Hiện có 11 người xem / 2520108 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 15/02/2014

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY

Như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách một cũ và một mới. Cuốn sách cũ bằng Pháp văn mang tựa đề là “Ở Viễn Đông” (En Extrême-Orient) được xuất bản năm 1913 (101 năm trước), của một tu sĩ tên là Nain. Ông này viết về những cảm tưởng và những kỷ niệm của ông qua một chuyến đi thoạt đầu từ Marseille tới Singapore qua Port Said, Djibouti và Colombo; rồi từ Singapore ông tới bán đảo Malacca (Mã Lai) và sau đó là tới Nam Kỳ (Cochinchine) mà ông dành cho 61 trang trong tổng số 238 trang của sách. Một điều đặc biệt là cuốn sách có bài giới thiệu ở đầu sách được viết bởi Đức Giám Mục Saigon Lucien Mossard. Người viết có được cuốn sách này là do anh bạn Trung Thương Gia mang từ Pháp về. Lúc đầu anh đòi người viết tới 250 đô mẽo, nhưng sau khi nghe người viết điều trần cặn kẽ là sách bằng tiếng Pha lang sa lúc này cực kỳ khó tiêu thụ, anh đã chấp nhận để lại cho người viết với giá chỉ còn vỏn vẹn 100 đô mẽo, và người viết đã mua vì nghĩ rằng không phải lúc nào cũng có sẵn những cuốn sách đã cả trăm tuổi. Tác giả đã có những cảm tưởng rất tốt và thân thiện với Nam Kỳ và trong 61 trang sách ông có kèm theo 14 phụ bản vẽ bằng bút sắt rất đẹp. Riêng người viết đánh giá rất cao bài viết giới thiệu của Đức Giám Mục Mossard, vì nó chứng tỏ Ngài đã đọc rất kỹ tác phẩm và phân tích rất ư là văn học.

Cuốn thứ hai bẳng Việt văn mang tựa đề là “Những Con Ngựa Thồ” của tác giả Hoàng Thúy Toàn, trước là Giám Đốc Trung Tâm Văn Hóa Ngôn Ngữ Đông Tây, và là một cuốn sách về chuyên đề dịch thuật ở nước ta. Sách do tác giả gửi từ Hà Nội vào tặng cho Dịch giả Vũ Anh Tuấn và bên trong có nhắc tới tới một vài tác phẩm mà ông đã dịch như Thời Gian và Biển Khơi (Time and the Sea), Ngọa Vân Yên Tử (Poetic Clouds of Yên Tử), Trinh Thiêng (Virginal and Sacred) vân… vân… Trong khi giới thiệu cuốn sách cổ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã mời các thành viên xem những minh họa 100 tuổi bằng bút sắt thật đẹp.

Sau phần giới thiệu sách của Dich giả Vũ Anh Tuấn, anh Lê Hùng Dương đã cho các thành viên xem một bản photocopy một cuốn sách rất hiếm mà một người bạn của anh ở Pháp gửi về cho anh, đó là một cuốn sách phóng tác của Lâm Nhân mang tựa đề là Trận Giặc Trẻ Con mà tác giả cho biết là phóng tác theo tác phẩm “La Guerre des Gosses”, nhưng trên thực tế thì chưa ai nghe thấy nói về tác phẩm có tên như thế này mà mọi người chỉ biết là có tác phẩm “La Guerre des Boutons” rất nổi tiếng của một thầy giáo làng (instituteur) tên là Louis Pergaud (1882-1915) mà thôi.

Tiếp lời anh Dương, anh Phạm Vũ có lên đưa ra một vài nhận xét về từ Cochinchine, và sau đó có nói chuyện về Viện Trần Nhân Tông vừa được thành lập tại Đại Học Harvard ở Mỹ.

Sau khi anh Phạm Vũ nói xong, anh Hữu có lên ngâm tặng các thành viên bài thơ Em Về rất đễ thương.

Tiếp theo đó anh Lê Nguyên có lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ anh đã viết 15 năm trước và vừa hát vừa đàn tặng các thành viên bài hát “Lẵng Hoa Em Trao” bẳng giọng ca rất mùi mẫn của anh.

Anh Lê Nguyên ca xong, anh Lê Minh Chử lên nói về công đức của cụ Nguyễn Du và hát thơ tặng các thành viên mấy chục câu “Đố Kiều” rất hấp dẫn và mới lạ.

Tiếp lời anh Chử, bà Thùy Dương có lên nói mấy chuyện vui về việc các dịch giả ngoại quốc bày đặt dịch Việt ra Anh và dịch sai, ví dụ hai chữ “thiếu thời” được dịch thành “lack time”, hoặc “khôn ngăn được giọt lệ” được dịch thành “wisdom blocks emotion”…

Buổi họp khá hào hứng kết thúc lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày.

Vũ Thư Hữu


CUỐN “THỔ PHỈ VÀ PHIẾN LOẠN Ở BẮC KỲ”

(PIRATES ET REBELLES AU TONKIN)

Binh sĩ của chúng ta ở Yên-Thế

(Nos soldats au Yên-Thế)

Cuốn này tôi có được cũng là do ông bạn trung thương gia mang từ Pháp về, thoạt đầu ông ta cũng đòi giá trên trời dưới biển, nên tôi đã để ông chào khắp nơi, và đúng như tôi dự đoán, sau khi không thấy ai dám ôm, ông trở lại và để cho tôi có 100 đô mẽo. Tôi tuy không thích lắm vì sách chỉ có vài minh họa và vài tấm bản đồ tổng cộng có 11 thứ, nhưng tôi vẫn mua vì dù sao thì cũng là một “cụ sách” 122 tuổi (1892), và hai triệu đô mít thì lúc này cũng chẳng ghê gớm gì, ai cũng có thể có, nhưng một cuốn sách 122 năm tuổi thì không phải lúc nào cũng có được.

Có cuốn sách trong tay, tôi dành ngay cho nó 3 giờ đồng hồ để du hành qua sách và thấy nó cũng không dở và là cả một kho tài liệu cho những nhà nghiên cứu lịch sử nghiên cứu cuộc khởi nghĩa của Đề Thám. Tác giả là một Đại Tá Pháp tên là Frey(*). Vì là một quân nhân và sĩ quan cao cấp, ông ta viết một cách rất là nhà binh và mô tả rất chi tiết địa hình, địa thế vùng Yên Thế và nghĩa quân của Đề Thám, và vì lý do này, sách rất tốt cho những ai nghiên cứu về cuộc nổi dậy của Đề Thám. Vài chục năm trước tôi cũng đã có lần đọc mấy cuốn sách về cuộc đời ly kỳ hấp dẫn của Đề Thám – Hoàng Hoa Thám (1862-1913) và còn nhớ mãi mấy câu thơ trường phái Thiên Cữu dưới đây:

Ở đây là đất ông Đề,

Tây lên thì có, Tây về thì không.

Thăm ông chỉ có câu này:

Thề cùng giặc Pháp có mày không tao.

Cuốn sách này khổ 12x18 và dày 351 trang, chủ yếu là nói về cuộc chiến giữa Galliéni và Đề Thám và gồm 1 phần Dẫn nhập và 4 chương như dưới đây:

Chương 1.- Nói về Yên Thế từ trang 1 tới trang 38

Chương 2.- Nói về Thổ Phỉ ở Bắc Kỳ từ trang 39 tới trang 106

Chương 3.- Nói về các chiến dịch ở Yên Thế trong những

năm 1890 và 1891 từ trang 107 tới trang 290

Chương 4.- Kết luận từ trang 291 tới trang 304

Ngoài ra còn có 3 phần Phụ trương:

Phần 1.- Nói về chi tiết cuộc hành quân ngày 6 tháng 1, 1890 chống lại các toán quân của Cao Thương và Lược Hà từ trang 305 tới trang 315

Phần 2.- Nói về các chi tiết về ba đạo quân và những chỉ thị đặc biệt của Đại Tá chỉ huy trưởng từ trang 316 tới trang 320

Phần 3.- Nói về diễn tiến các cuộc hành quân từ trang 321 tới trang 350.

Cuốn sách này chỉ có duy nhất một yếu điểm là không có nhiều minh họa như phần lớn các sách về Đông Dương khác, tuy nhiên nó vẫn cung cấp rất nhiều tài liệu cho những ai quan tâm nghiên cứu về cuộc đời cực kỳ ly kỳ và ba chìm bẩy nổi, nhưng cũng cực kỳ hùng tráng và ái quốc của Hùm Thiêng Yên Thế cho tới năm 1913 khi ông bị ba tên ba tàu ám sát chết…

Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI

Anh Tuấn

(*) FREY (Henri-Nicolas) sinh năm 1847, có sang Bắc Kỳ và có tham gia những trận đánh ở Yên Thế hồi năm 1890, năm 1893 được thăng Thiếu Tướng và năm 1900 được thăng Trung Tướng. Đã viết tất cả 7 cuốn sách về Việt Nam.

KỶ NIỆM 119 NĂM NGÀY SINH

Á NAM TRẦN TUẤN KHẢI

(1895-1983)

Sáng ngày 22/2/2014 tại Á Nam Lưu niệm đường, số 58/4 đường số 27, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp.HCM đã diễn ra lễ kỷ niệm 119 năm ngày sinh và 31 năm ngày mất của nhà thơ Á Nam Trần Tuấn Khải do con gái của Cụ Á Nam, nhà thơ Lan Hinh, tổ chức.

Ngay từ 8g30 giờ sáng đã đông đủ mọi người tới dự, họ là những nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, là giáo viên, học sinh… và đủ mọi lứa tuổi. Ngồi phía trước là nhà văn Vũ Hạnh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhà văn Trần Mạnh Hảo còn kia là nhà nghiên cứu văn học Ths. Lê Hồng Sơn, Ths. Phan Mạnh Hùng còn đây nhà báo Thu Dịu, nhà sưu tầm, dịch giả Vũ Anh Tuấn và thầy cô giáo cùng học sinh trường Ngô Chí Quốc… tất cả hơn 100 người mến mộ Chí sĩ Á Nam đã đến để chia sẻ tình cảm đối với ông, một nhà thơ có tấm lòng yêu nước nhiệt thành và có nhiều bài thơ đi vào di sản của thơ ca Việt Nam hiện đại.

Đến 9g các vị khách theo sự hướng dẫn của nhà thơ Lan Hinh lần lượt dâng hương tại bàn thờ Cụ Á Nam trong nhà lưu niệm. Sau đó mọi người tập trung nơi láng lá dừa giữa khu lưu niệm để tiến hành buổi tọa đàm và giao lưu.

Nhà thơ Lan Hinh, con gái Á Nam khai mạc buổi lễ

Sau phần giới thiệu thân thế sự nghiệp của Á Nam, các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động văn hóa đã chia sẻ những tình cảm, những cảm nhận, những suy nghĩ của mình về sự nghiệp thơ ca của Á Nam bằng những tình cảm trân trọng nhưng đầm ấm. Mọi người đều nhận định thơ của ông luôn nói về tình yêu quê hương đất nước, thổn thức trước cảnh nước mất gia đình lìa tan. Bên cạnh đó thơ ông cũng ca ngợi tình cha con, nghĩa vợ chồng, tình làng nghĩa xóm, lòng thủy chung, tình nhân ái... đó là nếp sống, là truyền thống đạo đức của dân tộc. Đặc biệt nhiều người nói thơ của Á Nam đã đi vào kho tàng văn vần dân gian trở thành phong dao đặc sắc, như:

Rủ nhau xuống bể tìm cua,

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

Em ơi, chua ngọt đã từng!

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

hay:

Anh đi anh nhớ quê nhà,

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương.

Nhớ ai dãi nắng dầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!

Chương trình ngâm thơ và hát các bài thơ của ông như “Gánh nước đêm, Tiễn chân anh Khóa, Mong anh Khóa, Tráng sĩ hành…” được xen kẽ trong chương trình làm không khí thêm vui vẻ và chân tình.

Gần cuối chương trình là phần trao giải thưởng Á nam Trần Tuấn Khải cho học sinh trường THCS Ngô Chí Quốc. Sau đó chương trình ca hát ngâm thơ các thi phẩm của Á nam còn tiếp tục đến hơn 12g.

Mọi người luyến tiếc ra về và hẹn nhau gặp lại vào dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh của ông.

Nhận lời mời của nhà thơ Lan Hinh, ông Phạm Thế Cường và ông Phạm Vũ thay mặt CLB đến dự và cuối buổi lễ đã xin phép gia đình vào năm 2015 CLB Nguyễn Huy Tưởng sẽ tổ chức tọa đàm và giới thiệu sự nghiệp văn học và cuộc đời hoạt động xã hội không mệt mỏi của Chí sĩ Á Nam Trần Tuấn Khải và đã được sự ủng hộ của bà Lan Hinh, con gái của Cụ Á Nam.

Phạm Thế Cường



CÓ MỘT CUỐN SÁCH NHƯ THẾ ĐÓ

QUYỂN HẠ

(TAM TẬP) 

HƯƠNG THÁNH KINH

(Tiếp theo)

28. Báo Phụ nữ số 16 từ 10-20/10/95, trang quảng cáo sữa Frisomel: "Cho con, Thiên thần của mẹ".

29. Báo KTNN Xuân Ất Hợi 1995: "Chuyến đi 1994" có đoạn viết về quần đảo Bermuda ở Đại Tây dương, thuộc địa Anh thế kỷ 19, đảo lớn nhất Bermuda 53km2 do ông Peter Martur vẽ bản đồ và đóng mộc Tây Ban Nha 1503, có in kèm hình một Nhà thờ trên đảo (Trần Bạch Đằng).

30. Báo KTNN số 196 ngày 1/1/1996, chuyên mục Chuyện Đông Chuyện Tây do học giả An Chi phụ trách, ông có bài trả lời độc giả Bùi Văn Liễu (Bình Thạnh, Tp.HCM): "Xin cho biết lịch sử việc chia ngày thành giờ của phương Tây và phương Đông" – Trả lời: Paul Couderc đã viết như sau: "…Các dân tộc cổ xưa chỉ chia ngày ra thành một ít phần… Sáng Thế Ký (trong Kinh Thánh Cựu Ước), các thi phẩm của Hésiode chỉ phân biệt có buổi chiều và buổi sáng".

31. Báo Phụ Nữ số 5 từ 1/3–10/3/96: "Ngôi nhà hạnh phúc của các Thiên thần nhỏ!", giới thiệu trường Mầm Non Thực Hành 19/5, trường tiên tiến cấp thành phố trong nhiều năm (Thảo Sương).

32. Báo Phụ Nữ số 2 ngày 14/4/1996, truyện: "Nước mắt Thiên thần" (Thẩm Lôi, Trung Quốc – dịch giả Thái Nguyễn Bách Liên).

33. Báo KTNN số 209 ngày 10/5/96:

* Mục Chuyện Đông Chuyện Tây, An Chi phụ trách. Ông Nguyễn Văn Đời, quận 3 Tp.HCM: "Xin cho biết danh sách 12 vị Thánh Tông Đồ của Chúa Giêsu, có phải 2 vị tên Jacques và 2 vị tên Simon?". An Chi đã trích 4 Tin Mừng ra để trả lời…

* Trang 3 và 55: Nhà thơ Vũ Đình Liên và họa sĩ Hoàng Lập Ngôn năm 1942 tiễn "Xe hoa" của Hoàng Lập Ngôn vào Nam, Vũ Đình Liên có mấy câu thơ :

Lững thững đường quê vó ngựa lành

Say mầu cỏ lục ánh trời xanh

Bút hoa mầu nhiệm chờ linh hứng

Mỗi nét đan thanh một nét tình

(Hoàng Lập Ngôn, họa sĩ Đông Dương)

§ Mầu nhiệm, linh hứng: từ chuyên môn của Thánh Kinh.

34. Báo Phụ Nữ số 34 ngày 24/11/96 có bài "Vườn Địa đàng không có đàn ông" (Ánh Xuân).

35. Báo Phụ Nữ số 36 ngày 8/12/96 :

* Trang 23 quảng cáo "Đồ chơi Giáng Sinh" (Hữu Phúc).

* Trang 26: "Giáng Sinh ngọt ngào", giới thiệu một số bánh Giáng Sinh (Thanh Tuyền).

36. Báo Phụ nữ số 37 ngày 15/12/96:

* Trang 20 quảng cáo Merry Christmas – Happy New Year, mùa Giáng Sinh luôn mang lại cảm giác náo nức, hồi hộp qua không khí nhộn nhịp đón mừng. Các em bé mong đợi ông già Noël mang lại những món quà hằng ao ước.

* Trang 23 giới thiệu: Hàng Noël năm nay giá bao nhiêu? Vừa là thiệp chúc mừng vừa là đồ chơi, chuông nhạc, chuông Giáng Sinh bằng gốm.

* Trang 25: Để đẹp hơn trong mùa Giáng Sinh (giới thiệu mỹ phẩm).

* Trang 26: Tự gói quà Giáng Sinh (B.Nga, G.Trúc).

* Trang 31: "Bữa ăn truyền thống đêm Giáng Sinh ở châu Âu"

(Mỹ Dung).

37. Báo Phụ nữ số 38 ngày 22/12/96: "Cho đêm Giáng Sinh thêm đẹp" (Giang Trúc).

* Trang 10: "Nguồn gốc cây Noël – Những tấm thiệp đầu tiên" (Hoàng Nghĩa).

* "Bạn mua sắm gì cho lễ nửa đêm Giáng Sinh?" (P.V).

38. Báo Phụ nữ số 39 ngày 29/12/96: "Noël với người Hà Nội" (Kim Hoa).

* Trang 29 – Tội lỗi: "Lẽ ra đời Salieri đã rẽ sang lối khác, nếu như Chúa không bắt cha của Salieri phải chết thình lình giữa bữa ăn… Thế nhưng, cha của Salieri đúng là quỷ Satan… Vì thế cậu nhìn lên tượng Chúa, cầu nguyện rằng: Chúa ơi, con xin dâng hiến tất cả cuộc đời con, tấm lòng trinh bạch của con để phụng sự Chúa…" (Thường Hằng).

39. Báo Phụ nữ số 6 ngày 16/2/97, trang 23 mục thời trang: Áo cưới Đức Hùng – Để những cô dâu đẹp tựa Thiên thần.

40. Báo Phụ nữ số 7 ngày 23/2/97: "Nạn quỷ ám lây lan trong giới trẻ", "Cha Pacipique Schneider ở Strasbourg cho biết: Sau khi cầu nguyện cùng người bệnh, tôi gởi người ấy sang bác sĩ tâm thần để loại trừ những suy yếu tinh thần… Cần phân biệt những kẻ bị quỷ ám với những người bị ám ảnh"

(Thanh Liêm).

§ Trong Tân Ước nhiều lần Chúa trừ quỷ cho những người bị nó ám: "Người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Chúa Giêsu… Người đã khử trừ" (Mt 8,16).

41. Báo Phụ nữ số 16 ngày 27/4/97, mục Nhỏ to tâm sự: "TT. tâm sự quen D., sống như vợ chồng nhưng chưa cưới. Thời gian sau đi làm xa gặp P. quá kiên trì cưa cẩm, TT. ngã vào vòng tay P. dần quên D. rồi có thai với P. Nhưng P. không cưới. TT. tự ái chia tay P. về với D., nhưng sau 2 năm thì D. bị tai nạn chết. TT. muốn thú thật với P. nhưng sợ tủi vong linh D., đàng khác lại không muốn có con thiếu cha". Trả lời TT.: "Cái gì của César trả lại César" (Mt 22,21).

42. Báo Phụ nữ số 17 ngày 4/5/97, trang 23 – Vụ án Thiên thần gẫy cánh: "Jonbenet Ramsey trong trí tưởng tượng của hàng triệu người Mỹ là một Thiên thần nhỏ tuổi tinh khiết như thủy tinh, 6 tuổi cô bé đã là hoa hậu thiếu nhi, một người mẫu quen thuộc của các tạp chí về thiếu nhi…" (cô bé đã bị bắt cóc và bị sát hại).

43. Báo Phụ nữ số 36 ngày 14/9/97: "MonacoThiên đường của các ngôi sao" (Tam Quế).

44. Báo Phụ nữ số 47 ngày 30/11/97: "Internet – Thiên đường sáng tạo cho trẻ" (Giang Ánh).

45. Báo Phụ nữ Chúa nhật số 51 ngày 28/12/97: Ông già Noël là người… ngoài trái đất (!)" (Huyền Sương).

46. Báo Phụ nữ Chúa nhật số 50 ngày 21/12/97:

ü Vài món ăn cho đêm Giáng Sinh (Nhuận Hạnh – Quỳnh Chi).

ü Ông già Noël, niềm hy vọng cho trẻ thơ (Hải Âu).

ü Ông giả Noël đến nhà tôi! (Nguyễn Tri Tâm).

ü Christmas và… gì nữa ?

ü Tại sao Christmas lại viết tắt là Xmas?

ü Silent Night (Đêm thánh vô cùng), bài thánh ca nổi tiếng có nguồn gốc rất ngẫu nhiên.

ü Tấm thiệp Giáng Sinh đầu tiên là của một họa sĩ Luân Đôn: John Horsley.

ü Cây Giáng Sinh có căn nguyên từ việc "dâng cây" để tỏ lòng ngưỡng mộ ông Trời của người Scandinavi cổ.

(Đông Quân, theo báo nước ngoài)

47. Báo Phụ nữ số 48 ngày 7/12/97, bài thơ Cầu Nguyện:

"Ngày tôi cất tiếng chào đời

Cha tôi ra trận…

Mẹ tôi kể

Về khuya

Thiên sứ hay đi tuần

Mong sao

Lời não nùng được tâu lên Thượng Đế…

Thiên sứ ơi

Có đi tuần giờ này

Xin cúi xuống đây

Lượm cho hết tiếng thở dài của mẹ… "

(Dư Thị Hoàn)

48. Báo Phụ nữ số 49 ngày 14/12/97, giới thiệu cách trang trí Giáng Sinh tại nhà: "Đêm thánh vô cùng…" – Mùa Giáng Sinh là một cuộc họp mặt với nhạc Noël sẽ mang lại không khí đặc biệt… cây thông Noël, trái châu ngôi sao, gói quà tặng bé, kết hoa trên nón… (Ngọc Mai).

49. Báo Phụ nữ số 39 ngày 11/10/98, trang 4 phóng sự: "Những đứa con hoang đàng" của Trường Kiên.

§ Dư âm: dụ ngôn "Đứa con hoang đàng" của Phúc Âm

(Lc 15,11-32).

Lm. Jos.Nguyễn Hữu Triết

(Còn tiếp)


Phụ Bản I

CÓ CẦN PHẢI

“ĐI” MỚI “TU” ĐƯỢC?

Cũng phải công nhận sức lan tỏa của Đạo Phật, và cũng phải nhìn nhận là người tu Phật thời này đã không còn bị tiếng oan, bởi có một thời mà người ta thấy những người đi tu không vì mục đích cao cả, mà bởi những vướng mắc riêng tư, như trường hợp một số người khi tình yêu tốt đẹp thì không sao, lúc bị tình phụ thì bắt chước Thi Hào Nguyễn Du, cho rằng “Tu là cội phúc, tình là dây oan”, vô Chùa, mượn tiếng chuông, mõ để tìm quên. LAN trong tuồng cải lương LAN VÀ ĐIỆP được chuyển thể từ tiểu thuyết Tắt Lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan cũng góp phần “sướt mướt hóa” cho việc “đi tu” khi bị Điệp phụ tình! Nhiều người do hoàn cảnh bất đắc chí cũng “mượn Cửa Thiền” để nương thân. Thậm có người không lấy được người mình yêu bèn cay đắng: “Củi đậu nấu đậu ra dầu. Cưới em không được cạo đầu đi tu”! Rồi thì người bị vợ bỏ, chồng bỏ, bế tắc trong cuộc sống, trốn nợ, cũng… đi tu. Nói chung, người ta xem cửa Chùa như một nơi để trốn đời. Những người đi tu thường được cho là “Chán đời”. Cũng chính vì vậy mà nhiều người đã méo mó, thấy những người còn trẻ mà Xuất Gia là họ nghĩ tới những kẻ thất tình! Nhưng thời này thì đã khác. Rất nhiều người, tuổi trẻ, học giỏi, tài cao, tương lai đang rộng mở..., nhưng nghe giảng về Đức Phật, quá mến mộ mà sẵn sàng bỏ hết tất cả, “Xuất Gia đầu Phật” để cống hiến cuộc đời phụng sự Đạo Pháp. Trong đó cũng kèm theo một số thấy cuộc sống khó khăn quá, đi tu thì chỉ cần hy sinh quần áo, đầu tóc, chịu khó học Kinh, kệ mà đỡ mất công vất vả mưu sinh, và một số những em chưa biết gì cũng vô Chùa tu từ bé, vì người lớn cho là những trẻ con chưa biết mùi đời thì dễ tu hành tiến bộ hơn!

Để tu hành, mọi người nương theo hình thức từ xưa, đều “LY GIA, CẮT ÁI”, cho giống Đức Thích Ca ngày trước, nhờ bỏ hết tất cả, từ Ngai Vàng cho tới vợ đẹp, con xinh, mà tu hành đắc đạo, Thành Phật. Vì thế, không chỉ bao nhiêu thế hệ qua, mà cho đến tận bây giờ, mọi người đều cho rằng người muốn tu hành thì nhất định phải tìm một Chùa nào đó, vô “tu ”mới được.

Mục đích “Thoát kiếp trầm luân” không biết có đạt được hay không. Nhưng từ lúc bước vào Cửa Chùa là kể như đặt dấu chấm hết cho một con người đối với cuộc đời. Thậm chí có người đang vợ, chồng, con cái đề huề cũng bỏ tất cả cho người ở lại, làm sao thì làm, xoay xở thế nào với con cái thì mặc, để đi tu, có khi không cần sự đồng ý của nửa kia! Việc cương quyết rời bỏ cuộc đời để “đi tu” của ai đó, đã để lại ray rứt cho người ở lại được bộc lộ qua Thơ:

Bao năm gặp gỡ tình cờ.

Kết thành chồng vợ bất ngờ chia tay.

Em theo đệ tử Như Lai.

Mượn lời Phật dạy kinh tài lợi danh”.

Cuộc sống của một người tu luôn gắn liền với Kinh, Kệ. Vì đó là công phu hàng ngày. Có lẽ sau đó, nhiều lần trong đêm, nhà thơ thất tình đã đứng bên ngoài Ngôi Chùa nơi có người yêu đang tụng Kinh mà lòng đau đớn:

“Sương khuya bao phủ Chùa quê.

Nghe em tụng niệm não nề tiếng chuông

Nhưng đôi lúc nhà thơ cũng tự hỏi:

Tạ từ hạnh phúc vợ chồng

Em tu mấy kiếp thoát vòng trầm luân?

(Hiền Nhân)

Sự lựa chọn con đường tu - như mọi người vẫn nghĩ - là phải xa rời cuộc sống, chôn vùi tuổi thanh xuân, như thực tế vẫn diễn ra - nên có người đã tiếc nuối:

Tiếc thay hương sắc trời trao

Sao em lại nỡ chôn vào âm u

Lẽ nào em chọn đường tu

Để mùa Xuân nhớ, mùa Thu… ngậm ngùi!

(Vũ Đình Huy)

Có cần phải “bi thảm hóa” việc Tu Phật. Đi tu là kể như chấm dứt cuộc đời? Có cần nhất định phải xa rời cha, mẹ, vợ, chồng, con, cái, bỏ hết việc đời mới có thể TU HÀNH? Có thật Đạo Phật đào tạo ra lớp người tu hành hoàn toàn xa rời cuộc đời? Chẳng lẽ Đức Thích Ca bày ra việc tu hành cay nghiệt, để người muốn tu thì không được yêu, không được có vợ chồng như mọi người bình thường? Người đang yêu phải bỏ nhau. Vợ, chồng đang cùng chia trách nhiệm với con cái. Người đang học hành giỏi giang, thành đạt trong cuộc sống, có nghề nghiệp chân chính, có thể giúp xã hội, giúp đời… mà muốn tu cũng phải rũ áo ra đi thì mới TU được? Có thể nào vẫn giữ nguyên nếp sống thường nhật, mà vẫn tu hành, thành tựu hay không? Nếu ta cũng mến mộ Đạo Phật, muốn Tu, nhưng còn nhiều ràng buộc thì có cách nào mà không cần những hình thức như thế mà vẫn có thể TU được không?

Nếu nhìn một cách phiến diện, hoặc đọc Kinh một cách hời hợt thì chúng ta sẽ theo văn tự mà kết luận là muốn tu hành là nhất định phải Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y. Hình ảnh người tu với đầu tròn, áo vuông, lúc nào cũng giữ Tứ oai nghi. Từng bước chân cũng phải chậm rãi. Mắt không được liếc ngó ngang dọc. Thậm chí cả ý nghĩ cũng phải kềm giữ nếu không muốn bị “Thất Niệm” làm cho nhiều người rất ngưỡng mộ. Cuộc sống của người tu thật không phải dễ, vì phải giữ hàng mấy trăm Giới. Ăn uống cũng kham khổ, chỉ được ăn tương, chao, rau, đậu gọi là Ăn Chay. Y Phục thì chỉ một màu Nâu, hay Vàng. Tất cả những việc đời không được tham gia. Trước kia họ làm gì hay học gì đều phải bỏ hết. Từ lúc vào TU là sống sau khung cửa chùa, trong một thế giới tách biệt với người đời để thờ Phật một cách chuyên cần. Ngày mấy thời Ngồi Thiền, Tụng Kinh, Niệm Phật, học pháp và giảng Đạo, lôi kéo thêm nhiều người Quy Y để thờ Phật cầu xin “được Độ”. Họ sống kham khổ một đời như thế để mong lúc chết thì Phật sẽ rước về Tây Phương Cực Lạc.

Nhưng Tu thật sự là gì? Tu để được gì? Tu phải làm gì? Làm sao biết mình đang tu đúng Chánh Pháp hay không? Đó là những câu hỏi mà tôi phải để khá nhiều năm, bỏ tất cả mọi việc, dùng gần như toàn bộ thì giờ để tra cứu trong nhiều Bộ Chính Kinh để tìm cho ra câu trả lời cho mình. Tôi đã đọc thật kỹ hầu hết những Bộ Kinh lớn và thêm một số Kinh khác, thuộc hệ thống Đại Thừa. Chưa kể những tài liệu Đạo nào có liên quan mà tôi thấy cần. Cuối cùng cũng khám phá ra được là TU hành theo Đạo Phật thật ra không hề phức tạp, không đòi hỏi hình tướng, không nhất thiết phải kềm từng bước chân, từng ánh mắt, từng suy nghĩ... như những gì mọi người đã chấp lầm văn tự. Xin trình bày ra đây, hy vọng tháo gỡ cho những ai có thắc mắc tương tự. Mong rằng từ đây những hiểu lầm về công việc tu hành sẽ không còn nữa, để ai chấp nhận lý thuyết của Đạo Phật đều có thể Tự Tu, Tự Chứng, vẫn có quyền giữ nguyên nếp sống thường nhật, không cần hình tướng hỗ trợ. Vẫn làm tròn trách nhiệm của một con người đối với xã hội, cuộc đời, mà vẫn không xa rời Đạo Pháp.

Cũng nhờ may mắn gặp được Chân Sư, chỉ cho tôi đường lối tu hành theo Nhất Thừa, và ông không hề áp đặt, mà luôn bảo những người theo học là không nên tin ông, mọi thứ cần mở Kinh để kiểm chứng để “tìm tương kiến tương đồng”. Vì thế, suốt quá trình tu học, tôi luôn mở Kinh ra phối kiểm, cuối cùng cũng rút ra được một kết luận: TU CHỈ CÓ MỘT NGHĨA LÀ SỬA. Sửa cái Tâm Chấp Lầm để được Giải Thoát. Do đó, người muốn tu Phật, không cần phải bỏ cha mẹ, chồng, con. Không cần hình tướng. Không cần phải cất am, cốc hay vô Chùa, cũng chẳng cần phải Tụng Kinh, Niệm Phật. Con đường hành trì thì chỉ cần nương GIỚI và BÁT CHÁNH ĐẠO. Hành Lục Độ và Quán sát, Tư Duy, đọc kỹ Kinh để thấy lời Phật, Tổ dạy những gì cần làm rồi quay vào TÂM để từng bước thực hành theo, Tu sửa ở đó, gọi là TU TÂM. Đó là con đường Đốn Giáo và TU VÔ TƯỚNG rất hiếm hoi ở thời buổi này. Có thể cũng không ít người cũng tu như thế nhưng người đời không nhận ra được, vì họ tu cho họ, nên không cần sắc tướng để phân biệt, cũng không phô trương để cầu Danh, cầu Lợi, để được người khác trọng vọng.

Để có được kết luận này, buổi đầu lúc nào tôi cũng khởi nhiều nghi ngờ lý thuyết của Đạo Phật. Điều đó buộc tôi đã dấn thân tìm hiểu từng bước, tìm xem con đường tu hành của Đức Thích Ca ra sao? Bắt đầu từ đâu? Ngài đã làm gì để gọi là chứng Đắc? cái Chứng Đắc đó có giá trị gì đối với người tu hành? Liệu có cần cho tôi hay không? Những câu hỏi này là chìa khóa của riêng tôi để đi vào Đạo bằng con đường ngược với nhiều người. Nhưng minh bạch, rõ ràng. Điều gì hiểu thì mới chấp nhận. Biết kết quả về đâu thì mới hành trì. Không giống như nhiều người khác, cứ “Xưa bày, nay Làm”, không biết phải làm đến chừng nào? Tới đâu? Kết quả sẽ về đâu!

Cũng phải nói rằng buổi đầu không phải dễ dàng gì. Không phải cứ đọc Kinh là hiểu, vì Kinh dùng quá nhiều ẩn dụ, nếu đọc mà TIN ngay thì chắc chắn rơi vào mê tín, thần quyền. Nhưng với lòng kiên trì và quyết tâm, tôi cứ như một người đục đá, cứ từng nhát một mà làm. Ngày này sang ngày khác. Tháng nọ sang tháng kia. Năm này sang năm nọ… Từng câu chữ trong Kinh tôi phải vận dụng đủ thứ lý lẽ để vặn ngược bẻ xuôi, đối chiếu quyển này với quyển nọ, lắp ghép cho được từng mảnh Giáo Pháp mỗi nơi một ít để có được một quy trình tu hành tạm gọi là đầy đủ cho bản thân. Cho đến khi đối chiếu nhiều quyển Kinh lại với nhau, nếu không thấy mâu thuẫn thì mới thôi. Qua việc tìm tòi đó, tôi cũng thấy luôn vì sao thời nay rất nhiều người cũng Phát tâm tu hành, cũng Xuất Gia, Cạo Tóc, Đắp Y, hình tướng rất đầy đủ mà sao không thành công được. Theo những gì tôi đối chiếu trong Kinh thì có một số lý do chính là:

1/- Do người tu thời nay không có cái PHÁT TÂM vì sợ SINH TỬ như Đức Thích Ca. Trái lại, họ nghe giảng về Phật quá cao siêu, quá tốt đẹp, nên Phát Tâm đi tu vì mến mộ Phật, muốn phụng sự cho Ngài. Hoặc nghĩ rằng đi tu là để “độ cho bá tánh”. Đôi khi vì bị nghịch cảnh, mượn cửa Chùa để né tránh. Hoặc theo lời của vị Thầy rất có uy tín trong Đạo: “Bỏ cái nhỏ để được cái lớn!”

Những kiểu Phát tâm đó, Kinh LĂNG NGHIÊM viết: Do Phát Tâm không chơn, nên QUẢ BỒ ĐỀ không chính. Rõ ràng họ đâu có đi tìm con Đường Giải Thoát thì làm sao gặp? Không biết vì sao cần Giải Thoát thì đâu có thiết tha? Cái mục đích không biết thì làm cách nào để đến? Kinh Lăng Nghiêm viết: “Các ông hãy xem những người mở Gút trong thế gian. Nếu họ chẳng thấy được Mối thì không mong gì mở được”. Không biết cái Mối Đạo Phật nằm ở đâu. Phát Tâm cũng không giống Đức Thích Ca. Hành trì cũng chỉ bắt chước được phần hình thức, không nắm được nội dung thì làm sao đến cùng nơi như Ngài?

2/- Công năng quan trọng thứ nhì là NGỒI THIỀN cũng thế. Đức Thích Ca có mục tiêu phải tìm là thủ phạm đã XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ. Do đó, khi hành trì đủ thứ cách mà vẫn không tìm ra, nên Ngài đã tập trung cả Thân và Tâm để NGỒI tĩnh lặng mà Tư Duy. Sau này gọi là NGỒI THIỀN, hay THIỀN ĐỊNH. Ngài không ngồi suông, mà THIỀN QUÁN, tức là dùng thời gian NGỒI TĨNH LẶNG dể tập trung tư duy tìm cho ra điều Ngài đang mong muốn gặp. Do Ngài đã có Mục Đích. Có quyết tâm đi tìm từ buổi đầu, nên Ngài tự biết mình cần tìm gì, và tập trung để tìm, nên mới gặp. Người ngày nay NGỒI THIỀN không mục đích. Ngồi khơi khơi mà trong Kinh gọi là “Ngồi ỳ ra đó”. Như vậy thì dù có ngồi đến vô lượng kiếp cũng không thể đắc đạo. Bởi không biết Ngồi để làm gì? Không biết mình muốn tìm gì, thì làm sao GẶP?

3/- Tất cả là do không gặp được người Thầy có Chánh Pháp uốn nắn, chỉ dạy cho. Kinh Viên Giác viết: “Này Thiện Nam! Có loại chúng sanh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa. Còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như lai dạy tu đạo Vô thượng Bồ Đề thì chúng thành Phật Thừa”. Người đời cũng nói: “Thầy sao, trò vậy”.

Đạo Phật dạy VĂN-TƯ rồi mới TU. Như vậy, lẽ ra dù ta có nghe giảng về Phật hay ho, cao siêu đến mức nào thì cũng nên tìm hiểu xem Chính Kinh có viết như thế không? Thí dụ như nói rằng Phật “cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới”, thì cái Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đó là gì? Ở đâu? Bởi nếu đó là thế giới ta hiện cư ngụ thì Phật đã Thành mấy ngàn năm rồi mà thế giới vẫn chiến tranh, tai ách triền miên. Chư Phật, Chư Bồ Tát thì nhiều như Cát Sông Hằng, nếu cứu độ được thì các Ngài đã làm rồi, đâu đợi ta cầu xin đến mỏi mòn! Hơn nữa, nếu cứu độ được cho người khác thì Đạo Phật được gọi là Đạo ĐỘ THA rồi, đâu thể nói là TỰ ĐỘ nữa. Do đó, những người cố súy cho việc Cầu Xin là những người chưa hiểu gì về nghĩa của từ Phật và mục đích của Đạo Phật. Nếu như ta muốn phụng sự cho PHẬT thì cũng nên tìm hiểu xem PHẬT là gì? Nếu là Đức Thích Ca thì Ngài đã nhập diệt từ mấy ngàn năm rồi, ta sẽ phụng sự như thế nào? Ngài có cần ta ngày ngày nhang khói, thờ cúng, lôi kéo ngày càng nhiều người thờ Ngài, hay cần chúng ta cũng Thành Phật được như Ngài?

Còn nếu muốn tu Phật thì trước hết phải hiểu về Mục Đích của Đạo Phật. Có hiểu được Mục Đích thì mới nắm được Phương Tiện, để khi hành trì mà không thấy kết quả thì xem lại coi mình có áp dụng sai hay không? Nếu không, chúng ta sẽ tu mãi, hành trì mãi mà không biết đâu là bến bờ. Không biết Chứng Đắc là gì? Không biết phải làm gì để Chứng đắc, thì chừng nào tu hành mới thành công?

Mục đích của Đạo Phật được nói rõ trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA như sau: “TA THẤY CÁC CHÚNG SANH BỊ NHỮNG SỰ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT, LO BUỒN KHỔ NÃO NÓ ĐỐT CHÁY. CŨNG VÌ NĂM MÓN DỤC, TÀI LỢI MÀ BỊ CÁC ĐIỂU THỐNG KHỔ. LẠI VÌ THAM MÊ ĐEO ĐUỔI TÌM CẦU NÊN HIỆN ĐỜI THỌ KHỔ ĐỊA NGỤC, SÚC SANH, NGẠ QUỶ. NẾU SANH LÊN TRỜI VÀ Ở TRONG LOÀI NGƯỜI THỜI NGHÈO CÙNG KHỐN KHỔ. BỊ KHỔ VỀ NGƯỜI YÊU THƯỜNG XA LÌA, KẺ OÁN GHÉT LẠI GẶP GỠ. NHỮNG MÓN KHỔ NHƯ THẾ MÀ CHÚNG SANH CHÌM TRONG ĐÓ VUI VẺ DẠO CHƠI, CHẲNG HAY CHẲNG BIẾT, CHẲNG KINH, CHẲNG SỢ, CŨNG CHẲNG SANH LÒNG NHÀM, KHÔNG CẦU GIẢI THOÁT. Ở TRONG NHÀ LỬA TAM GIỚI NÀY ĐÔNG TÂY RẢO CHẠY, DẦU BỊ KHỔ NHIỀU VẪN CHẲNG LẤY LÀM LO” ”(Phẩm Thí Dụ). Kết quả của công việc tu hành là: “CÁC CHÚNG SANH NÀY NGHE PHÁP RỒI, HIỆN ĐỜI AN ỔN, ĐỜI SAU SANH VỀ CHỖ LÀNH DO ĐẠO ĐƯỢC THỌ HƯỞNG VUI” (Phẩm Dược Thảo Dụ) Như vậy tu hành theo Đạo Phật chỉ là để Thoát khỏi Bốn nỗi Khổ của kiếp sống mà thôi. THÀNH PHẬT chỉ là THÀNH TỰU CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT CHO BẢN THÂN NGƯỜI TU. Không phải là Thành Thánh, Thành Phật, cứu độ cho bá tánh.

“TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI” mà Phật Độ, cũng chỉ là những CHÚNG SINH THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHẾT trong Tâm của chính Ngài, và của chính những người muốn tu theo Ngài. Phải “Độ” hết chúng thì mới Thành Phật. Việc tu hành Thành Phật, được Kinh VIÊN GIÁC viết:

NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT

CÙNG VỚI THAM SÂN SI

CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC

CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT

Tu hành theo Đạo Phật là phải điều phục Lục Căn, cho nó đừng nhiễm Lục Trần để đạt được “Lục Căn thanh tịnh”.Nhưng cái TÂM mới là chủ tướng, do vậy mà người tu cần ĐIỀU TÂM chớ không phải SỬA TƯỚNG cho giống hình ảnh của Phật và Tăng Đoàn ngày trước.

Giải Thoát hay ràng buộc cũng ở nơi THÂN này, TÂM này. Kinh viết: “GIẢI THOÁT HAY TRIỀN PHƯỢC ĐỒNG DO SÁU CĂN. ĐƯỢC CHỨNG THÁNH HAY ĐỌA PHÀM CŨNG BỞI SÁU CĂN CHỚ KHÔNG CÓ CON ĐƯỜNG NÀO KHÁC”. Chính vì vậy mà sự thành tựu con đường tu hành được tượng trưng bằng hình ảnh PHẬT DI LẶC, là một ông bụng to, ngồi cười thoải mái, quanh mình là những đứa trẻ leo trèo. Những đứa trẻ này tượng trưng cho LỤC CĂN, Trước khi tu hành thì nó là LỤC TẶC, tức là SÁU TÊN GIẶC, lúc nào cũng quấy nhiễu, phá phách,làm cho mọi người phải khổ sở. Sau khi tu hành, điều phục chúng xong thì thì chúng trở thành vô hại như những đứa trẻ con. Do đó, mỗi người tu đều có thể trở thành một vị Phật Di Lặc, vì tự mang lại sự an lạc, vui vẻ cho chính mình. Chẳng phải chờ vị Phật nào từ trời cao giáng trần ban cho, hay nương theo hình ảnh đó rồi tạc để thờ. Hơn nữa, kẻ thờ hình tượng Phật lại bị rơi vào lời cảnh báo trong Kinh KIM CANG: “Kẻ nào dùng Sắc để thấy Ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thấy được Như Lai”. Đó là cái mốc để ta kiểm chứng xem mình có rơi vào tà đạo hay không.

Nhân đây xin lạc đề bàn qua về CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG được thành viên Hà Mạnh Đoàn viết trong bài HOA ƯU ĐÀM, số 91, vì có liên quan đến con đường Tu Phật. Theo tác giả tra cứu thì Đức Phật Thích Ca có nói: “Đến khi có một loài Hoa gọi là Hoa Ưu Đàm Ba La nở rộ khắp nơi là báo hiệu có Chuyển Luân Thánh Vương ra đời. Và Đức Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua lý tưởng, người sẽ cai trị thế giới không phải bằng vũ lực, mà bằng công lý. Những ai dùng thiện để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội gặp Ngài, bất kể người đó thuộc tôn giáo nào”. Theo báo chí đưa tin thì những năm gần đây, nhiều nước có hiện tượng Hoa Ưu Đàm nở trên nhiều chỗ tưởng như không thể bám, không thể sống: trên sắt, đồng, gỗ, lá, hoa, nhựa, trái cây, mặt đá vv… Người cho rằng đó là Hoa Ưu Đàm. Người thì nói đó là một loại bọ. Nhưng dù có đúng là Hoa Ưu Đàm hay không, thì nhiều năm rồi nó không có. Phải đợi đúng thời điểm mà Phật Thích Ca báo trước thì mới xuất hiện âu cũng là điềm lành cho nhân thế. Có điều nói về vị Chuyển Luân Thánh Vương thì ta nên xét lại. Bởi vì Đức Thích Ca hay dùng rất nhiều ẩn dụ nhằm mục đích khuyến tu đối với những người thời xưa vẫn còn nhiều ác tâm, chưa chịu hướng thiện.

Thật vậy, trong Đạo Phật, CHUYỂN PHÁP LUÂN có nghĩa là QUAY BÁNH XE PHÁP. Điều đó có nghĩa như sau: Trước khi tu hành thì mọi người là nô lệ của Pháp, bị PHÁP điều khiển. Cứ “Mắt thấy, Tâm sinh” mải mê chạy theo các Pháp để Yêu, Ghét, Tham, Sân Si với chúng. Khi bắt đầu tu hành tức là bắt đầu lấy lại quyền làm chủ, điều khiển nó, gọi là CHUYỂN PHÁP LUÂN. Nhưng thời xa xưa, nếu để cho mọi người thấy việc tu hành chỉ để trở thành một con người tốt thì tầm thường quá, mọi người đâu có thèm quan tâm. Chính vì vậy, Đức Phật bày ra TỨ QUẢ THÁNH. Nói rằng tu hành là để Thành Thánh, Thành Phật. Người Chuyển được PHÁP thì Ngài gọi là CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG.

Nhưng việc TU PHẬT chỉ là TU TÂM. Vì thế, Thánh Vương này chỉ cai trị dân chúng trong Tâm của chính vị đó mà thôi. Do chúng sinh cũng là tư tưởng của chính người tu hành, nên không thể cai trị bằng vũ lực, mà bằng công lý, tức là giải thích, phân tích cho chúng sinh của mình hiểu ra lý lẽ đúng theo công tâm để nó tự ý thức lấy mà thôi. Ai CHUYỂN ĐƯỢC PHÁP, từ xấu thành TỐT. Từ MÊ thành NGỘ. Từ VÔ MINH trở thành MINH, thì vị đó là CHUYỂN LUÂN THÁNH VƯƠNG. Bất kể người đó thuộc tôn giáo nào, vì Đạo Phật thật ra không phải là một tôn giáo, mà chỉ là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT. Do đó, bất cứ ai hành trì đều thành tựu như nhau, không vì nằm trong tôn giáo khác mà bị ngăn trở. Cũng như người ăn thì no, không phân biệt nam, nữ, già, trẻ, chính kiến, tôn giáo. Vì vậy nên Đức Thích Ca nói là “ai dùng thiện để đối đãi với người khác đều có cơ hội gặp Chuyển Luân Thánh Vương”, bởi thật ra tu hành theo Đạo Phật chỉ là CẢI ÁC, HÀNH THIỆN. Người CẢI ÁC là người làm công việc chuyển đổi cái Tâm của mình từ Ác sang Thiện tức đã CHUYỂN PHÁP LUÂN rồi vậy.

Nếu có đọc kỹ Kinh thì ta sẽ thấy việc Tu Phật rất là đơn giản: Chỉ cần TÌM TÂM, THẤY TÂM, XẢ TÂM hay TU TÂM. Vậy thì ở đâu, mặc gì? Làm gì? Có gia đình hay không, đâu thành vấn đề. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết: “Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ, trì, đọc, tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang, đồng trống, trong đó đều nên dụng tháp cúng dường.

Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là Đạo tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn”. Rõ ràng Kinh đâu có phân biệt nơi chốn, hình tướng, đâu có đòi hỏi phải vô Chùa mới tu được.

Nếu có đọc Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, ta thấy Tổ Đạt Ma dạy: “Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc, cạo râu.

Hàng áo trắng (bạch y) vẫn là Phật.

Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc, cạo râu vẫn là ngoại đạo.

Hỏi: Hàng áo trắng có vợ con, dâm dục không dứt, bằng vào đâu mà Thành Phật được?

Đáp: Tôi chỉ nói Thấy Tánh, chẳng nói dâm dục. chỉ cần Thấy Tánh mới vỡ lẽ rằng từ vô thỉ dâm dục vẫn là không tịch, chẳng có gì phải giả dối dứt trừ, mà cũng chẳng mắc vào dục lạc. Tại sao vậy? Vì Tánh mình vốn thanh tịnh vậy.

Cũng như câu hỏi vừa nêu trên. Nhiều người cho rằng những người có gia đình thì bị phạm 1 trong 5 Giới, như vậy làm sao mà Thành Phật. Chúng ta nên biết, TU PHẬT đúng nghĩa chỉ là để Thoát Khổ, để trở thành một con người tốt đẹp hơn. Do vậy, có gia đình hay không thì vẫn tùy phận mình mà TU được. Trong Kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân cũng có nêu ra câu hỏi này:

Ngài Ưu ba Ly hỏi: “Một người trước khi thụ Giới, đối với hết thảy nữ nhân, không phạm Giới dâm. Nhưng sau lấy vợ thì có phạm Giới Dâm không?

Phật đáp: Không phạm. Là vì đối với tất cả nữ nhân không được tà dâm. Nhưng đây là vợ mình thì không phải tà dâm, nên không phạm Giới đó. Lấy nghĩa đó mà suy ra thì tất cả đều thế” . Nói TÀ, tức là đối với CHÁNH. Đạo cũng không khác đời, điều gì xã hội công nhận, không vi phạm đạo đức, thì Đạo cũng không nói khác. Tuy nhiên, người Thọ Giới Xuất Gia thì đã được kính trọng bởi sự thanh tịnh của màu áo đệ tử nhà Phật, nếu có dính tới nữ sắc tức là Tà Dâm, là phạm Giới, không thể sau đó chuyển sang xưng là Thiền Sư là hết phạm Giới, vì cho rằng Thiền Sư thì có quyền có vợ! Người đã phạm Giới mà không can đảm hồi tục, vì ham danh, ham lợi dưỡng của đường tu, chứng tỏ họ đang tự dối, dối đời, dối cả Đạo. Như thế thì không xứng đáng rao giảng lời Phật. Người như vậy, càng giảng nói thì càng mang tội Vọng Ngữ, Vọng Hành mà thôi.

Lục Tổ Huệ Năng dạy: “Chư thiện Tri Thức. Muốn tu hành thì ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở Chùa. Ở nhà mà thường tu hành thì cũng như người Đông Phương có lòng lành. Ở Chùa mà chẳng tu thì cũng như người Đông Phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch thì Tánh mình là Tây Phương vậy”.

Vi thứ Sử hỏi: Ở nhà tu hành như thế nào? Tổ Đọc Bài Kệ gọi là VÔ TƯỚNG và dặn cứ y theo đó mà tu thì cũng như thường ở cùng Ngài một chỗ không khác. Bằng chẳng tu theo đó mà thế phát, xuất gia đối với Đạo cũng chẳng ích gì. Đại ý Bài kệ là “Nếu lòng bình đẳng thì không cần Giữ GIỚI. Làm việc ngay thì chẳng cần Tu Thiền. Hiếu dưỡng song thân. Đối với huynh đệ tương ái. Khiêm nhường, ôn hòa, đối đãi theo tôn ty. Nhẫn nhục, không làm điều ác. Cứ thế mà tu thì nơi bùn lấm sẽ nở đầy Sen đỏ. Dù nghe lời nghịch tai cũng nên xem như đó để nhắc nhở mình. Sửa lỗi lầm và làm cho Trí Huệ mở mang. Không làm quấy, trái lại nên làm phước, giúp người, nhưng cũng đừng lấy đó làm công đức, vì Đạo không phải do bố thí nhiều mà được. Đạo phải tìm ở nơi cái Tâm Thanh tịnh, không phải tìm ở bên ngoài”. Ngài dặn cứ y theo Bài Kệ này mà tu hành và tự Thấy Tánh mình thì chắc thành Phật Đạo.

Tất nhiên chúng ta không phủ nhận hình ảnh của những vị tu hành trang nghiêm làm cho mọi người nhìn vào làm tăng thêm lòng mến mộ Phật mà hướng tâm. Thời nào cũng cần chùa chiền và tu sĩ để làm giềng mối đạo. Nhưng không phải bất cứ ai Xuất Gia là có quyền giảng pháp, mà phải là người đã Thấy Tánh thì mới có thể hướng dẫn cho người khác, vì đầu tròn, áo vuông, Giới hạnh đầy đủ, mà chưa Thấy Tánh thì Tổ Đạt Ma dạy: “Nếu không Thấy Tánh mà nói pháp là ma nói”. Vì vậy, nếu bản thân ta chưa hiểu rõ về Đạo Phật và đường lối tu hành Giải Thoát mà còn lôi kéo thêm nhiều người khác bỏ hết việc đời để sống hiện đời mà không mang sức, tài đóng góp với xã hội, chỉ mong về Tây Phương Cực Lạc, thì rõ ràng ta đã làm cho kiếp sống của người tu trở thành vô ích, có lỗi với công sinh dưỡng của cha mẹ và cơm áo của cuộc đời. Bởi Phật là nghĩa của Giải Thoát. Tây Phương Cực Lạc chỉ là phương tiện Phật dùng để dẫn dụ con người cải ác hành thiện. Cảnh đó thật ra ở trong Tâm của mỗi người, không phải của Phật nào bên ngoài. Lục Tổ dạy: “Người phàm mê muội, chẳng rõ Tánh mình, không biết Cõi Tịnh Độ trong thân mình nên mới nguyện Đông, nguyện Tây. Và: “Nếu làm mười điều thiện thì cần gì phải nguyện vãng sanh. Còn nếu cưu mang 10 điều ác, thì Phật nào rước mình”.

Thật vậy, Tu Phật chân chính là TU TÂM, vì thế người tu đâu thể chỉ tập trung vào phần hình tướng. Ta có thể tạm dùng một thí dụ cho rõ thêm: Như một người đang học cách sản xuất rượu theo kiểu mẫu có sẵn. Nhưng họ quên rằng, ngoài bao bì, mẫu mã bên ngoài, thì quan trọng hơn là chất liệu bên trong. Như vậy, nếu ta chỉ tập trung o bế phần bao bì cho giống, mà không hoàn thành được chất rượu bên trong thì rõ ràng chưa thể nói là ta sản xuất được chai rượu đúng theo ý nhà sản xuất mà ta đang cố gắng thực hiện. Bao bì chỉ cần cho sản phẩm để chào bán. Hình tướng là để cho người ngoài đánh giá. Nếu bao bì chưa hoàn hảo, nhưng chất lượng bên trong không khác thì đã đạt được yêu cầu, vì người dùng cần uống rượu, đâu cần ngắm bao bì? Và ai cũng biết, việc tu hành có thành tựu hay không đâu có nhờ vào bề ngoài. Đức Thích Ca cũng dạy: “Nếu chiếc áo Ca sa có mãnh lực giải trừ Tham Sân Si thì cha mẹ hoặc người thân đứa bé chỉ cần khoác nó lên người khi đứa bé mới chào đời là đã được toại nguyện”. Người đời cũng nói: “Chiếc áo không làm nên thầy Tu”. Hình ảnh Sư giả cũng mặc Y, mang bát đi khất thực khắp nơi, và Trụ Trì phá giới, chứng tỏ hình tướng không liên quan gì đến việc Tu Tâm. Như vậy, nếu người cư sĩ mà Giới hạnh nghiêm minh liệu ta nhất định không chấp nhận đó là người tu? Mục đích của Đức Thích Ca là muốn con người “Thoát Phàm ngay chính trong Phàm. Thoát Phiền Não ngay trong Phiền Não”. Nếu ta Thoát Phiền Não, thì ta đã đạt được mục đích của đạo, đâu cần có Đắp Y, Cạo Tóc hay không?

Cho đến thời này thì Chùa Chiền nở rộ khắp nơi. Tu lâu hay mau, biết nhiều hay biết ít cũng vẫn có thể mở ra giảng dạy, thu hút tín đồ! Tà sư, Chân sư khó thể phân biệt. Do vậy, mọi người cần nương Kinh điển, đọc cho kỹ, để thấy rằng Kinh dạy mọi người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn có thể tu hành trong khi vẫn hoàn thành bổn phận với cha mẹ, vợ chồng, con cái, với xã hội, với cuộc đời. Đạo Phật phải phổ cập, phải thâm nhập vào mọi tầng lớp mới thật sự là điều Đức Thích Ca mong mỏi. Những người tuổi đang trẻ, sức khỏe dồi dào, việc học hành tiến bộ, hoặc đang kinh doanh thuận lợi một cách chân chính, có kiến thức, tay nghề xã hội đang cần, làm cho xã hội được phát triển hơn, giúp cho cộng đồng được tiến bộ hơn, thì đó là ta đang trực tiếp đóng góp cho cuộc đời, đang “Hành Bồ Tát Đạo”, đang trả Ân Đất Nước đã cưu mang ta. Tại sao phải bỏ tất cả để ở bên lề cuộc đời, mà không tiếp tục làm ăn, sinh sống một cách lương thiện, học hỏi kỹ thuật tiên tiến của thế giới để đưa dân tộc, đất nước đi lên. Một mặt nương Kinh sách để TU SỬA CÁI TÂM để thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng sinh là Phật sẽ thành”?

Giàu đâu phải là một cái tội, nếu ta làm ăn chân chính, rồi tiền bạc dư thừa mang giúp cho người đang cần? Bill Gates và một số tỷ phú nước ngoài, vận động nhau lập quỹ, hiến một phần tài sản cho các công trình nghiên cứu lợi ích cho con người, so với Cất Chùa thì lợi ích nào thiết thực hơn? Ngài Duy Ma Cật, Thắng Man Phu Nhân, Mạt Lợi Phu Nhân là những người có gia đình mà vẫn tu hành thành tựu đâu cần phải bỏ vợ, bỏ chồng hay sống độc thân? Trong 33 vị Tổ, có nhiều Tổ được Truyền Y Bát khi chưa thế phát, xuất gia, điển hình là Lục Tổ Huệ Năng, cho ta thấy việc tu hành chân chính đâu có câu nệ hình tướng?

Khi Cái Tâm đã điều phục xong thì “Đi, Đứng, Nằm, Ngồi” đều tự tại. Thấy, Nghe, đều không động tâm, như vậy cần gì phải hành Tứ Oai Nghi bằng hình tướng? Tất cả những suy nghĩ đều hướng thiện thì cần gì phải diệt bỏ tư tưởng? Bởi Chư Phật có đến Tứ Vô Lượng Tâm, đâu có Vô Tâm! Chánh Niệm đâu có phải là không được suy nghĩ, mà là bỏ đi những tạp niệm vô ích. Kinh Phật là những lời dặn dò, là cách thức để ta đọc, hiểu cho cho rõ rồi hành trì theo, đâu phải để Tụng? Mỗi Hồng Danh Phật là một thành quả mà ta cần phấn đấu để đạt được: Thích Ca là Năng Tịnh. A Di Đà là Hào Quang soi suốt 10 phương không ngăn ngại. Quán Thế Âm là luôn lắng nghe tiếng kêu của chúng sinh trong Tâm của mình để kịp thời cứu vớt, không để cho nó gây Nghiệp, đâu phải để chúng ta xướng lên hàng ngày? Phật Quốc hình thành nơi cái Tâm của mỗi người. Chỉ cần Sửa cái Tâm cho thanh tịnh là Phật Quốc hình thành. Cho nên Chùa cũng là đó, Đạo Tràng cũng là đó. Tây Phương, Đông Phương cũng ở đó, đâu đợi chết mới được về? Sám Hối là ngưng làm tội, đâu phải chỉ tụng bài Sám là xong! Tổ Đạt Ma dạy: “Bao giờ học Tâm thôi. Viên thành tướng chân thật. Chợt rõ bỏ ý tu”. Bởi ràng buộc ở Tâm, cho nên Tu Phật chính là SỬA TÂM, không phải SỬA TƯỚNG, nên chẳng cần “Đi” mà vẫn “Tu” được, vì thành tựu của Đạo Phật chỉ là cái Tâm hết chấp lầm, hết phiền não, điên đảo để cuộc sống được an vui. Dù ở Chùa hay ở nhà thì công việc tu hành cũng chỉ có thế. Những gì còn lại chỉ là để hỗ trợ mà thôi.

Con người là tài sản, là vốn quý của đất nước. Người tài là nguyên khí của quốc gia. Tài sao lại mang tài sản, nguyên khí làm thui chột bằng cách bỏ hết mọi việc, không học hỏi những khoa học kỹ thuật tiên tiến của thế giới để phát triển đất nước, mà chỉ Tụng kinh, Niệm Phật để cầu Phật Độ, trong khi Phật chưa hề hứa độ cho ai, mà Ngài nói rằng mình chỉ đưa ra Giáo Pháp để người thực hành theo sẽ được Giải Thoát? Những người cổ súy cho việc bỏ đời tìm đạo ắt không có đọc Kệ của lục Tổ Huệ Năng: “Phật Pháp tại thế gian. Không rời thế gian mà giác ngộ. Rời thế gian để tìm Bồ Đề thì cũng như tìm sừng thỏ”. Và: “Bỏ đời mà tìm Đạo. Chung thân Đạo khó vào” Kinh DPLH có Kệ: “Xá Lợi Phất nên biết. Ta muốn tất cả chúng. Bằng như ta không khác”. Ngài đâu có yêu cầu mọi người thờ Ngài, mà muốn tất cả đều Thành Phật như Ngài.

Sinh thời, Ngài đã bỏ cung vàng, điện ngọc để vào rừng, ra xóm vắng mà tu tập. Đệ tử Ngài ngày nay xây chùa lộng lẫy mang tượng Ngài nhốt vào đó! Thế rồi trong khi chùa chiền ngày càng nở rộ, càng hoành tráng thì mê tín càng bùng phát đến độ báo chí cũng phải lên tiếng, chứng tỏ sự hiểu biết của con người đang đi lùi, ngày càng trở về với thời văn minh chưa phát triển!

Có lẽ chúng ta nên trả lại cho Đạo Phật hình ảnh giản dị, trong sáng, không dựa vào thần thánh tưởng tượng, mà thực hành theo Chánh Pháp. Phải chăng, nếu xã hội mà mọi người vẫn sinh sống một cách bình thường, người nào, việc ấy, chỉ cần hành Thiện pháp, không tranh chấp, hơn thua, không hại người, không gian tham, trộm cắp, dối trên, lừa dưới… thì trần gian đâu còn hỗn loạn nữa. Một xã hội an vui. Đất nước hòa bình. Mọi người tha thứ, HỈ, XẢ cho nhau, và áp dụng Tâm Từ, Bi của Đạo, cùng yêu thương, giúp đỡ, san sẻ cho nhau thì đó chẳng phải là Niết Bàn tại thế hay sao? Sống an, chết lành. Có tái sinh cũng về nơi tốt đẹp. Trần gian như thế đâu còn là bể khổ để phải xa lánh? Cuộc sống nhẹ nhàng, thanh thản như thế đâu thể gọi là trầm luân?

Đạo Phật đã trải qua mấy ngàn năm rồi. Giáo Lý cũng cần soi rọi để áp dụng cho đúng, loại bỏ những gì thừa thải, không cần thiết, để mọi người đều có thể áp dụng và đạt kết quả. Lời Phật đã lần lượt được các Tổ khai sáng trong các Kinh Đại Thừa. Thế nhưng, đến nay có nhiều vị tiếp tục bài bác Kinh Đại Thừa do các Tổ phổ biến, cho đó là ngụy tạo, để máy móc giữ y theo hình thức như ngày Phật mới thành lập Tăng Đoàn. Họ quên rằng Tổ chính là Phật đương thời thuở đó. Chính Đức Thích Ca đã Truyền Y Bát cho Tổ đầu tiên, và dặn dò người sau kế tục. Người đã chứng đắc thì thời trước, thời sau đều giống nhau, bởi Trí, Hạnh đều như nhau. Các vị đó nghĩ gì về việc Truyền Y Bát? Không lẽ ngay cả lời Đức Thích Ca đối với các vị đó cũng không có giá trị? Và không biết dựa vào đâu mà các vị tự cho mình đúng hơn Phật, Tổ?

Ngũ Tổ dạy: “Nếu không thấy Bổn Tâm thì học pháp vô ích”. Như vậy, nếu ta chỉ chú trọng hình tướng mà không THẤY BỔN TÂM thì tu ở đâu? Kết quả là gì? Do đó, nếu ta đọc kinh với tinh thần: Không Y Kinh mà cũng không Ly Kinh, mà tìm hiểu cho rõ rồi “Y pháp tu hành” thì chính là ta đang nương theo ánh sáng trí huệ của bậc đi trước để mồi cho chính mình. Kinh viết: “Ba đời Chư Phật đều nương trí huệ mà đắc vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”, mà Trí Huệ có là do Quán Sát, Tư Duy, không phải chỉ do Nghe và Tin lời Thầy hay người đi trước truyền lại. GIA mà ta cần XUẤT chính là “NHÀ LỬA TAM GIỚI” chẳng phải là nhà thế tục. CẮT ÁI không phải là cắt tình cảm cha mẹ, vợ chồng, con cái… mà ngưng không ÁI LUYẾN cái Thân và những phương tiện để phục vụ cho nó. Bởi chính vì yêu quý nó mà con người đã tạo đủ thứ tội, gây đủ thứ nghiệp, rồi triền miên trong vòng Luân Hồi Vay, Trả, Trả, Vay. Cho nên, Hiểu cho rõ. Hành cho đúng. Đó là những gì mà ta cần làm để không phí uổng một kiếp tu hành và có lỗi với người khai sáng Đạo Phật vậy.

Tháng 2/2014

Tâm Nguyện

BÀN THÊM VỀ

LAI LỊCH SÁCH

“KIM VÂN KIỀU”

ĐÀO DUY ANH

Cách đây hơn ba tháng, tôi có viết trong báo Bạn Đường (số 3, ngày 16.3.41) một bài đề là Lai-lịch sách Kiều, đại khái kết luận rằng Nguyễn Du viết quyển Đoạn-trường tân-thanh chỉ là dịch thành vận văn một quyển tiểu thuyết tàu của Thanh-tâm tài-nhân biên-soạn. Trong Tri-Tân số 4, ông Dương-quảng-Hàm viết một bài khảo-cứu về “Nguồn gốc truyện Kiều” cũng kết luận như vậy.

Trước kia tôi đã phải dài lời biện-bạch để chứng minh rằng sách Kim-Vân-Kiều truyện là sách của người tàu mà tác giả chỉ đề hiệu là Thanh-tâm tài-nhân. Trong số Tri-Tân trước, ông Dương-quảng-Hàm lại cũng viện đủ chứng-cớ để biện hộ cho ý-kiến ấy.

Nay tôi xin dẫn thêm một chứng-cớ nữa, có thể xem là chắc-chắn vững-vàng hơn hết và tưởng có thể tự đủ được, chẳng cần gì phải phân giải nhiều lời. Trong bài “Lai lịch sách Kiều” tôi có phụ chú một câu: “Sách này (Kim Vân Kiều truyện) hiện nay hiếm lắm, chính ở Trung-hoa, trong các hiệu sách ngày nay cũng không thấy bán nữa, nên ta mới phải mất công mà biện bạch về nó”. Khi viết câu ấy, tôi chưa được đọc hai quyển Văn-học-sử của Trung-quốc đều có nói đến tên sách ấy là:

1. Quyển Trung-quốc văn-học-sử đại cương trong “Đông-nam đại-học tùng-thư” của Cố-Thực biên-soạn, do nhà Thương-vụ ấn thư-quán ở Thượng-hải xuất-bản năm 1926.

2. Quyển Tân-biên Trung-quốc văn-học-sử của Đàm-chính-Bích soạn, do nhà Quang-minh thư-cục ở Thượng-hải xuất-bản trong năm 1935.

Quyển trên, chương 13, về Thanh-đại văn-học, tiết 7 về Truyền-kỳ tiểu-thuyết, trang 327 có câu: “Thuật ở trước đều là những bộ trường-thiên tiểu-thuyết lớn, ngoài ra còn có các quyển Nữ Tiên ngoại-sử, Bình-Sơn Lãnh-Yến, Kim-Vân-Kiều truyện”. Ở đây, ta chỉ mới biết Kim-Vân-Kiều truyện là sách tàu chứ chưa biết tác-giả là ai.

Quyển sau nói rõ hơn. Ở thiên 6 về Minh Thanh văn-học, chương 1 về Tiểu-thuyết, tiết 6 về Tài-tử giai nhân, có câu: “Ngoài ra, chỉ biết trước-tác hoặc san hành ở khoảng Minh Thanh thì có các sách: Kim-Vân-Kiều truyện, 24 hồi, đề là Thanh-tâm tài-nhân biên, kể truyện ly hợp của Thúy-Kiều cùng người yêu là Kim-Trọng”.

Trong bài “Lai-lịch sách Kiều”, tôi có tỏ ý hoài-nghi đối với những lời phê-bình mà bản in cho là của Kim-Thánh-Thán, vì sách Kim-Vân-Kiều truyện là một tiểu-thuyết tầm thường không lẽ nào dẫn khởi được mối cảm-hứng của một nhà phê-bình khó tính như họ Kim. Nay thấy trong hai quyển Trung-quốc văn-học-sử trên, về các sách Thủy-hử truyện và Tam-quốc-chí diễn-nghĩa đều có nói đến Kim-Thánh-Thán phê-bình, mà về Kim-Vân-Kiều truyện lại không nhắc đến Thánh-Thán, thì mối hoài-nghi của tôi càng thêm mạnh nữa.

Nhân tiện, tôi xin đăng lại bài “Lai-lịch sách Kiều” để góp thêm ý-kiến cùng bạn đọc của tạp-chí Tri-Tân:

Lai-lịch sách Kim-Vân-Kiều

Khi nhỏ, tôi từng nghe ở xung quanh người ta bàn về truyện Thúy-Kiều rằng: “Nguyễn-Du tuy dịch một quyển tiểu-thuyết Tàu thành truyện ấy, nhưng trong tiểu-thuyết Tàu thì đến chỗ Thúy-Kiều tự trầm ở sông Tiền-đường là hết. Nguyễn-Du thấy sự tích như thế quá thảm, quá “sái”, nên đã thêm vào đoạn “tái ngộ Kim-Trọng” để thành một truyện “có hậu”.

Ý kiến ấy chỉ bằng cứ vào truyền thuyết, nhưng đã được phổ cập trong nước rất rộng, trừ một số ít người học giả có chủ kiến, phần nhiều người đọc Kiều đều tưởng như vậy cả.

Có lẽ cũng vì ảnh hưởng vô hình của truyền thuyết ấy mà Phạm Thượng-Chi tiên-sinh, trong một bài nghiên cứu viết khi còn trẻ, đã nói rằng Nguyễn-Du viết sách Đoạn-trường tân-thanh là dựa vào một truyện ngắn chép sự tích Vương-Thúy-Kiều của Dư-Hoài, tự Đạm-Tâm, ở tập sách Ngu-sơ tân-chí.

Truyện ấy chỉ có mấy trang. Theo đó thì Vương-Thúy-Kiều là người có thực. Nàng quê ở Lâm-chi, bị bán cho bọn con hát từ thuở nhỏ, thường bị gọi là Kiều nhi, người xinh đẹp, khiếu thông minh, hát hay, giỏi đàn sáo, nhưng tính tình nhã đạm, không khéo thuật tiếp khách, nên thường bị đánh. Sau có người tên là La-Long-Vân mua Kiều-nhi rồi đem cho bạn mình là tay tướng cướp Từ-Hải làm con hầu. Được ít lâu Từ-Hải bỏ đi, rủ bọn nụy nô vào cướp đất Giang-nam, nhân thế mà bắt được mấy người con hát, trong ấy có Thúy-Kiều. Từ-Hải lấy Thúy-Kiều làm vợ, rất thương yêu, thường cho dự bàn vào việc quân cơ. Chính Kiều đã gây nên cuộc thất bại cho Từ-Hải sau này, vì nàng muốn về quê nên xui Hải hàng với Hồ-Tôn-Hiến. Hải bị Tôn-Hiến lừa, bị giết, còn Kiều thì bị ép hầu rượu Tôn-Hiến rồi lại bị ép gả cho tù-trưởng Vĩnh-Thuận. Kiều không chịu được xấu-hổ, tự trầm ở sông Tiền-đường.

Dư-Hoài thấy Thúy-Kiều là một người “thân hèn nghề mọn” mà đã khuyên được anh tướng giặc Từ-Hải đầu hàng, rồi sau khi Từ-Hải bị họa, lại biết tự tử để khỏi phải mang tiếng “giết chồng rồi lại lấy chồng”. Nhà văn sĩ Trung-hoa đương thời “thương cái chí của nàng, nên góp nhặt chép lấy hành-sự làm một truyện”. Đó là một việc ta vẫn thường thấy trong văn giới.

Nhưng Nguyễn-Du là người Việt-nam, mà lại là hậu sinh cách ba trăm năm, không có lẽ đối với người con hát họ Vương kia lại cũng có cảm tình đằm thắm tươi tắn như Dư-Hoài, cho nên ta không thể tin được rằng ông đã bằng cứ vào truyện ấy mà dệt thêu kết cấu làm truyện Đoạn-trường tân-thanh.

Theo ý tôi, thì Nguyễn-Du sở dĩ chú ý đến Thúy-Kiều, thương xót, than khóc, ngâm vịnh Thúy-Kiều là bởi giữa người con hát xưa với ông còn có sách Kim-Vân-Kiều truyện nữa.

Hiện nay tôi cũng còn thấy có ít nhiều người cho rằng sách Kim-Vân-Kiều truyện (ta thường gọi lầm là sách Thanh-tâm tài-nhân) là do người ta bắt chước Đoạn-trường tân-thanh mà viết ra. Tôi không tin thuyết ấy, và tưởng rằng có lẽ các nhà chủ trương thuyết ấy lầm sách Kim-Vân-Kiều với một quyển Thúy-Kiều truyện của một nhà nho nào đã theo quyển truyện của Nguyễn-Du mà dịch hệt ra chữ Hán(1).

Vả chăng, phần nhiều người mình chỉ xem bản Kim-Vân-Kiều truyện viết tay(2) mà chưa thấy bản in, cho nên chỉ nhận theo thông thuyết trên kia mà cho rằng sách ấy là do người Việt-Nam viết. Nhờ một dịp tình cờ, tôi đã được xem sách “Kim-Vân-Kiều truyện” in(3). Bản sách ấy giầy 136 tờ khổ 130x210, giấy Tàu (thứ giấy ấy người Tàu dùng để in sách), do nhà Quán-hoa-đường xuất bản. Vì mất trang đầu nên không biết nhà xuất bản ấy ở tỉnh nào và khắc bản ấy về đời nào. Nhan đề của bản ấy là Quán-hoa-đường bình luận Kim-Vân-Kiều truyện.

Sách chia làm bốn quyển. Ở đầu mỗi quyển, ngoài cái nhan đề như trên chép lại và số mục của mỗi quyển, còn có một hàng ở trên đề mấy chữ “Thánh-Thán ngoại-thư”. Ở dưới hàng thứ hai lại có mấy chữ “Thanh-tâm tài nhân biên thứ”, tỏ rằng tác-giả chỉ đề biệt hiệu là Thanh-tâm tài-nhân(4). Hàng thứ ba là số-mục của hồi. Cả thẩy có 20 hồi, ở mỗi hồi trước chính-văn thì có một câu đối làm tiểu-đề của hồi, như phần nhiều các tiểu-thuyết Tàu khác, rồi đến một bài bình luận. Xem kiểu chữ in và cách sắp đặt thì giống hệt như các sách tiểu-thuyết của Tàu xưa, ta không thể ngờ rằng sách ấy là của người Việt-nam được.

Nếu ta xét văn chương nó, thì ta cũng nhận thấy đại khái rất giống bút pháp các tiểu-thuyết Tàu khác, trong ấy có nhiều chữ phương ngôn tục ngữ ta chưa hề thấy trong thuyết bộ của người Việt-nam, mà thực ra người mình không thể nào viết được. Tôi không có thể tin rằng các nhà nho hán-việt ta, xưa nay chưa từng có một ai viết được quyển tiểu-thuyết nào, mà nay lại ngẫu nhiên có người viết ra được một quyển giống hệt của người Tàu như thế.

Về lời bình luận ở đầu mỗi hồi, tôi còn ngờ chưa dám chắc quả thực là lời Kim-Thánh-Thán, vì giá trị sách này chưa đủ khiến Thánh-Thán phí công như giá trị của sách Tam-Quốc chí và Tây-sương-ký được. Nhưng dẫu đó là Thánh-Thán giả nữa thì cũng phải là người Trung-quốc, chứ không phải là người Việt-nam chỉ quen học kinh sử mà có lối văn hào phóng như ở các bài bình luận ấy.

Nếu ta xét cái nhan đề “Kim-Vân-Kiều tân truyện” của Phạm-quí-Thích, người bạn thân của Nguyễn-Du, đã dùng để sửa lại tên sách Đoạn-trường tân-thanh khi đem khắc bản in, thì ta lại thấy nó hàm cái ý rằng quyển sách Nguyễn-Du bắt chước là Kim-Vân-Kiều truyện, mà xưa nay người ta vẫn gọi lầm là sách Thanh-tâm tài-nhân, lộn tên tác giả làm tên sách. Thiệt ra thì sách ấy chưa được liệt vào hạng sách tài tử như các sách Thánh-Thán phê bình, nhưng cách kết cấu của nó cũng chặt chẽ có thể gọi là một tiểu thuyết khá được. Song Nguyễn-Du cảm xúc không phải vì giá trị văn-chương của nó, mà bởi thân thế và tâm sự của người chủ động truyện ấy giống hệt với thân thế và tâm sự của ông.

Vương-Thúy-Kiều là một giai nhân tuyệt sắc, vì gia biến mà phải ôm mối cô trinh, lưu lạc vào một cuộc đời gió bụi tất phải gợi mối đồng tình trong tâm hồn người tôi trung tài-hoa và danh vọng của nhà Lê, gặp cơn quốc biến mà đành phải ôm mối cô-trung về làm tôi triều khác. Nhưng cô ca-kỹ trong sách Ngu-sơ tân-chí làm sao mà biến thành được cô thiếu-nữ khổ trinh như thế?

Nhà tiểu-thuyết Tàu kia chỉ nhân việc cô ca-kỹ họ Vương gặp anh tướng cướp họ Từ mà sáng tác thành một truyện mới, hoàn toàn mới. Trong truyện mới này thì Thúy-Kiều đã thoát lốt con hát mà thành một cô gái lương-thiện, tài sắc tuyệt vời, lại trọn cả hiếu, trinh, trung, nghĩa, trong mười lăm năm trời đã đem thân yếu ớt cô đơn mà chịu đựng bao nhiêu nỗi giầy vò của số-mệnh khắt-khe. Từ-Hải thì đã tự tư cách một người gian hùng trộm cướp, mà thành một vị đại-vương hùng cứ một phương. Thúy-Kiều là một người con gái lương thiện tài tình, vì cớ gì mà lại gặp một người tướng giặc tung hoành ở ngoài danh-giáo và pháp luật? Tất phải gặp tai-biến phi-thường. Thanh-tâm tài-nhân bèn thêu-dệt lên trên ý ấy mà kết cấu thành một bộ tiểu-thuyết mà ta có thể gọi là “Những tai biến phi thường của Thúy-Kiều”.

Ở trong cái xã hội cho con gái đàn bà là món đồ chơi của đàn ông, ở trong cái xã hội mà quan lại tự do tác uy tác phúc, mà kẻ gian-tà nhân pháp luật không minh để tung hoành, mà sự an nguy của lương dân toàn phó cho may rủi, thì người con gái lương thiện dẫu tài sắc như Thúy-Kiều – chính vì tài sắc mà mắc hoạn nạn – thực cũng không phải là việc phi thường.

Nhưng tại sao trong vũ trụ lại có những điều bất công như thế? Tác giả muốn cắt nghĩa điều éo le ấy, thì đã sẵn có cái tư tưởng rất phổ thông ở Trung quốc xưa nay là “Tạo vật đố-toàn”. Lẽ ấy khiến “trời đã sinh cho người ta một phần nhan sắc thì lại bắt phải chịu muôn phần chiết ma, đã cho một chút tài tình thì lại tăng lên mấy lần nghiệt chướng”. Nhà tiểu thuyết Tàu chỉ lấy sự gặp gỡ của Thúy-Kiều và Từ-Hải trong truyện cũ làm một đoạn trọng yếu trên con đường lưu lạc của nàng, để cho nàng có cơ hội lập công mà đền nợ hồng nhan.

Nhưng muốn mô tả đời Thúy-Kiều cho thành khổ não thì phải thế nào? Người ta ở trong đời vì sao mà sinh ra khổ? Lời bình luận sách Kim-Vân-Kiều truyện nói rằng: “Trong thiên hạ chỉ có mối tình là làm cho người ta bối rối”. Tác giả sách ấy chính đã phát khởi từ chữ tình mà kết cấu thành đời khổ-não của Thúy-Kiều. Bao nhiêu bước kinh lịch của Thúy-Kiều trước khi gặp Từ-Hải là do tác-giả sáng tạo ra cả.

Tác-giả hình dung Thúy-Kiều đã là người tài sắc phong lưu rất mực, lại là người đa tình đa cảm để tăng bội nỗi đoạn trường của nàng và khiến người đọc phải đem lòng thương xót. Nhưng trước khi đem ta vào con đường nghìn sầu muôn thảm của Thúy-Kiều, tác giả lại đem nàng Đạm-Tiên làm dẫn tử, “trong hình ảnh thấp thoáng mập mờ mà cái tình cái khổ của chung thân Thúy-Kiều mười phần đã tỏ ra được tám chín(5). Đến khi Thúy-Kiều mãn kiếp khổ sở thì tác-giả lại cho nàng gặp Đạm-Tiên ở sông Tiền-đường để báo cho nàng biết rằng cái ngày khổ tận cam lai đã đến.

Thúy-Kiều đã là người tài tình như thế thì Kim-Trọng cũng phải là người chí tình, cho nên trong mười lăm năm trời, Kim-Trọng dẫu lấy Thúy-Vân mà không quên được tình nhân. Nhưng Từ-Hải cũng phải là người xứng đáng với Thúy-Kiều, cho nên tác-giả biến hẳn anh tướng cướp gian hùng thành một vị tù trưởng cát cứ, ngang nhiên đương đầu với Triều-đình.

Ấy sự tích Vương-Thúy-Kiều đã trải qua ngòi bút của Thanh-tâm tài-nhân mà thành như thế mới có thể cảm xúc Nguyễn-Du được.

Vì cảm xúc quá mãnh liệt mà Nguyễn-Du phải đem sách ấy diễn dịch ra quốc âm, nhưng ông không cốt làm một tác phẩm văn chương mà chỉ cốt để hả hê những nỗi cảm xúc đối với một người mà ông tưởng như là tiền thân của mình vậy.

Trong bài tựa sách Đoạn-trường tân-thanh, Thập-thành-thị nói rằng: “Đem bút mực tả lên trên tờ giấy nào những câu vừa lâm ly, vừa ủy-mỹ, vừa đốn-tỏa, giải thư, vẽ hệt ra một người tài mệnh trong mười mấy năm trời, cũng là vì cái cảnh lịch-duyệt của người ấy có lâm-ly, ủy-mỹ, đốn-tỏa, giải-thư, thì mới có cái văn tả hệt như thế được”. Thực đã hiểu thấu nhưng nỗi khảm kha bất bình của Nguyễn-Du.

Khi viết xong sách Đoạn-trường tân-thanh, Nguyễn-Du có một câu khẩu-chiêm rằng: “Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố-như?”. Là có ý than rằng không biết ba trăm năm về sau, trong thiên hạ có người nào thấu đến cái tâm sự ông mà khóc ông như ông đã khóc Thúy-Kiều là người ba trăm năm về trước(6).

Trong một bài tựa khác, Mộng-liên-đường chủ-nhân, người đồng thời với Nguyễn-Du, đã đáp lại cho ông rằng: “Người đời sau thương người đời nay, người đời nay thương người đời xưa, hai chữ tài-tình thực là một cái thông-lụy của bạn tài-tử khắp trong gầm trời và xuốt cả xưa nay vậy”.

Theo bài tựa của Mộng-liên-đường chủ-nhân ấy viết ở triều Minh-mệnh là khi tác-giả mới mất, thì truyện Kim-Trọng, Thúy-Kiều nguyên chép ở trong phong-tình-lục đời xưa, Nguyễn-Du theo truyện xưa mà đặt ra sách Đoạn-trường tân-thanh. Nguyễn-Du cũng có nói rằng truyện ấy vốn chép ở trong phong-tình-cổ-lục. Phong-tình-lục hay phong-tình-cổ-lục nói đó hẳn là sách Kim-Vân-Kiều truyện.

Sách ấy vốn là sự-tích đoạn-trường của Vương-Thúy-Kiều, thì truyện Nguyễn-Du diễn dịch ra gọi là Đoạn-trường tân-thanh: đắc thể lắm.

ĐÀO DUY ANH

ĐỖ THIÊN THƯ st

(1) Sách ấy nguyên có bản in. Khi nhỏ tôi có được xem, hiện nay tìm lại không ra nhưng còn nhớ đại khái. Như câu “song hồ nửa khép cánh mây; tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông” thì dịch là: “Nhất liêm phong nguyệt, bán hạp bán khai, thời thời thức mục ư Vương-công chi đông viên hỹ”. Câu “Gái tơ mà đã ngứa nghề lắm sao” dịch là “Nhĩ dĩ nhất cá thiếu niên, hà nại xuân tình sậu động da!” Trong Tri-Tân số 1, ông bạn Trúc-Khê đã mách cho ta rằng quyển sách tôi nói đây là quyển Kim-Vân-Kiều lục và giới thiệu sách ấy rất rõ ràng.

(2) Chính bản của viện Viễn-đông bác cổ cũng viết tay.

(3) Của ông bạn Nguyễn-Đức-Nguyên đưa cho mượn.

(4) Bản viết ở viện Viễn-đông bác-cổ thì lại đề tên tác-giả là Thanh-Tâm tài-tử. Ông Trần-văn-Giáp ở Viễn đông bác-cổ nói với tôi rằng ông Đặng-Thái-Mai có cho ông mượn một quyển Kim-Vân-Kiều truyện, nội dung cũng giống hệt như quyển tôi được xem, nhưng thuộc về bản in khác.

Vì sách này hiện nay hiếm lắm, chính ở Trung-hoa trong các hiệu sách ngày nay cũng không thấy có bán nữa, nên ta mới phải mất công mà biện bạch về nó.

(5) Lời bình luận ở sách Kim-Vân-Kiều truyện.

(6) Tôi vừa được xem “Thanh-Hiên thi-tập” của Nguyễn-Du thì mới biết rằng hai câu ấy không phải là khẩu chiếm, mà là hai câu trong bài thơ làm sau khi đọc chuyện “Tiểu-thanh” là một người con gái cũng ở đời Minh như Thúy-Kiều, giỏi thi-từ, rành âm-luật, nhưng phải lấy lẽ, vì vợ cả quá ghen mà phải ở riêng, người ta xui đi lấy chồng khác không chịu, buồn rầu oán-hận sinh bệnh mà chết. (Chú thêm ngày 28.6.41)


Phụ Bản II

DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ

NHÃ NHẠC

CUNG ĐÌNH HUẾ (2003)

Nhạc Cung đình là một bộ môn âm nhạc truyền thống đặc sắc của Việt Nam, đặc biệt Nhã nhạc Huế có giá trị rất cao về phương diện lịch sử lẫn nghệ thuật. Tuy được sử dụng ở chốn cung đình, nhưng việc sáng tạo và biểu diễn hầu hết đều do những nhạc sĩ, nghệ sĩ xuất thân từ trong giang hồ nhờ có tay nghề cao mà họ được sung vào cung để phục vụ cho triều đình.

Trong cả ba miền đất nước ta đều có những loại nhạc trong dân gian dính liền với đời sống con người từ lúc sơ sinh đến khi trở thành cát bụi; bắt đầu từ những điệu hát ru, đồng dao, hò lý, đối ca nam nữ cho đến hò đưa linh về cõi chết. Ca nhạc thính phòng, có ca trù miền Bắc, ca Huế miền Trung, ca tài từ miền Nam. Trên sân khấu hát chèo,hát tuồng, cải lương và Bài chòi; âm nhạc trong tôn giáo lại có các lối tán tụng trong Phật giáo, các điệu châu văn, rồi bóng.

Nhưng riêng ca nhạc cung đình chỉ có tại kinh thành Huế, một bộ môn âm nhạc hết sức độc đáo và vô cùng tinh vi mà cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận thức được đầy đủ giá trị độc đáo của nó. Trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, đây là bộ môn âm nhạc duy nhất được ghi vào sử sách từ xa xưa, trải qua bao thăng trầm của các triều đại, bao biến thiên của thời cuộc mà vẫn còn lưu lại được một di sản đáng kể có thể sử dụng để nghiên cứu về nhiều mặt: nhạc khí đa dạng, sắp xếp dàn nhạc tinh vi, nhạc ngữ độc đáo, bài bản dồi dào và quan điểm thẩm mỹ sâu sắc.

“Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, không thể đi sâu vào việc phân tích các bài bản để cho thấy hết sự đa dạng của thang âm điệu thức hay sự phong phú của tiết tấu trong đại nhạc hay tiếu nhạc”. Bài viết này chỉ để đề cập đến hai khía cạnh nhỏ của bộ môn nhạc Cung đình đặc sắc của chúng ta, đó là giá trị về lịch sử và nghệ thuật.

Trong Khâm định Đại Thanh hội điển sự lệ (quyển 538, tờ 3b) xuất bản năm 1908 (Thư viện Hội châu Á: Société Asiatique) có ghi rành rẽ chi tiết của dàn nhạc Cung đình có mặt cùng một lúc với đoàn hữu nghị do vua Quang Trung phái sang Trung Quốc cầu hòa với triều đình Nhà Thanh dưới thời vua Càn Long (1789), mà sử gia nhà Thanh đã gọi là “An Nam Quốc nhạc”. Từ đó có thể suy luận rằng do vua Càn Long phong cho vua Quang Trung tước An Nam Quốc vương mà sanh ra tên An Nam Quốc nhạc để chỉ dàn nhạc Cung đình Việt Nam.

Năm 1802, dàn nhạc đổi tên là Việt Nam Quốc nhạc vì vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đặt tên nước là Việt Nam.

Trong đoạn miêu tả dàn nhạc Cung đình Việt Nam vào cuối thế kỷ thứ 18, người viết sử ghi tên nhạc khí bằng chữ Nôm gồm: 1 cái cổ (trống), 1 cái phách (sinh tiền) , 2 cái sáo, 1 tam huyền tử (đàn tam), 1 hồ cầm (đàn nhị), 1 đàn song vận (nguyệt cầm), 1 đàn tì bà, 1 tam âm la (chùm thanh la bằng đồng 3 chiếc).

Ngoài ra, còn có một đoạn tả các vũ sinh mặc áo rộng thêu rồng, lưng màu xanh, đầu bịt khăn, tay cầm quạt xanh.

Nhạc công mặc áo màu vàng, thắt lưng màu xanh và đầu bịt khăn giống như vũ sinh. So sánh số nhạc khí của dàn Nhã nhạc hay Tiểu nhạc ngày nay chúng ta thấy rằng cũng không có gì thay đổi.

Ngược dòng thời gian thì ngoài các tư liệu lịch sử, tài liệu về khảo cổ cũng giúp chúng ta xác định tính cổ đại của nhạc Cung đình. Những chi tiết về một dàn Đại nhạc Cung đình xuất hiện đầu tiên trong sử sách có lẽ là vào đời nhà Trần, trong quyển “An Nam chí lược” của Lê Tắc.

Đời Hậu Lê có thêm nhiều bộ sử ghi lại sự kiện năm Thiệu Bình thứ tư (1437) dưới thời vua Lê Thái Tông (1434 – 1442), nhà vua giao cho Nguyễn Trãi cùng với Lương Đăng có nhiệm vụ định ra Nhã nhạc cho triều đình. Lương Đăng muốn sắp đặt dàn “Đường thượng chi nhạc” giống như dàn nhạc “Triều hạ yến hưởng chi nhạc” của nhà Minh. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ức Trai thi tập thì Nguyễn Trãi đã dâng biểu cho nhà vua từ chối nhiệm vụ vua giao phó vì không tán thành quan điểm trên của Lương Đăng. Bức thư của Nguyễn Trãi là bài học quý giá về thái độ của một người nhạc sĩ chân chính đối với nền âm nhạc dân tộc, trong đó có những suy tư về âm nhạc rất sâu sắc như: – Hòa bình là gốc của Nhạc – Thanh âm là căn của Nhạc – Hài hòa là tính chất của Nhạc.

“Thần mong Bệ hạ thương dân để cho trong cả nước không có một âm thanh nào nói lên sự bất bình hay buồn thảm của dân. Nếu dân còn buồn thảm hay bất bình tức là Bệ hạ đã đánh mất cái gốc của Nhạc”.

Ngoài ra, còn có những quyển sử khác có ghi đôi nét về nhạc Cung đình qua các thời đại như Quốc thiều thông lê (dưới triều vua Trần Thái Tông), Trần triều đại diễn (dưới triều vua Trần Dụ Tông), Lê triều hội điển, Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ vv…

Những bài thuộc loại Cửu tấu ngoài âm nhạc còn có lời ca được ghi đầy đủ trong quyển Đại Nam hội điển sự lệ, như trong miếu Triệu Tổ (miếu thờ Nguyễn Kim), tên các bài ca có chữ Hòa như:

Hàm hòa (trong lúc nghinh thần), Gia hòa (lúc hiến lụa), Tương hòa (trong lúc sơ hiến, dâng rượu lần đầu), Dự hòa (trong lúc á hiến, dâng rượu lần nhì), Ninh hòa (trong lúc chung hiến, dâng rượu lần cuối cùng), Mỹ hòa (lúc dâng trà), Túc hòa (lúc dọn các lễ vật), An hòa (lúc tiễn thần), Ưng hòa (lúc mang đuốc đi, sau khi đốt sớ).

Trong Văn miếu thờ Đức Khổng Tử thì tên những bài hát phải có chữ Văn, trong loại yến nhạc tên bài hát phải có chữ Thành (dưới triều Gia Long), chữ Khánh (thời Minh Mạng thứ 18) hay chữ Phúc (thời Minh Mạng thứ 21) vv...

So với các bộ môn khác, nhạc Cung đình có một giá trị nghệ thuật rất cao mà trước tiên là vì triều đình có đủ quyền lực chính trị và khả năng tài chính để quy tụ những nhạc sĩ cũng như những nhạc công tài năng từ khắp nơi trong đất nước, rồi tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho họ luyện tập kỹ thuật, trau dồi nghệ thuật để trở thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp sáng tác dồi dào, biểu diễn tinh vi.

Các nhạc khí dùng trong nhạc Cung đình cũng được đóng rất kỹ, chạm cẩn khéo léo, tinh xảo hơn nhạc khí dùng trong dân gian, lại có đầy đủ màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá (khánh), tiếng đồng. Về độ cao có tiếng trầm của dây đài đàn tỳ bà, tiếng cao vút vi vu của tiếng sáo.

Dàn nhạc cũng đa dạng và quy mô hơn các dàn nhạc khác.

Dàn Đại nhạc, gồm kèn, trống và bộ gõ, có thể có đàn nhị. Kèn cũng có nhiều loại: kèn đại, kèn trung, kèn tiểu, không phải loại kèn đồng như suona của Trung Quốc mà ta goi là “kèn song hỷ”. Kèn dùng trong nhạc Cung đình là loại kèn bầu, bát kèn làm bằng gỗ.

Trống có đủ loại: từ trống lớn nhất là đại cổ, qua các trống tiểu cổ, một cặp trống vỗ (tiếng cao tiếng thấp, có âm có dương), trống một mặt, có bồng có trống cơm.

Tiểu nhạc hay nhã nhạc gồm những nhạc khí dùng dây tơ, sáo trúc (vì vậy có khi dàn nhạc được gọi là Ti trúc tế nhạc), dây tơ có loại dây khảy như đờn nguyệt hai dây, đờn tam ba dây, tỳ bà bốn dây. Có đờn dùng cung để kéo như đờn nhị.

Bộ gõ bằng gỗ có mõ và phách tiên, bằng kim khí có chuông to, chuông nhỏ, đại la, tiểu loa, chập chõa. Bộ gõ tuy chỉ gồm ba nhạc khí mà có trống bịt da một mặt, có tam âm la bằng kim khí, đặc biệt có sinh tiền, một nhạc cụ vô cùng độc đáo với ba chức năng gõ, cọ quẹt và rung.

Như vậy, các dàn nhạc chẳng những đa dạng và quy mô mà còn rất đặc biệt trong sự phối hợp màu âm, không quan tâm đến số lượng, mà chú trọng đến chất lượng. Khi hòa đàn thì không nhạc khí nào có thể át các nhạc khí khác mà mỗi loại âm thanh đều có thể phân biệt rõ ràng.

Trong dàn nhã nhạc ta có thể nghe tiếng chững chạc trang nghiêm của đờn nguyệt, tiếng chuyền, tiếng rơi vào nhịp ngoại, tiếng chầy, tiếng “phi” bay bướm của tỳ bà, tiếng trong nhờ nhạc công đờn nhị dùng tay mặt kéo cung, tay trái vuốt ve “nên lời dịu ngọt”, tiếng đục của đờn tam đem tiếng thố chen vào tiếng kim của tam âm la, với tiếng nỉ non vi vút “như tiếng hạc bay qua” của hai ống sáo. Tất cả các nhạc khí ấy cùng hòa nhịp theo tiếng trống bảng dìu dặt, tiếng trống khi khoan khi nhặt, khi đánh nhịp chánh điện, khi vào nội phách khi ra ngoại phách. Toàn bộ dàn Nhã nhạc, liên tục trong 10 bài ngự, từ nhịp điệu khoan thai của mấy bản Phẩm tuyết Nguyên tiêu lúc mở đầu, lần lần dồn dập qua các bài Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây Mai, Kim tiên, rộn rã từ Xuân phong, Long hổ đi đến náo nhiệt qua cấp điệu như tiếng vó ngựa trong bài Tấu mã.

Cũng không có bộ môn âm nhạc truyền thống nào lại có nhiều thể loại nhạc khác nhau như nhạc Cung đình , gồm có: Giao nhạc (dùng trong Lễ Nam Giao, nhà vua làm lễ tế trời đất ba năm một lần), Miếu nhạc (dùng trong các miếu), Ngũ tự nhạc (năm lễ tế thần), Đại triều nhạc (tấu trong các lễ lớn như lễ Vạn Thọ để tiếp sứ thần), Thường triều nhạc (tấu khi vua lâm triều thường lệ), Đại yến nhạc (tấu trong các buổi yến tiệc), Cung trung chi nhạc (dùng trong cung phủ), Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc (dùng trong các dịp nguyệt thực, nhật thực).

Lại không có bộ môn nào huy động nhiều diễn viên và xiêm y phong phú như nhạc Cung đình .

Cuối cùng, Nhạc cung đình còn đặc biệt ở điểm bao gồm tất cả các bộ môn âm nhạc khác, từ Lễ nhạc (dùng vào các cuộc tế lễ lớn nhỏ của cung đình, trong các chùa miếu), nhạc thính phòng, sân khấu, kể cả các vũ điệu, mà mỗi bộ môn đều có những nghệ sĩ thượng thặng chuyên sáng tạo và biểu diễn.

Về Lễ nhạc, một số bài bản trong các dàn nhạc lễ Bát âm ngoài Bắc, Ngũ âm trong Nam, đều từ nhạc Cung đình mà ra. Các điệu ba hồi chín chập trong nhạc lễ miền Nam cũng bắt nguồn từ Tam luân cửu chuyển. Các bài Đánh thét do lối Thiết nhạc. Những bài Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Tiếu khúc trong nhạc lễ miền Nam cũng từ các bài bản trong Tiếu nhạc của nhạc Cung đình Huế được thay đổi phù hợp với quan điểm thẩm mỹ miền Nam.

Trong nhạc thính phòng, 10 bài ngự Thập thủ liên hoàn, các bản Lưu thủy, Kim tiền cũng từ nhạc Cung đình mà có. Dàn nhạc thính phòng nhiều nhất cũng chỉ có tới sáu nhạc khí (ngũ tuyệt, tranh, nguyệt, nhị, tỳ, tam hoặc tranh, nguyệt, nhị, tỳ, độc huyền, thêm ống sáo). Nhã nhạc cũng thuộc loại thính phòng nhưng sử dụng nhiều nhạc khí hơn, lại có được ba nhạc khí thuộc bộ gõ nên càng đầy đủ và đặc sắc.

Nhạc tuồng trong nhạc Cung đình phong phú hơn của Bình Định hay Quảng Nam, vì tại Huế tập trung nhà viết tuồng có tên tuổi cũng như các đào kép giỏi từ các nơi.

Riêng các điệu múa Cung đình có nhiều nét riêng rất độc đáo, chẳng hạn như điệu Lân mẫu xuất Lân nhi, tuy là múa lân, nhưng không phải loại lân diễu võ dương oai, đạp pháo, leo cột để lấy tiền, mà diễn tả tình phu thê đầm ấm, tình mẫu tử nồng nàn.

Hay điệu múa Lục cúng hoa đăng phối hợp ánh đèn lung linh huyền ảo với dáng đi uyển chuyển, đội hình thay đổi đa dạng. Và không có điệu múa nào trên thế giới mà vũ sinh vừa múa theo tiếng nhạc lại vừa chuyển đội hình từ bề dọc đến bề cao, vũ sinh chồng chất đến bốn năm từng. Đánh giá rõ điều này nên các chuyên gia Nhật Bản khi ghi hình điệu múa Hoa đăng cho Đài truyền hình NHK đã khéo sử dụng ánh sáng vừa đủ để nhìn được gương mặt và xiêm y của diễn viên, lại thấy rõ những ánh đèn hoa đăng khi ẩn khi hiện rất nghệ thuật. Rồi đến các điệu múa Tứ linh, Long hổ, Phụng vũ, Phiến vũ. Múa kiếm Trưng Vương xuất trận, vừa có văn có võ, vừa dịu dàng lại oai nghiêm. Ngày xưa còn các điệu múa văn, múa võ phỏng theo văn Vũ, Võ Vũ bên Trung Quốc sử dụng trong các lễ Tế giao, Tế miếu có ghi lại trong sách sử như điệu múa Liệt vũ (khi Thái hậu lên ngôi), Thanh hoa chi, Hồng hoa chi, Huỳnh hoa chi (khi tặng lễ vật), Tiên đào quả vũ (khi Thái hậu hồi cung).

Tóm lại, chỉ mới nhìn qua bề mặt, chưa đi vào bề sâu, mà giá trị của nhạc Cung đình đã quá hiển nhiên. Mới đi qua một phần chiều dài của lịch sử, chưa đi rộng trong không gian để đối chiếu nhạc Cung đình Việt Nam với Yayue (Trung Quốc), Gagaku (Nhật Bản), Ah Ak, Tang Ak. Hyang Ak (Triều Tiên), mà chúng ta cũng thấy lòng tràn đầy niềm hãnh diện.

Thời gian qua chúng ta đã tìm hiểu nhạc Cung đình qua lịch sử cũng như đánh giá nhạc Cung đình trong hiện tại, nay đã đến lúc cần hướng tầm nhìn về tương lai để định xem chúng ta phải làm gì, để không chỉ bảo tồn di sản nghệ thuật cha ông để lại mà phải bồi đắp thêm bằng những sáng tạo mang dấu ấn của thời đại mà không đánh mất bản sắc dân tộc Việt Nam. Nhiệm vụ của chúng ta là một khi được thừa hưởng gia tài của ngàn xưa thì cũng phải góp công sức xây dựng một chút gì để truyền lại cho ngàn sau.

BÙI ĐẸP

Từ BẠC LIÊU…

đến NASA

1. Từ Bạc Liêu:

Cao Văn Lầu, thường gọi Sáu Lầu, là một nhạc sĩ và là tác giả bài " Dạ cổ hoài lang ", một bài ca độc đáo và nổi tiếng nhất trong nghệ thuật cải lương Việt Nam .

Ông sinh ngày 22 tháng 12 năm 1890 tại xóm Cái Cui, làng Chí Mỹ, sau sát nhập với làng Thuận Lễ trở thành xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ , tỉnh Long An .

Khi Cao Văn Lầu được sáu tuổi (năm 1896 ), ông Chín Giỏi (chưa rõ tên thật, cha Cao Văn lầu) vì nghèo, vì bị áp bức nên đã cùng vợ và sáu đứa con nhỏ xuống ghe, tìm đất khác sinh sống.

Buổi đầu, ông Chín Giỏi đến tá túc trên đất của một người bà con ở Gia Hội ( Bạc Liêu ).

Năm 1908 , Cao Văn Lầu nhờ cha dẫn đến thầy Hai Khị để xin học đàn mỗi đêm. Nhờ yêu thích và siêng năng, ông mau chóng sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như đàn tranh, cò, kìm, trống lễ; và trở thành một nhạc sĩ nồng cốt trong ban cổ nhạc của thầy.

Năm 1912 , ông bắt đầu đi hát với Sáu Thìn và cô Phấn với bài Tứ đại oán Bùi Kiệm thi rớt.

Khoảng thời gian này, ông sáng tác được một bản ngắn mang tên Bá điểu, sau đổi lại Thu phong, gồm tám câu nhịp bốn. Sau nữa, bản nhạc này được soạn giả Trịnh Thiên Tư đặt thêm lời ca và có tên mới là Mừng khi gặp bạn.

Năm 1917 , ông sáng tác thêm một khúc gồm 22 câu, theo một chủ đề của thầy Nhạc Khị đề xướng là "Chinh phụ vọng chinh phu" (chủ đề được rút ra từ bản Nam Ai "Tô Huệ chức cẩm hồi văn") nhưng chưa kịp sửa chữa và trình thầy thì gặp nghịch cảnh đau lòng. Vợ ông đã ba năm mà vẫn chưa có dấu hiệu thai nghén, theo tục xưa, cha mẹ buộc ông phải trả vợ về nhà cha mẹ ruột.

Khoảng một năm sau, trong tâm trạng nhớ thương vợ, bản nhạc trên được đem ra soạn lại. Nghe bạn đồng môn tên Ba Chột góp ý, ông bỏ bớt 2 câu trùng lắp, bài nhạc còn chẵn 20 câu nhịp đôi.

Tết Trung thu năm Mậu Ngọ (năm 1918 ), ông cùng các bạn đến thăm thầy, luôn tiện trình bày bản nhạc chưa có tên trên. Nghe xong, thầy Nhạc Khị hết sức khen ngợi.

Đêm đó có nhà sư Nguyệt Chiếu cùng tham dự, thầy Nhạc Khị liền nhờ nhà sư đặt tên cho bản nhạc. Nhà sư nói: "... tuy nhạc và lời ca còn vài điểm bất nhất, nhưng cái chung vẫn diễn tả được tâm tư của nàng Tô Huệ . Vậy cứ theo tích này mà đặt tên cho bài là "Dạ cổ hoài lang" (Nghe tiếng trống đêm nhớ chồng). Kể từ đêm đó, bài ca này được loan truyền nhanh chóng.

Năm 1919 , ông Lầu làm nhạc công trong gánh hát cải lương của Ba Xú (Bạc Liêu).

Từ 1918 đến năm 1974 , ngoài bản "Dạ cổ hoài lang", mà sau này phát triển thành bản "vọng cổ", làm thay đổi một phần bộ mặt cải lương; ông Cao Văn Lầu còn sáng tác thêm 10 bản nữa, nhưng đa phần chỉ lưu hành ở Bạc Liêu.

Ông mất lúc 13 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1976 tại Thành phố Hồ Chí Minh , thọ 84 tuổi.

Đờn ca tài tử – Bản sắc văn hóa Nam bộ

Là một dòng nhạc dân tộc của Việt Nam đã hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19 , bắt nguồn từ nhạc lễ, Nhã nhạc cung đình Huế văn học dân gian . Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ. Đờn ca tài tử là nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động. Đờn ca tài tử xuất hiện hơn 100 năm trước, là loại hình diễn tấu có ban nhạc gồm 4 loại là đàn kìm, đàn cò, đàn tranh và đàn bầu (gọi là tứ tuyệt), sau này, có cách tân bằng cách thay thế độc huyền cầm bằng cây guitar phím lõm. Những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau. Họ tập trung lại để cùng chia sẻ thú vui tao nhã nên thường không câu nệ về trang phục.

Theo đó, Nghệ thuật đờn ca tài tử đã đáp ứng được các tiêu chí như: được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua giáo dục chính thức và không chính thức tại khắp 21 tỉnh phía Nam; liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc...

Chơi đờn ca tài tử Nam Bộ phải là nơi có phong cảnh hữu tình, gợi cảm, gần với thiên nhiên, các tài tử thích chơi giữa cảnh cầu tre lắc lẻo - gập ghềnh khó đi, cảnh trời trăng mây nước, rừng xanh nước biếc, đồng ruộng mênh mông hay dưới bóng mát tàng cây cổ thụ, lũy tre làng… hay trên chiếc thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm, nên thơ tĩnh mịch, tiếng lá dừa nước hai bên bờ rì rào dịu êm như tiếng nhạc, làm tăng vẻ hữu tình cho buổi đờn ca tài tử trên sông.

Ở nông thôn Cà Mau, từ già, trẻ, bé, lớn… đều biết đờn ca, đó là lẽ đương nhiên. Trên đường đi khai thác gỗ, đi cấy cày, nhổ mạ, gặt lúa, xổ vuông, đi biển, nhất là khi chèo xuồng một mình trên sông, hay chống xuồng ba lá thanh thoát giữa rừng rậm U Minh… những bài vọng cổ nằm lòng sẽ được ngân lên, thậm chí có bài nội dung không dính dáng gì với hoàn cảnh thực tại cũng ca “chay” (không có đệm đờn), lời ca phóng khoáng có sức truyền cảm lạ lùng. Không ai nghe thì ca “mình ên” nghe cho “đã”. Vì “nghệ sĩ” trước tiên là người thưởng thức sản phẩm của chính mình.


Giáo sư Trần Văn Khê nhận xét: “...Chân phương hoa lá trong bài Vọng cổ đã được áp dụng một cách thần tình. Hoa chẳng những đẹp mà còn thơm. Lá chẳng những xanh mà còn tươi. Thành ra bản Vọng cổ có cái tươi mát, cái đẹp đẽ, có cái phong phú, cái dồi dào mà sức sống, sức đóng góp của tất cả những người nghệ sĩ, từ đứa con của bác Sáu Lầu sáng tạo, nuôi dưỡng cho nó lớn lên mạnh mẽ, nó đẹp đẽ...”.

Chơi Đờn ca Tài tử nói chung và ca tài tử trên sông nước nói riêng có sức hấp dẫn, làm say mê lòng người, ai biết qua rồi khó lòng bỏ được. Vì Đờn ca Tài tử là bản sắc văn hóa Nam Bộ, văn hóa Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Bộ VH-TT-DL trình tổ chức UNESCO năm 2011, cả nước có 2.019 Câu lạc bộ Đờn ca Tài tử với 22.643 thành viên đang hoạt động, trong đó thành viên nhỏ nhất 8 tuổi, lớn nhất khoảng 100 tuổi.

Đờn ca tài tử Nam Bộ là Di sản văn hóa phi vật thể

Ngày 5/12/2012, tại Hội nghị Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) họp tại thành phố Baku (Azerbaijan), loại hình nghệ thuật "Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam" đã nhận được 100% số phiếu bầu bình chọn là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Festival Đờn ca Tài tử Quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014

sẽ diễn ra từ ngày 20/4 đến 25/4

Ngay sau khi đón nhận Bằng của UNESCO vinh danh nghệ thuật Đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các Tài tử đờn, Tài tử ca của 21 tỉnh thành phố Nam Bộ sẽ hội tụ tại Bạc Liêu trong Festival Đờn ca tài tử lần đầu tiên diễn ra vào tháng 4 tới. Đây là một trong những hoạt động góp phần bảo tồn, tôn vinh, quảng bá và phát huy giá trị di sản đáng quý này trong đời sống.

Festival là hoạt động nhằm tôn vinh và quảng bá nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - một loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng. Thông qua đó nhằm bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử và phong trào Đờn ca tài tử Nam bộ trong đời sống hiện đại, góp phần giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường quảng bá về đất nước và con người Nam bộ; tạo cơ hội để xúc tiến đầu tư về thương mại, du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của Nam bộ và tỉnh Bạc Liêu.

Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014 gồm 21 hoạt động chính: Hội chợ Thương mại – Du lịch; Lễ hội ẩm thực Nam bộ; chương trình nghệ thuật tôn vinh soạn giả Trọng Nguyễn, Yên Lang; trình diễn xe cổ; khai mạc triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật; tổ chức không gian Đờn ca tài tử - Nam Bộ; triển lãm nhạc cụ dân tộc; khánh thành dự án mở rộng khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu và chương trình khai mạc Festival…

Thành phần tham gia Festival gồm 21 tỉnh, thành phố Đông, Tây Nam bộ và tỉnh Ninh Bình kết nghĩa.

2. Đến NASA:

Cơ Quan Hàng không và Không gian Quốc gia – NASA (National Aeronautics and Space Administration) là cơ quan của chính phủ Liên bang Hoa Kỳ , thành lập vào năm 1958 , có trách nhiệm thực thi chương trình thám hiểm không gian và nghiên cứu ngành hàng không. Cơ quan cũng có nhiệm vụ nghiên cứu dài hạn những hệ thống hàng không quân sự cũng như dân sự.

Hai Tiến sĩ người Bạc Liêu làm việc và nổi tiếng tại NASA:

Tiến sĩ Trịnh Hữu Phước chính thức về làm cho NASA năm 1987, chuyên về phát triển động cơ hỏa tiễn “LOX-methan” – sử dụng nhiên liệu oxygen và methan lỏng – cho phi thuyền bay vào mặt trăng.

Ông đã được nhận Huy chương cho những đóng góp xuất sắc, lâu dài của ông cho Kỹ thuật Hỏa tiễn và những ứng dụng kỹ thuật mới cho phi thuyền Mặt Trăng và Hỏa Tinh, tháng 5 năm 2010.

Như một sự sắp đặt của số phận, người bạn học ngày nào giúp anh đến Mỹ đã trở thành người bạn đời sau đó của ông. Ðiều đặc biệt, cả 2 người, anh Phước và chị Võ Thị Diệp, tên vợ anh, đều ở trong nhóm kỹ sư của trung tâm phi hành không gian Marshall thuộc NASA ở Huntsville, Alabama.

Từ lần thám hiểm mặt trăng lần cuối của Hoa Kỳ vào năm 1972, cho đến nay, Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA mới lại bắt đầu nghiên cứu những cải tiến kỹ thuật về dụng cụ khoa học cho cuộc thám hiểm cũng như chế tạo phi thuyền một cách hoàn hảo thêm. Nhằm mục đích đến mặt trăng trong thời gian tới để khảo sát địa chất và những dữ kiện thiên nhiên như đo nhiệt độ lòng đất, độ động đất, độ từ trường… NASA chọn đề án chế tạo phi thuyền người máy Robotic Lunar Lander (RLL) để dùng cho cuộc thám hiểm này.

Trong đề án này, Tiến Sĩ Phước, trưởng nhóm chuyên viên kỹ thuật nghiên cứu và chế tạo động cơ hỏa tiễn, chịu trách nhiệm đề án hai loại hỏa tiễn cho phi thuyền RLL. Trong đó, một loại dùng nhiên liệu lỏng điều khiển phi thuyền trong lúc bay và đáp xuống mặt trăng, một loại dùng nhiên liệu đặc để tạo ra phản lực làm giảm tốc độ của phi thuyền trước khi đáp.

Hiện nay Nữ Tiến sĩ Diệp là trưởng nhóm trong vấn đề nghiên cứu vật liệu nhẹ và bền để thay thế cho phần kim loại dùng trong các động cơ máy móc để có thể giảm bớt đi rất nhiều trọng lượng trong chương trình trở lại Mặt Trăng, đi lên Hỏa Tinh và nhiều hành tinh khác trong không gian. Thêm vào đó, cô là khoa học trưởng trong phần dùng vật liệu cách ly nhiệt cho phần hỏa tiễn của phi thuyền con thoi và Hỏa Tiễn ARES-I thay thế cho phi thuyền con thoi vào khoảng năm 2012.

Bằng khen thưởng kèm theo tiền thưởng của khoa học và kỹ thuật về phần nghiên cứu tìm ra chất liệu mới chống tia cực tím dùng trong nước sơn hoặc lớp phủ bên ngoài của những con tàu vũ trụ. Cùng với bằng thưởng trên, cô còn có nhiều bằng khen cùng nhóm (group Achievement Award) trong những chương trình như: Hỏa tiễn dùng nhiên liệu đặc (Solid Rocket Booster program), Tổng hợp chất đạm trên không gian (Protein Crystal Growth Furance)…

Từ Bạc Liêu, với Đờn ca Tài tử Nam Bộ hãnh diện được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Nhân loại… hãnh diện với đôi vợ chồng Tiến sĩ Trịnh Hữu Phước – Diệp Trịnh (cả hai nguyên quán tại Bạc Liêu) công tác tại NASA. Những người con làm vẻ vang cho đất nước trên lãnh vực của mình.

TÓM TẮT:

Thế là từ nay Âm nhạc dân tộc Việt của cà ba miền Bắc, Trung và Nam đều hãnh diện được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại:

- Điệu CA TRÙ tại Miền Bắc

Lối hát thơ, thính phòng, cung đình

Điệu CA TRÙ miền Bắc

Ca phối hợp ngón tay, khổ phách

Di sản Nhân loại!

- Điệu QUAN HỌ Bắc Ninh

Lối hát đối đáp Liền anh - chị

Điệu QUAN HỌ ở Bắc Ninh

Lời ca hay, trữ tình, giao duyên

Di sản Nhân loại!

(Cả hai Di sản trên đựoc công nhận cùng vào tháng 9-2009)

- NHÃ NHẠC Cung đình Triều Nguyễn tại Huế

Nhạc Huế xưa bác học, tao nhã

Ở Cung đình, dịp tế lễ

NHÃ NHẠC Cung đình của Triều Nguyễn

Di sản Nhân loại! (tháng 11-2003)

- ĐỜN CA TÀI TỬ Nam Bộ

Từ Văn học dân gian, Nhã nhạc (cung đình Huế)

21 tỉnh thành Đông, Tây

Có ĐỜN CA TÀI TỬ Nam Bộ

Di sản Nhân loại! (tháng 12-2013)

(Lời mới bài hát “London Bridge”)

Chúng ta hãnh diện vì Âm nhạc Dân tộc cả ba miền Bắc, Trung và Nam trải dài trên mảnh đất hình chữ S thân yêu - đều đã được vinh danh là Di sản Thế giới; hãnh diện với tất cả những người con làm rạng danh đất nước. Thật là vẻ vang thay cho con Rồng cháu Tiên!

“…Đất nước tôi! Dãy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn. Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi! Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng. Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!…”

(Tình Ca của Phạm Duy)

(Tham khảo: Tài liệu trên Internet)

PHẠM VŨ


THIÊN ĐƯỜNG CÔ ĐƠN

Một hôm đi tham gia buổi sinh hoạt thường kỳ của hội thơ người cao tuổi. Trong không khí vui vẻ, các cụ hào hứng đọc thơ của mình. Đến lượt tôi, tôi còn đang suy tính chọn bài nào, thì mấy cụ lại giục; tôi mở đại vở nháp ra, thấy bài thơ mới làm về giấc mơ có đề là: “Thiên đường cô đơn” thế là tôi đọc ngay

Ta đang sống ở xứ sở thần kỳ

Mà trong đó không có gì giống thật

Chan chứ tinh hoa trời đất

Cảnh vật nở hoa

Tất cả lung linh rực rỡ chói lòa

Đất trời thần bí

Những âm thanh bỗng vang trong tâm trí

Điệu tụng ca đầy âm hưởng ngọt ngào

Ta như thế cứ bay cao lên mãi

Mây quang dần để lộ trời sao

Đôi khi trời như hạ thấp xuống

Giơ tay lên có thể với tới rồi

Ôi tuyệt quá!

Muốn thế nào cũng được

Và cái gì cũng có thể xảy ra…

Ta khoái cảm say sưa thưởng thức

Chỉ tiếc rằng,

Không có ai chia sẻ cùng ta.

Nghe xong mấy cụ nói vui:

- Ông lên thiên đường sướng quá rồi còn gì.

- Sướng nỗi gì! – tôi vặn lại

Nhìn lướt mọi người, tôi thấy hình như mấy cụ chưa rõ ý, tôi giải thích thêm: Ở trên thiên đàng được tự do đi lại, tiện nghi đầy đủ, cuộc sống chẳng thiếu gì, chỉ có điều “rượu ngon không có bạn hiền không ngon”; có ai chia sẻ với mình đâu, cô đơn thì làm sao mà vui được, mà đã không vui thì làm gì có hạnh phúc, thế cho nên tôi mới rời thiên đàng xuống đây cùng uống rượu đọc thơ với các cụ còn khoái hơn.

- Ông này nói lạ thật, cuộc sống thiên đàng ai cũng mong không được, ông lại chê.

- Thiên đàng hay địa ngục cũng là do cảm nhận của mình thôi. Tôi thưa với các cụ rằng, chính vì người ta chưa đến nên cứ mơ, cứ tưởng… nhưng đến rồi tôi tin rằng nhiều khi suy nghĩ lại khác…

- Thì ông cứ phân tích nghe thử.

- Người ta nói, con người phải sống tốt, cả cuộc đời tu thân tích đức để sau này mới được lên thiên đàng chứ có phải ai cũng có được cái phúc ấy đâu. Nhưng khốn nỗi có những kẻ không muốn theo đạo lý đó vì làm người tốt khó lắm nên họ đi tắt cho nhanh và muốn hưởng ngay ở trần gian này còn hơn phải đợi, phải chờ, chẳng biết đến bao giờ.

Vốn là những người thuộc dòng giống có năng khiếu gian ngoan xảo quyệt “thần sầu quỷ khốc”, họ liên minh “ma quỷ” hay thế giới gọi là “maphia”, qua mặt pháp luật, bất chấp lương tâm, dư luận, bất chấp tuốt tuồn tuột để “thanh thản” vơ vét thu gom đất đai, tiền bạc, của cải vv… Để xây lên thiên đàng nơi trần gian, như các cụ thấy đấy, nào biệt thự hoành tráng, nào xe đời mới, nào cùng “tiên nữ” đi thưởng lãm danh lam thắng cảnh trong nước, nước ngoài. Có tiền thì cái gì cũng có… Nhưng. Vâng ở đời có chữ “nhưng” nên khó đoán. Một hôm, “ông tiên” ở thiên đường trần gian này, nhận được thông báo của “tiên nữ” cặp bồ với ông: “Em xét nghiệm dương tính với HIV”, thông báo này có giá trị tương đương với bản án tử hình, rồi trong lúc khủng hoảng, suy sụp, ông lại có giấy mời, thật là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” ông đọc xong rồi lảo đảo muốn xỉu vì đó là giấy triệu tập của cơ quan điều tra về việc làm ăn khuất tất của ông… Câu chuyện còn dài nhưng không cần kể thêm chắc các cụ đều hiểu là chuyện gì đã xảy ra. Đúng vậy, cái gì đến nó sẽ đến. Đó là thiên đàng hay địa ngục? Dù ở thiên đàng hay địa ngục thì những loại người ấy cũng cô đơn mà thôi. Sống có tình người vẫn hơn.

- Chí lý, chí lý.

LÊ MINH CHỬ

12.8.2013

T h ơ  t r à o  p h ú n g

LÊN ĐỒNG

Bà kia tháng tháng đôi tuần

Đi “công tác” đủ hai lần… đúng ghê!

Ông chồng bán tín, bán nghi

Vò đầu “cóc” hiểu vấn đề ra sao???

Hỏi con, con nói tào lao,

Hỏi bà, bà chỉ ừ ào cho qua,

Một đêm, bà “biến” khỏi nhà…

Ông chồng hốt hoảng tìm bà khắp nơi,

Láng diềng có kẻ “khó chơi”

Thấy ông tìm toát mồ hôi, thương tình:

“Bác ơi! tìm mãi nhọc mình

Cứ nơi Điện phủ bác rình mà xem”.

Ông chồng cắm cổ đi liền,

Lần theo hương khói ánh đèn sáng chưng!...

Eo ôi! phưng phứng phừng phưng

Nhìn xem “phong cảnh”, ông bưng miệng cười

… Chắp tay trước đống chè sôi

Xem bà “biểu diễn”, đám người suýt soa…

Bà chầu Hoàng Bẩy Hoàng Ba

Tay bà “bắt quyết”, miệng bà gài hương

Mình bà mềm nhũn không xương

Ưỡn à ưỡn ẹo như đương… nhẩy đầm!

Dăm cô tấu lậy lầm rầm:

- “Cậu” ban lộc nắm tiền cầm trong tay

Phưng phưng gió thổi rung cây,

Dưới khe cá lội, chim bay trên ngàn

Trên ngàn bà ngàn mái ngàn me

Ngàn giang ngàn “túc”, ngàn “te” ngàn vầu…

Dăm ba cô “tố lữ” theo hầu

Cô xe chỉ thắm cô xâu hột vàng…

Múa thanh gươm gỗ nhịp nhàng

“Cậu” ấm, “cậu” ứ, “cậu” choàn mấy câu

Bỗng nhiên “cậu” vội “thăng” mau

“Cậu” chuồn, nào có gì đâu, ông nhà

Quát: Về! “Cậu” đớ người ra

Bỏ thần, bỏ thánh, “cậu bà” theo ông…

Tẽn tò mấy chú thanh đồng

Đoái nhìn bóng “cậu theo chồng” mà cay

Phưng phưng gió thổi rung cây

Con công đệ tử mặt ngây cán tàn

Gió lùa Điện phủ tuyênh toang,

Sôi chè hạ bệ, hương tan mơ hồ…

TRƯƠNG-LINH-TỬ

ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st

ĐÓN XUÂN

Tết đến bông hoa nở rộn phường

Mừng Xuân vui vẻ cả quê hương

Chim xanh ríu rít trên cành lá

Sắc đẹp phô trương khắp nẻo đường

Đất nước hòa bình an bách nghiệp

Gia đình hạnh phúc đón mười phương

Đầu năm Ngũ Phúc Lâm Môn hội

Vạn vật hân hoan đến lạ thường...

Thanh Châu

MỪNG TẾT GIÁP NGỌ 2014

Nắng ấm về đây,chiếu sáng màu

Êm đềm gió thoảng lướt cành dao

Giàu sang thể hiện xinh nhung lụa

Hạnh phúc dâng lên thắm má đào

Trừ tịch hương thơm bay bát ngát

Giao thừa tiếng pháo vọng xôn xao

Thi nhân khai bút ghi dòng cảm

Đón Tết ngày Xuân rượu rót chào.

Thanh Châu

Đóa Hồng Valentine

Những đóa hồng anh gởi sáng nay

Valentin một thoáng mơ say

Hồng hoa đỏ thắm hương nồng tỏa

Lặng lẽ ân tình mộng ngất ngây


Cánh nhỏ hồng nhung xinh mượt tay

Vô tình nhớ lại thuở thơ ngây

Lời anh ngỏ, nhẹ nhàng xưa đó,

Nhớ nhé tình ta giấc mộng đầy...


Đã biết bao ngày mộng lắt lay

Tình ta thắm thiết vẫn mơ say

Valentine ngập tràn nhung nhớ

Cảm tạ đời ngày mộng tuyệt vời...


Hãy giữ cho nhau tình mật ngọt

Quên đi sóng gió bóng chiều lay

Tình ta ấm áp đời giông bão

Nhạc khúc tình vui... chẳng nhạt phai...

Phạm Thị Minh-Hưng

Valentine Ảo Mộng

Dấu yêu hỡi mùa vàng son còn mãi
Trên má hồng, mắt biếc nụ son môi
Tình chất đầy trong khu vườn kỷ niệm
Dù tương phùng hay lúc đã chia phôi

Sợi tóc ngày nào trao nhau huyễn tuyệt
Vẫn còn đây bước vạn nẻo thăng trầm
Trong cơn mơ lạc vào vô cùng tận
Ta gặp nhau rồi, dẫu choáng váng hư không!

Đời xô ngã tình ta thành xa lạ
Tảng băng buồn bỗng lạnh ngắt dung nhan
Hai cuộc đời xa - Tình như mục rã
Trái tim Em biết gõ nhịp hoang đàng

Mùa Valentine vẫn hoa Hồng vang đỏ
Anh đi, bỏ lại hoang vắng - sầu miên man
Hoa vẫn ngát hương, nhớ thương đã cũ
Em một mình... Ảo mộng đến trăm năm...

Phạm Thị Minh-Hưng

HIẾN DÂNG

“Tình yêu là dâng hiến”

(TAGORE)

Anh không tặng hoa cho em đâu

Làm gì có loài hoa nào nói được bao điều anh muốn nói

Dẫu là hoa hồng thắm đỏ

Hay là hoa lan kiêu sa

Khi trái tim anh đang hát ca

Cùng những vần thơ kết thành lẵng hoa đẹp nhất

Dành tặng riêng em

Trao tay rồi anh còn muốn nói thêm

Chỉ một lời thôi: Dâng hiến

Chỉ một lời thôi: Hiến dâng!

Lê Nguyên

OFFRIR

"Aimer c'est offrir"

(TAGORE)

A toi je n'offre pas la fleur

Il n'y a aucune espèce de fleur qui peut dire les choses

que je veux te dire

Même si c'est la rose rouge foncée

Ou l'orchidée fastueuse

Quand mon coeur est entrain de chanter avec mes poèmes,

tressant la plus belle des corbeilles de fleurs

Réservée pour être offerte à toi seule

En te la remettant, je veux encore te dire

Un seul mot : offrir

Et offrir de nouveau!

LÊ NGUYÊN

MỘ KHÚC

Ở NÚI CHƯ GIUNG

Rồi mai thác vẫn rì rào
Rừng chưa trở lá cũng đau ít nhiều
Lối mòn giấc mỏng thiu thiu
Chiều sương lũng vọng đìu hiu tiếng buồn
Chia tay con nước xa nguồn
Cây khô ngón lạnh em ruồng rẫy đi

Rồi mai trong cuộc yêu vì
Vàng hong tuổi lạ lấy gì nhận nhau?
Thôi liều với đỉnh non cao
Ngồi im nghe đá bạc màu tuyết sương.

Thiếu Khanh

Chư Giung, 1967

(Nghìn Xưa Để Lại)

Đính chính:

trong bài Xuân Tây Bắc Số 92 trang 68

1. Khổ thơ thứ 4:

Tiếng thoi đưa nhịp nhàng bên bản nhỏ

(thay chữ “bên” là chữ “vui”)

2. Khổ thơ thứ 6:

Bên bìa rừng tiếng chân họa mi hót

(thay chữ “chân” thành chữ “chim”)


MIỀN TRUNG MẤT MÁT.....


Bão lại đổ vào miền trung ồ ạt

Người gồng mình, đất sạt lở… thiên tai

Cuộc sống bình yên nay bị lũ cuốn trôi

Người lương thiện mà sao trời nỡ hành như vậy?


Không ai biết nơi đây rồi sẽ xảy ra điều gì

Hay ngày mai trong nhà ai còn ai mất

Những ngôi nhà chân không bám đất

Biển nước mênh mông chới với những cánh tay


Bầy lợn, đàn gà… tan tác, giờ đây

Gió bẻ gãy những tân cây tan nát

Những đứa bé tha hương đói khát

Không áo quần, răng lập cập đánh vào nhau


Bão lũ miền trung gây bao cảnh thương đau

Oan nghiệt thay đã bắt em chọn lựa

Đời này, chúng còn được gặp Mẹ Cha bao lần nữa?

Những mất mát ùa về trong đầu óc trẻ thơ


“Mất cha ăn cơm với cá

Mất mẹ liếm lá gặm xương”

Ôi! thiêng liêng hai tiếng quê hương

Mà không phải lúc nào cũng là “chùm khế ngọt”


Những năm tháng gần đây liên tục

Tiễn người thân… lần lượt nghỉ ngoài đồng

Mùa bão rồi qua đi, con có biết không?

Còn nhân tai đã cuốn theo “niềm tin” đi mất

LÊ MINH CHỬ (18.11.2013)

Sắc Xuân Hồng

(Kính tặng PN VN)

Khi viết về Bà

Con vô cùng xúc động

Vòng tay Bà trao ấm áp tuổi thơ

Một đời gian lao nuôi Mẹ, chăm cháu

Tuổi XUÂN HỒNG gói trọn những ước mơ!


Khi viết về Mẹ

Lòng con ấm áp lạ

Dẫu cuộc đời Mẹ gánh nhiều đắng cay

Vất vả gian nan cùng tháng rộng, năm dài

Mang XUÂN HỒNG cho các con hạnh phúc


Khi viết về Chị

Những người chị dịu hiền

Rạng rỡ nụ cười tươi thắm nét duyên

Góp XUÂN HỒNG cho tuổi thơ huyền dịu

Đẹp nết, đẹp người, tợ những nàng viên


Khi viết về Cô

Cô giáo ngày xưa

Nét chữ đầu đời cô cầm tay nắn nót

Nụ XUÂN HỒNG cô luôn dành cho trẻ

Nhớ thương sao – nói mấy cho vừa!


Khi viết về Con

Một người nghệ sĩ

Đem tiếng hát lời ca sưởi ấm cuộc đời

Miệt mài, cố công đêm ngày không ngơi nghỉ

Rây rắt XUÂN HỒNG đến khắp muôn nơi


Khi viết về

Những người Phụ nữ Việt Nam

Trung hiếu, nghĩa tình, nhân hậu, đảm đang

Xã hội, gia đình đôi vai gánh nặng

Xây đắp XUÂN HỒNG cho xã hội an khang!

XUÂN VÂN

MỪNG THỌ MẸ

Mẹ là gương sáng đời con

Tam tòng tứ đức sắt son vẹn tuyền

Xứng danh trời bể mẹ hiền

Đường đời can đảm trung kiên một lòng


Thương đàn con trẻ mặn nồng

Phụng thờ tiên tổ cha ông chu toàn

Việc nhà việc nước lo toan

Khó khăn vất vả không than một lời


Cây cao bóng cả tuyệt vời

Nuôi con công đức ngàn khơi trập trùng

Khiêm nhường mẹ sống thủy chung

Chở che dạy dỗ hiếu trung đủ đầy


Đối nhân xử thế thẳng ngay

Gia đình đầm ấm vui vầy bên nhau

Bữa ăn thanh đạm cháo rau

Sớm hôm chăm sóc trước sau thuận hòa


Bà con cô bác gần xa

Tình làng nghĩa xóm ruột rà cao thâm

Luyện rèn trau chuốt chữ Tâm

Thanh tao nhã nhặn lặng thầm khiêm cung


Chúng con yêu Mẹ vô cùng

Khắc ghi công đức – lắng chùng phím tơ

Mẹ là nhà giáo nhà thơ

Mông mênh trời biển – bến bờ là đâu?

NGÀN PHƯƠNG

Thuỵ miên


Chìm vào giấc mộng hoàng hoa

Con tim nhỏ bé mù lòa ngẩn ngơ

Lục bình tím lịm trời thơ

Xuôi tay phó mặc ước mơ không thành


Mỏi mòn nỗi nhớ mong manh

Niềm tin gãy vụn năm canh muộn phiền

Vẫn đam mê suối tóc huyền

Nét mi hạ giới – lâm tuyền chênh vênh


Nẻo xa mây trắng bồng bềnh

Sáo diều réo rắc hồn thênh thang buồn

Chơi vơi thác lũ mưa nguồn

Mảnh trăng sơn cước quay cuồng đong đưa


Bước chân về lại ngày xưa

Rêu phong phủ kín – thu chưa hẹn thề

Chim lìa tổ lạnh tái tê

Long đong lạc hướng biết về nơi đâu


Mong manh nước mắt tình đầu

Vời trông vạn dặm vó câu rã rời

Tạ ơn ai suốt một đời

Bóng hình xa tít – trùng khơi ngậm ngùi


Đành quên cay đắng ngọt bùi

Tìm vào kỷ niệm – chôn vùi xuân xanh

NGÀN PHƯƠNG

NỬA ĐÊM NHỚ EM

Một năm Anh bệnh bất an

Tưởng Anh đi trước Chúa ban phục hồi

Bất ngờ Em lại lìa đời

Mọi người bỡ ngỡ chẳng lời trối trăng

Bỏ Anh cô độc khó khăn

Ra vào chẳng thấy nói năng hằng ngày

Sầu đong càng khắc càng đầy (Kiều)

Bao người chia sẻ buồn này chẳng vơi

Yêu Em… thuở bán đá vôi

Sáu mươi năm ấy khó vơi nỗi buồn

Nhớ Em không ngủ lệ tuôn

Nhớ Em trung hiếu càng buồn liên miên

Nhớ Em nhiều nhất nửa đêm

Nhớ Em lắm nỗi khó quên đoạn trường

Thay Anh Chúa gọi Em thương

Hẹn Em gặp chốn Thiên Đường mai sau

Tạm Biệt

Mùa Phục Sinh 2011

BÁ KHOÁT

Một mình Một bóng

                                Tặng Mạc Công Khôi


Chiều về chầm chậm, mây nằng nặng

Trên bếp nhà ai khói quyện sương

Tôi đi lững thững bên sông vắng

Tìm dấu chân người bạn mến thương


Trên cát, dấu chân gió xóa mờ

Sông quen oàm oạp vỗ lên bờ

Thiếu bạn, mình tôi bên chiếc bóng

Nhìn dòng sông chảy, ánh trăng mơ


Trăng sáng mấy lần in hai bóng

Nghiêng dài trên bãi cát chân đê

Khuya rồi, gió lạnh gai người, đứng

Vui chuyện văn thơ chẳng muốn về


Trăng sáng đêm nay in một bóng

Nghiêng dài trên bãi cát chân đê

Khuya rồi, tôi đứng như đinh đóng

Nhìn mãi vầng trăng chẳng muốn về…

Hà Nội, 15.9.1962

VŨ ĐÌNH HUY

ALONE WITH

ONE’S OWN SILHOUTTE

To Mạc Công Khôi

Evening came slowly, clouds were rather heavy

Over the kitchen of someone’s house, smoke mingled with dew

I lounged about beside the so deserted river

Looking for footprints of my so beloved friend


On the sand, footprints were blurred by the wind

Familiar waves struck with lapping against the shore

Lacking you, I’m alone with my own silhouette

Looking at the flowing river, and the dreamy moonlight


The bright moonlight had several times reflected our two silhouettes

Leaning lengthily on the sandy beach at the dike base

It was late, and the wind blew chilly while we stood

Having a so good time with literature and poetry that we didn’t want to go back


Tonight the bright moonlight reflects only a sole silhouette

Leaning lengthily on the sandy beach at the dike base

It was late, I stood like being nailed

Constantly looking at the moon, without wanting to go back…

Hà Nội, 15.9.1962

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN

L Ẩ M C Ẩ M

Nhiều khi tôi tự hỏi mình là gì trong cõi người tỉ tỉ

Mà đăm chiêu nghĩ ngợi suốt tháng ngày

Sao không ca vui với gió thổi mây bay;

Nhào xuống biển rong chơi với lũ cá trời phóng khoáng.


Nhiều khi tôi tự trách sao không làm ly ca fé mỗi sáng.

Với bạn bè hay chí ít với cánh phượng trên cao

Hay nhào vội ra cho kịp thoáng mưa rào

Vừa đủ ướt, để hong khô khi nàng mưa vừa cười cười đi khỏi.


Nhiều khi tôi muốn ném bang bang hòn sỏi

Cho nhảy lưng tưng trên phẳng lặng mặt hồ

Như những chú bé của thuở rất xa xưa

Để tìm lại chút thơ ngây mà thời gian đã lạnh lùng tước bỏ.


Nhiều khi tôi nghĩ sao không như ngày xưa, có một đêm thả bộ

Từ trung tâm thành phố lếch thếch mãi mới về

Trong cái lành lạnh, cái thôi miên của không khí giao thừa

Và có thể còn chưa về nhà,

              mà lại điên điên ngồi đâu đó làm ly ca fé nửa sáng.


Nhiều khi tôi tiếc là đời mình vắng lặng

Chỉ có bút chì và mảnh giấy con con

Ghi mọi thứ - mà mọi người bảo là lẵng nhẵng, lăng nhăng -

Chả ra làm sao cả khi nhịp đời đi vội vã lắm.


Tôi chả biết làm sao khi đời còn rất ngắn:

Mắt đủ xài giỏi lắm chỉ dăm năm

Miệng có tía lia, thì cũng có lúc… sưng mồm

Rồi như thóc kia, lại lặng yên, vì bản thân là thóc.


Tôi chả biết làm sao, chỉ mong lòng không phai nhạt

Với những gì đã gắn bó - thật riêng -

Dẫu qua đi những nắm bắt đời thường

Thì đành chịu, vì ôi! Tôi là mẫu người như vậy đó.

LAM TRẦN 28.04.2013

Phụ Bản III

DU XUÂN

Ba chị em Thúy Kiều đi du xuân.

Du xuân lúc nầy thì có vẻ muộn màng, vì rằng đã vào tháng ba, thuộc tiết mãn xuân, sắp sửa hết xuân rồi...

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục, đã ngoài sáu mươi.

Vậy mà, dưới tầm nhìn của Cụ Nguyễn Du thì vẫn còn xuân tươi chán. Vả lại Cụ Nguyễn Du vốn là một họa sĩ tài hoa, Cụ chỉ cần chấm phá vài nét, là đã tô điểm một bức tranh thủy mạc vô cùng đẹp đẽ của tiết xuân tươi tràn đầy nhựa sống...

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Ba chị em Thúy Kiều mượn tiếng là đi du xuân cho vui, thực ra là đi tảo mộ, cúng kiến mồ mả ông bà...

Thanh minh trong tiết tháng ba

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

Gần xa nô nức yến oanh

Chị em sắm sửa bộ hành du xuân

Dập dìu tài tử giai nhân

Ngựa xe như nước áo quần như nem

Ngổn ngang gò đống kéo lên

Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay

Và có lẽ, họ đã đi cúng viếng nhiều nơi, nên chậm trễ đến chiều mới xong mà ra về...

Tà tà bóng ngả về tây

Chị em thơ thẩn dang tay ra về

Bước lần theo ngọn tiểu khê

Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh

Nao nao dòng nước uốn quanh

Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang

Sè sè nấm đất bên đàng

Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh...

Chiều xuống, chị em Thúy Kiều đều mệt mỏi... chỉ còn biết nhìn bước chân mà đi, mong sao cho mau tới nhà để nghỉ ngơi... Do đó, mà vừa bước qua cây cầu, Thúy Kiều đã trông thấy ngôi mộ hoang lạnh lẽo, vội hỏi ngay:

Rằng: - Sao trong tiết thanh minh

Mà đây hương khói vắng tanh thế à?

Tới đây, Cụ Nguyễn Du đưa Vương Quan ra làm M.C để giải thích sự tích của Đạm Tiên, là một tình tiết rất tế nhị, hợp tình hợp lý..., bởi vì, chuyện hiểu biết lầu xanh là của cánh mày râu, đàn ông con trai...

Vương Quan mới dẫn gần xa:

“Đạm Tiên, nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến anh

Phận hồng nhan có mong manh

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương...

Trải bao thỏ lặn, ác tà

Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm...”

Thúy Kiều vừa nghe câu chuyện thương tâm của Đạm Tiên, thì động lòng trắc ẩn mà khóc òa!...

Thật là: Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu.

Những người cùng chung duyên phận thì dễ thông cảm với nhau hơn.

Kiều rằng:

“Đã không kẻ đoái, người hoài

Sẵn đây ta thắp một vài nén hương

Gọi là gặp gỡ giữa đường

Họa là người dưới suối vàng biết cho

Rút trâm sẵn giắt mái đầu

Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần...

Thơ rằng:

Tình nghĩa duyên trời gặp gỡ đây

Hương hồn cảm ứng nén nhang nầy

Nguyện cầu siêu độ Tây Phương Phật

Cực lạc an nhàn cõi gió mây!...

Thúy Kiều khóc cho Đạm Tiên, thì cũng có ý nghĩa là khóc cho thân phận mình.

Nỗi niềm tưởng đến mà đau

Thấy người nằm đó, biết sau thế nào?...

Thúy Vân thì ngây thơ không hiểu, trông thấy sự việc kỳ cục, nên phê phán:

Vân rằng: Chị cũng nực cười,

Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.

Vương Quan thì thực tế hơn, nên khuyên lơn:

Ở đây âm khí nặng nề

Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa.

Thúy Kiều còn ấm ức trong lòng, nên chưa chịu về...

Kiều rằng: - Những đấng tài hoa

Thác là thể phách, còn là tinh anh

Dễ hay, tình lại gặp tình

Chờ xem, ắt có hiển linh bây giờ

Một lời nói chửa kịp thưa

Phút đâu ngọn gió cuốn cờ đến ngay

Ào ào đổ lộc rung cây

Bên trong dường có hương bay ít nhiều

Kiều rằng:

Hữu tình ta lại gặp ta

Chớ nề u hiển mới là chị em

Đã lòng hiển hiện cho xem

Tạ lòng, nàng lại nối thêm vài lời

Lòng thơ lai láng bồi hồi

Gốc cây lại vạch một bài cổ thi...

Thơ rằng:

Bạc mệnh hồng nhan, một kiếp hoa

Còn đâu nhan sắc để kiêu sa

Sao bày cảnh gió sương phong nguyệt

Để đẩy nàng bèo bọt xướng ca

Âm cõi về, chồng không lửa khói

Dương trần ở, vợ khắp người ta

Thương thay gãy gánh còn xuân trẻ

Bạc mệnh hồng nhan, một kiếp hoa

Có lẽ Đạm Tiên cũng cảm động cho tấm lòng tốt của Thúy Kiều, nên đã xui khiến Kim Trọng lạc bước tới đây, để có một cuộc gặp gỡ huy hoàng giữa đôi giai nhân tài tử.

Trong khi Thúy Kiều còn đang lưỡng lự...

Dùng dằng nửa ở, nửa về

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần

Trông chừng thấy một văn nhân

Lỏng buông tay khấu, bước lần dặm băng.

Chàng Kim Trọng không có ý định đi đến đây, mà do con ngựa dẫn dắt, vì chàng đã thả lỏng dây cương cho ngựa đi tự do. Con ngựa đã kết nối duyên kỳ ngộ...

Hài văn lần bước dặm xanh

Một vùng như thể cây quỳnh cành dao

Chàng Vương quen mặt ra chào

Hai Kiều e lệ, nép vào dưới hoa

Chúng ta không rõ, vào thời xưa, nam nữ có đá lông nheo với nhau không!... Ắt là cũng phải có!...Ở đây, Cụ Nguyễn Du chỉ diễn tả nhẹ nhàng thôi:

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa

Xuân lan, thu cúc, mặn mà cả hai

Người quốc sắc, kẻ thiên tài

Tình trong như đã, mặt ngoài còn e ...

Cuộc đời là vô thường, nay thế nầy, mai thế khác, sớm còn, tối mất...

Nhờ có luật vô thường mà sự sống mới tồn tại trên trái đất!... và sự biến thiên trong cuộc đời của Thúy Kiều là điều lý giải cho thuyết vô thường vậy.

Bóng tà như giục cơn buồn

Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo!...

Thêm một lần nữa, Cụ Nguyễn Du đem trình bày nét vẻ thủy mạc độc đáo để kết thúc tốt đẹp cuộc gặp gỡ nầy...

Dưới cầu nước chảy trong veo

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Thanh Châu

Hình như có một thứ ánh sáng chói chang làm bác Sam mở mắt thức dậy. Ở mép giường bên kia bác gái ngồi gõ nhè nhẹ lên bàn phím để chat với con gái. Bây giờ là 6 giờ sáng, bên kia mới ba giờ chiều hôm trước, con gái bác rảnh rang đưa đứa con gái ra trước webcam cho bà ngoại ở Việt Nam nhìn thấy cháu đang quậy phá. Bác gái bị cái chứng ngủ ít cho nên thường dậy sớm. Chừng bốn giờ sáng bác gái đã thức dậy rồi, nhưng bác vẫn nhắm mắt để đó, chưa dám mở đèn ngồi dậy sợ làm bác trai thức giấc, mặc dù bác trai đã cẩn thận bắt hai bóng đèn compact ở hai bên đầu giường để hai người tự do sử dụng, nhưng bóng đèn của bác gái sử dụng có công suất cao hơn nên rất sáng. Bác gái cũng có cái tật rất dễ thức mỗi khi có tiếng động, trong khi bác trai ngủ một cách thoải mái. Mới thấy bác trai vừa đặt lưng xuống một lúc đã ngáy kho kho. Nửa đêm có khi bác trai mớ, nói lảm nhảm lúc đang ngủ thường làm bác gái thức giấc. Bác Sam đã qua tuổi bảy mươi mà ngủ dễ dàng như vậy chắc cũng ít người có được. Hôm nào bác Sam cảm thấy khó ngủ bác chỉ cần lấy một quyển sách nào đó và đọc chừng hai tới ba trang là cuốn sách từ từ rớt xuống giường rồi bác “thăng” một cách ngon lành.

Hiện nay, số lượng những cặp vợ chồng già ở tuổi trên dưới bẩy bó còn ngủ chung giường như vợ chồng bác Sam chắc cũng giảm đi nhiều. Nhiều cặp vợ chồng già cùng cỡ như bác Sam đã tuyên bố chấm dứt giai đoạn “đồng sàng”. Có cặp, ông một phòng bà một phòng, có cặp, ông trên lầu bà ở dưới đất, cũng có cặp hai ông bà vẫn ở chung phòng nhưng ngủ trên hai cái giường riêng biệt. Lý do đưa ra thường là một người cử động làm cho người kia thức giấc. Có cặp tự động chia cắt khi có một người treo “miễn chiến bài”. Thông thường ở tuổi này các bà nếu còn ngủ chung, chủ động ra lệnh cho ông nhà phải “bất ly cục kịch”, hoặc bảo ông “ngủ đi mộng vẫn bình thường”.

Bác Sam thấy tình cảnh hai vợ chồng già mà mỗi đêm một người một nơi riêng biệt như vậy có phần nguy hiểm vì người này không thể chăm sóc cho người kia khi một trong hai người có bệnh hoạn bất ngờ. Có trường hợp trời sáng rồi mà người này thấy phòng người kia còn đóng im ỉm, khi mở được cửa thì thấy người kia nằm bất động… Vì vậy cho nên ông Sam vẫn luôn hoanh nghênh những cặp vợ chồng già bảy tám mươi tuổi vẫn tiếp tục ngủ chung một giường. Có người “bình luận” vợ chồng ông:

- Ông có cái tên hay quá, hèn gì hai ông bà lúc nào cũng giống như đôi sam ngoài biển.

Sáng nay, mồng một Tết, vợ chồng đứa con trai đang chuẩn bị đưa đứa cháu nội về bên ngoại vui chơi mấy ngày đầu xuân. Bác Sam và vợ được tự do thoải mái cùng nhau vui Tết trong căn hộ này. Ngoài phòng khách đã trang trí cái bàn lớn, dùng để dạy học, bằng hai chậu mai bonsai sáng nay đã có được mấy bông loại mai giảo có nhiều cánh lớn. Hai chậu mai này do ông bà mang về hôm rằm tháng chạp từ nhà bà chị trên Củ Chi. Không phải bà chị cho mà ông bà mua từ Tết năm ngoái. Sau khi chưng bày trong mấy ngày đầu xuân ông bà đem gửi trên nhà bà chị nhờ ông anh rể chăm sóc. Kế bên là một chậu Vạn thọ có hoa vàng rực. Gọi là “chậu” và được chứa đầy đất nhưng lại để trên bàn bởi vì hiện nay những chậu hoa loại nhỏ thường được làm bằng nhựa, nhẹ tưng. Khi mua một chậu hoa mang về muốn chưng trên bàn cho đẹp chỉ việc mua thêm một tờ giấy đỏ bọc chung quanh sau đó dán lên một tấm giấy đỏ hình thoi có ghi chữ “đại cát” bằng sơn nhũ bạc. Ở chính giữa trước hai chậu hoa mai là một trái dưa hấu loại không hột do một ông bạn chuyên kinh doanh trái cây tuyển lựa bán cho. Căn phòng khách bây giờ có màu sắc rực rỡ trông có vẻ Tết lắm. Cái bàn này cũng chính là nơi cô giáo nhà tôi thu hình những bài giảng tiếng Pháp đã được tải lên trang mạng “youtube”, và cũng cái bàn này ngày hôm qua ba mươi Tết dùng để cúng rước ông bà. Mâm cơm cúng cũng được thực hiện một cách đơn giản. Ông Sam đưa bà ra tiệm cơm chay mua vài ba món nóng hổi mang về trình bày một mâm đồ cúng chay thịnh soạn. Cúng xong mấy món đồ chay đó sẽ là thức ăn cho những bữa cơm sau đó của hai ông bà. Trong căn hộ của mình, ông Sam không làm một bàn thờ tổ tiên cũng không có bàn thờ ông Phật Thích Ca. Điều dễ hiểu là hai ông bà không công nhận mình theo Phật giáo mặc dù ngày xưa khi còn ở với cha mẹ, ông Sam thấy cha mẹ ông thờ Đức Phật và có cả một khung hình ông Quan Công, Châu Thương và Quan Bình. Ông Sam cũng không hiểu vì sao cha mẹ ông lại thờ ông Quan Công giống như những người Hoa trong xóm. Ông bà Sam chưa từng qua một lớp học về đạo Phật, chưa hề đọc qua một quyển kinh, quyển kệ nào cả. Ngày xưa, còn trẻ, mỗi lần đi xin việc làm ông Sam thường bối rối khi phải khai vào ô “tôn giáo”. Lúc đầu ông vẫn khai là Phật giáo, khi bước qua tuổi bốn mươi ông đã thay đổi ý kiến và không ghi gì cả vào ô này.

Bác Sam bưng vào phòng hai tô mì gói vừa nấu xong còn bốc khói để hai ông bà ăn trước khi uống những viên thuốc huyết áp, và tim mạch, rồi chuẩn bị đón mừng xuân mới.

Chương trình vui xuân của hai ông bà thật đơn giản và hoàn toàn tự do, không hề quan tâm đến việc thăm viếng bà con bạn bè. Ông bà cho rằng ngày Tết là ngày mọi người cần được nghỉ ngơi, mình đến có khi người ta không muốn. Hơn nữa ngày thường cũng chẳng thấy thân thiện, gần gũi. Mỗi người ai cũng lo sinh kế riêng tư. Thôi thì ai ở đâu, ở đó cho rồi. Gặp nhau ngày Tết không khéo bị người ta cho là mang xui xẻo tới. Trường hợp đặc biệt nếu có lời mời, người đến thăm chắc sẽ được an tâm.

Do vậy, trong suốt mất ngày Tết hai ông bà hủ hỉ với nhau, lang thang rong chơi chỗ này chỗ nọ không mục đích. Điều thú vị nhất của hai ông bà là được ngồi trên xe máy thong dong đến các vùng đồng quê xa xôi ở các tỉnh xung quanh Saigon, thưởng thức bầu không khí vừa lạnh vừa trong lành, phóng tầm mắt về khoảng trời xanh không hề có bóng dáng những tòa nhà cao ngất che khuất bầu trời bao la vô tận. Hai ông bà Sam lúc này giống như hai người bạn tri kỷ vừa ngồi xe rong chơi vừa nói chuyện trên trời dưới đất, hết chuyện này đến chuyện khác trên suốt lộ trình.

Vừa lái xe, ông Sam vừa nghĩ. Đi như thế này thoải mái vô cùng. Giờ này mà đi vào những khu vui chơi giải trí chỉ rước lấy bực bội. Đầu tiên là việc gửi xe máy, đám giữ xe sẽ “chém” không thương tiếc. Giá gửi mỗi xe là hai chục ngàn hoặc ba chục ngàn. Mấy ông quản lý thị trường chắc cũng đang ăn Tết nên khách gửi xe tha hồ bị chặt chém. Không chỉ như vậy, họ còn ăn nói rất lỗ mãng làm như họ giữ xe như vậy là phước cho người gửi lắm rồi. Những ai từng gửi xe chung quanh đường hoa Nguyễn Huệ hay bên hông chợ Bến Thành chắc là có nhiều kinh nghiệm về vụ này. Rồi chuyện ăn uống vừa bán giá cắt cổ vừa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày giáp Tết ai ai cũng lo mua sắm đủ thứ. Người ta mua cho dư thừa để lấy hên cho trọn năm không bị thiếu đói. Vì mua nhiều quá nên có người phải than thở:

- Đấy, em phải kéo về một cái tủ lạnh ba trăm lít mới đủ chứa. Không biết qua Tết em phải cho ai cái cũ đây.

Đây không phải là điều khổ tâm gì cả mà là cái bệnh “nổ”, cái bệnh “khoe của”, có dịp là “hê” lên cho bà con lối xóm cùng biết.

Ngày Tết trôi dần qua, ông Sam cứ chở vợ dong ruổi hết nơi này đến nơi khác. Ngày mồng hai ông chở bà đi đến đường Nguyễn văn Cừ, qua cầu Nancy trực chỉ khu dân cư quận 7. Khi đến đường Nguyễn văn Linh, ông Sam quẹo phải nhắm hướng Bình Chánh cho xe chạy chầm chậm thưởng thức làn gió mát lạnh của buổi sáng. Bà Sam ngồi sau vô cùng sảng khoái. Bà thong thả kể cho ông Sam nghe chuyện học hành của đám sinh viên, hoặc chuyện các nhân viên giáo vụ chậm trễ trong việc phát lương cho các thầy cô giáo. Họ quan liêu bắt thầy cô giáo phải chờ đợi. Có người phải chờ đôi lần ba lượt mới lãnh được đồng lương ít ỏi. Không biết “cái đầu” mấy người này để ở đâu, họ không biết tôn trọng những thầy cô giáo là những người lao động trực tiếp đem lại thu nhập cho nhà trường và nuôi sống họ. Mấy người này thường có mặc cảm tự ti là không có khả năng đứng trên bục giảng cho nên thường đố kỵ với thầy cô giáo, muốn các thầy cô giáo phải coi họ là những người quan trọng, nắm cái bao tử của thầy cô giáo.

Hai ông bà này hầu như lúc nào cũng có chuyện để người này kể cho người kia nghe. Hồi chưa Tết, hôm nào bà không phải lên lớp, ông thường chở bà ra bờ kênh Nhiêu Lộc, ngồi vào chiếc ghế dài rồi miên man nói chyện mà ông thường gọi là chuyện “thiên địa hội”. Có một anh bạn thường chế diễu cái “kiểu cách” của hai ông bà già này. Anh ta thường nói:

- Ở nhà nói chuyện không hết sao còn ra bờ kè ngồi nói dóc.

hoặc:

- Tui ở nhà nói chuyện với bà xã tới câu thứ hai là muốn cãi nhau rồi, ở đó mà ra bờ sông tâm sự.

Thực ra anh chàng này hồi xưa học cùng trường với ông Sam, nhưng mấy chục năm sau này anh ta không có công ăn việc làm gì cả. Bà vợ cúc cung tận tụy, tảo tần buôn bán, lo toan vấn đề kinh tế gia đình. Đã vậy anh ta còn “nhõng nhẽo” bắt bà xã phải phục vụ đến tận… răng. Mỗi buổi sáng anh ta thức dậy sau chín giờ. Bà xã anh ta đang bán hàng bên chợ gần đó cứ phải canh đến gần 9 giờ lo gửi sạp, chạy về nhà mua sẵn một tô hủ tíu mì, một ly cà phê sữa, để “ngài” thức dậy “ngự thiện”, rồi chạy trở ra sạp tiếp tục bán hàng. Bạn bè thường nói lén anh ta:

- Thằng này phải để vợ nó cắm cho vài cái sừng, nó mới biết thế nào là lễ độ.

Ngày xuân, ngày tết, những nơi mà người ta đến nhiều nhất có lẽ là những chùa chiền, đền đài, lăng miếu, chỗ nào ông bà Sam chạy ngang qua đều thấy người ta chen nhau lúc nhúc.

Hôm đi Biên Hòa, chạy mấy vòng tham quan thành phố có thứ đặc sản “bưởi ổi” ngon ngọt tuyệt vời. Giống bưởi này ở Biên Hòa nổi tiếng lâu đời lắm rồi. Hồi ông còn nhỏ, mười lăm mười sáu tuổi, gom được một nhóm bốn năm đứa, cưỡi xe đạp lên Biên Hòa, nhờ thằng bạn là dân địa phương mua giùm mỗi đứa một chục, ì ạch chở về Saigon đưa bà già để lên bàn thờ chưng Tết.

Sau khi nhìn qua thành phố bưởi, thấy cũng san sát giống như một vài khu đông đúc ở Saigon, hai ông bà quay về núi Châu Thới. Gọi là núi có lẽ đây là cái núi thấp nhất thế giới. Không bao lâu nữa có lẽ cái núi này sẽ trở thành “đồi” hay “gò” vì thấy người ta khai thác đá không một chút thương tiếc. Núi này đã cung cấp không ít đá cho mấy xa lộ gần đó. Nghe nói núi này đã được xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia hồi 1989.

Đường lên đỉnh khá xa, khách thập phương phải bước lên từng bậc tam cấp, ông Sam không đếm nhưng cũng đoán được vài trăm bậc. Đặc biệt hai bên lối đi, ăn mày nằm ngồi la liệt, đếm không xiết. Hồi xưa ông Nguyễn Nhược Pháp khi đi chùa Hương có kể cô gái Phật tử đếm được “hơn một trăm ăn mày”. Ở đây ông Sam thấy có đến hơn hai trăm ăn mày. Đủ hết, cách phục sức của hàng ngũ cái bang ở đây cũng đa dạng, y chang như trên sân khấu người ta trình diễn thời trang. Nam, phụ, lão, ấu, có cả nhi đồng đang được ẵm trên tay như vừa mới sinh được vài tuần.

Đặc biệt ở cái núi Châu Thới này là, chen chúc trong hàng ngũ cái bang, có rất nhiều sư sãi đang đứng cầm bình bát xin tiền. Từ dưới chân núi đi lên có vài chục “vị”. Họ ăn mặc rất tề chỉnh, cũng áo cà sa dài gần đến bàn chân. Họ ôm bình bát một tay, tay kia lần xâu chuỗi ngắn, miệng đọc liên tục câu “Nam mô a di đà Phật”, mắt liếc qua liếc lại một cách tinh ranh, chờ đón khách thập phương đến bỏ tiền vào bình bát. Đi lên một đỗi, ông Sam thấy có một “vị” sư, không đứng như những sư khác mà là ngồi trên một khúc gỗ, tay không lần từng hạt chuỗi mà dùng ngón trỏ đưa lên trời quay xâu chuỗi vòng vòng như người ta quay hu-la húp, tay kia thỉnh thoảng lượm từng viên đá nho nhỏ chọi qua bàn một chị bán đồ kỷ niệm, rồi cười duyên đưa hàm răng thưa thớt, vừa đen vừa vàng ố.

Cũng xen lẫn hai hàng ăn mày và các “vị” sư “mô đen” kia là mấy bà thầy bói. Lực lượng này cũng có đến vài chục. Họ là những phụ nữ hầu hết là khoảng ba mươi lăm, bốn chục, nói tiếng miền ngoài. Có nhiều thanh niên thiếu nữ chìa tay cho họ xem. Không biết các thanh niên thiếu nữ xem bói như thế nào mà sau đó ông Sam nghe một đôi nam nữ cười đùa với nhau, anh chàng nói:

- Cái bà thầy bói lúc nãy nói anh giống như đã nói với em.

- Đúng rồi bà này chỉ học trước được có một bài thôi.

Lo tìm hiểu về mấy vị sư, mấy mụ thầy bói, và lực lượng cái bang, ông Sam chợt nhìn thấy sau lưng họ là những đống rác trãi dài như làm đường viền cho con đường lên núi. Rác hàng hàng lớp lớp, rác tự động gom lại thành từng đụn dưới ánh nắng trưa bắt đầu bốc lên mùi hôi thúi nồng nặc.

Ông Sam bước vào nhà giữ xe, nhờ một anh chàng phụ trách lấy xe ra giùm, ông hỏi thử:

- Chùa này sao mà sư giả nhiều quá hả?

- “Tụi nó” ở bên Thủ Đức qua, không thấy công an dám hỏi thăm sức khỏe.

- Sao lại ở Thủ Đức qua?

- Ở bên đó có “lò” sản xuất “sư giả”. Dân tứ xứ vô đó cạo đầu, mướn quần áo cà sa, bình bát, xâu chuỗi, mũ ni, học mấy câu kinh rồi “xuất kho” đi ăn mày.

- Còn mấy mụ thầy bói? Thấy họ nói tiếng ngoài kia không hà?

- Mấy con mẹ này bị công an rượt hoài, nhưng trốn vài bữa rồi trở lại như cũ. Nghe nói tụi “chăn dắt” đã “làm việc” với công an.

Xa lộ thẳng băng, căng mình dưới nắng trưa hừng hực, mùi dầu hắc xông lên thoang thoảng không thơm, không thúi, ông Sam để tay lên đầu gối bà Sam định mở miệng nói câu gì đó, nhưng bà đã vội nhắc liền:

- Cầm tay lái đàng hoàng đi ông.

Để tay về “ghi-đông” ông Sam, cất giọng:

- Tính hỏi bạn hiền coi hôm nay đi chơi có vui không?

- Vui chứ, nhứt là đi chùa ngày Tết…

Dương Lêh

TÔI THƯỜNG NGHĨ ĐẾN ÔNG

NHÀ VĂN, DỊCH GIẢ

VŨ NGỌC PHAN

(1907 – 1987)

Bấy giờ là hè năm 1950, cách đây đã hơn nửa thế kỷ. Học hết năm học Đệ Nhất (nay là lớp Năm) trường Trung học Hàn Thuyên, Bắc Ninh, sơ tán về đóng tại làng Hoàng Mai, Hiệp Hòa, Bắc Giang, tôi rời nơi trọ học về với gia đình, tản cư lên Thác Huống, Thái Nguyên. Thấy tôi về mừng mừng tủi tủi mẹ tôi đưa ngay cho tờ giấy chiêu sinh vào trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Ngay trong năm học vừa qua ở trường chúng tôi đã có mấy đợt các anh chị những lớp trên xung phong “xếp bút nghiên”, theo tiếng gọi “tổng động viên”, lên đường “tòng quân”. Thấy các anh chị ra đi, mới mười một, mười hai tuổi, tôi cũng ngấp ngỏm mong được như họ. Giấy gọi vào trường Thiếu sinh quân đến thật đúng lúc. Tuy cả năm đã đi trọ học cách xa cha mẹ và những người thân khác trong gia đình, mà giờ tôi lại đã náo nức chuẩn bị ra đi.

Chỉ ít ngày sau đó tôi hăm hở đeo chiếc ba lô con con đựng quần áo, đồ dùng, lũn cũn theo mẹ đi bộ lên trạm đón tiếp của trường đóng trên Đại Từ, phía bên kia thị xã Thái Nguyên. Ngày ấy Đại Từ là một trong những tụ điểm dân tản cư khá sầm uất ở vùng kháng chiến Việt Bắc. Dọc theo đường cái lớn có tới vài ba chục nếp nhà tranh tre của dân tản cư dựng lấy rải rác dưới tán nứa bụi um tùm cách nhau không xa, tạo thành cả một dãy phố có đủ cửa hàng, cửa hiệu, có biển treo đàng hoàng. Tôi nhớ có cả một hiệu chụp ảnh, một quán sách. Chính ở quán sách đó, lần đầu tiên tôi biết đến cái tên nhà văn Vũ Ngọc Phan, để từ đấy về sau càng ngày tôi càng biết thêm về ông và đối với tôi, ông trở nên thật gần giũ.

Trên cái giá tre đặt nghiêng bày sách, tôi nhận ra ngay một cuốn sách nhỏ màu xi măng nhạt có vẽ hình mấy chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đứng quây quần như đang trò chuyện với một chú bé con cũng mặc bộ quân phục mùa đông của bộ đội Hồng quân. Tôi cũng sắp sửa trở thành thiếu sinh quân – chú “vệ túm” – của quân đội nhân dân Việt Nam đây! (Bấy giờ gọi là quân đội Quốc gia Việt Nam). Cuốn sách có tên là Mi-sa, tác giả là nhà văn Nga Xô viết Boris Polevoi, do nhà văn Vũ Ngọc Phan dịch, có dòng chữ phụ đề Tủ sách Kim Đồng số 9, của Nhà xuất bản Văn nghệ mới xuất bản năm 1949. Hình như trong túi không đủ tiền, những ba trăm đồng bạc Cụ Hồ, nên tôi không mua được cuốn sách. Mãi sau này, khi trường chuyển sang học ở Khu học xá Trung ương bên đất bạn Trung Quốc, tôi mới có dịp tìm đọc.

Cũng ở đấy, dần dần tôi còn được đọc thêm các sách Liên Xô cũng do nhà văn Vũ Ngọc Phan dịch: Một bản anh hùng ca ra đời, Người Xô Viết chúng tôi (tác giả cũng lại là Boris Polevoi).

Tôi thấy truyện nào của ông Polevoi viết cũng hay qua bản dịch của Vũ Ngọc Phan. Chính ấn tượng do những tác phẩm này để lại đã góp phần nhen nhúm trong tôi ngọn lửa tình yêu đối với văn học Nga sau này, để rồi suốt đời tôi gắn bó với nó.

Ít lâu sau, khi đã được sang Liên Xô học tiếng Nga, rồi vào học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm mang tên Lênin ở Matxcơva, tôi lại có dịp làm quen và đi sâu tìm hiểu các tác phẩm của nhà văn Vũ Ngọc Phan. Chẳng là khi nấy chúng tôi có cả một nhóm gần hai chục anh chị em cũng ra đi từ trường phổ thông Khu học xá Trung ương. Song song với việc theo học chương trình văn học, ngôn ngữ Nga của trường, nhóm chúng tôi thấy mình phải tự bổ sung lấy kiến thức về văn học, ngôn ngữ mẹ đẻ. Chúng tôi phân công cho một số người có khả năng tìm tòi sách vở tài liệu chuẩn bị mỗi người một chuyên đề, rồi hàng tuần thuyết trình cho cả nhóm cùng nghe. Tôi được phân công chuẩn bị đề tài văn học dân gian. Vừa may khi đó tôi được anh tôi gửi sang cho cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam tập I của nhóm tác giả Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Nguyễn Đổng Chi và Vũ Ngọc Phan, xuất bản ở Hà Nội. Và lại may nữa, ngay ở Matxcơva, trong hiệu sách Quốc tế trên phố Gorki, tôi lại mua được khá nhiều sách tiếng Việt do Công ty xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam đưa sang bán rất rẻ, trong đó có cả tập Truyện cổ Việt Nam và cuốn Tục ngữ, ca dao và dân ca Việt Nam của tác giả Vũ Ngọc Phan. Những cuốn sách này đã giúp tôi rất nhiều trong việc hoàn thành chuyên đề mà anh chị em giao để chuẩn bị.

Đến khi chúng tôi được học về nhà văn Lev Tolstoi, nghe giảng về cuốn tiểu thuyết Anna Karenina, thì có anh trong nhóm, vốn sống ở Hà Nội trước đây, gia đình cha mẹ là những trí thức lớn, nhà có nhiều sách vở, cho biết là tác phẩm này trước đây đã được dịch sang tiếng Việt. cũng lại là nhà văn Vũ Ngọc Phan dịch, xuất bản từ năm 1944 với cái tên Anna Kha Lệ Ninh. Nhân đấy anh bạn còn cho biết không chỉ có vậy, trước cách mạng nhà văn Vũ Ngọc Phan còn dịch nhiều tác phẩm văn học khác: nào là Y Vân Hoa, mà trong phần văn học thế giới, chúng tôi lúc đó cũng được học, là tiểu thuyết lịch sử Aivanhô của nhà văn Anh Walter Scott. Y Vân Hoa, bản dịch của Vũ Ngọc Phan đăng trên tạp chí Pháp – Việt từ những năm 1932 – 1933. Nhiều tác giả nước ngoài khác mà lúc đó chúng tôi bắt đầu được làm quen, nhà văn Vũ Ngọc Phan cũng đã dịch cả rồi: Truyện kỳ lạ của nhà văn Mỹ Edgar Poe; Lâu đài họ Hạ, truyện của nhà văn Đức Hoffmann, Nhà xuất bản Ngày Mới, 1944; Tiễu Nhiên và Mị Cơ (Trixtăng và Izơ) của nhà văn Pháp Jozev Bedie, Nhà xuất bản Mới, 1942; Châu đảo (Đảo kho vàng) của nhà văn Anh R. L. Xtivenson…

Vào thời kỳ đó, khi dịch sách, các dịch giả ở ta thường đều phiên âm tên riêng của các nhân vật châu Âu theo âm hán Việt. Thế mới có Anna Kha Lệ Ninh, Y Vân Hoa, Tiễu Nhiên và Mị Cơ, vv… Sau này, sách được tái bản, dịch giả Vũ Ngọc Phan đã có sửa lại: Tiễu Nhiên và Mị Cơ khi in ở Nhà xuất bản Văn Học năm 1981 được chuyển thành Trixtăng và Izơ. Nhưng những cái tên cũ hình như đã để lại ấn tượng sâu cho cả một thế hệ. thậm chí cái tên Đảo kho vàng (mà tác giả sửa khi đưa tái ban cí gì đó nghe không được thích bằng Châu đảo

Năm 1961, sau khi tốt nghiệp ở Liên Xô về nhận côn gta1c, tôi được phân về dạy tiếng Nga tại trường Trung cấp Ngoại ngữ ở ngoại thành, mãi gần sát thị xã Hà Đông. Nhưng bạn gái của tôi, sau này là “một nửa” của tôi, lại được phân về công tác tại Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi về Viện Văn Học. công tác tại đây lúc ấy có nhiều nhà văn tên tuổi, trong đó có nhà văn Vũ Ngọc Phan. Nhiều lần lui tới Viện văn Học, tôi đã được tiếp xúc với ông. Con người điềm đạm, gương mặt phúc hậu, luôn tươi cười, mà miệng cười và đôi mắt cũng cười, trông ông thật dễ mến, dễ gần.

Đúng lúc này, một trong những người bạn trong nhóm Sư phạm Lênin chúng tôi, về Hà Nội lại ở trong ngôi nhà số 63 Lò Sũ, chính là trụ sở NHà xuất bản Vĩnh Thịnh trước đó. Trong nhà còn có cả một kho sách của nhà xuất bản. anh bạn đã lấy cho tôi trọng bộ sách 4 quyển, 5 tập: Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan, do NXB Vĩnh Thịnh tái bản lần thứ nhất năm 1951 trong Hà Nội tạm chiếm. Qua bộ sách, lần đầu tiên tôi được tìm hiểu một cách tương đối đầy đủ và có hệ thống lịch sử văn học hiện đại Việt Nam. Sau mày tôi tìm mua được đầy đủ cả 5 tập bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, mà khi ở Matxcơva tôi chỉ mới có tập 1. Rồi tôi còn có được Lịch sử văn học Việt Nam của Nghiêm Toản, Trích giảng văn học Việt Nam của Dương Quảng Hàm, Hợp tuyển văn học Việt Nam sáu cuốn của Nhà xuất bàn Văn Học, Lịch sử văn học Việt nam, 5 tập, cũa Trường Đại học Sư phạm… nhưng bộ Nhà văn hiện đại vẫn để lại cho tôi một ấn tượng khó quên.

Có lẽ là do trong bộ sách này, tác giả Vũ Ngọc Phan, theo tôi, là người đầu tiên đã đề cập đến mảng dịch thuật một cách sâu sắc. Ông coi văn học dịch một thể loại sáng tạo ngôn từ. Trong công trình nghiên cứu của mình, ông thực sự coi văn học dịch là một đối tượng để nghiên cứu phân tích trong toàn bộ tiến trình phát triển của văn học dân tộc. Ở mỗi nhà văn ông đều chú ý có ý kiến nhận xét tỉ mỉ về công trình dịch thuật của họ.

Mở đầu về các nhà văn đi tiên phong, chẳng hạn về Trương Vĩnh Ký (1837–1898), tác giả Vũ Ngọc Phan, sau khi phân tích về những công trình khảo cứu, biên soạn của nhà văn này, đã dừng lại nói kỹ về dịch thuật. Ông trích dẫn nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Tố để làm rõ về bản dịch Tứ thư do Trương Vĩnh Ký thực hiện. tiếp theo đó, ông điểm ra những bản dịch khác của dịch giả họ Trương: Tam tự kinh quốc ngữ diễn ca, Minh tâm bửu giám… Đến Nguyễn Văn Vĩnh (1882 – 1936) thì tác giả Vũ Ngọc Phan dành hẳn hơn hai chục trang để phân tích tỉ mỉ sự nghiệp dịch thuật của nhà văn này. Mở đầu ông viết:

‘Gần đây, ai nhắc đến ông (chỉ Nguyễn Văn Vĩnh), cũng bảo ông là một nhà viết báo, không mấy người coi ông là một nhà văn. Nhưng thật ra lúc đầu và trong một thời gian khá dài, ông chỉ là một nhà văn thôi. Việc viết báo chỉ là một việc ông kiêm thêm. Cái chứng cớ rõ ràng là những bài dịch thuật của ông trong thời gian đó (về sau in vào loại sách Âu Tây tư tưởng) đều có tính cách hoàn toàn văn chương, không lẫn một mảy may chính trị, kinh tế hay xã hội và không có một tính cách thời sự nào. Những sách dịch thuật của ông, ngày nay đọc đến, người ta vẫn còn lấy làm thú vị, đủ biết văn chương là một thứ dễ lưu truyền, còn các bài báo chỉ có giá trị trong nhất thời thôi. Ngay đến khi những bài mà Nguyễn Văn Vĩnh viết trong Trung Bắc tân vănAnnam Nouveau gần đây nhất, bây giờ cũng không còn mấy người nhắc nhở đến nữa, nhưng nhiều người vẫn còn thích đọc Mai Nương Lệ cốt của ông”1.

Vũ Ngọc Phan liệt kê khá đầy đủ các sách dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, chỉ rõ tên nguyên bản, tên tác giả, thời gian và nơi công bố. Ông dừng lại phân tích nhiều bản dịch, so sánh văn thơ dịch với nguyên bản, chỉ ra những chỗ thành công cũng như chỗ gượng ép, thậm chí sai nghĩa của dịch giả. Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (ấn phẩm của Trung Bắc tân văn, Hà Nội 1928), Truyện trẻ con của Perrault (cũng của Trung Bắc tân văn, Hà Nội 1928), hài kịch của Molie Trưởng giả học làm sang (Le Bourgeois gentilhomme) và Giả đạo đức (Tartuffe); hài kịch Tục ca lệ (Tarcaret) của Lesage, bộ truyện Gil Blas de Santillane, Mai Nương Lệ cốt (Manon Lescaut) của Abblé Prévest; Ba chàng ngự lâm pháo thủ của Alexandre Dumas, Miếng da lừa của H. Balzac và Những kẻ khốn nạn của V. Hugo.

Đối chiếu phân tích kỹ càng, khi khen tác giả khen hết lời: “Thật không dịch hay hơn được. Vừa hết ý của văn Pháp, vừa rõ ra cái giọng một ông già đạo đức mắng đứa con lêu lổng, lúc xẵng, lúc ngọt ngào”, “Ở một đoạn dưới, mấy câu văn dịch này mới lại tuyệt khéo”2. Và ông dẫn chứng có khi trích một dòng, có khi chép ra cả đoạn… Nhưng chê, Vũ Ngọc Phan cũng hết sức sòng phẳng, bộc trực, phân tích bản dịch Con cá nhỏ và người đánh cá (ngụ ngôn La Fontaine), chỉ ra chỗ sai, chỗ ép vận, chỗ đổi từ, ông hạ bút: “Dịch theo lối trên này là diệt, chứ không phải là dịch. Các bài khác của ông phần nhiều cũng đều dịch như thế, chỉ trừ vài ba bài, như Con ve và con kiến là dịch hay, đúng nghĩa, tuy ông cũng không hề gò từng chữ, bỏ từng câu”3.

Sau hơn hai chục trang phân tích có lý có lẽ, Vũ Ngọc Phan đưa ra một cái nhìn bao quát về sự nghiệp dịch của Nguyễn Văn Vĩnh:

“Kể về sách dịch thì Nguyễn Văn Vĩnh là một nhà văn đã dịch gần đủ các loại sách: nào thơ, nào kịch, nào tiểu thuyết; mà trong loại tiểu thuyết, ông đã khéo chọn được những tiểu thuyết có tiếng nhất. Nước Pháp có ba bộ tiểu thuyết mà người ta kể là hay nhất: Princesce de Cleves của Mme de la Fayette, Gil Blas de Sontillane của Lesage và Manon Lescaut của Prévest d’Exiles, thì ông đã dịch hai bộ sau rồi. Đến những chuyện như Les Voyages de Gulliver của Swift, Les trois mousquetaires của Alexandre Dumas, Les misérables của Victor Hugo mà ông dịch cũng là những tiểu thuyết có tiếng, dù là người nước nào, đọc cũng phải ham mê…”4. Ông đánh giá cao sự lựa chọn sách để dịch của dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh: “Về sự lựa chọn ấy, Nguyễn Văn Vĩnh là người rất sành…”5.

Ở các nhà văn đi tiên phong khác như Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Quỳnh, Nguyễn Hữu Tiến, Đông Hồ, vv…, hay những nhà văn độc lập, như Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Phan Khôi, Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tuấn Khải, vv… tác giả Vũ Ngọc Phan đều dành khá nhiều trang để viết về sách dịch của họ.

Việc làm của nhà văn Vũ Ngọc Phan đối với văn học dịch trong công trình Nhà văn hiện đại của mình cho đến nay chưa thấy có ai lặp lại trong qua hơn nửa thế kỷ và văn học hiện đại Việt Nam trưởng thành, lớn mạnh. Trong quá trình phát tiển ấy, văn học dịch luôn là một bộ phận hữu cơ đi cùng. Sách dịch ngày nay phong phú, đa dạng. Đội ngũ những người làm công việc dịch thuật đông đảo như chưa từng có. Tuy vậy hoạt động của lĩnh vực này dường như vẫn âm thầm, tự phát. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học dường như không ai ngó ngàng đến. Thảng hoặc cũng có “tiếng trống” gióng lên – nhưng chỉ là “tiếng trống” báo động về một sự “quá quắt” nào đó trong lĩnh vực này – một cuốn sách dịch được ấn hành mà có quá nhiều sai sót chẳng hạn. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi thầm lặng. Có người ví chẳng qua cũng chỉ là “đá ném ao bèo”. Báo chí thỉnh thoảng cũng có bài viết về sách dịch, người dịch, nhưng thấy đều chung chung. Không có bằng cớ, không có phân tích. Đôi khi khen chê đều không trúng. Các nhà nghiên cứu phê bình văn học thực sự chưa có ai lấy văn học dịch ra làm đối tượng làm nghề của mình.

Chính vì thế mà tôi, một người gắn bó với công việc dịch thuật, thường nghĩ tới Vũ Ngọc Phan, nhà văn, dịch giả, một nhà nghiên cứu phê bình văn học đã đánh giá cao, đánh giá đúng lao động dịch thuật. Nếu như trời còn để ông ở lại với chúng ta cho đến hôm nay, thì năm nay, ông đã là một cụ già một trăm linh năm tuổi. Tôi cứ cố công tưởng tượng để có thể hình dung ra cụ già Vũ Ngọc Phan một trăm linh năm tuổi xem ra sao… Vẫn chỉ là hình ảnh nhà văn họ Vũ khi ra đi ở tuổi tám mươi lăm, cũng vào một ngày hè giữa tháng sáu, năm 1987, một người đàn ông tầm thước, rắn rỏi mà khoan thai, dung dị, với gương mặt phúc hậu, hiền từ, miệng cười tươi và cặp mắt như cũng đang cười, khuyến khích các lớp con cháu nối bước đi lên.

THÚY TOÀN

Tạp chí Văn học nước ngoài số 4/2007

Chú thích

1. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, phê bình văn học, quyển nhất, in lần thứ hai, NXB Vĩnh Thịnh, 63 Lò Sũ, Hà Nội, 1951, tr. 35.

2. Sách đã dẫn, tr. 52

3. Sách đã dẫn, tr. 38

4. Sách đã dẫn, tr. 55

5. Sách đã dẫn, tr. 56

XUÂN MUỘN

Thế là xong cái tết. Chật vật với thời gian sao cho có thể đến thăm những người thân thuộc, những kẻ mến yêu. Mà làm sao đến với tất cả mọi người khi tới đâu cũng đều được mời chẳng nhắp môi "làm" tí rượu đầu xuân, thì cũng phải cạn ly bia đầy óng ánh sau khi đụng "cốp" một cái cho vui tai. Chưa nói tới cái vụ vì vui quá mà đành phải an tọa đâu đó để cùng với cái bàn nhậu la hét rầm trời mà chả ai biết nói gì với ai cho... thủng. Chủ yếu là vui và nhậu. Thế nên, giả như cảnh sát cứ đứng ở trước cửa các tư gia mà yêu cầu các trự thổi ống đo nồng độ cồn thì a lê hấp, cái ống thổi ấy chắc cháy quá, còn không thì cũng mời người anh em zô đây để ca lên rằng "lâu lâu ta mới nhậu một lần". Mà phạt chi nổi cái dân miền nam sống lè phè thoải mái từ thuở khai thiên lập (nghĩa) địa!

Nghĩ cũng ngộ! Cả năm nhậu đã điếu rồi mà mấy ngày tết cũng ngồi miết với nhau, làm như chẳng ai vợ con họ hàng gì ráo trọi. Chỉ có mấy hãng bia và cái nhà máy nước đá là hả hê đếm bạc...

Vậy đó, nhiều khi tan tác cả chương trình thăm thăm viếng viếng vì cái vụ ăn ăn nhậu nhậu này. Ai đời, chưa tết, mà vì "lo" mấy ngày tết không đủ thời gian để tới lui chỗ này chỗ nọ, cái thằng tui "xách" bà xã theo để thăm trước... bớt đi. "Kế hoạch" là mần chi thì mần, cũng phải vô nghĩa trang viếng mộ bố vợ chút đỉnh gọi là nhớ công ơn ngài đã gả con gái yêu rấu cho mình chớ. Vậy mà mới đi được một nhà, tới cái nhà kia, lủi vô 7, 8 lần mới mò ra căn nhà trong hóc bà tó. Chủ nhà niềm nở quá xá, mời vô nhà rồi mang đủ thứ ra mời, làm như khách tới nhà chắc mới ở Syria chạy loạn về, đói meo. Nào bò khô ‘mết in iu et ây’, nào cá mực, nào củ kiệu, nào bia, dọa mở cả rượu tây... làm như mình có đủ răng như 20 năm về trước - bi giờ răng đi đàng răng, lợi đi đàng lộc, í quên đàng lợi, nhai chỉ có nước rụng cả quai hàm ra thì có. Nhưng vì nhiệt tình của gia chủ nên bản mặt tui cũng ráng cạn chén đắng này đi, rồi thì ma men dẫn lối, bà xã nhắc tuồng để cái xe máy cõng 2 kẻ phiêu du lềnh bềnh mò về nghĩa trang khi đèn đường và đèn xe đã hè nhau chiếu cho mấy con ma men bớt ám trên tay lái cà xịch cà đụi.

Chà chà. Tối quá xá rồi nghen! Để coi, xe thì thuộc loại rẻ tiền, đồng hồ hơi... xịn một chút nhưng xài cũng buồn tàn thu rồi, bóp có tiền chỉ đủ để vô bệnh viện cấp cứu nếu lỡ có ma người nào phang cho một gậy ngang lưng, chớ cũng chả có nhiều mà tiếc của; cái điện thoại rẻ tiền đập đầu cũng đủ tự tử chẳng có ma nào thèm lấy đâu... Nghĩ vậy, nên mặc cho cái đài phát thanh cứ nhăng nhẳng sau lưng, tui cứ bật cái đèn pha lủi ngay vô trước mộ bố già. Cắm chùm bông chia đôi vào 2 lọ hoa trước mộ, 2 vợ chồng lầm bầm đọc mấy kinh "Ba ơi, xin ba phò hộ cho con cháu ba sống xứng đáng là con người..." rồi lại lò mò ra khỏi quê hương của người không còn sống. Ây da! có sao đâu mà người ta cứ nói coi chừng vô Bình Hưng Hòa là bị ma nó cướp đấy.

Hai kẻ âm thầm, theo lời yêu cầu của bà bạn, vô thăm cái đám tang nhè 29 tết mà từ giã cõi đời, bà bạn sợ đám tang đơn chiếc nên thấy tui... hơi đạo đức nên xúi bẩy tới viếng. Ừa, có sao đâu, lì xì cho người chết chút quà nhỏ biết đâu ai đó sẽ lì xì cho mình quá trời luôn lúc mình chui vô hòm. Léng phéng vậy mà về tới nhà đã 8 rưỡi tối. Giờ này mà nấu nướng cái nỗi gì! Mấy cọng cá mực ngâm mấy lon bia trong bao tử chắc rã rời từ lâu rồi, nên lòng xót xa lòng lắm. Cũng còn hên, vì được các linh hồn phù trợ mà cả nhà đãi nhau một chầu... hủ tíu gõ. Chỉ tội cho chú cẩu 20kg của tui phải xực đỡ cơm nguội với nước lèo hủ tíu cay xè, ấy vậy mà nó làm phát một không ngừng dù hàng ngày nó vẫn được ăn đủ thứ ngon lành, thậm chí nó "chơi" luôn cả cà phê đá, cà phê sữa đá, bò khô bà xã làm (nó hổng thèm ăn bò khô mua ở chợ vì dòn quá, không tin, hỏi nó coi!). Cái món tui khoái cho nó ăn, mà nó cũng khoái ăn là kẹo zẻo. Chậc! Kẹo dính răng nó thì vui ơi là vui.

Rồi mấy ngày tết qua đi như làn gió (Gớm! văn với chẳng vẻ!). Sáng đi, chiều ở nhà chờ khách tới đặng tiếp. Mòn mỏi. 7, 8 giờ tối bà con kéo tới "phá" nhà tui tới 11g mới tạ từ trong đêm. Mệt mà vui, vui nên hết mệt để mai còn đi nữa chớ. Ngu sao không ra đường cho người biết ta đây cũng vui xuân chớ bộ. Cám ơn và tri ân hết linh hồn, hết trí khôn.

Bữa nay thì xuân đi xa rồi, thành phố lại đông người như bữa trước. Ồn ào và khói bụi. Cứ nườm nượp như chạy giặc. Thỉnh thoảng có đứa nẹt pô làm ai có bệnh đau tim cứ phải ôm đầu, ôm ngực, có khi ôm cả vợ "Em ơi! cho anh ôm cái đi kẻo chả có nhà nước nào bảo vệ con tim đớn đau của anh cả, hu hu..."

Vậy mà có khi, sáng mai trời còn hưng hửng, tưng tửng sáng, đã thấy thằng cha đau tim ấy ngồi đâu đó bên vỉa hè, tay ôm chai rượu...

LAM TRẦN

21.02.2013

Phụ Bản IV

Một bài viết 75 năm trước…

DỌN ĐƯỜNG CHO MỘT NỀN

VĂN-HÓA CHÂN-CHÍNH

BÀI-TRỪ

NHỮNG CÁN BÚT

CÓ HẠI

Muốn gom-góp tài-liệu để cung cho những thợ khéo bắt tay xây-dựng lâu-đài “văn-hóa” tráng-lệ, nguy nga, đồng-thời, ta cần phải loại ra những rơm rác chất đống bừa-bãi và những cỏ hoang mọc lên như nấm vướng chỗ ta làm.

Xin chia tay mỗi người một việc: kẻ thì cặm-cụi bên cạnh những tủ sách đông tây, lần dở những trang lịch-sử, văn-học; người thì đặt chân trong rừng văn, lượn qua các hàng sách, với cán bút làm khí-giới, quét sạch những rơm rác ngổn ngang.

Việc “tẩy uế” làng văn không phải là một sáng kiến gì: những vở kịch tình của nhà đại thi-hào Racine như Phèdre đã từng bị các đạo-đức-gia đương-thời nhiệt-liệt công-kích; cuốn truyện kiệt tác Madame Bovary của Flaubert đã làm sôi-nổi dư-luận một thời; tòa án Paris đã lôi tác-giả ra trước vành móng ngựa để toan phạt tiền về tội viết sách khiêu dâm, hại tới thuần phong mỹ tục.

Nó là một việc cần phải làm đối với những người cầm bút mà trong thâm-tâm còn ôm ấp những điều cao quý. Nó là một việc nhơ-nhớp mà những người nói tới chẳng phải để bênh vực một mối lợi riêng hay để thỏa-mãn một tư thù hèn-hạ.

Cầm bút bài-xích những phần-tử mục-nát, hôi-thối trong làng văn làng báo là cốt để đáp lại những tiếng thúc-giục của một lương-tâm chân-chính và, sau nữa, cốt vì xã-hội làm một việc có tính-cách “vệ-sinh chung”.

Vì vậy, trước đây, nhiều người đã từng nặng lời kết án những con chiên ghẻ của làng văn, làng báo.

Cũng xét tới cái nạn “đầu độc” bằng sách nhảm, truyện bậy, Chính-phủ đã ra lệnh cấm và tịch-thu những loại dâm-thư. Vì thế, qua các hàng sách, những mớ giấy lộn có những tên đĩ-thõa đã bớt được một phần.

Mặc dầu các dâm-thư đã một phần bị cấm, nhưng những tâm-hồn biết cải tà quy chính, niệm kinh sám-hối vẫn chưa được bao! Nên, trong các tủ sách ở các hàng, chúng ta vẫn thấy còn nhiều sách đáng làm mồi cho thần lửa. Và, vì vậy, công cuộc bài trừ các quái thai trong làng văn, chúng ta vẫn còn cần phải tiến-hành để xô những kẻ thù chung vào bước đường cùng mà tước khí-giới họ, bắt phải quy hàng. Lúc đó chúng ta sẽ nở những nụ cười “toàn thắng”.

Thật, không bao giờ bằng bây giờ, các sách đua nhau xuất-bản một cách sốt sắng. Trên thị-trường của “kinh-đô bút mực” này, người ta chỉ thấy những linh-hồn lẳng-lơ, đĩ-thõa trắng trợn quyến rũ hạng óc thơ ngây đang ham tìm những điều xa lạ.

Người nào có chút lương-tâm tất phải cả thẹn vì thấy những tên dơ dáy bẩn thỉu và dâm-bôn đường hoàng trưng trên các tấm bìa màu đẹp! Hết nói tới gái ngoại-tình, gái mãi-dâm thì lại đến đĩ thượng-lưu, nhà thổ lậu, hạng đi ngang về tắt!

Trong mớ giấy đó có những gì? Tuyền những chuyện kín trong các nhà săm hoặc các hộp đêm, chuyện dâm-dục tanh tưởi hôi-thối. Nếu không thế, thì lại là những chuyện tình vơ vẩn của những tâm-hồn ốm yếu và trụy-lạc, những mơ ước viển vông tội lỗi ngoài vòng đạo đức của những con nhà vô giáo-dục.

Họ lấy làm sung sướng khi dùng những câu văn bay bướm đầy vẻ trai lơ mà ca tụng những mối tình yêu tuyệt vọng của một hạng thanh-niên mất trí đi yêu người em gái con chú ruột mình hoặc say đắm vẻ yêu kiều của người chị dâu góa-bụa.

Họ coi như một nghệ-thuật thiêng liêng khi tả một cách tỷ mỷ và tinh-tế những cử chỉ ngôn ngữ của những đồ-đệ trung-thành của quỷ Satan! Không một việc gì có thể khêu gợi dục tình mà họ không nói tới. Không một hành vi nào mờ ám của những thanh-niên trác-táng mà họ không nặng lời ca tụng! Tóm lại họ đã công-nhiên không chút xượng-xùng “khai khẩn” chữ “dâm” một cách tận lực theo như những quan-niệm ti-tiện, kém hèn!

Họ đã đường-hoàng phô bày những tư-tưởng ốm yếu, sa ngã và hèn hạ của họ trong các vai truyện đầy tội lỗi. Họ đã lột trần tâm-hồn họ trên những trang giấy trắng phau có thể dùng vào những việc cao quý.

Họ là những ai?

- Là những văn-sĩ nửa mùa, bập bẹ vài câu sáo ngữ hoặc thuộc lòng một vài danh-từ bay bổng rồi cũng ca tụng tình yêu đằm thắm hoặc nét thơ ngây của những tuổi xuân đương độ, cũng sỗ sàng mơn trớn những trái tim non nớt và những tâm-hồn đa-cảm của một số thanh-niên nam-nữ mới nhớn lên đang thèm thuồng những cảm-giác xa lạ, đang mơ-mộng viển vông, tai-hại!

- Là những người tuy không thất học từ thuở nhỏ nhưng về nho học thì chẳng qua cũng chỉ vào hạng có thể thuộc lòng những câu “thiên trời, địa đất” mà cũng khó lòng viết nổi chữ nhất kép cho đủ nét; về tây học thì quá lắm đỗ được cái bằng Cơ-thủy! Thế mà họ xoay viết văn, làm báo, rồi không cần “nôm na mách qué kiếm ăn soàng”, họ cũng vênh vang với đời; ta là văn sĩ! Nhất là họ đã cho in được một vài quyển truyện dâm-bôn ghê tởm.

- Là những cậu học trò non nớt, miệng còn hơi sữa, chưa bước qua ngưỡng cửa bậc tiểu-học, đáng lẽ đang tuổi phải mở-mang trí-thức, chăm việc sách đèn thì lại tì tòe: nay ghép mấy vần thơ bá-láp, mai thảo một vài thiên tiểu-thuyết tình dâm-ô! Rồi, tự phụ là “thi-hào”, là “văn-sĩ”, họ gặp ai, cũng vênh-váo tự đắc, tuồng như mình là một “thiên tài” chớm nở! một “hòn báu” trong làng văn! một “tương lai đầy hi-vọng” của non sông đất nước! Thật, còn gì khôi-hài mỉa-mai cho bằng!

Đó, hạng văn-sĩ đang hoành-hành trong làng văn, làng báo một cách tai-hại! Họ lại chiếm số đông trong số những người cầm bút. Họ là những người chỉ chuyên đầu-độc phá-hoại tương-lai của các thanh-niên nam-nữ thơ ngây đã nhẹ dạ cả tin ở những lời đường mật của họ, đã trót say mê những bả độc mà họ rải-rắc trên giấy trắng, mực đen!

Thật là một họa lớn cho các gia-đình, một sự chẳng may cho làng báo làng văn đã sản xuất hạng người vô học-thức, vô lương-tâm, chỉ biết khát-khao những bả vinh-quang mà họ không đáng hưởng, chỉ biết viết và tả những điều ty-tiện làm thẹn lây đến những người mang tiếng cùng nghề!

Mọi người phải ghê-tởm vì những cán bút đó chỉ biết có dâm thần là chúa, khoái-lạc là chủ-nghĩa, tiền tài và hư danh là mục-đích!

Đối với họ, lương-tâm nhà nghề và sự cao quý của ngòi bút là những chữ vô nghĩa và rỗng tuếch.

Họ là những cái ung độc. Họ là một lũ người dã-man ngang nhiên chiếm cứ làng văn cốt chinh-phục lấy những trái tim non-nớt ngây-ngô để công nhiên hủy-hoại những phần-tử cao quý của đất nước!

Trừ khử hạng “văn-sĩ” đốn-mạt, láu-lỉnh và quỉ-quái ấy đi, là một việc tối cần. Bài-xích họ, trục xuất họ ra ngoài làng văn, làng báo, là một bổn-phận bắt-buộc của những người cầm bút ngay-thẳng và tự-trọng.

Đống rơm-rác đó phải dọn cho sạch để nó khỏi tỏa những mùi hôi-thối có hại tới sự sống chung của mọi người.

Vườn văn-chương tư-tưởng việt–nam trừ tiệt được họ đi mới có chỗ dành cho những “hoa thơm, cỏ lạ”.

PHẠM-MẠNH-PHAN

KIM THƯ st

LÌ XÌ ĐẦU NĂM

Đầu Xuân anh Ba nhận được nhiều bao lì xì, có bao 1 tờ, có bao 2 tờ, xin được chia lại cho mọi người cùng chung vui. Trước hết là những bao nổi cộm nhất.

1. Trò chơi Flappy Bird:

Nguyễn Hà Đông, tác giả của trò chơi Flappy Bird, một chàng trai trẻ thu nhập 1 tỷ mỗi ngày. Mặc dù Đông đã từ chối xác nhận việc nhờ Flappy Bird anh thu được 50.000 USD/1 ngày từ quảng cáo, nhưng anh cũng không phủ nhận. Vậy mà khi đang trên đỉnh cao, “tiền vào như nước” thì Đông lại quyết định khai tử game của mình. Nhiều người đã tỏ ra hết sức ngỡ ngàng và tiếc nuối. Không ít bài viết còn cho rằng vì thói ghen ăn tức ở của nhiều người mà Đông phải bắt buộc đưa ra quyết định sai lầm đó.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn về mặt kinh tế, đây thực sự là một bước đi rất sáng suốt và có tính toán kỹ lưỡng của anh. Nếu như duy trì anh sẽ có thêm nhiều lợi nhuận. Nhưng ngay cả khi khai tử game, anh sẽ vẫn nhận đều đều khoản thu nhập từ quảng cáo do số lượng người chơi không tăng lên nhưng cũng chưa thể giảm đi một cách đột ngột.

Trong trường hợp tiếp tục duy trì game, những phiền toái về mặt pháp lý cũng như vấn đề bản quyền, hoặc “cuộc chiến” về chia sẻ lợi nhuận quảng cáo hay số lượng người chơi giảm dần… hoàn toàn có thể đến. Lúc đó, dù muốn hay không thì anh cũng phải đối mặt để giải quyết, sẽ tốn tiền và cũng mất nhiều thời gian. Cả hai thứ này anh ấy đều không muốn, vậy thì giải pháp tốt nhất là “hạ game”.

Vào lúc 2:09 giờ sáng ngày 9 tháng 2 năm 2014, giờ Việt Nam, Nguyễn Hà Đông tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình là "trong 22 tiếng tới, tôi sẽ gỡ Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu đựng nổi nữa". Trước đó anh đã viết "Flappy Bird là một thành công của tôi. Nhưng nó cũng đã phá hoại cuộc sống đơn giản của tôi. Thế nên giờ đây, tôi rất ghét nó".

“Không cần biết bạn tốt đến đâu, giỏi cỡ nào, đâu đó vẫn luôn luôn có người chỉ trích phê bình bạn”. Đây là một Sự Thật trong cuộc sống mà chúng ta phải Chấp Nhận.

2. Thất bại là mẹ thành công:



Có những thứ cần trải nghiệm, nhưng có những thứ thì không cần phải trải nghiệm - như ma túy hay tình dục chẳng hạn - chỉ cần quan sát và học hỏi kinh nghiệm từ người khác, sẽ đỡ mất thời gian, công sức và tiền bạc. Bởi vì trong cuộc sống này có những thứ không được mắc sai lầm - vì mình sẽ không đủ thời gian và sức lực để sửa sai.

“Hỏi chỉ ngu 5 phút, không hỏi ngu cả đời”

“Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”

3. Sự khác biệt nhỏ, tạo nên kỳ tích lớn:

4. Giàu Nghèo:

Nếu biết sử dụng những thứ mình có thì tuy nghèo mà vẫn giàu. Ngược lại có nhiều người rất giàu nhưng lại rất nghèo là vậy.

5. Trí Tuệ thắng Sức Mạnh:

Rùa và thỏ chạy thi

Kiến Thức thì ai cũng có thể học.

Điểm khác biệt là không phải ai cũng học được sự khôn ngoan.

6. Đừng phán xét vội vàng:

Đôi khi có những việc nhìn thấy bằng mắt nhưng vẫn không thật.

Đúng không quý vị?

Kết luận: Đừng vội phán xét bất cứ điều gì khi chúng ta chưa đủ thông tin.

7. Đừng:

42 ĐỪNG

Đừng thấy xấu mà chê bai

Đừng thấy tài mà ganh tị

Đừng hiềm kỵ kẻ ghét mình

Đừng đoạn tình khi giàu có

Đừng nói khó lúc gian nan

Đừng ngỡ ngàng khi hoạn nạn

Đừng làm bạn với kẻ mê

Đừng bỏ bê khi thất bại

Đừng bại hoại lúc có danh

Đừng sở khanh người khác phái

Đừng sùng bái kẻ nịnh mình

Đừng nể tình mà thu nhận

Đừng táng tận cả lương tâm

Đừng lầm bầm khi nóng giận

Đừng kề cận kẻ dối gian

Đừng bướng gàn khi tranh cãi

Đừng giải đãi chuyện học hành

Đừng loanh quanh nơi quán rượu

Đừng rũ rượi lúc bi quan

Đừng làm sang khi nghèo đói

Đừng soi mói chuyện người ta

Đừng lánh xa kẻ hiền trí

Đừng nhụt chí mà làm càn

Đừng hoang mang khi nguy biến

Đừng gây chiến với kẻ say

Đừng đi vay chơi cờ bạc

Đừng lạnh nhạt với đồng liêu

Đừng nói nhiều mà làm ít

Đừng quấn quýt lúc chia ly

Đừng có đì người ngay thẳng

Đừng la mắng chỗ đông người

Đừng chê cười người khuyết tật

Đừng tất bật chuyện mưu sinh

Đừng cho mình là người giỏi

Đừng có hỏi chuyện tầm phào

Đừng khát khao nguồn bất chính

Đừng bất kính với bề trên

Đừng tìm hên trong đen đỏ

Đừng chứng tỏ mình đa tài

Đừng nói dài trong cuộc họp

Đừng dung nạp kẻ bất lương

Đừng nhiễu nhương người cô thế

Đừng o bế kẻ quyền cao

Đừng tự hào sau chiến thắng.

8. Coi chừng lời Hứa:

9. Lòng bao dung và vị tha

đó là phẩm hạnh của một ĐẠI NHÂN.

Phải tha thứ bao nhiêu lần đây? Chúa Giêsu dạy: “Hãy tha thứ 70 lần 7”. Trong Thánh Kinh con số 7 là nhiều lắm, mà tới 70 lần 7. Nói chung là cứ thứ tha vì như lời Thánh Phanxicô: “Chính khi thứ tha là khi được tha thứ”.

10. Tin vào chính mình:

KẾT LUẬN:

Đừng quá bo bo cho mình sẽ dễ đưa đến ích kỷ.

Đừng quá thờ ơ trước những thiếu thốn của anh em vì đó là sự vô cảm.

Đừng quá lo cho người mà quên đi ta cũng cần phải chăm sóc.

Vậy hãy lo cho bản thân và cùng chia sẻ cho mọi người:

“Khi tôi chết đi những gì tôi xài thì sẽ mất.

Những gì tôi để lại, người khác xài.

Tôi chỉ mang theo được những gì tôi đã chia sẻ”.

HÀ MẠNH ĐOÀN

Lời Phi Lộ của quyển sách

LETTRES DE MON MOULIN

của Alphonse Daudet

Trước mặt công chứng viên Honorat Grapazi, tại văn phòng làm việc ở Pampérigouste.

Hiện diện có:

Ông Gaspard Mitiflo, chồng của bà Vivette Cornille, là người quản lý ngôi nhà sở tại, có tên Ve Sầu.

Người nầy bằng lòng chuyển nhượng sở hữu chủ, dưới sự bảo đảm trước pháp luật là không bị nợ nần hoặc thế chấp.

Bán cho ông Alphonse Daudet, văn sĩ cư ngụ tại Paris, là người có mặt tiếp nhận.

Một nhà máy xay bột cánh gió, tọa lạc trong khu vực sông Rhône, tại trung tâm tỉnh Provence, trên một đồi thông xinh tươi... Nhà máy xay bột nầy đã bị bỏ hoang phế hơn 20 năm qua, và ở trong tình trạng hết sử dụng, đang bị các dây nho rừng, dây bìm bìm, và các loại cỏ ký sinh khác leo bám đến tận cánh quạt gió...

Mặc dầu có sự mâu thuẫn trong tình trạng hiện hữu, bởi vì bánh trớn to đã bị gãy bể, nền nhà thì bị cỏ mọc từ trong kẽ gạch, ông Daudet cũng tuyên bố rằng, cái nhà máy xay bột nầy là rất vừa ý muốn, có thể sử dụng trong công việc làm thơ văn của ông, và chấp nhận mọi nguy cơ của nó, mà không đòi hỏi một sự trợ giúp sửa chữa nào về phía người bán, nếu cần thiết...

Sự buôn bán được thực hiện trọn gói chi trả, với số tiền thỏa thuận mà ông thi sĩ Daudet đã đặt tại bàn làm việc, bằng đồng tiền mặt hiện hành, và kế đó, ông Mitiflo đã tiếp nhận số tiền nầy và cất giữ, trước sự chứng kiến của công chứng viên, và những nhân chứng ký tên, mà sự thanh toán tiền bạc kể như đã hoàn tất.

Chứng thơ nầy làm tại Pampérigouste, dưới sự chứng giám của ông Honorat, trong sự có mặt của ông già thổi sáo tiêu Francet Mamai, và thầy tu khổ hạnh De Louiset tự là Quique...

Đã đồng ký tên với các thành viên và công chứng viên, sau khi đọc xong...

Alphonse Daudet.

Thanh Châu Dịch thuật


NHỮNG TRANG VIẾT DỞ

…bàn không bên ghế ngồi

ngày đi đêm xuống,

nghe những tàn phai…

Câu hát đột ngột rơi vào lưng chiều bằng cái giọng khê khê, khàn khàn, đục đục, như một chiếc lá thoảng chao trên mặt hồ, cũng làm gợn được tí sóng lăn tăn, lay động được mấy cái hình hài đã lơ phơ hai màu tóc, đang lơ mơ hai màu mắt, trong lơ ngơ những cái nhìn xa xăm, lãng đãng giữa mảnh chiều lưng lửng gió.

- Cha Trịnh này, đúng là ma xó hỉ? Cứ đi từ trong ruột người ta mà đi ra.

- Nói gì nữa. Thế mới là thiên tài chứ.

- Thì trong cõi ta bà này, có hằng bao thế kỷ thì con người cũng chỉ vòng quanh bấy nhiêu chuyện thôi. Vấn đề là ở chỗ, người tinh tế sâu sắc thì độ thẩm cảm đạt đến mức thượng đẳng, có thể gọi tên được ra những xúc cảm, uẩn khúc, ngóc ngách của cõi người lên thành thơ thành nhạc, và truyền tải được vào lòng muôn người khác. Để bất kỳ ai cũng cảm thấy có mình trong đó.

- Thế mới là nghệ thuật.

- Nghệ thuật đích thực không có gì là cao siêu cả, chỉ là mô tả cuộc sống bằng tất cả những gì nó vốn có một cách chân thực và tinh tế bằng những thứ ngôn ngữ riêng của mỗi loại hình thôi.

- Thôi đi các cha, lại sa vào hàn lâm nửa mùa rồi.

- Hàn lâm là hàn lâm, bác học là bác học, sao lại có chuyện nửa mùa?

- Thì hàn lâm không ai cấp bằng, bác học không ai thừa nhận, không nửa mùa thì là gì.

- Nghe này, vì “hàn” mà “lâm” vào cảnh khó, đã lên “bác” rồi mà vẫn còn phải lọ mọ đi “học”. Cũng hàn lâm, bác học đấy chứ.

Một trận cười nghiêng ngả. Không gian lưng chiều nghe xáo động lên chút khí sắc:

Mơ chi cái chiếu hàn lâm

Mộng chi bác học nỏ mô đến mình

Hay chăng chỉ một chữ “Tình”

Mà khênh lên kiệu, tùng rinh khắp làng.

Cũng vẫn cái giọng khê khê, khàn khàn, đục đục âm sắc miền Trung ấy ngâm nga:

Chẳng may tình có sang ngang

Thì anh còn có bóng nàng làm thơ

Đó là giọng Bắc pha, một giọng khác tiếp:

Thơ chi thơ ngẩn thơ ngơ

Thơ đem hong gió vật vờ liêu xiêu

Thơ chăng chỉ những gã liều

Đem thơ mà bắc cầu kiều cho sang

Lại giọng Bắc pha:

Sang chi sáng một ấm trà

Trưa thêm chén rượu, chiều ra ngó trời

Như con én lạc chờ thời

Cong lưng mà gánh một đời bể dâu.

Câu thơ cuối đột ngột đưa dòng nhạc rơi vào nốt lặng. Lại lơ ngơ những cái nhìn xa xăm, lãng đãng.

Cái một đời bể dâu ấy xem ra đã bắt nguồn từ khi lẫm chẫm.

Nào ai biết con đường thăm thẳm phía trước sẽ dẫn mình đi đến đâu. Giá mà có thể biết trước, dù chỉ một ít thôi, người ta cũng có thể cho phép mình có một chọn lựa: Đi hay không đi.

Nhưng chẳng biết. Chẳng thể nào biết. Không có cách gì để biết. Và vì không biết, nên chỉ có một cách: Là cứ đi. Cứ đi, đi đến đâu biết đến đấy.

Nào ai biết được một cổng trường đại học đang mở ra chuẩn bị chờ đón, thì bỗng bầu trời nổi cơn sấm sét, màn mây xám ấn vào tay một bộ quần áo màu xanh cây lá. Để rồi tháng ngày lăn lóc đạn bom, để rồi lóc cóc trở về chốn xưa bằng những vết sẹo ngắn dài. Áo hoa xưa đã ngậm ngùi màu mây bóng nắng, để đôi khi chiều hôm trăng sớm, gửi nỗi niềm vào những câu thơ. Buồn buồn đem rao bán, cũng vui vui khi nghe âm vọng từ đâu đó đôi lời nhắc nhủ.

Nào ai biết giữa chốn phồn hoa đô hội, nơi lắm kiêu kỳ, nhiều đài các, vật ngon không thiếu, của đẹp rất thừa, nhưng lại lắm giảo nhiều mưu, thừa trơ trẽn nhố nhăng, thiếu lời chân câu thật, Thế nên một gã vốn thích mơ mơ màng màng, yêu cỏ cây hoa lá, ưa sáng nghe tiếng chim, chiều đưa cánh võng, mặc bao kẻ trề môi nhếch mép bảo gã điên, gã hâm, gã chưa già mà đã lẩm cẩm, dứt áo phố phường tìm về một rẻo vườn hẻo lánh, chẳng phải để tránh đời, chẳng phải để chờ đợi, chỉ là để đón chút hương thơm, nếm dăm vị ngọt của hoa lành trái thảo. Ngày làm anh nông phu, tối lại ra gã gù mổ chữ. Chẳng mơ giày anh cử, chẳng vọng mũ ông nghè, chỉ dăm điều mắt thấy tai nghe cũng đủ ti toe bàn luận.

Nào ai biết giấc mơ gõ đầu trẻ giản đơn mà lý tưởng, ngỡ sẽ vẫn đều đều ngày hai buổi cho đến ngày man mác cuốn sổ hưu, lại bỗng trở nên nhiêu khê và mệt mỏi đến thế. Cái lãng mạn nghề nghiệp quá mỏng manh, không đủ che lấp hết bao thực tại cười không nổi mếu cũng chẳng xong. Thầy dạy không ra dạy, trò học không ra học, nhan nhản những trò bán mua khả ố, phụ huynh cũng chẳng úp mở gì khi mở bài giá cả. Cái đe trên đầu đòi, đòi và đòi, cái búa dưới chân hỏi, hỏi và hỏi. Thôi vứt quách quyển giáo án, về chăm vài con vịt dăm con gà cho yên thân. Thế rồi cũng chẳng yên thân, dịch trầy lên, bệnh trật xuống, vợ ca mãi bài rên rẩm cũng mỏi mồm. Tức khí đem cái vốn chữ nghĩa lỏn loi ra múa. Như cái lục lạc vung lên cũng leng keng được vài tiếng rồi rơi tõm vào hun hút lòng đời.

Nào ai biết đã từng comple cà vạt, veston thẳng nếp thơm phưng phức nước hoa ngoại hẳn hoi, cặp táp giày da lộp cộp đi qua những cái lưng khom, những cái mồm đơn đớt, thấy buồng phổi mình đang phồng lên một bầu hơi oai lẫm lẫm. Nhưng vốn lẽ đời vẫn khôn ngoan khéo lắm cũng có ngày nước mắm chan cơm. Bởi vốn lẽ đời mình có hay cũng còn lắm kẻ hay hơn gấp vạn, lại gặp phen vận hạn thì cuộc tàn chỉ trong một cái trở tay. Bao trả trả vay vay như một vở tuồng không có hậu. Kêu trời hổng thấu, gọi đất hổng xong, thôi thì trở lại kiếp ăn đong chỉ mong đời thôi sỉ vả. Được ăn cả ngã về không, chuyện đời như giấc mộng. Chán cảnh, nản đời, mượn câu chữ giãi nỗi người chua cay.

- Lớp trẻ, lớp trẻ. Cứ như cuộc sống bây giờ chỉ có lớp trẻ là tồn tại.

Một giọng Nam gồ gồ lên tiếng, vẻ cay cú, bực bõ:

- Thì chúng là tương lai của đất nước, không chăm lo cho chúng, chẳng lẽ lại đi chăm cho cái lũ về chiều này sao.

- Ông này sao tự nhiên đi ganh với lũ trẻ?

- Hổng phải ganh, mà thấy nhiều cái thái quá, cứ tập trung cả vào chúng nó, chúng được chìu chuộng quá, chúng lại càng làm ra vẻ ta đây là cái rốn của vũ trụ, đâm khinh thường hết cả.

- Cũng đúng là một số trẻ bây giờ ngạo mạn hiếu thắng quá. Thời đại và xã hội đang tạo cho chúng nhiều điều kiện và ưu đãi, nên chúng tha hồ mà vung vít. Mới mới. Đủ thứ trò nhố nhăng, ngớ ngẩn, nhưng lại được số đông tung hô là hiện đại, là sành điệu. Kệch cỡm không chịu được.

- Cũng không nói hoàn toàn thế được, một số đáng kể trong chúng nó giỏi đấy chứ, giỏi thật sự chứ không phải là vay mượn bán mua. Tương lai đất nước trông vào chúng nó đấy.

- Ừ thì cũng có một số như thế. Thực ra thì thế hệ nào cũng có những ưu thế và hạn chế cả. Vấn đề là ở chỗ phải biết xác định thế nào là giá trị thực của cuộc sống. Đấy, trông mà xem, thời buổi bây giờ đảo lộn biết bao những thang bậc giá trị. Ông thằng cứ lộn tùng bậy cả lên.

- Đây là thời đoạn bản lề của một sự chuyển đổi phong cách các phạm trù cuộc sống. Như một cuộc xáo tung lên rồi chọn lọc lại. Như thời phong kiến ấy, cũng phải đi qua một giai đoạn chuyển đổi, cải tổ, thử nghiệm, lược bỏ, nảy sinh, bồi đắp, để rồi bước qua một xã hội gọi là tân thời rồi đến văn minh. Thì nay cũng vậy thôi. Quy luật của sự sống mà, cứ cái gì đã đến lúc mòn cỗi thì phải chịu đào thải.

- Điều đó thì đúng rồi, tôi không cãi. Nhưng mà ít nhất phải hiểu mình đang là ai? mình có thể làm được gì? và những gì mình làm sẽ đem đến hệ luỵ hệ quả gì cho cuộc đời? Đấy các ông xem, không ít trong số chúng trở thành vấn nạn cho xã hội, với lối sống bản năng buông tuồng, hưởng thụ gấp, chúng không hề biết cân nhắc chọn lựa những đúng sai cho cuộc đời, rồi khi vấp ngã trả giá thì lại đổ tại.

- Chúng làm gì đủ trầm tĩnh và thời gian để nghĩ được nhiều đến thế. Chúng cứ làm ào đi những gì chúng thích, và chúng cho là hay là đúng, nhiều khi không biết hay đúng thế nào, chỉ thấy số đông làm thì nhắm mắt làm theo, việc thẩm định giá trị nào thực sự tồn tại thì mặc nhiên là của cả cộng đồng. Cái thực sự hay, thực sự có giá trị thì sẽ mặc nhiên mà tồn tại, còn ngược lại với quy trình cuộc sống thì sẽ mặc nhiên mà biến mất đi thôi.

- Đó cũng là lẽ tự nhiên của mỗi thời đại. Mỗi thế hệ simh ra đều căn cứ vào những điều kiện, phương tiện của thời đại mà hình thành một cuộc sống. Bao giờ thì cũng có hay có dở, làm sao đòi hỏi ngay được tính hiệu quả cụ thể, nhất là với tuổi trẻ, luôn bồng bột, nông nổi, luôn thích thử nghiệm và thể hiện cái tôi của mình. Chúng có vấp ngã thì chúng mới biết đứng lên, mới biết cái gì là giá trị thật sự. Điều bất cập là sự du nhập các loại hình gọi là văn minh của nước ngoài vào quá nhanh, không những nó tỏ ra có đẳng cấp từ những nước phát triển, mà nó còn quá mới quá lạ, luôn thu hút hấp dẫn sự tò mò, chinh phục và khám phá. Có những thứ như chiếc áo rộng thùng thình khiến người mặc rất lúng túng, như chiếc giày rộng quá bàn chân, nên bước cứ lấp va lấp vấp, nhưng lại cứ thích xỏ vào, như những đứa trẻ mới tập đi lại cứ thích mang dép giày của người lớn vậy.

- Nhưng thật tội nghiệp là có những vấp ngã không thể đứng lên, những lầm lạc mà hậu quả thì phải mang suốt cả cuộc đời. Chúng ta có lên tiếng, có nhắc nhở thì chúng cho ta là cổ hủ, là lạc hậu, là ấu trĩ. Đã vậy, xã hội gần như bỏ quên hẳn một mảng thành phần đang hiện diện, mà cứ chăm chăm nhìn vào và nói đến lớp trẻ. Vậy những người như chúng ta thì đang là cái gì đây?

- Chúng Ta ư? Chúng ta là cái lứa bản lề. Chúng ta có nhiệm vụ chăm lo cho tương lai và cả quá khứ. Các ông thử nghĩ xem. Trên đời này có ai đang sống cho hiện tại không? Người ta chỉ quen sống nhìn về tương lai hay hồi tưởng quá khứ, hướng đến những gì mình chưa có, và tiếc nuối những gì mình đã mất, chứ có ai nhìn thấy hiện tại của mình đang có những gì đâu. Chúng ta đang là những chiếc đinh gút, là cái cầu nối hai thì quá khứ và tương lai. Rồi một ngày mai, lớp trẻ hôm nay cũng sẽ đi vào thời đoạn như chúng ta bây giờ, lại làm cái nhiệm vụ như chúng ta bây giờ, và lúc đó, chúng ta đã trở thành quá khứ.

- Nói vậy thì giống như cuộc đời con người là những bước đi lùi từ tương lai vào quá khứ.

- Có lẽ không sai. Có một điều rất hiển hiện dù cho có đáng buồn mấy nữa thì cũng phải thừa nhận nó luôn tồn tại. Ấy là cái thói đố kỵ của con người, không dễ thật lòng tôn vinh cái hay cái đẹp của người khác, nhưng lại thừa tính hiếu thắng tự tôn chỉ thích huênh hoang những tài sắc của chính mình, mà nhiều khi những tài sắc ấy chỉ tồn tại trong vài câu hoa mỹ đưa hơi. Còn tài sắc thực sự chỉ có thể được công nhận khi người ta không còn nữa. Lúc ấy, việc hào phóng chữ nghĩa không chỉ tôn lên người đã khuất, mà còn tỏ ra cái rộng lòng, khiêm kính của người đang thực hiện. Người ta có thể tuôn bao lời hay ý đẹp vì lúc đó trong lòng người ta đã nhẹ hẳn đi một đối thủ đáng gờm, và cũng vì người ta quá biết rằng, người đã đi là người sẽ khuất, thế giới chỉ luôn tồn tại trong những gì còn đang nhìn thấy. Nên đừng bao giờ vọng tưởng cái biết đến của người đời khi ta đang còn ngồi đây. Nếu cứ để tâm vào điều hư huyễn ấy thì mình sẽ chẳng làm được gì nữa cả. Hãy cứ làm đi, làm cho tốt những gì mình có thể, chẳng cần ai phải biết đến, chỉ cần hiểu những điều mình đang làm chí ít cũng đem lại chút lợi ích gì đó cho cộng đồng. Thế là đủ rồi.

Những làn môi nhếch lên, lập loè đốm lửa và những vòng khói. Những vòng khỏi tản dần lơ lửng. Cái ấm trà đã chế thêm mấy lần nước sôi.

- Này cuốn sách của ông đến đâu rồi?

- Vẫn còn nghỉ ngơi ở Nhà xuất bản. Giấy phép ở đó thì có ngay, nhưng giấy phép của bu nó thì chưa thấy động tĩnh gì.

- Rứa là có tinh tướng đâu thì vẫn cứ phải chịu phép bu nó nhỉ.

Nụ cười không đủ giãn nở nửa vành môi.

- Ngẫm mà cay. Mình ra trò thâm thuý, sâu khía nọ, sắc cạnh kia, lên giọng dạy đời thiên hạ, nhưng lại chẳng dạy nổi người nhà mình. Con cái có bảo ban gì nó, nó cũng lừ đừ dạ vâng cho qua chuyện, chỉ nghe lời mẹ.

- Con tôi cũng thế, nó có thèm nghe bố nó đâu, cái gì cũng mẹ, mẹ nói là đúng nhất, hay nhất, là bởi cần gì thì cũng chỉ có mẹ là mở hầu bao thôi. Nhiều lúc muốn đi quách một nơi nào đó không ai biết đến cho đỡ chối đời.

- Xa thương, gần thường. Có quý trọng mình thì cũng ở đẩu ở đâu ấy. Khi gặp được thì chao ôi là quý hoá quá, lúc ấy mới cảm giác được ý nghĩa của việc mình làm. Còn khi trở về thực tại thì…

- Thì vốn ở đâu chẳng thế, lời nói trọng lượng chỉ có ở người nắm cái thắt lưng cuộc sống thôi mà. Chúng ta luôn nói tới những điều lý tưởng hóa, hòng mong con người sẽ ngày càng biết thương nhau, sống tốt với nhau hơn. Nhưng trên thực tế thì không thể tốt bằng lời, cái gì cũng cần minh chứng bằng hành động, hiện vật cụ thể. Mà muốn minh chứng được thì phải làm sao? Túi rỗng thì đến cái nhìn người ta cũng chẳng buồn nữa là nghe. Đời là thế mà. Nên có biết dở, biết sai nhưng muôn người vẫn lao vào cái lợi bằng mọi cách. Có lợi thì mới có thế. Có thế thì mới có lực. Và có lực mới vực được đạo.

- Có thực chứ.

- Từ Lực hàm nghĩa rộng hơn từ Thực. Thực thì chỉ có là ăn thôi, mà cái ăn bây giờ nhỏ nhặt lắm, không đủ dung chứa những đòi hỏi khác. Những ngữ nghĩa ngày xưa bây giờ phải biến thể nó đi một chút cho phù hợp. Chừ đừng như con vẹt mà lập lại nguyên văn.

- Những bất bằng trong xã hội, căn nguyên chỉ ở một cụm từ “Nệ hình thức và chuộng vật chất”. Từ bao đời nay, con người quen đánh giá giá trị một người qua những thứ vật dụng mà anh ta có. Bất kể những vật dụng đó đã có được bằng cách nào. Còn có những con người vì hết lòng cống hiến công sức trí tuệ cho những mục tiêu chung của cuộc đời, không nghĩ hay không có thời gian và điều kiện thuận lợi để nghĩ đến lợi lộc riêng cho bản thân, thì mặc nhiên xã hội không coi trọng. Chỉ một số rất ít có được một hay vài thành quả đáng kể nổi trội nào đó, thì may ra còn được nhắc nhở, tôn vinh. Mà đâu phải ai miệt mài cũng đều có được thành quả như mong muốn đâu.

- Vật chất. Ta nhiều khi ra trò quân tử mà thóa mạ nó, nhưng vốn riệt cả cuộc đời ta bị bó buộc trong nó. Ta không ăn làm sao sống, ta không mặc làm sao ấm, ta không có những vật dụng, những phương tiện làm sao ta tồn tại?

- Không phải ta thóa mạ nó vì chê bôi, không phải ta quân tử hóa cái cuộc đời lãng nhách của ta, mà ta chỉ buồn, buồn quá vì nhiều khi nó làm cho con người không còn biết sống với một trái tim nữa.

- Trái tim. Thuần nghĩa của trái tim chỉ là một công cụ tuần hoàn máu, giữ nhịp đập cho một hơi thở không bị đứt đoạn. Ta dùng hình tượng trái tim chỉ cảm xúc, là bởi nó là một cơ quan nhạy bén và yếu ớt nhất trong cơ thể, mỗi khi có những xung đột gì tác động, nó là nơi bị xúc tác mạnh nhất, phản ứng lập tức với xung đột ấy, và kéo theo cả một chuỗi liên hoàn khác của cơ thể. Nên rồi mặc nhiên nó đại diện cho cả quá trình đời sống tình cảm của con người, mặc nhiên nó đại diện những gì nhân bản đẹp đẽ nhất của con người, mặc nhiên nó gánh chịu những đòi hỏi, những yêu cầu quá sức gánh gồng của nó. Ôi ! Thật là tội nghiệp cho Trái Tim ta.

Chủ nhà khẽ nén một hơi thở ra, cầm cái phích nuớc đã nhẹ bõng đi xuống bếp. Một vài chùm hoa lấp ló bên hiên không đủ pha sắc vào những ưu tư đang hằn trên những nếp trán, những cái miệng vẫn đang còn cơn thống thiết phải giãi bày.

- Quá sức. Đúng là quá sức, vì trái tim chỉ biết có mẫn cảm, mà trái tim không đủ quyền năng để giải quyết hết tất cả những yêu cầu của đời sống. Đã có câu “Cuộc sống cần có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”. Hai thái cực buộc phải tồn tại trong một thực thể. Một đòi hỏi tréo ngoe không thể nào cùng song hành. Thế mới tạo nên biết bao cơn cớ nghiệt oan.

- Thôi nào. Trút đã chưa? Sao cứ gặp nhau là lại đem nhau ra mà hành hạ thế? Cho phép mình nhẹ nhõm chút đi.

- Muốn lắm chứ. Muốn nhẹ nhõm thanh thản lắm chứ. Nhưng những sống còn bức thiết đang bao vây hàng ngày đây, đang từng giờ đập chan chát vào mặt đây, có cho mình nhẹ nhõm nổi không? Không hành nhau thì biết hành ai bây giờ. Hành cho nó xả ra được hết bức bí, hành cho thỏa những dồn nén để may ra còn sống được thêm ít ngày. Không hành nhau thì lại về hành vợ hành con à? Tội nghiệp họ chứ. Họ gặp ta đã là cái khổ chín đời của họ rồi. Họ đã phải gồng gánh cưu mang cái dở hơi chết tiệt của ta. Ta chỉ biết nói, nói thật hay hớm, nói thật cao xa, nhưng ta có đem lại cho họ được cái họ thật cần thiết hàng ngày đâu. Bảo họ không vì nể ta cũng có cái đúng của họ. Miếng thịt gà vẫn dễ ăn hơn miếng cá khô chứ.

- Đi xe máy vẫn nhanh hơn đi bộ. Ở nhà xây vẫn tốt hơn ở nhà ván. Nằm giưòng nệm vẫn dễ ngủ hơn nằm giường chiếu. Mặc áo đẹp vẫn vui hơn mặc áo rách. Cái gì gọi là phát triển? Chính là ở chỗ luôn tìm mọi cách cho cuộc sống con người được tốt hơn, nhàn hạ sung túc hơn. Con nguời không có lỗi khi hướng đến những cái gọi là đẳng cấp. Chỉ là ngày càng vật chất hóa mọi điều thì lại càng làm cho con người thô thiển đi, thấp kém đi.

- Thực tế vẫn là thực tế, vẫn sụi sần thô kệch những đường nét. Nghệ thuật chỉ cố hình tượng hóa những sụi sần thô kệch ấy lên cho dễ nhìn, dễ tiêu hơn mà thôi.

- Thì ít ra bọn dở hơi chúng ta cũng làm được chút gì đó cho cuộc sống này bớt u ám nặng nề hơn chứ.

- Đúng. Ta phải biết trân trọng mình, phải biết nâng niu giá trị công sức mình. Nếu cuộc sống chỉ có những trần trụi mà không có những ảo ảnh hóa thì cuộc sống bản năng quá, vô minh quá. Và như thế thì con người ngày càng dẫm đạp lên nhau. Cứ cho chúng ta đúng là bọn dở hơi. Nhưng là những thứ dở hơi để cứu vãn loài người. Cái dở hơi của chúng ta là một thứ biệt năng mà không phải tất cả những con người có mặt trong đời sống này cảm nhận được. Cái gì mà không có tính hai mặt. Ta cũng phải biết chịu những mất mát cho những tồn tại của một thứ giá trị có thực chứ.

- Có thực bằng một chầu mâm bát bây giờ không?

- Thôi. Chiều nay tôi có việc rồi.

- Tôi cũng không ở lại được nữa đâu. Cuộc tra tấn nhau nãy giờ đã cho tôi một số ý rất tuyệt. Tôi phải về với những trang viết dở của tôi đây.

- Thằng cha này khôn thật. Nó moi gan moi ruột tụi mình để lấp cho đầy những trang giấy trắng của nó. Mà này ông ơi! Ông có lấp mãi lấp mãi thì đến cùng ông vẫn chỉ là những trang viết dở mà thôi.

- Hè hè. Thử hỏi có cái mạng nào khi nhắm mắt có thể nói được một câu mãn nguyện với cuộc đời này chưa?

- Wa, chí lý chí lý. Rứa là tất cả những con mắt đã mở và sẽ nhắm, cuối cùng cũng chỉ là những trang viết dở dang thôi. Nhưng:

Dở dang thì cứ dở dang.

Còn yêu cuộc sống còn toang thân này.

Mặc người tỉnh, mặc ta say

Mặc bao hơn thiệt chua cay nỗi đời

Cứ thơ vung lộng gió trời

Cứ văn lả lướt cho người mê man

Màng chi câu trách lời than

Mang mang tứ hải vẫn vàn tri âm

Chỉ cần chớ thẹn chữ Tâm

Một mai chín suối vẫn cầm họa thi

Thôi, tui dìa đây hí.

Ông dìa tui cũng dìa theo

Thuyền mây chung lối, gieo neo chung đường

Có hai cái đầu lăng lắc, hai làn môi he hé nhìn theo hai cái thân liêu phiêu cùng hai cái miệng ngâm nga bao nhiêu năm rồi… Mây trên trời vẫn tâm tình thủ thỉ miên man những lời cùng gió. Những tia sợi vàng vẫn lay phay ngả ngớn cùng những phiến lá xanh. Ngày vẫn đi nhanh đi nhanh.

- Ta vào làm ván cờ đi.

Những tiếng lách cách của những quân cờ gieo xuống mặt bàn gỗ, đã trả lại cho không gian sự bình yên thinh lặng nơi cuối ngày.

Đàm Lan


œ

 

|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế