Trước khi bắt đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Chủ Nhiệm CLB, đã có vài lời trần tình là CLB Sách Xưa & Nay không hề là địa điểm quan trọng gì, mà thực chất chỉ là nơi tụ hội của một số bạn bè, phần lớn đã trọng tuổi, cùng chia sẻ một sở thích chung: Lòng yêu sách và thú chơi sách. Chính vì lý do đó mà mọi bức xúc liên quan tới các vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, thậm chí cả văn hóa, đều không thích hợp với địa điểm này, vì thứ nơi này cần chính là tình thân, niềm vui chia sẻ cùng sở thích, và tiếng cười sảng khoái rất cần cho sức khỏe của những con người sống hiền hòa, lương thiện, an nhiên, tự tại như các thành viên chúng ta. Dịch giả Vũ Anh Tuấn ví von mọi bức xúc giống như một người nóng nảy, nói năng một cách cục mịch, trong khi vẻ tươi cười thì như một trang nam tử hiên ngang, và cảm hứng thì như một thiếu nữ xinh đẹp, và vì có tươi cười, nên trang nam tử mới gặp được thiếu nữ xinh đẹp là cảm hứng để làm nên những tác phẩm để lại cho đời.
Kế đó, nhà thơ Thanh Châu đã, bằng giọng ca rất hùng dũng của anh, hát tặng các thành viên bài Em tới thăm anh một chiều mưa. Và cuối cùng, một thành viên khác, cô Kim Thư cũng đã hát tặng các thành viên một bài ca rất êm dịu và hay.
Buổi họp kết thúc lúc 11giờ 15 cùng ngày.
Đây là một cuốn tư liệu mới rất quý giá mà tôi tình cờ vừa mua được ở cửa hàng sách của cô Thư, một bạn thân của tôi. Vừa nhìn thấy cuốn sách trên giá sách, tôi cảm thấy bị hấp dẫn ngay vì biết nó là một cuốn sách mới, chỉ được xuất bản 5, 7 năm trước là cùng. Lúc này hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy ta cần phải biết kha khá hơn về Hoa Kỳ, vì ta và Hoa Kỳ đang tấp tểnh muốn chơi thân hơn với nhau, sau khi đã cho tất cả mọi chuyện cũ đi vào dĩ vãng. Tôi có trong tay rất nhiều cuốn Lịch sử Hoa Kỳ nhưng phần lớn đều to đùng, dầy cộp, nhưng mọi vấn đề, mọi lãnh vực đều được trình bày tràng giang đại hải, đọc rất mệt. Đã từ lâu, tôi có ý tìm một cuốn nào mới, được cập nhật, và mọi vấn đề được trình bày một cách súc-tích, cho dù chỉ là những nét đại cương, để khi đọc qua, ta có thể có một hiểu biết tổng quát về Hoa Kỳ, để rồi sau đó, nếu muốn tìm hiểu sâu thêm một đề tài nào đó thì chỉ việc đào sâu thêm.
Mở cuốn sách ra, tôi thích quá vì mình đã đoán đúng, nó mới được xuất bản năm 2005 và được trình bày một cách rất tân tiến khác hẳn những cuốn hồi 2, 3 chục năm về trước, với cực kỳ nhiều hình ảnh minh họa. Và, điều thích thú hơn nữa là, mặc dầu để giá 80.000 đồng, cô bạn tôi đã chỉ tính tôi có 50.000 đô mít, thế là tôi bê cuốn sách về ngay.
Chương 1.- Từ trang 4-21 nói về Mỹ Quốc Thời Sơ Khai.
Chương 2.- Từ trang 22-49 nói về Thời kỳ Thuộc Địa.
Chương 3.- Từ tr. 50-65 nói về Con Đường Dẫn tới Độc Lập.
Chương 4.- Từ trang 66-109 nói về việc Thành lập Chính Quyền Quốc Gia.
Chương 5.- Từ trang 110-127 nói về sự Bành Trướng về phía Tây và các Khác Biệt ở các Địa Phương.
Chương 6.- Từ trang 128-139 nói về các Xung Đột Cục Bộ.
Chương 7.- Từ trang 140-153 cuộc Nội Chiến và việc Tái Kiến Thiết.
Chương 8.- Từ trang 154-187 nói về các sự Lớn Mạnh và Biến Đổi.
Chương 9.- Từ trang 188-201 nói về các sự Bất Mãn và Cải Cách.
Chương 10.- Từ trang 202-211 nói về Chiến Tranh, Thịnh Vượng và Suy Thoái.
Chương 11.- Từ trang 212-255 nói về những Thỏa Thuận mới và Đệ Nhất Thế Chiến.
Chương 12.- Từ trang 256-273 nói về Châu Mỹ thời Hậu Chiến.
Chương 13.- Từ trang 274-303 nói về những Thập Niên Đổi Thay: 1960-1980.
Chương 14.- Từ trang 304-319 nói về Tân Bảo Thủ và Trật Tự mới của Thế Giới.
Chương 15.- Từ trang 320-337 nói về Tiếp Nối sang TK 21.
Cuốn sách mang lại cho tôi một cách rành rẽ những nét chính yếu và tổng quát về nước Mỹ. Sau khi có thì giờ đọc thật kỹ càng, người đọc có thể tự coi như mình đã học qua một khóa học thật hữu hiệu minh bạch về Mỹ Quốc. Sau đó, nếu cần đi sâu vào vấn đề gì thì mới cần tìm tòi tham khảo các sách khác…
“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 6-12-2012. Đây là một vinh dự đồng thời cũng là một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam đối với thế giới ngày nay đang ở vào thời đại văn minh vật chất có bước tiến nhảy vọt về công nghệ thông tin.
Trong khi nhân loại đã và đang sống trong một thế giới của nền văn minh vật chất nặng về cơ khí - điện tử và công nghệ thông tin thì có một đất nước, một dân tộc là Việt Nam được Tổ chức giáo dục – khoa học – văn hóa của Liên Hợp Quốc công nhận và vinh danh về một thứ tín ngưỡng thờ cúng nặng về tâm linh. Theo quan niệm truyền thống, thế giới luôn được phân chia làm hai mặt: hữu hình (vật chất) và vô hình (tinh thần) hay tâm linh. Từ khi loài người bước vào nền văn minh vật chất hay cơ khí thì hầu như xem nhẹ phần tâm linh, cho đây là một thứ mê tín dị đoan dành cho những quốc gia, dân tộc chậm tiến hay lạc hậu.
Lễ bái và thờ cúng là hai loại hình “văn hóa phi vật thể”, còn bao gồm nhiều tập quán, phong tục được coi là “chậm tiến” hay “lạc hậu” dành cho các dân tộc ít người sống trong các ốc đảo xa rời xã hội văn minh, tiên tiến, hiện đại… nhưng lại được tổ chức UNESCO công nhận, vinh danh do có giá trị như là một thứ di sản văn hóa – văn hóa phi vật thể của nhân loại, đối lập với văn hóa vật thể, hữu hình cố định hoàn toàn là vật chất làm bằng các loại vật liệu đất đá hay sắt thép thiên nhiên mà phần lớn thông qua chế biến. Trước đó, mọi thứ đều thuộc về vật chất được thế giới ca ngợi là một thứ khoa học kỹ thuật nặng về cơ khí, điện tử và siêu điện tử kể từ khi nhân loại bước vào nền văn minh cơ khí có niên đại thế kỷ thứ XVIII được đánh dấu ở một số nước có nền công nghiệp hiện đại bắt đầu từ sự phát minh ra máy hơi nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ.
Nhân loại hay loài người của thế giới này đã trải qua lần lượt các nền văn minh ở các thời đại đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt ứng với các công cụ được chế tác từ các vật chất có sẵn trong thiên nhiên.
Ngày nay, mặc dù thế giới đang tiến bộ nhanh chóng về nền văn minh vật chất nặng về công nghệ thông tin điện tử và siêu điện tử nhưng tổ chức UNESCO vẫn trọng vọng và ngưỡng mộ về nền văn minh phi vật chất. Ngành khảo cổ học, dân tộc học và nhân chủng học đã khám phá ra nhiều nền văn minh cổ dưới lòng đất hay của các bộ tộc từng sống trong rừng sâu. Nền văn minh cổ này có giá trị không thua gì nền văn minh mới mang tính văn hóa khoa học cao. Đó là cội nguồn của một dân tộc có tính truyền thống tốt đẹp. Truyền thống của một dân tộc thường có liên quan tới đời sống tinh thần phi vật thể để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác – bản sắc dân tộc. Thí dụ, thờ cúng tổ tiên cũng là một thứ truyền thống hay bản sắc dân tộc.
Truyền thống dân tộc Việt Nam có nguồn gốc từ “thờ cúng tổ tiên” hay “tín ngưỡng thờ cúng” ở nền văn minh lúa nước, tức bỏ qua thời kỳ hái lượm và đi vào sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt) với các loại công cụ cầm tay ứng với thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Thờ cúng thì phải có hình thức nghi thức cúng lễ và cầu nguyện. Thắp nhang đèn khấn vái kêu gọi vong linh của người đã qua đời trước bàn thờ trưng bày nhiều hoa trái, thức ăn, đồ uống để chứng thực lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Ngày trước, người ta không tin có linh hồn hay một thế giới tâm linh – không vật chất, không nhìn thấy đối kháng với thế giới vật chất hữu hình mà loài người đang sống.
Có một thời gian, ở nước ta xuất hiện một số nhân vật đang hiện hữu, hiện sinh ở thế giới vật chất này mà cảm nhận hay nhìn thấy thế giới vô hình – thế giới của vong linh, tức người đã chết ở cõi này nhưng còn sống tiếp tục ở cõi vô minh, tức cõi chết nhưng không phải thiên đàng hay địa ngục theo quan niệm của các tôn giáo. Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Thị Hằng… là người đang hiện sinh nhưng có năng lực siêu nhiên nhìn thấy và tiếp cận được với các vong hồn của người đã chết từ lâu. Có cả một “hội” tập hợp những người có năng lực này hay chấp nhận thứ năng lực này, tức là chấp nhận có thế giới vô hình của những người đã chết như còn sống. Tìm hài cốt qua “năng lực nhìn thấy” hay qua trao đổi trực diện với vong linh đã làm dậy lên làn sóng đi tìm hài cốt và kết quả hình như đã thực chứng hoạt động này của các nhà ngoại cảm. Từ đó, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên của người Việt Nam hình như được coi như đúng đắn vì có thật là có vong linh, linh hồn của người đã chết vẫn còn lai vãng chung quanh chúng ta, người còn sống.
Tín ngưỡng thờ cúng diễn ra trong gia đình là đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ cùng dòng tộc, họ hàng. Còn tín ngưỡng thờ cúng diễn ra ở nơi công cộng hay cơ sở tín ngưỡng dân gian như đình, đền, chùa, miếu hay các nghĩa trang… là đối với người có công với đất nước như anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền hiền có công khai phá và xây dựng thôn xóm hay các công trình ích nước lợi dân.
Đối với dân tộc Việt Nam có hơn bốn ngàn năm văn hiến bắt đầu từ thời đại Hùng Vương. Theo sử sách, thời đại Hùng Vương có 18 đời vua nối tiếp nhau bảo vệ và xây đựng đất nước kéo dài trên hai ngàn năm trước Công nguyện và từ đầu Công nguyên tới nay có thêm trên hai ngàn năm nữa. Thời đại Hùng Vương là thời đại kim khí, con người biết luyện kim bước vào nông nghiệp và thủ công, đã dứt bỏ thời đại đồ đá của thời kỳ hái lượm. Ngoài thời đại Hùng Vương là tổ tiên trực tiếp của đời nay, ta còn có danh xưng “con cháu Lạc Hồng” và “con Rồng cháu Tiên”. Đó là sự tích Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một bọc có trăm trứng và nở ra trăm người con. Một nửa theo mẹ lên núi sinh sống, còn một nửa theo cha xuống vùng đồng bằng, ven biển. Mẹ Âu Cơ là Tiên, còn cha Lạc Long quân là Rồng. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương. Đó là khởi nguồn của đất nước Việt Nam có vua.
Con cháu đời sau nhớ ơn các vua Hùng nên lập đền thờ trên núi Ngũ Lĩnh thuộc huyện Lâm Thao tỉnh Vĩnh Phú. Cổng ra vào đền Hùng có câu đối để nhắc nhở con cháu đời sau như sau:
Theo Sổ tay Báo cáo viên năm 2005 của Ban TT-VH TW, một đặc trưng của văn hóa Lạc Việt trong thời đại Hùng Vương là tục thờ cúng tổ tiên và súng bái anh hùng cứu quốc. Thờ cúng tổ tiên nói đây không phải là trở lại dĩ vãng, mà là tìm nguồn tin tưởng ở dĩ vãng để tiến thẳng đến tương lai. Thương nhớ mến tiếc tổ tiên là học tập kinh nghiệm sản xuất và chiến đấu của tổ tiên để xây dựng một ngày mai rực rỡ.
Thờ cúng, lễ bái cũng liên quan tới sùng bái anh hùng cứu quốc là noi gương những nhân vật này để bảo vệ đất nước của tổ tiên. Sùng bái anh hùng cứu nước và thờ cúng tổ tiên xuất phát từ lòng yêu nước, yêu quê hương và ý chí muốn làm cho dân tộc lớn mạnh, quê hương thêm giàu mạnh.
Các tài liệu cổ còn cho biết trung tâm sinh hoạt nghệ thuật của nhân dân nước Văn Lang và nước Âu Lạc là làng xã. Tại nơi này luôn có có ca hát và nhảy múa. Hát lứa đôi diễn ra hầu như ở khắp mọi nơi, bất kể vào mùa nào như trong lao động khi chèo thuyền, khi cấy lúa, đánh cá, làm nghề thủ công khác. Người ta cũng ca hát trong khi tế lễ như ngày hội, ngày nay gọi là lễ hội.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc về tín ngưỡng và tế lễ, ngày nay chúng ta có nhiều lễ dân tộc và kỷ niệm ngày lễ lớn ở các nơi công cộng, khu phố, đền thờ, chùa miếu… và thường tổ chức lễ cúng kèm theo hội hè như ca múa nhạc, hát tuồng, chèo, kịch hay sáng chế thêm nhiều phần hội khác như triển lãm, hội chợ, ăn uống, vui chơi với nhiều trò chơi dân gian dân tộc. Nhưng có khi lại quá đà làm cho phần hội lấn át phần lễ, tổ chức lễ lại nặng về nghi thức cổ mang màu sắc mê tín, lạc hậu. Còn phần hội lại sa đà vào vui chơi giải trí thiếu lành mạnh, tha hóa cuộc sống đời thường, vừa lãng phí tiền của, công sức vừa làm phai mờ bản sắc dân tộc và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Trong gia đình, việc tổ chức lễ tang thường kèm theo đình đám, trống kèn, ca nhạc, ăn uống, đánh bạc, rải vàng mã là loại hủ tục cần hạn chế hay bãi bỏ trong nếp sống văn minh đô thị. Ngày giỗ cha mẹ, ông bà hay tổ tiên chỉ nên tổ chức gọn nhẹ, đơn giản, văn minh như ngày kỷ niệm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục để giáo dục truyền thống gia phong cho con cháu tôn kính ông bà, hiếu đễ với cha mẹ.
Nói tóm lại, tập tục “tín ngưỡng thờ cúng” là một nếp sống văn hóa đời thường, tuy mang tính cổ tục nhưng thể hiện được lòng tôn kính tổ tiên, nhớ ơn anh hùng liệt sĩ của dân tộc ta bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương sáng chói mà ngày nay được tổ chức của Liên hợp quốc vinh danh công nhận tập quán tốt đẹp đó là di sản văn hóa phi vật thể của người Việt Nam.
Về phần chúng ta, con cháu Rồng Tiên nên ghi nhớ thời đại các vua Hùng để luôn thể hiện tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đối với tổ tiên, ông bà, các anh hùng liệt sĩ và gia đình mà tích cực góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh và bảo vệ an ninh Tổ quốc ngày một bền vững.
1. Hai Bà Trưng: Lịch sử nước ta bắt đầu giành lại được độc lập, tự chủ chính là nhờ vào thời đại Hai Bà Trưng, bậc nữ lưu cân quắc anh thư đã dùng tài trí đầy nghĩa lớn trả thù nhà đền nợ nước để lại tiếng thơm cho muôn đời sau. Khi chồng là Thi Sách bị tên Thái thú Tàu gian ác ám hại, bà Trưng Trắc quyết chí đứng lên cùng em là Trưng Nhị chống lại Tô Định, vào năm 41 sau Tây lịch. Sau khi giết chết được Tô Định, Trưng Trắc gồm thâu lại lãnh thổ gồm 65 thành trì, Trưng Trắc xưng vương đặt tên nước là Triệu, đóng đô ở Mê Linh.
2. Nhà Ngô: Ngô Quyền (808-944) người làng Đường Lâm, huyện Phú Thọ, tỉnh Sơn Tây (Bắc phần). Sau khi diệt được Kiều Công Tiễn là thuộc hạ cũng là rể của Tiết đô sứ Dương Diên Nghệ để cướp quyền, Ngô Quyền kéo quân ra Bắc hà trại trước thành Đại La bên bờ sông Tô Lịch. Kiều Công Tiễn không chống nổi với đại binh của Ngô từ Ái Châu kéo vào, nên vội sai người sang cầu cứu nhà Nam Hán bên Tàu. Hán chúa Lưu Cung chụp lấy cơ hội quyết tâm thực hiện mộng xâm lăng, bèn sai con là Thái tử Hoằng Thao đem 150.000 quân theo đường biển và tự tay đối xuất 100.000 quân theo ngã Lạng Sơn kéo vào nước ta; khi thủy quân của Hoằng Thao vào gần đến sông Bạch Đằng thì bên này Ngô Quyền đã giết được Kiều Công Tiễn. Ngô Quyền bảo với chúng tướng rằng Hoằng Thao đưa quân từ xa đến, quân sĩ tất mệt nhọc. Lại nữa Kiều Công Tiễn đã bị giết, quân khí chắc đã nhụt nhiều. Tuy nhiên, kẻ kia vốn giỏi về thủy chiến, nếu không phòng bị trước thì cái thế được thua chưa biết như thế nào. Chi bằng dùng kế trồng những cọc đầu bịt sắt nhọn ở lòng sông rồi dụ cho thuyền chúng tiến vào chỗ trồng cọc thì mới dễ trị, tưởng không kế gì hay hơn, đoạn thi hành theo mưu kế đó. Ngô Quyền vững lòng chờ quân Nam Hán. Đại đội chiến thuyền của Hoằng Thao tiến vào Bạch Đằng giang vượt qua khỏi cửa Lục Đầu nhằm lúc thủy triều lên, bỗng thấy đoàn thuyền độc mộc của Nam quân xuất hiện tiến đến khiêu chiến rồi lại thối lui, bên Nam Hán không mảy may nghi ngờ xua quân hăm hở đuổi theo. Đến chừng đội chiến thuyền Nam Hán lọt vào đúng chỗ quãng sông có đóng ngầm cọc. Ngô Quyền cho quân dùng thuyền nhẹ đổ ra xáp chiến hết sức quyết liệt. Quân Nam Hán bị đánh bất ngờ chống không nổi vội thoái lui, lúc bấy giờ nước thủy triều rút xuống mau, cả đoàn chiến thuyền của Hoằng Thao chưa kịp trở lại đã vướng vào những cọc bịt sắt nhọn, nghiêng đổ lỏng chỏng, quân sỹ bị hất xuống sông chết đuối quá phân nửa. Thêm vào đó, từ hai bên bờ đá mồi lửa và tên nỏ bắn xuống như mưa. Tiếng quân Nam Hán la khóc vang dậy cả một góc trời, thuyền Nam Hán bị đốt cháy rực trời. Sau khi đánh đuổi được quân Nam Hán (939) Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên (Bắc phần). Năm Giáp Thìn (944) Ngô Vương mất, thọ 47 tuổi, làm vua được 6 năm; Ngô Vương là người đã rửa được cái nhục hơn một nghìn năm ta bị Tàu đô hộ và mở đường cho các nhà Đinh, Lê, Lý, Trần về sau này được tự chủ ở trời Nam. Ngô Quyền lên ngôi không đặt Đế hiệu cho mình và cũng không đặt Quốc hiệu cho nước.
3. Nhà Đinh: Đinh Bộ Lĩnh tức Đinh Tiên Hoàng, thuở nhỏ chỉ là một mục đồng thường cùng chúng bạn đồng nghiệp tụ tập chơi trò chiến trận chia hai phe đánh nhau, lấy cờ lau làm hiệu lệnh, cho nên cũng có tên là “giặc cờ lau”. Dần dần thế lực lớn mạnh và có được kinh nghiệm chiến trường, ông đầu quân nương nhờ sứ quân Minh Công Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu, được giao cầm giữ binh quyền. Đến khi Minh Công mất ông đem quân về đóng ở động Hoa Lư, chiêu mộ thêm hào kiệt, quyết tâm dành đế vị cho mình, nhờ tài trí, nên chẳng bao lâu ông dẹp yên được các sứ quân đối nghịch, ông đánh đâu được đấy nên cũng được gọi là “Vạn Thắng Vương”. Đinh Bộ Lĩnh là người có công dẹp yên loạn sứ quân để hợp nhất quốc gia hồi thế kỷ thứ X, làm vua từ năm 968 đến năm 979. Sau khi dẹp yên loạn sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng Đế xưng đế hiệu là Đinh Tiên Hoàng Đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, về đóng đô ở Hoa Lư.
4. Nhà Tiền Lý: tức Lý Nam Đế, húy là Bôn, có tên khác gọi là Bí. Đại anh hùng đầu tiên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống quân tàu xâm lược vào thế kỷ VI. Nhìn thấy dân mình khổ sở lầm than dưới chánh sách hà khắc tham những của đám quan lại Tàu, lại thêm quân Lâm Ấp thường sang cướp phá, nên vào năm Tân Dậu (541) Lý Bôn cùng tù trưởng Châu Diên là Triệu Túc nổi lên đánh đuổi quân Phú Lương chiếm giữ thành Long Biên. Thứ sử Giao Châu là Tiêu Tú phải chạy về Tàu năm Quý Hợi, từ đây quân Lâm Ấp không dám sang quấy nhiễu nữa. Năm Giáp Tý (541) Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt Quốc hiệu là Vạn Xuân. Nhưng tiếp đó năm Ất Mão (545) vua nhà Đường cho tướng Dương Phiên làm Thứ sử Giao Châu và sai Trần Bá Tiên thống lĩnh đại quân sang đánh nước ta. Lý Nam Đế thua quân phải bỏ thành Long Biên chạy về Phong Vân (Yên Thế) vua Lý phải rút lên đóng ở động Khuất Liên đất Hưng Hóa. Sau khi thua trận, Lý Nam Đế đã giao binh quyền cho tả tướng quân Triệu Quang Phục để chống giặc ở mạn Trung Châu. Về Lý Nam Đế, sách Khâm định Việt sử có những lời phê bình đại ý như sau: Tuy Lý Nam Đế không đủ sức chống chọi với giặc mạnh, việc lớn không thành nhưng thừa thế dấy binh tự xưng làm vua, mở đường tự chủ cho nhà Đinh, nhà Hậu Lý và sau này há chẳng phải là vẻ vang to tát lắm sao?
5. Nhà Tiền Lê: Lê Hoàng tức Lê Đại Hành người khai sáng cơ nghiệp nhà Tiền Lê, Thụy hiệu là Đại Hành Hoàng Đế, nhưng không đặt tên nước, làm vua từ năm 980 đến năm 1005, ông quán xã Bào Thái huyện Thanh Liêm Hà Nội nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nam (Bắc phần), Nam Việt Vương Đinh Liễn khen là người có trí dũng… trong quân rất mến yêu, dần dần thăng đến chức Thập Đại Tướng Quân Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi Đinh Tiên Hoàng mất vì Vệ vương Đinh Tuệ lên nối ngôi còn nhỏ tuổi và nhân có quân nhà Tống sang xâm lăng, Lê Hoàn được quân sỹ tôn lên làm vua (năm Canh Thìn 980) trước hết vua Lê Đại Hành chịu nhận xin phong, nhà Tống bắt buộc nhiều điều quá đáng, vua Lê không chịu. Sau quân Tống dưới quyền bọn Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng tiến vào ngã Lạng Sơn, còn bọn Lưu Trừng đem thủy quân sang mặt Bạch Đằng Giang (981). Binh thuyền của ta thất thế ở Bạch Đằng Giang nhưng trên bộ ta lại thắng bọn Hầu Nhân Bảo tại Chi Lăng, thuộc Ôn Châu, Lạng Sơn; tướng Hầu Nhân Bảo bị giết, hai tướng khác bị bắt sống, quân nhà Tống thất bại rất lớn lao, bọn Lưu Trừng phải rút thủy quân về. Đuổi được quân giặc rồi vua Lê lại cho người sang tâu cầu phong. Lần này vua Tống chịu phong cho vua Đại Hành chức Tiết Đô Sứ, sắc phong làm Giao Chỉ Quận Vương (993) rồi lại gia phong làm Nam Bình Vương (997) vua Đại Hành làm vua được 24 năm. Sau vua Đại Hành nhà Tiền Lê còn truyền được hai đời vua nữa (vua Lê trung Tôn làm vua 3 ngày và vua Lê Ngọa Triều làm vua từ năm 1005 đến năm 1009 trước khi ngôi vua sang tay Lý Công Uẩn).
6. Nhà Hậu Lý: Lý Công Uẩn (974 – 1028) triều vua Thái Tổ nhà Hậu Lý người khai sáng cơ nghiệp nhà Lý làm vua từ năm 1010 đến năm 1028. Lý Công Uẩn lấy Đế hiệu là Thuận Thiên, nhưng không đặt tên nước. Ông người phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (Bắc phần). Ông từng thọ giáo với Sư Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn. Lớn lên Công Uẩn vào làm quan cho nhà Tiền Lê dẫn đến chức Tả Thân vệ Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi Lê Long Đĩnh mất vì thấy nhân dân tức giận nhà Tiền Lê, Đào Cam Mộc cùng với Sư Vạn Hạnh tôn Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế (tức vua Thái Tổ nhà Lý) tháng bảy năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) Lý Thái Tổ dời đô về Đại La thành là Thăng Long thành. Sẵn đạo Phật, vua Lý Thái Tổ trọng đãi những kẻ tu hành và thường xuất tiền kho ra để làm chùa tô tượng, đúc chuông. Vào năm Mậu Ngọ (1018) cử người sang Tàu thỉnh kinh Tam Tạng đem về nước. Dưới đời Lý Thái Tổ việc bang giao với nước ngoài hết sức tốt đẹp. Trung Hoa không sinh sự lôi thôi, Chiêm Thành và Chân Lạp đều sang triều cống. Lý Thái Tổ trị vì được 10 năm thì mất, thọ 55 tuổi.
7. Nhà Trần: Triều Lý làm vua được 215 năm, truyền được chín đời thì đế vị lại chuyển sang nhà Trần. Vị vua chót của nhà Lý (1225) tức Chiêu Thánh Công Chúa lên ngôi tức Lý Chiêu Hoàng, vua còn nhỏ nên quyền bính ở cả Trần Thủ Độ. Thủ Độ đã đưa con cháu vào nắm giữ các địa vị then chốt lớn nhỏ trong triều Lý, như Trần Cảnh làm Chánh Thư Đội trưởng đội hậu cần. Dần dần tình cảm càng khắng khít giữa Chiêu Thánh Công Chúa và Trần Cảnh; và một hôm Trần Thủ Độ cho đóng tất cả các cửa trong cung cấm, không cho ai ra vào, và loan báo là Bệ hạ đã có chồng rồi. Các quan đều cho là việc tốt, xin chọn ngày vào chầu. Thế là ngày 21 tháng 10 năm Ất Dậu có chiếu của Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh, Chiêu Hoàng thiết triều ở điện Thiên An ngự trên giường thất bùi, các quan lạy tạ ở sân rồng. Chiêu Hoàng trút bỏ áo ngự khuyên Trần Cảnh lên ngôi vua chính thức làm Hoàng đế. Trần Cảnh tức vua Trần Thái Tôn, xưng đế hiệu là Kiến Trung, nhưng không đặt tên nước. Nhưng sau đó nhường ngôi cho Trần Thánh Tôn để làm Thái Thượng Hoàng. Nhắc lại chuyện lịch sử, con sông Bạch Đằng ở nước ta đã hai lần trong trận thủy chiến chống ngoại xâm rất vẻ vang; một lần ở triều Ngô, Ngô Quyền đã chiến thắng quân Nam Hán – bày mưu kế lợi dụng nước thủy triều lên xuống cho quân lính đóng cọc ở lòng sông để nhử địch và trong trận nói trên Ngô Quyền đã giết được Hoằng Thao là Thái tử nhà Hán và hai tướng Tàu, quân Tàu thuyền bè bị vướng cọc sắt nghiêng đổ lỏng chỏng, khiến quân Tàu chết chìm rất nhiều. Đến đời nhà Trần khi quân Nguyên tức quân Mông Cổ kéo 500.000 quân do Thái tử Thoát Hoan (1283) sang xâm nhập nước ta, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được vua Trần Nhân Tôn phong làm Tiết chế thống lĩnh mọi quân để lo việc chống giữ bờ cõi. Hưng Đạo Vương ra lệnh phản công phá được quân Toa Đô ở Hàm Tử quan thắng quân Nguyên ở Chương Dương, thắng trận Vạn Kiếp, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng đặt lên xe bắt quân kéo chạy mới thoát được về Tàu. Sau đó vào mùa thu năm Đinh Hợi (1287) khi 300.000 quân Mông Cổ dưới quyền Thoát Hoan lại lục đục sang nước ta để phục hận, Hưng Đạo Vương lại được cử thống lĩnh Vương hầu để kháng địch. Hưng Đạo Vương dự đoán thế nào thì giặc cũng phải dùng thủy binh nên cho quân mai phục tại sông Bạch Đằng, dùng lại mưu chước của Ngô Quyền ngày trước, trận này xảy ra năm Mậu Tý (1288). Thoát Hoan được tin thủy quân thua trận ở Bạch Đằng giang vội dẫn bọn tùy tướng theo đường bộ chạy về Tàu. Hưng Đạo Vương làm quan đến đời Trần Anh Tôn thì xin về trí sĩ ở Vạn Kiếp, mất năm 1300 thọ hơn 70 tuổi.
8. Nhà Hồ: Theo lịch sử nước ta niên đại nhà Hồ là triều đại phong kiến ngắn nhất chỉ vỏn vẹn có 7 năm (1400 - 1407) với hai đời vua. Hồ Quý Ly xuất thân làm Chi Hậu chánh đội trưởng (1372) nhưng chẳng bao lâu được phong tới chức Khu mật đại sứ được vua Trần Nghệ Tôn tin dùng và lại gả em gái vua là Huy Ninh công chúa cho. Vua Trần Nghệ Tôn quá tin dùng Hồ Quý Ly nên giao quyền rộng lớn cho Quý Ly đến nỗi suýt làm nghiêng ngửa triều Trần. Thượng Hoàng mất năm 1394, Quý Ly lên làm Phụ chánh Thái sư và đến năm Canh Thìn (1400) thì bỏ Trần Thiếu Đế lúc ở trên ngôi mới 3 tuổi, Quý Ly tự xưng làm vua, không đặt đế hiệu mà đặt quốc hiệu là Đại Ngu. Hồ Quý Ly năm 1397 đã bắt vua Thuận Tôn (vua kế nghiệp phế đế) dời kinh đô về Tây Đô (Thanh Hóa). Quý Ly xưng là Quốc Tổ Thượng Hoàng, ở cung Nhân Thọ, ra vào dùng Nghi vệ Thiên Tử, tháng hai năm Canh Thìn Quý Ly bỏ Thiếu Đế (1400) rồi tự xưng làm vua lập ra nhà Hồ.
9. Triều Hậu Lê: Hồ Quý Ly, lúc được bước chân vào làm việc triều đình nhà Lê, đã tỏ ra xử sự rất khôn khéo với các tôn thất nhà Trần nên rất được vua Trần Nghệ Tôn (1370 – 1372) rất tin dùng, chẳng bao lâu xuất thân làm Chi hậu Chánh hội trưởng (1372 - ….) được phong tơi chức Khu mật sứ. Triều Trần lúc đó mọi quyền bính đều ở trong tay Quý Ly, nên khi vua Nghệ Tôn mất rồi Quý Ly lên làm Phụ chánh Thái sư đã bắt ép vua Thuận Tôn (vua kế nghiệp Phế Đế) dời đô vào Thanh Hóa xây thành Tây Đô. Quý Ly ép vua nhường ngôi đi tu tại Đại Lai Thanh Hóa. Thuận Tôn buộc vua phải nhường ngôi cho con là Thái Tử An lúc đó mới 3 tuổi lên Đế nghiệp tức là vua Thiếu Đế (1398 – 1400). Tuy dân chúng coi Hồ Quý Ly là người giảo quyệt nhưng lịch sử cũng phải công nhận ông ta là một người biệt tài về kinh tế, tiếc một nỗi là ông ta lên ngôi chỉ có thời gian 4 năm (sau đó về làm Thái Thượng Hoàng) thời gian không đủ để thi hành những điều ích quốc lợi dân. Thêm vào đó phái phục Trần đã kéo sang phá đổ tan tành công nghiệp kiến quốc của họ Hồ. Tháng 5 năm Bính Tuất (1406) quân Minh kéo sang nước ta như nước vỡ bờ. Thành Đại Bang lọt vào tay giặc, Nam quân lần lượt thua trận ở Mộc Phàm giang, ở Hàm Tử quan. Mùa hạ Đinh Hợi (1407) Thượng Hoàng Hồ Quý Ly cùng vua Hồ Hán Thương lánh vào Tây Đô rồi chạy xuống Nghệ An. Tại núi Thiên Cầm thuộc hạt Kỳ Anh, Hồ Quý Ly bị giặc bắt, tiếp đó toàn gia quyến và tùy tướng của vua đều chịu chung số phận với Quý Ly. Người Tàu đưa Hồ Quý Ly cùng nhóm thân nhân về giam giữ tại Kim Lăng (Trung Hoa). Sau Quý Ly cũng được phóng thích nhưng phải đi làm lính tuần tại Quảng Tây. Chỉ có Hồ Minh Trừng là được người Minh hậu đãi vì người Minh biết Nguyên Trừng là một tay kỹ xảo có thể giúp họ chế ra những cơ khí cần thiết. Nhà Hồ bị diệt vong, nước ta lại rơi vào lệ thuộc của nhà Minh. Lê Lợi tức Lê Thái Tổ (1385 – 1422) vị vua khai sáng cơ nghiệp nhà Hậu Lê là vị anh hùng áo vải dân tộc với 10 năm kháng chiến (1418 – 1427) chống giặc Minh xâm lăng đã đem lại tự do thống nhất và chính trị cho đất nước vào thế kỷ XV. Nối nghiệp làm chúa trại Lam Sơn, gặp lúc nước nhà bị quân Minh xâm chiếm, vào mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) Lê Lợi khởi nghĩa, tự xưng là Bình Định Vương cùng với Lê Thạch, Lê Liễu, Phạm Văn Xảo vv… quyết chí diệt thù giành lại quyền tự chủ cho đất nước. Năm sau (1419) tại Chí Linh Bình Định Vương đánh đồn Ngọ Lạc (Nga Sơn, Thanh Hóa) giết được tướng Minh nhưng rồi Chí Linh bị bao vây, may nhờ có Lê Lai đổi áo vương mà trốn thoát được chạy về Lưu Sơn,… Quan Hóa, Thanh Hóa. Trong thời gian này Bình Định Vương đã thu dụng một người tài trí là Nguyễn Trãi làm tham mưu. Năm Bính Ngọ (1426) sau khi lấy được Nghệ An, Bình Định Vương tiến quân ra đánh Đông Đô (Hà Nội); tướng Trần Tứ chạy trốn và tướng Vị Lang bị bắt sống. Viện binh Tàu kéo sang cũng bị thua ở Cầu Xa Luộc. Đại tướng Minh là Vương Thông được cử đem 50.000 quân sang cứu Đông Quan, bị thua ở Cổ Lãm và Tụy Động xin bãi binh để chờ quân cứ viện. Năm Đinh Mùi Bình Định Vương đóng quân ở Bồ Đề uy hiếp thành Đông Quan. Đại tướng Liễu Thăng đem 100.000 quân và 20.000 ngựa hiệp với đạo binh của tướng Mộc Thanh xâm nhập nước ta. Hạ được Phá Lũy và Ải Truy. Nhưng tại Chi Lăng bị phục binh của ta, Liễu Thăng bị chém, Lương Minh cũng bị giết, Lý Khánh tự tử, hai tướng Hoàng Phúc và Thôi Tụ bị bắt sống tại Xương Giang, Mộc Thanh chạy trốn về Tàu. Cùng đường Vương Thông lại viết thư cầu hòa, Bình Định Vương không muốn kéo dài việc can qua thuận cho nhưng buộc Vương Thông phải lập đàn thề và hẹn đến tháng Chạp năm ấy (Đinh Mùi 1427) phải triệt binh ra khỏi lãnh thổ nước Nam. Vương Thông chịu hết mọi điều. Sau đó theo đúng lời giao ước, 80.000 quân Minh đành ôm hận cuốn gói trở về nước.
10. Triều Tây Sơn (1778 – 1802): Nhà Lê trung hưng kể từ Trung Tông đến Chiêu Thống trải qua 18 đời vua với 265 năm trị vì. Nhà Hậu Lê tồn tại song song với nhà Mạc từ 1533 – 1592 và với Trịnh Nguyễn từ 1592 – 1789. Đây là giai đoạn của nạn nội chiến Nam Bắc triều và Trịnh Nguyễn phân tranh khiến cho dân chúng khổ sở lầm than. Trong lúc này khi Nguyễn Hoàng thấy anh mình là Nguyễn Uông bị đánh thuốc độc chết liền xin với chị là vợ Trịnh Kiến, được vào trấn thủ miền Nam cũng là để tránh tai họa tranh giành ảnh hưởng và cũng nhờ vậy khi Nguyễn Hoàng vào Nam, đã kéo theo họ hàng thân thích rất đông, trước hết là lấn đất của Lâm Ấp ở hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam kéo dài cho tới Bình Định. Ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ bắt đầu cơ nghiệp từ đất Tây Sơn là từ đây. Bước đầu Tây Sơn thường cho quân đi cướp của những nhà giàu trong vùng rồi phân phối cho dân nghèo. Nhờ đó Tây Sơn mộ lính, sắm khí giới và theo đuổi mục tiêu cao hơn là lật đổ quyền thao túng Phúc Loan, lúc bấy giờ là quốc phó của Hoàng tôn Nguyễn Phú Dương, giảng hòa với quân Trịnh, năm Bính Dần (1777) Nguyễn Nhạc được phân làm Quảng Nam trấn thủ tuyên úy Đại sứ vương quốc công. Từ đó quân Tây Sơn dốc toàn lực tấn công quân Nguyễn ở phía Nam. Hai đạo quân thủy bộ do Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cầm đầu rầm rộ tiến vào Gia Định, Nguyễn Phúc Thuần và Đông cung Dương đều bị chết trong trận đánh ở Long Xuyên, chỉ còn Nguyễn Ánh chạy thoát được. Năm Mậu Tuất (1778) sau khi đã giết được chúa Nguyễn và đánh tan lực lượng của chúa Nguyễn ra khỏi cõi, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, thành lập một vương triều mới đặt Đế hiệu là Thái Đức, phong Nguyễn Huệ làm Long Nhượng tướng quân, không sửa đổi Quốc hiệu từ lúc khởi binh năm Tân Mão (1771) đến năm Nguyễn Nhạc lên ngôi năm Mậu Tuất (1778) anh em nhà Tây Sơn đã phải chiến đấu trong 8 năm trường.
Lập nhà Sùng Chính thư viện cử La Tôn Phu Tử làm viện trưởng. Kiểm soát chấn chỉnh lại Phật giáo vv… Đến năm 1792, khi nhìn thấy lực lượng của mình đã hùng hậu có thể đương đầu với nhà Thanh vua Quang Trung sai Võ Văn Dũng cầm đầu một sứ bộ sang Tàu yêu sách hai điều, đòi đất Lưỡng Quảng và yêu cầu kết duyên với con gái vua Thanh. Nhưng mộng lớn chưa thực hiện được thì nhà vua bị chứng huyễn vận mà mất. Sứ bộ Võ Văn Dũng đang ở Yên Kinh nhận được tin chẳng lành bèn dìm các việc đòi đất và cầu hôn, đành ôm mối hận mà trở về nước. Vua Quang Trung mệnh chung vào đêm 29.7 năm Nhâm Tý (1792) thọ 40 tuổi và trị vì được 02 năm. Vua Tây Sơn mất rồi, nhà Tây Sơn tuy còn giữ ngôi được 10 năm nữa nhưng trong nội bộ đã thành chia rẽ vì Thái sư Bùi Đắc Tuyên, cậu của vua Cảnh Thịnh, chuyên quyền các tướng đều không phục, giúp cho chúa Nguyễn Phúc Ánh cơ hội đánh đổ nhà Tây Sơn.
11. Triều Gia Long: Húy là Nguyễn Phúc Ánh, vị vua khai sáng triều Nguyễn, trị vì từ năm 1802 đến năm 1819. miếu hiệu Thái Tổ Cao Hoàng Đế, kế nghiệp chúa sau khi Thái Thượng Vương và Tân Chính Vương bị Tây Sơn bắt hại (1777), hồi ấy chúa Nguyễn Phúc Ánh mới 17 tuổi được chúng tướng phong làm Đại nguyên soái, nhiếp quốc chính để tiếp tục cuộc chống đánh Tây Sơn. Suốt 21 năm trời nhờ ở lòng kiên nhẫn lớn lao, ở trí dũng hơn người, Nguyễn Phúc Ánh đã vượt qua bao nhiêu chướng ngại khó khăn thống nhất được đất nước và dựng nên nghiệp cả cho họ Nguyễn. Sự nghiệp rỡ ràng của vua Gia Long có thể tóm lược bằng các hành trạng chính yếu sau đây: – Năm Đinh Dậu (1777) khởi binh tại Long Xuyên – Năm Canh Tý lấy được đất Gia Định, Nguyễn Ánh xưng vương hiệu – Thua quân ở Thái kỳ Giang (năm Nhâm Dần (1782) và hai trận ở Lãi Cô (1784) Nguyễn Vương sang Xiêm để cầu viện – Trở về nước năm sau (Ất Tỵ 1785) với 2 vạn quân Xiêm và 300 chiến thuyền dưới quyền chỉ huy của hai tướng Xiêm, bị tướng quân Nguyễn Huệ đại phá tại Rạch Gầm và Xoài Mút (Mỹ Tho) lại phải chạy lánh sang Xiêm. Sau khi chạy thoát khỏi trận Long Xuyên, Nguyễn Ánh qua Xiêm cầu viện. Năm Giáp Thìn (1784) quân tây Sơn đã đánh tan hai vạn thủy binh với 300 chiến thuyền ở tận Xoài Mút, Định Tường do quân Xiêm kéo sang – Lại xảy ra việc vua Lê Chiêu Thống vì không phục Tây Sơn lên nương náu tại đất Lạng Giang cho người sang cầu cứu nhà Thanh – Tôn Sỹ Nghị đem 200.000 quân thuộc 4 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Quý Châu và Vân Nam từ 3 mặt Tuyên Quang, Cao bằng, Lạng Sơn tràn xuống Thăng Long. Một lần nữa Nguyễn Huệ lại ra Bắc dẹp giặc. Ngày 25.11 năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Huệ làm lễ tế cáo trời đất tại núi Bân Sơn (Thanh Hóa) lên ngôi Hoàng Đế lấy Đế hiệu là Quang Trung rồi thống lĩnh thủy bộ đại binh Bắc tiến đánh giặc Thanh. Ngày 20 tháng Chạp đến núi Tam Điệp, nhà vua khao lạo tướng sĩ định cất quân vào hôm trừ tịch và hẹn đến ngày mùng 7 tết Kỷ Dậu thì vào Thăng Long – 30 Tết, phân binh thành 5 đạo, tự mình điều khiển Trung quân tiến lên Thăng Long. Mùng 3 Tết Kỷ Dậu, vua Quang Trung dùng kế hư binh không đánh mà hạ được đồn Hạ Hồi. Mùng 5 Tết kịch chiến ở Ngọc Hồi, quân Nam toàn thắng. Tại Đống Đa tướng Thanh là Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, hàng vạn quân chạy bạt vào phía Đầm Mựu bị voi giày mà chết. Hạ đồn Điền Chân xong, Nguyễn Huệ kéo quân vào Thăng Long, uy thế hết sức mạnh mẽ, Tôn Sĩ Nghị hoảng sợ chạy về mạn Bắc đến địa phận huyện Thượng Nhãn phải vứt bỏ cả ấn tín để thoát lấy thân, quan quân nhà Thanh tranh nhau qua cầu phao, cầu sập chết hại vô số. Vua Lê Chiêu Thống cũng theo gót Tôn Sĩ Nghị chạy sang Tàu. Đánh đuổi được quân Thanh ra khỏi nước xong, vua Quang Trung một mặt chịu nhún mình vận động với Thanh triều để nối lại bang giao giữa nước ta và Trung Hoa, mặt khác lo cải tổ nội chính cho được vững vàng. Nhờ tài ngoại giao của Ngô Thời Nhiệm, tháng 7 năm Kỷ Dậu (1798) Nguyễn Huệ được vua Thanh là Càn Long phong làm An Nam Quốc Vương. Vua Quang Trung tổ chức nền học chánh trọng dụng chữ Nôm và dự định đặt một nền quốc học thuần túy Việt Nam.
Lại trở về năm Đinh Hợi (1787) đến năm Mậu Thân (1788) thu phục đuợc đất Gia Định – Năm Kỷ Dậu (1789) giám mục Bá Đa Lộc (L’Évêque d’Adran) đem một đại đội quân mộ tại Pháp cùng một số thuyền bè và súng ống sang giúp – Năm Canh Tuất (1790) quân nhà Nguyễn lấy đất Phan Rí và hạ được thành Bình Định – Năm Nhâm Tý (1792) chiến thuyền Nguyễn vương ra đốt phá thủy trại của Tây Sơn ở cửa biển Thị Nại (Quy Nhơn) – Năm Đinh Tỵ (1797) Nguyễn Vương đem binh thuyền ra đánh Quy Nhơn lần thứ hai không có kết quả - Năm Kỷ Mùi (1799) đánh Quy Nhơn lần thứ ba thắng được Tây Sơn, đổi tên Quy Nhơn ra thành Bình Định – Năm Tân Dậu (1801) thủy quân của Nguyễn vương đại phá tàu thuyền của Tây Sơn tại cửa Thị Nại. Sau đó thu phục được thành Phú Xuân – Năm Nhâm Tuất (1802) phá tan thủy quân Tây Sơn ở cửa bể Nhật Lệ tiếp luôn thắng quân ở Trấn Ninh – Ngày mùng 2 tháng 5 năm đó, lên ngôi vua rồi tiến quân ra Bắc và chỉ trong vòng 1 tháng đã thu phục được Thăng Long. Công cuộc thống nhất quốc gia hoàn thành, Nguyễn Vương bèn xưng Đế hiệu là Thế Tổ Cao Hoàng Nhà Nguyễn, đặt Quốc Hiệu là Việt Nam, đóng đô tại Phú Xuân (tức Huế bây giờ) và lo sửa sang tổ chức chánh quyền và địa phương, ban hành luật lệ mới, tổ chức binh đội, khuyến khích nông nghiệp khôi phục và mở mang Nho học vv… đã đưa nước nhà từ một tình trạng hỗn mang, loạn lạc đến cảnh thái bình thịnh trị. Sau khi trị vì được 18 năm đến năm Kỷ Mão (1819) vua Gia Long mất, thọ 59 tuổi.
Nhà Nguyễn, Gia Long (1780) làm vua kế tiếp được 13 đời kể từ vua khởi nghiệp cho đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại, thì chế độ quân chủ chấm dứt (1945) tại Việt Nam. Chuyển qua thể chế chánh trị khác – Vào đời vua Minh Mạng, Quốc hiệu được gọi là Đại Nam cho đến đời vua Bảo Đại.
Trong gia đình tôi, thỉnh thoảng mọi người vẫn nhớ lại với nhau những kỷ niệm có liên quan đến nhà thơ Xuân Diệu. Đến chơi nhà tôi, ông gọi vợ chồng tôi là “cô chú”, có lúc là “chú thím”, xưng hô với hai con tôi là “bác cháu”. Nhà thơ đến chơi một cách tự nhiên, không báo trước, hẹn trước, thân mật như người nhà. Bấy giờ chúng tôi mới dọn từ căn buồng chật hẹp ở ngõ chợ phố 224 sau ga Hàng Cỏ (tên gọi của Ga Hà Nội ngày nay) về nơi ở mới rộng rãi thoáng đãng, trên phố Trần Cao Vân, còn hẻo lánh gần chợ Giời. Vào thời điểm sau giải phóng 1975, chợ Giời mới chính thức mở lại nên còn chưa bành trướng, lan rộng như ngày nay, đầu phố Trần Cao Vân vẫn còn vắng vẻ, nằm ngoài phạm vi chợ. Nơi tôi đến ở là một căn phòng rộng tới gần ba chục mét vuông chiếm cả phần chủ yếu của tầng một căn nhà gác ba tầng, lại có cửa đi ra hiên rộng, sau này "lấn chiếm" biến thành được thêm cả một buồng nhỏ nữa.
Dọn đến ở vừa ấm chỗ thì một hôm, nhà thơ Xuân Diệu đột ngột đến chơi. Ông vừa đi thăm quê Bình Định giải phóng ra, đến chia vui và cho quà: mấy chiếc đĩa men mầu, nghe bảo hàng Nhật Bản từ trước giải phóng và ít con mực khô, sản phẩm trong quê. Nhà thơ đi chiếc xe đạp cũ, thấp chắc chắn, dựa xe vào bên thân một cây soan, rồi lấy sợi dây xích sắt khá to ra cẩn thận khóa xe vào thân cây rồi mới vào nhà. Bấy giờ cũng sắp Tết ta. Chúng tôi mời ông Tết lại trở lại chơi lần nữa. Nhà thơ vui vẻ nhận lời và mồng 3 Tết năm ấy ông trở lại thật. Thời buổi tem phiếu bao cấp nhưng là Tết đầu tiên sau giải phóng nên tiêu chuẩn Tết mọi nhà khá rôm rả. Mâm cỗ tết xuềnh xoàng nhưng cũng đủ bánh chưng, giò lụa, giò thủ, thịt gà... và rượu vang mậu dịch. Nhà thơ Xuân Diệu vui vẻ nâng chén chúc tết mọi người trong nhà và xuất khẩu ngay một vế câu đối:
Sở dĩ gia đình chúng tôi được nhà thơ Xuân Diệu đôi lần tới thăm, có lẽ bởi quá trình có tới mươi, mười lăm năm tôi đã được gần gũi làm việc với nhà thơ...
Tôi được một số người trong Hội Nhà văn sớm biết qua những bài vở gửi về báo chí của Hội n gay từ khi tôi còn đang học ở Mátxcơva. Về dạy ở trường Trung cấp ngoại ngữ Mễ Trì, mãi gần Hà Đông, tôi được mời một tuần hai buổi lên trại sáng tác của Hội ở Quảng Bá dạy tiếng Nga cho anh chị em học viên lớp bồi dưỡng viết văn. Bấy giờ trong Ban phụ trách lớp có nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà thơ Hoàng Minh Châu. Tôi lại được giao thường xuyên dịch cung cấp bản tin văn học cho Tạp chí Văn nghệ, nơi nhà thơ Xuân Diệu phụ trách. Vì thế mà năm 1962, chuẩn bị chào mừng kỷ niệm lần thứ 45 Cách mạng Tháng Mười Nga, Hội định ra một tập “ Thơ Liên Xô ” , các ông Nguyễn Xuân Sanh, Xuân Diệu đã kéo tôi vào tham gia khâu tuyển chọn và dịch nghĩa một phần các bài thơ của các nhà thơ Liên Xô không có bản tiếng Pháp, tiếng Trung. Đã là thơ Liên Xô thì phải có mặt các nhà thơ tiêu biểu nhất của các dân tộc trong Liên bang Xô viết. Vào thời điểm ấy, không thể không giới thiệu một số các nhà thơ dân tộc vừa được nhận các giải thưởng văn học, như Giải thưởng Nhà nước Liên Xô, Giải thưởng mang tên Lênin. Chẳng hạn nhà thơ nhân dân nước Cộng hòa Xô viết Tắcgichxtăng Turxun - Zade (1911- 1977) năm 1960 vừa được Giải thưởng Lênin về hai tập thơ “Khaxan arbakes” (1954) và “Tiếng nói Châu Á” (1956); nhà thơ nhân dân nước Cộng hòa Xô viết Ukraina Makxim Rưnxki (1895 - 1964), năm 1960 cũng được giải thưởng Lênin về hai tập thơ “Những bông hoa hồng và chùm nho” (1957) và “Những chân trời xa xăm” (1959), hay nhà thơ nhân dân nước Cộng hòa tự trị Đaghextang Raxul Gamzatop (1923 - 2003) đang được đề nghị Giải thưởng Lênin về sáng tác mới “Những ngôi sao trên cao” (1962), nhà thơ nhân dân nước Cộng hòa Xô viết Litva Mezelaitix (1919 - 1999) đang được đề cử Giải thưởng Lênin về tập thơ “Con người” (1961). Trước đó tôi đã dịch và giới thiệu thơ của Rưnxki và Mezelaitix được đăng trên báo Văn học, vì vậy được nhà thơ Xuân Diệu chọn ngay những bản dịch đó đưa vào tập. Tôi được đề nghị dịch nghĩa thơ của Turxun Zade cho nhà thơ Huy Cận chuyển thành thơ và Raxul Gamzatov cho nhà thơ Yến Lan. Phần tôi đề nghị bổ sung thêm nhà thơ Xergay Exenhin mà trong danh sách tuyển của hai nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh và Xuân Diệu không thấy có. Bấy giờ, sau nhiều năm bị thành kiến, ở Liên Xô mới phục hồi tên tuổi Exenhin được ít lâu, nên hầu như ở ta còn chưa để ý đến ông. Từ cuối năm thứ 2 Đại học, tôi bắt đầu mở chuyên đề giới thiệu Exenhin do giáo sư Prokusep phụ trách. Không được dự lớp chuyên đề ấy, nhưng được nghe bạn tôi dự về kể lại và lại được đọc tập thơ Exenhin rất hiếm lúc đó mà bạn tôi vừa được một bạn Nga tặng làm quà sinh nhật, tôi đâm ra mê nhà thơ này. Hoàn thành tập “Thơ trữ tình Puskin”, tôi bắt tay vào dịch đôi bài của Exenhin.
Khi đề xuất đưa thêm Exenhin vào tập “Thơ Liên Xô”, tôi không dám nói về phần dịch của mình mà chỉ nói lại những điều tôi mới viết về ông. Nhà thơ Xuân Diệu bảo tôi thử dịch nghĩa một số bài cho ông xem. Tôi chọn một số bài viết về thiên nhiên, đôi bài viết về cách mạng và cẩn thận chọn lựa một số bài về tình yêu của Exenhin. Xem xong bản dịch nghĩa, Xuân Diệu bảo tôi đọc nguyên bản tiếng Nga từng bài một cho ông nghe. Ông bảo tôi đọc đi đọc lại lời nguyên bản bài tả cảnh đồng ruộng sau gặt vào cuối thu. Ông rất khoái các hình ảnh nhân cách hóa của Exenhin:
Ông bảo ông rất thích bài thơ này. Tất nhiên được thể tôi moi hết mọi hiểu biết về nghệ thuật tả thiên nhiên và tình yêu thiên nhiên Nga của chàng thi sĩ Nga có mái tóc vàng ươm, đẹp như mái tóc của chính Xuân Diệu, thao thao bất tuyệt tán thêm. Nhà thơ “chấm” bài này. Trong số thơ viết về đề tài cách mạng của Exenhin, Xuân Diệu chấm bài "Xtanxư" bộc bạch tâm sự "lột xác" của tác giả quyết tâm đi với cách mạng. Đến những bài thơ về tình yêu của Exenhin thì Xuân Diệu bảo bài nào ông cũng thích, nhưng chẳng lẽ đưa ngần ấy bài vào tập, không cân xứng với số bài của các tác giả khác. Ông chọn hai bài. Như thế, tổng cộng ông “ưu tiên” cho Exenhin những bốn bài - nhiều nhất so với các tác giả khác được tuyển trong tập.
Sau những lần cộng tác làm sách với Xuân Diệu, tôi mới dần dần thổ lộ cho ông biết là mình cũng đã dịch nhiều thơ Exenhin. Một lần ông bảo tôi đọc cho ông nghe những bản dịch thơ Exenhin của mình, tôi đã mang đến ông tập bản thảo và đọc cho ông nghe cả buổi. Bữa ấy ông đã hỏi tôi rất nhiều về cuộc đời và lai lịch nhiều bài thơ của Exenhin. Tôi nhớ tại nhà riêng của ông, 24 Cột Cờ, như thường lệ ông đã chuẩn bị cho tôi mấy cái bánh bích quy, một cốc cà phê hòa tan (bấy giờ là những thứ quý hiếm, phải có tiêu chuẩn bìa C mới mua được). Buổi đọc thơ và chuyện trò kéo dài, tôi được ông tiếp cho thêm một “khẩu phần” nữa. Cuối buổi, ông khuyên tôi hoàn chỉnh bản thảo để có thể in thành tập. Tôi ngỏ ý mời ông cùng tham gia và sẵn sàng dịch nghĩa giúp ông. Ông cười bảo tôi: "Toàn đã tự lực được rồi... Mà có bài, anh thấy Toàn dịch có vẻ nhuyễn hơn anh...". Ông còn đọc lên mấy câu thơ dịch của tôi:
Sau khi hoàn chỉnh bản thảo để đưa in, Xuân Diệu đồng ý đưa cả bốn bài dịch của ông vào đóng góp, nhưng một bài ông đưa bản dịch của tôi lên trước, bản dịch ông để sau. Ông bảo: "Để cho bạn đọc rộng đường tham khảo”. Thái độ bình đẳng, công bằng trong những trường hợp như thế này tôi nghiệm thấy rõ trong quá trình ra tập “Thơ trữ tình Puskin” (năm 1966). Nhà thơ Xuân Diệu đã nhờ tôi dịch nghĩa cho ông để ông dịch thơ. Và khi đưa in, ông đã sòng phẳng bắt tôi để tên mình ở phần dịch nghĩa, dưới bài dịch của ông.
Cũng trong tập “Thơ Liên Xô” tôi còn dịch nghĩa trích đoạn trường ca “Đứa con trai” của P.Antôkônxki và đến tập trường ca “Vladinia Ilich Lênin” của V.Maiakôpxki, tôi cũng được Xuân Diệu nhờ dịch nghĩa để ông tham khảo, chuyển sang thơ. Hai tác phẩm về sau này có cả bản dịch tiếng Pháp, cho nên nhà thơ làm việc vất vả gấp đôi. Ông đọc bản tiếng Pháp, bảo tôi đọc tiếng Nga, rồi giải thích từng dòng từng từ. Đối chiếu lại với tiếng Pháp, đọc đi đọc lại, hỏi kỹ tôi thêm các chi tiết rồi ông mới bắt tay vào công việc dịch thuật của mình.
Được cộng tác với nhà thơ Xuân Diệu trong một thời gian khá dài, lại ở tất cả các khâu (nhà thơ tự đọc bản in thử, góp ý cho họa sĩ trình bày, thậm chí cả đến khâu kiểm tra lại số chữ để tính nhuận bút), tôi thấy học hỏi được ở ông nhiều điều, nhiều ấn tượng sâu sắc có thể suốt đời không quên.
Chẳng hạn, khi bản dịch “Vây giữa tình yêu” đã đánh máy hoàn chỉnh, duyệt đưa in, nhưng bài giới thiệu tập sách vẫn chưa được Xuân Diệu đưa lại, tôi phải đến nhà ông để xin bài. Đến nơi đã gần trưa và nhà thơ đang khăn gói vali sẵn sàng chuẩn bị ra sân bay đi công tác nước ngoài. Thấy tôi đến, ông biết ngay việc phải làm, vội thu xếp nốt việc gì đó rồi lại bàn ngồi vào viết, sau khi bố trí cho tôi chờ ngồi đọc sách, có bánh, có nước như thường lệ. Nhà thơ đã ngồi cặm cụi viết một mạch cho đến lúc ô tô đến đón ông ra sân bay đã đến đỗ ngoài cửa. Ông đứng dậy cười, đưa cho tôi bài rồi chia tay ra đi. Bữa ấy tôi thực sự sửng sốt trước sự tập trung lao động cao độ của nhà thơ.
CÓ MỘT CUỐN SÁCH NHƯ THẾ ĐÓ
QUYỂN HẠ
(Tiếp theo số 79 tháng 12/2012)
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết
9.Trách nhiệm cá nhân.
"Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Sao các ngươi cứ truyền cho nhau câu ngạn ngữ này trong khắp đất Israel: 'Đời cha ăn nho xanh, đời con ê răng'. Ta lấy mạng sống Ta mà thề - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Này, mạng sống nào cũng thuộc về Ta, mạng sống của cha cũng như mạng sống của con đều thuộc về Ta. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết. Người nào ăn ở công chính chắc chắn sẽ được sống. Nhưng nếu nó sinh ra một đứa con hung dữ, khát máu, phạm trọng tội… hỏi đứa con đó có được sống không? Không, chắc chắn nó phải chết (cha nó thì không chết). Và này có người sinh ra một đứa con, đứa con thấy các tội lỗi của cha mình, nó đã thấy mà không làm như thế… nó sẽ không chết vì tội của cha nó, chắc chắn nó sẽ sống, còn cha nó vì đã bóc lột người khác, lại cướp giật của người anh em và làm điều không tốt trong đêm nên sẽ phải chết vì tội lỗi của mình. Nhưng các ngươi nói: Tại sao con không mang lấy tội của cha? Đứa con một khi đã thi hành điều chính trực công minh, đã tuân giữ cùng thi hành mọi quy tắc của Ta, chắc chắn nó sẽ sống. Ai phạm tội, kẻ ấy phải chết. Con không mang lấy tội của cha, cha cũng không mang lấy tội của con. Sự công chính của người công chính ở với người công chính; còn điều dữ của kẻ gian ác ở với kẻ gian ác" (Ed 18,1-20).
NHẬN ĐỊNH
1. Cách đây gần 3000 năm mà đã có luật phân định trách nhiệm cá nhân rõ ràng như vậy thì quả là lạ lùng, vì thời đó cả nhân loại đều xử theo kiểu "trách nhiệm tập thể", nhất là giữa những người có liên hệ máu mủ với nhau. Có lẽ các vua chúa muốn nhắm 2 mục tiêu: một là để răn đe cho mọi người khiếp sợ; hai là để khử trừ mầm mống phản loạn về sau theo kiểu "nhổ cỏ phải nhổ tận rễ"! Chẳng nói đâu xa, ngay tại Việt Nam dưới thời phong kiến cách nay mấy trăm năm vẫn còn những vụ án "tru di tam tộc", "tru di cửu tộc", cả những người có họ hàng xa với kẻ bị kết tội, muốn sống cũng phải trốn đi nơi khác và thay tên đổi họ may ra mới thoát!
2. Vụ án Lệ Chi Viên: chuyện xảy ra thời vua Lê Thái Tông (1423-1442), là vị hoàng đế thứ hai của nhà Hậu Lê, ở ngôi từ năm 1433-1442, ông tên thật là Lê Nguyên Long.
Ngày 27/7 năm Nhâm Tuất (1442), nhà vua đi kinh lý miền đông, tới Chí Linh (Hải Dương) xem duyệt binh. Nguyễn Trãi rước vua về nghỉ ở Lệ Chi Viên (nơi trồng nhiều vải: Lệ Chi Viên). nay là Đại Lai - Gia Bình thuộc Bắc Ninh. Ngày 4/8 nhà vua tới nơi, nghỉ ngơi; tháp tùng đức vua có Nguyễn Thị Lộ - người thiếp yêu quý của Nguyễn Trãi, bà đã 40 tuổi nhưng nhan sắc còn mặn mà, lại thêm tài văn chương, thơ phú nên rất được vua yêu quý, lúc nào cũng kề cận hầu vua (lúc này nhà vua mới 20 tuổi). Đêm ấy nhà vua thức suốt đêm đối ẩm với Thị Lộ… tới sáng, bị đột quỵ và băng hà. Các quan đưa xác vua về kinh, đến ngày 6/8 thì tới nơi, triều đình làm lễ phát tang và an táng nhà vua, đồng thời quy cho Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị tru di tam tộc vào ngày 16/8 năm ấy. Thật oan cho vị lão công thần cả đời trung tín "phò vua giúp nước", cùng với mọi người trong gia tộc. Mãi tới năm Giáp Thân 1464, vua Lê Thánh Tông mới giải oan cho ông, ban tặng tước Tán Trù, bổ dụng một người cháu của dòng họ còn sót lại là Nguyễn Anh Vũ.
3. Vụ án Nguyễn Văn Thành: chuyện xảy ra vào thời vua Gia Long. Nguyễn Văn Thành (1758-1817), là một vị tướng tài, theo giúp vua Gia Long từ khi còn là thanh niên, nằm gai nếm mật cùng đức vua, lúc bôn ba, đào tẩu khắp miền Tây Nam bộ. Khi vua Gia Long đã toàn thắng nhà Tây Sơn, Nguyễn Văn Thành cũng được vinh thăng.
Năm Tân Dậu 1800 được lãnh ấn: Khâm Sai Chưởng Tiền Quân, Bình Tây Đại Tướng Quân, với tước Quận Công. Năm 1802 được phong Tổng Trấn Bắc Thành (Hà Nội). Năm Canh Ngọ (1810) được triệu về kinh giao chức Tổng Tài trong việc biên soạn bộ Hoàng Việt Luật Lệ.
Năm 1813 được cử ra trấn Đà Nẵng. Năm Ất Hợi 1815, con trai Nguyễn Văn Thành là Nguyễn Văn Thuyên, cũng là phò mã của vua Gia Long thi đỗ Hương Cống, nghe tin tại Thanh Hóa có hai nhà thơ nổi tiếng: Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận, ông làm một bài thơ để tặng, nội dung gồm những lời tâm giao, bàn luận về văn chương, phong cảnh… nhưng cuối bài có hai câu:
"Sơn tễ phen này dù gặp gỡ,
Giúp nhau xoay đổi hội cơ này"
Bài thơ không tới tay hai người bạn mà lọt vào tay các quan chức triều đình, được "nâng quan điểm" quy kết tội phản loạn, và được tâu lên vua Gia Long. Nguyễn Văn Thành đã giải thích hết đường, đã năn nỉ "gãy lưỡi" cũng không lay chuyển được án vua ra, ông bị bức tử vào năm Đinh Sửu 1817, còn Nguyễn Văn Thuyên thì bị chém đầu (cha đã chịu chết với con, còn họ hàng có ai phải chết nữa không thì sử sách không ghi).
Mãi tới năm 1868, lật lại vụ án Nguyễn Văn Thuyên, vua Tự Đức chạnh thương vị tướng tài ba và trung tín của cụ nội mình là vua Gia Long, đã giải oan cho ông bằng bút phê: "Nhân vì con có tội mà để lụy cho cha", bằng cách phong chức tước cho con cháu của ông, còn Nguyễn Văn Thành được lên chức Vọng Các Công Thần, tước Quận Công.
4. Vụ án Cao Bá Quát (1809-1855), quốc sư cuộc nổi dạy chống triều đình ở Mỹ Lương.
Ông người Phú Thi huyện Gia Lâm, Bắc Ninh (nay thuộc Hà Nội), vốn "văn hay chữ tốt", nhưng tính khí khảng khái, chẳng biết sợ ai, nhà vua kia mà ông còn chẳng nể:
"Một chiếc cùm lim chân có đế,
Ba vòng xích sắt bước thì vương"
Năm Tân Mão 1831 đời vua Minh Mệnh, ông dự kỳ thi Hương tại trường thi Hà Nội và đậu Á nguyên, nhưng khi "duyệt quyển" (có khi vì ác cảm), các quan xếp ông hàng cuối cùng trong 20 người đỗ Cử nhân.
Năm Mậu Thìn 1832 ông vào kinh thi Hội không đỗ, và mấy lần sau cũng "trượt vỏ chuối" (có lẽ vì ngông). Năm 1841 ông được tiến cử vào kinh đô Thuận Hóa (Huế) làm Hành Tẩu ở bộ Lễ, tháng 8 năm ấy ông được làm sơ khảo trường thi Thừa Thiên, thấy một số bài thi hay nhưng có chỗ phạm quy, ông cùng với Phan Nhạ dùng bút thấm muội đèn sửa chữa 24 quyển, việc bại lộ, ông bị quan giám sát trường thi Hồ Trọng Tuấn tra hỏi và báo cáo thượng quan. Triều đình sai bắt ông, ngày 7/9 âm lịch ông bị tống ngục, bị tra khảo bằng roi song. Ngày 17/10 lại bị bộ Lễ tra tấn, lần này ông mê man bất tỉnh – triều đình ghép ông vào tội chết, nhưng đến cuối năm, án dâng lên, vua Thiệu Trị cho ông chỉ là ngông cuồng thôi nên giảm xuống tội "giảo giam hậu", nghĩa là được "giam lại đợi lệnh". Không bao lâu triều đình cần những hàng xa xỉ của ngoại quốc nên cho các quan lại bị cách chức đi theo các đoàn giao dịch với nước ngoài để lập công chuộc tội. Cao Bá Quát được ra khỏi ngục, sau mấy năm bôn ba buôn bán cho triều đình, cuối năm 1844 ông bị sa thải, về sống với vợ con ở Thăng Long. Năm 1847 ông được lệnh triệu vào Huế làm ở Viện Hàn Lâm. Năm 1850 do không được lòng một số quan lớn, ông bị đẩy đi làm giáo thụ ở Quốc Oai (Sơn Tây), trường là 3 gian nhà tranh vách đất tuềnh toàng, "một thầy, một cô, một chó cái" – học trò dăm bảy đứa "nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi" (Cao Bá Quát).
Khoảng tháng 7/1854, miền Bắc hạn hán, châu chấu phá mùa màng, dân đói khổ. Ông vận động tôn Lê Duy Cự làm minh chủ, ông làm quốc sư dựng cờ nổi dậy chống triều đình ở Mỹ Lương, bị triều đình đánh bại, Cao Bá Quát chết tại trận địa, vua truyền bêu đầu ở Thăng Long, sau đó băm nhỏ vứt xuống sông. Ngoài ra triều đình còn bắt giết hết gia tộc nội ngoại của ông, Cao Bá Đạt – anh của ông lúc đó đang làm quan ở Nông Cống (Thanh Hóa) cũng bị bắt, dọc đường ông đã tự vẫn. (Cao Bá Quát – Con người và tư tưởng của Nguyễn Tài Thư, NXB Khoa Học Xã Hội 1980, trang 56)
NHẬN ĐỊNH
Mới cách đây hơn 100 năm, án tru di còn thường xuyên áp dụng như vậy, những năm chiến tranh gần đây hơn nữa, chuyện thủ tiêu địch thù kèm theo cả những người thân của họ cũng chẳng hiếm. Thế mà cách nay hơn 2000 năm, giữa một xã hội "đại phong kiến" ở Trung Đông – Thánh Kinh đã có lời dạy: "Ai phạm tội nấy phải chết: con không mang lấy tội của cha; cha cũng không mang lấy tội của con" (Ed 18,20). Không biết bạn đọc có cho là một điều lạ không?
10. Lời giảng đầu tiên của các Tông Đồ:
"Một Đức Giêsu đã chịu đóng đinh trên thập giá và đã sống lại".
Sống lại ư! Chuyện không tưởng?
a. Chính các Tông Đồ, môn đệ của Chúa Giêsu khi nghe về việc sống lại cũng ngơ ngác không hiểu: "Khi Chúa Giêsu báo trước rằng Ngài sẽ bị giết nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại, các môn đệ ngỡ ngàng hỏi nhau: Từ cõi chết sống lại nghĩa là gì?" (Mc 9,10).
Cho nên nếu không thực sự chứng kiến cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu thì không ai có thể mở miệng nói về sự sống lại được.
Ngày nay nếu có ai ra đường, ra chợ, ra ngã năm ngã sáu nơi đô thị phồn hoa, hay một chỗ đông người ở tỉnh lẻ hoặc ở miền quê hẻo lánh mà loan tin: "Một tử tội tên A mới bị thi hành án, chỉ sau chưa đầy 3 ngày đã sống lại… Ai muốn sống mãi mãi thì hãy tin theo ông ta và nhập bọn với chúng tôi…" – Liệu người đó có thuyết phục được ai không? Hay người ta bảo anh ta là "gàn, mát", và nếu còn cứ bô bô loan báo như vậy, người ta sẽ tống vào nhà thương điên Biên Hòa.
b. Ông Phêrô bị người Do Thái phản ứng:
- Ông Phêrô nói với người Do Thái: "Đức Giêsu đã bị các ông treo trên cây gỗ mà giết đi, nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng tôi đã làm cho Người chỗi dậy (sống lại)… Sự kiện đó chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần… Nghe vậy, họ giận điên lên và muốn giết các ông" (Cv 5,30-33).
- Thánh Phaolô ở Athena (thủ đô Hy Lạp) cũng đã lâm vào hoàn cảnh này. Sách Tông Đồ Công vụ kể: (Tại Athena) có mấy triết gia thuộc nhóm Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ cũng trao đổi với ông Phaolô. Kẻ thì nói: "Con 'vẹt' đó muốn nói gì vậy?". Người khác lại bảo: "Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ", vì ông Phaolô loan báo Tin Mừng về Đức Giêsu và về sự sống lại. Họ mời ông đi với họ đến hội đồng Arêôpagô và nói: "Chúng tôi có thể biết thứ đạo lý mới ông dạy là gì không? Quả ông đem đến cho chúng tôi một điều lạ tai. Vậy chúng tôi muốn biết điều đó là gì?"…
Đứng giữa Hội đồng Arêôpagô, ông Phaolô nói: "Thưa quý vị người Athêna, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: Kính thần vô danh. Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị:
Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Đấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói: Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người.
Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá.
Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Để bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết".
Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: "Để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói về vấn đề ấy". Thế là ông Phaolô bỏ họ mà đi. Nhưng có mấy người đã theo ông và tin Chúa, trong số đó có ông Điônyxiô, thành viên Hội đồng Arêôpagô và một phụ nữ tên là Đamari cùng những người khác nữa (Cv 17,16-34).
- Không chỉ thánh Phaolô mà tất cả các Tông Đồ khi loan báo về một đạo mới đều lấy việc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết và sống lại làm nền tảng đạo lý, và mời gọi mọi người chấp nhận, tin theo.
- Bài giảng đầu tiên của ông Phêrô: "Thưa đồng bào Israel xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Nadarét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đavít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng… Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy, đang nghe" (Cv 2,22-25 ; 32-33).
c. Ông Phêrô và ông Gioan ra trước thượng hội đồng:
(Sau khi làm cho một người què từ thuở mới sinh được khỏi ngay tức khắc nhờ Danh Đức Giêsu).
“Hai ông còn đang nói với dân, thì có các tư tế, viên lãnh binh Đền Thờ, và các người thuộc nhóm Xađốc kéo đến. Họ bực tức vì các ông giảng dạy cho dân và dựa vào trường hợp Đức Giêsu mà loan báo kẻ chết sẽ sống lại. Họ bắt hai ông và tống ngục cho đến ngày hôm sau, vì trời đã về chiều. Nhưng trong đám người nghe lời giảng, có nhiều kẻ đã tin theo, chỉ riêng số đàn ông đã lên đến chừng năm ngàn.
Hôm sau, các thủ lãnh Do Thái, các kỳ mục và kinh sư họp nhau tại Giêrusalem. Có cả thượng tế Khanan, các ông Caipha, Gioan, Alêxanđê và mọi người trong dòng tộc thượng tế. Họ cho điệu hai Tông Đồ ra giữa hội đồng và tra hỏi: "Nhờ quyền năng nào hay nhân danh ai mà các ông làm điều ấy?". Bấy giờ, ông Phêrô được đầy Thánh Thần, liền nói với họ: "Thưa quý vị thủ lãnh trong dân và quý vị kỳ mục, hôm nay chúng tôi bị thẩm vấn về việc lành chúng tôi đã làm cho một người tàn tật, về cách thức người ấy đã được cứu chữa. Vậy xin tất cả quý vị và toàn dân Israel biết cho rằng: nhân danh chính Đức Giêsu Kitô, người Nadarét, Đấng mà quý vị đã đóng đinh vào thập giá, và Thiên Chúa đã làm cho trỗi dậy từ cõi chết, chính nhờ Đấng ấy mà người này được lành mạnh ra đứng trước mặt quý vị. Đấng ấy là tảng đá mà quý vị là thợ xây loại bỏ, chính tảng đá ấy lại trở nên đá tảng góc tường. Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ".
Họ ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân. Họ nhận ra hai ông là những người đã từng theo Đức Giêsu; đồng thời họ lại thấy người đã được chữa lành đứng đó với hai ông, nên họ không biết đối đáp thế nào. Họ mới truyền cho hai ông ra khỏi Thượng Hội Đồng, và bàn tính với nhau. Họ nói: "Ta phải xử làm sao với những người này? Họ đã làm một dấu lạ rành rành: điều đó hiển nhiên đối với mọi người cư ngụ tại Giêrusalem, và ta không thể chối được. Nhưng để cho việc đó khỏi lan rộng thêm trong dân, ta hãy ngăm đe, nghiêm cấm họ từ nay không được nói đến danh ấy với ai nữa".
Họ cho gọi hai ông vào và tuyệt đối cấm hai ông không được lên tiếng hay giảng dạy về danh Đức Giêsu nữa. Hai ông Phêrô và Gioan đáp lại: "Nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa, xin hỏi: trước mặt Thiên Chúa, điều ấy có phải lẽ không? Các ông thử xét xem! Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra". Sau khi ngăm đe lần nữa, họ thả hai ông về, vì không tìm được cách trừng trị hai ông. Lý do là vì họ sợ dân: ai nấy đều tôn vinh Thiên Chúa vì việc đã xảy ra. Thật vậy, người được phép lạ ấy chữa lành đã ngoài bốn mươi tuổi” (Cv 4,1-22)
d. Ông Phaolô nói về con đường Cứu độ cho người Philípphê: "Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người" (Pl 3,10).
Ông Phaolô đến Thessalônica thảo luận với dân chúng. Dựa vào Thánh Kinh, ông giải thích và xác định rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình và sống lại từ cõi chết. Ông nói: "Đấng Kitô ấy chính là Đức Giêsu mà tôi rao giảng cho anh em" (Cv 17,1-4).
Không chỉ ông Phêrô và ông Phaolô, những vị Tông Đồ cột trụ, rao giảng về Đức Giêsu chịu chết và sống lại, các vị khác cũng rao giảng như vậy. Thầy phó tế Stêphanô bị bắt, ông đã nói với cấp lãnh đạo và dân Do Thái: "Cha ông các ngươi đã giết các tiên tri là những người đã tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ đến, còn các ông nay trở thành những kẻ phản bội và sát hại Đấng ấy (Chúa Giêsu)… họ giận điên lên, lôi ông ra ngoài ném đá… Ông Stêphanô nói: "Kìa tôi thấy trời mở ra và Con Người (Chúa Giêsu) đứng bên hữu Thiên Chúa". Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất tề xông vào ông và lôi ra ngoài thành mà ném đá" (Cv 7 – 8).
- "Ông Philípphê xuống một thành miền Samari và rao giảng Đức Giêsu (đã sống, đã chết và sống lại) cho dân ở đó" (Cv 8,4-8).
- Ông Philípphê rửa tội cho quan thái giám:
“Và bấy giờ đang trên đường về, ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ Isaia. Thần Khí nói với ông Philípphê: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó". Ông Philípphê chạy lại, nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ Isaia, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?". Ông quan đáp: "Mà làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?". Rồi ông mời ông Philípphê lên ngồi với mình. Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn này: "Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được hủy bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt".
Viên thái giám ngỏ lời với ông Philípphê: "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?". Ông Philípphê lên tiếng, và khởi từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu (Đức Giêsu chịu chết và sống lại) cho ông.
Dọc đường, các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Ông Philípphê đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được". Viên thái giám thưa: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa". Ông truyền dừng xe lại. Ông Philípphê và viên thái giám, cả hai cùng xuống chỗ có nước, và ông Philípphê làm phép rửa cho ông quan. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Philípphê đi mất, và viên thái giám không còn thấy ông nữa. Nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philípphê thì người ta gặp thấy ở Átđốt. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Xêdarê” (Cv 8,28-40).
NHẬN ĐỊNH
Thánh Gioan Chrisôtômô đã thay cho cả nhân loại nêu một thắc mắc: Chúa Giêsu khi sống còn không che chở được các môn đệ, chết rồi còn che chở được ai? Thế mà các ông lại giảng về một Chúa Giêsu đã chết.
(Trích bài giảng của thánh Gioan Kim Khẩu , giám mục, về thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô) Cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người:
"Thập giá do những người dốt nát rao truyền đã thuyết phục đượ c nhiều người , đúng hơn, đã thuyết phục được toàn thể địa cầu. Thập giá không bàn về những chuyện tầm thường, nhưng bàn về Thiên Chúa, về đạo thật, về đời sống theo Tin Mừng, cũng như về cuộc phán xét mai sau, đồng thời làm c ho mọi người quê mùa thất học thành những người khôn ngoan thông thái. Thế mới hay điều điên dại của Thiên Chúa còn khôn ngoan hơn con người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn con người.
Nhưng mạnh mẽ hơn như thế nào? Thưa, thập giá đã lan tràn khắp địa cầu và đã chinh phục được mọi người. Nhiều người cố tìm cách bôi tên Đấng bị đóng đinh, nhưng kết quả ngược hẳn lại: danh Người lừng lẫy, và ngày càng vang xa, còn những kẻ chống đối Người thì tiêu vong tàn lụi; những người sống gây chiến chống lại một người chết, nhưng chẳng đi đến đâu hết. Vì thế, khi người Hy Lạp bảo tôi đã chết, thì chính là lúc tỏ ra họ khờ dại hơn cả. Còn tôi, khi bị họ coi là khờ dại thì rõ ràng tôi còn khôn ngoan hơn kẻ khôn ngoan. Khi gọi tôi là kẻ yếu đuối, họ cho thấy chính họ còn yếu đuối hơn. Những điều mà nhờ ơn Thiên Chúa, những kẻ thu thuế, những anh thuyền chài làm được, thì các bậc triết gia, các vị vua chúa, và dám nói là cả thế gian vẫn theo đuổi không biết bao nhiêu chuyện này, ngay việc hình dung ra những điều đó thôi cũng chưa hình dung nổi.
Đó cũng chính là điều thánh Phaolô để tâm suy nghĩ. Người nói: Cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. Quả vậy, rao giảng là việc của Thiên Chúa, điều ấy cũng hiển nhiên thôi. Làm sao mà mười hai anh đàn ông dốt nát, sống trên ao hồ, sông lạch, hay trong vùng hoang địa lại dám nghĩ đến chuyện toan tính những việc đại sự ấy? Làm sao những kẻ có lẽ chưa khi nào đặt chân tới một vùng phố thị, chưa khi nào xuất hiện trước công chúng, lại dám tung ra một trận chiến chống lại cả thế gian? Chính người viết về họ cũng nói rõ là họ nhát đảm, hay sợ sệt. Ông không phủ nhận điều đó, không muốn che giấu khuyết điểm cho họ. Và đây là chứng cứ mạnh mẽ nhất chứng tỏ rằng ông viết sự thật. Vậy ông kể gì về họ? Ông kể rằng khi Đức Kitô bị bắt, dầu trước đó Người đã làm vô số phép lạ, mấy anh kia cũng trốn hết, còn lại có anh đứng đầu thì lại chối Người.
Vậy, khi Đức Kitô còn sống, họ đã không chịu nổi sức tấn công của người Do Thái, thì khi Đức Kitô đã chết, mà nếu Người không Phục Sinh - nhiều người vẫn nói là đâu có chuyện Người Phục Sinh - nếu Người không nói chi với họ, không ban sức can đảm cho họ, làm sao họ dám tung ra một trận chiến chống lại cả địa cầu rộng lớn đến thế? Làm gì lúc đó họ lại chẳng bảo nhau: "Chuyện chi lạ vậy? Ông ấy không cứu nổi chính mình mà lại bảo vệ được chúng ta ư ? Lúc sống, ông ấy không tự giúp gì được cho mình, mà khi chết lại đưa tay trợ giúp chúng ta được ư ? Lúc sống, ông ấy không khuất phục được một dân tộc nào, thì chúng ta sẽ nhờ rao tên ông ấy mà chinh phục được cả thế giới ư? Nghĩ đến những điều đó mà thôi đã là phi lý lắm rồi, huống chi là thực hiện, làm sao hợp lý được?".
Chính vì vậy mà nếu họ không thấy Chúa đã sống lại, nếu họ không có bằng chứng rõ ràng về quyền năng của Người, thì họ đã không dám liều đến thế" (Các Bài đọc Kinh Sách tập 4 – CGKPV, trang 583-585).
Ghi chú: Thánh Gioan Kim Khẩu – Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh, sinh năm 349 tại Antiochia, học cao hiểu rộng, sống khắc khổ. Làm Linh mục, đi giảng Tin Mừng khắp các vùng. Năm 397 được chọn làm Giám mục thành Constantinople, người tận tụy chấn chỉnh phong hóa trong Giáo Hội và xã hội. Vì bênh vực Tin Mừng và người nghèo trước cảnh xa hoa và vô tâm của những người giàu, người bị hoàng đế ghét, bắt đi đày và chết ở Comana Ponto ngày 14/9/407.
11. Vấn đề Độc Thần.
Trong các dân tộc trên thế giới chỉ có dân Israel theo tôn giáo Độc thần.
11.1 Kinh Thánh Cựu Ước:
- "Nghe đây hỡi Israel! Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta là Đức Chúa duy nhất, hãy yêu mến Đức Chúa của anh em hết lòng, hết sức anh em" (Đnl 6,4-6).
- "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ. Người không được có thần nào khác ngoài Ta. Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình vật gì trên trời cao cũng như dưới đất thấp hoặc ở trong nước, dưới mặt đất để mà thờ. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà thờ phụng. Vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tuông" (Đnl 5,6-10).
- "Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi từ khi ngươi còn ở đất Ai Cập. Ngoài Ta ra ngươi không được biết vị thần nào khác, chẳng có vị cứu tinh nào khác ngoại trừ Ta" (Hs 13,4).
- "Há chẳng phải Ta và cũng là Đức Chúa, ngoài Ta ra không có thần nào khác nữa. Chẳng có thần công minh cứu độ ngoại trừ Ta – Ta là Thiên Chúa, chẳng còn Chúa nào khác" (Is 45.22).
11.2 Kinh Thánh Tân Ước:
- "…Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô" (Ga 17,3).
- Thánh Phaolô dạy: "Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý. Thật vậy chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô" (1Tm 2,4-5).
- "Chỉ một Chúa, một đức tin, một phép rửa, một Thiên Chúa là Cha" (1Cr 3,11).
11.3 Giáo Hội: Kinh tin kính, lời tuyên xưng cửa miệng của mọi tín hữu trong Giáo Hội: "Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình".
Ghi chú: kiểu nói "thờ cha, kính mẹ" là kiểu nói dân gian, người Công giáo cũng dùng, ví dụ: chuộc tượng Đức Mẹ, các Thánh về thờ, chụp hình ông bà để thờ. Thực ra người Công giáo chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi. Với Đức Mẹ là biệt kính (không tôn thờ như Chúa), với các Thánh, ông bà, tổ tiên thì tôn kính.
NHẬN ĐỊNH
Những nhà nhân chủng học và tôn giáo học đều cho rằng tín ngưỡng tâm linh hay tôn giáo là thành phần không thể thiếu trong đời sống xã hội: xã hội nào cũng có tín ngưỡng, tôn giáo. Tín ngưỡng tôn giáo tạo nên những nền văn hóa đặc thù: văn hóa Phật giáo, văn hóa Khổng giáo, văn hóa Đạo giáo, văn hóa Ấn giáo, văn hóa Thiên Chúa giáo hay Kitô giáo…
Qua những nghiên cứu khoa học, người ta còn cho rằng chính con người đã tạo ra tôn giáo. Riêng đối với những người Thiên Chúa giáo thì Đạo là do Thiên Chúa trực tiếp ban truyền, dạy bảo. Thánh Phaolô đã quả quyết: "Tin Mừng tôi loan báo không phải do loài người vì không ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng chính là Đức Giêsu Kitô đã mặc khải" (Gl 1,11-12).
Quả vậy, trong xã hội loài người nguyên thủy, loài người luôn bị đe dọa bởi nhiều thế lực, lại chưa có hiểu biết về khoa học, không đủ phương tiện chống đỡ nên lúc nào cũng sống trong sự sợ hãi. Để trấn an phần nào, loài người chỉ còn cách vái lạy, thờ cúng những thế lực đó, họ tự sáng tạo ra đồ thờ: tạc vẽ ảnh tượng; xây dựng nơi thờ phượng: gò, miếu…; lễ nghi: vái, lạy…; sắm lễ vật: hoa quả, cơm cháo, thịt thà. Có nhiều nơi sát tế cả người nữa… Vì có quá nhiều nỗi sợ hãi nên cũng phát sinh nhiều thần:
- Sấm sét ghê hồn, chết người, đổ nhà… nên người ta thờ thần Sấm, thần Sét, họ còn rỉ tai nhau về một lưỡi búa nào đó: "Lưỡi Tầm Sét".
- Sông trào nước lũ làm ngập lụt, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn… nên người ta thờ thần "Hà Bá".
- Đất lạ, có thể sinh bệnh tật, chết người (do ăn ở mất vệ sinh), người ta sợ nên thờ thần "Thổ Công".
- Câu tục ngữ nơi cửa miệng mọi người: "Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá".
- Rắn độc cắn chết người, quá sợ hãi nên người ta thờ thần Rắn (Chằn tinh trong câu chuyện Thạch Sanh Lý Thông, không một đứa trẻ nào không nghe).
- Núi non vĩ đại, huyền bí… nên có Sơn Tinh… (câu chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh).
Thần trong Ấn giáo thì không thể đếm nổi. Thần thoại Hy Lạp cũng muôn màu muôn vẻ, các thần đều có hình tượng: thần Biển, thần Gió, thần Mặt trời, thần Chiến tranh, có cả thần sắc đẹp "Vệ Nữ" nữa… Không nói đâu xa, ngay tại số 394 đường Lê Văn Sỹ, quận 3, tp.HCM hiện nay có đình Ông Súng, thờ một khẩu súng đại bác bằng gang, khoảng 200kg, nhưng đã vỡ nòng tới 2/3.
Ngoài ra dân còn thờ :
- Ông Ba Mươi (con hổ)
- Ông Bình Vôi
- Cá Ông (cá voi)
- Cẩu Nhi (đền thờ ở Hà Nội)
- Linh Cẩu và tượng Khỉ ở Cầu Chùa (Hội An)
- Suối Cá Thần ở huyện Cẩm Thủy, gần Thành Hồ Thanh Hóa – có rất nhiều cá lạ giống cá trôi mà không phải cá trôi, có con tới 30kg, dân địa phương gọi là Cá Thần vì tương truyền ngày xưa có người ăn cá này bị chết, thế là cả 100 năm nay không ai dám ăn.
Dân mình như thế thì độc thần làm sao nổi?
Có thể nói tóm lại tất cả các dân tộc (trừ dân Israel) đều nằm trong hệ đa thần. Ngay cả dân Israel, mặc dù được Chúa dạy bảo, răn đe, sửa phạt, họ cũng luôn hướng về đa thần giáo của các dân chung quanh.
- Dân Israel đã gom góp trang sức bằng vàng và yêu cầu Aharon đúc cho họ con bò vàng để họ cúng bái rồi bày trò lễ hội, khiến Môsê phải nổi giận đập bể bia đá rồi phạt tội toàn dân… (Xh 32,1-30).
- Bóng mây đen trên vương quốc: Vua Salômôn cuối đời cũng theo Đa thần giáo, đem tai họa đến toàn cõi Israel (xem trang 20-22).
- Vua Akháp lấy vợ ngoại đạo, bà Ideven, toàn dân theo thần Baan – bấy giờ ông Êlia đến bên dân và nói: "Các ngươi khập khễnh hai chân cho đến bao giờ? Nếu Đức Chúa là Thiên Chúa, hãy theo Người. Còn nếu là Baan thì cứ theo nó!". Nhưng dân chúng không đáp lại lời nào… Ông Êlia lại nói với dân: "Chỉ còn sót lại mình tôi là ngôn sứ của Đức Chúa…" (1V 18,20-40).
Tuy vô cùng khó khăn để giữ tôn giáo độc thần, nhưng chung cuộc Israel (ngày xưa) và Thiên Chúa giáo (ngày nay) vẫn giữ được tôn giáo độc thần. Những lệch lạc chỉ là những "phá cách" nhanh chóng bị loại bỏ.
- "Nếu Baan là thần của các ngươi thì hãy theo nó!" – Đây là lời thách thức của tiên tri Êlia.
- "Nếu các thần ngoại là thần của anh em thì hãy thờ chúng, nhưng tôi và gia đình tôi chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi" (Gs 24,15) – Đó là lời thách đố của thủ lãnh Giosuê, kẻ kế vị ông Môsê.
Quả thật tôn giáo độc thần mà tồn tại suốt 4000 năm nay thì phải kể là một phép mầu. Ngoài ra không có thể lý giải cách khác được.
12. Vấn đề đơn hôn và vĩnh hôn.
Hai bản năng hay khuynh hướng mạnh mẽ nhất của muôn loài sinh vật là bản năng bảo tồn, phát huy sự sống và bản năng duy trì nòi giống.
Bản năng duy trì nòi giống nơi thú vật được thể hiện qua việc giao phối tự nhiên giữa con vật đực và con vật cái. Nơi loài người vì là loài "linh ư vạn vật" nên không thể ăn ở giống như cầm thú, mà phải ăn ở theo quy luật, định chế hẳn hoi, đó chính là giao ước và định chế hôn nhân do Thiên Chúa thiết lập ngay từ khi tạo dựng loài người. Chúa phán: "Con người ở một mình thì không tốt, Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó"… Thiên Chúa rút một cái xương sườn của con người ra và lắp thịt thế vào… Thiên Chúa làm ra người đàn bà và dẫn đến với con người. Con người nói: "Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi"… nàng sẽ được gọi là đàn bà… bởi thế đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai làm nên một xương một thịt (St 2,18-25). Kể từ đó loài người phát triển và xã hội nào, thời đại nào cũng có hôn nhân, tuy có khác nhau về hình thức, lễ nghi, thủ tục… nhưng nội dung tức là mục đích vẫn giống nhau, đó là sự kết hợp giữa người nam và người nữ để yêu thương, giúp đỡ nhau và sinh con đẻ cái "nối dõi tông đường".
Các nhà nghiên cứu nhân chủng học, xã hội học, và các chuyên gia đều nhận thấy rằng xã hội loài người từ những bộ lạc nguyên thủy, trải qua chế độ nông nô, rồi phong kiến, người ta đều có khuynh hướng đa thê (một số dân như Lào, đồng bào thiểu số Tây nguyên theo mẫu hệ, nhưng không có đa phu, nghĩa là một người con gái lấy 2, 3 chồng một lúc).
Sở dĩ hôn nhân đa thê phát triển và tồn tại tới ngày nay là vì dường như có những điều kiện thuận lợi về tâm sinh lý và xã hội ủng hộ nó.
a/. Tâm lý: Đàn ông thân dài vai rộng, được Thượng Đế phân công làm cột trụ, làm chỗ dựa cho vợ con. Đàn ông thể hiện sức mạnh của mình qua hành động chinh phục, chở che phái yếu và dĩ nhiên không phải chỉ chở che cho một cá thể phụ nữ mà còn dư sức lực chở che cho nhiều phụ nữ nữa, chính vì vậy mà dễ nảy sinh tình trạng đa thê.
b/. Sinh lý: Về khả năng sinh con thì đàn ông quá dư dật. Một ngày "nhà máy" của họ sản xuất hàng triệu "chiến binh". Xài hết lại có và có trong khoảng thời gian rất dài – có cụ trên 70 vẫn còn khả năng sinh con. HTV7 – chương trình thế giới 24 giờ tối 17/10/2012: Một cụ ông Ấn Độ 92 tuối, sinh con với một bà vợ 52 tuổi. Đây là ông cụ già nhất còn sinh con! (BTV Bửu Điền). Trong khi đàn bà ở tuổi sinh đẻ, mỗi tháng chỉ có một lần rụng trứng, thường chỉ một trứng chín, ít khi có hai hay ba (trường hợp sinh đôi hoặc sinh ba) – Tuổi sinh đẻ của phụ nữ cũng ngắn, qua 45 đã ngưng sinh đẻ, bước vào thời mãn kinh.
c/. Xã hội: Càng về xa xưa, dân số nhân loại càng ít, vấn đề làm ăn để bảo đảm cuộc sống (hái lượm, chăn nuôi, săn bắt…) cần nhiều lao động, nhất là lao động nam. Rồi vấn đề an ninh, bành trướng đòi hỏi phải có nhiều chiến binh, bộ lạc nào ít người, lập tức bị chinh phục, bị cướp bóc và thường bị sát nhập, xóa sổ. Có những cuộc chiến mà bên chiến thắng giết sạch đàn ông con trai của bên chiến bại, đàn bà con gái thì trở thành hầu thiếp hoặc nô lệ cho quan quân chiến thắng.
Do sức ép của động cơ bành trướng thế lực và bảo vệ an ninh, cần phải đẻ nhiều và thật nhiều: "Đa tử đa tôn đa phú quý". Để đáp ứng yêu cầu phải giải quyết theo hướng đa thê.
Lưu ý một điểm là có không ít nơi theo mẫu hệ, con gái cưới chồng, đàn bà nắm quyền lực trong gia đình và thôn bản nhưng vẫn không có tình trạng đa phu, lý do đàn ông vốn có sức mạnh dù theo tục lệ phải ở dưới sự điều hành của phụ nữ, nhưng tình trạng 3, 4 ông chồng chung nhau một bà vợ thì không thể có hòa khí được, phải "một mất một còn", "ăn thua đủ", "được ăn cả, ngã về không". Cứ quan sát nơi súc vật "nhân sao vật vậy". Có khi cả bầy chỉ một con đực chủ quản, con đực lạ léo hánh tới là bị "xực" liền, trừ khi kẻ đến sau lại khỏe hơn.
Còn một lý do nữa khiến tình trạng đa phu không xảy ra, đó là vấn đề liên hệ máu mủ của cha con. Đây là trách nhiệm của người cha và cũng là quyền lợi của đứa con. Hôn nhân đa thê thì dù bà nào có bầu sinh con, theo nguyên tắc cũng rõ ràng liên hệ cha + mẹ + con. Còn hôn nhân đa phu thì hoàn toàn không rõ ràng, đứa con không thể biết chắc ai là bố thật của mình (trừ ra phải thử ADN, mà ngày xưa thì làm gì đã có kỹ thuật này, ngay cả bây giờ cũng rất tốn kém mỗi khi yêu cầu thử). Tình trạng "cha chung không ai khóc" thì "con chung cũng chẳng ai lo". Có lẽ chính vì thế mà không thấy xảy ra tình trạng đa phu nơi các dân tộc theo mẫu hệ (đa phu mà nối tiếp thì lúc nào cũng có thể có: chồng chết, vợ tái giá, chồng ly dị, vợ lấy chồng khác…).
Người ta vẫn nói với nhau "hàng ngoại" thì thứ thiệt chắc như bắp, còn "hàng nội" thì chỉ có trời mới biết đích xác. Chế độ hôn nhân đa thê kéo dài mãi tới bây giờ, và sẽ còn dài dài cách hợp pháp hoặc bất hợp pháp (lén lút). Người viết có lần sưu tầm được tờ hôn thú năm 1936 dưới triều vua Bảo Đại, ông vua cuối cùng của triều Nguyễn. Tờ hôn thú dùng 3 thứ tiếng: Hán, Pháp, Việt – có những câu hỏi đại ý như sau: là vợ cả hay vợ lẽ? Nếu là vợ lẽ thì vợ cả có thuận ý không?… Thậm chí ngay xã hội Việt Nam hiện nay, mặc dù luật hôn nhân gia đình là "một vợ, một chồng", thế nhưng vẫn còn tình trạng đa thê công khai đây đó: Báo Câu Chuyện Pháp Luật ngày 12/10/2012, trang 20 có bài của biên tập viên Trịnh Thành – Ý Nhi: "Đừng ai học theo người đàn ông có nhiều vợ nhất xứ Nghệ":
Tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, có một người đàn ông tên Tiến có tới 6 vợ, mà cả 6 bà đều được cưới xin hoành tráng, được chồng đối xử công bằng nên các bà vợ rất đoàn kết, hòa thuận, chưa bao giờ xảy ra ghen tuông, xô xát, bất hòa…
Đây là câu chuyện ở Việt Nam, còn hiện nay tại các nước theo Hồi giáo, luật vẫn cho phép đàn ông được lấy 4 vợ (chả trách gì dân số Hồi giáo phát triển cực nhanh). Còn tại Mỹ? Holyfield phá sản vì "5 thê 7 thiếp": "Võ sĩ quyền anh huyền thoại Evander Holyfield đã phải trả giá cho cảnh '5 thê 7 thiếp' khi đang đèo bồng 11 đứa con với 6 người phụ nữ. Tình cảnh này khiến tay đấm 4 lần vô địch WBA hạng nặng thế giới lâm cảnh nợ nần chồng chất…" (T.Nguyên, báo Thanh Niên 4/11/2012).
Trong khi đà phát triển của nhân loại theo chiều đa thê như vậy thì lại có một dân tộc được lệnh truyền phải giữ đời sống hôn nhân một vợ, một chồng (đơn hôn):
- "Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên một người nam và một người nữ, vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt" (Mc 10,7-8; x. Mt 19,1-9; Lc 16,18; St 1,27;2,24; Ep 5,31; 1Cr 6,16).
Lệnh truyền của Chúa là lý tưởng tuyệt hảo, nhưng dân Israel trong những năm dài của lịch sử dựng nước và giữ nước, họ cũng nhiễm thói tục đa thê của các dân tộc xung quanh. Về phía Thiên Chúa, Ngài quá rõ bản năng và sự yếu hèn của loài người, Ngài là Cha giàu lòng nhân ái, đường lối giáo dục của Ngài là đường lối "tiệm tiến", uốn nắn từ từ, nên trong thời Cựu Ước Ngài làm ngơ cho phép hôn nhân đa thê: "Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người để họ còn ăn năn hối cải" (Kn 11,23). Khi tới thời viên mãn, Ngôi Hai Thiên Chúa giáng trần, hóa thân làm người mang tên Giêsu, Ngài đã kiên quyết bắt mọi người trở về tình trạng thánh thiện ban đầu, đó là đơn hôn: Một vợ một chồng. Chúng ta có thể tưởng tượng việc chấm dứt một tục lệ, một thói quen phù hợp bản năng tự nhiên lâu đời, mà cả xã hội loài người đều theo thì khó khăn biết chừng nào! Làm sao để họ nghe đây? Nhưng Đức Giêsu kiên quyết không nhượng bộ:
- Có mấy người Pharisêu đến gần Chúa Giêsu để thử Người. Họ nói: "Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?". Người đáp: "Các ông không đọc thấy điều này sao? Thuở ban đầu Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ (1 nam + 1 nữ) và Người đã phán: Vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Họ thưa với Người: "Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?" Người bảo họ: "Vì các ông lòng chai dạ đá nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu"… (Mt 19,1-10).
Kể từ đó những tín đồ theo Chúa Giêsu trong Hội Thánh Công giáo luôn chấp hành đời sống hôn nhân "một vợ một chồng, sống chung thủy cho đến chết, không ly dị". Dĩ nhiên không phải người Công giáo nào cũng giữ được luật này, nhưng đây là luật cố định của Chúa, ai không chấp hành thì tự loại mình ra khỏi Hội Thánh của Chúa, họ bị dứt phép Thông Công, không được thi hành hai việc trọng đại trong đời sống đức tin, đó là lãnh Bí tích Giải tội và Rước lễ; và cũng như Chúa Giêsu, Hội Thánh kiên quyết duy trì luật này, không bao giờ nhượng bộ.
Đơn hôn luôn song hành với vĩnh hôn, cả hai là một thực thể không bao giờ tách rời. Đơn hôn đòi phải vĩnh viễn chung sống với nhau, vì nếu ly dị rồi lấy vợ khác, chồng khác rồi lại ly dị, lại tái hôn thì đó cũng là hình thức đa thê và đa phu, chỉ khác ở chỗ nhiều vợ, nhiều chồng, không đồng thời chung chạ với nhau (bà Élizabeth Taylor – một ngôi sao màn bạc lừng danh thế giới đã ly dị và tái hôn tới 7 lần, báo chí đã đăng).
Còn trường hợp một người phối ngẫu chết đi, hôn nhân của họ đã chấm dứt, do đó nếu có tái giá hay tục huyền thì vẫn còn nguyên tính đơn hôn là một vợ một chồng, và chung thủy vĩnh viễn. Đây chính là định chế muôn đời của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã xác định lại (sau một thời gian dài bị vi phạm thời Cựu Ước mà Thiên Chúa là Cha nhân hậu tạm làm ngơ, bao dung cho sự yếu đuối của loài người): "Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly" (Mt 19,6). Giáo Hội Công giáo và chỉ có Giáo Hội Công giáo tuyệt đối tuân thủ luật này, lý do là Giáo Hội không có thẩm quyền sửa đổi hay bãi bỏ luật Chúa bất cứ vì lý do gì, cho dù bị áp lực của các vua chúa trần gian cũng không làm Giáo Hội lay chuyển. Trường hợp "đình đám" nhất là vụ ly hôn của vua Henry VIII – hoàng đế nước Anh với hoàng hậu Catherine of Aragon.
Vua Henry VIII sinh ngày 28/6/1491, mất ngày 28/1/1547. Ngày 21/4/1509 lên ngôi vua trị vì Anh quốc. Ngày 23/6/1509 cưới bà Catherine of Aragon và phong hoàng hậu cho bà. Bà Catherine sinh được một con trai nhưng chết từ bé. Vua Henry rất nóng lòng muốn có con trai nối dòng, nhưng với hoàng hậu Catherine thì chỉ còn một người con gái là công chúa Mary. Năm 1525 nhà vua phải lòng bà Anne Boleyn, và bí mật tổ chức hôn lễ vì bà Boleyn đã có thai.
Nhà vua làm áp lực trên hàng Giám mục và quốc hội Anh, đòi hủy Hôn phối với bà Catherine để chính thức hóa Hôn phối với bà Anne Boleyn. Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII bác đơn xin tiêu hôn của nhà vua. Nhà vua trả đũa bằng cách ly khai với Roma. Ông tiếp tục làm áp lực trên quốc hội Anh, đến năm 1532 quốc hội Anh công nhận "quyền tối cao của vua trên Giáo Hội Anh" (phong vua làm giáo chủ của tổ chức gọi là Anh giáo).
Ngày 25/1/1533 nhà vua ngang nhiên tổ chức hôn lễ lần thứ hai với bà Anne Boleyn. Ngày 23/5/1533 tòa án tối cao Anh quốc tuyên bố hủy hôn nhân chính thức giữa vua Henry VIII và hoàng hậu Catherine và hợp thức hóa hôn phối giữa nhà vua và bà Anne Boleyn. Ngày 1/6/1533 vua tấn phong bà Boleyn làm hoàng hậu.
Trước sự ngang ngược của vua Henry, ngày 7/9/1533 Đức Giáo Hoàng Clêmentê VII ra vạ tuyệt thông cho nhà vua. Đối lại, nhà vua tịch thu tất cả tài sản của Giáo Hội Công giáo, lập ra Anh giáo, bắt mọi công dân tuyên thệ trung thành với nhà vua, chấm dứt liên hệ với Giáo Hoàng La Mã. Ai không tuân lệnh thì bị chém đầu. Một cuộc bách hại đạo Công giáo thật khốc liệt đã xảy ra trên khắp nước Anh. Nhiều người tín hữu trung thành với Giáo Hội Công giáo đã bị xử tử, trong đó có Giám mục Fischer là linh hướng của hoàng cung và Ngài Thomas More là tể tướng của vua. Một số tín hữu Công giáo chạy trốn cuộc bách đạo, đã sang đảo Irland làm thành nước Ái Nhĩ Lan, Công giáo gần như toàn tòng cho đến ngày nay (96% năm 1961 – CG&DT số 1884 tuần lễ từ 16-22/11/2012).
Ngày 8/1/1536, cựu hoàng hậu Catherine qua đời, cũng năm ấy bà Anne Boleyn sảy thai và không còn hy vọng có con trai nối dòng. Bà này rất xinh đẹp nhưng tính tình độc đoán, xa hoa, đòi hỏi quá đáng. Ban đầu nhà vua rất sủng ái nhưng càng về sau càng bị thất sủng, cho tới ngày 2/5/1536 bà bị tống ngục cùng 5 người đàn ông, trong đó có cả em trai bà Boleyn vì bị buộc tội thông dâm với bà. Ngày 17/5/1536 bà bị tuyên án tử hình, và 8 giờ sáng ngày 19/5/1536 bà bị xử chém.
Tể tướng Cromwell, người thế chân tể tướng Thomas More, ủng hộ nhà vua, cũng là người mai mối hôn nhân giữa nhà vua và bà Boleyn… cuối cùng cũng bị chém đầu ngày 28/7/1540.
Sau khi xử tử bà Anne Boleyn, nhà vua còn lần lượt cưới thêm 4 bà nữa, cũng một chiêu bài áp lực hủy hôn nhân trước, lập hôn ước sau. Ban đầu là bà Jane Seymour, kế đến là bà Anne of Cleves, rồi tới bà Catherine Howard, cuối cùng là bà Catherine Parr. Như vậy trước sau nhà vua lấy 6 vợ.
Các nhà nghiên cứu sử học giai đoạn này có nhận định chung như sau: "Henry VIII là một ông vua có nhiều tài nhưng dâm đãng, ích kỷ, khắc nghiệt và có tâm lý bất ổn". Sau lần ngã ngựa trong một cuộc đi săn, ông suy sụp và băng hà ngày 28/1/1547 (tư liệu Wikipedia Internet).
NHẬN ĐỊNH
1. Trước áp lực ghê gớm của một ông vua quyền thế như Henry VIII, Giáo Hội Công giáo vẫn kiên trì bảo vệ hôn nhân đơn thuần và vĩnh viễn, dù biết trước sẽ mất hết tài sản: đất đai, Nhà thờ, tu viện và cuộc ly giáo cũng như cuộc bách hại khốc liệt đang chờ, nhưng Giáo Hội vẫn giữ vững lập trường "Sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân ly" (Mt 19,6).
2. Luật Chúa là thánh thiện, hoàn hảo và công minh, tình trạng "xé rào" thì chỉ dẫn tới bất công và tồi tệ.
Ngay trường hợp vua Henry VIII, người mang danh hiệu "Supreme Head of The Church of England" trong 38 năm trên ngai vàng Anh quốc, cả nước coi nhà vua là "dân chi phụ mẫu", thế mà từ một lần ly dị đã kéo theo 5 lần cưới vợ, 5 lần luật pháp đạo đời của nước Anh tuyên bố "hôn nhân hợp pháp", rồi ít lâu sau lại tuyên bố "hủy bỏ hôn nhân hợp pháp" đó để rồi lại tuyên bố một cuộc hôn nhân khác "hợp pháp". Chuyện hôn nhân linh thiêng là thế (thề trước Chúa), quan trọng là thế mà bị coi như là một "trò đùa" thật đáng tiếc! Vết "sẹo" này đến muôn đời không thể tẩy xóa được.
3. Ngày nay do tình trạng đạo đức xuống cấp và do quyền lợi cá nhân được đề cao quá mức, mọi nước trên thế gian đã cho phép ly dị (trừ nước Vatican của Đức Giáo Hoàng), Giáo Hội Công giáo chịu một áp lực rất lớn của cả thế giới. Giáo Hội luôn bị chỉ trích là cổ hủ, không đi kịp thời đại, chậm tiến, lạc hậu… Thế nhưng lập trường của Giáo Hội trước sau vẫn như một, cho dù tất cả mọi người đàn ông lấy vợ, đàn bà lấy chồng đều ly dị thì lập trường của Giáo Hội cũng không thay đổi, bởi vì đây là luật của Chúa, Giáo Hội chỉ chấp hành và thi hành chứ không có quyền thay đổi. Người viết cho đây là một phép mầu.
4. Lạ lùng hơn nữa là ngay cả khi Kinh Thánh bị dịch sai do vấn đề rắc rối của ngôn ngữ cổ, thì trong thực hành Giáo Hội vẫn xử đúng luật Chúa. Trường hợp câu Kinh Thánh bị dịch sai: Tin Mừng theo thánh Mátthêô đoạn 19 câu 9: "Và ta bảo cho các ngươi biết hễ ai rẫy vợ mình không phải vì tội ngoại tình mà cưới người khác thì phạm tội gian dâm; lại hễ ai cưới người bị rẫy cũng phạm tội ngoại tình" (bản dịch Tân Ước Đức Giêsu Kitô, Sàigòn 1963 và bản dịch trọn bộ Cựu Tân Ước của Lm Đaminh Trần Đức Huân, Sàigòn 1969).
"Trừ trường hợp ngoại tình, còn hễ ai rẫy vợ mình mà lấy vợ khác thì phạm tội ngoại tình và ai lấy người vợ bị rẫy cũng phạm tội ngoại tình" (bản dịch của Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn, in tại Tây Ban Nha 1984).
"Nếu ai để (rẫy, bỏ) vợ mình không phải vì cớ ngoại tình và cưới vợ khác thì người ấy phạm tội tà dâm và hễ ai cưới người bị để thì phạm tội ngoại tình" (bản dịch Liên hiệp Thánh Kinh Hội Tp.HCM, 1996).
Có thể nói từ gần 2000 năm nay, các bản dịch đều dùng cụm từ "ngoại tình" với tất cả nội hàm của nó và như thế theo mạch văn, ngữ cảnh, ngữ nghĩa… đều phải hiểu là nếu xảy ra trường hợp ngoại tình (có chứng cớ rõ ràng) thì được phép rẫy vợ, rẫy chồng, ly dị, và có thể chính thức tái hôn. Nếu đúng như vậy thì đây là luật trừ duy nhất của hôn nhân Công giáo. Thế nhưng ngay từ thế kỷ thứ hai, vấn nạn về nố trừ "ngoại tình" đã được Giáo Hội giải quyết đúng đường lối của Chúa, mặc dù bản dịch vẫn giữ nguyên từ ngữ và cấu trúc "sai" như vậy.
Một cuốn sách có tên Pastor Hermas (thế kỷ II) của Giáo Hội sơ khai ghi nhận rất nhiều sự kiện của Tân Ước, trong đó có một thắc mắc như sau: một người hỏi chủ chăn: "Trường hợp người vợ ngoại tình bị bắt quả tang thì chồng có được phép ly dị và tái hôn không?". Câu trả lời đại ý: "Không được ly dị, sửa phạt rồi tha thứ cho nhau – cùng lắm thì được ly thân nhưng cả hai phải ở vậy, không được đi lấy người khác". Đây là câu trả lời dứt khoát, từ đó về sau trong Giáo Hội không đặt vấn đề về câu Kinh Thánh Mátthêô đoạn 19, câu 9 nữa.
Tuy nhiên những nhóm ly khai thì cứ nghĩa chữ của câu đó mà quyết. Thậm chí chẳng những trường hợp "ngoại tình" mà nhiều trường hợp khác cũng cho ly dị và tái hôn. Cụ thể chính vua Henry VIII, người thiết lập Anh giáo mà ông là Giáo chủ đã ly dị nhiều lần và cưới 6 bà vợ chính thức. Đi xa hơn nữa, khoảng thập niên 80-90 thế kỷ 20, người viết có đọc mẩu tin và xem hình ảnh trên tạp chí Thể Thao và Văn Hóa: một mục sư ở Đan Mạch đã cử hành hôn lễ tại một Nhà thờ Tin lành cho một cặp đồng tính.
Phía Giáo Hội Công giáo không bao giờ có chuyện như thế, dù vẫn chấp nhận bản dịch chưa chính xác ở Mt 19,9. Mãi tới thập niên 60-70 thế kỷ 20 – ngành ngôn ngữ học tiến triển, những nhà nghiên cứu Thánh Kinh tìm ra gốc gác những từ diễn tả việc ngoại tình, chuyện dâm bôn, hôn nhân bất hợp pháp… họ khám phá ra tác giả Kinh Thánh Mátthêô dùng từ Hy Lạp porneia, Do Thái là Jenút nghĩa là hôn nhân phi pháp hay dâm bôn… ở phần đầu và từ Hy Lạp moicheia là ngoại tình ở phần sau của cùng một câu: "Trừ nố dâm bôn hay hôn nhân phi pháp (Porneia, Jenut) ra, ai rẫy vợ mà lấy người khác thì phạm tội ngoại tình (moicheia), và hễ ai cưới người vợ đã bị rẫy cũng phạm tội ngoại tình (moicheia)".
Các nhà chuyên môn, qua nghiên cứu khoa học đã xác định được Porneia (Jenút) là tội gian dâm hay ăn ở với nhau như vợ chồng nhưng bất hợp pháp, tức là hôn nhân phi pháp. Còn tội ngoại tình (moicheia), nghĩa là đã có vợ, có chồng hợp pháp mà còn ăn ở với người khác – rõ ràng hai từ khác nhau để chỉ hai tội khác nhau: gian dâm và ngoại tình. Từ đó câu Tin Mừng Mt 19,9 – (đã bị phiên dịch sai gần 20 thế kỷ) đã được chỉnh lại nơi các bản dịch mới từ thập niên 60-70 thế kỷ 20 trở đi.
Linh mục Nguyễn Thế Thuấn trong bản dịch Tân Ước, Sàigòn 1969 lần đầu tiên tại Việt Nam, đã dịch như sau: "Ta bảo các ngươi, ai mà rẫy vợ mình trừ phi là nố dâm bôn – và cưới vợ khác tức là phạm tội ngoại tình" (Mt 19,9). Ngài chú thích chữ "dâm bôn" như sau: "nghĩa vợ chồng bất di bất dịch, nố trừ ở đây có thể là thứ hôn nhân bất hợp pháp trái với luật của Thiên Chúa".
Đã là hôn nhân bất hợp pháp, trái luật Thiên Chúa thì phải được hợp thức hóa, nếu không thì có thể, có quyền và buộc phải ly dị để dứt bỏ dịp tội và tiến tới một hôn phối hợp pháp, đó là lẽ đương nhiên. Những bản dịch chưa chính xác đã được chấp nhận cho đọc trong toàn Hội Thánh, thời gian kéo dài gần 20 thế kỷ, ấy thế mà định luật hôn nhân đơn hôn và vĩnh viễn vẫn được giữ đúng trong toàn Giáo Hội, không bao giờ nhượng bộ dù phải chịu mất cả "Giáo Hội" Anh quốc đang phồn thịnh, đó là phép mầu!
Ghi chú: lối giải thích mới, xác đáng này do Linh mục J. Bonsirven, Giáo sư Kinh Thánh tại Học viện Kinh Thánh Roma khám phá, dựa vào từ ngữ học về tư tưởng của các Rabbi Do Thái giáo.
SƠ KẾT
Thánh Kinh là sách của Chúa: "Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải" (Gl 1,11-12).
***
LỜI TÂM NIỆM
- Lạy Đấng thiêng liêng Tối cao,
- Lạy Đấng Tạo Hóa,
- Lạy Đấng Tuyệt Đối,
- Lạy Thượng Đế,
- Lạy Ông Trời,
Chúng con đây là những thọ tạo đứng trên muôn vật trong vũ trụ. Chúng con đã được Ngài tạo dựng nên giống hình ảnh của Ngài là Thiên Chúa, vì chúng con có trí nhớ, có trí tuệ, có ý muốn, có tự do.
Chúng con luôn thao thức trước những vấn đề:
1. Bởi đâu có vũ trụ này?
2. Bởi đâu có bản thân chúng con?
3. Đâu là mục đích của cuộc đời?
4. Chết rồi sẽ đi về đâu?
5. Làm điều thiện, ai sẽ thưởng công cho? (theo ai, thờ ai thì sẽ lãnh thưởng nơi người ấy, nếu người ấy to hơn Ông Trời)
6. Làm điều ác, ai sẽ phạt tội?
7. Ai sẽ thỏa mãn khát vọng hạnh phúc tuyệt đối của chúng con?
Chúng con muốn đi tìm chân lý, tìm ý nghĩa đích thực cho cuộc đời. Xin Ngài soi trí mở lòng cho chúng con, để chúng con được tìm thấy Ngài, và được niềm vui gọi Ngài là Cha, như hơn 2 tỉ Kitô hữu trên thế giới – Amen.
(Tiến sĩ Phan Như Ngọc, Email: pnngoc@gmx.net
Trích Bài giảng Chúa nhật - TGM, số 4/2007, trang 74)
Tân Bình, ngày 24 tháng 11 năm 2012
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết
Phụ Bản II
“ 9 Câu hỏi ”
1. Các văn thi sỹ Thạch Lam, Hoàng Đạo, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử, Nhất Linh, Khái Hưng, Lê Văn Trương, sinh và mất ngày nào?
2. Kịch bản và truyện ngắn nào là cuối cùng của Khái Hưng?
3. Hiện ai là dịch giả có thể coi là trung thành của văn hào Léo Tolstoi ở Việt Nam?
4. Ngoài bộ sách phê bình “Nhà Văn Hiện Đại” Vũ Ngọc Phan còn những tác phẩm nào? Vợ ông, một nữ thi sỹ, là ai?
5. Khái lược tiểu sử Chế Lan Viên?
6. Lưu Trọng Lư có mấy “nàng thơ”? Thi nghiệp họ Lưu gồm những gì?
7. Bốn câu thơ sau đây rút ở bài nào?
“Ai bảo em là giai nhân
Cho lệ tràn đêm Xuân
Cho tình tràn trước ngõ
Cho mộng tràn gối chăn?”
8. Nghiệp văn của Khổng Dương và Vũ Anh Khanh gồm những gì?
9. Nhà văn Việt Nam nào sống bao trùm cả năm thế hệ văn học quốc ngữ?
ĐỖ THIÊN THƯ st
Một thời đi Tây
Hạ cánh bay, tạm biệt
Mây bồng bềnh như bông,
Mây trắng phau như tuyết
Phủ cánh đồng mênh mông.
Sang Nga, tôi du học,
Cha mẹ già trông mong,
Vợ đắp xây mộng ước,
Tôi xốn xang trong lòng!...
Học bổng không đủ sống,
Đành theo bạn đi buôn,
Cõng hàng: mặt chúi xuống,
Mũi, mồm: dòng khói tuôn.
Tuyết rơi như bông trắng,
Tuyết dày như tầng mây,
Riêng lòng đầy cay đắng:
Biết một thời đi Tây.
Matxcơva, 12.1995
VŨ ĐÌNH HUY
THE TIME I WENT ABROAD
Safe landing, bye-bye
Clouds were bobbing like cotton
Spotless white clouds were like snow
Covering immense fields
Flying to Russia, I studied abroad
My old parents are banking on me
My wife is building dreams
I feel perplexed in my mind!...
The scholarship being not enough for my living
I had to join my friends and went into business
Carrying the goods: I bent my head looking down
From nose and mouth: smoke like breath spurted out.
Snow fell like white cotton
Snow was thick as a layer of cloud
Bitterness overflowed my heart
When appreciating the time I went abroad!
Matxcơva, 12.1995
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
Hẹn Xuân
Xuân về hoa lá tươi xanh
Gợi bao cảm hứng thơ anh dạt dào
Mừng vui ríu rít vẫy chào
Hẹn ngày gặp mặt lòng xao xuyến lòng
LÊ MINH CHỬ
Anh không thể
Những giây phút phù du
Mà thiên thu còn lại
Hứa cùng ta trăm ân ái
Nỡ đi đâu, để bạn đắng cay lòng
Thôi hết rồi những nhớ cùng mong
Thời gian sẽ giúp ta quên tất cả
Tay ôm mặt nghe hồn rên nức nở
Lòng u buồn, dang dở một tình yêu
Anh không thể cứ mãi mãi nuông chiều
Những thói xấu chỉ làm em hư đốn
LÊ MINH CHỬ
Một chuyện tình
Bận lo hai chữ nhục vinh
Mà ai nỡ để chuyện tình trôi sông
Duyên thơ sau trước chưa đồng
Còn chăng quán nước bên sông ngậm ngùi
Lục bình theo nước cuốn xuôi
Cánh cò lẻ bạn bên đồi kêu sương
Vết sầu sao khéo vấn vương
Bất ngờ quán nhỏ ven đường gặp nhau
Bây giờ biết nói thế nào
Ngượng ngùng bày tỏ đổi trao mắt nhìn
Ngẩn ngơ cúi mặt làm thinh
Nhớ nhung sâu lắng nghĩa tình lặng câm
09.11.2012
Th.Ph & V.H
Thì thầm
Thì thầm Hữu nói cùng Phương
Bên vườn kỳ ngộ ven đường quen nhau
Dù chưa trầu bén duyên cau
Cũng xin chút ước về sau gọi là
15.11.2012
TRẦN VĂN HỮU
Chờ Anh
Em chờ anh trong ánh đẹp bình minh
Náo nức lòng chen một chút rối tinh
Hoa cỏ đang cười, đời đang rộng mở
Vụt tiêu điều bởi thiếu bóng hình anh
Em chờ anh trong bóng nhạt hoàng hôn
Đếm bước thời gian, xốn xang, bồn chồn
Chiều tím, nỗi cô đơn thêm héo hắt
Chẳng thấy anh lòng khắc khoải buồn hơn!
Em chờ anh trong mưa đêm lạnh buốt
Đường phố trầm mình, xóa sạch bụi thời gian
Linh hồn em ướt sũng, lệ hòa chan
Ôi tất cả đã trở thành băng giá
Anh ở đâu? Hỡi người anh yêu dấu
Nơi đồng bằng hay núi thẳm rừng sâu
Bụi phong sương thắm đượm sắc dãi dầu
Có biết chăng em mỏi mòn trông đợi
Em vẫn chờ anh… sao anh không đến
Có lẽ nào lời hò hẹn dở dang?
Có lẽ nào mộng đẹp đã lỡ làng?
Đợi chờ anh, em trở thành hóa đá
Hãy về đi, người đàn ông kỳ lạ!
XUÂN VÂN
Tỉnh giấc phù vân
Em ở nơi nào, anh ở đây
Phong sương phủ kín tấm vai gầy
Phòng không lạnh lẽo trăng hiu hắt
Gác vắng đìu hiu gió lắt lay
Sáng dạo quanh đồi nghe suối hát
Trưa nằm trên võng ngắm mây bay
Tình thơ sưởi ấm con tim lạnh
Tỉnh giấc phù vân đã cuối ngày
THANH PHONG
AN NHIÊN
Hãy cứ an nhiên sống giữa đời
Như ngàn hoa nở sắc vàng tươi
Như sương rơi nhẹ trên cành lá
Như áng mây trôi tận cuối trời
THANH PHONG
Bùa phép văn chương
BÀI XƯỚNG
Bùa phép văn chương quả nhiệm mầu
Dễ thân, dễ mến, dễ gần nhau
Chỉ vài câu chuyện là tươi mộng
Hoặc mấy vần thơ đủ tắt sầu
Ý bút ngập ngừng vương ý bút
Hàng châu gieo rắc nối hàng châu
Hỏi ai, ai đã từng xao xuyến
Khi tiếng ly tao vọng mái lầu
TUYẾT NGỌC
BÀI HỌA
Những áng thơ văn tỏa phép mầu
Thâu đàng cách trở đến bên nhau
Đôi bài bát cú truyền tình cảm
Một điệu dân ca giải nỗi sầu
Xuất ý cao thâm như nhả ngọc
Mở lời tuyệt diệu tợ phun châu
Nào khi thưởng thức ly tao khúc
Xao xuyến Hằng Nga ghé xuống lầu
THANH CHÂU
Ngày giỗ Cha
Trung thu rộn rã niềm vui
Nhìn trăng con chạnh ngậm ngùi nhớ Cha
Đường đời ghềnh thác phong ba
Cha giờ ở tận phương xa ngút ngàn
Cách ngăn hạ giới – thiên đàng
Đôi đường ly biệt trần gian bồi hồi
Từ ngày thân phận mồ côi
Hồn thơ theo nước cuốn trôi phũ phàng
Nghẹn ngào nhắn gió thu sang
Cha ơi – con nguyện lời vàng khắc ghi
Cầu xin lên đấng từ bi
Chúng con báo đáp tu trì chân kinh
Vòng đời bệnh lão tử sinh
Âm dương đôi ngả ngăn tình cha con
Bâng khuâng chữ hiếu chưa tròn
Lễ chùa khấn lạy báo ơn Cha hiền
Bao nhiêu cay đắng muộn phiền
Cầu mong Đức Phật linh thiêng chứng lời
Công Cha sánh với đất trời
Tấm lòng phụ tử trọn đời không phai
NGÀN PHƯƠNG
Mơ bóng Cha về
Trước ngõ lá vàng lác đác rơi
Mùa thu vừa chớm – nhớ chơi vơi
Âm thầm nhặt cánh hoa tàn úa
Mây tím lang thang tận cuối trời
Con đã mất Cha từ buổi ấy
Bao mùa giá lạnh – nỗi buồn đau
Cha đi để lại đời hoang vắng
Thương tiếc ưu tư – tóc nhạt màu
Con giấu trong tim giọt lệ lòng
Cuộc đời dâu bể quá mênh mông
Luyến lưu kỷ niệm thời thơ ấu
Cố nén niềm riêng – khổ chất chồng
Vĩnh viễn Cha về nơi chín suối
Ngàn mây hiu hắt gió thu bay
Âm vang khúc nhạc lần sau cuối
Lỗi phím đường tơ khóc đọa đày
Mỗi độ thu sang khơi tiếc nhớ
Tim con khắc khoải gọi Cha ơi!
Ngậm ngùi vọng tưởng ngày xưa cũ
Giá buốt vầng trăng – chợt nghẹn lời
NGÀN PHƯƠNG
ĐÊM THU
Hoa sữa nồng thơm suốt phố dài
Anh đi sương lạnh ướt đầm vai
Trăng xa vời vợi như em đó
Đơn lẻ bên trời ngóng đợi ai?
Hà Nội, 10.1976
VŨ ĐÌNH HUY
AUTUMNAL NIGHT
Milk flowers hotly scented throughout the long street
I walked with cool dew dripping wet my shoulders
The moon is so far away like you
Alone at the horizon, for whom are you waiting for
Hà Nội, 10.1976
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
EM ĐI
Trở lại căn phòng mới vắng em,
Còn đây hương ấm thoảng êm đềm,
Từ nay khoảng trống mênh mông mãi,
Thương nhớ dâng đây như bóng đêm!...
Hà Nội, 5.1977
VŨ ĐÌNH HUY
YOU LEFT
Going back to the room from which you’re absent
I still flashingly felt your soft and warm scent
From now on, the emptiness will be eternally immense
Regrets arose high like the night shadow!...
Hà Nội, 5.1977
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
THƯ EM
Thư em lấp lánh bên đèn
Như trong nắng sớm triều lên sóng ngời.
Tình em như biển bồi hồi
Nâng thuyền anh đến chân trời ước mơ!
Hà Nội, 20.7.1977
VŨ ĐÌNH HUY
YOUR LETTER
Your letter sparkled beside the lamp
Like the glaring tide that rose in the morning sunlight
Your love is like the fretty sea
Lifting my boat to the dreamy horizon!
Hà Nội, 20.7.1977
VŨ ĐÌNH HUY
Translated by VŨ ANH TUẤN
Tình và Tài
Tặng nhau chỉ một chữ Tình
Để xanh tươi mãi hành tinh dặm dài
Tặng nhau thêm một chữ Tài
Để cùng tô điểm lâu đài càn khôn
AMOUR et TALENT
Nous nous donnons un seul mot: Aimer
Pour que l’univers sur le long chemin sera toujours vert
Et nous nous donnons en plus le mot: Talent
Pour qu’ensemble nous embellons le château de la Terre.
LÊ NGUYÊN
TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT (tt)
CHƯƠNG VI
NHỮNG LỜI DẠY CỦA TỔ ĐẠT MA VÀ LỤC TỔ HUỆ NĂNG
Nhà Thiền vẫn xem hai Tổ: ĐẠT MA và Lục Tổ Huệ Năng là sơ Tổ của môn Tu Thiền. Vì vậy chúng ta đọc những lời của hai Tổ dạy về giảng pháp và tu học được trích trong Sáu Cửa vào động Thiếu Thất và Pháp Bảo Đàn Kinh:
Với những người giảng dạy, Tổ Đạt Ma nói:
- “Nếu tự mình sáng tỏ được thì chẳng cần học, khác với kẻ mê trắng đen không phân rõ lại lếu láo tuyên lời Phật dạy, báng Phật, chê Pháp. Các vị ấy nói pháp như mưa! Quả đó là ma nói, chẳng phải Phật nói. Thầy là vua ma, học trò là dân ma.
- Kẻ mê mặc sức múa máy theo người, phút chốc đọa sinh tử. Đó là những người không Thấy Tánh xưng càn là Phật. Hạng người ấy phạm tội lớn: phỉnh gạt tất cả chúng sanh đưa vào vòng ma giới.
- Nếu Không Thấy Tánh dầu giỏi nói 12 bộ Kinh vẫn là ma nói. Đó là hàng bà con của nhà ma, chẳng phải học trò của nhà Phật.
- Đã chẳng phân rõ thắng đen bằng vào đâu mà thoát Sinh tử Luân Hồi”.
Về những người NGỒI THIỀN để cái tâm trống không thì Lục Tổ dạy:
-“Chư Thiện tri Thức, chớ nghe ta nói “không” mà liền chấp “không”. Nếu để tâm trống không mà ngồi yên lặng (ngồi Thiền) tức là chấp cái “Vô ký không”.
- Mỗi sự lý phải hiểu tới tận chỗ chơn, cả thảy sự lý phải hiểu tới tận chỗ chơn. Tâm phải lo lường việc lớn, chẳng nên đi theo con đường nhỏ (ngồi yên lặng). Miệng đừng trọn ngày nói “không” mà trong lòng chẳng tu hạnh ấy. Cũng như người phàm tự xưng mình là quốc vương mà rồi chẳng làm gì được. Hạng người ấy chẳng phải là đệ tử của ta”.
Ngài cũng ngăn ngừa lòng kiêu mạn :
- Người tu công đức thì lòng chẳng nên khinh dể người, mà phải thường cung kỉnh khắp cả nhơn vật. Nếu lòng thường khinh dể người thì bổn ngã của ta chẳng dứt, tức là mình không có CÔNG. Tánh mình giả dối, không chơn thật tức là mình không có ĐỨC. Bổn ngã của ta tự đại nên thường khinh dể cả thảy nhơn vật (60).
Với những người chê Kinh là văn tự, không đọc, Tổ dạy:
-“Chúng ngươi phải biết tự mình mê còn dung được, sao dám chê bai kinh Phật ? Chẳng nên chê Kinh mà phải bị tội chướng vô cùng”
- Trước tướng bên ngoài mà lập ra phép tắc để cầu chơn đạo, hoặc rộng mở Đạo tràng, hoặc nói ra những điều lỗi lầm về chỗ “Có” chỗ “Không”, người như thế ấy dầu tu muôn kiếp cũng không thể Thấy tánh được. Phải nghe và y theo chánh pháp mà tu hành, lại cũng chẳng nên chẳng nghĩ đến mọi việc mà làm cho bít ngăn cái đạo tánh. Nếu nghe pháp mà chẳng tu, ắt khiến người trở lại sanh tà niệm. Phải y theo pháp mà tu hành, còn thí pháp thì đừng trụ vào tướng. Nếu chúng ngươi đều rõ thì y theo đây mà ứng dụng, y theo đây mà hành động, y theo đây mà làm các việc thì chẳng lạc bổn tông”.
Với những người Ngồi Thiền bất động, Tổ dạy:
“Có tình hiểu biết đương nhiên động
Không động là loài chẳng có tình
Học đạo nếu tu hạnh chẳng động
Giống loài chẳng động tức không tình
Muốn tìm cảnh thiệt tâm không động
Trong lúc động mà Tánh chẳng lay
Chẳng động, thiệt ròng tâm chẳng động
Không tình đâu có giống Như Lai !
Biệt phân các tướng đều thông suốt
Ấy nghĩa tột cao chẳng động tu
Hiểu thấy lý mầu như thế ấy
Tức là diệu dụng của Chơn Như
Hỡi người học đạo tìm chơn lý
Hành động gắng dùng ý biệt phân
Vào cửa Đại Thừa đừng cố chấp
Mà theo sanh tử trí phàm trần…”
Truyền Đạo Phật thì Tổ Đạt Ma dạy: “Phật trước Phật sau chỉ nói pháp Truyền Tâm, ngoài ra không pháp nào khác. Nếu thấu rõ pháp ấy thì phàm phu ngu dốt không biết một chữ cũng vẫn là Phật”. Và: “Ta đến xứ này cũng chỉ truyền một Tâm ấy, không luận về Giới thí, tinh tiến, khổ hạnh, cả đến việc vào nước, lửa, lên vòng gươm, chay lạt ngày một lần, ngồi hoài không nằm (Thiền). Thảy thảy chỉ là pháp hữu vi của ngoại đạo”.
Ý Tổ nhấn mạnh là từ bao đời Phật - đến lượt Ngài đến Trung Thổ - cũng chỉ nói Pháp Truyền Tâm. Ngoài ra, những việc làm khác - kể cả Thiền Định – cũng chỉ là pháp hữu vi của ngoại đạo.
Lý do vì sao?
Đạo Phật cho rằng mọi ràng buộc, khổ đau, phiền não, sinh tử... đều do Cái Tâm Mê. Vì vậy mà khi tu hành, muốn Giải Thoát thì phải tu, sửa, chuyển hóa ở đó. Có biết bao điều phải Hiểu, phải Hành - trong đó có Thiền Định - là dừng lắng cái tâm lao xao để tập trung phá Mê cho mình, hướng về Con Đường Giải Thoát. Phải đâu đùng một cái, đọc Kinh, hay nghe ai giảng, thấy cái Lý của Phật là ta hết Mê ngay lập tức! Cho nên, người tu hành nào không biết điều đó, không nhắm vào Cái Tâm mà hành trì, thì đối với Đạo Phật là “Ngoại Đạo”. Có nghĩa là chỉ làm bên ngoài, chưa đi vào ngay mục đích chính mà có vị đã nói là: “gãi ngứa ngoài giày”!
Về đọc tụng Kinh điển, Phật dạy:
* Nếu lại có người thọ trì đọc tụng, giải nói, biên chép Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nhẫn đến một bài Kệ, đối kinh điển này cung kính xem như Phật. Các thứ cúng dường… Dược Vương! Nếu có người hỏi những chúng sanh nào ở đời vị lai sẽ đặng làm Phật? Nên chỉ các người trên đó ở đời vị lai ắt đặng làm Phật
* Dược Vương! Có người đọc tụng Kinh Pháp Hoa, phải biết người đó dùng đức trang nghiêm của Phật tự trang nghiêm mình, thời được Như Lai dùng vai mang vác”(291).
“Phổ Hiền! Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau, nếu có người nào thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa phải nghĩ rằng: Người này chẳng bao lâu sẽ đến đạo tràng phá các chúng ma thành vô thượng chánh đằng chánh giác, chuyển pháp luân, đánh pháp cổ, thổi pháp loa, rưới pháp vũ, sẽ ngồi trên pháp tòa sư tử trong đại chúng trời và người”.
THIỀN ĐỊNH chân chính cũng gọi là CHỈ QUÁN SONG TU của Đạo Phật được kinh Viên Giác viết: “Đây là phương tiện tu hành của hành giả, tức ba pháp quán.(CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU). Nếu các chúng sanh tinh tấn siêng tu ba pháp quán này được hoàn toàn tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy”.
Kinh Phật được xem là Bản đồ, là La bàn để người tu học theo đó mà hành trì, không sợ lạc hướng, vì trong đó là những lời do chính Đức Phật đã thuyết giảng, được các Đại Đệ tử kết tập lại sau khi Ngài nhập diệt. Bao nhiêu pháp phải học, phải hành. Bao nhiêu lời dặn dò, sợ người sau sẽ hiểu lầm, vì Phật đã dùng rất nhiều phương tiện, hoặc tả cảnh giới Tây Phương, Đông Phương. Hoặc Quả vị lớn nhỏ vv... chỉ để đưa người tu đến một cứu cánh duy nhất là “THOÁT KHỔ”.
Đạo Phật dạy: “Ly Kinh nhất tự đồng ma thuyết” tức là khuyên người tu học không được rời Kinh, dù là một chữ. Thế nhưng đến đời các TỔ của THIỀN TÔNG thì Kinh điển không quan trọng cũng chẳng cần thiết, chẳng thấy dạy nhau Giới cần giữ, Hạnh cần làm của người tu Phật! Quả là Đức không có. Hạnh cũng không, nhưng Thiền Sư nào cũng thấy là mình cao hơn Phật, Tổ. Ngài Pháp Diễn ở Đông Sơn trong CÔNG ÁN Kẻ ấy là ai? còn nói: “Thích Ca, Di Lặc còn là tôi đòi của kẻ ấy”!
“Con nhà tông, không giống lông cũng giống cánh”. Đàng này Thiền Tông chẳng có chút gì giống như lời dạy của Phật hay của hai vị mà họ tự nhận là SƠ TỔ. Với Khẩu, Ý như thế mà tự xưng là nối truyền của Tổ Đạt Ma và Lục Tổ Huệ Năng, thì quả thật là oan cho các Ngài quá !
CHƯƠNG VII
ĐÔI NÉT VỀ PHÁI THIỀN TRÚC LÂM CỦA VIẾT NAM
QUA TAM TỔ THỰC LỤC
Sẽ rất thiếu sót nếu bàn về THIỀN mà không nhắc đến THIỀN TRÚC LÂM YÊN TỬ. Thật vậy, giai đoạn cực thịnh của Phật Giáo nước ta đời Trần nổi bật 3 vị gọi là TRÚC LÂM TAM TỔ gồm có Điều Ngự Giác Hoàng (Vua Trần Thái Tông, là Vua thứ tư đời nhà Trần), Sư Pháp Loa và Sư Huyền Quang. Sau đây là đôi nét về 3 vị.
ĐỆ NHẤT TỔ, ĐỨC ĐIỀU NGỰ GIÁC HOÀNG (1258-1308)
Ngài là Vua Trần Nhân Tông, con của Vua Trần Thánh Tông và Thái Hậu Nguyễn Thánh Thiện Cảm. Năm 16 tuổi được lập Thái tử, xin nhường cho em nhưng không được vua cha chấp nhận. Bản tính thông minh, đọc hết các sách sử thế gian. Về Phật học cũng rất tinh tường, được sự giáo huấn của Tuệ trung Thương Sĩ. Năm 21 tuổi được truyền ngôi, trị vì 14 năm.
Năm 1299, Vua truyền ngôi cho Anh Tông và đi thẳng vào núi Yên Tử để tu hạnh đầu đà, lập ra Chi Đề Tịnh Xá, giảng pháp độ Tăng và mới các danh tăng về Chùa Phổ Minh, Phủ Thiên Trường lập ra trường giảng. Sau đó, Ngài vân du đó đây, đến trại Bố Chính lập Am Trí Kiến để cư trú.
Năm 1308, Đức Điều Ngự kêu Pháp Loa nhận chức trụ trì để nối dòng Chánh Pháp tại Chùa Báo Ân rồi Ngài đi khắp núi non. Đến khi Thiên Thụy công chúa bịnh nặng, cho gia đồng mời Ngài về để gặp mặt. Vài ngày sau, Vua trở về núi, nhưng đến Chùa Tú Lâm núi Ký Đặc ở Yên Sinh, Ngài nói với hai Tỳ Kheo là Ngài muốn lên Đỉnh Ngọa Vân mà không thể đi được nữa, Hai thầy Tỳ kheo giúp đưa Vua về núi. Trước lúc họ về, vua cảm ơn và bảo họ xuống núi gắng lo tu hành.
Hôm sau, vua sai thị giả gọi Bảo Sát về gấp. Trên đường đi, Bảo Sát thấy một đám mây đen từ Ngọa Sơn kéo đến Lỗi Sơn, khi tới Doanh Tuyền, nước suối dâng cao mấy trượng trong giây lát, rồi trở lại bình thường. Bảo Sát lại thấy hai con rồng đầu lớn như đầu ngựa, hai mắt sáng như sao, ngẩng cao hơn một trượng, phút chốc biến mất. Đêm lại thấy điềm chẳng lành. Hôm sau Bảo Sát đến Ngọa Vân gặp Điều Ngự. Ngài bảo với Bảo Sát là Ngài sắp đi, Phật Pháp có gì chưa rõ thì hỏi. Từ đó, 4 ngày liền, trời đất u ám, gió trốt thổi mạnh, tuyết phủ đầy cây, vượn khỉ vây quanh am gào khóc, chim rừng kêu bi thảm. Ngày mồng l tháng ll, lúc nửa đêm, Điều Ngự hỏi Bảo Sát “Bây giờ là giờ gì?” Bảo Sát đáp là giờ Tý. Điều Ngự đưa tay mở cửa sổ, ngắm trời và nói: “Đây là lúc ta đi”. Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?”, Điều Ngự đáp:
Tất cả pháp không sinh
Tất cả pháp không diệt
Nếu hiểu được như vậy
Chư Phật thường hiện tiền, có chi là đi lại”.
Bảo Sát hỏi: “Nếu như không sanh không diệt thì sao?” Điều Ngự đưa tay bụm miệng Bảo Sát, nói: “Chớ nói mê”, rồi nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch. Bảo Sát phụng mệnh di chúc hỏa thiêu ngay nơi am. Khi thiêu, hương lạ bay xa, nhạc trời vang hư không, mây năm sắc phủ trên giàn hỏa.
Bốn hôm sau, Tôn Giả Phổ Tuệ từ Yên Tử vội vã trở về, dùng nước thơm rưới lên hỏa đàn. Khi làm lễ xong, Phổ Tuệ thu ngọc cốt, lượm được Xá Lợi năm màu, cỡ lớn hơn 500 viên, cỡ nhỏ như hạt lúa, cải, không kể đến.
Đức Điều Ngự tịch diệt cùng một ngày với Công Chúa Thiên Thụy.
(Trang 33 thì ghi là Bảo Sát phụng di chúc hỏa thiêu Điều Ngự. Trang 34 thì viết là Pháp Loa thiêu Điều Ngự nhặt được hơn 3.000 viên Xá Lợi đem về chúa Tư Phúc tại Kinh Đô)
Vua Anh Tông cùng Quốc phụ Thường Tề thống suất triều đình cùng đi thuyền đến chân núi, gào khóc vang trời rồi rước ngọc cốt và Xá Lợi đưa về kinh thành. Triều đình và thôn dã tiếc thương gào không vang động đất trời.
Vua đem ngọc cốt để vào bảo khám, chia xá lợi làm 2 phần, một phần đựng trong bình vàng bảy báu, tôn trí vào Đức Lăng, tôn miếu hiệu là Nhân Tông. Một phần cất vào Bảo Tháp tại khu đất Đức Lăng ở Hưng Long. Một phần cất vào Kim tháp chùa Vân Yên núi Yên Tử đặt tên là Huệ Quang Kim Tháp, và cho đúc hai tượng Điều Ngự bằng vàng, một thờ ở Chùa Báo Ân tại Siêu Loại, một thờ ở Chùa Vân Yên núi Yên Tử.
Đức Điều Ngự để lại nhiều tác phẩm dạy đạo, gồm có:
1/- Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục
2/- Hậu Lục
3/- Đại Hương Hải Ấn Thi Tập
4.- Tăng già Toái Sự
ĐỆ NHỊ TỔ PHÁP LOA (1284-1331)
Ngài sinh năm 1284 tại Thôn Đồng Hòa, Hương Cửu Loa, bên sông Nam Sách. Trước lúc mang thai, mẹ Ngài là Vũ Thị đêm nằm mộng thấy dị nhân trao cho kiếm thần, bà vui mừng ôm vào lòng, đến khi thức giấc bà biết mình đã có thai. Khi còn trong thai, vì mẹ Ngài đã sinh liên tiếp đến 8 đứa con gái, nên âm thầm tìm thuốc uống để phá thai 4 lần mà vẫn không bị hỏng, nên khi sinh ra Ngài, bà đặt tên là Kiên Cương. Khi Ngài ra đời có mùi hương lạ bay khắp nhà hồi lâu mới hết. Lúc còn bé đã có thiên tư đĩnh ngộ, không nói lời ác, không ăn chất cay nồng.
Năm Ngài được 21 tuổi (1304). Đức Điều Ngự đi khắp nơi khuyên người dân trừ bỏ dâm từ và bố thí pháp dược để trị bịnh cho người nghèo và cũng có ý tìm người để nối pháp. Khi xa giá Điều Ngự đến sông Nam Sách thì cùng lúc Kiên Cương đang đi chơi xa bỗng thấy phiền muộn nên quay về. Thấy Điều Ngự đến thôn mình, bèn đến đảnh lễ xin xuất gia. Đức Điều Ngự vừa thấy tướng mạo Ngài thì bảo: “Đứa bé này có đạo nhãn, sau này hẳn là bậc pháp khí”, lại thấy ngài tự đến xin Xuất Gia nên đặt tên cho là Thiện Lai.
Lúc về đến núi Linh Sơn. Đức Điều Ngự thế phát và trao man y cho Ngài rồi bảo đến Quỳnh Lâm học với Hòa Thượng Tính Giác. Ngài hỏi nhiều câu mà sư chưa thể khai thị cho, nên tìm đọc Kinh Lăng Nghiêm. Đến đoạn 7 lần gạn hỏi Tâm, cuối cùng đến đoạn ví dụ khách trần thì suy nghĩ giây lâu bỗng được thể nhập. Một lần tham vấn Điều Ngự, nghe đọc bài “Thái dương ô kê” liền lĩnh ngộ. Điều Ngự biết Ngài đã thâm nhâp Phật pháp nên bảo Ngài theo hầu bên mình.
Một đêm nọ, Ngài trình 3 bài tụng cốt yếu đều bị Điều Ngự sổ toẹt. Ngài thưa hỏi đến 4 lần mà Điều Ngự vẫn bảo phải tự tham cứu lấy. Ngài trở về phòng, tâm thần rất xao xuyến, nửa đêm nhìn thấy hoa đèn rơi bỗng nhiên đại ngộ, bèn đem những gì đã tỏ ngộ trình lên Đức Điều Ngự, Ngài rất bằng lòng. Từ đó, Ngài thề nguyện theo 12 hạnh đầu đà.
Năm 1305, Đức Điều Ngự đích thân truyền Giới Thanh Văn và Bồ Tát cho Ngài tại chùa Kỳ Lân. Đến đây sự tham học của Ngài đã thành, nên được ban cho hiệu là PHÁP LOA.
Năm 1307, Điều Ngự thấy trong 7, 8 thị giả Sư là người đứng đầu nên ngày rằm, khi bố tát xong, cho tả hữu lui hết rồi lấy Y Bát và viết tâm kệ giao cho Sư phải giữ gìn.
Năm 1308 Điều Ngự giao chùa Siêu Loại của Sơn Môn Yên Tử cho Sư kế thế trụ trì làm Tổ Thứ Hai của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và đem 100 hộp kinh sử ngoại điển và 20 hộp Đại tạng cỡ nhỏ viết bằng máu trao cho Sư để mở mang việc học.
Năm 1330, Sư lâm bệnh. Các đệ tử hỏi: Người xưa lúc lâm chung đều có kệ dạy, sao Thầy không có. Sư quở trách họ, giây lâu bèn ngồi dậy, bảo đem giấy bút đến và viết bài Kệ:
Muôn duyên cắt đứt tấm thân nhàn
Hơn 40 năm cõi mộng tàn
Giã biệt! xin đừng theo hỏi nữa
Bên kia trăng gió mặc thênh thang
Rồi quăng bút an nhiên thị tịch đúng vào giờ Tý, thọ 47 tuổi.
ĐỆ TAM TỔ HUYỀN QUANG (1254-1334)
Huyền Quang nhà ở phía Đông Nam chùa Ngọc Hoàng, tại Lang Am, làng Vạn Tải hạ lưu sông Bắc Giang. Chùa Ngọc Hoàng rất linh. Mẹ là bà Lê Thị, năm 30 tuổi mà chưa có con trai nối dõi nên thường đến cầu nguyện tại chùa này. Một lần bà đi núi Khu Sơn hái thuốc, tới chùa Ma Cô Tiên gặp trời hè nắng gắt nên đến nghỉ dưới bóng chùa. Trong mơ màng bà thấy một con khỉ lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà. Bà kinh hãi thức giấc, thấy lòng rung động. Về thuật lại cho một vị tôn túc, vị này suy đoán là bà sẽ có thai.
Bà Lê Thị mang thai đến 12 tháng mà bụng không chuyển động nên bà nghi bệnh, uống thuốc phá thai mà thai không bị hư. Năm 1254 Tổ sinh ra. Khi sinh ra có tia sáng mờ ảo, mùi hương thơm phức. Mọi người gọi đó là đứa trẻ có mùi hương thanh tịnh. Thuở nhỏ là đưa bé cứng cáp, đến tuổi đồng ấu thì có tướng mạo dị thường, có chí của bậc trác việt vĩ nhân, học một hiểu mười, có tài nên được gọi là Tải đạo.
Năm 20 tuổi đỗ kỳ thi Hương. Năm sau đậu Thủ khoa thi Hội. Vua muốn gả công chúa cho, nhưng Ngài khước từ. Ngài được bổ vào chức quan Hàn Lâm, phụng mệnh tiếp sứ giả phương Bắc, văn chương lưu loát hơn cả Trung quốc và các lân bang.
Lúc Ngài theo vua đến chùa Vĩnh Nghiêm huyện Phụng Nhãn, thấy quốc sư Pháp Loa đang hành đạo, liền nhớ lại duyên xưa, nên dâng biểu ba lần xin từ chức để xuất gia học đạo tu hành. Lúc đó Vua rất tôn sùng Phật giáo nên chấp nhận. Ngài thọ giáo với Pháp Loa, được pháp hiệu là Huyền Quang (trong phần chú thích có nói là theo tiểu sử của Pháp Loa thì Huyền Quang là đệ tử của Bảo Phúc ở chùa Vũ Ninh).
Ngài phụng mệnh vua trụ trì Chùa Vân Yên, núi Yên Tử. (Vân Yên là tên trước kia. Khi vua đến viếng cảnh chùa thấy sắc hoa tươi đẹp bèn đổi tên thành Chùa Hoa Yên).
Ngài đọc nhiều, tinh thông Phật Pháp, tăng ni theo học đến cả ngàn người. Kể từ đó, Điều Ngự Giác Hoàng, Pháp Loa và Huyền Quang, Ba Tổ đi khắp các chùa danh tiếng trong nước để giảng Kinh cho đồ chúng. Ngài soạn Chư Phẩm Kinh và Công Văn tập, được Điều Ngự bút phê vào Thích Khoa Giáo: “Phàm sách đã qua tay Huyền Quang biên soạn thì không thể thêm hay bớt một chữ nào nữa”.
Ngày rằm tháng giêng năm Quý Sửu (1313), Sư về Kinh thăm vua rồi về Chùa Báo Ân giảng Kinh lăng Nghiêm, buổi chiếu bỗng có một đôi chim khách trắng bay đến lượn qua lượn lại vừa kêu như có điềm vui, Ngài nói với đệ tử là ở Chùa này Ngài thường thấy những điềm lành như thế, phù hợp với lời sấm về ảnh hưởng của trời đất. Ngài nghĩ đến cha mẹ ông bà, dâng biểu xin phép về làng thăm viếng. Nhân đó lập một ngôi chùa ở phía tây nhà, nằm ở phía Đông chùa Ngọc Hoàng đặt tên Chùa là Đại Bi, lấy ý từ câu “Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát cứu độ cha mẹ quay về Đạo Phật”, nên có tên là Chùa Thầy.
Năm 1313, Ngài trở về Chùa Vân Yên, lúc đó Ngài được 60 tuổi.
Một hôm, vua bảo với các quan hầu cận, Tăng quan và đạo sĩ là: Mọi người sinh ra đều thích ăn ngon, mặc đẹp. Những người gác bỏ lòng ham muốn để phụng sự đạo, là để lo một mặt mà thôi. Sao chỉ mỗi Thầy Huyền Quang từ khi sinh đến giờ vẫn sắc sắc không không, như nước không sóng, như gương không bụi, phải chăng Sư đè nén lòng dục, hay là không có lòng dục?”
Lúc đó viên quan bên cạnh ứng tiếng đọc:
“Họa Hổ, họa bì, nan họa cốt
Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”
Xin hãy xem thử vì sao được như thế. Lời đó là của Học sĩ lừng danh, Trạng Nguyên của hai nước: Mạc Đỉnh Chi.
Vua nghe tâu bèn sắp đặt để thử thách Sư. Vua chọn một cung nữ chưa tới 20 tuổi, rất xinh đẹp lại giỏi văn thơ, có tài ăn nói, tên là Điểm Bích và dặn dò rằng Vị Tăng ấy vốn không ưa sắc dục, tính rất cương trực, giới hạnh lại cao nghiêm, ngươi hãy đến thử Thầy ấy, nếu lòng Thầy còn quyến luyến tình dục thì hãy dụ lấy cho được kim tử làm bằng chứng. Còn nếu ngươi gian trá sẽ có tội.
Thị Bích mang theo một tỳ nữ đến chùa Vân Yên xin xuất gia học đạo tu hành, nhờ bà sư già tiến dẫn với Quốc Sư. Bà Tỳ Kheo già thường sai Thị Bích dâng trà nước cho Sư. Sư thấy nàng ta cử chỉ lẳng lơ không giống người cầu đạo nên ra lịnh cho Tỳ Kheo ni già bảo thị Bích về nhà, đợi tới tuổi già sẽ cho đến học đạo.
Nàng ta thấy Sư giới hạnh tinh nghiêm không cám dỗ được thì nghĩ kế khóc lóc với vị tỳ Kheo ni già là cha làm quan Huyện, đi thu thuế được một số vàng lớn, cho vào túi, mang về Kinh để nạp, nửa đường bị cướp sạch. Xin được gia hạn đến cuối năm sẽ mang nạp đủ, nếu quá kỳ hạn thì sẽ sung công điền sản, vợ con. Giờ nàng xin mọi người giúp đỡ, góp vào với điền sản đã bán để đủ số.
Các Tăng ai nghe cũng cảm động xin Sư góp vàng bạc để cứu gia đình nàng. Sư định về triều tâu xin Hoàng đế giùm cho gia đình nàng ta, nhưng có một vị Tăng bảo là chúng ta nên giúp, thay vì nhờ triều đình, vì đó là việc riêng, không phải việc công. Sư nghe nói vậy lấy một số vàng cho nàng để về chuộc tội cho cha.
Nhận được vàng, Thị Bích bèn về triều, tâu với vua là đã đến xin học đạo với sư và được cử dâng trà nước cho Sư hơn l tháng, Sư chưa từng hỏi han hay nhìn nàng. Nhưng một đêm, nàng lẻn đến tăng phòng, thấy Sư ngâm đi ngâm lại đến 3 lần, bài kệ:
Vằng vặc trăng mai ánh nước
Hiu hiu gió trúc ngâm sênh
Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ
Máu Thích ca nào thử hữu tình
Vua nghe nói lòng buồn, than rằng nếu việc này có thật thì đó là Sư trúng kế ngang qua cửa mà giăng lưới bắt chim của vua, còn nếu không cũng không tránh khỏi mối ngờ “ngồi xỏ giày nơi đám ruộng dưa”. Vua bèn mở hội phía Tây thành và cho sứ giả đi mời Sư, bí mật bày trên bàn cùng cà sa, y bát, pháp khí xen lẫn với vàng bạc, châu ngọc, đồi mồi. Sư nghe vua triệu nên hôm sau về Kinh, vào triều.
Sáng hôm sau vào đàn tràng, thấy bốn bên bọc lụa vàng, trên bàn bày các tạp vật cùng hương đăng. Sư biết là do cung nữ thử mình ngày trước, liền ngửa mặt lên trời than thầm rồi lên đàn ba lần, xuống đàn ba lần. Đứng ngay giữa đàn, vọng bái Thánh hiền mười phương. Tay trái cầm bình bạch ngọc, tay phải cầm nhánh dương xanh, mật niệm và tẩy tịnh trên dưới, trong ngoài đàn tràng. Bỗng có một đám mây đen hiện lên từ hướng Đông Nam, bụi bay mù mịt ngất trời. Khi dứt thì các thứ tạp vật bị cuốn bay đi hết, chỉ còn hương đăng lục cúng. Cả đàn tràng và những người xem hội đều thất sắc kinh hoàng. Vua thấy hạnh của Sư thấu đến trời đất liền bỏ chỗ ngồi lạy sư để tạ lỗi, và phạt thị Bích làm tỳ nữ quét tước một ngôi chùa trong điện cung Cảnh Linh. Từ đó, vua thêm tôn kính, gọi Sư là Tự Pháp.
Sư cư trú ở Thanh Mai 6 năm, sau về trụ trì chùa Côn Sơn đọc tụng kinh điển và lập ra đài Cửu Phẩm Liên Hoa để lại cho kẻ hậu học.
Ngày 23 tháng giêng năm Giáp Tuất (l334), Sư viên tịch tại chùa Côn Sơn, thọ 80 tuổi (1254-1334).
PHÁP CỦA THIỀN PHÁI TRÚC LÂM
Đệ Nhị Tổ là PHÁP LOA cũng có để lại THIỀN ĐẠO YẾU HỌC mà những lời trong đó cũng không khác gì lời của Chính kinh và chư Tổ đi trước. Xin sơ lược vài điểm:
Ngài nói về người xuất gia cần phải học Ba Thứ Pháp: Đó là hiểu rõ Tông Sư, thứ đến phân biệt chân ngụy, sau hết biết thiện ác.
Ngài dạy phải biết Tổ Sư thuyết pháp gồm những ai? Có bao nhiêu người đắc đạo nối pháp, truyền tông? Thầy nào tăng chúng có thể theo học.
Ngài dạy phân biệt chân, ngụy: Nếu là pháp chân chính thì thường giữ Giới Luật, y theo giáo pháp mà tiến tu. Dạy nên gần gũi bạn tốt để được khuyên bảo sám hối, diệt trừ tội lỗi, siêng năng tìm thiện tri thức, tu hành tinh tấn.
Ngài dạy người học đạo phải Thấy Tánh. Sau khi Thấy Tánh phải giữ gìn Tịnh Giới kiên cố. Đó là ngoài dứt các duyên, trong tâm không loạn. Vì Tâm không loạn nên cảnh đến vẫn an nhàn.
Với Thiền Định thì Ngài dạy Quán Thân. Quán Tâm. Quán pháp. Ngài dạy những điều cốt yếu của Đại thừa là VĂN, TƯ, TU, GIỚI, ĐỊNH, TUÊ. Dạy phải nương theo Kinh sách để tu hành và chỉ rõ cách học đạo, từ cách chọn bạn cho đến những hạng Thầy nên gần gũi để được lời lạc.
Tóm lại qua những bài giảng của hai Tổ PHÁP LOA, THIỀN PHÁI TRÚC LÂM YÊN TỬ, ta thấy hoàn toàn phù hợi với tinh thần TU TÂM theo Đại Thừa, dạy người tu quay vào tìm Tâm vì Tâm tức là Phật.
Phần kết luận của Thiền Đạo Yếu Lược rất đáng cho người tu suy nghĩ:
“Nay thấy có kẻ học đạo, chưa nghe đạo đã xưng là tu đạo. Tu đạo gì vậy? Cổ Đức nói: “Ăn được vài cọng rau đã tự xưng là ăn chay theo Tổ Sư”. Lại nói: Như con trâu kia suốt đời ăn cỏ mà có thành Phật bao giờ?” Cho nên Tuệ Trung nói:
“Ăn thịt hay ăn cỏ
Chúng sinh từng loài đó
Xuân về trăm cỏ sinh
Tội phước làm gì có!
Đó là Ngài theo gương Tổ Đạt Ma, phá chấp cho những người ăn chay rồi lấy đó làm công năng tu hành. Điều đó không có nghĩa là Ngài khuyến khích ăn mặn. Nhưng ăn chay mà không Văn, Tư, Tu thì cũng không sinh được Trí Huệ, nên cũng chẳng có lợi ích gì, chỉ dứt được Nghiệp Sát mà thôi.
Phần cuối là lời ghi của người in sách.
Theo đó thì Đức Điều Ngự cũng thuộc dòng Thiền Dương Kỳ, thuộc dòng Lâm Tế với Ngài Vô Môn. Chính vì vậy mà ta thường thấy những câu hỏi đáp giữa Thầy trò với nhau, như thường diễn ra trong các dòng Thiền. Nhưng ở đây điều chúng ta quan tâm là tuy cùng dòng Dương Kỳ, nhưng người đắc pháp thật sự và người chưa đắc thì ngôn ngữ, cách diễn tả hoàn toàn khác nhau: Ngài Vô Môn thì ngôn ngữ kiêu mạn, sưu tầm nhiều Công Án ngoại soi. Những lời bàn của Ngài cũng làm cho người đọc tưởng lầm chứng đắc là điều gì đó ghê gớm, còn cao hơn cả Phật, Tổ. Trong khi đó, các Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử ngôn ngữ hết sức bình dị, chỉ nhắc nhở mọi người quay về tìm Tâm, tìm Tánh, Giữ Giới, Định, Huệ, Văn, Tư, Tu, Quán Thân, Quán Tâm. Không hề đao to, búa lớn, chỉ dạy cặn kẽ từ việc nên đọc Kinh để thấu hiểu Phật Pháp, nên phân biệt pháp đúng, sai. Nên chọn bạn, chọn Thầy như thế nào? Là những căn bản mà người tu chân chính nào cũng phải xem như Kim Chỉ Nam nếu muốn tu hành thành công.
(còn tiếp)
Tâm Nguyện
Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử
Phụ Bản III
NHỮNG BÍ ẨN
CỦA TẤM VẢI LIỆM TURIN
(tiếp theo và hết)
Trong số những vết bẩn trên tấm vải có các đoạn dây kim loại, dấu vết của sâu bọ, và một điều rất thú vị là có cả các phấn hoa. Phân tích những phấn hoa người ta thấy chúng thuộc 49 loại thực vật, trong số 16 loại thường gặp ở Bắc Âu, 13 loại thực vật hoang dã thường có ở miền Nam Palextin và lưu vực biển Chết, và 20 loại mọc ở Tây nam Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Các chuyên gia loại trừ khả năng các phấn hoa trên tấm vải là do gió thổi từ nơi khác tới.
Trên tấm vải còn có 24 vết cháy từ vụ hỏa hoạn năm 1532. Bằng các phương pháp phân tích hóa – lý, các chuyên gia cho biết thêm rằng, để tẩy sạch các vết cháy, tấm thảm đã được đun trong dầu và sau đó, rửa sạch bằng nước lã. Có rất nhiều phương pháp thử nghiệm hứa hẹn kết quả tốt như chụp từng sợi vải bằng phương pháp vi điện tử, dùng phương pháp tính hiện đại bằng với phóng xạ các-bon. Một thời gian dài, các nhà khảo cổ học không đồng ý với phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ. Ngày nay, phương pháp đó đã được chấp nhận nhưng còn có nhiều cản trở chưa thể tiến hành thử nghiệm được. Trong số các dữ kiện về tấm vải, các nhà phản biện rất nghi ngờ kết quả phân tích phấn hoa. Họ cho rằng không thể khẳng định các phấn hoa của thực vật ở vùng Cận Đông, vì số lượng những phấn hoa đó không nhiều nên rất có thể nó bám vào tấm thảm một cách ngẫu nhiên từ các đồ vật mang vào châu Âu.
Xác định dấu vết máu và thuốc màu trên tấm vải liệm là vấn đề nóng bỏng nhất và có nhiều điều tranh cãi. Năm 1973, Ủy ban Turin đã tiến hành phân tích và không tìm được một dấu vết nào của máu. Trong những năm 1978 – 1981 các nhà nghiên cứu đã sử dụng những phương pháp phân tích hiện đại hơn, tinh vi hơn và đã đi đến kết luận rằng, trong các vết trên tấm vải có huyết cầu tố và bilirobin và một số thành phần khác của máu người. Nhưng các nhà phản biện lại cho rằng, những số liệu trên không chính xác: albumin có trong keo dính mà họa sỹ làm đồ giả dùng để pha chế màu vẽ dấu vết Giêsu bị đóng đinh. Và thậm chí để vẽ các vết máu, họa sỹ có thể lấy cả máu người.
Về thuốc màu, trên tấm vải người ta phát hiện ra các vết sắc tố màu nâu và màu đỏ. Đó là axít sắt và xinoba (HgS). Nhưng sắc tố lại rất ít nên không một nhà phản biện nào lấy đó làm luận cứ để chứng minh. Theo ý kiến của các chuyên gia thì hình ảnh được tạo thành do chất xenlulô của các sợi vải bị ố, hậu quả của sự khử nước mà không rõ nguyên nhân từ đâu. Vậy thì các sắc tố trên tấm thảm từ đâu mà ra? Rất có thể trong những lần sao chụp (tấm thảm được sao chụp hơn 60 lần) các sắc tố đó đã rơi vào tấm vải liệm. Và như vậy mặc dù phát hiện được các hạt thuốc màu, nhưng cũng không kết luận được rằng hình ảnh trên tấm vải là hình vẽ.
NHỮNG CHI TIẾT MÂU THUẪN NHAU
Những người bảo vệ tính nguyên bản của tấm vải đã đưa ra một loạt các chi tiết nhỏ đặc trưng được phát hiện trong quá trình nghiên cứu từng phần các ảnh chụp. Theo ý kiến họ thì các chi tiết này đúng như Phúc âm đã dẫn.
Các giọt máu trên đầu cho thấy vòng gai có hình giống như mũ miện ở châu Âu – loại mũ biểu thị cho uy quyền ở miền Cận Đông. Các bức tranh vẽ Giêsu thời Trung cổ cũng cho thấy hình ảnh y hệt như vậy.
Dung mạo và kiểu tóc của người trên tấm vải đặc trưng cho những người Do Thái thời kỳ đầu Công nguyên: tóc xõa vai, râu, ria. Ngoài ra, theo ý kiến của một số chuyên gia thì sau gáy còn có bím tóc. Ba chi tiết đầu tiên có thể nhìn thấy trên tất cả các tượng thánh, còn bím tóc thì không thấy ở bất cứ một hình vẽ Chúa Giêsu nào thời Trung cổ. Những nhà phản biện cho rằng hình ảnh kiểu để tóc trên tấm vải không phải do dấu vết của tóc mà do con thoi dệt thay đổi hướng, nghĩa là do chính cấu tạo của vải.
Thân thể người nằm trên tấm vải khỏa thân hoàn toàn. Điều đó trái với quan niệm về thẩm mỹ thời Trung cổ. Thời đó, người ta mô tả Chúa Giêsu khoác một cái áo dài khi chịu nạn.
Các nhà nghiên cứu rất quan tâm đến một chi tiết khác nữa, đó là dấu vết các đồng xu in trên mắt được phát hiện khi vi chụp trong điều kiện ánh sáng phân cực và quét hình bằng máy tính điện tử. Theo các nhà khảo cổ học, vào đầu Công nguyên những người Do Thái thường đặt những đồng xu lên mắt người chết trước khi đem chôn. Những người La Mã và Hy Lạp cổ đại cũng thường làm như vậy, nhưng không phải đặt lên mắt mà đặt vào quan tài, bên cạnh thi thể. Vấn đề càng rắc rối thêm khi các chuyên gia cho hay rằng trên tấm vải in hình của các đồng xu đúc trước năm 30 sau Công nguyên. Trong số đó có loại rất hiếm – tiền Pilat có ghi dòng chữ CAICAROC. (Đúng ra là TIBRIOUKAICAROC). Trên vi chụp chỉ đọc được các chữ UCAI, tuy nhiên khổ chữ trùng với khổ chữ của tiền Pilat. Có điều trước khi công bố các bức ảnh này, những người sưu tập tiền cổ chưa biết loại tiền này làm sai, nhưng sau khi công bố thì người ta phát hiện ra 5 đồng xu như vậy trong các bộ sưu tập khác nhau.
Những người cho rằng tấm vải là hiện vật giả thì lại chứng minh rằng, vào đầu Công nguyên những người Do Thái không đặt đồng xu trên mắt người chết. Ngoài ra, theo nghi lễ đưa tang thời cổ, người ta dùng vải liệm để bọc thân thể và một tấm vải khác để quấn chân và tay người chết. Thật đáng ngờ, nếu như sau khi rửa thi thể người chết rồi mà máu vẫn còn đọng trên người, để lại dấu vết trên vải. Có quá nhiều chi tiết mâu thuẫn với nghi lễ đưa tang thời cổ! Còn những người bảo vệ tính nguyên bản của tấm vải thì cố gắng giải thích từng chi tiết mâu thuẫn đó. Tuy nhiên, kiểu hành hình như vậy không phải là phổ biến nên nghi lễ đưa tang chính thống có thể bị thay đổi.
NHỮNG CÂU HỎI CUỐI CÙNG CẦN ĐƯỢC GIẢI ĐÁP
Trong các câu hỏi xoay quanh sự bí ẩn của tấm vải, câu hỏi về kết quả các bức ảnh chụp là khó trả lời nhất. Giả sử đó là dấu vết thật của người chết bị đóng đinh đi chăng nữa thì tấm vải nếu không được kéo căng mà phủ tự nhiên lên người chết ắt hẳn sẽ có chỗ bị gấp, nhàu và như vậy nét mặt và phần trước thân thể in trên tấm thảm sẽ bị biến dạng. Ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này rất khác nhau. Một số cho rằng không có một biến dạng nào hết về tỉ lệ thân mình, còn số khác lại khẳng định rằng có.
Trở lại câu hỏi “Tại sao lại có những dấu vết đó?”, có giả thuyết cho rằng hương liệu đặt trong mồ cùng với xác người (theo Phúc âm) ngấm vào vải và làm cho nó trở nên rất nhạy với sự bay hơi của xác chết. Mồ hôi thoát ra từ cơ thể của người bị nhục hình mang theo amôniắc tác dụng lên vải làm cho nó bị thâm ở nhiều chỗ. Quá trình này được tiến hành thử nghiệm tương đối thành công nhưng các ảnh đó không thể so sánh được với hình ảnh trên tấm vải.
Trong thời cổ đại, con người thường dùng rễ cây bồ hòn để giặt vải. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng do tác động của các nguyên tố hóa lý, sợi xenlulô sau khi giặt với loại rễ cây này sẽ bắt nước rất nhậy. Vậy tấm vải có được giặt trước khi bọc xác Chúa Giêsu không?
Một trong những lập luận chính, có sức thuyết phục nhất chứng minh tấm vải là đồ giả là không có một tài liệu nào đáng tin cậy mang tính lịch sử về nguồn gốc của tấm vải trong suốt 13 thế kỷ kể từ khi Chúa Giêsu bị đóng đinh cho tới khi nó xuất hiện ở Pháp lần đầu vào năm 1353. Cuối thế kỷ XIV, ở châu Âu xuất hiện nhiều tấm vải bọc thi hài của Chúa Giêsu (một trong số tài liệu cho hay có tới 10 tấm, một số tài liệu khác nói có hơn 30 tấm) do những người lính tham gia cuộc Thập tự chinh đem về từ vùng Cận Đông. Nhưng trên những tấm vải bọc này không có một hình ảnh nào cả.
Sử liệu còn ghi rằng một số lính Thập tự khi công phá Cônxtantinôp năm 1203 đã nhìn thấy tấm vải liệm mang dấu vết Chúa Giêsu. Có thể đấy chính là tấm vải Turin chăng? Nhà sử học U.Uynxơn giả thiết rằng các hiệp sỹ được thưởng huân chương Templier đã bí mật cất giữ tấm thảm từ năm 1204 đến năm 1312 (khi Giáo hoàng Clement V ra lệnh hủy bỏ huân chương này) và do một nguyên nhân nào đó nên tấm vải đã lọt vào tay bá tước nói trên.
Các nhà bác học nghiên cứu tấm vải Turin cũng cho hay là hình ảnh trên tấm vải trùng lặp với hình ảnh của Giêsu trong các tượng thánh và đồng tiền cổ vào thế kỷ 6 – 7. Những sự trùng lặp đó gây một ấn tượng mạnh mẽ nhưng nó không giải quyết được vấn đề gì vì người ta có thể sao lại hình ảnh trên tấm vải để nặn tượng và ngược lại.
Nếu tạm quên đi giả thuyết của nhà thờ về dấu vết kỳ điệu trên tấm vải và hạn chế những giả định đã được chứng minh một cách khoa học thì chúng ta có hai giả định chính.
Giả định thứ nhất được phần lớn các nhà nghiên cứu làm việc trực tiếp với tấm vải ủng hộ cho rằng hình ảnh trên tấm vải là dấu vết tự nhiên của xác người chết bị đóng đinh trên cây thập ác (mà chỉ có một ít người trong số này khẳng định rằng dấu vết đó là của Chúa Giêsu).
Giả định thứ hai cho rằng hình ảnh trên tấm vải là tác phẩm nghệ thuật của bàn tay con người (có thể là vẽ an họa, hoặc là khắc lửa…). Nhưng cụ thể là kỹ thuật nào đã tạo nên bức ảnh đó thì chưa ai biết.
Nếu là họa sỹ vẽ ảnh trên tấm vải, thì đấy là một họa sỹ thực sự tài ba trong lịch sử nghệ thuật thế giới, có thể sánh với Leonard de Vinci.
Về câu chuyện tấm vải, còn có một giả thiết nữa cho rằng dấu vết trên tấm vải có thể không phải là của Chúa Giêsu mà là của một “Giêsu nhỏ”, có nghĩa là thủ lĩnh một giáo phái Cơ đốc nào đó do cuồng tín hoặc bị kích động bởi tinh thần tử vì đạo đã yêu cầu đóng đinh mình vào cây thập ác theo đúng như trong Phúc âm. Về lý mà nói thì điều đó có thể xảy ra.
Nhưng vấn đề tạo thành dấu vết chưa được giải thích rõ ràng. Có thể lý giải rằng những con chiên khi đóng đinh thủ lĩnh của mình đã quan tâm tới việc giữ lại dấu tích của người chết như một thánh tích. Họ đã bôi lên tấm vải một chất liệu nào đó làm khô nước của xenlulô trong vải rồi mới đem bọc xác chết và xác chết sẽ in hình lên trên tấm vải. Để hình ảnh đuợc rõ nét, ở một vài chỗ họ có thể quét thêm thuốc màu.
Nếu vậy thì tấm vải có khả năng được làm ở vùng Cận Đông, còn tiền Pilat lúc đó không phải là hiếm; về sau này thì loại vải đó cũng như tiền Pilat rất khó tìm thấy ở châu Âu. Tuy nhiên giả thuyết “Giêsu nhỏ” cũng chỉ là một trong số nhiều giả thuyết khác về tấm vải liệm Turin. Mỗi giả thuyết đều có người ủng hộ, nhưng chưa có giả thuyết nào được tất cả mọi người công nhận là đúng.
Để kết luận bài này, chúng ta có thể thấy rằng, nếu như những cuộc thử nghiệm sau này xác định được tuổi của vải là vào thời kỳ đầu của Công nguyên, nếu giả thuyết cho rằng dấu vết trên tấm vải là tự nhiên mà đúng, thì tấm vải cũng chỉ là bằng chứng về kiểu tử hình người có tội bằng cách đóng đinh dưới thời đế chế La Mã mà những chi tiết về kiểu tử hình và đưa tang đúng như trong Phúc âm đã nói. Còn dấu vết đó có phải là dấu vết của Giêsu Critx hay không thì đấy không phải là vấn đề thuộc về khoa học mà là vấn đề tôn giáo, vượt ra ngoài khuôn khổ việc lý giải bằng các phương tiện khoa học những bí ẩn của tấm vải liệm Turin.
BĐ st
Thành Turin
***
Bây giờ ngồi nghĩ lại ông Bảy thấy cái thời xa xưa cỡ hai mươi lăm ba chục năm về trước coi vậy mà sướng quá trời. Lúc đó ông Bảy còn trẻ măng, mới có thêm đứa con gái biết đi lẩm đẩm, đang công tác tại một cơ quan hành chánh sự nghiệp, làm nhân viên đời sống. Hồi đó người ta thường nói, làm công nhân viên phụ trách đời sống thì không bao giờ sợ đói. Đúng như vậy, mỗi khi hết tiền chúng tôi có thể mua hàng chịu để cuối tháng trừ lương. Mỗi buổi sáng, ông Bảy, lúc bấy giờ ai cũng gọi là anh Bảy, lên chiếc xe đạp lọc cọc chạy hết cửa hàng này đến cửa hàng nọ lùng sục tìm kiếm những hàng hóa, sản phẩm cần thiết cho đời sống, anh mua về cho cơ quan. Bộ phận đời sống của anh Bảy còn có thêm mấy thanh niên khác lớn con, khỏe mạnh hơn nhưng tuổi tác có người còn kém anh Bảy một hai tuổi. Anh chàng phụ trách bộ phận đời sống này là anh Nhẫn, bằng tuổi với anh Bảy. Anh này hiền khô, ai nói gì cũng dạ thưa rất lễ phép, rồi cười một cách hết sức thành thật. Anh chuyên đi công tác xa, tận Cà Mau, để mua những mặt hàng quan trọng, hồi đó gọi là mặt hàng chiến lược, đó là heo và gạo. Mỗi tháng anh đi hai chuyến, một chuyến heo và một chuyến gạo. Mỗi chuyến gồm một xe tải. Công việc của anh rất nặng nhọc. Mỗi chuyến đi kéo dài khoảng bảy đến mười ngày. Ngày về của anh luôn luôn mang lại hạnh phúc đến với mọi người và ai cũng cho anh là người mang nồi cơm và nồi thịt đến những gia đình trong cơ quan và các cơ quan bạn. Lâu lâu, rủi ro anh Nhẫn bị ấm đầu sổ mũi, tức khắc có hai anh khác nhảy vào thay thế. Đó là anh Tuấn và anh Thanh. Anh nào cũng “đô” con và cao ráo. Còn anh Bảy thì nhỏ con ốm yếu, không ai nỡ cắt anh đi công tác xa xôi, vất vả. Anh Tuấn bị cận thị nên lúc nào cũng mang cặp kính dày cộm trông rất là trí thức. Anh giỏi tài ngoại giao. Chỉ cần một giấy giới thiệu của cơ quan, anh có thể đến xí nghiệp nước mắm mua năm trăm hoặc một ngàn lít đem về phân phối lại cho tất cả cán bộ nhân viên. Nhờ vậy mà anh em trong bộ phận đời sống mới biết được nước mắm có 20 hay 30 độ đạm. Có lần chúng tôi không thấy anh vào làm việc, nhưng đến khoảng mười giờ tự nhiên thấy anh phóng xe đạp từ ngoài cổng vào, leo lên bực thềm bộ phận đời sống, chạy thẳng vào nhà kho rồi thắng nghe “rét, rét”. Chúng tôi chờ tin vui. Anh từ trong nhà kho bước ra, móc túi lấy một tờ giấy đưa anh Nhẫn: “Rồi, chuẩn bị nhận 500 vỏ xe đạp”. Vậy là anh có một thành tích mới. Một lần anh Bảy cùng anh đi mua hàng, với nhiệm vụ tự đặt là phụ tá cho anh ấy mặc dù anh Bảy lớn hơn anh ta hai tuổi. Khi đến các cơ quan bán hàng, hay các cửa hàng phân phối sản phẩm, anh móc trong túi ra những vé xem chiếu phim, do bộ phận câu lạc bộ của cơ quan chiếu phục vụ vào những tối Thứ Bảy. Các anh bên cung tiêu hay các cô mậu dịch viên xinh xắn vui mừng ríu rít, có cô còn nũng nịu dặn thêm: “Anh Tuấn, lần sau cho em vé nữa nha”. Tuấn trả lời liền: “Chuyện nhỏ!” rồi quay ra về trước cái nhìn trìu mến của các cô mậu dịch viên xinh đẹp.
Từ đó về sau trước khi đến các cơ quan hay cửa hàng mậu dịch anh Bảy cũng xin một số vé xem phim để tặng các cô bán hàng. Quả thực, công tác của anh Bảy luôn luôn được hoàn thành một cách vẻ vang.
Một lần, Tuấn bị tổ trác vì cái món rượu thuốc cao hổ cốt. Một buổi chiều, ông tài xế xe lam thường chở hàng cho bộ phận đời sống đem đến một xị rượu thuốc cao hổ cốt và cho biết đây là loại rượu dành cho đàn ông. Anh chàng tài xế xe lam còn nói: “Đây là thứ rượu ông uống bà khen, bảo đảm nguyên chất, thứ thiệt”. Rồi mời mỗi người nhâm nhi và cam kết ngày hôm sau cho biết kết quả. Tuấn là người chưa hề biết nhậu nhẹt. Uống nửa chai bia, mặt đỏ gay, tối về nhà bị lên cơn suyễn. Biết vậy hầu như không có ai rủ anh này đi nhậu bao giờ. Nhưng hôm nay có món rượu thuốc này, anh cảm thấy muốn uống hơn bao giờ hết. Ai cũng biết anh ta có bệnh Tề Tuyên, tức là rất ham mê nữ sắc. Thấy anh ngồi vào bàn, mọi người khích cho anh ta uống. Ông tài xế rót đầy một ly, thứ ly thường dùng để uống cà phê. Tuấn nhấp môi thử, rồi quay hỏi ông tài xế: “Phải không cha, có thiệt bổ không đó, chắc là bổ ngửa rồi”. Tài xế ba xạo thêm: “Thiệt mà, hồi xưa Lao Ái uống độc nhất cái thứ này”. Không biết anh chàng Tuấn này có biết Lao Ái là ai không nhưng cũng đưa ly lên làm một hớp được gần nửa ly. Bà con nhao nháo lên: “Nữa đi, nữa đi, uống hết mới có hiệu quả”. Tuấn cầm ly lên, rồi để xuống, rồi lại cầm ly lên như người ta uống thuốc bắc. Sau cùng, anh hét lên một tiếng, cầm ly đưa vào miệng, uống cạn rồi đặt mạnh ly xuống bàn đánh cộp một cái suýt bể ly, rồi đứng phắt dây, mặt đỏ bừng: “Hết giờ rồi. Tao về trước”. Sáng hôm sau, mọi người vào sớm ngồi thành hai hàng chừa lối đi ở giữa. Từ ngoài Tuấn đẩy xe giữa giàn chào đi vào. Không ai nói năng gì hết. Nhưng chính anh là người phá tan bầu không khí im lặng: “Rượu thuốc gì dở ẹc”. Mọi người phá ra cười lăn, biết rằng tối qua anh không làm ra cơm ra cháo gì cả, có lẽ anh ta bị bà xã chê. Tuấn cất xe xong quay ra nói: “Thằng bạn tao, bác sĩ, nó nói uống cái này tụi bây sẽ bị liệt luôn”.
Anh chàng Tuấn này rất dễ tin. Thực ra, mấy thứ rượu thuốc gia truyền, như là rượu tắc kè, rượu ngâm rắn, ngâm bìm bịp, cá ngựa, hoặc ngâm thứ gì đi nữa kể cả rễ cây, hoa lá… đều không có tác dụng gì hết. Nhưng nguy hiểm thì có thật, đó là trường hợp người ta ngâm rượu bằng lá ngón uống vô chết thẳng cẳng. Báo chí một thời đăng liên tục.
Thường xuyên cùng đi mua hàng với anh Tuấn là anh Thanh. Anh này cũng xấp xỉ tuổi anh Bảy nhưng tướng tá coi bệ vệ hơn nhiều. Khi nào anh đi mua hàng một mình anh cũng sử dụng chiêu thức “hối lộ” bằng vé xem phim và cũng đạt hiệu quả trong công tác. Có lần không biết nhờ tài ăn nói của anh như thế nào mà có bốn năm cô mậu dịch viên theo anh về đến cơ quan để xin vé xem phim rồi lại quả tặng anh một ký chôm chôm. Anh Thanh rất kênh kiệu về món chiến lợi phẩm này, anh nói: “Nhờ tao mà tụi bây mới có chôm chôm ăn đó nghe!”. Anh có biệt tài ca vọng cổ. Giọng anh ấm ấm và khi hát bài “Gánh nước đêm trăng” thì không thua gì nghệ sĩ Út Trà Ôn. Nếu ông nghệ sĩ già này mười phần thì anh Thanh cũng được bẩy phần… rưỡi. Một điểm đặc biệt nữa là nét mặt anh hao hao giống một nghệ sĩ cải lương thường đóng vai Dũng trong tuồng Đoạn Tuyệt dựa theo một tiểu thuyết cùng tên của Nhất Linh, cho nên mọi người cũng thường gọi anh bằng cái tên nghệ sĩ đó.
Trong bộ phận đời sống, còn một “chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt” lúc bấy giờ khoảng hăm lăm, hăm bảy gì đó. Anh có tên là Quang, làm công tác thủ quỹ. Anh phụ trách thêm công tác bán hàng và khi có thời gian anh cũng tham gia đi tạo nguồn hàng, khi thì đi với hai anh Thanh và Tuấn, khi thì đi một mình và chắc là anh cũng sử dụng chiêu thức tặng vé xem chiếu phim và xem chương trình văn nghệ tạp kỷ. Sau này anh chàng Nha sĩ phụ trách câu lạc bộ của cơ quan đã xây dựng được chương trình văn nghệ với sự cộng tác của nhiều nhạc sĩ và ca sĩ của thành phố, thường xuyên biểu diễn vào mỗi đầu tháng. Nhờ đó mọi người trong bộ phận đời sống có thêm vé xem văn nghệ để đi giao tế.
Anh chàng Quang rất thích đọc sách và anh có trí nhớ siêu phàm. Bất cứ cuốn sách nào anh đã đọc qua từ khi còn đi học anh vẫn nhớ vanh vách từng chi tiết và kể cho mọi người nghe một cách say sưa. Anh có đưa cho anh Bảy mượn những cuốn tiểu thuyết ngày xưa để đọc vì anh Bảy chưa có dịp đọc qua. Thực ra, anh Bảy muốn đọc lại mấy cuốn sách cũ đó là vì anh vừa mới quen một cô bạn, cô này cũng đọc sách rất nhiều. Mỗi khi đứng nói chuyện ở ngoài nhà để xe, cô thường nói đến nhiều cuốn tiểu thuyết xưa cũ. Có cuốn anh Bảy đã đọc qua, có cuốn anh chưa từng biết đến. Thế là sau đó anh phải chạy đến chàng tuổi trẻ mượn về đọc để chữa lửa, và cũng để che đậy cái chuyện đọc sách ít ỏi của mình. Cô bạn của anh Bảy lại có một cô bạn thân ngày xưa cùng học ở một trường nữ trung học ở Saigon. Cô bạn thân này lúc bấy giờ là một nhà văn trẻ đã từng xuất bản mấy cuốn tiểu thuyết được giới sinh viên học sinh hưởng ứng nhiệt liệt. Có lần ngồi uống cà phê trong căn tin của cơ quan với hai cô bạn này, anh Bảy thấy họ có kiến thức rất rộng. Cả hai đều đã tốt nghiệp đại học và đã có quá trình đi giảng dạy tại vài trường trung học. Lúc bấy giờ anh Bảy có để bộ ria được nhiều người cho là đẹp, và trong buổi nói chuyện lần đó, cô bạn nhà văn đó đã đặt cho anh Bảy cái tên Omar Sharif. Một hôm cô bạn của anh Bảy muốn tìm lại cuốn truyện “Con chim trốn tuyết” của tác giả Paul Gallico. Anh Bảy chạy ngay đến anh Quang hỏi mượn và xin anh này đồng ý để anh Bảy cho cô bạn mượn về nhà đọc, đồng thời đảm bảo không làm hư sách. Anh Quang biết tỏng tòng tong là anh Bảy đang muốn lấy điểm với cô bạn này nên hào hiệp trả lời ngay: “Được, dễ dàng thôi”. Quả đúng như anh dự đoán cô bạn đã rất tâm phục khẩu phục trước sự nhanh nhẹn của anh Bảy khi anh tìm được cuốn sách mà cô đang thích. Tuy công việc của một thủ quỹ có vẻ khô khan nhưng anh Quang là con người rất nghệ sĩ. Thường thường sau khi cộng trừ nhân chia và ra được kết quả đúng, anh đặt bút xuống bàn vói tay lấy cây đàn ghi-ta luôn luôn dựng bên cạnh tủ hồ sơ, nghêu ngao hát:
“Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về, bong bóng vỡ đầy tay…”
(Thơ Nguyên Sa, Nhạc: Ngô Thụy Miên)
Công tác của ban Đời sống thường gắn bó với bộ phận Câu lạc bộ, đây là bộ phận chủ lực của cơ quan, thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, diễn giả thường là những nhà nghiên cứu thuộc mọi ngành khoa học, các giảng viên đại học, nhà văn, nhà thơ, nhà làm âm nhạc thường được gọi là… nhạc sĩ. Lúc bấy giờ nhu cầu nâng cao kiến thức, phát triển trí tuệ rất lớn nên hầu hết các buổi nói chuyện chuyên đề đều có rất đông khách đến dự, chật kín cả hội trường có khi tràn ra ngoài sân. Ban tổ chức phải kéo loa ra ngoài để khách nghe cho rõ. Khách ở đây hầu hết là cán bộ công nhân viên trong thành phố, sinh viên trong lúc rảnh rang không phải lên giảng đường. Nhiều nhạc sĩ của thời xa xưa ở tận miền Bắc cũng có vào nói chuyện như các tác giả của những bài hát: “Em đến thăm anh một chiều mưa”, “Dư âm”, “Thiên Thai”,vv… Những bài hát này ngày xưa ở trong miền Nam người ta hát tràn lan nhưng hoàn toàn không biết mặt mũi tác giả là ai, nay thấy họ vào bà con xúm xít, hàng hàng lớp lớp tới xem đông nghẹt.
Câu lạc bộ còn tổ chức các buổi chiếu phim, các buổi biểu diễn văn nghệ để phục vụ vào các buổi tối cuối tuần hay giữa tuần. Những phim “hot” hồi đó như: “Hiệp sĩ không đầu”, “Đến hẹn lại… lên”, “Chuyện thường ngày ở huyện”, “Thanh tra Ca-ta-nhúc, Ca-ta-nhích” gì đó. Bà con xem đông đen. Những phim này gây ấn tượng đến nỗi ngày nay báo chí thường lấy tên các phim đó sử dụng đặt tựa cho các bài viết như là “đinh tặc, đến hẹn lại lên”.
Chương trình văn nghệ cũng không kém phần hấp dẫn vì chính những nhạc sĩ hát những bài do chính mình sáng tác, cho nên bà con rất ưa thích, như vậy nhạc sĩ mới diễn tả được hết ý tưởng của đứa con tinh thần. Có ông nhạc sĩ từng nổi tiếng như cồn với bài hát “Diễm xưa”. Giọng hát ông rè rè như tiếng quạt lò rèn, nhưng khán giả cũng vỗ tay rôm rốp. Bài hát này gây ấn tượng sâu đậm trong giới trẻ, sau này họ lấy tên bài hát để nói tới những chuyện cũ, những chuyện “xưa rồi diễm”.
***
Trời trưa nắng nhưng nhờ cây vú sữa có tàn lá rộng, che mát một khoảng sân. Nay đang vào mùa, nên trái treo lủng lẳng, chen lẫn trong cành lá. Cây vú sữa này rất sai trái. Thủ trưởng cơ quan thường bảo hái đi rồi chia đều cho cán bộ nhân viên mang về cho con cái ăn. Mới hôm trước có ông tài xế lén lấy cây sào dài hái xuống được gần chục trái đem cho mấy chàng trong ban đời sống. Mấy cô nàng bên căn-tin nhảy qua xin ào ào. Anh chàng tài xế này lém lỉnh, la lên: “Không được, mấy cô ‘ăn gì bổ nấy’ đó nghe!” Mấy người đẹp “xí” một cái rồi bỏ đi một nước.
Bây giờ, công nhân viên từ các cơ quan bạn đang đứng trước ban đời sống chờ vào mua thịt heo. Hôm nay ban đời sống phân phối cho cán bộ nhân viên cơ quan và những cơ quan bạn trong cùng địa bàn quận để chuẩn bị về ăn Tết. Hôm nay là ngày đưa ông Táo rồi. Nắng có màu nước trà và không quá oi bức như vào những ngày hè. Tối qua anh Nhẫn đã đưa về một xe heo mười mấy con, nhốt ở phía sau. Cả buổi sáng “đồ tể” làm công tác “ra thịt” để phân phối. Thịt heo được phân ra mỗi phần một ký lô cho tất cả các loại thịt ngoại trừ đầu heo và bộ đồ lòng. Ai muốn mua thì được rinh nguyên bộ hoặc nguyên cái đầu.
Vì gần đến ngày Tết nên bà con mua được nhiều, nhưng ban đời sống phải vất vả đến hai ngày mới phân phối hết.
Nhưng rồi thời gian dần dần trôi qua, cơ quan được biến đổi thành một cơ quan chuyên môn trong lãnh vực nghiên cứu, và ban đời sống cũng đã thay hình đổi dạng theo một chiều hướng tích cực. Những thành viên của nó cũng được chuyển sang những bộ phận khác để sử dụng khả năng chuyên môn của mỗi người. Hình ảnh ban đời sống với những thành viên năng nổ, làm việc bằng mọi cảm hứng của từng cá nhân để hoàn thành công tác, bây giờ chỉ còn là kỷ niệm của quá khứ.
Nơi ấy, ngày xưa… vẫn nhớ nhiều…
Dương Lêh
Trạng nguyên
MẠC ĐỈNH CHI
Danh sỹ đời Trần Nhân Tông, tự Tiết Phụ, người làng Lan Khê, huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương ngày nay, sau dời sang làng Lụy Động, huyện Chí Linh cùng tỉnh. Năm Giáp Thân 1304, ông đậu Trạng Nguyên lúc 24 tuổi. Mạc Đỉnh Chi là học sinh có bài làm xuất sắc nhất đứng đầu bảng rồng, trên 40 thí sinh trúng tuyển.
Nhưng khi Mạc Đỉnh Chi vào yết kiến, vua Trần Anh Tông nhìn thấy ông tướng mạo khác thường, thân lùn, da đen, miệng rộng, răng hô, mũi tẹt, trán dồ… tướng người quá xấu, nên không muốn lấy ông đỗ Trạng Nguyên. Mạc Đỉnh Chi bình tĩnh liền lấy bút làm bài phú tự ví mình như hoa sen trong giếng ngọc (Ngọc tỉnh liên phú) dâng lên vua. Bài phú nguyên văn chữ Hán dịch Nôm có câu sau:
“…Há bởi lạc loài mà không ai dung, thân phận thuyền quyên sao nhiều lầm lỗi
Nếu gốc ta vững chãi mà không cong queo nào ngại gì mưa chan, gió thổi. Chỉ sợ khi nhạt phấn phai hương, người đẹp phải chịu qua thời xuân sắc…”.
Vua Trần Anh Tông xem cảm phục là hay và quyết định vẫn cho ông đỗ Trạng.
Ông làm quan 3 đời vua: Trần Anh Tông, Trần Minh Tôn và Trần Hiếu Tôn. Làm đến chức Đại Liên Ban Tả-bộc-sạ. Tính ông liêm khiết được sỹ phu trọng vọng, ông từng đi sứ Trung Quốc 2 lần. Có lần tại Yên Kinh, ông đã dùng văn chương áp đảo triều thần Mông Cổ và đã được cùng với vua Nguyên xướng họa văn thơ rất tương đắc nên được khen tặng là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”.
Tương truyền, vào dịp đi sứ này có một Công chúa từ trần, quan Tàu muốn thử tài ông, viết 4 chữ “nhất” vào giấy nhờ ông đọc làm văn tế, ông liền ứng khẩu đọc ngay:
Thanh thiên, nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chí hoa
Dao trì nhất phiến nguyệt
Y! vân tán, tuyết tiêu
Hoa tàn, nguyệt khuyết!
(Nghĩa là: Một đám mây trên trời xanh, một giọt tuyết trên lò trời, một cành hoa ở vườn thương uyển, một vầng trăng ở dưới ao tiên. Than ôi! Mây tản, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết!). Các quan trong triều lấy làm khâm phục.
Giai Thoại Chim Sẻ Đậu Trên Cành Trúc
Một lần khác đi sứ sang Trung Quốc vào nơi các quan trong triều làm việc. Trên tường có treo bức họa chim sẻ đậu trên cành trúc. Ông liền lấy tay bắt lấy chim; các quan trong triều cười rộ lên, biết ông nhầm rồi, đó là bức họa thôi. Ông liền trả lời: tiểu nhân (chim sẻ) đậu trên đầu quân tử (cành trúc) là không phải đạo của phương Đông. Các quan đều khâm phục Mạc Đỉnh Chi có tài đối đáp rất hay, rất chuẩn không chỗ nào chê được.
Tong đời làm quan, Mạc Đỉnh Chi rất thanh liêm. Có lần vua Trần Minh Tông thương hại cảnh nghèo đã thử cho người ban đêm đem đến cửa nhà ông bỏ 10 lạng bạc. Sáng mai ông vào chầu, ông cầm số bạc đó tâu vua là nhặt được xin nhập vào quốc khố.
Mạc Đỉnh Chi tổ 7 đời của Mạc Đăng Dung, năm Canh Dần 1350 ông mất thọ 70 tuổi. Ông được truy phong Huệ Việt Linh Khánh Đại Vương và phu nhân làm Lưỡng quốc Từ chính Công chúa. Có lập điện Song Đức để thờ ông tại phần mộ ở làng Lụy Động.
(Theo Việt Nam Danh Nhân từ điển)
BĐ (st)
Nhân Lễ Nhậm chức của Tổng thống Mỹ
GIỚI THIỆU TÀI SẢN MỀM
CỦA HOA KỲ (tt)
Ngoài 5 Tài sản mềm của Hoa Kỳ viết trong bài “Nhân bầu cử Tổng thống Mỹ, bàn về Tài sản mềm của nước Mỹ” đăng trong Bản Tin số 78, Tháng 11 năm 2012; người viết xin giới thiệu một Tài sản mềm nữa của Hoa Kỳ: Nhân tài và Từ thiện.
19 tuổi “hạ bệ” Microsoft?
Đằng sau “cơn ác mộng kinh hoàng nhất của Bill Gates” là chàng trai 19 tuổi, Blake Ross, người thuộc tiểu bang Miami, với sự ra đời của Firefox...
Thần đồng Blake Ross sẽ thắng "thần đồng" B.Gates?
Các nhà phân tích cho rằng Firefox do Ross tạo ra có tốc độ nhanh hơn, đa năng hơn và bảo vệ người dùng tốt hơn trước; anti-virus và anti-spyware tốt hơn so với Internet Explorer. Không chỉ có vậy, hệ thống này còn cho phép người dùng download miễn phí từ Internet và connect thật dễ dàng. Kể từ khi ra mắt vào tháng 11 năm ngoái, Firefox đã được download khoảng 19 triệu lần, khiến nó trở thành software phổ thông số 2 trên thế giới. Tạp chí công nghệ Business 2.0 cho biết các chuyên gia trong ngành công nghiệp công nghệ thông tin gán cho phần mềm mới danh hiệu “Ác mộng kinh hoàng nhất của Microsoft”. Bài báo ca ngợi Ross là một thần đồng phần mềm. Ross còn là một tay piano tài năng và “một cây bút sáng tạo đến kinh ngạc”, theo lời mẹ cậu: “Bất cứ cái gì nó làm, nó đều làm tốt” - bà cho biết.
Ở tuổi lên 7, Ross đã ghiền trò chơi điện tử mô phỏng SimCity nổi tiếng. Cậu say sưa thiết kế và lên kế hoạch ngân sách cho thành phố ảo của mình nhiều giờ mỗi ngày. Lên 10 tuổi, cậu đã tự xây dựng website riêng, sau đó tự viết các ứng dụng máy tính và các trò chơi trực tuyến (online gaming). Chẳng bao lâu sau, Ross liên tục gửi email cho các nhà sản xuất để thông báo về lỗi phần mềm của họ. Ở tuổi 14, Ross được mời tới thực tập tại Công ty Netscape ở thung lũng Silicon. Mẹ cậu đã phải làm tài xế riêng cho con trai mình ở California trong 3 mùa hè liên tiếp. Tại Netscape, Ross được giới thiệu với Mozilla Foundation - Tổ chức phi lợi nhuận vận động cho “sự lựa chọn và đổi mới trên web”. Lúc bấy giờ Mozilla đang nỗ lực phát triển một trình duyệt mã mở thay thế Internet Explorer của Microsoft, vốn bị nhiều nhà phân tích coi là ngày càng trở nên lủng củng và lạc hậu.
Tại đây, Ross cùng người bạn David Hyatt bắt tay vào xây dựng một trình duyệt nhỏ hướng tới người dùng, với công việc chủ yếu là đơn giản hóa trình duyệt Netscape và bộ phần mềm Mozilla, nền tảng của chương trình, vì họ cho rằng nó sẽ hoạt động hiệu quả hơn nếu chỉ còn các tính năng duyệt web cơ bản. Dự án “bên lề” mang tính thử nghiệm đó đã trở thành Firefox đầy sức mạnh bây giờ. Ross và Hyatt mạnh dạn loại bỏ tất cả mã cũ và viết lại toàn bộ hệ thống để nó có thể hỗ trợ tất cả các website trên Internet. Vì đây là chương trình mã mở, hàng nghìn tình nguyện viên đã khảo sát mã lập trình và gợi ý các phương pháp cải thiện hiệu suất và sửa lỗi. “Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp về những đêm dài tại Netscape ngồi đọc tất cả những hồi đáp về chương trình của chúng tôi” - Ross hồi tưởng. Ross nhanh chóng chứng tỏ mình là một thành viên xuất sắc của đội ngũ đông đảo tại Mozilla, những người đã trăn trở với dự án trong suốt 5 nãm. “Đây là một nỗ lực to lớn và tự nguyện" - Ross nhận xét.
Trên thực tế, cả Hyatt và Ross đều ra đi trước khi chương trình hoàn tất, nhưng Mozilla vẫn ghi nhận họ với thành tích mang lại sự đột phá cho dự án. Sau khi rời thung lũng Silicon để nhập học tại Đại học Stanford, Ross vẫn tiếp tục “có những đóng góp to lớn”, Mozilla cho biết. Mặc dù để hạ bệ được Internet Explorer, Firefox còn một chặng đường dài phải vượt qua những khoảng cách đang dần được thu hẹp. Theo WebSideStory, một trang tin chuyên theo dõi việc sử dụng các trình duyệt, tính đến đầu tháng 1/2005, Firefox đã giành được 4,6% thị truờng web browser toàn cầu và dự báo tỷ lệ này có thể tăng tới 10% vào giữa năm nay. Trong khi đó, thị phần của Internet Explorer giảm từ 95,5% tháng 6/2004 xuống còn 90,6% đầu năm nay. Dù khá bận rộn, Ross và các cộng sự vẫn đang tiếp tục phát triển phiên bản 2.0 để nâng cấp Firefox vì cậu hiểu khi sự phổ biến của Firefox ngày một tăng, tin tặc cũng sẽ bắt đầu để ý đến nó và những nguy cơ bảo mật sẽ lớn dần.
40 Tỷ phú Mỹ công khai hứa hiến tặng một nửa gia sản.
Theo công bố đăng trên trang http://www.givingpledge.org/ của tổ chức Giving Pledge hôm 4/8, hai tỷ phú Bill Gates và Warren Buffett đã kêu gọi được 40 tỷ phú khắp nước Mỹ cống hiến phần lớn tài sản của mình, khoảng 50% số tài sản hoặc hơn, cho mục đích từ thiện. Tổ chức Giving Pledge được thành lập cách đây 6 tháng và là đứa con tinh thần của cựu giám đốc Microsoft Bill Gates và cố vấn đầu tư Warren Buffett.
Cho đến ngày 4/8, cuộc vận động này đã nhận được sự ủng hộ của người sáng lập Tập đoàn Truyền thông CNN Ted Turner, thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg, nhà đồng sáng lập hãng Oracle Larry Ellison, giám đốc Hollywood George Lucas... Cố vấn đầu tư Warren Buffett nói rằng họ chỉ đơn giản bắt đầu việc kêu gọi từ hơn 40 tỷ phú Mỹ theo bảng danh sách bình chọn của tạp chí Fortune, những đại gia đang nắm giữ khoảng 1.200 tỷ USD. Giám đốc điều hành Công ty Đầu tư Berkshire Hathaway cho hãng tin AFP biết rằng họ đã có sự khởi đầu tuyệt vời khi 40 người đồng ý tham gia. Ý tưởng tặng một nửa tài sản cho từ thiện chỉ mang tính đạo đức, không mang tính ràng buộc về pháp lý. Hiện tại, nhóm này vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể sử dụng số tiền nhận được. Tuy nhiên, các thành viên đã đưa ra một số ý kiến tài trợ về y tế, giáo dục và nghệ thuật.
Ngày 4 tháng Tám, một tin vui đã đến với công chúng: 40 nhà tỷ phú Hoa Kỳ hứa sẽ hiến tặng một nửa gia tài của họ cho từ thiện. Người ta cũng phải kể đến công lao và lòng hào hiệp của hai nhà tỷ phú Warren Buffett và Bill Gates giúp đưa ra tấm gương sáng trong việc vận động để có tài lực thực hiện những điều tốt lành cho nhân loại. Người Mỹ có tiếng là một dân tộc đầy sáng tạo. Họ sáng tạo không những trong nghệ thuật, kỹ thuật, khoa học và nhiều lãnh vực khác mà ngay cả đến công việc từ thiện cũng cho thấy họ là những người có nhiều sáng kiến. Đầu tiên, trước khi vận động những người được xếp vào cùng "làng" tỷ phú, bản thân của chủ tịch kiêm tổng giám đốc chấp hành công ty đầu tư Berkshire Hathaway Inc, ông Warren Buffett, đã đưa ra môt tấm gương sáng.
Năm 2006, ông quyết định tặng 99% gia tài của ông cho từ thiện. Lúc đó tài sản của ông trị giá 44 tỷ đô la. Sau 5 năm lợi nhuận thu về từ những khoản đầu tư trong lúc ông vẫn tặng tiền cho 5 quỹ từ thiện, tài sản của ông lên tới 46 tỷ. Về phần hai ông bà Bill và Melinda Gates thì hầu hết số tiền tặng giữ của họ được bỏ vào quỹ từ thiện mang tên hai ông bà và một số quỹ khác. Tài sản của quỹ này, tính đến cuối tháng Sáu, là 33 tỷ và tính từ năm 1994 đã cho đi những số tiền lên tới 22 tỷ 930 triệu đô la.
Theo nhà tỷ phú Warren Buffett cho biết thì sau sáu tuần lễ mở cuộc vận động có tên là The Giving Pledge, ông, hai ông bà Gates, cùng với những người khác đã gọi chừng 70 - 80 cú điện thoại đến cho những cá nhân giàu nhất nước Mỹ, và đã có 38 tỷ phú hứa hiến tặng một nửa gia sản. Những người này hiện cư ngụ ở 13 bang nước Mỹ, phần lớn là California và New York. Ông Buffett cho biết, trong số những người chưa cam kết, một số muốn dấu danh tính, một số thì không muốn lên tiếng, và một số lại không hào hứng gì đối với chiến dịch này. Theo chương trình dự tính thì nhiều người đã có tên trên danh sách hứa hiến tặng sẽ được yêu cầu gọi điện thoại vận động những tỷ phú khác. Đã vậy, ông Warren Buffett cho biết sẽ có nhiều bữa ăn tối được tổ chức trên khắp nước trong những tháng sắp tới để nói chuyện về cuộc vận động lòng hảo tâm của các tỷ phú. Tỷ phú Buffett rất hài lòng với kết quả sơ khởi. Ông cho biết ông và ông Bill Gates sẽ gặp những nhóm người thật giàu ở Trung Quốc và Ấn Độ trong vòng 6 tháng tới để nói chuyện từ thiện. Hai ông hy vọng là ý tưởng về lòng hào hiệp sẽ lan tỏa đi khắp nơi. Tuy nhiên ông cho biết là ông và ông Bill Gates không có ý định dẫn đầu chiến dịch vận động toàn cầu huy động lòng hảo tâm. Hai ông Buffett và Bill Gates ước tính nỗ lực của họ có thể sẽ vận động được các tỷ phú có tên trên danh sách những người giàu nhất của tạp chí Forbes cam kết tặng đến 600 tỉ đô la. Chỉ trong sáu tuần lễ mà hai nhà tỷ phú này đã vận động được 38 tỷ phú khác công khai tuyên bố sẽ cống hiến một nửa tài sản là chuyện thành công quá mức, bởi vì thế giới mạnh thường quân thường chuyển động khá chậm chạp.
Theo bà Stacey Palmer, chủ biên của tờ The Chronicle, những người có tên trên danh sách hứa tặng này đều là những mạnh thường quân đã được biết tiếng từ lâu nay. Nếu có thêm những người mới sẽ càng hào hứng thêm. Bà Palmer cũng cho rằng ngoài chuyện vận động các tỷ phú, nếu vận động các triệu phú và đến cả người làm ăn bình thường còn có thể mời gọi thêm được rất nhiều người đóng góp. Hai ông Buffett và Bill Gates không vận động các tỷ phú tặng riêng cho một quỹ nào, và còn nhắc nhở họ không những hiến tặng mà còn phải cho một cách sáng suốt và nên học hỏi từ các mạnh thường quân khác về cung cách tặng giữ sao cho đồng tiền được chi tiêu thật đúng chỗ. Lại có những cặp thật giàu có nhưng muốn dấu danh tính, và đã được nhà tỷ phú Buffett giải thích rằng điều quan trọng là nên nêu ra một tấm gương về những gì mà họ làm cho người khác.
Theo ông Steyer, đứng đầu một trong những công ty đầu tư lớn nhất điều hành các quỹ đối trọng, thì chiến dịch The Giving Pledge có thể giúp cải thiện hình ảnh của những nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Thông thường những nhà kinh doanh không chiếm được lòng tin của công chúng và họ bị coi là con buôn chỉ cần biết tới lợi nhuận. Theo ông Steyer thì sự tham gia của các tỷ phú vào cam kết hiến tặng tài sản cho công ích cho thấy là những doanh nhân giàu có này không phải chỉ biết có quyền lợi riêng. Họ có những trách nhiệm to lớn hơn và là người của một cộng đồng rộng lớn hơn. Trước đây trong năm, tạp chí Forbes đã xếp hạng ông Bill Gates là người giàu thứ nhì thế giới, tỷ phú Buffett đứng hạng ba. Người giàu nhất thế giới là công dân Mexico, ông Carlos Slim, có tài sản trị giá khoảng 53,5 tỷ đô la. Trong số những người đưa ra cam kết hiến tặng một nửa gia sản có tỷ phú Bloomberg hiện là thị trưởng thành phố New York, ông vua truyền thông Ted Turner, tỷ phú dầu hỏa T.Boone Pickens và đạo diễn loạt phim "Star Wars" George Lucas.
LỄ NHẬM CHỨC CỦA TỔNG THỐNG HOA KỲ
Đương kim Tổng thống Barack Obama là Tổng thống thứ 44, vừa mới được đắc cử nhiệm kỳ hai vào ngày bầu cử 6-11-2012. Ông là vị Tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, thường thích đọc những bài báo có nội dung phê bình về mình hơn là các bài toàn lời khen ngợi. Ngoài ra, Tổng thống cũng rất thích sưu tập truyện tranh và có thể nói trôi chảy tiếng Tây Ban Nha.
Trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng thống Obama đắc cử nhiệm kỳ hai với số phiếu đại cử tri là 332 trước đối thủ Romney với số phiếu 206. Nhưng tất cả phải chờ tới đúng ngày 20-1-2013 ông cùng với Phó Tổng thống Joel Biden, mới nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ mới, tại Điện Capitol – nơi đây được trang hoàng với hai lá cờ Mỹ khổng lồ, treo từ trên tầng thượng trải dài xuống tầng giữa: một Quốc kỳ đầu tiên (với 13 sao trên một vòng tròn nhỏ và 13 sọc), và một Quốc kỳ hiện nay (với 50 sao và 13 sọc) - tại thủ đô Washington, trước sự chứng kiến của vị Chánh án Tối cao Pháp viện và các Nghị sĩ hai Viện. Tổng thống Obama sẽ đặt tay lên trên cuốn Kinh Thánh và đọc lời “thề” tuyên thệ.
Chỉ duy nhất có một Tổng thống không dùng Kinh Thánh trong lễ nhậm chức, đó là Tổng thống thứ 14 Franklin Pierce với cuốn sách Luật thay thế. Lý do là ông phải chịu đựng cơn khủng hoảng tinh thần vì cái chết của con trai 11 tuổi, cậu bé gặp tai nạn khi đang trên đường dự lễ nhậm chức của ông. Pierce không “thề” khi tuyên thệ, mà chỉ “xác nhận”.
Tất cả các Tổng thống Mỹ khi tuyên thệ nhậm chức đều nhân danh Thượng đế và Hiến pháp Hoa Kỳ, và việc đó phù hợp với châm ngôn (motto) của Mỹ:
“In God We Trust” (Chúng ta tin Thượng đế).
. Hoa Kỳ là một quốc gia lập quốc trên cơ sở Thế tục
Từ ngày lập quốc, nước Mỹ được mang danh là một nước Ki-tô-giáo (Điều VII Hiến Pháp). Nhưng rồi với Tu Chính Hiến Pháp Số 1, Quốc Hội Mỹ đã gián tiếp xác nhận Hoa Kỳ lập quốc trên cơ sở Thế tục. Hàng ngàn vụ kiện chứng tỏ việc hạn chế Tôn giáo trên lãnh thổ Hoa Kỳ. Điển hình là vụ ông tòa Roy Moore, Chánh Nhất Tối Cao Pháp Viện tiểu bang Alabama. Ông bị ACLU (American Civil Liberties Union – Liên minh các quyền Tự do Dân sự Mỹ) kiện ra toà liên bang về tội đặt bia đá ghi Mười Giới Răn Thiên Chúa trước tiền đình Toà Án Tối Cao của tiểu bang tại Montgomery. Tòa này truyền ông phải gỡ bỏ. Ông không tuân lệnh viện lẽ Mười Giới Răn là nền tảng của luật pháp xứ này. Toà cách chức ông. Ông kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang ở Washington, D.C. Toà Tối Cao này trong phiên xử ngày 2/10/2004 đã y án. Ông đã bị cách chức và ông đã thua ACLU. Ấy là chưa nói đến Toà Án Tối Cao Liên Bang này đã từng cho dân Mỹ có quyền tự do phá thai với án lệ Roe V. Wade năm 1973. Biết bao tiểu bang đã có luật công nhận hôn nhân đồng tính. Và vừa rồi (tháng 6/2012) Tòa đã chấp thuận Luật Y Tế mới buộc các cơ quan y-tế phải cung cấp thuốc ngừa thai cho dân Mỹ vv… Tất cả những điều vừa kể chứng tỏ Hoa Kỳ là một quốc gia chỉ tin vào Thượng Đế.
Tuy hầu hết các Tổng thống Mỹ đều theo đạo Tin Lành (ngoại trừ Kennedy theo đạo Công Giáo La Mã), nước Mỹ vẫn lập quốc trên cơ sở Thế tục. Để giải thích điều này, William Penn, “Công dân Danh dự” và là một trong những cha đẻ của chế độ Cộng hòa Liên bang Mỹ, từng nói: “Tôi tin có một Thượng Đế, nhưng tôi không tin vào những giáo điều của các giáo hội Do Thái, La Mã, Hy Lạp… cũng như bất kỳ giáo hội nào khác. Thượng đế nằm trong khối óc của tôi”. Chính Đương kim Tổng thống, trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ hai vừa rồi cũng bị một số người Thiên Chúa phản đối vì ông Obama trước đây có từng nói rằng nước Mỹ chỉ tin vào Thượng Đế mà thôi.
Mặc dù vậy, Lưỡng viện Quốc hôi Hoa Kỳ khi khai mạc khóa họp hàng năm vẫn đều cầu nguyện “In God We Trust”, nên mọi người nên hiểu trong Motto này, God chỉ là Thượng Đế mà thôi.
(Tham khảo: Tài liệu trên Internet)
PHẠM VŨ
SỰ TÍCH chữ
SONG HỶ
Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, từ lâu chữ “Song Hỷ” được dùng để tượng trưng cho Hạnh Phúc lứa đôi.
Truyền thuyết kể rằng, ông Vương An Thạch (1021 – 1086) đời Tống (Trung Quốc) ông là một nhà chính trị, nhà biện pháp nổi tiếng thời Bắc Tống. Năm 23 tuổi trên đường đi đến trường thi, dừng chân lại tại thị trấn của họ Mã, ăn cơm xong ông ra phố Biện Kinh (vùng Khai Phong, Hà Nam) dạo chơi tình cờ nhìn thấy trên đèn kéo quân, dán câu để kén rể đã treo hơn nửa năm ở nhà viên ngoại họ Mã có đề một câu đối như sau:
“Tẩu mã đăng, đăng tẩu mã, đăng tức mã đình bộ” (Đèn kéo quân, quân kéo đèn, đèn tắc quân ngừng bước), vế thứ hai còn đang chờ người đối . Vương An Thạch xem xong, vỗ tay nói: “Đối dễ thôi!”. Người nhà viên ngoại nghe thấy vội vào bẩm với viên ngoại. Viên ngoại chưa kịp hỏi ai thì Vương An Thạch đã vào trường thi rồi.
Hôm sau, Vương An Thạch nộp quyển, được ban giám khảo khen nức nở liền mời ông đến thi vấn đáp. Quan giám khảo chỉ lá cờ hổ treo trước công đường nói: “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” (cờ bay hổ, hổ bay cờ, cờ cuộn hổ giấu mình), Vương An Thạch lấy ngay câu đối ở nhà viên ngoại ra đối lại, quan giám khảo thấy ông đối vừa nhanh vừa giỏi tấm tắc khen mãi.
Thi xong, Vương An Thạch về qua cửa nhà họ Mã, người nhà họ Mã nhận ra ông bèn mời ông vào gặp viên ngoại, ông lấy ngay vế đối “Phi hổ kỳ, kỳ phi hổ, kỳ quyển hổ tàng thân” ra đối. Viên ngoại thấy đối vừa chỉnh, vừa khéo liền gả con gái cho Vương An Thạch và chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn thì ra vế đối “Đèn kéo quân” là do tiểu thư họ Mã để kén chồng.
Đúng ngày cưới, triều đình báo tin “Vương đại nhân quang tịnh cao chiếm kim bảng đề danh, đỗ đầu tạng nguyên, Hoàng thượng triệu kiến xin mời ngày mai về kinh dự tiệc”. Vương An Thạch đã vui được vợ lại được vua mời vào, “Hỷ cộng Hỷ” thế là ông lấy bút viết lên giấy chữ “Song Hỷ” rồi dán trước cửa phòng mà ngâm:
“Vận may nên thành ra Song Hỷ
Hổ bay, đèn ngựa kết nhân duyên”
Cô dâu thủ thỉ với chồng: “Vương lang tài cao học rộng, nhất cử thành danh đêm nay lại động phòng hoa chúc, thật là đại đăng khoa và tiểu đăng khoa song hỷ lâm môn”.
Từ đó về sau chữ “Song Hỷ” được người Trung Hoa dùng trong đám cưới, còn người Việt dùng chữ “Song Hỷ” từ lúc nào chắc không ai biết?
Ở một số địa phương Trung Quốc, như vùng Sơn Đông, người ta còn có tập tục dán ngược chữ Song Hỷ. Sở dĩ có tập tục này là do hiện tượng đồng âm trong tiếng địa phương chữ đảo (ngược) đồng âm với chữ đảo (đến với). Chữ Song Hỷ dán ngược tức là Song Hỷ đáo, là niềm vui to lớn hạnh phúc đến. Tương tự người ta dán ngược chữ Phúc, Tài… trong các dịp lễ, tết.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển của lịch sử xã hội, tục cưới trên dần dần cũng có những chuyển biến phù hợp với nếp sống hiện đại; nhưng phong tục dán chữ Song Hỷ trên xe đưa đón cô dâu, phòng cưới vẫn là hình thức không thể thiếu được. Đó là nét đẹp truyền thống văn hóa hai chữ Song Hỷ.
BÙI VĂN QUẢNG
Phụ Bản IV
PHÁP MẦU
CỦA MỘT VỊ CHƠN SƯ
Lời Phi Lộ: Người viết trân trọng trình bày cùng quý vị thích xem sách:
- Một bài ngụ ngôn Thiền đặc biệt
- Một đóa hoa đẹp tỏa hương thơm
- Một viên ngọc quý chiếu sáng diệu kỳ
- Một hạt mầm giống tốt
Thuở xưa, ở một nước xa xôi giữa biển Thái Bình Dương, có một vị Chơn Sư rất nổi tiếng.
Một ngày kia, Tôn Sư tổ chức một đạo tràng dạy Tham Thiền, tại một tỉnh lẻ. Các sĩ phu mộ đạo gần xa, tập họp dưới chân Người để bái Sư.
Trong thời gian hỗn độn ban đầu, thì đã có việc rắc rối xảy ra!... Một người học trò bị bắt đang khi ăn trộm tiền! Sự việc được báo cáo lên Tôn Sư.
Tôn Sư làm lơ đi chuyện đó!
Ngày hôm sau, anh học trò đó lại bị bắt với hành vi ăn cắp tiền. Sự việc lại được đệ trình lên Tôn Sư với lời cầu xin đuổi học kẻ trộm!... Tôn Sư vẫn phớt lờ đi!...
Số đông học trò cảm thấy khó chịu. Họ nói nhỏ với nhau:
- Sư Phụ làm sao vậy?!...
Rủi thay!, sự việc cứ tồi tệ thêm!
Hôm sau nữa, người ta vẫn bắt gặp anh học trò đó đang ăn cắp tiền!. Sự việc lại được bẩm báo lên Tôn Sư với lời yêu cầu trục xuất tên ăn trộm có phần tha thiết hơn!...
Tôn Sư cũng làm lơ đi, không xử lý!...
Nhất quá tam!... Tức nước vỡ bờ!...
Tôn Sư bình tĩnh bao nhiêu, thì đám học trò khuấy động bấy nhiêu!... Thật là nguy hiểm để có một tên trộm lẫn lộn trong Thiền Môn. Mấy anh học trò kia trở nên phẫn nộ, vì có một tên trộm gây rối!... Họ cùng nhau thảo ra một tờ thỉnh nguyện đệ trình lên Tôn Sư như vầy:
“Kính trình Sư Phụ hoan hỷ
Chúng con đến đây là cầu mong
học được Đạo lành của Sư Phụ.
Nhưng rủi thay!, có gã ăn trộm nầy
đã ăn cắp tiền những ba lần mà không cải thiện được.
Gã làm náo động Thiền Môn, và làm mất uy tín của Sư Phụ
Chúng con làm tờ thỉnh nguyện nầy cầu mong Sư Phụ cho đuổi học kẻ ăn trộm, để đem lại sự bình an cho Thiền Môn.
Nếu gã còn ở lại đây, thì chúng con ắt phải ra đi thôi!...
Kính trình Sư Phụ cứu xét
Học trò của Sư Phụ.”
Xem xong tờ kiến nghị, Tôn Sư cho gọi tất cả mọi người đến Tựu Điểm để nghe Tôn Sư đăng đàn thuyết Pháp.
Tôn Sư phán rằng:
- Các trò tin tuởng nơi Ta
Các trò không ngại gian lao cực khổ,
lặn lội từ bốn phương trời để đến đây học Đạo.
Ta biết điều đó, Ta giả ơn cho các trò.
Vậy các trò hãy ngồi xuống, bình tĩnh
và yên lặng mà nghe Ta nói.
Các trò là những người khôn ngoan, hiểu biết. Các trò biết được điều gì đúng, điều gì không đúng. Các trò có thể tìm nơi khác để học Đạo, bởi vì còn nhiều vị Minh Sư khác. Dầu cho các trò có đi đến đâu, thì các trò cũng vẫn là những người tốt.
Còn người huynh đệ khốn khổ nầy thì quá dốt nát!... Quả thật là y quá dốt nát, đến đỗi y không biết được điều gì đúng, điều gì không đúng; y cũng không biết được điều gì nên làm, điều gì không nên làm!... Nếu xua đuổi y đi, thì y sẽ đi về đâu?... Ai sẽ đứng ra dạy dỗ cho y, nếu không khéo, thì y lại tiếp tục gây rối cho kẻ khác. Vậy, ai là người sẽ dạy dỗ cho người huynh đệ nầy trỏ nên người tốt, nếu Ta không đảm đang nào?!... Do đó, Ta sẽ giữ gã huynh đệ nầy ở lại, dù cho các trò có bỏ đi!.
Tôn Sư nói đến đây thì nhắm mắt lại và im lặng! Một sự im lặng tham thiền!...
Một sự im lặng nó xoáy vào lòng người, như để đánh bung các rào cản, chướng ngại trên đường học Đạo.
Không ai dám bước ra đi!.
Tôn Sư vẫn còn ngồi đây!
Họ quên tờ đơn tai hại đó rồi.
Cuối cùng, một người học trò không chịu đựng nổi sự im lặng thử sức nầy, nên đứng dậy bạch Thầy:
- Kính thưa Sư Phụ, chúng con là những người mê muội, ăn nói hồ đồ!... Cầu xin Sư Phụ mở lòng từ bi khoan dung cho chúng con, mà mở lời khai thị dạy dỗ, quả thật là như ơn trời biển!...
Tôn Sư mở mắt ra và từ tốn phán rằng:
- Điều gì đáng nói, thì Ta đã nói ra rồi!... Ta phải giữ gã huynh đệ nầy lại để Ta dạy dỗ. Các trò có thông cảm được chăng?
Vì đây là bài giảng đầu tiên của Tôn Sư, nên các học trò đồng hô to:
- Chúng con vui lòng!...
Tôn Sư trầm ngâm giây phút, rồi bắt đầu thuyết pháp:
“Các trò hãy bình tâm mà nghe cho rõ.
Giảng Đạo là nói Chân Lý.
Chân Lý là một điều gì đó rất khó giải bày bởi vì Chân Lý sanh ra ngôn ngữ!..., thì làm sao dùng ngôn ngữ để diễn tả Chân Lý cho được!
Nói Chân Lý là nói một điều rất khó khăn! Người nghe không nhập Tâm được, lại là một điều khó khăn khác!...
Đạo là gì?
Đạo là con đường dẫn đến giác ngộ Chân Lý.
Có xa, có gần, là tùy theo căn cơ mọi người.
Tu là gì?
Tu là áp dụng Chân Lý vào cuộc sống hiện tại, ngay bây giờ… Có nghĩa là học làm người lành, học làm người thông minh, học làm người hạnh phúc, trong hiện tại, ngay bây giờ… Tu là chọn lọc tư tưởng nghiêm túc.
Tu còn có nghĩa là vận hành Thiên Cơ, tức là ăn ở thuận theo lòng Trời, để chinh phục bản thân!... Do đó, người tu hành vốn là bậc Đại Trượng Phu, có ý chí hơn người!... đủ nghị lực để phá tan các rào cản, trở ngại, trên bước đường học Đạo, trong hiện tại và ngay bây giờ.
Các trò hãy hiểu biết điều đó!...
Hôm nay, Ta khai thị về Tâm Phật.
Các trò hãy bình tâm mà nghe cho rõ.
Ngày xưa, lúc ra đời Đức Phật Thích Ca đi bảy bước, tay chỉ thiên, tay chỉ địa mà bảo: “Thiên Thượng, Thiên Hạ, duy Ngã độc tôn”. Đây là một câu Khẩu Khuyết mà Đức Phật Thích Ca để lại cho Chúng Sinh, một cách rất rõ ràng!... Câu nầy có nghĩa là: “Trên Trời, Dưới Đất, chỉ có cái Ngã là quý báu nhất, là kho tàng vô giá!”...
Cái Ngã là gì mà quý giá vậy?!...
Đó là cái Vô Ngã, mà các bậc Minh Sư xưa nay thường hay nói đến. Đó là cái Chân Lý khởi điểm của sự sống. Đó cũng là Chân Lý cội nguồn của sự giác ngộ.
Cụ thể thì Vô Ngã là gì?
Đó là Chân Tâm Phật Tánh của chúng ta!, còn gọi là Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt mà Cha Mẹ đã cung cấp cho chúng ta với cái hình hài đẹp đẽ nầy!... ngoài ra không còn có cái gì khác!...
Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt ở tại cội nguồn của Chân Lý, là khởi điểm của sự sống, từ vô thủy đến vô chung.
Chúng ta hãy an trụ vào trong Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt nầy mà thức tỉnh tu tiến đến giác ngộ Chân Thiện Mỹ.
Bây giờ, chúng ta bỏ cái Si Mê để được cái Thức Tỉnh, bỏ cái Tâm Phàm để được cái Tâm Phật.
Hôm nay các trò tựu họp ở đây để học Đạo, hoặc là các trò có đi ta bà thế giới, thì các trò vẫn luôn luôn mang theo trong mình cái Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt đó. Các trò không phải mất công tìm kiếm nơi đâu xa xôi. Đạo nằm trong bản thân các trò. Đó là viên ngọc quý giá, một viên ngọc luôn luôn chói sáng điệu kỳ, không cần phải chùi rửa. Hãy giữ lấy!...
Do đó, người nào bỏ quên mất cái Tâm Phật Chiếu Sáng mà Cha Mẹ đã cấp cho, thì kẻ đó là đứa con Đại Bất Hiếu!
Các trò hãy hiểu biết điều đó!
Thật là may mắn cho các trò! Từ xưa đến nay, chưa hề có một vị Minh Sư nào giải bày Chân Lý rõ ràng, rành mạch, và cặn kẽ như Ta.
Vậy, các trò hãy quyết tâm an trụ vào trong Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt để tu hành rốt ráo kiên trì trong vòng 49 ngày, trong hiện tại.
Có nghĩa là các trò hãy trở về khởi điểm của sự sống, cái thuở mà cha mẹ sanh ra các trò!... Một đứa con nít tay không, tay trắng, trong sáng ngây thơ, khờ khạo, không biết gì!... Rồi từ đó, các trò an trụ trong Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt, mà tu hành rốt ráo suốt 49 ngày, thì các trò là một vị Phật sống ở hiện tại và mãi mãi về sau, thoát khỏi Luân Hồi Địa Ngục.
Từ đây, các trò giũ bỏ được Tâm Phàm (Tham Sân Si, và những tội lỗi của muôn kiếp) buông xả luôn cả quá khứ và vị lai!...
Các trò nên biết rằng, Tâm Phật là cội nguồn, là khởi điểm của Chân Lý, nên Tâm Phật luôn Rỗng Rang, trong sáng, không vướng một chút tư tưởng bụi trần nào, do đó Tâm Phật mới diệu dụng được phi thường!... Cũng ví như hai bàn tay của các trò mà ở không, trống rỗng, thì chúng nó trở nên linh hoạt vô cùng, xoay trở được tứ phía một cách phi thường vậy!... Còn nếu cứ cố nắm giữ mãi vật gì, thì hai bàn tay trở nên vô dụng bỏ đi!...
Vì lý do đó, người Tu Hành phải giũ bỏ, buông xả tất cả, không luyến tiếc trần ai, để được nhẹ nhàng, tự do tự tại, trong cảnh rời Đạo mênh mông vô lượng vậy!...
Bởi vì, các trò vẫn còn một đỗi đường phía trước để vượt qua, để trải nghiệm, để đến sự Giác Ngộ sau cùng, thành một vị Phật hoàn hảo trong hiện tại, ngay bây giờ!
Đó là cái đường lối khéo léo riêng tư của mỗi trò!... Không ai giống ai!... Không ai tu giùm giúp ai được!... Không ai bắt chước ai được!... Từ xưa đến nay, các vị Phật, các vị Tổ Sư và các vị Minh Sư đều đắc Đạo ở mỗi tư thế riêng biệt, với mỗi vẻ đặc biệt khác thường, không vị nào giống vị nào. Các trò phải biết tự tìm kiếm Bản Lai Diện Mục của mình!... Sự thông minh Tiên Thiên thì vốn có sẵn, không cần phải học.
Một khi các trò đã an trú vào trong Tâm Phật, thì bước đầu tiên là các trò phải ăn ở noi theo gương Phật, trong hiện tại, ngay bây giờ.
Làm lành lánh dữ.
Về sau, các trò tự nhiên hiểu biết mình phải làm gì!..., cũng ở trong hiện tại và ngay bây giờ.
Các trò hãy nhớ những điều đó!
Vì cái Tâm Phàm cố chấp Tham Sân Si, nên bị mất tiền thì các trò phẫn nộ!... Đó là không tốt, vì các trò tham tiền!
Quả thật người huynh đệ ăn cắp tiền là không tốt, bởi vì y cũng tham tiển!
Hai người tham tiền như nhau, mà người nầy xua đuổi người kia sao?!
Các trò nên nhớ rằng nơi nào có Tam Độc: Tham Sân Si hiện ra, thì như nơi đó có chiến tranh bộc phát!
Từ xưa đến nay vẫn thế!
Từ nay đến ngàn sau vẫn thế!
Nếu dẹp được Tham Sân Si, thì dẹp được chiến tranh!
Chiến tranh là tàn phá, là chết chóc, vv… Thế mà con người vẫn thích chiến tranh!... Tại sao vậy? Đó là do sự si mê điên rồ của loài người. Họ như người đi trong đêm tối, chẳng biết mình phải làm gì?!
Các trò hãy hiểu biết điều đó!
Cửa Phật chỉ dạy điều lành. Các trò đến đây là để học điều lành. Điều lành nầy sẽ phát sanh ra điều lành khác. Phải biết nhìn điều lành của kẻ khác để tu tập sửa mình. Vậy, các trò hãy thử nói lên điều tốt của người huynh đệ nầy để chúng ta cùng trải nghiệm”.
Cả phòng im phăng phắc. Thật ra khó lòng mà tìm cho ra được điều gì hay ho của gã ăn trộm!. Ai cũng ngơ ngác!. Thấy vậy, Tôn Sư lên tiếng, phán rằng:
“Các trò nên cảm ơn người huynh đệ nầy mới phải!...
Một khi bước vào Thiền Môn, thì các trò đã vứt bỏ cái Tâm Phàm ở bên ngoài rồi, có phải không? Cái Tâm Phàm là do các trò tự tạo tác ra, nên các trò rất quý mến nó!... Lúc cha mẹ sinh ra các trò thì không có cái Tâm Phàm!... Vì mê đắm trần ai, nên các trò tự tạo ra một cái Tâm Phàm nặng nề ô trược, rồi các trò lượm lặt, tích trữ vào đó với bao nhiêu là rác rưởi độc hại, bao nhiêu là thói hư tật xấu, bao nhiêu là Tham Sân Si, bao nhiêu là hỉ nộ ai lạc ái ố dục, bao nhiêu là kiến thức giáo điều vô ích!... Các trò luôn luôn gánh vác quá nặng nề!...
Nói chung Tam Độc: Tham Sân Si là đóa hoa xấu xa, dơ bẩn chỉ nở trong Tâm Phàm! Nếu ai đó cố bám trụ vào Tâm Phàm thì ắt phải sa đà vào Luân Hồi Đại Ngục vậy!
Cũng may là cái Tâm Phàm thuộc về Hậu Thiên, nên nó ở ngoài các trò, do đó các trò có thể xử lý buông bỏ được nó.
Bây giờ, cái Tâm Phàm đã bị các trò vứt bỏ ở bên ngoài cổng Chùa rồi! Các trò ung dung bước vào Thiền Môn với cái Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt. Nếu các trò an trụ được trong Tâm Phật Bất Sanh, thì lòng Từ Bi hiện ra tức khắc.
Lòng Từ Bi là đóa hoa xinh đẹp chỉ nở trong Tâm Phật… Đó là phong cách của người tu hành.
Các trò hãy hiểu biết điều đó!
Các trò nên thân thiện cảm ơn người huynh đệ nầy, vì y đã tạo ra cơ hội tốt để các trò có dịp suy gẫm:
- Về tánh Tham Sân Si
- Về sự cố chấp tiền bạc
- Về lòng vị tha
Cả ba lần đều không mở được con mắt thiện căn của các trò. Cả ba lần đều không mở được trái tim bác ái của các trò.
Đồng tiền làm mờ ám lương tri đến đỗi các trò quên mất sự việc đến đây để làm gì?!... Các trò cũng quên mất cả người thầy nầy rồi, phải không?!...
Chính các trò đã làm náo động cửa Thiền mà không biết!... Các trò bị đánh rớt bởi một người giám khảo tầm thường ở bước đầu.
Các trò nên biết rằng lòng Từ Bi của Tâm Phật tuy đơn giản, nhưng mà có đủ uy lực để dàn xếp mọi vấn đề trong hòa bình!...
Bây giờ với mục tiêu trước mắt, các trò phải làm sao đây?”
Có một anh học trò đứng lên:
- Bạch Sư Phụ, chúng con sẽ họp nhau lại, đóng góp kẻ ít người nhiều, để tặng cho huynh đệ nầy có tiền chi dụng mà làm điều tốt và cũng nói lên sự cảm ơn!
Tôn Sư mỉm cười:
- Rất tốt!, rất tốt!... Các trò đã an trụ được vào Tâm Phật Chiếu Sáng!...
Bỗng nhiên, gã huynh đệ tội nghiệp nầy cảm thấy có một sự chuyển biến mạnh mẽ trong tâm hồn. Gã vội vàng bước đến trước mặt Tôn Sư, dập đầu xuống chân Người mà khóc, vừa hứa làm điều lành, và ăn năn sám hối tội lỗi đã qua!...
Và tất cả các học trò trong Thiền Môn cũng cảm thấy có một luồng sinh khí mới mẻ đang luân lưu trong người, họ cùng nhau dập đầu xuống đất để xin Tôn Sư tha thứ lỗi lầm, và hứa sẽ nghe theo lời Tôn Sư chỉ dạy!
Tôn Sư rất đẹp lòng:
- Thiện tai!, thiện tai! Vậy các trò hãy an tọa mà nghe Ta tóm lược bài giảng hôm nay.
Cha mẹ sanh ra cái thân thể đẹp đẽ nầy, với cái Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt, có từ Vô Thủy đến Vô Chung. Do đó, người nào bỏ quên Tâm Phật Chiếu Sáng Bất Sanh, thì kẻ đó là đứa con Đại Bất Hiếu.
Tại sao Đức Phật hay mỉm cười?
Đức Phật cười cho cái ngớ ngẩn của mình!... Cái Chân Lý mà mình đã nhọc công, tốn sức bấy lâu để tìm kiếm!... Rốt cuộc rồi, cái Chân Lý đó nằm ở trong lòng mình, mà không biết!... Phật tại Tâm trung.
Tu hành là sự nghiệp lớn của Đại Trượng Phu.
Chơn Tâm, Vô Ngã, Bản Lai Diện Mục, Tâm Ấn, Tâm Phật, Ta… đó là những danh xưng chỉ một khái niệm trừu tượng về Chân Lý. Các trò hãy an trụ vào Chơn Tâm để nhìn ra: “Ta đi, Ta đứng, Ta ngồi, Ta nằm, Ta ăn, Ta uống, Ta cảm nhận hiện hữu vv…” đó là Chơn Tâm đang diệu dụng sở năng.
Các trò phải nắm bắt cho được điều nầy, thì sự nghiệp lớn mới hoàn thành, vì đây là khởi điểm của sự Giác Ngộ.
Phật chỉ yêu cầu, mỗi Chúng Sanh phải biết tự độ tận lấy bản thân mình!...
Nếu mỗi Chúng Sanh tự độ tận được chính bản thân mình, thì thế giới loài người sẽ trở nên một Thiên Đàng!...
Đạo Phật là một mối Đạo không được mấy hấp dẫn, bởi vì người tu hành phải buông bỏ tất cả, để được nhẹ nhàng mà giải thóat. Phải buông xả đến tận gốc rễ của sự đau khổ: cái Tâm Phàm, cái Luân Hồi Nghiệp Báo, quá trình tội lỗi của muôn kiếp trước!..., kể cả quá khứ và vị lai!...
Phải giũ bỏ tất cả để có được một cái Tâm Phật Rỗng Rang Chiếu Sáng Diệu Kỳ Bất Sanh Diệt,… không có một mê tình nào chen lẫn, trong hiện tại ngay bây giờ. Nếu cần phải có bột đường để nặn ra một cái Tâm Phật cho mình thì bảo là khó khăn quá!... Nay, chỉ cần thức tỉnh mà nhận ra Tâm Phật ở trong thân mình, thì đắc thành một vị Phật như các vị Phật tiền bối trước. Tất cả đều được giải quyết ổn thỏa.
Các trò hãy hiểu biết điều đó.
Nam Mô A Di Đà Phật
THANH CHÂU
Mùa Vu Lan – Nhâm Thìn 2012
TRẢ LỜI “9 CÂU HỎI”
Thạch Lam (07.7.1909 - 01.6.1942)
Hoàng Đạo (16.11.1907 – 22.7.1948)
Nguyễn Phược Pháp (12.12.1914 – 19.11.1938)
Hàn Mặc Tử (22.9.1912 – 11.11.1940)
Nhất Linh (13.9.1906 - 07.7.1963)
Khái Hưng (1896 – 1947)
Lê Văn Trương (1906 – 25.02.1964) (Trong tờ khai gia đình ghi ngày sinh là 02.3.1906. Tài liệu đáng tin cậy là 1906).
Truyện ngắn “Tiếng Người Xa” (đăng trên tuần báo “Chính Nghĩa” của ông Lê Ngọc Chấn số 20 ra ngày 21.10.1946) và kịch bản “Khúc Tiêu Ai Oán” (khởi đăng trên “Chính Nghĩa” từ số 21 ra ngày 28.10.1946 đến số 28 ra ngày thứ hai 16.12.1946 thì chấm dứt).
Nhà văn Bảo Sơn. Ông đã dịch ra Việt ngữ những quyển: Một Bản Đàn, Tình Nghĩa Vợ Chồng và một số truyện ngắn đăng trong “Văn Hóa Ngày Nay” (truyện ngắn trích trong những tác phẩm của Tolstoi). Ngoài ra còn thấy rao sẽ in bộ “Chiến Tranh và Hòa Bình” cũng của Tolstoi.
“A Na Kha Lệ Ninh”, dịch của Tolstoi đăng trong La Revue Franco Annamite số 236 – 596, Châu Đảo, dịch của Stevenson, cũng tạp chí ấy (số 65 – 108) Y Văn Hoa, dịch của Walter Scott, cũng một tạp chí (số 139 – 235) Trên Đường Nghệ Thuật, Lâu Đài Họ Hạ, dịch của Hofman, Tiểu Nhiên Mị Cơ Chuyện Hà Nội (bút ký); Ba loại văn (biên khảo). Vợ ông là nữ thi sỹ Hằng Phương, tên thật là Lê Thị Hằng Phương, ái nữ của cụ Lê Dư, hiệu Sở Cuồng.
Tên thật: Nguyễn Ngọc Hoán, sinh năm 1920, quê ở Bình Định, đỗ bằng Thành Chung. Năm 1937, xuất bản thi phẩm “Điêu Tàn”. Rồi sau đó “Vàng Sao” (văn). Đã đăng thơ trên: Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Trong Khuê Phòng, Tin Văn, Văn Nghệ (xuất bản ở khu Việt Bắc, 1948). Bạn thân của Hàn Mặc Tử và Bích Khê.
Hai “nàng thơ” đã đi qua đời Lưu Trọng Lư là: Thanh Thủy và Tôn Nữ Lệ Minh tức Lệ Mừng.
Họ Lưu chỉ vỏn vẹn có 52 bài thơ trữ tình trong thi phẩm “Tiếng Thu” và một số bài thơ rải rác ở các báo.
Trong bài “Một Mùa Đông” in trong tập “Tiếng Thu” của Lưu Trọng Lư. Sau được nhạc sỹ Y Vân phổ nhạc, bài “Người Em Sầu Mộng”.
Tác phẩm Khổng Dương gồm có: Tập thơ “Ly Tao” xuất bản năm 1940 và một ít bài thơ đăng trên “Tiểu Thuyết Thứ Bảy” (bộ cũ)’ “Đông Dương tuần báo” của Thúc Tề và Đông Chi; có thơ đăng trong tuyển tập thi ca “Mùa Giải Phóng” (1949). Bài thơ được nhắc nhiều là bài “Quê Mẹ”. Có tập thơ Dạ Túy chưa xuất bản.
Tác phẩm của Vũ Anh Khanh gồm có: Bạt Xíu Lìn (truyện dài); Ngũ Tử Tư Nửa Bồ Xương Khô (truyện dài, 2 tập); Đầm Ô Rô (tập truyện ngắn); tập thơ “Chiến Sỹ Hành”… và bài “Tha La” nổi tiếng đăng trong tuyển tập thi ca “Mùa Giải Phóng” (1949).
Nhà văn Hồ Biểu Chánh. Ông sinh ngày 01.10.1885, mất ngày 04.11.1958. Đã trải qua 5 thế hệ văn học quốc ngữ là 1862 – 1913, 1913 – 1932, 1932 – 1945, 1945 – 1954, 1954… Từ năm 1912, ông đã viết truyện “Ai Làm Được” và “Chúa Tàu Kim Quy”
Làm Sao Giữ Sức Khoẻ Cho Tốt
I. Ngủ sớm, dậy sớm.
Tại sao vậy? Ấy là để phù hợp với tiến trình sinh hoá trong cơ thể:
1.Buổi tối từ 9 đến 11 giờ đêm:
Thời gian để giải độc tức là loại các hóa chất độc hại ra khỏi hệ thống kháng thể (các hạch bạch huyết- lymph nodes). Trong khoảng thời gian này bạn nên thư giãn hay nghe âm nhạc. Nếu trong lúc này bà xã của bạn hãy còn chưa nghỉ ngơi mà còn lau rửa chén bát chẳng hạn thì quả là không tốt cho sức khoẻ.
2.Ðêm từ 11 giờ tới 1 giờ sáng :
Tiến trình tẩy độc gan. Lúc này mà bạn ngủ say được thì tốt nhất.
3.Sáng sớm từ 3 đến 5 giờ sáng :
Thời kỳ tẩy độc phổi, vì vậy những người bị ho hay lên cơn ho nặng vào lúc này. Bạn không cần phải uống thuốc ho vì thuốc này sẽ làm xáo trộn tiến trình đào thải chất độc ra khỏi phổi
4.Sáng từ 5 đến 7 giờ:
Kết tràng được giải độc. Bạn nên đi cầu để xả hết phân ra khỏi ruột
5.Sáng từ 7 đến 9 giờ
Ruột non hấp nạp chất dinh dưỡng, vì vậy bạn nên ăn điểm tâm vào giờ này. Những người bị đau yếu thì phải ăn điểm tâm vào lúc trước 6 giờ rưỡi. Nếu bạn muốn cảm thấy mạnh khỏe thì tốt nhất là ăn điểm tâm trước 7 giờ rưỡi. Nếu bạn luôn luôn bỏ bữa điểm tâm thì bạn nên ngưng thói quen này ngay và nên ăn cái gì vào buổi sáng dù là trễ (9 đến 10 giờ sáng)
Ði ngủ quá trễ và dậy quá trễ sẽ gây trở ngại cho tiến trình đào thải các hoá chất không cần thiết. Ngoài ra, từ nửa đêm tới 4 giờ sáng là thời gian tủy xương sản xuất ra máu. Vì vậy chúc bạn ngủ cho ngon giấc và đừng bao giờ đi ngủ trễ.
II. Năm loại thực phẩm đứng hàng đầu trong việc gây ung thư:
Hot dog nguy hiểm vì chứa nhiều chất nitrate. Liện hiệp Phòng ngừa Bệnh Ung thư khuyên không nên cho trẻ nhỏ ăn quá 12 cái hot dog mỗi tháng. Nếu bạn không thể bỏ được thì hãy mua loại hot dog không chứa sodium nitrate
Thịt biến chế và thịt mỡ. Các thứ này cũng chứa nhiều sodium nitrate như hot dog nên gia tăng rủi ro bị bệnh tim. Ngoài ra chất béo bão hòa trong thịt mỡ cũng có thể gây ung thư.
Bánh doughnuts là món ăn tệ hại nhất có thể gây ung thư vì đươc làm bằng bột xay, đường và dầu hidro-hoá, sau đó đươc chiên ở nhiệt độ cao
Khoai tây chiên (french fries) Cũng như doughnuts, khoai tây chiên đươc làm với dầu hidro-hoá và sau đó chiên ở nhiệt độ cao. Loại thức ăn này còn chứa chất gây ung thư acryl amide tạo thành trong tiến trình chiên, vì vậy có người gọi đùa là “cancer fries”.
Lát khoai chiên (chips), bánh bít-quy dòn (crackers), bánh kẹp nhỏ (cookies) Các thứ này thường đươc làm bằng bột xay và đường. Ngay cả những loại thức ăn này mà bao bì có in hàng chữ “free of trans-fats” cũng đều chứa một lương nhỏ trans-fats
III. Các thói quen làm tổn thương não:
Bỏ bữa điểm tâm Những người không ăn sáng có mức đường trong máu thấp, não sẽ nhận không đủ oxi và sẽ thoái hoá
Ăn quá nhiều làm cứng các động mạch não dẫn đến sự suy giảm sức mạnh của não (đặc biệt là ăn nhiều canh bún)
Hút thuốc làm não teo lại và có thể dẫn đến bệnh Alzheimer
Ăn nhiều đường làm gián đoạn tiến trình hấp thu protein và các chất dinh dưỡng làm cho cơ thể thiếu dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của não
Thở không khí ô nhiễm Não là bộ phận cơ thể tiêu thụ oxi nhiều nhất, như vậy không khí ô nhiễm làm giảm lương oxi cung ứng cho não và do đó não sẽ mất bớt hiệu năng
Thiếu ngủ Ngủ giúp não nghỉ ngơi. Thiếu ngủ về lâu dài sẽ tăng số tế bào não bị chết
Chùm kín đầu khi ngủ Ngủ như vậy sẽ tăng nồng độ carbon dioxide và giảm nồng độ oxigen như vậy có thể tổn thương đến não
Làm việc trí óc khi đau ốm Làm việc bằng trí óc nhiều hay học hành khi đau ốm có thể giảm hiệu năng của não cũng như làm tổn thương não
Thiếu những suy nghĩ kích thích trí óc. Suy nghĩ là cách tốt nhất để tập luyện trí óc nếu thiếu điều này não sẽ teo lại
Ít nói chuyện . Các trao đổi tri thức giúp tăng hiệu năng của não
(Kể cả việc không chịu liên lạc email với bạn bè, cứ ủ rũ trong nhà thì sẽ gây ra bệnh Trầm Cảm)
IV. Các nguyên nhân chính làm tổn thương gan:
- Tối đi ngủ quá trễ và sáng dậy quá trễ là hai nguyên nhân chính
- Buổi sáng không đi tiểu
- Ăn quá nhiều
- Bỏ bữa điểm tâm
- Uống quá nhiều thuốc
- Dùng quá nhiều các chất bảo tồn, bổ sung, thêm mầu cho thực phẩm và các đường hoá học
- Dùng các dầu nấu ăn không lành mạnh. Giảm tối đa dầu nấu ăn khi chiên, kể cả loại dầu tốt nhất (dầu ô-liu). Không nên ăn đồ chiên khi mệt mỏi.
- Ăn các thức ăn sống (hay nấu quá chín) cũng tạo thêm gánh nặng cho gan. Rau nên đươc ăn sống hay nấu chín 3 trên 5. Các rau chiên nên ăn hết một lần đừng để lại.
Kết luận:
Thực hiện những điều trên cũng chẳng tốn kém gì thêm. Chúng ta chỉ cần tuân theo một nếp sống thường nhật và những thói quen ăn uống lành mạnh. Giữ được những thói quen về ăn uống và điều kiện thời gian cho tốt là điều rất quan trọng để giúp cơ thể chúng ta hấp thu và sa thải các hoá chất theo đúng “lịch trình”.
Chú thích:
Trans fat
Ðây là tên chung của một loại chất béo không bão hòa. Hầu hết các trans fat tiêu thụ hiện nay đươc sản xuất trong kỹ nghệ bằng cách hydro-hoá một phần các dầu thực vật. Mục đích của sự hydrogen-hoá một phần này là thêm những nguyên tử hydrogen vào các chất béo không bão hòa để làm chúng trở thành bão hòa nhiều hơn. Các chất béo bão hòa nhiều hơn đươc tạo thành này có độ nóng chảy cao hơn nên tốt cho việc nướng lò (baking) và tồn trữ đươc lâu hơn. Trái với các chất béo khác dùng trong ăn uống, trans fat có hại cho sức khoẻ vì nâng cao mức cholesterol “xấu” và hạ thấp mức cholesterol “tốt” tăng thêm rủi ro bị bệnh tim mạch vành.
Các chất bảo tồn, bổ sung và thêm mầu cho phực phẩm
Mặc dầu đươc cho là an toàn cho việc tiêu thụ nhưng trong các hóa chất sử dụng hàng ngày này cũng có nhiều chất có tác dụng phụ không tốt trên sự quân bình tự nhiên của cơ thể
1-Các chất mầu nhân tạo: Một số những chất này gây dị ứng và tệ hơn nữa có tính chất gây ung thư. Môt số chất khác đươc nghi ngờ là nguyên nhân của những chứng bệnh tăng hoạt động (hyperactivity), dị ứng, hen xuyễn, thiếu tập trung,khó khăn trong học tập của người lớn cũng như trẻ con. Không nên dùng các đồ uống và kẹo cũng như các ngũ cốc pha chế mầu
2-Nitrite và nitrate: Hai hóa chất này có thể tạo ra trong cơ thể chất gây ung thư nitrosamine. Nitrite và nitrate thuờng đươc dùng để bảo tồn thịt kể cả thịt mỡ, hot dog, bologna và salami
3-Sulfite: Chất này bao gồm sulfur dioxide trong trái cây, sulfite trong nho và rươu vang, metabisulfite trong các thực phẩm khác... Ðôi khi chất này có thể gây những phản ứng dị ứng hoặc làm nhức đầu, buồn nôn và tiêu chảy.
4-Ðường : Ðường và xi-rô bắp chứa nhiều fructose thường hay đươc dùng để nêm thêm vào thức ăn và nếu lạm dụng sẽ đưa đến nhiều xáo trộn cho sức khỏe như cao huyết áp, giảm glucoz-huyết, tăng hoạt động, thèm ăn, tăng triglyceride (mỡ trong máu). Ðường và đường nhân tạo còn liên quan đến các bệnh mập phì, sâu răng và tiểu đường.
5-Ðường nhân tạo:
Theo bà Magdalin Cheong, Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện đa khoa Changi: “có thể dùng đường nhân tạo với lượng ít và thỉnh thoảng. Dùng nhiều đường nhân tạo không được khuyến khích vì một số loại có nguồn gốc từ các carbohydrate nhất định vẫn chứa calories”.
Bớt ăn ngọt
Bà Cheong cho biết đường nhân tạo có ít hoặc không có calories, có thể giúp kiểm soát cân nặng. Tương tự, trong kiểm soát bệnh đái tháo đường, “đường nhân tạo không có glucose có thể giúp kiểm soát đường huyết”.
Tuy nhiên, bà nhấn mạnh, “tốt nhất nên không dùng đường nhân tạo mà thay vào đó, nên tập thói quen ăn ít ngọt.” Ngoài ra, chưa có bằng chứng nào cho thấy đường nhân tạo có khả năng làm giảm cơn thèm ngọt. Cũng giống như đường tự nhiên, loại đường này chỉ tạm thời xoa dịu cảm giác thèm ngọt.
Bà Cheong còn cho biết thêm: “Đường nhân tạo chỉ hiệu quả khi dùng với lượng cho phép hoặc ít hơn. Hầu hết đường nhân tạo ngọt hơn đường tự nhiên gấp nhiều lần vì chúng được đóng gói dạng viên hoặc dạng bột, nên nhiều người có khuynh hướng dùng nhiều hơn, vì nghĩ rằng lượng đường cho phép dùng vẫn chưa đủ ngọt”. (Tạp chí Women's Health).
Mặc dù các chất tạo ngọt nhân tạo và các loại đường thay thế có thể giúp kiểm soát cân nặng nhưng vẫn cần sử dụng ở mức độ vừa phải.
Thực phẩm được tiếp thị là sugar-free không có nghĩa là hoàn toàn không có calorie. Sử dụng quá nhiều thực phẩm sugar-free, bạn có thể vẫn tăng cân nếu các thành phần khác trong sản phẩm có chứa năng lượng. Và nên nhớ rằng thực phẩm chế biến sẵn thường chứa các loại đường thay thế, nói chung là không mang đến lợi ích cho sức khoẻ bằng các loại thực phẩm tự nhiên như rau và trái cây. (Ts.Bs. Trần Thị Minh Hạnh).
Bs Nguyễn Lân-Đính st
Tình Mẹ:
Không chịu buông tay
Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè, một cậu bé quyết định đi bơi ở con sông gần nhà. Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ nhảy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!
Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càng gần cậu con trai hơn! Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai. Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu! Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức. Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ còn quá nhiều tình thương và không thể buông tay.
Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội vã của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu! Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra.
Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp – bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công.
Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không. Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh. Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!
- Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! – cậu bé nói rồi kéo tay áo lên. Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu – khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương để giữ lại đứa con trai yêu quý. Cậu bé nói với phóng viên:
- Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.
Trong cuộc sống những người cha – người mẹ luôn như thế đấy, họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm.
Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng sẽ không bao giờ buông tay khi con mình đang ở trong tận cùng hiểm nguy. Nơi bình yên nhất, chính là trong vòng tay gia đình thân yêu!
Gia đình chính là nơi bình yên và luôn dang tay che chở ta, là nơi ta tìm về khi mệt nhoài trên con đường đời đầy rẫy chông gai.
Hà Mạnh Đoàn st
QUẢ BÁO NHỠN TIỀN
ĐÀM LAN
Tôi tần ngần trước cái điện thoại, tần ngần trước một hàng số. Một hàng số mà đã lâu, rất lâu rồi tôi không nhấn đến, bởi trước khi nhấn đến thì đã hình dung ra gần như toàn bộ nội dung cuộc trao đổi là gì. Tần ngần mãi thì rồi tôi cũng nhấn đến một hàng số, cho dù biết có thể nội dung cũng chỉ loanh quanh chừng ấy thôi.
- Alô, mẹ cháu có nhà không?
- Cô là ai đấy?
- Có mẹ cháu ở nhà không thì gọi mẹ cháu nghe điện đi.
- Dạ, để cháu gọi.
Mấy giây chờ, tôi không nói tên là vì nếu biết tôi là ai thì chủ nhà sẽ không nghe máy, sẽ bảo con thoái thác bằng một lý do nào đó.
- Alô, ai gọi đó?
- Mình đây.
- Ai vậy?
- Không nhận ra giọng mình nữa sao?
Mấy giây im lặng, và…
- A… sao dạo này khoẻ không?
- Vẫn khoẻ. Thế nào? Nhà cửa sao rồi? Làm ăn có khá không?
- Chán lắm. Làm ăn thì chả ra sao, lại hết chồng đau con ốm. Thằng lớn đi lái xe cho người ta năm ngoái một tai nạn, gãy tay, năm nay lại một tai nạn nữa, không… không sao, nhưng phải đền mười mấy triệu.
- Thế á.
-Thằng kế thì đi làm cho người ta, lương lậu không được bao nhiêu, mà cứ ốm đau miết, ra vào bệnh viện như cơm bữa vậy.
- Nó lúc bé cũng khoẻ lắm mà.
- Ừ, chả biết sao mấy năm gần đây lại đổ bệnh ra lắm thế. Làm đầu tắt mặt tối cũng chẳng đủ tiền thuốc cho cha con.
- Ông ấy thế nào?
- Ông ấy nay phải chống gậy rồi.
- Mới hơn bốn mươi mà đã phải chống gậy rồi à?
- Ừ, bị gút nặng, lại áp huyết cao nữa, hôm nọ suýt bị biến chứng. Nhà mình không biết tại sao mà cứ sùi sụt mãi, không ngóc đầu lên nổi. Năm ngoái mình bị liệt mấy tháng, may mà nhúc nhắc lại được không thì cũng chết. Bà chị mình lại mới bị phát hiện là ung thư vú giai đoạn hai rồi.Thật chán, chỉ muốn chết cho xong. Từ hồi xây cái nhà này thấy cứ lụn bại đi. Chả hiểu có phải vì nhà cửa làm sao không?
- Mình chẳng tin những chuyện ấy. Vận hạn làm ăn thế nào còn do nhiều lý do, do cả những hệ luỵ hệ quả gì đó nữa, chứ…
- Sao lâu rồi không thấy vô chơi?
Một câu hỏi ngắt ngang.
- Mình cũng bận lắm, đi hoài à. Để lúc nào rảnh thì vô.
- Ừ nhé. Lúc nào vô chơi nói chuyện nhiều nha.
Tôi mỉm cười, thừa biết người bên kia muốn trốn chuyện cho nhanh, ít nhất là không phải nghe thêm một câu hỏi.
- Ừ, thế thôi nhá.
- Chúc ngủ ngon nha.
Một tiếng tít báo cuộc điện đã ngắt. Tôi tắt máy, cười buồn rồi ngẫm ngợi. Quả thật là xưa nay tôi không hề tin vào những bói toán, dị đoan; nhưng tôi vẫn tin vào một thứ quyền năng vô lượng rất công bằng luôn hiện hữu giữa thế giới loài người này. Thứ quyền năng này có thể nhìn thấy rõ nhất ở những phạm trù “VAY TRẢ, NHÂN QUẢ, BÙ TRỪ”. “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” “Người chết cái nết vẫn còn”. Mỗi con người khi sinh ra đã có sẵn một lập trình cho cả cuộc đời. Cái lập trình ấy có tên gọi khác là “Số Phận”. Tôi lý giải nó bằng một công thức “Hoàn cảnh + Cá tính + May rủi + Số phận.” Đã có những lúc tôi thầm trách ông trời ban chi cho tôi cái tính “dại dột”. Dại, dại lắm cơ. Cái tính chi mà cứ ai nỉ non nói khó vài câu là dốc túi. Hết cho vay, lại bán thiếu, (tôi bán mặt hàng nông phẩm, các loại hạt giống, các loại thuốc trừ sâu bệnh), lắm khi còn cho không. Để rồi phần lớn trong số ấy một đi không trở lại. Cái tính chi mà khi móc túi cho người ta thì dễ như không ấy, mà khi mở mồm hỏi đòi thì cứ như mình mới là người đi xin vay. Không làm sao cất tiếng nói được. Còn người vay, người thiếu mình thì mồm loa mép giải, nhiều khi vội hàm hồ, chưa đợi mình lên tiếng đã kể lể khó khăn, đã sắp sẵn hàng đống lý do để chối tránh. Nghe người ta nói vài câu thế là thôi, lại cắp nón đi về. Lâu dần đánh cái tặc lưỡi là xong. Cứ tự bảo mình “Phải khôn lên nhá, kinh nghiệm rồi đấy nhá”, nhưng rồi lỡ một trường hợp nào khác, y như rằng đâu lại đóng đó. Không ít người chê bôi, mắng mỏ. Biết người ta chê đúng, mắng đúng, nhưng khốn nỗi cái tính mình nó thế, chẳng làm sao khác đi đuợc. Thấy ai khó khổ thì động lòng trắc ẩn, không thể làm ngơ, rồi lại khi nhiều khi ít bỏ ra, dù biết trước khó lấy về, nhưng không làm thế thì cứ gút mắc mãi trong lòng, lại cứ như thấy mình có lỗi. Biết là dại, dại lắm, dại vô cùng, nhưng lại tự lập luận để giải toả và cũng là vỗ về mình “Thôi coi đó như là những món nợ đời mình phải trả, còn nếu không phải thì những người ấy đã vay thì sẽ phải trả dù bất cứ dưới hình thức nào” Tôi tin vào sự công bằng của cái gọi là “Luật đời”. Câu chuyện trên có thể coi như một minh chứng.
Mười mấy năm trước. Cả hai vợ chồng cô bạn ấy rơi vào một cảnh thắt ngặt. Đã bốn đứa con lít nhít, chạy ăn từng bữa, nhà chỉ có vài sào ruộng, không đủ thiếu vào đâu, lại dính ngay một cái thai sinh đôi, lại sinh khó. Vốn quen biết qua những khi mua bán, nghe than thở, tôi sẵn lòng giúp đỡ cả tiền lẫn vật phẩm canh tác. Những con số nho nhỏ cứ cộng dồn cộng dồn lại, không chỉ là một thời gian ngắn, mà kéo dài suốt mấy năm liền. Cái dại dột nhất của tôi là quá cả tin. Chẳng một chút sổ sách giấy tờ gì cả, chỉ cộng nhẩm từng khoản, từng khoản, cứ nghĩ ai cũng như mình, đâu ra đó, chẳng thể nào sai lệch, khi nào có điều kiện ắt sẽ hoàn lại thôi. Cho đến một ngày tôi nói lên một con số. Một con số đáng kể mà chính tôi cũng không ngờ nó đã hình thành trong suốt một thời gian dài ấy. Nhưng con số ấy nhanh chóng bị đánh trượt xuống một nửa, theo hình thức “Tôi chỉ nhớ chừng ấy, không giấy tờ gì nên giờ nói bao nhiêu chẳng được”. Ngậm đắng nuốt cay biết mình thất lý, đúng là không có chút gì làm bằng thì có cãi trắng đi cũng được chứ một nửa hãy còn là nhân đạo. Thực ra thì, nếu có thể họ cũng đã cãi trắng đi rồi, chỉ vì trong quá trình ấy có những người trung gian “Cầm về giùm”, nên có cãi trắng cũng không được. Cái một nửa ấy kéo dài suốt từ đó đến nay đã mười mấy năm, chính xác là chỉ có hai lần, nhín một chút gọi là có trả để tôi không bức xúc. Những thông tin không hay về gia đình họ tôi không chỉ nghe từ chính chủ, mà còn từ nhiều người khác. Cũng bởi vì những thông tin ấy mà đã từ lâu tôi không hỏi đến chuyện nợ nần. Bởi biết hỏi đến cũng chẳng nhận được gì ngoài những ta thán kể lể. “Vay thì phải trả chứ, bạn cứ yên tâm, mình mà có sẽ trả ngay, không để bạn phải buồn đâu.” Leo lẻo thế, nhưng rồi một cái nhà tuơm tất mọc lên với những thứ tiện nghi tương đối. “Cũng phải có một chút cho con cái nó không xấu hổ với mọi người, chứ cũng phải vay mượn lung tung cả đấy.” Phân bua, biện hộ cho một chủ đích, và tôi lại cười cho qua. Món nợ của tôi, với bây giờ thì không gọi là lớn, nhưng nó là những đồng tiền khổ nhọc, xương máu của tôi trong những tháng ngày. So ra với những số tiền thuốc họ phải trả, thì chắc đã gấp lên rất nhiều lần rồi. Tôi thật tình là không hề có ý rủa sả gì họ, cho dù chỉ để bõ tức, nhưng những gì liên tục xảy ra trong gia đình họ, đã làm tôi phải nghĩ đến hai chữ “Luật đời”. Nếu đúng thế thì tôi chả có gì phải suy tư nữa, họ đã phải tự chịu hậu quả từ việc họ đã làm, chỉ tội cho những đứa con, nếu đúng theo câu “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Chúng ra đời từ người cha người mẹ không nhân đức, chúng mặc nhiên phải chịu những hệ luỵ đáng buồn. Những chuyện vay trả, hay gọi là “Quả báo nhỡn tiền” luôn thấy rõ trong đời sống hàng ngày. Khu tôi ở có một câu chuyện chứng thực. Hai vợ chồng nọ, vợ thì chuyên ăn cắp ăn giật của bao người, chồng thì ra vẻ dao búa hiếp đáp, thu lợi bất chính ai cũng biết. Nhiều người không muốn tiếp xúc, nhưng không dám tránh né ra mặt sợ chuyện hằn thù. Một ngày kia, anh chồng gây tại nạn giao thông, làm chết một đứa trẻ con của người dân tộc Eđê. Luật tục của người Eđê là khi nhà có người mất thì tổ chức ma chay bằng ba ngày ăn uống cho cả làng, cả buôn. Nhà có gì thì đem ra cái ấy, ai đến cũng ăn, có đem theo chút rau quả gì để góp đã là tốt. Sẵn ghét vợ chồng nhà nọ, nên khi xảy ra chuyện, họ báo cho cả ba làng, kéo đến nườm nượp kêu đòi mổ bò giết heo. Vợ chồng nhà nọ cứ tha hồ mà bày cỗ. Chưa hết, lại còn thương lượng đền bồi, chạy chọt công an để khỏi đi tù. Vẫn chưa hết, hơn tháng sau, bà mẹ chồng trượt sàn nước ngã gãy tay, con gái đi đường bị xe đụng gãy chân. Hầu hết ai cũng bảo “Đấy, quả báo nhỡn tiền đấy”. Nhìn rộng ra xã hội, cũng không hiếm thiếu gì những chuyện tương tự. ông to bà lớn, cậy chức cậy quyền, dùng bao nhiêu thủ đoạn để mưu lợi hàng tỉ, rồi cũng đến ngày ra vành móng ngựa, của thiên trả địa, thân mình mang tội, con cái bơ vơ, người khinh kẻ nhiếc. Lại có những người ngọt nhạt lường gạt tiền của bao người rồi bỏ trốn, cho dù họ đủ tinh xảo để tránh cái lưới pháp luật, nhưng cả đời họ sống thế nào nhỉ? Tất nhiên là lúc nào cũng trong tâm trạng nơm nớp bị phát hiện, bị kêu đòi, trong giấc ngủ đêm đêm mệt nhoài vì thấy mình bị săn đuổi. Có thể khi mưu toan ăn được của người, họ rất hỉ hả, nghĩ rằng mình thật khôn. Nhưng cái khôn của họ có thật sự đem đến cho họ một cuộc sống tốt đẹp không? Không hiểu khi họ nhìn những nạn nhân của họ kêu khóc, chết lên chết xuống thì họ nghĩ gì nhỉ “chúng mày dại cho chúng mày chết”, chắc thế. Chứ nếu lương tâm họ biết cắn rứt, biết mình làm vậy là có lỗi, có tội, thì họ đã không thể làm được. Bởi nếu là tôi, không cách gì tôi thò tay vào túi người ta một cách vô lương tâm được. Đành rằng, cuộc sống phải có những tính toán lợi nhuận để phục vụ cho đời sống, cho mình và cho cả người thân. Nhưng những tính toán bất lương, gây ra những hậu quả thất thoát lớn cho người khác, thì đó là những món nợ truyền kiếp, những món nợ không khác một cái chẻ ba mắc ở cổ, để rồi có hàng nghìn lý do, phương cách mà trả ra. Những cách trả không hề được thỏa thuận trên một thứ văn bản pháp lý, nhưng luôn là những cách trả với cấp số nhân về mặt lãi suất.
Còn tôi. Dại. Vâng đúng là dại, rất dại. Nhưng nếu cái dại của tôi được đổi lại bằng những tháng ngày bình yên, vui vẻ và mạnh khoẻ, như tôi đã có, thì tôi chấp nhận dại, tự nguyện dại, dại không những suốt kiếp này mà luôn cả những kiếp sau nữa. Dại để con cháu tôi không phải trả nợ thay cho tôi. Dại để không phải nghe “Đấy, Quả báo nhỡn tiền đấy!”.