Hiện có 6 người xem / 2518736 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 14-5-2011

của CLB Sách Xưa & Nay

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu 2 cuốn sách:

Cuốn đầu tiên bằng tiếng Việt và mới được xuất bản năm 2004 của nhà xuất bản Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Cuốn sách này mang tựa đề là ĐẤT MỚI, là một tuyển tập thơ nhiều tác giả, khổ 13x19cm và dày 330 trang. Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu cuốn này không phải vì giá trị của sách và vì thơ hay, mà vì cần cảnh giác các thành viên khi in và xuất bản thơ, vì trong 5 năm qua các thành viên đã xuất bản 4 cuốn thơ để tặng cho nhau và cũng có bày bán. Ý ông muốn cảnh giác các thành viên là khi in thơ thì phải đặc biệt chú trọng đến phần lỗi chính tả và lỗi dàn trang vì, thực là khó tin mà có thật, một cuốn thơ dày có 330 trang mà CÓ ĐỘ 130 TRANG CÓ LỖI. Khi thấy cuốn sách có đến 1/3 trang bị gấp, ông đã tò mò mở xem và khám phá ra là các trang gấp LÀ NHỮNG TRANG CÓ LỖI, TỔNG CỘNG 130 TRANG TRÊN TỔNG SỐ 330 TRANG. Trong khi đó, nguyên tắc căn bản là sách in ra càng ít lỗi càng tốt và càng cho thấy rõ tác giả có lòng tự trọng và biết tôn trọng các độc giả…

Cuốn thứ hai là một cuốn bằng Pháp văn nhan đề là: “Toàn bộ tác phẩm của Jonathan Swift”, của bộ sách Pléiade của Pháp. Toàn bộ 13 tác phẩm và một số ghi chú được in ra trong có một cuốn sách, bằng giấy Thánh kinh (rất mỏng), dày có… 1940 trang. Thật là tuyệt vời và nhờ việc giới thiệu này mà các thành viên được biết về bộ sách Pléiade của Pháp. Hy vọng một ngày kia ta cũng có thể có một loại sách tương tự.

Sau khi Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sách, LM. Triết cũng đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách cổ, khổ lớn, in năm 1790 tức là vừa đúng 221 năm tuổi. Bộ sách cổ này mang tựa đề là CÂY CỎ Ở NAM KỲ, và thuộc sưu tập của LM. Triết.

Tiếp lời LM. Triết, anh Phạm Vũ đã có một thuyết trình ngắn về nước Nhật và những sự kiện tuyệt vời sau khi bị thiên tai. Trong bài thuyết trình anh Vũ cũng đã phân tích một số địa danh của nước Nhật.

Tiếp sau phần thuyết trình của anh Phạm Vũ, anh Trần Văn Hữu, đã lên hát tặng các thành viên một bài hát và có đưa ra một vài giả thuyết về nguồn gốc đất nước Việt Nam.

Tiếp lời anh Hữu, anh Vương Liêm có nói về phần mộ của 4 liệt sĩ trong đó có liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai đã không được các nhà ngoại cảm định vị chính xác, và chính ái nữ của liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai cũng xác nhận như vậy. Khi nghe thấy anh Vương Liêm nói vậy, anh Hữu cũng đưa ra thêm một chứng cứ và bà Thùy Dương cũng nhập cuộc và đưa ra những luận cứ bênh vực phía các nhà ngoại cảm. Cuộc tranh luận rất là hăng say của các thành viên kéo dài gần cả tiếng đồng hồ và, điều đáng lưu ý là tuy kỳ họp này số thành viên tham dự ít nhất trong các kỳ họp, nhưng tranh luận lại rất mãnh liệt và hào hứng.

Cuộc họp kết thúc vào lúc 11 giờ 30 sau khi Dịch giả Vũ Anh Tuấn hô hào mọi thành viên góp sức để làm bản tin số 61, bản tin đặc biệt kỷ niệm 5 năm ngày thành lập CLB.


Vũ Thư Hữu

Kỷ niệm 5 năm thành lập CLB Sách Xưa & Nay (17/6/2996-17/6/2011)


Nhớ anh Cố Phó Chủ nhiệm Lưu Nhật Quang


Tôi đến với Câu lạc bộ Sách Xưa & Nay do anh Lưu Nhật Quang giới thiệu. Hình như lúc đó Bản tin nội bộ đã phát hành được vài số. Anh có dáng người dong dỏng cao, nói năng ôn tồn, điềm đạm, cử chỉ tự nhiên, nhất là luôn có phong cách thoải mái và đối xử với bạn bè rất có tình cảm, ân cần.

Tất cả phong thái của anh làm cho tôi không quên được. Ban đầu tôi hơi ngạc nhiên khi anh gọi điện thoại và hẹn tới nơi tôi làm việc là cơ quan Mặt trận Quận 1 để làm quen. Khi tiếp anh tôi mới biết anh biết tôi qua chị Kiều Thu, một nữ biệt động thành thời chống Mỹ 1965-1970 ở Gia Định.

Thật ra, thông qua tập sách của tôi viết về Kiều Thu thì anh mới quen chị. Tôi cũng chẳng quen biết trước Kiều Thu. Tôi viết về chị nhờ ngẫu nhiên phát hiện ra chị, không phải vì chiến công của chị mà vì căn bệnh quái ác của chị. Mà cũng thật là kỳ lạ, tôi phát hiện ra chị do bà xã tôi kể chuyện giới thiệu lại sau khi đi dự lễ trao nhà tình nghĩa cho chị. Gia đình chị ở cùng phường với gia đình tôi nhưng tới lúc ấy mới biết.

Chị Kiều Thu được kể tới như một người có phép lạ mắc bệnh ung thư trên 30 năm nhưng vẫn còn sức lực để thực hiện một cuộc hành trình từ Nam ra Bắc và trở về bằng xe đạp qua đường Trường Sơn vừa được công nghiệp hóa. Thân liễu yếu đào tơ lại mang chứng bệnh hiểm nghèo nan y như thế mà một phụ nữ tuổi xấp xỉ 60 một thân một mình đạp xe mang theo hành trang như một cái bếp với nồi niêu xoong chảo, bếp dầu, bình nước, xì dầu, thức ăn khô hoặc được chế biến mặn và mấy bọc thuốc uống hàng ngày, ít áo quần, vải bạt, võng… vượt Trường Sơn theo con đường 559 thời chống Mỹ trong những tháng mưa bão lẫn nóng nắng. Khi được hỏi, chị vui vẻ trả lời:

- Tôi đi xe đạp để chữa bệnh và thăm Bác Hồ.

Chuyện vượt Trường Sơn chuyến đi lẫn chuyến về bằng xe đạp làm cho tôi nể phục và tìm hiểu thêm về cuộc đời của chị để viết thành tập sách và sau đó, đài truyền hình thành phố tới tìm hiểu rồi làm một phóng sự. Phim chưa kịp chiếu thì căn bệnh của chị bộc phát phải đi cứu cấp. Nhưng thân thể của chị không hấp thụ được thuốc, ngay cả kim tiêm cũng không đưa thuốc vào người chị được. Da thịt chị giống như cao su! Người chị gần như bị liệt, thở đứt quãng… Thế mà chỉ trong vài ngày bệnh tình thuyên giảm khiến cho đài truyền hình tiếp tục làm thêm một phóng sự nữa. Cả hai phim được chiếu liên tục về câu chuyện gần như huyền thoại của một phụ nữ bị bệnh ung thư di căn.

Có lẽ anh Phó Chủ Nhiệm của câu lạc bộ chúng ta tìm tới người phụ nữ kỳ lạ này sau khi xem hai phóng sự được trình chiếu rộng rãi. Khi tôi vào sinh hoạt với câu lạc bộ chúng ta thì anh Quang đến chơi với tôi vài lần và ngược lại tôi cũng tới nhà anh đôi lần. Anh có tâm sự và sau đó, anh nói ra ý nghĩ và mong muốn của mình. Anh từng viết báo, trong đó viết nhiều bài báo bằng Hán văn cho báo Sài gòn giải phóng ấn bản Hoa văn. Bởi vì anh là dân tập kết ra miền Bắc và được đi học ở trường Đại học Bắc Kinh. Khi về nước anh công tác ở Bộ Ngoại giao cho tới ngày về Nam sau ngày giải phóng rồi nghỉ hưu.

Anh có hoài bão cùng tôi viết sách về các vấn đề xã hội, kinh tế mà anh tâm đắc. Anh hẹn gặp lại tôi sau khi làm xong một số đề cương để hai bên trao đổi thêm và chia nhau viết. Anh nói, anh bàn bạc có vẻ như khẩn cấp lắm khiến cho tôi hơi ngạc nhiên. Rồi bỗng dưng, anh nói với tôi bằng giọng trầm buồn:

- Tôi sợ không còn kịp nữa! Tôi sắp hết thời gian rồi!

Tôi bỗng giựt mình nhìn anh như xa vắng lắm. Anh nói nhỏ: “Tôi đang bị ung thư!”.

Tôi chưa tin hẳn nên cười vui:

- Không sao đâu. Anh xem trường hợp chị Kiều Thu kia, mấy chục năm vẫn còn đạp xe đi chơi mỗi ngày. Tôi thấy anh đâu có gì.

Mấy hôm sau, tôi bận đi tỉnh. Thình lình anh Tuấn gọi điện báo cho tôi: anh Nhật Quang qua đời! Tôi đang ở tỉnh xa, không làm sao về được. Tôi quá buồn về tin anh vội vã rời bỏ chúng ta, bỏ rơi Câu lạc bộ Sách Xưa & Nay, một câu lạc bộ mà tôi biết anh có nhiều tâm huyết với nó.

Vương Liêm

LẸ NHƯ CƠN GIÓ THOẢNG,

NĂM NĂM ĐÃ TRÔI QUA…

Thoáng một cái, lẹ hơn gió thổi, CLB Sách Xưa và Nay đã được 5 năm tuổi, tính từ ngày ra mắt là ngày thứ Bẩy 16 tháng 6, 2006. Một nhiệm kỳ đầu là 3 năm đã qua, và CLB hiện đang ở năm thứ nhì nhiệm kỳ 2. Ít ai dám tin là CLB Sách Xưa và Nay có thể tồn tại lâu khi nó là CLB có thể nói là duy nhất trên thế giới không có đến một xu ngân sách, không trông vào bất cứ một nguồn tài trợ nào, không dựa vào bất cứ một đoàn thể, tổ chức nào, tư nhân cũng như chính quyền, quốc tế cũng như quốc nội, đồng thời cũng không hề nhận một chút gì từ bất cứ cá thể nào. Ngay những ngày đầu còn có thu một nguyệt liễm tượng trưng, nhưng rồi sau cũng cho qua luôn! Thế mà CLB Sách Xưa và Nay vẫn hiên ngang vững tiến, mỗi ngày có vẻ mỗi vững vàng hơn, khiến cho chính các thành viên cũng tự hỏi sao được như vậy? Xin thưa chính là vì CLB đã tụ họp được một số thành viên thực sự cùng nhau chia sẻ một đam mê chung: lòng yêu sách…

Mỗi tháng CLB họp một lần vào mỗi ngày thứ 7 thứ nhì trong tháng, và đã duy trì được đúng như vậy trong suốt 5 năm qua. Mỗi buổi họp các sinh hoạt bình thường cũng diễn ra với một lòng yêu sách ngày càng hăng say và một tình bạn rất tốt đẹp giữa các thành viên, mà phần lớn đã trọng tuổi, nhưng đều còn rất rất trẻ cả về mặt tinh thần lẫn thân xác. Mỗi buổi họp là những ngày vui mà chỉ trừ khi nào bận rộn lắm mới chịu vắng mặt. Tất cả các hoạt động chỉ gồm những sinh hoạt liên quan tới sách vở, văn nghệ, thi văn, và rất phong phú về các thể loại thơ: thơ Đường, thơ Lục bát, thơ tự do vv… và có thể có tới 1/3 các thành viên là các nhà thơ, và trong 5 năm vừa qua, các thành viên đã xuất bản 4, 5 tập thơ, phần lớn là để tặng nhau hơn là để bán… Ngoài ra CLB còn có một chủ trương rất hay là mỗi quý toàn thể các thành viên sẽ cùng nhau đi thăm viếng một Tổ Đường của một danh nhân văn hóa. Trong 5 năm vừa qua CLB đã thăm Mộ phần nhà thơ Lưu Trọng Lư, nhà văn Hồ Biểu Chánh, Nơi thờ Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, Mộ phần nhà văn Lê Văn Trương, Niệm Tổ Đường Cụ Phạm Phú Thứ, và Vườn Kiều của Ông Bá Khoát ở Đồng Nai… Một số thành viên của CLB như quý ông, quý bà: Dương Lêh, Tâm Nguyện, Vương Liêm, BS Nguyễn Lân-Đính (cháu nội Cụ Nguyễn Văn Vĩnh), đã có người thì hai, người thì ba cuộc Thuyết Trình về nhiều đề tài khác nhau rất cuốn hút các thính giả của Cung Văn Hóa Lao Động Tp.HCM. Ngay tại trong CLB, trong các buổi họp, các thành viên khác như Dịch Giả Vũ Anh Tuấn, nhà giáo Dương Lêh, nhà thơ Thùy Dương, nhà nghiên cứu Phật Giáo Tâm Nguyện, Nhà báo Vương Liêm, nhà sưu tầm Phạm Thế Cường, nhà giáo Phạm Vũ, Kỹ Sư Hoàng Minh đã có những cuộc Thuyết Trình về nhiều đề tài rất hấp dẫn thính giả được mời tham dự. Đồng thời CLB cũng đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm Báo Chí cổ xưa và một cuộc triển lãm các tác phẩm của chính các thành viên như Dịch Giả Vũ Anh Tuấn, LM Nguyễn Hữu Triết, nhà Báo Vương Liêm, BS Nguyễn Lân-Đính, nhà nghiên cứu Phật Giáo Tâm Nguyện vv… CLB Sách Xưa và Nay cũng đã có chút đóng góp khi Dịch Giả Vũ Anh Tuấn, Chủ Nhiệm CLB, được Hội Nhà Văn Việt Nam mời tham dự Hội Nghị Quốc Tế Giới Thiệu Văn Học Việt Nam từ ngày 5 tới ngày 10 tháng 1, năm 2010; vì kẹt chuyện gia đình không đi được nên ông đã chỉ gửi tham luận, và đã giới thiệu nhà thơ nữ Thùy Dương để Ban Tổ Chức gửi giấy mời.

Nhưng hoạt động đáng kể nhất của CLB Sách Xưa và Nay, đã làm cho CLB được biết tới ở khắp mọi nơi, quốc nội cũng như quốc ngoại, chính là BẢN TIN, mỗi tháng ra một kỳ, và đã ra liên tục tới số hiện tại là số 61 (đúng 5 năm, mỗi năm 12 số). Bản Tin của CLB có rất nhiều độc giả trên toàn thế giới vì đã được Mạng Tìm Kiếm GOOGLE dành cho 15 trang liên tục chỉ riêng những bài của Bản Tin không có của ai khác xen vào. Bản Tin còn được đưa lên nhiều trang webs như Sachvatranh.com, Giaimakinhphat.com đầy đủ 60 số cho tới ngày hôm nay. Ngoài ra một số bài viết còn được đưa lên những trang webs khác như Vanchuongviet.net, Vandanviet.com, Newvietart.com (ở Pháp). Bản Tin còn được sự cộng tác miễn phí của nhiều nhà nghiên cứu hữu danh như nhà văn Nguyễn Văn Sâm, Dịch Giả Thiếu Khanh Nguyễn Huỳnh Điệp, TS. Nguyễn Đức Hiệp ở Úc, nhà Kiều Học Phạm Đan Quế, LM Nguyễn Hữu Triết, nhà nghiên cứu Bùi Đẹp, nhà nghiên cứu Nguyễn Công Tạo, nhiếp ảnh Hà Mạnh Đoàn, nhà giáo Hoàng Chúc, nhà nghiên cứu Phạm Phú Thành, nhà sưu tầm Đỗ Thiên Thư, Giáo viên Yoga Lê Ái Liên; còn về phía các nhà thơ thì có các vị như: Hải Đăng Trần Văn Hữu, Xuân Vân, Thùy Dương, Thanh Châu, Ngàn Phương, Trần Lữ Vũ, Dương Lêh, Lê Minh Chữ, Tâm Nguyện, Trần Quang, TT.Th, Lê Thị Giáng Vân (Ái nữ nhà văn Lê Văn Trương), Lan Hinh (Ái nữ Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải), Thiếu Khanh, Tường Uyển (Ái nữ Cụ Toan Ánh)… Ngoài ra Bản Tin cũng nhận được sự giúp đỡ tối ư là nhiệt tình của nhà giáo Đào Nguyễn Hồng Hiếu trong việc đưa lên mạng. Một điều đặc biệt nhất là Bản Tin CLB Sách Xưa và Nay tuyệt đối phi chính trị và chỉ thuần văn học, lý do đơn giản là vì người chủ trương là một kẻ suốt đời chỉ có “Chính Em”chưa hề ngó ngàng gì tới Chính Trị mà anh ta gọi đùa là “Cô Chị”…

Chính vì nhờ ở sự đồng tâm nhất trí, nhờ ở nỗ lực của mọi người và mỗi người, cũng như nhờ ở sự hy sinh chung của tất cả mọi thành viên mà Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay chắc chắn sẽ tiếp tục vững mạnh tiến tới, bây giờ cũng như trong tương lai, khi có sự tin tưởng là tất cả đang chung tay làm những điều rất tốt

Đại Diện cho CLB SÁCH XƯA & NAY

Dịch Giả Vũ Anh Tuấn



BÁC SĨ NGUYỂN LÂN-ĐÍNH GỬI CHỦ NHIỆM
CLB

 


Fountain Valley 29 tháng 5, 17:00

Anh Tuấn thân

Tôi nhận liều với Anh vì muốn có mặt trên bản tin kỷ niệm 5 năm, song ý thì nhiều cho một “Ký sự 1 tháng văn hóa ẩm thực ở Nam Cali” song thời gian và font chữ thì thiếu để gửi về cho Anh một bài cho “ra hồn”! Thôi Anh cứ thay mặt tôi gửi lời chào thân mật và trân trọng nhất tới các bạn trong CLB giùm tôi, chứ chưa thể có mặt được vì chưa gặp hết người thân cần gặp - sau mấy chục năm xa cách.

Đại ý những điểm chính muốn nêu lên là:

Ẩm thực hoàn toàn không có chính trị: Màu cờ, sắc áo thù hận nhau nhưng vẫn thưởng thức món ăn như nhau…

Các tiệm ăn đông khách mang thương hiệu có uy tín ở Saigon hiện nay: Cơm tấm Thuận Kiều, Phở Tàu Bay (góc Lý Thái Tổ), Brodard, Phở Hòa vv...

Có tên cả những tiệm “nổi tiếng 1 thời” nhưng nay không còn nữa: Phở 79 (Võ Tánh xưa = nay Nguyễn Trãi) hay Cơm gà Xiu Xiu họa may trong trí nhớ của những nguời tuổi thứ 3 hay thứ 4 (như tôi!)

Kích thước một suất ăn rất lớn (serving size) - cho giá tiền thấp nhất là khoảng 5 US$ song nếu ăn không hết ở đây, có thể order 1 hộp hay túi xách mang về, ăn vừa ý thì hay để lại “bo” (= tip) 1 - 2$

Nếu không có thì giờ nấu ăn, có rất nhiều tiệm có thể ghé qua mua thức ăn nấu sẵn mang về: Food to go, về nhà chỉ phải nấu cơm, hay ăn với bánh mì.

Đây là một nền văn hóa phải có xe hơi riêng, đi đâu, gặp ai phải điện thoại hẹn trước. Tới nơi công cộng, phải tìm được một chỗ đậu xe, ngày thường thì đường vắng chỉ đông vào giờ người ta đi làm, đường rộng nhiều “lane” song song, những phụ nữ ở bên nhà không có xe hơi, không biết lái xe, muốn làm quen với đời sống bên Mỹ là phải kiếm việc, học tiếng, học lái xe thì mới thích nghi với đời sống tương đối ngăn nắp và văn minh - so với VN thì nhiều cái hơn rất nhiều.

Song phải trẻ và biết tổ chức cuộc sống thì có thể thích nghi ít nhất cũng ngang bằng gốc “da trắng”.

Tôi thì thuộc loại “best used before” rồi. Thân ái,.

Nguyễn Lân-Đính


MỘT SỐ CHI TIẾT VỀ CUỐN SÁCH NHAN ĐỀ LÀ:

“TÂM HỒN MỘT LINH MỤC THỪA SAI” hay là

CUỘC ĐỜI CỦA LM. P.NEMPON Ở BẮC KỲ (TONKIN)

Của Tu viện Trưởng Gustave Monteuuis Cử nhân Văn Chương

(Tác phẩm đã đoạt giải của Hàn Lâm Viện Pháp)

xuất bản năm 1895

Người viết mua được cuốn sách này từ tủ sách của Cụ Cựu Bộ Trưởng Tài Chánh Dương Tấn Tài. Sách khổ 13x20cm và dày 397 trang. Sách được xuất bản năm 1895 (116 năm tuổi), có lời nói đầu của Đức Giám Mục BAUNARD, Viện Trưởng Viện Đại Học Lille và được giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp Quốc. Đặc biệt là ở ngay đầu sách có hình nhân vật chính (LM. NEMPON) có kèm theo dòng chữ “Sống ở Bắc Kỳ và thác ở Bắc Kỳ” (Vivre au Tonkin et y mourir). Một điểm đặc biệt đáng quý nữa là cuốn sách này có thủ bút và chữ ký của tác giả tặng một Tu viện trưởng khác tên là Vandermersh!

Sách được chia thành 25 chương nhưng người viết chỉ xin nói tới các chương nói về các hoạt động của LM. Dòng Thừa Sai này ở Bắc Kỳ, và xin bỏ qua các chương về đời tư của nhân vật chính khi còn ở bên Pháp:

- Chương I–XII: từ đầu sách cho tới trang 166 nói về đời tư của nhân vật chính ở Pháp; về gia đình, về việc gia nhập dòng tu và các sự việc khác dẫn đến việc LM. Nempon đến Saigon và từ Saigon đi ra Bắc Kỳ, do đó người viết xin được giới thiệu từ chương XIII.

- Chương XIII: từ trang 167 - 179 nói về việc LM. Nempon đến Saigon mang tiểu tựa là: Chuyến đi từ Saigon ra Bắc Kỳ (Tonkin). Nhân vật chính mô tả Dinh Toàn Quyền ở Saigon (Dinh Thống Nhất), kể lại việc ông tiếp xúc với người Việt (Annamite) đầu tiên, việc ông tới cảng Hải Phòng, ghé Hà Nội và đến Kẻ Sở…

- Chương XIV: từ trang 180 - 189 mang tiểu tựa là Xứ Bắc Kỳ và nước Pháp. Chương này nói về Giáo Khu Bắc Kỳ và nhắc lại một số sự kiện lịch sử như việc Pháp lần đầu tiên can thiệp vào Bắc Kỳ năm 1787 (Đức Cha Bá Đa Lộc), Pháp đến Nam Kỳ (1859) chiến dịch Françis Garnier (1873) vv…

- Chương XV: từ trang 190 - 210 nói về tình hình tôn giáo ở Bắc Kỳ năm 1885, về các việc cấm đạo, về việc LM. Béchet tử vì đạo năm 1883, về cuộc tàn sát ở Lào năm 1884, về hai linh mục Cấp và Học tử vì đạo ở Bắc Kỳ năm 1885, về các vụ tàn sát ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ năm 1885…

- Chương XVI: từ trang 211 - 221 nói về việc tổ chức Giáo hội ở Bắc Kỳ, việc lập Chủng viện, tuyển chủng sinh, về các linh mục người bản xứ và về Đức Cha Puginier…

- Chương XVII: từ trang 222 - 234 nói về thời kỳ nhân vật chính tức là LM. Nempon sơ tu (Noviciat) ở Bắc Kỳ, lúc này ông tuyên bố “Từ nay về sau tôi mãi mãi là người Bắc Kỳ” (Je suis à jamais Tonkinois)…

- Chương XVIII: từ trang 235 - 250 nói về Giáo xứ Bai Vang, về nhà cửa ở Bắc Kỳ, về 4 cái lọng của Cha Trần Lục, và về thức ăn: “Gạo, lúc nào cũng ăn gạo”…

- Chương XIX: từ trang 251 - 266 nói về chuyến đi Hồng Kông và sang Trung Quốc của cha Nempon và từ Trung Quốc trở lại Hồng Kông để trở về Bắc Kỳ.

- Chương XX: từ trang 268 - 285 nói về việc làm cha xứ ở Nam – Xang Khoan-vị-thượng và Khoan-vị-hạ, việc lập xứ đạo ở Ngọc Lữ, về việc tại sao các quan lại và văn thân chống lại việc theo đạo ở Bắc Kỳ, và nạn đói kém và những người Bắc Kỳ tội nghiệp…

- Chương XXI: từ trang 286 - 307 nói về việc điều hành các cơ sở công giáo và cho biết kết quả năm đầu tiên là rửa tội được cho 750 người và có 3000 chủng sinh, về chuyện một ngôi chùa biến thành một nhà thờ, về cuộc hội họp ở Kẻ Sở, về việc giúp người bị dịch tả vv…

- Chương XXII: từ trang 308 - 326 nói về chuyện gia đình riêng tư của LM. Nempon (chỉ gồm có ông và thân mẫu) khi ông ở Bắc Kỳ, về lá thơ ông viết và nói lý do tại sao ông ở lại Bắc Kỳ vv…

- Chương XXIII: từ trang 328 - 344 nói về chuyến viếng thăm của Đức Giám Mục Puginier, về vấn đề truyền giáo ở Lào, về việc LM. Nempon xin đi Lào nhưng Đức Giám Mục Puginier từ chối vv…

- Chương XXIV: từ trang 345 - 358 nói về những người công giáo tốt và xấu ở Bắc Kỳ, về ngày Tết ở Bắc Kỳ, về nhà thờ Phú Đa, về LM. Nempon hẹn gặp thân mẫu, về dự định lập nhà xứ ở Trung Kỳ (Annam), về những kỷ niệm cuối cùng LM. Nempon dành cho thân mẫu…

- Chương XXV: từ trang 359 - 397 (hết) nói về việc LM. Nempon phải phẫu thuật, về di chúc của kẻ tông đồ với tư cách là người con trai còn mẹ già, về lá thư cuối cùng của LM. Nempon cho thân mẫu, về việc ông qua đời và tin tức được báo về Dunkerque… và phần kết luận về cuộc đời làm linh mục ở Bắc Kỳ của LM. Nempon.

Cuốn sách là một tài liệu quý cho các nhà nghiên cứu về Đạo Công giáo, về lịch sử và phong tục tập quán, đồng thời nó cũng rất quý ở chỗ đã được viết trên quan điểm thuần Công giáo. Xin giới thiệu với quý vị…

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

VŨ ANH TUẤN


ĐẠO PHẬT DƯỚI MẮT CÁC NHÀ KHẢO CỔ

Lời nói đầu: Từ trước đến nay chúng ta thường được hiểu về Đạo Phật qua những nhà truyền giáo hay nhà nghiên cứu thuần túy dựa trên văn bản của Đạo Phật.

Nhân Mùa Phật Đản năm nay, tôi xin đăng lại nguyên văn phụ đề Việt Ngữ trong bộ phim CUỘC ĐỜI ĐỨC PHẬT do BBC dàn dựng năm 2001, nói về cuộc tìm kiếm của các nhà khảo cổ về những dấu vết thực tế: nơi Đức Phật đã sinh, nơi Ngài đã sống, và cái nhìn khách quan của họ về giáo pháp của Đạo Phật để chúng ta cùng chiêm nghiệm. Cuối cùng là nhận xét của tác giả bài viết.

I.- Toàn bộ phụ đề Việt Ngữ của bộ phim:

Từ 500 năm trước Chúa Giê-su, có một Hoàng Tử trẻ đã mở ra một con đường. Ngài đã trải qua đau đớn và khổ ải để đạt tới Niết Bàn. Niềm hạnh phúc vĩnh hằng mà chúng ta ước vọng đạt tới.

“Biểu tượng vĩnh cửu của sự An Lạc, Từ Bi và phi bạo lực”. (Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma). Đó là Đức Phật”.

Ngài được trưởng thành trong một cung điện xa hoa. Khi còn thơ ấu, đặc quyền đã cho phép Ngài thụ hưởng mọi sự nuông chiều, nhưng Đức Phật đã từ bỏ tất cả để đạt được trí huệ tận cùng. Ngài đã du hành đến những ngóc ngách sâu thẩm của tâm trí, trực diện, đối mặt với Ma Tâm bên trong. Đức Phật đã thành lập một tôn giáo đầu tiên trên thế giới – mà hiện nay có hơn 400 triệu tín đồ – Một tôn giáo sử dụng THIỀN ĐỊNH để đạt tới trạng thái an lạc và hạnh phúc tuyệt đối” .

“Sử dụng tiềm năng và nội lực của bản thân chúng ta để biết về Thực Tại Tối Thượng” (Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma)

“Các sự kiện trong đời Ngài đã là câu chuyện vĩ đại, và Đức Phật là một biểu tượng tồn tại vĩnh cửu.

Dù Đức Phật đã nhập diệt hơn 2.500 năm, nhưng giáo pháp của Ngài vẫn tồn tại. Những lời giáo huấn của Ngài vẫn còn nguyên giá trị và Đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng tiếp tục truyền đạt giáo huấn của Ngài, tiếp nối truyền thống đã xuất hiện ngay sau khi Phật nhập Niết Bàn”.

Đạo Phật được nhiều nền văn hóa tiếp nhận và diễn giải bằng nhiều cách khác nhau... Những lời dạy của Phật về một tinh thần tĩnh tại và sáng suốt được nhiều người cho đó là Tôn Giáo, người khác cho là Triết Học hay Tâm Lý Trị Liệu.

Nhiều người cho rằng đó không phải là một tôn giáo mà là khoa học của tâm trí. (Lời Đức Đạt Lai Lạt Ma).

Ngày nay giáo huấn của Đức Phật vẫn còn nguyên giá trị mặc dù đã trải qua 2.500 năm. Nguyên nhân Đạo Phật được phổ biến rộng rãi như vậy là do sự sâu sắc của nó và rõ ràng là Đức Phật khám phá ra nhiều thứ cực kỳ quan trọng.

Khác với nhiều Tôn Giáo khác, Đạo Phật tập trung vào tâm trí và không có một đấng quyền năng tuyệt đối mà thay vào đó là một bậc Thầy vĩ đại: Đức Phật hay Đấng Giác Ngộ. Điều đó hết sức tự nhiên trong thời kỳ mà nhiều người cho rằng Tâm Lý Học là một lựa chọn thay cho tôn giáo, nghĩa là phương thức trị liệu để đối phó với những vấn đề trong đời sống, và điều này rất dễ được nhiều người tiếp nhận. (Lời nhà khảo cổ).

Có nhiều cách thể hiện Đạo Phật và trong tâm trí mỗi Phật Tử cũng có một hình ảnh của Ngài.

“Một sự giao hòa giữa An Lạc tuyệt đối và phi bạo lực. Tôi nghĩ hẳn là phải như vậy ” (Lời Đức Đạt lai Lạt Ma).

Chỉ rất gần đây – 100 năm trước, Phương Tây hoàn toàn không biết gì về cuộc đời của Đức Phật, cho đến khi người Anh chiếm Ấn Độ làm thuộc địa. – Đất nước nơi Phật đản sanh. Đạo Phật đã từng huy hoàng rồi tàn lụi, bị các vua Hindu cũng như quân Hồi Giáo xâm lược và tàn phá.

Khởi nguyên và các địa điểm gắn với cuộc đời Đức Phật đã thất tung cho tới tận khi một nhà Khảo Cổ người Anh bắt đầu thám hiểm vùng Bắc Ấn và những khám phá của họ bắt đầu gắn cuộc đời của đức Phật với những sự kiện lịch sử.

Vào những năm 1860, nhiều nhà Khảo Cổ đã cố gắng xác định các địa điểm gắn bó với cuộc đời Đức Phật. Cho đến những năm 1890, rất nhiều địa điểm đã được xác định thành công ở khu vực sông Hằng.Nhưng khi đó 2 địa điểm quan trọng nhất với Phật Giáo vẫn còn chưa được khám phá: Lâm Tì Ni, nơi Đức Phật đản sanh, và thành Ca Tỳ La Vệ, nơi Đức Phật sinh sống vào thời niên thiếu. Những địa điểm này nằm ở phía Bắc sông Hằng, ít nổi tiếng, một phần bởi vì có khu vực rừng rậm, có nhiều hổ cũng như căn bịnh sốt rét, cần những phát hiện mang tính đột phá để hé mở.

Câu chuyện về nguồn gốc của Đức Phật.

Ở một ngôi làng xa xôi, qua cả biên giới Népal, người ta đã phát hiện một cột đá. Một nhóm người Anh đã được cử đến để giải mã các chữ khắc trên cột. Đó là cổ ngữ Brami, ngôn ngữ của người bản xứ Bắc Ấn, và những dòng chữ ghi trên đó nói rằng: “Đây là nơi Phật hay Đấng Giác Ngộ đản sinh”.

Đây là bằng chứng đầu tiên để chứng tỏ rằng: Đức Phật không chỉ là một hình tượng truyền thuyết. Ngài đã thực sự tồn tại.

Những văn bản cổ xưa của Phật Giáo đã gọi nơi Đức Phật đản sanh là Lâm Tì Ni, và bây giờ các nhà Khảo Cổ đã định vị được nó trên bản đồ và họ chỉ cần tìm được địa điểm Đức Phật đã trưởng thành.

Một thành phổ cổ đại mà trong văn bản cổ xưa gọi là Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Rõ ràng rằng địa điểm này nằm ở phía Tây Bắc cách Lâm Tỳ Ni chứng 10 đến 15km về hướng Tây, và đó là khu vực tập trung tìm kiếm. Các cuộc tìm kiếm phát hiện ra 2 địa điểm khả dĩ của thành Ca Tỳ La Vệ. Một ở Ấn Độ và một ở Népal.

Trong hơn 100 năm, các nhà khảo cổ bàn cãi nhau đâu mới là địa điểm thực sự. Nghiên cứu mới của Tiến sĩ Coningham và các đồng sự cho rằng địa điểm cổ xưa này nằm ở vị trí nay là Tilaurakot ở Népal. Đó là một địa điểm cực kỳ tuyệt vời vì còn được bảo tồn khá tốt.

Chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc điều tra về vật lý, địa lý và chúng tôi khám phá rất nhiều con đường và rõ ràng rằng toàn bộ thành phổ được tổ chức theo hình lưới với cung điện nằm ở trung tâm. Đó chính là nơi bắt đầu câu chuyện về Đức Phật. (Lời nhà khảo cổ).

2.500 năm trước kia, Bắc Ấn được chia thành nhiều vương quốc. Thân phụ của Đức Phật, Tịnh Phạn được bầu chọn làm Thủ Lĩnh. Ông cai trị vương quốc của mình từ cung điện nằm dưới chân núi Hi Mã Lạp Sơn này. Hoàng hậu của ông là Maya.

Theo truyền thuyết, vào đêm trăng rằm, bà có một giấc mơ lạ kỳ. Theo đó, một sinh linh đặc biệt là Đức Phật sẽ lại đản sinh trên trái đất. Theo truyền thuyết, 4 vị thần bảo vệ thế giới đã khiêng chiếc giường ngủ của Hoàng Hậu lên đỉnh Hi mã lạp sơn. Họ xức nước thơm tinh khiết và trang điểm cho bà với những đóa hoa từ Thiên Đường. Một con voi trắng 6 ngà bay từ cõi trời xuống với vòi gắn l bông Sen và bay thẳng vào bụng bà. Hoàng Hậu sẽ sinh ra Đức Phật.

Nếu xem xét câu chuyện này, và so sánh với chẳng hạn câu chuyện về Chúa Giêsu đều thấy xuất hiện các Thiên Thần. Tôi tạm đưa ra l giả thuyết cơ bản ở đây: có những lực lượng vượt tầm chúng ta đưa ra những dấu hiệu điều gì đó vĩ đại sẽ xảy ra.

Theo truyền thuyết, Đức Phật sẽ lựa chọn thời gian và địa điểm để tái sinh. Cậu bé được đạt tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha) nghĩa là “Thực hiện được mọi mơ ước”. Nhưng Hoàng Hậu Maya lâm bệnh và từ trần vài ngày sau khi sinh nở. Tất Đạt Đa được người dì nuôi dưỡng.

Hoàng gia mời các đạo sĩ Bà La môn đến, và sau đó, một nhà tiên tri đã dự đoán về tương lai của đứa trẻ. Theo truyền thuyết, nhà tiên tri thấy trên cơ thể của Thái tử xuất hiện các tướng tốt lành của bậc vĩ nhân bao gồm cả dấu hình bánh xe trong lòng bàn chân của Ngài. Theo truyền thuyết, Đức Phật sinh ra có 32 tướng tốt của bậc vĩ nhân. Những dấu hiệu này chỉ xuất hiện trên 2 loại người: Thứ nhất là Đức Phật và thứ 2 là Đại Đế thống trị toàn thế giới.

Đức Vua Tịnh Phạn vô cùng sung sướng với ý tưởng con trai của mình sẽ trở thành một thủ lãnh vĩ đại. Do đó, nhà vua vô cùng chiều chuộng con trai để ngăn ngừa Thái Tử nhìn thấy những điều khiến cậu rẽ sang con đường Tôn Giáo. Mọi người biết về dấu hiệu này đều biết Tất Đạt Đa là xuất chúng – đặc biệt là Tịnh Phạn Vương. Nhưng nhà vua quan sát sự trưởng thành của con trai nhỏ tuổi, ham hiểu biết và lo lắng về các lời tiên tri: Một ngày nào đó Thái Tử sẽ từ bỏ hoàng cung và trở thành một nhà Lãnh đạo Tôn Giáo, chứ không trở thành thủ lĩnh của Bộ Tộc Thích Ca.

Khi Tất Đạt Đa trưởng thành, nhà vua cực kỳ mừng vui thấy tài năng tuyệt vời của Hoàng Tử trong các môn: Đánh kiếm, Đấu vật và Bắn cung. Nhưng đồng thời nhà vua cũng thấy Hoàng Tử có tư tưởng sâu sắc và cực kỳ ham hiểu biết. Hoàng Tử dường như luôn ham muốn tìm hiểu bản chất của thế giới chung quanh chớ không phải con đường binh nghiệp, mà đối với một vị vua – đây là điều tối cần thiết! Hoàng Tử trẻ Tất Đạt Đa phải học nếu muốn cầm đầu các chiến binh. Tất Đạt Đa được kỳ vọng trở thành vị vua tương lai, người bảo vệ Ca Tỳ La Vệ, một trong những thành phố đầu tiên ở vùng Bắc Ấn.

Cung điện nơi Tất Đạt Đa trưởng thành đã biến mất hoàn toàn và các nhà Khảo Cổ không còn gì để nghiên cứu, nhưng họ đã tìm thấy những vật liệu xây dựng bền vững hơn tại Tilaurakot.

(Lời các nhà Khảo Cổ) Chúng tôi đã cắt một đoạn mương 3mx3m. Chúng tôi có được các lớp trầm tích của địa điểm và sau đó chúng tôi đã kinh ngạc khi phát hiện được l vật liệu được biết đến là l mảnh bát vỡ được sơn đen. Mảnh bát này có tầm quan trọng đặc biệt. Tiến Sĩ Coningham cho rằng nó được làm từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên, là thời điểm tất Đạt Đa trưởng thành trong cung điện. Cái chúng tôi có là trung tâm của l ngành kinh doanh nhỏ - Có thể là một khu định cư. Chúng tôi vẫn phân vân không biết có nên gọi nó là l thành phố không? Khu vực trung tâm thuộc về nhà cai trị và phần lớn cư dân sống trong vòng nội địa. Đây chính là vùng nội địa nằm phía bên ngoài thành và cuốn hút Tất Đạt Đa. Do đó, khi 9 tuổi, nhà vua cho phép Hoàng Tử ra ngoài tham gia lễ hội Cày Ruộng thường niên. Hoàng Tử đã tham gia rất háo hức. Cảm nhận đầu tiên về thực tại của cậu về thế giới bên ngoài. Bức tường đã mở ra cho Tất Đạt Đa một cái nhìn mới về thế giới và đã trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời của cậu.

Người ta kể lại rằng Hoàng Tử đã xem một người dân đang cày. Nhìn thấy công việc cực nhọc và nỗ lực cứ lặp đi, lặp lại, những thứ mà Ngài không bao giờ nhìn thấy trong cung điện. Ngài quyết định thoát khỏi Lễ Hội và đứng một mình.

Ấn tượng đầu tiên về cuộc sống thực sự đã tác động mạnh mẽ đến Hoàng Tử. Đối với người khác, đây có thể là một Lễ Hội, nhưng đối với Tất Đạt Đa, nó là biểu tượng của một thứ hoàn toàn khác. Hoàng Tử để tâm trí mình rơi vào trạng thái lặng ngắm. Hoàng Tử quan sát cái cày khi nó cắt, xới đất, và chú ý thấy chim chóc tới ăn các con côn trùng vừa mới chui từ mặt đất lên. Ngài tự hỏi tại sao chúng sinh lại phải chịu khổ đau. Nếu người nông dân không cày, con chim sẽ không ăn được côn trùng. Hoàng Tử thấy rằng mọi thứ đều có liên hệ với nhau và mọi hành động đều có Nhân Quả. Quan sát đơn giản này dẫn đến một trụ cột trong giáo lý của Người: NGHIỆP (Karma).

Khi Tâm Thái Tử tập trung vào những tư tưởng sâu sắc. Hoàng Tử thả mình vào trạng thái xuất thần hay Nhập Định, một trạng thái tinh thần mà sẽ trở thành bước đầu tiên của Người trên con đường Giác Ngộ. Người ngồi dưới bóng cây và tập trung đến cái cày đang cày xới trên mặt đất. Truyền thuyết nói rằng lúc đó Hoàng Tử tự nhiên tiến vào cảnh giới THIỀN ĐỊNH gọi là Sơ Thiền. Trạng thái này rất hân hoan và Hạnh Phúc, và sau này Hoàng Tử lại sẽ sử dụng nó trên con đường tâm linh của mình.

Mối quan hệ của THIỀN trong Phật Giáo là tập trung vào một thứ gì đó để tạo ra cảm giác thanh bình. Có thể đó là ý tưởng của Từ Bi. Các con côn trùng bị giết khi cày trên mặt đất. Do đó, tôi giả định người ta sẽ nhìn thấy điểm này là một phần bản chất của Ngài.

Hành vi của Hoàng Tử trẻ làm đảo lộn mọi chủ định của nhà vua. Theo Bà La môn, Tôn Giáo chính tại thời kỳ đó, con phải nối nghiệp cha. Một trong những điều mà tôi nghĩ: Quan điểm này lại quá mạnh. Hơn cả chúng ta tưởng tượng, là quan điểm của nhà Vua Tịnh Phạn, cố gắng bảo vệ Hoàng Tử trước bất kỳ khổ đau nào. Và bây giờ, nguyên nhân để thực hiện điều này là có một lời tiên tri rằng: Hoàng Tử hoặc sẽ trở thành một Đại Đế, hoặc sẽ trở thành người Xuất Gia và đạt được sự Giác Ngộ. Dĩ nhiên, nhà vua muốn Hoàng Tử kế tục mình trở thành một vị Vua!

Khi tất Đạt Đa lớn lên, Vua Tịnh Phạn cố gắng tìm mọi cách để Hoàng Tử ở bên trong cung điện. Nhà Vua tạo ra quanh Hoàng Tử một môi trường sống tuyệt hảo và đầy cám dỗ. Ngoài địa vị Thái tử, Tất Đạt Đa còn có những nàng hầu tuyệt đẹp, để Hoàng Tử chìm đắm trong nhạc nhã và sắc đẹp.

Khi Tất Đạt Đa tròn 16 tuổi, Vua Cha tìm cho Ngài một người vợ xinh đẹp. Công Chúa Da Du Đà La (Yhshudhara). Tất Đạt Đa phải tham gia tranh tài để cầu hôn nàng, và Nhà Vua rất vui mừng khi thấy con trai tài giỏi là người chiến thắng. Nhà Vua bắt đầu tự thuyết phục rằng cuộc sống trong cung cuối cùng cũng đã phù hợp với Hoàng Tử. Nhưng đó chỉ là mong muốn của Nhà Vua mà thôi, và Tất Đạt Đa năn nỉ Vua Cha cho phép đi vi hành. Không thể từ chối mong muốn của con lâu hơn nữa, Nhà Vua tuyệt vọng ra lệnh dọn sạch hết những gì chướng mắt trong khu vực phụ cận Hoàng Cung. Giống như trong một bộ phim Hollywood. Những người ốm đau, nghèo khổ, già cả được dọn sạch khỏi thế giới lý tưởng của Hoàng Tử trẻ tuổi.

Mặc cho những nỗ lực của Vua Cha, nếm trải đầu tiên của Tất Đạt Đa về thế giới bên ngoài sẽ hé lộ ra thực tế khắc nghiệt.

Ngây thơ như một đứa trẻ, Ngài ra đi cùng với Xa Nặc (Chana), người đánh xe của Ngài đóng vai trò là người dẫn đường. Hoàng Tử sẽ thực hiện 4 cuộc du lãm và nhìn thấy 4 dấu hiệu được dự đoán trước bởi những thầy bói của Hoàng Gia.

Các Kinh sách Phật Giáo Nguyên Thủy đều đề cao mức độ quan trọng của thời điểm lịch sử này, vì mỗi cuộc hành trình sẽ mở ra cho Tất Đạt Đa một khía cạnh của cuộc sống đã bị cố tình che dấu trước mắt Ngài.

Trong chuyến du hành đầu tiên, Ngài nhận thấy một cụ già khó nhọc lê bước trên đường làng. Ngài hỏi Xa Nặc về chuyện xảy ra với cụ già, và Xa Nặc giải thích cho Ngài về quá trình lão hóa của con người. Tất Đạt Đa được cảnh tỉnh khi Ngài học được rằng “LÃO” là không thể tránh khỏi và xảy ra với tất cả con người. Đối với Tất Đạt Đa, thực tế đã bắt đầu vén màn bức tranh khắc nghiệt về thế giới, nơi bất hạnh và đau khổ xuất hiện để thống trị mọi khía cạnh của cuộc sống.

Dấu hiệu Thứ Hai xuất hiện ngay kế tiếp. Khi Tất Đạt Đa nhận thấy một người Bệnh, cơ thể tàn tạ vì bị bệnh tật hành hạ. Ngài hỏi Xa Nặc rằng liệu có phải ai cũng có thể bị Bệnh không? Và Ngài lại bị chấn động lần nữa khi Ngài biết sự thật phũ phàng rằng: Tất cả chúng ta đều không thể thoát khỏi ‘BỆNH”. Bức tường bảo vệ giả tạo quanh Ngài bắt đầu tan vỡ. Càng khám phá Ngài càng nhận ra bi kịch của cuộc sống.

Giờ đây Ngài thấy một người vừa chết quấn trong tấm vải liệm được mang đến giàn thiêu, và chuyện kể rằng Hoàng Tử kinh hoàng khi khám phá ra rằng: Không những con người không thoát khỏi “TỬ” , mà theo tín ngưỡng Bà La môn (Brahamin), sau khi chết đi, tất cả chúng ta đều được tái sinh để chịu đau đớn và chết đi hết lần này đến lần khác, dường như không có kết thúc, và không có giải pháp cho vòng quay vô tận này.

Cuộc đời Đức Phật là một biểu tượng bởi vì điểm mấu chốt là: Ngài là một thanh niên có cuộc sống vuơng giả và Ngài nhận ra điều đó không đủ bởi vì Ngài bị chấn động mạnh. Ngài bị chấn động mạnh bởi lần đầu tiên trong đời Ngài gặp phải LÃO, BỆNH, và TỬ. Có vẻ không hợp lý khi một thanh niên có trí tuệ sáng láng được nuôi dạy cẩn thận, nhưng Ngài lại không biết gì về điều đó. Điều này có vẻ như là để truyền đạt ấn tượng ghê gớm về việc đối mặt với những vấn đề cơ bản của sự tồn tại của con người đã và đang chi phối chúng ta và vấn đề cấp bách là chúng ta phải làm điều gì đó.

Nhưng dấu hiệu THỨ TƯ mới là dấu hiệu chỉ ra tương lai của Tất Đạt Đa: Một người với l tấm vải quấn quanh cơ thể cấm chiếc bát khất thực trước mặt Ngài. “Tại sao ai đó lại muốn từ bỏ những lạc thú trên đời này để đi lang thang khắp đất nước làm nghề khất thực?” - Hoàng Tử trẻ tuổi hỏi. Xa Nặc giải thích rằng người đàn ông này đã từ bỏ những lạc thú đó để đối mặt với thực tế và tìm kiếm câu trả lời cho sự tồn tại khổ đau này. “Vai trò của những việc này – theo tôi, là một câu chuyện thiết thực của việc thúc đẩy sự nhận thức về tồn tại. Chúng ta đều biết rằng con người sẽ già đi, sẽ ốm yếu bệnh tật, rồi cuối cùng sẽ phải chết. Nhưng hoàn toàn khác biệt khi tĩnh tại ngồi suy nghĩ và nhận ra rằng: Không phải những người khác già đi, ốm yếu và chết, mà là chính bản thân ta sẽ già đi, sẽ ốm đau rồi chết. Và tôi cho rằng ý nghĩa câu chuyện là như vậy: Cố gắng khắc họa khoảnh khắc của hiện thực đang tồn tại khi lần đầu tiên bạn nhìn thấy, nói rằng bạn sẽ chết! Bạn biết điều đó và bạn nếm trải nó” (Lời nhà khảo cổ).

Khi Tất Đạt Đa quay lại Hoàng Cung sau chuyến du hành Thứ Tư. Trí óc Ngài đang quay cuồng với sự hiểu biết mới mẻ về thế giới. Hoa trái chung quanh Ngài sẽ thối rữa và tàn úa. Ngay cả những bức tường của cung điện rồi cũng có ngày sụp đổ. Công Chúa Da Du Đà La vừa sinh cho Ngài một đứa trẻ xinh đẹp, nhưng rồi họ cũng sẽ già đi, ốm yếu và chết! Đây là những điều không thể tránh khỏi. Ngài đã học được ý nghĩa của sự Vô Thường và nhìn thấy điều này ở mọi thứ xung quanh. Tất Đạt Đa biết rằng Ngài phải rời bỏ gia đình để đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi đang thiêu đốt bên trong Ngài, dù cho việc đó có nghĩa là phải bỏ rơi người vợ trẻ và đứa con mới sinh. Trái với truyền thống của gia đình và tôn giáo Bà La Môn, Tất Đạt Đa bỏ nhà để đi tìm câu trả lời của riêng Ngài về sự đau khổ của cuộc sống.


Phụ Bản I

Một câu truyện kể lại rằng: Một màn sương mù đã hiện ra để ru ngủ lính canh cho phép Ngài bỏ trốn cùng Xa Nặc qua cửa phía Đông của cung điện .

Truyện kể rằng trên dòng sông Anoma, Ngài đã cởi bỏ đồ trang sức, đổi bộ quần áo xa hoa lấy bộ đồ của kẻ hành khất và cắt đi mái tóc dài. Ngài yêu cầu Xa Nặc mang chúng về quay trở về cung điện.

Tất Đạt Đa lần đầu tiên chỉ có một mình. Cuối cùng Ngài đã trốn khỏi thế giới giả tạo của đời sống Hoàng Cung, nơi thống khổ đã bị quét sạch khỏi tầm mắt. Giờ đây Ngài phải đối mặt với thực tế. Liệu Ngài có tìm được một giải pháp cho nỗi đau khổ của sự tồn tại? Tất Đạt Đa phải đối mặt với việc chịu đựng nỗi thống khổ ở một mức độ mà Ngài chưa bao giờ thấy khi Ngài đi đến các Thành phố và trong đó có những con người bị ném ra cùng một chỗ, khi mà dịch bệnh và đói khổ gia tăng.

Có một số người cho rằng đây là một sự khởi đầu cụ thể cho sự quan tâm của Đức Phật đến nỗi đau khổ. Nó nhấn mạnh những vấn đề chung mà loài người ở bất cứ xã hội nào cũng gặp phải. Tất Đạt Đa nhận ra rằng nếu Ngài muốn tìm câu trả lời cho sự đau khổ chung quanh Ngài, Ngài sẽ phải đương đầu với tôn giáo Bà La môn mà mọi người đều theo. Những gì người Bà La Môn có, là Tri Thức Thần Thánh. Tri Thức Thần Thánh này tập trung vào những kinh sách có tên là Kinh Vệ Đà.

Từ Vệ Đà, bản thân nó có nghĩa là Tri Thức, và ngụ ý ở đây là chỉ có tri thức là tài sản thật sự có giá trị. Với Tri Thức Thần Thánh, các Thầy Bà La Môn nhìn thấu mọi giai đoạn của cuộc sống từ khi sinh ra cho đến khi chết. Nhưng tri thức của họ chỉ được truyền thụ lại cho những người con trai của họ. Vị trí của các gia tộc Bà La Môn luôn được đảm bảo cho đến khi sau một làn sóng các nhà hiền triết mới bắt đầu thách thức nó. Đó là lúc đạo Brahamisn tiền thân của đạo Hindu được đưa ra để tranh cãi. Nó giống như thời của các nhà Triết học cổ như Plato và Socrates ở Hy Lạp cổ.

Mọi người tranh luận với nhau và Đức Phật cố gắng mở một con đường đi ngang qua đó. Ngài mô tả hoản cảnh lúc đó như một mớ hỗn độn của các quan điểm. Một rừng quan điểm. Khi Tất Đạt Đa khám phá khu rừng này, Ngài nhận ra rằng giải pháp cho sự đau khổ của cuộc sống phải khả dụng cho tất cả mọi người hơn là cho một thiểu số. Giống như truyền thống Bà La Môn, Đức Phật đồng tình với những người Bà La Môn, và Ngài nói rằng: “Con người không trở thành Bà La Môn từ khi mới ra đời, mà họ trở thành người Bà La môn bằng cách sống tốt. Con người không trở thành kẻ bị xã hội ruồng bỏ từ khi mới ra đời, mà họ trở thành kẻ bị xã hội ruồng bỏ khi sống không tốt”.

Quả là một suy nghĩ quan trọng và tuyệt diệu. Giống như trong xã hội, chúng ta nói rằng một quý ông đích thực không phải là một người sinh ra trong một gia đình gia thế, mà là người cư xử đứng đắn.

Tất Đạt Đa đi xa hơn trong quá trình tìm kiếm của Ngài về phía Bắc Ấn. Ngài tìm kiếm một lối khác để vượt qua nỗi thống khổ xung quanh. Ngài quan tâm đến tất cả những tư tưởng Triết Học mới, nhưng Ngài muốn tiến xa hơn, vươn tới nơi thẩm sâu trong tâm hồn. Ngài quyết định tập trung vào kỹ thuật Thiền Định và đi tìm những bậc Thầy hàng đầu của thời đó.

Có hai loại THIỀN ĐỊNH phổ biến ở Ấn Độ cổ bao gồm: Đặt bản thân dưới nhiều loại áp lực khác nhau bằng cách kiểm soát sự hít thở hoặc thỉnh thoảng nhịn ăn. Hoặc trải qua các hình thái hành xác khác, mục đích là thực sự đạt được cái mà chúng ta gọi là “các trạng thái biến đổi của ý thức”, và họ nghĩ rằng họ đã đạt được đến những tầng rất cao trong vũ trụ.

Họ không đề cập đến vấn đề này theo nghĩa đen, không phải là họ nghĩ rằng họ ở cách 5.000 feet so với mặt đất. Nói như vậy có nghĩa là họ cho rằng không có mặt phẳng cụ thể, càng trở nên trừu tượng hơn những thứ như là mặt phẳng vô tận của không gian, và nó được kế tiếp bởi mặt phẳng ý thức vô tận như ta có. Và rồi mặt phẳng vô tận của hư vô, đó là những thứ mà chắc chắn Đức Phật đã học được từ những người Thầy của Ngài.

Truyền thuyết kể rằng Tất Đạt Đa cực kỳ xuất sắc trong việc THIỀN ĐỊNH, và Ngài đã thu hút được 5 môn đồ và các thầy của Ngài đã đề nghị Ngài ở lại và tiếp quản trường học. Nhưng Tất Đạt Đa quyết định rằng chỉ riêng việc thực hiện THIỀN ĐỊNH không phải là câu trả lời cho sự đau khổ và tái sinh hay đầu thai. Ngài bắt đầu thử nghiệm các kỹ thuật khác, lần này tập trung vào cơ thể. Vì vậy Ngài thử phương pháp khác là tu Khổ Hạnh. Điều này bao gồm nhịn ăn, không tắm rửa. THIỀN ĐỊNH khi nín thở một lúc lâu và đây là một phương pháp ức chế cao độ. Các thầy tu Khổ Hạnh có thể nhịn đói, hoặc thậm chí chặt đi các bộ phận trên cơ thể. Đối với họ, xác thịt là rào cản cho sự tự do tinh thần. Bằng cách chia cắt sự gắn liền của họ với cơ thể, họ sẽ làm trong sạch trí óc và giải phóng tâm hồn. Tất Đạt Đa cố gắng đạt được trạng thái tự do này. Ngài đã nhịn ăn quá lâu. Mạng sống của Ngài như chỉ mành treo chuông .

“Tay chân ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt dây leo khô héo. Bàn trôn của ta trở thành như móng chân con lạc đà. Xương sống của ta phô bày giống như một chuỗi banh. Các xương sườn gầy mòn của ta giống như một cột nhà sàn hư nát. Con ngươi long lanh của ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một cái giếng nước thâm sâu. Da đầu của ta trở thành nhăn nheo, khô cằn như trái bí trắng và đắng, bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nheo khô cằn”.

Khi Tất Đạt Đa sắp sửa chết đói, một cô gái trẻ đã cứu sống bằng cách cúng dường một bát cơm trộn sữa. Giờ đây Ngài nhận ra rằng nếu tiếp tục nhịn ăn, Ngài sẽ chết đi mà chẳng đạt được thành tựu gì. Và truyện kể rằng Ngài sống bằng cách ăn một hạt gạo mỗi ngày. Ngài thực hành việc nhịn đói cho đến chết, và nhận ra rằng rèn luyện cơ thể bằng sự hy sinh cao độ và bắt cơ thể phải chịu những đau đớn không thể giải quyết được vấn đề.

Khi 5 môn đồ của Ngài nhìn thấy Tất Đạt Đa từ bỏ việc nhịn ăn, họ mất lòng tin nơi Ngài. Họ không còn tin Ngài có sức mạnh để vượt qua chướng ngại về tinh thần và bỏ rơi Ngài. Ngài cảm thấy rằng mình đã thử những gì được yêu cầu. Chúng không có tác dụng, và tại giai đoạn này, Ngài nhớ lại trạng thái THIỀN ĐỊNH mà Ngài đã vô tình đạt được dưới thời niên thiếu, và Ngài nghĩ rằng có lẽ đó chính là con đường đưa đến sự Giác Ngộ, vì nó không làm tăng dục vọng, mà nó vô cùng hân hoan và hạnh phúc.

Tình cờ Tất Đạt Đa ngang qua một nhạc sĩ đang chỉnh dây cho cây đàn Sitar. Khi dây quá căng thì đàn không thể chơi được. Khi dây chặt quá thì tiếng phát ra sẽ giật cục. Ở đâu đó quãng giữa sẽ là hòa âm du dương, Tất Đạt Đa nhận ra rằng quan sát đơn giản này báo hiệu điều gì đó cực kỳ quan trọng. Đó là con đường trung dung sẽ dẫn Ngài đến trạng thái của ý thức mà Ngài đang tìm kiếm tới trạng thái hòa âm du dương – Sự Giác Ngộ. Nhưng làm sao để đạt được điều đó? Và cách thức cuối cùng Đức Phật sử dụng là cách có thể gọi là sự quan tâm hay tỉnh thức về cơ thể, không phải là bỏ qua hay cố gắng áp chế nó. Đó là một cách trung dung.

Con đường Trung Dung dẫn Tất Đạt Đa đi qua vùng thôn quê. Ngài đã đi du hành trong suốt 6 năm. Ngài đã trải nghiệm sự đau đớn và nỗi thống khổ và mở rộng giới hạn tri thức của mình. Nhưng Ngài vẫn chưa tìm thấy sự an bình nội tại và sự tiến hóa mà Ngài đang tìm kiếm: Trạng thái trí tuệ tuyệt đối và hạnh phúc mãi mãi được biết với cái tên Giác Ngộ.

Tất Đạt Đa đến Bodh Gaya. Ở nơi đây, cuộc hành xác của Ngài sẽ kết thúc. Ngài ngồi dưới một cái cây và lập thệ sẽ không rời khỏi chỗ cho tới khi đạt tới Giác Ngộ: “Cho dù có thịt nát, xương tan ta cũng sẽ không rời khỏi nơi này cho tới khi ta tìm ra con đường đi tới Giác Ngộ”.

Ngài không còn phải trải qua đau khổ nữa. Ngài không chịu đựng bất kỳ đau đớn thể xác nào nữa. Ngài nghĩ rằng: “Cuộc sống này đã đủ đau khổ lắm rồi. Giờ ta hãy suy gẫm trong tĩnh lặng về vạn vật, nghĩ về cách thức mà cuộc sống đang vận động”. Ngài bắt đầu tập trung tâm trí bẳng cách chú ý đến hơi thở, chậm rãi hít vào và thở ra, cảm giác thanh tịnh trong thân thể, xung quanh chóp mũi và dần dẫn tâm trí tới sự thanh tịnh, tịnh lặng, tập trung, thanh sạch.

Suy nghĩ của Tất Đạt Đa giờ đây tập trung đến mức Ngài có thể đi vào những vùng sâu thẩm nhất của tiềm thức mình. Giờ đây Ngài sẽ đối mặt với nỗi đau khổ cuối cùng và lớn nhất của mình. Con quỷ Mara, chúa tể của bản ngã (Cái Tôi), và ảo tưởng đã xuất hiện truớc Ngài. Nó có thể tạo ra mọi điều khủng khiếp nhất trong tâm thức của Tất Đạt đa. Cần phải nhớ rằng con quỷ Mara này không giống như quỷ Satăng của Thiên Chúa giáo, vì nó không phải là kẻ chuyên đi cám dỗ và cũng không giống chút gì với Chúa Trời, mà nó hoàn toàn chỉ là một động lực tâm lý ẩn trong mỗi chúng ta.

Mara đã thả cả bầy quỷ dữ tấn công Tất Đạt Đa. Chúng phóng những mũi tên cháy bỏng vào Ngài, nhưng mới được nửa tầm thì Tất Đạt Đa đã biến chúng thành những đóa Sen nhẹ nhàng buông xuống quanh Ngài. Thất bại, Mara lại cố gắng dùng những cô con gái quyến rũ của mình nhằm cám dỗ Tất Đạt Đa. Ma vương tấn công Tất Đạt Đa là hiện thân của Cái Chết và Dục Vọng. Giống như lý thuyết của Freud, ham muốn chính là Cái Chết, và Cái Chết cũng là Ham Muốn. Thực ra ma vương đã đưa ra 3 đứa con gái của mình, chúng là SAY MÊ, NHỤC DỤC và CĂM THÙ đều xấu xa như nhau cả. Nếu người ta né tránh chúng và cho rằng chúng là ghê tởm, người ta sẽ là nô lệ của chúng, và Ngài có thể hoàn toàn điềm tĩnh và lãnh đạm. Ngài nhìn chúng mà không hề bị thu hút hay ghê tởm. Khuôn mặt các con gái của Mara dần nhòa đi trước con mắt của Tất Đạt Đa và sau đó chúng tan vào lòng đất. Thực tế, ta có thể nói Đức Phật đã ngộ ra rằng Mara là một phần của Ngài. Toàn bộ quá trình nhận thức này chính là sự Giác Ngộ của Ngài.

Trần gian rung chuyển khi Ngài xua đuổi ma quỷ. Tất Đạt Đa lúc bấy giờ đã 35 tuổi, đã trải qua TỨ THIỀN để đạt tới sự Giác Ngộ và trở thành Đức Phật hay Đấng Giác Ngộ. Ngài đã Thiền Định 7 ngày dưới gốc cây Bồ Đề trong trạng thái hạnh phúc viên mãn đó. Đây là trạng thái mà tâm thức đạt tới độ tinh thuần và nhạy bén đến khó tin. Tâm thức lúc này có thể ví như mặt nước hồ hoàn toàn tĩnh lặng, thậm chí có thể nhìn rõ l con bọ trên bề mặt. Vì thế, điều này được xem là một trạng thái mà tâm trí rất sáng suốt, một dụng cụ rất nhạy bén.

Trong trạng thái hợp nhất cao độ này, Đức Phật đã nhìn thấu con đường Giải Thoát khỏi vòng Luân Hồi của SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Ngài nhận ra rằng nếu con người từ bỏ đươc những dục vọng xấu thì có thể từ bỏ được bất mãn và đau khổ ra khỏi cuộc sống. Nguyên nhân chính của khổ đau và những thất vọng trong cuộc đời chính là ham muốn thèm khát. Luôn có sự bất cân xứng giữa những điều bạn mong muốn và thực tế.

Sự minh triết mà Đức Phật tìm ra dưới gốc cây Bồ Đề đã khai sinh nên Đạo Phật, một tôn giáo mà ngày nay có tới 400 triệu người theo. Đức Phật đã tổng hợp những hiểu biết của Ngài trong TỨ DIỆU ĐẾ. Đó là nền tảng cho toàn bộ đức tin của Đạo Phật.

DIỆU ĐẾ đầu tiên mà ta nhận thức được: Đời là bể Khổ.

Cái Thứ hai là Xác định nguyên nhân của sự Đau Khổ. Đó chính là ham muốn.

Trong cái Thứ Ba, tựa như một thầy thuốc, Đức Phật chỉ ra rằng có một cách trừ bỏ sự ham muốn, và trong ĐẾ cuối cùng, Ngài đưa ra cách trừ bỏ căn bệnh này và đạt tới sự Giác Ngộ hay cõi Niết Bàn. Mục đích cuối cùng là đạt tới trạng thái tâm thức hoàn toàn dứt bỏ sự Thèm Khát, Sự Ngu Dốt, Lòng Tham, Sự Thù Hận và Ảo Tưởng. Do đó, Giải Thoát khỏi tất cả những nghiệp chướng luân hồi.

Khi một người Giác Ngộ qua đời, họ coi như đã vượt qua sự tái sinh, tới một không gian khác, theo cách nói về không thời gian và không còn quay trở lại nữa, và được coi đó là trạng thái của sự Giải Thoát.

Sau đó Đức Phật giảng về GIỚI, ĐỊNH, TUỆ là những nấc thang quan trọng trên con đường tiến đến Giác Ngộ. Ngài sử dụng phần đời còn lại để giúp những người khác theo con đường ấy tới sự Giải Thoát khỏi Khổ Đau .

Do những người theo Ngài ngày càng đông nên Ngài đã quyết định xây dựng nên một ngôi trường hay còn gọi là Tăng Đoàn. Ngày nay, một ngôi chùa đã mọc lên ở cạnh cái cây nơi Đức Phật đã Giác Ngộ. Các nhà Sư ở đây trở thành thư viện sống về giáo huấn của Phật. Việc tụng Kinh dưới chính gốc cây Bồ Đề này được các Phật tử cho là rất có ích cho việc tu tập. Sư trụ trì chịu trách nhiệm duy trì truyền thống của ngôi chùa.

Việc quan trọng nhất là thực hành lời dạy của Ngài. “Tu tập chăm chỉ, tỉnh thức hơn nữa”. Giờ đây tôi có thể diễn giải Phật Giáo bằng 4 từ: Tu tập tỉnh thức. Con đường Giác Ngộ bắt đầu bằng việc tập trung tâm trí và làm theo một số lời răn dạy: GIỚI, ĐỊNH, TUỆ, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá và nghiện ngập. (Lời của một vị Sư).

Đức Phật đã thiết lập cách sống này ở Tăng Đoàn đầu tiên của Ngài.

Sau 8 năm, Ngài quay trở về hoàng cung với gia đình mà Ngài đã từ bỏ. Lúc này Vua Cha đã tha thứ cho Ngài nỗi đau mà Ngài gây ra. Giờ đây Vua Tịnh Phạn đã nhận ra tầm quan trọng của những điều mà con trai Ngài tìm kiếm, thậm chí kế mẫu của đức Phật đã xin gia nhập Tăng Đoàn và bà đã trở thành nữ tu sĩ đầu tiên trong lịch sử. Đạo Phật đã được ủng hộ trong con mắt của tất cả các tín đồ Phật Giáo thậm chí cả về việc Ngài từ bỏ vợ con để dấn thân vào cuộc hành trình đơn độc để cố gắng tìm ra giải pháp cho những vấn đề của cuộc sống và cách thức nên sống ra sao, và với Ngài, nên sống như thế nào là một câu hỏi thật sự quan trọng hơn nhiều so với việc có bất kỳ của cải nào hay thậm chí là người bạn đời.

Đức Phật một lần nữa từ bỏ gia đình. Ngài ra đi giảng đạo trong vòng 40 năm, truyền cho các đệ tử của Ngài Trí Tuệ mà Ngài đã đạt được dưới gốc Bồ Đề. Nhưng trước khi ra đi, Ngài đã nhận con trai mình vào Tăng Đoàn làm một tu sĩ. Đạo Phật đã khuyến khích các đệ tử của mình sống cùng nhau trong một Tăng xá nhằm giúp họ tập trung vào con đường Giác Ngộ.

Có người trở thành tu sĩ hoàn toàn chỉ để Thiền Định, tu tập. Thiền Định hay tu hành ẩn cư. Có người lại trở thành tu sĩ để truyền bá Đạo Phật. (Lời của một vị sư)

Các tu sĩ đến từ nhiều nơi cùng sống trong các tăng xá được xây dựng quanh ngôi chùa dưới gốc Bồ Đề. Những người không phải là tu sĩ, những đệ tử tục gia cũng đến đây để học hỏi.

“Các nhà sư phải sống độc thân và từ bỏ mọi ham muốn cá nhân, và đó là một phần của khóa tu tập để trừ bỏ những khuynh hướng cá nhân, những khuynh hướng chỉ nghĩ đến bản thân và hoàn toàn đặt mình vào cuộc sống của Tăng Đoàn. Sau khi chấp nhận mọi từ bỏ này, việc tu tập mới thực sự bắt đầu.

“Ghi nhớ những bài tụng dài hay những câu mật chú. Những câu mật chú này có mục đích để kiểm tra ký ức của các tăng sĩ. Sự tập trung và khả năng lĩnh hội những giáo lý của Phật” (lời của một tăng sinh Tây phương).

Trải qua hàng thế kỷ, những lời rao giảng của Ngài đã mở rộng thành các dòng phái khác nhau với những kiến giải và cách tu tập của riêng từng dòng. Nhưng Đức Phật đã dạy rằng những người bình thường cũng có thể đi theo con đường đạt tới hạnh phúc bất diệt và trí tuệ tối thượng.

Phần lớn những người Phương Tây không thích Đạo Phật vì tách rời cuộc sống đời thường, họ chỉ quan tâm đến việc tu tập Thiền Định như một cách thức giúp nâng cao hiệu quả cuộc sống và đó cũng là một trường hợp mà những lời dạy của Đức Phật trở nên một dạng khác vì nó đã trở thành một phương pháp phát triển bản thân một cách quả quyết, những áp lực trong cuộc sống, một cách làm rõ ra những mục tiêu và đối tượng mà ta cần đạt tới. Thiền trong Phật Giáo đặc biệt hấp dẫn nhiều người phương Tây.

Tôi cho rằng tất cả chúng ta đôi lúc cũng thoáng nhận ra phép màu và sự thần bí trong khoảnh khắc và Thiền Định giúp chúng ta cảm nhận được điều này thường xuyên hơn. Thiền Định giúp ta thêm điềm tĩnh và tự chủ được tâm trí của mình. Chúng ta có thể tạo nên những điều kiện cho phép chúng ta tiến tới nhận thức về sự tương thuộc về Vô thường và cõi Niết Bàn.

Một số trường phái Phật Giáo tin rằng Đức Phật là một siêu nhân, một người thần kỳ, như các vị thần và có thể thực hiện phép thuật. Những người khác lại cho rằng Ngài cũng là một con người bình thường và họ tin rằng điều này càng làm những thông điệp của Ngài có giá trị. Nhưng chắc chắn rằng Đức Phật đã mong muốn người đời nhớ đến Ngài như một con người cũng có những nhược điểm, nhưng không phải là về mặt trí tuệ hay đạo đức, mà là nhược điểm về thể chất. Về cuối đời Đức Phật bị chứng đau lưng. Ngài cũng nếm trải bệnh tật và sự đau yếu. Đức Phật viên tịch ở tuổi 80 vì một lý do đơn giản: Ngộ độc thức ăn. Người ta nói rằng trước khi mất, Ngài đã nhập định để đi vào Niết Bàn, chốn hạnh phúc vĩnh hằng, thoát khỏi đau khổ và cái chết. (Lời nhà khảo cổ).

Một Hội Đồng đã được lập nên để ghi lại cho hậu thế những lời giáo huấn của Đức Phật. Các thế hệ Tăng Sĩ đã học thuộc những lời này và truyền lại cho những đời sau qua hàng thế kỷ. thi hài của Đức Phật được hỏa táng và Xá Lợi của Ngài được bảo quản.

200 năm sau, Hoàng Đế đầu tiên của Ấn Độ, Ashoka cũng là một tín đồ Đạo Phật đã trân trọng giữ gìn di cốt này. Nhà vua đã xây dựng những đài tưởng niệm, các ngọn tháp huy hoàng và dựng nên những cột trụ để đánh dấu những nơi chính yếu trong cuộc đời Đức Phật. Ashoka sau đó đã trở thành một hình ảnh tiêu biểu của sự truyền bá Phật Giáo và sau này còn được coi là một biểu tượng đối với những nguời đứng đầu Phật Giáo ở khắp Châu Á. Họ xem Ashoka như một nhà vua lý tưởng và là người bảo trợ Đạo Phật. Hơn thế nữa, chúng ta còn biết đến Hoàng Đế Ashoka với tư cách là người đã cai trị một vùng đất rộng hơn 2/3 lãnh thổ Ấn Độ hiện nay vào giữa thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Hoàng Đế đã giúp đỡ các tăng sĩ đưa các đoàn truyền giáo tới các quốc gia bên ngoài.

Những nhà truyền giáo đã tới cả Kashmir ở Nepal và Sri Lanca. Họ đã cải đạo cho Hoàng Đế và sau đó nhờ sự bảo trợ của Ngài đối với Đạo Phật để đưa Sri Lanka trở thành một quốc gia Phật Giáo từ đó đến nay và đây là cách thức mà Phật Giáo đã lan truyền từ quốc gia này sang quốc gia khác qua nhiều thế kỷ.

Các cây cột Ashoka đã đánh dấu sự tồn tại của Phật Giáo ở Ấn Độ, chúng vẫn tồn tại sau những cuộc xâm lăng của Đạo Hồi và tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà khảo cổ thực dân đầu tiên. Chúng góp phần thúc đẩy quan trọng cho sự phục hưng của Phật Giáo, niềm khao khát quay lại với những vùng đất mang dấu ấn của Đức Phật, không phải chỉ để truyền bá cho người Phương Tây, mà những khám phá này còn là nền tảng cho sự chấn hưng Đạo Phật ở Châu Á.

Ngày nay, những nơi chốn có liên quan đến cuộc đời của Đức Phật rất thu hút khách du lịch và đám đông những người hành hương đến Bồ Đề Đạo Tràng để theo chân Đức Phật với hy vọng theo gương Ngài sẽ tìm thấy sự an bình và niềm hạnh phúc vĩnh cửu cũng như Giải Thoát khỏi nỗi đau và cái chết .

Trớ trêu thay, sau cái chết của Đức Phật, người đã giảng về sự vô ích của những nghi lễ thờ cúng và sự sùng bái cá nhân lại trở thành đối tượng được thờ cúng, và là được sùng bái nhiều nhất trong lịch sử !

Các ngôi chùa thờ Phật được xây dựng ở Bồ Đề Đạo Tràng đại diện cho những dòng phái khác nhau trên khắp thế giới. Đức Phật ở các dòng phái đã trở về cội nguồn dưới gốc Bồ Đề, nơi mà một Hoàng Tử đã đạt đến Giác Ngộ và trở thành Đức Phật.

Đức Phật đã đạt đến Giác Ngộ trong khoảnh khắc như cái chớp mắt, cái khoảnh khắc ấy là thời điểm để ngộ ra và không thể giải thích được (Lời một vị sư).

Đó là khoảnh khắc đặc biệt đã cho ra đời tôn giáo đầu tiên của thế giới, một tôn giáo không có Chúa, nơi mà đường tới Niết Bàn nằm ngay ở tâm trí của chúng ta.

II.- Một số phát biểu về Đạo Phật trong bộ phim :

1/- Chúng ta vô cùng cảm phục công trình của những nhà khảo cổ. Họ bỏ thì giờ, công sức để xác minh lại những vùng đất nơi Đức Phật đã sinh ra, nơi Ngài đã trưởng thành, Ngộ Đạo và truyền đạo. Họ đã khẳng định: Đức Phật là một nhân vật có thật, không phải là huyền thoại. Điều đó cho ta thêm một niềm tin là Ngài là một con người được sinh ra, lớn lên, hoàn toàn bình thường như tất cả chúng ta, không phải là thần linh giáng thế. Bằng công việc Thiền Định, Ngài đã tìm được con đường Thoát Khổ, và đã Thọ Ký rằng tất cả mọi người cũng sẽ là “Phật sẽ thành” thì chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng mình cũng sẽ làm được như Ngài không khác, nếu thực hiện đúng như những gì Ngài đã truyền lại.

2/- Về mặt Giáo Pháp, các nhà khảo cổ cũng nêu ra được lý do khiến Thái Tử Sĩ Đạt Ta phát tâm đi tìm con đường Giải Thoát – sau này gọi là Đi Tu - hoàn toàn không khác với những gì được tài liệu, Kinh sách ghi lại: là vì trông thấy cảnh SINH, LÃO, BỊNH, TỬ, Khổ đau của kiếp người.

3/- Họ cũng biết được là Đức Thích Ca đã nhờ THIỀN ĐỊNH mà Ngộ Đạo, và cái Ngộ Đạo đó là: Nhìn thấu con đường Giải Thoát khỏi vòng luân hồi của SINH, LÃO, BỊNH, TỬ.

4/- Họ cũng thấy được nền tảng của toàn bộ đức tin của Đạo Phật là TỨ DIỆU ĐẾ, và GIỚI, ĐỊNH, TUỆ là nấc thang quan trọng trên con đường tiến đến GIÁC NGỘ. Họ cũng biết rằng Đức Phật đã sử dụng phần đời còn lại của Ngài để giúp người khác theo con đường này tới sự Giải Thoát khỏi khổ đau.

Theo họ, “Nguời Phương Tây không thích Đạo Phật vì tách rời khỏi cuộc sống đời thường, mà họ chỉ quan tâm đến việc tu tập Thiền Định như một cách thức giúp nâng cao hiệu quả cuộc sống”.

Việc tu hành, qua phát biểu của những vị sư trong phim, chỉ nhắm vào 2 mục đích: “Có người trở thành tu sĩ hoàn toàn chỉ để Thiền Định, tu tập, hay tu hành ẩn cư. Có người lại trở thành tu sĩ để truyền bá Đạo Phật.

- “Các nhà sư phải sống độc thân và từ bỏ mọi ham muốn cá nhân, và đó là một phần của khóa tu tập để từ bỏ mọi ham muốn cá nhân, những khuynh hướng chỉ nghĩ đến bản thân và hoàn toàn đặt mình vào cuộc sống của Tăng Đoàn. Sau khi chấp nhận mọi từ bỏ này, việc tu tập mới thực sự bắt đầu.

- “Ghi nhớ những bài tụng dài hay những câu mật chú. Những câu mật chú này có mục đích để kiểm tra ký ức của các tăng sĩ. Sự tập trung và khả năng lĩnh hội những giáo lý của Phật”.

Theo một tu sĩ, tu hành chỉ cần tập trung vào 4 chữ: TU TẬP TỈNH THỨC và vị này cho rằng Giác Ngộ bắt đầu bằng việc tập trung tâm trí và làm theo một số lời răn dạy: Giới, Định, Tuệ, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không dối trá và nghiện ngập”.

Theo các nhà khảo cổ, các cây cột Ashoka đã đánh dấu sự tồn tại của Phật Giáo ở Ấn Độ, chúng vẫn tồn tại sau những cuộc xâm lăng của Đạo Hồi và tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà khảo cổ đầu tiên, cũng đồng thời góp phần thúc đầy quan trọng cho sự phục hưng của Phật Giáo. Ngày nay, những nơi chốn có liên quan đến cuộc đời của Đức Phật rất thu hút khách du lịch và những người hành hương, họ đến đó với hy vọng tìm thấy sự an bình và niềm hạnh phúc vĩnh cửu cũng như Giải Thoát nỗi khổ đau và cái chết. Nhiều ngôi chùa thờ Phật đã được xây dựng ở Bồ Đề Đạo Tràng đại diện cho các dòng phái khác nhau trên khắp thế giới. Cuối cùng, họ đã có một nhận xét rất đáng cho chúng ta quan tâm: “Trớ trêu thay, sau cái chết của Đức Phật, người đã giảng về sự vô ích của những nghi lễ thờ cúng và sự sùng bái cá nhân lại trở thành đối tượng được thờ cúng và là được sùng bái nhiều nhất trong lịch sử”!

III.- Phần nhận định và giải thích của Diễn Giả.

Đó là một nhận định rất đúng, rất thật về tín đồ của Đạo Phật từ nhiều đời nay. Không biết có ai thấy đó là một nghịch lý, phủ nhận tất cả công sức của Đức Thích Ca hay không? Rõ ràng, Ngài đã không chấp nhận có một Thượng Đế, hay Thần Linh nào đó cằm nắm vận mạng của con người, nên lập ra một tôn giáo chỉ tin vào NHÂN QUẢ, nói rằng mọi việc tự mỗi người làm và chịu lấy kết quả. Không có người giám sát. Ngài mở ra con đường TỰ TIN, TỰ ĐỘ, bằng SOI, QUÁN, THIỀN ĐỊNH để sinh TRÍ HUỆ để mỗi người tự hướng dẫn mình đi đến Giải Thoát.

Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: “Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là Đạo Tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà chuyển pháp luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết bàn” (tr. 451).

Rõ ràng, theo lời Kinh thì chỉ cần: “Thọ trì, đọc, tụng, giảng, nói, biên chép đúng như lời tu hành”. Không phân biệt ở đâu? tại gia hay xuất gia, đều thành Phật. Nhưng cho đến nay thì không nghe ai nói đến việc tu hành để Thành Phật nữa. Trái lại, nếu có người nào muốn tu hành để Thành Phật sẽ bị cho là Tăng Thượng Mạn, vì Phật đã trở thành là một vị Thần Linh để tôn thờ. Điều đó đồng nghĩa với lời Thọ Ký: “Chúng Sinh là Phật sẽ thành” đã bị rơi vào quên lãng từ lâu!

1.- Nhưng vì sao Đạo việc tu hành chứng đắc theo Đạo Phật như lời Kinh trích dẫn không được biết đến nữa, mà trở thành là một tôn giáo dạy Thờ Phật và chư Bồ Tát như hiện nay?

Đọc PHÁP BẢO ĐÀN KINH thì chúng ta thấy: Bắt đầu từ Lục Tổ, việc tranh dành Y Bát trở thành mối nguy hại cho người giữ. Lục Tổ mấy lần suýt mất mạng vì giữ Y Bát. Vì thế, Ngũ Tổ phải dặn Lục Tổ dấu đi không được truyền nữa, để tránh cái họa cho người được truyền. Cho nên Lục Tổ trở thành Tổ cuối cùng cầm nắm Chánh Pháp. Sau khi Tổ nhập diệt, một trong các đệ tử của Ngài là Sư Thần Hội đứng ra chấn hưng Phật Pháp thì bị phe đối lập vu cáo phải bị đày đi. Dòng Chánh Pháp bị phân tán. Thế lực tà pháp lại đông đảo, lấn áp. Từ đó, người sau mất tín hướng, Chánh, tà lẫn lộn. Tà pháp lại thịnh hành. Mọi người cứ thấy chùa chiền, thấy các vị mặc sắc phục tu hành thì tưởng rằng đó là những người có trách nhiệm truyền bá Đạo Phật nên hoàn toàn tin theo, không chút nghi ngờ! Bản thân những người giảng pháp không phải là những người Đắc Pháp, nên chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của Đạo Phật. Chỉ y theo văn tự trong Kinh mà thuyết giảng, nên đã biến Đạo Phật từ Tự Tin trở thành Tin Phật. Từ Tự Tu, Tự Độ trở thành cầu xin “Được Độ” hoàn toàn mâu thuẫn với Chính Kinh.

2.- Do đâu mà ta kết luận là những người tranh giành Y Bát thời xưa không phải là người Đắc Pháp?

Trong Đạo Phật, Tu là Sửa. Người tu hành là người phải “Thu thúc Lục căn”, phải trừ “Ngã chấp, Tham, Sân, Si, Thương, Ghét”. Cái họ cần phải đấu tranh, tiêu diệt là những Chúng sanh trong Tâm họ. Không phải là đối tượng bên ngoài. Vì thế mà họ không có quay ra để tranh giành cao thấp, hơn thua, giành giảng pháp với người khác. Thái độ ráo riết tranh giành Y Bát để được cầm đầu Tăng Chúng, chứng tỏ cái Tâm họ chưa thanh tịnh, không phải là bậc chân tu, mà hoàn toàn là của những người phàm phu, dù khoác áo tu hành!

Chính vì không lo tu hành chân chính, nên họ cũng không đọc Kinh để hiểu mục đích của Đạo Phật là để ĐỘ KHỔ. Nhưng vì Đạo Phật được ra đời cách đây đã hơn 2.550 năm. Lúc đó trình độ con người giới hạn. Ngôn ngữ cũng chưa đủ phong phú để diễn tả. Việc tu hành lại chỉ nói về cảnh giới trong nội tâm, được thực hiện trong Tâm, rất khó giải thích. Vì thế, Đức Thích Ca đã phải mượn rất nhiều phương tiện: Khi nói trong. Lúc nói ngoài. Khi chỉ mình. Khi chỉ người. Mượn hình ảnh thần linh để diễn tả về quyền năng và sự cứu độ. Tả nước Phật bằng những hình ảnh tốt đẹp nhất của trần gian, để mọi người ham thích, hướng về đó mà bớt đeo bám cảnh trần để bớt Khổ, rồi từ từ tìm cách để dẫn dắt họ...

Do không biết mục đích của Đạo Phật, nên cứ rập khuôn theo những hình thức mà Đức Thích Ca đã làm từ mấy ngàn năm trước, là: Ly Gia, cắt ái, cạo tóc, đắp Y, sống theo đoàn thể. Tách rời khỏi cuộc sống đời thường. Không được sinh hoạt, làm ăn, tham gia việc đời. Công việc tu hành chỉ là Tụng Kinh, niệm Phật, chay lạt, học pháp, giảng pháp…!

Chúng ta nên biết, sở dĩ Đạo Phật dùng Hoa Sen làm biểu tượng là vì tính cách của nó: sinh ra, lớn lên trong bùn mà không bị bùn làm cho ô nhiễm. Cũng như con người, sinh ra, lớn lên, sống với phiền não, nhưng nhờ hành theo Đạo Phật mà không còn bị phiền não làm hại. Tu Phật là để đối phó với cuộc đời ngay trong đời thường. Thoát phiền não ngay trong phiền não… Không cần phải trốn tránh, đóng khung, xa lánh cuộc đời. Vẫn tiếp tục một cuộc sống bình thường, giữ đầy đủ trách nhiệm của một con người đối với xã hội. Ý thức việc hưởng dụng mọi thứ, từ vật dụng cho đến cơm áo là những món nợ với đời nên chung tay xây dựng để trả nợ cuộc đời.

TU chỉ có nghĩa là SỬA, thì cần gì phải “ĐI” mới có thể “TU” được?! Tu là Sửa nơi cái TÂM thì chẳng cần phải ở Chùa, mà bất cứ ở vị trí nào, ăn vận ra sao đâu có ảnh hưởng? Cứ làm đầy đủ trách nhiệm của một con người. Bớt đi thù hận, thương, ghét, tham lam, si mê… thì đó là người đang tu tập. Rập y theo hình thức từ ngày Đức Thích Ca bắt đầu tu hành chứng tỏ là những người đó chưa nắm vững được mục tiêu của Đạo Phật.

Đạo Phật là Đạo Nhân Quả. Việc tu hành cũng không ngoại lệ. “Tu Phật là Tu Tâm” thì tụng Kinh, niệm Phật, ăn chay, cạo tóc, đắp Y… chỉ là những hình thức bên ngoài. Hành trì mà không dính dáng gì đến việc tu sửa cái Tâm thì không thể gọi là công phu tu hành. Pháp cần đắc trong Đạo Phật là PHÁP GIẢI THOÁT. Người không tâp trung vào đó để tìm, lại loanh quanh với những việc khác thì làm sao đắc?

3.- Nhưng ngày xưa, chính Đức Thích Ca cũng chỉ thực hiện các việc: Xuất Gia, Giữ Giới, Ngồi Thiền, cạo tóc, đắp Y, giảng pháp... Tại sao người thời sau cũng làm từng ấy công việc mà không có mấy ai Đắc Đạo như Ngài ?

Đây là đáp án của tôi qua nghiên cứu nhiều bộ Chính Kinh:

a)- Trước hết, theo tôi, ngay từ căn bản đầu tiên là họ đã hiểu sai. Đức Thích Ca đã Phát Tâm đi tu vì sợ Sinh, lão, Bịnh Tử, vì muốn Thoát Sinh, Lão, Bịnh Tử. Ngài “Đi tìm con đường Giải Thoát”, nên khi gặp thì gọi là “Đắc Đạo”. Người sau đa phần Phát Tâm đi tu đâu phải vì sợ SINH TỬ? Họ hoàn toàn không biết gì về Sinh Tử nên đâu có tìm đường để Thoát. Trái lại, hầu hết Phát Tâm vì cho rằng Đức Thích Ca là một vị Thần Linh, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp. Cứu nhơn độ thế. Cứu Khổ, ban vui... Sống thì Ngài hộ trì. Chết thì đưa về Tây Phương Cực Lạc. Nên họ phát tâm đi tu là để hiến trọn cuộc đời phụng sự cho Ngài và giảng pháp, lôi kéo thêm nhiều người khác mến mộ, tôn thờ Ngài! Cái Phát Tâm là cái bia mà mọi công sức hành trì sẽ nhắm vào đó. Cái Phát Tâm đã không chân chính, nên mọi hành trì về sau cũng không thể chân chính. Không mong cầu Giải Thoát. Không hành trì theo hướng đó thì làm sao đạt được mục đích giống như Đức Thích Ca?

b)-Hoặc cũng có những người tin rằng Tu Phật thì sẽ Thành Phật. Nhưng cho rằng “Thành Phật” là thành một vị Thần Linh, có thể cứu độ cho mọi người. Vì thế, họ Phát Tâm muốn đi tu để được Thành Phật trong nghĩa này. Họ quên ăn, bỏ ngủ, cố gắng gia công hành trì để đạt được. Chẳng những họ hiểu lầm về Phật mà còn hoàn toàn hiểu lầm cách thức để Thành Phật mà không hề hay biết. Trong khi Chư Tổ đều dạy: “Muốn thấy Phật phải ngó vào trong Tánh mình mà tìm”. Hay “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”. “Tức tâm tức Phật” thì họ lại đi Tham một Công Án nào đó. Khi họ thấy được chút nghĩa gì của Công Án đó, lại tưởng rằng mình đã “Thành Phật”, lại còn bằng hay hơn cả Phật, sinh ra kiêu mạn! Kiểu tu hành này ta gặp rất nhiều trong giới Thiền Sư thời xưa được ghi lại trong Vô Môn Quan.

Cả hai cái Phát Tâm đi tu như trên, theo Kinh Lăng Nghiêm thì đó là dùng VỌNG TÂM mà phát. Kinh dạy: “Nếu ông nhận lầm căn bản của sanh tử làm nhơn tu hành thì không bao giờ Giải Thoát được. Cũng như người nhận giặc làm con thì chỉ thêm bị phá hại gia sản của mình mà thôi. Và cũng như người nấu cát làm cơm, dầu trải lâu bao nhiêu năm cũng chẳng thành cơm được”

4)- Do Áp dụng không đúng Phương Tiện THIỀN của Đạo Phật.

Ai cũng biết Đức Thích Ca đắc đạo nhờ THIỀN. Nhiều người cũng biết là khi cái tâm thanh tịnh thì sẽ mở ra nhiều điều kỳ bí. Có lẽ mọi người cũng biết rằng: Dù cùng NGỒI tĩnh lặng như nhau, nhưng do điều khiển ý thức và hơi thở mà cho ra những kết quả khác nhau. Vì thế, không phải ai Ngồi Thiền cũng là Thiền Định của Đạo Phật, mà có người Ngồi Thiền để được thanh tịnh. Người khác Ngồi Thiền để mở Luân Xa, để Xuất Hồn, để luyện Khí Công, để xả Stress vv…

THIỀN, theo các nhà khảo cổ, là “tập trung vào một thứ gì đó để tạo ra cảm giác thanh tịnh”. THIỀN đưa đến kết quả “hân hoan, hạnh phúc”.

Nhưng theo tôi, muốn hiểu thế nào là THIỀN của Đạo Phật thì ta phải kiểm tra lại kết quả THIỀN mà Đức Thích Ca đã đạt được. Qua đó, ta có thể thấy được mục đích của NGỒI THIỀN như sau:

Sở dĩ Đức Thích Ca rời bỏ hoàng cung cũng vì trông thấy cảnh SINH, LÃO, BỊNH, TỬ đè nặng lên thân xác của con người. Do đó, Ngài muốn đi tìm một đường lối nào đó để THOÁT chúng, và THIỀN là phương tiện cuối cùng Ngài dùng, sau khi thất bại với những phương pháp của 6 vị Thầy trước đó. Do vậy, ta có thể kết luận: THIỀN là thời gian tập trung của Đức Thích Ca để tư duy tìm con đường GIẢI THOÁT. Điều này được chứng minh qua lời tuyên bố của Ngài ngay sau khi xả Thiền: “Ta lang thang trong vòng luân hồi qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp kẻ làm nhà. Hỡi kẻ làm nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gãy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”.

Do Không biết thế nào là Khổ. Không có mục đích khám phá cách thức để Thoát Khổ hay còn gọi là Con Đường Giải Thoát như Đức Thích Ca. Những người NGỒI THIỀN về sau này chỉ biết rằng Đức Thích Ca đã NGỒI bất động, tay chân xếp lại, mắt khép hờ... không biết rằng Ngài đã làm gì trong lúc NGỒI bất động đó. Vì vậy, họ chỉ bắt chước được phần TƯỚNG THIỀN. Do không hiểu được mục đích và lý do NGỒI THIỀN. Không biết Ngồi như thế nào mới gọi là THIỀN ĐỊNH? Không phân biệt thế nào là Chân Thiền? Thế nào là Thiền ngoại đạo? Kết quả của Thiền là gì? Thì dù cho có ngồi bao nhiêu lâu, bao nhiêu thời, bao nhiêu năm tháng cũng không thể nào Đắc Đạo như Đức Thích Ca được. Bởi một lý do rất dễ hiểu: Người Ngồi Thiền đó có TÌM ĐẠO đâu mà ĐẮC ĐẠO?

THIỀN ĐỊNH còn có nghĩa là Tĩnh Lự hay Tư Duy Tu. Nếu chỉ Ngồi tĩnh lặng, dừng cái tâm, không suy nghĩ gì cả, thì rơi vào trường hợp bị khiển trách trong kinh DUY MA CẬT, là “Ngồi sững ở đó”. Nếu TƯ DUY mà không đúng hướng thì gọi là TÀ TƯ DUY. Cả hai cách ngồi đều không thể đạt được kết quả. Cũng chính vì vậy mà trong TỨ Y, Đức Thích Ca có dặn dò là Y PHÁP BẤT Y NHÂN. Có nghĩa là nương theo cái Pháp như thế nào để đạt mục đích, đừng nương theo người đã thực hành pháp đó.

Còn có một loại THIỀN mà Lục Tổ đã áp dụng gọi là THIỀN VÔ TƯỚNG. Bởi thời gian 8 tháng ở sau Chùa của Ngũ Tổ, Ngài chỉ chẻ củi, giã gạo, đâu có thì giờ để NGỒI THIỀN mà vẫn Đắc Pháp? Cho nên, người hiểu được mục đích và phương tiện của Thiền Định thì ngồi hay không ngồi cũng Thiền Định được. Ngược lại, người đã không hiểu thì có NGỒI cả đời cũng chẳng đi đến kết quả là như thế.

5)- Giác Ngộ là giác những gì? Làm thế nào để Giác Ngộ?

Có nhiều cách để giải thích về từ Giác Ngộ. Từ điển Phật học của Ông Đoàn Trung Còn giải thích như sau: “Hội được Chân Lý. Mở mang Chân trí. Về Giác Ngộ có nhiều trình độ, như kẻ phàm phu tỉnh ra nhận được Thân này là cội Khổ. Đời mình là Khổ, bèn tinh tấn tu hành, tại gia hay xuất gia. Đức Phật thành đạo nơi cội Bồ Đề lên bậc Chánh Đẳng Chánh Giác tức Đại Giác Ngộ” Cái NGỘ của Đạo Phật không chỉ là “Ngộ được rằng Mara là một phần của Ngài” như những nhà khảo cổ đã nhận định. Đó cũng chỉ là một trong những điều mà Ngài đã Ngộ ra. Trong Đạo Phật, cái Ngộ quan trọng hơn hết là việc TÌM RA ĐƯỢC THỦ PHẠM CỦA SINH TỬ LUÂN HỒI, CŨNG NHƯ CÁCH THỨC ĐỂ HÓA GIẢI.

Chư cổ đức có câu: “Nghi lớn, ngộ lớn. Nghi nhỏ ngộ nhỏ. Không nghi thì không ngộ”. Tức là khi giải quyết được một nghi tình nào đó thì Ngộ được pháp đó, không phải là Ngộ luôn tất cả các pháp khác. Trong Đạo Phật có vô số nghi tình cần hiểu rõ để thực hành. Lục Tổ dạy: “Mọi sự, lý phải hiểu đến tận chỗ chơn. Tất cả sự lý phải hiểu đến tận chỗ chơn” để nhắc nhở mỗi người tu phải vận dụng Trí Huệ để tự phá mê cho đến khi sáng suốt. Đó cũng gọi là khai mở CÁI BIẾT, hay là Chuyển Mê thành Ngộ vậy.

Bậc Giác Ngộ là người nhận ra được cái BỔN THỂ TÂM hay là cái CHÂN TÂM hay CHÂN TÁNH là Bản Tánh thật sự của họ. Cái NGỘ được diễn tả qua 4 câu kệ của Lục Tổ Huệ Năng trong PHÁP BẢO ĐÀN KINH:

Nào dè Tánh mình vốn tự nhiên trong sạch

Nào dè Tánh mình chứa đầy đủ muôn pháp

Nào dè Tánh mình vốn không lay động

Nào dè Tánh mình có thể sanh ra muôn pháp

Cái Ngộ này cũng là THẤY TÁNH. Đó là bước ngoặc quan trọng nhất của người tu mà có nơi gọi là “Thấy Tánh thành Phật”. Có nghĩa là sau khi đã Thấy Tánh thì mau hay lâu, chắc chắn người Thấy đó cũng sẽ được Giải Thoát hay Thành Phật.

6/- Tại sao bậc Giác Ngộ thì Thoát Sinh Tử? Cái Thoát đó ra sao?

Con người từ khi ý thức được Mình thì thấy cái THÂN là Mình. Ở trong đó mà Vui, Buồn, Giận, Hờn, Thương, Ghét, Khổ, Vui theo cái Được, cái Mất với các pháp đến với cái Thân. Sống đầy đủ với những cảm giác của các giác quan. Khi cái Thân tồn tại thì họ thấy là mình đang Sống. Khi cái Thân hết Nghiệp mà chết đi thì họ thấy là mình Chết. Vì vậy mà gọi là bị SINH, TỬ.

Bậc Giác Ngộ là người ý thức được rằng cái Thân chỉ là một món của họ đang tạm ứng hiện trong đó. Không phải là họ, nên cuộc sống họ không chìu theo Mắt, theo Tai để giận hờn, thương, ghét, muốn lấy, muốn bỏ các pháp. Nhờ ý thức rằng tất cả chỉ là Duyên, là Nghiệp, nên không tranh giành, hơn thua với đời. Chỉ sống một cách vừa phải, làm tròn trách nhiệm của kiếp sống như mọi người trong xã hội. Khi cái thân hết duyên, hết Nghiệp mà chết đi, thì họ biết rằng đó là sự tan rã tất yếu của nó. Không phải là họ chết. Ngay khi sống thì họ không đắm đuối vào cái Thân nên họ THOÁT SINH. Lúc cái Thân tan rã, họ biết đó là lúc nó hết Nghiệp, không phải họ Chết, nên họ không đau khổ, lo sợ, nên gọi là họ THOÁT TỬ.

Cái “Thoát” đó có nghĩa là vẫn ở trong cảnh đó mà không bị ảnh hưởng, không dính mắc. Không phải là ra ngoài cảnh đó. Đức Thích Ca ngày xưa cũng vẫn Sống trong cái thân giả tạm. Nhưng Ngài không để cho nó làm chủ, mà điều khiển nó. Nên Ngài Thoát Sinh. Cái Thân của Ngài vẫn Chết, nhưng vì Ngài không trụ vào cái Thân hư dối. Nên Ngài Thoát TỬ, gọi chung là THOÁT SINH TỬ.

7)- Các vị Giác Ngộ có trở lại trần gian hay không sau khi nhập diệt?

Các nhà khảo cổ cho rằng: “Khi một người Giác Ngộ qua đời, họ coi như đã vượt qua sự tái sinh, tới một không gian khác, theo cách nói về không thời gian và không còn quay trở lại nữa, và được coi đó là trạng thái của sự Giải Thoát”.

Nhận định này chưa đúng. Trong Đạo Phật, sự Giải Thoát là Thoát Khổ. Cái Thoát Khổ này phải đạt được ngay tại cảnh Khổ, ngay lúc còn sống. Khi đã đạt đến Giải Thoát rồi, thì Kinh dạy: “Như quặng đã lọc thành vàng rồi, thì không bao giờ trở lại là quặng nữa”. Do đó, dù sau đó, họ có mang bất cứ cái Thân nào, vào bất cứ con đường nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả vào luân hồi, họ cũng Giải Thoát, không phải tu hành rồi đợi đến khi chết đi, bỏ thân xác thì mới Giải Thoát.

Việc chư vị Giác Ngộ đi luôn hay quay lại thì chúng ta có thể kiểm chứng qua các câu Kinh: “Nếu có người nghe Kinh này tin tưởng, không nghi ngờ, thì biết người đó đã trồng phước huệ không những ở một đời Phật, hoặc hai, ba đời Phật, mà người này đã trồng căn lành từ nhiều đời Phật như số cát sông Hằng; cho nên nay nghe đến Kinh này mới hay tin thọ”. Người đã trồng phước huệ từ nhiều đời Phật như số cát sông Hằng hẳn phải là bậc đã nhiều kiếp tu hành, vì không thể một sớm một chiều mà nghe Kinh Nhất Thừa lại có thể tin nhận được. Câu khác là lời nguyện của Địa Tạng Vương Bồ Tát: “Ngày nào còn một chúng sinh chưa được độ, con thề chưa ngồi vào nơi Vô Thượng Chánh Giác” chứng tỏ rằng các Ngài không bao giờ rời bỏ chúng sinh. Nếu các vị Giác Ngộ xong rồi đi luôn, thì còn ai để đưa đường cho chúng sinh đang còn trong mê lầm đến Bờ Giác ? Người Mê làm sao hướng dẫn được người Mê? Do đó, theo tôi, các vị Giác Ngộ sau khi bỏ cái Thân cũ, vẫn tiếp tục trở lại trần gian để nối tiếp công việc “tát cạn vực nước mắt của chúng sinh đang đau khổ”. Nhưng sự trở lại này không phải là do bị Luân Hồi, mà là do Bi Nguyện. Lục Tổ Huệ Năng cũng là một trường hợp được xem là người “Trở lại”, vì Ngài chỉ là một thanh niên đi bán củi, quê mùa, dốt nát. Thế mà chỉ cần nghe tụng một câu Kinh “Ưng Vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” đã dẹp hết mọi thứ, đến chùa xin học với Ngũ Tổ, để rồi tuy chưa được thế phát, quy y, vẫn Thấy Tánh và được truyền Y Bát. Đọc Sử 33 vị Tổ, ta cũng thấy nhiều trường hợp tương tự.

Trong Kinh Lăng nghiêm, Phật dạy: “Anan, ta có dạy các vị Bồ Tát và A La Hán: Sau khi ta nhập diệt rồi, các ông phải thị hiện thân mình trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy sa Môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam. Đồng nữ, cho đến đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian giả, kẻ trộm cướp, người thợ thịt, kẻ buôn bán… để lẫn lộn đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo”. Chứng tỏ Chư Vị giác ngộ lúc nào cũng hiện diện bên chúng sinh. Do đó, kết luận vị Giác Ngộ đi luôn không còn quay trở lại nữa là không khế hợp với chính kinh.

8/-Nhận định về việc truyền đạt Giáo Lý Đạo Phật của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Theo các nhà Khảo Cổ, “Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần Phật Giáo Tây Tạng tiếp tục truyền đạt giáo huấn của Phật, tiếp nối truyền thống đã xuất hiện ngay sau khi Phật nhập Niết Bàn”.

Nhưng theo tôi, Đức Đạt Lai Lạt Ma dù được cả Tây Tạng và thế giới xem như Phật Sống, vì qua những dấu hiệu được các vị Cao Tăng kiểm chứng, thì Ngài là vị Đạt Lai Lạt Ma trước đó, sau khi qua đời thì quay trở lại bằng cách nhận ra những đồ dùng của chính Ngài trước kia. Nhưng trường hợp của Đức Đạt Lai Lạt Ma hoàn toàn không giống như trường hợp của một trong 33 vị Tổ chính thức được truyền Y Bát trong lịch sử Đạo Phật. Bởi người được truyền Y Bát là người đã Chứng Đắc được xem như người nối tiếp Tổ trước để cầm nắm Chánh Pháp. Lời nói của người đó phải được xem như lời Phật. Nhưng theo lời dặn dò của Ngũ Tổ, việc truyền Y Bát đã kết thúc từ thời Lục Tổ Huệ Năng ở tận bên Tàu, làm sao có việc sau đó Y Bát lại xuất hiện ở Tây Tạng để trao cho các vị Đạt Lai Lạt Ma? Ai dám cãi lịnh Tổ để làm điều đó? Như vậy, suy cho cùng thì Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ là một bậc tu hành theo Đạo Phật, được công nhận bởi hệ thống Phật Giáo Tây Tạng. Không phải là người kế tục Tổ được chính thức truyền Y Bát như trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng. Do đó, không thể xem Ngài là người chính thức nối tiếp truyền thống và truyền đạt giáo huấn của Phật. Vì thế, những phát biểu của Ngài cũng không thể xem như đó là Phật Ngôn được.

9/- Tu hành như thế nào để đạt mục đích của Đạo Phật?

Trước hết, chúng ta phải xem mình đã biết mục đích của Đạo Phật là gì chưa? Khi đã biết mục đích chính xác rồi thì phải biết mình có cần đạt mục đích đó hay không? Đạt được bằng cách nào?

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Như Quốc Vương bị giặc đến xâm lăng, đem binh dẹp trừ. Nếu không biết giặc trú ngụ tại đâu thì không bao giờ dẹp được”.


Phụ Bản II

Chúng ta muốn tu Phật mà không biết Phật là gì? Không biết tu Phật phải làm gì? Thì làm sao tu cho đạt mục đích?

Nếu muốn TU PHẬT thì phải hiểu PHẬT là người đã tự Giải Thoát cho bản thân. Liệu chúng ta có cần Giải Thoát hay không? Điều gì ràng buộc để phải Giải Thoát? Nếu những câu hỏi này chúng ta còn chưa trả lời được thì việc tu Phật chỉ là nghe nói Phật cao siêu nên hâm mộ. Chưa biết Đạo Phật là gì? Tu Phật để làm gì? Muốn tu phải làm gì? Phải làm như thế nào? Thì làm sao đạt mục đích của đạo Phật?

Khi đã biết rõ mục đích và bản thân mình muốn đạt được, thì việc tu hành được giải thích rất rõ trong các Bộ Chính Kinh. Nơi đây tôi tạm trích ra một số lời dạy của các Tổ:

Tổ Đạt Ma dạy: “Muốn tìm Phật, thà tìm Tâm. Chỉ Tâm, Tâm, Tâm ấy tức là Phật”

Ngũ Tổ dạy: “Nếu không Thấy Bổn Tâm thì học pháp vô ích”

Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Ông từ hồi nào đến giờ, nhiều kiếp sanh tử Luân Hồi cũng vì Tâm và Mắt! Nếu không biết nó ở chỗ nào thì không bao giờ hàng phục được phiền não trần lao”.

Lục Tổ dạy: “Muốn thấy Phật phải ngó vào trong Tánh mình mà tìm, đứng ngó ra ngoài thân mà kiếm. Tánh mình mê tức là chúng sanh. Tánh mình giác tức là Phật”.

Con đường tu Phật được tóm gọn trong các giai đoạn: TIN – HIỂU – HÀNH. Nhưng tất nhiên là phải Tin đúng, Hiểu đúng, Hành đúng mới cho ra kết quả đúng. Do đó Đạo Phật đặc biệt quan tâm đến TRÍ BÁT NHÃ, vì “Ba đời chư Phật đều Y Trí Bát Nhã để đắc Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” Không có Phật nào thành đạo mà thiếu Trí Huệ và cuộc sống không chân chính. Do đó, GIỚI-ĐỊNH-HUỆ và BÁT CHÁNH ĐẠO là khuôn mẫu bắt buộc cho những ai muốn thành công trên Phật Đạo.

Qua phát biểu của những vị Sư trong phim về tu hành thì ta thấy họ cũng mới biết được một số điều lệ sơ khởi mà người muốn tu hành cần phải tuân thủ. Chưa đi sâu vào việc tu hành thật sự.

10/- Những nhà khảo cổ đã có một kết luận mà người Phật Tử cần suy nghĩ: “Trớ trêu thay, sau cái chết của Đức Phật, người đã giảng về sự vô ích của những nghi lễ thờ cúng và sự sùng bái cá nhân lại trở thành đối tượng được thờ cúng, và là được sùng bái nhiều nhất trong lịch sử”.

Điều đó rất rõ ràng: Ai cũng biết Đạo Phật là Đạo Giải Thoát, là đưa con người thoát mọi ảnh hưởng của mê tín, thần quyền, đau khổ, phiền não, sinh Tử. Hoặc gọi là Đạo Nhân Quả, vì dùng Nhân Quả để hướng dẫn con người cải ác, hành thiện để cuộc sống tất cả được tốt đẹp hơn. Đã tin vào Nhân Quả thì không thể tin rằng có Thượng Đế, Phật Tổ Như Lai hay Thần Linh nào đó cầm nắm vận mạng của ta. Chỉ cần thành khẩn tôn thờ Ngài là sẽ được cứu, hoặc được đổi xấu lấy tốt! Tiếc thay, cũng do những người không đắc pháp mà lại dành quyền giảng đạo đã biến Đạo Phật trở thành một Tôn Giáo chuyên Thờ Phật! Biến việc Tu Phật lẽ ra phổ cập cho tất cả mọi người, không phân biệt trẻ, già, trai, gái, xuất gia hay tại gia... trở thành công việc chỉ dành riêng cho những Tu Sĩ chuyên tâm phụng sự Phật. Đạo Phật như thế ngày càng phát triển rầm rộ qua hình tướng, lôi kéo được nhiều người tin theo, mà theo bộ phim, số lượng tín đồ đã lên đến 400 triệu.

Câu Phật Ngôn: “Kẻ nào ca ngợi ta, tán thán ta mà không làm theo lời ta chỉ dạy, kẻ đó đang phỉ báng nặng nề ta” đang được các nhà khảo cổ nhắc đến qua một dạng khác, chứng tỏ họ thấy rõ những tín đồ của Đạo Phật đang làm điều mà Đức Thích Ca đã cực lực bài bác, đã bỏ một đời ra để thuyết giảng! Phải chăng, như thế thì càng tán thán Phật càng bôi bác Ngài?

Rõ ràng là Giáo Lý của Đạo Phật qua thời gian đã bị biến dạng, không còn giống như những lời Phật được các nhà khảo cổ trích dẫn: “Nhưng Đức Phật dạy rằng những người bình thường cũng có thể đi theo con đường đạt tới hạnh phúc bất diệt và trí huệ tối thượng”.

Nhưng đạt được bằng cách nào? Đó là một câu hỏi dành cho những ai thật tâm muốn đi theo con đường của Đức Thích Ca. Tự mỗi người phải nghiên cứu thấu đáo và thực hiện được lời Thọ Ký “Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Chính vì vậy, theo tôi, điều đang được các nhà khảo cổ đề câp đến, là hiện nay, “không chỉ những người hành hương, mà những khách du lịch cũng muốn đến đó với hy vọng tìm thấy sự an bình và niềm hạnh phúc vĩnh cửu cũng như Giải Thoát khỏi nỗi đau và cái chết”, chứng tỏ rằng Giáo Pháp của Đức Phật ngày càng có sức lan tỏa.

Lời Phật dạy trong Kinh Kim Cang: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” đã chứng minh tính chính xác của nó. Hình ảnh Ngài đã đi vào quá khứ. Nơi ở của Ngài cũng đã bị thời gian chôn vùi. Chúng ta không thể tìm được sự Giác Ngộ hay an bình ở những địa danh đó. Nhưng Giáo Pháp của Ngài vẫn tồn tại trong những bộ Chính Kinh. Vì thế, theo tôi, có thể đến lúc nào đó, mọi người sẽ thấy rằng việc tìm đến địa điểm nơi bắt đầu của Đạo Phật không giúp ích cho việc tìm thấy Đạo, mà quan trọng hơn, là cố gắng tìm hiểu mục đích thật sự của Đạo Phật và cách thức hành trì như thế nào để đạt được kết quả Giải Thoát như Đức Thích Ca. Đó mới chính là mong mỏi của Ngài khi mang Đạo Phật rao giảng giữa đời vậy.

Tháng 5/2011 - Tâm Nguyện


MỘT VÀI QUY TẮC ĐỌC SÁCH

NGUYỄN TÙNG THANH

Đối với chúng ta, đọc sách đã là một việc rất quen thuộc. Chúng ta đã đọc rất nhiều: để giải trí, để tăng nguồn thông tin, để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức của mình. Trong việc đọc của chúng ta, chắc hẳn không ít lần chúng ta đã gặp khó khăn trước một số tác phẩm nào đó mà chúng ta hiểu lờ mờ, thậm chí hiểu sai ý của tác giả. Vậy trong những trường hợp như thế, chúng ta giải quyết như thế nào? Với kinh nghiệm, với kiến thức có sẵn, và bằng một vài cách thức nào đó, chúng ta đã cố gắng khắc phục khó khăn nhằm hiểu tác phẩm, nhưng có thể nói chúng ta cảm thấy chưa thỏa mãn được.

Bài viết sau đây không có tham vọng giải quyết hết tất cả những khó khăn, rối rắm mà chúng ta gặp phải trong quá trình ĐỌC để hiểu một tác phẩm, nhằm nâng cao kiến thức của mình lên. Nó không phải là một bài lý luận về cách ĐỌC SÁCH, mà chỉ muốn trình bày lại một số quy tắc được rút từ quyển “Mieux lire, mieux comprendre” của Mortimer ADLER(*). Những quy tắc này, đối với bản thân người viết, đã có một ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Hy vọng những quy tắc ấy cũng sẽ mang lại lợi ích cho một số trong chúng ta. Riêng đối với những người đã trang bị được cho mình một phương pháp ĐỌC hoàn chỉnh thì những điều sắp trình bày là hoàn toàn không cần thiết.

Trước hết, có lẽ chúng ta nên thỏa thuận với nhau về thuật ngữ ĐỌC. Từ ĐỌC có nhiều nghĩa. Ở đây, một cách tổng quát, ĐỌC được hiểu như là: “Một hoạt động qua đó, một lý trí, chỉ bằng cách làm việc trên những biểu tượng của một chất liệu đọc được và không có một sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, tự vươn lên nhờ vào những phương cách riêng của mình, nhằm nâng cao kiến thức của bản thân”.

Mỗi tác phẩm có thể nói là một công trình, qua đó tác giả muốn cung cấp cho người đọc một số kiến thức nhất định nào đó. Nếu khi đọc một cuốn sách mà chúng ta lĩnh hội dễ dàng những điều trình bày trong sách ấy thì điều đó có nghĩa là trước khi đọc, kiến thức của chúng ta và kiến thức mà tác phẩm mang lại không chênh lệch nhau. Ngược lại, nếu có những tác phẩm đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, phải mệt nhọc mới hiểu được, thì rõ ràng là tác phẩm ấy đã mang lại cho chúng ta những kiến thức mới mẻ, cao hơn kiến thức vốn có của ta; và đó là những tác phẩm đáng được chúng ta ĐỌC một cách nghiêm túc hầu nâng cao kiến thức của mình lên.

Mỗi một tác phẩm thuộc loại ấy đòi hỏi được ĐỌC theo ba cách. Ba cách ở đây không có nghĩa là ba lần, mà chỉ có nghĩa là ba phương thức ĐỌC khác nhau. Chúng ta sẽ phải ĐỌC lần lượt từng cách một, theo trình tự những quy tắc được đề ra, vì lúc đầu chúng ta chưa quen với những quy tắc ấy. Một khi thành thạo rồi, hai cách ĐỌC đầu có thể được phối hợp lại. Riêng cách ĐỌC thứ ba – bao giờ cũng phải tách rời ra với hai cách ĐỌC đầu. Bởi lẽ hai cách ĐỌC đầu là nhằm giúp chúng ta đánh giá, phê bình tác phẩm. Cần lưu ý là ngay cả khi chúng ta đã đọc thành thạo, phối hợp được hai cách ĐỌC đầu thì khi cần thiết để kiểm tra xem chúng ta đã ĐỌC tốt chưa, chúng ta cần và bắt buộc phải tách biệt các bước khác nhau trong từng cách ĐỌC một và hai. Chẳng những chúng ta phải ĐỌC một tác phẩm theo ba cách mà chúng ta phải có khả năng ĐỌC cùng lúc hai hoặc nhiều tác phẩm để có thể ĐỌC tốt một tác phẩm. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải có khả năng ĐỌC bất kỳ một sưu tập (collection) những sách nào mà chỉ có nghĩa là chúng ta cần đọc những sách có liên quan với nhau, giải quyết cùng một vấn đề hoặc một nhóm những vấn đề.

Ngoài ra chúng ta cần phân biệt việc ĐỌC một tác phẩm “từ bên trong” (lecture intrinsèque) với việc ĐỌC một tác phẩm “từ bên ngoài” (lecture extrinsèque). ĐỌC một tác phẩm “từ bên trong” có nghĩa là chúng ta ĐỌC ngay chính tác phẩm ấy, biệt lập với các tác phẩm khác. ĐỌC một tác phẩm “từ bên ngoài” có nghĩa là ĐỌC một tác phẩm chẳng những chính bản thân nó mà còn phải ĐỌC thêm một số tác phẩm, một số sách khác để soi sáng tác phẩm chúng ta cần ĐỌC. Những sách, những tác phẩm để soi sáng có thể là những tác phẩm để tham khảo như: tự điển, bách khoa toàn thư, những sách bình luận, tóm tắt, những tác phẩm cổ điển (classiques)… ĐỌC “từ bên ngoài” có thể bao gồm: kinh nghiệm của bản thân chúng ta, những công trình thí nghiệm ở phòng thí nghiệm, những cuộc tham quan, du khảo hoặc những chuyến đi điền dã… ĐỌC “từ bên trong” và ĐỌC “từ bên ngoài” một tác phẩm hòa lẫn với nhau nhằm giúp chúng ta hiểu, đi đến đánh giá, phê phán một tác phẩm.

Ba cách ĐỌC của chúng ta có thể gọi như sau:

- Cách ĐỌC một: ĐỌC theo cơ cấu hoặc ĐỌC phân tích (lecture structurale ou lecture analytique)

- Cách ĐỌC hai: ĐỌC giải thích hoặc ĐỌC tổng hợp (lecture explicative ou lecture synthétique)

- Cách ĐỌC ba: ĐỌC đánh giá hoặc ĐỌC phê phán (lecture d’évaluation ou lecture critique)

A. Cách ĐỌC một: Tác phẩm là một chỉnh thể. Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm lại được những phần của chỉnh thể ấy. Cách ĐỌC này gồm 4 bước:

1. Phân loại sách

2. Tìm ra Ý CHÍNH của quyển sách.

3. Chỉ ra và TÓM TẮT những phần, những chương, những đoạn… của cuốn sách

4. Xác định được những vấn đề mà tác giả đặt ra để giải quyết.

1. Phân loại sách :

Trước khi ĐỌC, chúng ta phải biết quyển sách mình sắp ĐỌC thuộc loại gì. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần dựa vào: Tựa (Tiêu đề), Mục lục của quyển sách, Lời nói đầu của tác giả. Phải phân biệt được đây là một cuốn sách mang tính chất lý thuyết hay là một cuốn sách có tính chất thực hành, là một cuốn sách nói về khoa học ứng dụng hay là khoa học thuần túy, là một tác phẩm sử học hay là một tác phẩm triết học v.v… Phân loại sách sẽ giúp chúng ta có một sự chuẩn bị thích hợp để đi vào tác phẩm vì mỗi bộ môn đòi hỏi một lối tư duy đặc thù của nó. Đối với một tác phẩm mang tính chất khoa học thực nghiệm, ĐỌC “từ bên ngoài” sẽ phức tạp hơn: có thể chúng ta phải tự mình làm lại những cuộc thí nghiệm hoặc phải đến một viện bảo tàng… Đối với một tác phẩm sử học thì ĐỌC “từ bên trong” sẽ phức tạp hơn vì nhà sử học thường kết hợp lối kể chuyện của thơ ca, tiểu thuyết với những sự kiện, những con số có tính lịch sử. Đối với một tác phẩm mang tính chất thực hành thì ngoài việc nắm chắc được lý thuyết rồi chúng ta còn phải vận dụng những lý thuyết, những lời chỉ dẫn vào trong thực tế.

2. Tìm ra Ý CHÍNH của quyển sách:

Dựa vào Lời tựa của tác giả, Nhà xuất bản, dựa vào trang đầu của quyển sách, chúng ta tìm ra Ý CHÍNH của sách, tìm ra CHỦ ĐỀ CHÍNH của sách, rồi bằng những từ của chính chúng ta, chúng ta tóm tắt lại Ý CHÍNH ấy bằng vài hàng, bằng một đoạn ngắn hoặc cùng lắm bằng một câu. Tóm tắt này càng ngắn, càng chính xác và càng đầy đủ thì càng đạt yêu cầu.

3. Chỉ ra những PHẦN của cuốn sách và TÓM TẮT những PHẦN ấy:

Sách có nhiều phần, nhiều chương, nhiều đoạn. Nhiệm vụ của chúng ta là phải chỉ ra được và tóm tắt được các phần, các chương, các đoạn ấy đồng thời phải chỉ ra được mối LIÊN HỆ HỮU CƠ giữa các phần, giữa các chương trong một phần, giữa các đoạn trong một chương. Tất cả các phần, các chương, các đoạn hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh như thế nào. Thí dụ: Tác giả đã chia quyển sách thành năm phần: A, B, C, D, và E. Phần A nói về… (chúng ta phải tóm tắt lại một cách ngắn gọn nội dung từng phần), phần B nói về…, phần E nói về… Trong phần A có ba chương: chương I nói về…, chương II nói về…, chương III nói về…, (chúng ta cũng phải tóm tắt lại ngắn gọn nội dung từng chương một). Trong chương I tác giả đề cập các ý: ý 1 là…, ý 2 là…, ý 3 là… (chúng ta cũng cần tóm tắt từng ý một). Cứ như thế lần lượt chúng ta đi hết các PHẦN, các CHƯƠNG, các ĐOẠN, và các Ý.

4. Xác định những VẤN ĐỀ mà tác giả đặt ra để giải quyết :

Để làm việc này, chúng ta cần dựa vào một số câu hỏi thông thường như: Điều ấy có thực không? Thuộc về loại gì? Trong những điều kiện nào thì nó tồn tại? Mục đích của nó là gì? Những hậu quả của sự tồn tại của sự việc ấy? Những điểm đặc thù của nó? Nó có liên quan gì, có liên hệ với các việc khác ra sao?... hoặc một số câu hỏi có tính chất thực tiễn như: Phải theo đuổi những mục đích gì? Để đi đến kết quả ấy phải chọn những phương cách gì? Phải làm gì để đạt được điều ấy, theo thứ tự nào? Trong những điều kiện ấy, làm cái nào đúng, làm cái nào ít sai nhất? Trong những điều kiện nào thì làm việc này tốt hơn là làm những việc khác?

B. Cách ĐỌC hai: Chúng ta phải đi từ những phần nhỏ nhất để trở về với TỔNG THỂ. Cách ĐỌC này gồm 4 bước:

1. Tìm những THUẬT NGỮ (terminologie) của tác giả:

THUẬT NGỮ (terme) được hiểu là một TỪ dùng trong MỘT NGHĨA. Những thuật ngữ của tác giả có thể là những từ mà tác giả dùng một CÁCH đặc biệt, là những từ quan trọng mà nội dung thay đổi theo không gian và thời gian. Đó cũng có thể là những từ gây khó khăn cho chúng ta trong quá trình tìm hiểu ý nghĩa của một câu. Tác giả có thể nhấn mạnh trên một số từ nào đó (và những từ này là những THUẬT NGỮ của tác giả) hoặc để trong ngoặc kép, hoặc in nghiêng, hoặc tác giả định nghĩa lấy nội dung những từ mà tác giả sẽ sử dụng. Tất cả những từ ấy đều là những thuật ngữ.

Nếu bản thân tác giả không chỉ ra những thuật ngữ mà tác giả sử dụng, thì nhiệm vụ của chúng ta là phải TÌM ra những THUẬT NGỮ ấy. Bằng cách dựa vào một số hiểu biết nhất định về chủ đề của tác phẩm. Sau khi tìm ra những TỪ quan trọng, chúng ta còn cần phải biết tác giả đã dùng những từ ấy theo một nghĩa từ đầu đến cuối tác phẩm hay đã dùng theo hai nghĩa hoặc nhiều nghĩa và giữa những nghĩa ấy có liên hệ với nhau như thế nào; chúng ta phải đánh dấu những chỗ mà tác giả sử dụng từ ấy theo nghĩa 2 hoặc nghĩa 3… Để tìm ra nghĩa của một từ, chúng ta có thể sử dụng từ điển hoặc dựa vào nghĩa của những từ khác trong văn mạch (contexte). Tìm ra những thuật ngữ của tác giả, hiểu được nghĩa của tác giả dùng trong những từ quan trọng là việc làm vô cùng ích lợi vì từ đấy chúng ta mới có thể tiếp tục đi sâu vào tác phẩm, hiểu những điều mà tác giả sắp trình bày cho chúng ta.

2. Tìm ra những MỆNH ĐỀ (propositions):

Mệnh đề là sự diễn đạt một sự phán đoán của tác giả về một vấn đề nào đó. Tác giả khẳng định hoặc phủ định một điều gì, tuyên bố điều này hay điều kia là có thật hay không có thật. Một câu phức (phrase complexe) có thể chứa một hoặc nhiều mệnh đề. Ngược lại, một mệnh đề có thể được diễn đạt bằng hai hoặc nhiều câu khác nhau. Vậy làm thế nào để tìm ra được những câu chính yếu trong tác phẩm rồi từ đó phát hiện ra những mệnh đề nằm trong những câu ấy? Những câu chính yếu thông thường – về phía độc giả – là những câu đòi hỏi phải nỗ lực để hiểu chúng. Về phía tác giả, đó là những câu phát biểu, những phán đoán mà toàn bộ lập luận (argumentation) của tác giả dựa vào.

Sau khi tìm ra được những câu quan trọng chứa những mệnh đề, chúng ta phải DIỄN ĐẠT lại những mệnh đề ấy theo cách hiểu của mình, với những từ của mình. Phải làm được như thế và chỉ có làm được như thế chúng ta mới thực sự chứng tỏ là chúng ta HIỂU được những ý của tác giả. Nếu chúng ta chỉ lặp lại những từ, những câu của tác giả thì rõ ràng là chúng ta không hiểu được những điều tác giả muốn nói và như thế thì chỉ có những từ từ tác giả truyền lại chứ không phải những tư tưởng của tác giả, không phải sự hiểu biết (ở đây không bao gồm bất kỳ sự trích dẫn nào). Chúng ta đã “ngốn” từ chứ chúng ta chưa lĩnh hội được kiến thức của tác giả.

3. Tìm ra LẬP LUẬN (argumentation) của tác giả:

Lập luận của tác giả thường được phát hiện bằng những từ ngữ: Nếu… thì…, Do… vậy…, Từ sự việc ấy đưa đến kết quả như sau… Một lập luận luôn luôn là một chuỗi những khẳng định; một số những khẳng định ấy đưa ra những lý lẽ để rồi từ đó người ta đi đến một kết luận nào đấy. Để phát biểu một lập luận, cần phải có một đoạn hoặc ít ra, là một số câu hoặc nhiều đoạn. Vì thế chúng ta cần phải tìm ra những đoạn sách cung cấp những lập luận chính. Nếu những lập luận ấy không được diễn đạt rạch ròi thì chúng ta phải xây dựng lại những lập luận bằng cách rút ra một câu trong đoạn này, một câu khác trong đoạn khác vv… cho đến khi chúng ta xây dựng lại được một chuỗi những câu chứa đựng những mệnh đề cấu thành lập luận. Chúng ta phải viết lại một cách tóm tắt những lập luận của tác giả theo cách HIỂU của chúng ta. Nếu gặp những kết luận trước thì chúng ta phải đi tìm những tiền đề (prémisses); nếu thấy những tiền đề trước thì phải tìm xem chúng đã dẫn đến những kết luận gì. Cần phân biệt loại lập luận đưa ra trước một hoặc nhiều sự kiện đặc biệt như là những chứng cớ để đi đến khái quát hóa và loại lập luận đưa ra một loạt những khẳng định tổng quát nhằm chứng minh những khái quát hóa khác. Những mệnh đề tổng quát thường là những định đề (postulats).

Như vậy, chúng ta đã đi từ những THUẬT NGỮ đến những MỆNH ĐỀ rồi từ những MỆNH ĐỀ đi đến những LẬP LUẬN bằng cách đã đi từ những TỪ đến những CÂU rồi từ những CÂU đến những ĐOẠN (paragraphe). Động tác của cách ĐỌC hai này hình như đã đi theo chiều ngược lại với động tác của cách ĐỌC một. Ở cách ĐỌC một, chúng ta đã đi từ quyển sách coi như một CHỈNH THỂ đến những PHẦN chính yếu rồi từ những PHẦN đến những CHƯƠNG, những ĐOẠN. Những phần chính của tác phẩm, những chương, những đoạn chứa nhiều MỆNH ĐỀ và như thế nói chung chứa nhiều LẬP LUẬN. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục phân chia hết quyển sách, chúng ta sẽ thấy là trong mỗi CHƯƠNG, mỗi ĐOẠN có những Ý và mỗi Ý là một MỆNH ĐỀ. Rõ ràng cách ĐỌC một và cách ĐỌC hai đã gặp nhau.

4. Tìm ra những vấn đề mà tác giả ĐÃ hoặc KHÔNG GIẢI QUYẾT:

Sau khi đã thỏa thuận với tác giả về những thuật ngữ và đã nắm được những mệnh đề cũng như những lập luận của tác giả, chúng ta có thể kiểm tra những vấn đề mà chúng ta đã tìm ra được bằng cách trả lời những câu hỏi sau: Trong những vấn đề mà tác giả muốn giải quyết, vấn đề hoặc những vấn đề nào mà tác giả đã THỰC SỰ giải quyết? Trong khi giải quyết những vấn đề mà tác giả muốn giải quyết, vấn đề hoặc những vấn đề nào mà tác giả đã KHÔNG GIẢI QUYẾT? Trong những vấn đề mà tác giả không giải quyết, những vấn đề nào mà tác giả đã CỐ Ý không giải quyết?

C. Cách ĐỌC ba: Chúng ta chỉ có thể thực sự phê phán một cách đúng đắn những điều tác giả trình bày sau khi hiểu cặn kẽ những gì tác giả nói với chúng ta (qua THUẬT NGỮ, MỆNH ĐỀ và HỆ LUẬN). Thái độ phê phán của chúng ta sẽ rơi vào hai trường hợp:

1. Chúng ta ĐỒNG Ý với những điều tác giả trình bày (để từ đó rút ra được những điều bổ ích chi kiến thức của mình).

2. Chúng ta KHÔNG ĐỒNG Ý với tác giả về những điều tác giả đã trình bày. Trong trường hợp này, bốn nhận xét có thể có là:

a. Tác giả không nắm được vấn đề;

b. Tác giả nắm sai vấn đề;

c. Tác giả không logic, lập luận của tác giả không đứng vững;

d. Tác giả đã phân tích không đầy đủ;

a. Tác giả không nắm được vấn đề (non informé):

Tác giả đã thiếu kiến thức có liên quan đến vấn đề mà tác giả muốn giải quyết. Bản thân chúng ta phải có khả năng nói lên được tác giả thiếu những kiến thức nào và chứng minh kiến thức ấy liên quan đến vấn đề ở chỗ nào và vì so kiến thức thiếu ấy làm kết luận của tác giả què quặt.

b. Tác giả nắm sai vấn đề (mal informé):

Tác giả đã khẳng định một điều gì không chính xác. Từ đó đưa đến việc tác giả phạm phải sai lầm là có những khẳng định trái ngược với sự kiện đã xảy ra trong thực tế. Khi đưa ra nhận xét này chúng ta phải bảo vệ cho được sự thật để đối chọi lại “sự thật” của tác giả.

c. Tác giả không logic (illogique):

Hoặc là những gì tác giả trình bày như là kết luận thì không xuất phát từ những tiền đề được đưa ra trước (non sequitur) hoặc là tác giả đã cố gắng chứng minh những điều không thể dung hợp với nhau được (incompatible)

Ba nhận xét trên đây (a, b, c) là ba nhận xét đưa ra về thuật ngữ, mệnh đề và lập luận của tác giả. Nhận xét thứ tư - sắp nêu ra – là về cấu trúc của toàn bộ tác phẩm.

d. Tác giả đã phân tích không đầy đủ (incomplet):

Tác giả đã không giải quyết hết thảy những vấn đề mà tác giả định giải quyết hoặc là tác giả đã không tận dụng được tối đa từ những “vật liệu” của mình. Chúng ta cũng phải vạch ra một cách chính xác sai lầm của tác giả, nhờ vào kiến thức của bản thân hoặc nhờ vào những sách khác.

Một cách tóm tắt, chúng ta vừa làm quen với một số quy tắc căn bản, giúp chúng ta ĐỌC với hiệu quả tối đa. Rõ ràng ĐỌC – để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức – là một công việc rất mệt nhọc. Chúng ta cần phải xem việc ĐỌC ấy là một hoạt động tích cực, đầy nỗ lục của chính bản thân. Chúng ta sẽ ghi chép trong khi ĐỌC, đánh dấu, gạch dưới những chữ, câu, đoạn trong sách (dĩ nhiên nếu là sách của mình); xây dựng lại những mệnh đề, lập luận của tác giả vv…

ĐỌC để bồi dưỡng kiến thức của mình thì không thể nào đọc NHANH được. Tốc độ nhanh, chậm không phải là vấn đề quan trọng. Vấn đề quan trọng là qua sự ĐỌC một tác phẩm, chúng ta lĩnh hội thêm được những gì. Ở đây cũng cần phải nói là không phải đối với bất kỳ quyển sách nào chúng ta cũng áp dụng đầy đủ những quy tắc vừa được nêu trên. Kinh nghiệm sẽ dạy cho chúng ta biết khi nào phải áp dụng ba cách ĐỌC. Để tránh trường hợp phải “vật lộn” với một tác phẩm mà trình độ kiến thức trong tác phẩm ấy quá cao so với trình độ của chúng ta, việc tranh thủ ý kiến hướng dẫn của thầy, cô giáo của bạn bè và những người có kinh nghiệm để tìm ĐỌC những tác phẩm nâng cao kiến thức của chúng ta lên mà không làm chúng ta quá mệt nhọc là điều vô cùng cần thiết. Những cố gắng đổ ra sẽ được đền bù xứng đáng.

Hà Mạnh Đoàn st.

---------

(*) “Đọc tốt hơn, hiểu tốt hơn”. Nhà xuất bản NOUVEAUX HORIZONS, 1965.


Phụ Bản III

10 GIẢ THUYẾT

VỀ NGUỒN GỐC TẾT ĐOAN NGỌ

Kỳ Hương

Tết Đoan ngọ là một trong những ngày lễ quan trọng của người Hoa vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm. “Đoan” nghĩa là bắt đầu, mở đầu. Mùng 5 còn được gọi là Đoan ngũ. Nông lịch tính tháng theo địa chi: tháng 1 là Dần, tháng 2 là Mão (Mẹo), tháng 3 là Thìn, tháng 4 là Tỵ, tháng 5 là Ngọ… nên tháng 5 còn được gọi là Ngọ nguyệt. Trong tiếng Hán “Ngũ” và “Ngọ” đồng âm, mà Ngũ (5) là số dương nên Đoan ngọ cũng được gọi là Đoan ngũ. Ngoài ra, Đoan ngọ còn có nhiều tên gọi khác như: Trùng ngũ, Trùng ngọ, Đoan dương, Trung thiên, Ngọ nhật… Hai chữ “Đoan ngọ” ở Trung Quốc xuất hiện sớm nhất trong sách Phong thổ ký của Chu Xử thời Tấn: “Trọng hạ Đoan ngọ, phanh vụ giác thử” (Tết Đoan ngọ giữa mùa hạ, giết vịt, làm bánh sủi cảo, nấu cháo kê). Ngoài ra còn có nhiều cách giải thích khác về tên gọi “Đoan ngọ”.

Về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ, đến nay dân gian Trung Quốc thường cho rằng đó là ngày kỷ niệm nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên của nước Sở tự trầm dưới sông Mịch La. Song thực ra, đó cũng chỉ là một trong những giả thuyết về nguồn gốc Tết Đoan ngọ. Chúng tôi xin giới thiệu 10 giả thuyết tiêu biểu về nguồn gốc của Tết Đoan ngọ:

1. Thuyết thứ nhất cho rằng Tết Đoan ngọ là tết của rồng. Trong bài Đoan ngọ khảo, Văn Nhất Đa cho rằng đây là ngày dân gian Ngô Việt thời cổ tế vật tổ (totem) của mình. Trong thực tế, tiết Đoan ngọ là ngày lễ của rồng.

2. Thuyết thứ hai cho rằng đây là ngày kỷ niệm nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên của nước Sở tạ thế. Theo sách Tục tề hài ký, ngày mùng 5 tháng 5, Khuất Nguyên đã nhảy xuống sông Mịch La tự trầm, người Sở thương tiếc nên mỗi năm vào ngày này đều cho cơm vào ống tre thả xuống sông để tế.

3. Thuyết thứ ba, như sách Lễ ký chép, cho rằng ngày này bắt nguồn từ tục tắm gội dưới thời Chu.

4. Thuyết thứ tư, theo sách Cầm tháo của Sài Ung thời Đông Hán, cho rằng Tết Đoan ngọ là ngày lễ kỷ niệm hiền nhân Giới Tử Thôi.

5. Thuyết thứ năm, theo sách Sự vật kỷ nguyên của Cao Thừa thời Tống, cho rằng Tết Đoan ngọ bắt nguồn từ ngày Việt vương Câu Tiễn (thời Xuân Thu) thao luyện thủy quân.

6. Thuyết thứ sáu, theo sách Kinh Sở tuế thời ký của Tôn Lẫm thời Lương, cho rằng Đoan ngọ là ngày Ngũ Tử Tư đón “Thọ thần”. Hậu hán thư cũng chép rằng mùng 5 tháng 5 trên sông Tào Nga có tiệc múa hát đón Ngũ Tử Tư. Sau khi Ngũ Tử Tư chết, cứ đến mùng 5 tháng 5, người dân vùng Chiết Giang lại cử hành các nghi thức truy điệu ông.

7. Thuyết thứ bảy, theo Đạo thư, cho rằng đây là ngày cúng tế tổ tiên, ông bà.

8. Thuyết thứ tám, theo sách Cối Kê điển lục, cho rằng Đoan ngọ là ngày kỷ niệm Tào Nga tìm cha và nhảy xuống sông chết.

9. Thuyết thứ chín cho rằng Tết Đoan ngọ bắt nguồn từ ngày hạ chí thời Hạ – Thương – Chu. Vào ngày trọng hạ (giữa mùa hạ), vạn vật sinh sôi; đến ngày hạ chí (21–22 tháng 6 âm lịch), âm khí nổi lên khiến vạn vật không tươi tốt nên mùng 5 tháng 5, người ta lấy ấn ngũ sắc đóng lên cửa để trừ tà khí.

10. Thuyết thứ mười: Dân gian cho rằng Tết Đoan ngọ bắt nguồn từ câu chuyện 4 hào kiệt ở Miến Dương (Hồ Bắc) chuyên lấy của người giàu chia cho người nghèo, về sau bị quan quân vây bắt, cả 4 phải nhảy xuống sông tự tận vào ngày mùng 5 tháng 5. Dân chúng thương tiếc nên hằng năm đến ngày này làm lể truy niệm bốn vị hào kiệt.

Trong mười thuyết trên, giả thuyết cho rằng Đoan ngọ là ngày kỷ niệm Khuất Nguyên mất là có ảnh hưởng mạnh nhất.

Ở Việt Nam, chẳng mấy người (ngoại trừ người Hoa) biết chuyện nhà thơ Khuất Nguyên cũng như các giả thuyết khác về nguồn gốc Tết Đoan ngọ. Người Việt Nam gọi ngày mùng 5 tháng 5 bằng một cái tên dân dã là “Tết giết sâu bọ”. Vào ngày này, người ta sẽ cúng và ăn trái cây, ngoài ra còn có tục “khảo cây”. Tôi còn nhớ, lúc nhỏ hai anh em được mẹ sai ra vườn “khảo cây”: một người trèo lên chạc giả làm “Mộc tinh”, một người đúng dưới gốc cây cầm dao vừa chặt nhẹ vào gốc cây, vừa ngước mặt lên hỏi “Mộc tinh”: “Sang năm, mày phải ra thật nhiều hoa, thật sai quả nghe chưa, nếu không tao chặt bỏ luôn!”. “Mộc tinh” vội vàng trả lời: “Vâng, vâng, sang năm tôi sẽ ra thật nhiều hoa, thật sai quả!”. Các cây trong vườn như mít, ổi, xoài, bưởi, nhất là những cây không ra quả hoặc ít ra quả, sẽ lần lượt bị khảo (chặt). Cũng có cách “khảo cây” đơn giản hơn: chỉ cần một người xách dao ra vườn, đóng hai vai, vừa chặt vừa hỏi cây hoặc cứ im lặng mà chặt cho mỗi cây vài nhát. Dân gian quan niệm rằng đó là cách khiến cho cây “đau” mà ra nhiều trái (!)

Bùi Đẹp st.

ESPERANTO

GIẤC MƠ VỀ MỘT THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG

Ludwik Lejzer Zamenhof, cha đẻ của Esperanto (quốc tế ngữ), muốn tất cả mọi người trên thế giới hiểu được nhau. Ngôn ngữ do ông sáng tạo là một thứ tiếng đơn giản, du dương, với những quy tắc rõ ràng, hoàn toàn phù hợp với những lý tưởng đề ra .

Chuyện xảy ra năm 1870, tại Bialystok, thành phố ở đông bắc Ba Lan, từ nửa thế kỷ nay nằm dưới quyền cai trị của người Nga. Trên quảng trường, một đám đông bao gồm những người tứ xứ đang tụ tập; một sĩ quan ngạo nghễ cất giọng: ông ta nói tiếng Nga, giả vờ không hiểu người đối thoại, một nông dân Ba Lan; đằng kia một người bán hàng xén Do Thái đang gắng sức át tiếng một dân quê Biélorussie… Đứng trong một góc, như một chiếc bóng câm lặng giữa đám đông nhộn nhạo, một cậu bé mở mắt to như muốn thu hút mọi âm thanh và hình ảnh. Cậu bé ấy, Ludwik Lejzer Zamenhof, mới mười tuổi, rất thuộc Thánh kinh. Không chuyện nào trong Thánh kinh để lại dấu ấn sâu đậm nơi em bằng chuyện tháp Babel: các con của Noé muốn xây một tháp đụng đến trời cao ở Babel (Babylon theo tiếng Hébreu). Thượng đế tiêu hủy những nỗ lực điên rồ ấy bằng sự rối rắm trong tiếng nói của họ: tất cả những người đang xây tháp Babel bỗng dưng nói bằng những ngôn ngữ khác nhau và không còn hiểu được nhau. Lejzer tự hỏi phải chăng sự trừng phạt của Đấng tối cao khiến cho con người không nói cùng một ngôn ngữ, và tình trạng này đã dẫn đến những hậu quả bi thảm.

Trong thành phố này, các cộng đồng sống cạnh nhau, nhưng lại ngờ vực nhau. Mỗi người sử dụng tiếng nói của mình như một lá chắn ngăn cản sự thông hiểu với người khác. Lejzer nói thạo tiếng Nga, tiếng Ba Lan, tiếng Yiddish (ngôn ngữ của người Do Thái ở Đông Âu), tiếng Hébreu, nhưng cảm thấy vẫn chưa đủ. Khi chứng kiến cảnh những người đồng hương dựng lên những bức tường ngăn cách, mỗi người tự giam hãm trong nền văn hóa, chủng tộc, ngôn ngữ của mình và bày tỏ thái độ thù địch với kẻ khác, cậu bé lại tự đặt ra bao câu hỏi: Liệu người ta có thể chống lại sự giận dữ của Thượng đế và trả lại cho con người phương tiện giao tiếp đã bị tước mất? Phải chăng đó chỉ là sự khổ công vô ích hay là một giấc mơ nhất thời của một người có đầu óc lý tưởng còn non nớt, kém thực tế? Không. Ước mơ đem lại sự hòa hợp đã hình thành từ tuổi ấu thơ bị giằng co giữa tình âu yếm của mẹ – sứ giả của tình thương – và sự bất đồng ngôn ngữ của những con người nhìn thấy hàng ngày. Ludwik Lejzer Zamenhof trung thành với lý tưởng ấy suốt đời ông.

Là con trai một giáo sư Ba Lan thấm nhuần văn hóa Nga, lúc 10 tuổi, Lejzer viết “Bi kịch năm hồi” bằng tiếng Nga, thể hiện một nội dung gần gũi với huyền thoại Babel. Lúc 15 tuổi, mới cư ngụ ít lâu ở Varsovie, cậu đã chơi trò kết hợp các từ do mình tự nghĩ ra vả truyền niềm say mê cho các bạn học của mình. Năm 19 tuổi, cậu sáng tạo được Lingwe uniwersala (ngôn ngữ quốc tế) đầu tiên, tiếng nói dựa trên việc quan sát tiếng Anh, có cách viết trung thành với cách phát âm; ngữ vựng và cú pháp đơn giản, chỉ bao gồm những điều chủ yếu, ít biến cách, gồm các động từ hoàn toàn theo quy tắc, với dấu nhấn đặt trên âm tiết gần cuối… Một phác thảo của quốc tế ngữ đã hình thành. Nhưng người cha, Markus Zamenhof, lại đâm lo lắng và cảnh giác. Mặc dù Lejzer đạt kết quả sáng chói trong học tập, người cha độc đoán vẫn không ưa những phát minh của cậu con trai. Một ngày nọ, lợi dụng lúc con đang theo học y khoa ở Moscou, ông đã đốt toàn bộ công trình của Lejzer. Ước mơ đầu tiên của chàng thanh niên 21 tuổi đã biến thành mây khói? Chẳng hề gì, vì anh nhớ như in mọi thứ trong đầu. Anh dành ban đêm để soạn thảo tài liệu về quốc tế ngữ; ban ngày anh mơ đến nó ngoài giờ học. Như thế, nhà phát minh ngôn ngữ đã tái tạo toàn bộ Lingwe uniwersala và hoàn thiện nó.

Năm 1880, việc công bố quốc tế ngữ Volapuk của linh mục Schleyer chỉ làm cho Lejzer nhụt nhuệ khí vài tháng. Thời gian này đủ để anh xem xét và nhận ra công trình của vị tu sĩ ở Constance ấy đã không đem lại điều gì mới cho thế giới: ngôn ngữ ấy có cấu trúc hợp lý, nhưng các từ lại tối nghĩa, thậm chí không đọc được và đa số lại khó nhớ. Sự xuất hiện của Volapuk mang lại cho Lejzer một nhiệt tình mới. Anh vẫn nhớ những điểm cần phê phán để áp dụng cho bản thân, để tránh những sai lầm trước đây. Ngôn ngữ quốc tế do anh sáng tạo sẽ đơn giản hơn, du dương hơn, ai cũng có thể học được; tóm lại, hợp với lý tưởng mà nó phục vụ: giúp cho những con người có thiện ý trên thế giới – bất kể gốc gác hay trình độ văn hóa – có thể hiểu nhau.

Ngày 26.7.1887, một quyển sách nhỏ viết bằng tiếng Nga ra đời. Tác giả: Doktoro Esperanto; bút danh ấy đã nhanh chóng trở thành tên của chính ngôn ngữ. Tựa sách: Lingvo Internatia. Không nhằm thay thế ngôn ngữ các quốc gia, ngôn ngữ do Ludwik Lejzer Zamenhof sáng tạo muốn làm một gạch nối giữa các dân tộc trong quan hệ “liên – quốc gia”. Nội dung sách: 40 trang bao gồm phần giới thiệu, phần văn phạm gồm 16 quy tắc không có ngoại lệ, phần ngữ vựng gồm khoảng 900 chữ gốc, 10 phụ tố (tiếp đầu ngữ và tiếp vĩ ngữ) và những thí dụ là một số bài dịch thơ và trích đoạn Kinh thánh. Unua libro, một tác phẩm lịch sử mà tất cả các nhà truyền bá Esperanto đến nay vẫn dựa vào, ngay cả khi đã có sách tham khảo Fundamento de EsperantoPlena Ilustrita, từ điển Esperanto đầy đủ nhất, hiện nay chứa hơn 15.000 mục từ.

Chuông vừa gióng, biết bao thư từ gửi về “bác sĩ Esperanto” từ khắp nơi trên thế giới bằng chính ngôn ngữ ông tạo ra, nói lên sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người. Đó là các độc giả bị chinh phục bởi tính giản dị của ngôn ngữ này và lý tưởng mà nó theo đuổi. Zamenhof, mắt ngấn lệ, mở cửa đón những người xa lạ ngỏ lời với ông bằng Esperanto. Esperanto không còn là giấc mơ nữa, mà đã trở thành một ngôn ngữ.

Trong 10 năm sau đó, bác sĩ nhãn khoa Zamenhof, vợ ông, Klara, và ba con đã gặp nhiều khó khăn trong sinh kế, nhưng Esperanto vẫn phát triển. Hiệp hội các nhà thực hành Esperanto xuất hiện ở khắp nơi: tại Nga, Ba Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển, và cả Mỹ, Bolivia, Nhật Bản. Một hội nghị quốc tế đầu tiên được tổ chức tại Boulogne-sur-Mer (Pháp) vào tháng 8.1905. Tại đây, Fundamento de Esperanto của Zamenhof do nhà Hachette xuất bản đã được phái đoàn của 20 quốc gia hiện diện thông qua.

Với nhiệt tình, phong trào Esperanto được hình thành. Các “tín đồ” tăng lên dần dần. Đôi khi nhiệt tình ấy cũng suy giảm vì va chạm, cạnh tranh hay phản bội như trường hợp hai người Pháp truyền bá Esperanto đã lợi dụng lòng tin của Zamenhof, toan tính áp đặt một ngôn ngữ quốc tế của họ, Ido, một loại Esperanto lệch hướng.

Đối với những người ủng hộ Esperanto, Zamenhof là vị anh hùng. Tuy vậy, ông là người không ưa danh vọng và luôn nhắc nhở mọi người rằng Lingvo Internatia thuộc về những người thực hành nó, chứ không phải thuộc về người đã phát minh ra nó. Còn ông, mỗi tối, khi phòng mạch nhãn khoa đã chìm trong tĩnh lặng, lại bắt tay vào việc dịch thuật: các tác phẩm của Dickens, Gogol, Shakespeare, Goethe, Schiller, truyện ngắn Andersen và cả những sách trong Kinh thánh… Ông là người đầu tiên lập ra thư viện Esperanto và để tâm hết sức vào đó.

Nhưng ông phải trả giá cho những năm dài lao lực và đời sống khốn khó. Ở tuổi 54, khi Đại chiến thế giới lần thứ nhất bùng nổ, trông ông giống như một ông lão 70 tuổi. Trái tim của ông bị thương tổn. Những tin xấu đến từ các bạn bè của pohng trào Esperanto ở hai bên chiến tuyến càng làm cho ông suy sụp. Dưới mắt ông, châu Âu đã dự phần vào cuộc chiến của lòng thù hận, làm hoen ố lý tưởng ông theo đuổi về một nhân loại đầy tình thân ái. Zamenhof quỵ ngã vì những cơn đau tim lập đi lập lại, không còn nói được nữa. Nhưng giường ông vẫn đầy những ghi chú, những dự án cho đến khi hòa bình trở lại.

Zamenhof không còn dịp nhìn thấy hòa bình. Ông qua đời tại Varsovie ngày 14.4.1917, lúc 57 tuổi. Esperanto khi ấy đã vào tuổi 30. Đứa con yêu của Zamenhof tiếp tục sống, bất kể chiến tranh, sự chế nhạo hay sự hờ hững của người đời. Ngày nay, Esperanto được du nhập vào 115 quốc gia và được chính thức thừa nhận. Chẳng hạn năm 1993 Esperanto-PEN-Klubo đã được PEN-Club (Hội văn bút quốc tế) công nhận, và những lời ban phúc của Đức giáo hoàng được đọc bằng ngôn ngữ Esperanto vào dịp Giáng sinh và Phục sinh từ năm 1994. Esperanto, khởi đi từ Hy vọng (Espérance), vẫn chưa nói tiếng cuối cùng.

NGỌC NGÀ

(Theo Le Figaro 10-95)

BS. NGUYỄN LÂN-ĐÍNH st.


NỬA THẾ KỶ SÁCH BỎ TÚI

Hoàng Dũng

Cùng với bút bi và tủ lạnh, sách bỏ túi đã trở thành huyền thoại giữa đời thường. Những nhãn hiệu của một sản phẩm nay trở nên thông dụng và đi vào ngôn ngữ thường ngày.

Khai sinh

Ngày 9 tháng 2 năm 1953, khi Henri Filipacchi cho ra mắt tủ sách bỏ túi (Livre de Poche), ông tổng thư ký của Messagerries Hachette không hề hay biết mình vừa thực hiện một cuộc “cách mạng trong lãnh vực xã hội, văn hóa và kinh tế”. Thực vậy, đứa em bé nhỏ trong gia đình sách rất dễ phát hành và đến tay độc giả đã nhanh chóng chinh phục những giới độc giả mới. Một lãnh địa mới được thiết lập và ngày nay chiếm 30% thị phần tại Pháp.

Năm mươi năm sau, người ta đang tính toán kết quả “cuộc cách mạng” do Henri Filipacchi và Hachette, chính xác là chi nhánh LGF của Hachette, khai sinh. Cho dù không có một dấu hiệu thực sự báo trước một cuộc đảo lộn khi ba cuốn sách bỏ túi đầu tiên chào đời: Koenigsmark của Pierre Benoît, Những chiếc chìa khóa của Vương quốc của A.J. Cronin và Chuyến bay đêm của Antoine de Saint-Exupéry.

Về phương diện lịch sử của ngành xuất bản, Sách bỏ túi ghi danh vào gia phả của một “dòng họ” lớn lao; không cần phải ngược dòng thời gian xa xôi đến thế kỷ XVII, với “Bibliothèque Bleu” (Thư viện xanh), chỉ cần liệt kê ở thời gian gần với chúng ta hơn cũng đủ thấy: “Le Masque” (của nhà xuất bản Librairie des Champs-Élysée, 1927), bộ sách “Que sais-je?” (của PUF, 1941); “Poètes d’aujourd’hui” (Seghers, 1944) hay “Série noire” (Gallimard, 1945). Đó là chưa kể đến ảnh hưởng từ nước ngoài, đặc biệt từ các nước Anh-Mỹ: Allen Lane thành lập nhà xuất bản Penguin ở Anh (1935) và Paperback của Simon&Schuster ở Mỹ (1939). Do đó mới có truyền thuyết, một ngày nọ Henri Filipacchi bỗng nảy ra ý tưởng cho in loại sách bỏ túi này khi nhìn thấy một chàng thanh niên người Mỹ xé đôi cuốn sách để dễ dàng cho vào túi hơn. Cũng chẳng có gì là cách mạng cả khi dự án này từng được LGF và Calmann-Lévy áp dụng từ năm 1939. Nhà Calmann-Lévy nắm giữ những cơ sở pháp lý liên hệ đến việc xuất bản Sách bỏ túi. Và cái tên Sách bỏ túi được mua lại từ Tallandier vốn đã sử dụng từ năm 1905. Cũng như việc áp dụng những kỹ thuật in ấn mới làm hạ giá thành của một cuốn sách xuống còn khoảng 150F đối với Sách bỏ túi và 230F đối với sách bìa đỏ.

Nhưng đó không phải là tác nhân duy nhất đóng góp cho thành công của sách bỏ túi. Trong bối cảnh kinh tế và xã hội của “ba mươi năm huy hoàng” nhất là gia tăng dân số và mức sống khiến các hiệu sách của Hachette làm ăn phát đạt. Thêm vào đó là sự phong phú của các loại sách xuất bản, vốn chủ yếu dựa vào nguồn từ những nhà xuất bản lớn như Grasset, Fayard, Stock, Denoel, Robert Laffont, Albin Michel, Julliard, Plon… và chỉ một mình Gallimard đã chiếm một phần ba số đầu sách xuất bản.

Tăng cường tính đa dạng

Nguồn sách ngày càng mở rộng với Mazo de la Roche, Sartre, Hemingway… Sách bỏ túi dành đặc quyền cho những cuốn sách phát hành lần đầu với số lượng lớn khác với loại sách “bình dân” – mà nhà J’ai lu đã khai thác từ 1953 – và đã có những bước tiên phong trong lãnh vực văn học, như Tiểu thuyết mới. Nhìn chung, Sách bỏ túi đã có bước tiến dài với hơn 3 triệu cuốn bán ra vào năm 1955 lên đến gần 14 triệu vào năm 1961 và hướng vào những tủ sách chuyên đề: “Thực hành” và “Lịch sử” (1955), “Cổ điển” (do Roger Nimier thành lập năm 1958). Thành công này đã phát sinh những đối thủ cạnh tranh: Pocket, 10/18 và Idée của nhà Gallimard (1962), Garnier Flammarion (1964) và Seuil (1970). Vấn đề nảy sinh vào năm 1964, khi Hubert Damish tố cáo mối ảo tưởng dân chủ và bình đẳng “bỏ túi” này (những cuộc tranh luận được đăng lại trên Les Temps modernes) không làm vợi đi danh tiếng của sách bỏ túi vốn đã trở thành công cụ để tính chỉ số giá cả kể từ đầu những năm 1960.

Sự phát triển này – được nhấn thêm bởi cuộc nổi dậy của giới trí thức vào năm 1968 – không phải không có khủng hoảng. Tiếp theo cuộc tranh chấp trong lãnh vực phân phối, Gallimard cắt đứt quan hệ với Hachette vào năm 1971. Một năm sau, ngôi nhà trên đường Sébastien-Bottin trở thành “Folio”. Đây là một đòn nặng giáng xuống Sách bỏ túi, vì đã mất đi số vốn quý với 500 tựa sách và số bán ra lên đến 60 triệu. Rất nhanh, những chiến dịch khuyến mãi được tung ra và tăng cường tính đa dạng với nhiều tủ sách mới: “Tuổi trẻ”, “Khoa học giả tưởng”, “Truyện kinh dị”; tất cả được chuyên môn hóa với “Biblio” (“Tiểu thuyết” và “Tiểu luận”) do Bernard-Henri Lévy thành lập. Vào năm 1991, Sách bỏ túi mở thêm tủ sách “Libretti” với giá chỉ 10F/cuốn.

Ngày nay, với hơn một tỷ cuốn sách bán ra từ ngày thành lập và 18 triệu cuốn năm 2002, “người tiên phong Sách bỏ túi” vẫn còn dẫn đầu trong một thị trường đang chờ đợi cuộc cách mạng mới.

(Tổng hợp)

ĐỖ THIÊN THƯ st.

--------------------

Những Tác Giả Chính

v Livre de Poche

- Sở hữu: Librairie Générale française (80% Tập đoàn Hachette, 20% Albin Michel).

- Thành lập: 1953.

- 18 triệu cuốn bán ra năm 2002. Tác phẩm bán chạy nhất: Le Grand Meaulnes, của Alain-Fournier, tiếp đến là Vipère au Poing, của Hervé Bazin (hơn 4 triệu cho mỗi cuốn).

- Tác giả có sách bán chạy nhất: Agatha Christie (hơn 40 triệu bản), tiếp đến là Emile Zola (22 triệu)

v Pocket

- Sở hữu: Tập đoàn Vivendi Universal, đang sang lại cho Hachette.

- Thành lập: 1962 (với tên gọi Presses-Pocket)

- 14,5 triệu cuốn bán ra năm 2002. Tác phẩm bán chạy nhất: không có số liệu.

- Tác giả có sách bán chạy nhất: Christian Jacq (6 triệu bản) và Tolkien (4 triệu).

v Folio

- Sở hữu: Gallimard

- Thành lập: 1972.

- 12 triệu cuốn bán ra năm 2002. Tác phẩm bán chạy nhất: L’Etranger của Albert Camus (5,9 triệu bản), tiếp đến là La Peste, cùng tác giả.

- Tác giả có sách bán chạy nhất: Albert Camus.

v J’ai lu

- Sở hữu: Flammarion (57,54%), Hachette và những cổ đông khác (42,46%).

- Thành lập: 1958.

- 9 triệu cuốn bán ra năm 2002. Tác phẩm bán chạy nhất: Malataverne của Bernard Clavel (2,4 triệu), tiếp đến là Neige en Deuil của Henri Troyat.

- Tác giả có sách bán chạy nhất: Barbara Cartland (32 triệu bản) tiếp đến là Guy des Cars (31 triệu).


QUẢNG CÁO TRÊN BÁO

CÁCH ĐÂY MỘT THẾ KỶ

PHAN TRỌNG HIỀN

Hơn nửa thế kỷ trước, Tri tân là một tạp chí văn hóa ra hàng tuần, lúc đầu ra ngày thứ ba, sau đổi sang thứ sáu, mỗi số gồm 24 trang khổ 20x28cm, giá bán 12 xu (sau tăng lên 15 xu). Tính từ ngày 3/6/1941, ngày ra số đầu tiên, đến hết năm 1941, Tri tân phát hành được 29 số, trong đó có một số đặc biệt được tăng trang (32 trang) và tăng giá bán (20 xu). Trung bình mỗi số đăng khoảng 10 quảng cáo, giá mỗi dòng quảng cáo là 40 xu. Mặt hàng quảng cáo khá đa dạng: sách, báo, nhà in, nhà hát, phòng mạch bác sĩ, tiệm may, ngân hàng, vải vóc, đồ thủy tinh, vé số vv… Hầu hết các mặt hàng được quảng cáo liên tục nhiều số liền.

Chẳng hạn, quảng cáo chè (trà), có ba hiệu cạnh tranh nhau khá gay gắt. Hiệu chè Nam Lộc quảng cáo như sau:

“Ngẫm xem nội hóa nước nhà

Đến chè NAM LỘC mới là thanh hương.

Các quý khách thích uống nước chè, xin hỏi ngay chè NAM LỘC. Bán tại số 5, phố Phúc Kiến, Hanoi”

Chè Đồng Lương không chịu kém, rao rằng:

“Người lịch sự và yêu nước đều thích uống

và cổ động CHÈ ĐỒNG LƯƠNG.

Một thứ chè nội hóa có danh tiếng,

ngon hơn chè Tàu và được bầu là VUA CHÈ NỘI HÓA

Có chi cục và đại lý toàn cõi Đông Pháp”

Chè Trung Lương thì trước sau ba lần thay đổi nội dung quảng cáo để cạnh tranh với hai hiệu chè trên. Mẫu quảng cáo lần đầu:

“Cánh nhỏ, nước xanh, hương thơm hẳn các thứ chè khác.

CHÈ TRUNG LƯƠNG

Chè này bằng cấp đã bao phen

Hương vị thơm tho há phải hèn

Quý khách ba kỳ nên chiếu cố

Lợi quyền nâng đỡ lúc đua chen

Chủ nhân PHẠM VĂN CƯỜNG (TRUNG LƯƠNG)

129, Rue Duvillier, Hanoi”

Quảng cáo lần hai (thay 4 câu thơ trên bằng 8 câu sau):

“Khắp hầu toàn thể quốc dân ta

Yến tiệc nào ai chẳng dụng trà

Kìa chè ướp sen nơi ướp cúc

Muốn chi tiện việc đến ngay nhà

TRUNG LƯƠNG hiệu đó từng danh tiếng

Chè thái ninh, nay nước đậm đà

Hoặc giả năm, ba ông bạn quý

Vài phong mua sẵn để đưa quà”.

Quảng cáo lần ba lại thay 8 câu thơ trên bằng 8 câu khác, chia làm hai khổ:

“Kính trình quý khách Bắc – Trung – Nam

Nội hóa ta nay đã khéo làm

Cứ thử dùng qua rồi thấy rõ

Chớ lầm quýt nọ khổ thân cam

Chớ lầm quýt nọ khổ thân cam

Lời nói mong sao đáng việc làm

Ắt hẳn vàng kia đâu phải gánh

Lợi quyền gìn giữ lấy danh lam”.

Việc chăm sóc sức khỏe có mấy mẫu quảng cáo đáng chú ý như:

“Hôi nách là một bệnh làm cho các bạn lúc nào cũng bực mình về sự không được vệ sinh.

Chúng tôi mới chế tạo theo lối hóa học thứ thuốc này, khi nào thấy hôi ở nách xông ra thì lấy bông “BEAUTY D’OR” tẩm vào nước cho ướt rồi lau vào nách, các bạn sẽ thấy sức mạnh ấy biến hết.

Nếu bạn nào mới mắc, chỉ dùng một gói là khỏi hẳn.

Bông “BEAUTY D’OR”, một gói dùng được 10 lần, giá 0p.50 (p.=piastre = đồng bạc). Bán tại hiệu VĨNH TÂN

25 phố Hàng Trống - Hanoi” .

THUỐC CAI (nghiện) HỒNG KHÊ: “Không chộn (sic) lẫn thuốc phiện (nhà đoan đã phân chất), nên ai ai cũng có thể bỏ hẳn được. Mỗi ngày hút một đồng bạc thuốc phiện, chỉ uống hết 0p.20 thuốc cai là đủ, vẫn đi làm việc như thường. Thuốc viên 0p.50 một hộp, thuốc nước 1p.00 một chai”.

Còn đây, nhà thuốc Hồng Khê quảng cáo thuốc phong tình:

“Giây thép buộc ngang giời.

Thuốc HỒNG KHÊ chữa người lẳng lơ!

Hai câu sấm này ngày nay quả thấy ứng nghiệm, ai bị bệnh lậu không cứ mới hay kinh niên, uống thuốc lậu HỒNG KHÊ số 30, mỗi hộp 0p.60 (60xu) cũng rứt (sic) nọc. Ai bị bệnh giang mai không cứ về thời kỳ thứ mấy, mới hay đã nhập cốt rồi, uống thuốc giang mai số 14 cũng khỏi rứt nọc một cách êm đềm không hại sinh dục, nên khắp nơi đâu đâu cũng biết tiếng Nhà thuốc HỒNG KHÊ

Tổng cục: 75 phố Hàng Bồ - Chi nhánh: 88 phố Huế - Hanoi và đại lý các nơi.

Có biếu sách GIA ĐÌNH Y DƯỢC và HOA NGUYỆT CẨM NANG để phòng thân và trị bệnh”.

Về ca nhạc từ thiện, cũng có quảng cáo như sau:

Tại nhà hát Tây, tối thứ bảy 15/11/1941, hồi 9 giờ.

Buổi hát đặc biệt giúp B.D.P.Đ (bình dân phạn điếm, tức quán cơm bình dân), có quan Đốc lý chủ tọa.

ĐẤT KỶ - một cô có nhan sắc mê hồn, tâm địa như MESSALINE của La Mã, sẽ ra mắt Hà Thành, do gánh TÂY THI giới thiệu.

Các nhà từ thiện đi xem buổi diễn kịch tại nhà hát Tây tối thứ bảy 15 November 1941 là giúp công việc Bình dân phạn điếm của Hội Hợp thiện Bắc Kỳ”.

Sách bói toán cũng muốn tăng thêm lượng độc giả bằng con đường quảng cáo:

“Đều mới in lại lần thứ hai:

SỐ TỬ VI LẬP THÀNH

Dạy lấy số tử vi không phải tính các sao.

Dạy cả cách đoán đã kinh nghiệm – Giá 0p.60.

TỬ VI PHỤ ĐOÁN

Nối vào quyển trên - Giá 0p.35.

Của nhà lấy số tử vi rất có tiếng là NGUYÊN PHÚC AM, chủ THIÊN PHÚC ĐƯỜNG.

Mua luôn tại hiệu sách Đông – Tây,

195 phố hàng Bông – Hanoi.

Mua lẻ cả hai quyển giả bằng cò cũng được, nhớ thêm tiền cước phí là 0p.26 cho hiệu sách ấy” .

Đặc biệt, “nhà nước bảo hộ” thời ấy đã cho phát hành vé số Đông Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Để khơi gợi lòng ham muốn “đổi đời” của dân nghèo, từ tháng 8 đến tháng 12/1941, vé số Đông Pháp đã đăng quảng cáo liên tục trên Tri tân, với năm lần thay đổi nội dung quảng cáo như sau:

Mẫu quảng cáo lần 1 khá dài dòng, đăng nguyên trang bìa cuối ba số 11, 12, 13:

“Phàm kim chi nhân, duy tiền nhi dĩ

Hết tiền tiêu, tráng sĩ cũng nằm co

Chẳng khôn ngoan, cũng chẳng thân sơ

Có hơi kẽm mới tha hồ ngang ngửa…”

“Mấy câu trên này của cụ Nguyễn Công Trứ thực chí lý lắm thay!!! Nhưng lúc này kiếm được ra tiền khó quá.

Có dễ chăng?

Chỉ bỏ 1p. ra mua 1 VÉ SỐ ĐÔNG PHÁP

May ra trúng hàng vạn chưa biết chừng!

CÁC BẠN THỬ MUA XEM”

Mẫu quảng cáo lần 2 ngắn hơn, chiếm nửa trang trong:

“Ta thường nói “Phú – Quý”, thì ra giàu vẫn hơn sang!

Mà thực.

Có tiền mua tiên cũng được mà!

Thử bỏ ra 1p. mua 1 VÉ SỐ ĐÔNG PHÁP

Ai không tin thử mua xem”.

Mẫu quảng cáo lần 3 rút thật ngắn, chỉ còn chiếm một góc nhỏ trang báo:

“Muốn làm giàu

Mua VÉ SỐ ĐÔNG PHÁP

1p. 1 vé”.

Mẫu quảng cáo lần 4 giật gân hơn, chiếm một phần tư trang chót:

“Lần này chắc đến lượt ngài trúng số độc đắc

NGÀI NÊN MUA 1 VÉ SỐ ĐÔNG PHÁP”

Và mẫu quảng cáo lần 5 hết sức hấp dẫn:

“Ô tô, nhà lầu, vợ đẹp, con khôn, tiền của nhiều.

Đó là cái mộng tưởng của hầu khắp mọi người.

Muốn có cơ sở để đạt cái mộng tưởng ấy, chỉ có cách:

Mua vé số ĐÔNG PHÁP – 1 đồng một vé”…

Rõ ràng, hơn nửa thế kỷ trước, các doanh nhân Việt Nam cũng đã tiếp thị ra trò!

Hoàng Chúc st


YIN-YANG PARADOXES


He who stands on tiptoe is not steady.

He who strides forward does not go.

He who shows himself is not luminous.

He who justifies himself is not prominent.

He who boats of himself is not given credit.

He who brags does not endure for long.


LAOTZU

The Web that has no Weaver

(understanding Chinese Medicine)

TED J. KAPTCHUK, O.M.D


ÂM DƯƠNG NGHỊCH LÝ


Kẻ nào nhón chân sẽ không đứng vững

Kẻ nào vươn tới không thể bước đi

Kẻ thích phô trương sẽ không tỏa sáng

Tự chứng minh mình sẽ không nổi bật

Khoe mình giỏi nhất sẽ chẳng ai tin

Nói khoác có duyên chẳng lâu bền được


THÙY DƯƠNG

St và phỏng dịch


MỪNG BẢN TIN 5 TUỔI


Năm tuổi thời gian tình chữ nghĩa

Sau Xưa đem chút vốn cho đời

Người say thao thức say tràn ngập

Kẻ mộng âm thầm mộng chẳng vơi

Trang sách đưa tin lời xuất chúng

Vang danh cảm hóa biết bao người

Dư âm ngày mỗi giàu thêm ý

Như sóng triều dâng khắp biển khơi…


Trần Lữ Vũ


CHẠM TỚI VẦNG TRĂNG


Từ sâu thẳm mảnh linh hồn bỏ ngỏ

Vùng thảo nguyên sương tuyết phủ mênh mông

Bướm thơ ngây luôn ngước mắt vời trông

Vầng trăng mộng diệu kỳ vương ảo tưởng


Với đôi cánh xanh màu hoa cẩm chướng

Bướm si mê khao khát giấc mơ hồng

Có ngờ đâu khi dát bạc dòng sông

Trăng kiêu hãnh dẫm bừa lên kỷ niệm


Vầng trăng bóp nát tim con bướm tím

Khi vô tình lãnh đạm – dấu chân xưa

Đã lãng quên dĩ vãng những đêm mưa

Khi buồn tủi đắm chìm trong bóng tối


Bướm chung thủy yêu không hề tiếc hối

Dù bị trăng phụ bạc – nỡ quay lưng

Để chạy theo – đeo đuổi áng mây xuân

Quên nghĩa cũ tình xưa chân thật nhất


Bướm đau đớn lặng thầm rơi nước mắt

Tim vỡ tan thổn thức nỗi băn khoăn

Trong giấc mơ chạm tới nửa vầng trăng

Vòng tay nhỏ ghì ôm nghìn viễn cảnh


Lòng kiên nhẫn – đơn côi và mỏng mảnh

Vẫn nhất tâm theo đuổi mối duyên thơ

Trọn niềm tin – mộng ước – khoảng trời mơ

Đã gửi trọn vầng trăng xanh diễm tuyệt


Yêu say đắm dù trăng tròn hay khuyết

Dù lạnh lùng hờ hững lẫn kiêu sa

Bướm vẫn chờ ở tận cuối đường hoa

Quyết chạm tới vầng trăng – niềm hạnh phúc


                                            NGÀN PHƯƠNG

Xin

Xin cho nhau một nụ cười

Và xin được nhận bao lời yêu thương

Vườn đời đậm sắc hương thơm

Buồn đau vứt bỏ, vấn vương nhọc lòng

Trời xanh nắng tỏa mênh mông

Chở đi những chuyện bão lòng thế gian

Xin vơi những cuộc lỡ làng

Để thương trọn vẹn, thắm tràn con tim

Xin chia gánh nặng ưu phiền

Gạt bao lừa lọc lỡ dìm lương tâm

Trong như mạch suối nước ngầm

Thơ ngâm nhạc trỗi trăng rằm đưa duyên

Dù đời còn lắm truân chuyên

Nhưng mà lại rất diệu huyền bên ta

Tặng đời thêm những đóa hoa

Sớt chia gian khổ chan hòa bên nhau

Xin đừng xát muối tim đau

Mắt trong ánh mắt dạt dào niềm thương

Dù cho đời lắm đoạn trường

Xin cho nhau những đóa hường cảm thông.

XUÂN VÂN

TẦM ĐẠO

Cuộc đời cũng ví trồng cây

Ngày nay gieo vận, mai nầy hái thơ

Trần gian thực thực hư hư

Mất còn trôi nổi cũng như cánh bèo

Vui buồn nắng sớm mưa chiều

Vẩn vơ như thể cánh diều trên không

Những điều có có không không

Lăng xăng vọng tưởng trong lòng đó thôi

Ai đi du lãng quên đời

Vẫn chưa tính việc quy hồi tư gia

Tìm phương rèn luyện cái ta

Vô ngã trụ lại để mà ngộ khai

Đức Phật thuyết giảng trần ai

Dù cho vạn pháp không ngoài cái tâm

Mới hay Phật ở tại tâm

Đâu cần khổ nhọc đi tầm chi xa

Phật tâm ở tại lòng ta

Phật tâm nầy vốn là hoa cuộc đời

THANH CHÂU


MỪNG TUỔI 80

(Họa vận “Tự sự bát tuần” của Thi huynh Vũ Vệ)


Nâng ly rượu thọ rót ba tuần

Thành kính chúc mừng tám chục xuân

Đếm nấc thang đời, hồn rạng rỡ

Dệt vần thơ luật, ý trong ngần

Gặp người đồng điệu giao duyên mới

Vọng tiếng tri âm kết bạn gần

Phớt tỉnh thăng trầm trong cuộc sống

“Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân”.

Thanh Vĩnh (2009)


Nghiệp Ca


Màn nhung vô cảm khép lại rồi

Mình ta hiu hắt nỗi đơn côi

Ai hay nghiệp hát đầy bi kịch

Đời kép từ nay khép lại rồi


Vốn nghề nghệ sĩ vị tiếng ca

Hỏi còn chi nữa lúc về già

Người xem chỉ nhớ thời thanh sắc

Ai người thấu hiểu nỗi lòng ta?


Khuya về quá khứ lần quay lại

Thời vàng son còn đọng mãi trong tim

Em như loài vạc ăn đêm

Tiếng kêu lạc lõng khuất chìm trong sương


Lê Minh Chử


Dong ruổi thu vê ̀


Không thì đừng nói lời chia tay

Có phải không em những tia nắng ban ngày

Thời gian về làm những câu thơ vàng võ

Và nhớ nhung về xin trả lại hôm nay.


***


Từ những lần đi về giữa gió khuya

Sương lạnh trời đông rũ xuống bóng dừa

Anh vẫn gọi em những chiều mải miết

Đưa tiễn nhau về khắc khoải trong mưa.


***


Đây là những ánh sao trời trong đêm.

Vần vũ làn mây, từng giọt bên thềm

Nhắc nhở người đừng quên màu nắng vội

Để nói thu về dong ruổi mà xem.


***


Cũng có lần theo dòng người lang thang

Nắng vẫn còn hanh trên dòng suối dịu dàng

Đôi mắt đó làm mây trời an ủi

Và cánh phượng hồng trên tà áo miên man.

Dương Lêh

(T11-2010)


TRUYỆN KIỀU

(Câu 2397-2548)

Việc nàng báo phục vừa rồi

Giác Duyên vội đã gửi lời từ quy.

Nàng rằng: “Thiên tải nhất thì,

2400   Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.

“Rồi đây bèo hợp mây tan,

“Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu?”

Sư rằng: “Cũng chẳng mấy lâu,

“Trong năm năm lại gặp nhau đó mà.

2405   “Nhớ ngày hành cước phương xa,

“Gặp sư Tam Hợp vốn là tiên tri.

“Báo cho hội hợp chi kỳ:

“Năm nay là một, nữa thì năm năm

“Mới hay tiền định chẳng lầm

2410   “Đã tin điều trước ắt nhầm điều sau.


Kiều had just got her graces and revenge well achieved

When Abbess Giác Duyên came to thank her and take leave.

Kiều said: “It might be once a millennium we can meet!

“Such a rare circumstance for us may never repeat.

“Later, like duckweeds and clouds, we gather then disperse out,

“How can we catch a crane in a plain, a cloud over mounts?”

“But we won’t have to wait very long”, said the abbess,

“We’ll meet in five years, I think, five years at the latest.

“I remember last year on my pilgrimage way,

“I met nun Tam Hợp, a prophetess, and asked about your case,

“She gave me the dates of our two future meetings,

“The first in one year and the second, another five’s waiting.

“Now, the first one – this meeting – has been verified,

“We may believe in her prophecy, five years is not a long time.


“Còn nhiều ân ái với nhau,

“Cơ duyên nào đã hết đâu vội gì?”

Nàng rằng: “Tiền định tiên tri,

“Lời sư đã dạy, ắt thì chẳng sai

2415   “Họa bao giờ có gặp người

“Vì tôi cậy hỏi một lời chung thân.”

Giác Duyên vâng dặn ân cần,

Tạ từ thoắt đã rời chân cõi ngoài

Nàng từ ân oán rạch ròi

2420   Bể oan dường đã vơi vơi cạnh lòng

Tạ ân lạy trước Từ công:

“Chút thân bồ liễu nào mong có rày

“Trộm nhờ sấm sét ra tay

“Tấc riêng như cất gánh đầy đổ đi


“We are still linked with love and nice feelings, don’t worry,

“There will be chances for us, why such a hurry?

Kiều said: “How truthful it is! Our wise nun’s foretelling,

“There will be no doubt about what she will predict, I think.

“If you happen to meet her again, please for my sake,

“Ask her to foretell, until my death, what I’ll have to face”

Giác Duyên acknowledged these words, promising to try her best,

She took leave of the noble lady and went out afar, the farthest.

Since Kiều got all her graces and revenges well cleared out,

She now felt as if her unjust sea had appeased somehow.

Before her husband, she knelt down, paying her gratefulness,

“My Lord! This frail willow never hoped for such days of gladness.

“Owing to your lightning powerful hands, I now feel amazed,

As though my heavy load of sorrows has been wholly thrown away!

2425   “Chạm xương chép dạ xiết chi

 

“Dễ đem gan góc đền nghì trời mây!”

Từ rằng: “Quốc sĩ xưa nay,

“Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?

“Anh hùng tiếng đã gọi rằng,

2430   “Giữa đường thấy việc bất bằng mà tha!

“Huống chi việc cũng việc nhà

“Lọ là thâm tạ mới là tri ân!

“Xót nàng còn chút song thân

“Bấy lâu kẻ Việt người Tần cách xa

2435   “Sao cho muôn dặm một nhà

“Cho người thấy mặt là ta cam lòng.”

Vội truyền sửa tiệc quân trung,

Muôn binh nghìn tướng hội đồng tẩy oan


“Even if I carved it on my bones and wrote it on my heart,

“It wouldn’t be enough to show you my grateful regard.

“What you have done for me is so broad and high like Sky above!

“I don’t hope for the rest of my life I can get it solved.”

Từ said: “For all times, among great minds, can we find

“A friend who can understand you in one day or a short time?

“Moreover, to deserve the name of hero, how could I ignore

“Unjust things that happened along the roads and pass over?

“Besides, these are problems that concern our own,

“No need deep thanks to express thankfulness I’ve already known.

“Another thing that makes me feel so far uneasy,

“That is you still have your parents to fulfill your duty.

“Like Việt and Tần countries, so far you have lived far from them,

“I shall manage to get you all in the same roof and then,

“Every member of your family can see one another,

“Only then can I feel at ease to live with you together.”

He then ordered a great banquet to treat the whole army,

Thousands of soldiers and officers gathered to honor Kiều’s glory.

-------------------------

(1) Two distant satellite countries of the Great Empire China which were used to symbolize very long distances.


Thừa cơ trúc chẻ ngói đan,

2440   Binh uy từ đấy sấm ran trong ngoài.

Triều đình riêng một góc trời,

Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà

Đòi cơn gió quét mưa sa,

Huyện thành đạp đổ năm tòa cõi nam.

2445   Phong trần mài một lưỡi gươm,

Những loài giá áo túi cơm sá gì!

Nghênh ngang một cõi biên thùy,

Thiếu gì cô quả thiếu gì bá vương!

Trước cờ ai dám tranh cường

2450   Năm năm hùng cứ một phương hải tần.


Profiting by his quick victory, Từ Hải extended his army

To other successive victories over the country.

His thunderous power won great fame, inner and outer,

With his court well established in a major sky corner,

Comprising civil and military officers well selected,

Through many stormy battles skillfully directed,

Five Southern strong-holds were overthrown to come under his control.

With his single sword well sharpened through dust and wind, he strolled

Everywhere and wouldn’t care those coat racks and rice bags(2)

Behind wide frontiers, displayed his imposing large estate,

With many princes and high ranking officials readily to act,

To strengthen the army against invasive attacks.

Before his flag, no hero dared compare with his power,

Five years’ sovereignty gave him great pride over a sea side sky corner.


--------------------

(2) Those who were content with leading a comfortable life, contributing nothing useful to society.

Có quan Tổng đốc trọng thần,


Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài.

Đẩy xe vâng chỉ đặc sai,

Tiện nghi bát tiễu, việc ngoài đồng nhung.

2455   Biết Từ là đấng anh hùng

Biết nàng cũng dự quân trung luận bàn.

Đóng quân làm chước chiêu an

Ngọc vàng gấm vóc sai quan thuyết hàng.

Lại riêng một lễ với nàng

2460   Hai tên thể nữ, ngọc vàng nghìn cân

Tin vào gởi trước trung quân

Từ công riêng hãy mười phân hồ đồ

“Một tay xây dựng cơ đồ

“Bấy lâu bể Sở, sông Ngô tung hoành


One day came a great mandarin, a chief commandant,

With his name Hồ Tôn Hiến, a well experienced man of talent.

With a push on his chariot(3), following highest orders,

He led a regiment southward to Từ’s headquarters.

A well known hero, Từ Hải, as he had known

And his wife also discussed military problems to be solved.

For a peace calling plot, he set a military camping,

With pearls, gold and brocade, he made a sumptuous offering.

Another separate gift was sent to his wife not late,

Which comprised two maids, a thousand pounds of gold and jade.

An envoy was sent to induce Từ’s submission,

At first, Từ found it an unreasonable induction.

“With my own hands”, he thought, “I built my own kingdom,

“So far, over Ngô rivers and Sở seas(4), I am free to roam.


------------------------

(3) To mark the importance of a special message, the King had to give a symbolic push on the messenger’s chariot at departure

(4) Ngô and Sở: two noticeable satellite countries of the Great China Empire.


2465   “Bó thân về với triều đình,

“Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu?

“Áo xiêm trói buộc lấy nhau,

“Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?

“Sao bằng riêng một biên thùy

2470   “Sức này đã dễ làm gì được nhau?

“Chọc trời quấy nước mặc dầu

“Dọc ngang nào biết trên đầu có ai?”

Nàng thì thật dạ tin người,

Lễ nhiều nói ngọt nghe lời dễ xiêu.

2475   Nghĩ mình mặt nước cánh bèo

“Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân

“Bằng nay chịu tiếng vương thần

“Thênh thênh đường cái thanh vân hẹp gì.


“Now, being bound to yield to the Court, what’ll become of me?

“A submissive rebel, bewildered before everybody.

“Here, dress and coat, robe and gown will get me bound,

“Crawling to get in, bowing to get out, what’s the use of duke and count?

“Nothing can match what I own now, this vast territory,

“Any one can equal me? – My power – It’s not easy!

“I can pierce the sky, raise the tide, do anything I like,

“Above my head, no one do I know beside the sky!”

As for Kiều, a light-hearted soul who was ready to believe,

These sweet words and somptuous gifts made her mind unsteady.

Thinking of her fate – a duckweed drifting over seas and rivers,

So long a time astray through miserable disasters…!

“If I accept to be”, thought she, “a wife of a mandarin at Court,

“Wide roads will welcome me, under blue sky my life’ll run its course!


“Công tư vẹn cả hai bề,

2480   “Dần dà rồi sẽ liệu về cố hương.

“Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,

“Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.

“Trên vì nước, dưới vì nhà,

“Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.

2485   “Chẳng hơn chiếc bách giữa giòng,

“E dè gió dập, hãi hùng sóng va.”

Nhân khi bàn bạc gần xa

Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.

Rằng: “Ơn Thánh đế dồi dào,

2490   “Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu

“Bình thành công đức bấy lâu,

“Ai ai cũng đội trên đầu biết bao


“Thus, public duty and private task both achieved so well,

“Later on, I shall find the way to my homeland.

“Then, how proud to be the wife of a high officer!

“A pride of my own, and also for my old father and mother.

“Above, for my country, below, for my own family,

“Filial duty and loyalty both achieved completely.

“Isn’t it better than a boat drifted amid a sway,

“Frightened at every blast of wind, perplexed at any stroke of wave?”

Then, while her husband was discussing problems far and near,

Profiting by this case, Kiều tried to insert her idea:

“Our highest Emperor has spread over abundant goodness,

“So deeply absorbed were the whole people with gratefulness.

“For so long a time, he has worked for the country pacification,

“Above their heads, people are glad to show their obligation.


“Ngẫm từ dấy việc binh đao,

“Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu

2495   “Làm chi để tiếng về sau

“Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào

“Sao bằng lộc trọng quyền cao

“Công danh ai dứt lối nào cho qua?”

Nghe lời nàng nói mặn mà

2500   Thế công Từ mới đổi ra thế hàng

Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng

Hẹn kỳ thúc giáp quyết đường giải binh

Tin lời thành hạ yêu minh

Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng

2505   Việc binh bỏ chẳng giữ giàng,

Vương sư dòm đã tỏ tường thực hư.


“Since you first raised your destructive war on this empire,

“Those heaps of unknown bones has grown up to your head high.

“Why leave such a dramatic fame to future generations?

“For thousands of years no one has praised Hoàng Sào’s revolution(5)

“Isn’t it better to be offered great wealth and high power

“By this imperial way that no one can escape for fame and honor?”

Listening to these reasonable words, so wise and persuasive,

Từ’s hostility then changed into a sober mood, well submissive.

He hastened to arrange a solemn ceremony,

To welcome the imperial envoys, fixing exactly

The time for troop’s dismissal and both sides’ disarming,

Confident in their words, Từ neglected his troops’ watching,

Discipline released, military defense careless,

While the imperial spies had perceived everything at their best.


Hồ công quyết kế thừa cơ

Lễ tiên binh hậu khắc cờ tập công

Kéo cờ chiêu phủ tiên phong

2510   Lễ nghi giàn trước, bác đồng phục sau

Từ công hờ hững biết đâu

Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên

Hồ công ám hiệu trận tiền

Ba bề phát súng, bốn bên kéo cờ

2515   Đang khi bất ý chẳng ngờ,

Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn

Tử sinh liều giữa trận tiền

Dạn dày cho biết gan liền tướng quân

Khí thiêng khi đã về thần

2520   Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng!


His plot well schemed, Hồ proceeded step by step his plan,

First a solemn gifts offering, then sudden attacks began.

Under the flag of peace appeal; no sooner had the gifts been offered

Than camouflaged bronze cannons slid in right after.

Dressed in high rankings officer costume, Từ came out for submission,

Quite unexpectant, he got turned all of a sudden!

Hồ made a secret signal on battle, in due time,

All flags raised up, cannons broke firing from all sides!

Like the fiercest tiger in a pitfall, quite unable,

Alive or dead, the great hero decided to stay amid the battle.

So that everyone would know his big gall and strong mind

That had never made him fail in any fair-play game in life!

When all his sacred energy had gone out into divine spirit,

He was still standing upright in the battle at the highest pitch.


Trơ như đá, vững như đồng,

Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời

Quan quân truy sát đuổi dài

Hằm hằm sát khí ngất trời ai đang!

2525   Trong hào ngoài lũy tan hoang,

Loạn quân vừa dắt tay nàng đến nơi

Trong vòng tên đá bời bời,

Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ

Khóc rằng: “Trí dũng có thừa

2530   “Bởi nghe lời thiếp nên cơ hội này!

“Mặt nào trông thấy nhau đây?

“Thà liều sống chết một ngày với nhau!”

Dòng thu như xối cơn sầu

Dứt lời nàng đã gieo đầu một bên


He was standing still, as hard as stone, as firm as bronze,

They tried to move and shake him, but not the least yielding at all!

The imperial troops searched out, chased and killed every soldier,

Deadly sounds and smells rose up to the sky everywhere.

Inside and outside the camp everything broke out in a mess.

Holding Kiều’s hands the rebels took her to the place,

Through arrows and stones flying overhead, she caught sight

Of Lord Từ standing upright, unmoved under the sky.

“Oh! My Lord!”, she cried, “You have plenty of wisdom and bravery,

“It’s my silly advice that led you to this adversity!

“How dare I see you now with my shameful face?

“I’d better die with you right now at the same place!”

Tears flowed down as though to pour out her painful grief,

So crying she fell down throwing her head on his feet.


-----------------

(5)Hoàng Sào was known as a bandit who once succeeded in overthrowing the Đường Chinese Emperor and hold control of the Tràng An Capital city for a few years, but was later defeated and killed.


2535   Lạ thay oan khí tương triền

Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra!

Quan quân kẻ lại người qua,

Xót nàng sẽ lại vực ra dần dần

Đem vào đến trước trung quân,

2540   Hồ công thấy mặt, ân cần hỏi han.

Rằng: “Nàng chút phận hồng nhan,

“Gặp cơn binh cách nhiều nàn cũng thương!

“Đã hay thành toán miếu đường,

“Chấp công cũng có lời nàng mới nên

2545   “Bây giờ sự đã vẹn tuyền,

“Mặc lòng nghĩ lấy muốn xin bề nào?”

Nàng càng giọt ngọc tuôn trào,

Ngập ngừng mới gửi thấp cao sự lòng.


Strangely enough! It seemed as though their unjust bearing had been unwrapped,

No sooner had she fallen down than Từ’s body collapsed.

Soldiers and officers who were passing by,

Feeling pity of the unlucky wife, helped her stand up aside.

Then took her to the military headquarters.

Seeing her withered face, Lord Hồ kindly inquired her:

“I am sorry”, said he, “you, a frail rosy-faced beauty,

“Through such a military event, you have suffered so painfully.

“But we can’t forget your words that played a role in our success

“Now everything is going well, to get your reward,

“You may suggest anything you like, we shall repay on our part.”

Kiều couldn’t hold her torrential tears that overflowed eyes,

After a while’s hesitating, she displayed all her grievous plight.


(To be continued)

THÙY DƯƠNG


Phụ Bản IV

Những tấm giấy số

Cắt thịt phân cho, dầu là chim cá.

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca.)

Truyện ngắn Nguyễn Văn Sâm

Tư Cụt lom khom lục lọi thùng đồ nghề tở mở kiếm cây cạy vỏ xe. ‘Mẹ họ, mới xài hồi nãy đây, thằng xe ba bánh mượn trả không đúng chỗ kiếm đỏ con mắt. Tiếc mấy ngàn vá vỏ, lục nát thùng đồ nghề của người ta thì không nói gì, nhưng trả mà liệng lung tung lang tang thì thiệt là thầy chạy. Bực mình!’. Cánh tay mặt của Tư Cụt chỉ còn cán tay trơ trụi ở đầu lòi ra chỗ chẻ hai, quơ quơ trong đám lỉnh kỉnh kềm kéo, búa, mỏ lết coi bộ không sợ gì hết làm cô gái đứng kế bên ngó theo mà áy náy.

‘Bộ chú không ngán mấy cái tuột vít đâm tay chú sao?’. Cô hỏi với giọng lân mẫn, không chút gì tò mò.

‘Ngán gì mấy cái lẻ tẻ đó cô. Chuyện nhỏ! Chỗ đó xương nhiều hơn da thịt, chai cứng nên kim còn ngán nó nữa, ba cái tuột vít nhằm nhò gì!’ Tư Cụt trả lời mà không ngó lên, trong khi cánh tay cụt tiếp tục hẩy hẩy, quơ quơ lục. Đây rồi, anh đưa tay kia lượm cây cạy đương nằm trốn khuất khuất dưới vành thau nước đen dơ.

‘Cái thằng mắc dịch xài rồi liệng bậy liệng bạ làm cho người ta kiếm nát mới thấy…’

Tư Cụt cầm cây cạy vỏ đi mấy bước về phía cái bánh bể của khách, ngồi xuống cẩn thận cạy. Cô gái bước theo, mắt dõi không chừa một cử chỉ nào của Tư Cụt, tò mò đậu cái nhìn lên cánh tay tàn tật của người thợ sửa xe:

‘Chắc chú bị tai nạn lâu rồi’.

‘Đâu cô đoán thử!’

‘Chú nói coi, hồi tuổi trẻ đi lính hay mới té lỗ ga lúc già sau nầy’.

Tư Cụt bơm ruột xe, vặn vòi rồi nhúng ruột vô thau nước sâm sấp, săm soi kiếm chỗ bị xì:

‘Tình đồng đội đó cô’. Chú nói mà cũng không ngước mặt lên:

‘Vậy là hồi trước Giải Phóng. Lúc đó thì cháu chưa sanh ra!’ Cô gái vừa trả lời vừa lấy kiếng mát ra đeo lên. Mặt trời chói chang, nóng rát rần chết bàn tay.

Tư Cụt nổi giận ngang.

‘Thôi xin lỗi cô để tôi vá cho rồi cái vỏ cho cô đi sớm. Nắng lên rồi’.

Chú lầm lì đưa cánh tay cụt quơ quơ trong đống giấy rác vụn kế đó kiếm gì đó. Thấy một cây tăm đã gãy, chú chồm tới, vói tay lượm, đưa lên môi ngặm, giữ đó tới khi thấy chỗ ruột xe bị xì liền lẹ làng lấy tăm đâm vô, bịt lỗ lại. Thông thạo, lành nghề, chú mở hộp keo với sự giúp đỡ kềm chặt của cánh tay cụt, tay kia cạy cạy..

Chú ngâm nga nho nhỏ: ‘Đầu đường Thủ Trưởng vá xe…’ Tôi không phải là Thủ Trưởng nhưng vá xe đầu đường thì ngang hàng với Thủ Trưởng rồi. Vẫn không ngước mặt lên chú hỏi giọng cay đắng: ‘Cô thấy siêu không, tui, được làm Thủ Trưởng!’

Người thiếu nữ hơi ngỡ ngàng một chút nhưng vẫn kiên nhẫn đứng quan sát, chờ đợi. Cô bước tới gần Tư Cụt hơn khi ruột xe được bỏ vô vỏ và gắn vào niềng lại như cũ, sắp được bơm hơi.

‘Biết tại sao chú giận rồi. Quen miệng, quen tai thôi mà! Chua chát chỉ khổ tâm thôi chú ơi. Phải biết buông xả để sống. Chữ nghĩa bây giờ hết còn mang nghĩa đen cốt lõi nữa chú biết không? Quan trọng là ý tưởng nguyên hết câu, chấp nhứt chi ba cái danh từ nho nhỏ nội dung đã bị bào mòn lâu rồi hả chú!’ Tiếng hả chú như đuợc kéo dài hỏi đố với giọng thiệt thân thiện.

‘Mà thôi, chuyện cũ quá lâu rồi tôi cũng không muốn nhắc tới nữa. Nhắc tới nhắc lui như là mình khoe hay khoe giỏi thét rồi như là nói láo thổi phồng. Nổ là không có tui. Đồng đội mình thương quá đi chớ, cứu được thì cứu. Lúc đó mạng mình cũng không kịp nghĩ tới, chỉ biết thí mạng cùi xông tới thôi.’

‘Sau nầy chú có liên lạc với người bạn đó không?’

‘Cùng đơn vị thôi, quen biết gì đâu nà! Sau đó tui giải ngũ, hình như ổng đổi qua đơn vị khác, lên lon vù vù, không biết đổi đời rồi ra sao! Cũng cầu ổng sống sót, được định cư đâu đó bên Mỹ, Pháp, Úc… cho đỡ cực thân. Ở đây oải quá, tiền bạc khó kiếm mà thức ăn thì mắc dàng trời, giá cả hễ có dịp là thăng thiên rồi không chịu tuột xuống, bịnh hoạn gì thì chầu chực cả ngày cũng chưa khám được... Xe rồi nè cô, cái ruột nầy còn tốt. Đừng nghe tụi nó vẽ thay cái khác uổng tiền nha. Còn chạy được cả năm nữa là ít’.

Cô gái móc tiền lí nhí cám ơn kèm theo tấm giấy số. Tư Cụt bây giờ mới cười.

“Vái Trời trúng thì tôi chia trả cô phân nửa... Già khú rồi mà đơn thân độc mã như tui thì phân nửa cũng đủ. Vá cái vỏ dễ ợt, được mấy tỷ thì cầu à! Ngày mốt cô đi ngang đây hỏi coi tôi thành tỷ phú chưa nha. Phải thời thì cô tới lấy phần của mình. Nói để cô thương, cây đinh đâm xe cô không phải của tui đâu à nhe. Tụi đinh tặc nó làm bậy kiếm ăn chủ yếu là móc túi tụi chủ xe xịn chứ tui thì trời cho bao nhiêu cũng cám ơn. Sống được lương thiện là mừng rồi’.

‘Cầu cho chú trúng mà biết làm việc tốt, đừng khá lên rồi nhập bọn vô đám đại gia làm những chuyện trời ơi đất hỡi thì uổng công ông Thần Tài’. Cô gái mỉm cười, lấy bao tay mang vô, nói thêm. ‘Tôi đã biên lại số rồi đó, trúng thế nào cũng tới chia phần’.

Tư Cụt bỏ tiền và tấm giấy số vô túi áo trên, nheo mắt với bà bán thuốc lá đương ngồi ngáp ruồi sau thùng thuốc như là muốn nói cô nầy chưa biết Tư Cụt, Tư Cụt coi vậy chớ một là một hai là hai không giống như thiên hạ chụp giựt tráo trở chung quanh đâu.

Khi anh quay lại thì cô gái không còn bóng dáng nữa. Biến mất hay hòa nhập vào dòng người đông nghẹt của thành phố? Một chút thắc mắc thoáng qua mau trong đầu rồi tan biến. Anh mỉm cười với cái vui đầu tiên trong ngày.

Thằng Đẹt chìa hai tấm giấy số đẩy đẩy vô tay mời Tư Cụt. Vẻ mặt nó thiểu não cách gì. Tư Cụt cười:

‘Tao với mầy đồng hội đồng thuyền, cũng là cụt hết, bộ mầy hết người mời sao lại mời tao. Tao cơm còn không đủ ăn tiền đâu mua giấy số để liệng tiền xuống đất mậy?’

‘Chú mua giùm đi mà, tui chỉ còn mấy tấm nầy, gần tới giờ xổ rồi bán không hết, ngậm lại bị ổng đập có mà ói máu luôn’.

‘Bộ hỏng phải tía ruột mầy hả? Trước đây bán ngón tay mầy giờ lại đánh đập?’ Tư Cụt tò mò hỏi.

‘Ba ghẻ! Má tui chết rồi phải ở luôn với ổng chớ biết ở đâu bây giờ. Cực thân mà tối còn có chỗ ngủ, khỏi bị tụi lớn đầu gấu ăn hiếp…’ Thằng Đẹt vừa nói vừa đưa cườm tay sưng bầm có ngón tay trỏ bị cắt đứt quẹt ngang mắt.

Hơi thở ra của tiếng thở dài nghe rõ như tiếng trâu phì mệt nhọc sau buổi cày:

‘Tao ghét người lớn đày đọa con nít lắm, mầy đừng kể lể nữa được không. Nói với ổng là mầy đâu có ăn bám ổng đâu, cũng đi bán kiếm tiền góp phần cơm nước vậy’.

‘Ai mà dám nói! Ổng phang cho cây sắt lỗ đầu. Say tỉ bỉ tối ngày mà biết gì phải quấy chú! Thôi rán chịu chừng vài năm nữa bỏ ổng đi về tỉnh nào đó sống, thành phố để dành cho người giàu, người quyền thế ngoài kia vô, cho con cái đại gia. Thằng Đẹt vừa nói vừa ngó theo thiếu điều rớt cặp mắt mấy chiếc xe máy chở con đi học len lách trong dòng xe cộ. Những đứa trẻ bụ bẫm, áo quần sạch sẽ, giày vớ, nón nảy tươm tất, vô tư. Bỗng nhiên nó ngó cái áo mất nút của mình rồi đưa tay vuốt vuốt, mặt thiệt buồn. Chú Tư Cụt cúi xuống tránh ánh mắt đó. Chú móc túi lấy tiền, mua hai tấm giấy số còn lại của thằng Đẹt, nhập chung với tấm được tặng biếu hồi nãy.

Tui thường ngó theo chiếc xe 16 chỗ ngồi chở con đại gia đi học rồi cười ngỏn ngoẻn mãn nguyện thầm. Nhiều lần tui thấy thằng Đẹt ngồi trong xe vui vẻ, nét sung sướng lộ trên khuôn mặt non nớt nhưng chưa hết vẻ đen đúa phong trần. Có lúc tui thấy bàn tay mặt có ngón trỏ bị cắt của nó nữa. Coi bộ nó đã hết bi thương và không có mặc cảm gì về điều nầy. Thương nó vì nó giống tui điểm đó. Tui van vái ơn trên, thành hoàng bổn cảnh cầu mong cho nó học được. Số tiền đó đủ cho nó học tới thành tài. Nó đổi đời. Coi như mình không trúng số. Coi như nó trúng. Coi như mình không gặp cô gái bể vỏ xe kia với tấm giấy số nọ. Cái khó không phải là buông phóng những gì mình được hưởng, cái khó là quyết tâm thay đổi tương lai một con người. Tại sao không làm?

Những buổi chiều trời lạnh tui thường ngó lên mấy màng dây điện ngang dọc trên đầu tìm coi có con chim nhỏ nào không. Thằng Đẹt như một con chim nhỏ đang mọc lông mọc cánh rồi sẽ vùng vẫy thảnh thơi trên vùng trời cao rộng. Cái lực đẩy ban đầu của tui chắc không là vô ích.

Sau ngày đó tui vẫn sửa xe vá vỏ như thường. Vẫn chỗ cũ, nhưng tui sung sướng hơn trước thập bội. Thanh thản và tự hào.

Nguyễn Văn Sâm

Victorville, Mùa Tạ Ơn 2010

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

GIA ĐÌNH BÉ MỌN của Dạ Ngân

Vài nét về quá trình công tác, sáng tác: Nhà văn Dạ Ngân tên thật là Lê Hồng Nga sinh ngày 6-2-1952. Quê quán: Vĩnh Viễn, Long Mỹ, Hậu Giang. Là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, bà còn có Bút danh khác: LÊ LONG MỸ, DẠ HƯƠNG

Năm 1966 (14 tuổi) mới học xong cấp hai bà vào chiến khu và bắt đầu viết tin, làm báo. Sau hòa bình (4/1975) tiếp tục học bổ túc văn hóa, tự học, mãi năm 1993 (41 tuổi) mới đi học đại học (trường Viết văn Nguyễn Du, khóa cuối cùng). Làm việc cho báo Văn nghệ từ 1995 đến năm 2010; và là Trưởng Ban văn xuôi của tuần báo Văn Nghệ từ năm 2005 đến năm 2008. Hiện nghỉ hưu tại cư xá Thanh Đa - Tp. Hồ Chí Minh.

Tác phẩm chính :

- Quãng đời ấm áp - tập truyện - 1986
- Ngày của một đời - tiểu thuyết - 1989
- Con chó và vụ ly hôn - tập truyện - 1990
- Cõi nhà - tập truyện - 1993
- Mẹ mèo - truyện dài thiếu nhi - 1992
- Dạ Ngân - truyện ngắn chọn lọc - tập truyện - 1995
- Mùa đốt đồng - tập tản văn - 2000
- Lục bình mải miết - tập ký - 2002
- Nhìn từ phía khác - tập truyện - 2002
- Miệt vườn xa lắm - truyện dài thiếu nhi - 2003
- Gia đình bé mọn - tiểu thuyết - 2005.
- "100 tản mạn hồn quê" - 2007
- Nước nguồn xuôi mãi - tập truyện ngắn - 2008

Giải thưởng văn học :

- Giải nhì truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1987.
- Giải nhì truyện ngắn báo Tuổi Trẻ năm 1989.
- Giải ba truyện ngắn báo Sài Gòn Giải Phóng năm 1990.
- Giải khuyến khích Nxb Kim Đồng năm 2002.
- Giải Nhất Hội nhà văn Hà Nội năm 2005.
- Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (2004, 2006).

Gia đình bé mọn trước hết là cuốn tiểu thuyết kể chuyện gia đình mà nhân vật trung tâm là Tiệp, có thể nói nó cũng là phần tiếp theo của cuốn Miệt vườn xa lắm, nhà XB Kim Đồng 2002 (giải KK chuyện viết cho thiếu nhi). Trong Miệt vườn xa lắm ở đó là tuổi thơ đầy gian khó của Tiệp và gia đình toàn đàn bà với ba đời cùng chung sống dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, gia trưởng nhưng đầy tình thương và trách nhiệm của cô Tư, một bà góa cũng là bà cô út của Tiệp, là gia đình mà Tiệp đã sinh ra và lớn lên, gia đình của những người đàn bà góa hoặc không chồng, luôn phải gồng mình gánh chịu bất hạnh và cả sự kiêu hãnh của một mái nhà thiếu hơi ấm đàn ông, lấy gia phong khổ hạnh làm nền tảng. Còn ở Gia đình bé mọn là chuyện kể gia đình của Tiệp và người chồng tên Tuyên, một gia đình, một cuộc hôn nhân được hình thành vội vã trong sự ác liệt của chiến tranh mà chẳng có chút kết dính nào ở những phẩm chất cơ bản, và tan vỡ là kết cục tất yếu trong đời sống vợ chồng của Tiệp. Để đi đến bến bờ hạnh phúc cùng với Tiệp làm nên gia đình mới là gã nhà văn lãng tử có tên Viết Đính, cùng Tiệp đi qua 11 năm yêu đương, trong cái đói rách, trong đau khổ, trong dằn vặt đáng rùng mình của một thời, trong cả những điều tiếng tàn nhẫn của xã hội. Con đường đời của Tiệp là đằng đẵng, chông chênh, nghẹt thở. Để có được gia đình hạnh phúc, Tiệp đã phải trả giá: trước hết là sự từ bỏ - từ những người đàn bà góa ở gia đình cũ, gia đình của các bà góa và không chồng, tiếp đến là sự lên án và xa lánh của bộ phận xã hội khư khư thứ luân lý cổ hủ và nặng nề hơn hết là sự dằn vặt bản thân, khi phải cân nhắc giữa tình mẫu tử và tình yêu đôi lứa. Vượt lên trên tất cả, tác giả cho thấy một mẫu hình phụ nữ chủ động lèo lái con thuyền cuộc đời mình, kiên nhẫn tới mức lì lợm để sống thật với nhu cầu tinh thần của mình

Đọc Gia đình bé mọn cho ta thấy thân phận con người dưới sức ép chiến tranh. Đọc cảnh góa bụa của những người đàn bà trong gia đình ba thế hệ của Tiệp là sản phẩm của chiến tranh; cuộc hôn nhân để từ đó có gia đình hình thành trong chiến tranh mà Tiệp phải mất bao thời gian và nghị lực để rũ bỏ cũng là do môi giới của chiến tranh. Và rồi, vào thời hậu chiến, thì những người có quyền sinh quyền sát trong tay, những người làm khổ Tiệp (như Tuyên - chồng nàng, Hai Khâm - trưởng ban tuyên huấn tỉnh) chẳng phải là những sản vật mà chiến tranh nhào nặn hay sao? Chiến tranh làm xã hội kiệt quệ, đói nghèo và từ đó, những vết rạn nhân cách xuất hiện. Tác giả tỏ ra nhạy cảm với điều này và chính vì vậy mà nhà văn vượt lên trên chủ nghĩa tả khổ, kêu khổ thông thường.

Gia đình bé mọn là tiểu thuyết thứ hai sau Ngày của một đời của Dạ Ngân. Nhiều người yêu văn học vẫn nhớ tới Dạ Ngân của những truyện ngắn như Con chó và vụ ly hôn, Cõi nhà, Thời gian vĩ đại, Nhà không có đàn ông, Vòng tròn im lặng... hơn là một Dạ Ngân tác giả tiểu thuyết. Bản thân các truyện ngắn trên đã cùng hội nhập trong cuốn tiểu thuyết thứ hai này ở những tình tiết và nhân vật nhất định - là sự hội nhập hữu cơ trong một chỉnh thể thẩm mỹ. Điều đó cho thấy Gia đình bé mọn đã được thai nghén trong một thời gian dài. Một lần nữa người ta lại thấy ở Dạ Ngân những phẩm chất từng làm nên thế mạnh ngòi bút của bà: sự cẩn trọng và tinh tế trong câu chữ; khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa mỹ văn và ngôn ngữ đời thường của người Nam Bộ và sự sắc sảo trong phác họa nhân vật bằng các tình tiết đắt giá và sau cùng là một cái nhìn - dù với sự phê phán - những vẫn luôn đôn hậu ấm áp tình người.

Phạm Thế Cuờng

Binh Boong : Một cung điệu lạ

Thiếu Khanh

Trong buổi chiêu đãi của Bộ Văn Hóa Thể thao và Du lịch vào tối ngày mồng 6/1/2010 tại Khách sạn Sharaton, Hà Nội, tình cờ tôi ngồi giữa một bên là nhà văn Chanty Deuansavanh, chủ tịch hội Nhà văn Lào, và nhà thơ Lào Thanonsack Vongsackda, và một bên là Chủ tịch Hội nhà văn Thái Lan Khamsing Srinawk và con gái ông, nhà văn nữ Tuensiri. Chị ngồi gần Tuensiri. Tôi nghĩ chị cũng thuộc trong đoàn các nhà văn Thái Lan. Nhưng chị đáp lại lời chào hỏi xã giao của tôi bằng… tiếng Việt:

- Em không phải người nước ngoài. Em là người Mường!

Tôi quen biết chị, nhà thơ nữ người Mường, thạc sĩ Bùi Tuyết Mai, trong một dịp như thế. Sau đó chị tặng tôi tập thơ Binh Boong, thi phẩm thứ năm của chị do nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2008. (Các thi tập trước đó của chị, từ năm 1998, là “Mưa trong nhà”, “Trầu đỏ môi ai”, “Nơi cất rượu”, và “Mường trong”). Tập thơ với mẫu bìa rất trang nhã của nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyễn Trong Tạo có hình cách điệu một thiếu nữ Mường đánh cồng. Binh Boong, theo lời giải thích của tác giả, là tiếng ngân của chiếc cồng Mường. Cồng, chiêng là các nhạc cụ quan trọng của những dân tộc ít người mà có lẽ không người Việt Nam nào không từng biết hay nghe nói đến, nhưng dường như trong thực tế không có nhiều người thực sự có dịp nghe âm thanh mang nhạc tính của thứ nhạc cụ này. Đây là lần đầu tiên tôi được tiếp xúc với “tiếng cồng” mới mẻ và lạ tai của một nhà thơ trong số 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam. “Binh Boong” nhanh chóng chiếm được sự thích thú của tôi bằng những hình tượng mới, ý tưởng lạ và cả cấu trúc thi pháp khác biệt so với những món cao lương mỹ vị quen ăn từ trước đến nay trong thơ Việt.

Theo số liệu kiểm tra dân số năm 1999, (kết quả cuộc kiểm tra dân số mới nhất, năm 2009, dường như chưa được công bố) thì dân tộc Mường có 1.236.000 người, có mặt tại một số tỉnh ở miền Bắc VN, nhưng tập trung đông nhất trong tỉnh Hòa Bình (khoảng 70%) và ở sáu huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa. Bùi Tuyết Mai là người sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hòa Bình. Mà dù chị ở đâu thơ của chị cũng là bằng tiếng Việt hiện đại. Nói “tiếng Việt hiện đại” vì ngôn ngữ dân tộc của chị, tức tiếng Mường, thuộc nhóm ngôn ngữ Việt-Mường, một gốc ngôn ngữ chung của bốn dân tộc Việt, Mường, Thổ và Chứt (hai dân tộc sau chỉ còn khoảng vài chục ngàn người) trong đó có nhiều từ tiếng Việt cổ mà ngày nay người Việt không còn nghe hiểu được nữa.

Về mặt dân tộc, người Mường và người Việt rất gần nhau và có chung ngôn ngữ, nhưng người Mường lại gần với người Thái hơn về mặt văn hóa. Có thể người Mường và người Việt vốn chung một gốc cùng sống chung địa bàn trong khu vực Văn hóa Hòa Bình vào thời đồ đá mới (neolithic era) cách đây khoảng tám ngàn năm. Thế rồi vào một thời điểm nào đó trong lịch sử đã xảy ra sự phân chia thành hai chi: chi người Việt miền xuôi, hay được gọi là người Kinh (về mặt dân tộc học không có cái gọi là “dân tộc Kinh”), và chi người Việt miền núi, tức người Mường hiện nay. Không rõ truyền thuyết năm mươi con theo Lạc Long Quân xuống biển và năm mươi con ở lại với mẹ Âu Cơ trên núi có phản ánh sự phân chia dân tộc này không, nhưng việc chia tách địa bàn cư trú đó có lẽ đã xảy ra “gần đây”, có thể vào thời đại đồng thau ở nước ta khoảng ba – bốn ngàn năm trước, tức là khá lâu trước khi có sự tiếp xúc văn hóa giữa chi người Việt – Kinh với người Trung hoa qua thời gian hơn 1000 năm Bắc thuộc. Do sự giao tiếp văn hóa này mà trong tiếng Việt thu nhập đầy dẫy từ Hán Việt, trong khi trong ngôn ngữ của người Mường (của cả người Thổ và Chứt) thì vẫn còn “thuần khiết” và hầu như không có từ Hán Việt. Nói hầu như là vì trong tác phẩm Đẻ Đất Đẻ Nước, sử thi cổ của người Mường, dù là bản của người Mường ở Hòa Bình hay bản của người Mường ở Thanh Hóa, ngoài một vài tiểu tiết dị biệt đều có từ “quả” Hán Việt (thay vì trái) trong câu

Cây chu tà, lá chu đồng bông thau quả thiếc,

Trong cả hai bản Đẻ Đất Đẻ Nước này cùng có từ Long vương. Riêng bản của người Mường Thanh Hóa có từ thủy phủ long vương. Long vương có thể là một từ thuần Việt mang vỏ chữ Hán (sẽ đề cập vào dịp khác), nhưng thủy phủ là một từ Hán Việt. Ngoài ra bản của người Mường Hòa Bình có hai từ đồng kỳtam quan cũng có khả năng là từ Hán Việt (Vua Dịt Dàng ở đất đồng kỳ tam quan Kẻ chợ), trong khi trong bản của người Thanh Hóa thì đó là “đất đồng chì tam quan…” Cả hai bản Đẻ Đất Đẻ Nước tuy được nói là “dịch” (translated) từ tiếng Mường sang tiếng Việt, nhưng thực chất là được chuyển tự (transliterated), vì trừ phần phát triển sau khi chia tách hai chi Việt (Kinh) và Mường, phần còn lại trong tiếng Mường là ngôn ngữ chung Việt-Mường, hay tiếng Việt cổ, có thể phát âm khác biệt đôi chút theo địa phương (như những từ đẻ đất đẻ nước được phát âm theo người Mường Hòa Bình là “Tẹ tât tẹ đạc”, nhưng người Mường Thanh Hóa nói Tẻe tat tẻe rảc), vì thế những từ Hán Việt trong đó có thể là do người chuyển tự (transliterator) phiên âm khác đi chăng? (chẳng hạn đồng chì thành đồng kỳ?) nhưng cũng có khả năng là chúng được các ông thầy mo, người kể lại sử thi “Đẻ đất đẻ nước” trong các nghi lễ chính thức của người Mường, thu nhập vào một thời điểm nào đó về sau chớ không phải do “dịch giả” đưa vào – như trường hợp tác phẩm “Xống Chụ Xon Xao” của người Thái.

(Có chỗ cho rằng trong ngôn ngữ Việt Mường đã có yếu tố vay mượn từ ngôn ngữ Hán. Lập luận này có lẽ phát xuất từ não trạng nô lệ của những kẻ tự ti dân tộc hoặc những tên giặc núp dưới dạng người Việt đánh phá tinh thần dân tộc của ta khi thậm chí cho những từ cha, mẹ, anh, chị, em, chú, bác, cô dì, cậu mợ, vv… của người Việt đều là từ gốc Hán, một cách gián tiếp nói rằng người Việt là… con cháu người Tàu!)

Đề cập ngôn ngữ chung Việt Mường ở đây là để chuẩn bị đi vào tập thơ của nhà thơ nữ người Mường này, bởi vì tuy Bùi Tuyết Mai làm thơ bằng tiếng Việt hiện đại nhưng trong thơ chị có một số từ của riêng người Mường, một số khác vốn là từ Việt cổ hoặc từ của ngôn ngữ Việt Mường trước đây là chung của cả người Việt và có trong phần ngôn ngữ được người Việt mang về miền xuôi, nhưng đến nay chúng đã thất lạc, rơi rụng và biến đổi rất nhiều đến nỗi những từ thuần Việt còn lại trong tiếng Việt hiện nay đã ít ỏi mà còn trở nên xa lạ và không mấy người còn nhận ra nghĩa của chúng nữa.

Rượu thưa nhờ từ lúc mặt trời tập đi

trên búp măng sang lấy tên đàng cửa voóng

trốn xuống hang con moong

Rượu gởi giúp từ trăng lá lúa đến

thuở trăng quả thị bay lên làm ngọn quế đỉnh Mường

Rủ lòng thương mà đậu bồng bềnh ví đúm

Đem lòng quý mà ngọt khúc đang thường

(Lời Rượu)

Ví, đúm, đang thường (“đang thường” có nơi gọi là “ràng thường”, “rằng thường” hoặc “xường”, là một dạng của từ “thương”) là những điệu hát như hát , hát đối hát dặm của người Việt miền xuôi.

Rau này

Trồng từ khe suối con gà không đi qua

Cấy từ góc con vịt không bơi lại

(Mời rau)

(: từ tiếng Việt cổ, nghĩa là ruộng nước.)

Ngủ đi cái khăn bịt trôốc

Cho bông gạo xanh

Ngủ đi cái klôốc wặl

Tênh khăn

Áo pắn

Cho rễ cây ngắn đời người dài

(Ru con)

Trôốc , một từ Việt cổ nghĩa là cái đầu, còn lưu lại trong thành ngữ tiếng Việt “Ăn trên ngồi trốc”. Klôốc wặl: váy người Mường; khăn tênh, khăn dùng làm thắt lưng của phụ nữ Mường, và áo pắn là một thứ áo ngắn của phụ nữ.

Ru con, người Việt hát “ầu ơ” hay “à ơi”, còn người Mường thì hát “ú ủ la hay

Ú ủ la hay

Ngủ cho cơm đồ thơm vào lỗ tai

Cho nhà gác đất không nhìn hết

Cho nước vác để đầy gian bếp

Cho lợn thui thơm điếc mũi bốn mường

Ú ủ la hay

Ngủ đi con ơi

Ú ủ la hay

Ngủ đi cho ngày lui tháng tới…

Ngủ đi.

(Ru con)

Tuy văn hóa của người Mường và người Thái có ảnh hưởng lẫn nhau nhưng với khái niệm về thời gian trôi qua, người Thái (trong truyện thơ Xống Chụ Xon Xao – Tiển dặn người yêu) nói “Năm đi và tháng trôi”, còn người Mường nói “Ngày lui tháng tới”. Trong bài thơ Ru con nói trên còn có các chi tiết trong sinh hoạt ngày thường của người Mường: cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, là những nét riêng trong văn hóa rất đặc trưng của họ:

Cơm đồ

Nhà gác

Nước vác

Lợn thui

Ngày lui

Tháng tới

Ba tầng bốn thế giới

(Chú răng sữa)

Người Mường ăn cơm nếp đồ thành xôi, ở nhà sàn, nước sinh hoạt thì dùng ống tre vác từ suối về nhà. Trong quan niệm của người Mường, vũ trụ có “ba tầng bốn thế giới”:

“Tầng giữa là MƯƠNG PƯA (mường Bằng phẳng), thế giới của người sống. Đó là nơi họ đã cư trú từ ngàn đời nay, là cảnh quan cụ thể mà mắt họ đã quen tự thuở nào, với thung lũng và núi đồi, với ruộng nước và nương rẫy.

“Cao hơn, ở bên trên mường Bằng, là MƯƠNG KLƠI (mường Trời) có người gọi là KLÊÊNG KLƠI (trên Trời ). Đây là thế giới - nơi ngự trị của BUA KLƠI (Vua Trời). Các nhân vật dưới quyền của Vua Trời có QUY (quỷ), THIÊN LÔI (thần Sét) và NANG A TĂNG (nàng Ả Tặng), các K em.

“Tầng thấp nhất của trục vũ trụ là thế giới trong lòng đất, mang tên MƯƠNG PƯA TỊN (mường Bằng dưới). Nói cho dễ hiểu thì mường Bằng dưới hệt như mường Bằng, nhưng với quy mô bé hơn. Theo lời của ông Mo thì “ở đấy con trâu chỉ bằng con chó, con bò chỉ bằng con mèo, người lớn bằng trẻ con bé tẹo”. Thủa xa xưa người ở mường Bằng mường Bằng dưới thường đi lại với nhau mà lối thông giữa hai bên lại chính là một cái rôông. Một hôm, vì một lý do chẳng ai rõ, có người ngờ rằng vì tục lệ hôn nhân khác nhau giữa hai bên, rôông bị lấp và quan hệ giữa hai thế giới bị mất từ đấy.

“Cũng ở tầng thấp nhất của trục vũ trụ nhưng không phải trong lòng đất, còn có MƯƠNG BUA KHỤ (mường Vua Rắn), thế giới khác với mường Bằng dưới ít nhất cũng ở chỗ nó được đặt dưới quyền trị vì của một ông vua, còn mường Bằng dưới thì không. Bua Khụ ( vua Rắn) trên đầu con rắn nước khú, bao giờ cũng có một cái mào tương tự mào gà trống. Bua Khụ có một khả năng thần kỳ, tự biến hóa để phô ra những ngoại dạng khác nhau, kể cả ngoại dạng người trần thế.” (Bùi Tuyết Mai, “Về nơi đẻ đất đẻ nước” – kịch bản phim tài liệu).

Trong tư liệu trên, chúng ta dễ dàng nhận ra MƯƠNG KLƠI là âm cổ của hai chữ mường Trời; KLÊÊNG KLƠI là âm cổ của hai chữ trên Trời; BUA là âm cổ của Vua; BUA KLƠI là âm cổ của Vua Trời...

Ngoài một số từ tiếng Việt cổ (nhưng vẫn là vốn từ tích cực trong tiếng Mường hiện đại) ngôn ngữ trong thơ Bùi Tuyết Mai ít để lộ dấu vết tu từ và phản ánh tính dung dị chân chất mộc mạc hồn nhiên trong cuộc sống người Mường. Mặt khác, thỉnh thoảng chị cũng dùng lối lập lời hay đối ngẫu như trong Đẻ Đất Đẻ Nước:

Thử đọc một đoạn trong sử thi Đẻ Đất Đẻ Nước để thấy hình thức lập lời và đối ngẫu trong văn học dân gian Mường:

Đẻ đất

Vùng đất ngày xưa còn bạc lạc

Vùng nước ngày xưa còn bời lời

Trời với đất còn dính là một

Chưa có khúc sông ly chảy lọt lá bái

Chưa có khúc sông cái chảy lọt lá de

Nước sông Đằm, Đè ngày xưa chưa có

Bông cơm trái lúa khi xưa ngày ấy chưa nên

Chưa có vực sâu cho mẹ con con rồng

Chưa có chỗ nông cho mẹ con cái dải

Chưa có bãi cho mẹ con cái rùa

Chưa có gò lành cho mẹ con con hổ

Chưa có nửa gò cho cái ma ươi

Chưa có chim tráng, chim trủng

Chưa có ngã ba bùi nhùi

Chưa có dùi đục dùi đe…

Bùi Tuyết Mai vận dụng thủ pháp truyền thống ấy vào thơ nên thơ chị luôn mang hơi thở văn học dân gian quen thuộc của dân tộc chị:

Đi qua rừng bạc bạc

Đi qua biển xa xa

Nhớ giữ lời cho ấm

Nhớ giữ bước cho êm

Chín bài chiêng đẹp cho con lời chúc

Chín bài cồng xinh cho con lời mừng

Tiếng trống đồng cho con đủ giòn nếp tẻ

Vò rượu nồng cho con đẹp hồng

vành vạnh rằm trăng

(Trong đám cưới)

Đây sừng rượu con ong

qua suối vén váy khẻ

Đây sừng rượu con nai

lên núi bước nhè nhẹ

(Rượu rót lúc đưa dâu)

(Sừng là đồ đong rượu, thường được làm bằng một đoạn sừng trâu)

Dúi mở mắt to tròn nghe lòng ta than

Dúi ăn lá kìa nghe lòng ta đắng

Ta yêu nhau từ bấy đến nay

Muốn đến thăm nhau cách sông cách núi

Muốn nhìn mặt nhau cách trở âm dương

Mượn lời gió tâm tình cho bõ

Mượn lời mây soi bóng nhau cho rõ

Mượn lời tình lọ cọ cho quên nỗi đau xưa.

(Lời tình lọ cọ)

(Lọ cọ là một điệu hát giao duyên của trai gái Mường lúc buồn – theo ghi chú của tác giả)

Ngoài tính chất đặc biệt của ngôn ngữ, thơ Bùi Tuyết Mai phản ánh cuộc sống đậm đà tinh thần văn hóa Mường. Trước hết, chị mô tả đặc tính con người của dân tộc chị với hai tính chất căn bản trong bài thơ vỏn vẹn hai câu:

Người Mường

Ăn cốt tươi

Chơi cốt thật.

Qua các nét đặc trưng trong sinh hoạt của người Mường “Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ăn cốt tươi, chơi cốt thật”… trong thơ Bùi Tuyết Mai, người ta dễ hình dung cuộc sống bình dị của những người anh em gần gũi hiền hậu và hòa bình này của người Việt. Có lẽ không phải là ngẫu nhiên khi các trường ca của người Tây Nguyên như các khan Đam San, Xing Nhã, Đam Di… mô tả những trận đánh nhau liên miên giữa bộ lạc này với bộ lạc khác để cướp vợ cướp đất của nhau, khiến các nhân vật anh hùng người Êđê này có vẻ dữ dằn một cách bất thường nhiều khi rất vô lối, thì suốt trường ca Đẻ Đất Đẻ Nước của người Mường chỉ có mỗi một lần đánh nhau giữa vua Dịt Dàng và vua Thiên Bướm Bạc, ngoài ra họ cần mẫn lao động để đẻ Đất đẻ Nước, đẻ Mường, đẻ Người, đẻ trâu, đẻ gà, đẻ rượu cần, đẻ trống đồng, đẻ bát…

Câu hát Mường

Mường ta

Nơi đẻ Đất đẻ Nước

Đẻ ba tầng bốn thế giới

Hoa chuối đỏ như người già hát dạy cháu con

Nỏ bện nước sơn ý người chắc cột

Khói cũng nhuộm nên tình nên nghĩa

Nhịp chày khua nên nhịp trống đồng

Câu hát thắt đáy lưng ong

Màu phù sa Sông Đà, Sông Mã

Bắc cầu ngăn thác lũ

Bắc cầu nối nhớ thương.

Câu hát Mường” là một trong số rất ít bài thơ trong tập thơ Binh Boong của Bùi tuyết Mai có phảng phất âm hưởng tiết điệu và nhạc điệu thơ Việt, chủ yếu là với khổ thơ bốn câu, nhưng không chịu ảnh hưởng vần điệu quen thuộc của thơ của người Việt miền xuôi. Đọc bài thơ dưới đây, dù với những hình ảnh thôn quê bình dị nhưng không ước lệ, không đặc biệt, nhưng thậm chí cũng không quen thuộc như trong nhiều bài thơ chúng ta có thể đọc ở đâu đó.

Dưới bóng trăng chiều

Nghe khói chiều về

Tiếng đào củ dưới chân đồi rời rạc

Người tưới rau trên nương buồn không hát

Chim hẻo hót xua mặt trời

Chiếc khăn vắt trên vai nặng trỉu

Bầy gà râm ran lục tục trong em

Khát khao nở nhiều như ngô vãi

Ai hẹn để trăng mờ

Sương rơi như Giời khóc

Em xốc lại thắt lưng cho chặt

Địu con xuống núi

Tìm anh.

Chuyện thần kỳ kể: sau khi vẽ lên vách hình một con rồng, vị đạo sĩ cầm cọ nhúng mực chấm vào hai mắt rồng, con rồng được “điểm nhãn” vụt trở nên sống động. Lão đạo sĩ cưỡi lên mình rồng và con vật bay đi. Bài thơ với những hình ảnh khói chiều về, người tưới rau trên nương, chiếc khăn vắt vai (mà) nặng trĩu, với những âm thanh rời rạc của người đào củ, của tiếng chim hẻo, cộng với cảm giác râm ran lục tục như tiếng gà trong người, và nỗi khát khao bùng nở… chỉ gây một âm hưởng “tĩnh” và bình thường như con rồng vẽ chìm trên vách. Hai từ Tìm anh cuối bài thơ như hai nét “điểm nhãn” khiến con rồng 2D trở thành 3D và sống dậy… Tất cả thành một bài thơ.

Trong Buổi tối ấy, bài thơ duy nhất trong tập thơ Bing Boong hoàn toàn theo một hình thức khổ thơ “bốn câu vần cách” quen thuộc của thơ người Việt miền xuôi, Bùi Tuyết Mai kể lại buổi tối đi chơi với người yêu, với “tiếng xe ga” và dưới “bầu trời phố” nhưng sự “cùng dối” và “cùng thật” với chi tiết thật thà “ngủ riêng nhà” và “cùng tiếc” của một cô gái người dân tộc nghe rất cảm động:

Buổi tối ấy

Tặng anh TNH

Buổi tối ấy anh với em cùng dối

Với bạn bè đi một tối cùng nhau

Xe đổ xăng và người đổ rượu

Bụi phủ con đường đầy lên cổ lên đầu

Buổi tối ấy anh và em cùng thật

Cùng đi chơi và ngủ riêng nhà

Anh trải sao lên bầu trời phố

Và xa

Em khe khẻ nhìn ra

Rồi sau này anh với em cùng tiếc

Cùng gầm gào ồn ã tiếng xe ga

Anh yên lặng nhớ

Em im lặng

“Quãng đường thưa người lắm ổ gà”.

Câu thơ kết thúc bài thơ một cách bất ngờ, tưởng chừng không “ăn nhập” gì với tình và cảnh trong bài thơ, dễ gây cảm giác chưng hửng cho người nghe hay đọc thoáng qua; hoặc câu thơ dễ khiến người ta tưởng là đó cách đánh trống lãng với vẻ ngây thơ của nhà thơ làm chủ cảm xúc của mình. Mà cho dù tin lời tác giả “đổ thừa” cho những ổ gà có lẽ cũng không sao. Đó là một nét tinh tế vừa như có vẻ… nghịch ngợm của một cô gái trẻ. “Quãng đường thưa người lắm ổ gà”!

Bùi Tuyết Mai có lối thơ với khổ hai câu và khổ ba câu rất riêng, tôi không biết có phải đó là phong cách (style) độc đáo của chị hay không, vì chị là nhà thơ Mường đầu tiên mà tôi được đọc. Và trong các loại dân ca truyền thống của người Mường như hát ru em, ví, đúm, xéc pùa, bọ mẹng, rằng thường vv… không thấy có các hình thức thơ đó. Đây là vài bài thơ với khổ hai câu của Bùi Tuyết Mai:

Thuyền gió

Tiếng gà gáy ban trưa

Gọi gần tôi trở lại

Tiếng thoi bà dệt cửi

Đưa tôi kịp về mùa

Tiếng bầy chim Nọc Thưa

Nhường tôi mùa dẻ chín

Tiếng con chim Queng Quý

Gọi núi rừng sáng lên

Tiếng gọi người tôi thương

Nghe như là tiếng Mẹ

Đến thầm thì khe khẻ

Mang xa xôi tôi đi

Gọi gần tôi trở lại” “Mang xa xôi tôi đi”, hình thức tu từ này tuy vậy không quá lộ liễu để gây cảm giác “chỏi” với những câu

Tiếng bầy chim Nọc Thưa

Nhường tôi mùa dẻ chín

Tiếng con chim Queng Quý

Gọi núi rừng sáng lên

Thêm một bài với khổ hai câu khác:

Gửi nỗi buồn

Gói hành trang nhỏ bé của em

Có bóng một cuộc hẹn

Cuộc hành trình dằng dặc của em

Có một người ẩn hiện

Những bước đi của em

Mờ dần trên con đường tỏ

Hoa cỏ trong em

Tàn dần giữa mùa nở

Xưa nay, Nhớ là một tình cảm được nói đến rất nhiều trong thơ nhưng tôi không nghĩ mình đã được đọc ở đâu đó một nhà thơ nào diễn tả nỗi nhớ một cách cụ thể và độc đáo như bài thơ Nhớ dưới đây của Bùi Tuyết Mai. Do người Mường không chịu ảnh hưởng văn hóa Hán, trong thơ chị hầu như không có những hình ảnh bóng bẩy, với điển tích ước lệ kiểu như “Vầng trăng ai xẻ làm đôi…” trong Chinh Phụ Ngâm Khúc khi người chinh phụ nhớ chồng đang đi chinh chiến, hay “Lòng còn gởi đám mây hàng…” của nàng Kiều nhớ cha mẹ, vân vân. Những cái nhớ như thế thật đẹp đẽ và sang trọng nhưng mơ hồ quá, khó truyền được cảm xúc ấy sang người khác. Trong bài thơ với khổ thơ hai câu này, cái nhớ của nhà thơ, tuy không nói rõ nhớ ai nhưng người đọc biết có lẽ chỉ có nhớ người yêu nỗi nhớ đó mới trở thành một hiện thực, cụ thể, có vị cay như rượu, nóng như lửa, có cảm giác đau rát như dao cứa, say như miếng trầu ma khói, quýnh quáng như bị trúng tên thuốc độc… nó khiến cho người đang trong tâm trạng nhớ cảm thấy quay cuồng như bị sa vào trong cơn lốc và bối rối mịt mờ như trong đêm nguyệt thực:

Nhớ

Như uống phải vò rượu dao cứa

Chum rượu ma lửa

Như ăn phải miếng trầu nứa cạo

Miếng trầu ma khói

Như trúng mũi tên thuốc độc

Mũi tên ma nước

Như vướng vào cơn lốc

Như mặt trăng bị gấu ăn.

Trong bài thơ với khổ ba câu dưới đây, có lẽ khó mà nói được Bùi Tuyết Mai mang kỹ thuật thơ hiện đại vào cuộc sống mộc mạc của dân tộc chị hay chị phả hơi thở người Mường vào hình thức rất gần với “thơ tự do” ở “miền xuôi” như trong những năm sáu mươi của thế kỷ trước:

Một mình hát

Ta như con chim mùa đông

Nghiêng đầu nghe nắng chảy

Tiếng của vòng quay cọn nước trên không

Hơi mây lên núi

Ngọt dịu

Âm ấm

Ta đi đôi bầu gíá rét mùa đông

Quảy gánh thơm và đỏ

Lụa mềm buộc ai

Bay lên sợi tơ dài

Đôi núm chiêng

Vừa nghiêng vừa nảy

….

(Cọn nước: cái guồng xe nước dùng sức nước chảy đưa nước từ suối lên ruộng cao, cũng được thấy nhiều ở các tinh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi)

Không có những hình ảnh gợi sự liên tưởng tượng trưng hay gần như siêu thực như trong những đoạn thơ trong bài Một mình hát ở trên, bài thơ Lưu khách cũng với khổ ba câu dưới đây chân chất hơn, thể hiện sự tình tứ rất tế nhị của một cô gái Mường:

Lưu khách

Hãy dừng chân nhà em một đêm

Chỉ một đêm thôi

Cho con ngựa của anh nghỉ ngơi

Hãy nán lại nhà em một đêm

Chỉ một đêm thôi

Cho con ngựa của anh uống nước

Hãy nghỉ lại nhà em một đêm

Chỉ một đêm thôi

Cho con ngựa anh ăn vài đấu ngô thơm

Hãy ở lại nhà em một đêm

Một đêm thôi

Mời khách dừng chân, nán lại, nghỉ lại, và cuối cùng là ở lại một đêm, chỉ vì… con ngựa của người mà thôi! Một tình cảm thiết tha, đằm thắm mà kín đáo dễ thương biết bao, làm sao người khách không thương… con ngựa của mình cho được!

Phần lớn các dân tộc ít người ở VN do sự may mắn (?) của lịch sử không phải tiếp xúc với văn hóa Hán và không bị cái đạo lý Nho giáo Khổng Mạnh của người Tàu chế ngự nên cuộc sống tinh thần của họ hồn nhiên phóng khoáng, tình cảm thật thà chất phác không màu mè che đậy. Trong cuộc sống họ tự nhiên thế nào thì trong tình yêu họ cũng thực thà tự nhiên như thế. Điều đó không thể không phản ánh trong thơ Bùi Tuyết Mai. Chất trữ tình trong thơ chị vừa có nét đằm thắm, lãng mạn và tế nhị chung của mọi người. Ở đây là lời một thanh niên hát làm quen với một cô gái:

Hát cùng bàn tay thả diều xưa

Hát nỗi mắt nai mắt hươu

Hát cho chén rượu biết đi

Hát cho đũa một cây biết gọi tên

gọi bạn nên đôi nên lứa

Hôm nay trời lành đất êm

Em hãy làm gái nhỏ tách mẹ yêu mau đến

Làm gái lớn lìa chồng thương anh mà sang

Cho anh nhìn em

Cho anh chào to

Cho anh hỏi nhỏ

Chuối nhà em còn tươi đủ nải?

Ai trong nhà cũng khỏe chứ em?

(Hát mời)

Và một cô gái kín đáo bày tổ tình cảm với một chàng trai:

Mời anh về mùa hội mường em

Rau cải đắng trên đồi biêng biếc

Chiều đổ sương thơm lựng cá đồ

Mời anh về với Hội với Mường

Xa về để gần

Để thương

Để nhớ

Chung chum rượu thơm

Chung niêu cơm mới

Cùng gái trai đến hội xéc-pùa

(Mời anh)

(Xéc-pùa: bài cồng chiêng chúc mừng năm mới, mừng hội – ghi chú của BTM)

Vì cuộc sống tình cảm và tinh thần của họ không bị câu thúc trong những “nguyên tắc đạo lý” trong quan hệ nam nữ theo văn hóa nho giáo mà chúng ta quen thuộc, họ hoàn toàn tự nhiên trong tình yêu, vừa rất riêng với sự chất phác, mạnh mẽ và phóng khoáng nhưng không kém phần lãng mạn, như:

Chuyện tình trên núi

Bằng đôi chân trần

đạp đá tai mèo

Không ngại hầm chông bẫy thú

em gài khăn thắt áo theo anh

Bằng mắt lá

đạp gió bão

Không ngại lũ sâu dữ

em bay cao theo anh

Bằng tiếng suối trong

vượt núi

Không ngại hang cùng ghềnh thác

em lặn sâu theo anh

Hoa ban đỏ nở ra ban xanh

Đánh rơi lời

Trời đang lành nở ra sấm sét

Chẳng nên như hẹn ước

Em thành mây

Mây làm trời đen kịt hóa giải lời nguyền

Em thành lũ

Lũ cuốn anh về biển với em.

Không e ấp như một thiếu nữ người Việt, nhà thơ có thể bày tỏ tình cảm của mình với người mình yêu một cách thẳng thắn và sáng suốt, mà vẫn đầy vẻ tình tứ:

Em yêu anh thẳng

Tặng PQM

Hỏi thăm gốc trầu nhà anh

Hỏi thăm rễ cây tre nhà nnh

Hỏi thăm đàn cá lượn nơi anh thường đi

Hỏi thăm cây si nơi anh hay đậu

Em yêu anh thẳng

Em về phố đông chẳng phải ham chơi

Em nâng ống rượu chẳng phải kẻ nghiện

Em biết chim khôn thường đậu cành cao

Biết người ngoan thường vui cùng bạn tốt

Em yêu anh thẳng

Em muốn xuống nước để gặp anh

Mới cậy nhờ thuồng luồng vóc lớn

Em muốn lên núi để thấy anh

Bèn trông nhờ rồng liệng tầng cao

Em yêu anh thẳng

Em muốn gần anh

Như đôi lúc muốn gần cơm thơm

Nên dạo qua nhiều cánh đồng to

Muốn gặp anh như cá cạn khát nước

Mới cất công tìm biển lớn

Muốn tỏ lòng với anh nên cất tiếng

Em yêu anh thẳng.

Thơ Bùi Tuyết Mai mang đậm tinh thần văn hóa Mường. Đó là điều hiển nhiên. Và có lẽ tinh thần văn hóa độc đáo đó đã thấm nhuần vào tâm hồn và máu thịt chị làm nên sự khác biệt và độc đáo trong thơ của chị. Khi thay những nét văn hóa độc đáo đó bằng các suy luận tri thức chung chung, thơ chị có thể mang bất cứ màu sắc nào khác không phải màu sắc của chị. Chẳng hạn các suy niệm siêu hình trong triết học tây phương không gần gũi với nhân sinh quan và vũ trụ quan của người Mường có thể khiến cho thơ chị dễ tan hòa và mất hút vào vô số những bài thơ khác về vấn đề này. Chiếc bánh là một trong những trường hợp như thế:

Chiếc bánh

Tôi

Bạn

Vô hạn và hữu hạn trên đời này

Dường như được đúc sẵn khuôn

Tôi

Bạn

Vô hạn và hữu hạn trên đời này

Dường như nguyên chiếc

Có thế kéo thời gian dài ra hoặc ngắn lại

Thổi hồn vào hai mươi chữ cái

Khác nhau yêu ghét chết đau

Chiếc bánh hôm nay

Chiếc bánh mai sau

Cứ xoắn vòng bay lên như lớp ngói

Tôi

Bạn

Vô hạn và hữu hạn trên đời này

Rêu phong cứ bong như da tàn lại mọc

Sự mới tươi thay cô độc vi hành.

Hoặc bài Gọi dưới đây, theo tôi là một bài thơ chưa thành công, không phải vì cái hình thức “văn xuôi” của nó, mà vì những ý tưởng có lẽ chưa đủ độ sâu và độ chín đế chuyển hóa thành cảm xúc. Dường như nó còn sống:

Gọi

Đám rêu của mảnh ngói nơi xứ thức gióng gọi tên làng, tên đất. Gọi tên những ngôi đình chùa, những tường thành có mặt từ buổi đầu. Gọi tên những ngọn núi đứt đôi, những con mắt làng cạn nước. Binh bôông! Có còn cái dáng cong cong mái đình làng, chùa làng…

Những trường hợp như hai bài thơ trên đây không nhiều. Đúng ra, trong toàn bộ tập thơ chỉ có hai bài như thế. Dường như đó chỉ là những thử nghiệm của nhà thơ thì phải.

Các bài thơ trong tập Binh Boong đều ngắn. Ngắn nhất là hai câu gồm sáu chữ (Người Mường), và dài nhất là năm mươi câu (Lời rượu). Mỗi câu thơ thường ngắn, có khi chỉ một chữ. Câu dài nhất (duy nhất) gồm hai mươi ba chữ (cũng trong bài Lời Rượu). Do không có cơ hội đọc nhiều thơ của chị, cũng như không theo dõi quá trình phát triển trong thơ của chị từ hơn mười năm qua - tạm lấy năm 1998, năm xuất bản tập thơ đầu tiên, làm mốc, đến năm 2008 của tập thơ Binh Boong này - cho nên tôi không thể căn cứ vào các đề tài của những bài thơ trong tập thơ này để nói về chuyện “dài hơi” hay “ngắn hơi” trong thơ của Bùi Tuyết Mai. Tuy vậy, tôi nghĩ có lẽ Binh Boong chưa phải là tập thơ tiêu biểu nhất của chị; và cũng do chưa được đọc một thi sĩ người Mường nào khác nên tôi càng không thể gán cho tập thơ này của Bùi Tuyết Mai một vị trí nào trong thơ ca hiện đại của người Mường. Điều có thể nói ở đây là phần lớn những hình ảnh, ý tưởng và tứ thơ trong tập thơ Binh Boong của Bùi Tuyết Mai hầu như không là những mẫu hình quen thuộc có thể dễ dàng bắt gặp trong thơ của nhiều thi sĩ người Việt miền xuôi là những người không có được điều kiện và môi trường sống tự nhiên như chị. Mà sự thành công của một nhà thơ có lẽ không gì hơn là xây dựng được những hình ảnh và ý tưởng mới lạ trong thơ và, nhất là, truyền được rung cảm của mình vào chữ để chúng đánh động vào lòng người đọc. Dù dè dặt đến đâu cũng phải thấy nhà thơ nữ này đã đạt được nhiều phần trong đó. Điều đáng kể hơn hết là chị, cùng với các nhà thơ đồng bào của chị cũng như với nhiều nhà thơ của các dân tộc ít người khác, đã đóng góp những hương sắc mới làm phong phú thêm cung điệu và màu sắc của nền thi ca Việt Nam như một toàn khối.

Thiếu Khanh


Phụ Bản V

Sự tích

Bà Chúa Sứ Núi Sam

Tức

Bà Thợ Đi Tây Phương Vãn

妑 署 𠫾 西方挽

( Trích trong quyển sách Nôm

Thập Sám Diễn Nghĩa Văn

十 懺 演義文 )

Nguyễn Văn Sâm phiên âm và giới thiệu

2011

Trong tập văn Nôm Thập Sám Diễn Nghĩa Văn [1] , khắc in ở chùa Long Hoa 隆華 , Sa Đéc do Hòa thượng Từ Tuệ 慈慧 trông coi, có bài văn ngăn ngắn từ trang 13a đến trang 16a tựa là Bà Thợ Đi Tây Phương Vãn 妑署 𠫾 西方挽 nói về sự tích B à C húa X ứ Núi Sam khi còn sanh tiền và nguyên nhân bà được thờ phượng trọng thể sau nầy. Đây là một trong mấy bài sám giảng bằng văn Nôm của Đại sư Thiện Đạo 善道 lưu thế từ lâu ở đồng bằng sông Cửu Long mà học giới chưa từng bàn đến dầu sự phổ biến của nó rất rộng rãi ở miền Tâ y. Chúng tôi xin phiên âm ra quốc ngữ vì đây là sự tích – trên văn bản – có thể nói là sớm nhứt về vấn đề Bà Chúa Xứ . Bản văn giản dị, chữ Nôm chính xác, có nhiều chữ viết theo cách Nôm Nam rất đáng cho ta để ý tới , nội dung lại nói về một điều ít người biết cho nên có thể gọi là tài liệu qu ý cần được phổ biến. Chỉ có một điều đáng tiếc là bản văn tuy được khắc in nhưng bản chúng tôi có lại mất bìa nên không biết là trang bìa có đề năm tháng hay không. Căn cứ trên cách viết Nôm dễ đọc, câu văn mộc mạc trôi chảy, một vài từ ngữ đặc biệt (thầy thông, Chệt, Miên...) chúng tôi phỏng đoán là bản văn xuất hiện vào những năm cuối cùng của thế kỷ XIX.

*

Bà chúa Xứ tục gọi là bà Thợ, nguyên là một vãi tu hành ở chùa Tây An, sau đó qua tu ở chùa Hang. (Ta biết chùa Tây A n tới nay vẫn còn, chùa Hang không biết do tên gọi đã thay đổ i hay chùa qua thời gian đã không còn nữa, chúng tôi không còn biết gì về chùa nầy dầu đã đến địa phương tìm hỏi ) . Bà tu hành cần mẫn và luôn luôn ước vọng mình được đi đến Tây Phương bằng chính cuộc đời nầy . Bữa kia bà thiếp đi ba ngày , vía thấy mình đi đến cõi Trời rồi được chỉ đi sang cõi Phật . Bà hỏi chuyện Đức Phật và được dạy là nên tu hành tinh tấn, chuyên cần, rồi sẽ được rước về Tây Phương. Tỉnh dậy bà vui mừng coi như ước nguyện đã thành, coi như sự tu hành của mình đã có cơ may thành tựu. Bà mất sau đó không lâu, người đương thời trọng sự tu hành tinh tấn của bà, lập miếu thờ phượng. Miếu lớn dần với những sự linh hiển, biến thành nơi thờ phượng khá khang trang, uy nghiêm, không phải chỉ vùng đồng bằng sông Cửu Long mà thôi, còn là biểu tượng uy linh của cả nước. Ngày nay nơi thờ phượng được gọi là Miểu Bà Chúa Xứ Châu Đốc . Hằng năm có những ngày tế lễ rất lớn, qui tụ nhiều vạn người trong cả tháng…

(Trang cuối bản Nôm)

Bản khắc in mộc bản do ông Nguyễn Văn Thoa, chuyên viên Hán Nôm sưu tầm được ở Sa Đéc năm 2009, tặng cho tôi cùng năm. Toàn quyển có nhiều bài kinh, bài vãn khuyên tu hành làm lành lánh dữ , hầu hết đều nặng về chuyện đạo, chỉ có bài vãn Bà Thợ Đi Tây Phương nói về sự tích , một sự tích tôi cho là rất quan trọng . Trong thời gian về Việt Nam gần đây để sưu tập sách Nôm, tôi dùng thời gian rãnh rỗi của mình phiên âm và viết bài nầy. Người bạn thân, rất giỏi về chữ Nôm của tôi là Giáo Sư Nguyễn Hiền Tâm có góp ý và phủ chính vài chữ. Xin cám ơn hai ông Thoa và Tâm.

( Sàigòn, đầu năm Tân Mão 2011 - Nguyễn Văn Sâm )

13a. Núi Sam có vãi chân tu [2] .

Tên là Bà Thợ [3] ở chùa Tây An,

Sau dời qua ở chùa Hang,

Quyết lòng cầu đạo vẹn toàn tu thân.

13b. Sớm khuya tụng niệm ân cần,

Bồ Đề chuỗi hột tay lần tinh chuyên [4] .

Lòng kh ô ng vá dính trần duyên [5] ,

Xem coi hình tướng tợ tiên non Bồng [6] .

Một mình đến ở hang không,

Bấy giờ bổn đạo đầy trong chật ngoài [7] .

Bền lòng giữ giới trì trai [8] ,

Bảy mươi chín tuổi [9] ai ai kỉnh nhường.

Đức bà [10] lớn nhỏ đều thương,

Lòng thành đi tới Tây Phương ba ngày [11] .

Hồi đi gặp đặng ba thầy [12] ,

Dắt đường đi trước chỉ rày qua sông.

Thuyền tàu chẳng thấy, đứng trông,

Một hồi lại thấy đất không thẳng bằng [13] .

Rồi bà đi tới phăng phăng [14] ,

Thấy tòa lầu các những hằng tiên nga.

Các tiên mừng rỡ rước bà,

Đem vào thết đãi nước trà nghỉ ngơi.

14a. Rồi bà han hỏi mọi lời,

Tây Phương chẳng biết ở nơi chỗ nào?

Tiên nga chỉ khỏi vườn đào [15] ,

Có đường đi tẻ thẳng vào Tây Phương.

Có xe để sẵn bên đường,

Cô lên ngồi đó chạy thường rất mau.

Lên xe chẳng thấy ngựa trâu [16] ,

Bon bon mà chạy ngỡ đâu xe ngừng [17] ,

Thấy tòa đền ngọc từng từng [18] ,

Hào quang chói lọi, bà mừng xuống xe.

Lầu đài trướng bủa màn che,

Bửu điện Ngọc Đế tiếp tề rước vô.

Ngọc Hoàng chào hỏi: ‘Ớ cô.

Chuyện chi nên mới tới phô [19] cõi nầy?’

Bà tâu niệm Phật ăn chay,

Dốc lòng tầm tới cõi Tây Di Đà.

Ngọc Hoàng lời mới phán ra,

Tiên đồng quả phẩm nước trà mời khuyên [20] .

14a. Bảo bà xe nọ lên liền,

Cứ theo đại lộ tới miền Tây Phương.

Bà chờ xe đã lên yên,

Chạy nghe thiên nhạc nhặt khoan vui lòng,

Bảy hàng cây báu bá tòng,

Bảy hàng lưới bủa, bảy giồng câu lơn [21] .

Chim kêu tiếng pháp, suối đờn [22] ,

Xem coi cõi Phật báu hơn cõi Trời.

Vàng ròng lót đất khắp nơi,

Đền vàng rực rỡ tốt tươi lạnh lùng.

Ao sen, vàng trắng các bông,

Mỗi ông Phật tử ngồi trong liên đài [23] .

Xe bà đi đã tới nơi,

Có chùa, cô vãi ra mời bà vô,

Bà thưa cung kính các cô,

Tôi người hạ giới tăng đồ Thích Ca.

Quyết lòng ra mắt Di Đà,

Chỗ nào đền Phật chỉ mà cho tôi?

15a. Các bà trải chiếu bà ngồi,

Nghỉ ngơi cho khỏe rồi thì sẽ đi.

Các cô dọn đãi đồ chay,

Bà ăn ít miếng no thay hoài hoài.

Dắt bà vào chốn kim giai,

Nói rằng đây thiệt là đài Như Lai.

Phật ngồi sen trắng tốt tươi.

Hằng hà chư Phật đông thôi vô cùng.

Bà vào đầu lạy cúc cung,

Nay đà thấy Phật xin trông dạy truyền.

Bấy lâu tôi cũng cần quyền,

Trong lòng ao ước về miền Tây Phương.

Bây giờ thấy Phật tỏ tường,

Muôn trông dạy bảo dắt đường tử sanh.

Phật rằng : “N gươi có lòng thành,

Chuyên ròng niệm Phật đặng sanh cõi nầy.

Xưa ta lời thệ trọng thay,

Bốn mươi tám nguyện tiếp loài chúng sanh.

Tiếp người niệm Phật làm lành [24] ,

Tây phương Cực Lạc để dành dưỡng an.

Rước lên ngồi chốn sen vàng,

Quang minh thọ mạng hết đường tử sanh.

Ngươi về gắng sức tu hành,

Mãn duyên ta rước đặng thành Phật Tiên. ”

Dạy rồi bà tạ ra liền,

Các cô tiếp rước mời khuyên vô chùa.

Lòng bà không dám hơn thua,

Các cô công quả xin cho tôi mần [25] .

Bảo bà nằm nghỉ an thân,

Bà nằm một thí về gần canh năm.

Thức rồi định tính hồi tâm [26] ,

Thấy trong bổn đạo tới thăm trong ngoài.

Trẻ già những đến gái trai,

Nghe bà nói chuyện ai ai mừng lòng.

Ngoài thành lại có thầy thông [27] ,

Thấy bà đức hạnh vợ chồng kỉnh thương.

Ra vô sớm tối thường thường [28] ,

Cúng tòa bửu tháp hiển dương cho bà.

Bạc ngàn không tiếc đem ra,

Nguyện làm thành tựu để mà đời sau.

Thiệt bà phước đức thẳm sâu,

Khắp trong thiên hạ đâu đâu kỉnh nhường.

Tây, Mên, Chệt, Khách đều thương [29] ,

Các cô lo liệu cho bường thời nên,

Núi Sam bà Thợ là tên,

Hồn đi ba bữa cõi trên trở về.

Vậy có kệ rằng:

Lòng thành vượt khỏi bến sông mê,

Bà Thợ chùa Hang báu lắm thê [30] .

Cõi Phật cõi Trời đi đã tới,

Tây phương sau cũng đặng gần kề.

(Phiên âm trong sách Thập Sám Diễn Nghĩa Văn 13a-16a)


----------------------------------------


[1] Đây là bản phiên âm và công bố lần đầu tiên của bài vãn nầy.

[2] Vãi chân tu 娓真修 : người đàn bà tu hành thật sự, nghiêm chỉnh. Giới thiệu nầy tuy tổng quát nhưng có giá trị rất lớn về hạnh tu của nhân vật chánh.

[3] Bà Thợ 妑 署 , không chắc đây là tên, có thể là tên gọi theo nghề nghiệp - của bà hay của chồng bà trước đây. Sự kiện dùng tên nghề để gọi tên người phổ biến nhiều nơi trên thế giới trước đây, nhất là Anh, Mỹ.

[4] Cả hai câu: Chăm lo việc tụng niệm. Trì chí tu hành.

[5] Cả câu: Chẳng ham hố dính dấp gì việc đời như của cải, gia đình... Hai chữ vá dính nầy khó đọc và có thể tranh cải. Ta có thể đọc vá dính, vớ dính bạ dính... Tuy nhiên ngay cả tự điển của H uì nh Tịnh Của cũng không thấy các từ kép nêu trên!

[6] Tựa Tiên non Bồng 似仙  蓬 : đẹp như tiên ở đảo Bồng Lai. Lòng không tạp niệm nên hình hài chậm biến thái, trẻ lâu. Mấy chữ nầy làm cho người viết lười suy nghĩ tìm chữ mới, ta gặp hoài trong văn xưa.

[7] Thiên hạ tin sùng theo rất đông dầu đã bỏ chùa đi tu trong chỗ quạnh vắng..

[8] Quyết lòng tu nên giữ gìn giới hạnh...

[9] Con số cho thấy: Sống thọ và còn mạnh khi quyết tâm đi Tây Phương..

[10] Ở đây hai chữ Đức Bà nên hiểu đức hạnh của bà cao trọng nên được mọi người thương mến.

[11] Bản văn nói thiệt vắn tắt về việc bà bị chết mấy ngày rồi tỉnh lại.. Những sự kiện bà ‘thấy’ trong lúc nầy là do bà kể lại sau nầy. Tin hay không tùy lòng mỗi người.

[12] Con số ba nầy không hiểu có tượng trưng gì hay không.

[13] Sông trở thành đất liền. Với quyết tâm mọi gian khổ đều là chuyện nhỏ, rồi sẽ vượt qua.

[14] Đi thiệt là mau, không mệt mõi.

[15] Thường theo sự suy nghĩ của người xưa, hễ có vườn đào là đã gần cõi tiên, cõi Phật...

[16] Ý niệm về xe cần phải ngựa trâu kéo cho ta vững tin hơn về thời gian xuất hiện của truyện là thế kỷ XIX.

[17] Xe chạy quá êm.

[18] Đền ngọc từng từng : Lầu cao, quí giá. Văn chương xưa hễ thứ gi qu ý thì nói bằng ngọc.

[19] Chữ phô nầy rất xưa.

[20] Có căn tu nên ngọc Hoàng cũng ân cần.

[21] Câu lơn : Lan can.

[22] Cảnh trí có vẻ Phật đạo, chim kêu ra tiếng kệ kinh.....

[23] Mỗi ông Phật ngồi một đài sen. Để ý chữ Phật tử khác nghĩa ngày nay.

[24] Tây phương chỉ tiếp nhận người tu hành, giác ngộ thôi, kẻ dữphải ở ngoài.

[25] Chữ mần gần như không thấy trong thơ văn. Nay gặp mừng quá. Chỉ có trong Nam ngày xưa mói có, nay chữ/tiếng nầy đang trên đà bị tiêu diệt.

[26] Tỉnh dậy sau ba ngày đi Tây Phương.

[27] Hình ảnh giai đoạn Pháp có mặt ở VN với lớp thầy thông thầy ký cũng như Tây, Mên, Chệt, Khách... ở dưới cho biết vãn nầy được viết sớm nhất là nửa thế kỷ sau của XIX.

[28] Thăm viếng thường xuyên.

[29] Đức hóa và hành trạng của bà phổ cập đến những giống dân khác nhau.

[30] Chữ thê cũng là từ xưa trong Nam ít thấy trong văn chương.. Chữ báu cũng vậy, có gốc Hán ngoài nghĩa thường còn thêm nghĩa rộng hơn như qu ý trọng, kính trọng, tôn kính.


SÁCH XƯA & NAY

CHỮ

Chúng ta đều biết, Chữ viết là phương tiện truyền đạt ngôn ngữ, văn nói. Sơ thời, hầu hết Chữ viết các dân tộc đều hình thành từ khái niệm tượng hình rất đơn giản để biểu thị cho một sự vật, rồi từ dấu hiệu ấy mà biến hóa, phát triển. Chẳng hạn như ở Trung Hoa, mới đầu, khi muốn chỉ mặt trời (nhật – ngày), cổ nhân vẽ vòng tròn có điểm một chấm ở giữa, rồi sau, đường nét được gò tùy theo ngọn bút biến hóa, trở thành ngay ngắn, vuông lại chứ không cong queo nữa…

Nhằm đáp ứng thỏa đáng nhu cầu chi chép, càng ngày Chữ viết càng được sáng tạo thêm, đa dạng và phong phú. Như vậy, từ “văn tự tượng hình” mang tính biểu ý, dần dần tiến đến biểu âm trên cơ sở đơn giản hóa “mặt chữ”, nghĩa là cố làm cho sự phức tạp trở thành đơn giản, cũng không loại trừ hiện tượng ngược lại để tránh trùng lắp. Nhưng chung nhất và chủ yếu nhất là làm giảm bớt khó khăn để viết, nhớ và đọc được dễ dàng, thuận tiện.

SÁCH

Văn tự cổ xưa nhất hẳn chỉ viết vẽ bằng que hoặc mũi nhọn sắc trên cát, đất, vỏ cây, da thú…

1/ GIẢN ĐỘC

Văn tự phát triển, Đồ thư (địa đồ và thư tịch) ra đời, trước hết, đáng kể nhất là Giản Độc. Giản Độc cũng gọi là “trúc mộc giản” là những đồ thư mà chữ Hán được viết trên “thẻ Tre”, rất phổ biến, từ thế kỷ V TrCN đến thế kỷ III CN, tức trước khi người Trung Quốc phát minh ra Giấy (105 CN) trong khoảng từ thời Đông Chu đến Ngụy, Tấn.

Đại thể, vật liệu chính để làm “giản” là tre hay gỗ, chẻ vót thành thẻ, bề rộng khoảng 1 – 2cm. Rộng 1cm thì mỗi thẻ viết một hàng chữ, rộng 2cm thì viết hai hàng, gọi là lưỡng hành. Giản cũng phân biệt về chiều dài. Giản ngắn, chiều dài khoảng 23cm, tương đương với một thước (xích) dùng viết văn kiện và sách thông thường. Giản dùng viết kinh điển nho gia, dài 24 tấc. Giản viết kinh, truyện thì ngắn hơn một chút, độ hai thước một tấc. Giản dùng viết chiếu thư, dài một thước một tấc, gọi là “xích nhất chi chiếu”. Giản dài ba thước tức là giản ghi luật, lệnh (tam xích pháp).

Giản có thể đóng thành Sách, buộc dây tơ, dây gai, thậm chí dây da. Giản Sách hoàn chỉnh nhất hiện nay hãy còn, còn cả dây buộc. Giản đóng thành Sách rồi thì lấy thẻ cuối cùng làm trục, cuộn lại một cuộn, mặt viết ở trong. Sách cổ Trung Quốc mà chia thành “quyển” bắt đầu như thế.

“Độc” là thẻ gỗ hình trạng như tấm ván, gọi là “bản”, rộng khoảng 6cm, có thể viết năm sáu hàng chữ. Độc dài một thước, phần nhiều dùng để viết thư tín, cho nên hiện nay vẫn gọi là “xích độc”.

Giản Độc, trước khi viết chữ vào phải gia công: nếu là Gỗ thì mặt viết chữ phải bào trơn, nếu là thẻ Tre thì sấy khô cho dễ viết, mà cũng đề phòng mọt, gọi là “sát thanh”.

Giản Độc , đặc biệt là “trúc giản”, vì có thể đóng thành Sách, nên người ta viết văn chương lên thẻ, tập hợp lại thành chương, thành quyển, xâu liền với nhau, cuộn thành cuộn mà cất giữ. Vì vậy Sách viết trên thẻ (giản) gọi là “Giản sách” tức Sách tre. Đó là đồ thư chân chính cổ nhất của Trung Quốc.

Như vậy Giản là một thẻ, chỉ viết được một vài dòng chữ, thường dùng để ghi việc nhỏ. Nếu phải dùng nhiều thẻ để viết việc lớn (dài, nhiều chữ) thì bộ thẻ ấy được xâu kết lại, như nay gọi là trang, tờ. Đó là SÁCH, nói đủ là Giản Sách.

MỰC : Về chất liệu dùng làm Mực, sách cổ chép: Lấy lửa đốt mảnh tre cho chảy mồ hôi ra; lấy nước xanh ấy mà viết, không sợ mọt, gọi là “hãn giản”.

BÚT : Vào thời kỳ này, dụng cụ để viết của văn nhân là “Đao bút” (tức cây bút làm bằng sắt, có tác dụng như con dao, ở chuôi có buộc dây để đeo, xem như vật bất ly thân). Vì viết trên thẻ tre nên họ phải luôn đeo Đao bút bên mình để đẽo và khắc chữ.

2/ BẠCH THƯ (TĂNG THƯ)

Bạch, Tăng đều có nghĩa là Lụa, người ta mới dùng Bút lông (vì đó là loại Sách viết trên Lụa, có từ đời nhà Thương). Bạch thư tuy nhẹ, gọn nhưng không được phổ biến vì Lụa rất đắt tiền, hiếm và khó bảo quản lâu bền. Theo sử sách ghi chép thì Lụa đời Hán khổ hai thước, hai tấc (# 48cm), bề dài không nhất định.

Có hai cách cất giữ Bạch thư: - một là gấp thành nhiều lớp, đại khái dùng cả tấm lụa mà viết – một loại viết trên nửa tấm cuốn theo một trục tre hay gỗ, thành cuộn tròn, có lẽ liên quan đến hình thức “quyển”. Điều đáng chú ý là trước khi viết trên Bạch thư thì lấy Son vạch thành từng hàng đứng, mỗi hàng rộng 6-7cm; lại lấy Mực vạch phía trên một vạch, chừa một khoảng chừng 1cm thành mép trên, mép dưới. Đó là nguồn gốc của một Trang giấy.

3/ SÁCH GIẤY

Đến khi chế được Giấy thì lúc đầu, Sách giấy được cuộn lại, gọi là “hiệp phạn”, mang đi hoặc lật ra đọc rất bất tiện. Sau được đóng kết bằng chỉ, gọi “phương sách”, tiện lợi hơn. Nói về cách viết sách trên Giấy, sách Ký văn của Trần Kiêm đời Tống chép: Người xưa viết sách thường dùng Giấy vàng, lấy hoàng bá mà nhuộm cho khỏi mọt. Có viết lầm chữ nào thì lấy thư hoàng xóa cho sạch, vì thư hoàng với Giấy cùng một màu – cho nên văn chương (thuộc loại) không hay, không dở, gọi là “thư hoàng” (Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ).

4/ SÁCH ĐỒNG

Đồng cũng là một công cụ để khắc chữ. Người ta đã tìm thấy những phiến Đồng có khắc chữ từ 1.000 năm Trước CN.

5/ SÁCH VIẾT TRÊN DA ĐỘNG VẬT

Phổ biến là Da dê, mà hiên nay được biết tại những kho sách quý hiếm của một vài thư viện nổi tiếng trên thế giới vẫn còn. Nó được lưu trữ rất cẩn thận,vì đó là dấu ấn văn minh, là túi khôn con người của một thời đại.

6/ SÁCH LÁ

Trung Quốc cũng dùng Lá để viết. Các điển cố “hồng diệp”, “lá thắm”… gắn với sự tích cuộc tình của Hữu Đế Đô – Lâm Thị, Vu Hựu – Hàn Thúy… cho thấy Lá cây cũng là một loại phương tiện truyền đạt Chữ viết, tuy mang tính nhất thời nhưng lại được dân gian bảo lưu rất trân trọng – nay dù viết trên Giấy người ta vẫn gọi Lá đơn, Lá thư… Đặc biệt, Ấn Độ đã dùng Lá gồi (cọ) và Lá thốt nốt (bối đa diệp) để viết Sách, chủ yếu là chép kinh phục vụ tín ngưỡng tôn giáo.

Ngoài Sách tre, Sách lụa, Sách lá, Sách giấy… Việt Nam chúng ta còn có:

- SÁCH ĐỒNG: hầu hết thuộc tín ngưỡng tôn giáo, chắc là có khá nhiều, nhưng hiện nay còn biết được khoảng 12 cuốn của chùa Láng và chùa Dâu, sách đồng Cầu Không, Đông Lao, Quảng Nam, Mai Phúc – Gia Lâm, chùa Đậu…

- BẢN SÁCH GỖ: Ở Trường Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, dòng họ Nguyễn Huy đang lưu giữ gần 400 bản Sách gỗ độc đáo và quý hiếm, cách đây hơn 200 năm của những nhân kiệt: Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Hổ (với bản sách Mai Đình Mộng ký). Vào những năm trước 1945, dòng họ còn giữ được hơn 1.000 bản sách khắc trên Gỗ. Kháng chiến chống Pháp nổ ra, số sách gỗ bị người dân trong làng đem ra chẻ làm củi đun sưởi ấm vào mùa đông, chỉ còn lại một ít cuốn, về sau được các học giả Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh mượn đem ra Hà Nội nghiên cứu, nay còn lưu giữ tại Thư viện Hán – Nôm. Số còn lại chủ yếu là bản khắc trên gỗ được Thư viện Hà Tĩnh lưu giữ.

TÓM LẠI , Sách ngày Xưa viết bằng tay, được làm từng bản một. Sau này khi con người chế ra được Giấy và kỹ thuật in chữ rời, rồi phát triển lên kỹ thuật in hiện đại như ngày nay, Sách ngày Nay không chỉ được in nhanh, hàng ngàn bản trong nháy mắt, mà Sách cũng đẹp hơn, có cả hình ảnh minh họa với sắc màu rực rỡ, bắt mắt và đặc biệt là giá thành cực hạ, nên hàng ngày, Sách đã trở thành người bạn thân thiết của mọi người.

Cổ nhân đã từng nói:

“Vạn ban giai hạ thứ - duy hữu độc thư cao”

(mọi nghề đều thấp hèn, chỉ có ĐỌC SÁCH LÀ CAO QUÝ)

[Tham khảo: tạp chí Kiến thức Ngày nay và báo Tuổi Trẻ]

Trong chiều hướng tôn vinh Sách và việc Đọc sách, tổ chức Liên Hiệp Quốc ấn định ngày 23-4 hàng năm là Ngày Sách và Bản Quyền Thế Giới, Thành phố chúng ta có Hội Sách lần thứ 7/2011. Và chính chúng ta – những thành viên CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY cũng chúc mừng Bản Tin ra được số 61 và Câu Lạc Bộ được TRÒN 5 TUỔI…

Mừng Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay

Bản Tin ra số 61

Điếm sách, thơ văn các Thành viên

Ngũ Niên chúc mừng !

(Lời mới của bài hát London Bridge)

Chúng tôi xin chúc mừng và cảm ơn:

- Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT

- Dịch giả, Chủ nhiệm VŨ ANH TUẤN

PHẠM VŨ

HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Tượng thờ Công Chúa Huyền Trân tại Huế

Triều đại nhà Trần ở nước ta dưới thời vua Trần Nhân Tôn đã trải qua những trang lịch sử rất hào hùng. Nhà vua vốn đã là một người thông minh, quả quyết, lại có được các quan triều thần có nhiều tài trí, nhất là nhờ có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn giúp sức nên từ năm Giáp Thân (1284) đến năm Mậu Tý (1288) đã đánh đuổi được quân Nguyên (tức quân Mông Cổ) hai lần sang xâm lấn nước ta. Ngoài việc chống xâm lăng từ phương Bắc sang, năm Canh Dần (1290) vua Nhân Tôn mấy lần thân chinh sang Ai-Lao để dẹp trừ các nhóm giặc thường sang quấy nhiễu vùng biên thùy nước ta. Và cũng dưới đời vua Nhân Tôn việc văn học cũng hưng thịnh lắm như đặc biệt có Nguyễn Thuyên(1) dùng chữ Nôm để làm thơ phú, gây được một tinh thần tự chủ trong nền văn học nước ta. Năm Quý Tỵ (1293) Nhân Tôn truyền ngôi cho Thái Tử Thuyên(2) để về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng. Được ít lâu nhà vua xuất gia đầu Phật, trước lên tu tại chùa Võ Lâm phủ Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình sau về ở tại Yên Tử sơn thuộc huyện Hưng Yên, tỉnh Quảng Yên lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, còn gọi là Điều Ngự Giác Hoàng, có lần Ngài đến Bố Chính Trại (tỉnh Quảng Bình) lập Trì Kiên am để ở rồi về ở tại chùa Sùng Nghiêm núi Linh Sơn. Năm Mậu Thân (1308) Thượng Hoàng Nhân Tôn mất tại chùa trên núi Yên Tử, thọ 51 tuổi. Nhưng trước đấy vào năm Tân Sửu (1301) nhân sang Chiêm Thành xem phong cảnh thấy cảnh trí đất nước xinh đẹp và con người của nước lân bang này cũng văn vẻ nên trong lòng nhà vua cũng vơi nhẹ nỗi tự tôn và đã ước gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân. Nhưng trong triều đại của vua Nhân Tôn, ngoài các tướng sĩ đã giúp nhà vua chống giữ giang sơn bờ cõi, còn có sự kiện đặc biệt hơn là bậc nữ lưu cũng có công góp phần mở rộng bờ cõi giang sơn nước nhà, một vị công chúa đã vâng lệnh vua cha về làm vợ của vua Chiêm, cái tước vị hoàng hậu là hiển nhiên với bao nhiêu cao sang quyền quý nhưng dù sao cũng phải thầm khen công chúa đã coi trọng chữ hiếu. Ngoài những sính lễ như vàng bạc châu báu thì hoàng gia nào cũng đâu có thiếu gì, nhưng ở đây lại là một dãy đất giang sơn của đàng trai gồm 2 châu Ô Rí (cũng gọi là Lý) kéo dài từ phía Nam tỉnh Quảng Trị đến phía Bắc tỉnh Quảng Nam, Châu Ô đổi thành Thuận và Châu Lý đổi thành Hóa. Khi Huyền Trân Công Chúa về với vua Chiêm, dù nghiễm nhiên trở thành Hoàng hậu, nhưng buổi đầu khi vào bái yết long nhan vẫn phải giữ lễ quỳ gối cúi đầu trước mặt vua. Chế Mân mới cho nàng ngước mặt lên, thì lạ thay công chúa thấy dung mạo của vua Chiêm là một trang thanh niên khôi ngô tuấn tú, khiến công chúa mừng thầm, những ý nghĩ ban đầu do sự cách biệt tự tôn dân tộc cũng dần như tan biến. Khi tiếp nhận hai châu Ô, Lý xong thì dân Đại Việt từ miền Bắc cũng ồ ạt kéo vào định cư lập nghiệp ở miền đất có tên mới Thuận Hóa và chính Đoàn Nhữ Hài - một thư sinh đang trọ học ở Thăng Long - nhờ làm giùm bài biểu tạ tội say rượu lỡ dịp về dự hội nghị cho vua Anh Tôn để đệ lên Thượng Hoàng Nhân Tôn nên được phong làm Ngự sử Trung tán rồi sau đó phụng mạng đi sứ Chiêm Thành ông bỏ lệ lạy quốc chúa Chiêm Thành, khi về được thăng Tham tri Chính sự. Và sau đó cũng chính Đoàn Nhữ Hài được vua Anh Tôn cử vào quản lý để phủ dụ dân an cư lạc nghiệp ở vùng đất mới Thuận Hóa. Hai nhân vật lịch sử như đã nói ở trên, một nữ lưu là công chúa nhà Trần đã chịu rời bỏ nơi cao sang quyền quý, ngàn dặm ra đi để đánh đổi cho nước nhà thêm được phần lãnh thổ và một là nhà chính trị cũng là nhà ngoại giao có biệt tài, biết giữ gìn quốc thể, thật đều đáng được tôn thờ làm tiền hiền cho đất Phú Xuân ngày nay. Khi về với Chế Mân, công chúa Huyền Trân được phong ngay làm Hoàng hậu với Mỹ hiệu PARAMECVARI, nhưng mối lương duyên Chàm – Việt này chỉ kéo dài được một năm thì vua Chăm băng hà (1307). Vua Trần Anh Tôn được tin bèn sai quan Nhập nội Hành khiển Tả Bộc sự là Trần Khắc Chung và An phủ sứ là Đặng Văn sang Chiêm Thành nói thác là để điếu tang rồi lập mưu đưa công chúa về Thăng Long, để khỏi tuẫn táng trên hỏa đàn theo tục lệ Chàm. Tương truyền Trần Khắc Chung bày kế lập đàn chay ở ven trời vùng biển rồi rước công chúa Huyền Trân ra để cầu hồn vua Chiêm về rồi cùng thể lên giàn hỏa, nhưng khi ra đến bờ biển Trần Khắc Chung đã dùng thuyền nhẹ cướp công chúa vượt ra khơi để hướng về Bắc và hai người đã cố tình cho thuyền lòng vòng trên sông nước mấy tháng trời để thỏa nguyện nghiã cũ tình xưa – khi về đến Thăng Long, vua Anh Tôn vì thương em nên không đá động đến chuyện này. Để kỷ niệm sự tích này người dân miền Thuận Hóa đã đặt ra lời ca, câu hò theo âm điệu đặc biệt rất là Huế cho đến ngày nay đã đi vào văn hóa dân tộc gọi là ca Huế, và những đêm trăng thanh gió mát, trên dòng Hương Giang êm đềm, du khách thường nghe các cô gái đất thần kinh ru hồn khách viễn phương trên những chiếc đò dọc với giọng ca mượt mà mà lời lẽ đã nói lên tâm trạng có phần đắng cay của một vì công chúa khi phải gá nghĩa cùng với vua một dân tộc lân bang vì chữ “hiếu” mà trong lòng chắc không khỏi sinh ra mối mặc cảm tự tôn, dù cho lương duyên kết hợp xem ra rất môn đăng hộ đối… Có người cho rằng sự tích như thể “Chiêu Quân Cống Hồ”: Quá quan này khúc Chiêu Quân – nửa phần luyến chúa nửa phần tư gia(3). Xin kể ra đây một khúc ca Huế(4) theo điệu Nam Bình thường được các ca nhi hát nhất:

Nước non ngàn dặm ra đi(4)

Cái tình chi

Mượn màu son phấn

Đền nợ Ô, Ly

Đắng cay vì

Đương độ xuân thì

Độ xuân thì

Cái lương duyên hay là cái nợ duyên gì?

Má hồng da tuyết

Quyết liều như hoa tàn trăng khuyết

Vàng lộn theo chì

Khúc ly ca

Sao còn mường tượng nghe gì

Thấy chim hồng nhan bay đi

Tình lai láng, bóng như hoa quỳ

Dặn một lời Mân quân

Nay chuyện mà như nguyện

Đặng vài phân

Vì lợi cho dân

Tỉnh đêm lại mà cân

Đắng cay muôn phần

PPT st ghi

----------------

Ghi chú:

(1) Nguyễn Thuyên: cũng có tên là Hàn Thuyên, được coi là Ông tổ của thơ Nôm, rất nổi tiếng với bài “Văn tế cá sấu”; truyền thuyết cho rằng khi bài thơ được thả xuống sông Phú Lương thì cá sấu đi thật nên vua Trần Nhân Tôn ban cho ông họ Hàn, có ý ví với Hàn Dũ đời Đường bên Tàu là người sính văn thơ.

(2) Thái Tử Thuyên: vua Trần Nhân Tôn có 3 con: Anh Tôn Thuyên, Huệ Võ Vương Quốc Chân và Công chúa Huyền Trân. Năm Quý Tỵ (1293) vua Nhân Tôn truyền ngôi cho Thái Tử Thuyên để về Thiên Trường làm Thái Thượng Hoàng, Huyền Trân Công Chúa là em của Thái Tử Thuyên tức vua Trần Anh Tôn.

(3) Truyện Kiều: câu 479 – 480.

(4) Ca dao hay dân ca: là loại hình văn chương lời lẽ mộc mạc xuất phát từ trong dân gian, thường không để lại tên tác giả. Nhưng có người cho rằng bài Nam Bình nói trên là do ông Võ Chuẩn đặt lời. Ông Võ Chuẩn làm Tổng đốc tỉnh Quảng Nam thời kỳ trước năm 1945. Ông là con của cụ Võ Liêm, Thượng Thư Bộ Lễ triều Khải Định; qua đến thời Bảo Đại chánh quyền bảo hộ thay toàn bộ nội các triều đình Huế bằng các vị tân học chỉ trừ Bộ Lễ vẫn giữ lại.

v Đường Huyền Trân Công Chúa nay thuộc quận 1, Tp.HCM là đường ngắn nằm giữa khuôn viên Hội trường Thống Nhất và Công viên tao Đàn, nối liền đường Nguyễn Du với đường Nguyễn Thị Minh Khai.

v Đường Đoàn Nhữ Hài nay thuộc quận 4, Tp.HCM là đường nối liền đường Nguyễn Trường Tộ với bến sông Sài Gòn xuyên qua đường Nguyễn Tất Thành.


NHỮNG CUNG ĐƯỜNG

TUỔI THƠ (tt)

Tác giả: Dương Lêh

3. Tôi đi học

Sau khi “luộc” xong trọn vẹn hơn một ngàn căn nhà vừa ngói vừa lá và vừa các thứ chòi bạt tạm bợ, bà Hỏa có vẽ hài lòng, đắc chí rút lui êm thắm. Vài ngày sau dân tản cư lũ lượt trở về nền nhà cũ của mình để “xí” lại phần đất trên đó vợ chồng con cái của họ đã sống sum vầy, hạnh phúc. Xung đột đã có phát sinh khi một gia đình nào đó đã “cắm dùi” quá phần mình đã có, lấn qua phần đất bên cạnh. Chiến tranh xảy ra. Vũ khí là những khúc gỗ đã bị bà Hỏa đốt cháy dở dang được dùng để phang vào nhau túi bụi. Lính mã tà xuống giải tán. Vài người bị u đầu sứt trán được khiêng qua bệnh viện Phước Kiến băng bó. Hôm sau họ trở về trên đầu quấn một vòng băng trắng giống như để khăn tang càng làm cho khu hỏa hoạn thêm phần tang tóc.

Khu hỏa hoạn trở nên nhộn nhịp mỗi khi có xe chở cơm tới để cứu trợ. Phần thực phẩm cứu trợ gồm có cơm và một món mặn khi thì cá khô chiên đường, khi thì thịt kho, thay đổi qua lại. Hôm tôi theo má tôi ra nhận cơm nhằm bữa có món mặn là cá khô chiên đường. Bữa cơm hôm ấy thật là tuyệt vời. Tôi thấy cơm cứu trợ có vẽ như ngon hơn cơm má tôi nấu ở nhà. Lúc đó tôi lại nghĩ ước gì có cơm cứu trợ ăn mãi chắc là thích lắm. Nhưng chỉ được vài hôm không còn một xe cứu trợ nào đến khu hỏa hoạn này nữa. Nhà nào nhà nấy phải tự lực cánh sinh.

Một tháng sau, tại khu hỏa hoạn này đã có nhiều ngôi nhà lá lúp xúp mọc lên. Nhà tôi ở cũng mới cất trông không đến nỗi tồi tàn lắm, còn có vẽ đẹp hơn ngôi nhà cũ trước khi bị bà Hỏa thiêu rụi.

Gần nhà tôi có một khoảng đất trống nối liền với đường hẻm ăn thông ra đường Cây Mai. Khoảng đất trống này là hai nền nhà đã bị cháy tháng trước nhưng chủ nhà chưa cất lên. Giữa khu đất là một cái giếng, nắp đậy đã bị cháy rụi nên miệng giếng không có thành quách che chắn. Ban đêm đi lại không khéo bị lọt xuống giếng như chơi.

Bọn trẻ chúng tôi thường ra miếng đất trống này thả diều. Khoảng đất trống trải, gió thổi lồng lộng, diều bay cao gần tới những ngọn cây dầu phía trước bệnh viện.

Trong xóm có hai anh em Bé Lớn và Bé Chất, tụi nó đều lớn hơn hai anh em tôi hai tuổi, lại có phần kịch cợm hơn. Chúng thường tấp vào chơi chung với anh em chúng tôi, nhưng luôn luôn chơi gác, chơi kèo trên. Chúng tôi nghỉ chơi thì chúng gây chuyện đánh nhau. Khi cuộc chiến tàn, phần thua thường cầm chắc về phía anh em chúng tôi. Mỗi lần như vậy chúng tôi ôm đầu cổ lấm lem về nấp sau hiên nhà, đợi trời tối lặng lẽ chui vào nhà tắm rửa thay quần áo rồi bưng tô cơm ra góc nhà âm thầm ăn vội vã.

Một buổi chiều, nắng còn tràn ngập trên những ngọn cây dầu trước bệnh viện. Gió thổi mạnh. Vài cánh diều của những người lớn ở xóm trong, lấp loáng ánh chiều, bay trên khoảng trời trong xanh. Tôi đang chạy tới chạy lui bắt đầu thả con diều của tôi cho “ăn gió”, thằng Bé Lớn đột nhiên xuất hiện:

- Mầy đưa diều đây tao thả cho.

Tôi chưa biết nói sao, nó giựt lấy con diều và cái lon làm ống chỉ, rồi vừa chạy thụt lui vừa thả con diều cho ăn gió. Con diều vọt lên rồi lại rớt xuống theo tay của thằng Bé Lớn giựt sợ chỉ, mãi mà không chịu ăn gió. Tôi chạy theo đòi trả lại con diều, thằng Bé lớn chạy ra xa, vừa chạy thụt lùi và vô tình nó lui dần về phía miệng giếng. Đột nhiên nó quay phắt lại hướng về miệng giếng chạy thật nhanh để cho con diều bay cao lên. Chỉ cần hai bước nó đã phóng ngay vào miệng giếng trống trải, không có bờ bao ngăn chận và biến mất. Con diều lắc lư từ từ rớt luôn xuống giếng. Sự việc xảy ra nhanh đến nỗi tôi không kịp la lên một tiếng để làm nó chú ý. Tôi cũng không kịp suy nghĩ là thằng Bé Lớn bị lọt xuống giếng cho đáng đời vì đã giật diều của tôi.Tôi mon men đến gần miệng giếng, nhìn xuống đáy. Thằng Bé Lớn đang bì bõm đi men theo thành giếng, nước chỉ ngang bụng của nó. Tôi chạy đến chỗ má tôi đang ngồi giặt quần áo:

- Má! Thằng Bé Lớn, nó giựt diều của con.

- Nó đâu rồi?

- Nó lọt xuống giếng.

- Mầy nói cái gì?

- Nó lọt xuống giếng rồi.

- Trời đất quỷ thần ơi…

Nói rồi, má tôi đứng lên chạy ra giếng sau khi nhúng hai tay vào thau quần áo cho trôi bọt xà bông. Tôi thấy bà nhìn xuống giếng rồi vội vã quay lưng đi như chạy về hướng nhà ba má thằng Bé Lớn. Một lát sau, ba bốn người lớn chạy túa ra về phía giếng nước. Có hai người khiêng một cái thang dài, đến nơi người ta thòng cái thang xuống giếng và nối thêm một đoạn dây để đưa thang xuống tận đáy.

Cuộc giải cứu thành công. Thằng Bé Lớn được ba nó cõng về nhà. Mình mẩy, đầu cổ nó ướt mem.

Tối đó, khi tôi leo lên giường sửa soạn ngủ, tôi nghe ba tôi “tụng”:

- Sáng mai bà dẫn thằng con mình vô trường Bàu Sen xin cho nó học. Kệ nó, được chữ nào hay chữ nấy, khi nào qua kỳ nghỉ hè xin cho nó vô học trường Nhà nước.Càng ngày nó càng lêu lỏng. Hồi chiều nếu như không phải thằng Bé Lớn mà là con mình nó lọt xuông giếng chắc là tiêu mạng rồi, giờ này tui với bà ngồi đây khóc…

Hình như ba tôi còn tụng nữa nhưng con buồn ngủ đã đậu vào mắt tôi lúc nào không biết.Tôi chìm dần vào giấc ngủ thỉnh thoảng lại “mớ”, la lên như bị ma rượt. Cái bệnh mớ này mải miết theo tôi đến tận ngày hôm nay. Bệnh mớ của tôi rất bén nhạy. Mỗi khi thay đổi môi trường sống ví dụ như vào làm việc tại một công ty, mới chỉ sau vài hôm, tối ngủ tôi sẽ mớ và kể lại đủ thứ về công việc làm. Có lần tôi mớ gọi tên một nữ đồng nghiệp. Sáng ra nghe bà xã kể lại và nói tên cô nữ đồng nghiệp đó. Tôi hoảng hốt và phải cam kết với bà xã là không hề có gì gọi là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” Cũng có khi tôi phải tiếp khách nước ngoài nhiều thì thỉnh thoảng tôi lại ngủ mớ và nói toàn tiếng Anh. Trường hợp này tôi vô cùng thoải mái vì bà xã tôi không biết tiếng Anh nên không phải bị điều tra hạch hỏi.

Sáng hôm sau má tôi kêu tôi thức dậy sớm, sửa soạn theo bà lên trường xin học. “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai” trời không lạnh mà trái lại có phần oi bức, tôi vừa đi vừa chạy theo má tôi băng qua con đường số 5, rồi vượt qua một con đường hẻm là tới trường.

Gọi là trường nhưng thật ra là một căn nhà lá lụp xụp, bên trong khá rộng đủ để hai dãy bàn học trò. Nền đất lại không được bằng phẳng nên bàn ghế cũng nghiêng lên nghiêng xuống theo “sóng” đất. Má tôi nói chuyện gì đó với thầy giáo rồi ra về. Tôi được đưa xuống ngồi vào một cái bàn áp chót, có sẵn ba thằng nhóc đang ngồi ê a đọc mấy chữ gì đó trong quyển sách. Tôi cũng được phát một cuốn sách giống như tụi nó, nhưng lúc bấy giờ tôi chưa học qua một chữ cái nào. Nhìn lên bìa quyển sách tôi mù tịt. Cái bàn cập kênh khi có một đứa đứng lên. Thì ra cái bàn bị hỏng chân ở hai đầu, chính giữa là một mô đất. Đầu bàn có hai đứa có vẽ bự con ngồi để đè cái bàn xuống và phía đầu kia thì nhỏng lên khỏi mặt đất. Hễ có một thằng đứng lên thì đầu bàn bên kia hạ xuống đất. Tôi nhìn chung quanh, mấy đứa khác cũng cỡ tôi hoặc lớn hơn, đứa nào cũng có vẽ ngổ ngáo, quần áo dơ bẩn, quay lên quay xuống nói chuyện ồn ào. Thầy giáo phải nhịp roi nạt mấy lần tụi nó mới im lặng. Dãy bàn bên kia có một thằng leo lên bàn ngồi, thầy lấy cây roi mây phát lên mông thằng nhỏ. Nó quằn quại, khóc ré lên, lăn nhanh xuống ghế. Thầy trẻ hơn ba tôi, bận áo sơ mi trắng, quần tây, chân mang… guốc.

Ngồi được một lát, ông thầy chỉ ngay tôi bảo lên đọc bài, tôi run lên như đang lên cơn nóng lạnh, từ từ bước đến bàn thầy, để quyển sách lên bàn nói ấp a ấp úng:

- Thưa thầy… con mới vô… chưa biết gì hết.

- Sao mầy lại ngồi phía bên đó ?

- Dạ, con hổng biết.

Thầy nạt lớn :

- Đi qua bên kia !

Thuận tay, thầy quất cây roi mây vô mặt tôi mặt tôi đau điếng làm tôi chảy nước mắt. Tôi không dám khóc sợ thầy đánh thêm. Tôi cảm thấy đau rát ở một bên má. Mãi đến sau này tôi cũng không nhớ được tôi đã xớ rớ làm sao đó đến nỗi thầy phết cho một roi vô mặt. Sau đó thầy bảo một đứa con gái đọc từng chữ cái cho tôi đọc theo. Đến trưa thầy cho ra về. Tôi lơn tơn bước ra khỏi lớp, vừa qua đường hẻm gặp má tôi đến đón. Gặp bà tôi vừa mếu máo vừa kể chuyện bị thầy quất roi vô mặt. Nhìn thấy lằn roi còn in rõ trên mặt tôi, má tôi tức khắc dẫn tôi quay trở lại trường. Bà muốn hỏi tội ông thầy. Đúng vậy. Gặp thầy đang chuẩn bị ra về, má tôi kéo tôi lại, chỉ vào mặt tôi, hét tới tấp vào ông thầy giáo. Không biết có phải vì thấy má tôi quá dữ dằn hay thấy má tôi có vẽ không phải người… phàm mà thầy giáo tự nhiên xuống nước xin lỗi quá trời. Má tôi còn giảng “mo-ran” cho thầy giáo một “tăng” nữa rồi hậm hực lôi tôi ra về.

Buổi học đầu tiên trong đời của tôi kết thúc thật là lãng nhách. Có lẽ đây là điềm báo hiệu con đường khoa cử của tôi sau này sẽ vô cùng lận đận…

Ngày hôm sau ba má tôi cho phép tôi được nghỉ học ở nhà. Và rồi giống như ba tôi đã dự tính, dù tôi coi như chưa có con chữ nào trong bụng, hết hè năm đó má tôi xin được cho tôi vào học ở một trường Nhà nước. Đó là trường Chợ Quán, bây giờ là trường tiểu học Kim Đồng, nằm trên đường Trần Hưng Đạo.

Tôi được cho vào học lớp Năm, còn gọi là lớp Chót, hay nói theo tiếng Tây là Cours Enfantin, bây giờ là lớp Một. Việc học hành của tôi đã diễn ra êm đềm đến nỗi giờ đây tôi không còn nhớ gì cả. Đến khi tôi lên được lớp Ba, tôi bắt đầu có ý thức rằng tôi đang đi học. Hồi đó lớp Ba còn gọi theo tiếng Tây là Cours Élémentaire. Nhãn vở, còn gọi là étiquette, cũng được ghi bằng tiếng tây ví dụ như thay vì ghi tên trường thì dòng đầu tiên trên nhãn vở ghi là École…, học trò điền tiếp theo chữ Chợ Quán.Tôi được xếp vào lớp Ba Đ, chữ élémentaire được cô giáo ghi tắt lên bảng là Cours Élém. Đ. Còn tên học trò thì ghi tiếp theo chữ appartenant à… Khi cô giáo kiểm tra vở cô phát hiện có rất nhiều đứa, hầu hết là con gái, đều ghi sai ở dòng lớp học là Cours Chém. Đ, thay vì Cours Élém. Đ. Cô xé tất cả những étiquette bị viết sai và bắt phải làm lại. Đứa nào làm sai cô kêu lên xoè hai bàn tay để cô quất cho mỗi bên một thước kẻ. Cô giáo tên là Cô Bảy, ốm nhom, khoảng bốn chục tuổi, bới tóc để xệ xệ sau lưng. Tôi còn nhớ cô không có chồng, có lẽ vì vậy mà cô dữ lắm. Cô ngồi trên ghế ở bục giảng thấy đứa nào nói chuyện, cô phóng cây thước kẻ bằng gỗ bay vèo trúng ngay đầu đứa đó. Học trò lớp cô Bảy bị u đầu vì ăn thước kẻ theo kiểu này là chuyện thường. Cô còn có một cây roi mây dài để quất vào mông những đứa quậy trong lớp như là đánh nhau, trốn học, không chịu học bài.

Một hôm nhằm giờ Thủ Công. Học trò cắt giấy màu thành hình các chữ cái rồi dán vào vở để rồi nộp lên cho cô chấm điểm. Cả lớp tập trung làm bài không phải trong im lặng mà xôn xao, nói chuyện qua lại, Cô giáo thỉnh thoảng nhịp cây roi mây lên bàn tay phải cầm cây thước kẻ rình phóng vào đứa nào quay tới quay lui, nghịch ngợm. Tôi dùng cán viết cho vào lọ keo của thằng bạn xin một miếng keo ngoáy lại thành một cục tròn ở đuôi cán viết rồi để lên bàn cho lòi phần keo ra khỏi rìa bàn. Tôi lại ngồi bàn đầu nên phần keo của cán viết nằm lấn vào lối đi. Tôi đang nắn nót cắt tờ giấy màu thành hình chữ A, thì cô giáo nhịp roi lên bàn và la im lặng rồi bước xuống bục bước ra cửa đi qua lớp bên cạnh. Cắt xong chữ A, tôi tìm cây viết để lấy keo dán vào vở. Lạ quá, cây viết biến đâu mất tiêu. Tôi khòm lưng xuống tìm ở dưới gầm bàn. Không có. Mấy đứa ngồi bên cạnh tôi chắc chắn không lấy vì mỗi đứa đều có một hủ keo để trước mặt. Tôi đang loay hoay định xin thằng bạn bên cạnh miếng keo để dán thì cô giáo bước vào như một cơn lốc. Cô chìa cây viết của tôi trước mặt thằng bạn bên cạnh:

- Cây viết này của thằng mọi nào ?

- Dạ không phải của con. Thằng bạn đáp.

Nhìn sang thấy tôi đang ngơ ngác, Cô hỏi:

- Của mầy ?

Vừa nghe tiếng “dạ” yếu ớt của tôi, cô giáo đập cây viết xuống bàn nghe một cái rầm, rồi với tay lên bàn cô lấy cây thước kẻ phang vào đầu vào vai tôi tới tấp. Đau quá, tôi đứng lên băng ghế định leo ra bàn sau bỏ chạy, vừa la:

- Con xin lỗi cô !

May quá, cô đã ngưng đánh, bước lên bục, ngồi vào ghế với tay lấy chai nước đổ lên vạt áo dài, rồi lấy hai tay vò như đang tẩy rửa cái gì đó. Thì ra, với bộ óc đứa con nít chín tuổi, tôi đã hiểu được rằng cô giáo đã xớn xác khi đi ngang qua bàn tôi để vạt áo dài phết vào cán viết đang đính đầy keo và mang cây viết đi toòng teng ở vạt áo dài sang lớp bên cạnh.

Năm đó tôi học hành không ra làm sao hết. Vào trường học với một cô giáo dữ như cọp, đầu óc tôi như cục đất sét không tiếp thu được gì, cuối tháng xếp hạng, tôi “đội sổ” tức là đứng hạng chót, có tháng giỏi lắm cũng “a-văng đẹc” theo tiếng Tây là avant dernier có nghĩa là áp chót. Và rồi cuối năm tôi được xếp vào nhóm redoublant, tức là lưu ban, là mua cái lớp Ba này thêm một năm nữa… (còn tiếp)

CƯỜI CHÚT CHƠI,

CHUYỆN VUI TRĂM CHỮ (mots)

Tiếng địa phương:

Hai nông dân thuộc một tỉnh miền Trung, gặp nhau ở giữa đường. Anh này nói với anh kia: hôm qua, qua(1) nói qua qua nhưng dặn(2) quá qua qua không được, thôi để ngày mai qua qua. Một anh nông dân quê miền Nam đi ngang qua đấy, suy nghĩ không biết hai anh chàng kia nói với nhau những gì mà mình nghe “oa, oa” không hiểu nổi, bèn ghé vào quán nước gần đấy hỏi, thì ra: hôm qua tôi nói tôi qua anh chơi, nhưng bận việc quá, không qua được, thôi để ngày mai tôi qua.

Tên gọi địa phương:

Một anh đi xe đạp, người miền Bắc, xe hỏng anh ta xuống bộ giắt xe đi một quãng, gặp bên vệ đường có treo bảng “sửa xe”, ghé vào nhờ chữa. Anh ta nói: xe tôi đang đi tự nhiên, đạp được nhưng xe không quay bánh. Thợ mở xe ra xem, mới à lên: xe bị “trật con cóc”. Chủ xe nói: ngoài tôi gọi cái đó là “con cá”. Một người ngồi uống nước gần đấy mới nói: cái đó cũng thường hư, mà người ta gọi là “trật con chó” chứ có cá, cóc nào.

Thằng bé khó tính:

Thời tiết miền Nam(3) nước ta, trời sắp sửa chuyển mùa; nắng qua mưa nên có những ngày rất oi bức. Cu Tèo gặp những ngày này không chịu nổi nên cứ khóc lè nhè cả ngày, mẹ cũng không khuyên được, gặp khi cơn mưa đổ xuống, trời mát dịu hẳn lại. Cu Tèo vẫn cứ khóc, mẹ gắt: Trời mưa xuống rồi, mát mẻ lại cũng cứ khóc là sao? Cu Tèo nói: Trời mưa không cho con đi thả diều. Thằng bé quả thật điển hình cho người hay có tính: nắng không ưa, mưa không chịu.

PPT ghi

Chú thích:

(1) Qua: tôi.

(2) Dặn: tiếng miền Trung có nghĩa là bận việc.

(3) Thời tiết miền Nam: Miền Nam chỉ có hai mùa (miền Nam mưa nắng hai mùa). Mùa mưa bắt đầu từ giữa tháng 5 dương lịch cho đến giữa tháng 11 dương lịch. Sau đó tiếp giáp là mùa nắng. trước lúc chuyển mùa, thường có những ngày rất oi bức hoặc những trận mưa lớn.

CƯỜI THÊM TÍ NỮA

1. Tại một trường đại học, người ta yêu cầu sinh viên viết một câu chuyện cực ngắn nhưng vẫn phải bao gồm đầy đủ 4 nội dung: Tôn giáo, Phong kiến, Tình dục và Huyền bí. Bài được giải cao nhất thế này: “ Lạy Chúa”- Nữ Hoàng tự nhủ. “Ta có thai rồi. Không hiểu là gã nào nhỉ?

2. Bài luận ngắn Một cậu học sinh vừa dốt vừa lười, gặp bài luận có đầu đề: “Em hãy tả lại một vụ đắm tàu” Nghĩ nát óc trong năm mươi phút, sau đó cậu học sinh viết liền một mạch: “ Thuyền trưởng đã không kịp phản ứng khi cơn bão biển ập tới. Trong vòng 30 giây, con tàu đã chìm. Không có thêm tin tức gì vì không còn người nào sống sót

3. VỢ = WIFE trong đó bao gồm:

W = Washing (giặt giũ)

I = Ironing (Là, ủi)

F = Food (Nấu ăn)

E = Entertainment (Giải trí)

CHỒNG = HUSBAND trong đó bao gồm:

H = Housing (Xây nhà)

U = Understanding (Biết điều)

S = Sharing (Chia sẻ)

B = Buying (Mua sắm)

A = And (và)

N = Never (Không bao giờ)

D = Demanding (Đòi hỏi)

4.Sao phải đợi một nụ cười mới trở nên thật xinh tươi? Sao phải đợi đến lúc cô đơn mới nhận ra giá trị của một người bạn? Sao phải đợi được yêu rồi mới đem lòng yêu người ? Sao phải đợi có một chỗ làm tốt mới bắt đầu công việc? Sao phải đợi có thật nhiều rồi mới chia sẻ một chút? Sao phải đợi thất bại mới nhớ đến một lời khuyên? Sao phải đợi một nỗi đau rồi mới nhớ đến một lời ước nguyện? Sao phải đợi có thời gian mới đem sức mình ra phục vụ? Bạn ơi, sao phải đợi? Bởi có thể rằng bạn không biết bạn sẽ phải đợi đến bao lâu… bạn mới có gia đình và có… con?

5.Một hành khách trẻ nhập cảnh vào Mỹ, điền vào cột " SEX" của Tờ Khai Nhập Cảnh như sau: “Twice a week“. Viên chức cục nhập cảnh trố mắt nhìn và cố giải thích: "No , no , Male or Female, please!" Anh chàng thản nhiên trả lời: "It doesn’t matter!"

6.Một chàng trai gửi tin nhắn SMS cho cô gái mình đang để ý với nội dung như sau: "Em ơi! Khi em đọc tin nhắn này, em nợ anh cuộc hẹn. Xóa tin nhắn này, em nợ anh cuộc tình. Lưu tin là em nợ anh 1 nụ hôn. Trả lời anh, em nợ anh tất cả. Còn nếu em không trả lời... thì em đã yêu anh.

7.Có bạn gái xấu là bất tài. Có bạn gái đẹp là bất an. Có bạn gái giỏi hơn là bất xứng. Có bạn gái dốt là bất hủ. Có bạn gái dữ là bất hạnh. Bị bạn gái chê là bất lực. Bị bạn gái ghen là bất bình. Đánh bạn gái là bất nhân. Lén bạn gái đi uống bia ôm là bất trung. Vì bạn gái bỏ bạn là bất nghĩa. Vì bạn bỏ bạn gái là bất tin. Tin bạn mà mất bạn gái là bất cẩn. Lời bạn gái dạy là bất tử. Cãi lời bạn gái là bất kính. Cãi cha mẹ bạn gái là bất hiếu. Nhưng không có bạn gái là bất bình thường...

MĐ st

BẠN TÔI

Bạn tôi năm nay hai mươi lăm tuổi lần thứ ba. Anh không rượu chè, cờ bạc, thuốc lá cũng không. Tứ đổ tường anh tránh được ba, nhưng bị bức tường thứ nhì đè, và đè chết luôn, vì anh có đúng một tá Mẫu Hậu. Bảy lăm, mà anh đi đứng, làm việc như một tráng niên. Được hỏi sao giữ được như vậy, anh trả lời vắn tắt: “Âm vượng thì Dương… cường!” Anh dáng người nhỏ nhắn nhưng được quý bà gọi là David, kẻ đã đánh thắng rất nhiều GoliathsHơi bị lạ

BẠN TÔI II

Bạn tôi không được giới văn nhân, nghệ sỹ ưa thích lắm. Tôi tìm hiểu tại sao và được biết câu chuyện tức cười sau đây: Trong một cuộc hội thảo mà anh tham dự, anh đã thấy rất rõ là các thành viên chẳng ai chịu ai, và vị nào cũng là cái rún của vũ trụ. Nên khi đến lượt anh lên phát biểu, anh đã đưa ra một đề nghị vừa tếu, vừa…khá ác liệt.

Nguyên văn như sau: “Vì quý vị ai nấy đều là những CÁI RÚN CỦA VŨ TRỤ, nên tại hạ đành phải xin làm CÁI BỤNG. Là rún quý vị cư ngụ trên lãnh thổ của cái bụng, ngày nào quý vị ăn ở đàng hoàng, tốt đẹp, thân thiện, tử tế thì không sao, nhưng nếu quý vị dở chứng ăn ở không đàng hoàng, ác ôn, bất lương, thì tại hạ phải buộc lòng di chuyển quý vị xuống phía dưới, nơi Hố Thẳm của Tăm Tối

Đó chính là lý do khiến bạn tôi không được ưa thích !

QUÁ GIỎI

NHƯNG CHƯA LÀ CÁI GÌ CẢ…

Lý Toét : Này bác Xã (Xệ), bác thấy không? Con người chúng ta ngày nay thực tài giỏi, phải nói là tài giỏi khủng khiếp, này nhá, con người đã lên và tất nhiên là đã “đi tè” trên mặt trăng, đã “vuốt má” chị Hằng, rồi mấy chục năm trước đây đã phát minh ra máy vi tính, phải nói là thần thông khi từ bên này trái đất, con người có thể liên lạc với bên kia trong một tích tắc, nhất là còn có cái phô tô sốp, phô tô xiếc gì đó, thì cái chết tiệt gì nó cũng làm được. Khủng khiếp không?

Xã Xệ : Quả là con người đã làm được nhiều điều kì diệu, có thể nói không ngoa là thần thông.

Nhưng, này cho em hỏi anh Lý (Toét) nhé: Con người đã làm được gì chống lại Thiên Nhiên chưa?

Chỉ cần Thiên Nhiên nổi giận làm nóng độ 70,80 độ, hoặc làm rét độ 70, 80 độ âm, là tay chung tay dắt nhau đi hết! Thật lạ tại sao Con Người lại không biết nghĩ đến điều đó ĐỂ MÀ ĂN Ở TỬ TẾ, TỐT LÀNH VỚI NHAU NHỈ!

Lý Toét : !!!

V.A.T



Phụ Bản VI

Thơ Vui Anh & Pháp

Poupée yêu quý của anh


Le temps ngày tháng xuôi dòng

Công phu kết quả thỏa lòng rêver

Giã thầy anh đã quitter

Le cours thầy dạy anh về Pháp văn


Le bonze tiếng gọi sư tăng

Aimer yêu dấu, la femme má hường

Ce sont những chữ thông thường

Que anh đã học tỏ tường vân vân


Succès dẫu có đôi phần

Chômer anh vẫn còn sans việc làm

Divers hãng sở nộp đơn

Anh đều thất bại demande trả về


Lòng sầu lệ muốn tomber

Lời đâu mà cạn mọi bề douleur

Ennuis tràn cả mon Coeur

Òu cà kiếm việc bây giờ chérie?


Ici nhận dạy dancer

Mener 3 tháng cam đoan thành tài

La vie sở sở xoay xoay

Họa chăng như thế hòng tìm le riz


Sincère anh hỏi chérie

Kế này áp dụng cho mình ou non

Đợi chờ em gởi réponse

Chúc em vui vẻ tấm lòng fidèle


Je t’écris tình thơ une lettre

Để cho mình connaitre mon Coeur

Depuis mình quitter “je”

Bonheur cũng lắm mà malheur cũng nhiều


Bài học Anh Văn


LONG dài, SHORT ngắn, TALL cao

HERE đây, THERE đó, WHICH nào, WHERE đâu

SENTENCE có nghĩa là câu

LESSON bài học, RAINBOW cầu vồng


HUSBAND là đức ông chồng

DADDY cha-bố, PLEASE DON’T xin đừng

DARLING tiếng gọi em cưng

MERRY vui thích, cái sừng là HORN


Rách rồi xài đỡ chữ TORN

TO SING là hát, A SONG là bài

Nói sai sự thật TO LIE

GO đi, COME đến, một vài là SOME


Đứng STAND, LOOK ngó, LIE nằm

FIVE năm, FOUR bốn, HOLD cầm, PLAY chơi

ONE LIFE là một cuộc đời

HAPPY sung sướng, LAUGH cười, CRY kêu


LOVER đích thực người yêu

CHARMING duyên dáng, mỹ miều GRACEFUL

Mặt trăng là chữ THE MOON

WORLD là thế giới, sớm SOON, LAKE hồ


Dao KNIFE, SPOON muỗng, cuốc HOE

Đêm NIGHT, DARK tối, khổng lồ GIANT

GAY vui, DIE chết, NEAR gần

SORRY xin lỗi, DULL đần, WISE khôn


BURY có nghĩa là chôn

OUR SOULS tạm dịch linh hồn chúng ta

Xe hơi du lịch là CAR

SIR ngài, LORD đức, thưa bà MADAM


THOUSAND là đúng mười trăm

Ngày DAY, tuần WEEK, YEAR năm, HOUR giờ

WAIT HERE đứng đó đợi chờ

NIGHTMARE ác mộng, DREAM mơ, PRAY cầu


Trừ ra EXCEPT, DEEP sâu

DAUGHTER con gái, BRIDGE cầu, POND ao

ENTER tạm dịch đi vào

Thêm FOR tham dự lẽ nào lại sai


SHOULDER cứ dịch là vai

WRITER văn sĩ, cái đài RADIO

A BOWL là một cái tô

Chữ TEAR nước mắt, TOMB mồ, MISS cô


May khâu cứ bảo là SEW

Kẻ thù gọi đại là FOE chẳng lầm

SHELTER tạm trú ở hầm

Chữ SHOUT la hét, nói thầm WHISPER


WHAT TIME là hỏi mấy giờ

CLEAR trong, CLEAN sạch, mờ mờ là DIM

Gặp ông ta dịch SEE HIM

SWIM bơi, WADE lội, DROWN chìm chết trôi


MOUNTAIN là núi, HILL đồi

VALLEY thung lũng, cây sồi OAK TREE

Tiền trường là đóng SCHOOL FEE

Cho tôi dùng chữ GIVE ME chẳng lầm


TO STEAL tạm dịch “cầm nhầm”

Tẩy chay BOYSCOTT, gia cầm POULTRY

CATTLE súc vật, ong BEE

SOMETHING TO EAT chút gì để ăn


LIP môi, TONGUE lưỡi, TEETH răng

EXAM thi cử, cái bằng LICENSE...

Đến đây xin hết bài học Anh-Văn

J' écris vài chữ suivants


J' envoie thăm hỏi amant đăng trình

Toute seule dòng lệ rung rinh

Cigogne phận thiếp một mình gian nan

Depuis thiếp bén duyên chàng


Plaisir tính lại nồng nàn mấy khi.

Mission chàng đã fini

Trách le ciel khéo bày chi lỡ làng

La cour mousse mọc lune tàn


Bonheur ai nỡ bẽ bàng thế ni

Lạnh lùng với chiếc chemise

L' automne trằn trọc au lit một mình

Mon coeur cảm thấy bất bình.


Mes pleurs nó chảy thật tình khôn ngăn

Dù chàng đổ xuống l' argent

Rồi đây thiếp chẳng contente được nào

Ma vie rồi sẽ ra sao ?


Garçon một trẻ thiếp giao cho chàng

Để chàng nuôi tại la France

Còn riêng thiếp ẵm về làng une fille

Thôi thôi chàng cứ parti

Đông Ba đợi thiếp Paris chờ chàng.


Bức thư trả lời


Bạc đông (Pardon) tiếng Việt nông (non) rành

Me moa (mais moi) vẫn nhớ le măng (l'amante) bô' cù (beaucoup)

Vít tờ (vite) moa viết cái thư

Rề bông (répondre) vài chữ kẻo ư toa buồn


Xe cờ (c' est que) moa nhớ toa luôn.

Nhớ xin hù ếch (silhouette) trẻ (très) buồn của mi

Đè mông rờ tựa Paris (Dès mon retour à Paris)

Dua, nuy (Jour, nuit) giơ bắn (je pense) li bì à toa


Lô tôm (l' automne) mình moả (moi) sắc xoa (chaque soir)

Ô xôn (au sol) phơi mọt (feuilles mortes) bay xa vàng khè

Xông đờ la lốt (son de la cloche) dội về

Mơ phe (me fait) thêm trích (triste), Huế tê (été) nhớ về


Ắc tăng đê moả (attendez moi) đừng mê ô còn (aucun)

Trả vay (travail) chịu cực nuôi con

Giăng voa (J' envoie) mỗi tháng tiền còm cho toa

Xôn đa (soldat) hết hạn về nhà


Xét sờ (Cherche) đủ cách đưa toa qua liền.


RÔ - BIN - SƠN (tiếp theo)









ĐÍNH CHÍNH Bản tin 59 Trang 102, phía dưới:

1) Hễ Dương Hư thì Âm Thắng sửa là: Hễ Âm Hư thì Dương Thắng
2) Hễ Âm Hư thì Dương Thắng sửa là: Hễ Dương Hư thì Âm Thắng Trang 103, phía dưới: do người vợ không vụng về sửa là: do người vợ vụng về
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế