VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 12-11-2010 của CLB Sách Xưa và Nay Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hiện diện 2 cuốn sách mới, một bằng tiếng Việt và một bằng tiếng Pháp. Cuốn sách tiếng Pháp có tựa đề là: “Các Thư Viện lớn ở trên hoàn cầu” (Les grandes bibliothèques) của một tác giả tên là Anthony Hobson. Cuốn sách khổ 25cm x 32cm, dày 318 trang, được đóng bìa cứng, giấy dày và nặng gần 3kilos, giới thiệu tất cả các thư viện lớn trên hoàn cầu như Bibliothèque du Chapitre ở thành Vérone, được coi là cổ nhất, Bibliothèque Vaticane ở thành Rome, Bibliothèque Nationale ở Paris, Bibliothèque của Trường Đại học Yale ở bang Connecticut ở Mỹ, Bibliothèque của nhà tỷ phú Mỹ Pierpont Morgan ở Nữu Ước vv… Cuốn sách giới thiệu tổng cộng 32 thư viện được coi là lớn và cổ nhất thế giới, trong đó có thư viện của tỷ phú Mỹ ngành thép và ngành ngân hàng Pierpont Morgan là thư viện có nhiều sách cổ sách qúy nhất, kể cả những sách từ thế kỷ thứ XIII, XIV, ra đời nhiều năm trước ngày Gutenberg phát minh ra máy in. Cuốn sách chứa đựng rất nhiều hình ảnh các sách cổ sách qúy cực đẹp mà các thành viên lần lượt xem một cách thích thú. Cuốn thứ hai là một cuốn sách được xuất bản nhân dịp Ngàn Năm Thăng Long mang tựa đề là: “Hà Nội với những tấm lòng gần xa”. Sách khổ 18cm x 24cm, dày 662 trang, chứa đựng 172 bài viết của 172 tác giả người các nước Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật, Ấn Độ, Úc, Algerie vv… viết về Hà Nội đã được dịch ra tiếng Việt. Tác giả là nhà văn kiêm dịch giả Hoàng Thúy Toàn, người vừa nhận được Huân chương Hữu Nghị của Liên Bang Nga do chính Tổng Thống Dimitry Medvedev trao tặng tại Điện Kremlin. Dịch giả Hoàng Thúy Toàn là Giám Đốc Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây và là Hội viên Danh Dự của Hội Nhà Văn Nga. Các bài viết trong sách bắt đầu từ thế kỷ thứ XVII với bài viết của tác giả William Dampier (Anh quốc) viết vào năm 1688, cho tới các tác giả hiện đại của thế kỷ thứ XX vừa qua. Các bài viết đều đã được dịch ra tiếng Việt bởi nhiều dịch giả khác nhau và đáng tin cậy. Các thành viên cũng chuyền tay nhau xem qua cuốn sách khá đặc biệt này. Sau phần giới thiệu sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn cũng thông báo với các thành viên sự kiện có một trang web ở Pháp tên là “Newvietart.com” đã đưa lên mạng nhiều bài viết của trên 10 tác giả thành viên của CLB và tỏ ra rất ưa thích các tác giả đó. Trang web này rất đẹp và rất đứng đắn, và quý nhất là tuyệt đối không dính líu gì tới “Cô Chị” hôi rình, và đây cũng là một điểm rất vui và đáng khích lệ. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, bà Thùy Dương đã đưa ra đề nghị đi thăm các cơ sở từ thiện, văn hóa vv… thay vì chỉ đi thăm các nhà lưu niệm các danh nhân. Sau lời đề nghị của bà Thùy Dương, một thành viên khác, anh Phạm Vũ đã có một cuộc nói chuyện trong hơn một giờ về Hà Nội nhân dịp Ngàn Năm Thăng Long. Tiếp sau một cuộc nói chuyện về Hà Nội của anh Phạm Vũ, bà Thùy Dươngđã có một thuyết trình ngắn về Phương Pháp Quân Bình Âm Dương để giữ gìn sức khỏe. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày. Vũ Thư Hữu Vài dòng về cuốn sách cổ “XỨ BẮC KỲ” (Le Tonkin) của STÉPHANE DUMOULIN được xuất bản năm 1888 Đây là một cuốn sách mà tôi mua được của gia đình cụ cựu Tổng Trưởng Tài chính Dương Tấn Tài vào năm 1976, hơn một năm sau ngày Giải Phóng. Nó đã ở bên tôi gần 34 năm và mới đây, vì quá yêu thích 11 bức minh họa khắc gỗ của 11 danh họa của trường Mỹ Thuật Đông Dương mà tôi đành phải đem đổi nó cho một anh bạn ở Pháp về có cuốn “Tập Văn Họa kỷ niệm Nguyễn Du” xuất bản năm 1942 bên trong có 11 bức họa nói trên. ở tuổi 25 lần thứ ba, tôi đã không còn thích nó như trước và thấy các bức họa và các bài viết về cụ Nguyễn Du hấp dẫn hơn, tuy nhiên nếu được trả bằng tiền thì chắc chắn tôi cũng vẫn còn muốn giữ nó… Cuốn sách này khổ 20cm x 29cm và dày 396 trang. Sách có chứa đựng rất nhiều (khoảng gần 200 minh họa bằng bút sắt của họa sỹ Dick de Lonlay. Sách còn có một tựa đề phụ là “Thám hiểm sông Mékong” (Exploration du Mékong) và được chia làm 65 chương, nhưng trong bài này tôi sẽ chỉ nêu lên một số chương mà tôi thấy là quan trọng và hấp dẫn đối với công việc nghiên cứu, như là những chương sau đây: Chương 1 : Nói về một cái nhìn sơ bộ và chung chung về Xứ Bắc Kỳ. Chương 2 : Nói về Đỗ Phổ Nghĩa (J.Dupuis) Chương 4 : Nói về chuyến đi thứ nhì của Đỗ Phổ Nghĩa Chương 6 : Nói về Fran ç is Garnier Chương 7 : Nói về Fran ç is Garnier tới Hà Nội Chương 8 : Nói về chiến sự bắt đầu bùng nổ Chương 9 : Nói về việc Quân Pháp chiếm Hưng Yên, Phủ Lý, Hải Dương và Ninh Bình Chương 10 : Nói về cái chết của Fran ç is Garnier Chương 12 : Nói về cái chết của Henri Rivierè Chương 1 5: Nói về Hải Phòng Chương 16 : Nói về chiến sự bùng nổ trở lại Chương 19 : Nói về chùa chiền ở Hà Nội Chương 21 : Nói về bọn quan lại ở Hà Nội Chương 22 : Nói về các tòa án ở Bắc Kỳ Chương 23 : Nói về Thủy Sư Đô Đốc Courbet Chương 24 : Nói về Đi chơi ở Huế Chương 25 : Nói về một cái nhìn chung về Trung Kỳ Chương 26 : Nói về việc tiến đánh thành Sơn Tây Chương 29 : Nói về việc đánh thành Bắc Ninh Chương 33 tới 37 : Nói về nước Tàu và người Tàu Chương 38 : Nói về việc chiếm Hưng Hóa và Tuyên Quang Chương 39 : Nói về Hiệp ước Thiên Tân Chương 45 tới 47 : Nói về hai lần bao vây Tuyên Quang Chương 49 tới 51 : Nói về sửa soạn tiến đánh và chiếm Lạng Sơn Chương 52 : Nói về trận chiến ở Ải Nam Quan Chương 57 và 58 : Nói về sửa soạn tái lập hòa bình và đạt được hòa bình Chương 59 : Nói về cái chết của Đô Đốc Courbet Chương 60 : Nói về Tướng De Courcy Chương 61 : Nói về trận phục kích ở Huế Chương 63 : Nói về việc bình định Xứ Bắc Kỳ Chương 69 : Nói về Toàn Quyền Paul Bert ở Xứ Bắc Kỳ Phần cuốn sách từ trang 353 đến 396 là dành để nói về công việc thám hiểm sông Mékong. Sách có chứa đựng nhiều hình minh họa đẹp và cũng cung cấp một số khá nhiều thông tin phục vụ công việc nghiên cứu của các nhà nghiên cứu lịch sử. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn CÔNG NĂNG TU TẬP Bàn đến việc Tu Phật là phải bàn đến Công Năng Tu Tập, bởi vì người tu sẽ nhờ vào những việc làm này mà đạt kết quả. Chính vì vậy mà trước khi “hạ thủ công phu” người tu không thể không biết rõ một số việc: l/- Mình muốn thành tựu điều gì? 2/- Phải làm những gì? 3/- Làm như thế nào? Lẽ ra trước khi phát tâm “đi tu”, người muốn tu Phật cần phải xác định lại mục đích cho rõ ràng. Bắt đầu từ nghĩa của “Tu Phật”. Phải chăng ai cũng biết TU có nghĩa là SỬA. PHẬT, không phải là Ông Phật, mà là Giải Thoát, vì Đạo Phật được gọi là Đạo Giải Thoát. Chân Lý mà Đức Thích Ca khám phá ra là “Chân Lý Giải Thoát”? Như vậy “đi tu” tức là muốn rời bỏ những vướng mắc, hệ lụy của trần gian, đi tìm một nơi có hoàn cảnh yên ổn để toàn tâm toàn ý cho việc Tu Tập. TU PHẬT là sửa chữa những Mê Lầm để được “thành Phật”, thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng Sinh là Phật sẽ thành”. Nhưng biết phải bắt đầu từ đâu? Sẽ tìm ai để hướng dẫn? Nếu điều đó làm cho ta hoang mang tại sao ta lại không đối chiếu với việc Phát tâm – Tu Hành – Đắc Đạo của người khai sáng ra Đạo Phật? Vì ta phát tâm tu hành là để đi theo con đường của Đức Thích Ca đã đi. Làm theo những việc Ngài đã làm? Người mới vào tu đương nhiên buộc phải tìm một người Thầy mà mình tin tưởng về Đạo đức, về kết quả mà vị đó sẽ hướng dẫn cho ta đạt đến, vì Kinh Viên Giác có dạy: “Này Thiện Nam! Có loại Chúng sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện tri Thức là Thinh Văn hóa độ thì sẽ chúng thành Tiểu Thừa. Còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ, thì chúng thành Đại thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì chứng thành Phật Thừa”. (VIÊN GIÁC tr. 79). Nhưng làm sao gặp được Phật xuất thế để mà học hỏi? Chẳng lẽ phát tâm tu hành tới đây phải bế tắc? May quá, chúng ta cũng không hẳn hoàn toàn tuyệt vọng, vì những gì ngày xưa Đức Thích Ca giảng dạy trong 49 năm được chư Đại đệ Tử kết tập thành 12 Bộ Kinh, ta có thể nương theo đó. Chính Kinh thì ai cũng nghe nói là có 12 Bộ. Nhưng những sách luận, giải đến nay thì vô số, vì thời nào cũng có vị lấy một quyển Kinh hay vài phẩm nào đó để luận, bàn, thêm thắt vào đó những hiểu biết của mình, rồi có điều kiện thì phát hành. Vị nào thì tuổi đạo cũng cao, địa vị cũng lớn và uy tín thì lẫy lừng! Nếu chúng ta thấy là đọc chính Kinh khó hiểu, đọc những sách Luận, Giải dễ hiểu hơn, vô tình bị nhiễm cái hiểu của người khác, trong khi người mới vào tu học thì trình độ giới hạn, làm sao phân biệt vị nào diễn tả đúng với ý của chính Kinh, vị nào không diễn tả đúng? Vì vậy, cần phải hết sức thận trong, vì Một trong TỨ Y mà Phật dặn dò là: Y NGHĨA bất Y NGỮ. Bởi “Y KINH GIẢI NGHĨA, TAM THẾ PHẬT OAN”! Có nghĩa là nếu cứ dựa theo CHỮ trong Kinh mà giải, không tìm được cái NGHĨA cần hiểu, là làm oan cho Phật quá khư, Phật hiện tại và Phật vị lai! Do đó, tốt hơn hết là buổi đầu chúng ta nên đọc Pháp Bảo Đàn Kinh, vì đó là lời giảng dạy của Lục Tổ HUỆ NĂNG là người được chính thức truyền Y Bát thì bảo đảm không sai với Chánh Pháp và cũng phần nào dễ hiểu hơn nhiều Kinh khác, vì gần với thời của chúng ta hơn. Mặt khác, chúng ta đều nghe Chư Tổ dạy: “Tu Phật là Tu Tâm”. Tổ Đạt Ma khẳng định: “Muốn cầu Phật thà cầu Tâm. Chỉ Tâm Tâm Tâm ấy tức là Phật”. “Lìa Tâm không Phật. Lìa Phật không Tâm” và “Tâm tức là Phật. Phật tức là Tâm. Ngoài Tâm không Phật. Ngoài Phật không Tâm”. Trong Pháp Bảo Đàn Kinh thì Ngũ Tổ khẳng định: “Nếu không thấy Tâm thì học pháp vô ích”. Tất cả những lời đó xác định cho chúng ta vị trí để Tìm Phật, để tu hành, để lập công phu. Từ căn bản “Tu Phật là Tu Tâm”, bắt buộc ta phải Biết Tâm là gì? Ở đâu? Phải Tu nó như thế nào? Tất nhiên, muốn Thấy, muốn Biết cái gì đó thì phải Tìm. Việc tìm Tâm cũng không ngoại lệ. Nhưng ta còn đang nhiều động loạn, đâu phải muốn tìm hiểu con đường tu thì dễ dàng. Chính vì vậy ta lại gặp điều kiện tiên quyết cho người tu hành trong Kinh Lăng Nghiêm: Phải có GIỚI. Nhân GIỚI mới có ĐỊNH. Nhân ĐỊNH Tâm phát HUỆ. Nhưng đâu phải ai có GIỚI cũng đều có Huệ? Vì Giới không tự nhiên sinh ra Huệ, mà Huệ có được là nhờ Quán Sát, Tư Duy. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết: “Này Thiện Nam Tử! Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề. Đây cũng là do tư duy mà được gần Đại Niết Bàn” Như vậy, nhờ nương Kinh mà chúng ta nghiệm ra một điều: Người thiếu Tư Duy và Quán Sát thì không thể sinh ra Trí Huệ. Nhưng tại sao nhiều người cũng Quán sát, Tư Duy, mà cũng không có Huệ? Điều đó rất dễ hiểu theo Nhân Quả: Ta Quán Sát, Tư Duy cái gì thì kết quả sẽ là sự hiểu biết về lãnh vực đó. Các nhà khoa học cũng quán sát rất kỹ, rất chi ly. Nhưng đề tài của họ thuộc lãnh vực khoa học thì làm sao đắc đạo? Ta cũng quán sát Vô Thường, nhưng cứ xót xa cho mây trôi, lá rụng, nước chảy, đá mòn, sao dời, vật đổi, con người nay hợp, mai tan... mà không quán sát chính bản thân của ta thì làm sao thấy được tác động của Vô Thường ngay trên bản thân mình để mà buông xả ? Và đã biết rằng Tu Phật chính là Tu Tâm sao không Quán sát, không tìm hiểu về Cái TÂM để Tu, để Sửa? Nhưng Cái gì là Tâm? Ta gặp hỏi, đáp trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất: - Ngươi hỏi ta, tức đó là Tâm ngươi. - Ta đáp ngươi, tức đó là Tâm ta. - Nếu ta không Tâm, nhân đâu mà giải đáp cho ngươi? - Nếu ngươi không Tâm, nhân đâu mà thưa hỏi ta? Từ vô số kiếp âm u đến nay, tất cả hành vi, động tác nào, bất cứ thời nào, nơi đâu, đều do nơi Bổn Tâm của ngươi, đều do nơi bổn Phật của ngươi. Nói Tâm là Phật thì cũng vậy đó (SCVĐTT. Tr.111-112 ). Nhưng nếu Tâm là Phật, mà ai cũng có Tâm, lẽ ra mọi người đều phải là Phật. Tại sao chúng ta không phải là Phật? Chúng ta là “Phật sẽ thành”, chính vì vậy mà cần phải có cái gọi “Công Năng tu tập” để chuyển từ ” Phật sẽ thành” trở thành “Phật đã thành”. Nhưng phải Tu, Sửa cái TÂM như thế nào? Muốn trả lời câu hỏi này thì chúng ta cần so sánh thế nào là Tâm của Phật và thế nào là Tâm của chúng sinh. Tâm của Phật được diễn tả trong Kinh là “Rỗng rang, thanh tịnh”, còn Tâm của chúng sinh thì ngổn ngang phiền não, đầy dẫy đố kỵ, hơn thua, cao, thấp, ghét thương, Tham lam, sân hận, si mê... Như vậy điều cần Tu, Sửa là loại bỏ những tạp chất đó. Nhưng những điều đó được cho là tính cách của một con người. Nếu loại bỏ hết đi, chẳng lẽ trở thành vô tri vô giác, không còn xúc cảm, như tượng gỗ. Chẳng lẽ đó là Phật hay sao? Đó là cái hiểu sai của không ít người tu từ xưa đến nay. Người tu theo Đạo Phật được dạy trừ Tam Tâm, tức là trừ Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si, không phải là trừ Tâm quá khứ, hiện tại, vị lai, và trừ luôn những tâm Từ, Bi, Hỉ, Xả! Dạy bỏ Vô Minh chớ không dạy bỏ luôn sự Phân Biệt! Dạy Điều Phục chớ không dạy Đoạn Diệt! Vì thế, những người hiểu lầm, nghe nói Xả, Bỏ là lập tức bỏ hết cả xấu, lẫn tốt, tất nhiên sẽ trở thành ngu ngơ như kẻ không hồn, rồi chẳng biết mình phải làm gì tiếp theo? Về đâu? Trong khi người tu cần phải có TRÍ HUỆ, là sự sáng suốt, phân biệt, để biết những gì cần làm, cần Xả. Nếu không phân biệt thì làm sao có thể Độ Sinh để biến trần lao thành Phật Quốc, chuyển Phàm thành Thánh, chuyển Mê thành Ngộ? Việc tu hành chính là để cải tạo cái TÂM MÊ LẦM, là cái Tâm đã hiểu sai, chấp sai. Cái “không phải Ta”, mà cho là Ta. Tức là Nhận Lầm cái Thân Tứ Đại giả hợp, chỉ tồn tại chừng 100 năm, cho đó là Ta, rồi chiều theo Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân, Ý để tạo Nghiệp, rồi, khổ ,vui, sống, chết với nó. Nhưng rõ ràng ăn là thấy no. Gai đâm lửa đốt thì thấy đau. Nắng mưa dầu dãi thì sinh bệnh. Ai thương ta thì ta thấy hài lòng, ghét ta thì ta đau khổ... Sao bảo rằng đó chẳng phải là Ta? Đạo Phật cho rằng Thân chỉ là đống Tứ Đại giả hợp mà ta phải nhận lấy để trả những cái Quả trong lúc Vô Minh Ta đã tạo ra. Vì thế, Ta không phải là nó, mà là phần linh hoạt đang ứng hiện ở trong nó, chỉ đi cùng với nó trong kiếp sống tạm này để Trả Nghiệp mà thôi. Nghiệp này có thể tốt. Nếu ta đã làm toàn điều tốt, và ngược lại. Có khi có cả tốt lẫn xấu. Cái THÂN chỉ là món mà Ta sở hữu có thời hạn. Hết Duyên, Nghiệp nó lại ra đi. Nhưng vì mọi người không biết, tưởng đó là Ta, nên trong thời gian sống trong nó, lại vì nó mà tạo thêm Nghiệp mới. Cứ thế mà hết Sinh, lại Tử, rồi lại Luân Hồi để trả nợ tiếp. Chính vì thế mà người muốn tu theo Đạo Giải Thoát của Đức Thích Ca cần phải TƯ DUY, QUÁN SÁT để tìm ra CÁI THẬT MÌNH hay còn gọi là BỔN LAI DIỆN MỤC. Gặp được chính mình rồi thì sẽ không để cho cái Thân điều khiển Ta nữa, mà lấy lại vị trí chủ nhân, điều khiển nó theo ý mình. Không vùi dập nó, nhưng cũng không tôn trọng cưng chìu nó. Khi Sống thì không chìu theo xúc cảm của nó. Khi nó hết Duyên, hết Nghiệp mà Chết thì biết rằng nó ra đi, không phải là Mình Chết, nên không TỬ với nó. Nhờ vậy mà cuộc sống được an ổn, có kiếp sau cũng được tốt đẹp vì không tạo ác nghiệp. Đó là mục đích của Đạo Phật. Cũng chính vì vậy mà Đạo Phật được gọi là Đạo “Độ Khổ”. Muốn thực hành được như vậy, người tu hành bắt buộc phải qua giai đoạn gọi là THẤY TÁNH để phân rõ giữa TÁNH và TƯỚNG, giữa CHÂN và GIẢ rồi “phản Vọng, quy Chân”. Việc làm đó gọi là Công Năng Tu Tập. Công Năng đó gồm những gì? Phải chăng là Ngồi Thiền, Tụng Kinh, Niệm Phật, giảng pháp, như những gì mọi người vẫn làm? Ai cũng biết Đức Thích Ca đã dùng thời gian NGỒI THIỀN để Đắc Đạo. Vì vậy, nếu ta Ngồi Thiền hoài mà không thấy đắc đạo thì nên coi lại cách Ngồi của mình. Vì Tướng Ngồi thì ai cũng biết, cũng làm được. Nhưng Ngồi như thế nào để đắc đạo thì đó mới là cách Ngồi đúng. Tuy nhiên, nếu đã hiểu rõ thế nào là THIỀN ĐỊNH thì cũng thấy là việc Thấy Tánh không liên quan đến Ngồi hay không Ngồi, vì Lục Tổ Huệ Năng chỉ có chẻ củi, giả gạo, không hề Ngồi Thiền mà vẫn được đạo. Tiếp theo là Tụng Kinh, Niệm Phật. Hầu như chùa nào, người tu nào cũng lấy việc tụng Kinh, Niệm Phật làm công phu tu hành. Nhưng rõ ràng Đức Thích Ca và Chư Tổ không hề Tụng kinh, không hề Niệm Phật mà vẫn thành đạo! Việc đọc, tụng Kinh thật ra được bày ra từ trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA. Nhưng là cả nguyên một chuỗi việc: “Thọ, trì, đọc, tụng, giảng nói, biên chép, y pháp tu hành”. Có nghĩa là lấy một quyển Kinh, rồi đọc tới đọc lui, giải nghĩa, biên chép cho tới khi hiểu được nghĩa rồi “Y theo đó mà tu hành”. Thế nhưng, từ bao giờ ai đó đã ngắt bớt những phần sau, chỉ còn lại tụng niệm và giảng nói Kinh, không còn ‘Y PHÁP TU HÀNH” nữa! Do đó, từ thời Tổ Đạt Ma đã thấy Ngài nhắc nhở trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất: - “Nếu không thấu rõ được tự Tâm thì đọc tụng kinh sách gì cũng chỉ là hư văn, không dùng vào đâu được” (118). - “Ngoại đạo không lãnh hội được ý Phật, dụng công nhiều quá, trái với thánh ý. Suốt ngày lững đững niệm Phật, chuyển Kinh làm cho thần tánh mê mờ, chẳng khỏi luân hồi”. - “Nếu thấy được Tánh mình thì chẵng cần đọc Kinh, niệm Phật”. - “Chỉ những người không Thấy tánh mới khư khư lo tụng Kinh niệm Phật, tinh tiến học hoài, đêm ngày hành đạo, ngồi mãi không nằm (Thiền), học rộng nghe nhiều, lấy đó làm pháp Phật. Đó là hạng người báng Phật, chê Pháp. (126-127). Tổ Huệ Năng cũng dạy: “Miệng tụng mà Tâm làm theo nghĩa Kinh tức là mình chuyển Kinh. Miệng tụng mà Tâm chẳng làm theo nghĩa Kinh tức là mình bị Kinh chuyển”. Hành trình tu tập đòi hỏi phải Biết, phải Phân Biệt, phải Quán Sát, Tư Duy, sau đó đưa vào thực hành. Kinh được ví như bản đồ, như hải đăng để soi đường cho chúng ta khi các vị Giác Ngộ không còn hiện diện. Vì vậy, nếu chúng ta cứ lấy đó tụng ê a theo chuông, mõ thì đâu có lợi lạc gì. Vì tụng, niệm mà không hiểu nghĩa lý cũng như không có đọc Kinh! Thay vào đó, chúng ta đọc thật kỹ để đối chiếu những gì Phật dạy trong Kinh với những gì ta đang hành, đang hiểu, xem có khế hợp hay không, để yên tâm mà tiếp tục. Công Năng là những việc làm cụ thể, phải đưa đến kết quả rõ ràng. Thí dụ như chúng ta biết trong Đạo Phật có một số cặp từ: Vô Minh, Minh - Mê, Ngộ - Thánh, Phàm - Phật, Chúng Sinh - Địa Ngục, Niết Bàn - Phước Đức, Công Đức… Chúng ta cần phân biệt cho rõ: hành dụng như thế nào là ở phía bên này? Thế nào là phía bên kia? Rồi cũng phải biết cách để chuyển từ Mê thành Ngộ. Từ Phàm sang Thánh. Từ Chúng Sinh sang Phật. Từ Phiền Não trở thành An ổn. Tất cả đều hướng về cái Tâm mà hành trì, gọi là Xả cái Tâm. Chính vì vậy nên Tổ Đạt Ma nói Kệ: “Bao giờ học Tâm thôi Viên thành tướng chân thật. Chợt rõ bỏ ý tu” Dù đã Xuất gia, giữ Giới, chay lạt, Ngồi Thiền miên mật. Nhưng nếu chưa hành đúng thì cũng không thể có kết quả đúng. Bởi chưa tìm Đạo làm sao Đắc Đạo? Chưa biết Tâm là gì, chưa tìm Tâm làm sao thấy Tâm? Chưa tìm Phật làm sao gặp Phật? Để kết thúc, xin mượn đoạn Kinh LĂNG NGHIÊM: “Anan, ông tuy nhiều kiếp ghi nhớ các nghĩa lý nhiệm mầu của Như lai, nhưng không bằng một ngày tu nghiệp vô lậu, xa lìa hai cái khổ Thương, Ghét ở thế gian”. (tr.139). Nhiều kiếp ghi nhớ nghĩa lý còn không ăn thua, huống chi là ta không biết Tâm là gi? Phật là gì? Cũng chẳng biết Kinh dạy gì trong đó, chỉ ngày ngày mang ra tụng, niệm, trầm, bỗng, nhịp nhàng theo chuông mõ lấy đó làm công phu! Rồi Ngồi Thiền mà không biết Đức Thích Ca đã NGỒI thế nào để “đắc đạo” qua Thiền. Chỉ ngồi cho lâu. Ngồi cho nhiều thời. Trong lúc Ngồi để đầu óc trống rỗng. Xem cái bụng phồng, xẹp… hay chỉ để… đếm hơi thở! NHÂN nào thì QUẢ nấy. Chẳng trách vì sao thời nay quá nhiều người tu mà không thấy có người đắc đạo vậy! Tâm-Nguyện (6/2010) HƯNG ĐẠO VƯƠNG TRẦN QUỐC TUẤN Tượng Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở Nam Định Nhân ngày Giỗ Trần Hưng Đạo vào ngày 20-8 âm lịch (nhằm ngày 27/9/2010) vừa qua, chúng ta cùng nhau đốt nén nhang thơm, tưởng niệm vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc trong sự nghiệp đánh tan quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ 13, người đã có công góp phần làm rạng rỡ cho lịch sử oai hùng của nước nhà. TIỂU SỬ TRẦN HƯNG ĐẠO Trần Hưng Đạo, húy Quốc Tuấn, là con trai thứ hai của An Sinh Vương Trần Liễu và là cháu gọi Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông, vị vua đầu tiên của triều Trần) bằng chú ruột, chào đời vào khoảng vài năm sau khi triều Trần được dựng lên. Ông nội Trần Hưng Đạo là Trần Thừa, một trong những người có công sáng lập ra triều Trần. Cuối thời Lý, Trần Thừa là quan Nội thị Phán thủ trong triều vua Lý Huệ Tông. Về sau, Trần Thừa được tôn là Trần Thái Tổ, mặc dù chưa từng làm vua, Trần Liễu (cha của Trần Quốc Tuấn) là con trưởng của Trần Thừa, cho nên, Quốc Tuấn thuộc dòng trưởng của quý tộc họ Trần. Trong suốt 175 năm thống trị (năm 1225-1400), triều Trần đã có nhiều cống hiến đối với lịch sử nước nhà. Cuộc đời của Trần Hưng Đạo gắn liền với toàn bộ chặng đường vinh quang nhất của triều Trần. Cuối năm 1257, sau nhiều lần dụ hàng thất bại, ba vạn quân Nguyên-Mông tràn vào xâm lược nước ta. Bấy giờ, Trần Quốc Tuấn là một vị tướng trẻ nhưng có tài cầm quân, được triều đình giao việc trấn giữ biên giới phía Bắc. Trong cuộc chiến tranh lần 1 này, cùng với những mưu sĩ có tài như Trần Thủ Độ, Lê Phụ Trần... cùng với một loạt các tướng sĩ chỉ huy dũng cảm khác, Quốc Tuấn đã lập được nhiều chiến công to lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước ta. Do có đức độ, uy tín và tài năng hơn người, năm 1282, trong Hội nghị Bình Than, Quốc Tuấn được triều đình phong làm Quốc Công Tiết Chế, trực tiếp thống lĩnh toàn bộ quân đội. Kể từ đây, năng lực chiến đấu của quân đội và thành bại của sự nghiệp giữ nước đều không thể tách rời tiếng nói chỉ huy của Quốc Tuấn. Trong cuộc chiến tranh lần 2 (1285) và lần 3 (1287-1288), Trần Quốc Tuấn là người tổ chức nên những thắng lợi vang dội nhất, mà trận Bạch Đằng 9-4-1288 là trận tuyệt vời nhất. Ông là người rất chăm lo đến việc bồi dưỡng sức dân, ông coi dân là gốc của nước. Cũng như mọi quý tộc khác của họ Trần, ông có thái ấp riêng ở vùng Vạn Kiếp, tại đây, ông được sống an nhàn trong những năm cuối của cuộc đời và qua đời ngày 20-8 (âm lịch) năm 1300. Ông cùng vợ là Thiên Thành công chúa (vốn là cô ruột của ông) có 5 người con và 1 con nuôi: - Trần quốc Hiển (Hưng Võ Vương) - Trần quốc Uy (Hưng Hiến Vương) - Trần quốc Tảng (Hưng Nhượng Vương) - Trần quốc Nghiễn (Hưng Trí Vương) - Trinh Công chúa (sau là vợ Trần Nhân Tông) - Nguyên Công chúa (con nuôi, sau gả cho Phạm Ngũ Lão) TRẦN HƯNG ĐẠO –VỊ ANH HÙNG KIỆT XUẤT Đế quốc Nguyên-Mông lúc đó rất hùng mạnh, đã chinh phục một dải đất chạy dài từ Á sang Âu và chiếm trọn Trung Quốc, thì trái lại, nước Đại Việt lúc đó còn rất nhỏ bé. Cuộc đọ sức mà nhân dân ta tiến hành là cuộc đọ sức hoàn toàn không cân xứng. Chúng đã 3 lần xua quân xâm lược nước ta, 3 lần bị thảm hại nhục nhã: - Cuối năm 1257, Nguyên –Mông xâm lược lần 1, với ba vạn kỵ binh, đã tiến sâu vào lãnh thổ nước ta, chiếm cả thành Thăng Long trong 9 ngày trời. Với trận quyết chiến ở Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay), quân dân ta đã quét sạch lũ giặc ra khỏi bờ cõi. - Đầu năm 1285, quân Nguyên huy động 50 vạn quân đánh từ phía bắc xuống và 10 vạn đánh từ phía nam lên, dưới quyền tồng chỉ huy của Thoát Hoan. Nhưng, bằng những trận nghi binh cực kỳ tài giỏi, cha ông ta lại dồn kẻ địch vào thế tuyệt vọng, để rồi mở những trận quyết định ở Chương Dương, Hàm Tử, Tây Kết... chém đầu Toa Đô, đập tan cuộc xâm lược lần 2 này. - Năm 1288, hơn 50 vạn quân Nguyên , cũng do Thoát Hoan cầm đầu, lại tràn sang xâm lược lần 3, thành lập thêm một đạo thủy binh do Ô Mã Nhi chỉ huy. Những đạo quân khổng lồ này vẫn không thể cướp được nước ta, với trận quyết chiến chiến lược trên cửa sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã đánh tan tành lũ giặc, đè bẹp hoàn toàn ý chí xâm lăng của đế quốc Nguyên-Mông đối với nước ta. Trong chiến tranh, Hưng Đạo đi đến đâu là ở đó niềm tin vào thắng lợi được củng cố, thật đúng là: Nực cười châu chấu đá xe Tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng! Trần Hưng Đạo - Tấm Gương Sáng Ngời của Ý Thức Chủ Động Xây Dựng Khối Đại Đoàn Kết để Cứu Nước: - Trần Hưng Đạo đã sớm nhận thức và triệt để xóa bỏ mọi hiền khích trong nội bộ triều Trần, như việc: Trần Cảnh (vua Trần Thái Tông) mâu thuẫn gay gắt với anh ruột là Trần Liễu, bởi trước đó, Trần Thủ Độ đã ép Trần Liễu phải nhường một người vợ đang có thai cho Trần Cảnh. Trước khi chết, Trần Liễu trăn trối cho con là Hưng Đạo phải trả mối thù đó. Giữa Hưng Đạo và Trần Quang Khải cũng có mối bất hòa. Sử cũ chép rằng, Hưng Đạo đã tìm mọi cách để biến suy nghĩ tốt đẹp của mình thành suy nghĩ chung của cả nhà về việc không nên theo lời trăn trối của Trần Liễu. Hưng Đạo cũng đã chủ động hòa giải tốt đẹp mối bất hòa với Quang Khải. - Củng cố Khối Đoàn kết Triều đình trên cơ sở Triệt để Thống nhất về Phương hướng Chiến lược Chỉ huy Chống Xâm lăng: Với Hội nghị Bình Than, năm 1282, của quý tộc và tướng lĩnh cao cấp nhất, do vua Trần điều khiển, tại đó, Triều đình đã nhất trí cao độ về chiến lược chống xâm lăng và xây dựng bộ máy chỉ huy, đứng đầu là Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo. - Trên Cơ sở Khối Đoàn kết của Triều đình, Xây dựng Khối Đoàn kết của Toàn dân: Đầu năm 1285, khi quân Nguyên đã áp sát biên giới của nước ta, nhà Trần đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng, đấy là lần đầu tiên trong lịch sử, đại biểu của nhân dân được cùng với Nhà vua thảo luận vấn đề chống xâm lăng, Sử chép rằng, tiếng hô quyết chiến của các vị bô lão đã làm rung chuyển cả điện Diên Hồng. - Khôn khéo kích động mạnh mẽ Lòng Yêu nước và Lòng Căm thù giặc sâu sắc của Toàn dân: Trong lĩnh vực này, Hưng Đạo đã viết và phổ biến bài “Hịch Tướng sĩ văn”, ở đây, với lý luận chặt chẽ và sắc bén, với lời lẽ hùng hồn và tha thiết, Hưng Đạo đã có công thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước cùa toàn dân mà trước hết là tướng sĩ của triều Trần. Ông viết; “Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị bắt đi; chẳng những thân ta kiếp này bị nhục, rồi đến trăm năm sau, tiếng dơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà đến gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang tiếng là tướng sĩ bại trận... Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi phỗng có được không?” Trần Hưng Đạo - Nhà Văn hóa Lớn của Dân tộc: Thiên tài văn hóa của ông trải rộng trên nhiều lãnh vực khác nhau và lãnh vực nào cũng sắc sảo. Ngoài thiên tài quân sự, Hưng Đạo còn là Nhà văn, Nhà y học lớn của thế kỷ 13. trước tác của ông để lại không nhiều, đã thế, một phần đáng kể của những trước tác còn lại ấy, đã bị người sau tự ý sửa chữa. “Binh thư yếu lược” là sách binh pháp, cũng có thể coi đó là một tác phẩm văn học có giá trị. Tuy nhiên, tài năng văn học của Hưng Đạo được thể hiện tập trung nhất, sắc sảo nhất lại chính là ở “Hịch Tướng sĩ văn”, đây là tác phẩm đã kết hợp một cách tinh tế và hài hòa giữa nội dung tư tưởng sâu sắc với nghệ thuật thể hiện hết sức hài hòa. Trong chiến tranh, thương vong là điều không sao tránh khỏi. Với tấm lòng thực sự thương yêu binh sĩ dưới quyền, Hưng Đạo đã tranh thủ mọi thời gian có thể tranh thủ được để học làm thuốc và học cách chữa bệnh. Trí thông minh bẩm sinh cộng với đức độ và sự cần mẫn hiếm có ấy, đã đưa Hưng Đạo đến với đỉnh cao của Y học đương thời. Hoạt động Y học của Hưng Đạo, chẳng những có giá trị thực tiễn to lớn trong thế kỷ 13 mà còn có giá trị đặt tiền đề cho sự phát triển rực rỡ của Y học Dân tộc trong các thế kỷ sau đó. Người được kế thừa và đã có công đẩy nền Y học Dân tộc lên một trình độ cao hơn trong thế kỷ 14 chính là Nguyễn Bá Tĩnh, tức danh y Tuệ Tĩnh. MỘT SỐ GIAI THOẠI VỀ TRẦN HƯNG ĐẠO 1- Cậu Bé này có Quý Tướng Tương truyền,trước khi sinh ông, thân mẫu của ông mơ thấy một người thanh niên mặt đẹp như ngọc, tự xưng là Thanh Y Đồng Tử, vâng lệnh thượng đế xuống đầu thai. Đến khi sinh thì ánh sáng đầy nhà, mùi hương ngào ngạt. Được mấy hôm, có một đạo sĩ đến nói: - Mới đây tôi thấy một ngôi sao, sa vào nội phủ, vậy xin đến để mừng. Thân phụ ông bế ông ra để đạo sĩ xem. Đạo sĩ nói: - Cậu bé này có quý tướng, sau này có tài giúp nước, yên dân, làm vinh quang cho nhà, cho nước. Nói xong đạo sĩ đi mất. Ông đầy tuổi đã nói sõi, lên sáu đã biết bày binh bố trận và biết làm thơ. Có lần, một ông khách thấy ông đang chơi trò đánh trận, hỏi ông làm gì, ông đáp bằng một bài thơ ngũ ngôn: Tứ thất uẩn hung trung Bát bát thâm Dịch tượng Lục thao bố trận đồ Sát Thát cầm Nguyên tướng . Nghĩa là: Hai mươi tám ngôi sao vốn chứa trong bụng Lại tinh thông sáu mươi tư quẻ của kinh Dịch Lục thao và Tam lược bày nên trận Giết giặc Thát, bắt tướng Nguyên. (Theo “Trần triều Đại vương hành trạng”) 2- Đặt Nước trên Nhà: Trần Thủ Độ bắt ép Trần Liễu đem một người vợ đã có thai với mình, gả cho Trần Thái Tông; từ đó, thân phụ Quốc Tuấn là Trần Liễu sinh hiềm khích với Trần Thái Tông, trước khi mất, Trần Liễu đã cầm tay Quốc Tuấn mà dặn rằng: - Ngày sau con nhớ mối hận này, vì ta mà lấy thiên hạ. Nếu không được như vậy, ta nằm dưới đất không sao nhắm mắt được! Quốc Tuấn nhớ lời cha dặn nhưng không cho là phải. Trước khi ra cầm quân chống giặc Nguyên-Mông, ông muốn thử lòng con và các gia nhân xem họ có một lòng vì nước, vì vua không, bèn hỏi con lớn là Quốc Hiến: - Người xưa làm nên, muốn có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, vậy ý con nghĩ sao? Quốc Hiến thưa: - Giả sử đối với họ khác còn không nên làm huống chi là chỗ họ nhà ta. Ông khen là phải. Ông lại đem việc ấy hỏi con thứ ba, Quốc Tảng thưa: - Xưa Tống Thái Tổ chỉ là một kẻ làm ruộng mà thừa thời dấy vận lấy được thiên hạ. Nghe qua, ông nổi giận rút gươm kể tội Quốc Tảng: - Xưa nay, kẻ loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra. Nói đoạn, ông toan cầm gươm giết chết Quốc Tảng. Quốc Hiến phải khóc xin lỗi cho Quốc Tảng, ông mới tha. Ông cũng đem chuyện này để hỏi Yết Kiêu và Dã Tượng. Cả hai đều nói: - Làm viếc ấy dẫu được giàu sang một thời thật đấy, nhưng tiếng xấu để mãi nghìn thu. Bây giờ Đại Vương chẳng giàu rồi sao? Chúng tôi thà chết già, làm gia nô còn hơn làm hạng quan vô trung, vô hiếu. Ông khen hai người là bề tôi trung nghĩa đáng quý trọng. Nhân đó, ông yên tâm đem hết mình lo việc nước. (Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”) 3- Cây Gậy bịt Sắt nhọn ở đầu: Lúc vâng lệnh giữ chức Tiết Chế (tổng chỉ huy quân đội), ông đã trên 50, đi đâu cũng có cây gậy trong tay. Cây gậy này làm bằng loại trúc đà, thon, màu vàng và rất cứng, một đầu bịt sắt nhọn. Bấy giờ, do việc quân, ông thường ở bên cạnh vua Trần Nhân Tông và Thái thượng hoàng Thánh Tông. Nhân ai cũng biết mối hiềm thù của gia đình ông với các vua Trần, nên ông càng tỏ ra thật thận trọng. Để tránh nghi ngờ, ông tước bỏ cái bịt sắt ở đầu gậy. Mọi người đều cho rằng ông là người thật tâm lo việc nước. (Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”) 4- Cần Nhịn, hãy cứ Nhịn: Từ năm 1258, âm mưu thôn tính nước ta và ý định báo thù ngày càng lộ rõ. Sứ thần của chúng nêu ra nhiều yêu sách rất ngang tàng, xấc xược. Năm 1281, sứ giả của giặc là Sài Thung tới nước ta dụ vua Trần sang chầu, Sài Thung là tên kiêu ngạo, vô lễ. Đến trước cửa Dương Minh, hắn không chịu xuống ngựa, quân sĩ cản lại, hắn lấy roi ngựa đánh lính bị thương, vua sai Thái sư Trần Quang Khải ra tiếp, hắn nằm lỳ, không chịu ra đáp lễ, Thái sư vào thẳng chỗ hắn nằm, hắn vẫn không chịu dậy. Hưng Đạo nghe nói, liền cạo trọc đầu, mặc áo nhà chùa, giả làm hòa thượng phương Bắc vào thăm hắn, bấy giờ, hắn mới chịu dậy, vái chào và mời ngồi đối diện dùng trà. Nhưng rồi, hắn đưa mắt ra hiệu cho lính hầu. Lính hầu hiểu ý, khi hai bên đang nói chuyện, hắn lén lấy mũi tên đâm vào đầu Hưng Đạo tứa máu. Biết chúng thử sức chịu đựng của mình, Hưng Đạo vẫn điềm nhiên nói chuyện. Khi ra về, Sài Thung buộc phải kính cẩn đứng dậy tiễn ra đến cửa, không dám coi thường nữa. Mọi người nghe chuyện đều ngạc nhiên. Ý của Hưng Đạo là: bấy giờ sức ta còn yếu, nhượng bộ là cần thiết, vì có thế, ta mới đủ thời giờ chuẩn bị cho sự nghiệp chống xâm lăng. (Theo”Đại Việt sử ký toàn thư”) 5- Quốc Công tắm cho Thượng Tướng: Mối bất hòa giữa Hưng Đạo và Trần Quang Khải, bấy giờ, dường như ai cũng biết. Có người cho rằng, hai vị tướng tài không thể cùng đứng trong một triều. Mối bất hòa này phản ánh mối bất hòa lớn giữa hai ngành trưởng – thứ trong họ Trần, đồng thời lại có dây mơ rễ má từ chuyện xưa, giữa Trần Liễu (cha Hưng Đạo) và Trần Thái Tông (cha Quang Khải). Hưng Đạo chủ động dẹp mối bất hòa này. Và, cơ hội đã đến, nhân chuẩn bị cho Hội nghị Bình Than, Quang Khải nhận lệnh Vua đến bàn bạc trước với Hưng Đạo. Hưng Đạo đón tiếp niềm nở, chân thành. Hai bên đàm đạo việc nước rất tâm đắc. Lúc Quang Khải đứng lên cáo từ, Hưng Đạo đến bên cạnh, cười vui thân mật: - Biết Thượng Tướng bận việc nước, ít có dịp tắm gội, tôi đã mật sai gia nhân nấu nước trầm hương để sẵn. Nay xin được tắm cho Thượng Tướng. Không thể chối từ, Quang Khải vui vẻ nhận lời. Hưng Đạo vừa dội nước vừa nói: - Hôm nay tôi được hân hạnh tắm rửa cho Thượng Tướng. Quang Khải cũng cười đáp: - Hôm nay tôi cũng được vinh hạnh Quốc Công tắm rửa cho. Mối bất hòa giữa hai người thật sự được xóa bỏ. Ai nghe chuyện cũng lấy làm vui. (Theo Những vì sao đất nước, tập V, NXB Thanh niên, Hà Nội 1978) 6- Hồng hạc bay cao nhờ Lông cánh cứng: Tùy tùng Hưng Đạo có 4 tì tướng: Yết Kiêu, Dã Tượng, Cao Mang và Đỗ Hành. Trong trận đọ sức với quân Nguyên lần 2, Hưng Đạo cho một bộ phận quân đóng ở vùng Lạng sơn, còn phần lớn, cùng với Hưng Đạo, về trấn giữ vùng thượng lưu sông Lục nam. Bấy giờ quân của Thoát Hoan tràn sang như vũ bão, nên Hưng Đạo tạm thời rút quân về Lạng sơn. Thoát Hoan hí hửng đuổi theo, để tránh thế mạnh nhất thời của giặc, Hưng Đạo lại định rút về Vạn kiếp. Biết vậy, Dã Tượng liền thưa: - Vương không về thượng lưu sông Thao, chắc là Yết Kiêu hãy cứ neo thuyền để đợi. Hưng Đạo nghe ra liền quay lại sông Thao, đến nơi thì quả nhiên Yết Kiêu vẫn còn neo thuyền để chờ. Hưng Đạo mừng rỡ, xuống thuyền lui quân ngay. Đi được một quãng xa, giặc mới kéo tới. Cảm động trước lòng trung nghĩa của các tì tướng, Hưng Đạo trìu mến nhìn mọi người rồi nói: - Chim Hồng hạc sở dĩ bay được cao là nhờ có bộ lông cánh mạnh. Ta không có các ngươi thì cũng như chim Hồng hạc không có lông cánh vậy. (Theo “Trần Đại Vương bình Nguyên thực lục”) 7- Bà Hàng nước, Con voi và Lời thề sông Hóa: Sau trận thua đau ở Vân đồn, Thoát Hoan sợ hãi, bí mật bàn kế hoạch rút quân. Biết tin một cánh quân quan trọng của giặc do Ô Mã Nhi chỉ huy, sẽ men theo đường sông Bạch Đằng rồi tháo chạy ra biển, thực hiện chiến thuật xưa của Ngô Quyền cắm cọc gỗ vạt nhọc và bịt sắt xuống lòng sông, chờ lúc nước thủy triều xuống, nhử quân giặc vào bãi cọc mà bao vây tiêu diệt. Ngư dân ở đây mà ý kiến có giá trị của một bà Hàng nước ở bến đò Rừng, chỉ cho quân ta biết về thủy triều của sông Bạch Đằng, khiến Hưng Đạo tổ chức trận đánh, đại thắng quân Nguyên, Hưng Đạo xuống lệnh ban thưởng cho Bà nhưng Bà đã qua đời và lệnh cho Làng lập miếu thờ… Cũng trong trận này, khi Hưng Đạo kéo quân qua sông Hóa để tiếp cận chiến trường, Voi của Hưng Đạo bị sa lầy, không cách gì có thể cứu được. Hưng Đạo đành ngậm ngùi từ biệt con Voi chiến của mình và lên thuyền tiến quân. Con voi nhìn theo thuyền mà nước mắt chảy dài. Xúc động trước cái nghĩa của Voi, Hưng Đạo chỉ xuống sông mà nói to với các tướng sĩ rằng: - Trận này không phá xong giặc Nguyên, thề không về đến sông này nữa! Quân sĩ ai cũng cảm kích, quả nhiên, trấn ấy quân ta đã chiến thắng lẫy lừng. 8- Ngựa đá Đánh giặc: Truyền rằng, khi về đến Long hưng, Hưng Đạo đưa bọn tướng Nguyên như: Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp... bị bắt trong trận Bạch Đằng vào làm lễ hiến phù trước Chiêu Lăng, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông thấy Ngựa đá trước Lăng chân đều lấm bùn, nên cảm động mà nghĩ rằng hồn linh của Tổ tông đã phù hộ, Ngựa đá phải bôn ba nên đất nước mới được thái bình. Nhân đó, Thái thượng hoàng liền ngâm hai câu thơ, nay còn truyền tụng: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã Sơn hà thiên cổ điện kim âu. Nghĩa là: Xã tắc hai phen chồn Ngựa đá Non sông muôn thuở vững Âu vàng. (= Kim âu, chỉ Nước nhà) 9- Đối và Đáp: Năm 1304, Mạc Đĩnh Chi được nhà Trần cử đi sứ sang Trung Hoa. Quan tiếp sứ thấy Mạc Đĩnh Chi người bé nhỏ, đen đủi, nên có ý khinh thường mới ra một câu đối: Đồng trụ chí kim đài dĩ lục (Cột đồng đến nay rêu xanh phủ) Mượn tính ngạo mạn của Mã Viên thuở nào, viên quan tiếp sứ có ý mỉa mai rằng đất nước ta đã suy kém từ lâu đời. Nhưng hắn đã bị Trạng nguyên đối lại một câu rất đích đáng: Đằng Giang tự cổ huyết do hồng (Sông Bạch Đằng từ xưa máu còn đỏ) Một bên nhắc chuyện xâm lược, một bên nêu chuyện chống xâm lăng. Hành vi cướp nước thể hiện qua tích cột đồng Mã Viện thì đã bị rêu xanh phủ, còn sự tích đuổi giặc của Trần Hưng Đạo và quân dân ta thời Trần thì nước sông Bạch Đằng như vẫn còn đỏ máu của chúng. Nếu không có chiến công lừng lẫy của Trần Hưng Đạo, Mạc Đĩnh Chi dù có tài giỏi bao nhiêu cũng không thể nghĩ ra được một vế đối tài tình như vậy. KẾT LUẬN Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc trong sự nghiệp đánh đuổi quân xâm lược Nguyên-Mông ở thế kỷ 13, chúng ta cùng nhau hát vang các Bài hát về vị Danh tướng - người đã có công góp phần làm rạng rỡ cho lịch sử oai hùng của nước nhà - sau đây: (Lời mới của bài hát “London Bridge”) 1- Hùng Vương, Thục, Trưng, Tiền Lý (Hậu Lý), Ngô Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ Lê Sơ, Mạc, Lê (Trung hưng), Tây Sơn, Nguyễn Lịch sử Tiên Rồng!
2- Trước khi sinh, Thân mẫu Quốc Tuấn Mơ thấy một cậu bé xinh “Thanh Y Đồng tử” xuống đầu thai Vinh quang Nước (và) Nhà!
3- Trần Quốc Tuấn là con Trần Liễu Cha trăn trối “Trả thù xưa” Giữ “Trung quân”, bỏ hiềm khích cũ Đặt Nước trên Nhà!
4- Quốc Tuấn là con thuộc dòng trưởng Không làm vua, không hờn oán Quyết “Trung quân”, lãnh đạo toàn dân Đoàn kết chống giặc!
5- Trần Nhân Tông và Phạm Ngũ Lão Là ‘Đông sàng’ của Quốc Tuấn Vua anh minh và Tướng tài ba Quốc Tuấn tự hào!
6- Vua Trần dân chủ hội (nghị) Bình Than Đề chiến thuật diệt quân Nguyên Hội nghị Diên Hồng họp bô lão Quyết chiến một lòng!
7- Quốc Tuấn soạn “Hịch tướng sĩ văn” Và sách “Binh thư yếu lược” Huấn huyện binh bị cho ba quân ‘Sát Thát’ một lòng!
8- “Đầu của thần còn thì còn Nước” Quốc Tuấn nói với vua Trần Chiến thắng Bạch Đằng diệt quân Nguyên Thoát Hoan (chui) ống đồng!
9- Trần Nhân Tông, Anh Tông, Hưng Đạo Lãnh đạo chiến thắng quân Nguyên Đế quốc chiếm gần hết Âu – Á Rạng danh Đại Việt!
10- “Vạn Xuân hữu sơn giai kiếm khí…” Vũ Phạm Hàm ghi Đền Kiếp (Bạc) “Lục Đầu vô thủy bất thu thanh” Câu đối (cúng) Hưng Đạo!
(Xin xem thêm trong Bản Tin số 53 về đôi câu đối này) PHẠM VŨ NHO HỌC NGƯỜI MIỀN NAM Dưới triều Nguyễn, đến năm Nhâm Tuất (1862) triều Tự Đức nước ta có nhiều cuộc khởi loạn ở miền Bắc, trong đó có cuộc xung đột giữa lương và giáo. Trong Nam, Pháp đã chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Lực lượng Pháp do Đô đốc Bonard chỉ huy, ông ta cử Đại tá Simon mang thư đến Huế nói việc giảng hòa và đòi ba điều kiện: 1. Xin cử một vị quan có toàn quyền vào Nam hội nghị. 2. Bồi thường quân phí. 3. Đưa trước 10 vạn để tỏ lòng tin . Phan Thanh Giản (1796 - 1967)
Vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản lúc bấy giờ làm Thượng Thư Bộ Lễ làm Chánh sứ và Lâm Duy Hiệp Thượng Thư Bộ Binh làm Phó sứ, hai vị đều sung Cơ mật viện(1) đại thần vào Nam thương nghị. Sứ bộ đi bằng đường thủy từ Huế đến cửa Hàn bằng tàu buồm của ta, để nhờ tàu Forbin của Pháp kéo đến Gia Định. Sau khi thương nghị ngày 05.06.1862, Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp ký với Bonard và Palanca(2) trên tàu Duperré bỏ neo tại Sài Gòn một hiệp ước gọi là Hiệp ước năm Nhâm Tuất (1862) gồm 12 khoản quan trọng như miền Đông của ta là Gia Định, Định Tường, Biên Hòa và đảo Côn Lôn(3) được nhường cho Pháp và nước ta phải trả cho Pháp và Tạy Ban Nha tiền bồi thường binh phí là 4 triệu đồng trả trong 10 năm, mỗi năm bốn trăm ngàn đồng trao tận tay cho đại diện Pháp ở Gia Định. Dân chúng trong Nam kỳ rất phẫn uất cùng với Trương Công Định (cũng gọi là Trương Định) nổi lên chống lại Pháp kịch liệt trong vùng Chợ Lớn, Tân An, Gò Công, nên trong dân gian có câu: Thà thua xuống Láng(4) xuống Bưng(5)/ Kéo ra đầu giặc lỗi chưng quan thần. Vua Tự Đức ban đầu cũng khiển trách hai đại thần Phan, Lâm rất nặng nề, nhưng sau đó đã nghe theo lời tấu trình của triều thần, cử Phan Thanh Giản làm Kinh lược sứ Miền Nam kiêm lãnh Tổng Đốc Vĩnh Long để cứu vãn những thất lợi trước và đối phó với tình hình vì thấy Pháp có ý đồ chiếm luôn ba tỉnh miền Tây và cử Lâm Duy Hiệp làm tuần vũ Thuận Khánh(6) cũng được lịnh phải thương thuyết lại với Pháp, nhưng đại thần họ Lâm người Bình Định này nhận chức chẳng được bao lâu thì bị bịnh mà mất. Xét trên sự nghiệp quan trường, trên lãnh vực ngoại giao, cụ Phan không thành công, nhưng về mặt văn học cụ Phan là vị Tiến sĩ nho học đầu tiên của miền Nam. Lúc cụ làm Tổng Đốc Vĩnh Long, có tiến sĩ Phan Hiền Đạo (1822 – 1866) người quận Long Định – Tỉnh Định Tường vốn là bạn của cụ Phan, làm huấn đạo tại Tỉnh Định Tường, nhưng về sau thấy mình lầm tưởng là hợp tác với Tân trào do người Pháp lập nên, không được đề huề nên đã làm đơn xin về làm việc với cụ Phan cho xứ sở ở Vĩnh Long. Cụ Phan xem đơn xong bèn ghi vào đơn câu: “Thất thân chi nữ, hà dĩ vi trinh” có nghĩa là người con gái đã thất thân, làm sao còn cho là trinh được. Ông Phan Hiền Đạo, uất ức quá, trở về quê nhà ở Chợ Giữa tỉnh Mỹ Tho viết tờ cáo trạng tạ lỗi với quốc dân rồi uống thuốc độc mà chết.
Cụ Phan Thanh Giản là người làng Tân Thạnh, huyện Bảo An, tỉnh Vĩnh Long, sau này là làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Kiến Hòa. Cụ là người đầu tiên đỗ tiến sĩ Nho học của miền Nam, năm Minh Mạng thứ 6 (1826). Năm 1840 cụ được cử làm chánh chủ khảo trường thi Hương Thừa Thiên và năm 1841 (Thiệu Trị Nguyên niên) cụ được cử làm chánh chủ khảo trường thi Hà Nội. vào năm này, các sĩ tử miền Bắc nghe tin cụ Phan làm chánh chủ khảo thì lấy làm sung sướng kháo với nhau rằng: khoa này cụ Phan làm chánh chủ khảo thì chắc tụi mình đỗ hết vì nghĩ rằng nền Nho học ở miền Nam chưa được lan tỏa mấy so với miền Bắc đã có từ lâu đời, nên cụ tiến sĩ của miền Nam này ra đề chắc cũng dễ thở. Phải biết thi cử ngày xưa rất nghiêm nhặt, vị chánh chủ khảo được biệt cư trong một tháng tại khu trường thi, xung quanh có hàng rào bao bọc, có lính tuần tra, không cho vợ con tiếp xúc, việc ăn uống hay những tiện nghi khác đã có bộ Lễ lo, cho đến khi thi xong. Đến ngày thi, đề thi được phát ra, các sĩ tử đã mướt mồ hôi trán đọc thấy những câu như sau: - Luận ngữ nhị thập thiên, hà thiên vô Tử viết - Kim cang thập bát bộ, hà bộ vô nam mô Xưa nay việc sôi kinh nấu sử, tầm chương tích cú, dẫn tích nhân vật, tự luận viết ra bài, được cho là phương châm của giới “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” trong các kỳ thi, nay lại gặp một cái đầu đề cắc cớ như thể đánh đố nên các sĩ tử bị “trượt vỏ chuối” rất nhiều. họ rủ nhau kéo vào kinh đô làm đơn khiếu nại với triều đình. Vua Thiệu Trị cho vời cụ Phan vào và phán rằng: Khanh làm như vậy là để thỏa mãn tự ái, nhưng trên phương diện đào tạo nhân lực cho quốc gia, có điều khiếm khuyết. Cụ Phan tâu: Sự học vấn của họ chưa được thấu đáo nên không giải được câu hỏi của đề. Vua đành ban lịnh năm sau cho mở ân khoa để có đủ số khoa bảng cho nhu cầu. Từ đấy về sau, nghe đến tên cụ Phan là các sĩ tử miền Bắc tỏ vẻ kiêng nể, không dám coi thường vì biết ông già miền Nam nho học rất uyên thâm, ông có nhiều tuồng bụng để “sửa lưng” sĩ tử chẳng hạn: - Thất thập nhị hiền, hiền hà đức - Nhị thập bát tướng, tướng hà công Cũng đều rút ra trong kinh sử. PPT st Ghi chú: (1) Cơ mật viện: cơ quan có quyền quyết định mọi việc trọng đại của một nước, gồm nhiều đại thần. (2) Palanca: đại diện của Tây Ban Nha. (3) Côn Lôn: tức Côn Sơn (Poulo Condore). (4) Láng: tức Láng Linh, một cánh đồng rậm thuộc An Giang. (5) Bưng: tức bưng biền, vùng toàn cỏ lát và nước. (6) Thuận Khánh: tức Bình Thuận và Khánh Hòa. ______________ Nhận định CÓ MỘT BÀ TÊN HUYEN (HUYỆN) HỌ QUAN LÓT CHỮ THANH Mảng văn học cổ của Việt Nam (VN) là một phần quan trọng của nền văn học và văn hóa VN nói chung; nó góp phần tạo nên sự tự hào trong mỗi người VN chúng ta về truyển thống văn hóa rực rỡ của dân tộc. Có lẽ mọi người VN, dù ở đâu, đều dễ dàng đồng thuận với việc giới thiệu văn học cổ VN hòa nhập với nền văn học thế giới. Đó là chuyện quan trọng và cần thiết. Nhưng việc giới thiệu không phải chỉ cần có người am hiểu ngoại ngữ là đủ. Dù rất thông thạo ngoại ngữ nhưng nếu dịch giả không có một sự “quen biết” tối thiểu về văn học và không lãnh hội được hoặc hiểu sai lạc nội dung các tác phẩm của tiền nhân thì sự giới thiệu sẽ không những không mang lại hiệu quả mong muốn mà còn gây hậu quả bôi bác rất tai hại đối với các di sản tinh thần của cha ông ta, biến các tác phẩm của cha ông ta thành những thứ xoàng xĩnh vô bổ, thậm chí một thứ trò cười dưới mắt độc giả trí thức từ các nền văn hóa khác. Chuyện đó đã xảy ra và không phải là một hai trường hợp cá biệt. Bài viết dưới đây nêu ra một trong những trường hợp như thế. Chỉ với mong muốn đánh động để những người có trách nhiệm thận trọng hơn với công việc quan trọng họ đang thực hiện, chớ không nhằm gây tổn thương hay tổn thất (nếu có) cho một cá nhân nào, nên người viết sẽ không nêu tên dịch giả và nguồn xuất xứ của bản dịch thiếu chính xác đề cập trong bài. Tuy nhiên, đối với quý vị làm công tác về văn học có liên quan cần có các chi tiết cụ thể làm cơ sở chứng liệu để có thể tìm đến nguyên thể bản dịch nhằm xác định, đối chiếu văn bản và tìm hiểu thêm vì mục đích nghiên cứu, xin vui lòng liên hệ với người viết qua địa chỉ email: thieukhanh@gmail.com. Trân trọng. Nguyễn Thị Hinh là tên một nữ sĩ Việt Nam nổi tiếng sống vào khoảng đầu thế kỷ 19 mà văn học sử thường đề cập đến với tên Bà Huyện Thanh Quan. Sở dĩ được gọi như thế vì đương thời bà là vợ của một vị quan tri huyện tại Huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình)(1) mà thời đó người ta tránh gọi tên húy của những nhân vật có địa vị trong xã hội. Số tác phẩm thơ văn của bà Huyện Thanh Quan để lại chỉ còn được khoảng tám hay chín bài thơ thất ngôn Đường luật, trong đó có bài Thăng Long Thành Hoài Cổ: Thăng Long Thành Hoài Cổ Tạo hóa gây chi cuộc hí trường Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. Ngàn năm gương cũ soi kim cổ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường. Bài thơ này được dịch ra tiếng Anh để giới thiệu với văn học thế giới, đăng trong một tập san kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là bản dịch tiếng Anh đó: CONSIDERING THE ANCIENT CITY OF HANOI By Mrs. Huyen Thanh Quan One wonders why the Creator puts on such a show. So much time has gone by since the City began – carriages once rolled where now there is autumn grass The setting sun casts shadows on old palace floors and old stone walls lie upon under the moon. The country frowns at such scene of modern squalor – a thousand years lie on the face of the old mirror. The people here have always had to endure misery. Trước hết không hiểu sao dịch giả không muốn dịch tựa đề của bài thơ vốn rất quen thuộc đối với tất cả những ai đã từng có đọc thơ của bà huyện, mà tự ý đặt cho bài thơ dịch của mình một cái tên mới: CONSIDERING THE ANCIENT CITY OF HANOI, có nghĩa là xem xét hay cân nhắc về thành cổ Hà Nội (!). Còn tên tác giả thì được “dịch” sang tiếng Anh một cách rất… ngộ nghĩnh: Mrs. Huyen Thanh Quan. Tức là một bà họ Huyen (Huyện) tên Quan, lót chữ Thanh ở giữa. Hoặc hiểu theo lối tên trước họ sau của người Anh Mỹ thì bà ấy có tên là Huyen (Huyện), họ Quan, chữ lót cũng là Thanh. Nhìn vào hình thức của bài dịch có thể thấy dịch giả hoàn toàn không hiểu cấu trúc của một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú. Các chữ đầu các câu thứ ba, thứ năm và thứ bảy trong bài dịch không viết hoa, như thể các câu ấy được dứt ra hoặc nối tiếp từ các câu chẵn thứ hai, thứ tư và thứ sáu ở trên chúng, trong khi một bài thơ thất ngôn bát cú gồm bốn phần, mỗi phần hai câu riêng biệt: hai câu đầu là phá đề và thừa đề, hai câu ba và bốn là cặp câu thực; câu năm và sáu là cặp câu luận, và hai câu cuối là cặp câu kết thúc. Như thế các câu thứ ba, thứ năm, và thứ bảy phải mở ra một ý mới chớ không tiếp nối từ các câu chẵn ở trên chúng. Nhưng điều kỳ lạ hơn hết là dịch giả không hiểu chút gì trong nội dung bài thơ Đường luật “tám câu năm vần” rất nổi tiếng này của bà Huyện Thanh Quan. Dịch và giới thiệu ra văn học thế giới một tác phẩm của cổ nhân mà người dịch không có chút hiểu biết mảy may nào cả về hình thức lẫn nội dung của nó là một chuyện thật hiếm có. Nói dịch giả không hiểu chút gì bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ của bà Huyện Thanh Quan không phải là nói ngoa hay cường điệu. Ngay từ cái tựa đề bài dịch mang nghĩa Xem xét Thành cổ Hà Nội người dịch đã tỏ ra không hiểu gì về tâm tình hoài cổ của tác giả đứng trước những cảnh phế hưng ở nơi vốn là kinh đô lâu đời của đất nước. Người dịch đã tự ý loại bỏ tâm tình hoài cổ của tác giả, mà đó vốn là trọng tâm của bài thơ, và biến Thăng Long thành Hà Nội một cách vô lối. Sao phải làm vậy? Không hiểu “hoài cổ” nghĩa là gì chăng? Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La vào năm 1010 và đổi tên Đại La thành Thăng Long Thành, Thăng Long trở thành kinh đô của nước Đại Việt từ đó. Nhưng đến khoảng cuối thế kỷ 18, khi Lê Chiêu Thống bỏ kinh đô chạy theo giặc để mưu “cõng rắn cắn gà nhà” một cách nhục nhã thì Thăng Long bắt đầu đánh mất vai trò chính trị quan trọng của nó theo với sự chấm dứt của triều Lê. Nguyễn Huệ, dù với tước Bắc Bình Vương, nhưng khi lên ngôi hoàng đế thì hoàng đế Quang Trung không đặt kinh đô ở Thăng Long (như được hoàng-đế-anh Thái Đức phong cho ở phía Bắc) mà vẫn đóng đô ở Phú Xuân (Huế), đồng thời cho xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô ở Nghệ An để làm kinh đô mới. Từ đây Thăng Long chính thức không còn là kinh đô của đất nước nữa. Vua Gia Long lên ngôi, tiếp tục đóng đô ở Huế, đổi Thăng-Long-thành thành Bắc Thành, và đặt quan Tổng trấn cai trị, đồng thời đổi cách viết chữ Long để Thăng Long không còn nghĩa Rồng bay lên, mà thành ra “vươn lên và phát triển”. Thăng Long thực sự mất “rồng”. Đến năm 1831 vua Minh Mạng đổi tên Thăng Long Bắc thành thành tỉnh Hà Nội. Tên Hà Nội này tồn tại đến nay. Chúng ta không rõ bà Huyện Thanh Quan sinh và mất năm nào, cũng như không biết thời gian ra đời chính xác của bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ”, nhưng chúng ta biết tác giả từng được vua Minh Mạng mời vào triều giữ chức Cung Trung Giáo tập để dạy lễ nghi cho cung nữ. Như thế nhà thơ sống đồng thời với vua Minh Mạng và biết rõ tất cả những biến đổi trong “thân phận” của thành Thăng Long. Hai câu phá và thừa đề của bài thơ: Tạo hóa gây chi cuộc hí trường Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương chính là tác giả đề cập đến những đổi thay đã xảy ra cho “số phận” của kinh thành này mà tác giả ví như những màn tuồng hát biến diễn trên sân khấu. Khi được dịch thành: One wonders why the Creator puts on such a show. (Người ta không biết tại sao tạo hóa dựng lên một vở diễn như thế này) thì rõ ràng dịch giả không hiểu tâm tình của nhà thơ: cuộc hý trường mang nghĩa biến đổi rộng lớn hơn such a show – chỉ là một “sô diễn”, cho nên puts on such a show là không chính xác – (kể cả việc dùng động từ put ở thì hiện tại, thay vì dùng present perfect thì phải hơn). Sự không hiểu của dịch giả càng rõ hơn với câu dịch thứ nhì: So much time has gone by since the City began – (Đã qua nhiều thời gian kể từ khi thành phố này bắt đầu) Câu thơ nguyên tác Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương – “Tinh sương” là khoảng thời gian mới chuyển từ đêm sang ngày (còn nhìn thấy sao và còn mù sương)”. (Từ Điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ học ấn bản 1992) Vậy tinh sương là cách để nói một ngày. Thấm thoắt mấy tinh sương – mới đó mà đã trải qua nhiều thời gian rồi. Nhưng cái gì thấm thoắt mấy tinh sương? Đó không phải là cái thành Hà Nội – không phải “đã qua nhiều thời gian từ khi thành phố này bắt đầu”. “Thăng Long thành” đề cập trong bài thơ là khu vực hoàng thành (citadel), chớ không phải toàn bộ tỉnh thành Hà Nội (mà dịch giả gọi là City). Về mặt thành quách, thì thành Thăng Long đời Lý hay đời Nguyễn khi bà huyện Thanh Quan làm thơ nó vẫn thế thôi. Nó có thể được tu sửa, mở rộng ra hay xây cao lên tùy theo yêu cầu của mỗi thời. Điều đó không có gì đáng nói hay đáng gợi lòng hoài cổ cả. Cái đáng làm cho nhà thơ – hay bất cứ ai – bâng khuâng hoài cổ chính là sự thay đổi ý nghĩa, tư thế hay vai trò chính trị của thành Thăng Long qua những biến cố phế hưng của lịch sử như nói trên. Từ vị thế kinh đô “Rồng bay lên” của cả nước, giờ đây Thăng Long chỉ còn là một trấn thành “không còn rồng” hay một tỉnh thành bình thường do một quan tổng trấn – về sau là quan Kinh lược - cai quản. Cảnh huy hoàng rực rỡ xe ngựa vua quan ngày xưa không còn nữa, thay bằng những sinh hoạt bình thường của một tỉnh thành bình thường. Những thay đổi đó khiến nhà thơ liên tưởng cảnh tuồng diễn biến trên sân khấu rạp hát (hý trường). Và nhà thơ nhận thấy cảnh hý trường biến đổi đó “thấm thoắt” đã “mấy tinh sương”, chớ đâu phải “từ khi thành phố này bắt đầu” đến nay trải mấy tinh sương! Mà “thành phố này bắt đầu” (since the City began) là sao? Bắt đầu cái gì – began… what? Hai câu thực trong bài thơ: Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương, được dịch một cách… thật thà đến ngộ nghĩnh: carriages once rolled where now there is autumn grass The setting sun casts shadows on old palace floors Xe ngựa trong câu thơ không nhất thiết mang nghĩa đen là chiếc xe ngựa – thời đó vốn không có nhiều. Đó là phương tiện sang trọng biểu hiệu của quyền lực tối cao chỉ dành riêng cho vua chúa. Các quan toàn đi kiệu, hoặc cỡi ngựa. Cho nên Dấu xưa xe ngựa không nhất thiết mang nghĩa đen là nơi xe ngựa từng chạy qua (carriages once rolled), vốn không làm nổi rõ ý của tác giả. Nó chỉ có nghĩa là nơi sang trọng ngày xưa dập dìu võng lọng ngựa xe vua quan qua lại. Hồn thu thảo không phải là cỏ mùa thu (autumn grass) như trong câu thơ dịch, tuy thu thảo có nghĩa đen là cỏ mùa thu. Mùa thu thì cây cỏ vàng úa trông ảm đạm buồn bả, nên hồn thu thảo chỉ có nghĩa là vẻ thê lương vàng vọt của cảnh vật, trái ngược với cảnh dập dìu xe ngựa ngày xưa. Nhà thơ nhìn cảnh vật thông qua tâm trạng cho nên dù tả cảnh thành cổ vào mùa xuân thì tác giả cũng chỉ nhìn thấy mọi vật mang hồn (của) thu thảo. Nền cũ lâu đài bóng tịch dương mà được dịch là: The setting sun casts shadows on old palace floors Mặt trời lặn tỏa bóng vào các old palace floors là hoàn toàn không đúng. Old palace floors không có nghĩa là “nền cũ lâu đài” mà là những tầng lầu của (một) cung điện cũ. Khi cung điện lâu đài không còn nữa, cái nền cũ hoang phế của nó là ground. Tịch dương là mặt trời lúc sắp lặn. Nhưng bóng tịch dương trong câu thơ nguyên tác không mang cái nghĩa đen như trong câu thơ dịch, mà gợi không khí u buồn ảm đạm của cảnh vật nơi ngày trước là cung điện lâu đài lộng lẫy vàng son; đồng thời tác giả nhìn thấy quá khứ rực rỡ đang lụi tàn dần như bóng chiều sắp tắt. Đến hai câu luận: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, Nước còn cau mặt với tang thương. mà được dịch là and old stone walls lie open under the moon. The country frowns at such scene of modern squalor – (và những bức tường thành bằng đá nằm phơi ra dưới trăng – Đất nước cau mặt với quang cảnh bẩn thỉu tồi tàn hiện đại) thì người dịch đã hiểu sai lời và ý thơ… “by a mile”(2). Đá được tác giả đề cập ở đây chỉ là… đá một cách chung chung (để đối với nước) thôi, chớ chẳng phải “những tường thành cũ bằng đá” (old stone walls) nào cả. Tuế là năm hay tuổi. Bách tuế = trăm năm hay trăm tuổi; “vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” thường nghe trong các phim Tàu là “muôn năm, muôn năm, muôn muôn năm”. Nguyệt là tháng. Tuế nguyệt là năm tháng. Trơ gan cùng tuế nguyệt là trơ trơ ra đó thách thức với thời gian chớ, sao lại… nằm tênh hênh dưới trăng? Nước là… nước, water – thứ chất lỏng gần gũi hàng ngày với chúng ta, chớ không phải là đất nước (country) như dịch giả hiểu lầm. Có lẽ rất khó hình dung đất nước (country) cau mặt như thế nào, nhưng nhìn thấy mặt nước (trên hồ hay trên sông chẳng hạn) gợn lăn tăn, tức thì người ta hiểu nhà thơ đã nhân cách hóa (personify) cái mặt nước kia, thấy nước như con người cau mặt vì đau đớn hay khó chịu trước những đổi thay lớn lao trong cuộc sống. Tang thương , ai không biết đó là nói tắt câu “Thương hải biến vi tang điền” (Biển cả hóa thành ruộng dâu), chỉ sự biến đổi lớn lao. Mặt nước (hồ…) cau lại khó chịu với cái tang thương đó, chớ có gì là “cảnh nhếch nhác bẩn thỉu hiện đại” (such scene of modern squalor) đâu! Hồi đó chắc chắn là chưa có cảnh ô nhiễm như bây giờ. Và câu thơ cũng không hề nói gì dù gần hay xa về chuyện đó. Với hai câu kết của bài thơ: Ngàn năm gương cũ soi kim cổ. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường. được dịch giả dịch thành: a thousand years lie on the face of the old mirror. The people here have always had to endure misery. (một ngàn năm nằm trên mặt tấm gương cũ Nhân dân ở đây vẫn luôn phải chịu đựng sự lầm than khốn khó) Đọc câu thơ nguyên tác ai cũng hiểu nhà thơ có ý nói nhìn cảnh vật thành Thăng Long hiện nay có thể thấy cả những biến đổi bể dâu trải qua thời gian dài từ trước đến nay như thể nhìn vào một tấm gương, chớ không có một “tấm gương cũ” (old mirror) cụ thể nào có một ngàn năm nằm trên mặt nó như dịch giả hiểu cả. Trong câu thơ “Cảnh đấy người đây…” thì người đây chính là tác giả. Tác giả nhìn khung cảnh thành quách và liên hệ với những đổi thay đã diễn ra trên cảnh vật này mà bùi ngùi cảm thán, chớ có phải là nhân dân (people) nào đâu! Đoạn trường nghĩa đen là đứt ruột, một cách diễn tả ước lệ sự đau lòng. Chính tác giả cảm thấy đau lòng trước cảnh biển dâu đã diễn ra trên thành Thăng Long thân yêu của bà, chớ chẳng phải “nhân dân ở đây luôn phải chịu cảnh lầm than khốn khó” (The people here have always had to endure misery) gì cả! Bài thơ của bà Huyện Thanh Quan có tám câu, thì cả tám câu dịch giả đều hiểu không đúng và dịch ra tiếng Anh một cách hoàn toàn sai lạc. Có thì giờ và hứng thú dịch văn thơ chơi, thì muốn dịch thế nào tùy thích, có lẽ chẳng ai quan tâm làm gì chuyện mình dịch đúng hay sai; nhưng dịch để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài là một chuyện khác. Giới thiệu như thế thì oan cho bà Huyện Thanh Quan quá, và cũng tội nghiệp cho văn học Việt Nam nữa. Vậy mà ở dưới bản dịch ấy – như với tất cả các bản dịch của dịch giả người Việt khác in trong tập san này – cũng có một dịch giả người Mỹ ký tên mình hiệu đính. Một sự xác nhận tai hại cho cả… bốn bên. Người dịch đã vậy, còn [những] người ký tên hiệu đính thì đã làm công việc hiệu đính đó như thế nào? How did they do that? Chuyện này có lẽ sẽ bàn riêng vào một dịp khác. NOSTALGIA ON THĂNG LONG CITADEL by the Lady of the Thanh Quan District Chief(3) English translation by Thiếu Khanh . Why has the Creator staged such a drama here? How much time has elapsed so far is unclear Old splendid streets are now deserted gloomy ways Those palaces and castles have seen their better days Rocks or stones stubbornly challenge the time to stay Water frowns at the great changes that display It’s like a mirror reflecting a thousand years in a vision The sight has made me greatly heartbroken THIẾU KHANH
Ghi Chú [1] Vị quan tri huyện này tên Lưu Nghi, có nơi ghi tên ông là Lưu Nguyên ÔN hay Lưu Nguyên Uẩn. Nguyên Ôn hay Nguyên Uẩn có lẽ là tên hiệu, kiểu như chí sĩ Phan San hiệu là Bội Châu, tự là Sào Nam, nên thường được gọi là Phan Bội Châu hay Phan Sào Nam [2] Rất xa. [3] “Bà Huyện Thanh Quan” không phải là tên riêng hay bút hiệu của nhà thơ nữ Nguyễn Thị Hinh mà chỉ là một từ được gọi thay tên, theo cách người xưa bày tỏ sự kính trọng, cho nên dịch ra tiếng nước ngoài để đọc giả người nước ngoài hiểu có lẽ là cần thiết. Trong phần tiểu sử các tác giả (tiếng Anh) in ở phần sau tập san đề cập trên đây danh hiệu “Bà Huyện Thanh Quan” được dịch là “the Thanh Quan District First Lady”. Thiết nghĩ dịch như thế là không chính xác. “First Lady” là một từ đặc biệt chỉ riêng dùng cho phu nhân Tổng thống Mỹ hoặc phu nhân của thống đốc một tiểu bang của Hoa Kỳ (The first lady: the wife of the President of the US, or of the governor of a US state – Longman Dictionary of Comtemporary English). Tuy nhiên, riêng chữ Lady là một từ vừa xưng hô lịch sự, vừa có nghĩa (informal) “phu nhân” (a man’s wife). Trong khi chờ có một cách dịch chính thức và chính xác hơn, người viết tạm dịch danh hiệu mà người đời gọi bà Huyện Thanh Quan là The Lady of the Thanh Quan District Chief - với nghĩa “vợ của ông quan huyện (của) huyện Thanh Quan”, theo cách gọi lịch sự vừa trân trọng. Kỷ niệm 20 năm ngày mất Nhà Thơ Nhạc Sĩ ĐẶNG ĐÌNH HƯNG (1990-2010) ĐẶNG ĐÌNH HƯNG TRỜI CHO VÀ TRÒ CHƠI Nguyễn Thụy Kha Trưa 21.12.1990, người cha thân yêu của nghệ sĩ Đặng Thái Sơn đã mất. Sinh năm Giáp Tý 1924, Đặng Đình Hưng nhập vào Cách mạng với vị trí một cán bộ tuyên huấn. Ông là một trong những người đầu tiên lãnh đạo anh em văn nghệ ở chiến khu Việt Bắc. Ai hoạt động văn nghệ thời ấy chắc khó quên “xếp” Đặng Đình Hưng khá “hắc xì dầu”. Nhưng cũng trong thời ấy, ông đã có một ca khúc hát để múa khá phổ biến trong chiến thắng Tây Bắc. Đặng Đình Hưng được trời cho ba thứ: Trí thông minh, tài thơ và một cậu con trai tuyệt vời tên là Đặng Thái Sơn – nghệ sĩ pianô số một Việt Nam. Điều trời cho: Trí thông minh đã làm ông điêu đứng trong đói khổ, bệnh tật, căng thẳng bao nhiêu năm. Nhưng nỗi điêu đứng này lại giúp cho ông hoàn thiện được điều trời cho: tài thơ. Dù cho đến ngày ông mất – người ta vẫn gọi ông là nhạc sĩ Đặng Đình Hưng và đám tang của ông do Hội Nhạc Sĩ Việt Nam chủ trì ngày 23.12.1990 thì thực chất ông vẫn là một thi sĩ thứ thiệt. Thơ Đặng Đình Hưng vừa có hơi thở dân dã như Hoàng Cầm, sắc bén như Trần Đào, triết lý như Văn Cao, thì vẫn rất riêng một giọng u uẩn Đặng Đình Hưng. Cái thời gạo sổ đầy khó khăn, lúc đói quá, ông đã từng kêu lên: “thèm quá, thèm cả một cái chợ”. Ý tưởng của ông trong trường ca “Ô mai” thật sâu sắc về kiếp nghệ sĩ cưỡng lại mọi áp lực để giành lấy quyền sáng tạo cho con người. Ở chỗ ấy, nói như ông là: “chọn một cái ao giặt áo cả ngày”. Gần đây, trong công cuộc đổi mới, thơ ông đã rải rác in trên báo. Có bài mang đầu đề như: “Quê Bác”. Có bài trích đoạn từ trường ca “Ô mai”. Bài thơ cuối cùng in trước lúc ông ngừng thở là bài “Khóc Mỵ Châu” in ở Tạp chí “Cửa Biển” của Hội Văn nghệ Hải Phòng số 3.1990. Ông vừa khóc được Mỵ Châu trên trang giấy in thì lại đến lượt thân hữu, bạn bè khóc trước linh cữu ông… TẠP CHÍ CA NHẠC GIỚI THIỆU THƠ ĐẶNG ĐÌNH HƯNG KHÓC MỴ CHÂU
Đặng Đình Hưng Gọi trống đồng mùa khảo bồn thu thuở cồng đánh lửa Buồn gông tóc dựng mịt mùng sông núi thách Thênh thênh tiền sử, chuông chùa mái tóc Váy bài thơ Tổ rừng lưng đậm mật Sáng chiều đi đàn kiến hé ngẩng xem giờ thế kỷ! Bao giờ? Mắt lạ tròn thơ! Hoa lá lạ thuở Hai Bà Đại la phơi áo ngạc nhạc vàng rung sáng Ngọ - mùi gươm ngước sắc, quắc Tràng thành trăng tóc xõa chiến binh đi in áo dãi dầu Cầu nhiệm mầu Tích tắc ngựa song song Con Nghê vàng soi bóng hồ giong động chiêng đồng Ánh lửa Hàm quan lệ biếc xiêm hoa Tóc huệ nghênh đường lộng khói trầm hương vương thành ốc lạ Sấm thanh bình Tư mã tạ mùa đi Giải áo diệu kỳ ly biệt Biếc lệ môi hoa giếng họa Hừ la trăng thanh ốc ngút lưng trời giếng lấp Khóc phù du tháp tháp ngọn – ư tình! Giếng lệ hình hoa biếc lệ Kể Từ vườn đầu ngây phép lạ hồng hoang Con nghê vàng nghênh lá Kể Từ trời lửng thửng chim cá chuyện trò hoa A! thời vàng thiên hạ Tới biển tình ngây tóc lạ Hồng hoang khúc họa thanh bình xa lạc cầm canh Thì, tội! Tôi bạc đầu ân hận bóng hồng nhan hóa họa hồng hoang Tội! Tội yến oanh nồng hoan xiêm yếm mặn Cốc ban đầu nâng họa gối chăn Gấm lặng lỡ cung đình Tội! Tội tình đâu ngây lệ Mùa men sắc lạ Chớm thì hoa phép họa tình hoa Ô hô! thành thành quách hết Ôi giếng lấp lưng trời – ôi lưng trời ốc rúc Biến sau lưng quắc mắt lạnh thần linh Chép miệng phù du tìm soi vệt ngựa xe li Khói lông chim mịt mù hoang địa ……………… Từ đó Con voi ngàn lững thững ngàn xanh Thuyền cười nghe xé lụa – ngỡ vàng ghen Lá quyến liệng vườn thuyền quyên Chải lược - hà hơi kiếm bạc chập lăng gò Khét lẹt gót mùa đi Vạt áo biếc hoa li mùa đùa nghe bướm lội
Đ.Đ.H. Tìm hiểu một bài thơ "siêu thực" Cách đây ngót 20 năm, tình cờ một hôm tôi được một người thân của Nhà Thơ Đặng Đình Hưng cho tôi cuốn tạp chí CA NHẠC số 8 năm 1991, trong đó có bài thơ “Khóc Mỵ Châu” của Đặng Đình Hưng mà ai đó đã biếu ông. Tuy là một nhà trí thức lớn lại yêu thích nhạc cổ điển Tây Phương nhưng ông dường như ít quan tâm đến thơ ca. thấy tôi có vẻ yêu thích thơ, ông đưa tôi cuốn tạp chí với bài thơ của Đặng Đình Hưng và bảo: “Cô cầm về mà đọc xem có hiểu gì về bài thơ này không, chứ tôi đọc chẳng hiểu tí gì hết! Tuy không hiểu nhưng đọc lên cũng cảm thấy một cái gì rờn rợn thế nào ấy!”. Tôi đọc qua bài thơ một lần cũng chẳng hiểu gì. Về nhà đọc kỹ lại cũng chẳng hiểu được tí gì hết, và quả đúng như ông nói, cũng nghe một âm thanh gì rờn rợn vang lên trong đầu óc. Cuốn tạp chí được cất vào tủ. mấy năm sau, một hôm tôi soạn tủ để vứt bớt các sách báo không cần thiết. Cuốn tạp chí CA NHẠC này tôi đã định bỏ vào xấp báo bán ve chai, nhưng giở ra đọc lại bài thơ, tuy cũng chẳng hiểu gì hơn nhưng tôi tự nghĩ chắc nó không phải là đồ bỏ. tuy không biết nhiều về tác giả nhưng tôi nghĩ ít nhất ông cũng sinh ra được một Đặng Thái Sơn, một tài năng trẻ được thế giới biết đến, lẽ nào trước khi từ giã cõi đời ông lại làm một bài thơ để cho người ta đem bán ve chai! Nghĩ thế tôi lại cất cuốn báo vào tủ. thú thực từ xưa tôi vốn không ưa loại thơ “siêu thực” này, vì càng đọc càng không hiểu tác giả muốn nói gì. Đôi khi tôi còn ác cảm với tác giả, cho rằng nếu ông không phải thần kinh có vấn đề thì cũng là người ngông cuồng hoặc thất chí, làm như ta đây có những tư tưởng lớn thiên hạ không hiểu nổi. nhưng riêng đối với Đặng Đình Hưng thì tôi không dám mà chỉ nghĩ rằng ông có tâm sự bí ẩn gì đây không tiện nói ra nên mới mượn nàng Mỵ Châu để gửi gấm. Tôi chắc các độc giả của Xưa & Nay ít ai có can đảm đọc hết bài thơ này mà không bỏ dở và bực bội muốn thốt lên: “Ôi! Thơ với thẩn! Tôi không hiểu được loại thơ này đâu!” cũng giống như một số các bạn thơ của tôi, có người bảo: “Làm thơ gì mà bí hiểm, ai mà hiểu được. Sao không làm để cho ai đọc cũng hiểu. Thơ hay mà dễ hiểu thì mới được nhiều người thích. Đúng vậy, nghệ thuật Thơ, Nhạc, Họa… mỗi thứ đều có nhiều trường phái, nhiều trình độ; dù trường phái nào, cao hay thấp cũng đều quý và cần thiết. Tất nhiên những cái cao thường khó hiểu và ít người hưởng ứng hơn. Không biết ai đó đã nêu lên “quy luật tam giác cân” để tượng trưng cho trình độ nghệ thuật của một cộng đồng và số người hưởng ứng. Tại mỗi điểm M trong tam giác ta kẻ một đường ngang EF tượng trưng cho số người hưởng ứng. Ta thấy rằng càng lên cao thì đường ngang càng thu ngắn lại, tức số người hưởng ứng ở trình độ cao càng ít. Tất nhiên, quy luật này không đúng ở chiều ngược lại, vì không phải tác phẩm nào được ít người hưởng ứng cũng đều có giá trị cao nên cần kiểm tra lại từ gốc xem nó phát xuất từ đầu óc nào. EF: số người hưởng ứng MH: trình độ
Thế rồi bỗng một hôm tôi lục tủ sách để tìm một cuốn sách cũ. Tìm thấy rồi, tình cờ lại thấy cuốn CA NHẠC, tôi bèn lấy ra để lúc rỗi xem chơi. Rồi một hôm rảnh rỗi, với tâm hồn rất thư thái, tôi mở ra đọc lại bài thơ, cũng không cố ý tìm hiểu bài thơ, thì lạ thay những cụm từ và những câu thơ vô nghĩa trước đây lại thấy lóe lên những ý tưởng rất chính xác khiến tôi có cảm tưởng như đi guốc vào bụng tác giả vậy. Thì ra chỉ có mấy từ mà ông đã chơi khăm sử dụng với nghĩa rất éo le mà khi đoán ra được thì vô cùng chính xác như là “con nghê vàng nghênh lá”, “chim cá chuyện trò hoa”, “chải lược, hà hơi kiếm bạc chập lăng gò”… Thế mới biết để diễn ta hay tìm hiểu một vấn đề sâu xa không thể chỉ bằng chữ, bằng lời mà phải bằng tư tưởng, bằng tâm linh. Bởi thế, người xưa mới có câu: “Thư bất tận ngôn. Ngôn bất tận ý. Ý tại ngôn ngoại”. dù sao đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân của tôi, không dám đưa ra trao đổi. biết đâu quý vị đôc giả cũng có thể tìm được những ý hay hơn, chính xác hơn mà người duy nhất biết được đúng hay sai chỉ là tác giả (!) THÙY DƯƠNG KHÓC MỴ CHÂU Phỏng dịch bài thơ KHÓC MỴ CHÂU của ĐẶNG ĐÌNH HƯNG đăng trên tạp chí CA NHẠC số 8 năm 1991 Ngàn xưa vang vọng trống đồng, Nghe hồn sông núi bập bùng lửa thiêng… Sử vàng chưa chép nên thiên, Giang sơn tạo dựng một miền thênh thang. Đấu tranh khắc khổ gian nan, Xông pha xuống thác lên ngàn quản chi. Niềm tin gửi đấng Từ Bi, Mưa hòa gió thuận biên thùy vững yên. … Sơn hà rung chuyển một phen, Tràng thành trống giục nửa đêm trăng tàn. ầm ầm binh mã lên đàng, gươm thiêng sắc quắc ngạc vàng sáng rung! Nhiệm màu ngựa lướt song song, Nghê vàng soi bóng hồ, giong chiêng đồng. Xiêm hoa lệ biếc môi hồng, Nghênh đường lộng khói hương nồng đế kinh. Non sông vọng khúc thanh bình, Tạ từ ai nỡ dứt tình bội duyên! Môi hoa còn đọng hương nguyền, Loa thành phút chốc khói huyền ngút mây! Thương thay giếng lệ biếc đầy! Hồng hoang một thuở thơ ngây tội tình. Thời vàng thiên hạ thái bình, Biển tình đắm mộng ngay tình nước non. Bạc đầu hận bóng hồng nhan, Yến oanh hận tội nồng nàn gối chăn. Gấm hoa hận lỡ cung đàn, Tội ai gây hận phũ phàng tình hoa. Trông theo lệ biếc khói nhòa, Ô hô thành quách khuất xa mịt mùng! Vó câu khấp khểnh đường cùng, Sau lưng quắc mắt lạnh lùng thần linh… Dõi theo vệt ngựa ân tình, Mịt mù hoang địa lông chim trải đầy… Non sông chìm đắm từ đây, Voi ngàn lững thững lạc bầy rừng xanh. Kẻ cười ngạo nghễ uy danh, Người về thương xót mảnh tình hồng nhan! Gót thù giầy xéo giang san, Lìa hoa bướm lội lầm than vũng lầy!
THÙY DƯƠNG Ghi chú : Vì khuôn khổ bài thơ không cho phép viết dài, bài này chỉ mới nói lên được một phần nhỏ ý nghĩa rất phong phú cụ thể của nguyên bản. Tà áo quê hương Nhà tôi mặc áo bà ba Áo thêu cánh bướm bay ra lều chiều Bài thơ tôi viết dưới lều Bút nghiêng nhớ bướm thơ chiều nở hoa Em vào thay áo bà ba Chiều vừa khép nắng trong tà áo em Nụ cười hoa nở hờn duyên Gió ngoài cửa ngõ trăng trên mái lều Bài thơ tôi viết hồi chiều Tặng em chưa nói được nhiều ái ân Em về có gió đưa chân Trăng thu dẫn lối… tình xuân hẹn hò Lỡ như xuống bến đợi đò Để tôi mượn bước sông hồ đón em Nếu như lá rụng ưu phiền Mùa thu để lại giữa miền cát bay Em về đỡ lá trên tay Thêu lên vạt áo sầu đầy nhớ nhung TRẦN LỮ VŨ Nước mắt bây giờ Nước mắt đó, bao lần con đã khóc, Thương cho mình, số phận quá linh đinh, Đời vùi dập, người khen, chê, trách móc… Nuốt đau thương, con tự ủi an mình! Tự băng bó mỗi lần con vấp ngã, Tự dỗ dành: Mai rồi sẽ tốt hơn, Nhưng vận xấu vẫn còn đeo đẳng mãi, Con hoài nghi, rồi tuyệt vọng, tủi hờn! Con tự hỏi: Nếu Cha là Thượng Đế, Vất con đây, Người chẳng chút xót thương? Cha ở đâu? Xuống, hay chưa xuống thế? Để con chờ, con đợi đến mỏi mòn? Quanh mình con, toàn một mầu đen tối, Con cô đơn, rồi hốt hoảng, kinh hoàng, Bàn tay nào, dìu con qua bối rối? Và cho con nơi nương tựa vững vàng? Thiện Tri Thức trao con lời Phật dạy: “Hãy quay vào, nương tực chính TÂm mình, Đau khổ đến từ đâu, do đấy gỡ, Bao muộn phiền, lầm lỡ, tại VÔ MINH!” Nương lời dạy, con đi trong THÁNH ĐẠO, Rồi tập tành Quán Sát, với Tư Duy, Theo người trước, con hành thâm BÁT NHÃ, Và tập từng chút một, hạnh TỪ, BI… Tập Phóng Sinh, tập làm quen BỐ THÍ, Tập mở lòng, thương tất cả sinh linh, Làm LỤC ĐỘ, và Quán Soi Vạn Pháp, Con nhẹ lần Nghiệp Lực, thêm Tự Tin. Đến một lúc, Tâm con bừng sáng tỏ: Thấy TA KHÔNG, thấy vạn pháp VÔ THƯỜNG, Thấy khổ, vui, do CHẤP MINH, CHẤP PHÁP, Thôi chấp TA – Pháp cũng hết quay cuồng. Con chợt tỉnh cơn mê, đời vắng lặng. Thấy quanh con là Giáo Pháp nhiệm mầu, Nâng đỡ con, như cồn cao, núi lớn, Con vững vàng, thoát hết mọi buồn đau. Bừng cơn mộng, thân tâm con an lạc, Lửa não phiền, thôi đốt cháy tâm can, Nước mắt đó, bây giờ con lại khóc, Mừng cho mình, vạn kiếp hết lầm than. 21.01.2002 Tâm Nguyện
- lên tiến: lên tiền: - lên tiễn: lên thậm tiện: - O! N.. Lên… “lên tiên” Thời gian: trôi tháng – ngày qua Xanh… Vàng – Đỏ thắm giao hòa – Buồn – Vui Tiến lên: thêm chút – Ngọt – Bùi “Không gian” … Trên – Dưới dập vùi – Đắng – Cay Thời nay: thêm chút – Đổi – Thay VĂN MINH – HIỆN ĐẠI tầm tay – Vui – BUỒN Ráng lên: theo chúng – xuôi nguồn VĂN HÓA – CHỚP NHOÁNG tràn tuôn – ngập lòng Hiến - văn: hối hả - long đong BỐN NGHÌN NĂM LẺ đục – trong “Tiên – Rồng” Lạc - Việt: siêu tốc “Tổ Tông” Vuông – Tròn – Trăm – Trứng chưa xong sự đời Thiện thời địa lợi tuyệt vời Nước – Non NHƯ Ý ngời ngời Năm Châu
TRẦN QUANG “Tháng mười một chưa cột đã mợ” nghe “NGỤY HỆT” * Đây là cách chiết tự một lối chơi chữ mua vui
Nối nhịp cầu thơ Mang nặng tâm tư khách nhỡ tàu Con tim thổn thức một niềm đau Anh vô tình thế nào hay biết Em ngậm ngùi buồn – cách biệt nhau
Anh hờ hững quá – vô tư quá
Em vẫn lặng thầm bao tháng năm Rừng thẳm ngàn đời xanh bóng lá Mượn vần thơ tím khóc tình câm
Đến một chiều thu hoa tím rụng
Trời mây vương đọng nét yêu đương Em rời phố thị thôi mơ mộng Chấp nhận đơn côi vạn nẻo đường
Mình anh ở lại chốn thành đô
Man mác quạnh hiu chẳng bến bờ Anh chợt mơ về trăng núi Ngự Tiếng chuông Thiên Mụ – dáng người xưa
Giấc mộng canh dài chạnh nhớ em
Nhớ tà áo tím thoáng bên thềm Vần thơ êm dịu và duyên dáng Bỗng nụ hoa tình nở giữa đêm
Chạnh nhớ thương em – nhớ nụ cười
Nhớ đôi má thắm – nhớ làn môi Tâm hồn thánh thiện và nhân hậu Hạnh phúc trào dâng đến nghẹn lời
Bến Mộng đón anh – khách nhỡ tàu
Đôi tim hòa nhịp – hết sầu đau Bên nhau – thơ bỗng bừng hương sắc Hai trái tim yêu nối nhịp cầu Ngàn Phương
Dẫn đường Một hôm nhắm mắt giả mù Để xem trời đất âm u thế nào? Ra đường bước thấp bước cao Người xe như nước cứ ào ào qua.
Họ đi đường họ mặc ta
Nhưng lòng lo sợ xe va quệt vào Mắt không nhìn thấy làm sao? Cái tai phải thính, nâng cao đề phòng
Hiểu đời dạ tự bảo lòng
Thứ tí, Người chớ có hòng đi xa Dò đường ta bỗng “ngộ” ra Dẫn đường đâu phải việc ba thằng mù. Lê Minh Chử
Bốn mùa
Xuân Ra vườn thấy nắng rung rinh Ai cười trong nón cho mình ngẩn ngơ
Hạ Nắng reo phơi phới trên đường Nghe vang tiếng guốc tan trường bữa xưa
Thu Tóc dài chảy một dòng im Trong veo làn nước bóng thuyền Trương Chi
Đông Tiệc tan Nhạc lặng Người về Gió bay xác pháo bên hè nhà em.
Thiếu Khanh (Nghìn Xưa Ðể Lại) TRUYỆN KIỀU (Câu 1275 – 1408) 1275. Khách du bỗng có một người, Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương. Vốn người huyện Tích châu Thường, Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri. Hoa khôi mộ tiếng Kiều nhi,
1280. Thiếp hồng tìm đến hương khuê gửi vào. Trướng tô giáp mặt hoa đào,T Vẻ nào chẳng mặn nét nào chăng ưa? Hải đường mơn mởn cành tơ, Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng.
1285. Nguyệt hoa hoa nguyệt não nùng, Đêm xuân ai dễ cầm lòng được chăng?
One day, among the customers, suddenly came
A gentleman – Thúc Kỳ Tâm – his full name, A literary descendant from Tích district, Thương country. He came to help his father running a shop in Lâm Tri. Being impressed by Kiều, a beauty queen as rumor spread, He came and sent his rosy card to her chamber with politeness. Behind flowery curtains, face to face he met the peach flower, He was charmed by every feature and manner of hers. A tender camellia on its gentle bough, so young and fresh, The more winds and rains(1) affected her, the warmer her attractiveness. Like moonlight bathing flower, flower stirring moonlight,(2) How could they hold their own feelings in a Spring night? ----------- (1) Sexual love she had to suffer during her life of a courtesan (2) “Moon and flower”: symbol of flirting or frivolous love
Lạ gì thanh khí lẽ hằng,
Một dây một buộc ai giằng cho ra. Sớm đào tối mận lân la,
1290. Trước còn trăng gió sau ra đá vàng. Dịp đâu may mắn lạ dường, Lại vừa gặp khoảng xuân đường lại quê. Sinh càng một tỉnh mười mê, Ngày xuân lắm lúc đi về với xuân.
1295. Khi gió gác khi trăng sân, Bầu tiên chuốc rượu câu thần nối thơ. Khi hương sớm khi trà trưa, Bàn vây điểm nước đường tơ họa đàn.
It’s nothing strange when their heart beats were in harmony.
They were bound so tightly that nobody could snatch them separately. First, their meetings would mean exchanging loving pleasures, But moon and breeze soon became stone and gold lovers.(3) Fortunality, there came a nice opportunity When Thúc’s father had to go to his village suddenly. Thúc then fell in a state of “one awake ten day dreaming” He spent most of Springtime beside his new love in Spring. Sometimes they sat in the balcony, side by side in sweet breeze, Or by moonlight tasting immortal wine, playing game of divine poetry. At dawn, breathing perfumed air, noon time, some nice tea to be alert, Then playing chess game, or guitar and lute in duoconcert. ------------- (3) Moon and breeze: symbol of frivolous loves. Stone and gold: true love aiming at a lifetime union.
Miệt mài trong cuộc truy hoan,
1300. Càng quen thuộc nết càng dan díu tình. Lạ cho cái sóng khuynh thành, Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi. Thúc sinh quen thói bốc rời, Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
1305. Mụ càng chuốt lục, tô hồng, Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê.
They spent most of the time seeking and enjoying pleasures,
The more he got used to her manners, the closer grew their loves. How mystical of those fascinating love billows! They might overturn buildings and palaces in a few blows. Thúc was a type of man who was used to a high expense life, He might pour hundreds or thousands of teals for a sweet smile. As money odor stirred her greed, with green and rose colors, The old woman tried to embellish her cherished girl.
1385. Nửa năm hơi tiếng vừa quen,
Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng. Giậu thu vừa nảy giò sương, Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi. Phong lôi nổi trận bời bời,
1390. Nặng lòng e ấp tính bài phân chia. Quyết ngay biện bạch một bề, Dạy cho má phấn lại về lầu xanh. Thấy lời nghiêm huấn rành rành, Đánh liều sinh mới lấy tình nài kêu.
1395. Rằng: Con biết tội đã nhiều, Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam.
Half a year had passed when the couple were living at case,
On the yard, green branches were already spotted with yellow leaves. New buds had just peeped out all over the Autumn hedge,. When Thúc father suddenly arrived after a long time since he left. He broke into anger seeing the situation, For the sake of the family union, he proposed a separation. Then with one side pleading, he proclaimed his order aloud: “Send the rosy cheeked girl back to her green house! Thúc found those serious words reasonable and steady, He ventured to appeal to his father for mercy: “Father, my faults are so great and deserve punishment, “I would accept lightning, hammers and axes without lament.
Trót vì tay đã nhúng chàm,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây. Cùng nhau vả tiếng một ngày,
1400. Ôm cầm ai nỡ dứt dây cho đành. Lượng trên quyết chẳng thương tình, Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi. Thấy lời sắt đá tri tri, Sốt gan ông mới cáo quỳ cửa công.
1405. Đất bằng nổi sóng đùng đùng, Phủ đường sai lá phiếu hồng thôi tra. Cùng nhau theo gót sai nha, Song song vào trước sân hoa lạy quỳ.
“I was so stupid to dip my hand in indigo ink,
“Being a fool already, to get wise I need time to think. Besides, we have lived together, even one day does matter, “How could one break the string of the guitare he is holding, Father? “If you decide not to have any pity on me, “Then I shall have no regret for my life, whatever it will be!” These determined words, as firm as iron and stone, Aroused Mr.Thúc’s anger, he brought the matter in justice to solve. So, peaceful ground suddenly aroused high bellows, The couple received a rosy paper calling them both. They followed the satellites to the flowery courtyard, Where they set on knees and prostrated themselves downward. (to be continued) THUY DUONG
NHỮNG NGUY CƠ LÀM TAN VỠ HẠNH PHÚC VỢ CHỒNG Nhà giáo: Lê Hùng Dương Trong thực tế hiện tại đã có quá nhiều cuộc sống hôn nhân bị đỗ vỡ. Hạnh phúc vợ chồng bắt đầu từ ngày thành hôn giống như chỉ mành treo chuông. Ở mỗi cặp vợ chồng từ lúc bắt đầu chung sống cho đến khi răng long đầu bạc thường phải đương đầu với không biết bao nhiêu nguy cơ dẫn đến xung đột. Mức độ xung đột có thể từ những nỗi giận hờn nhẹ nhàng đến những tranh chấp có bạo lực tham gia và cuối cùng dẫn đến đỗ vỡ. Những nguy cơ làm đổ vỡ hạnh phúc vợ chồng: 1. Người chồng sa đà theo bạn bè, nhậu nhẹt, trác táng, về khuya: Sau đám cưới, một số bạn trẻ ngày nay thường lý luận rằng có vợ nhưng vẫn dành thời gian thù tiếp bạn bè. Phần lớn những người trẻ này sợ bạn bè cho rằng anh ta sợ vợ. Có vợ rồi quên mất bạn bè. Một cặp vợ chồng trẻ, trình độ học vấn cao, giàu có, mới thành hôn nhưng chỉ sáu tháng sau phải li dị. Ông chồng đêm nào cũng theo bạn bè nhậu nhẹt đến khuya hai, ba giờ sáng mới về. Cô vợ trẻ mỏi mòn chờ đợi đến khi không chịu nổi nữa đưa đơn ra tòa nói tiếng tan hàng, đôi ngả chia ly. 2. Người chồng vẫn còn tính lăng nhăng trai gái: Một bộ phận những người trai trẻ có vợ rồi nhưng vẫn thích chạy theo bóng sắc. Vợ biết được thì thuyết minh là vì công việc phải quen biết người này người nọ và cố gắng thuyết phục người vợ rằng chỉ “qua đường thôi”. Thực ra, đây cũng là một lối sống không phù hợp đạo lý và chuyện “qua đường” chỉ là để ngụy biện cho lối sống buông thả của người đàn ông. Không thể có người phụ nữ nào chịu được cảnh ông chồng nay quan hệ người đàn bà này mai quan hệ người đàn bà khác. Thêm vào đó mặc cảm bị chồng coi thường sẽ dẫn tới chuyện li dị không có gì lạ. 3. Người chồng đam mê cờ bạc, phát sinh nợ nần: Sau đám cưới về sống chung, người vợ mới phát hiện chồng mình là tín đồ của bác thằng bần. Cuối tuần thay vì đi giải trí hay tạo những giờ phút riêng tư, trao đổi niềm vui công tác sau một tuần làm việc, ông chồng bỏ đi đánh bạc đến sáng Thứ Hai mới về, vội vã thay đồ đến sở làm viêc. Tương lai của đàn con cái sẽ không ra làm sao hết và rồi năng suất làm việc của ông chồng cũng sẽ tuột dốc dễ dàng đưa tới tình trạng thất nghiệp. Cái nghèo nàn túng thiếu cũng sẽ không xa. Ở tình thế này, người phụ nữ chắc chắn phải chia tay với con cháu bác thằng bần thôi, nếu không muốn tương lai của con cái đặt vào chén bạc, canh bài của ông chồng. 4. Người chồng nghiện ma túy hay bị HIV: Trường hợp sau ngày đám cưới, vì một lý do nào đó người đàn bà phát hiện chồng mình đã bị nhiễm HIV. Nguy cơ hạnh phúc tan rã là rất lớn. Người vợ sẽ không thể nào chịu đựng được khi thấy tương lai hoàn toàn sụp đổ. Cách hay nhất là tránh xa cái mầm bệnh đó, rồi tự đi điều trị hy vọng được qua khỏi để làm lại cuộc đời. 5. Người chồng có tính bạo hành, lỗ mãng: Sau ngày thành hôn, người phụ nữ dần dần phát hiện tính tình hung dữ của người chồng. Đây là trường hợp những cuộc hôn nhân chớp nhoáng hoặc do mai mối, không qua tìm hiểu. Những cơn bạo hành dưới những hình thức khác nhau của người chồng dày vò lên thể xác và tinh thần của người phụ nữ. Cuộc sống chung của hai người như chìm trong chín tầng địa ngực. Tẩu đào vi thượng sách, thôi thì chỉ còn cách đào thoát khỏi ông chồng vũ phu này để làm lại cuộc đời. 6. Người chồng bị rối lọan trong quan hệ vợ chồng (bạo hành trong quan hệ gối chăn, không thỏa mãn được người vợ, bất lực…): Sau khi về nhà chồng, người phụ nữ mới phát hiện người ch ồ ng gặp rắc rối trong chuyện gối chăn. Đây là vấn đề hết sức tế nhị. Rất nhiều người phụ nữ không hình dung trong thực tế có nhiều người đàn ông bị ở trong hoàn cảnh thê lương như vậy. Qua tìm hiểu ở những chuyên gia ngành đông và tây y được biết những rắc rối trong chuyện gối chăn thường thể hiện ở nhiều mặt như quan hệ quá nhanh chóng rồi lăn ra ngủ làm cho người phụ nữ không chỉ không hài lòng mà còn vô cùng hụt hẩng, hoặc trường hợp người chồng không đủ khả năng thực hiện trách nhiệm của mình, hoặc trường hợp bi đát nữa là người đàn ông luôn dùng bạo lực khi quan hệ gối chăn. Người phụ nữ nào không may mắn gặp phải những ông chồng như thế này thì dù thương yêu nhau rất mực, trước sau gì cũng phải dứt áo ra đi. Bởi vì đây có thể nói là yêu tố quan trọng trong việc tạo dựng hạnh phúc vợ chồng. Tuy nhiên, hiện nay tại một số bệnh viện có tổ chức phòng khám Nam Khoa. Các đấng ông chồng ở trường hợp này nên đến khám và điều trị hòng cứu vãn tình thế. 7. Người vợ không thích quan hệ gối chăn, lãnh cảm, xem chuyện quan hệ gối chăn là xấu xa. Một nguy cơ khác nhưng lại ở về phía người phụ nữ. Có một số phụ nữ cho rằng chuyện quan hệ vợ chồng có vẻ quá “trần tục” và coi đó là những hành động xấu xa của hai người đàn ông và đàn bà. Những phụ nữ này đến tuổi trưởng thành vẫn biết yêu đương rồi tiến đến hôn nhân. Nhưng khi quan hệ gối chăn thì hoàn toàn bị động phó mặc cho ông chồng làm nhiệm vụ, không hề có một mảy may hưởng ứng. Có người còn cho biết trong cuộc sống hôn nhân họ hoàn toàn lãnh cảm. Trong trường hợp này, tình cảm giữa hai vợ chồng dễ dàng bị sứt mẻ, nếu cả hai không biết cách chữa trị sẽ dẫn đến nguy cơ làm tan vỡ hạnh phúc vợ chồng. 8. Chậm con: Người ta thường cho rằng nếu sau một năm, hai vợ chồng không áp dụng kế họach hóa gia đình, mà vẫn chưa có tín hiệu về con cái tức là hai vợ chồng này có vấn đề. Nếu hai vợ chồng có trình độ và bình tĩnh cùng nhau đi chữa trị nếu cần hoặc sử dụng các biện pháp khoa học giúp hai vợ chồng tìm ra hậu duệ. Có những cặp vợ chồng khi thấy đã gần nhau lâu mà chưa có con cái, vội vàng đổ lỗi cho nhau đưa tới tranh cãi, nguy cơ dẫn tới “đôi ngả cho đôi ta”. 9. Người vợ bị phát hiện đã có quan hệ th ể xác với người đàn ông khác trước cuộc hôn nhân này. Sau đêm tân hôn, người đàn ông phát hiện vợ mình đã là người đàn bà rồi chứ không còn trong trắng đến ngày đám cưới. Đây là trường hợp hai người trong thời gian tìm hiểu chưa thành thật với nhau. Nếu gặp một người đàn ông không được rộng lượng, sự việc sẽ trở nên trầm trọng và hạnh phúc vợ chồng không được bảo đảm. 10. Ghen tương. Một trong hai người đã có mối tình khác và bị phát hiện. Trong cuộc sống hôn nhân dù rằng đã có con cái nhưng một trong hai người phát sinh một mối tình khác với đối tượng mà người đó cho rằng đây mới chính là một nửa cái tôi của người đó. Thế rồi sau bao nhiêu lần xung đột vì ghen tương họ thông báo lẫn nhau để sắp xếp và chia tay êm đẹp cho người kia đi theo tiếng gọi của trái tim. Khi cảm thấy người kia không còn là nửa cái tôi của mình. Sau một thời gian chung sống, ngay cả khi đã có con cái, và qua những xung đột lớn có nhỏ có, người này phát hiện người kia không phải là một nửa cái tôi của mình, ngược lại người kia cũng vậy. Nói cách khác hai người không thấy hợp nhau nữa. Hai người đành phải chia tay với sự đồng thuận của cả hai bên. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hai người có thể đối xử với nhau như bạn để giữ hạnh phúc cho con cái. Thời kỳ đóng băng này có thể kéo dài trong nhiều năm cho đến một thời điểm nào đó, một đoạn kết có hậu sẽ xảy ra và hai người sẽ tìm lại nhau. 11. Mê tín dị đoan: Trong gia đình, một người có óc mê tín dị đoan thường xuyên cúng kiến, vía trời vía đất, vía đủ thứ ông bà ông vải, rồi đốt nhang đèn, vàng mã khói lửa mịt trời. Nhưng khổ nỗi người kia không thích như vậy. Thế là có xung đột nguy cơ đổ vỡ rất dễ xảy ra. Có trường hợp, người vợ thích nghe lời mấy ông thầy bói bá láp, mấy bà đồng bà cốt phán cho nào là vợ chồng kỵ tuổi phải cúng kiến một tháng hai ba lần, nào là nhà ở nhằm hướng sát chủ, cũng phải cúng kiến. Ông chồng nổi điên hốt cái đám giấy tiền vàng bạc, quần áo giấy vứt hết vào thùng rác. Hiện nay người ta thường dùng từ ngữ phong thủy để che đậy cái óc mê tín dị đoan, nhưng nếu không có sự đồng ý của hai người sẽ dễ gây xung đột. 12. Gia đình bên chồng hà khắc Sau đám cưới người phụ nữ phát hiện nhiều thành viên gia đình bên chồng quá khó chịu với cô dâu mới này. Thông thường là cảnh mẹ chồng, em chồng đối xử không tốt đối với nàng dâu. Có những cặp vợ chồng mới cưới chung sống biệt lập với gia đình bên chồng, nhưng bà mẹ chồng và cô em chồng đến mè nheo hết chuyện này đến chuyện khác. Trong khi đó, người chồng hoặc không biết hoặc bất lực không giải quyết được. Người vợ trẻ đành phải từ giã lên đường, trở về sống với cha mẹ ruột. 13. Chênh lệch trình độ văn hóa. Thường xảy ra ở những cặp vợ chồng mà trình độ văn hóa chênh lệch đặc biệt là người vợ có văn hóa, học vị cao hơn người chồng. Đây là trường hợp một cặp vợ chồng mà người vợ có trình độ đại học, làm việc cho một công ty nước ngoài, trong khi người chồng là một giáo viên cấp một. Người vợ đảm trách tất cả những mối quan hệ bên ngoài và cả gia đình hai bên. Người chồng ngoài giờ dạy học thường giao du với bạn bè nhậu nhẹt, bạc bài. Khi hết tiền thì đi ăn cắp tiền của vợ. Con cái không chăm sóc đúng mức gây hậu quả đứa con bị bệnh nặng rơi vào đời sống thực vật. Người vợ đành phải chia tay. Trên đây là những tình huống trong rất nhiều tình huống khác. Thường thường trong thời gian tiền hôn nhân chưa ai phát hiện. Khi về sống chung với nhau nguy cơ dần dần phát sinh. Vấn đề ở đây là làm sao giảm thiểu những nguy cơ đó. (Kỳ tới: Để không nói lời chia tay ở vợ chồng) Nhà giáo Lê Hùng Dương TRÂN TRỌNG “… Khi bạn ứng xử với cha mẹ, bạn bè hay người lạ, hãy nhớ rằng trên một bình diện sâu xa không có “tôi” và “anh”, không có “chúng ta” và “họ”; tất cả chỉ là một thực thể trống rỗng. Từ sự trống rỗng này, phát tỏa tình thương đối với muôn loài. Nhiều yếu tố khổ đau trong sự liên hệ tình cảm của ta đối với người khác sẽ rơi rụng, khi ta thực tập phát triển lòng tốt đẹp trong cuộc sống.” “… Sự cởi mở, nhân ái có thể giữ cho ta được an lạc và quân bình. Nếu bạn bỏ một muỗng muối vào trong ly nước, nước trong ly sẽ có vị mặn. Nhưng nếu bạn bỏ bấy nhiêu muối, hay nhiều hơn thế nữa, vào một hồ nước lớn, vị của nước vẫn không thay đổi. Tương tự như vậy, khi tâm ta hẹp hòi và cố chấp, bất cứ một sự đụng chạm nào cũng đều có ảnh hưởng xáo trộn mạnh mẽ. Khi tâm ta có một khoảng không gian thênh thang thì những đụng chạm tiêu cực gấp mấy lần thế cũng không gây ảnh hưởng. Tốt đẹp là một biểu tượng (đức tính?) nhu thuận và rộng khắp mà ta luôn có thể ban bố trong cuộc sống”. “Thế cho nên bậc chân nhân làm việc không gây thiệt hại cho ai, mà cũng không ân huệ cho ai. Không động vì lợi mà cũng không coi người canh cửa là hèn. Không vì tiền của mà tranh, cũng không lấy sự nhún nhường làm quý. Công việc không nhờ vả vào ai, mà cũng không lấy việc tự lập làm quý, không khinh kẻ tham lam. Đức hạnh khác người thế tục, nhưng chẳng chuộng sự khác lạ. không hùa theo đám đông mà cũng không khinh người xiểm nịnh. Tước lộc của đời không đủ để khuyến khích, hình phạt chẳng đủ để ai nhục. Họ biết phải trái không có chỗ phân được, lợi nhỏ không có chỗ định được. Cổ nhân có nói: “Người có đạo thì lặng lẽ, bậc chí đức thì không mong gì cả, còn người đại nhân thì không có mình: họ đã hợp nhất (tất) cả làm một.” “Bạn sẽ khám phá ra rằng càng vô hình chừng nào, cuộc sống lại càng giản dị và thư thái chừng ấy.” “Một người đi thuyền qua sông. Một chiếc thuyền không người lái từ đâu trôi đến, đụng vào mạn thuyền của ông. Cho dù có là người nóng tính đến đâu, ông sẽ không giận. Nhưng nếu thấy bên thuyền kia có người, ông sẽ hét lên, bảo người kia bẻ lái. Nếu không nghe, ông sẽ tiếp tục la hét, chửi mắng, nóng giận. Tất cả chỉ khác nhau ở chỗ thuyền bên kia có người. Nếu là một chiếc thuyền không thì chắc chắn sẽ không có sự nóng giận, la mắng. “Nếu biết đem cái lòng tống không mà đối xử với đời thì ai mà ngăn trở mình, ai lại muốn làm hại mình? “Hãy làm (xin như?) một chiếc thuyền không, băng qua dòng sông cuộc đời bằng sự cởi mở, trống không và thương yêu, “thì ai mà ngăn trở mình, ai lại muốn làm hại mình?” “…Một đức tính vô cùng quan trọng trong việc trao đổi ý kiến là phải biết lắng nghe, biết thông cảm với hoàn cảnh (của người) với người khác. Bằng một tâm thinh lặng, khi chúng ta thật sự biết chú ý, một phương tiện truyền thông thích hợp sẽ trở thành rõ rệt. Đừng chấp vào một khái niệm đặc biệt nào… hay là giữ bất cứ một thiên kiến nào. Đừng dựa vào một nơi nào. Đôi khi ta chỉ cần một cuộc đối thoại tầm thường, trao đổi giản dị và thoải mái. Học cách lắng nghe là một nghệ thuật rất cao. Hãy giữ sự cởi mở và chấp nhận kẻ khác. Một thái độ vô ngã và chịu tiếp nhận có thể đem lại cho ta một tầm hiểu biết và chia sẻ rộng rãi.” “…Không phải chỉ có tiến trình của thân tâm, mặc dù đây là điều căn bản, mà là thấy mọi sự cho thật sáng suốt, những người chung quanh, mối quan hệ, hoàn cảnh,… Sống với chánh niệm, với tỉnh thức cùng với một sự an vui trong tình thương. Tự thân chúng ta là một chân lý đang phô bày và thời gian để ta thực hiện… một kiếp luôn không thường hằng, như mùa thu, mùa đông… chúng từ từ qua đi. “… Vui buồn như gió mây, trỗi lên từ thân rỗng ống sậy. Cứ ngỡ ngày lại tưởng đêm. Hiện tại là tất cả.” Hãy xin bằng lòng với tình yêu hiện giờ, và trân trọng với sự biết ơn quá khứ quý Bạn nhé! Trần Quang (13/11/2010)
PHẬT HOÀNG VIỆT NAM TRẦN NHÂN TÔNG Sang thế kỷ 13, Mông Cổ trở thành một đế quốc hùng mạnh, lãnh thổ rộng lớn vắt ngang địa cầu, từ bờ Thái Bình Dương đến bờ Hắc Hải, gây bao nỗi kinh hoàng cho các dân tộc trên thế giới - xâm chiếm Trung Quốc thiết lập nhà Nguyên. Chính trong thời gian đó, Danh tướng Trần Hưng Đạo chỉ huy quân dân Đại Việt đã đánh thắng 3 lần xâm lược của Nguyên-Mông, dưới sự lãnh đạo của vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông. Đặc biệt, Trần Nhân Tông là một hiện tương độc nhất vô nhị trong lịch sử Tiên Rồng. Với tầm vóc Danh nhân văn hóa, Trần Nhân Tông (1258-1308) tỏa sáng trong tư cách một vị hoàng đế anh minh, vị tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và để lại những áng thi ca thấm đượm lẽ đạo tình đời. Thời gian sinh sống nửa thế kỷ trên cõi đời, Trần Nhân Tông đã có những đóng góp xuất sắc vào lịch sử chống ngoại xâm, xây dựng đất nước, phát triển tư tưởng Phật giáo dân tộc và để lại nhiều thơ phú bằng chữ Hán và chữ Nôm có giá trị. Trên thực tế, có thể nhận diện Trần Nhân Tông như một nhân vật lịch sử, một mẫu hình Hoàng đế phương Đông gắn với vị thế Thiền sư – nhà Truyền giáo và Thi nhân – người kiến tạo những giá trị văn hóa. Ở đây, chúng ta xác định Trần Nhân Tông như một tác giả văn học, trên cơ sở đó soi chiếu trở lại vị thế Hoàng đế - Danh nhân văn hóa dân tộc... Vào ngày 24-2 năm Mậu ngọ (1258), Trần Thái Tông lên làm Thái Thượng hoàng, nhường ngôi cho Hoàng Thái tử Hoảng (Trần Thánh Tông). Đến năm 1273, Hoàng trưởng tử Khâm được sắc phong làm Hoàng Thái tử, chọn trưởng nữ của Hưng Đạo làm Phi. Vào năm 1278, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Trần Nhân Tông. Từ đây, Trần Nhân Tông bắt đầu một trang đời mới trên cương vị hoàng đế, cùng toàn dân Đại Việt đánh tan cuộc xâm lược của Nguyên-Mông. Trong thời điểm nguy nan của cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông năm 1285, Trần Nhân Tông cho khắc thơ vào thuyền ngự để động viên quân sĩ và khẳng định niềm tin chiến thắng: Cối Kê cựu sự quân tu ký Hoan, Diễn do tồn thập vạn binh. (Cối Kê viêc cũ ngươi nên nhớ, Hoan, Diễn còn kia chục vạn quân) Trên tư cách hoàng đế, Trần Nhân Tông thể hiện rõ tinh thần yêu nước và tài năng lãnh đạo, tập hợp lực lượng. Vua từng 2 lần hỏi ý kiến Hưng Đạo về thế giặc, Hưng Đạo trả lời: “Theo như thần thấy, phá được chúng là điều chắc chắn” Trong việc dùng người, Vua biết Trần Khánh Dư là kẻ tham nhưng vẫn sử dụng vì Khánh Dư có tài làm tướng. Vua còn trực tiếp hòa giải mối hiềm khích giữa Tả phụ Lê Tòng Giáo với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Yêu, để cả hai giao hảo gắn bó với nhau. Đến ngày toàn thắng, Trần Nhân Tông làm lễ bái yết Chiêu Lăng và có hai câu thơ nổi tiếng khẳng định bản lĩnh, sức mạnh và niềm tự hào dân tộc: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã Sơn hà thiên cổ điện kim âu.* (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá Non sông ngàn thuở vững âu vàng) *cái bình vàng, ví nước nhà như một cái bình vàng. Trong thời bình, Trần Nhân Tông thực hiện chủ trương “Khoan sức dân”, mở rộng sản xuất, đưa ra chính sách thi cử, tuyển dung nhân tài tiến bộ, thúc đẩy kinh tế, văn hóa phát triển. Với tầm nhìn xa trông rộng, ngay cả sau chiến thắng và khi đã nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng hoàng (năm1290), Trần Nhân Tông vẫn đích thân đi đánh dẹp nơi biên ải, trực tiếp giám sát, khuyên bảo vua Anh Tông và tham gia chính sự. Trần Nhân Tông cũng là người trực tiếp điều binh khiển tướng củng cố vùng biên giới phía Tây và phía Nam đất nước. Ngay cả khi đã xuất gia tu hành, đến năm 1301, Trần Nhân Tông vân du các nơi, bàn quốc sự và hứa gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô, châu Lý làm quà sính lễ. Sách ‘Đại Việt sử ký toàn thư’ chép: “Mùa hè, tháng 6 năm 1306, gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chiêm Thành Chế Mân. Trước đây, Thượng Hoàng (Nhân Tông) vân du sang Chiêm Thành đã hứa gả rồi. Các văn sĩ trong triều ngoài nội nhiều người mượn chuyện vua Hán đem Chiêu Quân gả cho Hung Nô làm thơ, từ bằng quốc ngữ để châm biếm việc đó... Mùa xuân năm 1307, đổi hai châu Ô, Lý thành châu Thuận và châu Hóa. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đến vỗ yên hai châu đó”. Trong công việc triều chính cũng như cuộc sống thường nhật. Trần Nhân Tông thực sự là vị vua anh minh, khoan từ, cố kết được lòng người. Trần Nhân Tông cũng là người sống thủy chung, đối xử bình dị, chân tình với cả gia đồng, gia nhân. Trong vai trò Thượng Hoàng, Trần Nhân Tông vẫn nghiêm túc răn dạy vua Anh Tông từ việc lớn đến việc nhỏ. Không chỉ thể hiện những phẩm chất của đấng minh quân chí hiếu – chí nhân – chí minh – chí thành – chí kính, Trần Nhân Tông còn bộc lộ vị thế của mình qua những vần thơ thế sự. Khi đất nước lâm nguy, Trần Nhân Tông ứng khẩu đề thơ, bày tỏ tinh thần dấn thân nhập cuộc cùng toàn dân đánh giặc cứu nước. Đến thời bình, ông viết “Xuân nhật yết Chiêu Lăng” (Ngày xuân thăm Chiêu Lăng) để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên và cuộc chiến vừa qua: Tì hổ thiên môn túc Y quan thất phẩm thông Bạch đầu quân sĩ tại Vãng vãng thuyết Nguyên Phong. (Nghìn cửa, nghiêm tì hổ Bảy phẩm đủ cân đai Lính bạc đầu còn đó Chuyên Nguyên Phong, kể hoài) (Trần Lê Văn dịch)
Với sự tự ý thức về vương quyền và ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo trong quan niệm về con người, Trần Nhân Tông vịnh cây mai để khẳng định phẩm chất bậc hoàng đế: Thiết đảm, thạch can lăng hiểu tuyết Cảo quần, luyện thuế nhạ đông phong. Như Hán Văn xưa, danh tiết kiệm Thái Tông, Đường nọ, tiếng anh hùng (Mai)
(Gan lì sắt đá nhờn sương tuyết Mộc mạc khăn xiêm đón gió đông. Như Hán Văn xưa, danh tiết kiệm Thái Tông, Đường nọ, tiếng anh hùng. (Cây mai – Đào phương Bình dịch)
Trần Nhân Tông cũng ghi nhận tiết tháo của bề tôi, tỏ lòng tôn trọng các quần thần: Ngạo tuyết tâm hư Lăng sương tiết kính. Giả nhĩ vi nô Khủng phi thiên tính. (Trúc nô minh) (Tâm không giãi tuyết Đốt cứng phơi sương. Mượn ngươi làm nô Sợ trái tính thường)
(Bài minh đề trúc nô – Cao xuân Huy dịch) TỊCH HIỆP THIÊN HÀ TẨY CHIẾN TRẦN Có nghĩa là: Kéo dài cả dải ngân hà về để rửa sạch mọi oán hờn, khổ đau và mâu thuẫn từ chiến tranh. Trần Nhân Tông, trong bài thơ tặng Lý Tư Diễn, sứ thần Nguyên –Mông, năm 1289, viết câu thơ mang nhiều ý nghĩa sâu sắc kể trên. Đối với “tâm trạng một dân tộc” chúng ta, mà hàng năm qua, thời gian lầm than, phải kháng chiến chống là các thế lực hiếu chiến phương Bắc để giữ nước, bao giờ cũng dài lâu hơn gấp bội thời gian dựng nước. 1- Sự Khoan Hồng của Trần Nhân Tông: Sau khi chiến tranh chấm dứt, Vua ra lệnh cho tha hết những kẻ hàng giặc bằng cách cho đốt hết mọi lá thư đầu hàng để xóa bỏ nghi kỵ, lo sợ. Không ít ý kiến băn khoăn. Ai cũng biết chiến tranh luôn gây mọi tai họa khủng khiếp cho một dân tộc, bởi nó đảo lộn mọi giá trị. Vua đã làm cái việc ít ai làm nên mong muốn đồng thuận là điều cực khó. Việc này thật là hiếm hoi trong lịch sử, có thể dẫn chứng trong cuộc nội chiến tại Hoa Kỳ (1861-1865) như sau: Trận chiến nổi tiếng nhất là ở Gettysburg vào tháng 4-1863, đã làm 7000 người chết trận của cả hai phe miền Bắc (có 22 bang, có cờ “Stars & Stripes – cờ sao và sọc) và phe miền Nam (11 bang, có cờ “Stars & Bars- cờ sao và vạch lớn, có nô lệ da đen). Tồng thống Abraham Lincoln của miền Bắc chiến thắng - đã làm điều chưa hề có trong lịch sử là ông cho chiêu tập thi hài của cả hai phe để xây dựng thành Nghĩa trang Quốc gia. Xét về tổng thể của lịch sử nhân loại, việc làm của Lincoln là tiếp nối sự việc mà Trần Nhân Tông đã làm, 600 năm sau! Tổng thống Mỹ đã tha thứ cho tất cả mọi lỗi lầm của những kẻ lầm lạc phe miền Nam, và ông còn ra lệnh tha bổng cho 20 vạn tù binh miền Nam đầu hàng – nhất là ông không cho binh sĩ miền Bắc tổ chức ăn mừng chiến thắng, vì “Những người bại trận là đồng bào của chúng ta đó”. Lý do chính là ông biết đó là cách tốt nhất để xóa bỏ hận thù, hàn gắn những vết thương chiến tranh, bãi bỏ chế độ nô lệ, vì mục tiêu thống nhất hai miền Bắc và Nam. Cách nhau 600 năm sống nửa vòng địa cầu, Nhà vua và Tổng thống Mỹ lại tìm được “sự đồng cảm sâu sắc “như vậy. Cả hai bậc vĩ nhân đều biết rõ rằng không thể nào xóa tan được mây đen của thù hận nếu người chiến thắng cứ “sỉ nhục” kẻ chiến bại, theo cách này hay cách khác. 2- Tất cả Vì cái Chung, Vì Giang sơn, Tổ quốc: Trần Nhân Tông đã “Tịch hiệp thiên hà” ngay cả trong thời bình. Sau khi từ giã ngai vàng cao sang, vua con Trần Anh Tông đã bị vua cha dạy dỗ; “Dân vi quý, quân vi khinh. Đất nước điêu linh, tương tàn, quan càng nhiều thì dân đen càng khổ, không thể dành vinh quang, đặc quyền cho một tầng lớp quan lại mà thôi!”. 3- Duyên nợ “Tịch hiệp” của Trần Nhân Tông là cái mối quan tâm nhất. Ta biết rằng, Trần Nhân Tông sau khi đã thành bậc đại sư, pháp danh là Điều Ngự Đầu Đà – người đời gọi là Điều Ngự Giác Hoàng (người theo hạnh đầu đà điều hòa và chế ngự được tâm. Đầu đà, tức “Dhuta”= rũ sạch: 3 loại tham về áo quần, nơi ở, thức ăn). Ông đã bôn ba hoằng dương Phật pháp ở phương Nam xa xôi, nhưng lại còn đóng thêm vai ‘Ông mai, ông mối’. Mâu thuẫn là, lẽ thường tình là xuất gia thì phải lánh tuyệt bụi trần, vậy mà Trần Nhân Tông chẳng hề sợ hãi vì “Phật ở trong tâm. Tâm là Phật”. Quan niệm đó là tông phái đặc trưng của Trúc Lâm Yên Tử. Dẫu sống trong trần ai mà vẫn thanh cao thư thái (Cư trần lạc đạo). Phải đem Phật tính ra để giúp đời, vì Dù xây chín bậc phù đồ Không bằng làm phúc cứu cho một người. Trần Nhân Tông không chỉ cứu một người mà còn cứu cả dân tộc, cứu cả sự vĩnh hằng của giang sơn, tổ quốc Việt Nam . Ông chỉ có một người con gái duy nhất, vậy mà vì vùng phên dậu phương Nam quan trọng tới bờ cõi nước nhà, vì xã tắc muôn đời, ông sẵn sàng chịu để cho người đời chê trách. Ông có nghe câu Tiếc thay cây Quế giữa rừng Để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo? Ông biết nhưng ông tin cuộc đời sẽ hiểu, con cháu sau này sẽ mãi tri ân. Chính nhờ Huyền Trân Công chúa gả cho Chế Mân, chúa Chiêm Thành, mà bờ cõi nước Nam có thêm 2 châu Ô. Châu Lý, sau đổi là châu Thuận, châu Hóa (Huế là Hóa đọc trại ra), chạy dài tới tận đèo Hải Vân. “Tịch hiệp” trong trái tim Trần Nhân Tông là thống nhất cả giống nòi, cả quá khứ lẫn tương lai, cả thành công lẫn lỗi lầm... Trong ông không có sự chia tách Bắc-Nam, đúng như ông đã từng nói: Con người thì có Nam, có Bắc Còn Phật tánh không phân biệt Bắc Nam. Trần Nhân Tông đến với Phật pháp rất sớm, bởi ông biết rất rõ rằng Cõi Phật là lý tưởng, là chân lý đích thực mà không một hệ tư tưởng nào có thể thay thế được. “Tịch hiệp cả giải ngân hà” để cho con cháu đồng lòng, cho Tổ quốc vững bền đến muôn thuở là tâm nguyện của ông. “Giang sơn ngàn thuở vững âu vàng” Là câu thơ được tinh chiết từ khí núi, hồn sông. “Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần” Là nỗi khắc khoải dài lâu nhất cùa dân tộc Việt Nam. Và “Gia trung hữu bảo vưu tầm mịch” (trong nhà có của báu chớ tìm kiếm) là lời nhắn nhủ tâm huyết sâu xa, ý vị đến muôn đời của Trần Nhân Tông - vị PHẬT HOÀNG VIỆT NAM vậy. (Tham khảo: -Tạp chí Kiến thức Ngày nay, nhiều số -Sách”Trần Nhân Tông, vị vua Phật VN, 2004) PHẠM VŨ SỰ TÍCH CHỮ “SONG HỶ” Ở Việt Nam cũng như ở Trung quốc, từ lâu chữ “Song Hỷ” được dùng để tượng trưng cho Hạnh Phúc lứa đôi. Truyền thuyết kể rằng, năm 20 tuổi ông Vương An Thạch đời Tống (Trung quốc), trên dường đi đến trường thi, dừng chân lại tại thị trấn của họ Mã. Ăn cơm xong ông ra phố dạo chơi, tình cờ nhìn thấy trên đèn kéo quân ở nhà viên ngoại họ Mã có đề một câu đối như sau: “Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ”: (Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắc quân ngừng bước) vế thứ hai còn đang chờ người đối. Vương An Thạch xem xong, vỗ tay nói: “Đối dễ thôi!”. Người nhà viên ngoại nghe thấy vội vào bẩm với viên ngoại. Viên ngoại chưa kịp hỏi ai nói thì Vương An Thạch đã vào trường thi rồi. Hôm sau, Vương An Thạch nộp quyển, được quan giám khảo khen nức nở liền mời ông đến thi vấn đáp. Quan giám khảo chỉ lá cờ hổ treo trước cổng đường nói: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” (cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ giấu mình). Vương An Thạch lấy ngay câu đối ở nhà viên ngoại ra đối lại, quan giám khảo thấy ông đối vừa nhanh vừa giỏi tấm tắc khen mãi. Thi xong, Vương An Thạch về qua cửa nhà họ Mã, người nhà họ Mã nhận ra ông bèn mời ông vào gặp viên ngoại. Viên ngoại mời ông đối, ông lấy ngay vế đối “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” ra đối. Viên ngoại thấy đối vừa chỉnh, vừa khéo liền gả con gái cho Vương An Thạch và chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn. Thì ra vế đối “Đèn kéo quân” là do tiểu thư họ Mã đề ra để kén chồng. Đúng ngày cưới, triều đình báo tin vui: Vương đại nhân trúng bảng vàng mời lên kinh dự tiệc. Vương An Thạch đã vui được vợ lại vui vì được triều đình mời vào “Hỷ cộng Hỷ”, thế là ông lấy bút viết lên giấy chữ “Song Hỷ” rồi dán trước cửa phòng mà ngâm: “Kéo đổi nên thành ra Song Hỷ Hổ bay, đèn ngựa kết nhân duyên” Từ đó về sau chữ “Song Hỷ” được người Trung Hoa dùng trong đám cưới, còn người Việt dùng chữ “Song Hỷ” từ lúc nào chắc không ai biết? Bùi Đẹp (st) LỊCH SỬ SÁCH KỶ LỤC GUINNESS Ngày thứ bảy 10.11.1951, ông Hugh Beaver (1890 - 1967), Tổng Giám Đốc hãng bia Guinness đi săn cùng một nhóm bạn bè thân hữu tại lãnh địa Wexford, Ailen. Có rất nhiều chim choi choi cánh vàng bay trên bầu trời nhưng không ai hạ được cả. Tối hôm ấy, trong lâu đài Castlebridge, mọi người hỏi nhau có phải choi choi cánh vàng là loài chim bay nhanh nhất Châu Âu hay không. Họ lôi ra nhiều sách để tra cứu và rất ngạc nhiên là không tìm ra được câu trả lời trong bất cứ sách nào. Do đó ông Hugh cho rằng còn có nhiều câu hỏi không có lời đáp tương tự như thế. Ngày 12.12.1954 ông tiếp xúc với anh em Norris và Mc Whirter, hai nhà bình luận nổi tiếng của đài BBC đồng thời là những người sáng lập ra văn phòng chuyên trả lời các câu hỏi trong phạm vi thể dục thể thao. Họ cùng nhau hăng hái thành lập hội và ngày 27.8.1955 tại số 107 đường Fleet Street ở London, họ phát hành SÁCH KỶ LỤC GUINNESS đầu tiên, gồm 198 trang, và tức khắc, quyển sách đứng vào số 1 của các best-seller năm ấy. Tháng 11.1971 SÁCH GUINNESS được hân hạnh có tên trong SÁCH GUINNESS: với 24 triệu bản, sách trở thành sách bán chạy nhất trong lịch sử của ngành xuất bản. Hiện nay SÁCH GUINNESS được dịch ra 36 thứ tiếng (bản tiếng Việt là thứ 37), và đã vượt qua 65 triệu ấn bản vào năm 1990. Ngày 16.9.2010, phiên bản sách kỷ lục thế giới Guiness 2011 chính thức ra mắt độc giả trên toàn cầu và gần 4 triệu bản được tung ra đến cuối năm. Từ ngày ra mắt độc giả (1955) đến nay phát hành hàng trăm triệu bản in bằng 25 thứ tiếng, trở thành sách bán chạy nhất thời đại. Nhân dịp này, những kỷ lục độc đáo nhất trong sách (cho đến giờ vẫn chưa được phá vỡ) đã được giới thiệu tại London. Con đường gốm sứ 3950m cao 95cm diện tích 7000m2, dựng trên giải bê tông có sẵn của con đê dọc theo tuyến đường Âu Cơ, Nghi Tằm, Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, nút giao thông cầu Chương Dương, các hàng cột dưới chân cầu Long Biên, đài phun nước trang trí gốm tại các ngã ba đoạn Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Sofitel Palaze, chợ Long Biên… Trang trí theo chủ đề tái hiện lịch sử Việt Nam qua các thời Lý – Trần – Lê, Nguyễn, do các nghệ sỹ Việt Nam đương đại, nghệ sỹ quốc tế như Pháp lấy cảm hứng sử thi “Đê đất đê nước” của dân tộc Mường (Hòa Bình), họa sỹ New Zealand làm sáng đoạn đê với những loài hoa nhiệt đới; 2 nghệ sỹ Mỹ sáng tác đoạn tranh “Nhịp điệu âm nhạc” trữ tình; 3 họa sỹ Achentina tái hiện phong cảnh tươi đẹp của 2 nước. Sáng 05.10.2010, giám đốc Pháp chế Guiness thế giới, bà Beatriz Fernandez, trao giấy chứng nhận đây là “Bức tranh ghép sứ dài nhất thế giới” hiện nay (HNM) Bùi Đẹp (st) TIẾNG ANH RẮC RỐI
Trong bài trước có vài lỗi, người viết xin được đính chính: - “ Những ca sĩ thường không thích hát bằng tiếng Anh…” X in sửa lại là “Những ca sĩ opera thường không thích hát bằng tiếng Anh...” “Người Việt đã từng nghe chữ ‘clean’ được phát âm là ‘nin’... Xin sửa lại là “Người viết đã từng nghe...” NCT
BÀI THƠ DƯỠNG SINH Trần Lập Phu là một danh sỹ Đài Loan, ông đã có công trong việc thúc đẩy hiện đại hóa nên y học Trung Quốc và tự mình nghiên cứu thực nghiệm các phép dưỡng sinh. Năm nay, Trần Lập Phu đã hơn 95 tuổi mà mắt vẫn tinh, tai thính, bước đi nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn,vv… Chính phủ Đài Loan đã quyết định lấy tên ông đặt tên cho một giải thưởng khoa học gọi là “Giải thưởng y dược học Trung Quốc Trần Lập Phu”. Gần đây, Trần Lập Phu cho công bố 12 khẩu quyết (câu vè) dưỡng sinh, dễ nhớ, dễ thực hiện. Nguyên văn âm Hán Việt như sau: Dưỡng thân tại động Dưỡng tâm tại tĩnh Ẩm thực hữu tiết Khởi cư hữu thời
Vật thục thủy thực
Thủy phí thủy ấm Đa thực quả thái Tiểu thực nhục loại
Đầu bộ nghi lãnh
Túc bộ nghi nhiệt Tri túc thường lạc Vô cầu thường an
Dịch nghĩa:
Dưỡng thân nhờ vận động
Dưỡng tâm nhờ yên tĩnh Ăn uống nhờ tiết chế Ngủ thức phải đúng giờ
Vật chín mới ăn
Nước sôi mới uống Ăn nhiều rau quả Ít dùng thịt mỡ
Giữ đầu cho mát
Giữ chân cho ấm Biết nhiều thì vui Ham ít thì nhàn (Theo China Times)
Bùi Đẹp (st) ÂM DƯƠNG TRONG CƠ THỂ CON NGƯỜI Đông y coi con người là một vũ trụ nhỏ: “Nhân sinh vi tiểu vũ trụ”. Như thế các thành phần của vũ trụ nhỏ này cũng được chia làm 2 loại âm và dương. Thí dụ huyết là âm, khí là dương. Về hình thể thì lưng là dương, bụng ngực là âm, tay chân thì phía ngoài là dương – phía trong là âm. Về sinh hoạt thì vận động là dương, ngủ nghỉ là âm. Cái vũ trụ nhỏ này tồn tại và hoạt động được là nhờ vào một nguồn sinh lực gọi là nguyên khí, gồm hai phần: khí dương và khí âm, gọi là chân dương và chân âm. Chân dương (+) cung cấp cho ta: - Nhiệt làm ấm cơ thể. - Năng lượng dùng cho sự hoạt động của các cơ năng bên trong và sự vận động thể chất bên ngoài cũng như mọi sinh hoạt tinh thần. Chân âm (-) là một nguồn suối mát giúp cho cơ năng bên trong cũng như da thịt bên ngoài được tươi nhuận và mang lại cho ta sự yên tĩnh trong nghỉ ngơi và giấc ngủ an lành sau những giờ làm việc mệt nhọc. Hai nguồn khí âm dương ấy một khi đầy đủ và quân bình sẽ mang lại cho cơ thể chúng ta một trạng thái hoàn hảo về thể chất lẫn tinh thần: một sức khỏe tốt. Nguồn khí âm dương ấy được coi như “ngân quỹ của sức khỏe” dùng để cung cấp cho mọi nhu cầu của cơ thể kể cả việc phòng chống những nguyên nhân gây bệnh từ bên trong và bên ngoài. Như vậy nếu coi cơ thể con người là một đất nước thì nguồn nguyên khí được coi như “tổng ngân quỹ” dùng cho mọi chi phí bên trong cũng như quốc phòng chống lại sự xâm lược bên ngoài. Theo Đông Y, nguyên khí được tàng trữ trong tạng thận, thận dương bên phải chứa khí dương, thận âm bên trái chứa khí âm. Nhưng đây không phải là 2 quả thận như người ta thấy được trong Tây Y mà người ta chỉ hình dung nó nằm ở vị trí ấy thôi. Nói chung, khi nói đến một cơ năng bên trong cơ thể, Đông Y không chú trọng đến hình dáng của nó một cách chính xác như Tây Y mà chỉ chú trọng đến chức năng và vị tri của nó. Ngược lại Tây Y cần biết rõ hình dáng, cấu tạo của từng bộ phận trong cơ thể. Đây là hai quan điểm trái ngược của Đông Y và Tây Y. Người thầy thuốc Tây Y có thể mổ phanh cơ thể bệnh nhân ra, quan sát từng bộ phận, từng mạch máu chảy qua nó tìm ra chỗ đau, và nếu có thể được cắt phăng chỗ ấy đi rồi khâu lại. Còn người thầy thuốc Đông Y không phải vì không làm được như thế, nhưng không cần thiết phải nhìn rõ tận mắt từng bộ phận, từng chỗ đau bên trong cơ thể. Nhưng bằng những giác quan khác bén nhạy hơn, họ có thể biết được những gì đang xảy ra bên trong cơ thể bệnh nhân, chỗ nào bình thường, chỗ nào có vấn đề hay trục trặc để mà tìm cách điều chỉnh lại. Nói thì nghe có vẻ huyền hoặc khó tin, nhưng đúng thế, đó là nguyên tắc chữa trị của Đông Y mà người thầy thuốc đúng nghĩa phải đạt tới. Bởi vậy người ta mới có câu nói sau đây tiêu biểu cho hai cái nhìn, hai phương pháp chữa trị tương phản của Đông Y và Tây Y: Tây Y thấy cây nhưng không thấy rừng, Đông Y thấy rừng nhưng không thấy cây. Một câu nói thật chí lý, mô tả hai phương pháp chữa trị. Một bên, Tây Y là phương pháp phân tích, chú trọng đến chi tiết; một bên Đông Y là phương pháp tổng hợp, chú trọng đến đại thể. Có thể nói đây là hai con đường song song, chỉ gặp nhau ở điểm đích: đó là chữa khỏi cho bệnh nhân - Có kết hợp Đông Tây Y được không? Có, nhưng chỉ ở vài triệu chứng vụn vặt thôi, và phải hết sức thận trọng, tránh trường hợp những tương tác đối nghịch. Còn bệnh chính không kết hợp được. - Một câu hỏi nữa mà nhiều người muốn nêu lên: “Con đường nào ngắn hơn?” Câu trả lời là: “Còn tùy” có những bệnh Tây Y chữa nhanh hơn. Thí dụ các bệnh cấp tính, các bệnh cần đến giải phẫu. Nhưng có những bệnh phải cần đến Đông Y mới chữa nhanh được. Thí dụ: bệnh bại liệt, bán thân bất toại do tai biến mạch não (chưa quá nhiều năm), các bệnh mãn tính, suy nhược lâu ngày (không già yếu quá). Mất bình quân âm dương, nguồn gốc của mọi chứng bệnh Khi chúng ta đi đứng, lên dốc, xuống thang, nếu mất thăng bằng ta sẽ chới với chóng mặt hoặc té ngã ngay. Nhưng nếu ta giữ được thăng bằng tốt thì ta có thể đi trên dây như những diễn viên xiếc kia, thậm chí đi xe đạp trên dây hoặc làm những động tác khiến người xem đứng tim mà không ngã. Đó là sự thăng bằng về trọng lượng cơ thể trong khi vận động. Nhưng hàng ngày, để duy trì một sức khỏe tốt trong khi làm việc hay sinh hoạt, để không bị choáng váng mệt rồi ngã bệnh, hầu như mọi người quên rằng cơ thể ta còn phải duy trì một sự thăng bằng khác rất quan trọng: đó là thăng bằng về âm dương, hay còn gọi là quân bình âm dương, khi mất quân bình âm dương tuy không làm ta té ngay nhưng dần dần mệt mỏi đi đến ngã bệnh. Như trên đã nói, con người ta tồn tại và hoạt động được là nhờ ở nguồn nguyên khí tàng trữ ở 2 quả thận, gồm 2 phần: khí âm và khí dương để cung cấp cho ta những yếu tố cần thiết sau đây:
Nhìn vào bảng trên đây ta thấy ngay khi nào mất quân bình âm dương: a/ Nếu âm suy: Người sẽ nóng nảy, da dẻ khô, thiếu tươi tắn. Bồn chồn, đứng ngồi không yên, ưa đi lại, khát nước, táo bón. Mất ngủ, nằm nghỉ không yên. Trường hợp này gọi là Âm hư hỏa vương b/ Nếu dương suy: Người lạnh, thiếu sức, mệt mỏi. Lười vận động Cơ năng bên trong trì trệ, ăn không tiêu, máu kém lưu thông, mệt tim, khó thở, lên cầu thang mệt. Lao động uể oải, làm việc trí óc khó tập trung Vì máu lưu thông kém nên có thể phát sinh chân tay tê hoặc đau nhức. Trường hợp này gọi là Dương hư hàn thấp Trên đây chỉ là những những triệu chứng ở giai đoạn đầu cho ta thấy sự mất quân bình âm dương mới bắt đầu. Ta cần tự điều chỉnh sinh hoạt ăn uống của mình nếu có thể trước khi tìm đến thầy thuốc. Nếu để lâu không chữa đúng cách, các triệu chứng sẽ gia tăng, nhất là các chức năng bên trong hoạt động không đúng, lâu ngày làm tổn thương các cơ năng như đau dạ dày, suy tim, hen suyển, thấp khớp vv… Và khi đó cả 2 khí âm dương điều suy, gọi là Âm dương lưỡng hư sẽ khó chữa hơn. c/ Âm dương lưỡng hư: cả 2 triệu chứng ở a/ và b/ thường xảy ra xen kẻ hoặc lẫn lộn. Người bệnh sẽ cảm thấy khi nóng khi lạnh, hoặc nóng bên trong lạnh bên ngoài, có khi buồn ngủ muốn ngủ mà không ngủ được, muốn đi mà mệt không đi được. Kèm theo là những chứng bệnh ở a/ và b/ có khuynh hướng gia tăng. (Còn tiếp) Lương Y Nguyễn Hải Liên Kỳ sau: Phân biệt chân hỏa với hư hỏa, chân thủy với trọc âm ---------- NHỮNG ĐIỀU CHƯA BIẾT VỀ LỄ GIÁNG SINH BÀI THÁNH CA “STILLE NACHT” RA ĐỜI TRONG HOÀN CẢNH NÀO? Đúng trưa ngày 24.12.1818, linh mục Joseph Mohr, phó xứ đạo Oberndorff nước Áo, sau khi phải di tản vì cuộc chiến tranh Đức – Áo – Phổ, vội trở về họ đạo vì cuộc chiến vừa chấm dứt. Việc đầu tiên cha Mohr lo lắng là chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh đêm nay. Cha lên gác đàn thì ôi thôi, cây đàn phong cầm đạp bằng chân đã bị chuột cắn rách hết thùng gió, và các sách hát cũng bị mất hết không còn cuốn nào. Đã vậy, các trẻ em trong ca đoàn do Cha hướng dẫn cũng chưa trở về kịp. Cha lo buồn vì lễ Giáng Sinh mà không có ca nhạc là điều không thể được. Cha liền viết bài thơ tiếng Đức "Stille Nacht, Heilige Nacht" (Đêm yên tĩnh, đêm lành thánh, vì đã ngưng tiếng súng và cũng là đêm Chúa Giáng Sinh). Liền sau đó, Cha đem bài ca tới gặp ông Franz Xaver Gruber, thầy giáo làng và cũng là người đàn phong cầm cho nhà thờ, để ông này phổ nhạc cho 2 giọng nam. Thế rồi lễ Nửa đêm Giáng sinh năm ấy (1818), khi cha sở Oberndorff bước ra cung thánh để cử hành thánh lễ, thì 2 giọng ca Joseph Mohr và Franz X.Gruber cất tiếng hát bài thánh ca Giáng Sinh mới toanh mà hai ngài vừa mới soạn lúc ban chiều và do Grunber đệm đàn Tây ban cầm. Có lẽ đây là lần đầu tiên đàn guitar được sử dụng trong nhà thờ. Hai tác giả hát sốt sắng và hay đến nỗi cha sở và giáo dân sững sờ nhìn lên gác đàn cho tới khi bài ca chấm dứt. Sau lễ Giáng Sinh,một thợ sửa đàn ở tỉnh được mời về sửa cây đàn phong cầm. Sửa xong, ông thợ hỏi cha Mohr cho mượn sách nhạc để thử đàn. Cha đưa bản "Stille Nacht". Thấy bản nhạc rất hay, ông xin phép chép một bản đem về cho các con ông, cũng là một ban hợp xướng 4 giọng nam nữ. Các con ông đã soạn thành 4 bè tổng hợp, và năm sau tại Vienne, thủ đô nước Áo, ban hợp xướng này đã chiếm giải nhất kỳ thi trình diễn thánh ca Giáng sinh với bản "Stille Nacht, Heilige Nacht". Từ đó, bài hát này được phổ biến khắp nơi. Người ta còn kể rằng trong Đệ nhị thế chiến, nhân một dịp hưu chiến nhân lễ Giáng sinh, lính Đức tại chiến lũy Siegfied đã bắc loa phóng thanh hướng sang chiến lũy Maginot của Pháp mà hát "Stille Nacht". Lính Pháp nghe thấy hay quá, phải chui ra khỏi chiến lũy để thưởng thức. Sang tới Hoa Kỳ, John Freeman Young thuộc giáo phải Tin lành Methodists đã dịch bài hát sang tiếng Anh: "Silent Night, Holy Night". Hai mươi năm sau khi bài thánh ca ra đời, giáo phái Methodists cử người sang Oberndorff - Áo để xin phép các tác giả trả tiền tác quyền để được in bài thánh ca này trong cuốn "Christian Praise" của Giáo hội. Nhưng, linh mục Joseph Mohr đã qua đời. Lúc mất, linh mục Joseph Mohr nghèo đến nỗi giáo dân phải gom góp nhau mua áo quan để chôn cất ngài. Chỉ còn ông Franz X.Gruber cũng đã già, về hưu dưỡng ở làng Oderdorff bên cạnh. Linh mục Joseph Mohr còn là tác giả của một số sách thánh ca lưu truyền trong Giáo hội như cuốn "Joseph Mohr Cantorum". Bản Stille Nacht tới nay đã được dịch ra gần trăm thứ tiếng, phổ biến khắp nơi. Riêng tại Việt Nam, đầu năm 1948, cha Vinh dòng Biển Đức từ Solesmes Pháp về, đem theo bản nhạc bằng tiếng Đức tặng cho đám học trò hòa âm của cha, trong đó có Hùng Lân và người viết bài này. Chúng tôi chưa có ai biết Đức ngữ nên không nắm được ý nghĩa chính của bản gốc. Bạn Hùng Lân đã ngẫu hứng phóng tác ra lời ca thành: "Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng" tuy chưa sát với ý nghĩa của tác giả linh mục Joseph Mohr, nhưng cũng đã được phổ biến rộng rãi. (Theo Newsweek và một số tư liệu nước ngoài) Ông già Noel ra đời khi nào? Ông già Noel mà chúng ta thường thấy ngày nay là một ông già to béo, tính tình vui vẻ, ông có chiếc mũ hồng hồng và bộ râu trắng dài, mặc bộ y phục màu đỏ, quàng khăn trắng, lưng đeo đai màu đen. Ông già Noel này có tên là Nicola, là giáo chủ của Thiên Chúa giáo La Mã trước đây. Vậy ông trở thành nhân vật thần thoại từ khi nào? Nicola sống vào thế kỷ 4, viết nhiều tác phẩm nổi tiếng về tôn giáo, được nhiều người biết đến. Sau khi ông chết, được tôn sùng là thánh nhân. Tương truyền, hàng năm vào ngày tết Giáng Sinh, thánh Nicola đều cưỡi ngựa trắng đến thăm từng nhà, thấy đứa trẻ nhà nào ngoan ngoãn, liền tặng quà năm mới cho chúng. Câu chuyện này được di dân người Hà Lan truyền sang Mỹ, sau đó truyền đi khắp nơi. Từ đó, hình tượng thánh Nicola xuất hiện trong các sinh hoạt chúc mừng tết Giáng Sinh của người Mỹ. Nhưng ông già Noel mà người Hà Lan mang đến lại rất nghiêm, ông mang quà đến cho mọi người song lại có cả sự trừng phạt. song vào năm 1812, một người Mỹ là Kelaimente lại sửa đổi và làm cho hình tượng này mới lạ: Trong đêm Noel, một ông già vui vẻ ngự trên xe tuyết do 8 con hươu trắng kéo. Ông đến thăm từng nhà, trước mỗi nhà đều dừng lại, trèo lên ống khói của nhà đó, sau khi thả quà qua đường ống khói xuống, lại lặng lẽ ra đi. Vài chục năm sau, một người tên là Laisite lại tạo ra hình tượng ông già Noel mới, một ông già hiền từ. Sau đó ông lại liên tục sáng tạo, cuối cùng là hình ảnh ông già Noel như lúc đầu. Ngày nay, hình tượng ông già Noel do Kaisite sáng tạo ra đã phổ biến toàn thế giới. Thiệp Giáng sinh có từ khi nào? Thiệp Giáng sinh, một sáng tạo của Nữ Hoàng Victoria sơ khởi như một dạng văn phòng phẩm. Chiếc thiệp đầu tiên là do một vị Nam tước tên Henry Cole làm việc cho ngành Dịch vụ bưu điện Anh sản xuất, và ông này đã thuê một họa sỹ có thể là John Calicott Horsely thực hiện phần trình bày. Chiếc thiệp đầu tiên này mô tả cảnh Giáng sinh trong 3 tấm rời – cảnh một gia đình đang sum họp bên bàn ăn kẹp theo cảnh làm việc thiện như bố thí cho kẻ khó nghèo và tặng áo quần cho kẻ có nhu cầu. bên dưới được ghi một câu chúc mừng được phổ biến đến nay: “A merry Christmas and a Happy New Year to You” (Chúc bạn một mùa Giáng sinh vui vẻ và một năm mới hạnh phúc) Thói quen gửi thiệp Giáng sinh bắt đầu vào thập niên 1840 khi lần đầu tiên xuất hiện loại tem “penny post”. Nhờ có hệ thống đường sắt mới nên việc gửi thiệp đã nhanh chóng phổ biến đến nay. Ngoài ra nhờ kỹ thuật in ấn cải tiến, thiệp Giáng sinh đã được sản xuát hàng loạt kể từ năm 1860. nó càng lúc càng phổ biến tại Anh khi một cái thiệp như thế có thể được gửi bằng bưu điện trong một bì thư dán tem nửa xu không đóng kín. Một thợ in di cư người Đức tên Louis Prang được coi là đã có công sản xuất những thiệp Giáng sinh cho nước Mỹ vào năm 1875. Ngày nay, người ta ước tính mỗi năm tại Mỹ có khoảng 3 tỷ thiệp Giáng sinh đã được gửi đi. Tại sao có đèn Giáng sinh? Ngày xưa, người ta thường đặt những cây đèn cầy trên những cây Giáng sinh để nhắc nhở về ánh sáng Chúa Cứu Thế đã đem đến cho nhân loại. Ngày nay, việc trang trí đèn điện là một hình thức thay thế đèn cầy, ngoài ra ngày xưa Chúa Hài nhi đã sinh ra vào một đêm đông giá rét và được soi sáng bằng một ngôi sao lạ với một bầu trời đầy sao thì nay đèn điện chính là những ngôi sao ấy. (Tổng hợp báo Sunday Times 2/12/99) Bùi Đẹp st Hôm nay là ngày 10 tháng sáu năm 1950, và sáng nay là một buổi sáng đẹp trời. Ông Cảnh Sát Trưởng Giuseppe Martino của thành phố Padoue đang đứng ngắm những rặng hoa phong lan ở hai bên một con đường thật đẹp trong công viên thành phố. Một vụ án mạng hơi kỳ lạ đã khiến ông hiện diện ở nơi đây. Mấy đứa trẻ nhỏ chơi đá banh ở trên bồn cỏ đã khám phá ra một xác chết ở dưới rặng hoa. Chúng sợ hãi bỏ chạy và tri hô: - Ông già Adorno bị giết rồi, ông già Adorno đã bị giết! Vì, cũng như tất cả mọi cư dân ở đây, các đứa trẻ rất thân thuộc với Marcello Adorno, một trong những người bảo vệ làm việc tại công viên. Sáu mươi tuổi, cựu chiến binh của kỳ Đệ Nhất Thế Chiến 14-18, cụt một chân và mất một tay, ông già Adorno là một hình ảnh rất thân thương với các trẻ nhỏ, vì ông rất yêu trẻ con và trong túi luôn luôn có thật nhiều kẹo để cho chúng. Ông được tất cả mọi người quý mến và, dưới mắt họ, ông được coi là một người tốt. Cảnh sát trưởng Giuseppe Martino quan sát kỹ thi hài người xấu số nắm sấp mặt xuống đất. Nạn nhân bị bắn một phát đạn từ phía sau vào giữa lưng khiến xương sống bị bắn vỡ nát… Quả thật là một án mạng hơi kỳ lạ vì ai lại nỡ giết một người thương binh vô tội, rất yêu trẻ nít và được tất cả các đứa nhỏ yêu quý. Ai giết và tại sao giết? Được hỏi, vị Giám Đốc công viên chịu không trả lời được. - Tôi không nghĩ có ai đó có thể là kẻ thù của ông ta. Tôi có ghé nhà ông ta nhiều lần, sau ngày vợ chết, ông ta ở một mình, sống một cuộc sống thật thanh đạm. Theo tôi nghĩ, có lẽ ông ta đã bất chợt chứng kiến một việc gì mà ông ta không nên biết. Cảnh sát trưởng Martino liếc mắt nhìn về phía bồn cỏ. Cách rặng hoa phong lan độ năm thước, có một lùm cây mà chắc chắn phát đạn đã xuất phát từ đó. Rất có thể là người bảo vệ xấu số đã vô tình là nhân chứng của một chuyện gì đó, mà lẽ ra ông ta không nên biết tới. Khó mà thấy có khả năng nào khác… Vừa về tới văn phòng, Giuseppe Martino nhận được một cú điện thoại. Người gọi là Gaetano Stozzi, một thương gia tên tuổi, chủ nhân nhiều cửa hàng bán thực phẩm tại Padoue. Chẳng biết có chuyện gì mà ông ta lại cần đến cảnh sát đây? - Thưa ông Cảnh Sát Trưởng, tôi biết là câu hỏi của tôi hơi kỳ, nhưng thưa ông có phải là công viên thành phố nằm trong khu vực của ty không ạ? - Đúng. - Vậy thì, thế này… có phải có kẻ nào mới giết một người bảo vệ cụt một chân và mất một tay ở đó phải không ạ? Cảnh sát trưởng Martino đớ người vì ngạc nhiên. - Sao ông biết chuyện đó? Ở đầu giây đằng kia, Gaetano Stozzi như lặng đi một lúc, rồi ông ta nói tiếp: - Trời ơi, thế là chuyện đó xảy ra thật à! Vậy thì chuyện nghiêm trọng quá, thưa ông cảnh sát trưởng. Tôi xin ghé ông ngay bây giờ… Mười lăm phút sau vị thương gia đã có mặt tại ty cảnh sát. Hơn sáu mươi tuổi, tóc đã nhuốm bạc hai bên thái dương, giáng người mập mạp, ở Gaetano Stozzi toát ra một cái gì đó khiến cho người đối diện biết là ông ta là một nhân vật loại quan trọng. Nhưng, ngay trong lúc này thì ông ta hoàn toàn bối rối; ông rút khăn tay ra lau trán lã chã mồ hôi. - Tất cả những gì vừa xảy ra là do lỗi của tôi! - Ông muốn nói là người bảo vệ công viên bị giết là vì lỗi ông? - Vâng, đúng vậy. Chuyện này điên loạn quá… Gaetano Stozzi lấy ra từ chiếc cặp đựng hồ sơ nhỏ một xấp giấy tờ. - Đây, ông đọc đi. Tôi đã nhận được lá thơ đầu tiên cách đây hai tháng. Sau đó cứ hai ngày tôi lại nhận được một lá, và tất cả các lá thơ này đều cùng một cỡ. Ông Cảnh Sát Trưởng cầm một lá thơ lên đọc. Đây là một lá thơ nặc danh thuần túy cổ điển: các chữ được cắt ra từ các tờ báo, và được dán cẩn thận vào một trang giấy học trò. Thơ viết: “Nếu ông muốn giữ được mạng sống, hãy mang để một triệu đồng lires bằng giấy nhỏ vào một cái giỏ, rồi để giỏ đó cạnh chỗ chơi nhạc trong công viên thành phố. Nếu không, tôi sẽ không ngần ngại gì mà không lấy mạng ông. Ký tên: NGƯỜI RỬA HẬN”. Giuseppe Martino không có phản ứng đặc biệt gì với loại thơ từ này vì trong đời ông, ông ta gặp hàng ngàn lá thơ nặc danh kiểu này. Gaetano Stozzi nói tiếp: - Chắc ông thấy là chuyện thơ nặc danh này là vớ vẩn, không đáng bận tâm, phải không thưa ông? Phản ứng của tôi cũng đúng y như vậy. Tôi hoàn toàn không để tâm gì đến tên khùng nào đã viết ra chúng, và cũng chả buồn báo cho cảnh sát biết nữa. Tôi đã lầm, và chiều hôm qua, tôi đã quá lầm. Người thương gia cúi đầu rầu rĩ nói tiếp: - Chiều hôm qua tôi không thấy có thơ trong hộp thơ. Nhưng lúc 10 giờ tôi nhận được một cú điện thoại. Người gọi đã cố tình làm lạc giọng nói để đánh lạc hướng, hắn nói: “Rõ ràng là ông coi thường việc tôi nói. Vậy thì tôi sẽ chứng minh cho ông biết là tôi không NÓI ĐÙA. Ngày mai tôi sẽ GIẾT ĐẠI MỘT NGƯỜI, và nếu ông tiếp tục không chịu đưa tiền chuộc mạng, nạn nhân kế tiếp sẽ chính là ông.” Nói xong hắn gác máy cái cụp. Và, tôi… tôi đã phạm một lỗi bất khả tha thứ: tôi vẫn tiếp tục không thèm tin. Nhưng xin ông hiểu cho, thực là chuyện điên loạn, không có một xu thực tiễn! Ông Cảnh Sát Trưởng có một cử chỉ trấn an người thương gia. - Ai mà gặp chuyện như chuyện này thì cũng sẽ có phản ứng như ông thôi, ông Stozzi ạ. Vậy sáng hôm nay tên đó lại gọi điện thoại nữa à? Vâng, hắn gọi đến văn phòng tôi. Hắn thông báo cho tôi biết về vụ người bảo vệ bị giết, và để chứng minh chính hắn là kẻ giết, hắn đã nói rõ viên đạn cỡ 6.35. Cảnh Sát Trưởng Martino giữ im lặng một lát trước khi kết luận: - Nếu tôi không lầm thì người bảo vệ khốn khổ đó đã bị sát hại DUY NHẤT LÀ CHỈ ĐỂ LÀM CHO ÔNG SỢ… Vậy bây giờ ý định của ông ra sao? Gaetano Stozzi thình lình trấn tĩnh và lấy lại được vẻ uy quyền của một thương gia cỡ lớn. - Tôi sẽ không trả tiền chuộc. Nhất là bây giờ, than ôi! chuyện tàn hại đã xảy ra, giờ chỉ còn bản thân tôi là phải lo sợ. Trong đời, tôi chưa hề lùi bước trước sự đe dọa. Xin hãy cho người bảo vệ tôi, để xem nó có dám tấn công cả cảnh sát của ông không? Cảnh Sát Trưởng Giuseppe Martino chấm dứt cuộc gặp gỡ và ra lệnh cho thuộc hạ làm các điều cần thiết để ngăn không cho một vụ án mạng khác lại xảy ra. Hai thám tử được cử để theo sát Gaetano Stozzi và thường xuyên bảo vệ ông ta; ngoài ra một xe hơi bọc thép chống đạn được cho ông mượn để xử dụng, và trước cửa văn phòng của ông ta có đặt thêm một người vừa làm tùy phái vừa canh gác. Đồng một lúc, cuộc điều tra được tiến hành gấp rút, riêng rẽ, và kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy Marcello Adorno quả là đã bị sát hại bằng một viên đạn cỡ 6.35. Đương nhiên là vị Cảnh Sát Trưởng đã nghĩ tới một người nào đó đặc biệt thù ghét Gaetano Stozzi. Chữ ký Người Rửa Hận có vẻ như xác lập giả thuyết này. Tuy nhiên, và đây mới là chỗ rắc rối, Gaetano Stozzi không phải chỉ có một kẻ thù duy nhất, mà ông ta có thể có hàng vài chục kẻ thù. Tuy bản thân ông ta là một người lương thiện thấy rõ, nhưng là người đã làm giàu nhanh chóng và vẻ vang, trên con đường đi tới sự thành công của ông ta, ông ta đã phải đè bẹp không ít những nhà buôn nhỏ, trong số những người đó, nhiều người đã bị phá sản vì ông ta. Hình như có một người đã đi đến chỗ phải tự vận. Hơn nữa, Gaetano Stozzi vốn có tiếng là keo kiệt nghiêm khắc với các nhân viên của mình. Ngoài ra lại còn một lãnh vực nữa mà Gaetano Stozzi cũng có không thiếu gì địch thủ: tuy đã quá lục tuần, Stozzi vẫn còn cực kỳ bay bướm. Sống ly thân với người vợ cả từ hai mươi năm nay, Stozzi đã làm điên đảo, và đã gây ra nhiều giông bão cho các người đẹp trong giới thượng lưu thành Padoue. Vậy thì hung thư rất có thể là một người nhà buôn bị phá sản, một người nhân viên bị đuổi việc, một đức ông chồng bị cắm sừng chăng? Ôi, tha hồ mà lựa chọn. Ít nhất cũng có một điều chắc chắn: đó là các biện pháp an ninh phòng vệ thành công một cách vững chắc. Tên giết người bí mật chưa dám làm gì, và chưa làm gì được Gaetano Stozzi. Hơn nữa, hắn cũng thôi không gửi thư nặc danh nữa. Hắn có vẻ như đã thấy rằng hắn yếu thế, và mặc dầu đã giết một mạng người, hắn vẫn đã thua cuộc. Hỡi ôi, đây chỉ là một cảm tưởng sai lầm một cách quá ư bi thảm. Ngày 17 tháng 6, 1950. Chín giờ sáng. Cảnh Sát Trưởng Martino đang ngồi ở văn phòng bỗng nhận được một cú điện thoại: đó là Gaetano Stozzi. - Nó lại quay trở lại, thưa ông Cảnh Sát Trưởng… Nó vừa mới gọi tôi. Khủng khiếp quá! - Nó lại đe dọa ông? - Không, trái lại hắn tỏ ra cực kỳ bực tức vì tôi được bảo vệ quá kỹ càng. Nhưng nó bảo tôi: “Đã vậy mỗi ngày tôi giết đại một người nào đó ở Padoue cho tới lúc ông chịu chi tiền”. Cảnh Sát Trưởng Martino tái mặt. Lần này không đùa được nữa: tên sát nhân là một sát thủ nguy hiểm, một tên cuồng sát nguy hiểm. - Vậy bây giờ ông tính sao? - Đành chịu chi chứ biết làm sao, tôi đâu còn sự lựa chọn, chả lẽ tôi ngồi yên nhìn mỗi ngày một người mất mạng vì tôi sao? - Xin cảm ơn ông. Tôi cho phổ biến ngay trên đài truyền thanh truyền hình. Phải làm ngay để tránh một thảm họa khác có khả năng xảy ra… Khổ thay, chắc là vì tên sát thủ điên ở thành Padoue không nghe đài truyền thanh, mà cũng chả xem truyền hình, nên một thảm họa khác đã xảy ra vào lúc mười một giờ sáng, ngay trước thánh đường Saint-Jean-Baptiste, nơi khu phố cổ. Nạn nhân là bà Carmella Viotti, một bà già 65 tuổi, có vẻ mặt khắc khổ, mặc một bộ đồ đen, và vừa bước ra khỏi ngôi thánh đường là nơi bà tới để giảng dạy giáo lý, phụ giúp vị cha xứ. Một tiếng súng nổ chát chúa. Có tiếng người hét lên một cách hãi hùng, và có một bóng người nhanh chóng biến vào các con hẻm nhỏ bé khúc khuỷu của khu phố cổ. Carmella Viotti đứng sớ rớ, run như cầy sấy, ngay trước thánh đường. Do một phép lạ, bà được toàn mạng vì viên đạn đã bị bắn trượt vào một cây cột ở cách đó độ 5 thước. Kiếm được viên đạn, Cảnh Sát Trưởng Martino đưa ngay cho phòng giảo nghiệm, và kết quả đúng như ông chờ đợi: viên đạn cũng cỡ 6.35 và được bắn ra bằng khẩu súng đã giết hại người bảo vệ già. Việc trả tiền chuộc mạng được thực hiện ngay chiều ngày hôm đó. Theo đúng những lời chỉ dẫn, nhận được từ một cú điện thoại mới, Gaetano Stozzi phải mang một triệu đồng lires tới một ngã tư đường ở ngoại ô và đợi ở đó. Đúng mười tám giờ, vị thương gia ngừng chiếc xe hơi có bộ phận chống đạn của ông ta ở đúng nơi quy định. Ông Cảnh Sát Trưởng Martino đã bố trí một lực lượng hùng hậu ở khắp chung quanh, một cách thật kín đáo, kỹ càng, khiến không ai có thể nghi ngờ gì được. Tất cả các ngả đường được kín đáo sửa soạn để có thể được chặn đứng bất cứ lúc nào. Nhiều toán cơ động được điều tới vì rất có thể tên hung thủ sẽ xuất hiện trên một xe moto. Hai mươi hai giờ, rồi nửa đêm mà vẫn không có ai đến… Sáng sớm hôm sau Giuseppe Martino thu quân, và ông Stozzi thì về đi ngủ. Ông Cảnh Sát Trưởng chưng hửng. Cho tới lúc này tất cả đều hợp lý, một sự hợp lý, tuy có phần nào không mấy thực tiễn, nhưng cũng vẫn là hợp lý. Nhưng sự thoái thác không dám đến của tên sát nhân lại rất ư là kỳ quặc. Tại sao hắn lại khổ công làm những chuyện hắn vừa làm? Tại sao hắn lại xuống tay hạ sát một người thương tật tội nghiệp, nếu không phải là để đạt được điều hắn muốn? Sau một đêm dài thức trắng để suy nghĩ, một ý tưởng đã thoáng xuất hiện trong đầu Cảnh Sát Trưởng Martino. Một ý tưởng có vẻ mông lung, nhưng cũng có phần có lý… Phải chăng tất cả mọi chuyện vừa xảy ra chỉ là một CHUYỆN LỪA BỊP VĨ ĐẠI NHẰM ĐÁNH LẠC HƯỚNG? Phải chăng tất cả đều không đúng sự thực ngay từ phút đầu tiên? Ông Cảnh Sát Trưởng tự vấn xem mình đã mở cuộc điều tra căn cứ trên những lời khai của Gaetano Stozzi như thế nào? Ông đã để hầu hết thời gian vào việc tìm kiếm những người xung quanh Gaetano Stozzi có thể thù hận và muốn trả thù ông ta. Ông chợt thấy rằng mình chưa hề nghĩ gì tới nhân thân nạn nhân, mà theo lời kể chỉ là một kẻ tình cờ bị hại. VÀ, NẾU SỰ THẬT LẠI HOÀN TOÀN TRÁI NGƯỢC LẠI THÌ SAO? Nếu, vì một lý do nào đó còn cần phải tìm hiểu, CÓ KẺ MUỐN GIẾT NGƯỜI BẢO VỆ GIÀ MARCELLO ADORNO, VÀ MUỐN GIẾT CHÍNH ÔNG TA CHỨ KHÔNG PHẢI AI KHÁC THÌ SAO?... Tên sát nhân đã sửa soạn cho hành động gian ác của mình bằng cách gửi cả lô thơ nặc danh cho Stozzi, vờ đe dọa người này: biết rằng là một thương gia giàu có, ông này có thể có hàng tá kẻ địch để bị nghi ngờ ngay khi có chuyện gì xảy ra. Vào thời điểm thích hợp, tên sát nhân, không những không điên chút nào mà còn quá mưu mẹo, sẽ thực hiện giai đoạn hai của kế hoạch của hắn: đó là gọi điện thoại cho nhà thương gia thông báo vụ giết người “tình cờ bạ ai giết nấy” của hắn. Mục đích đích thực của hắn đã được thực hiện. Nhưng hắn còn cần phải tung hỏa mù, do đó hắn vờ tức giận vì Stozzi được bảo vệ quá kỹ càng, và thông báo hắn sẽ giết người nữa. Tuy nhiên, dù là một tội phạm, tên này không có ý định bạ ai cũng giết như hắn đã nói để tung hỏa mù. Do đó, hắn đã cẩn thận không làm bà Carmella Viotti bị thương khi bắn trệch ra đến gần 5 thước. Còn lại vấn đề tiền chuộc là vấn đề gai góc nhất. Tên sát nhân biết rõ là đi lấy tiền chuộc là điều nguy hiểm nhất mà hắn phải gặp, và vì vậy hắn đâu có muốn đi lấy một món tiền chuộc MÀ HẮN KHÔNG THỰC SỰ MUỐN. CŨNG CHÍNH VÌ VẬY MÀ HẮN ĐÃ KHÔNG TỚI ĐIỂM HẸN VÀ CẢNH SÁT TRƯỞNG MARTINO ĐÃ UỔNG CÔNG THỨC TRẮNG MỘT ĐÊM. Thế là Cảnh Sát Trưởng Martino thực hiện ngay điều mà, lẽ ra, ông ta đã phải làm ngay từ đầu: ông ta hướng mũi điều tra về nhân thân Marcello Adorno, kẻ mà bề ngoài, không ai nghĩ rằng lại có thể có kẻ thù. Người gác cổng nơi cái cư xá nghèo nàn mà người bảo vệ già ở, xác nhận là nạn nhân là một người quá hiền, quá tốt, và ai nấy đều quý mến ông ta, trừ một điều, phải trừ một điều: - Chỉ khổ cái là cái thằng con ông ta, thằng Gianni, nó quậy ông ta quá và làm khổ ông ta hơi nhiều. Chính mồm ông cụ vẫn bảo rằng nó là một thằng mất dậy, vô dụng, và ông cụ cho biết đã đuổi cổ nó ra khỏi nhà. Đã nhiều năm nay hai cha con họ không đến gặp nhau. - Thế cái tên Gianni đó cũng ở Padoue này à? - Vâng, cũng ở gần đây thôi. Hôm sau ngày ông cụ mất, hắn có lại đòi tôi đưa chìa khóa căn nhà. Vì hắn là đứa con duy nhất, tôi đâu có lý do gì để từ chối không đưa. Hắn đã ở lại trong nhà đó suốt một ngày, và đã trả lại chìa khóa cho tôi, từ ấy đến giờ tôi không gặp lại hắn. Quả nhiên Gianni Adorno ở không xa nhà người cha xấu số là mấy, hắn ở trong cùng một khu phố bình dân, cách nhà người cha vài con đường. Khi tới tìm gặp hắn, Cảnh Sát Trưởng Martino thấy hắn trạc 40 tuổi, giáng người nhỏ bé, với một cái nhìn lạnh lẽo rất khó chịu, và một giáng đi trông rất gai mắt. Gianni Adorno rất lấy làm ngạc nhiên vì cuộc thăm viếng quá bất ngờ này. Hắn trả lời một cách rất dè dặt những câu hỏi đầu tiên của ông Cảnh Sát Trưởng, và cho biết hắn còn độc thân và hiện đang thất nghiệp. Thám tử Martino quyết định đánh phủ đầu khi đi thẳng vào vấn đề. - Tại sao anh lại nỡ hạ sát cha anh? Dù anh không chịu khai ngay cũng không hề gì: tôi biết chắc chắn là chính anh đã giết ông ta. Cần phải mất bao nhiêu thì giờ để chứng minh điều đó tôi cũng sẵn sàng. * * * Gianni Adorno đã thú nhận sau một ngày bị thẩm vấn tại ty cảnh sát. Khi đến khám nhà, người ta tìm được 200 lạng vàng gói kín trong một vuông vải lớn… Những lạng vàng này là nguyên nhân của vụ án mạng. - Phải, chính tôi đã giết ông cụ. Tôi đành phải làm vậy để lấy số vàng. Ông cụ chôn giấu số vàng này dưới sân nhà bếp. Ông cụ giữ khư khư như vậy, không bao giờ tính chuyện đem ra tiêu; giữ chỉ được cái thú là cảm thấy dưới chân mình có vàng. Trong khi đó tôi đói khổ muốn chết, nên có xin ông cụ cho tôi một vài lượng. Nhưng không ăn thua, ông cụ keo kiệt quá. Ông cụ còn bảo tôi: “Nếu tao thấy mất, thì chỉ có mày lấy, và ta sẽ không ngần ngại cho mày đi tù nếu mày dám lấy.” Do đó, tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là đành giết ông cụ. - Và tất cả các vụ dàn cảnh bằng các thư nặc danh, và các cú điện thoại cũng là anh? Vâng. Ông hiểu không, tôi là thân nhân duy nhất, có gì xảy ra các ông sẽ nghĩ tới tôi đầu tiên. Nhưng khi làm như tôi đã làm… Phải, với việc hắn đã làm, chỉ còn một chút téo nữa là cảnh sát đã để lọt một tên sát nhân! Trong lúc các nhân viên dẫn Gianni Adorno đi, nhà thám tử hồi tưởng tới thi hài nạn nhân nằm chết dưới rặng hoa phong lan, tới người thương binh tội nghiệp của Đại Chiến Thứ Nhất mà ông đã nhầm tưởng là một người nghèo khổ, thanh bạch, không đáng kể. Trên đời này chẳng ai là không đáng kể, mọi người đều đáng kể theo cách riêng của mình. Vũ Anh Tuấn (dịch một chuyện của nước ngoài) Đính chính: Bản tin số 54, 11/2010 trang 112, số 6 Nhà xuất bản Thông Tấn… “Lịch sử và danh thắng VN” đọc lại: “Di tích và danh thắng Việt Nam” năm 2010. (Tiếp theo) |