VÀI DÒNG TƯỜNG THUẬT CHUYẾN ĐI THĂM KHU VƯỜN KỲ LẠ Ở ẤP TÂN HỘI, XÃ ĐỨC LẬP THƯỢNG, LONG AN Ngày thứ 7, mùng 10 tháng Ba, 2012, CLB Sách Xưa và Nay, thay vì họp như thường lệ, các thành viên đã làm một chuyến đi thăm Khu Vườn Kỳ Lạ ở ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng thuộc Long An. Vì chuyến đi thăm kéo dài cả ngày nên số thành viên tham dự chuyến đi chỉ gồm có 12 người do Chủ Nhiệm Vũ Anh Tuấn làm hướng dẫn viên Du lịch. Sở dĩ có chuyến đi này vì các thành viên đã nghe được nhiều thông tin về khu vườn kỳ lạ này do chính miệng một thành viên là chị Lan Hinh, ái nữ cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, kể về những chuyện lạ chị đã được nghe tận tai, thấy tận mắt, và cũng đã thật sự cảm thấy bệnh thấp khớp của chị bớt hẳn rất nhiều; và hơn nữa là chị đã đích thân tới và ở lại khu vườn đó trong nhiều ngày và nhiều lần. Được nghe chị Lan Hinh kể, Dịch giả Vũ Anh Tuấn, tuy chẳng có bệnh gì (có chăng là một căn bệnh duy nhất mà ông không hề muốn chữa), nhưng cũng vì tò mò mà đã quyết tâm rủ các thành viên khác làm một chuyến viếng thăm để được thấy tận mắt các điều kỳ lạ thường được loan truyền. Các thành viên đã thuê một chiếc xe 15 chỗ nên 12 người ngồi rất thoải mái. Xuất phát từ lúc 7:30 sáng, thay vì đi theo đúng lộ trình từ Lê Văn Sỹ xuống bến xe buýt Củ Chi, rồi khi đến chân Cầu Vượt thì quẹo trái lên Hậu Nghĩa, rồi từ bến xe buýt Hậu Nghĩa vào tới Vườn chỉ còn cách độ hơn một cây số và chỉ có một con đường duy nhất, thì xe lại nghe theo một thành viên khác và quẹo ở chỗ Ngã Ba Giồng, nên đã đi quanh queo và phải hỏi đường nên có bị xa hơn độ 5, 7 cây số, và đã tới vườn lúc gần 9 giờ sáng. Sau khi tới vườn, Dịch giả Vũ Anh Tuấn có vào chào hỏi chủ nhân ngôi vườn và có ý tặng mấy cuốn sách của ông, nhưng vì chủ nhân nhất định từ chối không nhận bất cứ vật gì nên đành phải giữ lại không trao. Sau đó các thành viên cùng nhau vào vườn “để hưởng năng lượng mặt trời” như mọi người thường nói. Chuyện Khu Vườn Kỳ Lạ trị được bệnh mà không cần thuốc và bất cứ một hình thức chữa trị nào, cũng như không cần một ông thầy thuốc nào, chỉ mới xuất hiện từ năm 2002, khi một số người đến khu vườn sau một thời gian mà khỏi bệnh, và sự việc này đã khiến có người tin, nhưng cũng có những người nghi ngờ và cho là đây là một hiện tượng lạ, chưa từng có. Riêng đối với CLB Sách Xưa & Nay thì mọi người rất tin thành viên Lan Hinh vì chị đã khẳng định là chị thấy căn bệnh của mình giảm bớt thấy rõ, do đó mọi người đều muốn đi một chuyến… cho biết. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, có một điều gần như đã được khẳng định là trong lòng đất trên khu vườn có ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ, khiến cho khu vườn có tác dụng phục hồi sức khỏe, hoặc chữa trị được bệnh mà không phải dùng thuốc, nhất là không cần bất cứ dạng thầy thuốc nào, điều duy nhất phải làm, là vào nằm trong vườn và tin tưởng thành tâm xin Hoàng Thiên cho mình khỏi bệnh. Và điều lạ là quả đã có những người được lành bệnh thật! Đối diện với những sự kiện như vậy, câu hỏi được đặt ra trong trí óc mọi người là liệu khu vườn này và những tác dụng kỳ bí của nó thuộc lãnh vực nào, thuộc về các bí ẩn của vũ trụ mà khoa học chưa giải thích nổi, hoặc thuộc về các vấn đề tâm linh? Ngay như với chị Lan Hinh thì chị vẫn bảo tôi (người viết) là nếu muốn được khỏi, thì điều tối cần là phải thành tâm tin tưởng, và chị cho biết là chị đã thành tâm tin tưởng khi thấy căn bệnh của mình thuyên giảm thấy rõ. Nghe chị nói vậy trong đầu tôi nảy ra câu hỏi: “Phải chăng khu vườn kỳ lạ đã chữa, hay là chính các người bệnh đã tự chữa bằng lòng tin?” Đã có nhiều người viết và làm thơ về khu vườn này, nhưng tôi chỉ thấy có một vị đã viết những dòng mà tôi xin trích dẫn dưới đây vì tôi cho là rất chính xác và hợp lý: “Người bệnh sau một thời gian đến vườn, họ tự đánh giá được những kết quả thực tế mà họ cảm nhận được, mà không ai dối lòng về những gì thay đổi trên cơ thể họ. Đó là những cảm nhận khách quan và trung thực nhất, quan trọng nhất để đánh giá về tác dụng trị bệnh của khu Vườn. Điều đơn giản là khi người bệnh tự đánh giá là họ dựa vào mọi chuyển biến, mà họ cảm nhận đúng về các triệu chứng để có nhận thức và so sánh thông qua việc ăn, ngủ, thư giãn, trạng thái tâm thần hoặc phản xạ của cơ thể trước thời tiết, trước mọi cảnh quan, qua đó họ tự cảm nhận để so sánh với trước đó, để xác định mất hết hay mất một phần triệu chứng mà trước đó họ phải chịu đựng hàng ngày. Đó là thước đo trung thực nhất về tác dụng của khu Vườn với người bệnh”. (Trần văn Bính). Người viết cũng rất đồng quan điểm với những nhận xét sau đây của tác giả Trần văn Bính: “Gia đình chủ nhân Khu Vườn rất bất vụ lợi và không chịu nhận bất cứ thứ quà cáp gì. Ngoài ra họ còn cung cấp nước và giữ gìn vệ sinh và trật tự trong vườn một cách thật hữu hiệu, đến khó tin, vì khu vườn không hề có dấu hiệu ô nhiễm, ô uế, trái lại luôn luôn rất sạch và trật tự. Đồng thời khách cũng tự giác giữ gìn trật tự và vệ sinh trong khu vườn, không hề có cảnh chen lấn, tranh dành chỗ ngồi chỗ nằm, và mọi người không ai to tiếng cãi cọ, và ngay cả lúc chuyện trò với nhau cũng nói rất khẽ khàng…” Người viết và các thành viên cũng đều cảm nhận rất rõ ràng sự mát mẻ của khu vườn chỉ rộng khoảng 2000m2, vì bên ngoài khu vườn, chỉ cách một hàng rào, rõ ràng là thời tiết nóng hơn. Mọi người chia nhau nằm, ngồi trong khu vườn cho tới 11 giờ mới đi ăn cơm ở quán ăn ngay trước cửa vườn. Bữa ăn tuy đạm bạc nhưng rất rẻ, mỗi người chỉ phải trả 18 ngàn. Ăn xong lại trở lại vườn nằm chơi và tất cả đã tạm biệt Khu Vườn để ra về lúc gần 3 giờ chiều cùng ngày. Mọi người, ai nấy đều có vẻ hài lòng với chuyến du ngoạn ngắn hạn này…
Vũ Thư Hữu VÀI DÒNG VỀ MẤY CUỐN SÁCH NHỎ
TÔI MỚI TÌM LẠI ĐƯỢC - NHỮNG CUỐN SÁCH GỢI LẠI TRONG TÔI MỘT THỜI TRAI TRẺ ÊM ĐẸP TUYỆT VỜI Sáng hôm qua tôi ghé một tiệm sách cũ trong Cư Xá Bắc Hải, và tình cờ mua được một cuốn sách nhỏ đã được đóng lại khá đẹp, bên trong là 6 tập sách nhỏ hơn nữa, mỗi tập chỉ dày có 30 trang, nhưng được in năm 1940 (72 năm trước). Cầm cuốn sách trong tay, tôi mơ màng nhớ lại một thời trai trẻ thật êm đẹp, thật tuyệt vời mà tôi đã được sống trong căn nhà số 216 đường Cát Dài ở Hải Phòng năm 1949, khi tôi được 14 tuổi, và đang học tại trường Thầy Dòng, thường được gọi là Trường các Sư Huynh các Trường Công Giáo (Les Frères des Écoles Chrétiennes). Vào lúc đó tôi đã có một số vốn Pháp văn kha khá, và một hôm cha tôi mang về cho tôi một cuốn sách nhỏ mang tựa đề bằng tiếng Pháp là “Cậu Ông Giời” (L’oncle du Ciel), và đây là một truyện cổ tích nói về “Con cóc là cậu ông giời” được viết bằng tiếng Pháp, một thứ tiếng Pháp rất đơn giản, nhẹ nhàng và rất chuẩn về văn phạm, mà tác giả là một nhà giáo người Việt, cụ Lê Doãn Vỹ. Tôi thích quá vì ngoài việc truyện cổ tích của ta viết bằng Pháp văn rất hay, sách còn có hàng chục minh họa cực đẹp. Vừa mở cuốn sách nhỏ ra, tôi bắt gặp ngay truyện “Cậu Ông Giời” của thời xa xưa, và thế là tôi tự “bụng bảo dạ” không thể không sở hữu cuốn này! Kết quả là tôi bị chủ nhân quán sách “cứa” một giá đau nhói, nhưng vẫn âm thầm chịu đựng ẵm cuốn sách về, vì năm cuốn còn lại cũng đều cùng một loại và đều cùng thuộc về bộ sách mang tựa đề là “Cuốn sách của Em nhỏ” (Le livre du petit) do nhà giáo có tên ở trên chủ trương và cho xuất bản bằng tiếng Pháp. Vào năm 1949, khi được cha tôi mua cho cuốn “Cậu Ông Giời” tôi đã ra công tìm hiểu về bộ sách “Cuốn sách của Em nhỏ” này và đã tình cờ đọc được bài viết ngắn của Giáo sư G. Bois, một Giáo sư người Pháp dạy ở Lycee du Protectorat ở Hà Nội, sau là trường Bưởi ở làng Kẻ Bưởi gần Hồ Tây, và sau 1945 là trường Chu Văn An. Theo Giáo sư G. Bois, bộ sách này được cho ra đời vào đầu năm 1940 để phục vụ các học sinh lớp Nhì, lớp Nhất người Việt và nhằm vào ba mục đích: A.- Cung cấp cho các em học sinh lớp Nhì, lớp Nhất những truyện lành mạnh, hứng thú và hấp dẫn. B.- Giúp các em tinh luyện Pháp văn khi đọc, vì đọc là học. C.- Giúp các em hiểu biết hơn về hồn nước, về tinh hoa của dân tộc, đồng thời luyện cách viết tiếng Pháp. Vào thời điểm đó sau khi được đọc truyện Cậu Ông Giời, tôi liền xin cha tôi mua tiếp cho các cuốn khác như Thằng Ngốc (Ngốc, le Niais), Ông Tơ Hồng (Le Dieu aux fils rouges), Rắn báo oán (La Vengeance du serpent) vv… để rồi, chỉ một vài năm sau, tôi đã có trong tay gần đủ bộ gần 40 cuốn. Đọc những cuốn trong bộ sách này tôi thấy thích thú không thua gì đọc hai bộ sách thời danh là bộ Sách Hồng của Tự Lực Văn Đoàn và bộ Truyền Bá của Nhóm Vũ Đình Long và nhà Tân Dân. Ôi! sao vào lúc đó những truyện dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên hay đến thế và tốt đến thế, vì chúng chỉ dạy cho thanh thiếu niên sống cho tốt lành, lễ độ, hiếu thảo, hiên ngang, yêu mình, yêu người, và nhất là sống đẹp thật sự không hề gian manh, ảo tưởng, và… mất gốc! Tuy đã 26 tuổi lần thứ 3 (tuổi thật chưa khai gian), nhưng tôi lại tự hứa với mình là sẽ tái thưởng thức một lần nữa mấy cuốn sách nhỏ bằng Pháp văn này để thấy rằng Việt Nam mình có thiếu gì người viết Pháp văn chẳng thua gì các anh các chị “mũi lõ, mắt xanh”, đôi khi còn hay hơn nữa, như trường hợp Nguyễn Tiến Lãng ngoài Bắc và Nguyễn Phan Long trong Nam…
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn Thời đại Hùng Vương và nhà nước Văn Lang mở đầu thời kỳ dựng nước đầu tiên của Việt Nam Nước ta ngày nay có tên Việt Nam theo chế độ xã hội chủ nghĩa từ năm 1976 sau khi đánh thắng thực dân Pháp (chiếm đóng nước ta từ năm 1859 tới năm 1954 Việt Nam vẫn theo chế độ phong kiến) và đế quốc Mỹ (hỗ trợ chính quyền tay sai ở miền Nam từ năm 1955 tới năm 1975 theo chế độ Tổng thống) đã thống nhất hai miền đất nước. Trước đó, từ Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945) đánh thắng thực dân Pháp lần đầu, tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945). Dưới chế độ mới do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (thành lập từ ngày 3/2/1930), nhà nước Việt Nam có Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc với nhiều đoàn thể đại diện cho các giới, thành phần xã hội, dân tộc và tôn giáo. Từ đó đến nay tính được 67 năm (1945 - 2012). Chế độ phong kiến ở nước ta tồn tại từ năm 1954 trở về thời kỳ đầu dựng nước Văn Lang có 18 đời vua Hùng Vương chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu gồm nhà nước Văn Lang và nhà nước Âu Lạc. Từ năm 258 trước Công nguyên tới năm 939 nước ta bị các triều đại phương Bắc chiếm đóng và cai trị. Giai đoạn hai: từ năm 939 tới khi bị thực dân Pháp chiếm đóng và cai trị tới năm 1954, nước ta có nhiều quốc hiệu khác nhau do các triều đại phong kiến trong nước thay phiên nhau trị vì như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn (Tây Sơn) và Nguyễn (Gia Long tới Bảo Đại có 12 đời vua). Thời đại Hùng Vương với 18 đời tức 18 Chi kéo dài từ năm 2879 trước Công nguyên tới năm 258 trước Công nguyên tính được 2.581 năm. Chi Hùng Vương đầu tiên là Chi Cán có hiệu vua Kinh Dương Vương húy là Lộc Tục với số năm giữ vương quyền là 86 (từ 2879-2794 trước Công nguyên). (Sổ tay Báo cáo viên năm 2005, Ban TT-VH TW, trang 140). Sách Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim chép rằng: “Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh cháu ba đời của vua Thần Nông đi tuần thú phương Nam đến núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam – Trung Quốc) gặp một nàng tiên lấy nhau đẻ ra người con tên là Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trai trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ”. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ Bắc giáp Động Đình hồ (tỉnh Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (nước Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên), phía Đông giáp biển Nam Hải (trang 23). Vẫn theo Việt Nam sử lược và Sổ tay Báo cáo viên năm 2005, Chi thứ hai là Chi Khan hiệu vua là Lạc Long Quân (2793-2525) húy Sùng Lãm lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ và đẻ ra một lần được một trăm người con trai rồi chia đôi, kẻ lên núi người xuống biển (truyền thuyết Bách Việt hay Bách Bộc). Khoa Khảo cổ học, Dân tộc học và Tiền sử đã giúp cho các nhà nghiên cứu sử học xác định dân Bách Việt thời thượng cổ đã sinh tụ dàn trải khắp đất nước Trung Hoa, trước ở Hoa Bắc rồi vượt sông Hoàng Hà xuống sinh tụ ở Hoa Nam sau khi bị Hán tộc đánh đuổi đi và nhà nước Văn Lang được thành lập có cương vực như lãnh thổ Bắc Bộ ngày nay kể luôn cả tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An gồm có 15 bộ, kinh đô là Phong Châu (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phú và có đền thờ các vua Hùng). Các vua Hùng thay nhau làm chủ đất nước đầu tiên của dân Việt (Lạc Việt), tới đời thứ 18 là vua cuối cùng thuộc Chi Quý hiệu Hùng Duệ Vương húy Huệ Lang (408 - 258 trước Công nguyên). Vào khoảng năm 218 (trước Công nguyên) cuối đời Hùng Vương thứ 18, Tần Thủy Hoàng sau khi tiêu diệt 6 nước ở Hoa Bắc, Hoa Trung đã đưa quân tràn xuống phía Nam đánh chiếm tiếp Hoa Nam thuộc vùng Lĩnh Nam gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây rồi xâm phạm nước Văn Lang (không có người lãnh đạo nên nhân dân phải trốn vào rừng sâu tổ chức du kích chiến – có thể vua Hùng 18 đã qua đời chưa có người thay thế) do tướng Đồ Thư lãnh đạo 50 vạn quân. Cuộc kháng chiến của nhân dân Văn Lang với quân xâm lược nhà Tần kéo dài từ năm 214 đến năm 208 (trước Công nguyên) thì chấm dứt do Tần Thủy Hoàng qua đời. Thời gian này, dân Lạc Việt (nước Văn Lang) liên kết với dân Tây Âu do Thục Phán lãnh đạo chống quân xâm lược phương Bắc nên đã chuyển sang nước Âu Lạc ra đời với tên vua mới là An Dương Vương (257-207 trước Công nguyên) đóng đô ở Cổ Loa, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.
Rìu đá có vai Văn hoá Đồng Nai tìm thấy tại Xuyên Mộc, Bà Rịa
Nhà nghiên cứu Bình Nguyên Lộc (1907-1985) chép trong sách “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam” xuất bản năm 1971, trong 10 năm nghiên cứu đã đưa ra luận chứng về nguồn gốc dân Việt trong Bách Việt có một quá trình thiên cư lâu dài và gian khổ. Đầu tiên dân Việt chủng Mã Lai trong khu vực Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Melansien, Nam Đảo...) có hàng triệu năm di cư từ nam lên bắc châu Á và ngược lại chia làm hai đợt từ thời đồ đá khi lục địa châu Á châu Úc còn dính liền nhau. Ông đã phân định quá trình này như sau: 2.000 năm cựu thạch ở Hi-Malaya. 5 năm tân thạch ở Hoa Bắc. 2.413 năm tân thạch ở Cổ Việt (Hoa Nam) 2.587 năm kim khí ở Việt Nam (Bắc Bộ). Tổng cộng: 7.005 năm. Việt Nam tự xưng có nền văn hiến trên 4.000 năm được tính từ thời kỳ kim khí và từ đầu công nguyên tới nay là có cơ sở. Cổ Việt được xác định ở vùng Hồ Nam, Hồ Bắc (quanh hồ Động Đình), tương ứng với nước Xích Quỷ như trên đã nói. Khi sinh tụ ở Bắc Bộ, dân Lạc Việt tộc Kinh (Kinh Dương và Kinh Châu thuộc vùng đất giữa Hồ Nam và Hồ Bắc nên dân tộc Hán, Hoa gọi tộc Việt lúc ấy là Kinh man). Trên đường thiên nam, tổ tiên ta có công cụ đá cầm tay “vượt” qua sông Hoàng Hà và Dương Tử mênh mông nên tộc Hán gọi ta là “Việt” – rìu đá, khi định cư ở đồng bằng Bắc Bộ ta có dụng cụ cầm tay – rìu đồng pha (đào được ở Quốc Oai – Hà Đông, núi Voi – Hưng Yên) ứng với thời đại vua Hùng có nền văn minh lúa nước, trống đồng (kim khí) phát triển qua bốn giai đoạn như sau: 1-Giai đoạn Phùng Nguyên: tồn tại vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ II trước công nguyên thuộc sơ kỳ thời đại đồng thau nhưng chưa có công cụ bằng đồng. 2-Giai đoạn Đồng Dậu : ở vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ II trước công nguyên, thuộc trung kỳ thời đại đồng thau. Dụng cụ canh tác nông nghiệp và săn bắt bằng đá lẫn đồng thau. 3-Giai đoạn Gò Mun : tồn tại vào nửa đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên. Tỷ lệ sử dụng công cụ sản xuất, vũ khí bằng đồng cao hơn. (chuyện nỏ thần ở Cổ Loa sử dụng tên đồng). 4-Giai đoạn Đông Sơn : tồn tại trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VII trước Công nguyên đến thế kỷ thứ I sau Công nguyên (có trống đồng Đông Sơn, Thanh Hóa) và chuyển sang thời kỳ đồ sắt tới ngày nay. Địa bàn sinh tụ mở rộng tới đồng bằng sông Mã, sông Cả (do vua Hùng chinh phục theo nghiên cứu của các nhà khảo cổ nước ngoài thuộc trường Bác cổ Viễn đông thời Pháp thuộc trước cách mạng tháng Tám 1945). Cho tới ngày nay, toàn bộ sử sách và truyền thuyết đều xác nhận tổ tiên ta là dân Lạc Việt chủng Mã Lai định cư sau cùng ở dải đất phương Nam của nước Xích Quỷ và sinh tụ trên một khu vực rộng lớn gồm có 15 bộ (tương ứng với 15 tỉnh, thị trấn) thời lập quốc đầu tiên là Văn Lang kéo dài hơn hai ngàn năm do 18 đời vua Hùng trị vì và đặt kinh đô tại Phong Châu (nay có đền Hùng thuộc tỉnh Vĩnh Phú). Khoa học ngày nay đã chứng minh truyền thống và nguồn gốc dân Lạc Việt có địa bàn sinh tụ và phát tích tương đương với dân tộc Hán, Hoa và bị Hán, Hoa bành trướng đánh đuổi từ Hoa Bắc xuống Hoa Nam mà tâm điểm là vùng hồ Động Đình và dãy núi Ngũ Lĩnh (Hồ Quảng ngày nay). Sử Trung Quốc ghi chép: sau Nghiêu, Thuấn là Vũ liên minh nhiều bộ lạc đánh đuổi được các bộ lạc Miêu, Lê (Lạc) ở miền Nam Hoàng Hà xuống tận lưu vực sông Trường Giang (Lịch sử Trung Quốc, NXB Giáo dục năm 1991, trang 13). Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân xuất hiện ở đây. Tới Hùng Vương thứ 6 thì bị quân nhà Ân (thế kỷ XVII-XI) từ Hà Nam (Trung Quốc ngày nay) đánh đuổi tiếp. (Sự tích Phù Đổng Thiên Vương là có thật từ đây nhưng đời sau khi định cư ở sông Hồng ta mới nhớ lại và ghi nhận ở núi Sóc Sơn. Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh ngày nay được đời trước nhớ lại từ núi Ngũ Lĩnh. Cuộc chia tay giữa Âu Cơ và Lạc Long Quân xảy ra ở hồ Động Đình, về sau ta nhớ lại ở đồng bằng Bắc Bộ. Sông Tương và sông Tư chảy vào hồ Động Đình nên sau này ta thường nói tới). Nhà Tần (Tần Thủy Hoàng) sau khi tiêu diệt 6 nước phía bắc thống nhất Hoa Bắc, Hoa Trung nhưng còn Hoa Nam có Quảng Đông, Quảng Tây nên tiếp tục chiếm đóng và tấn công Văn Lang (phần đất Bắc Bộ thuộc miền nam nước Xích Quỷ rộng lớn trước đây). Dân Lạc Việt liên kết với dân Tây Âu tổ chức trường kỳ kháng chiến và nhà nước Âu Lạc ra đời với sự lãnh đạo của Thục Phán tức An Dương Vương. Nhưng chưa được yên. Các triều đại phương Bắc lại tiếp tục đánh chiếm nước ta nên nước ta bị rơi vào nhiều thời kỳ Bắc thuộc (trên 1.000 năm từ trước đến sau công nguyên). Cho tới năm 939 sau Công nguyên, nước ta mới thoát khỏi ách đô hộ, chuyển sang thời kỳ tự chủ. Nhưng từ đó về sau, nước ta vẫn luôn bị các triều đại phương Bắc xâm lăng và chiếm đóng ít nhiều năm. Hình như tư tưởng bành trước của nước đại Hán (cộng thêm văn hóa Mông Cổ và Mãn Thanh thống trị) đã mang tính di truyền nên ngày nay, Việt Nam vẫn còn vướng bận quần đảo Hoàng Sa. Dân tộc Kinh người Việt Nam luôn tự hào về thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước Văn Lang của vua Hùng. Từ đó, với trên bốn ngàn năm văn hiến, truyền thống dân tộc về yêu nước, thương nòi, đoàn kết đấu tranh chống ngoại xâm giành độc lập và xây dựng nước nhà trong thời kỳ đổi mới, hội nhập thế giới đã nêu cao ý chí quật cường, kiên trì, dũng cảm sánh vai cùng nhân dân tiến bộ trong năm châu bốn biển, thêm bạn bớt thù, khắp nơi đều là anh em. Vương Liêm NHÂN NGÀY GIỔ TỔ HÙNG VƯƠNG NÓI CHUYỆN LỊCH SỬ THÙY DƯƠNG
Có lẽ trên thế giới không có nước nào, dù văn minh hiện đại hay bán khai, chậm phát triển lại có những câu chuyện huyền thoại về cội nguồn đẹp và ly kỳ như nước ta. Đã gọi là “Huyền Thoại” thì có thể là những truyền thuyết hoang đường được người xưa tưởng tượng, tô vẽ sao cho hấp dẫn khác thường để thu hút trí tưởng tượng tò mò của trẻ thơ. Nhưng sao người lớn vẫn tôn thờ ghi chép lại để kể cho con cháu nối tiếp từ đời này đến đời kia, thậm chí đưa vào bài học giáo khoa lịch sử ngay cả ở thời đại khoa học văn minh tột đỉnh này mà người ta thường bài trừ những quan niệm mê tín dị đoan? Tôi còn nhớ thuộc lòng bài học lịch sử đầu tiên của tôi khi mới bước vào Trường Tiểu Học (không nhớ tựa đề): “Bà Âu Cơ lấy Vua Lạc Long Quân, đẻ ra một bọc trăm trứng, nở thành trăm con. Sau 50 người con theo cha lên núi, 49 người theo mẹ xuống biển. Còn người con trưởng ở lại làm vua lập nên cơ nghiệp Hùng Vương, kéo dài được 18 đời”. Tôi lại còn được đọc hoặc nghe kể cả chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh và thuộc cả bài hát Sơn Tinh – Thủy Tinh cả nhạc và lời, được xem diễn vở kịch này. Rồi cả chuyện Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng, chuyện Nỏ Thần vv… Ôi, thật là ly kỳ! Nhưng đó chỉ là lúc tôi học lớp 5 (tức lớp 1 bây giờ), hoặc lúc tôi chưa đi học, tôi mê thích cũng như mê chuyện Tấm Cám, chuyện Lọ Lem, nghe kể nhiều lần mà cũng chưa thuộc hết cứ đòi chị tôi hoặc u già, chị Sen kể lại. Nhưng lớn lên chút nữa độ 8 – 10 tuổi là tôi đã không tin những câu chuyện cổ tích hoang đường này, chỉ để kể cho các em tôi nghe. Đôi khi tôi thắc mắc tự hỏi tại sao người lớn lại “bịa” ra những câu chuyện vô lý ấy để “đánh lừa” trẻ con? Hồi nhỏ tôi vốn là đứa bé hiền lành nhút nhát nhưng rất ham học hỏi tìm hiểu về những hiện tượng tự nhiên như: Tại sao những đêm sáng trăng ta đi trong vườn, hễ đi đâu thì ông Trăng theo đó. Hễ ta đứng ông Trăng cũng đứng. Hoặc tại sao ly nước đá bằng thủy tinh mà nước thấm qua thành ly ướt ra ngoài được vv… Và tôi đã được các anh tôi giải thích cho. Tuy còn bé nhưng tôi thích tìm hiểu sự thực và rất ghét những ai nói khoác nói láo. Và cũng có lẽ vì thế mà lớn lên tôi không thích môn Lịch sử cho lắm, chỉ học thuộc lòng để trả bài. Lớn lên nữa, khi vào trung học, vì mấy năm tản cư việc học bị đứt quãng nên tôi phải học nhảy mỗi năm 2 lớp, những lớp không thi như Đệ Ngũ, Đệ Tam thì bỏ, chỉ chuyên luyện Toán Lý Hóa, còn Sử Địa chỉ khi biết chắc được vào vấn đáp mới học gấp trong một vài tuần. Đậu rồi chữ lại trả thầy! Lên Đại Học cũng chỉ lo giồi mài Toán và Vật Lý. Sau này ra trường đi làm mới thấy mình thiếu sót, là công dân một nước mà rất lơ mơ về Lịch Sử nước mình, bèn đi mua các bộ sách Sử về đọc và thấy yêu thích Lịch Sử, và cả các sách Văn Học nữa. Và tôi đã từng nghĩ rằng trong mỗi gia đình, dù các thành viên làm nghề gì hay đang theo đuổi ngành học gì, Bác sĩ, Kỹ sư, Luật gia hay Ngoại ngữ, Kinh tế Tài chánh, Ngân hàng vv… trong tủ sách của mỗi gia đình ít nhất cũng nên có một ngăn dành cho sách Sử học và Văn học xưa và nay (để đọc chứ không phải để chưng). Vì đây chính là 2 môn học đào tạo nên cốt cách và bản lãnh con người, giúp họ hướng về cội nguồn dân tộc, có thêm chiều sâu tâm hồn, biết cảm thông với niềm vinh nỗi nhục của tổ tiên qua những thăng trầm của đất nước. Ra đời, dù ở địa vị, hoàn cảnh nào, khó khăn hay ưu đãi, họ luôn giữ được cốt cách bản lãnh của mình, không vì danh lợi mà sa đà đánh mất lương tâm. Tôi có anh bạn dạy Vật lý ở Đại Học Khoa Học đã về hưu, thỉnh thoảng anh thường ghé qua nhà tôi để hỏi về một vài căn bệnh mãn tính và cách chữa bằng Đông Y, và nhất là anh muốn biết qua về đề tài “Ý niệm Toán Học trong Đông Y” mà tôi đang viết. Một lần anh đến chơi nhìn thấy mấy cuốn sách “Giai thoại Lịch sử thời Hùng Vương” để trên bàn, anh mở ra xem qua. Tôi hỏi: “Anh có tin những câu chuyện huyền thoại này không?” Anh cười: “Tin làm sao được! Mình là con người của khoa học mà. Nhưng tôi cũng đang suy nghĩ xem căn cứ vào đâu người xưa lại dựng nên những câu chuyện này. Chắc hẳn phải có một câu chuyện thực nào đó với những nét chính tương tự, rồi người xưa mới tô vẽ thêu dệt thêm cho thành huyền thoại. Tôi đang cố suy nghĩ mãi nhưng không thể tưởng tượng ra câu chuyện thực như thế nào”. Tôi nói: “Vâng, trước đây tôi cũng nghĩ như anh, nhưng bây giờ thì tôi đã có câu trả lời rồi” – “Như thế nào? Chị thử nói cho tôi nghe đi!” – “Thú thực với anh, từ hồi học Tiểu học tôi đã không tin những câu chuyện hoang đường vô lý này. Nhưng rồi một hôm tôi vào một tiệm sách lớn, định tìm mua ít cuốn sách Lịch sử để gửi cho các cháu tôi ở nước ngoài, vì sợ chúng quên tiếng Việt và không biết Sử Việt Nam. Liếc qua mấy cuốn sách “Giai Thoại Lịch Sử” thời Hồng Bàng, Hùng Vương…” tôi không biết có nên mua, những truyện mà hồi nhỏ tôi đã không thích. Tuy vậy cũng mở xem qua, ở lời tựa, tác giả viết đại khái: “Độc giả đừng hỏi những chuyện này đúng hay sai, có đáng tin hay không, mà hãy tự hỏi tổ tiên ta muốn nhắn nhủ gì cho con cháu khi kể những câu chuyện này”. Cám ơn tác giả (Nhà Sử học Nguyễn Khắc Thuần) đã gợi ý cho tôi một sự suy ngẫm quý giá! Tôi chợt hiểu mỗi dân tộc thường có những truyền thuyết huyền thoại hóa của mình. Riêng chỉ có tiếng Việt mình mới có tiếng “đồng bào” (cùng một bọc) mà không một nước nào có từ tương tự, cùng lắm là compatriot(e) (Anh, Pháp). Cái tiếng “đồng bào” của ta hiểu ra, sao mà tha thiết thiêng liêng đến thế! Nó khiến cho những lúc hoạn nạn người ta phải nhường cơm sẻ áo, những lúc nguy khốn người ta không thể rời nhau, phải đoàn kết để tạo nên sức mạnh, phải đấu tranh để tồn tại. Rồi chuyện Thánh Gióng mới thật là độc đáo! Chưa có một nước nào mà trẻ em mới còn là “baby” đã đòi đi đánh giặc! Mà nhà Vua cũng tin tưởng chiều ý. Rồi cậu bé biến thành người khổng lồ với sức mạnh vũ bão và đánh thắng giặc. Thì ra chỉ có ở dân tộc Việt Nam, tình yêu nước mới được hun đúc từ tuổi ấu thơ, qua lời ru của mẹ: “Con ơi, con ngủ cho sâu. Cha con đánh giặc còn lâu mới về. Giặc làm dân khổ trăm bề. Lớn lên đánh giặc con thề theo cha”. Và có lẽ chỉ dân tộc Việt Nam mới có những anh hùng tí hon xả thân vì nước. Và chính lòng yêu nước mãnh liệt ấy đã tạo nên những sức mạnh phi thường, làm nên những chiến thắng thần kỳ sáng chói trong lịch sử. Đó là ý nghĩa thực tế của những truyền thuyết lịch sử cao đẹp mà những người có đầu óc khoa học như tôi đã không hiểu nổi, cho là chuyện huyền hoặc. Ngày nay các em học sinh may mắn hơn thế hệ chúng tôi, được học những cuốn sách giáo khoa Lịch sử rất đẹp, với những hình ảnh sinh động và bài học chan chứa tình cảm. Các em nhỏ lại được đọc thêm những bộ sách về các giai thoại lịch sử Việt Nam, những bộ truyện lịch sử Việt Nam bằng tranh rất sinh động, hấp dẫn. Những công trình này rất xứng đáng được tuyên dương. Trong bối cảnh lịch sử thế giới mà các nước không ngừng cạnh tranh xâu xé lẫn nhau, các em học sinh lớn lên sẽ ý thức được mình sẽ phải làm gì để bảo tồn và phát huy mảnh đất di sản mà ông cha ta đã đổ bao xương máu để giữ gìn, vun đắp. Chỉ có điều đáng tiếc là từ nhiều thập kỷ nay, môn Sử học vẫn được coi là môn phụ trong chương trình giáo khoa trung học vì không được đưa vào kỳ thi Tốt Nghiệp Phổ Thông. Mãi đến mấy năm gần đây môn Sử mới được trở thành một trong những môn thi Tốt Nghiệp Phổ Thông nhưng chỉ hai năm một lần luân phiên với môn Địa. Do đó học sinh thường ít quan tâm đến môn Sử vì phải tập trung thì giờ cho các môn chính. Giáo viên dạy Sử dù có giảng hay cũng chẳng thể thu hút được học sinh. Tôi có một cháu trai lúc nhỏ rất thích đọc sách và truyện lịch sử. Cháu ước mơ sau này sẽ trở thành một nhà sử học. Nhưng lớn lên, vì phải lo bù đầu học các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Ngoại ngữ… để đi du học nước ngoài nên ước mơ trở thành nhà sử học với cháu chỉ còn là kỷ niệm của một thời ấu thơ mê đọc sách sử. Tiếc thay một môn học có tính giáo dục cao về lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, bản lãnh đạo đức, cốt cách con người lại được đặt không xứng vị trí trong chương trình giáo dục phổ thông khiến học sinh coi nhẹ. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân dù rất nhỏ gây nên sự suy thoái đạo đức ở học đường cũng như ngoài xã hội như “nạn quay cóp” trong các kỳ thi, nạn mua bán bằng cấp (bằng thiệt, học giả) và “nạn tham nhũng”. Bên cạnh đó, các sinh viên Đại học chọn ngành Sử dường như cũng ít dần vì ra trường khó kiếm việc làm, dạy tư môn Sử cũng không ai có nhu cầu học. Như thế e rằng trong tương lai các nhà viết sử sẽ hiếm dần. Các nhà giáo dục nghĩ sao? Điều đáng mừng là từ những năm gần đây, ngày Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương đã được chính quyền cho tổ chức linh đình hoành tráng hơn tại các thành phố lớn và những nơi có đền thờ Quốc Tổ. Người nước ngoài chắc hẳn cũng thấy được truyền thống đẹp đẽ nhớ về cội nguồn của dân tộc ta. THÙY DƯƠNG THỜI HÙNG VƯƠNG: BÁCH VIỆT VÀ CÁC LÂN BANG Tháng Ba nô nức Hội Đền Nhớ Ngày giỗ Tổ - bốn nghìn năm nay Dạo xem phong cảnh trời mây Lô, Đà, Tam Đảo cũng quay đầu về Khắp nơi con cháu ba Kỳ (ba miền Đất nước: Bắc, Trung, Nam) Sở cầu như ý ai ai Xin cùng nhớ lấy mồng Mười tháng Ba . “Bài ca dao nói đến Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương nằm trên đỉnh núi Hy Cương, Phú Thọ. Từ trên núi nhìn toàn cảnh thật đẹp: trước mắt, ba con sông họp lại (sông Đà, sông Thao và sông Lô), hai bên, núi Tản Viên và Tam Đảo nhìn về”. Nhân ngày giỗ Quốc Tổ, chúng ta thử cùng nhau nhìn lại toàn cảnh của Bách Việt và các nước ở phía nam Bách Việt dưới thời đại các vua Hùng Vương thuở xa xưa. BÁCH VIỆT Khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, tại miền đông nam châu Á, giáp biển, trong khi dân tộc Hán định cư trên khu vực giữa Hoàng Hà và Dương Tử giang, dân tộc Miêu, ở vùng bắc Hoàng Hà, thì tại miền nam Dương Tử giang có nhiều bộ lạc thuộc nhiều sắc tộc lập nghiệp, được người Hoa gọi chung là Bách Việt: Ô Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Dương Việt ở Giang Tây, Nam Việt (hay Đông Việt) ở Quảng Đông (ngày nay người Hoa vẫn gọi tỉnh Quảng Đông là tỉnh Việt...) và đất nước ta xưa gồm Bắc Việt và bắc Trung Việt ngày nay, là Lạc Việt. Bắc sử có chép: “Thời đại Thần Nông, ở miền nam Trung Quốc có nước Xích Quỷ, sau chia ra làm Bách Việt. Xích là màu đỏ, theo ngũ hành thuộc hỏa, phương nam. Quỷ là một ngôi sao trong nhị thập bát tú, ở về phương nam. Gọi là Xích Quỷ để chỉ khu vực rộng lớn xa xăm ở phía nam, không hẳn là tên một nước”. Dân Bách Việt đã sớm biết trồng cây lúa nước, được thiên nhiên ưu đãi, ít phải chống chọi với thú dữ và tranh chiếm đất đai lẫn nhau nên không cao cường võ nghệ, không có khí giới sắc bén và bị người Hán phương bắc thôn tính, rồi dần dà đồng hóa với họ. Xứ ta là Lạc Việt, do ở xa xôi nên không bị đánh chiếm sớm, sau cùng cũng sa vào vòng Bắc thuộc hơn một ngàn năm, nhưng với ý chí dân tộc quật cường, nước ta lại khôi phục được nền độc lập. GIAO CHỈ Người Trung Quốc xưa quen gọi nước ta là Giao Chỉ, do khi Hạ Vũ lên ngôi vương Trung Quốc vào thế kỷ XXII trước Công nguyên có cử các đoàn đi khảo sát mọi nơi xa gần và định biên giới, chia nước làm 6 châu, cắt người cai quản và nạp cống hàng năm cho vương triều. Đoàn qua vùng Lĩnh Nam, đi sâu xuống phương Nam, thấy đất còn hoang vu, vô chủ, nhiều đầm lầy, có giống Giao Long hung dữ (loài bò sát, giống con thuồng luồng) bèn đặt tên đất này là Giao Chỉ và ghi “khuyết địa” nghĩa là đất không ai quản lý, tạm đặt ngoài cương vực của vương triều. Tiếng Giao Chỉ sau là tên một bộ thời vua Hùng Vương (nước Văn Lang thời Hùng Vương gồm 15 bộ), rồi lại được nhà Hán dùng để đặt tên một quận nước ta là xứ Bắc Kỳ ngày nay. Nhà Tống phong cho các vua Đinh, Lê, Lý là Giao Chỉ Quận vương, sau đổi là An Nam Quốc vương, nhưng các vua Nguyên, Minh vẫn quen gọi nước ta là Giao Chỉ. (có sách cho rằng do người nước ta xưa có hai ngón chân cái xoạc ra, khi đứng thì giao nhau nên được gọi là người Giao Chỉ, nhưng thực tế chỉ có một số rất ít người nước ta ờ vùng Bắc Ninh, Phú Yên có ngón chân cái như vậy, chứ không phải nòi giống ta đều như thế. Lại nữa, tại một số nước khác ở châu Á và châu Phi, người ta cũng bắt gặp những người có tật như vậy). LẠC VIỆT Thời Thượng cổ, nước ta có tên là Lạc Việt, một xứ trong Bách Việt. Tiếng Lạc có nguồn gốc từ chim Lạc (là giống chim ăn tôm, cá, to con, mỏ dài, chân cao, sải cánh rộng, cùng họ với giang, sếu, cò, có thói quen di trú và có tiếng kêu cạc, lạc, nay gọi là Hạc) do người xưa đã theo đường di trú của chim Lạc mà đến lập nghiệp tại nơi này. Thời đại xa xưa, khoảng 2.000 trước Công nguyên, ở lưu vực sông Âu tỉnh Chiết Giang bên Trung Quốc ngày nay, cư dân là người Việt có gốc MONGOLOID (gồm các chủng Bắc - Đông- Nam Mongoloid và Indien. Mongoloid cùng với Australoid thuộc Đại chủng Á - là một trong 2 Đại chủng tộc chính thuộc Khối Úc Á – còn lại là Khối Phi-Âu)) sinh sống bằng nghề đánh cá, săn bắn và trồng trọt hoa màu, đời sống eo hẹp, không được trù phú mấy. Nơi đây quần tụ vô vàn giống chim Lạc, đẻ trứng vung vãi khắp bờ nước, hàng năm cứ đến mùa đông, có gió bắc thì bay đi hết về phương nam. Người ở lại phải chịu rét mướt, thiếu thốn lương thực, tôm cá ít, trứng chim không còn, phải đào củ, hái rau rừng ăn tạm. Đến khi có gió nam, đàn chim lũ lượt bay về, béo tốt, lại đẻ nhiều trứng. Năm nào cũng như thế mãi, hết mùa rét lại trở về, mạnh mẽ hơn trước. Thế thì nơi chúng đến phải là miền trù phú. Một số cư dân liền dùng thuyền độc mộc theo luồng gió bắc và hướng đi của chim Lạc đi sâu xuống miền nam, thấy ở đây mọi sự đều tốt đẹp, đất đai màu mỡ, tôm cá, thú rừng rất nhiều, người bản địa lại thưa thớt, lạc hậu. Do không có sự va chạm nên không có những vụ xua đuổi đánh giết nhau giữa thổ dân và dân di cư đến lập nghiệp. Di dân liền khai thác vùng Giao Chỉ bấy giờ còn gần như hoang dã, sống chung hòa bình với người bản địa, chỉ dẫn cho họ những cách bắt chim, bẫy thú khéo léo, hiệu quả hơn. Dân Lạc Việt nhập cư cùng với dân Bản địa Indonesien thuộc AUSTRALOID (Đại chủng Úc, gồm các chủng Negrito, Melanesien, Australien, Tasmanien, Polynesien và Ainu) cùng nhau sống chung trên đất Giao Chỉ, tạo nên giống người Kinh Việt Nam, không giống như mọi dân Bách Việt khác cũng khác hẳn với người Hán. Do người di cư theo hướng đi của chim Lạc mà đến, nên gọi là Lạc dân, ruộng đất họ khai thác được gọi là Lạc điền, các người cai trị dân gọi là Lạc Tướng, sinh sống trong đất nước gọi là nước Lạc Việt. Dân tộc Việt có nguồn cội từ cả 2 Đại chủng Mongoloid và Australoid nên Tổ Tiên ta đã có tinh thần quật khởi, quyết không để Trung Quốc đồng hóa, quyết giữ nền tư chủ mãi mãi của mình. Có rất nhiều người Việt Nam không hề biết đến nguồn cội của dân tộc ta (mà nghĩ rằng nước ta chỉ thuộc Bách Việt, Trung Quốc). Trịnh Công Sơn viết trong ca khúc “Biết đâu nguồn cội” như sau: - Tôi vui chơi giữa đời… í a… biết đâu Nguồn cội - Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi - Tôi vui chơi giữa đời…í a… biết đâu Nguồn cội - Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời… CÁC LÂN BANG Vào thời vua Hùng Vương, phía nam của nước Lạc Việt thuộc Bách Việt, có các nước sau: 1/- NƯỚC HỒ TÔN (Phú Yên đến Quảng Ngãi) Thời xa xưa, biên giới phương nam nước ta chỉ đến đèo Hải Vân. Bên kia đèo này là tỉnh Bình Thuận ngày nay, thì nơi đây là nước Hồ Tôn của người Chăm. Gọi là nước nhưng thực chỉ là một liên minh bộ lạc, gồm hai bộ lạc lớn là bộ lạc Cau (vùng từ Phú Yên đến Bình Thuận) và bộ lạc Dừa (vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi) cùng nhiều bộ lạc nhỏ khác. Khi nhà Hán xâm chiếm nước ta thì chiếm luôn nước Hồ Tôn lập thành huyện Tượng Lâm, thuộc quận Nhật Nam. Dân Tượng Lâm từng hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. 2/- NƯỚC VIỆT THƯỜNG (Bình Trị Thiên). Dưới thời vua Hùng Vương xưa, Việt Thường là một trong 15 bộ từ Hoành Sơn đến đèo Hải Vân nước ta, nay là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Sau bộ Việt Thường ly khai khỏi nước ta và từng giao thiệp với nhà Chu bên Trung Quốc. Nhà Hán chiếm đất xứ này lập ra quân Nhật Nam. Do oán ghét nhà Hán, người Việt Thường sẵn sàng gia nhập vào nước Lâm Ấp, rồi đồng hóa với dân nước này. Sau nhà Hán suy, đành chịu bỏ Nhật Nam. 3/- NƯỚC LÂM ẤP (CHAMPA). Đến năm 190 thì dân Tượng Lâm đã vững vàng, bao gồm các bộ lạc cùng sắc tộc phương nam, lại quật cường đánh chiếm luôn cả đất Việt Thường (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay) để thành lập nên nước Lâm Ấp. Đến đời Chu Cát Địa (đời Đường Thái Tông 627-649) thì đổi tên nước là Hoàn Vương quốc. Năm 808 lại đổi quốc hiệu là Champa (chữ Hán Việt đọc là Chiêm Bà, quốc sử cũng như người Hoa lại quen gọi là Chiêm Thành). Champa là tên một loài hoa nổi tiếng cùa xứ này. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đem quân sang đánh. Vua Chăm là Chế Củ xin dâng ba châu Đại Lý, Ma Linh và Bố Chính (Quảng Bình và bắc Quảng Trị ngày nay) để chuộc tội. Năm 1075 Lý Thường Kiệt, trước khi sang đánh Tống, đã sang đánh Champa để cảnh cáo, vẽ địa đồ ba châu mà Chế Củ mới dâng và chiêu mộ dân đến đây sinh sống. Năm 1104, vua Chăm Chế Ma Na đem quân sang cướp lại ba châu đất cũ. Lý Thường Kiệt lại đi đánh dẹp, Chế Ma Na xin nộp trở lại đất ấy. Năm 1282, Toa Đô sang đánh nước Champa, tiến binh vào cửa Thị Nại (nay là Quy Nhơn) - đánh lấy được thành này, thừa thắng kéo quân vào chiếm kinh đô Chà Bàn. Năm sau vua Champa kéo đại quân về đánh lấy lại được. Năm 1306, Chế Mân dâng vua Trần Anh Tông hai châu Ô và Lý (Quảng Trị, Thừa Thiên) để cưới công chúa Huyền Trân, vì lời hứa của Thượng hoàng Trần Nhân Tông, nên một nhà thơ thức thời đã viết: Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm Một gái Huyền Trân của mấy mươi. Sau cuộc đánh chiếm của vua Lê Thánh Tông năm 1471, Champa bị chia làm ba nước nhỏ là Champa, Nam Bàn và Hoa Anh, ngày càng suy yếu. Năm 1611, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đánh chiếm vùng đất rộng, đặt làm phủ Phú Yên, chia làm hai huyện Đồng Xuân và Tuyên Hoa. Năm 1653, vua Champa là Bà Thấm sang đánh Phú Yên, Chúa Nguyễn Phúc Tần đánh đuổi, đốt phá kinh thành và truy đuổi quân Chăm đến tận sông Phan Rang. Vua Chăm xin hàng, được giữ đất phía nam Phan Rang. Chúa chia đất mới chiếm thêm làm hai phủ là Thái Khang và Diên Ninh, sau đổi là Diên Khánh, Khánh Hòa ngày nay. Năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu chiếm nốt phần đất còn lại của Champa, đặt phủ Bình Thuận. Từ đấy nước Champa mất hẳn, người Chăm trở thành một sắc dân thiểu số Việt Nam. 4/- NƯỚC PHÙ NAM Nằm ở tận cùng phía nam của nước ta, sau nước Champa có nước Phù Nam gồm cả phía tây sông Mê Kong. Khoảng thế kỷ VI, nửa về phía đông có người Khmer xây dựng nên nước Chân Lạp trên đất Campuchia và xứ Nam Kỳ ta ngày nay. Phần khác, nửa về tây thì người Phù Nam xây dựng nên nước Xích Thố, người sắc tộc Thái. Khoảng thế kỷ XI, XII, Xích Thố lại chia làm hai là La Hộc và Xiêm (Tiêm). Thời nhà Nguyên làm chủ Trung Quốc, hai nước ấy có sang cống. Về sau nước La Hộc chiếm được cả nước Xiêm, mới gọi là Xiêm La Hộc. Cuối thế kỷ XVI, nước này cầu phong bên Trung Quốc, được Minh Thái Tổ phong là nước Xiêm La, sau đổi tên là nước Thái Lan. 5/- NƯỚC CHÂN LẠP Nằm ở phía nam và tây nam nước Champa, ở vào quãng dưới sông Mê Kong, lắm sông nhiều ngòi, ruộng đất phì nhiêu. Từ thế kỷ VIII đã chia làm hai là Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Từ thế kỷ IX đến XII, họ thống nhất, mở đầu giai đoạn hưng thịnh dài với nền văn hóa phát đạt. Đến thế kỷ XIV, Chân Lạp suy yếu, đất đai mới được khai phá một phần. Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chầy Chít Ta và yêu cầu người nước ta sang làm ăn buôn bán ở vùng đồng bằng Thủy Chân Lạp. Năm 1658, có sự tranh chấp nối ngôi vua Chân Lạp, chúa Nguyễn Phúc Thượng sang đánh, bắt vua Nặc Ông Chân đưa về Quảng Bình. Sau lại cho đưa về nước làm vua, xưng thần nạp cống Chúa Nguyễn và bảo vệ dân Việt sang làm ăn bên ấy… Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố làm dinh, làm huyện, lấy Đồng Nai làm huyện Phúc Long và Sài Côn làm huyện Tân Bình, đặt Trấn Biên dinh (Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (Gia Định), cử quan vào cai trị. Lại chiêu mộ lưu dân từ Quảng Bình trở vào để lập thôn xã và khai khẩn ruộng đất. Người Hoa ở đất Trấn Biên thì lập xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn thì lập làm xã Minh Hương, những người Hoa ấy đều thuộc về hộ dân nước ta… Năm 1708, đời chúa Nguyễn Phúc Tần, có người khách Quảng Đông là Mạc Cửu cùng thân thuộc, không phục nhà Mãn Thanh cướp ngôi nhà Minh, bỏ sang Chân Lạp khai khần đất Sài Mạt. Nơi đây có nhiều người các nước đến buôn bán thịnh vượng, bèn mở sòng bạc, rồi lấy tiền chiêu mộ lưu dân, lập ra 7 xã gọi là Hà Tiên. Mạc Cửu lại còn khai khẩn vùng Phú Quốc, Rạch Giá và Cà Mau. Để được yên ổn, Mạc Cửu xin thần phục chúa Nguyễn, được phong làm Thống binh trấn Hà Tiên. Vì thế chúa Nguyễn được thêm vùng đất mới. Đến khi Mạc Cửu chết, chúa Nguyễn phong cho con ông là Mạc Thiên Tứ chức Đô đốc, rồi đắp thành, xây lũy, mở chợ, làm đường và rước thầy về dạy Nho học khai phá đất Hà Tiên… Năm 1747, nội bộ Chân Lạp xâu xé nhau, Nặc Ông Thâm cầu viện Xiêm La đánh giành ngôi vua, chúa Nguyễn cho quân sang giúp Nặc Tôn lên làm vua, bèn dâng đất Tầm Phong Long tạ ơn, Chúa sai Nguyễn Cư Trinh đem binh Long Hồ về xứ Tầm Bảo, tỉnh lỵ Vĩnh Long bây giờ và đặt ra 3 đạo là Đông Khẩu ở Sa Đéc, Tân Châu ở Tiền Giang và Châu Đốc ở An Giang. Sau Nặc Tôn lại dâng 5 phủ là Hương Úc, Cần Bột, Trực Sâm, Sài Mạt và Linh Quỳnh, Chúa cho nhập vào trấn Hà Tiên cai quản. Năm 1833, sau khi phá quân Xiêm La, Trương Minh Giảng lập đồn bảo hộ nước Chân Lạp, đổi gọi xứ này là Cao Man. Sau vì dân bản xứ không chịu mới đổi lại là Cao Miên, thủ đô Phnom Penh đổi gọi là Nam Vang, các tỉnh cũng mang tên chữ Hán như bên ta. Vậy đất Nam Bộ, xưa gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh (gồm Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, Hà Tiên và An Giang) - là đất lấy của nước Chân Lạp, mà người Việt khai thác ra. Tuy nhiên, phải chờ đến thời Tây Sơn (1778 – 1802) đất nước ta mới thực sự thống nhất từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, sau đó Nguyễn Ánh chỉ thừa hưởng sự thống nhất của thời Tây Sơn. TÓM TẮT Các xứ như Nội Mông, Mãn Châu, Tân Cương và Tây Tạng xưa kia oai phong (thời Mông – Nguyên và Mãn – Thanh cai trị Trung Quốc), nay cũng đành ngậm ngùi làm 4 vùng tự trị thuộc Trung Quốc (nên quốc kỳ Trung Quốc ban đầu cho mỗi vùng có một ngôi sao nhỏ nằm xung quanh ngôi sao lớn của chàng khổng lồ – nay họ sửa lại là 4 sao tượng trưng cho 4 chính sách lớn của họ). Chính nguồn gốc Dân tộc ta thuộc hai chủng tộc Mongoloid và Australoid, cùng với Tinh thần Quật cường, Bất khuất của Tổ Tiên, nên trước một chàng khổng lồ chỉ hau háu nuốt chửng xứ Lạc Việt bé bỏng, thì nước ta không những không bị đồng hóa và sáp nhập, mà còn Nam Tiến để “tránh voi chẳng xấu mặt nào” và để mở rộng bờ cõi nữa. Nhân dịp giỗ Quốc Tổ mùng 10-3 âm lịch – là một ngày quốc lễ, tất cả công dân từ Nam chí Bắc, đều tổ chức trọng thể Ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương. Chúng ta cùng nhau thắp nén hương thơm để tưởng nhớ đến các vị Tiên Tổ – đã có công giữ nước và dựng nước, ban đầu chỉ ở phương Bắc (Bách Việt), nay chạy dài xuống tận cùng phương Nam để Đất nước Việt Nam có hình dáng chữ S tròn trịa, xinh đẹp như ngày nay vậy. (Nguồn: Internet) PHẠM VŨ
Phụ bản I TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT (tt) CÔNG ÁN THỨ TÁM HỀ TRỌNG CHẾ XE *Công Án: Hoà Thượng Nguyệt Am hỏi một ông Tăng: - Hề Trọng làm bánh xe trăm gọng. Nắm hai đầu, bỏ trục đi, thế nghĩa là sao? Lời giải: Không thấy Công Án này có ý nào liên quan đến Phật Pháp! Bánh xe này chẳng phải là bánh xe Pháp, cũng chẳng phải là bánh xe Luân hồi của Đạo Phật, mà thuần túy là bánh xe trần tục với gọng, trục! Rõ ràng Thầy đang quan tâm xét chuyện người ngoài, lại còn muốn trò cũng thắc mắc giống như mình! Giả sử người chế xe trước kia, nay vào nhập môn tu hành, nhờ bánh xe mà đắc pháp, thì nói chuyện xe cộ còn hợp lý. Vị Tăng đang ở trong Chùa lẽ ra chỉ nên nghĩ nhớ tới Phật. Lo nhất niệm, không buông lỏng tư tưởng. Lo Tham Thoại đầu, chết sống không buông như nhà Thiền vẫn dạy. Sao không ra một thoại đầu nào liên quan đến việc tu hành, như Sinh Tử, Vô Thường, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo...? Kết luận: Công Án này kể cũng đáng cho người sau ngạc nhiên. Không hiểu tại sao Hoà Thượng ở chùa mà không nhắc đến việc học Phật cho đệ tử. Không dạy Tư Duy, Quán Sát, Giới, Định, Huệ… mà Tâm của ông ta lại đặt ở nhà Hề Trọng nhỉ? CÔNG ÁN THỨ CHÍN PHẬT ĐẠI THÔNG TRÍ THẮNG *Công Án: Một ông tăng hỏi Hòa Thượng Hưng Dương Nhượng: - Phật Đại Thông Trí Thắng ngồi tu mười kiếp ở đạo trường, PHẬT PHÁP không hiển hiện, không thành được Phật đạo, thế nghĩa là sao? Sư nói: - Hỏi thật hay! Ông Tăng nói: - Đã ngồi tu ở đạo trường, sao lại không thành được Phật Đạo? Sư đáp: - Vì ông ấy không thành Phật. Lời giải: Lâu lâu mới thấy được một Thiền Sinh có một thái độ rất nghiêm túc, một câu hỏi thật xác đáng, mong người Thầy mở lối để học trò học hỏi, thế mà lại chẳng may gặp nhằm Thầy dốt, trả lời huề trớt: "Vì ông ấy không thành Phật"! Người trò đã thắc mắc rất đúng. Việc tu học, thiền định chẳng phải là để được Thành Phật hay sao? Đã ngồi tu ở đạo trường, trên nguyên tắc là phải thành Phật, nhưng THEO Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: "Vì Phật Pháp chẳng hiện ra trước nên chẳng thể thành Phật", vậy thì: Thế nào là Phật Pháp? Làm sao cho Phật Pháp hiện ra? Điều này trong Kinh có viết rõ: "Phật Đại Thông Trí Thắng ngồi xếp bằng, thân và tâm không động, mà các Phật Pháp còn chẳng hiện ra trước". Tức là nói về những người Ngồi Thiền Định, nhưng ngồi theo kiểu ỳ ra đó, Thân, Tâm bất động mà Kinh Duy Ma Cật gọi là "Ngồi sững ở đó"! Cứ ngồi sững ở đó thì làm sao thấy được, hiểu được gì thêm? Kiểu Ngồi đó Kinh Duy Ma Cật, Pháp Bảo Đàn Kinh đều chê! Hoà Thượng Hoài Nhượng cũng từng lượm gạch mài trước am của Mã Tổ khi còn là thiền sinh đang tọa Thiền, để khai mở cho Ngài rằng: "Gạch mài không thể thành kính, Ngồi Thiền không thể thành Phật được"! Muốn biết nên Ngồi Thiền như thế nào cho đúng, người tu cần đọc Kinh để thấy Phật dạy, Ngồi Thiền là phải: Thiền Quán, Thiền Minh Sát, để nhờ đó mà thấy, mà hiểu ra những điều cần hiểu, cần hành của Đạo, không phải chỉ "Ngồi sững ở đó" càng lâu càng tốt! Ngài Đại Thông Trí Thắng nhờ chuyển cách Thiền, làm cho Phật Pháp hiện ra. Đó là lúc Ngài thấy được các chúng sanh của Ngài, Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: "TRONG CÕI NƯỚC ĐÓ CHỖ TỐI TĂM ÁNH SÁNG CỦA NHỰT NGUYỆT KHÔNG SOI TỚI MÀ ĐỀU ĐẶNG SÁNG RỠ, TRONG ĐÓ CHÚNG SANH ĐỀU ĐẶNG THẤY NHAU, ĐỒNG NÓI RẰNG: "TRONG ĐÂY TẠI SAO BỖNG SANH RA CHÚNG SANH". Trong Cõi Tâm của Ngài, cũng như của mỗi chúng ta đều có đủ loại tư tưởng mà Đức Thích Ca giả gọi là những nhân vật và đặt cho những định danh: Từ Chư Phật, Bồ Tát, cho tới trời, rồng, thần, dạ xoa, càn thát, chúng sanh... Mỗi nhân vật lại có nhiệm vụ riêng: - PHẬT tượng trưng cho những tư tưởng đã rốt ráo thanh tịnh, được về ở riêng một nơi gọi đó là Nước Phật hay Niết Bàn. - BỒ TÁT là những tư tưởng đã thông suốt, đang làm nhiệm vụ hướng dẫn cho những tư tưởng gọi là Chúng Sinh, gọi là làm công việc "Độ Sinh". CHÚNG SINH LÀ những tư tưởng còn vướng mắc, đau khổ, vọng động… mà Bồ Tát có nhiệm vụ giải cứu, để chúng cũng được về chỗ an ổn thanh tịnh. Muốn thành Phật thì phải Độ Sinh. Phật Đại Thông Trí thắng lúc ban đầu ngồi thiền ở đạo trường, dù thân tâm không động. Nhưng không thấy chúng sinh. Không độ chúng sinh, nên không thành Phật được. Cho tới lúc thấy rõ những chúng sinh, độ được chúng bằng Phật Pháp thì mới thành Phật được. Điều này được viết rõ trong Phẩm Hoá Thành Dụ. Khi chưa được Giải Thoát, thì những hạng chúng sinh đều có đủ mọi thứ chấp nhất mà chúng kiên trì cứ bám lấy. Cái chấp nhất, ôm giữ này Phật tượng trưng cho cung điện nơi chúng trú ngụ. Khi tất cả đều hiểu được giá trị của Phật Pháp, cùng mang cung điện của mình - tức những sự chấp nhất của mình - đến để cúng dường cho con đường Giải Thoát để xin Phật chỉ bày các pháp tướng độ chúng sanh đau khổ. Lúc đó Phật mới nhận lời chuyển pháp luân, đánh trống pháp, mở đường Niết Bàn, giảng các môn Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, khiến cho tất cả đều phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Do đó khi Ngài Đại Thông Trí Thắng soi rõ Nội tâm, thấy tất cả cảnh giới của Tâm. Giảng nói, độ cho chúng sinh nơi nội tâm của Ngài, nên Ngài mới thành Đại Thông Trí Thắng Phật, vì đã độ thoát cho tất cả chúng sinh. Đó là chỗ mà người tu cần Tham để thấy, để hiểu, để Hành. Vì nếu chưa biết Phật Đại Thông Trí Thắng làm gì để Thành Phật thì làm sao ta có thể theo cách của Ngài để thực hiện cho bản thân? Nếu tu Phật mà không thành thì tu làm gì? Và điều quan trọng người tu cần hiểu là: "Thành Phật" chỉ là "Thành tựu con đường giải Thoát khỏi Sinh Lão Bịnh Tử" cho bản thân mình. Không phải là để thành Ông Phật có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp được Tam Thiên Đại Thiên thế giới tôn sùng, như trong Kinh Phật dùng phương tiện để mô tả. Do đó, người không hiểu rõ thường hay tưởng lầm, rồi khởi tăng thượng mạn nếu có chút gì tưởng rằng mình đã Đắc, đã Thành! Kết luận: Ông thầy này kể ra cũng còn hiền. Công Án này chứng tỏ người Thầy không đọc Kinh, không có Pháp. Chưa làm Hạnh Bồ Tát. Chưa biết con đường Độ sinh, nên khi học trò hỏi thì không biết đường trả lời! Cũng may cho người hỏi là chưa bị đánh, bị đạp như đồ đệ của các Thầy khác! CÔNG ÁN THỨ MƯỜI THANH THOÁT NGHÈO KHỔ *Công Án: Một Ông Tăng hỏi Hoà Thượng Tào Sơn: - Thanh Thoát này nghèo khổ, xin Ngài cứu giúp. Sư nói: - Thầy Thoát! Ông Tăng đáp: - Dạ. Sư nói: - Rượu Thanh Nguyên vốn sẵn của nhà, đã uống xong ba chén sao còn bảo chưa dính môi? Lời giải: Một người hỏi tục đế, một người đem đệ nhất nghĩa đế ra mà đáp! Đạo Phật là Thực chứng, phải đâu Tưởng Chứng! Đâu phải nghe nói mình có viên châu trong áo đã thò tay vào túi lôi ngay ra được! Đâu phải biết rằng có viên ngọc rớt trong ao rồi lặn xuống là lấy lên ngay! Chính vì thế mà cần Phương Tiện là Thiền Quán, là 37 Phẩm trợ đạo, là Tứ Nhiếp, là Lục Độ, Vạn Hạnh. Trong Chính Kinh, Phật cũng không có lối dạy tắt nói ngang, mà dặn dò người tu học phải "sắp xếp đồ chúng" trước khi an cư tu tập, tức là những việc gì của đời còn làm vướng bận thì cũng nên sắp xếp, giải quyết theo cách của đời để được yên tâm mà tu tập. Lục Tổ trước khi vào Chùa cũng phải thu xếp ổn định việc ăn ở cho thân mẫu, đâu phải nói đi tu là dứt áo ra đi, mặc kệ tất cả! Bảo người ta giàu trong khi họ đang đói rách tả tơi thì người nghe khó chấp nhận. Rõ ràng Phật dạy mỗi chúng sanh đều có Phật Tánh, nhưng mấy ai Ngộ được cái Phật Tánh đó? Dù Phật đã thọ ký "Chúng sanh là Phật sẽ thành", nhưng cho đến nay đã được bao nhiêu người thành Phật? Vì thế, người thực chứng phải là người đã làm xong cho bản thân mới biết cách để chỉ lại cho người sau. Không thể chứng đắc bằng cái Tưởng. Không thể tưởng mình đã nhận gia tài của người cha trưởng giả, tưởng mình đang giàu có trong khi bản thân đang nghèo khổ. Chính vì vậy mà người chưa chứng đắc không chỉ được cách để sau cũng chứng đắc như họ. CÔNG ÁN THỨ MƯỜI MỘT TRIỆU CHÂU KHÁM CHỦ AM *Công Án: Ngài Triệu Châu ghé thăm một chủ am, hỏi: - Có chăng, có chăng? Chủ am giơ nắm tay lên. Sư nói: - Nước cạn không phải chỗ đậu thuyền. Lại ghé một am khác, hỏi: - Có chăng, có chăng? Chủ am cũng giơ nắm tay lên. Sư nói: - Buông được, bắt được, giết được, cứu được. Bèn bái lễ. Lời giải: Việc này có lẽ phải hỏi Ngài Triệu Am, vì chính Ngài vừa ra đề, vừa giải đề. Khinh người hay kính người cũng chỉ do một mình Ngài. Người Tham cái gọi là Công Án này lại cũng sẽ bị kẹt vì còn ai để phân rõ đúng sai. Kết luận: Tốt nhất nên gặp Ngài Triệu Châu để hỏi cho rõ, đừng bỏ thì giờ thắc mắc xem tại sao, vô ích! CÔNG ÁN THỨ MƯỜI HAI THOẠI NHAM GỌI ÔNG CHỦ *Công Án: Hoà Thượng Thoại Nham Ngạn hàng ngày tự kêu: - Ông chủ! Rồi tự đáp: - Dạ. Lại nói: - Tỉnh táo nhé! - Dạ. - Mai kia mốt nọ đừng để người gạt nhé! - Dạ, dạ. Lời giải: Hai tình trạng: Vô Minh và Trí Huệ trong một con người hẳn là điều mà Hòa Thượng Thoại Nham đang muốn nói đến. Nhưng thực ra Vô Minh đâu phải để bị người gạt mà chính là ta tự gạt! Trí Huệ cũng chẳng phải của ai khác, chẳng ở đâu xa, mà là Vô Minh của chính ta sau khi đã trừ đi Tam Độc bằng những phương tiện Trì Giới, Thiền Quán của Đạo Phật. Nhưng hình như Hoà Thượng này chưa nhận ra để làm, chỉ ngồi đó kêu suông thì ích lợi gì? Nếu Ngài đã làm thì đâu cần kêu! Kết luận: Nếu người Tham câu này cũng tiếp tục bắt chước người trước, hàng ngày cứ kêu lên như thế, thì rõ ràng đang bị người trước gạt mà không hay! CÔNG ÁN THỨ MƯỜI BA ĐỨC SƠN BƯNG BÁT *Công Án: Một hôm ngài Đức Sơn bưng bát ra khỏi thiền đường. Tuyết Phong hỏi: - Cái lão già, chuông chưa gióng, trống chưa điểm mà bưng bát đi đâu? Sư liền lui về phương trượng. Tuyết Phong kể chuyện lại cho Nham Đầu. Nham Đầu nói: - Đường đường là Hoà Thượng Đức Sơn mà chưa hiểu câu nói tối hậu. Sư nghe được, sai thị giả gọi Nham Đầu và hỏi: - Ông chê lão tăng à? - Nham Đầu nói rõ ý mình. Sư bèn thôi. Hôm sau Sư thăng đường, quả nhiên khác vẻ thường. Nham Đầu ra trước chúng vỗ tay cười lớn nói: - Cũng may lão già biết câu tối hậu. Mai mốt thiên hạ chẳng ai làm gì nổi lão. Lời giải: Học trò gọi thầy bằng lão già này, lão già nọ thì thật là hỗn láo, không thể chấp nhận được. Hơn nữa đây lại là một chốn thiền môn thì có vẻ thiếu tôn ti trật tự quá! Thầy làm sao còn dạy bảo ai! Học trò lại bảo được câu tối hậu cho thầy! Thầy phải chờ bảo nhỏ vào tai thì mới hiểu, rồi hôm sau đổi thái độ, thật chẳng ra làm sao! Rõ ràng Thầy đang được trò chỉ bảo cho! Dù rằng "Con hơn cha là nhà có phúc". Nhưng Thầy mà để trò dạy cho sao còn đáng mặt Thầy? So sánh với trường đời, chẳng lẽ môn quy của Thiền Viện lại thua phàm phu, dạy nhau: "tôn sư trọng đạo", "kính thầy mới được làm thầy" sao nhỉ? Đọc Công Án này ta thấy lẽ ra Tuyết Phong và Nham Đầu phải là Thầy thì đúng hơn, vì còn bảo được cho Thầy "Câu tối hậu" để "mai mốt thiên hạ không ai làm gì nổi lão"! Kết luận : Cửa Thiền này đóng bằng gỗ tạp. Ám sư xuất loạn đồ! Tâm Nguyện (còn tiếp) TÊN ĐƯỜNG TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được coi là thành phố lớn nhất nước, có tất cả là 24 quận huyện nội thành và ngoại ô, gồm 19 quận và 5 huyện. Trong 19 quận có 12 quận đánh số từ 1 đến 12 và 7 quận tên bằng chữ là các quận: Tân Bình, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân và 5 huyện là các huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ. Hệ thống giao thông trong toàn thành chằng chịt đường sá nhất là ở nội thành, còn các quận được xem là ngoại ô cũng nhanh chóng mở mang thêm đường sá phố chợ như thể sớm mong được xóa tên là quận vệ tinh của trung tâm thành phố để nhập khối đô thị lớn mạnh. Việc đặt tên đường để kỷ niệm danh nhân lịch sử mà cũng để đánh dấu tọa độ cho ngành viễn thông, thư tín có không ít trùng lắp cũng là chuyện bình thường - nếu không muốn nói đến các địa phương nơi nào cũng muốn dành cho quận nhà của mình có được con đường mang tên danh nhân hoặc địa danh tiếng tăm nhất. Xin được kể một số đường trùng tên ở các quận, có khi tên một danh nhân có cả trên địa bàn của 3 quận - Đường An Dương Vương (quận 5 và quận 6) - Đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh và quận Tân Bình) - Đường Bùi Hữu Nghĩa (quận 5 và quận Bình Thạnh) - Đường Bùi Thị Xuân (quận 1 và quận Tân Bình) - Đường Cao Thắng (quận 3 và quận Phú Nhuận) - Đường Chu Văn An (quận 6 và quận Bình Thạnh) - Đường Cô Bắc (quận 1 và quận Phú Nhuận) - Đường Cô Giang (quận 1 và quận Phú Nhuận) - Đường Cửu Long (quận 10 và quận Tân Bình) - Đường Đào Duy Từ (quận 10 và quận Phú Nhuận) - Đường Đồng Nai (quận 10 và quận Tân Bình) - Đường Hậu Giang (quận 6 và quận Tân Bình) - Đường Nguyễn Công Trứ (quận 1 và quận Tân Bình) - Đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3 và quận Phú Nhuận) - Đường Nguyễn Du (quận 1 và quận Gò Vấp) - Đường Nguyễn Thái Bình (quận 1 và quận Tân Bình) - Đường Nguyễn Thái Học (quận 1, quận Bình Thạnh và quận Tân Phú) - Đường Nguyễn Thị Nhỏ (quận 6, quận 11 và quận Tân Bình) - Đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3 và quận Bình Thạnh) - Đường Nguyễn Trường Tộ (quận 4 và quận Tân Bình) - Đường Nguyễn Trung Trực (quận 1 và quận Bình Thạnh) - Đường Phạm Ngũ Lão (quận 1 và quận Gò Vấp) - Đường Phạm Viết Chánh (quận 1 và quận Bình Thạnh) - Đường Phan Chu Trinh (quận 1, quận Bình Thạnh và quận Tân Bình) - Đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận và quận Tân Bình) - Đường Phan văn Trị (quận 5 và quận Bình Thạnh) - Đường Tăng Bạt Hổ (quận 5 và quận Bình Thạnh) - Đường Tân Khai (quận 11 và quận Tân Bình) - Đường Tân Phước (quận 10 và quận Tân Bình) - Đường Tân Thành (quận 5 và quận Tân Bình) - Đường Trần Bình Trọng (quận 5 và quận Bình Thạnh) - Đường Trần Hưng Đạo (quận 1 và quận 5) - Đường Trần Khắc Chân (quận 1 và quận Phú Nhuận) - Đường Trường Sơn (quận 10 và quận Bình Thạnh) - Đường Vạn Kiếp (quận 5 và quận Bình Thạnh)
THI HÀO HAY SỬ GIA: Đường Nguyễn Du thuộc Quận 1 nối liền đường Tôn Đức Thắng và đường Cách Mạng Tháng Tám chạy ngang trước Nhà thờ Đức Bà là một con đường có phố xá buôn bán sầm uất chen lẫn với những ngôi nhà thuộc ngành sở bộ của Nhà Nước như TT Thể Dục Thể Thao… Nhạc viện Tp. HCM cũng ở mặt đường này, một con đường lớn rất quen thuộc với dân chúng Đô thành nên mang tên một đại thi hào tác giả áng văn Nôm kiệt tác Kim Vân Kiều mà từ kẻ thức giả đến người bình dân ai cũng thích đọc và cho là rất hay, thiết tưởng việc đặt tên cũng đã xứng đáng cho danh tiếng của tiền nhân. Đi xa hơn về miệt ngoại ô phía Gò Vấp, chúng ta cũng gặp một con đường có tên Nguyễn Du là một con đường tráng nhựa nhỏ, hẹp có khúc ngoằn ngoèo, nối liền đường Nguyễn Văn Nghi và đường Phan Văn Trị. Lướt qua tên tuổi của danh nhân lịch sử, cụ Nguyễn Du (1799 – 1855) mà nói đến đây hiệu là Cựu Trấn Tỉnh Sơn, là một văn thần triều Nguyễn làm quan trải 3 triều Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức; ông là người làng Hương Khê, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, đỗ Cử nhân năm Minh Mạng thứ 2 (1820) làm quan đến Bố Chánh Sứ tỉnh Khánh Hòa, đến đời Tự Đức ông sung phái bộ đi sứ Tàu, ông cũng là tác giả của các sách về sử ký và địa lý như: Quốc sử ký biên, Kinh môn phủ chi, Thanh hà huyện chí, Phượng Sơn từ chí lược. Ngoài ra ông còn có 2 tập Tinh thiền tùy bút và Sứ trình tạp ký viết hồi ông đi sứ sang Tàu; nhưng chắc không ai được biết con đường có tên Nguyễn Du ở quận Gò Vấp là tên của nhà đại thi hào hay là tên của sử gia vì cả hai cũng đều liệt vào danh nhân lịch sử. VĂN NHÂN HAY VÕ TƯỚNG Đi một vòng quanh qua các quận ngoại thành đến quận Tân Phú, quãng đường Trường Chinh khi vào cổng khu công nghiệp Tân Bình độ 300m, du khách cũng bắt gặp bảng đề tên đường Nguyễn Hữu Tiến người làng Đông Ngạn, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (Bắc phần) hiệu Đông Châu, là học giả cận đại và cũng là tay bỉnh bút đắc lực của tạp chí Nam Phong do cụ Phạm Quỳnh làm chủ bút; ông cũng là tác giả của Giai nhân di mặc, Sự tích và thơ từ Hồ Xuân Hương. Ngoài ra ông còn có những bài khảo cứu về câu đối chữ Hán vv… nhưng lịch sử danh nhân lại còn có một Nguyễn Hữu Tiến khác nữa. Đó là một công thần, một vị tướng tài ba đã từng giúp chúa Nguyễn Phúc Nguyên (tức chúa Sãi) chống lại quân chúa Trịnh để bảo toàn lãnh thổ miền Nam. Ông người làng Viên Trai huyện Ngọc Sơn tỉnh Thanh Hóa sau dời vào ở tại huyện Bồng Sơn tỉnh Bình Định, năm Tân Mùi (1630) ông đến yết kiến nội tán Đào Duy Từ, được Đào Duy Từ tiến cử lên chúa Sãi. Năm 1648, chống nhau với quân Trịnh ở cửa sông Nhật Lệ, ông đã hạ được 10 tướng địch và bắt sống nhiều quân lính. Năm Ất Tỵ (1655) ông cùng với Chiêu Vũ Hầu Nguyễn Hữu Dật vượt qua sông Linh Giang (sông Gianh) ra đánh Bắc Bố Chính, thâu gồm được 7 huyện ở Nam Lam Giang (tức sông Cả). Nhưng sau vì bất đồng ý kiến với Nguyễn Hữu Dật ông rút quân về đóng ở Nhật Lệ. sau đó ông mất năm 1666 (Bính Ngọ) được tặng Tả quân chưởng phủ sự tiết chế Thuận quận công. Sang đời Minh mạng được truy tặng Thái bảo Anh quốc công và Tùng sự Võ miếu. Việc đặt tên đường phố qua tên tuổi danh nhân thuộc mọi lãnh vực quân sự, văn hóa, nghệ thuật cũng là một bài học lịch sử sống động trong tâm thức của dân miền đô thị. PPT ghi CHUYỆN HỌC HÀNH THUỞ ẤY
(Phần 3) Thằng Bôm học hành không có gì xuất sắc. Cuối tháng xếp hạng trong lớp, nó thường thường bao giàn từ hai mươi đến hai mươi lăm gì đó. Nó có vài tài vặt ngoài cái khả năng thiên phú của nó là đá bóng. Nó thường bắt chước giọng nói tiếng Anh của thầy Ưng Đồ bằng cách nói bằng cổ họng để cho có giọng ồm ồm như một người ngoại quốc: “Do you take an umbrella when the sun shines?”Cả lớp cười rùm lên. Nó thường nói vào giờ giải lao sau giờ dạy của thầy Ưng Đồ nên thầy không hề biết. Thầy Ưng Đồ khoảng ngoài năm mươi, dạy tiếng Anh cho chúng tôi ở năm Đệ Thất. Thầy rất nghiêm không bao giờ nói đùa trong lớp. Giờ dạy của thầy là thời gian căng thẳng đối với chúng tôi. Cả lớp im phăng phắc, chăm chú nghe thầy đọc từng chữ rồi từng đứa đứng dậy đọc lại từng câu. Cứ mỗi câu đọc xong, đứa nào đứa nấy cảm thấy như thoát nạn, mồ hôi tuôn ra ướt cả lưng áo. Bài làm ở nhà cho môn Anh văn không kém phần gian nan. Năm đó chúng tôi học cuốn sách tiếng Anh L’Anglais vivant, 6è bleu, của nhà xuất bản Hachette, sách thuê của nhà trường. Bài giảng trong sách bằng tiếng Pháp và bài học bằng tiếng Anh. Về nhà chúng tôi phải chép phần bài học vô vở và phải vẽ lại những bức tranh in trong phần bài học. Vô phước cho đứa nào vô lớp bị thầy kêu lên mà không chép đầy đủ bài học bảo đảm sẽ lãnh điểm không và nửa cái “cồng xin” (consigne), trên sổ điểm sẽ ghi số không và một cái khung hình vuông bao bọc số không đó, nếu không có chép gì hết thì tin chắc rằng sẽ lãnh điểm không và nguyên cái “cồng xin” và con số không được bao bọc bằng hai cái khung chung quanh. Có thầy ghi số không rồi khoanh thêm một vòng tròn bên ngoài gọi là “zéro encerclé”. Đứa nào bị “cồng xin” phải đi học vào ngày Chủ nhật. Hồi đó có thầy kêu là phạt “cấm túc”. Nửa “cồng xin” phải ngồi học từ 8 giờ đến 10 giờ. Nếu nguyên một cái “cồng xin” phải ngồi đến 12 giờ. Lớp học của những đứa bị “cồng xin” luôn luôn có giám thị canh giữ, không chạy đi đâu được, còn đám học trò bị phạt phải làm bài tập hoặc chép bài còn thiếu ở lớp. Những đứa không phải làm gì cả thì lén lút đánh cờ “ca rô” (có đứa gọi là “croix zéro”) trên một tờ giấy, chuyền qua lại sau mỗi lượt đi. Đứa nào trong tháng đã bị “cồng xin”, dù chỉ nửa cái, coi như mất điểm đạo đức, không được thầy cô chọn lựa cho lãnh tableau d’honneur (bảng danh dự). Thầy Ưng Đồ nghe nói cũng thuộc dòng hoàng phái, cùng ngang cấp với thầy Ưng Thiều, như là anh em chú bác, nhưng không hề thấy hai thầy nói chuyện với nhau bao giờ. Hồi đó, bài học thường được thầy cô đọc cho ghi vào vở để về nhà học thuộc lòng. Bài tập của các môn Toán, Lý Hóa thầy cho làm trong sách giáo khoa. Vào những năm phải thi như Trung học đệ nhất cấp, Tú tài 1, Tú Tài 2, muốn rèn luyện thêm Toán, chúng tôi phải kiếm thêm các sách của Lebossé, hoặc của tác giả Nguyễn Văn Phú để làm càng nhiều bài tập càng tốt. Ở các năm đầu của bậc trung học, chúng tôi đứa nào cũng mê môn bóng đá. Trong giờ tập thể dục thầy thường cho lớp chia ra hai phe thi đấu và thầy làm trọng tài. Thuở đó có thầy Bích và thầy Khê thường làm trọng tài cho học trò thi đấu trong giờ thể dục. Sân bóng hồi đó là sân Lam Sơn nằm trên đường Trần Bình Trọng bây giờ. Trong lớp chúng tôi được chia làm hai đội A và B. Đội A gồm những đứa lớn con ngồi ở những dãy bàn cuối lớp, còn đội B ngược lại gồm những đứa khá nhỏ con, ốm nhưng không đến nỗi yếu lắm, ngồi ở những dãy bàn đầu. Tôi thì vóc dáng không lớn, không nhỏ, được chúng nó kêu vào đội A và thường được ngồi ghế dự bị. Ngồi ghế dự bị ở đây thực ra là ngồi bẹp dưới đất, trên đường chạy dọc theo chiều dài của sân, chờ khi nào có đứa bị thương hay mệt thì vào thay thế. Thầy Khê còn là một cựu cầu thủ của đội bóng Ngôi sao Gia Định nổi tiếng ở Saigon thời bấy giờ, cho nên thầy thường hướng dẫn chúng tôi một số kỹ thuật nhồi bóng, tuy nhiên chỉ có một vài đứa tập được còn những đứa khác chỉ biết đứng nhìn và khi vào trận thì “búa” tự do, mà cái búa nặng ký nhất có lẽ là thằng Bôm. Ngoài ra, còn có thằng Chiến, ốm, dong dỏng cao, thường đứng hàng ba ở giữa với cú đá “cẳng vịt” làm cho mấy đứa giàn trên của đội bên kia phải ngán. Có thằng Bình, mập, to con, thường đứng “a-de” mặt, càn lướt bằng cách xoay mông về phía đối thủ, luôn tự hào có cú bấm banh xoáy đi đúng vào tầm của trung phong đội nhà là thằng Sơn, có biệt danh là Sơn Sừng. Nó được coi là đội trưởng của đội bóng và có cái tật là hay la lối anh em trong đội. Trong khi mọi người khác im lặng cố gắng thi đấu, anh chàng này vừa chạy vừa la như có hỏa hoạn: “lẹ lên, đưa liền đi, lừa hoài”, hoặc “kẹp sát thằng đó, ‘mạc-kê’ nó”, hoặc “trời ơi, bỏ góc hoài vậy!”. Có lần thằng Châu, cũng chạy giàn trên bực quá nói với nó: “Mầy la quá, Sơn! Để cho anh em đá thoải mái đi mày!” Nói cho ngay, nó đá banh rất giỏi vì lúc đó nó cũng là một cầu thủ của đội bóng trong xóm nó ở, và được đá giày thay vì đá chân không như cái đám học trò chúng tôi. Năm Đệ Lục, ở Saigon thường có các đội bóng Hồng Kông qua đá giao hữu. Các trận đấu thường được tổ chức vào chiều Chủ Nhật hoặc tối Thứ Năm trong tuần. Chúng tôi đứa nào cũng muốn đi xem, nhưng bài làm ở nhà nhiều quá, khó sắp xếp để xem vào ngày Chủ Nhật. Vào ngày này chúng tôi phải ở nhà để làm một bài Thủ Công. Giáo sư dạy môn này là thầy Ý. Thầy tên là Ý chứ không phải người nước Ý. Môn Thủ Công của thầy là môn điêu khắc trên đất sét. Đầu tiên để tìm cho ra cái loại đất sét đặc biệt để làm những bài tập Thủ công này. Theo mấy đứa ở lớp đàn anh hướng dẫn chúng tôi phải vào các lò chén của người Hoa ở miệt Phú Lâm, hoặc lên tận Lái Thiêu, Bình Dương đến các lò gạch mới có. Chúng tôi đã đi xe đạp lọc cọc vào tận rạch Lò gốm tìm được một lò chén của người Hoa. Khu vực lò chén được bao bọc bởi một bức tường thành có chừa một khoảng trống làm lối ra vào. Nhìn vào bên trong chúng tôi thấy một người đàn ông đứng tuổi đang quét sân, đầu ông đội một cái nón rộng vành có chóp nhọn ở giữa đầu. Phía xa một chút là một đống đất sét không phài màu vàng như ở các giếng nước mới đào mà là có màu trắng, một màu trắng đặc biệt y chang như lời thằng đàn anh đã mô tả. Như những người vừa tìm được mỏ vàng, chúng tôi xúc động và hồi hộp vô cùng. Một thằng trong bọn đánh bạo bước vô hỏi: “Chú Ba bán cho tui một cục đất sét”. Chú Ba dừng chổi, phun nước miếng xuống đất, theo phong cách của người Hoa, như vịt xiêm phẹt, ngó nó: “Mầy mua đất sét để làm gì?”. Thằng nhỏ trả lời: “Dạ để học”. Chú Ba cười: “Hề, hề hổng có pán, đi dìa đi”. Thằng nhỏ nói liều mạng: “Chú cho xin một miếng đi!”. Chú Ba xoay chổi, vác lên vai: “Đi dìa! Tao giỡn với mày hả?” Thằng nhỏ phóng nhanh ra cửa báo cáo lại mặc dù lúc nãy đứng bên ngoài chúng tôi đã nghe hết trơn. Một thằng bàn: “Mua, nó không bán. Xin, nó không cho, làm sao bây giờ?” -“Thì chờ thằng chả vô trong rồi nhào vô ăn cắp chứ còn cách nào nữa?”. “Phải rồi, có ai bị ở tù vì tội ăn trộm đất sét đâu?”. Lúc đó, phía trước lò chén vắng vẻ, ít người qua lại. Chúng tôi đẩy mấy chiếc xe đạp ra gần đường tráng nhựa, cho nằm xuống đất rồi quay trở lại núp trước cửa lò chén, theo dõi. Một lát sau chú Ba đùa rác xuống một cái hố gần đó rồi dựng chổi dựa vách tường, bước vội vào trong. Một thằng ra lệnh qua hơi thở: “Rồi nhào vô. Làm lẹ nghe bây!”. Đầu tiên chúng tôi ngỡ đất sét sẽ mềm nhão dễ lấy, ai ngờ nó khô cứng, cho nên chúng tôi phải ôm đại mấy cục đất khô lớn hơn quả bóng rồi chạy như ma đuổi về chỗ xe đạp. Chúng tôi vội vã bỏ vào bao có mang theo sẵn, lên xe, đạp vội về. Khi ra đường nhựa chúng tôi không thấy có ai rượt theo nên an tâm và vụ trộm đã được thực hiện trót lọt. Như một thằng bạn đã nói, đất sét đem về bỏ vô xô nước qua sáng hôm sau đất sẽ mềm có thể làm bài tập được liền. Bài làm của chúng tôi có hình dáng như một tấm gạch hình vuông lót nền nhà, mỗi bề hai tấc, trên bề mặt, chúng tôi phải khắc một phù điêu hình bông hoa trang trí theo kiểu người ta làm bông gạch bằng thạch cao để trang trí trần nhà hiện giờ. Chúng tôi phải dành cả ngày Chủ Nhật để làm bài tập điêu khắc đất sét này. Mỗi khi có đá bóng ở sân Tao Đàn chúng tôi phải sắp xếp làm trước từ thứ sáu, thứ bảy, để rồi đến thứ tư kịp khô nộp cho thầy. Muốn làm bài tập điêu khắc đất sét, chúng tôi phải có một món đồ nghề do thầy đem vô lớp bán cho mỗi đứa. Đó là một con dao bằng gỗ mít, ở đuôi có một khung bằng kẽm hình chữ nhật để móc đất sét sau khi dùng lưỡi dao cắt sâu lên bề mặt tấm gạch. Việc vận chuyển tấm gạch vô lớp cũng rất dễ vỡ mặc dù đã có lót một tấm gỗ ở phía dưới và bọc giấy báo trên mặt trước khi ràng dây thun vào poọc-ba-ga. Đứa nào rủi ro bị bể nếu còn ráp lại được dễ dàng thì thầy vẫn cho điểm như thường. Một hôm, cũng nhằm ngày nộp bài Thủ công, thằng Thủy ngồi ở dãy bàn thứ nhì được thầy kêu lên nộp bài lấy điểm. Nó cúi xuống hộc bàn huơ tay đùa những thứ lỉnh kỉnh trong đó ra. Chúng tôi thấy nó gom một đống đất đá để trên một tấm gỗ mang lên bàn thầy, Thầy ngạc nhiên hỏi: “Ủa, mầy đem cái đống gạch đó lên đây làm gì?”, Thủy đáp: “Thưa thầy, cái này là bài làm của con”. –“Ráp lại tao coi”. Nó để tấm gỗ xuống bục giảng, đặt lên từng cục đất khô theo từng cạnh bị vỡ ra. Chúng tôi thấy không xong rồi. Miếng gạch bể ra chừng vài miếng còn ráp nối được, đằng này nó bể vụn ra thành từng cục nhỏ xíu, có đến trên một chục cục, còn khó hơn trò ráp hình trăm miếng bán ở các tiệm đồ chơi trẻ con. Thằng Thủy loay hoay một hơi không thấy có kết quả, mồ hôi tươm ướt đầy trán và ướt cả lưng áo sơ mi trắng tinh của nó. Đột nhiên nó đứng thẳng lên giơ hai tay lên trời: “Thưa thầy con đầu hàng”. Thầy phán: “Về chỗ, nửa ‘cồng xin’ nghe!”. Thằng Thủy dạ một tiếng nhỏ nhẹ, hai tay quơ cái đống xà bần của nó về chỗ ngồi. Ra chơi nó nói: “Hồi nãy đi học tao vừa đạp xe vừa ngủ gục, tao ủi xe vô lề đường, xe ngã, miếng đất sét bể tan, khi lượm lại lộn một cục gạch xây nhà thành ra ráp không được”. Khi sắp xếp xong bài làm ở trường được đàng hoàng và dư ra buổi chiều Chủ Nhật, chúng tôi hẹn nhau ra sân Tao Đàn xem bóng đá quốc tế. Hầu hết chúng tôi đi xem đá bóng đều là xem “cọp” vì chúng tôi thường không có “ngân khoản” để giải trí. Tại sân Tao Đàn, mỗi khi có chương trình người ta luôn luôn tổ chức hai trận, một trận hạng nhì và sau đó là trận hạng nhất hay trận quốc tế. Sân Tao Đàn hồi xưa cũng rất “dễ thương”, thường có thông lệ là sau khi bắt đầu trận thứ hai rồi, dù trận hạng nhất hay trận quốc tế, họ mở toang cửa cho tất cả dân ghiền bóng đá mà không tiền được vào xem “chùa”. Tuy nhiên có khi chúng tôi muốn vô sớm để xí chỗ tốt, chúng tôi phải tìm mọi cách để vào sân mà không cần vé. Có nhiều cách. Mấy đứa nhỏ con, thường tìm người nào đi một mình, chạy tới xin “chú” hoặc “bác” dẫn vô (một vé cho kèm trẻ em dưới 15 tuổi), Có đứa canh chừng chỗ hàng rào bị hỏng, đợi nhân viên gác quay lưng, chui lẹ vào và chạy nhanh lên khán đài. Cách vào này thường bị rách áo vì máng vào kẽm gai. Có lần một đứa trong bọn vừa leo qua khỏi phía trên cửa sắt, chui qua một chùm dây kẽm gai, buông tay nhảy xuống, nhưng một cái móc kẽm gai quái ác câu dính vào lưng áo và giữ chặt ở đó. Thằng nhỏ bị treo lủng lẳng, nhảy xuống không được mà leo trở ra cũng không xong, nó sợ quá la bài hải: “Chết cha, cứu tao tụi bây!” Ngay lúc đó một nhân viên canh gác chạy trờ tới, thấy nó đang bị kẹt toòng teng trên dây kẽm gai, anh bắc ghế leo lên đỡ nó xuống. Thằng nhỏ bị anh kia một tay chận cổ, một tay nắm tay nó dẫn tới cổng, đẩy mạnh ra ngoài kèm thêm một cái đá vô mông để cảnh cáo. Mãi đến một lát sau, khi trận quốc tế khởi tranh chừng mười lăm phút, nó mới lọt tọt bước vào nhập bọn với chúng tôi, cái áo sơ mi bị rách một đường dài sau lưng. Nó nói để chữa thẹn: “Tụi bây thấy không, kiên trì rồi sẽ thành công”. Còn một môn học mà chúng tôi khi mới vào lớp Đệ Thất đứa nào cũng sợ đến phát rét. Đó là môn Âm nhạc. Chúng tôi học môn này với thầy Marcel. Thầy nói giọng miền Bắc, nghe đâu thầy là dân Tây, học ở Pháp, tóc để dài, nước da không trắng hồng mà có vẻ men mét như người Trung Đông. Thầy bị paralysé, đi lại khó khăn giống như những người bị sốt bại liệt hồi nhỏ. Vô lớp thầy mang theo cây đàn violon, thường cho tì lên vai để bấm cho chúng tôi nghe từng nốt nhạc, thế nào là đô, rê, mi, fa, sol, la, si. Học căn bản âm nhạc không có gì là khó vì đa số chúng tôi đều đã biết qua lõm bõm đôi chút rồi. Nhưng trong lớp thầy sê-ve (nghiêm khắc) quá. Quay tới, quay lui hay nói chuyện là phải lãnh ngay một nửa “cồng xin” liền. Khi học tới bài các loại nốt nhạc, thầy ghi lên bảng các ký tròn, ký trắng, ký đen và các loại móc. Thằng Bình đứng lên nhìn qua đầu những đứa ngồi phía trước để ghi vào vở, không biết ngẩu hứng cái gì, nó lầm bầm trong miệng: “nhạc gì mà sao giống mấy cọng giá sống quá.”Giọng nó trầm trầm, tuy nói nhỏ nhưng trong lớp đang im lặng nên ai cũng nghe thấy. Thầy quay phắt lại: “Anh nào nói gì đó”. Thằng Bình run lên, mặt xanh mét: “Da, xin lỗi thầy!” Thầy nhìn ngay mặt nó: “Tên gì?” – “Dạ, Bình”. – “Đi học Chủ Nhật!”. Thật ra môn âm nhạc rất lý thú, nhất là khi thầy dạy tới bài hát Menuet của Beethoven, thầy lấy đàn violon ra đàn một lần cho chúng tôi nghe trước. Chúng tôi nghe mê mẩn tâm thần, sau đó thầy dạy chúng tôi hát theo nốt nhạc: “si đô rế đô rế, mí si đô, rế là si…”, đến đoạn chót chúng tôi hát theo đàn không kịp và đứa nào cũng bị đứt hơi: “rế đô rế si rế sol si rề si la đố fa la rề fa sol fa sol la si đô rế đô rế mi rê đô si là si đô si la sol...” Âm thanh của chúng tôi tắt dần, tắt dần đến khi cả lớp im lặng chỉ còn tiếng đàn của thầy réo rắt, dồn dập và sau cùng kết thúc bằng nốt rề vang dội. Cả lớp không ai bảo ai vổ tay rôm rốp, có đứa chịu không nổi, khen: “Hay quá thầy ơi!”. Bản này cho tới bây giờ, nhiều đứa vẫn còn thuộc nằm lòng. Lần khác thầy kéo violon cho nghe bản Danube bleue của Johan Strauss. Đó là lần đầu tiên trong đời của nhiều đứa chúng tôi được nghe bản nhạc này. Nghe xong về nhà có đứa xin tiền cha mẹ đi đến nhà thầy để học đàn violon, có đứa chạy ra nhà sách kiếm mua bản nhạc này về tập xướng thanh. Giờ ra chơi Mẹ Khai tỏ ra mình là một “cây xi-nê”: “Ở rạp Lê Lợi đang chiếu phim “Toute la ville danse” có bản nhạc này, tụi bay coi đi, không thôi nó đổi phim”. Đến gần cuối năm thầy dạy tới bài “dictée musicale” (chánh tả âm nhạc). Đầu tiên thầy bấm vào cây đàn violon cho nghe bảy nốt đô rê mi fa sol la si để chúng tôi phân biệt. Sau cùng để lấy điểm cho môn học, thầy giao sổ điểm cho lớp trưởng. Chỉ có hai điểm số hoặc là zéro hoặc là mười. Cả lớp im lặng, nín thở đứa nào đứa nấy mồ hôi trán tươm ra. Thần búng lên dây đàn một tiếng boong rồi chỉ vào một đứa: “Nốt gì?” – Nó phải trả lời ngay: “Si!”. Thầy cũng nói ngay: “Mười” chứng tỏ là thằng đó đáp đúng. Thầy búng dây đàn và chỉ tiếp một thằng ngồi ở bàn đầu, nó tên là Lân: “nốt gì”. Thằng Lân nhanh nhẩu đáp: “La”, Thầy phán: “Mười”. Thằng Lân, nhỏ con, có chơi nhạc ở nhà. Nghe đâu chú nó là một nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng ở Saigon lúc bấy giờ. Thầy lại búng dây đàn tiếp và chỉ ngay thằng Tân: “Si, ủa đô!”. – “Zéro” Thầy nói tiếp: “Khi biểu diễn, đàn sai một nốt là chết rồi, không sửa được đâu”. Hôm sau hỏi lại thằng đầu tiên làm sao nghe được nốt Si mà trả lời đúng như vậy. Nó thành thật trả lời: “Ổng chỉ ngay tao, run quá tao phang đại một trong bảy nốt, ai ngờ lại đúng. Thật là bà hú!”. Tuy thầy Marcel rất nghiêm khắc, nhưng chúng tôi đã vô cùng mến tiếc khi vào năm học sau đó, chúng tôi được học âm nhạc với một thầy khác, nhạc sĩ Hoàng Lang. (còn tiếp) Dương Lêh
Phụ bản II TẢN MẠN VỀ “THƠ” Đi vào cõi “thơ” như đi vào một khu rừng đầy hoa thơm cỏ lạ quyến rũ mê hồn. Ai đã bước vào cũng muốn được thưởng ngoạn và khám phá, không dễ bỏ qua. Động lực khiến tôi đi vào là khát vọng được tìm hiểu, khám phá thế giới huyền diệu đó; muốn tham dự vào dòng chảy mãnh liệt của cuộc sống. Tôi mong rằng qua đó sẽ học hỏi thấu hiểu sâu sắc hơn về thơ. Cuộc sống đáng yêu bởi vì cuộc sống có thi ca. Thi ca là phần thiêng liêng của con người; mà trong đó thi nhân đã góp phần tìm tòi, phát hiện ra cái đẹp, cái tốt, làm giảm đi cái xấu, cái ác. Thơ chính là khát vọng của tâm hồn. Thơ đánh thức những cảm xúc còn tiềm ẩn mà ta chưa từng biết “Gom bao tinh khí đất trời Tôi về chắt lọc làm lời cho thơ” Ngày nay, người làm thơ, chơi thơ, thật đa dạng, không phân biệt tuổi tác, giới tính, sở thích, động cơ. Nơi đây, đâu thiếu những con người muốn nổi danh, in hết tập thơ này, đến tập thơ khác, rồi tự phong mình là “nhà thơ”; mặc dù nội dung tập thơ rất nhạt nhẽo, vô vị. Và rồi cũng không thiếu người viết lời tung hô, ca tụng nhân vật này, nhân vật khác vì nịnh bợ hay trả ơn người ta “lăng xê”… Họ chỉ thấy cái ta riêng lẻ trong thế giới đa sắc màu này nên phát sinh nhiều hệ lụy: “Thơ in ế chẳng ai mua Mang về cho vợ muối dưa ăn dần” Thói hám danh đã thành cái “mốt làm sang”: Muốn thơ hay thật dễ dàng Thơ càng bí ẩn lại càng thấy hay Làm xong buộc bóng thả bay Văn chương chữ nghĩa phen này thăng thiên Hết ngâm lại hát thơ lên Múa may diễn xướng vài đêm rầm trời Xí tiền làm luật kịp thời Hoàn thành thủ tục ra đời tập thơ Mướn người nổi tiếng danh to Viết bài đăng báo tung hô hết lời “Nhà thơ” được dịp lên đời Tiếng tăm lừng lẫy thành người nổi danh Thơ hàng trăm cuốn ấn hành Tặng, cho, kính biếu loanh quanh bạn vàng Ở đời nhiều mốt làm sang In thơ cho tặng rõ ràng mốt hay Vũ Quốc Túy Nói vậy nhưng không phải là tất cả. Trong hàng ngàn người làm thơ, xuất bản không phải ai cũng vì mục đích kiếm tiền, để trở thành nhà nọ nhà kia, để được nổi tiếng. Nhiều người nghỉ hưu, nhàn rỗi viết thơ với bao cảm xúc, hồi tưởng lại những kỷ niệm đã qua, giờ chuyển thành thơ cho thỏa chí mình “Làm thơ trước hết cho mình Sau là kết bạn tâm tình thiết tha Giao lưu để được chan hòa Thơ ca đã giúp tuổi già thêm vui” Mặt khác cũng không thể không kể đến những nhà thơ chuyên nghiệp có thời sung sức nổi danh nay cảm thấy không bắt kịp hơi thở của thời đại, nhưng sẵn có bản lĩnh nghề nghiệp lại muốn làm mới mình bằng những thể loại mới, hình thức mới vv… Người làm thơ, chơi thơ đa dạng và thể loại cũng vô cùng phong phú. Ngoài các thể thơ quen thuộc như: lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, thơ chính luận, thơ 4 chữ, thơ 5 chữ, thơ tự do… còn có các loại thơ riêng: liên hoàn, họa vần, liên ngâm vv… nhưng sáng tạo gì, phá cách gì cũng phải đạt tiêu chí về thơ, chứ hiện đại, tự do chẳng theo luật nào, đọc không êm tai, ý tưởng khó hiểu, văn vần không ra văn vần, văn xuôi không ra văn xuôi thì có mà thành ra thơ… quái dị. Tôi nghĩ dù cho anh làm theo thể loại nào, hình thức nào, chủ đề nào đi chăng nữa thì cũng phải có: chất thơ và hồn thơ, mới gọi là thơ. Vậy thơ là gì? Nhà thơ Xuân Diệu đã nói: “Thơ là gì rất khó định nghĩa được thấu đáo. Cứ phải đọc nhiều thơ hay thì mới hiểu được”. Điều quyết định quan trọng là phải sống sâu sắc với những điều mình quan sát được, nghe được, đọc được hay đã trải nghiệm qua… còn sống hời hợt thì không thể có dù có đọc và đi nhiều. Mỗi thế hệ có vẻ đẹp riêng, có ưu thế riêng. Hãy nói lên những điều đẹp nhất, sâu sắc nhất của mình. Chính trong quá trình tìm hiểu khám phá cuộc sống, khám phá thế giới cũng là quá trình tự khám phá bản thân, từ đó nó hình thành phong cách riêng của mỗi cây bút. Người có sở trường này, người có sở trường kia. Nhưng sáng tác cần phải có năng khiếu, trải nghiệm và cảm hứng. Là thơ thì phải chú ý đến từ ngữ, âm điệu, giai điệu, không dàn trải. Chịu khó tìm tòi, sáng tạo ngôn ngữ, mỗi bài phải tìm thể loại phù hợp, một giọng thích hợp với tình cảm, tư tưởng của bài thơ. Ngày nay cuộc sống công nghiệp phát triển, nhịp sống đã thay đổi thì ta cũng phải tạo ra những giai điệu mới, phải phá thể, phá cách… Nhà thơ Xuân Diệu có nói: “Làm thơ không chỉ có ý là được, phải có xương thịt vật chất, có khi chỉ vì tìm được một câu thơ, một điệu thơ nào đó mà làm thành tất cả một bài thơ.
(Còn tiếp) LÊ MINH CHỬ
Tình cờ Trời dưng nên nắng không màu Người dưng con mắt nhìn nhau không lời Chờ em cười chút cho vui Cho tình cờ hóa tình người nợ duyên Thôi mà, trước lạ sau quen! Thiếu Khanh
CẢM ĐỀ NGÀY GIỖ TỔ
Ai về Phú Thọ, phủ Lâm Thao, Gửi nén tâm hương thỏa ước ao. Rừng núi Hy Cương còn vững đó, Cháu con Hồng Lạc há quên sao? Dân hai nhăm triệu dân như một,(1) Nước bốn ngàn năm, nước khác nào. Rạng với năm Châu nòi giống Việt, Công ơn đức Tổ sánh Trời cao. TOAN ÁNH (1938) HỌA NGUYÊN VẬN BÀI TRÊN Hy Cương di tích dải sông Thao, Giỗ Tổ mong về ước lại ao! Muôn dặm Bắc Nam, đường cách trở, Đôi bờ ranh giới dạ xôn xao. Non sông dâu bể âu nhường ấy, Dòng giống Rồng Tiên phải thế nào? Còn đất, còn trời, còn Tổ Quốc, Hùng vương công đức đã nêu cao.
CHIÊU DƯƠNG NGUYỄN CÁT PHỤNG (2) (1) Câu này làm năm 1938 bây giờ đổi lại là: Dân non trăm triệu dân như một (2) Thi sĩ Chiêu Dương Nguyễn Cát Phụng là nhạc phụ của cố học giả Toan Ánh, thi sĩ là tác giả của quyển thơ Bút Linh Động.
Ngày giỗ tổ Quý Xuân giỗ Tổ nhớ mồng mười, Dân Việt xa gần hãy ngẫm coi: Nghĩa lĩnh còn ghi công đắp dựng, Phong Châu chưa xóa sức vun bồi. Nước non Hồng Lạc thêm bờ cõi, Con cháu Tiên Long rạng giống nòi. Hoàn vũ bao phen từng góp mặt, Công cao đức Tổ chiếu muôn đời. TOAN ÁNH CHIỀU XANH Tặng Nhóm Thơ Ca Chiều Xanh Quận Phú Nhuận Chiều tà nghe chuyển ráng ngời xanh Ngan ngát hương đưa quyện gió lành Lả lướt thuyền thơ trôi suối ngọc Chơi vơi sóng nhạc quyện đàn tranh Hồn thu lạc bước miền hư ảo Bến mộng dừng chân cõi tịnh thanh Một thoáng phiêu du về dĩ vãng Nghìn sầu ngưng đọng hạt(1) long lanh ! THÙY DƯƠNG (1) Theo nguyên bản trước đây là “giọt” long lanh. Nhưng rất tiếc một số người họa đã hiểu giọt long lanh là giọt nước mắt, nên tác giả đã đổi loại là “hạt long lanh” để tượng trưng cho những hạt ngọc quý giá.
HỨA HẸN
Tim hóa đá – mồ côi từ dạo ấy Cánh hoa lòng tàn úa tuyết sương pha Con bướm vàng gục chết giữa mưa hoa Đời mất nghĩa – rừng thơ sầu trút lá
Tim lạc lõng bên đường xa xứ lạ Bến tâm hồn hiu quạnh vắng đò đưa Lối đi xưa – lẻ bóng – nhặt âm thừa Về kết lại cung đàn tê tái lạnh
Ta đau xót – mười ngón tay bất hạnh Quá vụng về chẳng giữ được niềm vui Nửa vành môi gói trọn nỗi ngậm ngùi Đành câm lặng đi sâu vào bóng tối
Nhắm nghiền mắt ưu tư đời vạn lối Đầy hố sâu vực thẳm – biết về đâu Kỷ niệm hồng – dĩ vãng đã chìm sâu Niềm hy vọng tắt dần trong nuối tiếc
Vùng biển lạnh chưa tròn câu vĩnh biệt Miền hoang vu dẫm nát nỗi hoài nghi Lòng miên man tâm sự cánh lưu ly Len lỏi nhẹ vào hồn – tim cạn máu
Lời hứa hẹn đã trở thành hư ảo Tình trăm năm – yêu lắm cũng bằng không Bao ước mơ xây đắp – vạn hoài mong Thành bọt sóng vỡ tan như viễn mộng NGÀN PHƯƠNG LẠ CHƯA
Giận một người – Dặn lòng không nhắc đến Buồn tái tê – Buồn thật là buồn Lành lạnh sương khuya lòng trống trải cô đơn Tiếng côn trùng nỉ non thêm não ruột
Giận một người – Cố lánh xa lối cũ Nơi bước chân xưa – Hai đứa đi về Mưa lất phất bay qua từng phố vắng Họa mi trong lồng, cũng lặng lẽ ủ ê!
Giận một người – vậy mà không quên được Khi bắt gặp nụ cười – phớt nhẹ làn môi Và tiếng nói êm ả - bồi hồi Bỗng trong lòng thương sao thương quá đỗi XUÂN VÂN BIỂN LÒNG Nước mắt đời anh chảy ngập tâm hồn Thành biển mênh mông đêm ngày sóng vỗ Ai lấy lít đong tình yêu anh đó? Ai đem gàu tát cạn nỗi sầu đau?
Biển lòng anh nối hai nửa địa cầu Đưa thuyền em về với người yêu trước, Đưa thuyền em tới bến bờ mơ ước Biển bạc đầu giội sóng đến mai sau!...
Hà Nội, 08 - 1972 VŨ ĐÌNH HUY
SEA LIKE HEART Tears in my life overflowed my soul Turning into an immense sea with waves lapping day and night Who can use the litre to measure my love? Whose bucket can drain all my sufferings? My sea like heart connects the two halves of the globe Taking your boat back to your former lover Bringing your boat back to the dreamy shore The silvery hair sea will dash its waves until the morrow!.. Hà Nội, 08 - 1972 VŨ ĐÌNH HUY Translated by VŨ ANH TUẤN
PHẢI CHĂNG QUẢ BÁO NHÃN TIỀN? Đọc lại tập “Đặc San” của quê tôi được in cách đây đã 40 năm, viết về sự tích của Họ Đạo, những linh mục đã đến giúp Họ từ đầu thế kỷ thứ 19, những người đầu tiên đến khai khẩn, lập nghiệp, trong đó có một câu chuyện viết về cha tôi, khơi lại vết buồn của quá khứ làm tôi thấy rất xốn xang. Quê tôi là một Giáo xứ thuộc Địa Phận Vĩnh Long, nơi đó toàn những gia đình theo Đạo Công Giáo từ cựu trào. Cha tôi là một cựu Chủng Sinh của Chủng Viện Saigon đường Cường Để, canh Sở Ba Son. Lúc còn nhỏ, nghe cha tôi kể lại, ông thuộc loại siêu quậy của Chủng Viện. Ông vốn không ưa thầy Giám Thị, (mấy người quậy mà ưa Giám thị mới là lạ!) nên có lần ông sắp xếp để phá Thầy. Ông âm thầm bàn với người bạn là trước giờ cơm, khi thấy Thầy giám thị vô thì tắt đèn cho ông. Người bạn làm y lời. Ông đã canh sẵn, nên lấy cái trứng vịt trên bàn chọi vô Thầy Giám Thị. Sau đó đèn được bật sáng lên. Nhưng “Thiên bất dung gian”, vì lúc đó mới vô bàn, chưa ai kịp ăn món gì, Thầy giám thị chỉ cần đi kiểm tra, thấy trứng trong phần ăn của cha tôi không còn thì biết ngay ông là thủ phạm, không thể chối cãi! Tất nhiên cả đứa tắt đèn lẩn đứa chọi trứng đều có phần! Lần khác, đêm ông rủ bạn leo rào ra kêu mì gõ ăn. Ăn xong, một trong mấy đứa ôm bụng lăn lộn kêu đau. Thế là đám còn lại đòi kêu cảnh sát, vì cho là người bạn ngộ độc vì ăn mì. Thế là tội nghiệp chú bán mì lẹ lẹ đấy đi, không dám đòi tiền mì nữa! Rằm tháng 7, ông vô Chợ Lớn, đi bộ dài theo dãy phố đang bày cúng rằm, cầm theo l cây đũa đã cột thêm mũi tên trên đầu. Tới nhà mấy bà xẩm đang cúng, lo lum khum lạy thì ông chọn chồng bánh nào ngon nhất, ấn cây đũa có mũi tên xuống chồng bánh. Khi kéo chiếc đũa lên thì nó lôi cả chồng bánh theo, rồi co giò chạy, mặc cho bà xẩm ngước lên la chói lói. Lúc đó đường Saigon nhiều chỗ chưa có đèn. Ông chế ra ánh sáng bằng cách đốt nguyên một bó nhang cột vô bánh trước của xe đạp. Bánh xe lăn đến đâu thì có ánh sáng đến đó. Sau lưng ông có một nhóm xe đạp khác chạy theo. Nhang không đủ sáng nên xe ông lọt ổ gà, ông té nhào xuống. Thế là mấy xe đi sau nhào tới, chồng lên ông. Ai nấy cười quên thôi! Trong nhà trường, có lần ông bị phân công gác ở nhà xác, giữ cái xác mới chết. Ông cho cái xác ra ghế ngồi đó, còn ông leo lên bàn nằm. Thầy giám thị vừa bước vô thì ông bật ngồi dậy. Ông Giám thị la oái oái, kêu chúa kêu bà thiếu điều lạc giọng, còn ông thì cười một trận đã đời. Hậu quả sau đó chắc khỏi phải kể! Chuyện ra trường của ông cũng chẳng giống ai. Ông không cần nhà trường đuổi, cũng không xin về, mà rủ thêm mấy người bạn không muốn tu nữa, cùng với ông, đứa này công kênh đưa kia. Một đứa leo rào ra trước để giữ đồ. Mấy đứa phía trong chuyển va ly ra, rồi lần lượt leo qua rào trốn về. Khỏi xin phép mất công chờ đợi! Khi về nhà, ông cũng thuộc loại bất trị. 21 tuổi đã viết bài chống Tây đăng trên báo nên bị bắt. Sau đó ông hoạt động cho Việt Minh. 26 tuổi lại vô khám lớn Trà Vinh về tội làm Cộng Sản, cả Tỉnh trà Vinh được thông báo và cho vô khám xem cho biết mặt “Cộng sản nái”. Thời đó quê tôi chưa có trường Trung Học, mà đa số đều nghèo, ít ai có tiền để cho con ra tỉnh học. Vì thế, chỉ có những người tu ra là có tiếng Tây, tiếng La Tinh cũng đầy mình. Nhưng cha tôi không thèm làm cho Tây, cũng chẳng làm việc cho làng xã. Cứ tà tà... Sau này mới biết là ông là đội viên của Thanh Niên Tiền Phong, nên học nghề hớt tóc, rồi với thùng đồ nghề, ông đi khắp nơi để liên lạc mà không bị nghi ngờ! Trong tổ chức, cha tôi cũng không hề chỉ điểm hay làm hại ai. Trái lại, cũng nhờ đó mà làm được vài việc hữu ích cho trong Họ Đạo. Lúc có lịnh “tiêu thổ kháng chiến”, phía Việt Minh đã định đốt nhà Thờ và đưa dân đi sơ tán. Nhà thờ đã được lịnh chất rơm vô, chuẩn bị đốt. Nhưng cha tôi can ngăn, thuyết phục họ bỏ ý định đó. Nhờ đó mà Nhà Thờ khỏi bị thiêu hủy. Thời điểm đó mạng sống con người rất mong manh. Chỉ cần bị nghi ngờ là bị thủ tiêu, bị cho “đi mò tôm”, tức là thả trôi sông, vì họ quan niệm “Thà giết oan hơn thả lầm”. Có một người ở xã khác, hình như ở Ba Trường, bị nghi ngờ và bị kết án tử hình. Nhưng cha tôi có mặt trong nhóm xét xử, biết ông ta bị oan, nên đã bào chữa cho ông ta khỏi bị xử tử. Theo chị tôi lúc đó đã lớn, kể lại, thì nhiều năm sau đó, mỗi năm gia đình của ông ta đều mang đồ để đi Tết cha tôi, vì nói rằng cha tôi là người đã sinh ra ông ta lần thứ hai. Thời đó, giấy Laissez-passer phải viết tay và người viết phải biết tiếng Pháp, chữ lại phải đẹp, nên trong làng ít người viết được, phải thuê người viết. Vợ của Cai Tổng Khiêm, mẹ của Ngô Công Đức vô ngồi trong văn phòng Xã, viết ăn tiền. Cha tôi và một người bạn nữa, cũng là tu xuất, để cái bàn ở nhà đối diện Xã viết... miễn phí! Tổng Khiêm thấy vậy quê quá, bảo vợ dẹp đi, không cho viết nữa! Lúc Tây còn đóng ở Đồn tại địa phương, chính quyền xã bắt người dân phải luân phiên nhau, mỗi tuần l nhà nộp l con gà. Tới phiên ông thì ông không nộp. Thằng Trung Úy Tây tức quá, mang còng tới nhà bắt ông. Đến nơi, ông xổ tiếng Tây với nó. Không biết ông nói gì mà sau đó nó vỗ vai ông như bạn bè. Chẳng những nó không bắt ông, mà từ đó về sau ông cũng không phải nộp gà như những nhà khác. Sau khi Tổng Khiêm bị phục kích chết. Làng mời cha tôi làm Cai Tổng, nhưng cha tôi hỏi ý kiến gia đình, từ má tôi tới tụi tôi đều không ai bằng lòng, nên ông không nhận lời. Ông không tham gia chính quyền, chỉ thuần túy là một người dân thường, nhưng cũng chẳng ngán mấy ông làng, xã. Thấy người nghèo, ít học mà bị hà hiếp, là ông binh vực, vì thế, họ ghét nên cáo gian lên Quận. Người thương ông cũng nằm trong Ban Hội Đồng Xã báo cho cha tôi biết: Phen nầy thì chết rồi chú Mười ơi, tụi nó tố là chú “xúi dân chống lại làng, xã. những đơn chú viết giùm người khác là do tự chú sáng tác ra”! Quận đòi, ông đi hầu, trên đường đi ông cười nói với những người chung quanh là phen nầy chắc là đỡ tốn cơm nhà một thời gian. Nhưng khi hỏi rõ, thì biết ông bị mấy ông làng xã thù vặt nên cáo gian, vì thế ông lại được thả về. Dù với chính quyền thì ông thuộc loại ương ngạnh, nhưng ông làm nhiều việc tốt cho người dân trong làng. Ai cần viết đơn, chia đất điền, lập tông chi... thì đều đến nhờ ông. Ông chẳng đòi hỏi tiền nong, ai cho con gà, rổ trái cây gì ông cũng nhận, vì trong xã ai cũng nghèo. Là dân quê chính hiệu, nhưng ông cũng từng binh người một nông dân nghèo ở địa phương cãi thắng Luật Sư Dương Tấn Trương, là một Luật Sư nổi tiếng ở Saigon trong một vụ kiện tranh chấp đất tại Tòa Án Trà Vinh. Ông biết đờn Kìm, đờn Cò chỉ vì một lời thách thức. Số có lần ông đến chơi nhà người bà con đang vật lộn với cây đờn Cò mấy tháng trời mà không kéo nổi l bài cổ nhạc. Ông nói dễ ợt! Có gì mà khó khăn dữ vậy. Người này thách ông, nếu trong l tháng mà ông đờn được bản đó thì thua ông 2 giạ lúa. Thế là ông về nhà tự mày mò kéo đờn. Tháng sau mang đờn tới nhà ông kia, vác về 2 giạ lúa! Ông cũng rất tài hoa, tự viết tuồng rồi tập hợp dân trong làng, dạy ca hát, đóng tuồng. Một mình ông vừa viết tuồng, vừa vẻ quảng cáo, lo phông màn, trang phục, đạo cụ, vừa tập tuồng, nên dân trong làng gọi ông là “Thầy Tuồng”. Ông cũng có biệt danh nữa là “Mười Pho”, vì ông thứ Mười mà nói chuyện, theo lời người địa phương, thì như pho sách, nên gọi ông như thế. Tôi còn nhớ khi ông viết tuồng Cải Lương: “Bên Nước bên Tình”. Cốt chuyện hư cấu, nói về chuyện tình của Công Chúa Chiêm thành và một Hoàng tử nước Việt. Lúc đó tôi còn nhỏ xíu, thấy mỗi trưa, cơm nước xong thì ông cầm cuốn tập, lấy bịch thuốc lá, đi qua bên khu vườn của nhà đối diện cho thanh vắng để viết. Sau đó đào, kép tới nhà tập tuồng mỗi đêm. Ban ngày họ đi làm ruộng. Đào cũng chẳng phải là nữ, mà là những thanh niên có dáng người nho nhỏ, da trắng. Khi tập dợt xong thì trình diễn ở địa phương, lấy trường học, tháo vách ngăn ra để làm rạp hát. Lúc đó tôi cũng được đóng một vai tỳ nữ của Công Chúa Chiêm Thành. Ở một vùng quê xa lắc xa lơ, lại nghèo xác nghèo xơ, đâu có bao giờ có gánh hát nào về diễn, cho nên dân làng khi biết sắp có tuồng hát thì rất háo hức. Cách vài hôm trước, ông cho dựng hình ảnh quảng cáo trước cổng nhà thờ, để mọi người đều biết sắp có diễn tuồng. Buổi chiều, trước buổi diễn, Ông cho xe trâu (dưới quê gọi là Cộ) kéo hình ảnh quảng cáo, trên có người ngồi vẽ mặt y như trong tuồng, đi dài từ xóm trên đến xóm dưới. Trên Cộ để cái trống mượn của trường học. Xe vừa đi vừa đánh trống cắc tung tung như trống múa lân làm con nít, người lớn đều nôn nao... Chiều đến, cả làng kéo tới mua vé xem rất đông. Người dân trong làng cũng theo đó mà bày bán hàng bánh, cà phê, cà rem, nước mía... vui như ngày hội. Đàn ông thì mặc đồ tươm tất nhất. Đàn bà thì diện áo dài đẹp. Không có quạt máy nên ai muốn không bị nóng thì mang quạt tay để tự phục vụ! Tuồng diễn đến cả tuần mà khán giả đêm nào cũng chật rạp. Có một bà đêm nào cũng mặc áo dài, đeo dây chuyền vàng, mua vé hạng nhất, ngồi hàng đầu để coi! Tiền thu được nghe nói sắm cái máy phát điện cho nhà Thờ. Tôi còn nhớ màn chót, tôi được phân công xướng câu đầu tiên để cả đoàn hát chào khán giả, kết thúc buổi diễn. Đứng trên nhìn xuống thấy người đông đặc, tôi khớp nên nín thinh. Cả đoàn phải tự hát. Kết thúc, bước ra, ông chờ tôi, cuộn quyển tuồng xáng vô đầu tôi một cái bốp, nổ đom đóm, vì làm “sượng” màn trình diễn hoành tráng của ông! Có lần ông viết tuồng Giáng Sinh. Cha Hòa lúc đó làm cha sở, xem và nói là cha đã từng xem gánh Bích Thuận diễn tuồng Giáng Sinh, nhưng không cảm động và không hay bằng của cha tôi dựng. Gánh hát của ông chẳng những nổi tiếng trong họ đạo, mà tiếng thơm còn bay ra mấy họ đạo gần bên, nên được mời đến diễn cho bổn đạo của họ xem. Bên cạnh những việc làm tốt đó, có một vết nhơ mà tôi thấy ray rứt. Bài báo viết về chuyện trong họ lập đội banh lấy tên là NGÔI SAO BÃI XAN để đấu với các Họ Đạo chung quanh. Đó là năm 1931 (lúc đó cha tôi mới 20 tuổi). Hội trưởng danh dự là cha sở Thiên. Những nhân vật chủ chốt đa phần là các cựu chủng sinh, trong đó, cha tôi làm thơ ký, kiêm cầu thủ. Theo bài viết kể lại, Đội banh đã tung hoành khắp Trà Vinh, Bến Tre, Vĩnh Long, đã thắng các Đội Long Bình, Tri Tân, Chà Và, Vĩnh Thuận... nổi tiếng khắp vùng. Nghe tiếng đồn, Đội banh mạnh nhất của Tỉnh Trà VInh lúc đó là Đội TỪ BÁ ĐƯỚC nghe tiếng cũng có đến xứ tôi để thử tài. Họ đến đầy khí thế với áo maillot sọc vàng, cờ to tổ bố với hàng chữ “PHƯỚC HƯNG CẦU CỐNG” và một đoàn người rầm rộ theo ủng hộ. Bên xứ tôi ngày đó các họ Đạo chung quanh cũng kéo đến xem rất đông. Kết thúc là đội xứ tôi cũng thắng. Tuy nhiên có một lần đội xứ tôi đi tới CÁI MƠN để đá, thì bị bên đó chơi xấu. Thủ môn đã bắt banh rồi mà họ còn nhào vô đạp vào mặt thủ môn cho văng vô goal! Trọng tài xử thua nhưng họ cứ cho là thắng, làm cho hai bên ấu đả với nhau. Thấy vậy bên này nói với trọng tài thôi nhường cho họ, nhưng rất ấm ức. Một phần vì lúc đi, ghe ủng hộ đội nhà bị chìm, có hai người chết, làm cho đội càng tức, quyết chí mời họ tới để đá phục thù. Trận phục thù này, cha tôi và một người nữa, chuốt tre bó vô chân để đá, quyết chí làm hại đối phương. Các vị còn sắp đặt, nếu thua thì sẽ không để cho họ về yên, và cử người phục kích sẵn. Cũng may, Đội Cái Mơn bị thua.Theo lời kể, trận đó, một cầu thủ của Cái Mơn bị cha tôi cố tình đá trúng, về xứ sau đó đã chết! Từ đó về sau không ai dám tới đá với đội của xứ tôi hết. Không biết thật sự có phải người cầu thủ kia do bị cú đá đó mà chết hay không? Nhưng xem tới đó tôi thật đau lòng. Không hiểu vì sao các vị tiền bối lại cay cú ăn thua đến như vậy. Ở quê với nhau, cái giải thưởng có đáng là bao? Rồi thì phải chăng vì tội ác đó mà về sau cha tôi phải trả giá, bởi vì câu chuyện râm ran, làng trên xóm dưới đều biết, 40 năm sau còn có người kể lại vanh vách thì làm sao gia đình nạn nhân không biết? Có điều không có bằng chứng, không thể buộc tội cha tôi. Nhưng có lẽ họ đã đau đớn vì mất con, tránh sao khỏi oán hờn, nguyền rủa! Và rồi có lẽ Nhân Quả đã thay họ mà trừng trị cha tôi. Cha tôi vốn là độc đinh. Theo lời mẹ tôi lúc sinh tiền kể lại, thì bà nội tôi sinh rất nhiều con. Cha tôi đến thứ 10. Nhưng cứ đứa nào được vài tháng thì bà lại dâng cho Đức Mẹ, nên ai cũng chết non hết. Có một người chị của cha tôi sống được tới 16 tuổi. Ngày đó cô tôi rước lễ Bao Đồng. Bà nội tôi nhìn thấy con gái đẹp quá, nên lại lên quỳ trước bàn thờ Đức Mẹ để dâng cho Đức Mẹ, vì theo bà, để “con lớn lên có chồng rồi phải khổ tội nghiệp”! Chiều đó về, cô tôi phát sốt. Ông nội tôi là thầy thuốc, kéo hộc tủ thuốc, định hốt thuốc cho con. Bà nội tôi bảo, “khỏi hốt thuốc mất công, tôi dâng nó cho Đức Mẹ rồi”. Ông tôi bảo: “Bà nói vậy thì thôi rồi”! Quả là hôm sau cô tôi cũng đi luôn! Má tôi sinh được 6 lần, trong đó có 2 lần sinh con trai. Nhưng đứa trai kia chết non. Lúc đó chưa sinh đứa út, nên chỉ còn có chị tôi, tôi, và một người anh trai kế tôi, hơn tôi 3 tuổi. Khi anh được 9 tuổi, thì định mệnh ác nghiệt xảy tới. Đêm đó có người tới nhà chơi, cha tôi sai anh tôi đi mua chai rượu về để hai người uống với nhau. Anh tôi vừa cầm chai rượu về, để trên bàn, vừa nói: “Rượu nè cha’ thì có tiếng súng nổ và một tiếng bốp vang lên. Cha tôi quơ cái đèn dầu cho tắt, và kêu cả nhà nằm xuống đất tránh đạn. Nhưng rồi tất cả đều im ắng, và cha tôi sờ đụng nước, tưởng là dầu của cây đèn chảy ra. Nhưng gọi anh tôi thì không nghe trả lời, nên ông hốt hoãng ngồi dậy và bật quẹt đốt đèn lên. Thì ra nước đó là máu của anh tôi! Anh bị một viên đạn trúng ngay vô đầu, xuyên qua màng tang và nằm luôn ở trong đầu. Anh đã chết ngay không kịp kêu tiếng nào! Cha má tôi điếng hồn và khóc lóc thảm thiết, la làng inh ỏi. vì đó là đứa con trai duy nhất, mà lại rất ngoan hiền. Ở quê lúc đó không có đánh nhau, không hiểu vì sao lại có viên đạn duy nhất từ đâu lạc vô nhà tôi như vậy! Ở nhà quê nên chẳng ai thiết điều tra coi tại sao. Sau đó cha tôi buồn quá không thể ở nhà vì nhớ thương thằng con trai, nên bỏ xứ đi Trà Vinh làm ăn một thời gian. Cha má tôi mất đi đứa con trai độc nhất. Tôi mất đi người anh rất mực thương em. Đi đâu anh cũng thường hay cõng tôi. Tôi còn nhớ, mỗi ngày đi học về, tôi chỉ cần đi bộ đến vựa lúa của cha Sở bên hông nhà Thờ, ngồi ở đó, chờ anh tôi cõng về. Sở dĩ phải ngồi chờ ở đó, vì lúc trước, anh cõng tôi đến tận lớp thì bị mấy dì phước la, nói tôi già đầu còn bắt anh cõng, nên phải chờ ra khỏi khuôn viên nhà thờ cho mấy dì phước không thấy. Ngày nào cũng như ngày đó, kể từ lúc tôi bắt đầu đi học. Thuở đó còn viết ngòi viết lá tre, thì mỗi lần mua ngòi mới, anh tôi dành để viết trước mấy ngày cho êm, cho hết xóc, rồi mới đưa lại cho tôi viết. Cái gì anh cũng nhường nhịn tôi. Có món ngon là anh chia cho tôi phần nhiều hơn. Lúc đó mới 6 tưổi đầu nhưng đến giờ tôi cũng không quên những kỷ niệm đẹp đó. Tôi cũng nhớ lúc đó anh cũng hay hát câu nhạc chế, không biết từ đâu ra: “Này thanh niên ơi, chúng bây cái đầu bự lắm. Đầu bằng đầu trâu mà không biết gì hết ráo”, “Nòi giống lúc biến khỏi cần giải nguy” và “Thanh niên ơi Huê Kỳ nay đến rồi”! dù lúc đó mới là năm 1949, 1950 Huê Kỳ còn ở tận xứ họ, chưa léo hánh sang Việt Nam! Nhắc lại chuyện cách đây gần một thế kỷ mà tôi vẫn thấy buồn cho hành vi nông nổi của thời trẻ tuổi của cha mình. Lúc đó ông vẫn chưa có vợ, chưa có con, không hiểu được nỗi đau của cảnh mất đi người thân. Cũng do bản tính nghịch ngợm, háo thắng, nên suy nghĩ, hành động như thế. Hai cái chết chẳng liên quan gì đến nhau. Có thể bản thân ông và gia đình người bị hại cũng đã quên mất. Nhưng cảm giác đau khổ khi phải chứng kiến cảnh con trai đang khỏe mạnh sân sẩn đột nhiên bị chết một cách tức tưởi, thì sau đó chính ông cũng phải nếm mùi y như gia đình nạn nhân của ông đã phải chịu! Cha tôi qua đời cũng đã hơn 30 năm. Câu chuyện thì đã xảy ra cách đây đã 80 năm, nhưng tập Đặc San cách đây 40 năm vẫn có nhiều người còn lưu giữ vì trong đó có nhiều tài liệu quý giá về gốc tích họ Đạo cũng như các đời linh mục đã giảng dạy ở đó. Ngoài ra còn bài viết rất dài của cha tôi về nguồn gốc những người đầu tiên tới khẩn hoang. Những chuyện đã chôn vùi theo lớp bụi thời gian như chuyện về những ông bà thời xưa ăn rất nhiều, tưởng như chỉ có trong truyền thuyết. Chuyện chơi Xuân ngày xưa. Chuyện ma, tinh lộng hành, hiện hình nhát người, ai cũng trông thấy, đến cha sở Tây phải lấy súng hai nòng bắn gảy một giò, từ đó nó mới bỏ đi mất… là những câu chuyện có thật tại địa phương mà đến nay cũng ít người còn nhớ, vì lớp người lớn tuổi đã theo ông bà hết rồi. Một thời chiến tranh, bom, đạn, súng, ống cũng làm cho ma quỷ thất kinh bỏ chạy hết. Nhưng khoảng thời gian đầu sau 75 thỉnh thoảng cũng còn nghe lai rai. Nhưng ma sau này hiền hơn. Như chuyện một chú bán bánh ít, nhà ở phía trong Đất thánh, muốn bán bánh phải đi sớm và đi ngang qua đó. Vậy mà khi đi qua Đất Thánh, thay vì đi trên đường thì không hiểu tại sao chú lại dắt xe đạp xuống ruộng mà đi, vòng vòng dưới ruộng khá lâu mới giật mình dắt xe lên. Không phải chỉ một lần, mà nhiều lần như vậy. Và chuyện bỏ cứt heo vô nồi cơm thì cách đây vài năm vẫn còn… Vì tập Đặc San vẫn còn có người đọc, có thể truyền bá nhau, nên tôi viết bài này, trước hết là muốn thay cha để nói lời xin lỗi muộn màng với gia đình đã là nạn nhân của cha tôi, đồng thời kể câu chuyện quả báo của cha tôi để mong người đọc câu chuyện đội banh học lấy tấm gương của gia đình tôi để đừng nghĩ ác, làm ác, vì “ Nhân nào, Quả nấy” là điều không thể tránh khỏi. Nếu không diễn ra trong hiện kiếp thì cũng sẽ ở kiếp nào đó. Đừng đợi đến khi gặp chuyện xấu mới hối hận thì đã muộn.
Tâm Nguyện
Phụ bản III VÀI CẢM NGHĨ VỀ HỘI SÁCH LẦN THỨ 7 Hội sách lần thứ 7 khai mạc ngày 19 và bế mạc vào ngày 25 tháng 3, năm 2012. Cũng như 6 lần trước, Hội Sách luôn được coi như là sự kiện lớn nhất nước về văn hóa đọc. Thông tin qua báo đài cho biết năm nay sẽ có tới 500 gian hàng và 161 đơn vị tham dự với 20 triệu cuốn sách được trưng bày và bán, và trong số 161 đơn vị tham dự có rất nhiều đơn vị ngoại quốc. Khác với mấy lần trước năm nay không có cuộc thi “Những cuốn sách vàng” và chỉ có cuộc thi “Tủ sách gia đình” và lễ trao giải đã được tổ chức vào sáng ngày thứ 7, 24 tháng 3, 2012. Và, cũng theo báo, đài thì số tiền thu nhập do bán sách của hội sách năm nay lên tới 30 tỷ đồng. Cũng như mấy lần trước ngay chiều hôm khai mạc, người viết đã có mặt tại hội sách và để ra gần 3 giờ đồng hồ để “vi hành” qua hầu hết các gian hàng cả nội lẫn ngoại. Sau gần 3 giờ đồng hồ tham quan, lúc ra về người viết đã có những cảm nghĩ tổng quát sau đây: A.- Số sách trưng bày quả là có nhiều nhưng chỉ là những sản phẩm sàn sàn bậc trung, mà loại sách nhiều nhất là loại hình sự, mạo hiểm dịch của các tác giả nước ngoài, kế đó là những sách dạy kinh doanh theo lối Mỹ, và sau cùng là sách giải trí cho trẻ em. Các loại sách dịch nhiều vô kể nhưng phần lớn là được dịch từ các cuốn có bán đầy trong các nhà sách bán sách mới cũng như trong các tiệm sách cũ, mà nguyên bản phần lớn là loại sách bỏ túi (pocket book) của các tác giả như Sidney Sheldon. John Grisham, Ken Follet, Agatha Christie vv… Đây là những loại sách mà người viết có thể đọc được nguyên bản nên các bản dịch chẳng hấp dẫn gì người viết. B.- Khác với các lần trước các gian hàng thường là của các nhà sách nhỏ nên họ trừ cho người mua từ 20 tới 30% so với giá trên sách. Lần này ở đây toàn các “đại gia, đại dô” nhưng lại chỉ trừ có 10%, trong lúc giá trên sách thì lại cao hơn nhiều so với mấy năm trước. C.- Về các sách bày bán ở các gian hàng của các công ty và nhà sách ngoại thì người viết cũng rất bị không vui ở chỗ hầu như không có thứ gì xuất bản năm 2011 hoặc ngay 2012 mà phần lớn là từ 4, 5 năm về trước. Về khoản này xin đề nghị trong các kỳ hội sách sắp tới các công ty và nhà sách ngoại nên mang sang những gì mới nhất, tinh hoa nhất của họ cho độc giả Việt Nam được nhờ và… hài lòng. Riêng về giá sách tại các cửa hàng của ngoại nhân thì người viết thất vọng quá vì một cuốn trinh thám của Agatha Christie mà giá gần 200.000 đồng, thì học sinh, sinh viên chịu sao cho thấu? Do đó đã không có anh tiền, chị tiền nào của người viết được vinh dự góp mặt trong số 30 tỷ đồng mà báo đài đã nêu lên. Người viết có được ban Tổ Chức Cuộc thi Tủ Sách Gia Đình mời đi dự lễ trao giải vào sáng thứ bảy 24-3-2012, và đã có tới dự. Người viết cũng có để tâm quan sát hình ảnh mấy tủ sách được giải và xin có mấy đề nghị như sau với các ban tổ chức các kỳ thi “Tủ sách gia đình” của những năm sắp tới: A.- Đề nghị quý vị khi chấm và lựa xin chú tâm nhiều đến phẩm chất thay vì số lượng. lý do là với những người hiểu biết sách thì số lượng dù nhiều đến đâu, nhưng sách kém về phẩm chất thì phải nói là cũng như không, một con số không hơi bị to! Sở dĩ người viết viết vậy vì người viết đã từng gặp những cuốn sách mà chỉ mình nó có giá trị bằng cả một ngàn cuốn khác. Xin nêu ra sau đây một thí dụ điển hình: Cuốn QUID của hai tác giả quá cố Dominique và Michele Fremy do nhà Robert Laffont của Pháp xuất bản, mỗi năm ra một cuốn có cập nhật từ 1963 tới 2008 mới ngưng khi hai đồng tác giả đều qua đời. QUID là tiếng La tinh có nghĩa là “cái gì” và đây là một cuốn Tự Điển,được cập nhật hàng năm, về tất cả mọi lãnh vực của cuộc sống như văn học, khoa học, y khoa, luật, giáo dục, mỹ thuật, du lịch, địa dư, lịch sử vv… Ai cần tra cứu về lãnh vực nào cũng có, và do đó, cuốn sách trên 2000 trang, chữ nhỏ li ti này quả là có hiệu lực bằng cả ngàn cuốn khác. B.- Ngoài việc đề cao việc người có sách dùng số sách của mình như một dạng thư viện mini giúp các người đồng loại đến với sách. Cũng cần xét kỹ một lãnh vực quan trọng không kém: đó là người chủ sách có thường xuyên đọc những cuốn sách mình sở hữu, và quan trọng hơn cả là có biết khai thác chúng để làm việc, viết lách, biến những tư liệu trong sách thành những đề tài mới mẻ, hữu ích cho đời sống của cộng đồng không? Thực vậy, những người chủ sách làm được như vậy đương nhiên là hay hơn những người chỉ biết trưng sách, nhìn và… giữ sách. C.- Trong lúc chấm giải nếu gặp được những chủ sách giữ được những quý thư cả 2, 3, một đôi khi 4 trăm năm tuổi, nên đề nghị họ làm sao cho những quý thư đó được khai thác, được in lại, được dịch để cả cộng đồng đều được chung hưởng; hơn nữa những loại sách đó ngày nay đã thành tài sản chung của cả nhân loại, chúng ta cứ việc khai thác mà chẳng cần phải hỏi, phải làm gì cả. D.- Khi gặp trong những tủ sách gia đình những cuốn sách có minh họa (illustrations) do các danh họa của thế giới như Picasso, Matisse, Klein, Warhol vv… thì phải lập tức nói cho các chủ sách đó biết là những loại sách đó hiện nay được gọi là “Sách hiện đại do các danh họa minh họa” (Livres modernes de peintres) và giá trị mỗi cuốn là hàng 100.000 euros, trong khi nếu chúng ta không biết thì khi ngoại nhân nó trả cho độ 1, 2 trăm euros là đã mừng húm và tưởng bở bờ bơ… Hội sách năm nay, riêng đối với người viết, và đây chỉ là ý kiến hoàn toàn cá nhân của người viết, đã không mang lại nhiều thích thú cho người viết vì hắn chả được vinh dự đóng góp đồng nào vào số 30 tỷ do báo đài loan tin… Vũ Anh Tuấn NHỮNG HIỆU SÁCH ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI KIM NGA
Với những người yêu sách, thật say sưa khi được len lỏi giữa các kệ san sát đầy sách. Sự thú vị càng tăng gấp bội khi được đắm mình trong một không gian sách “thượng hạng”, độc đáo. Có thể nói, đó là những ngôi đền dành cho việc đọc sách, nghiên cứu, chia sẻ và đôi khi cả những hoạt động khác. Bạn có thể xem triển lãm, thưởng thức ly cà phê, nhấm nháp mẩu bánh… trước khi ngắm và mua sách. Hiệu sách VVG Something, Đài Bắc Một không gian tinh tế, sâu lắng mang tính chất Đông phương, rất hợp với những ai muốn hòa mình trong không khí Á châu. Hiệu sách El Ateneo, Buenos Aires (Argentina) Hiệu sách nằm trong một nhà hát cũ, Teatro Gran Spendid, từng đón tiếp những thần tượng của vũ điệu tango như Carlos Gardel, Ignatio Corsini hay Francisco Canaro. Hiện nay, khách có thể đến đây vừa thưởng thức cà phê trên sân khấu huyền thoại ấy. Brattie Book Shop, Boston (Mỹ) Được sáng lập năm 1825, Brattie Book Shop tự hào là nhà sách bán hạ giá lớn nhất nước Mỹ với gần 250.000 tác phẩm. khoảng không gian rộng bày sách tiếp giáp đường tạo niềm vui cho khách bộ hành. Hiệu sách Selexyz Dominicanen, Maastricht (Hà Lan) Nhà sách này mở cửa năm 2006 trong một giáo đường lộng lẫy thuộc dòng Dominique thế kỷ XVIII chuyên bán những sách về tôn giáo. Sự chuyển đổi này đã đạt được thành công. “Thánh đường” sách ấy gợi cảm giác sâu xa về sự yên bình và tính tuyệt đối. Hiệu sách ABC, Amsterdam (Hà Lan) American Book Center có lẽ là hiệu sách Anglo-Saxon lớn nhất châu Âu. Hiệu sách có kiến trúc táo bạo, thường tổ chức những sự kiện văn hóa. Livraria Lello, Porto (Bồ Đào Nha) Hiệu sách này khai trương năm 1906, trở thành niềm tự hào của thành phố Porto mang nét đặc sắc nhờ sự pha trộn mỹ thuật hiện đại và kiến trúc tân gothic. Hai tầng lầu được nối với nhau bằng cầu thang gỗ, được soi sáng qua những tấm kính ghép màu trên trần, tạo cảnh sáng tối mờ ảo rất ấn tượng trên các hình trang trí. Ngoài việc mua sách, khách có thể xem diễn kịch ở đây. Shakespeare & Co, Paris (Pháp) Nằm trong khu LA tinh, rất phong phú các tác phẩm văn học Anglo-Saxon, nhà sách này nhanh chóng trở thành nơi gặp gỡ của những người nói tiếng Anh xa xứ. Trong số những khách hàng quen thuộc nổi tiếng có các nhà văn Ernest Hemingway, Scott Fitzgerald, James Joyce, nghệ sỹ nhiếp ảnh Man Ray… Hiệu sách Galignani, Paris (Pháp) Đây là một trong những nhà sách cổ nhất châu Âu, rất uy tín với những độc giả khó tính ở Paris, phong phú sách tiếng Anh và tiếng Pháp, là một kho báu đối với những người thích tìm sách hiếm. Cook & Book, Brussels (Bỉ) Đây là một địa điểm lý tưởng ở Bỉ để đọc và ăn, vì hiệu sách cũng là một nhà hàng mà khách có thể thưởng thức các món ăn giữa các kệ sách trinh thám và văn học dành cho trẻ em. Mỗi khu sách được bài trí khác nhau, chẳng hạn ở khu sách dạy nấu ăn có một xe Fiat 500 trước các kệ sách về ẩm thực Ý, hay cách trang hoàng đậm chất Anh ở trong khu sách văn học Anh. Hiệu sách Tropismes, Brussels (Bỉ) Lộng lẫy và sang trọng như một viên ngọc quý, rất phong phú truyện tranh. Daunt Books, London (Anh) Nằm trên Marylebone High Street, là nơi mà những người chuẩn bị đi xa tìm đến, đầy đử sách hướng dẫn du lịch và tác phẩm lịch sử. Voltaire & Rousseau, Glasgow (Anh) Hiệu sách nổi tiếng về sách bán hạ giá, đủ loại sách, một nơi rất thú vị đối với những người thích đi lăng quăng ngắm sách. Barter Bookshop (Anh) Một trong những hiệu sách bán hạ giá lớn nhất nước Anh, cũng là đẹp nhất. nằm trong một trạm xe lửa cũ, kiểu mẫu hiện đại, nhân viên niềm nở. Hiệu sách Altair, Barcelona (Tây Ban Nha) Nơi đây cũng là điểm đến yêu thích cho những người thích chu du thế giới, rất nhiều bản đồ và sách du lịch. Hiệu sách Acqua Alta, Venizia (Ý) Chỉ ở thành phố kinh đào này, khách có thể tìm thấy thuyền trong các hiệu sách. Và khách có thể đến thẳng hiệu sách bằng thuyền. Hiệu sách Bookabat, Roma (Ý) Có kiến trúc siêu hiện đại, dành cho mọi loại hình nghệ thuật, chuyên về sách mỹ thuật, nếu gặp may khách có thể mua được những sách hiếm. 10 Corso Como (Ý) Một địa điểm văn hóa toàn cầu, ngoài sách khách có thể xem triển lãm, thưởng thức món ăn hay qua đêm trong những phòng dành cho khách. Atlantis Books, Oia (Hy Lạp) Đây quả là thiên đường cho những người yêu sách. Hiệu sách nằm trên hòn đảo núi lửa Santorini, khách có thể ngắm biển và hoàng hôn tuyệt đẹp. Hiệu sách do một nhóm nghệ sỹ điều hành, có diễn kịch và chiếu phim ngoài trời. Ngôi biệt thự, là nơi đặt hiệu sách, cũng thu hút những người hiếu kỳ vì nét hoa mỹ. Khách đường xa có thể nghỉ trưa trên giường xếp.
(Theo Livres) BĐ st HOA KỲ CÓ HAI BỨC TƯỢNG “NỮ THẦN TỰ DO” - THĂM TƯỢNG TỰ DO “LỚN” Ở NEW YORK
TƯỢNG NỮ THẦN TỰ DO Ở NEW YORK Biểu tượng vĩ đại nhất của sự Tự do của Thế giới đã mãi mãi được biết đến, Bức tượng “Tự Do chiếu rọi khắp Thế giới” đã trải qua 126 năm – hơn phân nửa sự tồn tại của Hoa Kỳ với tư cách là một quốc gia độc lập, với bản Tuyên ngôn Độc lập và bản Hiến Pháp năm đầu tiên trên thế giới. Từ đó, Nữ thần đã trờ nên liên hệ khắng khít với nước Mỹ và thế giới hơn là với các nhà sáng tạo người Pháp đã có thể tưởng tượng ra. Mọi người trên khắp thế giới đều vinh danh Nữ thần Tự do là “Kỳ quan Thế giới thứ 8” nghĩa là đặc biệt nằm ngoài 7 Kỳ quan mà thế giới xác lập từ xưa cho tới nay. (Ngoài 7 Kỳ quan cổ xưa, cho đến ngày 7/7/2007 có 7 Kỳ quan Nhân tạo mới và ngày 11/11/2011 có 7 Kỳ quan Thiên nhiên mới của Thế giới – Vịnh Hạ Long của Việt Nam nằm trong số này). TẦM NHÌN TỪ PARIS Ý tưởng sáng tạo ra tượng Nữ thần Tự do nổi lên trong nhiều buổi nói chuyện giữa hai người Pháp, Lefebvre de Laboulaye và Auguste Bartholdi. Hơn một thập niên, họ soạn thảo kế hoạch về điều mà, rốt cuộc, trở thành biểu tượng quốc gia được nhiều người biết đến nhất cùa Hoa Kỳ. Thật là lạ lùng, đó là Laboulaye (1811- 1883) - một học giả, giáo sư Lịch sử ở Đại học Paris, thích bàn luận và những Hiến pháp của châu Âu; nhưng lại chính là nước Mỹ đã khiến ông quan tâm nhất – ông đã có ý tưởng là việc Sáng tạo ra bức tượng cần có trước, sau đó mới là nghệ sĩ. Đối với Laboulaye, Hiến pháp Hoa Kỳ là một tài liệu hết sức nổi bật: nó bảo đảm hiệu quả cả hai nền dân chủ và sự ổn định chính trị, tuy có thể khiến quốc gia non trẻ trải qua những cơn giông bão chính trị mà không quay lùi trở lại chế độ vua chúa. Thay vì có khuynh hướng về học thuật, Laboulaye lại thiên về chính trị. Một trong các lý do cho sự thay đổi này là cuộc Nội chiến Hoa Kỳ: ý nghĩ duy nhất về Hoa Kỳ yêu quý của ông - đang bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt – bị chấn động sâu sắc. Và tệ hơn nữa là, có một cơ hội thực sự mà nước Pháp có thể công nhận sự độc lập của Confederacy (tên quốc gia ly khai Miền Nam nước Mỹ với 11 tiểu bang) – một hành động tạo ra hậu quả chính trị sâu xa mà có thể giúp Miền Nam thắng cuộc chiến và duy trì chế độ nô lệ. Lo sợ về điều này, Laboulaye bắt đầu viết các sách nhỏ nhân danh sự nghiệp chính đáng của Tổng thống Lincoln và Liên Bang (Miền Bắc với 22 tiểu bang). Những hoạt động của ông và của những người khác đã khiến nước Pháp do dự và, trong khi cuộc Nội chiến tiếp diễn, Paris dần dần bỏ hẳn ý nghĩ công nhận Miền Nam. Những nỗ lực của Laboulaye được các Hội đoàn Liên Bang ờ Philadelphia và New York hoan nghênh. Laboulaye cũng lo lắng sâu xa do tình hình chính trị trong chính nước ông. Từ năm 1852, nước Pháp do vua Napoleon III cai trị. Bởi vì thế, Laboulaye và các người cấp tiến khác mơ mộng nếu Pháp có bao giờ trở thành một nền Dân chủ chính hiệu. Tháng 6-1865, vị giáo sư tổ chức một bữa tiệc cùng với một số thân hữu mà đều mơ về một nước Pháp tự do hơn. Trong số họ là nhà điêu khắc Bartholdi. Laboulaye thực sự quan tâm đến tài năng nghệ thuật của vị này – ông đã nhờ Bartholdi nặn cho mình bức tượng bán thân của chính ông. Tuy nhiên, trong bữa tiệc, Laboulaye tuyên bố là Pháp nên tặng một món quà cho Hoa Kỳ để chúc mừng thế kỷ đầu tiên của Liên Bang này –chỉ mới 11 năm trôi qua. KHAI SINH RA MỘT HÌNH TƯỢNG KHỔNG LỒ Với ý tưởng tặng một món quà thế kỷ cho Mỹ, hai ông trở lại thế giới riêng của mỗi người. Mùa thu năm 1865 – cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vừa mới kết thúc - Laboulaye thành lập Hội Giải phóng của Pháp để tài trợ các nô lệ cũ ở Mỹ. Trong khi đó, Bartholdi đã lập một phòng vẽ ở Paris thập niên trước, nổi tiếng là một nhà điêu khắc tài hoa. Rồi ông bắt đầu mơ tới sự huy hoàng to lớn hơn: tái tạo một hình tượng chính gốc của cổ Ai Cập và Hy Lạp cổ điển – đã từng du lịch đến Ai Cập, ông sửng sốt trước các kim tự tháp nên kỳ vọng ngày nào đó sẽ tạo cho chính mình một tuyệt phẩm kiến trúc. Trong lúc này, về mặt chính trị, vua Napoleon hoảng hốt vì bị phê bình, đã bắt đầu nhiều sự cải cách cấp tiến thực sự. Được khích lệ, Laboulaye bật đèn xanh cho Bartholdi tiến hành dự định. Nhà điêu khắc nặn hai tượng mẫu về Tự do bằng đồ gốm. Mặc dù tương tự hình tượng Ai Cập của Bartholdi, sự khác biệt của nó là bức tượng giống hình Nữ thần Tự do của La Mã (Libertas) và khuôn mặt tượng giống Jean-Jacques Barre ở trong Quốc huy nước Cộng hòa Pháp. Hai người bạn hài lòng là hình tượng này sẽ là món quà hoàn hảo cho nền dân chủ không thể lay chuyển nổi của Mỹ. Nền chính trị nước Pháp đã đổi thay với việc sụp đổ của vương triều Napoleon trong chiến tranh Pháp – Phổ. Với nền dân chủ phục hồi hoàn toàn bảo đảm, Laboulaye khuyến khích Bartholdi đi thăm nước Mỹ, nói rằng: “Hãy đề nghị với những người bạn bên ấy tham gia cùng với chúng ta trong việc xây một đài kỷ niệm, một công việc bình thường nhằm để kỷ niệm tình bạn cố tri của Pháp và Hoa Kỳ”. Vào tháng 6-1871, Baretholdi đáp tàu buồm đến cảng New York. Với sự xúc động, ông viết: Cảnh quan tuyệt mỹ khi ta đến New York với những đường phố bao la, sông và biển chạy dài xa tít chân trời… nó gây nên cảm giác mạnh mẽ. Trong khi tìm kiếm nơi để đặt tượng Nữ thần Tự do, ông bất ngờ thấy cảnh quan của một hòn đảo nhỏ nằm ngay gần bờ biển thành phố Jersy (tiểu bang New Jersy ở sát cạnh New York)). Đó là hòn đảo Bedloe rộng độ 10ha của Thành phố New York, lúc ấy là thuộc Quân đội Hoa Kỳ, trên đảo có đồn canh Fort Wood cũ – một vị trí tuyệt vời cho Nữ thần tại vị. Với thư giới thiệu nồng nàn của Laboulaye, Bartholdi có thể gặp gỡ những nhân vật Mỹ nổi tiếng ở Philadelphia và ông đều được nhiệt tình giúp đỡ. Kế tiếp, ông đến gặp Tổng thống Mỹ Grant nói và giới thiệu về kế hoạch của mình. Chàng nghệ sĩ đã gặp nhiều bạn bè của Laboulaye và đi khắp nước Mỹ tới Chicago, dãy núi Rocky, Utah và California. Bartholdi trở về Pháp vào mùa thu năm đó, ông có thể tóm tắt là Hoa Kỳ là một quốc gia giàu mạnh và bao la, đang phát triển rực rỡ. Hiệp Hội Pháp-Mỹ và Uỷ Ban của Pháp. Năm 1875 có sự đột phá cho kế hoạch: Bartholdi hoàn thành mẫu chính thức của Nữ thần Tự do – một bức tượng đứng thạch cao, cao 1,25m – và vào tháng 4, Laboulaye thành lập tổ chức “Hiệp hội Pháp-Mỹ” mà bao gồm các Ủy ban gây quỹ của Pháp và Mỹ. Để tiến hành việc gây quỹ , Laboulaye tổ chức một bữa tiệc lớn, ông giải thích mục đích của Hiệp hội Pháp-Mỹ và tiết lộ mẫu chính thức của tượng Tự do. Thành công vượt bậc, buổi tiệc đã quyên góp được 40.000 franc. Trong vài năm kế tiếp, Hiệp hội tổ chức hàng loạt các sự kiện để gây quỹ và sự quan tâm của công chúng, báo chí Pháp. Ủy ban nước Pháp tin tưởng là bức tranh sẽ sáng sủa. Họ đã hoàn toàn đúng. Một cuốc xổ số toàn quốc và bán tranh về bức tượng Tự do tý hon đã gây ra một không khí xúc động, trong khi cuộc trưng bày mẫu tượng ở vườn Tuileries gây ra sự náo động. Cho tới năm 1880, quỹ đã đạt dược mục đích: góp được tương đương 400.000 USD sau khi hơn 100.000 người dân Pháp đã tham gia. Thành lập Ủy ban nước Mỹ Mặc dầu mọi người đều biết rằng người Mỹ phải xậy Bệ đặt tượng Tự do, nhưng chưa có điều gì được tiến hành. Lo lắng sâu xa, Bartholdi gửi kiến nghị tới Bộ trưởng Ngoại giao W.M.Evarts nhờ giúp đỡ. Bộ trưởng liền tổ chức cuộc họp gồm các đại gia New York, thành lập Ủy ban nước Mỹ để gây quỹ cho việc xây bệ vào tháng 1-1877 và Evarts làm chủ tịch Ủy ban. Một cuộc triển lãm bán tranh nghệ thuật cho việc xây bệ tượng. Một sự kiện là bài thơ “Bức tượng Khổng lồ mới” của nữ sĩ Emma Lazarus cùng với các vật có giá trị khác đựng trong một bao da, được đem bán đấu giá và đã bán với giá cao nhất là 1.500 USD. Xây dựng Tượng Tự do Năm 1872, Bartholdi gặp giáo sư môn kiến trúc cũ của ông, Viollet-le-Duc và nhờ Giáo sư làm kỹ sư chính của bức tượng. Từ hình mẫu nhỏ, sau nhiều lần, cuối cùng bức tượng cao 46m. Việc lớn lao nhất là mạ đồng, đây là quà tặng của Pierre Secretan, nhà chế tạo công nghệ đồng hàng đầu của Pháp. Sau đó, kỹ sư Alexandre Eiffel nổi tiếng về Tháp Eiffel (1889) - mới đầu bị chê bai, về sau chính Tháp này trở nên biểu tượng xinh đẹp của Pháp - thay thế vì Giáo sư bất ngờ từ trần. Eiffel không mấy khó khăn khi thiết kế một bộ khung bằng thép khổng lồ, vững chắc cho bức tượng khổng lồ, được mạ đồng ở ngoài có thể đứng bền vững, chắc chắn trước mưa bão, giông tố - tọa lạc giữa hòn đảo nhỏ xíu ngay lối vào của cảng New York, nằm giữa biển cả mênh mông. Tới tháng 6-1884, tượng Tự do cuối cùng hoàn thành, bức tượng nhìn thật là ấn tượng. Ngày 4-7, Nữ thần được chính thức giới thiệu với Đại sứ Mỹ - do Lesseps Chủ tịch mới của Hiệp hội Pháp-Mỹ (Laboulaye mới qua đời một năm trước). Tháng 1-1885, Nữ thần được chia ra nhiều phần nhỏ, đánh số thứ tự trước khi được chở đi trong 214 thùng lớn. Tất cả được xe lửa chở tới cảng Rouen, nơi đây tượng Tự do xếp lên tàu Isere của Hải quân Pháp chở từ ngày 21-5 tới cảng New York vào ngày 17-6. Chiến dịch xây Bệ tượng và công lao của Pulitzer Trong khi người Pháp bận rộn với bức tượng Tự do, Ủy ban của Mỹ cũng đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng, tới lúc bức tượng Tự do đến Mỹ, họ còn nhiều việc phải hoàn thành. Mặc dù Ủy ban quyên góp được 182.491,40USD, một số tiền khá lớn lúc đó nhưng đã chi tiêu cho việc xây dựng, chỉ còn lại 3.000USD. Một sự thất vọng hiện ra. Nhìn thấy dịp may để cứu giúp Ủy ban và gia tăng sự lưu hành tờ báo của ông, Joseph Pulitzer, người xuất bản tờ “New York World” liền ngỏ ý giúp đỡ. Vào tháng 3-1885, ông mở chiến dịch quyên góp được 100.000USD. Ông có ý tưởng gây ấn tượng mạnh là cho in tên của tất cả các mạnh thường quân lên trên báo của ông, hàng ngàn học sinh, nội trợ lao động và người di dân… đã đóng góp rất nhiều tiền, cho tới tháng 8, tờ báo World đã quyên góp được 102.000USD, mang chiến dịch đến thắng lợi. Cả Bartholdi và Ủy ban của Mỹ đều cảm ơn sâu sắc về sự tham gia đúng lúc của Joseph Pulitzer (1847-1911 - Ông cũng là sáng lập Giải thưởng Pulitzer về báo chí danh giá của Hoa Kỳ công bố hàng năm. Chính John Kennedy đã được lãnh giải thưởng Pulitzer khi còn trẻ, sau đó mới lên làm Tồng thống Mỹ). Việc xây Bệ tượng Tự do trên đảo Bedloe Nhờ Tổng thống Mỹ can thiệp với Bộ Quốc phòng nên đồn canh được dời đi để lấy chỗ cho việc xây Bệ tượng trên đảo Bedloe. Năm 1881, Ủy ban của Mỹ chọn kiến trúc sư Richard Hunt – người Mỹ đầu tiên học Trường Mỹ thuật Paris – thiết kế Bệ tượng. Và ông hoàn thành Bệ tượng- với kết cấu có thể vừa cứng cáp vừa đàn hồi để đương đầu với gió bão dữ dội thổi vào từ Đại Tây dương - vào tháng 4-1886 và, khi hòn đá cuối cùng đã an toàn vào chỗ dựng Tượng trên đảo Bedloe (sau Tổng thống Eisenhower đổi tên đảo này là đảo Tự Do, ông cũng sáp nhập Hawaii và Alaska vào Liên Bang, từ 48 lên 50 tiểu bang, nên đã có cuộc thi thiết kế Quốc kỳ mới với 50 ngôi sao ở trên góc cờ). Trong nhiều tháng, tượng Tự do được lắp vào trên Bệ cao, khung tượng được ráp lên trước và sau đó các miếng đồng mỏng được ghép bằng đinh tán trên đó theo chiều ngang, uốn vòng tròn, từ từ lên cao, trước khi lên đến đỉnh cao. Phần đầu, hai bàn tay và ngọn đuốc được ráp vào tháng 10, ngay trước lúc bỏ màn che bao trùm bức tượng. Khánh thành và Tiếp nhận bức tượng Nữ thần Tự do Vào thứ Năm, ngày 28-10-1886, Nữ thần Tự do được khánh thành và mở màn che; ngày này được công bố là một ngày Lễ chính thức. Lễ hội được tổ chức thành ba sự kiện: - Cuộc diễn hành lớn đi ngang qua đại lộ Broadway (diễn hành có tung băng giấy đầu tiên của New York) - Cuộc tập trung lớn các tàu thủy ở hải cảng - Và cuối cùng là Nghi thức kéo màn che bức tượng trên đảo Bedloe. Khi nghi thức bắt đầu vào lúc 3:15 chiều, hàng loạt đại bác được bắn từ đồn canh ở đảo Governor, trong khi còi hơi nước của các tàu thủy thổi vang lừng không trung. Lời cầu nguyện và diễn văn tiếp theo. Thượng nghị sĩ Evarts đọc diễn văn giới thiệu quan khách. Giữa bài diễn văn, ông bất ngờ ngưng một lát, và vị phụ tá của Bartholdi, nghĩ là Evarts nói xong, báo hiệu cho Bartholdi đang đứng nhìn lên vương miện của Nữ thần Tự do, ông liền tháo sợi dây và quốc kỳ nước Pháp bung ra từ khuôn mặt của Nữ thần. Đại bác bắt đầu được bắn lên trời vang động để chào mừng Nữ thần. Khi tiếng ầm ĩ lắng xuống, Thượng nghị sĩ kết thúc bài diễn văn và Tổng thống Hoa Kỳ Grover Cleveland đứng lên Tiếp nhận bức tượng, tuyên bố: “Chúng ta sẽ không quên rằng Nữ thần Tự do đã nhận nơi đây làm quê hương của Bà, cũng như chúng ta phải chăm sóc bệ thờ mà Bà đã lựa chọn. Những người dâng hiến tự nguyện sẽ duy trì ngọn lửa rực cháy mãi mãi và những điều này sẽ chiếu lấp lánh trên bờ biển nước cộng hòa huynh đệ của chúng ta, từ nơi đó và, tham dự vào với các tia sáng thích nghi, một luồng sáng sẽ phá tan màn đêm của sự dốt nát và áp bức cùa nhân loại cho tới khi Tự do khai sáng toàn thế giới” (Liberty enlightening the World) – đây cũng là tên đầy đủ của bức tượng Nữ thần Tự do. (Cleveland là vị Tổng thống duy nhất làm hai nhiệm kỳ, nhưng cách nhau 4 năm (1885-1889 và 1893-1897) – biết đâu đây là do Nữ thần ban phước cho ông chăng?) Tượng Tự do cao 46m, kể cả bệ cao 93m, vẫn giữ kỷ lục pho tượng lớn nhất thế giới. Nữ thần khoác áo choàng thời cổ Hy lạp - tay phải Bà cầm ngọn đuốc dài 16m (năm 1986 được thay thế bằng ngọn đuốc mới bằng đồng, mạ vàng lá 24k. nên tia sáng mặt trời phản chiếu ánh vàng rực rỡ ban ngày và các ngọn đèn pha phản chiếu ánh sáng ngọn đuốc ban đêm, nên 24 giờ không ngừng chiếu sáng cho tàu bè ra vào cảng New York, đón chào dân tỵ nạn trước đây và du khách bốn phương ngày nay) - tay trái Bà cầm một cuốn sách, mang dòng chữ ngày ban hành bản Tuyên ngôn Độc lập – “July IV MDCCLXXVI” – (tháng Bảy, 4, 1776, ngày lễ Độc lập Hoa Kỳ). Chân Bà mang đôi săng-đan thời La mã và chân phải Bà đạp đứt tung đống xiềng xích tượng trưng cho việc đập tan sự áp bức, đem lại Tự do cho nhân loại. Bức tượng nhìn ra hướng Đông nam, đối xứng với vị trí của đồn Fort Wood và để mọi người đang đi trện tàu thuyền có thề nhìn thấy Nữ thần trong khi di chuyển vào cảng New York. - Trong sách tiếng Anh nguyên bản, người viết không thấy ghi chi tiết “Vương miện của Nữ thần phát ra 7 ánh hào quang tượng trưng cho 7 châu lục” (vì sự phân chia số các châu lục của Pháp và Mỹ hơi khác nhau) mà chỉ viết là 7 ánh hào quang đó tượng trưng cho ánh sáng mặt trời. Và cũng không viết về “Hai tượng Tý hon của Nữ thần Tự do” (có thể đây là hai phiên bản đầu tiên Bartholdi đã nặn, được người ta giữ lại): - một tượng Tý hon được đặt ở đảo Thiên nga, cạnh sông Seine, Paris và - tượng Tý hon còn lại được tặng Việt Nam sau khi tham gia Hội chợ ở Hà Nội năm 1887 và đặt trên đỉnh Tháp Rùa, rồi về vườn hoa Chí Linh, sau dời về vườn hoa Cửa Nam – nhưng tiếc thay, thời kỳ Nhật đảo chính Pháp năm 1945, tượng Tý hon đã bị hạ bệ, để mang nấu đồng nặn bức tượng A-di-đà lớn nhất nước ta ở chùa Ngũ Xá, Hà Nội. - Người viết có dịp thăm Nữ thần Tự do vào đúng dịp kỷ niệm 125 năm Bức tượng trị vì trên đảo Tự do vào tháng 10 năm 2011. Phía dưới xung quanh Bệ tượng có treo nhiều tấm bảng đồng ghi lại công ơn của các ân nhân hoàn thành bức tượng khổng lồ mới gồm có: Laboulaye, Bartholdi, Eiffel, Putlizer và bài thơ của Emma Lazarus… Người viết ngậm ngùi khi ngắm nhìn và đọc kỹ các bảng ghi công của Laboulaye và Bartholdi, cảm phục từ đáy lòng mình về sự sáng tạo độc đáo của hai người Pháp - chỉ vì mục đích duy nhất là yêu bản Hiến Pháp dân chủ đầu tiên trên thế giới – mơ về nước Pháp một ngày nào đó sẽ có được cơ hội tuyệt vời như Hoa Kỳ. Sự ngẫu nhiên kỳ thú là Nữ thần Tự do đã vinh dự trở thành biểu tượng, một vật thiêng – đứng trên Chuông Tự do (ở Dinh Độc lập, Philadelphia, PA) của Liên Bang non trẻ này. Chúng ta thấy rằng, tượng Tự do được khánh thành vào ngày 28-10-1886, nghĩa là trước một năm kỷ niệm đúng 100 năm ban hành Hiến pháp (17-9-1887) và sau 110 năm công bố bản Tuyên ngôn Độc lập (4-7-1776) thì theo ý nguyện của nhà sáng chế Laboulaye và Bartholdi, chắc là tượng Nữ thần Tự do – do nhân dân Pháp tặng nhân dân Mỹ - chính là để vinh danh và kỷ niệm 100 năm ban hành Hiến pháp Hoa kỳ - điều mà lúc sinh thời, Laboulaye luôn yêu quý, mơ rằng nước Pháp sẽ có điều tương tự. Dù sao đi nữa, Laboulaye cũng được an ủi là đã chứng kiến nước Pháp cũng có bản Hiến pháp Đệ tam Cộng hòa (1870-1940 với Tồng thống Thiers) trước lúc ông qua đời năm 1883, nhưng không bền vững vì sau đó là Đệ tứ Cộng hòa (1947 với Tổng thống Auriol, Coty) và rồi tới Tồng thống De Gaulle năm 1958 với Hiến pháp đệ ngũ Cộng hòa cho tới ngày nay. Dù sao, niềm mơ ước của Laboulaye chỉ được phân nửa so với bản Hiến Pháp Hoa Kỳ dân chủ, ổn định - chỉ có chỉnh sửa bằng 26 Tu Chính án và nhất là, không như Pháp, nước Mỹ chưa hề có một cuộc chính biến nào cả, tất cả mọi chính đảng ở đây đều tôn trọng bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên trên thế giới - chưa bị hủy bỏ, thay thế. Chính là điều mà Laboulaye mơ suốt cả đời mình mà không được. (Phỏng dịch: sách “Statue Of Liberty –Wonder of the World” by Barry Moreno,125th Anniversary Edition, 2010) PHẠM VŨ KỲ TỚI: Thăm Thủ đô Washington với tượng Tự do “nhỏ”.
Phụ bản IV CON DÊ CÁI CỦA ÔNG SEGUIN (La chèvre de M.Seguin, của Alphonse Daudet) Ông Seguin không hân hoan lắm với mấy con dê cái của ông. Ông đánh mất chúng cùng một cách giống nhau; một buổi sáng, chúng nó bứt dây chạy lên núi, và ở trên đó, những con chó sói ăn thịt chúng. Những cái vuốt ve của ông chủ, nỗi lo sợ về chó sói không giữ lại được chân chúng. Đó là những con dê tự toại, muốn được bầu không khí thoáng đãng và sự tự do bất kể giá nào! Ông Seguin thật thà không hiểu gì về tánh nết của những con vật, rất lấy làm kinh ngạc. Ông nói: “Thôi hết rồi! mấy con dê đã chán nản ở nhà ta. Ta không cầm giữ được con nào cả!”. Tuy nhiên, ông không ngã lòng và, sau khi bị mất sáu con dê cái cùng một cách, ông mua thêm con thứ bảy. Duy chỉ riêng lần này, ông chọn một con dê cái thật trẻ để nó có thể dễ làm quen với nơi ông ở. Bạn có biết không, con dê cái của ông Seguin mới đẹp làm sao! Nó có đôi mắt diệu huyền với đôi sừng xoắn lại và bộ lông trắng dài tạo thành một cái áo khoác cho nó. Quả thật là ngoan ngoãn, duyên dáng, dễ thương. Nó đứng yên để cho người ta vắt sữa mà không thọc chân vào trong thau. Một tình thương cho con dê. Ông Seguin có một khoảng đất trống sau nhà có rào bao bọc. Nơi đó ông cho cư ngụ kẻ ở trọ mới. Ông cột nó vào một cọc ở nơi tốt nhất, và cẩn thận để dây thật dài; thỉnh thoảng ông đến thăm, xem xét nó được bình yên như thế nào? Con dê cái cũng lấy làm hạnh phúc và vui lòng gặm cỏ đến đỗi ông Seguin cảm thấy sung sướng. - Cuối cùng! - Người đàn ông đáng thương hại nghĩ ngợi - Đây là một con dê không chán nản ở nhà ta! Ông Seguin đã lầm! Con dê cái đang chán nản! Một ngày nọ, con dê vừa nhìn vào núi rừng vừa tự nhủ: “Ồ! Trên đó mới dễ chịu làm sao! Được tung tăng trong bụi rậm thì vui thú biết mấy; không bị sợi dây quỷ nầy nó khứa cổ. Chỉ tốt cho con lừa hoặc con bò, để gậm cỏ trong khu đất rào. Đối với con dê cái thì phải có không gian rộng rãi”. Kể từ lúc đó, cỏ trong vuông rào trở nên nhạt nhẽo. Sự âu sầu đến với nó. Nó ốm đi. Sữa cũng ít đi. Quả là đáng thương, khi nhìn thấy nó kéo lê sợi dây tối ngày, đầu hướng về núi, lỗ mũi hỉnh hỉnh, vừa kêu “Mê hê!” một cách buồn bã. Ông Seguin cũng nhận thấy rằng con dê của mình có cái gì đó khác thường, nhưng ông vẫn không biết là cái gì! Một buổi sáng, khi ông vắt sữa xong, con dê quay lại nói với ông bằng ngôn ngữ của nó: - Nầy ông Seguin, tôi buồn nản nơi ông rồi. Hãy để cho tôi vào núi đi… - Trời ơi! Nó cũng vậy nữa rồi! Ông Seguin thốt lên một cách ngạc nhiên và cái vố nầy làm cho ông đánh rơi cái thau sữa… Rồi, ông ngồi xuống cỏ bên cạnh con dê mà hỏi: - Sao vậy Tiểu Bạch, ngươi cũng muốn rời ta sao? Và Tiểu Bạch trả lời: - Dạ phải, thưa ông Seguin. - Ở đây thiếu cỏ cho ngươi sao? - Dạ không đâu, ông Seguin. - Có thể sợi dây ngắn quá. Ngươi muốn ta nới dài dây ra không? - Dạ, không cần đâu, ông Seguin. - Vậy thì phải làm sao? Ngươi muốn gì? - Tôi muốn vào núi, ông Seguin. - Nhưng mà… đồ khốn, ngươi không biết rằng có chó sói ở trong rừng núi sao? - Tôi sẽ đánh nó bằng cặp sừng, ông Seguin ạ! - Con sói nó sợ cặp sừng của ngươi quá! Nó đã ăn của ta, mấy con dê cái khác có sừng dài hơn của ngươi. Ngươi nên biết rằng con RợNô già ở đây năm rồi. Nó là con dê chủ chốt mạnh và hung dữ. Nó giao chiến với sói suốt đêm… để rồi đến sáng, con sói ăn thịt nó! - Khổ thật, tội nghiệp con RợNô… Chuyện nầy có sao đâu, Ông Seguin ạ! Cứ để cho tôi vào núi đi. - Thánh thiện ơi!, ông Seguin nói, nhưng mà người ta đã làm gì với mấy con dê của tôi? Lại thêm một con dê nữa mà sói sẽ ăn thịt… À! không được… ta sẽ cứu ngươi, đồ khốn! Vì sợ ngươi bứt dây, ta sẽ nhốt ngươi trong nhà chuồng và ngươi sẽ ở đó mãi. Kế đó ông Seguin ôm con dê vào chuồng và khóa cẩn thận. Rủi thay! ông quên dóng cửa sổ và ông vừa quay lưng đi, thì con dê đã trốn ra ngoài… Khi con Tiểu Bạch đến núi, đó là một niềm hân hoan tổng quát. Chưa bao giờ, những cội thông già lại duyên dáng đến thế. Tất cả đón tiếp nó như một bà hoàng. Những cành cây oằn xuống đất để vuốt ve nó ở đầu lá. Những loài bông hoa nở theo đường đi và tỏa hương thơm theo cách riêng của chúng. Cả núi rừng đều mở hội đón nó… Các bạn hãy nghĩ xem, con dê cái được hạnh phúc biết bao. Không còn sợi dây nào, không còn cột trụ nào, không còn cái gì ngăn cấm nó tung tăng, chạy nhảy và gậm cỏ tùy thích… Nơi đó, cỏ tươi mọc cao đến ngang sừng đấy, bạn thân mến ạ! Và cỏ thì như thế nào? Ngon lành và mịn màng của muôn loại. Nó khác hẳn với bãi cỏ dại trong vuông rào. Và còn hoa thì sao? Tất cả các loại hoa rừng đều phô trương màu sắc đầy mật ngọt nực nồng. Con dê trắng nửa tỉnh nửa say, nằm lăn chiêng, bốn vó đưa lên trời, tuột theo bờ dốc đầy rẫy lá rơi. Rồi thình lình, nó nhổm dậy, nhảy tưng trên bốn chân. Hóp! Xem kìa nó chạy, đầu hướng trước xuyên qua truông qua bụi… khi thì ở trên một ghềnh đá… khi thì ở dưới vực sâu… khắp nơi. Người ta nói rằng có đến mười con dê cái của ông Seguin trong núi. Nghĩa là nó không sợ gì cả, con Tiểu Bạch nầy! Nó nhảy qua con suối lớn đang tung tóe bọt ẩm ướt. Thế là mình mẩy thấm nước nhỏ giọt, nó nằm dài trên một thạch bàn để phơi nắng. Có một lần đứng trên đồi cao, ngậm hoa dại trong miệng, nó nhìn xuống dưới kia, ở tít xa cánh đồng, gian nhà của ông Seguin với vuông rào ở phía sau. Điều đó làm cho nó cười ra nước mắt: - Ôi chao, nó nhỏ nhoi làm sao! – con Tiểu Bạch tự nhủ – Làm sao ta có thể ở đó cho được! Con dê đáng thương, nó cảm thấy cao ngạo. Ít ra nó cũng tưởng là nó to như quả đất… Nói tóm lại, đó là một ngày tốt lành cho con dê cái của ông Seguin. Vào trưa, đang chạy phải, chạy trái thì nó sa vào một bầy nai đang miệt mài nhơi cỏ. Con dê áo trắng chạy rong lấy làm khoái trá. Người ta nhường cho nó một chỗ tốt nhất trong bãi nho rừng và các đực rựa thì rất vồn vã lịch sự… Dường như cũng có một con nai đực với bộ lông đen có cái may mắn làm vui lòng Tiểu Bạch. Cặp tình yêu đi lang thang trong cánh rừng một hoặc hai giờ và nếu bạn muốn biết những gì, thì cứ hỏi mấy ngọn suối nhiều chuyện đang chảy sùi bọt… Thình lình, gió mát lại. Rừng trở nên tím ngắt. Đó là chiều xuống… - Chiều rồi sao?... con dê nhỏ nói và nó dừng lại kinh ngạc. Ở dưới, những cánh đồng đã chìm đắm trong sương mờ. vuông rào của ông Seguin đã mất hút… và ngôi nhà chỉ còn thấy cái mái ngói với chút ít khói tỏa. Nó lắng nghe tiếng lục lạc của bầy gia súc mà người ta đang lùa về, và nó nhận thấy tâm hồn thật là buồn bã. Một con chim về tổ đã va vào nó lúc bay qua. Nó hoảng hốt… kế đó là một tiếng tru trong núi: - Hou!... Hou!... Nó nghĩ đến chó sói, suốt ngày con điên nầy không hề nhớ tới… ngay trong lúc đó tiếng tù và nổi lên, rất xa trong thung lũng. Đó là Ông Seguin tốt bụng đã thử kêu gọi nó lần cuối cùng. - Hou!... Hou!... Tiếng sói tru. - Trở về!... Trở về!... Tù và thúc giục. Con Tiểu Bạch cũng muốn trở về; nhưng mà, vừa nhớ đến cây cột, sợi dây xích, vuông rào, nó suy nghĩ rằng hiện tại nó không thể nào trở lại cuộc sống đó và tốt hơn là cứ ở lại… Tù và không gọi nữa… Con dê nghe phía sau nó có tiếng lá động. Nó quay lại và thấy trong bóng tối, hai vành tai dựng thẳng với cặp mắt sáng trưng… Đó là con chó sói! To lớn, im lặng, ngồi xổm, nó nhìn con dê trắng mà thưởng thức trước… vì biết chắc là nó sẽ ăn con dê, nên nó không vội vàng gì! Chỉ duy khi con dê quay lại, con sói cười ngạo nghễ: “Ha!...ha! Con dê cái của ông Seguin đây rồi!”. Và nó thè lưỡi ra liếm mép thèm thuồng. Con Tiểu Bạch cảm thấy tiêu đời rồi!... Một lúc, nhớ lại câu chuyện con dê già RợNô đã chống cự suốt đêm để rồi bị ăn thịt buổi sáng. Nó tự nhủ, tốt hơn là để cho con sói ăn thịt ngay bây giờ. Bỗng nhiên đổi ý kiến, nó ghìm thế thủ, cái đầu cúi xuống, cặp sừng hướng trước, giống như con dê cái dũng cảm của ông Seguin vậy. Không phải nó có ý định giết con sói – Dê đâu có giết được sói – nhưng mà chỉ đểxem coi nó có thể cầm cự lâu bằng con RợNô không!... Bây giờ, con quỷ sói sấn tới, và cặp sừng nhỏ vào cuộc múa vũ điệu… A!... con dê nhỏ bé can đảm vì nó đã quyết tâm. Có hơn mười lần, – tôi không nói thừa – con dê cố gắng đẩy lùi con sói để lấy hơi thở. Thừa cơ ngưng chiến mười phút đó, con dê háu ăn ngoạm vội một miếng cỏ thân mến; rồi nó trở vào cuộc chiến, miệng đầy cỏ. Cuộc chiến thao diễn suốt đêm. Đôi khi con dê cái của ông Seguin nhìn lên các ngôi sao di chuyển trên bầu trời, và tự nhủ: - Ôi! Miễn sao ta cầm cự được đến rạng đông! Ngôi nầy rồi đến ngôi khác, các vì sao tắt dần… Tiểu Bạch gia tăng gấp đôi cú sừng, con sói gấp đôi cú răng… Một ánh sáng yếu ớt hiện ra ở chân trời… Tiếng gà gáy khàn khàn vang lên từ các nông trại… “Xong rồi!”. Con vật đáng thương hại tự nhủ. Nó không muốn đợi đến ban ngày rồi mới chết và nó ngã dài xuống đất trong bộ lông trắng đầy vết máu! Thế là con sói nhảy vào con dê nhỏ…, và ăn thịt!... Của nhà đại văn hào Pháp Alphonse Daudet Dịch thuật: THANH CHÂU Hãy vui với những điều mình có Có một câu chuyện ngụ ngôn khiến người ta phải suy gẫm: Hai vợ chồng nhà nọ nuôi một con trâu và một con chó. Con chó được ở trong nhà còn con trâu phải ở riêng ngoài chuồng. Mỗi ngày trâu ra đồng cày bừa từ sáng sớm đến chạng vạng tối mới về, còn chó chỉ việc nằm ở cổng rào canh chừng cửa. Một hôm nọ trâu đi làm về, thấy chó nằm trước cửa nhà phe phẩy cái đuôi trông thật sướng, đang lúc mệt nhoài nó nổi cáu bảo: - Không có ai sung sướng bằng mày, chỉ ăn rồi nằm. Thật là đồ vô tích sự! Con chó nghe con trâu hậm hực nặng nhẹ mình thì buồn bã trong lòng, nghĩ trâu tuy to xác nhưng không có trí. Nó bèn nói với trâu: - Anh trâu không hiểu đâu, tôi nào có sung sướng như anh tưởng. Anh tuy làm lụng nặng nhọc ngoài đồng nhưng có giờ có giấc, sáng ra đồng, chiều lại về, tối còn được nghỉ ngơi, cứ lăn ra mà ngủ. Còn tôi, tuy nằm canh cửa giữ nhà trông có vẻ nhàn hạ hơn anh, nhưng thật sự thì mệt cầm canh đâu có ai biết. Nằm lim dim mà lòng không yên, phải để tâm canh giữ cửa nhà, không dám lơ là công việc. Nếu ngủ quên hoặc bất cẩn để xảy ra mất trộm thì tôi khó mà sống được. Đêm đêm trong khi mọi người ngon giấc, tôi có được nghỉ ngơi đâu, tôi phải lắng tai nghe ngóng, đưa mắt nhìn trông, hễ nghe có động tĩnh gì thì phải sủa to để cảnh báo. Lúc chủ nhà vui thì tôi còn được ăn no, chứ khi họ có chuyện buồn bực trong lòng thì bỏ mặc tôi đói khát, không ai để mắt quan tâm. Những lúc sân si nổi lên họ còn trút giận lên đầu tôi không thương tiếc, họ đánh, họ đá, xua đuổi, chửi mắng tôi. Mỗi khi bạn bè, người thân của họ đến chơi mà tôi không biết, tôi sủa tôi vồ thì họ đánh tôi, chửi tôi là đồ ngu. Bạn bè họ đến chơi thì không sao, còn bạn bè tôi đến chơi thì bị họ đuổi đi, ném đá đến toạc đầu đổ máu. Ngẫm lại coi, anh và tôi, ai sướng hơn ai chứ? Con trâu nghe nói mới thấu hiểu được tình cảnh của con chó, nghĩ mà thương nên an ủi: - Đúng là mày cũng không sung sướng gì. Tao với mày ở chung nhà mà chưa một lần trò chuyện với nhau nên không hiểu nhau. Bây giờ tao đã hiểu nỗi khổ của mày, mày cho tao xin lỗi. Nghe mày nói tao mới biết cả hai chúng ta đều khổ cả. Đang nói con trâu bỗng nghe tiếng chim ríu rít trên cành cây cao, nó nhìn nên rồi than thở: - Bọn chim trời cá nước sung sướng làm sao! Chúng có thể tự do tự tại bên ngoài, không bị ai giam cầm quản thúc, không phải làm việc nặng nhọc vất vả, không phải chịu nỗi khổ của kiếp tôi đòi. Giá mà chúng ta có được cuộc sống vui vẻ như thế. Khi ấy một chú chim nghe thấy lời trâu, bèn đáp lên lưng trâu nói: - Anh trâu ơi, anh không biết đâu, tôi cũng không sung sướng hơn các anh đâu. Tuy loài chim chúng tôi không phải giữ nhà, không phải đi cày ruộng, không phải chịu cảnh tù túng bó buộc, nhưng chúng tôi cũng có nỗi khổ của mình. Hiểm họa luôn rình dập chúng tôi, những kẻ thợ săn có thể bắn chết chúng tôi bất cứ lúc nào. Tổ của chúng tôi làm khó khăn vất vả biết bao, chưa chắc ở được lâu vì sự phá hại của con người. Trứng chúng tôi sinh ra chưa kịp nở con thì đã bị con người lấy mất. Loài người biết thương con của mình nhưng nào biết thương con của kẻ khác. Các anh chỉ bị hành hạ, còn tôi bị cướp đi mạng sống của mình, chết rồi còn bị nhổ lông, xẻ thịt, nấu nướng, thân thể không vẹn toàn. Loài người ỷ mạnh hiếp yếu, nào biết tôn trọng sự sống muôn loài. Các anh có cái khổ của các anh, chúng tôi cũng có cái khổ của chúng tôi, không có ai sung sướng cả. Bầy cá đang ở dưới mé nước nghe trâu nói mình sướng cũng không đồng tình: - Còn loài cá chúng tôi cũng không sung sướng đâu. Nhà cá chúng tôi thường bị loài người đánh bắt, mỗi lần bị sát hại chết đến cả bầy đàn. Không nơi nào là nơi để chúng tôi yên tâm mà sống, đâu đâu cũng có lưới bủa câu giăng, đâu đâu cũng có bàn tay con người truy bắt. Trâu nghe chim và cá nói thì ngao ngán thở dài não nuột: - Hóa ra tụi mày cũng khổ. Hiểu biết của tao hạn hẹp quá nên không biết còn nhiều nỗi khổ trên đời này. Nói như thế rồi trâu buồn bã đi vào chuồng, nó nằm mông lung suy nghĩ về thân phận của nó và bạn bè. Nó nghĩ, loài nào cũng bị con người hiếp đáp, làm hại. Cuộc đời thật bất công, loài người đối xử tệ bạc với các loài khác mà lại được sung sướng, không phải chịu sự khổ sở nào. Đang lúc đó bỗng trâu nghe tiếng quăng bát ném đĩa trong nhà vọng ra. Nó lắng tai nghe kỹ mới biết ông bà chủ đang gây gổ. Tiếng ông chủ gào lên: - Sao tôi khổ đến thế này, không bằng con trâu, con chó nữa! con trâu đi cày còn được nghỉ, còn tôi suốt tháng quanh năm phải bận bịu với nhà cửa, vợ con, cơm áo gạo tiền, làm quần quật đêm ngày không lúc nào rảnh rỗi. Tôi khổ sở như vậy là vì ai? vậy mà bà vẫn không để cho tôi yên, hễ thấy mặt là hạch sách, càm ràm, đay nghiến. Vừa phải thôi, làm quá tôi cho cả nhà ra chuồng trâu mà ở! Nghe chủ nhà nói thế trâu bỗng giật mình, bất giác than rằng: - Hóa ra sống ở trên đời đâu có ai không khổ! Trong chúng ta, mỗi người có một hoàn cảnh xuất thân, có một hoàn cảnh sống, có thể là vui, có thể là khổ, nhìn chung là như thế, song nếu xét cho kỹ thì không ai hoàn toàn hạnh phúc, chỉ khác nhau là ít, nhiều những nỗi vui, khổ mà thôi. Khổ và vui đan xen, chồng chéo nhau như một mạng lưới vô hình giăng bủa cuộc đời chúng ta, không một ai thoát cả. Người trẻ có những cái khổ của người trẻ, người già có những cái khổ của người già, người giàu có cái khổ của người giàu, người nghèo có cái khổ của người nghèo, dù trong hoàn cảnh nào cũng có những điều không như ý, cũng có những nỗi khổ thân, khổ tâm, hoặc cả thân tâm đều khổ. Có ai không lo lắng, không hối tiếc, không trông mong, hy vọng điều gì? Có ai chưa bao giờ buồn phiền, thất vọng, hay bất mãn, chán nản? Có ai hoàn toàn khỏe khoắn, thoải mái cả về thể xác lẫn tinh thần? Chắc chắn là không có ai. Nhưng nếu chúng ta cứ vui theo những gì mình có và cảm thông với những người xung quanh: nhìn lên thì không bằng ai song nhìn xuống thì nhiều người còn khổ hơn mình. Vị trí hiện tại của mình là ước mơ của bao kẻ khác… thì đó chính là niềm vui vậy. Mạnh Đoàn st Ăn uống thời dịch cúm heo Influenza A/H1N1 1 . Thông tin chi tiết về bệnh cúm heo. Tổng Giám Đốc Cơ Quan Y tế Thế Giới Margaret Chan tuyên bố: “Đây là một vấn đề sức khỏe công cộng khẩn cấp có tính cách toàn cầu vì virus gây ra cúm heo tại Mexico là loại mới lạ, rất nguy hiểm và có khả năng gây dịch cho nhiều quốc gia”. Nhóm virus influenza A/H1N1 này cùng loại với virus gây cúm mùa Đông nhưng có biến chuyển gene khác biệt chưa từng khám phá ra trước đây ở người và heo. Chúng thành hình do sự phối hợp của virus cúm gà, cúm heo và cúm người. Xin nhắc lại là virus cúm gà xuất hiện tại các quốc gia Đông Nam Á trong những năm vừa qua khác virus cúm heo. Cúm gà thuộc nhóm H5N1 còn cúm heo là H1N1. Tại Ai Cập, các quan chức đã bắt đầu cuộc tiêu hủy hơn 300.000 con lợn, trong một động thái để ngăn ngừa cúm H1N1. Các chuyên gia quốc tế cho biết hành động của Ai Cập không dựa trên căn cứ khoa học nào, vì virus này không lây truyền qua đường ăn thịt lợn. Cho tới nay, đã có 5 quốc gia bên ngoài Mexico xác nhận trường hợp lây từ người sang người. 2 . Giá trị dinh dưỡng từ thịt heo. Thịt là một trong những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, thịt các động vật máu nóng như thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm... có chứa nhiều acid amin cần thiết, các chất béo, chất khoáng, vitamin… Thịt các loại nói chung nghèo canxi, giàu photpho. Tỉ lệ Ca/P thấp. Thịt là nguồn vitamin nhóm B trong đó chủ yếu là B1 tập trung ở phần thịt nạc. Các vitamin tan trong chất béo chỉ có ở gan, thận. Ngoài ra ở gan thận tim não có nhiều Cholesterol và photphatid. Thịt bò chứa nhiều sắt, protein, kali, acid amin... bổ sung năng lượng cho hệ cơ và tăng sức dẻo dai của cơ thể một cách hiệu quả. Riêng thịt heo cung cấp Viatmin B tổng hợp (riboflavin, niacin, thiamine) nhiều hơn các loại thịt khác. Ngoài ra thịt heo cũng giàu kẽm, và phốt pho. 3. Nhiều người nghe nói cúm heo thì nghĩ đến nguyên nhân từ thịt heo. Vì thế tẩy chay thịt heo. Như đã nêu trên đây, virus A/H1N1 “cúm heo” không lây truyền qua đường ăn thịt heo. Nên không cần phải nhịn ăn hay tẩy chay không mua thịt heo. Cẩn thận thì không bao giờ ăn thịt heo còn sống, chưa nấu chín vì nếu thịt có nhiễm virus thì từ 70oC trở lên là virus bị diệt hết rồi. Trong các món ăn Việt Nam có thịt heo “sống“ chỉ có nem là đáng kể, còn hết thảy các món khác (luộc, kho, rim, hầm…) đều nấu chín trên 70oC. Vậy trong thời gian này người nào muốn ăn uống an toàn về mặt H1N1 thì chỉ cần tránh ăn nem. Các món thịt heo khác, vẫn có thể dùng được như thường. 4. Trong giai đoạn toàn cầu cảnh giác cao độ với dịch cúm heo, mỗi người dân cần phải làm gì để tự bảo vệ mình? Đến nay, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm cúm heo A/H1N1. Cũng trong ngày hôm nay, tại hai sân bay lớn Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM) có hơn 8.000 người nhập cảnh. Tuy nhiên vẫn chưa phát hiện hành khách nào có dấu hiệu nghi ngờ mắc cúm heo H1N1. Bốn khuyến cáo cho cộng đồng: Cục Y tế Dự phòng và Môi trường cũng đã đưa ra 4 khuyến cáo cho cộng đồng phòng chống bệnh cúm lợn A/H1N1 là: -1.Dịch có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc do đó nên có khẩu trang bảo vệ cá nhân; -2. Rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước sát khuẩn; -3.Nếu có triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi mà đi từ vùng có dịch ở nước ngoài về phải khai báo y tế để cách ly điều trị sớm; -4.Khi có dịch cần hạn chế ngay việc đi lại, hội họp đông người. Bs Nguyễn Lân-Đính Chuyên viên dinh dưỡng NGHIÊN CỨU DÀI HẠN ĐẦU TIÊN CHỨNG MINH THỨC ĂN NHANH LÀM NGƯỜI ĂN DỄ BỊ DƯ CÂN Càng hay ăn “thức ăn nhanh” càng tăng nguy cơ bị Tiểu Đường Một nghiên cứu mới ở Anh cuối 2004 đã dẫn thêm bằng chứng cho một điều nhiều người sẵn sàng cho là một hậu quả “tất nhiên”: An nhiều “thức ăn nhanh” khiến người ta mau dư cân và càng dễ bị Tiểu Đường. Đăng tải trong số báo ra vào tuần cuối 2004 của tờ Lancet, bài báo cho thấy là những người thường xuyên chiếu cố “thức ăn nhanh” dễ dàng cân nặng hơn chừng 5 Kg (#10 pounds) so với nhóm người ít lui tới các tiệm ăn này và so với họ cũng có nguy cơ phát ra những rối lọan về insulin có liên quan tới bệnh Đái tháo đường. Bs David Ludwig, chủ nhiệm Chương trình Béo Phì tại Bệnh viện Nhi Boston, và cũng là người chủ trì công trình nghiên cứu phát biểu ý kiến: “Người ta thường công nhận là chất lượng dinh dưỡng thức ăn nhanh rất thấp, nhưng có rất ít nghiên cứu, nhất là ít công trình dài hạn về hệ quả của tập quán ăn uống kiểu này trên các bệnh kinh niên của nền Văn Hóa Phương Tây — bệnh béo phì, Đái tháo đường Typ 2, bệnh tim”. “Trong hoàn cảnh thiếu dữ liệu như vậy, ngành công nghệ thức ăn nhanh vẫn tiếp tục khẳng định là thức ăn nhanh có thể là một thành phần của một chế độ ăn lành mạnh (part of a healthful diet)”. Ekíp nghiên cứu của tác giả Ludwig công tác ở Mỹ, đã theo dõi 3,000 thanh niên đăng ký tham gia chương trình nghiên cứu sức khỏe tim mạch trong 15 năm, trong thời gian này, họ được kiểm tra sức khỏe và điều tra phỏng vấn về chế độ ăn, nếp họat động thể chất và về những yếu tố khác liên quan đến lối sống. Ngay cả sau khi các tác giả sử dụng những kỹ thuật phân tích thống kê để lọai trừ ảnh hưởng của những yếu tố khác, trong thời gian nghiên cứu, các đối tượng nào khai hàng tuần đi ăn thức ăn nhanh từ 2 lần trở lên đều tăng thêm 5 Kgs (#10 pounds) so với những người hàng tuần chưa lui tới lọai tiệm ăn này được 1 lần. Họ cũng làm tăng gấp đôi rủi ro phát ra đề kháng insulin (insulin resistance), có thể coi là dấu báo hiệu sẽ bị đái tháo đường Typ 2, là căn bệnh gắn liền với béo phì. Theo ý kiến của Bác sĩ Ludwig “Các điều phát hiện này gợi ý là thức ăn nhanh theo như hình thức tiêu thụ hiện nay thực sự không thể nào coi là thành phần của một nếp sống lành mạnh được” . Arne Astrup, một chuyên viên về bệnh béo phì thuộc Trường Đại Học Hòang Gia ở Copenhagen, Đan Mạch phát biểu công trình này là nghiên cứu dài hạn đầu tiên về mối quan hệ giữa việc tiêu thụ thức ăn nhanh và bệnh đái tháo đường. Theo ông “Đây thực là một thông điệp có tính thuyết phục lớn,” “Tôi vui mừng thấy chúng ta có đây một bằng cớ vững chắc hơn để chứng minh là thức ăn nhanh thực sự không tốt cho sức khỏe.” Vì Không Có Thì Giờ Nấu Ăn? Theo Astrup, các suất ăn quá lớn ở đa số các nhà hàng thức ăn nhanh và đậm độ calo cao những món ăn của họ nhiều phần là nguyên nhân dẫn tới béo phì. Vì lẽ ngay những lượng nhỏ thức ăn nhanh đã đem lại nhiều calo rồi, người ta ăn vào nhiều mà vẫn chưa cảm thấy no và chóng đói trở lại nên lại ăn thêm nữa . Lỗi Tại Các Nhà Hàng? Trong khi một số nhà hàng thức ăn nhanh đã bắt đầu sửa đổi thực đơn để giới thiệu những món ăn lành mạnh hơn, có thêm rau và trái cây tươi, tác giả Astrup cho đó chỉ là “những dấu hiệu yếu ớt có xoay về đúng hướng”. Trong một bài bình luận kèm theo bài báo trên tờ Lancet, ông gợi ý các hệ thống nhà hàng nên nghiêm túc cố gắng tăng chất lượng thực đơn của họ, như sử dụng những phần thịt nạc hơn, bánh mì làm bằng lúa mì toàn hạt, những món chiên với lượng dầu mỡ thấp hơn, nước giải khát ít đường và nhiều rau hơn. Bs. Cathy Kapica, phụ trách dinh dưỡng cho công ty McDonald’s, có ý kiến là vấn đề nằm không phải ở nơi thực khách ăn, mà ở món ăn họ lựa chọn và kích cỡ suất ăn được dọn ra. Bà Kapica cho biết các nhà hàng McDonald’s đã giới thiệu nhiều kích cỡ suất ăn đa dạng, đưa nhiều món salad và trái cây vào thực đơn hơn và cũng đã cung cấp thông tin về giá trị dinh dưỡng các món ăn được dọn trên “dây truyền khay ăn” (trayliners), phát luôn cả sách nhỏ thông tin tại nhà hàng (in-store brochures) và trên mạng Internet.“Điều then chốt là cùng nhau làm việc để giáo dục và giúp đỡ người tiêu dùng có những lựa chọn có lợi cho sức khỏe khi đi ăn ở nhà hàng và khuyến khích họ họat động chân tay”. Bs Rudolph Leibel, một chuyên viên về bệnh béo phì tại trường ĐH Columbia ở New York, có ý kiến là dù cuộc nghiên cứu rất nghiêm túc và có những kết luận nhiều phần là xác thực, song cũng không nên đổ hết “tội ác” cho một mình thức ăn nhanh coi đó là nguyên nhân duy nhất dẫn tới dịch béo phì ở các nước giàu có. Các nhà hàng thức ăn nhanh, theo ông, đã đáp ứng một nhu cầu xã hội có thực - có nhiều gia đình cả bố lẫn mẹ đều đi làm không kiếm đâu ra thì giờ để nấu ăn cho chính bản thân họ. Theo Bác sĩ Leibel, các nhà hàng thực sự đã cung cấp một dịch vụ có ích bằng cách bán ra những bữa ăn rẻ tiền, dọn ăn mau lẹ, chứng tỏ là vấn đề chính là chất lượng các món ăn và tác dụng trên sức khỏe của những bữa ăn được dọn ăn. “Tôi không nghĩ là vấn đề nằm ở bản thân thức ăn nhanh… mà là ở lọai thức ăn được chọn bất lợi cho sức khỏe (the wrong kind of food).” Nhu cầu cần có những cải tiến ở đây theo Leibel, là bài học then chốt rút được ra từ bài báo, “và cách duy nhất để thực sự cải tiến tình hình... là cung cấp thông tin cho người tiêu dùng” . Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính Chuyên viên dinh dưỡng HAI ĐỨA TRẺ Thằng bé đội một cái mũ ngược vành ra đằng sau, vai đeo một cái bao, tay cầm một cái móc dài đang lui cui bới trong thùng rác cạnh hông nhà con bé. Con bé đang ngồi hý hoáy hộp con số đồ chơi, bất chợt quay nhìn thấy, nó vội chạy ra hét toáng: - Mày làm cái gì đấy? Thằng bé giật mình, nhưng khi nhìn thấy người vừa quát chỉ trạc tuổi thì nó không sợ hẵi mà khinh khỉnh: - Tao lượm đồ. Con bé ngạc nhiên: - Toàn là rác vứt đi, có gì mà mày lượm? - Có chứ, như cái này này… Vừa nói nó vừa giơ lên lon sữa không mà mẹ con bé vừa vứt vào khi sáng. Con bé nhíu mày: - Thế mày nhặt cái ấy để làm gì? - Để bán lấy tiền, cả cái này nữa này. Nó lại giơ lên một cái vỏ lon bia. - Những cái ấy có bán được nhiều tiền không? - Cũng được mấy trăm. - Hay nhỉ! Toàn là đồ vứt đi thế mà cũng bán được tiền. Thế còn những cái gì bán được nữa? - Vỏ chai bia, những cái túi lylon cả những thứ bằng nhựa nữa, nhiều lắm thấy mới nói được. Con bé như chợt nhớ ra thứ gì, nó chạy vù vào nhà, một lúc chạy ra, tay cầm cái bô nhựa đã cũ, chìa vào mặt thằng bé: - Mày có lấy cái này không? Thằng bé tóet miệng cười: - Lấy chứ, của mày ngồi ị hả? - Ừ, nhưng mà tao lớn rồi, tao không ngồi nữa. Con bé cũng cười. - Thôi tao đi nha. - Mai mày lại đến nhé, tao xem có cái gì, tao cho mày. - Ừ Con bé tần ngần nhìn theo thằng bé vừa đi vừa bỏ cái bô vào cái bao cũng bẩn thỉu như bộ quần áo nó đang mặc trên người. Thằng bé vừa lấp ló bên trụ cổng, con bé đã hớn hở chạy ra, nó đưa cho thằng bé cá một túi lylon lớn đựng đầy những thứ đồ chơi bằng nhựa, cùng những chiếc vỏ chai mà mẹ nó vứt trong góc bếp từ lâu. Thằng bé vui mừng hỏi: - Sao mày có nhiều thế? - Tao tìm được hôm từ qua cơ. Mày vào đây chơi với tao đi. - Cổng khóa thế này làm sao tao vào được? Con bé nhìn quanh rồi reo lên: - A, có một chỗ này, mày chui vào được không? Thằng bé gật đầu, nhưng vừa vạch chỗ chân rào ra, nó chợt dừng lại: - Thôi tao không vào đâu. - Sao thế? - Sợ bố mẹ mày lắm. - Bố mẹ tao đi làm hết rồi, đến trưa mới về cơ. Thằng bé nghe vậy thì chui tót ngay vào. Nó bỏ cái bao xuống, ngơ ngác nhìn quanh vẻ thèm muốn, nó chép miệng: - Nhà mày đẹp quá! - Thế nhà mày không đẹp à? - Tao đâu có nhà. -Thế mày ở đâu? - Ở cửa rạp chiếu phim ấy. Nhưng mà tới chừng người ta hết chiếu phim mới có chỗ ngủ - Giọng thằng bé bỗng vui hơn – Nhưng mà tối nào tao cũng được xem phim không mất tiền. - Không mua vé làm sao vào được? - Chú bảo vệ dắt tao vào. - Sao bố mà không mua nhà cho mày? - Tao không có bố, tao chỉ có mẹ thôi. - Thế mẹ mày có đi làm không? - Không, mẹ tao đi bán vé số đến tối mới về. Thôi tao đi đây. - Mai mày lại đến chơi với tao nhá. - Ừ, mai tao lại đến. Con bé bẻ đôi chiếc bánh mì đưa cho thằng bé một nửa, nói: - Mày ăn đi, mẹ tao cho tao, tao để dành chờ mày đó. Thằng bé cầm ngay nửa bánh cắn một miếng to, nhai nhồm nhoàm rồi tấm tắc: - Bánh ngon quá, sao mày không ăn đi? - Tao uống sữa rồi nên không đói, mày ăn nữa không? Thằng bé đã nhanh chóng ngốn hết phần bánh của mình, nghe bạn hỏi, nó gãi đầu ậm ự… - Tao… tao… - Mày còn đói chừ gì, mày ăn hết đi này. - Nhưng tao ăn hết, mày đói thì sao ? - Tao còn cả hộp bánh quy trong nhà kia. Thằng bé chặc lưỡi: - Mày sướng quá. Bỗng có tiếng xe máy rù đến, con bé hốt hoảng: - Chết! Bố tao về… Thằng bé tái mặt chạy vội ra chỗ chân rào, nhưng không kịp, tiếng xe đã dừng trước cổng cùng tiếng quát: - Đứa nào đấy? Hai đứa trẻ run lên vì sợ. Người đàn ông xô cổng đánh rầm đi vào, túm lấy cổ áo thằng bé gằn giọng: - Mày vào đây làm gì? Muốn ăn cắp hả? Thằng bé líu cả lưỡi: - Cháu… cháu không… - Đi ngay, không được bén mảng vào đây nữa nghe chưa? Ông ta buông tay, thằng bé chúi nhủi, vội gượng dậy chạy ù ra cổng. Ông bố quay sang nhìn con gái đang nước mắt lưng tròng, hét: - Ai cho mày đem những đứa đấy vào nhà hả? Nó ăn cắp hết thì sao? Không được chơi với tụi “khố rách áo ôm“ đó nghe chưa? Con bé bị bố nó kéo vào nhà mà nó cứ ngoái mặt về hướng thằng bé vừa chạy. Nó chợt òa khóc không phải vì bị bố mắng. Con bé ngồi bên cửa sổ, mắt cứ đăm đăm dõi ra đường. Đã nhiều ngày rồi không thấy thằng bé đến, con bé buồn hẳn đi. Nó không hiểu sao bố nó lại gọi thằng bé là khô rách áo ôm? Nó mong thằng bé đến để hỏi. Nhưng chờ mãi, chắc thằng bé sợ bố nó lắm rồi nên không dám đến nữa. Bỗng con bé nhổm dậy, ai như thằng bé thì phải. Đúng rồi, cái dáng loắt choắt với cái bao kia thì nó không lầm được. Con bé giơ tay vẫy rồi rít: - Mày ơi… lượm đồ ơi! Thằng bé đã nghe thấy tiếng gọi, nhưng nó đứng xa xa khẽ lắc đầu. Con bé cuống quýt: - Mày đừng sợ, bố tao đi rồi. Mày vào đây với tao đi. - Thôi tao không vào nữa đâu, nhỡ bố mày về bố mày đánh chết tao. - Thế tao chui ra với mày nhá? - Mày chui ra bẩn quần áo đấy. - Bẩn, chốc thay bộ khác. Dứt câu thì con bé đã chui ra đến ngòai. Nó kéo bạn đến dưới gốc cây phượng, ngồi xuống trong bóng mát rồi hỏi: - Mày tên là “khố rách áo ôm“ à ? - Không. Tao tên Lượm mà. Sao mày lại hỏi thế? - Tao nghe bố tao nói thế thì tao hỏi mày vậy thôi. - Chắc bố mày thấy áo tao rách thì gọi là “áo rách” chứ gì. Còn mày tên gì? - Tao tên là Thúy Hoa. Thôi, tụi mình chơi cái gì đi. - Mày biết chơi bắn bi không? - Không. À, chơi dạy học đi. Tao làm cô giáo, mày làm học trò, chịu không? Thằng bé cười thật tươi, gật đầu lia lịa : - Ừ tao thích học lắm đó. Nhưng mà có giấy có bút đâu? - Viết ra đất cũng được. - Ừ, để tao di kiếm cái que đã nha. Giây lát, hai đứa trẻ như nằm bò ra đất. Con bé lanh chanh: - Chữ a mày viết sai rồi, viết thế này cơ… thế… thế… - Tao viết được rồi, mày dạy chữ khác đi. - Đây là chữ b nhé, viết thế này này… đó… đó, thấy chưa? - Vầy… vầy… đúng không ? - Đúng rồi đó, học thêm chữ nữa nhá?...Ừ, nữa… Thằng bé đến với vài vết xước trên mặt, con bé lo lắng: - Mày bị làm sao vậy? - Hôm qua tao đánh nhau với thằng Còm, bị nó cào đó. - Mày đừng đi đánh nhau nữa, nhỡ nó đánh chết mày thì sao? - Phải bon chen mới lượm được đồ chứ. - “Bon chen” là sao? - Tao không biết, chỉ nghe mẹ tao nói muốn sống thì phải bon chen. Mà không có tiền thì làm sao sống, nên tao phải đánh nhau thôi. - Thế đánh nhau là bon chen à? Thằng bé không biết trả lời sao bèn ừ đại. Con bé không nói gì, nghĩ ngợi một chút rồi chui qua chân rào vào nhà. Một lúc sau chui ra với một bình hoa bằng đồng rất đẹp, nhưng bám đầy bụi. Nó đưa cho bạn, nói: - Thôi hôm nay mày đừng đi bon chen nữa, đem bán cái này là có tiền rồi. Thằng bé nhìn cái bình rồi lắc đầu: - Thôi, bố mẹ mày biết thì đánh tao chết. - Không biết đâu mà, tao thấy cái bình này bỏ trên nóc tủ lâu rồi, đâu có làm gì đến đâu. Mày cứ lấy đi mà. Rồi không đợi thằng bé ưng thuận, con bé kéo cái bao ra bỏ chiếc bình vào. Con bé run bần bật khi bố nó la ầm ĩ: - Mày đem đi đâu… cho ai… nói mau… Trời ơi trời! Cái bình cổ của tôi, bao nhiêu là tiền. Có phải mày lại cho thằng ăn cắp ấy vào nhà không hả? Hừ… tao phải đi tìm nó ngay… - Không… không mà bố… Con bé thét lạc cả giọng, mẹ nó dỗ dành: - Con nói đi, có phải con cho nó không? Hay nó vào nhà ăn cắp? - Không, bạn ấy không ăn cắp mà… Bố nó lại hét toáng lên: - Không ăn cắp à? Bạn bè à? Con tao không có bạn bè cái thứ ấy. Được rồi, mày không nói, tao cũng di tìm cho bằng được nó, nếu không tao sẽ cho mày một trận nên thân… Thằng bé chợt hiện ra giữa cửa, giọng nó đầy nước mắt nhưng rắn rỏi - Bác không phải đi tìm cháu, cháu đem trả bác đây, nhưng mà cháu không có ăn cắp… Nói xong, nó đặt cái bình xuống đất bỏ chạy một mạch. Bố con bé vồ lấy cái bình, quay ra tát con: - Mày thấy chưa ? Còn chối nữa thôi. Mẹ con bé khẽ gắt: - Anh này, sao còn đánh con chứ? Con bé ngây người nhìn theo thằng bé quên cả khóc. - Sao mày lại đem trả lại cái bình ấy? - Mẹ tao nói không được lợi dụng bạn bè, tao mà không đem trả thì mày ăn no đòn rồi. Con bé im lặng một chốc, rồi như chợt nhớ ra chuyện gì đó, nó kêu lên - A, chủ nhật này lớp tao có liên hoan, mày đến trường với tao đi. Hôm đó có nhiều bánh kẹo lắm, tao lấy cho mày ăn, chịu không? Thằng bé lắc đầu quầy quậy: - Thôi thôi, tao không đến đâu. - Sao vậy? Hôm đó tao cũng có múa nữa, mày đến xem tao múa. - Nhưng mà tao không có đồ đẹp để mặc, cô giáo không cho tao vào đâu. - Không sao đâu. Cô giáo tao hiền lắm. tao sẽ xin phép cô cho mày vào. - Lỡ xin không được thì sao? Con bé nghĩ ngợi một chút rồi quả quyết: - Được mà, nếu không được thì mày đứng ngoài cửa sổ, tao đưa bánh kẹo ra cho mày ăn, mày đi nhé. Con bé xúng xính trong chiếc váy đầm màu hồng, hai cái nơ đỏ trên đầu làm nó xinh hẳn lên. Nó hết nhìn cái bàn dầy bánh kẹo lại ngóng ra ngoài cửa lớp. Cô giáo nó gõ cái thước lên bảng: - Các con trật tự để cô còn bắt đầu chương trình văn nghệ chứ. Con bé bỗng tươi nét mặt, nó chạy ra cửa ríu rít: - Tao chờ mày nãy giờ, cứ sợ mày không đến. Mày vào đây đi. Thằng bé đứng nép vào bên cửa lớp lắc đầu: - Thôi, tao đứng đâ được rồi, tao không vào đâu. - Vào đi mà, tao sắp múa rồi… - Thì tao đứng đây xem cũng được mà… - Có chuyện gì đó hả Thúy Hoa? Nghe cô giáo hỏi, con bé vội khoanh tay: - Thưa cô, con xin phép cô cho bạn con vào lớp ạ. - Bạn con? - Dạ, bạn con hay đi lượm đồ đó cô. Cô giáo bỗng hiểu ra, cô khẽ gật dầu. Con bé mừng quýnh nắm tay thằng bé lôi vào. Thằng bé ngượng nghịu di theo. Những đứa trẻ khác òa lên cười. Con bé đanh đá: - Chúng mày không được chọc nó, nó là bạn tao. Cô giáo mỉm cười nói với cả lớp: - Các con im lặng, hôm nay lớp ta có thêm một bạn mới, các con vỗ tay chúc mừng nào. Tiếng vỗ tay rào rào vang lên, con bé sung sướng kéo thằng bé vào ngồi cùng bàn với mình.
ĐÀM LAN |