VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 09/7/2011 của CLB Sách Xưa & Nay Như thường lệ, để mở đầu phiên họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách cổ bằng Pháp văn mà ông mới mua được. Cuốn đầu được xuất bản năm 1917 (94 năm trước), dày 477 trang, khổ 10x16cm mang tựa đề là Tuyển Tập các Tác giả Pháp viết truyện Khôi Hài thời hiện đại. Qua 477 trang sách có tất cả là 61 tác giả được giới thiệu. Trong số 61 tác giả này, người đọc ở Việt Nam (những người thông thạo tiếng Pháp) chỉ biết được độ 3, 4 người như Alphonse Allais, Alfred Jarry, Georges Courteline, Hippolyte Taine, còn 57 người kia thì gần như chẳng bao giờ nghe tiếng. Tuy được in từ 94 năm trước nhưng cuốn sách vẫn còn rất đẹp và lành lặn. Tác giả là một nhà báo kiêm văn sĩ thuộc loại thường thường bậc trung tên là Pierre Mille, và ông không hề được thấy tên mình được nhắc tới trong văn học sử của Pháp. Cuốn thứ nhì được in năm 1870 (141 năm trước), và là cuốn III trong bộ Racine toàn tập gồm 3 cuốn. Sách khổ 12x18cm và dày 430 trang. Với những người học trường Pháp từ bé thì Jean Racine (1639-1699) được biết đến khá nhiều qua các bi kịch như Andromaque, Les Plaideurs, Britannicus, Iphigénie, Bérénice vv… Tuy nhiên, ít người biết được rằng ngoài các bi kịch nổi tiếng đó, Jean Racine còn có những bài tạp văn, đặc biệt nhất là một số lá thơ viết cho nhiều nhân vật văn học thời đó và những nhận xét vế tác phẩm Odyssée của Homère… cuốn sách 141 năm tuổi này chứa đựng những bài vở mà người viết trước đây không hề biết là có, nên đã làm người viết cực kỳ yêu thích nó, nhất là khi nghĩ rằng khi có nó thì mình còn đang ở TRONG KHÔNG GIAN VÔ TẬN… Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Anh Hoàng Minh đã giới thiệu 2 cuốn Tuyển Tập Lưu Trọng Lư mới được in ra mà anh có góp phần thu thập tài liệu và có ký tên chung với tác giả Lại Nguyên Ân. Kế đó bà Thùy Dương đã có một bài thuyết trình ngắn về việc Cụ Cử Lương Văn Can được Hiệp Hội Doanh Nhân ca tụng như là một nhà Nho viết sách về Doanh Nghiệp. Sau bài nói truyện của bà Thùy Dương, các thành viên đã cùng nhau thảo luận về một số vấn đề và buổi họp kết thúc lúc 11g cùng ngày. VŨ-THƯ-HỮU
MỘT SỐ CHI TIẾT NÓI VỀ BỘ SÁCH CỔ “NÓI VỀ VẠN VẬT HỌC, VẤN ĐỀ DÂN SỰ & CHÍNH TRỊ CỦA XỨ BẮC KỲ” CỦA LINH MỤC RICHARD, PHỤ TÁ GIÁM MỤC ĐẶC TRÁCH GIÁO ĐƯỜNG HOÀNG GIA DE VEZELAI 2 TẬP XUẤT BẢN NĂM 1778 (M.DCC.LXXVIII) Bộ sách này do một anh bạn tôi gửi từ Pháp về, và anh có nhã ý nhường lại cho tôi, hoặc nhờ gả cho ai đó hộ, với giá hữu nghị chỉ có… 3000USD! Vì được anh giao cho giữ trong vòng 2 tuần lễ, và vì biết mình chẳng thể có khả năng mua với một giá tiền… rẻ như thế, nên tôi đã bỏ thì giờ đọc lướt qua và thấy nó khá hay, và cực hiếm vì tuổi đời đã là 233, nên tôi xin giới thiệu sơ lược để các nhà nghiên cứu có thể có một ý niệm về kho tài liệu quý giá này. Bộ sách khổ 12cm x 18cm và được in thành 2 cuốn, cuốn 1 dày 364 trang và cuốn 2 dày 366 trang. Bộ sách do một nhân vật tên là MOUTARD, chuyên gia in sách cho Hoàng Hậu và cho bà công tước d’ARTOIS – địa chỉ là ngôi nhà de Cluny, đường Mathurins – Paris, với sự đồng ý và lòng ưu ái của nhà Vua. Cuốn I dày 364 trang được chia thành XI chương: · Chương I . Nói về sự mô tả tổng quát xứ Bắc Kỳ: khí hậu, các mùa trong năm; giông bão, gió và thủy triều; sự phân chia thành nhiều thành phố… · Chương II . Nói về Địa hình học xứ Bắc Kỳ là kinh đô của vương triều; về cung điện của nhà vua; về các thành phố chính, về đường lộ, về cách trồng lúa vv… · Chương III . Nói về dân số, tính tình, phong tục, hình thể, cách ăn mặc. · Chương IV . Nói về thuế má, công chánh, luật thừa kế, ngôn ngữ, hôn nhân, ly dị, nuôi con nuôi vv… · Chương V . Nói về các cuộc thăm viếng, cách đàm thoại, cách phân bố thời gian, các khoảng cách; lễ hội và mê tín dị đoan trong dịp năm mới; các sân khấu, các cuộc chọi gà. · Chương VI . Nói về các loại hàng hóa và lương thực của người Bắc Kỳ; cách làm thức ăn; đồ uống và các loại rượu; các điều thường thức trong các bữa ăn. · Chương VII . Nói về các tật bệnh thông thường ở Bắc Kỳ, về thuốc thang và giải phẫu. · Chương VIII . Nói về lễ tang của nhiều tầng lớp cư dân khác nhau; các đồ tang lễ và lòng thành kính đối với những người đã quá cố. · Chương IX . Nói về tín ngưỡng của người Bắc Kỳ và các phe phái như phe phái Phù Thủy, phe các văn nhân và các điều mê tín đặc biệt. · Chương X . Nói về các khoa học, nghệ thuật, ngành nghề; ngư nghiệp. · Chương XI . Nói về nội và ngoại thương; tiền tệ, giá vàng, giá bạc; các loại hàng hóa sản xuất ở Bắc Kỳ; cách làm muối. Tới đây là hết tập I của bộ sách. Tập II dày 366 trang cũng được chia thành XI chương và phần lớn nói về Thiên Chúa Giáo và các Hội Truyền Giáo. Mở đầu là 1 số trang nói về trạng thái chung của các Hội Truyền Giáo Thiên Chúa Giáo ở vương quốc Bắc Kỳ. Sau đó là: · Chương I . Nói về việc Hội Truyền Giáo của các linh mục Dòng Tên đến Bắc Kỳ; về sự thành công của họ nơi triều đình và các nguồn cơn về những sự thất sủng đầu tiên mà họ phải chịu đựng. · Chương II . Nói về việc các Khâm sứ của Đức Giáo Hoàng được gửi tới Bắc Kỳ và họ đã trình diện dưới danh hiệu gì? Về chiếu chỉ năm 1712 chống lại Thiên Chúa Giáo và về việc cấm đạo; về việc các Khâm sứ Tòa Thánh được lệnh phải đi khỏi Bắc Kỳ; về một người trong bọn họ đã quyết định bất tuân chiếu chỉ và đã ở lại và về việc toàn xứ lưu tâm tới hoàn cảnh của họ. · Chương III . Nói về các sự tưởng thưởng dành cho những người tố giác các người Công giáo; dưới danh nghĩa gì đạo Thiên Chúa bị cấm ở Bắc Kỳ; về các cuộc cấm đạo nho nhỏ, nhanh chóng và về hậu quả nối tiếp của chiếu chỉ năm 1712; về các Lm Dòng Thừa Sai và các người Công giáo bị bắt giữ và bị tử hình, và về các hình phạt khác mà các người Công giáo phải chịu. · Chương IV . Nói về các việc cấm đạo ở các địa phương; nói về các cuộc nổi loạn xảy ra tại vài thôn ở và làng xóm của các người Công giáo. Về các hình phạt và các biện pháp ngăn chặn các lễ lạy; về các sự việc tiếp theo vụ cấm đạo lớn năm 1717; về nhiều thôn và làng bỏ đạo; về cái chết của nhà Vua và nhờ cái chết đó mà các Hội Truyền Giáo được hưởng một thời gian tương đối ổn định. · Chương V . Nói về các việc truy lùng các người Công giáo bị tạm ngưng, về những luật lệ chống lại những người theo đạo, về một dạng nội chiến ở trong vương quốc và về tình trạng các Hội Truyền Giáo có hy vọng được cho phép hoạt động. · Chương VI . Nói về các Linh mục Thừa Sai người Âu và các Linh mục người Bắc Kỳ; về việc giáo dục giới trẻ Công giáo; về các thầy giảng giáo lý, về các quyền hạn mà Tòa Thánh ban cho họ, về cung cách các Linh mục Dòng Tên điều hành Hội Truyền Giáo của họ. · Chương VII . Nói về các nhiệm vụ của các nhà Truyền Giáo, về việc rao giảng Thánh Kinh, về cách đối xử với các người ngoại đạo tìm đến họ vv… · Chương VIII . Nói về việc so sánh các người Công giáo ở Đông Phương và các người Công giáo ở Âu Châu; về tính cách và lòng can đảm của các người Công giáo Bắc Kỳ; về tất cả các đức tính cũng như một số điểm yếu của họ vv… · Chương IX . Nói về tính cách chung của người Bắc Kỳ; về phong tục của những người Công giáo Bắc Kỳ, về những điểm yếu nhất của các người Công giáo đó và về các sự khoan dung của Tòa Thánh đối với họ; về lòng yêu thích kính trọng các linh mục thừa sai của họ, và trong hoàn cảnh này thì các Linh mục Thừa Sai cần đề phòng như thế nào? · Chương X . Nói về lòng bác ái và các công việc từ thiện của Giáo dân Bắc Kỳ; về cách sinh sống của các Linh mục Thừa Sai; về các hiệp hội Tôn Giáo; về các nguyên nhân phổ biến được Đức Tin. · Chương XI . Nói về các trở ngại cho việc phổ biến Đức Tin ở Bắc Kỳ… Ở cuối các tập I và tập II, bộ sách cổ trên 230 năm này còn có một điểm thật đáng chú ý là: ngoài bản mục lục chia thành các chương ở cuối mỗi một trong 2 cuốn sách, cả 2 cuốn còn có ở sau chót mỗi tập một bản mục lục sắp xếp theo mẫu tự (y như một cuốn tự điển) từng từ, từng vấn đề một. người đọc cần tra cứu về vấn đề gì chỉ cần tìm từ khóa và dở số trang là thấy ngay vấn đề. Đây cũng là một bộ sách tốt, nhất là với những nhà nghiên cứu về Thiên Chúa Giáo trong những ngày đầu. Xin được giới thiệu và chia sẻ với các vị… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI VŨ ANH TUẤN
MỘT SỐ CHI TIẾT VỀ CÁC BỘ BÁCH KHOA TỰ ĐIỂN (ENCYCLOPÉDIE) CỔ - Lâu nhất (xưa nhất) là bộ Speusippe (xb. năm 370 trước TC tại thành Nhã Điển (Athènes) Hy Lạp và bộ Naturalis Historia của Pliny in làm 37 cuốn vào thế kỷ thứ 1 sau Thiên Chúa. - To lớn nhất là bộ Cang-Xi (Khang Hi đại tự điển) gồm 22.937 tập (gồm rất nhiều chương riêng rẽ được đóng chung lại) xb. ở Trung Hoa năm 1728. - Từ Encyclopédie là do các từ Hy Lạp Egkuklios paideia (sự giảng dạy toàn bộ). Định nghĩa : Bộ sách trong đó người ta trình bày một cách có phương pháp, hoặc theo thứ tự mẫu tự (ordre alphabétique) TOÀN BỘ MỌI HIỂU BIẾT CỦA NHÂN LOẠI (encyclopédie générale – bách khoa toàn thư) hay TOÀN BỘ CÁC HIỂU BIẾT VỀ MỘT LÃNH VỰC CHUYÊN MÔN (encyclopédie spécialisée – bách khoa chuyên ngành). Từ Thượng Cổ (thời Aristote) tới thời Trung Cổ và qua tới thời Phục Hưng, từ “encyclopédie” vẫn giữ ý nghĩa Hy Lạp là “sự giảng dạy bao gồm toàn bộ mọi hiểu biết”. Vào đầu thế kỷ thứ XVII với Françis Bacon từ Bách Khoa (Encyclopédie) mới mang ý nghĩa hiện đại, vì trong thế kỷ thứ XVII và vào đầu thế kỷ thứ XVIII, người ta bắt đầu sắp xếp theo thứ tự mẫu tự, như trong các tự điển hiện nay, và bộ “encyclopédie” điển hình là bộ Đại Tự Điển Bách Khoa (la Grande Encyclopédie) của nhóm Diderot. Việc in ấn “Encyclopédie” hiện đại bắt đầu bằng bộ của nhà sách Panckoucke (năm 1781) khi, lúc thì dưới dạng các bài điều trần có phương pháp, lúc thì dưới dạng sắp theo mẫu tự, người ta tìm cách TÓM TẮT TẤT CẢ MỌI HIỂU BIẾT MÀ CON NGƯỜI CÓ ĐƯỢC. - Bách Khoa Tự Điển đầu tiên của Anh Quốc là bộ của tác giả John Harris (1667-1719) xb. năm 1704 dưới tựa đề: Lexicon Technicum hay là An Universal English Dictionary of Arts and Sciences. - Bộ Britannica đầu tiên được cho ra đời (in làm 3 tập) trong các năm 1768-1771 tại Ediburgh Anh Quốc. Năm 1920, người Mỹ đã mua lại bản quyền của bộ Bách Khoa Tự Điển nổi tiếng này. - Bộ Đại Bách Khoa Tự Điển của Pháp (la Grande Encyclopédie) bắt nguồn từ bản dịch bộ Chambers Cyclopedia (1728) của tác giả người Anh Ephraim Chambers, được in thành 2 tập, Bộ Đại Bách Khoa Tự Điển của Pháp xuất hiện ở Ba Lê trong khỏang thời gian giữa các năm 1751 và 1772; bộ này được in thành 28 cuốn (trong đó có 11 cuốn chứa toàn các ninh họa và các bản vẽ) dưới sự biên tập của Diderot, với sự trợ giúp và đóng góp của d’Alembert và nhiều học giả khác. - Các nhà làm Tự Điển Bách Khoa được gọi là “les Encyclopédistes” là những nhà theo thuyết Hoài Nghi (Scepticisme) và họ có các quan điểm mà Giáo Hội Công Giáo cho là tà giáo. Các cuộc bài bác tấn công Giáo Hội Công Giáo và thể chế Quân Chủ Chuyên Chế của họ đã là nguyên nhân đưa tới Đại Cách Mạng Tư Sản Pháp năm 1789. ĐỖ THIÊN THƯ St.
Lần đầu đến thăm tác gỉả “Dòng Xoáy” Người từng bị văng khỏi cuộc sống. Phạm Thế Cường Chiều ngày 16/5/2011, tôi bấm điện thoại: - A lô, chào chị, em là Cường ở Sài Gòn đây. - Chào em, em đang ở đâu? - Em đang ở Hà Nội, Chị có khỏe không? - Cám ơn em, chị khỏe và lên được 4 cân, từ khi dòng xoáy được tái bản, nhiều bạn đọc gọi đến chia sẻ, tinh thần thoải mái nên chị khỏe ra. Vậy bao giờ em về Nam Định? - Dạ! sáng mai em xuống thăm chị nhé! - Sáng mai xuống nhé, chị chờ. Sau 2 giờ vi vu trên đường bằng xe máy. 10 giờ sáng, tôi và người bạn nối khố Thái Sơn xuống tới Thành Nam, ghé vào đầu ngõ Lộc Hạ hỏi đường vào nhà nhà văn Trần Thị Nhật Tân, một người đàn bà ngoài 60 nhiệt tình dẫn chúng tôi đến tận nơi. Sau lời gọi của của tôi, nhà văn Nhật Tân ra mở cánh cổng ọp ẹp và thốt lên. - Cường Sài Gòn đây à? Vào đi em, chị đang nấu cơm chờ em. Tôi và người bạn dắt xe vào, nhìn bếp nấu sơ sài mà chị đặt ở đầu hành lang trước nhà, trên kiềng bếp là nồi canh đang nghi ngút khói. Chị nói với giọng tự hào. - Rau vườn nhà đấy, rau sạch nhé. Thôi các em vào nhà đi. Chúng tôi bước vào nhà, một căn nhà đúc làm từ cuối những năm 80 trông đơn sơ, trống vắng, góc phải là hai chiếc giường gỗ nhỏ mà chị nói để cho khách, bên trái là chạn bát, kê gần cửa ra vào là một bàn viết nhỏ đã bị mối mọt trên để nhiều tài liệu, còn giữa nhà là bộ ghế salon gỗ thường cũ kỹ cũng ọp ẹp như các đồ dùng khác trong nhà. Lấy trong hành lý ½ ký chả cá thác lác vẫn còn đông đá mà tôi mang từ Sài Gòn ra đưa chị và nói: - Em có chút quà Sài Gòn biếu chị - Vậy à, cám ơn Cường. Tôi nói thêm. - Chị bỏ vào tủ lạnh ăn dần. Ông bạn đi cùng huých người tôi nói nhỏ. - Không có tủ lạnh. Tôi giật mình nhìn quanh và thấy mình quá vô tâm. Một nhà văn luôn giương cao ngọn cờ chống tiêu cực, chỉ sống bằng đồng lương hưu ít ỏi (chưa tới 2 triệu), bàn ghế lịch sự còn chưa có thì làm sao mua được tủ lạnh. Tôi đúng là một thằng hợm. Chị dẫn chúng tôi lên tầng trên để thắp hương cho hai thân sinh và người cha tinh thần, nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người đã động viên chị trong lúc khó khăn nhất của cuộc sống. Trên này cũng đơn sơ không kém, chỉ có một cái giường cũ và tủ cũ thời bao cấp. Trong tủ là 5 bản “Dòng xoáy” tái bản từ 1 đến 5 và một số tập thơ của chị đã xuất bản, ngoài ra còn một số sách của các tác giả khác. Sau bữa cơm giản dị nhưng ấm áp tình người ba chị em ngồi nói chuyện thân tình. Chị nói; - Cái nhà này chị đã viết di chúc để lại cho Hội nhà văn Nam Định nhưng hội nhà văn không dám nhận. Vâng! họ không dám nhận cũng phải thôi, nhà chị sâu trong hẻm, cũ kỹ, hội nhà văn làm gì có tiền để sửa làm nhà khách, dùng cho cá nhân thì không dám, làm trụ sở thì quá khuất, kinh doanh thì lại càng không được. Vậy thì là gánh nợ cho họ làm sao họ dám nhận. Thời gian trôi nhanh, vậy đã là 14h30, đã đến lúc phải chia tay chị, chị đứng lên lấy ba cuốn “Dòng Xoáy” và 15 tập thơ “Thỏ ngoan” và “Cuội thế kỷ 20’ viết đề tặng cho bạn đọc thư viện của tôi. Chị nắn nót viết : “Tặng các cháu thư viện thiếu nhi Phạm Thế Cường! Tác giả Trần Thị Nhật Tân, Nam Định ngày 17.5.2011”. Khi chị viết lời đề tặng cho 18 cuốn sách đã là 15g30, chúng tôi chia tay chị với sự quyến luyến và lời hẹn gặp lại vào năm sau. Hôm nay khi tôi đang viết những dòng này thì lại nhận được quà tặng của chị gửi từ thành Nam vào, đó là 10 cuốn thơ “Hồn lá” vừa in xong còn thơm mừi mực vẫn với lời đề tặng quen thuộc: “Tặng các cháu thư viện thiếu nhi Phạm Thế Cường! Tác giả Trần Thị Nhật Tân, Nam Định ngày 10.7.2011”. Chị Nhật Tân ạ. Người dám chống tiêu cực thì không thể giàu, nhà văn lại viết sách chống tiêu cực thì càng không thể giàu tiền giàu bạc, chị cũng vậy. Nhưng ngược lại chị lại giàu tình cảm, giàu sự cảm thông với nhiều số phận, chị lại nhận được nhiều sự chia sẻ và tình cảm của độc giả. Đọc ba tập thơ chị tặng chúng tôi thấy đầy ắp lòng yêu thương, trìu mến của chị với tuổi thơ và những cuộc đời còn nhiều cam go. Sự chia sẻ của chị trong tác phẩm “Dòng Xoáy” cũng nói lên điều đó. Sài Gòn 23/7/2011 TIỂU THUYẾT “DÒNG XOÁY” VÀ NỮ TÁC GIẢ TRẦN THỊ NHẬT TÂN TRONG DÒNG XOÁY CUỘC ĐỜI Trong chuyến ra Bắc hồi đầu tháng 5, bạn Phạm Thế Cường đem về cho tôi một cuốn sách quý có chữ ký của tác giả Trần Thị Nhật Tân ở trang đầu, cuốn tiểu thuyết “Dòng xoáy”. Đây là cuốn “Dòng xoáy” tái bản lần thứ 5, in năm 2009 có sửa chữa bổ sung. “Dòng xoáy” Tập1 viết xong vào mùa hè năm 1986 tại Nhà sáng tác Đại Lải - Vĩnh Phúc, 16 Chương, 264 trang, NXB Thanh Niên xuất bản năm 1989. Tập 2, viết xong ngày 16/7/1990 tại Nhà sáng tác Nha Trang, 15 Chương, 203 trang, NXB Thanh Niên xuất bản năm 1991. Lần tái bản thứ 5, nhà thơ Đặng Vương Hưng viết lời Tựa dài gần 40 trang và Phần Phụ lục gồm bài báo: “Dòng xoáy xua đi nỗi buồn bồi đắp niềm tin” của Nhà báo Xuân Ba, trích một số thư từ của đủ mọi tầng lớp bạn đọc gửi tác giả (Nhà sử học Dương Trung Quốc, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Nhà phê bình văn học Nguyễn Huy Thông, các cựu chiến binh, các vị hưu trí lão thành, các nhà giáo, doanh nhân, nông dân, học sinh, sinh viên vv..). Cuốn tiểu thuyết dầy dặn 540 trang, bìa là mảng màu đỏ, đen cuồn cuộn những con sóng biển đang hất lên bờ đủ thứ rong rêu phế thải. Đó là những số liệu giản đơn để các bạn dễ hình dung. Nhưng đằng sau những con số thống kê khô khan ấy là cả một câu chuyện hiếm có xung quanh một tác phẩm văn chương thời hiện đại. Hiếm có. Bởi vì, theo những gì tôi được biết từ trước tới nay thì “Dòng Xoáy” là một tác phẩm văn học, ngay khi mới ra mắt bạn đọc đã được vị lãnh đạo cao nhất nước lúc ấy, cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đọc, sau đó viết thư gửi tác giả. Lá thư có đoạn như sau: “Đồng chí Trần thị Nhật Tân thân mến, rất thân mến,... Dù bận việc và bị ngắt quãng, tôi đã đọc một lèo hết cuốn “Dòng xoáy”. “Dòng xoáy” đã thu hút tôi, lôi cuốn tôi bằng lời văn, nhất là bằng nội dung đầy tính thời sự của nó, mặc dầu thời điểm của “Dòng xoáy” mô tả là lúc kháng chiến chống Mỹ” (Trích thư cố TBT Nguyễn Văn Linh gửi tác giả ngày 25/6/1989). Hiếm có, bởi vì năm 1991, sau khi “Dòng Xoáy” Tập 2 được xuất bản, trong một lần về thăm Nam Định, tại cuộc họp của một cơ quan trong tỉnh bàn về chống tiêu cực, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhắc tới cuốn tiểu thuyết đang gây xôn xao dư luận thời đó. Hiếm có nữa, vì sau đó, vị lãnh đạo cao nhất nước và vị “anh cả của Quân đội” đều đã gặp riêng Trần Thị Nhật Tân, lắng nghe Nhà văn tâm sự hàng mấy tiếng đồng hồ, động viên, khuyến khích chị vượt mọi khó khăn trong cuộc sống thường nhật, đi thực tế và viết tiếp. Kết quả là, sau những lần gặp gỡ không thể nào quên ấy, “Dòng Xoáy” Tập 2 và tiểu thuyết “Chân trời” ra đời. Nếu có việc đặt ra một vài tiêu chí về “kỷ lục” trong viết lách, thì “Dòng Xoáy” cũng có thể đạt được đôi ba điều. Thai nghén và hoàn thành bản thảo vào những năm 75-76, 13 năm sau mới được xuất bản Tập 1; gần 4 năm nữa Tập 2 mới ra đời; tròm trèm gần 20 năm trời, 10 lần sửa đi sửa lại, một “kỷ lục về thời gian mang nặng, đẻ đau” cho một tác phẩm dài không quá 500 trang! Tác giả “Dòng xoáy” có lẽ cũng là Nhà văn thời nay chiếm trọn “kỷ lục về nỗi gian truân cho cả cuộc đời” vì đứa con tinh thần của mình mà đã từng “bị văng khỏi cuộc sống” (lời Nhà báo Xuân Ba và Tùng Duy trên báo Tiền Phong tháng 10/2009). “Dòng Xoáy” còn có thêm một kỷ lục vô cùng quý giá nữa là “kỷ lục về lòng ưu ái của nhiều tầng lớp độc giả” cả nước, tính theo số lượng thư từ, điện tín, điện thoại gửi tới tác giả từ khi mới xuất bản cho đến tận bây giờ. Vì sao “Dòng Xoáy” thu hút dư luận quan tâm như vậy? Cũng như tôi, câu trả lời sẽ đến với Quý vị và các bạn sau khi đọc trọn bộ cuốn truyện, đọc Lời Tựa, Phần Phụ lục cuối sách và bài báo dài 6 kỳ trên báo Tiền Phong. Hôm nay, tôi chỉ xin phép được chia sẻ với Quý vị và các bạn đôi điều suy nghĩ. Theo cảm nhận của tôi thì “Dòng Xoáy” có thể xếp vào dòng tiểu thuyết “tự sự”. Quãng đời nhân vật chính, cô giáo Trần thị Lý được miêu tả trong truyện rất gần với quãng đời thật của tác giả Trần thị Nhật Tân. Thêm nữa, những nhân vật khác trong truyện, người tốt có, người xấu nhiều hơn, bạn đọc đương thời có thể dễ dàng nhận dạng trong đời sống thực nơi địa phương diễn ra câu chuyện là Thành Nam và Tỉnh Nam Định. Xoay quanh câu chuyện của một người con gái xinh đẹp mồ côi cả cha và mẹ từ bé; ở lứa tuổi đẹp nhất - tuổi thanh niên - cuốn truyện dẫn chúng ta đi theo nhân vật chính đó từ khi cô khai tăng tuổi để vào làm công nhân xí nghiệp, rồi năm lần bảy lượt xung phong đi bộ đội bằng được, trải qua chiến tranh khốc liệt, bị thương nặng, về hậu phương, được vào Đại Học Sư Phạm, lúc tốt nghiệp xuất sắc cũng là lúc bị một tên “sở khanh thời hiện đại” lừa tình. Cô dứt bỏ không thương tiếc “mối tình đầu”, dứt bỏ anh chàng đẹp mã, con ông cháu cha, dứt bỏ Thủ đô xin về dạy cấp I ở thành Nam. Và, từ ngày ấy, từ nơi ấy cho tới hơn 10 năm sau, cô, chồng cô - một nhà giáo thương binh cùng một số ít đồng nghiệp, bạn bè đã va chạm và đã “rất cương trực đấu tranh dũng cảm, không lùi bước trước những tiêu cực, những ác độc của một bè lũ có chức, có quyền (mà xã hội ta cũng đang còn đầy dẫy)” [Trích thư của nguyên TBT Nguyễn Văn Linh]. Cuốn truyện khép lại khi cô bị vào tù vì những âm mưu bẩn thỉu của bọn tham nhũng trong cùng Trường, cùng Phòng Giáo dục Thành Nam. Cô được minh oan, ra khỏi nhà tù. Nhưng cô ra khỏi trại giam để về nhà đưa chồng cô ra nghĩa trang. Chồng cô đã rời bỏ cô và hai đứa con bé bỏng ra đi vĩnh viễn vì vết thương cũ tái phát và vì thói quan liêu, tắc trách của nhân viên bệnh viện; nhà cửa mới được bà con xóm giềng, bạn bè tạm che chắn lại sau khi bị bọn vô lương phá hoại tan nát, công ăn việc làm chưa biết tính sao. Còn “bè lũ có chức, có quyển” ở địa phương thì có kẻ chết bất đắc kỳ tử, có kẻ về hưu... nhưng hầu như cái bộ sậu ấy vẫn còn nguyên vẹn đâu đó. Và, quan trọng hơn cả là những tư duy mới của cô về việc đổi mới sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới quản lý giáo dục... mà hai nhà báo Xuân Ba – Tùng Duy đã đánh giá: “giá như trong không khí cải cách giáo dục bây giờ vị thủ lĩnh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân chắc sẽ tìm ở Nhật Tân nhiều sự đồng điệu”; những tư duy mới ấy, những đề xuất mới của cô không được ai để ý tới, không được bất kỳ một ai lắng nghe; giống như “nước đổ lá khoai” vậy. Vì thế, những tồn tại trong ngành giáo dục vẫn còn nguyên vẹn khi tác giả đặt dấu chấm hết cuốn truyện. Nỗi đau nhân thế vẫn còn đó với thời gian. Bởi vậy, rất nhiều Nhà văn và bạn đọc khuyến khích Nhật Tân viết tiếp Phần 3 cuốn truyện. Nhưng sau hơn 20 năm thăng trầm, vật lộn mưu sinh, lúc này, tác giả đã yếu lắm rồi, bệnh tật đầy mình, dường như “lực đã bất tòng tâm”. Song chúng ta vẫn cứ hy vọng và chờ đợi. Vài dòng sơ lược để “nhường đất” cho Quý vị và các bạn đọc trực tiếp tác phẩm... “Dòng Xoáy” là một tác phẩm chống tiêu cực. Nhưng những mảng màu đen tối, những con người thoái hóa, biến chất, mất hết tính người đan chen với những mảng màu tươi sáng, những con người đầy lòng nhân ái, lạc quan, tin tưởng vào tương lai. Bạn đọc nhận ra cái chân, cái giả, cái thiện, cái ác… là đúng như đã từng gặp hàng ngày trong xã hội. Tính chân thực của “Dòng Xoáy” đã lôi cuốn người đọc, đã không làm người đọc mất niềm tin vào cái chân lý muôn đời “gieo gió, gặt bão”, “ở hiền gặp lành” mà cha ông ta đã dạy! “Dòng Xoáy” còn mang theo tính “cảnh báo” và “dự báo” rất rõ ràng. Những gì đã xẩy ra trong mấy ngôi trường nhỏ bé thuộc quyền quản lý của Phòng Giáo dục một Thành phố nhỏ cách xa chúng ta hơn 20 năm, thì ngày nay đã trở thành hết sức phổ biến trong toàn ngành, trong toàn quốc. Nên trong thư gửi Nhà văn, Nhà sử học, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đã viết “…Một sự kiện đã 20 năm tưởng đã khuất lấp trong những bộn bề thời cuộc nhưng vẫn luôn luôn mới và luôn luôn thời sự...”. Tác phẩm văn học chân chính, đích thực nào cũng đều mang theo tính cảnh báo và dự báo như thế. “Dòng Xoáy” còn lôi cuốn, hấp dẫn đông đảo bạn đọc bởi nghị lực can trường, bởi ý chí sắt thép, tâm hồn trong sáng và tài năng của tác giả. Quý vị và các bạn chắc sẽ đồng cảm với tôi sau khi đọc “Dòng Xoáy” của nhà văn Nhật Tân. Đỗ - Phả Lời Ban Biên Tập : Bắt đầu từ số này, Bản Tin sẽ cho đăng tập TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT của tác giả Tâm-Nguyện. Vì tập này khá dày, nên sẽ trích đăng làm nhiều kỳ. Mong quý bạn đọc thông cảm. BBT Từ TU THIỀN đến TU PHẬT THAY LỜI TỰA
Cho đến nay thì Thiền được nhiều người khắp nơi trên thế giới yêu thích, bởi ai cũng biết Đức Thích Ca đắc đạo nhờ 7 ngày đêm Thiền Định dưới cội Bồ Đề, và Ngài đã trở thành một trong những giáo chủ được sùng bái nhất. Bao nhiêu thời rồi, các Thiền Sư lúc nào cũng có một vị trí cao trong giới tu hành. Đọc các sách viết về Thiền, chúng ta càng thêm ngưỡng mộ bởi lời lẽ hư hư, thực thực, đầy vẻ bí ẩn, hỏi Đông, đáp Tây và những Công Án làm điên đầu người muốn khám phá! Thiền Đường thì ngày càng mở nhiều thêm ra, mỗi nơi đều có cách hướng dẫn riêng. Phái Lâm Tế và Tào Động có phương pháp Đả Thiền. Thậm chí ở nước ngoài cách đây vài thập kỷ đã từng rầm rộ quảng cáo môn Thiền "Đả Thất" của Thiền Sư Lai Quả, thẳng tay đánh người đến chết nếu chấp nhận nhập thất học Thiền! Thiền như một khu rừng huyền bí, thách thức những người tò mò. Thế nhưng càng tìm hiểu càng rối mù, thậm chí chính Ngài Suzuki là một Thiền Sư rất nổi tiếng cũng cho là… không thể giải thích được thế nào là Thiền! Đã không giải thích được điều mình đang tự hào mà còn khuyên người muốn hiểu Thiền “Nên vô Thiền Viện để học ít nhất là vài năm”. Không biết có ai thấy đó là điều nghịch lý hay không?! Nhiều người không hiểu Thiền là gì, Thiền để làm gì? Chỉ xem như Thiền là một thế giới huyền bí, cho rằng “Thiền là Thiền, đừng giải thích gì thêm”, rồi chỉ biết ngưỡng mộ, ca tụng! Rồi thì Trà Thiền, Thậm chí các tour du lịch cũng có xen Thiền vào đó… Xem ra Thiền đã trở thành một môn hấp dẫn nhiều thế hệ. Mọi người đua nhau NGỒI THIỀN, đôi khi chưa hiểu gì vể Thiền, không biết là để luyện Khí Công, Yoga, khai mở các luân xa, xuất hồn, xả stress… đều có thể nhờ THIỀN, thậm chí “tẩu hỏa nhập ma” cũng do Thiền! Đạo Phật thì phân ra Thiền Ngoại đạo và CHÂN THIỀN bởi vì cùng một thế Ngồi nhưng do điều khiển hơi thở và ý thức mà ra kết quả khác nhau. THIỀN đang phát triển hiện nay có vẻ tách biệt với Đạo Phật, vì người theo bất cứ Tôn Giáo nào cũng có thể Ngồi. Tất nhiên, người ngồi đúng phương pháp cũng sẽ có một số lợi ích nhất định, do thời gian Ngồi nhiếp cái tâm để nó không còn loạn động nữa. Trong khi đó, với Đạo Phật thì THIỀN là một trong 6 Độ mà người hành trì theo đó sẽ sinh TRÍ HUỆ để tiếp tục tự hướng dẫn con đường tu hành cho bản thân. Họ phải làm đầy đủ cả 6 độ, để đạt mục đích cuối cùng là Giải Thoát. Thiền trước đó do một người tên là Phất Đang La sáng lâp. Nhưng từ khi Đức Thích Ca đắc đạo nhờ Thiền và dùng nó như một trong Lục Độ để hướng dẫn người tu, thì Thiền không thể thiếu trong pháp môn tu Phật. Từ Tổ Đạt Ma, Phật Pháp được mang sang Trung Quốc, truyền lần xuống tới Lục Tổ Huệ Năng. Nhưng từ Lục Tổ, Y Bát không còn truyền nữa, thì chánh, tà lẫn lộn, không thể phân biệt ai mới thật sự là người đảm đương việc kế thừa và các Thiền Sư thời trước đã lập ra pháp môn chuyên Tu Thiền gọi là Thiền Tông, phát triển ngày càng mạnh. Các nhà sư trở thành Thiền Sư, chùa chiền còn được gọi là Cửa Thiền. Trong các đệ tử của Lục Tổ (638-713) có Thanh Nguyên (740) và Nam Nhạc (677-744) sinh ra 5 Phái THIỀN. Thanh Nguyên chính là HẠNH TƯ, học pháp với Lục Tổ, được phong cho làm đầu đại chúng, sau đó được Tổ khuyên đi hóa độ. Ngài đã chọn núi Thanh Nguyên Phủ Kiết Châu để dạy đạo, nên mọi người gọi là Thanh Nguyên Thiền Sư. Đệ tử nhiều đời sau của Ngài là Vân Môn (949) sinh ra VÂN MÔN TÔNG, Phán Nhãn (885-958) sinh ra PHÁP NHÃN TÔNG và Tào Sơn (840-901) sinh ra Phái TÀO ĐỘNG. Đệ tử nhiều đời sau của Nam Nhạc Hoài Nhượng (677-744) là Quy Sơn (771-853) sinh ra QUY NGƯỠNG TÔNG và Lâm Tế (867) sinh ra LÂM TẾ TÔNG. (Số liệu nói trên được ghi theo tài liệu của Ngài Suzuki). Qua đó, ta thấy những phái Thiền này cách xa Lục Tổ hơn 100 năm, nên dù ban đầu cùng xuất phát từ dòng Chánh Pháp của Lục Tổ, nhưng Chánh Pháp từ trước đó đã không còn biết ai là người chính thức được nối truyền thành ra thật, giả khó phân. Trong Đạo Phật, việc được ấn chứng hay truyền Y Bát rất là quan trọng, vì không phải ai tu học cũng đều chứng đắc. Bằng chứng là trong chùa Huỳnh Mai của Ngũ Tổ, có hàng ngàn môn nhân nhưng chỉ có mỗi Lục Tổ Huệ Năng là đắc pháp. Không kể vài đệ tử của Lục Tổ được chính thức công nhận có tên trong Pháp Bảo Đàn Kinh. Những người còn lại, chứng đắc hay không cũng mang danh là đệ tử của Ngài. Con cháu của họ cũng cứ thế truyền cho lớp hậu học nên dần dà Phật Pháp bị biến dạng đi. Các phái Tu Thiền cũng thế. Theo tôi, việc biến Tu Phật thành ra Tu Thiền thì cũng đã thấy bắt đầu manh nha khuynh hướng đề cao môn phái. Phái nào cũng muốn nổi bật hơn người khác, không còn theo Đạo Phật chính thống là người tu hành phải “tứ đại giai không”, không màng danh lợi nữa nữa! Dựa vào đâu mà ta có thể cho là những người Tu Thiền đang theo một hướng khác hơn là Đạo Phật chân chính? Cũng không có gì khó hiểu, bởi cái mà các phái Tu Thiền tự đề cao pháp môn, cho là “Đốn Giáo” lại chỉ vin vào một vài biểu hiện trong Kinh sách, không giải thích được nguyên do, lại chẳng có liên quan nào đến phương pháp truyền thừa của họ về sau này. Thứ nhất: Họ cho rằng nụ cười của Đức Ca Diếp khi Đức Thích Ca đưa cành Sen lên trước chúng rồi được truyền Y Bát là “Đốn Giáo”! Họ không hiểu rằng Ngài Ca Diếp đã theo hầu Phật từ lúc Phật mới bắt đầu ra giảng dạy, đến lúc gần nhập diệt, Phật mới giao đồ chúng lại cho Ngài. Phải đâu gặp Phật vài tháng hay vài ngày mà được truyền Y Bát để cho cái cười đó là “Đốn Giáo”? Thứ hai là: Thần Hội bị Lục Tổ đánh ba gậy lúc mới nhập môn. Sau đó theo hầu Lục Tổ một thời gian dài. Khi Lục Tổ tịch diệt rồi, mãi 16 năm sau Ngài mới đứng lên chấn hưng pháp môn của Lục Tổ, thì gậy đó “Đốn” chỗ nào?! Phải đâu vừa gặp Lục Tổ rồi bị đánh 3 gậy mà Thấy Tánh ngay? Rõ ràng những người xiển dương pháp môn Thiền tự cho là “Đốn Giáo” đó không hiểu gì về Đốn Giáo mà Lục Tổ giảng dạy trong pháp Bảo Đàn Kinh. Chỉ nói lên tâm địa muốn tu tắt mà tới cao làm cho nhiều người sau do không biế gì nên cũng tin theo. Rồi cũng do không có văn tự để nối truyền, trách sao pháp môn không đi vào bế tắc? Thử hỏi chỉ “đưa ngón tay lên”, hoặc đánh, hét, nhại lại câu hỏi. Ném, hay đưa lên, đưa xuống tích trượng, phất tử,… thì đồ đệ hay người tham hỏi hiểu được người dạy muốn nói gì mà học? Phải chăng do vậy mà cách đây hơn 40 năm, Thiền Sư Nguyệt Khê trong Cội Nguồn Truyền Thừa đã viết lại lời của Pháp Diễn Thiền Sư: "Pháp Nhãn Tông truyền sang Cao Ly, Vân Môn Tông đã thất truyền từ lâu, nay chỉ còn ba Tông: Quy Ngưỡng, Tào Động, Lâm Tế, nhưng con cháu của các Tông chỉ lấy cội nguồn gia phổ để truyền thừa với nhau, ghi tên trên Pháp Quyển là Thiền Sư đời thứ mấy mà thôi, nếu hỏi về Gia Phong Tông Chỉ thì ngơ ngác chẳng thể trả lời!" Đã chẳng biết gì về gia phong tông chỉ thì lấy gì truyền thừa? Nhưng các Phái đó đến nay vẫn còn tiếp tục truyền lần xuống. Thập kỷ 20, Nước Nhật có Thiền Sư Suzuki (1904-1971) viết sách để luận về Thiền tựa đề là THIỀN LUẬN. Bộ tái bản năm 2005 được in thành 3 Quyển: Trong đó, Ngài chê là “Đức Thich Ca 49 năm tích cực du hóa sau ngày thành đạo nhằm luận giải sự giác ngộ mà vẫn chưa nói được tiếng nói cuối cùng. Ngài Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân, Vô Trước cũng không biện minh được hết lời, cạn ý”. (tr.74 Q.Thượng) Trong khi hết lời ca tụng, cho là: “Ngón tay trỏ của Thiên Long chỉ cho thấy vẻ huyền bí của toàn vũ trụ, và trong tiếng hét của Lâm Tế, chúng ta nghe bản hòa âm thiên nhạc của khối tinh cầu”! (Thiền Luận Q.Trung tr.10) Lẽ ra khi đã nắm được những lẽ sâu xa, huyền nhiệm qua phương pháp hướng dẫn Thiền như thế, thì bản thân người ca tụng hẳn phải thông hiểu Thiền hơn ai hết, có thể giảng nói rành mạch về THIỀN để người sau nương đó mà hiểu biết, thực hành. Trái lại, Ngài viết cả mấy ngàn trang để nói về THIỀN, nhưng lại bảo: “Tôi mong đem đến bạn đọc một ý niệm, dầu rất mơ hồ, về đạo thiền theo như tinh thần đã được truyền tại Viễn Đông trên ngàn năm”!.(Quyển Thượng tr. 38). Trang 323 Quyển Thượng, Ngài lại bảo: “Thiền là gì? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời, không thể trả lời cho vừa ý người hỏi: vì Thiền từ khước tất cả, cả ý định mô tả hoặc định nghĩa Thiền. Vậy, để thông hiểu Thiền, phương pháp hay nhất hẳn là phải học Thiền và hành thiền ít nhất vài năm tại Thiền Đường. Thế nên dầu đem hết tâm trí nghiền ngẫm thiên cảo luận này e bạn đọc vẫn không khỏi hoang mang về đại nghĩa của Thiền pháp”! Ngài Suzuki đã là Thiền Sư thì chẳng từng học Thiền nhiều năm tại Thiền Đường đó sao? Như thế bản thân Ngài đã học, hiểu và hành Thiền như thế nào mà không thể nói ra cái hiểu, cái hành đó, lại khuyên người muốn hiểu Thiền phải vào Thiền Đường mà học? Viết hàng mấy ngàn trang để Luận về Thiền, lại bảo rằng người đọc dầu có đem hết tâm trí nghiền ngẫm thiên cảo luận của Ngài vẫn không khỏi hoang mang về đại nghĩa của Thiền pháp? Thiền Sư còn tự nhận: “Mục đích của bài luận này không nhằm chứng minh suông Thiền là cái gì không thể hiểu được, và như thế không ích gì bàn nói đến. Chủ tâm của tôi, trái lại, là thử tận lực làm sáng tỏ ra, dầu kết quả phải thiếu sót và lệch lạc”! Ngài đã tận lực mà còn tự cho là phải thiếu sót, lệch lạc. Vậy thì người muốn học Thiền, hiểu Thiền sẽ trông chờ vào điều gì khi dấn thân nghiên cứu, tìm hiểu qua 3 Quyển Thiền Luận dày cộp kia? Chính vì vậy mà trong tập này sẽ trích một số đoạn luận chưa đúng về Đạo Phật trong các quyển THIỀN LUẬN của Thiền Sư Suzuki, VÔ MÔN QUAN của Ngài Vô Môn, CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA của Thiền Sư NGUYỆT KHÊ, CHÂN THIỀN ZEN của Taisen Deshimaru... là những vị Thiền Sư coi như cây đa cây đề trong làng Thiền đã viết. Cuối cùng là sẽ đưa ra quan niệm Thiền của Đạo Phật dựa vào kết quả đã đối chiếu với một số chính Kinh, nhằm phân biệt rõ: Thế nào là Thiền của Đạo Phật hướng dẫn, và Thiền được đào tạo qua pháp môn Tu Thiền. Nếu không có thêm một luồng dư luận khác để làm sáng tỏ, thì rất có thể nhiều thế hệ sau sẽ tiếp tục hiểu lầm. Vì thế, tập này được viết nhằm mục đích nêu lên một số ý kiến, để người đọc có dịp so sánh sự khác biệt giữa hai phương pháp Tu Thiền và Tu Phật, hầu tiện cân nhắc trước khi chọn pháp môn để tu tập. Người viết cũng rất mong nhận được những ý kiến phản biện và những đóng góp của những vị thông hiểu Phật Pháp để làm sáng tỏ thêm. Trân trọng. (Tháng 10-2010) Tâm-Nguyện CHƯƠNG I PHẢN BIỆN MỘT SỐ ĐIỂM TRONG THIỀN LUẬN CỦA NGÀI SUZUKI. Đọc THIỀN LUẬN (viết năm 1927) của Ngài Suzuki, ta thấy được một sự tổng hợp rất nhiều Bộ Kinh Phật, và thuyết giải miên man về THIỀN. Qua phần mở đầu dài hơn 30 trang, ta thấy Ngài nói về THIỀN như sau: “Thiền là nghệ thuật kiến chiếu vào thể tánh của chúng ta; nó chỉ con đường từ triền phược đến giải thoát. Đưa ta đến uyên nguyên của cuộc sống uống ngụm nước đầu nguồn. Thiền cởi bỏ tất cả những gì ràng buộc chúng ta, những sanh linh hữu hạn luôn luôn quằn dưới ách khổ lụy trong thế gian này. Ta có thể nói Thiền khai phóng tất cả năng lực nội tại và tự nhiên tích tập trong mỗi người chúng ta, nguồn năng lực ấy, trong hoàn cảnh thường, bị co rút lại, và vặn tréo đi, đến không vùng thoát đâu được” (tr,9 Q.Thượng). Ngài cho rằng THIỀN “sẽ mở mắt Huệ Nhãn mà khi còn vô minh ta chưa bao giờ mơ tưởng đến”... Sau đó là đưa ra Khổng Tử, Thiên Chúa, nhà văn Adreyev, Tứ Diệu Đế, Mạnh Tử, Oscar Wild để dẫn chứng cảnh Khổ của cuộc sống và kết luận rằng “Thiền sẽ giải quyết những vấn đề trên bằng cách trực tiếp kêu gọi đến ánh sáng của chứng nghiệm bản thân thay vì kiến thức của sách vở. Cần phải dẹp bỏ tri thức, vì tri thức tạo ra đủ thứ vấn đề mà không bao giờ tự giải quyết được nên dẹp bỏ để nhường chỗ cho một cái khác siêu đẳng hơn, minh triết hơn”. (tr.15 Q. Thượng). Lý lẽ thì nghe có vẻ rất thích đáng. Nhưng ngay dẫn chứng đầu tiên của Ngài ta đã thấy có vấn đề. Ngài đưa Sư Nhật Liên và bốn quy tắc của Nhật Liên Tông - là một phái tu của Nhật - (Chú thích của Ngài về Sư Nhật Liên: Sư nhiều lần bị ám hại và tù đày vì tư tưởng quá khích và hiếu chiến)! Bốn quy tắc đó là: “Giáo ngoại biệt truyền. Bất lập văn tự. Trực chỉ nhân tâm. Kiến Tánh thành Phật” Và cho rằng khi Thiền mới du nhập trung Quốc thì “đa số các nhà học Phật đều sa đà trong những cuộc tranh luận siêu hình về giáo pháp vô thượng, hoặc chỉ phụng trì giới hạnh hay suốt ngày ngầy ngật đắm say trong phép Quán Vô Thường. Do đó Bồ Đề Đạt Ma và môn đồ tuyên xưng bốn danh ngôn Thiền kể trên”. (tr.18 Q.Thượng).) 1/- Nếu quả thật Sư Nhật Liên có những tính cách như Thiền Sư Suzuki ghi lại trên, thì hoàn toàn không phù hợp với tính cách của đệ tử Phật gia!. Con nhà Phật thì lúc nào cũng phải “thu thúc lục căn”, chỉ lo “nội quang phản chiếu”, lo đối trị với các tính xấu của mình, gọi là “độ sinh”. Không có nhìn ngó, phê phán người khác. Thái độ “quá khích, hiếu chiến” đi gây sự với người khác hoàn toàn trái với lời Kệ trong bài Tụng Vô Tướng mà Lục Tổ dặn mọi người tại gia hay xuất gia cũng phải y theo đó mà tu hành: “Nếu thấy người lầm lỗi Ắt mình lỗi chẳng sai Người lỗi, ta không lỗi Ta lỗi bởi chê bai ” Kinh VIÊN GIÁC nói về việc tu hành, thành Phật qua bài KỆ: “Nếu người đoạn Thương, Ghét Cùng với tham, Sân, si Chẳng cần tu gì khác Cũng đều đặng Thành Phật”
Phụ Bản I Như vậy, đối chiếu với chính Kinh ta thấy: Người không trừ Thương, Ghét, Tham, Sân Si, lại quá khích, hiếu chiến thì đâu thể thành Phật như phái này vẫn tôn xưng giáo chủ của mình là Phật Nhật Liên? 2/- Đọc SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT hay gọi là THIẾU THẤT LỤC MÔN được cho là của Tổ ĐẠT MA gồm có: Tâm Kinh tụng, Phá Tướng Luận, Nhị Chủng nhập, An tâm Pháp Môn, Huyết mạch Luận và Ngộ Tánh luận. Trong đó không thấy 4 câu nào tương tựa như quy tắc của Nhật Liên Tông nói trên. Riêng câu “Trực chỉ nhân tâm” ta đã thấy không đúng với Đạo Phật. Trong Đạo Phật, cái CHÂN TÂM là quan trọng nhất. Phật cho rằng: vì mọi người không thấy được cái CHÂN TÂM, tức là Cái BỔN THỂ TÂM, mà phải triển miên chịu Khổ và bị Sinh Tử Luân Hồi. Cái Nhân Tâm – tức cái Tâm của con người, được nhà Phật gọi đó là cái VỌNG TÂM. Chính nó là thủ phạm gây ra bao điều phiền não, sinh tử luân hồi. Người tu Phật phải TRỰC CHỈ CHÂN TÂM mới KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT được. Còn trực chỉ Nhân Tâm chỉ thấy đó là cái vọng tâm, cái tâm phàm, thì làm sao Kiến Tánh? Nguyên tắc quan trọng nhất của việc tu hành thì Phái này đã sai, đã chỉ nhầm hướng, thì người hành trì theo đó sẽ về đâu? 3/- Con đường “Đốn Giáo” là phải “TRỰC CHỈ CHÂN TÂM” để “KIẾN TÁNH THÀNH PHẬT” thì trong tất cả các pháp môn Tu Thiền ta không hề thấy nói gì đến. Không hề bảo phải Trực chỉ vào Cái TÂM. Chỉ giao cho “Công án”. Phương pháp hướng dẫn thì không có giảng nói, chỉ đưa lên, đưa xuống “Phất Tử”, “gậy”, nhưng Ngài Suzuki coi đó là phương pháp “chỉ thẳng”! Nếu “gậy”, “phất tử” mà “chỉ thẳng” được, thì lẽ ra số người chứng đắc phải nhiều như cát bụi, vì người học Thiền rất đông. Tại sao người ngộ rất hiếm hoi? Có người phải đợi Thầy “sập cửa cho gảy chân” thì mới “hoát nhiên đại ngộ”? Hơn nữa, nhà Thiền đâu có giải thích như thế nào là “đại ngộ” thì người tu học vin vào đâu để biết mình đã đạt tới tình trạng đó? Người thế gian muốn đi tìm ngọc thì trước đó còn phải học để phân biệt giữa đá, sỏi và ngọc. Phải biết nơi nào có Ngọc để tìm. Có vậy lúc gặp ngọc mới biết chắc là nó. Người Thầy dạy Thiền chỉ “đưa ngón tay lên”. Chưa kịp hỏi gì đã hét, đánh… thì học trò Ngộ cái gì? Ngộ như thế nào? Làm sao biết rằng đó là Ngộ? Bảo rằng lúc đó thấy “đất trời đổ sụp” thì chỉ người nói biết. Lấy gì kiểm chứng để biết đúng, sai, thật, giả? 4.- Về câu “Bất lập văn tự”, ta thấy Lục Tổ HUỆ NĂNG giải thích trong Pháp Bảo Đàn Kinh: “Người chấp “không” thường có ý chê Kinh, nói rằng chẳng dùng văn tự. Đã chẳng dùng văn tự lẽ ra họ chẳng nói lên thành lời mới phải, vì lời nói ra tức là cái tướng của văn tự. Lại nói Chánh đạo chẳng lập văn tự, mà hai chữ “chẳng lập” đó cũng là văn tự! Hễ thấy người ta nói thì chê lời nói của người là chấp trước văn tự”. (PBĐK tr. 136). Tổ Sư Thiền của họ đã chỉ trích người chê văn tự. Nhưng hình như các Thiền Sư về sau không có đọc PHÁP BẢO ĐÀN Kinh để thấy những lời thuyết giảng, dặn dò của Tổ Sư họ, nên xem ra họ toàn làm ngược lại! * Thiền Sư Suzuki cho rằng “Thiền nhằm chỉ hướng, không bao giờ giải thích, không viện đến lối trình bày quanh co mà cũng không quy nạp”… (19 Q.Thượng) Nhưng lại đưa ra rất nhiều câu chuyện của các vị Lâm Tế, Huỳnh Bá, Vân Môn Văn Yển, Mục Châu, Tô Đông Pha để giải thích về “con đường hiện thực của Thiền”. Ngài cho rằng “Thiền đối xử với những cái cụ thể chớ không phải những suy diễn trừu tượng nhằm chỉ thẳng vào căn bản cái tánh ta mà trí thức thường không đưa ta đến đó được”. Chẳng lẽ “nhắm vào căn bản của tánh ta” lại có thể dùng phất tử hay hét, đánh mà Tánh Ta sẽ bật ra? Rồi Ngài dùng những đoạn văn của Hòa Thương Từ Minh và Viên Ngộ để giải đáp câu hỏi về Thiền và nói rằng “tôi mong đem đến bạn đọc một ý niệm dầu rất mơ hồ về đạo thiền theo như tinh thần đã được truyền tại Viền Đông trên ngàn năm”. (tr.38 Q.Thượng). Lẽ ra người đã tự xưng là THIỀN SƯ, có thể viết đến mấy quyển sách dày để luận về THIỀN thì phải hiểu rõ về Thiền và diễn đạt một cách rõ ràng để người đọc có thể qua đó hiểu mà thực hành, đi đến kết quả. Đâu thể chỉ nêu ra “Một ý niệm mơ hồ về Đạo Thiền”?! Ngài cho rằng: “Bắt đầu từ Bồ Đề Đạt Ma truyền đến Tổ Huệ Năng thì Thiền không còn là của Ấn Độ nữa mà hoàn toàn là của Trung Hoa để đưa đến sự NGỘ”. Quan niệm về NGỘ của nhà Thiền hình như khác rất xa với quan niệm NGỘ của bên Phật gia. Với pháp môn Tu Thiền, chỉ cần Khai hay giải được một CÔNG ÁN thì được gọi là NGỘ. Nhưng cũng không thấy tài liệu nào nói về cái NGỘ đó như thế nào. Chỉ thấy người được cho là Ngộ có hiện tượng: Trò đánh lại thầy. Hai thầy trò cùng hét. Cười vang.Thậm chí còn hung hăng hơn lúc chưa Ngộ! Ít thấy lưu lại bằng thơ, Kệ. Trái lại, trong Đạo Phật, cụ thể như Lục tổ Huệ Năng được đánh giá bằng THẤY TÁNH, và tất cả 33 vị Tổ đểu có Kệ để lưu lại. Trong phần chú thích trang 381 Quyển Thượng nói về một nữ đệ tử của Lang Nha Thiền Sư mà Ngài Suzuki đã cho là “chứng đạo” do Quán Công Án: “Có một cô được giao cho Công Án “Tùy tha khứ” (theo nó mà đi) để tham quán. Cô cứ theo đó mà hành, chuyên tâm đến nỗi một hôm lửa cháy nhà của cô, cô cũng kêu “Tùy tha khứ”. Hôm khác, cô quăng con xuống sông, người láng giềng kêu bà, báo nguy, cô cũng bảo: “Tùy tha khứ”. Chồng cô chiên bánh, liệng miếng bột vô chảo kêu tiếng xèo. Cô giật mình như tỉnh cơn mê, rồi nhắc chảo dầu đổ xuống đất, tay phủi, miệng cười, hét to “tùy tha khứ”. Và đây là kết luận của Ngài Suzuki: “Chồng cô tưởng cô điên, đâu ngờ cô vừa chứng đạo”! Người chứng đắc của Đạo Phật là chứng cái Vô Ngã, cái thoát pháp. Tổ Đạt Ma viết: Rắn biến thành rồng cũng không đổi vảy. Phàm Phu thành Thánh cũng cũng đổi mặt”. Tức là trước và sau khi chứng họ vẫn hoàn toàn là một con người bình thường. Từ Đức Thích Ca cho đến Tổ cuối cùng là Lục Tổ, ta đâu có thấy người nào có hành vi, nói năng bất thường?! Còn bà này rõ ràng không bình thường, không biết gì khác ngoài lập đi lập lại Công Án! Một người tu hành mà không biết mạng sống con người là quan trọng. Cố ý giết một con côn trùng nhỏ mà còn phạm Giới Sát, huống là giết một mạng người. “Hùm dữ còn không ăn thịt con” vậy mà một người mẹ, lại là một bà mẹ tu hành lại đang tâm giết con của mình! Xem ra bà ta chẳng còn biết phân biệt phải, trái, đúng, sai! Thế mà Thiền Sư Suzuki còn bảo bà ta chứng đạo thì chắc ta cũng nên xem lại cái hiểu Đạo Phật của chính Ngài! * Nơi khác, Ngài đưa lời bình của Nam Tuyền Thiền Sư trong bộ Nam Tuyền Lục, cho rằng vì Ngài Huệ Năng “chẳng hiểu Phật Pháp, chỉ hiểu Đạo” nên được truyền Y Bát. Lời bình này của Ngài Nam Tuyền là không chính xác. Sở dĩ Lục Tổ Huệ Năng được truyền Y Bát vì Ngài THẤY TÁNH. Pháp Bảo Đàn Kinh đã viết rất rõ ràng. Cái Tánh đó được diễn tả qua lời Kệ: “BỒ ĐỀ BỔN VÔ THỌ. MINH CẢNH DIỆC PHI ĐÀI, BẢN LAI VÔ NHẤT VẬT. HÀ XỨ NHÁ TRẦN AI”. Sở dĩ Lục Tổ HUỆ NĂNG nói rằng Ngài “không hiểu Phật Pháp” là ý ngài muốn nói về cái Hiểu Phật Pháp qua văn tự của những kẻ do học của người khác mà hiểu. Do đó Ngài không cần Hiểu Phật Pháp theo cách đó, mà chỉ cần hiểu cách thức trực tiếp là Thấy Tánh, cũng gọi là Đắc Đạo. Cho nên, nếu cứ theo nguyên Văn mà bàn luận và hiểu đạo thì Kinh đã cảnh báo: “Y KINH GIẢI NGHĨA TAM THẾ PHẬT OAN”. Có nghĩa là nếu cứ Y theo lời kinh mà giải nghĩa thì làm oan cho Chư Phật ba đời vậy! (còn tiếp) Tâm Nguyện LỄ VU LAN
Lễ Vu-Lan là một lễ của nhà Phật nhằm vào ngày 15 tháng 7 âm-lịch. Vu-lan chính là cái chậu dùng để chứa đựng những hoa quả phẩm-vật dâng cúng – Bởi vậy, muốn gọi đúng phải gọi là lễ Vu-Lan-bồn. Lễ Vu-Lan-bồn tức là lễ dâng các phẩm-vật đựng trong chiếc vu-lan để cúng chư tăng với mục đích cầu xin cho vong-hồn người thân của mình được thoát khỏi nơi địa-ngục. Sự tích lễ Vu-Lan có từ khi Đức Phật còn tại thế. Trong bọn đệ-tử vẫn tháp-tùng Đức Phật có ngài Mục-Liên là một vị tôn-giả đã tu được nhiều thần-thông. Một bữa ngài Mục-Liên dùng thiên-lý nhỡn thấy thân-mẫu ngài ở dưới địa-ngục phải đọa làm quỷ đói khổ-sở. Ngài liền dùng phép mầu mang cơm xuống địa-ngục cho mẹ, nhưng ác thay, mỗi khi bà mẹ, bà Thanh-Đế, chìa tay ra để nhận cơm thì cơm biến thành khối lửa không sao ăn nổi được. Không làm sao cho mẹ ăn được ngài Mục-Liên quay về kêu van Đức Phật, Phật dạy rằng ngày rằm tháng bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ, nên sắm sửa hoa thơm quả ngọt để vào chiếc chậu Vu-lan mang đến cúng dàng chư tăng, ăn mày uy-đức của chư tăng để chuyển-nghiệp tham-si nơi vong-nhân, ngài Mục-Liên tuân theo lời Phật dạy quả-nhiên cứu mẹ khỏi âm-cung. Từ đó về sau các Phật-giáo-đồ căn-cứ vào lời Phật dạy cử hành lễ Vu-lan cầu Phá địa-ngục. Qua sự-tích trên ta thấy rằng việc phá-ngục không phải do một mệnh-lệnh của một quyền-lực nào mà chỉ nhờ vào uy-đức của Chư tăng chuyển-nghiệp tham-si nơi vong-nhân mà vong-nhân thoát khỏi nơi địa-ngục. Chính Đức Phật cũng đã nói rằng: Thần-thông bất năng định-nghiệp, nghĩa là phép thần-thông không thể định-nghiệp cho ai được. Phật có thể dạy cho biết cách thoát khỏi địa-ngục, nhưng muốn thoát được cần phải theo đúng lời Phật dạy, nghĩa là chính vong-nhân phải tự chuyển-nghiệp lấy cho mình để tìm thấy con đường thoát khỏi địa-ngục. Như ở trên đã nói địa-ngục hay thiên-đường đều do mình tự tạo ra và đều ở trong lòng mình hết. Mình là thủ phạm gây ra tội-ác, phải chính mình có chuyển-nghiệp mới cứu nổi mình. Chuyển-nghiệp để phá tan gốc rễ của tội ác, do đó mà vong-nhân thoát khỏi được nơi địa-ngục. Như vậy phá địa-ngục không phải dùng một sức-mạnh nào ở ngoài phá vào mà phải phá tự trong phá ra tức là làm thế nào cho tội nhân chuyển được thức-tâm thành thánh-chí. Công-đức lớn-lao và khó khăn ấy, chuyển thức-tâm thành thánh-chí của tội-nhân, Phật đã trông cậy vào chư tăng vì: - Phật đã đưa ra những điều cần thi-hành, mà những điều này phải nhờ sự gia-hộ của chư tăng mới chuyển nổi nghiệp-thức nơi chúng-sinh. - Phật muốn khi nào Phật không còn tại-thế nữa, pháp-môn Vu-Lan vẫn có thể thi-hành được, mà chỉ cần có hai ngôi Tăng và Pháp là đủ. Thứ vị quan-trọng nhất trong nghi-thức Vu-lan, chính là Chư Tăng, nhưng cũng cần phải có thời-cơ thuận-tiện để chư tăng thi-hành công-quả của mình: đó là lúc chư tăng họp nhau trong khóa hạ, và khóa hạ vừa mãn, nghĩa là vào ngày Tự-Tứ, lúc chư tăng ai nấy hoan-hỉ để bố-thí công đức. Do đó ngày rằm tháng bảy là ngày thuận-tiện để cử-hành lễ Vu-lan. Ngoài ra, lễ Vu-Lan lại đòi hỏi một hằng-tâm ở nơi tín-chủ, nhiều ít lễ vật để dâng cúng chư tăng – xin nhấn mạnh đây là cúng chư tăng, chứ không phải dâng cúng Phật, vì ở đây không phải Đức Phật nhận trách nhiệm. Tín-chủ dâng lễ cho các thày, các thày đem dâng Phật trước khi thọ-thí đó là việc của các thày, còn tín-chủ chỉ tuân theo giáo-pháp của Đức Phật cúng dàng chư-tăng để chư-tăng hoan hỉ chuyển pháp-luân siêu-thăng cho các vong hồn đang bị giam nơi địa-ngục. Ở đây việc cúng dàng chư-tăng không giống như việc dâng lễ để nhờ việc, nghĩa là nói nôm na, là không phải để trả công chư-tăng. Việc cúng dàng chư-tăng là một pháp-môn rất mầu-nhiệm, càng thành-kính bao nhiêu, kết-quả càng tốt-đẹp bấy nhiêu. Của mình đem dâng cho người, phải kính-cẩn cầu xin để người nhận cho, có vậy mới là lòng thành của tín-chủ. Cử-động này là một cử-động làm giảm bớt tham sân si, một cử-động đánh tan sự kiêu-ngạo của tín-đồ, và đó chính là một pháp-môn tiêu tội và tăng đức-hạnh. Về phía chư tăng đây là cả một sự khó-khăn, vì nhận của cúng dàng tức là nhận tội thay cho tín-chủ, và muốn như vậy, phải có công-đức tu-hành. Nếu cúng dàng gặp phải sãi chùa thiếu công-đức tu-hành, việc cúng dàng sẽ không có ích-lợi gì mà sãi chùa thêm mang tội. Chính vì e sự cúng dàng gặp phải sãi chùa thiếu công-đức cho nên lễ Vu-Lan phải đợi ngày Tự-Tứ, ngày các chư tăng hội-họp đủ mặt; có kẻ dở cũng có người hay, người hay sẽ lấy công-đức tu-hành của mình át kẻ dở và đem lại kết-quả trong việc cúng dàng, nghĩa là chuyển được nghiệp cho các vong-nhân. Hơn nữa trong các chư tăng, theo giáo lý nhà Phật, gồm cả phàm-tăng, hiền-tăng và thánh-tăng. Thánh-tăng là các vị Bồ-tát, đệ-tử của Đức Phật, nguyện ở lại trong đời độ-hóa chúng-sinh. Hiền-tăng là các vị đã tu qua nhiều kiếp và đã luôn luôn trau-dồi đức-hạnh qua các kiếp. Phàm-tăng là các vị sư thụ giới tỳ-kheo để trau-dồi đức-hạnh, tu theo đúng lời Phật dạy. Vả chăng Tăng-Bảo là một ngôi oai-đức lớn nên chư-tăng trong lễ Vu-Lan đủ đức để chuyển-nghiệp cho vong-nhân tội lỗi, và như vậy khế-hợp với đại-nguyện của Chư Phật. Về phía tín-chủ, thành-tín dâng hương là khế-hợp với sở-cầu của chúng-sinh. Tất cả các nghi thức trên thi-hành đúng phép làm chấn-động cõi U-minh, dọi ánh sáng trí-tuệ vào thức-tâm tăm-tối của bọn tội-nhân, khiến cho họ tỉnh giấc mộng dị-sinh(1), và tỉnh giấc mộng này, tự họ đã cứu được họ. Mỗi chúng-sinh nơi u-minh phải riêng đón ánh tuệ-quang chứ không ai giúp hộ được, kể cả Đức Phật. Chúng-sinh đón được nhiều hay ít hay không đón được không phải do một sự chọn-lọc nào mà chính do nguyện-lực của thân-nhân họ có đi sâu được tới họ, có cảm được đến họ hay không, do đức của Chư-tăng có đầy đủ hay không và do nghiệp-báo dày mỏng của chính tội-nhân. Tâm chúng-sinh có động, nghiệp mới chuyển và họ mới được giải thoát. Qua các điểm trình-bày trên, ta thấy rằng: - Về phía tín-chủ, đức-tin rất cần-thiết để cầu xin cho ông bà, cha mẹ được siêu-thăng nhờ pháp-Vu-lan; tín-chủ phải tin ở phép Phật, tin ở nhân-quả thiện-ác, tin ở giáo-lý nhà Phật. Đức-tin đã khiến tất cả tâm-hồn được chuyển thành một nguồn thương không phân-biệt thân-sơ, một suối hỷ-xả không bờ bến, điều-kiện. Phẩm vật trong chậu Vu-lan, chỉ tượng-trưng cho đức-tin. - Về phần chư Phật, không Đức Phật nào thủ vai trò mở cửa ngục hay ra lệnh cho kẻ khác mở cửa ngục. vả lại nói Phật không phải chỉ là một vị Phật nào, mà là Phật của cả mười phương, của cả quá-khứ, hiện-tại và tương-lai. Có chúng-sinh nên mới có Phật. Phật nguyện cứu-độ hết chúng-sinh để chúng-sinh cũng thành Phật, và lúc đó giữa Phật và chúng-sinh không còn gì là phân-biệt nữa. Do đó, danh-từ Phật chỉ là giả danh và và Phật pháp cũng chỉ là giả lập để tận-độ chúng-sinh, theo đúng ý-nguyện của mười phương chư Phật. Đối với chúng-sinh nào Phật cũng nguyện độ cho hết tội-lỗi, và mọi chúng-sinh đều có thể đón-nhận Phật-pháp, và sự đón-nhận sẽ được thành-tựu khi nào mỗi chúng-sinh đều rõ rằng mình với Phật cùng một thể, mê là chúng-sinh tỉnh là Phật. Ngoài ra mỗi chúng-sinh còn phải nhận thấy rằng mình với mọi chúng-sinh khác cũng đồng một thể. Khi một chúng-sinh cần Phật thì phải nghĩ rằng mình hành-động vì toàn-thể chúng-sinh khác và phải cảm thấy rằng việc cầu-khẩn của mình là việc cầu-khẩn của tất cả chúng-sinh mười phương. Như vậy, một chúng-sinh không phải chỉ có cái sức mạnh của riêng mình, mà đã có cái sức mạnh của cả chúng-sinh mười phương, vì lẽ rằng đây không phải riêng bản-ngã cá-nhân mà đây là bản-thể pháp-giới. Nhờ vậy cái nguyện-lực đồng-thể vi-ngưỡng sẽ vô-biên như pháp-giới. Đồng-thể vi-ngưỡng nơi chúng-sinh, đồng-nguyện thùy-từ nơi chư Phật nên từ-bi đã thành một phương-tiện viên-mãn nó hàm cả đại giác, đại-hùng, đại lực và nó thành-tựu tất cả mọi môn công-đức . Lẽ tất nhiên trước cái diệu lực đại từ-bi ấy, thức-tâm của tù-nhân thức dậy khiến ngục thành không còn nữa, và tù-nhân đã tự giải-thoát. Lễ Vu-Lan cử-hành vào rằm tháng bảy hàng năm. Các chúng-sinh muốn được giải-thoát phải có sự chuyển-nghiệp và phải chính chúng-sinh tỉnh ngộ nhờ nghi-thức lễ Vu-Lan. Lễ Vu-Lan tại nước ta ngoài ý-nghĩa dùng Từ-bi làm một phương-tiện phá ngục, còn là Tết Trung-Nguyên. Theo Phan-kế-Bính thì ta thường cho hôm ấy là ngày vong-nhân xá tội, nghĩa là dưới âm-phủ được tha tội một ngày hôm ấy. Bởi vậy nhiều nhà mua vàng mã cúng gia-tiên, các nhà có người mới mất, cũng hay đốt mà làm chay về hôm ấy. Sở-dĩ như vậy vì ta nghĩ rằng trong ngày hôm ấy, vong-hồn các tổ-tiên ta được tha tội, có thể trở về cõi trần hưởng lễ của con cháu cúng kiến. Về sự-tích ngày lễ Vu-Lan, có sách chép khác với sự tích kể trên. Thực ra, cũng vẫn là truyện ngài Mục-Liên cứu mẹ, nhưng ở đây câu chuyện không nói đến việc cúng dàng chư-tăng và sự chuyển-nghiệp của vong-nhân. Để độc-giả tiện việc tham-cứu, xin ghi lại sau đây sự-tích này: Ngày xưa có ông La-Bộc, con ông Phó-Tưởng là người rất thông-minh và hiếu-thảo với cha mẹ. Ông mồ-côi cha từ lúc nhỏ, sống với mẹ, mẹ rất tham-lam gian-ác. Ông luôn luôn ở bên mẹ để phụng-dưỡng, nhưng về sau vì nghèo khó quá, ông phải từ-giã mẹ tới tỉnh Kiên-Liên kiếm ăn. Ở đây ông đã làm ăn phát-đạt và trở nên giàu có. Ông thu xếp gửi về cho mẹ một món tiền lớn, rồi sau đó ông cũng về thăm mẹ. Nhận được tiền của con, bà Thanh-Đế đem tiêu xài hết, rồi vào chùa niệm Phật ăn chay và định bụng rằng nếu con về sẽ nói dối đã cúng vào các chùa-chiền đình miếu hết. Khi La-Bộc về tới nàh được biết việc hoang-phí tiêu hết cả tiền đã gửi về, ông đã ngã quỵ xuống đất máu ra lai láng vì tiếc của. Bà Thanh-Đế lo sợ vội vàng cứu chữa, và sau đó bảy ngày, bà Thanh-Đế bị chết. La-Bộc thương xót mẹ lắm. Chôn mẹ xong, làm nhà ở ngay bên mồ mẹ ba năm mới thôi. Các loài chim thấy ông có hiếu đến đậu chung quanh và mỗi con lại tha ít đất để đắp lên ngôi mộ mẹ ông. Mãn tang ba năm, ông La-Bộc sang nước Kỳ-Đồ tìm tới Phật xin phép được ở lại tu-luyện. Phật ưng-thuận sai thày Kha-Na cắt tóc ông, đặt tên là Đại-Mục Kiện-Liên, cho vào tu ở chùa Lã-Bí trong rừng Quít-Sơn. Ngày nay, người ta gọi tắt tên ngài là ngài Mục-Liên. Một ngày kia, vâng lệnh Đức Phật, ngài Mục-Liên đến chùa Thiên-Giai là nơi có âm hồn ở. Ngài trông thấy cha là Phổ-Tường mà không thấy mẹ. Ngài buồn bã nhớ thương mẹ khóc lóc. Đức Phật hiện tới bảo mẹ ngài tuy trước có mộ đạo, nhưng vì tham lam và điêu-ngoa nên phải đầy xuống địa-ngục. Mục-Liên xin phép Đức Phật được xuống địa-ngục tìm mẹ. đi khắp mọi ngục, ngài cũng không gặp mẹ, sau hỏi thăm quỷ-sứ mới được biết mẹ bị giam ở ngục A-Tỳ. Gặp ông, bà mẹ mừng lắm khóc-lóc than-thở kể hết mọi điều khổ-sở với con và nhờ con cứu ra khỏi địa-ngục. Vâng lời, ngài Mục-Liên đưa mẹ ra khỏi ngục, nhưng quỷ-sứ ngăn lại nói rằng phải có lệnh của Đức Phật. Ngài Mục-Liên lại quay về dương thế kêu van Đức Phật. Thấy Mục-Liên là người hiếu hạnh Đức Phật chấp-thuận và bảo: - Nhà ngươi cứ yên lòng trở lại địa-ngục. ta sẽ hóa phép cho mẹ ngươi thành con chó để nhà ngươi được gặp. Vâng lời, Mục-Liên lại xuống địa-ngục. Vừa tới nơi đã thấy con chó cái quanh quẩn bên mình. Ông hiểu đó là mẹ liền hóa phép cho trở lại thành người. ông đem lời hiếu-hạnh ngọt-ngào khuyên-răn mẹ phải thật-thà và phải dốc lòng theo chân-lý đạo Phật. Từ đó hai mẹ con tu-hành ăn chay niệm Phật rồi tự nhiên đêm rằm tháng bảy, bà mẹ hóa tiên lên trời. Mục-Liên thấy vậy vội-vàng theo mẹ và cầu-xin Đức Phật xá tội cho cả bảy đời họ hàng của ông nữa. Dựa theo sự-tích này, đến rằm tháng bảy, các chùa-chiền miếu-vũ có làm chay, chạy đàn, phá ngục cho các tội-nhân. Do đó tết Trung-Nguyên còn được gọi là ngày xá tội vong-nhân. NGUYÊN TỪ - NGUYỄN TƯỜNG UYỂN Nhân Ngày Giỗ thứ 1466 DANH TƯỚNG PHẠM TU KHỞI ĐẦU TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA DÂN TỘC “Trong lịch sử nước ta, ông là vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức” – đó là lời nhận định về Danh tướng Phạm Tu trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” (NXB Văn Hóa, 1993). Ở đây là nói đến triều đình của nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế -nhà Tiền Lý, cách nay đã trên 15 thế kỷ! Bộ chính sử Đại Việt Sử ký Toàn thư, thì có hai lần xuất hiện tên ông. Trong biên niên về năm Quý Hợi (543 Sau Công Nguyên), ta thấy lần đầu tiên, tên Phạm Tu được chép, trong văn cảnh như sau “Mùa hạ, tháng tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua Lý Nam Đế sai tướng Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức”. Lần thứ hai vào năm Giáp Tý (544 SCN) nói đến việc Phạm Tu được Lý Nam Đế cử đứng dầu hàng quan võ (cùng với Triệu Túc – cha của Triệu Quang Phục và Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn) của triều đình Vạn Xuân. Từ điển Văn hóa Việt Nam và sách Thành hoàng Việt Nam (NXB VH-TT, 1997) đều khẳng định rằng: “Phạm Tu quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội”. Lại như về niên điểm hy sinh của ông thì có lẽ xuất phát từ hai câu sau đây trong tập diễn ca thế kỷ 18 Thiên Nam Ngữ lục: Vua cùng tướng quân Phạm Tu Vào Khuất Liêu động thác hư lên trời Những thông tin về sự ra đời (ngày 10-3 Bính Thìn, 476 SCN), về tuổi tác của một vị lão trượng, ngoại lục tuần mà vẫn hăng hái, hiên ngang, đứng dưới cờ Lý Nam Đế, lập nên những sự nghiệp và chiến công hiển hách, đảm nhận những cương vị, trách nhiệm lớn lao và cuối cùng hy sinh oanh liệt trong trận đánh lớn, chống quân xâm lược ở nơi có Tòa Thành đầu tiên và khai sinh cho đô thị Hà Nội cổ: cửa sông Tô Lịch, vào ngày 20-7 năm Ất Sửu (545 SCN). Phạm Tu là Thành hoàng xã Thanh Liệt, với tên gọi đầy đủ là: “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ Đại vương, thượng đẳng thần sự tích”. Xã Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội từ xa xưa, là một xã văn hiến, địa linh nhân kiệt, có cả văn võ và thiền học. Nơi đây là quê hương các danh nhân: 1.- Võ tướng Phạm Tu (476 – 545): vị khai quốc công thần triều Tiền Lý 2.- Danh nhân Chu Văn An (1292 – 1370): nhà học giả uyên bác, tấm gương sáng cho thày giáo của muôn đời sau. 3.- Thiền gia Pháp chủ Sư tổ Vĩnh Nghiêm (1840 – 1939): Phó hội trưởng Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam. Hai danh nhân và nhà thiền học là những mốc son lịch sử, viên ngọc sáng của quê hương Thanh Liệt. Thần phả Thanh Liệt chép rằng vùng đất này xưa kia là xóm bãi vải tiến vua. Nằm bên dòng sông Tô Lịch thuộc thôn Văn Trì, làng Quang Liệt, huyện Thanh Trì, trấn Sơn Nam (nay là xã Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội). Ở vùng đất này có hai vợ chồng cụ Phạm Thiều và Lý Thị Trạch sống nhân đức, hiền hòa. Truyền thuyết kể rằng: Thấy vợ chồng sống có lòng thành, một ngày kia, trời cho điềm lạ… Một đêm phu nhân chiêm bao thấy vầng hào quang tỏ, sáng rực khuê phòng, có con bạch xà hoa cùng đến, sau hóa thành bông sen trắng, phu nhân với tay giữ lấy. Từ đấy mang thai và đến ngày 12-3 năm Bính Thìn (476) thì sinh nở, hương thơm ngào ngạt, đặt tên là Phạm Tu. Lớn lên, Phạm Tu có tư chất thông minh, hình dáng tốt đẹp, thường ở nhà nơi tĩnh thất, đã chăm đọc sách, lại hay sáo đàn, binh thư thao lược, cung tên đều thạo cả; đến khi trưởng thành, đức tài văn võ sức khỏe hơn người, dân làng thường gọi là Phạm Đô Tu. Năm 541, Lý Bí khởi binh đánh đuổi nhà Lương, Phạm Tu triệu tập binh mã ra ứng nghĩa, những hào kiệt các châu, quận đều đứng lên hưởng ứng. Tại Thanh Liệt đến nay, những địa danh như: cửa Triệu, cổng Đồn, cửa Trại, lá cờ, thanh kiếm voi ngựa… đều ứng với thời kỳ võ tướng Phạm Tu triệu tập huấn luyện binh mã tại quê nhà. Về sản xuất nông nghiệp, ông dạy nhân dân phải “Cửu niên tam tích” (Sản xuất 9 năm phải tích trữ 3 năm), phòng giặc giã, mất mùa, dịch bệnh… Cuộc khởi nghĩa cùa Lý Bí thắng lợi, Thứ sử nhà Lương là Tiêu Tư thua chạy về Quảng Châu. Năm 544, Lý Bí vào thành Long Biên, xưng vương Lý Nam Đế, quốc hiệu là Vạn Xuân, cử Triệu Túc làm Thái phó, võ tướng Phạm Tu đứng đầu ban Võ. Quân Lâm Ấp (sau là Champa) sang xâm lấn quân Cửu Chân, Lý Nam Đế cử tướng Phạm Tu đi dẹp, đuổi được giặc ra khỏi bờ cõi phía nam. Tháng 6 năm 545, tướng nhà Lương là Trần Bá Tiên đem quân sang cướp nước nhà, Lý Nam Đế cùng chư tướng đưa quân ra đánh. Tướng Phạm Tu giữ cửa sông Tô Lịch (nay là phố Chợ Gạo, Hà Nội), võ tướng tuổi cao sức yếu, quân giặc đông, võ tướng hy sinh anh dũng giữa ngày 20-7 năm Ất Sửu. Vua Tiền Lý rút quân vào Gia Ninh đóng đồn ờ hồ Điển Triệt, luyện tập binh mã để sau khôi phục. Lý Nam Đế sai quan Thái Giám, cùng triều quan xét công trạng võ tướng, Tặng phong là Long Biên hầu đặt thụy là Đô Hồ, phong làm bản cảnh Thành hoàng xã Thanh Liệt. Như vậy, giữa thiên niên kỷ thứ Nhất sau Công nguyên, nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế và võ tướng Phạm Tu xuất hiện với đường đường tư thế là Quốc gia – Dân tộc thứ ba của lịch sử nước nhà sau Văn Lang thời Hùng Vương và Âu Lạc thời Thục An Dương Vương từ thời trước Công nguyên. (Hồi giữa thế kỷ thứ Nhất SCN, lịch sử dân tộc Việt Nam còn được chứng kiến sự kiện ba năm, từ 40 – 43: “Đô kỳ đóng cõi Mê Linh, Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta” của Hai Bà Trưng. Nhưng những sử liệu đích thực chưa cung cấp được những thông tin đầy đủ và cụ thể về sự kiên này). THỜI KỲ TIỀN THĂNG LONG: Mốc sự kiện và niên đại ở đây chính là năm 545, một năm sau khi thành lập nhà nước Vạn Xuân, khi một Tòa Thành được khởi dựng ở nơi của sông Tô Lịch (chính là miền đất gốc của Thăng Long – Hà Nội, qua các thời đại), làm nòng cốt và bằng chứng cho sự chính thức hình thành một “Thành” + “Phố”, một “Đô” + “Thị” ở nơi đây. Và, một lần nữa, chính ở vị trí thời gian – không gian quan trọng này, lại thấy hiện diện nhân vật lịch sử Phạm Tu, vị võ tướng chiến đấu chống quân xâm lược phương Bắc và hy sinh anh dũng ở Tòa Thành nơi cửa sông Tô Lịch vào năm 545 này. THỜI KỲ THĂNG LONG: Tính từ năm 1010 (năm có văn bản “Thiên đô chiếu”, vừa có hành động dời đô, định đô của vua Lý Thái Tổ) đến năm 1888 (vừa có văn bản của vua Đồng Khánh nhường đất, vừa có Sắc lệnh của Tồng thống Pháp và Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, thành lập “Thành phố Hà Nội”. THỜI KỲ HÀ NỘI: Đây là thời kỳ tiếp theo, (mặc dù địa danh Hà Nội thì đã bắt đầu có từ năm 1831, vài chục năm trước đó) có thể tính từ năm 1888, trong thời gian này, mang đặc trưng quán xuyến là một Tòa Đô thị cận - hiện đại. Chúng ta thấy rằng: “Thời kỳ Tiền Thăng Long” như vậy là cũng rất quan trọng, vì nó hợp cùng với “Thời kỳ Thăng Long” và “Thời kỳ Hà Nội” làm nên lịch sử hoàn chỉnh và đích thực của Đất này. Như vậy, từ quê hương Thanh Liệt trên một điểm đầu nguồn sông Tô Lịch, cuộc hành trình kỳ vĩ của Danh tướng Phạm Tu, qua thời gian từ năm 542 – 545, tới không gian cuối sông Tô, nơi có Tòa Thành và trận ác chiến cửa sông Tô, thì kết thúc oanh liệt. Nhưng đây là một kết thúc oanh liệt với ý nghĩa kép: Lão tướng Phạm Tu vừa có mặt ở vị trí thời gian – không gian mở đầu thời kỳ lịch sử “Tiền Thăng Long”, cũng chính là sự bắt đầu đích thực của toàn bộ lịch sử gồm ba thời kỳ của Đất này; lại vừa tự mình Lập nên một gương hy sinh trong đấu tranh Anh hùng Bất khuất ở nơi đây. Chính là sự khởi đầu cho một Truyền thống vẻ vang của Lịch sử, và của Đất cùng Người nơi đây: Truyền thống Anh hùng Bất khuất – mà năm 2010, kỷ niệm 1000 năm định đô với truyền thống đó, và năm nay, 2011 là dịp kỷ niệm đúng 1466 năm tuổi của toàn bộ lịch sử Đất này. Và toàn bộ lịch sử 1466 năm ấy – sau Danh tướng Phạm Tu – cũng là một Lịch sử không chút nào rời xa Truyền thống Anh hùng Bất khuất quý báu đó! Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc, lịch sử của dòng họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, tưởng nhớ đến Đô Hồ Đại Vương PHẠM TU – vị anh hùng được họ Phạm Việt Nam suy tôn là Thượng thủy tổ, nhắc nhở con cháu hiểu rõ giá trị đạo lý “Chim có tổ, người có tông”, năm nay vào ngày 20-7 âm lịch, nhân ngày Giỗ thứ 1466, Ban Liên lạc Họ Phạm Tp.HCM tổ chức Lễ Hội Giỗ Tổ Họ Phạm - Ngài PHẠM TU vào ngày 19-8-2011 tại Nhà Văn hóa Thiếu Nhi Tp.HCM. Cũng tại đây, vào đêm trước đó, là Đêm Nhạc “Hướng về Ngày Giỗ Tổ Họ Phạm”. (Tham khảo: sách Danh tướng Phạm Tu, NXB Văn Hóa-Thông Tin, Hà Nội, 1999) PHẠM VŨ
TRẦN TIẾN NGƯỜI SÁNG LẬP THỂ KÝ TỰ THUẬT TRONG VĂN XUÔI VIỆT NAM TỪ NĂM 1764 TRẦN NHUẬN MINH Trần Tiến người làng Điền Trì, nay là thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông sinh giờ Dần ngày 18/11/năm Kỷ S ử u (1709), tên ch ữ là Hậu Phủ, tên hiệu là Cát Xuyên, Khiêm Đường. Ông là con Tiến sĩ, Tham t ụng Lễ bộ t hượng t hư - Diệu Quận công Trần Cảnh, nhà nông học đầu tiên của Việt Nam, cháu nội Tiến sĩ, Bồi tụng, Hình bộ t hượng thư – Lễ bộ Tả thị lang, Phương Trì hầu Trần Thọ, nhà thơ và nhà ngoại giao thời Lê. Ông đỗ tiến sĩ năm Mậu Thìn (1748), làm quan Phó đô ngự sử, Công bộ Hữu thị lang, tước Sách Huân bá, là nhà sử học và nhà văn nổi tiếng thời Lê, tác giả các bộ sách: Đăng khoa lục sưu giảng (sử) Cát Xuyên thi tập (thơ) Cát Xuyên tiệp bút (ký) Niên phả lục (ký) Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (ký)… Theo gia phả, tác phẩm Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, được Trần Tiến viết khoảng năm 1758 – 1760. Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) trong Quần th ư khảo biện , viết: “về Mạc Đĩnh Chi đã có Cát Xuyên tiệp bút của Thượng thư họ Trần ng ười Điền Trì, nay không nói thêm nữa” (dẫn theo GS Trần Văn Giáp). Sách Thần quái hiển linh lục, hiện còn lưu trong Thư viện Hán Nôm cũng ghi tương tự như vậy. Do đó có thể nói, tác phẩm này của Trần Tiến rất nổi tiếng và thông dụng đương thời. Nhiều chục năm nay, Cát Xuyên tiệp bút đã thất lạc, phần còn lại về Mạc Đĩnh Chi, in lẫn trong Tục Công dư tiệp ký, tác phẩm của Trần Trợ (Trần Quý Nha), là con của ông. PGS – TS Nguyễn Đăng Na, căn cứ vào những xác nhận trên, bóc tách ra thành một phần riêng, ghi rõ là của Trần Tiến, in ở phần Bổ di, cuối tác phẩm Tục Công dư tiệp ký (Nxb Văn học, 2008). Hơn nữa, văn phong của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi với Tục Công dư tiệp ký cũng rất khác nhau. Nếu căn cứ vào tác phẩm này, rồi đối chiếu v ớ í tất cả những gì đã ghi về cuộc đời, giai thoại, câu đối, thơ phú… của Mạc Đĩnh Chi, trong các sách báo đã xuất bản, đều thấy trùng khớp với tác phẩm của Trần Tiến. Từ đó, có cơ s ở để suy ra, hầu hết các nội dung về Mạc Đĩnh Chi có trong sách báo sau này, đều xuất phát từ một bản gốc là truyện ký của Trần Tiến ở thời Lê. Vậy mà các sách báo xuất bản lâu nay, không nêu xuất xứ để ghi nhận công lao ban đầu của Trần Tiến, là không công bằng. Nguyễn Đăng Na trong lời nói đầu khi dịch tác phẩm này, cũng khẳng định và “ghi nhận công lao này là của Trần Tiến”. Niên phả lục (1764) là tập ký nổi bật trong các tác phẩm của Trần Tiến. PGS – TS Nguyễn Đăng Na đánh giá: đây là “bộ sách có giá trị lớn, nó đánh dấu một mốc quan trọng trên con đường phát triển văn xuôi tự sự Việt Nam, đặc biệt về thể ký…” Với thành tựu quan trọng đó, Trần Tiến đã “mở ra cho mình một lối viết riêng, không giống bất cứ một ai trước đó, đồng thời đặt nền móng cho những người đi sau noi theo, như Lê Hữu Trác, Phạm Đình Hổ…” (Lời giới thiệu Niên phả lục, Nxb Văn học, 2003). Niên phả lục gồm 2 tập ký riêng biệt. Tập đầu là Tiên tướng công niên phả lục, viết về cha mình, Tham tụng - Thượng thư Trần Cảnh. Tập sau là Trần Khiêm Đường niên phả lục, viết về bản thân mình, khi ông 55 tuổi, hoàn thành vào một ngày mùa đông, năm Long Tập, Giáp Thân, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 25 (1764) tại lỵ s ở xứ Thanh Hoa (nay là Thanh Hóa) khi ông làm quan ở đó, với chức danh đầy đủ là Triều liệt đại phu, Tán trị thừa chánh sứ ty, Tham chính xứ Thanh Hoa, mà ông đã ghi ở Lời Tựa, đầu sách. Theo GS – TS Nguyễn Đăng Na, với Trần Khiêm Đường niên phả lục, Trần Tiến đã sáng tạo ra một thể lọai mới trong văn xuôi Việt Nam là ký tự thuật, từ năm 1764. Nguyễn Đăng Na viết, với tác phẩm này, “lần đầu tiên trong văn xuôi tự sự Việt Nam có một tác phẩm ký tự thuật. Chỉ khi con ngư ời ý thức được về mình, ý thức về vai trò và vị trí của mình, thì loại hình tự thuật mới ra đời. Ở thời trung đại, mấy ai dám làm như vậy”. Nguyễn Đăng Na nhận xét: “Khi thuật lại cuộc đời mình, tác giả luôn giữ thái độ trung thực, thật thà, kể cả khi nói về sự ‘quanh co’ của mình”. Ở đây, lần đầu tiên , cái Tôi “trở thành nhân vật trung tâm trong tác phẩm, để từ đó, mọi sự kiện được quan sát, đánh giá, miêu tả dưới điểm nhìn trực diện của anh ta. Điều này, tất cả các tác giả trước đây, chưa một ai làm được”. Mở đầu tác phẩm tự thuật, Trần Tiến viết: “Tôi họ Trần, thu ở bé tên là Tân, lớn lên tên là Kính, lại có tên là Tiến, tự là Khiêm Đường, con của Thừa tướng Trần công, do bà Quận phu nhân họ Nguyễn sinh ra. Nghiêm quân tôi từng nói rằng, ngài có số ẩn tướng, sẽ sinh quý tử, đến năm 26 tuổi thì sinh ra tôi. Thuở bé, tôi ngỗ ngược, khó dậy dỗ, người nhà đều lấy làm lo ngại…” Ông tự nhận xét: “Lại nữa, tôi bẩm tính ngu độn và không được mẫn tiệp, lại không biết nghề gì, tuy có nhã nhặn, thực thà, nhưng không tài hoa, ngoài ra chẳng có gì hơn người”. Lời văn tự thuật chân tình, thành thật, ấm áp, mà rất già giặn, đầy sự tin cậy và chia sẻ, được viết xong t ừ năm 1764, mới thấy cái giá trị mở đầu vẻ vang của nó cho một thể loại văn học tự sự, do chính ông khai mở. V ới lối viết điềm đạm , khiêm nhường, thân mật và thấm thía như thế, Trần Tiến thuật lại toàn bộ cuộc đời mìn h , từ khi sin h ra , lớn lên, rồi đi học ở An Quảng (nay là Quảng Ninh). Năm Tân Sửu (1721), “thân phụ đến nhậm chức Đốc đồng xứ An Quảng. Tôi đi theo để học”. Năm Nhâm Dần (1722) “tôi theo thân phụ, học tập tại xứ An Quảng, và làm thơ phú rất có khả quan, có câu luận như sau: Cổ giả Quản Y phi dị ngộ Dụng chi công hóa khởi nan thành (Người xưa như Quản Trọng, Y Doãn không dễ gặp Dùng họ, công hóa há khó thành) Và một số câu đối n ữ a. Thân phụ hết sức khen ngợi”. Như vậy, Trần Tiến viết bài thơ đầu tiên ở Quảng Ninh ngày nay, khi ông mới 13 tuổi. Trong tác phẩm, ông thuật lại nhiều việc diễn ra, từ kinh đô đến các xứ Hải Dương, An Quảng, Sơn Tây, Sơn Nam, Thanh Hoa, Kinh Bắc…, chủ yếu xoay quanh hai việc lớn, một là nông dân khởi nghĩa mà ông chứng kiến, hai là học hành thi cử mà ông trực tiếp tham gia, khi là thí sinh, khi là quan giám khảo, với rất nhiều chi tiết sinh động. Ông thuật lại năm đi thi đầu tiên ( 1726 ): “Năm 18 tuổi, khoa Hương thí năm Bính Ngọ, phụ thân muốn tôi đi thi. Tôi cho rằng, lực học của mình chưa tới độ, nên không đi thi. Tiên quân tôi cũng không cưỡng. Năm 19 tuổi, tôi mới vào trường Giám tập văn bài. Bấy giờ văn học đang thịnh hành, sĩ tử tới học đông như mây tụ, người trúng bảng tới gần 300, tôi trúng thứ 15. Khi đến lĩnh quyển, quan Tri giám người Thiên Kiệm, Thanh Liêm là Thượng thư họ Trương, lấy quyển của tôi xem, khen “được” đến hai ba lần và nói rằng: “Ta đỗ đại khoa năm 21 tuổi mà văn chương chưa đư ợc như thế này. Cố lên! Cố lên!”. Và đây là sự việc diễn ra sau cuộc thi cuối cùng (thi Tiến sĩ năm 1748): “Xem xướng danh xong, tôi ra về, giữa đường gặp con trai quan Thượng thư người Hoạch Trạch là Nhữ công, dừng lại nói chuyện. Bấy giờ, ông ta không được thủ khoa, hơi phật ý. Tôi an ủi. Ông bỗng nhiên nói: “Khoa này trúng đại danh chỉ có huynh và tôi. Người khác tuy đỗ đứng trên, nhưng không đáng ngại”. Lúc đó, tôi cũng hơi biết, tự nghĩ rằng, tuy ông nói vậy, nhưng thực ra là tự nói về bản thân, bèn đưa đẩy: “Huynh là bậc kỳ tài trong thiên hạ, chứ không phải của riêng xứ ta. Còn như danh sĩ trường ta, cũng rất nhiều người như đệ đây, sao so được với huynh”. Ông nói: “Không đúng! Tôi không phải là kẻ nịnh đời, nhưng đã từng bàn luận với các quan huyện, phủ, xin kể qua các danh sĩ đỗ cao các huyện, quyển trúng chỉ có một hai câu hay. Nhưng xem bài của huynh, không phải lọai bình thường. Đại thành khoa này là huynh và đệ, không khác được”. Về nguyên nhân thi trượt các khoa trước, tác giả cũng thành thật nhận ra: “Bấy giờ, tôi có một người bạn ở Nhuế Đông, thường xuyên đi lại, nói rằng: “Học vấn của huynh toàn những thứ đâu đâu, thực không thể có kết quả. Cần phải theo thời thế mới được”. Nhờ đó, tôi bỗng nhiên tỉnh ngộ, bèn khổ luyện văn bài, trước tác toàn thứ văn khoa cử, rất biết cần phải chuẩn bị như thế nào cho cuộc ứng thí… (Nguyễn Đăng Na dịch). Theo Nguyễn Đăng Na, ký tự thuật của Trần Tiến, được ông “viết rất hay. Ý tứ thì sâu kín nhưng rõ ràng, mạch lạc. Nội dung tác phẩm lại phong phú và hấp dẫn. Đúng như người đời thường nói, văn của đại gia, ý tại ngôn ngoại”… Ông mất giờ Mão ngày 7/5 năm Canh Dần (1770) tại nơi làm việc, các quan đưa về mai táng tại quê nhà, được vua Lê Hiển Tông ban tên thụy là Trung Cẩn, sau truy thăng Lễ bộ thượng thư. KHUYÊN CON TRAI NÊN ĐỌC SÁCH MỞ ĐẦU Bản Nôm do Nguyễn Văn Sâm sưu tập, phiên âm, sơ chú, và giới thiệu. Lê Văn Đặng soạn bản UNICODE , và viết LỜI CUỐI. Bài nầy phiên dịch trong sách Nôm Châu Tử Gia Huấn Giải Dịch Nam Âm, bản in ở bên Phật Trấn, Bảo Hoa Các tàng bản, do hai nhà nho ở Gia Định là Gia Lạc Thị và Kính Lan Thị phỏng dịch từ sách Trung Quốc... Như phần nhiều tác phẩm khác của Phật Trấn, Bản Nôm Châu Tử Gia Huấn không đề năm nhưng chắc chắn là xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Giai đoạn nầy và mấy chục năm đầu thế kỷ kế đó sách dạy học làm người sống sao cho phải đạo, nên thân nên hình viết riêng cho con trai con gái thiệt là nhiều... Hai tác giả Gia Lạc Thị và Kính Lan Thị, chưa thấy sách vỡ nào nói tới. Chúng tôi ngờ là thuộc nhóm Minh Hương mà nổi tiếng nhứt là Duy Minh Thị... như nhiều người đã biết. Bài Khuyến Nam Đọc Thư... khuyên con trai nên chăm học, chăm học thì ngày sau sẽ có sự nghiệp, được người đời trọng vọng, có vợ đẹp, giàu sang...khỏi phải cảnh ra đình làng đứng dựa cột, hay vác bỗi thui trâu khi có hội hè đình đám và dốt nát, mình mẫy chẳng có chữ nào như hình nộm nang. Học hành giỏi dắng còn biết nghĩa lý ứng xử, biết điều phái quấy... Bài văn nầy chứa đựng một số từ ngữ, thành ngữ xưa nhưng tương đối dễ hiểu, lời nhẹ nhàng, là một bài học ích lợi của bao thế hệ học sinh. Trong Nam, sách giáo khoa trước đây đã có trích dẫn, chúng tôi đã được học bài nầy đâu độ sáu chục năm trước, giờ về già còn nhớ lỏm bỏm… NVS. [ 0 1-14] Từ rày thầy mới dặn dò 徐 𣈙 吲 𢲛 Hể con học trò cho biết lễ nghi 係 𡥵 斈 禮儀 Bây ơi chơi ác [1] làm chi 𠎩 喂制惡 之 Muốn cho hay chữ học thì phải lo 闷 咍 斈時沛 Rừng Nhu biển thánh khôn dò 棱儒 𣷷 聖坤 𢲛 Bé mà không học lớn mò sao ra 𡭬 麻坤斈 𡘯𢺀𣇟𦋦 Nay nhờ cơm áo mẹ cha 𢘾𩚵 媄袄吒 Chí công đi học mới đà khỏi hoang [2] 至功 𠫾 斈 它 荒 Muốn cho học lấn thế gian 闷 斈 世间 Thời phải chịu khó thác nang [3] theo thầy. 時沛 𠹾 苦槖 柴 Đội ơn cúc dục cao dày 隊㤙鞠育高 𠫆 Học nên đẹp mặt nở mày mẹ cha 斈 惵 𩈘𦬑 眉媄吒 Học đặng như gấm thêm hoa 斈邒如錦 𣸸 花 Có văn có chất mới ra con người 文 質 𦋦𡥵𠊚 [15-30] Làm trai phải biết hổ ngươi 沛 虎传 Học sao khỏi dốt khỏi cười mới nên 斈 𣇟 𠸂 唭 Khôn thời ăn trước ngồi trên 坤時咹 𡎥 Dại thời ra đứng hai bên hè đình 𢘽 時 𦋦 边榎 𠅘 Người khôn học lấy giữ mình 𠊚 坤斈 𥙩 㑏 𨉟 Đứa dại bụng trống như hình nộm nan 𠁂𢚕 䏾 𤿰 如形㑲 𥸁 Triều đình quyền thưởng tước ban 朝廷權賞爵頒 Cũng nhờ chữ nghĩa bạc vàng khó mua 供 𢘾 義泊鐄 Những người giúp nước phò vua 仍 𠊚 渃扶 𤤰 Cũng nhờ văn nghệ tranh đua quí quờn 拱 𢘾 文藝争 貴 Nghèo mà biết chữ có hơn Giàu mà biết chữ sơn son thiếp vàng 𢀭 崙山 鐄 Bé thơ ép học chẳng màng [4] 𡭬 書押斈 Lớn lên ra làng vác bổi thui trâu 𡘯 𦋦 廊 𦮷 熣 Gẫm trong đạo thánh rất mầu 𡄎 道聖叱牟 Học nên chữ sĩ như châu [5] như vàng 斈 字士如珠如鐄 [31-46] Ở cho tình tánh nghiêm trang 扵 情性 荘 Trẻ già tôn trọng xóm làng yêu thương. 𥘷 遵重 廊夭傷 Phước dầu áo gấm hồi hương 福油 𥜌 錦回鄉 Rạng danh cha mẹ như gương trên đời. 𠓇 名吒媄如 𦎛 𠁀 Đã hay thành bại tại trời 㐌咍成敗在 𡗶 Hoàng thiên đâu nỡ phụ người đọc thơ 皇天 忍負 𠊚 讀書 Học nên gái tốt đợi chờ 斈 𡛔 卒 Gắng thông kinh sử vợ nhờ thiếu chi. 哏通 史 如少之 Thầy đà giác lý thị phi 它覺 是非 Tận tình khuyên dạy học thì nên thân 盡情勸 𠰺 斈時 身 Học cho biết nghĩa biết nhân 斈 義 仁 Biết trung biết hiếu quỷ thần trọng kinh 忠 孝鬼神重驚 Thầy đâu dám sánh cao minh 敢 𡖼 高明 Việc lành dạy trẻ nên thiên để đời. 𠰺𥘷 編 底 𠁀 Trước sau cặn kẽ mọi lời 𡢐𠶌 几每 𢈱 Lại hỏi dân trời có phải cùng chăng 吏 𠳨 民 𡗶 固沛共 [47-48] Rày thêm hòa cốc phong đăng 𣈙 禾榖豐登 Hỷ đề sổ cú nguyện tăng thái bình 喜題数句愿增太平 LỜI CUỐI Bản Nôm ngắn, với 48 câu, trích từ bản “ Chu Tử Gia Huấn Thích Nam Âm”, ghi lại một trong những bài chúng tôi đ ược học từ thuở nhỏ. · Các bản khắc in hay chép tay thường có ít nhiều chỗ sai. Bởi khắc trên bản gỗ, dù có thấy chữ sai, người thợ khắc cũng không tiện sửa lại, cứ để vậy mà in, có khi chỉ đục bỏ chỗ sai, nên bản in đôi khi thấy “ô đen” đây đó. (c. 27) Bé thơ ép học chẳng màng 𡭬 書押斈 Lớn lên ra làng vác bối thui trâu 𡘯 𦋦 廊 𦮷 熣 Phần chỉ âm 甲 “giáp” của chữ 押 “áp”, khắc sai thành 申 Chữ 𢂾 (màng), với 巾 (bộ cân) dùng không đúng chỗ. (c. 36) Hoàng thiên đâu tứ phụ người đọc thơ 皇天 思負 𠊚 讀書 Chữ 思 (tứ) không rõ nghĩa trong câu, NVS gợi ý, có thể chữ 忍 (nhẫn = nở), khắc sai ra chữ 思 : 皇天 忍 負 𠊚 讀書 Hoàng thiên đâu nở phụ người đọc thơ. · Bản Nôm chỉ có 48 câu, nhưng quá nửa số câu (25) có chữ có dấu nháy. Có chữ viết thường ở chỗ nầy, lại có dấu nháy ở chỗ khác. Vẫn biết dấu nháy có tác dụng áp đặt âm ít thông dụng của chữ, tuy nhiêu có nhiều chỗ, trường hợp dấu nháy không theo đúng tiêu chuẩn nói trên. Sau đây là một trường hợp mượn âm đáng ghi: (bác = rộng, thông suốt) : bác à vác = mang, chuyển. · Nơi phần PHỤ LỤC, chúng tôi chép lại mấy trang trong bản in, mong giúp người đọc tiện việc tra cứu. Lê Văn Đặng Hải Biên, cuối tháng Tư, năm 2011 PHỤ LỤC
朱子家訓 釋南音 Chu Tử Gia Huấn Thích Nam Âm 嘉定 Gia Định 嘉樂氏訂明 Gia Lạc Thị đính minh 敬闌氏註義 Kính Lan Thị chú nghĩa 廣盛南 𤼵 售 Quảng Thịnh Nam phát thụ 內附 訓女文 教男文 Nội Phụ Huấn Nữ Văn Giáo Nam Văn 粤東佛鎮天寶楼板 Việt Đông Phật Trấn Thiên Bảo Lâu Bản [ 01 - 30 ]
[ 31 -48]
[1] Chơi ác: Lo ăn chơi nhiều hơn học hành. Nghĩa nầy nay không còn dùng. [2] Khỏi hoang: tránh được hư hỏng. [3] Thác nang: túi đựng quần áo và sách học. [4] Không nghe lời kêu bảo học hành. [5] Châu báo, của quí giá.
Phụ Bản II HAI SẮC HOA TI-GÔN Hoa Ti-gôn, loài hoa đã được lấy làm đầu đề cho một bài thơ nổi tiếng làm xôn xao dư luận trong thi đàn, được đăng trên tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy vào thập niên ba mươi của thế kỷ 20, nhưng tác giả của Thi phẩm nói trên thì cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn với cái tên chỉ viết tắt có ba chữ T.T.KH. Bài thơ thuộc loại thơ tình rất độc đáo, đã làm cho độc giả kể cả các thi nhân tên tuổi cũng phải ngẩn ngơ, vì nó không theo niêm luật như thơ Đường mà cũng không giống như loại thơ mới có chiều phóng khoáng hơn mà chỉ là những câu nói bình thường để diễn tả sự luyến tiếc của một mối tình không đi đến kết quả được vì ngang trái của đạo lý hoặc cũng là mặc cảm chưa có sự nghiệp trong xã hội nên chưa muốn tác thành. Xin kể ra đây câu chuyện vốn là nguyên nhân ra đời của bài thơ. Có một họa sỹ trẻ mới ra trường, một lần đi tìm cảnh vẽ, chàng đã gặp một thiếu nữ đang hái hoa Ti-gôn trong vườn. Như một cú sét ái tình, chàng đâm ra mê người đẹp. Qua ngày tháng và cũng nhờ tài nghệ của mình, tranh vẽ của chàng họa sỹ ngày càng được yêu chuộng và cũng có lần người đẹp hái hoa đến nhà để nhờ vẽ chân dung cho mình. Bẵng đi một thời gian khá lâu trong bữa tiệc chiêu đãi, chàng họa sỹ khiêu vũ với một thiếu nữ mà mình ngờ ngợ có gặp nhau ở đâu lúc trước và hai người dìu bước nhau trong tiếng nhạc, nàng đã kể cho chàng nghe về cuộc đời của mình là nàng đã có chồng nhưng cuộc hôn nhân quá tẻ nhạt. Chàng ngỏ ý muốn cùng nhau đi đến một phương xa để chung sống. Nhưng mọi việc sắp đặt xong thì bỗng nhiên chàng nhận được một bức thư của nàng từ chối chuyến đi vì không đủ can đảm, trong thư một dây hoa Ti-gôn đã rơi ra. Chàng nhìn những nụ hoa hình trái tim màu hồng như nhuốm máu, lặng lẽ hôn lên hoa và khóc. Thời gian trôi qua chàng họa sỹ vẫn giữ hình bóng người mình yêu trong tim. Bốn năm sau, bỗng một hôm chàng nhìn thấy trên bàn mình không biết ai đã bí mật đặt vào đấy một bức thư có viền đen, mở ra xem, thì đó là thơ của chồng nàng báo tin là nàng đã chết. Chàng đáp tàu hỏa đến nơi có mộ nàng, đặt lên dây hoa quen thuộc. Từ đó chàng luôn mua hoa Ti-gôn về đặt trong phòng mình. Trước đấy có bài nói về hoa Ti-gôn là một truyện ngắn không có gì đặc sắc, ký thác tâm sự hoài niệm, sự khắc khoải của tâm hồn nên tên hoa được lặp đi, lặp lại nhiều lần, của một nhà văn trẻ mới đi vào sự nghiệp văn chương vừa đang trải qua một chuyện tình buồn như đã kể bên trên. Nhưng hai tháng sau nhà văn trẻ đang bài truyện ngắn nói trên, vào khoảng tháng 9 năm 1937, Tòa soạn báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy nhận được một bức thư của một tác giả ký tên là T.T.KH. Đó là bài “Hai sắc hoa Ti-gôn” bài thơ này đã gây sự xúc động mãnh liệt trong lòng người yêu thơ bởi những câu thơ quá da diết: “Người ấy thường hay vuốt tóc tôi – Thở dài những lúc thấy tôi vui – Bảo rằng: Hoa dáng như tim vỡ – Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi”. Gần hai tháng sau, tòa soạn lại nhận được một bài thơ nữa có tựa đề là Bài thơ thứ nhất dù đó là bài thơ thứ hai gởi đến, bài này được đăng trên số báo ra ngày 20.11.1937. Và một năm sau nữa tòa soạn nhận thêm bài thơ cuối cùng. Bài này được đăng trên số báo ra ngày 30.10.1938. Từ đó tuần báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy không còn nhận thêm bài thơ nào của con người bí ẩn này nữa. Ngược lại có một bài thơ cũng ký tên T.T.KH gửi đến một tờ báo khác, đó là bài thơ Đan áo. Những bài thơ mang tên là T.T.KH đã làm cho độc giả bàng hoàng sửng sốt. Nhưng tác giả của nó đã lặng lẽ rời bỏ văn đàn, không bao giờ xuất hiện ở đâu nữa, cũng không ai biết một chút gì về con người “bí ẩn” này. Nghi án văn học T.T.KH từ đó bắt đầu. Theo ông Nguyễn Vỹ, một nhà văn tên tuổi đã có tác phẩm đăng nhiều kỳ trên tạp chí “Phổ thông” với tựa đề “Tuấn chàng trai đất Việt”, thì trong một bữa ngồi uống rượu giải sầu với Thâm Tâm - bạn nhà văn, ông này đã thổ lộ với Nguyễn Vỹ là ông có một người yêu tên là Trần Thị Khánh, nàng đã có lần gợi ý Thâm Tâm đến nhà hỏi cưới nhưng Thâm Tâm bảo rằng chưa có sự nghiệp gì nên chưa nghĩ đến chuyện này. Bẵng đi một thời gian, một hôm Thâm Tâm nhận được bức thư cho biết nàng sắp đi lấy chồng. Bị người yêu bỏ đi lấy chồng, Thâm Tâm đã phải thức suốt đêm để làm một bài thơ tựa đề là “Hai sắc hoa Ti-gôn” ký tên T.T.KH. Thâm Tâm làm như vậy với dụng ý để các bạn của mình tin là của Khánh làm cho khỏi mang tiếng là bị tình phụ. Sau đó Thâm Tâm gởi thơ tới tòa soạn, về phần cô gái đó, sau khi đọc bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn” liền viết thư phản đối Thâm Tâm kịch liệt, Thâm Tâm bèn lấy những câu chữ trong bức thư này để viết tiếp các bài thơ sau, vẫn ký tên là T.T.KH. Một số tác giả khác lại cho rằng chính cô Trần Thị Khánh, cô người yêu của Thâm Tâm đã sáng tác ra những bài thơ ký tên T.T.KH. Một số tác giả khác cụ thể hơn nữa khi cho rằng Trần Thị Khánh là em gái họ của nhà thơ Tế Hanh, cũng có người cho là Nguyễn Bính là tác giả của bài “Hai sắc hoa Ti-gôn”, nhưng với Nguyễn Bính không thể có trường hợp cụ thể như của Thâm Tâm. Bài thơ “Hai sắc hoa Ti-gôn”: Một mùa thu trước, mỗi hoàng hôn Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc Tôi chờ người đến với yêu thương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng Dải đường xa vút bóng chiều phong, Và phương trời thắm mờ sương, cát Tay vít dây hoa trắng chạnh lòng,
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi Thở dài những lúc thấy tôi vui, Bảo rằng: Hoa dáng như tim vỡ, Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!
Thuở đó nào tôi đã biết gì Cánh hoa tan tác của sinh ly Cho nên cười đáp: “Màu hoa trắng Là chút lòng trong chẳng biến suy”
Đâu biết lần đi một lỡ làng Dưới trời đau khổ chết yêu đương Người xa xăm quá! Tôi buồn lắm Trong một ngày vui pháo nhuộm đường…
Từ đấy thu rồi, thu lại thu Lòng tôi còn giá đến bao giờ? Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ Người ấy, cho nên vẫn hững hờ
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời Ái ân lạt lẽo của chồng tôi Mà từng thu chết, từng thu chết Vẫn giấu trong tim bóng một người
Buồn quá, hôm nay xem tiểu thuyết Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa Sắc hồng tựa trái tim tan vỡ Và đõ như màu máu thắm pha!
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi Một mùa thu trước rất xa xôi… Đến nay tôi hiểu thì tôi đã Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu nhạt nắng mờ, Chiều thu, hoa đỏ rụng chiều thu Gió về lạnh lẽo chân mây trắng Người ấy sang sông đứng ngóng đò
Nếu biết rằng tôi đã có chồng Trời ơi! Người ấy có buồn không? Có thầm nghĩ tới loài hoa vỡ Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
Chú thích : Hoa Ti-gôn thuộc loại hoa dây leo, lá giống như lá bìm bìm nhưng nhỏ hơn. Hoa chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay và có hai màu: trắng và hồng, thường được trồng ở chân tường rào dựa theo vách để leo lên đầu tường và trổ bông. P.P.T. st. Tà áo quê hương
Nhà tôi mặc áo bà ba Áo thêu cánh bướm bay ra lều chiều Bài thơ tôi viết dưới lều Bút nghiêng nhớ bướm thơ chiều nở hoa
Em vào thay áo bà ba Chiều vừa khép nắng trong tà áo em Nụ cười hoa nở hờn duyên Gió ngoài cửa ngõ trăng trên mái lều
Bài thơ tôi viết hồi chiều Tặng em chưa nói được nhiều ái ân Em về có gió đưa chân Trăng thu dẫn lối… tình xuân hẹn hò
Lỡ như xuống bến đợi đò Để tôi mượn bước sông hồ đón em Nếu như lá rụng ưu phiền Mùa thu để lại giữa miền cát bay
Em về đỡ lá trên tay Thêu lên vạt áo sầu đầy nhớ nhung Trần Lữ Vũ Tài Năng
Tài năng của hiếm Trời cho “Ngọa Hổ tàng Long” thật khó dò Thấy rồi không biết giữ gìn nó Khác gì bụng đói gạo để kho Lê Minh Chử Hai nửa
Hai nửa hồn thơ dệt mộng vàng Cùng nhau sánh bước, ánh thiều quang Trái tim hòa nhịp niềm thân ái Hơi thở lưu hành khúc lạc hoan Dệt mộng ái ân thêm gắn bó Trau dồi hạnh phúc mãi an toàn Dầu cho biển cạn non mòn mỏi Hai nửa ngàn năm vẫn kết đoàn Thanh Châu MƯA
Nhìn ra ngoài mưa bay mưa bay Những hàng cây xanh xao lăc lay Cánh hồng nhung trước hiên sũng nước Nhạn lẽ loi cánh mỏi tìm bầy
Ngày chưa tàn sao đêm vội đến Thu chưa về gió đã heo may Tim còn thức tuổi đời sắp ngủ Thuyền có ngừng trôi khi thủy triều lên?
Tháng ngày qua trở thành chuyện cổ Thì tương lai dài ngắn ai hay? Hiện tại buồn vui cũng là quà tặng Thì cứ nhận về dù rủi dù may
Nhớ ngày xưa mê đi trong mưa Con đường nhỏ hàng cây lưa thưa Từng giọt li ti cũng làm tóc đâm nước Trời thật buồn hồn vẫn thấy rất thơ
Một mình tôi nhìn mưa chiều nay Nhớ quỹ thời gian ngắn lại từng ngày Hò hẹn tìm vui trong chốc lát Vẫn hồn cô quạnh có ai hay! ttth (Đầu mùa mưa tháng 6 2011)
Ngăn cách
Nổi chìm giấc mộng liêu trai Duyên hờ ngậm đắng nuốt cay vào hồn Mưa rơi ướt cánh chuồn chuồn Lục bình tím lạnh hoàng hôn úa tàn Bờ môi giá buốt tình tan Rượu không sưởi ấm cung đàn biệt ly Người đành dứt áo ra đi Chim trời cá nước biên thùy cách ngăn Cũng đành góp nhặt gió trăng Cắm thuyền ngóng đợi mây giăng lưng đèo Viễn vông phiêu bạt cánh bèo Lênh đênh mặt sóng cuốn theo mối sầu! Ngàn Phương
TRUYỆN KIỀU (Câu 1967-2164)
Sinh rằng: “Riêng tưởng bấy lâu “Lòng người nham hiểm, biết đâu mà lường “Nữa khi giông tố phũ phàng 1970 “Thiệt riêng đấy cũng lại càng thiệt đây. “Liệu mà xa chạy cao bay “Ái ân ta có ngần này mà thôi! “Bây giờ kẻ ngược người xuôi “Biết bao giờ lại nối lời nước non? 1975 “Dẫu rằng sông cạn đá mòn “Con tằm đến thác cũng còn vương tơ” Cùng nhau kể lể sau xưa, Nói rồi lại nói lời chưa hết lời! Mặt trông tay chẳng nỡ rời 1980 Hoa tì đã động tiếng người nẻo xa.
Thúc said: “So far I’ve been thinking of a woman’s trick, “How dangerous it was and we don’t known what’ll happen next. “If a cruel windstorm came up some day later, “Not only it’d afflict you but much more would I suffer. “So, you’d better manage to leave and flea far from here, “Our love is so short and can’t last any longer, my dear! “Now, each one one’s own way, when can we meet again, “To say our love oaths before rivers and mountains? “Rivers may be drained and mountains can wear out, “Yet until death, this silk-worm’ll still keep its thread tangled around” Together, they cited everything in the past and for the future, They talked and talked as though they couldn’t finish their words. Looking at each other’s face, they felt deep pain to loose their hands, Just then a servant warned them of the noise from someone’s advance.
Nhận ngừng, nuốt tủi đứng ra, Tiểu thư đâu đã rẽ hoa bước vào Cười cười nói nói ngọt ngào Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi? 1985 Dối quanh, sinh mới liệu lời: “Tìm hoa quá bước xem người viết kinh.” Khen rằng: “Bút pháp đã tinh “So vào với thiếp Lan Đình nào thua! “Tiếc thay lưu lạc giang hồ 1990 “Nghìn vàng thực cũng nên mua lấy tài!” Thuyền trà cạn nước hồng mai, Thong dong nối gót thư trai cùng về.
Thúc hastened to stand apart, swallowing his shame, From among the flowers, his wife leisurely came. With a sweet voice, she spoke and smiled so nicely, “My Lord”, said she, “You’ve just come from somewhere? I’m sorry.” “I’ve just taken a walk and stopped to see her text copies”, he said, On the table, some manuscript copies were laid. “Oh! What fine brush strokes!”, praised the lady, “wonderfully done! “Her writing skill would not yield up to Lan Đình model(1) “How regrettable for a poor girl astray from house! “Her talent is worth a thousand taels of gold, no doubt!” After drinking some red apricot tea, the spouses took leave, And leisurely walked together back to their study.
Nàng càng e lệ ủ ê, Rỉ tai hỏi lại hoa tì trước sau. 1995 Hoa rằng: “Bà đến đã lâu, “Dón chân đứng núp độ đâu nửa giờ. “Rành rành kẽ tóc chân tơ, “Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường. “Bao nhiêu đoạn khổ, tình thương ---------------------- (1) Lan đình: name of a famous calligrapher in the Tang period whose inscription were praised by the Emperor and carved on stone as a model writing. 2000 “Nỗi ông vật vả nỗi nàng thở than. “Dặn tôi đứng lại một bên “Chán tai rồi mới bước lên trên lầu.” Nghe thôi kinh hãi xiết đâu, “Đàn bà thế ấy, thấy âu một người 2005 “Ấy mới gan, ấy mới tài “Nghĩ càng thêm nỗi sởn gai rụng rời! “Người đâu sâu sắc nước đời “Mà chàng Thúc phải ra người bó tay.
Kiều was terribly confused! She whispered to her servant, Asking her to report everything that had happened. “The lady arrived long time before”, said the girl, “She stood on tiptoes hiding herself for about half an hour. “So she didn’t miss a single word you and Master whispered, “All loving words and bitter complaints were clearly heard. “Also your grieving and his writhing slid in her ears, “When both her ears were full up, she left and went upstairs.” Listening to the servant’s report, Kiều got terrified! “What a woman! On earth we cant find another alike!” She thought, “What a bold woman! She’s really clever! “Just thinking of what she did gives me a shudder! “She was so witted a woman in playing games of life! “So that her husband found himself a man with both hands tied.
“Thực tang bắt được dường này 2010 “Máu ghen ai cũng chau mày nghiến răng “Thế mà im chẳng đãi đằng, “Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng “Giận dầu ra dạ thể thường “Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu 2015 “Thân ta, ta phải lo âu, “Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này! “Ví chăng chắp cánh cao bay “Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa “Phận bèo bao quản nước sa 2020 “Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh.
“Had this scene been caught red-handed by any other wife, “Out of jealousy, she would have clenched her teeth, knitted her eyes. “Yet instead, she kept it calm as though nothing had happened, “Greeting everyone with her sweet voice, her face gladdened. “Breaking into anger is a common gesture in life, “But it’s difficult to sound a dangerous heart from a smile. “So I ought to care for my own person myself, “Where are tiger jaws or snake fangs around me, who can tell? “It’s the best way if I found the wings to fly away, “From the tree she fences, she might break the flower someday! “As a duckweed, I don’t care being drifted by water, “Wherever it’ll be floating, it doesn’t matter.
“Chỉ e quê khách một mình “Tay không chưa dễ tìm vành ấm no” Nghĩ đi nghĩ lại quanh co Phật tiền sẵn có mọi đồ kim ngân 2025 Bên mình giắt để hộ thân Lần nghe canh đã một phần trống ba Cất mình qua ngọn tường hoa Lần đường theo bóng canh tà về tây Mịt mù dặm cát đồi cây 2030 Tiếng gà điếm nguyệt dấu giày cầu sương Canh khuya thân gái dặm trường Phần e đường sá phần thương dãi dầu! Trời đông vừa rạng ngàn dâu Bơ vơ nào đã biết đâu là nhà
“But I’m just worried for being alone in a strange land, “How could I find food and lodging with nothing in hand?” Thinking over and over again, she looked around, Suddenly some precious objects on the altar were found. “Should I take these”, thought she, “ just in case of need? “Oh, forgive me, please, Buddha! And help me to get freed!” The drumbeats already announced the third watch(2) of night, She climbed over the flowery wall to get outside. Through dim moonlight and night shadows she groped her way, To the direction of the setting moon faraway. Through the misty veil, sandy paths and green hills appeared vaguely, Cock crows resounding, shoeprints on the dewy bridge were seen clearly. A frail girl groping on long roads, so deep in the night! She felt half pity for herself, half overwhelmed with fright. Dawn already lightened the East mulberry field all over, Yet alone on the road, she couldn’t find any roof for shelter! ---------------------- (2) 11:00 PM to 1:00 AM
2035 Chùa đâu trông thấy nẻo xa, Rành rành “Chiêu Ẩn Am” ba chữ bài Xăm xăm gõ mái cửa ngoài Trụ trì nghe tiếng rước mời vào trong Thấy màu ăn mặc nâu sồng 2040 Giác Duyên sư trưởng lành lòng liền thương Gạn gùng ngành ngọn cho tường Lạ lùng nàng hãy tìm đường nói quanh: “Tiểu thiền quê ở Bắc Kinh “Quy sư, quy Phật, tu hành bấy lâu 2045 “Bản sư rồi cũng đến sau “Dạy đưa pháp bảo sang hầu sư huynh.” Rày vâng diện kiến rành rành Chuông vàng khánh bạc bên mình giở ra
Fortunately, from a distance, a temple appeared, With three characters “Retreat Appeal Temple” written so clear. She went straight on and knocked at the outer door, The temple keeper came out and warmly welcomed the visitor. Seeing the humble young woman in full dark brown color, Giác Duyên, the kind Abbess had a fine impression on her. The former then addressed questions about her origin, Feeling strange at first, Kiều invented a story to begin. Quite embarrassed, she decided to hide her real life story, “I am a humble nun coming from Peking”, said she. “I have devoted my life to Buddhism for a certain time, “My Superior will come later, it took her some time to arrive. “She had me bring you some precious objects as her offering.” Kiều took out a golden bell and a silver gong while saying.
Xem qua sư mới dạy qua: 2050 “Phải nơi Hằng Thủy là ta hậu tình “Chỉn e đường sá một mình “Ở đây chờ đợi sư huynh ít ngày” Gửi thân được chốn am mây Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong 2055 Kệ kinh câu cũ thuộc lòng Hương đèn việc cũ trai phòng quen tay Sớm khuya lá bối phướn mây Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chầy nện sương Thấy nàng thông tuệ khác thường 2060 Sư càng nể mặt, nàng càng vững chân.
After glancing at the gifts, the old abbess said gladly: “These might come from the monastery of my friend Hằng Thủy. “But I won’t let you leave alone, it’s not safe, my daughter, “You’d better stay a few days to wait for your Superior.” Kiều was so glad to find a shelter for her drifting life, With salted vegetables and greens, peaceful days went by. She knew by heart many canon books she had learnt, Lighting incense and candles, vegetable cooking were usual. Morning and night, she tried to write scriptures and banners, By candle or moonlight, dawn and twilight, her bell sounds were heard. Her knowledge and bright intelligence amazed the abbess, Who paid her better regard, which assured her settled place.
Cửa thiền vừa cữ cuối xuân Bóng hoa đầy đất vẻ ngân ngang trời Gió quang mây tạnh thảnh thơi Có người đàn Việt lên chơi cửa già 2065 Giở đồ chuông khánh xem qua, Khen rằng: “Khéo giống của nhà Hoạn nương” Giác Duyên thực ý lo lường, Đêm thanh mới hỏi lại nàng trước sau Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mầu 2070 Sự mình nàng mới gót đầu bày ngay: “Bây giờ sự đã dường này, “Phận hèn dù rủi dù may tại người.”
Over this holy shelter, Spring time had almost gone by, Flowers shadowed the ground, Milky way lay across the sky. There was no wind, nor cloud, the weather was agreeable, One day, a pious woman came to visit the temple. Seeing the gold bell and the silver gong, she praised: “Very nice! They look like those of Mrs. Hoạn I saw the other day.” At this genuine remark, Giác Duyên felt quite anxious, One calm night, she inquired Kiều about the gifts so precious. Kiều found it difficult to hide it any longer, She then told the whole story to her as her own mother. “Now, things had come down to such a complexity”, said she, “Lucky or ill-fated, may I entrust you my own destiny?”
Giác Duyên nghe nói rụng rời! Nửa thương, nửa sợ, bồi hồi chẳng xong. 2075 Rỉ tai mới kể sự lòng: “Ở đây cửa Phật là không hẹp gì “E chăng những sự bất kỳ “Để nàng cho đến thế thì cũng thương “Lánh xa trước liệu tìm đường, 2080 “Ngồi chờ nước đến, nên dường còn quê!” Có nhà họ Bạc bên kia Am mây quen lối đi về dầu hương Nhắn sang dặn hết mọi đường Dọn nhà hãy tạm cho nàng trú chân.
Listening to the story, the old nun got frightened, Feeling half pity, half afraid for Kiều, she was puzzled. Lowering her voice, she whispered whole heartedly: “My dear, here the Buddha gate is open to everybody. “But I’m just afraid if some bad events struck you right here, “Then how could I stand to see you suffer alone, my dear? “So be wise to manage yourself and flee at high speed, “Don’t sit still to wait until the tide comes up to your feet!” Bạc Bà, one of the old believers who lived not so far, Used to bring oil and incense to offer the pagoda. Giác Duyên sent for her and asked her to prepare a place, As a temporary shelter for a girl in miserable state.
2085 Những mừng được chốn an thân, Vội vàng nào kịp tính gần tính xa Nào ngờ cũng tổ bợm già Bạc Bà học với Tú Bà đồng môn! Thấy nàng mặn phấn tươi son 2090 Mừng thầm được mối bán buôn có lời Hư không đặt để nên lời Nàng đà cả sợ rụng rời lắm phen Mụ càng xua đuổi cho liền Lấy lời hung hiểm ép duyên Châu Trần 2095 Rằng: “Nàng muôn dặm một thân “Lại mang lấy tiếng dữ gần dữ xa “Khéo oan gia, của phá gia “Còn ai dám chứa vào nhà nữa đây?
Kiều was so glad to get a shelter from her mishap, She didn’t have enough time to think it good or bad. How could she imagine it was a nest of old strickters? Bạc Bà and Tú Bà, learned from the same school, were best swindlers. Seeing her pretty face which, with make up, must be seductive, The old hag found it a profitable business that she wouldn’t leave. From nothingness, with good words, she invented real things, Having experienced frightful trickeries, Kiều seemed hesitating. But Bạc Bà refused to take her in her house for shelter, By using threatening words, she forced Kiều to marry a peddler. She said: “You are alone and a long way astray from home, “Bearing such an evil repute, near and far, everyone has known. “You’ll bring misfortune and ruin where you come in and out, “I wonder whoever dares take you into his house!”
“Kíp toan kiếm chốn xe dây 2100 “Không dưng chưa dễ mà bay đường trời “Nơi gần thì chẳng tiện nơi “Nơi xa thì chẳng có người nào xa “Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà “Cũng trong thân thích ruột rà, chẳng ai 2105 “Cửa nhà buôn bán Châu Thai, “Thực thà có một đơn sai chẳng hề “Thế nào nàng cũng phải nghe “Thành thân rồi sẽ liệu về Châu Thai. “Bấy giờ ai lại biết ai 2110 “Dầu lòng bể rộng sông dài thênh thênh Nàng dầu quyết chẳng thuận tình “Trái lời nẻo trước, lụy mình đến sau”
“Be wise to find a man to whom you can get tied, “Otherwise, it’s not easy to find a way to fly up into the sky. “Around here, there is no man who can match you, my daughter, “Far away, I don’t think I know anyone either. “Ah! My nephew Bạc Hạnh would be your right man! “He’s a close relative of my family’s clan. “He owns a shop for business in Thai district(3), “A pure honest man, not the least falsehood nor any trick. “But you ought to obey me and follow what I tell, “After the wedding, you may settle in Thai district as well. “Once being there, no one recognizes you, free from all worries, “You can enjoy life among long rivers and wide seas. “If you don’t listen to me and offend my idea, “Calamity will come up and get you struck right here!” --------------------------- (3) A sea port on the coast of China
Nàng càng mặt ủ mày chau Càng nghe mụ nói càng đau như dần 2115 Nghĩ mình túng đất sẩy chân Thế cùng nàng mới xa gần thở than: “Thiếp như con én lạc đàn, “Phải cung rày đã sợ làn cây cong “Cùng đường dù tính chữ tòng 2120 “Biết người, biết mặt, biết lòng làm sao? “Nữa khi muôn một thế nào “Bán hùm buôn sói, chắc vào lưng đâu? “Dù ai lòng có sở cầu, “Tâm minh xin quyết với nhau một lời 2125 “Chứng minh có đất có trời “Bấy giờ vượt bể ra khơi quản gì”
Kiều’s doleful face withered with knitting eye-brows, The more she listened to those words, the deeper grew her sorrows. She felt as thought falling into a deep cavity, Finding no way out, she deplored lamentably: “I am just like a lost swallow astray from its flock, “Once hurt by an arrow, now any curved bough gives me a shock. “If at the end of my road, I had to accept the wedding, “How could I know the man, his face, his heart and everything? “If later, one out of ten thousands cases happens, “That he is trading tigers and wolves, where’s your assurance? “So if any man wanted to express his earnest desire, “Would he mind coming here to exchange our oaths for a while. “Before everyone, with Heaven and Earth as witness, “Then I wouldn’t mind crossing oceans, taking to open seas.”
Được lời mụ mới ra đi Mách tin họ Bạc tức thì sắm sanh Một nhà dọn dịp linh đình 2130 Quét sân, đặt trác, rửa bình, thắp hương Bạc sinh quỳ xuống vội vàng Quá lời nguyện hết thành hoàng thổ công Trước sân lòng đã giãi lòng Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên 2135 Thành thân mới rước xuống thuyền Thuận buồm một lá xuôi miền Châu Thai Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày Cũng nhà hành viện xưa nay 2140 Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người
At those words, the old woman hastened to set out going, To announce Bạc, telling him to prepare for the wedding. Right away, the house was tidied up immediately, They swept the yard, set an altar, lighted incense quickly. Young Bạc hastened to kneel down, pronounced all prayers, To all kinds of Gods – village’s(4), kitchen’s(5), Earth, Heaven, Creator. On the front yard, the couple expressed their whole-hearted oaths, Behind curtains, a rosy-thread ceremony was hold. After the fast wedding, the bride was escorted down a vessel, With the wind, to Châu Thai sea port, off they sailed. No sooner had the small vessel come up ashore, Than Bạc got on shore alone, went to the place he’d known before. It was also a brothel well known in the region, A permanent trade of women flesh and girls as their profession.
Xem người định giá vừa rồi Mối hàng một đã ra mười thì buông Mượn người thuê kiệu rước nàng Bạc đem mặt Bạc kiếm đường cho xa 2145 Kiệu hoa đặt trước thềm hoa Bên trong thấy một mụ ra vội vàng Đưa nàng vào lạy gia đường, Cũng thần mày trắng cũng phường lầu xanh! Thoắt trông nàng đã biết tình, 2150 Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao. “Chém cha cái số hoa đào, “Gỡ ra, rồi lại buộc vào như chơi!
The brothel keeper examined the girl and the bargain started, When the price reached ten times the capital, the sale succeeded. A palanquin was hired to deliver the bride without delay, While Bạc with her treacherous face(6) said good-bye and fled far away. The flowery palanquin was put in front of the threshold, An old woman hurried out to welcome the new rose. She took her in, to prostrate herself before the house altar. It’s also the white-browed God of the Green house she had known so far! At first glance, Kiều already perceived everything, But a bird in cage, it’s not easy to take off flying! “Damn the lot of Peach Flower!(7)”, she whispered bitterly, “Like a game, it released then tied me so easily!”
“Nghĩ đời mà ngán cho đời “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen! 2155 “Tiếc thay nước đã đánh phèn “Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần “Hồng quân với khách hồng quần “Đã xoay đến thế còn vần chưa tha “Lỡ từ lạc bước, bước ra 2160 “Cái thân liều những từ nhà liều đi “Đầu xanh đã tội tình gì “Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi “Biết thân chạy chẳng khỏi trời “Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.”
“Thinking of my life, oh! I feel tired of life already, “Talent and cleverness just excite Heaven’s jealousy! “How regrettable for such water once alum-clarified, “When the mud was stirred again to trouble it several times! “Oh, Creator! This red-trousered(8) destiny has been badly rolled over, “But you never cease and let it release any longer! “Since my first misstep, I left my home and falsely strived, “This risky life has been so many times sacrificed. “What sin have I done, as a green-haired pure-hearted girl? “So that my rosy-cheeked lot didn’t spare me over half of my youthful term. “I know I couldn’t run away from my cruel fate, “So I’d better venture this make-up face for the rest of my spring days.”
Thùy Dương (xem tiếp bản tin 44) -------------------------- (6) Here the name Bạc had a bad meaning: Bạc meant traitor, treachery (a game of words) (7) Peach Flower (Đào Hoa): name of a star in Chinese astrology. There are 120 stars distributed among 12 frames namely: 1. self destiny (mệnh), 2. parents (phụ mẫu), 3. blessings (phúc đức), 4. real estate (điền trạch), 5. social situation (quan tộc), 5. friends and disciplines (nô bộc), 7. traveling (thiên di), 8. calamities and diseases (tật ách), 9. money (tài bạch), 10. children (tử), 11. husband or wife (phu thê), 12. brothers and sisters (huynh đệ). If the Peach Flower star falls into the Self destiny or Husband/ Wife frame, it is believed that the subject will be handsome or beautiful but cannot escape from having many frivolous loves in life. (8) Red-trousered: female from noble families (see foot note on verse 35)
Phụ Bản III THÀNH NHÀ HỒ (THANH HÓA) (Còn có tên khác: Tây Giác, Tây Kinh An Tôn, Tây Đô) Thời gian đi qua và lịch sử cũng không bao giờ trở lại, nhưng không gian của một di sản kiến trúc đồ sộ thành nhà Hồ vẫn sừng sững còn đó. Nó đã đánh dấu cho một chặng đường oai hùng và oanh liệt của triều đại phong kiến nhà Hồ mà cách đây đã 600 năm. Nhà nước của Hồ Quý Ly đã để lại cho đời sau một di sản vô cùng quý giá đó là thành nhà Hồ; một công trình kiến trúc đá vừa hoành tráng về dáng vóc, vừa oai nghi về nghệ thuật và chặt chẽ về mặt cấu trúc tạo hình với những phiến đá nặng tới 20 tấn, được cắt gọt chuẩn mực đến từng chi tiết lắp ghép tạo nên một thành đá khổng lồ. Những phiến đá có chiều dài gần bốn mét, rộng hai mét và được đưa trên độ cao mười mét để rồi sắp đặt theo đường thẳng, đường uốn cong ở thành và cổng thành đã làm kinh ngạc hàng ngàn du khách. Các phiến đá to, xếp đặt liền kề mà không có chất kết dính, vẫn còn vững chắc như ngày nào mới xây dựng, mặc dù phong hóa khắc nghiệt và chuyển động của địa tầng dưới chân thành. Tòa thành kiến trúc hình chữ nhật dài 900m, rộng 700m, gần một cây số, được La thành, Hào thành bảo vệ gìn giữ để Hoàng thành đá còn đậm dấu ấn đến ngày nay. Thành đá nhà Hồ được xây dựng từ năm 1397, có thể nói là một kiệt tác điêu khắc khổng lồ và được bố cục, tạo hình qua bàn tay khéo léo xếp đặt của con người theo một thiết kế chuẩn mực. Đó chính là giá trị văn hóa mà thành đá nhà Hồ đã trở nên độc nhất vô nhị ở Đông Nam châu Á. Trải qua những biến cố lịch sử và khắc nghiệt của thiên nhiên cộng vào đó là sự vô thức của con người, thành đá nhà Hồ đã bị hư hại nghiêm trọng, nhiều phiến đá, rồng đá, lầu cổng thành và các tòa điện quan trọng đã bị hủy hoại. Nếu xét về mặt kiến trúc tổng thể của toàn bộ khu điện và các thành, thì có thể nói là phế tích và bị hoang hóa đã mấy thế kỷ qua. Chỉ những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước, thành nhà Hồ mới bắt đầu được bảo vệ, tôn tạo tu bổ, khảo cổ học để giữ gìn giá trị văn hóa này của dân tộc trên mảnh đất xứ Thanh Hiên nay, có nhiều quan điểm khác nhau về thành nhà Hồ trong việc tôn tạo tu bổ và phát huy tác dụng. Có quan niệm cho rằng đối với thành nhà Hồ nên đầu tư tôn tạo, phục dựng kể cả thành đá và các tòa diện, tả vu, hữu vu phục dựng lại Hồ thành, La thành, phục dựng lại cầu cổng chính của thành và sau đó mới đưa vào phát huy tác dụng cho khách tham quan. Lại có ý kiến cho rằng, cần tiến hành khảo cổ học trong nội thành, ngoại thành để có tư liệu cho từng vấn đề như chất liệu xây dựng, móng các tòa điện,khu tả vu hữu vu, khu phục vụ, các tư liệu có liên quan đến phục vụ quân sự bảo vệ thành và dụng cụ dân dụng. Trên cơ sở đó có kết luận cụ thể để tiến hành việc tôn tạo cái gì, giữ nguyên cái gì… các đoạn thành đá sắp xếp lại, tôn tạo cổng thành, làm mặt bằng phía ngoài, trồng cây xanh và tiến hành khai thác bán vé cho khách tham quan. Tuy có các ý kiến khác nhau về mặt này hay mặt khác nhưng cùng chung là bảo vệ, tôn tạo những khu vực cần thiết, làm mặt bằng ngoài nội thành, tạo không gian hợp lý và tiến hành khai thác. Trong quá trình tổ chức cho khách tham quan nên có những hội thảo khoa học trên cơ sở khảo cổ và lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Thành nhà Hồ được nằm trong quần thể của các điểm du lịch hấp dẫn và quan trọng như Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Bà Triệu (Hậu Lộc), Phù Luông (Quan Hóa), suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy), động Từ Thức, Thần Phù (Nga Sơn), văn hóa núi Đọ, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Đa Bút (Vĩnh Lộc), cầu Hàm Rồng, bến En (Như Thanh), hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, đền Độc Cước (cụm di tích Sầm Sơn), Trung tâm thờ mẫu đền Sòng Chín Giếng (Bỉm Sơn)… Như vậy nếu chờ cho các di tích thành nhà Hồ, Lam Kinh làm xong phần kiến trúc như điện Lam Kinh, hay thành nhà Hồ rồi mới đón khách tham quan thì quá lâu. Mặt khác thời gian chuyển tiếp rút kinh nghiệm cho hoạt động du lịch, một chuyên ngành rất mới mẻ và đầy nhạy cảm ở Thanh Hóa thì sẽ bị hạn chế. Trong khi đó nhu cầu du lịch tham quan của du khách đến với xứ Thanh là rất lớn. Trên thực tế khách đến những nơi như Lam Kinh, thành nhà Hồ là đến với tâm linh, đến với tổ tiên và cả một tấm lòng thành kính của người trần thế đối với các danh nhân, hào kiệt đã có công dựng nước và giữ nước, từ lâu nó đã đi vào tiềm thức của nhân dân ta. Vì vậy thành nhà Hồ trước hết cần bảo tồn nguyên trạng có chỉnh sửa một số đoạn thành, cổng thành và các phiến đá ngả nghiêng, khôi phục từng bước các khu vực như Hào thành, làm mặt bằng trong nội thành, trồng cây xanh có quy hoạch, phía ngoài xây dựng khu nhà đón tiếp, giới thiệu giá trị văn hóa lịch sử của quá trình xây dựng và hoàn thành thành nhà Hồ … Các tòa thành cổ trước đó của Việt Nam như thành Cô Loa, Thăng Long, Hoa Lư… đều đắp bằng đất, riêng thành nhà Hồ được xây bằng những khối đá lớn đã cho thấy sự sáng tạo và sức lao động phi thường của con người từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 15. Trạng nguyên nhà Mạc, qua đây đã cảm khái với những câu thơ hoài cổ: “Thành cũ ngắm coi thêm ngán nỗi Gió lau hiu hắt trận mưa vùi!” (Theo “Thiện Đình – Nam Phong” số 163 – tháng 6.1931) Nhà thơ Nguyễn Mộng Trang, người làng Viên Khê, huyện Đông Sơn đã từng theo Giản Định đế đời Trần (1407 – 1409) chống giặc Minh có lần qua thành cổ đã cảm xúc đề thơ: “Vút ngựa bon bon viếng cổ thành Hồ quang bóng liễu biếc rung rinh” (8 – mục TLTK) Thành nhà Hồ một kỳ công của cha ông xưa, xứng đáng “người An Nam là những người: Khổng lồ đào đất” và “Công trình này là một trong những tác phẩm đẹp nhất của nền kiến trúc An Nam” (Bơdaxie) (15 – mục TLTK). Thành nhà Hồ được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới hôm 27.6.2011 tại Paris, thủ đô nước cộng hòa Pháp, tại phiên họp lần thứ 35 của tổ chức này. BÙI ĐẸP TỪ BÀI “LA MARSEILLAISE” TỚI BÀI “TIẾN QUÂN CA” TẠI SAO VĂN CAO VIẾT “TIẾN QUÂN CA” Sau khi gặp lại đồng chí Vũ Quý – người vẫn theo dõi những hoạt động nghệ thuật của Văn Cao từ mấy năm qua và thường xuyên khuyến khích ông sáng tác những bài hát yêu nước như Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca và một số ca khúc khác. Cả hai người găp nhau trước ga Hàng Cỏ (Hà Nội), và cùng vào một hiệu ăn. Ở đây quyết định một đời mới của Văn Cao. Vũ Quý giao công tác cho ông: - Hiện nay trên chiến khu thiếu bài hát, phải dùng những điệu hướng đạo. Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta. Phải làm như thế nào đây? Chiều hôm ấy Văn Cao đi dọc theo đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ, theo thói quen ông cố tìm một cái gì để nói. Tìm một âm thanh đầu tiên. Những đường phố quen thuộc ấy thường không vang một âm thanh gì hơn những tiếng nghe buồn bã hàng ngày. Hôm nay phố đông người hơn, và lòng tôi thấy vui hơn. Văn Cao đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh, chứ không chuẩn bị để quay lại làm bài hát, thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này. Ông đi mãi tới lúc đèn các phố bật sáng. Bên một gốc cây, bóng mấy người đói khổ trần truồng, loang trên Hồ mặt lạnh. Họ đang đun một thứ gì, trong một cái ống bơ sữa bò.Ngọn lửa tím sầm bập bùng trong những hốc mắt. Có một đứa bé gái. Nó khoảng lên ba. Ông ngờ ngợ như gặp lại cháu gái của ông. Đôi mắt nó giống như mắt con mèo con. Cháu bé không có mảnh vải che thân. Nó ngồi ở xa nhìn mấy người lớn sưởi lửa. Hình như nó là đứa trẻ bị lạc, cũng không phải là cháu của ông. Nó đã chết thật rồi. Có thể nó đã nằm trong đám người chết đói dọc đường Nam Định – Hải Phòng. Văn Cao bỗng trào nước mắt và quay đi. Đêm ấy về căn gác hẹp đầu phố Nguyễn Thượng Hiền, ông đã viết được nét nhạc đầu tiên của bài Tiến Quân Ca. Bài hát đã làm trong thời gian không biết bao nhiêu ngày, tại căn gác hẹp, bên một cái cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy làn cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói đi về phía Khâm Thiên, ở đây hàng đêm, mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa. Ở đây ông hiểu thêm nhiều chuyện đời, ở đây đêm đêm có những tiếng gõ cửa, những tiếng gọi đêm không người đáp lại. Tin từ Nam Định lên cho biết mẹ ông và các em đã về quê và đang đói. Tất cả đang chờ đợi ông tìm cách giúp đỡ. Ông chỉ đang làm một bài hát. Ở đây ông nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, cho các chiến sĩ cách mạng của chúng ta có thể hát được: Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa… Và ngọn cờ đỏ sao vàng bay giữa màu xanh của núi rừng. Nhịp điêu ngắn dài của bài hát, mở đầu cho một tiếng cồng vang vọng: Đoàn quân Việt Nam đi, sao vàng phất phới Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than… Không, không phải chỉ có những học sinh khóa quân chính kháng Nhật đang hành quân, không phải chỉ có những chiến sĩ áo chàm đang dồn bước, mà cả một đất nước đang chuyển mình. Tên bài hát và lời ca của nó là một sự tiếp tục từ “Thăng Long hành khúc ca”: Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng… Hay trong bài “Gò Đống Đa”: Tiến quân hành khúc ca, Thét vang rừng núi xa… Lời trên đã rút ngắn thành tên bài “Tiến Quân Ca”, và tiếng thét ấy đã ở đoạn cao trào của bài hát: Tiến lên! Cùng tiến lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền! (Vào kỳ họp Quốc hội tháng 9-1955, Quốc hội đã mời nhạc sĩ Văn Cao đến để đổi lời mới: “Tiến lên! Cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền”) Trên mặt bàn chỗ Văn Cao làm việc, tờ Cờ Giải phóng đăng những tin tức đầu tiên về những trận chiến thắng ở Võ Nhai. Trước mắt ông, mảnh trời xám và lùm cây của Hà Nội không còn nữa. Hình như ông đang sống ở một khu rừng nào đó trên kia, trên Việt Bắc. Có nhiều mây và nhiều hy vọng. Và bài hát đã xong. Văn Cao nhớ mãi nụ cười thật hài lòng của đồng chí Vũ Quý. Da mặt anh đen xạm. Đôi mắt và nụ cười của anh lấp lánh. Văn Cao nhớ lại nụ cười hồn nhiên của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, khi xướng âm lần đầu tiên nhạc điệu bài hát đó, Thi nói với ông: - Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao? Văn Cao không kịp trả lời, chỉ nhìn thấy đôi mắt của Thi thật lạc quan và tin tưởng. Sau này, Thi làm xong bài “Diệt phát xít” trước ông. Bài “Chiến sĩ Việt Nam” của Văn Cao và bài “Diệt phát xít” của Nguyễn Đình Thi ngày ấy không có dịp in trên tờ báo do cả hai nhạc sĩ cùng phụ trách. Tháng 11-1944, Văn Cao tự tay viết bài “Tiến Quân Ca” lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập, còn giữ lại nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề. Một tháng sau khi báo phát hành, Văn Cao từ cơ quan ấn loát trở về Hà Nội. Qua một đường phố nhỏ (bây giờ là phố Mai Hắc Đế) ông chợt nghe tiếng đàn mandoline, từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập Tiến Quân Ca. Ông dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với Văn Cao hơn cả những tác phẩm của ông đã được ra mắt ở các rạp hát trước đây. Ông nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa hoàn chỉnh. Nhưng bài hát in ra rồi, bài hát đã được phổ biến. Có thể những người cùng khổ của ông, lúc này đang cầm súng và đang hát. Tới lúc cần hành động, Văn Cao lại bị ốm nặng và phải đưa những vũ khí mà ông giữ cho một đồng chí khác. Ngày 17-8-1945, ông cố gắng đến dự cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Ngọn cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà hát lớn xuống. Bài Tiến Quân Ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt Văn Cao trào ra. Chung quanh ông hàng ngàn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi. Những cánh tay áo của mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng, đã thay cho những băng vàng cũ của Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim. Ngày 19-8-1945, một cuộc mít tinh lớn, họp tại quảng trường Nhà hát lớn. Dàn đồng ca của Thiếu niên Tiền phong hát “Tiến Quân Ca”, chào lá cờ đỏ sao vàng. Các bạn nhỏ này, ngày nay đã lớn tuổi rồi, còn nhớ lại cái buổi sáng Tháng Tám, nắng vàng rực rỡ ấy, nhớ lại giọng hát của họ lẫn với giọng của ông, vô cùng xúc động chào lá cờ cách mạng. Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù bọn đế quốc, với sự hào hứng chiến thắng của cách mạng. Bài “Tiến Quân Ca” đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó. Trong kỳ họp của Quốc hội đầu tiên đã nhất trí lấy bài “Tiến Quân Ca” của nhạc sĩ Văn Cao làm bản Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên sau ngày thống nhất đất nước, không hiểu vì lý do gì mà xuất hiện một cuộc thi chọn bài Quốc ca mới –nhằm thay thế bài “Tiến Quân Ca”, cuộc thi chọn 5 bài vào chung khảo, rồi cho hòa âm, trình Quốc hội. Nhưng Quốc hội không chọn được bài nào làm Quốc ca mới, mà quyết định vẫn sử dụng bài “Tiến Quân Ca” của Văn Cao làm Quốc ca. Sau đó. Sau đó, trớ trêu thay Văn Cao lại phải ra Tòa vì có người tranh chấp bản quyền bài “Tiến Quân Ca” và cuối cùng Tòa tuyên án là “Tiến Quân Ca’ là chính thức của nhạc sĩ Văn Cao! TÁC GIẢ BÀI QUỐC CA VIỆT NAM: Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao (1923 – 1995), sinh tại Hải Phòng. Cuộc đời ông, người nghệ sĩ đa tài, lắm truân chuyên qua bao thăng trầm, những năm cải cách ruộng đất, mối họa “Nhân văn giai phẩm” ám ảnh ông suốt những năm 1957 – 60. Rất may, sau Đại hội Đảng VI, trong không khí đổi mới của văn nghệ , những Đêm nhạc Văn Cao được tổ chức liên tục ở Tp. HCM (1986) và Chương trình nhạc Văn Cao tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động Hà Nội (1987)… Công chúng yêu nhạc thật bồi hồi xúc động lắng nghe những khúc ca mượt mà, hùng tráng của ông được trình diễn. Văn Cao mất ngày 10-7-1995, trong lời vĩnh biệt nghệ sĩ đa tài Văn Cao, giáo sư - nhạc sĩ Thế Bảo viết: “Thơ với họa theo suốt hành trình âm nhạc hơn nửa thế kỷ, vỗ về an ủi ông, chia sẻ những cảm xúc đầy ắp tâm hồn nghệ sĩ mà đôi lúc âm thanh dường như phải nhường bước cho ngôn từ và màu sắc”. LỜI CHÍNH THỨC BÀI QUỐC CA: 1- Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca. Đường vinh quang xây xác quân thù. Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu. Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường. Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền! 2- Đoàn quân Việt Nam đi sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than. Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới. Đứng đều lên gông xích ta đập tan. Từ bao lâu ta nuốt bao căm hờn. Quyết hy sinh đời ta tươi thắm hơn. Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường. Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền. BÀI “LA MARSEILLAISE” CŨNG ĐƯỢC VIẾT TRONG BỐI CẢNH TƯƠNG TỰ BÀI “TIẾN QUÂN CA” Gần 200 năm trước, vào năm 1792, Đại úy Rouget de Lisle gia nhập đội quân Sông Rhin, thuộc “Tiểu đoàn Những người con của Tổ quốc”, đang đóng quân ở Strasbourg. Ông rất có năng khiếu về âm nhạc và thơ ca, vì thế thường có mặt ở nhà Thị trưởng Philippe-Frederic de Dietrich, ngôi nhà được xem như câu lạc bộ của những nhân vật nổi tiếng về chính trị, nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc. Ngày 25-4-1792, Thị trưởng tiếp Đại úy Lisle tại nhà và thông báo một tin sốt dẻo: ngày 20-4 vừa qua, vua Áo đã chính thức tuyên chiến. Ông nói với Lisle: “Ông Lisle, ông hãy sáng tác một bản nhạc hay, cho nhân dân – chiến sĩ đang xuất hiên khắp nơi theo tiếng gọi của Tổ quốc lâm nguy, và ông sẽ xứng đáng được đất nước tôn vinh”. Bản nhạc đó, theo yêu cầu của Thị trưởng, phải hào hùng, hừng hực khí thế cách mạng, có thể động viên quân đội xông ra mặt trận, thay vì những bản nhạc vui vẻ hào hứng chung chung. Cũng sáng hôm đó, Lisle đọc bản “Hiệu triệu” dán trên tường với lời kêu gọi: “Hỡi công dân, hãy vũ trang! Ngọn cờ chiến đấu đã giương cao! Giờ cứu nước đã điểm. Quyết chiến! Chiến thắng hay là chết! Hỡi công dân hãy vũ trang! Nếu chúng ta kiên trì chiến đấu giành tự do, thì âm mưu của các thế lực của châu Âu sẽ thất bại thảm hại. Chúng bay hãy run lên đi, bọn bạo chúa! Ánh sáng Tự do tỏa ra khắp nơi. Các bạn hãy tỏ ra xứng đáng là những người con của Tự do. Hãy đánh tan quân của bọn bạo chúa. Hãy tiến bước! Hãy là những người Tự do cho đến hơi thở cuối cùng và ước nguyện bất di bất dịch của chúng ta là Tự do cho Tổ quốc và Hạnh phúc cho toàn thể loài người!” Chắc chắn rằng những lời kêu gọi hào hùng đó đã tác động mạnh mẽ đến cảm hứng âm nhạc của Lisle khi ông sáng tác bản La Marseillaise. Sau một đêm thức trắng với cây đàn violon, ông đã hoàn thành bài hát. Từ sáng tinh mơ, Lisle đến gõ cửa nhà Thị trưởng và ngay chiều hôm đó, bài hát đã được trình bày trước một cử tọa gồm gia đình Thị trưởng, các văn nghệ sĩ thân hữu và hàng xóm. Chính Thị trưởng với giọng tenor tuyệt đẹp hát theo tiếng đàn clavecin do vợ ông đệm (Sự kiện này trái với bức tranh lịch sử do David vẽ, theo đó chính tác giả là Lisle hát theo tiếng đàn clavecin đệm theo của vợ Thị trưởng). Mọi người có mặt vô cùng xúc động, vừa hát theo vừa khóc. Bài hát lúc đó có tên là “Bài hát Chiến đấu của Đôi quân sông Rhin”. Bài hát được truyền khắp nước nhanh như thuốc súng bằng tất cả mọi phương tiện: truyền khẩu, chép tay, in đá…Đi đâu cũng nghe: “Hãy tiến lên! Những người con của Tổ quốc! Ngày vinh quang đã đến…” Bài hát được chính thức trình bày trước công chúng ngày 29-4-1792 do 812 người của Tiểu đoàn vùng Rhone và Loire đồng ca. Tháng 7-1792, những người tình nguyện từ Marseille tiến về Paris để chiến đấu chống bọn xâm lược; họ vừa kéo qua các làng tiến về Paris vừa hát vang bài Bài hát. Ngày 30-7-1792, đội quân tình nguyện từ Marseille kéo lên tiếp cận Paris, hát vang Bài hát, rồi sau đó họ tham gia vào cuộc nổi dậy ở điện Tuileries ngày 10-8-1792. Bài hát được đổi tên là “La Marseillaise” trong bối cạnh lịch sử đó. Vài tuần sau, trong trận đánh ở Valmy, Bài hát lại được hàng ngàn chiến sĩ hát vang khi xung trận. Bài “La Marseillaise” được công nhận là Quốc ca của nước Pháp ngày 14-7-1795 theo quyết nghị của Quốc Ước (Convention). Nhưng không như bài “Tiến Quân Ca” suýt bị thay đổi vào thời kỳ sau 1975, thì bài “La Marseillaise” đã nhiều lần bị cấm: - Hoàng đế Napoléon Đệ Nhất và Louis 18 cấm Bài hát trong thời Trùng hưng. Sau cuộc cách mạng năm 1830, Bài hát được phục hồi vị trí Quốc ca, nhưng - Dưới thời Napoléon III Bài hát lại bị cấm và dưới thời Đệ Tam Cộng hòa, năm 1879, “La Marseillaise” lại được công nhận là Quốc ca, tuy lời Bài hát chưa được công nhận chính thức. Vì thế, một Hội đồng, vào năm 1887, quyết định lời ca chính thức sau khi đã chỉnh lại nhạc và lời Bài hát, và đã được Bộ Chiến tranh chấp nhận. Tháng 9-1946, sau ngày giải phóng Paris, chính phủ De Gaulle ra lệnh cho học sinh tập hát Bài Quốc ca để mừng ngày Giải phóng và Tôn vinh các liệt sĩ. Hiến pháp năm 1946, 1958 xác nhận lại “La Marseillaise” là Quốc ca nước Cộng hòa Pháp. TÁC GIẢ QUỐC CA PHÁP: Rouget de Lisle sinh ngày 10-5-1760 tại Lonsle-Saunier, tốt nghiệp trường Kỹ thuật Hoàng gia chuyên đào tạo kỹ sư cao cấp, cùng với những người sau này là nhà quân sự và phát minh nổi tiếng thế giới, như: Carnot (quân sự), Coulomb (về điện), Cugnot (máy kéo pháo), Pierre l’Enfant (được tổng thống Mỹ Washington mời thiết kế Nhà Trắng)… Đời binh nghiệp của ông rất long đong, rất nhiều lần được thăng chức rồi giáng chức, cuối cùng, được phong Tiểu đoàn trưởng năm 1796, rồi cũng năm đó ông xin từ chức luôn. Về hưu, ông sống độc thân ở Paris, trong một căn nhà tồi tàn ở khu La-tinh. Ốm đau, không tiền, ông sống hiu quạnh và vất vả. Ông mất ngày 26-6-1863, ngày 14-7-1915 tro cốt của ông được đem về đặt ở Bảo tàng Quân đội Invalides. LỜI CA BÀI LA MARSEILLAISE : Allons, enfants de la Patrie, Le jour de gloire est arrivé ! Contre nous de la tyrannie L’étendard sanglant est levé! (bis) Entendez-vous dans les campagnes Mugir ces féroces soldats? Ils viennent jusque dans nos bras Égorger nos fils, nos compagnes. Refrain : Aux armes, citoyens, formez vos bataillons! Marchons! Marchons! Qu’un sang impur abreuve nos sillons ! Hãy lên đường, những người con của Tổ quốc! Ngày vinh quang đã đến rồi Chúng ta hãy chống lại sự độc đoán Ngọn cờ máu đã giương cao! (2 lần) Bạn có nghe chăng trên những cánh đồng Bọn lính tàn bạo kêu rống ? Chúng đến tận cánh tay của bạn Cắt cổ con cái và bạn bè của bạn Điệp khúc :Hỡi quân đội, công dân! Hãy vũ trang lập thành đội ngũ Nhịp bước! Nhịp bước! Những luống cày của chúng ta sẽ uống máu tanh hôi (của kẻ thù) (Tham khảo: Sách Nhạc sĩ Văn Cao, Nxb Thanh Niên-2007 và Internet) PHẠM VŨ BÊN TÌNH BÊN HIẾU, BÊN NÀO NẶNG HƠN? ( Liên hệ giữa 8 câu thơ Truyện Kiều của Nguyễn Du với 60 câu trong vở kịch Le Cid của Pierre Corneille) PHẠM ĐAN QUẾ 0599. Sao cho cốt nhục vẹn tuyền. Trong khi ngộ biến tòng quyền, biết sao. 0601. Duyên hội ngộ, đức cù lao, Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn? 0603. Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành. 0605. Quyết tình, nàng mới hạ tình: Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha! 1. Thuý Kiều vừa chia tay với Kim Trọng, cha mẹ vừa mừng thọ ngoại hương mới về thì sai nha đã thấy bốn bề ập đến trói người vét của… Gia đình nàng rơi vào cảnh ngộ nát tan: 0581. Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh, Rụng rời khung dệt, tan tành gói may… 0593. Rường cao rút ngược dây oan, Dẫu là đá cũng nát gan lọ người!... 0597. Một ngày lạ thói sai nha: Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền! Nàng phải quyết định bán mình để cứu cha cứu em, cứu gia đình: Đây là sự hy sinh lớn lao nhất đối với người con gái chữ trinh đáng giá ngàn vàng và đối với tình yêu với chàng Kim mà nàng vừa đem lời thề thốt. Nàng đã phải hy sinh chữ tình đặng tròn chữ hiếu, đây là một hành vi ý chí của người thiếu nữ khuê các. Trong tâm lý học, ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có những nỗ lực khắc phục mọi khó khăn. Ý chí là một phẩm chất tâm lý của cá nhân, một thuộc tính tâm lý của nhân cách và ở đời không phải ai cũng là người có ý chí, người này có ý chí, thậm chí có ý chí mạnh mẽ trong khi người khác lại thiếu hoặc kém ý chí… Có ý chí là với ý thức, con người tự giác được mục đích của hành động, đấu tranh có động cơ, lựa chọn các biện pháp vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để thực hiện đến cùng mục đích đã đề ra. Ý chí là hình thức tâm lý điều khiển, điều chỉnh hành vi tích cực nhất của con người, vì trong ý chí có cả mặt năng động của trí tuệ lẫn mặt năng động của tình cảm đạo đức. Giá trị chân chính của ý chí không phải chỉ ở cường độ mạnh yếu mà điều chủ yếu là ở nội dung đạo đức của ý chí. Vì vậy ý chí có những phẩm chất như tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính bền bỉ và tính tự chủ. Hành vi ý chí là hành động có ý thức, có chủ tâm, đòi hỏi nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện đến cùng mục đích đã đề ra với năm đặc điểm sau đây: - Hành vi ý chí chỉ xuất hiện khi gặp khó khăn, trở ngại vì vậy ý chí là sự phản ảnh hiện thực khách quan - Nguồn gốc kích thích hành vi ý chí không phải là cường độ vật lý của kích thích mà là cơ chế động cơ hóa hành động, trong đó chủ thể nhận thức ý nghĩa của kích thích để từ đó quyết định có hành động hay không. - Hành vi ý chí có mục đích được ý thức một cách rõ ràng và chứa đựng nội dung đạo đức - Hành vi ý chí bao giờ cũng có sự lựa chọn phương tiện biện pháp tiến hành để đạt được mục đích - Hành vi ý chí luôn có sự điều khiển, điều chỉnh, kiểm tra của ý thức, luôn có sự nỗ lực khắc phục khó khăn, trở ngại thực hiện đến cùng mục đích đề ra. Và ở đời không phải ai cũng thực hiện được hành vi ý chí: một học sinh nghèo quyết tâm học giỏi, một thanh niên quyết chí làm giầu, người nghiện hút quyết từ bỏ thói quen… là những hành vi ý chí đáng khen. Các nhà tâm lý thường chia hành vi ý chí làm bốn thời kỳ như sau: Thời kỳ I là quan niệm xác định mục đích, hoàn thành động cơ, ta phải biết rõ mình muốn gì trước khi hành động. Việc đấu tranh động cơ còn được diễn ra trong suốt quá trình hoạt động. Thời kỳ II là tự vấn, tự bàn luận, cân nhắc điều hơn lẽ thiệt của việc làm. Lúc này là lúc cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt nhất. Thời kỳ III là quyết định do chính ý chí của ta thực hiện để chọn một phương cách chấm dứt mọi phân vân lưỡng lự. Thời kỳ IV mới là thực hành để hoàn thành hành vi ý chí: Ta phải gạt mọi trở ngại để thực hiện điều đã quyết. Việc chuyển từ quyết định hành động đến việc thực hiện hành động là sự thay đổi về chất, vì đó là sự chuyển biến từ ý thức, nguyện vọng thành hiện thực. Vậy một hành vi ý chí chỉ được thực hiện qua 4 thời kỳ nếu không chỉ là một ước vọng không tưởng mà thôi. Trong bốn thời kỳ trên thì thời kỳ II phải suy nghĩ lợi hại thiệt hơn, lật đi lật lại vấn đề - cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt nhất - là dài hơn cả. Trong sách tâm lý, các nhà nghiên cứu Pháp thường dẫn ra đoạn độc thoại của nhân vật chính Rodrigue trong bi kịch cổ điển trứ danh Le Cid của Pierre Corneille làm dẫn chứng. Trong đoạn độc thoại này, nhà bi kịch hùng biện Pháp đã để cho vai anh hùng chủ động của vở kịch lưỡng lự khá lâu. Cũng như nàng Kiều của chúng ta phải đắn đo giữa tình và hiếu, chàng Rodrigue phải thực hiện một hành vi ý chí là: Hy sinh ái tình của mình với nàng Chimène trong việc thách đấu với cha nàng – người đã làm nhục cha mình – chàng phải đấu kiếm với cha người yêu để rửa nhục cho danh dự gia đình. Nhà bi kịch cổ điển Pháp đã dành 60 câu thơ để mô tả đoạn này. Trong đoạn độc thoại gồm 4 đoạn của Rodrigue, ông đã dành cho 3 giai đoạn mỗi giai đoạn 10 câu, trừ giai đoạn II, Rodrigue phải lưỡng lự cân nhắc trước khi lựa chọn. Tác giả đã diễn tả sự xung đột mãnh liệt (II) trong tâm hồn vai anh hùng bằng 30 câu, dài bằng cả 3 giai đoạn kia cộng lại. 2. Trở lại với hành vi ý chí của nàng Kiều khi phải bán mình chuộc cha, ta thấy quyết định khó khăn này được Nguyễn Du diễn tả trong 8 câu được chia làm 4 ý rành mạch, mỗi thời kỳ 2 câu liên tiếp như sau: Thời kỳ I là quan niệm mục đích: 0599. Sao cho cốt nhục vẹn tuyền. Trong khi ngộ biến tòng quyền, biết sao. Thời kỳ II là tự vấn, tự bàn luận, cân nhắc: 0601. Duyên hội ngộ, đức cù lao, Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn? Thời kỳ III là quyết định: 0603. Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Thời kỳ IV thực hiện hành vi ý chí: 0605. Quyết tình, nàng mới hạ tình: Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha! Đi vào cụ thể từng thời kỳ ta thấy: a. Ở thời kỳ I, Kiều đặt ra cho mình nhiệm vụ với quan niệm, mục đích rõ ràng: làm sao đây để cứu cha, cứu em, cứu gia đình – gặp biến thì phải tòng quyền. Trong triết lý nhà Phật có những khái niệm đối lập thường và biến, kinh và quyền nói đến những biến đổi trong đời. Thường là cái luôn luôn có, trong thường lệ, thường tình, thường xuyên… thường thường là có luôn luôn, luôn luôn như thế, lúc nào cũng vậy. Trái với thường là biến, biến là thay đổi đi, trong biến động, biến cố, biến thiên… Ngộ là gặp, gia đình có biến, Thuý Kiều phải tòng quyền: làm tuỳ theo sự cần thiết của tình thế trước mắt, không còn giữ cái nguyên lý bất biến như trước nữa. Kinh nguyên nghĩa gốc là sợi tơ dọc trên khung cửi, trong khổ vải, những sợi chính chạy suốt cả tấm vải nên được coi là cái không thay đổi, nguyên lý bất biến, vì vậy khi chỉ sách vở, kinh có nghĩa là sách chủ chốt, căn bản của một học thuyết, một tôn giáo. Nay ta gọi là những sách kinh điển, có giá trị mẫu mực, tiêu biểu cho một học thuyết, một chủ nghĩa. Với Nho giáo, kinh chỉ sách vở do thánh hiền trước tác. Chúng không thể thay đổi vì nếu thay đổi thì học thuyết, tôn giáo không còn tồn tại. Trái với kinh là quyền, quyền nguyên nghĩa là quả cân, hòn cân. Quả cân ngày xưa được treo bằng một sợi dây chạy trên đòn cân, nó không cố định mà chạy đi chạy lại nên chỉ sự tạm thời thay thế (quyền Thủ tướng…), một đường lối tạm thời dùng khi có biến. Hòn cân lại quy định sự nặng nhẹ nên quyền còn có nghĩa là uy thế (Câu 2487. Sao bằng chức trọng quyền cao, công danh ai lấp lối nào cho qua). Thuý Kiều đang sống trong cảnh gia đình êm ấm, nay gặp gia biến (cha em bị bắt trói đánh đập…), phải làm gì đây: Trong khi ngộ biến tòng quyền, biết sao? Sau này, khi gặp lại gia đình bên bờ sông Tiền Đường Thuý Kiều từ chối lời đề nghị của cha không muốn rời bỏ Giác Duyên thì Vương Ông cũng lấy lại ý này mà nói: 3051. Ông rằng: Bỉ thử nhất thì, Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền. 3053. Phải điều cầu Phật cầu Tiên, Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây? 3055. Độ sinh nhờ đức cao dày, Lập am, rồi sẽ rước thầy ở chung. Và Kim Trọng sau buổi tiệc đoàn viên, cũng đã hiểu được hoàn cảnh của Kiều nên đã “chiêu tuyết” cho nàng: 3115. Xưa nay trong đạo đàn bà, Chữ Trinh kia cũng có ba bảy đường. 3117. Có khi biến, có khi thường, Có quyền, nào phải một đường chấp kinh. b. Sang thời kỳ II là suy tính đắn đo cân nhắc giữa tình yêu (duyên hội ngộ) và nghĩa vụ của người con (đức cù lao), cũng là lúc Kiều phải đấu tranh tư tưởng gay go trước khi đi đến một quyết định: 0601. Duyên hội ngộ, đức cù lao, Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn? Cù lao là nhọc nhằn, siêng năng, chỉ công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi con. Do cửu tự cù lao như ở câu 1253. Nhớ ơn chín chữ cao sâu… Chín chữ: nói công lao khó nhọc của cha mẹ nuôi dạy con cái. Chữ trong Kinh Thi: Sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (nuôi nấng, cho ăn, cho bú), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (tùy tính mà dạy) và phúc (che chở). Ví như đặt chữ tình chữ hiếu lên hai bên bàn cân. Hai câu thơ diễn tả Kiều suy nghĩ đắn đo này được Nguyễn Du viết với: tiểu đối 3-3 và tiểu đối 2-2. Ở câu lục duyên hội ngộ đứng trước ứng với bên tình cũng đứng trước ở câu bát, đức cù lao ứng với bên hiếu đều ở vế thứ hai trong tiểu đối, câu trước ngắt nhịp 3/3, câu sau ngắt nhịp 4/4 rất hài hòa cho ta cảm giác như Kiều đang suy tính cân nhắc bên này bên kia xem bên nặng bên nhẹ ra sao? c. Thời kỳ III là lúc khả năng tự xác định mục đích cho hành động và hướng hoạt động của mình khắc phục khó khăn nhằm đạt mục đích cũng là lúc ý chí của nàng can thiệp để chọn ra một giải pháp cụ thể, một đường đi chấm dứt thời kỳ bàn luận suy tính ở giai đoạn trước: 0603. Để lời thệ hải minh sơn, Làm con trước phải đền ơn sinh thành. Câu lục lại là vế thứ nhất thuộc bên tình (Để lời thệ hải minh sơn) nhẹ hơn chỉ có 6 chữ - còn câu bát lại ứng với vế thứ hai bên hiếu (Làm con trước phải đền ơn sinh thành) nặng hơn được dành cho 8 chữ. Như vậy 4 câu thơ trong hai thời kỳ này được viết thật cân xứng như ăn khớp với nhau từng đôi một. d. Sau ba giai đoạn trên, đây mới là thực hành để hoàn thành hành vi ý chí: Để thực hiện điều đã quyết, nàng gạt mọi trở ngại. Ở đây nàng dùng chữ Rẽ (ra) cho để thiếp… như muốn nói với Kim Trọng mà nàng tưởng như chàng đang hiện ra trước mắt để ngăn cản nàng để thực hiện hành vi ý chí của mình trong: Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha! Ta cũng có thể nhắc lại là trước đây nàng đã từng một lần làm như vậy, cũng dùng chữ Rẽ cho… khi Kim Trọng Xem trong âu yếm có chiều lả lơi với câu: 0502 Rẽ cho thưa hết một lời đã nao! Đi sâu thêm vào 8 câu thơ trên ta còn thấy: trong những câu suy nghĩ này của Thuý Kiều có tới 10 từ Hán - Việt song tiết (cốt nhục, ngộ biến, tòng quyền…) thể hiện tính nghiêm túc, trang trọng trong hành vi ý chí của nàng. Và trong đó có hai câu gồm toàn chữ Nôm thông dụng đều là những câu bát lại là những câu nói rất tự nhiên như một câu tính toán hay một câu nói thường (ở đây là một câu hỏi và một câu ở thể mệnh lệnh cách với dấu than!) trong một trường hợp cụ thể của đời sống, mà có lẽ cũng khó tìm được cách nói nào khác mà hay hơn: Bên tình bên hiếu, bên nào nặng hơn? Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha! 3 . Trong bốn thời kỳ trên thì thời kỳ II phải suy nghĩ lợi hại thiệt hơn, lật đi lật lại vấn đề - cuộc đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt nhất - là dài hơn cả, nhưng với trường hợp Thuý Kiều, vì sao không cần phải dài dòng qua nhiều đắn đo suy tính, như với chàng Rodrigue phải lưỡng lự cân nhắc trước khi lựa chọn. Sự xung đột mãnh liệt trong tâm hồn Rodrigue được diễn tả bằng 30 câu, dài bằng cả 3 giai đoạn kia cộng lại. Vì sao như vậy? Chàng hiệp sĩ phương Tây có ý thức đầy đủ và mạnh mẽ về cái “tôi”, về cá nhân và với nhiều khát vọng tự do nên phải dành nhiều thời gian để cân nhắc. Có người cho rằng Nguyễn Du không đi sâu vào chi tiết tâm lý, chỉ cốt nêu bật bốn thời kỳ của một hành vi ý chí nên đã diễn tả mỗi thời kỳ bằng hai câu thơ thôi, nhưng hai câu thơ ấy đã làm nổi bật lên đặc tính của mỗi thời kỳ. Thật ra, theo chúng tôi, cái chính ở đây là nề nếp đạo đức phương Đông, con người ít tự do hơn, không có chỗ cho cái “tôi” cá nhân của mỗi người. Với căn bản của nền giáo dục Khổng Mạnh nghiêm khắc quân sư phụ, Thuý Kiều bao giờ cũng phải đặt nhiệm vụ với gia đình lên hàng đầu (hiếu đứng trước tình). Nàng nhanh chóng đi đến quyết định hy sinh chữ tình cho chữ hiếu, mà không phải có quá nhiều lý luận để đắn đo. Trong xã hội Việt Nam cũng như Trung Quốc trước đây vốn lấy chữ Hiếu làm căn bản cho luân thường đạo lý thì việc Thuý Kiều biểu lộ một nghị lực phi thường để thực hiện hành vi ý chí phi thường luôn được mọi người tôn kính và mến phục, và cũng không chỉ ở trong xã hội phương Đông mà có thể nói điều này cũng được ngưỡng mộ trong lý tưởng của mọi quốc gia, mọi thời đại. Với giai đoạn II, cách viết của tác giả rất đơn giản nhưng ta tưởng như có cái dụng công ở trong: Ở câu lục là một tiểu đối 3-3 giữa duyên hội ngộ và đức cù lao, ở câu bát là một tiểu đối 2-2 giữa bên tình và bên hiếu nhưng duyên hội ngộ chính là bên tình cũng là vế thứ nhất còn đức cù lao là bên hiếu lại là vế thứ hai – đem đặt hai vế lên bàn cân để so sánh xem bên nào nặng hơn với cách lặp lại 3 lần chữ bên để cho thấy cái day dứt, cái bứt rứt không yên khi cân nhắc thiệt hơn ở Thuý Kiều. Để ở giai đoạn III, câu lục Để lời thệ hải minh sơn là bên tình - trong khi câu bát Làm con trước phải đền ơn sinh thành lại là bên hiếu. Với 4 giai đoạn bằng 8 câu thơ cân đối lớp lang theo thứ tự thật là súc tích, lời tả hết ý, văn chương Nguyễn Du quả thật đã đạt được chân, thiện, mỹ… 4 . Để quý vị độc giả có tư liệu thấy được điểm chung giữa 8 câu trong Truyện Kiều của Nguyễn Du với 60 câu trong Le Cid của Corneille, chúng tôi xin trích in nguyên văn đoạn này bằng tiếng Pháp trong lớp VI, hồi I (Từ câu 291 đến câu 350) như sau: SCÈNE VI: DON RODRIGUE 291-300 Percé jusques au fond du coeur 292. D’une atteinte imprévue aussi bien que mortelle, Misérable vengeur d’une juste querelle, 294. Et malheureux objet d’une injuste rigueur, Je demeure immobile, et mon âme abattue 296. Cède au coup qui me tue. Si près de voir mon feu récompensé, 298. O Dieu, l’étrange peine! En cet affront mon père est l’offensé, 300. Et l’offenseur le père de Chimène! 301-310 Que je sens de rudes combats! 302. Contre mon propre honneur mon amour s’intéresse: Il faut venger un père, et perdre une maitresse: 304. L’un m'anime le coeur, l’autre retient mon bras. Réduit au triste choix ou de trahir ma flamme 306. Ou de vivre en infâme, Des deux côtés mon mal est infini. 308. O Dieu, l’étrange peine! Faut-il laisser un affront impuni? 310. Faut-il punir le père de Chimène? 311-320 Père, maitresse, honneur, amour, 312. Noble et dure contrainte, aimable tyrannie, Tous mes plaisirs sont morts, ou ma gloire ternie. 314. L’un me rend malheureux, l’autre indigne du jour. Cher et cruel espoir d’une âme généreuse, 316. Mais ensemble amoureuse Digne ennemi de mon plus grand bonheur 318. Fer qui causes ma peine, M'es-tu donné pour venger mon honneur 320. M'es-tu donné pour perdre ma Chimène? 321-330 Il vaut mieux courir au trépas 322. Je dois à ma maitresse aussi bien qu’à mon père: J'attire en me vengeant sa haine et sa colère; 324. J'attire ses mépris en ne me vengeant pas. À mon plus doux espoir l’un me rend infidèle, 326. Et l’autre, indigne d’elle. Mon mal augmente à le vouloir guérir, 328. Tout redouble ma peine. Allons mon âme; et, puisqu’il faut mourir, 330. Mourons du moins sans offenser Chimène. 331-340 Mourir sans tirer ma raison! 332. Rechercher un trépas si mortel à ma gloire! Endurer que l’Espagne impute à ma mémoire 334. D’avoir mal soutenu l’honneur de ma maison! Respecter un amour dont mon âme égarée 336. Voir la perte assurée! N'écoutons plus ce penser suborneur, 338. Qui me sert qu’à ma peine. Allons, mon bras, sauvons du moins l’honneur, 340. Puisqu’après tout il faut perdre Chimène. 341-350 Oui, mon esprit s’était dé V u. 342. Je doit tout à mon père avant qu’à ma maitresse. Que je meure au combat, ou meure de tristesse, 344. Je rendrai mon sang pur comme je l’ai re V u. Je m'accuse déjà de trop de négligence: 346. Courons à la vengeance; Et tout honteux d’avoir tant balancé, 348. Ne soyons plus en peine, Puisqu’aujourd’hui mon père est l’offensé, 350. Si l’offenseur est père de Chimène. Cảnh VI này là lời độc thoại của Rodrigue gồm sáu đoạn, mỗi đoạn 10 câu thơ đều kết thúc bằng một câu có tên của nàng Chimène (mà chúng tôi cho in bằng chữ đứng) trong đó giai đoạn II có 30 câu, còn 3 giai đoạn kia mỗi đoạn đều có 10 câu như đã nói ở trên, đoạn này được coi là một trong những đoạn hay nhất của vở Le Cid. Sau đây là bản dịch của Hoàng Hữu Đản. Ông đã dịch ý thơ từng đoạn, không giữ nguyên từng câu, 5 đoạn đầu bằng thơ lục bát và đoạn cuối bằng thể thơ mới với số chữ từ 7 đến 10 chữ trong mỗi câu. Sáu mươi câu thơ này được dịch thành 51 câu thơ Việt, trong đó 50 câu đầu được dịch thành 42 câu thơ lục bát (4 đoạn 8 câu, 1 đoạn 10 câu) và 10 câu cuối thành 9 câu thơ tự do. Nội dung như sau: LỚP VI: ĐÔNG RÔĐRI 1. Trời thanh sét bỗng nửa chừng Vết thương đâu bỗng xé lòng chia đôi Thù kia phải trả rạch ròi Mà tình kia lại sụt sùi xót xa Lặng im, tâm sự thẫn thờ Tưởng gần sum họp, hóa ra bẽ bàng Trời cao, thấu nỗi đau thương? Cha ta bị nhục, cha nàng gây nên! 2. Hận lòng đôi ngả đấu tranh Nửa là danh dự, nửa tình, khó theo! Vẹn thù cha, mất người yêu Bên thêm dũng khí, bên gieo ngập ngừng Não nề đứng giữa hai đường Sống đời ô nhục! Phũ phàng tơ duyên Trời cao, thấu nỗi niềm riêng Thù cha nỡ gác? Cha nàng giết sao? 3. Thù cha, danh dự, tình yêu Lớn lao nghĩa vụ, yêu kiều duyên tơ Tan hạnh phúc, nhục duyên nhà, Bên chua xót phận, bên dơ cuộc đời. Gươm ơi, hy vọng lòng ai, Chia uyên rẽ thúy cũng mày, hỡi gươm! Trao tay khơi rộng đau thương, Báo thù? Hay để mất nàng, Simen? 4 . Thôi đành một thác là yên Tình đây, hiếu đấy, đôi bên cũng là! Trả thù, nàng giận ghét ta, Mà thù không trả: hững hờ coi khinh. Làm ra, phụ bạc với tình, Bỏ đi, không xứng với mình, sao đang? Đoạn trường càng dập càng tăng Càng suy nghĩ lắm, càng man mác sầu Đã đành nắm đất chôn sâu Chết đừng để hận cho nhau một đời! 5 . Chết, không thù trả nợ đền? Chết, mà hoen ố tiếng thơm lẫy lừng? Chết, mà cả nước coi thường Rằng không giữ trọn vuông tròn thanh danh? Tình kia chung thuỷ khôn lành Tình kia trân trọng cũng đành cắt ngang! Trước sau đành mất Simen Gươm ơi! Giữ lấy vẹn toàn hương thơm! 6. Ừ phải! Tâm hồn ta đau thương lầm lạc! Công sinh thành phải đặt trước tình yêu! Dù chết giữa ba quân, hay chết hận chết sầu Ta trả lại máu ta trong ngần không chút gợn. Trót xấu hổ vì hoang mang vơ vẩn, Nhanh chân lên, đi lấy máu rửa thù? Chẳng đắn đo, thắc mắc lo âu, Bởi trước mắt, cha ta vừa bị nhục Dù kẻ thù là cha của chính Simen! Như vậy đoạn Kiều quyết định bán mình 8 câu chia 4 (2+2+2+2) và đoạn Rodrigue quyết định so gươm để bảo vệ danh dự gia đình 60 câu với 4 đoạn (10+30+10+10), có một điểm chung rõ rệt là quá trình diễn biến tâm lý như nhau. Ở đây có sự gặp nhau giữa hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, các tác giả viết theo sự mách bảo của bản năng, của thi hứng chứ không nhất thiết phải ý thức được đầy đủ qua bốn thời kỳ như các tâm lý gia sau này sẽ phân tích và tám câu Kiều trên đây lại gợi cho ta một không khí thơ với cấu trúc như của một bài thơ Đường thất ngôn bát cú 8 câu chia 4 (2+2+2+2) với tên gọi đề, thực, luận, kết. Về mặt ngôn ngữ câu thơ Le Cid khi trữ tình thiết tha, khi hào hùng sôi nổi, khi đậm đà một chất triết lý sâu lắng thâm trầm… Còn với câu thơ Truyện Kiều, thì thật là lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu. Hình như không có từ nào, chữ nào có thể diễn tả được hết được cái hay vẻ đẹp: lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột... Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy (Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân)… “Le Chef d'oeuvre de Nguyễn Du peut subir, sans désavantage, la comparaison avec ceux de n'importe quel temps, de n'importe quel lieu - Kiệt tác của Nguyễn Du có thể so sánh một cách xứng đáng với kiệt tác của bất kỳ nước nào, trong bất kỳ thời đại nào - “Il n'y a pas dans toute notre littérature, une oeuvre qui soit aussi répandue, qui ait trouvé dans le peuple un accueil d'une telle ferveur - Trong tất cả nền văn chương của Pháp không có một tác phẩm nào được phổ thông, được toàn dân sùng kính và yêu chuộng bằng quyển truyện này ở Việt Nam (René Crayssac)… PHẠM ĐAN QUẾ
Phụ Bản IV NHỮNG CUNG ĐƯỜNG TUỔI THƠ Tác giả Dương Lêh 5. Làm sao tôi trở thành một Hướng đạo sinh? Ở lớp Nhứt chúng tôi được học vào buổi sáng. Cô giáo cũng là con gái của Ông Hiệu Trưởng và là em kế của cô giáo dạy chúng tôi ở lớp Nhì hồi năm ngoái. Cô cũng tổ chức một lớp ở nhà cho chúng tôi học vào buổi chiều. Cô giáo vừa mới có chồng. Nét mặt Cô bầu bĩnh rất phúc hậu. Mấy đứa con gái ở cuối lớp thường nói Cô giáo đẹp và giống Phật bà Quan Âm. Lúc bấy giờ tôi thật tình không biết Phật bà Quan Âm là ai nên cắc cớ hỏi lại: “Làm sao mấy bà biết Phật bà đẹp?” - “Thì tao thấy người ta vẽ trên kiếng ở mấy tiệm bán đồ thờ đó.” Một buổi sáng, cô giáo đang giảng bài Khoa học thường thức, đột nhiên có một người khách xuất hiện ở cửa lớp. Đó là một người đàn ông tuổi xuýt xoát với cô giáo trong trang phục một Hướng đạo sinh, áo sơ mi nâu, quần sọt màu xanh đậm, đội nón rộng vành có chóp nhọn, mang giày đi rừng, vai đeo tua, trước ngực đeo miếng chả màu xanh giữa là một loại hoa gì đó màu đỏ sau này tôi mới biết đó là hoa Huệ hay còn gọi là hoa Bách hợp. Hồi đó chúng tôi cho là một hình ảnh rất đẹp của một người thanh niên. Hầu hết chúng tôi đều muốn trở thành một Hướng đạo sinh nhưng không biết đến bao giờ mới đạt được ước nguyện. Hôm nay đột nhiên hình ảnh đẹp đó xuất hiện ở lớp học này. Trong phần giới thiệu, Cô giáo cho biết đây là anh Phương một huynh trưởng Hướng đạo sinh đang muốn thành lập một đoàn hướng đạo sinh và kêu gọi chúng tôi tham gia. Sau đó anh Phương giải thích cho chúng tôi một số hoạt động của tổ chức Hướng đạo trong đó có nói tới những chuyến đi cắm trại trong rừng, hay làm công tác xã hội như giúp đồng bào nghèo, đào mương, dọn rẫy vv… Hầu hết cái đám con trai thích quá, ngồi không yên, nhổm lên nhổm xuống vừa ngắm anh huynh trưởng hướng đạo vừa hỏi han tưng bừng. Mấy đứa ở bàn đầu như mọi ở trong rừng ra thấy cái gì cũng hỏi. Đứa thì hỏi “Cuộn dây này để làm gì vậy anh?” đứa thì chỉ hoa bách hợp hỏi hoa gì. Có đứa ngu quá, cái tua vai mà không biết, lại hỏi: “Cái lòng thòng đó là gì vậy anh”. Anh Phương có vẽ như kinh ngạc nhìn thằng nhóc vừa hỏi, nhưng anh bình tĩnh trở lại và trả lời khi thấy nó chỉ lên vai anh chứ không phải nơi nào khác. Cuối cùng anh hẹn chúng tôi sáng Chủ Nhật sau đó đến Sở Thú để ghi tên tham gia. Tối đó tôi xin phép ba má tôi cho tôi vô Hướng đạo, may quá ông bà đồng ý liền. Ông già còn nói: “Cứ cho nó vô “s’kút” (scout = hướng đạo sinh) để tập sống có kỷ luật, học hành cho đàng hoàng, ở không lêu lỏng, nguy hiểm”. Hồi xưa đa số mấy người lớn tuổi tin tưởng vào các tổ chức thanh thiếu niên như là hướng đạo Việt Nam, hướng đạo Pháp tại Việt Nam, Học sinh đoàn của các trường học người Hoa Kiều trong Chợ Lớn. Sáng Chủ Nhật. Tôi phải nhờ một thằng bạn ngồi gần bàn chót cho tôi “quá giang” đi Sở Thú với nó bằng xe đạp. Tới nơi chúng tôi không màng cái chuyện đi xem thú mà chạy kiếm anh Phương để ghi tên gia nhập. Sau khi ghi tên gần hai chục đứa chúng tôi, anh Phương bảo chúng tôi ngồi xuống đất thành vòng tròn, hướng dẫn chỗ mua quần áo, giày, nón, ba lô và các vật dụng khác như dao đi rừng, dây, gậy. Tất cả những thứ lỉnh kỉnh này đều được bán trong Khu Dân sinh và sau này má tôi đã dẫn tôi đi mua không thiếu một món. Anh Phương đã chỉ cho chúng tôi xem các hướng đạo sinh cũ đang sinh hoạt. Tôi thấy có cả những em nhỏ trai và gái mặc áo xanh nhạt đội bê rê màu xanh đậm rất đẹp mắt. Đặc biệt ai cũng đeo một cái khăn quàng màu xanh nhạt có viền màu hồng nhẹ. Anh Phương cho biết nhóm trẻ em này là những Sói con, một cô ngồi phía xa đằng kia là chị Bầy trưởng. Tôi chợt nghĩ ra đã gọi là sói thì tổ chức phải chia theo bầy, theo đàn. Tất cả mọi người ngồi vòng tròn thành từng toán khoảng mười người đang thảo luận gì đó. Tôi thất thích cái không khí sinh hoạt như vậy. Tôi có hỏi anh Phương về vụ chiếc khăn quàng, anh cho biết phải 3 tháng sau chúng tôi mới được trao khăn trong một lần đi cắm trại. Chúng tôi đều có ý nghĩ việc tham gia vào tổ chức hướng đạo sinh này có một cái gì đó vô cùng long trọng. Thế là chỉ một tuần sau, đúng tám giờ sáng ngày chủ Nhật, một đám học trò lớp Nhứt trường Chợ Quán đã gọn gàng trong trang phục hướng đạo sinh. Cũng áo nâu có cầu vai, quần sọt xanh, mũ chóp nhọn có 4 múi lõm, giày đi rừng coi bảnh bao lắm. Sau buổi sinh hoạt đó, cứ mỗi sáng Chủ Nhật, chúng tôi lại đến Sở Thú để học tập tất cả mọi vấn đề liên quan đến đời sống một hướng đạo sinh. Chúng tôi cũng phải học nhiều thứ tuy rằng không giống các môn ở nhà trường nhưng cũng khó “nuốt” như học luật hướng đạo, thắt nút dây, học cách thông tin liên lạc bằng còi, bằng đèn, bằng khói hiệu, và khó nhất là bằng cờ theo kiểu lính Hải quân Pháp thời đó. Trong mười điều luật của Hướng đạo sinh có điều thứ sáu là: Hướng đạo sinh phải thương yêu loài vật và cây cỏ. Điều này đã làm cho những khối óc nhỏ xíu của chúng tôi phải làm việc dữ dội. Chúng tôi được khuyên không nên chơi dế. Cho dế đá với nhau lại càng không tốt. Cứ để cho dế ở ngoài bụi cỏ, bờ ruộng gáy cho vui tai. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi được học… Luật, cho nên những gì liên quan đến những sinh hoạt hằng ngày chúng tôi đều xem có vi phạm luật hay không, và luật ở đây chỉ là Luật Hướng đạo. Trong lớp học mấy đứa ngồi ở bàn chót có một môn chơi rất độc đáo. Cứ đến giờ ra chơi chúng nó bu lại hò reo inh ỏi. Hóa ra chúng nó đang chơi đua… rệp. Chúng nó bắt rệp ở kẹt bàn, chân ghế, những chỗ ráp mối giữa bàn với chân và ở hai bên hộc bàn. Chỉ việc lấy cây chưn nhang chọc vào kẻ hở khều khều một chút là có ngay. Có khi khều lần đầu tiên, hai ba con rệp chạy ra ngờ ngờ, mặc sức mà bắt. Có đứa đem từ nhà tới, đựng trong hộp quẹt hay bao giấy xếp thành hộp, có để lỗ thông hợi cho rệp… thở. Một cuộc đua chỉ được thực hiện với hai con rệp. Đường đua được xếp bằng ba cây thước tạo thành hai đường chạy. Mỗi đứa đè con rệp bằng ngón tay trỏ ở đầu đường chạy. Một thằng đếm tới ba, chúng thả tay để cho rệp chạy về phía trước. Mức đến là cuối đầu kia cây thước. Con nào về mức trước thì chủ nó ăn một ly nước đá nhận. Rệp chạy trong tiếng reo hò, cổ vũ của khán già. Có khi vì la to quá rệp cuống cuồng quay trở lui. Chủ nó chận lại cho quay đầu “chữ U” chạy về phía trước đến khi cán mức ăn thua. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng đua rệp sẽ không vi phạm Luật Hướng đạo. Mỗi đứa trong chúng đều có một cuốn sổ ghi “việc thiện” mà chúng tôi đã làm được. Sổ “việc thiện” để ghi những việc tốt, như giúp đỡ cha mẹ, ông bà, hàng xóm, láng giềng. Mỗi tháng anh Phương khám sổ việc thiện một lần. Có lần anh Phương thấy bốn cuốn sổ của bốn đứa ghi giống nhau: “Giúp má thằng Sơn tắm heo”. Anh Phương ngạc nhiên hỏi: “Ủa, má em Sơn tắm heo làm gì phải cần đến bốn em giúp lận”. Mấy đứa nhao nhao lên: “Dạ tụi em mỗi đứa làm một việc” Rồi một đứa nói: “Em vịn cái đầu con heo”, đứa khác: “Em nắm đuôi”, thằng tiếp theo: “Em bợ đít con heo”. Anh Phương nghĩ tụi nó xạo và đã hết ý, nên hỏi đứa sau cùng: “Còn em?”. Nó trả lời liền: “Da, em gãi lưng nó”. Anh Phương lại thắc mắc: “Chỗ đâu mấy em đứng để nắm, để vịn, để gãi lưng con heo?” Cả bốn đứa trả lời một lượt: “Có bốn con heo mà anh!” Hai ngày sau, anh Phương trên đường đi công việc, ghé thăm ba má thằng Sơn thấy bốn con heo giống mà ba má Sơn mới mua về nuôi còn ở dạng “cochon de lait” bây giờ gọi là heo sữa... Tuy vậy anh Phương cũng không nói gì với những nhà làm việc thiện đã giúp đỡ má Sơn trong công việc tắm heo, mà chỉ nhắc nhở chúng tôi không được gọi nhau bằng “thằng” kể cả khi viết vào vở hay ghi trên giấy, bởi vì gọi nhau bằng “thằng” sẽ không có civilization, tức là không văn minh. Thời gian qua mau, lật bật tới lúc chúng tôi được phép đeo khăn quàng.Anh Phương cho biết lễ trao khăn sẽ được tổ chức tại một buổi đi trại trong ngày tại Lái Thiêu. Một ngày Chủ Nhật, chúng tôi, bốn tiểu đội gồm những tân binh của trường chúng tôi và những tân binh trường bạn, anh Phương làm trưởng đoàn lên đường đi Lái Thiêu bằng xe đạp. Thật là thú vị, chúng tôi lúc bấy giờ mang đầy đủ hình ảnh một hướng đạo sinh. Ngoài áo quần và nón đặc trưng của dân hướng đạo, chúng tôi còn phải mang ba lô, gậy cá nhân, dây thừng cuộn lại theo hình dáng của đòn bánh tét đeo lủng lẳng bên hông, “bình đông” nước. Anh tiểu đội trưởng, người của anh Phương đưa xuống để nắm các tiểu đội tân binh, có đem theo cả rìu và xẻng. Anh tiểu đội trưởng này, cũng như 3 anh tiểu đội trưởng của ba tiểu đội kia, lớn hơn chúng tôi chừng một hay hai tuổi thuộc liên đội khác được anh Phương điều xuống hướng dẫn chúng tôi sinh hoạt. Qua khỏi Lái Thiêu, rẻ vào một khu vường cao su rợp bóng mát, chúng tôi dừng chân ở một khoảng đất chuẩn bị cắm trại. Bốn tiểu đội phân tán ra bốn khu đất bằng phẳng để căng lều. Lều là một tấm “tăng”bằng vải bố rất dày bề ngang khoảng ba mét, bề rộng khoảng bốn mét. Bốn góc được nối vào dây thừng, đầu kia cột vào những gốc cây cao su gần đó, ở giữa được chống lên bằng hai cây gậy cá nhân của chúng tôi mang theo. Thế là căn lều đã hình thành. Chúng tôi không ngờ căn lều có thể chứa được dễ dàng mười đứa con nít chúng tôi. Anh tiểu đội trưởng cũng bảo chúng tôi đào mương chung quanh căn lều phòng khi trời mưa nước từ trên mái lều chảy xuống đường mương và thoát đi chỗ khác, không chảy ngược vào bên trong căn lều. Chúng tôi cũng được lệnh của tiểu đội trưởng cho đào một cái hố xí để sử dụng. Ngoài ra chúng tôi còn phải đào một hình chữ thập bề rộng các khe khoảng hơn một tấc, mỗi nhánh chữ thập dài chừng bốn tấc. Đây chính là ông táo để nấu ăn. Cái nồi để ngay chính giữa hình chữ thập, còn củi thì được châm vào bốn nhánh. Trước đây chúng tôi chưa bao giờ phải làm việc nhiều và vất vả đến như vậy. Tuy nhiên chúng tôi thấy rất thích thú vì đã tạo ra những tiện ích trong hoàn cảnh thiếu thốn để cho chúng tôi sử dụng. Cơm nấu gần xong củi lửa đã lấy ra gần hết, nồi cơm còn ngồi trên ông táo đưới bóng nắng lổ chổ xuyên qua những tàng lá cây cao su. Bỗng nhiên đội bạn ở lều bên cạnh kéo ra bãi đất trống bên kia lối đi để đá banh và gọi chúng tôi cùng tham gia. Thế là cả đám chúng tôi túm tụm đuổi theo trái banh hết bên này sang phía bên kia dưới trưa nắng không có bóng cây vì là bãi đất trống. Một lát sau chúng tôi nghe anh Phương thổi còi tập họp. Chúng tôi tan hàng đội nào về lều nấy. Về gần đến lều chúng tôi nhìn về phía nồi cơm đã nấu lúc nãy nhưng không thấy đâu cả. Nơi chúng tôi đào lỗ làm ông táo tự nhiên xuất hiện một bầy dê khoảng năm, sáu con đang chùm nhum vào một cái gì đó, và chúng tôi chợt phát hiện ra cái gì đó là nồi cơm đã nấu chín. Chúng tôi chạy ào tới hò hét đuổi bầy dê nhưng chúng cứ đứng dồn cục không nhúc nhích. Không đứa nào dám lượm gạch đá để chọi vào những con dê đáng ghét vì sợ vi phạm điều luật hướng đạo: “Hướng đạo sinh phải thương yêu loài vật và cây cỏ”. Sau cùng có đứa lấy nhánh cây cao su chọc vào những cái mông ngoan cố của đàn dê và chúng đã chạy tán loạn để lại cái nồi cơm nằm nghiêng ngửa, bên trong cơm còn lại khoảng một phần ba nồi. Phải mất chừng mười phút tranh luận xem có nên ăn phần cơm còn lại sau khi dê đã bỏ đi. Có đứa nói ăn cơm của dê coi chừng bị lây bệnh…dê. Đứa khác nói dê ăn cũng như người ăn, mà bầy dê này có nhiều con đực, chắc là mình ăn vô sẽ mạnh lắm. Ý kiến sau cùng là phải ăn vì không còn cái gì khác để lót những cái bụng trống trơn từ sáng đến giờ. Một điều may mắn là anh đội trưởng đã ngoại giao một đội bạn có cơm dư nên chúng tô chia nhau cũng được một chén… Sau đó, lễ trao khăn đã được diễn ra rất nghiêm chỉnh dưới những tàng cây râm mát của rừng cao su. Từng đứa trong chúng tôi, quần áo gọn gàng, lần lượt được gọi lên đứng trước mặt anh Phương đọc lớn mười điều luật hướng đạo, ba điều hứa và ba đức tính của một hướng đạo sinh. Anh Phương lấy chiếc khăn quàng màu xanh da trời từ cái khay do anh đội trưởng đứng cầm bên cạnh đó quàng vào cổ anh chàng vừa mới trả bài. Nút thắt là một cái khâu làm bằng sợi mây luồn vào hai đuôi khăn quàng đẩy lên tận cổ trông rất đẹp. Anh Phương nói: “Từ nay em là một hướng đạo sinh thực thụ. Em phải noi gương các anh hướng đạo sinh khác để làm việc và học hành thật giỏi.” Rồi anh đưa tay trái ra bắt tay cậu bé. Anh chàng tân hướng đạo sinh này đứng nghiêm đưa ba ngón tay lên mũ chào và quay trở lại đứng vào hàng. Lần lượt đến những đứa khác và khi cho đứa sau cùng trở về hàng, anh Phương giơ tay vỗ vào miệng nghe oa oa mấy tiếng tức thì tất cả mọi người đồng loạt vỗ tay vào miệng oa oa vang đội. Đây là cách hoan hô của hướng đạo sinh. Từ khi vô hướng đạo sinh tôi học hành chăm chỉ hơn vì đứa nào cũng sợ cô giáo mét với anh Phương là tụi này lười học, nhờ đó cuối năm tôi được lãnh thưởng, được miễn thi Tiểu học và sau cùng tôi trúng tuyển kỳ thi vào lớp Đệ thất trường trung học Pétrus Trương vĩnh Ký, hồi đó gọi là Lycée Pétrus Ký. Tới đây tôi đã thực sự bước vào giai đoạn mới, một quảng đường được rèn luyện gian truân để trở thành người lớn tại một ngôi trường nổi tiếng nhất Sài gòn thời đó. Những cung đường tuổi thơ đã đi vào kỷ niệm nhường chỗ cho những xa lộ kiến thức lớn hơn, sâu hơn và tôi phải chuẩn bị cho mình một tư thế sẵn sàng đón nhận. HÃY ĐỌC VÀ CÙNG SUY NGẪM Cà phê và tách Một nhóm bạn học nay thành đạt rủ nhau về thăm thầy cũ. Sau một hồi trò chuyện, họ bắt đầu kể lể, than phiền về những sức ép trong công việc cũng như trong cuộc sống. Nghe vậy, người thầy vào bếp lấy cà phê mời học trò cũ của mình. Ông đem ra rất nhiều những chiếc tách khác loại: chiếc bằng sứ, chiếc bằng nhựa, chiếc thủy tinh, chiếc thì bằng pha lê, một vài chiếc trông rất đơn sơ, vài chiếc đắt tiền, vài chiếc khác lại được chế tác cực kỳ tinh xảo. Người thầy bảo những "người thành đạt" tự chọn tách và rót cà phê cho mình. Sau khi mỗi người đều đã có một tách cà phê, người thầy đáng kính mới bắt đầu từ tốn: - Nếu các em chú ý thì sẽ nhận ra điều này: ai cũng chọn những chiếc tách đắt tiền, chẳng ai thèm màng đến những chiếc tách nhựa giá rẻ cả. Có lẽ các em sẽ cảm thấy điều này thật bình thường vì ai chẳng muốn chọn cho mình cái tốt nhất, nhưng điều ấy lại chính là nguồn cơn của mọi vấn đề rắc rối trong cuộc sống của các em. Các em à, những chiếc tách kia đâu có làm ảnh hưởng đến chất lượng của cà phê. Tất cả những gì các em cần là cà phê chứ không phải là tách. Thế mà thường thì các em chỉ chăm chăm lo kiếm những chiếc tách tốt nhất, rồi sau đó còn liếc mắt qua người bên cạnh để xem tách của họ có đẹp hơn tách của mình không. Hãy suy ngẫm điều này nhé: cuộc sống chính là cà phê, còn công việc, tiền bạc và địa vị xã hội chính là những chiếc tách. Và những "chiếc tách" này không hề xác định hay ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống chúng ta. Đôi khi do cứ mãi để ý vào những "chiếc tách hư danh" mà chúng ta bỏ lỡ việc hưởng thụ cuộc sống. Món quà mà Thượng đế ban tặng cho con người là cà phê chứ không phải tách. Vậy thì cứ thoải mái nhâm nhi cà phê của mình và tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. 7 kỳ quan thực sự của thế giới là gì? Trong lớp học, giáo viên mở một cuộc tranh luận trong sinh viên với đề tài: 7 kỳ quan của thế giới là gì? Tổng hợp từ rất nhiều ý kiến, cô giáo đưa ra “đáp án” – được sự đồng tình nhiều nhất – 7 kỳ quan của thế giới được kể đến là: 1. Kim tự tháp Ai Cập 2. Đền Taj Mahal 3. Dãy Grand Canyon 4. Kênh đào Panama 5. Tòa nhà Empire State 6. Đền thờ Thánh St.Peter 7. Vạn Lý Trường Thành Trong khi đi thu lại các bài viết, cô giáo để ý thấy có một sinh viên nữ vẫn chưa gấp bài viết của mình lại. Sau khi “công bố” kết quả, cô giáo bèn lại gần và hỏi nữ sinh viên nọ xem có điều gì xảy ra với bài viết của cô. Nữ sinh thưa với cô giáo: "Dạ, em vẫn còn có một chút băn khoăn ạ". Cô giáo khuyến khích: "Em có thể nói cho mọi người biết, chúng ta sẽ cùng giải quyết". Cô sinh viên ngập ngừng: - Em nghĩ, 7 kỳ quan của thế giới, đó là: 1. Xúc giác 2. Vị giác 3. Thị giác 4. Thính giác Thêm một chút lưỡng lự, rồi cô nói tiếp: 5. Cảm xúc 6. Tiếng cười 7. Và tình yêu Sự im lặng bao trùm căn phòng, đến nỗi dường như có thể nghe được tiếng rớt của một cây kim. Những điều mà bạn nữ sinh vừa đưa ra, nó gần gũi quá, đơn giản quá, thậm chí tầm thường quá, chẳng ai để ý. Chỉ đến khi cô ấy “phát hiện” ra, người ta mới nhận thấy đó thật sự là những điều kỳ diệu mà mình đang có. Một thông điệp nho nhỏ: tất cả những gì kỳ diệu nhất đang ở ngay trước mắt bạn, đó không phải là gì khác: gia đình, niềm tin, tình yêu, sức khoẻ và bạn bè… Tận hưởng cuộc sống Một người câu cá đi ra cái hồ cạnh trang trại để câu. Một lúc sau một doanh nhân giàu có đi qua, nhìn thấy người câu cá mới câu được chỉ vài con cá, mà ông ta đã thôi không câu nữa, và ngồi chơi ở cánh đồng với bọn trẻ con, tận hưởng không khí trong lành, có vẻ như đang vui vẻ lắm. Cảm thấy rằng đây là một chuyện kỳ lạ, doanh nhân đến gần người câu cá và hỏi: - Sao anh không câu cá nữa? - Vì số cá này đã đủ cho thức ăn cho ngày hôm nay rồi. - Tại sao anh không câu thêm vài con nữa? Anh còn thời gian mà? Ít ra thì cũng để làm đầy cái xô của anh chứ? - Rồi tôi biết làm gì với chúng? – người câu cá đáp, không có vẻ gì tập trung vào những lời mà doanh nhân kia vừa nói. - Anh có thể kiếm thật nhiều tiền! – Doanh nhân kia tiếp tục – Anh bán cá đi, mua được thuyền và câu được nhiều cá hơn. Rồi anh lại mua lưới, và đánh được nhiều cá hơn. Với tiền nhiều hơn anh có thể mua nhiều thuyền hơn. Cuối cùng anh thể mua được đến cả một hạm đội, và trở nên giàu có như tôi ấy chứ? - Rồi tôi sẽ làm gì tiếp? - Người câu cá hỏi tiếp - Rồi anh có thể tận hưởng cuộc sống! Người câu cá nhìn doanh nhân kia bằng ánh mắt ngạc nhiên, và hỏi: - Thế anh nghĩ bây giờ tôi đang làm gì đây? Không phải là tận hưởng cuộc sống sao? Cánh cửa không bao giờ khoá Cô gái mới có 18 tuổi, cô – như hầu hết các thanh niên ngày nay – chán sống chung trong một gia đình nền nếp. Cô chán lối sống khuôn phép của gia đình. Cô muốn rời khỏi gia đình: - Con không muốn tin ông trời của ba mẹ. Con mặc kệ, con đi đây! Thế là cô quyết tâm bỏ nhà đi, quyết định lấy thế giới bao la làm nhà mình. Tuy nhiên, chẳng bao lâu, cô bị ruồng bỏ vì không tìm ra việc làm, cô phải làm gái đứng đường, đem thân xác, hình hài mình ra làm thứ để mua bán, đổi chác. Năm tháng cứ thế trôi qua, cha cô qua đời, mẹ cô già đi và cô con gái đó ngày càng sa đọa trong lối sống của mình. Không còn chút liên lạc nào giữa hai mẹ con trong những năm tháng ấy. Bà mẹ nghe đồn về lối sống của con gái mình, bà đã đi tìm con trong khắp thành phố. Bà đến từng nhóm cứu trợ với lời thỉnh cầu đơn giản: - Làm ơn cho tôi chưng tấm hình ở đây! Đó là tấm hình một bà mẹ tóc muối tiêu, mỉm cười với hàng chữ: "Mẹ vẫn yêu con… Hãy về nhà đi con!". Vài tháng lại trôi qua, vẫn không có gì xảy ra. Rồi một ngày, cô gái đến toán cứu trợ nọ để nhận một bữa ăn cứu đói. Cô chẳng buồn chú ý đến những lời giáo huấn, mắt lơ đễnh nhìn những tấm hình và tự hỏi: "Có phải mẹ mình không nhỉ?". Cô không còn lòng dạ nào chờ cho hết buổi lễ. Cô đứng lên, ra xem kỹ bức ảnh. Đúng rồi, đúng là mẹ cô và cả những điều bà viết nữa: "Mẹ vẫn yêu con… Hãy về nhà đi con!". Đứng trước tấm hình, cô bật khóc. Lúc đó trời đã tối nhưng bức hình đã làm cô gái xúc động đến mức cô quyết định phải đi bộ về nhà. Về đến nhà trời đã sáng tỏ. Cô sợ hãi khép nép không biết sẽ phải nói ra sao. Khẽ gõ cửa, cô thấy cửa không khoá. Cô nghĩ chắc có trộm vào nhà. Lo lắng cho sự an toàn của mẹ mình, cô gái trẻ chạy vội lên buồn ngủ của bà và thấy bà vẫn đang ngủ yên. Cô đánh thức mẹ mình dậy: - Mẹ ơi, con đây! Con đây! Con đã về nhà rồi! Không tin vào đôi mắt mình, bà mẹ lau nước mắt rồi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau. Cô gái nói với mẹ: - Mẹ à, con lo quá. Thấy cửa không khoá, con cứ nghĩ nhà có trộm! Bà mẹ nhìn con âu yếm: - Không phải đâu con à! Từ khi con đi, cửa nhà mình chưa bao giờ khoá. Mẹ sợ lúc nào đó con trở về mà mẹ không có ở đây để mở cửa cho con! Và cô gái lại gục đầu vào lòng mẹ, bật khóc! Chiếc Vòng Một ngày nọ, Vua Salomon bỗng muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình. Vua bèn nói với ông: "Benaiah này, ta muốn ông mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ Sukkot và ta cho ông sáu tháng để tìm thấy chiếc vòng đó." Benaiah trả lời: "Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thưa đức vua, tôi sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài, nhưng chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?" Nhà Vua đáp: "Nó có những sức mạnh diệu kỳ. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó, sẽ thấy buồn, và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui". Vua Salomon biết rằng sẽ không đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng. Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn chưa có một ý tưởng nào để tìm ra một chiếc vòng như thế. Vào đêm trước ngày lễ Sukkot, ông quyết định lang thang đến một trong những nơi nghèo nhất của Jerusalem. Ông đi ngang qua một người bán hàng rong đang bày những món hàng trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân lại hỏi "Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó quên đi niềm vui sướng và người đau khổ đeo nó quên đi nỗi buồn không?". Người bán hàng lấy từ tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ trên chiếc vòng đó, khuôn mặt ông rạng rỡ một nụ cười. Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội Sukkot. "Nào, ông bạn của ta", Vua Salomon nói, "Ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?". Tất cả những cận thần đều cười lớn và cả chính vua Salomon cũng cười. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói: "Nó đây thưa đức vua". Khi vua Salomon đọc dòng chữ, nụ cười biến mất trên khuôn mặt vua. Trên chiếc vòng đó khắc dòng chữ: "Điều đó rồi cũng qua đi" Vào chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng tất thảy những sự khôn ngoan, vương giả và quyền uy của ông đều là phù du, bởi vì một ngày nào đó,ông cũng chỉ là cát bụi. Cuộc sống là tiếng vọng Một cậu bé cùng bố đang tập leo núi. Đột nhiên cậu bị trượt chân, hoảng hồn cậu la lên "A!…". Và cậu lấy làm ngạc nhiên khi nghe đâu đó trong vách núi lặp lại "A!…". Tò mò, cậu hét lên: "Bạn là ai?". Trong vách núi lại vang lên: "Bạn là ai?". Tức giận, cậu lại hét lên: "Đồ nhút nhát!". "Đồ nhút nhát!" vẫn âm thanh từ vách núi lặp lại. Cậu quay qua nhìn bố và hỏi: "Sao lại như vậy hả bố?". Người bố mỉm cười và giải thích: "Con trai, mọi người gọi đấy là tiếng vọng, nhưng thật sự nó là cuộc sống. Nó trả lại cho ta tất cả những gì ta đã nói và làm. Cuộc sống chỉ là sự phản chiếu lại những hành động của chúng ta mà thôi! Nếu con muốn mọi người yêu thương con thì trước hết con hãy yêu thương mọi người! Nếu con muốn mình được sống trong hạnh phúc, con hãy làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc trước đã! Thế đấy, cuộc sống sẽ cho lại con tất cả những gì mà con đã cho nó!" Nếu… * Nếu bạn cảm thấy khó ngủ, hãy nhớ rằng có những người vô gia cư chưa từng có chỗ để nghỉ chân. * Khi bạn bị kẹt xe, đừng vội bực mình, còn vô số người trên thế giới này xem việc lái xe như một đặc ân. * Nếu phải trải qua một ngày làm việc tồi tệ, hãy nghĩ về những người đã không có việc làm từ ba tháng qua. * Đừng vội buồn vì mối quan hệ của bạn với ai đó trở nên tồi tệ, vẫn còn nhiều người chưa bao giờ biết yêu hoặc được đón nhận tình yêu. * Có những phụ nữ nghèo phải lao động cật lực 12 giờ một ngày, bảy ngày một tuần chỉ để kiếm tiền nuôi sống cả gia đình trong khi bạn đang luyến tiếc vì để lỡ mất một kỳ nghỉ cuối tuần. * Nếu bất chợt nhìn vào gương thấy mái tóc mình đã điểm bạc, hãy nghĩ về những bệnh nhân ung thư phải điều trị bằng hoá chất đang ước ao có một mái tóc để soi. * Nếu bạn nghĩ mình đang là nạn nhân của sự bất hạnh, sự ích kỷ hay thái độ vô giáo dục của một số người, hãy nhớ là mọi việc vẫn còn có thể tệ hơn như vậy và chính bạn có thể là những người đó. Tôn trọng và chia sẻ Ông chủ một cửa hàng nọ treo một cái bảng lên cửa với dòng chữ "Ở đây có bán chó". Những tấm bảng như vậy rất thu hút bọn trẻ và ngay sau đó một cậu bé xuất hiện, hỏi ông chủ cửa hàng: - Bác bán những con chó đó bao nhiêu tiền?. Ông chủ cửa hàng đáp: "Giá nào cũng có cả, từ 30 đến 50 đô la". Nghe xong, cậu bé rút trong túi ra vài tờ bạc lẻ và nói: "Cháu chỉ có 2 đô 37 xu, cháu có thể xem chúng được không?" Ông chủ mỉm cười rồi huýt sáo và từ trong chiếc cũi mấy chú chó lông có đốm nhỏ tròn chạy ra, một con khập khiễng chạy sau cùng. Cậu bé chỉ chú chó khập khiễng và hỏi: - Nó bị sao thế hả bác? Ông chủ giải thích rằng chú chó không có hốc xương hông, vì vậy mà nó bị tật và phải đi khập khiễng. Giọng cậu bé bỗng trở nên sôi nổi: - Đó chính là chú chó mà cháu muốn mua. Ông chủ cửa hàng nói: - Không, cháu sẽ không muốn mua chú chó nhỏ đó đâu. Còn nếu cháu thật sự thích nó, bác sẽ cho cháu. Cậu bé trở nên buồn buồn, rồi nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói: - Cháu không muốn bác cho cháu chú chó nhỏ này. Nó cũng có cái giá riêng của nó như những chú chó khác. Cháu sẽ trả đúng số tiền đó. Nhưng bây giờ cháu chỉ có 2 đô 37 xu, số tiền còn lại cháu sẽ trả bác 50 xu mỗi tháng cho đến khi nào đủ thì thôi. Ông chủ nhận tiền và bảo: - Cháu thật sự không muốn mua con chó này đâu. Nó sẽ không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi với cháu như những con chó khác được. Nghe thấy thế, cậu bé cúi xuống kéo quần lên để lộ chân trái bị tật quấn đầy băng và được nẹp bởi thanh kim loại lớn. Cậu ngước nhìn lên ông chủ và nhẹ nhàng đáp: - Bản thân cháu cũng không chạy nhảy được tốt, và cháu nghĩ chú chó nhỏ kia sẽ cần một người hiểu và chia sẻ với nó. Vâng, chúng ta cũng cần làm vậy, cần tôn trọng và chia sẻ với những người không may mắn. Hà Mạnh Đoàn st.
|