Hiện có 17 người xem / 2518845 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 08/4/2017

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên mấy cuốn quý thư mà ông mới có. Hôm nay ông đã giới thiệu một bộ sách mới ra lò bằng tiếng Việt và một cuốn sách tương đối cổ được in năm 1923 (94 năm trước) bằng Pháp văn. Bộ sách mới ra lò là một bộ sách gồm 4 tập, bìa cứng, dày tổng cộng gần 6000 trang, mang tựa đề là “Văn Học Việt Nam nơi miền đất mới”, do nhà xuất bản Văn Học in rất nghiêm túc và đẹp. Tác giả định nghĩa “Miền đất mới” là “Miền Nam, trước gọi là Đàng Trong”, và nội dung bộ sách mà tác giả mang lại cho độc giả là tiểu sử khá đầy đủ của 336 tác giả, cộng với một số trích đoạn các tác phẩm và hình chân dung của hầu hết các tác giả nói trên. Ngoài ra còn phần phụ lục ở cuối bộ sách gồm gần 100 tác giả hiện đại mà hầu hết đều có chân dung và tất cả đều có tiểu sử vắn tắt.

Bộ sách này cũng có một số liên hệ tới CLB Sách Xưa & Nay vì các lý do sau đây: Trước nhất vì nó có trong nội dung hình ảnh và tiểu sử một vài tác giả đã có tham gia CLB trong những ngày cũ và trong hiện tại, thí dụ như cố tác giả Lê Phương Chi tức Lê Thanh Thái, và tác giả Nguyễn Văn Sâm, hiện là Việt Kiều đang sống ở Mỹ.

Ngoài ra nó còn có những tác giả như cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, thân phụ của nhà thơ nữ Lan Hinh, cụ Nguyễn Bính, thân phụ của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, cụ Lê Văn Trương, thân phụ của nhà thơ Giáng Vân, và cụ Huỳnh Thiên Kim, thân phụ của thành viên Huỳnh Thiên Kim Bội v . v… Ngoài ra thì tác giả Nguyễn Q. Thắng cũng là một người mà Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn đã quen biết từ trên 20 năm trước. Bộ sách in khá đẹp, dày gần 6000 trang, nặng trên 7 kí lô, mà giá tiền chưa tới 1 triệu đô mít, nên có thể nói nó rất hấp dẫn với những ai yêu thích văn học Việt Nam nói chung chung, vì ngày nay đất nước đã thống nhất, hết miền này miền nọ rồi. Cuốn sách thứ nhì là một cuốn sách bằng Pháp văn được in gần 100 năm trước mang tựa đề là “Nghệ thuật đọc sách” và nói và bàn về cách thức đọc sách sao cho có hiệu quả. Về loại sách này, Dịch giả Vũ Anh Tuấn có trong tủ sách của ông cả trên chục cuốn rồi, và sau khi đọc những cuốn sách đó, ông vẫn đã đọc, đang đọc, và sẽ mãi mãi đọc theo “nghệ thuật cá nhân của ông” chứ không chịu để bị ảnh hưởng, và tuân theo nghệ thuật nào của các tác giả khác, đơn giản vì mỗi người một cách, một lối diễn tả, có cái hay cái dở, chả có tác giả nào là toàn mỹ, thành ra Dịch gi ả Vũ Anh Tuấn chỉ đọc cho biết mà thôi. Tuy nhiên với cuốn này ông đã bị thu hút b ở i một cái triện và bởi cái chữ ký của người chủ cũ là ông cụ Vương Hồng Sển, một người cũng không xa lạ gì với ông, Nay, sau khi cụ Sển ra đi, tủ sách mà ông cụ kêu là luôn coi như “bà xã Năm Sa Đéc” của ông nay đã tan và tác, mỗi cuốn ở một nơi, nên mỗi khi gặp cuốn nào Dịch giả Vũ Anh Tuấn đều mua cho bằng hết, không bỏ cuốn nào cả. Sau khi được giới thiệu, bộ sách và cuốn sách được một số thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú.


Sau phần giới thiệu sách, anh Phạm Vũ đã lên và có một bài nói ngắn về nguồn gốc Việt Nam. Tiếp lời anh Phạm Vũ, bà Tâm Nguyện đã lên nói về mấy tác phẩm nghiên cứu Phật giáo mới của bà, và ý muốn tặng cho những ai muốn có … của bà để đọc chơi cho biết. Sau khi bà Tâm Nguyện nói xong, anh Nhựt Thanh lên nói về Tang lễ, về các vấn đề phúng điếu, rải vàng mã vv… Tiếp lời anh Nhựt Thanh, anh Minh, một thành viên mới, lên nói về bệnh viêm họng và hát tặng các thành viên bài hát “Maman oh Maman” bằng tiếng Pháp. Sau anh Minh, một vị khách mới, cô Kim Mai, lên hát tặng các thành viên bài “Khói lam chiều” của Lam Phương. Cô Kim Mai hát xong, anh Tấn Thuận cũng là một vị khách mới đã lên hát tặng các thành viên bài “Ôi đàn bà!”. Tiếp lời anh Tấn Thuận, một vị khách khác, Họa Sĩ Di Hà đã lên ngâm tặng các thành viên “Bài thơ chưa tròn” và hát tặng các thành viên bài “Tình thắm duyên quê” của Lam Phương. Sau họa sĩ Di Hà, thành viên Lệ Ngọc lên hát tặng các thành viên bài “Nắng chiều”. Lệ Ngọc hát xong, anh Lê Nguyên lên nói về ngày sinh nhật của anh Phùng Chí Tâm, hôm nay vắng mặt, và ngâm tặng các thành viên bài thơ “Bạn một bên, Em một bên”. Sau anh Lê Nguyên, Hoài Ly ngâm tặng các thành viên 2 bài thơ. Tiếp lời Hoài Ly, anh Quang Bỉnh lên nói về dùng gừng, về uống rượu tỏi, và ngâm tặng các thành viên bài thơ “Tuổi già” và bài “Lý con sáo”.

Cuối cùng, anh Thanh Châu, với “tiếng hát át tiếng bom” quen thuộc của anh đã hát tặng các thành viên bài hát “Khỏe vì nước” mà ai cũng biết và nhớ. Buổi họp kết thúc trong niềm vui sẽ gặp lại trong tháng tới vào lúc 11g15 cùng ngày.

VŨ THƯ HỮU

VÀI DÒNG VỀ CUỐN

“NGHỆ THUẬT YÊU” (L’ART D’AIMER)

CỦA NHÀ THƠ LA TINH OVIDE

Tôi được biết về cuốn này từ trên 50 năm trước, nhưng rồi chưa có dịp nào gặp một bản tiếng Anh hay tiếng Pháp, để tôi có thể đọc được. Mãi cho tới mấy ngày trước đây, tôi tình cờ gặp bản dịch tiếng Pháp của tác phẩm này ở nhà sách của người bạn, ở ngay trước cửa nhà tôi. Và vì cuốn sách bằng Pháp văn, nên tôi đã chỉ phải trả có 40 đô mít để ẵm nó về. Có cuốn sách trong tay, tôi thích quá vì thấy nó được dịch ra văn xuôi tiếng Pháp rất dễ đọc, trong khi tôi biết nguyên bản là bằng thơ và bằng tiếng Latinh. Tác giả tên thật là Publius Ovidius Naso, sinh năm 43 trước Thiên Chúa ở thành Sulmona nơi trung tâm nước Ý, và mất năm 17 (có sách nói năm 18) sau Thiên Chúa. Cuốn sách được cho ra đời vào năm thứ 1 sau Thiên Chúa (tức là 2016 năm trước và là một cuốn thơ được chia là ba Chương (lúc đó gọi là Sách hoặc Livre bằng tiếng Pháp).

Sách hay Chương Một dạy và cố vấn cho các quý ông mọi phương cách tốt đẹp nhất để chinh phục các quý bà bảo-tích-phương (beautiful). Các cách tiếp xúc, cách nói truyện sao cho hấp dẫn, Sách cũng chỉ cho quý ông các nơi có quý bà đẹp ở La Mã. Cách giữ đúng hẹn, giữ đúng các lời hứa, tìm đúng những thứ quà người yêu mình thích, cách làm cho quan hệ ngày càng bền vững v.v… Điều cần nói là những gì Sách hay C hương Một này viết, qua trên hai ngàn năm, vẫn rất ư là hiệu lực, và như người viết cảm nhận, thì chính bản thân mình cũng đã thực sự áp dụng rất nhiều mánh lới tương tự trong suốt cuộc đời mình.

Sách hay Chương Hai dạy quý ông cách duy trì và làm bền vững mối quan hệ tình ái của mình. Sách khuyên quý ông nên theo đuổi quý bà đẹp một cách sốt sắng, với những lời lẽ siêu âu yếm, với những cử chỉ thật yêu thương, với những quà cáp thật thích hợp. Nhất là phải luôn tỏ ra chiều chuộng từng tí một, rồi lại còn phải tỏ ra rộng lượng khi gặp một vài cử chỉ, hành động ít trung thành của quý bà, chẳng thèm ghen tuông vụn vặt, và nhất là khi bản thân quý ông có những hành động tương tự, mà bị quý bà khám phá ra, thì cần phải dấu và chối bay chối biến. Mỗi khi cuộc tình bị nhạt đi thì phải luôn kiên nhẫn hàn gắn và hâm nóng lại. Chương này cũng dạy các quý ông các mánh khóe để có nụ hôn đầu tiên, dẫn đến việc chiếm được tấm thân ngà ngọc của người mình yêu lần đầu tiên.

Sách hay Chương Ba dạy và cho các quý bà đủ thứ lời khuyên để chinh phục người mình yêu, sau đó để duy trì và làm bền vững cuộc tình bằng đủ phương cách như ăn mặc đẹp, dùng son phấn tốt, nói năng yểu điệu, lãng mạn, yêu thương, cộng với các mánh lới làm tăng hứng thú ngay cả trong lúc ân ái yêu đương.

Tóm lại, hai ngàn mười sáu năm trước, cuốn sách này cũng đã có một số minh họa vẽ những thiếu nữ, những quý bà khỏa thân, và rồi trong suốt những năm tháng đó cuốn Nghệ Thuật Yêu của Ovide (tên tác giả viết theo tiếng Pháp) luôn được người đời coi như là một dạng “dâm thư tiên khởi”. Bản người viết có trong tay hôm nay được xuất bản vào năm 1946 (71 năm trước) và được dịch bởi một dịch giả tên là HEGUIN DE GUERLE và được minh họa bởi một họa sĩ tên là MORIN-JEAN.


Người viết năm nay cũng đã “hết hai mươi tuổi lần thứ tư + 3” nên cũng tự hứa là sẽ để thì giờ lướt qua cuốn sách, tuyệt đối không phải để học hỏi, hay chịu ảnh hưởng gì, mà chỉ để so sánh xem mình và Ovide của hai ngàn năm trước “giống nhau” được bao nhiêu mà thôi! Là người luôn có cơ may được an nhiên tự tại, độc lập, tự do, người viết tối kỵ những chuyện “chịu ảnh hưởng” mà tiếng Em gọi là “after”, tiếng Pháp gọi là “d’après”, vì chịu ảnh hưởng ai là tôn người đó lên bậc thầy của mình rồi! Với người viết, anh to lớn tới bao nhiêu cũng chỉ là việc của riêng anh, chả ăn nhậu gì tới tui hi hi!

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách. Chương VI

VŨ ANH TUẤN

MỪNG SINH NHẬT LẦN THỨ 11

CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY

Không biết sao tuổi càng nhiều thì tôi lại càng mê Bệnh Viện đến thế. Cứ vài tháng lại phải ghé thăm một BV nào đó mới chịu yên. Mới đây, vừa xuất viện ở BV Lagi được khoảng 20 phút, chưa kịp về nhà, đang ngồi trong tiệm Phở để bồi dưỡng sau 3 ngày ở trong BV ăn uống chỉ để chống đói thì điện thoại reo. Mở ra, hóa ra Ô. Chủ Nhiệm giao cho nhiệm vụ viết về kỷ niệm 11 năm thành lập CLB SÁCH XƯA & NAY để đăng trên BẢN TIN số 132, cộng với tin vui là số lần truy cập trên trang Web chính thức của CLB là SÁCH & TRANH sắp đạt đến mức 1 triệu lượt. Mỗi ngày đều có người truy cập. Lúc vắng thì độ 4, 5 người. Có ngày là con số cả ngàn lượt. Đó cũng là một động viên lớn cho các Thành Viên CLB, thấy rằng Bản Tin nhỏ bé của minh không lẻ loi giữa hàng ngàn báo giấy, báo mạng khác.

Sở dĩ tôi được giao cho nhiệm vụ viết bài kỷ niệm này, là vì tôi là một trong những Thành Viên gắn bó với CLB ngay từ buổi đầu mới thành lập, nên nắm vững mọi diễn tiến của CLB, thời gian còn ở Thành Phố không vắng mặt kỳ họp nào. Ngay cả năm đầu khi dọn nhà về Tỉnh để ở, mỗi tháng tôi vẫn đều dặn vào họp, giờ thì sức khỏe không cho phép. Và cũng như những Thành Viên khác đã gắn bó với CLB, - Nhà thờ Tân Sa Châu, nơi hàng tháng các Thành Viên họp mặt, là nơi mà chúng tôi thấy thân thương, ấm áp, lại thêm không khí vui vẻ giữa các Thành Viên với nhau, nên hàng tháng ai cũng muốn đến họp, vì đó cũng là cơ hội để gặp nhau, dù rằng cuộc họp mặt chỉ diễn ra trong vòng 2 tiếng đồng hồ, với lịch trình đều đặn không thay đổi hơn chục năm qua. Việc đầu tiên khi đến họp, trước khi vào chỗ ngồi là mỗi người được phát 1 Bản Tin mới nhất. Người có bài viết thì có thể mở ngay ra để xem bài vở mình đóng góp đã lên trang nóng hổi trong đó. Người không có đóng góp bài vở thì cũng mở ra để xem bài của tác giả mà mình yêu thích. Và đúng 9 giờ là bắt đầu phiên họp.

Trước hết, Chủ Nhiệm khoe sách cổ mới mua hay tài liệu quý hiếm nào đó mà ông vừa sưu tầm được. Món nào cũng làm ông thích thú, vì có thứ ông mơ ước cả mấy mươi năm mà không gặp, rồi rất tình cờ, do cái Duyên nào đó lại tìm đến với ông. Các thành viên lại được dịp chuyền tay nhau để chiêm ngưỡng để thấy những thứ có giá trị vẫn được mọi người nâng niu, gìn giữ dù có quyển trải qua hàng trăm năm hay hơn! Tiếp theo, lần lượt các thành viên trình bày về đề tài mà họ tâm đắc. Một tin tức mới, lạ về một nhân vật nổi tiếng từ xưa mà rất ít người biết, nay mới được phát hiện. Một quyển sách hay, một bài thuốc quý. Người đi du lịch xa về cũng kể lại những gì mắt thấy, tai nghe nơi xứ người để anh em cùng học hỏi.

Cuối cùng là phần phụ diễn Văn Nghệ. Các Nhà Thơ lại có dịp lên ngâm những bài Thơ mới sáng tác để mọi người cùng thưởng thức. Người có khiếu ca hát thì lên hát giúp vui. Nhà Thơ Lê Minh Chử vừa sáng tác thơ, vừa có thể hát, thì mang Thơ của mình để Hát mà ông gọi là Hát Thơ. Một hình thức rất mới, lạ và độc đáo. Ông khoác cho Thơ thêm một màu sắc hấp dẫn mới.

Kể cũng lạ… cuộc họp bao giờ cũng diễn ra rất bình lặng. Không sôi nổi. Không cãi cọ, tranh giành. Chỉ uống trà, Không có bia rượu, không mồi, không có dô… dô, cũng không có ca sĩ chuyên nghiệp. Toàn các bô lão, tự ca hát, ngâm thơ cho nhau nghe. Trong số cũng chỉ có vài giọng ca chuyên nghiệp như Nhà thơ, Đạo diễn, Nhạc sĩ Lê Nguyên, Nhà thơ Phùng Chí Tâm, là cặp bài trùng chuyên hát những bài thơ của tác giả Lê Nguyên tự phổ nhạc. Nhà thơ, nhạc sĩ Lê Nguyên dù tuổi đã cao, nhưng mỗi khi đi họp chịu khó mang theo cây đàn guitar để hai người vừa đàn, hát, hòa giọng với nhau, làm buổi họp thêm rôm rả. Phía nữ có Cô Kim Sơn, cũng là MC của một Nhà văn hóa ở Q. Tân Bình. Giọng ca của Kim Sơn thì không thua bất cứ ca sĩ chuyên nghiệp nào. Rất ngọt ngào, hấp dẫn. Trong số người lên ngâm Thơ, có một Nhà thơ người Quảng Bình, ngâm thơ giọng Quảng Bình rất hay. Đó là Nhà thơ Hải Đăng Trần Văn Hữu. Còn lại bao nhiêu thành viên chỉ là nghiệp dư, xài cây nhà lá vườn. Có cái gì cống hiến cái đó. Có nhiêu xài bấy nhiêu, vì “hát hay không bằng hay hát”. Một thí dụ điển hình là nhà thơ Thanh Châu, ông có một giọng hát rất khỏe, được anh em gọi là “tiếng hát át tiếng bom”. Ông hát rất nhiệt tình. Nhưng ông hát tân nhạc rất nghiêm túc, mà ai không biết tưởng như… đang tấu hài, vì nửa chừng muốn quên là quên, rồi bắt đầu lại, rồi quên, nhớ lại thì hát tiếp, với giọng ca ngang phè, bất chấp âm điệu của bài hát! Thích lên là lên, thích xuống là xuống. Tác giả bản nhạc có nghe chắc chẳng thể nào nhận ra đứa con tinh thần của mình nữa! Ai mà đệm đàn cho Ca sĩ Thanh Châu có nước chạy theo mỏi tay. Tôi nhớ có lần anh Dương Lêh ôm đàn mà ngơ ngác chẳng biết phải đệm tông nào, điệu nào cho phù hợp! Và dù với bất cứ bản nhạc nào, bao giờ ông cũng hát bằng giọng điệu hùng hồn mà ai từng nghe chắc cũng thấy: dù là bài Cô Lái Đò, Cô Láng Giềng, Xuân và Tuổi Trẻ, Gạo Trắng Trăng Thanh hay Dư Âm thì… cũng hùng hồn, khí thế hừng hực như lúc ông hát bài Tiểu Đoàn 307! Vậy mà rất dễ thương. Các thành viên nhiệt liệt tán thưởng, có người còn lên song ca hay mọi người cùng vỗ tay bắt nhịp với ông.

Chỉ có vậy thôi mà không hiểu có ma lực nào hấp dẫn mọi người, để đến ngày họp, ai nấy đều háo hức, bận việc cũng cố gắng thu xếp để đến đúng giờ. Cứ thế 11 năm đã trôi qua. Thời gian quá dài chớ đâu có ít mà không ai còn để ý tới. Nhà Thơ Thanh Châu ở mãi tận Gò Vấp mà mỗi kỳ họp đều đạp xe tới họp. Lúc còn ở Thành Phố, tôi ở Nhà Bè phải sang hai chuyến xe buýt, đi gần 2 tiếng mới tới nơi mà cũng không bỏ buổi nào. Chưa hết, Nhà thơ Trần Quang (đã qua đời), sinh thời ở mãi tận Bình Thuận nhiều lần phải về thành phố hôm trước để sáng hôm sau có mặt đúng giờ.

Họ cứ sinh hoạt với nhau như thế. Không ai hỏi ai theo Tôn Giáo nào? Đệ tử của Phật hay con của Chúa? Địa vị ra sao? Học lực thế nào? Giàu hay nghèo? Chỉ biết ngồi chung với nhau là những người đồng điệu, cùng một tình yêu văn chương, yêu sách vở, yêu văn hóa, yêu tính nhân văn, yêu cái đẹp của đất nước, con người. Không chỉ cảm thụ, mà còn muốn phát huy nó một cách tốt đẹp nhất. Dù đó là Nhà thơ, Gs Tiến sĩ Vũ Đình Huy. Nhà thơ Tiến sĩ Võ Kim Cương, học vị cao ngất hay Giáo viên về hưu nay bán đậu hũ, nước giải khát: Nhà thơ Nguyên Lê ở mãi tận Trảng Bàng, Tây Ninh, thỉnh thoảng cũng hy sinh một ngày buôn bán để tranh thủ về họp mặt. Anh chàng nông dân tên Nghiêm thì tự chạy xe gắn máy vượt cả trăm cây số từ Trảng Bàng Tây Ninh, thỉnh thoảng đến tham dự. Chính anh là người nhân một lần đi mua sách cũ đã gặp được Bản Tin lạc loài ở đó. Đọc qua rất thích bài vở trong đó nên mang về giới thiệu với CLB Thơ Bình Thạnh ở Tây Ninh mà đã có lần CLB này bao xe đi cả 9 thành viên đến giao lưu. Tôn Giáo cũng không có ranh giới ở đây. Còn nhớ có lần có một cô đến họp lần đầu, đã hỏi Linh mục Triết có phải là Hòa Thượng không? Linh mục Triết đã trả lời: không phải, tôi là Linh Mục! Nhiều năm trước, nghe nói có vị Sư áo vàng đã tìm đến tận CLB để gặp tác giả Tâm Nguyện. Tiếc rằng thời điểm đó tôi bận cất nhà nên không có đi họp nên không có duyên để gặp vị Sư đó.

Ngoài bài vở của nhà văn, nhà thơ Đàm Lan hay Nguyễn Thị Mây đã có thương hiệu, xuất hiện đều đặn trong mỗi Bản Tin, mà đọc truyện ngắn của Nguyễn Thị Mây, ta thấy một lối viết rất nhẹ nhàng, bình dị, kể về ký ức một thời, hoặc những truyện ngắn nói về tình người, tình đời của nhà văn Đàm Lan. Mới đây, cô đã cho xuất bản tập tản mạn “Thói tính của Người Việt” mà ai đọc cũng thấy mình có một chút trong đó. Qua những lời văn sắc bén, nhận xét sâu sắc, chắc người đọc khó mà tưởng tượng đó là nhà văn nữ còn độc thân và mới có 51 tuổi đời! Bản Tin còn có một phần đặc biệt là những bài Sưu Tập hữu ích, hay những tác phẩm của nhà văn có tiếng, có giá trị nhưng đã bị lãng quên.

Đa phần những cây viết còn lại đều nghiệp dư, do mến mộ Bản Tin nên viết bài đóng góp. Dù vậy, cũng không thể xem nhẹ những đứa con tinh thần của họ. Đọc những bài của thành viên Phạm Vũ, chúng ta sẽ thấy, mỗi bài là cả một công trình mà tác giả phải bỏ thời gian, công sức gom lại từ nhiều nguồn để bài viết được phong phú, không bỏ sót đến từng chi tiết liên quan đến đề tài. Rồi thì những truyện ngắn của Nhà giáo Dương Lêh mang đậm tính thời sự, nói về sự đổi thay của xã hội, về tính cách sống của nhiều thành phần trong xã hội hay hoài niệm một thời đi học. Trong đó, tác giả kín đáo phê phán hủ tục, mê tín, góp ý về một nếp sống thanh cao, tao nhã phù hợp với nền văn minh hiện đại. Rồi thì những bài viết với giọng văn tưng tửng của Lam Trần, dù bận việc, ít đến họp, anh cũng ưu ái dành những sáng tác cho Bản Tin.

Lực lượng Nhà Thơ là đông nhất. Ngoài Nhà thơ Ngàn Phương, đã từng đoạt nhiều giải về Thơ, gắn bó với CLB từ những ngày đầu. Nhà thơ Thiếu Khanh, ngoài làm Thơ còn nhiều bài viết phê bình sắc sảo, và những bài viết có giá trị về mặt văn học rất đáng đọc. Nhà thơ Lang Nguyên từng đoạt giải Nhì về Thơ Đường. Thêm các nhà thơ khác như Quang Bỉnh, Bá Mạnh, Lam Trần, Phước Hải. Phía Nữ thì có Nhà thơ Bs. Doan Linh, Phạm Thị Minh Hưng, Hoài Ly, Thanh Hương, mỗi kỳ đều có sáng tác mới để góp mặt.

Mới tham dự vài năm gần đây là kịch tác gia Huỳnh Thiên Kim Bội từng đoạt nhiều giải thưởng. Cô cũng là con gái của Nhà Văn, nhà hoạt động chính trị quá cố Huỳnh Thiên Kim. Hiện cô đang gom lại, cho in những sáng tác còn dở dang của cha để thực hiện chí nguyện của ông. Năm qua, cô vừa in ra 2 quyển truyện nho nhỏ của chính cô viết, mà cô cho rằng nhờ các Thành viên của CLB đã nhiệt tình ủng hộ, là động lực để cô mạnh dạn tiến bước trong lãnh vực văn chương, tiếp nối sự nghiệp của cha mình.

Từ nước ngoài, Gs. Nguyễn Văn Sâm, một nhà văn Nam Bộ nổi tiếng trước kia, thỉnh thoảng vẫn gởi bài, và mỗi lần về VN đều tranh thủ đến sinh hoạt với CLB vì ông nói rằng ông rất thích CLB. Ở Miền Bắc, Nhà văn Thúy Toàn thường xuyên góp bài dịch hay những bài viết những tác giả, tác phẩm của Liên Xô là đất nước mà ông yêu quý và có thời gian học tại đó. Anh em Nhà thơ Trần Nhuận Minh, ngoài góp Thơ cho Bản Tin cũng là cảm tình viên của CLB, hàng tháng vẫn đều đặn đón nhận Bản Tin từ Chủ Nhiệm. Một số thân hữu ở Miền Bắc cũng nói rằng rất thích Bản Tin, có người khi nhận được thì photo thêm nhiều bản để biếu cho bạn bè. Ngoài ra, còn có một số trang Web như Newvietart.com, Người Bạn Đường, vandanviet, hoamai.org.au rất có cảm tình với CLB, thường trích đăng những bài vở trong Bản Tin của các Thành Viên.

Bác Bùi Đẹp, một cây viết chuyên về những DI SẢN TRÊN THẾ GIỚI có nhiều đầu sách về đề tài này, đã được Guiness Việt Nam công nhận, là Thành viên có nhiều bài đăng trên Bản Tin từ những số đầu tiên. Trước đây bác vẫn họp đều đặn, nhưng kể từ ngày bị bệnh, sức khỏe không cho phép bác tham dự với mọi người. Dù vậy, mỗi tháng bác cũng vẫn gởi bài để tham gia với anh em. Một Thành viên kỳ cựu khác là Nhà thơ Thùy Dương, người đã từng dịch Kiều ra tiếng Anh, thời gian gần đây sức khỏe kém nên cũng vắng mặt trong những buổi họp rất đáng tiếc.

Nói chung, dù không nhuận bút, phi lợi nhuận, nhưng mọi người vẫn miệt mài viết vì đam mê của mình. Đa phần các bài viết đều mang tính xây dựng, muốn hướng thế hệ trẻ đến cuộc sống thanh cao như những lớp người đi trước, không quá thực dụng, sống vội vã như lớp thanh niên thời đại, vì hình như cuộc sống vật chất đã ảnh hưởng đến lớp người trẻ rất nhiều. Hàng ngày, qua phản ánh trên báo chí, ta thấy đạo đức có vẻ suy đồi khá nặng đến mức con cháu chẳng những thiếu sự kính trọng, yêu thương cha mẹ, ông bà, mà còn sẵn đàng ngược đãi, có đứa còn nhẫn tâm giết cả bậc sinh thành! Đó là tình trạng đáng báo động cho toàn xã hội mà lớp người có ý thức luôn muốn tìm cách cải thiện.

Phần những bài viết về Đạo Phật của tôi qua thời gian hơn 10 năm cũng có được sự phản hồi tốt. Gần đây, có một Phật Tử đã đề nghị ấn tống từ 50 đến 100 quyển Pháp Bảo Đàn Kinh mà tôi đã in. Tôi không nhận, gởi biếu ông 50 bản, kèm theo một số Kinh Duy Ma Cật, Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất và Từ Tu Thiền đến Tu Phật. Chỉ sau vài ngày, ông thông báo là đã tặng hết cho bạn bè, đồng thời tự bỏ tiền để photo hai quyển Kinh Viên Giác và Lăng Nghiêm của tôi đã viết mà chưa in ra để tặng thêm cho bạn bè. Ông còn gởi biếu lại tôi tập “Vài Lá Bồ Đề” mà ông đã ấn tống mấy năm trước, đồng thời cũng giới thiệu một người bạn ông là một cựu Luật Sư muốn có quyển Từ Tu Thiền đến Tu Phật để đọc. Qua trao đổi, vị cựu Ls. cho biết ông đã tụng Kinh nhiều năm, nhưng không hiểu ý nghĩa. Khi đọc những lời giải của tôi thì ông thấy rõ hơn. Được nghe những lời như vậy tôi cũng rất vui, thấy rằng công sức bỏ ra mấy chục năm để nghiên cứu Kinh Phật của mình không uổng. Có người chịu đọc, và hiểu được là mình thành công rồi. Mục đích của tôi chỉ có thế.

Tôi dành phần quan trọng trước khi kết thúc, để nói về những nhân vật không thể thiếu của CLB. Trước hết là Linh Mục Triết, Chánh Xứ Nhà Thờ Tân Sa Châu, là Cố Vấn của CLB đồng thời là chủ nhân cho mượn Phòng họp với đầy đủ bàn ghế, loa, quạt máy. Linh Mục không chỉ cung cấp trà nước để các Thành Viên tụ họp mỗi tháng hơn 10 năm qua, mà mỗi kỳ họp còn tự tay rót trà cho mọi người. Chính sự thân thiện, bình dị của Linh Mục cũng là một yếu tố để ai đến đó cũng thấy mình được trân trọng, thấy ấm cúng, tự nhiên như ở nhà mình, không có cách biệt giữa chủ và khách, thảo nào ngày càng thêm người đến tham dự. Kỳ họp vừa rồi có 3 nhân vật mới, một Họa sĩ, một người đứng tuổi, ăn mặc rất lịch sự và một quý bà. Tôi chưa kịp biết danh tính. Cả ba người đều hát rất hay. Ngay buổi giao lưu đầu tiên đã làm cho mọi người ấn tượng vì được thưởng thức giọng hát tuyệt vời của họ.

Một nhân vật chủ chốt không thể thiếu là Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn. Ông là một dịch giả, từng đoạt giải cao về sách, vì yêu sách mà rủ các bạn bè để mở ra CLB để đến nay, ngày càng thêm nhiều người yêu thích vì nội dung lành mạnh, hấp dẫn. Ông không ngại bỏ ra kinh phí để hàng tháng Bản Tin được đến với mọi người và rất vui khi thấy Bản Tin ngày càng tăng trang, dù điều đó đồng nghĩa với màng túi của ông bị tổn hại. Ông cũng không nhận tại trợ của bất cứ ai, để trọn quyền hưởng phước mà ông nói là “dành trọn cho Mẹ Âu Cơ”. Bản Tin còn có sự góp sức vào giờ chót của Thành viên Hà Mạnh Đoàn. Anh nhận nhiệm vụ chụp ảnh và lo dàn trang, in ấn để Bản Tin được hoàn tất một cách chỉn chu. Cuối cùng, còn có sự góp sức của nhà giáo Đào Nguyễn Hồng Hiếu trong việc hàng tháng đưa toàn vẹn Bản Tin lên trang mạng cá nhân của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Chủ Nhiệm CLB Sách Xưa & Nay, là trang Sachvatranh.com được rất nhiều độc giả ở khắp nơi yêu thích.

Vậy là Bản Tin đã được 132 kỳ liên tục. Mỗi Bản mang tâm huyết của những Thành viên cộng tác, và sự âm thầm ủng hộ của độc giả là động lực để mọi người tiếp tục cống hiến. Nhân kỷ niệm 11 năm thành lập CLB SÁCH XƯA & NAY, xin được phép đại diện để chúc tất cả Thành Viên và những người bạn xa gần yêu mến Bản Tin sức khỏe luôn dồi dào. Mong tất cả cùng tiếp tục đồng hành thêm nhiều chục năm để cùng nhìn tương lai đất nước rạng ngời, nhìn những thế hệ con em ngày càng tiến bộ hơn, thành công hơn trên mọi lãnh vực nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc và không quên cội nguồn.

Tâm Nguyện


THÔNG ĐIỆP LAUDATO SI’

CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ VỀ

“CHĂM SÓC NGÔI NHÀ CHUNG”

Bản dịch của L inh mục Aug. Nguyễn Văn Trinh

(Tiếp theo số 131)

III. CHUYỂN ĐỔI MÔI SINH

216. Gia sản phong phú của linh đạo Kitô giáo, xuất phát hai ngàn năm nay từ kinh nghiệm cá nhân đến cộng đoàn, mang đến một sự đóng góp tốt đẹp cho sự cố gắng canh tân nhân loại. Tôi muốn đề nghị với các Kitô hữu một vài hướng căn bản cho một linh đạo môi sinh, xuất phát từ xác tín niềm tin của chúng ta, vì điều Tin Mừng dạy đều có hệ luận đến cách thức suy tư, cảm nhận và cách sống của chúng ta. Đây không nhằm trình bày các ý tưởng, nhưng trước nhất, về nền tảng chuyển động xuất phát từ linh đạo đòi buộc sự khổ tâm chăm sóc môi trường. Vì không thể dấn thân trong những việc lớn với các lời giảng dạy mà không có một thứ “huyền nhiệm” tràn đầy trong tâm hồn chúng ta, không có “những nền tảng chuyển lay nội tâm” để khởi động, thúc đẩy, động viên và trao ban cho nó một ý nghĩa”[151]. Phải nhận ra, chúng ta là các Kitô hữu, có một sự phong phú do Thiên Chúa ban cho Giáo Hội, nhưng chúng ta không thường đón nhận và tiếp tục triển khai - một sự phong phú, trong đó linh đạo dạy tách biệt khỏi thể xác, nhưng không tách biệt khỏi thiên nhiên hay là các thực tại của thế giới này, nhờ đó và trong đó được phát huy, trong cộng đoàn với tất cả những gì bao quanh chúng ta.

217. Nếu thực sự “các sa mạc bên ngoài gia tăng, chỉ vì sa mạc nội tâm cũng lớn dần”[152], cơn khủng hoảng môi trường là một lời kêu gọi sự sám hối nội tâm sâu thẳm. Chúng ta phải công nhận rằng, có một số Kitô hữu dấn thân và cầu nguyện, thường cười cợt các cảnh cáo về môi trường với lời xin lỗi của chủ nghĩa thực tế và chủ nghĩa thực dụng. Một số khác thụ động, quyết tâm không thay đổi các thói quen và trở thành rời rạc. Họ thiếu một sự sám hối thuộc sinh thái , giúp thấy những gì họ gặp gỡ với thế giới chung quanh; điều xuất phát từ sự gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô, sẽ giúp cho tất cả nở hoa. Sống ơn gọi là một người bảo vệ cho công trình của Thiên Chúa là một phần tất yếu của một hiện sinh đạo đức; đó không phải là điều gì của định kiến, cũng không phải là một phương diện thứ yếu trong kinh nghiệm Kitô giáo.

218. Chúng ta nhớ lại gương của Thánh Phanxicô thành Assisi, để đề nghị một liên hệ lành mạnh với sáng tạo như chiều kích một cuộc sám hối trọn vẹn của con người. Điều này cũng đưa tới việc nhận thức những sai lầm, tội lỗi, tật xấu hay chểnh mảng và sám hối với trọn tâm hồn, thay đổi nội tâm. Các Giám Mục Úc Châu đã nói rõ sự sám hối trong ý nghĩa hòa giải với sáng tạo: “Để thực hiện sự sám hối này, chúng ta phải biết khảo nghiệm lại đời sống của chúng ta và nhận ra rằng, với cách thức nào chúng ta đã làm tổn thương sáng tạo của Thiên Chúa, bằng hành động cũng như vì sự bất lực của chúng ta. Chúng ta phải có một kinh nghiệm về sám hối, về một sự thay đổi tâm hồn”[153].

219. Dù vậy, để giải quyết một hoàn cảnh quá đa dạng có thể đối mặt với thế giới ngày nay, thực sự không đủ để từng người tự hoàn thiện. Từng cá nhân đơn độc có thể đánh mất khả năng và sự tự do của mình, để vượt qua lý luận của lý trí máy móc, để rồi cuối cùng trôi theo chủ thuyết tiêu thụ, không có chút luân lý và không có tí cảm nghiệm về xã hội cũng như môi trường. Đối với những vấn đề xã hội, phải hoạt động trong mạng lưới tập thể, chứ không phải bằng một tổng hợp đơn thuần tài sản tích cực của cá nhân. “Những đòi hỏi của công tác này thật bao la, không thể giải quyết bằng những khả năng dấn thân của cá nhân và sự cộng tác của nhiều người dựa theo nguyên tắc cá vị. Cần có một tổng hợp sức lực và sự thống nhất hướng dẫn”[154]. Sự sám hối mang tính chất sinh thái đòi buộc phải có một sự năng động để thay đổi, đó là một sự sám hối tập thể.

220. Việc sám hối này giả thiết đưa ra nhiều thái độ khác nhau, nối kết chung với nhau để đưa đến một sự dấn thân bảo vệ môi trường cách quảng đại và đầy yêu thương. Bước đầu tiên, nó đòi hỏi sự biết ơn và nhưng không, có nghĩa là nhận thức thế giới là một ân huệ được lãnh nhận từ tình yêu của Cha. Tiếp đến, người ta phải thực tập sự từ bỏ, không chờ sự đáp trả, và hành động thực quảng đại, cả khi không ai nhìn thấy và công nhận: “Đừng cho tay trái biết việc tay phải làm […] Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,3-4). Việc sám hối này cũng đòi buộc một ý thức tràn đầy tình yêu, không tách rời với những tạo vật khác, nhưng tạo một cộng đồng có giá trị bao trùm tất cả những hữu thể hiện hữu trong vũ trụ. Người tin không nhìn ngắm thế giới từ bên ngoài, nhưng từ trong nội tâm và nhận ra dây liên kết qua đó Cha trên trời nối kết chúng ta với tất cả hữu thể. Ngoài ra, việc sám hối sinh thái gợi lên những khả năng đặc biệt mà Thiên Chúa ban cho họ, sẽ giúp họ triển khai sức sáng tạo của mình và gia tăng sự thanh thoát để giải quyết các bi kịch của thế giới và chính họ “sẽ mang đến cho Thiên Chúa một lễ vật sống động và thánh thiện, làm Chúa vui lòng” (Rm 12,1). Họ hiểu việc vượt trổi của họ không phải là cớ để tạo vinh quang cá nhân hay là cớ để thống trị một cách vô trách nhiệm, nhưng là một khả năng khác, đặt ra cho mình trách nhiệm nặng nề, xuất phát từ niềm tin của mình.

221. Nhiều xác tín của niềm tin chúng ta đã được trình bày từ ngay đầu Thông Điệp - cũng như ý thức rằng, mỗi tạo vật đều phản ánh một điều gì đó của Thiên Chúa và có một sứ điệp có thể dạy dỗ chúng ta hay là ý thức rằng Đức Kitô đã đón nhận thế giới vật chất này và hiện tại Người là Đấng Phục Sinh đang cư ngụ trong thâm sâu của từng hữu thể và đã ôm lấy chúng bằng lòng ưu ái của Người, cũng như thấm nhập ánh sáng của Người vào trong chúng; và cũng như xác tín: Thiên Chúa đã sáng tạo thế giới và đã đặt trong chúng một trật tự và một năng động mà con người không có quyền quên đi. Khi có ai đọc trong Phúc Âm việc Chúa Giêsu nói về các con chim và xác nhận rằng, “Thiên Chúa không quên sót con nào” (Lc 12,6) hỏi rằng người đó có còn khả năng hành xử xấu hay gây tai hại cho chúng được không? Tôi mời tất cả các Kitô Hữu làm rõ nét sự sám hối, khi cho phép sức mạnh và ánh sáng của ân sủng đã được lãnh nhận, trải rộng trên mọi liên hệ với tất cả tạo vật khác và với cả thế giới chung quanh, và gợi lên tình huynh đệ với toàn thể sáng tạo mà Thánh Phanxicô đã sống một cách rạng rỡ.

IV. NIỀM VUI VÀ AN BÌNH

222. Linh đạo Kitô giáo đề nghị một cách hiểu khác về phẩm chất cuộc sống và động viên một cách sống mang tính ngôn sứ và chiêm niệm, có khả năng vui mừng cách sâu xa mà không bị đè nén bởi tiêu thụ. Điều này quan trọng khi lấy lại một lời dạy cổ xưa có trong các truyền thống tôn giáo khác nhau và ngay cả trong Thánh Kinh. Lời này nói về việc xác tín “ít lại hóa nhiều - weniger mehr ist - moins est plus”. Việc luôn chất đống các đối tượng tiêu thụ sẽ hướng trái tim đi xuống và ngăn cản việc đánh giá từng đối tượng và từng giây phút. Ngược lại, sự kiện mình luôn hiện diện trước một thực tại, cho dù nó rất nhỏ, cũng mở cho chúng ta nhiều khả năng để hiểu biết và triển nở chính cá nhân mình. Linh đạo Kitô giáo đề nghị một sự phát triển nhờ điều độ và một khả năng vui với số ít. Đó là việc trở về với sự đơn sơ, cho phép chúng ta dừng lại để đánh giá điều thật nhỏ, để cám ơn các khả năng mà cuộc sống ban cho, mà chúng ta không phải bị trói buộc vào điều chúng ta có và cũng không buồn vì điều chúng ta không chiếm hữu. Điều này giả thiết phải tránh sự năng động muốn làm chủ và gia tăng niềm vui.

223. Sự điều độ, nếu được sống với tự do và ý thức, sẽ mang tính chất giải phóng. Điều này không có nghĩa là sống ít hơn, cũng không có nghĩa là mức độ thấp kém của cuộc sống, nhưng ngược lại; vì trong thực tế, những người sống nhiều hơn trong từng giây phút và sống tốt hơn, sẽ chấm dứt việc tìm tòi liên lỉ theo những đối tượng mà họ chưa có và khi tìm kiếm như thế, họ có khả năng phá vỡ những nhu cầu ít cần thiết và thu ngắn sự mệt mỏi lại và ít bị hành hạ. Người ta có thể sống với ít điều cần thiết, nhất là khi có khả năng xác định những thú vui khác; người ta có thể thỏa mãn trong những cuộc gặp gỡ huynh đệ, trong phục vụ, trong việc triển khai những đặc sủng của chính mình, trong âm nhạc và nghệ thuật, trong việc liên hệ với thiên nhiên, trong cầu nguyện. Hạnh phúc đòi buộc chúng ta phải biết hạn hẹp lại một số nhu cầu của chúng ta và như thế, chúng ta có thể sẵn sàng cho nhiều khả năng do cuộc sống đem đến.

224. Điều độ và khiêm tốn đã không được đánh giá cao trong thế kỷ cuối cùng này. Nhưng khi chểnh mảng thực tập một nhân đức trong đời sống cá nhân hay trong cộng đoàn, sẽ đưa đến việc mất thăng bằng, kể cả mất thăng bằng với môi trường. Như thế không đủ để chỉ trình bày về sự toàn vẹn của hệ thống môi sinh. Người ta phải can đảm để nói về sự toàn vẹn của sự sống con người, về sự cần thiết phải có tất cả những giá trị lớn lao và liên kết với nhau. Việc biến mất đức khiêm nhường nơi một con người, thỏa mãn vô cùng về khả năng làm chủ tất cả không có một ranh giới nào, cuối cùng chỉ có thể tác hại cho xã hội và môi trường. Không dễ để phát triển sự khiêm nhường lành mạnh và sự điều độ vui vẻ, khi chúng ta cảm thấy mình làm chủ lấy mình, khi chúng ta loại Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời chúng ta, và cái tôi của chúng ta sẽ nắm lấy vị trí của Người, nếu chúng ta tin rằng chúng ta chính là chủ thể có quyền xác định điều gì lành điều gì xấu.

225. Mặt khác, không ai có thể thỏa mãn trong một sự điều độ, nếu họ không tìm được bình an nơi chính mình. Một sự hiểu biết đúng đắn về linh đạo một phần nằm ở chỗ phải triển khai ý niệm về sự bình an, điều này còn hơn là sự vắng bóng chiến tranh. Bình an nội tâm của con người có nhiều vấn đề trong việc chăm sóc môi sinh và công ích, chỉ vì, khi sống một cách đích thực, sẽ phản ảnh trong một lối sống thăng bằng, liên kết với khả năng kinh ngạc, sẽ đưa cuộc sống vào trong thâm sâu. Thiên nhiên chứa chất đầy lời của tình yêu. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể lắng nghe giữa tiếng ồn ào liên lỉ, trong sự lo ra liên tục đầy âu lo hay trong thờ phượng những hình ảnh bên ngoài? Nhiều người cảm thấy một sự mất quân bình sâu xa thúc đẩy họ làm nhiều việc một cách vội vã, cảm thấy bận rộn, trong việc đảo lộn tất cả những gì chung quanh. Đó là thái độ họ xử sự với môi trường. Một khoa sinh thái đầy đủ đòi hỏi phải có thời gian để tìm lại được sự đồng cảm với sáng tạo, để chiêm ngắm Đấng Sáng Tạo, Đấng đang sống giữa chúng ta và chung quanh chúng ta; sự hiện diện của Người “không phải chúng ta đặt ra, nhưng phải khám phá và biểu lộ ra bên ngoài”[155].

226. Chúng ta nói về thái độ của trái tim đang sống với tất cả, trong một sự chú tâm trọn vẹn, điều này có nghĩa là hiện diện hoàn toàn trước một người khác, mà không nghĩ về điều gì sẽ đến. Người đó hoàn toàn sống mỗi giây phút như một quà tặng của Thiên Chúa, cần phải sống tràn đầy và trọn vẹn. Đức Giêsu dạy chúng ta thái độ này, khi Người mời chúng ta ngắm xem hoa cỏ ngoài đồng và các con chim trời, hay khi đối diện với một người đang lo lắng, và yêu thương họ (x. Mc 10,21). Vâng, Người hoàn toàn hiện diện đối với từng người cũng như với từng tạo vật, và như thế, Người cho chúng ta thấy con đường để vượt qua sự lo lắng bệnh hoạn, làm cho chúng ta hời hợt, nổi nóng và thành người tiêu thụ không chút xấu hổ.

227. Dừng lại để cảm tạ Thiên Chúa trước và sau bữa ăn là biểu hiện của thái độ này. Tôi đề nghị với các Kitô hữu, hãy canh tân thói quen tốt đẹp này và sống thật sâu xa. Giây phút chúc lành, dù rất ngắn, gợi nhớ cho chúng ta, chúng ta lệ thuộc vào Thiên Chúa với tất cả cuộc đời, điều này nâng đỡ cảm nghiệm biết ơn vì những quà tặng của sáng tạo, nhận ra những người đã lao nhọc cho các tặng phẩm này và củng cố tình liên đới với những người đang thiếu thốn.

V. TÌNH YÊU

TRÊN BÌNH DIỆN XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ

228. Việc chăm sóc thiên nhiên là thành phần của một cách sống, đưa đến khả năng cùng chung sống với mọi người và trở thành cộng đoàn. Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa là Cha chung của mọi người và điều này đã khiến tất cả chúng ta trở thành anh em, chị em với nhau. Tình liên đới phải là nhưng không và không ai phải trả giá cho điều kẻ khác thực hiện, cũng không phải một tiên liệu mà chúng ta mong chờ nơi người ấy. Vì thế chúng ta mới có khả năng yêu mến kẻ thù. Chính tính chất nhưng không này dẫn chúng ta đến việc yêu mến đối với ngọn gió, mặt trời và các áng mây, và chấp nhận, vì chúng không nằm trong sự kiểm soát của chúng ta. Vì thế chúng ta mới có thể nói đến một tình huynh đệ phổ quát.

229. Phải ý thức rằng chúng ta cần đến nhau; chúng ta phải có trách nhiệm đối với kẻ khác và với thế giới; thực hữu ích nếu chúng ta lương thiện và tốt lành. Đã một thời gian dài chúng ta sống sa đọa về mặt luân lý, chúng ta cười chê đạo đức, niềm tin và lương thiện; đã đến lúc sự hời hợt bề ngoài không giúp ích gì cho chúng ta. Việc tàn phá bất cứ nền tảng nào của đời sống cộng đoàn, cuối cùng cũng đưa đến sự chống đối người này với người kia, mỗi người tự tìm để bảo vệ những lợi ích cho riêng mình; từ thái độ đó đưa đến những hình thức bạo lực và độc ác, ngăn cản sự phát triển một nền văn hóa đích thực để bảo vệ môi trường.

230. Gương của Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux mời chúng ta thực hiện con đường nhỏ của tình yêu, đừng đánh mất cơ hội để nói một lời dễ thương, một nụ cười, bất cứ một cử chỉ nhỏ bé nào tạo bình an và tình bạn. Một khoa sinh thái trọn vẹn cũng được thực hiện từ những cử chỉ đơn sơ hằng ngày, qua đó chúng ta phá vỡ lý luận của bạo lực, tận dụng và ích kỷ. Trong khi đó, thế giới tiêu thụ cách điên khùng cũng là thế giới trong đó cuộc sống bị các hình thức xấu xa hành hạ.

231. Tình yêu được hiện thực từ những cử chỉ bé nhỏ chú tâm cho nhau, cũng mang tính chất xã hội và chính trị, và biểu lộ trong tất cả hành động cố xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Tình yêu mến xã hội và sự dấn thân cho công ích là một biểu lộ tuyệt vời cho tình bác ái, không những liên hệ giữa những cá nhân, mà còn đi đến các liên hệ vĩ mô (Makro-Beziehung - macro-relations): liên hệ xã hội, kinh tế, chính trị”[156]. Vì thế, Giáo Hội đề nghị với thế giới lý tưởng của một “Văn hóa tình thương - Kultur der Liebe - Civilisation de l’amour”[157]. Tình yêu trên bình diện xã hội là chìa khóa cho một sự phát triển đích thực: “Để có thể làm cho xã hội nhân bản hơn, cá nhân với nhân phẩm tốt đẹp hơn, phải đánh giá lại tình yêu trong đời sống xã hội - trên bình diện chính trị, kinh tế và văn hóa - và phải đặt tình yêu trở thành lề luật cao nhất cho hành động”[158]. Trong khung này, tình yêu thúc đẩy chúng ta suy nghĩ đến những chiến thuật mới ngay cả như bắt dừng sự tàn phá môi trường và đòi hỏi một nền “Văn hóa bảo vệ - Kultur der Achtsamkeit -Culture de protection” ảnh hưởng trên toàn xã hội. Khi có người nào nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa, sẽ cùng chung với những người khác tham gia vào sự năng động xã hội, người đó cũng nhớ lại rằng, đó là một phần linh đạo của họ, chính là thực hiện tình yêu tha nhân và khi thực hiện theo cách thức này họ sẽ trưởng thành và tự thánh hóa mình.

232. Không phải tất cả mọi người đều được kêu gọi trực tiếp tham gia vào chính trị, nhưng ngay trong xã hội đã xuất hiện nhiều tổ chức chú tâm vào công ích, khi cố gắng bảo vệ môi trường thành phố. Tỉ như họ lo lắng cho có một nơi công cộng (một tòa nhà, một vòi phun nước, một đài kỷ niệm, một khung cảnh thanh bình, một công trường) và tất cả những gì thuộc về những đối tượng đó; họ lo lắng bảo vệ, lành mạnh hóa, làm tốt hơn hay làm đẹp hơn. Quanh những tổ chức đó, triển khai hay nảy sinh một mạng lưới xã hội. Một cộng đồng tự giải thoát mình khỏi sự dửng dưng tiêu thụ. Điều đó làm nổi bật văn hóa của một căn tính chung, một lịch sử tồn tại và tiếp tục phát triển. Theo cách này thế giới và phẩm chất đời sống của người nghèo sẽ được chăm sóc, nhờ vào ý nghĩa liên đới, đồng thời cũng là ý thức cùng chung một nhà, được Thiên Chúa trao phó. Những hoạt động chung như thế, khi diễn tả một tình yêu dâng hiến, có thể trở thành những kinh nghiệm tinh thần sâu xa.

(còn tiếp)

(Đã được Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh cho phép phổ biến)

ĐẾN ARMÊNIA

TÔI ĐÃ THẤY VÀNG

Phải đến năm ở tuổi bốn mươi, cách đây cũng gần bốn mươi năm rồi, năm 1978, lần đầu tiên tôi mới được thực sự tận mắt nhìn thấy vàng, mà là một khối lượng to lớn, khổng lồ, choáng ngợp: một bộ 38 con chữ cái Armênia đúc nổi gắn trên tấm bia lớn dựng trong tủ kính được trưng bày tại Metanadaran mang tên Mesrôp Mashmatotx - viện bản thảo cổ, kho lưu trữ lớn nhất thế giới bản thảo sách cổ của Armênia ở thủ đô Erevan, được xây dựng năm 1920 trên cơ sở bộ sưu tập của Tu viện Etsmiadzin năm 618. Tại đây lưu giữ hơn 116 nghìn đơn vị tư liệu (thống kê năm 1985). Trong số đó có những bản thảo cực kỳ quý hiếm như đã được kể lại trong cuốn sách bút ký của cố học giả - nhà văn Đỗ Đức Dục (1915-1993), một trong những người Việt Nam đầu tiên có vinh dự đến thăm đất nước Armênia, bấy giờ còn là một trong 15 nước cộng hòa nằm trong Liên bang Xô viết: “Ở đây tập trung hàng vạn cuốn sách cổ viết tay, viết từ thời đại loài người còn chưa phát minh ra nghề in, chưa phát minh ra giấy, cho nên phải viết bằng tay trên da, trên lá cọ… Đủ các loại sách về nhiều môn khoa học, văn học, nghệ thuật, triết học, lịch sử… của nhiều nền văn minh cũ từ Hy Lạp, La Mã cho đến Trung Hoa, Ấn Độ, được dịch ra tiếng Armênia. Có những bản dịch của những tác phẩm rất quý mà hiện nay nguyên bản bằng tiếng Hy Lạp, hay La Mã không còn nữa, như những tác phẩm của nhà triết học Dê-nông (Zenon) hay nhà kỷ hà học Ơ-cơ-lít-dơ (Enchide). Cho nên một sử gia có tiếng của Trung Quốc hiện nay là Quách Mạc Nhược, sau khi thăm nhà thư viện này, đã ghi lại mấy câu kỷ niệm đại ý nói rằng không có những cổ thư của Armênia thì người ta không thể nào nghiên cứu lịch sử loài người, lịch sử Châu Á một cách đầy đủ được.

Nhưng đi thăm nhà thư viện cổ thư ở Armênia, người ta thường chú ý đặc biệt đến một quyển sách vào hạng cổ thư lớn nhất thế giới, đó là một quyển lịch sử dân tộc Armênia. Nó nặng 38 cân và viết tay trên 607 trang bằng 607 tấm da cừu. Nhưng quyển sách đó không phải chỉ đặc biệt ở mấy con số trên đây. Nó đặc biệt nhất ở chỗ lịch sử của nó gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc Armênia. Quyển sách đó trong năm lần dân tộc Armênia bị ngoại xâm, đã bị cướp mất năm lần, và cũng năm lần dân tộc Armênia giành lại được nó sau khi đã đánh đuổi quân ngoại xâm. Trong cuộc đại chiến thế giới thứ nhất, khi mà đất nước Armênia bị quân Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược và hàng triệu dân bị tàn sát, nhân dân Armênia đã phải chia quyển sách đó ra làm hai mảnh để cất giấu cho dễ. Tới sau chiến tranh thì chính một sĩ quan trong Hồng quân Nga đã cứu được cuốn sách quý báu đó để hoàn lại cho nhân dân Armênia” [1]

Tôi là người Việt Nam lứa thứ hai may mắn lại được đến thăm đất nước Armênia xa xôi và được thấy cả những cuốn sách cổ, trong đó có cuốn sách kỷ lục mà tác giả họ Đỗ đã kể trên. Cũng phải nói thêm là cũng như tác giả họ Đỗ khi đất nước vừa chiến thắng giành được hòa bình trên nửa nước năm 1954 được tổ chức đi thăm Armênia, vào thời điểm đất nước ta giành được thắng lợi trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, thống nhất toàn vẹn đất nước, tôi cũng được may mắn tiếp theo đến thăm Armênia. Năm 1976 tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi trong đoàn cùng nhà văn Nguyễn Minh Tấn dự cuộc gặp gỡ lần thứ IV những người dịch văn học Nga - Xô viết. Đến năm 1978, tiếp tục được cử đi dự Hội thảo “Những thành tựu mới của lý thuyết và lịch sử dịch thuật” tổ chức tại Maxcơva và Erevan. Sở dĩ Hội thảo tổ chức ở Erevan bởi đất nước Armênia chính là một trong những xứ sở cội nguồn của cái nghề dịch - đến đây các đại biểu được dự ngày Hội Thánh dịch.

Người được tôn là Thánh dịch chính là Mesrop Mashtots, người mà tên tuổi được gắn cho viện sách cổ kể trên, và cũng là người sáng tạo ra bộ chữ cái Armênia, về sau được nhân dân mình cho đúc vàng lưu giữ cho muôn đời sau, mà tôi thấy.

Mesrop Mashtots (361, làng Khatxik, tỉnh Tarop - 17.11.440, Êtsmiadzin, chôn cất tại Oshakan) là nhà bác học, người khai sáng của nhân dân Armênia. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tự do tên là Vardan. Học vấn nhận được tại các trường địa phương, nghiên cứu ngôn ngữ Ba Tư, Xiri, Hy Lạp. Từng làm thư ký văn phòng của vua. Đã đi tu, trở thành nhà truyền giáo trong cư dân Armênia vốn theo đa thần giáo. Vào thời ấy việc thờ phụng Chúa và đọc sách Thánh kinh được tiến hành bằng tiếng Xiri hay tiếng Hy Lạp mà đông đảo quần chúng không hiểu. Sau việc chia tách Armênia theo hiệp ước năm 387 (phần lớn lãnh thổ thuộc về Ba Tư) dân Armênia được quyền học trong các trường học của mình và việc thờ phụng chỉ dùng tiếng Xiri. Các trường học Hy Lạp đóng cửa và sách vở Hy Lạp bị đốt hết. Xuất hiện đòi hỏi phải tạo ra bộ chữ cái của mình và nền văn học dân tộc mới; tiếp thu những gì cần thiết và có ích của những người láng giềng. Mesrop Mashtots đã hoàn thiện việc nghiên cứu thanh vận của tiếng Armênia, sau đó vào năm 405-406 ông đã làm ra được bộ chữ cái Armênia. Để khẳng định được tính đắc dụng của nó Mesrop Mashtots cùng các học trò của mình đã bắt tay vào dịch một phần Kinh thánh từ tiếng Xiri sang tiếng Armênia. Sự sáng tạo của Mesrop Mashtots được dân chúng nhiệt liệt đón nhận tại quê hương. Bắt đầu một hoạt động sôi nổi của nhà truyền giáo cơ đốc Caak, chính là Mesrop Mashtots và các học trò của ông. Thoạt đầu trường học được mở ra ở vùng trước thuộc Ba Tư, nay là Vizantin của Armênia, Kinh thánh cũng như các trước tác của các cha cố nhà thờ, các triết gia Hy Lạp được dịch ra tiếng Armênia, người ta sáng tác các chính ca của nhà thờ và cử hành bằng tiếng Armênia. Vào thế kỷ thứ 5 từ đám học sinh của Mesrop Mashtots xuất hiện hàng loạt các nhà văn ưu tú có tên tuổi. Một nền dịch thuật sôi nổi bùng nổ, hỗ trợ cho sự trưởng thành của nền văn học mới Armênia. Ngoài ra, nhiều học giả về sau còn cho rằng Mesrop Mashtots còn là người sáng tạo ra chữ viết Iver (Grudia), chữ viết cho dân Agvan nữa. Trùm trên mộ Mesrop Mashtots người ta đã xây dựng một nhà thờ, ngày nay trở thành thánh địa để người dân Armênia đến hành hương. Lần ấy chúng tôi cũng được tham dự ngày lễ Thánh dịch Mesrop Mashtots tại đây.

THÚY TOÀN


Phụ Bản I

ÁP DỤNG ĐẠO PHẬT

VÀO CUỘC SỐNG

Hầu hết những người theo Đạo Phật đều nghe nói rằng Đạo Phật là đạo “Độ Khổ” và muốn Thoát Khổ thì phải thực hành. Nhưng biết thực hành thế nào khi lý thuyết của Đạo rất nhiều. Pháp nào nghe giảng cũng thấy hay, nhưng chưa chắc đã hiểu. Có hiểu cũng không biết nên áp dụng vào cuộc sống như thế nào? Rốt cuộc là công sức nghe pháp, học pháp không đưa đến thực tế cho người nghe, khi gặp pháp thì lúng túng, không biết áp dụng như thế nào? Có phải lý thuyết của Đạo Phật chỉ để thuyết giảng, không thể áp dụng vào cuộc sống? Chúng ta nghĩ về điều này ra sao?

Nói đến phần áp dụng Đạo Phật vào cuộc sống làm tôi nhớ đến một sự việc khá nghiêm trọng chứng tỏ người tu hành mà thiếu thực hành thì cũng dính mắc không khác gì người đời. Tôi xin lỗi phải kể lại, không nhằm mục đích hạ thấp phẩm giá người khác, vì đó là câu chuyện có thật, liên quan đến đề tài. Cũng may mà phút chót nhờ có chút duyên may nên hậu quả nghiêm trọng đã không xảy ra.

Số là thời gian vài năm đầu khi Miền Nam vừa được Giải Phóng. Lúc đó tôi mới vừa biết đến Đạo Phật do một người cựu thầu khoán đưa đến gặp một vị Cư Sĩ, sau trở thành Thầy dạy Đạo cho tôi. Ông cựu thầu khoán này trước kia đã trúng thầu xây tường rào cho Sân Bay Tân Sơn Nhất và cũng là người khởi công xây Chùa Một Cột ở Thủ Đức. Sau Giải Phóng thì ai cũng thất nghiệp nên ông thường tới lui chuyện trò với chúng tôi. Do vậy mà gia đình tôi và gia đình ông trở thành thân thiết. Ông có chiếc xe La Dalat, nhiều lần đưa gia đình tôi đi chơi chỗ nọ chỗ kia. Có một lần ông chở vợ chồng tôi đi Đức Hòa Đức Huệ, nói là để thăm vài người bạn.

Nơi đầu tiên chúng tôi ghé, là nhà Bà vợ thứ ba của Học Giả NGUYỄN VĂN VĨNH. Tôi còn nhớ đó là một ngôi nhà nho nhỏ, rất giản dị, nền đất như những ngôi nhà bình thường khác ở miền quê. Nhà không có hàng rào, cửa cũng không đóng, nên chúng tôi bước vô nhà luôn. Không thấy chủ nhân, ông bạn cất tiếng gọi thì chủ nhà từ trong mới bước ra. Trong khi chờ đợi thì tôi quan sát quanh phòng, thấy trên chiếc tủ thờ đơn sơ giữa nhà là ảnh thờ của Học Giả Nguyễn Văn Vĩnh. Ra tiếp chúng tôi là một bà cụ đứng tuổi, dáng người khá cao lớn, khuôn mặt rất Tây. Ông bạn có vẻ khá thân nên được bà tiếp đãi rất lịch sự. Bà mời chúng tôi dùng trà và trò chuyện rất vui vẻ.

Rời nhà bà cụ, chúng tôi ghé lại một ngôi Chùa. Chùa này không lớn lắm. Trụ trì ra tiếp đón chúng tôi nồng hậu và mời ở lại dùng cơm chay.

Khi từ biệt, ra xe, ông bạn mới kể: Sở dĩ ông thân với Trụ Trì này cũng do một dịp rất tình cờ. Một lần ông chạy xe ngang qua thì thấy trong Chùa đang xôn xao, có một giàn củi chất cao, một vị Sư đang đứng trên đó, chung quanh là một đám người già có, trẻ có, đang khóc lóc thảm thiết. Ông lấy làm lạ ghé vô xem việc gì đang xảy ra. Những người đang khóc lóc kể cho ông biết là Sư trụ trì đang định tự thiêu, vì Chùa là do Sư thành lập, vừa sửa lại khang trang thì bị buộc phải giao cho Sư khác, nên Sư bức xúc muốn tự thiêu để phản đối. Giàn hỏa đã chất xong, Sư đã lên đó, Tín đồ không ngăn được nên chỉ biết đứng vây quanh khóc lóc, khuyên Thầy bỏ đi ý định tự thiêu nhưng Sư vẫn cương quyết giữ lập trường.

Ông bạn tôi nghe vậy bèn thuyết phục vị Trụ Trì. Ông kể lại cho chúng tôi nghe, là sau cả giờ đồng hồ hùng hồn thuyết phục với đủ thứ lý lẽ thì vị Trụ Trì đó mới chấp nhận bước xuống khỏi giàn hỏa, thôi không tự thiêu nữa! Các đệ tử của Sư rất mừng, cảm ơn ông rất nhiều vì nhờ ông mà thầy của họ bỏ ý định tự thiêu. Sau đó, ông trở thành bạn của vị Trụ Trì đó, thỉnh thoảng ông vẫn ghé Chùa ăn cơm chay với Sư. Tôi ít quan tâm đến chuyện người khác, nên dùng cơm chay ở chùa mà không nhớ Chùa đó tên gì? Sư đó pháp danh chi? Chỉ thấy vị Sư lúc đó chắc khoảng trên dưới 60 tuổi, người vừa tầm, không cao lớn. Có lẽ nhờ cuộc tự thiêu bất thành, tiếng đồn đến tai bên có ý định lấy Chùa, nên họ cũng thôi không tranh giành, nhờ đó nên Trụ Trì mới được yên. Ông bạn thầu khoán đó cũng đã qua đời cách đây đã hơn 20 năm, vợ con ông cũng xuất cảnh hết, nên muốn xác minh cũng không được. Nhưng tính từ thời gian tôi gặp tới nay, nếu còn sống thì có lẽ Sư cũng phải hơn 90 tuổi rồi. Dù vậy tôi tin rằng những đệ tử đã chứng kiến chắc chắn không thể quên.

Thêm một câu chuyện nữa có liên quan đến dính Pháp, là vừa mới đây, có người cũng thường đọc bài viết của tôi đã đặt cho tôi một số câu hỏi. Lần trước là: “Tại sao có nhiều nước sùng bái Đạo Phật mà cũng không thấy Phật phù hộ, để cho họ vẫn đói, nghèo?”. Tôi đã giải thích như vẫn viết trong nhiều bài phân tích: Phật không phải là Thần Linh, không có khả năng phù hộ cho ai. Những người tin rằng Phật quyền phép vô biên, có thể phù hộ cho bá tánh là sai lầm, là Nhị Thừa, không đúng Chánh Pháp. Phật chỉ là người đã Giác Ngộ, đã Thoát Khổ nên mở ra một phương pháp để chỉ lại những điều cần làm cho những ai muốn Thoát Khổ như Ngài mà thôi.

Lần khác, ông lại đặt cho tôi một số câu hỏi, tôi nhớ hình như tất cả là 11 câu. Nhưng tóm lại, điểm mấu chốt là: “khi bị người khác lấn át, tấn công, nếu ta không phản ứng thì họ sẽ đánh giá là mình hèn thì sao?”. Ông nói: “Nghèo khổ thì chấp nhận được. Bệnh hoạn cũng chấp nhận vì không ai tránh khỏi. Nhưng cứ bị hiếp đáp, lấn lướt một cách vô lý mà không ai binh vực cho. Mang ra chính quyền để nhờ can thiệp thì chính quyền còn binh họ, trong khi mình có đầy đủ giấy tờ. Vậy thì nên cư xử như thế nào?”. Lúc đó, tôi có trả lời là nếu là người theo Đạo Phật, có hiểu Lý Nhân Quả thì chúng ta nên nghĩ rằng hẳn là quá khứ chúng ta đã làm điều không phải với họ nên bây giờ họ đòi nợ, để được nhẹ lòng. Có lẽ ông ta khó lòng chấp nhận được lối suy nghĩ như thế, nên tiếp tục ôm đau khổ, bực tức!

Qua hai câu chuyện dính Pháp của một người tu hành và người đời, chúng ta thấy: Dù có học Đạo Phật, có hiểu một số lý thuyết của Đạo, thậm chí như Trụ Trì nọ, hẳn là cũng từng giảng dạy Đạo. Tuy nhiên, có lẽ do thiếu công năng Soi, Quán để thấm nhuần lời Phật dạy, thì dù Tăng hay Tục, khi gặp nghịch pháp thì cũng đều bị khảo đả như nhau. Không phải chỉ cần khoác áo tu sĩ là đương nhiên Thoát Pháp. Do vậy, câu hỏi được đặt ra là: Có nên đối phó một cách tiêu cực nhưng quyết liệt như vị Sư kia, cuối cùng Pháp mới chịu buông tha? Hay im lặng, không có thái độ, không dám đối phó rồi cứ ấm ức như người bị hiếp đáp kể trên? Chừng nào Pháp mới kết thúc? Đạo Phật có giải thích thế nào về những tình huống như vậy không? Phật sẽ cứu như thế nào khi tín đồ lâm nạn như vậy?

Đơn cử hai trường hợp bị vướng mắc để chúng ta thấy: Kinh Thủ Lăng Nghiêm viết: Nếu người học Đạo mà không biết cái Gút của mọi vướng mắc, đau khổ nằm ở đâu thì không bao giờ cởi trói để Thoát Khổ được. Người vào tu Phật mà chỉ học Pháp, thiếu phần tư duy rồi ứng dụng thì không bao giờ đạt đến kết quả của Đạo. Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Này Thiện Nam Tử! Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề. Đây cũng là do Tư Duy mà được gần Đại Niết Bàn”.

Nhưng Tư Duy là gì? Tư Duy về vấn đề gì?

Tư Duy là sự suy nghĩ một cách thấu đáo một vấn đề nào đó. Người vào Đạo Phật thì phải biết mục đích của Đạo Phật là để Giải Khổ cho con người. Vậy thì người muốn Thoát Khổ phải tìm hiểu nỗi khổ do đâu mà có? Đạo Phật Giải Khổ cho con người cách nào?

Con người thường cho rằng sở dĩ mình Khổ vì các pháp tấn công mình, người khác hiếp đáp mình. Nhưng Đạo Phật cho rằng sở dĩ con người phải Khổ là vì CHẤP LẤY CÁI THÂN, cho đó là TA. Cũng do có TA, nên mới có nhà cửa, ruộng vườn, đất đai, tài sản, cha mẹ, vợ con v.v… Tất cả là CỦA TA, ta có trách nhiệm phải bảo vệ. Với người tu hành thì Chùa của Ta, do ta xây dựng, thành lập. Đệ tử của ta nay lại phản ta chẳng hạn! Hai trường hợp kể trên là rõ ràng nhất, bị người khác muốn xâm phạm, lấn chiếm những gì thuộc về Ta, trong khi mọi lý lẽ, giấy tờ đều chứng minh đó là tài sản thuộc về Ta. Điều đó hoàn toàn đúng. Luật đời cũng không ủng hộ việc đi tranh cướp, lấn át người khác.

Tất nhiên, về mặt đời thường, khi gặp rắc rối mọi người hoàn toàn có quyền phản đối, đưa ra chính quyền để nhờ can thiệp. Nhưng có nhiều việc Chính quyền không giải quyết thỏa đáng. Chính vì vậy mà nhiều trường hợp xô xát đã xảy ra. Hàng ngày, qua báo chí ta thấy nhiều cái chết lãng xẹt, nhiều người phải mang thương tật suốt đời chỉ vì bảo vệ cái đúng, cái phải, nhưng do hành động trong nhất thời, khi cả hai bên đều thiếu kiềm chế! Hai bên suôi gia chỉ vì tranh nhau một cái cây ở giữa ranh đất, bán được có hai chục ngàn mà suôi nọ chém suôi kia chết! Người khác chỉ vì vô vườn bẻ mấy trái chanh, bị chủ nhà mắng chưởi, thế là xách dao giết cả vợ con chủ nhà để trả thù, để rồi bản thân anh ta phải lãnh án tử! Những mạng người bị đánh đổi chỉ bằng vài chục ngàn, vài trái chanh, thật hết sức vô lý!

Làm thế nào để những điều tương tự không xảy ra? Đó là những gì mà Đạo Phật giải thích và hướng dẫn để những ai tin và thực hành theo thì sẽ không bao giờ rơi vào thảm cảnh như thế, nhờ trong quá trình học Đạo được hướng dẫn cho quán sát để biết diễn tiến của các pháp.

Về động cơ xui khiến con người hành động một cách lỗ mãng, theo Đạo Phật, đó là vì thấy cái TA bị xúc phạm, nên bực tức, không làm chủ được suy nghĩ, hành vi của mình. Người thì thấy tài sản của mình bị xâm phạm, người thì thấy bị xúc phạm, rồi do thiếu tự chủ, thiếu sáng suốt, không kiềm chế được cảm xúc, không tính tới hậu quả, do để cho cái SÂN điều khiển. Lúc nguôi giận, hối hận thì đã muộn màng. Cái giá phải trả không hề nhỏ! Có khi là cả tính mạng của mình, vì “sát nhân giả tử”. Chính vì vậy mà Đạo Phật ngăn ngừa cho con người để không phải đưa bản thân đến những hoàn cảnh nghiệt ngã khi phải đối pháp để không bị nó làm hại.

Cũng theo Đạo Phật, tất cả mọi việc xấu, tốt, gây nghiệp, làm tội, làm phước đều bắt nguồn từ cái THÂN TA. Người chèn ép, tranh giành với người khác cũng để kiếm thêm, tích lũy cho cái Thân họ được hưởng. Người thấy mình bị thiệt thòi, bị chèn ép, phải tự vệ. Người ý thức một chút, tin có kiếp sau thì Bố Thí, làm Phước thì để dành cho mình, cho con cháu mình. Trong khi đó, Đạo Phật cho rằng cái THÂN này không phải là TA, mà chỉ là cái THÂN NGHIỆP mà ta phải mang cho đến khi trả xong những món nợ mà trước kia ta đã vay. Hết nợ hay hết Nghiệp là cái Thân sẽ tan rã để hoàn về cho Tứ Đại những gì nó đã vay mượn.

Tuy nhiên, những hiểu biết trên là của Đức Thích Ca. Phần chúng ta có quyền nghi ngờ, không tin, kiểm chứng. Việc đầu tiên chúng ta cần tìm là quan sát cái Thân này, xem nó có phải là Mình hay không? Có cứng chắc, tồn tại lâu dài hay không? Theo Đức Thích Ca, Thân người là một khối xương thịt được kết hợp bằng Tứ Đại, tức Đất, Nước, Gió, Lửa. Hiện tại thấy mạnh mẽ, vững vàng là vậy. Nhưng chỉ cần một cơn gió độc, một chứng bệnh bất ngờ, một cú va chạm là nó sẽ đổ vỡ hoặc nằm im không động đậy được. Rõ ràng bản chất nó không bền chắc. Nó lại không tồn tại mãi, mà nhiều lắm là trăm năm sẽ đi vào hư hoại theo hành trình SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Biết bao thế hệ đi trước đã chứng minh điều đó. Do vậy mà Đức Thích Ca kết luận rằng cái Thân mỗi người chỉ là GiẢ TƯỚNG mà mỗi người tạm ở trong đó để Trả Nghiệp. Không phải là Thật Mình. Nếu ai cứ đeo bám nó thì phải Khổ vì nó mà thôi. Hoặc nó chính là thủ phạm, chèn ép, lấn người, hại vật để mang lợi ích về cho chính mình. Hoặc yếu thế hơn thì trở thành nạn nhân của người khác. Và vì nó không phải là MÌNH THẬT, nên dù có yêu thương, quý mến, chìu theo mọi sở thích của nó thì cũng có ngày phải xa lìa nó mà thôi. Người hiểu được như thế thì chắc chắn thời gian sống chung với nó không bao giờ vì nó mà tạo Ác Nghiệp, gây gổ, chèn ép người khác để kiếm chút lợi lộc bởi biết rằng khi chết cũng đâu có mang theo được? Người tự đặt câu hỏi cho chính mình rồi tìm cách giải đáp và thực hành theo đó sẽ không còn bị lợi danh, hơn thua, tranh chấp làm khổ.

Nhiều người không tin và không chấp nhận Nhân Quả, Luân Hồi. Nhưng có bao giờ họ thử hỏi tại sao có người được giàu sang, sung sướng, có người lại phải chịu cảnh nghèo khổ, khó khăn? Nếu đồng là con của Thượng Đế thì rõ ràng là không công bằng, vì Thượng Đế đâu thể đứa yêu, đứa ghét như thế. Do đó, chỉ có thể lý giải theo Nhân Quả, là có thể buổi đầu mọi người đều bình đẳng như nhau, nhưng người ăn xài phung phí nên trở thành thiếu thốn, còn người biết làm ăn, tích lũy thì được đầy đủ, sung túc. Một khi đã thiếu nợ thì phải trả, không cách này cũng cách khác. Không lúc này cũng lúc khác. Như vậy mới có sự công bằng tuyệt đối, và cũng vì vậy mà phải có Luân Hồi để Nhân Quả được thể hiện. Hiểu được điều đó, ta sẽ chấp nhận hoàn cảnh của mình. Thiếu nợ thì phải trả, rồi nếu muốn thay đổi thì phấn đấu một cách lương thiện. Người tìm những cách bất lương để làm giàu hay thay đổi hoàn cảnh thì chẳng những pháp luật của đời không tha thứ mà luật Nhân Quả cũng ghi thêm, như án chồng án, kiếp sống sẽ ngày càng tồi tệ thêm.

Tu Phật chính là để thay đổi số phận cho chính mình. Nhưng không phải cầu xin Phật hay Thần Linh ban cho, mà phải tự mình hành động theo Luật Nhân Quả. Những gì xấu phải bỏ đi, việc tốt nên học, nên làm. Tuy hiện tại ta có thấy thiệt thòi đôi chút, nhưng không tạo thêm quả xấu cho tương lai. Và vì biết cuộc đời là giả tạm, cuộc sống rồi cũng sẽ qua đi khi cái Thân hết Nghiệp nên không bám lấy cái Thân để tạo thêm Nghiệp xấu, mà chỉ gây Nhân Thiện để có Quả Lành. Nhờ đó Tâm của ta sẽ được an mà cuộc đời cũng sẽ dần thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nhờ không thấy cái Thân là Mình thì ta cũng bớt gây hấn, bớt chấp nhất, nhờ đó bản thân ta và mọi người chung quanh cũng được yên.

Tuy vậy, Phật dạy, dù cái Thân này tuy không thật, không bền, là nguyên nhân của mọi tội lỗi, nhưng trong đó cũng có dược liệu quý. Khi chưa Giác Ngộ thì cái Thân dắt ta tạo Nghiệp để bị đọa. Nhưng khi Giác Ngộ rồi thì chính cái Thân là ân nhân của người tu. Vì nhờ có Mắt mà đọc được Kinh sách, lời dạy của các bậc đi trước. Nhờ có Tai để nghe những lời dạy dỗ, nhắc nhở. Nhờ có tay chân mà đóng góp được những điều tốt đẹp cho xã hội, cho cuộc đời. Được tốt hay bị xấu là tùy theo hành động của mỗi người, vì cái Nghiệp không cố định, có thể thay đổi. Đức Thích Ca cũng nhờ có cái Thân mới tu hành đạt đạo. Thánh nhân cũng nhờ cái thân này mà đạt đến địa vị thanh cao. Mỗi người chúng ta cũng không khác. Thành kẻ tội đồ cũng do mình, mà thành bậc cao quý được mọi người nể trọng cũng do mình. Muốn được như vậy thì sau khi Quán, Soi về cái Thân ta tìm cái đã Chấp Thân để cải tạo nó. Cái xui nên sự Chấp Thân chính là Cái Vọng Tâm. Cần phải tháo gỡ, giải tỏa sự hiểu lầm cho nó. Người tu thành công hay không là do tìm ra và điều khiển được Cái Vọng Tâm hay không.

Khi ý thức Nghiệp, Quả, ý thức về Cái Thân và cuộc sống, chúng ta sẽ chấp nhận những tốt hay xấu đến với mình. Chấp nhận Trả những gì đã gieo. Không oán trách hoàn cảnh xấu, người xấu, pháp xấu mà mình phải gặp. Không cầu xin Thần Linh hay ơn trên để đổi xấu lấy tốt, vì biết điều đó là cái Quả mình phải trả, nhờ đó Nghiệp cũng nhẹ đi dần. Chúng ta cũng an tâm mà trả cho đến hết.

Đạo Phật thường giải thích các pháp bằng những lý lẽ nghe chừng cao siêu. Nhưng xét kỹ thì chỉ nhằm mục đích để cho con người Cải Ác, Hành Thiện mà thôi. Cứ thử suy nghĩ, giả sử chúng ta không chấp nhận lời khuyên dạy của Đạo Phật để tiếp tục thấy mình thiệt thòi, bị hiếp đáp, rồi phản ứng mạnh thì điều gì sẽ xảy ra? Mang hung khí đi nói chuyện với kẻ thù để rồi nếu họ bị thương tích thì ta cũng sẽ phải đi tù, phải trả tiền viện phí, phải bồi thường thiệt hại, thuốc thang cho họ. Chẳng may họ mất mạng và ta cũng có thể mang thương tật, hoặc bị án nặng, thì vợ con ta sẽ ra sao? Như vậy, nếu phải đánh đổi chút tiếng tăm, chấp nhận bị cho là hèn nhát, hoặc mất chút ranh đất mà được cuộc sống bình an, gia đình không bị xáo trộn, so với tranh giành quyết liệt, muốn tiêu diệt, muốn cho kẻ thù đã hiếp đáp mình một bài học cho đã nư, gây hậu quả nặng nề thì những ngày sau đó vợ con mình sẽ ra sao?

Như vậy Giáo pháp của Đạo Phật có giúp gì được cho con người hay không?

Nếu không có Tham Sân Si thì mọi việc xấu đã không diễn ra, không có việc người này chèn ép người khác, gây nên những cảnh bất bình trong cuộc sống. Vì thế Đạo Phật dạy con người phải trừ Tham Sân Si đi. Và rồi, nếu trước mỗi hành động, chúng ta để thì giờ suy nghĩ, phân tích hơn thiệt để dừng lại đúng lúc, thì Đạo Phật gọi đó là trong ta có Quán Thế Âm Bồ Tát đang cứu độ cho chúng sinh của ta. Chúng sinh trong ta thì bao giờ cũng chồm lên, cũng muốn ăn thua đủ. Không muốn bị thua thiệt. Nhờ bình tĩnh, suy nghĩ trước khi hành động mà ta biết cư xử cho đúng mức để không bị thiệt hại thêm. Chính sự hiểu biết về Giáo Pháp của Đạo Phật làm cho ta có cái nhìn đúng hơn về cuộc đời, về các pháp để có sự bình tĩnh, sáng suốt. Không chạy theo các pháp một cách hồ đồ khi bực tức, là ta đã được Giải Thoát khỏi Pháp Địa Ngục đang chờ! Đó là sự cứu độ của Phật trong ta. Chỉ có Phật của mình mới cứu được mình mà thôi, Phật ngoài không thể can thiệp vào Nghiệp Quả của mỗi người. Chúng ta nên biết, Phật không phải là Thần Linh, nên không thể cứu độ, hộ trì cho ai, Ngài chỉ đưa ra đường lối để hướng dẫn cho ta hiểu rồi tự cứu mình. Vì thế, Đạo Phật gọi là Tự Độ.

Đạo cũng không khác với Đời. Mỗi người có hai cách để chọn lựa. Hoặc Nhẫn Nhục, đổi sự thua thiệt nhỏ để được an ổn. Hoặc chạy theo cái Thân rồi hành động trong lúc Sân Si để nỗi Khổ càng lớn hơn, đến lúc nghĩ lại thì hối không kịp. Đối Pháp như thế không phải là hèn nhát, mà là sự sáng suốt để không làm nặng thêm cho cái Pháp mà ta phải đối đầu, không thể tránh né. Nếu vị Sư kia cũng có công năng Soi, Quán, có hiểu lẽ Vô Thường, thì lẽ ra phải biết cái Thân này còn không giữ được, nói gì đến cái Chùa? Ngày nào chết đi cũng đâu có mang Chùa theo được? Cũng may cho Sư, nếu không có sự can ngăn kịp lúc thì ông đã phạm trọng Giới của Đạo Phật! Người tu phải có lòng Từ Bi, phải có đức Hiếu Sinh. Con kiến, con muỗi còn không giết mà lại muốn tự thiêu, giết chính bản thân mình để bảo vệ cái Chùa! Quên cả lời Phật dạy phải Nhẫn Nhục, phải Từ Bi, Hỉ Xả. Quên cả công ân sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ chưa báo đền! Thân mỗi người là công trình, là sự hy sinh, là tình yêu thương của cha mẹ. Bất kỳ vì lý do gì cũng không được tự hủy. Tội đó rất nặng.

Người muốn Tu Phật thành công không phải Tụng Kinh cho nhiều, Ngồi Thiền cho lâu, Giữ Giới cho kiên cố, mà là Quán sát các pháp, tìm hiểu thật kỹ lời Phật dạy để mang ra áp dụng. Mỗi người có BA ĐỘC phải trừ, thì cái SÂN là cái Độc lớn nhất, vì nó thiêu hủy cả rừng Công Đức mà ta tích lũy bao lâu. Sở dĩ con người SÂN là vì SI, tức là u mê, nhận lầm, cái Thân không phải là Mình mà cho đó là Mình rồi ra sức tranh giành, bảo vệ cho nó, hơn thua với bất cứ ai xúc phạm nó. Khi hiểu ra thì không chạy theo nó mà còn phải chuyển hóa cái Tâm. Công việc Chuyển Hóa cái Tâm gọi là Tu Hành, cũng gọi là ĐỘ SINH, vì đưa chúng sinh, tức tư tưởng của mình, từ đang lo buồn sầu khổ đến tính trạng chấp nhận, an ổn. Đó là công năng mà hàng ngày mỗi người tu cần luyện tập.

Bỏ được Tham Sân Si thì cái Tâm của ta sẽ được thanh tịnh. Làm những Thiện Hạnh là ta đang đúc Tượng Phật, biến đất tâm của ta từ đầy gò nỗng, rắn rít, thuồng luồng… bởi giận, hờn, thương, ghét, trở thành Từ, Bi, Hỉ, Xả. Đó là ta xây Chùa cho Phật ngự. Chùa đó, Phật đó mới đúng Chánh Pháp, mới không bị thời gian làm cho hư hao, không phải là Chùa xây bằng gạch, cát hữu vi, Tượng đúc bằng xi măng, gỗ của trần tục. Tụng Kinh không phải là đọc lên xuống giọng, có ca có kệ, mà là thường đọc để hiểu, để ghi nhớ lời dạy trong đó. Gõ mõ, thỉnh chuông, không phải là gõ vào chuông, mõ vô tri, vì đó là việc làm vô ích. Phật đâu cần ta Tụng Kinh cho Ngài nghe, và gõ chuông, mõ để nhắc nhở Ngài thức tỉnh, vì đó là lời Ngài đã giáo huấn để ta hành theo. Do đó, hãy luôn gõ vào Tâm của mình là nghĩa tượng trưng của việc luôn nhắc nhở nó thức tỉnh. Xây Chùa, Tạc Tượng, Tụng Kinh, Gõ Mõ như thế mới có Công Đức, mới đạt kết quả của Đạo. Tuy nhiên, dù chúng ta tu hành cũng vẫn sống cuộc sống một cuộc đời như mọi người thế gian thường tình. Bị ức hiếp vẫn có quyền tự vệ một cách chính đáng, tất nhiên không phải bằng vũ lực. Không phải nhắm mắt, ngó lơ, vờ như không biết, rồi tự cho là đã Thoát! Người tại gia thì không để mặc kệ vợ con đau khổ, buồn phiền, mà phải làm hết sức mình. Khi hết cách mà cuộc diện vẫn không thay đổi thì biết đó là Nghiệp, đành phải chấp nhận. Như vậy cuộc sống của chúng ta cũng sẽ được nhẹ nhàng,thanh thản hơn. Khi ta chấp nhận những gì sẽ đến với mình, chấp nhận trả Nghiệp một cách vui vẻ, thì Nghiệp dù nặng cũng trở thành nhẹ hơn, gọi là “Biến Nghiệp thành Nguyện” vậy.

Tâm Nguyện (Tháng 4/2017)

Nhạc sĩ Mỹ BOB DYLAN

- Bạn của Trịnh Công Sơn -

Giành giải Nobel Văn học 2016


Giải thưởng Nobel Văn học 2016 được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố ngày 12/10/2016. Bob Dylan được xướng tên vì đã “tạo ra những biểu đạt thi ca mới bên trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ”.

Bob Dylan là người Mỹ thứ 259 giành giải Nobel và tác giả Mỹ đầu tiên thắng Nobel Văn học sau Toni Morrison năm 1993. Ông nhận phần thưởng trị giá 8 triệu krona của Thụy Điển (hơn 900.000 USD).

Giải thưởng Nobel Văn học trao cho ca sĩ, nhạc sĩ có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Sara Danils - Thư ký thường trực của Viện Hàn lâm Thụy Điển - lý giải với báo chí: “Nếu nhìn lại quá khứ, các bạn sẽ thấy Homer và Sappho. Họ đã viết những văn bản đậm chất thơ, được dành cho trình diễn. Nó tương tự cách của Bob Dylan. Ngày nay chúng ta vẫn đọc, vẫn yêu thích Homer và Sappho. Chúng ta cũng có thể và nên đọc Bob Dylan”.

Dẫn chứng bằng ca khúc Blonde on Blonde, bà Sara cho rằng đó là một ví dụ tuyệt vời về tài năng của Bob Dylan trong gieo vần, tạo những điệp khúc và lối suy nghĩ xuất chúng của huyền thoại âm nhạc.

Trịnh Công Sơn (28/02/1939 - 01/4/2001)

Ông được coi là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ và một diễn viên không chuyên.

Nhạc phản chiến: Khi tên tuổi định hình bằng nhạc tình, thì vai trò xã hội của Trịnh Công Sơn lại gắn liền với một loại nhạc mang tính chất chống lại chiến tranh, kêu gọi hòa bình mà người ta thường gọi là nhạc phản chiến , hay còn gọi là Ca khúc da vàng theo tên các tập nhạc của ông phát hành cuối thập niên 1965-1967. Những “ca khúc da vàng” thường nói lên thân phận của những người dân một nước nhỏ bị lôi kéo vào chiến tranh và nằm trong vòng toan tính, giành giật ảnh hưởng của những nước lớn. Đây cũng là loại nhạc làm cho danh tiếng của Trịnh Công Sơn lan ra thế giới: nhờ nhạc phản chiến ông được một Đĩa Vàng (giải thưởng âm nhạc) tại Nhật và có tên trong tự điển bách khoa Encyclopédie de tous les pays du monde của Pháp. Cho đến nay, sau gần 42 năm hòa bình, rất nhiều bài hát “da vàng” của ông chưa được phép lưu hành chính thức tại VN hiện nay dù đã từng rất phổ biến.

Bob Dylan (Robert Allen Zimmerman)

Sinh ngày 24/5/1941, là ca sĩ, nhạc sĩ người Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc đại chúng thế giới. Ông từng nhận rất nhiều giải thưởng, trong đó có giải Grammy, Quả Cầu Vàng, Pulitzer... Ông được coi là tượng đài văn hóa thế kỷ 20 và được mệnh danh là “lãng tử du ca”.

Các nhạc phẩm của ông như Blowin in the Wind, The Times They Are a-Changin... đã trở thành “thánh ca” trong các phong trào đấu tranh vì dân quyền và phản chiến. Bob Dylan cũng từng đấu tranh chống chiến tranh tại Việt Nam.

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan khác nhau ở căn nguyên tôn giáo

“Trịnh Công Sơn và Bob Dylan: như trăng và nguyệt?” là cuốn sách của giáo sư Mỹ John C. Schafer nghiên cứu về hai nhạc sĩ Việt, Mỹ.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý có dịp làm việc với giáo sư John C. Schafer khi biên tập sách của ông. Trương Quý đồng thời cũng có những nghiên cứu về ca từ tân nhạc trong nhận diện văn hóa. Tối 31/3, anh đã có buổi nói chuyện tại Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa về công trình của giáo sư John C. Schafer.

Vì sao một người Mỹ như John C. Schafer lại nghiên cứu về Trịnh Công Sơn và Việt Nam?

Giáo sư không phải là người xa lạ với VN. Ông dạy tiếng Anh tại Đại học Huế cuối những năm 1960, đầu 1970. Ông dạy tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2001. Giáo sư nghiên cứu văn học và văn hóa Việt trên một diện rộng từ cổ chí kim như Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, những tiểu thuyết thời kỳ đầu của Hồ Biểu Chánh, tạp văn Võ Phiến, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, nghiên cứu về giới qua hồi ký của Phạm Duy và Lê Vân.

Đây không phải là công trình nghiên cứu đầu tiên của giáo sư về Trịnh Công Sơn. Ông có một số công trình khác như The Trinh Cong Son Phenomenon (Hiện tượng Trịnh Công Sơn), Triết học nhẹ nhàng của Trịnh Công Sơn .

Tôi nghĩ giáo sư John C. Schafer có mối liên hệ với Việt Nam về mặt tình cảm, vì thế sự am tường bối cảnh Việt Nam quyết định đến lựa chọn đề tài nghiên cứu Trịnh Công Sơn. Điều này cũng xuất phát từ tình cảm của ông với nhạc Trịnh.

Vì sao John C.Schafer nghiên cứu Trịnh Công Sơn trong đối sánh với Bob Dylan?

Sở trường của John C. Schafer là văn học đối chiếu. Ông từng dạy môn ngôn ngữ học áp dụng và văn chương đối chiếu tại Đại học Humboldt, Mỹ. Ông nghiên cứu dựa trên những tương quan giữa văn học và văn hóa vượt ra khỏi những biên giới ngôn ngữ và chính trị.

Trong sách, John C. Schafer viết: “Những năm 60 của thế kỷ trước, Bob Dylan và Joan Baez là hai ca sĩ mà tôi yêu thích nhất. Vào cuối thập niên 60 đầu 70, khi tôi dạy Anh văn ở miền Trung VN, tôi lại được giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly. Những bài ca của bốn người nghệ sĩ này đã in đậm vào ký ức của tôi: Khi nghĩ đến giai đoạn này, tôi nhớ về những bài ca của họ; khi nghe những bài ca của họ, tôi nhớ đến giai đoạn đầy biến động ở cả hai nước Việt, Mỹ”.

Trịnh Công Sơn và Bob Dylan có những tương quan gì theo nghiên cứu của John C. Schafer?

Cả hai cùng sáng tác bài hát phản chiến. Họ soạn nhạc nhưng cũng được xem như thơ, ca từ xuất chúng và nhiều khi mơ hồ khó hiểu. Cả hai đều viết những bài tình ca để đời. Có những mối liên hệ với các nữ ca sĩ và họ góp phần vào sự nổi tiếng. Trịnh Công Sơn và Bob Dylan đều nói tiếng nói của giới trẻ trong thời đại. Cả hai đều chịu ảnh hưởng và tìm cảm hứng sáng tác từ truyền thống tôn giáo.

Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan?

Số lượng và thời gian sáng tác ca khúc phản chiến của hai nhạc sĩ khác nhau. Trịnh Công Sơn có 69 bài phản chiến, trong khi Bob Daylan chỉ sáu tới bảy bài.

Tình ca của hai ông mang giọng điệu khác nhau: với Trịnh Công Sơn là của người bị phụ tình, còn Bob Dylan là người chủ động từ bỏ.

Trịnh Công Sơn viết với giọng “yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ” còn Bob Dylan viết: “Tạm biệt là chữ dùng quá nhẹ. Nên tôi chỉ nói giã từ thôi. Tôi không nói em đã đối xử tệ bạc với tôi. Em chỉ đã lãng phí thì giờ quý giá của tôi” ( Don’t Think Twice, It’s All Right ).

John Schafer đánh giá cao sự khiêm nhu, nhân hậu của Trịnh Công Sơn cả trong đời sống lẫn trong tác phẩm. Còn Bob Dylan tạo ra một hình ảnh lạnh lùng, cách biệt như thể để tự bảo vệ mình.

Điều gì làm nên điểm khác biệt giữa hai ông?

Theo John C. Schafer, căn nguyên lớn nhất là truyền thống tôn giáo. Ông cho rằng cả hai nhạc sĩ đều bị ảnh hưởng bởi tôn giáo. Bob Dylan là một người mộ đạo và đã ra mắt ba album nhạc chuyên về những bài ca tôn giáo. Trịnh Công Sơn là một Phật tử dù chỉ trên danh nghĩa; nhưng cả hai đều chia sẻ một sở thích chung là suy ngẫm về triết học và tôn giáo. John Schafer viết: “Tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra hai điều này: một là ảnh hưởng sâu xa mà hai tôn giáo đã tác động tới cuộc đời và nghệ thuật của họ; hai là sự khác nhau sâu đậm giữa hai tôn giáo này”.

Theo John Schafer - Bob Dylan “ướt sũng Kinh thánh”. Ông cũng cho người đọc Việt hiểu, Kinh thánh là cuốn sách căn bản của văn hóa chính thống Mỹ và tiếng Anh lại đầy rẫy những câu lấy ý từ Kinh thánh. Vì vậy khó có thể dùng tiếng Anh mà không động đến Kinh thánh. - Về Trịnh Công Sơn, các đề tài Phật giáo rất quan trọng và ảnh hưởng nhiều đến sự thành công của ông. Ca khúc của ông dùng nhiều từ của đạo Phật, ví dụ: từ bi, duyên, vô thường, kiếp...

Theo anh, công trình nghiên cứu của giáo sư có ý nghĩa như thế nào?

Về lâu về dài công trình sẽ là một mắt xích trong công tác nghiên cứu Trịnh Công Sơn. Nó lấp một khoảng trống trong nghiên cứu nước ta. Đa phần những nghiên cứu của người Việt là cảm luận, vì niềm yêu thích đơn thuần mà viết. Ở đây, bên cạnh niềm yêu thích còn có sự đối chiếu, đặt Trịnh Công Sơn vào bối cảnh toàn cầu, thế giới, tương quan với người sáng tác khác.

Có thể Trịnh Công Sơn chỉ nhận mình là người du ca đi qua cuộc đời này, nhưng tác phẩm đã đi xa hơn chủ kiến của tác giả. John C. Schafer đã chứng minh điều đó.

Vì sao Bob Dylan được Nobel Văn Học? (BBC Tiếng Việt - 13/10/2016)

Huyền thoại nhạc rock 75 tuổi được ca ngợi là “đã sáng tạo cách thể hiện thơ ca mới trong truyền thống ca khúc vĩ đại của Mỹ”.

Đây là nhạc sĩ đầu tiên được trao giải thưởng danh giá này. Ông cũng là người Mỹ đầu tiên, từ sau Toni Morrison năm 1993, được nhận Nobel Văn học.

Phân tích của Colin Paterson, phóng viên giải trí

Điều gì khiến một người chỉ mới viết ba cuốn sách lại là người chiến thắng phù hợp của Nobel Văn học?

Có thể nói Bob Dylan biến ca từ trở nên quan trọng hơn âm nhạc.

Thứ Sáu tuần rồi, Dylan diễn phụ cho ban The Rolling Stones tại Festival Desert Trip tại California. Trong chương trình, ông hát bài Rainy Day Women #12 & 35.

Ca khúc này có câu “everybody must get stoned,” đã tạo ra tranh cãi nhiều thập niên không hiểu nó nói về hình phạt ném đá trong Cựu Ước hay là kêu gọi mọi người hút cần sa. Hay có khi cả hai.

Ít ai cho rằng đây là ca từ hay nhất của ông, nhưng nó chứng tỏ sự kết hợp giữa chất vấn chính trị, tìm hiểu tôn giáo, quan tâm nhân văn, những điều đã đan xen trong tác phẩm của ông hơn 50 năm, đủ cho ông được giải thưởng này.

Kết quả cũng chứng tỏ thay đổi thực sự cho giải. Suốt 112 năm, chưa người viết nhạc nào được giải.

Quyết định này đẩy ca từ lên ngang với văn học, thơ và kịch. Nó là bước đi lớn tách khỏi chủ nghĩa trí thức tự thị, và thói tinh hoa mà vì nó đã dẫn đến phê phán giải này.

Một gợi ý dịch thuật tiếng Việt

Khi Bob Dylan đoạt giải Nobel thì hệ quả kéo theo trên toàn thế giới là nhiều tác phẩm văn học của ông sẽ dịch và nghiên cứu, nhiều ca khúc của ông sẽ được hát lại. Việt Nam chắc chắn cũng vậy.

Riêng về khía cạnh văn học, Bob Dylan có một tiểu thuyết rất quan trọng, tên là Tarantula - một thể nghiệm văn xuôi thơ. Nó được viết trong các năm 1965 và 1966, dùng thủ pháp dòng ý thức (stream of consciousness), một thủ pháp mà các bậc thầy như William Faulkner, Jack Kerouac, William S. Burroughs, Allen Ginsberg… cũng đã theo đuổi.

Chủ nhân giải Nobel Văn học 2017

Bob Dylan: ‘Einstein của nền văn hóa đại chúng

Bob Dylan là một nhà thơ, ca sĩ kiêm nhà soạn ca khúc, một nhân vật được sùng bái. Dịp Dylan tròn 75 tuổi, nhiều chuyên gia âm nhạc tự hỏi liệu có một người kế nhiệm nào thực sự tròn trịa được như ông?

Có điều ngạc nhiên, khi nhắc về Bob Dylan, ít khi người ta nhắc đến Tarantula; trong các văn bản đã công bố chính thức tại Việt Nam, tiểu thuyết này gần như chưa bao giờ được nhắc đến.

Tiểu thuyết này tiền phong đến mức mà suốt nửa thế kỷ qua, tại Mỹ, người thích thì cứ điêu đứng, người không thích thì tha hồ dè bỉu. Nhưng từ đầu thế kỷ 21, sau các nghiên cứu và tái đánh giá lại vai trò quan trọng của nó, Tarantula đã được tái bản trong tiếng Anh, được dịch sang nhiều thứ tiếng như Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Croatia, Czech…

Ngoài ra, các tuyển tập lời ca của Bob Dylan như The Complete Annotated Lyrics (2014), Lyrics 1962-2001 (2004), The Definitive Bob Dylan Songbook (2001), Forever Young (2008)… xứng đáng để dịch và đọc độc lập như những tập thơ. Năm 2001, ông thành công với cuốn hồi ký Chronicles: Volume One; theo một nguồn tin khả tín, ông cũng đã ký hợp đồng in 6 cuốn sách với NXB Simon & Schustertungas - một mảnh đất màu mỡ cho dịch thuật ( Văn Bảy - báo Thể thao & VH) .

Album mới của Bob Dylan gồm cover 10 ca khúc kinh điển của Sinatra

Huyền thoại dòng dân gian Bob Dylan (73 tuổi) sẽ phát hành album phòng thu thứ 36, mang tựa đề Shadows in the Night , vào tháng 2/2015. Trong album này gồm bản cover 10 ca khúc kinh điển từng được ca sĩ huyền thoại Frank Sinatra thể hiện.

Hầu hết trong số 10 ca khúc này được sáng tác từ những năm 1940 và tất cả đều từng được Sinatra và một số nghệ sĩ khác trình diễn.

Bob Dylan đoạt giải Nobel Văn học: một tiền lệ lạ lùng nhưng hợp lý

Tôi thoáng ngạc nhiên nhưng khi nghĩ kỹ thì thấy việc một nhạc sĩ như Bob Dylan đoạt giải Nobel văn chương cũng là việc… bình thường và thậm chí là… nên có!

Bởi vì, xét cho cùng, mọi tác phẩm nghệ thuật luôn có đích đến là chạm vào tâm hồn con người mà những ca khúc của Bob Dylan chạm vào tâm hồn người nghe chủ yếu bằng ca từ của chúng. Tôi gọi ông là người ca - thơ trong âm nhạc Mỹ. Hầu hết những ca khúc ấn tượng nhất của Bob Dylan với tôi đều là những “bài thơ” tuyệt vời về thân phận con người và tình yêu.

Ông Trịnh Công Sơn từng viết rằng: “Khi bạn muốn hát lên một bản tình ca thì đó là lúc bạn muốn hát về cuộc tình của mình”. Mỗi khi tôi chọn một ca khúc của Bob Dylan để nghe, đó là lúc tôi muốn tìm kiếm sự đồng cảm với tâm trạng hiện hữu lúc đó của tôi. Và còn cái gì khác, ngoài ca từ trong ca khúc đó nói giùm tôi những cảm xúc: vui buồn, mất mát đủ đầy, hạnh phúc bất hạnh.

LỜI KẾT

Bob Dylan của Việt Nam và Trịnh Công Sơn của Mỹ

Dù không phải chính thức, nhưng việc một trang mạng có uy tín đưa hai cây bút người Việt vào dự đoán Nobel văn học 2016 đã ít nhiều tạo dư luận trong và ngoài nước. Nhưng liệu mỗi lần Nobel trao giải thì có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp gì với văn học trong nước?

Liên quan ở đây xin bỏ qua yếu tố dịch thuật và nghiên cứu, vì đó là hoạt động văn học tất yếu. Như mùa Nobel này, Bob Dylan rõ ràng có một liên hệ mật thiết, vì từ thập niên 1960 - cùng với bạn của mình là nhạc sĩ Joan Baez - Bob Dylan đã có nhiều hoạt động, nhiều tác phẩm lên án, phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Đầu thập niên 1960 ca khúc Blowin In The Wind (tạm dịch: Lời đáp bay trong gió thoảng) của Bob Dylan có những câu như: “…Bao nhiêu đạn pháo sẽ rơi/ Mới đến ngày im tiếng súng/ Bạn thử nghe câu trả lời/ Lời đáp bay trong gió thoảng/ Bao nhiêu mạng người thác oan/ Quả là quá nhiều chết chóc”.

Cho đến nay, ca khúc này đã có hơn 500 phiên bản khác nhau, luôn được nhiều ca sĩ, nhóm nhạc hát lại.

“Trịnh Công Sơn của Mỹ”

Nhà nghiên cứu John C. Schafer từng tình nguyện đến dạy tiếng Anh tại Đà Nẵng từ năm 1968, rất mau sau đó ông nhận ra sự tương đồng về tư tưởng trong nhiều ca khúc giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan. Có vài lần John C. Schafer viết đại ý Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan Việt Nam”, và Bob Dylan là “Trịnh Công Sơn của Mỹ”.

Sau này, trong các đặc khảo, ông so sánh ca khúc phản chiến của Bob Dylan với ca khúc “da vàng” của Trịnh Công Sơn, để từ mối quan tâm chung đó chỉ ra hai cá tính sáng tạo và tâm thế khác nhau. Về số lượng ca khúc phản chiến, Trịnh Công Sơn nhiều gấp khoảng 10 lần Bob Dylan.

Cả hai đều có sự quan tâm đặc biệt về triết lý, tôn giáo và chất hiện sinh, tính vô thường của đời sống. Về ca từ, cả hai đều rất chăm chút chất thơ, nhiều ca khúc tách ca từ có thể thành một bài thơ hoàn chỉnh. Trong các lý do mà Hàn lâm viện Thụy Điển công bố, ca từ thấm đẫm chất thơ là một thế mạnh của Bob Dylan.

Chính vì sự tương đồng và dị biệt như vậy mà khi cuốn Trịnh Công Sơn - Bob Dylan: như trăng và nguyệt? (NXB Trẻ 2012) của John C.Schafer phát hành đã tạo nên làn sóng trong giới nghiên cứu.

Bài hát Nguyệt Ca - Trịnh Công Sơn

Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi

Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối

Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui

Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời

Từ đêm khuya khi nắng sớm hay trong những cơn mưa

Từ bao la em đã đến xua tan những nghi ngờ

Từ trăng xưa là nguyệt lòng tôi có đôi khi

Tựa bông hoa vừa mọc hân hoan giây xuống thế

Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca

Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là…

PHẠM VŨ

(Tham khảo: Sách báo - Internet)


CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA ALFRED NOBEL

(Cha đẻ của các giải thưởng Nobel Prizes)

PHẠM ĐÀO NGUYÊN


Alfred Nobel sinh năm 1833 tại Stockholm, Thụy Điển (Sweden). Cha là Immanuel Nobel, một kỹ sư và cũng là một nhà phát minh. Ông đã xây những chiếc cầu và những căn nhà nhiều tầng ở Stockholm. Mẹ Alfred là bà Andriette Ahlsell, sinh trưởng trong một gia đình giàu có. Không may mắn trên nghề nghiệp, năm 1833 ông Immanuel bị mất một số thuyền chở vật liệu xây cất năm sinh Alfred, ông Immanuel buộc phải khai phá sản.

Năm 1837, ông Immanuel Nobel rời Thụy Điển đến Phần Lan (Finland), và rồi năm 1842 họ đến thành phố Petersburg, nước Nga (Russia). Ở đó ông xây dựng lại sự nghiệp và làm cho một xưởng kỹ nghệ. Để giúp đỡ chồng con, bà Andriette mở một tiệm bán tạp hóa, và kiếm được khá nhiều lợi tức. Trong khi đó chồng bà, ông Immanuel đã thành công trong những kế hoạch táo bạo tại thành phố St. Petersburg, Nga sô.

Ông ta bắt đầu là nhân viên kỹ thuật cung cấp dụng cụ quân đội cho quân đội Nga, và ông ta cũng thuyết phục ông tướng Tsar và nhóm tướng lãnh rằng những loại chất nổ của hải quân có thể dùng chận đứng được những tàu chiến của quân thù đang đe dọa thành phố. Loại mìn (chất nổ) được Immanuel phác họa rất đơn giản, sáng chế những thùng gỗ chứa đầy thuốc súng. Neo sẵn dưới mặt nước ở Vịnh Phần Lan, nó sẽ ngăn cản hữu hiệu mức tiến quân của quân đội Hải quân Hoàng gia Anh khi di chuyển vào vùng chiến đấu của thành phố Petersburg trong cuộc chiến Crimean năm 1853-1856.

Immanuel Nobel cũng khai thác về xí nghiệp sản xuất vũ khí và sáng chế máy chạy hơi nước. Ông ta đã thành công trong kỹ nghệ sản xuất và buôn bán mạo hiểm này. Năm 1842 Immanuel đem tất cả gia đình sang thành phố St. Petersburg. Ở đó những đứa con trai được học hành với những thầy giáo riêng. Họ luyện tập môn khoa học, ngôn ngữ và văn học. Năm 17 tuổi Alfred Nobel đã thành thạo tiếng Thụy Điển, tiếng Nga, tiếng Pháp, Anh văn và Đức ngữ. Alfred không thích học những môn Văn chương, Ngôn ngữ và thêm Hóa học và Vật lý nữa.

Cha anh muốn những đứa con trai cộng tác với ông trong công việc như những kỹ sư, ông không thích. Alfred thích thơ văn và trầm lặng. Do vậy ông ta gởi Alfred đi thực tập về kỹ thuật hóa học. Trong thời gian hai năm, từ năm 1850-1852, Alfred Nobel đã thăm viếng Thụy Điển, Đức, Pháp và Mỹ quốc. Anh ta thích nhứt là được ở thành phố Paris. Anh ta làm việc ở phòng thí nghiệm tư của giáo sư T.J.Pelouze, một nhà hóa học nổi tiếng. Ở đó Alfred gặp được một nhà hóa học trẻ người Ý, Ascanio Sobrero. Ba năm trước Sobrero đã sáng chế loại Nitroglycerine (C3H5O3(NO2)3) một dung dịch làm chất nổ.

Nitric acid tác dụng với sulfuric acid và glycerine cho ra hợp chất Nitroglycerine. Nó được coi là rất nguy hiểm bất kỳ khi nào luyện tập dùng nó. Ngay cả chất thuốc nổ mạnh như thuốc súng, dung dịch này nổ bất cứ khi nào bị dồn ép hay bị hơi nóng. Alfred Nobel trở nên thích thú chất Nitroglycerine và muốn làm sao dùng vào công cuộc xây cất. Anh ta nhận biết rằng vấn đề an toàn phải được giải quyết và phương pháp phát triển cho việc kiểm soát sự phát nổ của chất Nitroglycerine là quan trọng.

Đến Mỹ anh ta viếng thăm John Ericsson, một chàng kỹ sư Mỹ gốc Thụy Điển, anh đã làm trục bánh lái cho tàu thủy. Năm 1852, Alfred Nobel được kêu về và tham gia cho gia đình vì đang buôn bán đắt vì sự giao hàng cho quân đội Nga. Alfred làm việc cùng cha, anh ta thực hiện một cuộc thí nghiệm về chất Nitroglycerine như một loại hàng hóa và kỹ thuật tiện lợi cho chất nổ.

Khi chiến tranh chấm dứt, ông Immanuel Nobel lại bị phá sản. Ông Immanuel và hai con trai Alfred và Emil cùng nhau rời thành phố St. Petersburg và trở lại Stockholm. Hai đứa con khác của ông là Robert và Ludvig, vẫn duy trì ở lại St. Petersburg. Một vài vấn đề quản lý khó khăn cho khỏi tổn thất trong việc buôn bán của gia đình, và rồi thì họ chuyển qua phát triển kỹ nghệ dầu hỏa vùng phía nam của Vương quốc Nga. Họ trở nên những người giàu nhất ở thời đó.

Sau khi Alfred Nobel trở lại Thụy Điển năm 1863, ông chú tâm về việc khai thác chất Nitroglycerine như một loại chất nổ. Năm 1864 khi anh trai là ông Emil Nobel và vài người khác bị chết thí nghiệm một vài loại chất nổ, trong đó có chất Nitroglycerine. Điều đó cho biết rằng sản xuất chất Nitroglycerine là vô cùng nguy hiểm. Họ cấm không được làm thí nghiệm nữa với chất Nitroglycerine trong giới hạn thành phố Stockholm, và ông di chuyển cuộc thí nghiệm trên chiếc tàu lớn neo trên hồ Malaren.

Alfred đã không nản chí và trong năm 1864, ông ta có thể sản xuất một số lượng to lớn chất Nitroglycerine. Làm cho việc cất giữ chất Nitroglycerine an toàn hơn, Alfred thí nghiệm cộng thêm với chất khác. Ông ta sớm tìm ra cách trộn chất Nitroglycerine với chất silica từ chất nước có thể thành chất nhão mà có thể làm thành hình những chiếc gậy (ống pháo) và có thể bỏ vào trong những cái lỗ. Năm 1867, ông ta đặt tên những chất này là Dynamite. Có thể làm nổ ống pháo dynamite này, ông ta chế tạo ngòi nổ, như nắp đậy, mà có thể xẹt lửa vào.

Sự sáng tạo này cùng một lúc với cái khoan đào kiếm kim cương và cái khoan bằng khí ép trở nên thông dụng. Tất cả những sự phát minh này đã nhanh chóng giảm giá khi bắn đá, khoan những đường hầm, đục những kênh đào và nhiều công việc xây cất khác. Thị trường tiêu thụ dynamite và ngòi nổ nhanh chóng đắt đỏ, và ông Alfred Nobel cũng chứng minh chính ông ta là người có rất nhiều năng khiếu trong thương mại. Năm 1865, nhà máy sản xuất của ông ở Krummer và Hamburg, nước Đức được xuất cảng loại chất nổ Nitroglycerine đến các quốc gia khác như Âu châu, Mỹ, và Úc châu.

Qua nhiều năm, ông ta xây dựng những nhà máy sản xuất và nhiều phòng thí nghiệm ở 90 chỗ khác nhau, trong 20 quốc gia. Dù ông ta sống ở Pháp (Paris) nhiều nhất trong cuộc đời, và ông cũng đã đi du lịch không ngừng. Một lần nhà văn Victor Hugo đã viết về ông Nobel là “một gã lang thang giàu nhất Âu châu”. Khi không đi du lịch, ông Nobel lăn xả vào những phòng thí nghiệm, làm việc không ngừng nghỉ. Trước hết làm việc ở Stockholm và sau đó ở Hamburg (Germany, Đức qốc), Ardeer (Scotland, Anh quốc), Paris (Pháp quốc), Karlskoga (Thụy Điển, Sweden), và San Remo (Italy, Ý). Ông ta chú tâm vào phát triển kỹ thuật chất nổ cũng như các nghiên cứu sáng chế hóa học khác gồm có các loại chất liệu cũng như cách tổng hợp nhựa và da và loại tơ lụa nylon…

Cho đến năm ông chết 1896, ông ta đã có được 355 bằng sáng chế. Làm việc chăm chỉ và du lịch không ngừng, ông Nobel không có nhiều thời gian cho đời sống riêng tư. Ở lúc tuổi 43 ông cảm thấy già như một ông già. Lúc bấy giờ, ông quảng cáo trên báo rằng, “Một ông già lịch sự rất giàu có trình độ học vấn cao, muốn tìm một người đàn bà chín chắn, giỏi ngôn ngữ, như là một thư ký và giám thị cho ông”.

Rất nhiều thư xin việc có nhiều khả năng được gởi đến và bị loại, chỉ còn một người đàn bà Áo là bà quận chúa Bertha Kinsky. Sau khi làm việc cho ông Nobel khoảng hai tháng bà quyết định trở lại Áo và làm đám cưới với quận công Arthur Von Suttner. Dù ở trong trường hợp nào, ông Alfred Nobel và bà Bertha Von Suttner vẫn giữ mãi tình bạn và thường gởi thư cho nhau kéo dài cả mười năm. Qua nhiều năm, bà Bertha Von Suttner trở nên quan tâm nghiêm trọng trong các cuộc chạy đua võ khí. Bà viết quyển sách nổi tiếng Lay Down Arms và trở nên một hình ảnh nổi bật trong phong trào hòa bình.

Không còn nghi ngờ gì nữa, việc này đã ảnh hưởng trực tiếp đến Alfred Nobel khi ông ta viết chúc thư mà trong đó gồm có Phần thưởng cho người nào hay tổ chức nào phụng sự hòa bình. Vài năm sau cái chết của Alfred Nobel, Quốc hội Na Uy quyết định cấp Giải Thưởng Hòa Bình Nobel cho bà Bertha Von Suttner.

Đáng nhớ nhất trong cuộc đời của Alfred Nobel là khả năng tổng hợp sâu sắc nhất của bộ óc về khoa học và phát minh với những thuyết động lực (dynamitism) của một nhà kỹ nghệ gia (industrialist). Ông Nobel thích thú về những vấn đề liên hệ về xã hội và hòa bình, và những vấn đề được quan tâm về quan điểm cấp tiến trong kỷ nguyên của ông. Ông ta cũng thích thú về văn chương, và ông viết nhiều bài thơ và những vở kịch của riêng ông. Giải thưởng Nobel trở thành kéo dài bởi số tiền lời đẻ ra lời chất đầy trong vốn tài sản của ông.

Nhiều công ty ngày cũ của Nobel vẫn còn phát triển trong ngành kỹ nghệ và giữ vai trò quan trọng trong kinh tế thế giới ngày nay như: Imperial Chemical Industries (ICI) Great Britain, Société Centrale de Dynamite ở France, và Dyno Industries ở Norway.

Đến cuối đời, ông làm quen với công ty AB Bofors ở Karlskoga và ở Bjorkborn Manor đã trở thành căn nhà Thụy Sĩ của ông. Ông Alfred Nobel chết ở San Remo nước Ý vào ngày 10 tháng 12 năm 1896. Khi di chúc của ông được mở ra, điều ngạc nhiên rằng gia tài của ông được dùng cho giải thưởng về Vật Lý, Hóa Học, Triết Học hay Y Học, Văn Học và Hòa Bình. Những người có quyền hành trong di chúc của ông gồm có hai kỹ sư trẻ là Ragnar Sohlman, và Rudolf Lilljequist. Họ xây dựng một cơ quan Giải thưởng Nobel như một tổ chức coi sóc vốn tài chánh của ông Nobel để lại cho mục đích này, và một nhóm người làm việc cho Cơ quan, họ quy định những thể chế của Giải thưởng Nobel. Việc này gặp rất nhiều khó khăn vì di chúc bị tranh cãi bởi những người trong dòng họ, và được chất vấn bởi những thẩm quyền bởi các quốc gia khác nhau vì những công ty của ông có trong 20 quốc gia trong cộng đồng Âu châu.

ĐỖ THIÊN THƯ st.


Phụ Bản II

“LỠ BƯỚC SANG NGANG”

LAI LỊCH NHỮNG CUỘC TÌNH DANG DỞ

HOÀI VIỆT

Sinh thời, Nguyễn Bính rất mê thơ Nguyễn Du, 3254 câu Kiều anh đọc thuộc không thiếu một. Anh còn bỏ công dịch thơ chữ Hán của Tố Như. Có bài tưởng như không còn là thơ dịch.

Anh phục tài Nguyễn Du về nghệ thuật thơ đã đành (đọc thì thấy ảnh hưởng thơ Nguyễn Du trong thơ anh rất rõ) nhưng chủ yếu là do sức hút của nội dung. Nguyễn Du “bập” vào “Ngu sơ tân chí” hay “Đoạn trường tân thanh” phải chăng để tìm một lối giải thoát? Tiếng thét bi phẫn của sắc tài bị vùi dập - không phải đợi đến 300 năm sau - mà ngay tức thời đã gặp sự tương ứng, tiếng thét ấy phải chăng cũng là tiếng lòng của Nguyễn Du? Giai nhân và thi nhân, xã hội cũ đã dành cho họ số phận ấy.

Kiều thì rằng:

“Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa…”

“Chị Trúc” thì rằng:

“Em ơi! Em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

Mẹ già một nắng hai sương

Chị đi một bước trăm đường xót xa

Cậy em, em ở lại nhà…”

Nhân vật nghịch cảnh: hai như một - Cuộc đời hai người thơ có những điểm tương đồng. Có khác chăng là lúc làm bài “Lỡ bước sang ngang”, Nguyễn Bính nặng về chuyện có thật của hai người thân: anh ruột mình và người yêu anh ruột mình.

Một đặc điểm của thơ Nguyễn Bính nổi lên khá rõ là có những câu nếu tách riêng ra khỏi bài cũng có thể “đứng” vững một mình như:

Gió mưa là bệnh của trời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.

Và có những bài - không kể ngắn dài - dựng nên trọn một câu chuyện, loại: “Tương tư”, “Oan nghiệt”, “Xóm Ngự viên”, “Hoa với rượu”,… “Lỡ bước sang ngang” có cả hai đặc điểm đó.

Một đặc điểm khác cũng không thể quên là thơ Nguyễn Bính thường kể chuyện thật, kể bằng một giọng rất thật của người bình dân. Về điều này đã có lần Nguyễn Bính nói với bạn:

- Khi mình viết “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi. Cách nhau cái giậu mùng tơi xanh rờn” là chuyện cô hàng xóm của mình đúng thật như thế đó.

(Ông thượng sĩ - nhà phê bình trên báo “Tin Mới” - đã từng chê thơ Nguyễn Bính là vè (!). Thật ra nói rằng Nguyễn Bính kể bằng giọng của người bình dân hoàn toàn không có nghĩa như ông thượng sĩ hiểu).

Tôi phải dẫn dụ ra thế ấy là để nói về bài thơ nổi tiếng “Lỡ bước sang ngang”.

Thuở ấy, mẹ mất sớm, nhà nghèo, Nguyễn Bính phải theo anh ruột là Trúc Đường ra Hà Đông học. Trúc Đường đang làm nghề “gõ đầu trẻ” ở trường Hà Văn thuộc thị xã Hà Đông. Một thiếu phụ tên thật là Lê Thị N. TH, vợ một ông chủ hiệu ảnh, đã đem lòng yêu trộm nhớ thầm thầy giáo Trúc Đường. Cuộc hôn phối với người chồng vốn đã không bắt nguồn từ tình yêu nên gặp nhiều trục trặc. Cảnh “đồng sàng dị mộng” đẩy thiếu phụ vào một đời sống tình cảm khô héo, vào cảnh “bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang”, phải “nghiến răng, nhắm mắt, cau mày…” chấp nhận chuyện “năm xưa, đêm ấy, giường này…”.

Cấu trúc bài thơ theo thể tự sự gồm 3 phần thuật lại nỗi bất hạnh về đường tình duyên của người đàn bà xấu số đó. Suốt 42 câu đầu, nhà thơ kể lại cuộc chia tay đầy nước mắt của người con gái trước khi “chào hai họ để đi về nhà ai”. Có điều đây không phải là tâm trạng của nàng khi mới “bước chân ra”. Rõ ràng tâm trạng ấy tuy có xót xa nhưng vẫn tỉnh táo. Nàng dặn dò em thay mình trông nom mẹ già, chăm bón vườn dâu, mời mọc em:

Rượu hồng em uống cho say

Vui cùng chị một vài giây cuối cùng

lại còn an ủi em:

Em đừng khóc nữa em ơi

Dẫu sao thì sự đã rồi nghe em !

và tự hình dung ra cảnh ngộ bi thảm “mai đây” của mình.

Đành rằng đây không phải là sự hân hoan của một thiếu nữ sắp về nhà chồng “khấp như thiếu nữ vu quy nhật” mà ngược lại, nhưng sao nàng lại có được thái độ như trên? Điều đó nói lên việc nhà thơ không được tận mắt chứng kiến cảnh “cái ngày em đi lấy chồng” mà cảnh ấy diễn ra đã lâu rồi, nhà thơ chỉ làm việc tường thuật theo lời kể của người trong chuyện.

Ta có thể khẳng định điều đó khi đọc tiếp 22 câu thơ tiếp:

…“Mười năm gối hận bên giường

Mười năm nước mắt bữa thường thay canh”

Người thiếu nữ lên xe hoa lúc 17 tuổi:

“Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng”

và khi kể lại với nhà thơ, nàng đã ở tuổi hai mươi bảy. Hai mươi hai câu tâm sự là những dòng nuóc mắt chảy dọc theo cuộc đời nàng ở nhà chồng. Cái hình ảnh đối lập giữa: “Người ta pháo đỏ rượu hồng” với chị “trên hồn”“vòng hoa tang”, cái đỏ vui mừng với cái trắng tang tóc ấy ngay từ đầu đoạn này đã giúp ta hình dung cảnh “Mười năm đưa đám một mình” của nàng rồi.

Những tưởng rằng trong mười năm ấy, như nàng nói, lòng nàng đã “lạnh như tiền”“tim đi hết máu cái duyên không về”. Ngờ đâu cánh cửa lãnh cung lại có lần mở ra cho nàng để có những giây phút được trở về nhân thế. Những câu thơ phấp phới niềm vui, âm điệu rạo rực như chính trái tim nàng ấy chính là ngày nàng được một chàng “nghệ sĩ” để mắt xanh tới.

…Thế rồi máu trở về tim

Duyên làm lành chị, duyên tìm về môi

Chị nay lòng ấm lại rồi

Mối tình chết đã có người hồi sinh…

Chàng nghệ sĩ ấy là ai? Chính là anh ruột nhà thơ. Nhà nghệ sĩ giàu tình ấy đã “đoái thương thân chị”, “đoái thương phận chị” mà tìm đến với nàng. Họ thương nhau thật sự chỉ cần qua lời nàng trong 2 câu:

“Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng”

“Tim ai khắc một chữ NÀNG” cũng có thể đoán biết điều đó. Họ đã cùng nhau thuê nhà riêng để sống chung như vợ chồng trong 110 ngày. Yêu anh, thiếu phụ ấy đã quý cả em chàng. Nguyễn Bính được quý như vàng, được chiều chuộng hết mức, được nghe nàng kể bao điều tâm sự. Vì thế, suốt đời anh, anh đã dành cho nàng, cho chị TRÚC (lấy từ đầu tên của người anh ruột và cũng là để khẳng định việc nhà thơ coi nàng như chị dâu chính thức) một cảm tình đặc biệt. Sau “Lỡ bước sang ngang” là “Mười hai bến nước” rồi “Xuân tha hương, xuân lại tha hương, xuân vẫn tha hương ” và còn một số bài khác, anh viết dành cho “chị Trúc”.

Rất tiếc là mối tình ấy không bền. Đã biết rằng:

“Một lầm hai lỡ keo sơn”

thì còn “Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung”

Cho nên CHÀNG và NÀNG đã phải chia tay:

…“Rồi đêm kia lệ nhỏ ròng

Tiễn đưa người ấy sang sông chị về”.

Cả đoạn thơ 24 câu lóe lên một thứ ánh sáng thiên đường rồi lại vụt chìm vào bóng đêm vĩnh viễn của hỏa ngục. Cánh cửa hạnh phúc vừa hé mở đã bị đẩy ập lại. Vì đạo lý hay vì “Người đi xây dựng cơ đồ”?

Trở lại với giọng tự sự, tác giả lại thay lời nhân vật kể nốt đoạn đời còn lại của nàng. Lại vẫn là một đoạn đời đầy nước mắt. 110 câu thơ toàn bài chính là 110 ngày mà hai người - CHÀNG và NÀNG - được chung sống. Có lẽ không mấy ai biết điều đó. Cái mà người ta biết, mà biết rất rộng khắp, ấy là một cuộc tình dang dở, một số phận hẩm hiu được kể bằng một giọng điệu dân dã lối ông bà ta kể chuyện dân gian cho con cháu nghe. Chính cái nội dung được chuyển tải qua một hình thức dung dị mà quen thuộc ấy đã khiến cho bài thơ trở thành thân thiết với hàng chục triệu người Việt Nam ta qua nửa thế kỷ nay. Có nghe các mẹ ta, chị ta từ đồng bằng sông Hồng đến đồng bằng sông Cửu ngâm nga khi nhàn rỗi hay nằm võng hát ru con cháu mới thấy được tính phổ cập kỳ lạ của bài thơ. Nói không quá thì nó như Kiều của Nguyễn Du, Lục Vân Tiên của Đồ Chiểu vậy.

Những người phụ nữ gặp những người phụ nữ trong một xã hội như một “đêm trường dạ tối tăm trời đất” của thuở xưa. Còn ngày nay? Khi cái tình người chưa mất thì “Lỡ bước sang ngang” chưa mất sức lay động tuyệt vời của nó. Đọc để thấm thía. Nhận lại cái mặt xã hội cũ mà vươn lên!

Nguyễn Bính đã đau vì Kiều, đau với chị Trúc, đau cho “Người con gái vườn Thanh” “ép nốt dòng dư lệ” đau cho chính bản thân mình. Anh còn đau cho cả người anh ruột của mình. “Lỡ bước sang ngang” là câu chuyện của một thiếu nữ đã lỡ bước một lần hay lỡ bước hai lần? Đã có lúc Nguyễn Bính giải thích với bạn tại sao anh lại đặt tên bài thơ là “Lỡ bước sang ngang”.

- Ngang phải viết hoa mới đúng vì Ngang là tên làng của mình đấy!

Vậy thì thiếu nữ sang ngang rồi thiếu phụ sang Ngang (hiểu theo cả hai nghĩa của danh từ chung và riêng) cũng đều có thể chấp nhận được. Nhưng còn cái đau của nhà thơ đau cho anh ruột mình chả phải là xót thương, thông cảm với một sự “sang ngang” đầy ngang trái hay sao?

Ngày nay, người làm thơ, người trong thơ đã thành người thiên cổ cả rồi. Tôi muốn thắp nén hương tưởng niệm một quá khứ đau thương với lòng mong mỏi thiết tha là sẽ không còn ai phải chịu cảnh “Lỡ bước sang ngang” nữa.

Kỷ niệm 25 năm ngày Nguyễn Bính qua đời

ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st.

PHẢ HỆ HỌ HÙNG (1)

TT

Hiệu Vua

Húy

Tuổi thọ

Số năm
làm vua

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

Kinh Dương Vương

Lạc Long Quân

Hùng Quốc Vương

Hùng Diệp Vương

Hùng Hy Vương

Hùng Huy Vương

Hùng Chiêu Vương

Hùng Vi Vương

Hùng Định Vương

Hùng Úy Vương

Hùng Chinh Vương

Hùng Vũ Vương

Hùng Việt Vương

Hùng Ánh Vương

Hùng Triều Vương

Hùng Tạo Vương

Hùng Nghị Vương

Hùng Duệ Vương (2)

Lộc Tục

Sùng Lãm

Lân Lang

Bảo Lang

Viên Lang

Pháp Hải Lang

Lang Liêu Lang

Thừa Vân Lang

Quân Lang

Hùng Hải Lang

Hưng Đức Lang

Đức Hiền Lang

Tuấn Lang

Chân Nhân Lang

Cảnh Chiêu Lang

Đức Quân Lang

Bảo Quang Lang

Huệ Lang

260

506

260

646

599

500

692

642

602

512

514

456

502

386

286

273

217

221

215

400

221

300

200

87

200

100

80

90

107

96

105

99

94

92

160

150

Cộng 2.796 năm

Đời vua thứ

Hiệu Vua

Số
con trai

Số
con gái

Số chi

Số
cháu chắt

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

Kinh Dương Vương

Lạc Long Quân

Hùng Quốc Vương

Hùng Diệp Vương

Hùng Hy Vương

Hùng Huy Vương

Hùng Chiêu Vương

Hùng Vi Vương

Hùng Định Vương

Hùng Úy Vương

Hùng Chinh Vương

Hùng Vũ Vương

Hùng Việt Vương

Hùng Ánh Vương

Hùng Triều Vương

Hùng Tạo Vương

Hùng Nghị Vương

Hùng Duệ Vương

24

186

33

49

52

33

23

31

39

29

46

50

27

18

40

30

22

20+

20

29

10

20

9

19

36

16

9

30

18

6

30

22

16

7

15

6+

36

141

51

59

61

52

59

47

42

50

64

56

40

56

37

37

26

596

3599

900

1591

1600

599

750

579

559

434

409

305

541

309

399

319

291

194

(1) Trong điều kiện hiện nay chúng ta chưa thể hiểu hết được nội dung bản phả hệ. Về thời gian tồn tại nước Văn Lang 2.796 năm và tuổi thọ của các vua cùng các chi phái còn là điều bí ẩn. Chúng tôi công bố đúng theo ngọc phả để đồng bào cùng nghiên cứu.

Quan niệm chính thức của chúng tôi: 18 đời Vua Hùng và nước Văn Lang tồn tại khoảng 400 năm ứng với văn hóa khảo cổ Gò Mun - Đông Sơn, còn trước nữa là thời kỳ bộ lạc.

(2) Trong ngọc phả còn chép Hùng Kinh Vương là con Hùng Duệ Vương. Ông làm vua được 6 năm thì mất. Có lẽ ngắn ngủi quá nên lịch sử không kể đến.

+ Các hoàng tử và công chúa đều mất sớm. Chỉ còn Tiên Dung lấy Chử Đồng Tử và Ngọc Hoa lấy Tản Viên.

B.Đ. st.

HẠT MỒ HÔI

Hạt mồ hôi cho vườn xanh búp lộc
Cho hoa thơm vẫy lượn cánh bướm ong
Cho vàng tươi lúa chín khắp ruộng đồng
Cho mắt sáng tung tăng em trường lớp

Hạt mồ hôi những mảng tường cao mọc
Những chọc trời kết cấu sắt bê tông
Những công trình trải khắp núi sông
Những hồ hởi xôn xang kìa thăm thú

Hạt mồ hôi chắt chiu từng hương nụ
Hắt lên từng lóng lánh những mầm xanh
Khắc tiếng khang vinh
Dệt giấc viên thành
Ngày xanh xỏa với ngọn nguồn phúc ấm

Hạt mồ hôi tôi
Hạt mồ hôi anh
Thảy đều những hạt gieo mùa gọi
Nắng chói mưa sa mặn mà phức điệu
Bao hương sắc cuộc đời cất cánh từ những hạt mồ hôi.

ĐÀM LAN

NUỐI TIẾC

Mấy ai xa xứ trở về

Mà không tránh khỏi não nề vấn vương

Bà con bè bạn thân thương

Kẻ còn người mất tha hương phương nào ?

Bao nhiêu tình cảm dạt dào

Bấy nhiêu u uất nghẹn ngào vương mang

Trường Đình năm cũ sang trang

Rêu xanh gỗ mục hai hàng sứ đâu ?

Trưa về inh ỏi ve sầu

Màn đêm buông xuống lá trầu rụng rơi

Về thăm xứ Huế ai ơi

Sao mà thương quá, đầy vơi nghĩa tình

Hương Giang - Vĩ Dạ - Ngự Bình

Kim Long - Thiên Mụ khắc hình vào tim

Nam Giao - Cồn Hến - Cầu Lim

Ngẩn ngơ tìm kiếm hoa sim xa vời !

Quê hương vương vấn bồi hồi

Áo dài nón lá đứng ngồi nết na

Còn đâu thôn nữ thướt tha

Huế xưa gợi lại kiêu sa đâu rồi !!!

VŨ THÙY HƯƠNG

NHỚ QUÊ

Đã lâu rời khỏi quê nhà

Ngày mai về lại chắc là lệ vương

Kim Long - Linh Mụ thân thương

Thuận An - Vỹ Dạ - Sông Hương tuyệt vời

Bao nhiêu Lăng Tẩm để đời

Tịnh Tâm - Đại Nội ngàn lời ngợi ca

Thiên Ấn hùng vỹ bao la

Qua nhiều cuộc chiến phong ba não nề

Mưa rơi dai dẳng dầm dề

Nắng lên thiêu đốt chẳng hề than van

Miền Trung lũ lụt tràn lan

Sao mà thương quá lũy tre Trường Đình

Chợ Mai - Cồn Hến - Ngự Bình

Chao ôi thân thiết nghĩa tình làm sao

Dẫu cho xa xứ lao đao

Lòng này nhung nhớ gởi bao nỗi niềm !

VŨ THÙY HƯƠNG

CÁC LOẠI CÁ

SÔNG, ĐỒNG VÀ BIỂN

Cá không có cánh, sao gọi Cá Chim

Cứu hộ ghe chìm, Cá Ông tốt bụng

Tới lui dễ đụng, Cá Kiểng trong bồn

Chẳng sợ tiếng đồn, Cá Tra ăn tạp

Thở phào ngáp ngáp, Cá Đuối ra khơi

Bỏ mẹ không nuôi, là con Bạc Má

Sừng sộ ẩu đả, là lũ Cá Kình

Thấy mái rập rình, Cá De chính hiệu

Hiền hòa dễ chịu, là chú Cá Mè

An cánh kéo phe, là bè Cá Sặt

Cúi lòn nịnh tặc, là lũ Cá Còm

Lưng bụng thẳng bon, là Cá Lìm Kìm

Chẳng chịu đứng im, Lia Thia ưa quậy

Gặp đâu chém đấy, là bọn Cá Trê

Có tính dâm dê, là con Cá Ngựa

Không nơi nương tựa, là chú Cá Rô

Vượt nước sang bờ, là con Cá Lóc

Tối mò ngu dốt, là loại Mực Nang

Ưa thích giàu sang, Cá Kèo leo mãi

Ăn lót ăn hại, Cá Mập bụng phì

Muốn khử tức thì, nên cần Cá Rựa

Biết khôn chọn lựa, là loại Cá Heo

Cứ mãi chạy theo, Cá Than, Cá Chốt

Còn loại không tốt, Cá độ, cá nhân

Đi khắp xa gần, Cá Xà, Cá Nhám

Từng đàn từng đám, là Cá Lòng Tong

Đi lại thong dong, Cá Hồng, Cá Xước

Khó mà bắt được, là chú Cá Voi

Làm mắm, Cá Mòi, Cá Cơm, Cá Nục

Sắc màu đỏ hực, là Cá Diêu Hồng

Chỉ ở trong sông, là con Cá Bống

Ở ngoài biển rộng, là chú Cá Thu

Ca hát lu bù, đúng là Cá Hố

Ưa nằm một chỗ, Cá Sấu dữ dằn

Thịt béo thích ăn, là con Cá Hú

Thích ưa hội tụ, mấy chú Cá Sòng

Bắt mãi không xong, Cá Chuồn, Cá Chạch

Đưa vào danh sách, Cá Chép, Cá Ngừ

Kinh tế thặng dư, Ba Sa xuất khẩu

Để làm món nhậu, thì Cá Rô Phi

Vào hộp bán đi, Cá Hồi nhiều thịt

Mỏ dài khép kịt, là chú Cá Nhồng

Nói chuyện lòng vòng, cá nào cũng cá

Không gì là lạ, cô bạn đừng cười

Góp nhặt mấy lời, kính chào các bạn

Kính chào các bạn !

Ngày 22/11/2005

HỒ KIỂNG - BÁ MẠNH

NHƯ GIỌT MƯA RƠI

Dòng đời trôi qua mưa rơi thấm ướt

Nối dài thêm mới thấy được chiều sâu

Giữa không gian muôn sắc với muôn màu

Giang tay với chút nào hay chút đó

Như mưa rơi lòng ta từng hạt nhỏ

Chở phù sa về lấp đáy biển xanh

Hòa nhịp theo sóng vỗ đã tan tành

Đời cũng thế không có gì còn mãi

Kiếp cỏ non chốn rừng xanh hoang dại

Sẽ phai tàn theo năm tháng phôi pha

Lá vàng rơi nhè nhẹ ghé hiên nhà

Cơn gió chướng đưa mây về hướng khác

Ta khó vui vì đời sao đen bạc

Nỡ chôn vùi ngọt đắng buổi đầu tiên

Đã bay xa đánh mất nét diệu hiền

Đường hai lối mưa chiều vương sắc áo.

NGÔ BÁ MẠNH

CHỜ MƯA

Xin cho tôi chút mưa
Để tắm mát đường tình
Đang trên đèo chênh vênh
Cháy khô buồn hiu hắt
Cho tôi làm ong mật
Thêm vị ngọt cho đời
Thêm lãng mạn tình tôi
Đã lâu rồi hoang phế
Đừng bỏ tôi đi nhé
Vì đàn sẽ ngậm tăm
Vì trăng sẽ héo tàn
Theo câu thơ sầu muộn
Hãy dậy xem đêm sớm
Bát ngát những cô đơn
Chỉ có anh và em
Giữa trời nồng vị hạ
Hãy chờ giòng mưa lạ
Phả trên tóc của nhau
Có thể chẳng được lâu
Cũng đủ tình thức giấc...

Lam Trần

Con Ve và Con Kiến

La cigale et la fourmi

(Fable de la Fontaine)

Con ve kêu ve ve

Ca hát suốt mùa hè

Đến khi gió bấc thổi

Tình cảnh thật bê bối

Không còn một miếng ăn

Rận, rệp và loăng quăng

Ve đành đi kêu đói

Qua nhà kiến tạm hỏi

Vay hạt gạo đỡ lòng:

“Đến mùa tới tôi đong

“Vốn lẫn lời trả hết

“Lời thật chẳng nói phét !”

Con kiến mới chua cay

Vì không thích cho vay

Hỏi rằng: “Bậu làm gì mùa nắng

“Không dành để tiện tặn

“Mà bây giờ hỏi vay”

Ve rằng: “Tôi ca hát cả ngày”

Kiến bảo: “Hát thử vài bài nghe chơi”.

Thanh Châu chuyển ngữ

BÊN NHAU CHIỀU MƯA

(Mưa và Em 1)

Cảm tác bản nhạc không đề

của DuongTuongDuy_Bmt

Ta gặp em cơn mưa đầu mùa hạ
Hoàng hôn buồn chiếc lá đong đưa
Đứng bên nhau nhìn mưa bối rối,
Ánh mắt ngập ngừng xao xuyến chơi vơi
...

Em nhìn mưa lặng im không nói
Mưa... miên man sầu thương vời vợi
Ướt con đường ngõ phố chưa quen
Ta thấy em buồn - mưa mãi không thôi !
...

Đường về xa mênh mang muôn lối
Tiếng hát cô đơn vang vọng âm thầm
...Ta một mình với mây trời xám ngắt
Ta chờ mưa hay đang ngóng trông em ?
...

Mưa rơi - mưa rơi sao em không tới ?
Ly cà phê buồn bên nỗi nhớ bơ vơ
Có hẹn hò chi mà ta cứ đợi
Lòng bâng khuâng - ta hát khúc ngậm ngùi...

Phạm Thị Minh-Hưng

TÌM MƯA

(Mưa và Em 2)

Tìm mưa hay tìm em
Hoàng hôn buồn không nói
Một mình hồn chơi vơi
Tiếng hát ai ngậm ngùi...

Em đi xa đâu mất
Chiều đông buồn mênh mang
Mây sầu cao chất ngất
Mưa gió vừa đi hoang

Chờ mưa trong gió thoảng
Chờ em lối đi mòn
Con đường bao kỷ niệm
Lúc nào em đi ngang ?

Dấu yêu ơi có nhớ
Chuyện tình như giấc mơ
Xin em đừng tiếc nuối
Tình vàng son ngây thơ...

Phạm Thị Minh-Hưng

TIẾNG HÁT MÙA HÈ

Tặng An Vinh cháu tôi

Mùa hè tôi trở về làng

Tre xanh cất tiếng trong làn hương êm

Buổi trưa ngồi tựa bên thềm

Lắng nghe tre hát êm đềm như ru

Bay bay như lá chiều thu

Gió vi vu thổi, ai ru giọng buồn

Tôi nằm thoáng giấc mơ suông

Mộng theo cánh võng gió luồn đong đưa.

HOÀI LY

(Trích Gió Mới 4)

MƯA CHIỀU

Tặng T. Nga

Nghe mưa nhỏ xuống giọt đều

Hàng cây rũ lá trong chiều vắng tênh

Đường qua lại bỗng dập dềnh

Dáng em bước nhỏ lênh đênh phận người

Đưa nhau chờ lá thu rơi

Tạnh khô mắt lệ bên đời vui riêng

Bâng khuâng đôi mắt nâu hiền

Mưa còn rơi mãi ưu phiền đầy thêm.

Chiều 16/5/2016

HOÀI LY

TÌNH NHÂN LOẠI

Gục ngã - bơ vơ - ánh nắng tà

Phương tây ửng đỏ sắc kiêu sa

Giao hòa thiên địa dài thăm thẳm

Kết nối thời gian ngắn nhập nhòa

Nhuộm thắm sắt son mây sóng gợn

Mặn nồng chung thủy tuyết sương pha

Lợi danh mờ tỏ - lòng nghiêng ngửa

Nhân hậu vuông tròn nỗi thiết tha.

NGÀN PHƯƠNG

NỖI NIỀM

Hoa chẳng hẹn sao bướm đợi chờ

Chiều mưa lất phất tắt nguồn thơ

Rượu chưa thấm thía nên hương nhạt

Trà chẳng thiết tha lụy khói mờ

Bên ấy - người - ưu tư lặng lẽ

Chốn nầy - ta - chiếc bóng bơ vơ

Tim mù lòa đã phai niềm nhớ

Giá lạnh vòng tay vẫn hững hờ.

NGÀN PHƯƠNG

BÁN CẢ VẦNG TRĂNG

Hai mươi tám tuổi - Một đời thơ

Hàn Mặc Tử yêu chẳng bến bờ

Vòng nguyệt quế thơm Văn học sử

Bậc thiên tài chói vạn đường tơ

Buông câu ngẫu cảm đùa duyên dáng

Dệt mảnh ân tình trách vẩn vơ

Ghẹo nguyệt để hồn vơi buốt giá

Bán trăng hay bán nỗi hoài mơ.

NGÀN PHƯƠNG

HAI NGƯỜI BẠN

Thân tặng Anh chị Bác sỹ Đào Công Cần

Hai người bạn như anh em

Cùng làng quê cùng tỉnh thành

Cùng ngành y cùng học tập

Cùng cải tạo sau hòa bình

Chồng tôi về làm công chức

Anh cũng về làm châm cứu

Hai anh em cùng chữa bệnh

Năm tám chín anh xuất ngoại

Đoàn tụ cùng vợ con

Chồng tôi qua ngành đông y

Kết hợp đông tây khám bệnh

Đó là làm bấm huyệt

Nhiều bệnh nhân cảm ơn

Đã qua cơn nguy nan

Năm chín ba anh về

Rồi ngày thân phụ anh mất

Anh chị cùng về chịu tang

Thời gian qua thật nhanh

Năm hai nghìn lẻ mười

Chồng tôi lâm trọng bệnh

Anh gọi điện và gửi thư

Một bài thơ an ủi

Cần luôn ở cạnh Hy

Đọc thư tôi cảm động

Mối tình bạn thắm thiết

Như anh em ruột thịt

Năm nay hai nghìn mười sáu

Anh lại về thăm quê hương

Và anh em ruột thịt

Cùng bạn bè thân quen

Tôi rất mừng tin vui

Được gặp bạn của chồng

Một người bạn vui tính

Lại có số đào hoa

Như chồng tôi thuở nào

Nhưng vẫn lòng chung thủy

Cùng vợ hiền con thơ

Cùng muốn làm bồ tát

Mong tu thành chánh quả.

Ngày 16/3/2016

QUAN THÚY MAI

BẠN MỘT BÊN EM MỘT BÊN

Tặng bạn tri âm CHÍ TÂM

Không có bạn - lấy ai dốc cạn niềm riêng

Không có bạn - lấy ai sẻ chia bao ngọt bùi

mọi nỗi ưu phiền

Có khi chỉ lặng im

Mà nói được bao điều muốn nói

Bên nhau ta không có tuổi

Dắt tay nhau về khu vườn tuổi xanh

Trở lại phố xưa lối cũ đường thành

Nơi ta lên đường chinh chiến

Dấn thân quên mình dâng hiến

Mà nhẹ tựa lông hồng,

như cánh chim bằng bay vút từng không

Bạn và tôi - chung ngọn lửa rực hồng nguyện ước

Là ngọn đèn tự đốt

Là cây đàn mang tiếng hót oanh ca

Ta là ai ?

Mà có em - bông hoa tuyệt vời ở cuối dặm đường xa

Từ chiến hào máu và bùn,

ta vụt đứng lên gặp nhau nơi điểm hẹn

Dưới bầu trời rập rờn én liệng

Chỉ còn bạn một bên

em một bên.

Chiều 16.12.2012

LÊ NGUYÊN

CHỈ MỘT TẤM LÒNG

Trân trọng tặng giáo sư LARRY BERMAN đã 25 lần sang VN để hoàn thành cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo” viết về tướng tình báo PHẠM XUÂN ẨN. Bài thơ này tôi đã đọc và trực tiếp tặng giáo sư, trong buổi giao lưu gặp gỡ Hội Điện Ảnh Tp. HCM.

Qua hình tượng “ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO”

Tôi càng hiểu hơn Phạm Xuân Ẩn

- một con người rất người

Một vỏ bọc hoàn hảo

Một nhân cách tuyệt vời

Một người hai mặt

Nhưng chỉ một tấm lòng

Lẽ sống của anh là tự do như cánh chim

Là vẫy vùng nhưng cũng biết lặng im

Là tuyệt đối trung thành với nhân dân, bè bạn

Anh đã ra đi yên lòng thanh thản

Để lại mùa Xuân không còn ẩn dấu mình !

Tp. Hồ Chí Minh - 17.6.2008

LÊ NGUYÊN

KHU ĐÔ THỊ PHÚ MỸ HƯNG

Phú Mỹ Hưng đẹp bởi vì đâu ?

Cứ đến nơi đây phố người giàu

Công viên, đường xá… đâu ra đấy

Nhà lầu, biệt thự đủ sắc màu

Xe hơi vi vút đời phơi phới

Phố phường sạch bóng quản lý lo

Quy hoạch chỉn chu, dân tuân thủ

Hiện đại, văn minh bởi cái “đầu…”.

LÊ MINH CHỬ

NẾU TẤT CẢ ĐỀU CÓ RỒI

Ai đã từng trải qua

hoàn cảnh thập tử nhất sinh

Mới thấu hiểu, giá trị cuộc sống mình

Cái gì là tạm thời

Cái gì là bất biến

Mọi điều khác

đều chỉ là phù phiếm mà thôi

Nếu tất cả đều có rồi

Thì cuộc sống, đâu còn thú vị

Vì chúng ta, chẳng còn gì

Để đợi chờ

và hy vọng

ở ngày mai.

LÊ MINH CHỬ

ĐỜI QUANG VINH

Mùi phú quý nhử làng xa mã

Bả vinh hoa lừa gã công khanh

Ở đời của chẳng sẵn dành

Muốn nên sự nghiệp tự mình nẩy sinh

“Ngơ ngẩn mãi với tình non nước

Nước cùng non đôi bức sầu treo

Nước non, non nước đìu hiu

Người xưa cảnh cũ biết bao nhiêu tình”

Trong cõi thế mông minh việc tốt

Tại làm sao lại dốt đầu đuôi

Thắng rồi không lẽ thối lui

Cứ đà tiến mãi khó lùi bản thân

Trời giúp bước không cần dẫn độ

Đất hộ trì khó khổ cũng qua

Sá chi trước cảnh quan hà

Sức người đoàn kết nước nhà ấm êm

Kẻ đến trước nhờ bền chí khí

Bạn đến sau không phí bước chân

Dựng xây mọi nẻo xa gần

Bàn tay lao động rạng ngân cửa nhà.

LANG NGUYÊN

NIỀM VUI TUỔI GIÀ

Chiến tranh nay đã lìa xa

Lòng dân mất mát thịt da cũng lành

Chồi xanh nẩy lá đơm cành

Cánh chuồn gió thổi lung linh ánh hồng

Sáng soi bờ liễu dòng sông

Trời xanh mây trắng giăng ngang đàn cò

Đồng khô cỏ mọc tựa tơ

Giang san gấm vóc bây giờ đỏ hoa

Thôn quê hết cảnh bơ phờ

Đã qua khói lửa làm thơ uống trà

Dân đen sáng cửa mát nhà

Bàn thờ Tổ Quốc, bên Bà bên Ông

Trước sân mai chớm nở bông

Bướm bay cánh trắng cánh hồng gió đưa

Bình minh rồi đến giữa trưa

Tham quan làng xóm, thả giò xem công

Sức già chống chỏi rét đông

Không màng lạnh lẽo vẫn nồng tuổi xuân.

LANG NGUYÊN

KÝ ỨC THU

Ai ơi…

Thu rồi có đúng không

Nắng thơm màu má gái chưa chồng

Trăng xưa tuy cũ mà không cũ

Sông thoát thác ghềnh sông lại trong

Thu về thương nhớ ai

Vàng rơi rơi kín lối chiều phai

Thu muôn năm cũ mà không cũ

Câu mẹ ru còn vẫn mới hoài

Ký ức còn thơm mùi giấy mực

Chạm lời to nhỏ má hây hây

Có phải ngày xưa không còn gặp

U sầu rưng rức áo ai bay

Ai ơi…

Thu rồi có đúng không

Nắng thơm màu má gái đang chồng

Trăng xưa tuy cũ mà như cũ

Nắng chẳng về nguồn

Sông khát sông.

09/01/2016

BS.DOANLINH

NGANG QUA MÙA HẠ

Nắng không lật giữa luống cày

Mà rơi tơi tả làm say lòng người

Dù vắng một cõi rong chơi

Khi về mới nhớ bồi hồi lại xa

Lòng đau gọi gió nhìn qua

Mặt trời ký ức bởi ta nhìn về

Cùng về đất mẹ đồng quê

Một đời cha vẫn vỗ về cùng con

Nào ai chinh phục núi non

Cùng ta hứng giọt mắt tròn nghìn thu.

Bs. DOANLINH

TỰ BẠCH

Trăm năm bia đá thì mòn

Ngàn năm sinh trưởng khi còn đắm say

Nào ta trọn nghĩa kính thầy

Lòng này tôn kính tình này không phai

Nếu ai nặng gánh trên vai

Giữ tròn chữ hiếu cả đôi vẹn toàn

Cùng duyên thơ phú trần gian

Nỗi lòng vẫn hiếu chứa chan tình người.

Bs. DOANLINH

MÙA ĐIÊN ĐIỂN

Mùa điên điển

Miền tây hai mùa nắng mưa

Điên điển đến mùa sớm trưa nở vàng

Bông soi mặt nước có hàng

Con cá quẫy đuôi đớp bóng no chiều

Chuồn chuồn bay lượn đuôi diều

Nhởn nhơ chích nhụy có nhiều hoa tươi

Gió lùa cánh mỏng tả tơi

Nhánh cây chao đảo dựa thời cành tơ

Trời mây sông nước hững hờ

Tựa như tóc gái suối mơ bềnh bồng

Vùng trời sông nước mênh mông

Lẫn bông súng tím hoa cong nét mầu

Bên bờ vài cặp bồ câu

Chùm bông điên điển lao xao sắc màu

Ánh sáng cảnh vật kết nhau

Bầu trời tươi thắm đón chào khách xa.

QUANG BỈNH 2017

BẠN ĐỜI

Nhớ em bến cũ đò xưa

Suốt năm chờ đợi sao chưa trở về

Thương em có mái tóc thề

Đến mùa sữa chín hái về phân ra

Năm xưa hẹn ước trăng tà

Ước mơ đôi lứa về nhà thầm trao

Khiến gì mình gặp mặt nhau

Tỏ bày tâm sự kể sâu sự tình

Lòng anh ngỏ ý tự trình

Thưa qua cha mẹ đôi mình kết thân

Trầu cau sính lễ hôn nhân

Đẹp duyên cầm sắt tình thân họ hàng

Tưởng đâu chồng vợ đeo mang

Nửa chừng hờn giận ngỡ ngàng xa nhau

Nghĩa tình xa cách đã lâu

Mong mùa sữa rộ biết đâu em về.

QUANG BỈNH – 2016

THÀNH FLORENCE

Anh Paolo đưa tôi về thăm Florence

Quê hương anh - Thành phố mộng mơ

Miền đất yên lành trầm hùng cổ kính

Rạng rỡ bình minh quảng trường Sonhoria

Sừng sững uy nghi tượng đài Thần Biển

Những bức tranh óng ánh sắc màu

Leona da Vinci trường tồn, tôn kính

Mikenlangiero xa vãng bến bờ

Dòng Arono xanh mát gương soi

Làn gió văn minh phong cảnh hữu tình

Italia khởi nguyên mặt trời chói lọi

Hạnh phúc yên bình nhân loại tôn vinh

Italia, năm 2004

VŨ MÃO

FLORENCE

Paolo took me to Florence

His hometown, the city of dream

The classical, peaceful, strong and moving land

So bright was dawn at the piazza della Signoria

High and majestic is the statue of the God of the Sea

So many paintings sparkling with colours

The so respectable and immortal Leonardo da Vinci

And Michelangelo in a far far away haven

The bluish, cool and mirroring Arono

A beautiful sight over which blows the wind of civilization

Right at the original time,

a resplendent sun had shone over Italy

So honoured by mankind

and overflowingly peaceful and happy.

Italy 2004

VŨ MÃO - Translated by VŨ ANH TUẤN


Phụ Bản III

Tiểu luận phê bình

HÌNH THỨC TRUYỆN DÀI VIỆT NAM

TÔ HOÀI

Bản thảo truyện dài anh vừa viết xong.

Tôi thật xúc động nghĩ đến công phu kiến làm tổ của anh. Lần nào cũng vậy, tôi lại so sánh cuộc đời anh với những trang sách. Cuộc đời người viết và những trang sách liền nhau - cuộc đời mà anh đã sống, đã trải, bây giờ, thông qua sáng tạo, anh đưa xuống trang giấy.

Đọc mỗi tác giả đã thành ngòi bút, ta đều dễ dàng cảm nghĩ như thế. Tắt đèn, Việc làng, Buổi chợ trung du của Ngô Tất Tố. Bề bộn trong những tác phẩm ấy là sự sống của người viết đã lăn lóc trong làng quê Việt Nam ở đồng bằng miền Bắc.

Tất cả sáng tác của Nam Cao là cuộc đời anh với bè bạn, làng xóm hiện ra, thật rành rõ thấm thía.

Ngay cả đối với tác giả đề cập những vấn đề mà nếu không vì yêu cầu công tác cách mạng thì không bao giờ anh biết đến, như Nguyễn Khải với tập truyện Xung đột, Chu Văn với truyện dài Bão biển. Khi các anh làm nhiệm vụ của cách mạng, với ý thức trách nhiệm cao, người đọc đã như thấy được hình ảnh người cán bộ quần chúng trong tác phẩm (là các anh và tinh thần các anh) đương lao mình vào đấu tranh cách mạng, chống đế quốc và phong kiến, chống bọn đạo giáo mê hoặc, đòi quyền tự do tư tưởng cho mỗi con người.

Xây dựng chất liệu cần thiết cho một sáng tác, không thể cách nào khác là làm cho sáng tác bắt nguồn từ đời sống, dù người viết có ý thức hay không về vấn đề đó.

Đại văn hào Xéc-văng-tét, những quãng đời thê thảm của Xéc-văng-tét: khi bị bắt làm nô lệ, khi đi đánh nhau thuê ở Châu Phi rồi khi làm người lê gót đi đòi nợ cho nông phố ngân hàng. Ông đã đặt chân khắp hang cùng ngõ hẻm nước Tây Ban Nha phong kiến, chứng kiến những người đau khổ, phẫn uất ghê gớm của người nông dân, những thèm khát đến mê man đi của người nông dân muốn một cuộc đời nào khác không cay cực như cõi đời này. Có phải những trải biết thế đã cho Xéc-văng-tét có được trong tư tưởng sáng tác, trong cấu tạo nhân vật một hiệp sĩ lý tưởng vừa khác thường, vừa lõi đời với một ước mơ cứu nhân độ thế nhân hậu và viển vông như Đông-ki-sốt?

Cô Kiều, cô Kiều của đại văn hào Nguyễn Du. “Mười lăm năm ấy”, bao nhiêu gian truân đời người. Cô Kiều là tâm sự Nguyễn Du hay cô Kiều không phải tâm sự Nguyễn Du, các nhà nghiên cứu sẽ cắt nghĩa cho chúng ta hiểu. Phần tôi, đọc Nguyễn Du, lúc nào cũng vương vấn nghĩ về một đời nhà văn trải mấy triều đại, mấy chìm nổi, mấy tang thương. Phải là con người ấy, lận đận thế ấy, với tài hoa và tài năng nhất mực của mình mới tạo nên một cô Kiều tài sắc cho đời phải ganh ghét đến thế được.

Hầu như sự hình thành một tác phẩm lớn nào của văn học cũng đều phải nung nấu qua một quá trình như thế.

Dù cuộc đời nhân vật trong tác phẩm và cuộc đời người viết có khác hẳn, có trái ngược, thì người đọc vẫn có thể tìm được nguyên nhân những liên quan hữu cơ giữa tác phẩm và thực tế đời sống của người viết. Một cái gì không phân tích được, nhưng tôi cứ cảm thấy mỗi khi đọc một cuốn truyện hay: người viết đưa ta qua trang giấy có cuộc đời, cuộc đời của tác phẩm và cuộc đời của người viết, cuộc đời nhà văn Việt Nam trong đời sống dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, chúng ta hiểu vấn đề này, tình cảm thấm thía còn sâu hơn tình cảm của các nhà văn của những thời đại đã qua, bởi chúng ta đã hiểu, đã lý trí hơn, hoàn hảo hơn. Chúng ta say sưa đi trong cuộc đời, làm người chứng kiến thời đại, lại biết làm người tạo ra thời đại, tấm lòng và mắt nhìn chúng ta thật sâu, thật sắc, thật to rộng không cùng.

Chúng ta, trong cuộc đời đất nước mình.

-0-

Người viết văn Việt Nam - nhà văn khuyết danh xưa viết văn để “mua vui cũng được một vài trống canh”, nhà văn Việt Nam ngày nay đã ý thức được sáng tác để “làm cho người đọc say mê, ngẫm nghĩ, cười hay khóc, được ảnh hưởng của tác phẩm”. Nhưng đối với bất cứ người viết nào, nghĩ được thế hay không, thì lúc nào, trước nhất, đời sống cũng là đối tượng thực tế cho nhà văn có câu chuyện. Câu chuyện vào người đọc, trở thành sức mạnh vật chất, rồi người đọc, mang nghĩa rộng là đời sống, đã ảnh hưởng lại nhà văn và cứ thế, lặp lại. Nội dung tạo thành một tác phẩm có sự vận động bên trong.

Điều mà tôi băn khoăn chưa tự giải đáp được đó là vấn đề từ nội dung cuộc sáng tác, nhà văn đã biểu hiện nên hình thù thế nào, xưa nay có hay không, một hình thức truyện độc đáo với đặc điểm Việt Nam, riêng của Việt Nam.

Nói riêng truyện dài, có thể bao nhiêu truyện dài lưu hành trên thế giới này mang định nghĩa chung, nhưng cũng thấy rất rõ hình thù truyện dài của Việt Nam không phải hình thù truyện dài Pháp, truyện dài Anh, truyện dài Nga, không thể lẫn lộn với truyện dài của nền văn học dân tộc nào khác. Gần gũi với chúng ta, nhưng truyện dài Việt Nam cũng không giống truyện dài Trung Quốc, cũng như truyện dài Khơ-me - mà bao giờ nó cũng là truyện dài Việt Nam; bông hoa truyện dài Việt Nam góp vẻ đẹp vào vườn hoa truyện dài thế giới.

Hình thù một sáng tác thành hình từ trong lòng cách nghĩ của con người, của dân tộc. Người viết truyện dài Việt Nam sáng tạo nên câu chuyện, nhân vật, cảnh ngộ Việt Nam. Được thế, tác phẩm mới có sức mạnh đứng lại trong người đọc và mới đủ giá trị tồn tại.

Nhìn phác lại sức phát triển của truyện Việt Nam. Chuyện kể Tiếu lâm, trong đó, những thầy bói, thầy cúng, thầy đồ, nhà có của bị đem ra làm trò cười, những tích chèo Thị Kính, Phan Trần diễn ra ở các rạp dựng đầu làng, năm nào cũng thế, người ta mê xem hết đêm này sang đêm khác. Rồi Truyền kỳ mạn lục, Hoàng Lê nhất thống chí, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên lan truyền trong những người biết chữ và được kể miệng lại chẳng bao lâu đã thành tác phẩm của mọi người. Nụ cười diễu cợt thâm thúy, thái độ của người nông dân trước đời sống đọng lại trong tâm hồn Việt Nam cùng nỗi oan Thị Kính, mối tình hai họ Phan Trần, nỗi xót thương thân thế nàng Kiều, bao nhiêu thịnh suy, vui buồn của đất nước. Những hình ảnh văn học ấy được bồi đắp, qua người kể, người viết, cũng như qua từng lớp người nghe, người đọc được thay đổi, bổ sung, phát triển, mở mang thành thể, thành loại, nhưng trước sau vẫn là nhân vật Việt Nam, cảnh ngộ Việt Nam, câu chuyện Việt Nam. Đời đời người Việt Nam sinh ra trên bờ biển Đông, người xưa và người sau, ta ở đây, tâm hồn ta ở đây, sáng tác của ta thật vì con người và đất nước, với lòng mong muốn của con người và đất nước ta.

Trước nay, văn học truyền thống dân gian Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu chú trọng, có những công trình quý giá, nhưng về hình thức các thể loại truyện, tìm hiểu tính cách khác nhau thế nào trong hình thức các thể loại truyện Việt Nam khi biểu hiện chủ đề, nhân vật, cốt truyện, câu văn… thì ít ai đề cập đến.

Nói rút kinh nghiệm truyền thống văn học của ta là nói đến cả nội dung và hình thức cần rút ra. Ở đây, tôi riêng đi vào hình thức, - vấn đề nghệ thuật cấu tạo hình thức cho nội dung tư tưởng sáng tác đến với người đọc.

Những tác phẩm như Truyện Kiều, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên, Phạm Công Cúc Hoa là mẫu mực cho thể thức truyện dài Việt Nam. Truyện Kiều hay Lục Vân Tiên là trường thiên tiểu thuyết, là tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết phiêu lưu, cả tiểu thuyết trinh thám nữa - mặt nào cũng có thể tìm ra được những nhân vật lý thú, bổ ích.

Mười lăm năm lưu lạc của cô Kiều, sự chìm nổi của những số phận trong Nhị độ mai, mỗi trang, mỗi câu, mỗi đoạn chứa đựng một vấn đề, một cảnh ngộ, một tính tình, một nỗi riêng éo le hay những vui buồn mong đợi, sung sướng, hờn oán, ơn huệ hết sức khác nhau mà luôn luôn dạt dào một mạch chuyện: nhanh gọn, trong sáng, rất nhanh gọn và trong sáng.

Tất cả, vóc người, câu chuyện, lời ăn tiếng nói… Lê Quý Đôn đã viết: “Lời dừng mà ý không hết, đấy mới là hay tuyệt”. Tinh hoa Việt Nam không phải bắt đầu có trong văn học mà bắt đầu từ đời sống mỗi con người.

Gần đây, tôi đọc lại một số truyện cũ. So sánh những truyện ấy với nhận xét ở trên, tôi thấy ra được những điều phong phú, đặc biệt, khác nhau, gợi ý nhiều cho tôi về học tập cách viết.

Ý nghĩa truyện Trinh thử thì dài và lớn, nhưng câu chuyện thật gọn. Một chiều tối, trời mưa, anh học trò nghèo nằm khàn trong nhà trọ, nghe mấy con chuột rì rầm trò chuyện sau vách, anh chú ý. Đó là chuyện một chị chuột bạch bị chồng ngờ oan lòng đoan chính, khi chồng đi vắng. Không làm thế nào cho chồng tin được, bởi vì tình ngay lý gian. Cuối cùng, anh học trò kia đã phải “góp ý kiến” vào câu chuyện, nói sự thực và giảng giải, cuối cùng gỡ được cho chị chuột bạch cái tiếng oan.

Bích câu kỳ ngộ , một truyện bằng văn xuôi của Đoàn Thị Điểm. Cách biểu hiện, nhịp độ phát triển của nhân vật ở đây rất đáng chú ý. Chàng Tú Uyên mơ ước nàng tiên Giáng Kiều. Tương tư như ngây như dại, tưởng đời mình mà không được Giáng Kiều thì không còn gì đáng sống. Thế rồi, Tú Uyên được Giáng Kiều, như mong ước. Nhưng khi có Giáng Kiều thì con người Tú Uyên - mà phẩm cách chưa xứng đáng với mơ ước, không bằng mơ ước, cho nên không tới được mơ ước, những thói xấu hàng ngày lại dìm Tú Uyên xuống. Quá trình biến chuyển của lý tưởng và hiện thực, con người và sự mong muốn, đã được tác giả miêu tả hòa hợp và tương phản, thật thần tình.

Truyện dài Thạch Sanh được truyền tụng ở Việt Nam và nhiều nước Đông Nam Á, nhất là ở Campuchia. Ở miền Nam nước ta, không mấy ai không thuộc Thạch SanhLục Vân Tiên, Thạch Sanh chỉ có hai nhân vật đối lập: Thạch Sanh với Lý Thông. Cái chân chính và cái ác vật nhau, xóa nhau quyết liệt, cho đến khi cái ác bị tiêu diệt.

Câu chuyện diễn ra ly kỳ, hồi hộp, mạnh, nhanh như cảnh trên các sân khấu hiện đại, sân khấu và điện ảnh gần nhau, chỉ chốc lát mà ra mấy cuộc đời. Truyện Thạch Sanh nhanh gọn trong lời lẽ, nhưng thật dài lâu trong suy nghĩ khi đã gấp sách lại. Cốt truyện, nhân vật, tình tiết, mạch truyện cổ của ta đã chuyển thật sâu, thật đầy đủ, mà gọn, sắc. Không thể chỉ chú ý vấn đề và tâm hồn Việt Nam, mà nên chú ý cách kể, lối dựng truyện Việt Nam. Không phải vì hình thức, mà trước nhất vì yêu cầu và đòi hỏi của người đọc, bởi vì rõ ràng là những truyện cổ giá trị đã được truyền tụng tới ngày nay và mãi mãi, vì nó được người nghe kể, người đọc ham thích.

-0-

Vấn đề truyền thống dân tộc trong hình thức, tính cách Việt Nam trong tấm áo, cái hình, màu sắc, da thịt tác phẩm. Những hình thức phổ biến, thích hợp, ai cũng chấp nhận được mà mỗi thời kỳ của văn học đều được nâng cao và bao giờ cũng được sáng tạo.

Mỗi tác giả viết theo lối của mình, đó là đặc điềm nghề viết. Nghiên cứu cách viết của các truyện cổ không có nghĩa là rồi mỗi chuyện chúng ta viết lại mở đầu bằng một câu tương tự “Trăm năm trong cõi người ta”. Tôi thích xem hát chèo. Nhiều thanh niên bây giờ chưa thích xem hát chèo. Việc của người viết chèo phải làm cho những người thanh niên và tôi đều thích nghe chèo với đúng giá trị lịch sử, truyền thống và hiện đại của chèo.

Có những nhà văn viết, hình thức truyện của anh ấy rập lại cách viết theo hình thức những kỷ niệm về những truyện dài anh đã đọc từ khi còn ít tuổi, đương tập viết văn. Có thể, bắt đầu tuổi đời và tuổi nghề của nhà văn ấy là thời kỳ thịnh hành những truyện nước ngoài, ví dụ văn xuôi Pháp, thế kỷ 19.

Hồi ấy, người viết thường chú trọng miêu tả hàng trang, hàng trang về phong cảnh, về mặt mũi và về sự suy nghĩ hoặc tác giả lý luận một vấn đề gì đó, lôi thôi, dài dòng, không cần để ý cho thuyết lý ấy chiếm bao nhiêu trang trong sách. Hoặc một nhân vật vừa được kể đến tên thì tác giả bắt nhân vật hãy đứng lại, để tác giả còn giới thiệu chân tay, quần áo, dáng đi, tính nết, kèm theo sơ yếu lý lịch, xong đâu đấy, nhà văn mới chịu thả cho nhân vật bước vào hoạt động. Các tác giả ấy viết theo hình thức đã quen với mình, ảnh hưởng đến mình theo kỷ niệm tự nhiên từ thời tác giả mới biết thưởng thức văn học. Những ấn tượng ban đầu mạnh lắm. Vì vậy, khi anh say sưa tưởng anh mới nhất, thì người đọc tác phẩm của anh (có khi đề tài cũ, có khi đề tài mới) nhận ra mạch chuyện rề rề, con cà con kê, lải nhải hoặc hào hứng một mình, xa lạ với cảm thụ của người đọc bây giờ.

Có nhà văn khác lại quá nệ cổ. Các bạn ấy bắt chước lối viết truyện của văn học Trung Quốc từ thế kỷ trước. Chúng ta biết rằng cả đến định nghĩa một truyện dài, truyện ngắn thời kỳ ấy và bây giờ cũng đổi khác. Nhưng các bạn ấy vẫn xây dựng nhân vật theo quy cách cũ kỹ, chỗ nào nói, chỗ nào nghĩ, chỗ nào làm, rành rọt, dứt từng đoạn, không lẫn lộn, câu văn phải màu sắc, âm thanh, văn, và nhạc đối chọi nhau, đệm nhiều từ êm tai nhưng không có nghĩa cụ thể. Các bạn ấy cho rằng làm thế là trọng thị sự thưởng thức của quần chúng. Nhưng đó là thưởng thức của bạn đọc ít ra cũng từ thời kỳ tiểu thuyết Tố Tâm (mà cũng chỉ là cái thích của một số bạn đọc nào lúc ấy thôi).

Xưa nay, nói và đọc rất trong sáng, người bình thường không biết vằn vèo, hình thức, mà thật trực tiếp, thật rõ. Không nên lầm lẫn khi thấy bây giờ có một số người nói văn hoa, đối đáp mà tưởng đấy là hình thức dân tộc của câu văn. Để ý kỹ sẽ thấy ai nói kiểu ấy? Một cụ đồ, một bà tính đồng bóng, một thầy bói. Người lao động - người nông dân, tiếng nói để chỉ việc làm thường khắng khít, không bao giờ kềnh càng, phù phiếm. Họ nghiệt ngã ghê gớm, có khi quá quắt nữa. Đồng bào miền Nam nói bả (bà ấy), trỏng (trong ấy), hổm (hôm ấy). Ở Hà Nội, dạo nọ, người ta nói: “Anh chàng ấy hoa lá cành lắm” (anh chàng ấy trăng gió lắm), được ít lâu người ta nói: “Anh chàng ấy hoa lá lắm”. Từ “cành” rườm rà đã bị bẻ đi.

Lại có những bạn viết tự cho mình là mới, mới vì biết bắt chước nước ngoài. Háo hức cái mới là ý thức tiến bộ của người viết, nhưng cái mới từ gốc mình mà ra khác cái mới sao chép.

-0-

Hình thức truyện dài, đối với người viết, không thể là một hình thức mang máng sẵn có từ kỷ niệm đọc sách cũng không thể tồn cổ máy móc, cũng không thể mới một cách xa lạ. Cũng không thể là công việc lập lại của chính anh trong những cái mà anh đã viết hôm qua rồi.

Hình thức truyện dài Việt Nam hôm nay là hình thức truyện dài Việt Nam những năm tháng hùng vĩ của Việt Nam đương xây dựng chủ nghĩa xã hội, và đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Xưa kia chưa bao giờ có năm tháng vĩ đại ấy trên đất nước ta. Không giậm chân tại chỗ, không đem cái ngoại lai vào, chúng ta phải học tập, phát triển, sáng tạo trong công phu tìm hiểu lối tiếp thu của bạn đọc Việt Nam, cũng như xem xét nghiên cứu thói quen thưởng thức của cha ông, khi nghe chuyện kể Tiếu lâm hay đọc Thạch Sanh, Hoàng Trừu rồi truyện Kiều, Lục Vân Tiên đến văn học quốc ngữ cho tới ngày nay.

Gọn, trong sáng, nhanh - đặc biệt truyện Việt Nam. Tất nhiên, không nói số lượng, bởi vì có truyện dài nghìn trang, viết bộ ba, bộ bốn mà vẫn gọn, trong sáng, nhanh. Đặc điểm có tính cách truyền thống này của truyện ta thật rõ ràng.

Văn học cổ Trung Quốc, những pho Tam quốc, Thủy hử, biết bao nhiêu người đã kể lại thành truyện và truyện pho ấy người ta đã đọc thâu đêm suốt sáng, đêm này qua đêm khác mới “trọn bộ”. Trong kho văn học cổ của ta, thật phong phú những truyện đáng say mê như thế, nhưng chưa bao giờ tính cách “pho” của nó như trên. Truyện bộ của ta, như Hoàng Lê nhất thống chí, thật gọn, thật trong sáng, thật nhanh.

Có phải từ đặc điểm đời sống dân tộc và đất nước đã sinh ra lối kể, lối viết như thế? Có phải cuộc đời một dân tộc mà lịch sử dày đặc những gian khổ chống ngoại xâm, những tần tảo thắt lưng buộc bụng cả nghìn năm dựng nước chưa bao giờ biết một lúc dừng chân, đã tạo nên những cách thức cho lối truyện ấy không? Một người nông dân Trung Quốc ở Hoa Nam, suốt đời, cả mấy đời chưa bước chân đến một trấn nào trong tỉnh quê của mình, bởi vì đất nước Trung Quốc bao la quá, rộng quá. Nhưng một người nông dân Việt Nam, dù sinh sống ở một xóm nhỏ xa mờ trong đồng ruộng Thái Bình cũng dễ dàng thấy con người nghèo khó đó đã từng đi ngả gỗ từ rừng Thượng Thanh kéo ra bể đưa vào cửa sông Hồng, đã làm phu mỏ Mông Dương, đã đi ở gánh nước cho hiệu khách ngoài tỉnh, có khi đi phu đồn điền vào Nam Bộ, sang Tân thế giới. Có phải cảnh gian khó của con người và đất nước Việt Nam đã tạo nên ý chí cuộc đời và cũng tạo nên cả cách kể câu chuyện, lời tâm sự hay câu chuyện mua vui, không thể dài dòng. Đời người hôm sớm lẽo đẽo đầu sông cuối bãi, chưa lúc nào được thư thái nhân tâm cả.

Văn học thành chữ, có điểm chung giống nhau, nhưng khuôn cách thành văn của mỗi dân tộc để đi vào lòng mỗi người thì khác nhau. Điểm lại những nhân vật, những vấn đề của truyện dài ta từng thời kỳ, thấy rất rõ vậy. Không kể một số nhỏ người đọc biết văn học nhiều nước, còn nói chung người đọc chỉ thuộc nhân vật và câu chuyện văn học dân tộc mình. Điều giản dị ấy là một sự thực phổ biến. Những Thạch Sanh, Thị Kính, Trương Viên, Kiều, những Hớn Minh, Vân Tiên của văn học cổ, những Tố Tâm, cô Mai, Xuân Tóc Đỏ của thời kỳ văn học lãng mạn và tiểu tư sản, những chị Dậu, anh Pha Chí Phèo của văn học tả thực trước cách mạng và biết bao nhân vật tốt đẹp trong các tầng lớp nhân dân lao động đã xuất hiện từ Cách mạng tháng Tám tạo thành nền tình cảm cho người đọc đối với chế độ mới, tất cả đã chứng minh vấn đề nhân vật phải được biểu hiện thế nào cho thích ứng và lắng sâu được vào tâm hồn người. Tìm ra dáng dấp trong hình thức chung của hình thức truyện dài Việt Nam, là yêu cầu của người đọc và phấn đấu của mỗi người cầm bút.

Không đặt vấn đề viết bắt chước Nhị độ mai hay Ngư tiều vấn đáp, mà chúng ta xem xét các tác phẩm văn học của các giai đoạn đã qua một cách khoa học, khách quan, trên cơ sở lịch sử phát triển của văn học Việt Nam, tìm ra hình thức cái dấu nối tác phẩm và người đọc để sáng tạo một thức mới của mình. Hình thức mỗi sáng tác, ngay cả hình thù một truyện cũng không thể xây dựng như cách thức đóng hàng loạt đôi giày hay cách pha dấm. Đối với một người viết, cái truyện đã viết ra rồi chỉ để lại cho ta giá trị của rút kinh nghiệm và ta sử dụng kinh nghiệm được và chưa được ấy để sáng tạo một truyện khác, ta mới chỉ mường tượng ra thôi.

Một số bạn viết thích bắt chước hình thức, bố cục, cách kể, lối trình bày của tác phẩm nước ngoài. Nào nhanh, nào gọn, nào viết như phim, như kịch, nào chỉ nội tâm không có hình thức (quá quẩn đến không xuống dòng, không chấm câu) thì cũng chỉ là một sự bắt chước ngô nghê.

Tôi không phản đối cái mới, cái hiện đại trong văn học. Người đọc chỉ yêu cầu anh đứng vững trên cái mới, cái hiện đại của cơ sở đời sống và con người Việt Nam. Làm được thế, chúng ta sẽ thấy ra đời sống và lối viết lối đọc quanh ta chẳng thiếu cái mới, cái nhanh, cái hiện đại, cái đòi thay đổi trong đặc điểm Việt Nam, thật Việt Nam, không mảy may hơi hướng hình thù ấy ở nơi nào khác.

Đặt vấn đề hình thức văn học được phản ảnh từ đời sống tới, ta sẽ thấy cái nhanh, cái mới trong văn học Việt Nam đã bắt nguồn từ truyền thống mà tôi suy luận như trên. Cả ngày nay, cái nhanh cái mới ấy vẫn rất nhanh, rất mới. Một ngày của một người (bất cứ ai) bây giờ, đặc biệt phong phú. Sớm chiều, bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu việc chồng chéo. Ai bây giờ so với trước kia, cũng thấy bộn rộn khác. Chúng ta đương chứng kiến những thay đổi lớn lao của thế kỷ. Gặp tình cờ bất cứ ai đi ngoài đường, níu lại hỏi, ta cũng sẽ được nghe một cuộc đời bình thường thôi, nhưng cũng thật nhiều ly kỳ, nhiều éo le bằng mấy cuộc đời và nhân vật trong truyện của ta.

Một ngày, một đời, một thời đại như thế, truyện của ta cứ cái mạch dần dà, dẫn rượu nhẩn nha thì còn phản ảnh làm sao, thích ứng làm sao với mong muốn của người đọc. Chúng ta phải gọn, trong sáng, mới. Ta trọng hình thức dân tộc, mặt khác, rất mới, rất hiện đại. Có điều cái mới phải từ thực tế hàng ngày của con người và tâm hồn dân tộc.

Tôi rất thú vị được đọc ngày càng nhiều những tác giả mà mạch truyện, cốt truyện phát triển theo hướng đó, theo hướng phát triển của đời sống Việt Nam. Trong truyện dài của Nguyễn Khải, của Nguyễn Minh Châu, những truyện vừa của Triệu Bôn, của Lê Lựu, thấy được dáng dấp Việt Nam, truyền thống và hiện đại. Rõ ràng những người viết ấy đã xông xáo vào mũi nhọn trong cuộc sống xây dựng và chiến đấu hôm nay, mới nên được tác phẩm tốt đẹp như thế. Những truyện thật nhiều truyện, bề bộn “xù xì góc cạnh cuộc đời” - như chúng ta hay nói - nhưng vẫn nhanh, vẫn gọn, vẫn sáng. Người đọc thấy trên trang sách của các anh những cuộc sống nhiều mặt, đượm sâu cách kể chuyện Việt Nam, nhanh, gọn, sắc, mới. Không gồ ghề, góc cạnh để làm cảnh mà gồ ghề, góc cạnh để đổi mới.

Người viết phải đem lại một phong cách, dáng dấp, một hình thức luôn luôn mới, thật mới, bởi vì cuộc sống và đối tượng bạn đọc đòi hỏi thế, nhưng không thể quên cái mới ấy chỉ có thể mới được trên cơ sở cách nghĩ, cách hành động của người Việt Nam và cách cảm thụ thưởng thức tác phẩm xưa nay của người Việt Nam.

Trích “Sổ tay viết văn”

KIM SƠN st.

Người Pháp la hoảng về hiện tượng:

TIẾNG ANH XÂM LẤN TIẾNG PHÁP

PHAN NGHỊ

Trước sự tràn ngập của tiếng Anh trong nhiều lãnh vực, những người Pháp yêu tiếng mẹ đẻ đã phải kêu ầm lên: “Là người Pháp, hãy nói tiếng Pháp!”. Để chế nhạo những kẻ tôn sùng tiếng Anh thường hay ngồi đấu hót tại Câu lạc bộ du thuyền, Jacques Perret đã viết một tiểu phẩm, trong đó các từ Pháp và từ Anh xen kẽ với nhau. Như một đoạn dưới đây:

“A bord d’un ketch, deux vachtmen viennent s’asseoir dans le cockpit et le skipper, ayant posé son verre de scotch à l’entrée du doghouse, secoue sa dunhill sur le winch et se met à parler rating” (những chữ in nghiêng là tiếng Anh)

(“Trên một cái thuyền buồm, hai thuyền viên mới vào ngồi ở buồng lái và người thuyền trưởng, đặt ly rượu mạnh ở lối vào ca-bin, dỗ điếu thuốc “đơn-hiu” xuống cái tay quay và nói về sự phân công”)

Nó gần như là một lời buộc tội. Thật vậy, tiếng Pháp hôm nay ngày càng bị tiếng Anh xâm lấn, nó thâm nhập từ bốn phương tám hướng, qua những cuộc bang giao kinh tế, chính trị giữa hai nước. Sự nhập khẩu các từ ngữ tiếng Anh phần lớn không phải do nhu cầu đòi hỏi mà lại khởi phát từ mốt thời thượng, đến nỗi nó thành ra thừa thãi và đôi khi lố bịch.

Cũng chẳng khác gì ở Saigon trước 75, có thể do thói quen, cũng có thể là một cái mốt, người ta nói tiếng Việt đá luôn cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Nếu không quen tai, nghe vừa buồn cười, vừa… tức anh ách.

“Chơi với cái type (thằng chả) ấy toi phải coi chừng! Nó là một thứ élément indésirable (phần tử bất hảo), toi nên checker (từ này, gốc Anh: to check [phối kiểm] nhưng họ nói theo kiểu Pháp) lại, nếu không toi sẽ bị những cái risques inévitables (rủi ro không thể tránh được)”.

Jacques Perret nhấn mạnh rằng, cần gì phải dùng những từ ngữ lai căng ấy, trong khi người ta có thể dễ dàng thay thế chúng bằng những tiếng Pháp có một ý nghĩa y hệt như vậy. Thí dụ như những tiếng sau đây mà hàng ngày người ta thường được nghe thấy trên miệng lưỡi thiên hạ:

Bar (buvette: quán rượu), barman (garçon: bồi bàn), barmaid (cô hầu bàn), best seller (grand succès: thành công lớn, bán chạy), brain trust (état-major: tham mưu), business (affaires: dịch vụ), club (cercle: câu lạc bộ), fair play (franc-jeu: chơi sòng phẳng), gang (bande: “băng, nhóm”), gangster (bandit ou malandrin: kẻ cướp hay du côn), jerrycan (bidon: “bình toong” hay cái “can”), pickpocket (filou: kẻ cắp), speaker (annonceur: xướng ngôn viên), strip tease (déshabillage: thoát y), test (épreuve, essai: thử), week end (fin de semaine: nghỉ cuối tuần)…

NHỮNG CÁI ẤM Ớ HỘI TỀ

GIỮA HAI NGÔN NGỮ PHÁP - ANH

Một số nhà ngôn ngữ đã trích dẫn không thiếu gì những tiếng Pháp cổ đã bị bỏ xó hàng bao nhiêu thế kỷ, đi tiếu ngạo giang hồ, vượt biển Manche, ở bên đó một thời gian, bị biến dạng, biến âm, rồi lộn trở về nước Pháp, để trở thành một từ mới. Thí dụ như chữ DESPORT. Ngày xửa ngày xưa, ở nước Pháp, chữ này có nghĩa là “trò chơi”. Chơi chán, người ta không xài nó nữa, nó bèn tức mình, vượt biên đi sang Ăng-lê, không dè được trọng dụng. Nhưng một khi nhập quốc tịch Anh, nó đã hoàn toàn lột xác: người ta vứt cái đầu nó đi, để chỉ còn lại cái đuôi SPORT và mang một cái nghĩa mới: thể thao. Trở về nơi cố thổ, nó trở thành một từ mới mang gốc Anh!

Về chữ SUSPENSE cũng vậy. Đó là một thuật ngữ điện ảnh mô tả cái trạng thái của một sự chờ đợi hồi hộp, giật gân trong một trường đoạn của một bộ phim như loại phim Hitchcock chẳng hạn, và gốc của nó là tiếng Anh. Nhưng tiếng Pháp cũng có một chữ tương tự: SUSPENS, một hình dung từ cổ xưa chỉ dùng trong ngôn ngữ giáo hội, và trong phó-ngữ: EN SUSPENS.

Tuy nhiên, lại có những trường hợp không dùng tiếng Anh không được. Như chữ PIPE-LINE (ống dẫn dầu, ống dẫn ga). Mới đầu người ta thay thế chữ pipe-line bằng cách khai sinh một từ mới: OLÉODUC, nó bắt nguồn từ chữ AQUEDUC (ống dẫn nước, cầu máng). Nhưng ác một nỗi chữ OLÉODUC lại chỉ có nghĩa là cái ống để dẫn dầu. Vậy thì lại phải đẻ thêm ra một chữ khác: GAZODUC để dùng trong trường hợp khi nó không dẫn dầu mà dẫn hơi “ga”. Và đôi tai của quần chúng lại cần phải có một thời gian mới quen thuộc được với cái từ mới ấy. Như thế, trước sự tiến bộ của khoa học, ngôn ngữ cứ phải cắm cổ chạy hụt hơi để đuổi theo những phát minh mới.

Dù sao mặc lòng, Jacques Perret nói, nếu người ta muốn giữ chữ PIPE-LINE lại bằng mọi giá, thì chí ít người ta cũng nên phát âm và cả viết nữa theo kiểu Pháp: PIPE-LIGNE, chứ không nên hành hạ cái mồm bằng cách đọc là “paipe-laine”.

Thật ra thì từ lâu rồi, từ trước cả Napoléon, nước Pháp đã có truyền thống Pháp hóa tất cả những từ ngữ nước ngoài du nhập vào nước mình rồi được quần chúng tiếp thu và sử dụng. Không riêng gì các từ Ăng-lê, La-Hy, thậm chí các từ Nhật Bản, Việt Nam cũng bị biến dạng và biến âm. Thí dụ như từ “musume” (tiếng Nhật: con gái), người Pháp cũng mượn luôn rồi viết ra là “mousmé”. Với tiếng Việt, họ thêm vào một mạo từ rồi đọc và viết theo kiểu của họ. Đại khái như một số từ sau: “congai ou congaye, n.f. Au Vietnam, femme ou jeune fille” (Dictionnaire encyclopédique pour tous, trang 241), có nghĩa là “đàn bà hoặc con gái”, ngoài ra còn: “Le nha-qué”: anh nhà quê, “Le cai-nha”: cái nhà…

Thuở đó, học sinh Hà Nội cho đó là một sự miệt thị tiếng Việt. Họ chơi lại, bằng cách xài tiếng Pháp theo cái lối tinh nghịch của họ: Le dindon là “cái đỉnh đồng” chứ không phải “con gà sống Tây”, Le convoi là “con voi” chứ không phải “đoàn xe, tàu, người”, Laboratoire là “Lã Bố ra tòa” chứ không phải “phòng thí nghiệm”; họ còn bịa ra một lô tiếng Tây mà ngay các Viện sĩ Tây đọc sách bạc cả đầu cũng xin chào thua, không biết nó là tiếng gì: “Les hittukin” (những anh hít tủ kính) để chỉ những anh chàng đứng ngắm nghía các mặt hàng bày bên trong tủ kính; Les bathologistes: những kẻ đi bát phố, tuy là một từ “phịa” nhưng nó cũng có căn nguyên: cội rễ của nó là một cụm từ “battre la pavé”.

SỰ TÔN SÙNG TIẾNG ANH

MỘT CÁCH NHỐ NHĂNG

Cũng như Napaléon, Jacques Perret không thích cái cách phát âm của người Anh, mặc dù những kẻ tôn sùng tiếng Anh đã từng bảo: “Tiếng Anh nghe như hát, còn tiếng Đức như chó sủa!”.

Thuở sinh thời, ngay khi còn làm tổng tư lệnh quân đội, Napoléon không những đã ghét tiếng Anh mà còn cả người Anh nữa. Một phần có lẽ vì ông ta bị quân Anh choảng cho hai trận xất bất xang bang, trong khi ông ta gần như làm mưa làm gió gần hết lục địa châu Âu. Napoléon bảo: “Mấy cái thằng cha Ăng-lê trông dễ ghét! Ngoài cái bản mặt phớt tỉnh nhân sự, cái cằm anh nào cũng bạnh ra do sự phát âm mạo từ “THE” (cái) để làm khổ cái mồm và cái lưỡi!”.

- Nếu người ta cảm thấy bắt buộc - hoặc tưởng như - phải sử dụng một vài từ Ăng-lê, Jacques Perret nói, thiết nghĩ tại sao người ta lại không viết theo lối Pháp, để thay vì “container” người ta sẽ viết “conteneur” (thùng chứa hàng), “reporter” thành “reporteur” (phóng viên), “supporter” thành “supporteur” (ủng hộ viên)…

Jacques Perret còn đùa dai khuyên người ta nên viết theo chính tả Pháp những từ Ăng-lê. Thí dụ như “Commomwealth” (Khối thịnh vượng chung) thì viết là “Commonouelse”, “Fly-tox”: flitoxe (thuốc xịt muỗi), “Whisky”: houiski, “sandwich”: sandouiche.

- Điều này chính những người Pháp đã làm qua bao nhiêu thế kỷ, Jacques Perret nói, khi họ chuyển đổi “BABY” (em bé) thành bébé, “beefteak” thành “bifteck” (thịt bò bít-tết), “packet-boat” (tàu chở khách) thành “paquebot”. Tại sao chúng ta không tiếp tục đi theo con đường ấy?

“Cũng nên thêm rằng, ảnh hưởng của tiếng Anh và tiếng Mỹ đã đưa tới một tệ hại làm sai lệch ý nghĩa của những từ ngữ Pháp cổ. Như vậy một số những chữ như “investissements” (action d’entourer de troupes une place forte: vây hãm), khi biến thành tiếng Franglais (tiếng Pháp lai Anh) đã mang hẳn một nghĩa khác: investment (đầu tư). Rồi chữ poster (đặt người gác), khi bị lai Anh, biến thành “to post” có nghĩa là đi bỏ thư.

Nhưng sự tôn sùng tiếng Anh còn đi tới mức quái đản hơn nữa. Cũng may nó chỉ nằm gọn trong ngôn ngữ quảng cáo. Để chơi cái trò này, người ta tìm cách đảo ngược tính ngữ: MODERN HOTEL, SPLENDID CINEMA v.v. Nhưng kỳ cục hơn cả, và tồi tệ hơn cả là họ đã thêm vào bất cứ một từ nào chữ “S” đứng sau một cái dấu phẩy trong những trường hợp mà tiếng Anh không dùng cái chữ “S” vô tích sự ấy: MODERN’S HOTEL.

Cái đám nhà buôn xài chữ nghĩa một cách văng-tê như vậy, kể ra cũng chả đáng nói làm chi, đằng này các vị sinh viên Sciences Po cũng nhắm mắt a dua theo. Người ta đã thấy trên đường phố Paris dán những áp-phích loan báo ngày hội thường niên của họ với một hàng chữ to tướng: SCIENCES PO’S DAY.

(Thì chả nói đâu xa, ngay giữa một đại lộ của TP Hồ Chí Minh người ta đã thấy ở trước cửa một trung tâm dạy sinh ngữ một cái banderole ghi “Language’s Center”, mỗi chữ to bằng cái nong. Mấy tuần sau, người ta mới xóa chữ “S” đi, nhưng dấu vết của nó vẫn còn!).

Thật ra, không riêng gì nước Pháp mới bị tiếng Anh tràn ngập. Không nhiều thì ít, hầu như nước nào cũng bị nó xâm nhập. Đứng đầu các nước về việc “nhập khẩu” tiếng Anh là Nhật Bản. Người ta tính ra rằng, trong tiếng Nhật ngày nay đã có 25% là tiếng Anh. Họ rất phóng túng trong vấn đề vay mượn tiếng ngoại quốc bất kể là tiếng Anh hay tiếng Pháp, một khi thấy nó dễ dàng phổ biến trong dân chúng. Tất nhiên họ phát âm theo giọng Nhật, và khi cần phiên âm, họ sử dụng “katakana” hay ‘romaji”. Thí dụ một câu tiếng Nhật viết theo “romaji” dưới đây đã có 4 từ là tiếng nước ngoài: “Kono pinku (PINK) no doresu (DRESS) wa sumâto (SMART) de shikku (CHIC: tiếng Pháp có nghĩa là sang trọng): Cái áo hồng này thật là thanh nhã và sang trọng”.

Như vậy, trong sự giao lưu văn hóa, nước nọ mượn tiếng nước kia cũng là chuyện bình thường, càng làm giàu thêm cho tiếng nước mình, miễn là đừng quá lạm dụng để nó trở thành nhố nhăng.

HOÀNG KIM THƯ st.


VẤN ĐỀ ĐÁM TANG

Đời người, sanh lão bịnh tử không ai tránh được nên khi cử hành đám tang, nhiều người bày ra đờn ca để vong hồn người quá cố được ấm cúng. Người ta cũng bày ra ăn uống, nhậu say… làm cho những người chung quanh nhứt là ở thành phố phải bực mình. Ta thử bàn xem trong đám tang, việc nào đáng chê và cần bỏ đi.

1. Việc đờn ca, diễn tuồng

Việc đờn ca, diễn tuồng nầy có từ lúc nào? Học giả Goloubew nghiên cứu giống người Dayak ở đảo Bornéo có cùng giống với người Lạc Việt là Anh-đô-nê-giêng. Hình trên trống đồng Đông Sơn là sanh hoạt tang lễ. Đông Sơn ở Thanh Hóa, dọc theo sông Mã, ở thung lũng núi Rồng nhìn ra sông Mã. Thân trống có hình thuyền, trong thuyền có người mang gươm, búa, đánh trống, bắn cung và lái thuyền đưa linh hồn người Việt cổ về nơi cực lạc. Phải chăng đây thể hiện sự ca múa.

Trong Đại Việt Sử Ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có kể chuyện di quan vua Nhân Tôn thượng hoàng, dân coi đông đầy đường, quan chỉ hậu Chánh chưởng Trịnh Thượng Tứ tạo ra khúc hát Long ngâm cho binh sĩ hai bên đường vừa đi vừa hát, dân ra nghe hát, lúc bấy giờ mới di quan được. Đời sau bắt chước làm lối vãn ca, mời phường hát tới hát trong đám tang để khoe giàu sang, có thế lực.

Ở miền Nam, trong đám tang, lúc sắp di quan cũng có hát dưới hình thức hát bội mà người ta kể rằng gia đình nọ, người con lớn đi ăn cướp, khi hay tin cha (mẹ) chết, anh ta trở về ăn cắp quan tài đi chôn. Do đó, khi di quan thì chỉ ra hiệu chớ không nói gì.

Cả hai sự kiện nầy kết hợp lại, việc ca, hát, múa, kèn trống… trong đám tang âu là tục lệ của dân ta. Do đó, việc ca hát nầy, ta không nên phiền trách miễn là đừng gây ồn quá và đừng kéo dài nhiều ngày.

2. Việc đãi ăn uống

Xưa ở nông thôn, nhiều người cao tuổi mua quan tài để sẵn trong nhà, khi qua đời, con cháu lo liệm và sau đó nhờ hàng xóm cùng nhau khiêng đi an táng chớ không có đạo tỳ của nhà đồ như ngày nay. Ngoài ra, việc may đồ tang… cũng nhờ láng giềng giúp. Vì vậy nên các nhà giàu bày ra việc đãi ăn để chòm xóm ăn, nhậu để mọi người vui vẻ góp tay vào mọi việc kể cả việc khiêng quan tài đi chôn. Nhà giàu làm vậy thì mọi người bắt chước theo và nó trở thành lệ. Về sau, người ta thấy đám tang thì phải đãi ăn như vậy chớ không tìm hiểu nguyên nhân và ngày nay, nhiều người vẫn đãi như vậy. Ngày nay, nhà đồ có đạo tỳ; tới nhiều đình miếu tôi thấy có dụng cụ di quan. Có lẽ mỗi đình đều có một tổ chức xã hội là di quan giúp khi cần chăng? Do đó, khi cần thì tới nhà đồ mà trước kia mua quan tài hay liên hệ tổ chức di quan của đình, miếu tại địa phương cho tiện. Thay vì tốn tiền đãi ăn mà có khi vì say nên không giúp gì, ta tốn tiền thù lao cho đạo tỳ vậy.

Tang là khó, là hao tốn, theo tôi thì không nên đãi đằng cho lắm, chỉ vài món nhắm đơn sơ để cùng gia tộc và chòm xóm lai rai để đám tang đỡ tẻ nhạt mà thôi.

3. Viếng tang, phúng điếu,

chấp điếu hay không chấp điếu

Việc viếng tang người quá cố là tiễn biệt lần cuối để thể hiện tình làng nghĩa xóm, theo tôi là một nghĩa cử tốt và nó kèm theo việc phúng điếu.

Phúng điếu để làm gì? Theo tôi, phúng điếu là để bớt gánh nặng cho gia chủ. Ta không xin mà người góp giúp, ta không nhận là phụ lòng tốt của người có lẽ đó là việc không nên.

Lý do không nhận tiền phúng điếu chỉ vì sợ ông bà cha mẹ ta thiếu nợ mà thôi. Theo tôi, đây chỉ là sự giao thoa giữa người và người trong cuộc sống. Có bao giờ người qua đời đó có phúng điếu cho người khác không? Phải nói chắc chắn là có. Bây giờ nhận phúng điếu để du di món nợ người khác nợ ta, đó là sự công bình.

Do đó, theo tôi là không nên không chấp điếu. Không chấp điếu gây khó cho người viếng tang. Phúng điếu có hai lý do:

a. Phúng điếu để giúp

b. Phúng điếu để trả dĩ nghĩa là trước kia ta đã nhận tiền họ phúng điếu ông bà cha mẹ ta, nay trả lại để dứt nợ mà không nhận thì khó quá.

Cũng có tục là tiền bỏ vô bao thơ đi viếng tang thì không được đem về nhà, phải coi bỏ ở đâu đó. Nếu đem viếng vào buổi đi an táng, tôi thấy họ quăng xuống huyệt mả. Nếu đã hạ rộng rồi thì bỏ bên mộ. Làm như vậy là phí phạm.

Tục phúng điếu đã có từ xa xưa nên ngày nay khi đi viếng tang mà không phúng điếu, nhiều người cảm thấy như thiếu nên bày ra phúng điếu gián tiếp bằng cách cúng vòng hoa hay trái cây. Họ đem tới viếng, tang chủ có nhận hay không? Tôi thấy có lẽ phải nhận. Mà nhận, tôi cho là đã chấp điếu rồi mà cái điếu nầy phiền lắm.

- Vòng hoa thì mất công chở tới phần mộ bỏ đi.

- Trái cây thì để ăn, nhưng tới đám tang, bên xác chết, không ai thiết đến việc ăn. Nhiều quá ăn không hết, nó hư thì bỏ, bỏ thì phí lắm.

Để dung hòa việc nầy, theo tôi thì ta để bên dưới tấm báo tang: Hạn chế tối đa việc cúng vòng hoa, trái cây…

Có lẽ như vậy là ổn nhứt. Ai phúng điếu thì cứ bỏ vô thùng phúng điếu, ai đem vòng hoa, trái cây thì cũng nhận cho vui vẻ với nhau. Không để bao thơ, không nói gì về phúng điếu cả. Nếu có ai hỏi, ta nói thôi đừng phúng điếu là ổn.

4. Việc sư tụng kinh cúng cơm cho người quá cố

Việc tụng kinh cho người quá cố, có lẽ tôn giáo nào cũng có tụng kinh cả.

Việc tụng kinh cúng cơm, sư tụng kinh, con cháu lạy, để thức ăn vô chén cơm. Lạy ba lần, rót nước ba lần mới xong. Theo tôi việc tụng kinh nầy thì bỏ đi. Ta vẫn giữ cúng cơm trưa, cúng cơm chiều nhưng dọn cơm, rót nước tráng miệng, thắp nhang… sau đó thì cúng nước để báo lễ cúng đã xong là đủ. Khi ba tôi qua đời, tôi về quê lo nơi an táng và rước luôn một ông sư lên để tụng kinh cho Ba tôi. Vì phải liệm ngay buổi chiều nên gia đình lại rước một ông sư ở thành phố. Sáng hôm sau, ông sư quê lên, ông nói chiều ông tụng kinh một lần nữa rồi về trước 5 giờ (17 giờ). Tôi nói vậy cúng cơm trưa thì thầy tụng, cúng cơm chiều để ông sư kia tụng thì ông nói ông chưa tụng kinh cúng cơm bao giờ, để ông sư kia tụng vậy. Khi ông sư thành tụng thì ông sư làng ngồi chơi. Ông nói khác phái nên không tụng chung được. Việc tụng kinh không biết sao, ta cứ tùy nghi phiên phiến vậy.

5. Việc rải giấy tiền vàng bạc khi di quan

Tôi suy luận rằng việc rải giấy tiền vàng bạc nầy nhằm hai mục đích:

- Rải để làm dấu cho người chết nhớ đường về

- Rải để ma quỷ dọc đường… không gây khó khăn.

Việc rải cho người chết nhớ đường về tôi cho là vô lý vì linh hồn người chết đi mây về gió. Họ đi theo đường chim bay chớ không đi theo con đường ngoằn ngoèo trên mặt đất như ta đâu.

Nếu nói rải giấy tiền vàng bạc để ma quỷ dọc đường không gây khó khăn cũng vô lý vì chúng lấy giấy tiền vàng bạc bằng cách nào? Giấy vẫn bay lơ phơ trên đường. Con quỷ nào được lấy, chúng lấy để làm gì và cất ở đâu? Có hai hiện tượng giấy tiền vàng bạc cho người chết là:

- Đốt và vái là cho ông bà cha mẹ ta. Nếu nói đốt là các Người lấy được thì không đốt họ có lấy được không?

- Không đốt thì nó bay lung tung thì lấy và giữ bằng cách nào? Tin đốt hay không đốt, ta chỉ chọn một thôi. Người theo đạo thờ Chúa không rải thì sao? Do đó, theo tôi, việc rải giấy tiền vàng bạc nầy là vô ích phải bỏ đi để không làm mất vệ sinh đường phố.

6. Việc chôn cất, đầu người chết

quay về hướng nào là đúng?

Bàn về chôn cất người chết, tôi bàn ở mặt đầu quay về hướng nào là chính. Thông thường tôi thấy mộ phần ở gần sông, hồ, ao… thì con cháu sanh sống tốt hơn. Nhưng người ta cũng nói đừng cho dòng sông hay con đường đi thẳng vào đầu mả, hay chưn của mả khác đạp trực tiếp vô đầu ông bà mình. Bàn về đầu quay về hướng nào, phần lớn người Việt ta đều cho rằng đầu quay về hướng Tây là đúng. Họ giải thích:

- Quả địa cầu quay từ Tây sang Đông nên quay đầu về hướng Tây để ngồi dậy cho thuận. Nếu quay về hướng Đông thì bị lộn đầu nên không được.

- Giải thích theo Phật giáo thì có hai ý trái nhau:

+ Quay đầu về hướng Tây là hướng về đất Phật.

+ Có người cho rằng đầu quay về hướng Đông mới đúng, mới hướng về đất Phật được, khi ngồi dậy ta đi thẳng về đất Phật, như vậy mới đúng.

- Người ở vùng núi cao miền Trung, dãy Trường Sơn ở về phía Tây nước ta, họ giải thích là đầu quay về hướng Tây, khi ngồi dậy thì đi xuống đồng bằng mới lao động kiếm sống dễ dàng.

- Người ở vùng biển thì họ nói quay đầu về hướng Đông tức là hướng biển mới tốt vì ngồi dậy là đi vô đất liền mới dễ kiếm sống. Quay đầu về hướng Tây, ngồi dậy là đi xuống biển là chết.

- Người ở vùng đồng bằng mà gần sông, họ nói đầu quay về hướng sông mới đúng vì ngồi dậy thì lên đồng ruộng để trồng trọt kiếm sống cho dễ. Nếu quay đầu vô ruộng thì ngồi dậy là đi xuống sông mò tôm cá khó sống lắm. Cũng có người không giải thích gì cả, họ nói vùng nầy người ta quay đầu thế nào, ta quay đầu thế ấy mà thôi, không cần bàn gì cả.

Có người thì lý giải rằng vòng của từ trường là: Ra Bắc, Vào Nam. Các đại mạch điều hành sự sống của con người thì chạy dọc theo xương sống từ đầu xuống chưn. Do đó, đầu quay về hướng Nam để thuận dòng điện từ mới tốt.

Mỗi người bàn một cách, ta tùy nghi ứng xử. Phần lớn người Việt Nam chôn người chết đặt đầu quay về hướng Tây.

7. Bàn về long mạch

Nói chôn người chết ở long mạch để con cháu phát quan, phát tướng, phát vua… tôi cho là người ta đặt chuyện mà thôi.

Ông Tả Ao, người được cho là coi đất, coi long mạch giỏi nhứt Việt Nam ta nhưng con cháu ông không thấy có ai làm quan, đỗ trạng nguyên hay làm vua cả. Nước Ấn Độ vẫn là một cường quấc của thế giới, chết thì họ thiêu, tro rải xuống sông Hằng thì mạch ở đâu mà phát? Khi Tây Sơn thống lãnh cả Việt Nam, tương truyền là mồ mả của dòng chúa Nguyễn bị đào lên và quăng xác hết nhưng Nguyễn Phúc Ánh lại dựng được ngôi vua và truyền đến mười ba đời thì sao?

Việc tìm long mạch, tìm được đất thì phải định rõ đầu quay về hướng nào, nếu đặt sai cũng không được. Cháu cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nghèo lắm, có thầy địa lý biểu dẫn ra mả cụ xem sao. Tới nơi thì thầy nói mả chôn sai, đầu quay ngược lại mới đúng. Có lẽ vì vậy mà cháu cụ nghèo cũng nên. Khi đào mộ lên để quay ngược lại thì thấy có tấm bảng nhỏ, có chữ. Rửa đọc thì thấy ghi năm mươi năm trước mạch ở đầu, năm mươi năm sau thì mạch ở chưn. Thì ra xưa kia thì đúng, bây giờ thì sai.

Mạch đất thì xoay chuyển cho nên họ nầy đắc lợi một thời gian thì chuyển sang họ khác. Vũ trụ xoay vần nhưng đất phát thì bao lâu, con cháu được hưởng bao lâu? Nếu nói mộ cụ Trạng Trình vì đất xoay, mạch chuyển nên nghèo, vậy thì mồ mả của cha ông của đời tiếp cận bên trên thì sao, sao lại căn cứ vô mộ của ông hằng nhiều chục năm về trước? Đó chẳng qua là một cách nói không có gì đáng tin.

8. Vài cuộc đất phát

Ta hãy xem một số mộ của vua chúa ngày xưa.

Cha của Lý Thái Tổ nghèo, làm thuê ở chùa Tiêu Sơn. Ông lấy vợ, vợ có mang, nhà sư biết được nên đuổi đi. Hai vợ chồng đi tới rừng Báng ngồi nghỉ. Ông khát nước nên đi ngược về giếng nước, ông khom xuống múc nước và bị té xuống giếng. Thấy lâu, người vợ tới giếng thì thấy mối đùn lấp miệng giếng rồi nên tới ở nhờ nơi chùa Ứng Lâm gần đó. Sau đó sanh ra Lý Công Uẩn tức là Lý Thái Tổ. Như vậy đầu của cha Lý Công Uẩn cắm ngược xuống đất chớ không có hướng nào cả.

Mả mẹ của Trịnh Kiểm cũng vậy, bị hàng xóm bắt bỏ xuống giếng cho chết. Người ta bỏ đầu chúi xuống hay quay lên? Không ai biết được. Sau đó mối cũng đùn lấp miệng giếng. Về sau, Trịnh Kiểm được phong làm Thái sư Dực Quấc Công. Con ông là Trịnh Tùng lập phủ chúa lấn áp vua Lê và cũng truyền được nhiều đời.

Trạng nguyên Giáp Hải, cha ông quan hệ bất chánh với người đàn bà nghèo bán quán bên đường rồi chết. Bà sợ quá, đang đêm lôi ra bãi tha ma mà vùi. Và từ đó, bà có mang và sanh ra Giáp Hải. Có lẽ bà chỉ chọn chỗ nào đất mềm dễ đào mà vùi cho mau, bà cũng không cần định xem phải quay đầu về hướng nào cả. (Theo Nam Hải dị nhân của Phan Kế Bính)

Qua ba chuyện trên, tôi cho là nên hư là do âm đức mà gặp được đất tốt mà thôi chớ không phải tìm mà được. Tuy vậy, ta cũng cần lý giải việc quay đầu về hướng nầy hướng nọ để khi cần, ta quyết định một cách tự tin. Tự tin là tốt thì ta sẽ vượt được mọi điều không tốt mà vui sống.

Khi em ruột tôi qua đời, em dâu tôi bảo đem về quê nó. Về đó, các bực ông bà nó nói quay đầu về hướng sông. Một người nói ở đây thì quay đầu như vậy chú đi dọc theo đây mà coi. Sông lớn thì tôi không biết ở đâu nhưng phía trước là con đường, bên kia đường là mương thoát nước. Tôi nói quay đầu vô trong để mặt day ra đường tốt hơn. Khi đang phân vân, cháu trai kêu tôi bằng bác ruột nói: Đây là việc của cha, con theo ý của Bác con, để Ba con quay đầu vô trong ruộng để ngồi dậy, Ba con nhìn và đi ra đường đi chơi cho vui. Sau đó, tôi thấy các cháu tôi đều làm ăn tấn tới cả.

Khánh Hội - Quận Tư Saigòn ngày 26.12.2016

PHẠM HIẾU NGHĨA

LỜI TIÊN BÁO THỨ BA

– BÍ MẬT FATIMA

(Xin hãy cố gắng đọc kỹ, dù bạn không muốn)

Điều chắc chắn là Giáo hội Công giáo lúc bấy giờ có hứa sẽ chỉ mạc khải bí mật thứ ba này sau khi những biến cố đã xảy ra (ít nhất là những biến cố đề cập sau đây).

1/ Sau Đức Piô VI, có 12 vị Giáo Hoàng hoàn tất được triều đại của mình. Đức Gioan Phaolô II là vị thứ mười hai!

2/ Vị tiền nhiệm của Ngài (vị thứ 11) có một triều đại rất ngắn: Đức Gioan Phaolô I đã băng hà sau một tháng được bầu lên chức Giáo Hoàng.

3/ Vị Giáo Hoàng thứ 12 có một triều đại dài: Đức Gioan Phaolô II đã trị vì 27 năm, từ 1978 - 2005. Đó là một triều đại Giáo Hoàng dài thứ ba trong lịch sử.

4/ Vị kế tiếp Đức Gioan Phaolô II, theo lời tiên báo, sẽ gây một cuộc cách mạng trong chính Giáo hội Công giáo (???) Giáo hội cho phép mạc khải bí mật thứ ba của Fatima.

Giáo hội đã cho phép mạc khải cho tín hữu một phần bí mật Fatima. Đức Maria Mẹ Chúa Giêsu đã hiện ra với 3 trẻ nhỏ năm 1917 và cuộc hiện ra này đã được xác định bởi những biểu hiện phi thường mà hàng chục ngàn người đã chứng kiến. Một trong 3 trẻ còn sống đến những ngày gần đây tên là Lucia (soeur Lucie), nữ tu thuộc Dòng Kín ở Châu Âu. Lúc đầu, chị Lucia đã loan báo thông điệp này cho Đức Piô XII. Khi đọc xong, Đức Thánh Cha đã run và giữ lại bí mật, không phổ biến. Đến Đức Gioan XXIII cũng đã đọc và không phổ biến. Các Ngài đã làm như thế vì các Ngài biết rằng nếu phổ biến bí mật thì sẽ gây hoảng loạn, tuyệt vọng trên toàn thế giới.

Đây là phần khác của mạc khải. Không phải để gây sợ hãi, nhưng chúng ta phải biết để chuẩn bị.

Đức Mẹ đã nói với chị Lucia: “Con xem, Mẹ đã chỉ ra cho thế giới biết những gì sẽ xảy ra từ năm 1950 đến 2001, nhưng người ta vẫn không quyết tâm thực thi Mười điều răn mà Cha chúng ta đã ban. Satan vẫn dẫn dắt thế giới, gieo rắc hận thù và bất hòa khắp nơi, người ta đã làm nên những vũ khí giết người và trong vòng vài phút có thể hủy diệt thế giới, một nửa nhân loại sẽ bị hủy diệt cách khủng khiếp, chiến tranh sẽ bắt đầu. Sẽ có những chống đối giữa các dòng tu với Rôma. Thiên Chúa cho tất cả các hiện tượng tự nhiên như khói, mưa đá, băng giá, nước, lửa, lụt lội, động đất, thời tiết khắc nghiệt, những thiên tai khủng khiếp, những mùa đông cực lạnh dần dần kết thúc địa cầu; những hiện tượng này sẽ xảy đến chung quanh thập niên 2000. Những người nào không tin thì đây là cơ hội để tin.

Mẹ Chí Thánh của nhân loại đang nói với họ đây.

Hãy thực thi bác ái với người anh em đang cần giúp đỡ. Những kẻ không yêu thương nhau như chính Con Mẹ đã yêu thương chúng, một số kẻ này có thể sống sót, nhưng chúng lại muốn chết, hàng triệu những người này sẽ mất mạng trong vòng vài giây. Loại hình phạt trước mắt chúng ta không thể tưởng tượng được, và chúng sẽ thấy, không ngờ. Chúa chúng ta sẽ phạt một cách khắt khe những kẻ không tin Người, những kẻ chối bỏ Người, những kẻ không dành thời giờ cho Người. Mẹ kêu gọi tất cả những ai đến cùng Con Mẹ; Thiên Chúa là Đấng cứu giúp thế giới, nhưng tất cả những gì không làm chứng cho lòng trung thành và ngay thẳng sẽ bị hủy diệt cách khủng khiếp”.

Cha Augustin sống tại Fatima, đã được Đức Phaolô VI cho phép đến thăm chị Lucia, lúc đó đã là nữ tu dòng Kín, không được ra ngoài và tiếp khách. Cha Augustin nói là chị Lucia đã tiếp cha với một trái tim tan nát, chị nói: “Cha ơi, Đức Mẹ rất buồn vì hầu như không ai lưu tâm đến lời tiên báo của Mẹ vào năm 1917; những người tốt phải đi vào con đường hẹp, những người xấu sẽ đi vào con đường rộng dẫn đến diệt vong; xin Cha tin con, sự trừng phạt sẽ sớm đến, có nhiều linh hồn sẽ hư mất và nhiều quốc gia sẽ biến khỏi mặt đất. Nhưng dầu vậy nếu loài người biết suy nghĩ và cầu nguyện để trở lại làm việc lành thì thế giới có thể được cứu vãn. Còn ngược lại họ cứ ở trong tình trạng bệnh tật thì thế giới sẽ hư mất vĩnh viễn”.

Đã đến lúc phải truyền đạt thông điệp của Đức Mẹ cho mọi người quen biết, cho bạn hữu và cho cả thế giới biết. Hãy bắt đầu cầu nguyện, nâng tâm hồn lên, hãy ăn năn sám hối, hy sinh hãm mình. Chúng ta đang đến rất gần thời gian cuối cùng và tai họa cũng đang đi tới. Chính vì thế, có rất nhiều kẻ đang ở xa sẽ trở về trong vòng tay của Giáo Hội Chúa Kitô. Những nước như Anh, Nga, Trung Quốc, v.v… tất cả những người chân tu, người Tin lành, đạo sĩ, người Hồi giáo, Phật giáo, Do Thái giáo, sẽ trở lại và tin vào Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô và trong Mẹ Thánh của Ngài.

Nhưng chúng ta sẽ phải chờ đợi điều gì? Ở khắp nơi người ta đang nói đến hòa bình và yên ổn, nhưng hình phạt sẽ đến.

MỘT LÃNH TỤ RẤT QUAN TRỌNG SẼ BỊ ÁM SÁT VÀ ĐIỀU ĐÓ SẼ GÂY RA CHIẾN TRANH.

MỘT ĐẠO BINH HÙNG MẠNH SẼ ĐI NGANG KHẮP ÂU CHÂU VÀ CHIẾN TRANH HẠT NHÂN SẼ BẮT ĐẦU.

Trận chiến tranh này sẽ hủy diệt tất cả, bóng tối sẽ bao trùm trái đất trong vòng 72 tiếng đồng hồ (3 ngày). Gần 1/3 nhân loại còn sống sót sau 72 giờ đen tối và kinh hoàng này, và những ai bắt đầu sống trong giai đoạn mới sẽ là người tốt. Vào một đêm rất lạnh, 10 phút trước nửa đêm, MỘT TRẬN ĐỘNG ĐẤT LỚN sẽ làm rung chuyển trái đất trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Đó là dấu hiệu thứ ba của Thiên Chúa, Đấng cai quản trái đất.

Những người tốt lành, những kẻ loan báo thông điệp, lời tiên tri của Đức Trinh nữ Maria ở Fatima, KHÔNG ĐƯỢC RUN, KHÔNG ĐƯỢC SỢ HÃI, VÀ PHẢI LÀM GÌ? Hãy quỳ xuống và xin lỗi Chúa. Đừng ra khỏi nhà và không để cho ai lạ vào nhà, bởi vì chỉ có những người tốt lành mới không bị sự dữ thống trị và sẽ được sống sót sau cơn đại họa này.

Để cho các con có thể chuẩn bị và còn sống sót như những người con của Mẹ, Mẹ sẽ cho các con những dấu hiệu sau đây:

ĐÊM ĐÓ SẼ LÀ ĐÊM CỰC KỲ LẠNH, CÓ NHỮNG CƠN GIÓ RẤT MẠNH THỔI ĐẾN; SẼ CÓ NHIỀU LO ÂU VÀ TRONG CHỐC LÁT TRẬN ĐỘNG ĐẤT LỚN BẮT ĐẦU, TOÀN TRÁI ĐẤT RUNG CHUYỂN.

Trong nhà, con hãy đóng hết các cửa ra vào và cửa sổ, không nói chuyện với bất cứ người nào chưa vào trong nhà. Không được nhìn ra ngoài, đừng tò mò, bởi vì đó là cơn giận của Đức Chúa.

Hãy đốt những cây nến đã làm phép, bởi vì trong ba ngày đó không có ánh sáng nào khác.

Sự rung chuyển của trái đất mạnh đến nỗi trục của trái đất sẽ di chuyển từ 20-23º, sau đó sẽ trở về vị trí cũ.

Bấy giờ sự tối tăm hoàn toàn bao trùm cả trái đất. Tất cả thần dữ sẽ được thả tự do, chúng gây nhiều điều dữ cho các linh hồn không muốn nghe thông điệp này.

Các linh hồn Kitô giáo được chúc phúc nhớ thắp đèn cầy đã được làm phép, hãy chuẩn bị một bàn thờ có Thánh giá để liên lạc với Thiên Chúa và Con của Người, và để van nài lòng thương xót vô biên của Người. Tất cả đều tối đen. Bấy giờ, một cây Thánh Giá huyền nhiệm sẽ xuất hiện trên nền trời nhắc lại giá châu báu mà Con Thiên Chúa đã trả vì yêu thương và cứu rỗi chúng ta.

Trong nhà con, vật duy nhất có thể đem ánh sáng là những cây nến đã được làm phép, mà một khi đã được thắp lên rồi thì không gì có thể dập tắt cho tới khi ba ngày tối tăm chấm dứt. Tất cả phải có NƯỚC THÁNH trong nhà để rảy lên các cửa sổ và cửa ra vào. Chúa sẽ che chở sở hữu của những kẻ Ngài đã chọn.

Hãy quỳ xuống trước Thánh Giá đầy quyền uy của Đức Kitô mà cầu nguyện sốt sắng và hãy nói:

Lạy Chúa, xin tha thứ tội lỗi chúng con, xin cứu chúng con khỏi lửa hỏa ngục. Xin dẫn đến bên Chúa tất cả các linh hồn, nhất là những linh hồn nào cần đến lòng thương xót Chúa hơn.

Ôi Mẹ Maria dịu hiền, xin cầu cho chúng con, chúng con yêu Mẹ, xin cứu thế giới chúng con ”.

Những người công chính không được run sợ về bất cứ điều gì vào Ngày của Thiên Chúa.

Trong khi thời gian còn cho phép, người nào làm thinh sẽ chịu trách nhiệm về nhiều linh hồn bị hư mất do thiếu thông tin. Khi trận động đất ngừng, những người không tin vào Thiên Chúa sẽ chết cách khủng khiếp. Gió sẽ mang hơi độc gieo rắc khắp nơi, không cho mặt trời lộ diện. Có thể chúng con sẽ sống sót sau cuộc đại họa này. Đừng quên rằng cơn giận dữ của Thiên Chúa là Thánh, và khi đã bắt đầu, các con không được nhìn ra ngoài vì bất cứ lý do nào, vì Thiên Chúa không muốn cho con cái Người thấy khi Người trừng trị những kẻ tội lỗi cố chấp.

Các con phải hiểu rằng Thiên Chúa sẽ cho phép tất cả điều ấy xảy ra. Đức Thánh Cha và các Giám mục đang chờ một thông điệp khác nói về sự thống hối và cầu nguyện.

Hãy luôn nhớ rằng Lời của Thiên Chúa không phải là đe dọa mà là Tin Mừng”.

Xin vui lòng chép lại tin này, và gởi cho tất cả những người bạn quen biết để mọi người có cơ hội thống hối và được sống sót. Chúng ta không biết những người nhận được thông điệp này sẽ tin hay không, nhưng hãy nghĩ rằng nếu Thiên Chúa cho phép thì nó sẽ xảy ra, bởi vì Người muốn điều đó, và dù người đó theo đạo nào. Nếu bạn không tin vào thông điệp này, hãy gởi cho những người khác, điều đó không làm bạn tốn kém chi, và như thế những kẻ tin sẽ có cơ hội để tự quyết định. Bạn hãy nhớ rằng tất cả điều đó có thể được tránh nếu chúng ta thực hành 10 giới răn mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đó là 10 điều rất đỗi đơn giản mà nếu chúng ta có thể thực hành được thì chúng ta sẽ đón nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa .

Chị Lucia đã mất ngày 13-02-2005. Từ thập niên hai mươi, người ta đã tiên đoán rằng những lời tiên tri này sẽ được thực hiện sau khi chị Lucia qua đời.

LỆ NGỌC st.

TRUYỀN THUYẾT VỀ ĐỨC PHẬT

Tứ khổ

Sanh Bệnh Lão Tử

Nhà vua không muốn cho Thái Tử trông thấy những chuyện phiền lòng trong khi đi du ngoạn, vì e ngại Thái Tử có thể phát khởi lên cái ý nghĩ là từ bỏ vương quốc để xuất gia tầm Đạo, Cho nên, ngày hôm trước, Nhà Vua đã chỉ thị cho dân chúng biết rằng, ngày mai Thái Tử đi tham quan đô thị, mọi người phải trang hoàng nhà cửa và đường phố cho sạch đẹp. Những người già yếu và bệnh tật phải ở trong nhà suốt ngày. Những người nghèo khó, ăn xin phải dời đi nơi khác.

Sáng hôm sau, người giúp việc thân cận của Thái Tử tên là Xa Nặc đã chuẩn bị xong con ngựa Kiền Trắc, để cho Thái Tử cưỡi đi du ngoạn qua cửa Bắc Thành.

Cửa Thành Hướng Bắc

Trong suốt thời gian thơ ấu đến nay, thì đây cũng là lần đầu tiên mà Thái Tử được ngắm nhìn cảnh quan đẹp mắt của thành phố Catylave. Và đây cũng là lần đầu tiên, người dân thành phố được nhìn thấy vị Thái Tử quý phái của họ. Mọi người rất lấy làm sung sướng, mà đứng dài theo đường để ngắm nhìn chàng trai trẻ hoàng gia đi ngang qua. Họ trầm trồ ca ngợi tài đức của Thái Tử.

Một mặt, Thái Tử cũng lấy làm sung sướng, khi nhìn thấy phố xá xinh tươi, người dân vui vẻ hoan hô. Họ tung hoa chào mừng Thái Tử yêu quý của họ.

Mặt khác, Thái Tử vui vẻ nhớ lại, bài hát của nàng ca nhi thật là đúng. Đây, quả thật là một thành phố phồn vinh, ngoạn mục.

Trong lúc Thái Tử đang tham quan thành phố, vui vẻ với Xa Nặc, thì họ phát hiện một người đi đứng lom khom, tóc thì bạc, da thì nhăn, không có răng trong miệng, cũng đang vẫy tay chào mừng Thái Tử.

Lấy làm lạ, Thái Tử mới hỏi Xa Nặc:

- Người đó làm sao vậy? Tại sao ông ta không tươi trẻ như mọi người? Trông y có vẻ ốm yếu quá.

Xa Nặc giựt mình, vì lệnh cấm người già ra đường. Nhưng cũng ráng bình tĩnh để trả lời:

- Thưa Thái Tử, đó là một ông già.

Thái Tử mới hỏi:

- Vậy thì ông già là gì?

Xa Nặc mới giải thích:

- Đời người bị hạn chế trong vòng một trăm năm tuổi. Trước kia, người này cũng là một thanh niên trai trẻ như Thái Tử vậy. Rồi càng ngày càng lớn tuổi, thì y càng già đi như thế đó.

Vừa ngạc nhiên, vừa buồn bã, Thái Tử mới hỏi tiếp:

- Thế thì ai ai cũng phải trải qua tuổi già như vậy sao? Rồi ta cũng phải già như vậy sao?

Xa Nặc nói:

- Vâng, thưa Thái Tử, mọi người, ai cũng phải đi đến tuổi già. Đó là Định Luật của Trời Đất.

Những lời nói này làm cho Thái Tử trầm ngâm suy nghĩ, rồi Thái Tử bảo Xa Nặc:

- Thôi chúng ta hãy trở về. Ta không muốn đi xem gì nữa.

Xa Nặc vâng lệnh quay về.

Đến nhà, Thái Tử đi một mạch vào phòng riêng, và nằm mà suy nghĩ, trầm ngâm một mình: “Tuổi già. Tuổi già. Tại sao lại có Tuổi già như vậy?”.

Cửa Thành Hướng Nam

Đức Vua nghe tin Thái Tử không được vui, nên mới nghĩ ngợi rằng:

- Nay ta sẽ sắp xếp một cuộc dạo chơi khác qua cửa Nam cho Thái Tử giải khuây. Nhưng lần nầy, cảnh quan phải tươi đẹp, rực rỡ hơn.

Vì vậy, Xa Nặc lại phải thắng yên cương cho con ngựa Kiền Trắc một lần nữa để đưa Thái Tử đi du ngoạn qua cửa thành Nam.

Cảnh quan được trang trí xinh đẹp hơn trước. Người dân thì mang cờ xí, tấp nập ra đường chào đón Thái Tử. Trong cuộc vui vẻ nhộn nhịp đang xảy ra, thì có một người bệnh xuất hiện cũng đang vẫy tay chào mừng. Thái Tử mới thốt lên:

- Xem kìa Xa Nặc, người kia sao mà ôm ngực mà khọt khẹt, ụa mửa vậy?

- Thưa Thái Tử, người đó đang bị bệnh ho hen.

- Tại sao ông ta bị bệnh?

- Có rất nhiều lý do, và nhiều loại bệnh khác nhau. Mọi người đều có thể mắc bệnh như ông ta. Bệnh tật không chừa một ai cả. Cái bệnh thì thường dẫn đến cái chết.

- Tại sao người ta lại vô tư vui vẻ như vậy, trong khi bệnh tật đang đe dọa họ?

- Bệnh hoạn là việc bình thường của cuộc sống mà.

- Ta đang ngồi trên đống lửa đỏ mà ta không biết sao vậy? Ta hãy quay về đi thôi.

Thái Tử trở về nhà thì càng trở nên lặng lẽ. Không một ai có thể làm gì cho chàng cười được.

Nhà Vua thấy con mình không vui, thì lấy làm bối rối, mới bảo:

- Ta đã làm hết cách để cho con trai ta vui vẻ, song le, cuối cùng trái tim của nó vẫn tràn đầy buồn rầu. Vậy ta hỏi các quan, xem có cách nào làm cho Thái Tử vui cười được không?

Các quan mới đề nghị rằng, mỗi khi Thái Tử đi dạo thì nên cho các ca sĩ, vũ công đi theo hầu, để đàn địch múa hát tưng bừng cho thêm vui vẻ.

Cửa Thành Hướng Tây

Hôm ấy, Thái Tử với Xa Nặc di hành qua cửa Tây, có các nhạc công theo hòa tấu thật là vui vẻ. Trong lúc đang du ngoạn, Thái Tử chợt thấy có một đoàn người khóc than buồn rầu, đang khiêng một người nằm bất động trên cái cáng. Lấy làm lạ Thái Tử mới hỏi Xa Nặc:

- Họ khiêng ai đó đi đâu vây?

Xa Nặc trả lời:

- Họ khiêng người chết đi hỏa thiêu.

Thái Tử mới hỏi:

- Chết là gì? Tại sao y phải chết?

Xa Nặc mới giải thích:

- Con người sống đến một lúc thì phải chết. Không ai có thể sống mãi được. Cái chết nó chực chờ bên cái sống.

Thái Tử mới than:

- Tại sao con người phải đa mang nhiều khổ hạnh như vậy? Già nua, bệnh hoạn, rồi chết chóc, mà vẫn vui cười được sao? Thôi hãy quay về cung điện, ta không còn muốn đi xem điều gì nữa.

Thái Tử trở về cung điện buồn bã. Mọi người đều ra đón tiếp Thái Tử rất nồng hậu, với bàn tiệc linh đình chào mời. Nhưng Thái Tử không để ý đến gì cả, vì chàng đang bị ám ảnh bởi cảnh tượng vừa qua.

Thái Tử Tất Đạt Ta ngày càng chìm đắm trong suy tư về đời sống khổ sở của của con người (SANH, BỆNH, LÃO, TỬ), mà không còn quan tâm đến việc gì nữa.

Nhà Vua rất lấy làm lo ngại.

Cửa Thành Hướng Đông

Một hôm, Thái Tử đến gặp Vua Cha, và xin đi ra cửa thành Đông chơi cho biết rõ bốn mặt thành.

Nhà Vua lấy làm vui lòng, mà căn dặn các quan chuẩn bị chuyến tham quan này cho được chu đáo, để cho Thái Tử được vui lòng.

Thái Tử cùng Xa Nặc ngồi trên con ngựa Kiền Trắc ra cửa thành hướng Đông du ngoạn có quan quân theo hộ tống rình rang vui vẻ lắm.

Ra khỏi cửa thành hướng Đông một đỗi, thì Thái Tử gặp phải một Nhà Sư, hai tay ôm bình bát, mắt nhìn phía trước, chân bước chậm rãi, với dáng người thanh tao, hiền hòa.

Thái Tử liền hỏi Xa Nặc:

- Người đó là ai mà tướng mạo xem uy nghi chững chạc như vậy?

Xa Nặc đáp lời:

- Thưa Ngài, người này là một Nhà Sư xuất gia tu hành, đi tầm Đạo Lý.

Thái Tử lấy làm lạ, mới xuống ngựa, đến chào hỏi Vị Sư:

- Vì sao Sư xuất gia tầm Đạo?

Nhà Sư bảo:

- Thưa Ngài, tôi đã hiểu được rằng, cuộc sống là vô thường, mạng người thì mỏng manh như chỉ mành treo chuông, sớm còn tối mất. Tiền tài, công danh, ái tình thì tan hợp như phù vân mây khói. Tôi muốn thoát khỏi tứ khổ Sanh, Bệnh, Lão, Tử. Tôi muốn tìm cho được cái Chân Lý Vĩnh Cửu, để hầu cứu khổ cho mình và cứu khổ cho người. Tôi muốn giải thoát khỏi cuộc đời ô trọc này, để được tự do như cánh chim đại bàng bay lượn trên bầu trời bao la vô tận.

Thái Tử nghe xong, thì rất đỗi vui mừng, vì đã gặp bậc thầy chỉ đạo cho mình.

Lời nói của Vị Sư rất đúng, là phải tìm cho ra cái Chân Lý giải thoát khỏi khổ ải: Sanh, Bệnh, Lão, Tử, mà cứu khổ mình và cứu khổ người.

Lần này Thái Tử rất lấy làm vui vẻ, mà bảo Xa Nặc đánh ngựa trở về hoàng cung.

(Còn tiếp)

Thanh Châu sưu tập kể


Hồ Gươm 100 năm trước

Phụ Bản IV

DUYÊN

Đi đâu cũng kè một… đống đồ, nên hay rách việc lắm!

Hai cái điện thoại, định bỏ đi cái Samsung cũ mèm, nhưng kẹt nỗi nhiều bạn bè vẫn gọi qua số ấy, nên đành xài cả hai cái cho thêm phần… rầy rà.

Đêm mưa Đà Lạt, bày đặt đi nghe nhạc… Đường hết lên dốc lại trườn xuống vực, cái chui tọt vào khung cảnh ẩm mốc mà nghe tỉ tê Trịnh Công Sơn. Xách cả đống máy đi mà tay nghề thì loạng choạng. Đành cứ bấm bừa, vừa nghe vừa chụp, vừa xem những thế bấm guitar của tay nghệ sĩ tài hoa. Lạ là, anh ta tuy đẹp trai mà chẳng ăn ảnh, nên cứ nhè tay mà chụp thôi…

Rồi lại… bò lên bậc tam cấp bằng đá chẻ chật chội trong cái nhá nhem lúc gần nửa đêm để trở ra. Rồi hú hồn vì đồ nghề còn nguyên vẹn. Ngồi chờ các bạn trên băng ghế “xe nội bộ” với chút ướt át của một đêm mưa, nối tiếp lũ mưa xám xịt từ những 2 giờ chiều. Có anh chàng đi vào, rồi lại đi ra cổng. Nhìn nhau mà chẳng ai nói với ai một lời trong cái không gian se se ướt át ấy…

Rồi hè nhau đi taxi về…

Rồi phát giác ra cái Samsung cũ mèm rơi mất tiêu! Chẳng biết rơi ngoài quán nhạc hay trong xe nữa. Bèn alo, alo, alo, alo, alo 5 lần mà chẳng thấy tăm hơi. Bà bạn đi cùng cũng gọi vào cái Samsung ấy. Dĩ nhiên nó cũng lặng ngắt, nín câm!

Hm! Lần này thì mày đi luôn là được rồi. Chỉ tiếc là tiền cứ nạp hoài để có cái mà gọi, mà nhắn, chủ yếu là tổ chức này nọ, thăm viếng kia khác mà thôi.

Cái, thở một hơi dài sảng khoái vì chia tay được thứ đã gắn cùng bó cỡ dăm sáu năm…

Cái, Samsung gọi:

- Ô! Mừng quá, chắc bạn nhặt được điện thoại của mình phải không?

Có lẽ kẻ nhặt được đoán mình lớn tuổi, vì cái điện thoại ấy chỉ có thể dành cho quý cụ, quý ông sồn sồn hay quý bà khệnh khạng thôi, nên hắn gọi là “anh” ngay:

- Vâng! Em nhặt được nó ở…

- Vậy cho tôi xin lại nhé! Bạn cho tôi biết chỗ của bạn…

- Thôi! Anh cứ cho em địa chỉ là em đem tới tận nơi ngay mà…

Quái lạ! Sao lại có người tốt đến thế:

- À! Tôi đang ở… nhé, và tôi sẽ ra trước cổng đón bạn đây…

Thế là lóp ngóp chui ra, đứng bên vệ đường. Lúc sau, có chiếc xe trờ tới, trở đầu rồi thắng lại ngay chóc. Anh chàng lái xe chìa ngay cái Samsung, mà chẳng hề có động thái nào muốn xác minh xem có thật chủ nhân cái Samsung là lão già già này không. Anh ta chỉ phân bua:

- Nãy, anh gọi em mấy cuộc, nhưng em đang lái xe chở khách nên không tiện trả lời…

À, thì ra anh ta lái taxi. Cả hai chợt nhận ra họ đã gặp nhau ở trong sân quán nhạc lúc nãy. Có lẽ anh ta là tài xế taxi đậu ngoài cổng nên thỉnh thoảng chạy ra chạy vào đấy thôi…

Anh ta rất tự nhiên nhận chút quà chỉ bằng tiền cước cú taxi khứ hồi mà chúng tôi vừa trả.

Trước mặt anh là mẫu tượng Đức Maria Ban Ơn. Hóa ra, chúng tôi cùng chung một niềm tin. Chúng tôi bắt tay nhau, kẻ bên vô lăng, kẻ ngoài cửa xe. Đà Lạt như thân thiện hơn dù mưa còn bay bay trong bầu trời. Tôi hỏi anh có xài FB không. Rồi vừa gật đầu, anh ta vừa ghi lại số điện thoại của tôi, để anh sẽ kết bạn…

Về tới Sài Gòn, đã thấy người lạ mà quen “xin kết bạn” với mình. Dĩ nhiên là tôi đồng ý ngay tắp lự. Tôi chỉ nhớ câu cuối cùng của anh:

- Nếu cần đi đâu, anh gọi cho em nhé!

Huy à! Anh về Sài Gòn rồi! Giờ này nếu mời được chú mày một ly cà phê thì thật là tuyệt vô cùng! Nhưng chú quên chưa cho anh số điện thoại của chú nhé…

Dù sao, một lần nữa cám ơn Huy, và trân trọng giới thiệu với toàn thể thế giới, với muôn loài, người bạn mới tinh tình tình của tôi: Huy! Và tài khoản FB của chàng là “Quochuy Dang”

Chú Huy! Chú cho anh xin số điện thoại, để thỉnh thoảng, anh sẽ lấy cái Samsung trời đánh ấy mà leo lẻo với chú, nha!

LAM TRẦN

05.04.2017


NGĂN NGỪA VÀ CHỮA BỆNH

VIÊM HỌNG

  • Ngăn ngừa khi có dấu hiệu báo sắp bị Viêm Họng

Khô cổ họng: uống 1 ly nước chanh (không đá)

  • Khi dấu hiệu đã phát triển thành bệnh:

Thì phương cách để trị bệnh Viêm Họng phải có sự phối hợp của 1 số việc phải làm:

Không uống đá

Không nói lớn, nói nhiều

Không ăn cay, hít khói thuốc

Khò nước ấm pha muối (hơi mặn hơn canh) 3 lần/ ngày

Và đi bác sỹ khám lấy thuốc uống

Khi bị ho, ta dùng ngón tay ấn đè nhẹ vào yết hầu ở cổ để hãm bớt tiếng ho lớn có thể làm chỗ đau ở cổ họng phát triển.

Tìm hiểu, phát hiện nguyên do làm cho mình bị Viêm Họng và tránh nó đi.

Ví dụ: nếu ăn cay làm cho bị Viêm Họng thì ta giảm và đừng ăn cay nữa.

Anh Minh st

Buồn vui

Mùa Chay & Phục Sinh

Mùa chay 1974, Thầy Giuse Đỗ Đức Hiệp được phân công hướng dẫn Chặng Đàng Thánh Giá thứ nhất, thầy vào đề ngay: “Chẳng có tòa án nào khi xử xong lại không cho rằng mình đã xử rất công minh”. Rồi thầy tiếp: Có một phạm nhân tên là Giêsu bị chính môn đệ mình là Giuđa nộp để lấy một số tiền đủ mua một thửa ruộng*.

Một tòa án được thiết lập nhanh chóng mà bên bào chữa chẳng thấy có ai. Thấp thoáng xa xa chỉ là vài người đồ đệ xưa đã từng đi theo phạm nhân, cũng có người bênh thầy mang gươm chém đứt tai một tên đày tớ của thầy thượng tế.

Phạm nhân được xử lần nhất bởi các thầy thượng tế, nhưng bên tố cáo muốn một án tử cho phạm nhân nên mau chóng thông qua và thế là phạm nhân được xử lần hai với quan tổng trấn Philatô. Đám đông được phe các thầy thượng tế kích động hùng hùng hổ hổ thét gào: “Đem đi đóng đinh vào thập giá. Đem đi đóng đinh vào thập giá”. Quan Tổng trấn Philatô cho rằng đây chỉ là sự tranh chấp trong tôn giáo nên coi thường chẳng muốn nhúng tay vào, quan bảo các ông tự xử lấy, nhưng các bô lão, các thượng tế thì cho rằng đây là cuộc khởi loạn, mà khởi loạn thì phải tử hình và quan không xử là quan không trung thành với hoàng đế Xê-da. Sợ mất chức, mất ghế nên Philatô đành phải xử theo ý dân. Ông biết tội nhân chẳng có tội gì: “Ta không thấy người này có tội gì đáng lên án”. Đây chỉ là vấn đề nội bộ tôn giáo thậm chí ông dùng cả một tên trùm khét tiếng tên là Baraba trao đổi thế mà dân cũng không chịu. Sau khi hỏi vu vơ vài câu về thân thế gọi là cho có, ông cũng hỏi qua về sự thật mà tội nhân rao giảng: “Sự thật là chi” rồi ông cũng chẳng cần nghe câu trả lời. Nhưng khi cần xác định quyền hạn ông sẵn sàng dõng dạc: “Điều ta đã viết là viết”.

Án ấy đến nay đã trôi qua trên 2000 năm Philatô đã ân hận và trả giá cho án ấy. Nhưng bây giờ những án oan, án sai cũng không kém và nếu phải bồi thường thì phải bồi thường như thế nào cho thỏa đáng đây. Nói theo công bằng thì khó lắm, Da-kêu thu thuế sau khi gặp Chúa đã nhận ra chân lý ông đã thốt lên: “Lạy thầy, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi có cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp 4” (Lc 19,8). Theo luật Do Thái và luật Roma đền gấp 4 là sự rộng rãi phi thường, chỉ cần đền gấp 2 là đủ. Ngày nay nhiều sự mất công bằng nhan nhản nhưng họ chỉ lo dâng cúng cho chùa, nhà thờ… Thật ra làm như thế chỉ có tác dụng là để cho an ổn lương tâm một phần nào thôi.

Với thời đại thông tin tràn lan của ngày nay, một tin vừa loan ra nhiều người thi nhau truyền tải mà không cần biết tin đó có chính xác không hay chỉ là tin vịt. Họ cho rằng thấy hay là ‘share’ đến khi thấy sai thì cũng chẳng cần phải đính chính. Bấy giờ thì hậu quả có rộng lớn và tệ đến tầm cỡ nào cũng chả có gì cần quan ngại vì có ai chịu trách nhiệm với những gì đăng tải trên “nét” đâu. Công bằng thật khó thay!

Mỗi năm khi Mùa Chay và Phục Sinh đến, tôi lại nhớ đến bài chia sẻ của thầy Hiệp, càng ngẫm càng thấy thấm thía và chí lý nên khi được nhận hát Bài Thương Khó của ngày thứ Sáu Tuần Thánh với vai Philatô (vì có giọng cao tốt) tôi đã cố gắng hát hai câu kể trên: “Sự thật là gì?” và “Điều ta đã viết là viết” cho thật đúng. Bài hát này Đức cha Hòa đã chuyển câu “Sự thật là gì” qua ‘tông’ Rê thứ lửng lơ để diễn tả sự hỏi cho có lệ của Philatô vì biết Philatô hỏi chỉ là hỏi cho có thôi; nhưng cuối cùng khi Philatô khẳng định quyền hạn: “Điều ta đã viết là viết” thì Đức cha lại chuyển lại ‘tông’ Fa trưởng. Còn những gì dân chúng hét lên toàn ở cao trào với nốt Fa cao chát chúa. Bài Phúc Âm dài nhưng được diễn tả qua 4 giọng hát khác nhau khiến cho Tuần Thánh thêm phần sinh động.

Rồi cũng về việc hát xướng trong Mùa chay và Phục Sinh này, đặc biệt trong ba ngày thánh cũng có thật nhiều điều đáng lưu ý vì nó có thể giúp cho cộng đoàn giáo dân thêm phần sốt sắng hoặc lo ra chia trí:

Một mùa chay nọ cha xứ vất vả nhiều chuyện từ giảng phòng đến ngồi tòa hòa giải… thành ra đến ngày đại lễ ngài bị cảm khàn tiếng không Công bố Phục Sinh được và cha yêu cầu tôi giúp, và đứng cạnh cây nến Phục Sinh còn thơm mùi sáp ong, ánh lửa như đang nhảy múa mừng vui, tôi đã cố gắng hát Exsultet với tâm trạng rộn rã hân hoan vì Chúa đã sống lại: “Mừng vui lên…”

Tại một xứ khác một cha trẻ hát bài này thật hồ hởi, giáo dân dõi theo cũng rất hỉ hoan vì cha lên giọng rất rõ ràng và hùng mạnh. Hát xong cha tâm sự: “Mùa chay trôi qua mệt quá nên nhiều đoạn hát chưa tốt”. Không phải đâu cha: Người đánh đàn sau khi lên ‘tông’ 3 lần ở đoạn xưng tụng cây thánh giá đã không trả lại hiện trạng mà cứ thế mà đánh tiếp… cũng may giọng cha tốt nên vẫn lên ngon lành tuy có hơi cố một chút! Nhưng tại Giáo xứ khác có cha già rồi nhưng vẫn thều thào: “Mừng vui lên…” Mừng sao được, vui thế nào khi cha lên hổng nổi. Cũng may năm sau cha đã nhường lại cho một thầy trẻ làm công việc này và điều này đã khiến giáo dân tham gia những ngày thánh càng thêm phần long trọng.

Riêng Giáo xứ của Ba tôi mọi khi vẫn tổ chức linh đình như: Ngắm thương khó, Ngắm dấu đanh, Dâng hạt, Đi chặng đàng Thánh giá… năm nay cha xứ mới về bỏ hết cho đơn giản. Chủ Nhật Lễ Lá và Thứ Sáu Tuần Thánh đọc Bài Thương Khó cha đọc một mình, rước kiệu Mình Thánh Chúa cha cũng tự lẳng lặng rước qua nhà tạm cạnh đó, thế là xong. Buồn ơi là buồn!!! Nhưng thôi chẳng có gì để phải kêu ca, phàn nàn mãi, chẳng phải trong mỗi chúng ta đã sẵn có những mầm sống mới như những chú gà con sẽ vươn mình lên và tự mình thoát khỏi vỏ trứng để đón cuộc sống mới, như mầm xanh bật dậy sau những đêm dài dưới mặt đất, như mặt trời xuất hiện chói chang sau một đêm dài ẩn mình. “Một Ngày Mới bắt đầu”.

HÀ MẠNH ĐOÀN (PS 2017)

* Hiện nay vẫn còn để không chẳng trồng trọt được gì vì ruộng đó đã được mua bằng giá máu.

XÁC CHẾT BÊN ĐƯỜNG

A nh tài xế ngoái đầu ra sau hỏi:

- Sao rồi? cậu ấy còn thở không?

- Dạ còn dạ còn.

Câu trả lời hấp tấp có phần hốt hoảng, anh tài xế im lặng. Chiếc xe ben vẫn tiếp tục gập ghềnh lăn qua những hòn đá lớn nhỏ lổn nhổn. Nó rung lắc rung lắc liên tục bởi sự gập ghềnh ấy, khiến ba con người một nằm hai ngồi trên sàn xe đầy cát bụi cũng không thể yên. Người áo xanh lại đặt tay lên ngực người nằm, nhưng cũng chẳng thể phân biệt nổi nhịp đập ngày càng nhẹ trong lồng ngực nữa. Họ là ba người đàn ông hơn kém nhau vài tuổi, cùng trên ba mươi, hốc hác bờ phờ là dáng vẻ chung. Chiếc xe đã đi vào quãng đường êm, người áo vàng đưa hai ngón tay ngang mũi người nằm, anh ta nhíu mày, đưa ngón tay gần thêm chút nữa. Người kia cũng lập tức đặt tay lên ngực và vạch mi mắt người nằm ra xem. Họ cùng bật một cái nhìn thảng thốt vào mắt nhau. Một người há miệng định bật lên một tiếng kêu, nhưng người kia vội vàng bịt lại, mắt đảo nhanh về phía đầu xe. “Sao rồi???”. “Không sao, không sao đâu ạ”, gần như hai đôi môi cùng thốt lên một câu. Anh tài xế có một cảm giác lạ, nhìn quãng đường nhẩm tính còn độ dăm cây số nữa là ra đến đường nhựa, anh nhấn ga cho xe chạy nhanh thêm một chút.

Gió mát phả vào thùng xe làm cả hai người bất giác ngẩng lên. Đã ra đến đường nhựa rồi, họ thì thầm hỏi nhau:

- Bây giờ phải làm sao đây?

- Biết làm sao bây giờ, thì cứ để xem xe này chạy được đến đâu hay đến đó đã.

- Gọi điện cho ổng biết đi.

- Gọi lỡ tài xế nó nghe thì sao?

- Thì nhắn tin đi.

Chiếc điện thoại nhó nháy một hồi, hai người lại ngồi im ủ rũ, họ nhìn vào mặt người nằm, rân rấn những giọt nước mắt. Chiếc xe vẫn tiếp tục bon bon trên con đường đã lác đác có vài chiếc xe máy qua lại.

Bất thần họ giật mình vì chiếc xe ngừng lại đột ngột. Anh tài xế mở cửa bước xuống vòng ra sau nhảy lên thùng xe.

- Mấy ông cho ổng xuống đi, tui không chở đi thêm được nữa đâu.

- Dạ anh thương tình chở giùm đến bệnh viện hay trạm xá gì cũng được, anh giúp giùm đi.

- Giúp mấy ông ra đến đây là đã tốt lắm rồi, ổng chết rồi còn bệnh viện gì nữa. Thôi, cho xuống đi, xe tui còn đi chở đồ cho người ta nữa.

- Anh ơi, tội nghiệp nó mà, thôi anh cho nó ra đến huyện đi rồi tụi em nhờ người ta.

- Chỗ này có nhiều xe qua lại rồi, mấy ông xuống giùm đi, đừng làm khó tui, tui cũng đi làm thuê thôi, chủ xe kỹ tính lắm, ổng mà biết là tui mất việc, mấy ông thông cảm đi.

Hai người nhìn quanh, bên đường có một vệ cỏ dưới gốc cây, thôi thì đành vậy. Đưa được xác người chết xuống vệ cỏ rồi, anh tài xế rủt ví lấy ra mấy tờ bạc:

- Mấy anh cầm giùm, coi như tui viếng ổng. Ông sống khôn chết thiêng đừng giận tui tội nghiệp nha ông. Mấy ông coi có xe nào họ nhận chở xác thì nhờ họ, tui đi nha.

- Dạ cảm ơn anh.

Chiếc xe lăn đi để lại một làn bụi. Hai người ngồi vuốt lại nếp áo cho người chết, người áo xanh bỗng cởi chiếc áo khoác nhàu nhĩ đắp lên gương mặt vàng ợt, sụt sịt: “Khổ thân mày, biết có ai chịu đưa mày về nhà không đây? Mày có khôn thiêng mày đi gọi người ta đến giúp đi”. Anh ta thẫn thờ nhìn bạn một chút rồi lại lấy điện thoại ra nhìn.

- Ổng không tin lại à?

- Không thấy gì.

- Hay là không nhận được tin.

- Sao không nhận được? Nếu một lúc nữa không thấy trả lời là lơ luôn rồi. Làm công tự do như tụi mình, chủ nó có trách nhiệm gì đâu. Chết tại đó may ra nó còn ngó ngàng, ra tới ngoài này rồi, nó phủi tay cái một cho coi.

- Cũng có thể lắm, nó sốt mấy ngày li bì vậy mà có vài viên thuốc thì chịu sao nổi. Tao nghi nó sốt cấp tính quá.

- Cấp tính hay sốt gì mà không chữa trị gì cũng tiêu. Giờ đủ thứ bệnh, lại rừng rú vậy nữa, ăn uống còn không đủ lấy đâu sức mà không đổ bệnh.

- Nghèo đúng là chỉ có chết, nghe nói nhà nó cũng khổ lắm hả?

- Ừ, một vợ hai con một mẹ già. Nhà thì liêu xiêu lụp xụp, chạy quanh đủ miệng ăn là tốt lắm rồi, nó lại là lao động chính, giờ vầy không biết nhà nó sẽ ra sao nữa.

- Mày báo về nhà nó chưa?

- Tao báo cho em tao nhắn cho nhà nó rồi, chứ nhà nó có điện thoại đâu mà báo, nó gom được ít tiền lại nhờ người ta gửi bưu điện về thôi. Nhà nó biết tin thì cũng chỉ biết chờ mình đưa về chứ biết làm gì. May mà có hơn trăm cây số, chứ mà gặp ở ngoại tỉnh chắc…

- Hơn trăm cây mà biết có tìm được xe đưa nó về không…, chiều rồi… ê có xe kìa…

Người áo vàng nhanh nhảu chạy ra giữa đường vẫy rối rít, chiếc xe du lịch bảy chỗ chạy chầm chậm lại, tài xế ló đầu ra cửa, nghe chưa hết câu anh ta đã lắc quầy quậy rồi vọt xe đi. Người vẫy xe tiu nghỉu quay vào, nhưng lại vội quay ra khi nghe có tiếng động cơ vọng đến, nhưng cũng không khác gì lần trước, cái thứ ba thứ tư… thứ sáu thứ bảy…

- Mày đừng vẫy xe du lịch làm chi, họ không chở đâu.

- Gặp cái nào vẫy đại cái đó, may ra chứ biết thế nào mà chờ, trời sắp tối rồi.

Cả hai cùng ngước lên bầu trời chỉ còn lấp ló vài tia nắng, vẻ lo âu hiện rõ. Đoạn đường vắng hoe, là một khu thưa thớt dân cư, thi thoảng một vài người đi làm ruộng rẫy về hối hả bước vội. Ánh sáng ban ngày đã dần cạn, một người rên lên :

- Trời ơi trời! Phải làm sao bây giờ hở trời???

- Mẹ cái thằng tài xế hồi nãy, ơn mà không ơn cho trót, bỏ chi con người ta nằm giữa đường vậy chớ.

- Trách chi nữa, nó vậy là cũng tử tế lắm rồi, không gặp nó trong rừng có khi chôn xác thằng này trong đó luôn quá. Mà lúc đó nhờ chở đi bệnh viện, thì nó mới cho, chứ chết rồi chắc gì nó đã chịu chở.

- Chết trong đó đã có chủ gỗ lo. Mẹ nó, làm quật sức cho tụi nó hốt bạc, gặp chuyện là nó bỏ mặc.

- Đúng là ăn của rừng rưng rưng nước mắt mà.

- Sao mấy thằng chủ không rưng mà mấy thằng nghèo mình phải chịu khổ vậy chứ. Ông Trời thiệt…

- Trời đất chi mà kêu. Kiếp nghèo kiếp khổ kiếp làm thuê kiếp lăn lóc có kêu mấy Trời cũng hổng nghe đâu. Kìa xe kìa…

Phía xa xa có hai đốm đèn choé sáng, người áo vàng lại lao ra đường huơ tay rối rít. Chiếc xe bẻ lái tránh một cách nhanh nhẹn rồi lại lao tiếp. Người áo vàng đứng nguyên trên đường, anh ta nhìn lại hai người bạn trong vệ cỏ, nhìn bầu trời đang tối sậm xuống, cúi đầu như suy tính cái gì. Anh ta cứ đứng cúi đầu như vậy cho đến vài phút sau, có hai đốm đèn choé sáng, nhưng ở phía ngược lại với hướng anh ta đã đón từ chiều, bất thần anh ta giơ tay vẫy, người áo xanh đang đứng bên mé đường ngạc nhiên kêu lên:

- Xe vô mà vẫy làm gì?

Đáp lại câu hỏi là một động tác nhanh gọn sau cái gật đầu của tài xế, người áo vàng ngồi lọt vào ca bin, chiếc xe bon đi, hai đèn lấp loé chói sáng cả quãng đường. Người áo xanh hiểu ra, ngồi sụm xuống mặt đường đờ đẫn. Vài giây qua đi, anh ta chống tay gượng đứng dậy đi vào chỗ người bạn đã chết, ngồi phịch xuống bên cạnh bạn, anh ta chợt khóc oà lên, tiếng khóc hù hụ ồ ồ cứ mặc sức mà vỡ ra trong không gian tối sẫm vắng lặng. Tiếng khóc bi thương thống thiết trong một cảnh ngộ khốn cùng như không thể có gì chận lại được. Tiếng khóc càng lúc càng rát như tiếng xé tấm vải tăng xan xát. Cứ như con tim trong lồng ngục còn đang thầm thịch ấy muốn nhảy vọt ra ngoài mà vỡ toang, mà toé ra muốn vàn tia máu nóng như huyết lệ. Người áo xanh ấy vẫn cứ khóc, đầu anh gục trên ngực người bạn xấu số, một cơn gió ào đến làm rung những tán cây, những chiếc lá lả tả lả tả rơi.

Một chiếc xe huyndai nhỏ vừa chạy vụt qua, người tài xế bỗng giảm ga chậm chậm, rồi lùi lại. Bây giờ thì ông đã nghe rõ nhìn rõ cái mà vừa cợn lên trong linh giác của ông. Ông vỗ nhẹ vào vai người áo xanh, anh ta vẫn đang ồ ồ cơn tức tưởi. Đến mấy cái vỗ vai, anh ta mới nhận ra có ai đó bên cạnh, ngưng khóc nhìn lên, trong bóng tối gương mặt người mới đến nhờ nhờ, nhưng giọng nói thì thật rõ:

- Anh bạn có chuyện gì vậy? Tôi có giúp được gì không?

- Chú ơi chú ơi…

Tiếng khóc lại bật ra nhưng không xé ruột gan như lúc trước, tiếng khóc của nỗi vui mừng và cầu cứu, lẫn trong tiếng khóc là những thông tin mà người tài xế muốn biết. Ông khẽ gật đầu rồi quay ra mở cái bửng sau xe, ông còn loay hoay trải một tấm bạt ra sàn xe, xong ông nhảy xuống, cùng với người áo xanh kia đưa xác người chết lên xe. Chiếc xe nổ máy và lăn bánh, nó đi đến một địa chỉ chưa định trước trong ngày. Những cơn gió ạt ào hơn, và những giọt mưa thi nhau vỗ đồm độp vào mui và tấm bạt bao quanh thành xe. Trên sàn xe, người áo xanh cầm bàn tay lạnh giá của bạn, nước mắt vẫn tuôn rơi.

ĐÀM LAN


NHỮNG BÀN CHÂN ĐỊNH MỆNH

Đêm. Mọi tất bật, bận rộn lắng xuống. Ông mang cái ghế bố dài ra sân. Tôi ngồi cạnh ông. Hai ông cháu nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm, chi chít sao vàng.

Nhà tôi nghèo lắm. Nó chỉ là một mái lá lọt thỏm giữa những căn nhà lụp xụp khác. Chúng đứng xếp hàng ngang, hàng dọc vây quanh nhà như một lớp rào chắn. Con hẻm nhỏ duy nhất cả xóm dùng để ra vào, đi lại mà ông vẫn gọi là “lối thoát” thì nằm khuất bên góc trái nhà sau. Bà tôi thường trách ông ngang bướng, không chịu xây cửa chính nhìn ra con hẻm. Như vậy sẽ giống như ở mặt tiền. Ông gạt phắt: “Tôi chỉ thích nắng sớm tràn vào nhà bằng cửa cái”. Nhưng có bao giờ nắng sớm lọt được vào nhà. Phải đợi mặt trời lên cao, mệt mỏi đánh rơi làn nắng gay gắt xuống dãy nhà xiêu vẹo. Ở đây, không khí dường như cũng bị thu hẹp. Chật chội gây cảm giác ngột ngạt thường xuyên vây lấy mọi người. Tất cả bực bội biến mất khi chiều thong thả tới. Nhà nhà vội vã thổi cơm. Từng đợt khói lam cuống quít bay lên. Mây đậm dần, bầu trời sẫm lại, đêm hiện về. Thanh thản cũng quay lại với gian nhà của tôi. Sau buổi cơm, nếu trời trong, tôi theo ông ra sân ngắm vòm trời lung linh sao sáng. Mọi thứ trở nên huyền ảo, giàu có một cách đáng yêu. Bầu trời như một chiếc dù khổng lồ giương ra, phô bày nét trang trí tuyệt vời của thiên nhiên trên tán rộng. Trăng đứng yên. Mây bàng bạc trôi và vô số sao sáng, tôi không thể nào đếm hết. Tôi kéo tay ông:

- Ngoại ơi, tại sao gọi là “Ông sao” mà không là “Bà sao” hả ngoại?

Ông phì cười:

- Vì người giữ sao trên thiên đường là… đàn ông.

- Chị Hằng Nga trông coi mặt trăng sao mà người ta vẫn gọi là “Ông trăng”?

Ngoại mỉm cười, liếc nhìn trăng:

- Chị Hằng là chúa Cung Quảng. Người giữ mặt trăng là chú Cuội.

- Ai giữ cây đa hả ngoại?

- Chú Cuội giữ luôn.

- Sao ông biết?

- Ông đoán vậy thôi.

Tôi vẫn chưa hết thắc mắc:

- Cháu là con gái sao ông đặt tên cho cháu là Như Sao?

- Cháu là ánh sao rực rỡ, là tia hy vọng của ông.

Tôi ngậm ngùi nhìn ông. Đêm tối không che nổi những nếp nhăn xếp đầy trên khuôn mặt phúc hậu của ông. Biết bao mồ hôi, nước mắt đọng lại trên đó. Thời gian lặng lẽ trôi qua nhưng không quên hằn lại vết già nua năm tháng. Cánh cửa cuộc đời sắp khép lại với ông. Mơ ước, hy vọng tựa như ánh sao nhấp nháy ngoài tầm với. Liệu tôi có là một chồi non mọc mạnh, là những gì ông chờ đợi hay không. Dù sao tôi cũng chỉ là một cô bé, một vì sao nhỏ nhoi đuổi theo hoài bão của ông.

Quê hương ngoại tận bên kia biên giới phía bắc. Ông là người gốc Hoa mang quốc tịch Việt Nam. Ông lớn lên bằng gạo nước Nam. Vị ngọt phù sa nơi nầy bọc chặt trái tim và cuộc đời của ngoại. Xứ sở xa xôi đã trở thành ký ức mơ hồ còn sót lại trong nỗi nhớ, là con đường khúc khuỷu, gồ ghề xuyên từ rừng già phương bắc ngang qua biên giới. Và, ánh sao đêm đã theo ông suốt cuộc hành trình. Gia đình ông cùng nhiều người đồng hương đi tìm đất sống. Họ chạy trốn giặc giã, loạn lạc, nghèo đói.

Ngày xưa, cụ cố gánh hai cần xé hành lý. Bà cố dắt ông tôi lầm lũi chạy theo. Được ít ngày, hai đầu gối của bà sưng húp vì vấp té mãi. Bà cố của tôi vốn giòng quyền quý. Bằng chứng là đôi chân bé tí, co quắp bị bó chặt lúc còn con gái. Nếu ở thời bình thì hẳn bà phải sung sướng lắm. Bà sẽ sống trong màn the, trướng gấm, có kẻ hầu, người hạ. Nhưng chiến tranh đã xảy ra và tràn tới khắp nơi. Máu lửa ngút trời. Người người dìu dắt nhau chạy loạn. Không biết với bàn chân bé nhỏ bà không chạy theo kịp gia đình hay người ta đã bỏ rơi bà? May thay, có một người không rời cô tiểu thư khuê các nửa bước. Người đó chính là ông cố của tôi. Ông cõng bà vào vùng rừng núi lánh nạn. Hai người đã lấy nhau và ngoại tôi chính là kết quả của sự hòa hợp hiếm có nầy. Dù bấy giờ bà cố không còn bó chân nữa nhưng các đốt xương bị bẻ gập, xếp đặt trái với tự nhiên không phát triển được. Bà đi đứng khó khăn. Chỉ ngồi một chỗ thêu thùa, may vá. Vì thế, bà không thể phụ giúp chồng cày cấy, hay bất kỳ chuyện nặng nhọc nào. Một mình ông cố làm nuôi ba miệng ăn. Đời sống ngày càng khó khăn. Cuối cùng, họ theo đoàn người di tản đi nơi khác. Gia tài của họ chỉ có vài bộ quần áo và một ít vật dụng nấu nướng được dồn hết vào gánh. Vậy mà họ phải bỏ bớt dọc đường để dành chỗ trống cho bà cố và ông ngoại tôi ngồi vào đó. Cụ ông phải gánh vợ con suốt chặng đường tìm đất sống. Nhịp gióng gánh như cánh võng đong đưa, ru êm cho ngoại vào giấc ngủ. Mỗi đêm, khi chợt thức, ông ngước nhìn trời cao, bắt gặp một ánh sao lẻ loi nhấp nháy ở góc trời. Và ánh sao ấy cứ đi theo ông cho đến khi cụ ông kiệt sức, ngã bệnh rồi nằm lại dọc đường. Chiếc võng tuổi thơ ấy vĩnh viễn không còn ấp ủ, nâng niu ông tôi nữa. Từ lúc đó, ngoại phải chạy bộ sau lưng người đàn ông cõng mẹ. Mệt và đói thường xuyên khiến ngoại quên mất ánh sao đêm.

Nắm lấy tay ngoại, tôi nhắc lại câu hỏi mà đã được nghe ông trả lời không biết bao nhiêu lần rồi:

- Tại sao bà cố lại để cho người đàn ông lạ cõng vậy ngoại?

- Có lẽ vì đôi chân.

- Con ghét tục bó chân lắm! Tại sao người đàn ông ấy lại cõng bà cố vậy ngoại?

- Vì nhan sắc, bà cố rất xinh đẹp.

Tôi đánh giá:

- Nhưng không chung thủy! Tại sao lúc đó ngoại không ngăn cản?

Ông cười buồn:

- Lúc đó, ông còn bé lắm, bằng phân nửa tuổi cháu bây giờ. Vả lại, ông ta luôn nhường cái ăn cho hai mẹ con ông. Ông không sao hiểu nổi vì lý do nào mà mỗi lần kiếm được một củ khoai, sau khi lột vỏ sạch sẽ, ông ta đưa hết cho cố của con. Rồi ông ta tìm một chỗ vắng vẻ để lót dạ bằng mớ vỏ khoai.

- Ông ta tốt vậy sao ngoại lại bỏ đi?

- Ông đi không phải vì người dượng mà vì bà ngoại cháu.

***

Như Sao ngước nhìn trời. Hai tay chống cằm, cô gái thì thầm:

- Đó là những đêm tuyệt vời của thời thơ ấu.

Giờ đây, nơi quê nhà, nếu trời trong, chắc ngoại tôi không ngủ được. Ông lại ra sân ngắm sao trời.

Như Sao mỉm cười, hai lúm đồng tiền in trên má dễ thương làm sao:

- Tôi nhớ ông và muốn tìm kiếm vì sao đêm ấy.

Tôi dõi theo ánh mắt Như Sao, bắt gặp chân trời xa tít tắp, giữa màn mây trắng đục, một chấm sáng yếu ớt làm sao! Cô gái bỗng reo lên:

- Kìa, nó kìa! Anh thấy không?

Chẳng biết mình hân hoan vì lẽ gì nữa, tôi nói như hát:

- Một ông sao sáng!

- Có cái gì tồn tại, vĩnh cửu với thời gian không anh?

- Tình yêu!

- Người già có còn yêu không anh?

- Còn.

- Sao anh biết?

Tôi bật cười, đưa tay sờ cằm và, cảm thấy không có dấu hiệu già nua nào để chứng minh điều tôi vừa khẳng định, tôi đáp bừa:

- Hãy nhìn ngoại của Như Sao sẽ rõ.

- Ờ há! Ông đã từ bỏ gia đình để đi theo bà ngoại. Ông yêu ghê thật!

- Tại sao họ lại phải làm như thế?

- Bà cố không đồng ý cho ông ngoại cưới bà ngoại.

- Lý do gì?

- Đôi chân! Đôi chân của bà ngoại quá lớn. Đôi chân phàm phu tục tử.

- Thật vô lý!

Như Sao nhìn xuống hai bàn chân xinh xắn của mình đang nằm gọn trong đôi giầy đen đế nhọn. Cô nói như đang khóc:

- Nhưng đó là quy luật của người xưa.

Tôi bực bội nói lớn tiếng:

- Những chiếc thòng lọng buộc vào cổ tình yêu của chính họ.

Như Sao cười khúc khích:

- Anh ví von ghê thật! Nhưng đúng như thế. Ngoại tôi đã suốt đời khổ vì những bàn chân

Như Sao cởi giày ra khỏi chân, hai tay mân mê mấy ngón nhỏ xinh xắn:

- Này anh, bàn chân nầy thuộc loại nào? Liệu có làm khổ ai không?

Tôi phì cười:

- Không to, không nhỏ vừa đủ để đứng vững, trèo non, lội suối, vượt mấy chặng đường đất đỏ tới đây… làm khổ lũ học trò vùng cao nầy bằng hai mươi chín con chữ.

Như Sao mỉm cười:

- Những ngày ở đây thật êm ả. Ngồi nơi nầy, lúc đêm về, tôi thấy mình như chạm được các vì sao. Nắm bắt được ước mơ của ông và của tôi.

- Là những gì?

- Đi bằng đôi chân, làm bằng hai tay để sống bằng hơi thở của chính mình.

Cô gái chạy xuống triền dốc. Mái tóc dài đẫm ánh trăng lấp lánh sáng.

Tôi nhặt vội đôi giày cô gái bỏ quên rồi đuổi theo dấu chân trần. Tôi tìm ánh sao đêm ấy...

Nguyễn Thị Mây

|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
 106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
 111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
 121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
 126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
 136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
 141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
|  101 |
 102 |
 103 |
 104 |
 105 |
|  106 |
 107 |
 108 |
 109 |
 110 |
|  111 |
 112 |
 113 |
 114 |
 115 |
|  116 |
 117 |
 118 |
 119 |
 120 |
|  121 |
 122 |
 123 |
 124 |
 125 |
|  126 |
 127 |
 128 |
 129 |
 130 |
|  131 |
 132 |
 133 |
 134 |
 135 |
|  136 |
 137 |
 138 |
 139 |
 140 |
|  141 |
 142 |
 143 |
 144 |
 145 |
|  146 |
 147 |
 148 |
 149 |
 150 |
 
Netadong.com thiết kế