Hiện có 3 người xem / 2518733 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 9-10-2010

của CLB Sách Xưa và Nay

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên hai cuốn sách tương đối cổ: một bằng tiếng Pháp, được xuất bản khoảng 1920-1925 và một cuốn sách Việt được xuất bản năm 1945 bởi Đắc Lộ Thư Xã, một nhà xuất bản rất nổi tiếng hồi đó. Cuốn sách bằng tiếng Pháp mang tựa đề là “Các Đoàn Truyền Giáo ở Nam Kỳ” (Missions de Cochinchine) của tác giả L.DEBROAS và do nhà xuất bản A. MAME et FILS ấn hành. Sách nói về những ngày đầu Rao Giảng Phúc Âm ở Nam Kỳ (xin xem chi tiết về cuốn sách ở bài “Hồi ký 60 năm chơi sách” trong bản tin này). Sách tuy đã gần 100 năm tuổi nhưng vẫn còn rất mới đến 70, 80 phần trăm và có một số minh họa rất đẹp. cuốn thứ nhì là cuốn BẦN NỮ THÁN được nhà in Đắc Lộ Thư Xã xuất bản năm 1945, có chứa đựng gần 10 minh họa cực đẹp do Cố danh họa Mạnh Quỳnh vẽ. Các thành viên đã rất thích thú khi được giới thiệu và xem hai cuốn sách tương đối cổ đó. Sau khi giới thiệu 2 cuốn sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã thông báo với các thành viên việc một trang web rất lớn và đẹp ở Pháp tên là Newvietart.com vừa đưa một số bài của một số thành viên CLB Sách Xưa và Nay lên mạng và đã tỏ ra rất thân thiện khi giao lưu với CLB của chúng ta.

Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, tác giả Bùi Đẹp, một thành viên của CLB Sách Xưa và Nay đã giới thiệu một tác phẩm của mình, vừa được in ra một cách rất hoành tráng, nhan đề là Di Tích và Danh Thắng Việt Nam, và mời các thành viên truyền tay nhau xem tác phẩm mới đó.

Kế đó Bác sĩ Nguyễn Lân Đính đã giới thiệu qua về một cuốn sách, do một bác sĩ người Iran mới viết về sự quan trọng của nước trong việc sử dụng Thuốc Tây.

Sau việc giới thiệu cuốn sách, để thay đổi không khí buổi họp, Anh Hữu đã ngâm tặng các thành viên một bài thơ rất truyền cảm nói về lũ lụt ở miền Trung.

Kế đó Anh Phạm Vũ đã có một bài nói chuyện về Hà Nội nhân dịp Ngàn Năm Thăng Long. Sau Anh Phạm Vũ, Bà Thùy Dương đã nói về việc khôi phục một Dòng Thiền Cao Qúy (Trúc Lâm Yên Tử). Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ sáng cùng ngày.

Vũ Thư Hữu

VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN

“MISSIONS DE COCHINCHINE”

(CÁC ĐOÀN TRUYỀN GIÁO Ở NAM KỲ)

Tôi không sở hữu cuốn sách quý này, nhưng đã có cơ may gặp nó, và được lưu giữ nó trong gần hai tuần lễ, một thời gian quá đủ, để tôi đọc qua cuốn sách có thể tạm gọi là cổ thư này vì nó phải độ từ 90 tới 100 tuổi (được in trong khoảng thời gian từ 1910 tới 1920 vì được nhà xuất bản A.MAME et FILS in). Tôi đọc qua thấy thích và muốn giới thiệu nó với quý vị vì nó kể lại cả một giai đoạn lịch sử, giai đoạn tiên khởi của Thiên Chúa Giáo trên quê hương Việt Nam của chúng ta. Cuốn sách này khổ 18x25cm, bìa cứng, các cạnh đều mạ vàng óng ánh rất đẹp. Sách dày 191 trang và chứa đựng một số minh họa bằng bút sắt rất đẹp.

Sách được chia ra làm XVII (17) chương như dưới đây:

Chương I: Từ trang 7 - 12 nói về những ngày đầu tiên

Rao Giảng Phúc Âm ở Nam Kỳ.

Chương II: Từ trang 13 - 14 nói về việc Cấm Đạo đầu tiên.

Chương III: Từ trang 14 - 24 nói về Dòng Thừa Sai ở Nam Kỳ.

Chương IV: Từ trang 26 - 31 nói về các giáo sĩ thừa sai bị bắt giữ.

Chương V: Từ trang 33 - 45 nói về Đức Cha Bá Đa Lộc

(Pigneaux de Béhaine).

Chương VI: Từ trang 47 - 55 nói về các cuộc điều đình với Pháp.

Chương VII: Từ trang 56 - 66 nói về cái chết

của Đức Cha Bá Đa Lộc.

Chương VIII: Từ trang 67 - 81 nói về 30 năm

chung sống hòa bình.

Chương IX: Từ trang 94 - 100 nói về cuộc Cấm Đạo lớn đầu tiên.

Chương X: Từ trang 101 - 108 nói về kỷ nguyên

của Các Thánh Tử Vì Đạo.

Chương XI: Từ trang 109 - 123 nói về các cái chết

của các Lm.Marchand, Jaccard và Delamotte.

Chương XII: Từ trang 124 - 129 nói về Vua Thiệu Trị và việc các giáo sĩ thừa sai được các chiến thuyền của Hải Quân Pháp giải cứu.

Chương XIII: Từ trang 130 - 142 nói về nước Pháp (Người Pháp)

ở Trung Kỳ và về Đức Giám Mục Pellerin.

Chương XIV: Từ trang 143 - 154 nói về các điều khó khăn hai bên gặp phải: về chính sách ngoại giao của vua Tự Đức, và về nỗi căm hờn của các nhà Nho.

Chương XV: Từ trang 155 - 165 nói về Đức Cha Miche

và về các Thày Dòng La San.

Chương XVI: Từ trang 166 - 177 nói về các Nữ Tu

Dòng Saint – Paul de Chartres.

Chương XVII: Từ trang 178 cho tới hết

nói về các tình trạng Cấm Đạo vẫn đang tiếp diễn…

Đây là một cuốn tài liệu khá đầy đủ về các linh mục Dòng Thừa Sai, và những tài liệu về thời kỳ này cũng không có nhiều nhặn gì. Mong rằng sách này sẽ phần nào phụ giúp vào công việc nghiên cứu lịch sử.

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

Thành Quy - Gia Định có vị trí “ở trong sông”

giống thành Thăng Long - Hà Nội

Mặc dù ngày nay đã trải qua nhiều vật đổi sao dời nhưng nếu khảo sát và nghiên cứu lại, ta nhận thấy thành phố Sài Gòn và thành phố Hà Nội có vị trí tương đồng gồm nhiều điểm khá giống nhau.

1/Trước hết, vị trí trung tâm Sài Gòn có chợ Bến Thành. Chợ Bến Thành ngày nay chỉ là chợ mới được xây dựng thời Pháp sau khi hoàn thành công cuộc xâm chiếm Nam Kỳ. Còn trước đó, chợ này nằm ở vị trí khoảng giữa đường Nguyễn Huệ xưa mà sau này là Tòa án quận 1 (nay là tòa nhà kính nằm ở ba mặt đường Nguyễn Huệ, Huỳnh Thúc Kháng và Tôn Thấp Thiệp). Bởi vì chợ này nằm bên bờ của một con kinh (nay là đường Nguyễn Huệ) chảy từ sông Sài Gòn, nơi bến tàu cánh ngầm vô tới đường Lê Thánh Tôn ngay trước trụ sở UBND thành phố hiện nay và chỗ này xưa là bờ thành Quy hay Bát Quái được Pháp xây theo kiểu Vauban theo yêu cầu của Nguyễn Phúc Ánh (tức vua Gia Long sau này lên ngôi năm 1802) sau khi cầu xin viện binh nước Pháp để đánh quân Tây Sơn – Nguyễn Huệ gọi là “phục quốc” (trước đó là “tẩu quốc” lúc bị quân Tây Sơn đánh đuổi chạy xuống miền Tây rồi qua Xiêm cầu viện).

Về sau, chợ Bến Thành cũ (hay chợ cũ) bị cháy ở bờ kinh nói trên (thường bị sạt lở) nên được chính quyền đô hộ Pháp cho dời về vị trí như ngày nay (chợ mới, xây dựng năm 1911, khánh thành năm 1914). Cả đường Nguyễn Huệ, Lê Lợi và đường Hàm Nghi đều là kinh bị lấp. Trung tâm thành Bát Quái thời Nguyễn Phúc Ánh là nơi mà ngày nay là nhà thờ Đức Bà. Còn vị trí cột cờ có thể giống như cột cờ (kỳ đài) ở thành Thăng Long xưa nay là thành phố Hà Nội bởi vì thành Hà Nội thời Pháp được xây giống như thành Quy (kiều Vauban). Như vậy, hai thành Sài Gòn và Hà Nội do Pháp xây đều giống nhau. Ngày nay cột cờ thành Hà Nội vẫn còn là biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Còn cột cờ thành Quy không còn dấu vết nhưng được đoán là ở vị trí ngày này là tòa cao ốc được xây dựng trên gò cao trong khuôn viên của Sở Giáo dục – Đào tạo cũ, bên hông công viên Chi Lăng. Kỳ đài xưa kia chắc chắn nằm ở sát bên trong tường thành và cạnh cổng chính của thành tức đường Đồng Khởi ngày nay và hào thành chính là đường Lê Thánh Tôn. Còn khu trung tâm của thành chính là nơi mà ngày nay là Bưu Điện thành phố và nhà thờ Đức Bà. Con đường chính của thành Quy chạy thẳng từ trung tâm ra cổng chính này là đường Đồng Khởi.

Chợ Bưởi, chợ Đồng Xuân đều có vị trí nằm bên bờ sông là sông Tô Lịch và sông Hồng.

2/Đặc điềm giống nhau chủ yếu là nằm trong hay giữa các dòng sông. Như ta thấy: Hà Nội phía bắc có sông Hồng, phía tây có sông Nhuệ, sông Tô Lịch chảy vòng từ tây-bắc xuống sang đông-nam và có thêm các sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét nằm ở giữa… Còn Gia Định - Sài Gòn – Chợ Lớn có sông Sài Gòn (Tân Bình giang) ở phía đông, hai kinh Tẻ, kinh Đôi và kinh Tàu Hủ chảy ở phía nam, phía bắc có kinh Thị Nghè – Nhiêu Lộc (Bình Trị giang), xa hơn là kinh Rạch Cát và Tham Lương, phía tây có kinh Lò Gốm, Tân Hóa chạy dọc theo Lũy Bán Bích tới Bà Quẹo.

3/Nếu Hà Nội có sông Nhị núi Nùng (sông Nhị là sông Hồng, còn núi Nùng tức gò Nỗng bên cạnh phủ Chủ tịch nằm trong vườn Bách Thảo cũ). Sài Gòn có đồi Tân Khai nhìn xuống rạch Bến Nghé hay sông Sài Gòn. (vùng đất cao Tân Khai ngày xưa nay là khu vực bao gồm dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà tới công viên Chi Lăng (cả Sở Giáo dục – Đào tạo cũ). Đó là một sự giống nhau giữa Hà Nội và Sài Gòn về mặt vị trí, địa lý thật là ngoạn mục!

4/Còn một đặc điểm giống nhau nữa là kinh đô Thăng Long (1010) được vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) sáng lập nằm trên địa bàn thành Đại La vốn là một thành đất cũ do tướng Cao Biền xây dựng để làm trị sở cai trị nước ta thời Bắc thuộc lần thứ hai. Còn thành Gia Định được đắp bằng đất nằm trên làng đồi Tân Khai (dân địa phương gọi Đồn Đất) có thể là vị trí của bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay mà về sau Pháp xây dựng bệnh viện Hải quân mang tên Grall. Đồn còn có tên Nghi Giang hay thành đất Thị Nghè. Năm Canh tuất 1790, thành Bát Quái hình như hoa sen được xây dựng trên địa bàn đồn đất cũ nhưng được mở rộng có 8 cửa với 8 con đường ngang dọc, bằng đá tảng và đá ong Biên Hòa với gạch nung do Nguyễn Ánh (Nguyễn Phúc Ánh – Gia Long) chỉ thị cho hai kỹ sư người Pháp xây theo mô hình thành Vauban của phương Tây có thể cùng lúc với Thành Hà Nội năm 1805 sau khi lên ngôi vua, nhưng về sau khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kỳ thì bị triệt phá để chỉnh trang lại từ năm 1894. Thời bắt đầu “phục quốc”, Nguyễn Ánh đồn trú ở thành Quy như là một kinh đô để chống lại quân Tây Sơn sau thời gian kinh đô Phú Xuân (Huế) bị tướng Nguyễn Huệ chiếm đóng.

Theo dòng thời gian trải qua nhiều cuộc biển dâu, cả hai thành phố qua cả trăm năm xây dựng lại và phát triển đã mở rộng địa bàn, thêm nhiều đường phố, nhiều nhà cao tầng nên đã san lấp nhiều kinh rạch nhỏ để trở thành đô thị mới với số dân cư ngày càng tăng, từ vài chục, vài trăm ngàn ngày xưa đến ngày nay từ một hai triệu đến năm bảy triệu người. Mọi sự đổi mới cũng đều gần như giống nhau, anh với em, hình với ảnh. Thủ đô Hà Nội là anh, còn em là thành phố Hồ Chí Minh. Có người còn ví von gọi Hà Nội là gốc hay đầu, còn Sài Gòn là ngọn hay đuôi. Tới nay, Thăng Long – Hà Nội có tuổi thọ 1.000 năm, còn Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh chỉ hơn 300 năm. Dân Sài Gòn hay miền Nam đều là người của Thăng Long – Hà Nội, cả miền Bắc và các tỉnh miền Trung đi lập nghiệp từ thuở Nguyễn Hoàng (1600) được nhà tiên tri Bạch Vân cư sĩ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm gợi ý: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”.(Một dãy núi Hoành là chốn dung thân ngàn đời - Hoành sơn tức dãy núi có đèo Ngang (có Hoành Sơn Quan, nơi con lộ bắc nam đi qua – đường cái quan) nằm giữa tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh.Từ đó đến năm Gia Long (Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua) 1802, nước Việt Nam đã mở rộng liền một dãy theo hình chữ S từ Bắc chí Nam như ngày nay.

Cũng từ đó, đồng bào miền Nam (vùng đất mới) luôn coi mình là một bộ phận không tách rời với đồng bào miền Trung và miền Bắc như Bác Hồ đã từng khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Thời kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ thường nói bằng tấm lòng thương yêu ruột thịt: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” hay khi trả lời phóng viên nước ngoài: “C’est la chair de notre chair, le sang de notre sang”(Đó là thịt của thịt chúng tôi, máu của máu chúng tôi).

Nhà thi tướng Huỳnh Văn Nghệ sinh ra ở đất Bình Dương và chiến đấu thời chống Pháp ở đất Đồng Nai có những câu thơ nổi tiếng:

Ai về Bắc ta đi với

Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Vương Liêm

CÁCH TIN PHẬT

Ít ai nghĩ rằng Cách Tin Phật mà lại vô cùng quan trọng đối với Phật Tử và nhất là đối với người tu hành. Thật vậy, hầu hết người theo Đạo Phật đều tin rằng Phật là một vị thần linh, có toàn quyền ban ân, giáng họa, cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới. Vì thế, họ cầu xin đủ thứ. Sống thì tăng ích, tăng thọ. Làm ăn thì xuôi chèo mát mái, mua may, bán đắt. Đi làm việc thì tiến chức, thăng quan. Con cái thì khỏe mạnh, học giỏi, thi đâu đậu đấy. Kẻ mua gian bán lận cũng cầu xin ngày càng phát đạt! Thậm chí có người khi sống thì làm toàn những chuyện ác, vậy mà lúc chết thì gia đình, con cháu nhờ các thầy có uy tín tụng Kinh, cúng kiến rình rang, tin là với các bài tụng đó, thầy sẽ đưa hồn người chết về thẳng Tây Phương Cực Lạc, tạo điều kiện cho một số người dựa vào đó để khai thác!

Tất nhiên khi con người thấy mình quá bé nhỏ trước thiên nhiên nên cần một chỗ để nương tựa, để được che chở thì đó cũng là điều dễ hiểu. Có điều đã là người Phật Tử, nhất là người của thời đại khoa học kỹ thuật này chúng ta cũng nên xem lại Đạo Phật chân chính có bày ra tụng niệm để cầu xin, Phật có hứa sẽ cứu độ cho mọi người không? Hoặc hứa cứu độ nhưng lại có kèm theo điều kiện nào không? Bởi nếu ta quá đơn giản, chỉ cần Nghe ai nói đã Tin, không cần biết nguồn tin đó xuất phát từ đâu? Có phải từ trong chính Kinh hay không? Nếu đã không biết mà cứ tin, như vậy liệu đó có phải là mê tín?

Chúng ta đã biết, con người thì bao giờ cũng như bao giờ. Thời nào mà chẳng có người lương thiện, kẻ bất lương. Người tu hành chân chính. Kẻ dối thế gạt đời? Như vậy nếu chẳng may gặp phải những tà sư hiểu sai lại đi truyền bá. mà chúng ta cứ Tin, không kiểm tra thì hậu quả sẽ ra sao? Do đó, theo tôi, tốt hơn hết, chúng ta nên mở Kinh xem có phải khi đã thành Phật rồi thì Đức Thích Ca có trở thành Thần Linh thiên biến vạn hóa, hào quang sang lóa, bay trên hư không, hô phong hoán vũ, cứu độ cho bá tánh, ai cần gì cứ cầu xin là sẽ được ban cho hay không? Dường như trong các quyển chính Kinh ta không hề thấy Phật thi triển những kiểu thần thông, phép mầu. Ngược lại, Ngài còn quở trách khi đệ tử sử dụng. Cuộc sống của Ngài hết sức bình dị được ghi lại trong Kinh Kim Cang: “Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực.

Trong thành ấy, đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong, trở về Tịnh xá, dùng cơm rồi cất y bát, sau khi rửa chơn xong, đức Phật trải tòa mà ngồi” .

Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân thì nhiều lần Đức Thế Tôn bị bịnh, Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa. Thậm chí Ngài đã chết vì “ngộ độc thực phẩm” do dùng bữa cúng dường của Thuần Đà!

Nếu quả thật Phật là vị thần linh thiên biến vạn hóa thì chắc chắn Ngài cần gì phải đi khất thực, chỉ cần hóa phép để có cơm cho mình và tăng đoàn. Và nếu đã là thần linh, lẽ ra Ngài phải bất tử, vi thân Kim Cang bất hoại thì chất độc làm sao mà có thể ngấm vào cơ thể để giết chết Ngài được? Chính vì vậy mà ta cần rà soát lại, để đừng quá dễ dãi tin vào Đạo Phật, cho rằng Đạo Phật là Chân Lý thì cái gì cũng phải đúng, mà quên rằng không thiếu gì kẻ đã lợi dụng Đạo Phật để lồng vào đó những thần quyền, mê tín, rồi chồng mê thêm cho ta một cách oan uổng, và biến Đạo Phật từ Nhất Thừa, Tự Tu, Tự Độ trở thành Quyền Thừa, Nhị Thừa, nương tựa, cầu xin, tôn thờ đấng sáng lập y như các Tôn Giáo khác, trong Khi Đạo Phật chân chính không hề có những điều đó.

Rõ hơn nữa là trong VI TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN, khi Phật giảng pháp thì La Lầu La lơ đãng không nghe. Phật hỏi tại sao biếng lười không chịu nghe pháp thì La Hầu La viện lẽ là “còn nhỏ, tâm trí còn non nớt, đợi đến tuổi lớn khôn may ra mới nghe pháp được”.

Phật hỏi: “Muôn vật vô thường, thân người cũng khó giữ được, vậy ngươi có thể giữ được mạng ngươi đến lớn không?”

La hầu La trả lời: “Dạ thưa Đức Thế Tôn! La Vân con đây không thể giữ được, nhưng Phật há chẳng giữ giùm mạng con ư?”

Phật bảo: “Này La Vân! ta còn không giữ được cho ta huống chi là giữ giùm cho ngươi”! (VTHTND.tr. 27).

Phật đã xác định không thể giữ mạng cho con, cho mình, đúng theo Quy luật Sinh. Lão, Bịnh, Tử mà Ngài đã khám phá ra. Bằng chứng hiển nhiên là cả Ngài và con trai cũng như chư Tổ đều đã chết. Vậy thì ta cầu xin được trường thọ, được điều nọ điều kia ai sẽ ban cho ta? Nếu tin rằng Đạo Phật có thần thông, phép màu thì Phép màu duy nhất mà ta thấy Phật dạy đệ tử đó là Phép màu về Giáo Pháp. Ngài dạy: “Này các tỳ kheo. Vì nhận thấy sự vô ích, bất hảo của các phép thần thông nên Như Lai nhờm chán không muốn chúng được phô trương. Về phép tha tâm thông cũng thế. Nó chẳng tốt đẹp chút nào. Vì đôi khi kẻ vô tín ngưỡng nói: “Nào lạ gị. Có một loại ngọc kim cương. Nhờ thứ ngọc đó mà ông đạo sĩ đoán được tư tưởng kẻ khác, nào là: Anh đang suy nghĩ thế này, toan tính thế kia… Vì nhận thấy sự vô ích, bất hảo của phép tha tâm thông nên Như lai nhờm chán không muốn chúng được phô trương”.Về phép màu về Giáo Pháp thì Ngài dạy: “Trong trường hợp này, một ông giáo chủ dạy giới tử: “Ngươi nên học hỏi như thế này chớ chẳng phải như thế kia. Ngươi phải thực hành như thế này chớ không phải như thế khác. Ngươi hãy cố gắng thành tựu phẩm hạnh như vầy và ráng bảo tồn mức độ ấy. Đó là phép màu về Giáo Pháp.

Còn một cách khác nữa là kiểm tra phương pháp tu hành như thế nào để “Thành Phật” theo chính Kinh. Ta thấy:

1/- Trước hết, Kinh VIÊN GIÁC có Kệ:

NẾU NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG GHÉT

CÚNG VỚI THAM SÂN SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT

2/- CHỈ, QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU:

Đây là phương tiện tu hành của hành giả, tức BA PHÁP QUÁN. Nếu các chúng sinh siêng tu ba pháp này được hoàn toàn tức là Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy (VG tr.176).

3/- Đọc SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, ta thấy Tổ Đạt Ma dạy:

- “Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng áo trắng vẫn là Phật. (tr. 128)

4/- Nếu Thấy Tánh, chiên đà la cũng thành Phật được (tr.129)

5/- Phật trước Phật sau chỉ nói pháp truyền Tâm, ngoài ra không pháp nào khác. Nếu thấy rõ pháp ấy thì phàm phu ngu dốt không biết một chữ cũng vẫn là Phật. (tr.130).

Thành Phật chỉ là được Giải Thoát. Việc tu hành để Thành Phật được nói rất rõ, trong các Kinh vừa chiếu, ta thấy chỉ là: Điều phục Tham, Sân, Si. Là Chỉ, Quán và Chỉ Quán song tu, tức là dùng phương pháp dừng những suy nghĩ vẩn vơ để soi, quán các pháp của Đạo nhằm hiểu rõ những điều cần phải hành trì rồi thực hành. Kết quả của những việc làm đó là THẤY TÁNH hay là THẤY BỔN THỂ TÂM. Cái này ở trong TÂM của mỗi người, không liên quan đến hình tướng, nghề nghiệp, thông minh hay ngu dốt nên Tổ Đạt Ma nhấn mạnh: “Nếu thấy rõ pháp ấy thì phàm phu ngu dốt không biết một chữ cũng vẫn là Phật”.

Chỉ cần bỏ THAM SÂN SI THƯƠNG GHÉT. Đơn giản như vậy thôi mà trở thành Phật Tổ Như Lai, quyền phép vô biên, cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, ai cầu gì cũng ban cho được sao? Quả là hết sức vô lý, chỉ có những người không chịu đọc Kinh hay lười suy nghĩ mới chấp nhận dễ dàng. Nhưng rõ ràng Kinh dạy là Phật cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, điều đó cần hiểu như thế nào?

Trước hết ta không nên quên, mục đích của Đạo Phật là để Thoát Sinh Tử. Căn bản của Đạo Phật là TỰ ĐỘ, không có Độ Tha, tức là độ cho bên ngoài, người ngoài, mà rõ ràng hơn hết là ta thấy: ngay cả La Hầu La là con trai duy nhất của Phật Thích Ca và em Ngài là Anan cũng phải tư tu hành. Thứ nữa, nếu cần cứu độ, thì người tu Phật có Tứ Ân phải báo đáp, trong đó có Ân đất nước là nơi cưu mang họ. Như vậy, nếu có quyền lực như nhiều người vẫn tưởng tượng thì nơi đầu tiên mà Đức Thích Ca phải cứu độ là Ấn Độ của Ngài. Nhưng cho đến nay, ta thấy Ấn Độ vẫn chiến tranh, đói nghèo, lạc hậu. Như thế chẳng lẽ Phật nói sai, trong khi Ngài luôn khẳng định: “Các ông phải tin tưởng lời nói chắc thật của Như Lai?” Giữa thực tế và lời Kinh đã hoàn toàn trái ngược nhau chẳng lẽ không mảy may làm cho ta ngạc nhiên hay thắc mắc?

Chính vì vậy mà ta cần phải hiểu cho đúng để dẹp bỏ những niềm tin vô căn cứ, để khỏi làm chuyện cúng kiến, cầu xin vô ích, còn bị người khác đạo nhạo báng rằng tưởng Đạo Phật là gì ghê gớm để cần phải có những vị Giác Ngộ, hóa ra cũng chỉ đào tạo các tín đồ tôn thờ, cầu xin giáo chủ của mình, khác gì các tôn giáo khác? Vậy mà cũng tự cho đạo của mình là chân lý sao? Cái Chân Lý đó nằm ở đâu? Hơn nữa, nếu xét về xuất xứ của các vị Giáo Chủ thì Đạo Thiên Chúa được cho là con của Thượng Đế, vì thương loài người nên giáng trần để chuộc tội cho nhân loại, trong khi Đức Thích Ca thì chỉ là Thái Tử, con của một Tiểu Vương, tức là người phàm như mọi người, phải tu hành rồi mới đắc đạo! Như vậy, nếu nói về cầu xin thì cầu với Thượng Đế phải hơn, ta nghĩ sao?

Có lẽ mọi người ai cũng biết Đạo Phật được gọi là “Đạo Độ Khổ”, nhưng không phải do có Phật cứu hộ cho. Mà đó là một tôn giáo có những phương pháp để giúp người tin theo, tự hành trì để được Thoát Khổ, nên gọi là “TỰ ĐỘ”. Hoặc còn có tên khác là “ĐẠO NHÂN QUẢ”, vì dùng NHÂN QUẢ để giáo dục con người, để mọi người cải ác, hành thiện cho cuộc sống hiện tại được an vui, gọi là Niết Bàn tại thế.

Để làm được những điều đó thì Đạo Phật chỉ rõ nguồn gốc xuất phát của tội ác, khổ đau đều ở cái TÂM. Mỗi người cần ý thức lấy để tự cải tạo, thanh lọc lấy mình, vì thế mà tu theo Đạo Phật gọi là TU TÂM. Một người làm được thì trước hết bản thân họ và người chung quanh cũng được nhờ. Cứ thế nhân lên thì gia đình, xã hội sẽ trở nên tốt đẹp mà không cần phải cầu xin thánh thần nào giúp cho, bởi có cầu thì cũng không có ai ban cho. Người tạc tượng Phật để thờ, Tụng Kinh để cầu xin thì bị khiển trách đó là “hành tà đạo” trong Kinh Kim Cang: “Nhược dĩ sắc kiến ngã. Dĩ âm thanh cầu ngã. Thị Nhân Hành tà đạo. Bất năng kiến Như lai!” Được dịch là: “Ai nương sắc để thấy ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thấy được Như Lai”. Kinh đã dạy như thế mà nhan nhản những người đang làm!

Nhưng nếu mỗi người chỉ phải tự thanh lọc lấy mình mà gọi là Thành Phật thì tại sao cho là Phật có thể “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên thế giới?”

Đó là chỗ hiểu khác nhau của Nhị Thừa và Nhất Thừa. Nhị Thừa thì chỉ Y KINH GIẢI NGHĨA. Thấy Kinh nói rằng Phật “cứu độ Tam Thiên Đại thiên thế giới” thì cứ thế mà tin, chẳng biết cứu độ như thế nào, cũng chẳng biết cái Tam Thiên Đại Thiên đó ở đâu? Họ không cần xét để thấy rằng nếu nó nằm ở thời này thì biết bao nhiêu Phật đã thành rồi mà các Ngài cứu độ như thế nào để chiến tranh, giết chóc, tai họa diễn ra triền miên? Còn nếu ở cõi khác thì ai kiểm chứng? Rồi thì nếu cứ cầu xin và chờ đợi thì chờ đến bao giờ, trong khi Đạo Phật cho rằng có Ngài Quán Thế Âm lúc nào cũng túc trực, chỉ chờ nghe tiếng kêu của chúng sinh là đến cứu độ ngay?

Trong khi đó, Nhất Thừa, diễn giải đúng như Chính Kinh thì Phật Tại Tâm. Chúng Sinh là những phiền não ở trong tâm. Và TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI, chính là những tư tưởng, cứ theo Mắt, theo Tai mà “trùng trùng duyên khởi” nhiều như cư dân trong cả một thế giới. Vì Có đến 3 chúng loại: THAM, SÂN và SI, nên gọi là TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THỂ GIỚI. Người muốn thành Phật phải độ thoát tất cả chúng, cho nó được yên ổn, thanh tịnh, không còn phiền não, khổ đau nữa. Công việc làm cho tư tưởng được thanh tịnh đó gọi là “Cứu độ chúng sinh”, hoặc là “Độ Sinh”, hay “Cúng Dường Phật”, hoặc “Làm Hạnh Bồ Tát”, đều cùng một nghĩa, để cuối cùng người làm đó cũng sẽ được “Thành Phật”.

Lẽ ra Tu có nghĩa là Sửa. Phật là Giải Thoát. Người đi tu là để thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Nhưng với đa số từ nhiều đời nay, thì đi tu lại là “để phụng sự cho Phật”, rồi suốt đời tu hành chỉ là thờ phụng, ca ngợi tán thán Phật để cầu xin cho mình, cho bá tánh, mà không thấy là mâu thuẫn với Luật Nhân Quả và Tự Độ của Đạo Phật! Và ta có thấy là vô lý hay không, khi tin rằng lúc sống dù gây bao nhiêu ác nghiệp đi nữa, khi chết chỉ cần rước Thầy tụng vài thời Kinh Vãng Sanh là Phật rước ngay về Tây Phương Cực Lạc? Loài người từ xa xưa, do khiếp sợ trước mưa giăng, sấm chớp, bão tố, động đất, sóng thần… cho đó là do bàn tay của thần linh điều khiển, nên lễ bái, cầu xin… Nay thì khoa học đã chứng minh: đó chỉ là những hiện tượng của thiên nhiên, và con người đã vượt qua ngưỡng mê tín, thần quyền để chinh phục các thiên hà xa xôi từ lâu rồi, không lẽ đến giờ ta vẫn còn ngây thơ đến nỗi tin rằng thầy tụng có uy lực lớn đến nổi khiển được cả Phật, để Ngài chỉ cần nghe vài bài tụng là bất chấp Nhân Quả, đưa kẻ ác siêu thăng? Nếu tin như thế thì cũng nên tin luôn là Tây Phương Cực Lạc đầy dẫy những tên đại gian đại ác, vì chính họ mới có nhiều tiền để rước những Thầy có uy tín đến tụng cho! Và như thế, nếu không được tụng Kinh Vãng Sanh hẳn những người nghèo, dù cả đời ăn ở hiền lương, đạo đức, lúc chết là phải sa Địa Ngục hết cả sao? Ta lý giải điều này ra sao? Nếu thế tại sao Đạo Phật còn dạy Nhân Quả, dạy phải Giữ Giới, hành theo Bát Chánh Đạo, cải ác, hành thiện làm gì? Mọi người cứ thả sức làm ác rồi chỉ cần để dành ít tiền để mời thầy tụng Kinh khi qua đời là siêu thăng ngay thôi! Và rồi, nếu tụng Kinh mà thật sự có hiệu quả như vậy sao còn phải tu hành làm gì cho cực khổ, cất chùa chi cho tốn kém, chỉ cần dạy cho bá tánh Tụng Kinh là đủ! Ta nghĩ sao về những mâu thuẫn đã và đang được duy trì từ bao đời này? Bởi chắc chắn những kiểu nói, hành bất nhất, pha trộn thần quyền, mê tín hoàn toàn không phải là của Đạo Phật chân chính. Người có hiểu biết cần xem lại.

Thời đại này là của Khoa Học, không nên có những niềm tin vô căn cứ, mà chỉ “nên tin vào những gì có thể kiểm chứng, đưa đến kết quả thực tế hiện tiền”. Chính Đức Thích Ca từ mấy ngàn năm trước đã dặn dò như thế. Nếu ta làm khác đi thì sao có thể tự xưng là đệ tử của Ngài? Thêm một điều vô lý nữa là việc tu hành ảnh hưởng đến vô lượng đời của mình lại trông cậy vào người khác đọc rồi giảng lại cho nghe, trong Khi Kinh đã dịch sẵn ra tiếng Việt từ rất nhiều năm! Phải chăng đã đến lúc ta nên xem lại cách hiểu, hành của mình để phân biệt đúng, sai mà tự phá mê cho mình. Bởi người tại gia thì không nói chi. Nhưng với người đã quyết chí tu hành. Hy sinh tuổi thanh xuân. Bỏ mặc cha mẹ già không phụng dưỡng. Bỏ hết nhà cửa, sản nghiệp. Không thiết làm ăn để sinh sống. Không lập gia đình. Hành trì miên mật. Giới hạnh trói buộc trăm bề. Ăn uống cũng kham khổ một đời. Do không kiểm chứng, chỉ nhắm mắt tin theo những gì mà lớp người đi trước hiểu sai rồi truyền lại… cuối cùng lại chẳng đi tới đâu, trở thành xây lâu đài trên cát, có phải là oan uổng lắm không? Đã đành những người ham làm Thầy, chưa thông Phật Pháp mà đã ra giảng dạy, lôi kéo nhiều người tin theo, dắt họ đi vào sai lầm thì đương nhiên là phải trả Nghiệp chồng mê cho người. Nhưng cũng một phần lỗi do ta thiếu sáng suốt. Như vậy ai sẽ đền cho ta khi cả một đời hay nhiều kiếp bị phí phạm một cách vô ích đây?

Tâm-Nguyện 10-2010

Dịch và Giới Thiệu Văn Học Cổ Việt Nam:

Những Điều Bất Cập.

Mảng văn học cổ của Việt Nam (VN) là một phần quan trọng của nền văn học và văn hóa VN nói chung; nó góp phần tạo nên sự tự hào trong mỗi người VN chúng ta về truyển thống văn hóa rực rỡ của dân tộc. Có lẽ mọi người VN, dù ở đâu, đều dễ dàng đồng thuận với việc giới thiệu văn học cổ VN hòa nhập với nền văn học thế giới. Đó là chuyện quan trọng và cần thiết. Nhưng việc giới thiệu không phải chỉ cần có người am hiểu ngoại ngữ là đủ. Dù rất thông thạo ngoại ngữ nhưng nếu dịch giả không có một sự “quen biết” tối thiểu về văn học và không lãnh hội được hoặc hiểu sai lạc nội dung các tác phẩm của tiền nhân thì sự giới thiệu sẽ không những không mang lại hiệu quả mong muốn mà còn gây hậu quả bôi bác rất tai hại đối với các di sản tinh thần của cha ông ta, biến các tác phẩm của cha ông ta thành những thứ xoàng xĩnh vô bổ, thậm chí một thứ trò cười dưới mắt độc giả trí thức từ các nền văn hóa khác. Chuyện đó đã xảy ra và không phải là một hai trường hợp cá biệt.

Bài viết dưới đây nêu ra một trong những trường hợp như thế. Chỉ với mong muốn đánh động để những người có trách nhiệm thận trọng hơn với công việc quan trọng họ đang thực hiện, chớ không nhằm gây tổn thương hay tổn thất (nếu có) cho một cá nhân nào, nên người viết sẽ không nêu tên dịch giả và nguồn xuất xứ của bản dịch thiếu chính xác đề cập trong bài. Tuy nhiên, đối với quý vị làm công tác về văn học có liên quan cần có các chi tiết cụ thể làm cơ sở chứng liệu để có thể tìm đến nguyên thể bản dịch nhằm xác định, đối chiếu văn bản và tìm hiểu thêm vì mục đích nghiên cứu, xin vui lòng liên hệ với người viết qua địa chỉ email: thieukhanh@gmail.com.

Trân trọng

Đề cập sự kiện “CD 10 ca khúc nổi tiếng của VN được chuyển sang tiếng Anh” bồi rất… trời ơi mới đây (mà trang web của Bộ Văn hóa Thông tin và Du lịch VN đăng bài hí hửng khoe “Chuyển ngữ sát nghĩa tiếng Anh” để “ Chắp cánh cho ca khúc Việt bay xa ”), trên trang blog Nguyễn Văn Tuấn tác giả viết:

“Nhưng dịch nhạc và thơ Việt sang tiếng Anh là việc làm rất khó khăn. Nó đòi hỏi người dịch chẳng những phải am tường tiếng Anh, tiếng Việt, mà còn phải có kiến thức tốt về văn thơ của cả hai ngôn ngữ. Dịch thơ văn và nhạc không chỉ đơn thuần là việc chuyển ngữ, mà còn là một công trình sáng tác”.

Những yêu cầu cho dịch thuật, nhất là dịch thơ, như Gs Nguyễn Văn Tuấn nói trên đây, vốn đã được nhận thấy từ hàng ngàn năm trước, và được khẳng định một cách cụ thể từ cuối thế kỷ 17. Nhưng trước khi xảy ra vụ “CD với 10 ca khúc” được “dịch” một cách tai hại nói trên, người ta đã có dịp nhận thấy việc dịch và giới thiệu văn học cổ VN đã được một vài dịch giả trong nước thực hiện ngoài “chuẩn” quy định mà hệ quả tuy không đến nỗi… “you inside me after class”(1) (!) nhưng cũng hết sức bôi bác trời ơi.

Người La Mã là những người đầu tiên làm công việc dịch thuật từ thời cổ đại. Năm 196 trước công nguyên, các thành bang Hy Lạp chịu nhận sự bảo hộ của La Mã. Người La Mã chiến thắng và cai trị người Hy Lạp nhưng họ vốn rất ngưỡng mộ nền văn minh và văn học của Hy Lạp, và họ đã dành rất nhiều nỗ lực để dịch các tác phẩm văn học của Hy Lạp, trong đó, những trường thiên anh hùng ca Odyssey và Iliad của thi hào Homer vốn là những viên ngọc bất hủ. Ngay khi phát minh dịch thuật, người La Mã đã dịch thơ. Tác phẩm văn học của tất cả các quốc gia thời cổ đại chủ yếu là thơ. Đó là loại tác phẩm dễ lưu truyền bằng miệng và theo trí nhớ khi các phương tiện in ấn chưa ra đời. Kinh nghiệm sớm về dịch thuật của họ cũng là kinh nghiệm dịch thơ. Nhưng chỉ đến nửa sau thế kỷ 17, nhà thơ, kịch tác gia kiêm nhà phê bình văn học người Anh John Dryden (1631- 1700) mới tổng kết kinh nghiệm của các thế hệ những những nhà nghiên cứu dịch thuật để đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một dịch giả. John Dryden đòi hỏi người dịch thơ phải là một nhà thơ, phải nắm vững cả hai ngôn ngữ, và ngoài việc phù hợp với các tiêu chuẩn thẩm mỹ của thời đại của mình dịch giả phải am hiểu cả các đặc tính và “tinh thần” của tác giả nguyên tác. (“To translate poetry… the translator must be a poet, must be a master of both languages, and must understand both the characteristics and “spirit” of the original author, besides conforming to the aesthetic cannons of his own age.”(2)).

Hơn ba trăm năm qua, từ Đông sang Tây, dường như chưa có ai phản bác các yêu cầu này của nhà thơ kiêm nhà phê bình văn học người Anh đó. Không những thế, nhận định của ông ngày càng được khẳng định và có giá trị gần như một “định lý”. Riêng trong nền văn học VN, cho đến gần đây hầu như các dịch giả dịch thơ bản thân họ đều vốn là nhà thơ, nổi tiếng nhất là nhà thơ Đoàn Thị Điểm đã dịch Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn từ nguyên tác chữ Hán ra chữ Nôm. Có một trường hợp tưởng là ngoại lệ là nhà văn Khái Hưng, “người đã dịch một bài thơ từ nguyên tác tiếng Pháp, Sonnet d'Arvers (Bài Sonnet của Arvers), trong tập thơ Mes heures perdues (Những giờ phút nhàn rỗi của tôi) của nhà thơ Pháp Félix Arvers (1806 –1850”. Khái Hưng là nhà văn, dường như không thấy nói ông có làm thơ. Nhưng có đọc tác phẩm Tiêu Sơn Tráng Sĩ của ông mới biết ông rất am tường thi pháp cổ điển, không kém gì một nhà thơ. Và bài thơ dịch “Tình Tuyệt Vọng” của ông, “Lòng ta chôn một khối tình / Tình trong giây phút mà thành thiên thu…” chứng tỏ ông là một nhà thơ vững vàng.

Hiện nay tình trạng dịch và giới thiệu mảng thơ của nền văn học cổ, đã cho thấy nhiều bất cập. Nhiều dịch giả dịch mảng thơ này bản thân không phải là nhà thơ, thiếu những kiến thức nhất định về văn học, thậm chí chưa nắm vững ý nghĩa trong văn bản ngôn ngữ nguồn và xuệch xoạc với ngôn ngữ đích. Cũng trên trang blog Nguyễn Văn Tuấn, tác giả nhận thấy “Trong thực tế, đã có biết bao trường hợp những bài thơ được dịch sang tiếng ngoại quốc trở thành đại họa cho tác giả”. Đó là hậu quả tất nhiên từ trình độ non yếu của người dịch.

Từ một số bài thơ của nền văn học cổ điển VN đã được dịch ra tiếng Anh và xuất bản, có thể thấy được các sai lầm yếu kém làm lộ rõ ba vấn đề căn bản:

1. Ai dịch? Và dịch như thế nào?

2. Dịch cho ai đọc?

3. Họ đã hiệu đính các bản dịch như thế nào?

Chúng ta sẽ lần lượt xem xét từng điểm một. Trước hết,

1. Ai dịch? Và dịch như thế nào?

Không phải vô cớ mà John Dryden đòi hỏi bản thân người dịch thơ phải là một nhà thơ trước đã. Trước ông, nhà thơ Anh, Sir John Denham, (1615–1669), đã biết rằng người dịch thơ không phải chỉ làm cái công việc chuyển một ngôn ngữ này sang một ngôn ngữ khác mà là chuyển cái chất thơ, cái hồn thơ (poesie) từ ngôn ngữ này thành cái chất thơ, cái hồn thơ trong ngôn ngữ kia.

Phần lớn và là phần quan trọng của mảng văn học cổ VN là thơ. Mà là thơ cổ. Việc dịch những bài thơ đó sang tiếng nước ngoài đúng là rất khó khăn, đòi hỏi người dịch không những phải là một nhà thơ mà còn phải am hiểu văn học và văn học sử VN đến một chừng mực nhất định. Không đáp ứng yêu cầu này, có thể người dịch không những không chuyển đạt đúng nội dung nguyên tác mà còn gây “đại họa cho tác giả”. Các “tai họa” đó là do

a.- Dịch giả thiếu kiến thức về văn học - Dịch thơ mà không hiểu thơ.

Cuốn sách Thơ Nữ Việt Nam Từ Xưa Đến Nay, Tuyển tập song ngữ(3) giới thiệu một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú được gán cho nữ sĩ Sương Nguyệt Anh, như sau:

TIẾNG THAN CỦA NGƯỜI CHINH PHỤ THỜI NAY

Cỏ mướt sân mềm, liễu thướt tha

Ngày nào chàng trở lại quê nhà

Nửa rèm trăng úa lòng tê tái

Lẻ gối quyên kêu lệ thấm nhòa

Ải bắc mây giăng mờ bóng nhạn

Giang sơn xuân héo tựa nga my

Tương tư bao độ thầm trong mộng

Từng đến bên anh – biết chăng là

1918.

Sương Nguyệt Anh (bút danh của bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, 1864 – 1922, con gái của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu), một nữ sĩ nổi tiếng, là người phụ nữ VN đầu tiên làm chủ bút một tờ báo, cũng đầu tiên của phụ nữ VN, tờ Phụ Nữ Chung (Tiếng chuông phụ nữ). Nên biết các văn nhân thời trước theo nho học, coi văn thơ chữ nghĩa là điều thanh cao quan trọng không thể khinh suất. Thơ được coi là một trong bốn nghệ thuật tao nhã, cầm kỳ thi họa, mà chỉ những người có học hành, có tâm hồn thơ và cảm thức về thơ mới biết sáng tác và thưởng thức. Cho nên, trong thơ các cụ rất nghiêm túc về niêm luật, vì đối với các cụ làm thơ thất niêm thất luật không chỉ là sai sót về kỹ thuật mà còn là một bằng chứng của sự học hành thô lậu, dốt nát, và vì thế là một sự nhục nhã. Bài thơ trên đây, về kỹ thuật, hoàn toàn là một tác phẩm dở, không đáng có và không thể có, không thể là thơ của nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. Lẽ nào một “con nhà nòi”, và là chủ bút tiên phong của một tờ báo tiên phong vào thời nền cổ học còn ảnh hưởng rất mạnh lại là tác giả của một “bài thơ” chỉ đáng là trò cười như thế!

Xét về hình thức, bài thơ thất ngôn bát cú này đang có các vần tha, nhà, nhòa, đến vần thứ tư lại là… my, rồi vần cuối trở lại với ! Câu “Giang sơn xuân héo tựa nga my” vừa không vần vừa không đối theo luật. Câu thứ sáu đã thất vận, đến câu thứ tám lại thất niêm với ba từ cuối rất vô duyên – biết chăng là. Cần biết là vào đầu thế kỷ 20, những tình nhân, và thậm chí vợ chồng, còn chưa gọi nhau bằng các từ “anh, em” như bây giờ, nhất là trong văn thơ. Họ thấy nó… trơ trẻn. Khoan khoan ngồi đó chớ ra. Nàng là phận gái, ta là phận trai, (Lục Vân Tiên). Câu “Từng đến bên anh – biết chăng là” vừa vô duyên, vừa không phải là thơ. Nhất định bài thơ đó không phải của bà Sương Nguyệt Anh. Gán cho bà là tác giả bài thơ đó đã là một cách làm nhục bà. Ngoài ra, giới thiệu một bài thơ như thế với độc giả nước ngoài chỉ chứng tỏ được một điều: chính người VN chẳng am hiểu được bao nhiêu các tác phẩm văn học của tiền nhân mình.

Nhưng chuyện này là do trình độ hiểu biết về văn học nói chung và về thơ nói riêng của người có trách nhiệm chọn thơ để giới thiệu, còn dịch giả thì vô can chớ? Không hẳn vậy. Chưa xem bản dịch tiếng Anh, người đọc đã biết dịch giả vừa không phải là một nhà thơ, vừa ít am hiểu văn học và văn học sử. Tức là không đúng “tiêu chí” theo như John Dryden nêu ra. Nếu đúng ắt dịch giả đã nhận ra một bài thơ “dỏm”, và không phải chịu “khổ nạn” dịch câu “Giang sơn xuân héo tựa nga my” là “The curving hills fade like a woman’s delicate eyebrow” để mang tiếng dịch sai vì không hiểu thơ, và “tiếp tay” làm nhục nữ sĩ Sương Nguyệt Anh bằng sự mặc nhiên gán cho người phụ nữ tài hoa ấy một bài thơ “dỏm” và dở cực kỳ đến vậy. Gán bài thơ này cho bà Sương Nguyệt Anh để được dịch và giới thiệu với đọc giả nước ngoài là thêm một trường hợp “đại họa cho tác giả” như thế.

Nếu dịch giả là nhà thơ và hiểu biết ít nhiều văn học sử ắt biết nhà thơ Thái Thuận (thế kỷ 15) là phó nguyên soái Tao Đàn của vua Lê Thánh Tôn, tài thơ rất nổi tiếng, mỗi bài thơ thất ngôn bát cú của ông phải đủ tám câu, chớ không phải chỉ có bảy câu như bài dịch “End of Spring in the Citadel” trong tạp chí Vietnam Literature Review, the world’s Window on Vietnamese Culture, Volume III, 2009(4)

Ai tư vãn là bài thơ của công chúa Ngọc Hân khóc chồng là hoàng đế Quang Trung, được dịch sang tiếng Anh một cách… thật ngộ:

AI TƯ VÃN (Trích )(5)

Buồn thay nhẽ sương rơi gió lọt

Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa

Tưởng lời di chúc thiết tha

Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê…

Dịch:

From LAMENT OF LONELINESS

Such loss: Dew settles, the wind pierce,

Her tears scatter across the desolate landscape.

She remembers the words of his urgent last wishes,

Sobbing, sobbing, sobbing, she seems awake yet in the stupor.

Chỉ với cái tựa và bốn câu đầu tiên được dịch đã thấy cái… tai họa mà bà công chúa xấu số đã phải gánh chịu sau tai họa mất chồng và sắp có thể bị sát hại cả mẹ lẫn con. “Trích” thì được dịch là From. “Ai tư vãn” (Ai: buồn khổ, tư: nghĩ ngợi, vãn: than thở) được dịch là Lament of Loneliness (Tiếng than của sự cô đơn)! “Buồn thay nhẽ” được dịch thành “Such loss” (!). “Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa” thành ra “Her tears scatter across the desolate landscape”! Và “Khóc nào lên tiếng,” thì thành “Sobbing, sobbing, sobbing”!

Ngoài cách dịch thơ “lạ lùng” đó, dịch giả, vì không có kiến thức cơ bản về văn học sử nên không cảm nhận được nội dung của tác phẩm, đã không biết Ai Tư Vãn là bài thơ khóc chồng của Lê Ngọc Hân, nguyên Bắc cung hoàng hậu của vua Quang Trung. Không biết Ngọc Hân là tác giả bài thơ, là người than khóc, là nhân vật ngôi thứ nhất. Vì không biết thế cho nên trong suốt bản dịch, dịch giả đã nhất mực từ chối thân phận chủ thể của tác giả Ngọc Hân, đẩy tác giả xuống ngôi thứ ba như một người xa lạ – she, và her, và khi bà góa phụ vương giả nói đến chồng mình thì người dịch “buộc” bà dùng những từ he, hishim. Khi tác giả than mình không còn được hàn huyên với chồng, “Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh” thì dịch giả dịch thành: “No longer can they exchange greetings” – Họ không còn chào hỏi nhau được nữa!

Chuyện “không biết” này được nhận thấy một lần nữa ở một dịch giả khác, cũng trong cuốn sách Thơ Nữ Việt Nam… nói trên, với bài Hạnh Thục Ca(6), một bài thơ dài kể lại việc vua Hàm Nghi “xuất bôn” rời kinh thành Huế chạy ra Quảng Trị sau mưu toan chống Pháp không thành. Ở đây (và thêm một chỗ khác nữa) người dịch cũng dịch “Trích” là From, còn cái tựa Hạnh Thục Ca (Bài ca về hành trình vua Đường Minh Hoàng lánh nạn An Lộc Sơn trốn vào đất Thục) được dịch là Chant of Redemption (!!)

Cứ cho Chant là “bài ca” đi, Redemption có nghĩa là sự chuộc lại tội lỗi, chuộc lại vật cầm cố, chuộc kẻ bị tù tội, hoặc sự trang trải hết nợ nần. Thế thì Redemption dính gì với chuyện vua Hàm Nghi bỏ kinh đô chạy ra Tân Sở được tác giả ví như vua Đường “hạnh Thục”? Bài ca “chuộc lại” cái gì đây?

Hai câu ở đầu đoạn trích này, nhà vua (Hàm Nghi), lúc này đã chạy ra Quảng Trị, tâu xin Thái hậu cùng chạy lên đồn Tân Sở để tránh giặc Pháp, được chép là:

Gởi xin Tần Sở kíp lên

Ở đây thế ắt chẳng nên đâu là

Và được dịch:

They asked for shelter in Tần Sở to escape in time,

For it was not the least bit wise to stay behind!

Lại một lần nữa, ngoài cách dịch “xa xăm”, người có trách nhiệm chọn bài dịch lẫn dịch giả đều không hiểu thơ, và không nhớ cả lịch sử nước nhà, nên, có lẽ, cho đây là một thứ truyện Tàu “diễn thơ” kiểu như… Nhị thập tứ hiếu, và tưởng đồn Tân Sở ở Quảng Trị là nước Tần nước Sở nào ở bên… Tàu!

Dù sao, đó là những đoạn tác phẩm mà trong đó lời xưng hô không bộc lộ rõ ràng, dịch giả không phải nhà thơ, không hiểu văn học và không cảm được thơ nên không nhận ra. Thế nhưng trong tác phẩm Chinh Phụ Ngâm, người chinh phụ luôn gọi chàng xưng thiếp mà sao dịch giả cũng không hiểu chàng với thiếp nghĩa là gì để cứ một mực gán cho họ là she/her, he/him?

Đưa chàng lòng dặc dặc buồn

Bộ khôn bằng ngựa thủy khôn bằng thuyền (7)

Câu 6 trên thì đã rõ nghĩa. Câu 8 dưới có nghĩa là: đi bộ thì thiếp không cưỡi ngựa được, còn đi đường thủy thì thiếp không đi thuyền được, cho nên thiếp rất tiếc không thể theo chàng.

Hai câu được dịch ra tiếng Anh… chẳng ăn nhập vào đâu cả:

The battle calls him away, leaving her in anguish

No longer his mate, once he leaps astride his horse or steps into his boat.

(Trận chiến gọi anh ta đi xa, để nàng/cô ta ở lại trong đau khổ

Không còn là người bạn của anh ta nữa, một khi anh ta nhảy lên lưng ngựa hay bước xuống thuyền của anh ta)!

Và:

Nhủ rồi tay lại cầm tay

Bước đi một bước dây dây lại dừng (dây dây?)

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi

Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên san

thành ra

They hold hands, sharing gentle counsel, tender words

He takes a step away and, preoccupied, another step, then pauses.

Her heart, like the moon’s shadow, follows him;

His heart, far away, seeks glory in the Heavenly Mountains

Thôi bỏ qua cách dịch hoàn toàn không đạt, bỏ qua cách dịch word for word mà không nhận ra sự trái nghĩa của từ (bóng trăng dịch thành moon’s shadow, mà shadow là bóng tối, trong khi bóng trăng có nghĩa là ánh sáng trăng), bỏ qua việc dịch giả không hiểu tiếng Việt “nhủ” có nghĩa là dặn dò, không biết “Thiên San” là tên núi vì nó ở… bên Tàu, những điều đó thuộc về khả năng thông hiểu hai ngôn ngữ của dịch giả. Có điều kỳ lạ là dịch giả không biết chàngthiếp có nghĩa hiện đại là anhem!

Một dịch giả khác thậm chí ngay cả từ ta nghĩa là… ta mà vẫn cứ tưởng là một anh chàng nào khác, ở ngôi thứ ba:

Mười bảy hay là mười tám đây

Cho ta yêu dấu chẳng rời tay (8)

thành ra:

Seventeen or eighteen you should be

Cherrished, never leaving his hands.

Và, lạ lắm nhé, cũng trong bài thơ “Vịnh cái quạt giấy” đó của nữ sĩ Hồ Xuân Hương:

Hồng hồng má phấn duyên vì cậy

thành ra:

A rose fan and powdered cheeks can charm!

Điều này thuộc một “tiêu chí” dịch thuật khác, sẽ được đề cập sau.




















Phụ Bản I

Người dịch thơ mà bản thân không phải là nhà thơ, nhưng nếu “nắm vững hai ngôn ngữ - ngôn ngữ nguồn và ngôn ngữ đích” (master of both languages), am hiểu cả các đặc điểm và “tinh thần” của tác giả văn bản nguồn” (understand both the characteristics and “spirit” of the original author), và “phù hợp với các nguyên tắc thẩm mỹ của thời đại của dịch giả” (conforming to the aesthetic cannons of his own age) theo các tiêu chuẩn John Dryden nêu ra, thì có lẽ bản dịch của họ chỉ thiếu một chút chất thơ thôi chớ không đến nỗi xa nguyên tác đến mức “diệt” thật sự như thế.

b.- Dịch giả thiếu kiến thức trong những lãnh vực chuyên biệt – Dịch bừa

Nhìn vào chất lượng của một số thơ văn cổ được dịch ra tiếng Anh xuất bản ở VN, người ta có thể suy từ “định lý” của John Dryden, ra nhiều “hệ luận” khác. Ví dụ, để dịch một bài thơ thiền, dịch giả phải là một thi sĩ thiền sư hay một nhà tu, am hiểu giáo lý của Phật. Nói như thế không phải là chuyện trào phúng cho vui. Một dịch giả “layman” không hiểu gì về đạo Phật mà dịch thơ thiền sẽ thành một… trò dị hợm ngay tức khắc.

Cũng trong cuốn sách Thơ Nữ…, bài thơ Sắc Không được cho là của thái phi Ỷ Lan (thứ phi của vua Lý Thánh Tông, mẹ của vua Lý Nhân Tông):

SẮC KHÔNG(9)

Sắc là không, không tức sắc

Không là sắc, sắc tức không.

Sắc không đều chẳng quản,

Mới khế hợp chân tông.

Khi về già thái phi Ỷ Lan đã đi tu (và làm được nhiều điều tốt, có lẽ để “chuộc” tội làm cho Dương hoàng hậu, vợ cả của vua Lý Thánh Tông, cùng với hơn bảy mươi người cung nữ phải chết. Do những việc làm mang tính “sám hối” này, bà được dân (không hề hay biết những chuyện ghen tuông trong hoàng cung) yêu kính gọi là Quan Âm. Tuy vậy chọn một bài “kệ” của một nhà tu như bài Sắc Không, gọi là “thơ” của bà để giới thiệu ra nước ngoài thì dường như không phù hợp cho lắm. Quan niệm về Sắc và Không của đạo Phật tuy rất cao thâm, nhưng đó là các ý tưởng của Phật giáo, tức là một phần rất lớn nhân loại, những người Phật tử, đã cùng biết, và ngày nay những từ Sắc Không đã trở nên bình thường trên cửa miệng nhiều người, không có gì là đặc biệt của một người, hay của một nhà thơ nữ Việt Nam cần được chia sẻ với thế giới. Có Phật tử nào mà không thuộc Bát Nhã Tâm Kinh “Quán tự tại bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không… Sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc…”?

Giới thiệu một “bài thơ” như thế vốn đã không “đắc”, mà bài dịch sang tiếng Anh lại biến bài “thơ” đó thành… trò đùa, cho nên hiệu quả thật là tiêu cực.

Đây là bài dịch tiếng Anh:

BEING NON-BEING

Being is non-being, non-being being

Non-being is being, being non-being

Pay no mind to being and non-being

Only then is there unity of the whole.

Being với những non-being đọc lên líu lưỡi nghe như một câu thần chú buồn cười và vô nghĩa. Dịch SắcKhôngbeingnon-being là mượn các khái niệm triết học Tây phương, có tồn tại hay không tồn tại, có sống hay không sống, gán ép vào triết học Phật giáo, một cách lấy râu ông nọ cắm cầm bà kia rất thô thiển. Beingnon-being không hề có nghĩa tương đương với SắcKhông trong đạo Phật, và the whole cũng đâu có nghĩa gì là “chân tông”!

Sắc trong đạo Phật là sắc tướng, hình tướng, là vạn vật hữu hình; nói chung tất cả những gì con người “chấp” là “có” thì đều được coi là “Sắc” – Form. Không thì phức tạp hơn. Nó đối lại với Sắc, nhưng không phải là không có Sắc, không phải là trống không, không có gì cả. Không, tiếng Phạn là Sunyata. Oshoo, trong The Heart Sutra, Oshoo talks on Buddha, giữ nguyên từ Sunyata mà không dịch sang tiếng Anh; ông cho là tiếng Anh không có từ tương đương. Và bản dịch Bát Nhã Tâm kinh từ chữ Phạn sang tiếng Anh được phổ biến cũng giữ nguyên chữ Sunyata như thế:

O Shariputra, form is no other than sunyata. Sunyata is no other than form. Form is exactly sunyata. Sunyata exactly form. Feeling, thought, volition, and consciousness are likewise like this.”

(Xá Lợi tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc. Sắc tức thị không, không tức thị sắc. Thọ, tưởng, hành, thức, diệc phục như thị. – Này ông Xá lợi tử, sắc không khác không, không không khác sắc. Sắc chính là không; không chính là sắc. Thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế cả).

Thế nhưng, tuy không có từ tiếng Anh nào mang nghĩa chính xác của từ Sunyata tiếng Phạn, vốn không hoàn toàn có nghĩa là nothing / nothingness hay empty / emptiness, nhưng không phải người nói tiếng Anh nào cũng hiểu được nghĩa từ tiếng Phạn Sunyata. Cho nên người ta đã tạm dùng từ void để dịch chữ Không giúp người đọc tạm có được một khái niệm gần đúng. Thay vì being với non-being, những câu sắc-không ấy có thể chỉ đơn giản là:

FORM AND VOID

Form is void, void is form

Void is form, form is void…

To find one’s true way to conform

Pay no mind to form and void

Không phải là một bài thơ thiền, nhưng bài thơ Vằng Vặc Trăng Mai của Nguyễn Thị Điểm Bích (Thế kỷ XII)(10) có những câu có vẻ mang phong vị “nhà chùa”:

Người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ,

Mâu Thích Ca nào thuở hữu tình.

Được dịch:

A refreshing man of peace: The scene is usual

Wherever Sidhartha goes, the garden is calming.

Không hiểu dịch giả (là một người nước ngoài làm việc nhiều năm ở Hà Nội) lấy chất liệu ở đâu mà… tối tác như thế!

Cũng từ những bài thơ đã được dịch và xuất bản, ta có thể có “Hệ luận” thứ hai: Để dịch những bài thơ liên quan đến âm nhạc, dịch giả nên vừa là một nhà thơ vừa có sự hiểu biết nhất định về âm nhạc.

Nghe thì có vẻ buồn cười nếu không phải là cường điệu cho vui. Nhưng thật đấy. Đây là trường hợp một dịch giả không am hiểu những khái niệm đơn giản trong âm nhạc truyền thống của Việt Nam nên dịch sai và, do đó, độc giả người nước ngoài sẽ không hiểu gì cả hoặc sẽ… phì cười.

“Long Thành Cầm Giả Ca” là một bài thơ chữ Hán theo thể cổ phong trường thiên của thi hào Nguyễn Du được nhiều người biết. Mới đây người ta đã làm một cuốn phim “hoành tráng” chuyển thể từ bài thơ này để chiếu trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội và dự festival phim quốc tế tại Việt Nam. Bài thơ được dịch ra tiếng Anh và giới thiệu trên tập san Vietnam Literature Review(11).

Tất cả bản dịch tiếng Anh trong tạp chí này không kèm theo nguyên tác tiếng Việt. Câu thứ 13 của bản dịch Long thành cầm giả ca:

And her fingers danced on the strings, leaping over five octaves .

(Và các ngón tay nàng nhảy múa trên những dây đàn, nhảy qua năm octaves.)

Câu đó trong nguyên tác được phiên âm:

Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến (Năm âm thanh réo rắc biến hóa theo tay người đàn).

Câu tiếng Anh tuy dài nhưng còn xa mới đủ ý của bảy từ trong nguyên tác, nhưng điều quan tâm chính ở đây là dịch giả thiếu hiểu biết về âm nhạc truyền thống Việt Nam, dùng five octaves để dịch từ ngũ thanh là không chính xác và hoàn toàn vô nghĩa. Ngũ thanhnăm âm, chớ không phải là năm octaves. Năm âm, vì âm nhạc truyền thống của chúng ta, nói một cách đơn giản, chủ yếu là nhạc ngũ cung (pentatonic music). Âm giai của nhạc truyền thống của ta là âm giai ngũ âm, pentatonic scale hay five-tone scale, chỉ có năm nốt mang tên Hò, Xự, Xang, Xê, Cống (với năm biến thức gọi theo từ Hán Việt là Cung, Thương, Giốc, Trủy, Vũ) tương ứng với các nốt Đô, Rê, Fa, Sol, La (hoặc Đô, Rê, Mi, Sol, La)(12) trong âm nhạc Tây phương. Trong khi đó âm nhạc tây phương là nhạc thất cung hoặc thập nhị cung(13), ghi âm thanh tự nhiên bằng bảy nốt theo thứ tự Đô Rê Mi Fa Sol La Si, và bảy nốt này là âm giai tự nhiên Đô của âm nhạc thất cung. Nếu lập lại nốt Đô ở bậc cao trên nốt Si, ta sẽ có một âm giai tự nhiên toàn âm (của âm giai) Đô. Từ Đô thấp đến Đô cao là một quãng tám (gồm 8 nốt), tức là một octave. Năm octaves là một âm vực (sound extent) bằng năm lần quãng tám như thế chồng lên nhau từ thấp đến cao. Âm nhạc truyền thống của ta không có quãng tám tự nhiên - octave đó. Vì âm giai của ta chỉ có năm âm thôi mà.

Năm octaves thường là âm vực của đàn harpsichord, trong khi âm vực của đàn grand piano trải rộng đến tám octaves (vài cái piano hiện đại thậm chí có âm vực chín octaves). Âm vực của đàn Nguyệt rất hẹp, không quá một octave so với nhạc Tây phương; thường là các bản nhạc chơi trên đàn Nguyệt chỉ diễn tấu trong khoảng quãng bốn hay quãng năm thôi. Cho nên nhạc công không thể nào chơi đến năm octaves trên đàn Nguyệt như trong câu dịch tiếng Anh. Người đọc có thể phì cười là vì vậy.

c.- Dịch giả dịch từng từ theo nghĩa đen (word for word)

Ngay từ trước công nguyên, Cicero (106 – 43 BC), một trong các lý thuyết gia dịch thuật nổi tiếng của La Mã có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ dịch giả về sau, đã nhận thấy không nên dịch sát nghĩa đen từng từ (word for word), mà phải chuyển ý của câu hay cụm từ từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác (sense for sense). Đến nay chúng ta đến sau người La Mã hơn hai ngàn năm, nhưng trong dịch thuật đôi khi việc dịch từng từ vẫn còn là một thói quen dễ dãi và… hấp dẫn không cưỡng được.

Trong bài thơ được gán cho bà Sương Nguyệt Anh đề cập trên đây có câu:

Ải Bắc mây giăng mờ bóng nhạn

Được dịch theo cách word for word thành:

Along the Northen Pass, clouds obscure the single swallow.

Người xưa lấy điển tích Tô Vũ, một tướng của nhà Hán bị Thiền Vu tức vua của người Hung nô (Hsiung-nu hay Hun) bắt và cầm giữ trên biên cương phía Tây bắc nước Tàu trong mười chín năm, ngày ngày phải đi chăn dê. Nhiều lần vua Hán Vũ đế đòi thả Tô Vũ, nhưng Thiền Vu nói Tô Vũ đã chết rồi. Tô Vũ bèn viết thư cột vào chân của rất nhiều chim nhạn để mùa đông giống chim này bay về phương nam tránh rét, thư có thể đến tay đồng bào ông. Nhờ vậy vua Hán có bằng cớ để đòi Thiền Vu trả Tô Vũ về nước.

Do đó, cụm từ “mờ bóng nhạn” trong câu thơ có ý nói không có thư từ tin tức, chớ chẳng phải thực sự nói chi về chim nhạn cả.

Trong một bài khác, bài Tự Trào được cho là của nữ sĩ Cao Ngọc Anh(14) có câu:

Chẳng có chi mà lại có danh

Câu thơ có nghĩa là mình không có công trạng hay thành đạt gì mà cũng có tiếng tăm(15). Từ “danh” trong câu thơ có nghĩa là thanh danh, hay danh tiếng, reputation chẳng hạn, nhưng cả câu đã được dịch một cách mot-à-mot rất… nghĩa đen:

I have nothing, although I’ve a name .(!)

Bài dịch tiếng Anh ngắn ngủi này còn có nhiều điều để nói, nhưng ở đây chỉ đề cập cách dịch dễ dãi word for word. Chẳng hạn từ tiên trong các câu:

Dở tiên dở tục dở tu hành

Half fairy, half philistine, half religious practitioner

Túi nhẹ thơ tiên trí quẩn quanh

Light fairy poems with a muddled view

Tiên có lẽ là một khái niệm rất khó dịch ra các ngôn ngữ phương Tây. Trong ngôn ngữ của họ hình như không có sẵn từ tương đương, vì lẽ trong đời sống tinh thần của người Tây phương chỉ có thần thoại, chớ không có tiên thoại. Mà trong thần của họ, những ông bà thần trong thần thoại Hy Lạp nửa người, nửa thánh, nửa… quỷ, không phải những vị tiên ông tiêu dao phiêu hốt, tiên bà nhân từ hiền hậu, tiên cô xinh đẹp dịu dàng, tất cả luôn thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ con người như trong quan niệm của ta. Từ fairy của họ mà nhiều người quen hiểu là tiên là hoàn toàn không phù hợp với hình ảnh ông tiên, cô tiên trong tưởng tượng của người VN, và có lẽ cả trong một số dân tộc Đông phương. Từ fairy được Từ điển Longman Dictionary of Contemporary English định nghĩa là: a small imaginary creature with magic powers, which looks like a very small person. Từ điển Macmilan English Dictionay cũng định nghĩa y như vậy và cho thêm đôi cánh: an imaginary creature with magic powers that looks like a small person with wings. Còn Từ điển Oxford Advanced Leaner’s Dictionary cho ví dụ:

a good / wicked fairy

Tức là có fairy hiền và fairy độc ác. Và trong thực tế người ta mặc định fairy là một thứ sinh vật trong tưởng tượng, giống người, giới tính nữ. Và đặc biệt là nhỏ. Rất bé nhỏ.

Trái với thứ fairy tầm thường trong tưởng tượng trẻ con đó, khái niệm tiên trong bài thơ của nữ sĩ Cao Ngọc Anh hàm ý một điều gì cao siêu, thanh thoát, trong sạch, khác với tục, và dứt khoát không phải là fairy. Và Tây Phương, vì thế, hoàn toàn không có khái niệm thơ tiên như giống như của ta. Thơ tiên của ta không phải là fairy poems. Fairy poems của Tây phương là những bài thơ về các “nàng tiên bé xíu”, kiểu như thơ của nhi đồng… sáng nay mẹ lên nương, một mình em đến lớp... Cho nên để chuyển gần đúng nghĩa của từ tiên sang tiếng Anh có lẽ dịch giả phải lao động trí óc dữ lắm, chớ không thể dễ dàng dùng “chiêu” word for word mà được. Người Anh Mỹ sẽ ngơ ngác không hiểu gì đâu. Hoặc họ sẽ hiểu rất sai lạc.

Cũng dịch giả này khi dịch một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt chữ Hán “Ngẫu Thành” của Nguyễn Trãi có câu:

Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư

(Việc đời như một giấc mộng hoàng lương)

Hoàng là màu vàng - yellow. Hoàng lương là hạt kê (màu) vàng chỉ giản dị là “yellow millet”. Ai cũng hiểu cụm từ “giấc mộng hoàng lương” vốn là một điển tích về một anh học trò khó trên đường lên kinh dự thi. Dọc đường, trong một quán trọ, anh tình cờ ngủ quên bên cạnh bà chủ quán đang nấu một nồi chè kê. Trong mơ anh học trò thấy mình đổ tiến sĩ và làm quan suốt vài chục năm thăng tiến vùn vụt, trở nên giàu có sang trọng, vợ đẹp con khôn, một thời lừng lẫy. Bỗng có người tâu lên vua là anh – bấy giờ đã là một đại quan – phạm tội tham nhũng rất nặng. Vua sai điều tra, và với bằng chứng phạm nhiều trọng tội rành rành vị đại quan bị ghép tội tử hình. Đến ngày hành quyết, khi lưỡi đao đoạt mệnh còn chưa kịp bổ xuống cổ, anh học trò hốt nhiên tỉnh dậy, toát mồ hôi khắp người, mừng mình còn sống. Quay nhìn bên cạnh nồi kê của bà lão vẫn chưa chín, nhớ lại “hoạn lộ” mấy mươi năm trong mộng, anh học trò cảm thấy lòng mình nguội lạnh với công danh, bèn mang lều chiếu bỏ về, không thèm đi thi nữa.

Thế mà câu thơ đó đã được dịch thành:

It’s over! Waking from a dream of golden millet. (16)

Chưa nói chuyện câu dịch “phóng” không sát nguyên tác, dịch giả đã dịch chữ hoàng lương theo nghĩa đen của từ nhưng lại thành ra golden millet – hột kê bằng vàng! Chắc là độc giả Tây tưởng có ai đó đi tìm hột kê bằng vàng mà không gặp cho nên than thở “It’s over”!

Trong bài thơ Ai Tư Vãn, công chúa Ngọc Hân đang mơ theo chồng ở thế giới bên kia thì sực tỉnh giấc chiêm bao:

Mơ màng thêm nỗi khát khao

Ngọc kinh chốn ấy ngày nào tới nơi.

Được dịch thành:

Such dreams leave her thirsty for him

And more anxious to reach him in the Jade Capital .(17)

Ngọc kinh chẳng qua một cách nói tu từ cho đẹp lời, một euphemism đối với bậc đế vương (Quang Trung) đã chết, chớ có phải một Jade Capital theo nghĩa đen nào đâu! Hơn nữa, Ngọc Hân khát khao được hội ngộ với chồng ở thế giới bên kia mà nói là leave her thirsty for him thì vừa sai lạc vừa sống sượng quá.

Trong tập Thơ Thiền Lý Trần, tập thơ quý ấn loát rất công phu sang trọng và đẹp đẽ, có bài thơ “Ngôn hoài”(18) của Thiền sư Dương Không Lộ với câu đầu:

Trạch đắc long xà địa khả cư

Câu thơ chưa có gì là thiền vị, được dịch nghĩa thành:

Finding a dragon – shaped land where I could reside (19)

Và dịch thành thơ:

A dragon – shaped land to call my own .

Dịch giả là nhà thơ Việt kiều sống ở Mỹ có tác phẩm được chọn trong một trăm bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20. Đồng dịch giả là một nhà thơ Mỹ và là giáo sư đại học. Tuy vậy, cả hai đều bị “cám dỗ” rơi vào chiếc bẫy “dễ dãi” khi dịch ba từ “long xà địa” là dragon-shaped land. Một cách làm “thuận tay” của kẻ tự tin quá đáng nên không cần động não.

Tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ “kỹ thuật” và, có lẽ vì vậy, duy lý. Người đọc sẽ không hiểu dragon-shaped land cách nào khác hơn là mảnh đất “hình con rồng”. Thế là có hai điều bất cập:

Trước hết, ai cũng biết “long” là linh vật đứng đầu trong tứ linh “Long Lân Quy Phụng” được nhập từ văn hóa Trung quốc, nhưng dường như ít người nghi ngờ nó có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp sông nước phương Nam. Người Tàu đã nhập khẩu con rồng dưới dạng sản phẩm thô của người phương Nam (có lẽ không xa lắm với con cá sấu vốn được gọi là giao long = rồng của người Giao chỉ) vào thời kỳ đầu của sự tiếp xúc văn hóa của hai dân tộc, và sau đó xuất lại sang cho ta (và nhiều dân tộc khác) dưới dạng thành phẩm đã chế biến, tuy không được hoàn chỉnh: họ cho con rồng bay lên làm mưa làm gió nhưng lại… quên vẽ cánh cho nó (như người Tây phương – duy lý – đã làm với con dragon của họ).

Là một thứ hàng “ngoại’ được gắn mác sang trọng nên các vua chúa của ta, bắt chước Tàu, đã vơ lấy nó làm “lôgô” cho mình, gắn liền nó với tất cả những gì có liên hệ đến vua chúa: Thân thể của vua là long thể, áo của vua là long bào, giường ngủ của vua là long sàng, xe vua đi là long xa, vv... Dĩ nhiên không ai gọi ông vua mất nước lưu vong là… long đong, nhưng khi giết vua thì người ta gọi là đồ long (giết rồng). Thanh “đồ long đao” của Kim Dung là với dụng ý để giết vua Mông Cổ khôi phục nhà nước của người Hán đấy.

Do nó có địa vị cao sang quý hiếm như vậy, các thầy địa lý gán tính chất “rồng” cho những “cuộc” đất có sẵn những đặc tính thiên nhiên tiện cho việc phát triển các mặt văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự vv… của một địa phương. Những vị trí giúp cho sự phát triển đó được thuận lợi thì họ gọi là long mạch (mạch máu nuôi thân thể của rồng). Trong chiếu dời đô, vua Lý Thái Tổ gọi khu vực của thành Đại La là thế đất “rồng chầu hổ phục” (long bàn hổ cứ) và đặt tên là Thăng Long, dù ở đó chẳng có con rồng nào, hoặc chỉ có một con duy nhất trong… chiêm bao của nhà vua, nhưng lại có rất nhiều voi (Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép các vua nhà Lý từng ra vùng Tây Hồ xem người ra đặt bẫy bắt voi), chớ tuyệt nhiên không phải đất Hà Nội có hình dạng con rồng chầu hay hình con cọp nằm phục thật sự.

Trở lại với câu thơ

Trạch đắc long xà địa khả cư .

(Đã chọn được vùng / thế đất rồng rắn có thể cư trú.)

Ta có thể nghi ngờ giá trị của yếu tố trong câu thơ. Long thì cao sang quý hiếm như vậy, còn thì sao? Rắn luôn luôn được coi là một sinh vật nham hiểm độc ác. Nó đã chẳng quyến rũ bà Eva sa ngã khiến cả nhân loại bị vạ lây đó là gì? Dân gian có câu ca dao: Lấy chồng thì phải theo chồng / Chồng đi hang rắn hang rồng cũng theo. Theo đó, “hang rắn” hàm ý nơi nguy nan cực khổ, đối lại với hang rồng là nơi an nhàn sung sướng.

Thế sao mảnh đất trong câu thơ của vị thiền sư lại gồm cả rắn cả rồng? Có lẽ thiền sư cần một từ để mô tả tầm quan trọng hay tính chất đặc biệt gì đó của vùng đất mình nói đến, chớ không phải nói chuyện rồng rắn gì; chuyện rồng rắn chỉ là một phương tiện của ngôn ngữ. Lý do sự hiện diện của yếu tố trong câu thơ có lẽ chỉ là một sự ngẫu nhiên và cũng do luật thơ mà thôi. Trong luật thơ thất ngôn – ở đây là thất ngôn tứ tuyệt thể trắc – chữ thứ tư của câu thơ này phải là một âm bằng (trầm bình thanh, mang dấu huyền, hoặc phù bình thanh không mang dấu) chớ không phải một âm trắc. (Mà hổ là một âm trắc – trầm thượng thanh). Nếu thay bằng hổ cho hợp với chữ nghĩa long hổ thường đi đôi với nhau thì câu thơ sẽ thất niêm và khổ độc, thành ra như một câu nói bình thường, không mang nhạc điệu của thơ:

Trạch đắc long hổ địa khả cư .

Còn nếu bỏ hẳn yếu tố “xà” để nội dung được nhất quán – nghĩa là chỉ có rồng không thôi, không phải vừa rồng vừa rắn – “hiệu quả” sẽ tệ hơn:

Trạch đắc long địa khả cư .

Từ đó dễ dàng nhận thấy từ chỉ là do nhu cầu của âm vận chớ không phải do hình dạng thế đất rồng rắn gì cả. Ý nghĩa chính là vùng đất có địa thế quan trọng và thuận lợi cho sự phát triển cuộc sống – với một vị thiền sư là thuận tiện về mặt tinh thần tu dưỡng. Chớ nếu mảnh đất thật sự có hình rồng hay hình rắn thì đối với một thiền sư đắc đạo có gì là lý thú để đắc ý đâu?

Nhiều thi sĩ VN đã dịch bài thơ chữ Hán này thành thơ Việt, và không phải ngẫu nhiên mà hầu hết đều viết “đất long xà”, hoặc “đất rồng rắn / rắn rồng”, chớ không ai nói nó có hình con gì. Dĩ nhiên một phần là do các thi sĩ đó chưa phải đối diện với một nhiệm vụ khó khăn là chuyển nó sang một thứ ngôn ngữ tây phương rạch ròi duy lý làm cho người nước ngoài hiểu rõ ý của tác giả. Dù sao, dịch long xà địa sang tiếng Anh là “dragon-shaped land” e là vô nghĩa, nếu không nói là ngô nghê. Bởi vì tuy gọi những từ rồng rắn, nhưng trong tâm trí người Việt hiểu rõ ý nghĩa của nó là quan trọng, cao quý, chớ không phải cho là nó có hình rồng hay hình rắn. Long bào, long sàng, long xa là những vật dụng cao quý dành cho nhà vua, chớ đâu phải chúng có hình rồng! Long thể lại càng không phải thân thể của con vật nào cả, dù là con vật đứng đầu tứ linh. Đó là thân thể của ông vua chớ! Đối với người nước ngoài, “dragon-shaped land” bao giờ cũng chỉ có nghĩa đen là mảnh đất / vùng đất hình con rồng mà thôi. Không có nghĩa nào khác. Quá xa với ý nghĩa thật sự mà tác giả bài thơ muốn truyền đạt.

Điều bất cập thứ hai: con rồng trong quan niệm của người Đông phương, là một linh vật, thiêng liêng. Rồng làm mưa giúp cho đời sống nông dân thuận lợi. Trong khi đối với văn hóa Tây phương, dragon là một thứ chằng tinh quái thú hung dữ, đối thủ ghê gớm của con người. Trong thần thoại Tây phương lúc nào người ta cũng thấy cần phải chiến đấu để trừ diệt nó. Biến một “linh vật” của mình thành một chằn tinh ác thú trong mắt người khác không phải là cách hay để giới thiệu giá trị tinh thần trong tác phẩm của cổ nhân.

Người Việt đầu tiên nào đã dịch từ dragon trong từ điển thành “con rồng” đã phạm một sai lầm văn hóa vô cùng quan trọng; sự sai lầm đó ngày càng phổ biến, rất khó sửa chữa. Nhưng một dịch giả nhà thơ nắm vững hai ngôn ngữ (cũng có nghĩa là có hiểu biết cả hai nền văn hóa) có lẽ không nên dễ dãi với lối dịch sát nghĩa như thế.

Cũng theo cách dịch nghĩa đen word for word, bài thơ Tự Thuật của bà Nhàn Khanh(20) có những câu:

Lần lần gió sớm trăng mai

Mặc ai tử các, mặc người kim lâu

Song đã chót (sic!) nhuộm màu hồng phấn

(Ý thơ là: Tự vui sống một mình với gió sớm trăng mai, không bận tâm đến những kẻ ở lầu son gác tía, nhưng đã trót sinh làm nữ giới…)

Được một dịch giả khác dịch thành:

Better to grow gradually under early wind and the moon

Ignoring the whiners who connive for gold and palaces (!)

Once we have tinted our faces with rouge

(Tốt hơn là nên lớn lên / phát triển dần dần dưới những đợt gió và trăng sớm

Bỏ qua những kẻ than vãn mưu mô tìm vàng và các cung điện (!)

Chúng ta đã có lần tô màu hồng phấn lên mặt mình) (!)

Hoặc câu:

Lối xưa tu đã vụng đường

Được dịch “sát nghĩa đen” thành ra:

The traditional nunnery has become an awkward route (!)

(Nữ tu viện truyền thống đã thành một đường lối rầy rà khó chịu)!

Hoặc:

Mai sau hết kiếp bao giờ

Dẫu rằng phú quý cũng chừa trần gian

Ví không lên chốn Bồng Sơn

Thì xin đem xuống cửu toàn cho xong

Chân mây mặt đất bóng hồng

Cây cao bóng mát tâm đồng mặc ai…

...

Được dịch… theo nghĩa đen thành:

If ever in the future this fate should end

If even the wealthy could be spared this world

If I can’t climb Fairy Mountain

Please take me down to the Nine Streams

The feelings of the beautiful clouds and earth,

Of the tall trees and fresh shadows concern no one (!!)

(Nếu trong tương lai số phận này chấm dứt

Cho dù sự giàu sang có thể được giữ lại thế giới này(?)

Nếu mình không trèo (!) lên được Núi Tiên (Bồng sơn)

Xin hãy đem tôi xuống dưới chín dòng suối

Những cảm xúc của các đám mây và quả đất đẹp đẽ

Của những cây cao và những cái bóng (đen) tươi mát (!) không liên quan đến ai hoặc không làm cho ai quan tâm cả (!)

Dẫu rằng phú quý cũng chừa trần gian – Dù (kiếp sau đầu thai) lên trần gian làm người giàu có cũng không thèm, mà được dịch là If even the wealthy could be spared this world!

Cửu toàn hay Cửu tuyền = Chín suối = Nine Streams. Liệu một người Tây phương phải sống ở VN bao lâu để hiểu được Cửu tuyền hay Chín Suối có nghĩa là… thế giới bên kia chớ chẳng phải là chín dòng suối nào cả?

Bóng mát là… fresh shadows!

Diệt văn học theo kiểu… ráp chữ tập làm văn như thế này mà giới thiệu với độc giả nước ngoài là giới thiệu làm sao?

d.- Dịch giả không hiểu nguyên tác nên dịch liều.

Trái với lối dịch sát từng chữ theo nghĩa đen như trên là một lối dịch “phóng khoáng” đến độ nếu John Dryden có sống lại cũng phải ngạc nhiên, dù trong ba loại hình dịch thuật căn bản mà ông đã “công thức hóa”, có loại hình thứ ba là dịch theo “cách mô phỏng khi dịch giả có thể rời bỏ nguyên tác nếu cảm thấy phù hợp”. (imitation, where translator can abandon the text of the original as he sees fit)(21).

Cách dịch vượt xa sự “mô phỏng” đến độ có thể gọi là… tối tác chủ yếu là do dịch giả hoàn toàn không hiểu văn bản trong ngôn ngữ nguồn, hay nguyên tác. Trường hợp bản dịch bài thơ Thăng Long Thành Hoài Cổ của bà Huyện Thanh Quan đã được đề cập trong một bài viết trước đây là một ví dụ.

Bài thơ chữ Hán “Ngẫu Thành” của Nguyễn Trãi đã được nói đến ở phần trên gồm bốn câu như sau:

Ngẫu Thành

Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư

Giác lai vạn sự tổng thành hư

Như kim chỉ ái sơn trung trú

Kết ốc hoa biên độc cựu thư

Dịch nghĩa:

Ngẫu nhiên mà thành

Chuyện đời như một giấc mộng hoàng lương

Tỉnh mộng ra thì tất cả mọi chuyện đều hư huyễn cả

Hiện nay chỉ còn muốn vào ở trong núi

Làm nhà cạnh hoa để đọc sách xưa.

Bài thơ được dịch sang tiếng Anh:

ACCIDENTS OF FATE(22)

It’s over! Waking from a dream of golden millet

One discovers that all things are empty

Better to build a small hut in the mountains

and settle in to read old books and find satisfaction

in listening to the flowers of the forest bloosom. (!)

“Ngẫu thành” là ngẫu nhiên mà thành, hay tình cờ mà làm thành (bài thơ). Bài dịch giới thiệu trong tờ tạp chí không kèm theo nguyên tác, không biết dịch giả căn cứ vào “dị bản” nào mà dịch tựa đề bài thơ “Ngẫu Thành” này là Accidents of Fate – Các tai nạn hay những tình huống rủi ro của số mệnh? Trong bài thơ tác giả có nói đến tai nạn hay rủi ro nào đâu? Cũng chẳng có gì là số mệnh cả!

Ngoài “hột kê bằng vàng”, all things are empty chỉ có nghĩa khi nói về những vật đựng như thùng, xô, chậu: mọi thứ đều trống trơn. Vạn sự tổng thành hư - đây là hư ảo, hư huyễn, có đó rồi mất đó, đâu phải là trống trơn như căn nhà hay chiếc hộp! Và dịch giả không nhận ra đây là lời tự sự của tác giả tự nhủ mình, nên dịch “One discovers…” như nói một kẻ nào khác, và “Better to build…” như lời khuyến bảo một ai khác. Đã vậy dịch giả đã thừa giấy vẽ… thêm lời, thừa cả một dòng in listening to the flowers of the forest bloosom một cách vô cớ trong khi thiếu cái ý “làm nhà bên hoa”!

Cách “dịch phóng tác” kiểu này thấy xảy ra thường xuyên hơn hết là ở một dịch giả người nước ngoài sống ở Hà Nội giữ trách nhiệm biên tập nhiều đầu sách dịch của một nhà xuất bản. Đó là người đã dịch những câu thơ của Nguyễn Thị Điểm Bích trích dẫn ở phần trên.

Và cũng dịch giả ấy (ngoài những câu “phóng tác” đã được đề cập trong bài viết Bụt Chùa Người tại newvietart.com trước đây) đã dịch những câu ca dao dân gian(23):

Rượu ngon chẳng quản be sành

Áo rách kéo vá hơn lành vụng may

thành:

No manager chech my tempting treat (!?)

Better than a tailor, I mended your shirt.

Dưới đây thì dịch giả không hiểu nên dịch ngược lại ý nguyên tác:

Nói ra đau đớn trong lòng

Ấy cái nợ truyền kiếp chớ phải chồng em đâu!

I speak about my heart’s pain

My husband is not my payment for a former life’s blame!

hoặc:

Biết nhau mỗi đứa một nơi thêm buồn

thành ra:

Knowing each other only brings more regret .

hay:

Gái không chồng như phản gỗ long đanh

Phản long đanh anh còn chữa được

thành ra:

Single, she’s like a bed with loose plank

Waiting for some man to come rewamp

hay:

Tôi về đã mấy năm nay

thành:

I left home many years ago.

Dịch giả hiểu lầm hoặc không hiểu văn bản nguồn đưa đến câu dịch “xuyên tạc” một cách buồn cười. Câu hát:

Có đêm thức suốt năm canh

Rau heo, cháo chó, loanh quanh đủ trò

mô tả phận làm dâu cực khổ của một cô gái trẻ, làm lụng vất vả suốt ngày, đêm về lại phải thức thâu canh nấu rau cháo cho bầy heo chó nuôi trong nhà, nhưng lại được dịch giả hiểu là cô gái phải ăn những thức ăn cho heo cho chó:

Lie awake all night in gloom

Eat pigs’ feed, dogs’ gruel, my life doomed!

Hoặc, trong bài Ai Tư Vãn, công chúa Ngọc Hân than mình vì các con mà còn phải sống chớ hồn phách luôn dõi theo (hồn phách của) chồng ở khắp nơi:

Theo xa thôi lại theo gần

Theo phen điện quế theo lần nguồn hoa

Được các dịch giả khác dịch thành:

She followed him far off, followed him close by

Followed him to the quarters of wemen in the palace , (!)

Dịch giả như thế và dịch theo những cách như thế thì liệu việc giới thiệu văn học VN sẽ đạt được kết quả gì? Vào thế kỷ 16, Etienne Dolet (1509-1546) nhà nhân văn, học giả và dịch giả người Pháp bị xiết cổ chết và đốt xác (tức là một hình phạt, mang ý nghĩa tiêu diệt hẳn linh hồn nạn nhân cho không được dự… ngày phán xét) vì chánh quyền lúc bấy giờ cho là ông dịch sai một đoạn văn, chứng tỏ ông là người tà giáo không tin vào sự bất tử. Dĩ nhiên chuyện dã man đó chỉ xảy ra vào thời trung cổ ở châu Âu, thời con người còn cuồng tín đến man rợ. Dù sao, thiện chí nhiều mà khả năng không tương ứng thì sẽ gây hậu quả đáng tiếc hơn là hiệu quả.

Vấn đề thứ hai:

2. Dịch cho ai đọc?

Đã dịch ra tiếng nước ngoài thì đương nhiên là dành cho người nước ngoài đọc chớ sao? Vì dịch là với mục đích giới thiệu văn học của ta ra nước ngoài mà. Có lẽ không đơn giản như thế, hoặc một vài dịch giả không nghĩ đơn giản như thế. Họ dịch… cho người Việt Nam biết tiếng Anh đọc! Đó là một tình trạng rất dễ nhận thấy.

Liệu có người nước ngoài nào hiểu được bà Huyện Thanh Quan nói gì qua hai câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang được dịch ra tiếng Anh một cách khôi hài như dưới đây:

“Quốc quốc”, the swamp hen laments,

“Gia gia”, the patridge cries. (24)

Chỉ có độc giả người Việt mới hiểu, vì đã biết những từ “quốc quốc”, “gia gia” nghĩa là gì trong câu thơ nguyên tác:

Nhớ nước đau lòng con “quốc quốc”,

Thương nhà mỏi miệng cái “gia gia”

Còn đây là vài câu trích trong bản dịch một đoạn Chinh Phụ Ngâm:

He will hunt the enemy as Giới Tử conquered Lâu Lan,

Storm in like Phục Ba smashing the Man Khê rebellion,

The advance troops are already approaching Liễu Camp

While the cavalry remains sheltered in distant Tràng Dương

Reaching Hàm Capital, he turns, glancing back once more,

While she watches from the wharf at Tiêu and Tương Rivers

The smoke at Tiêu Tương never drifts to Hàm Dương;

The trees in Hàm Dương are a species apart from Tiêu Tương .

Khoan nói đến những tên người tên đất trong đoạn đó là người Tàu đất Tàu, nhưng người Trung Quốc nào đọc và có thể hiểu đoạn văn dịch có liên quan đến các địa danh và lịch sử đất nước mình? Huống hồ đã “săn Lâu Lan” thì ắt Lâu Lan là tên người, cho nên dịch săn thành conquer là không phù hợp. Tới Man Khê bàn sự Phục Ba mà thêm thắt thành Storm in like Phục Ba smashing the Man Khê rebellion là diễn nghĩa hơi vung tay quá… trớn.

Dù với thiện chí người ta cũng không tìm đâu ra trong lịch sử và lịch sử văn học VN những tên người tên đất đó để hiểu hết nội dung bài văn. Cũng giống như người Pháp và Mỹ đọc những tên phiên âm Lư Thoa, Mạnh Đức Tư Cưu, Oa Sing Tơn, Niu Oóc… chớ không khác. Chỉ có độc giả người Việt mới có thể hiểu được. Vậy, bản dịch chỉ để cho người VN đọc mà thôi.

Tuy vậy, đọc bản dịch The Moon Lute Player in the Thăng Long Citadel (Long Thành Cầm giả ca)(25) gặp những câu này ngay người Việt cũng chắc gì đã hiểu:

She used to play “Cung phụng khúc” in the palace…

On a feast night beside the Giám lake.

But fierce too like a thunderstroke on the stone stele of Tiến Phúc

As moving as the ailing moan in Việt of Trang Tích

The young people of Ngũ Lăng didn’t stand a chance

I was greeted honorably by Tuyên phủ sứ

v.v.

Có được mấy người Việt hiểu được “Cung phụng khúc” là gì, Hồ Giám ở đâu? Bây giờ nó còn không và là hồ gì? Điển tích “a thunderstroke on the stone stele of Tiến Phúc” (trong câu thơ cổ “Vận khứ lôi oanh Tiến phúc bi”) nghĩa là gì? Tiếng rên rỉ của Trang Tích ở đất Việt là sao? Ngũ Lăng là cái gì vậy? Không có một lời chú thích nào cả. Cầm như tất cả độc giả nước ngoài đều rành điển tích Tàu hơn người Việt. Không biết có bao nhiêu người Việt, ngoài các sử gia, hiểu rõ chức “Tuyên phủ sứ” là gì? Dịch cho người Việt đọc với nhau mà người Việt cũng không hiểu thì… chỉ còn cách bó tay chấm com!

Có một điều duy nhất cho thấy chủ đích các bản dịch này là dành cho độc giả người nước ngoài: đó là trong sách Thơ Nữ Việt Nam… tên họ các tác giả được lược bỏ hết các dấu phụ của nguyên âm (diacritics) và dấu giọng (accent marks), còn lại những chữ “trần trụi” lạ mắt vừa không còn giống chữ Việt vừa không giống chữ Tây, nhưng rồi lại sợ độc giả người Việt không đọc được nên phải đặt lại nguyên dạng của cái tên đó trong ngoặc đơn ngay bên cạnh:

LE THI Y LAN (Lệ Thị Ỷ Lan)

NGUYEN THI DIEM BICH (Nguyễn Thị Điểm Bích) vv… thật ngộ.

Những từ tiếng Việt không dấu vốn là tàn tích của một thời nô lệ gần đây mà dường như nhiều người quên mất ý nghĩa của chúng. Khi những người thực dân Pháp thiết lập nền cai trị trên đất nước ta, tiếng Pháp, ngôn ngữ của kẻ thống trị được sử dụng chính thức trong mọi lãnh vực; tiếng Việt bị đẩy xuống vai trò ngôn ngữ phụ “của thổ dân” như một ngoại ngữ. Những nhà cai trị người Pháp không thấy có lý do nào cần thiết phải đúc thêm các con chữ thích hợp để in đúng chính tả vài tiếng Việt thỉnh thoảng xuất hiện trong các báo cáo hay trên báo chí của họ. Kết quả là những từ tiếng Việt được in ra không có dấu giọng (accent marks) lẫn dấu phụ của nguyên âm (diacritical marks). Một số người Việt tưởng phải viết ngôn ngữ của dân tộc mình một cách trần trụi như thế thì mới văn minh và… sang như Tây. Thế là họ bắt đầu xóa bỏ hết các dấu trong tên tuổi của minh trên danh thiếp… và bắt chước Tây phát âm những từ tiếng Việt lơ lớ một cách ngọng nghịu, và gọi các địa danh của đất nước mình theo cách gọi của người Pháp: Hạ Long thành Along, Láng Thọ (trung tâm thành phố Sài Gòn bây giờ) thành Lăng Tô, Hương Bì thành Uông Bí vv… Trong lúc đó, khi viết và đọc tiếng Pháp của “mẫu quốc” thì họ cắc ca cắc củm viết cho đúng một cedille trong chữ Française, cái dấu sắc của chữ café, cái dấu huyền trong chữ frère và dấu apostrophe chẳng hạn cho từ Sonnet d'Arvers trên đây vv… Thiếu những cái dấu đó trong tiếng Pháp là dấu hiệu họ không rành tiếng mẫu quốc khiến họ xấu hổ, còn thiếu những dấu đó trong tiếng Việt và phát âm ngọng nghịu tiếng mẹ đẻ là dấu hiệu theo kịp văn minh hoặc đã được dự phần dồng hóa vào giai cấp thống trị sang cả!

Rất tiếc, “dịch” theo cách đó không những không biến những chữ Việt thành tiếng nước ngoài được mà những chữ lai căng “không còn ta mà cũng chẳng phải Tây” ấy chỉ gây bối rối cho người đọc. Nếu một người nước ngoài muốn nói đúng tiếng Việt họ cũng cần chữ có đầy đủ các dấu giọng để làm chuẩn phát âm. Tiếng Việt không dấu không khác gì một con đường lắm ngã ba ngã bảy mà không có một hiệu báo giao thông nào. Người bản xứ chưa chắc đọc hiểu, làm sao người nước ngoài hiểu được?

Ví dụ một đoạn văn sau đây, từ một cuốn sách nghiên cứu âm nhạc viết bằng tiếng Anh xuất bản trong nước:

“We used traditional technical terms still used by popular artists such as the ngon nhan, ngon chun, ngon nhun… A tendency has appeared among the young instrumentalists and teachers of the dan bau to use a more explicative language for example, by calling the second technique (ngon chun), the descending flexional technique (nhan luyen xuong)(26).

Có lẽ phải là người Việt trong nghề mới hiểu được những từ Việt “bí ẩn” trong đó. Nếu một người nước ngoài đọc không hiểu, nhờ một người Việt như tôi giải thích thì tôi cũng đành bó tay. Nếu không chịu bó tay thì tôi có thể… nói bậy như một tác giả (dịch giả?) của một bài viết trên tờ tạp chí Heritage của hãng Hàng Không Việt Nam số Tết Canh Dần 2010 đã dịch ba chữ Việt không dấu Gia Dinh Bao thành… Family News!(27) (Xem hình)

Gia Định Báo là tên tờ báo đầu tiên của Việt Nam viết bằng loại chữ “la tinh hóa” mà ngày nay chúng ta gọi là chữ quốc ngữ, xuất bản tại Sài Gòn từ ngày 15 tháng 4 năm 1865. Không ngờ đúng một trăm năm sau ngày đình bản (ngày 1 tháng Giêng dương lịch năm 1910), chỉ vì do ai đó muốn “Tây hóa” bỏ hết dấu đi mà Gia Định Báo trở thành tờ “Tin tức gia đình” (Family News)!

3. Họ đã hiệu đính các bản dịch như thế nào?

To err is human . Sai lầm là bản tính của con người. Các dịch giả cũng là người, làm một công việc đặc biệt với một ngôn ngữ không phải bản ngữ của mình trong khi khả năng nhiều bề còn khuyết. Dù sao, không hiểu một đoạn văn, viết sai một từ hay một câu tiếng Anh cũng chẳng phải là điều gì ghê gớm đến nỗi bút sa thì gà phải chết. Và có lẽ những thiếu sót hay sai lầm trong các bản dịch đề cập trên đây đã được những người có trách nhiệm xuất bản dự liệu trước. Cho nên họ đã cẩn thận nhờ các dịch giả người nước ngoài hiệu đính từng bản dịch. Dưới mỗi bản dịch đều có tên người hiệu đính kèm theo tên dịch giả. Điều đó chứng tỏ sự thận trọng và tinh thần trách nhiệm nghiêm túc của nhà xuất bản.

Thông thường, để hiệu đính một tác phẩm dịch thuật, người hiệu đính phải thông thạo cả hai ngôn ngữ như một yêu cầu tiên quyết, và am hiểu vấn đề mà mình tham gia hiệu đính, trong trường hợp này là am hiểu tiếng Việt, lịch sử văn học và nền văn học cổ VN. Đó là một yêu cầu cần thiết và đúng dắn. Có như thế người hiệu đính mới đánh giá được, trước hết, những điều được dịch có đúng với nguyên tác hay không. Nếu người dịch thơ phải là một nhà thơ thì người hiệu đính không thể không có đủ khả năng căn bản họ cần phải có.

Thế nhưng mọi sai lầm và thiếu sót, thậm chí nghiêm trọng, về kiến thức lẫn ngôn ngữ, vẫn còn nguyên trong các bản dịch như ta đã thấy. Chúng ta không thể không nêu câu hỏi: những người có trách nhiệm hiệu đính các bản dịch đã làm điều đó như thế nào?

Rất tiếc, câu trả lời là: Họ đã không làm gì cả!

Không làm gì cả sao họ lại “chịu” để tên mình “hiệu đính”? Chúng ta không nghi ngờ lòng tự trọng của họ: không làm mà vẫn “đánh trống ghi tên”. Chắc phải có một lý do nào đó?

Lý do gì? Họ không hiểu tiếng Việt, và không hiểu văn học VN nên họ đặt ngược tin tưởng vào các dịch giả người Việt với giả định là các dịch giả thông thạo cả hai ngôn ngữ và vì dịch giả là người Việt nên thông thạo văn học VN chăng? Có thể như thế, tuy họ, hoặc nhà xuất bản, đã không nói rõ là các nhà hiệu đính không chịu trách nhiệm về cách các dịch giả hiểu văn bản nguồn và cách họ dịch, mà chỉ hiệu đính câu cú cho đúng ngữ pháp tiếng Anh thôi. Như thế cũng là hiệu đính.

Nhưng cũng không phải vậy.

Ở trên chúng ta đã không nghi ngờ tư cách và sự tự trọng của họ. Bây giờ chúng ta cũng không nghi ngờ gì về khả năng tiếng Anh của họ. Nghi ngờ các dịch giả hiệu đính này không thông thạo tiếng mẹ đẻ của họ có thể là một điều xúc phạm. Họ là các dịch giả hoặc tác giả bản ngữ Anh Mỹ, nếu chỉ làm một việc chữa lỗi ngôn ngữ trong các bản dịch, thế tại sao họ đã không nhận ra và không sửa chữa các lỗi ngữ pháp rất hiển nhiên và thậm chí rất cơ bản trong các bản dịch mà họ có ký tên mình hiệu đính? Ngoài các từ tiếng Anh được dùng không chính xác mà có thể do Vietnamese literature is Greek to them, nên họ không biết để sửa, các lỗi ngữ pháp rất thông thường vẫn còn nguyên trong bản in, lồ lộ trước mắt người đọc, rất xốn.

Trước hết là một cái tựa sách. Đó là cái tựa “Thơ Nữ Việt Nam Từ Xưa Đến Nay – Vietnamese Feminist Poems From Antiquity to the Present”.

Thơ thì làm gì có thơ nữ hay thơ nam. Nói Thơ Nữ Việt Nam là nói tắt “Thơ của các nhà thơ nữ Việt Nam”. Nhưng Vietnamese Feminist Poems thì đã thành ra chuyện khác. Vì nó có nghĩa là những bài thơ mang tinh thần đấu tranh cho quyền phụ nữ! Khi nói Feminist literature, người ta không nghĩ đó là văn học của phụ nữ mà là thứ văn học tranh đấu cho nữ quyền. Trong cả cuốn sách có bài thơ nào như thế đâu? Trách nhiệm của việc dịch sai ngay cái tựa trên bìa sách này là do dịch giả non kém hay do các nhà hiệu đính “vô tình” bỏ qua? Hay cả hai?

Một bài thơ của nhà thơ Phạm Đình Hổ có nhan đề được dịch sang tiếng Anh DELICATE FEELINGS(28) gồm ba đoạn bốn câu, mỗi đoạn đều bắt đầu với cụm từ được lập lại:

Pretty girl from Hà Nội

Có lẽ không ai lại nói tiếng Anh “hàm hồ” như vậy. Nếu muốn nói đến một cô gái xinh đẹp nào đó ở Hà Nội mà không xác định là ai, thì người ta nói:

A pretty girl from Hà Nội

Nếu đó là một cô gái xác định hoặc đã được đề cập trước đó rồi thì người ta dùng mạo từ xác định:

The pretty girl from Hà Nội

Chỉ khi nào muốn nói tổng quát tất cả các cô gái đẹp ở Hà Nội người ta mới có thể không dùng mạo từ, nhưng danh từ thì ở dạng số nhiều:

Pretty girls from Hà Nội.

Lỗi ngữ pháp sơ đẳng được lập lại nhiều lần “sờ sờ” trước mắt trong sách thì rõ ràng là những nhà hiệu đính, nếu không phải “vô tình không thấy”, đã cố tình không làm gì cả. Thậm chí có thể là họ không đọc. Tuy vậy cũng có một dấu vết duy nhất chứng tỏ người ký tên hiệu đính dưới một bản dịch đã có “làm việc” hoặc có đọc qua bản dịch đó. Nhưng rất tiếc, dấu vết đó lại là… rác rưởi: sau câu thứ hai của bản dịch một bài thơ thất ngôn bát cú của Tản Đà bỗng chèn vào một ghi chú trong ngoặc đơn: (autumn or Fall – should be consistent) – gọi mùa thu là autumn hay Fall thì phải nhất quán – Như thế này đây:

MOON LIGHT OVER THE WEST LAKE

By Tản Đà

Gone with a solitary breeze over the West Lake, a leaf falls

In the stark autumn moonlight, one is accompanied only by his own shadow

(autumn or Fall – should be consistent)

Unanswered love mirrored in the water as a lost gaze…

Trong bản dịch chỉ có duy nhất một từ chỉ mùa thu là autumn (tiếng Anh) mà có lẽ người hiệu đính là người Mỹ muốn dùng từ tiếng Mỹ “Fall” để thay thế. Nhưng không lẽ tất cả những gì mà các dịch giả người nước ngoài làm được vừa đủ để ký tên mình hiệu đính chỉ là… tranh đấu cho một từ tiếng Mỹ được dùng ưu tiên, và lưu một dòng chữ như thế giữa một bản dịch một bài thơ tám câu?

Ghi tên tuổi mình một cách nghiêm túc là người hiệu đính mà không làm gì cả, để mặc cho tất cả các sai lầm tồn tại, đó là do họ thiếu tự trọng, họ không trung thực, hay họ coi thường văn học Việt Nam qua những bản dịch quá non nớt?

Cuốn sách Thơ Nữ Việt Nam Từ Xưa Đến Nay không chỉ được xuất bản ở Việt Nam mà còn được “ra mắt” ở Mỹ với đầy đủ những yếu kém trong các bản dịch của nó. Đặc biệt, đầu sách có lời “Cùng bạn đọc” (Dear Readers) với câu cuối như vầy được các nhà hiệu đính trân trọng (bụm miệng) giữ nguyên, có lẽ để tỏ ra tôn trọng tính chất “cây nhà lá vườn” trong cách viết tiếng Anh của người Việt cho độc giả khắp năm châu được thưởng thức:

We would be pleased to have readers, poets, and translators share their ideas with us so that subsequent editions of this anthology can be more complete and more engaging…”

Có thể nào họ, những người đứng tên hiệu đính ấy, có một “mưu đồ” khác “độc” hơn chăng? Làm cho văn học Việt Nam nói chung xuất hiện như những sản phẩm tầm thường, què quặt, ngây ngô, vô nghĩa trước con mắt thế giới, chẳng hạn? Hoặc hẹp hơn, để cho cả thế giới thấy “Việt Nam 87 triệu dân mà không có người chuyển ngữ thơ văn” cho ra hồn, như Gs Nguyễn Văn Tuấn băn khoăn đặt câu hỏi trên blog của ông chăng?

Biết Chết Liền.

Thiếu Khanh

Ghi Chú

(1) Lời dịch tiếng Anh bồi trong bài hát “Hà Nội mùa vắng những con mưa” trong CD nói trên.

(2) Theo Susan Bassnett-McGuire, Translation Studies, bản in không ghi năm và nhà xuất bản, trang 60.

(3) Nhà xuất bản Feminist Đại học Thành phố New York, Mỹ và nhà Xuất bản Phụ Nữ, VN cùng hợp tác xuất bản. Ấn bản lần thứ hai, năm 2009, trang 148-149.

(4) Số Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trang 14.

(5) Thơ Nữ Việt Nam… Sách đã dẫn, trang 130 – 133.

(6) Thơ Nữ Việt Nam… Sđd, trang 140 – 143.

(7) Thơ Nữ Việt Nam… Sđd, trang 122 – 123

(8) Thơ Nữ Việt Nam… Hồ Xuân Hương, Vịnh cây quạt,

sđd, trang 128 – 129.

(9) Thơ Nữ Việt Nam… Sđd, trang 112 = 113

(10) Thơ Nữ Việt Nam… Sđd, trang 114-115

(11) Tạp chí đã dẫn, trang 16 – 17

(12) Âm nhạc ngũ cung có 5 điệu thức. Ở đây ví dụ với điệu thức tưng ứng với âm giai chủ âm Đô cho dễ hiểu.

(13) Âm nhạc thập nhị cung hay âm nhạc 12 âm, tức là âm giai ngoài bảy nốt chính có thêm năm nốt mang dấu diese (#): Đô - Đô# - Rê - Re# - Mi – Fa – Fa# - Sol – Sol# - La – La# - Si.

(14) Thư nữ VN… Sđd, trang 150 – 151.

(15) Nữ sĩ Ngọc Anh (1878-1970), tên thật là Thị Hòa, ái nữ của quan Thượng thư Bộ Học Cao Xuân Dục, con dâu của quan Phụ chính Đại thần Nguyễn Trọng Hợp triều Thành Thái. Có lẽ, ngoài tài văn thơ, bà tự cho là mình do gia thế quyền quý mà nổi tiếng nên mới có câu tự trào như thế.

(16) Vietnam Literature Review, sđd, trang 14.

(17) Vietnam Literature Review, sđd, trang 14.

(18) Thơ Thiền Lý Trần, nhà thơ Nguyễn Duy chủ biên, nxb Văn Hóa Sài Gòn, ấn bản lần thứ hai, 2008, trang 58

(19) Có lẽ “Having found a dragon – shaped land where I could reside” thì sát và rõ hơn.

(20) Thơ Nữ Việt Nam… Sđd, trang 146 – 147. Bà Nhàn Khanh là nữ sĩ người Bắc, em gái của hai cụ họ Dương nổi tiếng là Dương Khuê (“Bác Dương thôi đã thôi rồi…" - Nguyễn Khuyến) và Dương Lâm. Bà sống vào khoảng đầu thế kỷ 20.

(21) Ba loại hình dịch thuật căn bản theo Dryden là: 1. Dịch sát từng chữ theo nghĩa đen, 2. Dịch sense for sense theo cách của Cicero, và 3. Dịch mô phỏng, hay phỏng dịch.

(22) Vietnam Liteurature Review, sđd, trang 14.

(23) Thơ Nữ Việt Nam… sđd, từ trang 93 đến trang 109.

(24) Thơ Nữ Việt Nam, sđd, trang 134 – 135.

(25) Vietnam Literature Review… Tạp chí đã dẫn, trang 16 – 17.

(26) Đào Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc, Essays On Vietnamese Music, Red River Foreign Language Publishing House, Hanoi, 1984. Ghi chú (1) trang 36.

(27) Heritage, Tạp chí của Hàng Không Quốc gia Việt Nam – Vietnam Airlines English Magazine, Year of the Tiger, (2010) trang 35.

(28) Vietnam Literature Review, tạp chí đã dẫn, trang 18.

BUÔN SÁCH CỔ - NGHỀ HÁI RA TIỀN

Người Nhật thường có câu: “Không có gì so sánh nổi với một quyển sách hay”. Câu này thường đúng cho họ cách đây trên một thế kỷ, khi họ cần nghiên cứu sách vở, tài liệu phương Tây để học tập. Còn bây giờ, khi đã trở thành những người giàu nhất thế giới, người Nhật chú ý đến sách hay để… đầu tư, như họ đã từng tung tiền mua tranh để đầu tư vào thập niên 80 này. Hiện nay, những loại sách cổ được in ở Tây Âu là “mốt” đầu tư mới ở Nhật.

Thị trường sách hiện nay là một thương trường phát đạt và sách quý bán chạy như tôm tươi do các ông nhà giàu Nhật Bản ôm tiền đi mua sách về trữ. Tiệm sách Maruzen lừng danh ở Tokyo vẫn nhập sách từ châu Âu về trên một thế kỷ nay, hiện trong kho có trên 1400 quyển sách quý và hiếm. Một trong những quyển sách quý nhất là quyển Kinh thánh in ở Gutenberg vào năm 1455, hiện nay lên đến 7.080.000 yen (56.640 đôla). Bộ sách quý và cao giá nhất là tập tài liệu của James Maitland, một nhà kinh tế học Scotland vào thế kỷ XVIII, gồm 59 quyển, trị giá 114 triệu yen (912.000 đôla). Ngay cả những quyển sách chưa được 100 tuổi đã đắt hơn cả một chiếc xe Mercedes, thí dụ như quyển Men and women của Robert Browning, được nhà Dove Press xuất bản hạn chế ở London vào năm 1908, nay đã đạt 3.400.000 yen (17.200 đôla). Ông giám đốc nhà sách Maruzen cho hay: “Chúng tôi có những loại sách ra đời từ thế kỷ XV, và các bản viết tay (manuscript) từ thế kỷ XIII. Tất cả đều từ châu Âu, được viết bằng tiếng Anh, Pháp, Latin, Bồ Đào Nha, Đức… Chúng tôi không chú trọng đến giá trị văn chương hay tư tưởng của quyển sách mà chú trọng đến sự hiếm hoi của nó. Người mua rất khó khăn về điểm này. Họ cũng yêu cầu sách phải ở trong tình trạng tốt, nghĩa là các trang không bị xé, rách và chữ in còn đọc được, một chi tiết quan trọng nhất là sách không bị mối, mọt ăn. Bìa đóng cũng quan trọng, chúng phải luôn luôn ở trong tình trạng hoàn hảo. Nhưng nếu một tài liệu quý hiếm thì bìa sách không làm giảm giá trị của nó”.

Ông Ichiro Kitazawa, giám đốc nhà sách Kitazawa Shoten, một tiệm sách nằm trong vùng Kanda ở Tokyo bán sách cổ từ 85 năm nay, cho hay: “Đa số khách hàng của tôi là giáo sư và sinh viên đại học, nhưng cũng có nhiều bác sĩ và luật sư đến tìm mua sách quý. Hiện nay mua sách cổ là điều tự nhiên vì thị trường này đang rất phát đạt, nhưng không hiểu sao “mốt” hiện nay là sách cổ Tây phương, chứ không phải từ nơi khác”. Từ trước đến nay, quyển Gospel Book of Henry the Lion, Duke of Saxon dày 226 trang, gồm 41 trang toàn hình vẽ, do tu sĩ Herimann trang trí được hãng Hermann Abs mua với giá 11,9 triệu đôla, cao nhất của mọi thời đại, vào năm 1983. năm 1978, quyển Gutenberg Bible, in ở Mainz (CHLB Đưc) năm 1454, được Viện Carl and Lily Pforzheimer Foundation mua với giá 2.400.000 đôla.

NGUYÊN HƯƠNG – ĐỖ THIÊN THƯ st

KỂ CHUYỆN TRẠNG NƯỚC NAM

Khoa cử có từ Trung Quốc và theo sử sách đã xuất hiện từ đời nhà Tùy (581 – 621) sang nhà Đường (618 – 713) nhưng theo học giả Trần Trọng Kim thì khoa cử có từ đời Hán Vũ Đế (140 trước Tây lịch) ra bài sách cho những người trúng tuyển cử thi nhưng cho đến thời nhà Tùy, nhà Đường (cuối thế kỷ thứ VI) mới khai thác và tổ chức có quy mô. Cũng chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, Việt Nam đặt ra khoa cử từ lâu để kén chọn người tài và có từ thời tự trị nhà Lý. Năm 1075, vua Lý Nhân Tôn đặt ra khoa thi đầu tiên ở nước ta, mô phỏng theo khoa cử Trung Quốc rồi dần dần về sau các đời Trần, Hồ, Lê, Mạc vv… mới cải sửa thêm mà trong đó vào thời vua Lê Thánh Tôn khoa cử trở nên cực thịnh, tiêu biểu là hội Tao Đàn gồm 28 vị Khoa bảng danh tiếng do nhà vua làm Nguyên Súy và Thân Nhân Trung làm Phó Nguyên súy. Mãi cho đến thời nhà Nguyễn, khoa cử đã chánh thức chấm dứt vào năm 1919 (Khải Định 4) để chuyển sang văn học Âu Tây do ảnh hưởng sự có mặt của người Pháp tại xứ ta, đã khiến cho các ông Đồ, thầy Khóa phải từ bỏ theo đưởi danh vị Ông Cống, Ông Nghè để theo học chữ Quốc ngữ, chữ Tây mong tiến thân, nên nhà thơ trào phúng cận đại, nổi tiếng bậc nhất trong văn học Việt Nam từ trước đến nay là cụ Trần Kế Xương mới có bài thơ:

Nào có ra gì cái chữ Nho

Ông Nghè, Ông Cống cũng nằm co

Chi bằng đi học làm Thầy Ký

Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò

Và để vấn đề chuyển tiếp từ Nho học sang Tây học cho được nhẹ nhàng nên trong các kỳ thi hương từ năm 1909 (Duy Tân 4) trở đi, mỗi khóa 4 kỳ đều có kèm theo bài thi bằng chữ Quốc ngữ bắt buộc và một bài thi bằng chữ Pháp tự nguyện mà bài vở được chấm điểm từ 0 đến 20 nên cụ Tú làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định lại có bài thơ: “Đổi thi”

Nghe nói khoa này sắp đổi thi

Các thầy Đồ cố đỗ mau đi!

Dầu không bia đá cũng bia miệng

Vứt bút lông đi giắt bút chì!

Khoa cử Việt Nam tuy xa xưa vốn dùng chữ Nho là thứ chữ của Trung Hoa, nhưng người nước Nam cũng có nhưng nhân tài về văn học và cũng đỗ đạt qua các kỳ thi mà học vị cao nhất gọi là Trạng Nguyên(1) và cũng trong thời kỳ này đã sản sinh ra được một số nhân vật có văn tài lỗi lạc, đã làm cho người nước ngoài rất khâm phục trong các kỳ đi sứ, xin được kể như sau:

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)(2)

Hiệu Bạch Vân Cư Sĩ tục gọi là Trạng Trình, bậc cao sĩ đời nhà Mạc. Ông người làng Tuy An, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (Bắc phần VN), đỗ Trạng Nguyên năm Ất Mùi (1535) thời Mạc Đăng Doanh – Đại Chính 6 làm quan được 8 năm đến chức Lại Bộ Tả Thị Lang và đã từng dâng sớ hạch 18 người lộng quyền. Năm Nhâm Dần (1542) Mạc Phúc Hải (niên hiệu Quý Hòa thứ 2) ông xin về trí sĩ làm nhà ở làng gọi là Bạch Vân Am để dạy học trò. Trong đám môn đệ ông có Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ là bậc tài trí xuất chúng giúp công sức rất nhiều cho nhà Lê Trung Hưng. Nhà Mạc cảm phục tài đức ông, phong cho ông chức Lại Bộ Thương Thư, tước Trình Quốc Công. Ông chẳng những là một nhà Nho học uyên thâm ông lại rất tinh về dịch lý, biết rõ các việc vị lai, do đó thiên hạ tin các lời ông nói là lời sấm cả. Lúc Nguyễn Hoàng (con trai của Nguyễn Kim) sợ anh rể là Trịnh Kiểm ám hại vì ganh tài như đã ám hại anh mình là Nguyễn Uông đã vào vấn kế được ông nhắn gởi bằng câu bảo ban có ý nghĩa xa xôi: “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, Nguyễn Hoàng nhờ đó nói với chị là vợ Trịnh Kiểm, người có quyền hành lớn bấy giờ tại triều xin với vua Lê cho ông vào trấn đất Thuận Hóa, nhờ đó mới thoát nạn, và sau này mới có cơ gầy dựng thế lực cho Nhà Nguyễn ở đàng trong. Ông cũng làm thơ, lưu lại tập Bạch Vân Quốc Ngữ thi gồm 100 bài thơ hoặc vịnh cảnh nhàn tản hoặc tả thế thái nhân tình, lời lẽ khi thanh tao phóng khoáng, có khi châm biếm nhạ nhàng, có thể coi là bài học khuyên đời thâm thúy ý nhị.

Phùng Khắc Khoan (1528 – 1613)(3)

Tục gọi là Trạng Bùng người làng Phùng Xá, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, Bắc phần. Thời Lê Trung Hưng, ông đỗ Tiến sĩ vào thời Lê Thế Tôn (1853) Quang Hưng thứ 3, khi Nhà Mạc tiếm ngôi ông bỏ vào Thanh Hóa theo giúp vua Lê, hai lần ông được cử sang Yên Kinh (Trung Hoa) để tiến cống và cầu phong, có tài ngoại giao, ông đã dùng lời lẽ khôn khéo thuyết phục được nhà Minh công nhận nhà Lê và phế bỏ nhà Mạc. trong dịp này, có lần trong một lúc ông làm luôn 30 bài thơ mừng được vua Tàu khen hay và phê: Bắc quốc xứng vi lương sứ. về sau ông làm quan đến chức Hộ Bộ Thương Thư tước Mai Quốc Công. Phùng Khắc Khoan là một thi gia xuất sắc với Phùng Công Thị Tập bằng chữ Hán, được sứ Cao Ly là Lý Tôi Quang hết sức tán thưởng. Ngoài ra ông còn soạn “Ngư Phủ nhập đào nguyên” bằng văn quốc âm. Tại Bắc phần người ta thờ Phùng Khắc Khoan làm tổ nghề dệt the lượt và nghề trồng hái thữ ngô và vừng (mè), những nghề này ông đã học và đem được từ Trung Hoa về khi phụng mạng vua Lê đi sứ.

Mạc Đĩnh Chi (4)

Tự là Tiết Phu, danh sĩ đời Trần, người làng Lũng Đông, huyện Chí Linh (nay thuộc phủ Nam Sách) tỉnh Hải Dương, Bắc phần. Ông thuộc dòng dõi danh thần Mạc Hiển Tích, tiến sĩ, Thượng thư đời Lý. Ông người bé nhỏ tướng mạo xấu xí nhưng tư chất rất thông minh, theo học với Hoàng đệ Trần Ích Tắc và thi đỗ Trạng Nguyên khoa Giáp Thìn (1304, Trần Anh Tôn Hưng Long thứ 12). Vua Trần thấy tướng mạo ông xấu xí, không muốn cho đỗ Trạng Nguyên nhưng ông làm bài “Ngọc tỉnh Liên phú” tự ví mình như bông sen quý ở dưới giếng ngọc để thuyết phục vua Trần. Trải thờ 3 đời vua: Trần Anh Tôn (1293 – 1314) – Trần Minh Tôn (1314 – 1329) – và Trần Hiển Tôn (1329 – 1341) ông làm quan đến chức Đại liêu Ban tả Bộc sự, có lần đi sứ Tàu tại Yên kinh, ông đã dùng văn chương áp đảo triều thần Mông Cổ và đã cùng với vua Nguyên xướng họa văn thơ rất tương đắc nên được khen là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”. Tương truyền cũng vào dịp đi sứ này, có một công chúa Tàu từ trần, quan Tàu muốn thứ tài ông viết 4 chữ “nhất” vào giấy nhờ ông đọc làm văn tế, nếu phải một người nào khác gắp tình huống này, chắc là phải đệ lời “phân ưu” rồi im lặng cùng phái đoàn rút về, nhưng Mạc Đĩnh Chi với văn tài xuất chúng, ông liền ứng khẩu đọc ngay:

Thanh thiên nhất đóa vân

Hồng lô nhất điểm tuyết

Thương uyển nhất chi hoa

Dao trì nhất phiến nguyệt

Y! vân tán, tuyết tiêu – Hoa tán nguyệt khuyết

Được hiểu là:

Một đám mây trên trời xanh

Một giọt tuyết trên lô trời

Một cành hoa ở vườn Thượng uyến

Một vầng trăng ở dưới ao tiên

Than ôi! Mây tán tuyết tan, hoa tàn trăng khuyết!

Người Tàu lấy làm kính phục lắm. Mạc Đĩnh Chi vốn là tổ bảy đời của Mạc Đăng Dung lên ngôi phong Mạc Đĩnh Chi làm Huệ Việt Linh Thánh Đại Vương và phu nhân làm Lưỡng Quốc Tu Chính Công Chúa.

PPT sưu tầm

Chú thích:

(1) Trạng Nguyên: học vị cao nhất của Nho học ngày xưa, theo thứ hạng:

Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhất danh: Trạng Nguyên /

Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ nhị danh: Bảng Nhãn / Gọi chung là tam khôi

Tiến sĩ đệ nhất giáp đệ tam danh: Thám Hoa /

Tiến sĩ đệ nhị giáp: Hoàng Giáp: thường chỉ có một người

Tiến sĩ đệ tam giáp: Đồng tiến sĩ xuất thân: số người đỗ không nhất định.

Sau khi thi Hội được trúng cách, có lễ xướng danh, các ông Nghè được vào thi Đình (cùng gọi là Điện thí). Thi ở Điện, sĩ tử có bàn ngồi đàng hoàng, chứ không phải khom lưng viết bài trong lều như ở thi Hương, thi Hội; và chính nhà vua ra đề thi. Sau khi các quan Nghè bái mạng xong, vua lui về cung, để cho Bộ Lễ điều khiển cuộc tranh tài.

(2) Hiện nay tại quận 1, Tp.HCM có đường mang tên Nguyễn Bỉnh Khiêm là con đường nối liền đường Điện Biên Phủ và Lê Thánh Tôn, chạy ngang trước Thảo Cầm Viên. Tên đường ngày trước là đường Docteur Angier.

(3) Cũng tại quận 1, Tp.HCM, đường Phùng Khắc Khoan là con đường nối liền đường XVNT với đường ĐBP. Đầu đường phía XVNT giáp với cổng sau tòa Tổng Lãnh sự Pháp. Ngày trước đường có tên là đường Miche.

(4) Đường Mạc Đĩnh Chi hiện nay cũng ở quận 1, Tp.HCM, nối liền đường ĐBP và đường Nguyễn Du xuyên qua đường Lê Duẩn, bên hông tòa Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ. tên ngày xưa là đường Massige.

Phụ Bản II

Những điều chưa biết về nhà thơ

Nguyễn Nhược Pháp

Người đời nhớ đến tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với bài thơ Chùa Hương nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng người thi sĩ tài hoa ấy là con trai của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh và là một cây bút tài năng. Tiếc rằng cuộc đời đoản mệnh, ông vĩnh biệt cõi trần khi mới ở tuổi 24, để lại cho hậu thế một tập thơ mỏng mảnh duy nhất với nhan đề Ngày xưa...

Hôm qua đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy

Em vấn đầu soi gương...”

Mỗi khi đọc lại những câu thơ này tôi lại nhớ tới một kỷ niệm ở Paris, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Hôm đó, trong quầy bar ở tầng hầm ngôi nhà rất sang trọng tại ngoại ô thủ đô Pháp của TS Việt kiều Nguyễn Văn Tuyên (nay đã thành quá cố), diễn ra một buổi ca nhạc thính phòng của các nghệ sĩ Việt với những người bạn.

Có mặt hôm đó là cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, pianist Hà Ngọc Thoa từ Hà Nội tới; nhạc sĩ Phạm Duy từ Mỹ sang; nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê cùng con trai và con dâu của ông là nhạc sĩ Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến, những người Việt cư trú tại Paris...

Đấy là khi nhạc sĩ Trần Văn Khê vừa mới từ bệnh viện về sau một ca phẫu thuật khá nặng nên trông sắc mặt ông còn xanh xao lắm. Ấy vậy mà trong tình bằng hữu, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã đứng dậy, gạt đi mọi nỗi mỏi mệt, hát lại ca khúc do chính ông sáng tác từ hơn nửa thế kỷ trước, bài hát Chùa Hương phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Vốn quen nghe ca khúc rất được phổ biến rộng rãi do ca sĩ Trung Đức phổ nhạc và luôn cảm thấy cấn cá khi cô gái quê của Nguyễn Nhược Pháp được cho “đi đôi guốc cao cao” để leo lên chùa Hương, tôi vừa thích thú vừa kinh ngạc khi thấy thơ Nguyễn Nhược Pháp được nhạc sĩ Trần Văn Khê chuyển thành ca khúc chuẩn mực và dân gian đến thế: thơ không bị tầm thường đi bởi những câu chữ thêm vào, mà giai điệu bên trong của thơ được phát huy tới mức tối đa. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã biểu diễn ca khúc này rất tuyệt vời: khi hát tới những đoạn đò đi, ông đã làm động tác chèo đò thực ngoạn mục, khó mà có thể hình dung được trước đó không lâu ông đã gần như kiệt sức vì ca phẫu thuật. Dường như những câu thơ trẻ trung, nhí nhảnh mà thấm thía của Nguyễn Nhược Pháp đã thổi vào ông thêm sinh khí...

Thực tiếc là ở Việt Nam hôm nay, ít người được nghe bài hát đó của nhạc sĩ Trần Văn Khê! Và cũng thực tiếc là hôm nay ở Việt Nam, chúng ta cũng không biết được gì nhiều về thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, một tài hoa yểu mệnh.

Giỏ nhà ai, quai nhà nấy

Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 ở Hà Nội. Chàng là con trai của một trong những cây bút có lẽ là vạm vỡ vào loại hàng đầu nước ta trong thế kỷ XX, nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có quê là làng Phượng Dực, Thường Tín (nay là làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). Ông Vĩnh là một nhân vật kỳ thú của làng viết nước ta, còn chưa được hậu thế nhận thức đầy đủ. Con một người nông dân nghèo, sinh ra vào thời nước mất nhà tan, chỉ bằng trí tự thiên phú và lao động đến kiệt sức của mình, ông Vĩnh đã tạo dựng nên được một gia tài chữ nghĩa vô cùng đồ sộ mà ngay cả những người đồng thời, dù không đã đồng quan điểm với ông, cũng phải nể vì.

Ông Vĩnh từng dịch nhiều tác giả Pháp cổ điển sang Việt văn, trong đó có thơ La Fontaine mà bài phổ cập nhất có lẽ là bài Con Ve và con Kiến... Ông dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp, rồi dịch cả những tác phẩm tiếng Hán như Tiền Xích Bích, Hậu Xích Bích sang Pháp ngữ... Ông còn là một nhà báo vào hàng gạo cội của những thập niên đầu thế kỷ XX, người góp công gây dựng nên nền báo chí Việt Nam khi đó. Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Vỹ, ông Vĩnh “rất trung thực, không nịnh ai mà cũng không ưa ai nịnh mình, không tùy thời, mà chỉ tùy mình...”.

Trong con mắt của nhiều người đương thời, ông Nguyễn Văn Vĩnh là tấm gương lao động nghề nghiệp đến quên mình. Nhà văn Vũ Bằng nhớ lại: “Ông Vĩnh làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn phiền người khác. Có một lần, tôi đã được mục kích một cảnh như sau: không biết giận gia đình gì đó, ông lên một căn gác nằm khèo, nhờ ông Tụng (bác sĩ, nhân viên đắc lực của Saigon Công thương, chuyên lo chạy tiền vay cho ông Vĩnh – TG) mua cho một mẹt bún chả ăn trừ cơm, rồi viết luôn một bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo một thư cho toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Têlêmác phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp “có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được”, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua... Cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có ai viết báo nhiều loại khác nhau một cách tài tình và nghĩa lý như ông Vĩnh. Ông viết tin, viết xã thuyết, làm thơ, khảo cứu, phóng sự (Volonté Indochinoise) và dịch tiểu thuyết thì quả không chê được....”.

Là một người lao động sáng tạo như thế, lại ở thời nước ta còn theo tập tục phong kiến, dĩ nhiên ông Vĩnh là người đào hoa. Ông có tới ba vợ. Người vợ thứ hai chỉ sinh được một người con là Nguyễn Nhược Pháp. Năm thi sĩ của chúng ta mới lên hai tuổi, mẹ chàng vì đau đớn bởi chồng muốn cưới vợ ba nên đã tự vẫn. Thế là Nguyễn Nhược Pháp phải mồ côi mẹ từ đó...

Sống với một người cha tính tình có lẽ là phóng túng, cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Nhược Pháp mặc dù được chăm lo về vật chất nhưng chắc là trong thẳm sâu tâm hồn chàng luôn có một nỗi trống vắng nào đó. Chàng được cha cho ăn học đàng hoàng, đậu tú tài rồi vào Trường cao đẳng Luật khoa. Tuy nhiên, giống như cha, chàng không thích đi làm quan mà chỉ mê mải văn thơ báo chí. Ngoài thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn và kịch... Khác nhiều bạn cùng làng văn thuở đó, Nguyễn Nhược Pháp sống rất hồn nhiên và trong sáng: chàng không hề nghiện ả đào và thuốc phiện!

Hóm hỉnh nhìn đời

Ông Nguyễn Văn Vĩnh là một người cao lớn, bệ vệ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp chỉ cao có 1,52m thôi, giống như những người bạn mà chàng hay giao lưu như Nguyễn Vỹ, Phạm Huy Thông... Thế nhân biết chàng như một người lúc nào cũng hay mủm mỉm cười, cái miệng như móm. Chàng cũng là người hay nói, niềm nở, lịch thiệp với mọi người. Đặc biệt, ai cũng quý chàng vì khiếu khôi hài và giọng điệu “rủ rỉ như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương”.

Người làm sao, thơ làm vậy, tập Ngày xưa xuất bản năm 1935 của chàng thể hiện rất rõ một phong cách Nguyễn Nhược Pháp vô tiền và khoáng hậu trong thơ Việt Nam. Đây là tập thơ chỉ có trên dưới chục bài, toàn viết về những gì “vang bóng” từ lâu lắm rồi nhưng đã làm nên một kỳ tích mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”.

Bằng con mắt già trước tuổi của một người luôn giữ được cái nhìn non xanh vào cuộc sống, Nguyễn Nhược Pháp đã vẽ nên được diện mạo thời xưa đầy mơ mộng, hóm hỉnh và trìu mến... Bài Sơn Tinh, Thủy Tinh mà chàng viết tặng người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Giang là một thí dụ. Chàng đã kể lại tích cổ bằng những chi tiết thực lôi cuốn. Thí dụ như cách hành xử của Mỵ Châu khi chứng kiến cảnh Sơn Tinh và Thủy Tinh tỉ thí với nhau:

Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu,

Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa

(Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu,

Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì ta!”.

Khổ kết bài thơ cũng đầy tinh tế và vui tính:

Thủy Tinh năm năm dưng nước bể

Giục núi hò reo đòi Mỵ Nương.

Trần gian đâu có người dai thế,

Cũng bởi thần yêu nên khác thường.

Điểm sáng nhất trong tập Ngày xưa có lẽ là bài Chùa Hương, thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại: “Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày xưa, có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...”. Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: “Nam mô cứu khổ cứu nạn...” rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: “Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc”.

Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói.

Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với có gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy...

Trong tuần ấy, anh góp các bài thơ của mình, thành một quyển. Anh đưa tôi và hỏi:

- Có nên xuất bản không?

- Nên!

- Nhưng tiền đâu? - Nhược Pháp cười móm mém.

- Xin ông cụ.

- Thôi, tôi mà đưa ông cụ xem cái của nợ này, thì chắc chắn là ông cụ sẽ vứt nó vào sọt rác.

- Đưa bà cụ vậy.

- Ừ, phải đấy!

Một tháng sau, quyển thơ Ngày xưa ra đời. Sách in xong mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn rụt rè, chưa dám đưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh xem, chỉ sợ cụ vứt vào sọt rác.

Nghe nói, sinh thời Nguyễn Nhược Pháp có yêu một thiếu nữ tên là Thanh nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ ấy cũng đã không mang lại được một cái gì hiện hữu cho cuộc đời thật của chàng. Người thơ, yêu cũng như sương khói, chỉ có những suy tư, cảm xúc được biến thành vần điệu là ở lại lâu dài với hậu thế mà thôi. Nguyễn Nhược Pháp qua đời vào ngày 19/11/1938. Thi nhân đôi khi cũng như danh tướng và mỹ nữ, “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu”.

Hoàng Nguyên – Bs Nguyễn Lân Đính st

VAI TRÒ PHỤ NỮ

Người NỮ là người ban sự sống và cũng là người duy trì và dưỡng nuôi sự sống với TÌNH THƯƠNG.

Người Nam không thể sinh ra đời một đứa con và cũng không thể lấy sữa mình mà nuôi con lúc sơ sinh. Và những đứa bé lớn lên quyến luyến mẹ và tình yêu mẫu tử là điều kiện thiết yếu cho cuộc phát triển tâm tình của con. Nếu ta không so sánh những yếu tố khác biệt về mặt sinh lý nhân thể, thì riêng trong phạm vi quan hệ giữa mẹ và con, cũng thừa đủ cho người mẹ nắm phần trọng hơn người cha. Phái nữ tự lúc khai nguyên nhân loại đã là người giàu lòng nhân đạo hơn phái nam, chỉ vì người nữ có khả năng làm mẹ sinh con. TÌNH YÊU của mẹ đối với con là TÌNH YÊU THƯƠNG căn bản và làm mẫu mực cho tất cả mọi mối tương giao trong loài người, và những mối âu yếm giữa người với người càng giống với mối tình mẫu tử bao nhiêu thì lại càng hoàn hảo, thanh khiết bấy nhiêu.

Tình MẪU TỬ kích thích cả mẹ lẫn con trong cuộc đời và đem lại hạnh phúc, yên vui cho mẹ lẫn con. Niềm hân hoan, vui thích âm thầm không thể tìm thấy trong mối tình cha con. Thiên mệnh làm mẹ đòi hỏi ở người nữ những sự ân cần, hy sinh, cộng tác và một năng khiếu vị tha…Bao nhiêu đức tính làm cho người nữ đứng vào một vị thế trọng hơn người nam. Đó là điều hiển nhiên. Thiên mệnh làm cha không đòi hỏi ở người đàn ông sự ân cần, óc hy sinh, cộng sự và lòng vị tha một cách gắt gao, cấp bách như ở người mẹ.

Thêm vào những thiên tư trên bình diện sinh lý, người nữ nhờ cuộc sinh sống trong địa vị người mẹ đã tự tạo cho mình một sự sáng suốt rất tinh vi trong những mối giao tế nhân sự và xã hội. Người đàn ông về mặt giao tế nhân sự thiếu hụt nhiều đối với người phái nữ.

Tình mẫu tử là mối liên giao tuyệt đẹp và không còn mối liên giao nào khác có thể bì kịp với tình mẫu tử. Người phái nam lúc còn bé mọn, trong tuổi thơ ấu đã hưởng thụ mối tình êm dịu đó, nhưng một khi lớn lên càng ngày càng xa mẹ, thì tình yêu mẹ con đó phai nhạt đi và người con trai có khi trở nên khô cạn tâm tình và thấy lòng mình trở nên sắt đá đối với người đồng loại.

Còn người con gái thì không như người con trai về mặt tình cảm và giao tế nhân sự: Suốt đời người đàn bà sẽ phải nuôi dưỡng và thao luyện nghệ thuật giao tế nhân sự, nghệ thuật tiếp xúc xã hội và gây tình cảm với mọi người.

Nhờ vậy mà người phái nữ trực giác qua thái độ, phản ứng của những người mà họ tiếp xúc, họ nhận định được những cái uyển chuyển, họ bắt được những chi tiết vừa mới phác họa trên nét mặt, trong bộ điệu, giọng nói của tha nhân; họ để ý đến tất cả những dấu hiệu đó và họ thấu triệt được tâm lý người mà họ tiếp xúc. Phụ nữ đã phải hy sinh nhiều, tự mình ban nhiều, phục vụ nhiều, quên mình nhiều: họ đã sống đời sống làm mẹ nhiều, cho nên họ dễ biết thế nào là lòng nhân đạo. Họ biết đồng hóa, dung hòa tất cả những màu sắc khác biệt và lắm khi mâu thuẫn của cuộc đời; họ không chỉ biết quan tâm đến cái đối nghịch tàn ác giữa đen và trắng; họ vượt qua những sự tương phản…

Trái lại người phái nam thì rất dễ có thái độ dứt khoát và quyết liệt: họ chỉ biết có, hay không; được, hay không được; nên, hay không nên; họ không chấp nhận là có thể khác như vậy được. Người phụ nữ thì còn biết đợi chờ, họ không hề lên án: phải tử hình tức khắc! Họ giận hờn đó, nhưng họ còn biết hối cải, châm chước cho mình và cũng biết châm chước cho người khác. Họ còn biết dùng thời gian để biến cải giáo hóa tội nhân, họ biết nhường nhịn, chịu đựng và tìm lối thoát…

So sánh với cách người nữ cam đoan, hiến thân triệt để cho chồng con, cho cuộc đời…, thì thái độ của người đàn ông có vẻ nông cạn, hời hợt; chỉ cần xét tình yêu của người nam hiến cho người nữ thì cũng đủ hiểu: tình yêu của người nam đối với người nữ thì chỉ có thể ví như một con sông; trái lại tình yêu của người nữ cho người nam thì ví như biển cả trời cao.

Nhà thi sĩ BYRON đã viết: Trong cuộc đời người đàn ông, TÌNH YÊU chiếm một chỗ đặc biệt. Trong cuộc đời người phụ nữ, TÌNH YÊU là tất cả cuộc đời. TÌNH YÊU thấm nhuần toàn thể cuộc sinh hoạt của họ.

Người phụ nữ theo bản tính của họ là những người yêu nhân loại, trái lại người nam kể chung thì hình như họ là nghịch thù của nhân loại; hình như vì họ đã thiếu tình yêu cho nên họ cảm thấy như mình bị tước đoạt một cái gì cần thiết, quý báu, cái đó là TÌNH THƯƠNG YÊU. Và vì vậy mà họ gây hấn, bất mãn, hằn học và họ tưởng đó là tính nết phải có và là cách sống thông thường cho nam nhi. Còn người nữ là hèn nhát vì họ nhã nhặn, vì họ dịu dàng, đằm thắm…

Nhưng bởi vì phụ nữ đã dự trữ nhiều tình yêu, quan năng tự bản mình rất mạnh trong họ, cho nên họ biện chứng là họ có phần hơn đối với phái nam. Nhưng tâm tình thương yêu, tự hiến thân cho kẻ khác, lòng tha thứ, dung hòa mọi cái cực đoan, mâu thuẫn để tránh gây thương tích, tránh sự đổ nát, chém giết nhau… Những yếu tố đó mới thật là quan trọng và cần thiết cho nhân loại, cho sự tiến hóa và sự sống còn của loài người.

Giữa lòng nhân loại, phái nữ thực hiện được khiếu năng bẩm sinh của họ là thi ân, là hàn gắn những vết thương, là duy trì sự sống và tạo hạnh phúc.

Trong phạm vi này, họ đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Vai trò của người nữ trong hoàn cầu là tâm phục người nam biêt sống với lòng nhân đạo, từ thiện. Đừng ai ngăn cản họ làm việc đó. Và khi họ bị cám dỗ, xui giục làm điều ác, nuôi lòng ghen ghét, thù hằn… thì người nữ phải mau mau hối tiếc và từ bỏ những tâm tư quái đản ấy. vì trái ngược với thiên tư của mình.

Chớ vịn lẽ người nữ phải giữ chỗ mình trong nhà để phục vụ chồng, con mà thôi, để thoát nợ với xã hội bên ngoài…

Gia đình là vương quốc của người vợ, người mẹ, rất đúng; gia đình là căn bản của xã hội, của quê hương, của thế giới nhân loại. Ở trong gia đình chúng ta sinh ra, lớn lên và được thành nhân. Và cha mẹ làm việc đó trong cung thánh một gia đình. Vai trò thầm lặng nhưng không thể không có, và không ai làm việc đó thay cho cha mẹ nổi.

Bàn tay ru con, bàn tay thoa dịu nỗi khổ đau cho một đứa con thì không kém vẻ cao đẹp so với một bàn tay quản trị hoàn cầu. người nữ đảm nhận trách nhiệmhuấn luyện những người đàn ông cho họ biết tạo nên một hoàn cầu, một thế giới thích hợp với những nhu cầu, với những ước vọng của giống người. Nhân loại sẽ tiến triển và hưởng thái hòa, hạnh phúc nhiều hơn, nếu những người nữ khắp năm châu ý thức ra thiên mệnh của họ trong cung thánh của gia đình. Họ có đủ khả năng để dạy dỗ khuyên răn chồng con họ ăn ở và cảm nghĩ như họ với những tâm tình hiền hòa. Chính họ đặt vấn đề tình thương yêu, nhân hậu và tự quên mình để cộng tác với mọi người trong tiềm thức của chồng con vậy.

Mẹ sẽ làm Nữ Hoàng nếu Mẹ thương yêu nhiều và biết mỗi ngày nâng cao tâm hồn mình lên đến suối nguồn TÌNH YÊU của ĐẤNG đã phú bẩm cho MẸ CÁI NỮ TÍNH .

Trong một thế giới do người phái nam thống trị, ở đó người ta đã từ ngàn xưa cho đến hiện nay cố gắng làm đủ cách để tạo cho người nữ một khối tự ti mặc cảm khổng lồ đè nặng trên tâm linh họ, thì rất dễ hiểu tại sao bây giờ người phụ nữ phản ứng lại bằng cách chứng minh cho người phái nam thấy là họ cũng đầy đủ tài năng thành công trên cuộc đời như người phái nam. Thái độ đấu tranh đó của phái nữ không hữu ích gì cho họ và cũng chẳng lợi gì cho xã hội loài người.

Vai trò trọng đại của người phụ nữ không phải là vượt hơn người nam, nhưng mà là giúp đỡ người nam. Và chỉ một mình người mẹ mới làm được việc khó này là chuẩn bị, giáo dục con mình để sau này nó gánh vác nhiệm vụ làm người và phụng sự người đồng loại cho hợp đạo làm người.

Người đàn ông trong bao nhiêu thời đại đã không hiểu vai trò quan trọng nhất của người phụ nữ?

Phụ nữ có thiên mệnh làm vợ, làm mẹ, sứ mạng đó đứng vào hàng đầu. Nhưng tại sao người ta lại cho sứ mạng làm vợ làm mẹ là một chướng ngại cho cuộc sinh hoạt? một mối bất lợi cho phái nữ?

Chúng ta nên xét lại: Người đàn ông đã tuyên truyền để khiến phụ nữ bị ám ảnh rằng: sinh một đứa con và nhiều đứa con và nuôi dưỡng chúng là một việc ngăn cản phụ nữ tranh đấu với họ trên phạm vi hoạt động xã hội. Vì đặt sai vấn đề và hiểu lầm trật tự của xã hội nên mối quan niệm thành một chướng ngại cái sứ mạng cao cả, sang trọng nhất trong loài người: sứ mạng làm vợ và làm mẹ.

Nhưng chính vì có quan niệm sai lệch đó mà khiến nhiều người phụ nữ bị mặc cảm tự ti. Và phát động trong giới phụ nữ trào lưu tranh đấu với phái nam trên lãnh vực hoạt động của họ, để chứng minh rằng: đàn bà cũng chẳng thua kém gì đàn ông. Như vậy là đảo lộn trật tự và chẳng lợi cho bên nào cả.

Không phái nào tranh dành với phái nào. Phải bổ túc cho nhau. Và bổ túc cho nhau trong mọi lãnh vực. Ý NGHĨA của ĐẠO VỢ CHỒNG: HỢP NHẤT.

Khi nào người ta hiểu rõ cái khác biệt giữa hai phái, thì người phụ nữ sẽ được thăng cấp và người đàn ông cũng sẽ được thăng cấp. Sự hiểu đúng cái khác biệt giữa nữ tính và nam tính sẽ phân chia đồng đều nghĩa vụ và phần phúc của mỗi phái trong cuộc đời. hậu quả tốt là giúp cả hai phái được phát triển hân hoan. Một khi đã hiểu nhau, bổ túc cho nhau, khi ấy người ta sẽ có một tinh thần chung, người ta sẽ chung và cùng nhau hướng về CỨU CÁNH của loài người.

Nhà bác học biệt tài là WILLIAM EMERSON RITTER (1856 – 1944) đã viết trong quyển sách cuối cùng của ông DARWIN ANDOTHE GOLDENRULE: “Một sự kiện chắc chắn là: những phẩm tính xã hội của người bên phía nam sẽ được khai triển tùy theo mực độ mà họ hiểu rõ hơn về cái thiên tư của người phụ nữ trong cảnh vực NỮ TÍNH, GIA ĐÌNH, XÃ HỘI và CHÍNH TRỊ.”.

Người đàn ông và người đàn bà cả hai đều phải nhận định rõ ràng về vai trò của người mẹ, người sinh ra đời một đứa con, nuôi dưỡng con mình, làm cho nó phát triển về đủ mọi phương diện cho đến tuổi trưởng thành. Nhiệm vụ tối quan trọng đó. Tương lai của đất nước, của nhân loài tùy thuộc vào việc giáo dục bắt đầu từ trong gia đình do tay người mẹ và người cha.”.

Thiên mệnh phụ mẫu

Trần Quang 1973

Một thoáng hư không

Ta ra đời ta khóc

Mẹ sinh con mẹ cười

Gió phương nào gió đến

Mây từ đâu mây trôi

Nước mây thăm thẳm không mà có

Không cũng bằng không! Có cũng thôi

Đón tay dòng sữa mẹ

Đi qua suốt dòng đời

Sương bay mờ sáu ngả

Đường hai cõi xa xôi

Sớm muộn ngàn thu về bến hẹn

Con thuyền đưa đẩy một dòng trôi

Đón đưa nhau tiếng khóc cười

Giữa hư với thực! giữa đời với ta

Cửa sông nào đón thuyền qua

Từ đâu bọt nước phù sa cát bồi?!

Đêm nay trời vắng gió

Đường trăng về cuối nẻo xa xôi

Chiêm bao vội vã không mà có

Chợt thức đời như đã ngủ rồi

Chạnh lòng ba tiếng chuông phù thế

Lắng giữa thinh không khuất mặt trời!

Chập chờn làn khói ngăn đôi

Từ trong cõi thực khóc người cõi hư!

Mộng đời mấy nẻo ra vô?

Hỡi con thuyền sóng qua bờ phù vân.

TRẦN LỮ VŨ

Hướng về miền Trung

(Thơ mời họa)

Miền Trung gian khổ lắm tai ương

Lũ dập mưa dồn trắng ruộng nương!

Nhà sập, của trôi, người mất tích

Màn trời, chiếu nước, cực khôn lường!

Ngựa đau đồng loại không ăn cỏ

Voi ngả cả đàn đến cứu thương

San sẻ cùng nhau cơn hoạn nạn

Nhiễu điều xin phủ giá che gương

THÙY DƯƠNG

Tâm sự

Viết mấy vần thơ gởi gió mây

Duyên văn, nghĩa chữ nặng oằn vai

Nghiên sầu chẳng khứng ngâm trăng bạc

Bút nghẹn không đành hứng nắng phai

Trau chuốt sớm khuya thơm hạnh các

Điểm tô ngày tháng rạng thư trai

Hỡi ơi! Cuộc sống “trần ai” lắm

Để tóc đầm sương lạnh lược cài

XUÂN VÂN

Thiết tha

Hái sao, nhặt gió gom mây

Đi mua ảo ảnh về xây lầu vàng

Cách nhau một dải Ngân Giang

Cầu Ô đã gãy

Vỡ tan mộng tình

Chùng chân mỏi bước đăng trình

Nhịp cầu chưa nối

Nên mình còn xa

Mắt em lóng lánh trăng ngà

Còn yêu nên vẫn còn tha thiết hoài

Tình xưa vượt quá tầm tay

Choàng ôm kỷ niệm đắng cay vào hồn

NGÀN PHƯƠNG

Hướng về trường cũ

Bao năm xa cách mái trường xưa

Hình ảnh thân thương chẳng xóa mờ

Lối cũ me xanh lồng bóng mát

Thềm xưa phượng đỏ dệt niềm mơ

Lời thầy tha thiết còn vang vọng

Nghĩa bạn thâm sâu khó lạt lờ

Nhớ thuở vàng son đầy ước mộng…

Bồi hồi man mác chạnh hồn thơ!

THÙY DƯƠNG


- không tối: không tồi:

- không tội: không thậm tệ:

- 0!

“Khi đã không còn “tôi”

thì sẽ không còn “người khác”

Đấy là một sự đổi chác “tự nhiên”

Đấy là một sự “điên” không lời

Đấy là một sự “hợp nhất”

Của tất cả “muôn loài”

“Tôi” là “ai”

“Ai” là “ái”

Ái Ai

Ái Người là Ta

Xa mà gần

Gần mà xa

Là gì

Là HƠI TA THỞ

Sống là trăn trở

vì YÊU AI không biết đấy

Thấy: Không

“Ái” Người – Ta yêu

Yêu Ta – Người Ái

“Khi đã không còn “tôi”.

Trần Quang

“Tháng 10 chưa cười đã tối”

Nói “DỐI HỆT”

* Đây là cách chiết tự một lối chơi chữ mua vui

Người tha hương

Khi nắng vàng còn đó

Người xa những dặm đường

Trông vời nhành lúa trổ

Em chờ anh trên nương

***

Xao xác điều trầm mặc

Chim xa từng tiếng ru

Ánh hồng chia muôn sắc

Xa anh bao mùa thu

***

Làn khói chiều tản mác

Dư hương về không trung

Bầy chim rừng xao xác

Đường về đâu mông lung

***

Xua mảng trời biên biếc

Nhớ em buồn bơ vơ

Bao lần rồi thua thiệt

Bao lần rồi ước mơ.

***

Xin từng cơn gió lốc

Chia những tâm hồn đau

Vang vọng nào tiếng khóc

Triền vai tà áo nâu

***

Chừng ấy năm lận đận,

Nhớ lửa hồng đêm sương

Mùi tro tàn vương vấn

Cho yên đời tha hương

Dương Lêh (2009)

TRUYỆN KIỀU

(Câu 1137 – 1274)



1137.
Thịt da ai cũng là người,

Lòng nào hồng rụng, thắm rời chẳng đau.

Hết lời thú phục, khẩn cầu,

1140. Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa.

Rằng: Tôi chút phận đàn bà,

Nước non lìa cửa, lìa nhà, đến đây.

Bây giờ sống thác ở tay,

Thân này đã đến thế này thì thôi !

1145. Nhưng tôi có sá chi tôi,

Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu?

Thân lươn bao quản lấm đầu,

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa !

Được lời mụ mới tùy cơ,

1150. Bắt người bảo lãnh làm tờ cung chiêu.

Bày vai có ả Mã Kiều,

Xót nàng, ra mới đánh liều chịu đoan.



Made of skin and flesh, any human creature wouldn’t suffer?

Any human heart, at such a scene, wouldn’t feel pity?

Kiều found all imploring words to ask for mercy.

She prostrated her crashed body, bent down her bloody head,

“Please have pity on me, my poor woman destiny, she said,

“I’ve had to leave my home to come here, in this strange land,

“Now my life, alive or dead, is in your hands.

“This wretched life no longer matters to me, really,

“Anyway, you should think about your stake, don’t care for me.

“As an eel, I don’t mind if my head gets muddy stains ,

“I swear I’ll never care about my purity again”

At those words, Tú Bà found it a good opportunity,

She required a sponsor and paper for guarantee.

Mã Kiều, a neighbor woman who, feeling pity of her,

Ventured to be a sponsor and make guarantee paper.



Mụ càng kể nhặt, kể khoan,

Gạn gùng đến mực, nồng nàn mới tha.

1155. Vực nàng vào nghỉ trong nhà,

Mã Kiều lại ngỏ ý ra dặn lời:

Thôi đà mắc lận thì thôi!

Đi đâu chẳng biết con người Sở Khanh?

Bạc tình, nổi tiếng lầu xanh,

1160. Một tay chôn biết mấy cành phù dung!

Đà đào lập sẵn chước dùng,

Lạ gì một cốt một đồng xưa nay!

Có ba mươi lạng trao tay,

Không dưng chi có chuyện này, trò kia!



The old woman still cited many conditions,

Forcing Kiều to accept before being forgiven.

The poor girl was taken in a room to have a rest,

Mã Kiều then gave her some advice she found the best.

“So, you have fallen in the trap of that fellow!

“His name Sở Khanh everywhere nobody doesn’t know.

“Well famous among green houses of his infidelity,

“He himself has buried so many flowers without mercy.

“Everyone knows the plot they have readily planned,

“The old sorceress and that young medium are not strange.

“Without thirty teals of silver hand to hand given,

“Such lamentable stories wouldn’t have happened.



1165.
Rồi ra trở mặt tức thì,

Bớt lời, liệu chớ sân si, thiệt đời!

Nàng rằng: Thề thốt nặng lời,

Có đâu mà lại ra người hiểm sâu!

Còn đương suy tính trước sau,

1170. Mặt mo đã thấy ở đâu dẫn vào.

Sở Khanh lên tiếng rêu rao:

Nọ nghe rằng có con nào ở đây.

Phao cho quyến gió rủ mây,

Hãy xem có biết mặt này là aỉ?

1175. Nàng rằng: Thôi thế thì thôi!

Rằng không, thì cũng vâng lời là không!



“Be prudent to keep your tongue reserved, anything you say,

“Oh, how could I imagine that treacherous fellow!”

Kiều exclaimed, “He has sworn to me such solemn oaths!”

She was pondering about how to cope with difficulties

When already that brazen face appeared shamelessly.

Sở Khanh raised his voice so that everyone could hear:

“I’ve just heard that there is some girl around here

“Claiming that I have seduced her for wind and cloud(1)

“I want her to see my face to know who I am. Just come out!

Kiều replied: “Let it be as you like, I don’t mind ,

“If you deny what you did, I’ll have to resign”



Sở Khanh quắt mắng đùng đùng,

Sấn vào, vừa rắp thị hùng ra tay,

Nàng rằng: Trời nhẽ có hay!

1180. Quyến anh, rủ yến, sự này tại ai?

Đem người giẩy xuống giếng khơi,

Nói rồi, rồi lại ăn lời được ngay!

Còn tiên “Tích Việt” ở tay,

Rõ ràng mặt ấy, mặt này chứ ai?

1185. Lời ngay, đông mặt trong ngoài,

Kẻ chê bất nghĩa, người cười vô lương!

Phụ tình án đã rõ ràng,

Dơ tuồng, nghỉ mới kiếm đường tháo lui.



Sở Khanh broke into an anger, scold at her loudly,

He stepped in and was about to use his hands violently.

“Oh, Heaven! Don’t you know? Who has seduced the swallow?

Kiều cried out, “and lured the oriole to a frivolous love?

“Who has thrust me down into such a deep pitfall?

“What you have said, those steady words, can you swallow them all?

“Here’s the letter with two characters “Tích Việt” written so clearly,

“Isn’t the author’s face yours, or anyone else’s, can you tell me?

Those honest words affected the people inside and outside the house,

They looked down on the man with laughters and mocking shouts.

The verdict of his unfaithfulness was clearly proclaimed,

Quite ashamed, he tried to find a way of escape .



Buồng riêng, riêng những sụt sùi:

1190. Nghĩ thân, mà lại ngậm ngùi cho thân.

Tiếc thay trong giá trắng ngần,

Đến phong trần, cũng phong trần như ai!

Tẻ vui cũng một kiếp người,

Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru!

1195. Kiếp xưa đã vụng đường tu,

Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!

Dù sao bình đã vỡ rồi,

Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!



Alone in her room, Kiều let her tears flow out bitterly,

Thinking of herself, she felt pity for her destiny .

How regretable for a girl so pure as bean sprout!

Once thrown into wind and dust(2), no way to get out.

Anyhow, doleful or happy, it could not be more than a life time,

Rosy cheeked were not a kind of creatures of everlasting life.

Since she had done wrong things in her previous existences,

In this one, she had to pay her debt to get herself free.

Anyway, her life was no more than a broken vase!

Just use her body to pay her life debt would be the best way.

------------

(1) for wind and cloud: to go out for frivolous love.

(2) Wind and dust: hard blows and imprurities of life one has to suffer



Vừa tuần nguyệt rạng, gương trong,

1200. Tú bà ghé lại thong dong dặn dò:

Nghề chơi cũng lắm công phu,

Làng chơi ta phải biết cho đủ điều.

Nàng rằng: Mưa gió dập dìu,

Liều thân, thì cũng phải liều thế thôi!

1205. Mụ rằng: Ai cũng như ai,

Người ta ai mất tiền hoài đến đây?

Ở trong còn lắm điều hay,

Nỗi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung.

Này con thuộc lấy nằm lòng,

1210. Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.



Her sorrow recovered soon, Kiều looked like a shining moon

Tú Bà dropped in her room one leisure afternoon.

“Love trade”, she said, “is a challenging art,

“There are many things I haven’t taught you so far”

Kiều said: “Having ventured in this life of wind and rain,(3)

“I wouldn’t mind what I will have to try again”.

Tú Bà said: “You ought to know, all pleasure seekers alike,

No one would waste his money to come here unsatisfied.

There are many interesting things you ought to learn,

Half open shows at night, private or common plays in day turns.

My child, you ought to bear in mind these professional tricks,

Seven outer feints and eight inner techniques.

------------

(3) wind and rain: symbol of hardships, here Kiều meant to say this troublesome life she was leading



Chơi cho liễu chán, hoa chê,

Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.

Khi khóe hạnh, khi nét ngài,

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa.

1215. Điều là nghề nghiệp trong nhà,

Đủ ngần ấy nết, mới là người soi.

Gót đầu vâng dạy mấy lời,

Dường chau nét nguyệt, dường phai vẻ hồng.

Những nghe nói, đã thẹn thùng,

1220. Nước đời lắm nỗi lạ lùng, khắt khe!

Xót mình cửa các, buồng khuê,

Vỡ lòng, học lấy những nghề nghiệp hay!

Khéo là mặt dạn, mày dày,

Kiếp người đã đến thế này thì thôi!



Play your game in full and let the men enjoy love to the full,

So that they lose their souls and roll over like rolling stones.

Now play your lips corner and then your glancing eyes,

Sometimes smile by flowers, other times sing the moonlight.

Those are all our professional techniques I want you to learn,

Try to master them all to become a wonderful girl.

Unwillingly, Kiều listened to those words obediently

Her rosy cheeks turned pale, her brows knitted bitterly

Just listening to those words already filled her with shame!

How could she imagine such queer and rigorous life games?

She felt pity for herself, brought up within flowery blinds

In her first lesson of life, she had to learn a trade so fine!

How to try? She would have to show her brazen shameless face

Her life had thus come to such a downfall, no hope to escape!



1225.
Thương thay thân phận lạc loài,

Dẫu sao cũng ở tay người biết sao?

Lầu xanh, mới rủ trướng đào,

Càng treo giá ngọc, càng cao phẩm người.

Biết bao bướm lả, ong lơi,

1230. Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió, cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh.

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

1235. Khi sao phong gấm rủ là,

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường?



How doleful to endure this astray life! She sighed

But once caught into another one’s hands, how to strive?

In the Green house, a beauty newly dropped her rosy blinds

The dearer the jade’s price (4), the higher her value seemed to rise

So many bees and butterflies gathered as good flirts

Drinking parties, lasted for months with overnight laughters

Like winds through leaves and birds over branches, what a frequency!

At dawn, she saw Tuấn Ngọc (5) off, at dusk Tràng Khanh(6) came early

But sometimes awake from drunkenness, late in the night

She got startled, felling pity for herself, bitter for her life!

A girl brought up in brocade and silk, with pure soul,

Why was she now torn down like a flower thrown out on the road?

-------------

(4) Jade’s price: price fixed for her jade person for every reception

(5), (6) names of two famous rich and gallant men in Chinese old times



Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán, ong chường bấy thân?

Mặt người mưa Sở, mây Tần,

1240. Những mình nào biết có xuân là gì!

Đôi phen gió tựa, hoa kề,

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu.

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,

Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!

1245. Đòi phen nét vẽ, câu thơ,

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa,

Vui là vui gượng kẻo mà,

Ai tri âm đó, mặn mà với ai?



What a tanned brazen face she bore through wind and mist!

Why did this senseless body through butterflies and bees still persist?

Let it be exposed to Sở rain and Tần cloud,(7)

Not a bit of Spring emotional feeling had she found!

Many a time, leaning against her lover, in sweet breeze, by nice flowers,

Beside her half snowy blinds, in full moonlight, she really shivered!

Every scenery was linked with lonely sadness,

No scenery could be glad to a heart full of distress!

Sometimes she painted a picture or wrote some poems,

Played the lute in moonlight or a chess game under blossoms.

But all that was done reluctantly, without any interest,

Who was there to share her inspiration and eagerness?



Thờ ơ gió trúc, mưa mai,

1250. Ngẩn ngơ trăm nỗi, giùi mài một thân.

Ôm lòng đòi đoạn xa gần,

Chẳng vò mà rối, chẳng dần mà đau!

Nhớ ơn chín chữ cao sâu,

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà.

1255. Dặm ngàn, nước thẳm, non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này!

Sân hòe đôi chút thơ ngây

Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình?



Fresh breeze through bamboos and cool rain on apricots could not move her,(8)

Hundred of thread knots entangled her heart, she had to suffer.

Past memories, far and near, came back to her mind in turn,

No trouble but her heart entangled, no one crumpled yet she felt deep hurt.

She thought of her parents and her unfulfilled duty,

Like mulberry trees ’shadows at sunset, their lives would fade gradually.

From thousands of miles, over high mountains and deep rivers,

How could they imagine such a downfall of their daughter?

And that sophora yard with two small children.(9)

Who could replace her in taking care of their old parents?

--------------------

(7) Sở and Tần: two distant satellite countries of the Chinese Empire. Rain and cloud: symbol of sexual frivolous loves. This verse and the next one meant she didn’t mind exposing herself to sexual loves with various gallant custumers from different parts of the earth, who gave her no emotional feeling

(8) Bamboo and apricot: symbol of friendship or sincere love. This sentence meant even sincere loves from customers could not move her heart.

(9) Sophora: kind of precious trees planted on the yard, symbol of bright and successful descendants. In this sentence, Kiều felt anxious for her parents having few children to serve them in their old age.



Nhớ lời nguyện ước ba sinh,

1260. Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Khi về hỏi liễu Chương đài,

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

Tình sâu mong trả nghĩa dày,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?

1265. Mối tình đòi đoạn vò tơ,

Giấc hương quan luống lần mơ canh dài.

Song sa vò võ phương trời,

Nay hoàng hôn, đã lại mai hôn hoàng.

Lần lần thỏ bạc ác vàng,

1270. Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn!

Đã cho lấy chữ hồng nhan,

Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân!

Đã đày vào kiếp phong trần,

Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!



She recalled her solemn words sworn for three existences,

“At so long a distance, could he understand and sympathize with me?”

Thought she: “Coming home, he must ask: “How is my Chương Đài willow(10)?

“Where’s she now?” Oh! Kim, my love, didn’t you know?

“Your spring willow has been snatched out and passed round hand to hand!

“I really wish to redeem my true love by trustworthy amend,(11)

“But has the flower I chose got united to the tree of my love yet?”(12)

So many worries made her heart entangled with silk thread,

Night by night, nocturnal dreams seemed to occupy her overnight,

Through her silk blinded window, she gazed at remote skies every twilight.

Twilight came by tonight, again came twilight of tomorrow,

Then the silver lunar Rabbit and the golden solar Crow(13)

Who witnessed her lonely sorrows alternately rose and set,

Kiều felt bitter for herself and all the heart broken fates.

Once being granted a rosy cheeked beauty, in compensation,

They had to suffer harmful damages and destruction.

Once exiled in this windy and dusty living world,

They had to taste at least once the worst humiliation on earth!

Thùy Dương (to be continued)

Phụ Bản III

NHA TRANG

MIỀN QUÊ HƯƠNG CÁT TRẮNG

Kỳ thi Hoa hậu Trái đất 2010 sẽ tổ chức Đêm chung kết vào ngày 4/12/2010 tại Đảo Ngọc Việt Vinpearland, thành phố Nha Trang, khiến tôi nhớ về Thành phố biển đáng yêu này – nơi gần trọn thời niên thiếu, tôi đã sinh sống tại nơi đây và hàng ngày tung tăng đến trường và mong chờ ngày nghỉ hè mau đến, để lũ học sinh chúng tôi kéo nhau ra tắm biển suốt cả ngày mới thú vị.

Nhạc sĩ Minh Kỳ - người con của Nha Trang – đã có nhiều bài hát ca ngợi miền biển quê hương của mình, trong số nhạc phẩm đó, tôi thích nhất là ca khúc “Nha Trang”:

“Nha Trang là miền quê hương cát trắng, Có những đêm nghe vọng lại, Ầm ầm tiếng sóng xa đưa.”

Nha trang là một đô thị có diện tích 251km2, dân số vào khoảng 500 000 người (năm 2007). Thành phố giáp ranh huyện Ninh Hòa ở hướng bắc, thị xã Cam Ranh ở hướng nam, huyện Diên Khánh ở hướng tây và hướng đông là Biển Đông, chính Biển này đã mang lại cảnh quan mỹ miều và nên thơ cho Đô thị này. Nha Trang được bao bọc bởi núi ở ba mặt và một hòn đảo lớn ở mặt thứ tư (nằm ngoài đại dương ngay trước mặt Thành phố), đã che chắn, bảo vệ Đô thị tránh khỏi các trận bão tố. Từ năm 1653 cho đến thế kỷ 19, Nha Trang còn là một vùng hoang dã có nhiều thú dữ, nhất là hổ (hổ Khánh Hòa nổi tiếng), sau chỉ hai thập niên vào đầu thế kỷ 20, Nha Trang đã thay da đổi thịt nhanh chóng. Vào ngày 30-8-1924, Toàn quyền Pháp ra quyết định Nha Trang trở thành Thị trấn bao gồm các xã cổ xưa là Xương Huân, Phương Câu, Vạn Thạnh, Phương Sài và Phước Hải. Ngày 7-5-1937, Pháp nâng Nha Trang lên thành Thị xã.

Vào ngày 22-10-1970, Thị xã Nha Trang có xã Nha Trang Đông và xã Nha Trang Tây, sau đó trở thành 2 quận: Quận 1 và Quận 2. Tới ngày 30-3-1977, Chính phủ Việt Nam quyết định Nha Trang trở thành Thành phố thuộc Tỉnh Khánh Hòa. Vào ngày 22-4-1999, Thủ Tướng Chính phủ quyết định Thành phố Nha Trang là Đô thị loại 2. Hiện nay, Việt Nam có quy chế các đô thị: - đô thị đặc biệt (Hà Nội và Saigon-Tp.HCM, T.Phố trực thuộc Trung ương) và - đô thị loại 1 (Hải phòng, Đà nẵng, Cần thơ –TP trực thuộc T.Ư), - đô thị loại 2 (Nha trang, Đà lạt, Thái nguyên…–TP thuộc Tỉnh) - đô thị loại 3 (cũng gọi là TP, thuộc Tỉnh) và còn lại là – đô thị loại 4 và loại 5 (chỉ gọi là Thị xã). Việt Nam hiện có 63 tỉnh và 5 TP trực thuộc Trung ương.

Tên “Nha Trang” biến cải từ cách phát âm nhầm lẫn tiếng Chàm của “Ya Trang” (sông cây sậy), tên mà người Chàm gọi con sông, nay là sông Cái. Từ tên sông này, Nha Trang được chính thức trở thành lãnh thổ Việt Nam vào năm 1653. Xa hơn nữa “Nha Trang có trong sách ‘Toàn tập Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư’, sách về địa lý của Đỗ Bá, vào nửa cuối thế kỷ 18, tên “Nha Trang Môn” (cổng Nha Trang) được đề cập. Trong tác phẩm của Lê Quý Đôn là ‘Phủ biên Tạp lục’ (1776), nhiều tên đã nói tới: “đầm Nha Trang, dinh Nha Trang, nguồn Nha Trang và đèo Nha Trang”.

Các tỉnh miền nam Trung bộ như: Bình Thuận, Ninh Thuận và Khánh Hòa – trong đó có Nha Trang, đều có các bãi biển cát mịn và trắng phau, rất tốt cho việc chế tạo thủy tinh loại cao cấp, Nhật bản đã mua nhiều cát trắng của nước ta. Đó là điều chúng ta nên tự hào.

“Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát, Hương quê dâng lên ngào ngạt, Hòa cùng sức sống yên vui”.

Tôi sinh sống cùng Thân phụ - đổi sở làm về Khu Công Chánh Nha Trang- trụ sở này hiện nay đươc sử dụng làm Thư viện tỉnh Khánh Hòa, nằm góc đường Duy Tân (nay là Trần Phú) và đường Yersin. Hồi đó, vào năm 1955, là một cậu học sinh lớp Nhất H của trường Nam Tiểu học Nha Trang, tôi tung tăng vô tư đi bộ tới trường, đi qua những con đường nho nhỏ. Lúc mới đến, tôi sống ở đường Phương Câu –là tên một xã thời xưa ở đây, nay là một phần của TP. Nha Trang, rồi tôi dọn nhà về đường Hoàng tử Cảnh –vị hoàng tử lúc còn nhỏ đã phải gồng mình lo sứ mệnh “cõng rắn cắn gà nhà” của cha mình (sau đó chết sớm), cùng theo Giám mục Bá Đa Lộc sang cầu cứu Pháp về để đánh với Nguyễn Huệ, lý do vì Nguyễn Ánh toàn là thua trước tài ‘điều binh khiển tướng’ thiên tài của Nguyễn Huệ. Sau đó, Thân phụ tôi dọn nhà về ở đường Yersin –vị bác sĩ người Pháp - Thụy Sĩ nhận Nha Trang làm quê hương thứ hai, sinh sống, nghiên cứu, và cuối đời nằm lại chính tại nơi đây, và sau cùng tôi dọn nhà về ở trên lầu tòa nhà cổ số 15 đường Độc Lập, nhà dưới họ mở Trường dạy học đánh máy (hiện nay, sau một trận hỏa hoạn, khu này thay đổi hoàn toàn, khi tôi đã xa Nha Trang)

Khi lên Trung học, tôi thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học công lập Võ Tánh, tọa lạc ở đường Bá Đa Lộc (nay là trường trung học Lý Tự Trọng trên đường mang cùng tên) - thế là bản thân lại gặp vị tướng của Nguyễn Ánh và vị giám mục Pháp của hoàng tử Cảnh. Trường của tôi nổi tiếng ở khu vực miền Trung, chỉ kém trường Quốc học Huế mà thôi. Tôi học hết trung học tại ngôi trường này. Cũng nằm trên đường Bá Đa Lộc về hướng sát đường Duy Tân (nay là Trần Phú) nhìn ra biển, là trường College Française de Nhatrang (trường trung-tiểu học Pháp), và sau lưng trường Pháp, xa xa một chút, là trường trung học tư thục Bá Ninh- một trường cũng khá nổi tiếng ở Nha Trang lúc đó. Sau lưng trường tôi, hơi xa xa là trường trung học bán công Lê Quý Đôn, sau đó trường Nữ Trung học Nha Trang cũng được xây ở gần đây.

Trong thời gian là cậu học sinh của trường trung học Võ Tánh, nhà trường đã tổ chức cho học sinh các lớp chúng tôi đi cắm trại tại:

- Khu rừng nhỏ nằm gần trường Lasan và Hòn Chồng nổi tiếng,

- Suối Ba Hồ với cảnh trí rất hoang dã, thơ mộng nằm ở Ninh Hòa (nổi tiếng với món đặc sản “Nem Ninh Hòa”).

- Bờ biển Đại Lãnh, cách Nha Trang 80 km, nằm giữa đèo Rọ Tượng và đèo Cả, có bờ biển khá rộng, dài với bãi cát trắng, mịn và ngay từ xa xưa, phong cảnh Đại Lãnh đã được vua Minh Mạng cho thợ chạm hình vào một trong 9 chiếc đỉnh đồng lớn trang trí trước sân Thế Miếu và có tên trong từ điển quốc gia do triều Tự Đức biên soạn. Những kỷ niệm trên sẽ hằn ghi mãi mãi trong tâm khảm một cậu học sinh trung học,và sẽ theo tôi trong suốt cuộc đời của chính tôi về Nha Trang.

Nha Trang hiện có: trường Đại học Nha Trang (trước đây là trường Thủy sản), Học viện Hải quân, Học viện Không quân, trường Sư phạm, trường Sư phạm Mẫu giáo, trường Cao đẳng Nghệ thuật và Du lịch, Viện Hải dương học Nha Trang – viện duy nhất về hải dương ở Việt Nam, Viện Pasteur Nha Trang - một trong các viện Pasteur nổi tiếng tại VN - tọa lạc tại đây; và nhiều trường trung học nữa.

“Nha Trang còn tràn hương thơm gió núi, hoa xuân trao nhau nụ cười, Người người sánh bước chen vai…”

Chúng ta biết là Nha Trang được bao bọc bởi 3 phần là các ngọn núi có độ cao vừa phải, còn 1 phần kia là các hòn đảo nhỏ nhắn, xinh xinh. Trước hết, đây là các di tích nằm chễm chệ trên các ngọn đồi nằm rải rác quanh Thành phố:

1- Chùa Long Sơn.

Là ngôi chùa có quy mô lớn nhất trong số hơn 20 ngôi chùa ở Nha Trang. Chùa nằm ngay trong nội thành, bên Quốc lộ 1A, dưới chân Hòn Trại Thủy. Ở đây có đến 3 ngôi chùa: chùa Long Sơn dưới chân núi, chùa Hải Đức ở phía trên và chùa Bửu Phong ở phía nam. Vừa đến Nha Trang, du khách rất dễ dàng nhận ra ngay hòn Trại Thủy nhờ có pho tượng Kim Thân Phật Tổ rất lớn ngự trên đỉnh. Chùa được khai sơn vào cuối thế kỷ 19 và được xây dựng mới theo quy mô như hiện nay vào năm 1940 với nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tuy mang đậm dấu ấn hiện đại, nhưng vẫn giữ được vẻ tĩnh mịch, uy nghiêm, huyền bí, cao siêu nơi cửa Phật, nhờ sự phối hợp tuyệt vời giữa công trình kiến trúc với cảnh quan thiên nhiên. Đây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Nha Trang.

2- Mộ bác sĩ Yersin.

Alexandre Yersin sinh năm 1863 tại Thụy sĩ. Cha gốc Thụy sĩ, mẹ gốc Pháp; lúc nhỏ Yersin học ở Thụy sĩ, lớn lên học tại Pháp, đậu bằng tiến sĩ y khoa ở Pháp và nhập quốc tịch Pháp. Tháng 7-1891, Yersin đến Nha Trang lần đầu tiên; đến cuối năm 1899, ông trở lại Nha Trang thành lập Viện Pasteur. Gần 50 năm sống độc thân ở Nha Trang, ông đã dành trọn cuộc đời cho sư nghiệp khoa học, nghiên cứu thành công việc sản xuất thuốc chữa bệnh dịch hạch. Ông sống giản dị gần gũi với nhân dân xóm Cồn nên được mọi người quý mến. Ông còn tham gia nhiều cuộc thám hiểm và góp phần tìm ra vùng Đà Lạt.

Ngày 1-3-1943, Yersin mất tại Nha Trang, theo di chúc của ông, khi khâm liệm người ta đặt ông nằm sấp, đầu quay về biển, để ông mãi mãi ôm lấy mảnh đất quê hương thứ hai của mình. Mộ phần của Yersin đặt trên một ngọn đồi nhỏ không tên tại khu vực Suối Dầu, huyện Diên Khánh. Ngôi mộ hình chữ nhật xây bằng xi-măng, sơn màu xanh mát dịu, trên bề mặt có hàng chữ: Alexandre Yersin (1863-1943). Kế đó là ngôi chùa Long Tuyền, trên điện thờ đặt ảnh Yersin thờ ngang hàng với các bức tượng Bồ Tát. Yersin là của Pháp, của Thụy Sĩ và của Việt Nam.

3- Nhà Thờ Chánh Tòa Nha Trang

Nhà thờ được xây trên một ngọn đồi nhỏ, từ năm 1928 đến năm 1934 thì hoàn thành với 10 hạng mục công trình. Ba quả chuông lớn do hãng Bourdons Carillons cung cấp năm 1934, đồng hồ trên tháp lắp ráp tháng 12-1935. Đã trên 70 năm, công trình vẫn nguyên vẹn và hấp dẫn nhiều du khách đến thăm.

4/- Đại dương phía trước Nha Trang.

Có rất nhiều Hòn đảo ngọc, xinh xắn, nên thơ, thú vị. Sau đây đơn cử vài hòn đảo chính: Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Con Sẻ Tre, Hòn Ông, Đảo Yến, Hòn Tre, Hòn Bà...

“Nha Trang là miền khách du muốn tới, Cho phai bao nhiêu bụi đời, Để tìm nguồn yêu sống vui…”

Nha Trang nổi tiếng với bãi biển nguyên sinh và môn lặn SCUBA, nhanh chóng trở thành nơi đến nổi danh cho các du khách quốc tế, hấp dẫn số lượng lớn các khách du lịch “ba lô” cũng như các du khách dư dả du lịch thường xuyên tới khu vực Đông nam Á này.

- Vịnh Nha Trang đã được công nhận là một trong những Vinh đẹp nhất thế giới vào tháng 7-2003. Thế là cùng với Vịnh Hạ Long (không bao gồm cả quần thể là Di sản Thế giới) của Quảng Ninh và Vịnh Lăng Cô (đúng ra là Làng Cò nói sai ra thành Lăng Cô) ở ngay chân đèo Hải Vân phía gần Huế, Vịnh Nha Trang đã góp phần làm rạng danh đất nước Rồng Tiên với 3 Vịnh đẹp trong các Vịnh đẹp Nhất của Thế giới.

- Về khảo cổ học, Trống Đồng Nha Trang đã xuất hiện từ 2000 năm trước, và việc tìm thấy những phiến lythophone của bộ Đàn đá cổ- mà chủ nhân là người Ra Glai tại di chỉ Gốc Gạo, huyện Khánh Sơn thuộc tỉnh Khánh Hòa, đã chứng tỏ nơi đây sản xuất ra dụng cụ âm nhạc bằng đá từ thời nguyên thủy (khoảng 3000 năm trước)

- Lễ hội Tháp Bà

Lễ hội này được tổ chức vào ngày 20-24 tháng 3 âm lịch hàng năm tại khu di tích Tháp Ponagar- thành phố Nha Trang. Đây là lễ hội lớn nhất trong khu vực để tưởng niệm nữ thần Mẹ Xứ sở (phiên âm tiếng Chàm là Po Ino Nogar). Theo truyền thuyết, Bà Mẹ Xứ sở là người có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân trồng trọt... Nghi lễ có 2 phần: -Lễ Thay Y (ngày 20-3) và Phần hội chủ yếu là múa bóng (điệu múa có động tác uốn éo, ưỡn hông như các vũ nữ Chàm có phù điêu tại khu di tích Tháp Bà), múa dâng bông và hát bộ diễn các tuồng cổ trước ngôi đền chính. Lễ hội Tháp Bà không chỉ thu hút đông đảo bà con người Việt, người Chàm ở Nha Trang, Khánh Hòa mà nhiều người ở khắp nơi trong nước cùng nô nức kéo về dự hội.

- Lễ hội Am Chúa

Tổ chức vào ngày 22-4 âm lịch để tưởng niệm nữ thần Thiên Y A Na được nhân dân trong vùng tôn sùng là Bà Chúa, là Mẹ Xứ Sở tại Am Chúa, nơi thờ nữ thần Pô Nagar (Thiên Y A Na) trên sườn núi Đại An (núi Chúa) thuộc xã Diên Điền, Diên Khánh. Theo truyền thuyết, đây là nơi nữ thần giáng trần, sống thời thơ ấu với hai vợ chồng tiều phu già. Nơi đây có miếu thờ và tượng Bà.

- Viện Hải Dương Học

Được thành lập năm 1923, là một trong những cơ sở nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu biển nhiệt đới ra đời sớm nhất ở Việt Nam. Viện nằm trên một khu đất cao ráo, rộng rãi kề ngay cảng Cầu Đá, cách trung tâm Nha Trang khoảng 6km về hướng đông nam. Đến thăm Viện, du khách sẽ tận mắt xem Bảo tàng Sinh vật biển với trên 20000 mẫu vật của hơn 4000 loài sinh vật biển và nước ngọt đã được sưu tầm, gìn giữ từ nhiều năm, bên cạnh những mẫu vật sống được nuôi thả trong các bể kính. Nơi đây có cả bộ xương cá voi khổng lồ dài tới gần 26m, cao 3m với 48 đốt sống được phục chế đầy đủ phục vụ nghiên cứu khoa học và khách tham quan, du lịch.

- Hồ cá Trí Nguyên

Nằm trên đảo Bồng Nguyên, còn gọi là Hòn Miễu, cách cảng Cầu Đá chưa đầy nửa giờ thuyền máy, Hồ cá được xây dựng từ năm 1971 do sáng kiến độc đáo của một người dân vùng biển yêu thiên nhiên. Hồ cá là một vùng hồ trên biển được ngăn lại bằng hệ thống kè đá. Với hàng trăm loại sinh vật biển quý hiếm và đẹp mắt được nuôi thả ở đây, Hồ cá như bảo tàng sống về biển. Trên đảo Hòn Miễu còn có Khu thủy cung Trí Nguyên- được xây dựng theo mô hình một con tàu hóa thạch dài 60m, cao 30m là một nơi giới thiệu thế giới thủy cung. Ngoài ra, trên đảo còn có Bãi Sạn là một bãi tắm được nhiều người ưa thích.

- Bãi Trũ

Nằm trên đảo Hòn Tre, ngay trước mặt thành phố Nha Trang. Từ trong đất liền nhìn ra núi Hòn Tre, đứng sừng sững như hình con cá sấu khổng lồ đang bò xuống biển, ít ai có thể hình dung nơi đây lại có một bãi tắm thiên nhiên đẹp, tinh khiết và nên thơ như thế. Cát ở đây trắng và mịn lạ lùng, dưới làn nước trong xanh có thể nhìn thấu đến tận đáy, bờ cát thoai thoải dần khi ra xa. Bãi tắm trên đảo ít khi có sóng lớn vì hướng về phía đất liền. Phía sau là núi Hòn Tre như bức tường thành sừng sững ngăn gió đại dương. Phía trong bãi tắm là sườn núi rợp bóng cây, du khách có thể vừa đi dạo trên bờ cát, lượm vỏ ốc, vỏ sò, đi câu hay lặn hụp săn tôm, mực hoặc nghỉ ngơi dưới những bóng cây xanh mát rượi ven núi và có cảm giác như vừa gần kề với đại dương, lại như đang đứng trước một cửa rừng.

Ngoài các thắng cảnh quyến rũ nêu trên, du khách còn có thể đi tham quan tại:

- Suối Ba Hồ, cách Nha Trang 25km, thuộc huyện Ninh hòa

- Dốc Lết, cách Nha Trang chừng 50km, thuộc Ninh hòa

- Vịnh Vân Phong, cách Thành phố hơn 50km, có thể tổ chức thể thao dưới nước

- Suối Tiên, cách Thành phố 20km

- Bãi biển Đại Lãnh, cách Nha Trang 80km, có bãi tắm với cát trắng, mịn rất nên thơ.

“Còn đâu những chiều vui xưa, Còn đâu những chiều say sưa,

Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông...”

Nha Trang là một trong những thành phố du lịch với bờ biển cát trắng, chúng tôi hồi ấy là học sinh, thường tắm và đùa với sóng tại bãi biển hình vòng cung, chạy dài theo đường Trần Phú) – cũng được gọi là Xa lộ ven biển Thái bình Dương của Việt Nam, vì các ngôi trường trung học nổi tiếng ở Nha Trang đều nằm gần bãi biển. Học sinh thường ra bãi biển nhìn trông về phia chân trời để mơ màng về tương lai hình như hiển hiện trước mắt.

Với những bãi biển xinh đẹp, cát trắng, mịn nước biển trong xanh; với khí hậu ôn hòa quanh năm nên Nha Trang có rất nhiều khu nghỉ mát (Resorts)- chẳng hạn như: Vinpearl, Diamond Bay và Ana Mandara – và những công viên giải trí dưới nước, vừa ở trong Thành phố và vừa trên các hòn đảo ngọc xa xa ngoài khơi. Nằm trên đảo Hòn Tre ở phía trước mặt Nha Trang, với khu nghỉ mát chính do Vinpearl quản lý, có hệ thống cáp treo tối tân, hiện đại, nối liền đất liền với khu nghỉ mát 5 sao và công viên đa năng trên đảo Hòn Tre.

“Còn đâu Tháp Bà êm mơ, Còn đâu Đá Chồng bơ vơ, Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ!”

- Tháp Bà (Tháp Pô Nagar)

Là đền thờ nữ thần Mẹ Xứ Sở (Pô Inu Nagar) của người Chàm, nằm trên một ngọn đồi nhỏ, bên cửa sông Cái và Quốc lộ 1A, ở phía bắc Thành phố. Tháp là một công trình tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc dân tộc Chàm. Quần thể tháp Pô Nagar được xây dựng và tu bổ rải rác qua nhiều thời kỳ từ thế kỷ 8 và thế kỷ 12 trên hai mặt bằng: -Mặt bằng thứ nhất lát gạch, có 14 trụ và các bậc liên tiếp. - Mặt bằng thứ hai có một cụm gồm 4 tháp bố trí hình thước thợ, các tháp được xây bằng gạch rất khít mạch không nhìn thấy chất kết dính, lòng tháp rỗng tới đỉnh. Trên thân tháp đắp nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung như thần Pô Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử... Tháp chính để thờ thần Pô Nagar, vợ của thần Siva tượng trưng cho sắc đẹp, ca vũ. Tháp chính 4 tầng cao gần 25m, có một tầng thân và 3 tầng lầu, các tầng lầu thu nhỏ dần theo chiều cao. Tháp có một cửa ra vào hướng chính đông, các hướng tây, bắc nam ở tầng thân và các tầng lầu đều có cửa giả chạm trổ cầu kỳ. Hướng đông theo quan niệm của người Chàm là hướng của thần linh thờ thần. Đứng trên đồi tháp nhìn xung quanh, phong cảnh rất nên thơ. Dưới chân đồi là sông Cái tấp nập tàu thuyền,cạnh đó là Xóm Cồn nhà chen chúc, Xóm Bóng với phố xá, chùa chiền, ngoài biển xa xa là Hòn Chồng.

- Hòn Chồng (Đá Chồng)

Ở ngay Thành phố, lại có thể vừa leo núi, vừa ngắm cảnh biển và nghỉ ngơi, Hòn Chồng có thể thỏa mãn yêu cầu này của du khách. Đó là 2 khối đá lớn: một nằm trên bờ, một dưới biển, nếu gọi tách ra là Hòn Chồng và Hòn Vợ. Khu vực Hòn Chồng là một quần thể những khối đá lớn, nhỏ nhiều tầng, nhiều lớp với những hình thù kỳ dị xếp chồng lên nhau, chạy từ bờ cao xuống biển, như có một bàn tay của vị thần khổng lồ sắp đặt, tạo dựng trong một trò chơi xếp hình tinh nghịch. Lạ nhất là trên khố đá lớn nhất, có mặt hơi phẳng hướng ra biển, có in dấu năm ngón tay hằn sâu trong đá, phải chăng đây là bàn tay của Phật Tổ đang lật úp đề nhốt Tôn Ngộ Không- vì tội đại náo Thiên cung- vào trong Ngũ Hành sơn thuở trước!

Hồi đó là học sinh, tôi và bạn bè hay đến đây leo trèo quanh 2 khối Đá lớn này, thường bị các con hào bám vào đá, cứa chân tay làm chảy máu, đau ơi là đau nhưng cũng chẳng nề hà gì, vì cái thú leo trèo, trốn tìm thú vị chui vào hốc đá, leo lên, tụt xuống, đôi khi đụng mặt vài cặp trai gái đang tâm sự trong một vài hốc đá. Những kỷ niệm này càng khiến tôi nhớ về Nha Trang da diết, lúc ấy chỉ ước mong có cây Chổi biết bay của cậu bé phù thủy Harry Potter, để tôi sẽ leo lên cây Chồi thần, bay vèo một mạch tới Hòn Chồng ấm áp thời niên thiếu của tôi.

- Cảng Cầu Đá

Nằm gần Viện Hải Dương Học, đây là Cảng biển của Nha Trang với bờ kè lớn xây bằng đá, tàu thuyền ra vào tấp nập. Xa xa ngoài biển là Hồ cá Trí Nguyên, về phía đồi là Biệt thự của Bảo Đại, -vị vua cuối cùng của nước ta, - nay được sử dụng làm khách sạn, Gần đó là sân bay Nha Trang, Trung tâm huấn luyện hải quân và không quân, và có con đường ven núi – đã có từ lâu, hồi nhỏ học sinh chúng tôi hay rủ nhau đi xe đạp chạy lòng vòng trên con đường mòn này. Hiện nay con đường này được mở rộng để du khách - chạy quanh co theo sườn núi, qua một bãi tắm mới mở, có rất đông người đến đây tắm biển, vì bãi tắm còn nguyên sơ – để dẫn tới thẳng sân bay Cam Ranh, nay là sân bay Quốc tế- thay thế cho sân bay Nha Trang cũ, cách Nha Trang 35 km về phía nam. Vào tháng 10-2010, Việt Nam dự định kế hoạch sử dụng cảng Cam Ranh, để sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu của hải quân tất cả các nước, kể cả tàu ngầm, theo cơ chế thị trường, - vì cảng Cam Ranh là một nơi trú ẩn rất tốt cho các tàu thuyền khi muốn tránh bão, mà Mỹ trước đây đã xây dựng Cảng rất kiên cố, sử dụng làm căn cứ Không quân.

“Nha trang cảnh đẹp trăng thanh gió mát,

Ai qua không quên để lại, Một vài luyến tiếc xa xôi!”

Nha Trang, Khánh Hòa còn nổi tiếng về Yến Sào và Trầm Hương:

- Yến Sào: là tổ của chim Yến, sống trên các hòn đào nằm ngoài khơi, là một trong 8 món ăn bổ dưỡng (bát trân). Khoa học hiện đại đã giải mã được thành phần trong tổ Yến, Yến Sào chứa hàm lượng protein cao (45-55%) trong đó có chứa 18 loại acit amin.

- Trầm Hương: Việt Nam được xem không chỉ là vương quốc của Trầm Hương trong quá khứ mà còn là nguồn trông cậy của cả thế giới hiện nay và cả trong tương lai về loại dược liệu và hương liệu thượng thặng không có gì có thể thay thế này. Nha Trang, Khánh Hòa cũng vinh dự góp phần vào sứ mệnh này mà Hội thảo quốc tế lần đầu về Trầm Hương được tổ chức tại Tp.HCM và An Giang hồi giữa tháng 10-2003 đã xác định.

Có lẽ vậy Nha Trang mới xuất hiện “Tháp Trầm Hương” nằm tại bờ biển Nha Trang (đây là công trình được cải tạo lại từ “Công trình nghệ thuật Hoa Biển”- nay khai thác làm nơi triển lãm để quảng bá về du lịch Nha Trang, Khánh Hòa) chăng?

“Ai ơi người về cho ta nhắn với, Nha Trang quê hương dịu hiền,

Ngàn đời lòng tôi mến yêu!”

Du khách đến Nha Trang đều bị lôi cuốn bởi 2 món ăn đặc sản địa phương là: Bánh canh chả cá và Bún cá sứa.

Nha Trang là nơi nổi tiếng và hấp dẫn du khách quốc tế, du khách được chào đón đến tham dự Lễ hội Biển (tổ chức cứ 2 năm một lần), và chính Nha Trang là nơi đăng cai tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ năm 2008 vào ngày 14-7-2008, và sẽ đăng cai cuộc thi Hoa hậu Trái đất năm 2010 sắp tới.

Để kết luận, chúng ta cùng nhau hát vang nhạc phẩm “Nhớ Nha Trang”, cũng của Minh Kỳ và Hồ Đình Phương, sau đây:

“Nha Thành mến yêu; một ngày trời sang mùa mới,

Gió từ biển khơi lộng về mừng khách ngàn nơi,

Ôi nguồn vui sống nắng nhìn vành môi nàng má hồng,

Nắng say lướt nhanh qua lòng người trai đùa sóng.

Nha Thành đón tôi gặp đời bình yên vừa tới,

Cát vàng nước xanh đẹp màu đôi bóng thùy dương,

Câu thề câu nói kết thành ngàn khúc nhạc ấm lời.

Gió ơi, gió ơi ngân hòa thêm tiếng lòng tôi.

Từ ngày được trông Nha Trang, tôi càng mến yêu quê nhà:

Đây là đóa hoa muôn đời còn hương.

Từ ngày biệt ly Nha Trang, mỗi lần trông nắng vàng tới...Xót xa hồn tôi!

Nhờ ai ghé thăm miền ước mơ, Gửi dùm bài ca buồn nhớ:

Nhớ bờ cát tươi hợp lòng non nước của tôi,

Bây giờ nơi ấy có còn người trai vượt sóng cười,

Để cô gái xuân ngây nhìn thương mến đầy vơi...”

PHẠM VŨ

NGÔN NGBÌNH LUẬN

Tôi thường xem các chương trình thể thao như bóng đá, tennis và được thưởng thức các phần bình luận rất hào hứng của các “bình luận gia” của từng trận đấu. Tuy nhiên qua các buổi bình luận này tôi thấy có những vấn đề sau đây cần phải xem lại:

1. Cố tình đẩy cường độ hào hứng lên quá cao.

Có người muốn đẩy phần bình luận của mình thêm phần sôi nổi bằng cách gằn giọng ở cuối câu và cho âm thanh lớn lên ở những chỗ không cần thiết. Xem những chương trình bình luận trên Star sport hay ESPN, bình luận viên tường thuật rất nhẹ nhàng, êm dịu. Chỉ khi nào trận đấu lên đến cao trào như bóng đang ở khu cấm địa, hoặc lúc một cầu thủ đang sút vào gôn đối phương, bình luận viên cho giọng cao lên đủ thấy hào hứng rồi, chứ không “vàooooooooo!” như ta thường nghe trên đài truyền hình việt Nam.

Ở một trận đấu quần vợt, bình luận viên nước ngoài tường thuật rất từ tốn, người nghe rất dễ chịu khi theo dõi trận đấu. Trong khi bình luận viên của ta thì cố lấy rất nhiều thông tin trên mạng kể cả những thông tin không cần thiết để đưa vào phần bình luận của mình có ý muốn chứng tỏ rằng anh bình luận viên này rất uyên bác, rất am tường về bộ môn thể thao anh ta đang bình luận. Thông thường các bình luận viên người miền Nam hay bắt chước cái lối tường thuật của ông bình luận viên người miền Bắc, để rồi nói những từ ngữ chuyên môn mà người miền Nam không bao giờ nói. Nghe không thích hợp chút nào.

2. Sử dụng tiếng Việt một cách cầu kỳ.

Từ ngữ các bình luận viên của ta thường sử dụng là “khá” như “khá tốt”, “khá chính xác”. Một cầu thủ chuyền bóng lên trên ngay cho một cầu thủ tiền đạo và được cầu thủ này đón lấy dễ dàng. Nhưng bình luận viên lại nói rằng đường chuyền này “khá chính xác”. Nhóm từ ngữ này có nghĩa là chưa thật sự chính xác. Vậy theo ông bình luận viên phải chuyền như thế nào mới thật sự chính xác. Tại sao không nói “cầu thủ A đã chuyền chính xác cho đồng đội”, cần gì phải “bơm” thêm chữ “khá” vào. Có khi nhà bình luận còn nói “cú bỏ nhỏ khá thông minh”. Cú bỏ nhỏ này đã thắng điểm, mà đã thắng điểm là “thông minh” rồi, không thể là “khá” được.

Bình luận viên thường chế ra loại ngôn ngữ cầu kỳ. Ví dụ khi một đấu thủ tennis đánh bóng không qua lưới, một ông bình luận viên nói rằng “đấu thủ này đã tự làm khó mình”(!). Sao lại nói như vậy? Đấu thủ này đâu cố muốn đánh quả bóng vào lưới, chẳng qua là vì sai sót k ỹ thuật trong lúc bất cập, quả bóng không qua lưới mà thôi. Trong thi dấu việc sai sót kỹ thuật dẫn đến bàn thua không có gì lạ, không có gì gọi là tự làm khó mình.

Trong một bài viết trước đây tôi có đề cập đến trường hợp một bình luận viên bóng đá đã “chế” ra nhóm từ “bị phạm lỗi”. Theo tập quán trong ngôn ngữ Việt Nam, động từ “phạm lỗi” được sử dụng như một “nội động từ”, không cần có túc từ trực tiếp, như vậy không thể đổi sang thể bị động (passive form). Tại sao không nói bị chèn hay bị lấn trái phép.

Mới đây trong một trận bán kết giữa Federer và Djokovic, một bình luận viên người miền Nam đã bình luận như sau: “Anh ta có cú bỏ nhỏ cực tốt”. Tôi không biết nhà bình luận này muố n nói “cực tốt” là tốt như thế nào. Tiếp theo đó anh lại nói “Federer có cú bỏ nhỏ rất nhạy cảm (?)”. Đây là cú bỏ banh gần lưới để cho đấu thủ đang ở phía xa không chạy tới đỡ kịp, thế thôi có cái gì đâu mà gọi là “nhạy cảm”.

Đấu thủ tennis đang bị dẫn điểm, bình luận viên “cho nước”: “Đấu thủ này cần phải bình tĩnh, không được đánh sai để gỡ điểm”. Câu này nên nói trực tiếp với đấu thủ đang thi đấu bên trời Tây chứ khán giả truyền hình không cần nghe câu này. Trong bóng đá cũng vậy, bình luận viên thường cho nước: “ Ông HLV cần phải thay đổi chiến thuật, nhất là củng cố tuyến giữa, cánh phải, cánh trái vv...” Có lẽ mấy ông HLV nước ngoài này nếu nghe được lời tư vấn của các ông quân sư bình luận viên Việt Nam thì chắc là thắng rồi.

3. Sính xài tiếng nước ngoài

Trở lại cái môn tennis, các bình luận viên thường pha tiếng Anh trong lúc tường thuật. khán giả truyền hình như tôi quả thật phải ngẩn tò te. May mắn thay ngày xưa tôi có chơi tennis và biết tiếng Anh chút chút nên cũng hiểu được. Đầu tiên là cái cú giao bóng ăn điểm, bình luận viên thường hét lên là “đấu thủ đã có cú “ây” ăn điểm. Giá mà anh ta đọc là “ây xơ” cũng như người ta từng đọc là “van-xơ” cho điệu valse nghe còn dễ chịu một chút. Chữ “ây” mà ông bình luận viên đọc là do chữ “ace” của tiếng Anh để gọi cú giao bóng ăn điểm của một đấu thủ tennis. Tại sao không gọi là cú giao bóng ăn điểm cho người ta dễ hiểu, chứ “ây”, “ây” nghe không lọt tại chút nào.

Còn nữa, khi một đấu thủ đang giao bóng và dẫn 40-30 trong một “bàn”, còn gọi là một “game” theo tiếng Anh, hay một “jeu” theo tiếng Pháp, người ta thường gọi là “được lợi điểm”, tiếng Anh gọi là “break point”. Đấu thủ đang “được lợi điểm” chỉ cần thắng một quả nữa là thắng “bàn” đó. Bình luận viên thường phang chỗ này là “đấu thủ đó đã giành được break point”, có trời mới hiểu được. “Break point” ở đâu mà giành với giựt? Chưa kể khi đấu thủ ở cuối hiệp thì gọi là “set point”, Chữ “set” (đọc là “xê” theo tiếng Pháp, hay “xét” theo tiếng Anh), ở đây có người gọi là “hiệp”, và ở cuối hiệp tiếng Anh gọi là “set point”, còn nếu ở cuối “trận” thì gọi là “match point”. Theo tiếng Việt dù điểm 40-30 ở cuối bàn, hay hiệp, hay trận người ta đều nói là “lợi điểm”. Có khi người ta còn gọi là “lợi cho giao bóng” nếu người giao bóng thắng thế, ngược lại người ta gọi “lợi trả bóng” nếu lợi thế không ở bên người giao bó n g, hoặc có thể nói người giao bóng để mất “lợi điểm”.

Lại còn cái trường hợp bình luận viên sử dụng “back hand” và ‘fore hand” để chỉ đấu thủ thực hiện cú đánh trái tay hay thuận tay. Giá mà ông bình luận viên cứ thoải mái dùng tiếng Việt là “cú đánh trái tay”, hay “cú đánh thuận tay”, chắc chắn lời bình luận sẽ thấy dễ thương hơn.

Trước đây có một thời các bình luận viên thích dùng nhóm từ “đờ-mi vô-lê” vừa cho bóng đá, vừa cho tennis. Cứ thấy bóng đang bay tới cầu thủ giơ chân sút về hướng ngược lại, hoặc một đấu thủ tennis đưa vợt đánh lại, bình luận viên phang liền “một cú đờ-mi vô-lê tuyệt đẹp”. Thực sự đó là một cú “vô-lê” mà thôi. Khi bóng bay tới vừa chạm đất cầu thủ sút liền, hoặc đấu thủ tennis đưa vợt đánh qua lưới m ớ i gọi là “đờ-mi vô-lê”.

Bình luận thể thao trên truyền hình là một công việc rất “nhạy cảm”, người bình luận nên s ử dụng ngôn từ sao cho càng dễ hiểu càng tốt, người nghe sẽ cảm thấy vô cùng thoải mái. Việc lấy thông tin của từng đội b ó ng, từng đấu thủ có rất nhiều trên mạng Internet, tuy nhiên cũng nên gạn lọc lại để phổ biến cho khán thính giả những thông tin thật cần thiết. Không nên cung cấp thật nhiều thông tin để chứng tỏ sự uyên bác của người bình luận.

Hiện nay truyền hình vẫn còn là một phương tiện tuyên truyền chính sách, chủ trương của Nhà nước . D o đó, những người làm công tác truyền hình, kể cả các ông bình luận viên phải làm sao cho tất cả mọi người dân, từ thành thị đến những vùng xa xôi nhất của đất nước, đều hiểu được những gì họ đang muốn trình bày.

Dương Lêh

10-2010

TIẾNG ANH RẮC RỐI

Tiếng Anh có nguồn gốc từ tiếng Đức, là một trong những thứ tiếng mà các chuyên gia cho rằng khó đọc nhất thế giới. Ngữ vựng Anh gồm 28% từ tiếng Pháp, 28% là từ tiếng Latin, 25% từ tiếng Đức. Phần còn lại là từ các thứ tiếng khác, hoặc không biết nguồn gốc.

Hai thứ tiếng Anh phổ thông nhất là Queen’s English (còn gọi là BBC English hay Oxford English) và General American English. Ngoài ra còn rất nhiều thứ tiếng Anh khác của những cộng đồng lớn, nhỏ như: Canadian English, Austrian English, South American English, New Zealand English, Filipino English, Singaporean English vv… Mỗi thứ tiếng Anh đều có ít nhiều sắc thái khác nhau về ngữ vựng, văn phạm và cách đọc.

Phần nhiều các nước Âu Châu có Hàn Lâm Viện để kiểm soát và bảo vệ ngôn ngữ của họ. Académie Française của Pháp làm việc rất nghiêm chỉnh, gắt gao để giữ cho tiếng Pháp chính xác, không bị các thứ tiếng khác xâm nhập. Các nước nói tiếng Anh thì cởi mở, không có một Hàn Lâm Viện Anh ngữ nào cả và mọi thứ tiếng đều được coi là bình quyền. Một cách chính thức, không có tiếng Anh của nước nào được coi là “chuẩn” hơn tiếng Anh của nước khác.

v TIẾNG ANH KHÓ ĐỌC:

Mặc dù chỉ có 5 nguyên âm (A, E, I, O, U) nhưng các nguyên âm này không được phát âm một các mạnh mẽ, dứt khóat mà phải kéo dài ra như 2 nguyên âm hợp lại (e-i, i-i, a-i, o-u, i-u). Các ca sĩ thường không thích hát bằng tiếng Anh vì không thể hát mạnh, thi thố tài năng của họ được, do đó mà opera không thịnh hành ở Anh và Mỹ. Mỹ có rất ít vở opera soạn bằng tiếng Anh. Các nguyên âm này không phải lúc nào cũng được đọc giống nhau như trong những ngôn ngữ khác. Chữ A được đọc khác nhau trong 4 chữ sau: father, cat, above, hostage. Chữ E có 3 cách phát âm khác nhau: bell, be, camel. Chữ I được đọc theo 2 cách, như trong 2 chữ fine và fill. Chữ O có 4 cách đọc khác nhau: hot, over, to, women. Và chữ U được đọc theo 2 cách: umbrella, universe.

5 nguyên âm trên còn kết hợp với nhau hoặc kết hợp với 2 phụ âm YW để làm thành những âm khác. Có tất cả 15 âm trong Anh ngữ. Đây là 15 âm đó với phiên âm là của Đại học Oxford:

v TIẾNG ANH LAI CĂNG:

Những người nói tiếng Anh không thông thạo thường hay pha trộn tiếng Anh với tiếng bản xứ của họ, cả về giọng, văn phạm và ngữ vựng, làm thành một thứ tiếng lai căng, đôi khi rất “bồi”. Có cả trăm loại tiếng Anh như vậy:

- Spanglish là tiếng Anh của những người nói tiếng Tây Ban Nha.

- Taglish là tiếng Anh của những người nói tiếng Tagalog (Phi Luật Tân).

- Thaiglish là tiếng Anh của những người nói tiếng Thái.

- Hinglish là tiếng Anh của những người nói tiếng Ấn Độ.

- Chinglish là tiếng Anh của những người nói tiếng Hoa.

- Franglais là tiếng Anh của những người nói tiếng Pháp.

- Vinglish hay Vietglish là tiếng Anh của những người nói tiếng Việt Nam.

Chinglish và Vietglish có nhiều điểm giống nhau (điều này không lạ vì khoảng 60% những chữ tiếng Việt là từ tiếng Hoa mà ra):

- Không chia động từ: ngôi thứ 3 số ít cũng như các ngôi khác (she do, it have).

- Không phân biệt thì quá khứ, hiện tại, tương lai (I have already eat).

- Không phân biệt số ít, số nhiều: Không thêm S vào danh từ số nhiều. Những chữ số nhiều như scissors, pliers, glasses, pants thì lại coi như là số ít (bỏ S của những chữ đó).

- Không đọc được “âm gió” của chữ S, thường bỏ sót âm này, hoặc đọc là “xì”, có khi là “ét-xì” (stop: tốp hoặc xì tốp). Chữ whiskey người Việt đọc là “huýt-ki”, người Hoa đọc là “Wảy-xì-cảy”).

- Phát âm rất khó khăn những phụ âm kép như cr, cl (micro: mai-cờ-rô, cling: cờ-ling)

- Không phân biệt “n” và “l”. Có lẽ người Viết bị lây bệnh này từ người Hoa, vì lối nói ngọng n – l này rất phổ thông ở Quảng Đông. Người Việt đã từng nghe chữ “clean” được phát âm là “nin” nhiều lần, không những do người Hoa mà cả người Việt nữa.

- Không để ý đến những phụ âm ở cuối chữ (các chữ five, fine, fight, file đều đọc là “fai”)

- Đọc rất khó khăn những chữ có nhiều phụ âm (world đọc giống whirl hoặc worn)

- Người Việt Nam không bị trở ngại nhiều ở chữ “r” nhiều như người hoa (fried rice đọc thành flied lice).

v NHỮNG CHỮ TIẾNG ANH THƯỜNG BỊ ĐỌC SAI:

- Bomb, debt, dumb, plumb, tomb, thumb: những chữ này phải được đọc như là không có mẫu tự b

- Handsome, handkerchief, sandwich, wednesday: phải được đọc như là không có mẫu tự d.

- Diaphragm, phlegm phải được đọc như là không có mẫu tự g

- Salmon, almond, calm, yolk: phải được đọc như là không có mẫu tự l

- Leopard, jeopardy phải được đọc như là không có mẫu tự o

(Còn tiếp)

N.C.T



Hà Nội, ngày 18 tháng 8 năm 2008

Kính gửi : Ban Biên tập Tạp chí Hồn Việt

Đồng kính gửi : - Tòa soạn báo Sài Gòn giải phóng online

                       - Tòa soạn báo Tuổi Trẻ

Tôi là Nguyễn Lân Bình, cháu nội của Học giả Nguyễn văn Vĩnh. Sau khi đọc bài viết “Mạn đàm về Người man di Hiện đại” của Bà Nguyễn Thị Minh Thái trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật ra ngày 13/7/2008 và bài “Nguyễn Văn Vĩnh và Đông dương Tạp chí” của người có danh vị là Giáo sư Nguyễn Văn Trung đăng trên Tạp chí Hồn Việt số 14 tháng 8/2008 mang hai nội dung trái ngược nhau. Nhân danh là người được Gia tộc ủy nhiệm, với sự hiểu biết có thẩm định cùng những tư liệu đang được lưu trữ về sự nghiệp của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh tôi xin trao đổi thêm với quý Báo mong muốn cùng nhau nhìn lại một thân phận có một sự nghiệp ít thấy mà ở mỗi góc nhìn đã tạo những nhận thức khác nhau.

Công bằng với Lịch sử là việc cần làm, điều này ai cũng hiểu. Tôi xin mạnh dạn nêu những hiểu biết của mình thông qua những ký ức bằng chữ của nhà Văn, nhà Báo, nhà Tình báo Cách mạng lão thành Vũ Bằng, người được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2006, người mà cả làng Văn hóa Việt Nam đều kính trọng, tác giả cuốn sách kinh diển về Lịch sử Báo chí Việt Nam “Bốn mươi năm nói láo” do Nhà Xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành năm 2001.

Trong cuốn sách của mình, Nguyễn Văn Trung lấy đầu đề: “Chữ, Văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc” do Nhà Xuất bản Nam Sơn ấn hành 1974, Giáo sư Trung đã trích dẫn ở trang 43 Thông tư của Quyền Thống sứ Bắc kỳ ngày 1/6/1900 phê phán những yếu kém của tiếng Việt và đề cao tiếng Hán như sau: “…không có vấn đề bỏ chữ Nho và thay thế bằng chữ Quốc ngữ. Mọi ghi âm tiếng ANNAM, nhất là tiếng Hán-Việt vẫn luôn luôn phải làm và dễ gây lẫn lộn. Số âm tiếng ANNAM hay Hán-Việt rất hạn chế, một âm đôi khi chỉ thị nhiều tiếng và ý tưởng khác nhau và luôn luôn rất khó phân biệt nếu không dùng chữ Nho. Hễ khi nào muốn cho những bản văn có lối viết chắc chắn một chút hoặc để diễn tả những ý tưởng trừu tượng, tổng quát, chữ Quốc ngữ, trong tình trạng hiện thời vẫn còn thiếu sót”.

Từ 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh đã là người thấm đẫm những hiểu biết đó và đã lần mò theo con đường Báo chí nhằm làm cho tiếng Việt ngày càng trở nên mạch lạc, khoa học đủ sức sánh vai với bất kỳ một loại ngôn ngữ nào của các Dân tộc trên thế giới. Không vô cớ ngay từ số báo đầu tiên - Đăng cổ Tùng báo - ra đời ngày 28/3/1907 tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ và cũng chính là cơ quan Ngôn luận của Đông Kinh Nghĩa Thục “Phong trào Cách mạng Văn hóa đầu tiên của người Việt Nam” – Nhà văn Nguyên Ngọc phát biểu trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục tại Đại học Khoa học Xã hội nhân văn TP.Hồ Chí Minh ngày 21/9/2007), Nguyễn Văn Vĩnh đã lý giải với Đồng bào mình về giá trị của chữ Quốc ngữ như sau: Thường có kẻ binh chữ Nho nói rằng: chữ Nho nghĩa lý sâu sắc, có thể làm ra văn bài hay. Ta tưởng cái sâu sắc bởi ở sự dùng chữ mà ra. Ví ta có được vài trăm truyện hay bằng truyện Kim Vân Kiều, thì xem tiếng ta có kém gì chữ Nho đâu”. Nhờ nhận thức này, Nguyễn Văn Vĩnh đã đắm đuối lập tức nghĩ đến việc chuyển tải tác phẩm bất hủ Kim Vân Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du từ chữ Nôm ra chữ Quốc Ngữ (người giữ bản gốc là Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc). Năm 1909, lần đầu tiên Nguyễn Văn Vĩnh cùng Phan Kế Bính đã dịch toàn bộ tác phẩm vĩ đại của văn hóa Trung Hoa “Tam quốc chí diễn nghĩa” từ tiếng Hán ra tiếng Việt. Cũng trong những năm này, Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người đầu tiên dịch toàn bộ tập truyện Ngụ ngôn của La Fontaine từ tiếng Pháp ra tiếng Việt. Những việc làm này Nguyễn Văn Vĩnh thực hiện khi ở độ tuổi ngoài 20! Để làm gì? Nguyễn Văn Vĩnh muốn chứng minh với toàn xã hội và đồng bào mình rằng tiếng mẹ đẻ của chúng ta, chữ Việt của chúng ta đầy đủ sức lực để chuyển tải những tinh hoa văn hóa trong ngôn ngữ của các nền Văn hóa và các Dân tộc khác. Sau này, khi Nguyễn Văn Vĩnh dịch toàn bộ truyện Kiều sang tiếng Pháp, các nhà Nghiên cứu uyên thâm trong các thế hệ tiếp nối như Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Giáo sư- Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đều khẳng định rằng: “Không thể dịch tốt hơn những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh!”. Không vô cớ năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi gặp nhà báo Franz Faber - người CHDC. Đức - vì thấy nhà báo người Đức của tờ News Deutschland trân trọng và quý mến Dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi gặp gỡ tại một gian phòng nhỏ của Phủ Chủ tịch đã tặng ông Franz Faber cuốn truyện Kiều 2 tập bản dịch ra tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh và nói: Tôi hy vọng, với cuốn sách này ông có thể bắt đầu một cái gì”. Những việc làm của Nguyễn Văn Vĩnh luôn muốn nhắm tới một mục đích cao cả: “Người dân ta phải biết chữ ta”! đó cũng là tôn chỉ của cuộc Cách mạng Văn hóa Đông Kinh Nghĩa Thục 1907. Lý tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh duy nhất chỉ mong muốn xây dựng một nền Văn hóa thuần Việt, khẩu hiệu của ông là: Nước Nam đã bị mất bởi những trí thức Nho học chỉ biết làm văn chương Tàu, chúng ta cố gắng đừng để trở thành những trí thức mới chỉ làm có văn chương Tây”, xong vì nghèo túng, trong hoàn cảnh của một đất nước đói khổ và lạc hậu mà lý tưởng thì lớn lao, Nguyễn Văn Vĩnh đã hợp tác với nhà cầm quyền đương thời nhằm có được cơ sở vật chất để phát động cuộc Cách mạng Công nghiệp in ấn. Nói Nguyễn Văn Vĩnh hợp tác với nhà cầm quyền trong một giới hạn bởi khi ta dở trang 41 trong “Bốn mươi năm nói láo” của Vũ Bằng sẽ thấy Vũ Bằng nói gì: Làm báo như hạng Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, viết một bài, Tây sợ “chết Cha, chết Mẹ”, phải mua chuộc hàng ngàn, hàng vạn mà chưa chắc đã êm…” Nguyễn Văn Vĩnh chắc chắn chưa bao giờ và không bao giờ là tay sai của Thực dân Pháp! Thậm chí Nguyễn Văn Vĩnh nhìn nhận chính sách cai trị của Thực dân Pháp đã phản bội lại truyền thống lịch sử của nước Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh thất vọng về điều đó và năm 1914 ông đã đặt tên người con trai thứ tư của mình là Nguyễn Nhược Pháp! Điều này lịch sử sẽ công bằng. Theo tôi, một người bình thường nhất cũng nhận thấy: Nếu không vì yêu mến dân tộc mình, nếu không vì lòng tự trọng của một người dân sống trong một đất nước bị kìm hãm, đầy dẫy những bất công, chắc chắn Nguyễn Văn Vĩnh sẽ không lao tâm khổ tứ đến mức mà trong bức thư của mình gửi cụ Phạm Duy Tốn ngày 27 tháng 6 năm 1906 từ Macxây khi tham dự Hội chợ đấu xảo, ông đã viết: “Ngồi mà nghĩ rằng tôi sẽ là người đầu tiên để làm cái công việc gây lấy một tương lai tốt đẹp, tôi sung sướng vô cùng. Cha mẹ, anh em, vợ con, tất cả đều phai nhòa trước khát vọng đó để nhường cho một niềm vui thích êm ái nhất”. Vậy không gọi là lòng yêu nước thì ông yêu ai?! Nhìn lại trong “Bốn mươi năm nói láo” Vũ Bằng đã sinh động tả lại quãng đời của nhà Báo Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “…ông Vĩnh còn thì giờ đâu mà để ý đến tờ Trung Bắc Tân Văn nữa! phần thì lo nợ, phần lại bận viết bài cho báo Annam Nouveau, phần lại lo dàn xếp câu chuyện gia đình, phần lại lo chống Phạm Quỳnh, “chơi” lại Thực dân Pháp”. Thật phi lý là trong cả một quãng lịch sử dài, ai đó hay gán ghép cặp đôi “Phạm Quỳnh - Nguyễn Văn Vĩnh”?! Hãy nghe cố nhà báo Trần Hòa Bình – Giảng viên Phân viện Báo chí Tuyên truyền – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh – Người vừa quá cố cách đây 2 ngày nói gì: “Chúng ta hãy xem lại các tác phẩm của các cụ đi, hãy tiếp cận với các tài liệu đó đi… chúng ta sẽ thấy nói về cụ Vĩnh như thế là xúc phạm…!”. Trong loạt bài báo “Từ Triều đình Huế trở về” của Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Annam Nouveau – 1933, Nguyễn Văn Vĩnh đã khẳng định: Triều đình Huế là một bộ máy bù nhìn! Điều này phù hợp với việc Nguyễn Văn Vĩnh từ chối làm Thượng thư và hơn một lần từ chối Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Nhân cách Nguyễn Văn Vĩnh là ở đó. Làm sao một người như Nguyễn Văn Trung dám viết Nguyễn Văn Vĩnh làm tay sai cho Thực dân Pháp để hưởng bổng lộc?! Cho đến thời đại của Nguyễn Văn Trung để hiểu về quá khứ của một dân tộc mà luôn bị các thế lực rình mò, tìm mọi cách thôn tính với quá nhiều những chiêu bài khác nhau, đặc biệt là một quãng dài lịch sử chúng ta chưa có thời gian kiểm chứng thì việc kết án ai đó phỏng có là điều công bằng?! Ngay cả đối với Trương Vĩnh Ký, một nhân vật mà trong nhiều năm gần đây cách nhìn nhận của nhiều nhà chuyên môn đã thay đổi! Thời Nguyễn Văn Trung ở Sài Gòn làm sao ông dám gọi Trương Vĩnh Ký là kẻ “vô liêm sỉ” được (trang 113).

Quay lại với Vũ Bằng, ở trang 81 ông đã thuật lại những câu chuyện tai nghe mắt thấy về Nguyễn Văn Vĩnh: “…(Ông) dịch miệng “Telemac phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện Thống sứ Pháp có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được, miễn là ông (Vĩnh) tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngừng chống nhà Vua” .Ở trang 83 có đoạn(Ông) không lúc nào chịu ngồi yên, một mặt cứ đối phó, cứ giải quyết, một mặt cứ lo chiến đấu, chống áp bức và bóc lột”. Trang 85 Vũ Bằng ghi: “…những lời đe dọa ấy, khi thì sỗ sàng, khi thì mềm dẻo của Nhà cầm quyền Pháp hồi đó, kéo dài không ngớt trong suốt cuộc đời ông Vĩnh, có khi làm cho ông nức lòng chiến đấu hơn, thà là chịu khổ sở, thiếu thốn, hiểm nghèo, chớ không chịu vị tình người Pháp hay vì tiền của họ mà thay đổi lập trường chí hướng. Chắc chắn nhà báo Vũ Bằng không tự nghĩ ra những hình ảnh này về con người Nguyễn Văn Vĩnh, vì nếu thiếu tính trung thực Vũ Bằng không thể là Nhà tình báo của Cách mạng Việt Nam

Những lập luận về quan hệ giữa Học giả Nguyễn Văn Vĩnh và nhà Cách mạng Phân Bội Châu tôi biết lâu nay người ta chỉ trích dẫn có 49% sự thật về mối quan hệ giữa hai con người này, trong khi ai cũng biết câu ngạn ngữ nổi tiếng người đời vẫn truyền tụng nhau đó là: “Một nửa cái bánh mỳ vẫn gọi là bánh mỳ, chứ một nửa sự thật không thể là sự thật”. Còn quá nhiều những tư liệu lịch sử về quan hệ giữa Phan Bội Châu và Nguyễn Văn Vĩnh mà vì hoàn cảnh xã hội và sự thăng trầm của lịch sử nước ta chúng ta còn chưa được tiếp cận, để dễ hình dung cụ thể về mối quan hệ giữa hai nhân vật này, chúng tôi xin dẫn Bài điếu và Câu đối khóc Nguyễn Văn Vĩnh của cụ Phan Bội Châu bằng cả chữ Hán lẫn chữ Việt gửi từ Huế ra Hà Nội khi biết tin Nguyễn Văn Vĩnh qua đời: Ngày tôi mới về Huế, được gặp ông chủ báo Trung Bắc Tân Văn vào Huế thăm tôi cùng một xe hơi với tôi đi Cửa Thuận. Xe nhà ông, ông cầm lấy lái. Nhân duyên xa lạp chưa trải bao nhiêu mà đường lối Bắc Nam chốc thành vĩnh biệt.Tôi đau cảm quá nên có mấy hàng chữ điếu ông:

- Duyên tương tri nhớ trước 10 năm, xe tự do chung lái, sóng biển vui tai mộng hồn há lẽ hững hờ, quang cảnh còn in mây Thuận Tấn!

- Tài bác học trỗi trong hai nước, đàn ngôn luận phất cờ, làng văn nở mặt, công nghiệp tuy còn lở dở, thanh âm từng dạt gió BaLê!

Cái cao quý của những người có tâm hồn Dân tộc, của những người có liêm sỉ cư xử với nhau vậy đấy; đâu có thể như ai đó đã cố tình nhìn từ những góc cực đoan đến độ méo mó như Nguyễn Văn Trung. Trong giai doạn lịch sử này, việc tìm kiếm một con đường cứu nước, phát triển giống nòi nhằm thoát ra khỏi cái đầm lầy của chế độ Phong kiến rồi cả đến hệ thống Thực dân kiểu cũ đã xuất hiện rất nhiều những nhà cách mạng có các khuynh hướng khác nhau nhưng đều nhắm tới một mục tiêu là tiến bộ xã hội. Tôi đã đọc trong các tư liệu lưu trữ của thời kỳ này nói đến rất nhiều sự xung khắc giữa các nhà cách mạng thời đó như Phan Bội Châu, Phân Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh… Xong các vị đó đều rất tôn trọng những tư tưởng của nhau và trân trọng nhau, thực sự là những con người văn hóa. Để hiểu thêm lương tâm nghề nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, quan điểm cốt lõi của Nguyễn Văn Vĩnh người mà đã hiểu thấu tâm can của thể chế Chính trị Thực dân hãy trở lại với Vũ Bằng khi ông chứng kiến cuộc đối thoại giữa Nguyễn Văn Vĩnh và cụ Hy Tống: “…hiện nay có bao nhiêu áp lực kìm hãm không cho dân ta tiến bộ; Vì thế muốn xây dựng, phải đấu tranh, vì bao giờ cũng vậy, người Pháp (hay Chính phủ Nam triều cũng thế) cũng phải lo cho quyền lợi của họ, mà dân thì có quyền lợi của dân; hai quyền lợi ấy trái nghịch nhau, làm sao mà đi được với nhau? do đó, báo chí là tiếng nói của dân bênh vực quyền lợi cho dân, không thể không nói lên những sai lầm của Chính phủ, những sơ hở của chế độ, và đưa ra những khía cạnh bất lợi của chính phủ đối với dân. Nói rút lại, người làm báo không thể để cho ngòi bút của mình tủi hổ. Cố nhiên, muốn được như thế, báo chí phải kinh qua những nghịch cảnh, thăng trầm, mà người làm báo, cũng như các nhà Cách mạng, Chính trị, thường không tránh được bị vu cáo, bị tù đày hay bị thiếu thốn về vật chất…”. (trang 93).

Chứng minh cho lòng yêu nước, cho tình yêu quê hương, cho cái liêm sỉ của một người dân có văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh đã viết gần một vạn bài báo trong 30 năm liên tục. Để chứng minh cái chất Annam của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã buộc lòng phải làm báo bằng tiếng Pháp đó là tờ LAnnam Nouveau 1931-1936 (Do bị chính quyền o ép và vì tiếng Pháp không phải xin phép). Riêng trên tờ báo này, ông đã viết 509 bài phân tích và xã thuyết, rất nhiều bài lên án Chế độ thực dân và bộ máy cai trị lúc đó. Vậy nếu không yêu nước thì ông viết làm gì để đeo vào cổ cái gông cùm của chế độ và buộc phải bỏ xứ sang Lào và vĩnh biệt ở nơi rừng thiêng, nước độc?!

Những đóng góp chính trong sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh:

1. Năm 1907, Chủ bút tờ báo tiếng Việt đầu tiên ở Bắc kỳ - Đăng Cổ Tùng Báo.

2. 1909, cùng Phan Kế Bính dịch toàn bộ Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa từ Hán ra Quốc ngữ.

3. Năm 1913:

- Dịch toàn bộ truyện Kiều từ Nôm ra Quốc ngữ.

- Chủ bút Đông dương Tạp chí, là cơ quan Ngôn luận quy tụ được toàn bộ các trí sĩ nổi danh và uy tín nhất cùng thời.

4. Năm1917, Chủ bút báo Trung Bắc Tân Văn – tờ Nhật báo đầu tiên trong lịch sử Báo chí Việt Nam.

5. Từ 1900-1920, dịch hàng loạt các tác phẩm tiến bộ Văn học Pháp ra Quốc ngữ: của La Fontaine, V.Hugo, A.Dumas, H.de.Banzac, Moliere…

6. Năm 1920, là người Việt Nam đầu tiên dựng sân khấu kịch nói tại Nhà hát lớn để trình diễn các vở hài kịch của Moliere như: Trưởng giả học làm sang, Người biển lận…

7. 1924, cùng với những người Pháp dựng bộ phim truyện đầu tiên trong Điện ảnh Việt Nam (phim câm) được quay tại cảnh quan Chùa Láng Hà Nội.

8. Những năm 30 hoàn thành trọn bộ việc dịch Kim Vân Kiều ra tiếng Pháp.

Có thể sẽ còn phải tốn rất nhiều thời gian và giấy mực để nói về sự nghiệp mà Nguyễn Văn Vĩnh để lại. Tôi không mảy may có ý định tranh luận, lại càng không muốn “lộn trái lịch sử” như cách đặt vấn đề của Tòa soạn. Nghề nào cũng có lương tâm của nó nhưng lương tâm của người làm báo còn hệ trọng hơn cuộc đời của chính họ! Nói theo quan điểm của Nguyễn Văn Trung thì Hội đồng Nhân dân TP. Hồ chí Minh đã lầm lẫn khi dặt tên Nguyễn Văn Vĩnh cho một con đường ở quận Tân Bình năm 1999?! Hội đồng Khoa học của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chấm Luận văn bảo vệ thạc sĩ của Đại tá – nhà Báo Yên Ba – Báo Quân đội Nhân dân – 5 điểm 10 về đề tài: “Nguyễn Văn Vĩnh trên con đường xây dựng sự nghiệp Báo chí Việt Nam” là thiếu cơ sở?! chưa nói đến hàng loạt các ý kiến trân trọng khác của các Giáo sư đáng kính trọng như: Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Trương Thâu, Nguyễn Đình Đầu, Trần Văn Khê, Trịnh Văn Thảo… phát biểu trong bộ phim Tài liệu 4 tập về cuộc đời và sự nghiệp của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh.

Xin được kết thúc bài viết này bằng nhận thức và chính kiến của Nhà Báo lão thành Cách mạng Vũ Bằng bộc bạch trong Hồi ký của mình về con người Nguyễn Văn Vĩnh như sau: “…Tôi nhớ lại lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh sắp lên đường sang Lào để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cứ cố sống cố chết bám vào tờ “Trung Bắc”, “Học báo” và “Annam Noveau” để viết. Toàn quyền Pasquier, một hôm, gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về), hỏi theo ý Trác thì nhà Cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời “Nguyễn Văn Vĩnh”. Toàn quyền Pasquier nhờ Sở Mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ Ngân hàng và tư nhân chứng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy, so với lúc ấy, thật lớn: từ 60 đến 80 nghìn đồng. Toàn quyền Pasquier nhờ một người thân tín của ông Vĩnh bắn tiếng đến tai ông: nếu ông Vĩnh bằng lòng ngưng công kích Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không cần phải bận tâm gì hết”.

Thưa các quý vị! Lịch sử của Dân tộc ta đã thấm đẫm máu và nước mắt rồi. Không dễ dàng khi Nhà nước đề ra chủ trương thiêng liêng đối với cả Dân tộc là Hòa hợp và Hòa giải. Bản báo và Giáo sư Nguyễn Văn Trung nghĩ sao nếu đặt địa vị là Hậu duệ của một người như Nguyễn Văn Vĩnh?! Lớp Hậu duệ ấy đã từng dốc lòng tham gia, đóng góp cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc này, cũng đã học hành, lao động, tham gia cả hai cuộc kháng chiến, dâng hiến toàn bộ vật lực và trí tuệ của mình cho danh dự của dân tộc này?! Có lẽ vì thế mà Giáo sư Sử học Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – đã thận trọng nhận định rằng: “Nguyễn Văn Vĩnh nếu mà ông cộng tác thực sự với Pháp thì ông sẽ trở thành một quan chức cao cấp của Chính quyền Thực dân, nhưng ông từ chối, Bắc Đẩu Bội tinh ông cũng từ chối… chủ yếu ông chỉ muốn cống hiến cho Đất nước cho Dân tộc mình trên cái lĩnh vực mà mình có khả năng nhất”. Hay như lời than vãn xót xa của Bà Phan Thị Minh (Lê Thị Kinh) – cháu ngoại của Nhà Cách mạng Phan Chu Trinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Italia rằng: “Chính vì yêu nước mà cụ Vĩnh phải chết, mà cụ đã có một kết cục bi thảm như vậy đấy!”.

Thay mặt cho Hậu duệ của Gia tộc Học giả Nguyễn Văn Vĩnh tôi đề nghị Bản báo hãy xem lại công tác Biên tập để tránh sự hiểu sai về lịch sử đối với các thế hệ kế tiếp, làm sao để mỗi người Việt nam có quyền hãnh diện vì nhờ có tinh thần Văn hóa, bản sắc văn hóa đích thực của một Dân tộc nên chúng ta vẫn tồn tại và phát triển, mà tinh hoa của văn hóa chính là ngôn ngữ, báu vật của tạo hóa ban tặng cho mỗi Dân tộc. Việc giữ gìn và phát triển nó là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi một thành viên trong xã hội đặc biệt là với giới trí thức nhằm bảo tồn nòi giống và tinh thần của Dân tộc mình... Ngày 25/5/2008 vừa qua tại Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Thành lập Hội Truyền bá Quốc ngữ, Phó Thủ Tướng Nguyễn Thiện Nhân đã nhấn mạnh: Muốn kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần của Dân tộc thì trước hết phải hiểu Lịch sử Dân tộc, phải đọc và hiểu quá khứ bằng chính ngôn ngữ của quá khứ, ngôn ngữ của Dân tộc… từ đầu thế kỷ 20, chữ Quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thống của Quốc gia Việt nam. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện chữ Quốc ngữ có công lao to lớn của Lớp trí thức đầu thế kỷ, như các Học giả Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền... Và đặc biệt là Nguyễn Văn Tố - Hội Trưởng đầu tiên của Hội Truyền bá Quốc ngữ”.

Dù gì tôi cũng xin cám ơn Bản báo vì trong lời tòa soạn cũng đã nêu lên thuật ngữ “để rộng đường dư luận”!.

Thay mặt Hậu duệ Gia tộc Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Danh nhân Văn hóa Nguyễn Nhược Pháp và Nhà thơ Nguyễn Giang chúng tôi mong muốn Bản báo khi sử dụng tư liệu tránh nhìn từ một phía và nên đứng ở vị trí khách quan...

Trân trọng!

NGƯỜI ĐƯỢC ỦY NHIỆM

Nguyễn Lân Bình

Địa chỉ :

55 Lương Sử C – Văn Chương – Đống Đa – Hà Nội

Điện thoại NR: 7470126; Di động: 0904065885

E.mail: nguyenlanbinh@gmail.com

NHỮNG TÁC PHẨM

VÀ NHỮNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

CHÀO MỪNG ĐẠI LỄ 1000 NĂM THĂNG LONG – HÀ NỘI

1. Nhà XB Hà Nội:

Giới thiệu 40 đầu sách trong khuôn khổ dự án “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” (Tủ sách) trong đó có “Hà Nội với những tấm lòng gần xa”, “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ 1873–1954”, “Hà Nội, Who are you?”. Theo NXB Hà Nội hiện có 32 đầu sách khác đang được in và gia công bìa; 22 đầu sách đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị in. Sẽ có 80 đầu sách được giới thiệu trong lễ ra mắt Tủ sách từ ngày 2 – 5 tháng 10 tại Thư viện quốc gia.

2. Nhà XB Chính trị quốc gia – Sự Thật:

Công bố 6 nhóm sách kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Ø Nhóm 1 về lịch sử Thăng Long-Hà Nội có 3 tác phẩm, trong đó có cuốn “Vương triều Lý – Trần với Kinh đô Thăng Long”.

Ø Nhóm 2: văn hóa Thăng Long-Hà Nội có 4 tác phẩm, trong đó có “Văn hóa Thăng Long-Hà Nội: Hội tụ và tỏa sáng”, “Mộc bản triều Nguyễn – Chiếu dời đô và một số kiệt tác”.

Ø Nhóm 3 về Thăng Long-Hà Nội: địa linh nhân kiệt gồm 3 tác phẩm.

Ø Nhóm 4 chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Nội.

Ø Nhóm 5 sách về “Hà Nội trong con mắt người nước ngoài”.

Ø Cuối cùng là 3 quyển sách về chủ đề Hà Nội xây dựng và phát triển.

3. Tổng công ty sách Việt Nam:

Ø Tuyển tập tiểu thuyết Thăng Long-Hà Nội (8 tập)

Ø Tuyển tập ký – Tân văn Thăng Long (3 tập)

Ø Thăng Long-Hà Nội những áng thiên cổ hùng văn (nhiều tác giả)

Ø Tuyển tập truyện ngắn Thăng Long-Hà Nội (3 tập)

Ø Thăng Long thế kỷ 17–19 qua tư liệu nước ngoài (nhiều tác giả)

Ø Nghìn gương mặt Thăng Long (Lý Khắc Cung)

Ø Tướng lĩnh thành Thăng Long - 9 danh nhân VN 1010-1789 (nhiều tác giả)

Ø Các nhà văn hóa VN và nước ngoài nói về Thăng Long-Hà Nội (nhiều tác giả)

Ø Thần đồng Thăng Long…

4. Nhà XB Thanh Niên: có 29 tập:

Ø 36 phố cổ Thăng Long

Ø 36 vị thần Thăng Long-Hà Nội

Ø 36 danh thắng Hà Nội

Ø 36 thần tích Thăng Long-Hà Nội

Ø 36 truyền thuyết Thăng Long-Hà Nội

Ø 36 danh tướng Thăng Long-Hà Nội

Ø 36 danh nữ Hà Nội.

5. Nhà XB Trẻ:

Ø Bộ sách ảnh “Một số tư liệu quý về Hà Nội” học giả Lưu Đình Tuấn tuyển chọn 22 vấn đề trong kho tư liệu tiếng Pháp, về Hà Nội từ năm 1954 trở về trước. In trên giấy cao cấp, chất liệu xốp. Của 20 tác giả người Pháp từ Paul Bodet, Andre Masson… đến học giả đầu tiên Nguyễn Văn Huyên.

Ø Hà Nội nhớ và ghi của Nguyễn Công Hoan

Ø Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài

Ø Bộ sách 1000 năm Thăng Long-Hà Nội của Nguyễn Vĩnh Phúc.

6. Nhà XB Thông tấn & Công ty Thông tin và TM Á Châu: “Lịch sử và danh thắng Việt Nam”.

7. Nghiệm thu công trình “1000 cuốn sách viết về Hà Nội”: Sáng 20.9.2010, Liên Hiệp Phụ Nữ quận Hoàn Kiếm tổ chức nghiệm thu “1000 cuốn sách viết về Hà Nội”. Từ cơ sở Hội với nguồn đóng góp 31,6 triệu đồng, phụ nữ quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành công trình trong đó có 250 đầu sách các loại.

8. Tặng công trình “Chiếu dời đô” lớn kỷ lục cho Hà Nội:

Sáng 23.9 tại Nhà Khách Chính phủ, văn phòng BCĐ quốc gia 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ngân hàng TMCP Ngoại Thương, CLB Thư pháp làng nghề VN công bố kế hoạch bàn giao công trình thủ công tinh hoa tác phẩm “Chiếu dời đô” được thể hiện bằng nghệ thuật thư pháp mạ vàng trên khung gỗ quý tự nhiên với kích thước 458cm, tổng trọng lượng gần 5 tấn. Tác phẩm gồm 2 mặt: mặt trước trình bày nguyên bản chữ Hán “Chiếu dời đô”, mặt sau là bản dịch phiên âm, bản dịch ra tiếng Việt và tiếng Anh; nội dung của tác phẩm gồm 214 chữ được các nghệ nhân gõ tay với chất liệu đồng mạ vàng, biểu trưng cho 214 năm trị vì huy hoàng của gia tộc họ Lý. Chiều cao mỗi chữ là 10cm, gắn trên 12 tấm gỗ hương tượng trưng cho 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông; với mong muốn tác phẩm sẽ thuận theo sự tuần hoàn của thời gian để có thể tồn tại vĩnh hằng với vũ trụ.

Ngày 1.10, tác phẩm được rước từ Ninh Bình về Thăng Long-Hà Nội, chính thức ra mắt tại Vườn hoa Lý Thái Tổ vào ngày 2.10, sau đó sẽ triển lãm Thư pháp ở Văn Miếu Quốc Tử Giám vào ngày 4.10.2010.

9. Hà Nội tiếp nhận mộc bản “Chiếu dời đô”:

Sáng 24.9, Cục văn thư và lưu trữ nhà nước (Bộ Nội Vụ) đã trao tặng UBND TP Hà Nội, phiên bản mộc cổ nhất còn lại của Việt Nam tính đến thời điểm này có khắc nội dung “Chiếu dời đô”

Cho đến nay đã có khá nhiều tài liệu liên quan đến “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn được giới thiệu song đó chỉ là bản in bản chụp. Trong quá trình tìm kiếm tư liệu thuộc khối mộc bản triều Nguyễn. Trung tâm lưu trữ quốc gia IV thuộc Cục văn thư và lưu trữ nhà nước đã tìm thấy bản khắc “Chiếu dời đô” của vua Lý Công Uẩn. Đây là bản khắc chữ Hán ngược khổ khuôn in 20x29,5cm, toàn bộ “Chiếu dời đô” gồm 214 chữ (không kể chú thích)

Ngoài phiên bản khắc mộc “Chiếu dời đô”, Cục văn thư và lưu trữ nhà nước cũng trao tặng cho TP Hà Nội 1000 bản của 2 cuốn sách “Khoa bảng Thăng Long-Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản triều Nguyễn – Chiếu dời đô và một số kiệt tác”

10. Nhà XB Tổng Hợp Thành phố: Hương thiền ngàn năm” đạt kỷ lục.

Đó là tác phẩm gồm 2.783 câu thơ lục bát được chuyển thể từ 120 bài thi kệ, phú, tản văn của 37 thiền sư thời Lý - Trần như: Vạn Hạnh, Thiền Lão, Viên Chiếu, Mãn Giác, Không Lộ, Trường Nguyên, Trí Bảo, Tuệ Trung thượng sĩ, Trúc Lâm đại đầu đà, Pháp Loa nhị tổ…

Tác giả Trần Quê Hương (bút danh của hòa thượng Thích Giác Toàn) sinh năm 1949 tại Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, xuất gia lúc 14 tuổi tại TP Mỹ Tho, bày tỏ: “Tôi tâm nguyện phải làm một việc gì đó để tỏ lòng tri ân tổ tiên nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội nên từ đêm giao thừa năm Canh Dần 2010, tôi đã bắt tay chuyển thơ chữ Hán của các thiền sư thời Lý - Trần sang thơ lục bát”. Cuốn Hương thiền ngàn năm dày gần 700 trang, có nguyên văn chữ Hán do thượng tọa Thích Lệ Trang chép khá bay bướm, cảm đề và thơ tặng của Trụ Vũ, Phạm Thiên Thư, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Y Sa, Như Đức, góp ý nhuận sắc bởi Trần Tuấn Mẫn, Tâm Hải, Giác Hoàng. Sách do NXB Tổng hợp TP.HCM in lần đầu với 15.000 bản, phát hành rộng rãi trong và ngoài nước, đồng thời một số làm quà tặng hiện đang gửi đến đại lễ.

Với nội dung và những đặc điểm đã nêu, Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - VIETKINGS trân trọng xác lập danh hiệu Người chuyển thể thơ văn các thiền sư Lý - Trần sang thơ lục bát nhiều nhất và luật sư Nguyễn Văn Viễn đã thay mặt Hội đồng tư vấn của trung tâm trao tặng giấy xác lập và cúp lưu niệm kỷ lục cho tác giả trong buổi giới thiệu cuốn sách tại TP.HCM vào sáng ngày 18.9 vừa qua. (Giao Hưởng)

11. Độc đáo ẩm thực Thăng Long - Hà Nội:

Quyển sách này do TS. Nguyễn Nhã chủ biên, với sự góp mặt của TS. Vũ Thế Long, Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân, Hoàng Thị Như Huy, Nhà Nghiên cứu Đào Hùng, TS. Nguyễn Thị Diệu Thảo, TS. Nguyễn Tiến Hữu, DS. Phạm Văn Loan – Nguyễn Thùy Dương, do Nhà Xuất bản Thông tấn ấn hành. Các tác giả thực hiện quyển sách như một công trình vừa nghiên cứu lịch sử ẩm thực Thăng Long, vừa giới thiệu các món ngon truyền thống mang hương vị xứ Bắc. Vì thế tập sách đề cập cả những đặc thù của ẩm thực Thăng Long xưa, những đổi thay nhất định khi tiếp xúc với phương Tây, kể cả “tính bảo thủ trong ăn uống của người Hà Nội” cũng được viết thành một bài khảo cứu riêng.

Phần giới thiệu các món ngon cũng trình bày theo thao tác nghiên cứu nhằm giới thiệu đặc tính văn hóa ẩm thực của Thăng Long – Hà Nội, chứ không chỉ cung cấp công thức chế biến. Đặc biệt, sách còn một phần giới thiệu “Hàng quán và dòng chảy ẩm thực Thăng Long – Hà Nội tới các vùng miền”, trong đó khảo cứu về hàng quán của Thăng Long – Hà Nội, ẩm thực Thăng Long trên đất Huế và ở Nam bộ xưa và nay…

Đặc biệt, buổi ra mắt sách còn có một nội dung hướng về đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội là giới thiệu bộ phim “Thăng Long – Hà Nội xưa”. Đây là bộ phim được thực hiện từ năm 1992, gồm 2 tập (430 phút, chia thành 2 DVD), do TS. Nguyễn Nhã chủ nhiệm, có sự diễn giảng thuyết minh của cố Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng và nhà sử học Dương Trung Quốc.

12. Bộ sách đặc biệt mừng đại lễ:

Ngày 6-10, Nhà xuất bản Văn học chính thức giới thiệu bộ sách đặc biệt xuất bản nhân dịp chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nổi bật nhất là ấn phẩm Truyện Kiều - thơ và tranh. Tác phẩm gồm 42 trang vẽ, do họa sĩ Anh Phương minh họa. Đây cũng là cuốn truyện người lớn đầu tiên được thể hiện dưới dạng truyện tranh ở Việt Nam.

Ngoài ra, trong đợt sách kỷ niệm lần này, NXB cũng giới thiệu bộ sách văn học Việt Nam thế kỷ 20 xuất bản trong 10 năm, trọn bộ 100 tập giới thiệu hàng trăm tác giả, hàng ngàn tác phẩm gồm các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tạp văn, lý luận phê bình, kịch bản văn học... thâu tóm tất cả những tinh hoa tinh túy nhất của nền văn học Việt Nam trong thế kỷ 20.

Bộ sách các tác phẩm văn học được Giải thưởng Hồ Chí Minh xuất bản trong 3 năm gồm 30 tập, giới thiệu toàn bộ nguyên bản các tác phẩm văn học của 28 tác giả như: Nam Cao, Huy Cận, Xuân Diệu, Tố Hữu... Ngoài ra, còn có toàn tập tác phẩm của các nhà văn từ cổ đại, cận đại đến trung đại và đương đại như Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi, Tú Xương, Tản Đà…

13. Bộ sách Từ điển 18 cuốn: Bách Khoa Thư Hà Nội của Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu

14. Nhà XB Giáo Dục Việt Nam:

· 1000 giờ cho “Chiếu dời đô”.

“Giấy khai sinh” Thăng Long - Hà Nội được trình bày bằng 3 thứ tiếng Hán – Việt – Anh do nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách thể hiện bên mặt chính nguyên bản tiếng Hán, còn mặt kia bằng tiếng Việt và tiếng Anh do họa sĩ Nguyễn Thanh Đàm thể hiện, kết quả 1000 giờ làm việc. Được viết trên giấy dó chiều dài 1m, gấp làm 10 nhịp, chiều cao 21cm.

· 100 câu hỏi về Thăng Long - Hà Nội

Ấn hành “Thăng Long - Hà Nội 1000 năm”, gồm 100 câu hỏi – đáp về vị trí địa lý, lịch sử, những nhân vật lịch sử tiêu biểu, các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những nghề thủ công, mỹ nghệ, làng nghề, những đặc sản… Lối viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ…

· Thăng Long - Hà Nội trong 110 bài thơ kết cấu thành 2 phần:

Ø Phần thứ nhất: những bài thơ viết về Thăng Long từ ngày Lý Công Uẩn viết “Chiếu dời đô” đến thế kỷ 20 với “Đề bào Thiên Tháp” của Phạm Sư Mạnh, “Thú vĩ cầm” của Nguyễn Trãi, “Mộng Đắc Thái Liên”, “Long Thành cầm giả ca” của Nguyễn Du, “Hữu Sĩ cảm” của Phạm Đình Hồ, “Chùa Quán Sứ” của Hồ Xuân Hương, “Hồ Tây” của Nguyễn Công Trứ, “Nhị hà đối nguyệt” của Nguyễn Văn Siêu, “Hoàn Kiếm hồ” của Nguyễn Khuyến… Các bài thơ đều dịch nghĩa và chú giải cùng tiểu sử tóm tắt của tác giả

Ø Phần hai: các tác phẩm tiêu biểu viết về Hà Nội từ giai đoạn 1901-2000 của các tác giả Tố Hữu, Tế Hanh, Huy Cận, Hoàng Cầm, Nguyễn Duy, Thế Lữ, Đỗ Trung Lai,…

· Hoa Lư thi tập:

Toàn bộ tập thơ có 121 bài, NXB đã in 3 phiên bản “Hoa Lư thi tập”

Ø Phiên bản 1: Khổ 18x25cm, 279 trang, trình bày 3 thứ tiếng Việt – Anh – Pháp, có hình ảnh minh họa.

Ø Phiên bản 2: Khổ 18x23cm, 160 trang, trình bày tiếng Việt, có hình ảnh minh họa.

Ø Phiên bản 3: Khổ 13x20,5cm, 160 trang, trình bày bằng tiếng Việt.

Tác giả GS-TS Hoàng Quang Thuận, cùng cộng sự đã chuyển nội dung tập thơ thành cuốn sách gỗ độc bản sử thi “Hoa Lư Thi Tập”, nặng 54kg, kích thước 109cm x 70cm x 10cm; bài thơ trình bày hình thức thư pháp quốc ngữ trên

chất liệu giấy giả da, kèm theo nhiều bức ảnh chụp giàu biểu cảm.

· Cuốn sách ảnh “Đông Phương Xưa”, qua 500 tấm bưu ảnh “độc nhất vô nhị” của nhà văn Pháp. Bạn đọc sẽ thấy hình ảnh Hà Nội những năm 1930, không chỉ toàn cảnh thành cổ, những con phố “36 phố phường”, khu phố Pháp hay Chùa Một Cột, đền Quan Thánh mà còn thấy những cảnh buôn bán, sinh hoạt văn hóa cũng như cuộc sống hàng ngày của người dân.

15. Nhà XB Phụ Nữ: công bố ấn phẩm “Ẩm thực Thăng Long - Hà Nội” và “Chợ Hà Nội xưa và nay” do Hội văn nghệ dân gian Hà Nội biên soạn.

16. Nhà XB Hội Nhà Văn: tập thơ “Huế giữa lòng Hà Nội” có 260 bài thơ của 107 tác giả.

17. Nhà XB Mỹ Thuật: cuốn sách đặc biệt “Chủ tịch Hồ Chí Minh với thủ đô Hà Nội” gần 200 bức ảnh được sưu tầm trong tập và chú thích. Pho sử quý bằng ảnh 100 trang khổ 30x25cm được chia thành 3 phần: từ Thăng Long - Hà Nội đến năm 1945; từ 2.9.1945 - 10.10.1954; từ 10.10.1954 - 9.9.1969.

18. Công ty CP Đầu tư căn nhà mơ ước giới thiệu bộ sách: “Công trình trí thức Tp. Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh kỷ niệm 100 năm Thăng Long - Hà Nội” tham gia 150 doanh nhân, trí thức, học giả, hoàn thành 22 tập.

19. Nửa thế kỷ đi tìm hình Hà Nội: Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng vừa ra mắt 2 tập ảnh Hà Nội xưa nhân kỷ niệm 100 năm Thăng Long - Hà Nội.

20. Cuộc thi tìm hiểu “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm Văn hiến và Anh hùng” có 3,3 triệu bài dự thi. Hà Nội 728.000 bài, Thanh niên Quân đội 200.473 bài, Hải Dương 175.000 bài, Thanh Hóa 164.194 bài, Ninh Bình 156.432 bài, Hà Tĩnh 152.000 bài. Người dự thi cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Duy Bình 100 tuổi, nhỏ tuổi nhất là em Ngô Hoàng Khánh Vân lớp 2E trường Tiểu học Mai Động, Hà Nội. bài dự thi nhiều trang nhất 1261 trang chia làm 5 tập của tác giả Châu Hồng Tâm ở Bình Định.

Tác phẩm dự thi đặc biệt của ông Steven Tail (người Canada) trình bày trên 5 chiếc nón, bài dự thi bằng chữ nổi; bài dự thi bằng tiếng Việt và dân tộc, Dư Thu Trang học sinh tại Cộng hòa Pháp.

Ban tổ chức trao 84 giải cá nhân, 39 giải tập thể, 8 thí sinh đặc biệt.

Những tấm lòng với Thăng Long - Hà Nội: 201 tặng phẩm, ảnh, của 84 tổ chức, cá nhân từ 20 tỉnh thành phong phú nhiều thể loại, thuộc nhiều lãnh vực chế tác tinh xảo được sáng tác từ bàn tay khối óc của các nghệ sĩ, nghệ nhân yêu mến thủ đô. Tranh thêu “Cõi xưa”, mô hình Lán Nà Lừa của nhân dân Tuyên Quang; bình hoa dáng trống đồng “Quốc bình Thăng Long”, tranh “Thiên Long Việt đồ” với 1000 con rồng xếp thành hình bản đồ Việt Nam; “Chiếu dời đô” ngọc quý diện tích 20m2 dày 1,00-1,4cm sau khi chế tác nặng 50 tấn do nghệ nhân chế tác vv…

Nhiều công trình xây dựng được khánh thành và gắn biểu như:

Ø Cầu Vĩnh Tuy dài 5,8km trong đó cầu vượt sông Hồng dài 3,7km.

Ø Đường Thăng Long dài nhất 30km, rộng tuyến đường 140m.

Ø Công viên Hòa Bình rộng 19,87ha, có tượng đài Hòa Bình cao 7,2m đặt trên đế cao 22,8m

Ø Bảo tàng Hà Nội diện tích 53.963m2, bảo tàng có kết cấu hình Kim tự tháp, có 4 tầng nổi và 2 tầng hầm.

Ø Tượng đài Thánh Gióng trên núi Sóc Sơn cao 11,7m (riêng bệ cao 3,2m nặng 87,3 tấn, chất liệu hợp kim đồng

Ø Trụ sở Trung tâm y tế dự phòng diện tích 1.059m2

Ø Rạp Kim Đồng 40 chỗ ngồi công nghệ tiên tiến nhất Việt Nam, 2 phòng chiếu phim 2D,3D (475 chỗ và 150 chỗ ngồi).

Ø Đình thờ danh nhân Chu Văn An tại huyện Thanh trì Hà Nội, vv…

BÙI ĐẸP tổng hợp trên các báo

PHƯƠNG PHÁP QUÂN BÌNH ÂM DƯƠNG

ĐỂ GIỮ GÌN SỨC KHỎE

THÙY DƯƠNG

(Bài nói chuyện bằng tiếng Pháp tại nhà Hữu Nghị Việt Pháp ngày 06/11/2003, dịch ra Việt ngữ có bổ sung)

Lời giới thiệu của GS Giám Đốc Nhà Pháp Ngữ .

Bà Thùy Dương đã nghiên cứu và thực hành Đông Y từ 22 năm nay. Trước đó bà đã theo học môn Toán và Vật Lý cao cấp. Bà rất yêu thích Toán và Vật Lý, nhưng bà lại yêu thích Đông Y hơn. Hôm nay bà muốn được trình bày cùng quý vị những kiến thức và kinh nghiệm tâm đắc nhất mà bà đã thâu thập được trong quá trình hơn 20 năm nghiên cứu và thực hành Đông Y.

Lời mở đầu của diễn giả.

Kính thưa quý Khán Thính giả .

Hôm nay, tôi rất vui mừng được sự cho phép của Ban giám Đốc Nhà Pháp Ngữ lên đây để trình bày cùng quý vị bài nói chuyện của tôi về Đông Y. Đây là một đề tài khá thâm sâu và trừu tượng, và có thể hơi mới mẻ đối với quý vị vì tôi nghĩ rằng có lẽ nhiều người trong quý vị chưa có dịp tìm hiểu Đông Y. Có thể nói đây là một môn “khoa học” phi khoa học (!), không có con số (non digitale); ở đây người ta không sử dụng những con số vì không có những đại lượng đo được (grandeurs mesurables), không có những định luật định lượng (lois quantitatives), tất cả những định luật ở đây đều là định tính (lois qualiquatives). Bởi vậy tôi e rằng trong vòng hơn một tiếng đồng hồ cho phép, tôi khó có thể diễn giải để quý vị hiểu đề tài một cách thấu đáo như mong muốn mà chỉ có thể giúp quý vị làm một chuyến du hành trên lưng ngựa để ngắm hoa, như tiếng Việt chúng tôi thường nói “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng hết sức để làm sao cho cuộc nói chuyện và trao đổi của chúng ta dễ hiểu nhất và thích thú nhất có thể được.

Dẫn Nhập

Ngày nay, khoa học hiện đại đã có những bước tiến vượt bậc như chúng ta đã biết, đồng thời Y học Tây phương cũng đã đạt được những thành quả mà cách đây chỉ nửa thế kỷ người ta không thể hình dung nổi, như là thụ thai trong ống nghiệm, ghép tim, ghép gan, mổ nội soi điều khiển từ xa, tách rời hai trẻ sơ sinh dính liền tim hay liền đầu… Dường như con người đã vượt quyền tạo hóa vậy.

Trong khi đó thì nền Đông Y cổ lỗ sĩ từ hơn 2000 năm nay dường như vẫn dậm chân tại chỗ. Mặc dầu người ta đã thành lập những viện Y Học cổ truyền lớn ở Trung Quốc và cả Việt Nam nữa, nơi đây người ta đã sử dụng cả những phương tiện khoa học như xét nghiệm, chụp X quang, châm cứu điện…, song kết quả điều trị dường như vẫn chậm chạp, ngoại trừ một số trường hợp như bại liệt, bán thân bất toại, Đông Y có thể cho kết quả kỳ diệu.

Phần đông các bệnh nhân, nhất là những người ưa chuộng khoa học hiện đại, không tin tưởng vào Đông Y. Có lẽ vì ngoài sự chậm trễ về kết quả, các thầy thuốc Đông Y thường không đưa ra những lời giải thích rõ ràng về bệnh trạng. Trong khi Tây Y căn cứ vào khoa học thực nghiệm, có thể đưa ra những kết quả xét nghiệm cụ thể với độ chính xác đến một phần ngàn hay hơn thì Đông Y chỉ dựa vào những lý thuyết khá mơ hồ trừu tượng như Âm Dương, Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) mà từ hàng chục thế kỷ nay không hề thay đổi! Bởi thế nên đã có nhiều người nghĩ rằng Đông Y của ta lạc hậu quá rồi! Nhưng xin quý vị đừng nghĩ rằng tất cả những gì mơ hồ trừu tượng đều là lạc hậu và phang ngay cho nó một đòn là “thiếu cơ sở khoa học”. Cái sai lầm lớn nhất của những người tôn vinh khoa học là tự cho nó một giá trị độc tôn: Chỉ có khoa học mới có quyền khám phá và giải thích mọi hiện tượng vũ trụ. Những gì người khác làm được mà không chứng minh được bằng khoa học đều bị cho là “mê tín dị đoan, nhảm nhí”.

Thực ra, chúng ta không nên quên rằng có những vấn đề mới nghe qua thì rất mơ hồ trừu trượng, nhưng nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu sâu hơn, ta sẽ thấy nó vô cùng phong phú, thâm sâu. Lại có những vấn đề ta hiểu rõ nhưng không thể giải thích cho người khác hiểu rõ bằng ngôn ngữ đời thường. bởi vậy người xưa có câu:

“Đạo khả Đạo phi thường Đạo”

Đây cũng là một lối chơi chữ. Trong câu trên hai chữ Đạo biểu thị bằng cùng một chữ Nho nhưng nghĩa khác nhau. Chữ Đạo thứ nhất là danh từ, nghĩa đen là “con đường cái thẳng” (tự điển Hán Việt của Thiều Chửu). Về nghĩa bóng, ta có thể hình dung đó là một con đường lớn quang minh chính đại dẫn tới một mục đích lớn cao đẹp là Chân Thiện Mỹ. Nhưng không dễ gì theo được con đường lớn ấy, nó đòi hỏi óc thông minh, lòng kiên nhẫn và ý chí để vượt qua mọi khó khăn.

Đạo cũng có thể là một tôn giáo, một chủ nghĩa (tuy không nhất thiết) như đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão… Nói chung, Đạo có thể coi là tập hợp một số những nguyên tắc, những quy luật phù hợp với thiên nhiên, với lẽ phải và như thế Đông y cũng có thể coi là một Đạo như ta thường nói Y Đạo để phân biệt với Y Thuật. Người làm Y Đạo phải hiểu lý lẽ ngọn nguồn, còn người làm Y Thuật chỉ cần học những phương pháp do người khác truyền dạy không cần hiểu. Tương tự người ta cũng thường gọi Vương Đạo với Bá Đạo. Tức Đạo của các bậc Vương giả và Đạo của những người thường.

Chữ Đạo thứ 2 trong câu trên là động từ, nghĩa là chỉ dẫn như ta thường thấy trong chữ “đạo diễn”, “chỉ đạo”, nghĩa là chỉ dẫn giải thích cho người ta làm. Như vậy câu “ Đạo khả đạo phi thường đạo” có nghĩa là một cái Đạo mà ta có thể nói ra để chỉ dẫn cho người khác hiểu được và làm theo thì đó không đúng hẳn là cái Đạo mà ta muốn nói mà chỉ là mô phỏng thôi.

Vậy thì muốn học được một cái Đạo nào đó, ta phải làm sao? Trước hết có thể học theo sách vở, theo sự chỉ dẫn của các vị thầy, nhưng điều cốt yếu là chính mình phải tự suy nghĩ, tìm hiểu bằng suy tưởng kết hợp với thực hành lâu dài để rút ra kinh nghiệm và nhất là phải có óc sáng tạo. Đừng dựa vào sách vở và các vị thầy, không ai giúp được bạn ngoài chính bạn. Hãy kiên trì, cố tìm ra lời giải đáp của những vấn đề phức tạp. Một ngày nào đó, tấm màn lu mờ được mở ra, mọi sự phức tạp sẽ hiện ra sáng rõ như ban ngày trước mắt bạn.

Tại sao không nên tin vào sách, vào lời chỉ dẫn của các bậc thầy? Người xưa cũng có câu:

- Thư bất tận ngôn: Sách không thể nói hết lời

- Ngôn bất tận ý: Lời không thể nói hết ý

- Ý tại ngôn ngoại: Ý nằm ở ngoài lời

Chính Hải Thượng Lãn Ông, vị Thầy lớn đã từng để lại những pho sách Đông Y dày quý giá vẫn luôn khuyên đệ tử và đồng nghiệp của ông nên tìm ý ở ngoài lời khi đọc sách.

Học Thuyết Âm Dương

Lý thuyết cơ bản của Đông y bắt nguồn từ triết học Đông Phương mà nền tảng là học thuyết Âm Dương. Theo học thuyết này tất cả mọi sự vật và hiện tượng trong vũ trụ đều được xếp làm 2 loại đối lập, tùy theo tính chất của chúng.

Dương (+): gồm những gì có màu nhạt, tính mạnh, nóng, năng động, tích cực…

Âm (-): gồm những thứ có màu xẫm, tính yếu, lạnh, thụ động, tiêu cực…

Sau đây là vài thí dụ tượng trưng.

Dương Trời Lửa Nóng Ngày Trắng Cứng Nam Vui…

Âm Đất Nước Lạnh Đêm Đen Mềm Nữ Buồn…

Chú ý:

1. Khái niệm Âm Dương chỉ có ý nghĩa tương đối

TD:

- Trong cặp (Xám, Trắng) thì xám là (-)

- Trong cặp (Xám, Đen) thì xám là (+)

2. Trong dương có âm, trong âm có dương

TD:

- Nước là (-), nhưng lũ lụt thì rất mạnh nên cũng có tính (+)

- Lửa là (+), nhưng ngọn lửa lại mềm mại uốn mình theo gió nên cũng có tính (-)

- Nam giới là (+) nhưng các đấng mày râu cũng thường ủy mị khóc lóc khi thất tình nên cũng có tính (-)

- Nữ giới là (-) nhưng chỉ một ánh mắt đưa tình của người đẹp cũng đủ làm nghiêng nước đổ thành nên cũng có tính (+)

- Trong họa (-) có phúc (+) trong phúc (+) có họa (-)

Tóm lại trong vũ trụ không có gì thuần dương hay thuần âm.

Vật nào nhiều tính dương hơn thì coi là dương, nhiều tính âm hơn thì coi là âm.

Các Định Luật Cơ Bản Về Âm Dương

1. Âm Dương hỗ tương

Mặc dầu tính chất đối lập nhưng âm và dương có khuynh hướng hỗ trợ và chế ngự lẫn nhau để duy trì một trạng thái quân bình tương đối.

TD: 1/ Về mùa hè, trời rất nóng nhưng nước ở các sông hồ hoặc các cơn mưa có thể làm dịu bớt sức nóng của mặt trời để duy trì một nhiệt độ chịu đựng được.

2/ Trong một gia đình, thường chồng nóng thì vợ bớt lời, tỏ ra dịu dàng hơn, để hạ bớt cơn nóng của chồng ,có thể mới duy trì được hạnh phúc.

Tất nhiên cũng có những giới hạn mà mỗi bên khi đi quá sẽ gây nên tình trạng mất quân bình đi đến những điều đáng tiếc như nắng lâu gây hạn hán, chống nóng quá vợ không ngăn nổi đi đến đổ vỡ.

2. Âm Dương song hành

Trong mọi sự vật và hiện tượng vũ trụ, âm và dương luôn song hành không rời nhau, nương dựa vào nhau, chế ngự nhau, cùng kết hợp để duy trì sự tồn tại, tăng trưởng hay hoạt động của vật.

TD: 1/ Một cái cây sống được và tăng tưởng là nhờ ở sự kết hợp của 2 yếu tố chính: nước (-) và hơi ấm (+)

2/ Muốn giáo dục một đứa trẻ, cần có sự mềm dẻo dỗ dành (-) và sự nghiêm khắc cứng rắn (+)

3/ Trong cuộc sống muốn hưởng hạnh phúc (+) ta cần phải làm việc vất vả (-).

3. Âm Dương tiêu trưởng

Khi ngày (+) hết thì đêm (-) bắt đầu. Khi đêm (-) qua thì ngày (+) lại rạng sáng. Tương tự, mùa nắng (+) qua thì mùa mưa (-) đến. Âm và Dương luân phiên nối tiếp nhau. Hễ cái này tăng đến cao điểm thì ngưng lại và giảm dần nhường chỗ cho cái kia bắt đầu. Khi giảm đến thấp nhất thì ngưng giảm, tiếp tục tăng… Cứ thế âm dương mỗi cái tiêu rồi lại trưởng, liên tục theo nhau, như ta đã thấy rõ ở ngày đêm, thời tiết, đã có chu kỳ rõ rệt. Ở các hiện tượng khác cũng vậy, nếu ta để ý theo dõi ta sẽ nhận thấy sự tiêu trưởng của mỗi sự vật, chỉ có điều là chu kỳ dài ngắn không nhất định thôi, cho nên ta không đoán trước được. Nhưng điều chắc chắn là có quy luật tiêu trưởng: Thái cực thì Bĩ lai, Bĩ cực thì Thái lai, vật cũng tắc biến, vật cực tắc phản, không có gì kéo dài mãi được, như ta thường thấy:

- Sau cơn mưa trời lại sáng

- Sau chiến tranh phải có hòa bình

- Không ai giàu 3 họ, không ai khó 3 đời

Từ quy luật này ta có thể rút ra:

* Khi nào bạn bị rơi vào cảnh khổ đến cùng cực kéo dài hết chịu đựng nỗi, bạn có thể hy vọng đón chờ sự may mắn sắp đến!

* Nhưng khi nào bạn thấy may mắn hạnh phúc đã lên đến cao độ, hãy coi chừng! Bất hạnh có thể đến với bạn! Hãy nên biết dừng lại đúng lúc, hoặc san sẻ bớt cho những người bất hạnh.

Kết luận:

1/ Mọi hiện tượng trong vũ trụ đều có thể giải thích được bằng 3 định luật căn bản về âm dương nói trên.

2/ Mọi sự vật trong vũ trụ đều do 2 mặt đối lập âm dương cấu tạo nên. Chính hai mặt đối lập ấy đã giúp nó duy trì được tình trạng quân bình tương đối.

3/ Trải qua bao biến cố tốt đẹp hay bi thảm, vũ trụ này vẫn trở lại với sự vận hành hài hòa của nó trong trật tự, kể cả những trận đại hồng thủy và những thời kỳ tái sinh của trái đất.

(Còn tiếp)

Thùy Dương

Kỳ sau: Âm Dương trong cơ thể con người

NHNG

GIÂY

PHÚT

KINH

HOÀNG

Cảnh sát trưởng Palmer, thuộc lực lượng cảnh sát Gia-nã-Đại đang bình thản ngồi uống ly cà phê đầu tiên trong ngày ở ty Cảnh Sát. Đây là một thói quen mà ông rất ưa thích. Mỗi sáng trước khi vào việc ông thường tự dành cho mình mười lăm phút để uống cà phê, phải nói rằng thành phố Richmond thuộc vùng Quebec này là một thành phố tương đối yên tĩnh hiền hòa: một vài văn phòng các đại công ty ở giữa thành phố, rất nhiều quán ăn và cửa hàng xung quanh nhà ga, phần còn lại chỉ là những căn nhà và biệt thự lớn có, nhỏ có nằm rải rác trên các đường phố xen cắt lẫn nhau. Xung quanh thành phố là cảnh đồng quê với những trang trại rộng thênh thang nằm tản mát giữa những ruộng khoai tây, thứ sản phẩm duy nhất được trồng trong khắp vùng

Vâng, Richmond đúng là thành phố lý tưởng cho một cảnh sát trưởng, miễn là đừng có ôm quá nhiều cao vọng, và đây cũng chính là trường hợp của Palmer, năm nay đã năm mươi lăm tuổi và đang chờ ngày về hưu… Công việc chính của ông ta lúc này là lo điều hành trật tự giao thông và lo tìm kiếm những người, vật đi lạc; năm thì mười họa hòa giải những vụ cãi lộn giữa lối xóm, hoặc giữa một vài kẻ đã quá chén, và chỉ có thế thôi.

Sáng hôm nay, mùng 6 tháng Mười, 1993, là một buổi sáng đẹp trời và thật êm dịu của mùa Thu; cảnh sát trưởng Palmer đang nhấm nháp ly cà phê thì bỗng thấy có tiếng điện thoại reo:

- Cảnh sát trưởng Palmer phải không? Đây là cảnh sát liên bang ở Ottawa đây.

Cảnh sát trưởng Palmer lặng người đi một chút, không thốt được lên lời… Cảnh sát liên bang: ôi chắc có điều gì quan trọng đã xảy ra…

- Ông cảnh sát trưởng ạ, đây là một việc rất khẩn cấp. Cảnh sát liên bang Mỹ đã thông báo cho chúng ta biết là tên Gordon Mac G. đã vượt biên giới vào Gia-nã-Đại đêm hôm nay. Nhân dạng của nó như sau: hai mươi hai tuổi, cao một mét tám, tóc vàng cắt đầu đinh, mặt có nhiều vết tàn nhang. Tôi gửi kèm theo đây hình của nó bằng Fax, ông hãy mang nhân bản ra rồi dán ở khắp nơi ở Richmond.

- Dán ảnh à?

- Đừng ngắt lời tôi. Tên này rất nguy hiểm. Nó đã giết ba người ở Mỹ: một người bán dụng cụ đi câu, một cô hầu bàn và một người chủ cây xăng... nó cướp của họ những món tiền nhỏ rồi bắt họ nằm úp mặt sát đất, sau đó hắn bắn mỗi người một phát đạn vào ngay sau gáy. Đây là một tên hơi điên, đang được điều trị ở một bệnh viện thì hắn trốn ra. Hắn có mang theo một khẩu súng trường nòng xoáy.

Cảnh sát trưởng Palmer đã lấy lại được sự bình tĩnh:

- Nhưng tại sao hắn lại tới Richmond này làm gì? Hắn định làm gì ở thành phố này?

- Vợ cũ của hắn ở thành phố của ông và tên là Barbara Lynch. Cô này đã trở về sống với cha mẹ sau khi ly dị với hắn. hãy cố gắng bắt giữ nó ở nhà cô ta nếu chưa quá muộn. Chúc ông may mắn ông cảnh sát trưởng nhé. Cảnh sát liên bang sẽ gửi tăng viện tới cho ông.

- Chỉ trong nháy mắt sau khi vừa bỏ điện thoại xuống, cảnh sát trưởng Palmer đã hành động mau lẹ như một tráng niên… Ông vồ lấy cuốn niên giám điện thoại và tìm số của Barbara Lynch để báo cho cô ta biết, và dặn cô ta cố gắng cầm chân hắn để chờ cảnh sát tới kịp…

- Chào cô Lynch, đây là Ty cảnh sát.

Ở đầu giây đằng kia, tiếng kẻ trả lời gần như khóc:

- Thưa ông khủng khiếp quá: Hắn đã tới rồi và muốn tôi đi theo hắn. tôi đã từ chối và hắn đã dùng súng để đe dọa tôi. Tôi đã tưởng là hắn muốn bắn chết tôi rồi. Hắn là chồng cũ của tôi, đó là…

- Tôi biết, hắn có nói với cô là hắn đi đâu không?

- Không ạ. Hắn đã vùng bỏ đi như người điên.

Cảnh sát trưởng Palmer nhìn ra ngoài cửa sổ… Sau những rặng hoa, trên bồn cỏ vườn nhà đối diện có những trẻ em đang chơi đùa. Cần phải bằng bất cứ giá nào ngăn không cho thảm cảnh xảy ra. Lần đầu tiên trong đời, cảnh sát trưởng Palmer cảm thấy nỗi sợ hãi xâm chiếm lòng mình.

Đã sáu giờ chiều và George Levin đang lái xe về nhà. Khoảng cách từ cửa hàng bán dụng cụ y khoa của chàng về đến nhà cần độ mười phút lái xe. Nhưng mười phút trong hoàn cảnh này là rất lâu, và rất nhiều nhiều truyện có thể xảy ra trong mười phút. Và dĩ nhiên là trước lúc ra về chàng đã gọi điện thoại về nhà, và được Kate cho biết là ở nhà yên ổn và nàng đã chặn kỹ càng cửa ra vào.

George Levin nhấn mạnh chân ga… Phía trên đầu chàng có tiếng máy bay trực thăng bay vù vù làm chàng cảm thấy nóng nảy hơn… Nhưng, thực ra tiếng máy bay trực thăng tuần tiễu như vậy lẽ ra phải làm chàng yên tâm hơn. Trong xe, đài phát thanh vẫn phát cùng một tin đã phát từ sáng ngày hôm nay liên quan tới tên sát nhân:

“Chúng tôi xin nhắc lại nhân dạng của tên Gordon Mac G.: cao 1.80m, mắt xanh, tóc vàng cắt đầu đinh, trên hai má có vết tàn nhang. Hắn đã hai mươi hai tuổi nhưng trông còn rất có vẻ con nít. Hắn giết người bằng cách bắt mọi người nằm úp mặt xuống đất rồi mới bắn vào gáy. Tuyệt đối không nên mở cửa cho ai vào nhà cả. Mỗi khi phát hiện dấu vết gì khác lạ, xin báo ngay cho ty cảnh sát”.

Cuối cùng, hàng rào sơn trắng của căn nhà đã ở trước mặt. George Levin nhào về phía cửa và bấm chuông theo cách thức đã định trước. Chàng thở hổn hển và mừng rỡ khi thấy cả ba mẹ con an toàn: Kate vợ chàng, và Judith, con gái chàng mười hai tuổi, và em gái nó Sandra, tám tuổi. Hai đứa nó chạy ào lại nép vào cha của chúng. Chúng sợ. Nhưng George không tìm cách trấn tĩnh chúng, chàng thấy cần phải để cho chúng tiếp tục sợ để không làm điều gì bất cẩn.

George đang chỉ cho vợ chàng cách sử dụng khẩu súng mà chàng mới mua cho nàng thì đài truyền hình bỗng cắt ngang chương trình phát sóng để thông báo:

“Sáng mai, các xe cảnh sát sẽ tới đón tất cả các em nhỏ để đưa chúng tới trường. không nên để trẻ em đi học một mình. Hãy đợi xe cảnh sát tới đón chúng tận cửa mỗi nhà”.

George Levin cảm thấy bớt lo ngại. Ngày mai Kate đã được vũ trang và hai con gái nhỏ của chàng sẽ được cảnh sát bảo vệ. Do đó, chàng ngủ được không mấy khó khăn và để khẩu súng ở trên cái bàn nhỏ cạnh giường. Sáng hôm sau khi ra khỏi nhà lúc bảy giờ, chàng cảm thấy trong lòng bớt lo lắng.

Trên đường đi, chỗ nào chàng cũng thấy có cảnh sát… Chắc là trong đêm đã có sự chi viện từ phía cảnh sát liên bang ở Ottawa. Đài phát thanh và đài truyền hình cũng không loan báo chi mới. Cuộc tìm kiếm truy lùng vẫn tiếp tục.

Cửa hàng bán dụng cụ y khoa của Levin nằm ở phía sau nhà ga, trong một khu phố tương đối vắng vẻ. Vừa bước ra khỏi xe, George đã bị một cú sốc: cửa kính ở phía trước cửa hàng đã bị đập bể. Chàng bước lại gần để xem sự bể nát như thế nào… và ngay tức khắc, chàng bỗng cảm thấy rằng lẽ ra chàng không nên bước lại gần mà phải tháo chạy ngay, ngay lúc mới trông thấy cửa kính vỡ… Nhưng, đã quá muộn. một bóng người vừa chồm lên từ phía sau một cái bàn lớn, một bóng người trên tay có một khẩu súng trường.

- Lại đây ông bạn. Và đừng hòng giở trò gì nghe!

Ngay phút đó George chỉ có một phản ứng duy nhất: nếu tên sát nhân ở đây thì Kate và hai đứa nhỏ đều được an toàn. Chàng chẳng phải là một người hùng. Và chàng biết rõ như vậy, nhưng vào lúc đó, đó là ý nghĩ duy nhất xuất hiện trong đầu chàng.

Chàng tiến về phía Gordon Mac G. bằng những bước đi của một người máy. Thằng Gordon này trông quả thật là rất trẻ, rất hơi sữa. Ta có thể coi nó như một đứa trẻ nít chơi trò cao bồi với khẩu súng dzổm mà người lớn cho nó. Nhưng mũi súng mà Mac G. đang ấn vào cạnh sườn chàng đâu phải là thứ súng cho trẻ nít chơi.

- Văn phòng của anh ở trên lầu phải không?

George chỉ còn có nước gật đầu.

- Lên trước đi, tôi đi theo sau.

Vừa vào trong văn phòng, Mac G. lại hỏi tiếp:

- Có bao nhiêu nhân viên sẽ tới làm việc?

George Levin cố gắng trả lời bình tĩnh

- Có năm người, một cô thư ký, hai người lái xe tải, một người thợ máy và một người kế toán

- Rồi, ta đợi chúng đến…

Gordon đảo mắt nhìn về phía cuối phòng.

- Này, anh là chủ nhân phải không?

Levin gật đầu nói “vâng”…

- Vậy thì lấy chìa khóa mở két tiền!

George bỗng cảm thấy một sự hụt hẫng ghê tởm. Thế này là chết tốt rồi. Kể ra thì thật khó tin, nhưng chính chàng thật sự không dễ dàng mở được cái két cũ xì của công ty, dù chàng biết rõ mã số. Chỉ có nhân viên kế toán đồng thời là thủ quỹ Ernie Collins là biết cách mở dễ dàng.

- Này anh… xin hãy tin tôi. Tôi nói thật đấy… Tôi không thạo cách mở két. Chỉ có người kế toán mở được dễ dàng. Tôi xin thề là tôi nói sự thật!

Để trả lời, Gordon Mac G. chỉa ngay mũi súng vào mặt chàng.

- Đừng, đừng, đừng có bắn! Ernie sắp tới rồi, chỉ vài phút nữa thôi. Anh ta sẽ mở được két, tôi thề rằng anh ta sẽ mở được. Trong két có rất nhiều tiền!

Mac G. nhìn chòng chọc vào chàng trong một lúc khá lâu, vẻ mặt đầy hơi sữa của hắn vậy mà lạnh như tiền. Cuối cùng, hắn phán:

- Được rồi…

George cố nén để không thở ra. Chàng đã tạm được tha mạng, ít nhất là ngay trong lúc này. Chính vào lúc này chàng trông thấy qua cửa sổ Louis và Andrew, hai người tài xế xe tải của công ty. Họ đang quan sát cửa kính bị vỡ… Giờ thì chàng thấy họ ngẩng đầu lên… và nhìn thấy chàng. Trong một khoảnh khắc, George cố dùng mắt để chuyển tải tới hai người tất cả sự hãi hùng của tình thế, trong khi miệng chàng thầm nói lên một tiếng “đừng, đừng lên” câm lặng . Nhưng hai người không hiểu nổi. Họ lấy tay ra dấu và nói một câu gì đó mà chàng không nghe được. Một lát sau cả hai người bước vào văn phòng.

- Ông chủ ơi, hình như đêm qua có trộm!

Tiếng nói vang lên từ phía sau lưng họ lạnh lùng và tàn nhẫn

- Đúng vậy. Đứng im cấm động đậy. Đứng nguyên tại chỗ.

Sau đó đến lượt người thợ và Nancy, cô thư ký, và cuối cùng là Ernie Collins, người thủ quỹ và kế toán. Trước khi anh này nắm được tình hình, tên sát nhân trẻ tuổi đã túm lấy anh ta.

- Nè, Ernie, mở ngay két sắt ra, lẹ lên!

Tới đây thảm kịch xảy ra. Bị bất thần rơi vào một tình huống khó tin mà thật, viên thủ quỹ rối trí quên khuấy mã số. Anh ta xoay ngược xoay xuôi mãi mà không tài nào mở được cái két. Đôi tay ướt đẫm mồ hôi của anh ta trơn tuột trên ổ khóa bằng kim khí. Anh ta như người mù và hoảng sợ đến mức hầu như không biết mình đang làm gì.

Lần này, Gordon Mac G. nổi nóng thực sự:

- Nếu trong một phút nữa mà mày không mở được, ta bắn mày chết ngắc.

George Levin cảm thấy cần phải can thiệp ngay ngõ hầu ngăn chặn tấm thảm kịch sắp xảy đến. Chàng tiến lại gần người thủ quỹ của mình và nói với anh ta bằng một giọng mà chàng cố gắng giữ cho được thật bình tĩnh.

- Đừng vội Ernie ạ. Cứ bình tĩnh mà làm, một phút là lâu lắm.

Người thủ quỹ nhìn chủ và gật đầu nói “vâng”. Anh ta rút khăn mùi xoa lau khô hết mồ hôi ở tay, cố gắng tập trung và tiếp tục mở két.

Khoảng ba mươi giây sau, có một tiếng tạch khẽ khàng, nhưng tất cả đều nghe thấy rất rõ, rồi thêm một tiếng tạch thứ nhì, và sau tiếng thứ ba thì cửa két được mở ra.

Gordon ra lệnh rất chính xác:

- Nè, anh là chủ, hãy cho hết tiền vào một cái túi vải và ném về phía chân tôi… Rồi, tốt! bây giờ lấy cho tôi cái kéo để ở trên bàn giấy đằng kia

George cầm cái kéo đứng im lặng trong giây lát. Lần đầu tiên Gordon Mac G. mỉm cười.

- Bây giờ, xin “ông chủ” làm phước cắt dây điện thoại hộ tôi.

Rõ ràng là hắn cảm thấy hài lòng vì đã ra lệnh bằng cách gọi Levin là “ông chủ” và dùng các từ “làm phước”, hắn thực sự hài lòng với chính hắn. hắn đảo mắt nhìn tất cả mọi người như đợi để xem phản ứng của họ. Nancy, cô thư ký, như muốn gượng cười mỉm với hắn, nhưng nàng chỉ có khả năng òa khóc.

George Levin hắng giọng.

- A… Bây giờ ông đã lấy được tiền, ông đâu còn cần đến chúng tôi. Chả nên ở đây lâu lắm…

Người trẻ tuổi không trả lời. Bằng một giọng nói đều đều hắn ra lệnh coi như là bây giờ là lúc phải ra một cái lệnh “đương nhiên” như thế này:

- Tất cả mọi người nằm úp mặt xuống đất.

Nhưng ngay lúc đó hắn lại đổi ý: nghĩ cho cùng ta muốn trói tất cả mấy người lại.

- Nè, anh chủ, trong văn phòng này có dây thừng không?

- Có, ở trong kho ở tầng trệt.

- Vậy thì chạy đi lấy đi. Nhưng ta báo trước, đừng có làm trò khỉ gì đó, nếu không, chỉ trong một phút ở đây sẽ có cả đống thây ma đấy!

Như một người mộng du, George bước ra khỏi căn phòng, xuống cầu thang, đi qua cửa hàng và đi vào nhà kho. Và chỉ đến khi cầm cuộn dây thừng trong tay chàng mới nghĩ ra… Ừ, mà đúng thật! chàng đâu còn bị mũi súng của Gordon đe dọa. Cánh cửa thì mở toang ngay trước mặt. Chàng chỉ việc thoát ra và bỏ trốn là được an toàn. Không, không bỏ trốn, đi cầu cứu: đi tìm cảnh sát chứ không bỏ trốn… Đúng vậy, chàng sẽ đi tìm cảnh sát. Mac G. đã nói “hai phút”. Trong hai phút chàng có thể tìm được một người cảnh sát và trở lại với người đó.

Đứng tần ngần một mình, trong tay có cuộn dây thừng. George Levin buồn bã lắc đầu. Không, không được. Chàng biết rõ là chàng không có đủ thì giờ, chắc chắn Gordon Mac G. sẽ bắn chết hết mấy người trước lúc chàng trở lại. Làm như vậy là chỉ tự cứu được có một mình. Và, nếu chàng bỏ trốn thì chàng sẽ phải tự thú với mình là CHÀNG LÀ MỘT THẰNG HÈN đã nỡ lòng bỏ trốn để năm người khác bị mất mạng. George đã có quyết định và chàng không nghĩ ngợi gì thêm nữa. Chàng như nghe thấy con tim mình gào lên: “Không, tôi không thể làm như vậy!”

Trở lại cái cầu thang, chàng phải làm một cố gắng lớn mỗi khi bước lên một nấc, trong lúc đó chàng vẫn cố gắng tự tạo cho mình lý do để hy vọng. Có lẽ chưa đến nỗi hoàn toàn tuyệt vọng. Mac G. chưa hề bao giờ trói các nạn nhân của hắn. Lần này hắn đòi trói, chắc là hắn muốn tha mạng cho họ. Hơn nữa trói năm người cũng mất khá nhiều thời giờ, rất có thể có viên cảnh sát nào trông thấy cửa kính bị đập vỡ và vào để tìm hiểu.

George rùng mình khi trở lại đứng trước mặt tên sát nhân ranh con. Trong lúc đợi chàng quay trở lại, hắn đã bắt tất cả mọi người nằm úp mặt xuống sàn nhà.

- Anh đi lâu dữ ha! Nào, lẹ lên, chính anh sẽ tự tay trói họ lại. Mấy người nằm cho im nghe không!

Người đầu tiên bị trói là Nancy, cô thư ký. Vừa trói. George vừa tự nhủ liên tục: “hãy còn một tia hy vọng, hãy còn một tia hy vọng…”

Gordon ra lệnh ngắn gọn.

- Đứng lui ra.

Hắn bước lại gần cô thư ký.

- Nè, thắt thế này mà mày gọi là thắt nút à? Thắt lại ngay đi, và nếu mày còn tiếp tục thắt như vậy, ta bắn con nhỏ chết luôn!

Lòng đau điếng, nhưng George vẫn phải tháo ra và thắt chặt lại cái nút. Chàng bước sang trói người thứ nhì. Trong đầu chàng luôn luôn lởn vởn cùng một ý nghĩ: “Nếu hắn muốn trói chúng ta, chắc là hắn không muốn giết chúng ta.”

George tiếp tục làm việc trói các đồng sự, chàng nằm bò ra sàn, cắt dây thừng và thắt nút một cách vụng về. Trong phòng không ai dámnho nhoe gì cả; tất cả đều im lặng như tờ. chàng cảm thấy như có những tiếng rung nhẹ ở ngay dưới ngực chàng, và phải mất một lúc chàng mới hiểu ra rằng đó là tiếng đập mạnh của các quả tim các bạn đồng sự của mình, kể cả tiếng đập của tim chàng nữa.

Tiếng nói của Gordon Mac G. vang lên, lần này thật tàn nhẫn:

- Hãy thắt thật chặt đừng sợ chúng đau, vì có đau cũng chẳng ĐAU BAO LÂU NỮA!

George Levin bỗng cảm thấy đau nhói ở bụng, và chàng cũng thấy rõ các người bạn của mình cứng người ra vì sợ. Lần này, thế là hết. Mac G. đã lộ rõ dã tâm: hắn sẽ giết tất cả, từng người một, như giết thỏ.

Không, không thể thế này được! Phải làm một cái gì, một cái gì… Phải làm một cái gì, bất cứ cái gì, vì, nếu không thì chính chàng, và tất cả các bạn chàng đều coi như tiêu. Gordon đang ngồi trên một chiếc ghế, khẩu súng trường hắn để ở giữa hai đùi. George đã để ý thấy rằng mỗi khi chàng ngồi sụp xuống để trói các bạn chàng thì MŨI SÚNG CỦA GORDON NẰM CAO HƠN ĐỈNH ĐẦU CỦA CHÀNG MỘT CHÚT.

Tới lúc này chàng đã trói xong ba người. Mà người thứ tư, Andrew, một trong hai người lái xe tải, lại nằm ngay ở trước mặt Mac G., chỉ cách hắn độ hai thước… Chàng sẽ cúi xuống chổ Andrew nằm dài, rồi sẽ bật người nhào xuống dưới khẩu súng, nắm lấy mũi súng và hất mũi súng lên phía trần nhà. Nói dại hắn có kịp bóp cò thì cũng sẽ chỉ là một phát súng chỉ thiên…

George Levin cúi xuống trên thân hình của Andrew… Tay chàng cầm một đoạn thừng làm như là sắp trói. Tim chàng đập mạnh quá khiến chàng buộc lòng phải chờ đợi vài giây… “Hãy bình tĩnh George, hãy bình tĩnh. Không được nhìn Mac G. , vì nếu nhìn nó sẽ nghi. Hãy làm ra vẻ bận rộn trói để nó không nghi ngờ gì… Rồi… Nào!”

George đã nhào lại. Mac G. đã bóp cò, nhưng đúng như dự đoán, viên đạn bay lên trời. Giờ đây George đã đè được lên người hắn. Tay trái chàng nắm họng súng đưa lên trời, tay phải chàng cố dùng hết sức đấm lia lịa vào cằm tên khốn kiếp. Andrew và Ernie, chưa bị trói, cũng đã vùng dậy và xông vào. Thế là xong…

Năm phút sau cảnh sát trưởng Palmer đã có mặt với một đại đội cảnh sát.

Trong lúc Gordon Mac G., nét mặt vẫn chưa hết vẻ ngạc nhiên, bị giải đi, George Levin chỉ nhẹ nhàng nói với ông cảnh sát trưởng: “Thôi tôi về đây. Tôi về để báo cho vợ tôi biết là nàng không còn cần tới khẩu súng sáu nữa.”

VŨ ANH TUẤN dịch

một truyện của P. Bellemare

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế