VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/01/2012 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY Mở đầu buổi họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách, một cuốn tương đối mới và một cuốn mới ra lò được vài ngày. Cuốn tương đối mới là một cuốn bằng tiếng Anh mang tựa đề là “The complete illustrated works of HANS CHRISTIAN ANDERSEN with all 290 original drawings” (Toàn bộ các truyện cổ tích có minh họa của HANS CHRISTIAN ANDERSEN). Cuốn này được xuất bản năm 1994 (18 năm trước) nhưng lại in lại nguyên bản cùng 290 minh họa nguyên thủy lần đầu tiên ở Anh Quốc vào năm 1889 (123 năm trước). Sách khổ 15 x 21cm và dày 948 trang với 290 minh họa nguyên thủy bằng bút sắt cực đẹp. Tác giả là nhà văn Đan Mạch nổi tiếng sinh ở Odense năm 1805 và mất ở Copenhague năm 1875, và cuốn sách này chứa đựng toàn bộ 173 truyện cổ tích nổi tiếng của ông. Người Việt chúng ta chỉ biết nhiều tới Charles Perrault (sinh ở Paris năm 1628 và mất cũng ở Paris năm 1703) với các truyện cổ tích của ông được xuất bản năm 1697 bằng thơ như Miếng Da Lừa, và bằng văn xuôi như Hằng Nga ngủ ở trong rừng, Cô bé quàng khăn đỏ, Cậu bé tí hon, Con Mèo đi hia, Con yêu râu xanh, Riquet có bờm, Lọ Lem vv… mà hồi năm 1943 Cụ Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch và hình như Đắc Lộ thư xã đã in. Còn về những cổ tích của Andersen thì người Việt chúng ta chỉ mới biết tới có vài truyện như Đôi hài đỏ, Nàng tiên cá, Bà Hoàng xứ tuyết… mà thôi. Do đó nếu có vị nào muốn khai thác các truyện cổ tích của Andersen thì xin cứ vô tư liên hệ với người viết vì danh tác này ngày nay đã là tài sản chung của cả nhân loại, ai muốn khai thác cũng được. Sau khi cuốn sách được giới thiệu đã có một vài thành viên mang máy ảnh tới chụp các minh họa cực đẹp vẽ bằng bút sắt. Cuốn thứ nhì là một tập thơ song ngữ Việt-Anh dày 288 trang, bìa cứng của nhà thơ Vũ Đình Huy, do chính người giới thiệu nó vừa mới dịch xong và vừa được in. Đây là tác phẩm dịch thuật thứ 20 của Dịch giả Vũ Anh Tuấn và đây cũng là một trong những bản dịch ông làm kỹ nhất vì ông rất thích những bài thơ ông phải chuyển ngữ. Tập thơ được in rất đẹp và tiếng Việt luôn luôn đi trước, tiếng Anh hăm hở theo sau… Sau phần giới thiệu sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn có nói sơ qua về một số hoạt động của CLB Sách Xưa và Nay trong năm vừa qua, hy vọng trong năm tới sẽ có những hoạt động hấp dẫn vui và hay hơn năm vừa qua. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, anh Hữu có lên nói về một vài điển tích chưa đúng lắm trong bài Điển tích trong truyện Kiều. Để trả lời anh Hữu, nhà Kiều học Phạm Đan Quế có cho biết là trên thực tế vào lúc này còn rất nhiều điển tích hoặc vấn đề liên quan tới truyện Kiều mà chưa có ai có đủ thẩm quyền để xác định đâu là đúng, đâu là không đúng, và mọi thảo luận tranh cãi có thể sẽ không bao giờ tận. Ai nấy đều có quyền hiểu theo cách mình muốn hiểu, nhưng cũng không thể ép người khác phải lý giải theo mình. Sau nhà Kiều học Phạm Đan Quế, bà Thùy Dương cũng lên nói về Kiều và Thiền. Bà Thùy Dương nói xong, ông Bá Khoát, chủ nhân Vườn Kiều, cũng lên đưa ra một số điều về Kiều, và đọc một vài bài thơ viết về Kiều. Kế đó nhà thơ Thanh Châu lên hát tặng các thành viên bài Ôi Mê Ly mà ông hát rất hăng say. Hai chị Lan Hinh và Tường Uyển cũng song ca tặng các thành viên một bài rất cổ điển nhưng hay là bài Hoa Xuân. Sau đó anh Lê Minh Chử có một bài nói ngắn về Tết ta rất hay. Ông Bá Khoát có nói qua về chuyện hiệu đính Truyện Kiều. Buổi họp rất hào hứng này kết thúc vào lúc 12 giờ kém 15 và toàn bộ các thành viên và anh Trần Đình Việt và cô Từ Nguyên (2 người khách tới muộn) cùng tham dự bữa ăn Tất Niên của CLB. Trong bữa ăn, ông Bá Khoát có ngâm tặng các thành viên một vài bài thơ về Kiều, và chị Tường Uyển có hát tặng các thành viên một bài hát bằng tiếng Pháp là bài Moulin des Amours. Trong bữa tiệc mọi thành viên đã cùng cụng ly chúc nhau một năm mới đầy hạnh phúc, thịnh vượng, nhất là đầy sức khỏe là thứ mọi người cần nhất. Trong buổi họp và bữa tiệc Tất Niên này mọi sự đều tốt đẹp và mọi người đều vui vẻ ra về lúc gần 1 giờ rưỡi trưa.
Vũ Thư Hữu Thư chúc tết Kính chúc tất cả quý bạn phái khỏe trong năm con Rồng đứng nghiêm này mỗi giây mỗi khỏe, mỗi phút mỗi hanh thông, mỗi giờ mỗi thịnh vượng, mỗi ngày mỗi hiên ngang, mỗi tuần mỗi an nhiên, mỗi tháng mỗi tự tại, để rồi cả năm “ đã khỏe lại khỏe hơn ” trên tất cả mọi lãnh vực… Kính chúc tất cả các quý bà trong năm con Thìn này cũng mỗi giây mỗi khỏe, mỗi phút mỗi hăng say, mỗi giờ mỗi hưng phấn, mỗi ngày mỗi dư thừa, mỗi tuần mỗi yểu điệu, mỗi tháng mỗi hiền hậu, để rồi cả năm “ đã đẹp lại đẹp hơn ” và “ đã hài lòng lại hài lòng hơn ” cũng trên tất cả mọi lãnh vực… Vũ Anh Tuấn
VÀI DÒNG VỀ TÁC PHẨM DỊCH THUẬT ÁP CHÓT CỦA TÔI Tôi xin được có vài dòng nói về tập thơ song ngữ Việt – Anh mang tựa đề là Tàu xanh lướt giữa biển trời của nhà thơ Vũ Đình Huy mà tôi vừa dịch xong và được in vào tháng 1 năm 2012. Đây là bản dịch thứ 20 của tôi, và tôi đã nghĩ rằng sự đóng góp của tôi như thế là đã quá đủ, để sau này kể công với Mẹ Âu Cơ nên tôi đã tính là sau dịch phẩm này tôi sẽ không làm thêm gì nữa mà chỉ dành số thời gian còn lại để đọc khoảng gần 1000 cuốn sách mà tôi chưa có thời giờ để đọc. Nào ngờ thời gian gần đây, tôi đã trót hứa với ái nữ Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải là sẽ dịch cho chị ấy một tập thơ sau khi dịch xong cuốn này, cho nên đành “đã hứa thì phải giữ lời”, và như vậy tập thơ này trở thành tác phẩm dịch thuật áp chót của tôi. Tập thơ song ngữ Việt – Anh này dày 288 trang, bìa cứng, khổ 14x21cm được in khá đẹp và gồm 144 bài thơ song ngữ và một số những bài giới thiệu nhà thơ - tác giả và một số bài bình luận. Nhà thơ Vũ Đình Huy là một Giáo sư Tiến sĩ Khoa học hiện đang giảng dạy ở Đại Học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là Viện sĩ của Viện Hàn Lâm Khoa học Nữu Ước của Hoa Kỳ (1995). Tuy là một nhà khoa học danh tiếng nhưng tâm hồn ông lai láng ý thơ, và tôi đã rất thích thú dịch những bài thơ trong lành, giản dị, chân thành và rất ư là trữ tình. Thơ của ông thích hợp với quảng đại quần chúng chứ không phải là loại thơ cầu kỳ và… kỳ cục, bí hiểm một cách nhăng nhít chỉ để dành riêng cho một số những cái rún của vũ trụ thưởng thức và ca cẩm lẫn nhau vân vân và vân vân… Khác hẳn với những loại thơ bí hiểm, sexy, sẽ chỉ như một ánh chớp vụt lóe trên bầu trời rồi sẽ tắt ngúm, thơ Vũ Đình Huy có thể sẽ còn tồn tại rất lâu trong tâm tưởng người đọc như thơ Nguyễn Bính chẳng hạn. Sau đây tôi xin được chia sẻ với quý vị vài bài thơ để quý vị có một ý niệm về thơ Vũ Đình Huy: LỜI CHÚC ĐẦU NĂM Chúc đời em như hoa Nở đẹp mùa xuân thắm! Gió lòng anh say đắm Chở đầy hương bay xa! MỘT KHỐI TÌNH Nắng đến bên giường, sao đã lặn, Mộng tàn, em vẫn sáng lung linh. Trăm năm trọn kiếp dài hay ngắn? Chẳng thể tan đi một khối tình! Quả là những lời thơ rất dễ thương, rất dễ nhớ, và rất không dễ quên… Tôi chỉ xin giới thiệu phần tiếng người mình, còn tiếng Anh thì dành cho ngoại nhân họ thưởng thức vì, nói cho cùng, với một người Việt bài Nam ngoại như tôi, tiếng Anh chỉ là một dụng cụ không hơn không kém, tuy nhiên tôi đã cố gắng và thích thú dịch và bản dịch hoàn toàn “kim kê độc lập” của tôi tạm coi là… chấp nhận được! Điều thích thú nhất là những bản dịch của tôi không bao giờ có sự “bén mảng” của ngoại nhân nào, và tất cả 20 bản dịch, 17 tập thơ và 3 bộ sách (chưa được in) trong đó một bộ rất đồ sộ, ĐỀU THUẦN VIỆT, không chút lai căng… vì thứ tiếng mà tôi thực sự trân trọng là tiếng nước tôi mà tôi sẽ mãi mãi yêu quý, đời này cũng như… đời sau! Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn GIỜ GIẤC VIỆT NAM, QUA NHIỀU BIẾN ĐỔI Chúng ta biết từ lâu, giờ được quốc tế công nhận dựa theo kinh tuyến 0 làm múi giờ (thời đạo) khởi điểm là GMT (Greenwich mean time = giờ quốc tế = giờ lấy kinh tuyến chạy ngang qua thành phố Greenwich nước Anh làm gốc). Quả đất dựa theo kinh tuyến, được chia làm 24 múi giờ. Ở Việt Nam, múi giờ quốc tế GMT+7. Với những chiếc đồng hồ do người phương Tây du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ trước, đều theo cách tính ấy, khi đồng hồ chỉ 7g là ở nước ta mặt trời đã mọc lên một sào (theo cách nói của người xưa). Thời thuộc Pháp nước ta vẫn giữ giờ quốc tế ấy (GMT+7). Bấy giờ mặt trời vừa mọc ở Việt Nam, quãng 6g sáng. Khi Nhật xâm lược Đông Dương, bắt đầu có sự thay đổi 1 rồi 2g trong ngày. 1. Kể từ khuya 31.12.1942 rạng 1.1.1943, giờ Việt Nam (đã dùng từ thời thuộc Pháp = GMT+7) phải kéo đồng hồ lên thêm một giờ. Vậy là GMT+8. Mặt trời vừa mọc là 7g. Giờ ngọ (đứng bóng) không còn là 11g đến 13g trưa nữa, mà là từ 12g đến 14g. 2. Kể từ khuya 31.3.1945, rạng ngày 1.4.1945, lại tăng thêm một giờ nữa, tức: GMT+9. Mặt trời vừa mọc đã là 8g, giờ ngọ từ 13g đến 15g. Người ta biết Nhật cưỡng ép tăng 2 lần 2 giờ để phù hợp với múi giờ của nước Nhật (GMT+9) quân lính Nhật sang Đông Dương khỏi phải điều chỉnh đồng hồ đang dùng. 3. Kể từ 19.8.1945, giờ Việt Nam trở lại như cũ (GMT+7). 4. Ở miền Nam Việt Nam, khi quân Mỹ đổ sang, kể từ khuya 31.12.1959, rạng 1.1.1960, giờ của miền Nam Việt Nam bị kéo lên thêm 1 giờ. Tức GMT+8. Mặt trời vừa lên đã là 7g sáng. Giờ ngọ từ 12 đến 14g. Mỹ làm thế là để phù hợp với cái đồng hồ chỉ thời gian (gồm 12 số) tại nước Mỹ, cách Việt Nam 11 múi giờ. Khi được kéo thêm 1 giờ thì đồng hồ ta chỉ 8g thì ở Mỹ là 20giờ, kim trên mặt đồng hồ ở Washington chỉ số 8. Tức ở Việt Nam là 8g sáng (đã kéo thêm 1 giờ) là 8g tối của thủ đô Mỹ. 5. Sau ngày miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, từ 1.5.1975 giờ Việt Nam (Đông Dương) trở lại đúng GMT+7. Ngày 13.6.1975, có thông báo của nhà nước thống nhất cả nước dùng giờ Đông Dương theo múi giờ GMT+7, nhưng nhân dân đã thay đổi giờ ngay sau ngày giải phóng. Ngày xưa, trên văn bản cũng như bói toán, chia ngày đêm làm 12g dựa theo thập nhị chi (12 con giáp) có tương ứng với giờ GMT+7 bắt đầu một ngày mới như sau: Giờ Tý = 23g - 1g. Giờ Sửu = 1g - 3g. Giờ Dần = 3g - 5g. Giờ Mẹo = 5g - 7g. Giờ Thìn = 7g- 9g. Giờ Tỵ = 9g - 11g. Giờ Ngọ = 11g - 13g. Giờ Mùi = 13g - 15g. Giờ Thân = 15g - 17g. Giờ Dậu = 17g - 19g. Giờ Tuất = 19g - 21g. Giờ Hợi = 21g - 23g. Như thế, một người ra đời vào khoảng 1.4.1945 đến 19.8.1945 vào lúc 12g trưa theo giấy khai sinh đã ghi sẽ không phải thuộc giữa giờ Ngọ như hiện nay, mà muốn lấy số tử vi cho đúng phải kể là giờ Tỵ (9g - 11g chứ không phải 12g - 14g). BÙI ĐẸP st . Nhân lễ hội Đầu xuân Nhâm Thìn 2012 tại đền Đức Thánh Trần Quận 1 Trần Hưng Đạo Vương Nhà tổ chức quân sự và chính trị tạo được sự đoàn kết triều Trần chiến thắng ba cuộc xâm lăng của Mông – Nguyên. Đền Đức Thánh Trần (Trần Quốc Tuấn) ở số 36 đường Võ Thị Sáu Phường Tân Định Quận 1 Tp. Hồ Chí Minh được xây dựng từ những năm 1930 trong khuôn viên chùa Vạn An do Hội tương tế Bắc Việt thực hiện. Đền đã được tu bổ nhiều lần có dáng dấp như ngày nay và có thêm nhà trưng bày các hình ảnh, di vật liên quan Đức Thánh Trần và lịch sử đời Trần. Hàng năm, cứ vào đầu xuân sau Tết nguyên đán, Ban quản trị đều tổ chức lễ hội trong hai, ba ngày vừa để đồng bào địa phương, các nơi tới tham dự chiêm bái vừa để ôn lại truyền thống hào hùng và công lao hiển hách chống ba cuộc xâm lăng của Mông – Nguyên của Đức Thánh Trần. Trong lịch sử chống ngoại xâm của nước ta, ai cũng biết đến tài tổ chức quân sự của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn (thường gọi Hưng Đạo Vương) đã chỉ huy toàn bộ lực lượng dân quân cả nước để chiến thắng ba cuộc xâm lăng của triều đại phương Bắc là Mông – Nguyên vào thế kỷ thứ XIII nhưng ít ai thấy rõ vai trò xây dựng khối đại đoàn kết trong triều đình nhà Trần của ông để thống nhất ý chí làm nền tảng cho toàn dân toàn quân quyết tâm chiến thắng ba cuộc ngoại xâm to lớn và hung hãn đó. Các nhà nghiên cứu đương đại đánh giá cao tài thao lược kiệt xuất của Trần Hưng Đạo đời Trần đồng thời nêu bật vai trò đại đoàn kết toàn triều vốn là anh em bà con cùng dòng họ đang bất hòa lớn với nhau trong những ngày đầu kiến tạo nhà Trần. Trần Quốc Tuấn được cha là Trần Liễu bắt phải trả mối tư thù gia tộc với các vua đều là anh em chú – bác như Trần Thái Tông (Trần Cảnh), Trần Thánh Tông (Trần Hoảng) và Trần Nhân Tông (Trần Khâm). Muốn con trai của mình trả được thù riêng, Trần Liễu đã tìm nhiều bậc trí sĩ lão thông quân sự, chính trị song toàn văn võ để đào tạo con trai của mình thành người tài giỏi về nhiều mặt với hy vọng: “Nếu con không vì cha mà lấy được thiên hạ thì ở suối vàng cha không sao nhắm mắt được” (Lời trối trăn của Trần Liễu). Mối thù đó là vợ của Trần Liễu có thai ba tháng bị ép buộc lấy em là Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tông để có con nối ngôi. Quốc Tuấn ghi nhớ lời cha nhưng không thể thực hiện với lý do đất nước và nhân dân đang đứng trước hiểm họa ngoại xâm một mất một còn của Tổ Quốc. Nội bộ triều đình nhà Trần rối ren, tư thù nhiều mặt và có lúc kéo quân đánh lẫn nhau, nổi bật là Trần Liễu dàn quân mưu sát hại vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh)… Thế nhưng, Trần Quốc Tuấn đã tỏ rõ thái độ lẫn hành động bỏ qua tư thù tư để tạo sự đại đoàn kết trong triều đình, anh em bà con với nhau, trong quan quân và trong nhân dân. Hơn ai hết, ông là người thức thời, yêu nước thương dân nên quyết tâm ủng hộ triều đình chống ngoại xâm. Đối với vua – kẻ thù của cha, Trần Quốc Tuấn một lòng cung kính trung thành. Đối với quý tộc và đồng liêu, ông mực thước giữ đức hòa thuận. Đối với quân sĩ, trăm họ, ông nặng lòng thương yêu. Ông từng nói: “Nới sức dân làm kế rễ sâu gốc vững, ấy là thượng sách giữ nước”. Với bài văn “Hịch tướng sĩ” và sách “Binh thư yếu lược” do ông dày công biên soạn, ông đã để lại cho đời sau bài học vô giá về kích động lòng yêu nước của chiến sĩ, vận động nhân dân chống ngoại xâm, kinh nghiệm chống xâm lăng và trở thành nhà lý luận quân sự xuất sắc đầu tiên của nước ta và nhà chỉ huy thiên tài. Ông là linh hồn của những chiến công chống ngoại xâm Nguyên – Mông phương Bắc lừng lẫy, vang dội ở thế kỷ XIII. Lúc bấy giờ, đế quốc Mông Cổ như một con ác thú khổng lồ, mình phủ kín một vùng rộng lớn, kéo dài từ Hắc Hải (Đông Âu) đến Thái Bình Dương do chính Thành Cát Tư Hãn (Gengis Khan) chỉ huy. Đế quốc này có đất đai, dân số và tiềm lực kinh tế to gấp hàng trăm lần so với Đại Việt. Trong khi đó, đất nước ta chỉ có một khu vực thuộc Bắc bộ và Quảng Trị ngày nay, dân số ước tính ba triệu người. Đã thế, Đại Việt vừa trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng. quá trình phục hồi uy danh Đại Việt của nhà Trần chưa lâu. Nội bộ vương triều chia rẽ, tư thù lẫn nhau. Năm 1251, sau khi làm chủ nửa thế giới phương Tây và châu Á, quân Mông Cổ bành trướng xuống phương Nam châu Á và thôn tính Trung Quốc, đánh chiếm nước Đại Lý ở vùng Vân Nam. Năm 1257, Mông Cổ bách chiến bách thắng đã tràn sang Đại Việt men theo sông Hồng định tới Thăng Long tiêu diệt nhà Trần. Nhưng đã thất bại do Đại Việt có tướng trẻ Trần Hưng Đạo thức thời khắc phục tư thù, nêu cao tinh thần đoàn kết được cả triều đình tin dùng, ngưỡng mộ. Vừa thoát khỏi hiểm họa tư thù nội bộ, vua Trần Thái Tông cùng với Trần Quốc Tuấn sát cánh đưa quân lên mạn Bắc chống ngoại xâm lần thứ nhất và thành công. Năm 1285, Mông – Nguyên (đế quốc Mông Cổ đã thôn tính Trung Quốc lập ra nhà Nguyên). Bấy giờ thế lực của Mông Cổ + Trung Quốc đã nhân lên gấp bội nên cuộc xâm lăng này rất hung hãn, dữ dội. Triều đình nhà Trần theo kế sách của Trần Hưng Đạo đã tạm bỏ Thăng Long tránh tổn thất lớn. Hưng Đạo còn tác động để triều đình mở hội nghị Bình Than để xác định phương hướng, chiến lược và tổ chức bộ máy chỉ huy chống ngoại xâm (xây dựng khối đoàn kết nội bộ). Qua đó, ông được trao quyền chỉ huy quân đội cả nước với chức danh Quốc công tiết chế. Sau đó, nhà vua lại theo ý kiến của ông đã triệu tập bô lão toàn quốc mở hội nghị Diên Hồng. Tới đây, khối đại đoàn kết toàn dân đã được xác lập. Ý chí và quyết tâm chiến đấu chống ngoại xâm được cả nước thống nhất một lòng. Quân Nguyên vừa kéo vào Lạng Sơn vừa theo đường biển đến Chiêm Thành rồi tiến đánh Nghệ An làm cho quân Đại Việt ở vào thế “Lưỡng đầu thọ địch” nhưng vua tôi, quân dân một lòng quyết chiến nên Hưng Đạo đã chỉ huy liên tiếp thắng các trận Hàm Tử quan, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp. Phục binh của ta ở khắp nơi khiến cho quân Nguyên thất bại ở nhiều nơi phải rút lui. Thái tử Thoát Hoan của nhà Nguyên phải chui ống đồng mà trốn khỏi biên giới để tránh bị tên bắn như mưa. Triều đình nhà Nguyên lại đưa quân sang đánh phục thù nước ta lại do Thái tử Thoát Hoan chỉ huy vào năm 1287. Nhưng lần này, Trần Hưng Đạo có nhiều kinh nghiệm, phản công dữ dội và hiệu quả. Kết quả, chiến thắng Bạch Đằng giang lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của Đại Việt làm cho nhà Nguyên không dám động binh nữa. Quan quân phương Bắc đã hoảng sợ chiến trường phương Nam nên khi nghe nói Nam chinh thì mặt mày ủ ê, lo lắng. Ba mươi năm (1257-1288), đế quốc Mông Cổ và nhà Nguyên khổng lồ đã ba lần ồ ạt đưa quân tràn xuống xâm lược Đại Việt làm cho triều đình nhà Trần và nhân dân cả nước phải đồng lòng đứng lên chiến đấu kiên cường với tinh thần một mất một còn dưới sự chỉ huy tài ba, kiệt xuất của tướng Hưng Đạo đại vương. Ông là người nêu cao tinh thần đoàn kết vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, quân dân một lòng. Ông còn là người giàu lòng nhân ái đối với quân sĩ và nhân dân, trở thành nhà tư tưởng có chiến lược giữ nước, kế sách đánh giặc hoàn hảo. Trước khi qua đời, ông đã nói với vua Trần Nhân Tông: “Có thu dụng được quân lính một lòng như cha con một nhà thì mới dùng được. Vả lại khoan thử sức dân để làm kết gốc sâu rễ, đó là thượng sách giữ nước”.(Khoan hay nới, tận dụng chớ không phải “khoan” là “bòn rút”). Cuộc đời của Trần Hưng Đạo là cuộc đời của một nhà đạo đức, luôn nêu cao quyết tâm giữ vững tình đoàn kết keo sơn vì nghĩa cả. Ông là biểu tượng sáng ngời của tinh thần trung quân ái quốc. Tới nay, khắp nơi trong cả nước đều có đền thờ ông. Ở miền Bắc tới trên 244 đền thờ, riêng ở quê nhà Nam Định và Hà Nam có 233 di tích thờ vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Các tỉnh phía Nam đều có đền thờ để nhớ công lao và tượng đồng đặt ở các công viên để mọi người chiêm ngưỡng tài thao lược của một anh hùng. Vương Liêm TIẾNG VIỆT TIẾNG VIỆT Mở mắt chào đời, ngôn ngữ làm quen đầu tiên là tiếng Việt. Từ ông bà bố mẹ anh chị thầy cô bạn bè, tất cả đều trao đổi bằng tiếng Việt. Chập chững đến lớp, ai ai cũng đều được biết câu “Tiếng Việt phong phú và giàu đẹp”. Vậy ưu điểm của tiếng Việt là gì? Do có sáu thanh nên tiếng Việt có ngữ điệu trầm bổng nói như hát, dễ thành thơ thành nhạc. Do cấu trúc từ ngữ đa dạng nên tiếng Việt hàm súc phong phú số lượng từ. Không thể thống kê rằng kho từ vựng của tiếng Việt có khoảng độ bao nhiêu. Sự kết hợp mỗi nguyên âm và các phụ âm lại cho ra một số lượng từ và nghĩa khác nhau. Cách ghép câu nhờ thế mà cũng hết sức đa dạng, sự đa dạng này cho phép đảo từ, đảo chủ vị mà có thể không khác nghĩa trong một số trường hợp, nhưng lại có thể thay đổi rất nhiều về ý nghĩa trong trạng huống khác... Người giỏi chữ tha hồ tung tẩy bay lượn ngôn phong ngữ sắc. Cũng từ đó mà sinh ra nhiều thể loại thơ phú vần vè. Thêm vào đó là sự đa sắc về các nền văn hoá phong tục tập quán phương ngữ bản địa cũng góp vào kho tàng tiếng Việt một số lượng đồ sộ từ ngữ. Bên cạnh đó là sự giao thoa văn hoá, giao dịch thương mại, giao tế chính trường với thế giới, sự phát triển đa lĩnh vực góp thêm một số từ chuyên ngành, những ám chỉ bóng bảy trong khả năng minh biện sự vụ, đã bổ túc khá nhiều vào vốn từ vựng, và người Việt đã vận dụng theo nguyên thể hoặc Việt hoá. Tổng hợp đôi ba chiều như thế cho thấy kho tàng từ ngữ tiếng Việt quá dư dả cho những vận dụng chuyển tải nội dung ý nghĩa trong tất cả các lĩnh vực cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt cuộc sống, một thành phần người Việt đã tự làm nghèo đi vốn liếng ngôn từ của mình. Đầu tiên là sự khu biệt một số từ vào những nghĩa thiếu trong sáng, để rồi trong ngữ cảnh khác lại ngại ngần vận dụng. Tiếp đến là thứ gọi là ngôn ngữ mạng, ban đầu chỉ là những cách viết tắt cho nhanh trong lúc trò chuyện, về sau thành mốt, cắt cụt què cả từ cả câu đi, nếu chỉ là một số bạn trẻ nghịch ngợm trong một thời đoạn thì cũng chẳng có gì cần để ý. Nhưng rồi sự lây lan dần làm biến dạng một thành phần ngôn ngữ Việt. Một vấn đề nữa cũng cần phải nói đến là việc chen từ nước ngoài vào các câu đã trở nên rất phổ biến. Việc bổ sung vốn từ thích hợp cho ngắn gọn mà vẫn chuyển tải đủ ý không phải là điều không tốt. Xong, sự sử dụng có phần tùy tiện mang hàm ý khoe mẽ, ra điều mình giỏi, mình hiểu biết, mình hiện đại thì thật là lố bịch. Kệch cỡm hơn, nhiều người không nắm rõ văn phạm thứ từ mình dùng, phát âm sai, dùng vào tình huống không thích hợp, khiến cho những cái cười thầm đầy mỉa mai mà không biết. Không những tự làm nghèo đi tiếng mẹ đẻ của mình, mà còn khiến người cười chê là “đã dốt lại hay nói chữ”. Là người Việt nhưng không phải ai cũng hiểu biết hết lợi thế của tiếng Việt, cũng như số lượng từ đồng nghĩa mỗi thể loại. Vẫn thường thấy khá nhiều người lúng túng trong việc tìm từ thích hợp cho một nội dung đang cần diễn trải. Học văn và đọc sách là một cách bổ từ hữu hiệu nhất, nhưng đáng buồn là cả hai hình thức này ngày càng kém thế. Văn không chỉ sử dụng cho việc viết văn, mà văn hầu như cần thiết ứng dụng trong nhiều lĩnh vực thông tin, giao lưu, diễn đàn. Bất kỳ một hình thái nào cần đến ngôn ngữ là cần đến văn. Trong giao tiếp thông thường hàng ngày, ngôn ngữ là công cụ đặc hiệu, thông thạo ngôn ngữ rất thuận tiện suôn sẻ cho sự trao đổi thương thuyết. Nhiều khi chỉ cần một câu nói đúng, đủ, hay, gọn, rõ ý thì công việc sẽ trôi chảy, ngược lại câu nói thiếu ý, rối rắm, cụt, tối nghĩa rất dễ gây hiểu nhầm, sẽ làm sự thể trở nên phức tạp khó khăn hơn. Nhưng hầu hết môn văn nhà trường chưa bộc lộ hay chuyển tải rõ về thông điệp này, sự khô khắc bó hẹp trong một phạm vi đề tài đã làm cho môn văn ngày càng mờ nhạt, đó cũng là một cách làm nghèo đi tiếng Việt vậy. Ngôn ngữ mẹ đẻ không chỉ là công cụ, là văn hoá, là bản sắc mà rộng hơn lớn hơn còn là quốc thể. Người không thông thạo không tôn trọng tiếng mẹ đẻ của mình mà lại hay lạm dụng tiếng nước ngoài, thì phần nào đó có thể xem như một sự làm nhục quốc thể. Bởi nếu ta không tôn trọng và sử dụng tốt tiếng nước ta, thì làm sao biểu thị được lòng tự tôn dân tộc, thể hiện được nền văn hoá dân tộc. Khi thấy một vài người nước ngoài nói sõi tiếng Việt, thậm chí biết chơi chữ tiếng Việt, lập tức ta rất có cảm tình và khâm phục người ấy. Bởi “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Người ta không có cùng màu da sắc tộc với mình, mà người ta còn yêu thích cố công học tập, chứng tỏ tiếng nước mình hay, phong phú, giàu đẹp, thực sự có ấn tượng, có sức thuyết phục. Vậy thì sao của chính mình mà mình không biết giữ. Không những cần phải biết gìn giữ mà ngày càng phải làm giàu thêm nữa. Sự sáng tạo ngôn ngữ là rất cần thiết, nó không những góp phần đa thanh đa sắc mà còn thể hiện được tư duy trí tuệ của người Việt. Nhưng phải là sự sáng tạo tròn đầy có khí có sắc chứ không phải là cách tùy tiện cụt què ấm ớ. Một vấn đề nữa cũng cần phải đề cập đến là quan niệm “cũ - mới” của một số từ vựng. Đành rằng, theo bước chuyển tự nhiên của cuộc sống, từ ngữ cũng như nhiều lĩnh vực khác cũng luôn phải chịu sự đào thải. Người ta sáng tạo từ mới thì cũng phần nào đồng nghĩa lược bỏ bớt những từ của một thời đoạn khá xa về mặt thời gian. Nhưng không cứ phải có mới là được quyền nới cũ. Nếu từ cũ nhưng vẫn biểu thị tốt mặt ý nghĩa và màu sắc của câu văn thì không thể lược bỏ. Trong quá trình biên thiên của lịch sử, đất nước ta vừa là bị áp đặt nhưng cũng vừa là cơ hội giao thoa với nhiều nền văn hoá thế giới, cũng như nhiều lĩnh vực khác, không tránh khỏi sự ảnh hưởng, ít nhiều hay đậm nhạt. Nhiều nhất vẫn là loại từ Hán Việt. Đặc tính của loại từ này là gọn và súc tích. Nếu đặt một câu văn với hoàn toàn từ Việt, có thể khá rườm rà rối rắm, nhưng chỉ cần một hoặc hai cặp từ Hán Việt, sẽ cô đọng về mặt ý nghĩa và sắc thái câu văn cũng sáng hơn. Không việc gì phải bài bác cách dùng loại từ này cả, vì nó đã rất phổ biến, và khi ta dùng theo cấu trúc ngôn ngữ của ta, thì nó chỉ còn mang tính xuất xứ chứ không phải là sự vay mượn hay lạm dụng. Nói về sự lạm dụng từ ngữ, ta cũng thấy rất nhiều người sính chữ không phải lối, ra vẻ văn hoa hay tài giỏi mà dùng thừa chữ hoặc đặt ngữ nghĩa không thích hợp với ngữ cảnh, không những tạo ra một câu hay một đoạn văn dài dòng với nhiều lập ý, mà còn lộ rõ tính phô trương và kém hiểu biết. Không ít người tranh thủ chiếm diễn đàn để khoe khoang mà dân gian đã thành câu “nói dài nói dai thành nói dại”. Nhưng có vẻ đây là một thứ bệnh khó chữa, nên vẫn thưòng xuyên gặp những trường hợp này khắp đây đó. Tác giả bài viết này có lẽ khá nhiều tham vọng. Cho dù thế thì cũng cảm thấy những tham vọng của mình không phải là quá đáng. Bởi gìn giữ một kho tàng ngôn ngữ phong phú đa thanh đa sắc của tiếng Việt không phải là điều vô lối. Bởi tôn vinh một nền văn hoá của dân tộc mình không phải là điều vô lý. Bởi góp một tiếng nói nhỏ cho cả một quốc thể không phải là điều vô ích. Không những thế mà còn tham vọng nhiều hơn là muốn được thấy người Việt mình cho ra người Việt. Cho dù sức phát triển của đất nước Việt mình còn khá nhiều hạn chế, thì cũng không thể chấp nhận được những con dân nước Việt chối bỏ dân tộc mình bằng cách này hay cách khác. Có rất nhiều gia đình Việt nam định cư lâu năm ở nước ngoài nhưng vẫn ý thức gìn giữ và lưu truyền tiếng Việt cho con cháu. Bởi còn ngôn ngữ mẹ đẻ là còn hồn cốt dân tộc. Còn thiết tha muốn nghe muốn nói ngôn ngữ mẹ đẻ là còn biết riết róng “Quê hương ơi!”. Không có cách phỉ báng chính mình nào tồi tệ hơn là xem trọng những thứ ngôn ngữ không phải của dân tộc mình. Tất cả những nền văn hóa đều thông qua chiếc cầu ngôn ngữ, thì không có lý do gì đi xây cầu cho thiên hạ mà lại đánh sập cầu của mình. ĐÀM LAN TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT (tt) CHƯƠNG IV BÌNH LUẬN NHỮNG CÔNG ÁN TRONG VÔ MÔN QUAN Quyển VÔ MÔN QUAN do thiền Sư VÔ MÔN thu thập và viết lời bình. Trong đó là 48 Công Án nổi tiếng đương thời. Thiền Sư VÔ MÔN pháp danh HUỆ KHAI, sinh năm 1183 vào khoảng cuối đời Tống. Tham học với Thiền Sư Nguyệt Lâm tại chùa Vạn Thọ. Nguyệt Lâm là môn sinh đời thứ 8 của Dương Kỳ thuộc dòng Lâm Tế. Trong lời mở đầu, ta thấy viết: “Ngài được Nguyệt Lâm giao cho tham chữ VÔ. Qua 6 năm công phu vẫn chưa khai thông được. Ngài phẫn chí, thề quyết không ngủ cho đến khi nào vỡ lẽ mới thôi. Sau vì quá buồn ngủ, ngài lững thững ngoài hành lang, mệt mỏi tựa đầu vào cây cột, bỗng nghe tiếng trống ngọ đánh, bất giác lĩnh ngộ”. Ngài mừng quá, chạy đến tìm gặp Nguyệt Lâm, toan trình điều sở ngộ. Nguyệt Lâm vừa trông thấy vụt hỏi: “Chạy đi đâu mà như bị ma đuổi vậy?”. Ngài liền quát một tiếng. Nguyệt Lâm cũng quát một tiếng. Hai bên cùng ứng đáp như thế. Sau đó Ngài ứng khẩu đọc bài kệ rằng: “VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ VÔ” Đắc Công Án VÔ bằng bài Kệ 20 chữ VÔ! Chẳng ai hiểu Ngài thấy được nghĩa lý gì của Công Án đó! So với Kệ của chư Tổ nói về TÂM và PHÁP thì ta thấy sự chứng đắc của nhà Thiền thật quá mơ hồ! Thật, giả, đúng, sai chỉ có người đắc biết! Tu, nghĩa tiếng Việt là SỬA. Kết quả của việc tu hành là cả một thời gian học hỏi, rèn luyện Thân, Tâm. Người thận trọng còn khuyên “Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhân Đạo. Dục tu Phật Đạo, tiên tu Nhân Đạo” Có nghĩa là trước khi tu Đạo Tiên thì phải tu Đạo Làm Người. Trước khi tu Đạo Phật thì nên tu Đạo Tiên”! Phải đâu chỉ cần khai được một CÔNG ÁN là ngang nhiên thành thánh, thành Phật? Cũng vì không hiểu được thế nào là Tu Phật, Thành Phật, cho nên Ngài Vô Môn đã rơi vào cái TƯỞNG CHỨNG và TƯỞNG RẰNG PHẬT LÀ MỘT VỊ THẦN LINH, Chứng Đắc còn cao hơn cả Phật, Tổ, nên ngay lời Tựa ta đã thấy đầy vẻ kiêu mạn: “Nếu có kẻ gan dạ không màng chi nguy vong, một đạo vô thẳng thì Na Tra tám tay giữ lại không nổi, mà dù cho đến Tây Thiên 28 vị, Đông Độ Sáu Tổ cũng chỉ còn cách nép mình xin tha mạng”. Trong Đạo Phật chân chính, Thành Phật có nghĩa là “Thành tựu con đường Giải Thoát”. Không phải là thành “Ông Phật”, hiểu theo đại đa số - là thành “một vị thần linh, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, ngồi trên tòa Sen, cứu nhân độ thế” - Người tu theo Đạo Phật, khi chứng đắc là “đắc cái VÔ NGÔ, tức là KHÔNG CÓ TA. Kinh dạy: “khi có tư tưởng mình đã chứng Thánh, Thành Phật nảy sinh, thì phải diệt ngay tư tưởng đó đi”. Vì thế nên gọi là “Phùng Phật Sát Phật”, hay “Vô sát bất hiện thân”. Có nghĩa là nếu không giết những tư tưởng đó đi, thì người nảy sinh tư tưởng đó không thể hiện thân Phật được. Thế nhưng, qua lời bình của Ngài Vô Môn, ta thấy là Ngài đã hiểu theo nguyên nghĩa của văn tự, mà không hiểu được Ý của câu “Phùng Phật sát Phật”. Vì vậy, Ngài mới có câu “Tây Thiên 28 vị, Đông Độ 6 Tổ cũng chỉ còn cách nép mình xin tha mạng”! Một bên, theo Đạo Phật chính thống là SOI VÔ, là diệt trừ những cái khởi tăng ngã mạn, cái thấy mình chứng Thánh, Thành Phật. Nhờ đó mà trừ được cái NGà CHẤP, PHÁP CHẤP, được Giải Thoát. Một bên - theo nhà Thiền - là Soi Ra, cao, thấp, hơn thua với ngoại pháp! Do đó, phía Thiền Tông chẳng những CÓ TA CHỨNG ĐẮC, mà còn có TA oai phong hơn cả chư Tổ! Nói về KỆ chứng đắc thì ta thấy 33 vị Tổ luôn chỉ đề cập đến 3 điều quan trọng cho việc tu hành. Đó là: TÂM, PHÁP và TÁNH. Còn Tham Công án, như chữ VÔ chẳng hạn, chỉ là “phá nghi tình”, mà có vị cổ đức đã nói: “Nghi lớn, ngộ lớn, nghi nhỏ, ngộ nhỏ, không nghi thì không ngộ”. Cái Ngộ đó chỉ nói lên sự hiểu biết về môt khía cạnh nào đó mà người Tham Công Án đang muốn khám phá. Chỉ một chữ VÔ làm sao rõ nghĩa hết tất cả các Pháp của Đạo? Còn Hữu, Phi hữu phi vô, Tứ cú, bách phi, Nhân Quả, Bát Chánh Đạo, Giới, Định, Huệ, Niết Bàn, Tứ Quả, Tứ Nhiếp, Tứ Vô Lượng Tâm vv… vất đi đâu? Vậy mà chỉ thấy một chữ VÔ thôi, nhà Thiền cũng đã thấy mình hơn cả Phật, Tổ! Nhà Thiền cũng hiểu lầm về Kệ Truyền Pháp mà Đức Thích Ca cho Ngài Ca Diếp. Theo lời Kệ, ta thấy Phật nói: “Ta có chánh pháp nhãn tạng. Niết Bàn diệu tâm, pháp môn ấy mầu nhiệm vô cùng, chẳng lập văn tự, ngài giáo lý biệt truyền. Vậy ngươi khá giữ gìn chánh pháp này rồi sau sẽ truyền lại cho Anan kế hậu”. “Chánh pháp nhãn tạng. Niết Bàn diệu tâm” tức là con mắt để thấy Chánh Pháp. Chánh pháp này liên quan đến Niết Bàn nơi Tâm vi diệu. Nói lên cái đắc pháp đó đưa đến sự an lạc nơi tâm của người chứng đắc. Tâm đó tất nhiên không còn là cái Phàm Tâm, mà đã trở thành cái “Tâm Vi Diệu”, tức là cái CHÂN TÂM. Nghĩa của “Đạo Phật” là “Con Đường Giải Thoát”. Con đường này không nằm ở ngoài cái tâm, nên sự chứng đắc của Đạo Phật cũng gọi là “Đắc cái Tâm”. Vì thế, những pháp mà người tu phải học để thành tựu đạo quả đã được Phật, Tổ chỉ rõ: - Bát Nhã Tâm Kinh, khẳng định là “Tam Thế chư Phật Y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc tam miệu tam Bồ Đề”. Tức là Ba đời Chư Phật đều nhờ Trí Huệ qua bờ bên kia để đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Bờ bên này là Phàm Tâm. Bờ bên kia là Chân Tâm. Trí Huệ này thuộc về cái Chân Tâm, nên gọi là Trí Huệ Qua Bờ Bên kia. - Tổ Đạt Ma dạy: “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”, “Tức Tâm tức Phật” - Ngũ Tổ cũng dạy: “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích”. - Trước lúc nhập diệt, Lục Tổ dạy: Chúng người hãy chú tâm nghe cho rõ. “Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm chúng sanh tức là Phật tánh. Bằng chẳng biết cái tâm chúng sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó đặng. Nay ta dạy các ngươi phải biết chúng sanh ở Tâm mình thì thấy Phật tánh ở Tâm mình. Muốn cầu thấy Phật thì phải biết cái Tâm chúng sanh”. - Muốn đến bờ Niết Bàn thì Kinh Tâm Địa Quán dạy: “Các vị còn ở trong phàm phu địa, không quán Tự Tâm, nên phải trôi giạt trong bể sinh tử. Chư Phật, Bồ Tát vì Quán được Tâm, nên qua được bể Sinh tử, đến bờ Niết Bàn. Pháp của Như Lai ba đời đều như thế”. Chư Tổ, chư Phật đều dạy giống nhau, là phải THẤY CÁI TÂM. Phần “Bất Lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền”, nói về việc ấn chứng và trao Y Bát. Phần này không viết thành văn bản, mà người trước chỉ ấn chứng và trao Y bát cho người sau, để thay mình cầm nắm Chánh Pháp. Các Thiền Sư không hiểu được tầm quan trọng của “Chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu Tâm”, nên không quan tâm đến. Chỉ nhắm vào hiện tượng CƯỜI của Ngài Ca Diếp. Cho rằng nhờ Ngài Cười mà được truyền Y Bát, nên cho Cái Cười đó chính là: “Đốn Ngộ, là “giáo ngoại biệt truyền”. Chính vì vậy nên pháp họ truyền chẳng giống chút nào với việc truyền pháp của Đức Thích Ca. Không dính líu, nhắc nhở gì đến CÁI TÂM, mà cũng chẳng dính dáng gì đến Nụ Cười. Chỉ giao cho đệ tử Quán Công Án. Công Án này đôi khi rất là rất mơ hồ: Là chữ Vô, hay toàn pháp soi ra, nhìn ngoài, đôi khi không liên quan gì đến Phật Pháp. Sau đây là những Công Án và lời bình của người viết tập này. Công Án THỨ NHẤT CON CHÓ CỦA TRIỆU CHÂU * Công Án: Một ông Tăng hỏi Hoà Thượng Triệu Châu: - Con chó có Phật tính không? Sư đáp: - Không. Lời giải: Một câu hỏi chứng tỏ ông Tăng hoàn toàn "ngoại quang phản chiếu", không giống với con đường “nội quang phản chiếu” mà người tu Phật chân chính cần phải đặt trọn thân tâm để nghiền ngẫm. Nếu ông Tăng kia đã được Thầy hướng dẫn rằng người tu cần phải "Minh Tâm Kiến Tánh", "Kiến Tánh Thành Phật", để ngày đêm tự Tham, Quán, hẳn phải chỉ nghĩ đến việc đó để hỏi Thầy rằng “Mình có Phật Tánh Không?”. “Muốn Thấy phải làm gì?”. Lại đi thắc mắc chuyện của con chó, không biết nó có Phật Tánh hay không?! Con chó có Phật Tánh hay không can gì đến thầy, giúp gì cho thầy trên con đường tu học đây!?
Phụ Bản I Ngài Vô Môn cũng đã lạc đề khi bàn giải. Cái Không ở đây là cái "không có Phật Tánh của con chó", không phải là cái Cửa Không của Thiền Môn, vì Cửa Không của Thiền Môn không ăn nhập với câu hỏi và câu trả lời trên đề tài! Vậy mà cũng cho rằng cứ Tham chữ Không này thì có lúc sẽ: "đoạt đao của Đại Quan Vũ, gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, dửng dưng với bờ sanh tử, rong chơi trong chốn lục đạo, tử sinh!" Ngay cả thấy được cái KHÔNG của Thiền môn thì liệu có thể rong chơi chốn lục đạo, tử sinh chưa? Bởi Phật dạy: Giai đoạn đầu, vì chúng sinh chấp lầm những Hiện Tướng, gọi chung là cái pháp CÓ, cho đó là thật, rồi tranh dành nhau, tạo nghiệp nên phải Khổ. Vì thế, Ngài phải đưa ra cái thực tướng của các pháp, để chỉ cho con người thấy: Những pháp thấy có vẻ là THẬT CÓ đó, cuối cùng rồi cũng sẽ về KHÔNG. Nhưng KHÔNG cũng đâu phái là chỗ về của người tu Phật? Vì mọi người vẫn đang tiếp tục sống trong CẢNH CÓ. Phải giải quyết các pháp Có liên quan với cái Thân Giả Tạm, cho đến lúc nó hết Duyên, hết Nghiệp. Đâu phải tu hành, cho rằng Các Pháp là Không rồi vất bỏ cái Thân đi? Vì thế, Pháp cuối cùng mà người tu Phật phải thấy là CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO, vượt lên cả CÓ và KHÔNG, thì mới đưa đến Giải Thoát. Chưa thấy được Con Đường Trung Đạo mà đã cho rằng mình Thoát Sinh Tử. Đó là chỗ đoạn kiến của đa số người tu Thiền thời xưa. Rõ ràng, vì không đọc chính Kinh, chưa hiểu rõ lời Phật, nên thầy trò cứ truyền nhau những cái khởi tăng thượng mạn. Không dạy trừ Ngã Chấp, Pháp Chấp lại dạy nhau đi sát ngoại Phật. Chẳng trách càng tu càng thêm lớn cái Nhân, Ngã. Quán việc của con chó thì sẽ hiểu việc của con chó. Sao không Quán về đề tài của Phật, Tổ xem các Ngài đã tu hành như thế nào để Thành Phật? Mình sẽ phải học gì? Hành gì, để gọi là tu hành? Như thế có phải là lợi lạc cho con đường tu hơn không! Kết luận: Trò ngoại soi, Người Thầy cũng lộ rõ là không hiểu Phật Pháp nên không biết để nhắc nhở cho đệ tử quay vô! Người bàn cũng lạc đề nốt! CÔNG ÁN THỨ HAI: CON CHỒN HOANG CỦA BÁCH TRƯỢNG * Công Án: Mỗi khi Hoà Thượng Bách Trượng giảng pháp, có một lão già thường theo tăng chúng vào nghe. Chúng lui, lão cũng lui. Bỗng một hôm lão không lui. Sư bèn hỏi: - Người nào đứng đó ? Lão già đáp: - Thưa tôi vốn chẳng phải người. Xưa, thời Phật Ca Diếp, tôi đã ở núi này, nhân có học tăng hỏi: "Bậc tu hành còn rơi vào nhân quả không? Tôi đáp: "Không rơi vào Nhân Quả". Bèn bị đoạ làm thân chồn hoang năm trăm kiếp. Nay xin Hoà Thượng cho một lời chuyển ngữ để tôi thoát kiếp chồn hoang. Bèn hỏi: - Bậc đại tu hành còn rơi vào nhân quả không? Sư đáp: - Chẳng mê mờ nhân quả. Lão già nghe xong đại ngộ, sụp lạy nói: - Tôi đã thoát thân chồn hoang, còn ở sau núi, dám xin Hoà Thượng xếp đặt cho theo lệ tăng chết. Sư bảo thầy duy na bạch chùy bảo tăng chúng ăn xong sẽ làm lễ táng tăng. Tăng chúng đều bàn : - Mọi người đều an lành. Niết Bàn đường không có ai đau ốm, sao lại có chuyện như vậy? Dùng ngọ xong, chỉ thấy Sư dẫn tăng chúng đến sau hốc núi, dùng trượng khều ra một xác chồn hoang rồi đem hỏa táng. Tối đến, Sư thượng đường kể chuyện lại cho mọi người nghe, Hoàng Bá mới hỏi : - Người xưa vì đáp sai một lời chuyển ngữ mà bị đoạ làm thân chồn hoang năm trăm kiếp. Giả như câu nào cũng không đáp sai thì sao? Sư nói : - Lại gần đây ta nói cho nghe. Hoàng Bá lại gần, tát Sư một chưởng. Sư vỗ tay cười nói: - Tưởng râu tên Hồ thì đỏ, lại gặp tên Hồ đỏ râu. Lời giải: Đây là một bài học của người tu chưa hiểu Phật Pháp mà mang ra giảng cho người. Nếu người nghe, tin rằng "Bồ tát không rơi vào Nhân Quả" rồi tha hồ gây Nhân xấu thì tội đó, nghiệp đó ai lãnh? Chính vì vậy mà người dạy như thế phải đọa tới năm trăm kiếp làm chồn! Vì "không mê mờ Nhân Quả", nên bậc tu hành vẫn tinh tấn, làm đủ các Hạnh mà không tính đếm những quả vị lớn nhỏ mình sẽ đạt được. Các vị vẫn Làm mà vẫn Giải Thoát vì những công phu tu học như nước từng giọt dần tích tụ sẽ đầy. Kết quả là điều đương nhiên phải đến, tỷ lệ thuận với sức tinh tấn của hành giả, không cần phải chờ đợi, thắc mắc. Kết luận: Đây là Công Án mà những người giảng pháp nên Tham, vì mục đích là nhắc những người làm Pháp Sư cần thận trọng trong mỗi câu chuyển ngữ khi mang lời Phật bình theo ý phàm. Vì ở địa vị người giảng sư, mọi lời nói dễ làm cho người nghe tin tưởng là đúng, là cần nghe theo, để lấy đó làm khuôn mẫu mà hiểu, mà hành. Tội chồng mê cho người rất nặng, vì một người nghe, tin rồi truyền cho người khác... Thế hệ trước tiếp nối thế hệ sau…, cứ thế mà nhân lên không có điểm dừng. Vì thế, người đã làm Thầy, khi giảng pháp, mỗi câu chuyển ngữ đều phải cẩn thận tham khảo, đối chiếu với Kinh sách. Thấy chắc chắn đúng thì mới nên phổ biến, để khỏi mang tội khinh pháp, làm lợi ích cho người nghe, và chính mình cũng không bị quả báo. (còn tiếp) Tâm Nguyện THÀNH NGỮ VÀ ĐIỂN TÍCH TRONG TRUYỆN KIỀU (tiếp theo kỳ trước)
Câu | Nội dung | Ý nghĩa | 1100 | Còn nhiều kết cỏ ngậm vành về sau | Ngụy Thù người nước Tấn có một người vợ lẽ đẹp và còn trẻ. Đến khi Ngụy Thù gần chết dặn con là Ngụy Khỏa phải đem người vợ lẽ chôn chung vào một áo quan. Ngụy Thù chết rồi, người con không nghe lời ấy mà cho người vợ lẽ ấy về. Đến sau Ngụy Khỏa đi đánh tướng nhà Tần là Đỗ Hồi ở trên bãi cỏ xanh, tự nhiên Đỗ Hồi vướng chân ngã bị Ngụy Khỏa đâm chết. Đêm hôm ấy Ngụy Khỏa chiêm bao thấy cha người vợ lẽ Ngụy Thù hiện lên tạ ơn rằng: tôi cảm cái ơn ông không chôn sống con tôi cho nên kết cỏ quấn vào chân Đỗ Hồi cho nó ngã. | 1107 | Rằng ta có ngựa truy phong | Là ngựa chạy theo được gió, tức là ngựa chạy nhanh | 1108 | Có tên dưới trướng vốn dòng kiện nhi | Là người có sức vóc khỏe mạnh | 1161 | Đà đao sắp sẵn chước dùng | Là miếng võ đánh hiểm chạy đi để người ta đuổi rồi quay đao lại chém… Đây có nghĩa là lừa dối. | 1210 | Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề | Bảy chữ là: Khấp là khóc giả làm thương yêu người khách – Tiễn là cắt tóc đưa cho người khách để làm tin – Thích là thích tên người khách vào cánh tay – Thiên là đốt hương thề nguyền – Giá là hẹn hò lấy nhau – Tẩu là rủ nhau đi trốn – Tử là giả cách chết làm cho người khách quyến luyến. Tám nghề là cách thức làm tình (tục) | 1234 | Dập dìu lá gió cành chim | Do tích nàng Tiết Dao đời nhà Đường lúc nhỏ làm bài thơ có câu: Cành đón chim Nam Bắc, lá đưa gió đi lại. Cha xem thơ biết con ngày sau chẳng ra gì. | 1261 | Khi về hỏi Liễu Chương Đài | Hàn Hũ đời Đường có người vợ lẽ là Liễu thị khi đi làm quan xa để ở Chương Đài trong thành Trường An hơn ba năm, mỗi khi viết thư về thì gọi là Chương Đài Liễu, sau Liễu thị bị người tướng Phiên cướp đi mất. Tướng Hứa Tuấn dùng mưu cướp lại và vua lại cho về với Hàn Hũ. Hàn Hũ gửi thư cho Liễu thị có câu: Cây Liễu chương đài xưa xanh xanh nay còn không, hay là tay khác đã bẻ mất rồi. | 1266 | Giấc hương quan luống lần mơ canh dài | Là giấc mơ thấy trở về cố hương | 1268 | Nay hoàng hôn đã, lại mai hôn hoàng | Cứ hết chiều nay lại đến chiều mai, cứ thế mãi | 1279 | Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi | Đầu các thứ hoa người đẹp nhất | 1308 | Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông | Hoa lựu màu đỏ như lửa | 1312 | Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên | Lúc Kiều lột bỏ xiêm y ra thì trông hình dáng rất đẹp | 1323 | Nàng càng ủ dột thu ba | Là sóng mùa thu có nghĩa là con mắt | 1335 | Bình Khang nấn ná bấy lâu | Phố những nhà thanh lâu ở | 1350 | Trước hàm sư tử gởi người đằng la | Đằng la là dây leo, ý nói rằng ví bằng thể vợ cả to hơn thì thành ra đem vào hàm sư tử, nghĩa là đem cho vợ cả hành hạ | 1352 | Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng | Giấm chua là người đàn bà ghen, lửa nồng là thanh lâu | 1371 | Mượn điều trúc viện thừa lương | Thừa lương là nghỉ mát, nghĩa là lấy điều đem Kiều đi chơi mát rồi đem giấu đi một nơi | 1467 | Bày hàng cổ xúy xôn xao | Cổ xúy là bát âm (nhạc) | 1684 | Phi phù trí quỷ cao tay thông tuyền | Phi phù trí quỷ là đốt bùa gọi được quỷ đến | 1685 | Trên tam đảo, dưới cửu tuyền | Tam đảo là 3 đảo chỗ tiên ở: Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Cửu tuyền là âm phủ | 1778 | Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày | Trúc là sáo, tơ là đàn | 1830 | Mới về, có việc chi mà động dong | Động dong là đổi sắc mặt | 1832 | Suy lòng trắc dĩ, đau lòng chung thiên | Chung thiên: không bao giờ quên | 1836 | Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi | Trì hồ là bưng hầu rượu | 1855 | Cũng trong một tiếng tơ đồng | Tơ đồng là đàn làm bằng gỗ vông | 1875 | Chước đâu rẽ thúy chia uyên | Thúy và uyên là giống chim hay đi có đôi | 1910 | Rắp đem mệnh bạc, xin nhờ cửa Không | Cửa Không là cửa Phật | 1926 | Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng | Rừng trúc tía là chỗ Quan Thế Âm Bồ Tát ở. Rừng tía là cảnh Phật, bụi hồng là trần tục | 1930 | Ngày pho thủ tự, đêm nhồi tâm hương | Thủ tự là pho sách viết bằng tay, tâm hương là lấy tấm lòng làm nén hương | 1931 | Cho hay giọt nước cành dương Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên | Quan Thế Âm Bồ Tát nhúng cành dương vào nước Cam Lồ để rảy lên chúng sanh ở trần gian | 1935 | Quan phòng then nhặt lưới mau | Quan phòng là canh giữ, nói về Hoạn Thư canh giữ Kiều | 1944 | Giọt châu tầm tã đượm tràng áo xanh “Đã cam chịu bạc với tình Chúa Xuân để tội một mình cho hoa! Thấp cơ thua trí đàn bà Trông vào đau ruột nói ra ngại lời Vì ta cho lụy đến người Cát lầm ngọc trắng, thiệt đời xuân xanh | Nhân lúc Hoạn Thư về vấn an cha mẹ, Thúc Sinh lẻn ra Quan Âm Các ở góc vườn để gặp Kiều, than thở với Kiều và khóc, nhưng Hoạn Thư chỉ giả vờ đi về thăm cha mẹ mà đứng nấp đâu đó nên đã thấy hết sự việc | 1991 | Thiền trà cạn nước hồng mai | Thiền trà là nước trà nhà chùa, nấu bằng củi cây mai | 2058 | Ngọn đèn khêu nguyệt tiếng chày nện sương | Tiếng chày là tiếng dùi gõ chuông, nện sương là đánh lúc tan sương | 2064 | Có người đàn việt lên chơi cửa Già | Đàn việt là người có công đức với chùa, về sau dùng rộng nghĩa ra gọi những người đi vãn cảnh chùa là đàn việt. Cửa Già là cửa nhà chùa. Tiếng Ấn Độ gọi chùa là Già Lam | 2117 2118 | Thiếp như con én lạc đàn Phải cung rày đã sợ làn cây cong | Chim đã phải cung, thấy cây cong cũng phải bay cao | 2139 | Cũng nhà hành viện xưa nay | Hành viện là cửa hàng thanh lâu | 2151 2152 | Chém cha cái số đào hoa Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi | Theo số tử vi mà đàn bà đã phải sao Đào Hoa và sao Hồng Loan chiếu mệnh thì cả đời chỉ giang hồ | 2166 | Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi | Khách biên đình là khách ở biên thùy | 2168 | Vai năm tấc rộng thân mười thước cao | Câu nói có tính cách khoa đại để biểu dương sức mạnh của Từ Hải | 2174 | Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo | Thơ của Hoàng Sào là tướng giặc đời Đường có câu: Nửa vai đeo cung kiếm có trời cho, một chèo đi khắp non sông trên đất | 2182 | Mắt xanh chẳng để ai vào, có không? | Nguyễn Tích đời nhà Tấn ngày xưa tiếp khách thấy ai là nguời đáng trọng thì mắt xanh, ai đáng khinh thì mắt trắng | 2184 | Bõ chi cá chậu chim lồng mà chơi! | Cá chậu chim lồng là người tầm thường | 2247 | Cánh hồng bay bổng tuyệt vời Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm! | Hai câu này nói Kiều mong Từ Hải đang đi hoạt động ở phương xa | 2265 | Sẵn sàng phượng liễn, loan nghi | Kiệu phượng, màn loan, những người đàn bà có chức tước mới được dùng | 2269 | Hỏa bài tiền lộ ruổi mau | Hỏa bài là quân kỵ mã đi báo tin trước | 2307 | Thệ sư kể hết mọi lời | Thệ sư là lễ tế cáo trời đất, qủy thần về việc sai quân đi bắt những người thù, và hiểu dụ tướng sỹ trước khi sai đi | 2312 | Vệ trong thị lập, cơ ngoài song phi | Thị lập là đứng hầu, song phi là đứng ra hai hàng | 2314 | Bác đồng chật đất tinh kỳ rợp sân | Bác đồng là súng bằng đồng | 2317 | Tiên nghiêm trống chửa dứt lời | Tiên nghiêm là hồi trống đánh lúc ra quân để cho nghiêm | 2329 | Sâm, Thương chẳng vẹn chữ đồng | Sâm và Thương ta gọi lầm là sao hôm và sao mai, thực ra chỉ là một (kim tinh), sáng sớm thì thấy ở phương Đông, và tối thì thấy ở phương Tây vì quả đất quay | 2353 | Kíp truyền chư tướng hiến phù | Hiến phù là đem nạp những người đã bắt được | 2448 | Thiếu gì cô quả, thiếu gì bá vương | Thường những bậc bá vương hay tự xưng là cô hay là quả nhân, để có vẻ khiêm tốn | 2450 | Năm năm hùng cứ một phương hải tần | Hải tần là mạn bể, bãi bể | 2453 | Đẩy xe vâng chỉ đặc sai | Nhân chữ “thôi cốc” là đẩy cái xe, đời xưa khi tướng đi đánh giặc, vua tiễn ra đến cửa thành và lấy tay đẩy cái xe của ông tướng ngồi, ý là vua ủy thác việc đánh dẹp ở biên thùy cho ông tướng | 2494 | Đống xương Vô định đã cao bằng đầu | Vô định là con sông chảy từ Tuy Viễn qua phủ Diên An ở Thiểm Tây vào sông Hoàng Hà. Vì có nhiều cát chỗ nông, chỗ sâu nên mới gọi là vô định. Ngày xưa quân Tàu đánh Hung Nô ở đây, hai bên chết nhiều lắm | 2521 | Trơ như đá vững như đồng Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời | Là do Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến, đút lót vàng bạc cho Kiều để Kiều nói ngon nói ngọt cho Từ Hải ra hàng nên ơ hờ việc binh bị, vì vậy bị phục binh của Hồ chết tại trận tiền và vì uất ức quá nên Từ đã chết đứng. Đến khi binh sỹ dẫn Kiều đến chỗ Từ Hải, Kiều muốn dập đầu chết theo Từ cho trọn nghĩa, đến lúc đó Từ mới ngã xuống | 2543 | Đã hay thành toán miếu đường | Miếu đường là chốn triều đình | 2544 | Chấp công cũng có lời nàng mới nên | Chấp công là lập công | 2564 | Truyền cho kiểu táng di hình bên sông | Kiểu táng hay cảo táng là bọc cỏ mà chôn, nghĩa là chôn dối trá dù Kiều cảm nghĩa cũ với Từ Hải đã xin Hồ cho chôn cất tử tế nhưng Hồ không nghe vì cho rằng Từ Hải là giặc nên không được ân huệ | 2565 | Trong quân mở tiệc hạ công | Hạ công là tiệc mừng thắng trận | 2657 | Có trời mà cũng tại ta Tu là cõi phúc tình là dây oan | Hai câu này nói lên cái lẽ thường tình của con người ở đời | 2688 | Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi | Túc khiên là tội kiếp trước | 2697 | Đánh tranh, chụm nóc thảo đuờng | Thảo đường là nhà tranh | 2741 | Từ ngày muôn dặm phù tang | Đưa tang cũng như hộ tang | 2828 | Lâm Thanh mấy độ đi về dăm khơi | Địa danh nơi Kim Trọng cho người đi dò la tin tức về Kiều có tên na ná với Lâm Chuy | 2921 | Gặp nàng thời ở Châu Thai | Nơi Từ Hải gặp Kiều | 2947 | Năm mây bỗng thấy chiếu trời | Chiếu nhà vua thuờng có vẽ mây ngũ sắc | 2949 | Kim thì cải nhậm Nam Bình | Địa danh thuộc tỉnh Phúc Kiến bây giờ | 2950 | Chàng Vương cũng cải nhậm thành Phú Dương | Huyện Phú Dương ở bờ sông Tiền Đường, gần Hàn châu | 2972 | Nào hồn Tinh vệ biết theo chốn nào | Tên một loài chim. Tích con gái vua Viêm Đế chết đuối ở bể Đông, sau hóa làm chim Tinh vệ ngày ngày đến núi Tây Sơn ngậm đá đem ra lấp bể | 2990 | Thảo am đó, cũng gần kề chẳng xa | Thảo am là chùa lợp cỏ | 3104 | Dám đem trần cấu dự vào bố kinh | Trần cấu là đất bụi dơ bẩn Bố kinh: tục xưa, người vợ có quyền để tang cha mẹ bằng áo quần kết bằng cỏ | 3126 | Khách qua đường để hững hờ chàng Tiêu | Do tích vợ Tiêu lang bị người ta bắt đem dâng cho Quách Tử Nghi, từ đó về sau Tiêu lang thấy vợ thì dửng dưng như người lạ mặt | 3200 | Ấy là hồ điệp hay là Trang Sinh | Hồ điệp là con bươm bướm, Trang Chu ngày xưa nằm mơ thấy mình hóa ra con bươm bướm | 3202 | Ấy hồn Thục Đế hay mình đỗ quyên | Tục truyền Thục Đế ngày xưa mất nước, chết hoá làm con chim quốc đêm ngày sầu oán kêu mãi không thôi | 3203 | Trong sao châu rỏ duềnh quyên | Là vũng nước có mặt trăng soi vào | 3204 | Ấm sao hạt ngọc Lam Điền mới đông | Lam Điền là chỗ gieo hạt thành ra ngọc, mới đông là hòn ngọc mới thành | 3236 | Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần | Làm quan cứ lên bậc một |
PPT st MÙA THU THĂM NEW YORK – NEW JERSEY THỦ ĐÔ THỨ HAI NEW YORK – CŨNG LÀ MỘT TIỂU BANG Khi người Anh chiếm được thuộc địa của Hà Lan là New Netherland (Tân Hà Lan), vua Anh đã trao thuộc địa này cho Hoàng đệ, Công tước xứ York và được đặt tên lại là New York để vinh danh vị bảo hộ chính thức mà sau này trở thành vua James đệ nhị. New York thường được gọi là “Trái Táo lớn” (The Big Apple). Tại sao vậy? Vào những năm 1920 -1930, các nhạc sĩ nhạc Jazz đều muốn biểu diễn ở New York. Họ nói rằng: “Có nhiều táo trên cây, nhưng khi bạn chinh phục được New York thì bạn giành được trái Táo lớn”. Đúng vậy, mọi người đều muốn một phần của trái Táo lớn – và họ cũng muốn điều đó ngày nay nữa! Hơn 20 triệu người thăm New York mỗi năm. Nhiều người cho rằng đó là một Thành phố thú vị nhất trên thế giới. Khi du khách nghĩ về New York, họ thường nghĩ về khu Manhattan – một hòn đảo có chiều dài 21,5km và chiều rộng 3,7km. Nằm trong tiểu bang cùng tên, New York (NY State) với diện tích 128.401km2, với thủ phủ là Albany - thành phố New York (NY City) có 5 khu (Borough): Manhattan, Brooklyn, The Bronx, Queens và đảo Staten. Thành phố có 10.000km đường phố và gần 10 triệu cư dân sống ở đó. Nhưng New York không phải luôn luôn là một thành phố lớn… THĂM VIẾNG THÀNH PHỐ: Có nhiều điều để xem ở New York, và để dễ dàng cho du khách là đi tới từng khu khác nhau của Thành phố. Ở khu Manhattan, các đại lộ (avenues) đi từ hướng bắc và nam, và hầu hết đường phố (streets) đi từ hướng đông và tây. Chúng mang tên con số hoặc tên danh nhân, địa danh. Bạn có thể di chuyển bằng MTA Subway - xe điện ngầm của New York hoặc xe buýt tại khắp các đại lộ và một số đường lớn. Hay có thể đi xe taxi (cab) có rất nhiều ở đây. Bạn có thể đi qua phà, như phà tới đảo Staten khởi hành từ công viên Battery, đưa bạn đến đảo Tự do nơi có Tượng Nữ thần Tự do ngự trị cách nay đúng 125 năm. Một vài nơi nên thăm viếng : Manhattan Có Phố Tàu (Chinatown), nơi có nhiều cửa hàng náo nhiệt và nhà hàng nổi tiếng, người viết đến khu này, cứ nghĩ rằng mình đang đi dạo phố ở khu Chợ Lớn cũ của Sài Gòn. Bạn có thế đến khu Tiểu Ý (Little Italy) có thức ăn Ý ngon nhất (nên người Việt cũng có khu Tiểu Saigon). Khu vực Greenwich Village có nhiều văn sĩ và họa sĩ nổi danh sinh sống trong những căn nhà cũ kỹ nằm ở trên các con đường chật hẹp của Greenwich Village, khu vực còn có cửa hàng, quán cà phê, phòng trưng bày tranh và nhà hát ngoài trời. Công viên Trung Tâm (Central Park) là nơi yên tĩnh để bạn có thể tránh xa tiếng ồn ào của Thành phố, rồi bạn đến Sở Thú của Công viên. Cư dân New York thích đến có thể đến đi dạo chơi và vui chơi ở Công viên Trung tâm. Brooklyn Khu vực này ở phía nam, trước đây người Hà Lan gọi là Konnijn Eiland (Rabbit Island, đảo Thỏ), bởi vì có nhiều thỏ ở đó. Có trên 5km bãi biển và Hồ cá New York (NY. Aquarium). Và tại sao bạn không tham dự một chuyến xe đu trên không ở Cyclone (roller-coaster) nổi tiếng tại Vườn Địa đàng đảo Coney? Hãy ngước nhìn lên cao! Nếu bạn muốn nhìn lên các tòa nhà ở New York – hãy nhìn lên cao! Thành phố có hằng hà vô số các tòa nhà Chọc trời (Sky-scrapers) – chính tại đây thế giới mới ngỡ ngàng vì lần đầu tiên có những toà nhà cao ngất nghểu, tưởng như gần chọc thủng bầu trời trên cao! - Empire State Building ở Đại lộ 5, từ năm 1931 – 1970, đây là tòa nhà cao nhất thế giới, có 102 phòng, cao 448m. Người viết thăm Tòa nhà này với vé vào cửa 20 USD, kiểm soát an ninh nghiêm ngặt. Và có một kính thiên văn phải mua vé để bạn có thể nhìn thấy đỉnh tòa nhà ở khoảng cách xa 120km. - Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center) ở đường Nhà thờ và đường Tự do, là tòa nhà cao nhất New York, có hai tháp sinh đôi với trên 100 tầng. Năm 2001, ngày 11-9 tòa nhà này đã bị sụp đổ do 2 chiếc máy bay của hãng United và hãng America do bọn khủng bố uy hiếp, điều khiển đâm vào hai tháp sinh đôi. Hiện nay nơi đây gọi là “Ground Zero”, có hai ô vuông lõm sâu xuống, nhằm tưởng niệm các nạn nhân đã chết và mất tích trong thảm họa này, và nơi đây cũng đang được xây tòa nhà chọc trời mới. - Tòa nhà Liên Hiệp Quốc (United Nations Building) ở đại lộ 1 và phố 45, bạn có thể thấy quốc kỳ của 203 quốc gia thành viên của tổ chức lớn nhất hành tinh, có nhiệm vụ giữ gìn hòa bình thế giới. - Khu phố Wall (xưa người Hà Lan xây nhiều bức tường ở khu này) là trung tâm thương mại của Hoa Kỳ và của cả thế giới, là những phố chật hẹp. Đặc biệt là ở giữa phố Wall có di tích lịch sử - nơi Tổng thống đầu tiên Washington tuyên thệ nhậm chức sau khi di chuyển khỏi Dinh Độc Lập ở Philadelphia (Thủ đô đầu tiên) để chờ Thủ đô Liên Bang (Federal City) đang xây dựng - vì thế thành phố New York là Thủ đô thứ hai của Hoa Kỳ. NEW YORK CÓ RẤT NHIỀU TƯỢNG ĐÀI 1 . Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ có 7 tượng: - Một tượng ở công viên Morningside, khu Manhattan - Một tượng ở công viên Union - Một tượng ở công viên Corona, khu Queens - Một tượng ở Siêu thị Washington Plaza, khu Brooklyn - Hai tượng ở vòm của công viên Washington - Một tượng khổng lồ đứng phía trước tòa nhà Federal Hall –xây năm 1700, trước đây là tòa nhà Quốc hội đầu tiên (First US.Capitol) theo Hiến Pháp và là nơi vị Tổng thống đầu tiên Washington tuyên thệ nhậm chức. Tòa nhà này bị phá hủy năm 1812, sau đó tòa nhà Federal Hall National Memorial được xây trên nền nhà cũ, năm 1842, nằm ngay giữa Phố Wall, nay là khu Tưởng niệm Quốc gia, nơi đây cuốn Kinh thánh mà Washington cầm khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống vẫn còn được lưu giữ như một bảo vật của Hoa Kỳ. 2. Tượng Eleanor Roosevelt Phu nhân Tổng thống Roosevelt, là tượng phụ nữ Mỹ đầu tiên được trưng bày ở công viên Riverside. Bà nổi tiếng về tranh đấu cho nhân quyền thế giới, cho sự tiến bộ của dân lao động, người thiểu số, người nghèo, phụ nữ và thanh thiếu niên Hoa Kỳ, Bà được vinh danh là “Đệ nhất Phu nhân của Thế giới”. 3. Tượng Beethoven Nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức, ở công viên Trung tâm (Central park), phố 70 và một tượng ở công viên Prospect (nơi hòa nhạc Concert Grove). 4. Tượng thần Hy lạp Prometheus Được nhiều người đến thăm, nằm ngay phía trước Trung tâm Rockefeller – phức hợp này bao gồm 19 tòa nhà thương mại – tòa nhà Chrysler (71 tầng) và Empire State Empire (102 tầng) – là trái tim của thành phố New York. Vị thần này được coi là ân nhân của loài người, trái với ý muốn của Chúa tể Zeus: Một lần tại buổi lễ tế thần Zeus, thần Prometheus đã dành phần ngon nhất cho loài người; thần còn lấy trộm lửa trên Thượng giới đem cho họ. Lần này chúa tể Zeus trả thù khốc liệt hơn, nhưng may mắn, Hercules đã giải thoát cho thần Prometheus. 5. Tượng Nữ thần Tự do (Statue of Liberty) Nằm ở đảo Tự do, cảng New York, nổi tiếng trên khắp thế giới. Bạn hãy đáp du thuyền với giá 12 USD và kiểm soát an ninh, từ Công viên Battery sang thăm Bảo tàng Di dân và tượng Nữ thần Tự do – người Pháp đã tặng bức tượng vĩ đại này cho nhân dân Mỹ vào năm 1886 nhằm để kỷ niệm 100 năm ngày ban hành bản Hiến pháp Hoa Kỳ, hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới. Đây là một kỳ công của hai nước Pháp và Mỹ trong suốt thời gian từ 1865 – 1885. Năm 2011 tượng Nữ thần Tự do tròn 125 tuổi, người viết đã có dịp thăm Bà trong dịp kỷ niệm này. Nữ thần Tự do đứng trên bệ cao 93m (kể cả bục), mọi người ngước mắt lên cao nhìn Bà mà lòng cảm thấy lâng lâng vì chính tại địa điểm này, cách nay trên 100 năm, biết bao người đã vượt biển Đại Tây dương sang đất Mỹ từ châu Âu vì nhiều lý do: tôn giáo, kinh tế… đã kết hợp lại, xây dựng một Liên bang non trẻ tại miền đất này, bỏ lại những nhọc nhằn, khổ đau nơi chân tượng đài của Nữ thần Tự do, để tạo dựng cuộc đời mới. Ngoài ra, New York còn hàng chục tượng đài nằm rải rác khắp Thành phố xinh đẹp này. Khu vực Nhà hát ở đại lộ Broadway Công viên Thời Đại (Times Square) bắt đầu khu vực các nhà hát, đa số nằm ở phía đông hoặc tây cùa Broadway, đại lộ dài nhất thành phố, chạy dài từ bắc xuống nam của New York. Đây là nơi trình diễn các vở nhạc kịch nổi tiếng khắp hoàn cầu. NEW JERSEY – SÂN SAU CỦA NEW YORK TIỂU BANG CÓ SÒNG BÀI TRƯỚC LAS VEGAS New Jersey được đặt tên theo một hòn đảo Jersey nằm ở biển English Channel giữa Anh – Pháp. Một trong những sở hữu chủ đầu tiên của thuộc địa sinh ra trên hòn đảo này. Vì là một tiểu bang nhỏ (diện tích chỉ 24 097km2, với thủ phủ là Trenton), nằm ở vị trí sát cạnh Tiểu bang / thành phố New York khổng lồ, New Jersey là “sân sau” (back yard) và “ăn theo” nhiều dịch vụ của New York. Người viết cũng như nhiều du khách khác, đến thành phố Jersey (Jersey City) nằm sát cạnh đảo Tượng Tự do, ở đây giá dịch vụ khách sạn, chỗ đậu xe đều rẻ hơn New York, người viết đáp chuyến tàu hỏa nhẹ (light train) đến bến phà công viên Tự do, rồi đi một chuyến du thuyền sang thăm Nhà bảo tàng Di dân và tượng Nữ thần Tự do. Du khách có thể sang thăm từ New York, nhưng chi phí đắt hơn. Ngoài ra, New Jersey còn có thành phố Atlantic City, nằm sát cạnh Đại Tây dương, có những sòng bài (casino) được thành lập trước Las Vegas. Thành phố Atlantic là một trong những thành phố nổi tiếng ở bờ đông Hoa Kỳ, với các sòng bạc, bãi biển và đường Lót ván (Boardwalk, đừng nhầm với Broadway) lãng mạn mà chỉ có ở Atlantic này, nó nằm trên đảo Absecon, có lịch sử trước Nội chiến Hoa Kỳ: năm 1870, các đường Lót ván được xây dựng, năm 1882 xây các công viên giải trí và năm 1900 xây khách sạn, sòng bài, nơi nghỉ mát. Trong khi đó, Las Vegas - là sân sau của tiểu bang California đông dân nhất Hoa Kỳ, với hai thành phố lớn Los Angeles và San Francisco - do nhóm người Mormon xây vào năm 1855, tới năm 1911 mới trở thành một thành phố và tới năm 1931 sòng bài mới được chơi hợp pháp ở đây. ATLANTIC CITY NỔI TIẾNG VỚI CASINO Thành phố này hiện có 13 sòng bài: - Bally’s Atlantic City -Borgota, Hotel, Casino & Spa – Ceasars Atlantic City – Golden Nugget – Harrah’s Resort – MardiGras Casino – Resorts Atlantic City – Showboat Casino & Hotel – Trump Plaza Hotel & Casino – Tropicana Casino & Hotel – Atlantic City Hilton Casino & Resort và – Trump Taj Mahal Casino, Resort. Vì là sân sau của các đại gia ở thành phố New York, nên chính tại các sòng bài này, họ đến để giải trí, nghỉ dưỡng, đánh bài trực tiếp hoặc qua các máy đánh bạc nằm trong các Casino kể trên. Với khung cảnh hết sức tráng lệ, nguy nga, ánh sáng lung linh sáng choang, du khách vào đây đều quên cả thời gian, nên chẳng nơi nào trong Casino có treo dồng hồ cả. Thời gian xin tạm thời dừng chân ở phía ngoài Casino. Người chơi say sưa kéo bài, rút bài bằng hàng trăm máy đánh bài với số tiền tối thiểu 10 USD, nếu ít hơn các máy sẽ từ chối, không hoạt động, không nuốt tiền vào để kéo bài được. Du khách có thể chơi bài trên mặt bàn, lúc đó họ phải đi đổi tiền mặt thành ra các Thẻ chơi bài (chip) tùy theo nhiều mệnh giá để du khách chơi bài dễ dàng, tương ứng với nhiều loại bài. Khách chơi bài sẽ được phục vụ chu đáo, do các nữ phục vụ xinh đẹp, hấp dẫn, ăn mặc mát mẻ làm du khách như lạc vào chốn Đào nguyên với nhiều bầy tiên xinh tươi, với những cặp mắt đưa tình và nụ cười luôn nở trên môi, chờ các du khách biếu tiền hoa hồng hậu hĩ. Du khách tưởng chừng mình là chàng Từ Thức năm nào lạc vào động Tiên nữ vậy. Du khách khi đói bụng cần tăng năng lượng, có thể tạm ngừng chơi, đi đến các quầy hàng bán đủ món ăn Mỹ, Ý, Hoa, Pháp, Nhật… để tiếp sức hoặc để “xả xui” nếu du khách đang bị thua. Nếu cần du khách có thể ghé các quầy bán nữ trang với ánh đèn sáng rực rỡ, để bán bớt nhẫn hột xoàn cho có vốn vào lại sòng bài, những mong gỡ gạc lại một phần nào số tiền đã không cánh mà bay mất. Người viết cùng gia đình rủ nhau ngồi vào vài máy kéo bài để chơi thử với số tiền tối thiểu 10 USD. Lạ thay, thường lúc đầu, máy cho người chơi thắng dễ dàng, nếu ngừng đúng lúc thì có thể ăn vài trăm đô la, nhưng nếu càng chơi càng nóng, càng hăng, ham thắng nhiều hơn nữa thì thế nào, cuối cùng người chơi cũng rầu rĩ dời khỏi máy trong sự nuối tiếc. Người viết đành dừng chơi khi chỉ ăn được chút ít, dù trước đó, nếu đứng lên sớm hơn có thể ăn nhiều nhiều hơn nữa. Đúng là máy - do chủ casino đặt hàng – thế nào cũng dụ dỗ khách chơi, bằng cách cho thắng vài bàn đầu, sau đó, máy sẽ từ từ rút lại số tiền thắng đó. Nếu người chơi tỉnh táo, quan niệm vui là chính, dời máy kịp lúc thì việc chơi bài bằng máy cũng chỉ là một cách tiêu khiển, giết thời gian, bớt bị stress. Nhưng than ôi, hầu hết khi ra về, du khách càng bị stress bội phần, càng đau nhiều hơn có thể vì bị thua một số tiền nào đó… Đúng là câu “Cờ bạc là bác thằng bần” ứng dụng vào đây thì thật là đúng chỗ. Atlantic City cũng có phát hành một nhật báo “At The Shore” phân phát miễn phí, trong đó cho du khách biết các chương trình văn nghệ đặc sắc của vài Casino, hoạt động của các Casino, nhằm để chào mời các du khách hãy nhanh chân ghé lại để vui chơi, nghỉ dưỡng và đa số để thử vận đỏ đen của mình. Ôi thôi, các đại gia tha hồ vào để đốt tiền vậy. MÙA THU ĐẸP NHẤT Ở NEW YORK Mùa thu là mùa đẹp nhất ở New York nói riêng và ở Bờ đông Hoa Kỳ nói chung. Mùa thu giống như một món quà giấu khéo mà cuộc sống hối hả ở Thành phố không ngơi nghỉ này khiến ta quên mất. Để rồi một ngày ta chợt nhìn ra những lá vàng, lá đỏ rụng trên mặt đường trong khi da mặt khô hanh vì từng cơn gió lạnh đầu mùa. Người viết có dịp đi thăm Công viên Trung tâm (Central Park) ở New York – nơi đây được coi là một trong những địa điểm lãng mạn nhất hành tinh cùng với Venice, Paris… Thoang thoảng trong gió là mùi thơm của quế, đinh hương, tiếng xào xạc của đám lá khô dưới mỗi bước chân. Thi thoảng một hai chú sóc nhỏ bé chạy ra kiếm tìm các hạt cây nhai nhỏ nhẹ với mắt lơ đãng, mặc cho du khách đi qua lại, vì nơi đây người ta thương yêu súc vật, không nghĩ đến một vài bữa rượu nên cũng chẳng có ai rình bắt các chú sóc xinh xắn kia làm gì. Đúng là thiên đường của súc vật! (Tham khảo một số sách và Internet về Hoa Kỳ) PHẠM VŨ
Phụ Bản II CHUYỆN
HỌC HÀNH
THUỞ ẤY Tác giả Dương Lêh Tôi còn nhớ rõ đó là năm 1956, tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học Pétrus Ký. So với tuổi học trò bắt đầu vào lớp 6 bây giờ thì tôi đã bị trễ hai năm, nhưng hồi thời đó những đứa vào được lớp đệ thất lúc bấy giờ đều muốn mọc râu. Nhiều đứa bước vào tuổi mười lăm mười sáu nghĩa là so với bây giờ trễ gần ba bốn tuổi. Mấy đứa này khi vô lớp ăn mặc tề chỉnh thấy già háp gần bằng thầy giáo. Chính tôi cũng thấy tụi nó già khằn khú đế vì tôi có một cha anh cô cậu ở một vùng xa của tỉnh Gò Công (bây giờ là một huyện của tỉnh Tiền Giang) vừa lấy vợ đúng vào tuổi… mười sáu. Tôi không hiểu sao lại thi đậu vì hai bài toán tôi đã làm trật lất, chắc là nhờ bài luận văn đã kéo tôi lên và kết quả là tôi đậu hạng 310 trên 350 đứa cộng thêm bảy đứa dự khuyết. Ngày tựu trường thật long trọng. Lần đầu tiên bước chân vào một trường trung học, tầm cỡ hàng đầu ở miền Nam bấy giờ. Thực ra ở Saigon lúc đó còn có những trường trung học nổi tiếng như trường Jean Jacques Rousseau, từng có ông hoàng xứ chùa tháp sang du học, dạy theo chương trình Pháp, Trường Lasan Taberd, trường nữ trung học Gia Long, sau di cư còn có trường Chu văn An, trường nữ trung học Trưng Vương, hai trường sau này đa số dành cho học sinh từ ngoài Bắc di cư vào Nam. Hồi đó trường trung học công lập hay còn gọi là trường Nhà Nước thì không tốn tiền, không có học phí học phiếc gì cả, cũng không có sổ vàng, sổ trắng, không có đồng phục thể thao. Quần xanh áo trắng đi học ngày thường, hay quần trắng áo trắng để mặc vào các ngày lễ kỷ niệm đều do cha mẹ học sinh tự sắm cho con cái. Chúng tôi chỉ phải tốn một trăm đồng để thuê sách giáo khoa học đến cuối năm hoàn trả cho nhà trường. Trường Pétrus Ký dành riêng cho con trai cũng như trường Chu văn An, trường Taberd… Con gái thì có trường Gia Long, Trưng Vương, Marie Curie… Trai gái ở tuổi niên thiếu thời đó trong các trường còn bị phân biệt rõ rệt theo kiểu “nam nữ thọ thọ bất thân” cho nên sau này khi vào đại học con trai thường cảm thấy “ngố” trước đám con gái cùng trong giảng đường. Còn ở các trường tư thục con trai và con gái học chung nhưng không ngồi loạn cào cào như bây giờ trái lại con gái được đưa hết lên ngồi ở mấy bàn đầu, bọn con trai ngồi ở phía sau không có xen kẽ lộn xộn. Lần đầu tiên bước vào một trường trung học nổi tiếng ở Saigon đám vịt đẹt chúng tôi, hòa lẫn trong màu trắng tinh của những bộ quần áo đồng phục. Chúng tôi thấy cổng trường cao ngất ngưởng. Hai bên cổng là hai cặp liễn được viết bằng chữ Hán sau này tôi mới biết đó là: "Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt Tây Âu khoa học yếu minh tâm"
Không khí ngày tựu trường càng tăng phần nghiêm trọng làm chúng tôi muốn nổi da gà nhất là khi đi lên lầu một (thực sự chỉ có một lầu), chúng tôi gặp thầy Tổng giám thị (hồi đó gọi là surveillant général) đang đứng khoanh tay như pho tượng nhìn đám chúng tôi từ dưới lầu đi lên càng làm chúng tôi đổ mồ hôi hột. Khi đi ngang thầy, chúng tôi cúi đầu, đứa nào đội nón phải dở nón ra và cúi đầu một cách sợ hãi.
Khuôn viên Trường Trung Học Trương Vĩnh Ký Sau khi xếp hàng trước cửa lớp học, chúng tôi thấy một thầy cao tuổi đến đứng trước của lớp, ra hiệu cho chúng tôi vào. Trên thời khóa biểu dán trước cửa lớp, chúng tôi biết tên thầy là Ưng Thiều. Thầy là một người cao tuổi, nói giọng miền Trung, chúng tôi đoán là người Huế. Thầy tự giới thiệu: “Ông cao của “tau” là vua Minh Mạng”. Sau này nhờ người lớn giải thích chúng tôi mới biết thầy thuộc dòng họ Nguyễn Phúc, chính thống dân hoàng phái, gọi vua Minh Mạng là ông cố nội và gọi vua Tự Đức là chú bác gì đó, dựa theo Đế hệ thi mà vua Minh Mạng đã đặt ra: Miên, Hồng, Ưng, Bửu, Vĩnh… Lúc bấy giờ thầy khoảng 60 tuổi, chúng tôi đoán như vậy vì thấy thầy có vẻ móm mém, răng hơi bị thiếu. Thầy dạy môn Cổ văn. Bắt đầu buổi học đầu tiên, thầy lật sổ điểm danh từng đứa. Mỗi khi đọc một cái tên, đứa học trò đó la “có”, rồi thầy phê bình cái tên của nó. Những đứa có cái tên giản dị như Nguyễn văn Án, Trần văn Bảy… thầy phê “được”, còn những cái tên có bốn từ không có ý nghĩa, thầy cho là cầu kỳ. Đến khi đọc đến tên Nguyễn Trần Bar (có chữ r sau cùng), thầy phê “tên chi lạ mi, bar ni là cái quán rượu đúng không?”. Cả lớp trả lời “Dạ đúng.” Thầy cười đưa hai hàm không thấy có răng, còn anh học trò thì bẽn lẽn. Đột nhiên tôi muốn nhảy dựng lên khi thầy đọc đến tên tôi, “có” tôi trả lời. Thầy phán tiếp “tên của mi có nghĩa là con dê đực, hiểu chưa? Cả lớp cười ầm lên. Tôi mắc cỡ và cảm thấy nóng bừng trên mặt, có lẽ cũng giống như anh chàng có tên là cái quán rượu trên đây. Những bài cổ văn thường có những từ ngữ Hán Việt, chúng tôi phải “vẽ” những từ Hán Việt đó do thầy ghi trên bảng. Thế là chúng tôi phải học thêm môn Hán văn. Một hôm thầy mang vào lớp phát cho mỗi đứa một tập sách nhỏ tựa đề “214 bộ tự căn Hán Việt”. Thầy giảng mỗi từ Hán Việt đều được cấu tạo bằng những bộ tự căn trong tập sách này. Ví dụ chữ “cổ” gồm bộ 24 là “thập” , có nghĩa là mười, nằm ở trên và bộ 30 là “khẩu”, cái miệng, nằm ở dưới. Thầy còn giảng thêm sở dĩ đọc là “cổ” theo ý nghĩa một câu chuyện nếu được kể qua mười cái miệng thì biến thành chuyện xưa rồi. Thầy còn cho thêm một ví dụ nữa như chữ “an” gồm bộ 40 là “miên”, có nghĩa là mái nhà, nằm ở trên che chắn cho bộ 38 là “nữ” nằm dưới, có ý nghĩa là con gái mà lúc nào cũng ở trong nhà thì an toàn. Sau đó thầy bắt chúng tôi phải học thuộc lòng 214 bộ tự căn đó. Cả lớp nhăn mặt le lưỡi và rên rỉ khó quá. Thấy vậy thầy treo giải thưởng, trong vòng một tháng đứa nào đọc thuộc từ đầu đến cuối sẽ được thưởng không phải trả tiền mua tập sách 214 bộ tự căn Hán Việt.
(còn tiếp) (nguồn hình ảnh từ trang web Pétrus Ký) VẬN HỘI MỚI
Năm mới: NHÂM THÌN đã tới đây Hiên ngang RỒNG VIỆT vút cao bay Mèo ma, Chuột quỷ, đà xua hết Rắn quý, Ngựa thần, sẽ đến thay Quốc thái, sức, tâm, dồn sản xuất Dân an, tài, trí, góp dựng xây Con Rồng, gặp vận Rồng tương ngộ Thỏa sức vẫy vùng, lướt gió mây. Tâm Nguyện (1/2012) TRẺ TẬP 2 Chớ bảo năm nay tớ đã già Chẳng qua nhiều tuổi chút thôi mà, Trên hàm, răng vẫn còn chưa mọc Thịt còn chưa đủ để căng da! Thịt còn chưa đủ để căng da Nói xong, quên tuốt, giống lên ba! Tóc vẫn lơ thơ, chưa phủ kín Đi còn chưa vững, có đâu già?! Tâm Nguyện (1/2012) Bên ngoài mùa xuân Giả dụ có một quê hương Giả dụ có một thiên đường Thì trên thiên đường có mặt thượng đế Và trên quê hương có mặt tình thương.
Giả dụ đời có mùa xuân Giả dụ mùa xuân chỉ nở một lần Còn rất mới nguyên lòng chưa trang điểm Một lần nhìn nhau cũng đủ quen thân.
Nếu giả dụ rằng anh sinh ra đời Khô đọng im lìm chỉ một mình thôi Và em sẽ không bao giờ có mặt Thì anh vẫn là đất sét hà hơi.
Nhưng anh có đây và em có đó Thượng đế phủi tay đứng dậy đi rồi Mình ngẩn ngơ tìm như nguời hành khất Tình thương như đồng bạc rơi.
Cho nên quê hương hỡi lòng ngơ ngác Anh đứng trên đời mà vẫn lang thang Cho nên thiên đường vô cùng cách biệt Anh sống trong đời rất đỗi hoang mang
Bởi không thấy em vội vàng kêu gọi Anh chợt thấy mình trong nỗi bâng khuâng Mê mải đi tìm em quên đáp lại Anh đợi bên ngoài mùa xuân.
Thiếu Khanh (Trong Cơn Thao Thức) Bông Hồng Không Gai Nhạc & lời : Thuỳ Dương
Tình Xuân muôn thuở Xuân lại về đây với thế gian Hoa Xuân đua nở, nụ chưa tàn Cành non mơn mởn khoe mầm biếc Nắng sớm miên man trải ánh vàng Xuân thắm lòng người, vui đất nước Xuân tràn dải đất, đẹp giang san Tình Xuân muôn thuở không phai nhạt Xóa hết sầu đau, lặng tiếng than Thùy Dương Hương Xuân Cảm Tác Phảng phất hương xuân buổi xế chiều Nghe hồn ngây ngất dáng xuân yêu! Chợt mơ đông tới cành sương đọng Lại thấy xuân về hoa nắng thêu Dấu ấn thời gian – màu khắc khoải Niềm đau dĩ vãng – nét yêu kiều Dòng đời cuộn sóng vào không sắc Đâu bức tranh xuân vẻ mỹ miều?! Thùy Dương Đính chính bản tin 68 Bài thơ *Bởi ,Vì (*) trang 79 Câu 7: Thơ hay bởi ước không tròn mộng. Xin sửa là: Thơ hay vì ước không tròn mộng Xin xem chú thích(*) ở đầu trang 79
NHỚ NAM CAO
Một mình ngồi uống nỗi đau Trăng thu ai nhuộm vàng màu sông ngân Lòng như kiến cắn, kim châm Hồn hòa trong gió thì thầm mông lung
Kiếp đời có ẩn số chung Lẽ ra hạnh phúc lại cùng dở dang… Cũng đành duyên phận bẽ bàng Sa cơ lỡ vận lòng càng thêm đau
Sống tròn đạo nghĩa trước sau Nên chăng gạn đục cho màu nước trong Thà rằng chẳng biết cho xong Nói ra e lại mất lòng người ta
Bậc tài danh tủi hờn duyên phận Vì sao phải lận đận cuộc đời? Nỗi bi phẫn của một thời Tâm hồn tri thức bỏ đời rêu hoang
Ước mong cuộc sống đàng hoàng Ai hay lịch sử sang trang bất ngờ Tâm hồn trong sạch đến giờ Khát khao “sống” như nằm mơ ban ngày
Rằng hay thì thật là hay Hiểu ra mới thấy đắng cay thế nào Bỗng dưng nhớ tới Nam cao Chắc ông biết rõ tại sao “sống mòn”
Nhân tính ư? Đã dần hủy diệt Nhân phẩm ư? Ai biết “xói mòn” Tình nhà vận hạn nước non Nguyên do bờ lở xói mòn vì đâu?
LÊ MINH CHỬ QUÊ TÔI
Trăm hoa chào đón đông quân Nửa đêm trừ tịch, chúa xuân trở về Trở về ta lại nhớ quê Nhớ quê thăm thẳm, đường về thì xa
Trước sân nhìn cội mai già Chạnh lòng lữ thứ thơ đề mấy câu Xa quê ba chỏm trên đầu Nay về chỏm rụng thay màu tuyết pha
Đôi bờ cầu được nối qua “An Bài” làng cũ nay đà khác xưa (nhớ lại mẹ tôi) Mẹ ngồi khung cửi sớm trưa Trên cành Oanh hót, thoi đưa nhịp nhàng
Quê tôi sơn động đèo ngang Lũy thầy Đồng Hới, Linh Giang oai hùng Có võ tướng có nguyên nhung Cầm binh dẹp giặc anh hùng đề tên
Có hải sản có cảnh xinh Phong Nha đệ nhất, Quảng Bình quê tôi
TRẦN VĂN HỮU Trích yếu: làng “AN BÀI” ngày nay đổi tên là làng Thuận Bài GIÓ Gió trăng lưu luyến tự bao giờ Gió đến cùng trăng hẹn ước mơ Cơn gió hữu tình trăng ái ngại Vầng trăng lộng lẫy gió đâu ngờ Gió trăng đưa đẩy niềm hoan lạc Trăng gió dỗi hờn chuyện vẩn vơ Thiếu gió vầng trăng lơi ánh sáng Vắng trăng ngọn gió ắt bung lờ. THANH CHÂU
XUÂN VỀ Xuân về tươi thắm ngàn hoa Gửi bạn bài hát làm quà mừng xuân Quà nhỏ tình cảm trong ngần Trái tim hòa nhịp hòa vần bao la Cứ chi vàng bạc, ngọc ngà Đơn sơ mà lại đậm đà tình thương LÊ MINH CHỬ
CHÚC TẾT NHÀ THƠ Muốn sống lâu nhưng rất sợ già Con tim còn nảy lộc đơm hoa Duyên văn trau chuốt đầy sâu lắng Nghĩa bút miệt mài vẫn thiết tha Xướng họa tri âm thơ chắp cánh Giao lưu bằng hữu tứ chan hòa Yêu đời mong được đời yêu lại Hưởng cảnh an vui ý mặn mà NGÀN PHƯƠNG
CHÚC XUÂN NHÂM THÌN Trời đất vào xuân dáng mượt mà Nắng hồng chan chứa bướm yêu hoa Đào khoe sắc thắm hương nồng đượm Mai hé nụ cười đẹp thướt tha Xin phúc tình duyên mơ diệu vợi Cầu tài tiền của đến bao la Trao nhau lời chúc đầy trân trọng Thịnh vượng hanh thông khắp mọi nhà NGÀN PHƯƠNG
XUÂN THANH TÂN (Đón xuân Nhâm Thìn) Âm hưởng ngày Xuân đến thật gần, Nhâm Thìn mừng đón buổi thanh tân. Rồng bay, nắng ấm gieo rầm rộ, Phụng múa, mây lồng rộn rã ngân. Thế sự râm ran câu chúc phúc, Nhân tình náo nức chữ tri ân Tỏa thầm vẻ đẹp niềm vui mới Đẹp cõi dương trần, đẹp nghĩa nhân Xuân 2012 XUÂN VÂN
Tính cách người tuổi Thìn
(Quý tặng anh chị tuổi Thìn)
Nhân cách cao, cương nghị, nhiệt tình Tấm lòng rộng mở, đẹp nhân sinh Chân thành, hiền hậu, tâm hoan lạc Thẳng thắn, thật thà, trí hiển minh Nhẫn nại đôi khi thường nóng vội Vị tha nhiều lúc phải nghiêng mình Nhâm Thìn vui đón ngày Tân Hội Rồng lại gặp mây, phúc thái bình XUÂN VÂN
CAFÉ THÀNH VIENNE (ÁO) Theo điều tra mới nhất, Vienne có chừng 450 tiệm café, được xếp đứng đầu thế giới. Ngoài ra, ít có thủ đô nào có nhiều tiệm café đến thế. Nhà văn A. Polga, người thành Vienne, xác nhận rằng tiệm café đã nằm sẵn trong nếp sinh hoạt của người dân thủ đô này. Đến tiệm café, mọi người đều cảm thấy tự nhiên và thân thuộc. Khách có thể ở lại đây cả ngày, tha hồ chuyện trò, đọc sách hay… chẳng làm gì cả. Trong tiệm còn có đầy đủ các tờ báo hằng ngày cho khách đọc thoải mái. Tiệm café thành Vienne đã biến thành nơi ưu tiên gặp gỡ của các nghệ sỹ. Nhiều tiệm như Walzercafe Hubner hay Imperial thường xuyên có hòa nhạc để khách thưởng thức, trong khi Central lại là nơi họp mặt các văn nhân. Ngoài ra, còn có những hiệu café như dành riêng cho giới hội họa: Hawalke đã lừng danh là nơi tập trung những nhà “hiện thực dị thường” của trường phái Vienne. Vóc dáng của tiệm café là thế, còn linh hồn của nó thì như đã hoàn toàn hội nhập vào với cá nhân người phục vụ, với đặc tính kín đáo và vô cùng tế nhị, anh ta là người gìn giữ truyền thống của những chốn này. Nếu khách quen, dùng giọng thân mật gọi anh bằng tên “quai nồi”, như Herr Franz hay Herr Josf chẳng hạn, thì anh lại càng tỏ vẻ lễ phép bội phần. Tuy nhiên, sự phục vụ vốn đã hoàn hảo vẫn có khi mất mát ít nhiều chất lượng đối với người nước ngoài. Cho nên, người dân thành Vienne sợ nhất là khách du lịch, vì nó có thể làm phí phạm cái phong cách lễ độ ngọt ngào này. Về mặt hàng thì các tiệm đều có quá nhiều loại café khiến cho ngay cả những người dân Áo chính cống cũng phải ngỡ ngàng. Nếu khách dễ dàng đoán ra 1 “nâu lớn” (grosser Brauner) hay “đen nhỏ” (kleiner Schwarzer) là gì, thì khách lại càng phải có óc tưởng tượng phong phú nhiều hơn mới khám phá ra cái bí mật của 1 tu sĩ dòng Capucine (Kapuziner), 1 xe độc mã (Einsspauner), 1 lãnh sự (Konsul) hay 1 Mazaran (café lạnh có rum, đặc sản của Vienne). Nhưng sự việc càng rắc rối hơn khi các tên gọi cứ thay đổi xoành xoạch từ tiệm này sang tiệm khác, chưa kể mỗi vùng còn có những đặc sản riêng. Người thành Vienne vui đùa thoải mái với những tên gọi quá thừa. Họ thường kể câu chuyện về 5 người khách quen vào tiệm café, gọi như sau: – Một vàng óng, phin nhỏ – Một tách trà mầu, có lớp đá – Cho tôi một Melange, với lãnh sự trong 1 tách hâm nóng – Một tu sĩ dòng Capucine – Còn tôi: một Melange thật trắng Người phục vụ chăm chú nghe khách đặt hàng và nghiêng mình lui ra. Khi xuống bếp, anh gọi gọn gàng: – Năm café loại thường! Từ thuở xa xưa, cách đây khoảng 300 năm, các tiệm café thành Vienne chỉ bán có một thứ nước uống màu đen, có vị đắng. Nguyên là năm 1683, khi đến vây hãm thành Vienne, người Thổ Nhĩ Kỳ có mang theo một số lớn café hạt. BĐ KHU VƯỜN CỦA TÔI Mười người thì đến chín người rưỡi bảo tôi điên. Có lẽ thế thật. Bởi nếu thần kinh không có vấn đề thì ai lại dại dột đến mức rời bỏ một nơi cư trú khá lý tưởng, mà hầu hết là một ước vọng cho nhiều người, nhất là những người không dễ có điều kiện để có thể lựa chọn. Một nơi mà sáng mở mắt ra là đã chạm phải vô số thứ tiện nghi của một đời sống hiện đại, giơ tay sang trái là có thể dễ dàng quơ ngay phải một cái nút nhấn để mở ra một thế giới bao la với muôn vàn màu sắc, với sang tay phải thì chẳng khó khăn gì mà không tóm được một thứ ưu thế sẵn sàng cho những dự định sắp tới. Nhìn lên trên thì ngời ngời bao đích ngắm, sức hấp dẫn mạnh đến nỗi đủ xốc dậy những tinh thần mệt mỏi nhất. Trông xuống dưới thì cơ man những tiện ích đang chờ đôi chân con người chạm đến. Một nơi mà không mấy gian nan trong việc làm cho cái túi mình căng phồng lên mỗi ngày. Chỉ cần có một bộ óc nhanh nhạy, một cá tính ranh mãnh cộng thêm chút lanh lợi của sự mưu trí trong việc biết cho tay vào túi người khác để đem về túi mình những gì mình muốn có. Một nơi mà ra đường ai cũng áo quần là lượt, xông xênh, sáng láng với bao nhiêu kiểu dáng phô bày sự rủng rỉnh của chủ nhân chúng, không chỉ là trang phục, còn biết bao nhiêu thứ phù trợ cho cái gọi là giá trị của một con người trong một xã hội ngày càng đòi hỏi cao ở nhiều góc độ. Đến đây hẳn quý vị đã biết rõ tôi muốn nói đến nơi nào rồi. Đúng. Đó là nơi thị thành phố xá, nơi đô hội với những phồn hoa đặc trưng của một lối sống, nơi đem lại cho cuộc sống con người rất nhiều sự dễ chịu, sự thoả mãn của những nhu cầu. Vâng. Thị thành luôn là một vầng sáng vẫy gọi những ai muốn có một đời sống nhàn hạ và sung túc, nhất là với những vùng quê nghèo khó thì lại càng là một ước muốn tuyệt đích. Vậy mà tôi đang từ một nơi như thế tìm đến một nơi hoàn toàn ngược lại. Không điên thì còn thế nào nữa. Ừ thì cứ cho là điên đi. Nói có vẻ ngoa ngôn một chút, có những thiên tài cũng bắt đầu từ một chút điên điên đó thì sao. Tất nhiên tôi có bắc vạn lần thang thì cũng chẳng thể nào bén gót thiên tài được rồi. Chỉ biết tôi có được một cảm giác sung sướng đến khó tả khi đã sở hữu một mảnh vườn. Cho dù vào lúc ấy nó bày ra trước mắt tôi là một mảng um tùm cỏ dại, là những cây cà-phê vàng lá thoi thóp, bởi chủ trước của nó chẳng còn quan tâm khi biết nó rồi sẽ qua tay người khác. Những ngày đầu tiên, tôi một mình với ngọn đèn dầu leo lét, một cơn gió nhẹ cũng làm mất đi thứ ánh sáng le lói này, có một điều có thể gọi là may vì khu vườn của tôi ở ngay mặt đường tỉnh lộ. Tuy không phải mấy lo lắng đến những mất an ninh nghiêm trọng, nhưng cũng không tránh khỏi những thất thoát vặt vãnh. Lại ngay vào thời điểm đen tối nhất của cây cà-phê, trong ý thích của tôi là một vườn cây ăn quả, nên rồi chẳng ngần ngại gì, tôi chặt bỏ hết những cây cà-phê ốm o ấy, để tạo lập một vườn cây theo ý muốn. Có thể là khó tin, khi với một người thành phố, quen ăn trắng mặc trơn, quen ngồi trong bóng mát, không mấy khi phải lao động nặng, mà trong một thời gian ngắn, tôi gần như trở thành một nhà vườn thực thụ. Cũng cuốc đất trồng cây, cũng bỏ phân rắc thuốc. Thực ra lúc ban đầu cũng rất khó thích nghi, ra nắng một lúc là váng đầu hoa mắt, bổ được vài nhát cuốc thì mỏi gối gãy lưng, nhưng từng ngày gắng lên từng chút, tôi cũng nuốt dần được công việc của mình. Được làm công việc mình yêu thích thì có vất vả một chút người ta cũng dễ vượt qua, nhờ vào viễn ảnh thành công của nó. Mỗi lần cảm thấy mệt mỏi, tôi lại tự động viên mình, ráng lên, đây là sự chọn lựa của mình mà, không có những vất vả khó khăn bây giờ thì làm sao có được những thành quả ngày mai. Trong tâm tưởng của tôi luôn hình dung đến những cành cây trĩu chít quả, những bông hoa e ấp sắc hương. Sẽ có một ngày nơi mảnh đất thấm đẫm mồ hôi công sức của tôi sẽ trở thành một khu vườn dịu mát, êm đềm, sẽ đem đến cho tôi một sự bình yên, thanh thỏa. Cứ lần hồi như thế, tôi đi qua từng chặng đường khúc khuỷu, cơ sở hạ tầng dần được kiện toàn, nói kiện toàn cho oai thế thôi, chẳng qua là có thêm được một vài thứ phương tiện cần thiết, trong gian nhà gỗ chênh vênh mé đồi đã có thứ ánh sáng văn minh đô thị, và tiếng chuông reo của một chiếc điện thoại đã nối gần thêm bao khoảng cách. Mọi nguời vẫn buông một cái cười khẩy sau lưng tôi, bởi những thu hoạch ít ỏi, quá ít ỏi so với công sức bỏ ra khiến tôi phải cắt giảm rất nhiều những chi tiêu, một đời sống có tỷ lệ khá thấp so với truớc kia. Vài câu dự phỏng “Không trụ nổi đâu, lại ngoi về phố ngay ấy mà” hoặc “Ốm chừng ba trận thì chạy mất dép”. Nhưng ơn trời, tôi ngày càng khỏe ra, vận động là một cách bổ trợ sức khỏe mình hữu hiệu nhất. Với sự tiếp xúc khí trời đúng mức sẽ tạo cho cơ thể một lượng kháng sinh rất tốt, khi kháng thể tăng thì rất dễ lướt qua những cảm sốt thông thường sau một lúc vận động hết công suất, mô hôi nhỏ tong tong trên mặt, manh áo thì ướt đẫm, những lúc đó mà có được một làn gió thổi qua thì thật là sung sướng, mát, mát vô cùng, cái cảm giác mát ấy sung sướng gấp mấy lần cái mát trong gió quạt hay máy điều hòa. Nói thật, rõ ràng tôi không phù hợp với những thứ phương tiện cao cấp, nếu phải ngồi một lúc trong căn phòng máy lạnh thì quá là cực hình với tôi, khó chịu không thể tả, để khi được thoát ra khỏi cứ như là một sự phóng thích tù nhân vậy. Tiêu hao được những năng lượng thừa lại là một thứ thuốc tiêu hóa đặc hiệu. Nên với một thực đơn sơ sài, tôi vẫn cảm giác được sự ngon miệng. Không chỉ có hiệu quả về mặt cơ thể, mà điều tôi vui thích nhất là sự bình yên của tâm hồn. Với cõi riêng của mình, tôi không còn phải lo đối phó, đề phòng, không bị động với những va đập, những thủ thuật của đời sống nơi đô hội kia, tôi không phải nhìn mọi người với con mắt thiếu thiện cảm và đầy cảnh giác. Không âu lo với những thật giả lọc lừa, bởi tôi vốn cả tin và ngờ nghệch, luôn là một miếng mồi ngon cho những vị lợi vô luơng. Tôi thường rất khó mở miệng để thốt ra một lời xảo trá nhằm mang về một chút lợi cho mình, nhưng lại rất dễ dàng mắc bẫy bởi những thở than đầy dụng ý. Có nghĩa tôi biết mình không phù hợp với cuộc sống nhiều cơ mưu tính toán, tôi không biết cách thò tay vào túi của người, và tôi lại thích những nhẹ nhàng yên ả của cỏ cây, một chùm quả ngon, một màu hoa đẹp đủ làm tôi vui sướng cả tâm thân. Cảm giác được một niềm hạnh phúc thanh tao và nhẹ nhõm, thật là thư thái. Đến bây giờ là đã hơn mười năm tôi bỏ phố về vườn, đã trải qua bao mưa nắng gió giông, tôi đã có thể khẳng định, tôi đã không chọn sai đường, dù sự lựa chọn của tôi trong quan niệm của nhiều người là điên. Riêng tôi, tôi biết mình muốn gì và mình cần gì. Thông thường người ta hay nhận định giá trị cuộc sống qua những giá trị vật chất, thường đánh giá năng lực của mỗi người qua số lượng của những trị giá ấy. Cho dù có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi đuơng nhiên là rất tốt, nhưng giá trị tinh thần và tính chân thiện của đời sống cần phải được coi trọng hơn. Bởi khi ta cố gắng để đạt được những con số vật chất đáng kể, thì dù muốn dù không ta cũng bắt buộc phải đặt một chân vào quy luật được thua ở đời, nên dù ít hay nhiều ta cũng không thể giữ vẹn được tính nhân bản trong mình, và đôi khi cái giá phải trả là rất lớn. Tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được sống giữa thiên nhiên tự tại, và hài lòng với những gì mình đang có. Nó thực sự đem lại cho tôi một cuộc đời đúng nghĩa, thực sự giúp tôi có cơ hội để hoàn thiện chữ “Người” trong mình hơn. Giả sử có những biến đổi gì buộc tôi phải xa rời nơi đây, thì rồi tôi cũng sẽ tìm về với nó. Bởi nơi đây đã cho tôi có được hai chữ bình yên, và được sống đúng với ý nghĩa cao cả của tâm hồn. Tôi yêu khu vườn của tôi, tôi trân trọng những giá trị đời sống mà tôi đã được hưởng, những giá trị không thể quy ra bằng tiền. Xin cảm ơn duyên mệnh cuộc đời đã cho tôi có được những gì tôi muốn có. ĐÀM LAN
Phụ Bản III QUỐC HOA TRÊN THẾ GIỚI Nguyễn Lân Dũng Quốc hoa (Floral emblem, National flower) là loại hoa (hoặc lá) được coi là biểu tuợng cho một nước và được dân chúng nước đó yêu thích. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì Quốc hoa ở các nước châu Phi như sau: Ai Cập – Hoa sen; Ethiopia – Hoa Calla lily (Vân Môn – Zantadeschia rehmannii); Libya – Hoa Lựu; Mauritius – Hoa Trochetia boutoniana; Nigeria – Hoa Costus spectabilis; Nam Phi – Hoa Protea cynaroides; Ghana – Hoa Chà Là; Sudan – Hoa Dâm Bụt; Sénégal – Hoa Bao Báp; Tunisia – Hoa Nhài; Zimbabwe – Hoa Hoa Ly ngọn lửa (Flame lily); Madagascar – Hoa Trạng Nguyên; Maroc – Hoa Hồng. Quốc hoa ở các nước châu Á là: Bangladesh – Hoa Súng trắng (Nymphaea nouchali); Bhutan – Hoa Diếp lớn (Meconopsis grandis); Brunei – Hoa Sổ vàng (Dillenia suffruticosa); Cambodia – Hoa Romduol (Mitrella mesnyi). Trung Quốc không chính thức có quốc hoa, có nơi dùng Hoa Mẫu Đơn (Quốc hoa từ đời nhà Thanh), có nơi dùng hoa Mai, có nơi dùng hoa Hướng Dương; Đài Loan (TQ) – Hoa Mận; Hồng Kông (TQ) – Hoa Móng bò tím (Bauhinia blakeana); Ma Cao (TQ) – Hoa Sen; Ấn Độ – Hoa Sen trắng hồng (Nelumbo nucifera). Iran – Hoa Tulip; Iraq – Hoa Hồng; Israel – Hoa Anh Thảo – Cyclamen (Rakefet). Jordan – Hoa Đuôi diều đen (Iris chrysographes); Nhật Bản – Hoa Anh Đào và hoa Cúc; Triều Tiên – Hoa Mộc Lan; Hàn Quốc – Hoa Hồng Cận Biếc (Hibiscus syriacus); Kuwait – Hoa Arfaji (Rhanterium epapposum); Lào – Hoa Đại (Chăm Pa); Thái Lan – Hoa Lan Ratchaphruek; Malaysia – Hoa Dâm Bụt; Maldives – Hoa Hồng; Myanmar – Hoa Paduak – Giáng Hương Mắt chim (Pterocarpus indicus); Nepal – Hoa Đỗ Quyên; Pakistan – Hoa Nhài; Bangladesh – Hoa Súng; Philippines – Hoa Nhài; Jordan – Hoa Diên Vỹ đen; Singapo – Hoa Lan Vanda (Vanda Miss Joaquim); Sri Lanka – Hoa Súng (Nymphaea stellata)… Quốc hoa ở các nước Á – Âu là: Armenia – Hoa Mơ; Nga – Hoa Hướng Dương; Thổ Nhĩ Kỳ – Hoa Tulip. Quốc hoa ở các nước châu Âu là: Albania – Hoa Anh Túc; Áo – Alpine gentian; Bosnia và Herzegovina – Lilium bosniacum; Bulgaria – Hoa Hồng; Luxembourg – Hoa Hồng; Croatia – Hoa Đuôi diều tím (Iris croatica); Cyprus (Síp) – Hoa Cyprus cyclamen; CH Czech – Hoa Cỏ ba lá đỏ (Trifolium pratense), Estonia – Hoa Xa Cúc lam (Centaurea cyanus); Phần Lan – Hoa Lan chuông (Convallaria majalis); Pháp – Hoa Lily (fleur-de-lis); Đức – Hoa Centaurea cyanus; Hy Lạp – Cành Nguyệt Quế; Iceland – Hoa Dryas octopetala; Ireland – Cỏ Ba lá (Trifolium); Ý – Hoa Anh Thảo; Latvia – Hoa Cúc Mắt bò (Chrysanthemum leucanthemum); Lithuania – Hoa Tửu Lý Hương (Ruta graveolens); Macedonia – Hoa Anh Túc; Malta – Hoa Cheirolophus crassifolius; Hà Lan – Hoa Tulip; Bỉ – Hoa Tulip; Na Uy – Hoa Saxifraga cotyledon; Ba Lan – Hoa Anh Túc đỏ; Rumani – Hoa Paeonia tenuifolia; Slovakia – Hoa Tilia cordata; Tây Ban Nha – Hoa Cẩm Chướng; Thụy Điển – không có Quốc hoa, mỗi vùng chọn loại hoa riêng; Thụy Sỹ – Hoa Đỗ Quyên núi Alpes (Rhododendron ferrugineum); Vương Quốc Anh: Anh – Hoa Hồng Tudor; Bắc Ireland – Cỏ Ba lá; Scotland – Hoa Thảo Nhi (Thistle); Xứ Wales – Hoa Thủy Tiên trắng. Quốc hoa ở các nước châu Mỹ là: Antigua và Barbuda – Hoa Agave karatto; Bahamas – Hoa Tecoma stans; Barbados – Hoa Điệp cúng (Caesalpinia pulcherrima); Belize – Hoa Prosthechea cochleata; Canada – Lá cây Phong; Alberta – Hoa Hồng dại (Rosa acicularis); Manitoba – Hoa Prairie crocus; Québec (Canada) – Hoa Loa Kèn trắng; Nuvavut – Hoa Saxifrage tía; Ontario – Hoa Trillium grandiflorum; Costa Rica – Hoa Lan Guarianthe skinneri; Cuba – Hoa Hedychium coronarium; CH Dominican – Hoa Swietenia mahagoni; Dominic – Hoa Poitea carinalis; El Salvador – Hoa Yucca elephantipes; Guatemala – Hoa Lycaste skinner; Honduras – Hoa Lan Rhyncholaelia; Jamaica – Hoa Dũ Sang (Guiacum officinale); Mexico – Hoa Thược Dược (Dahlia); Nicaragua – Hoa Plumeria alba; Panama – Hoa Peristeria elata; Trinidad và Tobago – Hoa Warszewiczia coccinea; Hoa Kỳ không có Quốc hoa, từng vùng có những biểu tượng hoa khác nhau; Argentina – Hoa Erythrina crista-galli; Uruguay – Hoa Erythrina crista-galli; Bolivia – Hoa Catua buxifolia và Heliconia rostrata; Brazil – Hoa Tabebuia alba; Chile – Hoa Lapageria rosea; Colombia – Hoa Lan Cattleya trianae; Ecuador – Hoa Hồng; Guyana – Hoa Súng nia (Victoria regia lily); Peru – Hoa Cantua buxifolia; Venezuela – Hoa Cattleya mossiae. Quốc hoa của các nước ở châu Đại Dương là: Australia – Hoa Keo (Acacia) – các vùng có các biểu tượng hoa khác nhau; New Zealand – Lá cây Cyathea dealbata; Tonga – Hoa Garcenia sessilis; Fiji – Hoa Lan Cattleya. Gần đây, ở nước ta, cơ quan chức năng đề xuất việc bình chọn Quốc hoa với 6 tiêu chí là: có nguồn gốc, hoặc trồng lâu đời ở Việt Nam, được phát triển ở nhiều vùng đất nước, thể hiện được bản sắc, văn hóa, cốt cách tinh thần dân tộc; hoa bền đẹp, có hương thơm; được sử dụng nhiều trong văn học nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc và có giá trị sử dụng cao. Ngoài ra, đó phải là loài hoa được nhiều người yêu thích, sử dụng và tôn vinh. Trong số 10.295 phiếu bình chọn (tính đến ngày 19.1.2011) thì Hoa Sen chiếm tỷ lệ cao nhất (68,9%). Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến cho rằng đâu cần chọn Quốc hoa, hoặc Hoa Sen không có mặt ở rất nhiều địa bàn của các dân tộc ít người. Có tác giả cho rằng, gần gũi nhất với dân tộc phải là Hoa Lúa hoặc Hoa Tre… BĐ st Cuốn sách và giỏ đựng than Có một câu chuyện kể rằng tại một trang trại ở miền núi xa xôi, miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy rất sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông đọc cũng say mê và chưa một buổi sáng nào ông quên đọc sách. Cậu cháu trai cũng bắt chước ông, cũng cố gắng mỗi ngày đều ngồi đọc sách. Rồi một ngày, cậu hỏi ông: - Ông ơi, cháu cũng thử đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Hoặc là có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ... Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và chỉ nói: - Cháu hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé! Cậu bé liền làm theo lời ông, dù rằng tất cả nước đã chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà. Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười và nói: - Nước chảy hết mất rồi! Có lẽ lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa! Rồi ông bảo cháu quay lại sông lấy một giỏ nước. Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng lại một lần nữa, khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Thở không ra hơi, cậu nói với ông rằng “đựng nước vào cái giỏ là điều không thể”, rồi đi lấy một chiếc xô để múc nước. Nhưng ông cụ ngăn lại: - Ông không muốn lấy một xô nước. Ông muốn lấy một giỏ nước cơ mà! Cháu có thể làm được đấy, chỉ có điều cháu chưa cố hết sức thôi! Rồi ông lại bảo cháu ra sông lấy nước. Vào lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể đựng nước vào giỏ được, nhưng cậu muốn cho ông thấy rằng dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến chỗ ông, cái giỏ lại trống rỗng. - Ông xem này - Cậu bé hụt hơi nói - Thật là vô ích! - Cháu lại nghĩ nó là vô ích ư... Ông cụ nói: - Cháu thử nhìn cái giỏ xem! Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ. - Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy. Hà Mạnh Đoàn st Mẩu chuyện về Nghệ thuật sống! CHUYỆN KỂ VỀ BƯỚM Một người nọ tìm thấy một cái kén của con bướm. Anh ta nhận thấy cái kén này bắt đầu được cắn rách, sâu bướm bắt đầu bò ra. Quan sát một hồi lâu, anh thấy con sâu bướm cố hết sức lách thân mình qua lỗ hổng mà không được. Rồi con sâu có vẻ ráng hết sức mà không lọt ra nổi và nằm im như chịu thua. Động lòng thương, người nọ muốn giúp con sâu bướm, anh ta lấy mũi kéo nhỏ cắt vết rách của cái kén để sâu bướm ta vuợt ra ngoài dễ dàng. Sau khi sâu bướm ra khỏi kén, thì thân hình lớn ra nhưng đôi cánh thì lại nhỏ. Người nọ cố chờ xem con bướm có thể phát triển thêm ra không? Mong rằng đôi cánh kia có thể nở rộng thêm để đủ sức bay đi. Than ôi! Vô ích! Con bướm đã bị trọn đời tàn tật, lê lết với chiếc cánh nhỏ bé không thể bay đi được. Người nọ vì lòng thương mà hấp tấp làm hỏng cuộc đời con bướm. Anh không biết là luật tạo hóa bắt buộc con sâu bướm phải tự phấn đấu để vượt ra khỏi lỗ nhỏ của cái kén. Vì trong lúc phấn đấu đó, huyết mạch sẽ được luân lưu từ thân mình cho đến đôi cánh và sau khi vượt ra khỏi chiếc kén, bướm ta mới có đủ sức vươn đôi cánh lớn ra mà bay bổng. * * * Sức phấn đấu cũng rất cần thiết cho đời sống chúng ta vậy. Nếu cuộc đời không có những trở ngại thì chúng ta sẽ bị bại liệt như con bướm kia. Chúng ta không có đủ sức để bay bổng trước những thăng trầm thế sự. v Chúng ta phải có đủ trí phấn đấu ngõ hầu vươn lên trong cuộc sống. v Chúng ta sẽ có sức dũng mãnh, vì cuộc đời có những trở ngại khiến chúng ta phải đấu tranh. v Chúng ta sẽ có trí tuệ, vì cuộc đời có những vấn đề nan giải khiến chúng ta phải giải quyết. v Chúng ta sẽ có can đảm, vì cuộc đời có những chông gai nguy hiểm khiến chúng ta phải vượt qua. v Chúng ta sẽ có lòng từ bi, vì cuộc đời có những kẻ bất hạnh để cho chúng ta giúp đỡ. v Chúng ta sẽ có thịnh vượng, vì cuộc đời tạo ra những trí óc và bắp thịt khiến chúng ta phải vận dụng. Các bạn có thấy đúng không? Hoàng Chúc st KỶ LỤC "Nuôi bướm" trong... cuốn sách Nghệ sỹ David Kracov đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết để bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ tới một người từng là giám đốc của tổ chức Chabad’s Children of Chernobyl (COCC – tổ chức cứu trợ trẻ em từ thảm họa nhà máy điện hạt nhân Chernobyl). Có tên gọi “Cuốn sách của sự sống”, tác phẩm này được lấy cảm hứng từ cuộc đời kỳ lạ của giáo sỹ Yossi Raichik, người đã cứu sống hàng ngàn trẻ em khỏi sự chết chóc của thảm họa hạt nhân năm 1986. Hàng nghìn con bướm bay lên từ cuốn sách sự sống “Cuốn sách” này bao gồm những trang chứa đầy cảm xúc của chúng (giờ đều đã trưởng thành) cùng rất nhiều những chú bướm đủ sắc màu. Có tới 2,547 trẻ em đã được vị giáo sỹ này cứu giúp và tạo dựng một cuộc sống mới. Có lẽ không cần giải thích nhiều về hình tượng những chú bướm bay lên từ những trang sách. Một số hình ảnh về cuốn sách đặc biệt này:
Cuốn sách của sự sống được thực hiện công phu “Cuốn sách” này bao gồm những trang chứa đầy cảm xúc cùng rất nhiều những chú bướm đủ sắc MĐ st BẠN TÔI IX Bạn tôi là một người làm nghề tự do. Nghề bạn tôi làm là nghề dịch sách văn học ra hai ngoại ngữ là Anh và Pháp văn. Bạn tôi chủ trương không dịch các tài liệu kinh tế như tờ rơi, các bài quảng cáo, các hợp đồng, mặc dầu có thể được trả giá rất cao, vì theo bạn tôi, các loại tài liệu đó chỉ một thời gian sau là sẽ bị hủy bỏ và sẽ không bao giờ được in ấn để tồn tại với cuộc đời. Còn với các tác phẩm văn học, mỗi tác phẩm khi được in ra, thì dịch giả được coi như là đã có và đã đóng góp cho đời một đứa con tinh thần. Riêng tôi, tôi cũng cảm nhận thấy rằng cái nghề bạn tôi làm, vừa sạch sẽ vừa tuyệt vời quá, vì nghề đó tuyệt đối không phải chịu bất cứ một sự cương tỏa nào; này nhé, muốn làm lúc nào thì làm, muốn chơi lúc nào thì chơi, muốn ngủ là ngủ, muốn ăn là ăn, muốn ở nhà thì ở, muốn đi chơi thì đi, hoàn toàn tự do như là gió… Tuyệt vời hơn nữa là người dịch có quyền lựa tác phẩm nào hợp với mình thì mới dịch, không hợp là có thể thẳng thừng từ chối. Và cũng chẳng phải ra khỏi nhà, vì thường thường người nhờ dịch phải mang tài liệu lại tận nhà, phải nhận bài dịch và phải thanh toán công dịch cũng ngay tại nhà. Và theo bạn tôi, điều “đã tuyệt vời lại tuyệt vời hơn” chính là “mỗi khi nhận được lệnh triệu tập của các mẫu hậu của anh, anh có thể lập tức quăng bút và tuân thủ ngay tắp lự”… Chiều nay, khi ngồi hóng mát và uống “sữa va ni Ensure” với anh ở trên sân thượng ở lầu 3 nhà anh, tôi lân la hỏi anh: “Gớm cái nghề của anh tôi thấy hấp dẫn quá, vì tôi hầu như không hình dung ra được một trở ngại, hoặc khó khăn gì với cái nghề rất ư là an nhiên tự tại này của anh, đúng không anh?”. Anh trầm ngâm trong một loáng và bảo tôi: “Thật ra không hẳn là như vậy Tuấn ạ. Nghề này cũng có một vài vấn nạn rất nghiêm trọng của nó, mà muốn vượt qua được thì phải là thứ dịch giả có bản lãnh mới được, nếu không khi gặp những loại vấn nạn này là điêu đứng ngay!”. Tôi vội hỏi anh: “Đó là vấn nạn gì và anh đã bao giờ phải đối mặt chưa?”. Nghe anh trả lời là có, tôi vội xin anh kể cho nghe. Và anh chậm rãi kể: “Đối với tôi, trong gần 40 năm làm công việc dịch, tôi chỉ gặp có 2 tai nạn quan trọng nhất, nhưng do lòng tự tin và ý chí đấu tranh không nhân nhượng, tôi đã vượt qua được cả hai và đã thành công trong việc bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Việc thứ nhất xảy ra do người nhờ dịch không hoàn toàn tin cậy vào người dịch và do người nhờ dịch quá cầu toàn nên mới xảy ra chuyện. Hồi đó tôi dịch một tác phẩm dày trên 800 trang của một nhà thơ rất nổi danh. Khi bản dịch được làm xong, nhà thơ đã cầu toàn bằng cách nhờ một người bạn mà ông tin là rất giỏi anh ngữ xem lại hộ. Vị này có viết cho tôi một thơ rào trước đón sau rất cẩn thận rồi mới đưa ra đề nghị sửa đổi một số chỗ mà ông ta muốn góp ý để làm cho dịch phẩm hay hơn. Và nhân vật này đã góp ý rất ít, có gần 20 trang viết thôi. Điều đáng buồn là gần 20 trang góp ý của ông ta, tôi chỉ sử dụng được duy nhất 1 điểm là tôi đã nhầm tỉnh Hà Giang là một con sông, và tôi đã cảm ơn ông về việc đó, còn tất cả các đề nghị sửa đổi khác đều phải hoàn trả lại ông vì hầu như tất cả đều có công dụng sửa lành thành què, và thậm chí có một chỗ mà ông ta muốn dịch chàng Trương Chi thành “the Trương Chi guy” (chữ guy này có nghĩa là gã, là tên). Tuấn thấy không? Tội nghiệp cho anh Trương Chi, người thì thật xấu hát thì thật hay quá, vì khi không bị gọi là gã, là tên Trương Chi, nghe quá ư là phản cảm…”. Về vụ này bạn tôi đã tỏ ra thông minh đột xuất khi anh tìm ra một cách để nhà thơ nhờ dịch tức tốc bỏ ý định sử dụng sự góp ý của nhân vật nọ: đó là bạn tôi đã gom trong những trang đề nghị sửa của nhân vật đó được tổng cộng 7 câu tiếng Anh không hề có trong tự điển nào của Anh, kể cả trong những tự điển không rút ngắn (Unabridged) nặng trên 10 kí của nhà Webster. Và anh đã nói với nhà thơ rằng: “Chỉ cần sự hiện diện của một chữ không có trong tự điển tiếng Anh, cũng đủ làm tiêu tan giá trị một bản dịch”. Kết cục là bạn tôi đã giữ nguyên được khuôn mặt tươi tốt của đứa con tinh thần của mình. Và bạn tôi tiếp tục kể tiếp về vấn nạn thứ nhì mà anh đã gặp phải và cũng đã vượt qua được: “Hồi đó mình có dịch một cuốn thơ trong đó có 2 từ “biển khơi”. Để dịch mình đã dùng mấy chữ “open sea” và “high sea” là những từ chính xác để chỉ “biển khơi”, “biển cả”, nhưng người biên tập đã sửa vào bản thảo là “deep sea”. Thấy vậy việc đầu tiên là mình đem ngay chỗ sửa của biên tập viên đó đi làm photocopy để có “tang chứng vật chứng”, kế đó mình viết ngay kế bên lời bình: “ra xa, xuống sâu để thăm vua Thủy Tề à!”. Người biên tập sau khi thấy có lời bình như vậy liền gọi điện thoại lại trách cứ “Tôi làm nhiệm vụ của tôi vì cớ gì bác viết như vậy?”. Mình liền bảo cô ta: “Nếu cô sửa đúng thì tôi cảm ơn ngay, nhưng đây từ “deep sea” không chính xác, và cô đã sửa lành thành què, làm tổn thương đứa con tinh thần của tôi, nên tôi phải lên tiếng”, nhưng cô ta đưa ra lý luận là biển cả biển khơi thì phải sâu, làm sao mà không sâu được và dọa sẽ giữ nguyên từ đã sửa khi in ra sách. Sau một lúc lời qua tiếng lại, mình đã bảo cô ta: “Nếu mà cuốn sách in ra có hai từ “deep sea” thì cô ráng mà lãnh trách nhiệm nhé! Cô có biết rằng Việt Nam ta có một cái Phủ Khai Phong to bằng năm cái Phủ Khai Phong của ba tàu, và một ông Bao Công béo gấp năm Kim Siêu Quần của Tàu không?” Thấy mình nói vậy cô ta hỏi: “Bác nói gì tới Phủ Khai Phong với Bao Công? Bác có ấm đầu không? Có bình thường không? Mình trả lời: “Rất bình thường và minh mẫn để xin giải thích cho cô hay là cái Phủ Khai Phong to gấp năm của ba tàu là “cả nước Việt Nam chúng ta”, và trong cả nước không người này biết thì cũng có người khác biết là “deep sea” là sai , còn ông Bao Công béo gấp năm Kim Siêu Quần của tàu là CÔNG LUẬN là BÁO CHÍ cô biết không? Mà tôi thì không quá xa lạ với Báo Chí, chỉ cần cuốn sách in ra mang hai chữ “deep sea” của cô là tôi đưa toàn bộ chuyện này lên báo… Kết quả là cuốn sách được in ra không có 2 chữ “deep sea”! Trong công việc dịch thuật của anh, bạn tôi tối kỵ việc đưa nhờ người ngoại quốc hiệu đính và việc đứng tên chung với anh Mỹ, chị Mỹ nào. Đơn giản là vì nếu người Mỹ đó không hoạt động trong lãnh vực thi văn, thơ phú thì anh hay chị ta sẽ chỉ có thể làm hại, chứ chẳng giúp làm cho bản dịch hay hơn được chút nào. Tôi đã được đọc một bài viết ở trên mạng của bạn tôi trong đó anh đã đưa ra một bằng chứng vô phương chối cãi là một chị Mỹ nào đó đã can đảm dịch chữ “khôn” trong câu “như khôn ngăn được giọt lệ” thành ra “wisdom” là “sự khôn ngoan”! Bạn tôi còn bảo tôi: “Tuấn ạ, dù anh bạn hay chị bạn có thông hiểu lãnh vực thi văn đi nữa, thì những cách họ sửa cũng sẽ “chắc như bắp” là sẽ làm bản dịch xa nguyên bản hơn… Bạn tôi lúc này đã nhất định “rửa tay gác… bút” vì bạn đã đóng góp tổng cộng 20 bản dịch, để sau này… kể công với Mẹ Âu Cơ. Và từ nay, bạn sẽ dành tất cả những ngày còn lại, mà bạn tin là còn nhiều lắm, để đọc hàng ngàn cuốn sách bạn rất thích mà chưa có thời giờ đọc… VŨ ANH TUẤN HƠI THỞ VÀ ĐỜI SỐNG BS. Lê Hùng PHẦN I: TẦM QUAN TRỌNG CỦA HƠI THỞ: Trong con người vốn qúy nhất là sức khoẻ, nếu mình hiểu và bảo vệ thì sẽ rất tốt, người ta thường nói: “của bền tại người”, cố ý nhắc, cái gì muốn bền lâu vốn do nơi mình biết gìn giữ nó đúng cách. Sức khoẻ là vốn tự có từ Trời đất đã ban cho, thường khi sức khoẻ đã bị đe dọa thì sự âu lo về nó mới thực bắt đầu. Nhiều người sống biết rất nhiều, học giỏi nhiều thứ… ngay chính nhiều người trong ngành y tế chuyên chăm sóc bệnh tật, điều trị sức khoẻ cho nhiều người… khi được hỏi về “THỞ” thường cũng ít người biết sâu, biết cặn kẽ. Trong công tác điều trị, với nhiều bệnh nhân và rất nhiều thứ bệnh tật nói chung, chúng tôi nhận thấy đa phần bệnh nhân không biết thở đúng, thở tốt… nó cũng chính là một phần nguyên nhân của bệnh tật, đồng thời cũng là một phương cách hỗ trợ điều trị hữu hiệu nhiều chứng bệnh nan giải, nó là phương thế hữu hiệu trong vấn đề dự phòng bệnh tật. Vì thế khi nghiên cứu và tập luyện một phương pháp thở nào đó sẽ góp phần to lớn cho công tác gìn giữ sức khoẻ, giảm thiểu nhiều tốn kém vô ích và thời gian sống trong tình trạng bệnh tật nói chung. Chúng tôi nghiệm ra một cách bảo vệ nó tương đối dể dàng thuận tiện với mọi người, trong nhiều hoàn cảnh, không tốn kém. Với phương châm “dễ hiểu, dễ làm và làm có hiệu quả” Đó là phương pháp luyện khí, luyện hơi thở. Hơi thở là dấu hiệu của đời sống, dấu hiệu của sức khoẻ và cũng là dấu hiệu của tâm hồn. Khí bình (1) thì tâm bình, khí nghịch thì tâm loạn, Chỉ hít vào rồi thở ra, cử động rất bình thường nhưng hết sức trọng yếu. Cổ nhân thường nói luyện khí công công phu, là điều khiển sự hít thở này lâu ngày, có phương pháp cụ thể. Chính vì nó có giá trị to lớn về bảo vệ sức khoẻ. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ chuyên vào luyện cho khí bình mà thôi. Chú trọng luyện khí dưỡng sinh, nghĩa là gíúp cho sức khoẻ một phần ít hao tổn trong đời sống thường ngày. Khi khí bình thì tâm lẫn thân được nghỉ ngơi có chủ động. Người ta sống là nhờ thở, ngừng thở là chết. Để thấy tầm quan trọng của vấn đề luyện khí với đời sống con người, nếu thở tốt thì đời sống sẽ tốt. Dù chúng ta làm việc này việc nọ, có thể làm, cũng có thể chưa làm… đều được. Nhưng với “THỞ” thì luôn luôn phải thực hiện, vì đó là sự tồn tại có tính bản năng của sự sống. Hơi thở là dấu của “Tâm”. Mọi hoạt động, diễn giải cuộc đời đều từ “Tâm”. Người xưa có câu “Tâm chủ thần minh, Tâm chủ lục phủ ngũ tạng”(2). Nếu hơi thở là dấu của “Tâm” thì cực kỳ trọng yếu cho đời sống của mỗi người. Khi luyện khí cũng có nghĩa là dưỡng tâm vậy. Trong các nguyên nhân gây bệnh, nguyên nhân thất tình: bi, thương, hỷ, nộ, ái, ố, kinh(3) thường là nguyên nhân trọng yếu gây tổn thương tạng phủ, thường chậm, lâu dài và chắc chắn, nhất là các bệnh tật mãn tính. Luyện khí có thể chế ngự phần lớn, để thất tình không quá mức gây hại tạng phủ, dẫn đến cơ hội cho bệnh tật sinh ra. Đây là một công phu tu dưỡng lâu dài, kiên nhẫn, bền chí. Tuy vậy nếu biết rõ bản chất vấn đề, có được người hướng dẫn tốt thì không khó lắm và thường chắc chắn thành công. Luyện khí không phải có biết mà thành, thường phải luyện, thêm với thời gian (lòng kiên nhẫn) thì sẽ thành, nên có nhiều người biết, nhưng thành công của việc luyện khí thì ít là vậy. Làm sao luyện khí thì chế ngự được thất tình? Vì khí là dấu của “Tâm”, vì thế khi khí bình thì “Tâm” tự nhiên bình. Thường khí bình thì hơi thở điều hoà, tạng phủ thư thái thần thái ung dung. “Khí” rất khó bình, hay thay đổi, không có hình tướng, không mùi vị, không có màu sắc, không đầy, không vơi, không có trước, không có sau… làm sao có thể nhận biết được khí đã bình? Chúng ta sẽ nhận biết khí qua hơi thở, vào và ra. Im lặng và để tâm yên tĩnh, chúng ta sẽ thấy khí vào và đi ra. Lâu dần sẽ thấy tốc độ của khí, dung lượng, tính cách, nóng lạnh, độ nông sâu… qua một thời gian sự biết về hơi thở của chúng ta (mỗi người tự biết không ai có thể biết thay được) sẽ rõ ràng và cụ thể hơn. Khi đã thấy thì dễ dàng điều khí được, thay đổi khí theo ý muốn, mỗi ngày tiến bộ một ít. Lâu ngày thành thói quen nên dễ dàng hơn. Khi hít vào gọi là vay, thở ra gọi là trả. Vay trả đều hoà, tự nhiên thoải mái là khí bình. Như khi thấy bóng đèn sáng đều là chúng ta biết điện ổn định, khi thấy chớp tắt liên tục là chúng ta biết có sự cố bất thường. Vì hơi thở là dấu của tâm - khi hơi thở đều hoà là tâm bình - tâm bình thì tạng phủ được yên, nếu hơi thở không đều thì tâm sẽ không bình - tâm không bình thì tạng phủ không yên - dẫn đến nhiều bệnh tật. Tâm có ý nghĩa đến nhiều cơ quan tạng phủ trong con người, vì thế khi Tâm bình an thì bệnh tật ít sinh ra, dẫu có sinh ra cũng dễ lành, ít hao tổn nhiều, lỡ lúc gặp bệnh hiểm nghèo cũng dễ vượt qua được. Vậy hơi thở bình sẽ trở thành một dấu hiệu của sức mạnh xuất phát từ bên trong. Luyện khí chính là chế ngự, gìn giữ cho khí luôn luôn bình. Chính nhờ công phu luyện tập lâu dài, hun đúc thành thói quen phản xạ tự nhiên, dần dần hơi thở không cần kiểm soát vẫn cứ bình, đó là lúc thành quả ban đầu và cũng là nền tảng đã thành công. Ngay khi hơi thở đầu tiên đều đặn thì đã có dấu hiệu thành công rồi, nhưng sự thành công này không bền do chưa có công phu. Nhiều người cứ nói tập khí công là rất khó, không thể thành công được là do cầu quá cao, do muốn có cường lực, thần thông… chúng ta không nhắm đến điều này. Sự thật điều này rất khó và cũng không cần thiết. Chúng ta chỉ tập làm sao hơi thở sâu và được điều hòa trong mọi hoàn cảnh phức tạp của cuộc sống, chính điều này sẽ mang lại tác dụng kỳ diệu thật sự mỗi ngày mỗi chứng đạt hơn. Có thể gọi hơi thở dưỡng sinh. Rất ít người có được khí Bình (khí điều hòa) luôn luôn, “khí bình là dấu hiệu cả tâm hồn lẫn thể xác tốt”. Vì thế chúng ta luyện khí chính là tạo lập sự tốt này cho cả sức khoẻ thể xác và tâm hồn. Thường chúng ta hay nhận thấy các hình thái rối loạn của khí như sau: - Khí Đoản: là chính khí hư. Khí đoản có nghĩa là hơi thở thường ngắn, yếu, dễ đứt quãng, hay có những cơn ngừng thở ngắn, người hay mệt nhọc, nếu có bệnh thường khó lành, nếu không có bệnh thì dễ mắc bệnh khi gặp hoàn cảnh thay đổi. Nếu trong người thấy hơi thở của mình hay đứt quãng, hay hụt hơi thì càng nhanh chóng tập phương pháp này. Khí đoản thường hay ở người có bệnh lâu ngày hoặc người có bẩm thụ khí tiên thiên èo uột. - Khí Nghịch: là khí thăng giáng bất thường, dễ nóng, hay cáu gắt… những hành động thường thất thường. Thường ở trên người mạnh khỏe, công việc nhiều, buồn vui lẫn lộn... Khí nghịch dễ dẫn đến các bệnh cấp như cao huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh hoang tưởng, bệnh hay gây sự… Nếu thường luyện khí thì tâm tính tự nhiên điều hòa hơn, nếu có bệnh cũng dễ điều trị. - Khí Loạn: là khí bất thường, khi thì nhanh, khì ngừng, khi thì rất chậm… nói chung là do ảnh hưởng rất nhiều đến sự hoảng loạn lo âu kinh sợ vô cớ, stress… Thường ở trên người yếu ốm suy nhược hoặc người có hoàn cảnh khó khăn lâu ngày không giải quyết được. Khí loạn làm cho công năng các phủ tạng không yên, xáo trộn thất thường… lâu ngày dẫn đến tổn thương các công năng hoạt động các cơ quan gây các bệnh chứng, ban đầu nhẹ sau nặng dần do không điều trị đúng nguyên nhân. - Khí Uất: là khí không thăng được. Có số người trong lòng luôn bị đè nén, hoặc bị người khác áp bức, hoặc nỗi oan chưa giải được… làm khí không thông uất kết lâu ngày trong cơ thể gây nên không ít những bệnh tật - Khí Thịnh: là khí thông thoát quá sung mãn, gặp nhiều sự vui sướng… có nhiều người trúng số, hoặc được thành quả lớn bất ngờ… thì có thể đột tử ngay lúc đó hoặc bị một cơn bệnh cấp tính như nhồi máu cơ tim, hoặc cơn cao huyết áp… Cũng là thường theo lẽ “vật cùng tắc phản”. Xin được trình bày sơ như vậy để chúng ta thấy hơi thở là dấu hiệu cực kỳ quan trọng của đời sống cả tâm hồn và thể xác, người ta có thể nhìn cách thở là có thể đoán một phần bệnh tật trong con người, vì đa phần người ta thường thở theo cơ chế tự nhiên không điều khiển. Để không bị trôi theo một cách thụ động các tình trạng xấu của hơi thở, để phát huy động lực cải thiện tình trạng không tốt, tình trạng sức khoẻ, để dưỡng tâm yên tĩnh, và rất nhiều lợi ích vô cùng to lớn dành cho ai nỗ lực bước chân vào…. chúng ta cùng bắt đầu luyện khí công dưỡng sinh công phu. Các điều kiện cần thiết tối thiểu như sau, v YÊN TĨNH , cả thân và cả tâm(4). Thường ít cầu (cầu tài, cầu sắc, cầu danh, cầu lợi... cầu lợi cho mình) thì tâm mới thường lạc do câu Lão Tử nói “tri túc thường lạc”. v Chuyên Cần , ngày nào cũng tập một chút, chừng 15 phút là giỏi rồi. v Giới luật , Không được uống rượu trước lúc tập, sau ăn ít nhất hai giờ, đời sống đơn sơ đạm bạc thì tập rất có kết qủa. Phương pháp: Tư thế : Ngồi trên ghế, xếp bằng, ngồi kiết già, có thể nằm nếu mệt… làm sao lưng thẳng, thoải mái yên tĩnh, có thể ngồi lâu mà không khó chịu là được. (Trong các tư thế, tư thế ngồi Kiết già là tư thế tốt nhất, nhưng khó nhất. Vì thế trong thời gian đầu không nên ngồi Kiết già để tập, mà nên tập ngồi Kiết già riêng trong ngày cho quen, sau đó sẽ vừa ngồi Kiết già vừa tập thì sự khó khăn mới không còn, sự tập dễ thành hơn). Cách thở : Thời gian hít vào bằng thời gian thở ra bằng mũi một cách thoải mái tự nhiên, tuyệt đối không gượng ép, gắng sức, căng thẳng, sau tập thấy mệt mỏi là sai. Khí vào ra như làn khói êm đềm thư thái là tốt. Thường ban đầu thở hay bị tán loạn không đều, lâu dần tự nhiên nó sẽ đều, đó gọi là công phu luyện khí (khí công công phu). Khi luyện thở tâm hồn phải thư thái tự nhiên, miệng như mỉm cười (gọi là nụ cười nội thị)(5). Xin tóm lại với bài thơ sau: Ý thủ tại KHÍ (ý thủ có nghĩa là theo, đừng rời). Sâu, đều, êm, nhẹ (khí phải sâu, mà đều, êm và nhẹ). Thần thái ung dung (tinh thần phải thoải mái). TỰ NHIÊN thoải mái (tất cả công việc luyện khí làm một cách tự nhiên không nôn nóng) Phương pháp này tuy đơn giản nhưng thật sự đã đem lại một sức mạnh to lớn cả về thân lẫn tâm. Chúng tôi hy vọng sẽ góp một phần nhỏ làm niềm vui cuộc sống của mọi người được thấm đượm hơn như từng hơi thở qua từng giây phút của cuộc đời. Phần II: CÁCH LUYỆN KHÍ CÔNG DƯỠNG SINH. Nhận định tình hình sức khoẻ chung: khi gặp tình trạng Khí kém, hơi thở ngắn, nhỏ, yếu, mau mệt. Để giải quyết vấn đề này không gì bằng luyện khí KINH NGHIỆM THỰC HÀNH: Phần nầy có thể gọi tắt là LUYỆN THÂN. Người mới tập thường gặp nhiều khó khăn, vì thế giai đọan đầu nên chỉ ngồi TƯ THẾ (phần tư thế xin xem phần dưới) cho ngay ngắn trang nghiêm là được rồi, nếu có thể ngồi được chừng 20 – 30 phút là rất tốt. Người ta thường hỏi khi ngồi như thế thì thở như thế nào? Xin trả lời là NÓ MUỐN THỞ SAO THÌ TÙY THEO Ý NÓ. – Khi ngồi như vậy thì Tâm phải nghĩ đến chuyện gì? Xin trả lời: NÓ MUỐN NGHĨ CHUYỆN GÌ THÌ CỨ NGHĨ – vì sao vậy? Vì giai đoạn nầy chỉ chú trọng NGỒI YÊN, còn mọi sự khác sẽ liệu định sau, nếu ngồi yên được coi như việc Luyện Khí đầu tiên đã thành, đây là căn bản nhất, người không qua được giai đoạn nầy thì coi như không thể tập tiếp theo được. PHƯƠNG PHÁP LUYỆN KHÍ : Giai đoạn nầy gọi là LUYỆN KHÍ. Sau khi Luyện Thân đã tốt một thời gian, thì khi ngồi thì lập tức Luyện Khí liền. HÍT VÀO : Đếm thầm trong trí: 1, 2, 3, 4, 5. Có ý đưa khí xuống vùng khí hải (dưới rốn chừng 3cm). Sau đó nghỉ một giây. THỞ RA : Cũng đếm thầm trong trí: 1, 2, 3, 4, 5. Nghỉ một giây, rồi lại hít vào. Chú ý khi luyện khí: - Lưỡi để lên vòm miệng. - Miệng như mỉm cười. - TÂM buông bỏ mọi sự, chỉ nhận biết khí vào và ra mà thôi. NƠI TẬP : Chỗ nào cũng được, miễn là nơi tương đối sạch sẽ, yên tĩnh. Tuy nhiên khi ở trong nơi làm việc, học tập mà cảm thấy có thể tập được thì đều có thể dụng ý tập cũng hay. THỜI GIAN : lúc nào cũng được, tuy nhiên không nên đang đói quá hoặc no quá mà tập. Mỗi ngày phải có vài lần tập cho quen dần, sau đó cơ thể tự động luôn luôn điều khí một cách rất tự nhiên. TƯ THẾ : Ở mọi tư thế, nhưng tốt nhất là tư thế kiết già hoặc bán già. Nói chung nằm ngồi đi đứng đều được, do dụng TÂM nhiều chứ không chú trọng tư thế. Mọi lúc mọi nơi. KẾT QUẢ : Không nên chưa tập mà hỏi kết quả như thế nào. Vì như thế là do TÂM muốn cầu thành mà loạn không yên, dễ gây chán nản. Rất nhiều người cứ hỏi tập có lợi ích gì, trong lúc chưa tập bao giờ, vì không thể trả lời một điều có được bằng tập luyện mà được diễn tả bằng ngôn từ được. Lợi ích của tập luyện là vô cùng to lớn. Khi tập, người tập sẽ tự khắc nhận ra kết quả, không nên hỏi làm gì vô ích. Quan trọng nhất là siêng năng tập luyện, không nên bỏ ngày giờ nào hoặc có cơ hội tốt mà không tranh thủ tập luyện. Chú thích: (1) Khí đây không phải nói về không khí, mà nói về tình trạng, tính cách thở của sự hô hấp (2) Tâm ở đây không phải trái tim, Tâm đây là tạng Tâm, có ý nói một số chức năng rộng lớn rất nhiều mà chúng tôi không tiện trình bày trong bài viết này. Có thể nói sơ đó là một thực tại vừa hình thể vừa khí hóa, vừa vô hình, hay cũng chính là tâm hồn của mỗi con người. Tâm chủ thần minh: về tinh thần, sự sáng suốt, sự điều hoà, sự bình an hay rối loạn… đều do Tâm. Tâm chủ cả lục phủ ngũ Tạng, là tất cả các cơ quan trong con người. Các cơ quan này hoạt động không ngoài Tâm được. Do vậy khi can thiệp làm cho Tâm được bình, là can thiệp toàn bộ cơ thể con người. (3) Buồn, đau xót, vui, giận, yêu, ghét, kinh hãi. Con người có thể sau một đêm đau buồn đã già đi hàng chục tuổi. Hoặc khi một cơn giận thoáng qua, có thể chết tại chỗ, hoặc có người mừng quá trong các cuộc thắng độ đá banh cũng chết dễ dàng… nếu những xúc động nhẹ, âm ỷ thì thường gây những trạng thái tâm lý bất thường, lâu ngày dẫn đến bệnh lý. (4) Thân yên tĩnh thì ai cũng biết dễ dàng, ngồi yên là thân được yên. Nhưng để tâm được yên tĩnh thì vô cùng khó khăn. Người ta đã dùng vô số phương pháp để tu tập cho tâm được yên, trong đó có giữ giới luật như: ăn chay để lương thực thanh bạch làm tâm hồn được yên, không uống rượu hoặc các chất kích thích để thần được yên. Trừ bớt nhiều sự dính mắc ở trong tâm bằng cách đóng ngũ quan (tai, mắt, mũi, miệng, xúc), để không nhiễm phải lục trần (cảnh). Nhưng có rất nhiều người đã giữ giới, ăn chay, không uống rượu… mà tâm vẫn không thanh tịnh, có thể họ chưa chu toàn hoặc phải cần một vị thầy trực tiếp dìu dắt nếu có thành tâm mới được. Bí mật của trình thuật về tâm thanh tịnh, yên tĩnh không thể diễn tả trọn vẹn bằng lời, đây chỉ gượng dùng thuật ngữ rất sơ sài để nói về một thực tại siêu việt, vô cùng thâm diệu, nên thế nào cũng nhiều sơ sót. Nhưng tâm thanh tịnh là nền tảng của nhiều vấn đề chứ không phải chỉ riêng về luyện khí để bảo vệ sức khoẻ. (5) Trong bài thơ TÌNH THƯƠNG :“tập tánh tình thương – tình thương thành thật – tình thương tự tánh – tại thế thành thiên”, chúng tôi xin mạn phép nhắc lại. Nụ cười nội thị có nghĩa là nụ cười từ bên trong, chúng ta không thể có được nụ cười đó khi bên trong chứa đựng quá nhiều sự tham lam, hận thù, vị kỷ… nụ cười sẽ hiện rõ nét khi bên trong có tính tánh thương thành thực.
Phụ Bản IV Làm việc tập trung đừng quên thở... Khi làm việc căng thẳng hoặc bận rộn như soạn thảo văn bản, trả lời e-mail, thiết kế đồ họa, soạn các văn bản kế toán… dường như chúng ta quên thở! Vậy bằng cách nào để nhận biết mình đang thở và thở như thế nào có lợi cho sức khỏe? Những lúc quên thở như thế, hệ hô hấp chỉ làm việc cầm chừng để duy trì các hoạt động của cơ thể. Nếu tình trạng làm việc này kéo dài não sẽ bị thiếu khí, cơ thể mệt mỏi, trí óc không còn minh mẫn. Để có thể thở đúng và đủ ở mọi lúc, mọi nơi, chúng ta cần phải tập luyện thở một cách đều đặn làm sao cho việc “hít vào - thở ra” trở thành một quán tính của cơ thể. Kiểm soát hơi thở . Tập thở có thể thực hiện từ 5 - 10 phút vào bất cứ lúc nào, tại bàn làm việc hoặc một nơi có thoáng khí (có khí trời tự nhiên)… Tập thở tại bàn làm việc sẽ có hai cách: - Thứ nhất đang làm việc sực nhớ mình thở ít quá, lập tức hít vào - thở ra dài, sâu trong lúc vẫn tiếp tục làm việc. - Thứ hai nếu thời gian phải hoàn thành công việc không quá thúc bách thì hãy tạm gác việc lại để theo dõi từng nhịp thở, hít vào dài sâu - nín thở (khoảng vài giây) - thở ra dài sâu - nín thở. Mỗi người có thể lặp lại chu kỳ thở như trên bao nhiều lần tùy theo thời gian cho phép. Cách thở thứ hai tốt hơn cách thứ nhất vì sự trao đổi khí ở phổi, ở các mô của cơ thể, cũng như lượng không khí được đưa lên não sẽ nhiều hơn. Sau mỗi đợt thở như vậy bạn sẽ cảm thấy phấn chấn, tỉnh táo và tươi mới hơn trước cả về thể chất lẫn tinh thần. Nếu bạn có điều kiện để đi ra một nơi thoáng khí thì nên thở theo cách thứ hai, tuy nhiên nên kèm theo một số động tác. Ví dụ đứng thẳng, khi hít vào nâng thẳng người rồi ưỡn ra phía sau, lồng ngực mở rộng tối đa đồng thời nâng lên cao - nín thở - thở ra kèm theo cúi người về phía trước, thóp bụng hai tay hạ xuống rồi hướng xuống đất, thở ra cho đến khi hết khí trong phổi - nín thở. Sau đó lập lại chu kỳ thở như vậy bao nhiêu lần tùy theo sức của mình. Thở ở tư thế đứng là cách thở chất lượng nhất. Đối với người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim mạch nặng khi tập động tác này không nên cúi xuống hoặc nín hơi nhiều, chỉ cần đứng thẳng người và thở vào thở ra nhẹ nhàng. Cho não nghỉ ngơi Ngoài ra chúng ta cũng nên dành thời gian để cho não nghĩ ngơi, bởi vì não (hay nói một cách khác là hệ thần kinh trung ương) không thể làm việc quá căng thẳng kéo dài. Theo góc nhìn của y khoa thì não có ba dạng: - Dạng thứ nhất, sức mạnh của não kém hơn cơ thể rất nhiều nên não mệt nhanh, trong trường hợp này nên cho cơ thể nghỉ ngơi sớm. - Dạng thứ hai, hoạt động của não và cơ thể tương đối quân bình, khi nào não mệt thì cơ thể cũng mệt nên cả hai cùng được nghỉ ngơi như nhau (dạng người này sinh hoạt và làm việc tương đối hợp lý nên sức khỏe được bảo tồn, không quá hao phí). - Dạng thứ ba, não hoạt động rất mạnh nên lúc nào cũng thông minh, tỉnh táo, luôn luôn sáng tạo, đam mê công việc và có khát vọng thành công mãnh liệt. Đối với dạng người thứ ba, do trí óc hoạt động quá mạnh mẽ, kéo theo cơ thể phải làm việc liên tục và không được nghỉ ngơi hợp lý nên nhiều lúc dù sức khỏe bị sút giảm nghiêm trọng họ cứ nghĩ rằng “vẫn chạy tốt”. Chính sự gắng gượng này sẽ dẫn đến một ngày suy sụp không xa của đối tượng thứ ba, khi hàng loạt bệnh lý nặng cùng xuất hiện! Điều này cũng giống như đầu máy tàu lửa rất mạnh nhưng do kéo theo những toa tàu đã xuống cấp, cũ kỹ, cuối cùng cả đoàn tàu phải bị trật đường ray. Trong ba trường hợp nêu trên nếu bạn rơi vào hai trường hợp sau thì nên tìm cách cho não thư giãn, nghỉ ngơi kịp thời, kẻo muộn. Vậy nên cho não nghỉ ngơi như thế nào? Có nhiều cách nghỉ ngơi như ngủ cho đủ giấc, ngủ bù hoặc nghỉ phép một vài ngày để đi du lịch cho tâm hồn, trí não được thanh thản. Ngoài ra cũng có cách dành cho não nghỉ ngơi tích cực và ít tốn kém nhưng mang lại nhiều hiệu quả đó là phương pháp “thiền định” căn bản có thể giải tỏa mọi căng thẳng, lo âu, toan tính thường ngày. Có thể nói một cách nôm na rằng: giữ cho cơ thể ở trạng thái tỉnh thức để nhận biết “ta đang làm gì” đó chính là thiền. Nói thì dễ nhưng thực hành cho thuần thục là điều rất khó! Phương pháp thở căn bản. Đầu tiên, bạn hãy cảm nhận hơi thở của chính mình - “hít vào ta biết ta đang hít vào, thở ra ta biết ta đang thở ra” nhẹ nhàng, thanh thản, không gắng sức, không mong cầu, thong dong tự tại. Lúc đầu có thể bạn khó giữ được sự chú ý đến “hơi thở vào - ra”, do quá nhiều ý nghĩ xuất hiện trong tâm trí. Dần dần thời gian của sự nhận biết hơi thở càng ngày càng kéo dài, và những khoảnh khắc của sự nhận biết đó sẽ xuất hiện nhiều lần trong ngày. Sau một thời gian tập luyện thuần thục nếu bạn đã kiểm soát được hơi thở của mình thì lúc đó có thể tập thiền ở bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào kể cả đi, đứng, nằm, ngồi… Phương pháp thiền định căn bản đơn giản chỉ có thế nhưng nếu bạn thực tập đều đặn sẽ phát huy tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần trong cuộc sống hàng ngày.
Bs Nguyễn Lân Đính st Câu chuyện 1000 viên bi Càng lớn tuổi, tôi càng thấy thích thưởng thức những buổi sáng Thứ Bảy. Có lẽ là do bầu không khí yên lặng, tĩnh mịch cùng với việc là người đầu tiên thức dậy, hay cũng có thể là do niềm vui khi không phải đi làm. Dù sao đi nữa, vài giờ đầu của sáng Thứ Bảy luôn luôn mang lại cho tôi những cảm xúc thích thú nhất. Cách đây vài tuần, vào một buổi sáng Thứ Bảy, tôi ngồi thưởng thức ly cà phê còn bốc khói, đọc báo và nghe radio. Từ radio đang phát ra một giọng nói vô cùng ấm áp, hấp dẫn, chất giọng vàng của một người đàn ông đã đứng tuổi đang nói với một ai đó tên là Tom về câu chuyện một ngàn viên bi gì đó... Tò mò, tôi ngừng đọc báo và lắng nghe ông nói. “Này Tom, hình như anh đang rất bận với công việc của anh thì phải. Tôi chắc rằng họ trả lương cho anh cũng khá lắm phải không, nhưng thật không đáng nếu anh cứ phải luôn luôn vắng nhà và xa gia đình vì công việc như vậy. Không thể tin được một người trẻ tuổi như anh lại cứ quần quật làm việc mỗi tuần từ 60 đến 70 tiếng để trang trải mọi thứ. Thật đáng tiếc anh đã không tham dự được buổi biểu diễn của con gái anh”. Ông tiếp tục, “để tôi kể cho anh nghe điều này anh Tom ạ, một điều đã giúp tôi ý thức về những gì ưu tiên trong cuộc sống của mình”. Và ông bắt đầu giải thích lý thuyết của ông về “một ngàn viên bi”. “Anh biết không, một ngày nọ tôi đã ngồi làm thử một bài toán nhỏ. Mỗi người trung bình sống được khoảng 75 năm. Tôi biết cũng có người sống thọ hơn và cũng có người chết sớm hơn nhưng trung bình, người ta sống được khoảng 75 năm”. “Sau đó, tôi nhân 75 năm đó với 52 tuần thì ra con số 3900, là tổng số ngày Thứ Bảy mà mỗi người có được trong cả cuộc đời của họ. Này anh Tom, hãy tập trung và lắng nghe, tôi đang dẫn giải đến phần quan trọng rồi đây”. “Phải đến năm 55 tuổi tôi mới biết suy nghĩ về mọi việc kỹ càng như vậy”, ông tiếp tục, “và cho tới lúc đó, tôi đã sống qua hơn 2800 ngày Thứ Bảy của đời mình. Và nếu tôi sống được đến năm 75 tuổi, tôi sẽ chỉ còn được hưởng khoảng 1000 ngày Thứ Bảy nữa mà thôi”. “Và rồi tôi đi tới một cửa hàng đồ chơi, mua tất cả những viên bi họ có, và phải đi tới ba cửa hàng tôi mới mua được đủ 1000 viên bi cho mình. Tôi đem chúng về nhà, bỏ vào chiếc hộp nhựa lớn, ngay cạnh chỗ tôi thường ngồi. Từ đó, khi mỗi ngày Thứ Bảy qua đi, tôi lại lấy một viên bi ra và ném bỏ đi”. “Tôi nhận ra rằng, khi nhìn số lượng những viên bi trong hộp ngày càng giảm dần, tôi đã biết tập trung hơn cho những điều thật sự quan trọng trong cuộc sống. Không gì thức tỉnh bằng việc nhìn thời gian còn lại trên trái đất của mình cứ ngắn dần và nó sẽ giúp bạn biết ý thức về những ưu tiên của mọi việc”. “Bây giờ, tôi sẽ nói cho anh Tom nghe một điều cuối cùng trước khi tôi ngừng cuộc trò chuyện này của chúng ta để đưa người vợ yêu quý của tôi đi ăn sáng. Sáng nay, tôi đã lấy viên bi cuối cùng ra khỏi chiếc hộp. Tôi hình dung nếu tôi có thể giữ nó cho tới sáng Chủ Nhật hôm sau nữa thì tức là Chúa đã ban cho tôi thêm một chút thời gian để được ở lại bên những người thân yêu… “Thật tốt khi được trò chuyện với anh, anh Tom ạ, tôi mong anh sẽ dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu của anh và tôi cũng hy vọng, một ngày nào đó sẽ gặp lại anh. Chúc buổi sáng tốt đẹp!”. Không một tiếng động khi ông ấy kết thúc cuộc trò chuyện. Tôi nghĩ ông ấy đã khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Sáng hôm đó, tôi đã định làm một số việc, nhưng rồi, tôi quyết định chạy lên lầu, đánh thức vợ tôi bằng một cái hôn. “Dậy thôi em yêu, anh sẽ đưa em và các con đi ăn sáng”. “Có chuyện gì đặc biệt hả anh?”, vợ tôi hỏi với một nụ cười. “Không, không có gì đặc biệt cả”, tôi nói, “Chỉ vì đã lâu lắm rồi hai vợ chồng mình không có thời gian với nhau và với các con. À, trên đường đi mình dừng lại ở cửa hàng đồ chơi một chút nhé, anh cần mua một vài viên bi”. MĐ st Mata Hari trong thế chiến thứ hai NỮ GIÁN ĐIỆP LI-NA Đã làm cho 63 người đàn ông chết vì nàng Mata Hari là một nữ gián điệp nổi tiếng trong thế chiến thứ nhất. Nhiều sách vở và phim ảnh đã thuật lại cuộc đời ly kỳ của nàng. Kết cục, nàng bị xử trảm. Dưới đây là chuyện một nàng Mata Hari trong thế chiến thứ nhì. Đầu tháng Bảy năm đó… người ta tìm thấy xác một thiếu phụ, chết trong một khách lầu, ở Séville. Thoạt tiên thấy mất cái túi (sac) và ít đồ nữ trang, ai cũng cho đó là một vụ án mạng, để sang đoạt bạc tiền. Theo sự điều tra của nhà chức trách thì thiếu phụ thiệt mạng đó vừa tới ở khách lầu này được hai ngày và ghi tên vào sổ là Antonia Linar, quốc tịch Á Căn Đình (Argentine). Không mấy lúc, nhà chức trách điều tra rằng giấy thông hành “laissez-passer” của người bạc mạng là giấy thông hành giả. Kẻ bị nạn đã ở Tây Ban Nha, trong hai năm và trong thời gian đó đã mang bảy tên khác nhau. Tuy vậy, sau tám ngày, cuộc điều tra coi như kết liễu, thi hài người đàn bà mang tên Linar được chôn cất, không có một người nào đưa đi. Vài nhựt báo địa phương loan tin rằng, đây là một vụ trả thù giữa người trong bọn với nhau và có lẽ còn lâu lắm mới bắt được thủ phạm. Không đợi bắt được thủ phạm vô hình, ở Madrid, Sanit Sébastien, Luân Đôn, Balê hay Moscou các trưởng ban mật vụ đã rút ở ngăn kéo ra. Lấy tập hồ sơ mật và đóng một dấu thập đen và thở ra khoan khoái. Antonia Linar tức Jacqueline Mènard, tức Joséfa Melic, không còn nữa. Mấy năm trước đây, đời sống của nàng thiếu phụ mạo nhận quốc tịch Á Căn Đình đã làm trở ngại rất nhiều cho các bạn cũ của nàng. Cần phải thủ tiêu đi cho nó dứt khoát. Nàng chính là người Tiệp Khắc (Slovaquie) sinh tại Brno, lúc đó là 37 tuổi. Hồi còn 22 tuổi, khi học thông ngoại ngữ, nàng lấy một kỹ sư tên là Pahocka làm ăn một cách lương thiện, ông thương vợ vô cùng, nhưng không phải là người chồng xuất sắc, sau một năm ăn ở cùng chồng, Joséfa, quen biết một chàng trẻ tuổi ở Prague, tên là Brenz, thường lẩn quẩn ở trong vùng để mưu tin nhiều việc quan trọng, như xây dựng những xóm thợ thuyền, cất rạp hát v.v… Brenz tán tỉnh với thiếu phụ Linar, hễ khi nào chồng Linar đi vắng, chàng lại đến tận nhà nàng để thăm nàng. Brenz đẹp trai, có xe hơi đẹp. Và mỗi khi đến thăm lại tặng Linar nhiều món đồ quý giá. Nàng say mê và bảo: - Em yêu anh lắm, rồi em sẽ nói chuyện với chồng em. Chúng em sẽ ly dị nhau và em sẽ theo anh tới tận cùng trái đất. Brenz cười, nhưng trong thâm tâm không muốn vậy. Biết là Linar đã say mê mình rồi, Brenz nói chuyện chính trị với nàng, và thuyết phục Linar, tại sao hai nước Đức và Tiệp lại phải câu kết với nhau, sự cấu kết này, nuớc Đức mong đợi lắm, nhưng có nhiều kẻ xấu bụng ở Prague (kinh đô Tiệp Khắc) bán mình cho giặc Anh và Pháp lại muốn phá hoại. Việc đó không chứng tỏ rằng, Tiệp không muốn thân thiện với Đức, song le chiến lũy ở biên giới Đức chứng tỏ Tiệp muốn nhằm Đức và coi như Đức không phải là bạn. Hiện nay, Tiệp lại tăng cường chiến lũy đó, và chồng em là một kỹ sư chánh coi công việc xây chiến lũy. Em phải tìm mọi cách để ngăn cản công việc đó, thì mới là người yêu nước. Kết quả ra sao? Lựa là chẳng phải nói ra thì ai cũng đã biết rồi. Brenz người tình của Linar chỉ là một nhân viên trong đạo quân thứ năm, đạo quân phản gián điệp của Đức ở nước Tiệp Khắc, đặt dưới quyền của đô đốc Canaris. Chẳng mấy chốc Linar thành ra một cộng sự viên đắc lực của Brenz. Nàng đánh cắp của chồng và bạn chồng nhiều tài liệu, chương trình và kế hoạch rất mực quan trọng “về chiến lũy Ma-Gi-Nô” (Maginot) (L’initiative d’andré Maginot Paris 1877 id 1932 Ministre de la guerre…) trên đất Tiệp. Brenz một gián điệp tài ba, một tình nhân khả ái đã làm một điểm quan trọng về tâm lý. Công việc của y xong xuôi rồi, y không những chỉ thay đổi miền hoạt động mà thôi, y lại thay đổi luôn cả “bạn gái” nữa. Linar biết vậy, nhờ một bức thư của chính Brenz viết cho nàng, tạ từ nàng và báo cho nàng biết: “Tình của chúng ta đã hết”. Một người đàn bà giỏi tâm lý : Linar đã nghĩ đến chuyện tự tử, và giết luôn cả người tình lang bội bạc. Nhưng vì mấy tháng gần đây, nàng thấy nhiều biết rộng, nàng không chịu chết một cách vô ích… Biết rằng lúc rời vùng Winperk ra đi, Brenz phải hoạt động một miền khác ở Tiệp Khắc, nàng bèn viết một thư nặc danh, đánh máy chữ bỏ vào thùng thơ cách Winperk 100 dặm, cho sở phản gián điệp Tiệp Khắc vùng này để mách rằng, ở trong vùng có một gián điệp Đức, theo nó có nhiều tài liệu quý giá và tả luôn hình dáng Brenz nữa. Sau mười lăm ngày điều tra, Brenz bị bắt quả tang đang chụp ảnh một xưởng máy còn đang xây dựng. Lính ập vào bắt, Brenz bắn súng, nhưng kết cục, Brenz bị bắn chết. Không đợi kết quả bức thư của nàng gởi đi, Linar đi đến MuNich (Munichois: thuộc về thành phố Đức) sau khi để lại một bức thư vĩnh biệt chồng. Nàng đến nhà một người đàn ông từng gặp đi chơi với Brenz nhiều lần, mà nàng đoán là một tay gián điệp cao cấp của Đức ở ngoại quốc. Nàng nói: - Anh đã biết tôi và nếu cần anh có thể hỏi Brenz về tôi. Brenz hẹn tôi đến MuNich trong tuần này. Tôi biết nhiều thứ tiếng, chắc chắn tôi sẽ giúp được nhiều việc. Tôi chỉ có một nguyện vọng là làm việc cho Đức quốc. Brenz mãi chưa tới. Sau người ta được tin anh bị “hạ” và người ta đoán rằng đó là do một sự bất cẩn của một nhân viên giúp việc. Tại MuNich, Linar đổi tên và mang tên mới là Jacqueline MêNa, con gái của một tay thực dân ở Congo, đi làm công chuyện và nhân dịp du chơi ở Âu Châu. Nàng nói tiếng Pháp thành thạo. Tháng Chạp năm 1930, lãnh nhiệm vụ thứ nhất, Linar được cử đi Hòa Lan Bảo và miền nam nước Pháp để coi chừng những vụ tiếp nhận khí giới của quân Cộng Hòa Tây Ban Nha. Hôm đó là ngày bắt đầu cuộc đời của một nữ gián điệp kỳ lạ nhất trong thế chiến thế hai. Linar rất đẹp, cao, nhẹ nhàng, uyển chuyển, rất quyến rũ, có thể kết nhân tình với bất cứ người đàn ông nào mà nàng có nhiệm vụ đến gần. Chính nàng đã nói ra một cách kiêu hãnh rằng, nàng thấy không cần phí công trốn lẩn vào buồng giấy một võ quan cao cấp hay là hóa trang thành một người thợ để “làm việc” trong khi cũng có thể thâu lượm được, cũng kết quả đó mà lại đi đứng đàng hoàng, sung sướng hơn là khác… Sắc bất ba đào: Năm 1938, nàng được cử đi Tây Ban Nha và bị bắt ở Barcelone. Nàng lại bỏ tên MêNa, lấy một tên mới là YênTa, và đi lại với những giấy tờ của Hội Hồng Thập Tự Mỹ. Sau khi bị bắt mấy ngày, những giấy tờ quan trọng trong hồ sơ của nàng, tự nhiên không cánh mà bay. Người đánh cắp những giấy tờ đó là một đại úy Tiệp trong đội hiến binh quốc tế. Nguyên từ khi mới thoáng thấy nàng, chàng hiến binh này đã say mê “cô đồng bào xinh như mộng”. Chàng này cho rằng những lời khai của Linar là đúng, rằng người ta vu cáo nàng, rằng những giấy tờ buộc tội nàng là do “quân phiến loạn vô chính phủ” cho vào đó để hại nàng. Linar thuyết phục R. rằng chính nghĩa Cộng Hòa đã bại, tốt hơn hết là bỏ xứ này mà đi gấp. Nàng đề nghị với R. đi với nàng sang Nam Mỹ, miễn là chàng làm thế nào cứu được nàng ra khỏi tù ngục. R. đã năm mươi tuổi. Hai năm nay, chàng chiến đấu ở Tây Ban Nha (Espagnol) xa vợ. Vợ R. ở Pragne. Gặp được cô gái xinh tươi mới có 26 tuổi, chàng say mê như điếu đổ, nhưng vẫn còn lưỡng lự thì bỗng… Một đêm kia R. nghe thấy gõ cửa phòng. Rồi Linar tiến vào và bảo: – Em đây. Em được ra khỏi nơi tù ngục vì em đã cho tiền người gác ngục, em hứa chỉ ra một đêm thôi, rồi em sẽ trở lại, rất có thể em trốn đi mà không ai bắt được em. Nhưng không, em không trốn. Em muốn đến gặp anh, để nói cho anh biết rằng, em yêu anh, em muốn hiến thân cho anh mà không cần anh đền đáp lại. R. sướng mê mẩn và lúc đó sẵn sàng quên hết và cũng sẵn sàng bay đi, sẵn sàng phản bội, sẵn sàng giết người khác để cứu nàng. Trong đêm ân ái thần tiên, Linar tỉ tê kể lại hết chuyện cho R. nghe, và nói một cách xa xôi nhờ chàng cứu tử. Thực ra nàng có cho tiền tên gác ngục thực, nhưng nàng có hứa với hắn, đi một đêm rồi lại trở về; tên gác ngục cẩn thận cho người đi theo và hẹn “nếu nàng không trở về ngục trước khi trời sáng thì y bắn”. Sau đêm ân ái nàng lại trở về ngục như lời giao ước, nhưng chuyến này vào để rồi trở ra thong thả. Không những R. đã đánh cắp tất cả tài liệu có hại cho nàng, chàng lại giúp nàng vượt ngục mà vượt ngục luôn một lúc với 3 tên gián điệp Đức cũng bị bắt giam cùng một lúc với nàng. Ra khỏi ngục rồi, Linar hẹn gặp R. tại một làng kia gần biên giới Pháp, để cho “hai chúng mình chung sống với nhau, không ai chia rẽ được nữa, trừ phi cái chết”. Trước khi Linar ra đi, R. mê mẩn tâm hồn, lại còn trao tay cho người tình, rất nhiều tài liệu mật mà nàng cần đến, – nàng bảo vậy – để trả thù những kẻ “vô chính phủ” đã tìm cách hại nàng, với một số tiền khá lớn để đi Nam Mỹ. R. đúng hẹn. Nhưng không gặp Linar đâu hết, trái lại, gặp ba thám tử Cộng Hòa, R. bị bắt mặc dầu đã hóa trang. Bị đem ra tòa án quân sự xử về tội phản quốc và trao tài liệu mật cho địch quân. R. bị xử tử. Chàng chết, nhưng đến lúc chết vẫn không biết rằng bị Linar mưu hại. Người Vô Tình: Sau một cuộc công cán ở Áo, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và khai mạc cho nàng Linar một đoạn đời, năm năm kỳ tình, bí hiểm chan hòa máu và nước mắt. Tháng 7 năm 1939, nàng ở Bá Linh (Berlinois), thiếu tá W. một cộng sự viên đắc lực của Đô đốc Canaris, cầm đầu gián điệp Đức chỉ huy nàng Linar và coi nàng như một người đàn ông, không hề cảm động trước nhan sắc của nàng. Thiếu tá W. hết sức huấn luyện để giao cho nàng những nhiệm vụ quan trọng. Linar ngạc nhiên xiết bao trước một người đàn ông “Tứ Toàn” đó. Y lớn, gầy, ngày nào cũng gặp nàng, thường lại mời dùng cơm nhưng không bao giờ ngỏ lời yêu thương, tán tỉnh, mỗi ngày nàng cảm thấy kính phục hơn, bởi trí thông minh của ông, trí quả cảm và lòng bình thản của ông. Ông ta là tượng trưng mối tình chân thật của nàng – mối tình dũng mãnh vì không thể nói ra lời được. Thiếu tá W. không những là một gián điệp có đại tài, còn là một người điều khiển giỏi, một nhà tâm lý khôn ngoan rất mực. Ông đã có vợ, vợ là một thiếu phụ Đức, có hai con và đặt cho mình một nguyên tắc, là không bao giờ xen lẫn chuyện tình ái vào công việc làm ăn. Công việc thứ nhất mà Thiếu tá W. giao cho Linar là canh phòng những nhân viên gian điệp trong tổ, ở Bá Linh và các tỉnh khác ở Đức, Linar lại lấy tên là Mê Ly. Đó là thời kỳ chiến tranh mà người ta gọi là “chiến tranh kỳ cục”. Có nhiều quân nhân Đức hoặc mới gia nhập đảng NA DI của Hitler, hoặc là những kẻ thù chống Hitler dầu không tin tưởng vào thắng lợi của chiến tranh. Linar cùng với nhiều bạn đồng nghiệp khác, cả đàn ông lẫn đàn bà, dò dẫm rình mò để tìm biết sự tin tưởng của họ, lòng trung thành của họ. Công việc của Linar là tập sự tìm nhiệm kỳ từ 8 ngày đến 1 tháng, trong các văn phòng ở Bá Linh, và các tỉnh, với tư cách thông ngôn, Tiệp, Pháp và Tây Ban Nha. Tại đó nàng dò những viên xếp, và các bạn đồng sự của nàng. Nàng làm công việc rất chu tất, không những với đàn ông mà cả với đàn bà. Bởi vì lần thứ nhất, nàng nhận thấy rằng, các bạn gái cũng yêu nàng. Mà các bà các cô này thường có những quan niệm về ái tình kỳ quặc… Trong một năm trường, nàng “tiếp xúc” với hơn năm chục người đàn ông. Hai mươi lăm ông bị cái tội bất khả dung tha là quá tin nàng. Làm thế nào mà không tin được cô gái mỹ miều, ra vẻ ngây thơ chân thật, mà lại đa tình như vậy. NÀNG VŨ NỮ ĐA TÌNH Anh nào anh nấy phun chuyện ra hết, không dấu một chút gì, ngay cả những người đàn ông có tiếng là ít nói mà cũng kể hết chuyện nọ đến chuyện kia cho nàng nghe. Linar ghi nhớ từng câu từng chữ, từng tên của mỗi người, từng nụ cười trào lộng. Trong số nạn nhân của nàng, những anh “ngốc dại” bị đổi đi hay khiển trách, những kẻ khả nghi mất việc. Những tên ngu dốt, từng thú nhận với nàng rằng không tin tưởng Hitler vào thắng lợi cuối cùng đều bị đưa ra xử bắn. Mùa Đông năm 1940 nhờ sự can thiệp của Thiếu tá W. Linar được giữ một việc khá quan trọng hơn. Mang một tên khác, tên Buy Men. Nàng đi Belgrade (kinh đô Nam Tư) làm một vũ nữ Pháp ở trong một “hộp đêm”. Nàng có một giọng hát rất hay, từng đã giúp cho nàng nhiều việc ở Tây Ban Nha. Kinh đô Nam Tư, hồi đó là một địa điểm rất hấp dẫn người Đức. chính thực ra, chính phủ Nam Tư thân với Bá Linh (kinh đô Đức) nhưng ai cũng biết rằng trong khi đó có nhiều âm mưu chuyển hướng chánh sách của Nam Tư. Đến Belgrade, Linar kết nhân tình với lão chủ hộp đêm nàng làm việc với, một người tên Kiss, người Hung, cũng là gián điệp của Đức, nhưng không đủ tin nên người ta phải canh chừng, đồng thời, Linar lại canh phòng luôn cả khách hàng. Những người làm ăn, những người cung cấp thực phẩm… các bạn đồng nghiệp cùa nàng, mà hầu hết cũng là gián điệp như nàng. Nàng ở Belgrade chừng 6 tháng, chỉ rời bỏ thủ đô này, sau khi Đức Quốc Xã đã chiếm Nam Tư. Nhờ có tin tức của nàng, 8 người bị bắt giam ngay khi quân đội Đức vào chiếm đóng Nam Tư. Lần đầu tiên cũng là lần độc nhứt, nàng dự vào cuộc thẩm vấn những người này, mà không đeo khăn che mặt, nàng thuật lại từng câu, từng chữ, từng lời tâm sự mà những người đó đã ngỏ với nàng, trong lúc nàng nằm trong lòng họ để thốt lên những lời tình tứ, mê ly. Nàng biết chắc rằng, nàng sẽ không việc gì. Những người đó không tố cáo, mà cũng không phản bội nàng được, bởi vì họ sẽ chết, sau khi bị tra tấn và hành hạ. Tất cả những người đó đều là tình nhân của nàng. Thuật lại những đêm tình ái của Linar thì thật rất dài. Từ Belgrade, nàng trở về Đức quốc, rồi đi Hà Lan, Na Uy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Tại Lisbonne (kinh đô Bồ Đào Nha) sự tình cờ một chút nữa thì thay đổi hẳn định mệnh của nàng. Giữ nhiệm vụ dò xét một gián điệp Anh, nàng đã bị lầm mà cái lầm này là cái lầm thứ nhất trong đời nàng. Buồng của người gián điệp Anh kia, vì một sự tình cờ lại do một người Anh khác ở. Sau sáu ngày tiếp xúc Linar mới biết là lầm, nhưng trong tám ngày đó, là bao nhiêu đoạn đời tình ái diễm kiều đã xảy ra. Nàng say mê người tình mới, chàng này chỉ là một mại bản. Chàng dỗ nàng đi Nam Phi Châu, và sẽ lấy nàng làm vợ. Linar cố cưỡng với ái tình. Viên xếp của nàng bức bách nàng phải “từ bỏ” mối tình duyên vô ích đó. Nàng hứa hẹn nhưng lần chần, hết ngày nọ sang ngày kia, và bỏ bê cả “công việc làm ăn”. Trong khi đó nàng lại biết một thanh niên Mỹ để lấy những tài liệu về mấy gián điệp của Đồng Minh ở Tanger, chàng thanh niên Mỹ nọ mời nàng cùng đi về Maroc. Linar không muốn bỏ chàng thanh niên Anh. Lần thứ nhất nàng từ chối không hiến thân cho thanh niên Mỹ hết sức “bám nàng”. Cuộc tình duyên kéo dài được một tháng. Một đêm kia, chàng thanh niên Anh đến đánh thức nàng dậy, và báo cho nàng biết, máy bay đã sửa soạn xong xuôi cả. Nhờ viên phi tiêu là bạn thiết của chàng, nàng có thể đi mà không cầy giấy thông hành. Nàng nói: Em yêu mình, em theo mình. Và nàng quên cả dĩ vãng, quên cả nhiệm vụ, và quên cả những viên xếp của nàng. Nàng vội vã mặc quần áo, cầm vali ra đi, có xe ô tô đợi sẵn ở ngoài cửa. Xe đi khoảng năm cây số, thì cả hai đều bị giữ lại để cho nhà chức trách xét giấy thông hành và muốn hỏi kỹ hơn về hành tung của Linar. Họ đòi Linar về trụ sở. Thanh niên Anh phản đối nhưng vô ích. Chàng đành bỏ Linar lại, và chạy tuốt ra sân bay để mong điều đình hoãn chuyến bay lại một hai tiếng đồng hồ. Linar đi theo hai viên thám tử, người thanh niên Anh đi khỏi rồi hai viên thám tử đối xử với nàng một cách kém phần lịch sự: – Mày đáng tội xử bắn. Rồi họ đẩy nàng lên một chiếc xe mà người tài xế đối với nàng không lạ. Nàng không quan niệm được việc gì sẽ xảy ra, và không hơi sức đâu mà hỏi. Một người khác bận thường phục, trèo lên xe, ngồi ở bên cạnh nàng. Đến tảng sáng, lúc xe vượt qua biên giới Tây Ban Nha đến Madrid, họ bắt nàng lên một phi cơ, đến Bá Linh, nàng mới bắt đầu hơi hiểu chuyện, một khi đã vào trong văn phòng Thiếu tá W. – Cô điên rồi! dám nghĩ chuyện bỏ trốn đi với một thanh niên Anh! Thế mà tôi cứ tưởng cô là một người giúp việc trung thành của tôi. Nàng té xỉu, nhưng vẫn còn thấy ở trên môi hương vị nồng cháy, cái hôn của người tình nhân Anh. Nàng run sợ… và lo phải vào tại giam! W. không muốn phí phạm một người giúp việc đắc lực không nghĩ tới chuyện bắt giam này. Ông khuyên bảo hết lời, và bắt nàng phải thề sẽ quên hết ác mộng đã qua. Rồi vuốt tóc nàng. Căn phòng quay tròn, đảo lộn ở trước mặt Linar. Thì ra người mà nàng yêu thầm nhớ trộm từ bao lâu nay, cũng “yêu nàng?!”. Nhưng bây giờ chậm mất rồi… – Mai cô sẽ đi Bucarest! Lời nói cương quyết không ai thay đổi được. Và Linar sửa soạn hành lý ra đi… MỘT CHIỀU THU XƯA Tháng năm 1945, nàng đi đến vùng Tyrol với một gián điệp Ý, rồi từ đó đi Florence. Nàng lưu ở Ý trong một năm, gần như không hoạt động. Người ta mất dấu nàng, nhưng chắc chắn nàng mang một tên khác, và cô sống ở Áo, rồi quay về Tyrol. Năm 1947, nàng lên đường đi Tây Ban Nha, lúc đó, nàng kết nhân tình với một võ quan thủy quân Nam Tư phát xít có tiếng, bị lùng bắt vì tội nhân chiến tranh. Đôi nhân tình này đã tính đi Nam Mỹ nhưng không thi hành được ý định vì thiếu tiền. Ngay từ 1945 đã nhiều lần nàng muốn tìm việc ở các phòng thâu lượm tin tức của Đồng Minh, nhưng hết thảy đều từ chối hoặc chỉ dùng nàng vào những công việc không quan trọng. Song le, không một lúc nào nàng không mơ tưởng sống trở lại cuộc đời của một “người đàn bà gián điệp ác liệt” mà ngày xưa nhan sắc của nàng đã làm cho tất cả 63 người đàn ông phải bỏ mạng. Sau đó nàng tính bán người xếp cũ của nàng là Thiếu tá W., người mà nàng yêu trộm nhớ thầm, để mua lòng tin của một tổ chức bí mật ngoại quốc. Lúc đó Thiếu tá W. trốn ở Tây Ban Nha, là lúc Đức Quốc Xã bại trận. Nàng quả quyết có gặp W. ở Madrid kinh đô Tây Ban Nha (ở Tolède và Séville) và quả quyết đã ngủ một đêm với W. Con mồi đáng giá tiền, nàng lãnh một số tiền ra đi. Mùa thu năm đó nàng loan tin sắp bắt được Thiếu tá W. . Cơ quan mật vụ kia cho một sỹ quan đến giúp nàng để giải “tên phạm nhân chiến tranh” về. Nhưng Linar đã chiến thắng 63 người đàn ông, thì người đàn ông thứ 64 đã “cao bay” hơn nàng. Đó không phải là chuyện lạ: Thiếu tá W. há chẳng phải nổi tiếng là một gián điệp đại tài, một phụ tá viên đắc lực, mà cũng là người điệp viên ghê gớm nhất của Đô Đốc Canaris? Một chiều Thu năm đó, trong một khách lầu tồi tàn ở Séville…. (Tài liệu này dịch trong Documents et Rebortages Internationaux) TRẦN VĂN HỮU st. |