Hiện có 29 người xem / 2528504 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 10-7-2010
của CLB Sách Xưa và Nay

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách, một cuốn tương đối mới vì được xuất bản năm 1995 và một cuốn tương đối cũ vì được xuất bản năm 1948.

Cuốn được xuất bản năm 1995 bằng Pháp văn mang tựa đề là: “LE VIETNAM DES ROYAUMES” (NƯỚC VIỆT NAM THỜI VƯƠNG QUỐC) và là một cuốn sách được in để chứa đựng những bài viết về một cuộc triển lãm cổ vật được tổ chức ở Paris vào năm 1995. Cuốn sách khổ 21x29cm, dày 110 trang, chứa đựng rất nhiều hình ảnh các đồ gốm, sứ Đông Sơn, đồ Huế men lam vv… và gồm một số bài viết về nền văn minh Đông Sơn, về đồ Bleus de Huế, về các bình vôi, về Bảo tàng Đà Nẵng vv…

Về mặt chơi sách, đây cũng là một cuốn sách quý vì nó có lời đề tặng của cô Loan de Fontbrune, là một trong các tác giả các bài viết, đề tặng. Cuốn thứ hai được xuất bản năm 1948 dày 1270 trang là một cuốn Bách khoa toàn thư về Lịch sử thế giới (An Encyclopedia of World History) của tác giả William L. Langer, một giáo sư Sử học của trường Đại học Harvard. Sách trình bày rất chi tiết và rất rõ ràng, dễ hiểu, tất cả các sự kiện lịch sử từ thời Thượng cổ cho tới năm 1947 (tiền bán thế kỷ 20). Người viết có trong tay ba bộ Thế giới sử nhưng ít thấy bộ nào viết chi tiết và rõ ràng, dễ hiểu như bộ này. Các thành viên nào cần tham khảo, xin cứ coi bộ sách như của chung và xin mời tới tham khảo bất cứ lúc nào.

Sau phần giới thiệu sách là cuộc nói chuyện của bà Thùy Dương, một thành viên rất năng động của CLB. Bà Thùy Dương nói về việc bà được Phân viện nghiên cứu Phật học Việt nam tại Hà Nội mời tham dự Hội nghị về Phật giáo thời Lý và Ngàn năm Thăng Long, được tổ chức tại Hà Nội, và tại hội nghị đó bài tham luận mà bà sẽ đọc mang tựa đề là “Mối quan hệ giữa Tam giáo trong thời Lý”. Và trong buổi họp tháng 7, bà đọc tham luận đó cho các thành viên CLB sách Xưa & Nay nghe trước.

Sau phần nói chuyện của Bà Thùy Dương, một số khách mời đã có trao đổi một số ý kiến và các thành viên cùng quan khách cùng chụp chung một bức hình kỷ niệm và buổi họp kết thúc lúc 11g00.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN “Ở ĐÔNG DƯƠNG NAM KỲ, CAO MIÊN, TRUNG KỲ VÀ BẮC KỲ”
(EN INDOCHINNE, COCHINCHINE, CAMBODGE, ANNAM, TONKIN)
của tác giả GASTON DONNET

Đây là một cuốn sách được xuất bản vào những năm 20’s của thế kỷ 20 vừa qua. Người viết có được nó từ tủ sách của ô. Khai Trí đã qua đời khoảng 4 năm trước. Sách dày 305 trang, khổ 21x30cm, và có nhiều minh họa.

Người viết đã để tâm tìm kiếm về nhân thân tác giả, nhưng chỉ được nghe về một vài vị như Cụ V.H. Sển, Cụ D.V. Anh nói là ông là một nhà báo, tuy nhiên các cụ cũng không dám xác nhận là mình hoàn toàn đúng. Như người viết đã nói và nhận xét nhiều lần là “không hiểu tại sao, các tác giả Đông dương (auteurs Indochinois) đều không có một ai, kể cả những người như Abel des Michels, được đưa vào các Tự điển Văn Học hiện có của Pháp”.

Sách được chia làm 3 phần:

Phần I nói về Nam Kỳ, được chia ra làm 5 chương .

- Chương I: Từ trang 7-10 nói về Hành trình trên biển – Về Côn Đảo – Về những người Tây Ban Nha ở Côn Đảo – Về người Anh và người Pháp, về miền duyên hải của Nam Kỳ - Về Vũng Tàu và về hướng đi tới Sài Gòn.

- Chương II: Từ trang 11-34 nói về các đề tài như: Saigon, một thành phố đang đổi mới, ngày tết, người Chà Và, người Tàu và người Việt Nam – Đàn ông hay đàn bà? Phong tục và y phục; cai-qusan và cai-ao – Cảnh phố xá – Hàng quán và sòng bạc – Khi còn là Hoàng tổ Nguyễn Ánh muốn gì? Và khi thành Hoàng đế Gia Long muốn gì? Truyện Thái giám Lê Văn Duyệt – Minh Mạng và Thiệu Trị - Saigon thuộc về người Pháp – Saigon trở thành hiện đại – Phố Catinat – Các tượng đài…

- Chương III: từ trang 35 - 48 nói về: Biên Hòa, Gia Định Gò Vấp – Lăng Cha Cả - Giám mục Bá Đa Lộc đã làm những gì lúc sinh thời – Bài điếu văn của Gia Long – Chợ Lớn thành phố Tàu – Tâm lý người Tàu vv…

- Chương IV: từ trang 49 - 60 nói về: Saigon ban đêm, Saigon ban ngày – Kịch và hòa nhạc – Nhảy đầm và đua ngựa – Công chức và bọn Tây thuộc địa – Tại tư dinh toàn quyền Doumer – Vấn đề mốt ăn mặc – Con gái Saigon…

- Chương V: từ trang 61 – 106 nói về: Ông Trịnh Hoài Đức và thành Gia Định – Đồng, ruộng, sông ngòi Nam kỳ - Thủ Đức – Đồng Nai – Tân Uyên Biên Hòa – Thủ Dầu Một – Tây Ninh – Viếng núi Bà Đen – Nhà ở của người Việt Nam – Người vợ làm gì để chiều chồng – Thày pháp và phù thủy – Các ông lang – Bà Rịa – Con đường cái quan hướng về Nha Trang – Châu Đốc – Cần Thơ – Rạch Giá…

Bài viết này xin bỏ qua phần 2 từ trang 107 – 166 vì đó là phần nói về nước Cao Miên nay gọi là Căm Bốt.

Phần 3 gồm 9 chương nói về Trung kỳ và Bắc kỳ

- Chương I từ trang 167 – 180 nói về tác giả trên đường đi đến Trung kỳ và Bắc kỳ đã đi qua Port – Said, Djibouti, Colombo…

- Chương II từ trang 181 – 198 nói về Hành trình trên con tàu Manche – Miền duyên hải Trung kỳ - Dưới chân rặng Trường Sơn – Chuyện đi săn hổ - Nha Trang – Ninh Hòa – Bình Thuận – Thành Bình Định – Mộ Võ Tánh…

- Chương III từ trang 199 – 206 nói về Tourane (Đà Nẵng) – Lại thêm 1 hải cảng không phải là hải cảng – Ngũ hành sơn – Từ Tourane ra Huế đi qua đèo Hải Vân – Quảng Nam – Huế.

- Chương IV từ trang 207 – 212 nói về Ý niệm về cái chết ở Trung kỳ - Tục thờ cúng tổ tiên – Lễ tang của người Trung kỳ - Đi dọc theo sông Hương – Kim Lăng – Lăng mộ các vua Tự Đức, Thiệu Trị, Minh Mạng và Gia Long.

- Chương V từ trang 213 – 224 nói về Thành Thái – Cung điện nhà vua – Ngai vàng – Một cuộc tiếp tân tại Triều đình Annam 20 năm trước – Tự Đức, các hoàng phi, các thái giám, các quan văn võ và binh lính của ông – Một buổi thiết triều ngay lúc này ra sao? - Thành Thái đã được nuôi nấng và cho ăn học theo tây học như thế nào? - Thành Thái biết đi xe đạp – Nghệ thuật Đông Dương – Đi thăm Binh Bộ Thượng Thư…

- Chương VI từ trang 225 – 250 nói về Tổ chức chính trị của Triều đình Annam – Cửu phẩm – Lục Bộ - Tổ chức xã hội – Làng xã – Hội Đồng Kỳ Hào – Từ Huế ra Đà Nẵng qua cửa Thuận An – Nước mắm – Quảng Bình – Đồng Hới – Nghệ An – Vinh…

- Chương VII từ trang 251 – 258 nói về Biển Nam Hải – Vịnh Bắc kỳ - Vịnh Hạ Long – Đồ Sơn – Hải Phòng – Phố xá Hải Phòng – Đời sống thuộc địa – Giấc ngủ trưa – Người kéo xe và xe kéo – Trên Sông Hồng – Đi dọc theo ruộng đồng Bắc kỳ - Hà Nội

- Chương VIII từ trang 259 – 268 nói về Các truyện huyền thoại Bắc kỳ - Truyện Hồ Gươm – Truyện Mắt Rồng – Hà Nội: lịch sử đích thực của Hà Nội – Năm 1666 LM. Marini đã nói gì về Hà Nội? – Các thành phố lịch sử khác: Thái Nguyên – Nam Định, hát chèo và đàn bà Nam Định – Ninh Bình – Hoa Lư cổ thành – Một truyền thuyết cuối cùng: việc tạo dựng ra người đàn bà.

- Chương IX từ trang 269 – 288 nói về người Việt và người Hoa – Khảo luận về tâm lý xã hội – Hoàng Đế - Quan Quyền và Dân Chúng…

Đây là một quyển sách chứa đựng rất nhiều tài liệu của một thời đã qua, rất có ích cho những ai làm công việc nghiên cứu lịch sử, xin chia sẻ với các bạn đọc…

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

THĂNG LONG – HÀ NỘI
với những dòng sông quê hương 1.000 năm
còn là chứng tích thân yêu

1.000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010) là một quá trình lịch sử hình thành và phát triển lâu dài từ khi kinh đô Thăng Long ra đời theo chiếu chỉ dời đô (Thiên đô chiếu) của vua Lý Thái Tổ cho đến ngày nay, Hà Nội là thủ đô hòa bình của nước Việt Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa (sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ thống nhất Tổ quốc 1975) mà trước đó là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (sau khi chiến thắng thực dân Pháp 1954) do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo giành thắng lợi đối với hai kẻ thù xâm lược qua hai cuộc kháng “Thăng Long” hàm nghĩa là “Rồng bay lên”, còn Hà Nội hàm nghĩa là “nằm trong sông”. “Rồng bay lên” chỉ là chữ nghĩa do vua Lý Thái Tổ đặt ra theo ý tưởng tự tôn “kể từ nay, rồng (chỉ vua) bắt đầu phát lên (ám chỉ nhà vua gặp vận lành). Nó còn mang ý nghĩa to lớn và quan trọng là kể từ nay, kinh thành này được triều đại nhà Lý nắm quyền lãnh đạo đưa đất nước Đại Việt đi vào kỷ nguyên phát triển và hưng thịnh.

Còn “Hà Nội” được hình thành từ cuộc cải cách hành chính của triều đình nhà Nguyễn do vua Minh Mạng thực hiện vào năm 1831, toàn quốc được chia thành 29 tỉnh, trong đó có tỉnh Hà Nội đặt thay cho Thăng Long vì kinh đô mới của triều đình nhà Nguyễn là Huế (đất Thuận Hóa hay Thừa Thiên, có ý nghĩa “thuận theo lòng trời” hay là “thừa lệnh Trời”), nơi mở đầu cho sự nghiệp của dòng họ Nguyễn bắt đầu từ chúa Nguyễn Hoàng được vua Lê cho vào đây trấn thủ vùng đất phương Nam, tính từ dãy núi Hoành Sơn (có đèo Ngang) nằm giữa hai tỉnh Nghệ An và Quảng Bình để tránh đụng chạm với chúa Trịnh lúc ấy đang tiếm quyền vua Lê.

Từ đời nhà Nguyễn, Hà Nội thay thế Thăng Long nhưng vai trò và chức năng đã bị hạ thấp, từ kinh đô xuống còn tỉnh thành. Lúc ấy tỉnh Hà Nội gồm có 4 phủ, 15 huyện được nằm giữa sông Hồng và sông Đáy. Thực tế, tòa thành Thăng Long bị vua Gia Long phá hủy vào năm 1805 để xây lại thành mới giống như thành Quy ở Gia Định bị phá bỏ để xây lại thành Phụng nhỏ hơn mà giặc Pháp xâm lược đã đánh chiếm vào năm 1859 và phá hủy luôn. Thành Hà Nội mới này theo vết tích cũ ngày nay được bao bọc bởi bốn con đường: Phan Đình Phùng, Hùng Vương, Trần Phú và Phùng Hưng.

Hà Nội chẳng những nằm giữa hai con sông lớn chủ yếu là sông Hồng và sông Đà mà còn nằm trên nhiều sông khác (như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét) và nhiều hồ (như hồ Tây, hồ Trúc Bạch, hồ Gươm, hồ Thuyền Quang, hồ Thủ Lệ), đầm (như Kim Liên, Linh Đàm...). Sông Hồng (Hồng Hà) còn gọi Nhị Hà (do sự hợp lưu của sông Hồng và sông Đà) bắt nguồn từ Tây Tạng (Trung Quốc) là con sông chính của Hà Nội bắt đầu chảy vào Việt Nam từ thành phố Lào Cai xuyên qua vùng châu thổ Bắc Bộ và đổ ra vịnh Hạ Long thuộc biển Đông. Sông Hồng chảy vào thành phố Hà Nội ở huyện Ba Vì tiếp giáp tỉnh Phú Thọ bởi sông Đà và ra khỏi thành phố Hà Nội ở khu vực huyện Phú Xuyên tiếp giáp tỉnh Hưng Yên. Đoạn sông Hồng chảy qua Hà Nội dài 163 km, chiếm khoảng 1/3 chiều dài của con sông.

Sông Tô Lịch là nhánh rẽ hay phụ lưu của sông Hồng chảy vào thành phố Hà Nội ở phía Đông nơi giáp với hồ Tây, còn sông Kim Ngưu nằm ở phía Tây thành phố. Sông Lừ và sông Sét chảy qua trung tâm Hà Nội nối với các hồ, đầm mà hiện nay có đoạn bị lấp mất, có đoạn chỉ là dòng kinh nhỏ dùng để thoát nước thải của thành phố bị ô nhiễm nặng. Ngay sông Tô lịch coi như lớn nhất trong số này chảy ngang qua cửa Đông thành Thăng Long xưa nay thuộc quận Cầu Giấy giáp với quận Ba Đình sau 1.000 năm cũng bị thu hẹp lại và cạn dần, tới nay chỉ còn là dòng kinh nhỏ trở thành cống thoát nước thải của thành phố. Vài năm trước đây, vào năm 1990 thành phố Hà Nội đã cho nạo vét khơi lại dòng chảy, làm bờ kè, trồng hoa cỏ, cây cảnh nhằm khôi phục lại dáng dấp thanh lịch của nó ở thời ngàn năm trước.

Tô Lịch được mệnh danh là dòng sông quê hương của người Hà Nội. Sông Tô ngày xưa thời nhà Lý nước chảy đầy ắp, dân Kẻ Chợ hay thượng kinh Tràng An sinh sống ở hai bên bờ buôn bán tấp nập, trên bến dưới thuyền:

Sông Tô nước chảy quanh co/ Cầu Đông sương sớm, Quán Giò trăng khuya . Hay: Nước sông Tô vừa trong vừa mát/ Em ghé thuyền đỗ sát bên thuyền anh. Trải qua các giai đoạn lịch sử, sông Tô mang nhiều tên khác nhau: Tô Lịch, Lai Tô, Hương Bài, Địa Bảo…Theo sách Việt điện u linh thì sông Tô Lịch là tên một vị thủ lĩnh làng - Hà Nội (cách gọi của cố giáo sư lịch sử học Trần Quốc Vượng). Tô Lịch có nhiều công với dân làng nên khi ông mất làng Hà Nội và dòng sông lớn này được mang tên ông, ông được phong là Long Đỗ Thần hay Tô Lịch Giang Thần. Vào những năm 864-873, Cao Biền đời Đường (Trung Quốc) làm Tiết độ sứ An Nam Đô hộ phủ đã xây dựng thành Đại La mang tên Long Đỗ gọi sông Tô là “sông nghịch thủy” vì thấy nước sông chảy ngược ra sông Hồng do nước đồng ruộng bị ngập đổ ra trong mùa mưa lũ.

Trước khi dời đô từ Hoa Lư ra Đại La, vua Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) có lần trên đường về thăm quê ở làng Cổ Pháp – Từ Sơn (Bắc Ninh) đã đi thuyền theo sông Đáy qua sông Tô Lịch ngang qua thành Đại La nhận ra thế đất nơi đây có thể “dựng nghiệp đế vương cho muôn đời” nên sau đó ra Chiếu Dời Đô. Vào mùa thu tháng bảy năm Canh Tuất (1010), đoàn thuyền của vua với văn võ bá quan cập bến Đại La tức bến Hồng Tân. Dân vùng Bưởi đón nhà vua với lụa là, gấm vóc và nhiều sản vật quý nên sau này vua ban tặng tên làng là Nghĩa Đô và Bái Ân nay thuộc quận Cầu Giấy nằm phía bên Đông sông Tô Lịch trên đường tới cầu Thăng Long ra sân bay Nội Bài.

Thành phố Hà Nội ngày nay đã mở rộng có diện tích lớn nhất nước nhưng khu vực nội thành vẫn được nằm trong vùng đất thiêng với bốn mặt sông mà sông Tô Lịch chảy bao quanh từ đông tới nam và sang tây. Còn phía chính tây có sông Kim Ngưu, phía chính bắc có sông Hồng luôn đổi dòng chảy đã tạo ra các hồ, đầm và cũng chính là mồ chôn nhiều quân giặc phương Bắc. Với địa hình này, Hà Nội là thành phố nằm trong sông vẫn còn nguyên ý nghĩa với quận Ba Đình có nền cũ của kinh thành Thăng Long xưa và nay có lăng Bác Hồ nằm trên quảng trường Ba Đình lịch sử thân thương.

Vương Liêm

Bài tham luận hội thảo

Phật giáo thời Lý với 1000 năm Thăng Long
Mối quan hệ tam giáo trong thời Lý

Từ ngàn xưa, nước ta tuy là một nước bé nhỏ nghèo nàn,lại chịu nhiều cực khổ lầm than trước sự xâm lăng,đô hộ của phương Bắc, nhưng dân tộc ta luôn tôn trọng đạo lý,một thứ đạo mà tổ tiên ta gọi là “đạo làm người”, dù sống chết cũng không xa rời. Bởi thế nên ngay từ thế kỷ thứ II, thứ III, khi đất nước còn nội thuộc nhà Hán, đã có đến 3 tôn giáo lớn được du nhập và truyền bá ở nước ta, được nhiều tầng lớp dân ta đón nhận, từ vua quan cho đến thứ dân. Đó là Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo.

Thông thường, tôn giáo nào cũng có những điểm ưu việt, nhưng bên cạnh đó không tránh khỏi những điểm dị biệt hay thái quá bất cập, khó hòa hợp. Thế nhưng tổ tiên ta đã khéo léo điều hợp và chọn lọc ra những điểm ưu việt để vận dụng vào đời sống xã hội, văn hóa, chính trị, thậm chí còn đưa vào quốc sách qua nhiều triều đại đã đưa đất nước tới một vị trí tự chủ vững vàng mà đỉnh cao là ở thời Lý.

Để tìm hiểu sự điều hợp tuyệt vời giữa ba tôn giáo Nho, Phật, Lão mà tổ tiên ta đã khéo léo thực hiện, trước hết ta hãy tìm hiểu riêng từng tôn giáo:

1. Nho giáo : hay đạo Nho do đức Khổng tử (551-479 tr TL), người nước Lỗ sáng lập bằng cách gom góp những bài học đạo đức của người xưa, tóm tắt thành những cương lãnh tôn chỉ cho người đời noi theo và rèn luyện để thành những con người hoàn thiện hữu ích.

Tôn chỉ của đạo Nho là: Tam cương (Quân, Sư, Phụ) và ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ ,Trí, Tín) dành cho nam giới để hướng tới một mẫu người “quân tử” cao đẹp vượt hẳn trên hạng người tầm thường nhỏ nhen gọi là “tiểu nhân”. Điều đáng nhấn mạnh ở đây là trong tam cương, Vua được đặt lên vị trí hàng đầu trên cả Thầy và Cha. Tư tưởng Trung Quân Ái Quốc này có phần máy móc thái quá, cần được xét lại trong từng trường hợp. Riêng đối với phụ nữ thì tôn chỉ là: Tam tòng (tại gia tòng phụ xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và Tứ đức (Công, Dung, Ngôn, Hạnh) .Quan niệm tứ đức này cũng chưa hẳn là hợp lý, còn có những ngoại lệ tốt đẹp (sẽ bàn sau).

Giáo lý cơ bản của đạo Nho được tóm tắt và diễn giải trong bộ sách Tứ Thư dịch ra quốc ngữ lưu hành ở Việt Nam gồm 4 cuốn:

1) Đại học : dạy đạo của người quân tử từng bước phải theo là: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.

2) Trung dung : người quân tử luôn phải giữ đúng mực, không thái quá, không bất cập trong mọi hành động và thái độ xử thế.

3) Luận ngữ : Kể và bình luận những mẩu chuyện Khổng tử đối thoại với học trò thể hiện đạo người quân tử ứng dụng vào thực tiễn.

4) Mạnh tử : là cuốn sách do một học giả đời sau lấy tên là Mạnh tử (372_289 tr. TL) về đời chiến quốc, học trò Tử Tư cháu đích tôn của Khổng tử, thừa kế và phát huy đạo của Khổng tử viết nên cuốn sách này với nhiều tư tưởng sáng tạo của ông để dạy học trò và phổ biến lại cho người đời. Ông cũng được coi là bậc á Thánh.

· Đạo Nho được truyền sang nước ta cùng với chữ Nho ngay từ thời nhà Hán xâm chiếm và đô hộ nước ta. Dân ta thời ấy chưa có chữ viết chính thức nên được học chữ Nho cùng với đạo lý của thánh hiền do các quan Tàu và các vị thiền sư người Tàu dạy cho là điều rất quý - Không những con cháu vua quan, giới qúy tộc mà cả thường dân ai có khả năng và điều kiện cũng có thể học. Nhưng chúng chỉ dạy đến một trình độ nào đó đủ để sử dụng người học làm quan lại hay tay sai cho chúng. Ai có chí lớn muốn học cao hơn thì phải xin sang du học ở nước Tàu. Trong số này có nhiều người hiển đạt trở về giúp nước.

2. Phật giáo : Do đức Thích Ca hay Tất Đạt Đa (Siddhartha) họ Cồ Đàm (Gotama) (563_483 tr .TL) người Ấn Độ sáng lập nên. Xuất thân là một thái tử đã trưởng thành, ngày ngày sống trong cung điện nguy nga, giao thiệp với toàn hàng quý tộc, một hôm Ngài lẻn ra ngoài thành để tìm hiểu cuộc sống ngoài dân gian. Nhìn thấy những cảnh khổ sở điêu đứng của kiếp người mà không ai có thể tránh khỏi qua sinh, già, bệnh, chết cùng bao nổi lo âu phiền não khác, Ngài bức xúc quyết đi tìm một con đường thoát khổ cho kiếp người. Thế rồi 29 tuổi đời, một đêm, ngài quyết dứt bỏ cả ngai vàng cung điện cùng vợ đẹp con xinh, sai người đánh xe ngựa đưa ra tận ven rừng, Ngài xuống xe bảo người đánh xe dẫn xe ngựa về rồi một mình đi lang thang len lỏi vào rừng sâu, chịu cảnh nằm gai nếm mật, tu hành xác đến 6 năm trời mà chưa tìm được chút gì gọi là chân lý. Sau cùng bằng cách ngồi thiền định dưới cội bồ đề sau 49 ngày Ngài hoạt nhiên giác ngộ hoàn toàn, thấu suốt được chân lý vi diệu của vạn vật. Ngài thấy được đời người là bể khổ trầm luân hết kiếp này qua kiếp khác đọa đầy bởi quy luật nhân quả không bao giờ thoát ra được. Nguyên nhân của sự khổ là lòng tham ái sở hữu đối với những sự vật vô thường kể cả thân xác mình. Và ngài đã tìm ra con đường thoát khổ là phép Tứ Diệu Đế gồm 4 bước:

1/ Nhận ra đời là bể khổ trầm luân qua nhiều kiếp.

2/ Nguyên nhân sự khổ là lòng tham ái.

3/ Đoạn diệt với nguyên nhân.

4/ Thực hành bát chánh đạo.

Con đường tu hành rất cam go nhưng nếu tin tưởng và quyết tâm sẽ dẫn tới giải thoát khỏi luân hồi để đến niết bàn hay cõi cực lạc. Giáo lý của đạo Phật còn gồm cả lòng từ bi hỷ xả, thương xót đồng loại và cả chúng sinh và mục đích của người tu hành không phải chỉ để giải thoát cho chính mình mà còn là tự giác giác tha. Sau khi chứng đạo rồi Ngài đã đi chu du khắp nơi để thuyết pháp và truyền đạo. Đến đâu cũng được nhà vua và hàng quý tộc trọng vọng và hàng ngàn người phát tâm theo đạo. Ngài nhập diệt ở tuổi 80.

· Phật giáo được truyền vào nước ta từ cuối thế kỷ thứ II khi còn nội thuộc nhà Hán, bằng hai con đường:

1) Từ các vị sư Tàu sang lánh nạn ở miền Bắc nước ta khi Hán triều có nội loạn ở TK II-III.

2) Từ các thiền sư từ Ấn Độ trực tiếp sang truyền đạo và lập nên các thiền phái ở nước ta từ TK II-III kéo dài nhiều đời.

Phật giáo được lan truyền trong dân gian qua nhiều triều đại liên tiếp không những thứ dân mà cả vua quan cũng tôn sùng. Tới đây thì phật giáo đã đương nhiên trở thành quốc giáo. Ở các triều Đinh và Lê, khi nền độc lập còn non trẻ, các vị vua tuổi đời và trình độ học thức cũng không cao đã mời các Thiền sư Nho học uyên bác, đạo pháp cao thâm vào triều làm cố vấn chính trị và ngoại giao. Thiền sư Ngô Chân Lưu đã được vua Đinh Tiên Hoàng phong tặng danh hiệu Khuông Việt (hàm ý tích cực giúp nước Việt) và được phong chức Tăng Thống. Thiền sư Vạn Hạnh, người quán triệt cả tam giáo Phật, Lão, Khổng cũng được vua Lê Đại Hành mời làm cố vấn quân sự khi phải đối đầu với giặc Tống. Nhờ thế mà cả hai triều Đinh và Lê đã giữ vững được thế lực và được vua quan nhà Tống kính nể hơn.

3.Đạo giáo : hay Lão giáo do Lão Tử, một triết gia nổi tiếng người Trung Hoa sáng lập nên, không rõ ngày sinh và mất, nhưng nhiều học giả Tàu cho rằng ông cùng thời với Khổng Tử và hơn Khổng Tử vài chục tuổi nghĩa là vào khoảng 570 đến 490 tr. Tây lịch. Khổng Tử đã có lần tìm đến yết kiến ông để hỏi đôi điều. Ông đã viết nên cuốn Đạo Đức Kinh được nhiều triết gia Tây phương ngưỡng mộ , như René Bertrand đã viết: “Ông chỉ viết có một cuốn sách rất vắn tắt “Đạo Đức Kinh” -vài dòng chữ hợp thành cuốn sách ấy chứa đựng tất cả sự khôn ngoan trên trái đất này”(sagesse perdue) và E.V Zenker đã viết “Lão Tử đâu phải chỉ sống cho nước Trung Hoa và thời buổi của ông mà thôi; ông là một bậc thầy thuần túy nhất và sâu sắc nhất của nhân loại” (Histoire de la Philosophie Chinoise).

Triết lý của Lão tử được xoáy sâu vào một chữ ĐẠO. Ông quan niệm Đạo là Mẹ của vũ trụ và vạn vật, một khái niệm không thể mô phỏng hay hính dung bằng lý trí mà chỉ có thể cảm nhận bằng tâm linh. Đạo là một khoảng hư không rộng lớn vô biên, tồn tại trong thời gian vô thủy vô chung, từ đó phát sinh ra hai khí âm dương đối lập và vạn vật trong vũ trụ được chuyển động theo một số quy luật đại thể, như “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”, “âm dương hổ tương song hành”, “trong âm có dương trong dương có âm”... Những quy luật này cũng là nền tảng của triết lý Đông Phương.

Ông coi Đạo là một chân lý tuyệt đối, người ta có thể hiểu bằng suy tưởng, bằng tâm linh và một khi đã hiểu thì không thể dùng ngôn ngữ để nói ra chỉ dạy cho người khác hiểu. Bởi thế nên có câu: “Đạo khả đạo phi thường đạo- Nghĩa là: Đạo mà có thể nói ra hay chỉ dẫn cho người ta hiểu thì không phải đúng nghĩa cái đạo mà ta muốn nói, chỉ là mô phỏng thôi. Trong câu trên chữ “đạo” thứ nhất và thứ hai được viết bằng cùng một chữ Nho nhưng nghĩa khác nhau: chữ đạo thứ nhất là cái đạo mà ta muốn nói (danh từ) chữ đạo thứ hai nghĩa là nói hay chỉ dẫn (động từ). Đây cũng là một cách chơi chữ. Ngoài ra cái tên mà ta thường gọi hay đặt cho một sự vật nào đó cũng không nói lên được ý nghĩa thực của sự vật đó, chỉ là quy ước hay mô phỏng thôi. Bởi vậy có câu: “Danh khả danh phi thường danh”. Điều này cho thấy triết học của Lão Tử đề cao cái biết bằng suy tưởng bằng tâm linh hơn là bằng lý trí qua lời nói hay sách vở .Đó mới là cái biết sâu sắc nhất, nhất là đối với những vấn đề lớn trừu tượng mơ hồ nhưng sâu sắc, chỉ có suy tưởng và tâm linh mới đạt được.

· Về thái độ xử thế và hành động, Lão tử chủ trương “thanh tịnh,vô vi”- Mọi sự việc biến cố trên trái đất này là do sự vận hành của Đạo. Con người chỉ là một hạt bụi trong cái đạo lớn vô biên ấy, có quay cuồng đến mấy cũng không biết cách nào mà can thiệp vào hướng đi của đạo: vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản, thái cực bĩ lai, bĩ cực thái lai… Được mất, thành bại, sống chết cũng chỉ là nhất thời. Vả lại trong họa có phúc trong phúc có họa – chết cũng chỉ là một sự chuyển đổi, có thể đến một cõi tốt đẹp hơn hay xấu hơn chưa biết, có xấu thì cũng sẽ có lúc tốt, cho ta hay cho con cháu. Câu chuyện Tái Ông mất ngựa trong Cổ Học Tinh Hoa đã cho thấy được hay mất chưa biết là tốt hay xấu. Bài thơ tự thuật của Nguyễn Trãi: “Danh chẳng chuốc, lộc chẳng cầu. Được ắt chẳng mừng, mất chẳng âu…” cũng nói lên tư tưởng của Lão Tử. Vậy ta cứ sống ung dung tự tại, phấn đấu vừa đủ để sinh tồn hài hòa cùng đồng loại, và biết tri túc tri chỉ, đừng để thái cực bĩ lai cũng đừng hăng say phấn đấu mong thay đổi một tình thế. Một hạt cát nhỏ không thể ngăn cản hay làm đổi hướng bánh xe vận hành của Đạo.

Đạo giáo được truyền qua nước ta từ thời Bắc thuộc, nhưng không có môn phái hệ thống gì. Cũng như Phật giáo nó làm giảm đi lòng tham muốn của con người và chế bớt sự hăng say của những nhà Nho cầu danh ham lợi, mang đến cuộc sống an lành cho xã hội.

Những điểm tương đồng và dị biệt giữa 3 tôn giáo:

Nho, Phật, Lão :

· Điểm tương đồng:

1) Cả ba tôn giáo đều mang tính nhân bản rất đậm nét nên được lòng người đón nhận như một chỗ dựa, một niềm tin. Nó vừa gần gũi cho người ta với tới lại vừa cao xa để người ta ngưỡng vọng.

2) Cả ba đều mang tính vị tha, bao dung, độ lượng, xóa bỏ được cái ta vị kỷ, nhỏ bé và những tư lợi nhỏ nhen. Những giá trị tinh thần được đề cao.

3) Một điểm tương đồng rõ nét nhất ở Phật giáo và Lão giáo là giá trị tâm linh được đề cao và đây cũng là bản sắc chung của cả hai tôn giáo, nó mang tính triết học hơn là tôn giáo, gần gũi với quy luật thiên nhiên và giúp ta hướng về đại ngã, quên đi cái ta tầm thường nhỏ bé. Ở đây không có cái mà người ta gọi là Thượng Đế như ở đạo Thiên Chúa, nhưng vẫn có những quy luật thiên nhiên đại thể rất gần với khoa học tự nhiên, như là luật nhân quả, luật bảo tồn vật chất và năng lượng (loi de conservation de la matière et de l’énergie) “Không có gì tự mất, không có gì tự tạo” (Rien ne se perd, rien ne se creé). Dựa vào những quy luật này con người không còn sợ mất mát, cũng không còn sợ chết và trở nên dũng cảm khi làm những việc ích lợi cho cộng đồng.

· Điểm dị biệt:

So với Phật giáo và Lão giáo thì Nho giáo có phần tích cực năng động hơn .Bởi đây là đạo của người quân tử phải tự rèn luyện phấn đấu để thành người hoàn thiện có khả năng ra giúp ích cho đời. Đỉnh cao của mục đích là trị quốc, bình thiên hạ. Còn Phật giáo và Lão giáo thì chủ trương ôn hòa, trầm tỉnh và hướng nội.Tuy nhiên dù dị biệt nhưng không có mâu thuẫn mà lại có thể dung hòa hay bổ sung cho nhau – cũng như một bài thuốc hay phải được phối hợp một cách hợp lý – Bài thuốc bổ dương không bao giờ thuần dương mà phải có vị âm. Có vị cương thì phải có vị nhu. Có vị cấp phải có vị hòa hoãn, vị an thần vv… Điều đáng kể là ở liều lượng phối hợp, tùy theo từng trường hợp mà gia giảm. Và đây cũng chính là bài thuốc mà nhà Lý đã phối hợp khi sử dụng Tam giáo trong việc giữ gìn độc lập, trị nước an dân.

Sự điều hợp Tam giáo của nhà Lý:

Người đầu tiên đặt nền móng dựng nên triều Lý là Lý Công Uẩn. Xuất thân từ một cậu bé mồ côi từ khi mới lọt lòng, cậu bé được một ngôi chùa nuôi nấng và khi đến tuổi đi học lại được Thiền sư Vạn Hạnh, một vị cao tăng uyên bác cả Tam giáo chăm nom dạy dỗ thật chu đáo. Lớn lên cậu tỏ ra một chàng trai thông minh mẫn tiệp và có chí lớn. Trong một dịp về kinh thành Hoa Lư, Công Uẩn được vua Lê Đại Hành biết đến và cho giữ một chức quan trong triều đình. Đến đời vua Lê Ngọa Triều Long Đĩnh, nhìn thấy rõ sự suy vong của nhà Lê và nhắm trước thời cơ, Thiền sư Vạn Hạnh đã có ý đồ đưa Lý Công Uẩn ra gánh vác giang sơn khi nền độc lập còn non trẻ trước nguy cơ xâm lược của nhà Tống. Và quả đúng như ý đồ tốt của Thiền sư Vạn Hạnh, khi vua Lê Ngọa Triều tàn ác Long Đĩnh mất, vị quan nhân hậu đĩnh đạc ở tuổi 36 Lý Công Uẩn đã được triều đình tôn lên làm vua mở ra cơ ngiệp nhà Lý. Sẵn vốn kiến thức Nho học, đức độ khoan dung và tư tưởng Tam giáo do thiền sư Vạn Hạnh truyền cho, cùng kinh nghiệm nhiều năm làm quan trong triều Lê, Lý Công Uẩn đường đường lên ngôi với danh hiệu Lý Thái Tổ. Một bầu trời mới đầy hứa hẹn đã mở ra cho nước Đại Việt với kinh đô mới là Thăng Long do chính Ngài chọn. Với sự cộng tác và cố vấn của các thiền sư đạo cao đức trọng, nền văn hóa, kinh tế và xã hội dần dần phát triển qua các đời vua liên tiếp đi đến đỉnh cao của sự cường thịnh.

Đặc biệt ở triều Lý đã có những điểm son nổi bật.

1/ Về Nho giáo:

· Năm 1070, vua Lý Thánh Tôn cho dựng Văn Miếu ở Thăng Long để thờ đức Khổng Tử và các bậc tiên hiền.

· Năm 1075, vua Lý Nhân Tôn đặt ra Quốc tử giám, chọn các quan có văn học cử vào đây coi việc giảng dạy.

· Năm 1076, vua Lý Nhân Tôn mở khoa thi Tam Trường để kén người minh kinh bác học (rõ về kinh sách và học rộng) và cũng bắt đầu từ đấy nước ta có chế độ khoa cử.

· Năm 1195, vua Lý Cao Tôn bắt đầu mở khoa thi Tam giáo (Nho, Phật, Lão). Điều này chứng tỏ các nhân tài được tuyển chọn để ra giúp nước phải am hiểu cả 3 tôn giáo này và sự kết hợp nhuần nhuyễn của nó trong việc trị nước an dân.

2/ Về Phật giáo: Các chùa chiền lớn nhỏ được dựng lên rất nhiều. Đặc biệt nhất phải kể đến chùa Một Cột tức chùa Diên Hựu, một di tích ngàn năm cho Thăng Long. Chùa được xây như một bông sen lớn mọc trên một hồ nước trên có Phật Quan Âm ngồi như hình trong giấc mơ của vua Lý Thánh Tôn đã được nhà sư Thiền Tuệ đoán mộng và gợi ý cho vua xây năm 1049.

  • Năm 1056 dựng chùa Sùng Khánh và Tháp Báo Thiên 12 tầng cao 80m tại Thăng Long với quả chuông lớn nặng 1254kg đồng.
  • Năm 1100 Xây chùa Vĩnh Phúc ở núi Tiên Du, Hà Bắc.
  • Năm 1114 Xây chùa Thắng Nghiêm, đặt pháp đường ở 4 phía với lầu Thiên Phật chứa được 1000 pho tượng.
  • Năm 1118 Khánh thành chùa Sùng Nghiêm ở Thanh Hóa được khởi công từ 1116.
  • Năm 1121 Dựng chùa Quảng Giác ở núi Tiên Du.
  • Năm 1122 Khánh thành bảo tháp Sùng Thiện ở núi Dọi, Hà Nam Ninh. Tháp cao 13 tầng (khởi công từ 1118) tầng trên để Xá Lợi Phật.
  • Năm 1123 khánh thành chùa Quảng Giác ở núi Tiên Du.

Ngoài ra còn hàng trăm chùa khác. Các chùa trong nước được chia làm 3 hạng: Đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam. Mỗi chùa có điền nô và quan văn cấp cao được cử đến để quản lý chùa.

- Các nhà vua sùng đạo Phật tôn cao tăng làm quốc sư để bàn việc nước.

- Các vua Lý Thánh Tôn, Lý Anh Tôn và Lý Cao Tôn tu theo Thiền phái của Thiền sư Thảo Đường. Riêng vua Lý Thái Tôn theo Thiền phái của thiền sư Vô Ngôn Thông.

Nói chung thời Lý đạo Phật đã ở vào đỉnh cao được coi như quốc giáo.

3/ Về Lão giáo: tuy không lập đền thờ nhưng các nho sĩ và tăng sĩ đều biết rõ về triết lý sâu xa của đạo giáo.

Một nét nổi bật nữa ở triều Lý cũng như các triều Đinh, Lê, Trần là sự tham gia chính trị của các tăng sĩ để giúp triều đình trong các việc quốc sự. Họ phá chấp chăng? Điều này đúng hay sai? Trong giáo lý nhà Phật không thấy nói đến chính trị. Và trong nhiều thời đại người đời thường không hoan nghênh các nhà sư tham gia chính trị mà còn cho rằng đây không phải phạm vi trách nhiệm của họ, ngoại trừ một vài trường hợp quyết tử vì nước hay vì đạo. Thế nhưng suy nghĩ sâu hơn,với lòng từ bi thương xót chúng sinh, trước cảnh điêu đứng gian nan của đồng bào dưới ách đô hộ của ngoại bang, thử hỏi có vị tăng nào có thể ngồi yên trong chùa tu hành tinh tấn đợi ngày chứng quả rồi sẽ trở lại độ thoát cho đồng bào? Cho nên họ đã phá chấp đón lấy thời cơ, đem lòng từ bi kết hợp với trí tuệ, đem tri thức chuyển sang hành động để mà ứng phó với thời cuộc. Vả lại khi giúp nhàvua trong các vấn đề quốc sự, dù ở địa vị quốc sư, họ chỉ giữ vai trò cố vấn không tham gia trực tiếp vào việc chính trị. Xong việc rồi họ lại trở về với ngôi chùa của họ để làm Phật sự hay tiếp tục tu hành, không mong được một danh lợi gì cả.

· Một nét son tuyệt đẹp nữa là sự phá chấp của Nguyên Phi Ỷ Lan. Xuất thân từ một thôn nữ nghèo, nhưng có chút ít kiến thức của đạo Nho, khi được tuyển vào cung, bà đã không trau chuốt dung nhan để được vua yêu mà ra công tự học để thông tỏ việc nước, việc triều đình và dũng cảm bước ra khỏi bức tường Công, Dung, Ngôn, Hạnh của Nho giáo để đảm đương lo việc nhiếp chính trong khi vua lo dẹp loạn ngoài biên cương. Năm ấy nước ta có nạn lụt và mất mùa, dân đói nổi loạn khắp nơi. Ỷ Lan đã cho mở kho cứu đói, loạn lạc được dẹp yên. Nhờ kế sách trị nước đúng đắn của bà, dân trở lại yên bình và tôn vinh bà là Quan Âm nữ, lập bàn thờ tạ ơn bà. Vua đánh giặc lâu ngày không thắng, nghe tin nhà bất an liền giao quân cho Lý Thường Kiệt, trở về thăm tin tức nhà. Về gần tới nhà thì nghe tin Ỷ Lan đã thay vua vượt ngàn dặm giải tỏa được muôn vàn khó khăn. Vua hổ thẹn liền quay lại quyết đánh giặc cho đến thắng mới trở về. Thật là một vết son tuyệt đẹp của giới nữ nhi mà thời Lý đã để lại cho ngàn đời sau.

Nói chung, ở thời Lý cả 3 tôn giáo Nho, Phật, Lão luôn được kết hợp và vận dụng một cách thích nghi với mọi tình huống. Nhờ thế triều Lý đã đưa đất nước từ một nền độc lập còn non trẻ bấp bênh tới một vị trí cường thịnh lâu bền sáng chói trong lịch sử.

Nhìn lại quá khứ của lịch sử với 1000 năm Thăng Long, chúng ta nghiêng mình trước các vị anh quân thời Lý, với niềm tự hào về một triều đại huy hoàng của nước Đại Việt. Ước sao mối quan hệ Tam giáo, nền tảng của truyền thống đạo đức dân tộc mà triều Lý đã khéo léo vận dụng sẽ còn tồn tại ít nhiều trong lòng dân tộc để được điều chỉnh và phát huy sao cho thích ứng với thời đại mới ngày nay.

Tháng 6/2010

THÙY DƯƠNG

P.D Diệu Hạnh

BỐN CÂU KỆ CỦA LỤC TỔ
NÓI VỀ TU VÔ TƯỚNG

Ai có đọc PHÁP BẢO ĐÀN KINH cũng thấy nói về cái duyên phát tâm của Lục Tổ Huệ Năng cũng như câu chuyện tiếp theo là sau khi được truyền Y Bát thì Ngài bị nhóm còn lại trong chùa truy đuổi ráo riết mong cướp đoạt Y bát để lên làm Tổ! Những người mang danh tu hành đó không ngại phóng hỏa đốt cả Chùa nơi Lục Tổ trú ngụ để buộc Ngài phải lộ diện. Nếu lúc đó bị họ bắt được ắt tính mạng Ngài cũng không còn. May nhờ ẩn kỹ trong khe núi Ngài mới thoát nạn! Họ không ngừng tiếp tục truy đuổi đến Ngài phải sống chung với đám thợ săn là nơi họ không ngờ nhất mới được yên thân trong l6 năm dài. Cho đến khi thấy đến lúc cần phổ biến Chánh Pháp thì Ngài mới bắt đầu xuất hiện.

Nhưng Chánh Pháp vẫn là Chánh Pháp. Chỉ một câu phát biểu của Ngài là “Tâm của các ông động” khi thấy hai tăng tranh chấp nhau xem gió hay phướn động làm cho cả chùa kinh hãi, và pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn thấy vậy mới mời Ngài ngồi lên ghế cao để hỏi pháp.

Pháp của Ngài thuyết không ảnh hưởng nhiều bởi văn tự mà toàn nói đến nghĩa lý thích đáng nên họ nhận ra đó không phải là bậc tầm thường mà chắc là Người đã được truyền Y Bát nên xin được xem Y Bát và hỏi về phú chúc của Ngũ Tổ. Kể từ đó Ngài bắt đầu ra hành đạo.

Pháp của Lục Tổ giảng thuộc về pháp Đốn Giáo, và Ngài truyền 16 bài Kệ gọi là Bài Tụng Vô Tướng, khuyên những người Xuất Gia cũng như tại gia nên nương theo đó mà tu hành. Trong đó bài Kệ số 13 nói về nơi tìm Bồ Đề như sau:

“Phật pháp tại thế gian
Bất Ly thế gian giác
Ly thế mịch Bồ Đề
Cáp như cầm thố giác”

Được Hòa Thương Minh Trực dịch:

“Phật Pháp ở trần thế
Không xa thế giác mà
Bỏ đời tìm đạo chánh
Sừng thỏ kiếm sao ra”

Bồ Đề cũng có nghĩa là Đạo Giải Thoát. Thường thì mọi người vẫn cho rằng muốn tu hành thì phài vô chùa, cạo tóc, đắp y, sống theo tập thể, không được tiếp xúc, làm ăn, chung chạ, dính líu tới cuộc đời như Đức Thích Ca cũng như những đệ tử đầu tiên và bao nhiêu thế hệ tu hành trước đây. Người sau không ai dám nghĩ khác, làm khác. Trong khi đó, bài Kệ của Lục Tổ lại bảo: “Không rời trần gian mà giác ngộ. Rời trần gian để tìm Bồ Đề thì cũng giống như đi tìm sừng thỏ”.

Giữa cách những người tu hành thời xưa đã làm, và bài Kệ của Lục Tổ xem ra hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Ai cũng biết Tổ là người cầm nắm giáo pháp hiện đời. Lời của Ngài không khác với lời của Phật, Nhưng mọi người cũng đều biết là Đức Thích Ca đã nhờ Xuất gia, tách rời khỏi mọi xô bồ của cuộc đời mới ngộ ra được Chân Lý. Vậy thì ta nên theo phương pháp nào đây?

Tất nhiên chúng ta không thể chối bỏ trình tự tu hành của đức Thích Ca. Nhưng đồng thời cũng thấy đường lối, cách thức tu hành của Đạo Phật đã được nhiều đời Tổ soi rọi, không cớ gì chúng ta phải máy móc rập khuôn theo những gì xưa cũ khi nó không còn cần thiết. Thí dụ như ngày xưa Đức Thích Ca thời gian đầu phải mất 6 năm nhầm lẫn tu theo Lục Sư ngoại đạo, không lẽ giờ này chúng ta vẫn phải bỏ 6 năm để lập lại sai lầm như thế cho đúng theo con đường Ngài đã đi? Không lẽ ông cha ta ngày xưa đi bộ thì chúng ta ngày nay phải chối bỏ phương tiện phi cơ, xe hơi để không quên cội nguồn? Thời gian đầu khi con đường Giải Thoát chưa tìm ra, thì muốn tu hành Đức Thích Ca phải ăn vận, sinh sống y như những người tu thời đó. Nếu khác đi thì mọi người đâu có chấp nhận. Nhưng một điều chắc chắn không phải nhờ vào Xuất Gia, cạo tóc, đắp y mà Ngài đắc đạo, mà chính xác hơn cả là nhờ vào 49 ngày đêm Thiền Định. Như thế, người sáng suốt có thể gạn lọc bớt cho bản thân những gì không thật sự hỗ trợ cho công việc tu hành để đi thẳng đến mục tiêu gọi là Đốn Giáo.

Dù không biết là người đó tu theo tôn giáo nào, đường lối nào, nhưng cho đến thời nay thì thì mọi người đã đồng ý với nhau rằng “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Có nghĩa là dù không biết đích xác rằng tu phải như thế nào, nhưng tất cả đều đồng ý với nhau rằng không phải chỉ nhìn bề ngoài mà có thể đánh giá được người tu. Phật Ngôn cũng không khác với câu: “Nếu chiếc áo Cà Sa có oai lực giải trừ Tham, Sân, Si thì cha mẹ hoặc người thân chỉ cần khoác lên đứa bé mới chào đời là đã được toại nguyện” chứng tỏ con đường tu hành không liên quan tới cái áo, cái hình thức bên ngoài.

Mục đích tu hành của Đạo Phật cũng được nói rất rõ là để “Độ Khổ”. Về hình thức, nơi chốn tu hành thì kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: “Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì đọc tụng giải nói biên chép đúng như lời tu hành. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc dưới cây, hoặc là tăng phường, hoặc nhà bạch y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường”.

Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là đạo tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập niết Bàn (tr.451).

Rõ ràng Kinh viết: chỉ cần “thọ, trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành” và chắc chắn quan trọng hơn cả, thành tựu được hay không là ở chỗ “Đúng như lời tu hành”. Ta đã hiểu Tu là Sửa, vậy thì Sửa cái gì? Sửa như thế nào để gọi là Tu Phật để ta theo đó mà tu hành?

Dù những kinh khác cũng có nói đến Tu Tâm. Nhưng qua lời Tổ Đạt Ma được ghi lại trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, chúng ta nắm được một số công thức ngắn, gọn: “Tu Phật là Tu tâm”. Hiểu được: “Tức Tâm tức Phật”, “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”. Ngũ Tổ cũng nói rất rõ “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích”. Tổ Đạt Ma cũng có Kệ: “Bao giờ học Tâm thôi. Viên thành tướng chân thật. Chợt rõ bỏ ý tu”.

Đã biết học Phật là Học Tâm. Tìm Phật là Tìm tâm. Tu Phật là Tu Tâm, thì hình tướng đâu phải là thứ không thể thiếu cho con đường tu hành. Trái lại, suy cho cùng thì đó chẳng qua là để phân biệt với thế nhân, để người đời biết đây là những người tu mà đừng quấy nhiễu cho họ yên tâm tu hành và cũng để cho người muốn cầu Phước có nơi cúng dường để tích lũy phước đức mà thôi.

Đạo Phật đã được gọi là Đạo Giải Thoát. Biểu tượng của Đạo Phật là Hoa Sen, vì tính cách của nó nói lên hành trình của một người tu hành. Hoa Sen được sinh ra, nở hoa trong bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm cũng như con người, sinh ra, sống giữa phiền não nhưng nhờ vào con đường tu Phật mà Thoát được Phiền Não. Cái Thoát chỉ có giá trị khi cùng sống chung mà không bị phiền não vùi dập. Nếu trốn đi nơi khác, tránh né hay đóng khung để không gặp Phiền Não thì Ý nghĩa của Giải Thoát đâu còn nữa. Hoa Sen khi được biết đến cũng đâu có bứng ra khỏi bùn để mang trồng vào chậu nước tinh khiết? Không đương đầu, không chiến thắng Phiền Não sao gọi là “Chiến Đấu thắng Phật”?

Đạo Phật sở dĩ có mặt ở thế gian là vì con người. Người tu theo Đạo Phật cũng như người hàng ngày phải làm ăn trên sông nước nên học bơi để tiếp tục cuộc sống mà không bị sông nước nhấn chìm chớ đâu phải học bơi để rồi dọn lên bờ tránh nước? Nếu đã như thế thì cần gì học bơi? Nếu tránh Phiền Não thì cần gì phải tu hành? Rời Phiền Não thì đâu có gì cần Giải Thoát? Có Phiền Não mới sinh Như Lai. Như Lai là kết quả của điều phục phiền não, vì thế rời thế gian để đi tìm Giải Thoát cũng giống như đi tìm sừng thỏ vì thỏ vốn không có sừng. Pháp Giải Thoát không thể có ở nơi không phiền não.Do đó mà Lục Tổ nhấn mạnh: “Bất ly thế gian giác. Ly thế mịch Bồ Đề. Cáp như cầm thố giác”

Trong khi những người Tu Tướng chỉ khư khư lo giữ oai nghi, giữ Giới, làm gì cũng sợ thất niệm, sợ đụng Giới, cuộc sống hết sức gò bó mà không thấy có được bao nhiêu người chứng đắc. Trái lại con đường tu VÔ TƯỚNG của Lục Tổ hết sức là đơn giản, ai, ở đâu, làm gì cũng tu được:

Lòng bình đẳng đâu cần giữ Giới
Làm việc ngay há đợi tu Thiền
Ân song thân hiếu dưỡng cần chuyên
Nghĩa huynh đệ dưới trên tương ái
Nhượng hòa mục tôn ti đối đãi
Nhẫn muôn điều ác hại chớ gây
Nếu bền tu như lấy lửa cọ cây
Nơi bùn lấm nở đầy Sen Đỏ

………………

Vốn Bồ Đề cầu ở tâm thanh
Ngoài mộng ảo muội manh nhọc kiếm

Chỉ cần giữ cái tâm bình đẳng, hiếu dưỡng cha mẹ, hòa thuận với anh em, nhường nhịn mọi người và không làm ác đó là đã tu hành. Đâu cần phải Giữ Giới, tu Thiền. Sự Giải Thoát chỉ tìm được ở nơi cái tâm thanh tịnh, vì thế, Lục Tổ được tryền Y Bát khi còn trong hình tướng cư sĩ, làm việc hạ tiện trong chùa, cho ta thấy việc “đắc pháp” hoàn toàn không liên quan tới hình tướng, hoàn cảnh bên ngoài. Do đó, người đi tìm Bồ Để ngoài cái Tâm thì chỉ phí công mà thôi.

So sánh người Tu Tướng với người tu Vô Tướng ta thấy: Người Tu Vô Tướng là người ở tại gia, không mặc pháp phục, không cạo tóc, làm ăn sinh hoạt bình thường, chỉ tự Tu, tự Sửa cái Tâm của mình, vì thế họ có cái bất lợi là không có danh tu hành, cũng không được ai cúng dường, phải tự độ. Ngược lại, người Tu Tướng mang pháp phục, đầu tròn áo vuông, sống theo đoàn thể, không làm ăn sinh hoạt chung chạ với thế nhân. Cuộc sống thuần bằng tài vật của thí chủ cung cấp. Ai nhìn cũng biết đó là người tu và được người đời thấy đó là “ruộng phước”, vì theo Kinh dạy là “cúng dường cho bậc tu hành thì phước báo vô lượng”, nên họ cúng dường cho người tu hành có điều kiện, khỏi lo về vật chất để yên tâm mà tu. Như vậy, nếu ta tu láo lếu, thí chủ cúng dường cho ta không được phước, thì đó là món nợ đó ta trả không biết bao giờ cho xong vì Nhân Quả đâu có mất. Trong Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên Đức Phật cũng có kể chuyện có 5 người thầy giả danh tu hành để hưởng sự cúng dường của bá tánh. Đến lúc phải đọa làm thân nô lệ bị hành hạ để trả, làm cho một số Tỳ Kheo thô hạnh hoãng sợ xin hoàn tục. Nhân đó Phật dạy: “Thà cắt thịt mình dùng để nuôi miệng, không dùng tâm tà thọ của người cúng thí. Khó lắm, khó lắm. Cẩn thận, cẩn thận”’!

Trong Đạo Phật còn có Tứ Ân mà người tu phải đáp đền thì Ân đất nước, Ân cha mẹ chúng ta sẽ đáp cách nào khi kể từ lúc đi tu thì bỏ hết mọi việc, không đóng góp trí, lực cho xã hội, gia đình, không phụng dưỡng song thân? Nhưng liệu trong số đó có được bao nhiêu người tu hành đến nơi đến chốn? Rồi thì ta nghĩ sao trong khi mình đang sức trẻ, có thể gánh vác việc xã hội lại buông xuôi tất cả để rồi trở thành gánh nặng thêm cho những thí chủ đang vừa phải đối phó với phiền não, vừa phải vật lộn với cuộc mưu sinh, trong khi “Ông tu ông đắc, bà tu bà đắc”, ta tu hành có chứng đắc cũng đâu có “độ” được cho người? Ta lại không thể “tự độ” cho mình, chỉ trông vào thí chủ thì tránh sao khỏi cư xử khinh, trọng với thí chủ cúng nhiều, cúng ít?! Và rồi gánh nặng áo cơm sẽ trả cách nào, trong khi Đạo Phật chân chính không có Phật như là một vị Thần Linh để ban ơn, giáng phúc, mà mỗi người phải tự gây Nhân để hưởng Quả, ta đâu thể làm trung gian để cầu phước giùm cho họ để trả nợ?

“Phật tại Tâm”. “Mắt không dính sắc thì mắt là cửa Thiền. Tai không dính tiếng thì tai là cửa Thiền”. “Nếu thấy Tâm mình là Phật thì chẳng cần cắt tóc, cạo râu. Hàng áo trắng vẫn là Phật. Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc cạo râu vẫn là ngoại đạo” (Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất tr. 128) “Tu Phật là Tu tâm”. Nếu đầu tròn, áo vuông không hỗ trợ gì được cho công cuộc SỬA CÁI TÂM thì hay nhất là ta vẫn duy trì cuộc sống bình thường, vẫn làm việc theo khả năng để nuôi thân, trong đó không tranh dành, không lấn lướt người, lại ý thức trách nhiệm, giúp đỡ người. Dành một số thì giờ để đọc Kinh sách xem lời Phật dạy. Giữ Giới nghiêm chỉnh. Hành theo Bát Chánh Đạo. Luôn điều phục cái tâm của mình… thì đó là ta đã Tu Vô Tướng, vừa tu vừa trả nợ cuộc đời rồi. Vì 32 tướng tốt của Phật cũng chỉ để khuyến thiện mà thôi.

Thời Phật còn tại thế, có một thanh niên đang phải phụng dưỡng mẹ già, đi nghe Phật thuyết pháp quá hâm mộ nên xin Xuất Gia. Phật bảo: “Khi nào gặp người nào mang lộn dép chân trái qua phải thì đó là Phật, nên theo vị đó mà tu hành”. Khi chàng trai quay về tới nhà thì trời đã tối. Anh ta gọi cửa. Bà mẹ nghe tiếng con, mừng quá lật đật chạy ra, xỏ lộn dép, chân nọ qua chân kia… Chàng trai nhìn thấy thế biết rằng ý Phật muốn mình ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Đó cũng là tu hành, nên bỏ ý định xuất gia.

Đạo Phật cũng rất cần chùa chiền để làm tín hướng, và những vị chân tu, thật sự chứng đắc, thông thạo giáo lý để hướng dẫn cho Phật Tử. Nhưng nhiều người đã tưởng lầm rằng tu Phật là để thành Thánh, thành Phật ngồi trên tòa sen cứu nhân độ thế, nên họ sống giữa cuộc đời mà xa lánh thế nhân, không biết rằng Tu Phật chỉ là để trở thành một con người đúng nghĩa và được an ổn giữa cảnh trần đầy biến động. Thủ phạm chính là Cái Tâm, nên Sửa nó, để nó miễn nhiễm với Phiền não gọi là Giải Thoát. Vì thế, chỉ cần nhắm vào cái Tâm mà hành trì, màu mè sắc tướng chỉ làm trở ngại cho việc hòa nhập với cuộc đời, làm cho người muốn tu mà còn nặng trách nhiệm với gia đình không dám phát tâm. Hơn nữa, nếu tất cả mọi người đều ái mộ Đạo Phật rồi bỏ vô chùa hết thì xã hội giao lại cho ai, trong khi xã hội rất cần những người có tài, có Tâm, không tham lam, tư túi để cống hiến, để xây dựng?

Cuộc sống dù giả tạm nhưng cũng kéo dài đến trăm năm, trong đó có biết bao hoàn cảnh khó khăn, biết bao con người đau khổ cần được giúp đỡ, mà ta đang sức trẻ, có học, có tài lại đứng bên lề sao đành? Làm sao người đời có thể nghe Pháp được khi nghiệp lực còn đang quá nặng nề? Nếu ta không chia sẻ được gì với họ, như vậy Tâm Bồ Tát làm sao ứng dụng? Nếu tách biệt khỏi cuộc đời chẳng hóa ra Phật Pháp chỉ là mớ lý thuyết suông, hoặc dành cho những người giàu có, hoàn cảnh thuận lợi thôi sao? Chính vì ý thức điều đó mà từ lâu nhiều chùa ở nước ta đã mở rộng cửa để đón những người già neo đơn, những trẻ bị bỏ rơi về nuôi dưỡng. Ở Thái Lan cũng có ngôi chùa chuyên nuôi những bịnh nhân Aids bị thân nhân bỏ rơi. Hành động đó đã được cộng đồng hết sức kính phục và tri ân. Các vị đó đã “nhập thế”, đã thật sự “hành Bồ Tát Đạo”, đang thể hiện lòng Đại Từ, Đại Bi của người tu Phật, chung tay đỡ bớt gánh nặng cho xã hội. không điềm nhiên khi thấy cảnh khổ của chúng sinh để chỉ lo an ổn cho bản thân.

Con đường tu Phật đúng ra phải là TU VÔ TƯỚNG như bài Kệ của Lục Tổ, bởi hai chữ Xuất Gia mang ý nghĩa là RA KHỎI NHÀ LỬA TAM GIỚI. Cạo Tóc tượng trưng cho việc CẠO SẠCH PHIỀN NÃO, và Đắp Y tượng trưng cho việc PHỦ LÊN THÂN, TÂM MỘT MÀU THANH TỊNH. Khất Thực là KHẤT PHÁP THỰC ĐỂ NUÔI HUỆ MẠNG không phải là khất vật thực để nuôi thân phàm. Thực hiện được đúng theo ý nghĩa đó mới thật sự là tu hành. Hơn nữa, trách nhiệm để hướng dẫn người khác không chỉ dành riêng cho giới Tu Sĩ. Kinh LĂNG NGHIÊM viết: “Anan, ta có dạy các vị Bồ tát và A La Hán sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian giảo, kẻ trôm cướp, người thợ thịt, kẻ buôn bán... để lẩn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo” (tr. 186).

Dám bỏ hết tất cả để đi tu là một “Đại Dũng”. Dù vậy cũng cần thêm “Đại Trí” để biết rằng Tu Phật chính là TU TÂM thì thật sự ra không cần phải “đi” mới Tu được. Con đường tu không đòi hỏi phải màu mè sắc tướng, Giữ Giới, ngồi Thiền, tụng Kinh, niệm Phật ngày mấy thời.mà đơn giản như bài Kệ trong Kinh VIÊN GIÁC:

Nếu người đoạn thương, ghét
Cùng với Tham, Sân, Si
Chẳng cần tu gì khác
Cũng đều đặng thành Phật”

Công việc tu hành chính yếu là từng sát na chúng ta điều phục, giáo hóa cái Vọng Tâm của mình. Được như thế thì ở đâu, làm gì cũng là Tu. Trực tiếp hòa đồng, chia sẻ với mọi người. Giúp cho mọi người nhẹ bớt gánh Khổ. Tùy tài, sức mà tham gia với xã hội, với cộng đồng gọi là “Đời Đạo song tu” thì vừa khế hợp với Ý Phật, lời Kinh mà cũng đồng thời không làm cho Đạo Phật bị đóng khung, bị hạn chế, lại cũng không phải mang nợ của thế nhân vậy.

Tháng 7/2010

Tâm-Nguyện

0

0

0

0

0

0

0

0

Phụ bản I

 Đôi dòng tường thuật về chuyến đi dự Hội Thảo Khoa Học

PHẬT GIÁO THỜI LÝ VỚI 1000 NĂM THĂNG LONG

Sở dĩ tôi không dám để “Bài tường thuật” là vì tấm giấy mời trong đó có ghi đầy đủ chương trình cuộc Hội thảo mà tôi mới đọc qua một lần đã bị ban Tổ Chức thâu hồi trước buổi Hội thảo khi họ mời các đại biểu vào lãnh tiền nhuận bút (1 triệu đồng) cho bài tham luận. trong lúc Hội thảo tôi chỉ lo chụp hình, chẳng ghi chép gì cả vì yên chí đã có cuốn kỷ yếu to đùng về tha hồ mà xem. Trí nhớ tôi bây giờ như lá khoai môn, nghe xong là quên mất ngay. Thôi thì nhớ đến đâu ghi đến đấy vậy, để về nhà ai có hỏi thì biết mà kể lại.

Cũng may nhờ có mấy tấm ảnh chụp được mà tôi còn biết tên tòa nhà Hội thảo là “Thiên Đường Bảo Sơn”, nó cũng lớn không kém gì trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình. Đoàn chúng tôi gần mười mấy người dưới sự hướng dẫn của Thượng Tọa Tiến Sĩ Thích Đồng Bổn Phó Trụ Trì chùa Xá Lợi, nhưng chỉ có dưới 10 người phát xuất từ Thành phố Hồ Chí Minh còn mấy người kia đi từ các tỉnh khác, một sư cô từ Đài Loan và nhà Sử Học Nguyễn Khắc Thuần từ Đà Nẵng ra tới nơi mới hội lại.

Khời hành từ Tân Sơn Nhất 12h30 ngày 28.7, 14h30 đến Nội Bài, đoàn chúng tôi được đưa về Khách Sạn hình như cũng mang tên Thiên Đường Bảo Sơn. Tôi may mắn được xếp ở cùng phòng với PGS Tiến Sĩ Trần Hồng Liên. Tuy mới gặp lần đầu nhưng dường như đã có thiện duyên từ lâu… Tôi ngạc nhiên khi thấy chị trò chuyện rất thân mật với các tăng ni khi vừa gặp mà tôi thì ngơ ngác chẳng biết ai với ai. Sau hỏi ra mới biết tất cả các vị ấy đều là học trò chị từ nhiều năm ở Viện ĐH Vạn Hạnh hay các Trung Tâm Phật học khác, nhiều người đã tốt nghiệp. tìm hiếu thêm tôi được biết chị tốt nghiệp Tiến Sĩ năm 1993 hình như ngành Dân Tộc học nếu tôi không lầm. chị cũng được phong Phó GS từ nhiều năm nay, và hiện chị đang dạy ở trường ĐH Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn và một số trường ĐH khác. Ông xã chị cũng dạy ở ĐH KHXH & NV và con gái chị cũng đang theo ngành nghiên cứu của mẹ. Với tuổi đời khoảng ngoải 50, ở chị tôi thấy đang toát lên một niềm đam mê cháy bỏng khi chị bàn bạc trao đổi với nhóm học rò tăng ni của chị về một vấn đề rất lý thú gì đó thuộc các ngôi chùa cổ ở Nam bộ. không dám tò mò tọc mạch, nhưng lúc chia tay tôi cũng muốn biết qua về công việc mà chị đang say mê nghiên cứu. chị mới bật mí cho tôi hiểu sơ sơ: đó là Phật giáo và tìn ngưỡng dân gian ở các khu vực miền Nam. Tôi thấy đó cũng là một đề tài hấp dẫn mà tôi chưa thấy ai khai thác. Trong buổi hội thảo chị cũng được mời lên trình bày và giới thiệu qua màn hình những hình ảnh về các ngôi chùa cổ mà chị chụp được.

Trở lại với buổi khai mạc Hội thảo, từ 7g30 ngày 29/7 chúng tôi được xe đưa đến trước tòa nhà Thiên Đường Bảo Sơn. Các em nam nữ thanh niên ăn mặc đồng phục quần xanh áo đỏ thêu chữ vàng đứng chắp tay làm hàng rào danh dự để đón tiếp các đại biểu. Buổi Hội thảo được diễn ra chỉ vỏn vẹn trong một ngày từ 8 giờ sáng đến 5 giờ 30 chiều (tuy trong chương trình tôi nhớ họ để là 4 giờ bế mạc). mỗi buổi có giải lao độ 15 – 20 phút. Buổi trưa ở lại dùng bữa trưa tại nhà ăn cạnh đó. Số đại biểu có mặt tôi không biết rõ nhưng cũng gần kín hết cả hội trường. Ban Tổ chức cũng xin lỗi trước vì thời gian có hạn mà số bản tham luận rất nhiều nên không thể mời đọc hết và tất cả đã được đăng vào kỷ yếu, sẽ biên tập lại và ấn tống kỷ yếu Hội Thảo lần này để có thể ra mắt vào chính dịp Đại lễ vào tháng 10 tới đây.

Trong tập kỷ yếu được tặng, tôi đếm được tổng cộng 92 bài tham luận với 992 trang, cân nặng 2kg450. Đặc biệt có 3 tác giả nước ngoài: Một là GS. Philippe Langnet ở Pháp viết về đề tài “Tính hiện đại trong một nghìn năm minh triết Phật giáo Việt Nam” (tác giả không đến được). Hai là Đại Lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi người Nhật với bài “Cuộc đời và sự hoằng hóa của Pháp Nhiên (Honen) thượng nhân và Phật giáo của vua Lý Công Uẩn”. Ông được mời lên đọc nhưng ông cho biết hôm nay ông sẽ nói về một đề tài khác với bài tham luận đã đăng. Người phiên dịch là một ni cô người Việt rất trẻ nghe nói đã du học ở Nhật nhiều năm (xem hình) đã phiên dịch trực tiếp rất nhanh và lưu loát. Người thứ ba là Tiến Sĩ Onishi Kazuhiko người Nhật độ ngoài 60 tuổi, với bài “Tam giáo thời Lý Việt Nam qua Lễ Tết Trung Nguyên” mà ông tự đọc bằng tiếng Việt rất rõ. (Như thế trong số 92 bài tham luận chỉ có 2 bài viết về Tam Giáo: một bài của vị đại biểu người Nhật này và một bài của Thùy Dương). Buổi trưa ban Tổ chức cho biết vì số bài quá nhiều, nếu vị nào có thể rút ngắn tối đa bài của mình thì sẽ mời lên đọc. Buổi chiều trước khi bế mạc Ban Tổ chức đã tổng kết cho biết có 16 bài tham luận được đọc và 4 vị đại biểu được mời phát biểu. Tuy hơi ít oi thế nhưng buổi Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí thật trang trọng và hoành tráng. Mãi đến 5g30 chưa ai thấy mệt mỏi và muốn rời khỏi chỗ ngồi, dường như mọi người còn luyến tiếc một cái gì đó, chưa hả hê. Ngay lúc đó một vị đại biểu đứng ra bày tỏ cảm nghĩ của mình với một giọng buồn man mác. Đại khái ông nói: “Hôm qua khi tiễn chân 3 vị khách quý nước ngoài sang dự Lễ Hội Ngàn Năm Thăng Long mà tôi cảm thấy xót xa vô cùng khi thấy chúng ta chưa làm được gì xứng đáng để thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên ta. Chẳng lẽ Lễ Hội Ngàn Năm Thăng Long chỉ có thế thôi ư? Những gì ta đã làm quả là quá nhỏ nhoi đối với di sản lớn lao của Tổ Tiên ta để lại… Và hôm nay cũng vậy… Giá mà chúng ta có được thêm vài tháng trước để tổ chức chu đáo hơn. Thôi đành chờ đến 2000 năm Thăng Long, lúc ấy hy vọng người Việt Nam ta sẽ tổ chức một Lễ Hội 2000 Năm Thăng Long thật hoành tráng!...”. Riêng tôi cũng cảm thấy hơi bùi ngùi đồng cảm với vị đại biểu, nhưng rồi lại tự nhủ: Lòng tri ân và tự hào đối với Tổ Tiên ta đâu phải chỉ ở lễ hội hoành tráng linh đình hay những bài diễn văn đầy hào khí mà thực ra nó nằm trong tâm tưởng của mỗi người Việt Nam yêu nước, yêu giống nòi, biết cảm thông với niềm vinh nỗi nhục của cha ông và tự hào về một quá khứ huy hoàng của dân tộc. Bên cạnh những lễ nghi hoành tráng cần phải có, để thể hiện lòng tri ân và tự hào đối với Tổ Tiên, không gì bằng ta cố gắng bằng mọi cách giữ gìn và phát huy di sản quý báu của tiền nhân để ngày càng huy hoàng rực rỡ hơn. Nghĩ thế tôi cảm thấy hết băn khoăn và vui vẻ cùng các bạn trở về khách sạn ăn tối vui đùa rồi nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi thăm một số ngôi chùa cổ ở ngoại ô Hànội.

Kết thúc một chuyến đi ngắn ngủi nhưng đầy lý thú và bố ích. Đối với tôi đó cũng là mối duyên may nghìn năm một thuở, không cầu mà được. Và nói như vị đại biểu trên đây trước khi chia tay: “Chúng ta gặp nhau tại đây hôm nay, âu cũng là một niềm vinh dự lớn, biết đâu chẳng do cơ duyên từ ngàn kiếp trước?”

Thùy Dương

02.8.2010

NHÂN SINH THẤT THẬP CỔ LAI HY

Câu thơ trên đây là của ai và trích trong bài thơ nào mà được đời truyền tụng rộng rãi trong dân gian cho đến ngày nay. Thi hào Đỗ Phủ (712-770) đời Đường có bài thơ Khúc giang, gồm hai bài thơ mà câu trên đây nằm trong bài thơ thứ hai:

Triều hồi nhật nhật điểm xuân y
Mối nhật giang đầu tân túy qui
Tữu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy
Xuyên qua giáp điệp thâm thâm hiện
Điểm thủy thanh đình khoản khoản phi
Truyền ngữ phong quang công lưu chuyển
Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.

Riêng câu thứ tư tạm hiểu, người đời sống đến 70, xưa nay hiếm, nên ông mới tỏ bày vội hưởng thụ trà tửu đến nỗi phải cầm cố cả áo để có tiền uống rượu. Vậy đến thời đại này, quan niệm về tuổi thọ con người như trên có đúng không? Ngày nay phần đông sống đến trên 70 tuổi là thường, như vậy là do ở gì, nếu không nói rằng là nhờ tiến bộ của y học. Xưa kia, các chứng bịnh nằm trong tứ chứng nan y, như phong, lao, cổ, lãi, thầy thuốc gặp phải đành bó tay, nhưng nay các bịnh nói trên đều được tây y chữa khỏi, nên tuổi thọ con người cũng kéo dài ra. Qua các cáo phó trên nhật báo, chúng ta cũng thấy các cụ ngày nay sống trên 80 không phải là hiếm. Nếu thi hào Đỗ Phủ ngày nay sống dậy chắc ông phải thay đổi quan niệm về tuổi thọ của con người. Và con người dù có sống lâu, xưa nay vẫn phải tuân theo quy luật của tạo hóa nghĩa là không thể trở thành “bất tử”. Chúng ta lại cũng thường nghe câu: Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. Hiểu nôm na là người đời, xưa nay ai không chết, chỉ còn để lại lòng son trong sử xanh. Câu này là của ai, Văn Thiên Tường (1236-1282) tự Trọng Thụy, hiệu Văn Sơn, đậu tiến sĩ, làm quan đến Hữu thừa tướng kiêm Khu mật sử nhà Nam Tống. Khi quân Nguyên đánh xuống phía Nam; ông được vua Tống phái đi xin hòa, bị quân Nguyên giữ lại. Sau ông trốn về được Ôn Châu, lập vua Đoan Tông để chống quân Nguyên. Năm 1278, ông thua trận bị bắt, quân Nguyên đưa về Yên Kinh giam cầm 3 năm, dùng mọi cách dụ hàng nhưng ông kiên quyết cự tuyệt, cuối cùng tuyệt thực để quyên sinh. Lúc bị quân Nguyên bắt giải đến bên bờ sông Linh Đinh Dương thuộc tỉnh Quảng Đông trông vời trời biển, ngắm hoàn cảnh bi tráng, Văn Thiên Tường cảm khái sáng tác bài thơ thất ngôn bát cú: “Quá Linh Đinh Dương” (Qua sông Linh Đinh ở Quảng Đông), trong đó có 2 câu cuối.

Tàn khổ tao phùng khởi nhất kinh
Can qua liên lạc tứ chu tinh
Sơn hà phá toải phong phiên như
Thân thế phù trầm vũ đá binh
Hoàng khủng than đầu thuyết hoàng khủng
Linh Đinh dương lý than linh đinh
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lữu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

Được người đời truyền tụng mãi cho đến ngày nay. Nhưng “hãn thanh” là gì? Ngày xưa khi chưa phát minh ra giấy để ghi chép, người ta dùng các miếng thẻ tre có màu xanh để ghi, thẻ tre bên ngoài màu xanh, có lớp trơn như men nên viết không ăn mực, trước khi ghi người ta phải đem hơ lửa cho đổ mồ hôi, lau sạch, rồi mới ghi được (hãn là mồ hôi) vì thế mới gọi là hãn thanh. Có nhiều người cứ lầm hai câu thơ trên là của Nguyễn Công Trứ, một bậc lương thần dưới triều Nguyễn về đời Minh Mạng và Thiệu Trị, quán làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, Trung Việt, vì ông Trứ cũng có bài thơ “Vòng trời đất” có hai câu nghe na ná như hai câu cuối trong: Quá linh đinh dương của Văn Thiên Tường. Bài thơ như sau:

Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ
Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thang cứ bộ,
Nợ tang bồng trong trắng vỗ tay reo,
Thành thơ thi tập rượu bầu

Nhưng con người với khoa học càng ngày càng tiến bộ, liệu có một ngày nào đó trở thành “bất tử” hay không? Theo truyền thuyết thần tiên sống đến hai ngàn năm và khoa học ngày nay đã cố công vượt không gian, để đi đến những hành tinh xa lạ ở mãi tít hàng triệu cây số cách trái đất, mong tìm kiếm ở đó thử có sự sống hay không? Và tin tưởng rằng có, thì chắc hẳn sinh vật ở đó phải có hình dáng và thể chất khác hơn loài người của quả đất. Hiện tượng dĩa bay đã chứng minh điều đó. Trong sách “giáo khoa” của một nước văn minh thuộc Châu Âu, có kể câu chuyện: Hai vợ chồng cùng đi trên một chiếc xe hơi ra du ngoạn đồng quê, bỗng dưng thấy một vật hình dáng tròn trông như chiếc dĩa, ló dạng lơ lửng trên không và đứng một chỗ, ngay khi đó chiếc xe hơi đang chạy bỗng dưng tắt máy, và không cách nào khởi động lại được, cho đến khi chiếc dĩa bay rời khỏi vùng nhanh như một tia chớp, chiếc xe mới lại nổ máy được. Và như loài người của trần gian một ngày kia đi đến những hành tin có sự sống văn minh hơn thì biết đâu con người của quả đất cũng có thể đồng hóa với thể chất của người ở hành tinh đó và trở thành… bất tử, nghĩa là có thể sống đến 2000 năm tuổi. Một hiện thực đã xảy ra là xưa kia câu chuyện “đi mây về gió” chỉ là chuyện thần tiên trong óc mọi người, thì ngày nay con người trần gian có thể bay được, khi ra khỏi bầu khí quyển dày 100 cây số bao bọc chung quanh quả đất như các phi hành gia đã chứng minh. Chừng đó nếu Thừa tướng Văn Thiên Tường có sống dậy chắc cũng phải thay đổi câu nói của mình: NHÂN SINH TỰ CỔ THÙY VÔ TỬ.

PPT ghi

NHA TRANG đi dễ khó về...

Tôi còn nhớ đó là cái năm tôi đang làm việc ở Nha Trang, tuổi vừa “tam thập” nhưng chưa có gì gọi là “nhi lập”. Thế mà tôi đã dũng cảm cưới vợ sau khi đã tung tăng khắp đường phố Nha Trang từ ba, bốn năm rồi. Thực ra, tôi là dân Nam kỳ chính cống, cư trú tại Saigon từ khi tóc còn hớt cua, và giấy chứng sanh được ghi là Gia Định. Đúng ra tôi cũng chỉ là dân nhập cư ở Saigon vì cha tôi xuất thân từ một vùng sâu, vùng xa mang một cái tên nghe qua cũng thấy thăm thẳm rồi. Đó là Xóm Ao thuộc làng hay xã chi đó gọi là Bình Phục Nhì thuở ấy thuộc tỉnh Gò Công, gần Chợ Gạo, hồi xưa còn có chiếc phà kéo bằng tay theo một sợi dây cáp bắc ngang qua con sông.

Nhiều khi tôi ngồi nghĩ nếu cha tôi hồi xưa không dũng cảm “bung” lên Saigon thì giờ này tôi đang vuốt râu chăn dắt mấy đứa cháu nội, cháu ngọai trong khi cha mẹ chúng đang chăm lo việc đồng áng. Đêm đêm tôi phải nghe tiếng nhái bầu ảnh ương kêu râm ran chắc là buồn rả ruột. Vậy là tôi được sinh ra ở Gia Định hồi đó còn là một tỉnh bên cạnh Saigon. Cha mẹ tôi không giàu có gì nhưng cũng đủ nuôi mấy anh em chúng tôi lớn lên, cho ăn học đến nơi nhưng chưa đến chốn, chỉ xàng xàng bậc trung.

Tôi lại có máu giang hồ vặt nên khi đang làm việc tại Saigon, anh chàng sếp tôi người xứ củ sâm rủ tôi đi theo anh ta ra Nha Trang làm việc với mức lương gấp đôi. Tôi ô kê liền. Anh chàng củ sâm này cũng cẩn thận lắm. Anh ta dắt tôi về nhà xin phép cha mẹ tôi và khi được cha mẹ tôi đồng ý rồi anh ta mới chịu dắt tôi ra sân bay.

Nơi làm việc của tôi ở ngay trong phi trường Nha Trang do đó tôi cùng mội vài người bạn cũng từ miền Nam ra thuê nhà trọ ở ngoài phố để dễ dàng đi lại. Năm đó tôi vừa qua cái đốt 24 tuổi. Thành phố Nha Trang lúc bấy giờ có một vẻ đẹp đặc biệt sang trọng, đài các khác thường không như bây giờ hoàn toàn mang vẻ hào nhoáng, lòe lọet của một cô gái quê, có tiền tha hồ trang điềm nhưng không dấu được những đường nét vay mượn của nước ngoài.

Trong phòng làm việc của tôi có mấy người lớn tuổi hơn khoảng ba lăm bốn chục gì đó, phụ trách các phần việc khác nhau. Đặc biệt các vị đó nói được tiếng Anh và tiếng Pháp rất lưu loát. Khi các bác này trao đổi với nhau họ thường chêm thêm khá nhiều tiếng Pháp. Khi đặt chân đến Nha Trang, được gặp những người chung quanh có trình độ như vậy, tôi thấy như đã mãn nguyện cái mộng ước giang hồ lãng tử của tôi.

Đến Nha Trang coi như tôi phải từ giả cái món cá đồng của miền Nam. Ngày nào cũng ăn cá biển. Những ngày đầu tôi thấy khó ăn và bắt đầu nhớ cá đồng. Tôi nhớ cái món cá lóc kho mẹ tôi thường làm. Hình ảnh khứa cá lóc màu nâu sẫm vì đã được tẩm nước màu trước khi nấu, nằm trong đĩa trắng tinh với nước kho đậm đà loang loáng mỡ, điểm dăm ba miếng hành lá trôi lềnh bềnh trong dĩa. Khứa cá lóc kho toả ra một mùi thơm hết sức đặc biệt mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Tôi lại nhớ đến món cá sặc chưng tương. Phải nói rằng các sặc có cái hương vị hết sức đặc trưng của một loài cá sông cao cấp, hoàn toàn không giống một con cá nào khác. Ai đã từng ăn khô cá sặc chắc chắn cũng có ý nghĩ như vậy. Một miếng khô cá sặc kẹp chung với một lát xoài sống, một miếng thịt luộc sẽ làm cho khẩu vị người ta như bị tê cứng lại trong chốc lát rồi mới bắt đầu nhai được. Cá sặc chưng tương lại có một hương vị đặc biệt khác. Mùi vị của tương không làm mất hương thơm của cá mà tạo thành một mùi vị tổng hợp của riêng món cá sặc chưng tương. Tôi cũng lại hồi tưởng đến món cá kèo cùng với câu hát theo điệu Lý con sáo của mấy tay đàn anh trong xóm tự biên tự diễn: “Cá trê kho mặn, cá kèo kho khô. Ôi con cá trê va…à…n…g tôi đem ram ở trong lo…ò….” Hồi còn nhỏ mỗi khi ăn đến món cá kèo kho, tôi thường lấy dao cắt nửa phần đuôi bỏ vô chén cơm của mình trước, vì phần đầu gặp khúc ruột rất đắng, mà khi làm cá kèo không ai bỏ ruột. Nhưng lớn dần tội tập ăn phần đầu, chính cái vị đắng và phần thịt bụng mềm mềm, beo béo đã hấp dẫn tôi riết rồi quen và cảm thấy ghiền. Từ đó về sau khi đụng món cá kèo tôi luôn luôn bụp nguyên con bỏ vô chén cơm để ăn dần.

Nhưng thời gian dần trôi, giống như cái chuyện tôi tập ăn cá kèo hồi xưa, bấy giờ tôi cũng tập ăn cá biển. Lâu dần tôi đã cảm nhận được cái hương vị đậm đà của cá biển. Người dân Nha Trang hầu như ăn toàn cá biển và đặc biệt là cái món cuốn bánh tráng. Cá canh cũng cuốn, cá nướng cũng cuốn rồi cá hấp cũng cuốn luôn với các lọai rau sống, chấm với món nước mắm của chính những người đi biển làm thì không còn món nước chấm nào trên đời có thể qua mặt được. Đặc biệt người ta còn lấy bánh tráng đã nướng qua đem nhúng nước rồi lại cuốn với cá, với mực. Nói đến mực thì không thể quên cái món mực ống dồn thịt cuốn bánh tráng. Mực ống mới bắt lên dài chừng mười lăm phân, làm sạch dồn thịt bằm rồi đem hấp. Nồi hấp vừa mở ra bốc khói nghi ngút, những con mực trắng tinh, nằm sắp lớp, đầy vẽ khêu gợi và quyến rũ. Ông chủ nhà vừa sấp mực ra, vừa nuốt nước bọt.

Một người đàn anh trong sở làm lớn gần gấp hai tuổi tôi chạy chiếc Vespa Super, người to con, phốt pháp nhưng có cái tên khiêm tốn là Bé. Tôi thường gọi là Anh Bự. Anh thường rủ tôi về nhà nhậu cá tươi với lý do là “Hôm nay tụi nhỏ mới đem về một mớ cá ngon”. Thực ra, anh Bé có một ông anh kế sở hữu hai ba chiếc ghe câu. Chiều nào ghe về, mấy bông bạn biển thường lựa ra mấy con cá qúy hiếm, nhưng chưa vô sách đỏ, đem lại nhà anh làm rồi ráp vô nhậu. Tôi thường có mặt tại những buổi nhậu đó. Có lần, mấy ông bạn biển mang về được mấy con cá Bò Hòm mà họ cho là vô cùng qúy hiếm vì chúng thường bơi sát đáy biển nên ít khi bắt được. Hỏi tại sao có cái tên ngộ nghĩnh như vậy. Họ cho biết lọai cá này thuộc giống cá Bò nhưng thân mình không dẹp mà lại có hình khối chữ nhật dài dài chừng hai tấc, bầu bầu giống như chiếc… quan tài. Vì vậy mà họ gọi là cá Bò Hòm. Từng em cá được gắp ra dĩa bốc khói nghi ngút. Ông bạn tôi lấy con dao nhỏ kê lên sóng lưng chẻ một con cá ra làm hai. Thịt của cá trắng tinh. Ông bạn tôi giục: “Chú mầy làm một miếng cỏi”. “Cỏi” là tiếng địa phương thay vì nói “coi”. Tôi hươi đũa chỉa liền một miếng bỏ vào miệng mà quên rằng còn nóng quá. Tôi phải chu cái miệng lại thổi phò phò cho nguội bớt rồi nhai từ từ. “Quá đã! quá đã!” Tôi khen liền miệng. Thịt của cá hơi dai hơn các lọai cá thường và có sớ to gần giống như thịt gà. Đặc biệt cá có một mùi “thơm” của… biển. Từ đó tôi cuốn bành tráng liên tục đến nỗi anh bạn tôi phải nhắc nhở: “Diệt mồi hơi nhiều rồi nghe!”

Đến Nha Trang phải thưởng thức một chuyến picnic ở đảo. Một sáng Chủ Nhật anh bạn tôi trưng dụng một chiếc ghe có sẵn cùng với mấy ông bạn biển. Anh bạn tôi hú thêm mấy người bạn khác cùng làm trong sở. Tất cả chúng tôi xuống ghe bắt đầu cuộc hành trình. Chúng tôi đến Bãi Chủ sau khoảng bốn mươi lăm phút ngồi lắc lư trên chiếc ghe câu. Tiếng máy nổ phịch phịch cũng làm cho tôi có một cảm giác xa lạ. Bãi Chủ ngày xưa rất hoang sơ, phía sau bãi biển là núi đá và rừng chồi. Bãi biển có sẵn tự nhiên không hề có nhà chòi, lều và ghế nằm như bây giờ. Chúng tôi thay đồ tắm nhảy xuống nước lội vô vì ghe không đậu được sát bãi tắm. Khi chúng tôi vào đến bờ thì chiếc ghe câu cùng với mấy người bạn biển tiếp tục rẻ sóng đi về phía xa. Tôi nhìn theo đến khi chiếc ghe đi khuất sau một mõm đá, tôi mới bắt đầu bơi. Khoảng một giờ sau, chiếc ghe câu quay trở lại chỗ chúng tôi đang tắm. Lúc đó vào khoảng tháng tư nên mặt biển rất yên như mặt hồ, không có sóng lớn. Chỉ hơi gợn nhẹ lăn tăn mỗi khi có một làn gió thổi đến. Mấy ngươi bạn biển đã vận chuyển nồi niêu xoong chảo và một vài thùng giỏ lỉnh kỉnh khác vào bờ. Họ bảo chúng tôi tiếp tục bơi lặn để họ “làm việc”. Tôi trở xuống biển nhưng vẫn ngoái cổ lại để xem mấy ông này “làm việc” ra sao.Tôi thấy họ lấy đá làm ông táo và kê một cái nồi rất lớn lên trên, rồi lấy củi khô đưa vào bếp đun. Có người bày một đông củi bằng nhánh cây khô rồi đố lên cho cháy thành thanh sau đó kê những con cá vừa bắt được lên lớp than hồng để nướng. Mùi cá với các lọai gia vị được ướp bay lên thơm phưng phức. Hỏi ra mấy người bạn biển chỉ bắt được sáu bảy con cá Bè chi đó. Cá Bè là tên một loài cá ở biển chứ không phải là cá nuôi trong bè. Lọai cá này cũng giống cá chim nhưng lớn và dài hơn nhiều. Chiều dài từ đầu tới đuôi khoảng 6 tấc, chiều cao cũng tròm trèm 3 tấc. Tất cả chỉ có hai món. Đầu tiên là món cá nướng cuốn bánh tráng. Mấy ông bạn biển rất chu đáo, chuẩn bị đầy đủ tất cả gia vị, sau sống các lọai, nước chấm, chén đĩa đủ hết, và bia thì bao la. Mấy anh em chúng tôi từ Saigon lần đầu tiên ra Nha Trang ăn được bữa cá nướng thật tuyệt vời. Bây giờ tôi còn nhớ cái mùi thơm của miếng tỏi cháy xém cùng với miếng cá nướng tôi nhai ngồm ngoàm trong miệng. Tôi làm một hơi năm, sáu cuốn và tu hết mấy lon bia rồi chuyển sang nếm món cháo cá. Một ông bạn biển giúp tôi múc cháo. Nhìn vào nồi tôi không thấy cháo đâu cả chỉ toàn những khứa cà Bè nằm đầy trên mặt. Ông bạn biển phải lấy cái vá dài cán đùa cá qua một bên mới múc được cháo và vớt ra cho tôi hai khứa cá để trên miếng là chuối. Tôi có thể hiểu được rằng nồi cháo dù to bằng nồi nước lèo ở tiệm hủ tiếu nhưng với số lượng cá như thế thì làm sao cháo không ngon được. Tôi vừa thổi vừa húp, mùi vị tiêu cay nồng, nước mắt chảy ràn rụa, hơi nóng bốc lên làm mờ cặp kính cận thị làm tôi phải lau đi lau lại mấy lần.

Mặt trời dần dần “ngả về Tây”, chúng tôi gom góp “đồ tế nhuyển” đưa ra ghe câu trờ về hướng Nha Trang…

Bên cạnh cơ quan tôi là một sân tennis đạt tiêu chuẩn một sân tỉnh lẻ nhưng chung quanh hàng rào phủ đầy dây leo của hoa ti-gôn trông rất đẹp. Nhờ tình hữu nghị thắm thiết của hai cơ quan nên chúng tôi cũng được sử dụng sân tennis này để thi đấu và… cá độ nho nhỏ chơi. Một anh bạn khác cũng xấp xỉ tuổi anh Bự, quê ở Phan Thiết, đem cả vợ con ra Nha Trang làm việc. Anh này rất mê tennis và cũng hay rủ bạn bè về nhà nhậu rượu Tây. Anh có biệt tài thuộc lòng ba ngàn hai trăm năm mươi bốn câu Kiều. Mỗi khi vô được vài cái “cồng-xôm” anh kể chuyện Kiều và đọc thơ Kiều. Anh cũng hay pha trò bằng cách đọc lên một hai câu Kiều tương ứng với hành động của những người chung quanh đang làm. Chính anh đã đọc hai câu Kiều khi thấy mọi người gom góp đồ đạc đem lên ghe ra về:

“Đồ tế nhuyển của riêng tây
Sạch sành sanh vét cho đầy túi tham.”

Ra sân tennis khi anh Bự tạt một quả vào góc, quá khó khiến anh bó tay, nhưng may mắn cho anh là banh lại ra ngoài, anh đắc chí ngâm:

“Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều.” ….

Khối lượng công việc của tôi nhiều thêm khi sếp yêu cầu tôi đảm trách công việc phát lương cho toàn cơ quan gồm khoảng hai chục người. Cuối mỗi tháng tôi ra Kho Bạc lãnh lương về phát lại cho nhân viên và cho cả sếp. Thế là tôi có cơ hội quen “cô ấy”. Tôi thích làm quen với cô ấy vì lý do đơn giản là cô ấy rất… “giản đơn”, hồi xưa gọi là giản dị và nghiêm trang. Thực ra công việc của tôi lại liên quan đến hai cô nhân viên khác ngồi bên cạnh cô ấy. Chính hai cô này trực tiếp đưa tiền ra cho tôi mang về phát lương. Hai cô nàng này diện hết ga, một cô thì xinh xắn nhưng đã có bồ rồi. Còn cô kia thì cái bề ngang hơi quá khổ, có phần tròn trịa và hai cái răng cửa khá to nên miệng cô lúc nào cũng há ra như đang tặng ai đó một nụ cười. Một ngày nọ, lấy lý do đến hỏi mandat lương, tôi mua sẵn một gói xí muội rồi đến ngay cửa sổ ghi-sê của cô ấy. Thấy có bóng người, cô ấy nhìn lên, dừng tay đếm những tờ giấy bạc. Tôi cất tiếng trước:

- Chào Cô.

- Chào Ông. Cô ấy nói nhỏ nhẹ

Tôi tấn công liền, xé gói xí muội ra, đẩy vào cửa sổ ghi sê:

- Mời Cô ăn xí muội.

Tôi thấy cô ấy cười rất tươi đưa tay nhón lấy một quả. “Cám ơn”.Tôi chuyền sang hai cô bên cạnh. Cô tròn trịa chộp lấy gói xí muội. “Tịch thu hết”. Tôi nói nhẹ nhàng: “Cứ tự nhiên, xin mời”.

Thế là chúng tôi quen nhau. Qua ngày hôm sau tôi lấy hết can đảm viết cho cô ấy một cái thư nói rõ cái profile của mình và chuyển đi theo đường công văn để không bị thất lạc, lại không tốn tiền tem. Không đầy một tuần sau, vào một buổi sáng đẹp trời, ông nhân viên văn thư trao cho tôi thư hồi âm của cô ấy. Oào! Oào! Tim tôi lúc bấy giờ hình như đã lạc nhịp, lạc phách. Nhìn bì thư trắng tinh, ghi dòng chữ của tên tôi được viết một cách năn nót, đầu đặn. Tôi cẩn thận lấy kéo cắt cạnh bì thơ để lấy lá thư bên trong ra đọc. Tôi liếc qua một cái vèo là hết ngay lá thư ngắn ngủi, chỉ khoảng hai phần ba trang giấy học trò. Tôi hết sức vui mừng vì cô ấy đã đồng ý cho tôi làm quen và cho tôi biết sơ bộ về profile của cô. Hoá ra cô ấy là người Huế, theo gia đình vào Nha Trang từ năm lên bẩy. Nhà ở trong khuôn viên Kho Bạc vì Ba của cô cũng đang làm việc tại cơ quan này. Tôi không còn biết làm gì hơn là lấy giấy ra viết một bức thư hồi âm. Ròng rả thư đi thư lại gần một năm trời. Nhiều lần tôi mời cô ấy đi uống cà phê, xem ciné, hay ăn sáng, ăn trưa, ăn tối gì cũng không được, bởi vì ông già vô cùng khó tính, canh giữ con gái như người ta canh giữ tử tù. Khuôn viên Kho Bạc lại kín cổng cao tường. Sau cùng, tôi quyết xuất chiêu của ông vua Napoléon, gửi tối hậu thư cho cô ấy. Trong thư tôi đã rao Nam rao Bắc, vòng vo tam quốc một hồi rồi kết luận là muốn cưới cô ấy và yêu cầu trả lời gấp. Hai ngày sau cô ấy trả lời rằng “Ông già cần gặp”. Tôi biết đây là cú interview gay go nhất trong đời. Tuy nhiên trời thương, tôi đã pass lần interview đó. Hai tháng sau chúng tôi làm đám hỏi, và rồi như người ta đã nói hễ đầu xuôi thì đuôi lọt, ba tháng sau đám cưới của chúng tôi được cử hành. Một ngày của tháng bẩy.

Nha Trang, đi dễ khó về…

Dương Lêh

(Tháng 7 - 2010)

TRUYỆN KIỀU MỘT DI SẢN CỦA NHÂN LOẠI

NGUYỄN PHAN QUANG - THANH HÀ
(dịch, giới thiệu)

Bộ “TỪ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA TẤT CẢ CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” của Hiệp hội biên soạn Từ điển và Bách khoa toàn thư, xuất bản ở Paris năm 1953 (Dictionnaire des oeuvres de tous les temps et de tous les pays – Société d’édition de dictionnaires et encyclopédies, Paris 1953).

Bộ Từ điển gồm 4 tập, khoảng hơn 3.000 trang (khổ sách 22x30cm), với 16.000 tác phẩm (tiểu thuyết, thơ ca, kịch, triết, luật, khoa học, nghệ thuật và âm nhac…), từ những tác phẩm xưa nhất của Ai Cập và Trung Hoa cho đến những kiệt tác thời hiện đại. Bộ Từ điển cung cấp rất nhiều ảnh tư liệu về các tác phẩm nghệ thuật, hội họa, kiến trúc, điêu khắc… nổi tiếng thế giới qua các thời đại, có thể bổ sung hiệu quả cho các bộ Bách khoa toàn thư.

Giới thiệu bộ Từ điển này, André MAUROIS (Viện sĩ Viện Hàn lâm Pháp) viết: “Đây là một công trình biên soạn công phu, kiên trì trải qua nhiều năm, là kết quả xuất phát từ ý tưởng hợp tác Pháp-Ý, với một tập thể các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các nhà dịch thuật…, tập hợp xung quanh Valentino BOMPIANI, chủ nhiệm một nhà xuất bản lớn của nước Ý”.

Trong số 16.000 tác phẩm các loại, bộ Từ điển giới thiệu hơn 10 tác giả Việt Nam, chủ yếu từ cuối thế kỷ XIX trở về trước(1).

Dưới đây, chúng tôi xin lược trích mục từ “KIM VÂN KIỀU” trong bộ Từ điển này (Tập III, tr.147-178).

*

KIM VÂN KIỀU

“Tác phẩm thơ của NGUYỄN DU, một quan chức và nhà thơ Việt Nam (1765-1820). Tác phẩm gồm 3.254 câu thơ theo thể lục bát, là kiệt tác của nền thơ ca cổ điển Việt Nam. Tên tác phẩm cũng là tên các nhân vật chính (Kim Trọng, Thúy Vân, Thúy Kiều). Tác phẩm còn được xuất bản với những tên khác (Truyện Thúy Kiều, Đoạn trường tân thanh…).

“KIM VÂN KIỀU dựa theo một tiểu thuyết Trung Hoa, nhưng với thiên tài, nghệ thuật kỳ diệu và ngôn từ xuất chúng, Nguyễn Du đã biến cải hoàn toàn tác phẩm gốc và tái tạo một tác phẩm khác với một linh hồn mới, một bản sắc riêng.

“Ở vào thời kỳ người Việt Nam đang thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ (Hán) để trở về với tiếng mẹ đẻ, thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy bí quyết nghệ thuật chỉ riêng ông có. Ngôn ngữ dân tộc vốn đã phong phú, giàu chất nhạc, được Nguyễn Du nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và cả đến hôm nay, chưa có tác giả nào vươn tới được(2).

“Với KIM VÂN KIỀU, Nguyễn Du muốn thử chứng minh một luận đề do chính tác giả đặt ra: những con người cao thượng, siêu phàm, tài sắc… thường là nạn nhân của số mệnh nghiệt ngã và hình như đó cũng là lẽ đương nhiên của trời đất:

“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen…”.

“Người ta muốn nghĩ rằng kiệt tác của Nguyễn Du bắt nguồn từ thân thế của ông: hồi đầu, ông bị ràng buộc với triều Lê thời mạt vận, sau đó ông lại phải phục vụ triều đại mới (triều Nguyễn). Ông có mặc cảm tội lỗi, trái với truyền thống “trung quân”; cũng như Thúy Kiều đã trót nặng thề với Kim Trọng, cuối cùng đành khuất phục số phận, tan nát mối tình đầu…

“Một sự xác tín như vậy có phần nào hàm chứa sự thật hay không? Chỉ biết rằng Nguyễn Du đã gửi gắm trọn vẹn trái tim, nhiệt huyết, kỳ tài vào tác phẩm của mình và đạt đến thành công trước nay chưa từng có…”

(Tiếp theo là phần tóm lược nội dung Truyện Kiều)

“(…) KIM VÂN KIỀU được sáng tác từ đầu thế kỷ trước (thế kỷ XIX), vậy mà đến nay vẫn nguyên vẹn chất tươi mát kỳ lạ, vẫn là kiệt tác ở đỉnh điểm của nền văn học Việt Nam. Nghệ thuật tuyệt vời của Nguyễn Du đã khắc họa được những nhân vật điển hình có giá trị vĩnh cửu (Tú Bà, Sở Khanh…), với ngôn từ đặc biệt trong sáng và dáng dấp tuyệt mỹ của từng câu thơ.

“Tùy theo từng hoàn cảnh, từng số phận, người ta dễ dàng tìm được một câu Kiều hay một đoạn Kiều để bình giải, cho dù đó là một người bình dân hay một nhà trí thức…

“Hẳn rằng trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, chưa hề có hoặc hiếm có một tác phẩm nào lại rất đỗi thân quen và sống mãi với dân gian như KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du. Bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng nhiều câu lục bát, thậm chí nhiều chương đoạn KIM VÂN KIỀU, và trên thực tế nhiều câu Kiều đã trở thành ngạn ngữ(3)”.

*

Có thể nói, đến bây giờ - ở thời điểm hiện tại, những nhận xét đánh giá trong bộ Từ điển chúng tôi giới thiệu trên đây không có gì quá bất ngờ để gây sửng sốt đối với bạn đọc. Nhưng tính khách quan và ý nghĩa thời điểm xuất bản của bộ Từ điển thì vẫn còn nguyên vẹn, rất đáng để “khen cho con mắt tinh đời” của một tập thể tác giả ở tận bên trời Âu, hơn nửa thế kỷ trước.

Xin được lưu ý: bộ DICTIONNAIRE DES OEUVRES DE TOUS LES TEMPS ET DE TOUS LES PAYS hoàn thành và xuất bản năm 1953, ở thời điểm mà chỉ trước đó bốn năm (1949) trong tác phẩm “Quyền sống của con người qua Truyện Kiều của Nguyễn Du”, nhà phê bình tài danh và nhạy cảm Hoài Thanh đã phải “mời” Nguyễn Du vào “Mặt trận Liên Việt” để giúp ông né tránh một vài suy nghĩ cực đoan nào đó. Và cả một thời gian dài sau này, có không ít học giả Trung Hoa đã không chịu công nhận nghệ thuật sáng tạo đặc sắc của Nguyễn Du, muốn xem Truyện Kiều chẳng qua chỉ là một cuốn sách phóng tác từ gia tài văn chương Thanh Tâm Tài Nhân.

Ấy vậy mà ngay giữa lòng nước Pháp, nước Ý, chúng ta bắt gặp một nhận định công bằng, trân trọng: “Với thiên tài nghệ thuật kỳ diệu và ngôn từ xuất chúng, Nguyễn Du đã biến cải hoàn toàn tác phẩm gốc và tái tạo một tác phẩm khác với một linh hồn mới, một bản sắc riêng”.

Quý giá biết nhường nào một nhận định hiếm hoi từ thế giới phương Tây, ở cái thời kỳ văn nghệ của ngay chúng ta đang sôi nổi tranh luận về “hiện thực xã hội chủ nghĩa” trong văn học nghệ thuật.

Điều bất ngờ thú vị là trong số hơn 10 tác giả văn học nghệ thuật Việt Nam được giới thiệu trong bộ Từ điển, thì Nguyễn Du được ưu ái đặc biệt. Những mục từ về Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Án, Nguyễn Bỉnh Khiêm, hay ngay cả các bậc thi hào thi bá Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu chỉ được dành một dung lượng vừa phải, thì với Nguyễn Du, Từ điển đã dành hơn một trang khổ lớn với gần 2.500 từ để giới thiệu, tóm tắt, nhận định và đánh giá Truyện Kiều. Cũng không có quá nhiều tác giả văn học nghệ thật thế giới được “ưu tiên” như thế, nếu so với khuôn khổ và quy cách biên soạn của bộ từ điển.

Nhận định sau đây cũng thật hàm súc, đặt Truyện Kiều ở vị trí xứng đáng trong di sản văn hóa, văn học tầm cỡ thế giới: “Vào thời kỳ người Việt Nam đang thoát dần ra khỏi sự lệ thuộc ngôn ngữ (Hán) để trở về với tiếng mẹ đẻ, thì công lao vĩ đại của Nguyễn Du là ông đã biết phát huy bí quyết nghệ thuật chỉ riêng ông có. Ngôn ngữ dân tộc vốn đã phong phú, giàu chất nhạc, được Nguyễn Du nâng lên tột đỉnh của nghệ thuật, mà trước đó và cả đến hôm nay, chưa có tác giả nào vươn tới được”.

Một thời gian dài trước đây, xu hướng nghiên cứu phê bình văn học theo quan điểm xã hội học rất phổ biến trong chúng ta. Do cách suy nghĩ ít nhiều ảnh hưởng điều kiện lịch sử và hoàn cảnh khách quan, nên cũng đã có người nhìn hình ảnh Từ Hải là hồi quang của những phong trào nông dân hoặc của “người hùng” áo vải cờ đào Nguyễn Huệ. Lại có khi người ta quá nhấn mạnh thân thế Nguyển Du (hoài cựu, không chấp nhận thực tại…), do vậy đã phần nào làm giảm giá trị thẩm mỹ, tính nghệ thuật của thi phẩm.

Cách nhìn trong từ mục KIM VÂN KIỀU hẳn rằng cận nhân tình hơn, chừng mực hơn:

“Người ta muốn nghĩ rằng kiệt tác của Nguyễn Du bắt nguồn từ thân thế của ông: hồi đầu ông bị ràng buộc với triều Lê thời mạt vận, sau đó ông lại phải phục vụ triều đại mới (Nguyễn). Ông có mặc cảm tội lỗi, trái với truyền thống trung quân; cũng như Thúy Kiều đã trót nặng thề với Kim Trọng, cuối cùng đành khuất phục số phận, tan nát mối tình đầu… Một sự xác tín như vậy có phần nào hàm chứa sự thật hay không? Chỉ biết rằng Nguyễn Du đã gửi gắm trọn vẹn trái tim, nhiệt huyết, kỳ tài vào tác phẩm của mình và đạt đến thành công trước nay chưa từng có…”.

Và đọc đến những đoạn văn cuối của mục từ KIM VÂN KIỀU thì thiết tưởng những nhận định trong bộ Từ điển rất đáng được chúng ta cảm phục:

“Nghệ thuật tuyệt vời của Nguyễn Du đã khắc họa được những nhân vật điển hình có giá trị vĩnh cửu (Tú Bà, Sở Khanh…), với ngôn từ đặc biệt trong sáng và dáng dấp tuyệt mỹ của tùng câu thơ. Tùy theo từng hoàn cảnh, người ta dễ dàng tìm được một câu Kiều hay một đoạn Kiều để bình giải, cho dù đó là một người bình dân hay một nhà trí thức…

“Hẳn rằng trong kho tàng ngôn ngữ của nhân loại, chưa hề có hoặc hiếm có một tác phẩm nào lại rất đỗi thân quen và sống mãi với dân gian như KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du. Bất cứ người Việt Nam nào cũng thuộc lòng nhiều câu lục bát, thậm chí nhiều chương đoạn KIM VÂN KIỀU, và trên thực tế nhiều câu Kiều đã trở thành ngạn ngữ…”.

Có lẽ không thể có một nhận định nào chính xác hơn về Nguyễn Du và Truyện Kiều. Bộ Từ điển đã quá “hiểu” Tố Như, quá hiểu Truyện Kiều, cũng như vị trí của tác giả - tác phẩm này trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt Nam.

Năm 2010, năm kỷ niệm lần thứ 245 ngày sinh NGUYỄN DU (1765-2010) và Truyện Kiều bất hủ, chúng tôi xin giới thiệu mục từ KIM VÂN KIỀU trong DICTIONNAIRE DES OEUVRES DE TOUS LES TEMPS ET DE TOUS LES PAYS để thấy rằng sức sống của những tài năng lớn, của những tác phẩm vĩ đại bao giờ cũng vượt không gian và thời gian, trở thành tài sản chung của nhân loại.

Bùi Đẹp st

Chú thích:

(1) Theo thứ tự A,B,C : Hải thượng Lãn Ông, Nguyễn Án, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Trãi, Phạm Đình Hổ, Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo…

(2) “C’est le mérite de Nguyễn Du d’avoir su, par un art dont il possédait seul le secret, donner à la langue nationale une richesse et une musicalité inconnues…, et s’élever d’emblée à des sommets jamais encore atteints, même de nos jours”.

(3) “Il n’est pas ou peu d’exemple, dans aucune langue, d’une oeuvre aussi connue et aussi populaire (…). Par une langue extrêmement pure et la forme impeccable des vers, à tel point que des distiques et même des strophes entières du Kim Vân Kiều sont sur les lèvres de tous les Vietnamiens…, et que beaucoup des vers en sont passés à l’état de proverbes”.

Nhiều bản dịch Kim Vân Kiều ra tiếng Pháp đã được xuất bản.

Vài ví dụ:

- Histoire de Kim, Vân et Kiều của Edmond Nordemann – Leroux, 1904.

- Poème du Kim-Vân-Kiều của Trương Vĩnh Ký.

- Histoire de Kim-Vân-Kiều của Abel des Michels – Ernest Leroux, Paris 1884-1885.

- Kim Vân Kiều của Nguyễn Văn Vĩnh – Alexandre de Rhodes, Hanoi 1942.

- Kim Vân Kiều, le célèbre poème annamite de Nguyễn Du của René Crayssac, Hanoi 1927

v.v…

HIỂU ĐỜI - Tâm sự tuổi già

Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh, nhưng chỉ có thể hiểu cuộc đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày, mất một ngày. Qua một ngày vui một ngày. Vui một ngày, lại một ngày…

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đới người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc và vui sướng là cảm giác và cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng có coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng ai mang no1d9e61n, khi chết chẳng ai mang nó theo. Nếu co người cần bạn giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ tiền ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền, biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

“Quãng đời còn lại càng ngắn ngủi thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh” hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của TUỔI GIÀ.

Tiền bạc rồi sẽ là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.

Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn. Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một cái, hỏi vài câu là thấy đủ rồi. Con tiêu tiền của cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền của con chẳng dễ chút nào. Nhà cha mẹ là nhà của con; nhà con không phải là nhà cha mẹ. Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp. Chớ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ốm đau trông cậy vào ai? Trông vào con ư? Nếu ốm dai dẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu “cứu bệnh sàng tiền vô hiếu tử”. Trông vào bạn đời ư? Người ta cũng yếu, có khi lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi. Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách đấy.

Cái được người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phgu1c trong đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.

Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình “Tỷ thượng bất túc, tỷ hạ hữu dư”, biết đủ thì lúc nào cũng vui “tri túc thường lạc”.

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt mỏi, tự tìm niềm vui. Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.

Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ người ta cũng nghĩ cả rồi, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra nghề cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuồi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc gì muốn làm thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thíc, nên sống thật với mình.

 

0

0

0

0

0

0

0

0

Phụ bản II

Sống trên đời không thê vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; tuổi không già tâm già, thế là không già lại thành già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ, quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu… mọi thứ đều nên “VỪA PHẢI”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn, tham uống…). Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh…). Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống. Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới chữa bệnh… ĐỀU LÀ MUỘN.

Chất lượng sống người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy: Tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và tự tin, cuộc sống có hương có vị. Tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

“Chơi” là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy tìm trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi yêu thích nhất, trong khi chơi hãy thử nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm lý và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh” đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao tiếp: Đạo đức khỏe mạnh là có tình yêu thương, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu…

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong xã hội, thể hiện giá trị của mình đó là cách sống lành mạnh.

Cuộc sống tuổi già nên đa tầng, đa nguyên, nhiều màu sắc. Có một hai bạn tốt thì chưa đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình đẹp làm thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hòa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất, quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống như thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cửu “hay nhớ lại chuyện xưa?”. Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân ga cuối. Tâm linh, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tìm lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thủa nhỏ, cùng bạn sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già.

Nếu bạn đã cố hết sức, mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó. Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

“SINH – LÃO – BỆNH – TỬ” là quy luật ở đời, không chống lại được. khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình dấu chấm hết thật TRÒN.

Tác giả Chu Dung Cơ

Thanh Dũng dịch

Xin cho … một tràng pháo tay.

Thường thường tại các tiệc mừng đám cưới, sinh nhật, mừng thọ, các buổi liên hoan các ông bà “em xi” thường phát biểu vi vút cố là sao cho bữa tiệc thêm phần hào hứng. Chính vì chỗ muốn làm cho bữa tiệc được sôi động và cũng để quảng cáo cho cái nhà hàng của mình, “em xi” phải chế ra những lời thoại hết sức cầu kỳ, lượm lặt những điển tich ca dao, tục ngữ, theo kiểu tiểu thuyết ba xu làm cho thực khách vô cùng khó chịu. Báo chí đã nói nhiều về những trường hợp nói trật lất của “em xi”, như là “buổi tiệc mừng đám cưới” mà cứ gọi là “lễ thành hôn”, hoặc bày trò bảo cô dâu chú rể hôn nhau trên sân khấu. Các cô dâu chú rể lúc đó đang lúng ta lúng túng trên sân khấu nên “em xi” bảo gì làm nấy. Có khi các cô dâu chú rể có trình độ văn hóa kém tưởng vậy là trẻ trung, là hiện đại, là tân thời, là… “mô de thất kinh”.

Còn một chuyện nữa, các “em xi” thường làm cho quan khách không kém phần bực bội đó là trong lúc giới thiệu vòng vo tam quốc, “em xi” cứ dứt mỗi câu là “xin quí vị cho một tràng pháo tay”. Tại sao cứ phải xin hoài như vậy? Có rất nhiều câu vô duyên, khuôn sáo thực khách thấy không đáng cho một cái vỗ tay chứ đừng nói chi tới một “tràng”. Một thực khách không chịu được đã nói:” Sao cácem xi” không chịu hiểu rằng nếu lời nói của họ có duyên hoặc hợp lý hợp tình, người nghe sẽ vỗ tay tán thưởng ngay không cần phải kêu gọi. Sao họ không để tâm tập luyện cách nói hoặc sửa soạn nội dung lời nói cho hay ho hơn thì khỏi phải xin xỏ một tràng pháo tay một cách trơ trẽn như vậy?” Vị thực khách này còn nói thêm: “Nếu không tin tưởng ở tài ăn nói của mình thì tốt nhất không nên lên diễn đàn”. Đúng vậy, chỉ có một lý do là không tự tin, cho rằng những lời phát biểu ba hoa chích chòe của mình không đủ hấp dẫn, không đủ hay, và sợ khán giả… ngủ gục nên mới phải xin xỏ từng tràng pháo tay như vậy. Khi con người ta không tự tin vào công việc mình đang làm, tốt nhất là không nên làm việc đó, có nghĩa là các ông bà “em xi” đó nên giải nghệ cho rồi.

Mấy ông bà “em xi” này thường cho rằng khi cầm được cái micro để nói trước hằng trăm hằng ngàn thực khách như vậy là hách lắm đấy. Họ là người được nói để cho thực khách có bổn phận phải nghe như “thầy” với “trò”. Cho nên mỗi lần làm xong nhiệm vụ giới thiệu, đi ngang qua những hàng ghế thực khách, mặt các ông bà “em xi” cứ vác lên ra cái điều ta đây là một nhà hùng biện vĩ đại, một người có tài ăn nói xuất chúng.

Nhiều thực khách dễ dãi, thôi thì nó muốn mấy “tràng” thì mình cứ cho đầy đủ không thiếu một tiếng vỗ nào hết miễn là bữa tiệc được tưng bừng, vui vẻ, gia chủ hài lòng. Đó là cái lịch sự của thực khách, các ông bà “em xi” biết rõ điều đó và sẵn sàng lợi dụng nên chốc chốc lại gào lên “xin một tràng pháo tay!”.

Tôi thì không thích như vậy mặc dù hai tay đang… ở không.

DLee (7/2010)

Cám ơn lời nói dối

Xin thành thật cám ơn lời nói dối
An ủi ta xoa dịu vết thương lòng 
Xóa tan niềm thất vọng tím hoài mong
Cứu ta thoát vực sâu đầy bóng tối
Xin thành thật cám ơn lời nói dối
Gợi niềm tin, ước vọng thoáng chiêm bao
Chút sầu mơ diệu vợi chút xôn xao
Chút ảo tưởng thơm nồng hương cỏ rối
Xin thành thật cám ơn lời nói dối
Đưa ta về lối mộng ngát hương thơ
Nhẹ như ru… dào dạt đến không ngờ
Cho ta thấy nghẹn ngào quên lý tưởng..!
Lời nói dối dịu êm đầy độ lượng
Đầy luyến thương nhân ái quá bao la
Nhịp tim buồn dạo khẽ khúc tình ca
Xin thành thật cám ơn lời nói dối..!

Ngàn Phương

HỒN THI NHÂN 

Đầu tay gối nụ cười hoang dại
Đón bước trăng tìm dấu cỏ sương
Đường chân đếm nhịp từng hơi thở
Thế giới nào đây những chập chờn.

Vốn liếng vài ba tờ giấy vụn
Gấp trên tay vò nát tâm hồn
Góp nhặt mùa thu tìm lá rụng
Không đầy giấc ngủ một hoàng hôn.

Tôi nhớ làn mây chìm đáy nước
Mà lòng những tưởng chuyến đò ngang
Mây về điểm hẹn mơ hồ quá
Đốt thuốc tìm trong đốm lửa tàn.

Đường khói tưởng làn mây xuống thấp
Muốn với tay cầm khói vội tan
Mây ơi hãy lại gần tôi nhé
Kẻo gió mùa thu khóc lá vàng.

TRẦN LỮ VŨ

Nghìn Xuân

(Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long)

Từ Sài Gòn
Xin hướng ra Hà Nội
Đây Hồ Gươm xao xuyến
Lung linh ánh Tháp Rùa
Chuyện ngàn xưa…
Lạc Long Quân – Âu Cơ
Giữ gìn đất biển, ngự non bồng
Vụt ẩn hiện giữa hồn thiêng sông núi.

Thăng Long xưa,
Nghe quá khứ hiện về
Điềm đạm áo tứ thân,
Khăn chít mỏ quạ
Duyên dáng nón quai thao
Đôi guốc cây mộc mạc
Chiếc đòn gánh đơn sơ
Gánh hai đầu đất nước
Dẫn dắt ta về ngàn năm lịch sử
Ôi! Tự hào thay
Một quá khứ
Từ Thăng Long xưa
Dựng nên Hà nội bây giờ!
36 phố phường vẫn rộn rã hôm nay
Nắng Ba Đình đã soi sáng đêm dài
Nghìn năm xưa
Ngàn năm sau
Càng tô đậm vàng son đất nước.
Bắc Trung Nam
Cùng nhịp đập con tim
Hướng về nhau
Rạng rỡ Thăng Long Hà Nội

XUÂN VÂN

Truyện Kiều

(2739-2880) 

        Nỗi nàng tai nạn đã đầy
2740 Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương
        Từ ngày muôn dặm phù lang
        Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
        Vội sang vườn Thúy dò la,
        Nhìn xem phong cảnh nay đà khác xưa
2745 Đầy vườn cỏ mọc lau thưa
        Song trăng quạnh quẽ vách mưa rã rời
        Trước sau nào thấy bóng người
        Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông!
        Xập xè én liệng lầu không
2750 Cỏ lan mặt đất rêu phong dấu giày
        Cuối tường gai góc mọc dầy
        Đi về này những lối này năm xưa!

Kiều had so far suffered so many dangers and miseries
No luckier was Kim to fulfill his family duties
Since he crossed thousands of miles mourning his uncle’s death
Half a year in Liêu Dương had passed, back home he was so glad
He hastened to come to the beautiful garden
But the scenery had entirely changed, he felt stricken!
In the garden, wild grasses and reeds spread all over
Those former moonlit windows, now beaten by winds and showers!
Not a soul appeared in the front nor the rear,
Smiling in the winter breeze were the peach blossoms of last year!
Swallows flapping their wings hovering round the empty house
Grass spread out over the ground, moss recovered shoeprints all about
At the rear wall, thorny bushes invaded the whole path,
Where formerly, to and fro everyday they passed!

        Chung quanh lặng ngắt như tờ
        Nỗi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai?
2755 Láng giềng có kẻ sang chơi
        Lân la mới hỏi một hai sự tình
        Hỏi ông, ông mắc tụng đình
        Hỏi nàng nàng đã bán mình chuộc cha
        Hỏi nhà nhà đã rời xa
2760 Hỏi chàng Vương với cùng là Thúy Vân
        Đều là sa sút khó khăn
        May thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi
        Điều đâu sét đánh lưng trời
        Thoắt nghe chàng đã rụng rời xiết bao!
2765 Vội han di trú nơi nao
        Đánh đường chàng mới tìm vào tận nơi.

The house’s surroundings were sunk in an immense tranquility
No one to inquire and share his anxiety
Fortunately, a neighbor happened to come around
Kim hurried to make acquaintance and inquired about the house
Asked about old Vương, the man said:
“He’s been a law suite contractor!”
“And how about Kiều?” – “She has sold herself to save her father!
“How about the household?” – “They have moved far away.”
“And young Vương, his mother and sister Vân? How are they?
– “They had a hard time, doing everything to strive,
Writing, sewing for hire, to get paid for everyday life.”
The sudden news struck Kim like a dreadful lightning!
He got terribly frightened just listening
He hastened to ask for the place where lived the family
Without wasting a moment, he found the way to come directly.

        Nhà tranh vách đất tả tơi
        Lau treo rèm nát, trúc gài phen thưa
        Một sân cỏ đất dầm mưa
2770 Càng ngao ngán nỗi càng ngơ ngẩn đường
        Đánh liều lên tiếng ngoài tường
        Chàng Vương nghe thấy vội vàng chạy ra
        Dắt tay vội bước vào nhà
        Phía trong viên ngoại ông bà ra ngay
2775 Khóc than kể hết niềm tây
        “Chàng ơi, biết nỗi nước này cho chưa?
        “Kiều nhi phận mỏng như tờ
        “Một lời đã lỗi tóc tơ với chàng
        “Gặp cơn tai biến lạ dường
2780 “Bán mình nó phải tìm đường cứu cha.

It was a tattered cottage with thatched roof and clay wall
Reed blinds, thin bamboo wattles – images of a deep downfall!
A yard of grass and mud immersed in rain water
Such a scenery made Kim feel more stupefied and bitter!
He summoned his courage to raise his voice outside the wall,
Young Vương who heard the voice hurried out to answer the call.
Glad to see his frieng, Vương took Kim’s hand, led him in the house,
From the back room, the old parents hastened to come out
They cried and cited all lamentable events that happened
“Oh, young man, don’t you know what came to us all of a sudden?
“Our poor daughter Kiều, had to suffer her frail destiny so bad
“A word to you she has missed, thus breaking your loving silk thread!
“But it was due to an unexpected calamity
“That she had to sell herself to set her father free.

        “Dùng dằng khi bước chân ra,
        “Cực trăm ngàn nỗi dặn ba bốn lần
        “Trót lời hẹn với lang quân,
        “Mượn con em nó Thúy Vân thay lời.
2785 “Gọi là trả chút nghĩa người
        “Sầu này dằng dặc muôn đời không quên
        “Kiếp này duyên đã phụ duyên
        “Dạ đài còn tưởng báo đền lai sinh.
        “Mấy lời ký chú đinh ninh,
2790 “Ghi lòng để dạ, cất mình ra đi
        “Phận sao bạc mấy Kiều nhi!
        “Chàng Kim về đó con thì đi đâu?”
        Ông bà càng nói càng đau,
        Chàng càng nghe nói càng dầu như dưa.
2795 Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa

“On departure, tormented by hundreds of worries
“She couldn’t leave with her unsettled promises
“She had implored her sister Thúy Vân to replace her
“In fulfilling the solemn oath she had said to her lover
“She insisted us many times while taking leave
“To help her pay her debt to your loyalty and she didn’t believe
“She could forget this endless sorrows for thousands of existences
“In this life she had to betray your love for her filial duty
“But she decided to redeem it in her future lives
“Thus her earnest recommendations were carved in our minds
“And in her heart, she would carve them forever since this date
“Oh, Kiều, my poor daughter! Why did you have so cruel a fate?
“Kim is back here, but where are you now, my daughter?”
The more the old parents spoke, the more they felt bitter
The more Kim listened to these words, the deeper grew his pain
He threw himself on the bed, writhing, tears flowing like rain.

        Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai
        Đau đòi đoạn, ngất đòi thôi
        Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê
        Thấy chàng đau nỗi biệt ly,
2800 Nhận ngừng ông mới vỗ về giải khuyên:
        “Bây giờ ván đã đóng thuyền,
        “Đã đành phận bạc, khôn đền tình chung
        “Quá thương chút nghĩa đèo bòng
        “Nghìn vàng thân ấy dễ hòng bỏ sao?”
2805 Dỗ dành khuyên bảo trăm chiều
        Lửa phiền càng dập càng khêu mối phiền.
        Thề xưa giở đến kim hoàn
        Của xưa lại giở đến đàn với hương.
        Sinh càng trông thấy, càng thương
2810 Gan càng tức tối, ruột càng xót xa.

His face soaked with tears, his soul dismal
Oh! How could he imagines such a desolate downfall?
So many times, he cried and fainted, out of pain,
Then came to himself, then cried and fainted again.
Seeing the young man stricken with pain,
old Vương refrained from grief
To find some soothing advice, giving him some relief:
“Now, the plank has been used to build another boat (1), as you know,
“Her cruel fate didn’t allow her to fulfill her oath
“I know your love is so deep that you can’t refrain from grief,
“But mind your golden health! What if it will perish?”
But all consolations of the old man were in vain,
The more he put out the grief fire, the higher it rose again.
They then showed him the gold gifts, pledge of their oath,
Then the lute and incense that witnessed happy days of them both.
The more Kim looked at those souvenirs, the more he suffered,
His anger seemed to burst out, his heart felt more bitter

-----------------
(1) Something accomplished, cannot be changed (Vietnamese idioms)

        Rằng: “Tôi trót quá chân ra,
        “Để cho đến nỗi trôi hoa dạt bèo
        “Cùng nhau thề thốt đã nhiều
        “Những điều vàng đá, phải điều nói không?
2815 “Chưa chăn gối cũng vợ chồng
        “Lòng nào mà nỡ dứt lòng cho đang?
        “Bao nhiêu của mấy ngày đàng
        “Còn tôi, tôi gặp mặt nàng mới thôi!”
        Nỗi thương nói chẳng hết lời
2820 Tạ từ, sinh mới sụt sùi trở ra
        Vội về sửa chốn vườn hoa
        Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang
        Thần hôn chăm chút lễ thường
        Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa

“It’s because of me”, said he, “it’s my long travel far away
“That let the flower float away, the duckweed drifted astray!
“We have exchanged solemn oaths, with Heaven as witness,
“Ah! Those gold and stone (2) words! Are they meaningless?
“Although we haven’t shared our pillow, we are husband and wife
“How can my heart stay unfeeling to let things pass by?
“No matter how much it’ll cost me, how long way I must cover
“As long as I live, by all means, face to face I must see her!”
He couldn’t find enough words to express his deep sorrow
Still sobbing, he took leave of the family and hurried to go.
Back home, he settled a room before the flowery garden
To welcome Kiều’s parents to live with him as their own son.
Morning and night, he took care of them as his filial piety
To replace Kiều in everything she did formerly

------------------------
(2) Gold and stone: symbol of true love and faithfulness
     (see foot note on verse 363)

2825 Đinh ninh mài lệ chép thư, 
        Cắt người tìm lối đưa tờ nhắn nhu.
        Biết bao công mượn của thuê
        Lâm Thanh mấy độ đi về dặm khơi
        Người một nơi, hỏi một nơi
2830 Mênh mông nào biết bể trời nơi nao?
        Sinh càng thảm thiết, khát khao
        Như nung gan sắt như bào lòng son
        Ruột tằm ngày một héo hon
        Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
2835 Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê
        Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao
        Xuân huyên lo sợ biết bao,
        Quá ra khi đến thế nào mà hay! 
        Vội vàng sắm sửa chọn ngày,

Tears replacing water fell onto his ink-container,
He wrote letters and hired men to send them all over
To ask for her news and send numerous messages
So much money and labor he had paid at great expenses
So many long travels to Lâm Thanh, but he found no trace
She was in a place while he asked in another place!
From immense skies and seas, he received no answer,
Day after day, he became more impatient yearning for her.
His iron liver seemed to be baked, his earnest heart burning
Like a silkworm spitting its thread, day by day languishing
A cicada wailing through snow and mist, day by day thinner
His dismal mind awake and fainting every hour
Blood followed his tears, his soul lost in his dreams full of fright
Old Vương and his wife was terribly worried day and night
That something worse might happen to him, who could foresee?
So they hastened to choose a good day and get everything ready

2840 Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng.
        Người yểu điệu, kẻ văn chương,
        Trai tài gái sắc, xuân đương vừa thì.
        Tuy rằng vui chữ vu quy,
        Vui này đã cất sầu kia được nào?
2845 Khi ăn ở khi ra vào,
        Càng âu duyên mới càng dào tình xưa.
        Nỗi nàng nhớ đến bao giờ,
        Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng.
        Có khi vắng vẻ thư phòng,
2850 Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa.
        Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ,
        Trầm bay khói nhạt gió đưa lay rèm.
        Dường như bên nóc bên thềm
        Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiên mơ màng.
2855 Bởi lòng ghi tạc đá vàng
        Tưởng nàng nên đã thấy nàng về đây.

An early wedding was organized, joining Vân to Kim just in time
A graceful young girl, a man of letter, how dignified!
Talent met beauty to unite in the prime of their spring,
However, the marriage could not settle Kim’s suffering
New happiness couldn’t chase off his endless sorrow,
In their conjugal life and other activities at home,
New enjoyment always stirred former love emotion.
Whenever he recalled her beloved’s unjust sufferance,
Tears flowed out and his heart entangled with multiple worries.
Sometimes in his quiet study, feeling quite solitary,
He burned some incense wood and took out her lute to play,
The murmuring notes recalled those former happy days…
Incense smoke faded out, sudden breeze agitated the blinds,
He seemed to hear Kiều’s voice echo from the threshold outside
Her graceful robe vaguely appeared then vanished,
Perhaps it’s because he had carved in stone and gold her image.

        Những là phiền muộn đêm ngày
        Xuân thu biết đã đổi thay mấy lần
        Chế khoa gặp hội tràng văn
2860 Vương, Kim cùng chiếm bảng Xuân một ngày
        Cửa Trời mở rộng đường mây
        Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần
        Chàng Vương nhớ đến xa gần
        Sang nhà Chung lão tạ ân chu tuyền
2865 Tình xưa ân trả nghĩa đền
        Gia thân bèn mới kết duyên Châu Trần
        Kim từ nhẹ bước thanh vân
        Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương
        Ấy ai dặn ngọc thề vàng
2870 Bây giờ kim mã ngọc đường với ai

Endless sorrow thus followed Kim day and night,
So many times Spring passed by, again Autumn arrived
Then came the year when a special state exam was opened.
Both Vương and Kim’s names were on the board
of first pride graduation (3)
Heaven’s gate opened widely to high clouds alleys
Flowers greeted them on Royal park, perfume flew far away
Vương remembered one of his family former relation,
He came to visit old Chung (4) to pay his former obligation.
All that fulfilled, he then asked for the hand of Chung’s daughter,
And soon settled a happy family in living with her.
As for Kim, since his first glorious steps on blue clouds (5)
Thinking of his beloved, he never ceased to grieve for her soul
Oh! Who had shared their golden oaths and cared for his harassing fate?
Now, with whom could he share golden horses and jade palace?

        Rễ bèo chân sóng lạc loài
        Nghĩ mình vinh hiển thương người lưu ly
        Vâng ra ngoại nhậm Lâm Tri
        Quan sơn nghìn dặm thê nhi một đoàn
2875 Cầm đường ngày tháng thanh nhàn
        Sớm khuya tiếng hạc tiếng đàn tiêu dao
        Phòng Xuân trướng rủ hoa đào
        Nàng Vân nằm bỗng chiêm bao thấy nàng
        Tỉnh ra mới rỉ cùng chàng
2880 Nghe lời, chàng cũng hai đường tin nghi.

He thought of her, a duckweed amid high waves, drifting astray,
In full glory, he felt sorry for her who was lost far away!
Then he was appointed to a high post in Lâm Tri,
A thousand miles away, he went with his small family
Here in his palace, he lived peacefully in leisure days
Morning till night, the cranes’ sound accompanied the lute he played.
One night, behind peach flower blinds, Vân had a nice dream,
She saw her dear sister come back, so glad her face seemed!
Waking up, she whispered what had happened to her husband,
Half doubtful, yet Kim found a ray of hope from what said Vân.

THÙY DƯƠNG

------------------

(3) They both got a degree equivalent to doctorate (Ph.D) nowadays.

(4) Who had helped the family to set old Vương free by bribery

(5) Blue clouds: highly successful situation

Úc Châu, Quê Hương Người Tiền Sử?

Một trong những vấn đề mà chúng ta thường băn khoăn tự hỏi là nguồn gốc con người từ đâu ra, từ loài khỉ tiến hóa thành người hay chúng ta là con cháu của ông Adong bà Eva. Tùy ở lập trường tôn giáo hay kiến thức khoa học mà mỗi người có cách trả lời riêng, mặc dù phải nói rằng không ai có đủ bằng chứng cụ thể để xác quyết quan điểm của mình về nguồn gốc con người là đúng hay sai. Bàn về vấn đề này, dựa vào những dữ kiện nhân chủng mà các nhà khảo cổ Úc vừa thu thập được vào thời gian gần đây. Chúng ta thử tìm hiểu nguồn gốc huyền bí của con người trong quá khứ xa xôi.

Từ hằng nghìn năm qua, các bộ tộc thổ dân đã đi lang thang săn bắn hay kiếm ăn trên suốt chiều dài gần 30km dọc theo hồ Mungo, một hồ nước trong vùng ao hồ Willandra ở tây-nam tiểu bang NSW thuộc Úc châu. Khi hồ Mungo bắt đầu cạn khô cách đây khoảng 10.000 năm, gió cát sa mạc cũng chôn vùi dần dấu tích của thổ dân từng sống quanh hồ như những bộ xương người hay nhiều di vật khác. Thời gian tưởng chừng như bôi xóa tất cả dấu vết của người xưa cho đến một ngày cách đây hơn 30 năm.

Vào năm 1969, các nhà khảo cổ Úc đã khai quật được hơn 175 mảnh xương cốt trong vùng hồ cạn Mungo. Khi những mẩu xương này được đem ráp lại, trước mắt các chuyên viên Úc là bộ xương của một phụ nữ mà mọi người đặt tên là Người Phụ Nữ Hồ Mungo. Kết quả đo tuổi bằng phương pháp phóng xạ carbon cho thấy, người đàn bà qua đời trong khoảng thời gian từ cách đây 24.500 năm đến 26.500 năm. Đến năm 1974, các nhà khảo cổ Úc lại tìm ra chỉ cách nơi chôn vùi Người Phụ Nữ Hồ Mungo khoảng 500m một bộ xương người cổ khác nữa.

Jim Bowler, hiện là giảng sư trường đại học Melbourne, đã bất ngờ nhìn thấy một mẩu xương lòi lên trên mặt cát. Ông thử đào lên thì nhận ra đấy là phần trên hộp sọ của một người đàn ông đã sống cách đây ít nhất 25.000 năm. Bộ xương này được gọi là Người Đàn Ông Hồ Mungo. Gần như ngay sau khám phá này, bộ xương Người Đàn Ông Hồ Mungo đã trở thành đề tài khiến các khoa học gia đâm ra hồ nghi, ngay cả các nhà nhân chủng học cũng bất đồng về những lý thuyết giải thích nguồn gốc con người được đưa ra trong nhiều năm qua. Thấm thoát từ đó đến nay đã hơn 25 năm, các nhà khoa học vẫn chưa đồng ý được với nhau về thời kỳ Người Đàn Ông Hồ Mungo đã sống: người thì nói là cách đây 30.000 năm; kẻ lại cho rằng cách đây 60.000 năm. Thêm vào đó, các nhà nhân chủng cũng không đồng ý được với nhau bộ xương này là của người đàn ông hay đàn bà, tuy rằng phần đông đều khẳng định rằng đó là hài cốt một người đàn ông. Dù vậy, những điểm bất đồng vừa nói không đáng kể, nếu so với một vấn đề đang gây tranh cãi liên quan đến Người Đàn Ông Hồ Mungo. Đấy là chuyện ba khoa học gia người Úc đã kết luận rằng bộ xương là bằng chứng cho thấy quan điểm lâu nay về nguồn gốc người hiện đại đều sai bét.

Cũng cần nên biết, trong hơn 20 năm qua, vấn đề nguồn gốc người hiện đại, mà danh từ khoa học gọi là Homo sapiens, thường được các nhà nhân chủng giải thích bằng hai lý thuyết có phần đối chọi nhau. Trong hai lý thuyết này, có một lý thuyết mang tên Người Phi châu do hai giảng sư Allan Wilson và Rebecca Cann, thuộc trường đại học California tại Berkeley, đưa ra. Đây là lý thuyết được nhiều người chấp nhận hơn cả. Theo Wilson và Cann, tổ tiên con người hiện đại tức Homo sapiens, có gốc tích ờ Phi châu cách đây khoảng từ 200.000 năm đến 250.000 năm. Sau đó, giống người này mới từ từ lan ra khắp hoàn cầu. Trong quá trình di chuyển đến những châu lục khác, người Homo sapiens mới tiêu diệt hết giống Neandertals, một giống người sống ở Châu Âu vào thời đại đồ đá nay đã tuyệt chủng.

Và cuối cùng, người hiện đại đã trở thành chủng loài chính. Wilson và Cann còn đưa ra lập luận, một giống người “cổ” được gọi là Homo erectus, đã rời Phi châu cách đây 2 triệu năm, và chính con cháu của giống này, kể cả giống Neandertals, đã bị người hiện đại Homo sapiens thế chỗ. Tuy nhiên, bên cạnh lý thuyết của hai giảng sư Allan Wilson và Rebecca Cann như vừa nói, Tiến Sĩ Alan Thorne, giáo sư thỉnh giảng tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, cùng giáo sư Milford Wolpoff thuộc Trường Đại Học Michigan, lâu nay đã đưa ra lý thuyết thứ hai để giải thích nguồn gốc con người hiện đại. Hai khoa học gia này đồng ý rằng người “cổ” Homo erectus đã phát tích từ Phi châu cách đây khoảng 2 triệu năm. Sau đó, giống này rời Phi châu, đến sinh sống tại các châu lục khác. Thế nhưng, hai vị giảng sư này cho rằng xuất xứ của người hiện đại Homo sapiens không phải chỉ từ vùng Phi châu không thôi mà cùng một lúc, còn phát sinh từ nhiều châu lục khác như Phi châu, Âu châu và Á châu. Chính vì vậy, hai ông mới gọi lý thuyết này là lý thuyết “đa vùng”.

Giáo sư Alan Thorne nhận định, “hiện thời chỉ có hai lý thuyết giải thích nguồn gốc của người hiện đại. Như thế thì chắc chắn phải có một lý thuyết sai”. Trong bài nghiên cứu được đăng tải trên một tạp chí khoa học tại Mỹ, Giáo sư Thorne cùng với hai người bạn đồng nghiệp lập luận rằng, những dữ kiện rút ra từ việc phân tích bộ xương của Người Đàn Ông Hồ Mungo cho thấy lý thuyết “đa vùng” ắt phải chính xác hơn. Thực ra từ cả mấy thế kỷ qua, con người thường tranh cãi rằng sự khác biệt giữa các chủng tộc con người có nghĩa là một số chủng tộc có những đặc tính ưu việt hơn các chủng tộc kia , và ng ược lại. Theo lý thuyết “đa vùng”, quá trình tiến hóa lâu dài ở từng vùng đã xác định những yếu tố “khác biệt” của người Á châu, Phi châu, Âu châu và Thổ dân ở Úc.

Thế nhưng, nếu như lý thuyết Người Phi châu được cho là đúng, điều này cho thấy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoàn toàn không có một căn bản di truyền khoa học nào hết. Lý do là vì tiền đề của lý thuyết Người Phi châu giải thích rằng quá trình tiến hóa của người hiện đại đã diễn ra trong thời gian gần đây nhất. Do đó, dù cho người Á châu, Phi châu, hay Âu châu có khác nhau về mầu da, tóc tai, tầm vóc vv… Thế nhưng, tất cả mọi chủng tộc đều có cùng một nguồn gốc di truyền. nay thì vấn đề được đặt ra từ những đốt xương tàn của người xưa là có phải chính gene di truyền đã xác định sự khác biệt về mầu da giữa các chủng tộc hay không?

Dù không phân tích về mặt di truyền, Tiến Sĩ Alan Thorne cho rằng những điều ghi nhận được, sau khi mổ xẻ bộ xương của Người Đàn Ông Hồ Mungo, là bằng chứng đầy đủ để xác minh lý thuyết “đa vùng” là đúng đắn. Tiến Sĩ Thorne nói rằng, vấn đề nổi bật là không một thổ dân nào ở Úc trông giống như người Phi châu, vì theo lý thuyết Người Phi châu, nếu như họ rời bỏ Phi châu cách đây 100.000 năm, thổ dân Úc sẽ không thể nào có đủ thời gian để thay đổi vóc dáng trở thành những người như ngày nay. Thế nhưng. Giáo sư Peter White, thuộc phân khoa tiền sử Trường Đại Học Sydney, cho rằng Thorne đã quá phóng đại những điểm dị biệt về mặt cơ thể của người hiện đại. Như ông còn nói, bộ xương của người Phi châu, Âu châu và Thổ dân Úc có những nét khác biệt rất nhỏ, xen lẫn với nhiều điểm tương đồng. Vì vậy, không thể nào lựa ra một yếu tố dị biệt trên bô xương để rồi có thể kết luận rằng Thổ dân Úc khác hẳn với người Phi châu. Cho đến nay, các nhà sinh học vẫn không ngừng tranh luận đề tài quá trình tiến hóa của các chủng loài thường diễn ra trong thời gian bao lâu? Vì vậy, nếu như các khoa học gia có thể đồng ý với nhau rằng quá trình tiến hóa của các chủng loài thường rất ngắn ngủi, việc xác định thời kỳ Người Đàn Ông Hồ Mungo sinh sống trên trái đất này lại trở thành một yếu tố tối quan trọng.

Tiến Sĩ Thorne nghĩ rằng, Người Đàn Ông Hồ Mungo sống tại Úc cách đây cũng phải tới khoảng 60.000 năm, chứ không phải ít. Điều cần lưu ý là cho đến nay, không một nhà nhân chủng nào lại tin rằng Úc châu có người sinh sống vào thời gian xa xôi đến 60.000 năm. Tuy nhiên, người tìm ra bộ xương này, nhà địa chất Jim Bowler thì ước tính tuổi của bộ xương vào khoảng gần 45.000 năm. Theo Bowler, nhóm chuyên viên đặc trách xác định tuổi do Tiến Sĩ Thorne cầm đầu tại Trường Đại Học Quốc Gia Úc, đã không để ý đến những chứng cớ trên hiện trường. Qua các bằng chứng, cụ thể như những viên đất sét trong ngôi mộ được đào từ lớp đất bên trên, tức là lớp cát mới, Bowler kết luận Người Đàn Ông Hồ Mungo không thể nào sống cách đây lâu tới 60.000 năm.

Nói gì thì nói, kể ra cũng hơi vội vàng, nếu như các nhà khảo cổ Úc chỉ dựa vào có mỗi một bộ xương duy nhất để kết luận rằng lãnh thổ Úc xưa kia là quê hương của người tiền sử. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới, các khoa học gia sẽ tìm thấy thêm vài bộ xương nữa quanh vùng hồ cạn Mungo để chứng minh cho lập luận của mình. Có như vậy, may ra lý thuyết nguồn gốc người hiện đại sinh ra từ Úc mới dứng vững được.

Trường Giang – Đỗ Thiên Thư sưu tầm

0

0

0

0

 

0

0

0

0

Phụ bản III

 Bụt Chùa Người

Trong một tham luận tại Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoại tổ chức tại Hà Nội vào đầu tháng Giêng 2010, một đồng nghiệp của tôi đề nghị đừng để người nước ngoài “can thiệp” vào bản dịch của mình.

Tham luận viết: “... có một việc rất không nên làm là các dịch giả, mỗi khi dịch xong một dịch phẩm thường đem ra cho các người ngoại quốc xem và sửa hộ. Việc làm này trước nhất là biểu lộ tính không tự tin, tính ưa ỷ lại vào người khác, sau là biểu lộ việc luôn luôn coi người nước ngoài là giỏi hơn mình. Việc luôn luôn coi người nước ngoài là giỏi hơn mình về ngôn ngữ của họ là rất sai lầm. Đơn giản là một người nước ngoài nếu ít học, hoặc có nhiều học đi nữa, nhưng không thông thạo về lãnh vực văn chương chữ nghĩa, thì chắc chắn sẽ không giúp gì được ta và chắc chắn sẽ hại ta vì khi cho họ xía vào THÌ LẬP TỨC BẢN DỊCH SẼ CÀNG NGÀY CÀNG XA NGUYÊN TÁC. Lý do đơn giản là vì người nước ngoài, làm sao họ có thể hiểu rõ tiếng Việt như ta.” (tất cả chữ in nghiêng và chữ LỚN ở trên là do tác giả của tham luận).

Tác giả tham luận phát hiện “7 điều hiểu lầm trong tổng số 78 trang của bản dịch” có ghi “revised by Allison Tr...” (được cô / bà Allison Tr... hiệu đính), và nêu ra một ví dụ trong số đó:

Trích:

Câu: “như khôn ngăn một xúc động lớn lao

Được dịch là: “Wisdom blocks strong emotions.”

“Người ngoại quốc duyệt lại đã nhẩm chữ khôn (ở đây có nghĩa là không ngăn được) thành sự khôn ngoan nên mới dịch là wisdom” (hết trích).

Tuy tác giả tham luận “nói có sách mách có chứng” một cách cụ thể nhưng nghe như vẫn có vẻ gì đó cực đoan. Có thể có nhiều lý do để một dịch giả “mỗi khi dịch xong một dịch phẩm thường đem ra cho các người ngoại quốc xem và sửa hộ” nhưng lý do dễ đoán trước tiên, có lẽ đúng như tác giả nói, là “thiếu tự tin” chứ chưa đến nỗi “ỷ lại vào người khác”. Mà thiếu tự tin đối với một ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ của mình là điều có thể hiểu được. Khi một người dùng một ngoại ngữ nào đó như ngôn ngữ thứ hai thì khó có thể hoàn toàn thông thạo như một người bản ngữ, trừ khi anh ta đã “already gone native”, tức đã lớn lên hoặc đã sống lâu năm trong cộng đồng dân chúng tại đất nước của ngôn ngữ đó, và đã trở thành giống như người bản xứ, không những sử dụng ngôn ngữ đó lưu loát như tiếng mẹ đẻ, mà còn cảm nhận được những nét tinh tế về ngữ nghĩa và cả tính văn hóa tế nhị thấm nhập trong đó. Có lẽ không có nhiều dịch giả (nói riêng là “của ta” ở trong nước) có được kỹ năng vận dụng ngôn ngữ đích lý tưởng đến như thế. Cho nên nếu ai có nhờ một dịch giả người bản ngữ hỗ trợ cho mình, tưởng cũng không phải là quá đáng. Và điều này có lẽ vừa biểu lộ sự thận trọng và vừa cầu thị.

Ngoài ra, ngôn ngữ cũng tương tự một “vật thể” có sự sống: được sinh ra, phát triển và biến hóa, già cổi và chết. Nếu một người bị cách ly khỏi một ngôn ngữ cụ thể trong một thời gian dài thì khó tránh khỏi bị lạc hậu trong nhiều mặt sử dụng ngôn ngữ đó, thậm chi có trường hợp người ta quên mất cả tiếng mẹ đẻ. Trong tình huống như thế nếu không kịp tự “cập nhật” kỹ năng và kiến thức mới cho mình thì nhất thời có lẽ không thể không nhờ đến sự hỗ trợ từ một người bản ngữ có am hiểu để bài viết hay bản dịch của mình không bị... “stale.” Đây chỉ là tôi... suy bụng ta ra bụng người và có lẽ không đến nỗi khó chấp nhận.

Mười năm trước đây, một hôm tôi đến tòa soạn một tờ tạp chí Anh ngữ nhận khoản nhuận bút của mấy bài viết trước đó; trong khi trò chuyện, ông Chủ bút tờ tạp chí thân tình nhận xét tiếng Anh của tôi “đạo mạo” quá và, vì thế, hơi... cổ.

Tôi không tự ái vì ông ấy nói không sai. Biết làm sao được, tôi mới vừa trở về thành phố sau hai mươi bốn năm sống cuộc sống nông dân cuốc rẫy và “chém tre đẵn gỗ trên ngàn”; về thành phố không có hộ khẩu, nhà thì mua chui, phải lao vào kiếm sống ngay mà không kịp có thì giờ “update” cho mình, cho nên thứ tiếng Anh của tôi lúc đó là của phần đầu nửa sau của thế kỷ trước. Giá như lúc đó có nhận thực hiện một tác phẩm nào quan trọng chắc chắn là tôi sẽ rất thiếu tự tin, và phải nghĩ đến việc nhờ một người nước ngoài nào đó có quen biết “revise” (duyệt) giúp bản dịch. Vì thế, có lẽ tôi không khắc khe với chuyện này.

Dù sao, tôi nghĩ, việc “chữa lành hóa què” mà bài tham luận nêu ra có lẽ chỉ xảy ra khi các tác giả nguyên tác không biết ngoại ngữ. Họ không biết ngoại ngữ mà lại có thêm tâm lý “Bụt chùa nhà không thiêng” nên sau khi đã nhờ một dịch giả chuyên nghiệp dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài rồi họ lại đem đi “khấn đền này miếu nọ” xem bản dịch có “thiêng” không. Các đền miếu họ đến thường không phải là đền miếu hẳn hoi mà có khi chỉ là nơi họ tưởng là đền miếu, hoặc chỉ là... một miếu thờ vong tử nạn rải rác hai bên xa lộ chớ chẳng phải đền cao miếu lớn gì. Vì đâu phải ai cũng có điều kiện thuận tiện để có thể đến được các đền miếu nghiêm túc mà hỏi ý kiến một cách nghiêm túc. Một anh Tây ba lô nào đó thì dĩ nhiên của nã thường chỉ có thể giới hạn trong chiếc ba lô mà thôi. Kết quả như tác giả bài tham luận nêu ra là điều hiển nhiên.

Có lẽ nên biết rằng một người Việt Nam dù không hề đến trường lớp nhưng gần như rất hiếm khi nói sai tiếng Việt (không kể việc sai giọng do sự biến đổi ngữ âm tùy theo vùng miền). Không những thế họ sử dụng tiếng Việt với vô vàn tục ngữ, thành ngữ và điển tích một cách hết sức nhuần nhuyễn, tự nhiên và chính xác. Đó là điều mà có lẽ không một người Tây phương ít học nào có thể làm được đối với ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Khả năng đó đòi hỏi ở họ một trình độ đại học.

Khả năng của một người tay ngang đối với ngôn ngữ của họ đã rất hạn chế như vậy thì họ không hiểu được tiếng Việt là đương nhiên. Mang bản dịch của một dịch giả chính thức đến nhờ họ “phán” thì không chỉ giống như “giao trứng cho ác” hay giao trâu lành để đổi lấy trâu què mà còn làm tổn thương người dịch tác phẩm cho mình, chưa nói đến việc chính mình tỏ ra thô thiển trong ứng xử.

Người đồng nghiệp tác giả bài tham luận mà tôi đề cập sở dĩ gay gắt với hiện tượng này vì bản thân ông, trong bốn thập kỷ làm công việc này, đã gặp một số tình huống “dở cười” như thế. Có lần một tác giả mang bản dịch tập thơ của mình do dịch giả nói trên thực hiện đi hỏi một ông “thầy giỏi tiếng Anh” nào đó, và được ông này “phán” bằng cách liệt kê ra cả chục trang giấy những điều mà “ông thầy” cho là thiếu sót của dịch giả. Không may, cả chục trang giấy trưng bày đầy đủ sự dũng cảm của người viết, khiến dịch giả nổi giận còn các bằng hữu của ông cười đến đau bụng và đên chảy nước mắt. Tôi nhớ trong những trang giấy đó con người dũng cảm ấy đã chê dịch giả không biết dịch chữ “Chàng Trương Chi” là... Truong Chi guy!

Có người dũng cảm theo cách khác: sau khi được tác giả nguyên tác mang bản dịch đến nhờ “phán”, một ông bèn ghi thêm vào dưới tên dịch giả dòng chữ “edited by XYZ (được ông XYZ hiệu đính)! Tác giả tưởng cái tên ông XYZ đó bảo trợ cho giá trị của bản dịch mà mình đã tin cậy khi nhờ một dịch giả chuyển ngữ, nên “vô tư” đưa bản dịch lên trang web của mình với tên người “hiệu đính” làm tầm gửi ăn theo!

Kể chuyện những cây đa bonsai hoặc đang phát triển tự phong thần này thì không tới đâu trong khi sự mê tín “Bụt chùa người” không chỉ xảy ra nơi những người bình thường “thiếu tự tin” mà còn được một số cơ quan văn học trong nước thực hiện một cách chính thức.

Vào khoảng cuối năm 2009, nhiều dịch giả (trong cả nước?) nhận được thư mời tham gia viết hoặc dịch các tác phẩm văn học cho một tạp chí văn học Việt Nam bằng tiếng Anh xuất bản ở HN. Thư mời có nói rõ bản dịch hay bài viết tiếng Anh sẽ được các editors người nước ngoài “hiệu đính”. Cứ cho là chuyện bình thường. Dù sao, thứ tiếng Anh của người Việt lớn lên trong nước, học hành trong nước viết ra dễ thành... Vietglish lắm, không thể bằng người bản ngữ được, hoặc ít ra cũng không thể bằng 100%. Để cho người bản ngữ “nhuận sắc”, chắc chắn là nó “looks and sounds English” - đọc lên nghe ra tiếng Anh hơn. Có điên mới cải vã chuyện này.

Nhưng đó là về tiếng Anh thôi. Mà khi nhuận sắc bản dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh thì các editors người nước ngoài ấy cũng phải “rành” tiếng Việt nữa chớ? Họ phải hiểu thấu đáo tiếng Việt thì mới có thể biết câu văn dịch có chính xác hay không cái đã, trước khi “nhuận sắc” cho đúng kiểu cách cú pháp tiếng Anh.

Trong số các tác phầm văn học tôi mang về từ cuộc hội nghị quốc tế ở HN hồi đầu năm có quyển “Thơ Nữ Việt Nam Từ Xưa Đến Nay”, bản in lần thứ hai, là sách biếu của Nhà Xuất Bản Phụ Nữ. Đúng như tên sách, cuốn sách giới thiệu thơ của rất nhiều nhà thơ Nữ Việt Nam quen và... chưa quen (đối với riêng tôi) từ xưa đến nay. Sách có bài giới thiệu khá dài của Lady Borton, một tác giả mà tên tuổi có thể nói là không lạ trong giới văn học VN, nhất là trong giới dịch thuật. Ngoài các tác phẩm như Sensing the Enemy: An American Among the Boat People of Viet Nam; After Sorrow: An American Among the Vietnamese, Hồ Chí Minh: A Journey, Lady Borton đã dịch các tác phẩm của Tướng Võ Nguyên Giáp (Điện Biên Phủ: Rendez-vous With History), của tiến sĩ Lê Cao Đài (The Central Highland: A North Vietnamese Journal of Life on the Hồ Chí Minh Trail) và của Phạm Hồng Cư (General Giáp: His Youth). Ngoài ra chị (cùng với nhà văn hóa Hữu Ngọc) là biên tập chính của hai mươi lăm đầu sách văn học Việt Nam xuất bản song ngữ trong nước. Chị cũng là biên tập viên phần tiếng Anh của cuốn sách Thơ Nữ Việt Nam… này.

Chừng đó cho thấy Lady Borton phải là một người rất thông thạo tiếng Việt, tưởng khó ai có thể nghi ngờ về khả năng am hiểu tiếng Việt của chị. Phải rất hiểu tiếng Việt trước khi nói đến hiểu và dịch văn học, nhất là thơ, Việt, huống hồ là làm editor “phán xét” bản dịch của các dịch giả khác trước khi in.

Bài giới thiệu của Lady Borton trong cuốn sách nói trên mở đầu bằng hai câu “đề từ”:

Ải Bắc quân thù kinh vó ngựa
Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi.

Đó là hai câu trong bài thơ Trưng Vương của nhà thơ Ngân Giang được Lady Borton dịch ra tiếng Anh đặt ở đầu bài viết:

Her horse on the pass terrified the enemy;
Golden armor bands cooled her elephant’s head .

Tôi rất ngạc nhiên với hai câu thơ dịch đó. Dường như dịch giả không nhận ra hết nội dung rất hàm súc của câu thơ nguyên tác, trong đó hai từ “Ải Bắc” xác định rõ danh tính quân thù của hai bà Trưng và của nhân dân Lạc Việt chớ không phải một quân thù chung chung và mơ hồ nào, nên câu thơ dịch của Lady Borton thành ra nhẹ hều: ngựa của bà trên con đường núi làm cho quân thù khiếp sợ.

Thêm vào đó, có lẽ dịch giả không hiểu từ “khăn trở” trong câu thơ của Ngân Giang nữ sĩ có nghĩa là khăn tang, cho nên chị đã không nhận ra sự đối chọi của hai hình ảnh “giáp vàng” và “khăn trở”, biểu trưng sự quyết liệt trong lòng người phụ nữ mang tang chồng đi đánh giặc. Trong câu thơ dịch của Lady Borton thừa một chữ bands nhưng thiếu từ khăn trở. Trong ngữ cảnh này ’bands’ không thích hợp với cái gì cả. Trước hết, bands có nghĩa là các ban nhạc, rồi những nhóm người, và những dải băng hay cái “băng đô” (bandeaux) buộc tóc của các cô gái. Mà dải băng hay cái “băng đô” thì không bao giờ là khăn tang. Có lẽ từ weed thích hợp hơn –tuy với người Tây phương thì weed màu đen, còn với nhiều dân tộc Á Châu và người VN thì weed màu trắng.

Câu thơ dịch của Lady Borton dễ khiến tôi ngờ dịch giả đã đọc khăn trở lạnh đầu voi thành ra “khăn” và... “trở lạnh” và chị đã dịch theo hướng đó. Dĩ nhiên không ai vì cái “Golden armor bands” của chị mà nghĩ rằng dịch giả hiểu nghĩa câu thơ là… những nhóm người (lính) mang áo giáp bằng vàng, hoặc những ban nhạc mang giáp vàng (nếu vậy ắt chị đã viết “Golden armored bands”) làm lạnh đầu voi! Càng không thể “áo giáp vàng (và) … những cái buộc tóc làm cho lạnh đầu voi” nếu chị hiểu khăn trở là những cái băng-đô. Vả lại, “lạnh đầu voi” mà chỉ là “cooled her elephant’s head” thì mot-a-mot quá, có lẽ không đáng cho một dịch giả cỡ như Lady Borton.

Ngay từ hai câu thơ dịch dẫn ý ở đầu bài giới thiệu khiến tôi ngạc nhiên và... tò mò về cách dịch giả hiểu tiếng Việt trong các tác phẩm văn học mà chị dịch sang tiếng Anh nên tôi đọc tiếp những câu và đoạn thơ do chính chị dịch và được chị trích dẫn trong bài giới thiệu của chị. Tôi chỉ đọc những câu thơ chị dịch thôi, chớ không đọc toàn bài giới thiệu (vì tôi chỉ muốn biết khả năng thấu hiểu tiếng Việt của một dịch giả tầm cỡ như chị thôi). Đọc xong tôi lại nghĩ đề nghị của tác giả bài tham luận mà tôi đề cập trên đây là có cơ sở và có lẽ không có gì là cực đoan.

Với những câu của bài thơ Lời Thề Sông Hát:

Một xin rửa sạch thù nhà
Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng

được dịch giả Lady Borton dịch là:

First pledge: Wash away the enemy;
Second pledge: Rebuild the Hùng Vương’s ancient karma.

Nghiệp xưa họ Hùng” chính là sự nghiệp của gia tộc họ Hùng dựng nên nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Lạc Việt. Nghiệp đó phải được chuyển dịch bằng từ gần tương đương career (như sự nghiệp rực rỡ: glorious career), hay achievement (như sự nghiệp văn chương: literary achievement). Còn karma chỉ là một khái niệm trong Ấn giáo và Phật giáo nói về cái nghiệp (báo) mang tính nhân quả của con người trong cuộc sống này và đời sau. Viết “... Hùng Vương’s ancient karma” là một cách dịch ”mot à mot” thô thiển vì người dịch không hiểu ý nghĩa của tiếng Việt trong nguyên tác. Với một dịch giả tay mơ thì điều đó có lẽ không khiến người ta ngạc nhiên lắm, nhưng một người như Lady Borton vốn được nhiều người trong giới văn học Việt Nam tin tưởng và đánh giá rất cao và giữ trách nhiệm biên tập các tác phẩm văn học in song ngữ Việt Anh của nhà xuất bản thì đó là một điều rất đáng thất vọng.

Với bốn câu ca dao này:

Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành ông voi
Muốn coi lên núi mà coi
Coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Hai câu sau được dịch giả Lady Borton dịch như sau:

When scalling mountains on your own,
Remember Bà Triệu, her elephant, her resounding gong!

(Khi con tự mình leo lên đỉnh núi
Hãy nhớ Bà Triệu, con voi và tiếng cồng vang dội của bà)

Đó là dịch giả sáng tác, nếu không muốn nói là viết bừa – có lẽ vì không hiểu nguyên văn – chớ không phải dịch. Hay dịch và... phản, traduttore traditore, là như vậy chăng?

Câu ca dao

Bao giờ cho đến tháng hai

mà được dịch là

With the second month in sight

thì... tháng hai đã đến rồi đó.

Con gái làm cỏ con trai be bờ

Bờ đây là bờ ruộng (bank) vì con gái làm cỏ ruộng thì con trai be bờ ruộng, không phải là bờ đê (dike), người ta đắp đê, chớ không ai be bờ đê bao giờ; cho nên be bờ nên là to bank up, chớ không phải to build the dike như trong câu dịch của Lady Borton:

Girls weed out grass, boys build the dike.

Thân em như tấm lụa đào

được dịch:

My fate, a peach silk band

Tuy rằng silk band không thỏa đáng lắm, nhưng có lẽ nên thêm: My fate is like...

Có và không có is like trong câu thơ dịch này ý nghĩa của nó sẽ khác nhau; mà đúng với câu ca dao tiếng Việt thì phải nói My fate is like = như, giống như.

Em thấy anh, em cũng muốn chào
Sợ anh chồng cũ đứng bờ rào hắn trông
Hắn trông thì mặc hắn trông
Đã quyết một lòng ta quyết lấy nhau

Bài dịch:

I saw you, I wanted to speak
But worried my husband had stood up to peek
Even if he was staring instead
You and I, dear, have agreed to wed.

To speak tuy không hẳn là chào, nhưng dịch giả muốn ép cho nó vần với to peek ở câu dưới, cho nên “thông cảm” được. Và chính ở câu thứ hai có những điều bất cập chứng tỏ người dịch không hiểu rõ nguyên văn câu tiếng Việt nên dịch sai và dịch sót. Không phải the husband had stood up to peek, mà là anh ta was standing there – by the hedge – to peek. Một trong hai từ mà dịch giả dịch sót là rất quan trọng: đó là từ – anh chồng cũ – my ex-husband. Thiếu tiếp đầu ngữ ex- ngắn ngủn này, người đọc bản tiếng Anh sẽ bối rối không hiểu được vì sao cô gái có chồng đang đứng nhìn kia mà còn đòi lấy nhau với người khác nữa!

Nhưng ở đây phải viết “worried that” chớ (But [I’m] worried that my husband…), sao lại chỉ “worried” không thôi? (Đừng thấy chị là người bản ngữ viết như thế mà bắt chước viết theo chị là… trật đấy, không giỡn đâu.). Có thể là lỗi của người đánh máy vi tính.

Những câu ca dao:

Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé không nằm với tôi

....

Một rằng thương hai rằng thương
Có bốn cẳng giường gẫy một còn ba.

được dịch:

At fifteen, I was already wed;
Protective, my husband didn’t take me to bed.

....

Once we loved, twice, a spree –
Until we broke a bed leg, leaving three!

Ở Mỹ có luật bảo vệ người dưới mười tám tuổi. Giao hợp với trẻ dưới mười tám tuổi là một tội nặng. Có phải vì vậy mà dịch giả người Mỹ này đã tự ý “lái” cái việc “chồng chê tôi bé” thành ra vì bảo vệ tôi mà chồng không nằm với tôi không?

Trong tiếng Anh có expression “once bitten, twice shy” gần nghĩa với câu châm ngôn tiếng Việt “Một lần cho tởn tới già”, nhưng dĩ nhiên nó không ăn nhập gì với câu ca dao Việt “Một rằng thương hai rằng thương.” Biến chế “once bitten twice shy” thành một dạng tương tự “Once we loved, twice a spree” thì nó cũng... không ăn nhập gì luôn.

Hai câu

Nữ nhi này đặng có thi
Ắt là tay thiếp kém gì trạng nguyên

được dịch thành:

This girl is taking the exam,
Like the best scholar, strength is at hand

Nếu dịch ngược hai câu tiếng Anh này của dịch giả Lady Borton trở lại tiếng Việt thì sẽ thành ra… nhất sao thất bổn ngay:

Cô gái này đang đi thi
Văn nhân đệ nhất, quyền uy sẵn rồi!

Với “Khúc hát hái sen”:

Kìa kìa cô ả tóc xanh
Trong khi nhàn rỗi ra ghềnh hái sen
Dịu dàng kín đáo thuyền quyên
Miệng hoa chúm chím ngồi thuyền tập bơi

được Lady Borton dịch sang tiếng Anh như sau:

Yonder, a girl with black hair
Creates tiny whirpools as she leisurely gathers lotus
A young girl, sweet and reserved,
Paddling a dinghy among blossoms starting to bloom .

Rõ ràng là dịch giả không hiểu nguyên văn tiếng Việt nên “dịch” liều. Chị “sáng tác” Creates tiny whirpools Paddling a dinghy among blossoms starting to bloom mà không vì một nhu cầu tu từ hay gì gì cả, và bỏ lơ không dịch câu “Miệng hoa chúm chím ngồi thuyền tập bơi”!.

Câu thơ Chinh Phụ Ngâm:

“Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy”, chị dịch:

They both stare once again yet see nothing at all.

Stare once again không thể là trông lại được. Trông lại, trong ngữ cảnh này, là ngoái đầu nhìn lại, còn stare là nhìn chầm chập, trừng trừng người nào hay vật gì ở trước mắt.

Những câu thơ đầu trong bài thơ Vịnh cái quạt giấy của Hồ Xuân Hương:

Mười bảy hay là mười tám đây
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay

được dịch:

Seventeen or eighteen you should be
Cherished, never leaving his hand.

Ta” chẳng chịu chủ động rời cái “vật ấy”, chớ có phải nó không chịu rời tay chàng nào đâu!

Trong câu dịch I try for the sticky rice, but it’s always stale, cụm từ I try for the sticky rice chưa diễn đủ cái ý “cố chịu đấm để được ăn xôi” trong câu thơ Hồ Xuân Hương “Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẫm”. Có lẽ dịch giả không hiểu thành ngữ “cố đấm ăn xôi” chăng?

Câu này nhà thơ dịch giả John Balaban, người đã dịch thơ Hồ Xuân Hương – Spring Essence - diễn đạt dài dòng hơn, nhưng vẫn chưa “chuyển” được cái vị cay đắng của sự “cố (chịu) đấm”:

You try to stick to it like a fly on rice
but the rice is rotten .

Mấy câu thơ của nhà thơ “tiền thơ mới” Nguyễn Thị Manh Manh:

Gió lọt phòng không
Tạt hơi đồng
Lạnh như đồng
Ngồi mơ tưởng
Ngày xưa phất phưởng
Dấy động tơ lòng

được Lady Borton dịch thành:

Wind slips into the empty room
Slashing fresh air from the fields
Cold as copper.
She sits dreaming –
The old days floating by;
Gossamer threads rousing the heart

Phòng không” trong thơ đâu phải là cái phòng trống không (empty room)! Đó là cảnh cô đơn của người phụ nữ vắng chồng ở nhà.

Hơi đồng” là cách nói tắt “hơi lạnh như đồng” chớ có phải… gió ngoài đồng ruộng thổi vào đâu mà dịch “Tạt hơi đồng” là Slashing fresh air from the fields!

Dịch giả không hiểu khái niệm “tơ lòng” nên dùng thừa những chữ gossamer threads. Thực ra chẳng có những sợi (tơ/chỉ) nhỏ nào ở đây. Và chính nhà thơ ngồi mơ tưởng, chớ không có một nhân vật ngôi thứ ba “she” nào sits dreaming cả.

Lạc nước hai xe đành bỏ phí
Gặp thời một tốt cũng thành công

mà dịch là

One hapless step: Two chariots ravaged
The right opportunity: A victorious pawn

thì còn cách xa ý nghĩa của nguyên tác hơn cả cách dịch mot-à-mot. Lạc nước là đi sai một nước cờ, to have made a wrong go. Bỏ phí một vật gì thì vật đó vẫn còn nguyên trong tình trạng tốt, mà không có cơ hội để dùng đến, chớ không phải là bị phá hủy hay phá hỏng (ravaged). “A victorious pawn” không hề mang nghĩa “một tốt cũng thành công”.

Nếu dịch giả là một tay ngang không thông thạo cách diễn đạt bằng tiếng Anh, ta có thể gắng gượng bỏ qua cách dịch những câu “Lấy yếu chống mạnh, thường đánh bất ngờ / Lấy ít địch nhiều hay dùng mai phục”, như thế này:

With unforseen tactics, the weak can defeat the strong
By using sodiers to ambush, a few can defeat the many .”

Unforeseen là đối với quân địch, những kẻ “failed to expect what would happen” – không dè trước, không lường trước những gì sắp xảy ra, cho đến khi chúng bị tấn công; còn đối với chủ thể chủ động tấn công thì làm sao mà unforeseen được? Phải là sự bất ngờ, chiến thuật bất ngờ “công kỳ vô bị” chớ!

…the weak can defeat the strong
…a few can defeat the many

chỉ mới là các khái niệm. Còn “Lấy yếu chống mạnh / Lấy ít địch nhiều” là sách lược mà Nguyễn Trãi đã thực hiện và thành công, chớ không phải chỉ là ý tưởng “có thể… có thể…”

Không tiện hỏi chị Lady Borton có con bao giờ chưa, vì người Tây phương có thể coi đó là chuyện riêng tư, nhưng đọc những câu thơ Xuân Quỳnh được chị dịch dưới đây người ta có thể nghĩ chị vừa không hiểu rõ tiếng Việt, vừa hình như… chưa có con:

Ba tháng lẫy, bảy tháng ngồi
Con chơi với đất con chơi với hầm:

At three months you turn your head, at seven you crawl
You toy with the earth, you play with a bomb shelter.

“Lẫy” hay “lật” là đứa trẻ lăn người qua, chớ ba tháng mà mới biết xoay đầu qua lại (turn your head) thì đứa trẻ yếu quá, làm sau mà bảy tháng biết bò cho được. Nhưng crawl là bò, mà đứa con của nhà thơ Xuân Quỳnh bảy tháng đã ngồi được rồi đó. Ngồi với bò khác nhau chớ nhỉ?

Nhà thơ sinh con trong hầm trú bom. Đứa bé lớn lên trong hầm, chơi trong cái hầm đó, cho nên có lẽ nó “play with the bomb shelter” chớ lẽ đâu lại “with a bomb shelter”. Hầm tránh bom có phải là món đồ chơi trẻ con đâu. Chẳng qua dịch giả không hiểu rõ nghĩa tiếng Việt nên sơ suất như thế.

Trời xanh các ngả ngoài kia
Cỏ xanh quanh những hàng bia trên mồ.

Chỉ nhẹ nhàng thế thôi, trời xanh và cỏ xanh ngay bên ngoài miệng hầm tránh bom, mà dịch giả tưởng tượng thêm những chi tiết không cần thiết:

The sky is blue, but away over there
The grass is green on the ancient tombs .

Trong bài thơ có nói đến ngôi cổ mộ nào đâu! Cũng không phải do yêu cầu của vần điệu để dịch giả thêm vào but awayancient một cách vô cớ. Sau đây dịch giả còn vài dịp “bổ sung” ý mình vào tác phẩm của người ta như thế.

Những ngày không gặp nhau
Biển bạc đầu thương nhớ

The day they didn’t meet
The white-capped sea fill with longging .

“Đầu của biển”, giả dụ vậy, trở nên bạc đi vì thương nhớ, hay vì thương nhớ mà biển trở nên bạc đầu, chớ không phải biển với sóng bạc đầu làm cho đầy thương nhớ. Những ngày trong nguyên tác thì nhiều và bất định, không rõ bao nhiêu ngày và bao giờ, tạo cảm giác miên man; the day trong câu dịch thì ít và khẳng định vào một ngày cụ thể đã xảy ra chuyện đó. Dịch giả hiểu rõ tiếng Việt và thận trọng hẳn không sai lầm như thế.

Nếu từ giã thuyền rồi
Biển chỉ còn sóng gió

If the boat should part without a farewell

Đâu nhất thiết phải “bổ sung” ý của dịch giả bằng cách thêm vào “without a farewell”. Trong tiếng Việt, “từ giã” đã hàm ý “having bid farewell to” rồi. Không chừng “ra đi không lời từ biệt” trong trường hợp câu thơ dịch này là ngoài ý muốn của nhà thơ Xuân Quỳnh, chỉ vì dịch giả không hiểu hết ý thơ của nhà thơ quá cố. Nhưng trong câu thơ nguyên tác thì biển từ giã thuyền, mà dịch giả lại đảo ngược thành… thuyền ra đi không lời từ biệt! Có lẽ thuyền rời biển thì hợp logic hơn, nhưng đây là dịch một bài thơ chớ có phải viết luận văn đâu. Nhà thơ có những lý do nghệ thuật khi nói biển từ giã thuyền – được hiểu là xa mất thuyền rổi, chớ không phải thuyền rời bỏ biển, mà dịch giả phải tôn trọng sự sáng tạo của tác giả thôi.

“Bổ sung” ý mình vào nguyên tác có lẽ là “thủ pháp” ưa thích của Lady Borton, như chị lại thực hiện một lần nữa khi dịch câu thơ của nhà thơ nữ Vi Thùy Linh:

Thơ cho những người phụ nữ thoát ảo ảnh
cam chịu buông xuôi
Cự tuyệt vai trò thứ yếu.

được Lady Borton dịch:

Poems so women will escape illusion, resignation, descent
So they can reject a minor role in love .

Không những đã không “lột” được ý của nguyên tác, dịch giả lại còn thêm ý mình vào, thay tác giả đặt ra một sự xác định “in love” cho những người phụ nữ “cự tuyệt vai trò thứ yếu”.

Những thêm thắt như thế không những không lấp đầy lỗ hổng do thiếu thấu hiểu tiếng Việt gây ra mà còn phô bày rõ thêm khuyết điểm đó của người dịch.

Trên đây là những vần thơ của một số nhà thơ nữ Việt Nam được dịch giả Lady Borton dịch sang tiếng Anh và được chị trích dẫn trong bài giới thiệu của chính chị ở đầu cuốn sách Thơ Nữ Việt Nam từ Xưa Đến Nay. Ngoài bài giới thiệu dài 25 trang sách này, dịch giả Lady Borton còn dịch nhiều bài ca dao Việt Nam cũng in trong cuốn sách, nhưng tôi không đọc thêm. Những sai lầm kể ra trên đây chẳng phải là đã quá nhiều rồi sao? Hơn hai mươi điểm không chính xác trong số 31 đoạn thơ dịch được trích dẫn chỉ trong 25 trang bài viết, vị chi mỗi ba đoạn trích dẫn thì có đến 2 điều cần xem lại. Vị đồng nghiệp của tôi chỉ phát hiện có 7 lỗi trong 78 trang bản dịch mà đã giật mình rồi kia.

Tôi chỉ đọc tuần tự những đoạn thơ trích dịch của dịch giả Lady Borton để thấy mức độ chị hiểu tiếng Việt ra sao, ngoài ra tôi chưa biết rõ sự am hiểu văn hóa Việt Nam của chị như thế nào. Tuy nhiên, khi chị viết “only one poem by Nguyễn Thị Lộ remains extant, with these lines of advice to Nguyễn Trãi:

Draw on noblemen for you feeling,
Draw on saint and sages for your ethics,

Beware the offspring of saints and sages.”

(Chỉ còn lại một bài thơ của Nguyễn Thị Lộ với những dòng thơ khuyên nhủ Nguyễn Trãi:

Lấy quân tử làm lòng
Lấy thánh hiền làm đạo

….

Nghiệm xem con cháu thánh hiền sinh

theo bản dịch của Xuân Oanh in trong sách)

thì tôi ngờ rằng chị chưa biết gì nhiều về tinh thần văn hóa truyền thống Á Đông nói chung, và có thể cả lịch sử và văn hóa Việt Nam nói riêng.

Nguyễn Trãi là một khai quốc công thần của nhà Lê, quân sư – tức là thầy – của vua Thái tổ Lê Lợi, làm quan đến chức Nhập nội hành khiển, tương tự như thủ tướng, hiện nay được tôn nhận là danh nhân văn hóa thế giới. Nguyễn Thị Lộ là “bậc” nào mà có thể “khuyên bảo” một “đại nhân” như Nguyễn Trãi bằng những lời đạo lý thô sơ căn bản như lời mẹ dạy con hay người trên răn bảo kẻ dưới như thế? Theo năm sinh ghi trong sách, Nguyễn Thị Lộ nhỏ hơn Nguyễn Trải đến mười tám tuổi. Bà được Nguyễn Trãi “nạp thiếp” khi còn nhỏ tuổi, có lẽ khoảng mười sáu (trăng tròn lẻ), nếu căn cứ vào câu thơ tương truyền bà đối đáp với Nguyễn Trãi. Tuy bà có làm thơ, về sau có được vời vào triều và được phong học sĩ để dạy lễ nghĩa cho cung nữ của Vua, nhưng với tuổi tác và địa vị thứ thiếp trong gia đình cộng với nghĩa “phu xướng phụ tùy” bà không phải là người có thể “khuyên bảo” đạo lý với một ông chồng Khuê văn Hầu tầm vóc như Nguyễn Trãi. Chẳng qua các văn nhân thời xưa coi văn chương là phương tiện chuyên chở đạo lý (văn dĩ tải đạo) nên trong thơ văn của họ luôn nói chuyện đạo đức lễ nghĩa thánh hiền như những lời bày tỏ chung chung vậy thôi.

Thật ra, tôi không có chủ ý vạch ra các sai lầm của dịch giả Lady Borton trong chuyện dịch thuật. Tôi cũng là dịch giả như chị. Lấy gì bảo đảm tôi có thể hiểu tiếng Anh tốt hơn chị hiểu tiếng Việt? Nếu mình không giỏi một ngôn ngữ nào đó ngoài tiếng mẹ đẻ cũng chẳng phải là chuyện tội lỗi gì cả, và có thể sửa chữa cho tốt hơn. Giá như tôi được đọc cuốn sách này sớm hơn, có lẽ tôi đã có dịp nói chuyện riêng với chị ở Hà Nội, như vậy thì hay hơn là viết ra thế này. Tôi nghĩ tôi có nhìn thấy dịch giả Lady Borton ở… dãy bàn đối diện trong buổi hội thảo về văn học cổ điển Việt Nam tại khách sạn Tây Hồ. Chẳng qua nghĩ đến việc mình giới thiệu văn học của dân tộc mình ra nước ngoài mà phải chịu sự “xem xét” của những “Bụt chùa người” mà sự thông hiểu của họ về ngôn ngữ, văn hóa và văn học Việt Nam là chưa có gì “bảo lãnh”, nếu không tiện nói là rất đáng ngờ, nên tôi lấy làm ngạc nhiên… và hơn thế nữa.

Nhiều thứ hàng hóa ngoại “tốt” hơn hàng nội, nhưng không lẽ bao giờ Bụt chùa người cũng thiêng hơn Bụt chùa nhà, cả trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam?

Chuyện đó dường như đã rõ.

Thiếu Khanh

Đọc “Con đường Tam giáo Việt Nam”

của Lê Anh Dũng

Lê Anh Dũng là nhà giáo (Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Thương mại – Trường Đại kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh vào những năm 1990-1995) kiêm nhà văn, nhà báo (viết và dịch rất nhiều truyện ngắn, viết hai song ngữ cho tạp chí Sun flower…) chịu ảnh hưởng của tư tưởng Tam giáo rất mạnh, đã có nhiều đóng góp về văn học cho tư tưởng này qua tác phẩm nghiên cứu nhỏ nhưng khá đặc sắc “Con đường Tam giáo Việt Nam” xuất bản tháng 5/1994) trong đó lại theo đạo Cao Đài và có rất nhiều bài viết, bài nói chuyện về Đại đạo Tam kỳ phổ độ. Đặc biệt, ông khá mê kinh dịch nên làm ra bộ Từ điển Thuật ngữ Kinh dịch, biên khảo sách Giải mã truyện Tây Du.

Đọc “Con đường Tam giáo Việt Nam” của Lê Anh Dũng, ta thấy được khái quát về Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo du nhập vào nước ta như thế nào và đã hội nhập vào một mối (trinity) như thế nào, được chấp nhận trong dân gian ra sao với lòng bao dung Tam giáo của dân tộc Việt Nam và văn học dân gian Việt Nam đã phản ảnh tín ngưỡng tổng hợp để cuối cùng trở thành “Tam giáo đồng nguyên” của dân tộc Việt Nam trong từng bối cảnh lịch sử, trong từng thời đại. Tới ngày nay, nó đã hình thành nên một thứ tín ngưỡng dân gian đầy màu sắc, đến nỗi dân tộc nào, tôn giáo nào du nhập vào nước ta cũng đều được chấp nhận dễ dàng. Hiện nay, có thể nói chỉ có ở nước ta không có sự kỳ thị nào về dân tộc, tôn giáo và tín ngưỡng dân gian, không có xung đột tôn giáo, sắc tộc vv…

Sau đây, tôi xin lược trích một số ý trong chương III “Lòng bao dung Tam giáo của dân tộc Việt Nam trong lịch sử”:

Từ những thế kỷ I, II, ba nền tôn giáo Nho, Thích, Lão đã sớm được nhân dân Việt Nam tiếp nhận và dung nạp. các thế kỷ X, XI, XII với các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần đã đánh dấu một thời kỳ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc, mở ra một thời kỳ hào hùng vừa giữ nước vừa dựng nước. Hoàn cảnh lịch sử khách quan đòi hỏi giới quân sự phải biết trọng dụng trí thức. Giới Nho sĩ thời ấy chưa hình thành, phải đợi đến triều Hậu Lê mới phát triển cực thịnh. Thậm chí, trong những buổi đầu của đất nước vừa giành được độc lập, trường tư của các cụ đồ có lẽ cũng không có, nhiều người học chữ với các sư tại chùa. Các sư vì muốn đọc được kinh Phật phải học chữ Nho thì thông qua kinh sách đạo Khổng. Cho nên không lấy làm lạ là các sư cũng giỏi cả Nho học, nhiều sư tinh thông cả Dịch học của Nho, địa lý phong thủy của Lão (thí dụ như Thiền sư Vạn Hạnh). Tóm lại, tầng lớp trí thức thời xưa tập trung chủ yếu là tu hành, vừa tăng, vừa tu sĩ.

Các nhà tu hành trí thức này có ý thức quốc gia, có lòng yêu nước trong sáng, học vấn uyên bác về cả giáo lý của đạo mình mà còn hiểu được kinh điển của đạo khác, nên có một tinh thần đại đồng, không bị hình thức sắc tướng làm mê chấp, do đó các vị ấy đã sớm biết đoàn kết, đứng chung dưới ngọn cờ dân tộc để phù trợ chặt chẽ cho chích sách, đường lối của triều đình, cả về đối nội lẫn đối ngoại.

Qua bốn triều đại tiêu biểu là Đinh, Lê, Lý, Trần, hoàn cảnh lịch sử đã làm cho Việt Nam trở thành mảnh đất tốt để Tam giáo lớn mạnh trong sự bao dung của người Việt.các vua Đinh Tiên Hoàng (968-979), Lê Đại Hành (980-1005), Lý Thái Tổ (1010-1028) vv… đã chọn các đại sư, đạo sĩ vào triều đình làm cố vấn. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng phong Khuông Việt Đại sư Ngô Chân Lưu làm Tăng thống, phong thiền sư Đặng Huyền Quang làm Sùng chân Uy nghi…Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) đi đâu cũng hay cận kề Thiền sư Giác Hải và Đạo sĩ Thông Huyền. Với tinh thần khoáng đạt, các nhà sư khi cố vấn hoặc gián nghị các vua đều không câu chấp, lúc thì vận dụng Lão, khi trưng dẫn Nho để thuyết phục.

Pháp sư Đỗ Pháp Thuật (915-990) đã được vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, ngài khuyên vua dùng đường lối “vô vi” của đạo Lão. Năm 1130, khi vào điện Sùng Khai, Thiền sư Viên Thông (1080-1151) đã mượn tư tưởng Kinh dịch tâu với vua Lý Thần Tông (1128-1138) về cái lẽ hưng vong, đắc thất của một nước. Sau khi nhấn mạnh rằng một nước hưng thịnh hay suy vong không phải tự nhiên một sớm một chiều. Sư này kết luận: “Các bậc thánh vương đời trước đều biết như thế nên đều bắt chước Trời, không ngừng trau đức để sửa mình, bắt chước Đất, không ngừng trau đức để yên dân. Sửa mình thì cẩn thận, ở trong lòng, run sợ như đi trên băng mỏng. Yên dân thì yêu mến người dưới, hãi hùng như cỡi ngựa nắm dây cương sờn”

Một số sự kiện lịch sử như trên cho thấy trong buổi đầu, Tam giáo được giao hòa trên nước Việt trong lòng bao dung của người Việt, chính đây là sự manh nha của tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”.

Ở Chương V, khi nói về văn học dân gian Việt Nam phản ánh tín ngưỡng tổng hợp của người Việt thì Lê Anh Dũng đã lấy thí dụ về ba dấu ấn và một Tam giáo đồng nguyên như sau:

1-Dấu ấn của Lão giáo :

- Đạo làm con chớ hững hờ

Phải đem hiếu kính mà thờ mẹ cha.

- Cây xanh thì lá cũng xanh

Cha mẹ hiền lành để đức cho con.

- Người trồng cây hạnh người chơi

Ta trồng cây đức để đời mai sau.

2-Dấu ấn của Nho giáo :

- Anh làm trai học đạo Thánh hiền

Năm hằng chẳng trễ, ba giềng chớ sai.

- Làm trai giữ trọn ba giềng

Thờ cha, ngay chúa, vợ hiền chớ vong.

- Tu đâu cho bằng tu nhà

Thờ cha kính mẹ mới là chân tu.

3-Dấu ấn của Phật giáo :

- Lênh đênh qua cửa Thần phù

Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm.

- Dù cho xây chín bậc phù đồ

Không bằng làm phúc cứu cho một người.

4-Tam giáo và tín ngưỡng hay thờ Trời :

- Thấy anh chữ Em thử hỏi đôi lời

Thuở tạo thiên lập địa Ông Trời tròn ai xây?

- Mỗi đêm mỗi thắp đèn Trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

- Vô chùa thắp một nén nhang miệng Nam Mô A di Đà Phật

Nguyện cùng Trời chùa chật cũng tu.

Vương Liêm

Ảnh 1: Tranh vẽ vua Lê Thánh Tông ra chơi Hồ Tây gặp cô gái xinh đẹp đưa về kinh thành Thăng Long, nhưng khi về tới cửa Đại Hưng (cửa nam) thi cô gái biến thành tiên nữ bay đi mất. Nay có quán Vọng tiên ở phố hàng Bông. (ảnh hưởng đạo Lão)

Ảnh 2: Tranh vẽ Thầy địa lý xem đất, nay trở thành khoa phong thủy (ảnh hưởng đạo Lão)

Ảnh 3: Tranh vẽ lá bùa “Trừ tà trị bệnh. trấn trạch bình an” (tín ngưỡng dân gian thành mê tín, ảnh hưởng của đạo Lão)

Ảnh 4: Tranh vẽ “Tam giáo tổ sư” (Ba nhà sáng lập đạo Khổng, Phật và Lão): Tam giáo đồng nguyên hay đồng nhất.

0

0

0

0

Phụ bản IV

Điểm sách

Truyện Tây Du Ký

TÍNH DỰ BÁO TRONG TÂY DU KÝ

Theo tác giả Dương Diên Hồng, Tây Du ký vừa chuyển tải các nội dung lịch sử, xã hội vừa là bản thông điệp đặc biệt, một kiểu ẩn ngôn chứa đựng nhiều ý chỉ giải thoát. Có tính dự báo trong tương lai xa những việc sẽ xảy ra cho loài người ở địa cầu. Tây Du ký chính là một ẩn dụ triết học, một kiểu mật ngữ của tư tưởng, và đường đi thỉnh Kinh đó cũng chính là đường trở về với những giá trị siêu thoát.

1/- Truyền thuyết về một Nhân vật Anh hùng của Địa cầu:

Lúc bấy giờ ở Đông Thắng Châu- một trong 4 châu lớn thời Bàn Cổ, Trung Quốc cổ xưa, ở ngoài bể có nước Ngao Lai- trong nước này có ngọn núi cao gọi là Hoa Quả Sơn, là một dãy núi rất đẹp. Trên đỉnh núi này có một tấm đá tiên, trong tấm đá lại có một tiên thai, một hôm tấm đá nứt ra, sinh ra một trứng đá to bằng quả cầu lớn, gặp gió hóa ra con Khỉ đá. Khỉ đá có hai con mắt với hào quang sáng rực lên tận Trời làm kinh động đến Ngọc hoàng Thượng đế. Sau đó, Khỉ đá lên ngôi hoàng đế, giấu chữ đá đi, xưng là Mỹ Hầu Vương, dẫn lũ khỉ, vượn sớm chơi núi Hoa Quả, đêm ngủ động Thủy Liêm rất là vui thích.

Tác giả Ngô Thừa Ân biến con khỉ đá thành Tôn Ngộ Không - một nhân vật anh hùng của địa cầu, chỉ có Tôn Ngộ Không mới dám đánh Diêm Vương, Thủy Vương và đặc biệt Tôn Ngộ Không đã đánh Thiên Vương (Ngọc hoàng Thượng đế) đến 2 lần. Như vậy, phải chăng việc chiến tranh giữa người địa cầu và thế lực ngoài địa cầu, những người ngoài hành tinh của chúng ta đã manh nha từ lâu đời... Con người có tư tưởng, ý đồ chiến tranh với các hành tinh khác là chính đáng, là nhân bản, là muốn sự sống trên địa cầu được phát triển chứ không hề có dã tâm đưa con người đến sự hủy diệt như “chiến tranh giữa các vì sao” bây giờ.

2/- Xây dựng Lực lượng Vũ trang sẵn sàng chiến đấu:

Tôn Ngộ Không xây dựng quân đội có quy củ, lấy cờ xí, kèn sáo để làm hiệu lệnh, lấy tre gỗ làm binh khí, đóng dinh hạ trại, tập trận tiến lui phải phép. Muốn chiến thắng quân thù, các vua chúa trên đời thì phải có binh khí sắc nhọn. Tôn Ngộ Không có cái nhìn tinh tế, có suy nghĩ đúng đắn khi xây lực lượng vũ trang - muốn chiến đấu dễ dàng có hiệu quả thì phải trang bị cho binh sĩ vũ khí tối tân. Với tài hô phong, hoán vũ, đi mây về gió biến hóa phân thân, Tôn Ngộ Không thực hiện kế hoạch cướp vũ khí của nước Ngao Lai rất nhanh gọn, trong chốc lát bọn khỉ ở động Thủy Liêm có đủ gươm giáo, cung tên sắc nhọn lợi hại không thua kém lực lượng quân đội trong xã hội loài người... Không bao lâu, dãy núi Hoa Quả sơn trở nên thành đồng, lưới sắt, không sợ bất cứ một thế lực nào bên ngoài đến tấn công xâm phạm.

Ý tưởng xây dựng lực lượng vũ trang hùng mạnh được trang bị vũ khí tối tân, thường xuyên luyện tập, sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ mặt đất của người xưa, có tính dự báo trước sẽ có những cuộc chiến tranh đẫm máu xảy ra trên mặt đất. Điều đó cho đến ngày nay vẫn còn là một mối lo toan hàng đầu của con người, biết đâu được lại chẳng có một cuộc chiến tranh giữa mặt đất với các hành tinh khác.

3/- Uy hiếp Long Vương:

Mặt đất và đáy biển là 2 thế giới khác nhau. Những sinh vật sống trên mặt đất không thể đi đến đáy biển và sống ở dưới nước được. Tuy vậy, Tôn Ngộ Không nhờ tu hành đắc đạo, đạt được phép thần thông, nên không chỉ chinh phục dược Long Cung mà còn lấy được của quý hiếm dưới đáy biển - đó là khối sắt ở đáy Thiên Hà.(Đó là cây gậy Như Ý). Ngày nay con người cũng đã khai thác lấy được từ đáy biển biết bao là của quý như: dầu khí, dược liệu, châu báu… Như vậy, việc chinh phục và khai thác đại dương, con người đã có ý đồ từ mấy ngàn năm qua. Người xưa bằng ý tưởng, bắt Long Vương phải cúi đầu hàng phục. Người nay bằng khoa học kỹ thuật, đã thâm nhập và hàng phục đại dương để giành lấy cuộc sống văn minh hạnh phúc.

Tôn Ngộ Không đã làm cho vua bốn biển hoảng sợ, hoàn toàn tuân phục - đó là ý tưởng cho thấy con người sẽ chiến thắng đại dương. Nói khác đi- trong cuộc chiến tranh giữa mặt đất và đại dương ngày nay, kẻ chiến thắng là mặt đất. Cuộc chiến tranh này sẽ đem lại cho con người cuộc sống phồn vinh và mặt đất ngày thêm giàu đẹp…

4/- Lên Trời

Người xưa tưởng tượng ra rằng: ngoài mặt đất, ở trên không trung cao xanh ấy có một cõi Thiên đình gồm nhiều chư Tiên, Thiên bình, Thiên tướng và Thượng Đế là vua trời cai quản cả Thượng giới (cõi trời), Hạ giới (mặt đất), Địa phủ (âm ty) và Long cung (đáy biển). Ở cõi trời cũng có sự sống và những người ở trên cõi ấy đều là Tiên, Thánh có phép thần thông tài giỏi hơn hẳn con người trên mặt đất. Đó là sự dự báo ngoài địa cầu của chúng ta có những hành tinh khác cũng có sự sống, có con người (người hành tinh). Ngày nay, các nước có trình độ khoa học kỹ thuật cao phóng những con tàu vũ trụ đến sao Kim, sao Hỏa, Mặt Trăng, ngoài những mục đích khác còn có mục đích tìm hiểu ở những hành tinh đó có sự sống hay không.

Con người đi đến các hành tinh khác và làm việc ở đó giống như Tôn Ngộ Không lên trời nhận chức Bật Mã Ôn. Điều này có tính dự báo người địa cầu và người hành tinh sẽ có sự giao lưu hòa hợp hơn là có chiến tranh. Việc Tôn Ngộ Không cứng đầu không chịu quỳ lạy tạ ơn Thương Đế. Đó là dự báo rồi đây con người sẽ chống lại Thượng Đế, phủ nhận Thượng Đế là chúa tể muôn loài…

5/- Đánh Trời lần 1 và lần 2

Thế là người địa cầu (Tôn Ngộ Không) và người hành tinh (Lý Thiên Vương, Na Tra) đã đánh nhau ác liệt. Điều này chứng tỏ người xưa đã tưởng tượng ra một cuộc chiến tranh với những vũ khí rất tối tân giữa người địa cầu và người hành tinh (ngoài địa cầu). Vũ khí của Na Tra và Ngộ Không dùng tuy là gậy sắt, gươm đao... nhưng là loại vũ khí rất tinh khôn, nó có thể lớn, nhỏ nhiều ít tùy theo tình thế và tùy theo ý muốn người sử dụng. Điều này dự báo trong tương lai loài người còn có nhiều loại vũ khí tối tân lợi hại hơn nữa.

Tóm lại, một cuộc chiến tranh cục bộ giữa người địa cầu và người hành tinh xảy ra như thế nào, tính chất ác liệt của nó đến mức nào, kết quả ra sao người xưa đã tưởng tượng, hình dung ra được. Tất cả những gì sẽ xảy ra cho địa cầu, từ mấy ngàn năm người xưa đã dự báo trước. Một điều ngày nay đã xảy ra là hiện tượng người hành tinh đến địa cầu bằng dĩa bay, theo báo chí phương tây thì đã có một vài người địa cầu đã bị bắt. Một điều nữa đã xảy ra là ngày nay có nhiều người chối bỏ Thượng Đế - Thượng Đế không còn ngự trị trong đời sống tâm linh của họ.

6/- Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung:

Công bình mà nói cái tội của Tôn Ngộ Không chưa đáng phải chết- việc ăn trộm đào, uống vụng rượu ngự, nuốt lén Kim đan, nói gạt một vài người, như thế mà kết tội chết ư? Loài người ở địa cầu tuy còn nhiều sân si mà vẫn không nỡ giết ai với tội trạng như thế. Vậy mà Thượng đế lại điều động một lực lượng lớn Thiên binh, Thiên tướng xuống địa cầu để bắt Tôn Ngộ Không đem đi giết chết rất dã man.

Trước những hành động dã man của Thượng đế và Thái Thượng Lão Quân, Tôn Ngộ Không nổi giận lôi đình là rất đúng- Người ta đã cố tình giết mình thì còn tình nghĩa, còn quý trọng được sao? Phải san bằng Thiên cung để trả mối thù. Tôn Ngộ Không đại náo Thiên đường một trận làm cho Thần, Tiên đến Ngọc Hoàng cũng phải hoảng sợ, phải đi cầu cứu Phật Tổ Như Lai. Điều đó dự báo sẽ có một lúc nào đó, người địa cầu sẽ tung hoành quấy phá các hành tinh, làm người hành tinh phải điên đảo hoảng loạn. Âu cũng là một sự tưởng tượng từ ngàn xưa, nhưng ngày nay lại là hiện thực - Con người đang phóng biết bao phi thuyền, vệ tinh... thám hiểm, đổ bộ lên mặt trăng, sao Kim, sao Hỏa...

(Hết Kỳ 1)

PHẠM VŨ

TÂY THI CÓ PHẢI LÀ GIÁN ĐIỆP

Đọc bài: “Tây Thi – nữ gián điệp đầu tiên trong lịch sử” do Đỗ Đức Thu – Huỳnh Nguyệt Anh sưu tầm, trang 66-67, bản tin số 49, tháng 6/2010, Câu lạc bộ Sách Xưa và Nay. Tự nhiên tôi cảm thấy người viết bài đó có vẻ khiên cưỡng, áp đặt vai “Gián điệp” cho Tây Thi.

Nếu ai đã đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Thập đại Mỹ nhân – Tây Thi” của Lợi Bảo do Ông Văn Tùng dịch, (25/1/2003) hẳn thấy rõ một điều. Người đẹp, có thể nói là đẹp nhất trong thập đại Mỹ nhân của Trung Quốc, Tây Thi, chẳng qua như một con vật tế thần của Việt Vương Câu Tiễn. Nàng là một trong những con bài trong âm mưu dùng “Mỹ nhân kế” để mua chuộc Vua Ngô Phù Sai. Một tên Vua tàn bạo nhưng háo sắc, tưởng Việt Vương thực lòng quy phục, đã cống nạp đủ thứ báu vật quốc gia và rất nhiều Mỹ nữ, khiến hắn mất cảnh giác nước Việt. Việt Vương Câu Tiễn sẽ kéo dài thời gian hòa hoãn khôi phục đất nước, chuẩn bị lực lượng, tích trữ lương thảo vv… đợi khi có thời cơ sẽ đem quân đi diệt Ngô trả mối hận thù bị mất nước, lại bị bắt làm tù binh và chịu khổ nhục kế nếm phân của Phù Sai.

Nói về Tây Thi, nàng đâu muốn bỏ mẹ già ở nhà một mình mà ra đi Sứ người. Tây Thi vốn thông minh nhân hậu biết cái nhục mất nước, nhục của Nhà Vua. Hơn nữa, ý Vua là ý trời, là thần dân được triều đình trực tiếp cử người đến tuyển người đẹp ở tình thế ấy nàng dù muốn hay không cũng phải đi. Nàng “cũng đành nhắm mắt đưa chân / để xem con tạo xoay vần đến đâu”.

Tây Thi phải sống chung với tên Vua tàn bạo Phù Sai có khác chi sống chung với hổ, sướng đấy nhưng phật ý nó thì chết lúc nào không biết. Chốn cung đình xa hoa, nhưng tai họa luôn rình rập. Ở đây đâu cũng là âm mưu, đâu cũng là mê hoặc, đâu đâu cũng là tội ác. Người vào cung, cửa cung sâu như biển, phải đoạn tuyệt với người thân, hồn như lìa khỏi xác, chẳng biết nương tựa vào đâu, mất đi cả niềm vui cuộc sống.

Nên có thơ rằng:

Không người thân, không bạn

Mất nước, lại mất nhà

Bên sông mưa gió dập

Lưu lạc một cành hoa.

Nếu nói Tây Thi là gián điệp, thì phải có mối liên hệ qua lại giữa Tây Thi với nước Việt chứ!

Ta thấy ở đây tuyệt nhiên không có chỉ đạo phải làm gì? Tây Thi cũng không phải báo cáo nội tình của nước Ngô. Do đó chính bản thân Việt Vương Câu Tiễn cũng mù tịt về tình hình ở nước Ngô nên có lúc sợ sệt, chán nản, mất cả ý chí phục thù.

Mặt khác mối quan hệ giữa Tây Thi và Phù Sai thế nào? Tuy Tây Thi là người con gái thôn dã chẳng những cực đẹp và thông minh mà nàng còn am hiểu sâu rộng nhiều lĩnh vực như: âm nhạc, múa, thế sự vv… làm cho Phù Sai luôn bất ngờ và khâm phục. Tây Thi cũng từng dám can gián Phù Sai như một “Quân sư” tin cậy, với cách nói thẳng thắn nhưng sâu sắc đầy sức thuyết phục khiến cho Phù Sai chẳng những không tức giận mà con vô cùng sủng ái nàng. Bởi vậy nên khi bị quân Việt vây bắt, Phù Sai biết không thể tránh khỏi thất bại đã sai người đi giết hết các cung tần mỹ nữ không cho lọt vào tay Câu Tiễn. Nhưng duy nhất tha cho nàng cùng mấy a hoàn phục vụ nàng không giết để mặc cho số phận định đoạt nàng.

Phù Sai là kẻ thù của nước Việt nhưng Tây Thi lại được Phù Sai sủng ái, tạo ra thiên đường nơi trần thế, cho nàng được sống tột đỉnh của vinh hoa phú quý, đời người như thế dễ mấy ai sánh bằng, còn mơ ước gì hơn? Tâm trạng Tây Thi không muốn phản bội Tổ quốc nhưng cũng không muốn phụ lòng sủng ái của Phù Sai. Cho nên sau khi nước Việt bình Ngô xong, Tây Thi cũng không quay về nước Việt với Câu Tiễn. Nàng quyết định cùng mấy a hoàn bơi thuyền ra giữa hồ rồi trẫm mình chết (theo truyện). Lại nói, Tây Thi lúc bị bắt đi mới 15-16 tuổi, ở nước Ngô sau 20-21 năm, Phù Sai mất thì tuổi Tây Thi lúc đó khoảng 35-37 gì đó chứ đâu đã về già.

Thực ra tin tức về Tây Thi rất ít nên cũng còn nhiều giả thiết và đấy chính là khoảng trống cho các nhà văn tha hồ thêu dệt. Tuy người đời còn bàn luận về Tây Thi nhiều nhưng cũng không thể trách nàng. Có người đã làm bài thơ:

Nước nhà khi thịnh khi suy

Người đời sao cứ trách Tây Thi

Nếu bỏ Tây Thi, Ngô mất nước

Việt kia mất nước tại ai đây?

Rồi hình bóng nàng đã biến đâu mất trong đầu óc họ. Dường như trên thế gian này vốn không hề có nàng.

Lê Minh Chử (4/7/2010)

THUỐC GIẢM MẬP

TÁC ĐỘNG TRÊN CƠ THỂ RA LÀM SAO?

Những người mập hay tự cho là mình mập thường trông đợi ở bác sĩ chỉ cho họ cách nào làm giảm cân mau lẹ và đỡ tốn công nhất: đặc biệt là kê toa một thứ thuốc giảm mập – Riêng ở Hoa Kỳ, thị trường thuốc loại này ước tính hàng năm đạt... nhiều tỷ đô la doanh thu cho các công ty dược... nhưng dân Mỹ vẫn có tỷ lệ béo phì hàng đầu thế giới!

Vậy trên thị trường (Hoa Kỳ) hiện nay có những thuốc nào nhằm mục tiêu này? Cơ chế làm cơ thể giảm cân của chúng ra sao? Và điều quan trọng hơn cả, dùng những thuốc này có an toàn cho sức khỏe không?

"Béo Phì là một căn bệnh kinh niên", theo lời BS Madelyn Fernstrom, Giám đốc Bệnh Viện Thực Hành Quản Trị Thể Trọng Trường đại Học Pittsburgh. Và như những bệnh kinh niên khác, căn bệnh béo phì có những mức độ trầm trọng khác nhau. Người ta đo các mức độ này bằng Chỉ Số Thân Khối (Body Mass Index (BMI)). Xin nhắc cách tính ra chỉ số BMI: Chỉ cần chia số cân nặng tính bằng Kg, cho số bình phương của số chiều cao tính bằng mét [CN (Kg) / CC2 (m)]. Chỉ số BMI càng cao thì bạn càng có nguy cơ phát ra một bệnh do bệnh béo phì dẫn tới.

Chỉ định Của Các Thuốc Giảm Mập.

· Bất cứ ai mà có một số BMI từ 30 trở lên là ứng viên tốt cần được kê toa dùng thuốc giảm mập.

· Hoặc là có mức BMI từ 27 trở lên, đi kèm với một căn bệnh hay gắn liền với béo phì, như đái tháo đường hay cao huyết áp thì cũng rất nên bàn với bác sĩ điều trị xin kê toa thêm thuốc giảm mập.

Hai Lọai Thuốc Hay Được Kê Toa .

Thông thường nhất hiện nay ở Mỹ là MeridiaXenical. Hai thứ thuốc này có cơ chế tác động trên cơ thể – và những tác dụng phụ kèm theo – rất khác xa nhau. Theo bà Fernstrom, hai thuốc này có thể hỗ trợ rất tốt cho tiến trình làm giảm cân, song cả hai đều không thể coi được là những “chiếc nỏ thần” dân Mỹ trông chờ để diệt giặc Béo Phì.

Meridia

Meridia không phải là một thứ thuốc triệt thèm ăn (appetite suppressant), tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng đến các trung khu điều khiển khả năng thèm ăn trong não. Thuốc tác động lên não theo cách của nhiều thuốc chống trầm cảm. "Meridia cho người ta một cảm giác tự kiềm chế (provides a sense of control) được bản năng thèm ăn của mình", theo bà Fernstrom. Bà cho thuốc này là lý tưởng đối với những người lúc nào cũng đói hay lúc nào cũng chỉ nghĩ đến ăn. Theo trang chủ của Meridia trên mạng Internet, các người ăn kiêng nào dùng thuốc này có thể trông mong giảm được ít nhất là 4 pounds (1.8 Kg) tháng đầu dùng thuốc.

Tác dụng phụ của Meridia thường nhẹ và gồm những chứng như:

· khô miệng,

· táo bón,

· mất ngủ,

· nhức đầu.

Một số người có thể biểu hiện triệu chứng tăng huyết áp đáng lo ngại, nên điều quan trọng là người nào dùng Meridia cũng nên được bác sĩ theo dõi đều đặn trong những tháng đầu.

Các Trường Hợp Chống Chỉ Định Tuyệt Đối Meridia

Theo ý kiến của GS TS David Allison, giảng viên tại Khoa Thống Kê Sinh Học và Trung Tâm Nghiên Cứu Dinh Duõng Lâm Sàng Tại Trường Đại Học Bang Alabama ở Birmingham, thì có chống chỉ định hoàn toàn thuốc Meridia đối với các đối tượng sau đây:

· Những nguòi nào sẵn bị cao huyết áp không ổn định hay kém ổn định.

· Trẻ em duói 16 tuổi.

· Tất cả những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc chống trầm cảm hay thuốc trị đau nửa đầu (antidepressants or migraine medications).

· Các phụ nữ mang thai hoặc có thể có bầu vì thuốc có khả năng gây dị tật cho bào thai.

Xenical

Mới được đưa vào thị trường Việt Nam (4/2003) Xenical, còn có tên biệt duọc là Orlistat, có tác dụng ngăn cản hấp thu của một phần ba lượng chất béo ăn vào. Phần dầu, mỡ không được hấp thu sẽ bị tống xuất theo phân ra ngoài: Đó là nguyên nhân chính gây ra các tác dụng phụ gây phiền toái cho người uống:

· Bị đi tiêu ra “phân mỡ”

· Bị xình hơi,

· Hay bị trung tiện (đánh rắm)

· Hay mót đi cầu.

Theo bà Fernstrom, các tác dụng phụ này sẽ bớt đi với thời gian, tuy nhiên những chứng trên đây có thể hoành hành tệ hơn, nếu người uống thuốc lỡ “quên đi”, ăn vào quá nhiều dầu mỡ! Địa chỉ Web site của Xenical trên mạng Internet thì xác định rằng trong một công trình nghiên cứu, các đối tượng vừa uống Xenical vừa theo một chế độ ăn giảm năng lượng, đã giảm được 13.4 pounds (6 Kgs) trong 1 năm, trong khi những đối chứng chỉ ăn kiêng không thôi (không dùng Xenical) chỉ giảm đuọc có 5.8 pounds (2.6 Kgs) thôi trong cùng thời gian.

Cũng bởi lẽ một phần ba lượng chất béo ăn vào không được hấp thu, nên Cơ Quan Quản Lý Thực Dược Phẩm FDA Hoa Kỳ cũng khuyến cáo những người dùng thuốc Xenical mỗi ngày cần uống thêm một liều thuốc bổ hàm chứa các sinh tố tan trong chất béo A, D, E và K, cũng như beta carotene.

Bà Fernstrom cũng nhắc những người hay bị rối loạn tiêu hóa như bi Hội Chứng Ruột Kết Dễ Bị Kích Thích (Irritable Bowel Syndrome) hay bị kém hấp thu (Malabsorption) thì, tốt hơn cả, đừng nên uống thuốc Xenical.

Thuốc Bổ Sung Tiết Thực (Dietary Supplements)

Dexatrim, Metabolife, Stacker 2 – ngoài 3 thứ thuốc có thể mua được ở Mỹ, không cần toa, danh sách các loại thuốc bổ sung cho chế độ ăn kiêng càng ngày càng dài thêm. Theo bà Melinda Hemmelgarn, Cử Nhân Khoa Học (MS) Chuyên Viên Tiết Thực Có Đăng Ký (Hành Nghề) R.D., điều phối viên của Trung Tâm Truyền Thông Dinh Dưỡng tại Trường Đại Học Bang Missouri-Columbia, đa số những thuốc này có tác động kích thích hệ thần kinh trung ương làm người ăn hết thèm ăn. (suppress the appetite).

Tên thuốc thì nhiều, song đa số đều có chung một thành phần nguyên liệu có hiệu lực (active ingredient) là ephedrine, còn có tên gọi là ephedrama hoàng. Từ nhiều năm nay Ephedrine đã được nghiên cứu kỹ lưỡng đặc biệt là vì – ít nhất ở Hoa Kỳ – thay vì dùng thuốc này để trị suyễn, có nhiều người tự động dùng thuốc này với mục đích duy nhất là để giảm cân và đã bị phải nhiều tác dụng phụ, thậm chí bị tử vong vì dùng quá liều.

Có tình trạng nghịch đời là việc mua bán và phân phối các thuốc thuộc loại “thuốc bổ sung tiết thực” (dietary supplements) không hề được luật lệ nào quy định như các dược phẩm được kê toa hẳn hòi hay ngay cả những loại thuốc được phép bán không cần toa (OTC drugs), nên Cơ Quan Quản Lý Thực Dược Phẩm FDA không có thẩm quyền cấm chỉ các loại thuốc này nếu không hội đủ bằng chứng cụ thể không thể chối cãi được là các tác dụng phụ chính là do thành phần ephedrine của các thuốc này.

Tác dụng phụ nguy hiểm của Ephedrine chính là trên nhịp tim và mức huyết áp theo bà Fernstrom. Bà khuyến cáo "Bạn phải hết sức cẩn thận khi dùng những thuốc có ma hoàng ephedra" "Những hợp chất này giống như amphetamine (amphetamine-like). Người ta cứ cho là vì nó có nguồn gốc thiên nhiên, nên dùng nó an toàn. Nếu nói thế thì Thạch Tín (Arsenic) cũng có nguồn gốc thiên nhiên vậy!"

Trên thị trường cũng có một một số thuốc giảm mập không có ephedrine, song GS Allison cho là cần phải xét lại hiệu quả của chúng đồng thời cũng phải xét luôn cả khía cạnh xử dụng an toàn nữa.

Cuối 2000 Cơ Quan Quản Lý Thực Dược Phẩm FDA đã ra thông báo kêu gọi dân chúng tránh đừng dùng tất cả những thuốc cảm hay triệt thèm ăn mua được không cần toa (OTC cold remedies or appetite suppressants) hàm chứa PhenylPropanolAmine (PPA), vì chất này có thể gây đột quỵ xuất huyết đặc biệt là ở phụ nữ trẻ (hemorrhagic strokes, especially in young women). Mà thuốc cảm thì có rất nhiều biệt dược có PPA. Để thay thế, FDA khuyên nên chọn những loại thuốc cảm hay nhỏ mũi (có chất chống sung huyết làm nghẹt mũi) hàm chứa pseudoephedrine. Tuy nhiên PPA là dược liệu có thể mua không cần toa để giảm cân nên tốt nhất có muốn dùng cũng nên hỏi ý kiến BS điều trị. FDA cũng đã thuyết phục các nhà sản xuất chất PPA có nguy cơ gây đột quỵ xuất huyết – là một dạng đột quỵ hiếm gập nhưng nguy hiểm vì dẫn tới chết hay bị tàn tật, những ai có “nhiều yếu tố nguy cơ” khác như huyết áp cao, thường hút thuốc, uống rượu, và dùng thuốc làm lỏng máu (blood-thinning medicines)… thì càng nên tránh.

Thế cho nên Hội Các Sản Phẩm Chăm Sóc Sức Khoẻ Người Tiêu Dùng (the Consumer Healthcare Products Association) đã tài trợ cho Đại Học Yale thực hiện một cuộc nghiên cứu 5 năm so sánh 702 bệnh nhân đã thoát khỏi đột quỵ xuất huyết (hemorrhagic stroke survivors) tuổi dưới 50 với 1,376 người “đối chứng” tương đương chưa bao giờ từng bị đột quỵ cả. Mục đích cốt để xem việc xử dụng PPA ở người bị đột quỵ có thường xuyên hơn so với người khoẻ mạnh không. Kết quả cho thấy là thuốc PPA làm tăng nguy cơ bị đột quỵ cho phụ nữ trẻ – chứ không cho nam thanh niên – trong 2 tình huống: trong vòng 3 ngày sau khi dùng loại thuốc giảm thèm ăn có hàm chứa PPA (PPA-containing appetite suppressants), hoặc trong vòng 3 ngày sau khi uống liều PPA đầu tiên vì bất cứ lý do gì. Chẳng ai hiểu tại sao lại tác hại như vậy,mặc dù đôi khi xử dụng PPA lần đầu làm tăng huyết áp trong chốc lát rồi hiệu ứng đó cũng giảm dần đi khi cơ thể quen với thuốc. Nguy cơ cao nhất là với các liều cao – trên 75 mg/ ngày là những liều những người “ăn kiêng” giảm cân thường dùng. Tuy vậy Cơ Quan FDA rốt cuộc đã kết luận là không thế nào tiên lượng được là đối tượng nào dùng PPA có nguy cơ cao nhất. Đành rằng PPA có hiệu quả cao để làm thông mũi lợi đó bất cập với những tác hại “chết người” như chơi nên FDA cuối cùng quyết định thu hồi tất cả những biệt dược nào có hàm chứa PPA.

"Không có gì phải la hoảng – đây là một sự kiện rất hiếm khi xẩy ra," theo lời ông Ganley. "Tuy nhiên dù là hi hữu, sự việc này cũng không thể nào đảo ngược lại được".

Muốn Mau Giảm Mập?

Các viên thuốc giảm mập thường hấp dẫn những nguòi muốn xuống cân mau. Mà tâm lý nhiều nguòi muốn giảm mập thì lại muốn cái gì cũng cho mau, mà họ thì bận (học, công việc vv...) “không có thì giờ… tập thể dục”, ít để ý đến chế độ ăn? Tất cả các chuyên gia trên đây đều nhất trí khuyên các người béo phì nôn nóng muốn ốm là “Đừng trông chờ phép lạ. Tất cả các thuốc này có hiệu quả, nhưng khiêm nhường thôi”. Theo GS Allison "Trong các công trình nghiên cứu đạt kết quả tốt nhất, hiệu quả đáp ứng điển hình với thuốc là bệnh nhất trút bỏ đuọc 10 % số cân nặng của mình – kể từ lúc bắt đầu dùng thuốc. Tuy nhiên, kết quả này không được lâu bền, vì ngưng uống thuốc thì lại lên cân trở lại"

GS Allison cũng nhắc nhở "Mọi thứ thuốc và mọi chất có hoạt tính dược liệu đều có tác dụng phụ người ta cần phải biết và không nên coi thường". GS Allison, Bà Fernstrom và Bà Hemmelgam, cả ba chuyên viên đều nhất trí là thuốc chỉ có hiệu quả tốt nếu những người dư cân có thiện chí chịu thay đổi nếp sống của mình – theo hướng lành mạnh hóa, dĩ nhiên: tăng hoạt động chân tay, giảm năng lượng và chất béo trong bữa ăn hàng ngày, tránh những thói quen độc hại như hút thuốc, uống rượu vv...

BS Nguyễn Lân-Đính

Chuyên viên dinh dưỡng

MÈO & CỌP

10 điều Mèo hấp dẫn hơn Cọp

Thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi ngồi tán gẫu, các ông lại kháo nhau: “Phở ngon hơn cơm”. Nhưng vì sao như vậy?

Không phải vô cớ mà người ta gọi bồ bịch là mèo, còn gọi vợ là cọp cái, sư tử Hà Đông.... Tất nhiên cũng có người thế này, người thế khác. Đôi khi ta cũng gặp những con cọp... hiền lành, còn trong đám mèo cũng không hiếm những con dữ dằn, ghê gớm.

Cọp và mèo tuy cùng một... phái tính (giới), nhưng đi vào chi tiết, sau những cuộc thăm dò và nhiều năm “nghiên cứu”, người ta đã tìm ra 10 lý do khiến đàn ông thích “mèo” hơn “cọp”.

1. Mèo không bao giờ cáu gắt, quát tháo ầm ĩ hay gầm gừ như cọp, mà luôn luôn dịu dàng, âm yếm kêu “meo meo” nghe thật êm tai, dễ chịu.

2. Mèo bao giờ cũng sạch sẽ thơm tho, trong khi cọp nhà thì đầu bù tóc rối.

3. Mèo thích được dắt đi chơi, thường xuyên biết nũng nịu, mơn trớn chứ không mau quên thuở mới yêu nhau như cọp.

4. Vuốt ve mèo mang lại cảm giác mềm mại, sung sướng trong khi ít ai có đủ can đảm vuốt vẹ... cọp.

5. Mèo ăn uống nhỏ nhẹ, từ tốn (đôi khi từ từ nhưng rất tốn, mà điều này không đáng kể). Còn cọp chẳng biết giữ gìn ý tứ, lắm khi còn ra điều “thuyết giáo” ngay trong bữa ăn.

6. Mèo biết (hoặc tỏ ra biết) nghe lời, làm cho đàn ông có cảm tưởng mình là chúa tể sơn lâm, trong khi cọp thì chỉ muốn thống trị.

7. Mèo không lục túi sau mỗi kỳ lương, không càu nhàu khi đàn ông đi về trễ.

8. Mèo không bao giờ chì chiết, kể lể, hay làm mất mặt đàn ông giữa đám đông, nhất là mỗi khi có bạn đến chơi nhà...

9. Mèo có thể dự thi hoa hậu, nhưng cọp thì không. Trên thế giới đã có những cuộc thi hoa hậu dành cho mèo, cho chó nhưng không có cuộc thi hoa hậu nào dành cho... cọp cả!

10. Nếu có lúc nào đó không may lỡ bị mèo quào, thì cũng chỉ thêm thi vị cho cuộc sống. Còn cọp mà nhe nanh thì chỉ có từ chết tới bị thương thôi!

10 điều Mèo thua xa Cọp

Hmmmm, chỉ có vậy thôi đấy à. Xin cống hiến thêm cho kho “tàn” của qúy ông nhá.

1. Mèo biết danh phận chỉ là temporary thôi, cho nên mèo phải làm hết khả năng để “lượm” cái commitment của mí ông. Mèo rất ư là “thủ đoạn”. Khi mí ông committed rồi, thì mèo sẽ hóa ra cọp đấy!

Nếu mèo mà 1 ngày làm 8 tiếng, về nấu cơm (hôi mùi đồ ăn) cho chồng cho con, và rửa chén, dạy cho con làm homework, cuối tuần phải clean nhà, chở con đi chơi... thời gian mình dành cho chính bản thân mình thì... chả còn bao nhiêu để làm đẹp... cho nên dễ bực mình... thì mèo sẽ biến thành cọp.

2. Nếu thời gian của cọp đã dành hết cho những người thân thương như chồng và con, thì chả còn thời gian để điểm phấn tô son thì làm sao mà thơm tho như Mèo. Còn mèo thì ăn không ngồi rồi (vì có mí ông nuôi mà lỵ) chỉ trông mong thời gian mau qua để gặp mặt mí ông vào những buổi hẹn, cho nên mèo ráng cố gắng làm đẹp, thơm tho cho mí ông khoái. Nhưng nếu mèo gần mí ông 24/24 thì cũng một rứa như cọp.

3. Nếu mí ông xôm tụ muốn đi chơi thì hỏi cọp trước coi cọp có muốn đi không? Bảo đảm là muốn, nhưng với điều kiện là mí ông giúp cọp làm xong công chuyện cho cọp đỡ mệt thì cọp đi mới enjoy được.

4. Ngày xưa mí ông không muốn vuốt ve cọp thì làm sao mí ông muốn rước cọp về làm vợ? Đúng là có mới nới cũ, không như cọp -- chung tình... cứ nghĩ rằng chồng mình sẽ thương mình dù thời gian có đổi thay.

5. Cọp thuyết giáo trong buổi ăn là tại vì cọp nấu cơm tối xong rồi mời mí ông vào bàn mà mí ông cứ tỉ tê với computer không chú ý mà thèm vào bàn ăn, hoặc bận... ngồi mơ màng về mèo.

6. Mèo chưa muốn vuốt móng làm trời vì dĩ nhiên mí ông sẽ sợ... gài số de. Mèo thì dĩ nhiên “ham mỡ” cho nên mấy ông thử không chi “mỡ” ra thì mèo sẽ vuốt tay, phủi lẹ ra đi... theo ông khác. Hey, who says life has to be fair?

7. Mèo không có quyền lục túi sau những kỳ lương vì mèo không có cái mốc nối như cọp qua những mí cọp con. Mèo không càu nhàu vì mèo không có mèo con để hỏi “Bố đâu?” khi khuya mà chưa thấy mí ông về nhà.

8. Mèo muốn được điểm của bạn của mí ông để tẩy chay cọp.

9. Mèo chỉ là loại “thú” bình thường (tuy có vài giống rất qúy) cho nên dư dả để đi thi hoa hậu. Nhưng cọp là giống quý, khó tìm và được bảo vệ cho nên không bao giờ sẽ được đi triển lãm, mất màu hết thì sao? Dù sao đi nữa, thì quí zị trả tiền vào sở thú để coi cọp chớ có bao giờ vào sở thú mà nói để gặp mèo bao giờ nhỉ? Muốn nuôi mèo cũng dễ vì chạy tọt vào Humane Society là có FREE ngay

10. Cọp có dữ mấy thì cũng không ăn thịt con. Và dĩ nhiên thương chồng thì dù có càu nhàu cách mấy thì cuối cùng vẫn thương qúy ông như thường dù qúy ông đã bao lần làm tổn thương đủ mọi mặt với cọp.

Nhưng dù khoái mèo cho mấy, qúy ông cũng bỏ cọp hông đành. Vì thà có còn đỡ hơn không mà hỉ? Phở ngon hơn cơm hay không thì không biết, nhưng qúy ông tham quá thì có ngày không có phở hoặc cơm để lót lòng đó.

Mạnh Đoàn st

Chuyện có thật tặng những ai ba tuần lễ trước 0 giờ ngày 1.1.2000

đã đi khuân về rất nhiều gạo và nến để… chống Tận Thế.

Chúa Jésus đã giảng dạy cho các môn đệ của Ngài ở trên núi Sọ, và các thánh Tông Đồ như Luc, Marc, và Mathieu đã rao giảng lại những lời của Chúa – những lời mà các bạn cũng có thể tự mình tìm đọc trong Kinh Thánh. Các bạn sẽ nghe nói về những trận chiến, những lời đồn đại về chiến tranh và bạo loạn, nước nọ nổi dậy chống lại nước kia; sau đó sẽ có dịch bệnh, đói kém, động đất cùng đủ loại thiên tai khủng khiếp. Và đây cũng chính là khúc dạo đầu của Ngày Tận Thế.

Nhưng dù là Con của Đức Chúa Cha đi nữa, Ngài cũng không giữ được độc quyền về cái khoản “tiên tri”. Trong các loại Kinh Thánh của người Hòa Lan, sự mô tả còn thập phần kinh hãi hơn. Đây cũng chính là các sự mô tả mà Joshua, nhân vật chính trong câu chuyện này, đã lựa chọn để rao giảng: có thể gọi tựa đề là Ngày Tận Thế dưới cái nhìn của Thần Odin.

Với nước da ngăm đen, vóc người gầy ốm như que tăm, râu ria sồm soàm, đôi mắt sâu hoắm, trân trân như được bắt vít vào khuôn mặt tái đen, Joshua đang đứng dang rộng hai tay trên tòa giảng nơi thánh thất của hắn ở Benson, lúc này đang đầy nhóc các tín đồ đang run sợ lắng nghe một cách thành kính những lời hắn rao giảng:

“Trái đất sẽ bước vào một hời kỳ lộn lạo hỗn mang, vạn vật trở thành bát nháo lạc lõng. Các thành viên trong các gia đình không còn phân biệt nhận biết được nhau nữa, tôn ti trật tự biến hẳn khỏi mặt đất, để lại phía sau toàn loạn luân, ngoại tình, giết chóc và cướp bóc. Con người sẽ trở lại thời kỳ đồ đá, hoang dã, bão loạn, hồng thủy… thời kỳ của loài sói hung dữ và lũ sói hoang này sẽ nuốt trọn mặt trời. Sẽ có ba mùa đông liên tục dài dăng dẵng và hầu như sẽ chẳng bao giờ còn mùa hè. Mặt đất sẽ bị bao phủ bởi băng giá và tuyết dày, mặt trời sẽ chết, mặt trăng sẽ bốc hơi, và các tinh tú sẽ tan biến trong vũ trụ bao la hãi hùng. Núi non sẽ trở mình cách dữ tợn, đất cát sẽ “nhá” hết cây cỏ, khiến chúng tất thảy đều bị bật gốc, cả các mỏm đá cũng theo nhau sụp đổ và biển cả sẽ “mửa” ra tất cả các loại cá lớn bé, các rong rêu, các khối san hô. Con người sẽ trở thành những xác hôi thối và sẽ tan biến thành cát bụi trong những vực thẳm vô đáy.”

Trên đây là những lời giảng dạy của Joshua, ông Đạo Khùng ở tỉnh Benson (bang Arizona) hồi năm 1960. Một người bình thường nào đó không bị lôi cuốn bởi Joshua tất sẽ cho là hắn điên và anh ta sẽ có lý khi cho là hắn như vậy. Tên Đạo Khùng này đang đơn giản tái tạo lại những nỗi sợ kinh hoàng hồi năm 1000, tức là hồi cuối Thiên Niên Kỷ thứ nhất.

Chúa Jésus đã giảng dạy rằng sau Ngài sẽ có Ngày Tận Thế, và vì Ngày Tận Thế chưa tới, các nhà thần học thời Trung Cổ đã kết luận là mọi người đã hiểu sai những lời Chúa rao giảng, và họ tin chắc là Ngày Tận Thế sẽ đến vào cuối năm 1000 sau Thiên Chúa.

Kể từ lúc đó, những con người khốn khổ thời Trung Cổ đã sống trong sự sợ hãi lo âu, và Tây Phương coi như đã vội vã lo làm chúc thư… Người ta ai nấy cũng hiến tài sản, của chìm của nổi cho giới Tăng Lữ đề đền tội và để mong được sự cứu rỗi. Một số lượng tài sản khổng lồ đã vì thế mà rơi vào tay giới Tăng Lữ, có thể nói giới Tăng Lữ đã phất lên từ dịp đó. Ngày cuối cùng của Thiên Niên Kỷ thứ nhất đã tới… Trái đất vẫn vững như bàn thạch và giới Tăng Lữ cũng không hoàn trả lại các tài sản họ đã nhận được một cách tự nguyện và vô tội vạ. Và cũng từ đó, giới Tăng Lữ luôn luôn hết sức thận trọng khi nói tới chuyện Tận Thế. Nhưng Đạo Khùng Joshua thì không sợ hãi e dè gì vì hắn thuộc loại “điếc không sợ súng”. Cũng như nhiều tên đạo sĩ và thầy bói thầy toán trước hắn, hắn lại ca lại bài ca Tận Thế một cách vô tư, và còn hơn nhiều tên đạo khác, hắn tỏ ra rất láu cá. Những tên trước hắn có thể e dè về vấn đề các con số, nhưng Joshua thì không!

Năm 0 không có gì, năm 1000 cũng không có cóc khô gì, vậy thì đương nhiên là phải đợi tới năm 2000… Phần hắn, hắn đã bắt đầu sự nghiệp tiên tri từ năm 1957, cách đây gần 50 năm… Hắn không “mặn” việc đợi chờ cho tới năm 2000 và hắn đã tự động tính toán lại: hắn cộng tuổi thọ của chúa Jésus và căn cứ trên sự vận chuyển của mặt trời, mặt trăng để đi đến kết luận là Ngày Tận Thế sẽ xảy ra vào năm 1960. Hắn có 3 năm để thuyết phục những ai tin theo hắn và hắn đã bắt tay vào việc. Trong một trang trại rộng mênh mông, đã có thời là một xưởng sửa xe ở gần một khu dân cư đông đúc ở Benson (bang Arizona), hắn đã thiết lập một “thánh thất”, và đã quy tụ được hơn hai trăm tín đồ của hắn đang dỏng tai chăm chú nghe những lời dặn dò cuối cùng đầy tính dung tục của hắn: đó là hãy tích lũy đồ ăn, thức uống và các đồ dùng cần thiết tại “thánh thất” của hắn để lo chống Tận Thế. Thịt bò hộp, bánh mì khô, bắp ngô rang, sữa hộp, sữa bột, hàng trăm loại đồ hộp khác nhau, dầu hôi, nến vv… được các tín đồ của hắn khệ nệ bưng lại chất đầy ngôi “thánh thất”. Ai nấy đều phải mang lương thực của mình đóng góp vào kho lương thực chung. Joshua rêu rao là “thánh thất” của hắn sẽ được bảo vệ chống lại sự Tận Thế, và chỉ có các tín đồ của hắn là thoát khỏi móng vuốt của tử thần và còn tồn tại sau Ngày Tận Thế. Kể cũng hơi tức cười khi thấy có những người sống ở thế kỷ 20 này mà lại để bị gạt như vậy! Nhưng thực tế còn tệ hại hơn bội phần vì Joshua đã thành công ngoài sức tưởng tượng của mỗi người. Hắn hiện đang có trước mắt và dưới chân hắn hơn hai trăm con người sống trong lo âu, sợ hãi vì tin tưởng một cách sắt đá rằng họ sẽ phải trải qua Ngày Tận Thế, và vì lo sợ, mấy tháng nay những con người khốn khó đó ăn không ngon, ngủ không yên. Tên Đạo Khùng này có ưu thế rõ rệt so với các tên đạo khác vì hắn không hành đạo vì tiền, chính thức không phải vì tiền. Thường thường thì các loại ông đạo như hắn luôn luôn tìm mọi phương kế để moi tiền tín đồ: có kẻ đã đóng những con tàu của ông Noé hoặc đã tuyên bố xây cất những đền thờ ma mãnh nào trên đỉnh núi, nhưng Joshua thì không, vì hắn không hề xin ai một xu. Hắn sống như một ẩn sĩ, ăn chay trường, và chỉ luôn luôn mặc một áo thụng trắng dài chấm gót chân, được thắt bằng một sợi dây thừng ngang lưng, đôi lúc không được sạch sẽ cho lắm. Tỏ ra mình thuộc loại “đạo sạch”, Joshua cũng không tham dự gì vào cuộc sống của những cư dân trong khu vực. Đã từ ba năm nay hắn không hề bước chân ra khỏi “thánh thất”. Thận trọng, hắn không hề đi rao giảng nơi phố phường đông đúc mà chỉ ở lỳ trong “thánh thất” để các tín đồ tự tìm đến với hắn.

Việc hắn thu nạp tín đồ đầu tiên và rao giảng ra sao với người đó là một điều bí mật không ai hay biết. Giờ đây số tín đồ trung kiên đã lên tới trên hai trăm người, và những người này đang sống trong sợ hãi.

“Hỡi các anh chị em! Các anh chị em hãy mau về nhà gọi bố mẹ, vợ chồng, con cái và mang họ lại ngay “thánh thất” này. Hãy mau từ bỏ mọi của cải thế gian phù du, đã tới giờ phút chúng ta phải tập họp lại. Tôi đợi các anh chị em vào lúc rạng sáng ngày mai, chúng ta sẽ cùng sống qua ngày cuối cùng của trái đất; sau đó chúng ta sẽ trở thành những người bất tử!”

Thế là niềm sợ hãi đã được gieo rắc vào trong lòng lũ tín đồ líu ríu như đàn “cừu non” và Joshua vừa tạo ra một nỗi kinh hoàng mà người dân thành phố Benson sẽ phải lâu lắm mới có thể quên nổi, cho dù nỗi kinh hoàng này chả có gì liên quan tới việc Tận Thế!

Số hơn hai trăm tín đồ tới tham dự buổi giảng đạo cuối cùng của tiên tri Joshua thông báo Ngày Tận Thế gồm đủ hạng người: già có, trẻ có, thợ thuyền có, nhân viên văn phòng có, người thất nghiệp có, và đặc biệt là có rất nhiều quý bà, quý cô… vì đương nhiên các bà, các cô là những tín đồ trung kiên nhất trong giáo phái Joshua. Trong số nhũng người đó, Myrna Strukman là thí dụ điển hình nhất.

Đó là một thiếu phụ khoảng 40 tuổi có làn da hơi tai tái và mái tóc đã hơi bạc. Từ hai năm nay nàng đã tham dự rất đầy đủ các buổi thuyết giảng của Joshua và nàng luôn luôn mang theo đứa con trai 15 tuổi tên là Robert. Buổi chiều ngày 20 tháng 6 năm 1960 này, Myrna và Robert rời thánh thất lòng tràn đầy nỗi sợ hãi.

Vừa về đến nhà, người mẹ đã vội vã thu vén toàn bộ số tiền ít ỏi của gia đình, sau đó Robert được lệnh phải đi mua lương thực và phải trở về “thánh thất” trong thời gian ngắn nhất.

Myrna thu xếp áo quần vào ba lô, tắt ga và điện và viết mấy chữ mà nàng để lại cho chồng ở trên cái bàn ở trong bếp:

“Bố thằng Bob,

Dù anh không chịu tin em, nhưng lần này đã thật sự tới Ngày Tận Thế, Thầy Joshua sẽ che chở cho chúng ta. Hãy đến ngay với mẹ con em, em van anh đấy, bằng không cơn thịnh nộ của Thượng Đế sẽ đổ xuống đầu chúng ta. Amen.” Chiều hôm đó, khi nàng rời khỏi nhà thì đồng hồ đáng đúng bảy tiếng. Trong thành phố một số người buôn bán đã bắt đầu thấy nghi ngại, dao động. Họ hầu như bị vét nhẵn các loại lương thực và đồ gia dụng. Tình thế y như sắp có chiến tranh bùng nổ. Có người trong bọn họ đã mang sự việc này báo cho cảnh sát biết.

- Có những người mua những số lương thực hàng hóa nhiều khủng khiếp mà lại mua chịu mới chết chứ!”

- Vậy thì ông muốn chúng tôi phải làm gì? Họ có dọa nạt gì ông không?

- Dạ không.

- Vậy thì phải để họ mua thôi, họ có quyền muốn mua gì thì mua mà!

- Nhưng có chuyện gì xảy ra vậy? Là cơ quan cảnh sát các ông phải biết chứ! Những người đi mua hành động như người điên, tôi có nghe thấy có kẻ nói lảm nhảm gì về Ngày Tận Thế hay bom nguyên tử gì đó. Phải ngăn chặn họ lại để đừng gây náo loạn mới được!

- Đâu có bắt người dễ như vậy được. Muốn bắt ai chúng tôi phải nhận được đơn thưa đúng luật mới bắt được!”

Khi trả lời như vậy và khi không có phản ứng gì, lấy cớ là vì không có ai thưa gửi hoặc làm gì phạm pháp, viên sĩ quan cảnh sát đã không thể biết trước được là đang có một người sắp mất mạng.

Vào lúc 10 giờ đêm, tất cả các tín đồ đã tề tựu đông đủ quanh Joshua. Người ta đã đóng kín hai cánh cửa lớn đưa vào “thánh thất” và chốt lại sau hai cánh cửa đó cả một rừng người và hàng hóa lương thực. Trong số đó có cả một số em nhỏ còn phải bồng trên tay.

Đứng chót vót ở trên bực cao, Joshua đang lâm râm khấn vái và đọc thần chú, bố ai biết được hắn đang thực sự làm gì!

Chìm trong hàng hàng lớp lớp tín đồ “cừu non”, Myrna Strukman và Robert cũng lâm râm khấn theo Joshua.

Vào 10 giờ rưỡi, bỗng có tiếng đập cửa râm ran nơi cửa chính của “thánh thất”. Người đang đập cửa là Lee Strukman, chồng của Myrna và cha của Robert. Đi tháp tùng với anh ta là khoảng 20 ông chồng “mất vợ” khác, nét mặt hầm hầm giận dữ.

- Đồ điên! Em phải về ngay! Sao em dám lôi con anh tới chỗ bọn điên khùng này?

- Anh không có quyền ngăn cấm em và con được sống. Ngày Tận Thế đến rồi anh biết không? Anh đâu có bao giờ chịu hiểu! Hãy ở lại đây với em và con, em van anh đấy!

Lee Strukman hết hiểu nổi. Chả biết chuyện gì đã xảy ra khiến Myrna trở thành điên khùng như vậy? Từ trước đến nay chàng không mấy để tâm tới các buổi hội họp của nàng, tới các lời cầu nguyện và tới những lời nàng thường xuyên than van là nhân loại sắp diệt vong. Chàng chỉ nghĩ rằng nàng bị phần nào ảnh hưởng bởi một vài giáo phái lẩm cẩm, không đáng bận tâm, không có gì để phải làm ầm ỹ!

Ngay khi vào bếp và tìm thấy mấy dòng nàng viết để lại, chàng cũng chưa thực sự hiểu rõ vụ việc ra sao. Chàng chỉ tính đi tìm và khuyên vợ trở về, đơn giản thế thôi. Nhưng trên đường đi chàng đã nghe biết được khá nhiều chuyện. Chàng đã hiểu rõ vụ Tận Thế là do ông Đạo Joshua, một kẻ tự cho mình là một thứ Noé thời hiện đại, đã hoang tưởng ra, và điều đáng hận nhất là vợ và con trai của chàng lại đang kẹt ngay giữa đám người điên khùng rồ dại đó!

“Em phải về ngay Myrna ạ, thế này là quá đủ rồi!”

Tới nơi, Lee Strukman đã không ngờ sự việc lại đang diễn ra như vậy. Vợ chàng đã biến thành một người điên đang lên cơm: đôi mắt lạc thần của nàng mở to như muốn rách kẽ, miệng nàng lải nhải những lời khẩn cầu chàng ở lại… Nàng đã trở thành một con điên, một con điên thật sự! Khổ nhất là thằng nhỏ cũng có cái nhìn lạc thần, cũng đang sợ hãi đến run rẩy giống mẹ nó…

Trong hoàn cảnh đó, Lee Strukman, kẻ phàm phu chân chất đã thực sự bị bối rối trong giây lát. Qua những song sắt to kềnh của cánh cửa, chàng đưa mắt nhìn quanh và thấy rất nhiều kẻ điên khùng khác đang quỳ gối hướng về phía tên Đạo Khùng đang giang tay khấn vái trời đất, và chàng đã hét lớn: “Có giỏi thì mở cửa ra đây, lũ gà chết! Joshua hãy ra đây, bằng không bọn tao sẽ đạp vỡ cửa và vỡ đầu mày luôn!”

Để trả lời, Joshua ra dấu cho cử tọa của hắn khấn và hát to hơn lên để Thượng Đế nghe thấy tiếng của họ và bảo vệ họ chống lại lũ người dữ dằn ở ngoài cửa. Nhưng, Lee Strukman là một hán tử cao 1 mét 85 nặng gần 100 ký, mà việc làm chính là hái khoai tây quanh năm nên chàng chẳng chịu nghĩ tới Tận Thế Tận Thiếc gì cả, và chàng thật sự cũng chẳng cần nghĩ tới làm quái gì. Điều chàng muốn chỉ là lôi vợ và con mình về, đơn giản thế thôi! Những người chồng mất vợ khác đang đi cùng với chàng cũng chỉ cần như vậy thôi.

Những cú đấm và những cú đá rầm rầm vào cánh cửa đã nói thay cho chàng và họ.

“Joshua, nếu mày không mở cửa, chúng tao sẽ thiêu trụi thánh thất của mày luôn!”

Joshua càng đắm mình thêm vào những lời cầu nguyện và sau đó hắn đã tận dụng ngay sự nóng giận của Lee Strukman và đồng bọn để làm một chứng cớ nhãn tiền cho thấy những lời thuyết giảng mà hắn hiện đang nhắc lại với cộng đồng là chính xác: “Sẽ không còn gia đình thân tộc gì, con người sẽ cắn xé nhau dữ dằn, các anh chị em đã thấy chưa?...”

Phía bên ngoài, nỗi giận dữ đã trở thành thật dễ sợ. Lee Strukman dự tính nhảy lên mái nhà, trổ ngói để lao vào “thánh thất”. Một người chồng mất vợ khác đi báo cảnh sát, và để cho họ có cớ hành động, anh ta đã phải làm đơn thưa là có bà vợ bị bắt cóc.

Vừa nghe thấy tiếng còi hụ của xe Cảnh Sát, Joshua mở toang cửa, và vội vàng liến thoắng tuyên bố, nhằm kéo ngay Cảnh Sát đứng về phía hắn ta:

“Anh chị em ai muốn ra về thì cứ việc ra về. Ai muốn thì cứ việc từ bỏ sự che chở của Thượng Đế, họ có toàn quyền tự hủy hoại trong ngọn lửa thần sẽ bao phủ toàn cầu!”

Tức giận đến phát điên, Lee Strukman xô dạt mọi người sang một bên để hùng hổ xông vào túm lấy vợ anh, nhưng rồi anh chợt hiểu là anh không thể bắt vợ mình về ngay tức khắc, nên anh đã túm lấy đứa con và tát vợ mình một cái bằng trời giáng để nàng rời bỏ thằng nhỏ mà anh nhấc bổng lên, cặp vào nách như một đồ vật, để chạy quay trở ra cửa. Khi bước qua ngưỡng cửa, chàng còn kịp nghe thấy Joshua gào lớn: “Chết họ rồi! Họ sắp bị thiêu sống hết rồi!”

Lee Strukman để lại sau lưng cảnh lộn xộn các ông chồng tìm lại vợ, các bà mẹ kiếm lại các cô con và các nhân viên cảnh sát bận rộn tra hỏi để biết chắc chắn là những người ở lại là tự nguyện, chứ không phải bị ép buộc.

Đến 2 giờ sáng, hai cánh cửa của “thánh thất” được khép lại. Ở bên trong chỉ còn lại gần một trăm tín đồ quỳ gối quanh Joshua giữa một núi chăn gối và lương thực đủ loại, trong số đó có Myrna Strukman.

Về đến nhà, Lee Strukman đã cố gắng hết sức để làm cho con trai mình bình tâm trở lại, và anh đã có lúc tưởng mình đã thành công: anh đã cố gắng bắt thằng nhỏ ăn uống, nhưng không được. Khi thấy nó nhất định không chịu ăn uống gì, anh đã gắng sức khuyên nó đi nằm ngủ, nhưng cũng không xong, thằng nhỏ khăng khăng đòi đi tìm mẹ. Thế là trong anh lại nổ ra một cơn giận dữ khôn cùng khiến anh bạt tai thằng nhỏ mấy cái và nhốt nó lại trong phòng của nó, nhưng tai hại thay, anh đã quên phắt là phòng ngủ của nó có một cái cửa sổ lớn… Lúc bấy giờ đã gần 4 giờ sáng.

Lee Strukman không hề hay biết rằng Joshua đã xác định: “Bình minh sẽ không đến với tất cả những ai không ở dưới sự che chở của Đấng Tối Cao. Họ sẽ nhất loạt tử nạn trong ánh nắng ban mai của buổi sáng cuối cùng của Trần Thế vì ánh nắng sẽ biến thành bóng tối dày đặc ghê rợn!”

Và cũng chính vì lời nói đó mà chú bé Robert Strukman – 15 tuổi – đã ngã xuống từ cửa sổ một căn phòng ở lầu năm một bin đinh ở thành phố Benson bang Arizona trong khi chú tìm cách leo từ cửa sổ ra cái cầu thang chữa lửa để leo xuống. Chú bé đã muốn trốn đi tìm mẹ chú ở nơi lũ người điên khùng đang tụ tập, và như vậy, NGÀY TẬN THẾ ĐÃ THỰC SỰ CHỈ XẢY ĐẾN VỚI CHÚ BÉ TỘI NGHIỆP BẤT HẠNH NÀY.

Còn hắn, Joshua P. hiện vẫn còn sống ở đâu đó. Sau đêm hôm đó, vào buổi sáng ngày hôm sau, khi trái đất vẫn bình chân như vại, hắn đã tỉnh queo thả các tín đồ ra về mà không quên bảo họ:

“Đấng Tối Cao đã nghe và chấp thuận lời nguyện cầu của anh chị em. Quý anh chị em chính là NHỮNG CỨU TINH CỦA NHÂN LOẠI. Rồi hắn lẹ làng lỉnh qua một tiểu bang nào khác, theo sau bởi một vài tên ngu hết thuốc chữa…

Lee Strukman đã đưa được vợ chàng về và chàng đã có ý định đâm đơn khởi tố, nhưng chàng được cơ quan có thẩm quyền giải thích là chàng cũng như họ, không có chứng cớ gì chứng minh được là Joshua là nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết của con trai mình, sau đó người ta còn có LÒNG TỐT KHUYÊN CHÀNG LÀ ĐỪNG NÊN TÍNH CHUYỆN TRẢ THÙ CÁ NHÂN vì nếu có chuyện đó THÌ KẺ SÁT NHÂN SẼ CHÍNH LÀ CHÀNG CHỨ CÒN AI TRỒNG KHOAI ĐẤT NÀY…

VŨ ANH TUẤN dịch theo BELLEMARE

0

0

0

0

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế