Hiện có 26 người xem / 2528500 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 10/8/2013

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên một vài cuốn sách mà ông mới tìm được hoặc mới có. Cuốn đầu tiên ông không giới thiệu mà chỉ cho mọi người xem là tập thơ song ngữ Việt – Anh mang tựa đề là “Tàu Xanh Lướt Giữa Biển Trời” gồm 140 bài thơ và một số bài tựa và phê bình của nhà thơ Vũ Đình Huy, hôm nay cũng hiện diện trong phiên họp. Tập thơ khổ 15x21cm, dày 288 trang và đóng bìa cứng, đã được Dịch giả Vũ Anh Tuấn dịch ra Anh Ngữ và được nhà xuất bản Văn Học in năm 2012.

Sau khi giới thiệu tập thơ cho các thành viên xem, Dịch giả Vũ Anh Tuấn tiếp tục giới thiệu một tập truyện ngắn mới ra lò của nhà văn nữ Đàm Lan, một cây bút thường xuyên có mặt trong Bản Tin hàng tháng của CLB Sách Xưa và Nay. Tập truyện mang tựa đề là “Niềm Thương Nhớ” dày 235 trang, gồm 15 truyện ngắn rất hấp dẫn do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in vào tháng 7 – 2013, tức là độ khoảng 1 tháng trước. Cuối cùng Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu một cuốn sách tương đối cổ bằng Pháp văn được in năm 1927 (86 năm trước) mang tựa đề là “Phố Pigalle” của nhà văn Pháp danh tiếng Françis Carco (1886-1958). Tác giả này vừa là nhà văn, nhà thơ, nhà báo, vừa là nhà soạn nhạc. Đồng thời ông cũng là Viện sĩ Viện Hàn Lâm Goncourt. Cuốn sách này là một dạng tiểu thuyết xã hội, rất tiếc là tuy có trong tay, nhưng Dịch giả Vũ Anh Tuấn chưa có thì giờ đọc, nhưng ông rất thích cuốn sách trên phương diện chơi sách, vì sách có một số phụ bản nguyên trang được in thạch bản màu (lithographies en couleurs) của một họa sĩ minh họa nổi tiếng của Pháp tên là Vertès, ngoài ra cuốn sách còn được đánh số 159 trong số 200 bản được in trên giấy Arches, tóm lại cuốn sách hội đủ mọi điều kiện là một kỳ thư đối với những người chơi sách. Các cuốn sách trên đã được một số thành viên chuyền tay nhau xem rất thích thú.

Sau phần giới thiệu sách của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Lm. Triết cũng giới thiệu một cuốn cổ thư (loại độc bản) nặng 20 kí lô và được làm bằng chì, mà Lm. Triết đã cho phép các phóng viên đài Truyền hình VTC10, có mặt tại buổi họp, quay phim ghi lại hình ảnh cuốn cổ thư độc đáo, cũng như hình ảnh buổi họp.

Tiếp theo phần giới thiệu cuốn sách bằng chì, anh Vương Liêm đã có một cuộc nói chuyện mini về “Nếp Sống của Người Lào”, nghĩa là về những ghi nhận của anh trong cuộc du ngoạn nước Lào mà anh vừa đi về.

Tiếp theo đó, anh Phạm Vũ đã có một cuộc nói chuyện ngắn về mối tình của nhà thơ Lưu Trọng Lư và nữ sinh Phùng Thị Cúc (tức là Điềm Phùng Thị sau này).

Tiếp lời anh Phạm Vũ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã đề nghị các thành viên chung sức tìm ra một tựa đề cho tập thơ của các thành viên CLB sắp được in ra.

Kế đó anh Lê Minh Chử đã lên hát tặng các thành viên một bài hát thơ theo phong cách độc đáo của anh.

Tiếp sau đó, anh Thanh Châu đã lên hát tặng các thành viên một bài ca bằng giọng ca rất ư là hùng dũng của anh.

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 20 cùng ngày.

VŨ THƯ HỮU







VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN CỔ THƯ NHAN ĐỀ LÀ

CÁC LÁ THƯ ĐƯỢC CHỌN LỌC

CỦA BÀ DE SÉVIGNÉ

ĐƯỢC IN DƯỚI SỰ CHỈ ĐẠO

CỦA ÔNG M.A. RÉGNIER ”

Tựa bằng pháp văn của cuốn sách này là: “Madame DE SÉVIGNÉ - LETTRES CHOISIS publiées par M.A. RÉGNIER”.

Cuốn sách khổ 18x27cm, dày 516 trang, bìa cứng gáy da, và 3 cạnh đều mạ vàng, và vàng được mạ thật dầy nên, mặc dù sách được xuất bản năm 1881 (132 năm trước) bởi nhà xuất bản thời danh HACHETTE, các cạnh mạ vàng vẫn còn vàng chóe! Cuốn sách có 20 phụ bản nguyên trang gồm 8 bức chân dung các nhân vật được nhắc tới trong sách, 8 bức hình các đền đài, l bức hình các huy hiệu cổ, và 3 bức hình các bản thảo chữ viết tay.

Bà Hầu tước (Marquise) DE SÉVIGNÉ (1626-1696) tên thật là MARIE DE RABUTIN CHANTAL được coi là một nhân vật ham viết thơ và viết ra những lá thơ thật hay của Pháp (Épistolière française). Cuốn sách chứa đựng 241 bức thư trong đó một số nhỏ được gửi cho Bá tước Bussy Rabutin (1618-1693) là anh em họ và là người bà thường trao đổi thư từ, phần lớn còn lại là viết cho con gái của bà là Françoise-Marguerite de Sévigné, nữ Bá tước de Grignan.

Hồi thế kỷ thứ XVII việc viết thơ ở Pháp không phải hoàn toàn tự do như bây giờ, ai muốn viết gì thì viết, hồi đó viết thơ phải theo một số mẫu mực về độ dài, về cách nói, về lời kết vv… nhất là khi viết cho những nhân vật cao cấp thì lại phải cẩn trọng hơn nữa. Những bức thư (241 bức) trong cuốn sách này nói về đủ mọi đề tài, đủ mọi thứ chuyện mà bà trao đổi nhiều nhất với con gái mình. Có nguồn tài liệu cho biết trong 25 năm liền bà De Sévigné đã liên tục viết thơ trao đổi với con gái mình, mỗi tuần lễ hai hoặc ba lá thơ.

Người viết có đọc lướt qua một số thơ thì thấy là những lá thơ được viết một cách rất văn vẻ, đôi lúc lại có những vần thơ ở trong thơ, và thấy rằng nếu có thời giờ đọc thật kỹ thì sẽ rất có lợi cho việc làm tăng trưởng khả năng sử dụng tiếng Pháp của mình.

Cuộc đời của Nữ Hầu tước De Sévigné cũng khá li kì. Mới lên 1 tuổi bà đã mất cha vào năm 1627. Sáu năm sau, vào năm 1633 mẹ bà cũng qua đời luôn. Mồ côi, bà vẫn được sống một cuộc sống rất tốt đẹp với người ông, và sau khi người ông qua đời, bà sống với ông bác tên là Philippe de Coulanges.

Ngoài ra bà còn một ông bác khác là Tu viện trưởng Christophe de Coulanges, là người đã lo việc giáo dục rất kỹ càng cho bà, khiến bà rất giỏi tiếng Ý và khá giỏi tiếng La Tinh. Năm 1644, bà thành hôn với Hầu tước Henri de Sévigné (1623-1651) và thành góa phụ năm 25 tuổi (1651) khi người chồng qua đời sau một cuộc song đấu bằng kiếm. Là một góa phụ trẻ lại giỏi tiếng Ý, tiếng La Tinh, lại chỉ có 2 con, rồi lại có người để viết lách trao đổi, trò chuyện, đương nhiên là bà phải có nhiều điều để kể, để nói qua thư từ. Người viết tự nhủ sẽ dành thì giờ đọc kỹ những bức thư rất văn hoa của bà trong tương lai gần.

Cách đây 1 tuần, một buổi sáng chủ nhật, người viết bỗng nổi hứng làm một cuộc tuần tra mấy tiệm sách quen, mà cả năm nay, vì lười đi, người viết đã không ghé. Tại một tiệm sách cũ rất hoành tráng trong Cư Xá Bắc Hải, người viết đã có duyên may gặp được cuốn cổ thư quý giá này với giá chỉ gần 1 triệu đô Mít, vì lý do là lúc này sách bằng tiếng Phan Sa rất ư là… ít người đọc!

Dù sao, cũng phải có duyên với “Nàng” cổ thư này thì mới gặp được “Nàng” rồi còn có may là, cần cổ vẫn nguyên vẹn, không bị cứa tí nào…





Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

GIẢI THƯỞNG

TÀI NĂNG LƯƠNG VĂN CAN 2013

THÙY DƯƠNG


Phát động từ tháng 3-2011, Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, sau 2 năm hoạt động, lúc đầu chỉ giới hạn cho sinh viên của 21 trường Đại học trong Tp.HCM và một vài tỉnh lân cận, nay đã tiến triển tốt đẹp, và trở thành một sân chơi trí tuệ không chỉ cho sinh viên toàn quốc mà còn cho tất cả sinh viên trong và ngoài nước, không phân biệt ngành nghề.

Theo ông Nguyễn Thanh Minh, Tổng biên tập Báo Doanh nhân Sài Gòn, đồng thời là Chủ tịch CLB Doanh nhân Sài Gòn và Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can, mục đích của Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can là mong muốn đề cao đạo đức trong kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội đối với doanh nhân, nhất là doanh nhân trẻ, doanh nhân tương lai thì không ai khác, chính là những sinh viên Việt Nam.

Ngoài ra, về mặt cơ bản là tạo điều kiện cho các sinh viên có cơ hội nắm bắt, trau giồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng kinh doanh và hướng tới những sáng kiến độc đáo để làm giàu cho đất nước.

Cụ Cử Lương Văn Can là một trong những người sáng lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) và Cụ đươc bầu làm Thục trưởng. Ngôi trường lúc đầu còn bé nhỏ cũng dược đặt ngay tại nhà riêng của Cụ, số 4 Hàng Đào, Hà-nội mà bên ngoài là cửa hàng buôn bán tơ lụa của Cụ Bà tức Bà Cử Can, một người đàn bà buôn bán giỏi giang từng cống hiến tài sản cho công cuộc cách mạng. Bên cạnh việc bí mật phát động phong trào yêu nước chống thực dân Pháp, Cụ Lương còn là người đầu tiên phổ biến tư tưởng kinh doanh ở Việt Nam trong khi các nhà Nho thời ấy thường xem thường nghề buôn bán. Theo Cụ, nghề thương doanh chân chính, nếu có đường lối đúng đắn về lâu về dài có thể là một phương tiện để phát triển đất nước, tự lực tự cường dể một ngày nào đó có thể đánh đuổi quân xâm lược, giành lại tự do độc lập cho đất nước. Nhưng rồi chưa được bao lâu, thì một biến cố chính trị xảy ra ở Hà thành có liên quan đến toàn cảnh khiến cho Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa, đồng thời một loạt các lãnh tụ cách mạng trong nước bị bắt giam cầm, tù đày biệt xứ… Riêng Cụ Lương Văn Can bi lãnh án 10 năm đi đày biệt xứ tại Nam Vang (Phnompênh). Và chính tại nơi này, những năm xế chiều tưởng chừng như vô vọng ấy, Cụ đã viết nên 2 cuốn sách quý “Kim Cổ Cách Ngôn” và “Thương Học Phương Châm” để dạy làm Kinh Doanh với những kiến thức sâu sắc đầy kinh nghiệm thực tế, vừa mang tính khoa học lại vừa mang nặng truyền thống đạo đức. Mà lạ thay, đã hơn ¾ thế kỷ trôi qua, ở thời đại văn minh, kinh tế phát triển này mà các nhà Kinh tế học, các Doanh nhân còn tìm thấy ở những cuốn sách dạy làm Kinh Doanh của một nhà Nho ở thời phong kiến xưa những kiến thức mà họ đang cần đem ra nghiên cứu học hỏi!

Một tin vui do CLB Doanh Nhân Sàigòn cho biết là mới đây họ đã cho xuất bản cuốn sách “Kim Cổ Cách Ngôn” của Lương Văn Can. Đây cũng là lần đầu tiên cuốn sách hay được ra mắt người Việt Nam ta sau gần một thế kỷ nằm dưới dạng bản thảo trong Thư Viện Trung Ương. Còn cuốn thứ hai “Thương Học Phương Châm” cũng sắp được in ra nay mai. Một tin vui cho các thí sinh Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can cũng như những người yêu thích Kinh Doanh.

Trở lại với cuộc thi Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2013:

Với Hội đồng cố vấn, Hội đồng giám khảo là những tên tuổi nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau như văn hóa, tài chính, ngoại giao,… vòng thi thứ 2 của Giải thưởng đã tuyển chọn được 431/3.733 sinh viên dự thi tại các trường đại học trên toàn quốc.

Sinh viên đoạt giải sẽ được nhận cúp, giấy chứng nhận và học bổng trị giá 10 triệu đồng, được tham gia Câu lạc bộ Tài năng Lương Văn Can để tiếp tục nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Hội đồng giám khảo cũng như có cơ hội thực tế tại các doanh nghiệp.

Ngoài ra, 4 trong tổng số 10 đề án có tính khả thi cao bảo vệ thành công lần 2 trước Hội đồng giám khảo sẽ được trao thưởng 50 triệu đồng cho giải đặc biệt; 30 triệu đồng cho giải nhất; 25 triệu đồng cho giải nhì và 20 triệu đồng/giải ba.

Được biết, nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, năm nay Ban tổ chức dự kiến trao Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can vào ngày 9/10.

Xin mời các bạn sinh viên cùng quý vị phụ huynh theo dõi và đón xem.

Và để các sinh viên và quý phụ huynh hiểu rõ hơn về con người Lương Văn Can: vì sao một nhà nho cách mạng thất bại trong đấu tranh sau ba phần tư thế kỷ ngủ yên, nay lại được thế hệ chắt chít đánh thức dậy để tôn vinh là bậc Thầy lớn của giới kinh doanh, xin mời quý vị xem lại bài viết “Khi Nhà Nho Cách Mạng viết sách dạy làm kinh doanh” đã đăng tại Bản tin CLB sách Xưa & Nay số 13 từ trang 28-37.

Các bài viết về cụ Lương Văn Can và gia đình có thể truy cập trên website: newvietart.com, tác giả Thùy Dương.

Thùy Dương

ĐÊM NHẠC VỀ DƯỚI MÁI NHÀ

DO HỘI ĐỒNG HỌ PHẠM TP.HCM TỔ CHỨC

DANH TƯỚNG PHẠM TU (476 – 545)

KHỞI ĐẦU TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG BẤT KHUẤT CỦA DÂN TỘC

“Trong lịch sử nước ta, ông là vị tướng quân đầu tiên của một triều đình có tổ chức” – đó là lời nhận định về Danh tướng Phạm Tu trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” (NXB Văn Hóa, 1993). Ở đây là nói đến triều đình của nhà nước Vạn Xuân thời Lý Nam Đế -nhà Tiền Lý, cách nay đã trên 15 thế kỷ!

Bộ chính sử Đại Việt Sử ký Toàn thư, thì có hai lần xuất hiện tên ông:

- Trong biên niên về năm Quý Hợi (543 Sau Công Nguyên), ta thấy lần đầu tiên, tên Phạm Tu được chép, trong văn cảnh như sau “Mùa hạ, tháng tư, vua Lâm Ấp cướp quận Nhật Nam, vua Lý Nam Đế sai tướng Phạm Tu đánh tan ở quận Cửu Đức”

- Lần thứ hai vào năm Giáp Tý (544 SCN) nói đến việc Phạm Tu được Lý Nam Đế cử đứng dầu hàng quan võ (cùng với Triệu Túc – cha của Triệu Quang Phục và Tinh Thiều đứng đầu hàng quan văn) của triều đình Vạn Xuân. Từ điển Văn hóa Việt Nam và sách Thành hoàng Việt Nam (NXB VH-TT, 1997) đều khẳng định rằng: “Phạm Tu quê làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội”.

Lại như về niên điểm hy sinh của ông thì có lẽ xuất phát từ hai câu sau đây trong tập diễn ca thế kỷ 18 Thiên Nam Ngữ lục: Vua cùng tướng quân Phạm Tu vào Khuất Liêu động thác hư lên trời. Những thông tin về sự ra đời (ngày 10-3 Bính Thìn, 476 SCN), về tuổi tác của một vị lão trượng, ngoại lục tuần mà vẫn hăng hái, hiên ngang, đứng dưới cờ Lý Nam Đế, lập nên những sự nghiệp và chiến công hiển hách, đảm nhận những cương vị, trách nhiệm lớn lao và cuối cùng hy sinh oanh liệt trong trận đánh lớn, chống quân xâm lược ở nơi có Tòa Thành đầu tiên và khai sinh cho đô thị Hà Nội cổ: cửa sông Tô Lịch, vào ngày 20-7 năm Ất Sửu (545 SCN). Phạm Tu là Thành hoàng xã Thanh Liệt, với tên gọi đầy đủ là: “Cảm ứng cư sĩ Phạm Tu, thụy Đô Hồ Đại vương, thượng đẳng thần sự tích”. Xã Thanh Liệt thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội từ xa xưa, là một xã văn hiến, địa linh nhân kiệt, có cả văn võ và thiền học.

Nhằm ôn lại truyền thống lịch sử của dân tộc, lịch sử của dòng họ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, tưởng nhớ đến Đô Hồ Đại Vương PHẠM TU – vị anh hùng đã được Hội đồng Họ PHẠM VN chính thức và long trọng suy tôn là Thượng Thủy Tổ của Họ PHẠM VIỆT NAM.

ĐÊM NHẠC HỌ PHẠM “VỀ DƯỚI MÁI NHÀ” năm 2013 nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Họ Phạm tại Tp.HCM.

Đây là Đêm Nhạc lần thứ ba được tổ chức vào ngày 25-8-2013 (nhằm ngày 19-7 âm lịch) tại sân khấu Hoàn Vũ – Công viên Lê Thị Riêng, Quận 10. Đêm nhạc sẽ mang chủ đề "Về dưới mái nhà" đây là tên của bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ Xuân Tiên (tức Phạm Xuân Tiên)

Nhạc sĩ Xuân Tiên :

Nhạc sĩ Xuân Tiên tên thật là Phạm Xuân Tiên, là một nhạc sĩ lão làng có nhiều đóng góp to lớn cho nền tân nhạc Việt Nam 1954-1975.

Ông sinh ngày 28-1-1921 tại Hà Nội . Là em của nhạc sĩ Xuân Lôi .

- Năm 6 tuổi bắt đầu học nhạc với cha. Từng theo cha chu du sang Campuchia để sau này viết bài Hận Đồ Bàn nổi tiếng.

- Năm 1952 cả gia đình ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhạc cho đến 30/4/1975.

- Năm 1986 được bảo lãnh sang Úc và sống ở Sydney từ đó cho đến nay.

- Năm 2006, trung tâm Thúy Nga có mời ông và 2 nhạc sĩ Thanh Sơn , Nguyễn Ánh 9 làm chương trình đại nhạc hội Paris By Night 83: Những Khúc Hát Ân Tình vinh danh những đóng góp có giá trị của 3 nhạc sĩ này vào nền tân nhạc Việt Nam.

Thành tựu âm nhạc :

· Sử dụng được nhiều loại nhạc l ý và nhạc cụ cổ truyền phương đông và phương tây. Đặc biệt chơi được tất cả nhạc cụ cổ truyền Việt Nam , Thái Lan , Lào , Campuchia .

· Cùng anh là Xuân Lôi cải tiến sáo tre thành hai loại: 10 lỗ và 13 lỗ có khả năng chơi được nhiều âm giai khác nhau. Hiện loại sáo này đang được cất giữ tại bảo tàng Paris, Pháp .

· Chế tạo cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai, cách chơi tương tự đàn tranh.

· Cải tiến đàn bầu, trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Nhiều lần được đem đi tri ể n lãm ở Úc, thường được gọi là "đàn bầu Xuân Tiên".

· Được mời điều khiển nhiều dàn nhạc nổi tiếng từ Bắc vào Nam (1944-1975) :

o 1944-1946: Hà Nội

o 1951-1952: Nam Định

o 1952-1 9 75: Sài Gòn (các đài phát thanh Pháp Á, Sài Gòn, Quê Hương, Mẹ Việt Nam)

· Sáng tác nhiều bản nhạc có giá trị được nhiều người yêu thích như: Khúc hát ân tình, Về dưới mái nhà, Hận Đồ Bàn, Chờ một kiếp mai...

Nhạc sĩ Xuân Tiên không sáng tác nhiều về tình ca đôi lứa, nhưng lại chủ ý viết cho nhiều đôi lứa, cho nhiều con người. Những con người trong nhạc của ông thường là những con người trẻ mà ‘tình yêu nước nung nấu’, đi bên nhau, thương yêu nhau, ngồ i cạnh nhau trong ánh lửa hồng bếp cũ: ‘ Đi lớp lớp đi lớp lớp người đi, theo tiếng gió đưa tiếng hát gần xa. . . Người ơi mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay. . .’

Những nhạc phẩm như thế thật rất qu ý hóa vì không có nhiều trong nhạc Việt Nam. Người ta có thể cùng nhau hát những ca khúc như vậy trong những buổi họp mặt chung với tâm hồn thật thoải mái. Những bản tình ca đôi lứa thì chúng ta không thiếu, nhiều vô cùng, nhưng lại không có chỗ đứng trong các buổi sinh hoạt cộng đồng!

Thành công đặc biệt với những ca khúc đi tới hết sức tươi sáng như vậy, nhạc sĩ Xuân Tiên quả đã có vị trí của riêng ông trong nền âm nhạc miền Nam thời kỳ 54-75.

Nói như thế không có nghĩa là ông chỉ ‘chuyên trị’ về nhạc vui. Ông không đơn giản như vậy đâu. Những bài hát mang sắc thái nhớ nhung về một mối tình xa xưa, về nỗi mất mát trong đời, hay một quá khứ vàng son không trở lại như Xa Quê Hương, Chờ Một Kiếp Mai, Hận Đồ Bàn… đã được viết bằng một loại ngôn ngữ gợi cảm, xa vắng và cất cánh với những âm điệu, tiết tấu rất cân phương và hoàn chỉnh.

Ca khúc: Về dưới mái nhà

Người ơi, mau về đây, về bên bếp hồng tay cầm tay

Cười lên chan chứa tươi làn môi, nhớ phút vui đêm nay

Về đây cho lòng say, tìm nhau mấy mùa hoa còn tươi,

Tìm khi nắng lên hay chiều rơi, ta nhắn nhau về đâỵ

Nhà ai trong... chiều nay, nửa đêm đốt hồng vai kề vai

Và nghe câu hát yêu đời ai, hát mãi sao không nguôi

Vì thương yêu đời nhau, Vì thương những chiều mưa về đâu,

Vì thương những người không tình yêu, Nên nhớ đi tìm nhau

Ơi, bếp hồng sưởi ấm bếp hồng tươi,

tiếng ca xa vời, hát mừng mừng lửa hồng tươi

Ơi, nỗi lòng chan chứa,

Hỡi người ơi biết sao cho vừa tình thương của bếp hồng soi.

Chiều nay mưa còn rơi, chiều nay bếp hồng đang còn say

Chiều nay vui sống trong tình yêu, nhớ phút vui không nguôi

Nào ai xa ngàn nơi, kìa bao mái nhà đang chờ ai

Kìa bao bếp hồng đang còn tươi, thương nhớ lên đầy vơi...

KẾT LUẬN:

Thế là đã trải qua 1468 mùa xuân kể từ ngày danh tướng PHẠM TU, người anh hùng dân tộc Việt Nam ở thế kỷ thứ 6 của Nhà nước Vạn Xuân đã anh dũng ngã xuống bên cửa sông Tô lịch - Hà Nội, từ đó đến nay ngày 20 tháng 7 Âm lịch đã trở thành ngày thiêng liêng của những người Họ PHẠM trên mọi miền đất nước, bằng nhiều hình thức khác nhau, Lễ giỗ của Ngài được trân trọng tổ chức ở nhiều nơi để con cháu Họ PHẠM dâng lên Ngài những nén hương thơm và lòng thành kính tri ân Ngài Thượng Thủy Tổ.

Đêm nhạc “Về dưới Mái nhà” là một trong những hoạt động được Hội đồng Họ PHẠM Tp.HCM tổ chức trong dịp Lễ Hội Giỗ Ngài PHẠM TU năm nay.

Tất cả đều hướng đến một điểm chung là một lòng thành kính với Tổ Tiên trong quá khứ, tôn vinh những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam và tưởng nhớ đến những nhạc sĩ Họ PHẠM đã quá cố.

Khi nhắc đến âm nhạc Việt Nam chúng ta không thể không nhắc đến những nhạc sĩ tài hoa Họ PHẠM như: Nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Phạm Tuyên, nhạc sĩ Phạm Đình Chương, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nhạc sĩ Xuân Tiên (Phạm Xuân Tiên), nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhạc sĩ Khánh Băng (Phạm Văn Minh), nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn,… có người còn sống, có người đã ra đi mãi mãi, nhưng những nhạc sĩ Họ PHẠM đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt Nam hàng ngàn ca khúc với các giai điệu lúc trầm hùng đầy hào khí để ca ngợi Non sông Tổ Quốc, ca ngợi những người Anh hùng của Dân tộc, lúc ngọt ngào, khi sâu lắng, in hằn trong đó là những trải nghiệm về cuộc đời, về tình yêu, về thân phận con người.

Âm nhạc của những nhạc sĩ Họ PHẠM còn đưa ta về với những vùng quê yên ả thanh bình, gặp gỡ những bà mẹ quê qua những khúc dân ca ngọt ngào đậm đà tình quê hương dân tộc, và cả những giai điệu đầy nét thơ ngây dành cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Nhiều nhạc sĩ đã được những giải thưởng cao quý của Nhà nước và Quốc tế… Nhạc của các nhạc sĩ Họ PHẠM cũng là một phần kho báu của âm nhạc Việt Nam.

- Năm 2011, Đêm Nhạc Họ PHẠM với chủ đề “Mọi trái tim - Một Tấm lòng”

- Năm 2012 với chủ đề “Thương quá Việt Nam” (tên của ca khúc Thương quá Việt Nam của cố nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ)

- Và năm nay 2013, Đêm Nhạc với chủ đề là “Về dưới mái nhà”, Hội Đồng Họ PHẠM Tp.HCM muốn tất cả mọi Đồng tộc Họ PHẠM sẽ đoàn kết, thương yêu nhau. Nghe bài hát “Về dưới mái nhà” ca ngợi tình yêu gia đình, quê hương, hướng người nghe – các Đồng tộc Họ PHẠM và Thân hữu, sẽ vươn tới những tình cảm trong sáng, tích cực , nhằm phấn đấu có một cuộc sống tươi vui, đầm ấm hơn, từ đó sẽ biết ơn Thượng Thủy Tổ PHẠM TU, nguyện phấn đấu noi gương Tiền nhân, làm rạng danh Dòng Họ PHẠM VIỆT NAM chúng ta.

PHẠM VŨ

Hội đồng Họ Phạm – Quận Gò Vấp – Tp.HCM

(Tham khảo: Sách báo về Phạm Tu, Âm nhạc của Xuân Tiên trên Internet)


Phụ Bản I

CÓ MỘT CUỐN SÁCH

NHƯ TH ĐÓ

Quyển Hạ 

(Nhị tập)

(tt)

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT

3.1B Nghệ thuật ngôn từ

Các tác giả Kinh Thánh được hấp thụ nhiều nền văn hóa khác nhau ở nhiều thời đại khác nhau, nên Kinh Thánh như điểm hội tụ những nét đẹp văn hóa. Kinh Thánh như một thửa vườn mầu mỡ mà những nét văn chương chen nhau nảy mầm, đơm hoa muôn mầu muôn vẻ.

Đọc Kinh Thánh, ngoài phương diện chân thiện tuyệt đối, chúng ta còn được suy gẫm chiêm ngắm cái đẹp tuyệt vời, toàn diện trong đó có khía cạnh văn chương. Phải nói rằng các tác giả Thánh Kinh rất thành thạo trong nghệ thuật ngôn từ (tu từ học).

a/. Sử dụng tục ngữ, thành ngữ, ngạn ngữ, túi khôn của nhân loại:

- “Miệng tôi nói lời hay lẽ phải, lòng gẫm suy câu khéo điều khôn, tai lắng nghe nhịp câu ngạn ngữ, mượn phím đàn giải nghĩa nhiệm màu” (Tv 48,4-5).

- Hẳn các ngươi gán câu ngạn ngữ này cho Ta: “Thầy thuốc ơi, hãy chữa lấy mình!”. Những việc to tát chúng tôi nghe ông làm ở Caphanaum, ông hãy làm ở quê hương đi!… Tôi bảo thật các ông: “Tiên tri có bị rẻ rúng thì cũng chỉ tại quê mình” – So với tục ngữ Việt Nam: “Quen quá hóa nhàm”; “Gần chùa gọi bụt bằng anh”; “Bụt nhà không thiêng”.

- “Của thánh đừng quăng cho chó, châu ngọc chớ liệng cho heo ” (Mt 7,6) – So với tục ngữ Việt Nam: “Chọn mặt gởi vàng”.

- Điều xảy ra cho họ (kẻ bất chính) thật đúng câu ngạn ngữ sau đây: “Chó mửa ra, chó liền ăn lại. Heo tắm xong, heo nhảy vào bùn” (2P 2,22).

- “Tấc lưỡi mình hại mình là thế, thiên hạ xem ai cũng lắc đầu” (Tv 63,9).

- “Nó đào hầm đào hố, chính nó lại sa chân. Hại người chẳng hóa hại thân, gậy ông đập xuống lại dần lưng ông” (Tv 7,16-17) – So với tục ngữ Việt Nam: “Gậy ông đập lưng ông”.

- “Khi thấy đám mây ở đàng Tây, các ngươi nói: 'sắp mưa', và mưa thật. Khi thấy gió Nam, các ngươi nói: 'trời nắng', cũng đúng vậy…” (Lc 12,54-56) – So với những câu tục ngữ Việt Nam về vấn đề thời tiết: “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa”… “Cơn đàng Đông vừa trông vừa chạy”.

- “Đời cha ăn nho xanh, đời con phải ê răng” (Gr 31,29) – So với tục ngữ Việt Nam: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”.

- “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta” (Is 29,13) – So với kiểu nói Việt Nam: “Đầu môi, chót lưỡi”.

- “Ai ăn ở bất công sẽ được trả theo sự bất công mình làm

(Cl 3,25).

- “Gieo gì gặt nấy” (Gl 6,7) – So với thành ngữ Việt Nam: “Gieo gió gặt bão”, “Chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu”.

- “Miệng thì những nói bình an, mà lòng thâm độc chỉ toan hại người” (Tv 27,3) – So với câu: “Miệng nam mô, bụng bồ dao găm”.

- “Mắt thế mắt, răng đền răng” (Mt 5,38) – So với thành ngữ Việt Nam: “Mạng thế mạng” hoặc “Ân đền, oán trả”.

- “Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò đã bảy lần tinh luyện” (Tv 11,7) – So với thành ngữ Việt Nam: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”.

b/. Ví von, so sánh:

- “Nước Trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình, hạt ấy bé nhỏ hơn các giống hạt khác, song khi đã mọc lên lại lớn hơn các loại rau… đến nỗi chim trời có thể xuống đậu trên cành” (Mt 13,31-33) – (loại cải ngồng có bông cao tới 1,2m, chim manh, chim di vẫn đậu tìm sâu).

- “Nước Trời ví như nắm men người đàn bà kia trộn vào 3 đấu bột cho đến lúc tất cả bột dậy men” (Mt 13,31-36).

- “Như gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh…” (Lc 13,34).

- “Nếu các con có đức tin bằng hạt cải…” (Lc 17,6).

- “Ấy con người khác chi hơi thở, vun vút tuổi đời tựa bóng câu” (Tv 143,4) – So với thành ngữ Việt Nam: “Bóng câu qua cửa sổ”.

- “Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi, tươi thắm như cỏ nội hoa đồng, một cơn gió thoảng là xong, chốn xưa mình ở cũng không biết mình” (Tv 103,15-16) – So với ca dao Việt Nam: “Đời người chỉ được gang tay, ai hay ngủ ngày chỉ được nửa gang”.

c/. So sánh tương phản:

- “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời” (Mc 10,25). (Lỗ kim cực nhỏ, con lạc đà cực to, lạc đà không thể chui qua lỗ kim được).

d/. Lối văn biền ngẫu:

Lối văn này rất thịnh hành trong văn chương Semit và văn chương Việt Nam, bổ sung cho nhau bằng hình ảnh giống nhau hay đối lập nhau.

Nguyễn Bá Học viết:

- “Chim có đàn cùng hót, tiếng hót mới hay.

Ngựa có bạn cùng đua, nước đua mới mạnh”.

Trong Thánh Kinh đầy dẫy những kiểu biền ngẫu như vậy:

- “Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,

Không trung kể lại việc tay Người làm.

Ngày này nhắc bảo cho ngày tới,

Đêm này kể lại với đêm kia …” (Tv 18,1-3)

- “Con ngước mắt nhìn lên Chúa…

Như mắt gia nhân hướng nhìn tay ông chủ,

Như mắt nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ ” (Tv 122,1-3)

- “Núi đem lại cảnh hòa bình trăm họ

Đồi rước về nền công lý vạn dân ” (Tv 71,3)

- “Tín nghĩa ân tình nay hội ngộ

Hòa bình công lý đã giao duyên ” (Tv 84,11-12)

- “Chúa ngự giá xe mây

Ngài lướt bay cánh gió

Sứ giả Ngài, làn gió bốn phương

Nô bộc Chúa, lửa hồng muôn ngọn ” (Tv 103,3-4)

- “Của Xêda trả cho Xêda. Của Thiên Chúa trả cho Thiên Chúa” (Mt 22,21).

- “Của thánh đừng ném cho chó. Châu ngọc chớ liệng cho heo” (Mt 7,6).

e/. Sử dụng hình ảnh đối lập để tăng sự chú ý:

- “Ngươi thấy được cái dằm nơi mắt anh em, còn cái xà nơi mắt mình thì lại không thấy” (Mt 7,3).

Văn chương Việt Nam: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” (tục ngữ)

f/. Lối nói thậm xưng (nói ngoa):

Kiểu nói quá sự thật, cường điệu để lôi kéo sự chú ý tới điều mình muốn nói, bài học mình muốn truyền đạt.

Văn chương bình dân Việt Nam:

- “Con rận bằng con ba ba,

Ban đêm nó ngáy cả nhà khiếp kinh ” (Con rận chỉ bằng đầu tăm mà thôi, chẳng bao giờ bằng con ba ba cả).

- “Bao giờ lấy ghém làm đình,

Lấy lim làm ghém thì mình lấy ta ” (Ghém là cây rau riếp làm sao làm cột đình được? Cây lim, gỗ cứng như vậy sao thái làm ghém ăn được? Nên đừng hòng mà cưới được ta).

Trong Thánh Kinh Tân Ước, Chúa Giêsu dùng lối thậm xưng rất nhiều:

- “Nếu ngươi dâng của lễ nơi bàn thờ mà chợt nhớ ra người anh em có chuyện bất hòa với ngươi, thì hãy để của lễ đó mà đi làm hòa với anh em ngươi trước đã”. (Mt 5,23-24)

- “Ai vả má phải ngươi, thì ngươi hãy đưa má trái ra nữa. Ai muốn kiện ngươi lấy áo trong, hãy cho nó cả áo ngoài nữa. Ai bắt ngươi đi một dặm, hãy đi với nó hai dặm. Ai xin ngươi hãy cho, ai muốn vay mượn ngươi chớ khước từ…”. (Mt 5,23-42)

- “Khi làm phước thì tay trái đừng cho tay mặt biết. Khi cầu nguyện thì hãy vào phòng khóa cửa lại mà cầu nguyện với Cha ngươi… Khi ăn chay chớ làm cho nét mặt ủ rũ, nhưng hãy rửa mặt cho tươi, xức dầu cho thơm, chải đầu cho mượt để không ai biết ngươi ăn chay trừ Cha ngươi, Đấng thấu suốt mọi bí ẩn…” (Mt 6,1-18).

- “Khi đãi tiệc ông đừng mời bạn bè… nhưng hãy mời những người mù lòa, què quặt, vì họ không có gì đáp lễ, như thế ông mới có công phúc” (Lc 14,12-14).

g/. Lối nói loại suy, nhân hóa.

Áp dụng cho Thiên Chúa và những loài vô tri những tình cảm, hình ảnh, cử chỉ của con người:

- “Ta là Thiên Chúa của ngươi, Chúa quyền năng hay ghen tương. Kẻ nào ghét Ta, Ta sẽ vấn tội tổ phụ và phạt con cháu ba bốn đời – Nhưng Ta lại yêu thương gấp trăm lần những kẻ mến yêu Ta” (Xh 20,5-7).

- Chúa phán với Môsê: “Tay Thiên Chúa há lại ngắn lắm sao?” (Ds 11,23).

- “Rú lên đi hỡi cây trắc bá. Rú lên đi hỡi những cây sồi Basan

(Dcr 11,2-3).

- “Kìa núi đồi sao nhảy nhót ví tựa bầy chiên.

Này gò nỗng sao tung tăng như thể đàn cừu ” (Tv 113,6).

h/. Kiểu nói ngược (nghĩa) hay nói mỉa:

Tác giả Nắc Nẻ trên báo Phụ Nữ số 37 ngày 27/9/1998 có bài “Thơ thẩn”:

- “Trai khôn tìm vợ chợ đông

Gái khôn tìm chồng ở chốn tham quan

- “Đàn ông nông cạn giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi ăn trầu ” (Ca dao)

So với những kiểu nói trong Thánh Kinh:

- Đavid nói với vua Saul về những kẻ hầu cận lơ đễnh để cho Đavid lấy trộm cây giáo và bình nước ngay trên đầu giường vua: “Xin đức vua hãy thưởng cho họ đi”.

- “Vì lòng dân này đã ra chai đá, chúng đã bịt tai, nhắm mắt lại kẻo mắt thấy được, tai nghe được, lòng hiểu được mà sám hối và rồi Ta lại chữa chúng cho lành” (Mt 13,15; x. Is 6,9-10).

- Hoàng hậu Mikhan thấy vua Đavít nhảy múa trước mặt các cung nữ thì khi dể… bà nói với Đức vua: “Vua Israel hôm nay thật là danh giá khi nhảy múa trước các nữ tì… chẳng khác gì một đứa vô danh tiểu tốt” (2S 6,20).

- Chúa Giêsu lúc sắp nộp mình chịu chết thì đưa các môn đệ vào vườn Cây Dầu, Chúa dặn các ông tỉnh thức cầu nguyện để Chúa đi ra chỗ vắng tâm sự với Chúa Cha. Khi trở về thấy các ông ngủ cả, Chúa trách các ông: “Các con không thức với Thầy nổi một giờ ư?” Rồi Chúa lại đi cầu nguyện; lần thứ hai về vẫn thấy các ông ngủ, Chúa đi tiếp và lần thứ ba về thấy các ông còn ngủ - Chúa gọi các ông dậy và nói: “Thôi cứ ngủ, cứ nghỉ đi! Này giờ đã đến và Con Người sắp bị nộp vào tay kẻ tội lỗi” (Mt 26,46).

i/. Lối nói ẩn dụ:

Trong văn chương Việt Nam:

- “Gói thầu – du lịch trọn gói

- “Làn sóng Cách Mạng

- “Ngành sản xuất mũi nhọn

- “Tin tức giá cả thị trường đã khép lại chương trình hôm nay…”

- “Con tôi tối dạ quá !

- “Con anh sáng dạ quá!”…

Trong Thánh Kinh Tân Ước Chúa chuyên môn dạy người ta bằng các dụ ngôn:

- “Các con là muối cho đời, một khi muối đã lạt thì lấy gì ướp nó cho mặn lại được – nó không dùng được vào việc gì, chỉ còn đem đổ ra đường cho người ta dày đạp dưới chân”.

Các con là ánh sáng thế gian… người ta không ai lại thắp đèn rồi lấy thùng úp lại hay để dưới gầm giường, nhưng đèn phải đặt trên giá cao để soi sáng cho mọi người. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra xung quanh…” (Mt 5,13-17).

- “Các con hãy coi chừng men Pharisêu” (tức sự giả hình)

(Lc 12,1)

Thánh Matthêô kết luận: “Chúa Giêsu dùng ẩn dụ mà nói hết các điều ấy với dân chúng. Ngài không nói với họ điều gì mà không dùng dụ ngôn để ứng nghiệm điều các tiên tri đã phán: Ta mở miệng nói ra lời ẩn dụ, thổ lộ những điều bí ẩn từ lúc tạo dựng đất trời” (Mt 13,34-36).

j/. Lối nói hoán dụ:

Dùng một phần thay cho tất cả; dùng một vật khác để thế cho một đối tượng mà ta không muốn nói rõ ra.

Ví dụ trong văn chương Việt Nam:

- “Nhà này có mấy khẩu?

- “Nhà tôi có những 5 miệng ăn

- “Làng này có bao nhiêu nóc nhà ?

Hoặc:

- “Bây giờ mận mới hỏi đào,

Vườn xuân đã có lối vào hay chưa ?

Mận hỏi thì đào xin thưa,

Vườn xuân có lối nhưng chưa ai vào ” (ca dao)

Trong Thánh Kinh có những kiều nói tương tự :

- “Còn ai biết mà vẫn to gan thì Ngài trị tội” (Kn 11,17).

- “Ngài dùng tay Môsê và Aharon dắt đoàn chiên, tức dân riêng Chúa” (Tv 77,21)

- “Ví bằng Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ thì quả là nước Thiên Chúa đã đến trên các ngươi” (Lc 11,20).

- “Xin Chúa đừng chấp tội cha ông chúng con, nhưng xin nhớ đến cánh tay và Thánh danh Ngài” (Br 2,5).

- “Bồ câu của anh ẩn trong hốc đá, mau ra cho anh thấy mặt nàng” (Dc 2,14).

- “Chúa dùng cánh tay uy quyền mạnh mẽ, dẫn Israel ra khỏi xứ này” (Ai Cập – Tv 135,11-12).

- “Chúa nhắm mắt làm ngơ không nhìn đến tội lỗi loài người để họ còn ăn năn hối cải” (Kn 11,23).

- “Chúa nương tay với muôn loài” (Kn 11,16).

k/. Lối nói phúng dụ:

Trong văn chương Việt Nam có bài thơ “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ:

Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ

Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa

…Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già

Với tiếng gió gào ngàn với giọng nguồn hét núi

… Ta biết ta, chúa tể cả muôn loài

Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi …”

Trong Thánh Kinh:

Cây cối đã lên đường đi xức dầu phong một vua cai trị chúng. Chúng nói với cây ôliu: Hãy làm vua cai trị chúng tôi! Nhưng cây ôliu nói với chúng: Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ dầu của tôi là thứ đã từng làm cho thần minh và người đời được tôn trọng, mà đi đu đưa trên cây cối hay sao?

Cây cối liền nói với cây vả: Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi! Nhưng cây vả bảo chúng: Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ vị ngọt và trái ngon của tôi mà đi đu đưa trên cây cối hay sao?

Bấy giờ cây cối nói với cây nho: Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi! Nhưng cây nho bảo chúng: Chẳng lẽ tôi lại từ bỏ rượu của tôi là thứ đã từng làm cho thần minh và người đời phấn khởi, mà đi đu đưa trên cây cối hay sao?

Tất cả cây cối liền nói với bụi gai: Hãy đến làm vua cai trị chúng tôi! Bụi gai trả lời cây cối: Nếu quả thật các ngươi xức dầu phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta; bằng không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Libăng!

Các người có đối xử thành thật và trọn đạo khi tôn Avimeléc lên làm vua không? Các người có đối xử tốt với ông Giơrúpbaan và nhà ông ấy không? Có đối xử với ông xứng với công lao của ông không? ” (Tl 9,8-16)

3.1C Âm Nhạc

Âm nhạc là một môn học có tính nghệ thuật nghiên cứu về việc sử dụng âm thanh qua các ký hiệu để diễn tả tình cảm, tư tưởng, nhằm thỏa mãn thính giác và giáo dục con người.

Âm nhạc có nguồn gốc rất xa xưa, có thể nói âm nhạc xuất hiện đồng thời với con người: Qua dòng thời gian, âm nhạc phát triển theo nhiều hướng với những sắc thái riêng. Nói khác đi, mỗi dân, mỗi miền có một nền âm nhạc khác nhau, riêng nhạc Tây phương phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn lao nhất trên toàn thế giới cho đến nay.

Tác giả Nguyễn Thụy Kha trong bài “Hành trình đưa bản sắc dân tộc vào tân nhạc Việt Nam” đã khẳng định: “Âm nhạc bác học Tây phương là một phát minh vĩ đại của loài người” (Kiến Thức Ngày Nay số 813, ngày 10/3/2013, trang 10).

Cần phải xác định ngay rằng âm nhạc Tây phương có nguồn gốc từ Nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Theo truyền thống Thánh Kinh thời vua Đavít (1.000 năm trước Công nguyên), dân Do Thái đã biết ca hát, dùng các nhạc cụ để tấu lên lời ca ngợi Thiên Chúa trong các buổi tế lễ:

- “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa

Tung hô Người là núi đá độ trì ta

Vào trước Thánh nhan dâng lời cảm tạ

Cùng tung hô theo điệu hát cung đàn ” (Tv 94, 1-2)

- “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới

Hát lên mừng Chúa hỡi toàn thể địa cầu

Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh danh… ”(Tv 95,1-2)

- “Ca tụng Chúa đi, rập theo tiếng tù và

Ca tụng Người họa tiếng cầm tiếng sắt

Ca tụng Chúa bằng vũ điệu trống đưa

Ca tụng Người bằng cung đàn nhịp sáo

Ca tụng Chúa đi với chũm chọe vang rền

Ca tụng Người cùng thanh la inh ỏi ” (Tv 150, 3-5)

Cho tới nay chúng ta chưa biết thang âm của nền âm nhạc tối cổ đó như thế nào, chỉ biết sau khi Giáo Hội Công giáo ra đời, những thánh ca vẫn thường được sử dụng kèm theo những lễ nghi phụng vụ. Nhạc Nhà thờ phát triển mạnh từ năm 200 Công nguyên đến năm 1.300 Công nguyên.

Thờ kỳ đầu các nốt nhạc được ghi và đọc bằng các mẫu tự Latinh: A B B C D E F G. Vào đầu thế kỷ 11 (1025), ông Guido (Gui quê ở Arezzo 995-1050), tu sĩ Công giáo thuộc Đan viện Pompose miền Toscane nước Ý, đã lấy các chữ đầu của đoạn thánh ca kính Thánh Gioan Tẩy Giả thay thế cho các mẫu tự A B C… để đọc tên các nốt nhạc. Khúc thánh ca đó như sau:

Ut queant laxis

Re sonare fibris

Mi ra gestorum

Fa muli tuorum

Sol ve polluti

La bii reatum

S ancte Joannes…

Tạm dịch: Lạy Thánh Gioan, xin thanh tẩy đôi môi tôi khỏi điều nhơ nhớp, để các tôi tớ ngài cất cao lời ca ngợi những kỳ công ngài đã làm.

Guido đã lấy 7 chữ ở đầu mỗi cụm từ làm thành một thang âm 7 bậc: Ut Re Mi Fa Sol La Si. Các dấu vuông nhỏ mang những tên này được ghi trên 4 hàng kẻ song song cách đều nhau, gọi là khuông nhạc (điều trùng hợp lạ lùng là khi hát lên mỗi chữ đầu của những cụm từ làm thành câu ca nhích lên 1 bậc, chữ sau cao hơn chữ trước). Thế là âm nhạc Công giáo có hệ thang âm 7 nốt nhạc được hình thành, sau này chữ Ut khó đọc, người ta thay bằng Do. Rồi những dấu nhạc vuông cũng được cải biến thành dấu tròn, 4 hàng kẻ không đủ, người ta dùng 5 dòng kẻ và các hàng kẻ phụ trên hoặc dưới khuông nhạc nữa. Thế là có hệ thống tân nhạc phát triển song song với hệ thống nốt vuông 4 hàng kẻ (bình ca của phụng vụ Công giáo), đồng thời càng ngày càng được hoàn chỉnh và phát huy rộng rãi trên toàn thế giới như hiện nay. Đây là một phát minh cực lớn trong lãnh vực âm nhạc bác học Tây phương.

Nếu không có Guido và thầy sáu Paul nào đó dòng Bénédictine đã sáng tác bài thánh ca “Ut Queant…” thì chắc cũng không có những thiên tài âm nhạc như: W.A. Mozart, J.S Bach… cũng chẳng có những cuộc thi âm nhạc quốc tế thời danh như những cuộc thi mang tên F. Chopin, và nhất là cuộc thi mang tên nhạc sư F. Liszt tại Hungary vào năm 2014 được các nhà chuyên môn cho là “cực khó”.

Tại Việt Nam, tác giả Nguyễn Thụy Kha (đã dẫn) đã xác định như sau: “Từ thế kỷ XVI, khi châu Âu thoát khỏi đấu trường Trung cổ để bước sang thời kỳ Phục hưng rực rỡ, thì trên không gian xứ sở Việt Nam, ngoài những mái đình, mái chùa Phật giáo ngàn đời, ngoài những tháp Chăm rêu phong cổ kính, bắt đầu xuất hiện những tháp nhọn chọc trời của những Nhà thờ Thiên Chúa giáo. Những tháp nhọn ấy bắt đầu nhỏ vào biển âm thanh âm nhạc truyền thống Việt Nam những giọt âm thanh thánh ca của phương Tây. Một phản ứng văn hóa âm thầm, lặng lẽ bắt đầu diễn ra chầm chậm giữa biển âm thanh âm nhạc truyền thống Việt Nam với những giọt âm thanh thánh ca phương Tây.

Ở đầu thế kỷ XX, âm nhạc truyền thống Việt Nam đứng trước một ứng xử thật tinh thế với âm nhạc phương Tây mà giọt thánh ca trên đã gieo mầm nhẫn nại suốt 4 thế kỷ. Khi ấy, chèo truyền thống rời chiếu làng, sân đình đi ra thành thị biến thành chèo văn minh và sau đó là chèo cải cách. Ca trù thì co cụm, tồn tại như thách thức với âm nhạc châu Âu (…). Đàn nhạc cải lương đã khoét lõm phím cây guitare Tây Ban Nha, bỏ đi một dây và định âm lại 5 dây còn lại theo ngũ cung: hò, xừ, xang, xế, cống (…). Một nền văn hóa mạnh không chỉ đồng hóa kẻ khác mà còn biết tiếp thu tinh hoa nhân loại. Âm nhạc bác học phương Tây là một phát minh vĩ đại của loài người, bởi vậy, rất tự nhiên, nó đã 'mưa dầm thấm sâu' vào xã hội Việt Nam thế kỷ XX. Sau phong trào 'lời ta điệu Tây' là đến phong trào vận động nhạc 'cải cách'. Tân nhạc Việt Nam hoài thai và bắt đầu có tờ khai sinh là việc báo Ngày Nay số ra ngày 31/7/1938 cho in bài hát Bình Minh của Nguyễn Xuân Khoát – lời: Thế Lữ (theo quy luật và ký âm nhạc Tây phương).

Nhưng ngay chính khi bắt đầu thay đổi từ những bản ký âm khi xưa sang bản ký âm theo nốt phương Tây trên những dòng kẻ (5 dòng chính và các dòng phụ trên dưới), các nhạc sĩ Việt Nam đã ý thức ngay việc giữ gìn và thể hiện bản sắc dân tộc trong những sáng tác của mình. Đó là một thực tế rất đáng trân trọng. Đó là một bản lĩnh sáng tạo của các nhạc sĩ Việt Nam ”.

Trước khi các nhạc sĩ ngoài Công giáo nhập cuộc làm quen và phát huy nền tân nhạc, thì từ thập niên 10-20 của thế kỷ XX, các nhạc sĩ Công giáo “gạo cội” như Linh mục Gabriel Long, Linh mục Phaolô Đạt đã có những tác phẩm “nhà đạo” rất sớm qua việc lấy nhạc “Tây” ráp lời “ta”, ký âm theo nhạc Tây phương, và từ thập niên 20-30 thế kỷ XX đã có những bản thánh ca nhạc và lời thuần Việt, ký âm theo nhạc Tây phương, đó là những bài: Ôi Yến Diên, Nửa Đêm Mừng Chúa Ra Đời… Sau đây là bằng chứng cụ thể: “Tuồng Thương Khó” (Quy Nhơn Impr. De la Mission 1926, 142 trang), Jacques Lê Văn Đức dọn theo tuồng Thương Khó của cha Gioan Bt. Nguyễn Bá Tòng – cha Anrê Miều ra công khó giúp, cha Sébastien Chánh lãnh sự dọn mấy bài hát (Sơ Thảo Thư Mục Công giáo – Linh mục Trần Anh Dũng xuất bản tại Paris 1992, từ trang 342-349).

Tóm lại, chính nhạc “Nhà thờ” đã khai mào cho nền tân nhạc Việt Nam, đó cũng là một đóng góp tích cực của Giáo Hội Công giáo Việt Nam cho nền văn hóa nước nhà – Bằng chứng này không ai có thể phủ nhận được.

Âm nhạc có liên quan tới Thánh Kinh thế nào?

Tất cả ca nhạc Nhà thờ đều trực tiếp hay gián tiếp thể hiện Thánh Kinh. Trực tiếp thì dùng chính lời Thánh vịnh, Thánh thi mà phổ nhạc, thí dụ bài “Hãy đến đây” của tác giả Nguyên Hữu (Phụng Ca – NXB Tp.HCM 1998, trang 275), lấy nguyên văn Thánh vịnh 94,1-7 để phổ nhạc. Gián tiếp khi lấy ý tưởng của 1 đoạn, 1 câu Kinh Thánh để làm lời ca, thí dụ bài “Đồng Cỏ Tươi” của nhạc sĩ Hùng Lân: “Đồng là đồng cỏ tươi, Chúa chăn cho tôi nghỉ ngơi, suối ngọt cỏ non xanh rì, tôi nay còn thiếu thốn chi, vui thay mà cũng phúc thay…”. Ý của Thánh vịnh 22 như sau: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…”.

Một bài thánh ca bình dân phổ biến nhất tại Việt Nam và mọi cộng đồng Công giáo Việt Nam trên toàn thế giới, đó là bài “Dâng Mẹ” của Linh mục nhạc sĩ Hoài Đức với lời ca mở đầu như sau: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đồng trinh…”, lời ca này đã nói lên 2 đặc ân cao quý của Đức Mẹ trong Thánh Kinh, đó là đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa và đặc ân trọn đời đồng trinh.

Các nhạc sĩ Công giáo tại Việt Nam từ xưa tới nay có hàng ngàn người, các nhạc phẩm phụng ca, thánh ca bình dân và giáo ca (bài ca giáo lý, sinh hoạt) tính tới nay có khoảng trên 50.000 bài. Có những tác giả đã sáng tác trên 40 năm với hơn 2.000 bài thánh ca, như nhạc sĩ Linh mục Kim Long. Có những bài ca sinh hoạt đã phổ cập trên toàn quốc và cả thế giới nữa (cộng đồng Việt tại các nước), từ đoàn Thiếu nhi Thánh Thể tới đoàn Hướng Đạo Sinh, đoàn Thiếu nhi Bác Hồ, đoàn Thanh niên Cộng sản đều hát, múa trong các buổi sinh hoạt như bài “Anh Em Ta Về” của Lm. nhạc sĩ Tiến Lộc, diễn tả chân lý Thánh Kinh: Mọi người đều là con Cha trên trời, là anh chị em với nhau nên phải yêu thương nhau – Lời Ca: “Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này: một hai ba bốn năm. Anh em ta về cùng nhau ta sum họp này: năm bốn ba hai một. Một đều chân bước nhé, hai quay nhìn nhau đi, ba cầm tay chắc nhé, không muốn ai chia lìa. Bốn nhớ rằng chúng ta bốn bể anh em một nhà. Năm nhớ mãi tình này trong câu ca”.

Những điều liệt kê trên đây mới chỉ vỏn vẹn trong nước Việt Nam nhỏ bé, Đức tin mới bén rễ chưa đầy 500 năm, nói chi tới các nước có truyền thống Công giáo lâu đời, cả 2.000 năm và tất cả các nước trên thế giới (không còn một nước nào trên thế giới mà không có tín hữu Công giáo hoặc Chính thống, Do Thái giáo, Anh giáo, Tin lành… mỗi nước đều có nền thánh nhạc của họ), thì con số không thể thống kê được. Thậm chí ở Mỹ và những nước chịu ảnh hưởng của Mỹ, trong dòng nhạc dân gian đời thường cũng có một loại nhạc rất phổ biến, rất được ưa chuộng, đó là Gospel Music (nhạc Phúc Âm).

Sau đây là bản danh sách một số tác giả thánh nhạc, thánh ca lừng danh trên toàn thế giới, đã đưa nền âm nhạc bác học Tây phương lên tới đỉnh cao mà cho tới nay, có lẽ chưa một nhạc sĩ đương đại nào qua mặt được. Đây là những người đã trình diễn hay sáng tác nhạc Công giáo, một nhánh trong nhạc Kitô giáo. Danh sách được giới hạn trong những nhạc sĩ chịu ảnh hưởng đạo Công giáo, sáng tác, trình diễn trong phạm vi phụng vụ Công giáo:

1. Paolo Agostino : Tất cả các tác phẩm đều phục vụ tôn giáo.

2. Vittoria Aleotti : Nữ tu sĩ sáng tác dòng Augustinô.

3. Giovenale Ancina : Sáng tác thánh ca.

4. Caterina Assandra : Nữ tu sáng tác dòng Benedictine.

5. Thoinot Arbeau : Linh mục nhạc sĩ Công giáo.

6. Jean de Brebeuf : Tu sĩ dòng Tên sáng tác Huron Carol .

7. William Byrd : nhạc sĩ Anh giáo, sáng tác 5 bộ lễ đa âm và nhiều bản thánh ca.

8. Hermannus Contractus : Sáng tác Alma Redemptoris Mater (Mẹ Chúa Cứu Thế Cao Cả).

9. Tommaso da Celano : Sáng tác Dies Irae (Ngày Thịnh Nộ).

10. Orlando de Lassus : Sáng tác nhiều bộ lễ đa âm và thánh ca.

11. Guillaume de Machaut : Nhạc sĩ sáng tác Pháp thời trung cổ.

12. Cristobal de Morales : Nhạc sĩ sáng tác thánh ca Tây Ban Nha thời Phục hưng.

13. Josquin des P: Nhạc sĩ thời Phục hưng sáng tác nhiều bộ lễ đa âm và thánh ca.

14. Guillaume Dufay: Phục vụ Nhà nguyện Giáo Hoàng, sáng tác nhiều bộ lễ đa âm và thánh ca.

15. John Dunstaple ( hoặc Dunstable): Nhạc sĩ người Anh thời Phục hưng, sáng tác nhiều thánh ca đa âm.

16. Frederick William Faber : Sáng tác nhiều Thánh thi.

17. Giovanni Gabrieli : Người Ý thời Phục hưng, Baroque, sáng tác nhiều thánh ca.

18. Jacobus Gallus : Người Slovenia dòng Xitô, sáng tác nhiều thánh ca.

19. Joseph Gelineau : Người Pháp, sáng tác nhiều Thánh vịnh và những bài thánh ca trong cộng đồng Taizé .

20. Carlo Gesualdo : Người Ý, sáng tác nhiều thánh ca.

21. Francisco Guerrero : Người Tây Ban Nha, sáng tác nhiều ca khúc đạo và đời.

22. Hildegard of Bingen : Nữ tu viện trưởng dòng Bénédictine , nhạc sĩ sáng tác thánh ca.

23. Hucbald : Nhạc sĩ sáng tác và là nhà lý luận âm nhạc dòng Bénédictine .

24. Luca Marenzio : Nhạc sĩ sáng tác thánh ca miền Madrigale.

25. Domenico Mustafà : Sáng tác thánh ca cho các ca đoàn Nhà nguyện Sistine.

26. Johannes Ockeghem : Nhạc sĩ sáng tác nhiều bộ lễ đa âm thời Phục hưng.

27. Frederick Oakeley : Nhạc sĩ chuyển âm bài Adeste Fideles (Bài ca Giáng Sinh).

28. Paul Deacon : Tu sĩ dòng Bénédictine, sáng tác bản Ut queant laxis (bài ca tụng Thánh Gioan Tẩy Giả, từ lời và nhạc của bản này đã phát sinh 7 nốt nhạc của Tây phương).

29. Giovanni Pierluigi da Palestrina : Nhạc sĩ sáng tác người Ý thời Phục hưng, sáng tác nhiều bản thánh ca đa âm và được coi là người có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của âm nhạc Giáo hội Công giáo.

30. Thomas Tallis : Nhạc sĩ sáng tác thánh nhạc đa âm tại Tudor nước Anh. đặc biệt các đối âm sớm nhất của Giáo Hội ca tụng Đức Trinh Nữ Maria.

31. Tomás Luis de Victoria : Linh mục tại Descalzas Reales , nhạc sĩ sáng tác thánh nhạc đa âm Tây Ban Nha thời hậu Phục hưng.

32. Samuel Webbe : Nhạc sĩ sáng tác Thánh thi Anh giáo.

33. Mateo Albéniz : Linh mục nhạc sĩ sáng tác thánh ca Tây Ban Nha.

34. Johann Christian Bach : con trai của J.S Bach, trở lại đạo Công giáo, chuyên sáng tác nhạc phụng vụ và thánh nhạc Công giáo.

35. Ludwig van Beethoven : Trong các tác phẩm thánh nhạc Công giáo có Bộ lễ trọng thể và Bộ lễ cung Do trưởng.

36. Hector Berlioz : Nhạc sĩ đã sáng tác bản Requiem thời danh, cũng như các Bộ lễ, Te Deum (Kinh Tạ Ơn), nhạc kịch Chúa Giêsu Hài Nhi.

37. František Brixi : Nhạc sĩ sáng tác thế kỷ XVIII của Cộng hòa Czech. Ông đã viết 290 nhạc Nhà thờ và làm nhạc trưởng của Nhà thờ Chánh tòa St. Vitus .

38. Severo Bonini : Dòng Bénédic-tine thời Baroque, sáng tác thánh nhạc.

39. Anton Bruckner : Nhạc sĩ sáng tác người Áo thời hậu lãng mạn, thời danh về các bản giao hưởng. Về phía Công giáo, ông đã viết ít nhất 7 Bộ lễ và nhiều bản thánh nhạc khác.

40. Francesca Caccini: Nữ nhạc sĩ sáng tác người Ý đầu thời lãng mạn, sáng tác nhiều bản thánh nhạc.

41. Francesco Cavalli : Nhạc sĩ Ý đầu thời Baroque, sáng tác nhạc kịch và một số thánh nhạc, bao gồm cả Bộ lễ Requiem (Lễ Mồ).

42. Marc-Antoine Charpentier : Nhạc sĩ sáng tác người Pháp thời Baroque, s áng tác nhiều Bộ lễ và thánh nhạc.

43. Luigi Cherubini : Nhạc sĩ người Ý cuối thế kỷ XVIII sang đầu thế kỷ XIX, sáng tác nhiều nhạc kịch và thánh nhạc, gồm cả 11 Bộ lễ.

44. Gaetano Donizetti : Nhạc sĩ sáng tác thời danh nhất về nhạc kịch, ông cũng sáng tác nhiều bản thánh nhạc gồm cả Bộ lễ.

45. Antonín Dvořák : Nhạc sĩ sáng tác Cộng hòa Czeck, thời danh nhất về Nhạc Giao Hưởng Thế Giới Mới . Ông rất nhiệt thành với thánh nhạc, đã viết Requiem, Bộ lễ cung Do trưởng, Stabat Mater (Mẹ Đứng) và Te Deum (Kinh Tạ Ơn) .

46. Edward Elgar : Nhạc sĩ sáng tác Anh giáo cuối thế kỷ XIX sang đầu thế kỷ XX. Bản thánh ca thời danh nhất là bài The Dream of Gerontius (Giấc mơ của Gerontius), lời ca là một bài thơ của Á Thánh Đức Hồng Y Newman .

47. Gabriel Fauré : Nhạc sĩ sáng tác Pháp thế kỷ XIX, nhạc sĩ organ nhà thờ nổi tiếng, và sáng tác một số lớn bản thánh nhạc, gồm cả bản Requiem thời danh.

48. César Franck : Nhạc sĩ sáng tác Pháp thế kỷ XIX, thời danh với bản Giao hưởng cung Rê trưởng, sáng tác Thánh thi Bánh Các Thiên thần, nhạc kịch Bát Phúc.

49. Christoph Willibald Gluck : Nhạc sĩ trọng yếu trong lịch sử nhạc kịch và cũng sáng tác một số bản thánh nhạc.

50. Charles Gounod : Nhạc sĩ sáng tác Pháp rất thời danh với bản thánh ca Ave Maria và một số bản thánh nhạc.

51. Henryk Górecki : Nhạc sĩ sáng tác Ba Lan cuối thế kỷ XX, thời danh với bản Giao hưởng thứ ba. Ông cũng viết nhiều bản nhạc thánh.

52. Pietro Guglielmi : Năm 1793 ông trở thành nhạc trưởng của Đại Giáo đường St. Peter, Rome .

53. Johann Michael Haydn : Em trai của Joseph Haydn, nhạc sĩ sáng tác nhiều bản thánh nhạc, gồm cả 47 Bộ lễ.

54. Joseph Haydn : Nhạc sĩ sáng tác Áo thời cổ điển. Ông được cho là người đầu tiên sáng tác nhạc Giao hưởng. Tác phẩm gồm 14 Bộ lễ (gồm cả Bộ lễ trong thời chiến), 2 Te Deums Stabat Mater . Ông là thầy của Mozart và Beethoven. Ông còn viết 2 nhạc kịch Các Mùa và Sự Sáng Tạo.

55. Zoltan Kodaly : Nhạc sĩ sáng tác Hungary thế kỷ XX, đã viết Bộ lễ vắn , Te Deum, và Thánh vịnh Hungaricus.

56. Franz Liszt : Nhạc sĩ sáng tác thời lãng mạn, nghệ sĩ piano nổi tiếng, tác phẩm chủ yếu dành cho piano. Sau này ông trở thành một thành viên Dòng Ba Phanxicô. Sáng tác nhiều nhạc phẩm đạo, gồm 5 Bộ lễ, nhạc kịch Chúa Cứu Thế và chuyện Thánh Isave.

57. Antonio Lotti : Chuyên phụ trách âm nhạc tại Vương Cung Thánh Đường St Mark và sáng tác nhiều Bộ lễ.

58. Olivier Messiaen : Nhạc sĩ sáng tác Pháp thế kỷ XX, sáng tác dưới chủ đề Đức tin vững bền của Công giáo Roma.

59. Claudio Monteverdi : Nhạc sĩ sáng tác Ý, từ phong cách Phục hưng sang Baroque. Nhạc phẩm thời danh nhất là Vespro della Beata Vergine 1610 (kinh chiều cho Đức Trinh Nữ 1610), ông được phong chức Linh mục năm 1633.

60. Wolfgang Amadeus Mozart : Sáng tác 18 Bộ lễ gồm cả Bộ lễ Cầu Hồn (Requiem Mass) , các Bộ lễ Đội Triều Thiên, và các Bộ lễ Trọng thể cung Đô thứ , ông còn viết nhiều bản thánh ca như các giờ Kinh chiều, Lạy Mình Thánh và Hãy Nhảy Mừng.

61. Arvo Pärt : Nhạc sĩ sáng tác Estonia cuối thế kỷ XX, thuộc Chính thống giáo, những bản thánh ca mang phong cách Công giáo là các Bộ lễ, Te Deum, và Stabat Mater.

62. Giovanni Battista Pergolesi : Nhạc sĩ sáng tác Ý thời Baroque viết tác phẩm Stabat Mater rất nổi tiếng.

63. Don Lorenzo Perosi : Linh mục Công giáo, nhạc trưởng của Ca đoàn Nguyện đường Sistine dưới 5 triều Giáo Hoàng.

64. Francis Poulenc : Nhạc sĩ sáng tác Pháp thế kỷ XX với những tác phẩm nổi tiếng như Bộ lễ cung Sol trưởng, Gloria , Stabat Mater, và các Đối Đáp Của Tu Sĩ Carmel .

65. Licínio Refice : Sáng tác hơn 300 tác phẩm thánh ca.

66. Georg Reutter : Nhạc sĩ sáng tác nhạc Nhà thờ.

67. Josef Rheinberger : Viết 12 Bộ lễ và bài Stabat Mater.

68. Gioacchino Rossini : Một trong những nhạc sĩ sáng tác nhạc kịch vĩ đại nhất của Ý, cuối đời đã sáng tác bản Stabat Mater rất thời danh và Bộ lễ Trọng thể.

69. Antonio Salieri : Nhạc sĩ sáng tác Ý thời cổ điển, thầy của Mozart, Schubert, và Liszt. Đã sáng tác nhiều nhạc kịch và thánh ca gồm 10 Thánh thi và 9 Thánh vịnh.

70. Alessandro Scarlatti : Nhạc sĩ sáng tác Ý thời Baroque, tác phẩm đáng chú ý nhất là Bộ lễ Thánh Cecilia.

71. Domenico Scarlatti : Nhạc sĩ sáng tác Ý thời Baroque, tác phẩm thánh ca nổi tiếng nhất là bài Stabat Mater và Salve Regina.

72. Franz Schubert : Nhạc sĩ sáng tác vĩ đại thời Cổ điển người Áo. Tác phẩm n ổi tiếng nhất là những Lieder và Symphonies. Ông c ũng sáng tác 6 Bộ lễ và nhiều thánh ca khác, trong đó có bản Ave Maria lừng danh thế giới.

73. Robert Schumann : Nhạc sĩ sáng tác Đức thời lãng mạn, dù là Tin lành, ông sáng tác Bộ lễ cung Do thứ, Bộ lễ Requiem và nhạc kịch Paradise and the Peri.

74. Antonio Soler : Linh mục nhạc sĩ sáng tác thánh ca Tây Ban Nha.

75. Igor Stravinski : Nhạc sĩ sáng tác Chính thống giáo Đông phương, đã sáng tác Bộ lễ Công giáo.

76. Ralph Vaughan Williams : Nhạc sĩ sáng tác Anh thế kỷ XX, đã sáng tác nhiều thánh ca cho Nhà thờ Anh giáo và một ít tác phẩm cho phụng vụ Công giáo, gồm Bộ lễ và Te Deum.

77. Giuseppe Verdi : Nhạc sĩ sáng tác Ý, sáng tác nhiều tác phẩm đạo, đặc biệt Bộ Đại lễ Cầu hồn.

78. Antonio Vivaldi : Nhạc sĩ sáng tác Ý, viết nhiều thánh ca gồm những bài Choral lớn như Gloria , một số bài đơn ca và Thánh thi kèm dàn nhạc.

79. Carl Maria von Weber : Nhạc sĩ sáng tác Đức thời cổ điển, ông sáng tác thánh ca phổ thông vào thế kỷ XIX.

80. Niccolò Antonio Zingarelli : Nhạc sĩ Ý, được chỉ định làm nhạc trưởng Nguyện đường Sistine vào năm 1804.

Những nhạc kịch nổi tiếng và những nhạc phẩm tôn giáo :

1. The Last Judgment (Phán xét chung –1826) của Ludwig Spohr.

2. The Crucifixion (Chúa chịu đóng đinh – 1887) của John Stainer.

3. Oedipus Rex (1927), Symphony of Psalms (Thánh vịnh Giao hưởng) của Igor Stravinsky.

4. The Light of The World (Ánh sáng thế gian – 1873) của Arthur Sullivan.

5. A Child of Our Time (Người Con của thời đại chúng ta – 1944) của Michael Tippett.

6. Mass in A flat and E flat (Bộ lễ cung La giáng và Mi giáng) của Franz Schubert.

7. Stabat Mater, Petite Messe (Mẹ đứng, Bộ lễ nhỏ) của Gioachino Rossini.

8. Mass in D minor, Mass in F minor, Mass in E minor (Bộ lễ cung Re thứ, cung Fa thứ và cung Mi thứ); Te Deum in C major (Te Deum cung Do trưởng) của Antôn Bruckner.

9. Requiem, A Mass for Chorus (Lễ Cầu hồn, Bộ lễ cho Choral) của Paul Hindemith (1892-1855).

10. Mass in G (Bộ lễ cung Sol trưởng) của Francis Poulenc.

11. Meditations on the Mystery of the Holy Trinity (Suy niệm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi – 1969); Three Short Liturgies of the Divine Presence (3 lễ nghi Phụng vụ về sự hiện diện của Chúa – 1944) của Olivier Messiaen.

12. Requiem, La Chanson d’Eve (Bộ lễ Cầu hồn, Bài ca Evà) của Gabriel Faure (1845-1924).

13. Judith (Bà Giuđitha – 1761) của Thomas Augustine Arne.

14. The Resurrection and Ascension of Jesus (Chúa Phục Sinh và Lên trời – 1787) ; The Israelites in the Wilderness (Dân Israel trong sa mạc – 1775) của Karl Philipp Emanuel Bach.

15. Christ on the Mount of Olives (Chúa Kitô trên núi Cây Dầu – 1800) của Ludwig van Beethoven.

16. L'Enfance du Christ (Trẻ Giêsu – 1854); Grande Messe des Morts, Te Deum (Bộ lễ Cầu hồn lớn, Te Deum) của Hector Berlioz.

17. A German Requiem (Bộ lễ Cầu hồn nước Đức – 1869) của Johannes Brahms.

18. St. Ludmila (Thánh Ludmila – 1886) của Antonin Dvorak.

19. The Dream of Gerontius (Giấc mơ của Gerontius – trước năm 1650) của Edward Elgar.

20. Les Beatitudes (Bát phúc – 1879) của Cesar Franck.

21. La Redemption (Ơn Cứu rỗi – 1882), St. Cecilia Mass (Bộ lễ Thánh Cêcilia) của Charles Gounod.

22. Esther, Israel in Egypt, Jephtha, Joshua (Israel tại Ai Cập – từ 1732 đến 1750); Judas Maccabaeus, Messiah, Samson, Saul; Semele, Solomon, Susanna, Theodora của Georg Friedrich Handel.

23. The Season (Các Mùa – 1801), The Creation (Sáng Tạo – 1797) của Franz Joseph Haydn.

24. Jeanne d'Arc au bucher (Jeanne d'Arc trên đống củi – 1938), Le Roi David (Vua Đavít – 1921) của Arthur Honegger.

25. Christus (Chúa Kitô – 1866), The Story of St. Elizabeth (Truyện Thánh Êlisabeth – 1862), Via Crucis (Đường Thánh giá), Festival Mass (Bộ lễ Lễ hội), Coronation Mass (Bộ lễ Đội Triều thiên), Psalm XIII (Thánh vịnh 13) của Franz Liszt.

26. Elijah (Tiên tri Êlia – 1846), St. Paul (Thánh Phaolô – 1836) của Felix Mendelssohn.

27. Job (Ông Gióp – 1892), Judith (Bà Giuđitha – 1888), King Saul (Vua Saul – 1894) của Charles Hubert Hastings Parry.

28. Le Deluge (1876), Oratorio de Noël (Nhạc kịch Giáng Sinh – 1863) của Camille Saint – Saens.

29. Paradise and the Peri (1843) của Robert Schumann.

30. The Seven Last Words of Christ on the Cross (Bảy lời cuối của Chúa Giêsu trên Thập giá – 1645) của Hinrich Schutz.

(Tư liệu từ Internet)

Các tác phẩm của những tác giả trên có thể được xếp vào 1 trong 6 thể loại âm nhạc của Giáo Hội sau đây:

1. Bình ca, tức là thánh ca phụng vụ bằng tiếng Latinh theo các âm thức Grégorianus.

2. Đa âm điệu cổ điển.

3. Đa âm điệu tân thời.

4. Thánh nhạc viết cho Đại quản cầm.

5. Thánh ca bình dân tôn giáo.

6. Giáo ca (dùng cho các lớp giáo lý, các sinh hoạt ngoài Nhà thờ).

Thánh nhạc như đã trình bày, rất phong phú và đa dạng.

Tại Việt Nam, một nước nhỏ bé ở góc trời Nam Á mới đón nhận hạt giống Đức Tin cách nay chưa đầy 500 năm, hiện chỉ có gần 7 triệu người Công giáo trên tổng số 88 triệu dân (6%), thế mà đã có một đội ngũ nhạc sĩ sáng tác thánh ca đông đảo với khoảng 50.000 tác phẩm. Điều đáng nói hơn nữa là các tác giả không Công giáo cũng tham gia nhiệt tình và có những tác phẩm mà ca từ thấm đậm men, muối Phúc Âm.

ü Nhạc sĩ Phạm Duy có tác phẩm:

- “Chúa hòa bình”, với đoạn ca từ đại ý: “Nếu ai vả má bên này thì hãy đưa má bên kia nữa…”.

- “Giọt mưa trên lá”, có nhắc tới “Chúa chịu đóng đinh trên thập giá”.

- “Ngày Tân Hôn” (nhạc Pháp), có đoạn: “…Đường ta ước mơ về nơi chốn Thiên đường, về nơi tổ ấm nhờ ơn đức cao vời, ơn Mẹ Maria…”.

ü Nhạc sĩ Lê Dinh Vũ Chương có tác phẩm: “Niềm tin”, (BTT/PHNT ngày 15/9/1970): “Chắp tay con quỳ lạy Chúa trên cao, tuy con sinh ra là người ngoại đạo, nhưng Chủ nhật thường hay đi xem lễ, vì người yêu con đến đón nơi Nhà thờ, dưới tháp chuông cao. Tiếng kinh ban chiều rộn rã không gian, con đưa tay lên nguyện cầu một lần. Xin trọn một đời thương nhau mãi mãi, và tình yêu không lừa dối, chứng cho lời con đó Chúa ơi! Niềm tin không bến bờ, tràn bao nhiêu ước mơ. Con quỳ nghe Chúa dạy, đưa tay con làm dấu vụng về nhưng vẫn tin, vẫn tin rằng Chúa đã nghe con. Chúa cao trên trời nhìn xuống dương gian, cho tương lai con nguyện cầu được tròn, cho cuộc tình này không qua ngõ tối, đường đời hai con một lối, Chúa thương thì thương trót Chúa ơi!”.

ü Nhạc sĩ Tấn An – Hoài Linh có tác phẩm “Nửa đêm quê ngoại”, (TBTT.CH/BC3/XB 5/12/1966): “Nửa đêm chân bước theo hồi chuông đưa, quỳ bên hang đá đơn sơ… mười năm qua… nào đã quên… nửa đêm tiếng kinh cầu, lòng tôi in bóng giáo đường tôn nghiêm, nửa đêm đi lễ bên em, tình trong như ánh sao đêm…”.

ü Nhạc sĩ Lê Đình – Mạc Phong Linh có tác phẩm “Giáo đường chiều Chúa nhật” (BTT/NHK/PHNT ngày 16/4/1969): “Chúa nhật có anh đón người em nhỏ, đón người ngoại đi xem lễ đường xa. Nhìn lên thánh cung lòng em ngỡ ngàng đưa tay làm dấu không rành, thẹn thùng nhưng thiết tha nhìn anh… Nguyện cầu xin Chúa thương đời anh…”.

ü Nhạc sĩ Hoài Linh có tác phẩm “Lá thư trần thế” (BTT/NT/NHK/QN ngày 20/11/1968): “Đêm nay Ngôi Hai trời xuống, ánh sao lung linh muôn mầu… Đêm nay Người xuống đời, xin đem nguồn vui tới, những đôi môi cằn cỗi lâu không cười…”.

ü Nhạc sĩ Trần Quý có tác phẩm “Mùa sao trần thế” (xuất bản trước 1975): “Đêm mùa sao sáng, đêm hội trần gian, đêm Người giáng thế ra đời cứu nhân… Đêm Noël đem mùa sao thắp sáng hơn đèn… Noël đêm Chúa giáng nhiệm mầu, con khấn hứa nguyện cầu cho người thôi ghét nhau. Con tin nơi Đức Chúa đời đời…”.

ü Nhạc sĩ Tuấn Hải – Lê Kim Khanh có tác phẩm: “Đôi lòng cầu nguyện” (xuất bản trước 1975): “Cũng Noël này mùa đông năm ấy tình đã xa bay… Lòng quá bơ vơ… Chỉ mong ơn Chúa ban một tình thương… Trên ngôi cao hào quang sáng soi trần gian sướng vui mừng Chúa ra đời, và riêng tôi đã nở hoa, cùng với người yêu quỳ tạ ơn Chúa… Niềm tin dâng Chúa thành kính kêu van cầu xin phép mầu, xin Ngài ban ơn phước cho Mẹ Việt Nam”.

ü Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ có tác phẩm “Giáo đường im bóng”, (Tinh Hoa ấn bản 1951, Huế) : “Nhớ tới đêm đầy ánh sáng… giây phút như ngừng trôi, tiếng kinh muôn đời… Dáng xinh xinh như tiên kiều, quỳ ngân thánh kinh ban chiều, trong giáo đường đêm Noël ấy, ngàn đời tôi mến yêu. Tiếng amen đều âm u… Thánh giá xa vời lắm, với chuông chiều ngân… Nơi giáo đường im bóng, tôi thầm mong ngóng, đắm đuối trên làn sóng mắt nàng huyền mơ”.

ü Nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn có tác phẩm “Chiều bên giáo đường”, (BBT/PHNT ngày 15/12/1970): “Hồi chuông thiêng sức loan mây trời… bên giáo đường yêu. Nguyện cầu, gục đầu bên hoa… Nguyện cầu, gục đầu bên nhau…”.

ü Nhạc sĩ Châu Kỳ - Hồ Đình Phương có tác phẩm “Dưới chân Thánh giá”, (BTT/PHNT 12/11/1971): “Dưới chân Thánh giá tôi trở về xóm đạo… nhờ Chúa xót thương… Ôi tội lỗi này xin lạy Chúa, xin lạy Chúa con thống hối cho đến bao giờ. Dưới chân Thánh giá thôi chỉ còn là kỷ niệm… Đêm nao Thiên Chúa xuống trần… Đêm nay bên mái giáo đường, mình tôi đứng đếm giọt buồn tình xưa”.

ü Nhạc sĩ Mai Khoa có tác phẩm “Đêm hạnh ngộ” (BTT/NHK/PHTT ngày 10/12/1968): “Chúa sẽ đến trong đêm nay bởi loài người còn đọa đày… Chúa sẽ đến trong đôi tay chắp cánh với lời nguyện cầu : Xin thương nhau trọn tình đầu… Khi Mẹ nhìn Con, Chúa về trong đôi mắt, khi anh gặp em, Chúa ngự trên đôi môi, Chúa trong lời ngọt ngào, Chúa trong tình trìu mến…”.

ü Nhạc sĩ Hồng Vân – Trần Quý cũng lời ca như sau: “Một hôm nhằm sáng Chúa nhật tôi đến giáo đường, được biết một người, người ấy có đạo Công giáo nên thường đi lễ Nhà thờ. Và nay khấn nguyện cầu cho an lành trong tâm hồn, con xin ơn Chúa ban phước nhiều cho tôi… Từ đó Chúa nhật tôi vẫn luôn dìu em đến Nhà thờ…”.

ü Nhạc sĩ Xuân Điềm có tác phẩm “Mùa hoa tuyết” (xuất bản trước 1975): “Mùa hoa tuyết năm xưa đã về. Ngày lễ Noël… chạnh khơi thương nhớ em anh giữa Giáng Sinh… chắc em anh đang cầu xin: Lạy Chúa, Chúa Cứu Thế… Lạy Chúa thương con… dẫu xa nhau nhưng niềm tin Chúa càng thấm sâu, tình chung hai đứa như hoa tuyết mùa Giáng Sinh…”.

ü Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông có tác phẩm “Đêm thánh huy hoàng” (BTT 14/12/1972): “Một trời sao sáng ngời, Thiên Chúa sinh ra đời… muôn lời ca ngợi Chúa Giáng Sinh trần gian. Con quỳ xin Chúa trên trời, bình an khắp nơi nhân loài... Nguyện cầu xin Chúa Trời vinh hiển trên muôn loài, xua màn đêm tăm tối khắp nơi trần thế. Niềm tin nơi Chúa đời đời… nhân loại đầy ơn phước Chúa trên tầng cao…”.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng rất yêu thích mùa Giáng Sinh: “Một mùa đông giá hang Bêlem Chúa sinh ra đời… Lạy Mẹ Sầu bi ban ơn, người người cùng thương nhau hơn, đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao”.

ü Tác phẩm “Đêm thánh vô cùng”, nhạc của Franz Grubert (BTT 11/12/72): “Đêm thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, khắp thế gian hát kính mừng đêm đông Chúa sinh ra chốn hang lừa. Đêm đông giá Chúa sinh ra cứu nhân loại. Ôi đêm thánh bao tình thương mến, tấu khúc nhạc dâng đêm vô cùng. Ôi đêm thánh bao đàn chiên Chúa, xướng khúc nhạc dâng đêm vô cùng”.

ü Tác phẩm “Ave Maria”, nhạc của Schuber (BTT 11/12/1972): “Xin Mẹ Maria, cho nước con qua ngày… Mẹ ơi bao la lòng Maria. Này đây muôn kinh quỳ tấu dâng lên Bà. Tạ ơn Thiên Chúa, Gabriel truyền tin khắp nơi, trần thế thắm bao tình ơn Thánh nữ Đồng Trinh. Ave Maria… ”.

ü Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn hồi nhỏ có lẽ được học trường Công giáo Thiên Hựu, nên ca từ của anh nhiều đoạn giống Thánh Kinh:

- Bài “Cát bụi”: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai vươn hình hài lớn dậy, ôi cát bụi tuyệt vời, mặt trời soi một kiếp rong chơi. Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi mệt nhoài, biển động nào gõ nhịp khôn nguôi…” – So với sách Sáng Thế: “Chúa phán: ngươi là bụi đất và sẽ trở về với bụi đất” (St 3,19).

- Bài “Tuổi đá buồn” với lời ca “Đi về giáo đường, ngày Chủ nhật buồn”.

- Bài “Nguyệt ca”: “Từ khi em là nguyệt, câu kinh đã bước vào đời”.

- Bài “Xin mặt trời ngủ yên” có cụm từ “Chân mây địa đàng”.

- Bài “Dấu chân địa đàng” với cụm từ “đêm hồng địa đàng”.

- Bài “Cho một người nằm xuống” có câu kết: “Xin cho một người vừa nằm xuống thấy bóng thiên đường cuối trời thênh thang” – Câu ca như vọng lại lời nguyện cầu của các tín hữu Kitô cho người quá cố: “Lạy Chúa xin cho linh hồn… được lên chốn nghỉ ngơi”, cũng là nội dung của những chữ tắt ghi trên mộ bia: RIP (Requiescat in Pace).

Một số bài có tựa đề rất ư là “đạo” như: “Lời thánh buồn”, “Phúc Âm buồn”,…

Đặc biệt trường hợp nhạc sĩ Vũ Thành An, trên báo Công Lý và Xã Hội số 17 ngày 15/5/2013, biên tập viên Hoàng Dung có bài “Nhạc sĩ Vũ Thành An, người viết khúc bi ca cho tình yêu” – Hoàng Dung viết: “Cùng với tình khúc thứ nhất 'Em đến thăm anh đêm ba mươi' và các bài 'Không tên', tên tuổi Vũ Thành An đã gắn liền với giới trẻ thời bấy giờ. Người ta có thể nghe nhạc của ông ở hầu hết các quán cà-phê nhạc của Sài gòn và những thành phố lớn khác ở miền Nam. Tại các quân trường và trên các làn sóng phát thanh. (Đây là lời giới thiệu tập nhạc Vũ Thành An – Tình khúc toàn tập).

Sự thành công của “Bài không tên cuối cùng” góp phần khẳng định tên tuổi của chàng nhạc sĩ 22 tuổi – Vũ Thành An, đặt anh ngồi ngang hàng với những cái tên Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Lê Uyên Phương trong địa hạt âm nhạc Sàigòn những năm 60.


Phụ Bản II

Vũ Thành An sinh năm 1943 tại Hải Hậu, Nam Định – Năm 1954 theo gia đình di cư vào Sàigòn, năm 1959 học lớp đệ tứ (lớp 9) đồng thời học nhạc lý với nhạc sĩ Chung Quân. Sau thành công của 'Tình khúc thứ nhất', ông viết một mạch 'Bài không tên 1, 2, 3, 4', tất cả đều mang dư vị buồn bã, day dứt… Cuộc tình thứ nhất không thành, tiếp đến cuộc tình thứ hai cũng dở dang. Ông tiếp tục viết 'Bài không tên 5, 6, 7, 8, 9, 10'. Năm 1969 ông chấm dứt cuộc đời độc thân, lập gia đình và phát hành 'Tuyển tập những bài không tên'. Với tiếng hát mượt mà của ca sĩ Thanh Lan trên đài phát thanh cùng phong trào du ca Sàigòn, những bài 'Không tên' đã đóng dấu son cho sự nghiệp âm nhạc của ông.

Sau năm 1975, Vũ Thành An đi cải tạo tới năm 1985, đây là một bước ngoặt thay đổi đời ông. Năm 1981, trong một đêm bị chứng mất ngủ đeo đẳng vì những dằn vặt cuộc đời, ông nghe người bạn cùng phòng (cải tạo) thì thầm đọc kinh 'Kính mừng'… Sắp chết đuối trong những bế tắc, tâm hồn ông bỗng được soi sáng, ông bắt đầu viết thánh ca. Cũng cần phải nói rõ Vũ Thành An vốn là người ngoại đạo, năm 17 tuổi ông quen một cô gái rất ngoan đạo và để chiều lòng cô, ông học thuộc kinh 'Kính mừng' từ dạo ấy.

Sau khi đi cải tạo về, Vũ Thành An đi dạy kèm để kiếm sống, đồng thời viết tiếp 'Bài ca không tên' từ số 12 đến 50. Qua nhiều thăng trầm, giờ đây ông đã biết chấp nhận, yêu vẫn yêu, nhớ vẫn nhớ, nhưng không còn rã rời, quay quắt, điên dại nữa.

Năm 1987 ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Vân, mẹ của 2 cậu trò ông đang dạy. Cả gia đình sang Mỹ định cư năm 1991. Năm 1996 ông tuyên bố ngưng sáng tác tình khúc. Hiện ông đang giữ chức Phó tế vĩnh viễn ở Portland, Oregon – USA (xin nhắc lại: chính trong trại cải tạo, ông đã trở thành tín hữu Công giáo, hiện nay ông tiếp tục sáng tác thánh ca). Năm 2006 ông trở về VN cho hoạt động của quỹ từ thiện Têrêsa do ông sáng lập vào năm 2002.

Trải qua nhiều biến động, Vũ Thành An giờ đây đã tìm được một cuộc sống, chọn được một cách sống nhiều niềm vui hơn, dẫu chàng không còn viết tình khúc bi ca như xưa nhưng những lời ca ấy vẫn lơ lửng phảng phất, không phải chỉ trong tâm khảm những người tìm lãng quên trong các quán cà-phê thập niên 60, mà còn trong trái tim đồng điệu của hàng triệu người yêu nhạc” (Hoàng Dung).

Đồng hành với hoạt động sáng tác phụng ca, thánh ca bình dân tôn giáo, giáo ca và những bài ca “đạo vào đời, đời hòa trong đạo”, đội ngũ thực hiện và phổ biến các băng, đĩa nhạc đạo cũng rất hùng hậu trên toàn thế giới và cả trên nước Việt Nam nữa. Bao nhiêu triệu băng đĩa đã bán ra thì chưa thể và cũng không thể thống kê được trên 200 quốc gia trong thế giới. Chỉ biết mỗi mùa Giáng Sinh về, nhạc Giáng Sinh đầy ắp không gian, khắp hang cùng ngõ hẻm, cả trên TV, radio… đâu đâu cũng nghe nhạc Giáng Sinh:

- Jingle Bell

- Silent Night

- Mùa Đông Năm Ấy

- Hang Bêlem: “Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời…”

- Bài Thánh Ca Buồn với những lời thở than tha thiết: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em? Noël năm nào chúng mình có nhau… Cùng nhau quỳ dưới chân Chúa cao sang, xin cho đôi mình suốt đời có nhau… Bao nhiêu năm Chúa xuống dương gian, bấy nhiêu lần con nhớ người yêu” (Album Hơi Thở Giáng Sinh, nhạc sĩ Nguyễn Vũ).

Cùng với nhạc Giáng Sinh là hình ảnh các ông già Noël và các bà già Noël, xe tuyết, ngôi sao, cây thông và những hàng chữ Merry Christmas and Happy New Year trang trí cùng khắp nơi. Hàng tỷ thiệp Giáng Sinh được gửi qua gửi lại, trao tặng nhau những lời chúc tốt đẹp…

Và mới đây, một album thánh ca được vinh danh, nói lên sức sống của Thánh Kinh luôn mãnh liệt và bền vững giữa lòng thế giới: “Một album mang tên Mùa Vọng ở Êphêxô của Tu viện Đức Bà thành Êphêxô là một cộng đoàn nhỏ của 22 nữ tu dòng Biển Đức ở bang Missouri, Hoa Kỳ đã đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng các album cổ điển trong suốt 6 tuần và các nữ tu được vinh danh là 'Những nghệ sĩ truyền thống cổ điển số một năm 2012'. Album được sản xuất bởi nhà sản xuất từng đoạt giải Grammy, là Christopher Alder. Các nữ tu Biển Đức nhấn mạnh rằng họ không phải là chuyên nghiệp, nhưng họ tập ít nhất 3 giờ mỗi ngày. Họ nói rằng ca hát là hình thức cầu nguyện ưa thích của họ” (Tuần báo CG&DT số 1911 tuần lễ từ 14-20/6/2013, trang 23).

Mới đây album thứ hai có tựa đề: “Thiên thần và Các Thánh ở Êphêxô” tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng. Nhà sản xuất Ch. Alder nói rằng ban đầu ông không bao giờ hình dung là mình đang nghe nữ tu hát: “Trước hết tôi rất ngạc nhiên, làm thế nào mà họ lại hát hay như thế, tôi bị thuyết phục ít nhất là chất giọng cao của họ, vì vậy tôi chìm đắm trong âm nhạc. Điều này chưa bao giờ xảy ra đối với tôi như đã xảy ra khi nghe các nữ tu Biển Đức hát ngay tại Hoa Kỳ”.

(còn tiếp)


CHÚT SUY TƯ NHÂN MÙA VU LAN

Tháng Bảy là mùa của Mưa Ngâu. Bầu trời lúc nào cũng âm u, mưa gió sụt sùi. Từng cơn Bão lớn nhỏ nối đuôi nhau không dứt. Mọi người cho đó là nước mắt của vợ chồng Ngâu mừng mừng tủi tủi vì mỗi năm chỉ được gặp lại 1 lần trong dịp này. Cũng có thể là nước mắt của những người con tưởng nhớ đến cha mẹ nay không còn nữa. Lúc nghèo thì không có điều kiện để chăm lo cho cha mẹ miếng cơm, manh áo. Nay tài sản dư thừa thì cha mẹ đã theo ông bà, vì Tháng 7 cũng là mùa Vu Lan được tổ chức ở các Chùa. Theo tích xưa của nhà Phật thì mẹ của Đại Hiếu Mục Kiền Liên là Bà Thanh Đề bị rớt Địa Ngục. Nhờ vào việc Ngài cúng dường Trai Tăng mà sau đó mẹ Ngài được thoát Địa Ngục, sinh lên cõi trời. Sau này các Phật Tử cũng đua nhau bắt chước để làm theo. Một số Chùa cũng nương dịp này để tổ chức cài Bông Hồng Đỏ cho người mẹ còn hiện tiền, và Bông Hồng Trắng cho người có mẹ đã qua đời, như một sự nhắc nhở về lòng hiếu kính.

Kinh viết: Mục Kiền Liên thấy mẹ bị rớt Địa Ngục, khóc than thảm thiết, cầu xin Phật cứu mẹ. Phật động lòng thương, rưới nước tắt lửa Địa Ngục. Nhưng Bà thoát Địa Ngục này lại sinh vào Địa Ngục khác. Cho tới khi Ngài Mục Liên nghe lời Phật dạy, Cúng Dường Trai Tăng thì mẹ mới thoát. Bài đã đăng trong Nôi San số 16, cách đây đã 6 năm. Xin tóm tắt lại và thêm một vài nhận định mới như sau:

“Vào thời Phật tại thế, ở thành Vương Xá, có người trưởng giả tên là Phó Tướng. Ông có vợ tên là Thanh Đề và có 1 con trai tên là La Bốc. Sau khi cha chết. La Bốc thưa với mẹ, xin chia tài sản ra làm 3 phần. Một phần xin dâng mẹ. Một phần để cúng dường Tam Bảo. Phần còn lại ông lấy làm vốn đi buôn.

Khi La Bốc di rồi, thì bà Thanh Đề chẳng những không cúng dường Tam Bảo, mà còn dặn tôi tớ, “Nếu có thấy Chư Tăng đến thì vác gậy đuổi đánh. Số tiền dành cúng Trai tăng để mua gà, vịt, heo, bò, dê, ngựa, giết để tế thần rối ăn cho sướng cái miệng. Tội gì phải cúng Tăng!”

Sau ba năm, La Bốc buôn bán phát tài, giàu to, quay trở về . Tới ngoại thành, ông chưa vội về nhà mà cho gia nhân về trước, thông báo. Tỳ nữ báo tin cho Bà Thanh Đề hay. Bà lập tức sai người bày biện phan, phướn, bàn, ghế như đã cúng Trai Tăng. Thấy gia nhân, bà Thanh Đề hỏi con bà đang ở đâu? Gia nhân trả lời là còn đang ở ngoại thành. Bà nói với gia nhân là sau khi La Bốc và ngươi đi rồi, ta liền thết tiệc đã Chư tăng hơn 500 vị. Gia nhân bước vào nhà lại thấy phan, phướn, giường, chiếu, chén bát còn ngổn ngang đó, nên vội quay lại báo với chủ. La Bốc hết sức vui mừng, vội vã trở về nhà, vừa đi, vừa lạy.

Họ hàng quyến thuộc thấy vậy ngạc nhiên hỏi La Bốc: “Trước không có Phật, sau không có Tăng, ông lạy ai ?” La Bốc trả lời là “Tôi lạy mẹ tôi, vì khi tôi đi rồi mẹ tôi đã Thiết Trai, cúng dường hơn 500 vị Tăng”.

Họ hàng cho biết: “Khi ông đi rồi thì mẹ ông chỉ gây nghiệp. Đánh đuổi Tăng chúng. Hàng ngày giết trâu, bò, gà, vịt, tế thần rồi ăn”. La Bốc nghe vậy té xỉu, giây lâu mới tỉnh.

Bà Thanh Đề nghe vậy chạy tới cầm tay con thề: “Trời cao lồng lộng, biển rộng thênh thang. Nếu sau khi con đi rồi mà mẹ không có Thiết Trai cúng dường Tăng thì xin về nhà liền bị bệnh chết. Sau khi chết bị đọa Địa Ngục, chịu mọi tội báo”. Nghe vậy La Bốc mới chịu về nhà.

Về đến nhà, Bà Thanh Đề lâm trọng bệnh, chỉ trong 7 ngày là qua đời. La Bốc chôn mẹ, rồi cất chòi ở cạnh mộ mẹ trong 3 năm. Cúng dường tượng Phật. Thắp hương lễ kính. Thọ trì, tụng niệm kinh kệ hồi hướng mẫu thân. Sau đó ông đến núi Kỳ Xà Quật xin Phật cho xuất gia. Phật đặt tên cho Ông là Mục Kiền Liên.

Ngài Mục Liên chuyên tu Thiền Định, đắc thần thông rất cao. Muốn báo ân mẹ, Ngài lên các cõi trời tìm mà không gặp. Xuống các cõi địa Ngục cũng không thấy mẹ đâu. Ông buồn rầu tới bạch Phật. Phật cho biết, mẹ ông lúc sống không tin Tam Bảo, lại bỏn xẻn, nên khi chết phải đọa Địa Ngục rất nặng. Ngài Mục Liên trở xuống các Địa Ngục mà không thấy mẹ, lại thấy các tội nhân chịu hành hình rất đau khổ. Ngài thưa với chúa ngục xin chịu thay. Nhưng chúa ngục bảo: “Tội ai làm nấy chịu, không thể chịu thay được”. Mẹ ngài lại bị giam trong một ngục mà phải mượn gậy, áo, bát của Phật mới vô được.

Khi Ngài tới, chúa ngục tra sổ sách và gọi Bà Thanh Đề, báo cho biết là có con là Mục Kiền Liên đến thăm. Nhưng gọi mà bà không lên tiếng. Chúa Ngục hỏi vì sao thì bà bảo: “sợ chịu quả báo nên không dám nói, vì lúc còn sống bà có một người con, nhưng mang tên khác”. Sau khi Chúa Ngục hỏi lại, thì Ngài Mục Liên bảo khi còn cha mẹ Ngài tên La Bốc. Khi cha mẹ mất, Ngài mới xuất gia và có tên là Mục Liên. Bà Thanh Đề lúc đó mới dám nhận.

Khi chúa Ngục dắt Bà Thanh Đề ra, Ngài Mục Liên thấy mẹ bị dao đâm khắp mình, toàn thân có lửa cháy, mình mang gông sắt… thì khóc lóc nói với mẹ: “Thiết Trai Tăng gồm 500 vị, tưởng đã sinh thiên, nào ngờ gặp mẹ ở đây. Ba Thanh Đề nghẹn ngào nói: “Tưởng là mẹ con không bao giờ còn gặp nhau nữa”. Mục Liên hỏi: “Con ở dương gian làm mọi Phật Sự sớm tối không ngơi, trai nghi cúng mẹ có ích gì không?” Bà Thanh Đề trả lời: “Cúng tế vô ích. Có ăn được đâu. Phải lập công đức mới cứu được mẹ. Mẹ không tu phúc, nhưng nói dối với con nên ngày nay phải đọa Địa Ngục khổ sở vô cùng”. Bà kêu Ngài Mục Liên bạch Phật để tìm cách cứu mình.

Mục Liên về bạch Phật xin tìm cách cứu mẹ. Cảm động trước tấm lòng hiếu tử. Phật cùng đệ tử đi lên hư không, phóng hào quang xuống làm cho dụng cụ hành hình biến thành hoa quả. Giường sắt biến thành giường sư tử. Tất cả đại chúng thấy được thân Phật liền được thoát khổ. Nhưng Bà Thanh Đề vừa thoát ngục này liền sinh xuống địa ngục khác. Ngài Mục Liên lại tìm mẹ. Gặp được mẹ liền dâng cơm. Nhưng cơm chưa tới miệng bà Thanh Đề đã biến thành lửa. Mục Liên lại khóc lóc bạch Phật. Phật dạy: “Thỉnh các Đại Đức đã tu đắc đạo, đã chứng Thiền Định, thiết La Bồn Trai, cúng dường Tam Bảo, Sám Hối thay mẹ”. Ngài Mục Liên làm theo, sau đó Bà Thanh Đề được sinh lên cõi thiên”.

Nếu không đọc Kinh, hoặc đọc một cách hời hợt, hẳn chúng ta sẽ cho đó là cách thức Phật dạy chung cho tất cả con cái có cha mẹ qua đời. Nếu ngày Lễ VU LAN, mà mọi người thiết Trai Tăng để cầu Siêu thì thân nhân quá cố sẽ siêu thăng. Nhưng có đọc kỹ, chúng ta thấy kinh giảng về Nhân Quả từng việc rõ ràng như sau:

1/ Bà Thanh Đề đã nhận 1/3 gia sản với lời giao ước dùng đó để cúng dường Tam Bảo. Nhưng bà đã không làm, nên dù đã chết, bà vẫn nhớ là còn mang món nợ đó.

2/ Thiếu ai thì trả nấy. Nợ thứ gì thì trả thứ đó. Bà Thanh Đề không có nợ Phật. Nên Phật không thể tha cho bà được, dù Ngài sẵn sàng cùng Thánh Chúng lên hư không rưới nước tắt lửa Địa Ngục. Nhưng Bà thoát Địa Ngục đó lại sinh vào Địa Ngục khác. Cho tới khi Ngài Mục Liên làm Trai Tăng thì bà mới được giải thoát.

3/ Tội ai làm nấy chịu. Ngài Mục Liên không thể chịu tội thay, dù đó là mẹ ruột.

4/ Kinh đã mượn miệng bà Thanh Đề để nói: “Cúng tế vô ích, có ăn được đâu” để chúng ta đừng bày mâm cao, cổ đầy cúng người đã khuất cho phí tiền.

5/ Phật dạy Thiết Trai phải “thỉnh chư Đại Đức đã tu Đắc Đạo, đã Chứng Thiền Định”, không phải cúng dường bất kỳ vị Tăng nào!

Bà Thanh Đề có nợ Thiết Trai Tăng, nên con bà muốn trả nợ giùm mẹ thì phải làm điều đó thay cho mẹ. Nếu chúng ta cũng muốn muốn noi gương Ngài Mục Liên, trả nợ thay cho ông bà, cha mẹ của chúng ta thì cần xét lại xem họ nợ cái gì? Nợ của ai thì trả cho đúng chủ, hay con cái nhà đó, thì người quá cố mới hết vướng mắc. Nợ ông A đâu thể trả cho bà B? Bà B đâu có quyền nhận tiền rồi xóa nợ thế cho ông A? Đó là thuận đời mà cũng hợp đạo. Giả sử cha mẹ ta ngày xưa cướp tài sản của người nào đó, không lẽ sau này con cháu mang tiền đi cúng chùa là xong? Chẳng lẽ ông bà cha mẹ ta ăn ở ác đức, rồi lễ Vu Lan ta làm Trai Tăng là xóa hết được sao? Phật dạy người tu phải Quán Sát, phải Tư Duy. Vì thế, chúng ta đừng máy móc bắt chước người khác, mà nên xem kỹ lời Phật dạy để thực hành cho đúng, thì thân nhân quá cố của ta mới thật sự được nhờ.

Đó là việc báo hiếu đối với cha mẹ đã qua đời. Nhưng theo tôi, báo hiếu cho cha mẹ còn sống mới quan trọng hơn. Đạo Phật cũng không dạy người tu làm gì khác hơn là giữ trỏn đạo làm người, vì Bốn Trọng Ân mà Phật dạy người tu phải báo đền, thì Ân Cha Mẹ đứng hàng đầu. Bởi hơn ai hết, Đức Thích Ca là người quán sát các pháp một cách hết sức tinh tế, vì vậy mà phương tiện Ngài lập ra cũng không ngoài cách dạy con người phải cư xử đúng Đạo Làm Người. Kinh ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN có ghi ra từng chi tiết những việc để làm thành 32 Tướng Tốt của Phật. Không phải là “Hào quang sáng chói. Nhìn đó là lóa mắt. Nghĩ đến là ý loạn” như nhhiều người vẫn tưởng tượng, mà đó là những việc rất thường tình của con người có đạo đức: Phụng dưỡng cha mẹ. Hiếu kính Thầy. Giúp đỡ bạn bè. Cúng dường cha mẹ và người có đức. Giữ Giới. Làm điều thiện. Giảng hòa những cuộc tranh chấp... Để ai muốn có những Tướng Tốt này bắt chước mà thực hiện theo. Không phải chỉ Phật mới làm được. (Xin đọc trong Bản Tin số 11 và 12). Tiếc thay, nhiều đời mọi người cứ hiểu lầm lại đề xướng dùng Vàng, Ngọc, bạc, đồng, xi măng, gỗ đúc tạc để Thờ, để cầu xin, bất chấp lời khuyến cáo của Chư Tổ. Trách sao Đạo Phật lần hồi biến thành Thần Quyền không khác gì các Tôn Giáo khác!

Nói đến lễ Vu Lan là nói đến lòng hiếu kính cha mẹ. Không lẽ ta đợi cha mẹ mất đi mới tỏ lòng hiếu kính? Điều cần thiết là ta nên chăm sóc, yêu thương lúc họ đang sống. Một miếng ngon, chút sự quan tâm khi trái nắng trở trời là đã có thể làm ấm lòng cha mẹ. Nhất là người già không bịnh nọ, cũng tật kia. Họ đã một đời hy sinh, gian khổ vì ta rồi. Bản thân họ cũng đâu có muốn mang bệnh, chẳng may căn đày, kiếp đọa nên phải chịu mà thôi. Họ cũng tủi thân lắm. Nhưng lực bất tòng tâm, đành phải làm khổ con cái! Nhiều người hầu hạ cha mẹ thì bực dọc, nặng lời! Chúng ta đừng quên, cả một chuỗi ngày thơ ấu, cha mẹ đã phải hầu hạ, hốt dọn cứt đái cho mình tới lớn. Giờ mình trả lại thì cũng là lẽ thường thôi. Lẽ nào lại ngược đãi, hất hủi cha mẹ cho đành!

Có người còn đối xử với mẹ chồng không ra gì. Mỗi lần mẹ chồng đến chơi thì dặn người làm xét giỏ trước khi bà về, vì sợ bà lén lấy đường, sữa, bột ngọt của mình đem về cho con ruột, trong khi đó sẵn sàng cúng Chùa hàng tấn gạo! Mẹ chồng thì khác gì mẹ của mình. Dù không sinh đẻ, nuôi dưỡng mình, nhưng sinh đẻ, nuôi dưỡng chồng mình, để ngày nay có người yêu thương, lo lắng cho mình. Lẽ nào ta thương chồng mà lại coi thường mẹ chồng? Người chồng thấy vợ cư xử với mẹ mình như vậy thì làm sao vui được! Phật dạy: “Cha mẹ trong nhà là Thích Ca, Di Lặc”. Là Phật Tử, chúng ta đừng quên điều đó. Cúng Phật nào, Chùa nào cho bằng cúng người đã tạo ra hình hài và nuôi dưỡng mình, có khi còn để lại cả sản nghiệp cho mình! Không có cha mẹ, làm sao có mình, có chồng để yêu thương mình? Người chồng hay vợ thấy người bạn đời của mình cũng yêu thương, kính trọng cha mẹ mình thì lại tăng thêm lòng yêu quý nhau. Trên thuận, dưới hòa. Hạnh Phúc gia đình lại được nhân lên. Việc làm tốt có kết quả ngay hiện kiếp, và ngược lại.

Nhiều người chỉ tôn sùng, kính trọng Phật, sẵn sàng hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật , tưởng là chỉ có xuất gia tu hành để“cứu nhân độ thế”là quan trọng, mà quên đi bổn phận làm con. Đức Phật không hề khuyến khích điều đó qua câu chuyện sau: Thời Phật tại thế, có một anh chàng là con trai độc nhất, sống với mẹ già. Nhưng nghe Phật giảng, quá mến mộ, nên mặc cho mẹ năn nỉ, anh ta cũng quyết đinh bỏ nhà để theo Phật xin tu học. Đến nơi, gặp Phật, Phật từ chối và dặn anh chàng hãy trở về, chờ khi gặp được vị nào mà mang lộn dép, chân nọ qua chân kia. Đó là vị Phật mà anh ta cần theo hầu. Đó cũng là tu hành, khỏi cần xuất gia. Bị Phật từ chối, anh chàng buồn bã thất thểu ra về.

Đường thì xa, nên về đến nhà thì trời đã khuya. Anh ta kêu cửa. Bà mẹ đang mỏi mòn thương nhớ con. Nghe tiếng con thì mừng quá, vội vả quýnh quáng xỏ dép để chạy ra mở cửa nên mang lộn dép. Chiếc nọ sang chân kia! Trông thấy thế, anh ta biết ý Phật bảo anh nên ở nhà hầu hạ mẹ già cho trọn đạo làm con. Tử đó anh bỏ ý định xuất gia.

Một sự thật rất đáng buồn là chưa bao giờ Đạo Đức con người lại xuống cấp một cách trầm trọng như bây giờ. Người ta sẵn sàng giết nhau chỉ vì một câu nói, vì một chút va quẹt nhỏ. Thậm chí chỉ vì chướng mắt! Cơn nóng giận đã làm cho họ quên rằng luật đời cũng như luật Đạo, tội giết người là tội nặng nhất. Không biết kềm chế bản thân. Đợi đến khi đối diện với Tòa Án, hối hận thì đã muộn! Những người đó không chỉ tự hại bản thân, mà đồng thời cũng làm cho những đấng sinh thành ra họ và nạn nhân cũng phải đau khổ suốt cuộc đời còn lại! Tệ hại hơn nữa là thời gian gần đây, ngày càng xuất hiện nhiều nghịch tử xuống tay giết cha, giết mẹ một cách tàn nhẫn, lạnh lùng! Cuộc sống khó khăn làm cho con người dễ nổi nóng hay con người do thiếu giáo dục, rèn luyện về mặt đạo đức, hoặc cả hai? Họ sẵn sàng giết me ruột vì những lý do hết sức nhỏ nhặt: Đứa thì bị Mẹ chửi bới vì không chịu làm ăn. Đứa thì xin tiền chơi game mẹ không cho! Một đại gia bỏ mẹ bịnh hoạn ở một mình trong căn nhà hôi hám với lý do “chưa thuê được người trông nom”! Con trai và con dâu đóng đinh vào chân mẹ, hành hạ cho chết, rồi mang bỏ xuống giếng sau vườn. Sau đó tỉnh bơ báo với hàng xóm là mẹ mình đã bỏ nhà đi đâu mất, để kêu bán cái nhà của bà. Cho tới khi hàng xóm phát hiện báo với chính quyền!

Không biết những người đó có phải là con người hay không? Không biết họ có con hay không, để thấy nuôi được một đứa con trưởng thành, những bà mẹ cực khổ biết bao nhiêu! Nâng niu từng miếng ăn, giấc ngủ. Lo sốt vó khi con bịnh hoạn. Chỉ cần con bị con muỗi, con kiến đốt cũng thấy xót xa. Nhà nghèo thì làm quần quật để kiếm miếng cơm, manh áo cho con. Thậm chí gần đây, một bà mẹ quá nghèo đã chấp nhận hy sinh cả mạng sống của mình, chọn biện pháp treo cổ chết, để mong có số tiền phúng điếu cho con đóng học phí! Thật là xót xa, và điều đó cũng cho ta thấy tấm lòng hiền mẫu bao la dường nào!

Có lẽ mọi người đều biết, đâu phải bà mẹ nào từ lúc có mang đến khi sinh con đều xuôi chèo, mát mái! Có bà suốt thai kỳ ăn vào là ói tới mật xanh. Có bà thèm những món quái dị. Thử hỏi, mang trên người một khối cả chục ký lô, ngày cũng như đêm, trong 9 tháng trời. Đi, đứng, tới, lui nặng nề, khó khăn biết dường nào?! Thế mà lúc trở dạ, chỉ cần một chút sơ xuất của Bác sĩ, Y tá, là mất mạng như chơi. Nhiều phụ nữ đang tuổi thanh xuân đã chết vì sinh con! Có người phải chịu mỗ xẻ đau đớn. Ông bà ta gọi sinh đẻ là: “banh da xẻ thịt”quả không sai! Việc sinh nở nguy hiểm đến nỗi người ta ví người đi sinh là “Vượt cạn”!

Mang nặng, đẻ đau là vậy, sinh được đứa con là cha mẹ vui mừng còn hơn bắt được vàng. Nhưng con người đâu có được mạnh khỏe như thú rừng, để rời dạ mẹ ra là có thể tự chạy nhảy? Phải mất mấy tháng bú mớm, đút từng ngụm nước thì xương đứa bé mới bắt đầu cứng dần. Nó mới tập lẫy, tập trường, bò, rồi dần dần mới gượng đứng, đi. Mỗi mỗi đều phải có người giữ gìn, trông coi. Người mẹ từ lúc có con thì đâu có giấc ngủ nào được trọn vẹn. Đang ngủ mà con cựa mình là phải thức giấc. Đang ăn mà nghe tiếng con khóc là phải bỏ đũa để dỗ dành. Ru con hết hơi khi nó khó chịu trong người quấy khóc. Tập cho con từng bước chân chập chững. Từng tiếng nói đầu đời. Bón cho con từng muỗng bột, muỗng cháo. Sợ con nghịch ngợm rồi bị nguy hiểm, mẹ phải không rời mắt. Ngày đêm cầu trời, khấn Phật, vái van phù hộ cho con được mạnh giỏi. Ít lắm là 3, 4 năm đầu đời, không bà mẹ nào dám bỏ con một mình. Con lớn thì tìm trường hay, thầy giỏi cho học. Khuyên răn, kềm cặp, uốn nắn, theo dõi con từng bước trưởng thành.

Những đứa con đối với cha mẹ là “báu vật trời cho”. Họ nâng niu, chiều chuộng hết mực. Nhường cho con những gì tốt đẹp nhất. Phải nói hình hài của mỗi người không phải chỉ là cơm, rau, thịt, cá, mà trong đó có cả tình yêu thương, chăm sóc của cha mẹ. Mồ hôi nhọc nhằn mưu sinh của cha. Nước mắt của mẹ và những đêm thức trắng hồi hộp canh chừng từng hơi thở của con khi con ấm đầu, đau bụng! Và chúng ta đã trả những công ơn đó ra sao?

Nhân Mùa Vu Lan, có lẽ chúng ta cũng nên xem lại cách sống, cách cư xử của mình sao cho trọn đạo làm người trước khi nghĩ đến việc thành Thánh, thành Phật và cũng đừng đợi lúc cha mẹ mất đi mới bày mâm cổ cúng, mới khóc kể nói lên lòng hối hận, thương tiếc muộn màng. Nước mắt lúc đó còn làm được gì? Kể lễ thì có ai nghe? Đám ma cho rình rang thì người chết có hãnh diện? Quan tài bạc tỷ. Mộ phần vương giả nằm trong nghĩa trang cao cấp nhất. Quanh năm có người chăm sóc. Cây kiếng xanh tươi bốn mùa để cho ai thưởng thức? Liệu người chết có cần hay không? Có ai đó đã nói: “Lúc sống thì chẳng cho ăn. Đợi đến khi chết làm văn tế ruồi”! Nghe mỉa mai làm sao!

Một nhạc sĩ đã viết: “Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần”. Thật vậy. Chúng ta đều biết ngày đó rồi sẽ phải đến. Vậy tại sao ta không yêu thương chăm sóc cha mẹ hết lòng, để đến lúc họ ra đi ta không phải hối hận vì biết rằng không còn cơ hội để chuộc lỗi nữa! Nhiều người lại nghĩ rằng chỉ có đi tu mới là báo hiếu cho cha mẹ. Nhưng nếu đọc kỹ lời Phật, lời Kinh, ta sẽ thấy: Tu chỉ có một nghĩa là Sửa. Kinh dạy: Bất cứ ở đâu. Ăn mặc như thế nào? Làm bất cứ nghề gì? miễn “Y Pháp tu hành” thì cũng Thành Phật. Đâu nhất thiết phải bỏ cha mẹ già bơ vơ không nơi nương tựa, để đôi khi tu hành không xong, ngoài lỗi với cha mẹ còn mang thêm nợ áo cơm của thế nhân! Phật chỉ là người chỉ đường cho ta hướng thiện. Cha mẹ mới là người mang nặng, đẻ đau, dưỡng dục cho ta nên người. Cho nên, Tu ở đâu ? Phụng thờ ai ? Báo đáp ai cho bằng cho cha mẹ? Vì đó là hai ân nhân lớn nhất trong cuộc đời của mỗi chúng ta. Họ đã ban tặng cho ta sự sống. Cho ta cả cuộc đời. Bởi thế, Ông bà ta có câu nói rất đời mà cũng rất Đạo: “Tu đâu cho bằng tu nhà. Thờ cha, kính mẹ hơn là đi tu”.

Mùa Vu Lan 2013

Tâm Nguyện


Đông Sài Gòn

Đông Sài Gòn không đượm màu rét buốt

Cũng chẳng gieo phong cảnh tái tê

Gió heo may loáng thoáng theo về

Làn sương mỏng se lòng bao lữ khách.


Những nụ hoa ấp e chợt bừng thức

Hứng giọt sương mai lấp lánh, bềnh bồng

Những chồi biếc trỗi dậy chào đông

Trời lành lạnh gieo niềm hoài vọng.


Đời cô lẻ - bỗng tim đơn lay động

Mấy đông rồi tình vẫn mãi chia xa

Lòng giá băng mang kỷ niệm nhạt nhòa

Đông ngoài trời sánh sao đông trong dạ.


Xin gởi anh đông miền nắng hạ.

Không giá băng nhiều, cũng chẳng tuyết rơi

Thế mà lòng người vẫn thấy chơi vơi

Mang chút xốn xang, u sầu – nhung nhớ!

XUÂN VÂN


CHÚC MỪNG

Chúc thọ anh em, nhờ vận trắc

Chơi đùa thỏa chí,… luôn tâm đắc

Mừng vui cuộc sống được tình thân

Phú quý gia đình thêm mát mặt

Tuổi lão hân hoan mãi thính tai

Niên già mạnh khỏe càng tinh mắt

Phong lưu xướng họa đến trăm năm

Tình cảm bạn bè bền vững chặt.

THANH CHÂU


ĐÓA HOA TÌNH

Hoa tàn để lại hương

Lá rơi thay chồi biếc

Bước chân người mải miết

Để lại những con đường.


Thời gian để lại gì?

Đâu chỉ là tháp cổ

Đâu chỉ là vô vi

Đóa hoa tình vẫn nở.

LÊ NGUYÊN

GIỌT LỆ MÙA VU LAN

Ngày thơ mẹ tảo tần nuôi

Con thành nhân mẹ đã xuôi về trời!

Để con thương tiếc một đời

Áo cài Hồng Trắng, ngậm ngùi Vu Lan.

Tâm Nguyện

ĐÊM TRĂNG SAO

Anh: trời đêm trong xanh,

Em: vầng trăng sáng tỏ,

Tít tắp vì sao nhỏ:

Cô gái từng yêu anh!

Matxcơva, 01.4.1981

VŨ ĐÌNH HUY

A MOONLIT AND STARRY NIGHT

I: the clear blue sky in the night

You: the so well illuminated moon

A quite tiny remote star

The girl who once loved me!

Moskow, 01.4.1981

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

ĐÊM TRẮNG

TRÊN BỜ BIỂN

Nước dâng, nước rút tần ngần,

Hải âu bay, đậu, phân vân, ngập ngừng.

Tiễn em mấy bước lại dừng,

Đêm không nỡ tối, em đừng vội đi!

Xanh Petecbua, 6.1981

VŨ ĐÌNH HUY

MOONLIT NIGHT

ON THE SEA-SHORE

Water rose, water ebbed hesitantly

The gull flew, perched, wavered, halting

Seeing you off, I walked a few steps then stopped

The night felt reluctant to turn dark, don’t be too hurry to leave!

St. Petersburg, 6.1981

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

Nhớ mùa Thu

Tuyết đã tan rồi

Uất kim hương đã nở

Bài thơ về mùa thu rực rỡ

Anh còn chưa kịp viết cho em.


Sao nỡ quên đi chiều ấy êm đềm

Rực rỡ rừng dương vàng tươi sắc lá.

Em thủ thỉ: Mùa thu Nga đẹp quá,

Gió vương hoài sợi tóc thoảng hương bay?


Sao nỡ quên đi con đường sang đây

Giữa hai hàng cây đậu dày hoa tuyết,

Đêm lạnh giá, tay tìm tay tha thiết

Nghe bồi hồi hơi ấm chuyển qua nhau?


Khi chồi bạch dương dồn thắm lên đầu,

Và mầm cỏ non bừng xanh mặt đất,

Anh vẫn nhớ mùa thu vàng đã mất

Mưa vào xuân thấm lạnh mãi lòng anh!...

Matxcơva, 4.1982

VŨ ĐÌNH HUY


RECALLING THE FALL

Snow has melted

Tulip has bloomed

The poem about our meeting in the Fall

I haven’t got time to write for you yet.


How could you have the heart to forget that so serene evening

So radiant was the poplar forest and its freshly yellow leaves

You whispered: so beautiful is the Russian’s Fall

The wind kept in cumbering itself with a flying hair that had a flashing scent.


How could you have the heart to forget the way that led us here

Between two rows of bean trees under dense snow flowers

In the dead cool night, our hands looked for one another

Frettily feeling the warmth that was passed on to us?


When white poplar shoots stuffed reddish colours over our heads

While green grass shoots turned the ground glaring green

I keep on recalling that gone by yellow Fall

And springtime rain always sinks in my heart!

Moskow, 4.1982

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

Tri âm

Vượt vạn dặm đường thăm viếng nhau

Nắng chiều vương vấn ấm vườn cau

Chén trà thanh thoát đầy hương vị

Cánh én liệng vờn chạnh thắm sâu

Thi tứ dâng tràn chưa trọn kiếp

Trầm tư lắng đọng mãi nghìn sau

Chuyện lòng trút cạn quên cay đắng

Giây phút tương phùng xóa bể dâu.

NGÀN PHƯƠNG

Chim cảnh

Nhà tôi nuôi một con chim

Không thấy nó hót, cứ im lặng hoài

Hay là nó nhớ bầu trời

Muốn được tung cánh sống đời tự do

Nhớ thời oanh liệt xa xưa

Rừng xanh một thuở nắng mưa vẫy vùng

Sống cảnh “cá chậu chim lồng”

Cái giá quá đắt, nên không bao giờ…

Phải theo khuôn khổ cứng đờ

Lâu rồi phụ thuộc ngu ngơ một đời

Cuộc sống hưởng lạc ăn chơi

Công hầu, khanh tướng một đời hư không

“Một ngày tù” ở trong lồng

“Thiên thu tại ngoại” sống trong cuộc đời

Ôi chim mày cũng như người

Xổ lồng – Bay đến chân trời tự do.

LÊ MINH CHỬ

* Tôi đã mở lồng cho chim bay về với cuộc sống tự do.

LY TAN

Từ khi đời cách núi ngăn sông

Cay đắng bẻ đôi một chữ đồng

Năm tháng xoay vần cơn tiếc nuối

Thời gian mờ xóa giấc mơ hồng

Trăm chiều lá thắm tình ngang trái

Mấy đoạn tơ vò dạ nhớ mong

Hoa bướm chia lìa - Xuân ủ rũ

Sao đành hờ hững đổi thay lòng.

NGÀN PHƯƠNG

Nhớ cụ NGUYỄN DU

Truyện Kiều có mấy trăm năm

Nguyễn Du ngày ấy trở trăn bao điều

Ngày nay đọc lại truyện Kiều

Mà ta vẫn thấy những điều ngày xưa

Ngẫm hay cũng tại ông Trời

Sinh ra kiếp nạn thử người trần gian

Ôi mầm đại họa chưa tan

Cũng vì đạo đức suy tàn mà ra

Cụ Nguyễn Du ơi!

Hãy đừng buồn

Ngày nay con cháu vẫn luôn nhớ người.

LÊ MINH CHỬ

MỘT BÀI THƠ CỦA NGUYỄN BÍNH

RẤT ÍT NGƯỜI BIẾT ĐƯỢC ĐĂNG 71 NĂM TRƯỚC

Xuân tha hương

Gửi chị Trúc

Tết này chưa chắc em về được,

Em gửi về đây một tấm lòng.

Ôi! chị một em, em một chị,

Giời làm xa cách mấy con sông.

Em đi giang giở đời mưa gió

Chị ở vuông tròn phận lãnh – cung

Chén rượu tha hương, trời! Đắng lắm!

Trăm hờn nghìn giận xuốt mùa đông.

Chiều qua ngồi ngắm hoàng-hôn xuống

Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng!


Tết này chưa chắc em về được,

Em gửi về đây một tấm lòng.

Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở?

Chị vẫn môi son, vẫn má hồng?

Áo rét ai đan mà ngóng đợi

Còn vài hôm nữa hết mùa đông.

Cột nhà hàng xóm lên câu đối

Em đọc tương-tư giữa giấy hồng.

Gạo nếp nơi đây sao trắng quá

Mỗi ngày phiên chợ một thêm đông.

Thiên-hạ đua nhau mà sắm tết,

Một mình em vẫn cứ tay không.

Vườn nhà tết đến hoa còn nở

Chị gửi cho em một cánh hồng!


Tết này chưa chắc em về được,

Em gửi về đây một tấm lòng.

Chao ơi! tết đến em không được

Trông thấy quê hương thật não nùng!

Ai bảo mắc vào duyên bút mực

Sống đời mang lấy số long-đong.

Người ta đi kiếm giàu sang cả

Mình chỉ mơ toàn chuyện viển-vông

Em biết giàu sang đâu đến lượt,

Nợ đời nặng quá gỡ sao xong!


Tết này chưa chắc em về được,

Em gửi về đây một tấm lòng.

Tết này… ô! thế mà vui chán,

Những một mình em uống rượu hồng!

Rượu say nhớ chị hồi con gái,

Thương chị từ khi chị lấy chồng.

Cố-nhân chẳng biết làm sao ấy

Rặt những tin đồn truyện bướm ong!

Thôi, em chẳng dám đa-mang nữa

Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng.

Nàng bèo bọt quá, em lăn lóc

Chắp nối nhau hoài cũng uổng công.

(Một trăm con gái thời nay ấy

Đừng nói ân-tình với thủy-chung)

Người ấy xuân già chê gối lẻ

Nên người nóng nả truyện sang sông.

Đò ngang bến dọc tha hồ đấy!

Quý hóa gì đâu một chữ đồng!

Vâng, em trẻ dại, em đâu dám

Thôi để người ta được kén chồng.

Thiếu-nữ hoài xuân mơ cát-sỹ,

Chịu làm sao được những đêm đông!

Khốn nạn! tưởng yêu thì khó chứ,

Không yêu thì thực dễ như không.

Chị ơi! tết đến em mua rượu,

Em uống cho say đến não nùng…

Uống say cười vỡ ba gian gác

Ném cái chung-tình xuống đáy sông.

Thiên hạ: chi nghinh nam bắc điểu

Tình đời: diệp tống vãng lai phong!


Tết này chưa chắc em về được,

Em gửi về đây một tấm lòng.

Sương muối gió may rầu-rĩ quá,

Còn vài hôm nữa hết mùa đông

Xuân đến cho em thêm một tuổi

Thế nào em cũng phải thành-công!

Em không khóc nữa, không than nữa

Đây một bài thơ hận cuối cùng,

Không than chắc hẳn lòng tươi lại,

Không khóc tha hồ đôi mắt trong.

Chị ơi! em cưới mùa xuân nhé

Đốt pháo cho thơm với rượu hồng

Xa nhà xa chị tuy buồn thực

Cũng cố vui ngang gái được chồng.

Em sẽ uống say hơn mọi bận

Để hồn về tận xứ Hà-đông. 


Tết này chưa chắc em về được,

Em gửi về đây một tấm lòng.

Với lá thư này là tất cả

Những lời tâm sự một đêm đông.

Thôn gà eo óc ngoài xa vắng,

Giời đất tàn canh tối mịt mùng.

Đêm nay em thức thi cùng nến,

Ai biết tình em mấy núi sông.

Mấy sông mấy núi mà xa được

Lòng chị em ta vẫn một lòng.

Tết này chưa chắc em về được,

Em gửi về đây một tấm lòng.


Cầu mong cho chị vui như tết

Tóc chị bền xanh, má dậy hồng.

Trong mùa nắng mới sầu không đến

Giữa hội hoa tươi ấm lại lòng,

Chắc chị đời nào quên nhắc nhủ:

- “…Xa nhà rượu uống có say không!”

HOÀNG KIM THƯ st.

Trương Chi - Mỵ Nương

1

Hồn ta bay lên thượng đỉnh trời cao

Theo tiếng hát từ đâu văng vẳng tới

Để từ đấy, nghiêng đầu nhìn xuống dưới

Ta tìm chàng… Nào biết chàng là ai?

Tâm sự gì đây? Thương nhớ gì đây?

Mà nước mắt chan đầy giọng hát?

Chàng cất tiếng... Rung rinh làn sóng bạc

Những vì sao lác đác rụng trên sông

Gió hây hây, gió bay bổng như lòng

Theo gió thoảng, ta nghe hơi chàng thở.

Trăng với nước nh ư cùng ta trăn trở

Dõi tìm chàng… Nào biết chàng là ai?

Là tiên trên thượng giới

Yêu Ngọc Nữ quay tơ

Nên Ngọc Hoàng bắt tội

Đày xuống trần làm thơ?

Là Thế Tử dưới sông

Vì chê cô vợ cá

Bị Long Vương phạt đòn

Đày đến nơi xa lạ?

Hay chỉ là thi sĩ

Với bầu rượu, túi thơ?

A Tú ơi! Em nghe thấy gì chưa?

Kìa tiếng hát… Ôi lời ca diễm tuyệt!

Kìa tiếng hát… Ngả nghiêng vầng mặt nguyệt!

Đêm thẫn thờ, đêm thao thức chờ nghe

Ta ngẩn ngơ, ta say đắm im nghe…

Này A Tú, mở giùm ta cánh cửa!

Mở thật rộng và không cần đóng nữa

Cho thanh âm kia tràn ngập phòng này

Cho ta ôm thật chặt giữa vòng tay

Cho ta ngủ trong lời ru thần thánh ấy.

Hãy tắt hết đuốc đèn đừng thắp cháy

Vì trong ta ánh sáng dấy lên rồi!

Trăng trên trời trải khắp muôn nơi

Hát tiếp đi, hỡi người trên sóng nước!

Ta thầm hỏi -rất nhiều lần- trong đêm thao thức

Có phải chăng… ta đã… lỡ yêu chàng?

2

Mỵ Nương ơi, ta đã… lỡ yêu nàng!

Dù duy nhất chỉ một lần gặp gỡ

Giấc mộng đẹp của nàng đã vỡ

Nàng ngỡ ngàng… Ta khổ biết bao!

Nàng hãi hùng… Ta tủi biết bao!

Ta cay đắng cúi đầu, đâu dám trách?

Ta không phải tao nhân mặc khách

Cũng không là công tử lầu son

Áo chẳng lành vai, cơm chẳng no lòng

Chỉ sống với con đò trên bến vắng

Trời sáng trăng vằng vặc

Nhàn hạ gác mái chèo

Nằm vắt tay mà hát

Không ngờ được nàng yêu!

Quăng chèo trôi theo nước

Ta thề thôi hát ca

Tàn rồi niềm mơ ước

Thương ta, trăng bỗng già!

Mỵ Nương! Mỵ Nương có hay chăng?

Tim ta bỗng chốc như vỡ tan

Nhìn xuống, ngượng ngùng cùng sỏi đá

Ngước lên, tủi thẹn với cô Hằng!

Nàng như trận gió ở trên không

Ta như chiếc lá rụng ven sông

Có ai tát cạn trường giang ấy

Tát hộ trong ta mối hận lòng?!

Mắt khô cạn khi lòng ta đã trắng

Quay lưng đi bỗng bật khóc -Thật không ngờ!

Tự hỏi thầm: “Như thế đã vừa chưa?”

Cây cỏ dưới chân nhìn ta, nhảy múa

Loài rong dại ngóc đầu cao cổ ngó

Chế nhạo ta? Hay muốn dỗ dành ta?

Rơi rụng đi thôi, hỡi ánh trăng ngà!

Ta muốn ngủ trong màn đen tĩnh mịch

Ta nằm xuống không cần ai nuối tiếc…

Ơi Mỵ Nương!...

Ta biết khổ vì nàng!

3

Hãy vén cao lên màn ngọc rèm vàng!

Hãy thắp sáng lên hai hàng bạch lạp!

Cho ta kiếm những gì vừa đánh mất

Tiếng hát chàng, ai cất giấu nơi đâu?

Chàng chết, lòng ta hết ước mơ

Và trăng gầy héo tự bao giờ

Và cỏ và cây tàn úa rũ

Và đò và bến đứng chơ vơ.

Ta chẳng còn thương ai nhớ ai

Đêm đêm vò võ suốt canh dài

Ngồi tựa song lầu nhìn xuống bến

Ta đợi chàng về, theo gió bay…

Son phấn này đây!

Trâm lược này đây!

Ta bỏ hết, không cần dùng đến nữa

Để bôi xóa những đau buồn buổi đó

Để oan hồn chàng thấu rõ tình ta

Muốn kêu lên cho nghiêng ngả trăng già

Muốn đập vỡ sáo ngà, đàn phách ngọc

Cho tất cả muôn loài đều hiểu được:

Ơi Trương Chi!

Em đang khóc vì chàng!

GIÁNG NGỌC (G.Đ.)

Lòng em



Giả dụ lòng em hình chữ nhật
Anh sẽ nhân chiều rộng với chiều dài
Nhưng đâu biết lòng em bao dài bao rộng
Nên ngần ngừ anh sợ nhân sai 


Giả dụ lòng em như quyển vở
Ở bên trong ruột giấy trắng ngần
Anh do dự lâu rồi chưa dám mở
E có bài thơ nào chép trước rồi chăng 


Và giả dụ một đêm vàng tẩm mật
Lòng em vừa mở cửa gặp lòng anh
Giữa vũ hội hai lòng cùng múa hát
Không thơ anh hoa lá cũng chung tình 


Lòng anh chín mời lòng em cắn nhé
(Hãy yêu anh kẻo uổng cả lòng nhau!)
Vui biết mấy khi về nhà dối mẹ
Rằng lòng em bay nón lúc qua cầu.

Thiếu Khanh

(Nghìn Xưa Để Lại)


BÂNG KHUÂNG


Sợi tóc loay hoay rồi nũng nịu

Ngã xuống trên bờ vai loăn xoăn

Ôi chao, ngàn thông reo líu ríu

Như vừa chợt tỉnh giấc huy hoàng…


Ta nghe như gió đan qua gió

Hương ai ngây ngất đến tận hồn

Ta mong cho gió đan qua đó

Lời ta trau chuốt đẫm hơi sương.


Ta ở đây từ em chưa lại

Chẳng bao giờ thấy bóng ai qua

Chẳng bao giờ nhìn theo ai mãi

Cho đến khi em… rất tình cờ.


Có tiếng xạc xào trong lối nhỏ

Phải chăng là tiếng gió vờn qua

Phải chăng là mênh mang hoa cỏ

Cúi đầu chờ gót ngọc thướt tha


Nếu có thanh âm nào vụng dại

Làm giật mình vai nhỏ đàng kia

Thì chắc là tại ta thừa thãi

Những cuồng quay trước bóng ngọc ngà.


Lại gần đây nữa cô em hỡi

Cho ta thổi được chút kiêu sa

Của em, rồi vương trên vời vợi

Đêm về, ú ớ mộng đầy hoa.

LAM TRẦN 28.06.2013

Xin Đừng Nhỏ Lệ

Đừng nhỏ lệ làm hồn tôi vấn vương,

Xót xa hoài giọt nước mắt sầu thương

Cõi hồng trần bao ngày tháng vô thường

Xin đừng khóc đời tôi đâu đã hết


Tôi còn đây tình đời làm sao chết

Vẫn ngậm ngùi se sắt giữa trời đông

Tôi còn đây là ngọn gió mát lòng

Là sương đọng mỗi bình minh thức dậy


Là nắng hồng soi rọi mỗi sáng mai

Nắng vui đùa trải thảm dưới chân ai

Tôi vẫn còn đây hỡi người tình mộng

Trong vườn cây xào xạc lá thu bay


Tôi là trăng ve vuốt tấm vai gầy

Là hạt mưa chiều, ướt sợi tóc mây

Là sao sáng, giải Ngân Hà đêm mộng

Là sóng âm vang đùa bãi cát dài


Tôi không chết đâu, chỉ như cơn mộng

Xin đừng nhỏ lệ, giọt lệ đau thương

Có yêu tôi đừng chuốc mối sầu vương

Ta mãi bên nhau, ngày tháng mộng thường...


Xin đừng nhỏ lệ...Tôi đã chết đâu...

Phạm Thị Minh-Hưng

Bài Thơ "Xin Đừng Nhỏ Lệ"

cảm tác theo ý thơ của bài sau:


Do not stand by

my grave and weep

Mary Frye

Do not stand by my grave and weep:

I am not there. I do not sleep…

I am a thousand winds that blow

I am the diamond’s glint on snow

I am the sunlight on ripened grain

I am the gentle autumn’s rain

When you awake in the morning’s hush

I am the swift uplifting rush

Of quiet birds in circle flight

Do not stand by my grave and cry:

I am not there. I did not die.


  • Đây là bài thơ duy nhất của Mary Frye


Hồi tưởng

Quê hương tôi có Ngôi Thánh đường

Xứ Diền tên gọi rất thân thương

Tháp đôi cao ngất xa in bóng

Chuông trống rền vang dậy khắp vùng

Sáng lễ trưa kinh chiều khấn nguyện

Giáo dân đoàn kết vững lòng tin

Thế rồi hiệp ước phân chia nước

Kẻ ở người đi khắp bốn phương

Chiến tranh khốc liệt không ngừng bước

Nhà nhà rơi lệ phải ly hương

Thống nhất hai miền Nam với Bắc

Nối lại làng xưa hưởng thái bình

KHÁNH HÀ


NGHĨ VỀ

“THÚNG CẮP BÊN HÔNG…”

Là tác giả bài viết Tài năng dịch thuật của thi sĩ đồng quê Đoàn Văn Cừ được in trên Văn nghệ Công an số ra ngày 6/5/2013, trước khi bày tỏ suy nghĩ của mình quanh câu chuyện trao đổi giữa hai nhà thơ Hữu Toàn và Nguyễn Bao về cái thúng ở câu thơ:

Thúng cắp bên hông nón đội đầu

Khuyên vàng yếm thắm áo the nâu

Trông u chẳng khác hồi con gái

Mắt sáng, môi hồng, má đỏ au,

do tôi kể lại, tôi phải bày tỏ lời cảm ơn tới bạn đọc nói chung đã để ý đến bài viết, và đặc biệt tới hai ông Đặng Toán và Bạch Hữu Ngọc không những quan tâm đọc kỹ mà còn cho đăng ý kiến nhận xét của mình để mọi người có cơ hội rộng đường suy nghĩ.

Bữa ấy, cách đây đã hơn mười năm rồi, khi nghe hai nhà thơ thẩm thơ, nhà thơ Hữu Toàn đưa ra lời bàn về cái thúng, như ông Bạch Hữu Ngọc mới đây trong bài viết Thúng nào mới xứng với u, tôi cũng có ý thầm phục “cảm nhận tinh tế của một nhà thơ về cái đẹp, ông Hữu Toàn (không phải Quốc Toàn như ông Bạch Hữu Ngọc viết) đã rất đúng khi cho rằng cái thúng “u tôi” cắp trong bài thơ không phải là cái thúng to”. Tôi vốn là người ở nông thôn, hồi bé từng sống ở quê, từng thấy đủ loại thúng mủng, những vật dùng còn đang phổ biến thời ấy. Cái thúng, đan bằng tre, hình tròn, sâu lòng, dùng để đựng, thường có nhiều loại kích cỡ khác nhau. Đến cửa hàng gạo ngoài chợ, nhất là cửa hàng ngũ cốc nói chung, có thể thấy nào thúng to, thúng nhỏ, thúng nhỡ… Cái đựng gạo tẻ, gạo nếp, cái đựng đỗ, cái đựng vừng, đựng lạc… Trong làng còn có cửa hiệu thuốc bắc, mỗi vị thuốc cũng được đựng trong một loại thúng, thúng đựng hoài sơn, thúng đựng ý dĩ, cam thảo nam, táo tàu… Còn cái thúng trát sơn ta, quang dầu xinh xắn thì nhà tôi cũng có. Các chị tôi đựng những mẩu vải vụn, kim chỉ, mấy bộ khuy trai… Tôi không thấy các chị tôi cắp cái thúng ấy đi đâu. Nhưng tôi lại thấy có lần đi chợ về, mẹ tôi cắp thúng – cái thúng nhỡ trong đựng cây vỏ, dé cau, mấy sấp lá trầu, thẻ hương, mấy trái quýt, cam đường… thúng ấy hàng năm mẹ tôi để đồ lễ cắp về bên ngoại ở cuối làng.

Cái thúng là vật dụng quá quen thuộc trong đời sống khi ấy. Trẻ con chúng tôi thuộc cả câu hát đố nhau:

Cái thúng mà thủng hai đầu

Bên ta thì có bên Tàu thì không;

rồi những câu như thúng mủng tùng xòe; nghe người lớn nói buôn thúng bán mẹt, rồi lời hát ru:

Bán buôn thúng lủng trang hư

Mãn mùa tính lại chẳng dư đồng nào ,

cả một bài về anh học trò nghèo bị thách cưới nặng đã hứa “bốc phét”:

Cưới em ba chum mật ong

Mười thúng mỡ muỗi một nong quýt đầy…

Nhưng dùng cái thúng đựng gì cũng có khác nhau. Tôi đồng tình với nhà thơ Hữu Toàn là ở cái chỗ “u tôi” không cắp bên hông cái thúng to đùng, nhưng cũng không chắc là cắp cái thúng sơn ta xinh xắn “như cái thời nay đi đâu cũng xách cái làn, sách ví, “ví đầm”. Vì vậy tôi chỉ ngồi im.

Bây giờ được hai ông Đặng Toán và Bạch Hữu Ngọc khơi gợi tôi thấy có lẽ phải thực sự tìm hiểu sâu thêm về đề tài này. Tôi bèn dong xe máy đi thăm một vài con phố, vài chợ Hà Nội để kiểm nghiệm xem, có thấy được gì mình còn nhớ, còn giữ trong ký ức chăng. Ở phố Lãn Ông, các cửa hàng thuốc bắc, thuốc nam không đâu còn đựng hàng trong thúng to, thúng nhỏ nữa, mà mọi thứ đều đựng trong các túi sợi nilông, túi dứa, dựng san sát bên nhau trên sạp, dưới sàn. Các cửa hàng gạo, ngũ cốc giờ đều đựng hàng trong các chậu nhựa kích cỡ khác nhau chứ không ai còn dùng đến các loại thúng. Người ta chỉ còn đựng bún lá, bún rối trong thúng to, thúng nhỏ, đựng xôi ủ nóng, bánh mì đội đầu đi bán rao buổi sáng trong ngõ, hay đựng cốm vào mùa, trên hè phố thỉnh thoảng còn gặp một phụ nữ quẩy đôi quang thúng bán vàng hương trầu vỏ vào ngày rằm, mùng một… Tôi tìm đến Bảo tàng Dân tộc trên phố Nguyễn Văn Huyên, nhưng ở đây chưa có trưng bày di sản văn hóa đời sống của người Kinh. Bỏ một buổi đến xem Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trên phố Nguyễn Thái Học, tôi may mắn tìm thấy hình ảnh Cái thúng được lưu lại trong khá nhiều tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi: bức tranh lụa Góp thóc vào kho của cố họa sĩ Tạ Thúc Bình (1917-1998) cho ta thấy lại những cái thúng to bự sâu lòng đựng thóc. Bức tranh lụa Hợp tác xã đánh cá về của cố nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương (1930-2011), cho ta thấy lại cái thúng đựng cá. Trên một bức tranh lụa khổ to của họa sĩ Ngô Lai Vu (sinh năm 1943) có tên Hái dâu có thể thấy cái thúng ở trung tâm bức tranh thu nhận những lá dâu từ tay mấy cô thôn nữ. Trên bức tranh sơn dầu khổ khá lớn Khi đứa con ra đời vẽ từ năm 1960 của cố họa sĩ Nguyễn Trung Kiên (1931-1991), ta lại thấy cái thúng treo trên đầu đòn gánh có chú bé con ngồi gọn lỏn bên trong hau háu nhìn ra. Và tôi rất mừng tìm thấy hình ảnh cái thúng được cắp bên hông một phụ nữ bế con trên bức tranh sơn mài được sáng tác từ năm 1960, có tên Giữ lấy hòa bình của cố họa sĩ Lê Quốc Lộc (1918-1987). Ngay tiền cảnh giữa tranh trên nền cảnh bộ đội hành quân, một đôi vợ chồng đứng bên nhau quay lưng ra khán giả. Anh chồng là bộ đội, có lẽ hành quân qua làng gặp vợ con trong chốc lát. Chị vợ bế con, tay trái cắp cái thúng nhỡ bên hông.

Đúng rồi, cắp thúng thì chỉ có thể cắp cái thúng vừa tầm cỡ thế này. Vậy có lẽ cũng có thể là cái “thúng khảo” mà ông Bạch Hữu Ngọc đã nói tới trong bài bình của mình, chứ không thể là “cái thúng đựng thóc, đựng gạo hay ngô khoai, đỗ… với số lượng lớn cỡ mười, mười lăm kg hoặc nhiều hơn”, như ông Đặng Toán khẳng định. Bấy giờ tôi mới gọi điện cho họa sĩ Đoàn Văn Nguyên, con trai thứ của cố thi sĩ Đoàn Văn Cừ để hỏi thêm anh, xác định điều mình phán đoán đi đến kết luận. Anh Nguyên đã tán thành ngay, cho biết: “…chính có lần em đã theo bà mẹ em đi chợ và chứng kiến cái thúng mẹ em cắp - ấy là cái thúng đi chợ, mua rau, mắm muối… đựng vào đó rồi đậy cái vỉ buồm lên trên”. Và rồi vừa qua, cách đây ít hôm, nhân ngày kỵ lần thứ 9 của cố thi sĩ họ Đoàn tôi lại được anh Nguyên có nhã ý mời về quê thắp hương cho thân phụ anh và nhân thể thăm mẹ anh – bà quả phụ của cố thi sĩ, kém chồng có một tuổi, như vậy năm nay theo tục lệ xưa cụ bà sắp được ăn khao thượng thọ “bách niên”.

Vậy là tôi đã được về tận quê cố thi sĩ lần này là lần thứ ba. Mỗi lần đi là một kỷ niệm sâu đậm. Ông trời phù hộ cho chuyến đi thời tiết không nắng, không mưa, cả ngày mát mẻ như chớm đầu thu, mặc dù đang độ giữa hè, rồi con đường cao tốc mới hoàn thành thật hoành tráng, rồi buổi viếng mộ cố thi sĩ họ Đoàn trước khi vào làng – “hội quân” cả một đội xe bốn năm chiếc chở con cháu thi sĩ, đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam, bảo tàng Văn học,… nhất là cả một buổi hàn huyên tại nhà sau khi thắp hương ở bàn thờ cố thi sĩ tại chính cái buồng đầu hồi, xưa thi sĩ thường ngủ và làm việc, tiếp khách. Riêng tôi thật không thể ngờ một lần nữa lại được gặp cụ bà của thi sĩ và được ngồi bên cạnh chuyện trò. Tôi không quên xin phép hỏi cụ về chuyện “cái thúng bên hông”. Tất nhiên nhân vật trong thơ là “u tôi” của thi sĩ. Như vậy bối cảnh phải diễn ra khoảng những năm hai mươi, khi thi sĩ mới là cậu bé “theo u về quê ngoại”. Nhưng cụ bà - phu quân của cố thi sĩ, có lẽ cũng “cắp thúng” như “u tôi” của thi sĩ. Cụ bà bỏm bẻm cười và trả lời: Khi đi làm lụng đội thóc thì đội cái thúng to, có trôn, còn đi chợ mới cắp cái thúng nhỡ, mua bán đồng quà tấm bánh thì để vào đó, đậy vỉ buồm lên trên. Đúng như lời anh con trai Đoàn Văn Nguyên của cụ kể cho tôi bữa trước.

Thúy Toàn

CHÈ ĐẬU ĐỎ BÁNH LỌT

Có lẽ chẳng bao giờ tôi có lại cái mê ly khi ăn ly chè đậu đỏ bánh lọt ngày xa xưa ấy, nơi cái phố Ông Tạ chưa đông đúc quá thể như hôm nay. Dẫu rằng bây giờ có hàng hàng lớp lớp hàng quán đầy trên vỉa hè dành cho kẻ thích cái không gian lãng đãng, và cũng lớp lớp hàng hàng cửa tiệm ăn uống đèn sáng rực qua khung cửa kính trong suốt, dành cho ai đó thích sang sang một tí cho mặt mũi lên hương với cuộc đời.

Dĩ nhiên là ngày đó nghèo hơn bây giờ nhiều lắm. Mẹ cho tí tiền, là nếu không gặm trái cóc ngâm, thì cũng mút cây cà rem đá có phủ trên ngọn lổn ngổn đậu đen, đã lắm. Lâu lâu lại mua nguyên con trái cóc, lấy hết sức bình sinh ép nó vào giữa cánh cửa và bức tường, “bộp” một phát: thế là đã có món ăn đơn sơ mà chảy cả nước miếng. Thế mới có chuyện trẻ con chúng tôi ngày ấy đuổi nhau… xin cho được cắn ké một miếng cho nước bọt bớt tràn trong miệng.

Đi chơi với bạn bè cũng thế. Giờ nghĩ lại thấy điên điên. Ăn có ly chè thôi mà phải đèo nhau lên tuốt luốt mãi tận đẩu đâu để khi về, sau khi guồng xe đã dừng lại thì cái bụng chẳng còn tí hơi hướm ly chè lúc nãy. Nhưng vui đáo để. Mồ hôi có ướt đầy lưng áo thì có sao đâu. Lại mẹ vừa giặt cho vừa… tế cho một trận, rồi mai, đâu lại hoàn đấy. Ôi, cái thời học sinh sao mà vui thế!

Thỉnh thoảng đi ngang nơi ngày xưa là quầy bán chè, mà ông chủ quán luôn luôn mặc cái quần sọt có thắt dây lưng, lúc nào cũng hể hể hả hả cười làm tôi thấy chè càng thêm ngon, bây giờ đang là cửa hàng buôn bán cái gì không biết nữa, vì với tôi, điều quan trọng là nơi ấy không còn là chỗ ngày xưa tôi hay lui tới. Chẳng biết ông chủ quán có còn sống không?

Bây giờ, sau những tháng ngày bèo nhèo, giờ đây các ngôi nhà mới và đồ sộ thi nhau mọc lên như bù vào những tháng ngày lưỡng lự đàng sau lũy tre mà bước ra với đủ đầy vẻ giàu sang phú quý. Nhưng, phía sau những khung cửa lung linh ánh đèn kia, con người chẳng còn chút tình chân quê nữa. Cái gì cũng tiền. Cái gì cũng tính. Thử bước vào nhà hàng tiệc cưới mà coi. Móc hầu bao ra mừng cho đôi trẻ, có khi đổi lại chỉ vài gắp thức ăn, xem thì sang, mà ít xịt, có khi dở hơn cơm nhà. Xem chừng, phí tổn cho bữa ăn này có thể dành cho cả nhà suốt tuần cơm no đủ. Có cái xe để đi lại cho thoải mái thì cũng liệu thần hồn phải gửi tít mù xa, hoặc leo lên mãi đâu, có khi chui xuống tầng hầm rồi lại leo lên vì hết chỗ, rồi lại tiền, mà loạng quạng là xe bị cạy phá, ăn cắp những thứ đã cẩn thận cất dưới yên. Có khi cái lũ mất dậy lại còn đổi cả phụ tùng xe cho về nhà tức anh ách mà chả làm sao được.

Vì thế, nếu ăn xong miếng ăn ngoài đường phố, thế nào cũng phải chửi thề mấy tiếng quen mồm, có khi chỉ vì rau gì mà nhuộm xanh thấy phát sợ, hoặc gỏi gì mà chỉ có rau mà bói mãi chả có miếng thịt nào. Khi tính tiền thì có mấy cô ả ăn mặc thiếu vải tới lẳng nhẳng đòi… boa!

Riết rồi, tôi thấy, chả có gì mê ly bằng ly chè ngày xưa của tôi, rẻ mà ngon vô cùng các bác ạ!

LAM TRẦN

02.4.2013

Phụ Bản III

Chuyện đám cưới

Cuối tháng vừa qua chúng tôi được dự một đám cưới và mang thêm trách nhiệm là đưa dâu tại Di Linh (Lâm Đồng). Khởi hành từ 9g00 nhưng vì được hưởng đặc sản của Tp. HCM là kẹt xe và khói bụi nên mãi đến trưa chúng tôi mới gần đến Dầu Giây. Lo cho cái bao tử trước nên cả gia đình ghé vào quán ăn Hưng Phát 3 tại Dầu Giây. Phục vụ đon đả mời chào vào ghế và đưa thực đơn ra để mọi người gọi. Vốn trong tư thế đề phòng nên chúng tôi hỏi giá tiền trước vì trong thực đơn không hề có giá tiền. Cô phục vụ trả lời:

- Các cô chú cứ chọn món sau đó em sẽ cho biết giá tiền.

Sau khi mọi người nhất trí một số món cá, xào, canh… được cô phục vụ cho biết:

- Món này không có phải đổi qua tôm, thịt...

Chúng tôi cũng theo vì đói quá rồi. Nhưng khi hỏi giá thì cả nhà giật mình, được trả lời là:

- Tôm to mà…

Kỳ kèo mãi coi không được mà cả nhà thì đói, biết rằng nó bắt chẹt mình khi mình lỡ vào ngồi rồi. Sau khi cả nhà nhất trí cao thấy thực đơn có món cơm chiên bèn kêu cho mỗi người 1 dĩa kèm thêm 2 tô canh. Chờ 15 phút nó chẳng đoái hoài tới sốt ruột gọi lại nghe được câu:

- Đang làm.

Phục vụ đưa 2 tô canh trước, ai ai cũng nhìn: cơm chưa có làm sao ăn đây? Cuối cùng những gì chờ đợi cũng được mang đến, mỗi người một dĩa cơm màu vàng. Mọi người ăn vội ăn vàng cho qua bữa để còn tiếp tục cuộc hành trình. Khi tính tiền được trả lời:

- Cơm chiên 60.000 một dĩa.

Mọi người đều thốt lên kinh ngạc. Cô phục vụ trả lời:

- Cơm chiên hải sản mà.

- Tụi tôi có thấy cái gì đâu.

- Tại đây đó là giá thấp nhất đó.

À thì ra là vậy. Thảo nào họ cho chúng tôi chờ mệt sỉu vì ăn món quá bèo. Riêng bác tài được chiêu đãi một dĩa cơm trắng có 3 miếng thịt gà. Chén cơm thêm của bác tài cũng bị tính 10.000 còn vài mục bị tính thêm nếu không tinh mắt xem lại hóa đơn là dính chấu. Giã từ cái máy chém đi dọc theo quốc lộ về hướng Dầu Giây không biết có bao nhiêu quán cơm, phở chỉ có giá từ 20.000 đến 40.000 cho một suất.

Rẽ vào quốc lộ 20 đi Đà Lạt mọi người thở phào sau khi ném những cái bực dọc ra sau với khói bụi. Một số người thiêm thiếp đi vào viễn du trong tưởng tượng, vài ba người nói chuyện phong cảnh hai bên, riêng chúng tôi bàn về việc chương trình ngày mai như thế nào?

Đến Di Linh đã là 6g00 chiều và trời cũng bắt đầu tối, chúng tôi chỉ kịp vào khách sạn và đi ăn tối. Tại đây được cái khí hậu mát mẻ, trời se se lạnh thật thú vị. Nhấm nháp vài ly đế bên dĩa mồi là thịt heo rừng được nuôi tại gia. Chao ôi! Sao mà nó ngon thế? Không hề có tí mỡ nào: beo béo, thơm thơm. Chưa kể đến dĩa gà thả vườn, thịt dai dai, da giòn giòn bên trên rắc ít lá chanh thái nhuyễn. Chấm muối tiêu chanh. Lắc lắc cái đầu, chặc cái lưỡi, vỗ cái đùi thốt lên:

- Tuyệt!!!

Sáng hôm sau 5g00 dậy đi lễ sáng Chủ Nhật. Trời thì lạnh, ai ai cũng muốn nướng thêm nhưng không quên bổn phận với Chúa. Dự lễ tại thành phố quen rồi nên khi về quê tham dự thấy có nhiều cái là lạ, hay hay bỗng dưng chẳng thấy buồn ngủ cho dù trải qua 1 ngày đường mệt mỏi.

Xong lễ, chúng tôi trở về Trà Tâm Châu ăn sáng và hưởng hương vị cà phê tuyệt vời của xứ lạnh. Mỗi người tranh thủ mua ít quà về cho gia đình trước khi về khách sạn thay đồ lớn. Hôm nay là ngày đón dâu của đàng trai nên chúng tôi phải đẹp chứ.

Từ khách sạn vào đến nhà đàng trai khoảng 10km. Gần đến nơi đã nghe tiếng đàn tiếng trống và người dẫn chương trình thi nhau náo nhiệt chào đón, Mạnh đàn đàn gẩy, mạnh trống trống dập, còn “anh thợ nói” (phải dùng từ này vì anh quá bài bản) miệng tía lia như sợ người ta nói mất khi chúng tôi bước vào rạp.

Nhà quê có khác, một cái rạp khoảng 30m mỗi chiều, quá đẹp. Theo tục lệ, tối hôm trước cũng đã có mươi mười lăm mâm cho những người ở xa đến, những người giết heo, bò, gà, dựng rạp… nhất là kèm thêm cái vụ: “alô, alô, 1, 2 thử máy” suốt. Công suất vặn tối đa. Sau đó là văn nghệ cho tới khuya. Những nhà chung quanh chắc cũng chẳng buồn vì lâu lâu mới có đám cưới, họ còn đứng ngoài hàng rào hoan hô và cổ vũ.

Hai họ và dâu rể được mời vào gian nhà chính làm lễ gia tiên. Anh “thợ nói” khác, có lẽ chuyên môn về lễ nghi gia đình chăng? Một tay chàng cầm micro, một tay cầm quẹt ga vừa nói lưu loát vừa châm nến bàn thờ tổ tiên một cách rất ư là chuyên nghiệp mặc cho chủ gia đình và cả dòng họ đứng nhìn. Thậm chí có một cây chưa kịp cháy nhắc nhở anh đốt lại anh cũng chả quan tâm, và luôn miệng nói về công ơn cha mẹ như một cái máy. Một số bài hát công ơn cha mẹ… anh cũng solo tất tần tật. Rồi cũng xong mọi người an tọa. Đến phần dự tiệc anh “thợ nói” phụ trách sân khấu, xếp chúng tôi vào một nơi xa sân khấu với lý do các bác lớn tuổi không thích ồn ào và ưu tiên cho các bạn trẻ ở gần sân khấu để tiện cho việc lên sân khấu hát và dễ dàng nhảy múa… Trong lòng quý cha ông, các bác hơi bị tủi vì cả hai bên họ hàng chả là cái đinh gì cả. Hết giờ cho quý cụ quý bác rồi, đây là sân chơi của chúng tôi!

Tại quê tôi ở Long Giao cũng có các anh “thợ nói” dàn dựng rất ư là chuyên nghiệp đến nỗi đám nào cũng mời anh, và đi chừng dăm đám ta cũng có thể thuộc được bài bổn của anh. Quanh đi quẩn lại cũng có nhiêu đó cũng như ta tham dự các đám cưới tại nhà hàng vậy. Họ nói như một cuộn băng cassette “keo dính chuột” hay thu mua “ve chai” vậy.

Một mặt nào đó tôi thầm cám ơn vì đã không bị tra tấn bởi những tiếng đàn xé tai và những âm trầm thình thịch chấn động cả ngực khi được mời đại diện hai họ bước lên sân khấu qua dàn loa khủng của ban nhạc vườn. Cũng chả trách được các nhạc công và ca sĩ trên sân khấu thời nay họ chỉ biết “đánh đàn”chứ không chơi đàn và “hét” thay cho hát và người nghe phải chịu đựng, tra tấn… thay vì được thưởng thức những giai điệu tuyệt vời.

Sau khi rót rượu làm đủ các nghi lễ thì anh “thợ nói” liền mời cô dâu và chú rể uống ly rượu giao bôi!!! Xưa kia theo tục lệ Ba Tàu thì lễ cưới tổ chức vào chiều tối và uống ly rượu giao bôi xong thì vào động phòng hoa chúc còn ta thì sao nhỉ? Có nên dùng từ giao bôi theo Tàu không nhỉ? Tại sao không nói ly rượu cưới hoặc ly rượu mừng hay muốn dùng chữ giao thì ta có giao duyên chẳng hạn.

Xem phim tàu ta thấy tội nghiệp cô dâu phải ngồi chờ tân lang khề khà thêm ít ly hay y lít rồi mới xiểng niểng vào động phòng…

Hai họ nói chuyện với nhau phải hét vào tai nhau thật to thì bên kia mới nghe được. Đôi bên cùng tỏ ra thông cảm vì là ngày vui của các cháu. Nhưng chẳng lẽ lại cứ ngồi ăn sao? Lại hét với nhau những chuyện thường ngày như:

- Anh chị có mấy cháu?

- Đã có cháu nào lập gia đình chưa?

- Nhà anh chị ở quận mấy?...

Tiệc nào rồi cũng đến lúc tàn, ly đầy rồi cũng cạn. Giã từ đàng trai chúng tôi trở về khách sạn sau khi làm những thủ tục cuối cùng.

Lên xe lúc 13g30 tôi tự nhủ sẽ về Saigon lúc 20g00 đây, nhưng tới gần Định Quán mưa quá to, nước đổ ào ào từ trên núi xuống cuốn phăng mọi vật, nước xoáy một vòng thật rộng và rủ nhau tuồn vào hố sâu thăm thẳm của dòng suối bên cạnh.

Hai chiếc xe con chết máy giữa dòng trôi từ từ mặc cho bác tài ngồi tuyệt vọng.

Hai chiếc xe máy chết máy cũng đang cầm cự để khỏi cuốn theo vào dòng suối ngay bên. Người đàn ông cố liều gài số 1 nổ máy lớn để băng qua nhưng chết máy giữa dòng. Nước cuốn và ông cố dẫn chiếc xe ra khỏi vòng xoáy của dòng nước. Hai cô gái chở nhau chết máy khi chưa qua giữa dòng ngay trước mũi xe chúng tôi. Nhưng hai cô đã khôn ngoan cố đẩy xe quay trở lại.

Nhìn thấy cơn lũ trước mắt tôi liên tưởng cơn lũ trong cảnh “Anh phải sống” của Khái Hưng: Lạc đã buông tay để Thức được sống với con, hay đến cảnh mới đây người đàn ông anh dũng Trần Hữu Hiệp đã cứu nhiều người trước khi không còn sức trên chiếc canô định mệnh.

Vì là xe 30 chỗ nên lách qua hai chiếc xe hơi chết máy vượt qua được dòng nước lũ. Chúng tôi thở phào thoát nạn nhưng chạy được 100m máy bắt đầu có vấn đề, phải dừng lại tại trạm xăng. Nước ngập “pô-air” không biết có vào máy không? Bác tài rất lo lắng mở máy kiểm tra mọi thứ và gọi điện thoại tư vấn một số nơi, thậm chí có thợ bạn đến để xem giúp. Sau khi chui xuống gầm xem xét mọi thứ bác tài giục lên đường, chúng tôi chưa kịp tới tận nơi quan sát vòng tay bè bạn của hai chiếc xe con trôi từ từ, kết hợp với chiếc xe tải chạy lúc nãy chạy sau lưng chúng tôi dàn thành một hàng ngang giữa dòng nước lũ, nơi con đường chúng tôi vừa thoát ra.

Chạy được một lúc thì xe chúng tôi bốc khói, hết bệnh này đến bệnh kia như một chuỗi liên hoàn 3 chiếc xe khi nãy dắt tay nhau vậy: Đầu tiên hư bạc đạn bánh trước, kế đến gãy quạt, sửa xong phát hiện xì két nước cứ thế tháo ra ráp lại vài lần.

Trong hoàn cảnh tệ hại mới thấy những người dân địa phương đã thương tình giúp đỡ chúng tôi quá tốt: người này gọi điện thoại tìm thợ máy, người kia gọi điện thoại tìm xe ôm để chở đi mua phụ tùng… vì rơi vào ngày lễ chẳng ai muốn chở xe, buôn bán, mở cửa hàng hơn nữa trời đã bắt đầu tối.

Không gì bằng cảnh đợi chờ, sốt cả ruột vì trên xe còn có cả em bé nữa. Trong khi chờ đợi sửa xe mọi người kiếm chút gì bỏ bụng vì chẳng biết đến bao lâu thì sửa xong đây? Phải 4 tiếng sau thì tất cả những trục trặc mới hoàn tất. Mọi người rủ nhau đi ăn vui vẻ xua đi những nỗi bực dọc, lo lắng suốt từ chiều đến giờ. Lên xe bác tài phóng như bay như để bù vào thời gian đã mất. Chẳng bù cho buổi sáng chạy rề rề như buồn ngủ. Cũng không trách bác tài được vì các anh giao thông làm việc chăm chỉ quá, không tỉnh nào nhiều các anh ấy bằng tỉnh Đồng Nai. Cuối cùng chúng tôi cũng về đến nhà, nhưng thay vì 20g00 theo như dự định lại là…1g30 sáng hôm sau. Một chuyến đi bão táp và chưa qua hết tháng 7 âm… hên xui.

Hà Mạnh Đoàn

KHÁM PHÁ

NHÀ CỦA CÁC VĂN HÀO

NHẬT CHUNG

“Một ngôi nhà, thậm chí còn hơn cả một phong cảnh, phản ánh tâm hồn”, câu nói ấy của triết gia Gaston Bachelard gợi cho chúng ta về những ngôi nhà của các văn hào không đơn thuần chỉ neo vào thực tại – một khu vực, một thời đại, những đồ đạc và vật dụng cá nhân – mà còn neo vào trong sự tưởng tượng, nền văn hóa và ký ức của chúng ta. Một chuyến “tour de France” ngắn sẽ đưa chúng ta tham quan mười ngôi nhà.

Theo ước tính có khoảng 120 ngôi nhà của các văn hào theo đúng nghĩa của nó, hay nói cách khác đó là những ngôi nhà mà các nhà văn đã từng sống. Nhưng nếu chúng ta mở rộng ra những nơi có liên quan đến văn học, gồm cả thư viện và bảo tàng có trưng bày những tác phẩm của các nhà văn thì tổng cộng chúng ta có được 265 nơi. Sự phong phú này bao gồm tính rất đa dạng về địa điểm và địa vị xã hội của các nhà văn. Một số ngôi nhà thuộc quyền sở hữu cá nhân và do các cá nhân hay tổ chức quản lý, một số khác do nhà nước quản lý.

Suốt 5 thế kỷ từ thời Phục hưng đến nay đều được tái hiện, dù thế kỷ 19 rõ ràng trội hơn hẳn. Di sản của chúng ta gồm tất cả các kiểu nhà, từ mái nhà tranh khiêm nhường ở Montmorency nơi Jean – Jacques Rousseau từng nương náu (ông đã buộc phải rời nơi này vào ban đêm để tánh những rắc rối kiện tụng do việc xuất bản tác phẩm Emile gây ra), cho đến biệt thự vùng Saint – Point ở quận Mâcon nơi Lamartine từng sống, từ căn hộ nhỏ của Boris Vian ở Pigalle, Paris, đến biệt thự Monte – Cristo mà Alexandre Dumas đã ngông cuồng xây dựng ở Port – Marly.

Để tỏ lòng tôn kính đến một con người quá vĩ đại – viện bảo tàng Victor Hugo sẽ là điểm khởi đầu trong chuyến “tour de France” tham quan 10 ngôi nhà của chúng ta. Tòa lâu đài được xây dựng vào thế kỷ 17 này nằm ở trung tâm Paris, vùng Place de Vosges. Nhà thơ đã chuyển đến đây khi ông đang ở đỉnh cao sự nghiệp, vào năm 1832. Chính tại nơi này ông đã sống cùng vợ con được 26 năm và viết nên những vở kịch vĩ đại và vui thú với những nhà văn nổi tiếng thuộc trào lưu lãng mạn. Khi còn sống trong ngôi nhà ở Hauteville lúc sống lưu vong ở Channel Island vùng Guernesey, Hugo đã buông thả những sở thích của mình với những đồ đạc cũ kỹ và những vật dụng thuộc thời Trung cổ. Cách bài trí những căn hộ đã thay đổi và những vật dụng trong nhà đã bị phân tán, nhưng trong bảo tàng, lần đầu ra mắt công chúng năm 1903 và tân trang lại vào năm 1983, chúng ta vẫn có thể cảm nhận được không khí của thế giới Victor Hugo, qua việc tái tạo lại cảnh trí mà ông đã thiết kế cho phòng của người yêu mình, Juliette Drouet, và cả cho phòng ngủ cuối cùng của ông. Đại lộ… Victor Hugo. Nhưng bảo tàng Victor Hugo đặc biệt có giá trị vì sự phong phú của các tác phẩm và lòng nhiệt tình của nhân viên phụ trách bảo tàng, người đã sắp xếp lại việc trưng bày nhằm tập trung vào mối liên hệ giữa Hugo và những tác phẩm sáng tạo đương thời.

Cũng ở Paris vào thời gian này, nhưng ở quận Passy, là ngôi nhà của văn hào vĩ đại khác của thế kỷ 19 – Honoré de Balzac. Sự so sánh này chỉ mang tính khai trí. Một nhà thơ đang trong vinh quang, một tiểu thuyết gia đang ngập mình trong những khoản nợ và luôn bị các chủ nợ săn đuổi. Được xây dựng một cách kỳ lạ, ngôi nhà hai tầng kỳ thú này cho phép người phải sống dưới bút danh Balzac có thể trốn thoát bằng cửa sau hướng ra con đường chật hẹp phía dưới. Khi làm việc, ông đã viết suốt đêm, lưng hướng ra phía cửa sổ. Cái bàn nhỏ và tách cà phê gợi nhớ chúng ta về sự lao động miệt mài. Gắng sức của tác giả bộ tiểu thuyết La Comédie humaine (Tấn trò đời). Thư viện đã lưu trữ tốt, đặc biệt là những tờ báo và tạp chí của thời kỳ này; và khu vườn cho phép chúng ta liên tưởng về thời gian khi khu vực này của Paris vẫn còn là một vùng thôn quê.

MA LỰC GIỮA SÁCH VÀ HIỆN THỰC

Gia đình của cha Marcel Proust đến từ vùng Chartes, nơi vào mùa hè họ sống trong nhà của một người dì, bà Elisabeth Amiot, mà sau này trong tác phẩm A la recherche du temps perdu (Tìm lại thời gian đã mất), Proust đã mượn cuộc đời bà đưa vào nhân vật dì Léonie bất tử. Những ký ức đổi thay của tiểu thuyết gia là phải biến thị trấn nhỏ của vùng Illiers thành vùng Combray thuở thơ ấu của ông. Bước vào ngôi nhà của dì Léonie là thâm nhập vào thế giới của tác phẩm Du côté de chez Swann. Tất cả đều ở đây – những đồ đạc được đánh bóng, gian phòng ngủ nơi ông vẫn nghe bước chân của mẹ mình trên cầu thang, cái không khí vùng tỉnh lẻ. Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến đây, một số đã xúc động ứa nước mắt. Chắc chắn đây là hình ảnh đẹp nhất về ma lực giữa sách và hiện thực mà trong chừng mực nào đó đã tác động đến điều này. Những bài thuyết trình và những bài giảng về di sản đã lôi cuốn và khích lệ sinh viên đánh giá đúng giá trị của nhà văn chịu nhiều gian khổ này, khi họ đi dạo ngoài trời (đến nhà thờ, xứ Precatelan, lâu đài vùng Villebon) và ăn thứ bánh madeleine nổi tiếng (một loại bánh xốp nhỏ) mà một cửa hàng bán bánh ngọt nhỏ ở Pháp tự cho là sản phẩm độc quyền của mình.

Trong vô số ngôi nhà mà Colette đã từng sống, không nơi nào có giá trị như một thư viện, do vậy cần xây dựng nên thư viện trong lâu đài vùng Saint-Sauveur-en-Puisaye, làng Burgundy nơi bà đã trải qua thời thơ ấu. Công việc này được giao phó cho Hélène Mugot, một người thiết kế nội thất và ông đã thiết kế ngôi nhà rất đặc biệt hoàn toàn bất ngờ đối với nhà văn. Việc bà bác bỏ sự sao chép mang kiểu cách tôn kính, cách sử dụng hình ảnh, âm thanh, kiến trúc, ánh sáng và màu sắc đưa ra cách lý giải trong sáng và hiện đại về thế giới Colette. Trong thư viện, một bức tranh như thực về 1500 quyển sách sẽ giới thiệu những câu văn hay nhất của bà để du khách lựa chọn những cuốn sách yêu thích cho mình.

Làng Ferney đã có thời là một trong những nơi nổi tiếng nhất ở Pháp. Đối với nhân vật được xem là “chủ quán của châu Âu” (L’Aubergiste de l’Europe) và từng sống ở làng Ain, cách biên giới Thụy Sĩ một quãng đường ngắn, thì đây là một sự phòng xa khôn ngoan chăng? Ở Ferney, Voltaire, lúc này đã 60 tuổi, cuối cùng có thể đưa những ý tưởng của mình vào trong tác phẩm và vào lối sống xã hội, trồng cây, xây dựng nhà máy, cắt giảm thuế, sáng tác và biểu diễn trong rạp hát của mình. Nhà triết học này đã bảo vệ quyền tự do bộc lộ quan điểm và viết cuốn Dictionnaire philosophique (Từ điển triết học) và Traité sur la tolérance (Tiểu luận về sự khoan dung).

Một thời gian dài thuộc quyền sở hữu cá nhân nên lâu đài đã thay đổi, nhưng vẻ đẹp của những khu vườn và những tòa biệt thự không hề bị phá hỏng. Nhà nước vừa mới mua lại tòa lâu đài này và Trung tâm công trình nghệ thuật Quốc gia bắt đầu khởi sự công trình trùng tu cơ bản. Từ ngày 16 tháng 12 năm 2000, một văn bản đã ký kết giữa nhà nước, vùng Rhône – Alpes và thị trấn Ferney – Voltaire đã đưa đến việc tái tạo nơi này thành trung tâm văn hóa, “Chủ quán của châu Âu” và sẽ là nơi ở thường trú cho các họa sĩ sống lưu vong và bị ngược đãi ở quê hương của họ.

CHUYẾN HÀNH HƯƠNG LÃNG MẠN

Lâu đài vùng Nohant đã thuộc về Hiệp hội các công trình nghệ thuật Quốc gia từ năm 1952. Mở cửa cho công chúng tham quan từ năm 1961 nhưng gần đây nó mới được trùng tu. Những du khách rất yêu thích ngôi nhà kiểu dáng lãng mạn này nơi George Sand đã từng sống và là nơi thường xuyên được nhiều vị khách nổi tiếng viếng thăm, trong đó có Alfred de Musset, Frédéric Chopin, Franz Liszt, Eugène Delacroix. Nohant là kiểu nhà nguyên mẫu của nhà văn theo nghĩa truyền thống. Nét tâm tình trong công trình trùng tu, cuộc đời nhiều biến động của George Sand và tính cách phức tạp của bà đã đưa mọi người hành hương đến Nohant, trung tâm của vùng Berry mà bà rất yêu thích, nơi của những buổi hòa nhạc Chopin và lễ hội Romantique.

Những người thừa kế của François Mauriac đã hiến tặng vùng đất Malagar cho Hội đồng khu vực Aquitaine vào năm 1985. Phân xưởng sản xuất rượu, cách Bordeaux không xa, là nơi trú ẩn yên bình cho nhà văn và chính nơi đây ông đã tìm lại được bản sắc mình và nguồn cảm hứng sáng tác. Một biệt thự gia đình, những cây nho, hai kho chứa rượu, những căn nhà phụ và một mảnh đất cao tuyệt đẹp hướng ra thung lũng Garonne, Malagar trước hết và quan trọng nhất vẫn là một mảnh đất đẹp. công việc trùng tu tuyệt vời đã biến nó thành trung tâm văn hóa, nghiên cứu và hội họp. Trung tâm François Mauriac sẽ là tâm điểm đặc biệt của hội nghị “Gặp gỡ các nước nói tiếng Pháp” năm 2001 tại Québec. Chúng ta sẽ đến thăm nhà của Pierre Loti ở Rochefort, Charente-Maritime, một ngôi nhà đa chức năng, vừa là nhà - bảo tàng vừa là nhà - thư viện, và là một trong những nơi lạ lùng nhất ở nông thôn. Trong căn nhà gia đình vừa đơn sơ vừa trưởng giả này, ngài sĩ quan hải quân – tiểu thuyết gia Loti đã dựng nên một nhà hát vĩnh cửu, hướng công chúng vào những giấc mơ, sự huyễn hoặc và lòng hoài cổ của ông. Như một màn kịch, những cảnh diễn ra trên sân khấu phải vay mượn đồ đạc và rèm treo tường của thời Trung cổ, của Thổ Nhĩ Kỳ, của Trung quốc và Nhật Bản, sự sao chép trang phục mà chính ông rất lấy làm thích thú khi mặc chúng. Tại đây ông đã tổ chức những buổi tiệc chiêu đãi hậu hĩ, nhưng chính ông lại sống trong một căn phòng nhỏ giản dị, và điều này đã ít nhiều cho chúng ta hiểu được một chân lý “trái tim còn có thể đổi thay hơn cả bầu trời lúc phân điểm”.

NHÀ – BẢO TÀNG, NHÀ – THƯ VIỆN

Chuyến đi mang tính lịch sử thăm nhà các văn hào bắt đầu từ tỉnh Normandy đến Ile – de – France. Nó được đánh dấu qua 12 điểm dừng, kể cả lâu đài của Michelet, biệt thự kiểu Nga của Turgenev hay Thung lũng chó sói của Chateaubriand. Vào năm 1951, Louis Aragon đã mua lại xưởng xay Villeneuve ở Saint – Arnoult – en – Yvelines như món quà “một mảnh đất Pháp” tặng vợ mình, bà Elsa Triolet, một nhà văn gốc Nga. Cả hai đã cùng làm việc bên nhau nhằm khôi phục lại cơ ngơi, cùng viết truyện, và đã cùng được chôn bên nhau sau khi mất. Thời gian dường như ngừng trôi – ngôi nhà đã được sửa chữa lại tuyệt vời, giống hệt như lúc Aragon mất, với nhà bếp lát đá màu thiên thanh, một cái bàn lớn làm bằng gỗ, nhà máy xay chạy bằng sức nước và hàng nghìn cuốn sách. Rất nhiều bài thuyết trình về Elsa Triolet và Aragon, những buổi hội thảo và triển lãm tác phẩm của các nhà thiết kế cũng như các họa sĩ trẻ về hai nhà văn này đã tạo nên những chương trình văn hóa giới thiệu rộng rãi đến công chúng.

Và điểm dừng cuối cùng sẽ là nhà của Emile Zola ở Médan, bên dòng sông Siene. Ông mua được ngôi nhà này là nhờ thành công của tác phẩm L’Assommoir (Quán rượu), và dường như nó là sản phẩm chưng cất của mối quan hệ giữa nhà văn với ngôi nhà của ông. Chính Zola là người thiết kế và kiến trúc sư. Ngôi nhà đã lớn lên cùng những tác phẩm của ông, ban đầu nó được mở rộng với tác phẩm nổi tiếng Nana và sau này là Gernimal. Tại nơi này văn hào Zola đã viết trong sự yên bình, và đàm đạo vui thú cùng bằng hữu của ông – một nơi ẩn dật, nơi ra đời những tác phẩm nghệ thuật và là nơi để sống hòa nhập với mọi người ở vùng nông thôn gần Paris, nó phản ánh sở thích, tính cách, óc mỹ thuật và cách sống của ông. Một dự án trùng tu cơ bản đang được triển khai với người bảo trợ đầu tiên là ông Pierre Bergé.

Sẽ còn rất nhiều ngôi nhà của các văn hào khác cần được đề cập đến. Trong những năm gần đây, chúng đã được quan tâm đến bởi chính sách trùng tu và những hoạt động nhằm đưa chúng thành những trung tâm thu hút vài nghìn khách du lịch mỗi năm. Tất cả được quảng bá qua các trung tâm nghiên cứu, thư viện, các Website, cửa hàng và phòng trà – kết hợp cả hai vai trò du lịch và văn học.

Bằng những hoạt động như vậy, những ngôi nhà này sẽ là điểm hút đối với cả trẻ em và người lớn, và ngày càng phong phú hơn với những buổi diễn trên sân khấu, những bài thuyết trình, những cuộc họp chuyên đề, những chuyến tour thăm các di sản văn học, những nhóm đọc truyện. Rõ ràng nhà của các văn hào ở vào vùng đang đổi thay nhanh chóng. Chúng ta chỉ hy vọng rằng chúng sẽ không mất đi bản sắc nguyên thủy vốn mỏng manh như tờ giấy…

(Theo Label France)

BÙI ĐẸP st.

Tác giả: Dương Lêh

Ông Sáu đưa tách trà lên chiêu một ngụm, kéo một hơi thuốc con mèo, hít thật sâu rồi thả khói ra từ từ. Thời buổi bây giờ, ngay cả trong vùng sâu vùng xa, người ta không còn hút cái thứ thuốc rê khô đặc vấn bằng tay, hút xong còn cái đuôi người ta dán lên cây cột nhà, bởi vậy mới có câu đố: “đầu đội thúng tro đít đo cây cột”. Thuốc lá ở đây còn rẻ hơn ở Saigon, vì lính cửu vạn mang thuốc lá về bán thẳng cho dân.

Vị trà chan chát, ông Sáu thấy giống một phần cuộc đời ông mà cuộc đời ông có lẽ còn có thêm hai vị chua và đắng, ông thường nghĩ như vậy. Ông trầm ngâm nhìn đám ruộng lúa đã chín vàng bên kia khung cửa sổ. Vài hôm nữa theo kế hoạch, ông sẽ cho người đến gặt, rồi bán đi để lấy lại tiền thóc giống, tiền công cấy, gặt. Thật tình ông thấy không phấn khởi chút nào khi phải tiếp tục làm cho xong mùa lúa này. Người ta đã mang đi niềm hy vọng của cuộc sống, và cũng là niềm hứng khởi trong công việc làm của ông, đi mất rồi. Niềm hạnh phúc đó chính là con gái út của ông, con Phến. Con Phến bây giờ không giống ai. Nó nửa khùng, nửa điên, suốt ngày như người mất hồn. Có lúc nó hát lại những câu hát từ hồi nó còn nhỏ. Có khi nó nói lầm bầm trong miệng một vấn đề gì đó có vẻ rất bí mật. Bạn bè tới thăm có khi nó đuổi người ta như đuổi gà. Có khi nó ngồi nói chuyện một cách rất tỉnh táo, nhưng thường là những câu chuyện rời rạc, không đầu không đuôi. Bạn bè nó cũng thông cảm hỏi thăm qua loa rồi ra về.

Ông còn nhớ rõ ràng, cách đây chừng nửa tháng, có một chiếc xe hơi chạy vô xóm Chùa này và ngừng trước nhà ông. Từ trên xe, có hai thanh niên mặc thường phục bước xuống. Cùng lúc đó có thêm hai ba anh công an xã chạy xe máy đến. Bấy giờ, anh thanh niên mặc thường phục quay lại cửa xe đón một người phụ nữ trẻ bước xuống một cách mệt mỏi. Ông Sáu buộc miệng kêu lên:

- Trời ơi, con Phến!

Mọi người đã vào trong nhà đông nghẹt. Cô gái bước nhanh tới ôm lấy ông già, khóc nức nở, Bà Sáu ở dưới bếp vừa chạy lên cũng nhào vô ôm lấy con gái, bù lu bù loa:

- Mầy đây hả Phến?

Hai thanh niên mặc thường phục mời ông Sáu ra bàn thảo luận một lúc lâu rồi đưa giấy tờ cho ông Sáu ký. Xong đâu đó, hai thanh niên kiếu từ ra về. Ông Sáu muốn cầm họ lại mời dùng cơm nhưng hai người từ chối và vội vã lên xe ra về vì còn đang bận công tác khác. Họ cũng nhắc nhở ông Sáu đưa con gái ra phòng y tế xã để được chăm sóc.

Bà con lối xóm nghe tin con Phến đã trở về chạy đến hỏi thăm. Người ta bu càng ngày càng đông, từ trong nhà ra tới ngoài cửa ngõ. Con Phến đã được đưa vào buồng trong nghỉ ngơi. Bà con ở ngoài này hỏi thăm ríu rít. Ông Sáu chịu hết nổi bắt loa trên miệng nói qua đầu mọi người:

- Thôi, thôi, cám ơn bà con đã tới hỏi thăm, tôi cũng mệt quá rồi. Muốn xỉu đây nè.

Nói rồi ông buông mình ngồi xuống ghế nghe một cái “phịch”, rồi ôm đầu chống tay lên thành ghế. Mọi người lần lượt ra về. Căn nhà trống vắng trở lại. Nhìn vào buồng trong ông thấy cái lưng của bà Sáu đang ngồi vỗ về đứa con gái. Giọng nói của bà trầm trầm chắc là đang khuyên con nhỏ cố gắng nghỉ ngơi…

Ông uống thêm một hớp trà, nhìn ra đám ruộng màu lúa chín vàng phơi dưới ánh mặt trời chiều. Ông thấy mùa lúa này hết “ăn” rồi vì nghe đâu giá lúa đang rớt. Có bán đi cũng không lấy lại được hết số chi phí đã bỏ ra. Huề có nghĩa là phải ăn cháo cầm hơi rồi. Sao mà cuộc đời người nông dân nó tối thui vậy hè!

Rồi một biến cố lại xảy đến với gia đình ông. Đó là chuyện con Phến. Nhà còn mình nó. Anh chị nó đã đi lấy vợ gả chồng mất tiêu rồi. Còn ai đâu? Ông làm lụng cực nhọc để lo cho cái tương lai của nó. Ông định sau khi gả chồng cho nó rồi, ông cũng làm giấy tờ để cái gia sản này cho vợ chồng chúng nó. Không lẽ nó chê đời sống nông dân bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, quanh năm suốt tháng chân lấm tay bùn. Hay là nó muốn đổi đời để cho vợ chồng ông khá lên. “Khá” cho ông để làm gì? Già rồi. Mơ hồ quá đi mà nó không biết. Hồi còn nhỏ học hành không tới đâu, chưa hết cấp một đã đòi bỏ học, đua bơi theo bạn bè. Thấy cái đám con nhà khá giả ở ngoài ngã ba giồng, tụi nó có gì con Phến cũng đòi cho bằng được. Ở đó có mấy gia đình cho con gái đi lấy chồng nước ngoài, sau một thời gian chúng nó gửi tiền về giúp, nhà cửa khang trang hẳn lên. Tự nhiên dân ở đó thấy nhà nào có con gái gả đi lấy chồng nước ngoài thì mới mong khá lên, mới mong được đổi được đời, chứ ở cái xứ chó ăn đá gà ăn muối này thì chỉ có nước nghèo mạt mà thôi, đừng hòng cất đầu lên nổi. Con Phến đã nhiễm cái thói đó. Mà nói cho cùng thì cả xóm này, cả làng này, hình như đâu đâu người ta cũng nghĩ như vậy. Nhà nào có con vừa mới gửi tiền về thì xum xoe chạy lên chợ mua cái này, cái nọ, người mua cái máy giặt, người sắm cái lò nướng. Những người không có tiền mua sắm, cứ ngồi hả cái miệng ra mà trầm trồ khen ngợi. Hồi năm ngoái lúc nó chưa bỏ nhà đi, thấy con Min, con gái của thằng cha Bảy Nứa có cái điện thoại gì đó tối tân lắm, nào là coi phim, rồi chụp hình, không kể nói chuyện qua điện thoại, nhắn tin. Con Phến cứ nằng nặc đòi. Thương con ông phải vay mượn gần mười triệu đồng bạc để đưa cho nó ra tỉnh mua về, nó mới chịu ngồi yên. Rốt cuộc ông thấy nó có điện thoại với ai đâu, ngoài mấy con nhỏ bạn nó ở ngoài ngã ba, rồi coi phim, nghe nhạc, coi hình đứa này gửi cho đứa kia. Ông thấy cái điện thoại không khác gì một món đồ chơi xa xỉ đối với dân đồng quê rẫy bái hoặc người lao động chân tay ngay cả ở trên thành phố, chứ có ích lợi gì đâu. Nghe cậu Tư nó đang sống trên Saigon nói ở trên đó còn có phong trào chơi “Lốp tép” hay “lép tốp”, rồi nào là bảng tính, “Ai Pát, tui pát”, người dân lao động mua về cũng để nghe nhạc, coi phim, chơi game, chơi ghiết gì đó thôi… chứ không phải như những thương gia, công chức, người làm công tác kỹ thuật, thường sử dụng cho công việc. Những người không cần dùng cũng mua về để chơi, để khoe của.

Như vậy cái chuyện con Phến của ông nghe theo lời người ta dụ dỗ đi lấy chồng nước ngoài nhằm mục đích cho cả gia đình đổi đời hay chỉ vì cái tính đua đòi, muốn có tiền sắm sửa theo kịp chúng bạn. Ông Sáu không tưởng tượng nổi người ta đã dụ dỗ nó như thế nào mà nó có thể bỏ nhà đi biệt như vậy? Ông chắc chắn rằng con Phến không thể hình dung bọn nước ngoài muốn lấy vợ Việt là người thế nào? Nghe cậu Tư nó nói đám con gái Việt Nam bị bán qua biên giới một phần gả cho cái đám đàn ông đui, què, mẻ, cụt. Bọn đàn ông này không còn khả năng lao động muốn mua đàn bà con gái Việt để về làm ô-shin. Một phần các cô bị bán cho các nông trại để làm lao công khổ sai, và một phần chúng bán cho các hang động để hành nghề mãi dâm. Ông Sáu nghĩ cái tương lai của đàn bà con gái bị bán qua biên giới lèo tèo có mấy con đường đó. Sao mà người ta vẫn mê lấy chồng nước ngoài. Trên TV nói hoài, nay chỗ này có người bị bán qua biên giới được công an giải thoát, mai chỗ khác, công an bắt được một số người đang bán người qua biên giới. Người ta ai ai cũng đã kinh khiếp quá rồi. Vậy mà cũng còn có người đi dụ dỗ con gái nhà người ta để dẫn qua biên giới và cũng còn có những người con gái nhẹ dạ nghe lời đi theo. Cậu Tư nó còn giải thích, người xưa nói rằng: “kinh nghiệm là một ông thầy cho thấy hậu quả trước khi ổng dạy cho người ta”. Con Phến khi nó muốn đi chắc chắn ai cản nó cũng không nghe, nó chỉ biết rằng lời dụ dỗ của bọn buôn người đó là tuyệt vời, giống như có người từ đâu trên trời hiện xuống dẫn dắt nó đi vào một vùng trời mơ ước. Bây giờ nó về đây thân tàn ma dại như thế này. Đầu óc nó đã bị khủng hoảng. Trong đầu nó không có chỗ để đưa ra ý nghĩ hối hận. Phải rồi, ông không cần nó nói lời hối hận, như vậy ông đỡ phải đau xót hơn. Ông nghĩ một đứa con không nghe lời khuyên bảo, cứ muốn làm càn, tự cho là đúng, bây giờ thất bại thì phải có gan chịu, đừng nói lời hối hận. Nó đã “đổi đời” từ một đứa con gái hiền lành xinh xắn biến thành một con người điên loạn. Còn trông mong thần tiên nào xuống đây mà chữa cho nó khỏi bệnh, và cũng chẳng trông mong gì đến cái tương lai của nó. Hai ông bà già sẽ phải chăm sóc cho con gái đến cuối đời và khi hai ông bà chết rồi ai sẽ tiếp tục chăm sóc nó?

Theo như lòi mấy anh công an mặc thường phục hôm nọ thì con Phến bị người ta dụ lên Saigon đến một khu nhà trọ, nơi đây đã có sẵn hai cô gái nữa cùng trạc tuổi với nó, không nhớ ở tỉnh nào lên. Sau đó, người ta dẫn họ ra bến xe đò, mấy cô này lúc bấy giờ không nhớ bến xe nào, họ như mơ mơ màng màng, tỉnh không phải tỉnh, mê không phải mê. Rồi người ta đẩy chúng lên xe và phát cho chúng nó mỗi đứa một ổ bánh mì kẹp thịt với một chai nước. Chúng nó ăn uống xong một cách nhanh chóng vì quá đói. Rồi chúng nó ngủ thiếp đi, ngủ mê man không hề biết chúng sẽ đi đến đâu. Cho đến khi chúng nó tỉnh dậy cũng vừa lúc chiếc xe đò dừng lại. Ba đứa nó vừa định thần, nhìn dáo dác chung quanh muốn hỏi đây là địa phương nào thì một người đàn ông mặt mày dữ dằn bắt chúng lên xe ôm để di chuyển đến một nơi khác. Ngồi sau chiếc xe ôm, mùi hôi thúi từ cái áo jeans bạc màu lâu ngày không giặt của người lái, con Phến phải bịt mũi quan sát cảnh vật chung quanh. Nó thấy hai bên đường có núi non trùng điệp và hình như người ta sẽ đưa chúng nó vào một nơi thâm sơn cùng cốc nào đó.

Sau mấy tiếng đồng hồ dong ruổi trên con đường vắng, hai chiếc xe máy dừng lại tại một xóm nhỏ sát một triền núi.

Cả ba đứa được đưa vào một căn nhà nhỏ, ẩm thấp. Trong nhà chỉ có một chiếc giường cũ kỹ. Cả ba ngồi trên giường nhìn nhau nhưng không dám nói chuyện vì người đàn ông kia cấm không được bàn bạc bỏ trốn. Một lát sau người đàn ông quay trở lại đưa cho mấy cô cơm hộp và nước uống, và thúc giục mấy người này ăn nhanh để rồi chuẩn bị lên đường.

Đêm đó, người đàn ông mặt mày đằng đằng sát khí kia dẫn mấy cô đi về phía cánh rừng tối đen trước mặt…

Tác giả: Dương Lêh

Tháng 7/2013

Phụ Bản IV

BẠN TÔI XX

hay là

Kẻ không Trở Về Cát Bụi

Chín giờ tối hôm qua tôi nhận được điện thư của bạn tôi hẹn sáng nay gặp nhau ở một quán Cà phê vườn mà chúng tôi rất thích. Mỗi khi nhận được điện thư hẹn gặp của anh, mà lúc này tôi thường gọi đùa là của Thiện Quỷ, tôi cảm thấy rất hào hứng mong chóng tới lúc gặp. Biệt hiệu Thiện Quỷ của anh cũng được một số quý bà bạn chung của cả hai chúng tôi rất hưởng ứng, vì theo các quý bà đó, anh là kẻ chỉ phạm toàn là những… Thiện tội rất ư là đáng yêu!

Sáng nay gặp anh và nhìn vẻ mặt tươi tắn như thường lệ của anh, tôi cảm thấy vui vui, vì tin rằng sẽ được nghe anh nói về những điều đa đa vui ít ít buồn. Quả nhiên là vừa gọi cà phê và đồ điểm tâm xong, anh cho biết là hôm nay anh hẹn tôi đến để chia sẻ một vài điều chính yếu trong những dự tính của anh cho tương lai xa (vì còn cả vài chục năm) tức là cho vĩnh hằng vĩnh cửu. Anh kể: “Tuấn biết không? Sáng hôm qua mình tìm trên You Tube nhạc phong cầm của Pháp (French accordion music), vì mình rất thích phong cầm là thứ nhạc nghe rất êm đôi tai mình, là đôi tai cả đời chỉ thích nghe những lời êm dịu của phái ta (ý anh nói phái yếu). Sau khi cho phát tất cả 50 bài nhạc liền mình nằm dài ra gác đầu lên cuốn tự điển dày để thưởng nhạc. Nào ngờ không phải thưởng nhạc không, mà còn ngoạn cảnh nữa, vì là của Pháp nên vừa chơi nhạc nó còn vừa tuần tự chiếu trên màn hình các thắng cảnh, các đền đài kim cổ của Pháp, chao ơi! thật là tuyệt vời khi thấy lần lượt phô diễn qua mắt mình nào là quán Cối Xay đỏ, Nhà thờ Đức Bà Paris, Điện Versailles, Điện Louvre, các lâu đài Chambord, Luxembourg, de Brie-Comte-Robert, De Ferrières, Vaux-le-Vicomte, Nemours, d’Abadia, Chenonceau, Ussé de la Loire, De Vitré, Asay-le-Rideau, Maison-Lafitte, la Bellue, Tanley vv… Ôi không thể tưởng tượng được là những lâu đài trên có thể đẹp đến như thế Tuấn ạ. Cậu dư biết là mình chẳng bao giờ cất tiếng ca tụng ai, hay cái gì cả, nhưng khi nó đẹp thật thì phải nói là nó đẹp. Và rồi sau khi xem thấy những đền đài đẹp như vậy thì Tuấn biết mình nghĩ gì không? Mình nghĩ rằng những nơi chốn đó, dù chúng đẹp và vĩ đại đến đâu đi nữa chúng vẫn phải có những người ởmình tự hỏi tại sao số phận lại không cho mình được ở trong những nơi chốn đẹp như thế? Hỏi xong mình lại có ngay câu trả lời cho chính mình: “Mỗi con người một số phận, một định mệnh, mi được Hoàng Thiên cho ở Việt Nam thì mi phải vui sướng và hãnh diện chấp nhận chứ sao? Vả lại chắc gì những kẻ được ở trong những đền đài, lâu các đó đã được sướng hơn mi, tự do hơn mi, an nhiên tự tại hơn mi? Biết đâu càng ở những nơi cao sang đó chúng càng phải bon chen, tranh chấp khổ hơn mi nhiều!”. Sau khi biết suy nghĩ rất hợp lý và phải đạo như vậy, Tuấn biết mình đã làm gì không? Tôi trả lời là sao mà biết được và bảo anh cho biết. Anh nói: “Này nhé, mình và Tuấn còn trụ lại ở đây quá lắm là vài chục năm nữa, sau đó cả hai chúng ta sẽ dắt tay nhau bay qua cõi vĩnh cửu. Vậy thì, trong vài chục năm còn lại, chúng ta tuy được hoàn toàn tự do, nhưng vẫn còn có những việc cần làm, cho bản thân chúng ta, cho con cháu chúng ta, cho đồng bào chúng ta, và cho Đất Nước đã nuôi dưỡng chúng ta trong suốt cuộc đời này, do đó trong những năm tháng còn lại chúng ta khó mà làm gì hơn được. Tuy nhiên phải luôn nhớ cho thật kỹ là chúng ta còn cả cõi vĩnh hằng vĩnh cửu ngay trước mắt. Vì là những kẻ không thể coi “một khi đã chết, thì tất cả đã hết” nên chúng ta có thời gian và không gian vô tận để làm tất tần tật những gì chúng ta muốn trong vô hạn, vô định,vô tận cơ mà! Lúc đó, khi qua cõi vĩnh cửu chúng ta thành vô hình vô ảnh muốn ở đâu cũng được thì có khó gì mà không tới ở tất cả những nơi chốn đẹp đó, thậm và chí không chỉ ở Pháp mà còn ở toàn cầu nữa! Nhưng Tuấn ạ, khi nghĩ tới những viễn cảnh này thì mình lại thấy là việc đầu tiên cần phải làm nhất là trong mấy chục năm còn lại này chúng ta phải lưu tâm cố gắng đi thăm các thắng cảnh của Quê Mẹ trước đã, khi sang Bên Kia thì mới nghĩ tới đi thăm thắng cảnh Thế Giới!

Ngưng một phút để uống vài hụm nước, bạn tôi kể tiếp: “Do nghĩ tới việc mình dự tính làm trong cõi vĩnh hằng, mình sẽ trong những năm tháng còn lại, sưu tầm tất cả những danh lam thắng cảnh trên toàn cầu để phục vụ dự tính của mình Tuấn ạ. Tôi hỏi anh ví dụ như những nơi nào chẳng hạn? Anh nói: “À ví dụ như tháp nghiêng Pisa ở Ý, Twins Square ở Mỹ, Trafalgar Square ở Anh, Thác Niagara ở Gia Nã Đại, Vườn Tivoli ở Đan Mạch, Taj Mahal ở Ấn Độ, Cổ thành Machu Picchu ở Peru, Kim Tự Tháp ở Ai Cập vv…

Tôi liền hỏi: “Nếu anh tính đi thăm tất cả những nơi đó thì anh còn đâu thời giờ mà đi hành hiệp, như anh đã tâm sự với tôi?(*) Anh trả lời: “Tuấn thực là vớ vẩn thật hay vờ đó, cậu dư biết là cõi vĩnh hằng là mãi mãi và mãi mãi mà, làm gì còn thì và giờ? Tôi sẽ thực hiện cả hai dự tính một lúc, vả lại hành hiệp xong hơi mệt, tôi cũng rất cần nghỉ ngơi thư dãn, và ngoạn cảnh đích thị là thư dãn vậy. Tôi gật gù khen là anh nói có lý. Thấy vậy anh nói tiếp: “Nè Tuấn ơi, hai dự tính đó chưa phải là hết đâu, mình còn một dự tính thứ ba cực kỳ quan trọng, vì dự tính thứ ba này sẽ là chỗ dựa tinh thần, sẽ là động cơ vận chuyển hữu hiệu hai dự tính trên”. Tôi háo hức hỏi anh: “Dự tính gì nữa vậy anh, xin cho biết liền đi!”. Anh chậm rãi trả lời: “Dự tính thứ ba này liên quan mật thiết tới đề tài muôn thuở của tôi là các Quý Bà viết hoa. Tôi sẽ, cùng với việc tìm hiểu, sưu tầm các danh lam thắng cảnh thế giới, tìm hiểu cặn kẽ không bỏ sót một Đại Giai Nhân nào của Thế Giới tự Cổ chí Kim ví dụ như tự cổ thì có Sappho (c 570 BC) nhà văn nữ đầu tiên của nhân loại, Nefertiti, Phryne, Helen of Troy, Salome, và đặc biệt là Bathsheba (vì trong cõi tạm này mình đã có lúc được quý bà gọi là David), Cleopatra VII, Hildegard of Bingen, nữ tác giả (1098-1179) cho tới kim thì mình đặc biệt chú ý tới tất cả các nữ tài tử đẹp nhất là Gail Russell, mà mình thích từ “năm chục năm trước mình hai tám”, rồi tới Audrey Hepburn (1929-1993), Marylin Monroe (1926-1962), gặp lại nàng này mình sẽ bảo nàng cho biết nàng thật sự chết vì lẽ gì, rồi sau các tài tử mình sẽ lưu ý tới các Đại Giai Nhân trong các lãnh vực khác như Coco Chanel (1883-1971), Annie Besant (1847-1933), nàng này rất hợp với mình vì chuyên viết về Khoa Học Huyền Bí, Millicent Fawcett (1846-1929) vv… và vv… Khi gặp mình sẽ là người bạn tâm giao của tất cả những Đại Mỹ Nhân đó vì nơi cõi Vĩnh Hằng sẽ không còn giới hạn tuổi tác cũng như thời gian sẽ là vô định vô tận nên “dù xa cách nhau bao nhiêu nghìn vạn năm đi nữa tất cả sẽ vẫn là HIỆN TẠI VĨNH CỬU. Cái chính là mình phải biết sống mãi mà chẳng bao giờ chịu chết, chịu chung số phận với những người không biết nên chấp nhận trở về với cát bụi! Nghe anh nói và nhìn ánh mắt quả quyết của anh, tôi cũng cảm thấy sôi sục lên trong tôi ý muốn theo gương dũng cảm của anh.

Tôi viết lại ở đây vì cảm thấy những gì anh đang suy nghĩ và nhất quyết thực hiện cho bằng được không phải là vô ích với người đồng loại, mặc dù với những người không có ý thức gì về cõi vĩnh hằng, anh có thể bị cho là hâm, là điên rồ, nhưng nghĩ cho cùng, dù có điên rồ thật thì cũng còn hơn là chỉ trong vòng trăm năm ít ỏi là được sống thôi, mà chưa chắc đã được sống đủ, để rồi sau đó biến dạng trong cát và bụi!

Giờ này trong mắt tôi, bạn tôi là “Kẻ Không Trở Về Cát Bụi”…

Vũ Anh Tuấn

(*) Xin tìm đọc Bạn Tôi XVII hay là Kẻ Không An Nghỉ Ngàn Thu


Lợi ích của một số trái cây

1. Quả bơ (Avocado)

Có những lợi ích từ quả bơ mà không phải ai cũng biết. Dưới đây là 10 lợi ích về sức khỏe mà quả bơ có thể mang lại cho bạn nếu dùng nó mỗi ngày.

1./- Chống ung thư thận

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã chứng minh rằng, trong trái bơ có chứa một số chất giúp chống ung thư như trong một số trái cây rau quả khác.

2. /- Tăng khả năng chống ung thư miệng

Một số hợp chất có trong trái bơ có thể phát hiện những tế bào có khả năng ung thư hoặc gây ung thư miệng và tiêu diệt chúng mà không gây hại đến những tế bào khỏe mạnh.

3. /- Chống ung thư vú

Giống như dầu ô liu, bơ có chứa lượng axit oleic khá cao. Đây là loại axit giúp ngăn ngừa ung thư vú.

4. /- Tốt cho mắt

Trong bơ có chứa lượng lutein carotene cao hơn bất cứ loại trái cây nào khác. Chất này giúp chống sự thoái hóa thành các vết đen, bệnh đục nhân mắt và một số bệnh về mắt liên quan đến tuổi thọ.

5. /- Giảm Cholesterol

Bơ có chứa rất nhiều beta-sitosterol, là một hợp chất làm giảm tỉ lệ cholesterol. Một nghiên cứu tiến hành trên 45 người đã cho thấy ăn một quả mỗi ngày sẽ giúp giảm tỉ lệ chất béo xuống khoảng 17% chỉ trong vòng một tuần.

6. /- Giúp tim khỏe mạnh

Một ly bơ có chứa 23% folate, chất đã được chứng minh có tác dụng giảm nguy cơ do bệnh tim gây ra so với những người không ăn. vitamin E và glutathione có trong bơ cũng rất tốt cho tim của bạn.

7./- Chống đột quỵ

Tỉ lệ folate cao trong bơ giúp giảm thiểu tối đa các cơn đột quỵ.

8./- Hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn

Một nghiên cứu cho thấy những người ăn salad kèm với bơ sẽ hấp thụ lượng caroteroid (bao gồm lycopene và carotene) gấp 5 lần so với việc ăn salad không.

9./- Glutathione

Bơ chứa rất nhiều glutathione - chất chống ôxy hóa rất quan trọng trong quá trình ngăn chặn sự lão hóa, ung thư và bệnh tim.

10./- Vitamin E

Bơ là nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất cho cơ thể. Vitamin này giúp ngăn ngừa bệnh tật và duy trì một cơ thể khỏe mạnh.

Sự kỳ diệu của quả bơ (avocado)

Hầu hết người tiêu dùng ở Việt Nam chỉ biết sử dụng quả bơ cho việc làm sinh tố, chưa biết về giá trị dinh dưỡng tuyệt vời cũng như cách sử dụng rất phong phú của quả bơ.

Trên thế giới, tại các nước như Mỹ, Mexico, Úc… Trái bơ được đánh giá cao và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như ăn quả tươi, chế biến nhiều món ăn ngon, tinh chiết dầu ăn và đặc biệt bơ được sử dụng rất nhiều trong mỹ phẩm cho việc chăm sóc sắc đẹp.

Những công dụng nầy mang lại tiềm năng phát tri ể n lớn cho sản xuất và tiêu dùng Trái bơ của Việt Nam, nhất là hiện nay với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế, Trái bơ Việt Nam còn rộng đường cho việc xuất khẩu, nhờ thời gian bảo quản đã được kéo dài đến 60 ngày.

Giá trị dinh dưỡng

Trái bơ có chứa hơn 14 loại vitamin và khoáng chất bao gồm canxi, sắt, đồng, magiê, phốtpho, kali, natri, kẽm mangan và selen.

Trái bơ cũng rất giàu chất chống oxy hoá, có tác dụng ngăn ngừa hình thành các gốc tự do dẫn đến gây ung thư, đục th ủy tinh thể, lão hóa da, giúp duy trì làn da săn chắc.

Trái bơ còn là nguồn Folate rất quan trọng đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và đặc biệt quan trọng đối với thai kỳ ở những tuần đầu tiên vì 75% trẻ sơ sinh bị nứt đốt sống là do thiếu folate từ trong bụng mẹ.

Là một trong rất ít loại trái không có cholesterol, mà lại có chứa chất béo đơn không b ã o hòa, đây là loại chất béo tốt cho cơ thể giúp làm gi ả m hàm lượng cholesterol.

Trái bơ có chứa hàm lượng protein cao nhất so với các loại quả khác, cao gần như tương đương với sữa.

Ngoài ra, Trái bơ còn có hàm lượng muối thấp, chất xơ cao, có hàm lượng lutein cao, có chất carotenoid tự nhiên giúp mắt sáng và duy trì một làn da đẹp.

Giá trị với sắc đẹp

Trái bơ được sử dụng vào việc chăm sóc sắc đẹp và sức khỏe nhờ giàu vitamin A, E, D cùng với các khoáng chất kali, phốtpho, lưu huỳnh và clo, trong đó:

- Vitamin E có tác dụng bảo vệ các axit béo chống lại sự ôxy hóa, nhờ vậy làm chậm quá trình lão hóa của tế bào giúp làn da tươi trẻ và săn chắc.

- Vitamin A có tác dụng lột bỏ lớp da chết, thúc đẩy việc sản xuất chất collagen.

- Vitamin D giúp duy trì hàm lượng canxi trong máu nhờ đó xương và răng chắc khỏe.

- Kali và phốtpho có tác dụng làm đẹp da, tóc và giúp phát tri ể n cơ thể.

- Dầu trái bơ có rất nhiều giá trị trong việc tái tạo và giữ ẩm cho làn da. Dầu bơ bảo vệ làn da không bị khô và tăng khả năng đàn hồi của da.

Nguồn dinh dưỡng cho trẻ em

Trái bơ rất dễ chế biến làm thức ăn cho bé, với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, thì chỉ cần nghiền nhỏ phần thịt của Trái bơ, còn trẻ em lớn hơn thì có thể cắt thành từng miếng cho bé cắn.

Trái bơ rất có lợi cho sức khỏe của trẻ em, vì trong quả bơ có chứa protein, vitamin A, E, C cao. Protein là một thành phần dinh dưỡng quan trọng đối với sự phát triễn của trẻ em và đặc biệt là trẻ sơ sinh. Ngoài ra các chống ôxy hoá tác dụng bảo vệ các tế bào não, còn vitamin B tổng hợp trong Trái bơ có tác dụng tăng cường trí nhớ. Vì thế quả bơ là một nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho sự phát triễn trí não của trẻ em.

Giá trị với môi trường

Trồng bơ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường:

- Cây bơ không chỉ có tác dụng làm bóng mát mà còn giúp làm giãm nhiệt độ không khí do việc thoát hơi nước từ lá.

- Cây bơ còn là nguồn cung cấp ôxy đáng kể và giúp cho không khí có sự trong lành tươi mát. Vì theo các nghiên cứu cho thấy cứ 1 cây bơ sản xuất gần 118kg ôxy mỗi năm và cứ 1ha vườn bơ trong 1 năm có thể giúp loại thải được 6,4 tấn CO2.

Vườn Bơ còn có thể làm giãm dòng chảy và lọc nước mưa nhờ đó làm giãm nguy cơ lũ lụt, nâng cao khối lượng và chất lượng nước. Rễ cây Bơ còn giúp chống lại sự xói mòn của đất.

(Ngọc Thanh)

Quả bơ rất tốt cho sức khỏe

Ngoài ra, trái bơ còn là một loại thực phẩm có thể chữa trị những biểu hiện của bệnh tim có liên quan đến mức cholesterol.

Một thời gian dài trước đây, nhiều người đã được khuyến cáo là không nên ăn bơ vì nó giàu chất béo và chứa nhiều calorie. Trong khi, theo các chuyên gia dinh dưỡng, lượng chất béo cao chứa trong trái bơ là chất béo không bão hòa dạng đơn thể (monounsaturated fat) rất có ích trong việc cải thiện sức khỏe. Cụ thể, khi dùng bơ thường xuyên sẽ mang lại cho bạn những lợi ích sau:

Lợi ích về mặt dinh dưỡng

Các loại axít béo không bão hòa dạng đơn thể trong quả bơ giúp kiểm soát quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Ngoài những loại axít béo có ích, trái bơ còn chứa hàm lượng kali cao. Bên cạnh đó, nó chứa các loại vi dưỡng chất quan trọng khác như sắt, đồng, magiê và phốt pho. Trái bơ còn có nhiều loại vitamine như vitamine A, nhóm vitamine B, axít folic, vitamine C, vitamine E và can-xi. Trái bơ còn là nguồn giàu chất xơ, ít chất đường và tinh bột, là loại thực phẩm lý tưởng cho các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường.

Lợi ích về sức khỏe :

- Giúp điều chỉnh huyết áp: Với hàm lượng cao axít folic và kali có trong trái bơ sẽ giúp điều chỉnh huyết áp và chống đột quỵ, cũng như ngăn ngừa những vấn đề về tim và các bệnh liên quan đến hệ tuần hoàn.

- Giảm cholesterol gây hại: Thành phần axít oleic và linoleic chứa trong trái bơ có tác dụng làm giảm mức cholesterol xấu (LDL) và gia tăng lượng cholesterol có ích cho cơ thể.

- Trị loét bao tử: Bơ giúp làm dịu phần bề ngoài nhạy cảm, niêm mạc của bao tử và tá tràng, do vậy sẽ có tác dụng điều trị hiệu quả các vết loét.

- Tăng cường hệ miễn dịch: Việc dùng bơ thường xuyên có tác dụng duy trì tình trạng khỏe khoắn và tăng cường hệ miễn dịch.

- Cải thiện khả năng thị giác : Các chất antioxidants chứa trong trái bơ giúp trung hòa các gốc tự do, cải thiện thị giác và phòng tránh các bệnh về mắt, như bệnh loạn thị, bệnh tăng nhãn áp và bệnh đục thủy tinh thể.

- Giúp hơi thở thơm tho : Các thành phần trong trái bơ có tác dụng tẩy trừ các chất cặn bã đã bị phân hủy trong đường ruột.

- Ngăn ngừa sạn thận : Chất kali chứa nhiều trong trái bơ giúp làm giảm lượng can-xi bài tiết qua đường nước tiểu, nhờ thế sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh sạn thận.

- Giúp thai nhi phát triển: Thành phần axít folic trong trái bơ đóng vai trò có ích và quan trọng cho quá trình phát triển các mô mạnh khỏe của bào thai.

- Ngăn ngừa tình trạng nôn ói ở thai phụ: Vitamine B6 có trong trái bơ có thể giúp làm dịu cảm giác buồn nôn và khó chịu ở bao tử của chị em trong suốt thời gian thai nghén.

- Phòng tránh ung thư tuyến tiền liệt: Chất phytonutrient có trong trái bơ có tác dụng ngăn ngừa quá trình phát triển của các tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt.

- Tăng cường độ khỏe khoắn của hệ thần kinh và cơ bắp: Lượng kali chứa trong trái bơ giúp cân bằng các chất điện phân, giúp các cơ bắp hoạt động hiệu quả, đồng thời còn giúp tăng cường năng lượng cho hệ thần kinh và quá trình trao đổi chất trong cơ thể.

- Ngăn ngừa bệnh vẩy nến: Theo các chuyên gia, chất dầu có trong trái bơ rất có ích trong việc điều trị các chứng bệnh về da như bệnh vẩy nến và chứng khô da.

Theo Phụ nữ/Suite101

2. LẠC hay ĐẬU PHỘNG

Theo Wikipedia: Lạc còn được gọi là Đậu phộng hay đậu phụng ( danh pháp khoa học : Arachis hypogaea), là một loài cây thực phẩm thuộc họ Đậu có nguồn gốc tại Trung Nam Mỹ . Nó là loài cây thân thảo có thể cao từ 3–50 cm. Sau khi thụ phấn, quả phát triển thành một dạng quả đậu dài 3–7 cm, chứa 1-4 hạt, và quả (củ) thường dấu xuống đất để phát triển. Trong cách gọi tên tiếng Việt, từ "lạc" có nguồn từ chữ Hán "lạc hoa sinh" ( 落花生 ) mà có người cho rằng người Hán đã phiên âm từ "Arachis".

Hạt lạc là loại thực phẩm rất giàu năng lượng vì có chứa nhiều lipit.

9 công dụng chữa bệnh tuyệt vời của lạc

Lạc là thực phẩm phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Lạc không chỉ được được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn mà còn có thể ngăn ngừa được một số bệnh nguy hiểm mà bạn có thể chưa biết.

Giảm cân.

Nhiều người vẫn thường nghĩ rằng, hàm lượng chất béo trong lạc được coi là quá cao vì thế những người muốn giảm cân, đặc biệt là béo phì cần loại trừ thực phẩm này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dinh dưỡng cho biết rằng, các sản phẩm từ lạc có thể giúp bạn kiểm soát trọng lượng và ngăn ngừa béo phì rất hiệu quả. Các chuyên gia dinh dưỡng đã tìm thấy axit folic trong lạc, nó chứa rất nhiều axit không bão hòa đơn béo, làm giảm cholesterol trong máu cao. Ngoài axit folic, lạc cũng chứa nhiều cellulose hữu ích, một vai trò rõ ràng về chất thải đường ruột, không gây béo phì.

Tốt cho tim.

Một số lượng lớn các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lạc, bơ lạc và các sản phẩm từ lạc khác giúp bảo vệ tim, có tác dụng tốt trong phòng chống các bệnh tim mạch. Những người thường xuyên ăn lạc và các sản phẩm từ lạc, có thể hạ thấp tỷ lệ mắc bệnh tim mạch 35%. Đặc biệt là phụ nữ, phụ nữ mãn kinh thường xuyên ăn lạc có thể giảm tỷ lệ mắc bệnh mạch vành.

Làm hạ cholesterol.

Không chỉ giúp tăng cường trí nhớ, niacin trong lạc còn giúp hạ thấp và kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu. Mặt khác, nhờ chứa nhiều lượng đồng nên khi ăn lạc sẽ giúp tăng lượng cholesterol có lợi và giảm lượng cholesterol có hại.

Ngăn ngừa lão hóa.

Lạc chứa polyphenol tự nhiên ngoài việc giảm kết tập tiểu cầu, bảo vệ tim còn có tác dụng chống lão hóa rất tốt.

Tốt cho xương.

Trong hạt lạc cũng có chứa một lượng nhỏ canxi và vitamin D. Cả hai chất này hợp tác với nhau giúp tăng cường sức khỏe của xương, bao gồm cả tốt cho sức khỏe của răng.

Ngăn ngừa sỏi mật.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy rằng, những người mà ăn ít nhất 58 gam lạc hoặc bơ lạc mỗi tuần có thể giảm nguy cơ mắc bệnh sỏi mật là 25%.

Tăng cường trí nhớ.

Một số nghiên cứu cho thấy, ăn lạc có khả năng tăng cường được sức khỏe cho não. Lý do là trong củ lạc có chứa nhiều vitamin B6 hay còn gọi là niacin. Đây là chất giúp não hoạt động bình thường và tăng cường trí nhớ.

Tốt cho "chuyện ấy".

Theo một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Linkoeping, Thụy Điển, thường xuyên ăn lạc sẽ tốt cho "chuyện ấy" ở đàn ông. Trong lạc có chứa rất nhiều nitric oxide. Đây là thành phần kích thích guanylate cyclase phân hủy guanosine triphosphate chuyển thành cyclic guanosine monophosphate. Các chất này sẽ làm tăng khả năng cương cứng lâu hơn bình thường. Do vậy, đàn ông muốn tăng sức hoạt động tình dục thì nên tăng cường thực đơn lạc trong bữa ăn.

Ngăn ngừa ung thư

Chất teta-sitoserol có trong một số loại dầu thực vật như đậu, lạc không những giúp chống lại bệnh tim mạch bằng cách can thiệp vào sự hấp thụ cholesterol, chúng còn chống lại bệnh ung thư bằng cách ngăn chặn sự phát triển của các tế bào.

Ngoài ra, theo Đông y, lạc có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, tiêu đờm, điều hòa huyết khí, tiêu sưng, cầm máu, lợi tiểu, tăng tiết sữa, mát họng. Khi bị mất tiếng hay phù chân, thiếu sữa, táo bón, huyết áp cao, viêm thận,… bạn có thể dùng lạc để chữa.

Lưu ý: Lạc rất tốt cho sức khỏe, nhưng những người cơ thể nóng không nên lạm dụng. Những người già yếu, tiêu hóa kém nên ăn ít. Những người có bệnh về mật không nên ăn. Những người bị bệnh tắc nghẽn mạch máu, bị độc dính máu cao không được ăn lạc. Đặc biệt, lạc mốc có chứa nhiều chất gây ung thư, gây ngộ độc nên khi sử dụng phải loại bỏ các hạt mốc, hỏng.

Theo VnMedia

3. Quả Đu Đủ xanh

Tôi năm nay 77 tuổi, bị nhiều bệnh nhưng năm 1990 bị sỏi thận, chạy chữa 5 năm nhiều thầy lang ở nhiều nơi, mất nhiều tiền mới tiêu tan được sỏi. Năm 2005, sỏi lại tái phát thận phải 1 viên 0,7mm, thận trái 1 viên 0,9mm. Tôi rất lo lắng tìm đường chạy chữa. Thật may gặp ông anh cho một quyển sách nhỏ Những bài thuốc gia truyền bằng cây nhà, lá vườn của một cố đạo người Việt cư trú ở Mỹ viết gửi về. Trong đó có bài quả đu đủ xanh chữa sỏi. Cách làm: quả đu đủ xanh cắt đầu đuôi bỏ hết hột, thêm ít muối, đem đun cách thủy, ăn ngày một lần, ăn liền trong một tuần lễ là khỏi. Tôi thực hiện ngay, trẩy quả đu đủ xanh (bằng vốc tay) vừa ăn trong một ngày, ăn 7 quả liền.

Sau 7 ngày đi siêu âm quả thật viên sỏi đã biến mất. Tôi thấy cháu Nguyễn Văn Thiết, 35 tuổi đi lưng còm lom khom là bị 2 viên sỏi đường tiết niệu chèn đau không làm được gì. Tôi hướng dẫn trảy ngay quả đu đủ vườn nhà làm như trên để ăn. Cháu ăn đến ngày thứ ba đã giảm đau, đến ngày thứ năm đã khỏi đau đi làm bình thường được. Thấy kết quả, ông anh Nguyễn Minh Xa và Phạm Văn Sáu, nguyên hiệu trưởng trường cấp II đã về hưu cũng thực hiện ăn quả đu đủ xanh trong 7 ngày đi siêu âm cũng tiêu tan sỏi thận. Tôi lại mách và hướng dẫn ông Nguyễn Văn Sướng ở tổ 10, phường Minh Khai - thành phố Phủ Lý, nguyên là Giám đốc khách sạn bị sỏi bùn ở mật chuẩn bị đi mổ và bà vợ là Nguyễn Thị Thịnh bị sỏi thận 3 viên. Hai ông bà cũng thực hiện ăn quả đu đủ xanh trong 1 tuần lễ đi siêu âm cũng tiêu tan hết. Tôi còn mách bảo nhiều người khác. Đây là tin vui bước đầu thực nghiệm theo sách có kết quả tốt và rất nhiều người bị bệnh này, chữa đơn giản không mất nhiều tiền mà khỏi bệnh. Tôi viết bài này mong quý báo đăng để độc giả bị bệnh có thể áp dụng thử khi cần vừa rẻ vừa an toàn. (Lương Phúc Huyên)

Trên đây là kinh nghiệm chữa sỏi từ quả đu đủ xanh, của bác Lương Phúc Huyên, xét thấy không độc hại gì vì vậy chúng tôi đăng để bạn đọc thử áp dụng. Tuy nhiên, trong quá trình dùng nếu có điều gì bất thường nên đi khám tại bệnh viện để được xử trí đúng. Thực tế, trong Đông y thường dùng đu đủ xanh hầm chân giò giúp lợi sữa dùng cho các bà mẹ sau đẻ ít sữa.

Bs Nguyễn Lân-Đính st

NHỮNG LỜI KHUYÊN

của PHẬT

1. Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.

2. Ngu dốt lớn nhất của đời người là dối trá.

3. Thất bại lớn nhất của đời người là tự đại.

4. Bi ai lớn nhất của đời người là ghen tỵ.

5. Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình.

6. Tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu.

7. Đáng thương lớn nhất của đời người là tự ty.

8. Đáng khâm phục lớn nhất của đời người là vươn lên khi ngã.

9. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng.

10. Tài sản lớn nhất của đời người là sức khỏe và trí tuệ.

11. Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.

12. Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung.

13. Khiếm khuyết lớn nhất của đời người là kém hiểu biết.

14. An ủi lớn nhất của đời người là bố thí.

THANH CHÂU st

Truyện Ngắn

XÔI BÁNH TRÁNG

Chiếc xe khách đường dài dừng lại bên một trạm xăng dầu. Bác tài vừa bấm nút mở cửa xe vừa nói to:

- Cô bác xuống giải mỏi vệ sinh chút nghe.

Hành khách lục tục rời khỏi những băng ghế, những tiếng ồ à trở mình vươn vai. Tôi cũng bước ra lòng xe, chầm chậm di chuyển theo dòng người về phía cửa. Gió mát, không gian thoáng đãng thật dễ chịu. Ngồi lâu một chỗ đúng thật là ê ẩm, cho dù ghế nệm đi nữa thì sự cô thúc trong một tư thế suốt mấy giờ đồng hồ dẫu cũng dăm bảy lần lăn trở thì cũng vẫn là không thoải mái. Nhưng biết làm sao được khi đó là điều bắt buộc. Còn những hơn mười tiếng đồng hồ nữa mới kết thúc cuộc hành trình. Thoáng nghĩ đến những gương mặt đang khấp khởi đợi mong từ những tin nhắn và những cuộc alo, tôi rộn lên một cảm giác vui. Ừ, có gì hạnh phúc hơn là mình đang đi về phía có người đón đợi và hứa hẹn một cuộc hội ngộ tưng bừng rôm rả. Hình ảnh ấy như thổi tan cảm giác mỏi mệt trên xe. Sau khi rửa tay dưới vòi nước của nhà vệ sinh, tôi tà tà tản bộ quanh một khuôn viên vừa vừa của trạm xăng. Một số hàng quán í ới mời mọc. Đi xa, tôi kỵ nhất chuyện ăn uống dọc đường, lỡ gặp chuyện xấu bụng thì ôi thôi…, nước uống cũng rất hạn chế, chỉ nhấp sơ cho đỡ khô cổ là đủ. Bác tài đã vào ghế lái, mọi người lục tục bước lên, vài mẩu thuốc quăng vội. Thật tội cho những cơn ghiền hành hạ, con người ta nhiều khi rất khổ sở vì những lệ thuộc cỏn con ấy. Tôi vừa vào ghế ngồi thì lại phải nhích né người cho người ngồi trong bước qua. Chị bạn đồng hành khoảng trên dưới năm mươi, nét mặt khá dịu, ít nói, vì vậy mà từ khi lên xe chỉ đôi lời chào hỏi, tôi cũng chưa biết gì về chị. Vừa ngồi xuống ghế chị vừa xin lỗi, tôi mỉm cười “có sao đâu chị”. Dòng người đã thưa dần, lác đác còn vài người đang vội vã, một cháu bé đi ngang tay cầm gói xôi, loại xôi bó trong cái bánh tráng mềm. Khá lâu rồi tôi mới nhìn thấy lại món ăn này. Ánh mắt chị bạn đồng hành như bập vào gói xôi, và bật luôn câu hỏi:

- Cháu ơi! xôi mua ở đâu đấy?

- Ở cái bà cắp thúng kia kìa bác ạ.

Gần như lao qua tôi, vấp cả vào chân tôi, chị không nhớ cả câu xin lỗi mà gấp gáp nói với bác tài:

- Đợi đợi giùm chút nha…

Tốc độ lao ra cửa xe nhanh đến nỗi bác tài chưa kịp phản ứng, động cơ đã khởi động và bác tài tỏ ý khó chịu khẽ càu nhàu, tiếng càu nhàu ấy hiệu ứng thêm vài người trong xe:

- Nãy giờ thì không mua đi… xe gần chạy lại…

- Thì lúc khác ăn cũng được việc gì mà… người đâu kỳ cục…

- Xôi bánh tráng thì có gì lạ mà phải vội vàng thế?

Đúng là xôi bánh tráng thì có gì là lạ. Cũng là xôi nấu bình thường pha chút phẩm màu cho đẹp, rồi ít muối mè, ít đường cát, vài sợi dừa thái mỏng và gói trong một loại bánh tráng hơi ỉu, khi ăn bóp chặt và cắn từng miếng có đủ vị. Cái bánh tráng mềm ấy không chỉ thêm vào một chất vị, mà còn giúp những hạt xôi không dính ra tay. Tóm lại một món ăn không quá đặc biệt, nhưng việc người ta chọn một món ăn nào đó không phải nó đặc biệt hay hấp dẫn hay cầu kỳ hay đắt đỏ, mà nó là khẩu vị, đã là khấu vị thì không có chuyện hơn kém. Nhưng những câu phàn nàn ấy chẳng lọt vào tai người đang làm cả xe phải chờ, chị hối hả thúc giục người gói xôi, rồi lại hối hả nhảy lên xe, trong ánh mắt biết mình đang gây trở ngại cho mọi người. Chiếc xe đóng cửa và từ từ ra khỏi trạm xăng. Chị đã ngồi vào ghế, nhưng không phải để tận hưởng hương vị món xôi mà chị đã cố mua cho bằng được. Chị ngồi lặng đi nhìn nó, tay mân mê mân mê, khóe mắt chị ửng hoe lên, và rưng rưng. Tôi ngạc nhiên hết sức. Chị hơi nhìn ra ngoài cửa sổ để giấu cảm xúc, rồi lại nhìn vào gói xôi, giọt nước mắt đã rơi. Tôi thầm hiểu, đây không phải là một món ăn ưa thích, mà nó đang gói ghém một ký ức đẹp nhưng buồn nào đó của chị. Và việc chị nhảy vội xuống để mua nó không phải đáp ứng cơn thèm ăn, mà là một cơn sóng tiềm thức trào lên đẩy chị hành động. Cuộc đời mỗi con người luôn mặn mòi đáu đẫm bởi những vui buồn được mất, những diễn biến thăng trầm thông qua từng bước gập ghềnh cuộc sống, qua đó mà người ta có nhiều chiêm nghiệm đúc kết để mà biết tiếc biết đau những gì mà lẽ ra rất đáng trân trọng. Tôi vờ nhìn vào một tờ báo để chị không phải ngại ngùng, và cũng tránh cho mình cảm giác của sự tò mò. Tuy rằng trong thâm tâm tôi rất muốn biết điều gì đã làm chị rơi lệ qua món xôi kia. Nhưng chỉ là một người lạ trên đường, không nên để người ta xem mình là kẻ ngồi lê thóc mách, đó cũng là điều tôi cực kỳ dị ứng từ phía các mợ. Rỗi hơi nhòm nhà nọ ngó nhà kia rồi đi đưa chuyện rồi thêm thắt rồi châm chọc, không biết bao nạn nhân khốn đốn vì cái trò tệ hại này. Cứ hai ba mợ ngồi lại với nhau là y như rằng không bôi người nọ cũng trét người kia, mà bản thân mình thì có hơn gì đâu chứ, và đó cũng là một trong những điểm để hạ thấp giá trị người phụ nữ. Đáng tiếc là thói xấu này vẫn còn tồn tại trong đa số các nàng mỏng môi thích ngồi.

Lơ mơ ngủ không biết bao lâu thì tôi chợt thức vì những âm thanh chộn rộn, thì ra xe đã dừng ăn cơm. Nhìn sang bên cạnh, người bạn đồng hành đang loay hoay lấy gì từ túi hành lý, đảo mắt, tôi thấy gói xôi vẫn còn nguyên bên cạnh ghế. Lấy giọng thân tình vui vẻ tôi nói:

- Mình xuống rửa mặt cho mát đi chị.

- Ừ, mình đang lấy khăn mặt, chị xuống trước đi.

- Đi cùng luôn cho vui.

Lấy cái khăn mặt ra xong, chị kéo miệng túi xách lại rồi cầm cả gói xôi, tôi bước ra cửa. Vào nhà vệ sinh tôi nhường chị vào trước, chị hơi tần ngần rồi đưa gói xôi cho tôi bảo:

- Cầm hộ mình tí nhé.

Tôi gật đầu và cầm lấy. Có vẻ đây sẽ là bữa trưa của chị. Lát sau chị đi ra, vẻ mặt cũng tươi tỉnh hơn. Xong xuôi, cả hai chúng tôi ra chọn chỗ ngồi.

- Chị ăn gì để mình kêu luôn.

- Thôi, mình có cái này rồi.

- Buổi trưa mà ăn xôi thì khó nuốt lắm.

- Không sao mình ăn được.

- Vậy mình sẽ kêu một ly chanh đá nhé.

- Cảm ơn, thế cũng được.

Một đĩa cơm sườn và hai ly nước chanh được đem ra. Tôi vừa ăn vừa thoáng để ý, chị ăn gói xôi một cách nhỏ nhẻ từ tốn, cứ như sợ nó hết mất vậy. Tuy nhiên, nó cũng phải hết, sau khi uống một ngụm nước chanh. Chị bâng quơ nói:

- Bây giờ chắc cũng còn mỗi bà cụ này là bán thứ xôi này nhỉ.

- Có thể đâu đó cũng vẫn có nhưng mình không hay gặp thôi.

Đoán chừng chị muốn thổ lộ chút gì, nhưng tôi không vội hỏi tới, hãy để người ta tự nhiên mà vào chuyện, tỏ ra nôn nóng muốn nghe khéo người ta khựng lại vì mất hứng mà cũng vì cảnh giác.

- Cũng hơn ba chục năm rồi tôi mới ăn lại món này.

Con số làm tôi giật mình.

- Hơn ba chục năm?

- Ừ, từ khi mẹ mình còn vất vả đi buôn chuyến.

- Thời điểm ấy hầu như mọi người đều khổ chị nhỉ?

- Ừ, nhưng mẹ mình vất vả hơn nhiều người vì ba mình mất sớm, sau giải phóng mấy năm thôi, một mình mẹ xuôi ngược lo cho bầy con sáu bảy đứa. Mình còn nhớ rất rõ ngày đó hầu như thứ gì cũng lậu, thứ gì cũng phải giấu giấu giếm giếm. Mỗi lần đi Sài Gòn là mẹ mình tăng đến hơn chục ký.

- Sao vậy?

- Thì cà phê nè, đậu xanh đậu đen cứ phải lận vào những cái túi vải dàn dẹp ra rồi bó vào quanh người ấy. Mặc thì đến hai ba áo, cái ngoài cùng thì rộng thùng thình cho thuế vụ nó khỏi nghi. Khi về đến nơi mới mở ra bán cho người ta.

- Hồi đó mình cũng có biết chuyện ấy, nhà hàng xóm mình cũng có người đi buôn vậy. Đi thì đem nông sản mà chủ yếu là cà phê, về thì đủ thứ vải vóc thuốc tây thậm chí cả kim chỉ. Thật quá khổ, may mà…

- Có lần hè, mẹ cho mình đi cùng, mình nhớ hồi đó mua vé xe thì phải xếp hàng rất lâu, có khi hai ngày mới mua được. Mà xe chạy dọc đường lại hay bị pan nữa chứ. Hôm ấy xếp hàng từ khoảng ba giờ khuya đến 8, 9 giờ sáng vẫn chưa đến lượt. Mình vừa đói vừa mệt cứ ngủ vạ vật. Mẹ thì không dám bỏ hàng đi ra vì sợ mất chỗ, nếu phải xếp lại phía cuối thì có khi hôm sau cũng chưa có vé. May sao, có một bà bán xôi bánh tráng này gánh qua, mẹ gọi mua hai gói cho cả hai mẹ con. Sao mà gói xôi lúc ấy nó ngon thế, lúc nào nhớ lại vẫn nhớ cái vị rất ngon của nó. Hôm nay ăn lại không thấy ngon bằng lúc ấy.

- Ngày ấy thì ăn gì cũng thấy ngon chị ạ, vì có nhiều đâu mà ăn, ngoài hai bữa cơm độn khoai sắn thì những thứ quà bánh là xa xỉ cả. Cái bánh tráng vài quả chuối củ khoai luộc mẹ đi chợ về là mấy chị em xúm xít rồi. Nghĩ lại đúng là một thời quá cực nhục, thế mà không hiểu sao lúc ấy lại chịu đựng được hết.

- Không chịu thì biết làm sao, nó chỉ có thế thôi, không hơn được thì chịu mãi rồi cũng thấy quen, giờ nhìn lại mới thấy khổ chứ ngày ấy biết là khổ nhưng cũng xem là chuyện đương nhiên thôi.

- Vậy mẹ chị bây giờ…

- Bà mất mười lăm năm rồi.

Tôi lặng đi một chút, đúng là một nỗi niềm tâm cảm đắng đót mà.

- Bây giờ con cái khấm khá có dư dả tí chút thì mẹ không còn để mua cho mẹ thứ này thì kia mẹ ăn cho ngon.

Mắt chị rơm rớm, sống mũi tôi cũng cay cay. Những con người có chung một bối cảnh có chung một nguồn cơn dễ đồng cảm và chia sẻ. Ba mẹ tôi ngày ấy thì cũng có khác gì. Mẹ thì hoay loay phố chợ kiếm đồng cơm đồng gạo, ba thì loay hoay mấy con heo kiếm đồng mắm đồng thuốc. Lâu lâu có được tí thịt cá cho con thêm chất thì vội vội vàng vàng giấu xuống gầm giường khi nhà hàng xóm vờ sang xin tí muối để dòm ngó. Ngày đó sống cho ra dáng một cuộc sống thì cứ như là có tội. May mà những biến chuyển của một đất nước thời hậu chiến cũng đã kịp đưa con người đi qua một giai đoạn khúc khuỷu bập bềnh. Để rồi ngày nay, tuy cũng còn lắm lắm thứ còn phải kêu ca chỉnh sửa, nhưng so với ngày ấy là đã khác nhiều nhiều lắm rồi. Câu chuyện vẫn kéo dài thêm khi chuyến xe lại tiếp tục cuộc hành trình. Số điện thoại được trao đổi, gia cảnh của nhau cùng tường tận hơn. Thêm một bạn mới qua một món ăn dân dã đơn sơ, qua một câu chuyện lòng chan chứa, qua một chan hòa cởi mở để thấy cuộc đời… ơi vẫn còn lắm thiết tha.

ĐÀM LAN

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế