Hiện có 19 người xem / 2518408 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ PHIÊN HỌP NGÀY 12-6-2010
 
của CLB Sách Xưa và Nay

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách không mới lắm và cũng không cũ lắm vì 1 cuốn được xuất bản năm 1939 (71 tuổi) và 1 cuốn năm 1940 (70 tuổi).

Cuốn được xuất bản năm 1939 mang tựa đề là DANS LES FORÊTS et DANS LES RIZIÈRES (Trong rừng cây và ngoài đồng ruộng) của NGUYỄN TIẾN LÃNG. Trước khi nói về cuốn sách, người viết xin được nói qua về tác giả vì ông đúng là 1 người có công (mặc dù ít khi được nhắc đến) với Mẹ Âu Cơ vì đã để lại cho đời một vài tác phẩm viết bằng Pháp văn được ngay chính những người Pháp KHEN LÀ VIẾT TIẾNG PHÁP HAY VÀ SANG TRỌNG KHÔNG THUA GÌ CÁC NHÀ VĂN PHÁP. Bút hiệu của NGUYỄN TIẾN LÃNG là Hán Thu, ngoài ra ông còn có 1 bút hiệu khác là Thượng Uyển, nhưng bút hiệu này không được nhiều người biết đến. Mấy tác phẩm chính yếu của ông gồm có NHỮNG ĐOẢN VĂN PHÁP (PAGES FRANÇAISES ) do nhà Tân Dân xuất bản năm 1929 – ĐÔNG DƯƠNG DỊU HIỀN (INDOCHINE LA DOUCE) do nhà Nam Ký Hà Nội xuất bản năm 1936 và cuốn TRONG RỪNG CÂY VÀ NGOÀI ĐỒNG RUỘNG (DANS LES FORÊTS et DANS LES RIZIÈRES) do nhà Hương Sơn xuất bản năm 1939 là cuốn được giới thiệu hôm nay. NGUYỄN TIẾN LÃNG là con một viên Tri Huyện, là em MÂN CHÂU NGUYỄN MẠNH BỔNG, là rể của PHẠM QUỲNH và là con nuôi của Toàn Quyền Robin. Ông sinh năm 1909 và mất ở Pháp năm 1976.

Cuốn Trong Rừng Cây và Ngoài Đồng Ruộng dày 188 trang là 1 tập truyện ngắn (16 truyện) viết bằng Pháp văn, một thứ Pháp văn rất trong sáng, và các cốt truyện đều rất dễ thương, dễ đi vào lòng người đọc. Trong số 16 truyện ngắn đó, người viết rất thích truyện đầu tiên nhan đề là Người Hóa Hổ (l’homme qui devient Tigre) mà tác giả đề tặng Tản Đà, là anh rể của ông. Ngoài ra, truyện Từ Thức nhập Thiên Thai cũng được ông kể lại bằng Pháp văn rất hay và ông đã dịch Thiên Thai là “Résidence des Feés”. Trong tập này tác giả cũng viết một truyện nhan đề là “Kẻ vắng mặt” (l’Absent) mà ông đề tặng cho bố nuôi là Toàn Quyền René Robin. Cuốn sách này người viết có 1 người bạn làm nhà xuất bản hứa sẽ cho dịch ra và sẽ xuất bản một ngày rất gần đây. Tóm lại đây là 1 cuốn sách hay bằng Pháp văn, chứng tỏ là đã có những người Việt VIẾT TIẾNG PHÁP HAY KHÔNG THUA GÌ NGƯỜI PHÁP. Cuốn thứ nhì cũng đã 70 tuổi đời vì được xuất bản năm 1940 nhan đề là Bên kia bờ Đại Dương (Par delà les mers) của tác giả Hoàng Gia Đức. Người viết rất tiếc là không tìm được 1 thông tin gì về tác giả này. Tuy nhiên cuốn sách dày 58 trang do nhà in Lê Văn Tân ở phố Hàng Bông, Hà Nội xuất bản năm 1940, và đã được viết ở trên con tàu Félix Roussel và tại Thái Hà Ấp trong tháng chín và tháng mười năm 1939. Đây là một cuốn sách khác cũng được 1 người Việt viết bằng Pháp văn, một thứ Pháp văn tuy không hay ngoại lệ như của Nguyễn Tiến Lãng, nhưng cũng rất lưu loát, rất chuẩn, rất đáng trân trọng. Tác giả là người đã du học ở Pháp trong 7 năm từ 1909 đến 1916, và khi trở về thì thành một viên chức trong ngành luật. Năm 1937, Bộ Trưởng Thuộc Địa Pháp đề nghị cho biệt phái sang Pháp một số viên chức người bản xứ để làm việc trong 1 năm tại Bộ Thuộc Địa ở Pháp. Tác giả Hoàng Gia Đức là một trong số những người được chọn và ông ta đã viết cuốn này để kể lại từ lúc ông ta lên tàu Félix Roussel đi Pháp cho tới lúc trở lại Việt Nam. Tác giả tả chi tiết tất cả mọi sự việc ông đã gặp, tất cả các cuộc gặp gỡ với các quan chức Pháp, tất cả mọi hoạt động và công việc ông ta đã làm trong thời gian đi công tác, tất cả các nơi ông đã ghé chân một cách rất hấp dẫn, rất chi tiết và, qua tác phẩm này, người đọc có thể cảm nhận là vào lúc đó, Thực Dân Pháp, tuy là Thực Dân, nhưng chúng đối xử rất tốt với những viên chức bản xứ làm việc cho chúng. Và điều khá hay là cách thức hành xử của tác giả cũng rất là đàng hoàng KHÔNG HỀ CÓ DẤU VẾT NÔ LỆ, HÈN HẠ, khác hẳn với nhiều tên khác cam tâm làm chó săn cho bọn Tây Thuộc Địa vào lúc đó. Cuốn sách cũng là một tài liệu tốt cho ai muốn biết những chuyện xảy đến vào thời điểm những năm 30 thời Pháp Thuộc.

Sau phần giới thiệu sách, các thành viên đã trao đổi với nhau về 1 số vấn đề trong đó có vấn đề Dịch Thuật. Sau phần chia sẻ của Bà Thùy Dương, Anh Trần Văn Hữu có lên ngâm tặng các thành viên 1 bài thơ rất hay.

Buổi họp hôm nay vắng mặt một số thành viên như LM. Triết đang đi thăm người nhà ở Đan Mạch, A. Vương Liêm bận việc và 1 số thành viên khác cũng kẹt không tới dự được. Và vì hôm nay cũng không có chủ đề gì được nói tới hoặc trình bày, nên sau một thời gian, trao đổi về 1 số vấn đề, cuộc họp đã kết thúc lúc 11 giờ kém 15 cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN
“TỪ BA LÊ TỚI BẮC KỲ” (De Paris au Tonkin)
của PAUL BOURDE xuất bản năm 1885

Cuốn sách này là một kỷ niệm nhỏ giữa người viết và nhà giáo, nhà sưu tầm quá cố Nguyễn Văn Y. Anh Y là một nhà sưu tầm chuyên sưu tầm các sách của các tác giả người miền Nam như Lê Hoằng Mưu, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh vv…

Trên 20 năm về trước, một hôm anh ghé thăm tôi và thấy tôi có 3 cuốn sách khổ nhỏ của Hồ Biểu Chánh do nhà xuất bản Đức Lưu Phương in khoảng 1924, 1925 (tôi không còn nhớ rõ), anh thích lắm và đề nghị tôi đổi cho anh cuốn sách này vì anh biết tôi thích sách thế kỷ thứ XIX.

Tôi rất thích cuốn này và chỉ tiếc có một điều là sách không có 1 minh họa nào, vì đã được xuất bản từ năm 1885 (vào thời điểm được đổi, sách cũng đã độ 105 tuổi).

Đây là 1 cuốn sách viết theo dạng vừa là du ký vừa là hồi ký của một chuyến đi từ thủ đô Ba Lê (Paris) tới xứ Bắc Kỳ, và tác giả là 1 thông tín viên của tờ Thời Đại (le Temps), một tờ báo ra đời năm 1861 ở Ba Lê.

Cuốn sách nhỏ này khổ 12x18cm và dày 382 trang, gồm 15 chương.

- Chương I từ trang 1 - 22, nói về Địa Trung Hải và Kênh đào Suez.

- Chương II từ trang 23 - 42 mô tả cảnh Hồng Hải và thành phố Aden.

- Chương III từ trang 43 - 79 nói về Ấn Độ Dương và về xứ Tích Lan.

- Chương IV từ trang 80 - 89 nói về Tân Gia Ba (Singapore).

- Chương V từ trang 90 - 105 nói về Nam Kỳ (Cochinchine) và về thành phố Đà Nẵng (Tourane).

- Chương VI từ trang 106 - 119 nói về Thành phố Cảng (Hải Phòng) và những hình ảnh đầu tiên của Xứ Bắc đập vào mắt tác giả.

- Chương VII từ trang 120 - 135 nói về việc tác giả lo nơi ăn chốn ở tại Hà Nội.

- Chương VIII từ trang 136 - 157 nói về thành Sơn Tây và 1 cuộc tháp tùng 1 đoàn tuần thám ở Hắc Giang.

- Chương IX từ trang 158 - 178 tác giả mô tả và kể rõ những chuyện xảy ra ở Hà Nội.

- Chương X từ trang 179 - 244 tác giả viết rất kỹ về việc chiếm cứ thành Bắc Ninh.

- Chương XI từ trang 245 - 271 tác giả mô tả dân chúng ở Bắc Kỳ sinh sống ăn uống ra làm sao.

- Chương XII từ trang 272 - 311 tác giả mô tả các kỹ nghệ của người dân bản xứ

- Chương XIII từ trang 312 - 331 tác giả mô tả việc chiếm đóng Hưng Hóa và việc thuyền bè đi lại trên sông Hồng Hà.

- Chương XIV từ trang 332 - 358 tác giả viết những ghi chú, cảm nghĩ cuối cùng về đời sống dân chúng ở Bắc Kỳ, tác giả mô tả việc ra về và tả cảnh vịnh Hạ Long.

- Chương XV từ trang 360 - 382 tác giả trình bày các suy nghĩ cá nhân về các vụ việc xảy ra ở Viễn Đông.

Cuốn sách được xuất bản năm 1885, tới nay là vừa đúng 125 năm và đáng được coi là 1 cuốn sách cổ. Quan điểm và các cảm nghĩ của tác giả CHÍNH LÀ CÁC QUAN ĐIỂM CỦA MỘT NHÀ BÁO NÊN RẤT CÓ THỂ CÁCH NHÌN SỰ VIỆC CÓ THỂ KHÁC VỚI CÁCH NHÌN CỦA CÁC TÁC GIẢ THUỘC ĐỊA KHÁC nên có thể coi là có phần nào ích lợi cho các nhà nghiên cứu lịch sử…

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

“Chiếu dời đô”
bị ngăn cản trưng bày nơi công cộng?

“Chiếu dời đô” của vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) ngoài giá trị lịch sử còn là bản văn tiến bộ của thời đại cách đây 1.000 năm. Mọi người đều đánh giá như vậy, kể cả các nhà nghiên cứu, sử học và giáo dục. Chiếu này đã dẫn đến việc dời kinh đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra Đại La (Thăng Long xưa, nay là thủ đô Hà Nội) vào mùa xuân năm 1010.

Triều đại nhà Lý dài 215 năm với 9 đời vua trị vì, trong đó có nhiều vị vua đã đóng góp rất nhiều trí tuệ và công sức cho sự nghiệp chống ngoại xâm giữ vững nền độc lập dân tộc, mở rộng bờ cõi và phát triển nền văn hóa - xã hội – kinh tế một thời vẻ vang.

Là người Việt Nam, ai cũng đều tự hào về tiến trình lịch sử văn minh của dân tộc và đất nước bắt đầu từ thời nhà Lý, kế thừa nền độc lập tự chủ của Ngô, Đinh, Tiền Lê. Do đó, ngày nay chúng ta mới có đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, lấy mốc từ niên đại 1010. Điều này cho thấy giá trị nổi bật của bản văn Chiếu dời đô. Từ xuất phát điểm của việc tôn vinh triều đại nhà Lý, lấy Thăng Long làm danh hiệu cho kinh đô mới của Đại Việt mà ngày nay là thủ đô Hà Nội của nước CHXHCN Việt Nam là “Chiếu dời đô”. Nếu không có sáng kiến của vua Lý Thái Tổ lúc mới lên ngôi lập ra triều đại nhà Lý hỏi ý kiến quần thần về việc dời đô và được quần thần nhiệt liệt ủng hộ bằng tờ chiếu chỉ “dời đô” thì không có Thăng Long lẫn chưa chắc đã có Hà Nội bây giờ.

Nội dung tờ chiếu được đánh giá là văn bản hàm chứa lý luận khoa học, tiến bộ, có tầm nhìn xa trông rộng, thấy được “phong thủy” (thiên thời, địa lợi, nhân hòa) nơi vùng đất mới, biết so sánh nơi cũ với nơi mới, phân tích lợi hại của việc dời đô, trong đó lấy thí dụ thực tiễn của người đi trước để làm chứng cứ tranh thủ sự đồng thuận của quần thần cho dự án tiền khả thi của mình. Nhưng rất tiếc những chứng cứ này đã bị người đời sau, cách nhau đúng 1.000 năm phê phán. Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Hồ Chí Minh không đồng tình khi đưa ra các nhận xét cho là “do có một số hạn chế khách quan của lịch sử, trong nội dung của bài Chiều dời đô cũng còn một số nhận định, đánh giá, phê phán hai triều đại trước: “Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng mình, khinh thường mệnh trời, không noi theo dấu cũ của Thương, Chu, cứ đóng yên đô thành ở nơi đây, khiến cho triều đại không được lâu bền, số phận ngắn ngủi, trăm họ phải hao tổn, muôn vật không được thích nghi”.

Sở này còn nhận xét: “Mặt khác, Chiếu dời đô không thể hiện được truyền thống đấu tranh giành độc lập dân tộc mà các triều đại trước đó như Văn Lang, Ngô, Đinh, Tiền Lê… đã gây dựng, ngược lại đề cao các triều đại Trung Quốc: Ân, Thương (đã từng xâm lược nước ta), Chu, thậm chí gọi Cao Biền (toàn quyền đô hộ nước ta thời nhà Đường) là Cao Vương”.

Đúng là đối với thời đại văn minh tiến bộ ngày nay, nội dung Chiếu dời dô cách đây 1.000 năm không tránh khỏi các hạn chế như ý kiến của Sở VH-TT-DL. Huống hồ, nước ta chịu ảnh hưởng rất nhiều tới nền văn học “tầm chương trích cú” của Nho học nên mỗi khi nói ra là dẫn chứng “Khổng tử viết”! Hầu hết văn bản cổ, thi phú thời trước được sáng tác đều theo tinh thần đó, viện dẫn rất nhiều điển tích, việc làm của người xưa để chứng minh. Sau này, chúng ta theo Tây học vẫn với cách làm đó, lập luận và chứng cứ đều vay mượn cái gọi là “tinh hoa văn hóa nước ngoài”. Cho nên, ngày nay, khi nhìn về lịch sử 1.000 năm trước, chúng ta đừng hẹp hòi phê phán người trước có lối nói đề cao các triều đại phong kiến Trung Quốc cổ hay nền văn minh nước ngoài khác.

Chúng ta nên đánh giá đúng bản chất sự vật: vua Lý Thái Tổ muốn quần thần ủng hộ đề án tiền khả thi của mình thì phải có lập luận và dẫn chứng. Ông đã đưa ra hai cơ sở biện chứng: nhà Ân, Thương, Chu đã từng dời đô nhiều lần từ nơi chật hẹp ra nơi rộng thoáng “địa lợi” nên triều đại bền vững lâu dài (khi nhìn về nước lớn Trung Quốc), còn các triều đại Đinh, Ngô, Tiền Lê của nước ta do chưa có điều kiện di dời ra chỗ có lợi thế nên vắn số. “Mệnh trời” chẳng qua là cách gọi của người xưa tin vào thần quyền. Đó chỉ là dẫn chứng chớ chưa chắc ông đã tôn sùng nước lớn hay phê phàn các tiền triều đại của nước ta. Chúng ta không nên vin vào đó để phê phán ông là không có tinh thần dân tộc.

Với nhận xét, đánh giá nói trên Sở VH-TT-DL đã bác bỏ ý kiến đề xuất cho phép dựng pa-nô Chiếu dời đô có song ngữ Hán – Việt ở hai điểm công cộng (công viên 23/9 nằm gần chợ Bến Thành và trước cửa Bảo tàng lịch sử trong Thảo cầm viên thành phố) trong thời hạn một năm nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ và người dân thông hiểu lịch sử (trong đó có nội dung chiếu) về thời đại mở đầu việc dời đô về nơi mới có vị thế bền vững và hưng thịnh nhiều mặt mà ngày nay trở thành thủ đô Hà Nội.

Pa-nô Chiếu dời đô là công trình chào mừng đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quôc Việt Nam (18/11/1930-18/11/2010) của Ủy ban MTTQVN và Ban Đại Diện Hội NCT quận 1 đã đăng ký với quận 1 và MTTQVN thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế, hai pa-nô “Chiếu đời đô” này đã được tặng trước cho hai cơ quan trên vào ngày mùng 1/1 Tết năm Canh Dần chế tác bằng in kỹ thuật số trên vải bạt Hiflex với kích thước 1,2 m x 2 m.

Trong khi đó, Chiếu dời đô bằng chữ Hán đã được trình bày hoành tráng bên lề đường trước khu vực Đền Đô ở Bắc Ninh với khổ lớn cả chục mét cao và rộng thể hiện trên đá và bê tông có trang trí hoa văn tiết họa tiêu biểu kiến trúc nghệ thuật của thời đại Lý – Trần. Chiếu dời đô cũng được một nghệ nhân trình bày bằng chữ thư pháp khổ lớn để tặng thành phố Hà Nội nhân dịp tổ chức đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Bộ Giáo dục – Đào tạo đã có sáng kiến cho xuất bản tập sách Chiếu dời đô bằng ba thứ tiếng Việt - Hán – Anh để phổ biến trong nhân dân và giảng dạy trong trường học. Giáo trình điện tử Chiếu dời đô đã được biên soạn đặc biệt cho học sinh lớp 8 đang hiện diện trên mạng Internet. Và còn nhiều công trình khác về Chiếu dời đô được xây dựng để chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Thế mà, Sở VH-TT-DL thành phố Hồ Chí Minh lại ngăn trở Ủy ban nhân dân quận 1 trưng bày pa-nô này ở hai vị trí trên địa bàn quận mình với lý do “sợ rằng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau” do các viện dẫn và nhận xét hẹp hòi nêu trên. Có điều Sở quên rằng bản Tuyên ngôn độc lập được Bác Hồ soạn thảo với nhiều ý kiến đóng góp trước đó được tuyên đọc vào ngày Quốc khánh đầu tiên của nước VNDCCH 2/9/1945 đã trích dẫn hai đoạn văn trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Pháp và Mỹ, lúc đó đang là hai kẻ thù xâm lược của nhân dân Việt Nam, sao không thấy ai phê phán hay ngăn trở phổ biến gì?

Như vậy, Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ chỉ là văn bản cổ của 1.000 năm trước dưới chế độ phong kiến đã bị cáo chung không có tác dụng gì về mặt chính trị ngoại giao hiện nay. Nhưng nó có giá trị lịch sử, văn học vì là chỉ thị của vua ban hành cho việc dời đô. Đây là sáng kiến chọn địa điểm tốt để xây dựng kinh đô mới và đã có giá trị cao nên tồn tại cho đến nay tròn 1.000 năm và được tiếp tục nữa.

Ngày nay, đem trưng bày Chiếu dời đô cho công chúng xem, trong đó có giới trẻ như là một cách giáo dục truyền thống và lịch sử thiết nghĩ đó là điều nên làm và cần được mọi người ủng hộ.

Vương Liêm

Nội dung Chiếu dời đô (Bản dịch tiếng Việt):

Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô , chẳng phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.

Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?

PHẬT VÀ CHÚNG SINH

Hầu hết những người theo Đạo Phật đều cho rằng PHẬT là một vị thần linh, vì theo lời Kinh thì Phật “cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”. Tất cả mọi sinh vật hữu tình đều là chúng sinh của Ngài, đều bình đẳng được cứu độ. Vì thế, bất cứ ai, cần gì, thì cứ thành khẩn cầu xin là sẽ được ban cho. Từ suy nghĩ đó, ta thấy khắp nơi đều tạc tượng Phật cho to, cho đẹp, rồi ngày mấy thời thắp hương đặt trước tượng Phật để cầu xin. Khi sống thì tăng phúc, tăng thọ, làm ăn thì gặp may mắn, gia đình hạnh phúc, an vui… Lúc chết thì cầu xin được rước về Tây Phương Cực Lạc. Quan niệm này đã ăn sâu vào các Phật Tử từ bao nhiêu đời nay, muốn thay đổi cũng không phải dễ. Nhưng theo chính Kinh thì Phật có hứa cứu độ cho mọi người hay không? Việc cứu độ đó diễn ra trong điều kiện nào? Làm sao mới được Phật cứu?

Trước khi bàn về sự cứu độ của Phật ta nên xem lại về cách hiểu Phật. Phật được hiểu theo hai cách: Với những người được gọi là Nhị Thừa thì đó là Thần Linh, có quyền ban ơn, giáng phúc, cứu khổ, ban vui. Với cách hiểu theo Nhất Thừa, đúng với Chính Kinh, thì Phật là tình trạng Giải Thoát mà mọi người đều có thể đạt tới, không chỉ riêng chư Phật quá khứ. Chính vì vậy mà Đức Thích Ca đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Cho nên có đến Tam Thế Phật, tức quá khứ đã có người tu hành chứng đắc, thành Phật. Hiện tại, nếu ai hành đúng theo những gì được hướng dẫn theo Chính Kinh cũng có thể chứng đắc, thành Phật. Tương lai cũng thế. Con đường chúng ta đang bàn bạc theo đây gọi là NHẤT THỪA, tức là không nhìn Phật như Thần Linh, mà như một tấm gương và Kinh sách như di chúc, như bản đồ để chúng ta theo đó mà gặp được Phật của chính mình, và theo đường lối này, chúng ta lần theo những căn bản được hướng dẫn trong chính Kinh.

Ai cũng biết Đạo Phật đã được truyền từ rất lâu. Ngay thời Phật còn giảng dạy đã có 5000 người bỏ ra về không thèm nghe Phật giảng thêm vì cho rằng những gì họ hiểu đã đầy đủ. Ai cấm họ sau đó mang những hiểu biết nửa vời đó ra rao giảng? Rồi tiếp theo đó mỗi thời các chùa đều tung ra biết bao nhiêu giảng sư. Thậm chí đến nhà sách ta sẽ thấy cơ man nào là Kinh, sách... Người hiểu Đạo ít nhiều nếu có điều kiện thì giảng, luận Kinh Phật, rồi phát hành… Người sau không thể phân biệt đâu là Chánh, đâu là tà, đâu là người hiểu đúng, đâu là người hiểu sai, vì tất cả đều nhân danh Đạo Phật để giảng dạy! Ngay cả thời các Tổ, ta thấy như Lục Tổ được chính thức truyền Y, Bát chưa mở ra giảng thì Sư Thần Tú không được truyền Y Bát đã mở ra giảng trước cả 16 năm. Người theo học đông đảo không thua bên Lục Tổ đến nỗi người thời đó gọi là Nam NĂNG, Bắc TÚ. Cả hai bên đều có người kế tục nhau thuyết giảng, tu hành mãi đến tận ngày nay, đều dùng Kinh Phật để truyền bá Đạo. Đó là chưa kể đến các Tông. Nội Thiền Tông cũng đã có đến 5 phái: Quy Ngưỡng, Vân Môn, Pháp Nhãn, Tào Động, Lâm Tế… đào tạo ra biết bao nhiêu Thiền Sư, Giảng sư? Vì thế, người sau chỉ còn biết trông cậy vào Duyên phận, may thì nhờ, rủi thì đành chịu!

Chỉ với lời Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” chúng ta đã thấy Phật không phải là ngôi vị độc tôn, cũng không phải là thần linh, vì nếu như thế thì làm sao tất cả mọi người đều có thể vào được địa vị đó?

Điều thứ hai chúng ta cần xét là Phật đã Giải Thoát khỏi điều gì? Ngài đã làm gì để đạt được tình trạng Giải Thoát đó?

Muốn biết được điều này thì chúng ta cần quay về với lý do khiến Thái Tử Sĩ Đạt Ta phát tâm đi tu. Ai cũng biết là trong một lần đi dạo ở ngoại thành, lần đầu tiên Ngài trông thấy cảnh người Già, Bệnh, Chết làm cho xúc động mãnh liệt. Khi biết rằng tất cả mọi người, không từ ai, đều phải Sinh, Lão, bệnh, Tử, nên Thái Tử phát tâm muốn đi tìm cách thức để giải thoát khỏi quy luật này. Ngài đã rời khỏi hoàng cung và gia nhập với các nhóm tu đang thời, hy vọng họ sẽ tìm ra lời giải đáp, nhưng chỉ học được thần thông, phép màu, làm cho Ngài thất vọng. Cuối cùng ngài đã tìm ra đáp án sau 49 ngày đêm Ngồi Thiền Định dưới cội cây Bồ Đề.

Qua lời tuyên bố khi cho rằng mình đã hoàn toàn Giải Thoát. Ta thấy Đức Thích Ca đã tìm ra được thủ phạm đã làm ra ngôi nhà Sinh, Lão, Bịnh, Tử, và cho rằng kể từ đó hắn sẽ không xây được ngôi nhà Sinh Tử nữa. Điều Ngài tìm được gọi là Chân Lý Giải Thoát, và Ngài dùng cả cuộc đời còn lại để rao giảng chân lý đó. Đó là tóm tắt Đạo Phật và đạo này đã được 33 vị Tổ truyền nhau để giảng dạy cho đến khi Y Bát mất dấu thì mạnh ai nấy rao giảng tràn lan, hậu quả là cho đến thời này ta không còn thấy được người thật sự chứng đắc, chỉ thấy truyền nhau tạc tượng cho to, cất chùa cho hoành tráng để Thờ Phật, để cầu xin “được độ”. Việc tu hành để thành Phật không còn nghe nói đến nữa! Như vậy, muốn quay về với đúng Chánh Pháp để thực hiện lời Thọ Ký thì ta buộc phải tìm hiểu “Thành Phật” là thành như thế nào? Phải làm gì để thành?

Xét từ lý do phát tâm của Đức Thích Ca thì ta thấy rằng “Thành Phật” không phải là thành một “ông Phật” có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp có thể cứu độ cả tam thiên đại thiên thể giới, mà chỉ là “thành tựu con đường Giải Thoát” cho bản thân người thành mà thôi. Và Giải Thoát đó, là giải thoát khỏi sự kềm tỏa của Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Nhưng người không tìm hiểu cho rõ thì đến đây sẽ gặp một mâu thuẫn lớn, vì ta sẽ giải thích thế nào, khi lý thuyết của Đạo Phật là để “Thoát” Sinh, lão, Bệnh, Tử trong khi chính người sáng lập là Đức Thích Ca cũng đã Già, đã Chết, đã trà tỳ? Đó là những gì mà những người Nhị Thừa, xem Phật như Thần Linh không dám bàn tới, vì nếu Phật thật sự là một vị Thần Linh lẽ ra phải “bất tử” mới đúng. Bản thân Ngài đã không “Thoát Tử” mà ta còn cầu xin Ngài độ cho mình thoát Tử sao được?!

Nếu có đọc chính Kinh ta càng thấy rõ hơn. Trong Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN, trong một lần Phật giảng pháp thì La Hầu La lơ đãng không nghe, viện lẽ mình còn nhỏ, tâm trí còn non nớt, để chờ lớn.

Phật hỏi: “Muôn vật vô thường, thân người khó giữ được, vậy ngươi có thể giữ được mạng ngươi đến lớn không?

Hầu La trả lời: “La Vân con đây không thể giữ được, nhưng Phật há chẳng giữ giùm mạng con ư?”

Phật bảo: “Này La Vân, Ta còn không giữ được cho ta, huống chi là giữ giùm cho ngươi”. (tr. 27)

Phật đã không giữ được cho mình, cũng không giữ được cho con, lẽ nào Ngài có thể giữ giùm cho ta. Bởi vì nếu Ngài đã cãi được quy luật thì Ngài còn đưa thuyết Vô Thường ra để nhắc nhở chúng ta làm gì?

Đức Thích Ca cũng sinh ra từ mẹ như mọi người. Truyền thuyết Ngài ra đời từ nách của Hoàng Hậu Maya đã được những nhà nghiên cứu soi rọi: Đó là vị trí mà người Ấn Độ Xưa dùng để nói về các thứ bậc trong xã hội. Vua, chúa, quan quyền thì sinh ra từ đầu, trán, nách. Thương gia thì sinh ở bụng. Thứ dân thì sinh ở chân. Chẳng phải là một sự linh thiêng huyền bí nào. Khi Đức Thích Ca đắc đạo, ra thuyết giảng rồi thì cũng sinh hoạt như một người bình thường. Nếu Ngài là thần linh hẳn đã hóa phép để có cơm cho mình và các đệ tử dùng. Trái lại, Ngài cũng “theo thứ tự đến từng nhà khất thực xong trở về tịnh xá, dùng cơm xong rồi, cất y bát, rửa chân, trải tọa cụ mà ngồi” (Kim Cang). Nhiều lần Ngài cũng bị bịnh, Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa. Cuối đời Ngài cũng bị “ngộ độc thực phẩm” do dùng bữa cơm cúng dường của Thuần Đà mà chết. Như vậy tại sao chết rồi lại trở thành linh thiêng, “cứu độ cả tam thiên đại thiên thế giới”? Vậy thì Ngài có cứu độ cho mọi người chăng? Cứu độ như thế nào? Cái Thoát Sinh Tử của Ngài là gì?

Đó là những gì cần xét lại về “Độ Chúng Sinh” của Đức Phật

Trước hết, một điều chắc chắn rằng chúng ta không phải là chúng sinh của Phật, vì muốn thành Phật thì phải “Độ tận chúng sinh”. Đức Thích Ca đã “độ tận chúng sinh” nên Ngài mới thành Phật. Chúng sinh được độ thì đã thành Phật, đã về cõi Niết Bàn, không còn phiền não nữa. Nhưng chúng ta thì vẫn còn ở trần lao và phiền não dẫy đầy, nên không phải là chúng sinh của Phật.

Thứ hai: Chúng sinh và Cõi Phật đều ở trong Tâm, vì vậy Tu Phật được gọi là Tu Tâm. Tâm và cõi Phật là một, nên Kinh Duy Ma Cật viết: “Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà cõi Phật được thanh tịnh”. Như vậy, cõi Phật không phải ở Đông Phương, Tây phương bên ngoài được. Vì nếu ở bên ngoài thì đó là của Phật khác.

Thứ ba: Chúng Sinh là gì thì Lục Tổ giải thích: “Chư Thiện tri Thức. Chúng sanh trong tâm mình tức là: lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các tâm này đều gọi là chúng sanh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ”.

Chính vì mỗi người đều có thể “độ” được cho chúng sinh của mình, cho nên Đức Thích Ca mới Thọ Ký: Tất cả chúng sinh đều là Phật sẽ thành. Chúng sinh của mỗi người ở trong Tâm của mỗi một, nên người ngoài không thể Độ được. Chính vì vậy, Đạo Phật dạy phải Tự Độ. Nếu Đức Thích Ca đã “độ tha” được thì trước hết Ngài phải độ cho con ruột là La Hầu La và em là Anan. Nhưng tất cả họ đều phải tu hành chứng tỏ Ngài không có “độ tha”. Vì thế, người cầu xin được “độ” là làm sai, do hiểu sai ý kinh, lời Phật!

Việc cứu độ cho “Tam Thiên Đại thiên Thế Giới” được hiểu như sau. Do thời xưa ngôn ngữ còn hạn chế Đức Thích Ca khó thể diễn tả được những suy nghĩ trong nội Tâm nên Ngài phải mượn cảnh bên ngoài để làm thí dụ. Con người thường bị BA ĐỘC, tức là THAM, SÂN và SI làm cho phiền não không yên. Từng sát na chúng ta khởi biết bao nhiêu tư tưởng loại này. Một kiếp sống thành ra vô số kể. Gần đây, các nhà tư tưởng học của Úc đã tính ra mỗi ngày một người sinh ra khoảng 50.000 tư tưởng. Nhưng từ cách đây mấy ngàn năm Đức Phật đã quán sát thấy điều đó và Ngài thấy số lượng tư tưởng (Ngài gọi là Chúng Sinh) nhiều như cư dân trong cả một nước. Vì có đến 3 chủng loại, nên Ngài gọi đó là Tam Thiên Đại thiên Thế giới. Phật của mỗi người có nhiệm vụ cứu độ cho tam Thiên Đại thiên thế giới của chính mình mà thôi. Phải “độ” cho tới hết thì mới được Giải Thoát. Do không còn những chúng sinh các loại đó nữa, nên gọi là “độ tận chúng sinh”.

Nhưng nếu Chúng Sinh là tư tưởng thì chẳng lẽ “độ” hết những tư tưởng để còn cái tâm rỗng không như gỗ đá, gọi đó là “thành Phật” hay sao?

Kinh chỉ dạy “Trừ Vọng Tâm” hay là: “Trừ Tam Tâm” tức là Trừ Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si - không phải là trừ Tâm quá khứ, hiện tại, vị lai… như nhiều người đã lầm nghĩ - để đầu óc trở thành trống rỗng như người vô hồn! Bởi vì Đạo Phật còn có Tứ Vô Lượng Tâm tức Tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả phải thực hành. Ngoài ra, người tu còn phải có Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Tinh Tấn, Chánh Định, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp. Đâu phải tu để trở thành gỗ, đá, vô tri, vô giác, không còn làm ăn sinh sống, không còn phân biệt tốt, xấu, thiện, ác?

Vậy thì cái “Thoát Sinh Tử” của Đức Thích Ca phải hiểu như thế nào?

Phàm phu thì chấp Tướng nên phải Khổ vì Tướng. Những người thấy Cái Thân là Mình tức nhiên là sẽ phải khổ, vui, sống, chết với nó. Trong cảnh tạm sống trong cái Thân lại vì nó mà gây tạo biết bao nhiêu Quả xấu, rồi phải luân lưu để trả, thành ra Sinh Tử Luân Hồi. Đức Thích Ca biết rằng cái Thân của mỗi người thật ra chỉ là sự phối hợp của các Duyên cho Nhân Quả thể hiện trong một kiếp của cái Thân mà thôi. Hết Duyên, hết Nghiệp là cái Thân sẽ tan rã. Cái TA thật sự của mỗi người là cái CHÂN TÁNH vẫn song hành cùng cái Thân, nhưng không cùng sống, chết với nó, mà bất sinh, bất tử. Vì thế, người nào tìm về được với CHÂN TÁNH của mình, trụ ở đó, thì không còn phiền não, sống chết nữa, vì phiền não, sống, chết, là những Pháp diễn ra với cái Giả Tướng là cái Thân mà thôi. Do Đức Thích Ca không còn đắm nhiễm vào cái Thân nữa nên đã Thoát Sinh Tử, và bất cứ người tu nào khi chứng đắc cũng đều như đạt được như Ngài, nên gọi là Phật trước, Phật sau đều bình đẳng.

Tóm lại, Đạo Phật dạy “Cầu mà không Cầu”, tức là cứ gieo Nhân Thiện thì đương nhiên Quả Lành sẽ đến. Không Phật nào có thể đưa ta về cõi Phật của các vị được. Đông Phương Tịnh Quốc hay Tây Phương Cực Lạc chính là ở Cõi Tâm của mỗi người sau khi cải tạo hết những chúng sinh xấu, ác. Hơn nữa, Đạo Phật là Đạo Nhân Quả mà ta cứ cầu xin thì khác gì những tín đồ của các tôn giáo hữu thần khác, vậy còn làm sao cho tôn giáo của mình là Chân Lý? Chính vì vậy mà một trong 4 điều Phật dặn dò là “Y KINH LIỄU NGHĨA, BẤT Y KINH VỊ LIỄU NGHĨA”, vì khi chưa Liễu nghĩa mà đã Y rồi thì dễ hiểu lầm phương tiện của Đạo Phật, biến Đạo Phật từ Nhất Thừa trở thành Nhị thừa, mình trở thành kẻ mê tín chỉ biết nương tựa, cầu xin, mà Kinh đã dùng thí dụ rất nặng: cho đó là những “Gã Cùng Tử”, là con của trưởng giả mà không dám vào nhà cha để nhận gia tài, chỉ quanh quẩn hốt phân để kiếm ăn qua ngày! Đó là nói về những Phật Tử, là người có khả năng “Tự Độ” để tự mình “thành Phật” lại cứ cho rằng mình là Chúng Sinh của Phật, rồi chỉ biết cầu xin “được độ” thôi. Chúng Sinh của Phật thì Ngài đã “độ tận” rồi, còn chúng sinh của chúng ta không lẽ để cho chúng nó trầm luân trong bể khổ mãi? Đã tự xưng là Con của Phật mà không chịu nghe lời của cha, không thực hiện lời Thọ Ký, thì coi chừng không khéo mình trở thành kẻ “báng Phật, nhạo Pháp” mà không hay vậy.

Tâm-Nguyện (6/2010)

 

Ý NGHĨA

CUỘC CÁCH MỆNH PHÁP

Cuộc cách mệnh trọng đại năm 1789 của nước Pháp đối với phần đông dân ta không có ý nghĩa gì. Và ngày kỷ niệm hôm dân thành Paris nổi lên phá nhà ngục La Bastille đối với họ chỉ là một ngày hội náo nức, đầy cờ treo, ánh đèn điện và trò chơi: họ bảo nhau là ngày hội tây, nhưng có thế thôi, còn tại sao mà có ngày hội ấy, họ không bận tâm đến.

Đó là một điều lầm lớn. Vì ngày kỷ niệm ấy không phải chỉ đáng làm kỷ niệm riêng cho nước Pháp. Cái đặc điểm của cuộc Đại cách mệnh Pháp, là những nhà anh hùng làm cuộc cách mệnh ấy đã nghĩ đến toàn thể nhân loại, là những nguyên tắc tốt đẹp họ đã nêu cao không phải chỉ để thực hành cho một dân tộc, một giống người, mà là để chung cho hết thảy mọi người, không phân biệt gì da vàng, da trắng hay da đen, không phân biệt gì dân độc lập hay là dân thuộc địa.

Vì lẽ ấy, chúng ta có nghĩa vụ và có quyền coi sự kỷ niệm cuộc cách mệnh lớn lao kia là của chúng ta, một phần tử của nhân loại, nếu chúng ta phục chí hướng của những nhà anh hùng kia, nếu chúng ta yêu những nguyên tắc ấy.

Nhưng, trước khi nói đến những nguyên tắc ấy, ta hãy tự hỏi: tại làm sao lại có cuộc Đại cách mệnh Pháp? Một cuộc cách mệnh đã thành công như cuộc đại cách mệnh Pháp không phải chỉ sự chiến thắng nhất thời về quân nhung, nó là cái kết quả dĩ nhiên của chế độ kinh tế thủa ấy và của sức mạnh của trào lưu tư tưởng chính đáng và hợp với lòng người. Thủa ấy, chế độ phong kiến đến lúc tàn, mà những kẻ thủ lợi về chế độ ấy, vua và quý phái, cứ khăng khăng giữ lấy địa vị của mình. Nhưng vua và quý phái là một số ít. Số nhiều, nghĩa là phần đông dân Pháp, đương mong mỏi một trật tự mới, đợi chờ một sự thay đổi cần phải có.

Giai cấp tư bản, một giai cấp thành hình từ thời đại trung cổ, lúc ấy đã trở nên hùng cường, vì giầu có, đương mong chiếm lấy chính quyền để phá tan cái chế độ cũ không hợp với sự khuếch trương về thương mại và công nghệ. Họ phải trả thuế, trái lại, bọn quý phái và giáo sĩ, không những được miễn mà còn được hưởng nhiều đặc quyền bất công.

Nhưng không phải chỉ riêng giai cấp tư bản mong mỏi sự thay đổi. Dân quê – dân quê độ ấy chiếm đại đa số ở bên Pháp, họ có độ 22 triệu người mà dân số của nước Pháp chỉ là 24 hay 25 triệu – dân quê phải đóng sưu thuế rất nhiều và rất nặng cho vua, cho bọn quý tộc, cho bọn giáo sĩ. Họ sống một cách điêu đứng khổ sở, lúc nào cũng lo đói rét. Lẽ tự nhiên là họ không yêu gì chế độ cũ nữa.

Ngoài ra, những nhà triết học, những nhà văn sĩ, những người trí thức đều đem những tư tưởng mới làm náo động lòng dân. Montesquieu phát minh ra thuyết phân quyền để phá đổ sự chuyên chế; Rousseau nêu lên chủ nghĩa dân quyền và mở một xã hội bình đẳng và đạo đức đến tột điểm; Diderot, Voltaire, d’Alembert và nhiều người khác nữa lúc nào cũng tán dương lòng tin ở khoa học và ở lẽ phải, nêu cao ý tưởng bình đẳng và tự do, những nhà kinh tế học thì tuyên bố rằng cần phải để cho sự thương mại và công nghệ được tự do cạnh tranh, cần phải phá đổ cái chế độ phường bạn của đới phong kiến; có kẻ lại cho nguyên nhân của sự đồi bại của xã hội là do ở sự bất bình đẳng về tài sản và nêu cái lý tưởng chia đều của cải để khỏi có kẻ giàu người nghèo.

Bấy nhiêu người đều gom góp tài liệu và sức mạnh để đánh đổ một chế độ thế tất phải tiêu diệt: đó là nguyên nhân của cuộc Đại cách mệnh Pháp vậy.

Nhưng nếu chỉ là vì quyền lợi không thôi mà có cuộc đại cách mệnh kia thì phong trào cách mệnh không được trong nước và ở khắp Âu châu hưởng ứng một cách bồng bột đến thế. Những nhà cách mệnh Pháp hồi bấy giờ còn có cái chí hướng cao siêu, cái lý tưởng đẹp đẽ, là đem đến cho người ta những điều phàm là người ai cũng mong mỏi ước ao: bình đẳng, tự do và bác ái. Saint Just, một người trong đám anh hùng ấy, có nói một câu rằng: “Phải làm cho trong nước không có một người nghèo, một người khổ: chỉ lúc nào làm được như thế chúng ta mới làm xong một cuộc cách mạng chân chính và lập thành một nền cộng hòa chân chính”. Câu ấy đủ tỏ cho ta biết lòng nhân đạo hào hiệp của các nhà cách mệnh Pháp.

Lòng nhân đạo, hào hiệp ấy, chí hướng cao siêu ấy, lý tưởng đẹp đẽ ấy, ta thấy hun đúc cả lại trong tờ tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền ngày 26-8-1789. Tờ tuyên ngôn đó đại để đặt nền tảng lên mấy điều này:

1) Người ta sống trong sự tự do và bình đẳng về quyền lợi.

2) Mục đích của xã hội là để gìn giữ và bảo vệ nhân quyền.

3) Quốc dân là chúa tể trong nước.

Nền tảng ấy đến bây giờ vẫn còn vững như núi Thái Sơn và những lý tưởng nêu cao từ độ ấy bây giờ vẫn soi sáng cho thế giới.

Người khó tính có thể chỉ trích rằng bản tuyên ngôn nêu cao tự do và bình đẳng nhưng không tìm phương pháp đích xác để làm cho mọi người được bình đẳng và tự do; hơn nữa lúc nói đến quyền có tài sản, bản tuyên ngôn ấy còn dọn đường cho một sự áp chế khác, sự áp chế của giai cấp tư bản.

Nhưng không bao giờ nên lấy hiện tại làm căn cứ để mà chỉ trích quá khứ, muốn công bình cần phải nhìn vào thực tế hồi cuộc cách mệnh Pháp xảy ra. Vẫn hay rằng muốn cho được tự do hẳn, loài người cần phải thắng vạn vật, nghĩa là cần phải đến một trình độ khoa học khá cao, người ta có thể bắt máy móc làm việc thay mình được, và muốn cho có bình đẳng, phải mưu cách nào cho mọi người lúc vào cuộc đời đều ngang nhau, vẫn hay rằng cuộc đại cách mệnh Pháp không giải quyết đến triệt để hai vấn đề quan trọng ấy, nhưng hồi bấy giờ nhân loại chưa tiến bộ bằng bây giờ thì sự giải quyết triệt để ấy không thể có được.

***

Nhưng giải quyết chưa đến nơi đến chốn mặc lòng, nêu cao những lý tưởng bất diệt tự do, bình đẳng, dân chủ, bác ái, cuộc Đại cách mệnh Pháp cũng đã làm được một kỳ công, lưu cho hậu thế một sự vẻ vang bất hủ.

Bao nhiêu người có tinh thần dân chủ, bao nhiêu người bị áp chế, bao nhiêu người có lòng hào hiệp, nhân đạo đều phải đứng dậy, cung kính chào sự kỷ niệm ngày chiến thắng của cuộc Đại cách mệnh oanh liệt ấy.

Hoàng Đạo

Đỗ Thiên Thư st

Phụ Bản I

CÔNG THẦN HAY DANH SĨ

Ở vùng Đa Kao quận I TP. Hồ Chí Minh có một con đường tráng nhựa ngắn nhỏ, nối liền Q I với Q. Bình Thạnh, một đầu đường tiếp giáp với đường Đinh Tiên Hoàng, đầu kia giáp với Cầu Sắt Đa Kao(1) xuyên qua đường Mai Thị Lựu. Tuy là một con đường ngắn, không mấy rộng nhưng phố xá nơi đây mua bán cũng sầm uất, đặc biệt hơn, đường là một khúc nối giao thông quan trong, giải quyết được lưu lương xe cộ vốn càng ngày càng đông, tiếp sức cho quãng đường Đinh Tiên Hoàng qua Cầu Bông, nhứt là những giờ tan sở. Đó là đường Nguyễn Văn Giai mà đầu đường từ nhiều năm qua là nơi có quầy hàng chuyên bán dưa hấu vào dịp Tết Nguyên Đán, thu hút rất nhiều khách hàng từ các nơi đến. Tại TP. HCM có những con đường trùng tên nhưng khác quận, hoặc những con đường trùng tên một danh nhân, nhưng có nơi dùng tên thật và có nơi dùng biệt hiệu của danh nhân đó. Trùng tên và khác quận thì cũng chẳng sao, chỉ cần ghi địa chỉ quận rõ ràng, và tên thật hay biệt hiệu cũng chẳng thành vấn đề gì. Nhưng điều muốn nói ở đây là tên một con đường mà hai nhân vật lịch sử đều xứng tầm danh tiếng để đặt tên đường kỷ niệm lại cùng nằm trên một con đường đó, không biết là ai, nói rõ ra là… trùng tên. Theo lịch sử, Ông nguyễn Văn Giai là một công thần thời Lê Trung Hưng, người làng Phú Hựu, huyện Thiên Lộc, tỉnh Nghệ An, thuộc Trung phần Việt Nam – Ông đỗ Tiến sĩ đời Lê Thế Tôn (1573-1599) và được bổ làm Hiến Sát sứ Thanh Hóa. Năm Bính Thân (1596) khi Trịnh Tùng đã thu phục được thành Thăng Long rồi, họ Mạc cho người sang kêu với nhà Minh bảo rằng họ Trịnh nổi lên tranh ngôi chứ không có ý phò Lê. Minh đế cho người đến nước ta để xem xét việc ấy, Nguyễn Văn Giai cùng với quan Thượng thư Đỗ Uông được cử lên Nam quan tiếp sứ Tàu. Sau đó, vì có công đánh Mạc nên được thăng Thượng Thư Chưởng Lục Bộ sự kiêm Đô Sát Ngự Sử, gia hàm Thiếu phó, tước Lễ Quận Công. Dưới đời vua Lê Kính Tôn (1600-1619) niên hiệu Thuận Đức thứ nhứt (1600) ông theo Thanh quận công Trịnh Tráng đánh được Mạc Khánh Vương ở Thái Nguyên. Năm Vĩnh Tộ thứ nhứt đời vua Lê Thế Tôn (1619) sự việc dẹp loạn Trịnh Xuân nên được gia phong công thần và cho đến năm Mậu Thìn (1628) đời Vĩnh Tộ Lê Thần Tôn (1628) thì ông mất.

Và đây là Nguyễn Văn Giai tục gọi là Ba Giai, danh sĩ cuối đời Tự Đức, người làng Hồ Khẩu, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Hà Nội(2) nay thuộc huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông, Bắc Phần Việt Nam. Từ thuở nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, học giỏi, nhưng gặp thời loạn lạc, dân tình đói khổ lầm than, triều đình Huế thì nhu nhược, càng ngày càng bị người Pháp lấn lướt nên ông không thích khoa cử, chỉ sống cuộc đời phóng túng, lãng mạn. Trong tỉnh Hà Nội bấy giờ người ta khiếp sợ về những sự trêu cợt ngạo mạn của ông. Do đó có câu: Thứ nhất Ba Giai, thứ hai Tú Xuất. Ông cũng có tài làm thơ Nôm, Nguyễn Văn Giai là tác giả bài “Hà thành thất thủ chính khí ca” gồm 140 câu lục bát, có mục đích răn đời bằng cách nêu lên tấm gương sáng chói, của quan Tổng đốc Hoàng Diệu, bậc anh hùng đã tuẫn tiết theo thành Hà Nội, đối chiếu với tính cách đồi bại của đám quan lại Hà Nội thối lúc đó, trước nạn nước chỉ là phường tham sanh húy tử.

Hai nhân vật trùng tên trùng họ trên, một Trung một Bắc, một là công thần, một là danh sĩ, hai người đều xứng tầm công trạng và tài ba để được công chúng ngưỡng mộ, nhưng không biết cái tên kỷ niệm đặt trên con đường nêu trên là của vị nào.

PPT st và ghi

Chú thích:

(1) Cầu Sắt Đakao nay đã được thay thế bằng cầu bê tông

(2) Hà Nội ngày xưa là tỉnh

73 NĂM TRƯỚC

THẠCH LAM NÓI VỀ VẤN ĐỀ DỊCH VĂN

Cái ích lợi của sự dịch văn, và những tài liệu quý báu mà sự dịch văn ngoại quốc sẽ mang đến cho văn chương ta, ai ai cũng đều biết cả. Ai cũng cảm thấy cái cần phải dịch văn ngoại quốc, trong văn chương nước nhà đang mở mang. Vậy mà chúng ta thấy rõ ràng rằng những áng văn dịch vẫn không được hoan nghênh ở xứ này. Có nhiều độc giả hễ thấy văn dịch là không muốn xem, và bởi thế, nhiều báo chí không dám đăng luôn những bài văn đó.

Sự lãnh đạm ấy có thể cắt nghĩa được vì hai lẽ: lẽ thứ nhất, dịch văn nước ngoài – nhất là văn Pháp – là một công việc rất khó, ít người làm nổi. Những người chuyên dịch văn ở bên ta thường thường chỉ hiến độc giả những bản dịch sai lầm và không có giá trị mấy. Trong lúc dịch, những người đó đã để rơi ở dọc đường mất cả những cái tinh hoa của nguyên văn, và những công trình họ làm nên không còn gì quyến rũ người đọc nữa. Nhiều tác phẩm ngoại quốc rất hay trở nên những tác phẩm rất tầm thường ở tiếng ta, và những độc giả biết tiếng Pháp – rất nhiều – thích xem những tác phẩm đó ở nguyên văn hơn.

Lẽ thứ hai, sự chọn lựa những tác phẩm để dịch không được xác đáng. Những tác phẩm đáng dịch lại không dịch, chỉ đi dịch những tác phẩm nào mà người dịch xét ra có thể bán chạy được: sự tính toán về lợi lộc ấy dần dần làm giảm giá trị của những tác phẩm dịch đi. Một thí dụ: trong văn chương mới của Tàu tôi chắc không hiếm những tác phẩm hay và đặc sắc, vậy mà chúng ta chỉ được đọc vài quyển tiểu thuyết rỗng tuếch và ủy mị của Tử Trầm Á, hay vài cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp nhảm nhí. Người mình thích đọc văn Tàu, các nhà dịch văn lợi dụng lòng thích đó đã dịch bất cứ tác phẩm nào của Trung Quốc. Chúng ta không biết một chút gì về các tác phẩm của các nhà văn Tàu hiện giờ, hay của các nhà văn Nhật Bản.

***

Dịch văn căn cứ trước hết vào sự lựa chọn. Đó là một công việc chỉ thành tựu được khi nào làm theo một phương pháp nhất định, có quy củ hẳn hoi. Dịch lung tung, không có lựa chọn, cũng nguy hiểm như dịch liều. Phải dần dần ảnh hưởng người đọc khiến họ sẵn sàng đón tiếp và hiểu biết những tác phẩm dịch sau này. Có những tác phẩm của nước ngoài mà ta không có thể không bị trừng phạt khi đem ngay vào thư viện nước nhà. Có những tác phẩm dễ dàng dọn đường cho những tác phẩm khác, và chỉ một công việc định về lâu dài có thể thu gồm dịch được cả.

Có lẽ, những bản dịch cuốn Les trois Monsquetaires, hay Ngụ ngôn của La Fontaine, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh đã xuất bản, được người đọc hoan nghênh. Nhưng sau đó, còn có những tác phẩm Pháp nào dịch được chú ý nữa đâu? Cũng thế, bây giờ người đọc đã bắt đầu chán những tác phẩm dịch của Tàu: ta lấy làm ngạc nhiên rằng nhiều người còn vẫn cứ dịch những tiểu thuyết mà người Tàu dịch lại của Anh hay Mỹ, hoặc tự đặt ra mà chúng ta không biết.

Tôi đã có dịp nói đến những tác phẩm dịch của ông Nguyễn Giang, quản đốc tủ sách Âu tây tư tưởng. Ngoài cái lỗi dịch rất vội vàng và cẩu thả, không đúng nguyên văn, – ông Giang chắc chỉ sửa chữa qua những công việc của nhiều người khác – những tác phẩm tự chọn lựa đi quá cái trình độ thưởng thức – mà thưởng thức bằng tiếng quốc ngữ – của độc giả. Tủ sách Âu tây tư tưởng chỉ có thể và có ích lợi là một tủ sách bình dân và phổ thông, truyền bá bằng công việc dịch văn những tư tưởng của Âu tây, và đi dần từ chỗ dễ đến chỗ khó. Phải có một thời gian sửa soạn, và không phải ngay lần đầu mà khiến cho người ta hiểu được Racine, lại qua một bản dịch sai nhầm nữa!

Tôi muốn gọi tính thận trọng của người dịch văn. Người này phải hiểu rằng dịch sai hay nhầm, tức là phản hai lần: phản tác giả mà mình dịch tác phẩm, lại phản cả lòng tin của độc giả đối với tác phẩm ấy nữa. Chớ có ai tưởng rằng dịch văn là một công việc dễ dàng, và kẻ nào không đủ tư cách thà đừng dịch nữa còn hơn. Công việc dịch văn phải để dành riêng cho những người hiểu biết, học rộng cả ở tiếng ngoại quốc và tiếng nước nhà, những người coi công việc dịch văn không phải là một công việc thêm thắt và mua vui, mà chính là một công việc quan hệ, có ích lợi lớn cho văn chương; tóm lại, những người có lòng kính trọng cái của quý báu nhất trên đời: những tư tưởng của một nhà nghệ sĩ.

Thạch Lam

Hoàng Chúc st

Chào mừng 145 năm ngày ra đời của tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Định Báo ra đời ngày 15/4/1865), 85 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Triển lãm báo chí Việt Nam

1865 - 1954

Sáng 16/6, Tại Thư viện Hà Nội (37 Bà Triệu) đã triển lãm “Báo chí Việt Nam (1865-1954) – Quá trình hình thành và phát triển” do Diễn đàn Sachxua.net, Thư viện Hà Nội và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và các nhà sưu tập trên cả nước tổ chức, diễn ra từ ngày 16/6/2010 đến 20/6/2010.

Hơn 100 ấn phẩm quý hiếm, quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam đã được cất giữ và kỳ công tìm kiếm trong suốt những năm qua. Tại triển lãm, người xem có thể thấy những đầu báo như: Gia Định Báo, Hà Nội Tân Văn, Chơi Xuân, Nam Kỳ Tuần Báo, Ngày Nay, Tiểu Thuyết Thứ Hai, Văn Nghệ, Tiền Phong… cũng như hình ảnh, bút tích của một số nhà báo nổi tiếng như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Ngô Tất Tố…

Đây là triển lãm về báo chí quốc ngữ đầu tiên tại Hà Nội và là lần thứ 3 tại Việt Nam trong vòng 145 năm qua, kể từ khi tờ báo đầu tiên là Gia Định Báo ra đời (hai lần trước đều được tổ chức ở Sài Gòn).

Triển lãm công bố gần 150 bản gốc của các tờ báo quan trọng trong lịch sử báo chí Việt Nam từ 1865 đến 1954, nổi bật có Gia Định Báo, Đăng Cổ Tùng Báo, Nông Cổ Mín Đàm, Đông Dương Tạp chí, Nam Phong… Bên cạnh đó, triển lãm còn trưng bày các kỷ vật báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các nhà báoVũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng…

Nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân tham gia triển lãm cho biết: “Triển lãm này được thực hiện là do nỗ lực của một nhóm bạn trẻ chơi sách cũ, báo cũ đã tìm kiếm và tập hợp từ nhiều nguồn tư liệu ở nhiều nơi khác nhau, thậm chí là ở cả nước ngoài. Lịch sử báo chí không tách rời với quá trình phát triển báo chí từ xa xưa, cho nên những tờ báo được trưng bày hôm nay đều là những tờ báo được ra đời từ những năm 1865 đến 1954, nên triển lãm đã mang tên là Báo Xưa”.

Bà Ngô Thị Thanh Lịch, con gái của nhà văn Ngô Tất Tố cũng có mặt tại triển lãm để được nhìn lại những ấn phẩm báo chí đã từng là những người bạn cung cấp thông tin cho bà và gia đình trong suốt nửa cuộc đời, đồng thời được xem lại những tác phẩm mà cha bà đã ghi tên mình trên những tờ báo cách mạng của dân tộc. Bà Lịch đánh giá: “Báo chí của Việt nam đang lớn lên từng ngày với nhiều thể loại phong phú, nhiều tác phẩm báo chí hay đã đưa lại cho độc giả nhiều luồng thông tin bổ ích đóng góp vào quá trình xây dựng đất nước”.

Trong khuôn khổ cuộc triển lãm đã diễn ra cuộc tọa đàm “Quá trình phát triển báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865-1954” với sự tham gia của các nhà nghiên cứu nhằm đánh giá về vai trò của báo chí trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Diễn giả Đỗ Quang Hưng đã trình bày những vấn đề về báo quốc ngữ thời kỳ đầu cho tới thế kỷ 20. Diễn giả Yên Ba nhấn mạnh vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh với sự phát triển của báo quốc ngữ. Diễn giả Lại Nguyên Ân chỉ rõ báo quốc ngữ là một kênh đưa văn học tới toàn dân.

Diễn giả Dương Trung Quốc đã khái quát lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam, vai trò của báo chí trong tiến trình lịch sử của dân tộc và hiện trạng việc lưu trữ báo chí trước 1954 ở Việt Nam và trên thế giới.

Hai chủ đề chính của tọa đàm là vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh trong nền báo chí Việt Nam, qua 2 tờ báo quốc ngữ nổi bật nhất do ông làm chủ bút, cùng lý do báo chí có mặt ở miền Nam Việt Nam trước miền Bắc.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) phân tích: “Có thể nói rằng báo chí Việt Nam chui ra từ cái ống tay áo của chế độ thuộc địa. Tại sao lại xuất hiện trước ở Sài Gòn, ở Nam Kỳ? Cái ý của người Pháp khi ra tờ Gia Định Báo thì ai cũng biết. Trước đó họ cho ra những tờ báo tiếng Pháp, nhưng về sau ra báo tiếng Việt. Đó là một quy luật, ở Bắc Kỳ cũng vậy. Sự xuất hiện của tờ Đăng Cổ Tùng Báo do Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút đánh dấu thời điểm báo chí ra Bắc. Đến lúc đó nghề làm báo mới thực sự xuất hiện trên cả nước”.

Ông cũng phân tích: Báo chí Bắc Kỳ phát triển sau nhưng rất bài bản và cực kỳ nhanh. Sự đóng góp bài vở của hàng loạt các danh sĩ xứ Bắc như Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Vũ Đình Hòe, Ngô Tử Hạ… đã làm cho báo chí có hơi thở của cuộc sống, dân tình – điều mà báo chí Nam Kỳ bị thực dân Pháp kiểm duyệt gắt gao không làm được.

Giai đoạn 1907 - 1918 báo chữ quốc ngữ ngày càng tăng lên, đỉnh điểm là sự ra đời của Đông Dương Tạp Chí (1913 – 1916) mà chủ bút là học giả lỗi lạc Nguyễn Văn Vĩnh.

“Báo chí tuy thoát thai từ sự thống trị của thực dân Pháp nhưng người Việt Nam có ý thức làm chủ nội dung tờ báo tương đối sớm. Những năm 1925 - 1930, báo chí Việt Nam đã cân bằng được 50% ngôn ngữ tiếng Pháp, 50% là chữ quốc ngữ”

Về lý do báo chí ra Bắc khá muộn, sau miền Nam khoảng 40 năm, GS Đỗ Quang Hưng cho rằng vì ở miền Bắc trước đó không có nghề in. Còn nhà báo Yên Ba bổ sung một lý do khác là chế độ chính trị khác nhau ở 3 miền vào thời điểm đó. Ở Nam Kỳ theo chế độ trực trị, thực dân Pháp sử dụng báo chí để cai trị, tiêu biểu là tờ Gia Định Báo.

Theo các diễn giả, miền Nam là cái nôi đầu tiên, cái nôi thực sự của báo chí Việt Nam. Còn báo chí miền Bắc ra đời muộn nhưng có bổ sung, phát triển rất nhanh và đã trở thành một trong những trung tâm báo chí lớn nhất của cả nước.

Hai tờ báo quan trọng trong sự nghiệp làm báo của Nguyễn Văn Vĩnh nói riêng và nền báo chí Việt Nam nói chung được trưng bày tại triển lãm lần này là Đăng Cổ Tùng BáoĐông Dương Tạp Chí. Cả hai tờ đều do nhà in ấn người Pháp Henry Schneider sáng lập, nhưng gắn liền với tên tuổi của Nguyễn Văn Vĩnh.

Đăng Cổ Tùng Báo , hay còn có tên cũ là Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, là sự tiếp nối của tờ Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (1892 - 1893). Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút trong phần lớn thời gian tồn tại của tờ báo từ tháng 3 đến tháng 11/1907.

Đăng Cổ Tùng Báo là một dấu ấn đáng chú ý của xứ Bắc, về cả ý nghĩa chính trị xã hội vì nó gắn với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và ý nghĩa văn hóa, báo chí”, GS Đỗ Quang Hưng nhận xét: “Tên tờ báo có nghĩa là tiếng trống, xét riêng về mặt ngôn ngữ thì đã có bước tiến rất lớn. Tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh đảm nhận phần tiếng Việt, rất tuyệt vời. Tiếc là tờ báo này cũng chỉ sống được một quãng thời gian ngắn vì số phận của nó gắn với Đông Kinh Nghĩa Thục”.

Tờ Đông Dương Tạp Chí, ra đời năm 1913, là phiên bản phía Bắc của tờ Lục Tỉnh Tân Văn. Theo nhà báo Yên Ba (báo Quân đội Nhân dân), đây được xem là tờ báo văn học đầu tiên của Việt Nam. Trong vai trò là chủ bút của Đông Dương Tạp Chí, Nguyễn Văn Vĩnh đã tập trung được rất nhiều nhân tài về làm việc, cộng tác, trong đó có Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Đào Nguyên Phổ và cả Phạm Quỳnh (một thời gian ngắn).

GS. Đỗ Quang Hưng cũng nhận xét: “Đỉnh cao của chữ quốc ngữ không gì khác chính là tờ Đông Dương Tạp Chí. Báo làm nhiệm vụ dạy chữ quốc ngữ cho người dân, hoàn thiện văn phạm và hệ thống chữ quốc ngữ, bên cạnh việc thực hiện chức năng báo chí rất hay”.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cũng khẳng định: “Chúng ta đã biến công cụ cai trị của thực dân thành lợi khí mở mang dân trí người Việt Nam”.

Nhà báo Yên Ba diễn thuyết chủ đề: “Nguyễn Văn Vĩnh với sự phát triển của báo chí quốc ngữ”.

Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những nhà báo lớn đầu tiên ở miền Bắc thế kỷ XX bên cạnh một Trương Vĩnh Ký đã quá nổi tiếng những thập niên cuối thế kỷ XIX ở miền Nam. Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh chính thức làm chủ bút tờ báo quốc ngữ “Đăng Cổ Tùng Báo” tiếp nhận từ ông Schneider. Schneider muốn tuyên truyền tư tưởng “Pháp - Việt đuề huề” bằng chữ quốc ngữ nên tờ báo đã ra đời.

Nguyễn Văn Vĩnh cho ra đời nhiều chuyên mục, mục đáng đọc như mục “Xét tật mình” để nói về thói hư tật xấu của người Việt. Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng: phải biết cái tật của mình mới làm mình mạnh lên được. Hoặc ông đứng mục “Nhời đàn bà” với nội dung rất phong phú từ chuyện đàn ông, đàn bà, vợ chồng, trinh tiết, con cái. Bên cạnh đó có những phóng sự đặc sắc. Theo nhà báo Yên Ba thì Nguyễn Văn Vĩnh đã đặt nền móng cho sự ra đời của thể loại phóng sự mà sau này đã được các nhà văn nổi tiếng sử dụng thành công, Vũ Trọng Phụng là một điển hình.

Nguyễn Văn Vĩnh là người có công dùng báo chí để quảng bá cho chữ quốc ngữ. Ông từng nói: “Nước Nam ta sau này hay hay dở là dựa vào chữ quốc ngữ”.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân tham luận với chủ đề “Báo quốc ngữ, một kênh đưa văn học tới toàn dân”. Theo ông thì những tờ báo như Đông Dương Tạp Chí, Hà Nội Tân Văn… là những tờ báo đăng rất nhiều tác phẩm văn học nhỏ lẻ hoặc những tác phẩm dài nhưng được chia nhỏ đăng đều đặn đã giúp cho việc đưa văn học tới toàn dân.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nói về: “Lịch sử hình thành và phát triển báo chí Việt Nam; hiện trạng việc lưu trữ báo chí trước 1945 ở Việt Nam và trên thế giới”, cho rằng: “Mỗi nhà báo đồng thời là nhà sử học" để ghi chép, bình luận thời cuộc làm tư liệu cho thế hệ mai sau…

Dù “Mở lại” những trang báo xưa chỉ là một cảm giác tưởng tượng, công chúng tại Hà Nội vẫn có được những trải nghiệm thú vị và quý giá

Ðiều đáng giá của triển lãm này với người xem không phải chỉ là được thấy tận mắt những trang báo nổi danh theo từng giai đoạn, mà còn hình dung được một tiến trình phát triển của báo chí gắn với những biến đổi của bối cảnh văn hóa xã hội.

Chẳng hạn, có thể thấy từ tờ báo quốc ngữ đầu tiên (Gia Ðịnh Báo) ra đời năm 1865 đến năm 1931, những tờ nổi tiếng như Gia Ðịnh Báo, Ðăng Cổ Tùng Báo, Ðông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn, Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn, Tân Á Tạp Chí... vẫn còn đếm được trên đầu ngón tay thì từ những năm 1932 đến trước 1945 đã hình thành một đời sống báo chí sôi động, đánh dấu những chuyển động mạnh mẽ về văn học và tư tưởng, nơi lưu trữ nhiều kiệt tác văn học, nhiều tranh luận học thuật và văn chương của những nhà văn hóa tiên phong (An Nam Tạp Chí, Văn Học Tạp Chí, Phụ Nữ Tân Tiến, Phong Hóa, Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Mai, Ngày Nay...).

Những tờ báo hướng tới độc giả chuyên biệt là phụ nữ, trẻ em, hay những báo ngành nghề như Người Săn Bắn Ðông Dương, Nghề Ruộng... cũng đem lại hình dung thú vị về một thời báo chí đã qua.

Những gợi mở của triển lãm này có lẽ sẽ đặc biệt hữu ích với người nghiên cứu văn chương và nghiên cứu quốc ngữ. Ý thức về quốc ngữ cũng chính là ý thức dân tộc, trước những ngã ba đường.

Báo chí - tiếng nói của công luận, của cộng đồng (chứ không hiện diện với tư cách cá nhân như văn chương) - rõ ràng chính là không gian sống động nhất của ngôn ngữ, do đó cũng chính là không gian có thể đặt ra những vấn đề về quốc ngữ. Những cuộc tranh luận về viết tiếng Việt, chữ Việt, giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt hiện nay vẫn là đề tài thường trực trên các báo.

Vấn đề báo chí quốc ngữ như một kênh đưa văn học tới toàn dân mà nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đặt ra tại buổi tọa đàm “Quá trình phát triển báo chí quốc ngữ giai đoạn 1865-1954” cũng là một mảng đất màu mỡ cho nghiên cứu văn chương Việt Nam. Sự tồn tại các tờ báo của các nhóm chủ trương khác nhau lúc ấy đã kích thích mạnh mẽ sự hình thành và phát triển của văn học - một điều khác biệt lớn với báo chí hiện nay. Ngay các báo văn chương ngày nay cũng không có được những sinh hoạt tích cực và thu hút sự quan tâm của công luận đến thế.

Trước những trang báo đã ngả ố, những trang báo mà hầu hết chỉ còn được điểm tên trong các bài viết về lịch sử báo chí, người ta bỗng vỡ lẽ: hóa ra cái tờ báo chứa thông - tin - nhật - dụng tưởng vô ích ngay sau khi đọc xong lại là nơi lưu giữ những chứng tích văn hóa, lưu giữ tiếng nói, chữ viết và cả đời sống tinh thần của một thời đã qua mà không thể không liên đới đến cái hôm nay...

Mạnh Đoàn tổng hợp từ Internet

Những mối nhân duyên lạ kỳ

trong thế giới báo cổ

Sở hữu những lô báo cổ là ước mơ của rất nhiều nhiều người mê sách, báo. Thế nhưng, ngoài việc có tiền, để sở hữu chúng các nhà sưu tầm còn phải có những mối nhân duyên “trời định”.

Có nhà sưu tầm từng đặt giá cho tờ Gia Định báo số 1(1865) món tiền tương đương cả tòa nhà, hay hành trình của lô báo quý hiếm phải nhọc công đeo đuổi nhưng cuối cùng người ta đành ngậm ngùi nhìn nó thuộc về kẻ khác…

Những tờ báo đã “tuyệt tích giang hồ”

Sách có thể tái bản nhưng báo thì không, việc sưu tầm báo cổ còn khó hơn sách cổ rất nhiều lần. Bởi, mấy ai có đủ bộ vài chục số báo để lưu giữ. Hơn nữa, báo in thường khổ to và chất lượng giấy không đồng đều nên muốn bảo quản chúng hàng trăm năm quả thực nan giải.

Vì lẽ đó, ngày nay có những tờ báo chỉ còn tồn tại trong những cuốn lịch sử báo chí. Chúng đã “tuyệt tích giang hồ” từ lâu, ví dụ như Phan Yên báo - tờ báo thứ hai viết bằng chữ Quốc ngữ ra đời sau Gia Định Báo (1865) của Trương Vĩnh Ký.

Nhà báo Yên Ba - một “trùm” sưu tầm sách, báo cổ cho rằng: “Để có được tờ báo cách đây hàng trăm năm là cực kỳ khó. Do khí hậu ẩm, do chiến tranh loạn lạc, do công tác lưu trữ tư liệu báo chí ở ta rất kém... nên việc có được toàn bộ tư liệu báo chí từ trước đến nay tôi nghĩ hầu như là không thể.”

Cách bảo quản những “cụ báo" mỏng manh này không có gì quá đặc biệt. Dân sưu tầm sách thường dùng các loại hóa chất hay hạt tiêu xay để chống khuẩn. Tuy nhiên, chất lượng đảm bảo cũng chỉ ở mức độ tương đối.

“Vì chỉ là tư nhân nên hầu như không ai có điều kiện để có thể gắn một phòng máy lạnh liên tục 24/24 giờ như nhà nước,” anh Hoàng Minh – thành viên gạo cội của diễn đàn sachxua.net cho biết.

Cuộc “giác ngộ” muộn màng…

Vì khó bảo quản nên giờ đây biết bao người đành “lực bất tòng tâm” sau hàng chục năm trời tìm kiếm một tờ báo cổ như Gia Định Báo.

“Trước đây, ở Hà Nội, có nhà sưu tầm sách nổi tiếng có một tờ Gia Định Báo năm 1890, do nhân duyên ông này đã tặng lại cho một thành viên trên diễn đàn sachxua.net. Thế rồi tờ báo đó đã trở thành vật trao đổi với một người trong Sài Gòn, người này sau đó bán lại cho lái sách.

Cuối cùng nó rơi vào tay một Việt kiều với giá 1000 USD. Hiện, tờ báo đang “chu du” ở tận California (Mỹ) và chúng tôi không làm cách nào để có được. Chúng tôi đã truy tìm tung tích của một tờ báo như vậy đó”, nhà báo Yên Ba chia sẻ.

Với các nhà sưu tầm, để sở hữu một ấn phẩm quý hiếm, có giá trị họ phải “trả giá” bằng rất nhiều thời gian, tâm huyết, tiền bạc… Và, chặng đường để tìm ra chúng với một ai đó đôi khi giống như một cuộc chinh phục.

Song, không phải ai trong số họ cũng đủ vốn liếng hiểu biết để nhận thức và thẩm định được giá trị của những món đồ… xa xỉ có hàm lượng tri thức cao như thế. Trường hợp anh Trịnh Hùng Cường ở Bắc Ninh – một kỹ sư điện trót đam mê sưu tầm sách và có kho báo cổ khá đồ sộ với khoảng hơn 20 đầu báo là ví dụ.

Anh Cường chính là nhân vật trong câu chuyện của nhà báo Yên Ba vừa kể trên. Do ban đầu bản thân anh cũng không hề biết mình được tặng một vật quý mà biết bao nhà sưu tầm thèm muốn nên đã hồn nhiên mang nó đi trao đổi lấy một thứ khác anh đang cần lúc đó. Về sau, được anh em trên diễn đàn “giác ngộ” thì sự việc đã quá muộn.

Anh chàng có "nickname" Thị Nở trên diễn đàn sachxua.net này ngượng ngùng phân trần: “Cũng là do gout đánh giá của mình. Hồi mới đầu được tặng, mình cũng không nghĩ nó lại quý hiếm và giá trị đến thế”.

“Ve chai” truy tìm lô… báo cổ.

Còn câu chuyện của anh chàng tự nhận mình là “ve chai” Hoàng Minh lại khác. Anh hiện đang sở hữu khoảng trên 30 đầu báo quý hiếm như Nam Phong, Đông Dương Tạp Chí, Tri Tân, Phong Hóa, Hà Nội Tân Văn, Tiểu Thuyết Thứ Bảy… nhưng đến giờ anh Minh vẫn ấm ức vì đã để vuột mất bộ tuần báo Ngày Nay (1936).

Ngày Nay là tờ báo rất đặc biệt, ở chỗ mỗi trang bìa là một tác phẩm nghệ thuật của Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Đình Lộc… Có những người sẵn sàng chỉ mua một tờ bìa đó với giá 1 triệu đồng, vì họ xác định mua tranh chứ không phải tờ báo.

Giọng như vẫn còn tiếc nuối, anh Minh kể: “Hàng tuần, tôi đều ghé một hàng sách cũ theo thói quen, nhưng đúng cái tuần tôi không đến thì người ta bán mất nguyên bộ báo Ngày Nay. Cậu ta mua của một chị “đồng nát” với giá 100.000 đồng và bán lại cho khách giá 1,8 triệu đồng”.

Thế rồi, anh “ve chai” đã vội vã tìm đến nhà vị khách hỏi mua lại nhưng “phẫn nộ” khi nghe họ phát giá 13 triệu đồng. Về nhà, anh cứ trằn trọc và bị ám ảnh bởi lô báo quý nên vài ngày sau quay lại, tiếc rằng “giá đặc biệt” chỗ quen biết sau một hồi thương lượng nay đã là… 25 triệu đồng.

Minh ngần ngừ tạm gác vụ đó thì chỉ một tuần sau nó đã được “hét” lên 40 triệu và nhanh chóng thuộc về chủ nhân mới.

Hoàng Minh cho biết: “Đến thời điểm này, nguyên bộ báo nổi tiếng như thế mà giá 40 triệu thì vẫn chưa là gì cả”, và hóm hỉnh: “Với các đại gia, họ không biết về giá trị đó chứ nếu không 40 triệu chỉ là cái… búng tay”.

Nghe thành viên “giấy gói xôi” của sachxua.net trình bày… sự vụ, nhà báo Yên Ba cũng chia sẻ: “Đó là đường đi của một lô báo, từ 100.000 đồng lên tới 40 triệu đồng. Và nếu lọt ra tới nước ngoài có khi nó sẵn sàng “quất” mình 10.000 đôla ấy chứ.”

Thế mới hay, không phải cứ may mắn gặp được báo quý là có thể sở hữu nó. Bởi rằng, không phải nhà sưu tầm nào cũng là... đại gia. Vì thế, đứng trước tờ báo quý dù có... thèm muốn đến mấy họ cũng phải “hoãn cái sự sung sướng” mà nắn lại hầu bao xem có đủ lực để chi mạnh tay không. Vì vậy, không ít người đã lâm vào tình cảnh như “ve chai” Hoàng Minh, để vuột mất cơ hội rồi bây giờ ngồi nghĩ lại mà tiếc

Gia Định Báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên của nước ta (xuất bản năm 1865 tại Sài Gòn) và Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo (xuất bản năm 1907) - tờ báo đầu tiên của Bắc kỳ, được trưng bày trong triển lãm khiến nhiều nhà sưu tầm không khỏi ngạc nhiên. Nhà sưu tầm Hoàng Minh, thành viên diễn đàn Sachxua.net, cho biết: “Từ 15 năm nay, tôi đi tìm nhưng không thấy tờ Gia Định Báo bao giờ. Còn Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo, về mặt tư liệu cực kỳ quý hiếm. Tôi được biết hiện chỉ còn Viện Sử Học lưu giữ”.

Hoàng Minh st từ Internet

TIẾNG VIỆT BỊ LÀM CHO KHÓ HIỂU

Hằng ngày đọc báo, nghe đài, xem TV tôi phát hiện có nhiều từ ngữ tiếng Việt vừa xa lạ vừa khó hiểu. Những từ tiếng Việt dùng để dịch từ tiếng Anh cũng không chính xác nếu không nói là dịch sai.

Bắt đầu bằng nhóm từ “Song song đó”. Nhóm từ này thường được dùng để chỉ một sự việc đi cùng với một sự việc khác. Cặp từ “song song” phải đi “với” một sự việc gì khác. Người ta thường nói “Song song với việc sử dụng…” chứ bắt đầu câu bằng nhóm từ “Song song đó,” thì không đúng ngữ pháp tiếng Việt.

Xem tường thuật bóng đá, tôi thường nghe ông bình luận viên trên đài truyền hình hay nói “bị phạm lỗi”. Tôi nghe thấy có một cái gì đó lạ lẫm. Động từ “phạm lỗi” là một “nội động từ”, không cần có túc từ trực tiếp, như vậy không thể đổi sang thể bị động (passive form). Tại sao không nói bị chèn hay bị lấn trái phép? Ông bình luận viên này hình như muốn chế ra một thứ tiếng Việt mới.

Gần đây, những cụm từ ngữ như “yên ắng”, “ồn ả”, “thi thoảng” xuất hiện rải rác trên các báo chí, tạp chí nhưng người viết không tìm thấy trên các từ điển tiếng Việt. Đọc những lọai sách báo đầu thế kỷ trước và trước năm 1975, chúng tôi không hề thấy những cụm từ ngữ này. Những từ ngữ này khi đọc lên không thấy gợi lên một hình tượng, một âm thanh. Nếu nói “ầm ĩ” hay “ồn ào” thì rõ ràng thấy toát lên được cảnh náo nhiệt với những tiếng ồn, bát nháo, hỗn loạn, chứ nói “ồn ả” thì quả thật không hình dung ra cái gì cả.

Trên các thiệp cưới thỉnh thoảng (hay là thi thoảng??) thấy xuất hiện từ ngữ “út nam”, “út nữ” để chỉ cô con gái út hay cậu con trai út trong nhà sắp thành hôn. Từ “út” là tiếng nôm, “nam” hay nữ là tiếng Hán Việt. Hai từ ngữ này ráp lại nghe không ổn chút nào. Tại sao không gọi là “út trai” hay “út gái”? Còn muốn dùng chữ Hán việt thì cứ viết là “thứ nam” hay “thứ nữ”. Không việc gì phải đưa từ ngữ “út” vào làm cho người đọc có cảm tưởng tác giả tấm thiệp hồng đó hơi bị sính nói chữ.

Một trường hợp cũng trên thiệp hồng ghi “Quyền huynh thế phụ, Ông bà…” Đây là trường hợp cha mẹ đã qua đời ông anh làm lễ cưới cho cậu em hay một cô em trong nhà. Đâu cần thiết phải để câu “quyền huynh thế phụ” cho nó kêu “ồn ả” như vậy?

Đây cũng là một trường hợp thích nói chữ.

Một cách nói khác cũng thường nghe trên các đài truyền thanh, truyền hình, đó là “sớm đến mức có thể. (chấm câu)”. Đây không phải là một câu tiếng Việt truyền thống mà là bị lai căng, dịch từ tiếng nước ngoài đại lọai như trong tiếng Pháp có câu “le plus tôt possible”, hoặc câu tiếng Anh “as soon as possible”. Tôi biết trong ngữ pháp tiếng Việt không có mẫu câu theo kiểu này.

Tương tự như câu lai căng ở trên, câu nói sau đây “nó nhỏ quá để đi học. (chấm)” thường nghe trong những bài thuyết minh phim hay phụ đề Việt ngữ. Chúng ta hiểu như thế nào câu nói này. Có thể hiểu là đứa nhỏ vẫn đi học nhưng tuổi nó còn quá nhỏ, hay hiểu thế nào đây. Câu tiếng Anh “He is too young to go to school” có nghĩa là nó nhỏ quá không đi học được.

Một trường hợp dùng tiếng Việt diễn tả sai ý nghĩa câu nói tiếng nước ngoài. Trường hợp này thường thấy khi xem phim có phụ đề Việt ngữ. Cô thư ký trả lời điện thọai cho biết Ông Giám Đốc đi vắng: “I’m afraid, he’s not in”. Phụ đề Việt ngữ ghi: “Tôi e rằng, Ông Giám Đốc đi vắng”, Câu phụ đề sai. Cô thư ký biết rất rõ ông Giám đốc đi vắng, sao câu phụ đề ghi là “Tôi e rằng…”? Người dịch không biết câu “I’m afraid” trong trường hợp này có nghĩa là “I’m sorry”. Đúng ra phụ đề phải ghi là “Tôi rất tiếc, …”.

Cũng trên một phim Mỹ, một câu phụ đề Việt ngữ ghi: “Cô đưa tôi hồ sơ Sierra Tháng mười một 706 để tôi đi họp”. Không ai hiểu được hồ sơ gì vừa có tiếng Anh vừa có Tháng mười một trong đó. Hóa ra câu tiếng Anh, tên hồ sơ đó là “Sierra November 706”. Đúng ra phải dịch là hồ sơ “SN706”. Hai từ Sierra November không có nghĩa gì cả mà là mật mã của hai chữ cái S và N, xuất phát từ trong quân đội, sau này khá phổ biến trong dân chúng.

Dương Lêh (2009)

Phụ Bản II

MẮT ANH

Em chẳng thương gì, thương mắt anh

Mắt như dòng suối biếc long lanh

Rót bao nhiêu mát khi em nóng

Ánh mắt duềnh lên bao sóng xanh.

Em chẳng nhớ gì, nhớ mắt anh

Những khi xa vắng, giận không đành

Lòng nghe tha thiết niềm lưu luyến

Thầm nghĩ rằng anh cũng nhớ mình.

Em chẳng giận gì, giận mắt anh

Nhìn chi sâu tận đáy tâm linh

Buồn vui, dỗi tức, anh đều thấu

Giấu bóng, không sao giấu được hình.

Em chẳng thích gì, thích mắt anh

Mắt cười ngạo nghễ với hư danh

Mắt trừng như lửa thiêu quân giặc

Mắt mãi kiên cường, chấp tử sanh.

Em chẳng yêu gì, yêu mắt anh

Mắt luôn đắm đuối rót trong lành

Chao ôi! Em ngộp trong xao xuyến

Muốn vuốt ve luôn ánh mắt tình.

Xuân Vân

Giã biệt

Người là trăng, là sao, là bến lạ,

Khách dừng chân tìm đón áng mây ngàn

Cơn dông chiều, tím vần thơ băng giá

Dong ruỗi làm gì chuyện đời hồng hoang.

****

Ý thức nào đây, phủi tay từ biệt

Thôi thì thôi không day dứt ánh sao khuya

Nắng chỉ vấn vương người theo cơn mải miết

Xoa dịu từng lời ân ái ngày xưa.

****

Chỉ có chiếc lá trôi hoài vào bóng tối

Không gian nào mời gọi chuyện buổi trưa

Có ai đưa người vào khỏang trời lầy lội

Từng giọt thu buồn, cơn gió rít trong mưa

***

Vội gì em đừng buông lời từ giã

Nhật ký ngày xưa mình hẹn ước vẫn còn

Tâm tình còn nguyên những dòng sắt đá

Nhớ thương nhiều rồi đành trả lại nguồn cơn.

Dương Lêh (2009)

Em có biết

Em có biết em là nguồn ánh sáng,

Là niềm vui sưởi ấm quả tim anh

Nhưng cũng là nỗi đau ngày mỗi lớn

Đang dần mòn giết chết cuộc đời anh?!

Hãy liệu đấy, ngay sau khi anh chết

Trên thân hình thần Vệ Nữ của em

Tai bên trái, miệng và ba nơi khác

Anh sẽ làm thành căn hộ 5 phòng!

Và rồi thì anh sẽ về âm phủ,

Làm thủ thư, trong thời khắc đợi chờ

Năm 2062 rồi sẽ đến

Sớm muộn rồi ta lại gặp nhau thôi.

Vũ Anh Tuấn

SAIS-TU ?

Sais-tu que tu es la lumière illuminant mes jours?

Sais-tu que tu es la joie qui rechauffe mon coeur?

Mais sais-tu que tu es aussi le GRAND MAL qui

me tue à petit feu?

Mais fais bien attention, le jour où je mourrai,

mon âme ira aussitôt vivre en toi même!

Je te transformerai en un appartement à 5 pièces.

L’une sur ton oreille gauche,

une autre sur ta bouche et les trois restantes

sur trois autres parties de ton corps de déesse

Et je descendrai en enfer pour travailler comme bibliothécaire

Et j’attendrai ta venue, je t’attendrai!

Tôt ou tard, l’an deux mille soixante-deux arrivera.

Vũ Anh Tuấn

Câm nín

           trọn đời

Đời còn nguyên nét dễ thương

Rèm mi ủ mộng thiên đường tình yêu

Cám ơn lá đổ muôn chiều

Tạo nên dáng dấp quạnh hiu lắng trầm

Đời còn ánh mắt tri âm

Bờ môi khả ái lặng thầm trao duyên

Mười phương mỏi cánh chim uyên

Ngẩn ngơ, phiêu bạt, xô nghiêng mộng đầu

Cõi trần ai biết nông sâu

Vườn thơ hạ giới ngậm sầu mông mênh

Cám ơn cơn gió chông chênh

Đưa thuyền vượt thác băng ghềnh bình yên

Đời còn bí ẩn tịch nhiên

Như là phép lạ ước nguyền có nhau

Từ ngàn xưa đến ngàn sau

Giấc mơ diễm tuyệt vẫn đau đớn nhiều

Bỗng dưng đợt sóng thủy triều

Đập tan viễn ảnh cợt trêu phận mình

Đêm đen xóa ánh bình minh

Con tim hóa đá – lặng thinh trọn đời.

Ngàn Phương

MẸ ĐẤT

Cha trời, Mẹ đất, con người

Thương con cha mẹ suốt đời chở che

“Ở đời này không ai tốt bằng mẹ

Vất vả nuôi con không ai cực bằng cha”.

Trải bao dầu dãi phong ba

Con được hạnh phúc ấy là niềm vui

Bão táp mưa sa xoáy lốc dập vùi

Vì các con mẹ gồng mình chịu đựng

Bao công trình, kỳ quan xây dựng

Minh chứng văn minh, văn hóa con ngưới

Khoa học cao siêu tàu vũ trụ ra đời

Bay vút lên trời thăm các vì sao

Con giỏi giang mẹ kiêu hãnh tự hào.

Cuộc sống diệu kỳ còn biết bao bí mật

Con đâu biết mỗi khi động đất

Mẹ đảo chao rúng động cõi lòng

Dành con nơi tốt nhât con có biết không?

Hai đầu cực quanh năm mùa đông băng giá

Đất nhiều vùng cát khô, họa tai ngầm chứa

Bụng quặn đau vì vành đai núi lửa…

Vẫn chưa hết, còn bao điều khổ nữa

Mẹ âm thầm dung chứa mọi tai ương

Ngày ngày xảy ra bao sự cố khôn lường

Không hiểu sao cứ nhằm ta thử thách

Biết bao những trận mưa thiên thạch

Bao nghịch cảnh các con đã gây ra…

Con có thâu lòng mẹ đau tan nát

Mái tóc xanh giờ đây xơ xác

Đua nhau đào bới, khoan sâu khai thác

Ô nhiễm biển sông, ô nhiễm môi trường

Thật nghiêm trọng nhưng các con vẫn coi thường

Xả CO2 gây hiệu ứng nhà kính

Chọc thủng tần ô-zôn khiến nhiệt độ gia tăng

Rồi còn đánh nhau bằng hóa học, hạt nhân

Bao cực khổ làm sao kể siết

Ố Sức mẹ đã dần cạn kiệt.

Cái quý nhất đều dành cho con tất cả

Chợt mẹ thấy một điều hơi lạ

Có bao giờ lo sức khỏe của mẹ không?

Bởi các con suy nghĩ cạn nông

Giá đất càng tăng thì tình người càng xuống

Mưu lợi trước mắt quên tìm hướng bền lâu

Nhìn các con lòng mẹ buồn rầu

Mẹ chết rồi các con biết về đâu?

Lê Minh Chử

Mộng khói bay

Đời mỏng manh đất quá dầy

Bốn phương trời rộng bốn phương mây

Nợ nần thế sự duyên đành trả

Vốn liếng giang hồ nghiệp lỡ vay

Đâu biết nụ cười vui chốc lát

Mà đem nước mắt khóc bao ngày

Rũ tàn điếu thuốc quanh đầu bút

Thơ cạn lời theo mộng khói bay.

TLV

TRUYỆN KIỀU

(2649-2738)

Giác Duyên từ tiết giã nàng

2650 Đeo bầu quảy níp, rộng đường vân du

Gặp bà Tam Hợp đạo cô,

Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng

“Người sao hiếu nghĩa đủ đường

“Kiếp sao rặt những đoạn trường thế thôi?”

2655 Sư rằng: “Phúc họa đạo Trời,

“Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra

“Có trời mà cũng có ta,

“Tu là cõi phúc, tình là dây oan

“Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan

2660 “Vô duyên là phận hồng nhan đã đành

“Lại mang lấy một chữ tình

“Khư khư mình buộc lấy mình vào trong.

After taking leave of Kiều, Giác Duyên resumed her voyage,

With a gourd of water, a bag on shoulder, on her pilgrimage,

She met nun Tam Hợp again and one leisure day,

Bringing back the case of Kiều, she had some queries to say:

“I wonder why a girl of virtue like her had to suffer

“So many unjust and heart-breaking things. How bitter!”

“Happiness or misfortune, it’s Heaven’s proceeding”,

Replied the nun, “but its root lies in our heart, our way of thinking

“It’s not only Heaven, but also ourselves, our heart is our own,

“Renunciation yields happiness, love – a chain of unjust sorrows!

“Thúy Kiều is a clever girl, wise and witty

“With her rosy-cheeked destiny, how could she be lucky?

“Moreover, she had a passionate love that never ceased in her

“She herself got tied to it, everyday tighter and tighter

“Vậy nên những chốn thong dong

“Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng

2665 “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường

“Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi

“Hết nạn ấy đến nạn kia

“Thanh lâu hai lượt thanh y hai lần

“Trong vòng giáo dựng gươm trần

2670 “Kề lưng hùm sói, gửi thân tôi đòi

“Giữa dòng nước dẫy sóng dồi,

“Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh.

“Oan kia theo mãi với tình,

“Một mình mình biết một mình mình hay.

2675 “Làm cho sống đọa thác đầy,

“Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!”

Giác Duyên nghe nói rụng rời:

“Một đời nàng nhé! Thương ôi còn gì?”

“That is why in comfortable and peaceful places,

“She couldn’t stay still for some time nor feel at ease

“It seemed as though evils and demons always led her

“To find places full of miseries and dangers

“Then calamities and disasters came successively

“Twice in green house, twice in blue blouse of slavery

“Once, among upright spears and bare swords amid danger,

“As a slave, she had to live beside wolves and tigers.

"Quite desperate, she’ll throw herself down a long river

“But there’ll be no shark to make a prey in calm water

“So the unjust sufferings will keep following the poor girl,

“Without anyone knowing, until one day it is heard

“Throughout her life grief would never release her until death,

“Only then can her heart-broken days cease with her breath!”

Giác Duyên got frightened as she listened to the prophetess,

“What a life!”, she cried, “Anything’ll remain? It’s hopeless!”

Sư rằng: “Song chẳng hề chi,

2680 “Nghiệp duyên cân lại nhắc đi còn nhiều.

“Xét trong tội nghiệp Thúy Kiều,

“Mắc điều tình ái, khỏi điều tà dâm,

“Lấy tình thâm trả nghĩa thâm,

“Bán mình đã động hiếu tâm đến Trời.

2685 “Hại một người cứu một người,

“Biết đường khinh trọng biết lời phải chăng.

“Thửa công đức ấy ai bằng,

“Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi.

“Khi nên trời cũng chiều người,

2690 “Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau.

“Giác Duyên dù nhớ nghĩa nhau

“Tiền Đường thả một bè lau rước người

“Trước sau cho vẹn một lời

“Duyên ta mà cũng phúc Trời chi không!”

“But don’t worry!”, said the prophetess, “things are not always alike.

“Good and bad acts should be put on scale many times

“As far as Kiều’s behavior is concerned, one must confirm:

“Despite her passionate love, she is not a lustful girl

“She has sacrificed her deep love to pay her filial duty,

“Her act of selling herself has moved Heaven’s mercy

“Causing the death to one man, she can survive thousands of others (1)

“She knows what to respect or disdain, how to say reasonable words

“Such good deeds she has done, few people can match,

“Unjust acts in previous lives has been clearly washed

“When good luck comes, Heaven’ll please man, fortune comes with ease

“Giác Duyên, if you still remember your loyal friendship with her

“You may save her by floating a raft on Tiền Đường river,

“To fulfill a word she once entrusted to your help,

“Not only a good chance for you, but it’s Heaven’s will as well.”

-----------------------

(1) Kiều’s advice had unintentionally caused Từ Hải’s death, but the war ending might have saved thousands of people from death.

2695 Giác Duyên nghe nói mừng lòng,

Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường

Đánh tranh chụm nóc thảo đường

Một gian nước biếc mây vàng chia đôi

Thuê năm, ngư phủ hai người

2700 Đóng thuyền chực bến, kết chài giăng sông

Một lòng chẳng quản mấy công

Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần!

Kiều từ gieo xuống dòng ngân

Nước xuôi bỗng đã trôi gần tới nơi.

2705 Ngư ông kéo lưới vớt người

Ngẫm lời Tam Hợp rõ mười chẳng ngoa!

Trên mui lướt thướt áo là,

Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương

Giác Duyên was so glad to hear those helpful words

She went to find a tranquil place near Tiền Đường river

Then had a little cottage made on the river side

Over blue water, under yellow clouds, she watched day and night

Then she hired two fishermen, paid them for the whole year

With two boats, they had to hold permanent nets cast far and near

The old pious nun never loosened her firm patience,

It would be Heaven’s will if this miracle happened!

Since Kiều threw herself among the immense water,

Drifted downstreams she came to this section of river

The fishermen drew their net up and found in it a woman!

Ah! How exactly nun Tam Hợp had said in her prediction!

On the deck, Kiều lay motionless, her dress overdrenched.

Although soaked with water, her bright mirror (2) wasn’t stained.

---------------------------

(2) Her bright face

Giác Duyên nhận thật mặt nàng

2710 Hãy còn thiêm thiếp giấc vàng chưa phai

Mơ màng phách quế hồn mai

Đạm Tiên thoắt đã thấy người ngày xưa

Rằng: “Tôi đã có lòng chờ,

“Mất công mười mấy năm thừa ở đây.

2715 “Chị sao phận mỏng đức dày

“Kiếp xưa đã vậy lòng này dễ ai!

“Tâm thành đã thấu đến Trời

“Bán mình là hiếu, cứu người là nhân

“Một niềm vì nước vì dân

2720 “Âm công cất một đồng cân đã già

“Đoạn trường sổ rút tên ra

“Đoạn trường thơ phải đưa mà trả nhau

Giác Duyên could recognize her face so easily,

She was still immersed in her golden dream soundly.

Her soul was wandering over delightful skies

When suddenly Đạm Tiên, her former friend, appeared in her sight

“Ah! My dear friend!”, said the spirit, “I’ve been waiting here

“For ten odd years but in vain, you didn’t appear!

“Today, I am glad to let you know some good news:

“Your cruel fate has ended due to your great virtues!

“I must praise you, despite your previous lives’ debts so heavy,

“This life, no one could match your virtuous heart and tenacity

“Your sincere heart and gold deeds have reached Heaven’s reflexion

“Selling yourself was an act of filial devotion,

“Saving people , your good deed of humanism,

“Also for the country and people, your altruism

“All that has added an ounce on your scale of good deeds,

“Your name was withdrawn from the list of heart-broken list

“And here are the heart-broken poems you have written for me,

“You may keep them as a pledge of our friendship memory.

“Còn nhiều hưởng thụ về lâu

“Duyên xưa đầy đặn phúc sau dồi dào.”

2725 Nàng còn ngơ ngẩn biết sao

“Trạc Tuyền!” nghe tiếng gọi vào bên tai.

Giật mình thoắt tỉnh giấc mai,

Bâng khuâng nào đã biết ai mà nhìn

Trong thuyền nào thấy Đạm Tiên

2730 Bên mình chỉ thấy Giác Duyên ngồi kề.

Thấy nhau mầng rỡ trăm bề

Dọn thuyền mới rước nàng về thảo lư

Một nhà chung chạ sớm trưa

Gió trăng mát mặt muối dưa chay lòng

2735 Bốn bề bát ngát mênh mông,

Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.

Nạn xưa trút sạch làu làu,

Duyên xưa chưa dễ biết đâu chốn này?

“Congratulation on your future long enjoyment!

“Your first affair fulfilled, good blessings’ll come in abundance.”

Kiều was still confused about those praising words she could hear

When she heard her name “Trạc Tuyền” (3) someone called in her ear

Startled out from her dream, she looked around but how strange!

In the boat she couldn’t see Đạm Tiên, where’s her dear friend?

Sitting beside her was Giác Duyên, the old nun she couldn’t forget

Recognizing each other, they were both so glad!

Giác Duyên had the boat cleared out and welcome Kiều to her Buddha shrine

Here morning and night, they shared their peaceful life

Fresh breeze and moonlight cooled their faces, salted greens cleansed their hearts

Boundless surroundings spread their immensity to all parts

Morning and twilight, tides rose up from all sides

Looking on front and behind, white clouds scattered over blue skies

Time thus went by and all her misfortunes had been over

But who knew in this place she wouldn’t meet her first lover?

THÙY DƯƠNG

----------------------------

(3) Kiều’s religious name

Giới thiệu tác phẩm

“Truy tìm Dracula”

NXB Văn học và Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam vừa cho ra mắt cuốn sách "Truy tìm Dracula" (tựa gốc: The Historian, bản dịch của Lê Trọng Nghĩa), tác phẩm đầu tay của Elizabeth Johnson Kostova - sinh năm 1964 tại Mỹ, tốt nghiệp đại học Yale và lấy bằng Thạc sĩ Văn chương tại đại học Michigan, đã kết hôn cùng một học giả người Bungari. Ngay sau khi ra đời, nó đã được dịch ra 28 thứ tiếng, giành giải Hopwood Award cho Tiểu thuyết đang hoàn thành (2003), Quill Award cho Tác phẩm đầu tay (2005) và giải thưởng Book Sense Award dành cho Tiểu thuyết xuất sắc nhất (2006).

Đây là một loại kể chuyện kép, hay có thể nói chuyện trong chuyện mà nội dung chính là sự truy tìm Ma cà rồng Dracula của ba thế hệ, người thầy Rossi, người cha và vơ, cuối cùng là cuộc tìm kiếm của hai cha con. Mỗi cuộc tìm kiếm đều cách nhau 24 năm. Sau đây là nội dung câu chuyện.

T rong một lần đắm mình trong thư viện của người cha, như bao lần khác, cô gái trẻ đã thấy một phong bì có chứa những trang giấy ố vàng từ những năm 30 của thế kỷ 20 với lời đề mở đầu kỳ lạ “Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi”. Những bức thư đã gợi mở mối liên hệ đến một trong những quyền lực đen tối nhất mà loài người không hiểu hết được cũng như đến cuộc truy tìm kéo dài hàng thế kỷ để tìm kiếm nguồn gốc của bóng đen quyền lực này và tìm cách xóa sạch nó. Dracula, không phải một Bá tước Dracula trên sân khấu lãng mạn mà là một Dracula có thực, bằng xương bằng thịt đã trở thành đối tượng săn lùng của những sử gia. Đó là cuộc truy tìm sự thật về Vlad Dracula hay Vlad Tepes, biệt danh “Kẻ xiên người”, bạo chúa đầy quyền lực từng sống ở Transylvania và Wallachia, toàn tâm toàn ý cống hiến đời mình để ngăn không cho Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm lãnh thổ của mình và khét tiếng với những màn tra tấn thần dân và tù binh chiến tranh bằng những phương pháp tàn bạo đến khó tin. Đã có rất nhiều tài liệu chính thức và không chính thức, từ văn học, sử học thuộc nhiều thế kỷ ghi chép hoặc đề cập đến Dracula, tuy nhiên dường như chừng đó là không đủ đối với khao khát và thôi thúc phải tìm kiếm thêm nữa về nhân vật đặc biệt này.

Trước sứ mệnh kiếm tìm sự thật lịch sử, người cha cô là một nhà sử học tài năng, từ lâu đã cất giấu cho riêng mình những bí mật động trời và hơn hết, ông là người dám chia sẻ những tồn nghi và phát hiện của mình cho con gái. Sau tình cờ phát hiện ra những bức thư cô gái yêu cầu cha cô đã kể cho cô nghe những gì đã diễn ra xung quanh với những lá thư. Qua câu chuyện của người cha thì cha cô và thầy giáo của ông, giáo sư Rossi. Cả hai người vô tình đều có trong tay cuốn sách bí ẩn với những hình vẽ kỳ lạ. Cũng như cha của "tôi", giáo sư Rossi đã tự tìm hiểu, nghiên cứu về những dấu vết liên quan đến Vlad Dracula, nhưng ngay khi chưa kịp công bố những kết quả đã tìm hiểu được, giáo sư Rossi đột ngột biến mất, để lại những bức thư chưa được gửi. Những bức thư ấy thuật lại cuộc truy tìm hầm mộ của Dracula, kẻ mà Rossi tin rằng vẫn còn sống từ những năm 1930 với những cuộc truy tìm từ Anh qua Thổ nhĩ kỳ đến Rumani.

Tiếp đến là sự tiếp nối "Truy tìm Dracula" của người cha và người bạn gái tình cờ là con gái của giáo sư Rossi sau này chính là người mẹ bí ẩn của cô gái vào những năm 1950. Cuộc truy tìm này cũng là cuộc du ký đầy vất vả, nguy hiểm với cái chết luôn rập rình bởi sự ngăn chặn tìm đến cội nguồn của Dracula đã dẫn bạn đọc tới Istanbul, Budapest và tận cùng của Đông Âu. Giữa vô vàn tu viện, kho lưu trữ, thư viện, những lá thư và những cuộc nói chuyện bí mật, sự thật đáng sợ về triều đại bóng tối của Vlad - "kẻ xiên người" được ráp nối và có vẻ đằng sau đó là một giai đoạn có thật trong lịch sử.

Và hơn 20 năm sau cuộc truy tìm Ma cà rồng Dracula lại tiếp nối bằng cuộc hành trình của hai cha con, lần này động cơ của người cha còn là sự tìm kiếm tung tích người vợ mất tích một cách bí ẩn gần hai mươi năm trước. Với sự truy tìm riêng rẽ của hai cha con cô gái đều dẫn tới đích cuối cùng là tu viện Thánh Matthew ở biên giới Pháp và Tây Ban Nha, tại đây với sự xuất hiện bất ngờ của Helen, người vợ, gia đình họ đã giết được Ma cà rồng Dracula, nhưng hạnh phúc hơn hết là sự đoàn tụ của gia đình cô gái sau gần 20 năm chia ly.

“Truy tìm Dracula” là tiểu thuyết đầu tay của Elizabeth Kostova, bà đã mất 10 năm để viết bằng sự cảm nhận mơ hồ và nhờ trí tưởng tượng vô cùng phong phú của bà. Những gì đã được viết mở ra hành trình khám phá thú vị cho bạn đọc, như Victoria A. Brownworth đánh giá trên tờ Baltimore Sun "vừa là chuyện kinh dị, vừa là lịch sử, vừa là chuyện tình lãng mạn… Kostova có một khả năng kể chuyện sắc sảo, cùng một câu chuyện kỳ diệu để thuật lại với chúng ta”.

Phạm Thế Cường

Điểm Sách

Truyện KIM DUNG – Kỳ 2

Bộ THIÊN LONG BÁT BỘ

1/- Kiều Phong

Là người anh hùng của bi kịch, hoàn toàn không giống bất kỳ người anh hùng nào trong suốt chiều dài lịch sử Trung Hoa. Ông không thuộc giống nòi Đại Hán, lại là người Liêu, bị kết tội khai man lý lich nhằm leo cao thọc sâu, lên làm bang chúa Cái bang Trung Quốc, rồi sau đó sẽ bán đứng Trung Quốc cho rợ Khiết Đan. Ông không hề biết say mê nhan sắc, không thèm nhìn cô hoa khôi vợ của bạn 1 cái đến nỗi cô căm thù, tìm mọi cách để cô công bố cái lý lịch Khiết Đan của ông.

Kiều Phong bỏ ngôi vị ra đi, cứu A Châu rồi yêu thương nàng. Tình yêu đau đớn ấy đẩy lên đến tột đỉnh khi ông ngộ sát A Châu. Ông bỏ Trung Quốc về Khiết Đan, trở thành Nam Viện đại vương, nắm hết binh quyền đất nước này. Hoàng đế ra lệnh cho ông tấn công đánh xuống triều Tống vừa để trả thù nhà, vừa để đền ơn nước. Nhưng ông yêu hòa bình nên không thể để cho trăm họ lầm than vì chiến tranh. Ông đã tự xử lấy mình để giải quyết toàn bộ nghịch lý, mâu thuẫn mà cuộc sống và lịch sử nghiệt ngã đã dành cho ông. Mũi tên chó sói, biểu tượng nguồn sống của người Khiết Đan, trở thành phương tiện giải thoát cho ông. Kiều Phong chọn giải pháp cuối cùng – tự tử - để hoàn thanh khát vọng tự do của mình.

2/- A Châu

Có số phận đau thương, bi kịch nhất trong hàng trăm nhân vật nữ của tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Nàng là con của Đoàn Chính Thuần - 1 người cha cực kỳ vô trách nhiệm…

Kiều Phong đã cứu A Châu trên núi Thiếu Lâm. Gặp lại nhau tại Nhạn Môn Quan, A Châu nhào vào lòng Kiều Phong và khóc lên vì hạnh phúc.

Do một lời vu cáo, Kiều Phong nhận lầm rằng Chính Thuần là người chỉ huy đánh giết cha của mình, nên ông quyết đi trả thù. Đề cứu cha ruột, A Châu hóa trang làm Chính Thuần, đến bên cầu giữa đêm mưa gió, chấp nhận cuộc chiến đấu rửa hờn của Kiều Phong. Ông chỉ đánh 1 chưởng và khám phá ra đó là A Châu đã bị tử thương. Ông tiêu diệt chính tình yêu của ông, cứu cánh hạnh phúc của đời ông.

Bi kịch tình-hiếu đã khiến A Châu tử thương, Kiều Phong đánh lầm làm người yêu ra đi khỏi cuộc đời mình, mang mối ân hận ngàn thu. A Châu trở thành nhân vật mẫu mực, tượng trưng cho lòng hy sinh cao cả của người phụ nữ phương Đông.

Bộ LỘC ĐỈNH KÝ

1/- Vi tiểu Bảo

Xuất thân từ kỹ viện Lệ Xuân ở thành Dương Châu. Mẹ của hắn bang giao rộng rãi với các anh em Hán, Mông, Tạng, Hồi, Mãn; nên không khẳng định được cha của hắn là ai. Chính Tiểu Bảo đã từng mơ ước một ngày nào có số tiền lớn đến một kỹ viện để ăn xài phung phí cho sướng tay 3 ngày 3 đêm. Nhưng thật ra, kỹ viện không phải chỉ là nơi mại dâm, bọn giang hồ hào sĩ bị bọn quan binh truy nã; người bị thương đều lánh vào kỹ viện dưỡng thương.

Tiểu Bảo, học trò của Trần Cận Nam, là hương chủ Thanh Mộc Đường của Thiên Địa Hội, nằm vùng trong cung triều Thanh, được vua Khang Hy sủng ái. Khi lên ngôi, ông vua nhỏ tuổi này muốn trừ khử Ngao Bái, Tiểu Bảo có công đâm chết Ngao Bái nên được tặng tiểu tì Song Nhi đi theo hầu. Lúc bấy giờ, ở Vân nam, Ngô Tam Quế đang chuẩn bị binh mã khởi loạn chống lại vua Khang Hy. Dùng thủ đoạn, Tiểu Bảo vu cáo để Ngô Chi Vinh bị bắt – để trả thù cho gia đình Song Nhi - sau đó Ngô Tam Quế cũng bị tiêu diệt.

Đọc “AQ chính truyện” của Lỗ Tấn, người ta cười buồn, xót thương cho số phận con người Trung Quốc, AQ chết trên pháp trường một cách hồ đồ. Đọc “Lộc Đỉnh ký”, người ta cười ha hả: Tiểu Bảo sống nhăn răng với 7 mụ vợ xinh đẹp và một gia tài kếch xù, thế nhưng, người ta không tìm ra được hành tung của hắn dù nơi đâu hắn cũng có mặt.

2/- Song Nhi

Có võ công cao cường, nhân phẩm đoan chính, có học vấn và có tấm lòng trung thành vô hạn đối với chủ. Cô đi theo Tiểu Bảo ăn tuyết nằm sương, nhưng không bán mình cho họ Vi, cô bỏ công ra cả tháng, thức thâu đêm để khâu lại những mảnh vải nhỏ lấy được trong 8 bộ “Tứ thập nhị chương kinh” thành tấm bản đồ lớn mô tả kho châu báu ở Lộc Đỉnh Sơn mà không hé miệng than thở một lời. Tiểu Bảo hay chợt nhả, nhưng cô chẳng bao giờ dễ dãi để hắn ôm hôn. Trong khi đó, với Kiến Ninh công chúa, em vua Khang Hy; với A Kha, con gái Trần Viên Viên; với công chúa Sophia của nước Nga, Tiểu Bảo muốn hôn là hôn, muốn chăn gối là chăn gối…

Điều gì đã khiến nhà văn Kim Dung tôn trọng nhân phẩm của một con hầu, nâng cô lên trên cả các vị công chúa và tiểu thư thiên kim? Đó chính là cái nhìn của ông về bản chất của cái gọi là tầng lớp quý tộc trong chế độ quân chủ Trung Hoa... Song Nhi trở thành 1 trong 7 người vợ của Tiểu Bảo, nhưng cô vẫn giữ được phấm giá chân chính của người phụ nữ.

Bộ Ỷ THIÊN ĐÔ LONG KÝ

1/- Trương vô Kỵ

Là con trai của Trương Thúy Sơn và Ân Tố Tố, có tấm lòng rất nhân hậu, 15 tuổi đã dám dắt em bé Bất Hối sáu bảy tuổi vượt hàng chục ngàn dặm lên Thiên Sơn tìm cha. Con người trai trẻ ấy may mắn học được Cửu Dương Công, Võ Đang quyền pháp... Mới 20 tuổi đã xả thân cứu quần hào Minh giáo, chịu đem tấm thân cho người ta đánh đập để hóa giải tất cả mọi hận thù. Và cũng con người ấy mới 20 tuổi đã làm giáo chủ một giáo phái yêu nước, lãnh đạo người Trung Quốc đứng lên khởi nghĩa chống quân Nguyên xâm lược. Dù Chu Nguyên Chương phản mình, đem Vô Kỵ và Triệu Mẫn giam vào đại lao, nhưng vì cuộc khởi nghĩa ở Hoài Tứ Chỉ lại cần có Nguyên Chương làm thủ lĩnh, nên Vô Kỵ lặng lẽ mở xiềng khóa, dẫn người tình ra đi để Nguyên Chương tiếp tục lãnh đạo thành công và lập ra triều Minh.

2/- Triệu Mẫn

Là quận chúa Mông Cổ, một cô gái tươi đẹp như hoa nở, không cô gái Trung Hoa nào có thể sánh kịp. Tham vọng của Triệu Mẫn rất lớn là triệt hạ 6 đại môn phái Trung Hoa đang nuôi mộng chống đối nhà Nguyên. Cô đã bao vây được các thủ lĩnh của Minh giáo và đã nhốt được Vô Kỵ dưới hầm sâu. Nhưng Vô Kỵ vốn là thầy thuốc, võ công lai cao cường, đã khống chế cô bằng cách dồn Cửu Dương Công vào gan bàn chân khiến cô ngứa ngáy và phải thả chàng ra. Chính việc cù chân đó đã làm nảy sinh trong lòng cô mối tình tha thiết với Vô Kỵ.

Lòng hy sinh của Triệu Mẫn thật bao la: bỏ lại tất cả vương tước, cuộc sống cao quý, xa cha, xa anh để được sống bên Vô Kỵ. Tình yêu bao la đó đã được Vô Kỵ đền đáp một cách xứng đáng: chàng nhường ngôi giáo chủ Minh giáo Trung Hoa lại cho Dương Tiêu, cùng Triệu Mẫn dắt tay nhau rong chơi bốn biển năm hồ.

Bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ

1/- Lệnh Hồ Xung

Làm môn đệ phái Hoa Sơn từ lúc 12 tuổi, tôn sư phụ Nhạc Bất Quần như cha, coi tiểu sư muội Nhạc Linh San như em gái. Bản tính hắn ngay thẳng, chân thực, không nịnh bợ ai, sẵn sàng ra tay viện trợ người khác. Bị Linh San phụ rẫy mối tình đầu để đi theo Lâm Bình Chi, hắn còn mang tiếng xấu là đã ăn trộm Tịch Tà Kiếm Phổ, Nhưng hắn lọt vào mắt xanh thánh nữ- Nhậm Doanh Doanh, tiểu thư của Nhật Nguyệt thần giáo và từ đó, bọn bang môn tả đạo coi hắn là đại anh hùng đại hào kiệt trên đời. Nhưng cuộc sống oái oăm, con người thanh danh tàn tạ như hắn lại trở thành chưởng môn phái Hằng Sơn, cai trị một bầy ni cô và phụ nữ tục gia.

Với đường Độc Cô Cửu Kiếm, hắn nhìn ra toàn bộ sơ hở trong kiếm pháp của thiên hạ, hắn có thể giết được tất cả kẻ thù địch nhưng luôn luôn hắn hạ thủ lưu tình. Hồ Xung là chính nhân quân tử thứ thiệt, miệng hắn bẻo lẻo trơn như mỡ nhưng hành vi rất đoan chính, quang minh, ai cũng yêu mến hắn và căm giận sư phụ hắn là Nhạc Bất Quần tức Quân Tử Kiếm.

2/- Nhậm Doanh Doanh

Là một nữ nhân vật tươi đẹp trong sáng, giỏi âm nhạc, võ công cao cường, mưu trí sâu sắc, cai trị bọn bàng môn tả đạo bằng trái tim thép nhưng rất mẫn cảm với tình yêu và sống với tình yêu bằng trái tim dịu dàng vô kể. Cô gặp Hồ Xung trong khi chàng trai lãng mạn này đã mất hết công lực, bị sư phụ và các đồng môn đạp xuống hố sâu của sự nghi ngờ khinh bỉ... Cô gặp Hồ Xung qua tấm rèm không cho chàng trai thấy mặt, nhận tặng vật của chàng là một bộ nhạc phổ “Tiếu Ngạo Giang Hồ” và lắng nghe chàng kể lai nỗi đau tình khi bị Linh San phụ bạc để đi theo Bình Chi. Doanh Doanh có nhận định khá lạ lùng về tình yêu: Hễ ai không chung tình với quá khứ thì sẽ không chung tình với hiện tại và tương lai. Cho nên, cô ra đi để bảo vệ Hồ Xung, xoa dịu vết thương thể xác và tâm hồn. Khi chàng kiệt sức, cô đành cõng chàng lên chùa Thiếu Lâm nhờ chữa trị và tự đem thân mình cho phái Thiếu Lâm cầm tù để đổi lấy sinh mạng của người yêu.

Khi lành bệnh, hiểu ra được lòng thương yêu và đức hy sinh vô hạn ấy của Doanh Doanh, Hồ Xung đã thống lĩnh toàn bộ bọn hào sĩ lên chùa Thiếu Lâm đòi thả cô ra. Chính hành động mạnh mẽ ấy của chàng khiến Doanh Doanh biết chàng đã yêu mình. Cuối cùng, cô nhường ngôi giáo chủ lại cho Hướng Vấn Thiên, làm đám cưới với chàng và vợ chồng cùng song tấu khúc “Tiếu Ngạo Giang Hồ”.

Bộ THẦN ĐIÊU HIỆP LỮ

1/- Dương Quá

Thông minh vô hạn, can đảm tuyệt vời, trung thực mười phần, chàng học được Đả Cẩu Bổng pháp của Cái bang, lại đắc thủ toàn bộ võ công của phái Cổ Mộ do Tiểu Long Nữ sư phụ truyền cho... Cái hơn đời nhất của Dương Quá so với các người anh hùng khác là chàng đã dám yêu sư phụ của mình trong một xã hội phong kiến mà người thầy được xếp cao hơn cả cha mẹ. Dù bị mọi người nguyền rủa, chàng vẫn thừa nhận tình yêu ấy, thừa nhận chỉ yêu Long Nữ và khi nàng ra đi thì chàng cũng đi khắp góc biển chân trời tìm nàng.

Cuộc kháng chiến chống quân Mông cổ có sự góp mặt tích cực cùa Dương Quá- chàng trai yêu nước.

2/- Tiểu Long Nữ

Ngay từ thuở nhỏ, nàng đã được nuôi nấng, học võ công và trưởng thành trong ngôi mộ của phái Cổ Mộ sau núi Chung Nam, kế tục sự nghiệp cúa sư tổ Lâm Triều Anh. Nàng là một cô gái trong sáng, đắc thủ toàn bộ võ công của phái Cổ Mộ, Long Nữ trưởng thành hồn nhiên như viên ngọc không gợn tì vết, nàng thương yêu người đồ đệ kém mình 2 tuổi và trong đời nàng, chỉ có mối tình ấy, không còn mối tình nào khác.

Nhưng Long Nữ đã bị gã đồ đệ phái Toàn Chân làm thất trinh, chỉ tội nghiệp cho nàng: nàng cứ nghĩ người đó là Dương Quá, nên trong sự bẽ bàng đau đớn còn có niềm hạnh phúc được dâng hiến. Cũng tội nghiệp cho chàng phải chịu cái án oan. Cho đến khi Long Nữ biết ra được rằng Dương Quá đồ đệ của mình vẫn trước sau là một người trong sáng, thì nàng thật sự tuyệt vọng. Nàng lẳng lặng từ bỏ mối tình lớn trong đời để ra đi. Dương Quá cũng từ bỏ tất cả ra đi để tìm sư phụ. Cuộc rượt đuổi đi tìm hạnh phúc, tình yêu đó thật não nùng.

BÀI HÁT VỀ CÁC NHÂN VẬT CỦA KIM DUNG

Theo nhạc của Bài hát “ London Bridge ” trong Bản Tin số 44, người viết soạn Bài hát về các Nhân vật của nhà văn Kim Dung sau đây:

Các bộ truyện của Kim Dung

1) Thiên Long Bát Bộ với Kiều Phong

2) Phi Hồ Ngoại (truyện),

3) Lộc Đỉnh Ký

4) Liên Thành Quyết,

5) Ỷ Thiên Đồ Long (ký)

6) Tiếu Ngạo Giang Hồ!

7) Anh Hùng Xạ Điêu,

8) Bích Huyết Kiếm

9) Thư Kiếm Ân Cừu Lục

10) Thần Điêu Hiệp Lữ,

11) Hiệp Khách Hành

12) Tuyết Sơn Phi Hồ.

- Thiên Long Bát Bộ (tức Lục Mạch Thần Kiếm)

(Thời) Tống - Liêu Kiều Phong yêu A Châu

A Tử, Hư Trúc, Ngân Xuyên (Công chúa Tây Hạ)

(Vương) Ngữ Yến, Uyển Thanh, Đoàn Dự có

Lục Mạch Thần Kiếm!

- Lộc Đỉnh Ký

Lộc Đỉnh Sơn (Vi) Tiểu Bảo thắng Nga (La Sát)

Theo Khang Hy (và) Thiên Địa Hội

Yêu Kiến Ninh, Song Nhi, A Kha

AQ đến Tiểu Bảo!

- Ỷ Thiên Đồ Long Ký

(Trương) Vô Kỵ giúp (Chu) Nguyên Chương lập (triều) Minh

Yêu Triệu Mẫn, (Chu) Chí Nhược, Tiểu Chiêu

Ân Tố (Tố), (Trương) Thúy Sơn, Tạ Tốn giữ

Ỷ Thiên Đồ Long (đao)!

- Tiếu Ngạo Giang Hồ

Quân Tử Kiếm, (Lâm) Bình Chi, (Nhạc) Linh San

Đào Cốc Lục Tiên, Tổ Thiên Thu

Lệnh Hồ Xung, (Nhậm) Doanh Doanh song tấu

Tiếu Ngạo Giang Hồ!

- Thần Điêu Hiệp Lữ

Hoàng Dung, Quách Tỉnh, Quách Tương chống

(Tiểu) Long Nữ sư phụ Cổ Mộ

Yêu đệ tử Dương Quá nổi danh

Thần Điêu Hiệp Lữ!

PHẠM VŨ

Phụ Bản III

ĐỆ NHỨT KỲ QUAN CỦA VIỆT NAM

ĐỘNG PHONG NHA

của Việt Điểu THÁI VĂN KIỂM

Năm đó, đang giữa cuộc Thế chiến thứ II, tôi lợi dụng những ngày nghỉ Tết để, cùng một số bạn bè, tổ chức một cuộc thám ngoạn các động Phong Nha trong vùng núi phía Tây Bắc Đồng Hới. Bây giờ vào lúc đầu xuân, tôi rất lấy làm sung sướng được thuật lại cuộc du ngoạn ấy, vừa để kêu gọi độc giả sẽ làm như tôi khi hòa bình trở lại, vừa để cho thấy rằng nước Việt yêu quý vừa để cho thấy rằng nước Việt yêu quý của chúng ta không thiếu gì danh lam thắng cảnh để ngoạn thưởng.

Nhiều nhà du lịch và thám hiểm hữu danh cho rằng Động Phong Nha là đệ nhất kỳ quan của Việt Nam và cũng là một kỳ quan của thế giới. Theo nhà chiêm tinh học Barton, người Anh, Động Phong Nha chẳng thua kém gì động Padirac của Pháp hay Cuévuas del Drach ở Mallorque, bên Tây Ban Nha.

Có hai đường dẫn tới đó: đường bộ theo tỉnh lộ số 2 tách rời Quốc lộ số 1 ngang huyện Bố Trạch (17km phía Bắc Đồng Hới), và đường thủy do sông Ngân Sơn.

Đường tỉnh lộ không đi được vì nhiều cầu đã bị nước lũ cuốn trôi mất, nên chúng tôi phải dùng đường thủy, ít mệt và thoải mái hơn. Chúng tôi cũng hy vọng con thuyền êm ả và chậm chạp sẽ dành nguyên vẹn sức khỏe cho chúng tôi thăm động hôm sau.

Ngày đó trời nắng như thiêu. Chúng tôi từ giã Đồng Hới đi Ngân Sơn bằng chuyến xe lửa thường, ra rất trễ. Khi đến nơi thì đã 14 giờ. Sau khi trình thẻ du lịch cho xếp ga ký theo thủ tục, chúng tôi xuống bến đò Phú Kinh, cách nhà ga chừng 150 thước về phía Tây. Nơi đây, một chiếc đò có mui, mà chúng tôi đã nhờ mướn trước, đang chờ đợi chúng tôi để nhổ sào.

Chúng tôi ngồi cả vào khoang thuyền một cách khá thoải mái. Hành lý tôi mang theo là một cái túi thủy thủ đựng đầy áo quần, đồ ăn và dụng cụ du lịch như gậy, dây thừng, đao bản, địa bàn, ống dòm, hàn thử biểu, máy ảnh, hộp cứu thương.

Hôm đó trời thật đẹp. Con thuyền lướt giữa những rặng núi đá vôi lởm chởm phủ đầy cây xanh tốt. Một ngọn gió mát luôn luôn thổi vào khoang thuyền, chẳng bao lâu đã làm cho mọi người thiu thiu buồn ngủ.

Sáu giờ sau chúng tôi mới đến làng Phong Nha. Trời đã tối đen. Chúng tôi đã được các vị chức sắc trong làng ra đón dưới ánh hồng của nhiều ngọn đuốc.

Hình dáng cao ngất của núi đá, những ngọn lửa đuốc chập chờn trong bóng đêm, những cây cối rậm rạp, yên lặng và đầy ánh sáng lập lòe của hàng triệu con đom đóm, tất cả những điều đó đã gây ra nơi chúng tôi một cảm giác kỳ lạ trước cảnh tượng hùng vĩ của thiên nhiên. Con người sống ở thị thành, chỉ quen với những cảnh sắc giả tạo, thì làm gì có cơ hội cảm xúc như thế.

Bữa ăn được dọn ngay trên thuyền, gồm toàn đồ nguội. Tuy chẳng có gì nhưng mọi người, kể cả người chèo đò, các vị chức sắc và người hướng dẫn, đều ăn uống ngon lành.

Chúng tôi ở lại đây một đêm hết sức thích thú. Vòm trời giát đầy sao, phản chiếu xuống mặt nước và hình như bao phủ lấy chúng tôi. Không một tiếng gì náo động sự yên tĩnh của đêm khuya, trừ ra một đôi tiếng kêu của nai mẹ từ những rừng rú chung quanh vọng lại. Tiếng kêu tuyệt vọng, khi ngắn khi dài, của con vật hết sức hiền lành mà Chúa sơn lâm thèm khát. Đây có phải lại là tấm thảm kịch của rừng thấm đẫm máu muôn đời mà bóng đêm che kín sự rùng rợn, hay chỉ là tiếng gọi đàn của một con vật lạc lõng trên đường mòn…?

Chúng tôi tỉnh giấc rất khỏe khoắn lúc trời mới hừng sáng. Sau khi điểm tâm bằng xôi nếp, chúng tôi lên đường về phía động.

Chúng tôi dùng một chiếc đò con để tiến vào con sông ngầm, và chúng tôi sắp vào đó một số đuốc lau cần thiết, một cây thang tre và một chiếc đèn khí đá lớn.

Đoàn chúng tôi gồm 10 người, kể cả người hướng dẫn, hai chân sào và ông lý trưởng làng Phong Nha. Ông này tiết lộ với chúng tôi một cách ngây thơ rằng vì phải lo hoài cho du khách, chính ông ta chưa hề có dịp đi viếng những hang động của làng ông.

Đò chèo được một giờ thì đến trước cửa động mà chúng tôi hằng ao ước. Chúng tôi thấy một cửa hang hình thang đục vào trong vách một quả núi khổng lồ đổ thẳng đứng xuống dòng sông. Lúc còn ở xa, chúng tôi tưởng nó nhỏ xíu, và chúng tôi cứ lo không biết làm sao cho con đò len vào động được. Nhiều người đã chuẩn bị thu mình lại, bằng cách khom lưng cúi đầu! Chỉ khi tới gần, chúng tôi mới ngạc nhiên thấy rằng nó rộng mênh mông, bề ngang có đến 12 đến 15 thước, bề cao đến 7, 8 thước.

Chúng tôi tiến vào cửa động lúc 8 giờ sáng. Trước mắt chúng tôi hiện ra một cảnh tượng thần tiên vĩ đại. Đột nhiên một cảm giác lạnh người xâm chiếm chúng tôi, làm cho chúng tôi sinh lòng kính sợ và hồi hộp. Chúng tôi tưởng chừng như đã bước vào một ngôi thánh đường, một cái đường hầm, hay đúng hơn, là vào chính trong lòng Địa ngục.

Các khối đá khổng lồ treo trên vòm động, lơ lửng như gần muốn rơi, ánh mờ tỏ trên mặt đá gồ ghề, tùy quan điểm tạo ra những nét mặt khoan hòa của Phật Thánh hay những bộ dáng kinh tởm của ác quỷ. Phía phải chúng tôi, dưới vòm động và trong một hốc đá, chúng tôi thấy những ngôi miếu nhỏ thờ thần động.

Quang cảnh lạ lùng đó làm sởn lòng kẻ táo bạo nhất, khi đang tiến vào cõi u minh kỳ bí.

Càng đi sâu vào lòng đất, ánh sáng càng dần dần mờ nhạt.

Đò lướt êm đềm trên dòng nước màu cẩm thạch và tiến vào cái hành lang lạnh buốt và lặng lẽ như trong cõi chết.

Thình lình chúng tôi nghe như từ lòng đất vọng lên những tiếng chuông tiếng trống. Người hướng dẫn ra dấu bảo chúng tôi yên lặng, và khi tiếng nhạc đó vừa tấu dứt, ông ta giải thích rằng trong đời làm hướng đạo của mình, ông ta khi nào cũng nghe âm thanh đó vào những ngày rằm và ngày 30 mỗi tháng, và nhận thấy nó chấm dứt ngay khi du khách gây tiếng động. Về phần tôi, tôi cho rằng động Phong Nha là một trong những động nhạc hưởng, như Fingal ở Ái Nhĩ Lan. Và điều đã gây ra thứ âm nhạc huyền bí đó chính là tiếng rơi của những giọt nước tiết ra từ vòm động hay là tiếng sóng vỗ bập bùng vào các hốc đá. Câu chuyện xảy ra những ngày rằm và 30 mà người hướng dẫn đã kể, có lẽ chỉ là một trong những chuyện bịa đặt hoang đường đầy thi vị mà các người hướng dẫn trên thế giới thường sáng tạo ra.

Cánh cửa động độ 600 thước về phía phải chúng tôi là cái hang tục danh là Hang Bi Ký. Chúng tôi soi đuốc và đèn khí đá mà tiến vào đó.

Nhân dịp này chúng tôi xin nhắc du khách nên mang theo những cuộn băng giấy điện tín đã bỏ, càng nhiều càng tốt. Thứ đó kiếm rất dễ dàng. Chúng tôi đã tình cờ tìm thấy những cuộn băng như thế, mà nhà ga Ngân Sơn đã loại ra nơi bến đò Phú Kinh. Về sau, chúng đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Có thể ví chúng là sợi dây huyền diệu đã giúp Thésée thoát khỏi Mê cung. Thực vậy, nhờ chúng mà chúng tôi đã có thể tiến rất sâu vào cái mê cung ở đây, là các hang hóc chằng chịt, mà không sợ lạc đường.

Cách cửa Hang Bi Ký chừng 100 thước về phía trái, trên vách đá ướt sũng, chúng tôi nhận thấy nhiều chỗ khắc chữ Chàm, chữ Lào và chữ Xiêm. Những chữ khắc đó phần nhiều không đọc được nữa, vì đã bị nước chảy mòn hay đã bị những du khách vô ý thức khắc tên chồng lên mà phá hoại đi.

Sau cùng, chúng tôi đến trước một hố rộng và sâu độ 15 thước, nó kích thích tính tò mò của chúng tôi hết sức. Chúng tôi đã dùng chiếc thang mang sẵn theo để xuống đó.

Chúng tôi len lỏi qua nhiều căn buồng, rộng có, hẹp có, mà vách đều phủ đầy kết thạch óng ánh. Nơi vòm hang, có nhiều thạch nhũ thòng xuống một cách nguy hiểm, cái thì trông giống bàn tay Phật, cái thì như quả nứt, cái thì tựa phong lan.

Vài vách động có những cột đá dựa vào, phía trên nhô ra những đường viền chạm trổ tinh vi.

Đôi khi đường hầm hẹp lại; có chỗ hẹp chỉ còn là một khe hở chỉ vừa đủ cho một người lách vào.

Chúng tôi tiếp tục thám hiểm vào sâu hết sức và sau khi đã len lỏi vào tất cả các ngõ ngách của mê cung này, chúng tôi mới chịu trở ra. Những cuộn giây điện tín mà chúng tôi đã tháo ra dần dần khi tiến vào các đường hầm đen tối đã giúp chúng tôi trở lại con sông ngầm một cách rất dễ dàng.

Đò chỉ còn chèo được khoảng 500 thước nữa là cùng đường. Nước trong màu nhũ thanh, cho thấy dưới lòng sông những cột đá sâu đến mấy thước, tựa hồ như là di tích của những lâu đài cổ bị chôn vùi không biết đã bao nhiêu thế kỷ.

Bây giờ chúng tôi đến trước những đống loạn thạch trong đó dòng sông đã biến mất một cách huyền bí. Chúng tôi lên bờ và đi len lỏi vào giữa đống đá hỗn độn phi thường có lẽ đã đổ xuống từ vòm động chưa xác định được từ hồi nào, nhưng chắc chắn là lâu lắm rồi.

Chúng tôi phải hết sức cẩn thận và cố giữ thăng bằng vì hễ hụt chân, bước trượt hay té, ngã, là có thể bị thương nặng, bị gãy xương, không biết chừng mà chết cũng nên.

Có lẽ là để hù chúng tôi, người hướng dẫn đưa tay chỉ cho chúng tôi thấy những vực sâu thăm thẳm, lại còn kể thêm những câu chuyện thực hư lẫn lộn.

Lúc đó chúng tôi đang đứng trên một mỏm đá lớn bằng phẳng trong Phòng số 1. Không có một sinh vật nào trong đó. Chúng tôi không dám lên tiếng trước sự yên lặng thấm thía lạnh người đang bao trùm tất cả cái động lớn ngổn ngang bừa bãi những đá này. Chúng tôi bước tới như những bóng ma, không dám thốt lời nào, vì sợ rằng một tiếng nói của chúng tôi cũng đủ phá giấc ngủ êm đềm của các nàng tiên nữ đang nằm trong phòng phía trước, sau tấm màn lớn bằng ngọc lấp lóe ngời lên dưới ánh sáng của ngọn đèn khí đá. Cô bạn gái dễ thương đi theo đoàn chúng tôi cho là tuyệt diệu.

Một con đường đất cát dẫn chúng tôi đến một cái hang khác và khi chúng tôi bước khỏi một cột đá lớn lấp lánh như có muôn ngàn tia lửa, chúng tôi đã đứng trước một… cái rạp hát thực sự với hàng ngàn chỗ ngồi và một sân khấu trình diễn. Có lẽ đây là sân khấu được trang hoàng bằng những bối cảnh đẹp đẽ quý giá nhất trên thế giới. Từ trên “khán phòng” của chúng tôi, chúng tôi quan chiêm cái sân khấu rộng cách xa chừng 20 thước, chung quanh có những bối cảnh huy hoàng, vẽ lại cảnh sắc, theo chỗ tưởng tượng của chúng tôi, của một ngôi lâu đài cổ xây cất trên một quả đồi có cả một rừng cây cổ thụ.

Các người hiện ở đâu, hỡi các nam nữ diễn viên của cái sân khấu thiết lập trong khung cảnh thần tiên này? Phải chăng các người ẩn mình trong các buồng hậu trường bao bọc cái phòng này? Các người có thể chăng cho chúng tôi được nghe tiếng hát, thưởng thức điệu vũ của thân hình uyển chuyển của các người như các nhân ngư ngày xưa đã hiện ra làm say mê người anh hùng Ulysse?

Chúng tôi lại tiến vào một căn phòng khác rất rộng, được gọi là Phòng số 2. Cũng một thể kiến trúc đó, cũng ngổn ngang chằng chịt những đá, cũng không xiết tả nổi hình thái và màu sắc như ở phòng trước.

Chúng tôi đi trong khung cảnh đồ sộ hãi hùng đó được một tiếng đồng hồ thì người hướng dẫn cho biết là cây đèn khí đá đã vơi quá nhiều. Chúng tôi vừa lo sợ, vừa đã thấm mệt, bèn vội vàng trở về khởi điểm.

Đò phải chèo thêm 1500 thước nữa, giữa những hòn đá nổi, mới đến cửa động.

Sau khi qua vài đoạn quanh, chúng tôi bỗng thấy một ánh sáng mơ hồ, một thứ bóng tối lờn lợt phát ra từ một vành bán nguyệt mỗi lúc một lớn thêm. Cứ mỗi mái chèo lại đem đến cho chúng tôi những cảnh sắc mới, rồi, thình lình, một vừng ánh sáng chói chang cho chúng tôi cảm giác như vừa ra khỏi giấc mơ.

Dưới vầng ánh sáng lạ lùng đó, lối cửa vào động sáng hừng lên: muôn ngàn thạch nhũ treo trên vòm động ngời lên như châu ngọc và chiếu ra đủ mọi màu sắc của cầu vồng…

Cái thành phố Venise trong lòng đất đó, đến một giờ trưa, chúng tôi mới bùi ngùi từ giã.

*

* *

Dĩ nhiên là chúng tôi đã đói. Các trạo phu chèo hết muốn nổi, dù chúng tôi đã thúc dục. Phải gần một giờ sau, chúng tôi mới đến nhà của người hướng dẫn, nơi đây lại phải đợi thêm một giờ nữa mới có gì ăn.

Vào khoảng 16 giờ, chúng tôi lên đường đi thăm động Graffeuil.

Người hướng dẫn bảo cho biết rằng động này được khám phá vào một ngày tháng tư năm 1935 bởi một chú tiểu đi tìm cây mây, hôm sau thì viên Khâm sứ Graffeuil đến viếng động.

Đường lên động này thật khó đi và chỉ dành cho những người có đầu gối khỏe. Động ấy ở trên cao độ 200 thước, và nằm ngay trên động Phong Nha, và chẳng khác chi là một ấn bản thứ hai của động này. Người địa phương gọi nó là “Động Khô”.

Dốc đi lên gần như thẳng đứng với những bậc đá lung lay. Chúng tôi vừa đi vừa thở dốc, và khi lên đến nơi, phải dừng lại nghỉ ngơi chốc lát trước khi vào động.

Một đàn khỉ chào đón chúng tôi rồi biến ngay vào sau các khe đá chạy dài theo mõm đá viền nhô ra ngoài cửa động. Những cây đại màu xám xoắn vào nhau mà leo theo sườn động, tạo thành những đám “màu buồn hòa hợp”.

Những hình thái và màu sắc của đá trong động này quả thật là phong phú. Ở đây, một lần nữa chúng tôi lại chứng kiến không biết bao cơ là khối đá dập dồn, tưởng chừng như là trong một công trường của các Titans, những lực sĩ con của Đất Trời trong thần thoại. Từ những loạn thách đó, vươn lên nào là những cột tròn chạm trổ tinh vi, nào là những thạch trụ vuông bị gãy, những vòm đình trắng như cẩm thạch. Trên vách động có những tảng đá hưởng âm, những phiến tựa như đèn lồng, như những tai nấm ngũ sắc khổng lồ, những ngọn lá tước sàng tuyệt đẹp… tóm lại hàng ngàn hình dáng vật thể tuyệt tác, tạo ra như bởi một bàn tay công phu đầy nghệ thuật.

Cuối cùng người hướng dẫn đưa chúng tôi đến trước một cái vực thẳm trước kia người ta đã đo dò được 65 thước bề sâu. Vực này dẫn đến một cái động khác tương tự ở sâu trong lòng đất. Vì thiếu phương tiện, chúng tôi đành bỏ ý muố xuống đó thám hiểm.

Trong suốt một giờ bước thấp bước cao hết sức gian hiểm đi sâu vào cái viện bảo tàng vĩ đại đó, từng phút từng giây chúng tôi đã xúc cảm như thế nào, thật không ai có thể phân tách cho được.

Khi mặt trời tà sắp lặn, chúng tôi mới rời khỏi động. Chúng tôi hy vọng một ngày không xa sẽ trở lại để được sống thêm những giờ phút thần tiên giữa những kỳ quan vô song ấy.

Việt Điểu THÁI VĂN KIỂM

TRẦN VĂN HỮU st

ĐÀN XÃ TẮC

VÀ LỄ TẾ XÃ TẮC Ở HUẾ

Là một trong những di tích cung đình đặc biệt quan trọng của cố đô Huế. Dưới thời Nguyễn, cùng hàng với đàn Nam Giao và Ngũ miếu trong Hoàng thành (Triệu Miếu, Thái Miếu, Hưng Miếu, Thế Miếu và Phụng Tiên Miếu), đàn Xã Tắc là một trong những “Miếu Đàn” trọng yếu của triều đình và hoàng gia. Lễ tế ở đàn Xã Tắc cũng được xếp vào hàng cao nhất (đại tự).

Đàn Xã Tắc được xây dựng từ cuối mùa xuân năm 1806, sau khi vua Gia Long quy hoạch lại toàn bộ Kinh thành trên đất của 8 làng ở bờ bắc sông Hương. Đàn nằm ở phía tây của hoàng cung, đúng theo nguyên tắc “tả Tổ, hữu Xã” (bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Xã Tắc) của thành trì phương Đông truyền thống.

Do ý nghĩa và tính chất đặc biệt quan trọng của công trình (Xã Tắc tượng trưng cho Tổ quốc) nên triều đình đã buộc 28 dinh trấn trong cả nước nộp đất sạch về kinh đô để đắp đàn; nhiều nhất là dinh Quảng Đức (đóng 100 khiêng), ít nhất là trấn Thuận Thành (đóng 1 khiêng), còn phần lớn các trấn đều đóng 50 khiêng. Các nơi đều dùng thuyền chở đất về Kinh đô để đắp đàn tế.

Sau khi xây dựng xong, đàn Xã Tắc có quy mô khá lớn. Kết cấu đàn gồm 2 tầng, đều hình vuông. Tầng thứ nhất cao 1,7m, mỗi cạnh 30m; mặt nền đàn tô 5 màu theo ngũ phương: ở trung tâm là màu vàng, hướng đông màu xanh, hướng tây màu trắng, hướng nam màu đỏ, hướng bắc màu đen. Chính giữa tầng này có 32 chân tảng bằng đá khoét lỗ ở giữa để cắm tàn lọng mỗi khi tế lễ. Bốn phía xây bậc cấp để lên đàn: bệ phía bắc có 11 bậc; các bệ ở phía đông, tây, nam đều có 7 bậc. Ở chính giữa tầng 1 đặt án thờ Thái Xã thần vị ở bên phải và Thái Tắc thần vị ở bên trái. Ngoài ra, ở bên phải của tầng 1 còn thờ thêm Hậu thổ Câu Long thị và phía trái thờ Hậu Tắc thị. Hai bàn thờ Thái Xã và Thái Tắc đặt đối diện nhau.

Tầng thứ 2 cao 1,2m, mỗi cạnh 74m. Mặt trước của nền gạch có hai chân đá tảng để cắm tàn lọng; bốn bên đều có bậc cấp bước lên, mỗi bệ có 5 bậc xây bằng đá.

Cả 2 tầng đều có xây lan can bổ trụ bằng gạch, cao đều 90cm. Tầng thứ nhất tô màu vàng. Tầng thứ 2 tô màu đỏ.

Đàn Xã Tắc được đặt trong một khuôn viên hình chữ nhật, rộng hơn 3,6ha (214m x 172m); phía trước mặt (phía Bắc) lại có hồ lớn làm Minh đường.

Trong khuôn viên đàn và dọc các lối đi quanh bên ngoài, triều Nguyễn cho trồng rất nhiều xoài, tùng, mù u. Cây mù u (tên chữ là Nam mai) là loài cây đã tạo nên đặc trưng của đàn Xã Tắc tại kinh đô Huế, lưu lại trong cả ca dao:

Văn Thánh trồng thông,

Võ Thánh trồng bàng,

Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u.

Đàn Xã Tắc xây xong, triều đình nhà Nguyễn rất chú trọng đến việc cúng tế ở đàn này. Ý nghĩa của việc tế lễ nơi đây quan trọng không kém gì việc tế ở đàn Nam Giao. Dưới thời Nguyễn, các lễ cúng tế của triều đình được chia làm 3 bậc: đại tự, trung tự, quần tự. Lễ tế đàn Xã Tắc được xếp vào bậc đại tự giống như lễ tế đàn Nam Giao và lễ tế ở các miếu thờ vua chúa nhà Nguyễn. Theo quy định, dưới thời Gia Long, vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu vua “ngự giá” làm lễ tế đàn Xã Tắc, những năm còn lại do các ban đại thần thay nhau thực hiện. Từ thời Minh Mạng trở đi, triều đình tổ chức cúng tế đàn Xã Tắc 2 lần trong năm: vào tháng 2 và tháng 8 âm lịch. Các vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều thân hành đến làm chủ lễ ở đàn Xã Tắc. Dưới thời các vị vua kế tiếp, việc cúng tế ở đàn Xã Tắc vẫn được duy trì cho đến khi nhà Nguyễn cáo chung (1945).

Sau năm 1945 , đàn Xã Tắc không còn được sử dụng đúng như chức năng vốn có, dù vậy di tích vẫn giữ được diện mạo cơ bản của một đàn tế quan trọng của triều Nguyễn. Nhưng đến khoảng những năm 1970, mặt bằng của khu vực đàn Xã Tắc được sử dụng làm khu gia binh trực thuộc sự quản lý của quân đội chế độ cũ. Kể từ thời điểm này, hầu hết phần đất từ vòng thành thứ 2 đến thành ngoại được trưng dụng làm nhà ở. Rồi sau năm 1975, tình trạng trên vẫn tiếp tục duy trì với số dân cư ngày càng gia tăng.

Với quyết tâm phục hồi một di tích cung đình quan trọng, năm 2006, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã hoàn thành việc xây dựng hồ sơ khoa học cho đàn Xã Tắc. Ngày 13.12.2006, di tích chính thức được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Đến tháng 9.2007, Trung tâm bắt đầu phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành các thủ tục thám sát khảo cổ học đàn Xã Tắc, chuẩn bị cho dự án trùng tu di tích. Cuối tháng 3.2008, công tác thám sát khảo cổ học đã cơ bản hoàn thành và dự án tu bổ đàn Xã Tắc bắt đầu được triển khai.

Theo kế hoạch, việc trùng tu giai đoạn I của dự án với chủ yếu là mặt bằng khu đàn tế tầng thượng và tầng hạ hoàn thành vào cuối tháng 5.2008 để kịp phục vụ Lễ hội tế đàn Xã Tắc trong Festival Huế năm 2008.

Công tác nghiên cứu trùng tu đàn Xã Tắc khá thuận lợi vì các thông tin từ tư liệu và thám sát khảo cổ rất phong phú; hơn thế tại Huế vẫn còn đàn Sơn Xuyên (đàn tế núi sông của triều Nguyễn) được xây dựng năm 1852, hoàn toàn mô phỏng theo cách thức của đàn Xã Tắc.

Lễ tế Xã Tắc vốn là một nghi lễ cung đình quan trọng diễn ra mỗi năm 2 lần (vào mùa xuân và mùa thu) dưới thời Nguyễn. Đây là nghi lễ cúng thần Đất (Xã) và thần Ngũ Cốc (Tắc) với mong ước mùa màng bội thu, nhân dân no ấm. Điều đáng nói là đàn Xã Tắc ở Huế là di tích còn tương đối nguyên vẹn hơn cả trong các di tích đàn Xã Tắc tại Việt Nam. Tư liệu về các nghi lễ tế cúng tại đây cũng còn khá đầy đủ. Tái hiện lễ tế ở đàn Xã Tắc không chỉ là việc phục dựng, bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống mà còn là sự tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam. Chắc chắn lễ tế Xã Tắc trong Festival Huế sẽ là một hoạt động rất hấp dẫn.

Theo dự kiến, sẽ có đoàn ngự đạo (khoảng trên 500 người tham gia với đủ các nghi vệ, võng lọng, cờ quạt) xuất phát từ cửa Ngọ Môn đi đến đàn Xã Tắc với quãng đường gần 1.000m. Các nghi lễ tế Xã Tắc sẽ được tái hiện một cách nghiêm trang và đúng theo các nghi thức đã từng diễn ra trong thời Nguyễn. Hy vọng lễ tế Xã Tắc rồi đây sẽ được duy trì như một lễ hội cung đình truyền thống thường niên để tăng thêm vẻ hấp dẫn cho cố đô. Các địa phương trong cả nước lại có dịp một lần nữa đóng góp đất sạch của quê hương mình cho việc xây đắp, trùng tu lại đàn Xã Tắc? Bởi cầu cho đất nước thịnh vượng, nhân dân no ấm đâu chỉ là nguyện vọng riêng của các vua nhà Nguyễn mà chính là ước vọng của muôn đời.

Phan Thanh Hải - Bùi Đẹp (st)

LỜI NGUYỀN TECUMSEH

Người da trắng đến Bắc Mỹ từ cuối thế kỷ 15, họ chiếm đất của dân da đỏ. Trận đánh Tippecanoe năm 1811 là trận đánh rất quyết liệt. Quân da trắng chỉ huy bở Thống Đốc William Henry Harrison của Tiểu bang Indiana và quân da đỏ do tướng Tecumseh chỉ huy. Trận này dân da đỏ thua nhưng quân da trắng cũng bị chết rất nhiều. Hai năm sau, Tecumseh lại đụng độ với William Henry Harrison trong trận đánh khác và bị tử thương. Tục truyền: trước khi chết, Tecumseh nguyền rằng “Harrison sẽ chết và mỗi lãnh tụ được bầu mỗi 20 năm sẽ lại chết trong lúc còn nhiệm chức, như thế để cho mọi người nhớ đến dân da đỏ chúng ta”.

Những Tổng Thống đã chết vì lời nguyền của Tecumseh:

- 1840…William Henry Harrison

- 1860…Abraham Lincoln

- 1880…James A. Garfield

- 1900…William McKinley

- 1920…Warren G. Harding

- 1940…Franklin D. Roosevelt

- 1960…John F. Kennedy

- William Henry Harrison trở nên nổi tiếng sau trận Tippecanoevà được bầu làm Tổng Thống năm 1840. Ông đọc một bài diễn văn nhậm chức dài dưới trời mưa sau đó bị sưng phổi và chết đúng 1 tháng sau, ở tuổi 68.

- Abraham Lincoln được bầu làm Tổng Thống năm 1860, và bị ám sát bởi John Wilkes Booth vào năm 1865 khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2.

- James A. Garfield thắng cử năm 1880 ông bị bắn trong phòng đợi ở ga xe lửa Washington, và 2 tháng sau ông chết.

- William McKinley được tái cử năm 1900. Tháng 9 năm 1901 sau khi đọc diễn văn ở một hội chợ ở Buffalo, ông bị bắn sau khi đang bắt tay những người chào đón ông. Sau đó 1 tuần thì ông chết.

- Warren G. Harding trúng cử năm 1920 chết vì một cơn đau tim năm 1923. Có dư luận cho rằng ông ta bị người vợ đầu độc.

- Franklin D. Roosevelt được tái cử năm 1940 và chết năm 1945 khi mới bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4.

- John F. Kennedy trúng cử năm 1960 và bị ám sát năm 1963.

- Ronald Reagan là người đã phá được lời nguyền Tecumseh. Ông trúng cử năm 1980, mặc dù bị ám sát nhưng thoát chết, viên đạn đã không trúng ngay tim ông mà chỉ cách tim chừng 2,5cm. Khi ông bị bắn, người dân Mỹ lại nghĩ rằng lại một Tổng Thống nữa chết bởi lời nguyền Tecumseh.

- Đến G. Bush thì lời nguyền này không còn hiệu lực nữa. Ông trúng cử năm 2000 và đã rời tòa bạch ốc sau 2 nhiệm kỳ mà không hề hấn gì.

Vì có quá nhiều sự trùng hợp trong cái chết của một số vị Tổng Thống với lời nguyền, cho nên có rất nhiều người tin vào lời nguyền Tecumseh. Nhưng thực chất lời nguyền này chỉ là tục truyền trong dân gian, không chứng cớ, không ai chứng kiến Tecumseh đã thốt ra lời nguyền này. Người ta chỉ được nghe kể lại từ một người em cùng cha khác mẹ của ông, tên là Tenskwatawa.

NCT

Tai Biến Mạch Máu Não

hay Đột Quỵ

Ðột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não hay xuất huyết não.

Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới, đột quỵ là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tại 2/3 số quốc gia được khảo sát, tai biến này là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong cao nhất. Nếu phát hiện và điều trị sớm, bệnh nhân sẽ được cứu sống và tránh những di chứng nặng nề.

Bài dưới đây giới thiệu một phương pháp rất đơn giản và hữu hiệu có thể cứu sống người bị Ðột quỵ

Cây kim có thể cứu sống bệnh nhân đột quỵ

Rất có thể các bạn đã nhận được thông tin này rồi, nhưng biết thêm vẫn tốt...

Hãy giữ một cây kim (nhớ là thật sạch) ở trong nhà để làm điều này. Ðây là một cách vô cùng kỳ diệu và độc đáo để cứu người bị đột quỵ. Hãy đọc thật kỹ biết đâu có ngày bạn sẽ có dịp sử dụng kiến thức này để cứu người.

Bài viết này thật tuyệt. Hãy giữ nơi thuận lợi nhất. (Tốt nhất là học thuộc và giữ nó trong đầu của bạn). Ðây là các mẹo tuyệt hảo. Hãy bỏ ra một vài phút để đọc. Biết đâu có ngày hữu dụng. Mạng sống của ai đó có thể phụ thuộc vào bạn.

“Cha tôi đã bị liệt và sau đó đã chết vì bị đột quỵ. Uớc gì mà tôi đã biết được cách sơ cứu này trước khi chuyện đau lòng ấy xảy ra. Khi bị bệnh nhân bị đột quỵ, các mạch máu não sẽ bị vỡ” (Irene Liu).

Khi có người bị đột quỵ, hãy hết sức bình tĩnh. Cho dù bệnh nhân đang ở đâu, cũng không được di chuyển. Vì nếu bị di chuyển, các mạch máu não sẽ vỡ ra. Hãy giúp bệnh nhân ngồi tại chổ và giữ không cho bệnh nhân bị ngã, rồi bắt đầu chích cho máu chảy ra. Nếu bạn có sẵn một cây kim tiêm ở nhà thì tốt nhất, nếu không có kim tiêm, bạn có thể dùng kim may hoặc một cây kim thẳng. Nhớ là phải rữa tay bạn thật sạch trước khi thực hiện các việc sau đây:

1. Hơ kim trên lữa để khử trùng rồi dùng nó để chích mười đầu ngón tay.

2. Không có các huyệt cụ thể, chỉ cần chích cách các móng tay 1mm.

3. Chích đến khi nào máu chảy ra.

4. Nếu máu không chảy ra được, hãy dùng ngón tay của bạn để nặn ra.

5. Khi tất cả mười đầu ngón tay đều đã có máu chảy ra, hãy chờ vài phút, nạn nhân sẽ hồi tỉnh.

6. Nếu nạn nhân bị méo miệng, hãy kéo hai tai nạn nhân cho đến khi cả hai tai đều đỏ lên.

7. Sau đó, chích vào dái tai cho đến khi mỗi dái tai có chảy ra hai giọt máu. Sau vài phút nạn nhân sẽ hồi tĩnh.

Chờ cho đến khi nạn nhân trở lại trạng thái bình thường không có một triệu chứng bất thường nào nữa thì mới chở nạn nhân vào bệnh viện vì nếu nạn nhân bị vội vàng chở đi ngay đến bệnh viện bằng xe cấp cứu, xe chạy bị xóc sẽ làm cho các mạch máu não của bệnh nhân vỡ tung ra. Nếu nạn nhân có được cứu sống, ráng lắm mới đi lại được thì cũng do phước đức ông bà để lại mà thôi.

“Tôi học được phương pháp cứu người bằng cách chích cho máu chảy ra từ Bác sĩ Ha Bu-Ting ở Sun-Juke. Hơn nữa tôi cũng đã từng có kinh nghiệm thực tế. Vì vậy tôi có thể nói phương pháp này hiệu quả đến 100%. Năm 1979, tôi đang dạy tại trường Ðại Học Fung-Gaap ở Tai-Chung. Một ngày nọ tôi đang dạy ở trong lớp thì có một giáo viên khác chạy đến lớp tôi và nói trong hơi thở hổn hển: “Cô Liu ơi, mau lên, xếp bị đột quỵ rồi!”.

Tôi chạy ngay lên tầng 3. Khi tôi nhìn thấy xếp tôi, ông Chen Fu-Tien, thì ông ta da đã nhợt nhạt, nói ngọng ngiụ, miệng méo- tất cả các hiện tượng của chứng đột quỵ. Tôi liền nhờ một học sinh đến một tiệm thuốc bên ngoài trường học mua một cây kim và dùng nó chich mười đầu ngón tay ông Chen Khi tất cả mười dầu ngón tay của ông ta đã chảy máu (mỗi ngón tay đều chảy một giọt máu bằng hạt đậu), sau vài phút, khuôn mặt của ông Chen hồng hào trở lại và đôi mắt cũng đã có thần trở lại. Nhưng miệng ông ta vẫn còn méo. Thế là tôi kéo tai ông ta cho máu chảy đến tai. Khi tai ông ta đã đỏ, tôi liền chích dái tai phải của ông hai lần để nặn ra hai giọt máu. Khi cả hai tai đều đã được nặn máu, mỗi bên hai giọt, thì một điều kỳ diệu đã xãy ra. Trong vòng 3-5 phút, miệng ông ta đã trở lại hình dáng bình thường và giọng nói trở nên rõ ràng. Tôi để cho xếp tôi nghỉ ngơi một lát và uống một tách trà nóng, rồi tôi giúp ông đi xuống cầu thang và chở ông đến bệnh viện... Ông nghỉ tại bệnh viện một đêm và hôm sau đựoc xuất viện để trở về trường dạy học.

Mọi việc xảy ra bình thường. Không hề có một tác động nào xấu để lại. Mặt khác, nạn nhân đột quỵ thường phải chịu tình trạng mạch máu não bị vỡ khó tránh khỏi trên đường đi đến bệnh viện. Kết quả là các nạn nhân này sẽ không bao giờ phục hồi được (Irene Liu).

Vì vậy đột quỵ là nguyên nhân thứ hai của tử vong. Nhưng người may mắn có thể sẽ sống sót nhưng phải chịu bị liệt suốt đời. điều này thật là khủng khiếp. Nếu như tất cả chúng ta có thể nhớ phương pháp chích cho máu chảy ra và bắt đầu quá trình cứu người ngay tức khắc, chỉ trong một thời gian rất ngắn, nạn nhân đã có thể hồi sinh và trở lại bình thường 100%.

Chúng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ bày cho người khác phương pháp sơ cứu này. Bằng cách làm như vậy, đột quỵ sẽ bị chuyển khỏi danh sách các nguyên nhân chính gây tử vong.

Xin hãy chuyển tiếp cho người khác sau khi bạn đọc xong bài này. Ðây là một việc làm rất tốt.

Bs Nguyễn Lân-Đính sưu tập từ Internet

(qua nhóm bạn Yamaha, Mỹ)

Phụ Bản IV

Để cuộc sống hạnh phúc hơn mỗi ngày

Cuộc sống hằng ngày luôn bận rộn, đôi khi khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Bạn sẽ có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn nếu làm theo những điều dưới đây.

1. Dành ra 10-30 phút đi bộ mỗi ngày giúp cơ thể dẻo dai và thư giãn.

2. Ngồi im lặng 10 phút mỗi ngày để suy ngẫm và tạo không gian yên tĩnh cho bản thân.

3. Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày sẽ khiến tinh thần minh mẫn và tràn đầy năng lượng cho ngày mới.

4. Thực hiện ba “E” là : Energy (hoạt động tích cực), Enthusiasm (nhiệt tình) và Empathy (biết cảm thông).

5. Tham gia các hoạt động hữu ích như đi từ thiện, giúp đỡ những người nghèo, trẻ em khuyết tật...

6. Đọc và tìm hiểu nhiều cuốn sách hay để mở mang trí óc và tìm hiểu thêm về thế giới xung quanh.

7. Dành thời gian cho những người lớn tuổi và trẻ em.

8. Ăn nhiều loại rau, quả và uống nhiều nước mỗi ngày giúp con người luôn tươi trẻ và tràn đầy sức sống.

9. Quan tâm, săn sóc và làm bản thân đẹp hơn mỗi ngày.

10. Cười thật nhiều và suy nghĩ lạc quan. Tạo niềm vui ít nhất cho ba người mỗi ngày.

11. Không lãng phí thời gian quý giá vào việc “buôn dưa lê”, nói xấu người khác.

12. Cố gắng quên đi những rắc rối trong quá khứ. Đừng nhắc lại sai lầm của người ấy từng làm với bạn.

13. Luôn suy nghĩ mọi việc theo chiều hướng tích cực.

14. Cuộc sống cũng như môi trường học đường và bạn ở đó để học hỏi, những vấn đề xảy ra đều nằm trong “chương trình giảng dạy”. Chỉ khác rằng, bạn sẽ học chúng suốt cả cuộc đời và mỗi bài học đều là những trải nghiệm có thật.

15. Cuộc sống thật ngắn ngủi vì vậy đừng lãng phí thời gian để căm ghét một ai đó. Hãy tha thứ nếu có thể.

16. Không phải lúc nào bạn cũng giành chiến thắng và thành công trong cuộc sống. Đôi lúc nên đồng ý với những thất bại và coi đó như một bài học bổ ích.

17. Mỗi người đều có một cuộc sống khác nhau. Đừng so sánh mình với bất cứ người nào khác, bỏ qua sự đố kỵ và ghen ghét. Bạn nên biết hài lòng với bản thân và cuộc sống của mình.

18. Trân trọng tình cảm của những người xung quanh.

19. Hưởng thụ và tận hưởng từng giây, phút quý giá trong cuộc sống.

20. Luôn biết yêu thương và quý trọng bản thân mình bởi mỗi người sinh ra đều là món quà trong cuộc sống.

Lê Đình Tiến st

Thực phẩm chế biến sẵn

chứa chất béo cực độc

Thực phẩm chế biến sẵn như mì ăn liền, bánh kẹo, khoai tây chiên, gà rán… rất tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian nhưng cũng có hại cho sức khỏe bởi chứa nhiều trans fat, một chất béo rất độc.

Đó là cảnh báo của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng quốc gia tại hội thảo khoa học Tác hại của việc sử dụng thực phẩm có Trans fat diễn ra chiều 14/6, do Viện Dinh Dưỡng quốc Gia và chi hội Dinh dưỡng lâm sàng tổ chức.

Chất béo trans gây hại ra sao?

“Trans fat là loại chất béo nguy hiểm nhất trong nhóm các chất béo gây hại. Chất béo này khi xâm nhập vào cơ thể sẽ gây đông đặc máu và tạo ra những mảng tiểu cầu dạng mỡ bám vào thành mạch, dần dần bịt kín thành mạch khiến cho máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và từ đó dẫn đến nguy cơ đột quỵ”, TS Lâm nói.

Theo đó, khi trans fat đi vào cơ thể, nó chiếm chỗ (nhưng không thể thay thế) của axit béo cần thiết. Ngoài ra nó làm tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) trong máu do đó làm tăng khả năng bị các bệnh tim mạch. Chưa kể, chất béo dạng trans gây ứng chế enzym chuyển hóa, gây hình thành các huyết khối trong động mạch, dẫn đến nguy cơ tăng đột quỵ.

Thống kê tại New York (Mỹ) cho thấy mỗi năm có đến hơn 500 người chết vì bệnh tim mạch có liên quan đến Trans fat. Vì sự độc hại của chất béo này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo, mỗi người không nên tiêu thụ trans fat quá 3g/ngày. Nhiều nước còn quy định rõ phải ghi rõ lượng trans fat trên bao bì nhãn mác, như tại Canada, nhà sản xuất chỉ được quyền ghi zero trans (không có mỡ trans) trong trường hợp sản phẩm chứa ít hơn 0,2gr.

Cùng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Bạch Yến, Viện Tim Mạch Việt Nam cho biết, theo nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu tăng 2% năng lượng từ trans fat thì sẽ tăng 23% nguy cơ bệnh mạch vành. Trên thực tế, những năm gần đây, các bệnh tim mạch đang trở thành bệnh phổ biến ở Việt Nam với tỷ lệ mắc cao, tỷ lệ tử vong cao và có nhiều biến chứng nguy hiểm.

Cách giảm chất béo trans

Mì ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn là những thực phẩm có nguy cơ cao chứa nhiều trans fat rất hại cho sức khỏe

Tại Việt Nam, trans fat vẫn còn là vấn đề mới mẻ, chưa được nhiều người tiêu dùng biết tới. Nhưng thực tế, từ lâu, trong ngành sản xuất chế biến đồ ăn sẵn, để tăng thời gian bảo quản, tươi ráo, giòn và có màu sắc đẹp, hấp dẫn người tiêu dùng, người sản xuất dùng các loại dầu thực vật đã được hydro hóa trong quá trình chế biến. “Các sản phẩm có nguy cơ chứa nhiều chất béo trans như mì ăn liền (dùng công nghệ chiên), các loại bánh ngọt, sô-cô-la, kẹo, bánh bích-quy, bánh trung thu, khoai tây chiên, gà chiên, giò chả, các đồ nướng…”, TS Lâm nói.

Vì thế, để giảm nguy cơ này, TS Lâm khuyến cáo, người tiêu dùng không nên sử dụng những thực phẩm có chứa trans fat - loại chất béo có hại nguy cơ gây nên bệnh tim mạch và đột quỵ. Tức là đọc kỹ nhãn mác khi chọn mua thực phẩm chế biến sẵn.

Ngoài ra, nên dùng các loại dầu thực vật có chứa nhiều chất béo chữa bão hòa đa, hoặc loại dầu chưa bão hòa đơn (dầu đậu nành, dầu lạc, dầu mè, dầu hướng dương). Tránh dùng các loại dầu thực vật hydro hóa, dầu dừa, nước cốt dừa, dầu cọ (dầu olein), mỡ heo vì chúng chứa quá nhiều chất béo bão hòa. Hạn chế việc tiêu thụ các thực phẩm có chứa quá nhiều cholesterol như lòng, tim, gan, óc, thận, lòng đỏ trứng gà, nên ăn thịt nạc đã bỏ da, bỏ mỡ. Không ăn margarine (bơ thực vật) loại cứng đóng thành thỏi (vì loại này được làm từ dầu thực vật hydro hóa nên chứa rất nhiều trans fat).

Đặc biệt lưu ý dầu ăn càng chiên đi chiên lại nhiều lần càng có nguy cơ bị hydro hóa. Nhất là khi dầu đã chuyển sang màu vàng sẫm thì nguy cơ chứa nhiều trans fat là khó tránh khỏi.

Ngoài ra, người dân cần có chế độ ăn hợp lý đủ vitamin, khoáng chất bằng cách tăng cường rau quả chín hàng ngày. Những loại rau tươi, màu sặc sỡ như xanh thẫm, vàng, đỏ càng chứa nhiều chất oxy hóa hơn. Chọn các loại chất bột đường có nhiều chất xơ như bánh mì đen, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, ngô khoai…

Ái Liên st

Thiên đường trong kinh Tân ước

Ai cũng tưởng Thiên đường là một cái nhà to trên trời Tân ước (Mathew) kể chuyện Chúa Jesus dạy rằng:

1- Thiên đường giống như CỎ mọc chung với LÚA ta cứ để chúng mọc chung với nhau, khi gặt về cỏ sẽ bị ném vào lửa.

2- Thiên đường giống như hạt cải , gieo xuống đất sẽ lớn lên thành cây.

3- Thiên đường giống nhu MEN, làm cho bột mì nở to trước khi được đút vào lò.

4- Thiên đường là báu vật ta tình cờ tìm thấy ai chôn ngoài ruộng.

5- Thiên đường giống như một nguời lái buôn thấy hòn ngọc tốt , liền mua nó.

6- Thiên đường giống như một cái lưới , thả xuống nước bắt được cá tốt và cá xấu cá tốt bỏ vào thuyền, cá xấu ném xuống nước.

7- Thiên đường giống như một ông vua toan bỏ tù một ông quan vì có nợ mà chưa trả. Vua tha cho quan về đến nhà, thì ông quan này gặp một anh lính còn mắc nợ quan, ông quan liền nhốt tù không tha cho anh lính.

8- Thiên đường giống như một người địa chủ ban sáng ra chợ thuê tá điền làm ruộng với tiền công 1 quan 1 ngày; đến giữa trưa ông ta lại thấy vài người đứng ở chợ cả buổi mà chẳng ai mướn, ông ta thuê cũng với giá 1 quan 1 ngày các người được mướn khi sáng phàn nàn thì bị ông chủ nói: ta muốn trả cách nào thì mặc ta.

9- Thiên đường giống như 10 cô gái trinh cầm đèn đi rước một chàng rể. 5 cô biết lo xa mang theo bình dầu phụ. 5 cô kia chỉ có mang đèn mà thôi... Chú rể bận nhiều việc, nên các cô phải chờ lâu quá, 5 cô hết dầu phải đi mua, đúng lúc đó chú rể tới chỉ thấy 5 cô cầm đèn, bèn mời vào dự tiệc.

10- Thiên đường giống như một ông chủ phải đi xa buôn hàng, ông ta gọi 3 anh giúp việc đến mà đưa cho anh A =5 quan, anh B=2 quan, anh C=1 quan.

Một thời gian sau khi trở về ông thấy anh A đã sinh lợi thành 10 quan, anh B làm thành 4 quan ông ta hài lòng lắm. Còn anh C thì chẳng sinh lợi được gì cả, ông chủ liền la rày rồi bỏ tù nó.


MĐ st

CƯỜI

:) (:

Một ông luật sư và một ông bác sĩ lái xe đụng nhau. Ông bác sĩ bị thương, ông luật sư thì không hề hấn gì cả. Ông luật sư giúp ông bác sĩ ra khỏi xe rồi gọi xe cứu thương và cảnh sát đến làm biên bản. Trong khi chờ đợi ông luật sư rót 1 ly rượu lớn mời ông bác sĩ uống. Uống xong ông bác sĩ hỏi:

- Ông không uống sao?

- Có chứ nhưng chờ cảnh sát đến làm biên bản xong đã.

Một ông ăn mặc bảnh bao hỏi một cậu bé tóc dài rằng cậu có muốn cắt tóc miễn phí không, ông sẽ đưa đi. Cậu bé bằng lòng. Đến tiệm cắt tóc ông bảo cậu bé chờ để ông cắt trước. Cắt xong ông nói, cố tình cho ông thợ cắt tóc nghe:

- Bây giờ đến lượt con, bố đi mua tờ báo sẽ về ngay.

Nói xong ông đi luôn mà không trở lại, mặc cho cậu bé và ông thợ cắt tóc chờ.

Đọc được ở bên trong một quán nhậu: “Thương người uống rượu. Hận kẻ phá mồi”.

Đọc được bên ngoài một quán nhậu khác: “Cần nữ phục vụ. Điều kiện: có NGOẠI hình và NỘI hình”.

NCT

Một truyện ngắn của nhà văn Thế Lữ rất ít người được biết và được đọc.

MỘT TRUYỆN NGOẠI TÌNH

Hai người lấy nhau đã gần sáu năm. Người đàn bà đã thay đổi nhiều về hình dung cũng như về tính nết. Có thể gọi sự thay đổi ấy là một sự tấn tới. Cô con gái nhút nhát, không bao giờ ra khỏi cái tỉnh nhỏ là nơi cô ta sinh trưởng, quanh năm ẩn náu bên mình bà mẹ ngay thực mà cô ta giúp đỡ trong việc trông coi một ngôi hàng bé con, đến bây giờ đã thành một thiếu phụ nhanh nhẹn sắc sảo, một người vợ biết đủ phận sự và quyền lợi đối với chồng.

Đó là nhờ ở cái khiếu dễ hóa của người đàn bà, nhờ ở thông minh mà cô Lan sẵn có, nhưng phần nhiều nhờ ở cái ý muốn nhiệt thành và âu yếm của chồng cô ta.

Toán quả là một người chồng tốt.

Đứng đắn, chí thú, yêu đời theo một quan niệm thông thường và giản dị, anh chàng này để cả lý tưởng vào sự gây hạnh phúc cho gia đình. Toán bồ cói sớm, được học ít nhưng học giỏi và đến năm hai mươi ba tuổi, khi đã có việc làm ăn chắc chắn, là lo ngay đến việc kiếm một người vợ nết na.

Toán biết Lan vì một người bà con mà anh ta về chơi nhà nhân một ngày lễ nghỉ. Anh ta mến cuộc đời cần cù của bà mẹ cũng như ưng cái nhan sắc hiền hậu của cô con. Địa vị của Toán được coi bằng con mắt kính cẩn trong cuộc ướm hỏi và giao tiếp ban đầu, và đến khi ông thông phán tòa sứ Hanoi trẻ tuổi ấy về cưới Lan, thì những người quen thuộc ở Hưng Yên đều cho là Lan gặp được cái may quá chừng tốt đẹp.

Hôm cưới, sau khi đã nhắc lại cho con gái nghe những điều khuyên quan trọng, bà mẹ bảo riêng với Toán rằng:

- Em nó vụng dại lắm. Cậu nên dạy dỗ cho nó biết cách đối đãi với họ hàng. Tôi chỉ có mình nó, được phó thác trong tay cậu cũng lấy làm yên tâm. Nó không được như người tỉnh thành đâu, vợ cậu nó quê mùa lắm.

Toán cũng biết người vợ mà anh ta chọn không có một tý gì là tân thời. Học thức đơn sơ, sự giáo dục chỉ trong khuôn nếp hẹp và cổ, cử chỉ ngượng ngập, bẽn lẽn, Lan sẽ là một nét nâu sồng lạ mắt đặt vào giữa những hình sắc hào hoa. Nhưng Toán không lấy thế làm ngại ngùng. Một vẻ đẹp ý nhị của Lan cũng đủ cho Toán sung sướng. Khuôn mặt Lan nét thanh và dịu, đôi mắt Lan đen lánh một màu tình tứ kín đáo, cặp môi vẽ những đường chau chuốt đằm thắm và ngậm một thứ duyên hiền hậu ngọt ngào.

Toán ngắm vợ và khoan khoái nhận thấy mình chiếm được một của báu hiếm có trong tay. Anh tự nghĩ:

- Lan mà ăn mặc mới sẽ là một bực tuyệt sắc ở Hanoi.

Rồi Toán để tâm “cải hóa” Lan.

Anh tìm được một hình ảnh mà anh tự thấy hay: Đem cây Lan ở nơi khác về giồng trên đất Hà Nội.

Toán mua các sách báo quốc ngữ về cho Lan đọc và tập cho Lan ham chuộng những lối cư xử ăn nói của người “tỉnh thành”. Anh lựa những lời khôn khéo để Lan thấy sự quê mùa trong cách xưng hô của Lan lúc ban đầu. Lan dần dần bỏ được tiếng “nhà” mà cô ta cho là tiếng âu yếm. Đến lúc vợ chồng gọi nhau là mình khi thân mật và gọi nhau bằng tên thì Lan đã bỏ được gần hết vụng dại khép nép của mình. Toán không ngại tiếp các bạn quen nữa. Một đôi khi (lúc đó đã ở với nhau được hai năm) chồng đã dám đường hoàng đi chơi với vợ ở một vài đường phố, Lan mặc trang phục mới càng tôn vẻ đẹp của hình dáng. Cô ta đánh phấn rất khéo. Son phấn với quần áo đổi được cử chỉ và cả tính nết người. Lan đi đứng lẹ làng, nói năng hoạt bát và sự lịch thiệp đối với các bạn mới quen của Toán khiến cho họ không thể ngờ được rằng người vợ của Toán đã có lần là cô Lan bỡ ngỡ e thẹn ngày nào. Đến Toán cũng phải ngạc nhiên. Anh thường bảo vợ:

- Lan chắc quên mất Lan trước kia rồi đây nhỉ.

Cô trả lời:

- Lan chả quên, Toán quên thì có. Lan vẫn nhớ mãi hình dáng Lan ngày mới yêu Toán, vì đấy là kỷ niệm sâu xa nhất trong đời của Lan.

Toán mỉm cười. Câu nói văn hoa và chơn chu này chính là thứ văn chương mà Lan vẫn đọc.

Những cử chỉ âu yếm,, những cách vuốt ve mê mải, trước kia làm cho người thiếu phụ sượng sùng, bấy giờ lại không làm rung động Lan thái quá. Một buổi ẵm tấm thân lả lướt và thơm tho của Lan, Toán nhìn vào đôi mắt tươi cười của vợ và hình như thoáng nhận thấy một vẻ lạnh lẽo thờ ơ, anh bỗng gọi:

- Lan!

- Gì thế Toán?

- Lan ơi!

Đôi mày Lan nâng cao lên đợi chờ và ngạc nhiên. Lời nói của Toán có một giọng tha thiết khác lạ.

- Lan ơi! Mình yêu anh chứ?

Lan phụng phịu ra bộ dỗi và lả lơi uốn éo trong tay chồng.

Lan bao giờ cũng bảo Toán rằng:

- Em chỉ biết yêu mình. Cả tâm hồn em, cả thân thể em là của mình.

Lan biết ngăn đón cả sự ngờ vực của Toán:

- Lòng em trong sạch như nước suối. Em thấy mình băn khoăn em khổ lắm. Ước gì đời này chỉ có hai đứa chúng ta...

Toán ôm chặt lấy Lan, nhưng anh thở dài và nghĩ đến những hồi yêu thương thứ nhất. Anh nhớ lại những bữa tiệc, những buổi dự hội, những tối chiếu bóng trong đó nhan sắc của vợ lộng lẫy trước những vẻ nhìn tối tăm vì ghen ghét và những con mắt lóng lánh vì ước ao... Anh điểm lại những mặt bạn hữu quen, những người đã được lời chế riễu vui vẻ của Lan làm cho sung sướng. Một khóe mắt, một miệng cười mỉm, một bàn tay mềm mại giơ ra bắt... những hình ảnh đó ở bao nhiêu trường hợp đã qua, nay lại hiện trong trí người chồng và rõ rệt lên, có một ý tứ mới nhận thấy.

Sự ngờ vực reo trong lòng Toán. Mầm độc nở lên rất mạnh như có tay vun tưới: Toán khổ sở ghê gớm và âm thầm.

Anh tự nhủ rằng Lan không lừa dối anh bao giờ. Không! Lan không có lý nào thôi yêu anh! Vả lại chứng cớ đâu? Nhưng Toán vẫn không thôi đào xét. Anh ôn lại từng cử chỉ từng lời nói của Lan khi anh ở ngoài về, khi Lan đi chơi một mình về, nhất là khi Lan vắng nhà buổi tối. Anh trách anh vô lý, Lan cũng đã phải bực tức với anh, và có phen phải khóc lóc. Anh yêu Lan đắm đuối hơn trước, dữ dội hơn trước. Nhưng anh càng đau đớn hơn. Cả trong lời phân trần của Lan anh cũng thấy có ý khác.

Một buổi tối Toán tìm được cái cớ ngờ vực của mình.

Hôm đó, anh cùng với Lan vào nhà hàng lớn phố Tràng Tiền, lúc trở ra, Lan đi trước, anh còn ở lại trả tiền rồi ra sau. Một người quen mới trông thấy Lan, tưởng cô đi một mình, vội vã lại gần Lan và tỏ ra một vẻ mừng rỡ hơi ngoa nếu chỉ là bạn thường như mọi người bạn khác. Thái độ ấy tuy giữ lại được ngay nhưng Toán đã bắt chợt được hiệu tay của Lan và một vẻ bẽn lẽn thoáng qua của người bạn.

Toán bắt tay người kia và rất vui vẻ tự nhiên. Anh tìm được những câu chào mới và một điệu bộ vô tình rất khôn ngoan khiến chính anh cũng lấy làm lạ.

Toán lại ngạc nhiên hơn nữa khi nhận thấy tâm hồn rất bình tĩnh và bỗng dưng như khoan khoái nhẹ nhàng. Từ giã người bạn rồi, anh ân cần hỏi Lan và chỉ nói đi những chuyện khác. Đối với Lan, với điều bí ẩn của Lan mà anh vừa chợt biết, anh có một thái độ nhã nhặn và kín đáo của người lịch sự khi biết chuyện riêng của những người ngoài. Anh biết cách lánh xa đi - lánh mặt đi với những bước rón rén. Anh cũng “không trông thấy” hai ba lần Lan nhìn trộm, anh ngạc nhiên rất giỏi khi Lan đả động tới các bạn hữu để dò ý anh. Phải, Toán đóng vai anh chồng không biết gì, mà đóng một cách tài tình. Anh phá tan đám mây lo ngại cho Lan. Vì anh đã có một chủ ý.

Tối hôm ấy Toán nghe vợ nhắc lại những lời âu yếm, nét mặt lộ ra hết vẻ cảm động sung sướng và trong những ý chua chát nhận thấy cái can đảm lặng lẽ của mình. Anh đáp lại sự vuốt ve của Lan bằng những cử chỉ nồng nàn và khi hôn lên miệng Lan trước khi vợ đi vào phòng, Toán nghĩ đến cái cảnh tượng giống như lúc này, Lan ngả nghiêng trong tay người khác.

Hơn một tuần lễ không có gì lạ trong sự chung đụng của hai vợ chồng. Lan vẫn có những cớ rất chính đáng để vắng nhà. Toán hỏi chuyện và đôi khi lại nói khôi hài để Lan cười. Những thứ quà kẹo bánh mà Lan thích, Toán không quên mua về, và lúc đưa cho Lan anh vẫn trêu chọc để thấy vợ nhắc lại những cử chỉ và những lời nũng nịu. Lan yên tâm lắm. Lan không lo giữ gìn nữa. Toán biết đã đến lúc thi hành cái mưu của mình.

Đó là cái mưu cổ điển.

- Lan ạ, chiều thứ bảy anh phải đi Nam Định.

Toán vừa nói vừa thản nhiên đưa bức thư của người bạn mình xuống Nam để bàn một chuyện cần.

- Chiều thứ bảy anh đi, sáng hôm sau về ngay. Nhưng thế nào anh cũng mua quà cho Lan...

Lúc ấy là trưa thứ sáu.

Toán không nhìn cái mừng rỡ nó thể hiện trong mắt Lan. Anh bảo đầy tớ đi giục quần áo ở hiệu thợ giặt, nói to mấy ý nghĩ thầm về cái công việc dưới Nam Định và dặn Lan sắp va-li cho anh.

Chiều thứ bảy, khi xe lửa chạy và khi nhìn tay Lan vẫy tiễn chào anh, Toán tính lại thời kỳ ân ái của mình với Lan: năm năm và hơn bảy tháng. Thực là ngắn ngủi vì cái ý định anh sắp thực hành sẽ kết liễu cuộc nhân duyên này. Toán không đau đớn bằng tủi hờn. Cô con gái tỉnh nhỏ kia đền đáp tấm tình quảng đại và chân thực của anh bằng sự lừa dối mà anh vẫn thấy ở bao nhiêu người đàn bà khác. Anh không phải là người có độ lượng tha thứ. Anh cũng không để cho một điều tội lỗi qua khỏi hình phạt. Toán có lối hành phạt đặc biệt để trả thù cho lòng yêu bị thương.

Anh xuống ga Thường Tín, đi xe hơi hàng về Hà Nội, vào nghỉ trong một khách sạn đến tám giờ tối. Anh ăn cơm ở đó rồi thuê xe kéo về chỗ ở của anh: một đường vắng vẻ ở ngoại ô, một nơi tĩnh mạc “để anh dựng tổ hạnh phúc”. Nhà anh chia làm hai gian ngoảnh mặt ra đường. Một gian là phòng ngủ có lối ra đằng sau. Toán biết sự lợi hại của những đường lối đó.

Xem đồng hồ tay mới hơn tám giờ rưỡi. Đường tối và lặng lẽ như giữa đêm khuya. Anh xuống xe, thong thả xách va-li bước về và thấy ánh sáng đèn ở bên phòng của Lan lọt qua cánh cửa chớp. Anh đứng lại im lìm như cái bóng và nhận thấy tiếng Lan thỏ thẻ từng đoạn trong những tiếng đàn ông.

- Họ không đợi muộn hơn.

Anh nghĩ thầm thế và tưởng tượng đến sự cảm động của vợ anh trong sự ôm ấp của người chiếm quyền anh lúc đó. Toán rất bình tĩnh. Anh biết lòng yêu đến nước ấy thực đã mất hẳn. Sự căm hờn của anh là một mối thù ghét lạnh lùng kỳ dị. Như thế ghê gớm hơn. Không một chút vội vàng. Toán còn nhìn lên một vài điểm sao trên bầu trời đen tối. Anh biết rất rõ những điều anh dự định và anh sẽ làm theo một thứ tự tinh tường.

Toán lặng lẽ cười cả miệng để sửa soạn giọng nói. Anh trở lại phía đầu đường cách nhà độ hơn một chục bước, rồi bắt chước tiếng một người Sài Gòn thuê nhà ở gần đó, anh hỏi thực to:

- Ồ lạ nầy, Thầy Hai ở mô dìa tối dậy?

Rồi đổi giọng thường, anh tự đáp:

- Ông Tư! Tôi đi Nam Định về đây...

Câu chuyện cứ điệu ấy tiếp theo. Một mình anh đóng hai vai để diễn một lớp kịch ngắn.

- Đi Nam chi dậy? Đi hồi nào?

- À đi có việc cần: Nhưng xong rồi. Tôi đã tưởng đến mai mới về được

- Hổng đi dới cô Hai sao?

- Không, mợ cháu ở nhà. Ông Tư đi đâu thế? Vào chơi tôi đã đi.

- Tôi đi dạo chúc cho khỏe... Thôi dô bây giờ muộn rồi... Thầy dìa nghỉ thôi nghé.

Một tiếng cười vui vẻ, rồi:

- Xe, kéo đi mậy!

Toán lúc đó mới bước về bấm chuông gọi đầy tớ.

Câu chuyện vừa rồi anh cố ý kéo dài để cho người trong nhà biết anh về có đủ thì giờ để “thu xếp”. Anh mong rằng người đàn ông không quá hấp tấp đến nỗi bỏ lại một vài tang vật và nhất là đừng quên cầu cứu tới lối cổng sau. Anh lại hữu ý gọi cửa luôn để “người kia” đừng chạy lên đường vội. Mọi việc xem chừng nối tiếp nhau đúng như anh tính trước. Lúc người đầy tớ vừa ngáp thầm vừa mở cửa thì anh hỏi rất tự nhiên:

- Mợ ngủ rồi à?

- Vâng, mợ con ngủ rồi.

- Anh mở va ly bỏ quần áo ra, đem nước uống lên rồi cho anh đi ngủ.

Toán vào phòng Lan, mỉm cười cúi xuống nhìn vợ. Lan nhắm mắt, bằn bặt ngủ trong đám gối nệm rất gọn ghẽ. Cô nhíu mày lại, nhẹ nhàng giật mình khi tay chồng đặt lên vai Lan.

- Lan ngủ sớm nhỉ. Em tôi ngoan quá. Việc Nam Định của anh xong rồi...

Lan hỏi trong tiếng ngáp:

- Mình! Mình về chuyến tàu nào thế?

Anh âu yếm đáp lại sự mừng rỡ của vợ và miệng cười không một chút gì là mỉa mai. Toán cáo mệt, buồn ngủ, hôn vào trán vợ rồi ra. Lúc anh bỏ áo ngoài. Toán mới mím bên mép thành một cái cười bí mật.

Toán say sưa hưởng lấy cái thú ác nghiệt vỗ về mơn trớn Lan.

Trong ba hôm - khi cái lo sợ vẫn chưa hết hồi hộp trong tâm thần Lan - anh nghỉ ở nhà, luôn luôn ngồi cạnh người thiếu phụ mà anh hỏi han, anh dỗ dành để nghe những nhời giả dối dịu dàng, và để xem những điệu bộ thân yêu bất đắc dĩ. Toán thường nhìn rất lâu vào đôi mắt vợ. Anh cười để trông thấy sự hốt hoảng trong đó. Rồi điên cuồng, anh ôm ghì lấy tấm thân run rẩy, ngửa đầu vợ trên lưng ghế và dữ dội gắn một cái hôn mải miết lên miệng Lan. Nén tất cả sự ghê tởm trong lòng và giữ giọng thật ôn tồn, Toán nói với vợ những lời ca tụng quá đáng:

- Mình ơi! Lan của anh, Lan quý báu của lòng anh, anh sung sướng không biết ngần nào...

“Lan của anh ơi! Vợ yêu dấu, vợ trung thành của Toán...

“Anh tự phụ vì có người vợ trong trắng, trinh bạch, hiền đức như Lan của anh…”

Những lời kiểu cách đó sau cùng khiến cho Lan sinh gờm sợ. Lan không thể đừng đoán thấy một sự gì khác thường... Có lúc người thiếu phụ tưởng chừng chỉ là một xác thịt để chiều dục tình của Toán. Có lẽ Lan không là vợ Toán nữa. Có lẽ Toán muốn coi Lan là một thứ gái chơi để dầy vò.

Lan lúc nào cũng e dè, luôn luôn lo nghĩ. Thái độ Toán ngày một thêm kỳ quặc.

Giữa lúc tử tế âu yếm, Lan hỏi liều một câu để dò ý Toán thì người đàn ông thốt nhiên cười gằn một tiếng, rồi buông Lan đó, đi ra. Một lần Toán đáp lại những lời êm ái của Lan bằng một câu vu vơ:

- Anh biết được những điều bí hiểm nhất của lòng người! Thật đấy Lan của anh ạ!

Lan không dám hiểu rõ câu nói ấy. Lan chịu những thống khổ độc địa thái quá. Toán không để cho Lan biết chắc chắn bề nào. Sự ngờ vực này đau đớn ghê gớm như một ác bệnh.

Sau cùng, sau hơn một tuần lễ nhục nhã ê chề mà không rõ vì đâu, Lan rùng rợn lên khi thấy Toán yên lặng bước về, tay cầm một con dao săn lưỡi nhọn sắc và sáng loáng. Linh giác của Lan mách bảo hay một tia lửa lạnh lẽo thấy trong mắt Toán đã khiến Lan thấy sự chẳng lành? Lan nhìn trộm Toán luôn và lấy hết can đảm để giữ cho giọng khỏi run, cô ta hỏi:

- Anh mua cái này đấy à?

Thì Toán nhìn vợ một cách lạ lùng. Anh im lặng nhếch miệng cười, và – không có cảm giác nào rùng rợn hơn – anh đổi ra giọng Sài Gòn đáp lại:

- Phải đa! Goa mua đặng làm kỷ niệm cho mình đó.

Những câu sau, cũng bằng thứ tiếng Sài Gòn mà Lan đã nhận biết - và đã hiểu - là những lời tương tự như thế - ngọt ngào và ghê gớm; nhưng Lan không nghe được rõ ràng.

Một thế giới đã khuynh loạn trong tâm thần Lan.

Hai mắt đầm đìa nước, cô đợi cho lưỡi dao kia ngập vào trái tim. Trong sự kích động bi đát của phút nghiêm trọng cuối cùng cô đợi hình phạt tội lỗi mình bằng cả tâm hồn thảm thiết, đê mê, và ngà say trong một thứ khoái lạc.

o O o

Nhưng Toán không động tới mình vợ.

Toán để yên cho Lan sống cùng nhà và ở ngoài cuộc đời của anh.

Thế Lữ

|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
 06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
 11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
 21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
 26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
 36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
 41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
|  01 |
 02 |
 03 |
 04 |
 05 |
|  06 |
 07 |
 08 |
 09 |
 10 |
|  11 |
 12 |
 13 |
 14 |
 15 |
|  16 |
 17 |
 18 |
 19 |
 20 |
|  21 |
 22 |
 23 |
 24 |
 25 |
|  26 |
 27 |
 28 |
 29 |
 30 |
|  31 |
 32 |
 33 |
 34 |
 35 |
|  36 |
 37 |
 38 |
 39 |
 40 |
|  41 |
 42 |
 43 |
 44 |
 45 |
|  46 |
 47 |
 48 |
 49 |
 50 |
 
Netadong.com thiết kế