Hiện có 9 người xem / 2339648 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

Vài điều cần biết về tờ Gia Định báo

Người trình bày: Vũ Anh Tuấn

Trước khi nói về tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ - tờ Gia Định Báo – tôi xin phép được nhắc lại một vài chi tiết lịch sử liên quan tới việc người Pháp chiếm và đô hộ Việt Nam.

Một số người Pháp làm công việc nghiên cứu lịch sử cho rằng việc họ tới Việt Nam lập chế độ Bảo Hộ (Protectorat) cũng giống như chuyện đã xảy ra ở Algérie. Khi mới tới họ không hề có ý nghĩ muốn chiếm VN làm thuộc địa, nhưng chính những biến cố chính trị đã khiến họ phải ở lại …

Chúng ta, ai đã học sử đều nhớ tới hiệp ước liên minh được ký kết năm 1787 (Đinh Mùi) giữa Nguyễn Ánh (Gia Long) và Lộ Y thứ 16, qua đó Côn Đảo (Poulo Condore) được nhượng cho Pháp. Nhưng vì cuộc Đại Cách Mạng Pháp 1789 xảy ra và Lộ Y 16 bị xử tử nên hiệp ước đó không thi hành được. Thế là Pháp và Việt Nam coi như không có liên lạc trong gần 80 năm cho đến khi những cuộc bức hại những người theo đạo Thiên Chúa và việc tàn sát các giáo sĩ Tây phương bởi con cháu Gia Long đã buộc Pháp và Tây Ban Nha mở cuộc viễn chinh chống lại Việt Nam. Quân Pháp và Tây Ban Nha lúc đó được gọi là I pha nho đánh nhau với VN ta ở nhiều nơi, trong nhiều năn cho tới năm 1862, sau khi thua ở Gia Định, mất Định Tường, Biên Hòa và Vĩnh Long, phía VN buộc lòng phải ký hòa ước vào năm đó tức là Hòa Ước Nhâm Tuất (1862) mất đứt cho Pháp ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường. Thời gian tiếp sau ngày Hòa Ước Nhâm Tuất chính là những ngày người Pháp tổ chức và thiết lập bộ máy cai trị ở các nhượng địa. Một trong những công cụ đầu tiên người Pháp sử dụng là báo chí: Đô đốc Bonard chuyển từ Pháp qua một cái máy in, có một ít chữ và vài chú thợ sang theo, thật đúng là phải đợi tới ngày Pháp sang chúng ta mới có báo dù rằng những tờ báo đầu tiên đều bằng Pháp văn và Hán văn. Tờ báo thứ nhất in ở Saigon là tờ Bulletin officiel de l’Expedition de Cochinchine (Tập san chính thức của cuộc Viễn chinh ở Nam Kỳ) ra đời năm 1862 bằng tiếng Pháp chứa toàn những thông cáo, nghị định, quyết định vv… đánh số thứ tự 1, 2, 3, 4, vv… và ngay trong số đầu tiên ta có thể đọc được thông báo số 1 là Trung Tướng Hải Quân (Vice Amiral) Charner chuyển giao quyền hành cho Thiếu tướng Hải Quân Bonard… Kế đó Bonard cho xuất bản tờ báo thứ nhì, tờ Bulletin des Communes (Cáo trình các Làng Xã), tờ này được viết bằng chữ Hán và dùng để hiểu dụ dân chúng. Chính vào lúc này, chính quyền Pháp muốn cho xuất bản một tờ báo bằng chữ quốc ngữ, nhưng vì chữ quốc ngữ có dấu nên phải cho đúc ở bên Pháp, mãi tới cuối năm 1864 vẫn chưa xong, do đó, trong khi chờ đợi Trung Tướng Hải Quân Roze cho xuất bản một tờ báo thứ ba mang tên “Bulletin du Comité agricol et industriel de la Cochinchine” (Kỷ yếu của Ủy Ban Canh nông và Kỹ nghệ ở Nam Kỳ) nhằm mục đích nghiên cứu nông nghiệp và công nghệ ở xứ này. Cụ Trương Vĩnh Ký chính là người Việt nam đầu tiên làm trợ bút cho tờ báo bằng Pháp ngữ này. Rồi tới khi Kerguda sang làm Thống Đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) và có lời mời Trương Vĩnh Ký ra làm quan, nhưng cụ từ chối và XIN LẬP một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của cụ được chấp thuận và Nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1-4-1865, nhưng không phải ký cho Cụ mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux - một viên thông ngôn làm ở Soái phủ Nam Kỳ. Và phải đến ngày 16 tháng 9,1869 mới có Nghị định của Thủy sư Đô đốc Ohier ký giao hẳn tờ Gia Định Báo cho cụ Trương Vĩnh Ký đứng làm chủ biên. Qua sự việc này, tờ Gia Định Báo đã chính thức được coi là tờ báo thủy tổ của báo chí nước ta.

NHỮNG TRANH CÃI VỀ NGÀY SỐ GIA ĐỊNH BÁO ĐẦU TIÊN ĐƯỢC ẤN HÀNH

Liên quan tới chi tiết này có rất nhiều nguồn tin khác nhau, có tác giả như cụ Đào Trinh Nhất thì cho rằng số đầu tiên được ấn hành năm 1867, một số tác giả và nhà nghiên cứu khác lại cho rằng ngày 1-4-1865 mới là đúng, và gần đây nhất thì có người đưa ra giả thuyết, vẫn là giả thuyết thôi vì chưa có gì xác minh rõ ràng là sự thật nằm ở đâu, là ngày 15-4-1865. Tuy nhiên nếu xét cho kỹ thì giả thuyết 1867 là hoàn toàn không thích đáng, còn ngày 1-4-1865 thì cũng không hợp lý vì có lẽ nào ngày ký giấy phép lại cũng là ngày phát hành tờ báo, chả lẽ in báo trước rồi mới xin phép; do đó, ngày phát hành số 1 của Gia Định Báo hợp lý nhất là ngày 15-4-1865. Nói hợp lý là vì tờ Gia Định Báo chỉ có 4 trang giấy, chứ không dày gì cho lắm, nên thời gian hai tuần lễ đủ để in và phát hành. Ngoài ra còn một dẫn chứng dưới đây có thể coi là phần nào xác định thời điểm 15-4-1865 nói trên là chính xác:

Dẫn chứng này có thể coi là một dẫn chứng bằng một sự việc: đó là, trong khỏang thời gian từ 1968 tới ngày giải phóng (1975), những người bán sách cũ kỳ cựu như các ông Trần Công Liễu, Nguyễn Văn Thực… bà Ký, ông Tư Chà vv… đều biết rất rõ rằng có một người pháp tên là Harmand, làm thầy giáo ở một trường tây, đã ra giá thọat đầu từ 500 đô la để tìm mua số 1 của Gia Định Báo, mà theo lời người đó một thư viện lớn ở Pháp đang thiếu, và chính người Pháp này đã cho biết số 1 GĐB ông ta đang tìm là ra ngày 15-4-1865. Nhiều năm qua đi mà số báo, chỉ gồm có bốn trang, kỳ quái đó cũng vẫn biệt tăm, giá tiền tăng dần và đến ngày giải phóng thì nó lên tới 5000 Mỹ kim cho 4 trang giấy đó. Đây là một việc mà những người chơi sách nhiều tuổi ở thành phố chúng ta có thể còn nhớ, trong số đó có tôi và ông bạn tôi là chủ nhà sách Alpha, ông Lý Thái Thuận, một tên tuổi không xa lạ gì với giới xuất bản sách báo ở Saigòn cũ.

Gần đây, mới cách đây khoảng 4 tháng có một bài báo đăng trên tờ Thế giới mới cho rằng (tác giả đã viết là xác định rằng) Gia Định Báo là tuần báo và phát hành 2 hay 3 kỳ một tháng. Điều này không chính xác vì đã là tuần báo thì ít nhất cũng phải 4 kỳ một tháng chứ làm gì có tháng nào chỉ có 3 tuần, phải không thưa quý vị? Và điều mà chúng ta có bằng chứng ngay trước mắt ngày hôm nay là một số Gia Định Báo mà tôi xin chuyển đến cho từng vị một nhìn tận mắt để có thể tin được. Đây là số GĐB đề ngày 22 tháng Mưòi Hai (Décembre) 1896. Sau hàng chữ này có con số 201 mà tôi không dám chắc có phải là số của tờ GĐB thứ 201 hay không. Hơn nữa ở phía bên trái lại đề ngày 18 tháng Mười Một, thì cũng không biết có phải đây là ngày Âm lịch cũa ta hay không? TUY NHIÊN CÓ MỘT ĐIỀU CHÍNH XÁC LÀ Ở MẶT TRƯỚC CÓ ĐỀ RÕ: NGÀY PHÁT NHẬT TRÌNH, MỖI THÁNG IN 4 KỲ CỨ NGÀY THỨ BA THÌ PHÁT. Vậy là 4 kỳ thì đúng là tuần báo rồi, chứ có hai hay ba kỳ thì hơi bị ít đúng.

Bây giờ tôi xin nói qua về nội dung GĐB. Qua một số tài liệu mà tôi có dịp đọc trong sách báo cũ thì, vào lúc đầu, nội dung GĐB chia làm hai phần: - Phần Công Vụ dịch và đăng tải các nghị định, thông tư, của chính phủ vừa ban hành – chính phủ đây là chính phủ Pháp mũi lõ chứ không có tý mũi tẹt nào. - Phần Hai là phần Tạp Vụ Linh Tinh đăng tải nhiều tin tức trong xứ. Tờ GĐB in khổ giấy 23 cm x 30 cm và số trang thay đổi từ 4 đến 12 trang. Tuy nhiên số báo mà chúng ta đang có trong tay thì khổ giấy lại là 28 cm x 38 cm.

Đến khi lọt vào tay Sĩ Tải Trương Vĩnh Ký thì mới thấy xuất hiện một cách sơ sài những bài vở về cổ tích, thi ca, nghị luận vv… của Thế Tải Trương Minh Ký, Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của vv…

Cho tới số chúng ta đang có trong tay GĐB vẫn chia làm 2 phần Công Vụ và Tạp Vụ.

Phần Công Vụ gồm các nghị định, các đạo dụ, các tin giây thép của hãng thông tấn Hanas’, tin tức về cấp bằng, thăng chức, đổi chỗ, cho nghỉ việc, và các loại biên bản mọi loại phiên họp của hội đồng quản hạt.

Phần Tạp Vụ gồm những mục chính phủ: các lời dạy bảo, các lời rao có tính cách hành chánh liên quan tới thuế má, giá gạo, hàng hóa, trích lục các báo cáo về tình hình canh nông, kỹ nghệ, thương mại của các địa phương, hoặc các bài tường thuật về các cuộc vui, các tang lễ vv…

Thời gian không có nhiều, tôi chỉ xin trích một vài tư liệu điển hình như dưới đây:

- GIÁ MUA NHẬT TRÌNH (tức là GĐB)

Ai muốn mua thì nói cho phòng thông ngân dinh quan Thống đốc Nam-kỳ biết tên họ chỗ mình ở. Một năm giá 6$67, sáu tháng 3$33, ba tháng 1$07.

- THĂNG BỔ XỬ TRÍ

Vì lời định quan Thống-đốc Nam-kỳ, ngày mồng một Decembre 1896: Nguyễn-Văn-Vận, đội coi khám Mỹ-tho, phải cách chức.

Xin trích dưới đây vài thí dụ về phần Tạp Vụ:

- NHỊ THẬP TỨ HIẾU DIỄN CA – Vĩnh-Thuận Hồ-Khẩu – Lý-công soạn (1)

10. Hán Khương-thị nhà còn lão mẫu

vợ họ Bàng vẹn đạo chữ tùng.

Mẹ thường muốn uống nước sông,

vợ tằng đi gánh thay chồng chìu cô…

(1) Vĩnh-thuận, Lý - văn - Phức bái soạn

- NHÀ IN BÁN SÁCH MỚI CỦA ÔNG CLAUDE VÀ CÔNG TI

Tại đường Catinat số 99

---

Kính cho thiên hạ hay sách Pháp học tân lương của Thế-tải Trương-minh-Ký làm dạy học cho mau thông mau hiểu tiếng Phansa bây giờ bán một đồng rưỡi bạc một cuốn lớn 312 trương. (Cours gradué de langue Francaise-Annamite…).

Tôi xin hết lời ở đây, ước mong rằng quý vị đã có một ý niệm đầu tiên về tờ báo được coi là thủy tổ của báo chí nước ta.

------

Những bộ sách vẫn cùng tôi đồng hành

Vũ Anh Tuấn

Năm 1950, tôi đã 15 tuổi và đang học “classe de 3ème” (tương đương với lớp 8 đời nay). Vốn tiếng pháp của tôi đã kha khá (tôi nói kha khá chứ thực ra tôi hơn các bạn cùng lớp rất nhiều), đơn giản chỉ vì tôi, mặc dù rất mê truyện kiếm hiệp, nhưng vẫn không hề rời bỏ việc đọc các truyện tranh bằng tiếng pháp. Nhờ đọc nhiều truyện tranh, tôi biết rất nhiều “vocabulaire” (từ vựng) cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, và tôi đã bắt đầu để mắt tới những bộ sách to đùng trong tủ sách của Cụ tôi. Bộ sách đầu tiên tôi tìm đến chính là bộ “Những kẻ khốn cùng” (Les misérables) của Victor Hugo, mà cụ Nguyễn Văn Vĩnh, qua một bản dịch song ngữ tuyệt vời đã dịch là “Những kẻ khốn nạn” vào hồi năm 1926. Mọi người có thể cười tôi khi đọc tới đây vì “bây giờ mà còn nói tới bộ “Những kẻ khốn cùng”, xưa quá rồi phải không?”. Xin đừng cười vội và cố gắng đọc tiếp: Người Việt chúng ta chỉ biết tới bộ sách của cụ Victor Hugo qua vài bản dịch, từ bản Nguyễn Văn Vĩnh năm 1926 tới các bản của Hà Mai Anh và một vài dịch giả khác; riêng bản của cụ Vĩnh là dịch nguyên văn và được trình bày song ngữ, một trang tiếng pháp, một trang tiếng việt, còn phần lớn các bản trước ngày giải phóng chỉ là những bản rút ngắn – tôi biết sau ngày giải phóng có một bản dịch “gần” như nguyên văn, nhưng tôi chưa có dịp đọc kỹ bản này. Tôi nói “gần” vì các đoạn nói về lịch sử pháp bị bỏ hơi nhiều. Hồi tôi mới biết nột chút pháp văn, tôi đã được đọc bộ truyện này dưới dạng rút ngắn (tức là chỉ biết qua một cách vắn tắt cốt truyện) của nhà Fernand Nathan, dài độ 250 trang với nhiều minh họa màu rất hấp dẫn. Nay với số vốn pháp văn đã kha khá, tôi xin Cụ tôi cho mượn bộ nguyên bản gồm 4 tập để đọc và rồi, chỉ qua vài chục trang đầu, tôi đã bị thu hút hoàn toàn bởi các chi tiết cực hay, cực lý thú, cực nhân đạo, bác ái, thực gần gũi với đời thường. Tôi bèn gác bỏ mọi truyện kiếm hiệp, trinh thám và truyện tranh để đọc miên man nguyên bản trong gần một tháng trời. Bộ sách đã như đưa tôi tới một chân trời mới, tuy không toàn hồng, nhưng đầy hứa hẹn với những ai biết sống tốt, sống nhân ái vơi nhiều yêu thương, hy vọng…

Khuôn khổ bài viết trong bản tin này không cho phép tôi kể hết các đọan tôi thích trong tác phẩm vĩ đại này. Tôi chỉ xin nói qua về một vài vấn đề liên quan tới tác phẩm này mà tôi đã tìm hiểu được và xin chia sẻ với các bạn.

Tiểu thuyết “Những kẻ khốn cùng” (phần đầu tiên, vâng chỉ mới phần đầu tiên) ra đời ngày 30 tháng 3, 1862 tại Bruxelles (Bỉ) và ngày 3 tháng 4 ở Paris, phần hai và ba ngày 15 tháng 5 ở Paris và hai phần bốn và năm ngày 30 tháng 6 cũng ở Paris. Tính ra bộ sách được in làm 10 tập đã mất gần 9 tháng để ra mắt độc giả. Nhưng cụ Victor Hugo đã bắt đầu viết tác phẩm này từ tháng 11 năm 1845. Có một nguồn tài liệu cho biết rằng vào năm 1806, người ta đã có những thông tin khá chính xác về một vị Giám mục ở thành Digne tên là Giám mục Miollis là người đã đón tiếp một người tù khổ sai tên là Pierre Maurin, vừa được tha sau khi ở tù 5 năm về tội đã ăn cắp một ổ bánh mì, cãi cọ và hành hung người bán bánh. Cái tội của Pierre Maurin (tội ăn cắp bánh mì) cũng là cái tội mà Victor Hugo đã gán cho nhân vật chính của mình, một người thoạt đầu ông gọi là Jean Tréjean, rồi Jean Vlajean, và cuối cùng là Jean Valjean. Nhân vật chính này, sau khi được tha ra khỏi nhà tù khổ sai đi đến đâu cũng bị ruồng bỏ, không ai cho tá túc, cho tới khi tìm được đến nhà của vị Giám mục thành Digne mà trong truyện là Giám mục Bienvenu Myriel. Điều khác nhau giữa nhân vật Pierre Maurin và Jean Valjean là Pierre Maurin, không bị ngục tù biến thành một kẻ hoàn toàn xấu, đã hoàn lương, trở thành một quân nhân dũng cảm và tử trận ở Waterloo. Nhân vật chính của cụ Victor Hugo, Jean Valjean thì khác hẳn; khi còn ở nhà ngục anh ta luôn chống đối và tìm cách vượt ngục, và mỗi lần vượt ngục không thành công thì những ngày tháng tù đày của anh lại bị tăng lên. Khi được thả ra, anh là một kẻ phẫn uất, lòng dạ đầy hận thù. Khi gặp Giám mục Myriel, anh đã được ông tiếp đón một cách thân thiện và cho tạm trú qua đêm. Trong đêm hôm đó anh đã không kiềm chế được lòng tham và ăn cắp hai chân nến bằng bạc ròng. Anh đã bị bắt. Hình ảnh nhà tù khổ sai lại lởn vởn trước mắt anh. Anh đã lại tái phạm với một tội lớn hơn tội cũ. Anh bị cảnh sát giải trở lại nhà Giám mục, và ôi lạ thay, vị Giám mục đã nói với cảnh sát là hai chân nên bằng bạc bị mất đó CHÍNH LÀ DO ÔNG CHO Jean Valjean, rồi lại còn cho anh thêm một vài đồ vật khác VỚI LỜI KHUYÊN ANH NÊN SỐNG CHO LƯƠNG THIỆN TỐT LÀNH. Được tha, không bị bắt, lại còn được cho thêm vài thứ vật dụng, Jean Valjean ra đi, lòng dạ quá ngỡ ngàng, quá ngạc nhiên, tâm trí thì rối mù; hắn như đang bị chế ngự bởi một sức mạnh huyền bí. Một lúc sau, hắn gặp trên đường đi một đứa trẻ bụi đời đang vừa đi vừa hát, vừa rỡn bằng cách tung bắt mấy đồng tiền bằng hai tay. Một đồng bốn mươi xu bỗng rớt xuống gần chân Jean Valjean. Lòng tham cố hữu lại nổi dậy, Jean Val jean lấy chân dẵm lên đồng xu. Đứa trẻ lại đòi, hắn quát lên và đuổi đứa nhỏ đi. Quá sợ hãi trước sự hung dữ của Jean Valjean, đứa trẻ bỏ chạy đi mất dạng. Chỉ một lát sau đó Jean Valjean, lấn đầu tiên trong đời, cảm thấy hổ thẹn vì hành vi tồi tệ hắn vừa làm. hắn gào lên gọi tên đứa nhỏ, mong nó trở lại để trả đồng xu cho nó, nhưng đứa nhỏ đã chạy quá xa mất rồi. Trong tâm trí đầy mây mù u ám của hắn, ánh ban mai đã ló dạng… Điều kỳ diệu mà Giám mục Myriel đã mong ước, đã hy vọng, và rõ ràng là đã khơi mào đã xảy ra, đã thực sụ xảy ra. Hắn bỗng so sánh hình ảnh nhân từ, lòng vị tha của vị Giám mục với hành vi tồi tệ hắn vừa làm và cảm thấy sự tương phản quá mãnh liệt. nghĩ tới thằng nhỏ, hắn bỗng thấy nổi lên trong tâm hồn hắn ước muốn mãnh liệt hối lỗi và hoàn lương, và rồi hắn bật khóc…

Trong lần đọc đầu tiên, khi còn là một thiếu niên, tôi cũng đã rất cảm động khi đọc tới đoạn vừa nói trên, và cũng chính từ những giây phút đó, tôi bỗng cảm thấy mình bị ảnh hưởng hơi nhiều và cũng đã tự nhủ là sẽ phải cố gắng làm được càng nhiều điều tốt càng tốt.

Tác phẩm “Những kẻ khốn cùng” của Victor Hugo là một trường thiên tiểu thuyết, nên đôi lúc cụ nói hơi nhiều về triết lý, đưa ra nhiều lý này lẽ nọ, và cũng nói rất nhiều về các chi tiết trong lịch sử pháp; chính vì lẽ đó nếu chỉ đọc một lần thì không thể thưởng thức hết được và càng đọc lại thì càng thấy thích thú hơn. Với tôi, đây là một trong những tác phẩn sẽ tồn tại mãi với nhân gian, với tất cả những ai yêu thích sự công chính.

Tính cho tới năm 1964 (theo tài liệu tôi có, còn từ 64 tới nay thì tôi không nắm được) đã có tất cả 24 lần tác phẩm này được xuất bản, lần đầu tiên là qua 10 tập, các lần khác thường là 4, 5 tập. Riêng bản dịch của cụ Nguyễn văn Vĩnh (in song ngữ) là 10 tập vào năm 1926 (xin xem hình đính kèm). Nhưng vào năm 1965, tôi may mắn mua được bản của nhà xuất bản Gallimard, trong sưu tập La Pléiade, IN CẢ BỘ VÀ NGUYÊN VĂN TRONG CÓ 1 TẬP DUY NHẤT (xin xem hình) mà còn có cả phần dị bản gần 300 trang. Sách này in bằng thứ giấy được gọi là giấy Thánh kinh (cực mỏng và vực rõ), và theo tôi, thì là thứ giấy tuyệt hảo nhất từ xưa đến nay và mãi mãi sau này. Cuốn tôi hiện có dày 1781 trang mà chỉ nặng chừng 800 grammes. Ngoài ra tôi còn có may mắn có được bộ “Những kẻ khốn nạn” là bản dịch của cụ Nguyễn văn Vĩnh vào các năm 1926 tới 1928 gồm 10 cuốn tổng cộng khoảng 3000 trang của nhà Trung Bắc Tân Văn ở Hà Nội; tuy nhiên tôi hiện đang bị thiếu tập số 1 của phần đầu tiên trong 5 phần, qúy vị nào biết nó hiện hữu ở đâu xin vui lòng chỉ bảo để tôi có thể “rước” tập thiếu đó về, dù có phải nhất bộ nhất bái đi nữa!

