VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 09-4-2011 của CLB Sách Xưa & Nay Mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách, 1 cuốn mới ra lò và một cuốn được xuất bản vào những năm 60, nghĩa là độ 50 năm trước. Cuốn sách mới ra lò là một cuốn tự điển nhan đề là KANJI TỰ ĐIỂN hay là Tự điển HÁN – NHẬT VIỆT do Tiến Sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu Trưởng Trường Đại Học Quốc Tế Hồng Bàng vừa soạn và cho ra mắt quốc dân đồng bào. Cuốn Tự điển này khổ 20 x 27cm và dày 875 trang, bìa cứng rất bề thế. Người viết được tác giả đề tặng và nhờ giới thiệu với các thành viên CLB. Vì không phải lãnh vực của mình nên người viết chỉ làm việc giới thiệu, còn cuốn Tự điển hay, dở ra sao thì phải được các độc giả là chuyên viên ngành Hán Nôm đánh giá. Tuy nhiên các thành viên cũng thích thú nhìn ngắm cuốn sách được in ấn khá đẹp và bề thế. Cuốn thứ nhì, được xuất bản khoảng năm 1960 của thế kỷ trước là một cuốn trích đoạn chứa đựng một tài liệu rất đầy đủ, quý giá về Thư Viện Quốc Gia thời Ngô Đình Diệm. Sách cho biết mọi chi tiết về thư viện Quốc gia thời đó VÀ GIÚP CHO CÁC THÀNH VIÊN CLB MỘT SỰ HIỂU BIẾT VỀ LOẠI SÁCH GỌI LÀ TRÍCH ĐOẠN MÀ NGƯỜI PHÁP GỌI LÀ TIRAGE À PART. Tức là khi một tờ Tuần Báo nào có một bài nghiên cứu nào có giá trị THÌ NGƯỜI TA RÚT BÀI ĐÓ RA, IN RIÊNG THÀNH 1 TẬP (CÓ KHI CHỈ 4, 5 TRANG) NHƯNG VẪN LÀM BÌA TRƯỚC BÌA SAU Y NHƯ LÀ MỘT CUỐN SÁCH. Đây cũng là một điều mà một số thành viên chưa biết nên mọi người cũng tỏ ra vui vẻ ghi nhận. Sau phần giới thiệu sách, anh Phạm Vũ Động, một thành viên có một cuộc nói truyện ngắn về 1 số kỷ niệm của anh với Trịnh Công Sơn. Tiếp lời Anh Phạm Vũ Động, anh Trần Văn Hữu, một thành viên khác đã lên ngâm tặng các thành viên bài thơ Lá Diêu Bông. Sau phần ngâm thơ của Anh Hữu, Anh Dương có nói qua về vấn đề nhà nước muốn lấy thể thơ lục bát làm quốc thi, và anh có đóng góp 1 số ý kiến liên quan đến chuyện đó. Các thành viên khác cũng có 1 số lời trao đổi về vấn đề trên. Cuối cùng Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã đề nghị tất cả các thành viên, ai có bài viết xin gửi tham gia số đặc biệt (số 61 của tháng 6,2011) kỷ niệm 5 năm ngày thành lập CLB. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày.
Vũ Thư Hữu MỘT CUỐN SÁCH HIẾM: CUỐN “BẮC KỲ VÀ MẪU QUỐC” Người viết mua được cuốn sách hiếm này ở một người bán sách nổi tiếng là “chém đẹp” và đã phải bỏ ra nửa triệu đồng để ẵm được nó về. sáng hôm 12.4.2011, khi ôm được cuốn sách ra khỏi nhà sách NGƯỜI VIẾT MỪNG HÚM vì vị “đao phủ” đã KHÔNG BIẾT TÁC GIẢ (JULES FERRY) LÀ AI VÀ ĐÃ KHÔNG TRÔNG THẤY CHỮ KÝ Ở DƯỚI LỜI ĐỀ TẶNG. Nhà “đao phủ” mà bắt gặp và nhận ra chữ ký thì lập tức người viết lại phải trả thêm TIỀN MUA CHỮ KÝ TÁC GIẢ nữa, và sẽ là phải gấp đôi, gấp ba số tiền đã bỏ ra. Cuốn sách này khổ nhỏ, chỉ có 12x18 phân và dày 406 trang, nhưng nó quý với người viết vì nó được xuất bản năm 1890 (120 năm trước), và vì người viết rất thích chữ ký và thủ bút của các tác giả, nhất là người viết lại biết rất rõ về tác giả Jules Ferry, vì người Pháp này chính là KẺ CHỦ MƯU ĐÁNH CHIẾM MIỀN BẮC NƯỚC TA HỒI ĐÓ GỌI LÀ BẮC KỲ (TONKIN). Xin được kể vắn tắt lai lịch của tác giả đó như sau: Jules-François-Camille FERRY (1832 – 1893) là một chính trị gia người Pháp. Năm 1851 là luật sư ở Paris. Làm dân biểu Cộng Hòa hạt Seine năm 1869. năm 1872 Tổng Thống Thiers cho Ferry làm Đặc sứ toàn quyền ở Hy Lạp. Thành Thủ Tướng ngày 23.9.1880, ông ta bắt đầu thực hiện chính sách thuộc địa của mình. Năm 1883, ông rời chức Thủ Tướng để xuống làm Bộ Trưởng Ngoại Giao và QUYẾT ĐỊNH THỰC HIỆN CHIẾN DỊCH ĐÁNH CHIẾM BẮC KỲ. JULES FERRY CUỐI CÙNG LÀ THƯỢNG NGHỊ SĨ CHỦ TỊCH THƯỢNG VIỆN MỘT THỜI GIAN NGẮN TRƯỚC KHI QUA ĐỜI Ở TUỔI 61. Cuốn sách quý này được chia làm 2 phần. Phần I từ đầu sách tới trang 56, mang tựa đề là NĂM NĂM SAU… tức là Bắc Kỳ sau 5 năm bị chiếm đóng tình hình chung ra sao, với rất nhiều chi tiết. Phần II từ trang 57 tới hết, mang tựa đề chính là CÁC CHỨNG NHÂN VÀ CHỨNG CỨ được chia thành 4 chương là: I. Trước cuộc chinh phục. II. Các tài nguyên của xứ Bắc Kỳ. III. Khí hậu. IV. Cuộc viễn chinh đã tốn kém bao nhiêu. CHƯƠNG I .- Từ trang 59 tới 104 nói về các nhà thám hiểm đầu tiên – Cuộc thám hiểm sông Mekong – Các cuộc thám hiểm – Các nghiên cứu, các chuyến đi từ 1870 tới 1884 vv… CHƯƠNG II .- Từ trang 105 tới 326 nói về tình hình chung các tài nguyên của Xứ Bắc Kỳ và các ngành nghề như hầm mỏ, kỹ nghệ, thương mại, ngư nghiệp vv… CHƯƠNG III .- Từ trang 327 tới 368 nói về khí hậu, các mùa khác nhau, tổng số tử vong vv… Và cuối cùng CHƯƠNG IV.- Từ trang 369 tới trang chót nói về 4 đề tài sau đây: Tổn phí cho cuộc viễn chinh – Báo cáo của Borgnis-Desbordes – Ngân khoản dành cho Xứ Bắc Kỳ – So sánh và kết luận. Cuốn sách rất quý ở chỗ 120 tuổi và quý hơn nữa là mang thủ bút và chữ ký của tác giả, một nhân vật lịch sử nổi cộm và đáng ghét của Pháp vì chủ trương đi xâm lấn nước khác… Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, Chương VI VŨ ANH TUẤN
Vị trí của thời đại Hùng vương trong lịch sử dân tộc Việt Nam Theo “Sổ tay báo cáo viên năm 2005” của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương Đảng, thời đại Hùng Vương bắt đầu từ trước đây 4.000 năm. Thời đại đó đã dài đến hơn hai mươi thế kỷ và đã để lại dấu ấn rất rõ nét vào các mặt sinh hoạt của dân tộc Việt Nam. Trước đây 4.000 năm đã xuất hiện trong lịch sử Việt Nam một thời đại nói lên sức sống mãnh liệt, năng lực sáng tạo vĩ đại, sức mạnh đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm của dân ta. Vào thời đại đó đã hiện ra trên đất nước ta một nền văn hóa cao, một nền văn minh nông nghiệp rực rỡ (nền văn minh lúa nước). Nền văn hóa và văn minh đó đã góp phần xứng đáng vào nền văn minh cổ đại của loài người trên thế giới. Xã hội nước Văn Lang là xã hội trong đó nông nghiệp đã phát triển, nghề luyện kim đã đạt được những thành tựu rực rỡ, nghệ thuật và văn học dân gian, đặc biệt là mỹ thuật đã tiến đến chỗ tinh vi. Tất cả đã chứng minh tư duy của con người đã phát triển và họ là những người yêu nghệ thuật và có tài sáng tạo nghệ thuật. Chính văn học, mỹ thuật và nghệ thuật của thời đại Hùng Vương đã tạo nên xu thế phát triển của dân tộc về các ngành nghề liên quan kinh tế - văn hóa – xã hội suốt quá trình lịch sử văn minh từ nhà nước Văn Lang tới nhà nước Việt Nam mà ngày nay Liên hợp quốc và nhân dân thế giới đều công nhận đưa vào di sản của nhân loại thuộc lĩnh vực vật thể và phi vật thể như hát quan họ Bắc Ninh, nhạc cung đình Huế, khu di tích Hậu Lâu, Thăng Long – Hà Nội, sắp tới là đờn ca tài tử Nam Bộ vv… Các nhà nghiên cứu và khảo cổ học còn cho rằng dân tộc thời đại Hùng Vương có nguồn gốc chủng Mã Lai – Nam Á Malaysien Austro Asiatique) khi phát tích sinh tụ trên một cương vực có phạm vi rất rộng tên gọi là Quỷ phương hay Xích Quỷ từ hồ Động Đình (Trung Quốc) tới Nghệ An, Hà Tĩnh giáp Quảng Bình là đất cổ của dân tộc Chăm. Họ đã cùng với nhiều dân tộc khác (đến nay có 54 dân tộc) “vượt” về phương Nam từ thuở còn cầm chiếc rìu đá hình chữ Việt (hình mặt nguyệt - thời kỳ đồ đá) được tìm thấy ở di chỉ Quốc Oai – Hà Nội mà thời đại đồ sắt ngày nay trở thành liềm hái, tới định cư ở đồng bằng Bắc Bộ từ lưu vực sông Hồng, sông Mã cho đến nay là sông Cửu Long tạo thành một dải quê hương gấm vóc với chiều dài trên 1.600 km theo trục Nam Bắc, luôn hình thành nên các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thực hiện đại đoàn kết dân tộc, hợp quần gây sức mạnh mà suốt chiều dài lịch sử tiến hóa hai ngàn năm sau (thiên niên kỷ thứ I và thứ II) không ngừng đánh thắng ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc từ khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43), bị đô hộ một ngàn năm (ba lần Bắc thuộc năm 111 trước TL – 939 sau TL) nhưng vẫn có nhiều cuộc nổi dậy của đông đảo anh hùng, hào kiệt, trong đó có nhà Tiền Lý (544-602), nhà Ngô làm nên những chiến thắng lẫy lừng đánh đuổi quân Nam Hán, quân nhà Tống, quân nhà Đường, quân Nguyên Mông (ba lần), quân nhà Minh (10 năm đô hộ 1418-1427), quân nhà Thanh (mùa xuân 1789), thực dân Pháp (1858-1954), đế quốc Mỹ (1955-1975), quân bành trướng (1979). Từ nhà nước Văn Lang là một nhà nước có nhiều dân tộc ngày càng đông thêm, các dân tộc anh em đã quây quần chung quanh dân tộc Việt để giữ nước và dựng nước. Suốt chiều dài lịch sử tiến hóa từ trên bốn ngàn năm nay, chúng ta không hề thấy có mâu thuẫn sâu sắc giữa các dân tộc Việt với dân tộc thiểu số anh em, kể cả số dân cư các nước trong khu vực Đông Nam châu Á như người Hoa (Hán tộc), người Khmer, người Chăm sau này định cư ở miền Nam hay ở Tây Nguyên (Stiêng, Mạ, H’Mông, Cơ ho…) mà chỉ thấy nổi bật lên sự đoàn kết để đấu tranh có hiệu quả chống ngoại xâm và sau đó để xây dựng lại đất nước. Mỗi dân tộc định cư và hợp nhất trên đất nước Việt Nam trên 4.000 năm có tiếng nói, chữ viết, văn hóa riêng luôn có ý thức có tinh thần dân tộc riêng và chung nhưng bản sắc dân tộc Việt Nam vẫn là cái chung, là nền tảng hình thành nên sự đoàn kết lâu dài, bền vững để cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Về sau, đất nước ta lại có nhiều tôn giáo của các dân tại chỗ và được du nhập nhưng vẫn hòa đồng sống chung, gọi là “đạo ai nấy giữ” để tiến tới sống “tốt đạo đẹp đời” nói lên sự thống nhất tư tưởng – văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam cùng sinh hoạt trong một tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (bao gồm nhiều đoàn thể nhân dân) do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và các vua Hùng thời Văn Lang tới nay vẫn là tổ tiên chung được tôn vinh ngày giổ Tổ vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm*: Dù ai đi ngược về xuôi, Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng ba. Khắp miền truyền mãi câu ca, Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm. Vương Liêm * Thời xưa, việc cúng Tổ vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch) hàng năm theo sự tích vua Hùng thứ 6 đã hóa đá bên gốc cây Kim Giao trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh vào ngày 11 tháng 3 âm lịch nhưng con cháu ở xa về làm giỗ Tổ trước một ngày vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Đến thời nhà Nguyễn, triều đình định lệ 5 năm mở hội lớn một lần, có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và ông chủ tế địa phương, cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch), để những ngày sau cho nhân dân mọi miền về làm lễ hội. (Sổ tay Báo cáo viên năm 2005, trang 146 và 151).
ĐẠO CÔNG GIÁO ĐÓNG GÓP CHO ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM TRONG BÀI "BƯỚC ĐẦU KHẢO SÁT TÊN GỌI THỰC VẬT
GHI TRONG TỰ VỊ ANNAM-LATINH CỦA TABERD" Tác giả Trần Văn Chánh đã viết: Ở trong nước bấy giờ, nhờ sách được in lại nguyên bản (NXB. Văn Học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 2004), nhiều người đã có dịp trông thấy được mặt mũi quyển Tự vị Annam-Latinh của giám mục Jean Louis Taberd (còn gọi "Nam Việt Dương hiệp tự vị", Dictionarum Anamitico-Latinum), xuất bản lần đầu năm 1838, nhưng có lẽ ít ai để ý ở những trang quan trọng gọi là Hortus floridus Cocincinae (Vườn cây cỏ Nam Kỳ), dịch những tên gọi từ tiếng Nôm (ghi bằng chữ Nôm rồi chữ Quốc ngữ) sang tên Latinh (tức tên khoa học) của khoảng trên dưới 1.800 loài cây cỏ được ghi nhận có mặt ở Đàng Trong tức miền Nam bây giờ. Một số nhà thực vật học Việt Nam chuyên về phân loại thực vật như Phạm Hoàng Hộ, Võ Văn Chi,… dường như cũng chưa có dịp sử dụng tài liệu quý hiếm này khi biên soạn các công trình của mình, vì không thấy họ ghi vào danh mục các sách đã tham khảo. Được biết giám mục Taberd (1794-1840) đã có dịp vào Việt Nam truyền giáo trong khoảng thời gian từ năm 1820 đến năm 1833. Năm 1838, trong khi đang ở Ấn Độ, Taberd xin từ chức giám mục Đàng Trong và được cử làm giám mục ở xứ Bengale. Cũng trong năm ấy (1838), ông cho xuất bản quyển tự vị nêu trên. Sách này là một ấn bản hoàn chỉnh, có sự cộng tác của linh mục Việt Nam Phan Văn Minh, được thực hiện trên cơ sở chỉnh lý – bổ sung từ bản thảo chép tay quyển từ điển có cùng tên do giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Đa Lộc) biên soạn dang dở trong những năm 1772-1773. Trong lời dẫn phần phụ lục kể trên, Taberd nêu rõ có tham khảo sách Flora Cochinchinensis (Quần thực vật Nam Kỳ) xuất bản năm 1790 của Joao de Loureiro (1717-1791), một nhà truyền giáo dòng Tên đồng thời cũng là nhà thực vật học người Bồ Đào Nha đã từng đến miền nam Việt Nam năm 1742 trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và ở lại đây trong suốt 30 năm. Tài liệu của Loureiro hiện nay vẫn còn dễ tìm nhờ đã được đăng trên mạng Internet (địa chỉ http://archive.org/details). Về độ chính xác của các tên khoa học chỉ các loài cây cỏ, học giả Trần Văn Toàn trong một chuyên khảo sát về Taberd đã kể lại câu chuyện: "Năm 1972 tôi có đưa cây rau răm cho một giáo sư đồng nghiệp, người Bỉ, dạy thực vật học ở đại học Kinshara (Congo), nhờ xếp loại và gọi tên khoa học, ông ta xếp nó vào loại (đúng ra là họ - TVC) Polygonaceae, và gọi tên nó là Polygonum odoratum ; bây giờ tra tự vị Taberd, xuất bản năm 1838, tôi thấy đã gọi tên nó là Polygonum odoratum (ở trnag 654 – TVC)". Tác giả bài viết đề nghị: "Thiết tưởng các nhà thực vật học nước ta cũng nên so sánh cách gọi tên thảo mộc bên ta và tên các loại thuốc bắc trong tự vị đó với các tên dùng trong khoa học ngày nay xem sao" (Xem "Tự vị Taberd và di sản văn hóa Việt Nam", trong phần giới thiệu bản sách tái bản cuốn Dictionarum Anamitico Latinum). Từ lâu tôi cũng có ý tưởng muốn thực hiện công việc tương tự như đề nghị vừa nêu trên, bằng cách làm một cuộc so sánh tên gọi thực vật Việt Nam ngày nay với tên gọi thời Taberd, để thấy được những chỗ tương đồng cùng dị biệt, và thiết tưởng để làm được như thế không gì bằng lập nên một bảng so sánh những tên gọi đã nêu trong Tự vị Annam-Latinh với những công trình thực vật học hiện đại, căn cứ vào tên khoa học và tên gọi tiếng Việt của chúng. Do khuôn khổ bài viết, tôi đã tự hạn chế khảo sát trên 4 trang đầu của bản phụ lục (tức 1/10 dung lượng) để lập bảng đối chiếu, gọi là bảng A. Những tên không có trong các sách về tên cây cỏ thông dụng hiện đại, được lập thành bảng B. Tài liệu hiện đại để đối chiếu được căn cứ chủ yếu vào Sách tra cứu tên cây cỏ Việt Nam của GS Võ Văn Chi (NXB. Giáo Dục, 2007) (gọi tắt: VVC), vì đây là công trình có tính chất tập đại thành, đúc kết đầy đủ từ rất nhiều tài liệu liên quan có từ thời thuộc Pháp đến nay. Để được chắc chắn hơn, chỗ nào còn nghi ngờ, tôi đã tra cứu thêm một số công trình tiêu biểu khác, như Plantes médicinales du Laos, du Cambodge et du Vietnam của A. Petelot (Sàigòn 1952-1954), Cây cỏ Việt Nam của Phạm Hoàng Hộ (quyển 1-3, NXB. Trẻ, 2000), Danh mục các loài thực vật Việt Nam của nhóm Nguyễn Tiến Bân – Nguyễn Khắc Khôi – Vũ Xuân Phương (Tập I-III, NXB. Nông Nghiệp, Hà Nội, 2003-2005), Lạp Hán Anh chúng tử thực vật danh xưng (Khoa Học Xuất Bản Xã, Bắc Kinh, 2006) (gọi tắt DĐ),… Trong tên khoa học trình bày theo lối "lưỡng nôm" thông dụng mà Taberd cũng đã biết áp dụng theo công trình của nhà thực vật trứ danh Thụy Điển Carl von Linné (1753), yếu tố đầu (viết hoa) chỉ tên giống (hoặc chi, genus), yếu tố sau chỉ tên loài (species). Trong không ít trường hợp, Tự vị Taberd nêu được tên một số loài cây không thấy có trong các tài liệu hiện đại, và so với các tài liệu đó thì chúng chỉ giống nhau ở tên chi (genus), tôi cũng lập thành một bảng riêng, gọi là bảng C. Đây có thể gồm những loài cây hiện nay không còn tồn tại ở miền nam Việt Nam, hoặc là chúng có những tên khoa học khác đã được áp dụng trong thời Taberd mà về sau không còn thông dụng nên không được các tài liệu mới ghi chép. Những tên thực vật tiếng Việt trong Tự vị Annam-Latinh khởi đầu bằng mạo từ "cây" thì được bỏ bớt chữ "cây" đi, như nói "Bả" thay vì "Cây bả"… Số ghi trong ngoặc đơn đặt sau mỗi tên khoa học là số trang xuất hiện mục từ trong Tự vị Taberd. (…xem nguyệt san báo Công giáo và Dân tộc số 193, từ trang 120 đến 126, so với mục lục của Flora Cochinchinenis độ chính xác, trùng hợp rất cao). Cho đến nay, chúng ta vẫn còn chưa hiểu hết bằng một quá trình nghiên cứu công phu như thế nào, được sự giúp đỡ của ai mà Giám mục Taberd đã nhận ra được các loài cây cỏ của xứ Đàng Trong cùng với tên khoa học tương ứng của chúng, nhưng những tên tiếng Việt mà ông nêu ra trong bộ Tự vị là một di sản rất quý, một phần có thể do ông đã thu thập được loại tài liệu quý hiếm giúp ích rất nhiều cho các nhà thực vật học Việt Nam ngày nay trong việc nghiên cứu quá trình phát triển của thuật ngữ khoa học cũng như trong công việc đặt tên tiếng Việt phong phú thêm cho các loài hoa cỏ. (12/1/2011 – Báo Nguyệt san CG&DT số 193 tháng 1/2011) Trong bài nghiên cứu, tác giả Trần Văn Chánh có nhắc tới bộ tài liệu cổ quý giá, của một Linh mục truyền giáo Joannis de Loureiro, mà hiện nay còn có thể tra cứu trên mạng, thì đây người viết xin giới thiệu với bàn dân thiên hạ bộ Flora Cochinchinensis bằng "xương bằng thịt" của nhà truyền giáo, Linh mục dòng Tên Joannis de Loureiro gồm 2 cuốn: I và II, khổ 21x27 in năm 1790 trên giấy lụa (1 loại giấy rất tốt với đặc tính mềm, dai, gần giống loại giấy Bible của châu Âu và loại giấy dó của Á đông. Cho tới nay trải quả 221 năm "dãi dầu mưa nắng" mà vẫn còn tốt, không bị dòn. Trái lại các loại giấy Âu châu khác chỉ hơn 100 năm là dòn như bánh tráng, đụng vô là gẫy, muốn lưu chỉ có cách chụp vi phim, chứ "ken" hay photo là sách "nát như tương" ngay). Cuốn I dày 373 trang, cuốn II dày 391 trang – in bằng tiếng Latinh cổ tại Lisboa (Bồ Đào Nha), mép mạ vàng. NHẬN ĐỊNH 1. Linh mục dòng Tên Joannis de Loureiro là nhà truyền giáo và nhà thực vật học thực thụ, chuyên nghiệp – phương pháp nghiên cứu, quan sát và cách sắp xếp, trình bày rất "khoa học và bác học". Chắc chắn ngài có tham khảo các tác giả chuyên môn, các sách kinh điển về thực vật trước ngài (nghĩa là trước 1742 khi ngài lần đầu tiên đặt chân trên vùng đất miền Nam Việt Nam). 2. Bộ Tự điển của Giám mục Bá Đa Lộc (bản thảo, chưa xuất bản) và Tự điển của Giám mục Taberd xuất bản 1838 có phần phụ lục Hortus floridus Cocincinae (Vườn cây cỏ Nam kỳ). Phần này chắc chắn các ngài đã sử dụng lại công trình nghiên cứu của cha Loureiro vì 3 lý do sau đây: a. Trước cha Loureiro chưa có 1 công trình nghiên cứu nào về thực vật miền Nam Việt Nam bằng ngoại ngữ và tiếng bản xứ (tiếng Việt cổ). b. Các Giám mục Bác Đa Lộc và Taberd không phải là nhà chuyên môn về thực vật (thực vật học) dù các ngài rất thông minh và giỏi về các lãnh vực khác. Người Âu Mỹ không nắm chuyên môn không bao giờ họ viết ẩu, viết đại khái. c. Với chức vụ Giám mục Đàng Trong, ở thời điểm Giáo Hội Việt Nam còn phôi thai, lại bị loạn lạc, bắt bớ, cấm cách, các phương tiện thiếu thốn mọi bề, các ngài không thể có thời giờ để lặn lội đi tìm hiểu, quan sát thực vật miền Nam, một lãnh vực quá chuyên môn và chuyên sâu. 3. Sự chính xác tuyệt vời: Chi tiết cây rau răm cắc cớ của giáo sư Trần Văn Toàn (năm nay khoảng 90 tuổi, đang sống ở Pháp) làm người viết nhớ lại câu ca dao Việt Nam nói về thân phận phụ nữ góa chồng: "Gió đưa cây cải về trời Rau răm ở lại chịu đời đắng cay " Rau răm (là kiểu nói hoán dụ) có đủ mùi đắng cay theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Câu trả lời của vị giáo sư thực vật ở Đại học Kinshara (Congo) khớp với tự vị Taberd (1838) và xa hơn nữa, khớp với nghiên cứu của nhà truyền giáo Joannis de Loureiro trong Flora Cochinchinensis (1790), điều này làm chứng rằng vị giáo sư đã tra cứu, tham khảo các nguồn tài liệu kinh điển (có thể cả cuốn Flora Cochinchinensis của Linh mục Loureiro). 4. Nếu tự điển Taberd có phần phụ lục quan trọng gọi là Hortus floridus Cocincinae (Vườn cây cỏ Nam kỳ) thì trước đó gần 50 năm cuốn Flora Cochinchinensis đã có 1 mục lục cỏ cây miền Nam Việt Nam xếp theo mẫu tự ABC từ trang 723-744, mỗi trang xếp 2 cột. Đặc biệt tên cây cỏ toàn bằng tiếng Việt cổ, sau đó ghi số trang mục nói về cây đó trang 2 cuốn sách.
5. Với những nhà ngôn ngữ nghiên cứu tiếng Việt thì tác phẩm của Linh mục Loureiro là một tài liệu quý giá đánh dấu một giai đoạn phát triển gần mức hoàn chỉnh hiện nay. Những tên gọi khá chính xác như: Rau má Rau mèo Rau mơ Rau muống Rau nhút Rau sam Bí đao Bồn bồn Bình bát Bo bo Cam thảo đỏ hột Cải rổ annam Cải rổ tàu … Một vài dấu ấn của chữ Latinh cổ như chữ s giống như chữ f – ví dụ rau sam tác giả viết: rau ʃ am. Đã có chữ r và đã dùng như Trúc, Trác bá diệp nhưng vẫn còn dùng kiểu cổ lấy chữ l thay cho r; ea thay vì a. Ví dụ: trầu ăn viết tlầu ăn. Cây bần dài trái viết: cây bần deài tlái Chữ ao thay vì o – ví dụ: tóc tiên viết táoc tiên Chữ ou thay vì ô – ví dụ: thông đất viết thoung đất ; thông tàu viết thoung tàu. 6. Mãi sau này (cuối thế kỷ 20), chúng ta mới có những tác phẩm chuyên ngành về thực vật học của các tác giả Phạm Hoàng Hộ, Đỗ Tất Lợi, Võ Văn Chi… Vậy mà cách đây 2 thế kỷ Linh mục truyền giáo dòng Tên người Bồ Đào Nha, Joannis de Loureiro đã để lại công trình quý giá, kết quả của hơn 40 năm lặn lội nghiên cứu tìm tòi, ghi chép, sắp xếp rồi xuất bản, trình bày với cả thế giới. Người Việt Nam nào có 1 chút tâm, thấm nhuần truyền thống quý giá của dân tộc "uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây", mà lại không cảm phục nhớ ơn những người khai phá, mở đường, đóng góp cho nền văn minh tiến bộ của dân tộc ta, dù họ là ai, tôn giáo nào. Nếu mọi người đều coi "rẻ" công trình của Linh mục Loureiro thì ít ra còn có tác giả Trần Văn Chính và một người có thể viết lại những dòng trên đây như một lời tri ân và tạ lỗi với người đã khuất bị chìm trong quên lãng. "Ơn ai một chút chớ quên, Phiền ai một chút để bên cạnh lòng " Tân Sa Châu, ngày 19/04/2011 Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT
Phụ Bản I BÀN VỀ PHẬT TÁNH và THẤY TÁNH Người tu Phật, khi chưa hiểu thế nào là nghĩa thật sự của PHẬT, thì cho rằng Phật là một vị Thần linh, quyền phép vô song, có thể cứu khổ, ban vui, độ cho mọi người, nên việc đi tu là vì mến mộ nên muốn cống hiến cuộc đời cho Phật. Công năng tu hành chỉ là học đạo, Ngồi Thiền, gỏ mõ, tụng Kinh, ca tụng, tôn thờ Phật, rồi hoằng dương Chánh Pháp bằng cách lôi cuốn ngày càng thêm người Quy Y theo Phật. Cất thêm nhiều kiểng Chùa cho to, cho đẹp… Càng làm được nhiều điều như thế thì càng thấy rằng mình đã phục vụ cho Đạo Pháp. Người tu hành thật sự, thì không chú trọng đến việc mở mang Đạo qua hình tướng, vì “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”. Chỉ mong thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng Sinh là Phật sẽ thành”. Như vậy, bắt buộc họ phải tìm hiểu PHẬT là gì? Thế nào là Thành Phật? Đức Thích Ca đã làm gì để thành Phật? Qua đó, họ sẽ thấy thêm một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc “Thành Phật” là: “Thấy Tánh thành Phật” hay “Kiến Tánh khởi tu”. Có nghĩa là không thể Thành Phật khi chưa THẤY TÁNH. PHẬT TÁNH được Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, tức nghĩa của Ngã. Nghĩa của Ngã như vậy từ nào đến giờ bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được (Q.1, tr. 239) * “Đức Như Lai nói các chúng sinh đều có Phật Tánh, ví như y sĩ chỉ hột châu kim cương cho lực sĩ, các chúng sinh này bị vô lượng phiền não che đậy chẳng biết Phật Tánh. Nếu dứt hết phiền não, bấy giờ đặng chứng biết rõ ràng. (Q.1 tr. 245) * Tất cả chúng sinh cũng vậy, vì không được gần gủi bậc Thiện tri Thức, dầu có Phật Tánh mà đều không nhận thấy, bị Tham Sân Si che đậy. Vì thế nên đọa Địa Ngục, Súc Sinh, Ngạ Quỷ, A tu la, Chiên đà La, Sát để lợi, Bà La Môn, Tỳ Bà, Thủ Đà… Sinh trong các dòng đó, nhơn tâm tưởng mà ra các thứ nghiệp duyên. Dầu được thân người nhưng phải đui, điếc, câm, ngọng, què, thọt, thọ các quả báo trong 25 cõi. Vì Tham sân Si che lấp bổn tâm nên chẳng biết Phật Tánh, như lực sĩ kia, hột châu vẫn ở trong tâm mà hô đã mất (Q.1 tr.244). Trong Sáu Cửa Vào Động Thiếu Thất, Tổ Đạt Ma nói về lý do cần Thấy Phật Tánh: * Nếu muốn tìm Phật hãy cần Thấy Tánh.Tánh tức là Phật. * Nếu chẳng Thấy Tánh thì chay lạt giữ Giới đều vô ích cả”. * Kẻ mê mặc sức múa máy theo người, phút chốc đọa sanh tử. Đó là những người không Thấy Tánh xưng càn là Phật. Hạng chúng sanh ấy phạm tội lớn, phỉnh gạt tất cả chúng sanh, đưa vào vòng ma giới. * Nếu không Thấy Tánh thì dầu giỏi nói 12 Bộ Kinh vẫn là ma nói. Đó là hang bà con của ma, chẳng phải học trò của nhà Phật”. * Nếu Thấy Tánh tức là Phật. Không Thấy Tánh tức là chúng sanh. * Lại hỏi: Nếu không Thấy Tánh thì niệm Phật, tụng kinh, Bố thí, giữ Giới, tinh tiến, rộng ban điều phước lợi có thành Phật được không? Đáp: Không được. Lại hỏi: Sao không được? Đáp: Nếu có chút pháp nào chứng được thì đó là pháp hữu vi – pháp Nhân Quả, pháp thọ báo, pháp luân hồi. Không rõ lẽ sống chết đời nào thành Phật Đạo. * Nếu không Thấy Tánh thì nói gì về Nhân Quả vẫn chỉ là pháp ngoại đạo. * Nếu không Thấy Tánh mà thành được Phật đạo không đâu có được. * Thấy thẳng Tánh mình thì gọi là Thiền. * Dầu có nói được ngàn kinh muôn luận mà không Thấy Tánh thì vẫn là phàm phu, chẳng phải là pháp Phật. * Chỉ cần THẤY TÁNH thì dầu không biết một chữ vẫn được đạo. * THẤY TÁNH tức là Phật * Nếu Thấy được Tánh mình thì chẳng cần đọc kinh, niệm Phật. * Nếu thấy Tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng áo trắng vẫn là Phật. * Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc cạo râu vẫn là ngoại đạo” * Nếu Thấy Tánh, chiên đà la cũng thành Phật” * Phật sau chỉ nói Thấy Tánh * Tánh tức là Tâm * Tâm tức là Phật * Nếu không Thấy Tánh lại nói càn là “ta được quả chánh đẳng chánh giác” ấy là kẻ đại tội. Qua những đoạn Kinh vừa trích dẫn, ta rút ra mấy điều: 1/- Nếu không THẤY TÁNH, thì làm gì, nói gì, ngay cả làm Lục Độ, cạo tóc, đắp Y, chay lạt, giữ Giới, tụng Kinh, niệm Phật vẫn là ngoại đạo, không thể Thành Phật được. Nếu Thấy Tánh thì chiên đà la vẫn thành Phật. 2/- Tánh tức là Tâm, Tâm tức là Phật. 3 /- Lý do không Thấy Tánh là vị bị phiền não, Tham, Sân, Si che đậy, và vì không được gần Thiện tri Thức để được chỉ cho. Thấy Tánh để được lợi ích gì? Chính vì không Thấy Tánh, nên cho rằng mình là cái THÂN, vì thế mà quanh quẩn hành động vì nó, tạo ra bao nhiêu Nghiệp, để rồi cứ trả, vay không dứt. Thấy Tánh sẽ Thoát được những mê lầm nên không còn tạo Nghiệp nữa. Tại sao muốn Thành Phật trước đó phải THẤY TÁNH? Hàng ngày chúng ta quen sống với những gì CÓ TƯỚNG. Trái đất, xã hội, con người, ngay cả thân ta cũng là những thứ thuộc về CÓ TƯỚNG, có thể tiếp xúc, va chạm, nghe, thấy… Cách đây hơn 2.550 năm, Đức Thích Ca khi quán sát cuộc đời, quán sát thân người, Ngài đã kết luận là, ngoài cái THÂN HỮU TƯỚNG, mỗi người CÓ MỘT PHẦN VÔ TƯỚNG, mà phần này mới là quan trọng, điều khiển phần Hữu Tướng. Ngài đặt tên là CÁI TÂM. Có nơi gọi đó là Linh Hồn hay Thần Thức hay CÁI BIẾT, hay Tiểu Linh Quang, Tiểu Ngã vv... Theo Đức Thích Ca, mọi Khổ, vui, ràng buộc hay Giải Thoát đều do sự cảm nhận của cái phần Vô Tướng này. Thân xác chỉ là đống Tứ Đại tạm thời kết hợp, vô tri, vô giác, chỉ truyền tải cảm xúc của nó mà thôi. Trong CÁI TÂM này, Đức Thích Ca chia ra làm 2:VỌNG TÂM và CHÂN TÂM. Cái CHÂN TÂM được Phật ví như ÁNH SÁNG. Cái VỌNG TÂM được Ngài ví như ánh sáng đã xuyên qua lớp kính, bị ảnh hưởng về màu sắc, sạch hay dơ, dày hay mỏng của lớp kính đó, không còn trong suốt như lúc khởi đầu, Lớp kính đó, theo Đức Thích Ca, là các giác quan: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý mà Ngài gọi là LỤC CĂN. Các pháp do Lục Căn tiếp nhận rồi đưa vào, Ngài gọi đó là LỤC TRẦN. Khi chưa tu hành theo Đạo Phật, chúng ta chỉ nhìn, đánh giá cuộc đời qua ánh sáng đã bị che chắn, bị nhuộm màu bởi các giác quan. Sự đánh giá này cho ra kết quả: THƯƠNG, GHÉT, THAM, SÂN, SI để phản ứng lại với các pháp, vì ta cho rằng các pháp đang đến với cái THÂN là đến với TA. THÂN này CHÍNH LÀ TA. Nhưng theo Đức Thích Ca, CÁI TA THẬT SỰ là PHẦN VÔ TƯỚNG đang điều khiển cái THÂN, đang hiện diện ở trong Thân. Cái này ứng vào THÂN thì BIẾT SỐNG. Ứng vào TAI thì BIẾT Nghe. Ứng vào Mũi thì Biết mùi. Vào Luỡi thì Biết Vị. Ứng vào Da thì Biết cảm giác… Nếu gọi là CHÂN TÂM, thì lúc còn mê lầm, Phật gọi là VỌNG TÂM và nếu gọi là CÁI BIẾT thì lúc chưa tỉnh ngộ thì gọi là CÁI BIẾT MÊ LẦM. Do vậy, nhiệm vụ của người tu là nương theo giáo pháp của Phật để chuyển hóa cái VỌNG TÂM hay CÁI BIẾT MÊ LẦM, trở về với cái CHÂN TÂM hay là CÁI BIẾT GIÁC NGỘ hoặc CÁI BIẾT SÁNG SUỐT. Do vậy, THẤY TÁNH là nhận được, biết được mình chính là cái BỔN THỂ TÂM, không phải là cái Thân Tứ Đại giả tạm này. Làm sao để biết là có cái CHÂN TÂM đó? Ta sẽ thấy khi quan sát một xác chết. Phải chăng thân thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng không còn cử động, nói năng gì được, vì CÁI BIẾT SỐNG đã rời khỏi nó rồi. Nhưng chẳng lẽ tự nhận mình là CÁI BIẾT kia thì sẽ Thoát Khổ hay Thoát Sinh Tử Luân Hồi? Sinh Tử Luân Hồi chỉ diễn ra đối với những gì CÓ TƯỚNG. VÔ TƯỚNG thì đâu có SINH, vì thế cũng không Tử, nên cũng không phải Sinh Tử Luân Hồi. Nhưng không lẻ chỉ nhận rằng Mình là VÔ TƯỚNG thì Thoát? Không phải chỉ cần nhận là đã Thoát. Mục đích của Đạo Phật là đưa ra giải pháp cho chúng ta Thoát Khổ. Và chúng ta Khổ chỉ vì bám víu vào Các Tướng, vì vậy, biết nó là Giả, không thật, không bền, không bám vào nó thì sẽ không bị nó lôi cuốn để Tham Lam, Sân Hận, Si Mê, nhờ đó mà Hết Khổ. Nhưng rõ ràng gai đâm thì thấy đau. Gần lửa thì nóng. Dầm mưa thì lạnh… tất cả cảm giác đến với cái THÂN thì ta đều cảm nhận, sao cho rằng cái Thân này không phải là Ta? Đạo Phật không cho rằng cái Thân này hoàn toàn không dính tới Ta, mà cho rằng đó là Cái Thân Nghiệp, là một ứng hiện tạm thời của Ta để trả những gì đã vay. Nó không phải là cái TA THẬT SỰ. Do vậy, người ý thức được như thế thì không để cho nó làm chủ, sai sử mình chạy theo những ham muốn của nó để tạo Nghiệp như trước, mà biết rõ về nó rồi lấy lại vị thế làm Chủ của mình, dùng nó để làm những điều thiện, để tu hành cho đến thành tựu. Vậy thì làm thế nào để nhận ra mình là cái CHÂN TÂM? Đức Thích Ca cho rằng khi chưa nhận được cái CHÂN TÂM thì chúng ta hoàn toàn bị cái VỌNG TÂM điều khiển, nên vì đó mà khởi Tham, Sân, Si khi đối pháp. Muốn nhận ra cái CHÂN trước hết phải biết cái VỌNG. Phải chăng, khi quán sát các pháp ta thấy: Có khởi thì có diệt. Có Sinh thì có Tử, có tốt thì có xấu… nghĩa là luôn có sự biến đổi từ CÓ đến KHÔNG theo quy luật? Những thứ không tồn tại vĩnh viễn được Đức Thích Ca gọi là VỌNG. Trong sự đến, đi, hợp, tan, của các pháp, ta lại thấy các mặt đối đãi luôn diễn ra: Tốt, xấu, thiện, Giàu, nghèo, sang, hèn, được hưởng hay chịu đọa, người xinh đẹp, kẻ xấu xí… cho ta thấy rằng phải có điều gì đó tác động để làm ra như thế. Cái nguyên nhân đã tác động Đức Thích Ca gọi đó là NHÂN. Cái đang hình thành Ngài gọi là QUẢ. Như vậy, truy ngược lại bắt buộc ta phải hiểu là vạn pháp không thể chỉ bắt đầu ngay tại hiện kiếp mà đã có những dị biệt thế kia. Chắc chắn chúng phải diễn ra ở một thời điểm nào đó ở quá khứ. Qua đó, ta thấy có một sự liên quan mật thiết giữa NHÂN QUẢ và LUÂN HỒI. Do có Nhân Quả nên phải có Luân Hồi để việc trả vay được thanh toán sòng phẳng với nhau. Chấp nhận NHÂN QUẢ. Chấp nhận có LUÂN HỒI thì ta biết rằng phải có một cái gì đó TRƯỜNG TỒN, mà những hiện tượng Luân Hồi là những hoa đốm hay bèo bọt nổi rồi tan trên mặt. Nếu dùng thí dụ như là Nước, thì những cái Thân Nghiệp như những cái bọt, nổi rồi tan trên sóng, sẽ trở về với Nước. Nếu dùng thí dụ là Nguồn Điện, thì những cái Thân như những bóng đèn. Tròn hay dài, lu mờ hay sáng là nhờ vào ánh sáng của nguồn điện. Dù bóng đèn hết tuổi thọ mà chết đi, nhưng Nguồn Điện thì vẫn tồn tại. Thay bóng khác lại tiếp tục cho ánh sáng… Những bóng đèn hay bọt nước tượng trưng cho những cái Thân Tứ Đại mà mỗi người chúng ta đang mang. Đến lúc nào đó, hết Duyên, hết Nghiệp, nó sẽ lại trở về cùng với Tứ Đại. Biết bao thế hệ đã đi qua đã chứng minh điều đó. Nhưng tách THÂN và TÂM ra để làm gì? Chính vì không biết MÌNH thật sự ra là NƯỚC hay là NGUỒN ĐIỆN, nên mỗi chúng ta đã bám vào những cái Thân bọt bèo, giả tạm, rồi ở đó tranh dành, hơn thua với nhau, gây biết bao đau khổ cho kiếp sống của chính mình và những người chung quanh. Vì cho rằng THÂN này là MÌNH, nên những gì không vừa ý mình thì đau khổ, giận hờn. Tìm mọi cách để chiếm đoạt những thứ mình yêu thích. Khi không đủ tài, sức để cạnh tranh một cách lương thiện thì dùng thủ đoạn, gây bao nhiêu xáo trộn cho cuộc sống. Do vậy mà có Giáo Pháp của Đức Thích Ca ra đời để cảnh tỉnh con người. Đưa ra pháp VÔ THƯỜNG, VÔ NGÃ, để nói rằng Thân này không phải là cái Chân Ngã, Nó lại không trường tồn, để mọi người hiểu được mà dừng lại, ngưng tạo Nghiệp để kiếp sống được an vui. Kiếp sau nếu có, thì nhờ vào kiếp này không tạo Nghiệp mà sinh được chỗ lành, tiếp tục an ổn, dù chưa được Giải Thoát. Muốn bỏ được sự lầm chấp vào cái Thân hữu tướng này đòi hỏi hành giả phải Quán Sát, Tư Duy. Để việc Quán Sát, Tư Duy đạt hiệu quả thì phải dừng cả Thân và Tâm nên có pháp THIỀN ĐỊNH. Kết quả của Thiền Định là Trí Huệ, tức là cái trí hiểu biết về các pháp, để hướng tới Con Đường Giải Thoát. Chính vì vậy mà Kinh dạy người tu cần phải làm đầy đủ 3 việc là GIỚI, ĐỊNH và HUỆ và sống trong Bát Chánh Đạo. Bởi không thể có người sống bằng đồng tiền bất chánh, suy nghĩ, nói năng, hành động bất chánh mà có thể đạt tới kết quả của Đạo vốn chân chánh từ ý tưởng cho đến lời nói, hành động, gọi là Thân, Khẩu, Ý Ba Nghiệp thanh tịnh. Bằng cuộc sống chân chánh và tư duy đúng hướng như thế, đến một thời điểm nào đó, kết quả sẽ là THẤY TÁNH, tức là nhận ra sự thật đúng như Đức Thích Ca đã nói: MÌNH không phải là cái THÂN giả tạm này, mà là cái CHÂN TÁNH. Cái THẤY TÁNH này không có gì ghê gớm đến “đất trời đổ sụp” như nhiều vị Thiền Sư đã tự đề cao! Chỉ là NGỘ ra tính chất mình sẵn có như Lục Tổ diễn tả: “Nào dè Tánh mình vốn không sanh diệt Nào dè Tánh mình chứa đầy đủ muôn pháp Nào dè Tánh mình vốn không lay động Nào dè Tánh mình có thể sanh ra muôn pháp” . TÁNH là phía đối đãi với TƯỚNG. THẤY TÁNH tức là THẤY được, nhận ra được TA là phần Vô Tướng trong mỗi chúng ta. Không phải là thấy được, hiểu được chữ nào đó như trường hợp hiểu lầm được ghi lại trong Vô Môn Quan. Trong đó, ta thấy người thầy giao cho đệ tử tham chữ VÔ hay chữ nào đó. Khi thấy được chữ đó thì lại hiểu lầm là THẤY TÁNH! CHỮ và TÁNH hoàn toàn khác nhau từ cách tìm cho đến cách thấy mà cả Thầy lẫn trò đều không biết! Thầy ấn chứng cho trò, và trò nghĩ rằng mình đã được “làm thầy cõi trời, cõi người” đâm ra kiêu mạn, xem mình bằng hay thậm chí còn cao hơn Phật! Do không thật sự THẤY TÁNH, nên cũng không biết được rằng “Cõi trời và cõi người” đó chỉ là những cảnh giới Phật mô tả trong nội tâm của hành giả, không phải là ở vũ trụ bên ngoài! Chư cổ đức dạy: “Kiến Tánh khởi tu” có nghĩa là sau khi THẤY TÁNH, biết mình không phải là cái Thân hữu tướng hư dối này, thì SỬA đổi những suy nghĩ, lời nói, hành động cho phù hợp. THÂN này không phải là Mình, thì đâu còn vì nó mà THAM LAM để tìm những thứ vừa ý nó mà cung phụng cho nó? Cũng đâu có SÂN SI khi nó bị xúc phạm? Đâu có GHÉT những thứ không hợp với nó và THƯƠNG những gì nó yêu thích? Khi gặp nghịch Duyên thì biết là lúc đó Quả xấu đang trả lại, bình tĩnh mà đón nhận, giải quyết. Khi gặp thuận duyên cũng không quá mừng, vì vậy, Tổ Đạt Ma dạy là: “Được không mừng, mất không lo”, vì các pháp CÓ TƯỚNG, đến với cái THÂN Có Tướng, không phải là đến với cái CHÂN TÁNH. Nhưng cái CHÂN TÁNH cũng không phải hoàn toàn trống rỗng như hư không, vô hồn, vô cảm, mà đang hiện thân ở trong TƯỚNG, vì vậy nó cũng cảm nhận được những gì cái Tướng đang phải đối phó. Nhưng tùy theo tình trạng lúc đó nó còn MÊ hay đã GIÁC mà hướng dẫn cho thân hành động. Nếu nó còn đang MÊ, chấp lầm cái THÂN là MÌNH, thì nó sẽ dắt cái Thân hành động sai lầm, đưa đến tạo Nghiệp. Nếu nó đã GIÁC thì sẽ sáng suốt giúp người có nó tu hành đi đến rốt ráo Giải Thoát. Bản chất của nó là Thiện, nên luôn hướng dẫn cho cái Thân biết đồng cảm, chia sẻ với những hoàn cảnh đáng thương, bị cuộc đời vùi dập. Vì vậy mà Chư vị Giác Ngộ không bao giờ rời bỏ lòng TỪ, lòng BI, luôn theo dõi chúng sinh để giúp đỡ. “Kiến Tánh thành Phật” không có nghĩa là sau khi THẤY TÁNH rồi thì tự nhiên trở thành Ông Phật, có 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp, hào quang sáng lóa, ngồi trên tòa Sen để cứu nhân, độ thế, mà sau khi Thấy Tánh thì người đó sẽ lần lượt xả bỏ cái Tâm dính mắc với Tướng để được Giải Thoát. 32 tướng tốt là những cái Hạnh mà người tu sẽ thực hiện đối với Thầy, bạn và mọi người chung quanh, không phải là những tướng đẹp để chúng ta dùng vàng, ngọc mà tạc để thờ! Vì sao phiền não, Tham sân Si che lấp thì không thấy được Tánh?”. Phiền Não, Tham sân Si là những phản ứng khi thấy Pháp đến với cái Thân của người hoàn toàn cho mình là Nó. Đã thấy mình là cái Thân Hữu Tướng, không thắc mắc, suy nghĩ, tìm hiểu gì thêm, thì làm sao thấy được cái phần Vô Tướng kia? Vì thế nên mới cần phải tu hành, quán sát, tư duy, giữ Giới, đi trong Bát Chánh Đạo… Đó là những chất thuốc để giặt, tẩy những thứ dơ bẩn đã che chắn cái Chân Tánh. Điều quan trọng là phải gặp được người đã Thấy Tánh hướng dẫn cho. Nếu hội đủ các yếu tố đó, thì với lòng kiên trì, quyết tâm và Tinh Tấn, việc Thấy Tánh chỉ còn là vấn đề thời gian thôi. Làm sao phân biệt được trong muôn vàn người giảng Đạo Phật ai đã Thấy Tánh, ai chưa? Do lớp người đi trước hiểu sai, thần thánh hóa việc Thấy Tánh, Chứng Đắc, làm cho mọi người cứ tưởng đó phải là những người phi thường, thần thông quảng đại, vào lửa không nóng, xuống nước không chìm! Tổ Đạt Ma dạy: “Rắn biến thành rồng vẫn không đổi vảy. Phàm phu thành Thánh cũng không đổi mặt”, cho ta thấy việc Chứng Đắc, Thấy Tánh là kết quả của Soi Quán, Tư Duy, Điều Phục, thuộc về nội tâm của hành giả, không có thể hiện ra bên ngoài. Thân tứ đại của người đã Thấy Tánh và phàm phu không có gì khác nhau. Mọi cảm nhận vẫn không thay đổi, chỉ đổi cách ứng xử mà thôi. Lục Tổ sau khi Thấy Tánh vẫn phải trốn chạy khi bị truy sát, 16 năm không dám lộ diện! Tổ Đạt Ma bị đầu độc mà chết! Đức Thích Ca còn chết vì ngộ độc thực phẩm, thì chúng ta nên coi lại cái hiểu về Phật và cách tin Phật để tránh bị những kẻ đưa chiêu bài tôn giáo ra khai thác, lợi dụng! Thời xưa cũng như thời nay, những hạng đó đầy dẫy! Người đã THẤY TÁNH là người đã hiểu rõ PHẬT chỉ có một nghĩa duy nhất là Giải Thoát nên không cần hình thức gì khác đời, chỉ âm thầm Xả bỏ những thói quen khi còn phàm phu trước đây. Chính việc xả bỏ Tham, Sân, Si, Thương, Ghét, là họ đang tô đắp tượng Phật nơi Tâm. Làm Lục Độ Ba La Mật là đang “cứu độ Tam Thiên” hay xây dựng một Tây Phương Cực Lạc nơi Tâm của họ. Cứ nhìn cuộc đời của Chư Tổ là những người thật sự Thấy Tánh, ta sẽ thấy : Suốt đời họ chỉ một Y, một bát. Sống đơn giản, nhẹ nhàng, không màu mè sắc tướng, lập dị, kiêu mạn. Cũng không hề tự xưng là Phật hay Bồ Tát giáng thế, hay hô hào, quảng bá rầm rộ, phô trương thanh thế, hoặc tranh dành tín đồ, cất chùa cho lớn, tạc tượng Phật cho to, chiêu mộ nhiều người Quy Y theo Phật! “Phật là Vô Tướng, do vô lượng công đức mà thành” thì lấy gì để nhận của cúng dường ? Đạo Phật đã gọi là Đạo Nhân Quả thì làm gì có chuyện có Phật Tổ Như Lai hay Thần Thánh nào đó cầm cân nảy mực, chỉ cần hối lộ, lễ vật cho nhiều là được đổi xấu, lấy tốt? “Tu Phật là Tu Tâm”, thì cất chùa cho to để Phật nào ngự? Do vậy, họ chỉ cần thực hiện những điều thấy, biết cho bản thân đúng theo tinh thần tự tu, tự độ. Có duyên thì nhắc nhở những ai thật sự muốn phát tâm, để làm tròn trách nhiệm của người đi trước. Và như lời Phật dặn dò trong Kinh Lăng nghiêm: “Anan, ta có dạy các vị Bồ Tát và A La Hán: sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân. Hoặc hiện làm Thầy Sa Môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian giảo, kẻ trộm cướp, người thợ thịt, kẻ buôn bán... để lẩn lộn trong từng lớp người, chung làm một nghề nghiệp đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo. Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói: “Ta đây thật là Bồ Tát, A La Hán vv... hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện. Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi mới âm thầm để lại một vài di tích cho ngưởi biết mà thôi ” . Như thế, chắc chắn thời nào, trong bất cứ hạng nào cũng có thể có các vị Giác Ngộ hiện thân, nhưng chúng ta khó thể nhận ra, dù họ có hiện diện ngay trước mặt giữa đời thường vậy. Mùa Phật Đản 2.555 Tâm Nguyện
ĐỊA DANH SÀI GÒN - TP. HỒ CHÍ MINH So với địa danh Hà Nội, thì địa danh Sài Gòn rắc rối hơn nhiều, vì cho đến nay, các nhà khảo cứu chưa thống nhất về một giả thuyết về nguồn gốc chữ Sài Gòn. Địa danh Sài Gòn ban đầu chỉ vùng Chợ Lớn, sau bao gồm cả vùng Sài Gòn và Chợ Lớn. Trong hơn một thế kỷ qua, nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng giải thích ý nghĩa và nguồn gốc của địa danh Sài Gòn. Quy nhóm các ý kiến, ta thấy có 5 giả thuyết: 1.- THẦY GÒN LÀ NGUỒN GỐC CỦA SAIGON: Giả thuyết này cho rằng có lẽ trước kia có một ông thầy (dạy học hoặc làm thuốc) tên là Gòn. Vì ông nổi tiếng ở một vùng nên người ta đã lấy chức danh và tên ông –Thầy Gòn – để gọi vùng đất ấy. Về sau, nói chệch, ‘Thầy Gòn’ biến thành Sài Gòn. Về phương diện ngữ âm, ‘Thầy’ có thể nói chệch thành ‘Sài’ vì hai phụ âm đầu “Th” và “S” có quan hệ chuyển đổi: thẹo – sẹo, thẫm – sẫm,… và hai vần “ây” và “ai” có thể nói lẫn: con tấy – con rái. Vì vậy, khi muốn viết chữ ‘Thầy’ (từ nôm), người ta mượn chữ “Sài” (từ Hán Việt) để ghi. Tuy nhiên, giả thuyết này có nhiều nhược điểm không thể chấp nhận được. Trước hết, địa danh này đã xuất hiện rất sớm. Theo ‘Phủ biên tạp lục’ (viết năm 1776) của Lê Quý Đôn, Sài Gòn đã có trước năm 1674, lúc người Việt chưa chính thức đặt nền hành chính ở Nam Bộ (năm 1698 mới thực hiện điều này). Bởi vậy, lúc ấy nền giáo dục chắc chắn chưa phổ biến, nên sự kiện có một ông thầy đồ nổi tiếng là không thể có được. Ông thầy đó là thầy thuốc thì có thể. Nhưng thầy giáo và thầy thuốc là những người sùng chữ Hán, khó có thể để cho người ta gọi mình bằng cái tên nôm na: Gòn. Hơn nữa, cho đến nay, chưa có một tư liệu cổ nào viết bằng chữ quốc ngữ hay chữ Pháp ghi địa danh “Thầy Gòn”. Trong khi đó, địa danh Sài Gòn bằng chữ quốc ngữ đã xuất hiện năm 1772 trong từ điển viết tay của Pigneau de Behaine. Mặt khác, vì khinh âm rơi vào tiếng “Sài” nên người Nam Bộ nói ‘Sài Gòn’ mà nghe như ‘Thầy Gòn’. Sau cùng, trong các địa danh ở Nam Bộ, chúng tôi chưa thấy một địa danh nào có từ tố “Thầy” bị nói chệch thành “Sài” mà hầu hết các địa danh có từ tố “Sài” ở trước đều có nguồn gốc Khmer như ‘Sài Mạt’ (Cheal Meas) – một tỉnh của Campuchia. 2.- ĐÊ NGẠN, ĐỀ NGẠN, TÂY CỐNG LÀ NGUỒN GỐC CỦA SAIGON: Một giả thuyết cho rằng năm 1778, một số người Hoa ở cù lao Phố (Đồng Nai), vì ủng hộ Nguyễn Ánh, đã bị quân Tây Sơn sát hại, nên di chuyển xuống vùng Chợ Lớn, lập nên một thành phố, gọi theo âm Hán Việt là Đê Ngạn, Đề Ngạn hay Tây Cống và họ gọi theo giọng Quảng Đông và Triều Châu là “Tai Ngon, Thầy Ngồn, Thì Ngòn, Ti Ngan, Xi Cún hay Xây Cón,…” Về sau, người Việt gọi trại thành Sài Gòn. Giả thuyết này bị thực tiễn lịch sử và ngôn ngữ bác bỏ hoàn toàn. Trước hết, hiện tượng người Hoa đặt địa danh theo giọng nói của họ rồi người Việt gọi theo, hiếm thấy ở Nam Bộ nói chung và ở thành phố nói riêng. Kế đến, thực tiễn ngôn ngữ cho thấy khi cần phiên âm một địa danh, mỗi người, mỗi dân tộc phiên một cách theo ý riêng của mình, chứ không có trường hợp ngược lại, chẳng hạn, London thì người Pháp phiên là ‘Londres’, người Việt gọi là ‘Luân đôn’; Moskva thì người Anh phiên là ‘Moscow’, người Việt gọi là ‘Mạc tư khoa’…Bởi vậy, chỉ có thể địa danh Sài Gòn được người Hoa phát âm theo từng địa phương của họ nên mới có nhiều hình thức ngữ âm như trên. Vả lại, các từ ngữ ‘Đê Ngạn, Đề Ngạn, Tây Cống’ không có ý nghĩa gì. Điều đó càng chứng tỏ đấy chỉ là những cách phát âm địa danh Sài Gòn mà thôi. Còn “Sài Côn” là cách phiên âm Sài Gòn của người Việt trong các bản chữ Hán. Sau cùng, lý lẽ bác bỏ giả thuyết trên một cách mạnh mẽ nhất là, năm 1776, Lê Quý Đôn viết ‘Phủ biên tạp lục’ đã nhắc tới địa danh Sài Gòn vì nó liên quan đến một sự kiện lịch sử đã xảy ra năm 1674. Vậy địa danh Sài Gòn đã có trước khi người Hoa đến Chợ Lớn (1778), lập nên thành phố này ít nhất 104 năm. 3.- CỦI GÒN, CÂY GÒN, PREY KOR, CAI NGON LÀ NGUỒN GỐC CỦA SAIGON: Trương Vĩnh Ký căn cứ vào mặt chữ Hán và chữ Nôm ghi âm địa danh Sài Gòn trong ‘Gia Định thành thông chí’ của Trịnh Hoài Đức để phân tích ý nghĩa từng chữ: Sài là “củi”, Gòn là “cây gòn”. Nhưng ông chỉ giải nghĩa, chứ không nhận là giả thuyết của mình. Sau này. L. Malleret lại khẳng định đó là khám phá của Trương Vĩnh Ký. Báo ‘Courrier de Saigon’ ra ngày 20-1-1868 lại theo giả thuyết Kai Gon (cây gòn) cho ra Sài Gòn. Còn Lê Văn Phát cho rằng vì trước kia ở vùng Chợ Lớn có khu rừng gòn cho nên người Khmer gọi vùng này là ‘Prey Kor’ (rừng gòn). Mặt khác, người Thái Lan gọi rừng gòn là ‘Cai Ngon’. Do đó, ‘Prey Kor hoặc Cai Ngon’ đã sinh ra Sài Gòn. Trước hết, ta thấy từ Hán Việt ‘Sài’ được người Việt dùng như một hình vị hay từ tố, nghĩa là nó chỉ xuất hiện trong các từ ghép Hán Việt (như ‘sơ sài’; ‘sài tân hay tân sài’ là ‘vựa củi”), chứ chưa bao giờ được dùng như một từ đơn, nghĩa là dùng độc lập (hay tự do) nên không thể nói ‘củi đước là sài đước’, củi gòn là sài gòn’… Kế đến, người Việt không gọi ‘cai (kai)’ mà gọi ‘cây” và ‘cây’ không thể nói chệch thành ‘sài’. Tiếp theo, về mặt ngữ âm, ‘Prey Kor’ có thể cho ra Sài Gòn. Nhưng tổ từ Prey Kor không hề xuất hiện trong một văn bản cổ nào và không có một cứ liệu nào chứng tỏ trước kia ở vùng Chợ Lớn có rừng gòn. Sau cùng, từ trước đến nay chưa hề có sự kiện người Thái Lan gọi một địa danh của người Khmer hay người Việt, rồi về sau người Khmer, người Việt gọi theo. 4.- GLAI NAGARA LÀ NGUỒN GỐC CỦA SAIGON: Bùi Thế Khánh dựa vào lịch sử và đặc trưng của địa danh vùng Đông Nam Á để nêu ra giả thuyết: có thể có một địa danh gốc do một từ Nam Á “Glai” (nghĩa là ‘rừng’) kết hợp với một từ Sanskrit “Nagara” (nghĩa ‘thị trấn’) thành “Glainaghara” (nghĩa ‘thị trấn trong rừng’). Địa danh gốc này đã sinh ra các địa danh “Prey Nokor”, Sài Gòn, Đê Ngạn, Tây Cống… Về mặt ngữ âm, “Glai” rất dễ biến thành ‘Sài’ và Nagara” chuyển thành ‘Gòn’. Tuy nhiên, đây chỉ là một giả thuyết để tiếp tục sưu tầm tư liệu, nghiên cứu – như tác giả đã nói – vì chưa có cứ liệu để làm cơ sở nên không thể kiểm chứng được. 5.- PREY NOKOR, BRAI NAGARA LÀ NGUỒN GỐC CỦA SAIGON: Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên cho rằng “Prey Nokor” (thị trấn trong rừng) là nguồn gốc của địa danh Sài Gòn, nhưng ông không nêu xuất xứ. Năm 1974, Martine Piat đã khẳng định “Brai Nagara” (thị trấn trong rừng) là dạng gốc của Sài Gòn. Còn Launay cho biết năm 1747 ở vùng Gia Định xưa có hai địa danh “Rai-gon thong” (Sai Gòn Thượng) và Rai-gon ha (Sài Gòn Hạ). Vậy, tiền thân của Sài Gòn là “Rai-gon” và nguồn gốc của “Rai-gon” là ‘Brai Nagara’ hay ‘Prey Nokor’ Chúng tôi thấy các ý kiến và luận cứ trên đây gần sự thật nhất, vì những lý do sau: Thứ nhất: Địa danh Sài Gòn khá cổ, mà phần lớn các địa danh gốc Khmer đều rất cổ: Cần Giờ, Xoài Rạp… đã xuất hiện trong ‘Phủ biên tạp lục’ (1776). Thứ hai: Địa danh Sài Gòn không có ý nghĩa gì trong tiếng Việt, nên khả năng là một địa danh phiên âm tiếng của một dân tộc khác là có cơ sở. Thứ ba: Địa danh “Brai Nagara” có trong sử liệu Khmer thế kỷ XVII. “Nagara” đọc chệch thành “Nokor” là có thể được, vì các âm “a” và “ô”, “k” và “g” đã có những tiền lệ chuyển đổi: ná – nỗ, mả - mồ, mồ, cái – gái, cẩm – gấm… Sự kiện một thị trấn ở Chợ Lớn trước kia nằm giữa rừng là có thật. Thứ tư: Về mặt ngữ âm, “Brai Nokor” sinh ra “Rai-gon” rồi Sài Gòn là có cơ sở. Trước hết, hiện tượng rụng bớt một âm đứng trước một tổ phụ âm có âm lỏng “l” hoặc “r” là có thật: ở thế kỷ XVII, người Việt nói “blọ, blài, blúc, blắc”… ngày nay chúng ta nói “lọ (nồi), núi (lài), lúc lắc”. Người Pháp nói ‘drap’, người Việt nói tấm “ra” (trải giường). Kế đến, âm tiết “kor” cho ra âm tiết “gon hay gòn” là có tiền lệ: k – g (cái – gái), -or - -on (tiếng Khmer “kor” và tiếng Việt “gòn” cùng có nghĩa là “cây gòn”). Tiếp theo, hiện tượng các địa danh có ba âm tiết bị lược bỏ âm tiết đứng giữa đã có bằng chứng cụ thể: cầu Xóm Kiệu – cầu Kiệu, sông Ông Đốc – sông Đốc (Cà Mau). Mặt khác, “Rai” biến thành “Sài”, tức là “r” biến thành “s” đã có nhiều tiền lệ: rắp – sắp, rầu - sầu, rờ - sờ, sài (Hán Việt) đọc là rài. Thanh ngang chuyển thành thanh huyền cũng có bằng cớ: Tra-peng – Trà Vinh, Kanchoen – Cần Giờ… Sau cùng, các tổ hợp phụ âm đầu có âm lỏng “r” (như Kr, Br) có quan hệ nguồn gốc với phụ âm “s”. Chẳng hạn, tiếng Gia-rai, tiếng Chăm – có quan hệ nguồn gốc với tiếng Việt – gọi con sông là “krong”, còn người Việt gọi là “sông”. Trong tiếng Rơngao, từ tương ứng với “sóc” (con sóc) của tiếng Việt là “brok” (theo lời tiến sĩ Kenneth J. Gregerson). Do đó, “r” có quan hệ với “s” (Brai – Sài) là có thể đúng sự thật. Thứ năm: Các địa danh có từ tố “Sài” đứng trước thường là địa danh gốc Khmer, như Sài Mạt, Sài Mẹt (một sóc ở Campuchia). TÓM LẠI Căn cứ trên hai mặt cứ liệu lịch sử và quy luật ngôn ngữ, chúng tôi thấy ý kiến cho rằng BRAI (hay PREY) NOKOR là nguồn gốc của địa danh SÀI GÒN là có khả năng đúng nhất. (Tham khảo: sách Địa danh TP/H.C.M, của Lê Trung Hoa, NXB Khoa Học- XH, 2003) PHẠM VŨ CON MÈO từ xó bếp đến LINH MIÊU Lâm Văn Sê Trong 12 con giáp, có lẽ con Mèo là có lắm chuyện nhất trong đời sống dân gian, những công cùng tội nơi một o mèo. Vì o mèo ở đây còn được gán tên cho những người đàn ông đèo bồng, đi quan hệ với những cô gái trẻ, thì cô gái đó được gọi mèo. O mèo đó được gắn với thành ngữ “mèo mả gà đồng”, tức là những con mèo hoang quanh năm sống tựa nơi những ngôi cổ mộ. Ngoài mèo nhà là một trong lục súc có ích cho người nuôi, mèo hoang còn có linh miêu, loài mèo rừng sống trong hốc đá. Mèo nhà trong lục súc, sáu vật nuôi quen thuộc của mọi nhà thôn quê là chính, mèo lục súc chỉ có hai lợi ích, một là có công lao bắt chuột, thời mà thuốc chuột, bẫy chuột chưa bùng phát, thì mèo là chủ trị diệt chuột, nên mới có câu thành ngữ Hán – Nôm “sát nhất miêu, cứu vạn thử” cho thấy một con mèo có thể xơi đến vạn con chuột, nên giết một con mèo là cứu cả vạn con chuột. Công dụng thứ hai là vận dụng gân mèo vào y khoa, như dùng gân mèo để khâu các vết mổ, gân mèo có dược tính tự tan biến mất sau khi vết thương lành lặn. Hiếm hoi lắm mới thấy có bợm nhậu xơi thịt mèo. Công thì ít mà tội thì nhiều, nhất là “thèm như mèo thèm thịt mỡ”, mèo hay ăn vụng, nên phải “chó treo mèo đậy”. Mèo còn được ẩn dụ để chê trách những người bon chen, khi chưa có công trạng gì, “chưa bắt chuột đã lo ỉa bếp”, mèo có đặc tính khi đại tiện thường vào bếp tro, vùi giấu phân, nên mới có câu ví von “dấu như mèo dấu cứt”. Mèo cũng bị gán tiếng xấu rằng “Mèo đến nhà là khó, chó đến nhà là sang”, nên mèo lạ thường bị đánh đuổi, có lẽ do đó mới có mèo đi hoang trú thân nơi mồ mả. Kể cả mèo nhà cũng bị đánh đuổi vì “Con mèo đập bể nồi rang, con chó chạy lại mà mang lấy đòn”. Mèo đã bị người ghét, còn bị chuột thù oán: “Con mèo mà trèo cây cau Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà Chú chuột đi chợ đường xa Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo” Khác với mèo nhà và mèo hoang, mèo rừng còn gọi là linh miêu – tên khoa học Lynx – linh miêu đến nay mới phát hiện có bốn loài: linh miêu Canada, linh miêu Á – Âu, linh miêu Liberia và linh miêu Bắc Mỹ. Tuy mỗi loài có đặc điểm khác nhau vài chi tiết, nhưng nhìn chung thì linh miêu có đuôi ngắn hơn mèo thường, luôn có búi lông đen trên chuôi tai, có con nặng đến 30kg, nên còn được gọi là Báo hoa mai. Linh miêu sống trong hốc đá, chuyên ăn thịt thú rừng, nếu có công gì, thì đó thuộc về chuyện huyền thoại. Huyền thoại đời nay xẩy ra ở Tây Ban Nha, một bà góa phụ trước khi chết, đã làm giấy thừa kế 4.000.000 USD cho Lynx Liberia bằng cách nhập vào quỹ bảo vệ linh miêu xứ Liberia. Huyền thoại đời xưa ở nước ta là chuyện trên cao nguyên, một linh miêu, cứu một bé sơ sinh trôi giạt bờ suối, đem về nuôi nấng. Câu chuyện được thương hiệu thêu tranh tay XQ đưa vào bộ tác phẩm với bức tranh “Miếu thờ linh miêu” để chào bán. Sau cùng là huyền thoại, mèo đen hay linh miêu nhảy ngang qua xác chết, thì xác chết sống lại. Huyền thoại này được các nhà khoa học giải thích, do xác chết là âm tính mèo sống có dương tính cao, có lực tương tác, nên khi mèo nhảy ngang thì xác chỉ lay động, nói sống lại là không đúng. Dù tin hay không, dân gian vẫn thường đặt trên bụng xác chết một con dao, để kỵ con linh miêu nhảy qua quấy phá. Bùi Đẹp st. CÓ PHẢI LINH MIÊU? Ngày 5.1 Tân Mão (tức mùng 5 Tết), con mèo nhị thể (màu vàng đốm trắng) từ đâu vào nhà tôi buổi sáng hôm đó. Đến 9g chuông điện thoại reo, tưởng rằng điện thoại chúc Tết. Trong mấy ngày Tết tôi đã nhận được 20 cuộc gọi đến chúc Tết. Bà Trần Thị Ngạnh (vợ tôi), liền nhắc điện thoại lên nghe. Bà hỏi đầu dây ai gọi đó, trả lời: “Ba con mất rồi, báo cô biết”. Đó là anh Dị con cậu Ba tôi bị tai biến nằm một chỗ hơn 10 năm rồi. Tôi ngẫm lại câu dân gian: “Mèo đến nhà là khó, chó đến nhà là sang”. Cũng trong buổi sáng hôm đó trong khi quét dọn, tôi lại làm vỡ một bình rượu cần - tất nhiên chỉ là vỏ bình mà thôi. Cũng rất tiếc công sưu tầm để chơi cũng buồn lắm chứ. Còn bà Ngạnh mất người anh trong gia đình, nỗi buồn bao trùm lên gia đình, trong buổi sáng có hai sự việc xảy đến. Người ta nói mèo đến nhà thì đuổi nó đi. Ngược lại tôi chăm sóc chu đáo ăn ngon… “mỡ treo miệng mèo”, bữa ăn cho thịt mỡ nó ăn hết. Sáng 6.1, con mèo lại đi đâu mất, tìm khắp xó nhà dưới giường, góc nhà… không tìm thấy, cũng là ngày liệm anh Di. Người ta nói người chết nhập vào mèo để nhìn thấy người nhà cuối cùng khi người chết chưa liệm. Người nhà có người chết, phải nhốt mèo không cho mèo nhảy qua xác chết, nếu không người chết dậy đi khắp nhà, làm người nhà sợ hãi. Việc này đã giải thích khoa học bài “Con mèo linh miêu” ở trên. Còn linh miêu khác với mèo nhà và mèo hoang, mèo rừng còn gọi là linh miêu, tên khoa học Lynx. Linh miêu đến nay mới phát hiện. Người ta thường kiêng cữ những ngày 5, 14, 23 Âm lịch (1+4=5, 2+3=5). Tôi có kinh nghiệm từ bản thân những ngày này ra đường thường gặp xui xẻo. Tôi sẽ có tổng kết những ngày này để các bạn tham khảo. Đó là sự thật viết ra đây 100%. Con mèo trong võ thuật Bình Định 1. Linh miêu đả chiếm & Bạch miêu quyền, có 66 thao 2. Bạch miêu quyền, có 83 thao (Võ sư Hà Trọng Ngự) 3. Hắc miêu quyền (tinh võ đạo) có 26 câu võ (Võ sư Hồ Hoa Huệ) (trong quyển Đất Võ – Bình Định) Bùi Đẹp
Phụ Bản II JULES VERNE (1828 – 1905) NHÀ VĂN – NHÀ TIÊN TRI
Hoàng Nguyên Cát Chuyện sau đây đã xảy ra vào năm 1880 tại trụ sở một Bộ ở Pháp: Một người cao to, tóc hung, râu rậm, đến xin được gặp một quan chức cao cấp và đưa danh thiếp của mình cho người gác cổng. Người này vừa thoáng liếc tấm danh thiếp đã rạng rỡ mặt mày! - Ông Jules Verne! Kính chào ông! Xin mời ông ngồi. – Vừa nói vừa kéo lại một chiếc ghế dựa – Qua tất cả những chuyến đi đây đi đó của ông, hẳn ông phải nhọc mệt! Đúng vậy, nếu cứ suy qua sách của ông, Jules Verne rất có thể đã quá kiệt sức. Ông đã nhiều lần đi vòng quanh thế giới, trong đó có một lần đi hết 80 ngày, vượt 20.000 dặm dưới đại dương, thực hiện một chuyến chu du trên mặt trăng, thám hiểm trong lòng đất, chuyện trò với những thổ dân ăn thịt người ở Châu Phi và những người da đỏ ở Nam Mỹ, và thực sự đã thăm viếng tất cả mọi ngóc ngách của hành tinh chúng ta… Ít nhất, thì cũng bằng ngòi bút. Bởi vì thực ra Jules Verne phần nhiều là ngồi tại chỗ; và nếu ông có mỏi mệt thì đơn giản chẳng qua là ông đã cầm cây bút quá lâu! Suốt bốn chục năm trời, ông không hề rời gian phòng nhỏ bố trí riêng cho mình trong cái chòi bằng gạch đỏ, bình quân cứ sáu tháng viết xong một cuốn truyện. Nhưng con người ấy đã như một nhà tiên tri: Ông đã thấy vô tuyến truyền hình ngay cả trước ngày đài radio được phát minh, và những chiếc trực thăng của ông đã bay trên trời, một nửa thế kỷ trước chiếc máy bay đầu tiên của Santos-Dumont. Ông đã thông báo trước hầu như tất cả những kỳ quan của thế kỷ XX, mô tả tàu ngầm, máy bay, đèn néon, hè đường di động, điều hòa không khí, nhà chọc trời, những tên lửa điều khiển từ xa và những xe thiết giáp. Không còn bàn cãi gì nữa, chính ông là cha đẻ của khoa học viễn tưởng (science-fiction). Ông miêu tả những phát minh tương lai với một độ chính xác cao trong các chi tiết đến mức những tác phẩm của ông đã khơi dấy lên những cuộc tranh luận trong giới các nhà bác học. Nhiều nhà toán học đã bỏ ra nhiều tuần lễ để thử lại tính toán của ông. Khi tiểu thuyết Từ trái đất lên Mặt trăng ra mắt bạn đọc, có đến 500 người xin tự nguyện tham dự vào chuyến đi tiếp sau. Tất cả những ai nhận được sự khơi gợi từ ông đều chí tình tỏ lòng biết ơn. Đô đốc Byrd, sau chuyến bay nổi tiếng trên Bắc cực, đã đoán chắc mình đã chỉ có làm theo những chỉ dẫn của Jules Verne; Simon Lake, một trong những nhà đóng tàu ngầm đầu tiên của Hợp-chủng-quốc, đã ghi lại ngay đầu thiên tự truyện: “Cuộc đời tôi đã nhờ được Jules Verne hướng dẫn toàn bộ”. Auguste Piccard, nhà thám hiểm những vực sâu dưới đáy biển; Marconi, một trong những người tiên phong về radio, đều thừa nhận rằng Jules Verne đã là nguồn gốc thiên hướng khoa học của họ. Nhà văn đã được hưởng tuổi thọ cao để được chứng kiến nhiều những tiên đoán của mình trở thành hiện thực. Vả chăng ông thấy điều đó là hoàn toàn tự nhiên. “Điều mà một con người đã có thể tưởng tượng nên, thì một con người khác có thể thực hiện”. Ông vẫn thường nói thế. Khi Jules Verne chào đời, năm 1828, gần thành phố Nantes, đường sắt mới xuất hiện được 5 năm và những tàu thủy hơi nước vượt Đại dương vẫn còn dùng buồm phụ với máy móc trên tàu. Tới năm 18 tuổi, muốn làm vui lòng bố, Jules Verne đến Paris để học về luật. Nhưng chàng trai lại cứ cảm thấy sự thu hút của thơ ca và sân khấu mạnh hơn nhiều. Một buổi tối, thấy buồn chán trong một buổi họp mặt của khách thượng lưu, Jules Verne lặng lẽ rút lui và nảy ra cái ý ngộ nghĩnh bám vào tay vịn cầu thang gác mà tuột xuống. Thế là ông lao thẳng vào cái bụng phệ một con người to lớn sắp bước lên bậc cầu thang. Bối rối, Jules Verne thốt ra cái câu đầu tiên vụt nảy trong đầu: - Thưa ông, ông đã dùng bữa tối chưa? Ông kia trả lời rằng mình đã ăn bữa tối rất ngon miệng với món trứng ốp-lết theo kiểu Nantes. - Úi chà, - Jules Verne đáp lại, - chẳng một kẻ nào ở Paris biết làm cái món trứng ốp-lết thực sự kiểu Nantes đâu! - Thế ông, ông có biết làm không? – Ông to lớn hỏi lại. - Tất nhiên là biết. Tôi là người Nantes. - Jules Verne đáp. - Nếu vậy thì, mời ông đến dùng bữa tối tại nhà tôi vào thứ tư tới. Ông sẽ làm món trứng ốp-lết! Đó, tình bạn gắn bó giữa Jules Verne và tác giả lừng danh truyện Ba người lính ngự lâm, Alexandre Dumas, đã nảy sinh như thế đấy! Cuộc “đụng độ” ấy giúp cho chàng trai vững thêm trong hoài bão trở thành nhà văn. Rủi sao, bố chàng, không hài lòng thấy con trai chểnh mảng học tập, cắt luôn tiền ăn học. Jules kiếm được một công việc “còm” trong một rạp hát; những năm tiếp đó quả là một thời điểm “uống nước lã cầm hơi”. “Con ăn bít-tết bò, chỉ mới vài hôm trước đây nó còn kéo một chiếc xe trên đường phố Paris”. Hồi đó anh viết thư về cho mẹ anh như thế. Và anh tâm sự với một người bạn thân: “Bít+tất của mình giống như một tấm mạng nhện”. Thế nhưng Jules Verne vẫn yêu đương và anh cưới vợ. Nhờ bố giúp, anh có được một chỗ làm khá hơn tại Phòng hối đoái. Cuộc sống vật chất được nâng cao, nhưng ông vẫn giữ cái chái nhỏ bằng gạch đỏ mà ông vẫn ngồi viết ở đó. Từ sáu giờ sáng, ông đã ngồi vào bàn, viết những bài về khoa học cho một tờ báo cho trẻ em. Mười giờ, ông đi tới nơi làm việc thật đúng giờ. Cuốn truyện đầu tiên của Jules Verne là Năm tuần lễ trên khinh khí cầu. Trước sau, ông đưa bản thảo đến 15 nhà xuất bản và đều bị gửi trả lại. Bực giận, ông ném vào bếp. Bà vợ ông may mắn đã cứu thoát được những trang giấy quý giá và nài ông hãy hứa với bà cứ thử vận may thêm một lần nữa. Ôi, tuyệt thay! Nhà xuất bản thứ 16 nhận sẽ in cho ông. Nhưng không phải là bản thảo ấy mà là bản thảo được sửa chữa nhiều sau khi được Nhà xuất bản góp ý. Cuốn truyện ra đời và Nhà xuất bản P. Hetzel có con mắt tinh đời và cách làm ăn thông minh táo bạo đã ký hợp đồng với Jules Verne nhận xuất bản trong 20 năm tất cả những tác phẩm của ông theo loại đó. Chẳng bao lâu, Năm tuần lễ trên khinh khí cầu đã là một cuốn sách được nhiệt liệt hoan nghênh, được dịch ra tất cả các thứ tiếng thông dụng lúc bấy giờ. Năm 1862, ở tuổi 34, tác giả cuốn sách đã nổi tiếng. Ông từ bỏ lĩnh vực tài chính để viết tiểu thuyết. Trong tác phẩm thứ hai của ông, Du hành trong lòng đất, Jules Verne đưa các nhân vật của ông đi sâu vào miệng một ngọn núi lửa ở Islande. Sau hàng ngàn những mạo hiểm phiêu lưu, họ tự để cho một dòng phún thạch mang đi và đã trở ra tại Italia. Tác giả đã đưa vào thiên truyện của mình tất cả tri thức mà khoa học thời bấy giờ biết hoặc giả thiết, về những gì xảy ra trong lòng Trái đất, gia giảm vào đó “mắm muối” của mạo hiểm phiêu lưu. Sau khi sinh con trai, gia đình Jules Verne rời Paris đến ở tại Amiens. Bây giờ thì họ ngồi trên vàng ròng. Jules Verne tự sắm cho mình chiếc du thuyền lớn nhất mà ông có thể tìm được và xây một ngôi nhà, ghép cheo leo một chòi nhỏ bên hông, trong chòi dành hẳn một ngăn được trang trí theo kiểu ca-bin thuyền trưởng tàu viễn dương. Chính là ở đó, giữa những bản đồ và sách bao quanh, ông đã sống nửa cuộc đời của ông. Vòng quanh thế giới trong 80 ngày hẳn là cuốn tiểu thuyết của ông được nhiều người biết nhất. Thoạt đầu, truyện được đăng tải nhiều kỳ trên một tờ báo ở Paris. Chuyến chu du của nhân vật chính, Philéas Fogg, thi đua với đồng hồ để thắng một cuộc thách đố, đã lôi cuốn công chúng bạn đọc đến mức các phóng viên những tờ báo ở Nữu Ước và ở Luân-Đôn hàng ngày phải đánh điện đều đặn về tòa soạn, thông báo rõ cái điểm mà nhà du hành thế giới tưởng tượng vừa đặt chân lên. Người ta đưa ra những cá cược: “Philéas Fogg có thể trở về Luân-Đôn đúng thời hạn không?”. Jules Verne điều tiết liều lượng sự hấp dẫn một cách tài tình. Nhân vật của nhà văn cứu thoát chết trên giàn lửa một người vợ góa Hin-đu, mê say nàng, và sự ngông cuồng ấy suýt làm cho ông ta lỡ chuyến xe đi tiếp. Ít lâu sau, khi vượt miền đồng bằng châu Mỹ, Fogg bị những người Da đỏ tấn công và ông ta chỉ đến Nữu Ước kịp để nhìn thấy hút dần ở chân trời chiếc tàu viễn dương đáng ra phải đưa ông ta trở về nước Anh. Tất cả những hãng tàu biển vượt Đại-tây-dương lập tức đem biếu tác giả những món tiền lớn, yêu cầu tác giả lấy tên một chiếc tàu của hãng mình mà đặt cho chiếc tàu sẽ đưa Philéas Fogg vượt biển. Ông từ chối tất cả, và lại là trên một chiếc tàu nhỏ, tình cờ thuê được, mà Philéas Fogg vượt đại dương. Nhưng chiếc tàu nhỏ lại chết máy ngay giữa biển vì hết than, và trong khi trên cả thế giới, độc giả nóng ruột đến run lên thì người ta biết được rằng đội thủy thủ đã đốt gỗ lát sàn tàu và tất cả đồ dùng bằng gỗ trong các ca-bin… Đặt chân lên thành phố Luân-Đôn, Fogg chỉ còn có được mười giây đồng hồ; câu chuyện của Jules Verne kết thúc với mấy dòng sau: “Tới giây thứ năm mươi bảy, cửa lớn phòng khách mở và quả lắc đồng hồ chưa vang lên cái giây thứ sáu mươi thì Philéas Fogg đã bước tới, nói bằng cái giọng bình tĩnh của ông: “Tôi đây, thưa qúy vị!”. Đó là vào năm 1872. Mười bảy năm sau, một tờ bào của Nữu Ước đầu tư cho một nữ phóng viên, Nelly Bly để phá kỷ lục của Philéas. Cô này đã khép trọn vòng quanh thế giới trong 72 ngày. Về sau nữa, nhờ có đường sắt xuyên Sibérie được đi vào hoạt động – điều mà Jules Verne đã nhìn thấy từ nhiều năm trước – một nhà báo Pháp, André Jacger-Schmidt hoàn tất thành tích ấy trong 43 ngày. Trong Hai mươi ngàn dặm dưới đáy biển, Jules Verne đã miêu tả một chiếc tàu ngầm hoạt động bằng những máy phát điện, và tự nó tạo ra dòng điện từ nước biển, kỹ thuật mà hai nhà bác học người Anh thứ nghiệm thành công tám mươi năm sau. Chiếc tàu ngầm ấy có thể lặn đến độ sâu không thời hạn kỷ lục mà chiếc tàu ngầm nguyên tử của Mỹ (cũng lấy cái tên Nautilus) đầu tiên thực sự thực hiện được. Một trong những cuốn sách ít được đọc nhất của Jules Verne có tựa đề là Những cuốn số tay của một nhà báo Mỹ trong năm 2890. Nữu Ước, gọi là “thành phố Vũ trụ” (Universal City) trở thành Thủ phủ của thế giới. Những xa lộ rộng 100 mét, hai bên là típ tắp một dãy nhà chọc trời cao 300 mét, khí hậu được điều hòa một cách khoa học và người ta đẩy mạnh nông nghiệp ở Bắc cực, trong khi những quảng cáo bằng ánh sáng được chiếu trên các đám mây. Nhân vật của câu chuyện cho ra một tờ báo, tờ Người đưa tin của thế giới, có đến 80 triệu độc giả. Các phóng viên chuyển về các tin tức từ sao Thổ, sao Hỏa và sao Kim bằng vô tuyến truyền hình, và các độc giả mua báo có thể, không cần phải ra khỏi phòng của họ, xem thấy tất cả những gì xẩy ra trên các hành tinh khác. Jules Verne làm việc say sưa và không mệt mỏi. Ông đã từng nói với nhà văn lớn người Italia Edmondo de Amicis: “Ngày nào không còn làm việc được nữa thì tôi thấy như mình không còn sống”. Những năm cuối đời của Jules Verne lại chẳng được vui mấy! Mặc dầu là nhà văn có được nhiều độc giả nhất trong thế hệ của mình, ông vẫn phải chịu những lời dè bỉu của một số đồng nghiệp nào đó. Vận rủi đổ dồn lên đầu ông: mắt ông mờ và tai ông nghễnh ngãng. Jules Verne mất năm 1905. Tất cả thế giới dự lễ an táng ông. Các vị vua chúa và nguyên thủ quốc gia đều cử đại diện đến viếng. So với biển sóng hùng biện tuôn tràn trên quan tài ông, hẳn là Jules Verne sẽ hài lòng hơn với hai câu bình dị của một tờ báo ở Paris: “Ông già kể chuyện (conteur) đã mất. Đó cũng là một chút gì như là Ông già Noël đã từ biệt chúng ta”. ĐỖ THIÊN THƯ st.
Tiếc hoa nở trái mùa Quốc gọi trưa hè chạnh Đỗ Quyên Khiến người hoài cố nổi ưu phiền Vần thơ phổ nhạc tình lưu khách Mấy vận ca từ đượm nét duyên Bến đợi đò xa! “hờ”… ảo vọng Đôi bờ thương nhớ! “lỡ”… lời nguyền Chao nghiêng chiếc bách vầng trăng lệch Một đóa hoa Quỳnh nở cuối hiên HẢI ĐĂNG - TRẦN VĂN HỮU
LỜI NGUYỆN CẦU Mỗi buổi sáng khi ta thức dậy Như là người vừa được tái sinh Hít thở tự do, đón ánh bình minh và sảng khoái cảm thấy mình hạnh phúc
Bỗng một tin làm tâm ta bức xúc Vừa xảy ra trận động đất, sóng thần Rình rập con người thảm họa hạt nhân Trong chớp mắt tất cả đều biến mất
Không thể tin dù đó là sự thật Ác mộng kinh hoàng ở nước Nhật xa xôi Hãy tưởng tượng và chỉ tưởng tượng thôi Mà đã khiến cho lòng ta lo sợ
Cuộc sống này quá tạm bợ mong manh Thế giới u buồn vì thiên họa, chiến tranh Hãy cầu nguyện đi cho TRỜI – ĐẤT yên lành và con người cùng Thiên nhiên hòa thuận
LÊ MINH CHỬ
TÌM QUÊN Ngàn đợt sóng xô bờ dâng nỗi nhớ Tuổi thanh xuân rộn rã ngát men đời Trời vẫn xanh muôn thuở mộng trùng khơi Gió lồng lộngđưa ta về quá vãng
Ngày tháng cũ ngây thơ đầy lãng mạn Hoa lục bình tím ngắt cả ven sông Có non xanh hy vọng biếc hương lòng Đời rực sáng tương lai cao chất ngất
Ta mơ ước một tình yêu chân thật Một tâm hồn chung thủy sống bên nhau Một gia đình êm ấm mãi ngàn sau Thật dịu ngọt chan hòa đầy quyến rũ
Thời gian chảy bạo tàn như thác lũ Nỗi đau thương vùi dập mảnh tim gầy Có ngờ đâu… tất cả… vuột tầm tay Ta gục ngã Đơn côi – đường vạn dậm
Ta lịm chết - Vết thương lòng sâu thẳm Nỗi ưu tư lắng đọng bóng đêm dài Nửa vầng trăng lờ lững đợi chờ ai Đời nghiệt ngã điêu tàn khô nước mắt
Chiều cuối năm ta âm thầm góp nhặt Kỷ niệm biện u ẩn kiếp vô duyên Đem vùi chôn thiêu đốt cố tìm quên Can đảm sống thờ ơ, không nuối tiếc
NGÀN PHƯƠNG CÁI HỒ (Dịch từ bài thơ LE LAC của LAMARTINE)
Cứ thế trôi về những bến xa Trong đêm vô tận chẳng quay về Chắc chẳng bao giờ trên biển tuổi Có được một ngày ta buông neo!
Hồ ơi! Năm cũ mới vừa qua Nàng hãy về bên sóng thiết tha Nhìn đi! Ta vẫn ngồi trên đá Nơi nàng buổi trước đã ngồi qua!
Vẫn gầm như thế dưới ghềnh sâu Vẫn đập mạn sườn gộp đá cao Bọt tung theo gió lên đầu sóng Lên chân ngà ngọc đáng tôn thờ
Nhớ chúng tôi không? Một buổi chiều Lặng im, phiêu lãng dưới trời cao Xa nghe nhịp mái chèo khua nước Sóng hồ hòa điệu, nhịp nhàng sao!
Từ đất, âm thanh lạ cất lên Bờ hồ lập lại những âm vang Sóng nghe chăm chú lời quen thuộc Rơi giữa chơi vơi tiếng vọng rằng
“Thời gian xin hãy dừng đôi cánh Những giờ ân sủng hãy ngừng đây Cho ta nhấm nháp niềm hạnh phúc Những ngày tươi đẹp nhất trên đời
Với người bất hạnh đã kêu than Thì nhanh đi nhé, hỡi thời gian Còn ai đang hưởng niềm hạnh phúc Quên đi, cho họ sống an lành!
Dù ta có khẩn khoản, van nài Thời gian lặng lẽ, cứ xa bay Ta bảo đêm ơi, trôi chầm chậm Vì bình minh đến sẽ tan đi
Gấp lên đi nhé, hãy yêu đi Cứ yêu và hãy cứ vui đùa Người không bến đỗ, giờ không bãi Nó cuốn và đời ta cũng theo”!
Hờn ghen hay đắm đuối, cuồng si Sóng tình mang hạnh phúc tràn trề Lần lượt xa ta chung vận tốc Cùng với những ngày bất hạnh kia
Sao chẳng ghi tâm dấu ấn này? Vì rồi tất cả sẽ qua đi Thời gian trao tặng, xong rồi xóa Chẳng trả cho ta lại chút gì
Vĩnh cửu, hư vô, vực thẳm ơi Người đã tiêu hao những tháng ngày Trả lại ta chăng, thời đắm đuối Mà mi đã cướp của ta đi?
Đá câm, hang động, với rừng già Còn đủ thời gian để trẻ ra Hãy giữ đêm nay vào kỷ niệm Cảnh vật thiên nhiên đẹp mặn mà
Dù trong bão tố hay ngơi nghỉ Hồ đẹp với bờ trông thắm tươi
Thông đen và đá đầy hoang dã Vẫn mãi nghiêng trên mặt nước soi.
Trong gió hiu hiu nhẹ thổi qua Tiếng vọng từ xa, bến lại bờ Vầng dương chiếu xuống mang màu bạc Nhuộm ánh trong veo xuống mặt hồ
Lau sậy than hay gió thét gào Tẩm mùi hương thoảng nhẹ nhàng sao Những gì chứng kiến hay nghe thấy Đều nói lên rằng: Họ yêu nhau!
TÂM NGUYỆN (4/2011) TẠ TÌNH Tình ngoài muôn dậm… nghĩa tha phương Cách trở sao lòng vẫn ngát hương Vui với đêm theo người ở lại Buồn chi ngày tiễn khách lên đường Con về suối bạc khơi dòng bút Thầy tại đồi lan viết mấy chương? Duyên nghiệp thả trên tờ giấy phấn Để hồn thơ nhuộm bóng chiều sương. TRẦN LỮ VŨ
NHỚ MẠ
· TT Th. Sáu mươi tám tuổi già rồi Đêm dài quá không làm sao ngủ hết Con nằm yên nhớ Mạ Tuổi 8, 9 Mạ đi bán ở trường đời Con đi vào trường học Hai Mạ con đi cùng đường một đoạn Con đi đoạn gần Chợ Mạ đến còn một đoạn thật xa Lúc chia tay ở ngã ba Con cứ đứng nhìn theo Mạ Nức nở khóc Mạ ơi! Mạ ơi! Dù biết chiều tối Mạ sẽ về Nhưng con cứ nhìn theo khóc mãi
***
Vào mùa hạ Đêm ngắn ngày dài Nắng đã tắt nhưng còn lâu mới tối Cả mấy chị em Ra ngã ba chờ Mạ Con đường quan hun hút Hai bên là đồng lúa xanh Từ tít đằng xa Đã thấy tà áo Mạ bay phất phới Cả đám reo lên Mạ về ! Mạ về!
***
Mạ về Thấy trời còn sớm Vội ra vườn Chặt lá chuối khô Mai phơi làm củi đốt Ghé vào luống cải bắt sâu Hái vài nắm đậu que Vài nắm rau lang Với cá tôm Mạ mua ở chợ Là có buổi tối cho cả nhà Bên ngọn đèn dầu thật vui và ấm áp
***
Mạ ơi ! Còn biết bao điều đầy ắp trái tim Con cố kìm nén Vì cứ mỗiđêm mất ngủ Là sáng dậy gối con đẫm nước mắt
***
Mạ ơi ! Sáu mươi tám tuổi rồi Chỉ có chết đi Con mới thôi nhớ Mạ
***
(con khỉ mốc của Mạ) · TT Th
TRÂN TRỌNG “…Khi bạn ứng xử với cha mẹ, bạn bè hay là người lạ, hãy nhớ rằng trên một bình diện sâu xa không có “tôi” và “anh”, không có “chúng ta” và “họ”; tất cả chỉ là một thực thể trống rỗng. từ sự trống rỗng này, phát tỏa tình thương đối với muôn loài. Nhiều yếu tố khổ đau trong sự liên hệ tình cảm của ta đối với người khác sẽ rơi rụng, khi ta thực tập phát triển lòng tốt đẹp trong cuộc sống”. “…Sự cởi mở, nhân ái có thể giữ cho ta được an lạc và quân bình. Nếu bạn bỏ một muỗng muối vào trong ly nước, nước trong ly sẽ có vị mặn. Nhưng nếu bạn bỏ bấy nhiêu muối, hay nhiều hơn thế nữa, vào một hồ nước lớn, vị của nước vẫn không thay đổi. Tương tự như vậy, khi tâm ta hẹp hòi và cố chấp, bất cứ một sự đụng chạm nào cũng đầu có ảnh hưởng xáo trộn mạnh mẽ. Khi tâm ta có một khoảng không gian thênh thang thì những đụng chạm tiêu cực gấp mấy lần thế cũng không gây ảnh hưởng. Tốt đẹp là một biểu tượng (đức tính?) nhu thuận và rộng khắp mà ta luôn có thể ban bố trong cuộc sống”. “Thế cho nên bậc chân nhân làm việc không gây thiệt hại cho ai, mà cũng không ân huệ cho ai. Không động vì lợi mà cũng không coi người canh cửa là hèn. Không vì tiền mà tranh, cũng không lấy sự nhún nhường làm quý. Công việc không nhờ vả vào ai, mà cũng không lấy việc tự lập làm quý, không khinh kẻ tham lam. Đức hạnh khác người thế tục, nhưng chẳng chuộng sự khác lạ. Không hùa theo đám đông mà cũng không khinh người xiểm nịnh. Tước lộc của đời không đủ để khuyến khích, hình phạt chẳng đủ để ai nhục. Họ biết phải trái không có chỗ phân được, lợi nhỏ không có chỗ định được. Cổ nhân có nói: “Người có đạo thì lặng lẽ, bậc chí đức thì không mong gì cả, còn người đại nhân thì không có mình: họ đã hợp nhất (tất) cả làm một”. “Bạn sẽ khám phá ra rằng càng vô hình chừng nào, cuộc sống lại càng giản dị và thư thái chừng ấy”. “Một người đi thuyền qua sông. Một chiếc thuyền không người lái từ đâu trôi đến, đụng vào mạn thuyền của ông. Cho dù có là người nóng tính đến đâu, ông sẽ không giận. nhưng nếu thấy bên thuyền kia có người, ông sẽ hét lên, bảo người kia bẻ lái. Nếu không nghe, ông sẽ tiếp tục la hét, chửi mắng, nóng giận. Tất cả chỉ khác nhau ở chỗ thuyền bên kia có người. Nếu là một chiếc thuyền không thì chắc chắn sẽ không có sự nóng giận, la mắng. “Nếu biết đem cái lòng trống không mà đối xử với đời thì ai mà ngăn trở mình, ai lại muốn làm hại mình?” “Hãy làm (xin như?) một chiếc thuyền không, băng qua dòng sông cuộc đời bằng sụ cởi mở, trống không và thương yêu, “ thì ai mà ngăn trở mình, ai lại muốn làm hại mình?” “…Một đức tính vô cùng quan trọng trong việc trao đổi ý kiến là phải biết lắng nghe, biết thông cảm với hoàn cảnh (của người) với người khác. Bằng một tâm thinh lặng, khi chúng ta thật sự biết chú ý, một phương tiện truyền thông thích hợp sẽ trở thành rõ rệt. Đừng chấp vào một khái niệm đặc biệt nào… hay là giữ bất cứ một thiên kiến nào. Đừng dựa vào một nơi nào. Đôi khi ta chỉ cần một cuộc đối thoại tầm thường, trao đổi giản dị và thoải mái. Học cách lắng nghe là một nghệ thuật rất cao. Hãy giữ sự cởi mở và chấp nhận kẻ khác. Một thái độ vô ngã và chịu tiếp nhận có thể đem lại cho ta một tầm hiểu biết và chia sẻ rộng rãi”. “…Không phải chỉ có tiến trình của thân tâm, mặc dù đây là điều căn bản, mà là thấy mọi sự cho thật sáng suốt, những người chung quanh, mối quan hệ, hoàn cảnh… Sống với chánh niệm, với tỉnh thức cùng với một sự an vui trong tình thương. Tự thân chúng ta là một chân lý đang phô bày và thời gian để ta thực hiện… một kiếp luôn không thường hằng, như mùa thu, mùa động… chúng từ từ qua đi…”. “…Vui buồn như gió mây, trỗi lên từ thân rỗng ống sậy. Cứ ngỡ ngày lại tưởng đêm. Hiện tại là tất cả”. Hãy xin bằng lòng với tình yêu hiện giờ, và trân trọng với sự biết ơn quá khứ quý Bạn nhé! Trần Quang (RT,09:10’/13.11.2010) “30 ngày Thiền quán”, trang 311 - 316
LĂNG MỘ DANH NHÂN tại TP. HCM Tại Tp.HCM, ngoài Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt tọa lạc tại quận Bình Thạnh mà hầu hết dân chúng toàn vùng lẫn các nơi đều biết đến qua tên gọi là “Lăng Ông Bà Chiểu”, còn có những lăng mộ khác như Lăng Trương Tấn Bửu hoặc Lăng Võ Tánh ở vùng Phú Nhuận, ít người biết đến. Theo truyền ngôn của các bô lão trong vùng Gia Định, Lăng Ông ngày xưa là một dãy đất dài từ tòa Tỉnh cho đến tận Cầu Bông do chánh quyền cấp cho Hội Quý Tế để có được huê lợi hàng năm lo việc nhang khói thờ cúng vị khai quốc công thần người gốc làng Bồ Đề huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi này. Nhưng về sau đô thị Saigon, mở mang qua vùng Gia Định nên phố xá đã lấn dần đất canh tác để ngày nay khuôn viên Lăng Tả Quân chỉ còn lại ở khoảnh đất vuông trong giới hạn một phần các con đường Đinh Tiên Hoàng – Phan Đăng Lưu – Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Những ngày lễ hội trong năm như Tết Nguyên tiêu(1) hoặc rằm tháng 10 dân chúng đi lễ tại đây rất đông, nhưng đặc biệt là đêm Giao thừa của Tết Nguyên Đán thì cảnh “ngựa xe như nước áo quần như nêm” tại ngã ba Phan Đăng Lưu – Đinh Tiên Hoàng quả là nhộn nhịp vô cùng. Nam thanh nữ tú, quần là áo lượt đi trẩy hội gọi là “hái lộc đầu năm” khi ra về người nào cũng cầm trên tay cây nhang thật to, ngồi trên yên sau xe máy, khói tỏa nghi ngút, trong sân Lăng còn lại những cành lá non rơi vương vãi khắp nơi, Lăng Ông thoạt tiên cũng chỉ là một nơi thờ phượng các công thần đầu đời nhà Nguyễn, nhưng về sau đã được xây dựng lại bề thế hơn do viên chức chánh quyền lúc bấy giờ là người Pháp vì cảm mến cách đối xử thành thật và rộng rãi của Tả Quân đối với người Âu Tây đến buôn bán tại Saigon. Còn đối với dân chúng, Tả Quân không phải chỉ là một vị tướng tài mà còn là một nhà chính trị lỗi lạc. Trong thời gian trị nhậm tại Gia Định Thành ông đã hết lòng lo việc nước, việc dân nên dân chúng cảm mến mà gọi tôn là Đức Thượng Công. Hiện nay Lăng Tả Quân hàng ngày dân chúng đến chiêm bái và nhất là đến ngày kỵ húy thì cúng tế rất linh đình. Vào năm 1998 Lăng mộ đã được trùng tu lại đại quy mô hơn, mái được lợp bằng ngói ống đặc biệt có tráng men xanh cũng như hình thể lưỡng long tranh chân nắn nót tỉ mỉ và đã được cho là đẹp nhất trong các hoa văn trang trí ở các đền đài trong thành phố. Tượng Tả Quân được đúc mới bằng đồng mạ vàng cao hơn hai thước, ngồi trên ghế dựa có thanh kiếm gác ngang đùi, đúc từ Huế đem vào an vị tại đây. Chỉ có hai nấm mộ, một của Tả Quân và một của phu nhân ông, nằm kế nhau trên sân nhà thờ là được giữ nguyên hình dáng cũ có bình phong án ngữ và tường thành bao bọc mà bề dày có đến gần cả thước tây. Khuôn viên có trồng nhiều cây cao bóng mát, và lối đi cũng được lát đá tấm sạch sẽ, tuy Lăng mộ nằm ở ngay một ngã ba đường có mật độ xe cộ lưu thông đông đúc, sinh hoạt náo nhiệt nhưng cũng không làm giảm đi nhiều cái vẻ tĩnh mịch và trang nghiêm mà một lăng mộ cần có. Lăng mộ Trương Tấn Bửu : Ở Phú Nhuận có một con đường tráng nhựa nhỏ, rộng chỉ vừa đủ cho một chiếc xe con lăn bánh dài độ 300m, nối liền đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Trọng Tuyển, có tên là đường Nguyễn Thị Huỳnh. Giữa quãng đường đó trên cánh cửa sắt luôn đóng kín khách qua đường nhìn thấy trên cổng một bảng hiệu “Lăng Trương Tấn Bửu” và trên tường thành nối liền với cổng một bảng hiệu bằng đồng ghi “Lăng mộ di tích nghệ thuật cấp quốc gia”. Vào trong thấy khuôn viên không rộng lắm, một vài cây ăn trái có bóng mát trồng hai bên một con đường đất nhỏ dẫn từ cổng vào nhà của vị thủ từ nằm bên cạnh, lăng mộ xây rất cao, hình chữ nhật, không sơn phết như để thấy được vẻ cổ kính của chất liệu xây dựng thời xưa, vôi trộn với mật thành vữa và đặc biệt hơn nữa lối vào mộ có một cổng nhỏ bằng gạch mà qua thời gian lớp vữa đã bong ra, nhìn thấy những viên gạch cỡ rất to đã gần mất hết độ rắn chắc của đất nung, sờ tay mạnh chắc sẽ nát thành bột. Người phụ nữ thủ từ, có lẽ là cháu đến đời thứ mười mấy của Cụ Trương, chị cũng không được biết, nhưng rất vui vẻ đưa khách tham quan chánh điện. Cạnh bàn thờ Cụ Trương, có tủ kính bên trong treo một áo triều phục xem ra lớp vải gấm hãy còn khá tốt, màu sắc cũng chưa phai mấy, hỏi chị là áo triều phục này có phải là dạng nguyên thủy của cụ Trương để lại, nhưng hỏi làm cách nào để bảo quản được lâu như vậy thì chị nói không biết, cha ông của chị không thấy nói lại. Cụ Trương Tấn Bửu (1758 – 1827) là công thần nhà Nguyễn trải qua hai đời vua Gia Long và Minh Mạng, quê ở Cái Da nay là làng Hiệp Hưng tổng Bảo Phước tỉnh Kiến Hòa (Nam phần). Theo Chúa Nguyễn Phước Ánh từ năm 1787, được cử giữ chức Khâm sai Đốc chiến Cai cơ. Dưới quyền sai phái của Hậu quân Tôn Thất Hội, chẳng bao lâu được phong tước Long Văn Hầu. Năm Canh Tuất (1790) đang giữ chức Hậu Chi nhánh Trưởng chi Hậu quân ông đổi qua Tiền quân vì lập được chiến công. Đến năm Đinh Tỵ (1807) được thăng Tiền quân Phó tướng. Hai lần theo Nguyễn Vương ra đánh Quy Nhơn thắng Tây Sơn ở An Giá và Bàu Lán (1799) tại Xích Thố và Thanh Ký ở Phú Yên. Tháng 7 năm Nhâm Tuất (1802) ông được thăng Chưởng Dinh nhưng vẫn lãnh Tiền quân Phó tướng cai quản đạo binh thứ tại Bắc Thành. Vào năm Bính Dần (1806) ông cùng với các tướng Nguyễn Đình Đắc, Nguyễn Văn Xuân, Phan Tấn Huỳnh, Đặng Trần Thường dẹp được bọn tề ngụy hãi phi ở vùng Kinh Môn (Hải Dương). Sau đó ông được triệu về kinh giữ chức Trung quân Phó tướng. Từ tháng 11 năm Bính Dần (1806) ông giữ chức Bắc Thành tổng trấn thay Nguyễn Văn Thành cho đến năm Canh Ngọ. Trong thời gian này, nhiều đám giặc nổi lên ở các nơi tại vùng Quảng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Sơn Tây bị trừ dẹp, tháng 10 năm Canh Ngọ (1810, Gia Long thứ 9) quyền lãnh chức Tổng trấn Gia Định Thành thay Nguyễn Văn Nhân(2) cho đến tháng 7 năm Nhâm Thân (1812) khi Tả Quân Lê Văn Duyệt được cử Tổng Trấn Gia Định Thành(3) ông giữ chức Phó Tổng trấn. Tháng 3 năm Bính Tý (1816) vâng lịnh đốc xuất đắp thành Châu Đốc. Tháng 9 năm ấy, được triệu về kinh, quyền coi đạo Trung quân thay Nguyễn Văn Thành bị giải chức. Tháng 3 năm Tân Tỵ (1821, Minh Mạng thứ 2) lại lãnh chức Phó Tổng trấn Gia Định Thành thay thế Hùynh Công Lý phạm quốc pháp bị xử trảm. Năm Quý Mùi (1823, Minh Mạng thứ 4) được cử đốc xuất dân binh đắp kinh Vĩnh Tế thay thế Tổng trấn Lê Văn Duyệt bị bệnh. Sau đó ít lâu, nhận thấy tuổi đã già, thường đau ốm, ông xin về hưu trí. Ngày mồng 10 tháng 6 năm Đinh Hợi (1827, Minh Mạng thứ 8) ông từ trần, thọ 76 tuổi, được dự thờ tại Trung Hưng công thần miếu và Hiền Lương từ, mộ ông chôn tại xã Phú Nhuận, Gia Định. Đền và lăng do Hội Phú Thành trông nom việc hương khói và hàng năm vào những ngày mồng 9 – 10 tháng 6 âm lịch tại đây có làm lễ giỗ ngài Long Văn Hầu Trương Tấn Bửu. Nhưng theo lời người thủ từ thì từ lâu nay phần việc này đều do con cháu tộc Trương đảm trách với tính cách gia tộc. PPT st ghi
-----------------------------
(1) Tết Nguyên Tiêu : tức rằm tháng giêng ta (2) Nguyễn Văn Nhân : là vị tổng trấn Gia Định thành đầu tiên trước Lê Văn Duyệt. ở vùng Gia Định có tên đường Nguyễn Văn Nhân là con đường nối đường Nơ Trang Long với đường Lê Quang Định nay là đường Nguyễn Văn Trương. (3) Gia Định Thành : Gia Định Thành ngày xưa là tên gọi lãnh thổ của một giải đất trải dài từ Phan Thiết đến tận Hà Tiên.
NHỮNG CUNG ĐƯỜNG TUỔI THƠ (tiếp theo) Tác giả: Dương Lêh 2.Vào Chợ lớn … Thật ra đây chỉ mới lẩn quẩn ở cái rìa của khu Chợ lớn. Ở đây gọi là xóm Cây Mai. Ba má tôi mua được một căn nhà lá nằm lưng chừng bên trong xóm nhà quay lưng về phía đường cái, bên kia đường là nhà thương Phước Kiến, bây giờ gọi là bệnh viện Nguyễn Trãi. Con đường cái được tráng nhựa đàng hoàng nghe người lớn nói hồi đó gọi là đường Cây Mai (?), và cái xóm Cây Mai trải dài từ bến xe Pétrus Ký cho đến Chợ Lá, hiện giờ là khúc đường Nguyễn Huỳnh Đức, Quận 5. Nơi đây nhà cửa ọp ẹp, nhiều nhà trống trước trống sau, cửa nẻo chỉ là những khung tre chằm lá cho có chứ đừng nói gì đến việc che chắn bọn trộm cắp. Mà nhà cửa như vậy thì có gì mà ăn trộm? Vậy mà cũng có chuyện trộm cắp xảy ra. Bữa thì Bà Năm Móm sáng sớm ra đường là bài hãi: - “Trời ơi nó ăn cắp cái quần Mỹ A của tui”. Bữa thì Bà Tám Xíu thét lên: - “Mẹ, nó nuốt cái nồi đồng rồi”. Đồ đạc bị mất cắp thường là đồ gia dụng, quần áo, ngoài ra không gì khác có giá như TV, tủ lạnh, máy thu thanh của thời đại bây giờ. Hồi đó ở Saigon có loại máy hát đĩa quay tay có đầu gắn kim chạy theo rãnh trên đĩa, thường là hát cổ nhạc do hãng dĩa Asia phát hành như Đời Cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt vv... Máy vận hành do một cuộn dây thiều bằng kim loại. Khi mới lên dây thiều, dĩa quay nhanh nghệ sĩ hát với tốc độ chóng mặt không nhận biết ai là ai, nam hay nữ. Khi hết dây thiều, dĩa quay chậm, nghệ sĩ hát như chết rồi, giọng kéo dài nhão nhoẹt, uềnh uềnh như mèo kêu. Thời đó máy này giúp người ta tiêu khiển rất tốt. Một nhà có máy, trăm người hàng xóm bu lại nghe, mỗi người mỗi kiểu, kẻ đứng người ngồi, có bà nằm xấp hai tay chống cằm như con chó chực xương. Tới khuya hết tuồng bà con ra về vừa đi vừa ngáp ngủ. Trong xóm có ông Tư Thầy Ký khoảng ba mươi mấy tuổi, nước da ngăm ngăm, đầu hớt ca-rê, ở trọ và ăn cơm tháng nhà Bà Ba Bán thịt ngoài chợ An Đông vừa mới cất. Nghe nói Tư thầy Ký làm xê-cờ-rê-te cho hãng buôn Tây đâu ngoài Saigon bị cô nàng nào đó đá đít, thầy thất tình bị “mát” luôn. Tây cho thầy nghỉ việc. Bây giờ thầy tửng tửng, cả ngày đi vòng vòng trong xóm tay cầm cuốn vở học sinh, tay cầm bút chì, vừa đi vừa ghi ghi, chép chép. Có khi người ta nghe thầy nói lẩm bẩm: - “Mời cô Lan đi ăn hủ tíu hết mười đồng, nước mía hai ly một đồng…” Té ra cô gái thầy thương là cô Lan nào đó và thầy đang ghi lại chi phí hôm mời cô đi ăn hủ tíu. Có lần thầy đến dãy nhà bốn gian gần chỗ cây gòn, đứng trước mỗi gian thầy nhìn vào trong như quan sát, rồi lại ghi ghi chép chép, miệng lẩm bẩm, có người lén đứng sau lưng lắng nghe: - “Đơn hùng Tín… giải giá… thọ châu” Anh chàng vừa nghe lén chạy thụt lui, quẹo vô đường hẻm vừa cười nói, vừa ôm bụng: - “Quỉ thần ơi! Phật bà ơi! người ta là Lưu Kim Đính mới giải giá thọ châu, chứ Đơn hùng Tín ở đâu đó?” rồi nói tiếp: - “Trời nắng ổng lên cơn nặng dữ a!” Phía sau dãy nhà bốn gian là nhà chú Ba Chệt bán chạp phô, tức là tạp hóa bây giờ. Gọi như vậy là vì ổng là người Hoa, người khách trú, hồi đó người miền Nam gọi là “các chú”. Nhà chú Ba này thiết kế rất đặc biệt. Cũng là nhà lá, phía trước và bên hông, chú chống hai tấm vách lên làm thành hai mái hiên, bên dưới để hai cái sạp, trên đó chú chất đủ loại hàng tạp hóa, thịt, cá, rau cải, lạp xưởng, cá khô. Người ta có thể đến tiệm chú Ba Chệt mua các loại thực phẩm phục vụ cho bữa cơm trong ngày. Đúng là tiệm tạp hóa Ba Chệt là “người nội trợ của mọi gia đình”. Trẻ con thường tới đây mua xí muội, cà na, bánh lòi tói chiên,… Chú Ba này cũng tốt bụng, ổng thường cho chúng tôi mấy trái chuối sứ bị ế hai ba ngày, úng, thâm kim hết trơn nhưng còn ăn được sau khi cắn bỏ đi mấy chỗ bị úng, dập. Đặc biệt trong xóm có nhà ông Năm Xe Ngựa. Ông có tên gọi theo sự nghiệp vĩ đại của đời ông với nghề chạy xe thổ mộ. Đây là loại xe bằng gỗ, có mái che, gắn trên hai bánh xe cũng bằng gỗ, phía trước do một ngựa kéo. Ngựa thật. Vì vậy bên hông nhà ông có một cái chuồng, để ngựa về nghỉ ngơi sau một ngày kéo xe mệt nhọc. Ngựa cũng ăn uống như người. Mỗi khi kéo xe xong về đến chuồng, bà Năm lấy cỏ để sẵn trong góc chuồng ra bỏ lên máng cho ngựa ăn, lấy nước cho nó uống. Bà thường khuyên đám con nít chúng tôi: - “Tụi bây phải biết thương ngựa, nghe bây. Tao nói ngựa nầy nè, chứ mấy con ngựa ở đằng con mẹ Ba Sún, sơn móng tay, móng chưn đỏ hoét, bây mà rớ vô là mạt cọng từ đường”. Bà muốn ám chỉ bà Ba Sún chứa gái ở xóm trong. Bà Năm còn nói thêm: - “Con ngựa này hổng chừng kiếp trước là ông gì lớn lắm rủi bị tội gì đó nên kiếp này đầu thai làm ngựa”. Có đứa hỏi: - “Sao kiếp trước của nó không phải là bà gì đó mà lại là ông?”. Bà nói: - “Mầy không thấy ngựa này là ngựa đực sao? Ngựa đực thì kiếp trước là đàn ông, ngựa cái kiếp trước mới là đàn bà. Mình không thương nó kiếp sau nó trở lại làm kiếp người ngồi trên đầu trên cổ mình, biết chưa?”. Thằng nhỏ dòm dưới bụng ngựa rồi cười nói: “Ờ hé!” Có lần con ngựa này bị bệnh gì đó, bà Năm kéo cái máng ra, đổ vô đó một mớ cám và một nhúm lá cây các loại, bà Năm gọi là lá thuốc, sau đó kêu hết đám con nít chúng tôi lại để tè vô máng cho bà Năm trộn làm thuốc trị bệnh cho ngựa. Nghe nói vậy tụi nhỏ hăng hái vén quần xàng qua tè vô máng. Vì cái máng nhỏ nên chỗ đứng hơi chật, đám con nít chen lấn lộn xộn, đứa này tè vô chân hoặc vô đít đứa kia, om sòm, bát nháo. Có đứa vì lỡ tè đâu đó rồi nên không đóng góp một phần nước của thân thể vào liều thuốc trị bệnh cho ngựa, mặt mày buồn thiu. Bài thuốc của Bà Năm quả là hiệu nghiệm. Hai ngày sau, con ngựa hết bệnh, kéo xe trở lại như thường. Tụi nhỏ vô cùng thán phục, gọi bà Năm là thầy thuốc… ngựa! Ông Năm xe ngựa người đôn hậu, tuổi chừng năm mươi, chỉ phải cái miệng ông bị méo qua một bên từ hồi nào tới giờ. Tư thầy Ký khi tỉnh táo nói nửa đùa nửa thật: - “Tại ổng chạy xe nhiều quá, miệng lúc nào cũng phải kéo về một bên để tróc, tróc ra lệnh cho ngựa quẹo phải, quẹo trái, riết rồi méo luôn”. Thật ra, theo những người lớn tuổi, biết chuyện nói là ông Năm hồi còn trẻ bị trúng gió rất nặng làm méo miệng, nằm bất động, tưởng chết may nhờ gặp một ông thầy tu trên núi Tà Lơn đi ngang cứu sống nhưng không điều chỉnh được cái miệng về vị trí cũ, làm ổng phải chịu cái tật méo miệng suốt đời. Hướng ra đường số 7, bây giờ là đường Bùi Hữu Nghĩa, có nhà thầy Sáu Tý. Gọi là thầy nhưng thầy không ở vào nhóm “gáo tra dài cán” mà lại là thầy cúng. Người ta nói tên thật của thầy là Sáu Chuột, nhưng khi thầy bắt đầu mặc chiếc áo lam đến cúng ở những nhà có đám ma, đám làm tuần, thì bà con trong xóm xin gọi thầy là thầy Sáu Tý, nghe thanh nhã hơn. Bất cứ ai trong xóm mời thầy đến cúng không kể giờ giấc sáng, trưa, chiều, tối gì cả, thầy không hề từ nan. Thầy không nhận tiền bạc. Nếu ai thành tâm biếu thầy nãi chuối, chục cam, hay các loại trái cây, thầy đều nhận, mang về nhà rồi kêu con nít lại cho từ đứa sau khi để phần vừa phải cho vợ con. Một buổi chiều, xóm Cây Mai uể oải sau cơn nắng trưa gay gắt của trời hè. Đột nhiên người ta thấy chiếc xe ngựa của ông Năm về trờ tới, cặp sát vào chuồng ngựa. Ông nhảy xuống la thất thanh: - “Cháy nhà, cháy nhà rồi, bà con ơi..!” Mọi người đổ ra xem. Phía nhà thờ Chợ Quán khói đen bay lên cuồn cuộn. Mọi người chạy tán loạn, nhốn nháo, gọi nhau ơi ới: - “Lửa tới bây giờ, về lẹ mà lo dọn nhà, gió thổi hướng này đó”. Xóm Cây Mai lâm vào cơn hỗn loạn. Mọi người tất tả lo thu dọn đồ đạc, dùng mền gói lại từng túm lớn đại, đội lên đầu hay cõng trên vai, trên lưng chạy ra đường cái. Má tôi lôi hai anh em tôi chạy theo đoàn người, phía sau là ba tôi, vừa đi làm về, hai tay xách hai túi quần áo thật lớn chạy theo. Má tôi dắt hai anh em tôi chạy vào bệnh viện Chung Cheng, chạy băng qua khu nhà xác, theo cửa sau ra ngoài, rồi băng qua đường Thành Thái chạy ngay vào chợ An Đông, đến sạp vải của Dì Sáu và gửi chúng tôi ở đó. Ba tôi cũng vừa đến, quăng hai túi quần áo lên sạp bảo chúng tôi giữ rồi cùng má tôi trở về nhà tìm cách lấy thêm được cái gì hay cái nấy. Trời đã tối mịt, đèn đường leo lét. Nhìn về hướng Bàu Sen, chúng tôi thấy bầu trời đỏ hồng rực rỡ. Ba má tôi đã quay trở lại, trên tay má tôi có cầm một cây đòn gánh. Ba tôi nói má tôi quýnh quáng không biết lấy thứ gì nên quơ đại cây đòn gánh cho có cái để cầm trên tay. Nhìn lên bầu trời ửng đỏ, ba tôi chép miệng: - “Sắp tới nhà mình rồi…” Tôi thấy má tôi đang lật vạt áo lau nước mắt. (còn tiếp) Dương Lêh Của Chợ và Người (tiếp theo) Thiếu Khanh Chợ trong thơ ca và truyền thuyết Việt Nam T rong tác phẩm “Tang Thương Ngẫu Lục” Phạm Đình Hổ kể chuyện Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo, người làng Hoài Bảo huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vì ăn một bữa thịt chó ở chợ Cầu Lim mà mất dịp thành tiên. Nguyễn Đăng Cảo đổ Thám Hoa đời Lê Hy Tông (1676 – 1705), vốn là người rất mê thịt chó. Nhân một hôm đi chơi trên núi Lạn Kha, Nguyễn gặp được vi tiên Trần Đoàn. Nguyễn xin theo tu tiên và được vị đại tiên nhận lời. Trên đường đi cùng tiên ông, tình cờ qua chợ Cầu Lim (làng Nội Duệ), nghe mùi thịt chó từ hàng cơm trong chợ thơm nức mũi, Nguyễn không nhịn đươc, xin tiên ông cho được ăn một bữa thịt chó cuối cùng. Tiên ông đồng ý. Sau khi Nguyễn ăn xong, Trần Đoàn cho Nguyễn biết Nguyễn không có mệnh thành tiên, nên không nhận Nguyễn nữa. Cũng trong “Tang Thương Ngẫu Lục”, Nguyễn Án kể chuyện chúa Trịnh cũng thích dạo chơi chợ búa. “Chúa ngự ra chơi Bắc cung. Cung có ao gọi là Long trì, rộng nửa dặm, trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất chồng đá làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thế. (...). Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo như đàn bà, bày hàng ở rìa đường, bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả, chả, rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi. Các cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi giá bao nhiêu, đua nhau đem những câu hát quê ra đối đáp với nhau, tiếng cười đùa vang cả trong ngoài” 44 . Về chuyện này, trong “Vũ Trung Tùy Bút”, Phạm Đình Hổ ghi đích xác là chúa Thịnh Vương Trịnh Sâm, và chuyện xẩy ra mỗi tháng ba bốn lần ở cung Thụy Liên trên bờ Hồ Tây vào năm Ất Mùi (1774 – 1775). Với quan niệm của người Việt Nam, khi chợ là khung cảnh sinh hoạt giao tiếp xã hội có tổ chức thì người trần hay thần tiên cũng có chung nhu cầu họp chợ. Có chợ nhân gian thì cũng có chợ trời. Ai đi Hương Tích chợ trời đi Chợ họp quanh năm cả bốn thì Đổi chác người tiên cùng khách bụt Bán buôn gió chị lai trăng dì Yến anh chào khách nhà mây tỏa Hoa quả bày hàng điếm cỏ che Giá áo, lợn, tằm, tiền, gạo đủ Bán mua mặc ý muốn chi chi . (Nguyễn Khuyến – Chợ Trời Hương Tích) Nhà thơ Tản Đà của chúng ta cũng đã từng gánh văn lên bán chợ trời. Văn đã giàu thay lại lắm lối Trời nghe Trời cũng bật buồn cười Chư tiên ao ước tranh nhau dặn: “Anh gánh lên đây bán chợ Trời” (Tản-Đà – Hầu Trời) Trong bài Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh, thi hào Nguyễn Du nghĩ thương đến những cô hồn không nơi nương tựa, vất vưởng đầu chợ cuối sông thật cảm động: Hoặc là bụi cỏ bóng cây Hoăc là quán nọ cầu này bơ vơ Hoặc là nương thần từ Phật tự Hoặc là nhờ đầu chợ cuối sông Hoặc là trong quãng đồng không, Hoặc nơi gò đống hoặc vùng lau tre ... Với Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu và bài phú Gia Định Thất Thủ ( khuyết danh), những tên chợ xưa nay vẫn còn thân thuộc với mỗi người dân Nam bộ. Đoái sông Cần Giuộc cỏ cây mấy dặm sầu giăng, Nhìn chợ Trường Bình già trẻ hai hàng lụy nhỏ. (Nguyễn Đình Chiểu,Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc) Chợ Trường Bình xưa ở vùng Cần Giuộc, Chợ Lớn. Từ Bến Thành trải qua Chợ Sỏi, mùi tinh chiên xí xố biết bao nhiêu Nơi Chợ Lớn trải tới Cầu Thương, quân mọi rợ lẫy lừng nên quá lắm. Cầu Bà Nghè cùng nơi Chợ Quán, lũ tham tàn đắc ý vênh râu, Chùa Cẩm Thảo trải tới Cây Mai, Phật Bồ Tát chịu nghèo ôm bụng. (Phú Gia Định Thất Thủ) Chợ Sỏi về sau là chợ Cầu Ông Lãnh (tên của Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng thời chúa Nguyễn) ở thành phố HCM ( [1] ). Trong số những chợ phiên nổi tiếng ở miền Bắc nước ta có Chợ Ó, một chợ đặc biệt ở làng Ó (tên chữ là Xuân Ổ, thuộc huyện Tiên Sơn, Hà Bắc). Mỗi năm chợ Ó chỉ họp một phiên vào tối mồng 4 đến sáng mồng 5 Tết. Người ta tin rằng đến chợ phiên hàng năm này có người dương gian và ma quỉ từ cõi âm lên. Không ai nhận rõ mặt ai. Người ta mua bán với nhau những con gà đen. Gà đen là con vật mua bán truyền thống ở chợ. Người ta tin tưởng gà đen có khả năng nhập vào cõi âm, dò xét tình hình ở đó để về bẩm báo lại với thành hoàng làng, theo đó thành hoàng liệu bề phù hộ cho làng. 45 Cũng mỗi năm họp một lần như chợ Ó và chợ Gia Lạc trên đây, còn có Chợ Đình làng Bích La ở xã Triệu Đông, Quảng Trị, mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày mồng ba Tết. Theo truyền thuyết kể lại, thì xưa kia hồ nước nơi khu đình làng có một con rùa vàng rất lớn sống. Vào dịp Tết và ngày mồng một hàng tháng rùa thường nổi lên vờn quanh hồ. Dân làng tin rùa vàng là hiện thân của vị thủy tổ của làng, phù hộ cho dân làng hưng thịnh và học hành đỗ đạt. Gần hồ có giếng Mộc Bài. Hàng năm vào dịp tế Đình thì dân làng lại vét giếng. Nếu nước giếng trong vắt là điềm báo một năm thịnh vượng cho nhân dân trong làng. Nếu nước đục phèn là làng gặp chuyện bất an. Vào ngày mồng ba Tết một năm nọ, giếng Mộc Bài bỗng ứa phèn. Cùng lúc ấy ở hồ Đình con rùa vàng hoá thạch. Lo sợ tai họa, dân làng tập trung quanh hồ gõ trống khua chiêng, la hét đánh thức rùa dậy vì ngỡ rùa ngủ quên. Từ đó dân làng lập bàn thờ, xây Đình, và hàng năm cứ vào mồng ba Tết lại họp chợ đánh thức rùa vàng, dần dần thành ra phiên chợ đầu năm rất độc đáo. 46 Ng ười miền Trung có câu hát ru em: Ru tam tam théc cho muồi [2] Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu... Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh. Riêng cái chợ Dinh này không biết xưa kia (và bây giờ) tọa lạc tại đâu ở Huế, mà thấy Đại Nam Nhất Thống Chí ghi rằng ở các tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà cũng có những ngôi chợ cùng tên. Một Chợ Dinh ở huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Một chợ khác ở huyện Tân Định (nay không rõ còn không) tỉnh Khánh Hòa. Chợ Dinh Tân Định Khánh Hòa vốn có tên là Chợ Mỹ Thịnh, nhưng do vào đầu đời Nguyễn ba dinh Trấn Thủ, Cai Bạ và Ký Lục đóng ở đó nên người ta quen gọi là chợ Dinh. Rồi thêm chợ Phú Thịnh ở huyện Vĩnh Xương (cũng tỉnh Khánh Hoà) cũng gọi là chợ Dinh nữa! Nếu ở Huế cũng có chợ Dinh, thì chắc đó là cái chợ trong câu hát sau đây: Chợ Dinh bán áo con trai Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim. 47 “Chuyện rằng vùng chợ Dinh có ông Hoàng Mười, (tức ông Hoàng Tùng Đệ, con thứ mười của vua Gia Long) khao khát có một đứa con trai nối dõi tông đường, bèn sai người may hàng loạt áo con trai mang ra chợ Dinh bán. Áo bán rẻ như cho, thành ra dân nghèo đổ xô đến mua. Lương dân bất kể trai gái, từ đó đều diện chung một kiểu áo. Còn ông hoàng Mười ngồi trong dinh nhìn thiên hạ ngoài đường mà tưởng tượng ra toàn là con trai mình cả” 48 Một chợ nhỏ “của người nghèo và học trò” ở Huế nhờ may mắn ăn theo tình cảm của một cô gái bán rau si tình một anh học trò ở trọ học gần đó mà thoát khỏi tình trạng một ngôi chợ vô danh, nghiễm nhiên ghi tên vào văn học dân gian. Đó là chợ Cống bên giòng sông Như Ý thuộc phường Xuân Phú bây giờ. Hàng ngày các cô gái Xuân Hòa gánh rau ra chọ Cống bán. Trong số đó có người chỉ mượn cớ bán rau: Giả đò buôn hẹ bán hành, Vô ra chợ Cống thăm anh kẻo buồn. 49 Cũng tình trạng tương tợ như chợ Cống là chợ Phố và chợ Kênh Đào, không biết ở đâu, nay còn hay mất. Dù sao Tình Yêu – vẫn được xem là có sức mạnh vạn năng – cũng giúp những ngôi chợ lưu danh, bất kể bản thân ngôi chợ còn tồn tại hay đã biến mất trong dâu bể cuộc đời. -Em buôn chi rồi lại bán chi Mười phiên chợ Phố em đi cả mười -Em buôn bấc rồi lại buôn vàng Mười phiên chợ Phố gặp chàng chín phen Quý hồ gặp bạn cho liền Mười quan bán được chin tiền cũng đi. (ca dao) Em là con gái khuê phòng Em đi bán chỉ phải lòng đò thao Anh đưa em đến chợ Kênh đào Trở ra Tuần Quán trở vào Tuần Danh (Ca dao) Một số ngôi chợ có đủ nội lực để tự khẳng định mình, mà không phải nhờ Tình Yêu cõng vào văn chương, trái lại cung cấp cho văn chương một cái “mốc” hứng giúp cho lời tình có sức lay động, nhờ vào tên chợ mà ai cũng biết. Chợ Bến Thành và chợ Hà Đông trong những câu hát sau đây là trong những chợ như vậy: Chợ Bến Thành dời đổi Người sao khỏi hợp tan Xa gần giữ nghĩa tao khang Chớ ham nơi quyền quý mà đá vàng xa nhau. Có lẽ hai chữ “tao khang” (tấm cám) cũng đủ cho biết đây là một câu hát xưa. Ít ra câu hát cũng đã ra đời vào khoảng đầu thế kỷ XX, sau khi “Chợ Bến Thành dời đổi” lần thứ nhì. “Khi Pháp đến, chợ Bến Thành có chức năng là cảng Sài Gòn, là bến ở ngay cửa thành Phiên An thời Lê Văn Duyệt, vị trí ở đầu đường Hai Bà Trưng hiện nay. Pháp giải tỏa mé sông dành làm khu quân sự, cảng biển dời qua phía Bến Nhà Rồng, và cái chợ theo đúng nghĩa buổi đầu, là nơi buôn bán lương thực và thực phẩm bị dời qua Kinh Chợ Vải, đường Nguyễn Huệ ngày nay. Ban đầu là trên bến dưới thuyền, hàng hoá đưa bằng thuyền vào con kinh, đến nhà lồng chợ...” 50 Chợ Bến Thành dời đến vị trí ngày nay vào năm 1914. Trước đó khu vực này còn là ao vũng sình lầy mới được san lấp. Chợ mới vẫn giữ tên Bến Thành mặc dù tại địa điểm mới không có bến cũng chẳng có thành nào nữa. Và Cô kia đi chợ Hà Đông Để anh kết nghĩa vợ chồng cùng đi. Anh đi chưa biết mua gì Hay mua con lợn phòng khi cheo làng. (Ca dao) Tỉnh Hà Đông nổi tiếng khắp nước về hai thứ “đặc sản”: lụa và... sư tử. Lụa Hà Đông thì không cần phải bàn gì thêm, vì sản phẩm này từng có thời làm... mát cả nắng Sài-gòn: Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát, Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông! (thơ Nguyên Sa). Nhưng về sư tử thì e là... oan lắm. Câu “Hốt văn Hà Đông sư tử hống; Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên” (Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống, Rụng rời rơi cả gậy trên tay) là của thi hào Tô Đông Pha bỡn một người bạn. Tô là người thời Tống, cho nên con sư tử Hà Đông này là ở bên... Tàu! Nó không ăn nhập gì với các cô gái Hà Động dệt lụa đáng yêu của ta. Còn cô gái chợ Đơ (tức chợ Hà Đông) tội nghiệp trong câu ca dao đang hái một loại rau thật lạ: Em là con gái chợ Đơ Hái rau lú bú ngẩn ngơ bên đường Ngày trước chợ là lãnh vực hoạt động dành riêng cho nữ giới. Cho nên trong nhiều lời ca tiếng hát về chợ, ta gặp nhiều hình ảnh về họ, hoặc ít nhiều liên hệ đến họ. Từ một cô gái bị chú cai nào đó chọc ghẹo Cậu cai buông áo em ra Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa Đến một bà già muốn “cưa sừng làm nghé” Bà già đi chợ Cầu Đông Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng Từ một cô vợ đi chợ ăn quà, về nhà đánh con , Ruộng gần bỏ cỏ không cày Chợ xa quà rẻ mấy ngày cũng đi nhưng lại được đức lang quân thương Đi chợ thì hay ăn quà Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm Đến một cô nàng chanh chua đanh đá Gái này là gái chả non Gái lường chợ Quán, gái buôn chợ Cầu Hoặc một câu thơ chơi chữ cũng được ngưới ta ghép vào một phụ nữ Chị Hươu đi chợ Đồng Nai Bước qua Bến Nghé ngồi nhai thịt bò Lời khuyên nhủ này không nói rõ cũng biết là dành cho phái nữ: Đi chợ thì chớ ăn quà Về chợ thì chớ rề rà ở trưa Và khi mô tả tình yêu nồng nhiệt của người vợ đối với chồng mình, ngưới ta cũng liên tưởng đến cảnh náo nức sôi nổi của buổi chợ đông để so sánh: Gái thương chồng đương đông buổi chợ. Ngày trước vì chất tẩy rửa chưa phổ biến, người ta thường nhuộm vải bằng nước củ nâu cho đỡ bám bẩn. Thấy người yêu mặc áo để nguyên màu vải không nhuộm, nàng tỏ ra quan tâm với tình cảm dạt dào cảm động: Ở chợ năm bảy hàng nâu Sao anh mặc trắng cho rầu lòng em! (ca dao) Để tỏ ý rằng sự có hay không có mặt của ai đó cũng không là gì quan trọng đủ để có thể thay đổi hoàn cảnh, hoặc đủ để cho ai chú ý, người ta thường nói: Có mợ thì chợ cũng đông Vắng mợ thì chợ cũng không thiếu người Thế nhưng đã có lần chợ suýt không đông vì thiếu “mợ”. Tương truyền vào thời Minh Mạng, không rõ vì sao triều đình có chỉ dụ cấm phụ nữ mặc váy ra đường. Vào thời đó, tất cả phụ nữ già trẻ trong nước đều mặc váy. Lệnh cấm này quả là một cú sốc nặng Tháng Tám có chiếu vua ra Cấm quần không đáy người ta hãi hùng Không đi thì chợ không đông Đi thì bóc lột quần chồng sao đang. Một số chợ ngày xưa thường họp theo phiên. Phiên này chợ họp nơi này, nhưng phiên sau có thể họp ở làng xa, tỉnh khác. Nhà thơ Nguyễn Bính nắm bắt hình ảnh những người phụ nữ “chạy chợ” đường xa với mấy nắm lá hương nhu đơn sơ giắt đầu cho thơm tóc thôi mà bức tranh thật sinh động:
Phụ Bản III Đường lên chợ tỉnh xa tăm tắp Nắng mới ôi chao cát bụi mù Các chị nhà bên đi bán lụa Giắt đầu từng nắm lá hương nhu. (Nguyễn Bính – Cuối Tháng Ba) Cho đến giờ, có vẻ như chợ vẫn cứ là vùng đất riêng của phụ nữ. Trong xã hội nông nghiệp nguyên thủy, việc giao dịch buôn bán đổi chác qui mô nhỏ và không mang tính mưu lợi dường như đã được phân công cho người phụ nữ từ thời còn hái lượm. Và việc đó tỏ ra thích hợp với họ hơn là với nam giới. Mua bán là môi trường thuận lợi cho họ thi thố tài năng. Chính trong khung cảnh giao dịch bán mua ấy một cô gái dễ dàng bộc lộ bản chất nết hạnh và khả năng ứng xử. Chả thế mà giữa chợ đông người được coi là nơi thích hợp cho các chàng trai khôn muốn tìm vợ đảm. Có thể đường xa chợ nắng khiến nàng không được trắng trẻo lắm như những tiểu thư khuê các. Nàng có thể phân bua, không dấu vẻ tự hào. Trắng da vì bởi phấn giồi Đen da vì bởi em ngồi chợ trưa (ca dao) Cho nên đâu phải là ngẩu nhiên mà khi nhớ lại cô bạn gái tên Nhi thuở ấu thơ không biết giờ phiêu bạt nơi nào, Nguyễn Bính đã liên tưởng đến chợ, đặt cô bạn vào khung cảnh chợ: Ngày xưa còn nhỏ Nhi còn đẹp Huống nữa giờ Nhi đã đến thì Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ Cho nguời thiên hạ phải say Nhi. Xóm chị em Nhi ở mấy nhà Bến đò đông vắng? chợ gần xa? Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ? Vườn có trồng cam có nở hoa? (Nguyễn Bính – Hoa Với Rượu) Nhưng khi bản thân nhà thơ đi tới chợ thì lập tức thấy mình lạc lõng ngay. Chợ dường như không phải là khung cảnh thích hợp với nam giới, nhất là với khách làm thơ. Nón lá áo tơi ra quán chợ Trơ vơ trên bến nước sông đầy Sầu nghiêng mái lá mưa tong tả Chén ứa men lành lạnh ngón tay (Nguyễn Bính – Trời Mưa Xứ Huế) Chợ càng đông thì càng làm cho nhà thơ thêm thảng thốt nhận thức rõ nỗi thua kém của mình, và cảm giác xa lạ bơ vơ giữa chợ. Gạo nếp nơi đây sao trắng quá Mỗi ngày phiên chợ một thêm đông Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết Một mình em vẫn cứ tay không. (Nguyễn Bính – Xuân Tha Hương) Xưa kia, hình ảnh một anh đàn ông giữa chợ luôn gợi cảm giác không phù hợp, huống hồ một ông quan thượng (thượng thơ?), “dân chi phụ mẫu” gói bánh bưng đi bán dạo ngoài chợ thì thật là vừa khôi hài vừa rẻ rúng “hết biết”. Một nhà thơ khuyết danh thương hại vị quan to nhưng bon chen nhỏ mọn ấy, đã không ngần ngại gọi tuột ra cả tên lẫn họ: Nghĩ thương quan thượng Nguyễn Kim Trì Khôn khéo không ai dám sánh bì Gói bánh bon chen bưng dưới chợ Trồng trầu táy mót bán trong ty… Thật khó tưởng tượng bản thân quan thượng bưng bánh bán rao ngoài chợ. Chắc là do người nhà quan làm mà quan mang tiếng. Nhưng nếu vì làm quan thanh liêm nên gia cảnh chật vật, quan buộc lòng phải để người nhà, vợ con xoay sở kiếm thêm thu nhập như thế thì cũng lương thiện và chính đáng thôi mà. Bây giờ đàn ông đứng bán hàng ngoài chợ không còn lạ mắt nữa. Ở chợ Đồng Xuân trước đây đã từng có ít nhất một “anh hàng dừa”: Vui nhất là chợ Đồng Xuân Thứ gì cũng có xa gần bán mua Giữa chợ có anh hàng dừa Hàng cam hàng quít hàng dưa hàng hồng… Hóa ra, anh “hàng dừa” mà ngày nay có thể nhìn thấy trên mọi con đường ở thành phố Hồ Chí Minh vốn đã có mặt rất sớm trong chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, và đã đi vào ca dao từ đời nảo đời nao rồi! Chợ Đồng Xuân vốn là hai chợ Bạch Mã và Cầu Đông xưa (Bà già đi chợ... này đây!), khánh thành lần đầu vào năm 1890. Sau trận cháy chợ nghiêm trọng năm 1994, chợ được xây mới, đưa vào sử dụng năm 1996, và là một chợ cổ phần. Và ai biết được trong quang cảnh đông đúc “đủ người gần xa”, “dập dìu” ở Chợ Đồng (tức chợ Đồng Nương ở Cẩm Khê) lại cũng có nhiều bóng dáng đàn ông trong đó: Chợ Đồng vui vẻ ai ơi Sáu phiên một tháng đủ người gần xa. Trước cửa đình trông ra đường cái Dưới dòng sông một dải trong veo Thuyền buôn tay lái tay chèo Bộ hành kẻ gánh người đeo dập dìu Vậy mà, lạ thay, dường như chợ đêm Hòa Bình (ngày trước) lại dành cho đàn ông (và là đàn ông bẹp tai) thì phải. Thi sĩ Tản Đà từng đi chơi chợ Hòa Bình và ghi nhận: Mỗi tháng chợ đêm ba buổi họp Ngọn đèn nha phiến đốt linh tinh! (Tản Đà – Chơi Chợ Hòa Bình) Một vài chợ huyện, chợ tỉnh ở miền Bắc ngày xưa có lẽ cũng phần nào có tính chợ chuyên như các phố phường ở Hà-Nội. Chợ Giầu bán sáo bán sàng Bắc Ninh bán những nhẫn vàng trao tay Đình Bảng bán ấm bán khay… Phù lưu họp chợ mỗi ngày mỗi đông… Ở miền Nam “thời cựu”, người từ lục tỉnh lên Sài Gòn buôn bán làm ăn là chuyện bình thường. Trong giao tiếp qua lại, nhiều mối tình nảy nở giữa hai bên. Do những biến động của thời cuộc, hay do làm ăn thất bát sao đó mà một bên đã hát lời chia tay thống thiết này: Chợ Sàigòn cẩn đá, Chợ Rạch giá cẩn xi-moong Giã em ở lại vuông tròn Anh về xứ sở không còn xuống lên Ngày nay với đề án giảm bớt số chợ truyền thống trong thành phố để phát triển siêu thị, có lẽ đến một lúc nào đó con số trên hai trăm chợ lớn nhỏ có mặt xưa nay tại các quận huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh sẽ chỉ còn để lại vài di tích hoặc hình bóng trong ca dao hay trong tác phẩm văn học mà thôi. Và với kỹ thuật và vật liệu xây dựng hiện đại, có lẽ khó tìm ra được một ngôi chợ mới nào còn được “cẩn xi-moong”. Saigon 2001 (Bổ chú: 2010) ------------------------
44 Nguyễn Án - Phạm Đình Hổ, Tang Thương Ngẫu Lục, NXB Văn Học, 1972, Tr. 19.
[1] nay không còn nữa.
45 Theo Bùi Thiết, Tự Điển Hội Lễ Việt Nam, Nxb Văn Hoá,1993.46 Lê Nữ Yên Thương, Hương Hỏa Đời Làng, Saigon Tiếp Thị, số Xuân 2000, tr. 19. [2] Tam, théc, tiếng Nghệ Tĩnh: Ru em em ngủ cho muồi. 47 Có dị bản :”Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim” 48 Trần Thanh Hà, Vui Chơi chợ Huế, Saigon Tiếp Thi Xuân 2000, trang 20. 49 Trần Thanh Hà, đã dẫn. 50 Sơn Nam, “Chợ Lớn – Sài Gòn”, Saigon Tiếp Thị Xuân 2000, trang 30.
Mẹ Cắt móng tay cho mẹ, chợt nhận ra bàn tay mẹ toàn xương, những lóng tay khô như cọng rạ phơi mất tính hồi sinh. Bàn tay ấy từng tắm rửa cho con, vỗ vào mông để con tròn giấc ngủ. Áo con lành nhờ bàn tay mẹ. Con đói lòng bàn tay mẹ đút miếng cơm nhai. Giờ hai bàn tay mẹ đã gầy như không còn cách nào gầy nữa. Mẹ cố xỏ sợi chỉ vào lỗ kim nhưng đầu sợi chỉ cứ đưa qua đưa lại không sao xỏ vào được. Con thương mẹ vô cùng. Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh”. Cuối tháng, lãnh lương, dẫn người thương đi shopping. Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da, giống mẹ anh đó, mẹ bị nám hết anh thấy không…” Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn, nào đã biết phấn son tốt xấu màu sắc là gì. Tôi mồ côi mẹ từ nhỏ. Hôm nay sau giờ giảng, tôi hát cho các em nghe… “Mẹ già như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng con phải mồ côi…” Tôi nói với các em: “Chúng ta thật hạnh phúc khi được ở trong vòng tay mẹ”. Có tiếng khóc ở góc lớp. Tôi đến cạnh em hỏi: - Sao con khóc? - Con nhớ Mẹ! Đứa bé đáp ngập ngừng. - Mẹ đâu? Nhìn theo tay đứa bé, tôi thấy một người đàn ông nước da đen sạm đang đứng trước cổng trường. Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo: - Nhà ngoại ở cuối con đê. Trên đê chỉ có mẹ, có con. Lúc nắng, mẹ kéo tay con: - Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra. Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng: - Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ. Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ? Trời vẫn nắng, vẫn râm... Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên. Cổng trường ngày thi đông nghẹt thí sinh và phụ huynh. Những gánh hàng, dãy quán mọc lên san sát trên khoảng đất trống cạnh trường. "Út, Út, Út ơi!". Cô học trò lúng túng tách khỏi đám bạn, đi về phía tiếng kêu. "Ăn đi con. Xôi đậu. Thi sẽ đậu đấy". "Con ăn rồi. Sao má lại ra đây!". Cô quày quả vào trường, vội vàng như trốn chạy... Mùa thi lại về. Cô giáo trẻ tần ngần trước cổng trường nhộn nhịp. Giọt nước mắt muộn màng đọng nơi khóe mắt. "Con mãi sẽ không đậu khi chối từ gánh xôi của má. Má ơi!". Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: răng yếu. Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: - Cua rang muối thật đó mẹ. Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: - Còn răng đâu mà ăn?! Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo vòng. Mấy chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: - Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui. Mấy chị em không ai bảo ai, nhìn nhau nước mắt rưng rưng. Hễ nhà có dịp đi dự đám, nó thường vòi vĩnh xin theo. Thấy nhà bạn có giỗ vui vầy, nó thắc mắc với bà: “Sao nhà mình không có giỗ như nhà người ta hả nội?”. Nội mỉm cười rồi cốc vào đầu nó: “Khi nào bà mất thì cháu sẽ được ăn giỗ, cháu có vui không?”. Nó giật mình, thảng thốt. Bây giờ nhà nó cũng có giỗ. Mọi người xúm xít quây quần. Riêng nó thấy buồn, ray rứt. Giá mà nó được gặp lại bà, dù chỉ một lần, bà ơi! "Má! Má lên đây làm gì?". Cô sinh viên sắp nhận bằng cử nhân giãy nãy lên hỏi người mẹ quê mùa còm cõi. - "Má nghỉ bán một bữa lên coi con lãnh bằng tốt nghiệp". - "Không được đâu! Bữa nay bạn con đông lắm, mà má lại ăn mặc thế này..." - "Thì má có còn bộ nào khác đâu. Thôi cho má vào. Má..." - "Thôi, thôi, má về đi. Con thì thế này, má thì thế kia… Tụi bạn con nó cười…!" Nói rồi, cô sinh viên xinh đẹp chạy ào vào trong hội trường… Vừa lúc người xướng tên giới thiệu: "Sinh viên Phạm Thị P.X. là một trong những sinh viên xuất sắc của trường". Hoàng Chúc St NHỮNG NGHỊCH LÝ CUỘC ĐỜI TRONG THỜI ĐẠI CHÚNG TA 1. Càng ngày chúng ta càng có những ngôi nhà lớn hơn nhưng gia đình mỗi ngày một nhỏ đi. Nhiều tiện dụng hơn nhưng thời gian lại ít đi. 2. Nền giáo dục mỗi ngày một cao hơn, nhiều hiểu biết hơn, nhưng lại ít đi những tri thức lành mạnh và khả năng phán đoán vấn đề. 3. Chúng ta có nhiều nhà nghiên cứu, phát hiện được nhiều vấn đề và có nhiều loại thuốc hơn, nhưng bệnh tật lại gia tăng và ít người có sức khỏe tốt. 4. Chúng ta ngày càng ít cười vô tư hơn, dễ nổi nóng, dậy rất muộn, xem TV quá nhiều, và ngày càng trở nên kém tế nhị đi. 5. Chúng ta có nhiều nhà cao tầng nhưng lại ít nhiệt tình đi, nhiều con đường rộng lớn, nhưng những định hướng lại nhỏ hẹp lại, tiêu nhiều tiền nhưng lại được rất ít, mua nhiều thứ nhưng lại chẳng dùng đến chúng. 6. Của cải ngày càng nhiều, nhưng giá trị của chúng ta ngày một giảm, chúng ta nói rất nhiều, yêu thương quá ít và nói dối quá thường xuyên. 7. Chúng ta có thể bay lên mặt trăng rồi quay về trái đất, nhưng chúng ta lại ngại rẽ qua con phố để sang nhà hàng xóm. 8. Chúng ta tạo ra hạt nhân nguyên tử, nhưng không phân định rõ được những thành kiến của mình. 9. Viết nhiều hơn nhưng học ít hơn, có nhiều dự định, nhưng lại hoàn thành chúng ít hơn; chúng ta đã học cách trở nên vội vã, nhưng không học cách chờ đợi; lương tháng ngày càng cao, nhưng đạo lý thì vơi đi nhiều. 10. Chúng ta tạo ra nhiều máy tính để có được nhiều thông tin, nhiều bản sao hơn, nhưng lại càng ít đi những giao tiếp giữa người với người. chúng ta lấy số lượng thay vì chất lượng. 11. Đây là thời đại của những thức ăn nhanh, những nhân vật tên tuổi lớn nhưng ít… chất 12. Nhiều thời gian rỗi, nhưng ít niềm vui. Nhiều loại thực phẩm, nhưng lại thiếu dinh dưỡng. 13. Lương chồng, lương vợ nhiều hơn, nhưng nhiều cuộc chia tay hơn; nhiều ngôi nhà đẹp hơn, nhưng nhiều gia đình tan vỡ. 14. Thế nên, đừng chỉ ăn mừng vào những dịp lễ lớn mà hãy đối xử với từng ngày trong cuộc đời bạn như là một lễ hội đặc biệt. 15. Hãy nói với gia đình và bạn bè rằng bạn yêu quý họ như thế nào. Đừng do dự khi nở nụ cười hay đón những niềm vui đến với mình. 16. Hãy khám phá những điều mới mẻ, hãy đọc nhiều hơn, hãy thử ngồi và ngắm nhìn khung cảnh xung quanh, hãy dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, hãy ăn những món bạn thích và đến những nơi bạn muốn. 17. Hãy loại bỏ những từ như “để sau”, “một lúc nào đó”, hay “không phải bây giờ” ra khỏi kho tàng từ ngữ của bạn. 18. Hãy uống từ những chiếc ly thủy tinh đẹp nhất. Dùng loại nước hoa hạng tốt nhất hàng ngày, thay vì tiết kiệm nó bằng một loại cồn thơm. 19. Sống là để tận hưởng những khoảnh khắc chứ không phải chỉ để tồn tại. 20. Bạn hãy nhớ rằng mỗi một ngày, mỗi một giờ, mỗi một phút chỉ đến trong đời bạn có một lần thôi MĐ St
NGỪNG UỐNG TRÀ ĐINH Bs Nguyễn Lân-Đính truy cập từ Internet Ngày 18 tháng 2,2011 Xin chuyển đến quý thân hữu. Hãy ngừng uống Trà Đinh ngay... Coi lại việc xử dụng Xuyên Tâm Liên và Tâm Sen nữa Trong đại hội Y khoa châu Âu ngày 16 tháng 10, tại Hotel Novotel Paris 14, mà chủ đề là bệnh Tiểu đường. Giáo sư Trần Đại Sỹ diễn giảng đề tài về khả năng Y khoa Trung quốc, Việt Nam trong trị tiểu đường có đoạn: “Tại Trung quốc, sau khi Hồng quân chiếm được Hoa lục (tháng 9-1949), họ đã thiết lập mỗi tỉnh đều có một viện nghiên cứu, giáo dục y học cổ truyền mang tên Trung y học viện. Tại Việt Nam thì cấp quốc gia có Viện Đông Y, rồi Viện Y Học Dân Tộc, rồi Viện Châm Cứu. Ấy là chưa kể bên cạnh còn những hội nghiên cứu từng loại bệnh, từng loại thảo dược. Việt Nam là một quốc gia có nền y học dân gian, khác hẳn với y học Trung quốc. Trong suốt chiều dài chiến tranh (1945-1985, kể cả chiến tranh Hoa-Việt, Miên-Việt) hoàn cảnh khó khăn, người ta khai thác cùng kỳ cực y học dân gian. Sau chiến tranh, các kinh nghiệm đó được chỉnh đốn lại, rồi khai triển, xử dụng. Kết quả không thua nền y khoa bác học và Tây y. Đó là nói về những nét chung chung sự quan tâm của giới cầm quyền, lưu tâm đến kinh nghiệm dân gian. Thế nhưng trong dân gian, người biết cùng kỳ cực thì ít, mà người chỉ nghe qua, biết qua thì nhiều. Họ không tự hiểu rằng họ chỉ nghe truyền khẩu chút ít mà thôi. Thế nhưng họ rồi khăng khăng cho rằng điều mình biết là thuốc tiên thuốc thánh. Bỏ qua những phong trào chỉ xuất hiện trong một làng, một huyện hay một tỉnh. Tôi xin nói qua về ba phong trào lớn, khắp quốc gia, lan ra thế giới do làn sóng Việt kiều. – Một là Xuyên tâm liên Sau 1975, Tây dược khan hiếm toàn miền Nam Việt Nam. Thảo dược không đủ đáp ứng nhu cầu. Dân chúng một vài nơi có kinh nghiệm dùng cây Xuyên tâm liên để trị sốt, viêm. Sau khi một ký giả đăng tin có thầy lang dùng Xuyên tâm liên trị được bệnh viêm phổi, sưng khớp. Thế là cả nước cùng dùng Xuyên tâm liên trị đủ thứ bệnh. Xuyên tâm liên được rút nước cốt chế thành viên, dùng trong hầu hết các bệnh xá, bệnh viện. Mà trên thực tế Xuyên tâm liên chỉ có tác dụng làm hạ nhiệt mà thôi. Xuyên tâm liên còn có tên là Công cộng, Nguyên cộng, Lam khái liên. Thời Pháp thuộc tại Pondichery có tên Roi des amers. Tại Anh là Green chireta. Tên khoa học là Andrographis paniculata (Burm). Còn có tên là Justicia paliculata Burm. Thuộc họ Ô rô (Acanthaceae). Cái nguy hiểm là Xuyên tâm liên có độc tố phá vỡ các tế bào não, tâm, thận. Sau một thời gian, Xuyên tâm liên cướp đi cuộc sống không biết bao nhiêu người, phong trào này mới dứt. Hai là Tim sen. Tim sen vị đắng, nhập tâm, tâm bào kinh. Tác dụng của nó là hạ nhiệt. Hạ nhiệt tim, thận, tỳ, phế. Vì vậy những người bị thực nhiệt uống vào thì hỏa hạ xuống; trong người cảm thấy sảng khoái, ngủ được. Những người bị âm hư, uống vào cũng ngủ được, nhưng ít lâu sau sẽ bị mệt mỏi, mất trí nhớ, tim đập thất thường, tắc tĩnh động mạch. Nam thì bất lực sinh lý (Dysfonction Érectile), nữ thì kinh nguyệt xáo trộn. Ngoài ra tim sen tim sen có độc tố. Độc tố này làm hủy hoại tế bào óc, thận và tim. – Ba là trà đắng (trà đinh). Gần đây trong nước rộ lên phong trào uống Trà đắng. Trà đắng có hai loại, một tên là Ilex cornuta Lindl mọc ở Giang tô, Triết giang, Thượng du Bắc Việt. Một loại có tên Ilex latifonia Thund mọc ở Triết giang, Phúc kiến, Quảng Tây và Thượng du Bắc Việt. Sau khi thu hái, người ta cuộn lại giống hình cái đinh, nên gọi là Trà đinh. Trong nội địa Việt Nam rộ lên phong trào dùng trà đinh để trị huyết áp cao, mất ngủ, cholestérol, tiểu dường. Rồi con buôn nhảy ra khai thác: Trà tiên trị bách bệnh. Phong trào đó lan ra hải ngoại. Hầu hết những bà thất học, bất chấp lời can của Bác sĩ gia đình, của thân thuộc là nạn nhân. Họ như bị ma, quỷ nhập, cứ thi nhau uống. Loại trà này dược học Trung quốc gọi là Khổ đinh trà. Có tác dụng tả hỏa, thanh nhiệt rất mạnh vì vậy nó làm cho dễ ngủ, nhất là một vài dạng huyết áp cao, tiểu đường hạ xuống (Huyết áp cao do Can dương thượng thăng. Tiểu đường do Phế âm hư). Tính của nó hàn. Khi dùng từ 5g một ngày: Khí huyết bị bế tắc. Thận, tâm, tỳ, phế dương bị tổn hại. Máu ứ đọng trong các tiểu mạch, tim đập chậm lại. Tại Liên Âu đã xẩy ra rất nhiều tai nạn khi dùng loại trà này. Trà được đưa vào Liên Âu qua đường du lịch, bất hợp pháp. Những nạn nhân hầu hết là phụ nữ lớn tuổi, thất học, khi về thăm Việt Nam, Nam Trung quốc mang sang. Xin thuật hai y án mới nhất: 1. Bà X R, 53 tuổi, thất học, buôn bán, sống tại Berlin (Đức) Có một con gái 18 tuổi, đã cắt tử cung. Tuyệt kinh từ năm 43 tuổi.Thường bị mất ngủ, phong thấp. Tết Ất Dậu (2005) về thăm quê. Được người nhà khuyên uống Trà đinh. Sau khi uống, thấy ngủ được (do tính hàn), và phong thấp giảm đau (do tính hàn, chống phong là dương tà). Khi rời Việt Nam về Berlin, mang theo 10 kg, chia thành túi nhỏ 5g, tặng cho khách hàng của bà. Riêng bà mỗi ngày uống 5g buổi sáng, 10 buổi chiều. Sau hơn tháng: Tóc bắt đầu đổi mầu úa vàng, sáng dậy tóc bị gẫy. Trí nhớ giảm thoái, Nhịp tim còn 55/ phút, Bàn chân, tay lạnh, Lưng lạnh, Độ kính lão từ 1,5 tăng lên 2,5. Ăn vào đầy ứ, khó tiêu. Bác sĩ gia đình là người Đức, nên không hề biết gì về Trà đinh, mà cứ cho rằng bà X bị tình trạng lão hóa tăng do làm việc quá độ. Sang tháng thứ 5, đang đi đường bị choáng váng, ngã. Đưa vào bệnh viện. Bệnh viện tìm ra: 65% tế bào óc không làm việc, Tâm lực suy yếu. Bao tử, ruột, gần như không làm việc. Siêu vi gan B, do độc tố. Bà từ trần tại bệnh viện sau 21 ngày. 2. Bà ZM, 75 tuổi. Không nghề nghiệp, hưởng tiền trợ cấp già. “Vì con dâu bà là học trò của tôi. Luật nước Pháp không cho con điều trị cho cha mẹ. Nên con dâu bà nhờ tôi làm y sĩ điều trị cho bà (Médecin traitant) đã 9 năm. Cũng qua liên hệ này tôi nhận thù lao của bà bằng CMU. Suốt 9 năm, tôi săn sóc bà cực tận tình: chích ngừa, kiểm soát ăn uống, dạy Khí công. Cho nên sức khỏe của bà rất tốt. Tới tháng 7-2005 bà chỉ phải dùng 2 loại thuốc là 2 gói (sachets) trà Hao ling trị Cholestérol và Amlor 5 trị huyết áp cao. Giữa tháng 7 bà về Việt Nam thăm quê hương. Không biết ai khuyến khích, bà bỏ hết 2 loại thuốc trên mà chỉ uống Trà đinh với lượng cao là 10g một ngày, mà lý ra chỉ dùng 5g là đã có tai vạ rồi. Khi về Pháp, bà mang theo 5kg Trà đinh. Bà có hẹn với tôi định kỳ hằng tháng vào ngày 5 tháng 9 năm 2005, để kiểm soát sức khỏe. Khi bà trình diện, nhìn sắc diện bà, tôi kinh hãi: Tóc, lông mi, lông mày hóa ra mầu úa thay vì muối tiêu Da mặt ủng vàng Tứ chi lạnh Huyết áp 13-7 (trước kia là 16-8). Tim đập 50/ phút. Kiểm soát đường tại chỗ 8,5 g/l. Vì buổi sáng bà không ăn gì, tôi gửi thẳng bà tới laboratoire, hai ngày sau tôi được kết quả: Hồng cầu còn 3.5 triệu, Créatinine tăng tới 54 Bà bị Hépatite B+C. Tôi gửi bà tới một đồng nghiệp nội khoa, và báo cho con dâu bà biết. Tôi khẩn thiết yêu cầu bà ngừng Trà đinh ngay. Bà cự nự rằng chết thì chết, chứ bà không bỏ thuốc tiên đó. Con trai bà biết không cản được mẹ, anh ta dấu hết Trà đinh của bà. Bà đứng trước balcon đe dọa: Nếu không trả thuốc tiên cho bà thì bà nhảy lầu tự tử ngay. Bà được toại nguyện. Ngay lập tức ngày 9-9-2005 tôi nhận được thư bảo đảm có báo nhận. Trong thư bà rút lại không nhận tôi là y sĩ điều trị của bà. Thông thường muốn đổi y sĩ điều trị, thì bệnh nhân chỉ viết thư báo cho cơ quan bảo hiểm y tế biết, và điện thoại cho y sĩ điều trị là đủ. Đây bà muốn trả ơn 9 năm chăm sóc bà bằng hành động làm nhục trên. Tôi vội fax thư của bà cho văn phòng bảo hiểm y tế của bà và con dâu bà. Tôi xoa tay, hết trách nhiệm. Ngày 14 -9-2005, con dâu bà báo cho tôi biết, bà bị hôn mê, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bệnh viện kết luận bì bị hôn mê vì trúng độc. Hiện (11-10-2005) bà bị liệt 2 chân, tay phải, một mắt mù 100%, một mắt thị lực còn 40%. Trong cơn hôn mê bà réo tên tôi cầu cứu. Nhưng tôi vô thẩm quyền, chỉ có thể vào nhà thương thăm bà vì bà là mẹ chồng của một người học trò tôi, chứ tôi không còn quyền y sĩ điều trị”. Dr. Bùi Kim Loan (Gyneco-Obst) Hopital Bietighiem, Universitat Heidelberg, Germany Posted Yesterday, 09:52 PM
Phụ Bản IV
|