VÀI CHI TIẾT VỀ CUỘC HỌP NGÀY 13-6-09 CỦA CLB SÁCH XƯA VÀ NAY Như thường lệ mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách: Một Pháp và một Việt được in khoảng năm 1935-1940, nghĩa là gần 70 tuổi đời. Cuốn sách Pháp là một cuốn giới thiệu các tác giả truyện Cổ tích trên thế giới nhưng chủ yếu là các tác giả Pháp. Ngoài ra còn có các tác giả người Phi Châu, người Ai Cập, người Ấn Độ vv… Cuốn sách cho thấy mỗi nước đều có Cổ tích của riêng mình, nhưng họ hơi khác với nước ta là Cổ tích của họ có tác giả rõ ràng, chứ không phải là khuyết danh, như ở ta, ví dụ như truyện Tấm Cám thì chẳng ai biết tác giả thật sự là ai. Ngoài ra các chuyện cổ tích của thế giới còn được thể hiện luôn bằng tranh, một dạng truyện tranh được vẽ một cách chân phương, cực kỳ đẹp, chứ không méo mó, nham nhở như ngày nay. Cuốn sách Việt là một cuốn sách thuộc loại khoa học huyền bí do tác giả Thông Thiên Học tên là Bạch Liên viết và dịch của ALCYONE J. KRISHNAMURTI, một tác giả Thông Thiên Học (Theosophy) rất có tiếng. Cuốn sách này gồm có 3 tập: tập đầu nhan đề là Dưới chân Thầy là do ALCYONE J. KRISHNAMURTI, một triết gia Ấn Độ sinh ở Madras năm 1895 và qua đời ở California (Mỹ) năm 1986. Cuốn này viết về Thông Thiên Học, một giáo phái tin rằng có một sự khôn ngoan thần thánh thường xuyên hiện diện trong con người và vũ trụ. Tác giả Bạch Liên đã dịch cuốn này ra tiếng Việt. Hai cuốn còn lại là cuốn Quả Báo và cuốn Luân Hồi, do chính tác giả Bạch Liên sưu tầm và viết lại. Cuốn Quả Báo là một cuốn viết về việc làm tội thì phải đền tội, có vay có trả rõ ràng ở không chỉ trong đạo Phật mà còn cả ở Đạo Nho, Đạo Lão, Đạo Thiên Chúa và Đạo Hồi vv… Cuốn sách mới đọc lướt qua đã thấy thật là hấp dẫn. Qua cuốn Luân Hồi, tác giả Bạch Liên cũng trích dẫn sưu tầm về Luân Hồi ở khắp mọi nơi ở Trung Quốc, ở Mỹ, ở Ấn Độ vv… Sau phần giới thiệu sách, theo chương trình, nhà nghiên cứu Phật giáo Tâm Nguyện đã làm một cuộc thuyết trình nhỏ về công trình nghiên cứu kinh Phật của bà. Qua gần 1 tiếng đồng hồ, bà Tâm Nguyện đã kể rõ cho các thính giả biết do cơ duyên nào mà bà, một người Công Giáo, đã chuyển sang nghiên cứu Kinh Phật và những tác phẩm nghiên cứu của bà (bảy, tám cuốn sách nghiên cứu và lược giải kinh Phật chủ yếu như Diệu Pháp Liên Hoa, Duy Ma Cật, Viên Giác, Thủ Lăng Nghiêm vv…) mà bà đã gần như dành cả cuộc đời cho việc làm mới lạ đó. Việc làm của bà có thể làm nhiều người đọc được cảnh tỉnh rằng từ trước đến nay mình đã thực hành không đúng như lời Phật dạy, đã chưa hiểu một cách thấu đáo các kinh Phật đó, làm đúng và tự độ cho mình. Các bài viết của bà trong Bản Tin đã thường được đón nhận rất nồng nhiệt bởi nhiều người đọc. Sau bà Tâm Nguyện là GS Nguyễn Văn Sâm, một Việt Kiều ở Mỹ về đã giới thiệu hai tác phẩm của ông đã làm chung với một số cộng sự viên. Tác phẩm đầu tiên là một tập sách nghiên cứu về một tác giả người miền Nam tên là Việt Đông – một dạng Hồ Biểu Chánh bị rơi vào quên lãng. Về tác phẩm này, GS Nguyễn Văn Sâm đã có một buổi nói chuyện để giới thiệu tại Viện Việt Học ở California, Hoa Kỳ ngày 17-5-2009. Tác phẩm thứ nhì là một cuốn Tự Điển chữ Nôm khá lớn và được in ấn thật đẹp do chính GS Sâm và một số đồng sự soạn. Đây là một cuốn tự điển chữ Nôm rất ấn tượng, mong rằng nó sẽ sớm được phổ biến và bán ra ở Việt Nam. Sau GS Sâm là một tác giả đã sưu tầm một cuốn sách loại “Học Làm Người” nhan đề là “Hành trang vào đời” cũng có một vài lời giới thiệu cuốn sách với các thành viên. Cuối cùng là thành viên Phạm Thế Cường thông báo sẽ có một cuộc nói chuyện về một cuốn sách mới trong kỳ họp tới. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ cùng ngày. Vũ Thư Hữu CUỐN “GIA ĐỊNH THUNG CHÍ” (HISTOIRE ET DESCRIPTION DE LA BASSE COCHINCHINE) ĐƯỢC DỊCH LẦN THỨ NHẤT TỪ CHỮ HÁN RA TIẾNG PHÁP BỞI G. AUBARET VÀ ĐƯỢC IN NĂM 1863 TẠI PARIS Tôi không có bản chính của cuốn này, và chỉ có bản photocopy, tuy nhiên, vì thấy đây là một cuốn sách rất hay, có thể nói là một kho tư liệu, mà lại được dịch rất rõ ràng, rất trong sáng sang tiếng Pháp, nên tôi vẫn muốn giới thiệu. Lý do đơn giản là tuy ngày nay số người giỏi tiếng Pháp ở nước ta không còn bao nhiêu, nhưng vẫn còn nhiều gấp mấy chục lần những người biết chữ Hán, do đó, giới thiệu nó là một việc nên làm. Trước khi đi vào chi tiết nội dung cuốn sách. Xin hãy được nói vài lời về người dịch là G. AUBARET. Dịch giả này là một người trong Hải Quân của Pháp, là một nhà ngoại giao và cũng là một người biết nhiều thứ tiếng (polyglotte). Ông tên là AUBARET (Louis-Gabriel-Galdéric) sinh ngày 25 tháng 5, 1825 ở Montpellier và qua đời ở Poitiers ngày 19 tháng 8, 1894. Là một Trung Úy Hải Quân, đồng thời là một nhà ngoại giao, ông đã làm Thông ngôn và tháp tùng Phái Bộ Phan Thanh Giản qua Pháp năm 1863, và đã từng làm Lãnh Sự Pháp ở Bangkok từ năm 1864 tới 1867. Cuốn sách dịch của ông dày 360 trang và có 13 trang dẫn nhập được đánh số bằng số La Mã và được in năm 1863 tại Paris. Sách được chia làm 2 phần: Phần I gồm 5 chương và 1 phần Phụ lục. Phần II gồm 2 chương và cũng có một phần Phụ lục. Phần I Lời nói đầu gồm 13 trang đánh số La Mã từ I tới XIII. Chương I từ trang 1 – 20: nói về việc chinh phục thành Gia Định của người Miên với các chi tiết như: – Vua Cao Miên xâm phạm lãnh thổ của Annam – Cao Miên lại bị coi là chư hầu của Đế Quốc Annam – Nội chiến ở Cao Miên vì có sự can thiệp của người Annam – Người Hoa di tản đến Gia Định sau khi nhà Minh bị diệt vong – Người Tàu chạy đến Gia Định – Tổ chức công việc buôn bán ở Biên Hòa – Việc cấm đạo Thiên Chúa – Việc chiếm Hà Tiên – Việc bổ nhiệm một quan kinh lược vv… Chương II từ trang 28 – 38: nói về việc chinh phục Hà Tiên và chiến tranh với Xiêm La. Chương này có những sự việc đáng chú ý như: – Mạc Cửu tới Hà Tiên – Mạc Cửu chiếm Hà Tiên và được Hoàng Đế Annam cho cai quản Hà Tiên – Chiến tranh giữa Cao Miên và Đế Quốc Annam – Xiêm La đánh chiếm Hà Tiên – Quân Xiêm La bao vây Hà Tiên – Quân Xiêm La chiếm Hà Tiên và tiến tới tại Châu Đốc – Đạo quân Xiêm La bị thất trận – Quân Xiêm thua ở Nam Vang – Việc củng cố thành Saigon – Vua Xiêm Phya tan đưa đề nghị cầu hòa và bị bác bỏ – Mạc Tôn đề nghị giảng hòa và được Phya tan chấp thuận – Hà Tiên được trả về cho Mạc Tôn, con Mạc Cửu. Chương III từ trang 39 – 67: nói về cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn và có hàng ngàn chi tiết về cuộc chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh cho tới khi chiếm lại được Gia Định Thành. Chương IV từ trang 68 – 106: nói về các phong tục tập quán với rất nhiều chi tiết lý thú như nói về: – Các ông đồ – Các tôn giáo – Phù thủy – Hôn lễ – Lễ hội ngày Tết – Các trò chơi của dân chúng – Lệ hội của người Tàu – Hội làng – và cả về ngôn ngữ của người Annam – những lời chửi bới vv… Chương V từ trang 107 -117: nói về Khí hậu và Địa dư. Phần Phụ lục từ trang 118 tới 132 nói về Quan hệ ngoại giao gồm Cao Miên và Đế Quốc Annam. Phần II Chương I, từ trang 133 - 286, được chia làm 7 tiết nói về Ranh giới thành Gia Định – Ranh giới các tỉnh thành – Thành phố Biên Hòa – Thành Phan Yên (Gia Định) Định Tường – Vĩnh Long và An Giang – Hà Tiên Chương II, từ trang 287 - 337 nói về lúa, gạo, và việc trồng trọt ở Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long và An Giang được gọi chung là Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên – chương này có nói tới tất cả các nguồn tài nguyên khác. Phần Phụ lục của Phần Hai từ trang 339 - 351 nói về việc Cai tù và Quan lại ở Vương Quốc Annam, và tổ chức Hành chính và phân chia lãnh thổ ở Gia Định. Đây là một cuốn sách rất hấp dẫn với hàng ngàn chi tiết lịch sử đọc thích thú như là đọc một cuốn tiểu thuyết. Đối với các nhà nghiên cứu lịch sử đây là cả một kho tài liệu, xin giới thiệu với tất cả quý vị… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn 3 QUYỂN SÁCH HÁN NÔM QUÝ HIẾM (PHẦN 3) Nguyễn Văn Thoa Giảng viên Hán Nôm PHẠM CÔNG CÚC HOA KHÔNG PHẢI LÀ TRUYỆN KHUYẾT DANH Cũng như các truyện Nôm cổ khác, Phạm Công Cúc Hoa đã nhiều lần được phiên âm ra chữ quốc ngữ, ấn hành và phổ biến khá rộng rãi. Đáng tiếc là trước đây, các nhà xuất bản truyện Nôm của ta và Trung Quốc vì tranh nhau lợi nhuận, thuê thợ khắc in vội vàng cẩu thả, không chịu tìm tòi tác giả, nguyên bản, chỉ để suông tên truyện. Giới nghiên cứu văn học sau này, vì thiếu bản văn, tài liệu, đành xếp truyện vào loại khuyết danh, khiến mọi người lâu nay phải mặc nhiên chấp nhận. Tiêu biểu, Nguyễn Quang Xỹ, khi phiên âm và chú giải lại truyện trong sách Phạm Công Tân Truyện xuất bản năm 1971, đã viết: “Cho đến nay, người ta vẫn chưa biết tác giả cuốn Phạm Công Tân Truyện là ai…”. Vì thế, trên bìa sách đã ghi 3 chữ Vô Danh Thị (cũng như khuyết danh). Mới đây, Dương Thị Hảo soạn mục Phạm Công Cúc Hoa trong Từ Điển Văn Học Bộ Mới, xuất bản năm 2004, trang 1352 cũng ghi: “Truyện thơ Nôm Việt Nam, khuyết danh…”. Được may mắn tìm thấy bản Nôm cổ truyện này, lại là bản in cổ nhất, năm 1880, có đề tên tác giả, chúng tôi không thể bỏ qua, nên xin trân trọng giới thiệu ra đây đồng thời đặt lại vấn đề tác quyền của truyện theo nguyên tắc “Cái gì của César, phải trả cho lại César”. I. Sơ lược các bản PCCH đã được phiên âm ra chữ quốc ngữ : Trong lời nói đầu sách Phạm Công Tân Truyện, Nguyễn Quang Xỹ cho biết: - Đầu thế kỷ 20, truyện đã được phiên chuyển ra chữ quốc ngữ, ấn hành và truyền bá khắp dân gian, nhưng bản ấy hiện nay rất hiếm, chỉ còn một vài người giữ làm tài liệu riêng. - Năm 1930, Nguyễn Kim Đính lại phiên âm truyện, do nhà in Bảo Tồn ở Sàigòn xuất bản. - Năm 1963, nhà xuất bản Quốc Hoa lại in quyển PCCH, do Tường Vi sao lục và chú giải. - Trên tạp chí Quê Hương có in lại truyện từng kỳ. Nhận thấy các bản trên đều sửa chữa, thêm bớt rất nhiều lời văn, làm mất hẳn giá trị nguyên tác, ông đã nhận phiên âm, chú giải tường tận lại truyện, theo bản Nôm của chi nhánh Văn Khố Đà Lạt, mang ký hiệu 4184TT. Đây là bản Phạm Công Tân Truyện in năm Kỷ Mùi, dưới đời vua Khải Định năm thứ 4 (1919) ( [1] ), do nhà Phúc Văn Đường ở miền Bắc khắc in và giữ bản quyền. Toàn truyện gồm 2 quyển thượng hạ, có 4026 câu lục bát và 6 bản cáo trạng viết theo thể tứ tự. Bản này có nhiều chữ khắc sai, khiến lời văn trở thành ngây ngô, ý văn trở thành phi lý. Có chỗ mờ chữ, không đọc được. Có chữ khó, lạ, không đoán ra, đành phải để khuyết nghi. Ông cố gắng phiên âm đúng nguyên văn, chú thích rõ ràng từng trường hợp. Những chỗ mập mờ, ông phải trưng dẫn, so sánh với bản Quốc Hoa mà ông cho là tương đối sáng sủa để làm rõ ý văn, dù 2 bản này rất ít giống nhau. Trở lại Từ Điển Văn Học Bộ Mới, mục PCCH, trang 1352, Dương Thị Hảo cho biết truyện gồm 3934 câu lục bát và 6 bản cáo trạng. Bản Nôm cũ đề năm 1889, mang ký hiệu AB14. Những thông tin vắn tắt trên đây không cho biết 4 bản quốc ngữ đã được phiên âm từ các bản Nôm nào. Do đó, có thể kết luận đến nay, chúng ta chỉ biết được 2 bản Nôm PCCH: bản in năm 1919 mà Nguyễn Quang Xỹ đã dùng để phiên âm lại năm 1971 và bản in năm 1889 mà Dương Thị Hảo có nhắc đến. So sánh lại, bản Nôm chúng tôi vừa phát hiện in năm 1880 là cổ hơn cả và đặc biệt, có ghi thêm tên tác giả. II. Tình trạng bản Nôm vừa phát hiện: Truyện có khổ 15x21,5cm, gồm 1 tờ bìa, 1 tờ ghi tên truyện và phần chánh văn in trên 77 tờ đôi. Trừ 11 tờ cuối bị xé mất góc trên, tình trạng chung còn rất tốt, giấy chắc, chữ khắc vuông, đẹp, rõ ràng, dễ đọc. Nội dung được sắp xếp: - Tờ bìa, giữa in 4 chữ lớn: Phạm Công Cúc Hoa. Dòng lạc khoản nhỏ bên phải ghi: Minh Chương Thị ( [2] ) đính chính: Minh Chương Thị đính chính. Dòng lạc khoản nhỏ bên trái ghi: Phật Sơn Phước Lộc đại nhai, Thiên Bảo Lâu thư cục xuất bản: Nhà Thiên Bảo Lâu ở đại lộ Phước Lộc tại trấn Phật Sơn thuộc tỉnh Quảng Đông xuất bản. - Tờ ghi tên truyện, giữa in 4 chữ lớn: Phạm Công Cúc Hoa. Trên là dòng lạc khoản ngang ghi: Canh Thìn niên tân san: mới in năm Canh Thìn (1880). Dòng lạc khoản nhỏ bên phải, phía trên ghi: Dương Minh Đức Thị trứ: Dương Minh Đức Thị sáng tác. Cách đề chữ Thị ở cuối cho biết Dương chắc chắn là họ, Minh Đức không phải là tên, có thể là tự hay hiệu. Như thế, tác giả của truyện PCCH họ Dương, có tự (hay hiệu) là Minh Đức. Dòng lạc khoản ngắn ngủi này cho chúng ta biết quá ít ỏi về tác giả, thật đáng tiếc! Dòng lạc khoản phía dưới ghi: Quảng Đông, Thạnh Nam Sạn tàng bản: hiệu sách Quảng Thạnh Nam ở đường Quảng Đông tại Chợ Lớn giữ bản quyền. Theo các chuyên gia nghiên cứu về nhóm Duy Minh Thị, hồi bấy giờ, hiệu sách Quảng Thạnh Nam tại đường Quảng Đông ở Chợ Lớn thường liên doanh với các nhà xuất bản có tiếng Thiên Bảo Lâu, Kim Ngọc Lâu, Bảo Hoa Các bên tỉnh Quảng Đông, chuyên ấn hành, phát hành các sách truyện Hán Nôm đủ loại, qua sự chọn lựa, đính chính của nhóm Duy Minh Thị. Số lượng sách đã xuất bản khá nhiều, lên đến mấy chục quyển, trong những thập niên cuối thế kỷ 19, kể từ khi người Pháp đã chiếm Nam kỳ làm thuộc địa. - Phần chánh văn in 2 mặt trên 77 tờ đôi, thành 154 trang. Như đã nói, 11 tờ cuối bị xé mất góc trên. Dọc khoảng 6 dòng, ngang khoảng 4 dòng. Chúng tôi đã phục chế và viết lại những chữ bị mất theo bản PCCH của Nguyễn Quang Xỹ in sau sách đã dẫn. Toàn truyện gồm 3884 câu lục bát và 6 bản cáo trạng viết theo thể tứ tự. Chữ Nôm ở đây được khắc vừa đẹp vừa rõ, dễ đọc, nhưng cũng có chỗ sai. Thỉnh thoảng xen vào những câu 7 chữ. So với bản Dương Thị Hảo nhắc đến, bản này ít hơn 50 câu. So với bản Nguyễn Quang Xỹ phiên âm, bản này ít hơn đến 142 câu. Có lẽ Minh Chương Thị đã lược bớt những câu vụng về, ngây ngô và quá rườm rà. III. Nhận định: Cho đến nay, vì thiếu tài liệu ghi chép lại, chúng ta vẫn còn biết quá ít về nhóm Duy Minh Thị. Tuy nhiên, suốt mấy thập kỷ hoạt động văn hóa, nhóm này đã tạo được uy tín lớn và tỏ ra khá thận trọng khi tìm tòi, chọn lọc, đính chính lại nhiều tác phẩm về lịch sử,địa lý và văn học nước nhà trước khi cho ấn hành. Do đó, đối với PCCH, nếu là tác phẩm khuyết danh, Minh Chương Thị không thể ghi liều dòng lạc khoản Dương Minh Đức Thị trứ rồi cho khắc in trang trọng lên đầu truyện. Tên Dương Minh Đức không thể từ không hóa có theo kiểu bịa đặt. Trái lại, Minh Chương Thị hẳn có tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với tác giả, do quan hệ thân hữu hoặc qua bản văn có ghi tên họ cụ thể. Vì thế, lạc khoản ấy đã hội đủ điều kiện để xác định tác quyền của truyện, dù chỉ vỏn vẹn 3 chữ Dương Minh Đức. Biết đâu, nay mai chúng ta sẽ phát hiện tài liệu mới bổ sung đầy đủ hơn về tác giả? Đành rằng các truyện Nôm do nhóm này chủ trương ấn hành có sai sót ít nhiều về mặt chữ nghĩa, nhưng khuyết điểm ấy do thợ Trung Quốc gây ra trong quá trình khắc bản bên Quảng Đông. Họ vốn không biết chữ Nôm là văn tự ghi âm có kết cấu vay mượn từ chữ Hán của họ theo những quy tắc rất phức tạp. Khi khắc bản in, do liên tưởng đến chữ Hán, đôi lúc cho rằng ta viết lầm, nên ra tay sửa chữa lại, dẫn đến sai mặt chữ Nôm. Hơn nữa, họ phải khắc trên bản văn dán ngược thứ chữ không rành, đương nhiên dễ mắc sai lầm, chữ tác thành chữ tộ, chữ hỗ hóa ra chữ hữu là điều khó tránh khỏi. Cuối cùng, vấn đề chúng tôi còn trăn trở là bản Nôm có ghi tên tác giả của Minh Chương Thị được ấn hành trước không bao lâu so với các bản sau này, tại sao các bản này lại để khuyết danh? Trả lời nghi vấn này, ai cũng nhận thấy ông cha ta vốn trọng Hán khinh Nôm, truyện Nôm thường chỉ được đem ngâm nga khi trà dư tửu hậu, khi hát ru trẻ ngủ hay khi nằm võng đọc kể cho con cháu xúm lại ngồi nghe. Lời văn vì thế thường đơn sơ mộc mạc, cách dùng chữ đặt câu không khác xa lối nói hàng ngày. Người viết không quan tâm đến tác quyền, không màng lưu danh hậu thế, chỉ cốt truyền bá đạo lý thánh hiền. Sao cho con cháu ăn ở hiền hòa, làm lành lánh dữ. Nhà nhà êm ấm yên vui, đất nước sẽ được thái bình thịnh trị. Tác giả chính là những thầy đồ dạy học ở các làng mạc, sống gần gũi hòa đồng với giới bình dân, nói lên tâm tình nguyện vọng của họ. Cũng có khi tác giả là bậc hiển nho đỗ đạt thành danh, soạn truyện để tiêu khiển, dạy dỗ con cháu lúc đã về trí sĩ, vui thú điền viên. Truyện nào hay, sẽ được truyền miệng từ vùng này sang vùng khác, lời văn được sửa đổi, thêm bớt theo ý người kể. Do đó, đa số truyện thường có nhiều dị bản, không còn giống với nguyên tác, kể cả tình tiết, số câu. Lâu dần, chẳng mấy ai còn nhớ đến tên tác giả. Các nhà xuất bản của ta và Trung Quốc, thấy truyện nào có nhiều người thích, tranh nhau đem khắc in để kiếm lợi nhuận, không chịu tìm tòi nguyên văn và tác giả, khiến truyện trở thành khuyết danh. Đến như Lục Vân Tiên, được khắc in từ lúc sinh tiền của cụ đồ Chiểu, vậy mà có bản nào ghi tên của cụ đâu! Có lẽ PCCH cũng nằm trong trường hợp này. Trừ Minh Chương Thị đã cẩn thận đính chính, ghi tên tác giả lên đầu truyện trước khi cho ấn hành, những dị bản sau đó được sao chép vội vàng, nên truyện rơi vào tệ khuyết danh như đa số truyện Nôm khác. Dẫu sao, đây cũng chỉ là ý kiến riêng của chúng tôi khi giới thiệu lại bản Nôm PCCH có ghi tên tác giả. Mọi chuyện hẳn phải trông chờ vào công tác nghiên cứu của các nhà chuyên môn trong và ngoài nước để có kết luật thật chính xác rõ ràng. Thư mục tham khảo : - Phạm Công Tân Truyện: Nguyễn Quang Xỹ và Hoàng Văn Suất phiên âm và chú giải, Ủy Ban Dịch Thuật, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Sàigòn, 1971. Từ trang 5 đến trang 26. Bản Nôm phụ lục ở cuối sách, tờ ghi tên sách. - Từ Điển Văn Học Bộ Mới, NXB. Thế Giới. Các trang 1352-1353. - Phạm Công Cúc Hoa, Dương Minh Đức Thị, Minh Chương Thị đính chính, Thiên Bảo Lâu Thư cục xuất bản, Quảng Đông, 1880. - Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn, Nguyễn Hữu Vinh, Đặng Thế Kiệt, Nguyễn Doãn Vượng, Lê Văn Đặng, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Ngọc Bích, Trần Uyên Thi, Viện Việt Học, USA, 2009. KỶ NIỆM 155 NGÀY SINH (1854-2009) VÀ 82 NĂM NGÀY MẤT (13/6/1927-2009) CỦA CHÍ SĨ LƯƠNG VĂN CAN CÓ MỘT ĐÁM TANG NHƯ THẾ
1. Tin buồn chung. Cách đây đúng 82 năm, vào ngày này, 13-6, trên khắp đất nước Việt Nam, mọi người đã sửng sốt bất ngờ khi mở báo hàng ngày và đọc được tin buồn chung hoặc cáo phó như sau: Họ bất ngờ là phải, vì trước đó đúng 49 ngày, một tin buồn khác cũng phát xuất từ căn nhà số 4 Hàng Đào của Cụ Lương đã được loan trên báo chí toàn quốc. Và dân Hà Thành đã được chứng kiến một đám tang lớn với dư luận báo chí rầm rộ: Đám tang của Cụ Lê thị Lễ mà người dân Hà Thành thường gọi với cái tên thân quen từ xưa: Bà Cử Lan. 2. Tiểu sử Cụ Lương Văn Can.
Chí sĩ Lương Văn Can hiệu là Ôn Như, sinh năm 1854 tại làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Tỉnh Hà Đông (quê hương cụ Nguyễn Trãi), nay thuộc ngoại thành Hà Nội, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây. Nhị Khê nay đã được nhà nước tôn tạo và trở thành một ngôi làng khang trang xinh đẹp mà nhiều du khách đến Hà Nội không quên ghé thăm để viếng ngôi từ đường của họ Lương. Thuở nhỏ, cậu bé Can nhà nghèo nhưng thông minh hiếu học, quyết chí theo đuổi việc sách đèn mong sau này ra giúp dân giúp nước. Có khi cậu phải đi làm thợ để kiếm thêm tiền lo ăn học. Khóa thi hương năm Tự Đức thứ 27 (1874) tại trường thi Hà Nội, vừa tròn 20 tuổi, Lương Văn Can vào ứng thi và đỗ ngay Cử Nhân. Năm sau đi thi Hội nhưng không cập đệ. Điều này không quan trọng, bởi lúc này ông nào có tha thiết theo đuổi cái nghiệp khoa cử khi nỗi đau mất nước còn canh cánh bên lòng. Triều đình Huế bổ nhiệm ông vào chức giáo thụ, ông không nhận. Sau này chính quyền Pháp cử ông vào Hội Đồng Thành Phố Hà Nội ông cũng từ chối. Lương Văn Can ở nhà mở trường dạy học tại ngôi nhà số 4 Hàng Đào. Căn gác gỗ bên trên cũng là nơi hội họp của các sĩ phu yêu nước từ Nam chí Bắc để bàn quốc sự. Điển hình là các cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tăng Bạt Hổ, mỗi khi có dịp đến Bắc Hà đều không quên ghé lại căn gác gỗ để đàm đạo cùng Lương tiên sinh về việc nước. Ngoài mặt tiền, bà Cử mở một cửa hàng buôn tơ lụa khá phát đạt với hai cô con gái phụ giúp trông nom. |
3. Đông Kinh Nghĩa Thục ngôi trường khai trí canh tân đầu tiên ở Việt Nam. Đầu năm 1907. Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời do cụ Lương Văn Can và một số sĩ phu yêu nước như Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc, Lương Trúc Đàm (con cả Cụ Lương cũng đã đỗ Cử nhân)… và mấy nhà tân học như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học… đứng ra thành lập. Phải mất mấy tháng mới xin được giấy phép của chính quyền. Cụ Lương cao niên nhất, giàu khí phách lại chín chắn ôn hòa nên được bàu làm Thục trưởng, Cụ Nguyễn Quyền làm Giám học. Về ý nghĩa, chữ Đông Kinh là Tonkin, nên người Pháp gọi Bắc kỳ, Nghĩa Thục là trường dạy miễn phí. Nhưng ở đây có lẽ chữ Nghĩa Thục còn có ý nghĩa sâu xa hơn giống như chữ nghĩa trong “nghĩa quân”, vì thế người Pháp lo ngại không dám cấp giấy phép ngay. Trường dạy miễn phí và cung cấp sách vở cho học sinh. Kinh phí do hội viên tùy tâm đóng góp. Riêng cụ Lương cống hiến ngôi nhà số 4 Hàng Đào làm trường sở ban đầu. Sau này trường phát triển thì thuê thêm căn nhà lân cận. Chủ trương của trường là dứt bỏ lối học khoa cử hủ lậu, dạy quốc ngữ, tiếng Pháp và cả Hán văn, đưa vào môn Toán, Khoa học thường thức, Sử địa, tùy nghi tiếp thu những cái mới của văn minh Âu Tây để khai trí canh tân và hướng tới thực nghiệp – một tư tưởng mới thời bấy giờ. Ngoài ra các cụ còn tổ chức các buổi diễn thuyết trong trường và cả bên ngoài, các nơi dễ tụ hợp dân chúng như đền chùa. Thực chất là để người dân ý thức được thân phận nô lệ của kẻ mất nước, khơi dậy lòng ái quốc và ý chí phục thù để rửa nhục cho nòi giống. Buổi đầu nghĩa thục phát triển nhanh chóng, tiếng tăm lan rộng cả nước. Kinh phí do hội viên đóng góp không đủ, cụ bà phải bán đi ngôi nhà di sản của tổ tiên, hiệu Quảng Bình An ở phố Hàng Gai để chi viện cho Nghĩa Thục và các hoạt động liên hệ. Chính quyền Pháp lúc đầu tỏ ra dễ dãi thả lỏng nhưng vẫn bí mật theo dõi, cảnh giác. Thế rồi việc phải đến đã đến, hoạt động chưa được một năm thì Nghĩa Thục đã được lệnh đóng cửa. Rồi tiếp theo là một số biến cố bạo động xảy ra khiến một loạt các nhà ái quốc như Phan bội Châu, Huỳnh thúc Kháng, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Quyền… bị liên lụy, người bị chém đầu như Trần Quý Cáp, kẻ bị cầm tù, đày đi côn đảo hoặc an trí quản thúc. Riêng Cụ Lương cũng bị giam rồi bị tuyên án đày đi Nam Vang 10 năm. Mãn hạn trở về, dù đã 70 tuổi, Cụ lại mở trường dạy học tại số 4 Hàng Đào, lấy tên là Ôn Như Trường, môn sinh khá đông. Mấy năm sau Cụ Bà qua đời – Thế là người bạn đời đã từng đồng cam cộng khổ với Cụ qua bao biến cố của thời cuộc, từng đứt ruột tiễn đưa 5 người con trai về bên kia thế giới, nay ở tuổi 75 còn lại hai ông bà già trơ trọi, Cụ Bà lại bỏ ông ra đi nốt! Đám tang Cụ Bà, tuy theo sau linh cửu không có một chiếc gậy nào nhưng môn sinh thì lại rất đông và gây nhiều tiếng thơm trên báo chí cả nước. Trên 50 câu đối của các nhân sĩ cả nước dồn dập gởi về từ ba miền đấ nước tiễn đưa một người vợ, một người mẹ dũng cảm. Thế là ở tuổi 75 Cụ Lương Văn Can lại bắt đầu làm quen với cuộc sống cô đơn của những ngày cuối đời! Thế rồi không biết có phải đã hẹn trước, đúng 49 ngày sau, ngày thất thất cụ bà, cu ông lại ra đi theo chân Cụ Bà về cõi vĩnh hằng. Ngày 13-6-1927 Hà Thành lại chứng kiến một đám tang đặc biệt có một không hai, đám tang Cụ Lương. 4. Có một đám tang như thế Xưa nay ít có đám tang nào thuộc gia đình khá giả, giữa thời bình, lại chôn cất cùng trong ngày mất của người quá cố. Và có lẽ ít có đám tang nào lại khởi hành lúc mặt trời lặn để tới nghĩa trang vào lúc tối mịt, phải đốt đước lên để dẫn đường vào và làm lễ hạ huyệt! Vậy mà đã có một đám tang như thế ở đầu thế kỷ XX, giữa Hà Thành văn vật. Mà đâu phải ngoại trừ những người thân thích, ít có bà con bạn hữu nào lại chịu đưa chân người chết đến tận nghĩa trang vào cái giờ khắc oái oăm ấy để hứng lấy cái âm khí nặng nề của nghĩa địa ban đêm. Trái lại có đến ngót ngàn người đi bộ theo linh cửu đến tận nghĩa trang. Suốt dọc đường lại có lính bảo vệ Tây và ta đi giữ gìn trật tự. “Đám tang một quan lớn nào chăng?” – Vài người đi đường hỏi nhau. Không, đó là đám tang của nhà chí sĩ yêu nước Lương Văn Can tạ thế ngày 13-6-1927 tại nhà riêng số 4 Hàng Đào - Hà Nội. Tin này đã làm chấn động đồng bào mọi giới trong cả nước, khiến cho nhà cần quyền Pháp có lẽ vì muốn ngăn chặn một cuộc biểu tình lớn của những người đưa đám, tương tự như đám tang của Cụ Phan Châu Trinh năm trước, nên tìm cớ bắt gia đình phải tống táng ngay trong ngày, dù cáo phó đã đề 2 ngày sau mới đưa. Gia đình chỉ có một tiếng đồng hồ để thông báo lại, nhưng lạ thay, đúng giờ hành lễ các môn sinh đã tập trung đông đủ, khăn áo tang phục chỉnh tề để xúm vào khiêng linh cữu. Lễ vật lại có cả một con bò thui! (xem hình). Đúng 5g30 chiều, chiếc xe thiên cổ tứ mã từ từ lăn bánh, 4 người cầm đầu dây tua danh dự là các cụ nghè Ngô Đức Kế, Hoàng Tăng Bí, Lê Đại và cụ Tú Nguyễn Triệu Trung. Đoàn người theo sau linh cữu ngày càng gia tăng cho đến ngót 1000 người khi đến nghĩa trang Hợp Thiện (Bạch Mai) thay vì làng Nhị Khê, quê hương cụ như đã định. Đúng 7g30 những ngọn đuốc được thắp lên sáng rực cả một vùng nghĩa trang để đọc điếu văn và làm lễ hạ huyệt. Thật là một đám tang hi hữu! Di bút của Cụ chẳng còn bao nhiêu ngoại trừ vài bài thơ và sáu chữ di chúc để lại cho môn sinh “BẢO QUỐC TÚY – TUYẾT QUỐC SĨ” (giữ gìn tinh hoa của dân tộc, rửa sạch tủi nhục cho đất nước). Chỉ bấy nhiêu thôi ư? Chẳng lẽ sau bao năm bút nghiên khoa cử, mở trường dạy học rồi hàng chục năm đày ải xa xứ, một nhà Nho như Cụ lại chẳng có được những giây phút cảm khái để lưu lại những dòng tâm huyết, dù vui hay buồn. Có lẽ chúng đã bị thiêu hủy cùng với những sách vở tài liệu của Đông Kinh Nghĩa Thục. Đáng tiếc thay! Tuy vậy đám táng cụ thân sinh cũng ghi chép lại được bằng quốc ngữ 164 bức đối trướng Hán Nôm của các nhân sĩ và môn sinh từ 3 miền đất nước gửi về tiễn đưa Cụ. Còn lời di chúc “Bảo Quốc Túy, Tuyết Quốc Sĩ” của Cụ, ước nguyện sắt son của cả một cuộc đời đấu tranh không nghỉ, dù chưa thành tựu nhưng cũng được các thế hệ sau đã và đang thực hiện. Tuyết Quốc Sĩ thì nhục nước đã rửa xong rồi. Còn Bảo Quốc Túy, trên đừng phát triển và hội nhập cùng cường quốc năm châu, Nhà Nước ta chẳng vẫn luôn luôn kêu gọi phải giữ gìn bản sắc dân tộc đó sao? Hôm nay, kỷ niệm 155 năm ngày sinh và 82 năm ngày mất của cụ Lương Văn Can, chúng ta thành kính nghiêng mình trước anh linh Cụ, một sĩ phu đã cống hiến cả cuộc đời, gia đình và tài sản cho tự do của dân tộc. Tuy mưu đồ rửa nhục cho đất nước không thành, song một Lương Văn Can với một Đông Kinh Nghĩa Thục và một Lương Ngọc Quyến (con trai Cụ) với cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên, tưởng cũng gây được một dấu ấn lịch sử khá đậm nét của đầu thế kỷ XX cho những thế hệ tiếp theo trên con đường cứu quốc và kiến quốc. Ngày nay, nhiệm vụ của thế hệ chúng ta đối với đất nước tuy có khác xa, song hành động dũng cảm của các bậc tiền bối và tiếng gọi thiết tha của đồng bào cả cước thời bấy giờ cũng khơi dậy trong ta một niềm tự hào, lòng yêu nước và ý chí dũng cảm để làm nòng cốt cho hành trang bước vào kỷ nguyên mới. Đông Kinh Nghĩa Thục tan rồi Tấm lòng yêu nước còn ngời sử xanh! Thùy Dương Tháng 6/2009 Phụ Bản I Từ thi hào Nguyễn Du tới nhà ngoại cảm Bích Hằng – với góc nhìn “vong linh Thập loại chúng sinh” Đại thi hào Nguyễn Du (1765-1820) sống vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 tương ứng với đầu triều đại nhà Nguyễn tức vua Gia Long (lên ngôi năm 1802) cho tới vua Minh Mạng (1791-1840) trị vì đất nước Việt Nam thống nhất như ngày nay. Trong rất nhiều tác phẩm thi ca của Cụ, trong đó có Truyện Kiều là một tuyệt tác được giảng dạy trong các trường học, người ta còn nhắc tới Văn tế thập loại chúng sinh hay còn gọi tắt là Văn tế chiêu hồn cũng được giảng dạy ở bậc Trung học. Thi phẩm này được viết bằng chữ Nôm theo thể loại Song thất lục bát gồm có 184 câu chia ra như sau: - Phần một (20 câu): tả cảnh một chiều thu tháng Bảy mưa dầm buồn b ã , khiến nh à thơ chạnh l ò ng thương đến các chúng sinh đang lạnh lẽo, bơ vơ nơi c õ i â m m à lập đàn cầu siêu... -Phần hai (116 c â u): n ê u r õ t ê n v à nguy ê n nh â n thiệt mạng của mười loại cô hồn. -Phần ba (20 câu): miêu tả cảnh sống thê lương thảm thiết của các cô hồn. -Phần cuối (28 c â u): lời thỉnh cầu ph é p Phật nhiệm mầu giúp cho họ được giải thoát. Cuối cùng là lời mời các cô hồn tới nhận phần lễ cúng để lên đàng thăng thiên... Từ lâu, người ta chưa tìm được thời điểm ra đời của thi phẩm này nhưng theo tiểu sử về cuộc đời và sự nghiệp của C ụ Tiên Điền thì ngay khi Minh Mạng lên ngôi đã cử C ụ đi sứ Trung quốc lần 2 (lần 1 năm 1813) nhưng C ụ chưa đi thì xảy ra nạn dịch lớn ở kinh đô Huế làm chết hàng vạn người và có thể còn tràn lan tới nhiều tỉnh thành khác nữa trên cả nước. Do xúc động trước thảm họa dịch này mà C ụ đã sáng tác Văn tế thập loại chúng sinh. Theo nội dung thi phẩm này, tính được tới 16 loài chúng sinh chớ không chỉ là 10. Sau đó thì C ụ qua đời. Trong văn bản do Đàm Quang Thiện hiệu chú có dẫn lại ý của ô ng Trần Thanh Mại trên “Đông Dương tuần báo” năm 1939, thì Nguyễn Du viết b à i văn tế này sau một mùa dịch khủng khiếp làm hằng triệu người chết, khắp non sông đất nước âm khí nặng nề, và ở khắp các chùa, người ta đều lập đàn giải thoát để cầu siêu cho hàng triệu linh hồn. Ông H oà ng Xu â n H ã n cho rằng c ó lẽ Nguyễn Du viết Văn chiêu hồn trước cả Truyện Kiều, khi ô ng c ò n l à m cai bạ ở Quảng Bình (1802-1812). Nhận xét trên thiếu chính xác. Cho thi phẩm này ra đời sau Truyện Kiều mới hợp lý vì thảm cảnh của nạn đại dịch năm 1820 đã gây chấn động tâm tư tình cảm của đại thi hào Nguyễn Du. Đọc thi phẩm “Văn tế chiêu hồn” làm cho chúng ta liên tưởng tới các nhà ngoại cảm thời nay, như Phan Thị Bích Hằng trong 10 năm qua đã giúp tìm ra trên 10.000 hài cốt ở nhiều nơi trên đất nước, nhất là ở những vùng từng có chiến trận, trong đó có Tây nguyên và các tỉnh miền Trung. Theo lý giải của vị Tiến sĩ Tu sĩ Phật giáo Thích Nhật Từ trong buổi nói chuyện của nhà ngoại cảm Bích Hằng tại chùa Hoằng Pháp – Gò Vấp trước khán thính giả gần 5.000 người: cô ta đã có năng lực nghe, nhìn thấy và tiếp cận (trò chuyện) cùng các vong linh. Đó là hai trong số 5 phép thần thông của các nhà tu Phật giáo. Tại buổi trai đàn lớn ở Tây Nguyên năm trước do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, một nhà báo tu sĩ Phật giáo của báo Giác Ngộ có phỏng vấn nhà ngoại cảm Bích Hằng, trong số nhiều nhà ngoại cảm hiện đang hoạt động trong nước được mời tới dự. Cô đã cho biết rất xúc động vì nhận thấy trai đàn này rất có ý nghĩa do nhìn thấy có đông đảo vong linh tới dự. “Họ” rất phấn khởi lũ lượt tụ họp quanh trai đàn, “trẻ con” thì được “người lớn” chăn dắt, còn “trai tráng” thì nâng đỡ “người đau yếu, bệnh tật” . Như vậy, qua các nhà ngoại cảm, thế giới vô hình vẫn có các vong hồn (người cõi âm) tồn tại mà mắt của cô Bích Hằng “nhìn thấy” được và cô “nói chuyện” được. Như vậy, trước các nhà ngoại cảm ngày nay hằng mấy thế kỷ, C ụ Tiên Điền đã có khả năng nhìn ra 16 loại chúng sinh chết oan uổng do nạn đại dịch thời ấy (mà cả nhiều trường hợp thảm thương khác) qua những lời thơ của C ụ và được cụ mô tả hết sức tận tường và than thở thống thiết cho số phận của các vong hồn! Cụ đã đoán thấy hay nhìn thấy “họ” ở khắp nơi. Dưới đây là một số câu thơ trích trong “Văn tế chiêu hồn”: Mỗi người một nghiệp khác nhau Hồn xiêu phách lạc biết đâu bây giờ? Hoặc là ẩn ngang bờ dọc bụi Hoặc là nương ngọn suối chân mây Hoặc là điếm cỏ bóng cây Hoặc là quán nọ cầu này bơ vơ Hoặc là nương thần từ Phật tự Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau tre Sống đã chịu một bề thảm thiết Ruột héo khô dạ rét căm căm Dãi dầu trong mấy mươi năm Thở than dưới đất ăn nằm trên sương Nghe gà gáy tìm đường lánh ẩn Tắt mặt trời lẩn thẩn tìm ra Lôi thôi bồng trẻ dắt già Hoặc là trong quãng đồng không Có khôn thiêng nhẽ lại mà nghe kinh Vương Liêm (Tháng 7/2009) TRƯỚC SỰ BÀNH TRƯỚNG CỦA BỊNH HUÊ LIỄU TRONG GIỚI TUỔI TRẺ WALT DISNEY THAM GIA TẤN CÔNG Loạt phim hoạt họa này chỉ dành độc quyền cho các nhà giáo dục mà thôi. Phong Nhã (Paris - Match) Walt Disney tham gia tấn công. Để động viên thanh thiếu niên Mỹ chống lại bịnh huê liễu, Walt Disney đã thực hiện loạt phim hoạt họa cho sở Y Tế công cộng, mang nhan đề “V.D. attack plan”. Cuốn phim vạch trần cho chúng ta thấy cách tấn công của vi trùng này nhắm vào nhân loại. Ở đây không có những bà tiên với những nụ cười luôn nở trên môi, không có chú chuột Mickey, không có chú vịt Donald, không có chú nai tơ Bambi cùng những nhân vật như Bạch Tuyết, Petter Pan, cũng không có những hoàng tử đẹp trai đáng yêu mà chỉ có những tên giặc nhăn nhó những chiếc răng dài. Cuốn phim đã phải để ra 2 năm thực hiện với sự cộng tác của các chuyên viên trên thế giới. Và cuốn phim sẽ không chiếu các nơi công cộng mà chỉ dành độc quyền cho các nhà giáo dục với giá 968 quan một ấn bản phụ hoặc cho thuê với giá 54 quan cho chỉ một lần chiếu. Nó cũng đã được chuyển âm nhiều thứ tiếng như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Điển. Cuốn phim nhằm bổ túc một cách hoàn hảo cho các diễn giả. Thật ra, với “V.D. attack plan”, Disney không phải lần đầu thử thách trên phương diện y học: công ty đã tung ra 14 phim về y học từ thập niên 40 theo sự đòi hỏi của chánh phủ Mỹ và các cuốn phim này đã được phiên dịch sang 84 thứ tiếng. Tuổi trẻ bị huê liễu càng ngày càng cao. Cuốn phim họat họa “V.D. attack plan” chỉ dài 40 phút đã được trình chiếu trong tất cả các trường trung học ở Mỹ, từ giữa năm 1973. Sở dĩ, Walt Disney tham gia cuộc tấn công bịnh truyền nhiễm nguy hại này là vì theo một báo cáo mới cho biết có một oắt con 14 bị dương mai đã lây cho 12 người bạn của nó. Nhưng chẳng phải chỉ có mỗi thí dụ đó. 73 trong 106 quốc gia tham gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới (Organisation Mondiale de la santé: O.M.S) những trường hợp bị dương mai và lậu tăng đều đều: Và số tuổi mắc phải giảm dần trong khi tỷ lệ càng gia tăng. Trong lứa từ 13 đến 19 tuổi, 36% trường hợp dương mai ở Thụy điển, 33% ở Tiệp Khắc, 23% ở Pháp. Con số đó thiệt là huyển hoặc bởi vì cân xứng với những trường hợp được khai báo là 1 trên 3 ở Mỹ và 1 trên 10 ở Pháp. Trong khi đó, các bác sĩ đã cho biết số người chữa trị giảm dần và mặt khác vì không chữa trị đúng mức nên vi trùng đã càng lúc càng trở nên… bất trị. Tóm tắt là theo các chuyên viên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới tuyên bố: chúng ta đi tới thảm họa trị liệu thế giới. Hai mươi năm về trước thì sao? Người ta đã không ngần ngại tuyên bố rằng loa truyền khẩu (tréponème) và lậu đã bị tận diệt. Con số đưa ra thật là ngoạn mục. Sau trận chiến 1939-1945 cũng như 1914-1918, như vào năm 1946 có 15.454 trường hợp dương mai được công bố tại Pháp. Rồi pénicilline ra đời. Vũ khí thuyệt đối đó đã làm sụt giảm khả quan bịnh truyền nhiễm này. Năm 1955, con số bịnh nhân tụt hẳn còn có 1.156. Thần dược pénicilline bị lạm dụng, cộng thêm sự sa đọa lan tràn, từ năm 1956, tỉ số bịnh nhân tăng dần. hàng năm có trên 4.000 trường hợp dương mai được ghi nhận tại Pháp nghĩa là tỉ lệ gia tăng đến 200%. Và đó là những trường hợp có khai báo. Vì vào năm 1968, người ta đã khám phá ra 1.300 trường hợp dương mai trên 74.000 người ở Ba Lê, nói cách khác cứ một người trên 50 là có mang mầm bịnh. Năm 1971, tại bệnh viện Saint Louis, bác sĩ Siboulet đã chữa trị cho 3.186 trường hợp lậu so với 2.264 vào năm 1968, (điều đáng ghi nhận là số phụ nữ bị bịnh gia tăng rất cao: 520 so với 191). Ở Mỹ, con số trường hợp khai báo vượt qua từ 573.000 vào năm 1970 đến 624.000 trong năm 1971 và ngưới ta tin là con số thật sự trên 2.500.000. Nghĩa là hơn cả tổng số các chứng bịnh truyền nhiễm khác hợp lại. Bịnh viện Saint Louis đã ghi nhận 6% bị mắc bịnh này từ 15 đến 18 tuổi trong năm 1965 và đến năm 1969, tỷ lệ đã gia tăng quá mức 14%. Tại Mỹ, cứ 1 trên 5 người bị lậu dưới 20 tuổi, 10.000 người từ 10 đến 14 tuổi. Và 2.000 dưới 9 tuổi. Người ta còn ước lượng 1 trên 5 trẻ con Mỹ nhiễm chứng bịnh huê liễu trước khi được 17 tuổi và 1 trên 2 trước 25 tuổi. Nguyên nhân lan tràn. Trước hết theo bác sĩ Siboulet, thuộc bịnh viện Saint Louis vì không ý thức được hiểm họa tai hại đó, vì sự ‘e thẹn’ nên 13% thiếu niên chỉ đến khám sau 7 hay 10 ngày có dấu hiệu mắc bịnh, 7% chờ từ 15 đến 30 ngày và 13% đã không trở lại tái khám sau khi được điều trị. Và thế mà 28% thì lại tái phạm – trong đó 16% thiếu nữ đã bị sưng tử cung trước 16 tuổi. Nguyên nhân trước nhứt là việc dùng thuốc viên ngừa thai từ 15% hồi 1968 đã vượt qua 51% trong năm 1972. Thủ phạm lớn khác, lạ lùng và bất cứ lúc nào không ngừng, bịnh hoa liễu tăng trưởng liên hệ tới sự di chuyển của quân đội. Chính quân của Thành Cát Tư Hãn đã mang dương mai đến Âu châu. Ngày nay, sự du lịch đã thay thế cho chiến tranh. Tại bịnh viện Saint Louis, 21% những người độc thân cho biết đã bị lây bịnh lậu trong lúc đi nghỉ hè ở nước ngoài. Nạn mãi dâm, trụy lạc trong hình thức mới đã làm trầm trọng thêm. Tại Ba Lê hiện nay tính ra có đến 80.000 gái điếm chuyên nghiệp hoặc “nhảy dù”. Trong số đó chỉ có 4.500 được kiểm soát về vệ sinh. Rồi thêm vụ phong trào đồng tính ái cũng góp phần làm gia tăng bịnh huê liễu. Tại bịnh viện Saint Louis, chứng đồng tính ái chỉ trách nhiệm có 1,3% trường hợp bị dương mai hồi 1954 và đến năm 1968 đã lên tới 10%. Những nguyên nhân kể trên thật ra chưa phải trách nhiệm hoàn toàn trong việc làm cho bịnh huê liễu trở nên một bịnh dịch. Mà nguyên nhân chính là khi vướng phải bịnh này, vì hổ thẹn, vì sợ bị chê cười, người bịnh đã không chạy chữa đúng mức. Vi trùng lậu dĩ nhiên không bị tận diệt mà trái lại sanh sản thêm và trở nên… bất trị. Trước nguy cơ của bịnh dịch huê liễu tai hại đó, Walt Disney đã phối hợp với Sở Y Tế công cộng thực hiện những phim hoạt họa đem trình chiếu ở các trường trung học, để giải thích cho tuổi trẻ biết rõ hậu quả tai hại của việc trác táng bừa bãi, phóng túng. Và cuốn phim hoạt họa “V.D. attack plan” cũng vạch trần hậu quả tai hại nếu không chữa trị tuyệt nọc. Vì bịnh dương mai, huê liễu khi biến chứng có thể táng mạng nếu không thì cũng thân tàn ma dại. Đối với các bà bầu thì bé sơ sinh có thể bị mù, quái dạng, tê liệt. Hy vọng Walt Disney sẽ thành công. MĐ st ♣ TẢN MẠN VỀ HẠNH PHÚC “Cuộc đời là đau khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn biển cả” không còn đơn độc là tiếng nói của Đức Phật Thích Ca hay lời than thở của các triết gia khi nhìn đời mà đã trở thành tiếng nói chung của nhân loại. Mọi người đã nhìn nhận điều đó. Nhưng đồng thời con người cũng biết rằng có cái Hạnh Phúc vẫn tồn tại đâu đó quanh ta, nên từ thế hệ nầy sang thế hệ khác, các Tôn Giáo, các Triết Gia, các nhà Chính Trị, các nhà Tâm Lý Học, Xã Hội Học… không ai bảo ai đã cùng dấn thân để nghiên cứu về nó, hy vọng đạt được nó hay nhận dạng được nó thì sẽ phổ biến cho toàn thể nhân loại. Nhưng hình như cho đến nay vẫn chưa ai gặp được bộ mặt đích thực của nó. Qua bao cuộc tìm kiếm chỉ cho được một số thông tin sau đây: - Đó là bề trái của đau khổ. - Đó là hồi ức, khi ôn lại mới cảm nhận được. - Đó là trạng thái hồn nhiên. - Đó là đạt ước mơ. - Hãy cứ sống như ta đang Hạnh Phúc. - Khi đang tìm nó là ta đã có nó. Bao nhiêu yếu tố đưa ra vẫn chưa phác họa đầy đủ cái chân dung của Hạnh Phúc. Vẫn bàng bạc là bóng dáng, là mơ hồ, nên càng không thể dựa vào đó để tìm gặp được. Do không thấy được nó, nên sức tưởng tượng về nó lại càng phong phú, khát vọng đạt được càng thôi thúc. Thế nhưng, khi chưa xác định được, chưa hình dung ra được, thì biết đã gặp được hay chưa? Làm cách nào để gặp? Có lẽ mỗi giới đều có cái Hạnh Phúc theo nghĩa riêng của họ. Ta thử bắt đầu bằng giới nghèo, để nghe họ nghĩ về Hạnh Phúc như thế nào? Ta gặp được mơ ước: “Một ngày dựa mạn thuyền rồng, Còn hơn muôn kiếp nằm trong thuyền chài” Đúng quá đi rồi. Cái nghèo bao giờ chẳng là nguyên nhân của những đau khổ, mặc cảm. Chính nó làm “mất thảo, mất ngay, mất tình, mất nghĩa”... Trong một mái nhà mà luôn luôn túng thiếu, luôn gây gổ, cãi cọ nhau thì Hạnh Phúc làm sao dám ghé lại? Hay là trong cảnh giàu sang, đầy đủ, thì mới có Hạnh Phúc? Nhưng ta lại bị ngỡ ngàng trước câu nói phũ phàng: “Chẳng thà ăn hạt muối rang, Còn hơn ăn vàng, vừa khóc, vừa ăn”! Hóa ra cái Khổ cũng đâu có buông tha người giàu? Nó đâu chỉ độc quyền dành cho những người nghèo túng, thiếu thốn như ta vẫn lầm tưởng! Ta chợt suy diễn: Biết đâu hai câu than trước và sau xuất phát từ cùng một con người? Có thể lắm chứ. Lúc nghèo đói, chân lấm tay bùn, quanh năm xuôi ngược trong chiếc thuyền chài hôi hám, chật hẹp, ai đó đã mơ có ngày được “dựa mạn thuyền rồng”. Tất nhiên thuyền rồng chỉ dành cho bậc vương giả, giàu sang tột bực. Được ở gần hay sống chung thì hạnh phúc biết bao! Nhưng khi ước mơ đã đạt. Quần áo xênh xang, lọng che, trướng phủ, nhà cao, cửa rộng, kẻ hầu người hạ, nhưng lại phải sống trong khuôn khổ, lễ nghi, vào trình, ra bẩm. Đứng, đi cũng phải giữ. Cười nói cũng phải ý tứ... chợt thèm những ngày sống tự do trước kia. Trời đất là quê. Buông neo là nhà. Tứ bề lồng lộng gió trăng. Tới lui thong thả, tùy thích. Có bao nhiêu, ăn bấy nhiêu. Không bị lệ thuộc ai. Không phải khép nép theo khuôn khổ. Thế là cái tiếc nuối cộng thêm cái bất mãn lại càng làm lớn thêm nỗi khổ! Mới xét qua có hai trường hợp mà hai tiêu chuẩn dường như đã hoàn toàn đối nghịch nhau. Người ở đầu bên nầy thấy người ở đầu bên kia mới là Hạnh Phúc! Như vậy, muốn định nghĩa Hạnh Phúc cho chính xác, ta không thể bỏ qua tiếng nói của nhiều tầng lớp, nhiều hoàn cảnh khác nhau, như những nhà khoa học hình sự đi tìm chân dung của thủ phạm qua mô tả của những nạn nhân. Ta bắt đầu đến với những người lớn tuổi. Không ai rành cuộc đời hơn các cụ. Lãnh vực nào các cụ cũng đã kinh qua. Các cụ đã từng trẻ trung, từng mơ ước, từng đạt dược, mà cũng từng chán chường. Từng yêu và cũng từng ghét. Từng đam mê mà cũng từng thất vọng… Các cụ đã thở dài trước khi trả lời: Còn gì mà Hạnh với chả Phúc! Mắt mờ, tai kém. Đi đứng lóng ngóng, khó khăn, ăn uống cũng chẳng biết ngon, chẳng còn ham muốn gì nữa, chỉ chờ ngày “đoàn tụ ông bà”! Có Hạnh Phúc chăng là ở thời trai trẻ, sức khoẻ đầy đủ, phơi phới yêu đời. Mắt các cụ như sáng lên khi nhắc lại cái thời mới yêu và mới cưới nhau. Một khoảng thời gian ngắn ngủi trong suốt cả một đời người! Với lứa tuổi mà tương lai đang còn ở trước mặt, thì Hạnh Phúc là chiếm được mục tiêu. Mục tiêu này có thể là bằng cấp, là trình độ chuyên môn, là ngành nghề, là vị trí trong cơ quan hay xã hội, là việc làm thích hợp, là cuộc sống ổn định… và cuối cùng là lấy được người yêu mình, hiểu mình. Một số có khuynh hướng xấu như nhậu nhẹt, ăn chơi, đua đòi, hưởng thụ... thì chúng ta không cần bàn đến. Ta rút ra được 5 mục tiêu gọi là Hạnh Phúc của đa số. Năm mục tiêu này là: Hy sinh cho người khác, tức sống vì lý tưởng. Quyền lực, Tiền bạc, Sắc đẹp và Tình yêu. Ta đi tìm ở những người hy sinh cho người khác, sống vì lý tưởng. Đại diện cho những người nầy thì tiêu biểu là Chúa Giê-Su. Chính Ngài tuyên bố: Việc hy sinh cho người khác là Hạnh Phúc lớn lao nhất. Ngài đã nêu gương bằng cách hy sinh để chuộc tội cho nhân loại. Thực ra, chúng ta không biết Ngài có chuộc được hay không, chỉ có điều đến nay ta thấy tội ác vẫn lẫy lừng! Điều đáng nói là phút chót, Ngài đã vào vườn Giết-Sê-ma-ni, để cầu xin Đức Chúa Cha tha cho khỏi “uống chén đắng”, tức là khỏi bị bắt và chịu gia hình, nhưng không được nhận lời. Như vậy, hình như Ngài cũng đâu có được Hạnh Phúc trọn vẹn trong việc hy sinh cao cả đó! Nếu danh vọng và quyền lực thì ai hơn được Tổng Thống của một nước giàu sang hàng đầu như nước Mỹ. Bao nhiêu người đã đấu tranh để dành cho được ngôi vị này. Nhưng họ có thực sự Hạnh Phúc chăng? Qua báo chí mô tả một ngày làm việc của tổng Thống Mỹ, ta thấy quả thật đó là một ngày đầy căng thẳng, lo âu. Lúc nào cũng phải đương đầu, đối phó với biết bao nhiêu vấn đề, vì cầm nắm sinh mạng của cả một quốc gia. Phải điều hòa cho cả một xã hội to lớn với biết bao vấn đề phức tạp, những gánh nặng thâm hụt về tài chánh. Bắt dân đóng thuế nhiều thì họ kêu ca, nhưng quá nhiều khoảng phải chi: nào là an ninh, quốc phòng, nạn thất nghiệp, xì ke, ma túy, quỹ xã hội, bảo trợ người già... Cắt bên nào bớt? Chi thêm cho bên nào? Làm sao cân đối thu chi? Đã vậy mà cánh tả, cánh hữu luôn rình rập, chỉ một chút quyết định sai lầm là bị thổi phồng, bị điều trần mệt nghỉ. Trong lầu năm góc thì hàng đống việc, nay tiếp khách, mai tham quan, điện thoại đường ngắn đường dài liên tục réo. Lúc nào cũng phải đóng bộ, phải giữ quốc thể, không được tự do. Ra đường thì phập phồng, lo sợ những tên cuồng tín và những kẻ thù bắn lén. Làm gì cũng dễ bị phanh phui. Việc làm ăn từ đời kiếp nào cũng bị moi ra. Chuyện tình cảm thời trai trẻ cũng bị khai thác... Đọc hồi ký của Bà Nancy Reagan tức phu nhân của cựu Tổng Thống Mỹ, ta thấy quả thật họ hoàn toàn bị mất tự do trong suốt thời gian tại chức. T ừ cái ăn, cái ở, giao thiệp đều bị giám sát bởi những nhân viên an ninh và những người rình mò. Những quà tặng – dù được khắc tên họ – nếu quá 180 đô la thì đều thuộc tài sản quốc gia. Đôi khi ông bà thích thì phải bỏ tiền ra mua lại! Vài tháng một lần phải kê khai thuế. Lúc muốn đi xem và mua căn nhà ở Los Angeles, Tổng Thống phải nằm rạp xuống sàn xe mới trốn được ra khỏi khách sạn mà không bi theo dõi! Việc mua nhà và dấu kín được 2 năm là cả một kỷ lục! Cuộc sống như thế, nếu đem đổi với ta chưa chắc ta đã ham, và nếu so sánh với cuộc đời của một đứa bé chăn trâu, sáng sáng vắt vẻo trên mình trâu với cây sáo trúc, không có việc gì để lo, không có kẻ thù nào để đề phòng, chưa chắc ai đã hạnh phúc hơn ai! Nếu Đẹp, giàu, nổi tiếng... là tiêu chuẩn của Hạnh phúc thì các diễn viên điện ảnh như Maria Montez, Marylin Monroe, Dalida, Lâm Đại, Ong Hồng. N ướ c ta cũng có tài tử điện ảnh Lê Công Tuấn Anh, gần đây nhất là một nữ diễn viên điện ảnh của Hàn Quốc… đã không chối bỏ cuộc sống! Tiêu chuẩn cuối cùng và quan trọng hơn hết là Tình Yêu. Mọi người lấy nhau cũng vì nghĩ rằng sẽ “nhân đôi Hạnh Phúc”. Vì Yêu, họ sẵn sàng “Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua”. Ai thương mẹ cho bằng các cô gái, thế nhưng khi đã yêu rồi thì: “Thương chồng xách gói theo chồng. Má kêu mặc má, thương chồng con theo”. Họ cũng được một thời gian gọi là Hạnh Phúc, dù trong hoàn cảnh khó nghèo: “Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon. Nhưng cái thời mà chồng nói vợ nghe, phu xướng phụ tùy, hình như cũng không kéo dài được lâu. Ít lâu sau thì họ đã “cùng nói cho hàng xóm nghe”. Cuối cùng không chịu nổi nữa, họ gào lên : “Chồng gì anh? Vợ gì tôi? Chẳng qua là cái nợ đời đó thôi!” Vậy là Hạnh Phúc thay đổi hay lòng người đổi thay? Như thế, hóa ra trong mỗi đám cưới, mọi người xúm vào cầu chúc cho đôi tân hôn được “Trăm năm Hạnh Phúc” là vì biết trước sẽ có ngày này! Tình yêu, hôn nhân là mục tiêu lớn nhất của con người. Bao nhiêu người đã chết vì bị ngăn cấm. Thiên tình sử bất hủ Roméo và Juliette cũng xuất phát từ tình yêu. Bao nhiêu nhà thơ đã nổi tiếng nhờ ca tụng tình yêu… Nhưng phải chăng nhờ Roméo và Juliette không lấy được nhau mà cuộc tình đến nay vẫn còn làm thổn thức bao trái tim con người, vì “tình chỉ đẹp những khi còn dang dở”. Biết đâu, nếu lấy được nhau rồi, thời gian sau đó, Juliette ban ngày thì tất tả chạy chợ, đêm đêm cũng sẽ đứng ở bao lơn chờ, và Roméo cũng sẽ về, nhưng với những bước xiêu vẹo và nồng nặc hơi men. Rồi thì chàng cũng sẽ “chỉ trăng mà thề” rằng vì chàng gặp lại người bạn lâu lắm không gặp, và mỗi người chỉ uống có vài chai bia thôi, và uống ở quán có đèn sáng, không có em út, hay tăng hai tăng ba… gì hết! Cái viễn ảnh Hạnh Phúc nếu lấy được nhau làm cho những người độc thân háo hức, nhưng những người có kinh nghiệm thì lại chép miệng: “Con cá ở trong đỏ hoe con mắt. Con cá ở ngoài ngúc ngoắc đòi vô”! Xét qua mọi yếu tố, ta thấy phải chăng Hạnh Phúc chỉ là ảo ảnh, chỉ là những bậc thang luôn giữ khoảng cách cố định, khi chưa tới thì nó vẫy gọi, khi đến gần thì nó đã vượt lên cao? Từ chuyện chạy đi tìm Hạnh Phúc bên ngoài mãi mà không đạt được, con người thất vọng nên mạnh ai nấy tìm theo cách của mình. Ta gặp những dạng sau đây: Loại yếu đuối thì nương nhờ tha lực, chờ ban phát. Họ đăt tin tưởng vào những vị thần linh khuất mày, khuất mặt. Họ thành khẩn cầu xin, cúng kiến, van vái xin được bớt rủi, thêm may. Cầu được hay không thì không biết, nhưng vẫn phải cúng nhiều, nếu việc mình cầu lớn lao. Nếu chưa được thì tiếp tục cúng, cho là vì lòng thành của mình chưa đủ. Được rồi thì cúng trả lễ! Có điều họ cũng không dám đặt niềm tin hoàn toàn vào việc cầu xin đó, bằng chứng là họ vẫn tích cực làm ăn chứ không dám khoanh tay ngồi chờ. Sở dĩ họ siêng đi Chùa, đi lễ, cũng chỉ vì mong được phù hộ, được điều nọ, điều kia. Chưa có thấy ai cúng mà không mong được trao đổi điều gì, do đó, thần thánh chứng giám thì cũng phải vất vả với họ chớ không đơn giản được mời thỉnh, ăn không vô điều kiện. Chùa nào, miễu nào mà họ cầu được thì họ chen chúc nhau tới. Chùa nào thần ở đó không thiêng, họ cầu không được thì khói lạnh, hương tàn! Loại đi tìm Hạnh Phúc bằng vật chất một cách tích cực thì khỏi phải nói. Họ không chờ ai, chỉ trông cậy vào bản thân, vào phương tiện, quyền chức trong tay. Vô phước cho những gì, những ai lọt vào tầm ngắm của họ. Họ tìm mọi cách để chiếm lấy cho bằng được! Loại không quyền chức thì dùng bạo lực. Họ giựt dọc, cướp cạn. Loại hèn hơn thì trộm cắp. Chính những loại người nầy đã làm rối loạn xã hội không ít. Loại ưa cảm giác mạnh, thích chơi nổi thì tìm hạnh Phúc trong những lời ca tụng. Họ làm những việc liều mạng như ăn mảnh chai, chôn mình dưới đất, nằm trên chông, cho xe cán qua người, ở chung với thú dữ, nuốt thuốc độc, cột dây quăng mình từ trên cao xuống, đánh nhau chí chết trên võ đài… Nhưng cái vinh quang đôi khi đã phải trả giá bằng chính cuộc sống của họ, nên số người tham gia cũng không nhiều lắm. Loại âm thầm đi tìm cảm giác riêng lẻ thì rơi vào nghiện ngập, xì ke, ma túy, tình dục… Mầm móng AIDS cũng do những người nầy nuôi dưỡng, lan truyền trong xã hội và đến nay đã trở thành tai họa cho loài người. Tử thần không còn là hình ảnh chiếc đầu lâu, hay bộ xương người, tay cầm lưỡi hái, mà lại là những cô gái hấp dẫn, những chàng trai hào hoa, tốt mã, nên khi khám phá ra được thì án tử hình đã tuyên, không còn thay đổi được nữa! Tưởng như chỉ hưởng thụ cuộc đời bằng những cảm giác thì đâu có hại gì cho ai, không dè tự sớm kết thúc cuộc đời, còn tạo thêm gánh nặng cho gia đình, cho xã hội. Những hạnh phúc phù du được đổi bằng cuộc sống sa đọa, cuối cùng là kết thúc bi đát! Tổng kết những cách đi tìm Hạnh Phúc, ta có thể tạm rút ra một kết luận: HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ SỰ THOẢ MÃN KHÁT VỌNG. Nhưng khổ thay, con người lại là nạn nhân của chính mình, vì bản chất con người là cầu tiến, nên khát vọng đâu dễ dừng! Cứ mỗi lần đạt được khát vọng, lại thấy chán chường, lại tìm thêm, lại phấn đấu tiếp. Khi đói lòng thì bát cơm nguội hay tô phở đã là quá quý, nhưng khi no đủ rồi thì đòi hỏi những thứ khác. Ộng bà ta đã nói không sai: “Đói cơm rách áo tèm hem. No cơm ấm áo lại thèm nọ kia”! Thực ra, cuộc sống đâu chỉ toàn bi quan, đau khổ. Bằng chứng là khi bịnh, mọi người đều lo tìm thầy, chạy thuốc chớ đâu có mong sớm chết để được thoát khổ! Chính sự chấm dứt cuộc sống mới là nỗi khổ, nên Xã hội mới phải dùng án tử hình để răn những tên làm loạn, coi như sự trả giá cho tội ác, để làm gương cho người khác. Một điều đáng buồn là chỉ khi nào Hạnh Phúc đi qua, chúng ta mới cảm nhận được. Khi cơ thể lành mạnh, sinh hoạt bình thường, chúng ta chẳng cảm nhận gì hết. Đợi đến khi có trục trặc xảy đến, chúng ta mới thấy rằng không bịnh hoạn là sung sướng biết bao! Cũng thế, khi gia đình đề huề, vợ, chồng con cái còn ở bên cạnh, chúng ta chẳng cần quan tâm, có khi còn lạnh nhạt, hất hủi. Đợi đến khi vắng đi một thành viên vì sinh ly hay tử biệt, mới thấy thời gian mà cả nhà còn quây quần bên nhau là hạnh phúc biết dường nào! Cái Hạnh Phúc nó quá tầm thường, quá đơn giản đến nỗi chúng ta không chú ý tới nó, lo đi tìm những cái lớn lao ở đâu đâu! Nó khác chi người vợ hiền lặng lẽ lo toan mọi việc cho gia đình, trong khi người chồng còn bận bịu với những bóng dáng bên ngoài. Lúc thất vọng quay về thì người vợ hiền nọ sau bao thời gian mòn mỏi cũng đã lặng lẽ bỏ đi! Lúc đó anh chồng có hối tiếc, có ăn năn cũng đã muộn màng! Do mãi tìm cầu, mãi kiếm thêm, chúng ta đã quên rằng: Bớt đi một chút Khổ là ta đã được một chút Hạnh Phúc. Cái Bất Hạnh và cái Hạnh Phúc luôn thay chỗ cho nhau. Cái nầy đến, thì cái kia phải ra đi. Hạnh Phúc luôn bao trùm cuộc sống, dù có nhiều tầng bậc, cao, thấp, ít, nhiều, nhưng không thể nói là không có. Nhà lầu, xe hơi là hạnh phúc đã đành. Nhưng nhà lá, xe đạp, mà vợ chồng yêu thương nhau, hiểu nhau, chia xẻ với nhau những vất vả, lo toan... đó chẳng phải là hạnh phúc sao? Có gia đình là Hạnh phúc, nhưng cuộc sống độc thân cũng có cái Hạnh phúc của tự do, của ít trách nhiệm. Suy cho cùng, ngay trong cái bất hạnh cũng có Hạnh Phúc. Thay vì bị án tử hình, mà giảm xuống còn chung thân là đã thấy hạnh phúc rồi. Trong tai nạn lớn, mất hết tài sản, tiền bạc, nhưng không thiệt hại về con người, chẳng phải là Hạnh phúc đó sao? Do đó, trong hoàn cảnh mà khả năng không cho phép, sao ta không hài lòng với những gì mình đang có, mà lại bất mãn, lại ganh ghét, lại so sánh, rồi căm thù người nọ, người kia sao được nhiều ưu đãi hơn ta? Ta có biết rằng để đạt được những thứ đó, họ đã phải vất vả, gian khổ như thế nào? Có người phải chịu nhục, chịu cúi lòn, đánh đổi nhân cách, thậm chí phải lừa đảo gian manh, và những kẻ thất bại còn đang ngồi ăn năn sám hối sau song cửa nhà giam kia. Có người còn mất cả mạng chứ chẳng phải dễ lừa đảo để làm giàu! Hạnh phúc nào cũng có cái giá của nó. Muốn có được nó phải biết giá trị của nó, phải nâng niu, phải giữ gìn, phải tiết chế, vì sểnh đi một chút là nó biến đi ngay. Chuyện nhỏ như cái bao tử, cho gì vào nó cũng tiêu hoá, nhưng nếu lạm dụng, cứ nạp vào tới tấp rượu thịt, thì nó cũng phản ứng, cũng sinh sự… còn lôi kéo các cơ quan khác phụ hoạ! Tiền bạc, địa vị không mua được, không trao đổi được. Đó mới là cái khó. Vậy thì, thay vì mãi rượt đuổi, rồi thất vọng, lại quay ra nuối tiếc những cái đã qua, tại sao ta không chịu hài lòng với cái Hạnh Phúc mà ta đang có? Một cuộc sống bình thường, không bịnh hoạn, không bị lo âu, không sợ hãi khi ngủ cũng như khi thức chẳng phải là Hạnh Phúc sao? Như vậy, nó khác nào cái bóng của ta, khi ta đuổi thì nó chạy, khi ta dừng thì nó cũng đứng lại. Không biết tới nó, nó cũng không phản ứng, nhưng vùi vập, coi thường nó, là nó bỏ đi ngay! Chính nó là phản ảnh của cuộc sống, của suy nghĩ chính ta. Chỉ cần đừng quá tham vọng, đừng tìm cầu, ít muốn, biết đủ là ta đã có cái Hạnh Phúc hiện tiền. Ngay cả lúc đau khổ và tuyệt vọng nhất cũng hãy so sánh để thấy còn khối người đau khổ hơn ta nhiều. Ta còn có gia đình, có người thân để chia xẻ vui buồn, có mái nhà để trú mưa nắng. Thân thể còn nguyên vẹn. Đôi mắt còn thấy rõ để nhìn đời. Ăn vẫn ngon. Ngủ vẫn khoẻ. Đất nước đang hòa bình. Cường hào ác bá dù dưới dạng thức nào, nấp dưới ô dù nào, cũng lần lượt bị loại tr ừ. Ngoại xâm đã bị đuổi. Sách báo tràn ngập. T hông tin thế giới cập nhật hàng ngày. . . ta còn đòi hỏi gì nữa? Nhìn xã hội, rồi nhìn lại mình, ta thấy cuộc đời đã cung phụng cho ta quá nhiều: Nhà nông thì cung cấp gạo. Nhà vườn cung cấp rau tươi, hoa đẹp, trái cây bốn mùa. Kẻ thiết kế, người thi công, người trang trí cho chổ ở của ta thêm tiện nghi, lịch sự. Buồn thì đã có nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ, phim ảnh, chính kịch, hài kịch, cải lương . Không thích đến rạp hát thì đã có phim đĩa để xem tại nhà. Muốn đi chơi xa thì đã có các tổ chức du lịch đưa rước tận nhà, bao trọn gói. Muốn mua sắm thì hàng hóa dồi dào, khuyến mãi tới tắp, thậm chí mọi thứ, thượng vàng hạ cám còn được mang đến tận nhà, chỉ cần một cú alô hay nhắp chuột. Chán thành phố thì đi dã ngoại. Phong cảnh khắp nơi trên đất nước đều có vẻ đẹp riêng. Muốn lên rừng để hòa mình với thiên nhiên. Muốn leo núi để thử thách ý chí và sức mạnh. Xuống biển để khám phá thế giới bí mật dưới lòng đại dương… đều có người phục vụ. Muốn du lịch ra nước ngoài thì cũng dễ dàng. Da nhăn muốn thẳng, đen muốn trắng. Bụng mỡ muốn thon. Ngực teo muốn nở... đã có mỹ viện phục vụ. Muốn ăn, nhậu, thì làng nướng, nhà hàng tràn ngập. Ngồi tại nhà cũng biết được thông tin khắp nơi. Vô Net thì có thể nói chuyện trực tiếp với người thân ở nước ngoài, kết bạn với mọi người trên khắp thế giới. Đau thì đã có Bác Sĩ, y sĩ, bịnh viện công, tư, săn sóc. Hoa cỏ cũng góp phần tô đẹp. Nắng mưa cũng điều hòa. An ninh đã có người lo giữ. Ta đã đóng góp được gì mà cứ kêu ca, đòi hỏi mãi? Rõ ràng mỗi người đang sống trong Hạnh Phúc mà không tự hay biết. Như vậy, phải chăng chúng ta khác nào người đang giữa dòng mà cứ kêu chết khát? Tâm-Nguyện www.Giaimakinhphat.com 5 SAI LẦM THƯỜNG GẬP TRONG ĂN UỐNG VÀ CÁCH KHẮC PHỤC Bữa ăn ảnh hưởng đến ngoại hình và nội tâm nhiều hơn người ta tưởng. Số đông trong chúng ta ai mà chẳng thích có hình dáng thon thả, và cảm giác thoải mái, khoẻ khoắn. Tuy nhiên, giữa ước mơ và thực tế… có những sai lầm về ăn uống rất thường gặp, một phần cũng vì nếp sống đô thị lôi cuốn nên muốn là một chuyện, mà thực tế lại là một chuyện khác! Những Điều Khá Thường Gặp 1. Bỏ ăn Sáng . Ngủ dậy trễ quá, chỉ kịp làm vệ sinh, sửa soạn đi làm – sau khi đưa con tới trường – thì đâu còn thì giờ ăn sáng. Đến cơ quan, sở làm là có việc lôi cuốn ngay trong khi thực sự là cần một bữa điểm tâm chắc dạ là bữa ăn hợp lý và cần thiết để cung cấp cho bạn đủ năng lượng đáp ứng “nhu cầu công tác” – và tránh khỏi bị “đói lả” phải mau kiếm “cái gì” như gói “snack” khoai chiên giòn giòn thế cho “nắm xôi” của thằng Bờm . 2. Nhan nhản sản phẩm được giới thịệu là “dành cho người ăn kiêng” . Dù có giảm tỷ lệ chất béo, các loại bánh quy, bánh lạt, hũ yaourt làm bằng sữa gầy, thậm chí làm lỏng có thêm trái cây, quảng cáo rất bắt mắt... và bán rất “chạy” khiến cho người tiêu dùng có cảm tưởng là những thứ đó tha hồ ăn sẽ “không dám” làm mập đâu! Thưa rằng, giảm “béo” không hề có nghĩa là “không có tí calo” nào cả. Chỉ xin nhắc các bạn đó là một cách “góp gió thành bão” mà những thức ăn công nghiệp là hay “bị” tác dụng phụ đáng lo ngại kiểu “càng uống càng khát khao” không khác gì “nghiền” cả. Phụ Bản II 3. “Bữa ăn chính tôi chỉ ăn có một món salad mà vẫn cứ dư cân .” Lạ vậy sao? Vâng xin các bạn cảnh giác món salad theo kiểu Ý: có những món salad tính calo ra còn hơn là kêu 1 “ham-bua-gơ” vì cà chua rắc rất nhiều phomai parmesan, lại đi kèm với “bánh mì chiên giòn” hay trang trí đẫy xốt mayonnaise (căn bản là lòng đỏ trứng + nhiều dầu ăn). 4. Thích uống nước cam vắt hơn ăn một trái cam . Xin lưu ý uống nước cam luôn luôn có thêm đường có nghĩa là được nhiều calo hơn. Và được cái nọ thì mất cái kia: thêm đường nhưng thiệt mất chất xơ đi liền với các múi và tép của trái cam – mong rằng người ăn “không nhả bã”! 5. Ăn kiêng quá gắt gao . Không hoạt động gì cả, cứ nằm ì một chỗ thôi, cơ thể một người trung bình cần tới từ 1,200 đến 1,500 calo/ngày để thực hiện các chức năng cơ bản như hô hấp, tuần hoàn… Nếu có làm việc “chân tay” gì hơn thế nằm là phải cần đến nhiều calo hơn: 2000 – 3000 calo/ngày. Giả dụ bạn nhằm “xuống cân mau lẹ” tự giới hạn chỉ cho phép mình đưa vào 600 đến 800 calo/ngày, thực sự là bạn làm cho nhịp chuyển hóa của bạn chậm lại chưa kể là nếu kéo dài cách “ép xác” như vậy, bạn sẽ chuốc vào thân những nguy cơ sau đây cho sức khoẻ bản thân như: bị thiếu máu, thống phong (gout), sỏi mật và biến chứng tim mạch. Và có một điều gần như chắc chắn, ngưng ăn kiêng là lại lên cân… trở lại như cũ.. 5 Bước Khắc Phục 1. Hãy ghi vào một cuốn sổ: liệt kê những gì mình ăn trong ngày – đơn giản là vì nếu không ghi thì chẳng thế nào nhớ được – những món ăn, thức ăn nào trong bữa chính, bữa phụ có khả năng làm tăng – hay giảm cân, những thức ăn nào tốt cho sức khoẻ, những thức ăn nào “không tốt”… để dễ rút kinh nghiệm 2. Nên ăn làm 4 – 5 bữa nhỏ hơn là dồn vào 2 – 3 bữa chính. Đói bụng thì ăn, cũng như buồn ngủ thì ngủ. Vấn đề là ăn uống lành mạnh sao cho đừng bao giờ để đói cồn cào do đường huyết trồi xụt, không ổn định. 3. Mỗi bữa ăn có đủ rau và cuối bữa có trái cây. Thí dụ 5 bữa là có đủ mỗi bữa 1 chén rau và 1 phần trái cây tráng miệng chẳng hạn. Khi đói, điều này chắc chắn tốt hơn ăn khoai tây chiên giòn hay bánh quy: Bạn sẽ bảo đảm đưa vào cơ thể đủ lượng chất xơ cần thiết, giảm hẳn nguy cơ bị tiểu đường, phòng tránh được nhiều loại ung thư và bệnh tim. (Không cần nhắc lại là có ăn nhiều rau, trái cây, đương nhiên bạn vừa dễ ăn no, vừa dễ giảm lượng calo ăn vào.) 4. Bữa ăn có thành phần dưỡng chất cân đối: 15 - 30% calo do chất béo; 50 - 55 % do bột-đường carbohydrat; 20 - 25 % còn lại do chất đạm protein. Chỉ cần lưu ý các bạn là nguồn bột đường nên luôn luôn kèm theo chất xơ: gạo lức, khoai, bắp, rau và trái cây. Thức ăn đem lại chất đạm chủ yếu là do thịt cá nạc, đậu hạt, tầu hũ, và sữa có hàm-lượng chất béo thấp. Chất béo thì nên kén loại dầu thực vật (có một hay nhiều nối đôi – thường ở dạng lỏng không đặc ở nhiệt độ bình thường). Nên giới hạn tối đa các loại mỡ dộng vật hay shortening, margarin thực vật thường đặc ở nhiệt độ bình thường – khi rửa chén phải có nước nóng mới rửa sạch. 5. Thể dục hay hoạt động chân tay thì nên thêm một suất! Không phải tập luyện gì cầu kỳ mà cứ “kiếm chuyện” đi bộ, lên xuống cầu thang – bằng đôi chân chứ không phải bằng thang máy! – sao cho đủ 30 – 60 phút/mỗi ngày. Đi xe đạp (loại không chạy bằng điện!) bao giờ cũng hơn đi xe gắn máy. Khi nào rảnh nên lui tới hồ bơi – bơi một suất cũng rất đáng khuyến khích. Bạn chưa làm thì hãy thử theo 5 bước trên đi, sẽ sớm thấy “cuộc đời vẫn đẹp sao” vì chính ta cũng khoẻ đẹp hơn trước. Thiếu tự tin, cứ hỏi những người thân “sống quanh ta” sẽ rõ. [TB : Người nào hơi thiếu cân thì... cũng như trên, nhưng không cần giới hạn bột đường và chất béo, các món chiên vv… Sao cho “ăn được, ngủ được” – “ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc” không thiếu ăn thiếu ngủ là bảo đảm mau tăng cân… theo ý muốn] Thành Phố Hồ Chí Minh, Ngày 16 tháng 3, năm 2007 Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính Chuyên viên dinh dưỡng TRUYỆN KIỀU Một số bạn đọc cho biết họ muốn được đọc bản dịch Truyện Kiều của Thùy Dương liên tục từ đầu, vì hình như có mấy kỳ gián đoạn. Xin thành thực cám ơn các bạn đã quan tâm và nhắc nhở. Thật ra từ đầu chúng tôi đã định cho đăng liên tục, nhưng được vài kỳ thì một số độc giả đề nghị cho tăng tốc, vì nếu mỗi tháng chỉ 30-40 câu thì phải đợi đến 6-7 năm mới đọc hết được bản dịch Truyện Kiều của Thùy Dương. Có vị đã ở vào tuổi “cổ lai hy” sợ không đợi nổi! Có vị lại đề nghị trích dịch những đoạn đặc sắc, lại có vị thích những điển tích hay được dịch vv… Vì vậy để chiều ý một số bạn đọc, chúng tôi đã bỏ qua mất một số đoạn. Và nay cũng để chiều ý bạn đọc, chúng tôi xin cho đăng bổ sung những đoạn còn thiếu ở phía trước. Ngoài ra, dịch giả Thùy Dương cũng rất mong nhận được những nhận xét và góp ý của quý độc giả xa gần trước khi bản dịch Truyện Kiều bằng thơ vần tiếng Anh của chị được ra mắt độc giả trọn bộ lần đầu tiên, dự tính vào đầu năm 2010. Xin chân thành cám ơn V.A.T TRUYỆN KIỀU (từ câu 81-170) Lòng đâu sẵn mối thương tâm, Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa: “Đau đớn thay phận đàn bà! Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. 85 - Phũ phàng chi bấy Hóa công! Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha. The sad story wrung her soft heart and suddenly Tears welled upon her eyes, she cried bitterly: “What a painful woman’s destiny: How unfortunate! “But there’s no way to escape, it’s our common ill fate! “Oh, Creator! Why are you so cruel? “What was wrong with this attractive young girl, “So that her rosy cheeks so harmfully faded, “And her youthful days so regretfully wasted? “Sống làm vợ khắp người ta, “Hại thay thác xuống làm ma không chồng! “Nào người phượng chạ loan chung? 90 - “Nào người tích lục tham hồng là ai? “Đã không kẻ đoái người hoài, “Sẵn đây ta thắp một vài nén hương, “Gọi là gặp gỡ giữa đường, “Họa là người dưới suối vàng biết cho.” Lầm rầm khấn khứa nhỏ to, Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra. Một vùng cỏ áy bóng tà, Gió hiu hiu thổi một và bông lau. Rút trâm sẵn giắt mái đầu, Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần. “Alive, a wife of so many gentlemen, “Alas! Dead, a ghost without any husband! “Where are now all her passionate lovers? “Those who shared with her intimate pleasures? “No one minds! Well, let’s burn some sticks’ incense “So as to mark our meeting on the way by chance, “Who knows this would not come down the Golden Stream (1) “Where she might acknowledge my true esteem?” So saying she fell down on her knees whispering, Made a few bows and stepped out after praying. Under the fading sunlight, an area of sorrowful grass revived; The soft breeze gently agitated some reed spikes She took her hairpin and scratched on the bark of a tree A nice quatrain of three rimes improvised instantly. ----------------- (1) Golden Stream: A fine imaginary place where settle the souls of the dead. Lại càng mê mẩn tâm thần, Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra. Lại càng ủ dột nét hoa, Sầu tuôn đứt nối châu sa vắn dài. Vân rằng: “Chị cũng nực cười, “Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa!” “Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa, “Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu! “Nỗi niềm tưởng đến mà đau, 110 - “Thấy người nằm đó biết sau thế nào. Quan rằng: “Chị nói hay sao! “Một lời là một vận vào khó nghe. “Ở đây âm khí nặng nề, “Bóng chiều đã ngả dặm về còn xa.” Kiều rằng: “Những đấng tài hoa, “Thác là thể phách, còn là tinh anh.” Then her mind deeply impressed, her face unrelieved, She stood motionless as though not wanting to leave. Then again her face saddened like a withering flower, And again tears fell down from her eyes like streaming water. “What a fool you are, my dear sister!”, said Thúy Vân, “To waste your tears weeping for a former time’s woman!” Kiều said: “It has been an eternal law, undoubtedly, “For all rosy-cheeked ones, soft beauty means ill destiny. “Seeing such cruel things that happened to her, “I just feel bitter and worried for my future” - “Oh, Sister!”, said Quan, “Why did you say such unreal things? “To take everything your own affair, how unreasoning! “The sun’s declining, and the cemetery air is heavy, “It’s a long way to get home, we’d better get ready.” “Oh, my dear brother, don’t you think for the elite, “Dead are their physical bodies, but not their spirits? “Dễ hay tình lại gặp tình, “Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ.” Một lời nói chửa kịp thưa, 120 - Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay. Ào ào đổ lộc rung cây, Ở trong dường có hương bay ít nhiều. Đè chừng trận gió lần theo, Dấu giầy từng bước in rêu rành rành! Mặt nhìn ai nấy đều kinh, Nàng rằng: “Này thực tình thành chẳng xa! “Hữu tình ta lại gặp ta, “Chớ nề u hiển mới là chị em.” “Đã lòng hiển hiện cho xem, 130 - Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời. Lòng thơ lai láng bồi hồi, Gốc cây lại vạch một bài cổ thi. “Who knows our earnest feelings won’t meet in some way? “Let’s wait and see if something happens anyway.” Just then a blast of wind came up, shaking trees, Trembling branches and beating down green leaves; Somewhere a nice fragrance’s exhaling in the air; And here, new footprints appeared on the moss so clear! They stared at one another, all deadly frightened; How could they explain such things that’d just happened? “Oh!”, said Kiều, “Isn’t it really what I’ve just said? “Our true feelings have met! No matter alive or dead, “We are sisters! As she has shown it so clearly! “I should do something on my part gratefully.” Her poetical heart moved with joy, she paused a while, Then another poem’s improvised, scratched on a tree nearby. III Dùng dằng nửa ở nửa về, Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần. Trông chừng thấy một văn nhân, Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng. Đề huề lưng túi gió trăng, Sau lưng theo một vài thằng con con. Tuyết in sắc ngựa câu dòn, 140 - Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời, Nẻo xa mới tỏ mặt người, Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình. Hài văn lần bước dặm xanh, Một vùng như thể cây quỳnh cành dao. Chàng Vương quen mặt ra chào, Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa. Chapter III Hardly had they begun to leave when they heard a sound Of gold tinkling as though a horse’s coming around. Then there appeared in a distance a young gentleman Leisurely on horseback, his bridle loosened; On his trip hung a small bag of fresh breeze and moonlight (2) Following were some little boys walking behind. (3) Snow pressed its brightness on his young horse spotless, Green grass and blue sky mixed their colors on his dress. No sooner had he perceived a face from a distance Than he dismounted, came to join his acquaintance. As his fine shoes stepped on green grass, an area lightened As though there grew jade plants and pearl branches in a fairy garden. (4) Vương Quan, who recognized his friend, welcomed him warmly; Hiding their faces under flowers, the two ladies bowed shyly. -------------------- (2) This literary term referred to a bag of poetry, i.e. a bag containing poems, paper, brush, ink… to make poems. (3) His house servants (4) At Kiều’s first glimpse, the stranger appeared as an ideal noble young man she had ever dreamt of. Nguyên người quanh quất đâu xa, Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh. Nền phú hậu, bậc tài danh, 150 - Văn chương nết đất, thông minh tính trời, Phong tư tài mạo tuyệt vời, Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. Chung quanh vẫn đất nước nhà, Với Vương Quan trước vẫn là đồng thân. Trộm nghe thơm nức hương lân, Một nền Đồng tước khóa xuân hai Kiều. Nước non cách mấy buồng thêu, Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mòng. May thay, giải cấu tương phùng, 160 - Gặp tuần đố lá thỏa lòng tìm hoa. He was Kim Trọng, a young man of letters, Living not far from here, around in the same quarter. Descending from a noble and rich family, With his bright intelligence gifted naturally, He had followed at an early age his studies of letters, As a traditional career handed down from the ancestors. With high personality, he looked dignified and courteous; At home mostly sober, but outside chivalrous. Being once a schoolmate of Quan, he’d already heard Of the exalted fragrance (5) of the two noble young girls. But their flowery room seemed blocked by mountains and rivers And his secret love ’d become day after day so eager! Then came this ceremonial day fortunately! “Oh!”, thought he, “Isn’t this a nice opportunity? “The Day of the Dead – the Day of Happiness!” He had found the nice flowers he had dreamed of with eagerness ---------------------- (5) Fine reputation (6) He found no way to make acquaintance with the two young girls. Bóng hồng nhác thấy nẻo xa, Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai. Người quốc sắc, kẻ thiên tài, Tình trong như đã mặt ngoài còn e. Chập chờn cơn tỉnh cơn mê, Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chỉn khôn. Bóng tà như giục cơn buồn, Khách đà lên ngựa người còn nghé theo. Dưới cầu nước chảy trong veo, 170 - Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha. At his first glance from a distance, they looked so impressive, Like Spring orchids and Autumn marguerites, both attractive. She – a young lady of sovereign beauty, He – a young man of gifted ability, In heart, they already seemed falling in love, Although outside, too bashful to show. Under the emotional shudder of this first love’s gleam, They wondered whether it’s a real fact or a nice dream. Knowing well it’s not reasonable to stay longer, Yet they both found it hard to leave sooner. The declining sun seemed to urge sadness to come upon, They bade goodbye, he mounted his horse and rode on. She stood there, her eyes following him until he disappeared. Under the bridge, the following water was crystal clear, Beside the bridge, the willows were dropping their graceful leaves Under the last sunrays, thus closing a day of nice memories… (To be continued) THÙY DƯƠNG Hồ Gươm (Họa thơ Trần Văn Khang) Gươm thiêng rực sáng mộng lòng ơi Sông núi tôn vinh chẳng hết lời Ánh nước điểm vàng chiều nắng tỏa Mặt hồ ẩn ngọc tối đèn soi Gió vờn rặng liễu tàn tha thướt Sương ngủ hàng cây ngọn lả lơi Kiếm thép ngàn năm trời đất cảm Danh thơm quốc sử ngát muôn đời.
Trần Lữ Vũ MÃI MÃI YÊU THƠ Trọn trái tim hồng dâng tặng thơ Yêu thiên nhiên đẹp – nỗi hoài mơ Dệt nên vần điệu – niềm hy vọng Chân thiện mỹ luôn đáng phụng thờ Công lý – Lương tâm – Sống vị tha Niềm thương nỗi nhớ chốn quê nhà Thảo hiền, trung hiếu, điều nhân nghĩa Phổ nhạc, tấu lên vạn khúc ca Điển tích – đồng dao và tục ngữ In sâu tập quán – đậm phương ngôn Câu hò – Khúc hát thơm trang sử Phảng phất hương thơ – đẹp cội nguồn Tình bạn – tình yêu – tình đất nước Hòa vào thơ nhạc – ý bao la Tháng năm lắng đọng lời sau trước Đạo đức – Ơn đời – rực sắc hoa.
Ngàn Phương VIẾNG MỘ CHA Ngày của Cha 17/6 Trầm hương lảng đảng nhạt nhòa Khói mờ ẩn hiện bóng cha dịu dàng Từ ngày lở bước sang ngang Con xa quê – Sống lang thang xứ người Hình như thấp thoáng nụ cười Con nghe trong gió vạn lời thứ tha “Biết con ở cuối trời xa Nhưng lòng gắn bó quê nhà – thủy chung” Cỏ hoa bối rối ngại ngùng Bơ vơ ánh mắt mông lung nhuốm sầu Thân con nắng dãi mưa dầu Chưa tròn chữ hiếu – mái đầu tuyết pha Nghẹn ngào khóc cạnh mộ cha Ngậm hờn nuốt tủi – nắng tà chênh vênh Mười phương đất khách tìm quên Nhưng đâu thoát khỏi lênh đênh phận nghèo Chân mây – mặt nước cánh bèo Cha ơi! Duyên phận cuốn theo gió ngàn Hoàng hôn nhuộm tím nghĩa trang Con quỳ bên mộ - đôi hàng lệ tuông Chùa Lan Nhã vẳng hồi chuông Lâng lâng sám hối – nỗi buồn thế nhân Gương cha: đức độ, ân cần Tấm lòng rộng mở - cõi trần mênh mang Đường mây lối gió thênh thang Con xin tâm nguyện – Lời vàng khắc ghi Tình cha chẳng có biên thùy Dõi theo con khắp đường đi lối về. Ngàn Phương VÙNG TRỜI BÌNH YÊN (Ngày Gia Đình Việt Nam 28/6) Vùng trời đó bình yên sau cánh cổng Có bếp hồng sưởi ấm những ngày đông Những chùm hoa trên giàn, hương thoang thoảng Có bé yêu trong trắng tựa thiên thần ! Và chiếc nôi xinh như trong cổ tích Bên trong là kết quả của tình yêu Sinh linh nhỏ mang một phần máu thịt Của hai người, chung nhịp đập tim yêu ! Nơi chốn đó có người cha mạnh mẽ Người mẹ xinh, lại hiền dịu, đảm đang, Bát canh nóng ấm lòng, xua mỏi mệt Nụ hôn là thần dược, xóa buồn tan ! Vùng trời đó, đầy yêu thương, gắn bó, Với người cha, là trụ cột gia đình Và người mẹ, nguồn keo sơn kết dính Mọi thành viên, thành một khối chung tình Kiếp ngắn ngủi, phù sinh, đơn lẻ quá, Gia đình là điểm tựa, bến tâm hồn Nơi trú ẩn và nguồn năng lượng sống Là món quà Thượng Để tặng nhân gian Sau một ngày bon chen vì cuộc sống, Người cha về với mái ấm yêu thương Sau cánh cổng, là niềm vui, hạnh phúc Biến trần lao thành một cảnh Thiên Đường! Tâm-Nguyện (23/6/2009) Hồi 8g30 sáng Chủ Nhật 7/6/2009, nhà giáo Lê Hùng Dương, thành viên của Câu lạc bộ Sách Xưa & Nay, đã có một cuộc nói chuyện về CÁI TÊN & CUỘC ĐỜI tại Cung Văn Hóa Lao Động TP HCM. Trong bản tin mới đây của Câu lạc bộ, chúng tôi đã cho đăng một bài viết vắn tắt về đề tài nói trên. Nay đi nghe tại Cung Lao Động, chúng tôi thấy cuộc nói chuyện có rất nhiều chi tiết hấp dẫn, ích lợi và dài hơn bài đã đăng lần trước nhiều, nên chúng tôi cho in lại toàn văn bài nói chuyện vì nghĩ rằng cái tên cũng là một cái gì rất cần thiết và rất có ý nghĩa với mọi người… V.A.T CÁI TÊN VÀ CUỘC ĐỜI Tất cả chúng ta ai cũng có một cái tên để gọi, được ông bà cha mẹ đặt ra khi mới chào đời. Cái tên đã gắn liền với cuộc sống của mọi người từ khi xuất hiện trên tờ Khai sinh cho đến khi được đặt trang trọng trên tờ Khai Tử. Những thành quả, những vinh quang, hạnh phúc, niềm vui nỗi buồn tất cả được người khác biết đến bằng cái tên của bạn. Những người đương thời, những thế hệ sau này khi muốn nói đến công lao, thành tích của bạn cũng sẽ nhắc nhở qua cái tên của bạn. Lúc đó không phải bản thân mà là cái tên của chúng ta sẽ được đánh bóng lên, được tô điểm bằng những màu sắc rực rỡ thể hiện sự vinh quang mà chúng ta được hưởng. Ngày xưa khoa học chưa tiến bộ, người ta thường đợi đứa bé được sinh ra biết trai hay gái mới đặt tên. Có người chuẩn bị trước một tên cho trai và một tên cho gái để khi đứa bé được sinh ra thì tùy nghi sử dụng. Có một rủi ro là bất ngờ bà vợ sinh đôi 2 em bé trai, hay 2 bé gái, vậy là dự trù thiếu một tên cho một đứa con trai, hay tên cho một đứa bé gái. Cái khôi hài bắt đầu. Ví dụ gia đình đã chuẩn bị tên con trai là Hồng Anh rất đẹp. Bất ngờ có thêm đứa con trai, ông bố luống cuống trong khi bác sĩ chờ đưa tên ghi vào giấy chứng sinh. Ông bố bèn ứng khẩu sáng tác khẩn cấp cái tên Hồng Em, hoặc Hồng Đệ. May mắn thay, ngày nay, nhờ máy siêu âm, người ta sớm biết trai hay gái và có thời gian chuẩn bị một cái tên cho vừa ý ông bà cha mẹ, chuyện đứa bé có vừa ý hay không là chuyện khác chỉ biết rằng đứa bé đó phải gánh cái tên đi suốt cuộc đời, sung sướng hay đau khổ chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay”. I. Về cấu trúc của một cái tên được thể hiện như sau: Phần họ, chữ lót, và cái tên để gọi. 1.Phần họ ở đây là Lê, Trần, Nguyễn, Phan, Phạm, Đào, Phùng, Đỗ, Lê-khắc, Tôn-thất, Ủ, Y, K vv… thường có gốc từ họ cha đối với những địa phương theo chế độ phụ hệ, và có gốc của người mẹ nếu địa phương đó theo chế độ mẫu hệ. Trong Chợ Lớn một số người Việt gốc Hoa cũng cho con theo họ mẹ. Ở một số địa phương của dân tộc ít người đứa bé sinh ra cũng được mang họ người mẹ. Họ đơn : Có nhà nghiên cứu cho rằng hiện 14 họ phổ biến của người Việt, 14 họ này chiếm khoảng 90% dân số Việt Nam: Nguyễn 38,4%, Trần 11%, Lê 9,5%, Phạm 7,1%, Hoàng/Huỳnh 5,1%, Phan 4,5%, Vũ/ Võ 3,9%, Đặng 2,1%, Bùi 2%, Đỗ 1,4%, Hồ 1,3%, Ngô 1,3%, Dương 1% Lý 0,5%. Ngoài ra, Có nhà nghiên cứu đã thống kê được khoảng 300 họ khác. Có người mang họ rất ngắn như họ Ủ (ví dụ Ủ văn X.). Đồng bào dân tộc có người mang họ Y, họ K’. Họ kép . Có những họ kép thường thấy nhất ở bà con cố đô Huế như Hồ-đắc, Nguyễn-khoa, Lê-khắc, Tôn-thất, Thân Trọng vv... Những họ kép này thường có gốc của người đàn ông truyền từ đời này sang đời khác và cũng được dùng để ghi lại trong gia phả. Các triều chúa Nguyễn và vua Nhà Nguyễn có họ kép là Nguyễn-phước (hay Nguyễn-phúc), ví dụ Nguyễn-phúc Ánh là tên của vua Gia Long. Họ Nguyễn-phúc này có từ đời Chúa Nguyễn-phúc Nguyên còn gọi là Chúa Sãi hay Chúa Bụt (1563-1635), con trai thứ sáu của Chúa Tiên, tức Nguyễn Hoàng (1525-1613) người khai sáng chín triều Chúa Nguyễn. Tương truyền, mẹ Chúa có thai chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phúc”, vì vậy khi thế tử ra đời Bà đặt tên là Nguyễn-phúc Nguyên, từ đó đến các đời sau đều giữ họ kép là Nguyễn-phúc. Ở đây phát sinh một vấn đề trong ngôn ngữ tiếng Việt. Trước 1975 trong miền Nam các từ kép đều có gạch nối như ‘phát-triển’, ‘cải-tổ’, ‘hiểm-nghèo’, vv... Thật ra việc áp dụng gạch nối ở những từ kép trước đây không triệt để. Trên các công văn, thư từ giao dịch giữa các cơ quan Nhà nước, có nơi sử dụng, có nơi không sử dụng. Dần dần hình như đi vào quên lãng và đến bây giờ thì hầu như không còn thấy gạch nối được sử dụng. Những tên kép, họ kép cũng được ghi có gạch nối như vậy. Ví dụ Vân-Anh, Ngọc-Lan. Khi thể hiện bằng văn tự của tên gọi cũng giống như cái họ, có trường phái cho rằng, nếu là họ kép hoặc tên kép sẽ được viết hoa cho từ đi trước và viết thường cho từ đi sau với gạch nối ở giữa. Ví dụ: họ Tôn-thất, Hồ-đắc… và tên: Hồng-lan, Bảo-trâm, Hoàng-yến vv… Tuy nhiên, tên kép viết theo kiểu này không được quen mắt, nên có người đã áp dụng cho cái họ kép còn tên kép thì viết hoa hết và có gạch nối hay không có gạch nối cũng chả sao. ví dụ như Tôn-thất Hồng-Hà, hoặc Tôn Thất Hồng Hà. Tương tự trên khai sanh trước đây cũng có nơi sử dụng gạch nối cho họ kép hoặc tên kép, có nơi chỉ ghi đủ các từ cho đủ cái tên là được. Trên một trang web nói về nhà văn “Bình Nguyên Lộc”, bài viết có lưu ý tên của nhà văn được ghi là “Bình-nguyên Lộc”, Viết hoa chữ ‘B’ cho ‘Bình’ rồi gạch nối và ‘n’ viết thường cho ‘nguyên’. Họ ghép : Ngày nay chúng ta thấy có nhiều người mang cả họ cha lẫn họ mẹ ví dụ như Trần Lê, Nguyễn Võ, Đào Đỗ… Thực ra đây vẫn coi là họ đơn, họ của cha, không phải là họ kép. Thường khi sinh đứa con đầu lòng, bố mẹ còn trẻ trung, còn yêu thương khắn khít, muốn cho tên con mình thêm phần thi vị, đã ghép hai họ bố mẹ với nhau. Nhiều trường hợp khi ghép họ với nhau, bố mẹ đứa bé cho mang một cái tên rất ấn tượng. Ví dụ tường hợp cha ho Phạm, mẹ họ Vũ, đặt tên con là Phạm Vũ Trường. Nghe thật ấn tượng. Có trường hợp một người họ Đào có cô bạn gái họ Đỗ, lúc đầu anh chàng này không quan tâm đến việc cô bạn mang họ Đỗ. Nhưng khi tình cảm hai người đã mặn nồng và tính đến chuyện cưới hỏi, anh chàng mới nghĩ tới việc ghép họ thấy không hay và có vẽ xui xẻo vì người này “Đào” người kia lại “Đỗ” đi thì không được rồi. Thế là anh chàng xin chia tay với người con gái tội nghiệp kia. Anh chàng này là người miền Nam không phân biệt Đổ dấu hỏi và Đỗ dấu ngã. 2. Phần chữ lót . Thường thấy được thể hiện bằng những từ ngữ như ‘văn’, ‘hữu’, ‘thị’, ‘tấn’, ‘nữ’ vv... ‘Văn’ và ‘hữu’ thường dùng để đặt cho con trai, và ‘thị’ dùng cho con gái, còn ‘tấn’ thì cho cả nam lẫn nữ. Các từ lót này thường không viết hoa và không có gạch nối giữa họ và chữ lót. Ví dụ ‘Lê văn X’, ‘Nguyễn thị Y’ vv... Ngày nay các từ lót này không được nhiều người coi là hợp thời trang nên đã bị loại dần ra khỏi cái danh xưng của mỗi người. May ra còn mấy ông già bà cả U70 còn mang chữ lót nói trên. Có người không muốn con gái mình mang chữ lót là ‘thị’ bèn đổi thành ‘thụy’ nghe hơi bị chói tai. Thực sư, nếu giữ ‘thị’ thì nghe dễ chịu vô cùng. Cũng có người đã lớn tuổi có chữ lót trong tên mình là ‘văn’ thấy có vẽ không được nên thơ bèn cho khắc tên để đóng lên văn bản dưới phần chữ ký với chữ ‘Văn’ được viết hoa to đùng. Tuy nhiên nếu ‘văn’ được kèm với tên Chương hay ‘hữu’ kèm theo tên Nghị thì có thể được coi là tên kép và được viết hoa như Nguyễn Văn-chương, Nguyễn Hữu-nghị vv... Trong một lần cùng với Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay thăm nhà lưu niệm cụ Hồ Biểu Chánh, chúng tôi được biết những người con đều lót chữ “văn” kể cả con gái là Bà Hồ văn Vân-Anh năm nay 93 tuổi vẫn còn minh mẫn đang quản lý khu lưu niệm. Rất có thể cụ Hồ Biểu Chánh muốn lập ra một dòng họ Hồ-văn cho đàn con cháu sau này. Ở miền Trung có nhiều nơi không sử dụng chữ lót, chỉ còn hai thành phần của tên là họ và tên gọi như Nguyễn Tòng, Hồ Thẳng. Có người còn được cha mẹ đặt cho một cái tên hết sức đơn giản như Lê A, Võ Y... Người Hoa có nơi xác định thế hệ bằng chữ lót theo qui định của tổ tiên, ví dụ đời trước lót chữ ‘Quốc’ như Trần quốc An, Trần quốc Bình..., đời sau lót chữ ‘Thiết’ như là Trần thiết Anh, Trần thiết Hùng... Những trường hợp này thường do gia đình tự sắp xếp. 3. Cấu trúc sau cùng là cái tên , đó là phần tên gọi. Đây là phần hết sức nhạy cảm khi đặt tên cho con cái. Ngày xưa trong thời phong kiến, khi đặt tên cho con phải hết sức cẫn thận không được phạm húy không được trùng với tên vua chúa mọi triều đại, hay thần linh, tiên phật, tên các quan lớn từ cấp cao xuống tận thôn xã, tên các bậc tổ tiên hai bên chồng vợ. Vì phải tránh như vậy cho nên phát sinh trường hợp Nguyên thành Nguơn, Quyền thành Quờn, Cảnh thành Kiểng vv… Nhiều bà con ở các vùng quê miền Nam, vì muốn an toàn thường đặt cho các con mình những cái tên hầu như không có trong từ điển Việt Ngữ, như Tuynh, Thiềng (có lẽ muốn tránh chữ Thành), hay Xủng vv... hoặc những tên xấu háy để tránh bệnh hoạn như Dền, Mọi, Lác, Đùng, Lẵm vv... Những đứa bé có những cái tên vừa nêu phải khổ suốt đời nhất là trong thời kỳ còn đi học thường bị bạn bè chế diễu và khi lớn lên không muốn kết thân với người khác phái vì mặc cảm. Thử hỏi có người con gái nào dám mở miệng nói lên câu: “Đùng ơi, em yêu Đùng lắm”? hay một anh con trai nào đó thử nói câu: “Lức ơi, em đẹp vô cùng”. Còn có những trường hợp éo le cho những tên xấu háy khác. Phụ Bản III Tên đơn: là tên chỉ có một từ, ví dụ Thành; Nguyên; Tùng; Bách... Tên kép : Anh-Dũng; Tuấn-Kiệt Tên húy : Đến đời vua Minh Mạng, vì con đông quá, 78 trai và 64 gái, theo vị giáo sư dạy môn Việt Văn tại trường Pétrus Ký là Ưng Thiều cháu gọi Ông Minh Mạng bằng ông cố, cho biết ông vua này quản lý sơ sơ hai ngàn cung phi mỹ nữ. Ông sợ sau này con cháu đông quá sẽ lộn tùng phèo không phân biệt đời trước đời sau nên ông đặt ra ‘Đế hệ thi’ cho con trai các dòng họ sau này: Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh, Bảo, Quý, Định, Long, Trường, Hiền, Năng, Kham, Kế, Thuật, Thế, Thụy, Quốc, Gia, Xương. Như vậy đến đời vua Thiệu Trị, tên húy là Miên được thêm vào thành ra Nguyễn-phúc Miên-tông (họ kép, tên kép không có chữ lót), tiếp theo con của Miên-tông là Nguyễn-phúc Hồng-nhậm vv... (Vì trùng hợp với tên vua nên Ngô thì Nhậm vì sợ phạm húy đã đổi thành Ngô thời Nhiệm; Vua Tự Đức có tên là Nguyễn-phúc Thì). Sau này những bà con thuộc dòng hoàng phái thường lấy tên húy để đặt cho con. Ví dụ bố là Ưng Long, con là Bửu Lân, rồi xuống cháu nội là Vĩnh Qui... chứ không ghi trong khai sinh họ chính thống là Nguyễn-phước. Sau 75 Ông Vĩnh Qui này có con muốn đặt tên con là Bảo Phụng nhưng hộ tịch phường không chấp nhận bắt buộc phải cho đứa nhỏ mang họ “Vĩnh” mới chịu làm khai sanh.Thế là Ông Vĩnh Qui phải đặt tên con là Vĩnh Bảo Phụng. Theo chiều hướng này khi ông Vĩnh Bảo Phụng có con chắc là phải đặt là Vĩnh Quý Loan .vv... Các vua nhà Nguyễn cũng có đặt tên hiệu cho con gái như Công nữ, Công tôn nữ, Công tằng Tôn Nữ, Công Huyền Tôn nữ vv... và được thể hiện trong một cái tên ví dụ như Công-huyền-tôn-nữ Nguyễn-phước Vân-Vân (hoặc bỏ bớt hai chữ Nguyễn Phước). Cững có người vì thấy tên dài quá nên đặt lại cho ngắn gọn Tôn-nữ Vân Vân. Riêng đối với các anh em của vua (không phân biệt đời trước đời sau) đều mang họ Tôn-thất và các con gái đều mang họ Tôn-nữ. Như vậy về cấu trúc danh xưng của một người được thể hiện dưới các dạng sau đây. 1. Họ + tên (không có chữ lót): Ví dụ Hồ Thẳng, Lê A, Nguyễn Kim… 2. Họ +tên kép (không có chữ lót): Trần Thùy-Liên, Lê Quang-Vinh (tên kép có gạch nối). 3. Họ kép + tên kép (không có chữ lót): Tôn-thất Thành-Công, Nguyễn-khoa Minh-Mẫn… 4. Họ + chữ lót + tên: Nguyễn văn Mít, Nguyễn hữu Miêng… 5. Họ + chữ lót + tên kép: Nguyễn văn Mười-Ba, Trần văn Nam-Giao, Nguyễn văn Thành-Công… 6. Họ kép + chữ lót + tên: Tôn-nữ thị Thanh, Nguyễn-khoa diệu Lan (‘diệu’ của họ này là chữ lót, dành cho nữ, không viết hoa. Nếu muốn là tên kép thì viết Diệu-lan, trường hợp này không có chữ lót). 7. Họ kép + chữ lót + tên kép: Tôn-nữ thị Vân-vân Xét về khía cạnh tâm lý nhiều người có con nhất là con đầu lòng thường bắt đứa con gánh lấy hoài bảo của cha mẹ. Đầu tiên thể hiện ở cái tên đặt cho đứa nhỏ. Cha mẹ có quyền tối cao trong việc đặt tên cho đứa con mới chào đời cho nên nhiều người thường tìm một cái tên rất kêu rất ấn tượng cuối cùng nhiều em bé nhận lãnh những cái tên rất độc chiêu. Tôi có anh bạn đã đặt tên cho con gái đầu lòng là Trần Đặng Thụy Mộng Thùy Liên (đã sửa lại và xin lỗi nếu còn trùng hợp với người khác). Khi kể cho tôi nghe tên con gái anh ta có vẽ đắc chí vừa hớn hở vừa hả hê như mới tạo ra được một tác phẩm đầu tay xuất sắc. Ở đây người viết không phân biệt được đâu là họ, đâu là tên gọi và đâu là chữ lót nên đánh phải viết hoa hết sợ thất lễ. Hơn ba chục năm rồi cháu bé này nay đã trưởng thành nhưng tôi không biết em đã khổ sở như thế nào về cái tên của mình mà cha mẹ đặt cho. Chắc chắn tên của em bé này sẽ không ít lần được viết sai, đầu tiên là trên khai sinh, rồi đến thẻ học sinh, chứng minh nhân dân, trên các văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Mỗi lần sai như vậy chắc hẳn em phải đi xin điều chỉnh vô cùng vất vả. Đây là chưa nói đến trường hợp em đi du học hay công tác nước ngoài, chắc chắn em sẽ không biết để tên mình vào ô nào là first name, middle name và ô nào là last name. Tương tự tôi được biết một cái tên khác cũng kêu không kém: Thái Mộng San Nhị Hoàng Đế (!) II. Một số trường hợp phổ biến khi đặt tên cho con cái. 1. Đặt tên theo thần tượng của Ông bà cha mẹ đứa bé. Nếu thần tượng là nhân vật lịch sử thì đặt theo những tên như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Huyền Trân Công Chúa vv... mục đích phần lớn là không cho ma quỉ bén mảng đến gần cục cưng của mình mà ‘bắt’ con mình bệnh hoạn hay èo uột khó nuôi. Một trường họp tréo cẳng ngỗng về cái tên Hùng Dương. Khi đứa bé chào đời ông bố đặt tên Hùng Vương cũng có ý bài trừ ma quỉ. Người viết biết chắc như vậy vì sau đó 3 năm đứa em kế ra đời được mang tên một ông vua thời Lê mạt. Ông vua con của vùng sâu vùng xa đi học mang tên Hùng Vương oai phong lẫm lẫm. Nhưng khi ông bố đi ra Hội Đồng Xã làm khai sinh được ông nhân viên hộ tịch viết lên tờ khai sinh là Hùng Dương. Người miền Nam nhất là ở vùng quê lúc bấy giờ (1950) không phân biệt V hay là D, và cái tên trở thành Hùng Dương vô nghĩa. 2. Đặt tên theo thần tượng là những nghệ sĩ nổi tiếng như Thanh Nga, Hùng Cường, Duy Khánh, Hương Lan vv... 3. Đặt tên theo thần tượng là những văn nhân thi sĩ như Anh Đức, Thanh Thảo, Thế Lữ vv... 4. Anh chị em trong gia đình có tên kép cùng giống từ đứng đầu: Minh-hằng, Minh-hà, Minh-trí, Minh-tuấn, hoặc Lệ-dung, Lệ-hằng, Lệ-quyên (chưa thấy có tên kép bắt đầu bằng chữ Lệ dành cho con trai). 5. Anh chị em trong gia đình có tên kép cùng giống từ đứng cuối. Ngọc-vân, Tường-vân, Thanh-vân (con trai), Bích-vân… 6. Anh chị em trong gia đình có tên cùng có chung chữ cái: Tấn, Tài, Thu, Tuyết… 7. Đặt tên con theo ‘dây’: Theo một học giả trên mạng cho biết có cha mẹ lên kế hoạch đặt tên con cái theo một loạt từ ngữ nói lên sự thành công, tên tuổi được người đời biết đến cho đàn con sau này. Đây là trường hợp gia đình Bà Năm Phỉ, anh chị em được mang tên theo một “ra phan” từ ngữ sau đây: Công, Thành, Danh, Toại, Phỉ (Bà Năm Phỉ), Chí, Nam (Bà Bảy Nam), Nhi, Bia (Chín Bia), Truyền (Mười Truyền), Tạc, Để (Út Để). Tổng cộng 12 người. Hoặc một ‘dây’ khác ở nhà ông xay bột: Tự, Nhiên, Nhuần, Nhuyễn. Hay ‘dây’ của một gia đình có 5 người con gái trong truyện ‘Đò dọc’ của tác giả Bình Nguyên Lộc: Hương Hồng Hoa Quá Thơm. Trường hợp đặt tên con cái theo ‘dây’ như trên rất khó thực hiện vì khi sinh đứa con đầu lòng cha mẹ không biết được sẽ có bao nhiêu đứa con để chọn ‘dây’ mà đặt. Họ cũng không thể đợi đến khi sinh đứa con út mới chọn ‘dây’ đặt tên. Ví dụ sau khi sinh đứa con đầu, cha mẹ chọn một dây trung bình ‘Tam Tòng Tứ Đức’, nhưng rủi ro bị bể kế hoạch sinh thêm đứa thứ 5 thì sẽ không biết đặt tên gì cho đứa nhỏ để phụ hợp với cái ‘dây’ đã có. Hoặc trường hợp bà vợ sinh xong đứa thứ ba rồi ‘nín’ luôn thì cái ‘dây’ bị đứt DÂY chỉ còn “Tam Tòng Tứ” nghe không ra làm sao cả. Hiện nay phong trào kế hoạch hóa gia đình khuyến khích mọi người nên dừng lại ở một tới hai con ‘để nuôi dạy cho tốt”, cho nên sẽ không còn cửa đặt tên theo dây nữa rồi. 8. Đặt tên theo 7 nốt nhạc: Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si. Từ đứa thứ 8 trở đi đặt là Thăng, Giáng, Trưởng… 9. Đặt tên theo hoài bảo của cha mẹ. Như đã nói ở trên, có nhiều bậc cha mẹ từng gặp nhiều trỏ ngại, lận đận, lao đao, “tám khoa chưa khỏi phạm trường quy’ trên con đường học hành thường muốn con cái sau này phải học giỏi đỗ cao nên đặt cho những cái tên như Thủ Khoa, Khoa Bảng, Tiến Sĩ, Thám Hoa... có người kể câu chuyện về đứa bé có tên là Thủ Khoa. Nhưng vào những năm đầu của bậc Trung học, chú học rất kém bị Thầy Cô la rầy, cha mẹ mắng chửi, bạn bè trêu chọc, chú bỏ họ và bỏ nhà đi bụi luôn. Còn có những bậc cha mẹ muốn con gái sau này phải là một trang quốc sắc thiên hương. Chỉ với bốn từ ngữ bên cạnh cũng đủ để đặt cho những cái tên rất kêu rồi: Quốc Sắc, Thiên Hương... hay Kiều Diễm, Mỹ Nhân... Thử tưởng tượng đứa bé khổ sở như thế nào khi lớn lên nhan sắc chỉ thường thường bậc trung. 10. Đặt tên theo tên các quốc gia trên thế giới: Có gia đình đặt tên con cái theo tên một số quốc gia trên thế giới, thường gặp là: Pháp, Ý, Đức, Nhật, Trung, Tiệp, Việt, Ấn… nhưng chưa thấy ai đặt tên con là Bỉ, Hung, Bung, Mã. Có người lấy cả hai từ, mới thấy có Hà Lan, Triều Tiên, Cao Miên, Na Uy... nhưng chưa thấy có, Đan Mạch, Mã Lai… 11. Đặt tên theo các địa danh: Hiện nay chúng ta cũng thấy có những tên như: Sông Hương, Nam Giao, Vạn Giả, Nha Trang, Khánh Hoà, Bình Thuận vv... 12. Đặt tên theo chức tước trong triều đình. Ông bố họ Hoàng đặt tên cho con trai là Hoàng Tử Minh, con gái là Hoàng Thái Hậu, hoặc một ông bố họ Thái, con trai mang tên Thái Tử Quốc Bằng, một ông bố họ Dương con gái lãnh đủ nguyên cái tên Dương Quý Phi. 13. Đặt tên theo Ngũ thường của Nho giáo: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. 14. Đặt tên theo phong trào của từng thời kỳ: Có dạo người ta thích đặt cho con gái một tên kép bắt đầu bằng chữ “Thùy” như Thùy Lan, Thùy Liên. Có dạo bắt đầu bằng chữ “Diễm” như Diễm My, Diễm X, Diễm Y... và cũng có dạo bắt đầu bằng “Mộng”như Mộng Tiên, Mộng X, Mộng Y... 15. Đặt theo tên các loại trái cây như Đào, Lê, Hồng, Lựu, Na, Mận, Nho, Bưởi, Dâu... nhưng chưa thấy có ai tên Táo, Chôm-chôm, Măng-cụt... 16. Đặt tên có ý nghĩa: Nhiều gia đình có trình độ văn hóa cao thường đặt tên con cái với một ý nghĩa rõ rệt như: Đăng-Trình, Lưu Phương, Như Ý, Hồng Ân vv... 17. Tên đầy đủ có đi kèm tên Thánh: Ví dụ Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Hùynh Tịnh Của, Pierre Nguyễn văn Y, vv... Petrus, Paulus, hay Pierre được đặt tại lễ đặt tên khi mới chào đời của những người theo đạo Công Giáo. Hiện nay những tên thánh này được sử dụng khi tại các lễ nghi tôn giáo. III. Đoán người qua tên gọi: Nhiều người cho rằng cái tên còn thể hiện một thành phần nào đó về nhân thân một con người. Không cần phải đối diện, chỉ cần nghe tên người ta có thể cho biết được tính tình, thể trạng, trình độ văn hóa của người đó. Thực ra mức độ chính xác ở đây không cao. Có thể cho rằng họ chỉ đoán mò mà thôi. Đôi khi phước chủ may thầy trúng được vài keo. Ví dụ trường hợp quảng cáo nhắn tin trên TV chỉ cần đưa tên hai người bạn sẽ nhận được lời bàn về tương lai hạnh phúc rực rỡ của bạn. Bảo đảm không có cặp tên nào cho kết quả xấu. Người viết đã gửi một cặp tên không có thực và nhận được kết quả là hạnh phúc và giàu có. Vấn đề cụ thể là các bạn mất đi từ 10 đến 15 ngàn đồng cho một lần gửi tin nhắn. Một trường hợp khác là qua tên đứa bé người ta đoán về bố mẹ hoặc những người đã đặt tên cho đứa bé. Người ta có thể đoán được bố mẹ đứa bé có đặt hoài bảo quá lớn hoặc giao chỉ tiêu nặng nề cho con mình hay không, có khiêm tốn không, có hời hợt khi đặt tên con không? Cũng có người đếm chữ cái của cả tên và họ ông chồng, không tính khoảng trắng so sánh với tổng số chữ cái của người vợ để đoán xem vợ chồng ai cao tay ấn hơn. Nếu tên người chồng có nhiều chữ cái hơn sẽ nắm quyền trong gia đình, thêm tính đào hoa. Nếu người vợ có số chữ cái nhiều hơn sẽ là “nữ trung hào kiệt” và nếu số sai biệt càng lớn sẽ đoán mò thêm là ông chồng coi chừng bị cắm sừng. Đây chỉ là đoán mò không hề có cơ sở khoa học. IV. Lời khuyên của những nhà nghiên cứu trong việc đặt tên cho con cái. Việc đặt tên cho trẻ sơ sinh là quyền tối thượng bất khả xâm phạm của các bậc ông bà cha mẹ của đứa trẻ. Ở đây không đặt ra quyền tự do của đứa trẻ là nhận hay không nhận cái tên đó, vì nó chưa biết gì cả. Đứa trẻ lớn lên may nhờ rủi chịu, phải mang cái tên suốt đời, có khi đưa đến những chuyện dở khóc dở cười. Do đó có học giả đưa ra một số lời khuyên nho nhỏ, ở đây xin được ghi lại những điều không nên như sau: 1. Đặt tên dài quá ví dụ như Dương Lê Trần Thái Bình An. Nên dừng lại ở bốn từ (không phải đễ nuôi dạy cho tốt) mà để người khác dễ nhớ và ghi chép. Chuyện dở khóc dở cười về tên quá dài đã đề cập ở trên. 2. Đặt tên quá cụ thể, gây ấn tượng.Ví dụ Mạnh-khoẻ nhưng khi lớn lên là một người yếu đưối, hay bệnh hoạn.Có người mang tên Kiều-diễm nhưng nhan sắc lại thường thường bậc trung, hoặc có người mang tên Giàu nhưng nhà cửa nghèo khó, nợ nần quanh năm... 3. Đặt tên không theo qui luật chánh tả: ví dụ như Kường (thay vì Cường), Dzuyên (thay vì Duyên)... 4. Đặt tên xấu háy hoặc sử dụng từ quá nôm na như là: Lẵm, Câu, Lớn, Bùng, Lức, Xôi, Thùng... Người lớn không biết được đứa trẻ sẽ khổ như thế nào khi bị trêu chọc, đến lớn lên nó cũng thấy khó chịu khi được gọi là Ông Giám đốc... Xôi vv... 5. Không nên lấy tên vua chúa mà đặt tên cho con cái, ví dụ như Lê Thái Tổ, Trần Hưng Đạo.. Thật tội nghiệp cho đứa trẻ khi lớn lên thường bệnh hoạn, suy dinh dưỡng, nhỏ con yếu đuối lại được mang tên Nguyễn Huệ. 6. Cái tên phải phát âm một cách khó khăn: Nguyễn Đoàn Như Uyển, Huỳnh Thụy Huệ Quyên… 7. Lấy tên đang quá phổ biến ngoài xã hội như Dũng, Tuấn, Kiệt. Một trường hợp tương tự ở Kenya, tại ngôi làng của Ông Obama. Khi ông vừa đắc cử, tất cả những trẻ sơ sinh trong làng không phân biệt trai gái đều được cha mẹ đặt tên Obama. 8. Bà con mang họ kép Tôn-thất vui lòng lưu ý hiện nay nhiều người đã tách từ ngữ “thất” để ghép với từ ngữ của cái tên đi theo như Nghiệp, Học, Lễ, Trinh, Tiết, Phước, Tình, Tiền, Tài, Đức vv… có ý chế diễu vì tạo ra hiểu lầm về ý nghĩa. Ví dụ Tôn-thất Học, Tôn-thất Phước. 9. Những gia đình nào muốn con cái sau này du học hay sinh sống tại các nước nói tiếng Anh nên tránh đặt những tên như Cúc, Dung, Dũng, Phước, Phúc, vì những tên này khi người nói tiếng Anh phát âm sẽ trùng với những từ ngữ tiếng Anh có ý nghĩa không đẹp. V. Tên người, quốc gia nước ngoài theo tiếng Việt: Rousseau (Jean Jacques), Viết theo tiếng Việt là Lư Thoa. Montesquieu viết là Mạnh Đức Tư Kiêu. Marlon Brando đọc là Mã Long Bạch Lan Đồ, Espana = Tây Ban Nha, Italia = Ý Đại Lợi, Canada = Gia nã Đại Tên người, tên quốc gia được phiên âm bằng tiếng Trung Quốc. Người Trung Quốc dựa theo đó để phát âm, nhưng người Việt Nam phiên dịch ra tiếng Hán Việt thành ra vô nghĩa. VI. Kết luận Tóm lại việc đặt tên cho con cái rất tế nhị và quan trọng đòi hỏi sự chú tâm rất lớn của các bậc ông bà cha mẹ. Cần phải tham khảo sách vở và nhiều người có kiến thức và kinh nghiệm. Cái tên sẽ đi theo suốt cuộc đời đứa trẻ và có thể sẽ ảnh hưởng vào cuộc đời công danh sự nghiệp. Cái tên đơn giản có ý nghĩa sẽ giúp đứa trẻ tự tin, vững bước vào xã hội. Lê Hùng Dương Ăn Sao Cho Trẻ Mãi Không Già? Mới đây, có một sản phẩm tung ra quảng cáo “Làm trẻ bộ xương” để mong người ta đổ xô đi mua về uống. Giá mà đưa ra lý lẽ “da sẽ bớt nhăn, và không bị nổi đốm “đồi mồi”’ thì dễ thuyết phục hơn vì người lớn tuổi ít ai tin được là “trong tươi, ngoài héo”! Trường hợp các đốm da mồi (age spots) xuất hiện trên da nhiều người đó. là do tích tụ sắc tố lipofuscin , hàm chứa nhiều chất kim loại nặng như thủy ngân, nhôm, sắt, đồng, và kẽm mà những chất này có tiếng là tăng tốc các tổn thương do bị ôxy-hoá. Trên da, thì cũng đủ là những “vết hằn năm tháng” khiến cho người già trông rõ là khác người trẻ, cái đó không “trầm trọng” bằng nguy cơ lipofuscin tích tụ ở những nơi mắt trần không thấy nhưng có hệ quả khôn lường: ở gan hay não à rối loạn chức năng gan hay bệnh lú lẫn Alzheimer chẳng hạn. Thật ra theo thuyết ngẫu nhiên (stochastic theory), thì với năm tháng, các tế bào và bộ phận trong cơ thể con người thế nào cũng bị tổn thương một cách ngẫu nhiên. Vậy ta có thể coi các biểu hiện lão hoá (như nám da, da mồi, tàn nhang, vết nhằn vv...) đến với ta... như “tai bay vạ gió” ngẫu nhiên – tránh được tới đâu hay tới đó! Nổi bật nhất trong các thuyết này là thuyết người ta bị lão hóa là do gốc tự do tấn công : Các phản ứng chuyển hoá diễn ra không ngừng sản sinh ra những phân tử luôn luôn trong tình trạng bất ổn – là các gốc tự do – luôn luôn tìm cách lấy lại thăng bằng nhờ tiến trình oxy-hoá và chính các phản ứng ôxy-hoá này gây tổn thương cho các thành phần tế bào như protein và acid DNA, (chuyển tải vật liệu di truyền trong nhân tế bào). Gốc tự do bất ổn à ổn định được thì sinh ra chất Oxy-hoá à Các chất ôxy-hoá làm tổn thương tế bào à lão hoá, ung thư, chết. Cơ thể cũng có những phương tiện phòng vệ tự nhiên chống ôxy-hoá (natural anti-oxidant defenses), là những men có tên “khó nhớ” như superoxide dismutase và glutathione peroxidase. Dễ nhớ hơn thì có những chất khác nhiều người biết tới là Vitamin C, Vitamin E, Vitamin A. Muốn trẻ lâu theo thuyết này, chúng ta cố gắng làm sao đưa vào bữa ăn những chất kháng ôxy-hoá “nổi tiếng” hay “ít ai biết” nhằm chống lại các gốc tự do gây lão hoá: Ăn uống hợp lý khi lớn tuổi cũng cần tới Calo và các chất dinh dưỡng như mọi người, tuy có phần ít đi. Nhu c ầu năng lượng Càng thêm tuổi thì càng nên nạp vào ít Calo hơn trước - vì nhịp chuyển hóa của cơ thể chậm lại. So với lúc còn thanh niên, người ta có khuynh hướng giảm khối cơ bắp (mỗi năm giảm khỏang 200g) vì ít họat động hơn trước – nếu không có thói quen vận động hay tập thể dục. Giảm từ 200 đến 400 Calo/ngày là sẽ đáp ứng với hiện tượng chuyển hóa chậm vi bớt họat động chân, tay: Một khẩu phần cho người “có tuổi” thường chỉ 1,600 Calo /ngày là vừa. Chọn lựa thức ăn khôn ngoan, nên theo Tháp dinh dưỡng đặt trên 8 ly nước lấy ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái nhiều chất xơ (ký hiệu f+) làm căn bản cho bữa ăn, sẽ tránh được táo bón hay bệnh “túi thừa”, ung thư ruột kết, phổi, vú vv .. . và bệnh tim. Chất Đạm Protein Trái với calo, chất đạm là dưỡng chất cần duy trì trong bữa ăn để gìn giữ khối cơ bắp và hệ thống miễn dịch. Thịt, cá, giàu đạm nhưng đôi khi dai, khó nhai hoặc vì tăng giá trong khi thu nhập lại kém đi, nên ngại mua… à Nên chú ý tới những thức ăn vừa giàu đạm vừa dễ ăn, có thể mua được giá tương đối “nới” như trứng, đậu hạt, lạc, vừng, tầu hũ, sữa tươi, yaourt. Sau 40 tuổi ai ai cũng nên đi nha sĩ 1 năm 1 lần để giải quyết kịp thời những vấn đề về răng – thật hay giả, cũng cần nha sĩ! Nước uống Càng thêm tuổi người ta thường hay quên, vậy xin nhắc có nhiều triệu chứng do thiếu nước mà các bác hay bỏ qua như: Và Làn da thiếu nước càng dễ khô cằn, nhăn nheo! Về phương diện này, m ột số thuốc dùng thường xuyên, lại lợi tiểu nên dễ bị “mất nước”. Chỉ cần uống 8 - 12 ly nước/ ngày thôi là tránh được mọi triệu chứng nêu trên. Nước có nhiều trong nước ép trái cây, nước dừa, sữa, canh. Để khỏi mất ngủ – giới hạn trà, cà phê và nước ngọt có cafein. Xin gợi ý, sáng dậy nên đong sẵn 1 chai 2 lít nước để sẵn trên “bàn nước” – miễn cuối ngày cạn chai là đủ nước. Tháp Dinh dưỡng Cho Người Nhiều Tuổi (muốn trẻ lâu)
Chú thích: 1. Từ đáy lên đến đỉnh tháp: Nước cứ 2 tiếng uống 1 ly 200 (1 ngày 8 ly). 2. Ngũ cốc, thức ăn nhiều bột cần đi kèm nhiều chất xơ (f +). 3. Nhớ ăn nhiều rau, trái cây đậm màu sắc, xanh, đỏ vàng. 4. Vừa phải thịt cá, đậu hạt, cố gắng ngày uống 2 ly sữa. 5. Rất giới hạn đường, muối ≤ 1 muỗng caphê, ít đồ chiên, kẹo, bánh. Tránh hút thuốc. Uống rượu có mức độ. 6. Nếu cần uống thêm 1 viên đa sinh tố/ ngày. Sửa Sang Mặt Tiền Ngoài ra, nếu lỡ các bạn có bị nám da, da mồi hay tàn nhang mà chưa đủ tin tưởng vào biện pháp “trong uống” thì hãy còn những biện pháp “ngoại khoa” hay “ngoài thoa” hiện đại, từ dùng nước xức (lotion) với alpha hydroxy acid (AHA) cho tới tẩy làn da bằng tia laser. Sau đây chỉ xin liệt kê các phép điều trị được Viện Hàn Lâm Chuyên Viên Da Liễu Hoa Kỳ và Bệnh Viện Mayo khuyến cáo: Retin-A – Kem hàm chứa retinoic acid (một chất dẫn xuất vitamin A) để lột, xóa dần dần các đốm da mồi phải mất từ 2 tuần đến vài tháng, nhưng khá hiệu quả. Alpha hydroxy acids – là thành phần chính của nhiều mỹ phẩm cũng có mục đích tương tự: làm tróc lớp da cằn, thay thế bằng da non thúc đẩy sự “tre hóa” làn da (speeds the skin's rejuvenation). Khi sử dụng những mỹ phẩm này, bao giờ nhà sản xuất cũng dặn tránh ra nắng vì da lúc đó nhậy hơn với ánh nắng. Mua được không cần toa là những sản phẩm giữ gìn vệ sinh da hàm chứa acid lactic và acid glycolic. Cơ quan FDA khuyên chỉ nên dùng những sản phẩm có nồng độ những chất acid trên ở mức ≤ 10 % và có độ pH ≥ 3.5 (sản phẩm có độ pH càng cao, là độ acid càng thấp hơn.) Làm nhạt da mồi với những mỹ phẩm này phải kiền nhẫn vài tháng mới có hiệu quả. Chà Da (Microdermabrasion) Thay da bằng Laser (Laser resurfacing) là những biện pháp luôn luôn cần được bác sĩ da liễu thực hiện và theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính Chuyên viên dinh dưỡng PHẢI CHĂNG CON NGƯỜI ĐỀU CÓ SỐ MẠNG? ZAZIE VARNEL Lúc 8 tuổi, bị đau bại nằm một chỗ nhưng khi trưởng thành trở thành một ngôi sao sáng trong làng vũ. Nhìn Zazie Varnel vũ tại rạp Casino de Paris, không ai có thể ngờ là hồi năm lên 8, nàng bị đau bại, nằm một chỗ không đi lại được. Gia đình nàng, một gia đình giáo học ở tỉnh đã thất vọng rất nhiều về cô con gái cưng của họ. Những thuốc thang chạy chữa coi mòi không có dấu hiệu gì cho thấy nàng sẽ phục hồi lại được sự nhanh nhẹn ngày nào. Nhưng một bà thầy bói, bạn thân của gia đình, cho biết là nội trong năm, nàng sẽ lành bịnh và tương lai nàng sẽ vô cùng sáng chói, được sự ngưỡng mộ quốc tế. Không ai tin cả. Nhưng điều tiên đoán đó đã trúng. Nàng đã may mắn gặp đúng thuốc và đi lại được như thường cuối năm đó… Năm Zazie được 16 tuổi, gia đình định hướng nàng về ngành giáo dục. Nhưng nàng lại xin phép được học về ca vũ nhạc. Dĩ nhiên là gia đình không bằng lòng. Sau phải nhờ có sự can thiệp của bà thầy bói kia nàng mới được gia đình nhượng bộ, chấp thuận. Có lẽ cha mẹ nàng nghĩ bà bạn thầy bói đã nói đúng một lần rồi… Về kinh đô ánh sáng theo học nghệ thuật Như chim sổ lồng, Zazie được bay khỏi Nevers về Ba Lê. Tại đây, nàng khởi đầu theo học lớp ca vũ nhạc Lycette Darsonval rồi nghiên cứu về kịch nghệ và ca vũ với Roland Petit. Nàng bắt đầu được chọn đóng một vài vai phụ được ký hợp đồng với rạp Mogador. Dịp may đưa đến Chính trong thời gian này Henri Varna đang tìm một người khả dĩ thay thế cho Line Renaud, ngôi sao sáng của Casino de Paris. Ông bầu khôn ngoan này vốn có tính lo xa. Ông đề phòng trường hợp Line Renaud đau ốm bất thường hoặc có chuyện gì đó trở ngại không thể ra sân khấu được. Khán giả Casino de Paris vốn khó tánh. Ông phải nghĩ đến một người hoàn toàn có thể làm y hệt như Line Renaud. Henri Varna đã tìm thấy Zazie trong một vai vũ nữ của nhạc cảnh Nono, Nanette ở rạp Mogador. Ông ưng ý ngay. Sau buổi trình diễn, ông gặp nàng nói rõ ý định. Một thế thân Line Renaud! Còn gì hơn? Zazie đồng ý ngay. Từ đó, nàng được Henri Varna hướng dẫn học theo đủ mọi cung cách của nữ nghệ sĩ lừng danh này. Từ cách đi đứng điệu bộ vv… Chuyện không ai ngờ là Zazie đã đạt được một kết quả khả quan nhanh chóng phi thường. Hằng tuần nàng được một lần thay thế Line Renaud để Line có thể nghỉ ngơi dưỡng sức. Nàng thủ diễn vai trò thật hoàn hảo. Khi Line Renaud nhứt định rời khỏi Casino de Paris, Zazie không hề nghĩ là Henri Varna chọn nàng để thay thế luôn chỗ của Line Renaud. Một chỗ quá sức… mơ ước của nàng! Nhưng Henri Varna đã hoàn toàn tin tưởng người nữ nghệ sĩ trẻ này (Zazie mới 22 tuổi). Ông trao cho nàng trách nhiệm nặng nề của Line Renaud không chút do dự. Nàng đã nhận lời với bao nỗi âu lo và xúc động. Thành công rực rỡ Trách nhiệm nặng, vai trò khó khăn nhưng Zazie tin tưởng ở ngôi sao Số mạng của nàng, tin tưởng ở những lời tiên đoán của bà thầy bói. Nàng đã thành công rực rỡ. Chỉ trong một thời gian ngắn mà chinh phục được lòng tin yêu của khán giả, khách mộ điệu ở kinh đô ánh sáng đã không ngại để so sánh nàng với những ngôi sao sáng thời trước là Mistinguett và Joséphine Baker. Nhứt nghệ tinh, nhứt thân vinh. Zazie Varnel thành công nhờ biết trao dồi nghề nghiệp, nhờ dịp may nhưng không phải nàng bất tài. Điều đó là một sự thật. Nhưng ở đời, há không có những kẻ có chân tài nhưng cứ vẫn mãi lận đận lao đao, gặp toàn chuyện rủi? Phải chăng con người đều có Số mạng? M.T.L. – Đỗ Thiên Thư st PHU VĂN LÂU – HUẾ So với hàng chục tòa cung điện trong hệ thống kiến trúc cung đình hiện còn bảo lưu được tại cố đô Huế, Phu Văn Lâu tuy là một tòa nhà tương đối nhỏ, nhưng có giá trị cao về các mặt văn hóa, lịch sử… Nó nằm ngày trước mặt kinh thành, gần bờ sông Hương. Lâu nay, có một số người vì vô ý nên đã viết nhầm, in nhầm hoặc gọi nhầm cái tên của di tích này thành ra Phú Văn Lâu. Chính cái danh xưng đích thực, Phu Văn Lâu, đã nói lên chức năng vốn có của nó. Theo các tự điển và từ điển thì “phu” là dăng ra, bày ra, truyền rộng ra, ban bố ra cho mọi người biết, “văn” là vẻ đẹp (văn chương, văn hóa, văn học, văn nghệ…), “lâu” là lầu, vì công trình kiến trúc này có hai tầng. Nghĩa đen của danh từ riêng Phu Văn Lâu là tòa nhà lầu dùng để niêm yết các chiếu chỉ của nhà vua, các sắc lệnh của triều đình, các văn bản mang tính quốc gia mà nhà nước quân chủ cần ban bố, thông báo cho mọi người được biết. Phu Văn Lâu đã được một người Pháp dịch một cách sát nghĩa ra thành “Le Pavilion des Édits” (Ngôi đình treo chiếu chỉ) (1). Các sử sách và hiện trạng của tòa nhà cho thấy rõ hơn về những điều vừa nói. Sách Đại Nam thực lục ghi rằng vào đầu thời Gia Long khi chưa có tòa nhà lầu như chúng ta đang thấy hiện nay, triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng tại vị trí ấy một ngôi nhà nhỏ gọi tên là “Bảng đình”, và “các chiếu thư dụ chỉ đem bá cáo thì treo yết ở đó” (2). Bảng đình có nghĩa đen là tòa nhà treo bảng yết thị. Ngày xưa, các nhân tài được triều đình tuyển chọn hoặc tuyển dụng bằng con đường khoa cử hay tiến cử, đều được niêm yết họ, tên, tuổi tác, quê quán lên bảng treo ở nơi công cộng cho mọi người biết. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết rõ hơn về tòa nhà chúng ta đang nói đến: “Phu Văn Lâu tại kinh thành ngoại nam quách chính trung, nam hướng. Lâu nhi tằng, phụng hữu chiếu thư cập Đình, Hội thí bảng giai vu thử huyền quải, Cựu hiệu Bảng Đình, Gia Long thập bát niên thủy kiến lâu” (3) (tạm dịch: Phu Văn Lâu nằm ở chính giữa mặt nam ngoài kinh thành, quay mặt về hướng nam. Lầu gồm hai tầng, khi có chiếu chỉ của vua và bảng ghi kết quả các khoa thi Đình, thi Hội thì cung kính đem treo ở đó. Tên cũ của nó là Bảng Đình. Đến năm Gia Long thứ 18 (1819) mới xây lầu). Gần một thế kỷ sau, có lẽ Phu Vân Lâu bị hỏng nặng trong trận bão lớn xảy ra tại Huế vào năm Giáp Thìn (1904), cho nên qua năm sau (1905), vua Thành Thái đã cho tu sửa lại và khắc một tấm hoành phi bằng gỗ, sơn son thếp vàng, treo ở trước mặt tầng trên đến nay vẫn còn. Giữa tấm hoành phi là 3 chữ đại tự, “Phu Văn Lâu” đọc rất rõ. Hai bên có hai lạc khoản với cỡ chữ nhỏ. Lạc khoản bên trái ghi: “Gia Long thập bát niên lục nguyệt nhật kiến” (Xây dựng vào tháng 6 năm Gia Long thứ 18, tức là tháng 7-1819). Lạc khoản bên phải ghi: “Thành Thái thập thất niên nhị nguyệt nhật trùng kiến” (Xây dựng lại vào tháng 2 năm Thành Thái thứ 17, tức là tháng 3-1905). (4) Như vậy, dưới triều Nguyễn (1802-1945), Phu Văn Lâu là nơi niêm yết các thông báo của triều đình cho thân nhân đến đọc. Đó là chức năng chính của công trình kiến trúc. Nó còn có những chức năng phụ nữa. Tòa nhà lầu này là trung tâm điểm của một quảng trường rộng lớn, nơi triều đình tổ chức những cuộc vui công cộng nhân các dịp lễ khánh hỷ của Hoàng gia. Chẳng hạn vào những dịp lễ tứ tuần hoặc ngũ tuần đại khánh tiết của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, các vị bô lão trên dưới 100 tuổi ở nhiều nơi đã được mời về đây để triều đình chiêu đãi, nhà vua thăm hỏi, chúc thọ và tặng quà lưu niệm, rồi họ chúc lại nhà vua sống lâu muôn tuổi (vạn thọ, vạn tuế). Cũng trong những dịp này, dân chúng đất Thần kinh nô nức đến xem các tiết mục văn nghệ lạ mắt, hấp dẫn, đặc sắc nhất do các nghệ sĩ tài ba được tuyển chọn trên cả nước biểu diễn để chúc thọ nhà vua. Ngoài ra, cũng có khi Phu Văn Lâu là nơi nhà vua cùng triều thần đến duyệt khán các đơn vị bộ binh và kỵ binh của triều đình. Sau đó, vua và các quan xuống bến sông Hương (thường gọi là bến Phu Văn Lâu) ngay trước mắt tòa nhà ấy để duyệt khán thủy binh và xem cuộc đua thuyền hào hứng ở trên sông. Chức năng cuối cùng này vẫn còn được duy trì ở đoạn sông Hương gần đó trong các cuộc đua thuyền truyền thống ở Huế hiện nay. Hình ảnh Phu Văn Lâu và bến thuyền (trước mắt nhà Lương Tạ, còn gọi là Nghinh Lương Đình) đã đi vào lịch sử qua câu hò mái nhì man mác của cụ Ưng Bình Thúc Gia nhắc lại chuyện vua Duy Tân ra ngồi giả câu cá để bàn việc khởi binh chống Pháp ngày nào: Chiều chiều trước bến Văn lâu, Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm. Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông? Thuyền ai thấp thoáng bên sông, Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non! (5) (Di sản thế giới) – Bùi Đẹp Chú thích (1) Nguyễn Văn Hiền, Le Pavillon des Edits, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 1915, trang 377-384. (2) Đại Nam thực lục, bản dịch của Viện sử học, Nhà xuất bản sử học, Hà Nội, tập IV, 1963, trang 380. (3) Đại Nam nhất thống chí (thời Duy Tân), quyển 1 Kinh sư, tờ 36b. (4) Tham khảo thêm bản dịch Đại Nam nhất thống chí, quyển kinh sư của Nguyễn Tao, Nhà văn hóa xuất bản, Sài Gòn, 1960, trang 66. (5) Trích từ “Tiếng hát sông Hương” do Tôn Nữ Hỷ Khương biên tập và xuất bản, Sài Gòn, 1972, trang 20. Đính chính Số 37, Bản tin T.6, Bài “Trang sách cuộc đời”, dòng đầu trang 48. Xin đọc: Niềm mơ ước ngây thơ và bé bỏng”. Xin cám ơn. Phụ Bản IV Điểm sách NHỮNG SÁCH VỀ ĂN KIÊNG CỦA MỸ (tiếp theo) EAT RIGHT FOR YOUR TYPE (1996) (ĂN ĐÚNG THEO NHÓM MÁU CỦA BẠN) BS D’Amato, tác giả cuốn sách này cho rằng không thể có một diet dùng chung cho tất cả mọi người. Để được khỏe mạnh và tránh bệnh tật, phải ăn uống và sống theo nhóm máu của mình: - Nhóm máu O là nhóm máu cổ xưa nhất của nhân loại. Người thuộc nhóm máu này phải ăn nhiều thịt cá; tránh rau; ngũ cốc. Phải hoạt động nhiều. - Nhóm A là kế tiếp, lúc nhân loại đã biết canh tác. Người thuộc nhóm máu này nên ăn ngũ cốc, rau (ăn chay). Hoạt động vừa phải. - Người thuộc nhóm B nên ăn sữa và phó mát để lấy chất béo; tránh ngũ cốc. Hoạt động nhẹ nhàng. - Người thuộc nhóm AB có bộ tiêu hóa nhạy cảm, cần tránh thịt; nên ăn đồ biển; có thể ăn ngũ cốc và rau. Hoạt động thật nhẹ nhàng. Cuốn này cũng thuộc loại best seller trong nhiều năm, khiến BS D’Amato xuất bản thêm 2 cuốn nữa: Cook Right for Your Type (Nấu ăn theo nhóm máu của bạn) và Live Right for Your Type (Sống theo nhóm máu của bạn). Cả 2 cuốn này cũng bán rất chạy. Người viết đã điểm qua 5 cuốn sách diet của Mỹ. Sau đây là những kinh nghiệm, lời khuyên lượm lặt được ở đâu đó: Ăn trái bữa : Hầu hết chúng ta ăn 3 bữa mỗi ngày vào khoảng 7g sáng, 12g trưa và 7g tối. Cơ thể chúng ta có đồng hồ sinh học, cứ vào những giờ đó, những phân hóa tố được tiết ra để tiêu hóa bữa ăn của chúng ta. Nếu chúng ta ăn trái bữa, thí dụ ăn lúc 10g sáng, 3g trưa, 11 giờ đêm thì phân hóa tố không có đầy đủ. Hậu quả là thức ăn không được tiêu thụ nhiều và ta dễ xuống cân. Các phân hóa tố cũng làm cho ta cảm thấy cồn cào ruột gan, cần phải ăn. Chúng như bảo rằng: “Chúng tôi đã sẵn sàng, hãy đưa thức ăn vào”. Một vài tiếng đồng hồ sau, dù không ăn, chúng ta không cảm thấy đói nhiều vì lúc ấy các phân hóa tố không còn nhiều nữa. Đánh lừa cơ thể : Khi ta ăn kiêng cơ thể ta không biết là ta cố ý ăn ít, mà tưởng rằng ta bị thiếu ăn, bị sống trong môi trường thiếu thốn, và sẽ phản ứng lại bằng cách tiết kiệm năng lượng, làm giảm sự biến dưỡng (metabolism). Không ai có thể ăn kiêng mãi mãi. Khi ta ăn nhiều hơn, hoặc ăn uống bình thường trở lại, thì cơ thể ta sẽ hữu hiệu hơn trong việc sử dụng năng lượng, sẽ dự trữ nhiều hơn dưới dạng mỡ, khiến ta trở nên béo hơn trước một cách dễ dàng. Người ăn kiêng lâu dài cảm thấy rằng mới đầu xuống cân nhanh chóng, nhưng rồi sau một thời gian, tuy vẫn ăn ít mà việc xuống cân sao mà khó khăn thế. Nếu không ăn kiêng nữa thì cân sẽ lên vùn vụt. Đây là một cái vòng luẩn quẩn (vicious circle) mỗi ngày một tệ hơn. Người Mỹ gọi hiện tượng này là “yoyo dieting”*. Để tránh tình trạng yoyo dieting, ta phải: - Ăn nhiều bữa một ngày: Tuy cùng một số lượng thức ăn nhưng chia làm nhiều bữa, vài tiếng lại ăn một lần. Điều này làm cho cơ thể tưởng rằng lúc nào cũng có ăn, không phải bị đói kém. - Tập thể thao nhiều, để sự biến dưỡng không bị giảm thiểu. - Không tham lam quá bằng cách xuống thật nhiều cân trong một thời gian ngắn. Làm như vậy cơ thể sẽ bị báo động, và phản ứng thiệt mạnh, sự biến dưỡng sẽ xuống nhiều. Không những mỡ mà cả thịt cũng bị tiêu dùng, bắp thịt bị teo đi. Bắp thịt là cần thiết để vận động, có vận động mới đốt được năng lượng. Hãy giảm cân từ từ. Người Mỹ có câu “Be moderate in everything, including moderation” (Nên điều độ trong mọi việc, kể cả sự điều độ). Khuyên ta không nên khó khăn quá với chính mình vì làm như vậy sẽ bị stress. - Không nên tiếc của: Trong tiếng Anh, hai chữ waist và waste đọc giống nhau nhưng nghĩa khác nhau. Chữ đầu nghĩa là cái eo (bụng), chữ sau nghĩa là cái xọt rác. Khi có đồ ăn dư thừa, nếu bạn không vứt nó vào xọt rác mà ăn vào thì nó sẽ chạy vào cái eo của bạn. - Đừng đi chợ khi đói: Khi đói, bạn thèm ăn và có khuynh hướng muốn mua nhiều thứ “độc hại” như bánh ngọt, kem… Khi no, bạn đắn đo hơn và chỉ mua những gì cần thiết. Đi chợ khi no còn giúp bạn tiết kiệm tiền bạc. - Thức ăn âm (negative foods): Đây không phải là thức ăn mang tính chất âm (khác dương) theo quan niệm của người Trung Hoa, mà là thức ăn có rất ít hoặc không có năng lượng, không những thế mà khi ăn vào thì cơ thể phải mất thêm năng lượng để tiêu hóa. Phần nhiều các loại rau quả không ngọt là thuộc loại này. Súc vật như dê, bò, cừu ăn cỏ thì tốt, nhưng người ta thì không có phân hóa tố để tiêu hóa cỏ. Càng ngày càng nhiều người ăn negative foods để xuống cân. --------------- * Yoyo là các đồ chơi bằng nhựa, có kích thước bằng quả cà chua dẹp và nhỏ, chung quanh vòng lớn có một cái rãnh để có thể buộc và cuốn một sợi dây, dài khoảng 1 mét. Người chơi yoyo dùng 2 ngón tay (cái và trỏ), cầm phía đầu sợi dây rồi thả yoyo xuống. Động năng sẽ làm yoyo bị cuốn theo chiều ngược lại, cứ như thế yoyo sẽ lên xuống liên hồi. N.C.T. TRẢ TIỀN THUÊ SÁCH… SAU 32 NĂM Helen Deacon, người quản thư tại Thư viện North End (Portsmouth, Anh), mới đây nhận được một lá thư bên trong có số tiền 20 bảng Anh của một người dấu tên. Theo trình bày của người ấy, đó là số tiền bồi thường cho việc mượn quyển sách “Những đường tàu giữa 2 cuộc chiến” (nhà văn HC Casserley) suốt 32 năm qua. Bức thư không ký tên cho biết, ông ta quên không trả quyển sách mượn vào tháng 2-1977. Nếu tính tiền phạt do mượn sách quá hạn thì đến nay người đó phải trả 1.364,40 bảng Anh, nhưng người giữ thư viện vẫn cảm ơn vị khách vô danh nào đó vì “hành động rất đáng khen sau 32 năm”. Nghe nói số tiền nợ sẽ tiếp tục được góp vào quỹ tái trang bị sách cho thuê mới. (Theo Daily Graph) Bùi Đẹp st QUYỀN SÁCH DÀI NHẤT THẾ GIỚI Quyển sách dài nhất thế giới 140m, ngày 16-5-2009, đã được đưa ra triển lãm tại Hà Lan với hy vọng đoạt kỷ lục thế giới về độ dài. Sách được biên soạn bởi 2 tác giả: nhà nhiếp ảnh Eppo W. Notenboom, Hen Schroeder và được in ấn tại một nhà máy ở miền Nam Hà Lan. Để đưa quyển sách này ra triển lãm, các tác giả đã phải huy động rất nhiều công nhân tới giúp sức… (Theo Apple Daily) Bùi Đẹp st GIẢI ĐÁP ĐỐ VUI Câu hỏi mà bạn phải đặt ra là: “Nếu tôi hỏi ÔNG KIA đường lên Thiên Đường thi ông ấy sẽ chỉ lối nào?” Bạn chỉ cần chọn lối ngược lại là đúng. Câu hỏi này liên quan đến cả hai người, mà một trong hai người đó nói dối, vậy thì bạn hỏi ông Thiện hay ông Ác thì kết quả cũng như nhau, bạn chỉ cần chọn hướng đi ngược lại là đúng. N.C.T GÓP Ý VỀ TÊN CỦA MỘT CUỐN SÁCH Báo Thanh Niên số 168 (4925) ra ngày 17/06/2009, trang 14, có bài "Nghĩa tình dành cho người đã khuất" của tác giả Đỗ Tuấn – tường thuật về cuộc họp báo tổng kết chương trình Nghĩa Tình Côn Đảo do Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, Báo Thanh Niên và Hãng Phim Thanh Niên tổ chức vào sáng 16/06/2009, đồng thời giới thiệu tập sách "Nhà Tù Côn Đảo – Danh sách hy sinh và từ trần giai đoạn 1930-1975" của tác giả thạc sỹ Bùi Văn Toản, một cựu tù Côn Đảo biên soạn, dày 1750 trang do NXB. Thanh Niên và Báo Thanh Niên phát hành, gồm 7 tập trải dài từ 1930-1975. Thật cảm động khi được biết qua 113 năm lịch sử nhà tù Côn Đảo đã giam giữ hơn 20 vạn lượt cán bộ, chiến sỹ, người yêu nước (không kể bao nhiêu người bị đày ra đây vì những lý do khác). Trong số này đã có gần 20.000 chiến sỹ anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Cảm động hơn nữa là tinh thần “đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn” của Trung ương Hội LHTN, Trung ương Hội Sinh viên VN và Báo Thanh Niên đã được thể hiện thiết thực qua cuộc vận động “nghĩa tình Côn Đảo”, nhằm mục đích giáo dục lòng yêu nước và tri ân những người đã khuất. Truyền thống văn hóa dân tộc ta xưa nay vẫn thế, trước sau như một: “Ơn ai một chút chớ quên, Phiền ai một chút để bên cạnh lòng” (ca dao) Kết quả của cuộc vận động là 1 quả chuông cao 4,6m nặng 9,4 tấn được đúc và treo tại nghĩa trang Hàng Dương, do Ngân hàng Công Thương Việt Nam tài trợ 9,5 tỷ đồng. Tiếng chuông này sẽ giúp hơn 20.000 vong linh các chiến sỹ, người yêu nước nhiều thế hệ đã nằm tại Côn Đảo được sớm siêu thoát. Ngoài ra Ban Vận động còn tổ chức 3 chương trình ca múa nhạc tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ và sự hưởng ứng của nhiều nhà lãnh đạo các cấp và đông đảo quần chúng để tất cả dành cho Côn Đảo dấu yêu. Thế nhưng có điều người viết hơi thắc mắc về tên cuốn sách, dường như có gì đó chưa ổn thì phải? Ấy là nói về chuyện ngữ nghĩa. Người viết lật Đại Từ Điển tiếng Việt do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Trung tâm Ngôn Ngữ và Văn Hóa Việt Nam chủ trương – Nguyễn Như Ý chủ biên, NXB. Văn Hóa Thông Tin năm 1999: Trang 511, mục từ: Danh sách: (dt) Bản ghi tên người theo phạm vi nào đó – VD: danh sách học sinh tiên tiến; Danh sách các thí sinh dự thi. Trang 800, mục từ: Hy sinh: a). (đgt) 1. Chịu mất mát, thất thiệt lớn lao vì cái cao đẹp. VD: Hy sinh quyền lợi cá nhân; Hy sinh hạnh phúc riêng vì nghĩa cả – 2. Chết vì lý tưởng. VD: Thà hy sinh tất cả chứ không chịu làm nô lệ. b). (dt) Sự hy sinh. VD: trải qua nhiều hy sinh gian khổ. Trang 1759: mục từ: Từ trần: (đdt) Từ giã cõi trần; chết (dùng cho người có tuổi, đáng kính) – Cụ đã từ trần. Ghép những ý nghĩa trên vào "Danh sách hy sinh và từ trần", người viết cảm thấy nó không tròn đầy, nó thiếu trước hụt sau làm sao ấy (đây chỉ là suy nghĩ vẩn vơ của người viết thôi). Trước hết: Danh sách là danh từ chung chung, không rõ ràng, cần phải có một danh từ khác để xác định ý nghĩa như ví dụ của Từ Điển: Danh sách các thí sinh dự thi. Danh sách không đứng một mình và trong trường hợp này cũng không thích hợp với 2 động từ như tên cuốn sách. Nếu dịch ra tiếng Anh hay tiếng Pháp, chính xác từng chữ một thì ý nghĩa thật buồn cười: Bản danh sách: The namelist Hy sinh: Sacrificed Và từ trần: and dead “The namelist scrificed and dead”: (Chính cái bản) danh sách (không biết danh sách gì) hy sinh và chết, muốn rõ nghĩa, theo thiển ý của người viết, tên cuốn sách cần thêm “Danh sách các chiến sỹ hy sinh và từ trần” như biên tập viên Đỗ Tuấn đã có đoạn viết: “Đã có gần 20.000 chiến sỹ anh dũng hy sinh trên mảnh đất này”. 20.000 là bản danh sách + Chiến sỹ (xác định rõ danh sách gì), cả 2 kết hợp thành 1 cụm từ làm chủ từ cho 2 động từ hy sinh và từ trần, như thế thì người bình dân cũng hiểu được và không ai có thể thắc mắc về phương diện ngữ nghĩa. Không biết tác giả và quý vị cao kiến nghĩ như thế nào về đề nghị trên? Tân Bình, ngày 23 tháng 06 năm 2009 NGUYÊN HỮU MỘT BÀI THƠ KHIẾN THI SĨ TRỞ NÊN BẤT TỬ Trong văn học Pháp, Arvers không phải là một thi hào, nhưng lại trở nên bất tử với một bài xonnê (sonnet) tình mà những thanh niên yêu thơ Pháp trước đây không mấy ai không biết! Arvers (1806-1850) sinh ra ở Paris, năm 24 tuổi yêu một phụ nữ xinh đẹp nhưng đã có chồng nên chẳng bao giờ ông dám thổ lộ mối tình tuyệt vọng, tuy rằng Arvers luôn có dịp gần người mình yêu. Và cố nhiên thi sĩ cũng chẳng bao giờ cho bất cứ người nào biết người mình yêu là ai. Thi sĩ chỉ còn cách gởi hết tâm tình vào một bài xonnê viết năm 1830, mà văn học Pháp gọi là sonnet d’ Arvers, một bài thơ tình nổi tiếng làm cho ông trở nên bất tử. Sau khi Arvers qua đời, một số nhà thơ trẻ Pháp cố tìm hiểu người phụ nữ mà Arvers đã yêu là ai. Họ đã ngược dòng lịch sử, tìm lại quan hệ của Arvers lúc sinh thời, và dường như đã xác minh được người phụ nữ ấy là Marie Diderot, cháu của Denis Diderot, nhà triết học Pháp nổi tiếng của thế kỷ 18. Đây là một mối tình tuyệt vọng nhưng rất trong sáng. Chính sự trong sáng ấy, cộng với chất thơ mộng của bài thơ, với nghệ thuật điêu luyện trong thể xonnê, đã làm cho bài thơ được lưu truyền mãi. Tôi xin dịch bài xonnê này của thi sĩ Arvers để các bạn trẻ thưởng thức. XONNÊ TÌNH CỦA ARVERS Hồn tôi tâm niệm một điều Đời tôi bí ẩn sớm chiều mang theo Trọn đời bất chợt tôi yêu Đau thương, tuyệt vọng nên liều lặng thinh Còn nàng, hình ảnh mối tình Biết đâu có kẻ vì mình đa mang Tôi như bóng tối bên nàng Cạnh nàng luôn, lại muôn vàn cô đơn Suốt đời sống giữa trần gian Dám đâu thổ lộ, ơn nàng cũng không Trời kia phú kẻ má hồng Ngọt ngào như một, đẹp lòng như ru Nàng đi, lơ đãng nghe đâu Lời tình thủ thỉ bay sau gót nàng Trung thành bổn phận đa đoan Thơ này nàng đọc đượm tràn tình tôi Nàng chẳng hiểu, khẽ buông lời: “Người phụ nữ ấy là người nào đây?” (Theo báo TTVH-1988-Xuân Tâm) Bùi Đẹp st MÁI ẤM TÌM VỀ
Nedra Tyre Suốt đời tôi, tôi luôn luôn mong ước có được một mái ấm để tránh nắng, che mưa. Tôi không mơ một cái gì to lớn, vĩ đại, mà chỉ mơ về một căn phòng nhỏ, bốn bức vách mới, thơm nức mùi vôi mới quét, một vài món đồ dùng nho nhỏ xinh xinh, và một khung cửa sổ, vừa đủ ánh dương để một vài bình hoa be bé giữ được nét tươi tốt. Vâng, ước mơ của tôi chỉ nhỏ bé như vậy thôi. Tôi không mong ước được phủ phê tình yêu, tiền bạc, áo quần, mặc dù tôi là một cô gái khá xinh đẹp, và quần áo đẹp có thể làm tôi xinh đẹp hơn – tôi nói rất thành thật, không hề mảy may khoe khoang. Nỗi bất hạnh đổ xuống đầu tôi ngay từ khi tôi mới mười lăm tuổi. Đó là thời điểm mẹ tôi lâm trọng bịnh, và mọi việc trong nhà như săn sóc cho ba tôi và hai ông anh trai – cố nhiên là cả việc nuôi bệnh nhân là mẹ tôi nữa – đều nằm gọn trong trách nhiệm của tôi. Một thời gian ngắn sau đó, ba tôi buộc phải bán trang trại và chúng tôi dọn về thành phố ở. Tôi không muốn nhớ lại căn nhà ổ chuột của chúng tôi ở gần đường xe lửa, dù rằng lúc đó tôi vẫn cho là mình còn may mắn có chốn che nắng đụt mưa; cuộc sống vào lúc đó cực kỳ khó khăn và không thiếu gì người không có nổi một mái nhà dột nát, mỗi khi mưa thì chẳng có đủ chậu, bát hay thau để mà hứng nước. Mẹ tôi là người đau liệt giường, nhưng ba tôi lại là người “đi xa” trước – cuộc sống ở thành thị không thích hợp với ông. Vào lúc ba tôi mất, hai anh tôi đã lập gia đình, mẹ tôi và tôi dọn đến ở một căn phòng nhỏ trông ra một con hẻm mà ai nấy đều vác rác rưởi tới đổ. Các anh tôi thỉnh thoảng đảo về nhà và cho mẹ tôi và tôi vừa đủ để sống đỡ, mặc dầu các chị dâu của tôi cằn nhằn họ. Tôi làm hết sức để mẹ tôi có thể cảm thấy thoải mái. Tôi chiều tất cả mọi tính khó của mẹ. Tôi yêu mẹ vô cùng. Hơn nữa tôi có lý do để mong mẹ tồn tại càng lâu càng tốt. Tôi biết là ngày nào mẹ còn thở, ngày ấy tôi còn một mái ấm, dù nó tồi tàn mấy đi nữa! Tôi lo sợ không biết chuyện gì sẽ xảy đến với tôi ngày mẹ không còn nữa. Tôi không có bằng cấp cao, không có một xu kinh nghiệm làm việc ngoài đời, và tôi biết chắc các chị dâu của tôi sẽ không cho tôi tới ở nhà họ, đồng thời cũng sẽ không cho các anh tôi giúp đỡ tôi sau ngày mẹ mất. Rồi ngày đó cũng tới, mẹ tôi từ giã cõi đời, với một nụ cười trên môi, cảm ơn tôi đã chăm sóc cho người cho tới phút chót. Ngay tức khắc các chị dâu của tôi, Norine và Thelma, ra tay ngay và tôi bị đẩy ra ngoài đường ngay từ phút đó. Từ đó cái ám ảnh đêm nay biết mình về đâu, chiếm lĩnh tâm hồn tôi và chẳng bao giờ rời tôi nữa. Tôi được xả hơi đôi chút khi ông Williams, một người đàn ông góa vợ, già hơn tôi hai mươi bốn tuổi xin nhận tôi làm vợ. Tôi tự nguyện sẽ là người vợ tốt, và tôi đã thực sự chăm sóc, yêu thương ông. Nhưng, căn nhà mà chúng tôi sống chung, ôi nó bẩn thỉu biết bao, và nước non thì chảy nhỏ giọt. Tôi phải đá vào ống nước đến sứt cả chân, mới có được chút nước mà dùng. Rồi ông Williams lại cũng ngã bịnh và phải nghỉ không tiếp tục trông nom được cái tiệm sửa giày nhỏ bé của ông. Ông có được chút ít tiền dành dụm, vài tờ công khố phiếu và một chút tiền bảo hiểm thương tật, nhưng tất cả đều hết nhẵn trong khoảng sáu tháng trời sau. Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể để ông được tiếp tục vui sống. Tôi giặt giũ và luôn luôn giữ cho áo quần ông sạch sẽ thơm tho, và luôn luôn thu xếp cho cạnh chỗ ông nằm có một bình hoa nhỏ. Tôi còn thúc dục hai cô con gái của ông gửi thiếp thăm hỏi sức khỏe ông và họ cũng có gửi được một hai lần. Tôi còn viết thơ gửi ngay cho ông, giả làm các khách hàng cũ vẫn nhớ tới ông và chúc ông mau lành bệnh. Và đương nhiên là khi ông mất, hai đứa con gái của ông có mặt ngay tại chỗ để chia nhau chút đỉnh tiền do bán căn hộ tồi tàn của ông. Tôi cũng chẳng giận họ - tôi không ưa cãi cọ phân bua vì những tính xấu của con người. Tôi ghét nhớ lại những nỗi khổ cực tôi đã phải chịu sau ngày ông Williams mất. Điều đau khổ nhất là tìm một nơi chốn để trú chân, bởi vì dù sao đi nữa người ta vẫn có thể tìm quanh quẩn đâu đó được đồ ăn. Có thiếu gì thùng rác để lục lọi – đôi khi bạn có thể kinh ngạc sao trong đời có nhiều kẻ phung phí, thừa thãi đến thế! Có khối thứ đồ ăn tốt mà họ thẳng tay quăng đi! Một đôi khi tôi rảo vào các siêu thị vờ thử ăn một vài thứ trái cây để chọn mua. Tôi không tìm ăn những trái ngon nhất, mà chỉ lấy những trái quá chín, hoặc hôi thối mà nếu tôi không lấy chắc người bán cũng vất đi. Tôi không tham ăn như một chú heo, mà chỉ ăn vừa đủ để giữ cho mình được sống. Như vậy, các bạn thấy đấy, tôi vẫn xoay sỏa để sống được qua ngày. Các công việc nuôi bệnh tôi kiếm được chỉ cho phép tôi mướn những phòng ngủ bẩn thỉu tồi tàn. Tôi không phải là một y tá chuyên nghiệp nhưng tôi có kinh nghiệm nuôi bệnh; những người dùng tôi vẫn bảo vì tôi không có bằng cấp nên không thể có được lương bổng cao. Họ thực sự chỉ cần tôi hầu hạ thân nhân bệnh tật của họ trong đêm, và cho rằng công việc của tôi chỉ đáng được cho ăn và cho ngủ nhờ thôi. Tôi yêu thương tất cả những người bệnh tật đó cũng như tôi đã yêu thương mẹ tôi và ông Williams, và tôi không bao giờ muốn cho họ chết – trước là vì quyền lợi của họ, sau là vì quyền lợi của chính tôi vì tôi ghét việc lại phải đi tìm chỗ khác mà ở. Vì chỉ được cho ở và chỉ được nuôi cơm, cuộc sống của tôi thiếu thốn quá. Mỗi khi tôi mở miệng xin con cháu, anh, em những người bệnh thêm chút đỉnh tiền bạc để mua các đồ cần dùng, họ đều nhìn tôi như là kẻ đang tống tiền họ. Với họ, được cho ở nhờ và được nuôi cơm đã là quá đủ với tôi. Do đó, dù không muốn nói ra, tôi phải thú nhận đã có những lúc tôi ăn cắp vặt. Tôi chỉ lấy những thứ họ bỏ xó trong đáy hòm hoặc để quên ở trên các kệ cao. Tôi lấy những thứ đồ lặt vặt đó rồi đem bán cho những ổ bán lạc xoong; nhưng mỗi khi bán được một đồng, thì khi về tôi lại cố gắng làm một việc gì cho đáng với một đồng đó, thí dụ như giặt quần áo, lau nhà vv… Nhưng dù sao đi nữa thì tôi cũng đã có ăn cắp của họ… Tôi thừa nhận như vậy. Nhưng, tôi không ăn cắp cái hộp bằng bạc đó! Đối với chiếc hộp bằng bạc đó tôi hoàn toàn vô tội. Do đó, khi viên cảnh sát đó xông lại giựt cái hộp ở tay tôi, tôi đã né sang một bên, và có thể đã vô tình đẩy anh ta một cái khiến anh ta ngã xuống cầu thang và thiệt mạng. Anh ta không có quyền hành động như vậy khi cái hộp bạc đó là của tôi, mặc dầu cô cháu gái của bà Crowe nói gì cũng vậy! Năm mươi ngàn cô cháu gái cũng không thể làm cho cái hộp đó không phải là của tôi! Dù sao đi nữa thì viên cảnh sát đã thiệt mạng, mặc dầu tôi đâu có muốn anh ta phải chết. Rồi tôi nghĩ trong đầu rằng tuy tôi không ăn cắp cái hộp bằng bạc của bà Crowe, nhưng cũng đã có những lúc tôi ăn cắp vặt, và bây giờ tôi phải đền tội, có vay tất có trả, tôi đã thấy ông mục sư nói vậy. Sự việc đã xảy ra luôn luôn mơ hồ, mông lung trong đầu óc tôi; tôi thực sự không để tâm nhiều đến những gì đã xảy ra, và cũng chẳng nhớ được. Bà Crowe là người bệnh tốt nhất mà tôi đã phục vụ. Bà bị liệt và hầu như không cử động gì được. Tôi không nghĩ là người y tá làm việc ban ngày cho rằng chị ta có bổn phận phải xoa bóp cho bà, nên mỗi đêm tôi đều xoa bóp cho bà và bà cảm thấy rất thoải mái, dễ chịu. Bà cảm ơn tôi từng tí một, khi tôi kê cho bà chiếc gối, khi tôi rỏ vài giọt nước hoa vào vành tai bà, khi tôi trải lại khăn giường. Thỉnh thoảng tôi giỡn với bà và giả đò nói rằng tôi biết xem bói. Tôi cầm tay bà và nói bà và nói bà sẽ có một ngày tuyệt đẹp, nhưng phải cẩn thận đối với một chàng trai lạ mặt tóc vàng – tôi nói bậy bạ như vậy cốt để làm bà vui cười. Bà rất ít ngủ trong đêm, nên thường lấy làm thích thú được kể cho tôi nghe về thời niên thiếu của bà và về người chồng đã quá cố. Nhưng rồi bà yếu dần, yếu dần, và hai đêm trước lúc bà qua đời, bà bảo tôi rằng bà muốn làm một cái gì cho tôi, muốn tặng tôi một cái gì đó, nhưng tiếc thay trước khi đau ốm bà đã ký giao tất cả tài sản của bà cho cô cháu gái. Nhưng dù thế nào đi nữa, bà mong rằng tôi vui vẻ nhận chiếc hộp bằng bạc của bà. Tôi đã cảm ơn bà. Tôi thích thú vì biết bà thương tôi nên mới cho tôi cái hộp bằng bạc. Tôi chẳng biết sẽ dùng cái hộp để làm gì. Kể ra thì có thể dùng để để những đồ nữ trang rẻ tiền, nhưng tôi có tí nữ trang rẻ tiền nào đâu? Chiếc hộp có vẻ là một vật rất quý giá đối với bà Crowe, mỗi khi bà nhìn vào nó thì mắt bà sáng lên, và bà luôn giữ nó ở bên mình. Vậy hôm bà qua đời, người cháu gái của bà mà tôi gặp lần đầu tiên cho tôi nghỉ việc. Tôi nhặt nhạnh vài thứ đồ lặt vặt và cái hộp bạc để ra đi. Tôi không đi đưa đám bà được vì tôi được biết tang lễ sẽ cử hành một cách thật riêng tư, vả lại nếu muốn đi tôi cũng chả có quần áo để mà mặc. Tôi vẫn còn được vài Đô nên tôi mướn một chỗ tạm trú trong một tuần. Đây là nhà trọ tồi tệ nhất mà tôi đã xử dụng. Trời lạnh cóng và không có một chút hơi ấm nào lên tới lầu ba là nơi tôi ở. Trong căn phòng có những bức tường loang lổ và có sàn nhà đầy những chú gián, tôi quấn tất cả những áo quần tôi có vào người và ngồi chờ nắng lên để có được chút hơi ấm. Bỗng nhiên, cô cháu gái của bà Crowe, đầu đội nón lông thú, mình mặc áo choàng mũ bằng lông thú lộng lẫy, chân đi giầy bốt đen bóng lộn, chạy ào vào trong phòng tôi. Mặt cô ta tím bầm vì giận dữ, khi cô thét bảo tôi rằng đã tìm được nơi tôi ở vì nhờ một thám tử tư, và tôi phải trả lại món tài sản của cô mà tôi đã đánh cắp. Tôi ngớ người, không nói lên được một lời, trong khi cô ta tiếp tục gào thét rằng nếu tôi chịu trả lại cái hộp bằng bạc thì cô sẽ bỏ qua không thưa kiện. Khi lấy lại được lời nói, tôi cho cô ta hay là cái hộp bạc là do bà Crowe cho tôi; cô ta hỏi tôi có bằng cớ gì chứng minh lời nói đó, và tôi trả lời rằng: khi ai cho tôi cái gì thì tôi cảm ơn, chứ không hề nghĩ tới đòi bằng chứng hoặc nhân chứng. Sau cùng tôi cho cô ta biết là không có cái gì có thể làm cho tôi rời bỏ cái hộp bằng bạc bà Crowe đã cho tôi. Cô ta đứng đơ người và thở hồng hộc. “Rồi mày biết”, cô ta hét lên, rồi bước ra khỏi phòng. Căn phòng trở nên lạnh lẽo hơn bao giờ hết, và răng tôi đánh lập cập. Một lúc sau, tôi nghe thấy tiếng chân người lên cầu thang thình thịch. Tôi biết là cô cháu đã thực hiện lời đe dọa, và đang mang cảnh sát lại bắt tôi. Tôi sợ run lên, và bồn chồn chạy quanh trong phòng như con chuột bị con mèo đuổi đàng sau. Tôi nghĩ nếu cảnh sát xét phòng mà không tìm thấy cái hộp, thì tôi có thể có thì giờ để quyết định sẽ phải làm gì. Tôi lấy cái hộp ra khỏi cái tủ nhỏ, mở cửa sau và chuồn ra cầu thang phía sau căn phòng. Từ lầu ba xuống tới mặt đất, cầu thang này hầu như thẳng đứng và các bậc thang đều bị tuyết phủ và đóng băng. Tôi định leo xuống tìm chỗ dấu cái hộp, trong bụi rậm, hoặc trong một thùng đựng rác nào đó. Tôi bắt đầu bước xuống và trượt chân. Cái thành cầu thang đã cứu tôi, tôi một tay nắm lấy thành cầu thang, một tay cố giữ cái hộp bạc; dần dần tôi lấy lại được thăng bằng, và đặt chân trên các bậc thang đóng băng để lần xuống. Xuống được nửa đường, tôi bỗng nghe thấy có ai réo tên tôi. Rồi tôi thấy một người to béo đang đuổi ở ngay sau lưng tôi, hắn nhảy hai ba bậc thang một. Tôi chưa từng thấy ai có vẻ mặt hung bạo giận dữ như thế! Rồi hắn tới sát sau lưng tôi, giơ tay vồ cái hộp bạc. Tôi né để không bị hắn tóm được, và hắn chửi tôi thậm tệ. Có thể tôi đã đẩy hắn. Tôi không dám chắc là tôi đã đẩy – không dám chắc một tí nào! Dù sao đi nữa hắn trượt chân và té xuống, té xuống, rồi xuống tới đất, hắn nằm bất động luôn. Đầu hắn gối trên nấc thang cuối cùng và thân xác hắn nằm sát bờ tường. Rồi, y như một con chó nhỏ muốn chạy theo chủ nó, chiếc hộp bạc rớt khỏi tay tôi, nẩy nẩy trên các bậc thang, rồi rớt ngay cạnh tai bên trái của nạn nhân. Óc tôi đông lại. Tôi cảm thấy như bị tê liệt. Rồi tôi hét lên. Những người ở trong nhà trọ đó và những nhà kế cận đều mở toang cửa để xem chuyện gì đã xảy ra, rồi một vài người bắt đầu chạy về phía sân sau. Viên cảnh sát cùng đi với người chết ra lệnh cho họ phải đứng giãn ra xa. Một lúc sau có thêm nhiều viên cảnh sát tới, họ mang xác người chết đi và giải tôi về nhốt ở đồn cảnh sát. Ngay từ lúc đầu, tôi đã không thích người luật sư trẻ mà tòa chỉ định biện hộ miễn phí cho tôi. Tôi thấy chẳng có thể bấu víu gì được vào hắn ta và còn cảm thấy không thoải máu khi hắn ta có mặt. Tên hắn ta là Stanton. Dĩ nhiên là hắn ta có một cái họ, nhưng hắn ta không muốn tôi biết họ của hắn và bảo tôi gọi hắn ta là Bat, như các bạn của hắn thường gọi. Hắn luôn luôn tươi cười và trấn an tôi, khi mà chẳng có gì đáng tươi cười và trấn an cả; lẽ ra hắn phải biết rõ như vậy, thay vì phỉnh gạt tôi với những hy vọng hão huyền. Niềm an ủi duy nhất của tôi là Mẹ, Cha, và ông Williams đều đã chết, và điều ô nhục của tôi không ảnh hưởng được tới họ nữa. “Không sao đâu”, tên luật sư luôn luôn bảo tôi vậy cho tới giờ chót để rồi sau đó hắn rêu rao là hắn bất nhẫn khi tôi bị kết tội chống lại nhân viên, công lực, gây thiệt mạng cho một cảnh sát, và ăn trộm nữa – đã có sự bàn cãi rất hăng về điểm tôi có cố ý và ăn cắp hay không. Đương nhiên là tôi có ăn cắp cái hộp bạc đâu, nhưng cái khổ là chẳng có ai chịu tin là như vậy. Nhìn cử chỉ, hành động, và cách nói năng của hắn, người ta có thể tưởng là hắn bị kết án chứ không phải tôi. Hắn gọi đó là một bất công lớn, một sự nhầm lẫn lớn của công lý, làm người ta tưởng đang sống trở lại ở thể kỷ thứ mười tám, khi trẻ em cũng bị treo cổ. Đó là một cách hắn nói quá thôi, ở đây chẳng có ai bị treo cổ, cũng chẳng có ai là con nít. Viên cảnh sát đó đã chết, và tôi cũng có phần lỗi trong cái chết đó. Có lẽ tôi đã đẩy hắn cũng nên. Tôi không dám chắc. Trong thâm tâm tôi tuyệt đối không mong sự dữ cho anh ta. Tôi chỉ quá sợ thôi. Nhưng dù sao anh ta cũng đã thiệt mạng. Còn về việc ăn cắp thì tôi không ăn cắp cái hộp bạc đó, nhưng lúc trước cũng có lúc tôi đã ăn cắp, nhiều hơn một lần là chắc. Và rồi điều kỳ diệu đã xảy đến ngay khi tôi được đưa về trại giam. Thật là cả một phép lạ. Suốt đời tôi, tôi vẫn mơ ước có riêng một căn phòng xinh xắn, một mái ấm, và giờ đây, tôi đã có được đúng những gì tôi mơ ước. Căn phòng tuy thuộc về loại nhỏ, nhưng nó chứa đựng tất cả những gì tôi cần, ngay cả một cái la-va-bô có nước lạnh và nước nóng; tường thì mới sơn, và rồi họ còn cho tôi được lựa chọn giữa một cái ghế đu đưa hay một cái ghế bành. Tôi còn phải quyết định sẽ dùng khăn trải giường màu gì nữa. Cửa sổ nhìn ra một khi vườn có cây cối, và bà trưởng trại còn nói tôi được phép đến nhà ươm cây để chọn một vài thứ cây có thể trồng trong chậu, để để trong phòng của tôi. Ngày hôm sau tôi lựa một vài bông cúc vàng và một loài hoa trắng, bông nhỏ li ti. Tôi không quan tâm tới sự hiện diện của các chấn song sắt nơi cửa sổ một tý nào. Trong thời đại nhiễu nhương này, thiếu gì dinh thự, lâu đài cũng phải có chấn song sắt để đề phòng bọn trộm đạo. Còn nói về các bữa ăn – tôi đơn giản không thể tin rằng trên đời lại có thể có những thức ăn ngon như vậy. Người nữ tù nhân phụ trách ẩm thực đã thụt két của một đại công ty lương thực, nơi chị ta làm việc và đã ngoi lên, từ chức vụ bếp phụ tới chức vụ thủ quỹ. Các người bạn tù khác đều rất thân thiện, và mỗi người trong họ là mỗi cảnh đời đặc biệt, khác thường. Một vài nữ tù nhân một đôi khi sử dụng tiếng Đức, hoặc những từ chỉ có thể thấy được viết trên tường những nhà cầu công cộng, nhưng khi bị khiển trách, họ lại biết xin lỗi hẳn hoi! Một đôi khi cũng có vài kẻ nổi tam bành và cũng có xảy ra chuyện cấu xé, giật tóc nhau, nhưng không bao giờ có chuyện quá nghiêm trọng. Ngoài ra lại còn có cả một ca đoàn – tôi không biết hát nhưng lại rất yêu âm nhạc – mỗi tuần vào sáng thứ ba, có một buổi hòa nhạc ở nhà nguyện, và tối thứ năm nào cũng có chương trình chiếu phim, đương nhiên là miễn phí; ai nấy chỉ việc cắp đít vào xem rồi muốn ngồi đâu thì tùy. Mỗi người trong chúng tôi được giao một công việc, và tôi được điều về bệnh xá của nhà lao. Nơi đây cả ông bác sĩ và cô y tá đều “chịu đèn” và khen tôi. Ông ta nói lẽ ra tôi phải được huấn luyện để trở thành nữ y tá thứ thiệt; theo ông, bệnh nhân có lòng tin tưởng ở tôi, và tôi có khả năng giúp họ chóng bình phục. Không biết ông ta nói có đúng không, nhưng tôi thực sự cảm nhận thấy mình có năng khiếu nuôi bệnh, vì lòng tôi luôn luôn ưa thích giúp đỡ những ai đau ốm, khổ sở. Tôi vui mừng đến nỗi nhiều đêm không nhắm mắt được. Những đêm như vậy tôi bật đèn cho sáng, để ngồi ngắm nghía những món đồ dùng mộc mạc, dễ thương, và bốn bức tường mới sơn, mùi sơn còn thơm phức. Khó mà tin được rằng giờ đây tôi có được một mái ấm tuyệt diệu dường này. Tôi nhớ mãi có một buổi chiều tôi đã ăn tới hai bát súp măng trong bữa tối, vì trong bữa đó tôi đã so sánh sự phủ phê của mình với những ngày đói khổ lúc trước, khi phải lân la vào các chợ tìm các trái cây thối ăn cho đỡ đói lòng. Nhưng rồi, bất hạnh thay, một ngày kia tên luật sư đó lại bất ngờ tái xuất hiện. Hắn luýnh quýnh nhảy múa quanh tôi, mồm liến thoắng những lời chúc tụng rằng đơn kháng cáo của tôi đã được xét lại, và hắn còn nói lung tung rất nhiều từ về luật pháp gì nữa mà tôi không hiểu, nhưng tựu chung là, nhờ tài ba và lòng tốt của hắn, tôi đã được trả lại tự do và, như chim sổ lồng, tôi có thể rời nhà tù ngay lúc này. Hắn bảo chị trại trưởng hãy tạm giữ đồ đạc của tôi để tôi trở lại lấy sau, rồi lôi tuột tôi ra ngoài, nơi các phóng viên báo chí và nhiếp ảnh đang tụ tập chờ đợi. Ngay khi các máy quay bắt đầu quay rè rè và các phó nhòm bắt đầu giơ máy lên ngắm, hắn hôn vào má tôi và gài vào ngực tôi một bông hồng. Hắn làm một bài diễn văn ngắn đại ý nói một sự nhầm lẫn tệ hại của công lý đã được điều chỉnh và vô hiệu hóa. Bị thúc đẩy bởi lương tâm nghề nghiệp và lý tưởng bênh vực kẻ yếu hèn, hắn đã cố gắng tìm được những nhân chứng xác nhận rằng bà Crowe đã thực sự cho tôi cái hộp bằng bạc – thì ra khi cho tôi cái hộp bà có nói cho chị người làm và bác làm vườn biết. Thoạt đầu, họ từ chối ra làm chứng vì không muốn dây dưa gì với cảnh sát, nhưng hắn đã thuyết phục được họ, vì công lý và nhân đạo, mà ra tay cứu vớt tôi. Ngoài ra, hắn cũng đã lục lọi trong hồ sơ của nạn nhân và được biết rằng người này bị coi là không còn thích hợp với chức vụ cảnh sát, và một nhà tâm lý học đã có thông báo cho ông cảnh sát trưởng là không nên tiếp tục sử dụng viên cảnh sát này nữa, nếu không có ngày tai họa sẽ xảy đến cho hắn, hoặc cho một người bị tình nghi nào khác. Điều tức cười là trong lúc nói vào micro, tên luật sư luôn luôn túm chặt tay tôi, hắn làm như tôi là đứa trẻ lên ba, có thể vùng bỏ chạy bất cứ lúc nào. Tôi đứng thần người ra để nghe hắn nói. Khi hắn nói xong, tôi nghe thấy các phóng viên báo chí khen hắn rằng: “giống như người chú và người anh của hắn”, hắn cũng sẽ dành được ghế thống đốc, nhưng ở một hạn tuổi trẻ hơn rất nhiều! Sau đó tên luật sư ngoác miệng cười trước ống kính, khoa khoa tay để tạm biệt, và đẩy tôi lên xe hơi của hắn. Tôi sợ tái người. Thôi rồi! Cái mái ấm mà tôi đã may mắn có được giờ đây đã không còn nữa. Cơn ác mộng của những ngày xưa cũ lại đang trở lại – tôi tự hỏi ngày mai sẽ ra sao, phải làm những gì để có ăn, phải ăn cắp vặt thêm bao nhiêu lần nữa? Tất cả mọi khổ đau đó chỉ nhằm để được sống lê lết qua ngày! Chưa chịu bỏ cuộc, các máy quay phim và các phóng viên nhiếp ảnh vẫn đeo theo xe chúng tôi. Một phóng viên nhiếp ảnh bảo tôi hạ tấm kính xe ở phía tôi ngồi xuống thật thấp, và rồi tôi nghe thấy đập vào tai tôi những lời đàm thoại của hai người nào đó ở phía sau. Tai tôi thính lắm, hồi còn mồ ma ông cụ, cha tôi thường nói tôi có thể nghe thấy tiếng sấm ở cách xa ba tiểu bang! Trong sự ồn ào hỗn loạn, tôi nghe thấy rõ ràng có ai đó ở phía sau nói: “Thật quá lắm, ông thấy không? Bat của chúng ta đang chứng tỏ rằng hắn là anh hùng bảo vệ những kẻ khốn cùng đấy. Mấy lần trước hắn đã dùng nhiều thủ đoạn để tự quảng cáo mình như là một kẻ bảo vệ thanh thiếu niên. Giờ thì hắn thủ vai người hùng bảo vệ kẻ nghèo khổ, thân cô thế cô. Lẽ ra hắn phải đưa ngay những chứng cứ về người cảnh sát bị chết, và đưa ngay hai nhân chứng kia ra, thì làm cóc gì có vụ xử, hoặc chuyện kết án. Nhưng nếu hắn làm như vậy thì hắn tự quảng cáo thế quái nào được? Nên hắn phải sắp xếp sự việc theo cung cách quá ư thủ đoạn của hắn!” Tôi lại nghe thấy người đối thoại luôn luôn nói “anh nói trúng phoóc” sau mỗi câu nói của người kia. Rồi chúng tôi rời bỏ đám đông, nhưng tôi không dám nhìn về phía sau, vì con tim tôi tan nát, khi phải rời bỏ mái ấm mà suốt đời tôi hằng mơ ước. Tên luật sư đưa tôi về văn phòng của hắn. Hắn bảo tôi rằng hắn mong là tôi không nên quan ngại vì một số công việc bận rộn, nhưng hào hứng, trong mấy ngày sắp tới. Hắn đã sắp xếp một vài sự xuất hiện trước ống kính và trước công chúng cho tôi. Sáng mai tôi lại phải lên tivi nữa, nhưng chẳng có gì đáng lo ngại, hắn sẽ luôn luôn ở bên tôi, để giúp đỡ tôi, như hắn đã làm trong suốt thời gian tôi lâm nạn. Tôi chỉ phải làm một việc duy nhất là tuyên bố trên đài truyền hình là tôi được trả tự do là nhờ ở sự giúp đỡ chân tình của hắn. Tôi nghĩ lúc nghe hắn nói vậy, nét mặt tôi lộ vẻ ngạc nhiên lắm hay sao, mà hắn vội bảo tôi “tuy em không có tiền trả thù lao, nhưng những việc em đang làm đủ trả ơn tôi – không phải bằng tiền, mà bằng cách nói cho mọi người biết tôi là người bạn thân thiết, người bảo vệ những kẻ bất hạnh như em”. Tôi bảo hắn rằng tòa đã chỉ định hắn cãi cho tôi miễn phí, nhưng quan điểm của hắn là tôi có thể trả công hắn bằng cách nói cho công chúng hay là nhờ hắn, nhờ sự tài giỏi và lòng tận tụy của hắn, mà tôi được trả tự do. Hắn nói điều quan trọng nhất là phải nói cho rành rọt khi xuất hiện trước ống kính truyền hình. Hắn cho biết, hắn sẽ đích thân chỉ cho tôi cách nói cho thật hiệu quả, nhưng bây giờ thì hắn phải vào văn phòng để dặn nhân viên của hắn lo mấy việc trong lúc hắn bận với tôi. Khi hắn bước vào buồng phía trong và đóng cửa lại, tôi thấy hắn nói có lý. Đúng là nhờ hắn mà tôi được tự do. Nhưng, hắn không thể nào biết được là với tôi, HẮN KHÔNG NHỮNG KHÔNG ĐƯỢC BIẾT ƠN, CA TỤNG, MÀ HẮN CÒN ĐÁNG BỊ NGUYỀN RỦA NGÀN LẦN, ôi tên luật sư láu cá, gian manh, cà chớn, giầu mà vẫn ham! Quỷ thần nào đã dẫn lối chỉ đường cho hắn bứt tôi ra khỏi mái ấm thân yêu mà tôi cả đời mơ ước, ra khỏi những công việc làm mà tôi ưa thích, và nhất là ra khỏi những bữa ăn tuyệt diệu mà tôi chưa được tận hưởng! ĐÂY LÀ LẦN ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI TÔI THẬT SỰ THẤU HIỂU THẾ NÀO LÀ KHINH GHÉT MỘT CON NGƯỜI! Tôi cực kỳ thù ghét hắn! Hôm ở tòa, khi tôi bị kết án giết người, đã có rất nhiều sự bàn cãi và nhiều ý kiến đối nghịch nhau về điểm tôi cố ý hay vô tình. Lần này thì không cần một sự bàn cãi ấm ớ nào cả. Lần trước tôi thực bụng không mong có điều bất hạnh gì xảy đến với viên cảnh sát đuổi bắt tôi. Nhưng bây giờ, tôi thực sự mong điều bất hạnh lớn nhất, ập ngay xuống đầu tên luật sư gian manh này. Tôi lượm con dao rọc giấy trên bàn của cô thư ký tiếp tân, đưa tay ra rà xoát độ sắc bén của lưỡi dao. Tôi đợi ở sau cửa, và rồi khi hắn bước ra, tôi lấy hết sức bình sinh lụi thẳng vào người hắn, tôi lụi đi, lụi lại, lụi đi, lụi lại nữa… cho thật đã tay… GIỜ THÌ TÔI ĐÃ DÀNH LẠI ĐƯỢC MÁI ẤM THÂN YÊU – CĂN PHÒNG LÝ TƯỞNG NHƯ TÔI HẰNG MƠ ƯỚC… VŨ ANH TUẤN dịch một truyện của NEDRA TYRE
( [1] ) Bản Nôm của nhà Phúc Văn Đường, ghi sai năm in. lạc khoản ngang ở trên ghi: Kỷ Mùi niên tân thuyên: mới in năm Kỷ Mùi. Nếu in năm Kỷ Mùi, phải là năm 1919, nhằm đời vua Khải Định thứ 4 (1916-1925). Lạc khoản dọc bên phải lại ghi: Khải Định bát niên: năm Khải Định thứ 8. Nếu năm Khải Định thứ 8 phải là năm Quý Hợi 1923, chứ không phải năm Kỷ Mùi 1919. Chúng tôi chọn lấy năm Kỷ Mùi làm năm in, nghĩa là năm 1919, dưới triều Khải Định thứ 4. Nhà xuất bản còn cẩu thả đến thế! ( [2] ) Minh Chương Thị là người cùng cộng tác với Duy Minh Thị trong hoạt động văn hóa của nhóm này. Chưa thấy có tài liệu nào ghi chép tên họ cụ thể. |