Kể từ khi tôi đọc lần đầu tiên tới nay, một nửa thế kỷ đã trôi qua, và trong thời gian đó tôi đã đọc lại tác phẩm này tất cả là 4 lần, do đó tôi thuộc lòng tới vài chục đọan mà tôi cực kỳ yêu thích. Khuôn khổ bài trích dẫn này chỉ cho phép tôi kể một đọan mà tôi cực kỳ yêu thích. Đó là đoạn Marius “cua” được Cosette bằng cách lẻn vào vườn nhà nàng để ở dưới một phiến đá một cuốn sổ nhỏ có ghi những lời ca tụng tình yêu cực hay cực lãng mạn, đã khiến Cosette cảm và mê chàng… Tôi xin được phép trích ở dưới đây một hai câu làm bằng:

1/- Nàng còn hay tới vườn Luxembourg không? Không. - Nàng hay đi lễ ở nhà thờ này phải không? – Nàng không còn đi lễ ở nhà thờ này nữa. – Nàng có còn ở trong căn nhà này không? – Nàng đã dọn đi rồi. – Nàng dọn đi đâu? – Nàng không hề cho biết. Ôi! Còn chi sầu thảm hơn khi mình chẳng biết HỒN MÌNH ở đâu?

2/- Ôi mùa Xuân, em là một tình thư ta gửi cho Nàng

3/- Bạn đau khổ bởi vì bạn đang yêu, vậy thì hãy yêu nhiều hơn nữa. Chết vì tình yêu, chính là sống vì tình yêu vậy.

4/- Thật là một điều kỳ lạ, bạn biết không? Tôi như đang ở trong màn đêm tăm tối. Khi ra đi, Nàng đã ôm theo cả bầu trời.

Thật là những lời lẽ lãng mạn, êm dịu, tới giờ tôi vẫn thích. Gần đây một anh bạn nhà văn đã bảo tôi rằng cụ Vĩnh đã dịch “Les misérables” là “Những kẻ khốn nạn” là không đúng, khi trông thấy bản dịch năm 1926 của cụ Vĩnh, và rồi anh hỏi tôi: “Còn anh thì anh nghĩ sao?” Theo tôi thì tôi nghĩ rằng cụ Vĩnh không sai vì hai lý do: Trước nhất là vào thời điểm 1926 hai chữ “khốn nạn” không có cái nghĩa đểu giả, bất nhân, mất dạy như ngày nay, mà chỉ có nghĩa là những kẻ khốn cùng. Kế đó là tôi nghĩ cụ Vĩnh là người đọc rộng hiểu nhiều chắc chắn là cụ biết là vào năm 1845 Victor Hugo mới viết những dòng đầu tiên của tác phẩm vĩ đại này và đặt tên nó là “Les misères” (Những cảnh khổ), nhưng đến năm 1847 thí cụ bỏ dở và đi làm chính trị, mãi tới năm 1860 mới hoàn tất và đổi tên là “Les misérables”. Do đó những kẻ khốn nạn chỉ là những kẻ cùng khổ sống khốn khó trong cảnh khổ mà thôi, chứ không phải là những kẻ đểu cáng, khốn kiếp, lưu manh, ác ôn và “khốn nạn” theo cái nghĩa của ngày nay.

Với tác phẩm vĩ đại này, mỗi lần đọc lại tôi chỉ thấy thích thú vì hiểu được nhiều hơn, chứ chưa bao giờ thấy chán…

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế