng hình vuông, (mỗi cạnh 165m x cao 0,85m) lan can chung quanh quét vôi màu đỏ, tượng trưng cho người (xích tử: con đỏ). Tại đây, khi tế có 128 văn sinh và vũ sinh đứng múa. Ba tầng cộng lại cao 4,65m. Đàn Nam Giao quay mặt về hướng Nam. Vòng tường bằng đá chung quanh khuôn viên của đàn có trổ bốn cửa trông rất rộng nhắm theo bốn hướng đông tây nam bắc. Trước mỗi cửa đều xây một bức bình phong rất lớn (rộng 12,50m x cao 3,20m x dày 0,80m). Trong dịp tế, trước mỗi cửa cắm hai lá cờ đại với màu sắc khác nhau: cửa bắc màu đen, cửa nam màu đỏ, cửa đông màu xanh, cửa tây màu trắng. Như vậy, hình thức, phương hướng và màu sắc kiến trúc đàn Nam Giao đều áp dụng nguyên tắc âm dương ngũ hành của Dịch Học. Những đàn tế trời của các thời Lý, Lê, Trần, Tây Sơn đều không còn nữa. Đàn Nam Giao triều Nguyễn ở Huế là di tích tế trời duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn tại Việt Nam. * * * Gần đây, công chúng và nhất là những người quan tâm đến các vấn đề văn hóa vui mừng nhận được tin Nhà nước cho phép phục hồi đàn Nam Giao – một di tích lịch sử đã xuất hiện gần 200 năm nay tại Huế. Đây là nơi từng chứng kiến một nghi thức truyền thống đã diễn ra trên đất nước ta từ lâu: lễ TẾ GIAO. Trời và Đất là hai ý niệm quan trọng chi phối đời sống văn hóa và tư tưởng của người Phương Đông. Các vua chúa ngày xưa thường tự xưng là “con Trời” (Thiên tử), thay Trời để chăm lo đời sống nhân dân. Vì thế, vua chúa thường phải làm lễ tế cáo với Trời, Đất như một bổn phận của con cái đối với cha mẹ, đồng thời cũng để cầu xin sự an lành, hạnh phúc cho dân. Lễ TẾ GIAO đã xuất hiện ở Trung Quốc từ thời Nghiêu, Thuấn, cách đây hơn 4000 năm. Theo quan niệm thời đó, Trời thì tròn, Đất thì vuông, cho nên trong năm, nhà vua làm chủ tế 2 lần khác nhau: một lần vào tiết Đông chí, tế trời ở nơi viên khâu (gò tròn), một lần vào tiết Hạ chí, tế đất ở Phương Khâu (gò vuông). Gò tròn nằm ở phía Nam Quốc đô nên gọi là Nam giao, gò vuông nằm ở phía Bắc Quốc đô nên gọi là Bắc giao. Về sau, 2 lễ tế Trời, Đất gom lại làm một và đàn tế gọi chung là đàn NAM GIAO. Ở nước ta, tục Tế Giao bắt đầu vào thời vua Lý Anh Tông (1138-1175). Nhà vua cho lập đàn Viên Khâu ở thành Thăng Long, cứ ba năm một lễ lớn, hai năm một lễ trung, một năm một lễ nhỏ. Nhà Trần kế tục nhà Lý bỏ hẳn lệ Tế Giao trong gần 200 năm (1225-1400). Khi họ Hồ soán ngôi nhà Trần, Hồ Hán Thương lập đàn tế Trời ở núi Đốn Sơn (Thanh Hóa). Tương truyền, trong một buổi tế, Hán Thương run tay làm đổ chén rượu nên truyền bãi tế. Người đương thời cho đó là điềm gở của nhà Hồ. Năm 1428, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, định lệ Tế Giao vào mùa Xuân, trong 3 ngày Xuân đán, chọn một ngày tốt để làm lễ. Đến thời Lê Trung Hưng, nhà vua chỉ ngồi làm vị cho chúa Trịnh giật dây: trong lễ Tế Giao, bên cạnh nhà vua làm chủ tế trên điện chiêu sư, còn có chúa Trịnh và quan tiết chế (thường là một thế tử con chúa Trịnh giữ chức này) làm bồi tế. Lễ Tế Trời thời đó rất giản lược, chỉ có lễ Thượng hương rồi đọc tờ tấu, trước sau chỉ lạy 8 lạy (theo Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ). Đến thời nhà Nguyễn, tháng 2-1806, vua Gia Long cho lập Giao đàn ở phía Nam thành Phú Xuân và đàn chính thức mang tên Nam Giao từ đó. Đàn chia làm 4 thành. Thành thứ nhất là Viên đàn (đàn tròn, tượng trưng cho Trời), thành thứ nhì là Phương đàn (đàn vuông, tượng trưng cho Đất) thấp hơn Viên đàn; thành thứ ba và thứ tư thấp hơn cả. Bên tả Giao đàn là Trai cung, nơi nhà vua ra đó trai giới một ngày trước buổi lễ. Xung quanh đàn trồng nhiều cây um tùm, rập rạp. Lúc bình thường, đàn chỉ là những ô trống với nền đắp cao, khi tế lễ mới căng vải dựng nhà, tế xong lại dỡ đi. Đời Gia Long đặt ra lệ “Bốc giao” – Khâm Thiên giám chọn ra 3 ngày lành trong tháng 2 tâu lên, nhà vua cho bói lại, lấy ngày tốt nhất làm ngày Tế Giao. Trước lễ tế 3 ngày, cấm tra khảo tù nhân, sát hại trâu bò. Đến đời Minh Mạng lại đặt lệ “Thệ giao” – 3 ngày trước lễ tế, nhà vua triệu tập đình thần ở điện Thái Hòa để tuyên thệ về sự Tế Giao. Cuối thế kỷ XIX, vua Thành Thái đặt ra lệ 3 năm Tế Giao một lần, không còn lệ 1 năm hay 2 năm một lần như trước nữa. Một ngày trước lễ chính, nhà vua đi từ cung điện đến Trai cung để trai giới. Quang cảnh đường sá lúc đó đã vô cùng náo nhiệt. Các loại cờ xanh, cờ đỏ, cờ đuôi nheo, cờ ngũ hành cắm san sát hai bên đường. Các xã nằm quanh Kinh đô đều bày hương án nối tiếp nhau trên đường vua đi, cứ vài thước lại có một hương án. Trong dịp lễ Tế Giao vào tháng 3-1918, vua Khải Định ngồi trong loan giá, mặc áo vàng, chít khăn vàng để đến Trai cung, các hoàng thân và đình thần mặc triều phục đi theo. Đám đông đi tiếp sau có cả ngàn người. Cuối đám rước có mang một hình nhân bằng đồng gọi là đồng nhân, hai tay cầm một tấm bảng khắc hai chữ “Trai giới”. Loan giá nhà vua đi đến đâu, các bô lão chờ sẵn cạnh hương án ở đó đều sụp xuống lạy. Trước Trai cung, các quan đã chờ sẵn, quỳ đón nhà vua. Đợi khi nhà vua vào ở hẳn trong Trai cung, họ mới lục tục kéo về. Chiều hôm đó, đình thần tổ chức buổi Diễn nghi, tức là tế thử. Mọi nghi thức của ngày lễ chính vào sáng hôm sau đều được diễn tập cả, nhằm mục đích giúp các quan chức hữu trách được thuần phục, không bỡ ngỡ, vấp váp khi đích tân nhà vua làm chủ tế. Một quan Khâm mạng sẽ thay nhà vua làm chủ tế trong buổi Diễn nghi này. Đến đêm, đèn được thắp sáng rực cả Giao đàn. Bên ngoài, dân chúng đi lại như trẩy hội, nhưng bên trong thì lặng ngắt như tờ. Lính An Nam và lính Pháp canh gác chặt chẽ, mọi hình thức ra vào đều bị cấm chỉ. Đúng 0 giờ 40 phút sáng, vua Khải Định lên xe từ Trai cung qua đàn Nam Giao để hành lễ. Nhà vua đội mũ miện, mặc áo cổn, tay cầm ngọc trấn khuê (hốt bằng ngọc); một số quan lại cầm quạt lông, đèn lồng, đèn nến theo sau. Vua dừng lại ở nhà Đại thứ làm lễ rửa tay, sau đó quan lễ bộ rước lên nhà Hoàng ốc (nhà vuông căng vải vàng ở Phương đàn), đến trước ngoại hương án, hành lễ nghinh thần theo lời xướng của một viên quan Nội tán. Trong lúc đó, ngoài sân, phường hát gồm hơn một trăm người vừa múa vừa ca khúc An Thành. Trong ánh sáng lung linh giữa đêm trường, lời ca tiếng hát vang vang, thấm đẫm vào lòng những người dân đứng xem xa xa một cảm giác lâng lâng xúc động. Bài hát vừa dứt, nhà vua được mời lên Viên đàn, nơi có một cái nhà tròn căng vải xanh, gọi là Thanh ốc, để làm lễ “Diện ngọc bạch” (dâng ngọc lụa). Phường hát tấu khúc Triệu thành. Tiếp theo là lễ “Tiến trở” (dâng mâm trâu thui), tấu khúc Tiễn thành; lễ Sơ hiến (dâng rượu lần thứ nhất), tấu khúc Mỹ thành. Sau lễ Sơ hiến, nhà vua quỳ xuống cho quan tư chức đọc chúc văn. Tiếp đến là lễ Á hiến (dâng rượu lần thứ hai), phường hát tấu khúc Thụy thành; lễ Chung hiến (dâng rượu lần sau cùng), tấu khúc Vĩnh thành. Khi dàn nhạc cất tiếng, nhà vua làm lễ Ấm phúc và Thụ tô (uống chén rượu cuối cùng, nhận miếng thịt cuối cùng) Trong lúc nhà vua hành lễ, chỉ có những thượng khách như Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Huế và một vài quan chức cao cấp Pháp là được đứng trên Viên đàn để chứng kiến. Các quan lại Việt Nam từ tam phẩm trở lên phải phủ phục ở thềm đàn thứ hai (Phương đàn), từ tứ phẩm trở xuống, phải phủ phục ở thềm đàn thứ ba. Buổi lễ dứt, phường hát tấu khúc Nguyên thành. Nhà vua trở xuống Phương đàn lạy 4 lạy để tống thần. Tờ chúc văn và các đồ bạch soạn được đốt lúc đó. Xong, quan bộ Lễ rước vua xuống đàn, trở về Trai cung. Lúc đó, vào khoảng 4 giờ rưỡi sáng. Nhà vua về Trai cung nghỉ ngơi rồi thay khăn vàng, áo vàng ngự lên ngai để các quan văn võ làm lễ Khánh thành trước sân Trai cung. Lễ xong, nhà vua lên loan giá trở về cung điện. Hai bên đường, các bô lão vẫn quỳ đón vua bên cạnh các bàn hương án. Cảnh tượng bớt phần trang nghiêm hơn hôm trước, nhưng sự vui vẻ trong công chúng có phần tăng lên. Nghi lễ Tế Giao có một tầm quan trọng đặc biệt trong sinh hoạt văn hóa thời Nguyễn, nó thu hút sự quan tâm của ngay cả các viên chức Pháp lúc bấy giờ. Paul Domer, viên Toàn quyền Đông Dương nổi tiếng vào cuối thế kỷ XIX, đã dành một đoạn dài trong tác phẩm “L’Indochine francaise Souvenirs” (Đông Pháp – những kỷ niệm) xuất bản tại Paris năm 1905 để mô tả khá chi tiết buổi lễ Tế Giao năm 1987 do vua Thành Thái chủ tế. Còn học giả Phạm Quỳnh – chủ bút Nam Phong tạp chí – vào năm 1918 đã thực hiện một chuyến Nam du từ Hà Nội vào Huế, chủ yếu để tận mắt chứng kiến lễ Tế Giao của vua Khải Định (mà một số nét chính đã được kể ở trên). Nhân dịp này, nhà học giả cũng được thưởng thức Hội Hoa Xuân. “Nhân dịp Nam Giao, trong thành lại mở một hội đấu hoa nữa ở nơi vườn hoa mới lập sau điện Long An, trước cửa bộ Học. Quan dân nhà ai có chậu bông đẹp đều đem họp tại đấy. Chiều chiều, những bậc trai thanh, gái lịch ở chốn Trường An cũng đến họp mặt đông lắm, như muốn đua tài đua sắc với trăm hoa…” Bùi Đẹp (Di sản thế giới) KỶ NIỆM 190 NĂM NGÀY MẤT ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU (1820-2010)
Lời giới thiệu: Nhân kỷ niệm 190 năm ngày mất Nguyễn Du, dịch giả Thùy Dương có gửi đến chúng tôi đoạn cuối của bản dịch Truyện Kiều mà chị đã hoàn tất, cùng 2 bài thơ Đường của Nguyễn Du, với những lời bộc bạch tâm huyết của chị. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả để chúng ta cùng tưởng niệm và tôn vinh vị đại thi hào của dân tộc đã được thế giới (UNESCO) công nhận từ năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Cụ. CLB Sách Xưa và Nay ĐÔI DÒNG TÂM SỰ CỦA NGƯỜI DỊCH Hôm nay là ngày mà tôi rất vui sướng, vì đã đạt được một ước nguyện mà tôi ôm ấp từ thuở thiếu thời và một điều mà tôi tâm niệm từ lâu nay. Đó là: nếu tôi phải chết hay bị phát hiện một căn bệnh hiểm nghèo nào đó, thì xin cho điều này chỉ xảy ra sau khi tôi đã dịch xong đến câu thơ số 3254, câu cuối cùng của Truyện Kiều. Nhìn lên lịch thấy ngày 12-4-2010, cũng hơi trễ so với thời gian mà tôi đã dự tính và hẹn với một số bạn bè đang trông đợi là đầu năm 2010 sẽ xong. Nhưng không sao, được vậy là mừng rồi. Thực ra nếu chỉ dịch xuôi hay dịch ra thơ không vần thì không đến nỗi lâu như vậy. Nhưng đã trót đâm lao phải theo lao, ước cao thì khó đạt. Hơn nữa, cũng chỉ tại cái tay người Mỹ nào đó là Giáo sư Anh ngữ ở một trường Đại học xa xôi mà một người bạn giới thiệu nhờ cho nhận xét về bản dịch của tôi. Trong khi các bạn Việt Nam có trình độ nhiệt tình khích lệ thì vị GS người Mỹ kia lại sửa mấy câu thơ tâm đắc của tôi thành những câu rất tệ hại, khiến tôi chán nản vứt vào một xó tủ mười mấy năm không thèm dịch nữa cho đến khi bản dịch của tôi được giới thiệu và đăng trên bản tin Xưa và Nay. Vì vậy nếu bản dịch Kiều của tôi ra đời được cũng là nhờ ở CLB Sách Xưa và Nay mà tôi phải cám ơn rất nhiều. Từ nay đến khi bản dịch của tôi được in ấn xong và đến tay bạn đọc xa gần chắc còn nhiều việc phải làm nữa. Nhưng hình như linh hồn Cụ Nguyễn Du vẫn luôn theo dõi và nhắc nhở tôi những gì phải làm. Tôi chợt nhớ ra năm nay 2010 là đúng 190 năm kỷ niệm ngày mất của Cụ (1820), nhưng chưa thấy ai quan tâm, có lẽ vì mọi người còn mải lo chuẩn bị cho 1000 năm Thăng Long. Từ nay tới đó nếu tôi cứ đăng tiếp Truyện Kiều mỗi kỳ 4 trang như Ban Chủ Nhiệm đã cho phép thì không thể nào hết được mà phải mất đến 2-3 năm nữa. Nên tôi đề nghị Ban Chủ Nhiệm cho tôi đăng đoạn kết (khá dài) trước, nhân kỷ niệm 190 năm ngày mất của Cụ, để báo cáo với Cụ là tôi đã dịch xong truyện Kiều của Cụ, đồng thời cũng để thỏa tính tò mò của các bạn trẻ, nhất là các bạn nước ngoài mến mộ truyện Kiều, đang nôn nóng muốn biết kết cục ra sao. Cuối cùng Kim có tìm được Kiều không, nếu có, họ có tái hợp để tìm lại hạnh phúc được không? Chắc chắn các độc giả phương Tây sẽ không đồng ý với quyết định cuối cùng của Kim và Kiều. Một số bạn trẻ Việt Nam cũng vậy. Làm sao hiểu được quan niệm sống của người phương Đông? Nhưng chỉ hy vọng rằng qua những lời đối thoại sâu sắc của Kim, Vân và Kiều, họ sẽ hiểu được cái đẹp tinh thần sâu sắc của người phương Đông. Mặc dầu biết trình độ khả năng của mình chưa đủ để dịch được những lời thơ thâm thúy của vị Đại thi hào của dân tộc và thế giới để người phương Tây có thể cảm nhận được một cách sâu sắc, nhưng sức mình chỉ có vậy dù đã cố gắng hết mình. Thôi cũng mong những bậc cao minh thông cảm cho những gì tôi đã bộc bạch trong bài tựa bằng tiếng Anh sau đây. Introduction KIM VÂN KIỀU is a lyrical narrative poem of 3254 verses of 6 and 8 syllables written by NGUYỄN DU, a great poet in the eighteenth century. So far it has remained the most famous work of Vietnamese literature. Since my youthful years, I have been longing to be able some day to translate this beautiful long poem into English, and this is the basic motive that urged me to study and improved my written English. But although so eager in my earnest ambition, I have had to give up for many years. For it is not so easy to translate such beautiful verses of the great poet into a foreign language without losing or altering the fine ideas of many words and the nice sounds and images evoked from beautiful verses. It is really a great work that any Vietnamese scholar has ever attempted to try. Everyone knows this French saying: “Traduire c’est trahir” (To translate is to betray). Also, once I read this funny English saying: “Translations are like women, if faithful they are not beautiful, if beautiful they are not faithful”. I am sure no man would like an ugly wife nor and unfaithful one. To make a fine reconciliation, as a translator or a “husband”, I would choose a “wife” who is pretty beautiful and I would try to keep her as faithful as possible. I think this is better than to remain “single” for all one’s life, or never to engage in translation. Meanwhile I have learned a saying of a Vietnamese scholar, Nguyễn Bá Học: “The way we go is difficult not because it is barred by rivers and mountains but because of our fear of mountains and rivers”. Also, one of my English friends has given me this statement as advice: “The longest journey is begun with a single step”, which has encouraged me to begin this long and hard “journey”. Well, may this clumsy single step of mine bring a small pleasure to those foreigners who want to know something about Vietnamese literature? I dare not have a great ambition to complete a work of this kind, I am just hoping to try to do something for my country and people. My translation certainly needs correction and advice of many readers, Vietnamese and foreigners, to whom I shall be very grateful. This is the story of a young girl of a good family, beautiful and talented, who had to suffer a harsh destiny. The poem included many historical references. I will mention the ones that are simple and interesting and leave out those that are complicated and not interesting so as not to tire the readers. Thus my work cannot be of help for the readers who wish to go further in the study of historical references in the original poem. Also, the readers may find that, in comparison with the original poem, I have sometimes invented or omitted some minor details or altered the meanings of some words. But all that has no other purpose than to make the translated verses sound smoother or easier to understand for foreign readers, or sometimes to keep the rime chain going on. I hope that the author, Nguyễn Du – if his soul is alive – will sympathize with me as my humble ability is not good enough to translate beautifully his thoughtful words and marvelous idea. To conclude this introduction, may I cite one of the author’s last statements: “Who knows whether three hundred years later, Anyone in this world will shed his tears for Tố Như?” (1) (Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?) May 15, 1992 THÙY DƯƠNG --------------- (1) Tố Như: one of the author’s pen names TRUYỆN KIỀU (Phần kết: 3009-3254) Trông xem đủ mặt một nhà, 3010 Xuân già còn khỏe, huyên già còn tươi. Hai em phương trưởng hòa hai, Nọ chàng Kim đó là người ngày xưa! Tưởng bây giờ là bao giờ, Rõ ràng mở mắt còn là chiêm bao! 3015 Giọt châu thánh thót quẹn bào, Mừng mừng tủi tủi, xiết bao sự tình! Huyên già dưới gối gieo mình, Khóc than mình kể sự mình đầu đuôi: “Từ con lưu lạc quê người, 3020 “Bèo trôi sóng vỗ chốc mười lăm năm “Tính rằng sông nước cát lầm, “Kiếp này ai lại còn cầm gặp đây!” Kiều recognized every face of her whole family Old father were still in good health, old mother looked lively Vân and Quan now all grown up, well mature And Kim, her true love of former days, and forever! He was there! Oh! She wondered when and where she was this moment. Eyes opened, she still thought it a dream and doubted what happened! Tears fell down drop by drop, wetting her outer dress, A mixed feeling of happiness and shame, with a little bitterness. She knelt down on the ground, embracing her mother’s knees, Sobbing out her whole story, end to end, full of miseries… “Oh, Mother! Since I left home to go astray over a strange country “This duckweed has been drifting on waves for fifteen years already! “She has thought she was lost under water and dirty sand, “Who could think of such a meeting in this life, right in homeland!” Ông bà trông mặt cầm tay Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra. 3025 Bấy chày dãi nguyệt dầu hoa, Mười phần xuân có gầy ba bốn phần. Nỗi mừng biết lấy gì cân, Lời tan hợp chuyện xa gần thiếu đâu Hai em hỏi trước han sau, 3030 Đứng trông chàng cũng đổi sầu làm tươi. Quây nhau lạy trước Phật đài, Tái sinh trần tạ lòng Người từ bi. Kiệu hoa giục giã tức thì, Vương ông dạy rước cùng về một nơi. 3035 Nàng rằng: “Chút phận hoa rơi, “Nửa đời nếm trải mọi mùi đắng cay. The old parents took her hands and looked at her face There has been scarcely any change since she left their place So many years exposed to moon and flowers (1) Yet her youthful brightness had only a little altered. There was no scale that could weigh their great happiness! In such a rare reunion, so many things they wanted express Vân and Quan covered their sister with numerous questions Watching such a scene, Kim felt his sorrows change into exultion. Altogether, they prostrated themselves before the Buddha’s shrine Paying gratitude to Him for rescuing Kiều back to life They hastened to take leave and get ready with sedan-chairs, Old Vương ordered everyone go back to the same house of theirs. Kiều said: “Father, I’ve been just a fallen flower hopeless, “Half of my life has experienced all kinds of bitterness . -------------------------- (1) Moon and flowers: allusion to frivolous or out of marriage sexual pleasures “Tính rằng mặt nước chân mây, “Lòng nào còn tưởng có rày nữa không? “Được rày tái thế tương phùng, 3040 “Khát khao đã thỏa tấm lòng lâu nay. “Đã đem mình bỏ am mây, “Tuổi này gởi với cỏ cây cũng vừa. “Mùi thiền đã bén muối dưa, “Màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng. 3045 “Sự đời đã tắt lửa lòng, “Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi? “Dở dang nào có hay gì? “Đã tu, tu trót qua thì, thì thôi. “Trùng sinh ân nặng bể trời, 3050 “Lòng nào nỡ dứt nghĩa người ra đi.” “So far over waters, up to skyline going astray, “I never hoped to survive until this great day! “Now, being reborn in this miraculous meeting, “My thirst has been satisfied, I wish for no other thing. “I have confided the rest of my life to this tranquil shrine, “At this age of mine, to live among grass and trees would be fine. “I’ve been used to vegetarian diet with salted green, “And brown color are my usual clothing as you have seen. “Thanks to Buddha, life passion has died out from my heart, “So why squeeze back to that rosy dusted earth? “Leaving my Buddhist path unachieved, is it good? “Instead of carrying out my route as far as I could. “Moreover, I still owe a great debt to my savior “Not having paid my great debt, how could I break off from her? Ông rằng: “Bỉ thử nhất thì, “Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền. “Phải điều cầu Phật cầu Tiên, “Tình kia, hiếu nọ ai đền cho đây? 3055 “Độ sinh nhờ đức cao dày, “Lập am rồi sẽ rước Thầy ở chung.” Nghe lời nàng phải chiều lòng, Giã sư, giã cảnh, đều cùng bước ra. Một đoàn về đến quan nha, 3060 Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy. Tàng tàng chén cúc dở say, Đứng lên Vân mới giãi bày một hai. Rằng: “Trong hợp tác cơ trời, “Hai bên gặp gỡ một lời kết giao. Old Vương said: “This is a special case to be considered, “Sometimes religion has to loosen its way to follower. “If you devote your life to Buddhism or Immortal piety, “Then who will pay your love debt and filial duty? “As for your debt to your savior under divine power, “We’ll build a temple nearby and welcome her there to care for her.” Kiều had to obey to her father wise advice, Taking leave of her Superior and the peaceful sight. She hastened to join the family back to Kim’s residence, To welcome their reunion, a dinner was organized with high reverence. A few cups of chrysanthemum wine had hightened their mood, When Thúy Vân stood up to express her sincere thought: “This great day of ours is actually reserved for two people, “Whom Heaven had given a chance to make a nice couple. 3065 “Gặp cơn bình địa ba đào “Vậy đem duyên chị buộc vào duyên em “Cũng là phận cải duyên kim “Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao? “Những là rày ước mai ao 3070 “Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình! “Bây giờ gương vỡ lại lành, “Khuôn thiêng lừa lọc đã dành có nơi “Còn duyên, may lại còn người “Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa. 3075 “Quả mai ba bảy đương vừa, “Đào non sớm vội xe tơ kịp thì.” “But great stormy events has hindered their union, “She had to tie her wed thread to mine to keep a junction. “To amend their deep pain of separation; bearing the same blood, “We both shared the bleeding as long as we could. “For fifteen years we never ceased cherishing a hope “That my sister were alive and some day would be home. “Now that the broken mirror has been wonderfully intack (2) “After so many challenges, Heaven has chosen the right persons to match. “Your wed lock is still there and it is fair you are alright “There is still the silver moon that witnessed your oaths overnight “The apricot fruit hasn’t lost its former freshness (3), “It is time for you both to resume the wed thread you have left.” ---------------------------- ( 2) like a miracle (3) allusion to Kiều being still in youthful freshness Dứt lời, nàng vội gạt đi: “Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ? “Một lời tuy có ước xưa, 3080 “Xét mình dãi gió dầm mưa đã nhiều “Nói càng hổ thẹn trăm chiều “Thà cho ngọn nước thủy triều chảy xuôi!” Chàng rằng: “Nói cũng lạ đời! “Dẫu lòng kia vậy, còn lời ấy sao? 3085 “Một lời đã trót thâm giao, “Dưới dày có đất, trên cao có trời “Dẫu rằng vật đổi sao dời “Tử sinh cũng giữ lấy lời tử sinh “Duyên kia có phụ chi tình 3090 “Mà toan chia gánh chung tình làm hai?” Kiều said: “Those are matters of thousands years ago “Let bygones be bygones, don’t evoke them any more “We did exchange solemn words these bygone days, truly. “But so many years expired to winds and rains I now feel unworthy. “This stained body, what a shame to talk about! “I would rather let the high tide wash it out!” Kim retorted: “What strange things you are saying! “Despite your own feelings, did our solemn oaths mean nothing? “Just one word we once exchanged solemnly within both, “Was scored deep down in earth below and high sky above “Things may change, stars may move away – if ever, “Dead or alive, my heart will never alter! “Now, nothing can deceive your love or hinder our union, “Why do you intend to break assunder our faithful affection? Nàng rằng: “Gia thất duyên hài, “Chút lòng ân ái ai ai cũng lòng. “Nghĩ rằng trong đạo vợ chồng, “Hoa thơm phong nhị trăng vòng tròn gương. 3095 “Chữ trinh đáng giá ngàn vàng “Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa “Thiếp từ ngộ biến đến giờ “Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa “Bấy chầy gió táp mưa sa, 3100 “Mấy trăng cũng khuyết mấy hoa cũng tàn! “Còn chi là cái hồng nhan? “Đã xong thân thế còn toan nỗi nào? “Nghĩ mình chẳng hổ mình sao? “Dám đem trần cấu dự vào bố kinh! Kiều said: “It is true that love is essential for marriage, “But to build a happy marriage, not every love couple can reach “Traditional marriage requires the bride to offer “A sealed corolla bloom or a full moon mirror, “Thus virginity is worth a thousand taels of gold certainly “How could I help feeling ashamed at your sight under flowery torches “Since misfortune fell upon me, being a good prey “For bees and butterflies to ravage night and day “So far, through such a long time beaten by winds and rains, “Any fresh bloom must wither, any full moon must wane. “What remains for this rosy cheeked body to hope for? “My life is thus over; how dare I attempt anything more? “Why don’t I feel shameful of my dirty dust body “Still daring to take part in a traditional moral family? 3105 “Đã hay chàng nặng vì tình “Trông hoa đèn chẳng thẹn mình lắm ru? “Từ rày khép cửa phòng thu “Chẳng tu thì cũng như tu mới là “Chàng dù nghĩ đến tình xa 3110 “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ “Nói chi kết nghĩa xe tơ “Đã buồn cả ruột mà dơ cả đời!” Chàng rằng: “Khéo nói nên lời “Mà trong lẽ phải có người có ta 3115 “Xưa nay trong đạo bàn bà, “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường: “Có khi biến, có khi thường “Có quyền nào phải một đường chấp kinh? “I know you still keep your faithful love never altered “But my feeling of shame by nuptial light would be bitter! “From now on, let me close my autumn chamber’s door “I am not a nun, but to live as a nun is what I hope for “If you still cherish our true love and faithfulness “Let’s change our conjugal lute playing (4) into games of chess (5) “Why talk about marriage at this time? It’s nothing fine “But to grieve my heart and dirt our pure love for a lifetime.” Kim said: “Your heartfelt words sound reasonable “But such reasonment cannot apply to all people “So far, virginity is a precious virtue of a woman “But there are many ways of seeing, depending on each circumstance “Sometimes in case of emergency, sometimes normally “There is no rigid principle for everybody “Như nàng lấy hiếu làm trinh 3120 “Bụi nào cho đục được mình ấy vay? “Trời còn để có hôm nay “Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời “Hoa tàn mà lại thêm tươi “Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa 3125 “Có điều chi nữa mà ngờ, “Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu” Nghe chàng nói đã hết điều Hai thân thì cũng quyết theo một bài Hết lời khôn lẽ chối lời, 3130 Cúi đầu nàng những ngắn dài thở than. “In your case, virginity was replaced by filial devotion “No dust could stain your pure body with your noble action “Now that Heaven has given us a chance to meet today. “Outdoors, the misty veil melted off, dark clouds cleared away. “The withered bloom becomes now so much fresher, “The waning moon, fuller than formerly, ten times brighter. “Is there anything you can doubt? Our dream thus realized. “Don’t regard me as a passer-by with the eyes of Tiêu’s wife (6)” “Listening to all those convincing arguments, With the supporting ideas of her own parents Kiều couldn’t find any reasonable word to decline She bowed her head submissively and sadly sighed. ----------------- (4) marriage (5) friendship (6) Allusion was made to a man named Tiêu whose attractive wife was taken by another man to offer a great mandarin. When she was in his residence, she didn’t recognize her husband, looking at him as if he had been passer-by. Nhà vừa mở tiệc đoàn viên, Hoa soi ngọn đuốc, hồng chen bức là. Cùng nhau giao bái một nhà, Lễ đà đủ lễ, đôi đà xứng đôi. 3135 Động phòng dìu dặt chén mời, Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa. Những từ sen ngó đào tơ, Mười lăm năm mới bây giờ là đây! Tình duyên ấy, hợp tan này, 3140 Bi hoan mấy nỗi, đêm chày trăng cao. Canh khuya bức gấm rủ thao Dưới đèn tỏ rạng má đào thêm xuân Tình nhân lại gặp tình nhân Hoa xưa ong cũ mấy phân chung tình? A great banquet was opened to honor their union, With flowery torches and rosy blinds as wedding celebration. The bride and groom bowed to each other before the family, All rites well performed, the couple matched perfectly. In their nuptial chamber, tenderly they exchanged jade cups of wine New attachment vaguely evoked sweet dreams of former time In that prime of Spring, for the first time their loves had been blooming Through fifteen years’ separation , came at last this meeting! That true love so faithful they had thought broken forever. This moonlit night seemed too short to them to rejoice together. Deeper in the night behind the brocade blinds with fringes dropping, By the torch light, the rosy cheeks appeared most charming Face to face, lover and beloved met again, Old bee and former flower, would their faithful love fully remain? 3145 Nàng rằng: “Phận thiếp đã đành, “Có làm chi nữa cái mình bỏ đi! “Nghĩ chàng nghĩa cũ tình ghi “Chiều lòng gọi có xướng tùy mảy may “Riêng lòng đã thẹn lắm thay 3150 “Cũng đà mặt dạn mày dày khó coi! “Những như âu yếm vành ngoài, “Còn toan mở mắt với người cho qua. “Lại như những thói người ta “Vớt hương dưới đất bẻ hoa cuối mùa. 3155 “Khéo là dở nhuốc bày trò “Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi! “Người yêu ta xấu với người “Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau Kiều said: “My life is thus yielding to fate already, “There is nothing left in me – this stained body. “But since you still keep your loyal heart to our former attachment, “I must accept to please you to show myself obedient. “Inwardly, I feel myself too shameful already “What a brazen face I dare show to everybody! “If it is only outside affection, we may express “In the eyes of other people who may accept. “But like common people who wouldn’t care any reason “Taking waste scent and picking flowers at the end of reason “In such case, we would invent dirty games to play, “There would be then no more love but hatred, I must say. “In answer to your true love, I pay you my disgrace! “To love each other would mean tenfold to betray instead . “Cửa nhà dù tính về sau 3160 “Thì còn em đó lọ cầu chị đây? “Chữ trinh còn một chút này “Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan! “Còn nhiều ân ái chan chan “Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi?” 3165 Chàng rằng: “Gắn bó một lời “Bỗng không cá nước chim trời lỡ nhau “Xót người lưu lạc bấy lâu, “Tưởng thề thốt nặng cũng đau đớn nhiều! “Thương nhau sinh tử đã liều, 3170 “Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình “Chừng xuân tơ liễu còn xanh, “Nghĩ rằng chưa thoát khỏi vành ái ân. “As for your family lineage, my sister is there, “No need for me, she can fulfill it without my share “This is the only bit of chastity I reserve for you, indeed! “Why not hold it firm instead of trampling it under your feet? “There will be much more affectimate love between us, my Lord, “It’s no good to fondle a withered flower for pleasure!” Kim said: “We’ve been linked together by a word, haven’t we? “Then suddenly we became fish and bird separately! “My heart grieved thinking of you so long going astray “Didn’t our solemn oaths give us so much suffering till today? “For love’s sake we didn’t mind risking our lives until this meeting. “Now this is what remains of our true love we’ve been cherishing. “Springtime still waiting, your willow leaves still showing their greeness, “I believe you are not free from this earthy love link yet. “Gương trong chẳng chút bụi trần “Một lời quyết hẳn muôn phần kính thêm! 3175 “Bấy lâu đáy bể mò kim “Là điều vàng đá phải tìm trăng hoa? “Ai ngờ lại hợp một nhà, “Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!” Nghe lời sửa áo cài trâm 3180 Khấu đầu lạy tạ cao thâm nghìn trùng: “Thân tàn gạn đục khơi trong “Là nhờ quân tử khác lòng người ta “Mấy lời tâm phúc ruột rà “Tương tri nhường ấy mới là tương tri 3185 “Chở che đùm bọc thiếu gì? “Trăm năm danh tiết cũng vì đêm nay!” “What a limpid mirror! Not the least worldly dust on you can I see. “Your virtuous decision did increase my respect on you greatly! “So far, deep down the sea, I groped for the exquisite needle, “It’s a matter of gold and stone(7), not only to make a love couple “I never thought we would meet one day in the same house, “Well, no need to share our pillow, we are husband and wife now!” At these words, Kiều resettled her dress, pinned her hair, Then prostrated herself to thank Heaven with highest care “This fainted soul is now purified from dust!”, Kiều whispered. “Thanks to my Lord, a wise man whose heart is not like others. “Your words did come from the bottom of your heart, didn’t they? “We really understand each other from this very day! “I have found a real protector and a warm shelter, haven’t I? “My life thus regains honor and virtue because of this very night!” Thoắt thôi, tay lại cầm tay Càng yêu vì nết càng say vì tình Thêm nến giá, nối hương bình 3190 Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan. Tình xưa lai láng khôn hàn, Thong dong lại hỏi ngón đàn ngày xưa Nàng rằng: “Vì mấy đường tơ, “Lầm người cho đến bây giờ mới thôi! 3195 “Ăn năn thì sự đã rồi! “Nể lòng người cũ vâng lời một phen.” Phim đàn dìu dặt tay tiên, Khói trầm cao thấp tiếng huyền gần xa. ---------------------- (7) faithful true love for a life time union Hand in hand, they felt happy to understand each other better The more esteem on virtues, the more passion for love Kim put more candle and incense to lengthen their happy night And invited each other nice cups of sweet wine While former love overflowed their hearts with nice memories, Kim asked his wife to play the lute as she did formerly. Kiều sighed: “It was because of those vibrating silk strings, “That my life has been sunk into so many sufferings! “To repent is too late when things are done now, “But I want to obey my Lord once and for all anyhow” Then her fairy hand began to dance on the chords, High and low, the notes followed the waves of incense smoke. Khúc đâu đầm ấm dương hòa! 3200 Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh? Khúc đâu êm ái xuân tình! Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên? Trong sao châu nhỏ duềnh quyên! Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông! 3205 Lọt tai nghe suốt năm cung, Tiếng nào là chẳng não nùng xôn xao? Chàng rằng: “Phổ ấy tay nào? “Xưa sao sầu thảm nay sao vui vầy? “Tẻ vui bởi tại lòng này, 3210 “Hay là khổ tận đến ngày cam lai?” What a nice melody in sunlight warmly sounding! Was it a butterfly dancing or the voice of Trang Sinh? (8) What a love spring musical piece, so sweet and tender! Was it the soul of Thục Emperor or a cuckoo’s murmur? (9) The high notes so pure like pearls dropping in a moonlit stream, The bass so warm like Lam Điền gems newly congealed (10) Kim listened through the five-tone scale performance with all attention, Every tune moved his heart and sweetly stirred his emotion “Ah!”, exclaimed he, “Who has composed those musical pieces? “The ones you played formerly were so sad, but so glad are these!” “Sad or gay, does it come from your heart as you play? “Or maybe misfortune is over, happiness begins this very day!” ----------------------- (8) (9) In an ancient love story, the young man Trang Sinh had a nice dream in which he was reincarnate into a butterfly. Woke up, he wondered whether he was a butterfly or the same Trang Sinh. Emperor of the Thục’s, who failed to keep his country from the enemy’s attack, after his death, was reincarnate into a cuckoo who sang everyday to forget his past failure. These legendary stories were alluded to Kiều’s “reincarnation” from her unfortunate past into a new happy life. (10) Lam Điền: name of a famous place where precious gems and pearls were produced. Nàng rằng: “Vì chút nghề chơi, “Đoạn trường tiếng ấy hại đời bấy lâu! “Một phen tri kỷ cùng nhau, “Cuốn dây từ đó về sau xin chừa.” 3215 Truyện trò chưa cạn tóc tơ, Gà đà gáy sáng trời vừa rạng đông. Tình riêng chàng lại nói sòng Một nhà ai cũng lạ lùng khen khao. Cho hay thục nữ chí cao, 3220 Phải người sớm mận tối đào như ai? Hai tình vẹn vẽ hòa hai, Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ. Khi chén rượu, khi cuộc cờ, Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên. “I hope so”, Kiều said, “It was due to this small skill I’ve learned “That I had to suffer so many heartbreaking tortures! “This time, we have exchanged our true hearts freed from pain, “I shall enroll these silk chords and never play again.” They hadn’t finished sharing their inmost feeling, When outside the cock’s crows already announced the new morning. Kim made known their own decision to the whole family, Everybody was surprised and praised the bride admiringly: “A virtuous woman of great mind! What a pride! “Not like others who wouldn’t mind frivolous loves of any kind.” No pillow shared, they could satisfy both sides of their reunion, Husband and wife so loyal, lute and poetry, best companions. Sometimes they exchanged cups of wine, or played chess by moonlight, Sometimes watching flowers bloom or waiting to see the moon rise. 3225 Ba sinh đã phỉ mười nguyền, Duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy Nhớ lời lập một am mây, Khiến người thân tín rước thầy Giác Duyên Đến nơi đóng cửa cài then 3230 Rêu trùm kẽ ngạch cỏ lên mái nhà Sư đà hái thuốc phương xa Mây bay hạc lánh biết là tìm đâu? Nặng vì chút nghĩa bấy lâu Trên am cứ giữ hương dầu hôm mai 3235 Một nhà phúc lộc gồm hai, Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần Thừa gia chẳng hết nàng Vân Một cây cù mộc một sân quế hòe. Phong lưu phú quý ai bì 3240 Vườn xuân một cửa để bia muôn đời Their link for three lives (11) had been tied satisfactorily, Wedlock chance had been changed into friendship fidelity. Putting in practice their promise, they established a Buddha shrine, And invited nun Giác Duyên in, to serve her for the rest of her life. But upon arrival, they saw all the doors bolted and closed, Moss covered the threshold, on the roof grass began to grow. Old Nun had gone far off to seek medicinal herbs, A cloud floating, a crane flying, where could they search? Owing a loyal debt to the old religious woman, Day and night, with incense and oil, Kiều kept the shrine lightened. The family then lived in wealth and happiness Kim got quick promotions, making fine progress. With her generous virtues, Vân kept the household as a bending tree (12) Over the sophora and cinnamon yard of glory (13) Few people could match their richeness and high situations A bright Spring garden opened for thousands of generations. ---------------------- (11) See foot note on verse 257 (Ví chăng duyên nợ ba sinh) (12) Bending tree: allusion made to a generous Queen in an ancient story (13) Sophora and Cinnamon: two exquisite trees, symbols of bright descendants Ngẫm hay muôn sự tại trời, Trời kia đã bắt làm người có thân Bắt phong trần phải phong trần Cho thanh cao mới được phần thanh cao. 3245 Có đâu thiên vị người nào, Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai Có tài mà cậy chi tài, Chữ tài liền với chữ tai một vần Đã mang lấy nghiệp vào thân 3250 Cũng đừng trách nữa trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài * * * Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh. CHUNG Thus everything in life is decided by Heaven, Once born on earth no man can avoid being given A fate related to what he did in previous lives, Lucky or unfortunate, just accept it, don’t strive Heaven, a good justice, is not partial to anybody, By giving him talent and fortune both abundantly. If you are gifted with talent, don’t take it a pride, The words talent and accident sound a good rime (14) Once having to bear an unavoidable Karma, (15) Don’t reproach Heaven for being not near or too far. Goodness takes root in our heart, no matter what happens. It is our heart itself that’s worth three times our talents. * * * May this old story told in crude style give the readers Some little pleasure for a few night time hours. THE END THÙY DƯƠNG ---------------------------- (14) In Vietnamese, tài = talent, tai = accident or danger (15) Karma: a person’s deeds in one of his successive existences, which decide his fate in his next existence. Mộ xuân mạn hứng
Nhất niên xuân sắc cửu thập nhật Phao trịch xuân quang tối khả liên Phù thế công danh khan điểu quá Nhàn đình tiết tự đới oanh thiên Trắc thân bất xuất hữu hình ngoại Thiên tuế trường ưu vị tử tiền Phù lợi vinh danh chung nhất tán Hà như cập tảo học thần tiên NGUYỄN DU Cuối xuân cảm hứng lan man Một năm xuân sắc chín mươi ngày Phao phí thời xuân đáng tiếc thay Danh lợi cuộc đời chim lướt cánh Sân nhàn tiết đổi thoáng oanh bay Ngoài hình không thoát thân ra nổi Chưa chết dài lo chuyện trước nay Suông hão công danh rồi biến hết Thần tiên sớm học đạo cho hay BÙI HẠNH CẨN dịch SPRING ENDING’S INSPIRATION Springtime lasts only ninety days a year, How regretable to waste my youthful time so dear! Wealth and celebrity: birds gliding, Fine weather enjoyment: orioles flying. Physical existence: no man can escape over borders, Until death, one may worry about thousands of years’matters. Titles and interests: ephemeral things that soon vanish, Why not learn immortal doctrines as my earlier wish? NGUYỄN DU Translated by Thùy Dương Đối tửu
Phu toạ nhàn song tuý nhãn khai, Lạc hoa vô số há thương đài. Sinh tiền bất tận tôn trung tửu, Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi? Xuân sắc niệm thiên hoàng điểu khứ, Niên quang ám trục bạch đầu lai. Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý, Thế sự phù vân chân khả ai. NGUYỄN DU U ố ng r ượ u Ngồi rỗi bên song mở mắt say Thềm rêu tới tấp rụng hoa đầy Khi còn không cạn men trong chén Sau chết mồ ai tưới rượu đây Xuân chuyển vàng oanh dần vắng hết Năm dồn bạc tóc đến không hay Trăm năm ví được say tràn sáng Mây nổi tình đời đáng sót thay. BÙI HẠNH CẨN dịch DRINKING ALONE Sitting leisurely by the window, I get drunk, eyes opened, Flowers fall over the mossy threshold at every moment. Alive, why don’t I empty my cup all alone? Dead, who will pour wine over my gravestone? Spring moves forward and yellow orioles are getting rare, Years quickened and my hair whitened, I wasn’t aware Oh, if only I could, through my life, get drunk overnight To keep all those bitter things of life out of my sight! NGUYỄN DU Translated by Thùy Dương Niềm tin rực sáng Chim mỏi cánh sa vào cung nhạc loạn Tim mù lòa ấp ủ mộng mong manh Buông đôi tay từng ước vọng trong lành Rơi lả tả ngàn sao tan tác rụng Cơn địa chấn hành tinh như vỡ vụn Đợt sóng thần vùi dập mảnh hồn thơ Đời cướp đi giây phút ngóng trông chờ Những buổi hẹn chìm sâu vào kỷ niệm Ta lạc lõng – bơ vơ trời tím lịm Đã bao trùm, phủ ngập tuổi xuân xanh Giấc mơ xưa dòng suối nhà tranh Bỗng sụp đổ vỡ tan thành ác mộng Ta lầm lũi những chiều vàng lẻ bóng Đêm cuối tuần cô độc bước lang thang Môi tái tê vị cay đắng bẽ bàng Mắt u tối tương lai mù mịt quá Lớp bụi thời gian phũ phàng bôi xóa Dĩ vãng buồn cứ ngỡ giấc chiêm bao Ta bâng khuâng thầm hỏi tại vì sao Lại mù quáng ưu tư và yếu đuối Ta phấn đấu vùng lên quên tiếc nuối Nhìn ngày mai ước vọng một niềm tin Vầng trăng non le lói đọng ân tình Dù bão tố phong ba đời vẫn đẹp. Ngàn Phương The only beautiful love is the broken one (Tình chỉ đẹp khi tình dang dở)
Thường thì trong đàm đạo văn chương, người ta hay xướng thơ cho những người khác họa lai. Ấy vậy mà tôi có một người bạn rất đam mê phong cảnh, anh ta là người Đài Loan - hiện đang sống và làm việc tại Đài Loan và bạn gái của anh ta là người Thái Lan cũng đang ở Đài Loan và đang học tiếng Hoa – đã xướng cho tôi đoạn đầu trong một bài hát như sau: I am sorry Please forgive me I thank you And I love you! Tôi trộm nghĩ nhân vật trong bài hát ấy đã làm điều gì đó tổn thương đến người yêu của mình và mong được người yêu tha thứ. Tuy nhiên, theo tôi thì có những lỗi lầm không thể tha thứ được và hậu quả của nó là sự đổ vỡ trong tình yêu. Điều mà trong nhân gian Việt Nam hay biện hộ bằng câu “Tình chỉ đẹp khi tình dang dở”. Bám sát ý tưởng này, tôi cũng mạn phép hoạ lại bằng bài thơ lấy tựa đề là “The only beautiful love is the broken one” với nghĩa tiếng Việt là câu biện hộ trên như sau: Thousands of years passed by Millions of loves are alright But trillions of ones are broken, why?
The answer has the following meanings: Because of non-observing Because of non-understanding Because of non-respecting … That makes the mistake Love likes a cake If you let another person takes You will lose it, in fact!
Now you say sorry It's a difficulty As you have cut deeply The valentine’s heart that gives
Could not stop the run That the tears had gone Deal with you again Sorrow will have begun
Now you will regret But the love will be rich Forever it is your favourite ...
Thế đấy, các bạn của tôi ơi! Hãy luôn sáng suốt và tỉnh táo để không làm đau lòng đối phương của mình đến mức phải đổ vỡ tình yêu nhé! Chúc các bạn thành công! Thiên Lý Đường về
Mình qua đây một chuyến đò Tìm vui vào bến sông hồ gặp nhau Cười quên cả phút ban đầu Ngây ra đời với ngày vào tuổi xuân Trả vay số vốn nợ nần Rồi phong lưu với phong trần phủi tay Mộng đời rũ áo cường say Mùa thu đáy mắt chiều bay lá vàng Đường về khép bóng thời gian Lợi danh gói một hành trang vô thường Trần Lữ Vũ Lối xưa ngậm ngùi
Không như cánh bướm chập chờn Đá rong rêu nhớ giận hờn ngày xưa Xa rồi tiếng gọi trong mưa Bình minh còn đó đong đưa nắng vàng. *** Hỏi em được mấy vườn hoang Lung linh trăng gọi điêu tàn về đây Còn gì tận vút chân mây Nơi thăm thẳm đó sum vầy gió xiêu. *** Hình hài vừa đến tiêu diêu Vẳng trong ngấn nước sương chiều xót xa. Nhẹ như bấc, hạt mưa sa Xắn tay áo hỏi lối qua ngậm ngùi. *** Đêm đen từng giọt bồi hồi Sương thu còn đọng từng chồi tuổi thơ Áo em mát với trăng mơ Xua từng cơn lạnh tiếng rơi đong đầy *** Vậy là trông ngóng từng ngày Vậy là vui tận đêm dài nhớ mong Xuân mang mộng ước nên dòng Lời ru khắc khoải nỗi ung dung buồn. Dương Lêh (2009)
CÓ NÊN DÙNG TÂY BA LÔ LÀM PHỤ ĐẠO KHÔNG?
Lẽ ra người viết không muốn phí thì giờ vào một câu hỏi ngớ ngẩn, đầy tính vọng ngoại – một câu hỏi mà hỏi thì đã là trả lời – tuy nhiên vì thấy quý bạn lại đưa thêm những ý kiến cho là được nên người viết cũng có một vài đóng góp nhỏ như sau đây: Trong tư thế hội nhập, với rất nhiều nhu cầu mới, để trả lời câu hỏi và ý kiến cho rằng dùng tây ba lô làm phụ đạo là hay, thì việc đầu tiên là phải trả lời một câu hỏi khác rất ư là cần thiết, đó là NGƯỜI VIỆT, VÀ CON CHÁU CHÚNG TA HỌC TIẾNG ANH ĐỂ LÀM CHỦ HAY ĐỂ LÀM BỒI? Nếu để làm BỒI thì nên áp dụng ý kiến học ở tây ba lô, còn để làm chủ thì rất không nên. Lý do đơn giản là tây ba lô phần lớn là những sinh viên, những người ngoại quốc thất nghiệp rảnh rỗi, hoặc những con nhà giàu (số này hiếm) đi du lịch. Họ không hề có ý định muốn làm phụ đạo, muốn dạy học. Việc gán cho họ khả năng làm phụ đạo là chính do người Việt chúng ta, do kém hiểu biết, và phần nào do ý hướng vọng ngoại, đã nghĩ ra, nhưng lại thiển cận không nghĩ ra rằng NẾU LÀM NHƯ VẬY SẼ CÓ HẠI CHO CON CHÁU, HỌC SINH CỦA CHÚNG TA RẤT NHIỀU. Vì NGHỀ THẦY là một nghề phải học, phải dày công tu luyện mới có thể thành THẦY, còn một kẻ chẳng biết một chút lý thuyết sư phạm nào cả thì làm sao mà thành thầy? Hơn nữa, nếu chỉ nói về vấn đề lợi dụng cách phát âm, thì cũng là rất thiển cận, vì người ngoại quốc ở mỗi vùng, mỗi bang đều có những cách phát âm khác nhau, nhất là người Mỹ nói tiếng Anh thì chỉ có những kẻ có học mới phát âm chuẩn mà thôi. Những kẻ ít học nói mỗi người một cách, kể cả cách diễn tả, đôi khi họ dùng tuyền những tiếng lóng, những tiếng bình dân, tiếng địa phương vv… Đem tọng tất cả những “của nợ” đó cho con cháu chúng ta thì có khác gì hại chúng? Do đó việc dùng tây ba lô làm phụ đạo là một chuyện RỨT KHOÁT LÀ KHÔNG CHẤP NHẬN ĐƯỢC. Tuy nhiên, chưa bao giờ bằng lúc này, người Việt Nam chúng ta rất cần ngoại ngữ và cần học cho thật giỏi. Điều này rất là thực, và do đó, người viết có một số đề nghị dưới đây về vấn đề LÀM SAO HỌC GIỎI ANH NGỮ VÀ HỌC RẤT NHANH, XIN MUỐN CHIA XẺ VỚI TẤT CẢ MỌI NGƯỜI. Muốn học cho thấu đáo một ngoại ngữ, việc đầu tiên là cần tất cả mọi chi tiết về văn phạm. Chuyện này các giáo viên bình thường đều có thể đảm nhận và học viên có thể, nếu là những người chăm chỉ, có một hiểu biết vững chắc về văn phạm sau một thời gian ngắn. Vậy vấn đề đặt ra là vấn đề thực hành, vấn đề phát âm, vấn đề tập nói (nhiều người khi tập nói thì hơi khớp), và vấn đề cố hiểu người ngoại quốc nói. Tiện đây người viết cũng nhắn nhủ các chủ trường dạy tiếng Anh (lúc này đang hốt bạc rất kỹ) là quý vị hãy nên tỏ ra có lương tâm để mà làm sao cho các học sinh (những người mang lại giàu sang cho quý vị) có thể NÓI và HIỂU tốt tiếng Anh, rồi sau đó, đi xa hơn nữa, còn phải VIẾT ĐƯỢC TIẾNG ANH CHO CHỈNH, CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ VIẾT THỨ TIẾNG ANH BỒI BẾP, THỨ TIẾNG ANH PHI VĂN PHẠM, không phải của những người CÓ HỌC BÌNH THƯỜNG. Để giải quyết vấn đề này người viết có vài đề nghị: 1. Hãy đem áp dụng ngay những giáo trình (có chiếu kèm hình ảnh) của những bộ đĩa học tiếng Anh có phát hình. Ít ra những giáo trình này đều được soạn thảo với đầy đủ văn phạm hoặc nhiều hay ít sư phạm. Các em học sinh vẫn nghe được rất rõ, vẫn nhìn được người nói trên màn ảnh, và nếu chăm chỉ, họ sẽ tiếp thu được nhanh. 2. Về vấn đề phát âm, nếu các em học sinh e ngại phát âm sai và bị khớp, hãy giải tỏa sự e ngại đó bằng cách BẢO CÁC EM ĐẶT ĐỊA VỊ MÌNH VÀO ĐỊA VỊ MỘT NGƯỜI NGOẠI QUỐC PHÁT ÂM TIẾNG VIỆT, CÁC EM SẼ THẤY HỌ PHÁT ÂM NGỌNG LỨU NGỌNG LÓ NHƯ THẾ NÀO, THỰC TẾ LÀ NGƯỜI VIỆT CHÚNG TA PHÁT ÂM TIẾNG NƯỚC NGOÀI GIỎI HƠN NGOẠI NHÂN PHÁT ÂM TIẾNG VIỆT RẤT NHIỀU. 3. Khuyến cáo tất cả các học sinh CHỊU KHÓ ĐỌC SÁCH, có những loại sách sử dụng 1000 ngữ vựng, 2000 ngữ vựng, 3000 ngữ vựng rồi cuối cùng ở cấp chót là 5000 ngữ vựng của nhà xb LONGMANS hoặc bất cứ loại sách cho thanh thiếu niên nào bằng tiếng Anh. Nếu cần mỗi tuần nên để dành cho các em một giờ đọc sách. Học tiếng ngoại ngữ mà chịu đọc thì chỉ một thời gian ngắn khả năng của người có đọc, và người không đọc sẽ khác nhau xa. Đọc là học và học rất nhanh vì nó được kết hợp với sự giải trí khi cốt truyện hay và hấp dẫn. Đồng thời khi đọc, nên dặn các em là mỗi khi gặp một chữ không hiểu, không nên vác tự vị ra tra ngay, như vậy sẽ rất chóng nản, HÃY LẤY BÚT XANH GẠCH NHỮNG CHỮ KHÔNG HIỂU, SAU KHI ĐỌC ĐỘ NỬA TIẾNG HÃY LẤY TỰ ĐIỂN TRA MỘT LẦN, MỖI KHI HIỂU ĐƯỢC NGHĨA TỪ KHÔNG HIỂU, NGHĨA ĐÓ BẬT SÁNG LÀM NGƯỜI ĐỌC HIỂU ĐƯỢC CẢ CÂU VÀ CÙNG LÚC ĐÓ, NGHĨA ĐÓ ĐI LUÔN VÀO TIỀM THỨC SẼ KHÓ MÀ QUÊN ĐƯỢC. Tóm lại, nên nghĩ tới tiền đồ của những người học tiếng nước ngoài là CẦN PHẢI NÓI CHO CHÍNH XÁC, NÓI NHƯ NHỮNG NGƯỜI CHỦ CHỨ KHÔNG PHẢI NHƯ NHỮNG ANH BỒI. 4. Nên đặt tiếng Anh, tiếng Pháp, hay bất cứ ngoại ngữ nào vào đúng vị trí của chúng là NHỮNG DỤNG CỤ ĐỂ GIAO DỊCH, THU THẬP MỌI HIỂU BIẾT, VÀ ĐỂ GIAO TIẾP VỚI NGOẠI NHÂN, thế thôi chứ không nên CẢM THẤY HÃNH DIỆN VÌ GIỎI NGOẠI NGỮ. GIỎI TIẾNG MẸ ĐẺ MỚI ĐÍCH THỰC LÀ ĐIỀU ĐÁNG TRÂN TRỌNG. | Vũ Anh Tuấn VAI TRÒ THÔNG DỊCH TRONG SỨ ĐOÀN PHAN THANH GIẢN NĂM 1863
Có người cho rằng, đóng vai thông dịch trong sứ đoàn Phan Thanh Giản đi Pháp, chuộc đất năm 1863 là Nguyễn Hoàng, một vị Linh mục chứ không phải Trương Vĩnh Ký. Nhưng “chân dung Phan Thanh Giản” của Nguyễn Duy Oanh do Tủ sách sử học Bộ văn hóa giáo dục và thanh niên xuất bản năm 1974, thành phần do Nam triều cử đi trong chuyến này gồm 63 người kể ra như sau: 1. Chánh sứ: Phan Thanh Giản 2. Phó sứ: Phạm Phú Thứ 3. Bồi sứ: Ngụy Khắc Đản 4. Nguyễn Văn Chất: sĩ quan phụ trách lễ vật 5, 6. Hồ Văn Lượng (hay Long) – Trần Văn Cư: 2 thư ký 7, 8, 9, 10. Hoàng Ky – Tạ Hữu Kế - Phạm Hữu Độ và Trần Tề: là 4 văn nhân 11. Nguyễn Văn Trường: thông dịch viên 12, 13. Nguyễn Mậu Bính – Hồ Văn Huân: 2 võ quan 14, 15, 16, 17. Nguyễn Hữu Tước – Lương Văn Thể (Thái) – Nguyễn Hữu Thần – Nguyễn Hữu Cấp: 4 sĩ quan tùy tùng 18, 19. Nguyễn Văn Huy – Ngô Văn Nhuận: 2 y sĩ 20-44. 25 người lính 45-63. 19 người giúp việc; 4 cho chánh sứ, 2 cho phó sứ, 2 cho bồi sứ và 11 cho các quan sứ bộ Và do chính phủ Sài Gòn cử gồm 9 người: 1. Pétrus Trương Vĩnh Ký: thông ngôn hạng nhất 2. Pétrus Nguyễn Văn Sang: thông ngôn hạng hai 3. Tôn Thọ Tường: nho sĩ hạng nhất 4. Phan Văn Hiếu: nho sĩ hạng nhì 5, 6. Trần Văn Luông – Simon Của: 2 học sinh trường d’Adran 7, 8, 9. 3 người giúp việc Lại có Aubaret và Rieunier(1) hướng dẫn Trong Tây Hành Nhật Ký, di thảo của Cụ Phạm Phú Thứ, bản dịch nguyên ngữ từ Hán văn do Tô Nam và Văn Vinh, nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM xuất bản năm 2001, ghi như sau: (trang 13) Năm ngày thăm viếng Sài Gòn: ngày 12-13 (tức sau khi rời cửa Thuận An ngày 6), thần đẳng ra bến trông nom cho phu chuyển các đồ vật vào kho rồi phái người đem các thứ như chè, đường, hoa quả và heo sang tặng quan binh tàu ECHO(2). Ngày 14, 15, 16 thần đẳng vào Soái phủ hội thương, Pháp soái(3) cho biết ông đã đệ công văn về Tây, thần đẳng bèn trao cho ông các bản danh sách, hành lý, lại có thêm hai người là thông ngôn Nguyễn Hoàng và Phan Liêm, con trai của thần Phan Thanh Giản đi theo cha để trông nom thang thuốc(4). Từ giã Sài Gòn: chiều ngày 17, Pháp soái đặt tiệc tiễn hành, có cho Lục lăng(5) đến mời thần đẳng và cho biết sáng 19 tàu nhổ neo. Ông ta có phái thêm mấy viên thông ngôn là Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Văn Sang và hai viên ký lục là Tôn Thọ Tường và Phan Văn Hiệu đi theo. Sứ đoàn được chuyển sang tàu EUROPÉEN(6) và sáng hôm sau rời bến. Từ cảng Aden đến kinh Suez (7) : tàu của thần đẳng vào đến bến đã thấy Lãnh sự Pháp tiếp đón (viên ấy tên là Abadie), một lát viên ấy từ giã ra về. Buổi chiều thì viên thông ngôn Nguyễn Văn Trường bị bệnh qua đời. Thần đẳng phải nhờ Rieunier lên nói với viên Lãnh sự Pháp lo liệu giúp việc xin đất và mai táng. Ngày 25 (9-8-1863), Lãnh sự Pháp sai người xuống tàu xin thuyền trưởng cho mượn chiếc thuyền để đưa xác Văn Trường ký táng ở núi Aden. Công việc thanh thỏa, thần đẳng bèn ủy cho viên tư lễ Nguyễn Văn Chất cùng với Nguyễn Hoàng đem trà và tơ lụa lên tạ ơn viên Lãnh sự và gởi một số tiền cho những lính thợ Pháp đã dự vào việc tống táng. Thăm viếng Alexandrie: Sứ đoàn đi ngang qua Ai Cập bằng xe lửa, đến Le Caire(8) rồi khi đến Alexandrie(9) thì viên chánh y sĩ của đoàn là Nguyễn Văn Huy bị bệnh qua đời. Rieunier đi thương lượng với trấn quan xin đất tại đây để mai táng. Sứ đoàn đến Paris và trao quốc thư của vua Tự Đức: khi thần đẳng nghỉ trong sứ quán thì Aubaret ở ngay căn phòng một bên và hằng ngày cùng với Tôn Thọ Tường và Trương Vĩnh Ký thương lượng về việc dịch văn thư. Ngày 30-9-1863, thần Phạm Phú Thứ và thần Ngụy Khắc Đản, thông ngôn Trương Vĩnh Ký tham biện A. Tô. Man (F. de Conches) cùng đến thăm một sở đạo quán, chuyên trông coi về việc hành giáo ở Đông Phương. Tại Paris nhân ngày lễ Vạn Thọ của Tự Đức (7-10-1863) cũng có thông ngôn Trương Vĩnh Ký cùng với Tôn Thọ Tường, Phan Văn Hiệu và Nguyễn Văn Sang đi theo cùng Rieunier vào dự yến tiệc. Ngày 5-11-1863, thần đẳng ủy cho viên tư lễ Nguyễn Văn Chất và thông ngôn Trương Vĩnh Ký đi đến điện Tuileries để kiểm trí lễ vật. Khi phái bộ qua thăm Tây Ban Nha ngày 18-11-1863, thần đẳng ủy cho viên thư ký Hoàng Ky và thông ngôn Trương Vĩnh Ký việc cung đệ phẩm vật tại lâu đài Ala-xuyô… Khi rời Tây Ban Nha, viên phó lãnh sự ngỏ ý muốn đưa xe đón thần đẳng cùng thuyền trưởng qua thăm Rô Ma. Thần đẳng từ chối nhưng vẫn để cho viên thông ngôn Trương Vĩnh Ký và Nguyễn Hoàng cùng đi với thuyền trưởng. Ông Trương Vĩnh Ký yết kiến đức Giáo Hoàng(10) tại La Mã: đến lượt Trương Vĩnh Ký, Đức Giáo Hoàng hỏi: “Con ở đâu tới?” Ký thưa là theo sứ đoàn. Đức Giáo Hoàng lại hỏi: “Bên nước Nam, người tòng giáo nhiều hay ít?” Ký thưa: “Nay bên nước con đã bỏ lệnh cấm theo đạo, chắc rằng tín đồ sẽ tăng. Trong chuyến về, khi ngang qua Hy Lạp, trấn quan tại đây có xuống tàu thăm, sau đó thần đẳng có ủy cho tư lễ Nguyễn Văn Chất và thông ngôn Trương Vĩnh Ký đem ngân tiền và thanh trà lên tặng. Cũng trên chuyến về (8-2-1864), khi tàu quay mũi vào Aden, thần đẳng trích ra một số bạc Tây, ủy cho Nguyễn Hữu Cấp và Nguyễn Hoàng đi mua bò mộng, ngan, ngỗng để khoản đãi quan binh dưới tàu vào dịp năm mới. Ngày 10-2-1864, tàu sửa máy và lấy than xong, thần đẳng bèn ủy cho Nguyễn Văn Chất và Nguyễn Hoàng đem ngân tiền và chè tàu lên tặng viên lãnh sự điều đình với thuyền trưởng về việc muốn đưa di hài cố thông ngôn Nguyễn Văn Trường về xứ thì thuyền trưởng bảo việc ấy phải thương lượng với trấn quan thành Aden vì cố thông ngôn đã ký táng trên phần đất của Anh Cát Lợi, để xem thế nào, sẽ trả lời sau. Như vậy, qua Tây hành nhật ký di thảo của cụ Phạm Phú Thứ. Trương Vĩnh Ký với vai trò là thông dịch viên hạng nhất do Súy phủ Sài Gòn cử đi theo phái đoàn là người đã được phó sứ Phạm Phú Thứ ủy cho tiếp xúc với nhiều viên chức của các nước đã đi qua trong hành trình. Nguyễn Hoàng là người được bổ sung cho sứ đoàn cùng một lúc với Phan Liêm, con chánh sứ Phan Thanh Giản, nhưng trong Tây hành nhật ký, không thấy nói ông ta là một linh mục mà chỉ nói như đoạn sau đây: (trang 212 THNK) giờ Thìn, tùy viên Nguyễn Hoàng nói với thần đẳng rằng: Giáo sư của y tên gọi là Hòa xin cho y được ở lại đây (Sài Gòn) để tiếp tục sự học tập, và khi còn ở trên tàu, những số tiền do thần đẳng cấp phát cho, nay y xin hoàn lại tất cả, chứ không dám nhận. Thần đẳng bảo đã tặng cho, y không nên chối từ. Về sau, giáo Hòa xuống thăm, nhắc tới chuyện đó, thần đẳng đã bảo cho biết: tên Hoàng muốn ở lại đây học tập, bổn sứ cũng bằng lòng cho, còn số tiền đã cấp, theo lẽ phải nhận không nên khước từ. Có thể, lúc này Nguyễn Hoàng đang còn là một chủng sinh của một chủng viện nào đó. Về sau mới được thụ phong linh mục, cho nên Sài Gòn đã cử đi theo sứ đoàn để thông dịch trong một số lần tiếp xúc với người ngoại quốc, vì các chủng viện thường có dạy nhiều thứ tiếng. Nhưng Trương Vĩnh Ký đã từng được liệt vào nhà bác học ngôn ngữ trong số 18 vị bác học ngôn ngữ của thế giới, nên sứ đoàn phải dành cho ông ta đảm trách thông dịch những vụ tiếp xúc quan trọng với người ngoại quốc. Aubaret và Rieunier là 2 quan chức Pháp cũng đã được dành cho vai thông dịch trong một hai cuộc tiếp xúc quan trọng của sứ đoàn; nhưng khi Sứ đoàn vào triều kiến Napole1on III thì chính thông dịch viên Aubaret cũng đã làm cho Sứ đoàn VN lo lắng khi nghe ông ta thông dịch những lời trong đáp từ của Hoàng đế Pháp(11). Sau đó, nhờ có báo chí trấn an. Trong buổi sơ khai việc tiếp xúc qua ngôn ngữ giữa phương Tây và phương Đông, việc phiên dịch văn bản thỉnh thoảng cũng bị phê bình “chữ tác đánh ra chữ tộ”, nhưng lỗi ở người dịch hay lỗi sắp chữ thì rất dễ biết, còn thông ngôn ở hội trường, rất dễ để lộ ra vấn đề trình độ. Người Pháp đã có câu: Traduire c’est trahir là như vậy. Cho nên thời hiện đại, ở các hội nghị quốc tế, người ta thận trọng từng chữ một trong văn bản, và dĩ nhiên không dễ gì nhận danh hiệu thông dịch viên quốc tế. PPT ghi Chú thích: (1) Aubaret và Rieunier là 2 sĩ quan Pháp hướng dẫn sứ đoàn. Cả hai đều biết ít nhiều tiếng Việt. (2) ECHO: tên chiếc tàu thủy của Pháp. Sứ đoàn VN đã đi nhờ trên tàu này từ cửa Thuận An đến Bến Nghé (Saigon) (3) Pháp soái lúc bấy giờ là Lagrandière. Ngày trước Saigon có tên đường Lagrandière, nay là Lý Tự Trọng. (4) Lúc đi sứ, cụ Phan Thanh Giản 64 tuổi. (5) Lục lăng tức tên phiên âm của Legrand de la Liraye, nguyên là đạo trưởng quyền giám đốc phụ tá cho Pháp soái. Ngày trước Saigon có tên đường Legrand de la Liraye, nay là đường Điện Biên Phủ. (6) EUROPÉEN: tên tàu thủy của Pháp chở sứ đoàn từ Sài Gòn đến cảng Suez (7) Suez : lúc bấy giờ kinh Suez chưa đào, chỉ có cảng mang tên Suez (8) Le Caire: thủ đô Ai Cập (9) Thành phố cảng của Ai Cập nằm trên bờ biển Địa Trung Hải (10) Giáo Hoàng: lúc bấy giờ là Giáo Hoàng Pie IX (11) Đáp từ của Napoléon III: La France, dit-il en substance, est bienveillante pour toutes les nations et protectrice des faibles, mais ceux qui l’entravent dans sa marche, ont à craindre sa sévérité… Tạm hiểu như sau: Thực chất nước Pháp là nhân ái đối với mọi dân tộc, và là nước bảo trợ cho các nước yếu, nhưng những kẻ nào cản trở đường lối của họ thì phải dè chừng thái độ nghiêm khắc của họ. Aubaret đã thông ngôn những lời: ont à craindre sa sévérité là “phải có sợ” làm cho các quan của sứ đoàn lo ngay ngáy, không hiểu vua Pháp sao lại cứng rắn đến như vậy, mặc dù nước Nam đã tỏ ra nhún nhường nhiều. Sau nhờ có báo chí giải thích mới được yên lòng. HIỆU ỨNG NHÀ KIẾNG
Nhà kiếng (greenhouse) là nơi để trồng cây. Trong nhà kiếng, nhiệt độ cao hơn ở ngoài, và cái ấm được giữ lâu hơn, nên cây cối tăng trưởng nhanh. Khoảng không gian phía trên mặt đất với bầu khí quyển có thể ví như là nhà kính. Đời sống trên mặt đất tùy thuộc vào năng lượng mặt trời. Khoảng 30% bức xạ mặt trời, dưới dạng những tia sáng có độ dài sống thấp, được phản chiếu ngược lại ra ngoài không gian. 70% còn lại được hấp thụ bởi khí quyển và các vật trên mặt đất. Những vật này khi được chiếu sáng thì phát ra tia hồng ngoại. Tia này có độ dài sóng lớn và có tính chất làm nóng những vật xung quanh. Một phần tia hồng ngoại này được hấp thụ bởi hơi nước và những chất khí như CO2, NH4 (methane), O3 (ozone), và N2O (Nitrous oxide). Phần còn lại thoát ra ngoài không gian. Nhờ thế mà Trái đất được sưởi ấm. Nếu không có hiện tượng này thì mặt Trái đất sẽ rất lạnh, khoảng 33o lạnh hơn, nghĩa là nhiệt độ trung bình là -18o (thay vì 15oC) và làm cho đời sống không tồn tại được. Sự cân bằng này có từ ngàn xưa. Ngày nay, từ sau cuộc cách mạng cơ giới, khoảng từ năm 1750, sự cân bằng này đã bị xáo trộn. Ngày nay, người ta nhắc đến hiệu ứng nhà kiếng với hàm ý không tốt, hiệu ứng nhà kiếng được hiểu là hiện tượng Trái đất bị hâm nóng (global warming). 55% nhiệt lượng được giữ lại trong bầu khí quyển là do hơi nước. Thật vậy, những vùng khô ráo như sa mạc, ban ngày nhiệt độ lên đến trên 50oC, ban đêm xuống đến 0oC. Hơi nước có trong thiên nhiên, không do con người tạo ra. Nhưng 4 chất khí kể trên là hậu quả của sự ô nhiễm môi trường do con người tạo ra. - CO2 là sản phẩm của sự đốt cháy nhiên liệu như than, củi, gas và nhất là xăng. Việc sản xuất (từ đá vôi) cũng phát sinh rất nhiều. Từ năm 1750 đến nay, lượng CO2 trong khí quyển đã tăng từ 280 ppmv (280 phần triệu tính theo thể tích) lên đến 387 ppmv. CO2 là chất quan trọng thứ nhì sau hơi nước vào việc làm nóng khí quyển. - NH4 là loại khí gây ảnh hưởng quan trọng thứ 3 trong hiệu ứng nhà kiếng. NH4 sinh ra từ các đầm lầy, khí đốt, dầu hỏa, hầm mỏ, phân bón và nhất là trong công nghiệp chăn nuôi (khí thải từ ruột trâu, bò, cừu,…. ). - O3 phát sinh từ O2 (oxy) là 1 khí gây nhiều tranh cãi nhất. Ozone thiên nhiên đóng thành 1 lớp ở trung tầng khí quyển, cách mặt trời khoảng 10 cây số. lớp này lọc tia sáng mặt trời. khiến cho phần lớn tia tử ngoại (ultraviolet, UV) không đến được mặt đất, nhờ vậy mà ta không bị những bệnh như ung thư da, bệnh về miễn nhiễm và hỏng thủy tinh thể. Tuy thế, ozone cũng là 1 chất độc, gây tổn hại cho phổi, cho cây cối và xúc vật. Lớp ozone thiên nhiên nói trên, ở quá xa, nên không có tác dụng độc với sinh vật ở trên mặt đất. Nhưng ozone cũng có ở hạ tầng khí quyển và ozone này là từ các chất hóa học và nhất là khói xe. Ozone là khí quan trọng thứ 4 trong hiệu ứng nhà kiếng. - N2O phát sinh từ phân bón, việc xử lý rác, việc đốt nhiên liệu trong công nghiệp và từ các chất hóa học có chứa N. - CFC (clorofluorocarbon) là 1 sản phẩm nhân tạo, được chế ra từ năm 1930 dùng trong công nghệ lạnh, trong các bình xịt tóc, trong việc chế tạo chất foam (mút xốp). Chất này không những hấp thụ tia hồng ngoại, mà còn làm tổn thương lớp ozone ở trung tầng khí quyển, gây ra nhiều lỗ hổng, khiến cho tia UV độc hại có thể lọt qua. Những chất khí kể trên, gọi chung là khí nhà kiếng, càng ngày càng được thải ra nhiều. Chúng hấp thụ tia hồng ngoại làm cho Trái đất nóng dần lên. Thêm vào đó, việc phá rừng để lấy gỗ, lấy đất chăn nuôi, trồng trọt, hoặc làm nhà không những là tăng hiệu ứng nhà kiếng mà còn gây thiên tai tại nhiều nơi. Những điều sau đây đã xảy ra: - Nhiệt độ trung bình ở vùng vỏ Trái đất đã tăng 0,74oC từ 1950 đến nay. Nhưng đến cuối thế kỷ 21, nhiệt độ này có thể tăng thêm từ 1,1oC đến 6,4oC. - Cũng từ 1950 đến nay, mức nước biển đã dâng cao 2,5cm. đến cuối thế kỷ 21, mực nước biển sẽ dâng thêm 17 đến 28cm nữa (1/4 số băng tuyết ở trên núi và 2 cực của Trái đất sẽ tan). - Sự thay đổi khí hậu khiến nhiều vùng bị lụt, hạn hán, động đất, bão tố, sóng thần… Trong tương lai, những chuyện sau đây sẽ xảy ra: - Một số sinh vật và cây cối sẽ bị tuyệt chủng. - Khan hiếm nước uống. - Bệnh tật hoành hành (vì ở nhiệt độ cao hơn, côn trùng, vi trùng sẽ phát triển mạnh). - Nhiều thành phố sẽ bị ngập nước. - Thiên tai sẽ ở mức độ nặng hơn. - Thiếu thực phẩm. Nhiều nước đã, đang và sẽ bị thiệt hại như Thái Lan, Bangladesh, Trung Quốc, Hà Lan, Việt Nam… Thái Lan là nước sẽ bị nặng nhất, vì thành phố Bangkok thấp và tất cả những công nghiệp nặng của Thái Lan đều tập trung ở Bangkok. Những thiên tai ở Việt Nam có vẻ như mỗi ngày một nặng hơn. Nguy cơ rất lớn mà Việt Nam sẽ phải chịu là nhiều phần của đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nước biển tràn vào trong khoảng 3, 4 thập niên tới. Những nước phát triển ít bị thiệt hại khi có thiên tai hơn những nước nghèo vì: - Nhà cửa vững chắc, xây ở nơi cao ráo, có hệ thống cống rãnh tốt. - Thực phẩm, thuốc men, phương tiện vật chất và sự cứu trợ nhanh chóng. - Nông phẩm không bị thiệt hại, vì có hệ thống dẫn thủy tốt. NHỮNG ĐIỀU ĐÃ ĐƯỢC THỰC HIỆN ĐỂ LÀM GIẢM HIỆU ỨNG NHÀ KIẾNG: Từ lâu, nhiều quốc gia đã có những biện pháp cứu nguy Trái đất như: - Kiểm soát định kỳ xe cộ, gắn bộ phận lọc khí để giới hạn lượng thải CO2, N2O. - Chế tạo những máy móc dùng nhiên liệu thiên nhiên, như gió, mặt trời, năng lượng nguyên tử. - Chế tạo năng lượng sạch thay cho xăng như ethanol (làm từ mía hoặc ngũ cốc). - Chế tạo xe cộ ít hao xăng, hoặc xe hybrid chạy bằng xăng lẫn bằng điện. - Bớt dùng diesel. Trên bình diện quốc tế, những cuộc họp từ vài thập niên qua đã bàn cãi rất nhiều về vấn đề các khí thải, nhất là CO2 nhưng chẳng nhận được bao nhiêu cam kết của những quốc gia đứng đầu về công nghiệp. Việc giảm lượng CO2 rất nan giải vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế. Các quốc gia trên mong rằng sẽ đạt được mục tiêu không để nhiệt độ của Trái đất không tăng quá 2oC vào năm 2050. Mới đây học hứa viện trợ 30 tỷ đô la trong ba năm từ 2010 đến 2012 cho những quốc gia nghèo, để đối phó với thiên tai. Nhiều bình luận gia nói rằng việc viện trợ này chỉ là sự hối lộ cho các nước nghèo, để họ khỏi bị thiệt hại về kinh tế quá nhiều khi phải cắt giảm nhanh chóng lượng CO2. Nhiều nước đã cam kết bãi bỏ việc dùng các chất có chứa chất CFC (để bảo vệ lớp ozone), bãi bỏ việc dùng bóng đèn incandescent (tức bóng đèn dây tóc, phát ánh sáng vàng) thay vào đó bằng bóng đèn fluorescent (tức đèn neon phát huỳnh quang) tiêu thụ ít điện hơn. NHỮNG ĐIỀU MỖI CÁ NHÂN CHÚNG TA CÓ THỂ LÀM: Đã lừ lâu nay, mỗi cá nhân chúng ta đã góp phần vào việc làm hại Trái đất. Sau đây là những việc chúng ta có thể làm để bảo vệ Trái đất: - Đi bộ, đi xe đạp, dùng xe chuyên chở công cộng, đi chung 1 xe (chở bạn thay vì đi xe riêng), tranh thủ đi nhiều việc cùng 1 chuyến, tránh dùng xe vào giờ cao điểm. - Hạn chế dùng điện: tắt đèn, TV, máy vi tính, máy lạnh, quạt… khi ra khỏi phòng. Thay bóng đèn loại cũ bằng bóng đèn neon. Giặt và phơi quần áo bằng tay thay vì bằng máy. - Tái chế, tái sử dụng giấy, túi nilon, chai lọ, lon nước ngọt… - Trồng cây. - Sửa chữa nhà cửa: mở thêm cửa sổ, trồng cây leo tường hoặc làm tường bằng vật liệu cách nhiệt. Không dùng tôn bằng kim loại, sơn nhà, tường bằng màu đen hoặc màu đậm vì nóng sẽ phải dùng quạt nhiều hơn. Sửa vòi nước bị hở. - Về ăn uống: ăn chay càng nhiều càng tốt, vì việc nuôi súc vật tốn nhiều thực phẩm và công nghiệp chăn nuôi thải nhiều N2O và NH4. Mua thực phẩm sản xuất tại địa phương, để hạn chế nhiên liệu dùng trong việc chuyên chở. Tránh ăn những món phải nấu lâu như thịt hầm… - Bảo trì máy móc để khỏi mua cái mới (việc sản xuất máy móc tốn nhiều năng lượng). Bảo trì xe cộ, thay lọc gió, nhớt, bơm xe đúng áp suất (1 chiếc xe ở tình trạng tốt sẽ dùng ít năng lượng và lâu hỏng). - Cổ động bạn bè. N.C.T Điểm sách HARRY POTTER
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu những Bộ truyện đã mang con người thoát ra khỏi cuộc đời quen thuộc đến nhàm chán của chúng ta hằng ngày, bị trói buộc bởi lề thói, phong tục, dư luận, luật pháp. Có rất nhiều tác phẩm xa xưa cũng như hiện nay, của các tác giả từ châu Âu sang đến châu Á, từ Anh quốc, Nhật Bản hiện đại cho đến Trung Hoa vừa cổ xưa, vừa hiện đại. Thật là thú vị... I..- Thế giới phù thủy - phép thuật trong 7 Tập truyện HARRY POTTER cùa Nữ văn sĩ Anh quốc J.K.Rowling. II.- Thế giới giang hồ - võ hiệp trong 12 Bộ truyện VÕ LÂM của Văn sĩ Trung Hoa Kim Dung. III.- Thế giới thần tiên - ma quái trong Truyện TÂY DU KÝ của Văn sĩ Trung Hoa Ngô Thừa Ân. IV.- Thế giới hồ ly - kỳ dị trong Bộ truyện LIÊU TRAI CHÍ DỊ của Văn sĩ Trung Hoa Bồ Tùng Linh. V.- Thế giới khoa học viễn tưởng trong Bộ truyện nhiều tập DOREMON của Văn sĩ Nhật Bản Fujiko F. Fujio. I. - THẾ GIỚI PHÙ THỦY - PHÉP THUẬT Tác giả JK. Rowling đã viết xong Tập 7 - tập cuối cùng của Bộ truyện Harry Potter. Tất cả gồm có: 1/- Harry Potter và Hòn đá Phù thủy 2/- Harry Potter và Phòng chứa Bí mật 3/- Harry Potter và Tên tù nhân ngục Azkaban 4/- Harry Potter và Cốc lửa 5/- Harry Potter và Hội Phượng hoàng 6/- Harry Potter và Hoàng từ lai 7/- Harry Potter và Bảo bối tử thần Bộ truyện Harry Potter đã đạt con số phát hành kỷ lục tại VN cũng như trên khắp thế giới, cho thấy sự lên ngôi của những giấc mơ. Chú bé phù thủy Harry với đôi kính cận và vết sẹo hình tia chớp zigzag in hằn ngay giữa trán, đã trở thành hình ảnh thân thương với trẻ em trên thế giới. Không những thế, chính người lớn chúng ta cũng tìm thấy đằng sau mỗi câu chuyện phép thuật một câu chuyện khác mà chỉ người lớn mới hiểu - như chúng ta đã từng cảm thấy, với bộ truyện cổ tích Đan mạch Andersen gần một thế kỷ trước đây. Sức mạnh của tác giả JK.Rowling là ở chỗ, bằng những đường nét của một Cậu bé bình thường, tác giả biết cách tạo nên một nhân vật tài ba, giỏi giang, đức hạnh, tuyệt vời. Trẻ em ở mọi đất nước, dù nghèo hay giàu, da màu hay da trắng như nhận ra chính mình trong con người Harry, nơi đó có đủ mọi quyền năng, vượt qua mọi thử thách, khó khăn; gan dạ, can đảm để tiến tới thành đạt, thành công, toại chí, toại nguyện để các Em tạm quên đi các thiếu thốn, bức bách trong đời sống học đường, lo toan về bài tập môn học này, môn học kia, tạm quên đi việc bị bắt nạt tại trường, lớp, nạn bạo lực học đường tràn lan trước mắt các em, hàng ngày, hàng tháng... Đọc các Tập truyện Harry Potter, người đọc chấp nhận tham dự cuộc chơi của trí tưởng tượng thỏa thích bay lượn vượt khỏi cuộc sống đời thường. Tác giả JK.Rowling đã tạo ra những thế giới phi phàm, mà người thường không thể nhận biết. Trong 7 Tập truyện, đó chính là Thế giới phù thủy, nó thoát ra khỏi cuộc sống thường ngày, buồn tẻ, chán nản, biết bao cảnh đời bạo lực, mạnh được yếu thua, nịnh nọt, hiếp đáp lẫn nhau chỉ vì quyền lợi, danh vọng cá nhân, phe nhóm, chủng tộc... Thế giới Kỳ diệu được Nữ văn sĩ khổ công dựng nên gắn với khát vọng giải thoát, phát huy tối đa tiềm năng của con người. Cảnh giới tối thượng chỉ có thể đạt được khi con người bị đẩy đến cảnh khốn cùng bên bờ vực thẳm. Chỉ những lần Cậu bé phù thủy bị người anh họ Duddley bắt nạt, rượt đuổi không có đường chạy, Harry mới bộc lộ năng lực bẩm sinh của một phù thủy, cũng như khi Chúa tể Hắc ám Voldemort ra tay tàn ác quyết tiêu diệt Cậu bé thì sức mạnh trong Cậu bé mới phát tiết làm cho quyền phép của kẻ thù phải tiêu tan. Trong Thế giới Phù thủy ấy, năng lực của con người được thể hiện qua những quyền phép vô tận, đầy quyến rũ, mê hoặc. Con đường đến với đỉnh cao, ngoài năng khiếu bẩm sinh, sự gian nan khổ luyện, còn có một yếu tố không thể thiếu: cái Tâm. Tác giả đề cao cái Tâm của kẻ đi học: chỉ có Harry mới thấy được ảnh thật của chính mình trong Tấm gương Ma thuật, những người khác mang dục vọng thì chỉ nhận được những hình ảnh lệch lạc. Ước mơ dai dẳng của con người gửi vào văn chương chính là công lý. Dai dẳng, chừng nào đời sống còn những ngang trái, bất công, cái ác lên ngôi, người hiền lương còn phải chịu lắm thiệt thòi. Thế giới Phù thủy rộng lớn là vậy nhưng chung quy vào hai trận chiến: thiện - ác, chính - tà. Với Tập truyện Harry Potter, sự phân biệt thiện - ác, chính - tà không hề đơn giản, mà phức tạp như chính cuộc đời vậy. Sự hấp dẫn của Harry Potter còn ở chỗ truyện đầy các yếu tố bất ngờ như chính cuộc đời. Đọc Harry, người ta hiểu hơn cuộc sống - Ví dụ mô hình giáo dục của Trường đào tạo Phù thủy và Pháp sư Hogwarts - một ngôi trường lý tưởng với một vị Hiệu trưởng tuyệt vời là cụ Dumbledore. Ở đó vẫn có các giám thị khắc nghiệt, các giáo sư trù dập học sinh, có cả sự tắc trách của Bộ giáo dục... Tóm lại, vẫn sống động như bất kỳ trường học nào của thế giới hiện đại. Nói đến sức hấp dẫn của Tập truyện này, không thể không bỏ qua giai điệu ngọt ngào, cảm động do tình bạn mang lại. Ở Harry, đó là tình bạn thân thiết, gắn bó giữa Harry với Ron, Hermione trong cuộc chiến chống thế lực Hắc ám, đã để lại một tấm gương đẹp đẽ, thân thương, trìu mến, bao dung trong tâm khảm thiếu nhi trên toàn thế giới. GIẤC MƠ CỔ TÍCH CHẤM DỨT Thế là trang cuối cùng của Tập 7 Harry Potter đã khép lại. Có vẻ như tác giả J.K.Rowling muốn kết thúc có hậu để làm cho lời chia tay với các trẻ em trên khắp thế giới thêm thoải mái, an bình, nhẹ nhàng, thân thương. Chính điều kết thúc đó, với mọi người, thật là đẹp biết bao: Thật là một giấc mơ như trong các truyện cổ tích thuở xa xưa. Các tập truyện Harry có sức hấp dẫn của nội tại tác phẩm bởi những tầng nấc ẩn dụ mà tùy thuộc vào trải nghiệm của từng trẻ em hay người lớn, họ sẽ có những cảm nhận riêng mình. Đó thực sự là một giấc mơ lung linh, huyễn hoặc, cổ tích, huyền diệu với biết bao sắc màu làm lay động tâm hồn của hầu hết các trẻ em đang đọc. Đó là câu chuyện về cậu bé phù thủy Harry đã có những khoảnh khắc thật ấm êm, an bình khi cùng sống trong trang trại Hang Sóc của bạn Ron. Đó là khi Harry nâng niu chiếc áo len của mẹ Ron tự tay đan tặng cho mình. Là khi Harry cảm động trước chiếc bánh kem đầu tiên của ngày sinh nhật từ bác Hagrid. Là những nỗi ngậm ngùi của cuộc sống khắc nghiệt. Bố và mẹ Harry chết. Thầy hiệu trưởng Dumbledore - người thương yêu Harry nhất, cũng chết. Cậu bé phù thủy đã phải học cách đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Bởi sự khắc nghiệt của cuộc sống vốn bắt Cậu phải thế. Cũng như trong đời, đâu phải lúc nào cái thiện cũng được đền đáp. Đó là khi Harry sống trong tình cảm thầy - trò tuyệt đẹp với thầy hiệu trưởng Dumbledore, thuộc phe chính nghĩa trong trường Hogwarts, và là người đã trao lại sứ mạng cho Harry để chống lại phe hắc ám đang muốn tranh giành ngôi trường phù thủy này, sứ mạng mà thầy Dumbledore, vì quá vội vàng, hấp tấp nên đành phải chấp nhận cái chết - do chính mình chọn. Cuối cùng thầy giúp đỡ Harry trong mọi trường hợp nguy hiểm bằng cách hiện linh hồn của mình nhập vào đầu óc cúa Harry để dẫn dắt, chỉ đạo Cậu bé sử dụng Bảo bối Tử thần gồm có: -cây đũa phép -chiếc áo tàng hình, -viên đá phục sinh, đã chiến thắng Chúa tể Hắc ám Voldemort, mang lại sự an lành cho ngôi trường phù thủy và sự an vui, hạnh phúc cho mọi người trong xã hội phù thủy thân thương của chính Harry. Từ đó, Harry và Ginny, Ron cùng Hermione vui sống trong niềm hạnh phúc mãi mãi. Bởi đó là Giấc mơ cổ tích nên ai yếu đuối sẽ được che chở. Ai thiếu vắng sẽ được bù đắp. Ai mệt mỏi sẽ được an ủi. Ai yêu thương sẽ được hạnh phúc. Truyện Harry Potter chấm dứt. Giấc mơ cổ tích từ nay khép lại. Có thể sau Harry Potter, thế giới vốn không có một ngày tĩnh lặng này, sẽ lại tìm ra một cái gì khác để thay thế. Nhưng niềm hạnh phúc được đắm chìm trong những cảm xúc đẹp lẫn ngậm ngùi mà 7 Tập truyện Harry Potter mang lại, sẽ không tái diễn được nữa. Bởi chúng ta đã đi qua một thời mơ mộng và đã lớn. Tâm hồn chúng ta làm sao trở lại thời trẻ dại ngây thơ mà mơ một chiếc đũa thần. BÀI HÁT VỀ HARRY POTTER Để tóm tắt về 7 Tập truyện Harry Potter nổi tiếng trên thế giới, đã mang lại cho tác giả J.K.Rowling số lợi tức kếch xù - trở thành một trong những người giàu nhất thế giới - với lợi tức thu được từ việc phát hành với số ấn bản kỷ lục tại Mỹ của 7 Tập truyện và tất cả đều được chuyển thể sang 7 Bộ phim (Tập 7 có phim sắp phát hành vào cuối năm nay). Người viết soạn ra Lời mới, căn cứ theo bài hát thiếu nhi “London Bridge” (Đăng tại trang 77 Bản tin CLB Sách Xưa & Nay số 43 - Tháng 12 năm 2009) như sau: Harry và Hòn đá phù thủy Dumbledore phe chính nghĩa hy sinh Potter, Phòng chứa bí mật Linh hồn Ông, giúp Harry Harry, Tù nhân ngục Azkaban Ron- Hermione- Ginny chiến đấu Potter, Cốc lửa ! Diệt Voldemort ! Harry và Hội Phượng hoàng Với Bảo bối tử thần -Đũa phép Potter và Hoàng tử lai -Áo tàng hình -Đá phục sinh Harry Potter, Bảo bối Tử thần Harry thắng Chúa tể hắc ám Trường phù thủy Hogwarts ! Giấc mơ cổ tích ! PHẠM VŨ (Sưu tầm) TÍNH NGÀY TRONG TUẦN MÀ KHÔNG CẦN LỊCH
Chỉ cần thuộc lòng 4 con số sau đây là bạn có thể tính được 1 cách dễ dàng và nhanh chóng rằng ngày nào trong năm 2010 là thuộc thứ mấy trong tuần: 400 351 362 402 Bốn con số này chứa 12 mã số, mỗi mã số là ứng với một tháng của năm 2010 (xem bảng A).
CÁCH TÍNH: Lấy mã số của tháng cộng với ngày, rồi xem bảng B để biết ngày đó là thứ mấy. Thí dụ I: Muốn biết ngày 3 tháng Sáu là thứ mấy, thì lấy mã số của tháng Sáu (là 1) cộng với số ngày (là 3), ta có 4. Xem trong bảng B, ta biết đó là ngày thứ Năm. Đó là trường hợp giản dị nhất. Nếu con số này lớn hơn hoặc bằng 7 thì ta phải trừ đi 7, hoặc bội số của 7 (7,14,21,28,35) như trong hai thí dụ sau đây: Thí dụ II: Muốn biết ngày 13 tháng Chín là thứ mấy, thì ta lấy mã số của tháng Chín (là 2) cộng với số ngày (là 13), ta có 15. Con số này lớn hơn 7, ta phải bỏ bớt 7, còn lại 6. Bảng B cho ta biết ngày này là thứ Bảy. Thí dụ III: Muốn biết ngày 29 tháng Tám là thứ mấy, thì ta lấy mã số của tháng Tám (là 6) cộng với số ngày (là 29), ta có 35. Lấy 35 trừ đi 35 (bội số của 7), ta được 0. Bảng B cho ta biết đó là ngày Chủ Nhật. Mỗi năm có 365 ngày (không kể năm nhuận) hoặc 52 tuần lễ và 1 ngày. Như vậy, nếu hôm nay là thứ Bảy thì ngày này năm kế tiếp phải là Chủ Nhật, và ngày này năm ngoái phải là thứ Sáu. Để tính ngày trong tuần cho năm 2011. Bạn có thể dùng những con số của năm 2010 rồi cộng thêm 1 ngày; hoặc dùng 12 con số ứng với năm 2011, đó là: 511 462 403 513 Và 4 con số của năm 2012 sẽ là: 623 614 625 035 Để ý rằng những năm không nhuận thì mã số của tháng Hai và tháng Ba giống nhau, vì tháng Hai chỉ có 28 ngày. Năm nhuận có 29 ngày, nên mã số của tháng Ba hơn mã số tháng Hai là 1. - Tháng Ba và tháng Mười một luôn luôn có ngày giống nhau. - Tháng Tư và tháng Bảy luôn luôn có ngày giống nhau. - Tháng Chín và tháng Mười hai cũng luôn luôn có ngày giống nhau. Chu kỳ của những ngày trong tuần lễ là 7, chu kỳ của năm nhuận là 4. Vì vậy cứ 28 năm thì những quyển lịch lại giống nhau. Nếu sinh nhật thứ 29 hoặc thứ 57 của bạn là vào ngày Chủ Nhật thì bạn biết ngay rằng bạn cũng được sinh ra vào ngày Chủ Nhật. Người viết đã dùng cách này để tính ngày từ hơn nửa thế kỷ nay, và vẫn còn tiếp tục dùng. Mới đầu bạn có thể bỡ ngỡ và chậm chạp, nhưng một khi đã quen, bạn có thể tính rất nhanh, đôi khi chỉ cần vài giây. N.C .T NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ CHOLESTEROL
Ai cũng nghe thấy nói đến Cholesterol. Người ta quảng cáo dầu thực vật nọ “không có Cholesterol” – cứ như là một khám phá mới lạ, trong khi điều đó là một sự đương nhiên học sinh cấp 1 cũng phải biết. Có người thích trứng, nhưng không dám ăn vì sợ hàm lượng Cholesterol cao trong trứng “hại gan”. Có người thấy bố mẹ bị cao huyết áp kèm theo Cholesterol máu cao, thắc mắc không hiểu các chứng bệnh này có tính di truyền không, sau này mình có bị như vậy không – vì con thường không giống cha, thì cũng giống mẹ. Bây giờ các tiệm “fast food”, bánh kẹo, mọc lên như nấm, rất hấp dẫn nhưng nghe nói rất dễ làm cho Cholesterol tăng lắm. Rồi đi thử, nhưng khi có kết quả thì cũng không hiểu như thế nào mới cần phải ăn kiêng. Mà có ăn kiêng thì phải ăn uống ra làm sao mới có hiệu quả. 1. Cholesterol máu cao là gì? Cholesterol máu cao là tình trạng dư thừa trong máu của Cholesterol, một chất được liệt vào nhóm chất béo: trong đó, ngoài Cholesterol, acid béo ra, còn có Triglycerid. Người ta còn gọi tình trạng này là “dư mỡ (hyperlipidemia) hay rối loạn mỡ (dyslipidemia)” trong máu. 2. Tại sao phải quan tâm đến Cholesterol máu cao? Ở Hoa Kỳ người ta ước tính có khoảng 60 triệu người bị Cholesterol máu cao. Có thể là sự kiện này tự nó, không có gì là đáng sợ lắm, nhưng người ta sẽ thấy ngay tầm quan trọng của nó nếu ý thức được rằng tình trạng Cholesterol máu cao là yếu tố nguy cơ chủ yếu lót đường cho bệnh xơ vữa tim mạch (atherosclerotic heart disease) trong đó thành các động mạch bị tắc nghẽn do cholesterol đóng cáu thành từng mảng, là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và tàn phế ở các nước Phần Tây Bán Cầu. Chỉ riêng ở Mỹ đã có trên 13 triệu người bị bệnh mạch vành; mỗi năm có lối 500,000 người chết vì bệnh tim. Vì những lý do ấy, nên chúng tôi tập trung chú ý đến chẩn đoán và điều trị Cholesterol máu cao; đây là một cách hữu hiệu để phòng tránh cho người ta khỏi phát ra và chết vì bệnh xơ vữa tim mạch. Ở bất cứ tuổi nào người ta cũng có thể bị Cholesterol máu cao, nhưng căn bệnh này thường nhất là được chẩn đoán ở tuổi từ 50 đến 70. Ở Việt Nam nếp sống mỗi ngày một công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và đô thị hóa khiến chúng ta càng ngày càng có những bệnh lý của các nước giàu ở Tây Bán Cầu thì, khi có một nếp sống trên mức dư giả, ta rất có thể áp dụng những khuyến nghị… của Mỹ cho toàn cầu. 3. Nguyên nhân của Cholesterol máu cao Đa số các trường hợp bị Cholesterol máu cao là do một sự phối kết hợp giữa di truyền và chế độ ăn. · Một chế độ ăn giàu chất béo và Cholesterol có khả năng đóng góp vào việc phát sinh ra chứng Cholesterol máu cao. Các thức ăn dễ làm cho Cholesterol máu cao gồm có thịt đỏ, gà chiên, sữa nguyên kem, lòng đỏ trứng, bơ, kem và bánh ngọt. · Gien liên quan tới Cholesterol máu cao thường không phải chỉ có một; tuy nhiên một số rất ít người (dưới 5%) bị Cholesterol máu cao là vì họ có khuyết điểm trong một gien duy nhất, dẫn tới một rối loạn chuyển hóa lipid có tính di truyền. Hai kiểu rối loạn thường gập nhất trong số này là Bệnh Cholesterol Máu Cao Gia Đình (hay dòng họ) (familial hypercholesterolemia), trong đó Cholesterol máu tăng cao và Bệnh Lipid Máu Cao Gia Đình Kết Hợp, (familial combined hyperlipidemia) trong đó cả Cholesterol và Triglycerid đều cao. Cả hai căn bệnh đều có liên quan với hiện tượng các cơn đau tim và các triệu chứng bệnh xơ vữa tim mạch tấn công khi còn nhỏ tuổi. · Bệnh Cholesterol máu cao cũng có thể xuất hiện như hậu quả của những căn bệnh khác như Đái Tháo Đường, Thiểu Năng Tuyến Giáp, Bệnh Gan, Nghiện Rượu và một số bệnh về thận. · Nhiều thuốc trị bệnh như estrogen, steroid, và một số thuốc trị Cao Huyết Áp cũng có thể dẫn tới tình trạng Cholesterol máu cao nữa. 4. Thế nào là Cholesterol “tốt”, Cholesterol “xấu”? Chất béo trong thức ăn theo tự nhiên được hấp thu từ ruột non vào máu tuần hoàn, ở đây, chất béo được phân hóa và gói ghém cho dễ chuyên chở – bằng cách gắn với những chất đạm đặc biệt, gọi là lipoprotein. Có nhiều loại lipoprotein để chuyên chở cholesterol trong máu; hai loại được nhiều người biết tới nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (low-density lipoprotein LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (high-density lipoprotein HDL). Cholesterol LDL có biệt hiệu là Cholesterol “xấu” vì nó trao Cholesterol cho thành vách mạch máu và gắn kết với bệnh xơ vữa động mạch (associated with atherosclerosis). Cholesterol HDL có biệt hiệu là Cholesterol “tốt” vì nó nhắm tới những cơ quan khác như gan chẳng hạn, nơi đây Cholesterol được sử dụng để sản xuất thành những chất mà cơ thể cần đến. Trình bày đơn giản như vậy cho dễ hiểu, chứ trên thực tế thì trong mỗi loại Lipoprotein còn có những hạ loại khiến cho nó có thể ít hay nhiều là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, phân biệt Cholesterol tốt và Cholesterol xấu như vậy có thể giúp ích được người ta. 5. Cholesterol có liên quan gì với Bệnh Tim? Bệnh Động Mạch Vành (Coronary artery disease - CAD) , là nguyên của những cơn đau tim và chứng đau thắt ngực (chứng đau ngực gắn liền với những động mạch vành bị tắc nghẽn), phát sinh một phần do cholesterol lắng đọng trong các động mạch vành tim (là những mạch máu cung cấp máu nuôi tim). Tiến trình này dẫn tới việc hình thành những mảng xơ vữa động mạch, có khả năng giảm lượng máu dẫn tới tim và gây nên chứng đau thắt ngực. Nếu một trong những mảng xơ vữa này bể (vỡ) ra, luồng máu cung cấp cho một phần đoạn của tim có thể hoàn toàn bị chặn lại, và một cơn đau tim xẩy ra ngay sau đó. Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh là có một mối tương quan chặt chẽ giữa bệnh động mạch vành và chứng Cholesterol máu cao. Cụ thể là những múc Cholesterol LDL cao và Cholesterol HDL thấp gắn liền với nguy cơ bệnh động mạch vành gia tăng. Nói cách khác những người có mức Cholesterol LDL cao dễ có sự cố mạch vành hơn những người có Cholesterol máu bình thường. Trái lại, một mức Cholesterol HDL cao có tính cách bảo vệ chông lại bệnh động mạch vành. 6. Mức Cholesterol Máu nên có là bao nhiêu? Những mức nồng độ Cholesterol được coi là nên có còn thay đổi, tùy theo là bạn có bị bệnh động mạch vành hay không, có những yếu tố bị bệnh động mạch vành hay không. Các yếu tố nguy cơ này gồm có: · Tuổi của bạn, trên 45 tuổi cho đàn ông, và trên 55 tuổi cho đàn bà. · Tiền sử gia đình có người bị bệnh động mạch vành. · Tình trạng phụ nữ sau mãn kinh (không theo liệu pháp hormon thay thế). · Tiền sử gia đình có người bị bệnh động mạch vành. · Nghiện thuốc lá. · Bị Cao Huyết Áp. · Bị Đái Tháo Đường. Ở người trưởng thành khỏe mạnh không bị Bệnh Động Mạch Vành hay Đái Tháo Đường, các số nồng độ Cholesterol nên có là: · Cholesterol tổng cộng dưới 200 mg/dl. · Cholesterol LDL dưới 130 mg/dl. · Cholesterol HDL bằng hay cao hơn 60 mg/dl are desirable. Các mức nồng độ Cholesterol ranh giới (Borderline levels) là: · Cholesterol tổng cộng từ 200 đến 239 mg/dl, · Cholesterol LDL từ 130 đến 139 mg/dl, · Cholesterol HDL từ 35 đến đến 59 mg/dl. Được coi là không mong muốn (undesirable) những mức nồng độ: · Cholesterol tổng cộng bằng hay lớn hơn 240 mg/dl, · Cholesterol LDL bằng hay lớn hơn 160 mg/dl, · Cholesterol HDL bằng hay lớn hơn 35mg/dl. Đó là những mức nồng độ bạn có thể sử dụng để để định hướng các nỗ lực của mình nhằm làm giảm nguy cơ bị bệnh tim. 7. Thế còn Triglycerides là gì? Mặc dù chúng ta có khuynh hướng tập trung vào các chỉ số Cholesterol LDL và –HDL, những thành phần chất béo (lipid) khác cũng không kém phần quan trọng. NHững thành phần này gồm có: các chất triglycerid (một phân tử cấu thành các chất béo) và các chất lipoprotein giàu triglycerid: lipoprotein tỷ trọng rất thấp (very low density lipoprotein - VLDL) và lipoprotein tỷ trọng lưng chừng (intermediate density lipoprotein - IDL). Cũng như với Cholesterol, một mức nồng độ triglycerid cao thường là hậu quả của chế độ ăn và cấu trúc gien một con người, tuy nhiên tình trạng này cũng có thể do những căn bệnh khác gây nên, thí dụ như Đái Tháo Đường và Thiểu Năng Tuyến Giáp và do một số thuốc trị bệnh nữa. Mối tương quan giữa triglycerid và chứng bệnh Xơ Vữa Động Mạch (atherosclerosis) không được xác định tốt như với Cholesterol. Cái chúng ta biết chắc là tình trạng Glycerid máu Cao (hypertriglyceridemia) gắn liền với những yếu tố nguy cơ khác của Bệnh Động Mạch Vành (other CAD risk factors), như mức Cholesterol HDL thấp và dạng Béo Phì Tập Trung Vào Giữa Thân vóc “hình trái táo” (central (apple-shaped) obesity). Mức nồng độ triglycerid nên có ở người trưởng thành khỏe mạnh là dưới 200 mg/dl. 8. Những Ai Cần Kiểm Tra Cholesterol trong Máu? Hầu như mọi người ai cũng cần đi kiểm tra xem có bị Cholesterol máu cao không. Nhiều bác sĩ tuân thủ các khuyến nghị do Chương Trình Quốc Gia Giáo Dục Về Cholesterol (Hoa Kỳ) đưa ra. Chương Trình này khuyến cáo mọi người từ 20 tuổi trở lên nên đi kiểm tra mức nồng độ Cholesterol tổng cộng và HDL và tiếp tục kiểm tra Ccholesterol cứ 5 năm một lần, nếu kết quả bình thường. Một số bác sĩ khác thì thiên về một cách tiếp cận có mục tiêu hơn và chỉ cho kiểm tra những người nào có những yếu tố nguy cơ bị Bệnh Động Mạch Vành khác nữa (other risk factors for CAD). Bệnh nhân đã xác định là bị Bệnh Động Mạch Vành, Đái Tháo Đường, Bệnh Lipid Máu Cao Gia Đình, (familial hyperlipidemia), hoặc những yếu tố nguy cơ bị bệnh Động Mạch Vành, cần phải được kiểm tra thường xuyên hơn, sử dụng một danh sách các chất phản ảnh tình trạng lipid lúc bụng đói (gồm có Cholesterol tổng cộng, Cholesterol LDL và HDL, Triglycerid). 9. Nếu bị Cholesterol Máu Cao thì phải làm gì? Trong trường hợp Cholesterol cao, bạn cần hỏi bác sĩ một cách tổng quát xem bạn có nguy cơ cao bị Bệnh Động Mạch Vành không; Việc xác định này có tác dụng quyết định tính khẩn trương của việc trị liệu. Người khỏe mạnh bị Lipid Máu Cao nhiều khi chỉ cần ăn kiêng và tập luyện cơ thể là đủ làm giảm nồng độ Cholesterol và Triglycerid trong máu rồi. Một số người khác có thể đòi hỏi phải thêm thuốc trị liệu để làm giảm nồng độ Lipid trong máu của họ. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng nên quên rằng việc làm giảm Cholesterol chỉ là một phần nhỏ trong một kế hoạch lớn nhằm mục tiêu giảm thiểu nguy cơ phát ra Bệnh Động Mạch Vành và cổ vũ một nếp sống lành mạnh hơn. 10. Tóm Tắt Chứng Cholesterol Máu Cao (Hypercholesterolemia) là một tình trạng dư thừa Cholesterol trong máu. Những mức nồng độ Cholesterol HDL thấp liên kết với nguy cơ cao bị Bệnh Động Mạch Vành rất có ý nghĩa về mặt thống kê: Càng có Cholesterol HDL thấp thì càng dễ bị Bệnh Động Mạch Vành. Những mức nồng độ Cholesterol nên có đối với những người trưởng thành khỏe mạnh, không có triệu bệnh tật nào cả là: · Cholesterol tổng cộng dưới 200 mg/dl, · Cholesterol LDL dưới 130 mg/dl, · Cholesterol HDL bằng hay trên 60 mg/dl. Đối với những người bị Bệnh Động Mạch Vành hay Đái Tháo Đường các khuyến nghị có phần chặt chẽ hơn. Từ 20 tuổi trở lên, cứ 5 năm một lần mọi người trưởng thành khỏe mạnh đều nên đi kiểm tra Cholesterol. Nếu bạn bị Đái Tháo Đường, Bệnh Động Mạch Vành hay một tiền sử trong gia đình có người bị Bệnh Động Mạch Vành sớm hoặc Lipid Máu Cao thì nên đi kiểm tra Cholesterol thường xuyên hơn. Nếu nồng độ Cholesterol của bạn cao, bạn nên bàn với bác sĩ của bạn về các phương án điều trị có thể lựa chọn được, xem phương án nào thích hợp nhất cho bạn. TP HCM, Ngày 5 tháng 6, 2001 BS Nguyễn Lân-Đính Chuyên viên dinh dưỡng Công bố mới về UNG THƯ
SAU NHIỀU NĂM CÔNG BỐ VỚI MỌI NGƯỜI RẰNG HÓA HỌC TRỊ LIỆU LÀ CÁCH DUY NHẤT ĐỂ THỬ NGHIỆM VÀ LOẠI BỎ UNG THƯ, CUỐI CÙNG JOHNS HOPKINS CŨNG ĐÃ CÔNG BỐ MỘT CÁCH KHÁC. Cập nhật về căn bệnh ung thư từ Johns Hopkins : 1. Ai cũng có tế bào ung thư trong cơ thể. Những tế bào này không thể bị phát hiện trong những cuộc kiểm tra tiêu chuẩn, trừ khi chúng nhân ra thành vài tỷ tế bào. Khi bác sĩ thông báo với bệnh nhân ung thư rằng sau khi trị liệu, cơ thể họ không sản sinh thêm tế bào ung thư nào khác, điều này có nghĩa là cuộc kiểm tra không phát hiện ra các tế bào ung thư do chúng chưa phát triển tới mức độ có thể nhận biết. 2. Tế bào ung thư xuất hiện từ 6 tới 10 lần trong cuộc đời con người. 3. Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể mạnh, hệ thống này tiêu diệt các tế bào ung thư đồng thời ngăn chặn chúng sinh sản và hình thành khối u. 4. Khi một người mắc bệnh ung thư có nghĩa là người đó suy dinh dưỡng đa cấp... Điều này có thể do các nhân tố về di truyền, môi trường, thức ăn và lối sống... 5. Để tránh suy dinh dưỡng đa cấp, thay đổi thói quen ăn uống và bổ sung thực phẩm sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch. 6. Hóa học trị liệu bao gồm việc làm nhiễm độc các tế bào ung thư phát triển nhanh, đồng thời cũng tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh trong tủy xương và vùng dạ dày - ruột, và có thể gây tổn thương các cơ quan như gan, thận, tim, phổi vv... 7. Các tia phóng xạ trong quá trình tiêu diệt tế bào ung thư có thể gây thương tổn tới các tế bào khỏe mạnh, các mô tế bào và các cơ quan trong cơ thể. 8. Trị liệu ban đầu bằng hóa học trị liệu và phóng xạ thường làm giảm kích cỡ khối u... Song sử dụng các biện pháp này lâu dài không tiêu diệt được khối u hoàn toàn. 9. Khi cơ thể nhiễm độc do hóa học trị liệu và tia phóng xạ, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ trở nên yếu ớt và bị tổn thương, do vậy cơ thể thường không chỗng đỡ nổi với bệnh tật và các biến chứng. 10. Hóa học trị liệu và phóng xạ có thể khiến các tế bào ung thư biến chứng và khó tiêu diệt hơn. Phẫu thuật có thể khiến các tế bào ung thư di căn tới vùng khác trên cơ thể... 11. Một cách hữu hiệu để đối phó với các tế bào ung thư là “bỏ đói” chúng, không cung cấp dưỡng chất khiến chúng có thể sản sinh. TẾ BÀO UNG THƯ CẦN NHỮNG DƯỠNG CHẤT GÌ? a. Đường là một trong những dưỡng chất cho tế bào ung thư. Cắt bỏ đường là cắt bỏ nguồn dưỡng chất quan trọng cho tế bào ung thư. Các sản phẩm thay thế đường như: Nutra Sweet , Equal, Spoonful... làm từ Aspartame và không gây hại. Sản phẩm thay thế từ thiên nhiên là mật ong Manuka và mật đường nhưng với một lượng rất nhỏ. Muối bột cũng có chất hóa học tẩy trắng màu muối. Lựa chọn tốt hơn là amino Bragg và muối biển. b. Sữa khiến cơ thể tiết ra niêm dịch, đặc biệt là ở vùng dạ dày và ruột. Chất niêm dịch là dưỡng chất cho tế bào ung thư. Bằng cách cắt bỏ sữa trong khẩu phần và thay thế bằng sữa đậu nành không đường, tế bào ung thư sẽ bị “bỏ đói”. c. Tế bào ung thư sống sót trong môi trường axit. Khẩu phần ăn chứa nhiều thịt cung cấp nhiều axit. Sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn ăn cá và thịt gà thay cho thịt lợn và thịt bò. Thịt gia súc cũng chứa kháng sinh, hormon tăng trưởng và ký sinh không tốt cho cơ thể, nhất là với bệnh nhân ung thư. d. Khẩu phần ăn có 80% rau xanh và nước ép, ngũ cốc, hạt và chút trái cây sẽ giúp cơ thể sản sinh nhiều kiềm. Khoảng 20% có thể là thực phẩm nấu chín, bao gồm cả đậu. Nước ép rau chứa các enzyme sống, dễ dàng hấp thu và ngấm vào các tế bào trong vòng 15 phút, giúp sản sinh các tế bào khỏe mạnh. Để tạo ra các enzyme sống nhằm sản sinh ra các tế bào khỏe mạnh, hãy thử uống nước ép rau (có giá đỗ) và ăn rau sống 2 tới 3 lần/ ngày. Các enzyme sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 104 độ F (40 độ C) e. Tránh các chất caffeine như cà phê, trà và sô cô la. Trà xanh chứa chất chống ung thư và là một lựa chọn tốt. Hãy uống nước lọc hoặc nước tinh khiết để tránh chất độc và kim loại nặng trong nước thường. Tránh uống nước cất vì nước này chứa axit. 12. Protein trong thịt khó tiêu hóa và cần tới nhiều enzyme tiêu hóa. Thịt không tiêu hóa nằm nguyên trong ruột, gây thối và tạo ra chất độc cho cơ thể. 13. Các tế bào ung thư được bao phủ bằng một lớp protein. Bằng cách hạn chế thịt trong khẩu phần ăn, các enzyme sẽ hoạt động dễ dàng hơn trong việc tấn công lớp protein bao phủ tế bào ung thư và giúp các tế bào hủy diệt tự nhiên của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư. 14. Một số các chất tăng cường hệ miễn dịch (IP6, Flor-ssence, Essiac, anti-oxidants, vitamins, khoáng chất, EFAs...) giúp các tế bào hủy diệt tự nhiên tiêu diệt tế bào ung thư. Một số chất khác như vitamin E tạo ra cơ chế tiêu diệt tế bào, một cách thông thường của cơ thể nhằm đào thải các tế bào gây hại hoặc không cần thiết... 15. Ung thư là căn bệnh của thể xác và tinh thần. Một tinh thần lạc quan và sảng khoái sẽ giúp các bệnh nhân ung thư giành giật được sự sống. Giận dữ, căm thù và cay đắng khiến cơ thể bị căng thẳng và tạo ra axit. Hãy học cách sống vị tha và đầy yêu thương. Học cách thư giãn và hưởng thụ cuộc sống. 16. Các tế bào ung thư sẽ không tồn tại được trong môi trường đầy ôxi. Tập thể dục đều đặn, hít thở sâu sẽ giúp các tế bào được nạp đầy đủ ôxi. Liệu pháp ôxi cũng là cách tiêu diệt các tế bào ung thư. Đỗ Như Tình St CUỘC ĐIỀU TRA KỲ THÚ
Philippe Hannon ghé miệng trước máy đọc mấy câu cuối cùng của một vở kịch mà chàng vừa sửa lại rồi sờ soạng đặt lên bàn. Philippe là một nhà soạn kịch nổi danh vừa ở Mỹ sang Luân-đôn. Chàng bị hỏng mắt, không còn trông thấy gì cả và phải soạn kịch bằng cách đọc vào máy thu thanh. Giúp việc chàng là Bob Matthews. Anh này rất mến tài chàng nên tuy làm thư ký mà sẵn lòng giúp chàng tất cả mọi việc như một người bạn thiết. Nhưng, Hannon thường tỏ ý khó chịu mỗi khi Bob săn sóc chàng quá. Chàng rất khái tính, không muốn người ta coi chàng như một đứa trẻ con không tự làm lấy được một vài việc lặt vặt. Vả lại sự săn sóc quá độ như nhắc nhở rằng chàng là một người tàn tật, một người mù, một người suốt đời phải sống trong bóng tối dày đặc, ngày cũng như đêm. Chàng đau khổ và chỉ còn một cách làm việc thật nhiều và suy nghĩ về mọi vấn đề để quên đi cái số phận hẩm hiu và cô độc của kẻ bị tước mất ánh sáng. Hannon xoay người trên ghế rồi khẽ nhăn mặt gọi: - Bob ơi! Tôi sửa xong rồi đấy. Anh tháo máy đi. Bob bước lại rút quận giây nhựa vừa thu tiếng nói của Hannon ra rồi bước sang phòng bên. Bỗng có tiếng gõ cửa. Bob xoay nắm cửa mở hé. Trước mặt anh là một cô gái hiền lành, xinh đẹp. Cô gái giọng run run, nét mặt cảm động, khẽ hỏi: - Xin lỗi ông. Tôi muốn hỏi đây có phải là nhà ông Hannon không. - Chính phải đấy. - Ông ấy có thể tiếp tôi được không? Ông làm ơn nói giùm là có cô Jeanne Lennox tới thăm. Bob nhìn cô gái như ngờ vực: - Xin lỗi cô, nhưng ông Hannon có hẹn cô tới không? Tôi phải hỏi như thế vì rằng ông ấy đang bận. Ông ấy đang sửa đoạn chót của một vở kịch… Jeanne hơi bối rối: - Không, tôi không được hẹn. Nhưng mà, tôi là… bạn của ông Hannon. Ở trong phòng, Hannon đã nghe thấy tiếng nói chuyện của hai người và chàng đã nhận ra tiếng Jeanne. Chàng đứng lên nói: - Bob! Anh hãy mời cô ấy vào. Jeanne cảm động, trống ngực đập rộn ràng. Trước mặt nàng, một người đàn ông đứng xững, mắt nhìn thẳng. Nàng nhận ra ngay bóng dáng quen thuộc, nét mặt đáng yêu và bộ tóc vàng tuyệt đẹp của con người cũ. Nàng nhìn mãi vào đôi mắt, đôi mắt xưa kia vẫn nhìn nàng trìu mến… Jeanne bước lại gần Hannon. Nghe thấy tiếng động của bước chân Jeanne, chàng cũng tiến lên mấy bước về phía nàng: - Ồ, chào Jeanne. Cô tới Luân-đôn có việc gì thế? Hannon hỏi bằng một giọng lạnh nhạt và giơ tay bắt tay Jeanne. Jeanne hơi buồn vì thái độ của Hannon. Nàng gượng đáp: - À, tôi đến nghỉ hè ở đây. Tôi định đến chào ông và để khen tặng ông về những vở kịch mà ông đã thành công. Hannon khẽ nhếch mép nở một nụ cười châm biếm. Chàng nói giọng xa cách: - Cô vượt năm ngàn cây số tới đây để làm việc đó sao? - Không phải thế… Hai người cùng im lặng, Hannon mỉm cười. Thái độ lạnh nhạt và quá xa cách của chàng làm cho Jeanne giận muốn phát khóc. Nàng bước lại gần nói nghẹn ngào: - Phil, sao anh không bảo với em là anh rời bỏ Nữu-Ước? Jeanne định cầm lấy tay Hannon nhưng chàng lùi lại. - Cô cũng biết rõ là tại sao rồi. - Các bạn anh là Johnny và Pat cũng có mặt ở Luân-đôn. Anh đã gọi điện thoại cho họ chưa? - Tôi chẳng gọi điện thoại cho ai cả. Tôi bận việc lắm. Trông Hannon cau có, nóng nẩy, Jeanne khẽ lắc đầu. - Phil, em không hiểu tại sao anh cứ giữa thái độ ấy. - Jeanne, sao cứ nói về chuyện ấy? Sự gì đã qua là hãy để nó qua hẳn đi. Bây giờ ta nói chuyện khác. Cô xem chỗ tôi ở thế nào? Rồi như hiểu rằng mình đã tàn nhẫn quá, Hannon nắm tay Jeanne kéo về phía hành lanh nhìn xuống: - Cô xem, thật là cả một bức tranh tuyệt đẹp. Chỗ này là nhà cửa, chỗ kia là lâu đài, thành quách… của thời cũ và cả những khung cảnh tàn phá của năm 1941 nữa. - Anh nói làm gì giọng đắng cay ấy. Có ích gì đâu. Hannon cất tiếng cười gượng gạo: - Tôi nói cay đắng ư? Tôi là một tác giả vừa thành công vẻ vang, làm sao mà phải cay đắng. Cứ để cho tôi yên, tôi lại dễ chịu. Jeanne nghẹn ngào. Nàng hiểu rằng nàng không còn có thể làm gì được cho con người kiêu ngạo và thất vọng ấy. Bỗng Hannon nói: - Tôi có việc phải đi một chút. Cô ở lại nhé. - Thôi, cám ơn anh. Em về nhà em. Hannon bấm chuông gọi người thư ký: - Tôi đi ra ngoài một chút đây. - Ông có muốn tôi đi theo không? - Thôi không cần, tôi không đi xa đâu. Khi nào anh đánh máy cho tôi xong, anh đánh xe lại tiệm Diều Hâu gần đây đón tôi và đưa tôi tới rạp hát. Chào Jeanne và cám ơn đã đến thăm tôi. Hannon đi khỏi. Jeanne có cảm tưởng người đàn ông ấy không còn phải là của nàng nữa. Nàng lại gần cửa sổ, dựa đầu vào mặt kính nhìn xuống đường và nàng trông thấy Hannon đang bước đi trên vỉa hè. Bước chân chàng đều đặn và khá mạnh dạn. Thật không ai có thể ngờ chàng là một người mù. Jeanne quay hỏi người thư ký đứng bên: - Ông ấy có đi xa không? - Không, chỉ đi đến cái tiệm rượu ở đầu phố kia thôi. Nhưng mỗi khi ông ấy ra ngoài một mình, tôi vẫn lo ngại lắm. - Hồi này ông ấy có uống rượu nhiều không? - Thực ra ông ấy uống không nhiều… nhưng mà lại uống luôn. Rồi người thư ký tò mò nhìn Jeanne: - Tôi giúp việc cho ông ấy mới độ 6 tháng nay. Thôi thì đủ thứ… nào là thư ký, nào là tài xế, nào là hầu buồng… Nhưng ông ấy là một người rất khá… bởi vậy… - Phải, tôi biết. - Thế còn cô, cô biết ông ấy lâu chưa? - Lâu rồi! Jeanne phải cố nén xúc cảm mới nói lên được. Ở Nữu-Ước, tôi đã làm thư ký cho ông ấy 3 năm và cả ở đây nữa… Có thể nói là tôi đã theo ông ấy đi khắp cả. Chúng tôi đã hứa hôn với nhau, đáng lẽ phải cưới, rồi anh ấy hỏng mắt, anh ấy không muốn…, anh ấy không chịu được sự có mặt của tôi, anh ấy đuổi tôi… Môi Jeanne run run, nàng cúi đầu, mí mắt tràn lệ. Hannon rất thích đến quán Diều Hâu để ngồi một mình ở góc phòng vắng vẻ. Với một ly rượu trước mặt, chàng có thể vừa uống vừa tư tưởng hàng giờ được. Thực vậy, sự suy nghĩ đối với chàng, bây giờ là một điều an ủi duy nhất. Từ khi xẩy ra tai nạn xe hơi làm chàng hỏng mắt, nhà soạn kịch trứ danh và giàu có ấy đã trở nên một người khác hẳn. Về thể xác, nhờ ở trí thông minh, Hannon tập rất mau những thói quen giúp ích cho người mù. Nhưng tinh thần chàng rất đau khổ. Ngoài Bob Matthews, chàng không muốn để ai coi chàng là người tàn tật. Chàng đã cố gắng tập đi một mình mà không cần ai dắt dẫn. Chàng tập cả cách nhìn những người đối diện làm sao để họ không thể ngờ rằng mắt chàng đã hỏng. Chính sự kiêu ngạo đã làm chàng cắt đứt liên lạc với Jeanne Lennox, người con gái mà chàng vẫn còn yêu tha thiết. Chỉ một ý nghĩ phải dựa dẫm vào một người đàn bà như đứa trẻ con là đã làm Hannon không chịu nổi. Chàng nhất định sống cô đơn tự an ủi bằng công việc. Chiều hôm ấy, Hannon tỏ vẻ rất nóng ruột. Cốc rượu trên bàn chưa vơi mà chàng tưởng như đã ngồi lâu lắm. Chàng rút chiếc đồng hồ để gần tai nghe, một chiếc đồng hồ đặc biệt để cho người mù dùng có chuông báo giờ báo phút. Chàng lên giây máy và biết rằng lúc ấy là 18 giờ 40 phút. Trong tiệm đã vắng khách. Chỉ còn mỗi một người đang đứng ở bên máy thu tiền. Nhưng sau lưng Hannon là một cái phòng khác ngăn cách bởi một tấm kính mờ. Hannon nghe thấy một cặp trai gái đang nói chuyện thì thào. Chàng chú ý theo rõi câu chuyện. - Tôi không muốn dính dáng vào câu chuyện này đâu, ông Evans ạ. Tôi không thích một tí nào, giọng nói của người đàn bà như muốn khóc. - Phải, nhưng cô lại thích tiền! một tiếng nói khác, chắc là của người đàn ông. Lần này có thể kiếm được nhiều tiền hơn lần trước… Hannon bắt đầu chú ý. Chàng dựa hẳn đầu và mặt kính giả vờ ngủ. Tiếng nói chuyện của hai người ấy nghe rõ ràng hơn. - Nhưng mà, ông sẽ làm như thế nào? Người đàn bà nói. - Cô không cần bận tâm về việc ấy… Cô chỉ cần làm theo lời tôi dặn. Khi làm xong rồi thì quên hết đi. - Thực là bẩn thỉu, khi người ta tin cậy nơi ông… Ông đã hứa với tôi rằng khi nào tôi tới nhà Ngài thì thôi… - Việc này quan trọng hơn nhiều. Thôi đừng ta thán nữa. Bạo lên một chút. Đây này, những việc cô phải làm… Vào lúc đó, cái máy thu tiền đã đùn ra trả lại khách hàng tiền lẻ gây nên những tiếng động. Hannon khó chịu. Chàng đã tưởng bị cắt quãng câu chuyện. Chàng không nghe rõ mất mấy tiếng nhưng rồi tiếng người đàn ông lại tiếp: - … Mary sẽ tới vào mồng 10. Cô hãy chờ và nhận lấy. Rồi chúng tôi sẽ hủy nó đi. Chúng tôi sẽ trả tiền công cho cô, thế là xong. Thật không còn gì lại giản dị hơn. Người đàn bà rên rỉ: - Không, tôi không làm thế đâu, ông Evans ôi. Tôi không nhận làm… - Thực không? Đồ ngu. Đây này, nghe tôi bảo… Lại một lần nữa, cái máy độc địa làm cắt quãng mất câu chuyện. Rồi Hannon nghe thấy tiếng người đàn bà khóc: - Ông đừng làm… thế ông đừng… Tiếng người đàn ông cắt ngang: - Tôi sẽ không làm thế nếu cô chịu nghe theo lời tôi dặn. Thôi bây giờ bình tĩnh lại đi. Thực ra chẳng có cái gì mà phải khóc… Cô chẳng phải nguy hiểm gì. Người đàn bà hít mạnh, chắc là đang lau nước mắt rồi nói nhỏ: - Được, dầu sao ở vào địa vị tôi… Thế bao giờ tôi phải đến gặp ông? - Chiều hôm mồng 9, cũng ở địa chỉ ấy. Rồi tôi sẽ đưa cô đến tận nơi và cô bắt đầu làm việc từ mồng 10. - Vâng thế. Bây giờ tôi có thể đi về được rồi chứ? - Còn sớm chán. Uống một cốc nữa đi. - Thôi, tôi phải về. Phu nhân đi nghe hòa nhạc chiều nay chẳng có ai săn sóc bọn trẻ cả. - Tôi cùng ra với cô. Cô đi về phía nào? - Ngay góc phố gần đây. Tôi đi chiếc xe buýt 73, nó sẽ đỗ ngay cửa nhà tôi. Hannon có cảm tưởng rõ ràng là một cuộc âm mưu. Chàng nghe thấy tiếng họ xô ghế đứng lên và đi qua gần bàn chàng ngồi để ra cửa. Có một tiếng động nhẹ và êm như ai đánh rơi vật gì xuống đất và có người cúi xuống nhặt. Một mùi nước hoa đặc biệt thoảng qua mũi chàng. Hannon rùng mình: một mùi thơm quen thuộc quá? Khi họ ra khỏi, chàng gọi người hầu rượu: - Cô có biết mấy người vừa ra đó không? - Cặp trai gái đó ư? Chưa, tôi chưa trông thấy bao giờ cả. - Họ thế nào? Lớn hay bé, già hay trẻ. - Tôi cũng không chú ý. Trông độ chừng 30 tuổi gì đó. Người đàn ông cao hơn người đàn bà. - Họ ăn mặc ra sao? - Người đàn bà choàng một chiếc “cáp” màu xanh coi như người giữ trẻ em còn ông kia mặc một chiếc áo mưa… Nhưng tôi tưởng ông cũng trông thấy họ rồi chứ? Hannon đáp: - Không, tôi không thấy họ. Bây giờ tôi còn trông thấy gì nữa đâu. Vừa tới đó, thì Bob Matthews bước vào tìm chủ. - Ông Hannon ơi, chúng ta tới rạp hát chứ. - Không, về thôi. Tôi cần phải ghi mấy lời vào máy thu thanh. Sau đó, anh gọi điện thoại lại sở Cảnh sát và mời cho tôi một người thanh tra. Một giờ sau, khi hai thanh tra Grovening và Luce tới thì Hannon đã ghi xong những lời đối thoại của hai người khách bí mật lên giây nhựa của máy thu thanh. Hannon vặn lại cho nhà chức trách nghe rồi nói: - Thưa ông, như vậy có đủ không? Tôi thấy hình như họ âm mưu làm một tội ác gì vậy. Một người thanh tra nói: - Có thể như thế lắm, nhưng mà cũng chưa chắc hẳn. Xin ông cho chúng tôi biết ông đã nghĩ sao về việc này? - Đây này, tôi thấy sự việc nó như thế này: người đàn bà ấy có nhiệm vụ săn sóc trẻ, có lẽ là một người ở… Chị ta nhắc đến tiếng “Ngài” và tiếng “Phu nhân”… tôi cho là chị ta đang làm việc cho một người quyền quý và thằng cha Evans thì muốn bắt chị ta làm một điều gì ác mà chị ta không thuận làm. Nhưng chị ta lại sợ Evans vì lẽ gì tôi cũng chưa hiểu… và đến ngày mồng 10 này chị ta phải gập một người con gái tên là Mary rồi nhận lấy một cái gì đó và trao lại cho Evans… Có thể là một câu chuyện bắt cóc gì đó. Thanh tra Grovening suy nghĩ một lát rồi nói: - Nhưng mà… cũng có thể là chị đàn bà đang làm cho một gia đình quý phái và người đàn ông thì muốn đẩy chị ta đến làm chỗ khác cao lương hơn. - À, phải. Nhưng nếu suy luận như thế, ta làm sao giải thích nổi câu: “chúng tôi sẽ hủy nó đi cho cô”? Và còn giọng nói dọa nạt của Evans? Còn những tiếng khóc? Không có ai lại phải khóc vì đổi chỗ làm bao giờ. Hai người thanh tra đứng giậy: - Ông Hannon, ông nói cũng có lý. Chúng tôi sẽ điều tra lại. Đêm đến, Hannon không sao ngủ được. Chàng nghĩ rất lung về câu chuyện ban chiều. Chàng biết rằng sở Cảnh sát không quan tâm đến những lời chàng kể. Chàng có ý nghĩ muốn khám phá một mình. Bài tính khó giải ấy luẩn quẩn trong óc Hannon cả trong một cuộc đi chơi thuyền với Bob. Giữa khi người thư ký của Hannon đang tả cho chàng nghe cảnh đẹp của sông Tamise với những giải nắng vàng lênh láng vỗ mạn thuyền thì chàng kêu lên: - À, tôi nghĩ ra rồi, Bob! Mùi nước hoa… ở quán rượu hôm ấy, tôi đã ngửi thấy ở đâu rồi… Bây giờ tôi mới nhớ là ngày xưa Jeanne Lennox vẫn dùng. Hôm qua nàng đến thăm tôi, nàng có để địa chỉ lại không? - Thưa ông, có. Nửa giờ sau, hai người đến khách sạn tìm Jeanne. Hannon kể lại cho nàng nghe câu chuyện chiều qua và hỏi: - Jeanne, tôi muốn hỏi cô một điều… Cô có còn nhớ, cách đây 3 năm, chúng ta đã cùng chơi thuyền ở hồ Erié không? Jeanne ngạc nhiên và mừng rỡ thấy Hannon không còn giọng nói lạnh nhạt như hôm trước. Nàng nói: - Em có nhớ hay không? Sao hỏi lạ thế, Phil? - Khi ấy, tôi đang chèo và trời thì nóng bức cô đã lấy khăn tay của cô lau trán cho tôi… Ở khăn tay có mùi nước hoa mà cô vẫn dùng… Cô có nhớ nhãn hiệu nước hoa không? - Có. Đó là nước hoa “Tình thú”. - Bây giờ cô vẫn dùng đấy chứ? - Không. Em thôi dùng nó từ 2 năm nay vì nó đắt tiền lắm. - Đắt lắm à? Thế mà tôi lại ngửi thấy ở người đàn bà ấy… Làm sao có thể giải thích được rằng một người làm nghề trông trẻ lại đang dùng thứ nước hoa đắt tiền ấy? Jeanne Lennox đoán: - Có lẽ chị ta ăn cắp của chủ. - Lạ quá! Người ta chỉ ăn cắp quần áo hay tiền bạc thôi. Ăn cắp nước hoa thì dễ lộ lắm… Chúng ta về thôi, tôi muốn nghe lại những lời ở máy thu thanh. - Phil… anh cho em đi theo với chứ? - Cố nhiên rồi. Bây giờ cô đã biết chuyện, cô có thể giúp tôi không? Jeanne sung sướng vì được dịp gần Hannon. Nàng đáp: - Em cũng thích việc này lắm, Phil ạ. Về tới nhà, Hannon ngồi ngay vào máy nghe. Chàng cau mày suy nghĩ mãi rồi bỗng kêu lên: - À! Chị ta nói rằng về nhà bằng chiếc xe buýt 73. Bob! Anh có biết chiếc xe số 73 ấy không? Nó đi từ đâu đến đâu? - Tôi không nhớ rõ nó chạy tới đâu. Chỉ biết nó qua đường Oxford Street, đường Park Lane… - Hay lắm! Bây giờ anh giúp tôi việc này: Anh lấy quyển sổ điện thoại, tìm tất cả những tên người quyền quý có nhà ở dọc theo đường xe buýt 73 chạy và kiếm một cớ gì đó để hỏi xem họ có con nhỏ hay có thuê người trông trẻ không và hỏi xem bà chủ nhà chiều qua có đi nghe hòa nhạc không. Thật là cả một công việc sưu tầm khó khăn. Bob đã tưởng phí công vô ích. Nhưng người cuối cùng trả lời anh là một bà mệnh phụ quý phái đã già tên là Lady Syrett rằng bà có cháu nhỏ và có nuôi một người giữ trẻ. Người này rất ngoan nhưng lại mới xin nghỉ để đi nhận việc chỗ khác vào mồng 10. Bà đã gọi điện thoại cho sở mách việc để phiền trách nhưng vô hiệu quả. Bob hỏi được tên sở đó và biết cả tên người đàn bà làm nghề giữ trẻ mới thôi việc là Janet Murch. Hannon say sưa với kết quả đã thâu lượm được. Chàng bảo Jeanne giả đi thuê người ở đến sở mách việc để dò hỏi về Janet Murch. Một giờ sau, Jeanne vừa về tới nơi thì Hannon đã hấp tấp hỏi: - Thế nào? Có biết thêm được điều gì không? Jeanne lắc đầu: - Không. Nơi đó là một chỗ khá lạ lùng… Một cô thư ký đưa em vào ông Giám đốc, một người tên là Pilling, trông không có thiện cảm gì cả… Khi em nói là muốn mướn một người giữ trẻ tên là Janet Murch, ông ta đã ngắm em một vẻ rất lạ rồi trả lời rằng chị ta đang giúp việc nơi khác và khuyên em nên mướn một người tên là Alice Mac Donald. Chị này cũng ngoan lắm, ông ta bảo thế. Em nhận lời, để tên và địa chỉ lại. Em làm thế có được không? - Tốt lắm. Chúng ta hãy chờ đến ngày mai xem cô ả Mac Donald này là ai. Hay là cô ả này với Janet Murch là một… Biết đâu Pilling lại chẳng phải là Evans. Ngay hôm sau, tất cả đã sẵn sàng để đón tiếp khách lạ. Chị ta tới vào lúc đúng 2 giờ. Đó là một người con gái cũng khá xinh, người cao mà dáng dấp như đàn ông. Chị ta đưa cho Jeanne Lennox xem các giấy chứng nhận. Jeanne đọc qua rồi đưa cho Hannon: - Những giấy này ghi tất cả. Phil, anh đọc đi. Hannon giả vờ chú ý nhìn vào giấy và nói: - Phải, tốt cả. Nhưng người ta khuyên tôi nên tìm mướn người tên là Janet Murch. Chị có biết chị đó không? - Không, tôi không biết… Jeanne đứng giậy nói: - Thôi được. Chúng tôi cám ơn cô. Ông Hannon định mướn người giữ những đứa cháu ông sắp ở Mỹ sang. Vậy chị cứ để địa chỉ đây, khi nào cháu ông tới nơi, ông sẽ cho gọi. Mac Donald vừa ra khỏi, Hannon hấp tấp gọi ngườ thư ký: - Bob, anh theo người này cho tôi. Đừng để lạc mất nhé. Tìm xem chị ta ở đâu và nếu có thể được, chụp lấy bức hình chị ta. Rồi quay hỏi Jeanne: - Jeanne, cô có ngửi thấy mùi gì không. Chị này cũng dùng thứ nước hoa “Tình thú” như người đàn bà ở tiệm rượu. - Đúng rồi. Bây giờ anh nói ra, em mới để ý. Anh nghĩ thế nào? - Nghĩ thế nào à? Tôi không tin rằng lại có những điều trùng hợp kỳ lạ thế. Hai người đàn bà làm nghề trông trẻ không thể cùng dùng một thứ nước hoa giống nhau và đắt tiền nhất. Có lẽ Janet Murch và Alice Mac Donald chỉ là một… Hai người ngồi đợi Bob cả buổi chiều. Mãi 7 giờ tối anh ta mới về, quần áo ướt sũng. - Thế nào, Bob, có được biết thêm điều gì không? Kể đi. Ở đây ra, chị ta đi đâu? - Đầu tiên chị ta đến nhà hàng Barker vào gian bán đồ chơi trẻ con. Tôi không trông rõ chị ta mua gì vì tôi cũng vội vàng mua một chiếc máy ảnh. Nhưng lúc chị ta đi ra, tôi thấy mang một gói gì dài độ chừng 60 phân. Chị ta lên xe buýt. Tôi vẫy một tắc-xi rồi trèo lên bảo tài xế lái theo sau. Tới phố Hammersmith chị ta xuống xe vào một tiệm thuốc rồi lại đi ra và vào tiệm cà-phê. Chị ta ăn uống gì tôi cũng không nhìn rõ vì trời mưa to quá mờ cả mặt kính… - Rồi sao nữa… Có biết chỗ ở của chị ta không? - Tôi có cảm tưởng chị ta chẳng ở đâu cả. Tôi theo đến phố Stoner Street thì thấy chị ta vào nhà số 224. Tôi đứng chờ ở ngoài cửa lối 3 tiếng đồng hồ mà không thấy ra. Tôi liền bước vào. Thì ra là một tòa nhà đang sửa lại, có nhiều lối thoát ra ngoài. Chẳng còn thấy Mac Donald đâu. - Anh có biết rằng anh đã bị chị ta đánh lạc không? - Chẳng biết có phải thế không. Nhưng mà tôi đã chụp trộm được một tấm ảnh khi chị ta ở nhà hàng bước ra. - Hay lắm. Anh rửa phim và đưa đến cho bà Syrett xem là ai. Nhưng không ngờ bức hình ấy chẳng dọi thêm được chút tia sáng nào cho câu chuyện bí mật. Cầm bức hình trong tay, bà Syrett tuyên bố: - Không phải Janet Murch. Người làm của tôi trẻ hơn. Hai người không giống nhau chút nào. Phil Hannon thất vọng trở về nhà nhưng chàng vẫn nhất định không bỏ cuộc. Sự bận rộn, sự suy nghĩ tìm tôi đã mang lại cho chàng niềm say sưa hứng thú. Jeanne ở lại cả buổi chiều bên cạnh Hannon. Nàng tự tay làm món ăn, săn sóc cho chàng với cả một nỗi hân hoan tràn ngập trong lòng. Hai người vừa ăn vừa trò chuyện. Một bầu không khí thân mật đã trở lại gần như ngày xưa. Hannon bảo Jeanne: - Anh đã bảo không muốn em săn sóc từ thức ăn thức uống cho anh như một đứa trẻ con. - Thì cưới em đi, em hứa sẽ không làm bếp nữa. Hannon ngồi yên không nói gì. Jeanne lại tiếp: - Anh cũng biết rằng không phải đụng ai em cũng xin làm vợ đâu. Hannon khẽ nói: - Anh hiểu. … Sáng ngày hôm sau, Hannon dậy sớm sau một đêm dài suy nghĩ. Chàng gọi người thư ký. - Bob, gọi điện thoại cho một nhà quảng cáo báo đăng trên tất cả các báo mấy giòng như sau. “Nếu Janet Murch cần đến một lời khuyên hay một sự giúp đỡ mau chóng, hãy gọi điện thoại Arcade 38-29”. - Số điện thoại của mình à? Bob kêu lên. - Phải, tôi biết. Thêm vào mấy chữ: “hãy kín đáo”. Lời dặn của Hannon được Bob đem thi hành ngay. Còn ngày hôm ấy tất cả các báo đều có đăng mấy dòng nhắn tin ấy. Vừa đọc thấy, Jeanne cuống cuồng chạy lại nhà Hannon: - Phil, sao anh lại làm thế? Em vừa đọc mấy giòng nhắn tin của anh trên báo. - Làm sao ư? Anh không có quyền chọn. - Đáng lẽ em không nên nói ra nhưng tự anh, anh phải hiểu rằng anh không thể dự vào một cuộc xô xát hoặc đánh lộn. Mà làm như thế chẳng khác gì anh đã bảo với kẻ gian là anh biết chuyện của họ và anh lại chỉ chỗ cho họ đến tìm anh. Thật điên quá… Hannon bỗng cười lên thành tiếng: - Em đừng lo cho anh. Từ khi anh bị tai nạn, hai tiếng “nguy hiểm” đối với anh gần như không có nghĩa nữa. Vả lại, khóa cửa nhà anh chắc chắn lắm. Bên ngoài lại còn người gác cổng… Chính anh lại còn lo ngại cho em hơn. Để anh bảo Bob tìm cho em một chỗ ở khác gần đây… Chiều hôm ấy, Hannon không ra khỏi nhà như mọi hôm. Chàng nhứt định chờ đợi. Quả nhiên, vào hồi 6 giờ, chuông điện thoại réo vang. Chàng giật mình, sờ soạng cầm máy nghe. Một giọng đàn bà yếu ớt, xa xôi: - Allô? Số điện thoại ở đấy có phải là Arcade 38-29 không? Hannon mừng run lên. Chàng vừa nhận ra giọng nói của người đàn bà đã ám ảnh tâm trí chàng từ mấy hôm nay. - Chị là Janet Murch phải không? Người nói với chị là Philippe Hannon đây… Chính tôi đã cho đăng báo mấy giòng nhắn tin ấy. Tôi muốn nói với chị một câu chuyện, chị có thể tới nhà tôi được không? - Không. Tôi không thể ra khỏi nhà được. Nếu ông vui lòng thì cha tôi sẽ đưa ông tới tôi… Hannon nhận thấy tiếng nói lạc hẳn giọng và gần như phải gắng gượng lắm. - Ông ấy có thể đến đây tìm tôi được không? - Không. Xin ông vui lòng hẹn ở nơi khác… - Sao vậy? - Người ta có thể trông thấy cha tôi vào nhà ông… - Thôi được. Chị có biết tiệm “Diều Hâu” không? Tiệm đó ở gần nhà tôi. - Có. Độ một giờ nữa cha tôi sẽ đến tìm ông… - Tốt lắm, tôi sẽ có mặt ở đó. Thôi chào chị. Hannon hình như nghe có tiếng thở dài ở máy nhưng chàng không chú ý. Sự việc xảy ra đúng như dự đoán đã kích thích thần kinh chàng làm chàng say sưa không lường trước được sự nguy hiểm. Hannon đội mũ và cầm gậy xuống nhà. Chàng dặn người giữ cổng: - Khi nào ông Matthews về, anh bảo ông ta là tôi tới quán Diều Hâu có việc cần nhé. Bob Matthews rất lo ngại khi nghe người giữ cổng cho biết Hannon đã ra ngoài. Anh hấp tấp chạy đến quán Diều Hâu hỏi cô hầu bàn. - Ông tìm khách mà vẫn tới đây phải không? Có, ban nãy ông ấy có tới đây. Ông ấy gặp một người trông khỏe mạnh, ăn mặc bẩn thỉu, đội một cái mũ hình quả dưa. Họ nói chuyện với nhau một lát rồi đưa nhau ra. Tôi thấy người kia dắt tay ông khách mà đi về phía tay trái này… Bob càng lo ngại hơn nữa. Anh theo lối cô bán rượu rảo cẳng bước ra đi ngược lên con đường nhỏ. Phố xá đã vắng vẻ. Anh co chân chạy mong đuổi kịp Hannon. Tới đầu phố, Bob gặp một ngõ cụt. Anh cứ bước vào, vừa đi vừa gọi chủ. Bỗng như có tiếng yếu ớt như từ xa xôi đáp lại. Bob tiến về phía có tiếng đáp thì trước mặt anh là một ngôi nhà 5 tầng đã bị tàn phá tới một nửa vì bom đạn. Anh tìm tòi mãi và bỗng kêu lên mấy tiếng thất thanh: - Ông Hannon! Ông Hannon! Nằm im đấy, đừng động đậy. Tôi đến ngay đây. Dưới ánh trăng lờ mờ trên từng lầu thứ năm Bob trông thấy một người đang cố bám lấy bờ tường vôi long lở. Trong đêm khuya, tiếng Hannon lại cất lên: - Mau lên… Tôi đang chờ anh đây. Cùng lúc ấy, một người cảnh binh nghe thấy tiếng kêu đã chạy lại. Hai người tìm đường lên gác, vội tới kéo được Hannon đứng dậy. - Chỉ một bước nữa, là bỏ mạng. - Tôi đang ở đâu thế này, Bob? - Ở trên một từng lầu đổ nát. Trước mặt ông là khoảng trống. Người ta lừa ông, đưa ông tới đây định để ông bước hụt mà chết. Trên đường trở về nhà, Hannon kể lại với Bob: - Người đó nhận là cha Janet Murch và bảo đưa tôi đến nhà chị ta. Trong khi đi đường chắc hắn đã biết là tôi mù mặc dầu tôi hết sức dấu diếm. Hắn dẫn tôi trèo lên năm từng lầu cái nhà đổ ấy. Khi vừa qua một cái cửa, hắn lùi lại rồi khóa trái vào. Tôi nghe tiếng chân xuống thang thì biết ngay là bị lừa… Cũng may tôi có mang theo cái gậy để dọ đường không thì đã mất mạng rồi. Thế là lần này ông Evans đã giết hụt tôi. Khi Jeanne biết chuyện ấy nàng tới ngay nhà Hannon. Nàng dưng dưng nước mắt nói giọng van lơn cầu khẩn: - Phil ơi, em xin anh đừng làm những việc nguy hiểm như thế nữa. Hannon vui vẻ nói: - Thì ai còn muốn gập lại những việc đó làm gì. Nhưng mà Jeanne ạ, anh vừa cảm thấy một điều rất lạ lúc ở trên tầng lầu thứ năm ấy… Anh vẫn tưởng rằng anh đã chán sống hóa ra anh lầm. Khi gần với cái chết anh mới nhận thấy rằng anh vẫn còn ham muốn được ở lại với đời. Em có hiểu anh muốn nói gì không? Jeanne không trả lời. Nàng đưa tay nắm chặt lấy bàn tay Phil. Sáng hôm sau, thanh tra Grovening tới nhà Hannon nói rằng không ngờ câu chuyện lại trở nên quan trọng. - Ông Hannon này, sáng sớm hôm nay người ta vừa vớt được ở giòng sông Tamise một người đàn bà tên là Janet Murch. Sau khi làm biên bản, người ta được biết là trước khi bị ném xuống nước chị này đã bị đâm chết trong phòng gọi điện thoại ở bến tàu. Hannon tái mặt. Chàng lẩm bẩm: - Chính tôi phải chịu trách nhiệm về cái chết ấy… Nhưng như thế tỏ rằng những lời chị ta gọi điện thoại cho tôi chiều qua là do một người khác dọa nạt bắt phải nói. Hannon suy nghĩ: “Hôm nay là mồng 10… Bữa đó ta có nghe nói “Mary sẽ tới vào mồng 10”… Hai tiếng “Mary” ta nghe thấy sau những tiếng lạch sạch của cái máy… Như vậy, trước tiếng “Mary” còn một tiếng gì nữa mà sao nghe chưa rõ. Cái gì… Mary, Mary”. Bỗng Hannon đứng giậy hỏi: - Bob ơi, anh có đấy không? - Thưa ông, tôi đây. - Anh gọi điện thoại hỏi xem chiếc tàu Queen Mary bao giờ tới. Hannon nói với hai người thanh tra: - Các ông không hiểu à? Tôi đã nghe hụt mất một tiếng… Tôi nghe thấy “Mary sẽ tới” nhưng có thể là “Queen Mary sẽ tới” và câu “cô chờ nó” có nghĩa là chờ chiếc tàu. Họ muốn Janet Murch đón một người nào ở dưới tàu lên. Bob trở vào nói: - Chiếc Queen Mary vừa cập bến 6 giờ sáng nay. Hannon kêu lên: - Các ông đã thấy chưa. Cần phải lập ngay một danh sách các người hành khách giàu có, có con nhỏ mà lại không có đầy tớ trông trẻ. Việc điều tra tiến hành rất gấp. Người ta biết rằng rất hiếm hành khách có con ở trên tàu. Người nào mang con nhỏ đều mang theo cả đầy tớ. Duy chỉ có vợ chồng một người giàu có tên là De Mestre mang theo đứa con lên 17 tháng mà không có người hầu. Cô gái này tàn tật, người bé nhỏ và phải để lên một chiếc xe cho người khác đẩy. Nhà chức trách lập tức cho bí mật canh phòng chỗ ở của De Mestre. Mọi người đều nóng lòng chờ đợi. Hannon, Jeanne và Bob cũng có mặt ở đấy. Vào khoảng 5 giờ chiều, một người đàn bà ra khỏi nhà, đẩy ở trước mặt một cái ghế dựa có bánh xe bên trên là cô bé tàn tật. Chị đàn bà choàng khăn che kín mặt từ từ đẩy xe qua phố tiến về phía vườn hoa. Nửa giờ rồi một giờ trôi qua mà chiếc xe không thấy trở lại. Gần tối, người ta xục vào vườn hoa tìm thì thấy chiếc ghế có bánh xe nằm bên một bụi rậm mà cô bé con và chị đẩy xe biến đâu mất. Dưới đất có một chiếc mền và một con búp bê bằng vải. Hannon sờ nắn con búp bê lẩm bẩm: - Phải rồi, cái chị Mac Donald đã vào gian hàng bán đồ chơi trẻ con và khi ra có mang theo một vật dài độ 60 phân. Cuối cùng chị ta trở về số nhà 224, phố Honer… Hannon nhắc lại chuyện ấy với thanh tra Grovening và yêu cầu ông này đến ngay địa chỉ trên khám xét. Theo lời yêu cầu của nhà chức trách, Hannon để cho Bob đi đưa đường và đành theo Jeanne về nhà. Một giờ sau chuông điện thoại réo. Hannon cầm ngay lấy máy: - Ông Hannon! Bắt được chúng rồi. Grovening vui vẻ báo tin. - Tôi đã bảo mà… tìm thấy cả đứa bé chứ? - Nó bị thuốc mê nhưng không sao. - Có bắt được thằng cha Evans không? - Bắt được hai người đàn ông nhưng chưa biết có phải không. - Còn cô ả Mac Donald, ông có bắt được không? - Chúng tôi có bắt được một người đàn bà nhưng không phải cô ả ấy. Hannon còn muốn hỏi nữa nhưng không nghe thấy gì nữa. Chàng lấy làm lạ quay chuông lượt nữa. Nhưng cũng vô ích. Hannon cau mặt suy nghĩ rồi chàng đặt máy kể lại cho Jeanne. - Để em lấy rượu uống mừng việc này. Jeanne rót một ly rồi giơ lên cười nói: - Xin chúc mừng ông Philippe Hannon, một người chỉ thích sống cô đơn, buồn thảm… Lời nói đùa của Jeanne chắc đã làm cho Hannon khó chịu. Chàng cau mặt bảo: - Cô có cần tôi gọi giúp cô một xe tắc xi không? Cô có còn gì nói với tôi không? - Sao anh đuổi em à? Rồi Jeanne rưng rưng nước mắt nói tiếp: - Thôi được, Phil, em đã hiểu anh. Nàng thu xếp quần áo vào va-li: - Em chờ Bob về, em sẽ đi. - Thôi không cần. Bob cũng sắp về. Jeanne đi rồi, Hannon bước lại gần máy thu thanh vặn cho máy chạy và ghé miệng nói câu thật rõ ràng: - Xin mời vào, ông Evans. Trong bóng tối dày đặc, hai ta cũng như nhau. Ông không sợ gì chứ? Vào đi, ông Evans! Hannon ngừng máy. Sờ soạng khóa cửa ra vào và tháo hết bóng đèn… Chàng đứng nép một bên cửa chờ đợi… Có tiếng động ngoài cửa sổ và có tiếng chân bước khe khẽ. Hannon vặn máy rồi tránh sang chỗ khác. Tiếng nói vang lên trong phòng tối nghe ghê rợn và khiêu khích. Một bóng đen như giật mình và sợ hãi chạy xổ ra, va vào đồ vật đổ lổng chổng. - Xin mời vào, ông Evans… Bóng đen rút súng chĩa về phía tiếng nói nổ hai phát. Nhưng tiếng ấy vẫn nhắc lại. Âm thanh truyền đi rồi vọng lại nghe như ở khắp cả. Bóng đen hoảng hốt chĩa súng nổ lung tung rồi vùng chạy. Bóng đen vừa qua một chiếc cửa, Hannon nắm ngay được. Cuộc vật lộn, giằng co giữa Hannon và kẻ lạ lui gần ra đến bao lơn. Rồi một tiếng thét lên trong đêm tối… - Ông Hannon! Ông Hannon! Ông ở chỗ nào? Trả lời lên! Bob và thanh tra Grovening sục sạo khắp nhà tìm Hannon. Họ không nhìn thấy gì cả. Ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn cầu thang chỉ vừa đủ để họ nhận thấy đồ vật ngổn ngang đổ vỡ… Đi tới cửa gần bao lơn, họ lại gọi: - Ông Hannon ! Ông Hannon có đấy không? Một giọng nói hổn hển khẽ đáp: - Có, tôi đây. Tôi không làm sao cả, Bob ạ. Hannon như gần kiệt sức, mặt đầy vết máu. Chàng kể: - Chúng tôi đánh lộn trong bóng tối… Bỏ ánh sáng đi, tôi cũng khỏe như hắn… Tôi đẩy được hắn tới bao lơn… hắn ngã xuống tầng dưới… Cả ba người cùng xuống. Trên mặt sàn, một người mặc đồ đen đội mũ nằm không động đậy. Grovening cúi xuống lật mũ và kêu lên: - Một người đàn bà. Evans là đàn bà! Bob cũng kêu: - Alice Mac Donald. Trong gian phòng đã được thu dọn, Jeanne và Hannon ngồi ăn sáng. Jeanne tươi cười hỏi: - Anh cho em hỏi một điều nhé! Chiều hôm qua tại sao tự nhiên anh lại nổi giận đuổi em như thế? Có phải anh biết Evans phải đến không? - Anh vẫn nghĩ là Evans phải đến tìm anh. Chiều hôm qua anh lại ngờ hơn từ lúc máy điện thoại bỗng nhiên không dùng được. Và vì thế anh không muốn em có mặt ở đấy. Hannon vui vẻ giơ tay tiếp: - Bây giờ Jeanne đưa anh ra bao lơn tả cảnh cho anh nghe. Em có sẵn lòng dắt dẫn một người mù không? Jeanne hơi ngạc nhiên nhưng rồi nàng sung sướng nắm ngay lấy tay Hannon. Vũ Anh Tuấn st ĐÍNH CHÍNH BẢN TIN 47
Kỷ niệm 630 năm ngày sinh Nguyễn Trãi Trang 41 Dòng 5 khai thác tâm sự -> ký thác tâm sự Dòng 6 cuộc sống mới bồng lai -> cuộc sống nơi bồng lai Dòng 20 ngờ đâu trước mặt -> ngờ đâu trước mắt Dòng 23 giải các án oan -> giải cái án oan Trang 42 Dòng 7 Còn thơ đầy túi, túi rượu đầy bầu -> Còn thơ đầy túi, rượu đầy bầu Dòng 8 Người tri ân ít -> Người tri âm ít Dòng 13 In rememberance -> In remembrance Trang 43 Dòng 3 Thông thông yết thương phương -> Thông thông yết thượng phương Dòng 6 Nhật mộ yên thanh cấp -> Nhật mộ viên thanh cấp Dòng 8 Cô trung châu hữu ý -> Cô trung chân hữu ý Dòng cuối The Ly’s dynasty -> The Ly’ dynasty Truyện Kiều Trang 55 Dòng 6 finishd -> finished Dòng 4 từ dưới lên Her face -> His face Trang 58 Dòng 2 In older times -> In olden times Dòng 5 Her soul lose -> Her soul lost Trang 59 Dòng 6 từ dưới lên given an execution -> given in execution |