VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 13/4/2013 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY Trong buổi họp ngày hôm nay có một khách mời của Lm Triết là một chuyên gia về in sách, và nhà thơ nữ Phạm Thị Minh Hưng, đồng tác giả tập thơ Đêm Hoa Lửa với nhà thơ nữ Đàm Lan, một người có rất nhiều bài thơ và bài viết trên Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay. Sau khi hai vị khách có mấy lời tự giới thiệu, như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 1 cuốn sách và một bộ sách bằng Pháp văn tương đối cổ. Cuốn sách được giới thiệu nhan đề là “Aphrodite” của nhà văn Pháp nổi tiếng Pierre Louys, được nhà xuất bản Eugène Fasquelle ở Paris in năm 1923 (90 năm trước). Cuốn sách khổ 11cm x 18cm và dày 338 trang, bên trong có hàng trăm hình minh họa (phần lớn vẽ phụ nữ khỏa thân) bằng bút sắt cực đẹp bởi một họa sĩ chuyên vẽ minh họa nổi tiếng tên là A. Calbet. Tựa đề của cuốn sách là Aphrodite, và đây là tên Nữ Thần Tình Yêu và Sắc Đẹp của cổ Hy Lạp cũng tương tự như Nữ Thần Vệ Nữ của La Mã. Ngay dưới tựa đề tác giả có ghi là “Các phong tục cổ” (Moeurs antiques), và là một truyện tình đầy chi tiết ly kỳ rối rắm giữa hai nhân vật Chrysis tóc vàng, một người đẹp được không biết bao nhiêu là chàng trai theo đuổi, ham muốn, và Démétrios, một Kiến trúc sư đẹp trai và rất nổi danh, cũng được rất nhiều phụ nữ, không biết cơ man nào mà kể, theo đuổi. Tuy nhiên cuốn sách hấp dẫn người viết nhất là vì nó được coi là một tác phẩm phong tình hàng đầu của Pháp, đồng thời nó cũng chứa đựng hàng trăm hình vẽ quý bà khỏa thân bằng bút sắt cực kỳ đẹp, và cũng đã 90 tuổi đời. Bộ sách Dịch giả Vũ Anh Tuấn giới thiệu sau cuốn Aphrodite gồm 2 tập nhan đề là “Các cuộc viễn chinh ở Trung Hoa và Nam kỳ” (Les expéditions de Chine et de Cochinchine) của Nam tước (Baron) de Bazancourt (*) được nhà xuất bản Amyot in tại Paris vào năm 1861 (tập 1) và 1862 (tập 2), khổ 14x22cm, tập 1 dày 426 trang và tập 2 dày 413 trang, cả hai cuốn đều chỉ toàn chữ không hề có một minh họa hay bản đồ nào. Thoạt đầu khi thấy cả bộ sách chẳng có hình vẽ nào, người viết không thấy hứng thú lắm, ngoại trừ việc hai cuốn sách đã được 152 năm tuổi, nhưng sau khi dở phần mục lục ở cả hai cuốn, người viết tự nhủ phải mua cho được bộ sách này. Lý do là trong đời chơi sách của mình, người viết chưa bao giờ gặp bộ sách nào có phần mục lục dài (tập 1 dài 12 trang, và tập 2 dài 13 trang) và chi tiết như trong bộ sách này; ngoài ra còn có 16 văn bản để biện minh đi kèm. Lướt qua mấy chục trang mục lục, người viết thích quá vì thấy, với bộ sách này, mình có được trong tầm tay toàn bộ những sự việc, sự kiện đã diễn ra khi bọn Thực dân Pháp mới toan tính và mới đặt chân lên đất Nam kỳ của chúng ta. Điều thích thú này đã khiến người viết phải chịu một giá hơi “cứa cổ” của anh bạn “Trung thương gia” đã cất công mang bộ sách từ Pháp về. Sau phần giới thiệu một vài thành viên đã thích thú cầm xem mấy cuốn cổ thư. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, anh Dương đã lên nói vài lời về một truyện ngắn đã được in trong một tập truyện ngắn, nghĩa là đã được in thành sách, nhưng lại bị phê phán, phản đối sao đó, nhưng rồi kết quả là vẫn được bán và rao bán cả ở trên mạng nữa. Sau anh Dương, anh Hữu đã lên ngâm một bài thơ tặng các thành viên. Anh Hữu ngâm thơ xong thì Bs Nguyễn Lân-Đính lên giới thiệu một cuốn sách bằng Anh Ngữ nhan đề là “Chống Ung thư, một cách sống mới” (Anti-cancer, a new way of life) của David Servan-Schreiber (1961- 2011) một bác sĩ Pháp bị khối u ở não năm 31 tuổi, và ông đã, trong suốt 20 năm, tự nghĩ ra một phương thức ẩm thực chống trả lại căn bệnh hiểm nghèo của mình. Cuốn sách của ông được dịch ra 35 thứ tiếng. Cuối cùng ông đã qua đời ở Fécamp (Normandie) ngày 24-7-2011. Là chuyên gia dinh dưỡng, BS. Đính thấy cuốn sách quá hay nên giới thiệu với anh em thành viên. Sau khi Bs Đính nói xong, Lm Triết nhắc lại việc lựa chọn và xúc tiến chuyện in Tuyển Tập Thơ của chính các thành viên CLB Sách Xưa và Nay, và mọi người đã hào hứng tham gia bàn cãi và chỉ định 5 thành viên lo việc tuyển chọn các bài thơ sẽ được in vào Tuyển Tập. Kế đó, anh Chử đã lên “hát thơ” bài thơ Nhà Tôi để tặng các thành viên. Buổi họp kết thúc thật vui vẻ lúc 11 giờ 15 cùng ngày. Vũ Thư Hữu (*) Tác giả này cũng không hề được nhắc tới trong các Tự Điển Văn Học của Pháp ngày nay.
VÀI CẢM NGHĨ VỀ LỢI ÍCH THIẾT THỰC CỦA SÁCH CỔ VÀ VỀ MỘT CHUYỆN NHỎ CẦN ĐƯỢC LÀM SÁNG TỎ Là người yêu sách, mê sách và chơi sách từ thuở thiếu thời, người viết luôn quan niệm rằng “chơi sách không chỉ là thỉnh thoảng mang sách ra ngắm nghía, mơn trớn, vuốt ve, như có người đã nói, mà còn phải đọc cuốn sách mình chơi để biết nội dung và các kiến thức sách chứa đựng, sau đó lại còn phải biết sử dụng, phổ biến, và chia sẻ các kiến thức đó với những người yêu sách khác. Câu truyện người viết xin kể sau đây là một minh chứng rõ rệt về lợi ích thiết thực của sách cổ. Mới đây, người viết tình cờ được có trong tay một cuốn sách cổ bằng Pháp văn được xuất bản năm 1884 (129 năm trước) mang tựa đề là “Tư lệnh Rivière và cuộc viễn chinh ở Bắc kỳ” (Le commandant Rivière et l’expédition du Tonkin) của tác giả Charles Baude de Maurceley. Cuốn sách được in ở Ba Lê, thủ đô của nước Pháp. Có cuốn sách cổ trong tay, người viết tò mò đọc ngay và thấy một điều mới lạ mà trước khi gặp cuốn cổ thư người viết không hề biết. Đó là việc Đại Tá Hải quân Henri Rivière, người đã đánh chiếm và thủ thành Hà Nội (1882), ngoài chuyện là một quân nhân, ông ta còn là một văn nhân với khá nhiều tác phẩm. Thấy chi tiết này hay hay, người viết liền giới thiệu trên một trang mạng ở Pháp. Xin nói thêm là tình cờ người viết thời học tiểu học, lại học ngay tại ngôi trường mang tên Henri Rivière, ở bên cạnh Bưu Điện Hải Phòng. Điều này cho thấy rõ ràng là cuốn cổ thư có lợi ích rất thiết thực, vì không có nó thì người viết khó mà có cơ hội để biết là Rivière, ngoài việc là quân nhân, còn là một văn nhân. Thực vậy, ngay với các tự điển hàng đầu như Larousse, Henri Rivière chỉ được cho biết là một sĩ quan Hải quân đã đánh chiếm và phòng thủ thành Hà Nội năm 1882, và chấm hết. Tiện đây người viết cũng xin nói lên một điều mà, do thích đọc, và đã đọc rất nhiều các tác giả Pháp viết về Đông Dương như Jules Boissière, Jean Ajalbert, Henri Daguerches, Marcel Gaultier, Jean Marquet, Jean Ricquebourg, Jean d’Esme, Albert de Pouvourville, Paul Bonnetain… người viết thấy rất rõ là hầu như tất cả các tác giả Đông Dương, thời thuộc địa này đều không được đưa vào các tự điển Văn Học lớn, bé của Pháp, chả hiểu vì lý do gì? Do đó, qua sự việc này ta có thể thấy rõ lợi ích thiết thực của cổ thư, nếu được sử dụng đúng mức, là không thể không chấp nhận. Cùng với việc bài viết về Henri Rivière được đăng tải trên mạng Newvietart ở Pháp, người viết đã được một độc giả chất vấn qua mạng là sao lại dịch từ “Commandant” là “Tư lệnh” vì theo vị độc giả này thì từ “Commandant” còn có nghĩa trong tiếng Việt là Đại Tá, và vị độc giả này muốn người viết cho hay, nếu Rivière là Tư lệnh thì là Tư lệnh đơn vị nào, binh chủng nào? Người viết đã vui vẻ hồi âm và trích dẫn mấy đoạn trong cuốn sách để giải thích là Rivière là Tư lệnh các Lực Lượng Viễn Chinh của Pháp ở Bắc Kỳ, một chức vụ mà ông ta được truy phong 2 ngày sau khi ông ta tử trận ở Ô Cầu Giấy vào năm 1883. Lời giải thích và trích dẫn của người viết đã được vị độc giả đồng thuận và đã gửi lời cảm ơn người viết qua mạng nói trên. Tuy nhiên, chính vì khi xem lại cuốn sách và đưa ra mấy trích dẫn để giải thích, người viết mới thấy có cơ hội để làm sáng tỏ một vấn đề rất nhỏ, nhưng nếu không làm sáng tỏ và tiếp tục hiểu không rõ ràng thì dễ bị nam ngoại nó cười, mà người viết thì là kẻ “bài nam ngoại” từ bé, vì từ khi đi học ở chính cái trường mang tên Henri Rivière ở Hải Phòng, người viết đã nhiều lần đấu võ với lũ tây con, nhất là với mấy nam ngoại “nai” (lai), vì với lũ này,thì phải nói là, thực là khó mà “ngửi” nổi bọn chúng! Vấn đề rất nhỏ đó là định nghĩa chính xác của từ “Commandant” trong tiếng Việt. Khi được chuyển dịch qua tiếng Việt từ “Commandant” chỉ có những nghĩa sau đây: Thiếu tá (trong Lục quân) – Chỉ huy hay Tư lệnh (trong phạm trù chức vụ, chứ không phải cấp bậc) – Thuyền hay Hạm trưởng (cũng trong phạm trù chức vụ) và dấu hiệu rõ ràng nhất của cấp bậc Thiếu tá (Commandant) là cái lon gồm có 4 vạch. Do đó từ “Commandant” trong tiếng Pháp không thể chuyển dịch thành Đại tá nhất là Đại tá Hải quân vì trong tiếng Pháp Thiếu tá Hải quân được gọi là Capitaine de Corvette – biệt danh là Corvetard và cái lon gồm 4 vạch (xin mời xem minh họa 1 in kèm trong bài này). Và trong cuốn cổ thư nói trên cấp bậc Đại tá Hải quân của Henri Rivière được để rõ là Capitaine de Vaisseau - tuy không có để cái biệt danh là Cap de veau – (Xin mời xem minh họa 2). Người Việt mình có thể đã nhầm vì thấy trên cả ba cấp bậc: Thiếu tá Hải quân (Capitaine de Corvette – biệt danh Corvetard), Trung tá Hải quân (Capitaine de Frégate – biệt danh Frégaton), và Đại tá Hải quân (Capitaine de Vaisseau – biệt danh Cap de veau) đều có chữ Commandant đi kèm (xin mời xem lại minh họa 1). Tuy nhiên nếu từ “Commandant” này có nghĩa là Đại tá thì nó chỉ có thể áp dụng cho một cấp bậc (Đại tá), chứ không thể áp dụng luôn cho cả hai cấp bậc còn lại. Vậy thì các từ “Commandant” được ghi cùng cả ba cấp bậc chỉ có nghĩa (về phạm trù chức vụ) là Hạm trưởng vì có lời giải thích đi kèm là chức Hạm trưởng có thể được giao cho người ở bất cứ cấp bậc nào (quel que soit son grade). Tóm lại từ “Commandant” trong tiếng Pháp không thể được dịch sang tiếng Việt là Đại tá Hải quân (xin mời xem lại thêm một lần nữa trong minh họa 2) để biết Rivière được thăng chức Đại tá Hải Quân vào năm 1880. Còn từ “Commandant” trong tựa đề cuốn sách chỉ có nghĩa là Tư Lệnh (đúng ra là Tổng Tư lệnh – Commandant en chef, nhưng tác giả chỉ để là “Commandant”) là chức vụ mà Rivière đã được truy phong 2 ngày sau khi ông ta tử trận ở Ô Cầu Giấy vào năm 1883, mười năm sau cái chết của Francis Garnier vào năm 1873, cũng ở Ô Cầu Giấy… Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI Vũ Anh Tuấn
Minh họa I
Minh họa II Về lại vùng đất “Văn minh miệt vườn” của cố nhà văn Sơn Nam Năm 1970, nhà văn Sơn Nam cho xuất bản tập sách “Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn minh miệt vườn” do nhà xuất bản An Tiêm thực hiện. Trong lời mở đầu có tên “Thay lời tựa”, nhà văn miền Nam chơn chất, có tiết tháo, mềm dẻo qua cách đối xử, hòa mình trong mọi tình huống như một “Anh Hai Lúa” thời hiện đại, đã bộc bạch như sau: - Chúng tôi cố gắng viết lại chuyện cũ, theo quan điểm của một người dân Việt, với thái độ bao dung, vì thực dân Pháp đã đi rồi. Mục đích của việc ôn cố này chỉ là để tri tân. Trong tập sách chỉ vỏn vẹn 219 trang khổ 13x19, nhà văn Sơn Nam đã đưa ra tới chín chủ đề để ghi chép mọi thứ thuộc về “văn minh” nhưng là thứ văn minh của Miệt Vườn, tức đồng bằng sông Cửu Long. Ông đã đưa ra nhiều địa danh được gọi là “Miệt”, như miệt trên (chỉ Biên Hòa, Bà Rịa, Gia Định, Tân An) và miệt dưới (chỉ vùng Hà Tiên, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc). Còn ông cho ‘Miền” chỉ vùng địa lý rộng lớn hơn, như miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ. Riêng miền Tây Nam Bộ còn được gọi là vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính “đồng bằng sông Cửu Long” của nhà văn Sơn Nam có nền “văn minh miệt vườn”. Rồi ông xác định “Miệt vườn” tiêu biểu cho hình thức sanh hoạt vật chất và tinh thần cao nhất của đồng bằng sông Cửu Long, như dân gian thường gọi: về vườn, gái vườn, bắp vườn, nhà vườn… Theo ông, “vườn” là chỉ cái bình dân, thấp kém, đơn sơ giản dị, mộc mạc, chân tình, quê mùa, chất phác… Ca dao miệt vườn có nhiều câu chơn chất, giản dị nhưng thấm đậm nghĩa tình son sắc: Mẹ mong gả thiếp về vườn Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh… Mẹ ơi, đừng gả con xa Chim kêu vượn hú biết đâu mà tìm ! Hình ảnh và nội dung của hai câu ca dao miệt vườn mang hai ý nghĩa khác nhau: một hân hoan được về vườn và một lại lo lắng khi về vườn. Từ đó, chúng ta nhận ra hai khu vực của miệt vườn: khu có văn ninh, tiến bộ và khu còn lạc hậu hay chưa khai phá, còn hoang sơ. Theo nhà văn Sơn Nam, văn minh miệt vườn chỉ khu vực thuộc châu thổ sông Tiền và sông Hậu tức sông Cửu Long có hai chi nhánh với 9 cửa (Cửu Long) đổ ra biển Đông hình thành nên đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ. Nguyên cả khu vực phía dưới thuộc bán đảo Cà Mau thời ấy chỉ là vùng U Minh thượng và U Minh hạ. Theo ông, miệt vườn là nơi trù phú. Gái miệt vườn giỏi về nữ công nữ hạnh. Rồi ông phân biệt: - Vườn là nguồn lợi quan trọng hơn ruộng - Gái vườn ở vào trình độ cao hơn gái quê. - Đất vườn cao hơn đất ruộng. Đúng vậy, ngày nay Luật đất đai quy định đất ruộng muốn trở thành đất vườn phải được cải tạo nâng cấp gọi là làm thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất thổ cư và đất xây dựng. Về địa lý, theo ông, miệt vườn là vùng Sa Đéc, Mỹ Tho, Vĩnh Long. Còn miệt U Minh chưa khai thác, U minh nghĩa là tối và mờ, ở đây cây cỏ dày mịt, nước ngập linh láng... còn gọi là Láng biển hay Láng U minh. Ông Sơn Nam còn trình bày sơ nét về “miệt vườn” thời đầu công nguyên. Đây là vùng đất ít nước nhiều. Theo truyền thuyết thời lập quốc của ba vương quốc (Chân Lạp, Phù Nam và Champa) vào trước và đầu công nguyên, cả vùng sông nước Cửu Long chỉ là biển nước mênh mông nằm phía dưới sông Tiền và sông Hậu mà sau này là Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Vùng trên là nước ngập mặn bao quanh bảy núi (Thất Sơn) gồm Long Xuyên, Châu Đốc, Tây Ninh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Ở chân núi Sập (Thoại Sơn) nằm giữa ba tỉnh Châu Đốc, Long Xuyên và Kiên Giang dính với Thất Sơn (vùng bảy núi), năm 1942, Trường Bác cổ Viễn Đông (Hà Nội) phát hiện di chỉ Óc Eo là phố cảng của vương quốc Phù Nam tồn tại thời kỳ 1- 6 thế kỷ sau công nguyên, sau đó biến mất cho tới 14 thế kỷ sau mới đào bới lên thấy được. Nhiều sử sách cho rằng phố cảng Óc Eo (tên đúng là Ô Keo = thung lũng ngọc, tiếng Khmer) thuộc về vương quốc Phù Nam nhưng bị vương quốc Chân Lạp (nay là Campuchia) thôn tính. Tới thế kỷ thứ 6 phố cảng này biến mất (do bị phủ lấp bởi nước biển), có thể cùng lúc với núi Sập xuất hiện. Núi sập và nước biển xâm nhập chính là hậu quả của “sóng thần”, gây nên thảm cảnh cả khu vực phố cảng đều bị chôn vùi. Cũng chính từ thời ấy, vùng đất có phố cảng Óc Eo và cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị chìm trong nước biển do nạn hải xâm. Có lẽ, nạn hồng thủy vùng Nam Bộ đã khiến cho người vật đều biến mất cho đến vài thế kỷ xảy ra nạn hải thoái theo quy luật biến đổi khí hậu và thiên nhiên trên quả địa cầu thì sinh vật mới trở lại xuất hiện ở đây. Khi ấy từ thế kỷ XII-XV diện mạo vùng Nam Bộ mới lộ dần ra cùng lúc với sự xuất hiện của một ít dân cư là dân tộc Khmer, Hoa kiều, Viêt Nam từ miền Trung di cư tới và họ đã sống chung hòa bình dưới chính quyền triều nhà Nguyễn đồng thời với thời gian một số dân tộc ít người như Ê Đê, Châu Mạ, Cơ Ho…(ta gọi họ chung là Mọi) chuyển cư dần lên phía Tây Bắc Đồng Nai và Tây Nguyên. Trong số người có mặt đó thì người Việt phát triển nhanh nhất và nhiều nhất, nhất là sau khi đoàn quân dân do tướng Nguyễn Hữu Cảnh đưa đi ổn định Nam Vang trở về và để lại một số lớn để định cư lập nghiệp với một ít người Chăm (năm 1700). Như vậy, cho tới khi người Việt, người Hoa, người Khmer, người Chăm xuất hiện ở miền sông nước này, đồng bằng sông Cửu Long không có ai làm chủ. Chính chúa Nguyễn đã cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào năm 1689 vào Gia Định quy hoạch nền hành chính sơ khai để sáp nhập vùng đất mới nhưng hoang vu ngập nước vào bản đồ Việt Nam thống nhất từ Bắc (Móng Cái) tới Nam (Cà Mau - Hà Tiên). Lúc ấy, Gia Định bao gồm cả miền Đông và Tây Nam Bộ. Theo sách Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, NXB thành phố Hồ Chí Minh năm 1987, khảo cổ học chỉ ghi nhận được một điều là vào những thế kỷ đầu công nguyên mới có những bằng chứng vật chất về vết tích cư trú ở vùng tứ giác Long Xuyên, vùng U minh Thượng… của những cư dân sáng tạo nên nền văn minh Óc Eo – Ba Thê. (trang 34). Trước nền văn minh Óc Eo thì xảy ra chiến tranh liên miên giữa vương quốc Campuchia với Chăm pa và các vương quốc khác ở phía Nam thuộc Indonésia, Malaysia và Nam Ấn Độ. Sau Óc Eo sự xâm nhập của người Nam Á vào Campuchia và Champa. Cho tới thế kỷ XII, vương quốc Campuchia mới phục hồi xây dựng nên văn minh AngKor (đền tháp Angkor Wat và Angkor Thom). Sau đó, xảy ra cuộc chinh phục ác liệt của vương quốc Xiêm (nay là Thái Lan) chiếm đóng Campuchia (1750) nhiều năm liền làm cho đất nước chùa Tháp kiệt quệ, nền văn hóa Angkor hầu như bị tiêu diệt khiến cho dân tộc Khmer phải bỏ đền tháp Angkor và rời khỏi địa bàn sinh tụ ban đầu là Xiêm Rệp, kinh đô dời xuống Phnom Penh (Nam Vang). Đất nước này suy yếu cho tới đầu thế kỷ thứ XIX xảy ra cuộc chiếm đóng của quân xâm lược Pháp và Nam Bộ (cả miền Đông và miền Tây) Việt Nam đều rơi vào tay thực dân Pháp (1859-1865). Chính nền cai trị của Pháp đã biến Nam Bộ thành xứ thuộc địa bị khai thác đồng ruộng “cò bay thẳng cánh” mênh mông của miền Nam tạo ra một nền văn minh mới – văn minh miệt vườn. Xây dựng để khai thác lúa gạo, trái cây nên thực dân Pháp phải đầu tư hạ tầng cơ sở, phát triển tỉnh thành, quận huyện và lần lượt đưa vào nền văn minh cơ khí của Âu Tây, bên cạnh nền văn hóa ngoại lai xâm nhập. Miền Đông rồi Miền Tây thay da đổi thịt bởi văn minh Tây Âu. Giai cấp xuất hiện, giữa giai cấp nông dân, giai cấp công nhân và giai cấp tư sản có sự xung đột ngày càng ác liệt, thêm vào đó một thành phần trí thức mới nổi lên với giai cấp tiểu tư sản và địa chủ. Thực dân – tư sản và địa chủ luôn bắt tay với nhau để khai thác thuộc địa Việt Nam và bần cùng hóa nông dân, công nhân và nhân dân lao động dưới hai chế thực dân và phong kiến. Cách đây trên dưới 100 năm, có nghĩa là từ năm 1900 tới năm 1945, hình thành nên nền văn minh miệt vườn, bắt đầu xuất hiện nền văn minh vật chất phương Tây do thực dân Pháp mang lại. Đó là các tỉnh thành, quận huyện được thành lập và xây dựng với nhà cửa, dinh thự mới, đường sá, cầu cống mới, kinh rạch được khai thông, đặc biệt ở miền Tây xuất hiện đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho, đường xe ô tô được tráng nhựa nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ, hệ thống phà cầu nối liền các sông lớn, trong đó có phà Rạch Miễu, phà Mỹ Thuận, phà Hậu Giang, Vàm Cống và Gò Công… Hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ đã nhanh chóng đưa miền Tây phát triển bên cạnh sự khai thác thuộc địa ngày càng nhiều của thực dân Pháp, đồng nghĩa với làm nghèo hóa công nhân và nhân dân lao động. Với một cách nhìn của nhà văn Sơn Nam hay một bộ phận Tây học khác, miệt vườn đã xuất hiện nền văn minh mới – văn minh miệt vườn. Hiểu một cách nào đó, văn minh miệt vườn là thứ văn minh nửa vời, có bề nổi mà không có bề sâu. Đó là văn minh của giới trí thức mới, tiểu tư sản, tư bản và địa chủ mới. Văn minh miệt vườn trái với văn minh đô thị. Nhà cao cửa rộng, xe cộ dập dìu, chợ búa mua bán tấp nập, cảnh ăn chơi xa hoa kiểu Hắc công tử, Bạch công tử đại diện cho nền văn minh này chỉ nổi lên như bọt nước. Câu hò đối đáp của trai gái hay thương hồ, đờn ca tài tử hay vọng cổ hoài lang, gánh hát cải lương như của Thầy Năm Tú (Bến Tre)… xuất hiện vào thời kỳ này ở miệt vườn chính là phản ảnh những nỗi bức xúc, xót xa, cùng cực của tầng lớp nông dân, lao động (bần cố nông và người cùng khổ) trước nền văn minh chấp vá, sự phát triển thiếu đồng bộ của đời sống xã hội. Đó là những tiếng kêu than hay kêu cứu của một bộ phận trong nền văn minh miệt vườn. Nhà văn Học Lạc (Nguyễn Học Lạc) năm 1919 đã làm thơ ca ngợi văn minh tỉnh thành nhưng nghe giọng chua chát, đắng cay không ít: Trên Sài Gòn, dưới Mỹ Tho Đâu đâu phong cảnh cũng nhường cho Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngả, Cũ mới phân nhau cũng một đò. Phố cất vẽ vời xanh tợ lục Buồm dong lên xuống, trắng như cò. Đắc tình trạo tử quên mưa nắng Dắng dỏi đua nhau tiếng hát hò. Những câu hát, hò dân gian nửa Tàu nửa Ta (ba rọi): Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa Gởi thư thăm hết mọi nhà Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em. Đời phải đời thạnh trị Cuộc phải cuộc văn minh Kia là gió mát trăng thinh Biết đâu nhơn đạo, bày tình cho vui ? Bài thơ sau đây cho thấy có sự pha trộn của con người “trưởng giả học làm sang” theo cú pháp ngụ ngôn (Fable) của La Fontaine: Gà lôi mang lốp con công Ỷ mình là lạ, mang đi dông dài. Gặp công áp lại nhập bầy Công đá xể mặt, trầy mày đuổi đi. Trở về đồng loại hiệp ty Bạn cũ thấy lạ sanh nghi không nhìn ! Dưới đây là bài thơ nói về mặt trái của nền văn minh miệt vườn thời kỳ 1928-1930: Suốt năm cày mướn cấy thuê Lúa đi đâu mất, tiền về tay ai? Còn bề chú cả nhà đói rách Chủ chú đành ngoảnh mặt ngơ tai. Lúa tiền vay một trả hai Cong lưng làm mọi cả đời không cơm. Đến đỗi chú đập rơm táy mót Chủ chú quơ sạch bót chẳng chừa Đó là tang tích sờ sờ Thế mà chú lại đổ thừa Trời sao? Trong nền văn minh miệt vườn lại xuất hiện nhiều nhà thơ, nhà văn như Hồ Biểu Chánh làm quan quận ở nhiều nơi nhưng đã có cái nhìn sâu sắc về đời sống xã hội thời ấy. Nền văn minh có hai mặt được ông tả lại cảnh sống giàu sang như sau trong tiểu thuyết “Một chữ tình” xuất bản năm 1923. “Bên trong chái ấy là phòng ngủ thì để một cái giường sắt, mùng nệm gối mền đều tinh khiết. Trên cái đầu giường, có một cái tủ cẩm lai, đựng quần áo đầy dẫy. Dưới chân giường thì để giày đủ thứ…” Còn trong tiểu thuyết “Kẻ làm người chịu”, ông tả cảnh nhà nghèo của tá điền: “Đứng ngó vô nhà thì thấy trong nhà có một cái bàn thờ mà trên bàn trống trơn, không có chơn đèn, lục bình chi hết. Chính giữa có lót một bộ ván dầu, bên tay mặt có một cái chõng, còn bên tay trái thì có giăng một cái võng, gần đó lại có chất cày bừa lộn xộn”. Nhà văn Sơn Nam còn phân biệt “miệt vườn” với “miệt thứ”. Miệt vườn là vùng trên nằm hai bên và giữa hai con sông Tiền và sông Hậu. Còn phía dưới đó nữa tức vùng U minh và bán đảo Cà Mau thì “miệt thứ”. Miệt vườn có văn minh, còn miệt thứ thì không. Nhưng chính miệt thứ này về sau trở thành vùng căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Từ sau 1945, nền văn minh miệt vườn vẫn tiếp tục phát triển nhưng lại hình thành hai vùng: vùng sâu (bưng biền hay vườn tược ở xa các tỉnh thành và trị trấn, là vùng căn cứ cách mạng và vùng ngoài là vùng địch tạm chiếm gồm có tỉnh thành và thị trấn, phố xá, xe cộ, bán buôn tấp nập, đời sống xa hoa. Còn vùng sâu chỉ là vùng có cuộc sống yếu kém, thiếu thốn của những con người cách mạng sống kham khổ vừa thiếu ăn vừa bệnh tật để chiến thắng đem lại vinh quang cho Tổ quốc. Sau khi cuộc cách mạng giải phóng đất nước thành công (1975), cả nước thống nhất và hòa bình thì công cuộc xây dựng bắt đầu phát triển đồng bộ cho cả miệt vườn lẫn miệt thứ. Tới nay, công cuộc xây dựng và phát triển xã hội gần như đồng bộ và đã mang lại sự cân bằng giữa “miệt vườn” và “miệt thứ”, giữa trên sông Tiền và dưới sông Hậu. Mặc dù cuộc sống nghèo – giàu chưa san bằng nhưng đã rút ngắn lại khoảng cách giữa thành thị với nông thôn, trong đó hạ tầng cấu trúc đã được nhà nước đầu tư rất lớn, làm cho vùng sâu vùng xa trổi dậy nhanh chóng. Từ thành phố Cà Mau đi tới thị trấn U Minh Hạ hay thị trấn Năm Căn ngoài hệ thống tàu, ghe máy còn có đường xe ô tô khá tươm tất. Quan trọng nhất là nơi đây đang tiến tới một cảng sông (Năm Căn) cho vùng Đông Nam châu Á, có nhà máy điện đạm liên hợp song song với cảng Cần Thơ (sông Hậu), cảng Mỹ Tho (sông Tiền), cảng Đại Ngãi (sông Hậu phía biển). Không ai có thể ngờ được, ngày nay ở thị trấn Nam Căn và thị trấn U Minh (miệt thứ) lại có trung tâm bưu điện hiện đại và mạng Internet phủ rộng khắp các hộ gia đình. Đường giao thông Nam sông Hậu chạy từ dạ cầu Cần Thơ (bắc qua sông Hậu hiện đại giống như cầu Mỹ Thuận, cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông (bắc qua sông Tiền) đã tạo nên một hệ thống giao thông đường bộ hiện đại, nối liền với các thị trấn lẻ loi mà trước đây phải đi lòng vòng mất nhiều thời gian như thị trấn Kế Sách, thị trấn Đại Ngãi, Long Phú, Vĩnh Châu…Ngày xưa từ thị trấn Kế Sách có đường thôn ấp trải đá hay đất nung hay đất thịt và phải qua nhiều cầu nhỏ hay không có và chỉ đi tới bờ nam sông Hậu đoạn cù lao Dung thì dừng lại. Nơi đây gọi là Đường Đứt. Ngày nay, tất cả đều là đường tráng nhựa với cầu bê tông chạy suốt các nơi như Mỹ Hội, Trà Ếch, sông Phụng. Ngày trước, từ Đại Ngãi (phía nam) tỉnh Sóc Trăng muốn sang bên kia bờ sông Hậu (phía bắc) để tới thị trấn Cầu Quan và Tiểu Cần (tỉnh Trà Vinh) thì phải đi đò máy chạy mất hai giờ. Nay đã có hai phà như phà Mỹ Thuận chạy sang sông Hậu thông qua cù lao Dung và nối với hệ thống đường xe ô tô đi về Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang vô cùng ngoạn mục và nhanh chóng. Ngày xưa, toàn bộ hệ thống sông Cửu Long chảy ra biển Đông phải qua 9 cửa, tức 9 dòng sông lớn làm cản trở hệ thống giao thông đường bộ và xe ô tô các loại không thể qua lại dễ dàng vì tất cả đều đi vòng. Ngày nay hoàn toàn đổi khác, từ thị xã Sóc Trăng tới Đại Ngãi rồi qua hai phà trên sông Hậu để tới Trà Vình và từ đây chạy theo bờ Nam sông Tiền để tới Bến Tre qua Mỹ Thọ về thành phố Hồ Chí Minh theo đường cao tốc hiện đại thật nhanh chóng, thật dễ dàng. Hệ thống đường này đã có cầu Hàm Luông, cầu Rạch Miễu (chỉ còn phà Cổ Chiên) nhưng đã rút rất nhiều thời gian từ thành phố Hồ Chí Minh đi về miệt vườn và miệt thứ. Ngày trước, thời văn minh miệt vườn trước năm 1945 – 1975, đi từ Sài Gòn tới Cà Mau phải mất cả ngày xe chay. Còn sau thời kỳ đổi mới (1986) tới nay (2013) thời gian rút lại chỉ còn nửa ngày do xe ô tô chạy theo hệ thống đường cầu xuyên suốt từ Mỹ Tho qua Bến Tre, Trà Vinh tới Sóc Trăng, Cà Mau tức xuyên qua 9 con sông của hệ thống sông Cửu Long chớ không chạy vòng từ Mỹ Tho tới Vĩnh Long rồi Sóc Trăng, Cà Mau. Các cây cầu dây giăng hiện đại Rạch Miễu, Hàm Luông, Mỹ Thuận, Hậu Giang chỉ xây dựng trong vòng 10 năm đã nối liền một mạch TP Hồ Chí Minh – Miệt vườn – Miệt thứ, một là đi theo đường vòng cũ (cầu Mỹ Thuận, cầu Hậu Giang), hai là đi theo đường thẳng mới (cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và phà Cổ Chiên, Cầu Quan, Đại Ngãi). Và không còn mấy lúc nữa thì hai miệt này sẽ có thêm đường cao tốc nối liền TP Hồ Chí Minh với TP Cà Mau (và xa hơn nữa nối từ Pắc Bó sát biên giới Việt – Trung tỉnh Cao Bằng – đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa chạy dọc theo dãy Trường Sơn hay đường QL 1A ven biển Đông hình chữ S) làm rút lại thời gian chỉ còn 3-4 giờ xe chạy xuyên qua đọan đường gần 400 km. Còn nếu tính từ Biên Hòa (miền Đông) qua Tp Hồ Chí Minh tới Cà Mau (miền Tây) để du lịch sinh thái thì lại càng nhanh chóng, hấp dẫn. Từ thành phố Biên Hòa có thể theo hai con đường rộng thênh thang (xa lộ Biên Hòa mở rộng và QL số 1 theo đường xe lửa Bắc Nam cải tiến qua cầu Bình Triệu hiện đại theo đường vòng đai xa lộ Đại Hàn nâng cấp nhập vào đường cao tốc Sài Gòn – Mỹ Tho, hoặc qua hệ thống cầu vượt ngã ba Cát Lái tới cầu Phú Mỹ quận 7 để theo đường Nam Sài Gòn (đại lộ Nguyễn Văn Linh), qua khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (cảnh quan không thua gì Singapore) tới Bình Chánh nối với đường cao tốc về miền Tây, hoặc rẽ sang đường hầm Thủ Thiêm chui qua lòng sông Sài Gòn theo đường xa lộ Bắc Nam (đại lộ Võ Văn Kiệt) xuyên qua một loạt các hệ thống cầu đường hiện đại nằm dọc theo kinh Tàu Hủ được xây dựng bờ kè thẳng tắp qua bến Bình Đông xinh đẹp nối với Bình Điền, Chợ Đệm thuộc khu công nghiệp Tân Tạo tới đường cao tốc Sài Gòn – Mỹ Tho. Như vậy, miền Đông nối với miền Tây Nam Bộ qua một hệ thống cầu đường hiện đại vừa chìm vừa nổi xuyên qua thành phố Hồ Chí Minh mới hiện đại có tầm vóc nhất nhì trong khu vực Asean sau 300 năm hình thành và phát triển. Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long (Mékong) từ Đồng Nai tới Cà Mau có diện tích 39.350 cây số vuông được tạo thành do phù sa mới của sông Cửu Long và sông Đồng Nai bồi đắp hàng ngày nhưng ngày nay ở vào thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước thì nền văn minh đô thị đã lấn áp nền văn minh miệt vườn, miệt thứ chưa đầy nửa thế kỷ. Thời kỳ thực dân Pháp, đế quốc Mỹ chiếm đóng phải mất 100 năm mới hình thành văn minh miệt vườn. Còn thời kỳ hòa bình, hội nhập với nền kinh tế và văn minh thế giới, đồng bằng sông Cửu Long hay miền Tây Nam Bộ chỉ mất hơn 20 năm để trở thành nền văn minh đô thị xứng tầm với “Hòn ngọc Viễn Đông” của thời kỳ mới… Vương Liêm (Tháng 4/2013)
Phụ Bản I THI SĨ ĐỒNG QUÊ ĐỘC ĐÁO CŨNG LÀ MỘT NHÀ DỊCH THUẬT ĐỘC ĐÁO ĐÍCH THỰC Thúy Toàn Tôi vẫn giữ được tập thơ Thôn ca của thi sĩ Thành Nam Sông Ngọc Đoàn Văn Cừ do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành từ năm 1960. Tính đến nay đã có tới 53 năm, hơn nửa thế kỷ. Sách mỏng, chỉ vẻn vẹn có hai tay sách: 64 trang khổ 13x18, nhưng vẫn còn khá nguyên vẹn. Bấy giờ là năm học cuối cùng của chúng tôi, nhóm lưu học sinh 19 người Khoa Ngữ văn của Trường Đại học Sư phạm Moskva, chuẩn bị tốt nghiệp trở về nước nhận công tác. Xa quê hương, người thân đã mười năm liền, càng gần đến ngày trở về trong lòng mọi người càng rạo rực khấp khởi mong ngóng. Sau Tết Tân Sửu năm ấy, một bữa đến hiệu sách quốc tế mang tên Hữu Nghị, bên cạnh tòa nhà Xô Viết Moskva trên phố Gorki (nay mang tên cũ là Tverskaya), trong số sách ở nhà mới đưa sang bán ở quầy sách Việt Nam tôi nhặt ra được khá nhiều sách văn học mới xuất bản, trong đó có tập thơ Thôn ca của Đoàn Văn Cừ. Thú thực, cho đến lúc ấy tôi chưa rành tên tuổi tác giả Đoàn Văn Cừ. Nhưng thấy cái bìa sách mộc mạc có cái tên Thôn ca đặt bên cạnh hình vẽ hai thân tre xanh khỏe khoắn, gợi ngay cho tôi nhớ đến làng quê mình, cái làng chợ Giầu Phù Lưu, ở đó cha mẹ, anh chị em tôi đang sống, chờ đợi tôi sau bấy nhiêu năm xa cách trở về. Vừa giở mấy trang đầu sách ra, tôi gặp ngay bài thơ Chợ Tết của nhà thơ họ Đoàn. Làng Giàu tôi chính là thôn thị - làng chợ. Mà chợ nổi tiếng: Đông Ngàn vật hoa kiêm thủ ấp Bắc Ninh thôn thị cứ trung tâm (Đây là ấp hàng đầu về sản vật quý của huyện Đông Ngàn Đây là nơi trung tâm buôn bán của tỉnh Bắc Ninh) Chợ Giàu một tháng sáu phiên. Chợ họp ngay tại làng, có tới trên hai chục cầu hàng bày la liệt hai bên đường, suốt từ ngoài cổng bắc của làng xuôi dọc theo trục đường lát đá xanh chạy xuống tận cổng nam, giáp ranh đường sang làng Báng (Đình Bảng). Đặc biệt đông vui sầm uất nhất là phiên chợ Tết, như nhà thơ Đoàn Văn Cừ tả, đủ màu sắc tươi rói, những hình ảnh nhộn nhịp chen vui, người mua, người bán, người chơi chợ… Chợ Giàu làng tôi còn có cả gánh xiếc nữa, cả chú khách bán thuốc ê… Ôi, nhớ quá đi mất! Và thế là từ đó tôi giữ mãi cuốn Thôn ca của nhà thơ họ Đoàn như một kỷ vật. Về nước, sau một thời gian ngắn dạy học, tôi được chuyển về làm biên tập sách ở Nhà xuất bản Văn Học. Tập trung vào mảng sách dịch, mấy chục năm sau, tham gia vào công tác quản lý, tôi mới có dịp tiếp cận với mảng văn học sáng tác trong nước. Và rồi đến giai đoạn mở cửa, Nhà xuất bản bắt tay vào mở rộng kế hoạch, ra hàng loạt các tủ sách đủ thể loại, đặc biệt có tủ sách “tuyển tác phẩm của các tác giả tiêu biểu”. Năm 1992, Tuyển tập tác phẩm Đoàn Văn Cừ ra đời. Và lần đầu tiên tôi có dịp được tiếp xúc với tác giả Thôn ca ngay tại quê ông, nơi ông “ở ẩn”, sau khi được nghỉ chế độ. Sách ra, cùng với nhà thơ Nguyễn Bao, Phó giám đốc, chúng tôi đi xe của Nhà xuất bản chở sách bản quyền về trao tận tay tác giả họ Đoàn. Ghé vào Hội Văn nghệ của Hà Nam Ninh, được các anh ở đấy cử anh Kim Ngọc Điệu, anh Vũ Quốc Ái tháp tùng đi thăm chùa Cổ Lễ rồi mới tìm về Nam Lợi, Nam Ninh, quê của nhà thơ họ Đoàn. Về tới nơi trời đã chiều muộn, sẩm tối… Thời ấy việc ra sách hoàn toàn theo kế hoạch bao cấp của nhà nước, và việc làm tuyển tập cho từng tác giả được xếp sắp theo ưu tiên thứ bậc. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ nằm trong diện ưu tiên đầu tiên. Sau khi được chủ nhà tất bật đón tiếp vào nhà, được mời ra bên giếng xây cạnh khoảnh vườn trồng nhiều cây hòe đang độ nở hoa, để rửa ráy, chúng tôi được mời vào ngồi chiếu trải sẵn giữa sân gạch, quanh một cây đèn tọa đăng thắp sáng. Anh Thiện lái xe cơ quan đã đi lấy giúp gói sách từ cốp xe đỗ tận ngoài đường chính vào. Nhà thơ Nguyễn Bao làm thủ tục trao sách cho tác giả. Nhà thơ họ Đoàn đã kịp đóng bộ áo cánh quần dài chỉnh tề hồ hởi đưa hai tay run run nhận chồng sách, đặt xuống bên mép chiếu, quỳ gối nhặt ra một cuốn, lom khom ghé đèn chăm chú giở xem. Mọi người ngồi im lặng hồi hộp theo dõi. Đến khi nhà thơ cười lớn lên tiếng: “Thế là Cừ có sách tuyển! Nhưng hãng cứ để xem sau, giờ chuyện trò cho thỏa đã!”. Mọi người hớn hở hưởng ứng. Đến tận khuya hôm đó chúng tôi phải trả lời bao nhiêu câu hỏi của nhà thơ chủ nhà. Từ khi nghỉ hưu nhà thơ về ở hẳn tại nhà, ít khi đi đâu xa. Có con trai sống và làm việc ở Hà Nội, ông cũng chẳng mấy khi cất công ra thăm. Ông tự nhận mình giờ ở ẩn, là “cư sĩ”. Nói vậy nhưng thực ra ông vẫn theo dõi công việc của đoàn thể - Hội Văn nghệ tỉnh nhà cũng như Hội Nhà văn Trung ương ở Hà Nội, theo dõi sáng tác của bạn bè cũ và cả lớp viết trẻ. Ông hỏi thăm cuốn hồi ký Từ bến sông Thương của nữ thi sĩ Anh Thơ, hỏi chuyến đi tu nghiệp của mấy chục anh chị em viết trẻ, rồi sang cả chuyện thời sự chính biến ở nước Nga, nơi mà ông đã có dịp tới thăm, lên đài Moskva đọc thơ, khi Liên Xô còn đang sôi nổi bước vào giai đoạn “chủ nghĩa cộng sản phát triển”… Mãi quá nửa đêm, sau khi sắp xếp cho chúng tôi chỗ ngủ đâu vào đấy, nhà thơ Đoàn Văn Cừ mới ngồi lại với cây đèn tọa đăng vặn nhỏ ở sân, lấy Tuyển tập của mình ra xem… Đi đường xa mệt mỏi, tôi ngủ thiếp đi ngay, sáng ra trở dậy lại lo thu xếp ra xe chia tay gia chủ để về Hà Nội sớm cho kịp một cái hẹn buổi chiều nên không nhận ra có gì khác thường. Nhà thơ Đoàn Văn Cừ vẫn tươi cười đưa tiễn chúng tôi ra tận xe đậu ngoài đường chính của làng. Mãi khi lên xe, đi một quãng nhà thơ Nguyễn Bao mới cho chúng tôi hay, đêm qua nhà thơ Đoàn Văn Cừ hồ như thức trắng, đọc đi đọc lại tập Tuyển tác phẩm của mình. Lúc đầu ông rất vui như mọi người đã thấy. Nhưng rồi càng đọc ông càng băn khoăn, bứt rứt… Và sáng ra mọi người không để ý thế thôi, chứ trông ông sắc thái không được vui. Thì ra tập sách in để lỗi khá nhiều… Bẵng đi một thời gian xa cách, đến tháng Tư năm 1997 tôi bỗng nhận được thư của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Ông gửi thư cho tôi, gọi tôi là dịch giả - thi hữu, lại còn ghi thêm chức danh Chủ tịch Hội đồng văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam, chứ không nhắc gì đến trách nhiệm của tôi ở Nhà xuất bản Văn học. Ông không nói chuyện về công việc xuất bản mà ông nói đến chuyện dịch, phần liên quan đến tôi. Phong bì thư ông gửi khá dày, nhưng thư viết chỉ vài dòng, còn là kèm theo một xấp hai ba tờ giấy chép thơ. Trong thư nhà thơ họ Đoàn viết: “Hiện nay, giới văn học nghệ thuật Việt Nam và độc giả cả nước đang có niềm vui, niềm tự hào chung tiến tới kỷ niệm 40 năm (1957-1997) Hội Nhà văn Việt Nam, 40 năm sự nghiệp văn chương đại nghĩa. Xin trân trọng kính gửi Hội đồng Văn học, trang thơ dịch kèm theo đây: ĐƯỜNG VÀO THƠ 10 vần thơ hai câu của 10 thi nhân, danh nhân Âu Á, cũng là 10 điều kinh nghiệm bất hủ, 10 điều tâm niệm của tất cả những ai cùng yêu thơ, cũng đã sớm “mang lấy nghiệp vào thân”. Đây là tâm thành, cốt lõi của vấn đề mà người dịch muốn gửi gắm. Về kỹ thuật và quan niệm – nhất là quan niệm, Đoàn Văn Cừ vô cùng hy vọng vào giúp đỡ của nhà văn Thúy Toàn và Hội đồng văn học dịch. Văn chương xưa nay sớm có tình riêng, gắn bó, quý mến, trân trọng nhau giữa người viết và người đọc. Xin hết sức chân thành kính chúc thi hữu mùa Xuân đẹp, nhiều thành công bút mực, nhiều tin Xuân, tin thơ. Kính bút (chữ ký) Đoàn Văn Cừ Kèm theo hơn hai trang khổ A4 với tiêu đề: Tiến tới Kỷ niệm 40 năm Hội Nhà văn Việt Nam (1957-1997) ĐƯỜNG VÀO THƠ, (Tặng những ai đã lấy nghiệp vào thân). Tiếp theo là 10 khổ thơ 2 câu dịch thành thơ lục bát danh ngôn của các văn hào thế giới – Macxim Gorki, Nguyễn Du, Alfrết đờ Muytxê, Alfrết đờ Vinki, Boalô, Ovit, Coocnây, Đỗ Phủ, đi cùng có Phụ Chú – 10 bản tiếng Pháp, phiên âm Nôm của Hán văn cùng mười đoạn dịch nghĩa Chẳng hạn 1. Thái dương sinh những bông hồng, Mẹ hiền sinh những anh hùng thi nhân (Macxime Gorki: Sans le soleil, les fleurs ne s’épanouissent pas, sans la mère, il n’y a ni poète ni héros Không có mặt trời, không có loài hoa nào nở được Không có mẹ hiền, không có anh hùng và thi nhân) 2. Đồng quê hoa cỏ mến người Câu ca, điệu hát học lời lúa dâu (Nguyễn Du: Thôn ca sơ học tang ma ngữ Trong lời ca tiếng hát nơi thôn dã, học được âm điệu Ngôn ngữ người đồng quê cây lúa, trồng dâu gai) 3. Thi hào, quốc sỹ, vĩ nhân Nhiều đau thương lớn, gian truân mới thành (Alfred de Musset: Seules les grandes souffrances font les grands poètes Chỉ từ những nỗi đau lớn, mới này sinh thi tài lớn, nhà thơ lớn) Ít lâu sau, ngày 16/4/1997 nhà thơ Đoàn Văn Cừ lại gửi thư cho tôi, bổ sung thêm 3 khổ thơ do ông dịch ra lục bát danh ngôn của ba tác giả Giả Bảo, Lamactin, V.Hugo, cũng kèm theo phiên Nôm Hán văn và bản tiếng Pháp, cùng dịch nghĩa. Trong thư gửi cho “thi hữu”, nhà thơ họ Đoàn còn bộc lộ rõ quan điểm dịch của mình: “Dịch thơ cũng như làm thơ, lấy thơ, lấy thần là chính, thi tại ngôn ngoại, sắc ngoài sắc,vị ngoài vị. Dịch giả và tác giả là đôi bạn đồng hành, đồng tâm, đồng điệu, bổ sung, phát triển lẫn nhau…” Trong thời gian qua trên văn đàn nước ta việc dịch văn thơ nở rộ. Riêng về dịch thơ ca, liên tiếp xuất hiện hàng chục tập tuyển thơ dịch do nhiều người thực hiện, cũng như của riêng người dịch này dịch giả nọ. Về hình thức thể hiện dịch cũng thật đa dạng phong phú. Ngoài loại hình dịch thuật truyền thống, những dịch nghệ thuật, trực dịch, phỏng dịch… Xuất hiện tác dịch (Thái Bá Tân), Ngẫu dịch (Trương Nam Phương), dịch Việt ra Việt (Đỗ Hoàng) vv… Về thể thơ, gần đây xuất hiện khá nhiều bản dịch thơ Á, Âu chuyển sang thể thơ lục bát Việt Nam (Thơ Đường chuyển lục bát Cao Bá Vũ (NXB Văn học 2002), 101 bài thơ tình nước Nga (lục bát) của Ngọc Châu (NXB TG 2012) Dịch thuật của nhà thơ Đoàn Văn Cừ có nét độc đáo riêng, có chủ đích rõ ràng, nhất quán. Ông muốn phổ biến những suy nghĩ, kinh nghiệm sáng tác nghệ thuật của các bậc doanh nhân cổ kim đông tây giúp cho “thi hữu”, những ai cũng sớm “mang lấy nghiệp vào thân”, mà ông chú thích thêm bằng câu thơ của Nguyễn Du: “Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa” (Kiều). Nhà thơ của đồng quê Việt Nam vận dụng thể thơ lục bát thân quen sở trường của mình để chuyển tải tứ thơ, triết lý cuộc đời, triết lý sáng tạo của các bậc tiền nhân kiệt xuất… Nói chung đọc các khổ thơ dịch được ông gửi cho tham khảo tôi đều thấy suôn sẻ, dễ nhập, dễ đi vào lòng. Tôi viết thư chia sẻ một vài cảm tưởng của tôi sau khi được tiếp xúc với những dịch phẩm của ông gửi cho, nhà thơ lão thành viết tiếp thư mới cho tôi (13/5/1997): “Tha hương ngộ cố tri”. Cừ đã nhận được thư anh, đề ngày 5/5/1997, đúng ngày Hội ta tổ chức long trọng Kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Hội (1957-1997) Không nhận được giấy của Ban tổ chức, Cừ vẫn coi như có dự. Rất chân thành mừng vui, nghĩ như vậy. Xin chân thành cảm ơn nhà văn, Chủ tịch Hội đồng Văn học dịch khuyến khích bạn tiếp tục “Hoa thơm cỏ lạ” cho tới khi thành công. Chả là những khổ thơ ông gửi cho tôi dưới nhan đề ĐƯỜNG VÀO THƠ là trích ra từ công trình sưu tầm, dịch của ông có tên HOA THƠM, CỎ LẠ. Nhà thơ họ Đoàn từ thảo lư Sông Ngọc của mình còn tiếp tục gửi ra Hà Nội cho tôi một số sáng tác mới của mình. Chẳng hạn bài suy nghĩ MỘT QUAN NIỆM THƠ (không phân biệt sáng tác hay dịch). Về sau cũng bài này có sửa chữa ông chép lại gửi thêm với đầu đề Vì một hành tinh mới có đề từ Phải biết ước mơ Lênin. Ông còn chép gửi cho một bản dịch thơ của Alfred de Musset (1810-1854) – bài thơ Hỏi sao hôm, ghi theo trí nhớ, không rõ người dịch. Mấy năm sau khi tôi cũng đã nghỉ hưu, tháng 9 năm 2002, tôi một lần nữa lại có dịp về thăm nhà thơ họ Đoàn, cư sĩ thảo lư Sông Ngọc, vào cuối mùa sen, vào dịp sắp kỷ niệm tuổi thượng thượng thọ 90 của ông. Lần này cùng với nhà thơ Nguyễn Bao chúng tôi đi nhờ xe của nhà thơ Hữu Toàn do con trai anh lái, có cả người con trai thứ của Đoàn Văn Cừ, là họa sĩ Đoàn Văn Nguyên cùng về thăm cha mẹ. Dọc đường hai nhà thơ Nguyễn Bao – Hữu Toàn, thuộc nhiều thơ của nhà thơ họ Đoàn thay nhau ngâm đọc thơ họ Đoàn cho mọi người thưởng thức. Hai anh trao đổi bình luận về những câu thơ hay. Tôi lại có dịp học lỏm để hiểu thêm nhà thơ họ Đoàn, cũng như thơ ca nói chung. Anh Hữu Toàn rất thích bài Về quê mẹ... vừa ngâm nga: Tôi nhớ đi qua những rặng đề, Những dòng sông trắng lượn ven đê, Cồn xanh, bãi tía kề liên tiếp Người xới cà ngô rộn bốn bề Anh vừa hướng chúng tôi nhìn ra hai bên đường ngắm cảnh sắc đồng quê xứ Thành Nam. Anh nhận xét: cụ Cừ giỏi tả cảnh thật! Mà thật giầu hình ảnh, màu sắc, âm thanh. Ở bài Chợ Tết cụ đã điểm tới trên hai chục màu sắc khác nhau hòa trộn trên bức tranh quê. Trong bài Về quê mẹ cụ cũng đưa ra, nào là: “... tơ mây bay sắc trắng ngần”, rồi “Những dòng sông trắng lượn ven đê”, “cồn xanh, bãi tía...”, “Khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu”, “mắt sáng, môi hồng, má đỏ âu”, “.. nắng nhạt vàng”, “Trời xanh, cò trắng...”, “…xác lá vàng”, “Tà áo nâu...”, “…cặp má hồng”. Anh còn thắc mắc: “Thúng cắp bên hông…”, sao lại cắp thúng? Ở đây cái thúng đó dứt khoát không phải cái thúng to đựng thóc, đựng gạo, mà phải là cái thúng đựng trầu, đựng đồ khâu vá, kiểu con gái ngày nay đi đâu phải có cái sắc, cái ví đầm… Có phải thế không anh Bao? Đến nơi, trời còn sớm lắm. Nhà thơ lão thành đang vận quần sắn móng lợn, áo may ô ba lỗ ngồi trong “thảo lư” – căn buồng có hai chiếc ghế gỗ đã lên nước đối diện với chiếc giường cá nhân, giá sách và chi chít bằng khen trên tường… Năm ấy nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã 90 tuổi, tai nghễnh ngãng nặng. Anh con thứ, họa sĩ Đoàn Văn Nguyên đi trước vào buồng hò to chỉ ra sân. Thay bộ quần áo ngủ nghiêm chỉnh từ buồng bên cạnh nhà thơ trở lại buồng khách. Hai nhà thơ Nguyễn Bao và Hữu Toàn đón cụ, bắt đầu cuộc trò chuyện. Lần này nhà thơ – cư sĩ họ Đoàn nặng tai hẳn, khác hẳn mười mấy năm trước, không còn nghe được gì. Chuyện trò với nhà thơ phải viết ra giấy. Mắt thì vẫn tinh, đọc câu hỏi không phải đeo kính, nhà thơ cười thoải mái và trả lời đâu ra đấy. Không những thế nhà thơ còn kể hết chuyện này đến chuyện nọ, chuyện nhà, chuyện “bà lão” chăm lo cho chồng ra sao. “Bà lão” kém cụ ông một tuổi, nhưng còn mạnh chân mạnh tay, tinh tường hơn cụ ông nhiều. Rồi chuyện làng, chuyện huyện, lễ hội gần, lễ hội xa. Đã định trước lần về này về thế nào cũng phải ghi được hình ảnh nhà thơ của đồng quê, về ở ẩn tại nhà, tôi chuẩn bị sẵn máy ảnh và cứ loay hoay bấm máy. Thành thử quên khuấy mất việc hỏi thăm về công trình sưu tầm và dịch của nhà thơ họ Đoàn, mà mấy năm trước người đã trao đổi thư từ với tôi: Đường vào thơ – Hoa thơm cỏ lạ đã hoàn thành chưa nhỉ? Đến lúc lên xe mới sực nhớ ra thì đã muộn. Đành tự an ủi mình – chắc còn có lần trở lại. Nhưng bao nhiêu sự việc khác trong cuộc sống cứ thế cuốn chúng ta đi, một ngày kia nhà thơ Hữu Toàn, người cho chúng tôi đi xe nhờ bữa ấy, đột ngột ra đi. Và rồi nhà thơ họ Đoàn cũng chỉ sống được đến tuổi thọ 92 mà thôi. Ngày nhà thơ về với tổ tiên tôi không được biết. Ngoảnh đi ngoảnh lại là thêm một chục năm trôi qua. Sực nhớ ra thì tiên sinh thi sĩ Đoàn Văn Cừ, nếu trời còn cho ở với mọi người thì nay mọi người được chúc thọ người tròn một thế kỷ. Tôi tìm đến nhà anh con trai thứ của cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ - họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, hỏi về lễ kỷ niệm: “Lễ bách chu niên” của phụ thân anh sẽ được tổ chức ra sao? Nhân dịp này chắc anh sẽ soạn lại di cảo của phụ thân để có thể ra thành sách kỷ niệm truyền lại cho hậu thế. Trong đó thế nào cũng phải có di cảo Hoa thơm cỏ lạ? Tôi còn giữ đây 13 khổ thơ dịch chép tay của cố nhà thơ, xin góp, nếu cần. Đã qua bao nhiêu thời gian kể từ khi những bài thơ của cố thi sĩ đồng quê Đoàn Văn Cừ xuất hiện trên sách báo vào cuối những năm 30 thế kỷ trước, bạn đọc các thế hệ vẫn lưu truyền đến tận ngày nay. Những câu thơ dịch của thi sĩ nếu được tập họp lại, ấn hành thành sách, tôi nghĩ bạn đọc cũng sẽ yêu quý và ghi nhớ, và qua đó khẳng định thêm một khía cạnh sáng tạo nghệ thuật ngôn từ độc đáo của thi sĩ họ Đoàn – mảng sáng tạo trong dịch thuật. Mà thi sĩ Đoàn Văn Cừ quả là một dịch giả thơ ca thật sự độc đáo. Trong lý lịch trích ngang của thi sĩ cũng đã cho biết thi sĩ từng làm công việc của người dịch: “Năm 1948 tòng quân, tham gia kháng chiến chống Pháp, làm công tác văn nghệ, phiên dịch, công tác địch vận Liên khu III”. Khẳng định thêm sẽ là công trình sưu tầm và dịch thành thơ lục bát danh ngôn của các danh nhân trên thế giới, thêm vào đó là những suy nghĩ nghề nghiệp, trong đó có suy nghĩ về dịch thuật, mà thi sĩ để lại trong một số bài viết lý luận ít ỏi thôi, nhưng rất sâu sắc và chí lý.
Thúy Toàn
Tác giả: Dương Lêh Nhỏ Thủy, cùng học ở Kinh Tế hồi trước, là người thứ ba báo cho tôi biết anh ấy đang có bồ nhí. Tôi muốn làm một trận cho ra lẽ rồi tới đâu thì tới. Ai đó vô đây mà coi, ngày nào tôi cũng tất bật với công việc cơ quan vừa chăm sóc cho mẹ tôi đang bị đau khớp, đi lại khó khăn. Đúng là bệnh của mấy người già cả, biết làm sao bây giờ. Vài chục năm nữa tôi và anh ấy cũng phải rơi vào tình cảnh như thế này thôi. Tôi còn phải chăm lo việc học hành của đứa con gái chuẩn bị bước vào cấp một. Con nhỏ người làm thì hay quên đầu quên đuôi. Dặn dò nó thì cứ phải nhắc đi nhắc lại, năm lần bảy lượt nó mới nhớ. Rồi còn cái của nợ đang ở trong bụng. Chán quá đi, có thêm nữa làm gì khi mà ổng lăng nhăng cô này cô nọ. Vừa mới đi khám ngày hôm qua, bác sĩ nói tốt lắm, tốt lắm, đợi tháng thứ ba mới biết con trai hay là con gái. Tôi mệt quá muốn để mặc anh ấy làm gì thì làm. Đàn ông gì mà hư đốn. Có vợ con rồi mà còn mèo, còn chuột lung tung. Chị Tám, người cùng làm chung công ty của anh ấy cho biết anh ấy đang mê một cô thư ký giám đốc của một công ty cung ứng hàng xuất khẩu. Cô ấy thường xuyên đến nhờ anh ấy xuất hàng đi Tàu đi Nhật gì đó. Với chức vụ giám đốc đối ngoại, anh ấy có mối quan hệ rất rộng lớn. Đối với tổng giám đốc, anh ấy còn là một trợ lý đặc biệt vì nắm phần hoạt động chủ chốt của công ty. Một phần vì ông tổng giám đốc này còn yếu kém cả về học vị lẫn chuyên môn. Sở dĩ ông được làm tổng giám đốc là vì ông đã bỏ một số vốn rất lớn vào công ty. Thật sự ông ta trước đây là giám đốc một xí nghiệp chế biến nông sản. Nhờ xuất khẩu được mấy chuyến gạo, ông phất lên đưa xí nghiệp chế biến lên thành một công ty xuất nhập khẩu hàng nông lâm hải sản. Anh trở thành giám đốc đối ngoại và là trợ lý đặc biệt của Tổng giám đốc. Chiều nào anh cũng phải đi tiếp khách đến tận một hai giờ sáng mới về đến nhà. Tôi không hiểu vì sao công ty có nhiều khách đến nỗi chiều nào anh cũng phải đi tiếp. Có thật là anh ấy đi tiếp khách hay là đi với cô bồ nhí đó. Tôi có hỏi thì anh ấy bảo: - Việc ở công ty rất nhiều. Khách hàng nước ngoài đến nườm nượp. Anh phải thường xuyên tiếp xúc với họ để nắm bắt tình hình hoạt động kinh tế thế giới. - Thế anh không để giám đốc của anh tự giải quyết được à? - Em biết rồi đó, giám đốc của anh dốt đặc tiếng Anh, chỉ giỏi tiếng “Em” thì làm sao nói chuyện được với người nước ngoài? Đấy, anh ấy nói như là công ty mà không có anh thì sẽ chết thê chết thảm. Tôi thì cứ bận rộn cả ngày, muốn để kệ anh ấy. Lúc đầu tôi muốn nói chuyện dứt khoát với anh ấy nhưng tôi sợ con gái tôi buồn mà xao lãng việc học hành. Cho nên tôi cứ để chuyện này trôi qua hết ngày này đến ngày khác. Tôi cũng hơi sợ rủi anh ấy gây ra “hậu quả nghiêm trọng” thì sao đây. Thật tình mà nói, đàn ông sao lại có người… ngu quá. Có vợ con rồi lại đi ham bóng sắc, dễ dàng để dục vọng sai khiến. Nghe nói có người đã khuyên anh ấy theo sách lược “ăn bánh trả tiền” để không phải quan tâm sau khi giải quyết nhu cầu. Đàn bà không ai buồn đi ghen tương đối với trường hợp này. Làm sao cản mấy ông được, chỉ mong là các ông khôn hồn đảm bảo an toàn, không để dính cái bệnh thế kỷ, rồi về nhà lây lan cho vợ. Đây quả là một tội “đáng chết” thật sự. Nghĩ lại hồi mới ra trường, hai đứa rất mực thương yêu nhau, anh ấy hứa hẹn nào là “sau này cưới nhau, anh sẽ trung thành với em suốt đời”, có khi anh bắt chước cô ca sĩ mỗi lần lên hát, một mình đứng chật hết cái sân khấu, thường rống lên “Anh sẽ yêu em trọn… đời”. Thời buổi này, người ta sống có vẻ vội vàng hơn ngày trước. Nghe đâu ở cái thời cha mẹ tôi, các ông bà từ lúc quen nhau đến ngày lên xe hoa, có khi kéo dài một vài năm. Khi cưới nhau rồi họ sống chung thủy với nhau đến già. Nghe mẹ tôi kể có cặp vợ chồng bà bạn, hai người hồi xưa khi mới quen nhau, ông ba của bà bạn không cho hai người được đi chơi với nhau. Họ liên hệ với nhau bằng thư từ qua lại. Mãi cho đến khi hai người đó làm đám hỏi, ông già mới cho phép đi rong chơi tự do với nhau, và sau đó mới phát hiện bà bạn của mẹ tôi cao hơn ông chồng vài phân. Tuy vậy họ vẫn sống hạnh phúc cho đến giờ này, tuổi tác của ông cũng đã qua khỏi hàng bẩy rồi. Bây giờ người ta yêu nhau, rồi rộn rịp, gấp rút lấy nhau, nếu không lại sinh ra cái màn “ăn cơm trước kẻng”, hoặc “góp gạo nấu chung”, hoặc “sống thử” quả là nhiều chuyện không giống ai. Người ta cưới nhau cũng nhanh chóng và chia tay cũng không chậm chạp chút nào. Trong quá khứ có nhiều cô gái vì quá thận trọng mà duyên phận phải lỡ làng. Có gia đình hai, ba chị em gái liên tiếp phải chịu cảnh phòng không chiếc bóng cho đến tuổi xế chiều. Trong những gia đình như vậy bậc làm cha mẹ hết sức khổ tâm, ôm trọn nỗi buồn không bao giờ được kêu là ông bà ngoại. Đối với cánh đàn ông, coi như được ông trời ưu đãi, chủ động trong việc tìm kiếm một nửa kia của mình, từ đó có người lại sinh tính tham lam, ích kỷ, sau khi tìm được rồi lại muốn thêm nữa, hoặc chê bai một nửa này để đi tìm một nửa khác. Đây có là trường hợp tôi đang phải gánh chịu không? Có một ông thầy bói nói vợ chồng chúng tôi xung khắc, tuổi hai đứa chúng tôi rớt vào mấy bộ “tứ hành xung” như Dần, Thân, Tỵ, Hợi, hoặc Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu vv... tôi thấy trong số bạn bè của tôi có nhiều cặp vợ chồng có tuổi nằm trong những “bộ tứ” này nhưng họ sống với nhau rất hạnh phúc, vợ chồng đối xử với nhau rất có văn hóa, có thủy có chung, kinh tế rất sung túc. Có người khuyên tôi nên đi đến một ông thấy bói mù ở đâu đó ngoại vi thành phố, tôi lắc đầu ngao ngán. Mắt sáng trưng coi còn chưa “thấy” gì huống chi là mù. Chuyện này nhắc tôi nhớ lại ngày xưa có ông nào đó mù cả hai mắt nhưng lại có tiền của. Người ta khuyên ông đứng ra lập công ty để họ dựa hơi ông kiếm của rơi của rớt. Chuyện đời trớ trêu, vậy mà ông vẫn có được giấy phép thành lập công ty do ông làm Giám Đốc điều hành mọi hoạt động kinh doanh. Nghe nói mỗi khi phải ký giấy tờ, cô thư ký xinh đẹp cầm tay ông ký vào ô giám đốc. Nghe đâu ông này sau đó bị đưa vào nhà lao nghỉ mát vì nợ nần sao đó, còn cô thư ký thì vào nhà… bảo sanh. Tôi lại mang tuổi Dần, đây cũng là một lý do để họ bàn ra tán vào. Họ còn nói tuổi Dần cao số, phước đức dữ lắm mới lấy được một ông chồng có học có hành như vậy, chứ nếu không, á hả, tôi phải xách xe không chạy suốt đời, nghĩa là tôi sẽ phải phòng không chiếc bóng không biết cho đến bao giờ. Lại có người nói tôi lãnh cái quả của cha tôi thì thật là thậm vô lý. Người vợ trước của cha tôi tự ý bỏ đi chứ đâu phải lỗi ở cha tôi. Sau này ông cưới mẹ tôi và sống hạnh phúc với đàn con ba đứa cho đến ngày ông về với Chúa. Cha tôi không có lỗi lầm gì mà nói là tôi phải gánh lấy hậu quả? Cho dù cha tôi có làm gì thất đức hay đã gây đau khổ cho một người đàn bà nào khác thì cũng không có liên quan gì đến cuộc sống của tôi bây giờ. Cái lối lý luận cho là ông bà ta đã nói “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” theo tôi là không đúng. Không phải cái gì “ông bà” ta nói là đúng đâu. Mấy ổng bả cũng nói trật vậy. Ví dụ như chuyện này đây. Chuyện tình cảm của nhỏ Thủy cũng tội nghiệp. Hai đứa thương yêu nhau khắng khít tưởng không có gì chia cách được. Nàng và chàng định ra trường làm việc vài năm rồi làm đám cưới, thế mà cái chứng viêm gan siêu vi C đã kéo người con trai đó ra khỏi vòng tay của Thủy để đưa về bên kia thế giới. Người đời độc miệng cho nhỏ này có tướng “sát phu”, nào là mắt sáng long lanh, lưỡng quyền cao nghệu. Chưa thành chồng vợ mà đã bị “sát” rồi. Trong cái xã hội này, những người tin vào chuyện đồng bóng, ma đè quỉ ám, không phải là ít. Cứ xem trên báo, thỉnh thoảng lại có ông thầy được cõi trên nhập có khả năng trị bá bệnh bằng cách đốt một lá bùa bỏ vào chén nước lạnh rồi cho bệnh nhân uống. Lá bùa đó do thầy vẽ ngoằn ngoèo như một bầy rắn đang cắn lộn. Có nơi lại xuất hiện một bà già đột nhiên lên đồng rồi có tài trị bệnh bằng cách sờ nắn vài lần là khỏi bệnh. Bất cứ bệnh nặng nhẹ, ung thư, nhiễm trùng bà nói đều trị khỏi, chỉ cần bà sờ và nắn nót sao đó trên cơ thể người bệnh. Người ta đến trị bệnh đông như ngày hội. Người bệnh đến với mấy ông bà lang băm này đều ở trong tình trạng bị các bác sĩ hay bệnh viện “chê” rồi. Nay họ được đưa đến đây trị bệnh theo quan niệm “còn nước còn tát”. Nước ở đây là tiền, “tát” xong cú này cũng vừa kịp lúc đưa bệnh nhân vào chiếc “hòm gỗ cài hoa”, và người nhà cũng phải chuẩn bị tham gia vào đoàn người bị gậy sau khi đã bán nhà, bán đất để chạy thuốc. Tháng trước đây tôi có đi nghe diễn thuyết về chuyện ghen tương giữa vợ chồng, diễn giả cho biết, đàn bà cũng như đàn ông, khi ghen thì không còn một chút lương tri gì hết. Dù là vợ chồng bao nhiêu năm chung sống họ cũng có thể giết nhau, hoặc dành cho nhau những thủ đoạn tàn độc, nào là tạt a-xít, hoặc thuê xã hội đen gây cho tàn tật suốt đời. Những loại người này hầu hết là những hạng cùng đinh trong xã hội. Khi ghen tức lên họ hành động như những con thú và dĩ nhiên không còn một tí gì gọi là nhân tính. Ông diễn giả này còn cho rằng, người phụ nữ ghen là vì họ thiếu tự tin. Họ nghĩ rằng người đàn bà kia phải hơn họ cái gì đó mới dụ khị được ông chồng ngốc nghếch của họ. Đàn bà có chồng thường ghen vì không nghĩ rằng chẳng qua ông chồng mình chỉ ham của lạ, hay nói khác đi theo kiểu thời trang bây giờ, đó là vì các ông ăn “cơm” lâu ngày sinh chán, muốn đi ăn “phở” để thay đổi không khí. Tôi cũng hơi nghi ngờ về cái chuyện thay đổi không khí này. Có thật vậy không hay là khi đã say mê quá sức người đàn ông trở nên mù quáng, răm rắp nghe theo bồ nhí để rồi có những hành động tội lỗi. Một anh chàng trợ lý giám đốc ở một công ty nọ, lần đầu tiên bước vào chốn ăn chơi, đi say mê một cô nàng “ca sĩ đám cưới” đến nỗi không còn biết trời đất gì hết, anh chàng đòi ly dị vợ để được đi lấy cô nàng ca sĩ đám cưới đó. Như vậy thử hỏi nếu bà vợ anh chàng trợ lý này nổi ghen đùng đùng lên, hay thuê người gây tổn thương em ca sĩ đó, liệu ông chồng có có quay về với vợ con không? Khó mà có trường hợp ông chồng kia quay trở về cái túp lều mà ngày xưa khi mới cưới vợ, anh thường nói như đọc kinh là anh với vợ là hai trái tim vàng ở trong đó. Khi mà bà vợ đã tiến hành thủ tục đầy bạo lực đối với tình địch đều kết thúc bằng một màn ly dị. Rất tội nghiệp cho những người phụ nữ rủi ro gặp phải loại ông chồng “cưới vừa xong thì anh… dông”. Như vậy thì thà rằng trong đời đừng gặp một người đàn ông nào hết còn hơn. Có bà tức quá đã nói như vậy sau khi nhận án văn của tòa chấp thuận cho hai vợ chồng bà ly dị. Cũng có trường hợp mấy cô bồ nhí hay đã hết nhí này quay lại ghen ngược với bà vợ chính thức của người đàn ông này khiến nhiều ông phải rối như tơ vò, như đứng trước ngã ba đường không biết làm sao để chọn. Về trường hợp của tôi, dĩ nhiên, tôi phải có một phương pháp hết sức êm dịu, hợp lý của một người trí thức, để lôi kéo anh trở về dưới mái nhà mà ngày xưa anh đã từng mơ ước để có được nó, và trong lúc mơ ước anh không dám gọi là căn nhà mà cũng chỉ gọi là túp lều tranh. Anh ấy cũng đã biết rằng khoảng đầu năm sau tôi sẽ sinh em bé. Khi biết tôi có thai anh ấy rất vui mừng, rất hạnh phúc. Nhưng cái chuyện sắp có con và chuyện có bồ có bịch đối với anh ấy hình như không có gì liên quan. Đàn ông có cái đặc tính chung là rất lười nói thật. Tôi hỏi gì anh ấy cũng chối phăng phăng. Rồi anh còn nói chẳng qua là vì họ ghen với hạnh phúc gia đình anh đang có nên đã thêu dệt chuyện này chuyện nọ. Ngày xưa, khi chọn một người con trai làm bạn để rồi tính đến chuyện chung sống với nhau đến trọn đời, tôi cũng có suy nghĩ và so sánh giữa một người con trai hiền lành chân chỉ hạt bột và một người lanh lợi tháo vát. Tôi rất ngại phải gặp một người chồng hiền lành chất phác không đủ bản lĩnh để lèo lái một gia đình, con trai gì mà cứ để “cha mẹ đặt đâu con trai ngồi bệt ra đấy” thì vợ con còn biết trông cậy vào đâu. Cuối cùng ông Trời đã “đặt” anh ấy vào tôi. Trong khi tôi còn đang bận rộn cho kỳ thi cuối học kỳ, chưa mở đường tạo cơ hội cho một anh chàng nào hết, thì anh ấy đã lăng xăng đến làm quen. Thế là chúng tôi quen nhau từ đó. Quả thật anh ấy rất lanh lợi, tháo vát, chuyện gì cũng làm được. Từ thể thao đến văn nghệ, đờn ca hát xướng, món nào anh cũng có mặt, nhưng đặc biệt là không có một món nào xuất sắc. Bù lại sự thông minh của anh được dành cho việc học và công việc làm nên anh luôn luôn được lãnh đạo tôn trọng. Khi những người đàn ông có được những tố chất như anh ấy, họ luôn luôn dành được cảm tình ngoài xã hội, và cảm tình đó chắc chắn sẽ có từ những người phụ nữ mà họ tiếp xúc. Thế là phát sinh những mảng tình cảm vụn vặt là chuyện phải đến một cách hồn nhiên. Đây có thể là cái giá phải trả đối với những người phụ nữ khi họ tìm được “một nửa kia” là một người đàn ông “đích thực”. Rồi chúng tôi cưới nhau, bình thường và đơn giản. Tôi cũng có việc làm. Chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc. Anh rất chịu khó chăm sóc và cái gia đình nhỏ bé này khi tôi bắt đầu mang thai cho đến khi đứa con gái đầu tiên của chúng tôi ra đời. Lúc đó tôi như ngập tràn trong niềm hạnh phúc của một gia đình mới, dưới sự chăm sóc tận tụy của anh. Khi anh ở nhà bên cạnh vợ con, anh quả thật là người của gia đình, của tôi như ngày nào và của đứa con gái còn nhỏ dại. Lúc đó anh coi như tách biệt ra khỏi xã hội bên ngoài, ngay cả chuyện của công ty, anh chỉ trả lời qua loa rồi hẹn hôm sau làm việc. Khi anh bước ra khỏi nhà, đó là thời gian của anh ấy, công việc của anh ấy và thế giới của anh ấy, tôi có đủ tự tin để tôn trọng. Anh ở với vợ con mỗi ngày trong khoảng thời gian đó là quá đủ. Tôi không cần thiết phải đòi hỏi gì thêm. Anh có thể tạm thời biến mất khỏi tôi và con tôi trong khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày, cho đến khi anh trở về dưới mái nhà này. Tôi không còn quan tâm đến chuyện anh có bồ nhí. Thời gian đó của anh, anh có quyền sử dụng, nhưng đừng bao giờ đem đến một niềm đau khổ cho bất cứ một người đàn bà nào khác. Tôi không thể nào bắt buộc anh phải dành cho chúng tôi tất cả một trăm phần trăm thời gian của anh. Đó là chuyện hão huyền. Tôi biết anh sẽ về. Thời gian của anh dành cho tôi, dành cho con tôi vẫn còn đó. Không mất mát đi đâu hết. Dương Lêh Tháng 4-2013 MARK TWAIN CHÍNH LÀ MỘT “LINCOLN”
TRONG VĂN HỌC HOA KỲ I. TỔNG THỐNG LINCOLN trong Nội chiến Hoa Kỳ Trong thời Nội chiến, 11 Tiểu bang miền Nam tách khỏi Liên Bang United States of America - USA (thời ấy có 33 Tiểu bang) với lá cờ “the Stars and Stripes” (13 sọc với 33 ngôi sao) thủ đô là Washington, DC, có Tổng thống Abraham Lincoln mới đắc cử. Miền Nam ly khai thành lập Liên hiệp Confederate States of America - CAS (1861-1865) với lá cờ “the Stars and Bar” (có 1 thanh lớn và 11 ngôi sao) đặt thủ đô tại Montgomery, Alabama (chỉ một năm) sau dời về Richmond, Virginia, với Tổng thống riêng là Jefferson Davis. Đó là vào năm 1861, Nội chiến nổ ra – cuộc chiến tồi tệ nhất mà thế giới chứng kiến. Ít nhất 600.000 người chết vì cuộc chiến hoặc bị bệnh. Cuộc chiến đã đấu tranh để giữ Liên Bang thống nhất. Nó phát sinh bởi vì các Tiểu bang miền Nam duy trì Nô lệ - mang từ châu Phi sang để làm việc trong các cánh đồng trồng bông (cotton). Trong lúc đó, nô lệ không được phép tại miền Bắc, và hai phe tranh luận với nhau về việc “Có nên duy trì nô lệ tại các vùng đất mới ở miền Tây không?”. Năm 1860, ứng cử viên Abraham Lincoln của đảng Cộng hòa, chống lại việc duy trì nô lệ, đã đắc cử Tổng thống. Vào tháng 12, tiểu bang South Carolina nói rằng họ muốn tách riêng và 10 Tiểu bang miền Nam khác đi theo, thành lập Liên hiệp CSA. Nội chiến bắt đầu vào tháng 4-1861, miền Nam có tướng Lee tài giỏi và có nhiều tiền nhờ vào việc bán bông sang Anh quốc. Nhưng miền Bắc có nhiều quân và nhiều nhà máy hơn. Họ cũng có Lincoln, một trong các vị Tổng thống tuyệt vời nhất mà Hoa Kỳ đã có.– Tướng Grant là người đại diện miền Bắc ở Appomattox năm 1865, khi miền Nam của tướng Lee chấp nhận thua trận. Tổng thống Lincoln ra lệnh đối xử khoan hồng với quân sĩ của phe Ly khai miền Nam, họ đều không phải vào tù và cấm miền Bắc ăn mừng chiến thắng vì bên thua trận cùng dòng máu với ta. Buồn bã thay, vào tháng 4-1865, lúc Nội chiến vừa kết thúc, Tổng thống Lincoln bị ám sát. Việc “Hòa giải và Yêu thương” của Tổng thống Lincoln tương tự với Vua Trần Nhân Tông: Việc này thật là hiếm hoi xảy ra trong lịch sử Việt Nam thế mà đã xảy ra dưới thời vua Trần Nhân Tông - vào năm 1289, khi chiến thắng quân Mông-Nguyên, Vua đã ra lệnh “cho tha hết những kẻ hàng giặc” - và việc làm cũng hơi kỳ lạ của Tổng thống Lincoln tái xuất hiện trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ vào năm 1865 với việc “đối xử khoan hồng với quân Miền Nam”. Đây chính là tiếp nối sự việc mà Trần Nhân Tông đã làm vào 600 năm sau. Ngay nước Mỹ cũng kính phục tinh thần Hòa giải của Nhà Vua với việc thành lập “Trần Nhân Tông Academy” do giáo sư Thomas Patterson làm Chủ tịch, tại Đại học Harvard Hoa Kỳ và sau đó thành lập “Giải thưởng quốc tế và Hội nghị Trần Nhân Tông về Hòa giải và Yêu thương” vào ngày 19-6-2012. Giải thưởng sẽ được xét chọn hàng năm, cho những người bằng hành động, ảnh hưởng của mình, có những đóng góp nổi bật cho sự nghiệp Hòa giải và Yêu thương nhân loại. Hoa Kỳ có hai Bức tượng Tự do đều liên quan đến Lincoln: 1- Bức tượng Tự do “nhỏ” trên vòm Điện Capitol , Washington, D.C. Được hoàn thành vào năm 1863 và đứng uy nghi trên đỉnh cao chót vót của vòm Điện Capitol. Tổng thống Lincoln đồng ý với đề nghị đặt tên bức tượng Tự do nhỏ là “The Statue of Freedom” chỉ cao 10,44m và nhấn mạnh là hình tượng một Phụ nữ có vũ khí với “Sao, Sọc, biểu tượng Đại bàng và y phục Da đỏ bản xứ” (các đặc trưng của đất nước Hoa Kỳ), có ẩn ngữ là “Phụ nữ đó sẽ mang Đất nước đoàn kết lại” (Armed woman, metaphorically, brings the Country together), đây là ý nguyện tái đoàn kết Quốc gia của Lincoln khi tiên đoán Nội chiến chắc chắn thắng lợi. Tượng Tự do “nhỏ” được khánh thành tại thủ đô Washington và được chào mừng bằng 35 phát đại bác – ngay giữa thời kỳ cuộc Nội Chiến chia rẽ nước Mỹ trầm trọng đang tiếp diễn. Vì như ta biết, Nội chiến chỉ chấm dứt vào năm 1865 sau khi tướng Lee của Miền Nam đầu hàng và Tổng thống Lincoln chỉ thị khoan hồng tối đa nên Liên Bang sớm thống nhất ổn định trong sự đoàn kết quốc gia. Vì thế, dân Mỹ càng thương cảm vị Tổng thống đức độ, tài ba này mãi mãi. 2- Bức tượng Tự do ‘lớn” tại Cảng New York, tiểu bang New York Thật kỳ diệu là, hai bức tượng Tự do đều liên quan đến cuộc Nội chiến Hoa Kỳ: - Nữ thần Tự do “nhỏ” được khánh thành năm 1863 à 1865: Nội chiến kết thúc à ngay năm 1865: giáo sư Đại học Paris là Laboulaye có ý tưởng về sáng tạo ra Nữ thần Tự do “lớn” có tên “The Statue of Liberty” cao 93m (kể cả Bệ tượng) rồi sau đó thiết kế bức Tượng khổng lồ, tặng nước Mỹ để kỷ niệm 100 năm ban hành Hiến pháp Mỹ (1787-1887). Thay vì có khuynh hướng về học thuật, Laboulaye lại thiên về chính trị. Một trong các lý do cho sự thay đổi này là cuộc Nội chiến Hoa Kỳ: ý nghĩ duy nhất về Hoa Kỳ mà ông yêu quý – đang bị chia cắt thành hai quốc gia riêng biệt USA và CSA – bị chấn động sâu sắc. Và tệ hơn nữa là, có một cơ hội thực sự mà nước Pháp có thể công nhận sự độc lập của CSA (Miền Nam) – một hành động tạo ra hậu quả chính trị sâu xa mà có thể giúp Miền Nam thắng cuộc chiến và duy trì chế độ nô lệ. Lo sợ về điều này, giáo sư Laboulaye bắt đầu viết các sách nhỏ nhân danh sự nghiệp chính đáng của Tổng thống Lincoln và Liên Bang USA (Miền Bắc). Những hoạt động của ông và của những người khác đã khiến nước Pháp do dự và, trong khi cuộc Nội chiến tiếp diễn, Paris dần dần bỏ hẳn ý nghĩ công nhận Miền Nam. Những nỗ lực của Laboulaye được các Hội đoàn Liên Bang ở Philadelphia và New York hoan nghênh. Tháng 6-1865, Laboulaye nhờ điêu khắc gia nổi tiếng Bartholdi thiết kế mẫu sáng tạo bức tượng một vị nữ thần khổng lồ và mãi cho tới ngày 28-10-1886, tượng Nữ thần Tự do “lớn” - do nhân dân Pháp tặng nhân dân Hoa Kỳ để chúc mừng thế kỷ đầu tiên của Liên Bang non trẻ này – mới được Tổng thống Mỹ Grover Cleveland khánh thành và tiếp nhận tại Cảng New York. Tóm tắt Công lao và đức độ của Tổng thống Lincoln trong việc xóa bỏ chế độ kỳ thị nô lệ Da đen, tái thống nhất Liên Bang, và sau đó bị ám sát, đã khiến ông được nhân dân Mỹ mến thương vô vàn về tài năng và đức độ. Chính vì vậy, chỉ riêng Tổng thống đầu tiên Washington và Tổng thống Lincoln được Hoa Kỳ tổ chức kỷ niệm Lễ sinh nhật vào tháng Hai hàng năm, không kể vào tháng Giêng kỷ niệm Lễ sinh nhật của Tiến sĩ da đen Martin Luther Martin bị ám sát vì tranh đấu chống kỳ thị da đen (Đặc biệt chỉ có hai Tổng thống da trắng và một Mục sư da đen được Liên Bang kỷ niệm Lễ sinh nhật). Và Tổng thống Lincoln cũng được vinh dự tạc tượng cùng với ba Tổng thống Mỹ khác là: George Washington, Thomas Jefferson và Theodore Roosevelt trên núi Rushmore hùng vĩ, tiểu bang South Dakota, mà cách xa 100km người ta còn có thế trông thấy. II. “MARK TWAIN: MỘT LINCOLN TRONG VĂN HỌC” Trong cuốn tiểu sử mới nhất có tựa đề Mark Twain - a Life (Mark Twain - một cuộc đời), tác giả Ron Powers viết: "Mark Twain đã làm thay đổi cách nghe nhìn của người Mỹ, ông chính là một Lincoln trong văn học". Ông đã trả lại cho nước Mỹ ngôn ngữ và giọng điệu của con người bản xứ nước này, không phải bằng lối giễu nhại hay châm biếm mà bằng thứ văn học tinh tế và đầy chất hài hước. 1 Cuộc đời của Mark Twain (1835 – 1910) Mark Twain là nhà văn khôi hài bậc nhất của Hoa Kỳ , là tiểu thuyết gia rất sáng tạo và hấp dẫn do nơi sinh của ông thuộc về miền đất được coi là trái tim của Hoa Kỳ, gần vùng biên giới và ngay tại bờ sông Mississippi và con sông lớn này đã nối hai miền B ắc và N am. Mark Twain có tên thật là Sam Langhorne Clemens, chào đời vào ngày 30 - 11 - 1835 tại Florida , tiểu bang Missouri (MO) , và là đứa con thứ sáu. Cha của Sam là ông John Marshall Clemens là một luật sư, đã rời khỏi tiểu bang Virginia để sang định cư tại Missouri còn bà mẹ Jane Lampton Clemens là người từ tiểu bang Kentucky . Đây là một gia đình không giàu có nhưng cho các con được sống tự do, thoải mái. Vào thời kỳ đó, cả hai tiểu bang Missouri và Kentucky đều là tiểu bang duy trì chế độ nô lệ . Năm 1821, Missouri được thâu nhận vào Liên Bang Hoa Kỳ. Khi lên 4 tuổi tức là vào năm 1839, gia đình của Sam Clemens dọn về Hannibal, một thị xã nhỏ nằm về phía tây trên bờ sông Mississippi. Hannibal cách thành phố lớn Saint Louis , MO, 120 dặm về phía bắc. Dân số của thị xã này vào khoảng 1.000 người, một nửa là nô lệ và những người da đen nào không có đủ giấy tờ đều bị bắt. Nhiều người nô lệ da đen bị bán cho các đồn điền thuộc phía Nam trong các tiểu bang như Louisiana , Georgia … Sam Clemens trải qua tuổi trẻ tại thị xã Hannibal, đã từng bơi lội trên sông, chơi đùa trong các cánh rừng hay trên các hòn đảo của dòng sông và đọc các cuốn truyện phiêu lưu mạo hiểm. Mississippi là một dòng sông rất lớn, nối miền bắc với các Tiểu bang phía nam như Arkansas và Louisiana, do con sông Ohio hội nhập lại, người dân có thể đi tới Cincinnati , tiểu bang Ohio và các thành phố khác thuộc miền đông và cuối cùng chảy qua Tiểu bang Mississippi rồi chảy ra Đại Tây dương. Từ các phong cảnh, kinh nghiệm và kỷ niệm với dòng sông này, tác giả Mark Twain đã viết ra nhiều tác phẩm danh tiếng . Trong 20 năm trường sống tại thành phố Hartford , Connecticut (CT) hay tại Quarry Farm g ần thành phố Elmira , New York , Mark Twain đã viết rất nhiều và các bài viết được phổ biến qua các tạp chí văn học xuất bản tại hai thành phố Boston và New York . 2. Sự nghiệp sáng tác : Mark Twain là một nhà văn trào phúng nổi tiếng của Mỹ . Những tác phẩm của ông, với tính chất châm biếm sâu sắc, với những nét miêu tả tâm lý xã hội cực kỳ khéo léo, đã trở thành những vũ khí sắc bén đấu tranh chống sự áp bức thống trị của bọn cầm quyền phong kiến tư bản, nhất là chống chính sách dã man phân biệt chủng tộc đối với người da đen ở Mỹ , ông ủng hộ chủ trương của Tổng thống Lincoln. Con đường đến với văn học của Twain đến nay vẫn không khỏi khiến người ta ngạc nhiên, khởi đầu bằng một tác phẩm hài hước có tựa đề "The Celebrated Jumping Frog of Calaveras County" (Con ếch nhảy trứ danh ở hạt Calaveras). Dù ngày nay đọc lại, tác phẩm đó không thể kiếm nổi của độc giả một nụ cười nhưng lúc b ấ y giờ, "Con ếch nhảy..." đã giúp ông trở nên nổi tiếng chỉ sau một đêm. Tiếp đó là những chuyến ngao du khắp đất nước với những buổi nói chuyện trước những cử tọa chật kín, ông đã khiến khán giả cười vỡ bụng bằng khiếu nói chuyện hài hước và thông minh của mình. Mark Twain đã đưa lối văn đàm thoại vào cách hành văn Mỹ và nhờ các truyện ngắn, ông đã nổi danh là một nhà viết văn khôi hài, chuyên chế giễu các phong tục, tập quán và các định chế của xã hội đương thời. - C uốn tiểu thuyết đầu tiên của Mark Twain là "Thời Kỳ Vàng Son" (The G il ded Age, 1873) . Tác giả đã viết cuốn này chung với Charles Dudley Warner , một người bạn và một nhà văn sống tại Hartford. N ói về các thập niên sau Cuộc Nội Chiến qua đó tác giả châm chọc tính ích kỷ và các cách kiếm tiền phổ thông của thời bấy giờ. - C uốn "Sống thiếu thốn" (Roughing It) kể về cuộc đời của một người thợ mỏ và một nhà báo . - Cuốn "Đi nước ngoài" (A Tramp Abroad, 1880) được viết ra từ chuyến du lịch châu Âu của tác giả vào năm 1878. Cuốn truyện này kể lại các chuyến đi qua các nước Đức , Thụy Sỹ và Ý và qua đó, tác giả đã pha trộn các truyền thuyết, chuyện kể, chuyện khôi hài và các nhân vật địa phương để chế giễu nhẹ nhàng các sách du lịch và nền văn hóa tại châu Âu . - Cuốn "Hoàng Tử và K ẻ nghèo" (The Prince and the Pauper , 1882) dùng khung cảnh nước Anh vào năm 1550, mô tả sự trao đổi nhân dạng giữa Hoàng Tử Edward-6 của nước Anh và đứa trẻ nghèo hèn tên là Tom Canty. Cuốn truyện này đã làm vừa lòng một số độc giả thuộc vùng Tân Anh Cát Lợi (New England) nhưng một số người khác lại bất mãn vì họ ưa thích loại truyện đã xuất bản trước kia. - Cuốn "Đời sống trên dòng sông Mississippi" (Life on the Mississippi, 1883) mô tả về lịch sử, truyền thuyết, khung cảnh, con người của các con tàu thủy, của các thành phố dọc theo con sông Mississippi. Tác giả Mark Twain đã kể rõ về những ngày lái tàu của mình khi trước từ chương 4 tới chương 17. Các chương này trước kia đã được phổ biến trên tờ nguyệt san Atlantic vào năm 1875 qua loạt bài "Thời xưa trên dòng sông Mississippi" (Old Times on the Mississippi). - Đặc biệt là cuốn "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer" (The Adventures of Tom Sawyer, 1876) được coi là hồi ký của Mark Twain và tác giả mô tả Tom Sawyer, anh bạn Huck Finn và tên gian ác Injun Joe cũng như làng St. Petersburg nhờ các kỷ niệm sống tại Hannibal , MO, khi trước. - Và cuốn "Các cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" (The Adventures of Huckleberry Finn) được coi là tác phẩm danh tiếng nhất của Mark Twain, được xuất bản tại nước Anh vào năm 1884 và Hoa Kỳ vào năm 1885, và là phần tiếp của cuốn "Tom Sawyer". Cuốn truyện này mô tả các cuộc phiêu lưu của hai đứa trẻ trốn nhà, là Huck Finn và một em nô lệ da đen tên là Jim. Tom Sawyer cũng xuất hiện lại trong một số chương với trò khôi hài cố hữu. Trong truyện, Mark Twain đã dùng thứ ngôn ngữ hiện thực (realistic language) thêm vào là nhiều loại thổ ngữ (dialects) làm cho sống động các nhân vật. Các lối hành xử thiếu đạo đức, lời nói vô hạnh nhất thời của nhân vật Huck Finn và cách dùng văn phạm thiếu thận trọng của tác giả trong tác phẩm, đã làm cho một số độc giả bất mãn. Ngoài ra, một số độc giả còn phản đối Mark Twain vì cho rằng ông đã chấp nhận chế độ nô lệ , lời văn mang tính kỳ thị và đã dùng chữ "nigger" (kẻ nô lệ dơ bẩn). Thực ra đối với thời bấy giờ, Mark Twain là một người tiến bộ về vấn đề chủng tộc và các chủ đề sâu xa viết về Huckleberry Finn đã bàn tới sự bình đẳng căn bản và khát vọng toàn cầu của mọi người thuộc mọi chủng tộc. - Cuối cùng, tác phẩm "Người Mỹ trong Triều Đình của Vua Arthur" (A Connecticut Yankee in King Arthur's Court, 1889) đã trình bày một nhân vật khác nhiều màu sắc. Đây là người đốc công trong xưởng kim loại từ Hartford, C T , tên là Hank Morgan. Nhờ quỷ thuật, Morgan thấy mình được sống tại nước Anh vào khoảng năm 500 sau Công nguyên , nên đã quyết định cải tổ xã hội Anh bằng cách đưa vào đó các lợi ích về kinh tế, tri thức và đạo đức của các năm 1800. Nhưng trước các cải cách và hoạt động từ thiện, đám đông quần chúng ngu dốt, cố vấn do giới Hiệp Sĩ và Tu Sĩ mê tín, đã nổi lên lật đổ Nhà Vua nước Anh. Qua các sự kiện xảy ra trong truyện, tác giả đã gián tiếp chế nhạo các thái độ tôn kính của một số tác giả đối với các Hiệp Sĩ Bàn Tròn, đồng thời Mark Twain cũng đưa ra một số câu hỏi về giá trị của nền văn hóa đương thời tại Hoa Kỳ. 3. Đánh giá về Mark Twain Trong cuốn tiểu sử mới nhất có tựa đề Mark Twain: a Life (Mark Twain - một cuộc đời), tác giả Ron Powers viết: "Mark Twain đã làm thay đổi cách nghe nhìn của người Mỹ, ông chính là một Lincoln trong văn học". Ông đã trả lại cho nước Mỹ ngôn ngữ và giọng điệu của con người bản xứ nước này, không phải bằng lối giễu nhại hay châm biếm mà bằng thứ văn học tinh tế và đầy chất hài hước. Bố mẹ Clemens là cư dân tiểu bang Virginia nhưng ông được sinh ra tại Florida , MO, trong một gia cảnh khá chật vật, túng thiếu. Năm 1839, gia đình ông chuyển đến sống tại Hannibal , MO, thành phố nhỏ nằm cạnh dòng sông Mississippi . Cha mất sớm, nhà văn tương lai phải bỏ học và theo nghề lái tàu kiếm sống. Khi cuộc nội chiến bùng nổ, nhà văn bỏ tàu, bỏ sông nước trôi dạt theo cuộc sống phiêu lưu ở những dãy núi miền Tây nước Mỹ . Nhưng những ngày tháng lênh đênh trên tàu đã để lại cho ông những ấn tượng sâu sắc, trở thành nguồn cảm hứng để nhà văn viết nên những kiệt tác như "Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer" (The Adventures of Tom Sawyer -1876), "Cuộc sống trên sông Mississippi" (Life on the Mississippi - 1883) và "Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn" ( The Adventures of Huckleberry Finn - 1884). Những mỏ vàng, mỏ bạc ở miền viễn Tây đã quyến rũ giấc mơ làm giàu của Clemens nhưng vận may không mỉm cười với ông. Nhà văn tương lai rách rưới và bụi bặm đến nỗi khi đến nộp đơn xin làm phóng viên ở một tòa soạn báo, Clemens trông giống một tên ma cà bông hơn là một người có khả năng cầm bút. Sau khi đã định hình được một phong cách báo chí cho riêng mình, cái tên cúng cơm Samuel Clemens được đổi thành Mark Twain. 4. Bút danh Mark Twain : Bút danh này xưa nay vẫn gây tranh cãi trong giới học giả nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn. Có hai giả thuyết chính : - Giả thuyết thứ nhất cho rằng, Mark Twain có nghĩa là "mark two" - chỉ mực nước khoảng 2 sải (tương đương với 3,7m) - một thuật ngữ mà những người dò sông biển thường dùng để báo tin cho nhau, chỉ đường đi an toàn. - Giả thuyết thứ hai giải thích, bút danh này bắt nguồn từ những ngày lang bạt kỳ hồ ở miền Tây của nhà văn. Lúc đó, ông thường vào quán, gọi liền hai cút rượu và bảo người phục vụ đánh dấu "Mark twain" vào hóa đơn của mình. - Nhưng trong một tài liệu, nhà văn viết: "Người thuyền trưởng già, dù chẳng giỏi giang và hay chữ gì nhiều nhưng ông thường sử dụng ký tự MARK TWAIN để thông tin về tình hình sông nước. Những thông tin này cực kỳ chính xác và có giá trị, nó có nghĩa là an toàn, không nguy hiểm..." . KẾT LUẬN Mark Twain là nhà văn trào phúng số 1 của nước Mỹ. Ông sống vào đúng thời Nội chiến của Mỹ - lúc đó vì tệ nạn phân biệt chủng tộc mà Liên Bang Hoa Kỳ đã suýt mất đi sự thống nhất, nếu không có vị Tổng thống tài ba Lincoln lèo lái Liên Bang. Chính nhà văn Mark Twain cũng đồng quan điểm với Lincoln về xóa bỏ kỳ thị Da đen trong các tác phẩm của mình. Vì thế, một nhà phê bình Mỹ đã cho rằng: “Mark Twain chính là một Lincoln trong nền văn học Hoa Kỳ”. Hơn nữa với những tiểu thuyết đặc sắc và những nhân vật sống động cống hiến cho nền văn học Mỹ, Mark Twain xứng đáng là vì tinh tú đầu tiên của nền văn học hiện đại Hoa Kỳ . Mark Twain sinh năm 1835 và mất năm 1910. Điều kỳ lạ là vào năm nhà văn ra đời, sao chổi Halley rực sáng trên bầu trời Florida , tiểu bang Missouri và khi ông mất, năm 1910, sao chổi Halley lại một lần nữa vẫy cái đuôi sáng lòa của mình trên nền trời xanh thẳm. Như một ngôi sao với thứ ánh sáng rực rỡ quệt ngang qua bầu trời, Mark Twain đến nay vẫn được coi là ngôi sao sáng nhất trong giới những người cầm bút trên văn đàn Mỹ.
PHẠM VŨ (Tham khảo: Tài liệu và sách báo về Mark Twain)
Phụ Bản II BÀI HỌC VỀ LÒNG KIÊN NHẪN MAI HƯƠNG Ấn tượng đóng vào tâm trí tôi sau những lần gặp gỡ ông là lòng kiên nhẫn đến kỳ lạ. Câu chuyện về một ông già 78 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, không biết tí gì về Anh văn, vi tính, trình độ học vấn chỉ ở mức lớp 3 trường làng lại kiên trì theo đuổi cho bằng được ý định “làm sách” về các di sản văn hóa thế giới cứ như một giấc mơ. Nhưng rồi giấc mơ ấy cũng thành sự thật khi hiện tại bộ sách đã ra đời và tác giả của nó – ông Bùi Đẹp – được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam – Vietbooks đề xuất kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên làm được chuyện đó. Từ ẩn ức của chàng trai nghèo mới học hết lớp 3. Ông Bùi Đẹp sinh năm 1928 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Là con trai duy nhất trong một gia đình có 4 người con, ông Đẹp có cái may mắn không ngờ là được đi học. Nhưng đi học giữa lúc cha mẹ và các em phải chạy giặc, chạy ăn từng bữa là một điều xa xỉ. Cố lắm, cố mãi rồi thì sức lực của cái gia đình bần cố nông ấy cũng kiệt cùng, cha mẹ chỉ có thể cho ông học hết sơ học yếu lược – tương đương lớp 3 trường làng – đủ cho ông biết đọc, biết viết và biết làm vài con tính. Đảng ra đời, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng lên, 18 tuổi, ông Đẹp bỏ nhà theo kháng chiến. Ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi mới ngoài hai mươi. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Sống những ngày hòa bình ở miền Bắc, mơ ước được học bấy lâu vẫn xếp gọn trong lòng nay trở lại đầy câu thúc. Ngày tay súng, tối tay viết, ông không bỏ sót buổi học nào của lớp bổ túc văn hóa. Nhưng miền Nam còn chưa yên tiếng súng, quê hương còn đầy bóng giặc thì mấy ai khư khư giữ cho mình một giấc mộng con con, mấy ai yên cái bụng mà học hành cho tới nơi tới chốn. Chuyện học của ông cứ phập phà phập phù. Nguồn kiến thức duy nhất đến với ông là số sách báo ít ỏi mà hễ có được là ông đọc nghiến ngấu trong cái thời “đất nước mình còn nghèo lắm” ấy. Như người sống ở sa mạc luôn cất giấu trong lòng thứ ẩn ức tuyệt vời về những dòng nước ngọt, ông Đẹp cũng như nhiều thanh niên thời đó vẫn mơ mộng về một ngày đất nước giải phóng, ông sẽ được thả sức học tập, nghiên cứu và có thể viết sách. Chưa bao giờ ông tin tưởng nhiều đến thế. Bài học sinh động về lòng kiên nhẫn. Chờ mong mãi cuối cùng ngày tự do cũng đến. Nhưng công việc ở Viện Khoa học hình sự cứ cuốn ông đi cho mãi đến năm 1986 được “rửa tay gác kiếm”, ông Đẹp mới bắt đầu thực hiện ý định viết lách của mình. Vốn mê du lịch, ông nhất định phải làm sách về danh lam thắng cảnh. Bây giờ nghĩ lại, ông mới giật mình: Sao ngày đó ông liều đến thế. Ngoại ngữ không, vi tính không, chụp ảnh không, tiền bạc không, kiến thức thì gần như không, thế mà đòi làm sách về mấy trăm di sản văn hóa ở khắp năm châu bốn bể! Người ta làm sách thì học hàm học vị rần rần, kiến thức uyên thâm, cộng sự, phụ tá đắc lực kề bên. Còn ông chỉ có vốn liếng “năm không” cộng với lòng quyết tâm bước vào cuộc hành trình thăm thẳm gần hai chục năm trời như mò kim đáy biển để thu thập tư liệu thai nghén bộ sách. Suốt từ năm 1986 cho tới năm 2003, ông kiên trì lục tìm tư liệu từ rất nhiều nguồn: sách, báo, tạp chí, tờ tin trong và ngoài nước, Internet, bảo tàng văn hóa, gửi thư đến các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam xin tài liệu… Mỗi bài báo, mỗi mẩu tin là một mảnh ghép mà ông là người đang chơi trò chơi ghép hình dài ngày với khát vọng tạo nên bức tranh hoàn chỉnh hay ít ra cũng là bức phác họa chi tiết về những di sản văn hóa trên khắp thế giới. Ông rủ rỉ nói: “Khó khăn nhất là cái khoản dịch thuật. Các đại sứ quán họ nhiệt tình lắm nhưng tài liệu gửi sang toàn là tiếng nước ngoài: nào tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức, Ấn Độ, Malaysia, tiếng Lào… mình nghe họ nói cứ như vịt nghe sấm. Nhưng chả lẽ bó tay. Thế là phải nài nỉ mấy anh giáo viên ở trường Nguyễn Thái Bình gần nhà dịch hộ. Nhưng chỉ dám đưa sang từng vài trang một thôi, lấy về trang này lại đưa tiếp trang khác, nơm nớp sợ họ “ngán”, họ “nản”, họ “bỏ cuộc” ”. Xong được phần dịch, ông lại phải “đối phó” với rào cản vi tính và Internet. Thằng con trai, đứa con gái của ông sành sỏi lắm, lướt mạng cứ nhanh nhoay nhoáy, gõ vi tính nghe rào rào. Nhưng chúng nó còn mải học, mải chơi, chả đứa nào để ý đến công việc của bố. Vậy là ông mò mẫm học một mình. Thời gian đầu thấy ông cứ tồng tộc đạp xe đi rồi về, bà nghi lắm. Có lần bà thấy ông tần ngần dựng xe trước hiệu Internet nữa chứ. Thôi chết, từng này tuổi rồi, hay là ông lại sinh tật hẹn hò chát chít như bọn trẻ bây giờ thì khốn! Nhưng rồi bà cũng yên tâm bởi lần nào từ trong “dịch vụ” ra ông đều khệ nệ mang theo bao nhiêu là giấy tờ chi chít, nhằng nhịt những chữ, tiếng Việt có, tiếng Tây có. Ông già gần 80 tuổi đã biết lên mạng, biết “online” rồi. Lo được phần nội dung thì nào đã xong chuyện. Ông lại tính đến phần hình ảnh. Ông nghĩ đơn giản như vầy: “Mình dắt người ta đi khắp thế giới chỉ với cuốn sách trên tay bằng “tư duy trừu tượng” mà không có “trực quan sinh động” thì chán bỏ xừ. Phải tìm được một thợ chụp hình thật “máu me” du lịch cùng đồng hành mới được”. Nhiếp ảnh gia Minh Đức, một ông già cũng vào hàng thất thập cổ lai hi được “huy động” vào dự án của ông. Đôi bạn già ấy đã đèo nhau rong ruổi khắp các bảo tàng, thư viện, đại sứ quán, hiệu sách cũ để chụp lại ảnh. Hàng trăm bức ảnh trong bộ sách đã được ra đời như thế. Để có tiền nuôi dưỡng kế hoạch dài ngày, ông cặm cụi viết hơn 300 bài cộng tác khắp báo lớn báo nhỏ từ trung ương đến địa phương, cần mẫn đến mức tờ tin quận 11 phải cấp cho ông cái giấy công nhận “Thành tích tích cực tham gia công tác tuyên truyền”. Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ, vừa tìm, vừa tổng hợp, vừa viết, cuối cùng bộ sách “Di sản văn hóa thế giới” gồm 10 tập về tất cả những di sản văn hóa ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương, châu Nam Cực đã ra đời. Cái ngày ấy với ông trọng đại lắm. Ông tỉ mẩn tính luôn cả những lần tái bản thì đã có 13.910.000 trang sách ông viết đến tay người đọc. Hôm tôi vào “đại náo” kho tư liệu của ông thì phát hiện ra chồng bản thảo viết tay của ông đã cao hơn 1 mét. Đã 19 năm, tính chi li ra là xấp xỉ 6.935 ngày nhà nước cho ông về nhà nghỉ dưỡng. Nói ra thì thật khó tin nhưng suốt gần 7.000 ngày đó, ông chỉ chịu nghỉ vẻn vẹn có 20 ngày vì cái “món” tai biến mà dường như tuổi già nào cũng phải nếm qua. Nằm được vài ngày ông lén bà trèo lên yên con ngựa sắt, mới khua được mấy vòng thì té sấp té ngửa. Xe cấp cứu hụ còi inh ỏi chở ông vào viện. Bác sĩ chẩn đoán ông bị nứt xương hông. Cũng may mà đầu óc không việc gì. Hôm tôi đến nhà, ông nhất định lần tường lê bước chân cà nhắc dẫn tôi thăm phòng sách. Ông cười lắc rắc tiết lộ một kế hoạch rất chi tiết về 2 quyển tiếp theo của bộ sách mà ông sẽ gấp rút hoàn thành trong năm nay để bổ sung thêm hơn 200 di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận. Ngoài ra, ông còn muốn làm một quyển tự điển về danh lam thắng cảnh thế giới nữa. Lúc về, tôi rỉ tai hỏi bà xem có bao giờ bà thử “thanh tra” số tài khoản ông kiếm được từ viết lách không. Bà lắc đầu: “Ông ấy chả giữ lại được một xu nào đâu. Lại đổ vào sách báo, tranh ảnh hết”. Sức lực của người cựu chiến binh từng nhận Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 2, Huân chương Chiến công hạng 1 ấy bền bỉ đến kỳ lạ. Và lý do mà ông đưa ra để giải thích cho sự kiên trì hiếm thấy của mình chỉ là: “Già rồi, nếu không có niềm đam mê nào, quanh quẩn mãi trong nhà có nước mà… tự tử, phải làm chút gì đó để lại dấu ấn cho con cháu, cho cuộc đời này”.
Bùi văn Quảng st ĐỀ XUẤT KỶ LỤC NGƯỜI VIỆT NAM ĐẦU TIÊN BIÊN SOẠN BỘ SÁCH “DI SẢN THẾ GIỚI” Đó là ông Bùi Đẹp, một cán bộ hưu trí hiện ở Tp.HCM. Từ năm 1986 đến 2003, ông đã sưu tầm và biên soạn bộ sách “Di sản thế giới”. Bộ sách gồm 10 tập về châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương và Nam Cực… Tổng số trang của bộ sách là 3.773 trang và 1.775 ảnh (đen trắng), mỗi cuốn trong bộ sách đều khổ 20x15cm. Ngoài ra, từ 10 tập sách trên, người biên soạn và NXB Trẻ đã tuyển chọn thành tập “Di sản chọn lọc” dày 542 trang với 102 ảnh. Tính đến tháng 5 năm 2005, bộ sách “Di sản thế giới” đã in được 41.500 cuốn, 13.910.000 trang. Do đây là công việc cần nguồn tư liệu phong phú và chính xác nên ông Bùi Đẹp đã thu thập nhiều thông tin, hình ảnh từ các báo, tạp chí Người đưa tin UNESCO, Kiến thức Ngày nay… Đồng thời, ông còn gửi thư đến đại sứ quán, lãnh sự quán của các nước đóng trên lãnh thổ Việt Nam nêu rõ mục đích của mình và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía họ. Bằng sự phân chia hợp lý thời gian, thu thập tư liệu một cách nghiêm túc, khoa học, lần đầu tiên bộ sách “Di sản thế giới” được biên soạn tại Việt Nam của tác giả Bùi Đẹp đã hoàn thành. C.T.V. (Theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam – Vietbooks) SGGP 14.8.2005 Bùi văn Quảng st
TIM Niềm riêng khắc khoải buốt Tim thôi Trắc trở đôi Tim dạ khó nguôi Tim mãi bùi ngùi tình tấm mẳn Tim đang thổn thức cảnh chia phôi Cô đơn Tim tủi thân dang dở Lạnh lẽo Tim sầu phận cút côi Luyến tiếc hoa Tim vương kỷ niệm Đêm đông vắng một bóng Tim rồi! THANH CHÂU Long Hòa 30.11.2005 29.10 Năm Ất Dậu
NUỐI TIẾC Bao giờ kiếm lại được đôi ngày Sánh bước đường đời vui với ai Có lúc về khuya trêu bóng nguyệt Nào khi dậy sớm ghẹo sao mai Nàng nhìn cuộc sống, nàng tươi sáng Ta ngắm duyên tình, ta đắm say Đôi trái tim son nay lẻ bóng Đò xuôi tách bến khó trùng lai THANH CHÂU 16.5.2005 Nhà tôi
Nhà tôi trú ở Bình Lâu, Nhà tôi có một giàn trầu, Tuy nghèo vật chất, nhưng giàu tình thương. Nhà tôi ngay ở ven đường, Số nhà một năm sáu, người thương dễ tìm. Nhà tôi mát mẻ hữu tình, Là nơi lý tưởng để mình hiểu nhau. Nhà tôi có một cây cau, Mẹ già sớm tối giã trầu, trông nom. Nhà tôi bé tí cỏn con, Xung quanh cây trái, sau còn cái ao. Nhà tôi không biết tại sao? Phải chăng giống tốt, cây nào cũng sai? Nhà tôi có một không hai, Ai thương thì tới, ai đài thì đi. Nhà tôi như thiếu thứ chi, Từ ngày em đến, làm gì… Anh cũng thấy vui. LÊ MINH CHỬ Thơ tri ân Cảm ơn Mẹ, cảm ơn Cha Cảm ơn Người đã cho ta hình hài Cảm ơn hạt lúa củ khoai Cảm ơn trời đất cho ngày tặng đêm Cảm ơn chân cứng đá mềm Cảm ơn ánh nguyệt êm đềm lòng ta Cảm ơn sương gió chan hòa Cảm ơn hoa cỏ mượt mà hữu duyên Cảm ơn bè bạn dịu hiền Cảm ơn thơ nhạc nối liền Bắc Nam Cảm ơn nắng gội mưa chan Cảm ơn Tổ quốc muôn vàn kính yêu. Mùa Hè năm 2006 XUÂN VÂN Mây Xuân Muốn làm một áng mây xuân Khi xa xa lắc, khi gần gần bên Bụi hồng chẳng lấm áo Tiên Giúp ngày: che nắng! Thương đêm ủ lòng Ngao du Nam Bắc, Tây Đông Vượt trên bão tố, gió đông cuộc đời Tình chan ăm ắp giếng thơi Chắt chiu nhân nghiã, thắp ngời lửa tim Trót yêu màu tím hoa sim Nỗi riêng canh cánh bao niềm đầy vơi Thôi, mây xin trả lại trời Vần Xuân dành tặng cho đời làm duyên XUÂN VÂN TÌNH VẪN CÒN NGUYÊN Tự sự sinh nhật Trung thu 2012 Đã tám mươi hơn chẳng chịu già Chân còn dẻo bước dặm đường xa Mắt còn xanh để tha hồ ngắm Cúc vàng rạo rực với thu nga Bỏ lại đằng sau bao ghềnh thác Chỉ còn sóng nhạc với thơ ca Tình còn nguyên vẹn em và bạn Giữa mùa trăng đẹp ngát hương hoa LÊ NGUYÊN Nhạc chiều Chiều rơi hiu hắt mái hiên ngoài Nâng chén quỳnh tương chợt nhớ ai Ngẫu hứng ngâm vài câu lục bát Cô phòng nghe vẳng khúc liêu trai Có phải em, người ta mến yêu Chạnh lòng nghe… hát cô liêu Hân hoan trở lại thiên đường cũ Sánh bước đi trong sóng nhạc chiều? Nhìn dáng em đi chiều lá rụng Tóc huyền buông nhẹ xuống bờ vai Ta bâng khuâng nhớ ngày hoa mộng Nâng đóa hoa cài mái tóc ai Ta giang tay đón em vào mộng Cho thỏa tình mong nhớ bấy lâu Ta cắn vào môi em chín mọng Cho cung thương ngả xuống cung sầu THANH PHONG Một ngày trong mơ… Sáng sớm mai thức dậy, Nghe báo, đài, đưa tin: “Chiến tranh đà kết thúc, Thế giới sống hòa bình!” Mọi người ùa ra phố, Nhảy múa như lũ điên, Ôi lâu rồi mới thấy, Con người sao mà hiền! Bao phương tiện đi lại, Dành đưa lính về quê, Vợ nhìn chồng sửng sốt, Cứ ngỡ trong cơn mê! Xe tăng, súng lớn, nhỏ, Cho vào lò nấu đồng, Chế tác thành vật dụng, Khung tranh hay bình bông. Thuốc súng vấn pháo hoa Phát không cho mọi nhà, Đốt mừng ngày trọng đại Bầu trời như sao sa! Bác học thôi vắt óc, Chế vũ khí giết người, Chuyển sang tìm thuốc mới Để trị bịnh cứu đời. Chính khách giờ qua lại, Chỉ để hỏi thăm nhau Chuyện trò cười rôm rả, Bởi không còn đương đầu! Chiến tranh thành cổ tích, Người già kể răn đời. Người nghe tròn xoe mắt, Không tin người diệt người! Nhà nông lo cày, cấy, Thương gia buôn ngược xuôi, Người nào thì việc ấy, Góp tay xây dựng đời. Ngoài nâng cao kìến thức Còn dạy đạo làm người. Giáo dục giờ đổi mới, Ra trường là nên người Nhà tù thành nhà mở Đón những người neo đơn Đốt đuốc tìm không thấy Người không nơi tựa nương. Nước giàu mang của cải, Vật dụng tặng nước nghèo Thế giới đều phồn thịnh Không còn ai gieo neo Nhà nhà nhiều thế hệ Sống hạnh phúc quây quần, Dâu thì hiền, rể thảo Con hiếu sinh cháu ngoan Vợ chồng yêu thắm thiết Không cặp nào chả, nem Trong êm, ngoài thêm ấm Tiên thấy cũng phát thèm! Giữa nước này, nước khác Xóa cột mốc, đường ranh Cùng đồng lòng, chung sức Làm trái đất thêm xanh 16.6.2009 TÂM NGUYỆN GIỮ CHO NHAU Xin giữ lại phút giây thân ái Đừng u sầu, nhung nhớ vu vơ Cho dù lòng đôi phút bơ thờ Bởi hụt hẫng, ngày vui quá vội Nốt nhạc bổng trầm trong một tối Đã tan vào quãng vắng mênh mông Nỗi buồn xao-động, xót xa lòng Làm sao giữ, đã ngoài tầm với Cánh chim trời, biết đâu bến đợi Nẻo đường về, vắng ngắt xa xôi Như bóng nắng mong manh, lịm tắt Như áng mây lờ lững cuối trời
Giữ cho nhau kỷ niệm một thời Giữ vần thơ, ước mộng chơi vơi Mãi bên nhau đến ngày sau cuối Mãi dạt dào như sóng biển khơi... Phạm Thị Minh-Hưng Xanh bước thời gian “Gió sao gió mát sau lưng Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này?” Ca dao Từ buổi gặp em: Anh biết trưa hè sau lưng gió mát, Biết cuối chiều thu ngơ ngác lá vàng, Biết có mầm cây thức trong tuyết trắng, Biết sáng xuân về xanh bước thời gian… Matxcơva, 10.1982 VŨ ĐÌNH HUY BLUISH STEP OF TIME “The wind, why the wind is so cool on my back My mind, why my mind so remembers a stranger like this” Folk-song Since the time I met you I know that in the summer afternoon, the wind was cool on my back I know that at the end of the autumnal evening, the yellow leaves turned dazed I know that tree shoots were awaken in the white snow And I know that in the morning where springtime came back, steps of time turned bluish… Moskow, 10.1982 VŨ ĐÌNH HUY Translated by VŨ ANH TUẤN Trả lời thư bạn gái
“Hiểu lòng nhau chứ, người ơi? Kiếp này không thể, đền bồi kiếp sau!” Chưa từng ai biết kiếp sau, Sao người hò hẹn cho nhau đau lòng? Mười năm nhớ, mỏi mòn mong, Sao người còn nghĩ: gặp không ích gì?
Thời gian như bóng ngựa phi, Đợi chờ chi, đáp đền đi, hỡi người! Người trung thực với cuộc đời, Sao không trung thực với lời trái tim?... Hà Nội, 8.1986 VŨ ĐÌNH HUY ANSWERING MY GIRL FRIEND’S LETTER “In our mind, we truly understand each other, don’t we? What we cannot give each other in this life, will be compensated for in
the afterlife!” No one has known the afterlife Why are you dating with me to make me painful? For ten years, I’ve been remembering and awaiting Why you still think: meeting each other doesn’t mean anything?
Time goes by as fast as a galloping horse Why waiting, repay me immediately, oh dearest! You claim to be true to life Why don’t you be true to the words of your heart? Hanoi, 8.1986 VŨ ĐÌNH HUY Translated by VŨ ANH TUẤN
HỌC… lúc xế chiều
Học quen cảnh sống vô ưu Của người cao tuổi – về hưu – buồn dài Học quên năm tháng miệt mài Tham công tiếc việc đôi vai hao gầy
Học câm lặng của làn mây Ưu tư vương vấn ngàn cây cuối rừng Học nhòa ánh mắt rưng rưng Cố ngăn giọt lệ trong từng bữa ăn
Học thao thức của vầng trăng Đêm dài lẻ bóng – cung hằng quạnh hiu Học đam mê của gió chiều Đi muôn phương chẳng cô liêu hững hờ
Học chung thủy của giấc mơ Suốt đời lặng lẽ đợi chờ cố nhân Học kiên nhẫn của số phần Nghiêng theo định mệnh phân vân gợn sầu
Học tha thiết của đêm thâu Lắt lay nhắn nhủ ngàn câu ân tình Học làm thơ để làm thinh Âm thầm trang trải lòng mình thế thôi
NGÀN PHƯƠNG
HY VỌNG & NIỀM TIN MONG sao đời sống yên vui BẢO HỒ thoát cảnh ngậm ngùi nhớ thương SỚM mai nắng xóa màn sương TÌM nguồn an ủi trên đường thơ ca LẠI tô thắm mộng ngàn hoa NIỀM mơ ước sẽ chan hòa hương xuân TIN thư dào dạt luyến thân YÊU thiên nhiên – nguyệt phong vân rạng ngời HY sinh gương đẹp tuyệt vời VỌNG về dĩ vãng muôn lời thủy chung NGÀN PHƯƠNG M Ệ T... Mỉm cười không mệt... Tức giận mới mệt... Ðơn thuần không mệt, phức tạp mới mệt. Tương tư không mệt, đơn phương mới mệt. Tương ái không mệt, tương tàn mới mệt. Chung tình không mệt, đa tình mới mệt.
Chân thành không mệt, giả dối mới mệt. Rộng rãi không mệt, ích kỷ mới mệt. Ðược mất không mệt, tính toán mới mệt. Thể chất mệt không phải mệt, tâm can mệt mới là mệt. Vậy chuyển tiếp bài nầy đi sẽ hết... "mệt"!...
Người viết bài này không mệt, Người chuyển tiếp bài này không mệt, Người đọc bài này mới mệt... Cho nên... mới xem tựa bài đã thấy... "mệt"!... Hà Mạnh Đoàn st ĐƯỢC
Thế Nào Là Được Sống một kiếp. Bình An là được. 2 bánh 4 bánh, đi được là được. Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được. Người xấu người đẹp, dễ coi là được.
Người già người trẻ, miễn khỏe là được. Nhà giàu nhà nghèo, hòa thuận là được. Ông xã về trễ, miễn về là được. Bà xã càu nhàu, chăm lo là được.
Khi con còn nhỏ, dạy dỗ thật nghiêm. Tiến sỹ cũng được, bán rau cũng xong. Sau khi trưởng thành, ngoan ngoãn là được. Nhà to nhà nhỏ, có chỗ ở là được.
Hàng hiệu hay không, mặc được là được. Tất cả phiền não, biết xả là được. Kiên trì cố chấp, biết bỏ buông là được. Sống một kiếp người, bình an là được.
Không phải có tiền, muốn gì cũng được. Tâm tốt việc tốt, có thể thay đổi số mệnh. Ai đúng ai sai, Trời biết là được. Tu phúc tu thân, kiếp sau càng tốt.
Thiên địa vạn vật, tùy duyên là tốt. Có rất nhiều việc, nhìn xa trông rộng. Mọi người đều tốt, ngày ngày đều tốt. Anh tốt tôi tốt, thế giới sẽ tốt.
Nói tóm lại, tri thức là quan trọng nhất. Nói nhiều như vậy, hiểu được là tốt, Vẫn còn chưa hiểu, xem lại vài lần. Hoàng Chúc st
NGÀY 4 THÁNG NĂM,
SHERLOCK HOLMES TỬ NẠN VÀ TÁI SINH ĐẶNG ANH ĐÀO Người ta không dễ gì từ bỏ đứa con mình dứt ruột đẻ ra, huống chi lại còn giết chết nó thì… Các “fan” của Conan Doyle đã dạy cho nhà văn từng khai sinh ra truyện trinh thám một bài học đích đáng khi ông phạm tội “giết chết” nhân vật nổi tiếng của mình là thám tử tài ba Sherlock Holmes. Trước đây 99 năm, quý ông Arthur Conan Doyle, sau bao năm mê hoặc công chúng bằng những chuyện ly kỳ về Sherlock Holmes, đã cảm thấy mệt mỏi nên xuất bản truyện Bài toán cuối cùng (1893) trong đó nhà văn cho nhân vật của mình chết một cách, theo ông, xứng đáng nhất. Địa điểm phải là một khung cảnh lãng mạn: tại thác Rechenbach của Thụy Sĩ. Tuy chết, nhưng trong cuộc đấu với cái Ác – hiện thân qua nhân vật quen thuộc và nổi tiếng là “giáo sư Moriarty”, “Nã Phá Luân của tội ác” – nhà thám tử tài ba vẫn không hoàn toàn thất bại. Cả hai đều bị cuốn theo dòng thác rơi xuống vực thẳm! Hóa ra người cuối cùng muốn được thoát khỏi tay Sherlock Holmes lại chính là nhà văn, người đã tạo ra vị thám tử! Nhưng bạn đọc không thể cho phép một vụ giết “con” diễn ra công khai và trắng trợn như vậy! Họ viết thư lên án nhà văn, có người chửi ông là “đồ súc sinh”. Hơn nữa sau đó, ông viết loại “văn chương nghiêm túc” thì lại không bán được. Thế là, mười năm sau, ông lại phải… làm sống lại đứa con mình. Các bạn sẽ hỏi: làm thế nào mà tái sinh được người chết? May thay, trong Bài toán cuối cùng, Conan Doyle đã để cho Sherlock Holmes chết… mất xác! Như vậy, có thể “bài toán” chưa phải là “cuối cùng” dù năm tháng chết của nhân vật được nhà văn xác định rõ: 1891. Những fan của Sherlock Holmes còn điên khùng tới mức dù Conan Doyle đã mất từ năm 1930, nhưng độc giả vẫn gửi thư tới ngôi nhà của Sherlock Holmes, số 221b phố Baker – vốn trước đây chỉ là hư cấu, nay mới được xây dựng. Và họ vừa lòng với thư trả lời do nữ thư ký của thám tử viết: “Ông Holmes vẫn sống, nhưng ông đã về nghỉ hưu tại Sussex, nơi ông đang nuôi ong”. Sherlock Holmes quả thật đã đạt tới độ trường sinh bất tử: Conan Doyle chết rồi vậy mà hàng năm, vào ngày 4 tháng năm, các fan vẫn tụ tập tại cái làng nhỏ vùng Interlaken, nơi có thác nước Rechenbach, để thay thế nhà văn tưởng niệm và tái sinh nhân vật mà họ yêu mến! Năm 1991 kỷ niệm 100 năm mất của Sherlock Holmes, lễ hội càng tưng bừng độc đáo. Tất cả được diễn ra theo kiểu Ăng lê, có nghĩa là rất humour. Đây là mẩu tin của Reuter đưa ra ngày 10 tháng năm 1991: “Thụy Sĩ – Vụ mất tích hai mạng người bí ẩn tại vùng Interlaken – Một vụ án mạng kép, đặc biệt bí ẩn đã xảy ra thứ bảy vừa rồi ở vùng tiếp giáp các thác nước Rechenbach, cách làng Meiringen bé nhỏ yên tĩnh khoảng 10 phút cuốc bộ, tại Oberland vùng Berne. Nạn nhân, một người lạ mặt, và kẻ được coi là đã tấn công ông ta, một ngài nào đó tên là Moriarty, ở Luân Đôn đã cùng tử nạn, hiển nhiên là họ đã bị chết chìm trong dòng xoáy của thác nước; và dẫu rằng vụ án mạng đã được hàng trăm người chứng kiến, vậy mà thi thể của hai vai kép nhất trong tấm thảm kịch cứ như đã bay hơi mất. Chỉ còn chiếc mũ của một người, kiểu deerstalker, thường ta hay dùng khi đi săn gà gô trắng ở Ecosse, cùng một gậy leo núi, một hộp đựng thuốc lá bằng bạc, theo sự suy đoán của cảnh sát, là của nạn nhân, và nó có khắc chữ tắt S.H”. Đây chính là “vụ án mạng” trước đó 100 năm, được những người trong hội Sherlock Holmes của Luân Đôn dựng lại bằng mannequin bị đẩy từ trên thác nước Rechenbach xuống… Ở đây, ta được xem một lễ hội giả trang, đầy đủ mặt những nhân vật quen thuộc nhất trong chuỗi truyện trinh thám của Conan Doyle, từ những chú bé thành Luân Đôn thường chạy việc cho nhà thám tử, các cô điếm tới các bậc mệnh phụ, gã vô chính phủ, nhà quý tộc đa nhân cách, bà chủ trọ ngôi nhà của thám tử tại phố Baker số 221b,…và tất nhiên là không thể thiếu bác sỹ Watson. Họ ăn mặc theo đúng mốt những năm 90 của thế kỷ trước, đặc biệt là trang phục của Holmes, chiếc tẩu và cái kính lúp – phương tiện được coi là hiện đại của thám tử bấy giờ. Giữa lúc tang khúc nổi lên, mọi người đang mang bảng tang và khóc lóc, thì Sherlock Holmes xuất hiện, được cải trang giống như ông già trong một tác phẩm nổi tiếng của Doyle, truyện Ngôi nhà trống. Thế là tang lễ biến thành ngày hội của Tửu thần, ngày hội phục sinh. Bữa tiện được dọn ra với những món Ăng lê, rượu Sherry, và đặc biệt là tất cả đều được nếm món ăn theo thực đơn mà Sherlock Holmes đã dùng tại Khách sạn Người Anh trước đây một thế kỷ. Chưa hết. Nhân dịp 100 tử nạn và tái sinh, ở khu vực này còn dựng lại nhiều tượng đài kỷ niệm nhân vật, và cả ngôi nhà 221b phố Baker trước đây chỉ tồn tại trong hư cấu, nay đã được thể hiện tỉ mỉ, theo đúng sự miêu tả của Conan Doyle. Người ta “phục chế” cả những kim tiêm và cocaine mà bác sỹ Watson đã pha chế cho Sherlock Holmes sử dụng để an thần. Song đã là năm 91 của thế kỷ XX và ở Thụy Sỹ, nên Sherlock Holmes – được coi là một trong những kẻ nghiền cocaine đầu tiên – dù nổi tiếng, tài ba đến mấy cũng không dám tự do chích choác và phạm luật: đồn rằng các lọ cocaine được dấu khá kín trong ngôi nhà, dưới một chồng báo! Năm 1993 sẽ là năm kỷ niệm 100 năm ra đời truyện Bài toán cuối cùng, trong đó nhà tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng viết về vụ chết mất xác của nhà thám tử tài ba. Hẳn là lúc ấy, vào ngày 4 tháng năm, cuộc tái sinh lại càng độc đáo và đậm màu sắc Ăng lê hơn bao giờ hết! ĐỖ THIÊN THƯ st.
DẠY CON THEO LỐI BÀ MẸ DO THÁI: “ Tôi muốn con tôi trở nên giàu có ” Khi tôi chọn con đường về miền đất H ứa Israel vào năm 1992 chính là lúc mà gia đình chúng tôi đã lâm vào cảnh bế tắc không c òn lối thoát. Tuy nói rằng trở về quê hương nhưng thực chất ra thì Israel ch ỉ là một vùng đất vô định mà tôi không biết phải sinh sống như thế nào cho bản thân tôi được sinh tồn để nuôi nấng những đứa con thơ dại của tôi hãy còn ở Trung Quốc. Năm đó đứa con trai lớn của tôi mới được 13, đứa kế ở tuổi 11 và cô bé út vừa trải qua sinh nhật 9 tuổi. Câu chuyện của tôi phải bắt đầu từ những năm cuối của thời đệ nhị thế chiến. Cha tôi, một người Do Thái cư ngụ tại Nga đã trải qua bao khó nhọc mới mang tấm thân tàn đến được thành phố Thượng Hải. Tại đây, ông bắt đầu cuộc đời trở lại bằng con số không. Là một thợ kim hoàn khéo tay và cần cù cha tôi đã tạo được một sự nghiệp nho nhỏ để tự nuôi thân. Ông cưới mẹ tôi là một người phụ nữ Thượng Hải và tôi ra đời dưới sự thương yêu của cha và mẹ. Thế nhưng không biết vì lý do gì mà mẹ đã lìa bỏ cha và tôi lúc tôi chỉ mới lên ba. Bà đã mang theo tất cả của cải dành dụm trọn đời của cha khiến hai cha con chúng tôi bỗng dưng trở thành vô sản. Cuộc sống cha c o n tôi ngày càng trở nên cơ cực hơn tại Trung Hoa. Năm tôi 12 tuổi, cha tôi bị đầy ải đến một vùng hoang vu hiểm trở nào đó rồi không bao giờ tôi thấy ông xuất hiện trở lại nữa. Từ đó tôi sống mồ côi hẩm hiu một mình, tôi phải làm đủ mọi ngành nghề để kiếm miếng ăn một cách vất vả. Có lẽ do dòng máu Do Thái trong người của tôi nung nấu, cho nên tôi đã vượt qua được hết những gian khổ trong đời để sinh tồn đến năm tôi 20 tuổi. Lúc đó tôi làm công nhân lao động trong một hãng tôi luyện gang thép, tôi phải lòng một anh cán bộ trẻ của hãng đến từ miền Bắc Trung Quốc được biệt phái xuống Thượng Hải làm việc. Chúng tôi nhanh chóng trở thành một cặp tình nhân rồi đi đến chuyện lấy nhau. Phải thú nhận rằng trong những năm đầu của cuộc sống hôn nhân chúng tôi đã c ó được những ngày hạnh phúc tuyệt vời. Do đó ba đứa con của chúng tôi, hai trai một gái lần lượt ra đời trước khi cả nước bước vào giai đoạn hạn chế sinh đẻ được áp dụng chặt chẽ vào năm 1979. Hạnh phúc gia đình chúng tôi không kéo dài được bao lâu, chồng tôi bỗng dưng bỏ đi mất biệt không một lời từ giã, không một lá thư để lại cho mẹ con chúng tôi. Tôi cố gắng duy trì cuộc sống cho gia đình bốn miệng ăn nhưng thực tế cho thấy chúng tôi đã đến lúc khánh tận không còn cơ hội sinh tồn được nữa. Nếu tiếp tục ở lại Thươ ̣ ng H ả i, chung quanh tôi chỉ toàn một màu tang tóc của kỷ niệm đau buồn, dấu vết của người cha mất tích, của người chồng biệt tăm và ba đứa con nheo nhóc không còn đường sống. Ngay trong giai đoạn cơ cực nhất của cuộc đời tôi thì hai quốc gia Israel và Trung Quốc lại bình thường h óa trên quan hệ và thiết lập bang giao ở cấp bậc đại sứ. Lợi dụng sự ưu tiên cho những con dân Do Thái được dịp về thăm quê hương xứ sở, tôi mang một tâm trạng gần như trốn chạy để trở thành một trong những người di dân Do Thái đầu tiên về miền đất Hứa. Bạn không thể tưởng tượng được quang cảnh những ngày đầu tiên của tôi sinh sống tại Israel đâu. Số vốn liếng tiếng Hebrew ít ỏi mà tôi học được của cha tôi từ lúc nhỏ đã không còn được sử dụng tại Israel ngày nay. Tôi cũng không biết đến món tiền trợ cấp lập nghiệp của qu ỹ di trú Do Thái dành cho những người hồi hương. Những ngày đầu tiên tôi lang thang dọc suốt những con đường của thành phố Tel Aviv mà bụng dạ rối bời. Số tiền trong túi chỉ đủ cho tôi cầm cự cuộc sống eo hẹp trong vòng ba tháng , nếu như không gấp rút ổn định cuộc sống, tôi và những đứa con ở chân trời xa xôi sẽ phải lâm vào tuyệt lộ ngay. Không có nhiều thời giờ để nghĩ ngợi và lo lắng, tôi ngồi xuống vạch ra chương trình hành động ngay lập tức. Trước hết tôi dồn hết thời giờ vào việc học tiếng Hebrew để có thể giao tiếp với mọi người chung quanh. Khi đã có thể nói được những câu nói tạm đủ hiểu và biết đếm những con số từ 1 - 100 là tôi tức thì lao mình vào cuộc sống ngay lập tức. Tôi mở ng a y một gian hàng bên vệ đường bán món chả giò mà tôi đã cố công học hỏi trước khi di dân sang vùng đất Hứa nầy. May mắn thay, món chả giò của tôi lại được những người đồng hương Do Thái của tôi chiếu cố cho nên mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài chục đồng shekel. Quên thưa với qu ý vị, đơn vị tiền t ệ của Do Thái rất giản dị, họ chỉ dùng shekel (đồng) và agora (xu) với một shekel ăn 100 agora. Khi gian hàng chả giò của tôi đã tạm thời đứng vững, tôi vội v ã làm giấy tờ đoàn tụ để mang những đứa con của tôi về trở về bên cạnh tôi. Mọi việc đều tốt đẹp không ngờ. Đầu tháng 5 năm 1993, các con của tôi đã đến được Tev Aviv. Những ngày đầu sinh sống tại Do Thái, các con của tôi tỏ ra không được thích ứng cho lắm. Chúng thường bị những người hàng xóm của tôi phàn nàn. Nguyên do chính là do những va chạm văn hóa như thế này đây: Chúng tôi vẫn giữ theo nguyên tắc sống của nền văn hóa cũ cho nên mỗi một việc làm trong nhà từ lớn tới nhỏ đều do một mình tôi quán xuyến, các con tôi chỉ phải lo một việc duy nhất là học hành. Mỗi buổi sáng khi chúng vừa leo lên xe bus đi vào trường là tôi dọn hàng ra sạp ngồi chiên chả giò mãi cho đến chiều tối. Vào khoảng 6g chiều, tôi ngưng việc chiên chả giò và bắt một nồi nước súp lên nấu những bát mì hoành thánh thơm ngát cung cấp bữa ăn chiều cho các con của tôi từ trường trở về. Một hôm, khi những đứa bé đang ngồi ăn thì một bà hàng xóm của chúng tôi xuất hiện. Bà lên tiến g hạch sách đứa con trai lớn của tôi: - Anh đã là một cậu bé lớn t ồng ngồng rồi, đúng lý ra anh phải phụ giúp mẹ anh quán xuyến trong ngoài chứ không phải chỉ ngồi ỳ ra đó đợi mẹ anh dâng cơm tới miệng. Đừng để mọi người chung quanh cho rằng anh chỉ là một món đồ phế thải trong xã hội. Quay sang tôi, ba ̀ sừng sộ nói tiếp: - Co ̀ n bà, bà đừng có mang p hương cách giáo dục con cái lạc hậu của mấy người sang Do Thái này. Nhiệm vụ của người mẹ không chỉ duy nhất là thương yêu con cái mà phải biết dạy dỗ chúng theo một p hương pháp có logic đàng hoàng... Những lời khiển trách của bà hàng xóm làm cho bốn mẹ con chúng tôi chết đứng tại chỗ. Chúng tôi lặng lẽ thu dọn hàng quán đi về nhà. Vừa về đến nhà, tôi vội vã ôm lấy đầu thằng con vỗ về: - Con đừng bận tâm đến lời nói của bà hàng xóm, mẹ còn chống chọi được, các con cứ việc tiếp tục lo lắng sự học trước là tốt rồi. Con trai tôi cảm động ôm lấy tôi và thầm thì vào tai tôi: - Nhưng con lại thấy những lời trách cứ của bà ta có phần nào đúng. Hay là mẹ hãy để cho con tập tành làm người lớn l o chăm sóc cho các em của con đi. Hôm sau là ngày cầu nguyện trong tháng, mấy đứa bé được phép về nhà sớm hơn mọi ngày. Thằng con lớn vừa đến nhà là bỏ ngay cặp sách xuống, cậu ta xông vào dành phần nhồi bột giúp tôi, sau đó cậu học cách thức của tôi mang bột ra x ắt lát mỏng thành những miếng v ỏ hoành thánh. Hai đứa bé thì trét thịt vào vỏ hoành thánh rồi vò thành viên. Động tác của các con tôi vụng về không thành thạo nhưng nhìn thấy nụ cười trên gương mặt chúng thì tôi biết là chúng cũng đang hãnh diện về công việc mà chúng đang làm. Tôi thật sự ngạc nhiên hết sức về sự tiến bộ của bọn chúng, chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, mấy đứa con tôi đã tỏ ra thành thạo trong việc tự tạo ra thức ăn, nhất là đứa con trai lớn của tôi, những cuộn chả giò của nó hình như cũng khéo léo và không thua tôi làm là bao. Sau bữa ăn chiều, các con tôi đến bàn với tôi là ngày hôm sau, bọn chúng sẽ dậy thật sớm chiên thêm một mớ chả giò mang vào trường bán để phụ giúp thêm cho kinh tế của gia đình. Trước sự sốt sắng của các con, tôi đành phải đồng ý cho bọn chúng vui. Thế là sáng ngày hôm sau, chúng tôi dậy sớm và hăng hái hợp tác trong công cuộc dùng chả giò "tấn công" vào trường học của mấy đứa con để cải thiện hoàn cảnh sống của chúng tôi. Hàng ngày, mỗi đứa mang về cho tôi 10 shekel, số tiền mà chúng bán chả giò trong giờ ăn trưa. Tuy tôi đưa tay nhận lấy số tiền nhưng trong lòng tôi chợt nhu ố m lên nỗi bùi ngùi vì phải nhờ đến sự cố gắng của mấy đứa nhỏ để cải thiện cuộc sống của gia đình. Thế nhưng các con tôi lại có thái độ khác hẳn, bọn chúng không coi việc mang chả giò vào bán trong trường là một niềm tủi nhục mà chúng hình như càng ngày càng thích thú hơn trong việc tạo ra của cải cho gia đình. Những người hàng xóm của tôi càng ngày càng gần gũi với chúng tôi hơ n . Nhiều người bắt đầu giảng giải cho tôi biết quan niệm giáo dục của dân tộc Do Thái và nhất là làm sao giáo hóa bọn trẻ cho đúng p hương cách. Kể từ thuở xa xưa, người Do Thái không bao giờ quy định việc kiếm tiền của một người phải bắt buộc ở một lứa tu ổ i nhất định nào cả. Đông Phương có câu ngạn ngữ dạy con từ thuở còn thơ thì người Do Thái lại ngầm cho rằng “ Dạy con kiếm tiền từ thuở còn th ơ ” m ớ i là p hương pháp giáo dục đúng đắn nhất . Những người hàng xóm còn cho chúng tôi biết trong gia đình của họ không có bữa ăn nào mà không tính tiền. Những đứa trẻ đều được giáo dục làm sao kiếm được tiền để đánh đổi lại phần ăn của nó trong gia đình và những tiện nghi chúng đang hưởng được. Theo tôi nghĩ phương thức này có vẻ gắt gao và tàn nhẫn quá mức, tuy nhiên những đứa bé Do Thái đã được đào từ một môi trường sinh sống trong học đường như vậy nên chúng thích ứng rất nhanh với mọi hoàn cảnh. Chúng tôi bắt đầu từng bước một sửa dần quan niệm sống trên đất nước Do Thái chúng tôi. Trước hết, tôi tập hợp bọn trẻ lại rồi chúng tôi định lại những giá trị vật chất và tiện ích trong gia đình. Mỗi một tiện nghi sử dụng trong nh à đều phải có cái giá để trả. Mỗi đứa bé đều phải trả cho tôi, người quản gia một số tiền là 100 shekel mỗi tháng cho tiền ăn, 50 shekel cho tiền giặt giũ quần áo. Ngược lại thì tôi cũng phải tạo điều kiện cho chúng kiếm tiền, mỗi ngày tôi giao cho mỗi đứa con tôi 20 cuốn chả giò để chúng mang vào trường bán, với giá vốn 30 xu (agora) mỗi cuốn, bọn chúng có thể bán theo một giá biểu do chúng tự đặt ra. Số tiền lợi nhuận kiếm được hàng ngày sẽ được khấu trừ vào tiền ăn uống và giặc giũ quần áo chúng phải trả cho tôi hàng tháng. Qu ý vị đoán thử xem các con của tôi sẽ mang về cho tôi bao nhiêu tiền trong ngày đầu tiên theo qu y luật mới. Tôi thực sự thích thú thấy những đứa con Do Thái của tôi tự nghĩ ra phương cách kiếm tiền độc đáo hơn hẳn sự tưởng tượng của tôi. Trong ba đứa con, chỉ có cô con gái là dùng phương thức cổ điển nhất, cô mang bán cho bạn bè trong lớp cô mỗi cuốn chả gi ò 50 xu, cô bán nhanh chóng trong vòng nửa tiếng đồng hồ hết sạch 20 cuốn chả giò và mang về cho tôi 10 shekel tổng cộng trong đó có 4 shekel lợi nhuận; c ậu con thứ nhì dùng phương thức làm biếng, cậu vào nói chuyện với nhà thầu trong câu lạc bộ ăn uống của nhà trường và đề nghị bán cho họ mỗi cuốn chả giò giá rẻ 40 xu, tuy rằng cậu chỉ kiếm được 200 xu tổng cộng nhưng nhà thầu đồng ý sẽ nhận của cậu 100 cuốn mỗi ngày tức là cậu sẽ mang về 1000 xu = 10 shekel lợi tức mỗi ngày kể từ hôm đó mà không cần phải phí một chút công sức nào trong việc đi mời mọc khách hàng cả; c ậu con cả của tôi thì độc đáo hơn, cậu vào thư viện của trường và thương lượng để mượn một phòng họp của họ nhằm giới thiệu về văn hóa Trung Hoa cho những học sinh Do Thái trong trường biết thêm về một đất nước mới lạ. Mỗi người chỉ cần trả cho cậu 20 xu tiền vé là có thể vào xem triển lãm tranh ảnh, nghe cậu trả lời những câu hỏi và còn có dịp thưởng thức món chả giò, đặc sản của Trung Quốc nữa. Cậu con cả của tôi đã khéo léo cắt mỗi cuốn chả giò ra làm 5 khoanh đồng đều nhau, mỗi một người khách vào cửa đều được cậu mời một khoanh chả giò miễn phí. Tổng cộng cậu tiếp đãi được 100 bạn học, số tiền thâu được là 2000 xu, sau khi khấu trừ 500 xu tiền mướn phòng họp, cậu con của tôi mang về cho tôi 1500 xu tức 15 shekel, nếu trừ ra tiền vốn 6 shekel của 20 cuốn chả giò, cậu đã tạo được 9 shekel lợi tức. Những phương pháp làm tiền của hai cậu con trai đã thật sự khiến cho tôi sáng mắt ra. Tôi không ngờ hoàn cảnh nghèo túng đã khiến các con tôi phải mưu sinh tìm cuộc sống và buộc cho “cái khó ló cái khôn”. Chỉ trong vòng mấy ngày mà các con tôi bỗng như chuyển mình biến thành những tay thương buôn chuyên nghiệp cả. Việc làm của chúng chỉ tốn một ít thời gian buổi trưa cho nên đã không ảnh hưởng gì đến vấn để học hành cả. Những đứa bé con tôi bắt đầu biết suy nghĩ và trui rèn thêm những phương cách làm tiền tinh vi. Chúng cố gắng áp dụng sự học trong sách vở cộng thêm những khảo sát bên ngoài thế giới thực tế để thực hiện những bài học trong trường. Đó chính là tinh thần học hỏi của người dân tộc Do Thái chúng tôi. Chẳng hạn như trong một bài học thực hành mà tôi đã tham dự cùng các con tôi, thầy giáo đã hỏi mấy đứa bé: “Khi gặp phải trường hợp chủng tộc Do Thái bị kẻ thù tấn công, mỗi người phải tản mác ra mọi phương hướng để tìm đường sống còn thì những tài sản hay vật dụng cần thiết nào phải được ưu tiên mang theo”. Nếu như người nào trả lời là tiền bạc hay châu báu thì sẽ bị đánh giá là sai vì những bảo vật này sẽ khiến cho kẻ thù tối mắt mà tiêu diệt mình đi, câu trả lời đúng nhất là “ý thức và sự giáo dục”. Chỉ có ý thức và sự giáo dục mới là báu vật vĩnh cửu của con người không thể nào bị kẻ khác lấy đi khỏi thân xác ta được. Các con tôi rất thích lời khuyên của thầy giáo: “Nếu như các em muốn sau này trở nên giàu có, thì hãy học hỏi những điều tôi vừa mới khuyên nhủ. Đó là những điều tối cần thiết trong hành trang vào đời của các em...”. Cậu con cả của tôi sau những giờ học về luật pháp hiện hành của quốc gia đã về nhà bàn với tôi là người ta cho cậu biết mỗi một gia đình kiều bào Do Thái khi trở về quê hương đều được chánh phủ trợ cấp một số tiền định cư tối thiểu nào đó. Tuy không tin lắm, nhưng tôi cũng đi xin thử. Quả nhiên người ta ký một chi phiếu 6000 shekel cho tôi ngay lập tức. Đối với gia đình chúng tôi thì số tiền này phải nói là một gia tài kha khá ngay lúc đó. Cậu cả tức thì đòi hỏi tôi phải trả 10 phần trăm tiền thưởng (consultant fee) vì cậu đã làm cố vấn luật pháp cho tôi. Tôi do dự và suy nghĩ lâu lắm nhưng cuối cùng thấy sự đòi hỏi này hợp lý cho nên đã chi ra số tiền đó cho cậu. Cậu con cả đã dùng số tiền nầy mua cho mọi thành viên trong nhà một bộ đồ mới, phần tiền còn lại, cậu dùng để đầu tư. Cậu đã gởi mua những món quà nhỏ, rẻ tiền sản xuất từ Trung Quốc rồi mang ra bán cho những bạn bè chung lớp chung trường. Lợi nhuận kiếm được lại dùng để mua thêm nhiều mặt hàng khác. Phải nói rằng cậu con cả của tôi có năng khiếu về giao dịch cho nên chỉ trong vòng một năm, trương mục ngân hàng của cậu có dư trên con số 2000 shekel. So với cách kiếm tiền táo bạo của cậu con cả thì cậu con kế của tôi còn nắm bắt được những tinh hoa trong chốn thương trường của người Do Thái hơn – Dân Do Thái có chung một quan điểm, họ bắt đầu sự nghiệp từ những ngành nghề không cần đến vốn liếng, nhất là những công việc kiếm tiền mà những người khác không bao giờ nghĩ tới – Cậu con thứ của tôi bắt đầu sự nghiệp viết văn từ năm 14 tuổi, với ngòi bút sắt bén và nhận xét tinh tế, cậu đã được hai tờ nhật báo dành cho một cột phê bình trong trang văn nghệ học sinh. Mỗi tuần cậu nộp hai bài viết, mỗi bài dài khoảng một ngàn chữ với giá 4 xu một chữ, cậu đã mang về 8000 xu tức 80 shekel một cách nhẹ nhàng. Cô con gái Út của tôi thì nhu mì và ít xông xáo hơn hai người anh, nhưng tôi càng lúc càng phát hiện ra những bản chất dịu dàng và thái độ lạc quan trong sinh hoạt hàng ngày của cô. Mỗi buổi tối cuối tuần, cô thường pha một bình trà thơm ph ứ c và mang ra những món bánh ngọt do cô tự chế lấy từ những môn học gia chánh trong trường để cho tôi và hai người anh của cô cùng thưởng thức. Chúng tôi vừa ăn bánh uống trà vừa vui đùa kể cho nhau nghe những m ẩ u chuyện trong sinh hoạt hàng ngày. Ôi, so với những ngày mới định cư trên đất nước này, chỉ mới có ba năm mà sao cuộc sống của chúng đã tiến triển vượt xa những điều chúng tôi hằng ước muốn trước kia. A, chút nữa là tôi quên mất rồi, các anh của cô càng thích thưởng thức những m ẩ u bánh của cô làm nhưng cũng phải trả lại cái giá của nó chớ. Nên nhớ rằng trong nhà của tôi không có cái gì là “free” cả. Cô con gái Út cũng phải kiếm tiền để trả lại tiền cơm của cô đấy mà. Khi kinh tế gia đình của chúng tôi bắt đầu ổn định, tôi và các con gom vốn lại để kinh doanh một nhà hàng Chinese food. Tôi chiếm hữu 40 % cổ phần, cậu cả có 30, cậu kế 20 và con út của tôi chiếm giữ 10 % . Nhờ tính siêng năng cần cù cố hữu của con người sinh ra và lớn lên ở phương đông, cộng thêm kiến thức thâu lượm từ cách phân tích thị trường chúng tôi học được của người Do Thái, nhà hàng chúng tôi chỉ cần một năm rưỡi là có được tiếng tăm vang dội khắp cả vùng đất Galilee, mà vinh hạnh nhất là lần chúng tôi được Thủ Tướng Do Thái tiếp kiến tại dinh thự của ngài. Những lúc sau này, tôi chỉ đứng ở vai trò chỉ huy mà không cần phải bắt tay làm việc trực tiếp nên tôi có nhiều thời giờ để học hỏi thêm văn hóa Do Thái, ngôn ngữ Hebrew. Lúc đó nền kinh tế tại Trung Quốc đã được nâng cao, mức sống của giai cấp trung lưu tăng trưởng nhanh, các công ty thương mại Do Thái lập tức bỏ vốn kinh doanh vào thị trường khổng lồ này. Người ta bắt đầu săn lùng những khuôn mặt lớn để có thể làm đại diện cho các công ty Do Thái tại Trung Quốc. Tôi được công ty Kim Cương Đá Qu ý của chính phủ mời làm đại diện thương mại chánh thức cho họ tại Thượng Hải vào năm 1997. Thế là chúng tôi cấp tốc thu tóm cơ sở làm ăn và lên đường trở về nơi chốn mà chúng tôi sinh trưởng và lớn lên. Nhìn lại ba đứa con nay đã trở thành những thanh niên thiếu nữ khôi ngô tuấn tú mà lại trưởng thành từ hình v óc cho đến tư tưởng, tôi cảm thấy giấc mộng đổi đời đã thực sự phát sinh cho gia đình chúng tôi. Các con tôi mang về Thượng Hải rất nhiều món hàng lạ của Do Thái, bọn chúng tiếp tục vào trường để học những năm còn lại của bậc trung học. Nhưng chỉ nửa tháng sau khi trở lại Thượng Hải, các thầy cô trong trường của mấy đứa nhỏ đã tới tấp gọi điện thoại phàn nàn với tôi về các hoạt động của chúng. Một cô giáo còn tới thẳng nhà tôi tố cáo rằng con gái tôi đã mang rất nhiều thứ lỉnh ca lỉnh kỉnh đến từ Do Thái và bắt đầu tuôn ra bán cho bạn học ở trong trường, từ những tấm khăn choàng dân tộc cho đến những vỏ đạn rơi rớt lại sau chiến tranh. Tôi thẳng thắn trả lời cô giáo rằng tôi không thể nào ngăn cấm việc làm của các con tôi vì đây là phương thức kiếm tiền để đóng học phí của chúng. Cô giáoi đã mở trợn mắt ngạc nhiên vì cô không thể nào hiểu n ổ i một người có thu nhập trên 5000 USD một tháng như tôi mà lại không chịu đóng học phí cho con cái. Tôi mỉm cười mời cô giáo ăn thử một m ẩ u bánh mà con gái tôi bán giá 2 đồng cho mọi người ăn trong nhà rồi nói với cô: - Đây là phương cách sống của các con tôi đã học được từ văn h óa Do thái. Khi biết rõ những nguyên tắc về sản xuất vật liệu trên đời (material supply principal) nầy, những đứa con của tôi chắc chắn sẽ trở thành những con người ưu tú trong xã hội... Cậu con cả của tôi sau khi hoàn tất năm cuối cùng bậc trung học tại Thượng Hải đã thi vào trường Cao Đẳng Thương Mại chuyên nghiên cứu về thị trường du lịch. Mộng ước của cậu là muốn trở thành một chuyên gia về ngành nghiệp này, sau đó cậu sẽ trở về Israel mở một công ty du lịch để tiếp đãi du khách đông phương vì cậu thấy Trung Quốc sẽ là một thị trường lớn cho ngành du lịch của những năm tới. Năm sau, cậu con kế của tôi ra trường và chọn ngành ngoại ngữ ở học viện quốc gia Thượng Hải, mong ước của cậu là muốn trở thành một nhà văn. Nguyên tắc của cậu ba này vẫn giữ nguyên như cũ: không cần phải bỏ vốn đầu tư mà vẫn có thể trích được lợi nhuận từ công việc của mình. Cô con gái Út của tôi thì dự định trong tương lai sẽ học ngành Gia Chánh nấu ăn để trở thành một tay thợ khéo chuyên về các loại bánh ngọt cao cấp nhất. Có nuôi mộng ước sẽ mở một (hoặc nhiều) cửa hàng bánh ngọt tiếng tăm nhất vùng Địa Trung Hải... Sau một năm trở lại Thượng Hải, tôi nhận thấy những bậc cha mẹ tại Trung Quốc hình như sống trong một tâm trạng nghiêng ng ả bất định: Họ có ước muốn là con của họ sẽ trở thành người thành công trên mọi ngành nghề, có tiền để cho cuộc sống được sung túc nhưng họ lại e ngại rằng con cái của họ sẽ quá say đắm vào công việc kiếm tiền. Điều này cũng giống như họ hy vọng con cái họ có được cuộc sống gia đình hạnh phúc nhưng lại lo ngại những đứa bé lọt vào lưới tình quá sớm vậy. Phải chăng đây là một thứ "đạo đức giả" của người sinh ra ở trong nền văn h óa phương đông. Bạn nên biết rằng người Do Thái đã dùng tiếng leng keng của những đồng tiền va chạm vào nhau để chào mừng đứa bé ra đời vì họ xem công cuộc kiếm tiền là mục tiêu tối hậu của con người, còn những thứ khác như giáo dục, học tập, ý thức đều là những quá trình hay là công cụ để đạt được mục tiêu kiếm tiền của con người mà thôi. Những bậc làm cha mẹ tại thế giới phương đông dù cho có những ước muốn khao khát con cái của họ tiến đến mục tiêu đó nhưng không bao giờ họ mở miệng để nói ra ước vọng đó được. Ước vọng đó khó nói thành lời lắm phải không? Thực ra thì chỉ là một câu nói đơn giản như thế này:“Tôi muốn con tôi trở nên giàu có”. Chỉ có vậy thôi. Dịch bởi Phạm Huê. Hà Mạnh Đoàn st
Phụ Bản III KHI NGƯỜI NHẬT MUỐN TÁI TẠO THẾ GIỚI… Họ đã xây Công Trường Thế Giới Tobu, một “thành phố thế giới” tọa lạc ở phía Đông-Bắc Tokyo, nơi các du khách có thể đi vòng quanh thế giới trong 24 giờ. Công viên dị thường này quy tụ 102 ma két thể hiện lại trên tỷ lệ 1/25, một cách trung thực và hiện thực, tất cả các đền đài và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng nhất trên thế giới. DU KHÁCH ĐÓNG VAI GULLIVER TỚI XỨ NGƯỜI TÍ HON Người Nhật đã trải ra trên một diện tích 8 hecta 140.000 nhân vật nổi tiếng, được làm bằng plastic, cao từ 7 đến 8 phân. Khoảng đất này nằm giữa những rừng thông và rừng thích (một thứ cây ở Nhật) trong công viên Nikko; nơi đây, người lớn cũng như trẻ em có thể đóng vai Người Khổng Lồ Gulliver đi giữa những hình nhân tí hon làm bằng plastic. Du khách có thể đi từ Đền Parthénon tới Thánh đường Acropole ở Hy Lạp, từ Thánh Đường Thánh Phêrô ở La Mã tới Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, tạt ngang qua Đền Angkor, tháp Pise (tháp nghiêng) ở Ý-đại-Lợi, hay tháp Tokyo, ngọn tháp cạnh tranh với tháp Effel danh tiếng của Pháp, hoặc từ tòa nhà chọc trời Empire State Building và Trung Tâm Thương Mại Thế Giới ở Nữu Ước. Du khách cũng có thể thấy các Kim Tự Tháp và Tượng Đại Nhân Sư ở Ai cập, Tượng Nữ Thần Tự Do - ở đây được sơn quét màu xanh có ánh bạc coi thực kỳ dị - hoặc đền Taj Mahal, Khải Hoàn Môn Ngôi Sao, Vương Cung Thánh Đường Sacré-Cœur, Đền Thờ Hồi Giáo ở Ispahan, nhà thờ Á Thánh Basile ở Mạc Tư Khoa mà những vòm bát úp nổi xoắn ốc làm người thưởng ngoạn liên tưởng đến những kẹo thơm berlingo thật ngon lành hấp dẫn; du khách cũng có dịp thưởng thức vẻ đẹp của Vương Cung Thánh Đường Saint-Mark ở Venise với tất cả các hoành tráng bất hủ, cũng như ngôi thánh đường siêu hiện thực của gia đình Sagrada ở thành phố Barcelone (Tây Ban Nha). Đương nhiên là nước Nhật phải được phô bày đầy đủ: về mặt hiện đại với những tòa nhà chọc trời cao không kém gì ở Âu Mỹ, những bích chương đèn màu quảng cáo đủ loại, và về mặt cổ kính với những ngôi vườn, công viên như tiên cảnh, cùng với những đền đài vĩ đại và trang nhã. Được khánh thành vào ngày 24 tháng 4, năm 1993, Công Viên Thế Giới Tobu là thành quả của năm năm làm việc cật lực – trong thời gian đó người ta phải điều đình xin giấy phép để làm phiên bản, phải lo trả tiền bản quyền, phải vẽ, phải đặt kế hoạch xây dựng cho thật đạt – đồng thời cũng là kết quả của một sự đầu tư lên tới khoảng 120 triệu Mỹ Kim, tất cả để làm vui lòng các du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ tới. Công viên này quả là một thành công vĩ đại, viên mãn về mặt kỹ thuật và nghệ thuật.
HOÀNG KIM THƯ st Theo Le Petit Journal Club des Sphinx – Tháng 5, 94 KÝ SỰ 11 TUẦN MỸ DU (Tiếp theo và hết)
Bình thường chúng ta vẫn đánh giá nước Mỹ là một nước văn minh, tự do, phóng khoáng. Người dân Mỹ tha hồ để râu, tóc, ăn mặc lôi thôi, xâm mình vằn vện... Nhưng không ngờ khi người dân Mỹ khi đi xin việc ở những cơ quan nhà nước hay những Công ty lớn thì có nguyên tắc và rất nghiêm nhặt. Người đi xin việc lúc nào tóc tai cũng phải gọn ghẽ, quần áo phải nghiêm túc. Cháu tôi khi đi phỏng vấn xin việc phải mua một bộ đắt tiền để mặc. Không dám mặc đồ bê bối. Váy cũng không được cao quá gối hay hở ngực! Đó cũng là điều mà tôi rất ngạc nhiên khi nghe. Và càng ngạc nhiên hơn nữa là với người có xâm mình, đeo bông tai thì thường là bị từ chối khéo. Nhưng họ đều biết tại sao! Khi cháu tôi trở thành người phỏng vấn nhân viên mới cũng theo nguyên tắc đó. Họ cho rằng những người đeo bông, xâm mình là dân ăn chơi, không cần xét đến bằng cấp hay khả năng! Người làm chính trị thì càng gắt gao hơn. Đời sống cá nhân mà bê bối là kể như bít cửa. Ly dị cũng không được. Thời gian trong nhiệm kỳ mà có scandal là phải từ nhiệm ngay. Nhà nước quản lý người dân cách nào đó mà không cần hộ khẩu, cũng không phải đăng ký tạm trú, tạm vắng. Chỉ cần được cho phép vô nước Mỹ là muốn ở đâu cũng được. Ngày bầu cử Tổng Thống mà ai muốn đi bầu thì đi, không đi, ở nhà gọi điện bầu cũng được. Thậm chí chẳng thèm đi bầu cũng không ai thắc mắc. Nhưng vi phạm pháp luật thì coi chừng. Hồ sơ sẽ dính liền cả đời. Em tôi kể, có một cô nọ, ly dị chồng, chồng trợ cấp cho con, nhưng cô ta không khai để được hưởng trợ cấp của chính phủ. Trong khi đó, chồng cô phải khai trợ cấp con để được bớt thuế. Thế là sau khi truy ra, cô ta bị phạt tù về tội gian dối và còn phải trả lại cho chính phủ số tiền đã gian lận. Chưa hết, sau đó cô ta tốt nghiệp Đại Học, xin được việc làm ở Ngân Hàng. Mới làm được mấy tháng, Ngân Hàng điều tra, thấy cô ta từng bị ở tù về tội gian lận liền sa thải ngay. Người tư chức thôi, vào làm việc rồi, nhưng khi đi tiệc cũng không dám mặc những bộ đầm hơi hở sâu hoặc váy ngắn. Những thứ đồ đó chỉ dành để đi chơi với bạn bè thôi. Hóa ra người Mỹ có khi còn cổ hủ hơn cả người Việt tiến bộ của ta. Cháu tôi làm việc ở Công Ty Siemens cho biết: nhân viên đi làm mỗi tuần chỉ được mặc quần Jeans có 1 ngày, không phải muốn mặc gì thì mặc! Không phải tất cả người công dân Mỹ đều học cao, giỏi giang. Họ có đủ thành phần, đủ mọi quốc tịch. Làm đủ mọi ngành nghề. Từ lao động phổ thông đến những cấp bậc cao nhất trong xã hội. Nhưng không hiều bằng cách nào đó mà họ được giáo dục rất tốt. Ý thức vệ sinh môi trường rất cao. Đi tham quan các nơi không bao giờ họ nói lớn tiếng, cũng không vất rác bừa bãi. Mỗi người tự thu dọn thật sạch trước khi rời chỗ, nên dù người tham quan rất đông, ăn uống tại đó, nhưng không bao giờ có một miếng rác nằm trên đất. Đi mua hàng thì họ theo thứ tự xếp hàng để tính tiền. Không có chuyện tranh giành. Ai tới trước, đứng trước. Ai tới sau thì đứng sau, không cần ai phải nhắc nhở. Trên đường, ngoài đèn giao thông không hề thấy có bóng dáng một cảnh sát hay trật tự viên nào. Mọi người tự giác chấp hành luật lệ giao thông. Thỉnh thoảng thấy có treo biển đề “Nếu bạn thấy có ai say rượu mà lái xe xin vui lòng gọi cho cảnh sát”. Người tham gia giao thông rất sợ cảnh sát, họ nói có khi lỡ uống rượu mà thấy cảnh sát là tỉnh ngay. Bắt đầu tháng 12 là mùa Đông. Bầu trời âm u và mưa rỉ rả. Mưa ở Mỹ không to hạt và ồ ạt như bên ta, nhưng rả rích và dai dẳng có khi từ sáng kéo dài đến chiều. Ngày nào không mưa thì sáng sớm thấy mây mù giăng trắng xóa. Gió cũng rất mạnh, ghế sắt em tôi để ngồi chơi sau vườn mà còn bị thổi đẩy ngã xa có đến 2m! Cháu tôi có cây dù to, gọng sắt mà cũng bị gió thổi đi mất, dù nhà nào cũng có hàng rào cây cao quá đầu người. Chỉ sau vài đêm mưa là những hàng cây đẹp đẽ tháng trước còn khoe màu ở hai bên đường đã trụi lá, chỉ còn trơ cành! Ở trong nhà, tôi ngồi trên sa lông bằng da, dù đã mặc 2 lớp quần dày mà vẫn còn thấy lạnh buốt. Hình như cái lạnh nằm bên trong đất, xuyên cả qua thảm dày dù heat vẫn hoạt động. Thế là bao nhiêu đau nhức khớp, cơ, tha hồ phát tán! Bôi salonpas rồi đến dầu nóng xem ra chẳng có công hiệu bao nhiêu. Đành phải lấy thuốc đau nhức ra uống thì mới chịu nổi. Có lần còn bị chảy cả máu mũi. Con gái tôi cũng bị. Nhưng những người ở lâu thì có lẽ quen thời tiết nên không sao. Năm trước, tôi qua Mỹ thì ngay mùa hè, thấy đường sá sạch bon, không có một miếng rác hay cái lá cây. Năm nay, mùa thu thì khác. Lá vàng rơi rụng khắp nơi. Quét xong lại rụng lớp khác, nên không ai thắc mắc nếu trước nhà hay ven đường đầy lá khô vương vãi! Ngày trước, xem trong phim ảnh tôi ngạc nhiên thấy sao nhà ở Mỹ chỉ có cửa kính trong vắt, không có khung sắt bảo vệ như ở xứ ta. Qua đây mới biết thấy đơn giản mà không dễ xâm nhập. Mỗi nhà đều có trả tiền hàng tháng cho hãng bảo hiểm. Ngay trước sân mỗi nhà đều có cắm bảng không to, hình bát giác, chỉ lớn hơn cái hình bùa Bát Quái ở xứ ta một chút. Có hiệu thì hình chữ nhật, nhưng cũng chỉ vào khoảng 20x30cm, trên đó có số điện thoại, và có chữ Secured by LTD hay hãng nào đó. Ở cửa sổ cũng có 1 cái nhỏ hơn, chỉ lớn hơn cái danh thiếp một chút, vừa đủ để cho kẻ nào có ý đồ xấu thấy. Trong nhà có cài hệ thống báo động. Mở cửa mà không tắt hệ thống báo động thì vài giây sau ở hãng gọi tới để hỏi mật mã. Nếu là người nhà, đọc trúng mật mã thì không sao. Nếu là người lạ không trả lời, hay ú ớ... thế là chỉ ít phút sau có xe chở nhân viên an ninh tới ngay. Do vậy mà nhà ở Mỹ thấy có vẻ trống trải mà trộm không dám xâm nhập, vì phá cửa vào, chưa kịp dọn đồ là đã bị tóm. Khi cả nhà đi vắng dài ngày thì chỉ cần báo trước với hãng là yên tâm, có người trực 24/24 cho mình rồi. Ở Mỹ mà bị cháy nhà thì cũng được bồi thường rất cao. Nhà em tôi có lần bị cái đèn Trung Quốc bắt cháy vô bộ rèm cửa, dù được phát hiện rất sớm, báo cho cứu hỏa tới ngay. Nhưng tấm rèm cũng đã cháy, khói cũng đã làm đen trần nhà, sa lông bị thủng, thảm cũng bị cháy một vài đốm. Thế là sau khi tính toán tiền phải thay màn, sơn lại trần nhà, mua bộ sa lông, thay thảm, em tôi cũng được đền một số tiền đủ để sữa và thay mới những vật dụng đó. Nếu mình nhờ họ làm thì cũng được. Nếu không thì nhận tiền rồi tự làm. Họ không thắc mắc mình sẽ sử dụng ra sao. Mỗi lần có cấp cứu, hay cần gọi Cảnh sát đều gọi 911. Có lần giữa khuya em rể của tôi bỗng lên cơn mê sảng, hát to lên một cách bất thường. Nó hỏi thì lập lại câu hỏi. Thế là nó gọi 911. Họ hỏi rõ nguyên do. Em tôi nói đang cần gấp, nhưng họ bảo cần thông tin chi tiết để điều người cho đúng. Khi nghe báo tình hình, họ biết ngay là bị hạ đường huyết, rồi cử Bác Sĩ chuyên môn đến khám, xong chở đi Bệnh viện. 911 thường không chỉ đi một bộ phận, mà kèm theo là xe cứu hỏa, cứu thương. Sau đó người gọi sẽ thanh toán khoảng 500 đô chi phí cho các xe đó. Trường hợp bị hành hung cũng gọi 911. Cảnh sát đến và lập tức còng tay người hành hung giải về nhốt ngay. Nhưng sau đó, muốn lãnh về thì phải nhờ Luật Sư, rồi nộp tiền, có khi lên đến mấy ngàn. Vì thế nên nhiều phụ nữ bị chồng hành hung cũng ráng nhịn cho qua. Bí lắm mới gọi. Và những ông chồng nóng tính lần sau thì cũng bớt hung hăng. Một là bị nhốt. Hai là ngân sách gia đình bị xén một cách thảm hại, có khi mất cả mấy tháng lương! Qua đây tôi cũng nghe được câu chuyện về người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đã khai sinh nghề nails cho người Việt. Bà ta lấy chồng người Mỹ, nhưng không có nghề nghiệp, ở nhà chồng nuôi. Đợt đó, người chồng mua vé máy bay cho bà về Việt Nam thăm gia đình. Lúc trở qua, không thấy chồng ra phi trường đón. Bà phải tự về nhà. Về đến nhà trong túi chỉ còn có 20 đô la, thấy nhà đã khóa cửa, có tờ giấy chồng bà ta cài sẵn đó, nội dung cho biết là “Đã ly dị cô rồi. Đi tìm chỗ khác mà ở”. Chữ nghĩa không có. Tiền bạc cũng không còn. Cũng không biết luật để nhờ can thiệp. Bà cũng không bà con, thân thích, nên gọi cho một người bạn cũng có chồng Mỹ, xin đến ở nhờ. Cũng may vợ chồng này tốt bụng, cho bà ở tạm trong phòng khách. Để kiếm sống, Bà đi xin làm ở sòng bài. Bước đầu, bà được giao cho mang bọc tiền lẻ đứng đổi cho khách đánh bạc. Bà ta để ý có một bà khách đánh bạc có bộ móng tay rất đẹp. Hỏi thăm thì được biết bộ móng được làm ở một tiệm trên vùng Los Angeles. Lúc đó tiền học phí cũng rất mắc. Bà dành dụm được 1.000 đô, lên đó để học nghề. Sau đó mở ra làm và đào tạo thêm một số người Việt Nam để làm thợ cho mình. Làm ăn khấm khá, bà sang tận Trung Quốc để đặt làm sơn, rồi mang về Mỹ thuê người chiết ra bán. Bà lấy mẫu móng của Mỹ sang đặt cho họ làm với giá rẻ hơn và trở thành nhà cung cấp cho tất cả tiệm nails ở Mỹ. Bà sang cả Thái Lan để mở chi nhánh, làm ăn rất phát đạt với hàng loạt tiệm nails và cửa hàng cung cấp nguyên liệu làm nghề đến độ đài CNN để ý, mời phỏng vấn. Ho hỏi bà khởi nghiệp từ số vốn bao nhiêu? Doanh thu như thế nào? Bà trả lời là từ 20 đô, giờ thì là con số triệu. Thế là Sở Thuế bèn để ý, truy thu số lợi tức sau bao nhiêu năm không khai. Bà phải bán rẻ tất cả cửa hàng để bỏ chạy về VN, vì số thuế truy thu có bán hết tài sản cũng không đủ đóng! Về Việt Nam, bà bắt đầu mua đất, nuôi tôm. Là người nhạy bén với kinh doanh. Thấy nghề Tôm đang phát triển, bà sang Nhật để học cách chế biến thực phẩm và cách nuôi tôm bột, rồi mua đất nhiều nơi để vừa cung cấp con giống, vừa cung cấp thực phẩm cho các nhà nuôi tôm. Vì là Việt kiều, nên không được đứng tên đất cát, cơ sở; bà nhờ những người cộng tác đứng tên và truyền nghề cho họ để họ thay mặt cho bà. Thế là một ngày đẹp trời, họ báo cho biết bà đừng về VN nữa. Về thì họ sẽ giết chết. Cơ Sở, đất đai thì người khác đứng tên, đâu có bằng chứng. Thế là bà đành quay trở về Mỹ. Cũng may, luật Mỹ sau 5 hay 10 năm là án cũ được xóa nên bà không còn bị truy cứu. Nhưng làm lại từ đầu chắc cũng không dễ! Một kinh nghiệm xương máu cho người làm ăn. Giỏi giang đến như vậy, làm ăn quốc tế vậy mà cũng không lường được lòng người! Một kinh nghiệm khác về tình bạn. Có một bà nọ, chồng chết khi còn rất trẻ, lãnh được tiền bảo hiểm cả 100.000 đô. Bạn của chồng thấy tội nghiệp cảnh mẹ góa, con côi nên chỉ vẽ cho chơi chứng khoán, lời rất cao. Bản thân bà ngay cả vi tính cũng không biết, nói gì đến những con số nhảy múa, lên xuống trong thị trường này! Thế là bà đưa tiền, nhờ người bạn chơi hộ và được báo cáo số lời nghe phát ham. Cho đến một ngày người bạn đó báo đã mất trắng, muốn gỡ phải đưa thêm tiền cho ông ta gỡ giùm. Bà bán nhà, giao thêm 100 ngàn khác. Và số tiền 200 ngàn đô ra đi không bao giờ trở lại. Bây giờ bà đi làm thợ nails kiếm mỗi tháng khoảng 1.800 đô la để sống qua ngày! Trong giới làm nails không ai là không biết người chủ đầu tiên của một trường Thẩm Mỹ ở Sacto chuyên đào tạo thợ nails. Ông ta làm ăn rất khấm khá, kiếm được tiền rất nhiều. Kỳ đó về VN cưới đem qua một cô vợ trẻ. Cô này có máu đỏ đen. Cứ mỗi ngày đóng cửa tiệm là vợ chồng kéo nhau đi lên sòng bài để chơi. Lần hồi sạt nghiệp. Cơ sở phải sang lại cho người khác. Bản thân ông ta về sau không còn xe hơi mà đi, phải đi xe bus. Sau đó ông ta cũng bỏ Cali để qua vùng khác sống. Có lẽ mỗi ngày qua lại thấy chủ mới tiếp tục kinh doanh phát đạt nên chịu không nổi! Một ông nữa, chủ bãi đậu xe, đồng thời có cả 1 cửa hàng chuyên cung cấp sỉ, lẻ thực phẩm, nước ngọt. Vậy mà cũng vì cờ bạc nên sau đó trắng tay! Bên Mỹ Casino mở công khai, đăng quảng cáo rất hấp dẫn trên báo. Cứ đổi 1.000 đô là được thưởng 50 đô. Càng đổi nhiều, càng thưởng lớn. Đổi nhiều tiền và nhiều lần thì trở thành khách VIP, được cấp cho phòng để nghỉ và ăn miễn phí! Một người rể của bạn tôi còn được giao hẳn cho 1 phòng ở sòng bạc, có chìa khóa riêng. Có thể cho bạn bè đến đó ngủ cũng được. Không cần có tiền mặt. Chỉ cần có xe hơi là được vay tiền rồi. Báo đăng: Bạn có thể lấy tiền bằng ngay chính cái xe của bạn! Chỉ cần có nhà là Ngân hàng đã gởi giấy tới tận nhà đề nghị cho vay, chẳng cần phải tìm tới Ngân hàng năn nỉ, chi phần trăm gì cả! Theo em rể tôi là người hay lui tới sòng bạc cho biết, thì khách đánh bạc đa số là "đầu đen", nghĩa là dân Châu Á. Người Mỹ chiếm số ít. Có lần nó để ý thấy có một bà người Mỹ trông rất sang. Đeo nữ trang theo bộ. Lúc thì hột xoàn, khi thì ngọc trai. Mỗi cây bà đặt lúc nào cũng là 2.000 đô trở lên. Tiền phỉnh lúc nào cũng cả chồng cao nghệu! Chỉ khoảng 1 năm sau thì thấy bà không còn ngồi chễm chệ nữa, mà đứng, và mỗi cây đặt chỉ còn 50 hay 100, mà còn đặt một cách dè dặt… thì biết là tài sản đã nướng hết vô sòng bạc rồi! Đi Siêu Thị Vĩnh Phát, ngày nào tôi cũng thấy có khoảng trên dưới 20 người, đàn ông có, đàn bà có; đứng lố nhố ở bên lề đường. Hỏi ra thì biết là những người đó đang đứng chờ xe của sòng bài tới rước. Mỗi ngày có một chuyến xe đưa lên sòng bạc. Bước vô sòng thì mỗi người được phát cho 20 đô la. Nếu không đánh bài, cứ chịu khó quanh quẩn ở đó, thì chiều về tiền đó còn nguyên. Nhưng dễ gì đi vòng quanh trong sòng mà chịu nổi, vì đến chiều mới có xe về. Thế là nhiều người định đi kiếm 20 đô la, cuối cùng tiền túi mang theo bao nhiêu cũng gởi lại đó hết! Nhiều người Việt sống ở Mỹ cũng vì Casino mà gia đình tan nát, sản nghiệp tiêu tan. Từ chủ tiệm nails có cả chục thợ, đi xe xịn mà trở thành vô gia cư, ăn ngủ trong xe luôn. Dù tay nghề rất giỏi. Chỉ cần ngưng cờ bạc là dư sống. Nhưng chắc tiếc của nên kiếm được bao nhiêu thì tiếp tục đi gỡ và… tiếp tục nướng! Sòng bạc chỉ chấp nhận khách đặt may rủi theo cây bài. Không cho tính toán. Nếu thấy ai lấy viết hay máy tính ra là họ lập tức mời ra khỏi sòng. Có lần em tôi cũng thử đặt theo kiểu nuôi 1 cửa nào đó. Ban đầu đặt ít, rồi nhân đôi lên, đến khi cây nó nuôi chịu ra thì cũng lời được vài trăm. Nhưng phải bỏ vốn ra khá lớn. Có lần nó thấy có tay đó quá xui, đặt đâu thua đó, nên nó chờ coi anh ta đặt bên nào thì đặt bên ngược lại, thế là trúng liền mấy cây. Tay đó lại thấy nó hên, định chờ nó đặt để theo, nó sợ quá, bèn thôi. Thỉnh thoảng nó cũng đến sòng bạc để giải trí, nhưng thấy ai đến đó cuối cùng cũng nhà tan cửa nát nên không dám léo hánh tới nữa. Nhờ vậy mà giữ được nhà cửa, xe cộ. Trong khi nhiều người kiếm cả đống tiền lại mang cúng nạp cho sòng bài, trở thành kẻ vô gia cư! Nhiều người kinh nghiệm đánh bạc kể lại: tay con có rất nhiều cửa đánh. Nếu thấy bài mình xấu, có thể theo tay con nào tốt. Thậm chí có quyền đặt theo bài cái. Hễ cái ăn thì mình ăn. Vậy mà cũng không thắng nổi. Không hiểu tại sao! Không hiểu cờ bạc có ma lực gì mà người đã dính vô đó khó thoát ra được. Em rể tôi kể: có 1 bà người Việt, thua quá mà không đủ nghị lực để ngưng, đến nỗi bà làm đơn, gởi cho chủ sòng bài, yêu cầu không cho bà đánh bài nữa. Sòng bạc nhận đơn và dán ảnh của bà tại quầy để nhân viên nhận diện, không cho bà đổi tiền hoặc đánh bài nữa. Vậy mà cũng không ngăn được cơn ghiền! Bà tự đánh thì không được, nên bà nghĩ cách khác, mỗi lần muốn đánh bạc thì bà dắt theo một người bạn rồi nhờ người này đổi và đặt tiền, bà đứng kế bên để ra lệnh thôi, không động đến phỉnh, cũng không thò tay đặt cây nào! Sòng bài cũng không ngăn được. Quả là hết thuốc! Một số người Việt Nam sang Mỹ cứ đẻ liên tục để được hưởng trợ cấp. Đến khi con cái được 18 tuổi là đến lượt họ hưởng tiền già, tiền bịnh… Nhưng ngay chính cộng đồng người Việt cũng coi thường những người như vậy, vì người dân ở Mỹ được đào tạo lòng tự trọng rất cao. Khi đói, họ sẵn sàng xin lau cửa kính, hoặc làm việc lao động nào đó để lấy tiền mua thức ăn. Con nít cũng được tập lao động để biết giá trị của đồng tiền. Cháu tôi là sinh viên, xài rất sang, thích mang giày hiệu cả 200 đô/đôi. Nhưng nó sẵn sàng lau nhà, cắt cỏ, hốt cứt chó, đi làm bồi ở nhà hàng để kiếm tiền chớ không ngửa tay xin. Lần đầu tiên xin được việc làm ở nhà hàng, nó hỏi mẹ nó có cần giúp không? Nó sắp kiếm được tiền rồi. Ở nước Mỹ, giáo dục cấp trung học thì miễn học phí. Lên Đại Học thì những đứa con nhà nghèo đi học còn được phát tiền nên ít đứa nào dám nghỉ hay học hành lôi thôi. Vì bị đuổi học là bị cúp lương. Lên cao học còn được vay tiền đóng học phí. Bao giờ đi làm mới trả, để khuyến khích công dân học hành. Bảo hiểm tư thì rất mắc. Mỗi tháng đóng tới 400 đô, nhưng khi nhập viện thì người bịnh phải chi tới 8.000 đô trước, trên số đó Bảo Hiểm mới chi, nên nhiều người không thèm đóng, thà đến lúc có bệnh tự trả còn hơn, vì đâu phải bệnh nào cũng mất hết 8.000 đô cho Bệnh Viện? Những người già mà bịnh, sau khi nộp đơn, qua nhiều thủ tục, nếu được chấp nhận thì được hưởng tiền bịnh, mỗi tháng cũng được khoảng 800 đô. Nếu không có chỗ ở thì xin thuê nhà dành cho người thu nhập thấp, một căn hộ chỉ đóng có hơn 70 đô/tháng. Nhưng phải chờ tới lượt nhà trống thì mới có. Người đi làm thì đóng thuế cao, nhưng về già, tiền hưu của họ cũng rất lớn. Đủ để chi tiêu hàng tháng cho tới mãn đời. Còn thu nhập thấp thì khi tới tuổi sáu mươi mấy cũng được lãnh tiền già hơn 500 mỗi tháng, đủ sống qua ngày, khỏi phải chết đói hay cần con cái cấp dưỡng cho. Không phải ai ở Mỹ cũng giàu có và kiếm đồng tiền dễ dàng. Có những người Mỹ thiệt, sống tại Mỹ mà cả đời tài khoản chưa có tới 10.000 đô, và nhà thì không phải người Mỹ nào cũng có thể mua nổi! Để sống được ở nước Mỹ, nếu độc thân và không có nhà thì mỗi người phải kiếm được ít nhất là 1.200 đô la. Tiền thuê phòng cũng đã 300 đô. Ăn uống tằn tiện cũng mất 200 đô. Bảo hiểm sức khỏe không thể không đóng, khoảng 350 đô. Bảo hiểm cho xe và đổ xăng khoảng 300 đô nữa. Rồi còn tiền điện thoại hàng tháng khoảng 3 hay 40 đô. Nếu đã mua nhà rồi thì cộng thêm thuế nhà 1% một năm. Bảo hiểm nhà khoảng 100đô/tháng. Chi phí rác và cống 100 đô. Điện, ga khoảng 300 đô. Rồi hàng tháng phải cắt cỏ vì nhà nào cũng có phần sân và vườn phải tự cắt hay thuê người. Còn nếu mua nhà, xe và đồ dùng trả góp thì con số khủng khiếp. Nhà khoảng 4 hay 500 ngàn thì hàng tháng có khi phải trả đến hơn 2.000 đô. Xe cũng khoảng 500 đô nữa. Cho nên thất nghiệp là một biến cố hết sức tồi tệ, có người đã góp hơn phân nửa mà không có tiền trả tiếp, gặp thời buổi kinh tế khủng hoảng, không bán để gỡ gạc được số tiền đã góp, đành phải ngậm ngùi để cho Ngân Hàng kéo nhà! Tên đường ở Mỹ cũng là một chuyện lạ. Cùng nằm trên một con đường. Nhưng mỗi bên đường mang một tên khác nhau. Không phải cùng tên rồi mang số chẵn, số lẻ như bên nước ta. Súng ở Mỹ bán tự do nên những vụ thảm sát cũng dễ xảy ra. Trước vụ thảm sát ở Trường học làm chết mấy mươi học sinh thì báo chí quốc tế đều đưa tin đã có mấy vụ bắn nhau lẻ tẻ. Vô cửa hàng khống chế người để cướp rồi bị bắn. Tội nghiệp nhất là một chuyên viên ngành Thú Y có mười mấy năm trong nghề. Có một người Mỹ, ngày đó bị kéo nhà, phải dọn ra. Ông ta gọi cho Sở để báo là ông ta sẵn sàng dọn đi, nhưng có một con chó và một con mèo, không biết xử lý ra sao. Sở Thú Y cử nhân viên tới. Nhưng ông này vừa đến nhà, bấm chuông, thì bị tên chủ nhà nấp sẵn xả súng bắn chết! Một kinh nghiệm nhỏ khi đi du lịch Mỹ là Thứ nhất, nên có người thân để ở nhờ, vì tiền khách sạn không rẻ chút nào. Trừ trường hợp nhờ ai đó tìm share giùm một phòng nhỏ thì chừng từ 3 đến 400đô/tháng. Nhưng di chuyển là cả một vấn đề, vì xe bus cách 1 giờ mới có 1 chuyến. Taxi thì không thấy. Có lẽ vì ai cũng có xe hơi, trừ phi kêu để đi ra phi trường, hay từ phi trường về nhà khi không có người đón. Nhưng giá rất cao. Bạn của cháu tôi nghỉ hè về. Khi trở qua không tìm được ai đón bèn kêu Taxi. Từ phi trường San Francisco về Sacramento mà tiền taxi đến 480 đô la! Thứ hai là người thân cũng phải có người rảnh rang và có xe, biết đường mới đưa đi tới đi lui được. Vì có khi cả nhà đi làm, đi học. Sáng ra mạnh ai nấy đi, tối mới về, chẳng lẽ ngồi một mình ru rú trong nhà? Còn đưa đi chơi xa thì phải chờ chủ nhà thu xếp thời gian để nghỉ phép, vì ai cũng đi làm, đi học. Ngoài ra còn phải biết liệu họ có hứng thú dắt mình đi hay không? Vì ngoài tiền xăng hiện nay rất cao, nhiều nơi phải mua vé vào cửa. Không lẽ họ kêu khách đưa tiền? Nhưng bắt họ phải trả luôn khoản đó thì họ cũng thấy xót. Tiền ở Mỹ đâu phải dễ kiếm? Nếu không đủ thân tình hay quý trọng thì dại gì mà bao nhau? Chính vì vậy, tôi biết có trường hợp có người từ nước khác qua thăm bạn ở Mỹ. Mỗi ngày họ chỉ chở lên sòng bài cho chơi, rồi về. Vì sòng bài không có bán vé và mạnh ai nấy bỏ tiền ra chơi. Không ai bao ai! Tháng 12 trở đi là chính phủ cho phép người dân được bắt cua, vì mùa đó cua đã lớn. Cháu tôi và bạn nó chuẩn bị đồ nghề và rủ tôi với con tôi theo coi cho biết. Từ Sacramento bọn trẻ phải lái xe hơn trăm cây số để đến chân cầu Golden Gate ở San Francisco để câu cua. Chúng nó có 2 cái rọ đan bằng dây kẽm, mang theo thùng để đựng cua và mồi là đùi gà đã bốc mùi để nhử cua. Đường dưới chân cầu để đi ra đặt bẫy gập ghềnh, lỗ chỗ rất khó đi. Trời thì tối đen, mỗi nhóm phải xách theo đèn để soi đường. Trời lạnh ngắt, cộng thêm gió mạnh, mặc mấy áo lạnh dày, đeo găng, đội mũ, quàng khăn mà vẫn muốn run. Chúng nó soạn cái rọ ra, lấy cái hộp, bỏ mồi vô đó rồi cột dây thả cái rọ xuống rồi ngồi chờ. Có mấy nhóm cũng đi câu như nó. Mỗi nhóm chọn một chỗ để thả đồ nghề của mình, rồi ngồi chờ, khoảng nửa tiếng sau là dở lên thăm chừng. Thấy có cua vô thì gắp bỏ vô thùng. Cháu tôi chỉ bắt được 2 con. Lần cuối giở lên nặng trĩu, hóa ra có con hải cẩu vô xơi hết mồi, đành cuốn đồ nghề để về. Tôi thì ngay lúc đầu đã không chịu lạnh nổi nên chui vô xe ngồi chờ, không dám đứng lâu ngoài sương gió. Cũng chuyện bắt cua. Cháu tôi kể, nếu không phải là mùa cho phép mà lén bắt thì bị phạt rất nặng. Nó có mấy đứa bạn lén đi bắt. Bữa đó có 7 đứa đi cùng với nhau. Cả bọn bắt được 7 con cua. Không may trên đường chở về thì bị Cảnh sát xét được. Họ phạt mỗi con 1.000 đô và hỏi ai là người đã bắt số cua đó? Cả 7 đứa đều làm thinh, không ai lên tiếng nhận. Thế là Cảnh sát kết tội gian dối và phạt cả 7 đứa, mỗi đứa 7.000 đô. Luật ở Mỹ không được cãi nhân viên biên phạt. Cứ nhận giấy phạt rồi có gì ra Tòa mà cãi. Nếu cứ cãi thì người biên phạt có quyền phạt thêm. Về tiền phạt thì có thể trả góp, thậm chí có quyền đi làm lao động công ích để trừ dần. Thời gian tôi đang ở Mỹ thì đọc được một thông tin trên báo mạng là Ngân Hàng Mỹ cho in một số tiền 1 đô để dành riêng cho năm Rắn để lì xì. Số lượng chỉ có 88.888 tờ, giá bán ở Mỹ là khoảng gần 5 đô, về VN bán lại được 400.000đ. Nghe cũng có lý nên sẵn đang ở Mỹ, tôi định mua vài mươi tờ, nếu lì xì không hết thì cho con bán lại chắc nó cũng kiếm được chút đỉnh để tiêu vặt. Không dè vô hỏi Ngân Hàng thì họ rất ngạc nhiên. Trưởng quầy còn bốc điện thoại để hỏi kho bạc, rồi trả lời cho biết là chẳng có đồng đô la mới nào được in ra cả! Nếu tôi không trực tiếp đến tận Ngân Hàng Mỹ để hỏi thì chắc cũng đã tin sái cổ. Có lẽ thời điểm đó một số không ít đã nếm quả lừa, vì tiền ở Mỹ làm sao kiểm chứng? Nghe nói tờ có số đẹp còn được bán cả mấy triệu đồng! Lò sưởi Mỹ thì nhà nào cũng có. Củi thì bán đầy. Nhóm cũng rất dễ. Chỉ cần châm lửa vào tờ giấy gói. Nhưng muốn đốt thì phải xem lịch. Ngày nào cho phép mới được đốt để tránh ô nhiễm môi trường. Mỗi thanh củi đốt được 4 giờ. Tính ra mỗi giờ tốn khoảng 50cents. Trời lạnh, ngồi cạnh lò sưởi, củi cháy tí tách cũng khá nên thơ. Có điều phải canh củi tàn thì đóng ống khói, đóng cửa lò lại để không khí lạnh đừng theo đó mà vô nhà. Thời gian tôi ở đó chỉ được đốt củi có 2 ngày! Chưa đến ngày về, nhưng thời tiết lạnh quá, chỉ có 2, 30. Sáng ra thấy sương đọng lại thành đá trắng xóa những bàn, ghế để ngoài sân. Người ở Mỹ nói là năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn. Năm ngoái không lạnh đến như vậy. Tôi vốn là “yếu nhân” lúc nào cũng “nhạy cảm” với thời tiết, trong người từ lâu đã mang bệnh Suyễn, nên sẵn dịp lạnh là nó bắt đầu muốn kiếm chuyện. Trước khi đi tôi đã cẩn thận mang theo máy xông Suyễn, nhưng quên là điện của VN là 220. Của Mỹ là 110 volt. Thế là cái máy trở thành vô dụng! Mua 1 cục đảo điện trên mạng, lúc mở ra mới thấy công suất yếu so với cái máy. Thế là đành thúc thủ! Em tôi đang ở tiệm, tôi phải gọi về để nhờ chở đi Bác Sĩ, vì sợ cơn lên nặng thì không biết ra sao. Mở quảng cáo tìm rồi gọi Bác Sĩ mới thấy BS Việt Nam ở Mỹ quá đắt hàng. Có nơi bảo phải chờ mấy tiếng. Chỉ có một nơi bảo tới ngay, hiện chỉ phải đợi 1 người. Thế là em tôi lật đật đưa tôi đến. Hỏi giá tiền mạch nghe muốn xỉu, nhưng vẫn phải chấp nhận: Khách hàng đến lần đầu phải làm hồ sơ nên tiền khám + với tiền làm hồ sơ là 105 đô la! Hồ sơ chỉ là khai tên, tuổi, địa chỉ rồi chụp 1 tấm ảnh và ký 3 chữ trên máy vi tính! Sau đó tôi được khám, chỉ là đo huyết áp và hỏi coi bệnh lâu chưa? Phát hồi nào? Tình trạng ra sao? Trước giờ uống thuốc gì? Sau cùng BS ghi toa cho mua 2 loại thuốc, mang qua Pharmacie kế bên do con gái của ông bán. Chỉ có 10 viên Prednisone và 10 viên Montelukast mà phải trả đến 49 đô la! Thảo nào ở Mỹ ai cũng sợ bệnh! Cũng may, ngoài thuốc dặn mua, ông bác sĩ còn tốt bụng cho mượn cái bình oxy mang về nhà. Ông bảo bệnh của tôi là thiếu oxy, không phải Suyễn, vì ông không thấy tôi thở ồn ào như những bệnh nhân Suyễn khác. Dù đã có thuốc nhưng tôi cũng không dám chần chừ chờ tới ngày về. Tôi bèn gọi về VN đổi vé. Cũng may 2 ngày sau là có chỗ, thế là đóng gói nhanh hành lý chờ ngày hồi hương. Vì tôi về đột xuất nên người nhà không có ai thu xếp để đưa đi được, phải thuê xe đưa. Gặp phải một ông Việt Nam về hưu, có lẽ cũng không khá giả mấy nhận chở ra phi trường với giá hữu nghị là 120 đô la. Khổ nỗi dây belt của ông ta đã chai cứng. Ông ta phải ghị mãi nó mới giãn được một chút, rồi trói tôi ngồi trong xe thiếu điều muốn nín thở. Tôi phải mở dây và cầm trong tay để né cảnh sát cho tới Phi trường. Cũng may trời tối nên chắc nhìn vô xe không thấy, nhờ vậy mà không bị hỏi thăm. Nếu cảnh sát bắt được người ngồi trong xe không cài dây an toàn thì sẽ phạt tài xế 400 đô la! Cũng do cơ thể không hợp với khí hậu lạnh nên lên máy bay là tôi nhức nhối cả người không thể ngủ được. Ngồi trở đủ các kiểu cũng không ăn thua. Quần áo thì mặc cả 4 lớp. Trong cùng là bộ mỏng nhất để về VN thì lột mấy bộ bên ngoài ra. Kế đó là đồ thun, rồi đồ nhung. Kế chót là cái áo da và cuối cùng là cái manteau dày cộp! Đầu thì đội mũ len. Cổ quàng khăn len. Trông tôi lúc đó chắc giống như một người đi bán quần áo cũ ở miền Bắc thời mới sau 75! Máy bay lên cao thì lúc lạnh lúc nóng. Tôi cứ liên tục cởi bớt áo rồi chốc sau lại mặc vô! Chắc hai hành khách hai bên cũng tức cười. Lần này thì cách mời thực khách chọn thức ăn của hãng máy bay có cải tổ. Thay vì lần trước họ đọc ba bốn tên thức ăn cho khách chọn, mà tên nào cũng lạ hoắc, không biết nó là món gì. Lần trước tôi lập lại đại một trong những tên cô tiếp viên vừa nói thì lúc mang tới hóa ra là… cháo! Lần này rút kinh nghiệm, tôi định sẽ bảo cô ta mang cho tôi món nào cô thấy ngon nhất. Nhưng đợt này thì tiếp viên mang theo miếng giấy có in hình con heo, con cá để khách không hiểu gì cũng có thể chỉ thứ nào muốn chọn. Lịch bay bắt đầu ở Phi trường San Francisco lúc 12g05 phút khởi hành, đến Taipei là 6g30 sáng, giờ địa phương. Tôi bị đau nhức không ngủ được nên cứ nhấp nhổm trông mau đến. Tôi theo dõi màn hình lịch trình của máy bay để thấy trước khi đến Taipei thì máy bay bay ngang không phận của Nhật. Màn hình hiện ra cho thấy từng địa danh bên dưới. Nào là Okinawa, Nagasaki vv... Cho tới khi thông báo máy bay sắp hạ cánh thì thấy rất mừng. Trời còn chưa sáng, máy bay hạ độ cao, nhìn thấy Taipei bên dưới đèn nhiều màu lấp lánh trông giống như một cây thông Giáng Sinh khổng lồ đặt nằm. Cuối cùng khi máy bay tiếp đất, tiếng bánh xe va chạm trên đường băng thì thấy nhẹ nhõm vì biết chỉ còn vài tiếng nữa là về đến nhà. Cả đám vừa rời phi cơ, kéo hành lý lếch thếch đi tìm cổng đã ghi số trên vé để ngồi chờ. Con đường khá dài đến độ người ta phải thiết kế những dải băng trôi tự động để khách khỏi phải đi bộ nhiều. Hai bên là những shop bán đủ thứ mặt hàng. Phòng đợi mang số G8, chờ ở đó thêm 3 tiếng, sau đó sẽ lên chuyến bay khác để về Việt Nam. Hành khách hầu hết là người Việt, nên ngồi một chốc là bắt đầu làm quen rồi trò chuyện cho đỡ buồn. Bởi vậy có người nói vui: Hèn chi mình được xếp cho ngồi cổng G8. Tức là tha hồ mà Tám chuyện! Tôi cũng đã có vài chuyến đi ra nước ngoài. Cứ mỗi lần được ngồi gần cửa sổ là tôi thường nhìn ra để ngắm mây trôi bềnh bồng. Có khi thấy máy bay ở trên, phía dưới là lớp mây. Có khi mây giống từng cuôn bông gòn khổng lồ nổi lên nền trời màu xanh trong vắt thật đẹp. Có lần về gần đến VN, gặp mùa mưa, máy bay chui vào một vùng sương mù mênh mông không thấy gì ngoài một màu trắng xóa. Lúc đó tôi thấy máy bay phải hạ độ cao để tránh, làm hành khách muốn nôn ruột. Một điều cũng lạ là khi máy bay bay vào trong mây thì cũng thấy bị dằn giống như xe chạy vướng phải ổ gà dưới đất. Tôi tưởng mình nhầm, nhưng hỏi ra thì đúng như thế. Lúc máy bay hạ độ cao khi đến phi trường ở Mỹ thì thấy những ô thẳng tắp, màu xanh hay nâu. Ở VN thì đầu tiên thấy những đốm màu bạc to, nhỏ, giống như mấy mối hàn của mạch điện tử. Dần dần là những con sông, rạch hiện ra ngoằn nghèo, mờ nhạt… rồi đậm dần. Những chiếc cầu và xe cộ lưu thông trên đó, tất cả đều bé xíu như trên mô hình… rồi từ từ lớn dần thêm. Qua ngang những khu vườn cây. Những mái nhà cao, thấp đan xen. Ngang qua vùng nào đó có hai chiếc cầu song song. Không biết có phải là cầu Tân Thuận hay là Cầu Bình Triệu. Cho đến khi tiếng bánh xe của máy bay chạm đất và máy bay dằn mạnh thì biết là đã đáp hẳn xuống đất. Đi du lịch thì rảnh rang, chỉ có đi tới lui và quan sát, không phải bận bịu họp hành hay gặp gỡ đối tác nên đầu óc rất thanh thản. Ấn tượng về nước Mỹ đối với tôi là người dân rất lịch sự, trật tự và ý thức vệ sinh môi trường rất tốt. Hàng xóm thì không ồn ào, không tò mò. Chuyện ai nấy biết. Nhà bên này không hề biết chủ nhà hai bên tên gì, nghề chi. Văn hóa phục vụ cũng rất cao. Khách mua hàng cứ thoải mái chọn lựa, trả tiền rồi mang về nhà. Cả tháng sau, nếu thấy không vừa ý vẫn có thể mang trả chỉ cần đừng làm mất cái nhãn và giấy tính tiền đính trên đó cùng với cái receipt của cửa hàng. Dù khách mua 10 món, rồi trả lại 4 họ cũng không thắc mắc, vì ít khi đi chỉ để trả hàng. Trong thời gian mang trả, khách lại đi một vòng xem có cái nào vừa ý, lại mua tiếp. Cho nên cửa hàng thấy có nhiều khách tới lui là mừng rồi. Bánh Sinh Nhật mà khách hàng mua về, cắt ra ăn, thấy không vừa ý vẫn có thể mang cái bánh đã ăn dở tới đổi lấy lại tiền! Kẹo, bánh, mỹ phẩm cũng thế. Ngay cả cắt, gội, uốn, nhuộm tóc hay làm móng tay, xong rồi, chỉ cần nói là “tao thấy không hài lòng” là không trả tiền mà không bị làm khó dễ, vì đã có quy định như thế. Cũng có trường hợp bị lợi dụng. Nhưng tiệm lưu ý để lần sau cạch mặt, không tiếp những người khách đó nữa. Cháu tôi kể có trường hợp bạn nó mua bộ salon ngồi cả mấy năm, trong thời gian còn bảo hành vẫn có quyền mang đổi bộ khác! Người dân nước Mỹ được giáo dục lòng tự trọng rất cao, nên trường hợp lợi dụng cũng rất hiếm khi xảy ra. Họ chỉ đổi khi không thể sử dụng được mà thôi. Đa phần phụ nữ Việt Nam qua Mỹ dễ tìm việc làm hơn các ông, vì nhiều việc đơn giản như giữ trẻ, coi sóc người già, hay làm nails lúc nào cũng cần người. Một số các ông người Việt ta hay mắc bệnh gia trưởng, nên khi qua Mỹ quen thói ăn hiếp vợ, lại gặp xứ văn minh, phụ nữ được bênh vực tối đa nên không có điều kiện phát huy. Nếu cứ ngoan cố thì tất nhiên là chịu khó sống một mình, vì các bà đã đủ sức tự lập, đâu cần dựa vào các ông! Ở xứ văn minh người phụ nữ không chấp nhận người đàn ông gia trưởng và không phụ giúp vợ trong công việc gia đình, vì ai cũng bình đẳng, cũng phải đi làm kiếm tiền như nhau. Không thể có cảnh cả hai cùng đi làm mà về nhà anh chồng ngồi khểnh đọc báo, vợ thì túi bụi trong bếp một mình! Chuyện bạn trai xuống bếp phụ bạn gái nấu nướng là bình thường. Thậm chí có đứa còn nấu ngon, vì thời sinh viên ai cũng xa nhà, phải tự túc. Thời buổi kinh tế xuống dốc, chuyện sa thải thường xuyên diễn ra. Có người làm cả mười mấy năm cũng bị cho nghỉ việc. Nhưng nếu thời gian làm, họ đóng thuế cao thì lãnh trợ cấp cũng đủ sống. Nếu tiền hưu mà cao thì khỏi phải xin tiền già. Nhà ở Mỹ thì trả góp dài hạn, nhưng phải có việc làm ổn định, mức lương đủ để trả thì Ngân Hàng mới cho vay để mua. Tức là Ngân Hàng ứng trước để trả, rồi khách mua sẽ góp lại từng tháng, trong đó có vốn cộng với lời cho tới hết. Cháu tôi mua một căn nhà hơn 200 ngàn mà chỉ phải trả trước có mười mấy ngàn, cộng với thuế má các cái độ hơn 40 ngàn là được sở hữu căn nhà. Sau đó nó cho thuê bớt những phòng dư để lấy tiền phụ trả góp mỗi tháng. Em tôi mua một căn cách đây 8 năm, đã góp hơn 300 ngàn mà còn nợ gần 200 ngàn nữa. Trong khi nếu bỏ, đi mua căn mới cùng diện tích trong thời điểm này giá có thể chưa đến 250.000 đô, tiền góp hàng tháng ít hẳn. Nhưng nó tiếc vị trí và khu vực đã chọn nên cố gắng duy trì. Hy vọng một ngày nào đó giá nhà sẽ phục hồi trở lại, nhưng chưa biết có giữ mãi được không? Việc làm ở Mỹ cũng ưu tiên cho người có xe để đi lại. Họ không thuê người không có xe, vì không bảo đảm sẽ đi làm đúng giờ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh của họ. Sinh viên đi làm thuê để kiếm tiền là chuyện thường. Nghỉ hè là tranh thủ đi làm bồi nhà hàng, cắt cỏ hay bất cứ việc gì để tập kiếm tiền. Cháu tôi thời sinh viên đi làm tạp vụ cho Siêu thị, chỉ xin lãnh lương sớm 1 buổi mà không được nên nó hạ quyết tâm phải học lên cao, để mai mốt tiền tự chạy vào tài khoản, không phải chịu cảnh năn nỉ, xin xỏ nữa. Và nó đã thành công. Nó cũng cảm ơn sự phản bội của một người bạn, vì ngay sau khi tốt nghiệp, nó tìm được việc ở trường. Có nhỏ bạn cũng người Việt nhờ nó xin giúp. Sau khi cô ta vô làm thì lại tìm cách để hất nó ra. Nó phải vất vả để tìm việc mới. Nhờ đó mà tìm được việc tốt hơn. Cô kia cũng mặt dày, sau này thấy nó có vị trí khá trong cơ quan mới thì lại gọi điện để nhờ nó giúp xin việc. Tất nhiên còn lâu nó mới dám giúp lần nữa! Hàng ngày, đi chợ, ngang qua những khu đất mênh mông. Những căn nhà luôn kín cửa, tôi thật khâm phục người Việt mình. Từ hai bàn tay trắng, lưu lạc đến đây. Ngôn ngữ cũng không có mấy người thạo, mà bằng cách nào đó, họ thâm nhập được vào thế giới xa lạ này để giờ này thì hàng quán đồ sộ mang những bảng hiệu to đùng bằng chữ Việt ngạo nghễ chiếm rất nhiều khu phố! Không kể có người đã trở thành Thị Trưởng, Luật sư, Bác Sĩ, Dược sĩ, chủ khách sạn, nhà hàng... là những ngành nghề phải được đào tạo bài bản, trước đây chỉ có người Mỹ mới làm được. Ngành nghề nào cũng có người Việt tham gia. Từ mua bán bất động sản cho tới bảo hiểm, nhà hàng, siêu thị, xây cất, sửa chữa… cạnh tranh với người địa phương, cho tới Luật Sư Mỹ muốn làm ăn với người Việt cũng phải hợp tác với Luật Sư Việt. Cộng đồng người Việt đã trở thành một thành phần không thể thiếu trong xã hội Mỹ với những hoạt động xã hội, đoàn kết, dạy cho lớp con em không quên cội nguồn. Họ vẫn song hành, vừa tiếp thu văn hóa, học vấn của người Mỹ, vừa giữ gìn truyền thống của người Việt. Cái hay là rất ít người Việt thích cho con cái lấy chồng hay vợ người Mỹ, vì dù sống chung trên một đất nước, nhưng bản sắc người Việt vẫn được bảo tồn. Cháu tôi đi học vẫn có bạn người Mỹ, nhưng thân nhất vẫn là bạn gốc Việt, dù sinh trưởng ở Mỹ, tiếng Mỹ còn thạo hơn tiếng Việt! Dường như người Mỹ vẫn có một nếp sống nào đó mà người Việt chưa thể hòa nhập được. Xã giao với nhau thì được. Nhưng thân thiết, đến nhà nhau chơi thì hiếm. Do đó, mấy tháng dài ở Mỹ tôi chỉ có dịp để nói 3 thứ tiếng. Thứ nhất là hi hay hello khi có bạn học của cháu tôi đến nhà chơi. Thứ hai là thank you khi người nhân viên siêu thị gói hàng hay tính tiền xong. Thứ ba là sorry khi đi lựa mua hàng lỡ va chạm với người khác. Bởi vậy có ở Mỹ cả năm chắc tôi cũng không thể nào mất gốc, hoặc quên tiếng Việt được! Nghĩ về nước Mỹ, người Mỹ, tôi thấy lịch sử thì nay đúng, mai sai, chỉ có tình người là có thể mang lại những điều tốt đẹp cho nhau. Người dân nước Mỹ hàng năm vẫn ăn lễ Tạ Ơn hay Thanksgiving để nhắc lại tổ tiên họ nhờ được người Da Đỏ địa phương cưu mang mà ngày nay họ trở thành một dân tộc hùng mạnh, đứng đầu thế giới. Trong truyền thống đó, họ đã dang tay đùm bọc những người dân Việt. Cưu mang, giúp đỡ, hướng dẫn, để ngày nay hình thành một cộng đồng người Việt với nhiều người thành công trên đất Mỹ. Nhưng với lòng yêu nước và thiết tha với dân tộc, họ không an hưởng cho bản thân, mà sẵn sàng mang tiền bạc, kiến thức, khoa học kỹ thuật trở về phục vụ cho quê hương Việt Nam với mong muốn đưa dân tộc đi lên. Đó là sự thật không thể phủ nhận, và cũng là một điều đáng mừng cho nước ta. Những người không về thì cũng góp một số lượng tiền không nhỏ để giúp cho người thân bên quê nhà. Báo chí cuối năm đăng tin: Số lượng kiều hối năm nay có thể đến 11 tỷ đô la! Một con số không phải nhỏ, nói lên sự thành công nhất định cũng như tình cảm đối với quê hương, góp phần "xóa đói, giảm nghèo" cho người thân một cách hiệu quả! Hiện nay nhiều người Việt đã góp mặt trên nhiều lãnh vực mà chính người dân bản xứ cũng phải nể nang. Đó cũng là điều làm cho người nước ngoài đánh giá cao dân tộc ta. Qua thời gian ngắn ở Mỹ, tôi thấy có lẽ tuổi trẻ thích hợp hơn, vì có thể hòa nhập dễ dàng. Riêng người lớn tuổi, nếu không biết lái xe và không học được ngôn ngữ bản địa thì sẽ rất buồn, vì ban ngày mọi người đều đi làm, đi học. Cứ quanh quẩn trong nhà mãi chắc chán ngắt. Muốn gặp bạn bè cũng rất khó, vì nhà ai cũng rất xa, lại không thể có láng giềng để chuyện trò như ở nhà. Dù ở Mỹ thì thực phẩm ê hề. Hàng tiêu dùng toàn cao cấp. Nhà thì rộng thênh thang, lại đẹp. Đất nước thì văn minh. Con người thì lịch sự. Nhưng những người nhiều tuổi sống với con cái có vẻ cũng chẳng hứng thú mấy. Thứ nhất là con cái bận đi làm cả ngày, ngồi nhà một mình từ sáng đến tối mới gặp mặt chúng. Ăn qua quýt rồi ai về phòng nấy, không có nhiều giờ để chuyện trò, vì chúng đi làm cả ngày đã mệt đừ rồi. Về nhà là để nghỉ ngơi. Đám còn đi học thì phải lo bài vở. Ở nhà buồn mở TV thì toàn là đài Mỹ, phim Mỹ. Mở băng, đĩa nhạc Việt thì coi hoài cũng chán. Sách vở thì lèo tèo mấy tờ báo tiếng Việt, đa phần là quảng cáo. Hơn nữa, ở nhà con trai thì còn có con dâu. Con gái lại có chàng rể, đâu thể tự nhiên như nhà của mình, mà lúc nào cũng phải dè dặt… Chưa nói đến trường hợp dâu, rể tính toán mà một bà trước kia làm chung với tôi phải chịu đựng. Bà ở với con gái và rể vì thương cháu ngoại còn nhỏ. Nhưng chàng rể thay vì cảm ơn bà mẹ vợ giữ con và cơm nước cho vợ chồng nó, thì nó lại bắt bà phải đóng tiền phòng mỗi tháng 500 đô la. Vì thương cháu, nên bà chấp nhận. Đến lúc vợ chồng nó đổi nhà lớn hơn thì nó kêu bà mỗi tháng phải bù thêm tiền! Lúc đó cháu ngoại cũng khá lớn, nên bà bỏ ra ngoài thuê nhà chính phủ dành cho người thu nhập thấp, mỗi tháng chỉ có mấy chục đô, ở tới bây giờ! Có lẽ vì vậy mà rất nhiều người tính con đường là ráng chịu đựng một thời gian. Kiếm một số tiền, để lúc nào đó thì quay về quê hương, đất nước. Nhà lớn hay nhỏ, xấu hay tốt cũng là của mình. Muốn bày biện ngăn nắp hay bừa bãi cũng không sao. Thậm chí có người không về được thì còn mong ước lúc chết con cháu mang về VN chôn cất để được nằm gần ông bà! Có gia đình đã phải chi cả 6, 70 ngàn đô để thực hiện di chúc của người quá cố! Quê hương vẫn là cái gì đó nằm sâu trong tâm của mỗi người mà dù có bôn ba, lưu lạc phương trời nào vẫn không thể quên. Tuy đơn sơ, nghèo nàn, lạc hậu, nhưng có khí hậu ôn hòa và ra khỏi cửa là hàng quà, bánh trái tràn ngập, lại lúc nào cũng có thể trao đổi, chuyện trò, tâm sự với người chung quanh bằng tiếng mẹ đẻ. Tôi có đọc được mấy câu thơ nói lên tâm trạng của người sống tha hương: “Tôi nhớ anh ơi, héo cả hồn Đời tôi, tôi chẳng ước gì hơn Là về quê cũ, sau khi chết Còn có sau vườn, mảnh đất chôn!” Nhân nói về chuyện chôn cất. Trước Tết, một người bạn gởi cho tôi xem hình ảnh của một nghĩa trang hoành tráng ở làng An Bằng là một cù lao xứ Huế do những con cháu Việt Kiều gởi tiền về xây cho ông bà mà có nhiều ngôi mộ đẹp lộng lẫy với rồng chầu, uốn lượn hai bên lấy mẫu từ Lăng Tẩm ở Huế. Tôi cũng tò mò hỏi xem những Việt Kiều đó làm gì ở Mỹ mà giàu có đến xây một ngôi mộ cả mấy tỷ đồng thì được cho biết: Đa phần họ làm mấy nghề: Thứ nhất là nghề đánh cá, vì nghề đó họ đã làm từ lúc còn ở nhà. Sau nữa là nghề xây dựng, cắt cỏ, và nghề làm nails. Đó là những nghề tuy không cao cấp, nhưng cũng hái ra tiền. Người dân đó lại ăn tiêu dè sẻn, thảo nào có dư tiền bạc để báo hiếu cho ông bà mà chắc chắn trong tương lai nghĩa trang này sẽ trở thành một điểm du lịch thu hút khách tham quan vì quá đẹp. Xin kết thúc bài viết bằng một vài câu chuyện về ngành Luật. Ở Mỹ, mọi việc đều dựa vào Luật pháp. Từ việc lớn đến việc nhỏ không có Luật sư can thiệp là không xong. Em tôi mua nhà, có hợp đồng bảo hành đàng hoàng. Thế mà khi phát hiện có những chỗ lẽ ra bên chủ bán phải sửa, nhưng gọi mà họ cứ hẹn lần hẹn lựa rồi không thèm đến. Nó tức mình bèn đi thuê một kiểm soát viên có giấy phép để tìm hết mọi ngóc ngách trong nhà rồi lên danh sách. Sau đó nhờ một văn phòng Luật Sư can thiệp. Chỉ cần một lá thư có đóng dấu văn phòng Luật Sư, thế là bên kia gọi điện tới xin lỗi rối rít rồi tới sửa ngay, không hẹn tới hẹn lui nữa. Một văn phòng Luật Sư thỉnh thoảng cũng gởi giấy để hỏi thăm nhà có gì cần khiếu nại không thì cho họ biết để họ giúp. Thí dụ chỉ cần có kiến vô nhà thôi, là khiếu nại được rồi. Nhưng em tôi không làm, vì biết là chỉ có kiến vô nhà, luật sư sẽ vẽ thêm nhiều điều thiệt hại khác mà bên xây dựng phải đền bù. Nhưng chủ nhà cuối cùng thì cũng chỉ được xịt thuốc trừ kiến thôi! Có một vụ Án mà ai ở Mỹ cũng đều biết. Có một người Mỹ nào đó, chỉ vì uống ly cà phê rồi bị đổ vô quần thôi, mà sau đó nghe nói Luật Sư đã khai đủ thứ thiệt hại mà thân chủ phải gánh chịu do hậu quả của nước cà phê nóng, rồi kiện hãng phải bồi thường cho ông ta cả triệu đô! Nhiều người bên đó kháo nhau: Chỉ cần một luật sư tới chơi nhà ai đó rồi rủi ro bị vấp té hay trượt chân là chủ nhà mang họa! Không biết có thật hay chỉ là chuyện đùa. Và có câu chuyện vui vui sau: Một ngày kia, có một Bác sĩ qua đời. Ông ta bay lên Thiên Đàng, gặp Thánh Phê Rô để xin vô. Ông thấy thái độ của thánh Phê rô rất là lạnh nhạt. Xét tội, phước xong, Ngài bảo ông ta cứ vô đi. Ông còn lần xần chưa kịp vô, thì thấy có một thiên thần tới nói nhỏ vào tai Thánh Phê Rô cái gì đó mà sau đó Thiên Đàng nhốn nháo hẳn lên. Các Thiên Thần xếp hàng, giương cờ, treo biển, thêm giàn kèn trống rộn rã. “Có lẽ một nhân vật quan trọng nào đây”. Ông Bác Sĩ thầm nghĩ. Dù vậy, ông thấy hơi ganh tỵ, vì ở trần gian mình cũng thuộc lớp người có địa vị chớ bõ bèn gì. Sao Thánh Phê Rô coi mình chẳng ra chi? Tên mới đến là ai sao lại được tiếp rước long trọng như thế? Bức xúc quá, ông liền hỏi Thánh Phê Rô cho ra lẽ. Nghe xong, Thánh Phê Rô liền ôn tồn giải thích: “Tại con không biết đó thôi. Bác sĩ như con thì ngày nào mà chẳng có người lên Thiên Đàng. Chuyện đó quá bình thường rồi, nên có gì mà Thiên Đàng phải mừng? Nhưng người mới lên đây là một Luật Sư. Từ lâu lắm rồi mới có một Luật Sư lên Thiên Đàng, nên Thiên Đàng không đón rước trọng thể sao được?”. TÂM NGUYỆN ( Tháng 01 năm 2013)
Phụ Bản IV Cholesterol Có Xấu Không Nhỉ? Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức Sau tiệc tùng trong dịp lễ Tết thì cũng không ít bà con mình sẽ để ý tới vấn đề sức khỏe liên quan tới việc ăn uống. Một trong các ưu tư đó là liệu có cần đi bác sĩ để coi xem mỡ cholesterol trong máu của mình có lên cao sau những linh đình liên hoan với thịt mỡ, dưa hành, heo vịt quay béo ngậy. Vì cholesterol vốn đã được gán cho là gây ra nhiều bệnh cho trái tim thân yêu của con người. Cholesterol có thật sự “xấu” như vậy không? Xin cùng tìm hiểu. 1. Cholesterol là gì? Cholesterol là một chất béo được bao bọc bởi một lớp đạm hiện diện trong cơ thể của các loại động vật kể cả con người. Mặc dù bị mang tiếng là không tốt, nhưng cholesterol là một phần cần thiết của màng các tế bào, được dùng để sản xuất một số kích thích tố, tạo ra sinh tố D trên da bằng tia nắng cũng như tạo ra acid mật để tiêu hóa chất béo. Cholesterol chiếm 70% các chất cấu tạo tế bào của não bộ. 2. Có mấy loại cholesterol? Có 2 loại cholesterol: a.Cholesterol trong máu: Thử máu cho ta biết số lượng cholesterol lưu hành trong máu: 85% cholesterol trong máu là do gan sản xuất, 15% còn lại là do thức ăn có cholesterol mà ta tiêu thụ như trứng, chất béo từ gà, vịt, heo, bò. Vì gan sản xuất nhiều cholesterol cho nên một số người dù ăn thực phẩm có nhiều cholesterol mà cholesterol trong máu vẫn thấp. Ngược lại một số người khác ăn ít cholesterol mà cholesterol vẫn cao. Vì là chất hòa tan trong dầu mỡ, cho nên cholesterol không tự lưu hành trong máu. Để luân lưu, cholesterol được một loại chất đạm là lipoprotein mang đi. Có 2 loại lipoprotein: LDL (Low density lipoprotein) mang 2/3 tổng số cholesterol và HDL (high density lipoprotein) chuyên chở 1/3 cholesterol còn lại. Về kích thước LDL lớn hơn HDL. Có giải thích nói HDL được coi như phần tử hiền lành tốt bụng vì y ta vừa không cho cholesterol bám vào thành động mạch mà còn đưa cholesterol ở máu vào gan để rồi được loại ra khỏi cơ thể qua ruột. Nhờ đó bớt mỡ lưu thông trong máu, làm giảm nguy cơ đóng mỡ ở thành động mạch, giảm nguy cơ bệnh vữa xơ động mạch. Ngược lại cô em song sinh LDL thì láo lếu hơn vì đương sự để cholesterol bám vào thành động mạch, gây ra vữa xơ tắc nghẽn và tăng rủi ro bệnh tim. Ngoài ra còn một loại thứ ba gọi là VLDL, very low density lipoprotein, chuyên trở một lượng rất ít cholesterol và một chất béo khác gọi là triglyceride. b.Cholesterol do thực phẩm có nguồn gốc động vật cung cấp. Xin nhớ là thực phẩm Thực vật không có cholesterol nhưng vẫn có chất béo 3.Cholesterol trong cơ thể từ đâu mà ra? Như đã nói ở trên, trong cơ thể, 85% cholesterol là do gan sản suất, khoảng 1000 mg/ ngày, vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu của cơ thể, vì thế đúng ra ta cũng không cần tiêu thụ thêm cholesterol từ thực phẩm. Ngoài ra, khi ta tiêu thụ nhiều cholesterol thì gan tự động giảm sản xuất. 4.Làm sao biết có cholesterol trong máu? Đo cholesterol trong máu cho biết số lượng cholesterol toàn phần, HDL, LDL và VDRL. Cholesterol các loại được đo bằng đơn vị phần ngàn của gram (milligram) mg trên phần mười lít (decilitre) dl máu. Viện Sức khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa các chỉ số sau đây để dùng làm tiêu chuẩn: | Lý tưởng | Tạm được | Không tốt | Tổng số Cholesterol | Dưới 200 mg/dl | 200- 240 mg/dl | Trên 240mg/dl | HDL cholesterol | Trên 45mg/dl | 35- 45 mg/dl | Dưới 35mg/dl | LDL cholesterol | Dưới 130 mg/dl | 130- 160 mg/dl | Trên 160mg/dl |
Sau 20 tuổi, nên đo cholesterol mỗi 5 năm một lần; đo thường hơn khi cholesterol lên cao. Ngoài ra chất Triglyceride và VLDL cũng cần được theo dõi. Mặc dù vai trò của chúng trong nguy cơ gây bệnh tim chưa được xác định, nhưng nhiều chứng minh cho là khi chất này lên cao thì đều không tốt cho tim. Lượng Triglyceride dưới 200mg/ dl được coi như bình thường. Nó thường lên cao trong bệnh tiểu đường, bệnh thận. 5.Cholesterol có gây nguy hại cho sức khỏe không? Chất béo cũng như cholesterol không phải là chất có hại đối với cơ thể mà là chất sinh tử cho mọi tế bào động vật. Cho nên thực là không công bằng khi gán cho mỡ béo danh vị thực phẩm “xấu”. Nhưng một chế độ dinh dưỡng không cân bằng, kém đa dạng, quá nhiều chất béo có thể đưa tới hậu quả bệnh tật cho con người. Xin nhắc lại là để hoạt động hữu hiệu, các mạch máu, cũng như các bắp thịt, cần được tốt mạnh, uyển chuyển và giữ đàn tính. Lòng mạch máu cần trơn tru để máu dễ dàng lưu thông. Trong bệnh vữa xơ động mạch, thành động mạch có những bựa gồm có cholesterol và tế bào máu đóng vào, khiến nó trở nên thu hẹp gây trở ngại cho sự vận chuyển của máu. Máu huyết tới tim giảm, tim kém được nuôi dưỡng, giảm hoạt động rồi một lúc nào đó đưa đến cơn kích tim. Những miếng bựa có thể bứt rời thành mạch máu, ngao du khắp cơ thể theo hệ tuần hoàn rồi gây ra nghẽn mạch. Lên đến não nó tạo ra tai biến mạch máu não, tới tim nó gây ra nhồi máu cơ tim. Ngoài ra cholesterol trong máu lên cao theo số tuổi; khi cân quá nặng nhất là béo mập ở vùng bụng; khi có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp; di truyền cao cholesterol từ bố mẹ; khi có nếp sống không lành mạnh như lạm dụng rượu, thuốc lá, có đời sống quá tĩnh tại hoặc có nhiều mối lo âu, bất mãn. 6.Làm sao giảm cholesterol? - Điểm cần để ý trước hết là giảm tiêu thụ cholesterol không ảnh hưởng nhiều tới lượng cholesterol trong máu bằng khi ta bớt tiêu thụ thực phẩm có chất béo bão hòa. - Thứ hai là trong thực phẩm, tất cả cholesterol đều giống nhau, không có loại xấu loại tốt. Nhưng trong máu thì cholesterol trở nên tốt hay xấu là tùy theo loại lipoprotein chuyên chở nó. - Thứ ba là chất béo bất bão hòa đơn hoặc đa dạng từ thực vật không gây ra sự vữa như cháo của chất mỡ trong lòng động mạch. Muốn hạ thấp cholesterol trong máu? Sau đây là một số gợi ý: - Giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều mỡ béo như kem, bơ, sữa nguyên chất, cheese, da gà, mỡ trên thịt nạc, mỡ heo. - Giảm thiểu thực phẩm có nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, gan. Lòng trắng trứng không có cholesterol. Một lòng đỏ trứng có tới 250mg cholesterol. - Giảm dầu dừa, dầu hạt cọ (palm), vì có nhiều béo bão hòa. Dầu này thường có trong kẹo súc cù là, bánh bích quy. - Dùng nhiều hơn dầu bắp, safflower, dầu olive, dầu canola, trái bơ avocado, vừng, dầu đậu phọng, vài loại cá vì chúng có tác dụng làm hạ cholesterol. - Giảm trans fatty acid như margarine thỏi vì tác dụng làm gia tăng cholesterol trong máu. Margarine mềm ít hại hơn. - Tăng tiêu thụ omega 3 fatty acid, có nhiều trong cá thu (mackerel), cá chình americain eel, cá ngừ (tuna), cá trích (atlantic herring), cá sardines, cá hồi (trout). - Tăng lượng chất xơ có trong ngũ cốc, rau trái, mì ống, mì sợi vì các chất này có rất ít béo bão hòa, cholesterol và cho ít năng lượng. - Giữ sức nặng cơ thể ở mức trung bình, tránh bị mập phì nhất là mập ở vùng bụng. - Tập luyện cơ thể đều đặn để làm tăng cholesterol hiền lành HDL, làm giảm cholesterol lếu láo LDL, giảm ký, hạ huyết áp cao. - Đôi khi với tất cả các đề phòng kể trên, cholesterol trong máu vẫn còn cao vì ảnh hưởng của gene, vì vui miệng ăn nhiều mỡ béo thì phải cầu cứu tới dược phẩm. Việc dùng các dược phẩm này cần được bác sĩ cân nhắc kỹ càng tùy theo từng trường hợp, vì khi đã uống thì phải uống trong nhiều năm, có khi suốt cuộc đời. Thuốc lại rất đắt tiền và vài loại thuốc có những tác dung phụ mạnh, chẳng hạn là làm hại tới lá gan. Kết luận: Các tài liệu về chất béo-cholesterol có quá nhiều, đôi khi làm ta bối rối. Sau hơn 50 năm, khoa học đã làm sáng tỏ một phần nào vai trò của cholesterol cao trong máu đối với bệnh vữa xơ động mạch, một nguyên nhân đưa tới tử vong và bệnh hoạn vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nhưng nguyên lý sinh bệnh của vữa xơ này còn nhiều điều cần được khai sáng tiếp. Khi đó, việc điều trị và ngừa bệnh này hy vọng sẽ dễ dàng và công hiệu hơn. Hơn nữa, ta không thể gạt bỏ chất béo khỏi khẩu phần dinh dưỡng vì cơ thể cần năng lượng từ chất béo, cần sinh tố tan trong mỡ, cần chất béo để cấu tạo màng tế bào, mô thần kinh, tim... Cho nên giản dị hơn cả là khi muốn tránh bệnh tim mạch do các chất béo này gây ra, ta chỉ việc bớt tiêu thụ thực phẩm do động vật gia súc như thịt, sữa và phó sản; tăng thực phẩm từ thực vật và vận động cơ thể để bảo toàn trái tim thân thương cũng như sức khỏe tổng quát. Bs. Nguyễn Lân Đính st
Những truyện vui thật ngắn về Cái chết Câu chuyện thứ 1: Một cặp vợ chồng đưa nhau đi thăm thánh địa Giêrusalem. Chẳng may tại đó bà vợ đột ngột qua đời. Nhà hòm bàn với ông chồng: - Nếu ông muốn đưa bà nhà về nước, thì phải tốn 5,000 đô la. Còn như mai táng bà ở ngay tại vùng đất thánh này, thì sẽ chỉ có 200 đô. Ông chồng suy nghĩ một lát rồi trả lời rằng ông muốn đưa thi hài bà về quê quán hơn. Nhà quàn ngạc nhiên: - Tại sao phải chi 5,000 đô la, trong khi để bà nhà an nghỉ nơi thánh địa hiển linh này, chỉ tốn có 200 đô la? Ông già góa bụa trả lời: - Cách đây hơn hai nghìn năm, ở nơi Giêrusalem này có một người đã chết, được chôn cẩn thận, ba ngày sau sống lại. Tôi thật không muốn gặp lại trường hợp rủi ro này. Câu chuyện thứ 2: Người khách ngồi ghế sau taxi vỗ vai tài xế định hỏi vài câu. Hành động này làm anh tài xế giật mình, suýt đâm xe lên vỉa hè. Hoàn hồn, anh tài nói với khách: - Ông làm tôi sợ đứng tim. - Xin lỗi, tôi không ngờ đã làm anh hoảng sợ đến như vậy. - Thực ra cũng không phải lỗi của ông đâu, chỉ vì hôm nay là ngày đầu tiên tôi chuyển sang chạy taxi, 25 năm qua tôi chuyên lái xe chở... quan tài. Câu chuyện thứ 3: Chập tối, một cô gái trên đường về nhà gặp chàng trai lạ đang lững thững đi trên đường. - Anh có thể đưa giúp em qua nghĩa trang được không? - Đi theo anh, anh cũng đi về hướng đó. - May mà có anh, không em đi một mình thì sợ chết mất. Cảm ơn anh nha. - Không có gì! Lúc còn sống anh cũng sợ ma như em! Câu chuyện thứ 4: Một chàng trai trên đường về nhà đi ngang qua 1 nghĩa trang. Bỗng anh ta nghe tiếng gõ lốc cốc từ trong nghĩa trang vang ra. Anh ta hoảng hốt, tưởng là có ma, nhìn vào, anh ta mới thấy một ông già đang đục khoét cái gì đó trên một bia mộ. Anh bảo: - Lạy chúa, ông làm tôi tưởng là ma chứ! Ông đang làm gì ở đây vậy? Ông già trả lời: - Khỉ thật, đứa nào đó khắc sai tên tao! Câu chuyện thứ 5: Có một bệnh viện nọ, ngày thường trong tuần không có vấn đề gì, nhưng cứ đến thứ 7 là có người chết. Một ông bác sĩ kia, không tin chuyện đó có thật nên đã cho bệnh nhân của ông đến bệnh viện đó vào tối thứ 6. Ông ta ngồi canh từ tối đến sáng hôm sau, ông ta vừa xuống căn tin uống 1 ly cafe thì có người báo: - Thưa ông, bệnh nhân của ông đã chết. - Ông bác sĩ hoảng hốt bay về nước, tin đồn lại lan xa hơn. Một ông bác sĩ khác, cũng như bác sĩ trước, cũng không tin, và đã chuyển bệnh nhân của mình đến bệnh viện, cũng vào tối thứ 6, và ông cũng thức canh từ tối đến sáng. Đến sáng, khi nhân viên dọn phòng đến, ông ta mới bước ra. Vừa bước ra hành lang làm vài động tác thể dục thì ông được báo: - Thưa ông, bệnh nhân của ông đã chết. Ông bác sĩ này hoảng hốt cũng quay nhanh về nước, tin đồn lại lan xa hơn. Một ông bác sĩ khác đến, cũng canh bệnh nhân từ tối thứ 6. Đến sáng, ông không xuống căn tin cũng không đi ra ngoài. Đến khi người lao công yêu cầu ông ra để vệ sinh phòng, ông mới chịu ra. Nhưng khi ông quay lại nhìn qua cửa sổ, ông thấy một người đội nón trắng, áo trắng, quần trắng tiến lại gần bệnh nhân của ông, tháo hết bình thở ô xy người bệnh ra để................... hút bụi. Câu chuyện thứ 6 : Sau khi mua sắm ở Siêu Thị, một nhóm Siêu Sao, Siêu Mẫu, lên một Siêu Xe, lao vào đường Siêu Xa Lộ, chạy cực kỳ Siêu Tốc, tai nạn Siêu Khủng đã xảy ra......Tất cả đều Siêu Thoát. MĐ st MỐI
CỰU
THÙ
ĐÀM LAN Rơi rơi từng hạt nhạc Xuống ly cà phê nâu Liêu xiêu từng bóng ngả Xuôi gót hoàng hôn sầu Lâu lắm rồi tồi mới ngồi cà phê một mình vào giấc hoàng hôn liêu xiêu bóng này. Mà thực ra, chỉ có vào giấc này mới dễ ngồi cà phê một mình. Giấc sáng và tối hẳn, hầu như quán cà phê nào cũng đông. Cái thú cà phê quán không chừa riêng ai, có chăng là một số “mợ” chỉ luôn loanh quanh với những bậc cửa nhà mình, hay do một số “nhà cầm quyền” chuyên chế, không thích dắt vợ mình đến chốn đông người, nhất là đông “những kẻ ưa dòm ngó” vật sở hữu của người khác. Còn thì, tất thảy các “U”, kể cả “U” thấp nhất (đi theo bố mẹ) cũng không xa lạ gì với không khí lanh canh đá-muỗng-ly thủy tinh cùng một menu hết sức phong phú và hấp dẫn. Một loại hình mà gần đây cũng đã được phong tặng lên hàng Văn Hóa: “Văn Hóa Cà Phê”. Đúng là Văn Hóa Cà Phê. Là bởi từ phong cách riêng của mỗi quán mà vô hình chung tuyển chọn một tầng phong thái của những ẩm khách. Có quán thì ầm ào giọng nhạc kích động giậm giật trong loang loáng xanh đỏ tím vàng nhấp nháy, bàn ghế, thuộc loại sa-lon mút bành, trông thì ra vẻ trưởng giả, nhưng hiện rõ tính xô bồ, kệch cỡm. Những quán này hầu như chỉ dành cho lứa choai choai, hoặc một số ngổ ngáo, ngông nghênh, lấc xấc. Có quán cây cối um tùm, cảnh trí thiên nhiên được kiến tạo khá công phu và tốn kém, khuôn viên rộng, có nhiều lối rẽ, nhạc trữ tình là chủ đạo. Những quán này đáp ứng nhiều nhu cầu chung riêng. Lại có quán thì phóng khoáng, thoáng đạt, mọi sự cứ tự nhiên bày giữa thanh thiên vẻ trong sáng an bình thuần khiết, nhạc thì trung bình, không nặng không nhẹ, nhiều thể loại xưa và nay. Quán như một chốn cộng đồng, tổng hợp cho tất cả những ai có nhu cầu một chỗ ngồi cho bất kỳ một nguyên nhân nào. Có quán thì chuộng cổ, kiến trúc cổ, bài trí các vật dụng cổ, cả phần nhạc nền cũng khá cổ, một phong cách thể hiện rõ tính hoài niệm. Đừng ngỡ loại quán này thì chỉ có các bậc từ trung đến lão niên đâu nhé, mà cũng không ít những cô cậu ngồi mơ màng như nhớ về những câu chuyện cổ tích, hoặc trầm tư như đang vọng về chốn xa xôi nào lắm vậy. Có quán như lẻ loi trong một ngõ nhỏ, đơn giản từ chỗ ngồi đến bài trí, vừa đủ để thư thả chất vị và tầm mắt, vừa đủ thinh lặng cho một khoảnh khắc riêng tư cần thiết, vừa đủ vọng vào tai những cung bậc bổng trầm yên ả. Quán này hầu như chỉ dành cho một số khách thân quen ít ỏi, ít ỏi nhưng gần như thường xuyên, thường xuyên như một người bạn thân đầy cảm mến, thường xuyên như một nhu cầu đơn giản trong không gian sống hàng ngày. Trong cái số thường xuyên đó, có tôi. Nơi tôi đang ngồi là một vị trí phải nói là thuận cảm nhất của quán. Cái vị trí mà có lẽ bất kỳ ai cũng phải một chút hậm hụi tiếc nuối nếu lỡ làm kẻ đến sau. Từ vị trí này nhìn ra phía trước là một khoảng xanh hun hút bởi những mảnh ruộng con con ngắn ngắn dưới màu xanh pha bông trắng của vòm trời. Xa xa là vài mỏm núi không cao lắm, nhưng cũng đủ để vắt ngược những giấc mơ hâm hấp nào đó. Thi thoảng vài cánh cò trắng lượn vòng trong rám sương chiều bảng lảng. Nhìn hơi chếch về phía sau một chút, là vài nóc nhà, ngói có, tôn có, gạch xây có, lơ phơ những nhánh cây xanh, lấm tấm những sắc hoa vàng đỏ, có lúc còn vọng ra một câu vọng cổ giọng nam trầm nghe da diết, hẳn đó là một người con xứ sở tha phương nhớ quê. Vào lúc sâm sẩm hoàng hôn này, tôi lại may có chút cảm giác mênh mang khi lênh đênh nhìn một ngọn khói lơ đãng thả lên trời. Từ một cái bếp than củi, hay từ một đám lá khô vun đống? Không biết rõ, chỉ biết những sợi khói lơ thơ kia mang lại một cảm trạng mà lâu lắm rồi tôi mới lại gặp. Bình yên, êm ả, man mác, hiu hiu, nhơ nhớ, bồng bềnh… Nói chung là một trạng thái mơ màng dễ chịu, một trạng thái cho tâm tưởng tha hồ phiêu diêu đến tận miền hư ảnh miên man nào. Đệm vào miền tâm tưởng ấy là ngụm nước trà nóng nóng thơm thơm, hớp cà phê sữa đầm đậm béo béo đăng đắng ngòn ngọt. Xưa Tiên ông đắc đạo chắc cũng đến thế này là cùng chứ gì. Một thoáng cười trên môi, tôi liên tưởng đến cảm giác của anh chị chủ quán khi quyết định mở quán cà phê này, chắc cũng ngồi đúng chỗ tôi ngồi bây giờ, chắc cũng ngồi đúng vào thời điểm tôi ngồi lúc này, chắc cũng cảm trạng đúng y như tôi đã cảm trạng thế này. Bởi nếu không đúng tất tật như thế, thì khó mà tìm đâu ra ý tưởng mở quán ở một nơi ven thành đang nhấp nhổm đô thị, đang còn níu giữ chút đồng nội. Anh chị này trước kia cũng bôn ba đủ kiểu, từng lên và từng xuống, nói như ngôn ngữ thời hiện đại, chắc cũng đã “thấm đòn”, có vài mống con thì chúng cũng tung cánh đi dăm ngả, còn hai anh chị cũng đã chơm chớm cái đuôi U6, tìm về một chốn bình yên nhẹ nhàng mà khoan thai những tháng ngày. Có lẽ, ngoài một công việc cho qua thời gian, ngoài mục đích nhặt thêm dăm ba đồng lẻ, thì còn một mục đích mà tôi nghĩ chính đáng hơn cả, là gặp gỡ bạn bè. Chí lý quá đi chứ. Tuổi tác rồi, đi đâu cũng ngại, lại không phải lúc nào đến nhà bạn thì bạn cũng sẵn sàng có thời gian thù tiếp, nên tạo ra một điểm hợp cả mọi yếu tố thế này quả là sự chọn lựa tối ưu nhất. Thì đã bảo anh chị từng bôn ba lắm lắm rồi cơ mà. Không nảy ra được ý tưởng và thực hiện như thế này mới là lạ. Tôi thuộc hệ em chứ chưa út với lứa anh chị. Nhưng tâm tưởng thì cũng tạm tương đồng, có thể nói những câu chuyện rộng hẹp mang tính xã hội và trải nghiệm. Những bạn ngang tuổi thường chê tôi “khọm”. Khọm cũng chẳng sao, nếu đó đúng là mình. Hơn nữa, trong bầu không khí thời đại đủ thứ trò nhăng nhố, đủ thứ kiểu lổn nhổn, đủ thứ loại lăng xăng, thì “khọm” có khi là đắc địa. Có lộng ngôn thêm chút là “đắc đạo” cũng không sao. Bởi “khọm” vào thời điểm cần thiết thì nó là Tĩnh, là Thiền, là Tri, là Túc. Khọm để biết mình là ai? Đang ở đâu? Cần gì? Muốn gì? Và làm được gì? Thực ra, để biết được những điều này không phải là quá khó. Chỉ cần không đi bằng cách nhón gót, không đánh đu trên những sợi dây môi người. Thật mệt mỏi cho những ai bị rơi vào trạng thái liêu xiêu và chênh vênh ấy. Cứ phải uốn mình, nệ mình bằng bao lời ngẫu hứng khen chê của người thì thật là quá tội. Mà gớm khổ, có phải lời khen lời chê nào cũng có trọng lượng thật sự đâu, phần lớn xuất phát từ những tâm địa bất bằng, hàm ý ngược. Thế mà… Nhưng mấy ai trong đời ngộ ngay ra được, cũng phải dăm bảy lằn roi mới may ra. Tôi cũng thế thôi, như học võ ấy, ăn đòn nhiều rồi thì phải biết cách tránh đòn thôi. Một tiếng động nhẹ làm tôi giật mình. Đó là tiếng động của chiếc ghế bị kéo. Chiếc ghế bị kéo ấy từ một bàn tay có khung xương to, to hơn tay tôi, bàn tay đồng bộ với bàn tay kéo ghế ấy thì đang đặt nhẹ một cái ly xuống mặt bàn tôi đang ngồi. Cũng là một ly cà phê, nhưng khác màu, cà phê đen đá. Một sự xâm nhập ngang nhiên, áp đặt, không hề thông qua một thứ phép tắc xã giao tối thiểu nào, cũng không hề cho tôi một cơ hội từ chối một cuộc tiếp xúc, cho dù là bất đắc dĩ. Cũng có nghĩa tôi đang rơi vào thế bị động, trước một đối thủ có vẻ bản lĩnh và đáng gờm. Nhưng bị động không có nghĩa là thụ động. - Xin chào. Đáp lại lời chào của tôi là một cái nhìn khinh khỉnh, một thái độ cứ như đang chuẩn bị tuyên chiến, như một tráng sĩ tuốt gươm trần, hay ít nhất là cố tình tỏ ra có một ý đồ thiếu thiện cảm. Tuy có hơi ngạc nhiên và thoáng bất bình vì hành vi khá khiếm nhã của người khách không mời, nhưng tôi chưa vội tỏ thái độ khó chịu. Một chút trải nghiệm giúp tôi tĩnh định mình, là bởi đã có động thái hẳn có mục đích, không ai vô cớ mà tạo ra một cảnh huống thế cả, cứ để xem. Cái cá tính ngang ngạnh, thậm chí đôi khi khá ngạo mạn của tôi không ít người ghét, nhưng nó cũng giúp tôi trong khá nhiều trạng huống, ví dụ như trường hợp này, nếu tôi thuần là một mệnh danh phái yếu, chắc là mặt đã tái xanh và tim thì thùm thụp loạn lên mất rồi. - “Xin chào”. Nhưng là chào ai? Chào bạn hay chào kẻ thù? Một câu hỏi lạ lùng nhất trên đời. Một câu hỏi mà tôi dám chắc chưa ai từng gặp. Hà. Khá thú vị đây. - Tùy người nhận thôi. Bạn hay thù? đôi khi không dễ rạch ròi. Được. Bạn cũng có thể thành thù, mà thù cũng có thể thành bạn. - Khá lắm. Nhưng trong trường hợp này thì sự hoán đổi chưa chắc đã có thể xảy ra. Ít nhất là cho đến khi tôi đòi được món nợ cũ. Vẻ mặt của câu nói không hề biểu hiện sự đùa cợt. Tôi hơi hoang mang, tôi đã nợ người này cái gì nhỉ? Gương mặt kia không phải quen cũng không phải lạ, có lẽ trong chuỗi ngày đã qua, tôi có gặp đâu đó thì phải. Trong hàng vạn hàng vạn người đã từng hỉ nộ ái ố trên những chặng đường, có biết bao sự nợ nần. Có những món nợ không cố tình vay nhưng lại phải mang nặng cả đời mà không cách chi trả nổi. Có những món nợ ngẫu nhiên mà trót vay, trót vay rồi có khi lại trót quên, nhưng cũng lại có những món nợ cố tình vay và cố tình quên. Vậy anh ta thuộc loại chủ nợ nào? Và tôi đã làm gì để bị trở thành một con nợ mà có vẻ như đã lâu, lâu lắm rồi? Nợ vật chất hay nợ tinh thần? Tôi nhìn thẳng mặt vị khách lạ lùng đến mấy giây, khả dĩ tìm cho được một nét gì nhắc nhớ. Nhưng không hề một chút ấn tượng đặc biệt nào, sao lại… - Nếu đúng là tôi có nợ, và là một món nợ chính đáng thì sẵn sàng trả thôi. Nhưng có thể nhắc lại không ạ? Tốt hơn là kèm theo một chứng cứ đầy thuyết phục nào đó, kẻo dễ bị cãi xoá lắm đấy nhé. Vị khách đột ngột vẫn tỏ ra cứng cỏi: - Bằng chứng ư? Chắc chắn là có. Không chỉ bằng chứng mà cả nhân chứng nữa. Một hàm ý rõ rệt, tôi phân vân, hình như anh ta không đùa, vì câu nói thốt với một âm sắc hơi gằn gằn, cùng một nét mặt hơi gườm gườm. Nếu là một trò đùa thì đây là một trò đùa khá vụng, một trò đùa không làm người ta vui, vậy thì lý do gì anh ta có mặt tại đây? Một thói chọc ghẹo của đàn ông ư? Không có lẽ. Bởi chẳng ai lại mang dao mang búa đi chinh phục tình cảm cả, nhưng nếu đây là một cách làm quen của gã dở hơi thích bày ra những chuyện giật gân? Nếu thế thì không nên mất thời gian làm gì. Nhưng liệu có thể đứng lên và bỏ đi như không có chuyện gì không? Cái đầu hay nghĩ suy, thêu dệt của tôi cứ chùng chình chuyện đứng lên hay ngồi lại. Phía trước mặt, người đàn ông sau khi hớp một ngụm cà phê cũng im lặng quan sát tôi. Cái ngang tàng bướng bỉnh của tôi nổi lên. Muốn đấu à? Ừ thì đấu. Xem ai phải bó tay quy hàng cho biết? Tôi cũng trả lại một cái nhìn dò xét. Bất thần, anh ta vung tay vào mặt tôi. Phản xạ khiến tôi né đầu qua một bên, đồng thời cung tay hình chữ L gạt nhanh từ trái qua phải. Không để tôi kịp định thần. Một tràng cười kèm theo câu nói: - Phản xạ vẫn còn nhanh lắm. Đúng là con nhà võ. Đáng lẽ tôi phải rất tức giận vì hành động bất thường mang tính bạo lực kia, thì tôi lại ngơ ngẩn ngạc nhiên. Con nhà võ. Người này là ai? Cái chuyện tôi học võ tận cái thuở xa xưa giờ có mấy ai biết. Mà ngay chính tôi, e cũng trả thầy hết rồi. Tôi nhìn trực vào mặt anh ta, cố tìm cho được một nét quen quen nào đó trong khi bộ nhớ tôi hoạt động hết công suất. Nó quay ngược về gần ba mươi năm trước. Vâng, đúng là gần ba mươi năm rồi. Tôi làm sao quên hình ảnh của một võ đường mà tôi đã lui tới đấy trong gần một năm. Nhớ khi tôi xin mẹ cho đi học võ, mẹ trợn mắt nhìn tôi. “Trời đất! Con gái con lứa, không học thêu thùa may vá hay nấu nướng, mà lại đòi đi học võ”. Nhưng tôi cứ nằn nì, kèm theo vài lý do thuyết phục, nào là đi học võ không phải để đánh nhau mà là cho có sức khoẻ, con gái thì cũng phải biết chút ít để phòng thân, cuối cùng thì mẹ tôi cũng xuôi tai. Cái lễ nhập môn là một con gà trống và một chục bông huệ trắng. Ông Thầy dạy võ tặc lưỡi sau khi lướt qua cái dáng còi cọc, mảnh khảnh của tôi “Ừ thì cứ thử một tuần xem có học được không đã”. Một tuần, hai tuần, một tháng, hai tháng, tôi trở thành một tấm gương tiêu biểu cho các môn sinh đến sau và cả những môn sinh lười tập luyện. Và hiệu quả rõ ràng là tôi thấy khoẻ ra nhiều, ăn uống cũng tốt hơn, đi lại nhanh nhẹn hoạt bát, tự tin hơn. Tôi thông thuộc dần những chảo quyền, thập lục bộ, móc, gạt, chặt, chém, tấn, giò lái, song phi, chấm đia-réc… Thầy dạy võ bảo “Võ học càng lên cao, tâm tính càng trầm tĩnh, chín chắn, tự tin và bản lĩnh. Mới học thì còn hay ngứa chân ngứa tay ngứa mắt, ưng thể hiện những gì đã học, nhưng càng về lâu thì lại càng thấy học võ không phải để gây gỗ đánh nhau, mà là để xử sự với nhau ôn hoà và tử tế hơn. Người có võ thường là người không chấp nê những chuyện vụn vặt, lại có tâm thái nghĩa hiệp thích bảo vệ chở che bênh vực cho kẻ yếu. muốn thực hiện cái lẽ công bằng trong mọi trường hợp bất công trong cuộc sống. Vì vậy, phải tự biết giới hạn của mình, nếu không thì rất dễ chuốc hoạ vào thân. Nói cách khác, học võ vừa rèn luyện thể chất, phản xạ và cả tính cách nữa”. Quả đúng thế. Tuy nhiên, khi gặp chuyện thì không dễ gì ép cái bản năng võ thuật trong mình lại, nhất là trong những tình huống cần thiết phải tự vệ. - Nhà văn mà trí nhớ kém quá. - Ôi trời! Tôi buột miệng. Anh ta biết khá rõ về tôi, mà tôi thì chả moi được tí ti ký ức nào về anh ta cả. - Thôi. Tôi chịu thua anh rồi. Cho tôi biết đi, chúng ta đã từng biết nhau trong trường hợp nào? Một cái cười mãn nguyện. Cái cười đầu tiên từ khi anh ta kéo chiếc ghế và ngồi xuống. Cái cười cho tôi biết rõ ràng đây là một trò đùa dai, một trò đùa có chủ ý. Hẳn người này cũng có chút ấn tượng xa xôi nào đó về tôi. Vị khách lắc lắc ly cà phê, tiếng đá va trong ly thủy tinh nghe vui vui. Chậm rãi một chút nhấp môi, anh ta để cái ly xuống và hấp háy: - Một cuộc tỉ thí không cân sức tại một ngã tư. Tôi nhíu mày lục lọi. Ngày đó tôi đi học võ vào buổi tối, thường về khá khuya với một chiếc xe đạp. Có hai lần xảy ra sự cố. Một lần là trên đoạn đường vắng, có ba thanh niên trên hai chiếc xe đạp khác. Thấy tôi tênh tênh giữa đường, họ chẻ ra làm hai ép tôi vào giữa. Tôi không nói gì, tưởng ngon ăn, một thanh niên không phải cầm lái liền nhảy lên yên sau xe tôi. Tôi vẫn đạp xe bình thường và canh đúng tầm, một cú rơ ve trái trúng ngay phần môi trên anh ta. Do bất ngờ, lại bị vập cả vào răng, anh ta nhảy vội xuống kêu lên “Nó dố tao mày ơi!” Hai thanh niên kia vòng xe lại, tôi nhảy xuống đất quăng cái xe đạp đổ chổng kềnh, chống nạnh “Chúng mày muốn gì?” Trông tôi lúc ấy chắc oai lắm, nên cả ba vội vã “Dạ em xin lỗi” rồi lên xe chuồn thẳng. Nếu họ biết tôi đánh võ mồm là chính thì chắc… Lần khác, cũng vào giấc khuya như thế, tôi đi đến một ngã tư, chầm chậm thắng xe vì có một tốp người đang qua đường, họ đã qua gần hết, chỉ còn một thanh niên đi sau cùng. Tôi đã cố trù trừ chờ anh ta đi qua khỏi, nhưng do cố tình, anh chàng nắm ghi đông xe tôi lại, và nhét một bàn chân vào bánh xe tôi rồi la lên: - Cô cán chân tôi rồi này. Tức mình, tôi nhảy xuống xe cãi: - Cán đâu mà cán, anh cố tình nhét chân vào đấy chứ. Không nói một lời bỗng nhiên anh ta vỗ bộp lên đầu tôi một cái. Điên tiết, tôi “chấm đia-réc” một cái ngay giữa mặt anh ta. Thế là chiếc xe quay lơ giữa đường cho hai đối thủ xông vào nhau. Nói gì thì nói, con gái cũng không có sức bằng con trai, huống chi chuyện khá bất ngờ, nhưng trong lúc xoay trở, thế nào mà lưng tôi thì dưới đất, còn hai chân thì đạp ngược từ ngực anh ta trở lên mặt, hai tay tôi tuy bị giữ nhưng lại tạo điểm bấu có lợi thế, còn anh ta thì không làm gì được hơn là cứ quay mặt để tránh. Tốp người đi trước khi đó đã quay lại, can ra. Có lẽ chỉ cần nhìn vào cuộc diện là đã hiểu cả, nên có mấy chị nhỏ nhẹ bảo tôi: - Thôi, em bỏ qua cho nó, em đi về đi. Tôi cũng không phân bua gì thêm, lẳng lặng lên xe đạp đi. Đi một đoạn ngắn, tôi nghe tiếng chân huỳnh huỵch chạy theo, tôi thắng chậm lại chờ. Vừa đúng tầm, vẫn là cú rơ ve trái, một lần nữa gương mặt nam nhi hứng trọn. Tôi lại nhảy xuống xe, bình tĩnh gạt chân chống, vì ngay sau anh ta là hai thanh niên khác đã ào tới lôi lại. Mấy chị kia lại chạy đến, có vẻ là người nhà anh ta, người thì mắng: - Đàn ông con trai gì mà kỳ vậy hả? Người thì ẩy tay tôi: - Em về đi. Về đi, đừng chấp chi nó nữa. Tôi lại lên xe, lần này thì về thẳng. Nhớ lại hai câu chuyện, tôi bật cười khi biết người đang ngồi trước mặt mình là ai. - Anh nhớ dai thật đấy. - Đòn đau nhớ đời mà. Hình như bây giờ vẫn còn sưng thì phải. Bàn tay đưa lên xoa xoa mặt, cả hai bật cười. - Thế bây giờ anh muốn đòi nợ cũ bằng cách nào? có nhu cầu biến nơi đây thành võ đài không đấy? - Khoan khoan, chờ anh dẹp bàn ghế sang một bên đã. Câu nói chen ngang của anh chủ quán xuất hiện, thảo nào mà anh ta biết khá rõ về tôi. - Sao rồi? Mối cựu thù giải quyết đến đâu rồi? Cho anh xin chân trọng tài nhá. Yên tâm là trọng tài này công bằng tuyệt đối. - Dạ, anh ngồi đây. Người ta đã nói chịu thua em rồi, lẽ nào còn đòi so găng thì mất tinh thần võ sĩ đạo quá. Ấy là do câu tôi bảo chịu thua khi không nhớ ra anh ta là ai. - Chà, cũng biết nhân cơ hội ghê hè. Nhưng thôi, cũng được, coi như huề há. - Huề hiệp một thôi. Còn hiệp hai và nhiều hiệp khác nữa. - Vậy là anh có cơ hội làm trọng tài dài dài rồi. - Thế là quán cà phê của anh trở thành một võ đài chỉ dành riêng cho hai võ sĩ mà thôi. - Nhưng những hiệp đấu tiếp theo thì sẽ có những thể lệ và cách thức khác, không dùng đến tứ chi đâu. - Hẳn rồi. Đấu bằng tay chân chỉ là lúc mới vo ve thôi, chứ thượng thừa rồi thì tay chân làm chi cho ồn ào. - Anh à, tình hình này, khéo em lại đo ván lần nữa quá. Anh có cách nào giúp em không? Tiếng nhạc điện thoại đột ngột vang lên. - A, có rồi, vợ gọi về ăn cơm, đúng lúc quá. Những tiếng cuời lộng cả vòm trời hoàng hôn. - Thôi anh về đi. Ân oán còn dài. À, thế ngày trước anh có gặp chị ấy bằng cách nhét chân vào bánh xe không đấy? Lại một tràng cười. - May quá, cô ấy không phải là võ sĩ. - Tạm biệt. - Tạm biệt. Hẹn tái đấu. - OK. Chà, tay đấm bao cát có khác. Vẫn ôn luyện đấy à? - Thỉnh thoảng thôi. Trả thầy hết rồi. Anh đừng lo. Tôi cũng ra về sau cái bắt tay gắng gồng gân để “tỉ thí”. Những con phố đã lên đèn. Những sắc màu nhấp nháy nhấp nháy như giao hoà cũng cảm giác vui vui trong tôi. Thù thù. Bạn bạn. Bạn bạn. Thù thù. Hay nhỉ? ĐÀM LAN
Thông báo: Kỳ họp tiếp theo của CLB sách Xưa & Nay sẽ diễn ra vào lúc 9:00 ngày 08/6/2013 tại nhà thờ Tân Sa Châu, số 387 Lê Văn Sỹ, phường 2, quận Tân Bình. Bài viết cho bản tin nội bộ xin gửi về: hamanhdoan69@yahoo.com hoặc liên hệ với Hà Mạnh Đoàn Dđ: 0937 108489 Các bản tin trước có thể xem tại: www.diendan.songhuong.com.vn www.giaimakinhphat.com www.sachvatranh.com www.newvietart.com www.vandanviet.net www.hoamai-aus.org.au |