VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 14/12/2013 CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA & NAY Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 3 cuốn sách, một cũ và 2 mới. Cuốn cổ thư là một cuốn sách mang tựa đề là “Chuyến Du Lịch Thăm Châu Á” (Le Tour d’Asie) được xuất bản năm 1899 (114 năm trước) của tác giả Marcel Monnier (1853-1918), một thông tín viên của tờ Thời Đại (Temps), người đã dành nguyên một cuốn sách để viết về những gì ông quan sát thấy và tìm hiểu được trong chuyến đi tới Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong khoảng thời gian từ 1894 tới 1897. Cuốn sách khổ 13cm x 20cm và dày 333 trang, có 38 tấm ảnh rất đẹp do chính tác giả chụp. Vì cuốn sách khá hay, nên Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã hứa sẽ giới thiệu kỹ hơn về nội dung trong Bản Tin tháng tới. Cuốn thứ nhì được giới thiệu là một cuốn sách mới được xuất bản năm 2004, do nhà Xuất Bản Văn Hóa Thông Tin, mang tựa đề là SỐNG VỚI SÁCH. Đây là một cuốn sách của một tác giả là một nhà giáo, đồng thời là một nhà nghiên cứu, người Anh sinh năm 1955 (58 tuổi) viết về sách với lời giới thiệu nguyên văn như sau đây: “Quyển SỐNG VỚI SÁCH tìm tòi và khám phá những phương cách khác nhau để sách không những được lưu trữ một cách hợp lý mà còn đóng vai trò hoàn hảo trong việc tạo cá tính cho ngôi nhà hoặc căn hộ của chúng ta”. Với lý do trên sách chứa đựng hàng trăm hình chụp các cách lưu trữ bày biện sách, các loại tủ sách, kệ sách vv… Cuốn sách in khá đẹp, với hình mầu, nhưng nhìn chung các tủ và kệ sách chưa chắc đã đẹp bằng nhiều tủ và kệ sách của các nhà chơi sách người Việt chúng ta. Còn về nội dung thì không có gì đặc biệt, nếu không muốn nói là hơi… bị tếu, vì sách gì mà đem để cả ở nhà bếp và phòng tắm (ở ta, phòng tắm đôi khi… lại là phòng toa lét luôn!) nên người viết thấy không mấy khoái. Cuốn sách thứ ba được giới thiệu là một tập truyện ngắn của tác giả Đào Thị Thanh Tuyền, một nhà văn nữ, 54 tuổi, sinh sống ở Khánh Hòa, mà tình cờ Dịch giả Vũ Anh Tuấn quen trên Facebook và được nhà văn nữ đó tặng, và ông cũng tặng lại nhà văn đó sách của ông. Sau phần giới thiệu sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã nói về việc các tác giả có thơ trong tập thơ của các thành viên cần cung cấp mỗi người một ảnh chân dung và vài dòng tiểu sử vắn tắt để in vào tập thơ. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bs. Nguyễn Lân-Đính có nói qua về việc người cháu của ông ở Mỹ đã có sự nhầm lẫn về tên của ông trong một đề tài nghiên cứu. Sau khi Bs. Đính kể xong, nhà thơ nữ Minh Hưng đã lên ngâm tặng các thành viên bài thơ nhan đề là “Còn Mãi Với Thời Gian” mà nhà thơ tặng các thành viên đều đã đạt mức, hoặc tròm trèm cổ lai hy. Sau nhà thơ nữ Minh Hưng, anh Thanh Châu lên nói về bài ca từ biệt “Au revoir” và ca tặng các thành viên bài ca đó. Tiếp lời anh Thanh Châu, anh Phạm Vũ lên nói về bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng. Tiếp lời anh Phạm Vũ, bà Thùy Dương lên nói về các kỷ niệm của bà với nhạc sĩ Văn Cao, và cho các thành viên xem thủ bút của nhạc sĩ Văn Cao đề tặng bà mấy bài thơ. Kế đó các thành viên đồng ca hai bài Thăng Long Thành và Thiên Thai của cố nhạc sĩ Văn Cao. Cuối cùng bà Xuân Vân lên ca bằng giọng ca khá mượt mà của bà bài “Mùa Xuân đầu tiên” là bài ca cuối cùng của Văn Cao. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày. Vũ Thư Hữu
TỔNG KẾT MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG CỦA CLB SÁCH XƯA & NAY Cả ngày loay hoay xếp đặt đống sách vở vừa khui thùng sau chuyến dọn nhà, nên tôi không mang điện thoại theo người. Vừa nghỉ ngơi, lấy điện thoại mở ra thì gặp cuộc gọi nhỡ của Ô. Chủ Nhiệm. Gọi lại, thì hóa ra là ông yêu cầu tôi viết mấy dòng tổng kết một năm hoạt động của CLB, với lý do là “anh em khác không rảnh, chỉ có bà vừa dọn nhà nên rảnh rang”! Trời đất! Không biết ông có vì “tuổi già, sức yếu” mà nhầm lẫn hay không, để cho người dời nhà là rảnh rang, trong khi tôi chỉ có 2 mẹ con mà phải ổn định cho 2 xe tải 5 tấn với hằm bà lằng bàn, ghế, giường, tủ, tranh ảnh, sách vở, chén, bát, nồi niêu, soong chảo?! Mà thôi, “cung kính bất như tuân lệnh”, tôi tạm ngừng bố trí đồ đạc để ghi lại mấy dòng về hoạt động của CLB năm vừa qua. Năm qua, có l tin buồn là CLB phải chia tay với 1 Thành Viên, đó là Ô. Phạm Phú Thành, cháu cố của Danh Nhân Phạm Phú Thứ, người vẫn cộng tác với Nội San với nhiều bài ký tên PTT. Ông ra đi ở tuổi ngoài 80, để lại thương tiếc cho tất cả thành viên còn lại. Ngoài ra thì CLB vẫn đều đặn sinh hoạt. Hàng tháng vẫn họp đều ở Nhà Thờ Tân Sa Châu. Ngoài Nhà Văn, Nhà Thơ ở Miền Bắc vẫn gởi bài tham gia, mấy kỳ gần đây còn có sự góp mặt của Giáo Sư Tiến Sĩ Vũ Đình Huy, người vẫn đều đặn có thơ đăng trong Nội San, mà người đọc vẫn nhận xét là: Tuy là một nhà Khoa Học nhưng cảm xúc trong Thơ của Ông thật là tinh tế và không kém phần lãng mạn. Mở lại các số Xuân, tôi thấy, CLB bắt đầu sinh hoạt từ năm 2006, nhưng đến 2009 mới bắt đầu có số Xuân. Số đầu tiên chỉ có 112 trang, kế đó là 117, rồi 136, 148. Số Xuân năm 2013 vừa qua là 152 trang. Số Xuân này đến hơn 168 trang, chứng tỏ CLB ngày càng “ăn nên, làm ra”. Nếu như Giáo Sư Vũ Đình Huy đã khẳng định: “Tôi không thể nằm yên chờ cái chết Đến giường tôi âm ỷ giết tôi dần” Thì những thành viên CLB cũng thế. Người trẻ nhất có lẽ cũng gần 50. Các Thành Viên còn lại đều vào hàng U80, 90... nhưng vẫn hăng hái tham gia sinh hoạt, góp bài vở, xem đó như một sân chơi để thư giãn cho tuổi già không trở thành nhạt nhẽo, vô vị. Tuy chỉ là tờ Nội San nhỏ bé, lưu hành Nội Bộ, nhưng người tham gia viết bài đều đã nhiều tuổi, nhiều kinh nghiệm sống, và rất nhiệt tình để nói về cái hay, cái đẹp, về những điều nên làm, cần tránh, những câu chuyện vui cười vv... Nội dung khá đa dạng, nhưng đầy tính xây dựng. Dù nói về chuyện ngày xưa hay chuyện thời đại đều nêu lên những mặt đáng trân trọng của cuộc đời. Bài viết hoặc Thơ mà các Thành Viên đóng góp là những gì được chắt lọc từ kinh nghiệm sống của hơn nửa đời người, nên ý tưởng phong phú, không sao chép, không bị ảnh hưởng trào lưu mới, vì thế dễ đọc, dễ đi sâu vào lòng người. Có lẽ vì vậy mà không chỉ riêng nội bộ đọc, Nội San còn được một số trang mạng tiếp tay phổ biến, như trang Web newvietart.com, diendansonghuong.com, vandanviet.com, hoamai-aus.org.au... Trang chủ của CLB là sachvatranh.com thì mới mở hơn 2 năm mà số lượt truy cập đã lên đến 308.000 lượt, chứng tỏ được nhiều người quan tâm. Đúng vào ngày đầu năm 2014, ông Chủ Nhiệm đã khoe với tôi là: “Chỉ từ 6g15 phút ngày hôm trước, đến hôm sau đã có 1.000 lượt truy cập”! Tuy tôi cười nói với ông là: “Chỉ riêng mình ông cũng đã 800 lượt rồi!”, nhưng cũng phải nhìn nhận đó là một con số không nhỏ chút nào. Các Thành Viên nghe được chắc cũng lên tinh thần vì biết rằng những gì mình trải lòng cũng có được nhiều người từ nhiều nơi hưởng ứng. Bản thân Chủ Nhiệm thì tờ Nội San càng dày thì càng “viêm màng túi” nặng, nhưng ông vẫn vui vẻ, cho rằng đó là cơ hội để ông kể công với Mẹ Âu Cơ. Những năm trước, mỗi Quý, Ông Chủ Nhiệm và các thành viên CLB đều đến thăm một nhà lưu niệm của một danh nhân. Tiếc rằng thời gian gần đây không tìm được địa chỉ nào, nên đành chịu. Ngoài ra, chắc chắn trong năm 2014 này tập thơ “Mây Bạc” của các Thành Viên sẽ hoàn tất sau nhiều kỳ bàn bạc kéo dài... Vậy là thêm một Mùa Xuân mới lại đến. Thay mặt cho CLB, xin kính chúc toàn thể các Thành Viên và quý độc giả một năm mới an khang, thịnh vượng. Chúc cho Nội San ngày càng khởi sắc, thêm nhiều bài viết hấp dẫn, nhiều Thành Viên tham gia để bài vở ngày càng phong phú hơn, và ngày càng thêm nhiều độc giả để cùng trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống. Tâm Nguyện Tháng 1/2014 VÀI DÒNG VỀ CUỐN CỔ THƯ “CHUYẾN DU LỊCH CHÂU Á” (LE TOUR D’ASIE) ĐƯỢC XUẤT BẢN 115 NĂM TRƯỚC (1899) CỦA TÁC GIẢ MARCEL MONNIER Đây là một cuốn sách dày 333 trang mô tả chuyến đi của tác giả Marcel Monnier, một thông tín viên của một tờ báo Pháp hồi cuối thế kỷ thứ 19, tờ Thời Đại (le Temps). Tác giả này sinh năm 1853 ở Paris, vừa là nhà văn, nhà báo, vừa là một nhà du hành có tiếng của Pháp, vì trong thời trai trẻ, sau khi đã đi khắp châu Âu, anh ta lại đi khắp Trung Mỹ, đi tới tận Hạ Uy Di, và rồi trong những năm 1884 tới 1887, anh ta qua Ấn Độ Dương, tới Mã Lai Á và Úc Châu. Trong hai năm 1891 và 1892, anh ta đi thăm xứ Guinée thuộc Pháp, và rồi trong thời gian từ 1894 tới 1897, với tư cách Thông tín viên của tờ Thời Đại anh ta tới Đông Dương thuộc Pháp, Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Quốc. Sau chuyến đi này tác giả này viết một bộ du ký mang tựa đề là “Chuyến Du Lịch Châu Á” và dành riêng tập 1 dày 333 trang để viết về Nam Kỳ (Cochinchine), Trung Kỳ (Annam) và Bắc Kỳ (Tonkin). Đi đến đâu nhà báo này cũng mô tả khá chi tiết những gì anh ta quan sát và cảm nhận bằng một giọng văn rất ít tính thực dân, không hề tỏ vẻ khinh miệt người bản xứ, tức là chúng ta bây giờ. Vì là một Thông tín viên nên anh ta đã có lần được mời vào Duyệt Thị Đường xem Hát Bội trong dịp sinh nhật lần thứ 17 của Thành Thái, đã được gặp và đã có bài viết về Nhiếp Chính Đại Thần Nguyễn Trọng Hợp… Vì thấy nhà báo này dành riêng một cuốn sách dày 333 trang chỉ để nói về những gì anh ta quan sát, cảm nhận, và đánh giá, để sau đó mô tả bằng những quan điểm và ý tưởng, cũng như cách viết rất ư là nhà báo của anh ta, nên tôi nghĩ nên giới thiệu cuốn sách một cách chi tiết một chút, vì nó có thể là một nguồn tư liệu cho những ai đang nghiên cứu lịch sử cận đại của chúng ta. Cuốn sách khổ 13 x 20cm này dày 333 trang và có chứa đựng 38 tấm hình mà anh ta đã chụp trong khi đi qua cả 3 miền đất nước của chúng ta, và cố nhiên là anh ta chụp những hình ảnh mà anh ta cho là độc đáo, đáng quan tâm ghi nhớ. Sách được chia làm 3 phần: Phần 1 nói về Nam Kỳ – Cao Miên và Xiêm và được chia làm 6 chương: Chương 1: Nói về những cảm nghĩ khi mới đặt chân lên đất Nam Kỳ – về những chuyện vụn vặt mang tính chất Nam Kỳ – về một cuộc họp của Hội Đồng thuộc địa – về Saigon ban ngày và ban đêm. Chương 2: Nói về phong cảnh ngoại ô Saigon – về sông Đồng Nai và về thác Trị An. Chương 3: Nói về xứ Mọi. Chương 4: Nói về đường đi từ Saigon tới Pnom-penh – về đường đi Angkor. Chương 5: Nói về Angkor Chương 6: Nói về đường bay đi Bangkok Phần 2 nói về Trung Kỳ và được chia thành 4 chương: Chương 1: Nói về miền duyên hải – về Đà Nẵng và Ngũ Hành Sơn – về con đường Cái Quan. Chương 2: Nói về Huế và vùng phụ cận – về Kim Long và về một Hội chợ của người Lào. Chương 3: Nói về Hoàng cung – về lễ hội Mùa Xuân và một dạ hội ở triều đình Huế. Chương 4: Nói về hình ảnh các quan trong triều – về một tiệc cưới và về Nhiếp Chánh Đại Thần Nguyễn Trọng Hiệp. Phần 3 nói về Bắc Kỳ và gồm 6 chương. Chương 1: Nói về Hải Phòng – Vịnh Hạ Long – và Hòn Gai. Chương 2: Nói về Hà Nội. Chương 3: Nói về trên đường về Yên Thế – về gặp gỡ Đề Thám – về một tên cướp biển đã thôi hành nghề. Chương 4: Nói về đường xe lửa đầu tiên ở Bắc Kỳ – về từ Lạng Sơn tới Ải Nam Quan. Chương 5: Nói về ở Quảng Tây và Long Châu. Chương 6: Nói về thung lũng sông Thương – và về một sự bảo hộ về mặt nông nghiệp. Tóm lại cuốn sách có thể vừa được coi như là một tài liệu tham khảo quý, và đồng thời là một cổ thư vì nó cũng đã được 115 tuổi đời… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI Vũ Anh Tuấn HẠC TRẮNG – Tuổi Hạc là Tuổi Già CON HẠC Có tên khoa học Gruiformes. Ở Việt Nam hạc là con vật của đạo giáo. Hình ảnh hạc chầu trên lưng rùa trong nhiều ngôi chùa, miếu..., hạc đứng trên lưng rùa biểu hiện của sự hài hòa giữa trời và đất, giữa hai thái cực âm - dương. Con Hạc ở Việt Nam, theo một số người thì có thể là con Sếu đầu đỏ. Loài vật này nằm trong sách đỏ thế giới và Việt Nam. CON SẾU Sếu đầu đỏ , hay còn gọi là S ếu cổ trụi , có tên khoa học là Grus antigone, là một loài chim quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và của thế giới ( Sách đỏ IUCN ). Trong các loài chim biết bay , sếu đầu đỏ là loài chim cao nhất thế giới. Sếu đầu đỏ có lông sơ cấp và lông bao cánh sơ cấp màu đen; đầu và cổ trụi lông, đầu và da trần trên cổ màu đỏ; vằn trên cánh và đuôi màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu màu xanh sừng. Chân đỏ. Chim non có bộ lông màu sẫm hơn. Loài phụ Ấn Độ có kích thước nhỏ hơn sếu đầu đỏ phương Đông và thiếu vòng trắng ở cổ. Sếu đầu đỏ cao tới 1.5m, nặng 8 - 10kg, là loài lớn nhất trong các loại sếu. Tiếng kêu của nó vang xa tới 2km. Sếu đầu đỏ thường sinh sống thành từng cặp vợ chồng, chúng duy trì mối quan hệ ghép đôi này rất chung thủy và cũng thường sinh sống lâu dài tại một khu vực nhất định. Tại Ấn Độ, Sếu đầu đỏ được coi là biểu tượng của cuộc sống hôn nhân chung thủy, tương tự như chim Uyên ương trong văn hóa Trung Hoa và các nước Đông Á. Người ta cho rằng khi một trong hai con chim - trong một cặp vợ chồng sếu đầu đỏ - vì một nguyên nhân nào đó mà chết đi, con chim còn lại sẽ không bao giờ ghép đôi với một con nào khác, thậm chí còn có thể nhịn ăn cho tới khi chết đói. Ý nghĩa và cách treo tranh thêu con Hạc . Sau chim P hượng H oàng, H ạc là biểu tượng phổ biến nhất của sự may mắn. Rất nhiều truyền thuyết cổ của người châu Á nhắc đến loài vật này và phú cho chúng nhiều thiên tính kỳ diệu. Hạc được cho là “linh vật” bất tử của tất cả các loài chim. Có 4 kiểu biểu tượng H ạc: H ạc đen, H ạc vàng, H ạc trắng và H ạc xanh, trong đó H ạc đen được xem là biểu tượng mạnh mẽ nhất của tuổi thọ. H ạc trắng bay vút lên trời xanh là biểu tượng của trí tuệ. Hình ảnh của hạc thường gắn liền với cây tùng, hoa mẫu đơn, hoa mai, mặt trời… cũng là những biểu tượng giàu ý nghĩa. Biểu tượng hạc và tùng thường được biết với tên gọi “Tùng H ạc diên niên” (tùng hạc trường thọ).
Bức tranh thêu“Tùng hạc diên niên” Hạc giấy biểu trưng cho niềm hy vọng Có một chàng trai yêu tha thiết một người con gái. Chàng trai lãng mạn gấp 1000 con Hạc giấy làm quà tặng người yêu. Lúc ấy, anh chỉ là một nhân viên quèn, tương lai không quá sáng sủa, nhưng anh và cô gái ấy, họ đã rất hạnh phúc. Cho tới một ngày… người con gái nói với anh rằng cô sẽ đi Paris. Không bao giờ trở lại. Cô còn nói không thể tưởng tượng được một tương lai nào cho cả hai người. Vì vậy, hãy đường ai nấy đi, ngay lúc này… trái tim tan nát, anh đồng ý. Khi đã lấy lại được tự tin, anh làm việc hăng say ngày đêm, không quản mệt nhọc cả thể xác lẫn tinh thần chỉ để làm một điều gì đó cho bản thân. Cuối cùng với những nỗ lực phi thường và sự giúp đỡ của bạn bè, anh thành lập được công ty của riêng mình. “Tôi phải thành công trong cuộc sống” - Anh luôn tự nói với bản thân - “Và sẽ không bao giờ thất bại trừ phi không còn cố gắng”. Một ngày mưa, khi đang lái xe, anh nhìn thấy đôi vợ chồng già đang đi dưới mưa cùng chia sẻ với nhau một chiếc ô mà vẫn ướt sũng. Chẳng mất nhiều thời gian để anh nhận ra đó là bố mẹ bạn gái cũ của mình. Trái tim khao khát trả thù mách bảo anh lái xe chầm chậm bên cạnh đôi vợ chồng để họ nhìn thấy mình trong chiếc ô tô mui kín sang trọng. Anh muốn họ biết rằng anh không còn như trước, anh đã có công ty riêng, ôtô riêng, nhà riêng… Anh đã thành đạt! Trước khi anh có thể nhận ra, đôi vợ chồng già đang bước tới một nghĩa trang. Anh bước ra khỏi xe và đi theo họ… Và anh nhìn thấy người bạn gái cũ của mình, cô đang mỉm cười ngọt ngào như đã từng cười với anh, từ trên tấm bia mộ. Bố mẹ cô nhìn anh. Anh bước tới và hỏi họ tại sao lại xảy ra chuyện này. Họ giải thích rằng cô chẳng tới Pháp làm gì cả. Cô bị ốm nặng vì ung thư. Trong trái tim, cô đã tin rằng một ngày nào đó anh sẽ thành đạt, nhưng cô không muốn bệnh tật của mình cản trở anh… Vì vậy cô chọn cách chia tay. Cô đã muốn bố mẹ đặt những con hạc giấy anh tặng bên cạnh cô, bởi nếu một ngày số phận mang anh về, cô muốn anh có thể lấy lại một vài con hạc giấy. Anh khóc… Cách tồi tệ nhất để nhớ một ai đó là ngồi ngay bên cạnh họ, nhưng biết rằng bạn không thể nào có được họ và sẽ không bao giờ được nhìn thấy họ nữa. Tiền là tiền, còn tình yêu thì thiêng liêng. Trong cuộc tìm kiếm sự giàu có vật chất, chúng ta hãy dành thời gian để tìm kiếm khoảnh khắc bên những người yêu thương. Bởi biết đâu, một ngày nào đó, tất cả chỉ còn là hoài niệm. Chúng ta cũng vậy, như chàng trai kia, cũng chỉ nhận ra giá trị lớn lao về sự có mặt của một người mà cuộc đời đã ban tặng cho cuộc sống của chúng ta khi một sáng mai thức giấc, người ấy đã không còn ở bên ta nữa. Có thể họ đã chẳng yêu bạn như cách mà bạn mong đợi ở họ, nhưng điều này không có nghĩa rằng họ không dâng hiến tình yêu của họ cho bạn bằng tất cả những gì họ có. Một khi bạn đã yêu, bạn sẽ mãi mãi yêu. Những gì trong tâm trí bạn có thể sẽ ra đi, nhưng những gì trong tim bạn thì mãi mãi ở lại. TUỔI HẠC LÀ TUỔI GIÀ Thông thường bất cứ người mang quốc tịch nào, sinh sống ở phần đất hay hoàn cảnh nào thì khi về già hay ngồi gậm nhấm lại quá khứ. Ở tuổi già, không có phương tiện di chuyển, bị trở ngại trong giao tiếp đã làm một số người sống một cuộc sống tẻ nhạt, từ tẻ nhạt đưa tới trầm cảm, khép kín. Từ đó sinh ra bao nhiêu bệnh, và khi có bệnh, sự chạy chữa xem chừng không có hiệu quả lắm cho những người này. Bác Sĩ Ornish, tác giả cuốn sách Love & Survival : Tách lìa tình thân gia đình và bạn bè là đầu mối cho mọi thứ bệnh từ ung thư, bệnh tim đến ung nhọt và nhiễm độc. Tình thương và tinh thần lạc quan là gốc rễ làm cho chúng ta bệnh hay khỏe. Ba mươi năm trước mà nghe ai nói cô đơn sinh ra các chứng bệnh thì người ta sẽ chỉ cười nhẹ... Nhưng bây giờ điều này đã được nhiều bác sĩ công nhận là đúng. Những buổi tĩnh tâm chung, có cầu nguyện, có tịnh niệm (tùy theo tôn giáo của mỗi người) chia sẻ những buồn vui, lo lắng của mình cùng người khác cũng giúp khai thông được những tắc nghẽn của tim mạch như là ăn những thức ăn rau, đậu lành mạnh vậy. Nếu không nói ra được những gì dồn nén bên trong thì chính là tự mình làm khổ mình. Khi nói ra, hay viết ra được những khổ tâm của mình thì hệ thống đề kháng được tăng cường, ít phải uống thuốc. Theo Bác Sĩ Ornish, khi bị căng thẳng cơ thể sẽ tiết ra một hóa chất làm cho mọi sinh hoạt ứ đọng, ăn không ngon, đầu không suy nghĩ, mạch máu trì trệ, mất sức đề kháng, dễ cảm cúm. Như vậy sự cô đơn cũng là chất độc như cholesterol trong những thức ăn dầu mỡ, mà chỉ có sống lạc quan mới cứu rỗi được. Nếu bạn không mở tâm ra cho người khác thì bác sĩ bắt buộc phải mở tim bạn ra thôi!!! Tuổi như thế nào thì gọi là già, chúng ta biết khi một người qua đời ở tuổi 60 thì được gọi là 'hưởng thọ'. Vậy sau tuổi 60 mỗi ngày ta sống là một “bonus”, phần thưởng của Trời cho. Chúng ta nên sống thế nào với những ngày 'phần thưởng' này. Lấy thí dụ một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chỗ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Trong những lời Phật dạy có câu: Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình. Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng... Chắc trong chúng ta không ai muốn rơi vào hoàn cảnh này. Gặp gỡ bè bạn thường xuyên trong những sinh hoạt thể thao là điều tốt lành nhất cho thể lý. Ði tập thể thao như nhẩy nhẹ theo nhạc, tắm hơi, bơi lội, tennis vv... đã giúp cho người lớn tuổi giữ được thăng bằng, ít ngã, và nếu có bệnh, uống thuốc sẽ công hiệu hơn, mau lành hơn. Gặp bạn, nói được ra những điều phiền muộn cho nhau nghe, ngồi tĩnh tâm, đến nhà thờ, chùa cầu nguyện giúp được làm chậm lại sự phát triển của bệnh. Bác Sĩ Jeff Levin giáo sư đại học North Carolina: Ông khám phá ra từ hàng trăm bệnh nhân, nếu người nào thường xuyên đến nhà nguyện họ có áp suất máu thấp hơn những người không đến nhà nguyện, ông bỏ ra hàng đêm và nhiều cuối tuần để theo dõi, tìm hiểu những kết quả cụ thể của "Tín ngưỡng và sức khỏe"! Cuốn sách ông phát hành gần đây nhất có tên là God, Faith and Health. Trong đó ông cho biết những người có tín ngưỡng khỏe mạnh hơn, lành bệnh chóng hơn, ít bị nhồi máu cơ tim, gặp sự thăng trầm trong đời sống họ biết cách đối diện, họ luôn luôn lạc quan. Lạc quan là một cẩm nang mà chúng ta nên luôn luôn mang theo bên mình. Ðừng bao giờ nói, hay nghĩ là "Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa" hoặc "Tôi vụng về, ít học, chẳng làm gì được". Chuyện Hai con ngựa của thầy phó tế George A.Haloulakos: Cạnh nhà tôi có một cánh đồng cỏ, hàng ngày có một cặp ngựa, con nọ lớn hơn con kia một chút thong thả ăn cỏ ở đấy. Nhìn từ xa chúng là đôi ngựa bình thường giống những con ngựa khác. Tuy nhiên nếu bạn đến gần, bạn sẽ khám phá ra là có một con mù. Trên đường trở về chuồng mỗi chiều, con ngựa nhỏ chốc chốc lại ngoái cổ lại nhìn bạn, muốn biết chắc bạn mù của nó vẫn đi theo tiếng chuông của nó để lại đằng sau.. Chủ nhân của nó chắc thương nó không nỡ bỏ đi, mà còn cho nó một chỗ ở an toàn. Chính điều này đã thành một câu chuyện tuyệt vời. Ðứng bên chúng, bạn chợt nghe có tiếng chuông rung, phát ra từ cái đai nhỏ vòng quanh cổ con ngựa nhỏ hơn, chắc là một con cái. Tiếng chuông báo cho con bạn mù của nó, biết là nó đang ở đâu mà bước theo. Quan sát kỹ một chút bạn sẽ thấy cái cách con ngựa sáng chăm sóc con ngựa mù, bạn nó, chu đáo như thế nào. Con ngựa mù lắng nghe tiếng leng keng mà theo bạn, nó bước chậm rãi và tin rằng bạn nó không để nó bị lạc. Cũng giống như chủ nhân của đôi ngựa có lòng nhân từ, Thượng Đế không bao giờ vứt bỏ bạn vì bạn khiếm khuyết, hoạn nạn hay gặp khó khăn. Người luôn luôn đem đến cho chúng ta những người bạn khi chúng ta cần được giúp đỡ. Ðôi khi chúng ta là con ngựa mù, được dẫn dắt bởi tiếng chuông mầu nhiệm mà Thượng Đế đã nhờ ai đó rung lên cho chúng ta. Những khi khác chúng ta là con ngựa dẫn đường, giúp kẻ khác nhìn thấy. Bạn hiền là như vậy. Không phải lúc nào ta cũng nhìn thấy họ, nhưng họ thì luôn hiện diện đâu đó. Hãy lắng nghe tiếng chuông của nhau. Hãy tử tế hết sức mình, bởi vì có một người mà bạn gặp trên đời, biết đâu cũng đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn nào đó họ phải phấn đấu để vượt qua. Không gì hơn là tuổi già nương dựa vào nhau trong tình bạn. Luôn luôn nghĩ bao giờ mình cũng có cái cho đi mà người khác dùng được. Tính hài hước , làm cho người khác cười cùng với mình cũng là những liều thuốc bổ. Thi sĩ Maya Angelou vào sinh nhật thứ 77, trong chương trình phỏng vấn của Oprah, hỏi về sự thay đổi vóc dáng của tuổi già, bà nói: "Vô số chuyện xẩy tới từng ngày... Cứ nhìn vào bộ ngực của tôi xem. Có vẻ như hai chị em nó đang tranh đua xem đứa nào chạy xuống eo trước". Khán giả nghe bà, cười chẩy cả nước mắt. TÓM TẮT Những vấn đề chính ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn (qua tinh thần) là: - Sự cảm thông giữa cha mẹ và con cái, giữa ông bà với các cháu. - Tinh thần chấp nhận và lạc quan. - Nghĩ đến những điều vui nhỏ mỗi ngày. - Tham gia những sinh hoạt nào phù hợp với sức khỏe. - Làm việc thiện nguyện. - Sinh, bệnh, lão, tử. Con đường đó ai cũng phải đi qua. Nhưng đi như thế nào thì hầu như 80% chính mình là người lựa chọn. - Nhóm bạn: Ðọc sách, kể chuyện, đánh cờ, chơi bài (không phải ăn thua). - Tham gia các lớp thể dục như Yoga, ngồi thiền, khí công vv... Và ngay cả chỉ đi bộ với nhau 30 phút mỗi ngày cũng giúp cho tinh thần sảng khoái, sức khỏe tốt hơn là ở nhà nằm quay mặt vào tường. - Hãy thỉnh thoảng đọc lên thành tiếng câu ngạn ngữ này: 'Một nét mặt vui vẻ mang hạnh phúc đến cho trái tim và một tin vui mang sức khỏe cho xương cốt' Chúng ta – những người Cao tuổi, hãy tự ví mình với những con Hạc trắng hay Sếu đỏ: Nó trông thật mảnh mai, chân dài, người mỏng, trong một bộ lông trắng muốt. Trông nó thanh cao như một người luống tuổi mà vẫn giữ được phong cách ung dung... Con hạc được coi là một con vật sống lâu cho nên người ta gọi tuổi của các cụ là Tuổi hạc. Hơn nữa, Sếu đầu đỏ được coi là biểu tượng của cuộc sống hôn nhân chung thủy, tương tự như chim Uyên ương trong văn hóa Trung Hoa và các nước Đông Á. Chúc tất cả luôn cảm thấy vui khoẻ và trọn vẹn an lành trong tâm hồn! PHẠM VŨ (Tham khảo: Tài liệu trong Sách báo & Internet) CÓ MỘT CUỐN SÁCH NHƯ THẾ ĐÓ QUYỂN HẠ (TAM TẬP) HƯƠNG THÁNH KINH "Hương Thánh Kinh" là tên một tập nhạc khổ nhỏ gồm khoảng 200 bài thánh ca của cố Linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh phát hành năm 1963. Linh mục nhạc sĩ Vinh Hạnh có lẽ là người đầu tiên đã lấy ý và cảm hứng từ những câu, những đoạn Thánh Kinh để sáng tác ca từ cho những bài thánh ca của mình. Đây là một hướng mới trong sáng tác thánh ca, đường hướng này càng ngày càng được các nhạc sĩ Công giáo áp dụng trong sáng tác từ đó tới nay bởi vì nó đi đúng chỉ dẫn của Giáo Hội về thánh ca và thánh nhạc. Mỗi khi hát những bài thánh ca của Vinh Hạnh người ta có cảm tưởng như đang đọc một đoạn Thánh Kinh nào đó, ý tưởng Kinh Thánh cứ phảng phất như mùi hương thoang thoảng của một vườn hoa. Lý do người viết xin mượn lại tên sách này để đặt cho phần cuối của tập "Có một cuốn sách như thế đó" là vì tình cờ một hôm khi soạn lại đống báo cũ người viết cảm thấy khó chịu do bụi bẩn và mùi báo ẩm mốc nhưng lật các trang báo ra người viết bất ngờ gặp thấy những từ hoặc những cụm từ hay những kiểu nói trong Thánh Kinh điểm tô cho những bài báo. Người viết không hiểu hương vị Thánh Kinh đã thấm vào tư tưởng các tác giả từ bao giờ để rồi bộc phát trên các trang báo cách tự nhiên không một chút khiên cưỡng, áp đặt. Thí dụ báo "Tiếp Thị và Gia Đình" số ra ngày 12/9/2011 trang 50 có bài "Thừa Adam thiếu Eve" của biên tập viên Huy Trần nói về tình trạng chênh lệch giới tính ở Việt Nam: "Năm 2009, quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) từng làm một cuộc nghiên cứu về chênh lệch giới tính ở VN. Họ nhận thấy rằng năm 2000 ở nước ta 106 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2008 số chênh lệch là 112 bé trai/100 bé gái… Các Adam nghĩ gì về việc này ?" (Adam và Eve là ông bà tổ tiên loài người Đức Chúa Trời đã dựng nên trong thời Sáng thế. Sách Sáng Thế Ký đoạn 3 câu 20). Hiện tượng những "mẩu" Thánh Kinh "rơi vãi" trên các tờ báo "đời" của xã hội, người viết xin mạn phép được gọi là "Hương Thánh Kinh". Một vài điều xin lưu ý bạn đọc: 1. Các sách báo được trưng dẫn 99% là các sách báo ngoài Thiên Chúa giáo, tức là những báo "đời" của xã hội, không phải báo "đạo" trong Giáo Hội (bảo đảm được tính khách quan). 2. Các chứng từ có thể là: - Một lời Thánh Kinh, một tên quen thuộc trong Thánh Kinh, một dấu hiệu như cây Thánh giá (nói lên cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu mà các Thánh sử đã diễn tả bằng nhiều đoạn Thánh Kinh Tân Ước). - Một biến cố như Lễ Giáng Sinh, Lễ hội Halloween... - Một ngôi Nhà thờ Thiên Chúa giáo, đó là một không gian Thánh Kinh, nơi quy tụ những người tin và sống Lời Chúa qua những bài đọc, bài giảng Thánh Kinh. - Một tên vị thánh nào đó là người đã được Hội Thánh tuyên phong nhờ sống Lời Chúa trong Thánh Kinh. 3. Cách trưng dẫn: - Tên sách, báo, ngày phát hành… - Bài báo, trang sách có chút dư âm “Thánh Kinh”. - Tác giả của bài báo. 4. Những chứng từ xuất hiện đầu tiên sẽ được chú thích bằng câu Thánh Kinh liên hệ. *** Chương 1 HƯƠNG THÁNH KINH QUA BÁO CHÍ 1. Báo Kiến Thức Ngày Nay tập 3-4/1988. ü Trang 27 – vui cười: Một người Scotland đi du lịch Đất Thánh, tới hồ Galilê ông được đưa lên tầu du lịch: - Giá bao nhiêu? - 3000 đồng. - Mắc quá! - Nhưng hồ này rất nổi tiếng. - Nhưng mắc quá! - Thưa ông! Chúa Giêsu đã từng đi bộ trên mặt hồ này. - Anh thấy chưa? Giá thuê thuyền mắc quá nên Chúa phải đi bộ. Chúa còn chê thuyền mắc quá! (Đặng Thái Minh) § "Chúa Giêsu đi trên mặt nước đến với các môn đệ" (Mt 14,25). ü Trang giới thiệu sách mới 1988: "Thiên Đường Ở Trên Cao" – Tiểu thuyết của Võ Hồng (Sở VHTT Nghĩa Bình XB, sách 248 trang, giá 400$) § Thiên Đường (Thiên Đàng): "Hôm nay anh sẽ ở với tôi trên Thiên Đàng" (Lc 23,43). Lưu ý: các tôn giáo bạn không dùng từ Thiên đường mà dùng "Niết bàn, Tây phương cực lạc…". 2. Báo Kiến Thức Ngày Nay số 8/1988, trang 20 giới thiệu vài tục lệ Giáng Sinh: Tấm thiệp Noël, cây Giáng Sinh, những bài hát Giáng Sinh (Tuấn Nguyên). § Giáng Sinh tức là Lễ Sinh Nhật của Chúa Giêsu 25/12/1 (Công nguyên). § Noël là chữ tắt danh hiệu Chúa Giêsu: EMMANUEL, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1,23). ü Trang 77: "Trận lụt Hồng thủy chép trong Kinh Thánh có thật không?" – Truyện cổ Assyrie chép bằng chữ tượng hình trên một tấm đất sét từ 21 thế kỷ trước Công nguyên. Theo đó Outa Napisthim cùng gia đình và những thú vật ông mang theo trên một chiếc tàu là những sinh vật sống sót qua trận Hồng thủy. Sự giống nhau kỳ lạ giữa truyện trên và truyện Hồng thủy của Thánh Kinh không những trong cốt truyện mà còn giống đến một số cách diễn đạt đã khiến những nhà nghiên cứu đều nhất trí là Hồng thủy Kinh Thánh có nguồn gốc từ truyện này. Truyện Assyrie: Mưa bão lớn 7 ngày, lụt 7 ngày thuyền của Outa chỉ dừng lại dựa vào núi Nassir (cao 400m) lúc nước dâng cao nhất (Hoàng Anh – theo "Những biến cố lớn trong lịch sử địa cầu"). § Hồng thủy: Sáng Thế 6,5 – 9,1. 3. Báo Kiến Thức Ngày Nay số 12 tháng 4/1989 – Phát hiện khảo cổ quan trọng nhất: "Ở Ai Cập, thiên đường của những nhà khảo cổ, chỉ 1 nhát cuốc thôi vậy mà lại dẫn đến những phát hiện tuyệt vời nhất" (Q.T). 4. Báo Kiến Thức Ngày Nay số 13 tháng 5/1989, trang 69 – Thơ: "Cho nhau trái cấm môi hồng … Chờ mưa qua vườn tình ái Đợi mùa xuân đến trổ bông Ơi em ! Tình khơi biển rộng Cho nhau trái cấm môi hồng" (Trúc Thanh Tâm) § Trái cấm: "Có phải ngươi đã ăn trái cây ta đã cấm không ?" (St 3,11). 5. Báo KTNN số 17 ngày 15/8/1989: "Con mắt cửa sổ tâm hồn" – Người phụ nữ đẹp nhất trong văn Nôm (Nguyễn Hà). § "Con mắt là đèn (cửa sổ) tâm hồn" (Lc 11,34) – (Cửa sổ và đèn dầu đem ánh sáng cho tâm hồn). 6. Báo KTNN số 25 ngày 15/12/89 : ü Trang 30: Bích Phượng giới thiệu những bích họa tuyệt vời của danh họa Ý: Giulio Romano (1499-1546) – bức họa "Nhân gian Thiên thần hỗn độn". ü Trang 32: Bức họa "Bữa ăn của Các Thánh Chúa" tác giả có khuynh hướng dung hòa Platon với đạo Thiên Chúa trong nước Ý. § "Chúa đặt các Thiên thần cầm gương sáng lóe để canh gác" (St 3,24; Mt 13,41). § Các Thánh: "Chúc tụng Chúa đi người Thánh kẻ khiêm nhường" (Dn 3,87). 7. Báo KTNN số 280 ngày 10/5/98 có bài "Tục cắt da quy đầu – Tập tục và tôn giáo": Ai Cập "xuất khẩu" tục cắt da quy đầu sang vùng Cận Đông, Trung Đông và châu Phi với nhiều ý nghĩa khác nhau. Do Thái là dân tộc đầu tiên áp dụng tục lệ này. Abraham (1800 năm trước CN) được cắt da quy đầu vào tuổi thứ… 99 cùng lúc với con trai của ông – Ismaël – mới 13 tuổi và tất cả con trai các nô lệ của ông. Sau đó, một người con khác của giáo trưởng là Isaac cũng phải tuân theo tập tục này vào năm lên 8. Tại sao lại có sự bắt buộc đó? Đức Chúa Trời đã nói với Abraham: "Con cắt da này để đánh dấu sự kết ước giữa Ta và con". Nói cách khác, đây là một hành động mang dấu hiệu của một hiệp ước thần bí, tôn giáo đã liên kết dân Do Thái với thần linh của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. (Minh Tuyền theo Top Santé số 89). § "Mọi đàn ông, con trai các ngươi phải cắt bì" (St 17,10). Lm. Jos.Nguyễn Hữu Triết (Còn tiếp)
VÀI ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ MỘT NGƯỜI BẠN PHÁP GUSTAVE DUMOUTIER (1850-1904) CỰU GIÁM ĐỐC NHA HỌC CHÍNH Ở TRUNG KỲ VÀ BẮC KỲ Ông sinh ngày 3-6-1850 tại tỉnh Courpalay, gần Coulommiers ở Pháp. Cụ thân sinh ra ông là một kỹ nghệ gia nổi tiếng, muốn được thấy ông nối nghiệp, nhưng ông lại không thích ngành nghề của bố mình, và chỉ khoái theo đuổi việc viết lách qua các ngành khảo cổ học, lịch sử, phong tục vv… Ông trở thành hội viên Hội Khảo Cổ vùng Seine-et-Marne và có vài bài viết về khảo cổ khiến ông được nhiều người biết tới. Từ ngành khảo cổ ông còn đảo qua một vài ngành khác như Dân tộc học và Sử học. Trong lúc đang theo học những bài học về lịch sử tại một Bảo Tàng, ông đã có cơ duyên gặp gỡ ông Paul Bert (sau là Toàn Quyền ở Đông Dương), và cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hẳn số mệnh của ông. Trong mỗi ngành học ông đều có một vài tác phẩm được in khá nổi tiếng, nhưng vào thời đó, các tác phẩm đó không đủ nuôi sống người viết, nên ông phải làm việc tại một nhà in, và đã có lúc còn có ý muốn trở thành Giám Đốc nhà in đó, nhưng mộng ước của ông không thành. Vào năm 1883, lúc 33 tuổi, Dumoutier bỗng cảm thấy có khuynh hướng thích làm việc và thích đời sống ở các thuộc địa, đặc biệt là Bắc Kỳ, một thuộc địa được rất nhiều người nói tới. Thế là ông bắt đầu theo học tiếng Việt lúc đó bị gọi là tiếng An Nam Mít và tiếng Trung Hoa tại Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales), và vào năm 1885 ông có thử viết một bài báo nói tới Hoa ngữ trong một tờ Báo về Dân tộc học. Sau các chuyện xảy ra ở Lạng Sơn vào năm 1886, Paul Bert được bổ nhiệm làm Toàn Quyền ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Ông Toàn Quyền sực nhớ tới người bạn trẻ ông đã gặp và rủ Dumoutier đi cùng với ông với tư cách là thông ngôn tiếng Việt và tiếng Hoa. Hai người tới Hà Nội vào ngày 4 tháng Tư, năm 1886. Vào lúc đó, ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, vấn đề học chính gần như là phải bắt đầu tổ chức và hoàn thiện vì chỉ có ở Hà Nội và ở Lạng Sơn là có lẻ tẻ vài ngôi trường Pháp-Việt, và về mặt những người thông ngôn, thì tất cả đều đến từ Nam Kỳ. Mặc dù thời gian tại chức của Paul Bert rất ngắn ngủi (8 tháng Tư tới 11 tháng Mười Một, năm 1886) vì ông qua đời vì bệnh lỵ, nhưng ông đã thực hiện được nhiều việc tốt về mặt học chính. Vào ngày 5-6-1886, ông giao cho Dumoutier, lúc đó đang trông coi các người thông ngôn và công tác thông ngôn, làm “người tổ chức và thanh tra các trường Pháp-Việt tại Bắc Kỳ, nơi sau này Dumoutier trở thành Giám Đốc Nha Học Chính. Chỉ trong vòng mấy tháng trời, Dumoutier đã làm việc cực kỳ hiệu quả, và vào lúc Paul Bert qua đời, ở Bắc Kỳ đã có: - 1 trường thông ngôn; - 9 trường Pháp-Việt cho nam học sinh; - 4 trường Pháp-Việt cho nữ học sinh; - 117 trường tư dạy Pháp văn của người bản xứ; Ở Huế có một trường dạy tiếng Pháp cho con cháu những người trong Hoàng tộc và con cháu bọn quan lại. Ở Hà Nội thành công của Dumoutier là đã lập ra được một dạng Hàn Lâm Viện Bắc Kỳ (Académie tonkinoise) do Nghị định ký ngày 3-7-1886 với một chương trình rộng lớn nhằm vào những việc như: nghiên cứu tất cả những gì có thể nghiên cứu về các sự việc ở Bắc Kỳ - lo giữ gìn bảo tồn các tượng đài, đền đài – giúp cho dân bản xứ hiểu biết về khoa học hiện đại và các tiến bộ của văn minh bằng cách cho dịch các sách tư liệu bằng Pháp văn sang tiếng Việt – cho thành lập các thư viện – dự tính cho thành lập một Trường Chuyên Ngành và một Trường Nghệ Thuật Trang Trí, và đặc biệt nhất là cho các viên chức theo học chữ Nôm và chữ Hán. Ở đây ta có thể thấy là Paul Bert và Dumoutier đã muốn tránh sai lầm đã xảy ra ở Nam Kỳ là nơi mà người ta đã muốn hoàn toàn Pháp hóa dân bản xứ, khiến họ có nguy cơ trở thành người ngoại quốc ngay trên quê hương họ. Đồng thời điều này cũng cho thấy là Paul Bert và Dumoutier rất tôn trọng các định chế và phong tục của người bản xứ. Rất không may là sau cái chết của Paul Bert, mặc dù Dumoutier đã gắng sức theo đuổi và thực hiện chương trình hai ông đã vạch ra, cái chương trình tốt đẹp này tiêu mòn dần trước sự vô cảm của chính quyền thực dân, để rồi vấn đề dạy chữ Nôm và chữ Hán dần dần (từ Nam Kỳ lan tỏa ra) bị thay thế hoàn toàn bởi chữ Quốc Ngữ và chữ Pháp. Và rồi dần dần các thứ như Hàn Lâm Viện Bắc Kỳ, trường Hoàng Gia Huế, trường Chuyên Ngành, trường Trang Trí, các lớp dạy Hán Nôm cho công chức đều tàn lụi hết. Dumoutier đã cố gắng không ngừng nghỉ để tái thực hiện những dự án trong quá khứ của ông, và cũng đã có lúc đạt được phần nào thành công khi dưới thời Toàn Quyền Paul Doumer, vào năm 1897 Trường Hoàng Gia Huế được tái thiết lập dưới tên Trường Quốc Học, cùng với trường Mỹ Nghệ thực hành. Cũng trong thời gian đó Dumoutier đã viết rất nhiều tác phẩm về Việt Nam (lúc đó là Bắc Kỳ và Trung Kỳ - Tonkin et Annam) như: - Mẫu tự và sách tập đọc cho các trường Pháp-Việt (Hà Nội 1886) - Bài tập tiếng Annam (Hà Nội 1889) Trong thời gian từ 1887 tới 1889 Dumoutier đã viết một loạt sách đặc khảo về Việt Nam như: - Huyền thoại lịch sử của Annam và Tonkin - Các ngôi chùa ở Hà Nội - Chùa Quán Sứ - Văn Miếu, đền thờ Khổng Tử ở Hà Nội - Sách Khảo luận về Thuốc Nam. - Và trong khoảng thời gian từ 1890 tới 1903, ông còn viết một loạt sách khảo cứu giá trị về Việt Nam như: - Những bài hát và truyền thống Dân gian của người Annam - Các biểu tượng, biểu hiệu và dụng cụ thờ cúng của người Annam - Thuật phù thủy và bói toán của người Annam - Thuật Phong thủy của người Annam - Lễ tang của người Annam - Đền Hai Bà - Thành nhà Mạc - Tiểu luận về người Bắc Kỳ (được coi như một trong những tác phẩm hay nhất của ông). Vào năm 1903, sau nhiều lần bị thất sủng, trù dập, Dumoutier làm đơn xin tạm nghỉ việc, nhưng đơn của ông bị bác và ông bị cho nghỉ hưu vào ngày 23 tháng Tư, năm 1904. Quyết định bị cho về hưu khiến ông cảm thấy mình không đáng bị như vậy, và quyết định này đã ảnh hưởng rất nhiều tới tình trạng sức khỏe của ông. Việc ông coi như bị sa thải này đã khiến ông lâm trọng bệnh và qua đời ngày 2 tháng 8, năm 1904 tại Đồ Sơn gần Hải Phòng. Ông được chôn cất ở Nghĩa Trang Hà Nội rất gần ngôi mộ của vợ mình (Người viết không biết ngay lúc này ông có được cải táng và đưa về Pháp chưa). Với những gì G. Dumoutier đã làm và đã viết, tác giả Đông Dương này rất đáng được coi là một người bạn Pháp rất tốt của chúng ta… Vũ Anh Tuấn (*) (*) Viết lại theo một tài liệu của René DESPIERRES rút trong báo Indochine Illustrée.
Phụ Bản I BAO GIỜ MÙA XUÂN VĨNH CỬU MỚI THẬT SỰ ĐẾN VỚI MỌI NGƯỜI? Không biết từ bao giờ, mọi người đã quy định lấy một số ngày đầu năm vào Mùa Xuân để làm ngày Tết, vì mùa đó cũng là mùa của nhiều loài hoa đua nở, sắc màu lộng lẫy, hòa hợp cùng thiên nhiên. Thời tiết cũng đẹp hơn các mùa khác. Chỉ những ngày đó tất cả đều ngưng công việc, nghèo cũng như giàu đều sắm sửa mọi thứ, trang hoàng phố phường, nhà cửa, diện những bộ cánh mới, cung cách cũng trang trọng khác hẳn mọi ngày, lịch sự hơn, nói với nhau những lời êm dịu hơn và đến nhà nhau, hay gặp giữa đường thì đều chúc nhau một năm mới tràn đầy hạnh phúc, an lành. Mọi người từ già đến trẻ đều thấy phơi phới yêu đời trong ngày vui chung đó, nên đã trở thành tục lệ mà ai nấy đều háo hức đón chờ và nhiệt tình tham gia. Ở thành thị không khí đón Tết không khác mấy đối với ngày thường, chỉ thấy ở các Cửa Hàng, Siêu Thị, hàng hóa phong phú hơn, nhiều màu sắc hơn. Nhưng ở nhà quê, nhất là ở quê nghèo ngày xưa như ở xứ tôi thì không khí rộn ràng bắt đầu từ trước Tết cả tháng. Hàng hóa lúc đó chưa có bán sẵn và dồi dào như ngày nay, nên nhà nào cũng phải tự chuẩn bị cho mình. Họ phải tự trồng lúa Nếp, một loại gạo dẻo hạt dành để quết Bánh Phồng và làm Bánh Tét, rồi những ngày trong tháng cuối năm là phải ngồi lựa từ hạt, để loại đi những hạt gạo lẫn vào, vì nó sẽ làm cho chiếc bánh Phồng hay bánh Tét, bị sượng, hay lợn cợn, mất ngon. Một, hai tuần trước Tết là đi ngang xóm nào cũng nghe tiếng quết Bánh Phồng. Bánh này khi nướng thì phồng to lên nên gọi là Bánh Phồng. Để làm bánh này thì các bà dùng Nếp, xôi cho chín, xong cho vô cối, quết cho thật mịn, thêm đường cho đủ ngọt. Khi hạt xôi bị quết nhuyễn đã hòa với nhau thành khối bột mịn rồi thì họ mang ra, lấy dầu ăn bôi tay và vật dụng cho đừng bị dính, rồi bắt l cục bột vừa đủ cho chiếc bánh cho lên cái thớt hay miếng gỗ phẳng, dùng cái ống bằng tre để cán đều ra thành một hình tròn, dẹp, đường kính khoảng 25cm - 30cm, xong cho lên vỉ tre, hay chiếc chiếu mới để phơi. Chỉ cần chọn chỗ nắng, phơi vài nắng là đã có những chiếc bánh ráo mặt, xếp thành từng xấp cho gia đình ăn Tết và đãi bà con đến thăm nhà trong mấy ngày Xuân. Bánh này nướng lên lửa thì nó phồng to lên gấp rưỡi, cắn nghe dòn tan, xốp xộp, tan trong miệng, nên trẻ con, người lớn đều thích. Các bà nội trợ khéo tay còn làm thêm bánh Bông Lan, Mứt Dừa, Mứt Gừng, Mứt Bí để gia đình nhâm nhi trong mấy ngày Tết. Gần sát Tết, thì các bà mẹ khéo tay lo gói Bánh Tét. Họ ra vườn, chọn những tàu chuối to, đẹp, nguyên lành, rọc về rồi phơi cho héo. Dây cột cũng là những bẹ chuối được rọc thành từng sợi dài, phơi cho thật khô. Khi gói, họ lót dây ở dưới cùng, trên là mấy miếng lá chuối đã lau sạch, cắt xén cho thẳng, xong trải một lớp nếp đã ngâm qua 1 đêm, để ráo, ướp chút muối, xào sơ với nước dừa cho béo trang đều trên mặt lá, xong lấy đậu xanh, hấp cho chín để một lớp đều mặt lớp nếp. Sau cùng là 1 miếng mỡ heo, vuông vức cỡ 3cm, dài bằng đòn bánh họ dự định gói, có tẩm gia vị, rồi cầm 2 đầu miếng lá lên, hất như thế nào cho lớp nếp áo quanh cái nhân, rồi dùng dây cột chặt chung quanh. Có khi nhân là những quả chuối chín muồi. Người không quen tay hay không khéo tay sẽ không làm được với nếp sống, khi mở ra sẽ thấy lòi cả nhân ra ngoài. Cho nên sau này họ xôi nếp cho chín cho dễ làm, vì nếp đã dính lại với nhau, chỉ cần trải đều và cho nhân lên. Đám trẻ con thích thú ngồi thức canh nấu bánh Tét để được nếm thử những chiếc bánh vừa chín tới, mới vớt trong nồi ra nóng hổi, vừa thổi vừa ăn! Có đứa mòn mỏi không chờ nổi. Ngày còn nhỏ, khi ngồi phụ với mẹ tôi để cột dây bánh Tét, bà trách tôi không chịu học để mai mốt làm cho con cháu ăn, tôi đã cãi ngay: “Mọi thứ thiên hạ bày bán thiếu gì, học làm chi cho nó cực”! Má tôi cũng làm thinh, không nói tiếp. Giờ này, khi nhiều tuổi, biết suy nghĩ, mới thấy được cái tình của bậc cha mẹ năm nào khi ngồi lựa từng hạt gạo để làm ra cái bánh cho chồng, con có được miếng ăn cho vừa miệng. Đi mua bánh bán sẵn, họ làm hàng loạt, thì giờ đâu mà chọn nếp và lựa gạo, nên ăn thấy thiếu độ dẻo, và ngon như bánh của gia đình làm. Quả là qua những việc làm tuy đơn sơ, mà sâu sắc, lớp trẻ cứ vô tư hưởng thụ nên không thể hiểu được vì sao các người lớn tuổi lại ngồi đó tỉ mẩn làm chi cho nó cực thân, chỉ cần ra chợ mua là bánh gì lại không có! Đêm Trừ Tịch là đêm thiêng liêng nhất. Mọi thứ đã chuẩn bị đầy đủ. Bánh trái, hoa quả cũng đã sắp lên bàn thờ Ông Bà. Đúng Giao Thừa là người lớn bắt đầu thắp hương lên. Trong đêm vắng lặng, nhìn hương khói vờn quanh mà tiếc nuối, nhớ thương người đã khuất, người đi xa, để tiếc nhớ những ngày đoàn tụ bên nhau. Người chịu khó suy nghĩ một chút thì thấy rằng thời gian đi quá mau. Cứ tưởng rằng ông bà, cha mẹ cứ mãi sống bên mình, nên chưa kịp làm gì để báo đền thì họ đã đi xa. Có người khi ông bà cha mẹ còn sống thì còn hất hủi họ. Không kịp nghĩ là rồi họ sẽ ra đi, để rồi chính mình cũng lầm lũi sống và rồi sẽ lầm lũi ra đi trong một ngày nào đó. Có khi còn chưa kịp nhìn rõ ý nghĩa của cuộc đời! Sáng Mồng Một đám trẻ con được đánh thức để dậy thay những bộ quần áo mới tinh. Ở quê, quanh năm mọi người đi làm ruộng nên ăn mặc lôi thôi, lựa những bộ cũ, rách để lội nước. Nhưng ngày Tết là đường quê mang một bộ mặt khác hẳn. Người lớn, trẻ con đều xúng xính trong những bộ quần áo mới tinh, đủ màu sắc, đi tới đi lui như một bức tranh sinh động, khác hẳn mọi ngày. Ăn uống cũng phủ phê hơn. Tiếc thay, chỉ trong vòng 3 ngày ngắn ngủi là mọi thứ lại trở về nếp cũ. Ở thành thị thì cộng thêm rác rến đầy đường do hậu quả của mấy ngày mà mọi người đã xúm nhau mua sắm thặng dư hơn mọi ngày trong năm – có khi thừa mứa, dùng không hết, phải đổ đi – cho là đầu năm thì mọi thứ phải dư thừa để quanh năm được sung túc. Chưa hết, sau Tết xã hội lại phát sinh thêm một số người trở thành nghèo hơn, khó khăn hơn bởi tham gia những trò đen đỏ để tìm vận may trong ba ngày Tết. Đó là những gì được lập đi lập lại không biết bao nhiêu thời qua và còn sẽ tiếp tục mãi, để ít ra là trong 365 ngày còn có một số thời gian ngưng nghỉ để tái tạo năng lượng cho cuộc sống, và có thêm ít thời gian để suy nghĩ sau những ngày tháng quay cuồng với việc mưu sinh, kiếm được chút danh, chút lợi, ngoảnh lại thì tóc đã pha sương, thân cũng mỏi mòn… Có một loài hoa khác, gọi là TÂM HOA, lẽ ra phải được nở trong lòng mọi người, để lúc nào trong mỗi người cũng là MÙA XUÂN VĨNH CỬU – đó là sự an lạc trong tâm, nếu kiên trì Hành theo hướng dẫn của Đạo Phật theo như mục đích của Đức Thích Ca, người đã bỏ cả cuộc đời để rao giảng – thì rất ít Phật Tử biết đến, mà nói đến Tu Phật là mọi người đều nghĩ ngay đến những vị Xuất Gia, đầu tròn, áo vuông, bỏ hết việc đời, ở một nơi riêng biệt, chuyên tu học và đào tạo lớp người kế thừa và giảng dạy Đạo cho bá tánh. Nhưng Đạo Phật được giảng dạy thường chỉ là nếp sống hiền lành, tu nhân, tích đức, nhất là phụng thờ các Đức Phật và hô hào bá tánh cất chùa cho to, đúc tạc tượng Phật ngày càng vĩ đại để nói lên lòng ngưỡng mộ mà ta thấy trong năm qua, nước ta được công nhận có 2 tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á, và gần đây nhất là Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông vừa mới được đặt trên đỉnh núi Yên Tử với kích cỡ và phí tổn rất lớn so với các tượng đã được làm từ xưa đến nay… Hiển nhiên, không cần giải thích thì ai cũng biết điều đó nói lên dân tộc ta có tinh thần hướng thiện rất lớn, sẵn sàng hy sinh tiền của để nói lên lòng kính trọng, mến mộ những vị đã mang ánh sáng Đạo đến với cuộc đời. Xét về công sức phổ biến cũng như lòng ngưỡng mộ của dân tộc ta thì con số Chùa Chiền lên đến mười mấy ngàn, ngày càng hoành tráng hơn. Tăng, Ni chính thức cũng gần 600 ngàn, thì Lượng đã nói lên điều đó. Nhưng xét về Chất thì có thể chúng ta cũng còn phân vân, vì hình như không phải tất cả đều là những bậc chân tu, hiến mình để phụng sự Đạo Pháp. Ngay cả những vị thật tâm tu hành cũng không được bao nhiêu người chịu khó nghiên cứu cho hết mục đích thật sự của Đạo có thể truyền đạt theo đúng những gì được viết trong Kinh. Do đó, dù Đạo Phật đã được truyền nhau quảng bá khắp thế giới đến nay đã gần 3.000 năm, mà mọi người vẫn còn nghĩ rằng muốn Tu hành thì nhất định phải đóng khung trong hình tướng, và phân chia thứ bậc, ranh giới. Những người Cư Sĩ, dù tu hành miên mật cỡ nào cũng chỉ được xem là những người hỗ trợ cho các Tu Sĩ mà thôi. Điều đó chứng tỏ Đạo Phật chưa thật sự đi vào đời đúng như tinh thần được ghi trong Kinh sách do Chư Tổ phổ biến, dù nhìn hình thức thì phát triển rất mạnh, Phật tử Quy Y rất đông, Chùa Chiền ngày thêm nhiều. Người Xuất Gia ngày càng đông, đủ mọi trình độ, đủ mọi quốc tịch, thậm chí có cả những đứa trẻ vị thành niên, chưa biết gì… đã trở thành một gánh nặng không nhỏ cho Phật Tử, vì theo nguyên tắc của việc tu hành là phải bỏ hết việc đời, không kinh doanh, không làm việc, để toàn tâm toàn ý cho việc tu tập mà thôi! Theo tôi, quả đó là một sự lãng phí tài nguyên, chất xám, sức đóng góp của con người cho xã hội, cho cuộc đời, vì Đạo Phật chân chính không nhằm đào tạo người Tu Phật xa lánh, tránh né cuộc đời. Trái lại, mục đích của việc Tu hành chỉ nhằm làm cho con người sống đúng với bổn phận của mình một cách tốt đẹp hơn, để sống giữa đời mà không còn bị phiền não, khổ đau vùi dập, như Hoa Sen, giữa bùn mà vẫn thanh khiết. Lý do vì sao thời xa xưa bắt buộc phải có hình thức, là vì nếu không như thế thì mọi người không nhìn nhận đó là bậc tu hành thì đâu có thể giảng pháp làm lợi ích cho người nghe. Thứ nữa, lúc ban đầu mới thành lập tăng Đoàn thì phải tập trung, phải bỏ hết mọi việc để lắng nghe, ghi nhớ, làm nồng cốt cho Đạo. Cho đến nay thì cả thế giới đều biết đến Đạo Phật. Giáo lý cũng đã được Chư Tổ lần lượt khai sáng, mọi người đều có thể áp dụng vào cuộc sống, đâu cần phải có hình tướng, phải tập trung mới có thể tu hành, vì con đường Tu Phật là để phổ cập cho tất cả mọi người, đâu có dành độc quyền cho một số nào. Nhưng làm thế nào để mọi người hiểu được TU PHẬT chỉ có một nghĩa độc nhất là SỬA. Sửa những cái tâm độc ác, hại người, hại vật. Những cái Tâm chấp nhất, THAM LAM, SÂN HẬN, MÊ SI, để được nhẹ nhàng, thanh thản, an lạc trong kiếp sống hiện đời và vô lượng đời sau, để người Phật Tử muốn Phát tâm tu hành không còn e ngại, vì nghĩ rằng muốn tu hành là phải vứt bỏ hết mọi việc đời, rũ bỏ mọi trách nhiệm, không được lập gia đình, làm mất đi ý nghĩa phổ độ mà đấng sáng lập hằng mong mỏi? Làm thế nào để mọi người hiểu rằng việc Đắc Đạo, Thành Phật của Đức Thích Ca chỉ là tìm được Con Đường Thoát khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Và Kẻ Làm Nhà mà Ngài tìm ra được không ai khác hơn chính là cái TÂM MÊ của chính Ngài. CHỈ CẦN ĐIỀU PHỤC HAY HÓA GIẢI NÓ THÌ ĐƯỢC GỌI LÀ THÀNH PHẬT HAY GIẢI THOÁT? Cái Tâm đó thì mọi thời, mọi người đều giống nhau, do đó mà Ngài đã Thọ Ký: “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Chính vì không hiểu được điều đó mà Đạo Phật phổ biến đã gần 3.000 năm nhưng không thấy ai Thành Phật. Trái lại, hầu hết Phật Tử, kể cả các Tu Sĩ chỉ dừng lại ở sự kính trọng, mến mộ Phật, xem như đó là một vị Thần Linh và cầu xin để “Được Độ” qua hình thức chuông mõ, nhang khói, để cầu xin cho mình và cho bá tánh. Việc TỰ TU, TỰ ĐỘ, TỰ GIẢI THOÁT hầu như không được nghe nhắc tới nữa, mà Đạo Phật đã trở thành một tôn giáo thờ đấng sáng lập, là một Giáo Phái Thần Quyền không khác gì những tôn giáo khác! Tu Phật có khó lắm không? GIẢI THOÁT, THÀNH PHẬT là như thế nào? Đức Thích Ca đã tu hành như thế nào để cho là Thành Phật? Ngài có ĐỘ được cho bá tánh hay không? Chúng ta có thể Tự Tu được, hay chỉ được quyền làm Phật Tử để CẦU XIN thôi? Kinh nói gì về những điều này? Nhân ngày đầu Xuân rảnh rỗi, chúng ta mở lại lịch sử Đạo để đối chiếu xem Đạo Phật trong Chính Kinh được giải thích như thế nào? Vì là PHẬT TỬ, tức là CON CỦA PHẬT. CON CỦA PHẬT thì phải vào nhà để nhận gia tài của cha, không thể cả đời chỉ làm GÃ CÙNG TỬ, hốt phân để kiếm sống qua ngày. Như vậy, muốn TU PHẬT, MUỐN THÀNH PHẬT thì thay vì tầm chương, trích cú, hay đi nghe giảng pháp, tại sao chúng ta không tự mình xem lại toàn bộ hành trình đi tìm ĐẠO và TU HÀNH, ĐẮC ĐẠO của Đức Thích Ca xem Ngài đã làm những gì? Làm như thế nào? Để có thể học theo đó mà thực hiện cho bản thân. Lịch sử Đạo ghi rõ: Từ một Thái Tử của một nước nhỏ sắp nối ngôi, trong một lần đi dạo ở ngoại thành, lần đầu tiên trông thấy cảnh người Già, người Bệnh, người Chết. Mọi thứ đều đáng sợ đối với một Thái Tử từ nhỏ đến lớn chỉ quanh quẩn trong cung vàng, điện ngọc. Mắt luôn nhìn thấy những hình ảnh đẹp. Tai luôn được thưởng thức những âm thanh tuyệt vời. Thân luôn được phủ gấm vóc, lụa là, chăn êm, nệm ấm, vợ đẹp, hầu xinh, muốn gì là luôn được đáp ứng, nên chưa từng nghĩ đến sự bất lực của cái Thân người. Vì thế, Ngài đã hỏi vị quan hầu cận là bản thân Ngài có Thoát những cảnh đó không? Câu trả lời là: “Tất cả mọi người, từ vua chúa đến thứ dân, không ai thoát được” làm cho Thái Tử suy nghĩ rất nhiều. Không muốn đầu hàng số phận, Ngài nhất định phải tìm cách nào đó để Thoát khỏi những điều đã chứng kiến. Thấy rằng nếu cứ vướng bận triều chính, vợ con thì không thể có thì giờ để tìm, lại thấy những người tu hành có vẻ thong dong, tự tại, nên Ngài lẻn trốn ra khỏi thành để tìm cho được điều làm cho Ngài trăn trở từ lúc trông thấy, là phải TÌM CHO RA NGUYÊN NHÂN CỦA SINH, LÃO, BỆNH, TỬ mà ngài cho đó là BỐN NỖI KHỔ LỚN của kiếp người. Thời đó ở Ấn Độ đã có nhiều Giáo Chủ dạy tu hành với nhiều phương pháp khác nhau. Thái Tử đã tìm học với vị Thầy danh tiếng nhất đương thời. Vốn là người thông minh xuất chúng, nên chỉ trong một thời gian ngắn là Ngài tiếp thu hết những điều họ dạy. Lần lượt 6 vị Thầy giỏi nhất đương thời cũng không ai cho Ngài được câu trả lời về những điều Ngài đã trăn trở, mà chỉ học được thần thông, “nách bên tả phun lửa, bên hữu phun khói” hoặc cho cái Thân là nguyên do của tội lỗi nên phải hành khổ hạnh để diệt tội. Cũng do hành khổ hạnh, nên thân xác ngày càng suy kiệt. Ngài thấy rằng “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối”, nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, rồi trải tòa cỏ ngồi tĩnh lặng dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện là “sẽ không rời chỗ ngồi cho tới khi nào tìm được lời giải đáp”. Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài tìm được câu trả lời, gọi là “Đắc Đạo”, tức là GẶP ĐƯỢC CON ĐƯỜNG. Có nghĩa là lúc đó Ngài đã tìm ra nguyên nhân của SINH, LÃO, BỆNH, TỬ và cách thức để hóa giải. Chúng ta hiểu được điều này qua lời tuyên bố lúc vừa Xả Thiền của Đức Thích Ca: “Ta lang thang trong vòng luân hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp được Kẻ Làm Nhà. Hỡi Kẻ Làm Nhà. Từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gãy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô thượng Niết Bàn. Trí Ta đã hoàn toàn Giải Thoát”. Đó là hành trình Phát Tâm, Tu Hành, Chứng Đắc của Phật. Nhưng rõ ràng Kinh có nói về BỒ TÁT, về CỨU ĐỘ CHÚNG SINH. ĐỘ THOÁT TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI. Điều đó được hiểu như thế nào? Theo Đức Thích Ca mỗi người đều có một CÁI TÂM, nhưng khi chưa sáng suốt thì Ngài gọi là VỌNG TÂM. TÂM là tên ngày xưa Đức Thích Ca đặt ra, ngày nay chúng ta gọi là TƯ TƯỞNG. Khi quan sát nó, Đức Thích Ca thấy rằng từng sát na, nó khởi, diệt không ngừng. Hết tốt đến xấu. Những tư tưởng hướng thiện, tốt đẹp thì Ngài đặt tên cho là THÁNH CHÚNG. Những tư tưởng đen tối, xấu xa thì ngài gọi là CHÚNG SINH. Cả hai cùng xuất phát ở nơi Tâm, nên gọi là PHÀM THÀNH ĐỒNG CƯ. Chính những tư tưởng bám lấy cái THÂN XÁC GIẢ TẠM, bám lấy cuộc đời, tưởng đó là Thật, là nguyên nhân gây tội, tạo Nghiệp, để mọi người triền miên trong vòng Sinh Tử Luân Hồi. Cũng theo Đức Thích Ca, dù tư tưởng thì rất nhiều, nhưng gom lại chỉ có 3 xu hướng: THAM, SÂN và SI. Mỗi loại nhiều đến nỗi Ngài cho là “Đông đảo như tất cả chúng sinh trên thế giới”. Những nhà Tư Tưởng Học của Úc cũng đếm ra được là mỗi ngày, mỗi người sản xuất đến 50.000 tư tưởng. (Cũng chính vì vậy mà ta thấy trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA, Phẩm Thọ Ký cho chư Đệ Tử, ta thấy Phật bảo các Đại Bồ Tát, đời vị lai sẽ “cúng dường 300 hay 200 muôn ức Đức Phật”). Có ba chủng loại, nên Ngài gọi là TAM THIÊN ĐẠI THIÊN THẾ GIỚI. Người muốn được Giải Thoát thì PHẢI ĐỘ CHO HẾT NHỮNG CHÚNG SINH NÀY. Đức Thích Ca đã DIỆT ĐỘ hết Chúng Sinh trong Cõi Tâm của Ngài nên Ngài đã THÀNH PHẬT. Để Thành Phật, Kinh VIÊN GIÁC viết: NHỮNG NGƯỜI ĐOẠN THƯƠNG, GHÉT CÙNG VỚI THAM, SÂN, SI CHẲNG CẦN TU GÌ KHÁC CŨNG ĐỀU ĐẶNG THÀNH PHẬT Vì CHÚNG SINH mà Đức Thích Ca gọi chỉ là những TƯ TƯỞNG, nên Kinh Kim Cang viết: “TA ĐÃ DIỆT ĐỘ VÔ LƯỢNG VÔ SỐ CHÚNG SINH, NHƯNG THẬT RA KHÔNG CÓ CHÚNG SINH NÀO ĐƯỢC DIỆT ĐỘ CẢ. Do Chúng Sinh chỉ là tư tưởng của mỗi người. Công việc “CỨU ĐỘ” thì Ngài gọi là BỒ TÁT, vì vậy, Bồ Tát của ai nấy Độ cho Chúng Sinh của người đó, không có cứu độ cho ai bên ngoài, nên Đạo Phật gọi là Đạo TỰ ĐỘ. Ai có đọc lịch sử của Đạo Phật đều thấy: Cuộc sống của Đức Thích Ca sau khi Đắc Đạo, ra giảng dạy cũng bình thường như tất cả mọi người: Kinh Kim Cang viết: “Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp y, cầm bát, vào thành lớn Xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong, trở về Tịnh Xá, dùng cơm rồi cất y bát, sau khi rửa chân xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi”. Nếu có thần thông, phép mầu thì Đức Phật đã hóa phép để có cơm cho mình và đệ tử ăn, hay cùng đệ tử bay là là cho khỏe, việc gì phải đi bộ để khất thực cho mất công! Cả cuộc đời của Ngài không có cứu độ ai, hay làm phép mầu, biến hóa thần thông nào. Truyền thuyết còn ghi lại. Có lần một bà mẹ có con bị chết, đã mang con đến xin Phật cứu cho, Ngài đã kêu họ đi xin LỬA CỦA MỘT NHÀ NÀO CHƯA TỪNG CÓ NGƯỜI CHẾT ĐỂ NGÀI LÀM PHÉP CỨU CHO. Tất nhiên là không hề có nhà nào chưa từng có người chết, nên Ngài cũng đâu có cứu được. Ngài chỉ dạy cho người đó một bài học là KHÔNG CÓ AI KHỎI CHẾT, vì ĐÃ CÓ SINH THÌ PHẢI TỬ. Đức Phật cũng không coi trọng việc khổ luyện để có thần thông, vì lợi ích quá nhỏ bé qua câu chuyện: Lần nọ Ngài dắt đệ tử qua sông. Trong khi chờ đò thì gặp một Đạo Sĩ tu nhiều năm ở đó. Ông ta khoe khoang là sau mấy mươi năm tu tập, ông ta có thể tự qua sông mà không cần đò. Đức Phật đã nói với ông ta rằng: chỉ cần tốn mấy mươi xu thì đã có người đưa qua sông. Việc gì phải phí phạm đến mấy mươi năm để làm được việc đó! Việc cầu mong Phật cứu độ thì nếu ai có đọc Kinh VỊ TẰNG HỮU THUYẾT NHÂN DUYÊN sẽ thấy: Một lần khi Phật giảng pháp, La Hầu La lơ đãng không nghe. Ngài đã hỏi sao không lắng nghe để tu hành, thì La Hầu La trả lời là còn nhỏ nên chưa hiểu, đợi lớn. Phật hỏi: “Liệu ngươi có giữ được mạng đến lớn không? La Hầu La trả lời: Không lẽ Phật không giữ mạng giùm cho con? Phật đã trả lời: “Ta còn không giữ mạng được cho ta, huống là cho ngươi”. Lúc dòng họ Thích của Ngài có tranh chấp với dòng họ khác, Ngài cũng đau lòng mà nhìn mấy trăm người của dòng họ biệt tiêu diệt. Đâu có cứu được họ! Bởi nếu Phật cứu được mọi người thì quy luật vũ trụ mà Ngài khám phá: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” và Nhân Quả không còn giá trị nữa rồi. Sinh thời, bản thân Phật nhiều lần cũng bị bệnh, Ngài Anan phải mang bát đi xin sữa cho Ngài uống. Cuối đời Ngài cũng chết vì ngộ độc thực phẩm do Thuần Đà cúng dường. Nhưng nếu thật sự Phật không có quyền phép, không thể cứu độ cho mọi người thì chúng ta tin vào điều gì để mà tu học theo đó? Nói rằng Đức Thích Ca cũng chết, thì việc cho là THOÁT SINH TỬ LUÂN HỒI của Đạo Phật được hiểu như thế nào? Theo tôi hiểu, việc buộc phải mượn hình ảnh thần linh có lý do chính đáng. Thời của Phật ra giảng Đạo thì đã có nhiều giáo phái xuất hiện trước đó. Họ thờ đủ thứ Thần Linh, cho rằng những vị đó quyền năng vô hạn, toàn quyền ban ơn, giáng họa, nên lôi cuốn được rất nhiều người tin theo. Giáo Pháp của Đức Thích Ca thì hoàn toàn mới mẻ, không tin có thần linh tạo dựng ra con người và nắm toàn quyền điều khiển, ban ơn, giáng họa, mà chỉ có NHÂN QUẢ của mỗi người gây tạo sẽ đưa họ đến kết quả tốt hay xấu. Nhưng làm sao con người thời đó – ngay cả con người của thời đại chúng ta – mấy ai có thể đủ sáng suốt, đủ bản lãnh để thôi nương tựa, cầu xin và dám tin rằng chính mình là tác nhân của hiện đời và những kiếp về sau qua những việc mà họ làm, nếu không tin vào lời của Đức Thích Ca rồi tự mình tư duy để chiêm nghiệm thêm? Vì thế, buổi đầu, Đức Phật phải mượn hình ảnh của những tôn giáo khác, và cho rằng giáo pháp của mình cao siêu hơn, có những vị Bồ Tát thần thông quảng đại, luôn túc trực để “tầm thinh cứu nạn” để họ tin theo mà phát tâm. Nếu không có cách để hướng Thiện, thì mọi người sẽ tàn sát nhau để tranh giành những thứ quý giá, nên Đức Thích Ca đã mô tả Tây Phương Cực Lạc với Bảy món quý đầy dẫy mà người đời ai cũng muốn có, để họ mong được về đó mà ngưng làm Ác, sau đó sẽ lần hồi giải thích cho họ biết, là Ngài đã dùng Phương Tiện. Mọi thứ mà Ngài diễn tả không phải ở trên trời cao hay ở cõi nào, mà đều ở TRONG CÕI TÂM của chính mỗi người. Từ PHẬT QUỐC CHO TỚI CHƯ BỒ TÁT, THÁNH CHÚNG, kể cả ba Đường Dưới. Tu Phật chỉ là CHUYỂN HÓA CÁI TÂM CỦA CHÍNH BẢN THÂN NGƯỜI TU, để Xấu trở thành Tốt. Ràng Buộc thành Giải Thoát. Chúng Sinh Thành PHẬT. Do vậy mà TU THEO ĐẠO PHẬT ĐƯỢC GỌI LÀ TU TÂM. QUẢ VỊ cũng được giải thích trong Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA. Đó là do người cha thương các con đang mải mê chơi đùa trong NHÀ LỬA, nên phải dùng đó để dụ chúng chạy ra. NHÀ LỬA mà Kinh viết chính là cái THÂN TỨ ĐẠI CỦA MỖI NGƯỜI ĐANG TỪNG GIỜ ĐI VÀO HƯ HOẠI. Do đó XUẤT RA KHỎI NÓ MỚI ĐƯỢC GỌI LÀ XUẤT GIA, không phải chỉ rời nhà thế tục như nhiều người đã hiểu lầm. Cũng không phải mới xa lánh việc đời đã là THOÁT TỤC, mà Thoát Tục có nghĩa là lìa được THAM, SÂN SI của chính mình. Bởi nếu vô Chùa rồi mà còn mang theo nó thì sao gọi là Thoát Tục? CẠO TÓC không đơn thuần là cạo đầu, mà là CẠO SẠCH PHIỀN NÃO. ĐẮP Y đâu chỉ là phủ lên người chiếc áo Ca Sa của Nhà Phật. Mà điều đó nói lên ý nghĩa THÂN VÀ TÂM của người tu PHẢI THUẦN MỘT MÀU GIẢI THOÁT. Phật Ngôn có câu: “Nếu chiếc áo Ca Sa có uy lực giải trừ Tham, Sân, Si thì cha mẹ hoặc người thân chỉ cần phủ lên người đứa bé khi nó mới chào đời là đã được toại nguyện”. Việc KHẤT THỰC mang ý nghĩa là người muốn tu học phải tìm người Thiện Tri Thức để cầu xin Pháp Giải Thoát, nuôi dưỡng cái PHÁP TÁNH. Còn nếu chỉ đi xin thực phẩm để nuôi cái Thân Phàm thì khác nào hành khất đi xin ăn. Vì như thế, chẳng lẽ người hành khất một đời sống bằng cơm bá tánh cũng sẽ đắc đạo? CÚNG DƯỜNG PHẬT, là ĐƯA MỘT CHÚNG SINH sang Bờ Giải Thoát, gọi là ĐỘ CHO CHÚNG SINH THÀNH PHẬT, không phải là mang hương hoa đặt trước Tượng Phật! Chính vì vậy mà trong TỨ Y, Phật dặn dò: “Y NGHĨA, bất Y NGỮ”. Rời khỏi Nhà Lửa cũng không phải là chết đi, mà là THÔI KHÔNG ĐEO BÁM NÓ, KHÔNG THEO SỰ ĐIỀU KHIỂN CỦA NÓ NỮA. Giải Thoát của Đạo Phật nằm trong nghĩa đó. Để hiểu được điều này buộc hành giả phải có nhiều thời gian để tư duy, chiêm nghiệm những điều Phật dạy. Trước đó phải có thời gian chuẩn bị là Giữ Giới, Hành Thiện, đi trong Bát Chánh Đạo để xả bớt cái Tâm dính mắc. Như người bị nhiều lớp màn che chắn, phải vén từ lớp, lần hồi ánh sáng mới lộ ra. Ai cũng biết rằng mỗi người đều phải Chết, nhưng vì chưa ý thức được cuộc đời là VÔ THƯỜNG, thấy đó rối mất đó, nên với người thân là cha mẹ, vợ, chồng, con cái, lúc sống bên nhau thì thờ ơ. Đến khi phải xa lìa nhau thì mới hối hận muộn màng. Chính vì vậy Đức Thích Ca cho rằng “Nước mắt chúng sinh khóc vì Sinh Ly, Tử Biệt, còn nhiều hơn nước nơi biển cả”. Với người ngoài thì vì không biết còn có đời sau, nên sẵn sàng tranh giành, đấu đá, lấn người, hại vật, bất kể đạo lý để kiếm chút danh, lợi vì cho rằng “Chết là hết”. Nhưng Đức Thích Ca cho rằng ngoài cái THÂN này, mỗi người có cái THÂN VÔ TƯỚNG, TRƯỜNG TỒN, BẤT SINH, BẤT DIỆT. Thân Phàm này chỉ là cái THÂN NHÂN QUẢ mà mỗi người phải nhận lấy trong một kiếp, để Trả những gì đã Vay, và nhận lại những gì đã cho đi. Những gì đã làm sẽ không mất, do đó lại phải nhận một cái Thân khác để Trả. Thế rồi, trong khi Trả nợ cũ, nếu không ý thức để dừng, thì đồng thời lại tiếp vay nợ mới. Cứ thế mà Vòng Luân Hồi vẫn tiếp tục quay, cho đến khi nào theo hướng dẫn của Đạo Phật để tìm gặp CÁI TA THẬT, hay còn gọi là THẤY TÁNH, hay THẤY BỔN THỂ TÂM, thì vòng Luân Hồi mới kết thúc, gọi là Thoát Sinh Tử Luân Hồi. Cái Sinh Tử vẫn diễn ra với các Giả Tướng, nhưng người Thấy Tánh, biết mình không phải là cái Thân Giả Tướng thỉ không Chết với nó, mà chỉ là xả bỏ một phương tiện đã cũ kỹ theo quy luật mà thôi. Lúc Sống họ đã không bám lấy nó, không thấy nó là Mình, nên đâu vì nó mà gây Nghiệp Ác, thì lúc nó hết Duyên mà Chết thì họ cũng đâu có Chết theo nó. Do đó, dù Đức Thích Ca hay Chư Vị Giác Ngộ đều Sinh, đều Tử, nhưng các vị THOÁT SINH TỬ là như thế. Nểu các bậc Giác Ngộ rồi không trở lại đời thì lấy ai hướng dẫn cho Chúng Sinh Thoát Khổ, nên Các Ngài cũng luôn “theo dõi chúng sinh như bóng theo hình”. Có nghĩa là nơi nào con người còn đau khổ là các Ngài luôn xuất hiện để giúp đỡ, hướng dẫn. Nhưng, không phải do NGHIỆP lôi kéo, mà do BI NGUYỆN, nên không thể gọi đó là bị Luân Hồi. Dù rằng tu hành theo Đạo Phật chỉ là để Thoát Khổ, không có phép mầu, thần thông, cũng không được Phật Độ cho, mà mỗi người tự ý thức về NHÂN QUẢ, để Biết rằng tự làm, tự chịu. Nhưng như thế phải đâu vô ích, vì hiện đời, nhờ Đạo Phật hướng dẫn, nên họ sống trong Giới, trong Bát Chánh Đạo, cộng thêm áp dụng các đức Từ, Bi, Hỉ, Xả... nên lòng họ bao dung hơn. Không làm ác. Không tạo nghiệp. Không lợi dụng người khác. Không tham lam, sân hận, si mê, và giữ gìn Thân, Khẩu, Ý, nên cũng không hơn thua, tranh chấp với ai. Không làm xáo trộn cuộc sống của người khác. Với những đức tính đó, nếu là một quan chức thì sẽ không hà hiếp, bóc lột người dân. Là một người công dân thì cũng chấp hành đầy đủ mọi luật lệ. Là người thương gia thì sẽ cạnh tranh lành mạnh, buôn ngay, bán thật. Là con thì sẽ hiếu thảo, biết yêu kính ông bà, cha mẹ. Là bậc cha mẹ sẽ hết lòng, là bậc vợ chồng thì chung thủy, yêu thương nhau, cùng chia sớt gánh nặng của cuộc đời và lo giáo dưỡng con cái nên người. Là chủ thì sẽ không bóc lột công nhân. Là người làm công thì ý thức trách nhiệm, không xén bớt của chủ… Như thế thì cuộc sống của chính họ và người chung quanh sẽ được nhẹ nhàng hơn. Kiếp sau, nếu có, thì càng tốt đẹp hơn. Chừng đó chẳng phải là không uổng một kiếp làm người hay sao, chúng ta còn mong muốn gì hơn nữa. Tại sao cứ nghĩ rằng tu hành là phải đắc quả nọ, quả kia, phải cao hơn mọi người? Một người đạt đến kết quả của việc Tu sửa là cái Tâm an lạc, thơ thới, một cuộc sống nhẹ nhàng, mà Đức Thích Ca gọi là người TÌM ĐƯỢC VIÊN NHƯ Ý BỬU CHÂU, thì đó là MÙA XUÂN VĨNH CỬU luôn ở trong họ, là PHẬT QUỐC đã hình thành, đâu có cần mượn màu mè, sắc tướng bên ngoài. Đâu cần phải bỏ hết công ăn việc làm rồi sống ở cõi trần gian mà không tham gia, đóng góp với mọi người, chỉ mơ màng về Niết Bàn hay Tây Phương, Đông Phương của Phật khác, không biết đó chỉ là Phương Tiện mà Đức Thích Ca khuyến thiện mà thôi. Một cuộc sống với thân, tâm an lạc thì đã là Niết Bàn tại thế, còn chờ về Niết Bàn ở cõi nào khác! Mọi người vẫn vừa TU SỬA cái TÂM của mình, vừa tham gia mọi sinh hoạt của đời, làm tròn bổn phận làm con, làm chồng, làm cha, mẹ, làm người công dân tốt, đóng góp sức, tài cho xã hội. Tự thanh lọc cái Tâm thì Đất Tâm đã trở thành Thanh Tịnh Địa, đâu cần phải cất Chùa hữu tướng, đâu cần phải bỏ hết công ăn, việc làm, không được có gia đình, đâu cần phải ở biệt lập với thế nhân hay chờ người đời cung dưỡng cho thì mới Tu được. 32 Tướng Tốt là để người nào muốn có thì theo đó mà thực hiện cho bản thân, đâu phải để dùng đồng, bạc, vàng, ngọc… đúc, tạc lấy mà thờ! Vì không lẽ tới thời này rồi mọi người còn tin rằng chỉ cần lấy vật liệu nào đó, tạc thành ảnh của Phật hay thần linh thì trở thành linh ứng, cứ đối trước đó mà cầu xin là sẽ được ban cho. Như vậy khác nào niềm tin của những người đã sống cách đây hàng mấy ngàn năm! ĐẠO PHẬT được gọi là ĐẠO NHÂN QUẢ. Đại Thừa hay Phật Giáo Nguyên Thủy cũng đều khẳng định Phật không phải là một vị Thần Linh, vậy mà mọi người vẫn còn tin vào việc CẦU AN, CẦU SIÊU, CẦU CHO QUỐC THÁI, DÂN AN, không biết rằng việc làm đó là trái với Luật Nhân Quả, vì nếu Phật quyền phép vô biên, chỉ cần Cầu Xin thì Ngài sẽ ban cho, thì Ngài đâu có kêu chư Đệ Tử, kể cả con và em của Ngài phải tu hành làm gì! Có một nhà khoa học đã nói với tôi là trong thời gian ông học ở nước ngoài, Thầy của ông đã nói: “Nếu tin vào Tôn Giáo thì không thể có Khoa Học”! Thật vậy, nếu ta tin rằng cứ cầu xin là sẽ được ban cho, thì việc gì phải học hỏi, phải nghiên cứu cho mất thì giờ! Bởi thế, có người nêu ra nhận xét rất đáng cho chúng ta suy gẫm: là những nước mà tôn giáo phát triển mạnh chừng nào thì có vẻ lạc hậu, chậm tiến chừng đó, vì mải lo cầu xin, mong chờ ơn trên phù hộ, độ trì, nên đâu cần phát triển, trong khi những nước văn minh mọi người không hương khói cầu khẩn, không có Chùa to, Phật lớn, không có lực lượng tu sĩ đông đảo, mà chỉ tin vào khoa học, kỹ thuật, để tìm tòi, phát minh, mở mang, đưa nước họ tiến lên, vô hình trung chính họ mới là những người TIN NHÂN QUẢ một cách thực tế, phù hợp với Đạo Phật chân chính. Gần đây, dư luận lại rộ lên, hâm nóng thêm lòng mến mộ Đạo Phật, qua việc những nhà Khảo Cổ người Anh đã đến Đất Phật để khai quật, tìm tòi, và qua những chứng cứ, họ khẳng định những gì được lịch sử kể lại về Đức Phật là hoàn toàn có thật. Nhưng cuối cùng, họ đã đưa ra một kết luận mà có lẽ ai nghe cũng thấy buồn giùm cho Đạo Phật chân chính: “Trớ trêu thay, sau cái chết của Đức Phật, người đã giảng về sự vô ích của những nghi lễ thờ cúng và sự sùng bái cá nhân lại trở thành đối tượng được thờ cúng và được sùng bái nhiều nhất trong lịch sử”. Có người đã lý giải nguyên nhân của sự lạm phát thờ cúng: Chính là những bế tắc trong cuộc sống, không thể dùng sức mình để vượt qua, chỉ còn mong chờ vào sự cứu độ, che chở của Thần Linh, dù chính họ cũng không biết có thật hay không, hay chỉ là sản phẩm của người ngày xưa khi ánh sáng Khoa Học chưa soi rọi tới! Về những biến tướng hiện nay đang tràn lan vào cửa Phật, thì chúng ta không thể trách ai được, mà chỉ nên tự trách, vì ngày xưa Kinh chưa được dịch ra thì không có để đọc, không thể tra cứu, tham khảo, nên cứ “xưa bày, nay làm”, nhắm mắt mà tin! Ngày nay, các Hòa Thượng đã bỏ công sức dịch ra hằng hà sa số. Nếu có nghi ngờ tại sao chúng ta không tự kiểm tra để có cái hiểu chính xác cho mình, trả lại cho Đạo Phật như sự thật vốn có, để mọi người khi hướng về Đạo Phật thì không phải chỉ với lòng sùng kính, tôn thờ, mà lấy hình ảnh, công việc, lời nhắc nhở của Phật áp dụng cho bản thân để trở thành những người tu hành thật sự, không cần sự hỗ trợ của hình tướng, cũng chẳng cần ai “độ” cho thì mới tu được, vì đã rõ lẽ Nhân Quả. Bởi vô lý hết sức khi ta tu thì ta nhờ mà bắt người khác phải cung phụng. Chính hoàn cảnh tu hành không phải lao động, lại được ăn trên ngồi trước đã tạo điều kiện cho một số người giả danh trà trộn vào để trục lợi mà ta thấy ở nước ngoài cũng như nước ta thỉnh thoảng họ làm lộ liễu quá tín đồ phải bức xúc, như các Sư ở Hàn Quốc trong một đêm đã thuê khách sạn để nhậu nhẹt và đánh bạc thua cả 18 tỷ Won! Một Trụ Trì ở Thái Lan thì có đến 7, 8 vợ, xài đồ hàng hiệu, mua cả chục xe hơi đắt tiền. Tài khoản vô ra hàng ngày lên đến cả triệu đô! Sư xây chùa mãi không xong mà cất biệt thự ngay trong khuôn viên, và thiếu nợ tín hữu! Sư cho đúc tượng của mình để thay vô, mang tượng cổ đi đâu mất… làm cho tín đồ cũng mất niềm tin phần nào nơi các vị tu hành, vì biết ai là bậc chân tu, ai “mượn đạo tạo đời”! Còn điều này nữa. Khi chúng ta làm tội tức là chúng ta đang có lỗi với bản thân, mai kia cũng chính chúng ta là người phải trả Quả, thì việc gì phải Sám Hối với Phật khác. Việc làm tốt hay xấu của ta đâu có ảnh hưởng đến Phật khác? Tổ Đạt Ma cũng dạy: “Đừng mang Phật ra mà lạy Phật”, bởi Phật đâu phải là Tượng. Chính mỗi chúng ta cũng là những vị Phật trong tương lai, chỉ cần “Y Pháp tu hành” thì cũng sẽ thành tựu như lời Phật đã hứa, vì PHẬT đâu phải là một vị Thần Linh, chỉ là người nhờ công năng tu hành mà được Giải Thoát khỏi đau khổ, phiền não mà thôi. Bao giờ con người hết bị cảnh Khổ vùi dập, mọi ngưởi quay vào Tu, Sửa cái TÂM của mình để không còn cảnh tranh giành, đấu đá, tàn sát với nhau, mà biết yêu thương, san sẻ cùng nhau, để tất cả đều được sống an lành, hạnh phúc trên trái đất đầy hoa thơm, cỏ đẹp, cảnh vật khắp nơi được thiên nhiên khắc họa thật kỳ vĩ, sinh động, mà để cả một đời chưa chắc đã khám phá hết! Mọi người, nghèo cũng như giàu đều có được sự an vui nơi Tâm, trong cảnh của mình, mà Kinh gọi là Đức Di Lặc xuất thế, thì đó là MÙA XUÂN VĨNH CỬU đến với mọi người. Đến lúc đó Đạo Phật mới hoàn tất sứ mạng của mình. Kinh cũng có ghi lại là Đức Di Lặc sẽ xuất thế sau Đức THÍCH CA, nên nhiều giáo phái cũng ngóng chờ. Họ không biết là SAU THỜI THÍCH CA LÀ THỜI CỦA DI LẶC - tức là sau khi cái TÂM NĂNG TỊNH, thì sự AN LẠC SẼ XUẤT HIỆN – CŨNG CHÍNH NƠI ĐÓ. Bởi hình ảnh của Ngài là một người đã thuần hóa được LỤC TẶC, tức là SÁU TÊN GIẶC MẮT, TAI, MŨI, LƯỠI, THÂN, Ý của bản thân. Đâu phải là Ông Phật nào, từ cõi trời, hay ở nước nào đó xuất hiện với hào quang chói lóa, Thánh Chúng theo hầu! Đạo Phật dạy VĂN, TƯ rồi mới TU. Kinh có NGỮ mà cũng có NGHĨA. Vì vậy ta nên đọc cho kỹ, Tư Duy cho cùng lý rồi mới áp dụng. Có như thế ta mới không phụ công sức của Đức Thích Ca, 33 vị Tổ, cùng Chư Vị Giác Ngộ đã nhiều đời nối truyền để rao giảng, và không phản lại tôn chỉ của Đạo Phật vậy. Tháng 12/2013 TÂM NGUYỆN
Tác giả: Dương Lêh Nắng Saigon đã bắt đầu dịu lại không còn gay gắt như mấy tháng trước, màu nắng cũng có vẻ như đổi khác, bây giờ làm như có màu nước trà đá. Bầu trời trong xanh giống như bầu trời mùa thu xứ Bắc, nhưng ở đây thời tiết này báo hiệu sắp Tết đến nơi. Tính theo lịch thì còn chừng non hai tháng nữa là Tết, nhưng không khí rộn rịp mừng xuân mới đã bắt đầu cho thấy bằng những loại hoa xuân được đưa về bán nhiều trong các chợ. Con rắn của năm Quý Tỵ chuẩn bị lên đường trở về cánh rừng xanh âm u trong cõi vô hình, nhường bước cho con ngựa của năm Giáp Ngọ cũng từ cõi xa xăm nào đó trở về mang tiếng hí vui tươi như tiếng cười của bà chị hàng xóm đã phấn đấu ôm được một ông chồng Mỹ bay về bên kia bờ đại dương chung sống. Thời gian cứ trôi dần, có vẻ hơi mau, nhiều người thấy cần phải chuẩn bị một điều gì đó không thì năm cùng tháng tận đến nơi lo không kịp. Người lo lắng nhất ở trong cái chợ Cây Me này có lẽ là chị Năm bán sạp vải ở gần cuối chợ. Sáng nào cũng vậy, nếu không có một tô hủ tíu xương hoặc một tô mì hoành thánh đính kèm thêm một ly cà phê sữa đá thật ngọt, chị Năm sẽ rên rỉ nào là bụng cồn cào xót ruột, nào là đau bao tử, thượng vị hạ vị đủ thứ. Thật ra chị Năm không có bệnh hoạn gì hết. Nỗi niềm ưu tư của chị là trọng lượng của chị cứ từ từ gia tăng. Người ta khuyên chị bớt đi những thức ăn béo bở như thịt heo thịt bò. Chị nói chị không thích ăn thịt bò vì thịt bò “nóng” còn thịt heo thì “mát”. Nhờ ăn thịt heo chị thấy mát da mát thịt nên lên cân hoài. Chị rất buồn mỗi khi đi tắm nhìn vòng số hai, chị lắc đầu ngao ngán. Người ta nói đàn ông bụng bự thì sang trọng, giàu có, chứ đàn bà có bụng xấu lắm. Thực ra thời buổi bây giờ ngay cả đàn ông cũng sợ bụng phệ rồi. Rất nhiều người lớn tuổi cố gắng giữ làm sao cho đừng lên cân, đừng bị cảnh béo phì. Nhiều ông cứ dòm chừng cái thắt lưng, vì thắt lưng càng dài, tuổi thọ càng ngắn. Không ai còn ham bụng lớn là phú quý như từ xưa đến giờ nhiều người vẫn thường nói. Hãy nhìn những người Hoa bán hủ tíu trong Chợ Lớn, thật sự họ rất giàu có, nhưng chỉ “phú” chứ không có “quý”, tiền vô rần rần nhưng suốt đời vẫn làm cái công việc đứng nấu hủ tíu bên lò lửa nóng hực, cả cuộc đời họ chỉ làm cái công việc phục vụ người khác, làm sao mà “quý” được? Nhìn bộ dạng chị Năm thật ra cũng không đến nỗi phì nhiêu lắm. Nếu chị nghe lời bác sĩ hướng dẫn cách ăn uống, kiêng khem thêm có lẽ cũng cho chị hiệu quả tốt. Chị sợ ăn mì gói vì chị thấy trên ti vi quảng cáo, có nghe nói mì gói là “nóng” nên trong nhà không bao giờ thấy chị có một gói mì ăn liền nào hết. Chị cứ khư khư giữ vững cái ý nghĩ đồ chiên đồ xào là những loại thức ăn “nóng” mặc dù các bác sĩ nói rằng không có thức ăn nào nóng cũng chẳng có thức ăn nào lạnh hay nói theo kiểu mấy ông thầy lang gọi là thức ăn “hàn” hoặc thức ăn “nhiệt”. Mỗi ngày qua đi là mỗi lần chị Năm thấy sốt ruột. Tết nhứt tới nơi rồi mà cái bụng của chị tròn trĩnh như thế này thì làm sao mặc áo quần cho đẹp trong mấy ngày Tết. Chị tình cờ qu e n được cô Xinh làm ở thẩm mỹ viện bên quận 1, cô này khuyến khích chị mau mau đi hút mỡ bụng , lấy lại cái eo thon thả để... ăn Tết. Chị muốn làm cho chồng chị phải ngạc nhiên khi thấy bà xã đẹp ra để rồi thoải mái đưa chị đi chỗ này chỗ nọ thăm bà con hay du ngoạn thưởng xuân. Chị muốn đánh bại cái suy nghĩ bảo thủ của ông chồng. Ông cứ nói con người ta để tự nhiên mới đẹp, hoặc trời sinh sao để vậy. Ổng còn khuyên chị không nên làm mất đi dáng vẻ ngày xưa như hồi mới cưới nhau. Trên mạng, người ta có để hình một người phụ nữ trước và sau khi giải phẫu thẩm mỹ. Hình trước xấu quắc còn hình sau khi được bàn tay phù thủy của mấy ông “bác sĩ” thẩm mỹ hóa phép trông đẹp vô cùng. Ông chồng chị còn nói để sau mười năm nữa chụp lại một tấm hình của người phụ nữ đó, bảo đảm sẽ thê thảm hơn tấm hình chụp khi chưa từng đến mỹ viện. Ổng lại còn kể chuyện hồi xưa, lâu lắm rồi, có một diễn viên điện ảnh rất đẹp nhưng lại đi sửa sắc đẹp làm sao đó bây giờ về già những chất liệu hồi đó bơm vô trong mặt, mũi, tay, chân, mông, ngực… bị biến dạng làm cho mặt mũi xấu xí, nhăn nhúm, mình mẩy tay chân cũng thay đổi hình dáng không giống như một người bình thường. Ổng nói không ai dám nhìn vào hình ảnh của bà bây giờ nữa chứ đừng nói nhìn vào con người thật của bà. Nghe ông chồng nói như vậy chị Năm cũng cảm thấy hãi hùng, rét lạnh. Nhưng chị lại nghĩ, có lẽ người ta ghét bà diễn viên này nên mới đặt ra nhiều chuyện ghê rợn như vậy. Còn hình ảnh bây giờ người ta sửa ghép dễ dàng không dễ gì làm cho người ta tin được đâu. Hơn nữa, theo chị nghĩ người ta để cho bơm những loại chất liệu từ bên ngoài vào mặt mũi tay chân thì mới nguy hiểm, chứ còn chị chỉ là hút cái mỡ dư thừa chung quanh cái bụng đầy phù sa của chị, chắc là không đến nỗi nào. Một buổi sáng, cô Xinh bất ngờ đến gặp khi chị đang loay hoay đưa từng khúc vải cho khách xem và chọn lựa. Nháy mắt về phía cô Xinh, chị nói: - Chờ chị một chút he. - Không sao đâu chị, chị cứ lo bán cho khách đi. Chị Năm vừa bán hàng vừa liếc nhìn cô Xinh. Chị thấy cô này “xinh” thật. Da mặt căng láng. Chị nghĩ có lẽ tại vì cô còn trẻ nên chưa xuất hiện những nếp nhăn. Cô Xinh đeo kính gọng nhỏ đủ cho chị thấy được ở hai khóe mắt của cô không hề có vết chân chim. Chị cũng biết cô Xinh này đã ngoài ba mươi rồi, duyên phận chưa định được. Cô nói là đang làm việc tại cái mỹ viện đó, nhưng chị Năm không biết cô làm công việc gì. Cô nói ở đó có hai, ba bác sĩ chuyên môn học nghề thẩm mỹ ở Hàn quốc về. Cô còn nói hiện nay Hàn quốc đã qua mặt Thái Lan về ngành giải phẫu thẩm mỹ. Ở viện thẩm mỹ nơi cô làm việc còn nó nhiều chuyên viên trẻ đã có quá trình đào tạo “chính quy” phụ giúp các bác sĩ trong mọi công tác phẫu thuật. Cô khuyên chị đừng nghe người ta nói, hoặc đọc trên báo nói những chuyên viên đó chỉ là những cô tiếp viên nhà hàng có chút ngoại hình được tuyển vào làm riết rồi thành “chuyên viên”. Mới đầu làm công việc lặt vặt như xắt dưa chuột, quậy trứng gà, rồi đắp dưa chuột lên mặt, hút mụn, hút nhọt sau thành lão làng, làm phẫu thuật luôn. Cô Xinh nói, người ta đồn không đúng đâu, đừng tin. Chị Năm vẫn ngờ ngợ, báo chí người ta đã bỏ công đi điều tra tới nơi tới chốn và phát hiện nhiều chỗ vi phạm rồi. Chị Năm không nghĩ ra cô Xinh này chính là chuyên viên làm công tác tiếp thị của cái gọi là viện thẩm mỹ nơi cô đang làm việc. Người bình dân thường gọi là “cò”, có khi còn gọi là “pi-a” “pi-bê” gì đó cho có vẻ là người đang làm một công tác “trí tuệ” quan trọng. Chuyện vãn một hồi, cô Xinh kiếu từ ra về, chị Năm nói vói theo: - Được rồi, đưa ông Táo xong tôi sẽ đến làm nhe cô. - Còn kịp mà. Viện em làm tới giao thừa luôn. Cô Xinh quay lưng đi về phía đầu chợ, chị Năm rút điện thoại, lấy ngón tay cái và ngón trỏ quẹt qua quẹt lại mấy cái trên mặt kính điện thoại, rồi bấm vào số của một người nào đó: - Nhiều đó hả. Em tính ngày 24 đi được không? - … - Cô Xinh nói, em cắt mắt thì nhanh lắm. - … - Nghe nói chị làm một ngày là xong, sau đó phải mang “ghen” một hai tuần. - … - Rồi, vậy đi nhe. Thì ra chị đã hẹn với cô em họ muốn đi cắt mắt một mí. Cô này chuẩn bị ra mắt một anh chàng Việt kiều. Anh chàng này muốn về Việt Nam tìm vợ, và anh định về thăm quê nhà trong dịp Tết để coi mắt cô em họ của chị Năm. Nếu được anh ta sẽ làm đám hỏi rồi bay về Mỹ làm thủ tục để sau khi đám cưới sẽ nhanh chóng đưa cô này về Mỹ luôn. Quả là một tương lai sáng trưng đang chờ đợi cô em chị Năm bởi vậy cô mới “hồ hởi phấn khởi” muốn đi theo chị Năm để cắt mắt. Anh chàng Việt kiều này còn bà má ở Việt Nam tuổi tác cũng được liệt vào hàng xưa nay hiếm. Anh định nhân cơ hội này nhờ cô vợ chưa cưới tới lui chăm sóc cho bà hưởng được lạc thú làm mẹ chồng tương lai của một cô dâu vừa từ trên trời rớt xuống. Ở chợ Cây Me này đã có bốn năm bà đi cắt mí mắt rồi nhưng chỉ có được một bà coi gần giống một người có mắt hai mí, còn mấy bà khác thì không thể nào cho là đẹp. Người ta nhìn vào thấy hai con mắt như bị vẽ hai vòng tròn đồng tâm. Có người, hai con mắt trợn lên như Tề Thiên Đại Thánh. Lại có người một mắt mở được lớn bình thường nhưng mắt kia chỉ mở được lưng chừng, Còn có người tệ hại hơn nữa đó là hai con mắt không bao giờ nhắm kín được khi ngủ giống như hai mắt của người chuẩn bị thức giấc. Trường hợp này hy vọng có lợi ích là khi ăn trộm “nhập nha” thấy chủ nhà như đang thức giấc chắc phải chạy trối chết. Cũng có một trường hợp như cô Nha bán bún thịt nướng ở đầu trên của chợ đi cắt môi cho thành hình trái tim căng mọng giống như anh chàng nghệ sĩ cải lương có cặp môi được bơm cái gì đó không biết mà cái miệng giống như ông bình vôi của mấy bà già trầu. Riêng cô Nha sau khi cắt môi xong cái miệng không bao giờ ngậm kín lại mà giống như một người đang nhìn trời huýt sáo một bài hát nào đó và bài hát không bao giờ kết thúc. Lại có một trường hợp một bà dạy nấu ăn trên TV, tuổi tác cũng khoảng bốn năm chục, dáng vẻ nửa quê nửa chợ. Lúc đầu thấy bà này có nét mặt đầy đặn, tròn trĩnh dễ thương nhưng mới gần đây thấy mặt mày đổi khác, thoạt nhìn không nhận ra, tưởng đâu một bà nào khác thay thế thực hiện chương trình nấu ăn, mà sao nhà đài chọn một bà xấu xí quá vậy? Tới chừng nhìn kỹ lại thì không ai khác hơn là bà đó! Mặt bà bây giờ méo xẹo vì một chuyên gia thẩm mỹ nào đó đã khoét trên hai gò má hai đồng tiền sâu hun hút làm cho mặt bà cười không ra cười, mếu không ra mếu. Chương trình nấu ăn trên TV đó chắc phải dẹp tiệm vì không còn ai muốn quảng cáo hoặc tài trợ. Trưa 23 Tết, chị Năm bày một khay nhỏ đựng mấy món kẹo đâu phọng, kẹo mè, bông đường xanh xanh đỏ đỏ người Tàu gọi chung đó là kẹo “thèo lèo” chuyên dùng cho việc cúng đưa ông Táo về trời. Chị ngồi xổm chắp tay kẹp ba cây nhang xá lên xá xuống đúng ba lượt rồi cắm vào cái ly đựng gạo thay thế lư hương, miệng lẩm bẩm khấn, có lẽ chị đang nói “gút bai” ông Táo và hẹn sang năm gặp lại, rồi chị đốt một xấp giấy tiền vàng bạc. Chị cẩn thận đốt từng tờ giấy có màu vàng và trắng tượng trưng cho hai thứ kim loại quý hiếm nhứt hiện giờ, tưởng chừng như chị đang muốn chứng minh cho ông Táo thấy tổng số tiền vàng và bạc của chị đang cúng dường là đầy đủ, không thiếu một… xu. Sau đó chị đóng cửa sạp ra về. Cả chợ không ai lấy làm lạ vì sao chị Năm về nghỉ Tết sớm như vậy. Đúng ra chị có thể nghỉ từ hôm rằm vì mặt hàng vải sợi vào thời điểm cận Tết này rất ít người mua, lý do là các tiệm may đều đã không còn nhận khách đến đặt may nữa rồi. Sở dĩ chị ráng ngồi cho đến ngày đưa ông Táo là vì chị cũng muốn bán thêm chút đỉnh cho những người mua về tự may lấy, và cũng muốn kiếm thêm chút lời để bù đắp vào chi phí hút mỡ bụng của chị sắp tới đây. Chợ Tết ngày 29 đông đen, hai đầu chợ bày rất nhiều hoa tươi bán cho những người mua về cúng hoặc chưng bày cho đẹp nhà cửa trong mấy ngày đầu xuân. Thôi thì đủ loại, hoa gì cũng có và giá cũng không phải bèo đâu, bà con lao động rớ vào coi chừng bị phỏng tay. Hoa “lai-dơn” mười mấy ngàn đồng một cây. Nhà nghèo đành phải mua vài bó hoa vạn thọ, hay cẩm chướng về chưng cho có màu sắc ở trong nhà. Các sạp bán thịt cũng không có chỗ trống để đứng mua. Ai cũng muốn chuẩn bị một nồi thịt heo với món trứng vịt để ăn suốt trong ba ngày Tết. Một ông già đi chợ muốn vào mua vài lạng thịt nhưng đành chịu phải đứng xớ rớ ở ngoài nhìn các bà các cô đang chen lấn, kêu la ơi ới. Ông không dại gì xông vào chen lấn với các bà vì tuổi già sức yếu, thêm cái chứng huyết áp lên xuống thất thường, trong khi các bà các cô người nào cũng béo tròn trùng trục. Ông nghĩ không bao lâu sau mấy bà mấy cô này sẽ lần lượt đi vào bệnh viện để điều trị những thứ bệnh từ triệu chứng béo phì này. Bóng chiều xuống dần, chợ đã thưa thớt người đi mua sắm, rác rến tràn xuống đầy khắp các lối đi. Hôm nay còn buổi chợ đêm cuối cùng và kéo dài cho đến trưa ba mươi mới dẹp. Đột nhiên người ta thấy cô em họ của chị Năm đi như chạy đến sạp cô Ba bán quần áo trẻ em, nói thì thầm một lát rồi cô quày quả ra về. Người ta thấy cô em mang cặp kính màu đậm. Đây chính là cô em họ của chị Năm, đã cùng chị Năm đến mỹ viện cô Xinh để cắt mắt trong khi chị Năm cho người ta hút mỡ bụng. Hôm nay chắc là xong đâu đó rồi cho nên cô em họ của chị Năm đeo kính màu đậm có lẽ vì vết cắt chưa lành hẳn, cũng có thể cô mắc cỡ chưa muốn ai nhìn thấy. Nhưng bà con hơi lấy làm lạ vì sao cô em họ của chị Năm có vẻ ưu tư, sầu thảm, vội vội vàng vàng đến gặp cô Ba rồi quay về ngay như vậy. Vài người hiếu kỳ từ từ bước về phía cô Ba, trong lúc cô ngồi phịch xuống sạp nói vừa đủ cho mọi người nghe: - Chị Năm đi hút mỡ bụng bị tai biến rồi. Đang nằm ở nhà thương. Bị hôn mê, coi bộ nặng… Trời tối hẳn. Các gian hàng, sạp, tiệm lớn tiệm nhỏ mở đèn sáng trưng. Người ta bắt đầu đến mua sắm. Chợ Cây Me vẫn thản nhiên nhóm họp cho tới giờ phút chót để kết thúc một năm làm việc nhọc nhằn. Năm nào cũng vậy, Cô Ba thường rủ chị Năm và mấy người nữa đi chùa vào sáng mồng một, nhưng năm nay có lẽ họ không còn phấn khởi đón xuân trong bầu không khí thanh thoát tại khu sân chùa, có nhiều cây mai vàng nở rộ, vì đã thiếu vắng một người… Dương Lêh
NGỠ DỊCH MÀ KHÔNG PHẢI DỊCH Một kiệt tác văn chương nghệ thuật thường khơi nguồn để sinh sôi mở ra bao nhiêu tác phẩm tài nghệ khác. “Truyện Kiều” của Nguyễn Du là như vậy. Chỉ lấy ra một thí dụ: riêng trong những sáng tác của ông cha chúng ta theo thể loại thơ tập cổ ngày trước đã lưu lại một tác phẩm sáng giá là “Bút hoa” của tác giả Phan Mạnh Danh, mà đương thời các bậc danh sĩ học giả đáng kính như Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1877-1961) đã phải bái phục ngợi khen: “Câu truyện tỏ tình hay có một Vần thơ thích nghĩa thú bằng ba…” Nhà văn Hồ Biểu Chánh (1885-1986) phải thốt lên: “Non sông cũ, Bút hoa tươi Câu ngâm nét vẽ khiến người bâng khuâng Cổ phong soi dấu thêm mừng Văn nhân thanh nhã cũng ngần ấy thôi”… Tên tuổi Phan Mạnh Danh tôi được biết cách đây không lâu lắm, qua một số sách vở mới xuất bản, nhưng may mắn sao tôi lại có ngay một bản sách “Bút hoa” trong tay (do Trí Đức thư xã xuất bản năm 1953). Một người bạn quý, nhà giáo – dịch giả Đoàn Phan Chín (1940-2006), đã lấy từ bộ sưu tập của mình tặng lại tôi. Tuy đã là những năm đầu của thiên niên kỷ mới, giữa lúc văn chương hiện đại, “hậu hiện đại”,… đang rầm rộ tràn lan, được đọc cổ thi “Bút hoa” tôi vẫn thấy thích thú. Nhân đây tôi thấy cần giới thiệu đôi chút về “vật trân quý” này, ngõ hầu bạn đọc nào chưa biết sẽ để ý tới, có điều kiện sẽ trực tiếp tìm hiểu sâu. Phan Mạnh Danh (1866-1942), tên chữ là Trung, hiệu Thế Vọng, người làng Phù Đổng, huyện Đường Hào, phủ Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh tại Nam Định, là con trưởng thị độc Phan Trác Hoạt, cháu Hoàng Giáp Phan Trứ. Thông minh tài giỏi từ bé, 17 tuổi đi thi Hương đã đỗ ngay Tam trường. Tuy vậy ông lại bị đánh trượt ở khoa Canh Tý (1900). Phan Mạnh Danh đành lập thân bằng con đường mở trường dạy học, sáng tác văn thơ, vẽ tranh, chơi cảnh. Trong cuộc chơi nào ông cũng giành giải cao. Tại các cuộc thi hoa thủy tiên tại Hội quán tỉnh Nam Định của người Hoa, mấy năm liền Phan Mạnh Danh đều chiếm giải nhất. Tranh thủy mạc của Phan tiên sinh cũng được nhiều người phải chịu là tài tình.
Phan Mạnh Danh đã sáng tác nhiều tập thơ: “Hà Giang nhật trình” (1897), “Xuân Mộng” (1818), rồi “Thoại mộng hành”; soạn nhiều sách giáo khoa bằng chữ Nôm và chữ Hán để dạy học: “Việt Nam danh nhân diễn tích”, “Vật lý học” (1909), “Vạn vật học” và “Ngũ đại châu địa dư” (1910), dịch tiểu thuyết của Từ Chẩm Á “Đa tình hận”, bộ “Tình sử” và danh nhân tài tử Trung Quốc và lựa ra nhiều tập thơ cổ và ít văn cổ, đem dịch quốc văn theo nguyên điệu, gộp thành một tập lấy tên là “Cổ thi trích dịch”… Tuy vậy trong số di sản văn chương đồ sộ của Phan Mạnh Danh để lại, chỉ có một tác phẩm được in thành sách trước khi tác giả quy tiên: cuốn “Bút hoa”, được ấn hành đầu năm 1942, và đã để lại dấu ấn trong giới văn chương và bạn đọc. “Bút hoa” được Phan Mạnh Danh viết từ năm 1896, năm tác giả 31 tuổi, từ việc tác giả nghĩ ra lối “Kiều tập thơ cổ”, theo điệu thơ thổng của đào nương. Sau hơn 4 năm miệt mài, Phan tiên sinh đã làm ra được một tập hơn 60 bài liên cú và hơn 300 bài cách cú. “Thơ cổ tập Kiều” còn được tu sửa bổ sung cho mãi tới đầu năm 1941 và ghép với “Thơ cổ tập truyện nôm” (đầu năm 1942) mà thành “Bút hoa thi thảo” ra năm 1942. Phần sáng tác trong “Bút hoa” tái bản năm 1953 mà tôi có trong tay nằm trong phần hai gồm có “Kiều tập thơ cổ” và “Thơ cổ tập Kiều”. “Kiều tập thơ cổ” lại chia ra các phần nhỏ: I- Lối thơ thổng ả-đào. Theo lối này thì lấy trong các sách Trung Quốc và mỗi chỗ một câu thơ, rồi ghép lại thành một bài thơ tứ tuyệt đủ niêm luật, bài thơ chữ ấy đọc vần xuống bốn câu Kiều liền, mà bốn câu Kiều liền này lại hình như dịch nghĩa những câu thơ chữ ấy ra. Dòng đủ ba mươi vần bằng – đông đến vần thập ngũ hàm. Câu nào trích ở sách nào, đều có chua ở bên cạnh. Thí dụ: (Ở đây, chép lại chúng tôi không chép được nguyên bản chữ Hán mà chỉ ghi bằng âm Hán Việt. Chỗ trong ngoặc là tên tác phẩm có câu thơ được trích). Lưu thủ dư tình bổ Hóa Công (Liêu trai) Hồng nhan lưu lạc hận nan cùng (Bách mỹ) Sinh tiền cá cá thuyết ân ái (Kim cổ kỳ quan) Mạnh lý vô thời tổng thị không (Thăng bình truyện) Phũ phàng chi mấy hóa công Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha, Sống làm vợ khắp người ta Hại thay! thác xuống làm ma không chồng. Quế luân tà chiểu phấn lâu không (Tình sử) Thủy tế, hoa gian ảnh đam nùng (Trụ Xuân viên) Trù trướng đông lân thiên thụ tuyết (Thi lâm) Hải đường khai tận nhất đình hồng (Đường thi) Gương Nga chênh chếch dòm song Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân Hải đường lả ngọn đông lân Hạt sương gieo nặng, cành xuân la đà. Tất cả có tới 46 bài tứ tuyệt như trên. II- Lối thơ thổng mới. Theo lối này thì lẩy trong các sách Trung Quốc ra mỗi chỗ một câu thơ, rồi đem hai câu ghép lại với nhau, đọc vần xuống hai câu Kiều liền, kế đến hai câu thơ chữ lẩy nữa, lại đọc vần với hai câu Kiều liền nối theo. Câu thơ nào trích trong sách nào, đều có chua ở bên cạnh. Các bài đều xếp đặt trước sau theo thứ tự trong “Truyện Kiều”. Nhân sự bách niên kham thế lệ (Thi lâm) Toán lai tăng mạnh vị tài đa (Nhi nữ tình) Trăm năm trong cõi người ta Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau Tuyết thâu hương đoạn, mai thâu bạch (Thi lâm) Điểm xuyết xuân quang đáo thập phần (Hoa nguyệt ngân) Mai cốt cách, tuyết tinh thần Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Cửu thập thiều quang kim quá bán (Tống thi) Đầu thoa yến tử dĩ phi lai (Đường biệt tài) Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục, đã ngoài sáu mươi. Mạnh thượng thảo binh thiên nhất sắc (Thi lâm) Lê hoa điểm điểm sâm si khai (Đường biệt tài) Cỏ non xanh tận chân giời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Phần này có tất cả 344 bài. Tiếp theo là “Thơ cổ tập Kiều”. Lối thơ thổng ả đào. Theo lối này thì chọn lấy nguyên một bài thơ cổ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tầu, đọc vần xuống bốn câu Kiều lẩy, mà những câu Kiều lẩy ấy lại dùng để phiên dịch bài thơ cổ kia. Bài thơ cổ nào, của thi sĩ nào và trích ở sách nào đều có chua rõ. Trong phần ô “Thơ cổ tập truyện nôm” ta cũng tìm thấy tác giả Phan Mạnh Danh lấy từ các truyện thơ Nôm của các tác giả khác nhau để phiên dịch một bài thơ cổ thất ngôn tứ tuyệt trong sách Tầu. Ở đây cách làm cũng từa tựa những phần trên. TĂNG LẠC THẦN (Tiêu Khoáng. Tình sử) Hồng lan chính hợp vấn yêu đào, Tự hỷ tầm phương thán dĩ tao. Ngân bội thước kiều tùng thử đoạn, Dao thiên không hận bích vân cao. Vẻ chi một đóa yêu đào (Thúy Kiều) Tơ duyên rày đã xe vào gặp nhau (Lương Xích Long) Sông Ngân ai cất nhịp cầu (Kiều thán) Chân mây mặt đất một màu xanh xanh (Thúy Kiều) Trong mười bài của phần này cũng có tới 8 – 9 câu thơ được lẩy tự “Truyện Kiều” để tham gia. Trong bài tựa sách “Bút hoa”, học giả Phạm Quỳnh đã cho biết: “Ông Phan Mạnh Danh soạn ra tập “Bút hoa” này, cóp nhặt đến hơn ngàn câu thanh cao diễm lệ trong thơ cổ chữ Hán, đối chiếu với hơn ngàn câu bóng bẩy chải chuốt trong “Truyện Kiều” của ta, ghép vần ghép điệu, lựa ý lựa lời, nôm với chữ, chữ với nôm, phảng phất xa gần, tựa hồ dịch mà không phải dịch, rất có công phu, thật cũng tài tình, âu cũng là để thỏa cái thị hiếu văn chương, hiểu cái cốt cách, phong nhã của một khách chơi thơ sành sỏi vậy”. Rõ ràng, để có được “Bút hoa”, Phan Mạnh Danh phải mất hơn 40 năm miệt mài sáng tạo với cái vốn tích lũy từ “thiên kinh vạn quyển” chứa chất trong bụng và bằng bao nhiêu “cơ tâm, xảo trí” bỏ ra. Vậy thì để có được “Truyện Kiều”, Nguyễn Du phải tài trí gấp bao nhiêu lần Phan Mạnh Danh? THÚY TOÀN BÀN VỀ TRUYỆN NGẮN NGUYỄN CÔNG HOAN …Ta không thể căn cứ vào số chữ, số trang, tức là vào hình thức, mà định được ý nghĩa thế nào là truyện ngắn và truyện dài. Truyện ngắn và truyện dài phải khác nhau ở tính chất. Khi tôi biết một chuyện có đầu, có đuôi hoặc một mẫu chuyện, hoặc nữa, một chuyện không cần có đầu, có đuôi, thậm chí có thể là một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc, một hiện tượng, một câu nói, một bức ảnh, chứ không phải là một chuyện, nếu một trong những cái ấy hấp dẫn tôi, vì có nghĩa lý, vì gây cho tôi một suy nghĩ, thì tôi có hào hứng muốn viết ra truyện. Nếu câu chuyện mà tôi định viết, có nhiều nhân vật, những nhân vật ấy có nhiều nỗi lòng, nhiều cảnh ngộ, nhiều sự việc, thì trước khi viết, tôi phải lựa chọn, thêm bớt, chắp nối mộng mẹo những cái ấy với nhau làm thành một cơ thể hữu cơ. Tức là tôi kết hợp những cái ấy với nhau, để tạo thành một vấn đề. Đó là tôi xây dựng truyện. Muốn cẩn thận hơn, tôi làm dàn truyện. Khi viết, tôi mở đầu truyện bằng cách phân tách từng yếu tố của cái thể đã kết hợp để trình bày vấn đề, và giải quyết vấn đề. Vậy nếu truyện nào tôi phải làm sự kết hợp trước cho thành vấn đề, rồi mới phân tách sau để trình bày vấn đề và giải quyết vấn đề, thì truyện ấy có tính chất là truyện dài. Nhưng nếu tất cả những nhân vật chính phụ của truyện, tất cả những nỗi lòng, những cảnh ngộ, những sự việc trong truyện, hoặc một hiện tượng nào đập vào mắt tôi, một câu nói nào lọt vào tai tôi, đã gần thành hoặc thành ngay một vấn đề hoàn chỉnh, chứ không cần đến tôi phải kết hợp mới thành, vấn đề ấy đập vào tình cảm của tôi, thì tôi chỉ cần phân tách nó ra lời văn để nhấn mạnh, chứ chưa cần giải quyết. Tôi viết từ đầu đến cuối bằng cả sự cân nhắc vào từng chữ, từng câu, như để truyền tình cảm, tâm hồn của tôi tới độc giả. Vậy dù tác phẩm này gồm bao nhiêu trang, rõ ràng là nó mang những đặc điểm khác với đặc điểm mà tôi tìm thấy ở truyện dài. Nó là truyện ngắn. Song, trên thực tế, chưa có một khối lớn nhân vật, một khối lớn nỗi lòng, một khối lớn sự việc nào đã tự nó kết hợp lại với nhau để thành ngay một vấn đề, khiến tác giả không phải đặt công phu sáng tạo để kết hợp, mà chỉ có một việc là phân tích cho tác phẩm viết ra mang tính chất truyện ngắn. Lại cũng chưa có tác giả nào có lắm tâm tình giống tâm tình của nhiều nhân vật không phải là mình, để mà viết hằng mấy chục, mấy trăm trang bằng thái độ của mình, để tác phẩm viết ra mang tính chất truyện ngắn. Thông thường thì chỉ có một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của một nhân vật, hoặc ngược lại, chỉ có một nhân vật trong một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc, hoặc một hiện tượng xảy ra trước mắt, một lời nói nghe thấy ở bên tai, một bức ảnh in trên báo, cố nhiên là thường thì những cái ấy chỉ xảy ra trong một thời gian không dài, nó làm cho người có nghề viết tiểu thuyết phải cảm xúc, phải suy nghĩ, vì bản thân nó gần thành hoặc đã thành một vấn đề rồi. Phân tách một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc của một nhân vật, phân tách một nhân vật trong một nỗi lòng, một cảnh ngộ, một sự việc, phân tách một hiện tượng, một lời nói, một bức ảnh, thì rất có thể viết từ đầu đến cuối bằng thái độ, bằng tâm tình của mình. Và viết ngắn được. Và cũng chỉ có thể viết ngắn thôi. Điểm này cũng là điểm mà truyện ngắn khác truyện dài. Khi viết truyện dài, tác giả chỉ có thể gửi tâm tình của mình vào từng nhân vật trong từng sự việc. Vì lẽ ấy, nói chung, truyện ngắn cũng khác truyện dài ở số chữ ít hơn, tuy số chữ chỉ là điểm thứ yếu. Và cũng vì lẽ ấy, ta có thể nghe kể lại truyện dài. Người kể có thể tùy tiện mà thêm một tí ở chỗ này, bớt một tí ở chỗ khác, nhưng nếu cốt truyện không sai, thì vẫn được. Nhưng ta không thể nghe kể lại một truyện ngắn. Vì đôi khi không có truyện để mà kể. Tôi đã thử kể lại một truyện ngắn của Guy đơ Mô-pát-xăng, của Sê-khốp, hay cả của tôi nữa. Không được. Vì không sao hết được ý, không đủ được ý. Nếu tóm tắt thì lại càng không được. Có truyện chỉ có thể tóm tắt được bằng một câu, câu ấy là ý chính của truyện. Nếu cố tóm tắt thì nhạt hoét, nhiều khi không có chuyện gì. Bởi vì truyện ngắn không phải là truyện, mà là một vấn đề được xây dựng bằng thái độ với cách đặt câu, dùng tiếng có cân nhắc. Cho nên muốn hiểu tinh thần một truyện ngắn, tốt hơn hết là phải đọc nó. Vậy muốn viết truyện ngắn cho ngắn, trước hết ta nên biết phân biệt tính chất của chuyện mình sắp viết là truyện ngắn hay truyện dài. (Trích trong “Đời viết văn của tôi” – Nguyễn Công Hoan, Nxb Văn Học, 1971, tr.299-301) ĐÀO MINH DIỆU XUÂN st
THƠ VIỆT NAM Con tằm thì biết nhả tơ Con người thì biết nhả thơ cho đời Từ xưa tới nay, thơ vẫn là món ăn tinh thần tuyệt vời của con người Việt Nam vốn giàu truyền thống thơ ca. Có thể nói “thơ là thước đo tâm hồn dân tộc”. Những người yêu thơ, đọc thơ, khi đến với thơ bằng tình yêu trong sáng. Bởi tình yêu thơ là tình yêu dâng hiến, tuyệt nhiên không mưu cầu danh lợi từ thơ. Nhưng người yêu thơ cũng không thể bằng lòng, không thể chấp nhận và thỏa hiệp với thực tại mà cần phải khơi dậy tu chỉnh và phát triển dòng thơ Việt Nam để có một “nền thơ đích thực” và “nhà thơ thứ thiệt”. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự thay đổi về kinh tế, chính trị, văn hóa, về quan niệm sống, về văn học nghệ thuật vv… đã tác động mạnh mẽ vào nhận thức người cầm bút, buộc ta phải thay đổi. Sự phát triển của cuộc sống, phát triển của quá trình dân chủ hóa và bình đẳng sẽ là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển nền văn học nghệ thuật hiện đại, tiến bộ. Thơ cũng đang tìm lại con đường đi vào số phận, tâm hồn của thời đại mình để thơ thực sự tồn tại có ý nghĩa và hữu ích cho đời. Mọi sự đều thay đổi, thơ cũng phải thay đổi thích ứng để tồn tại. Có nhiều người có ý thức tìm tòi đúc kết về mặt lý luận, lý thuyết, định hướng vào sáng tạo cụ thể. Chúng ta cũng đã mở cửa đi ra thế giới rộng lớn rồi nhìn lại mình, con người quê hương đất nước mình để sáng tạo ra những tác phẩm vượt cả thời gian và không gian mà đến với toàn nhân loại. Bên cạnh đó cũng không tránh khỏi có những bước đi quá đà, tắc trách, nóng vội, hổ lốn… vô hình trung lại phá vỡ sự cân bằng, hài hòa cần thiết giữa hình thức và nội dung. Đã nói là thơ Việt thì phải mang màu sắc, truyền thống theo kiểu hay “gu” của dân tộc Việt Nam, chứ không thể theo kiểu thơ Trung quốc, Nga, Mỹ hay Tây Âu vv… Lý luận văn học Việt Nam phải thể hiện tính cách Việt Nam. Không thể từ cực đoan này sang cực đoan khác hay một thứ giáo điều, một công thức mới nhân danh đổi mới. Lý luận đông cứng, thiếu hẳn tính thực tiễn sinh động của cuộc sống Việt Nam là một sai lầm nghiêm trọng và kéo dài. Phát triển phải là sự tiếp nối những gì bền vững qua thử thách của thời gian, đã được cộng đồng dân tộc chấp nhận. Nền thơ Việt Nam phát triển đa dạng, phong phú, không thể không thừa kế, kết hợp những thành quả của quá khứ và hiện tại, của truyền thống và cách tân. Không một nghệ thuật nào do áp đặt bằng bạo lực và xâm lược mà thành. Ta có thể học tập cái hay của nền văn hóa, văn học, thơ ca của người khác và nước khác nhưng không nên cứng nhắc, máy móc mà có thể đổi mới phong cách, giọng điệu, hình thức, đặc biệt là đổi mới tư duy. Đọc một bài thơ, ý tưởng, tư tưởng không rõ ràng, dài dặc, trục trặc, không dễ dàng gì ai đã học thuộc được, nhớ được, hơn nữa không phù hợp với nhịp thở tự nhiên của con người. Tất nhiên “người thơ” cứ sáng tác, sáng tạo, nhưng quan trọng là bài thơ có lưu lại ở độc giả hay không? Nếu nó không sống cùng độc giả thì trước sau nó sẽ trở về tác giả và chết trong lòng người đọc. Thơ Việt Nam có truyền thống lâu đời, đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, ý tưởng, tư tưởng cô đọng, có vần có điệu, giàu nhạc tính, lại dễ đọc, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ ứng dụng vào cuộc sống. Tại sao ta không thấy tính thơ Việt Nam rất đặc sắc, đáng tự hào, mà lại khước từ cứ cho theo kiểu tây, tàu mới là hay là hiện đại là mới. Rất có thể đối với người Trung quốc, người Âu Mỹ vv… họ đã có truyền thống, đã quen với “khẩu vị” hay cái “gu” của họ nên họ thích. Nhưng còn đối với chúng ta khi tiếp thu cái hay của họ nên cách tân như thế nào? Phải chăng các nhà phê bình, nhà lý luận không theo kịp nhịp thời đại, mất phương hướng dẫn dắt nên không có chuẩn để thẩm định bài thơ thế nào là hay là mới? Bạn có thể đọc một câu thơ thoạt đầu thấy lạ, hay hay mà chưa hiểu hết nhưng sau càng ngẫm nghĩ hoặc nghe người khác phân tích thì càng thấy cái hay, cái thâm hậu của nhà thơ. Nhưng bạn cứ tưởng tượng xem, nếu một người đọc một bài thơ mà một năm sau, suy nghĩ, nghiền ngẫm (nếu bạn có thời gian để tâm tới) mới hiểu được cái hay của nó, mà trong lúc bạn đọc lại không hiểu ý người ta nói, thì bạn đâu có cảm xúc thích thú gì. Cả cuộc đời đọc thơ sẽ hiểu được bao nhiêu câu? Tác phẩm có cuộc sống của nó, phải đến được với độc giả và sống cùng độc giả, theo thời gian nếu nó hay thì sẽ tồn tại còn dở thì sẽ trôi vào quên lãng. Người ta có thể đặt câu hỏi: Thơ là gì? Viết cho ai? Dùng làm gì? Một giáo trình khoa Văn chương của một trường đại học có định nghĩa: “Thơ là một thể loại văn học sử dụng vần điệu, nhịp điệu, hình ảnh và tình cảm để thể hiện một tư tưởng nào đó”. Đã đến lúc cần thiết phải tìm kiếm và xây dựng con đường phát triển thơ ca Việt Nam có tính lâu dài bền vững. Tính thơ phải thể hiện sự hàm súc, khêu gợi hồn thơ, giàu tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật… của các câu chữ, nhạc điệu, hình ảnh vv… khác với văn xuôi. Qua các nhà thơ lớn của thế giới, người ta thấy: thơ của họ đều rất giản dị, trong sáng, mang những buồn vui, khát vọng của nhân dân và của nhân loại… Thơ hay là thơ khi người ta đọc sẽ cảm thấy hấp dẫn, thấy sướng không cứ là thơ truyền thống hay tự do, thơ cũ hay mới. Nên cách tân thế nào cũng phải đạt được cái hay cái đẹp thì sẽ sống mãi với thời gian, còn mới mà không hay, không đẹp thì mới để làm gì? Cũng như quần áo, vải vóc chỉ có thể làm tôn thêm vẻ đẹp của cô gái chứ không thể thay thế vẻ đẹp của giai nhân. Vả lại có cô gái đẹp nào mà suốt đời chỉ mặc có một bộ quần áo thôi, mà cũng có ai cấm “người đẹp” ấy mặc các “mốt” khác đâu. Nhưng khi người đẹp mặc cái áo dài đặc trưng (Quốc phục nữ tương lai) thì người trong nước hay người nước ngoài đều biết đó là áo dài Việt Nam. Từ những đường nét đặc trưng của nền văn hóa dân gian của mỗi dân tộc mà người ta có thể định dạng và định tính cho mỗi dân tộc là điểm tựa để cho họ vươn lên đỉnh cao của nền văn minh nhân loại. Thiếu lý luận hướng dẫn nên đã xuất hiện những quan điểm thẩm mỹ kỳ quái. Họ quên rằng, bất kỳ một xã hội nào, nhà văn, nhà thơ cũng đồng hành với nhân dân, hiểu thấu đáo nhất những khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Thơ cao, thấp không phụ thuộc vào cái bên ngoài mà chỉ phụ thuộc vào tác phẩm của nhà thơ. Chọn loại thơ nào: kiếm tiền, nịnh bợ, xu thời, hư danh… hay sẽ trở thành nhà thơ chân chính, nhà thơ đích thực? Không thể cứ lao đi tìm cái mới để rồi lạc lối và tự đánh mất mình. Tóm lại, thơ làm sao phải vừa hiện đại và vừa dân tộc: “Để trên đó tháng ngày tôi viết tiếp Những câu thơ tha thiết hiến dâng đời” Ngày nay thơ nhiều, thẩm mỹ lại khác nhau, có khi đối lập nhau. Những thể nghiệm vừa nghiêm túc, vừa méo mó… mà không thấy nhà phê bình đâu? Trên thế gian này, không ai sinh ra có thể thoát ly khỏi cuộc sống. Ngoài những tâm tư tình cảm riêng của con người, thơ còn có tính triết lý mang tính phổ quát, nhân loại. Một bài thơ có tầm tư tưởng thì ở đất nước nào, người ta cũng có thể hiểu được và cảm thụ được cái hay cái đẹp của nó. Thơ Việt Nam phải có bản sắc Việt Nam để khi ra thế giới người đọc bài thơ sẽ biết đó là thơ Việt Nam, chứ không lầm tưởng là thơ Trung quốc, hay Hàn quốc… Dùng nhiều lời để truyền đạt ít ý là dấu hiệu của tầm thường. Mọi giá trị văn chương đích thực bao giờ cũng được đo bằng những tiêu chí chung phổ biến, khoa học và bền vững. Cùng một đích đến thì dù có đi con đường khác nhau chúng ta cũng sẽ gặp nhau. LÊ MINH CHỬ 10.12.2013
Phụ Bản II NHẠC XUÂN 1/- NHỚ VỀ TỤC “TẮM TIÊN” QUA BÀI “SƠN NỮ CA” Cộng đồng người Việt Nam có 54 thành phần dân tộc khác nhau. Trong đó dân tộc Việt (Kinh) chiếm gần 90% tổng số dân cả nước, hơn 10% còn lại là dân số của 53 dân tộc. Trải qua bao thế kỷ, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã gắn bó với nhau trong suốt quá trình lịch sử đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ bờ cõi, giành tự do, độc lập và xây dựng đất nước. Mỗi dân tộc hầu như có tiếng nói, chữ viết và bản sắc văn hóa riêng. Bản sắc văn hóa của các dân tộc thể hiện rất rõ nét trong các sinh hoạt cộng đồng và trong các sinh hoạt kinh tế. Đằng sau sự khác biệt về ngôn ngữ, về tập tục hay lối sống, về trang phục hay sinh hoạt… các dân tộc lại toát lên những nét chung. Đó là đức tính cần cù chịu khó, thông minh trong sản xuất; với thiên nhiên – gắn bó hòa đồng; với kẻ thù – không khoan nhượng; với con người – nhân hậu, vị tha, khiêm nhường… Tất cả những đặc tính đó là phẩm chất của con người Việt Nam. 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam có thể chia thành 8 nhóm theo ngôn ngữ như sau: - Nhóm Việt – Mường có bốn dân tộc là: Việt (Kinh), Chứt, Mường , Thổ. - Nhóm Tày – Thái có tám dân tộc là: Bố Y, Giáy, Lào, Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái. - Nhóm Môn – Khmer có 21 dân tộc là: Ba Na, Brâu, Bru-Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ Triêng, Hrê, Kháng, Khmer, Khơ Mú, Mạ, Mảng, M’Nông, Ơ Đu, Rơ Măm, Tà Ôi, Xinh Mun, Xơ Đăng, Xtiêng. - Nhóm Mông – Dao có ba dân tộc là: Dao, Mông, Pà Thẻn. - Nhóm Kadai có bốn dân tộc là: Cờ Lao, La Chi, La Ha, Pu Péo. - Nhóm Nam đảo có 5 dân tộc là: Chăm, Chu Ru, Ê Đê, Gia Rai, Ra Giai. - Nhóm Hán có 3 dân tộc là : Hoa, Ngái, Sán Dìu. - Nhóm Tạng có 6 dân tộc là: Cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô, Phù Lá, Si La. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, năm 1948, khi còn là một thanh niên trẻ, tuổi đôi mươi, Nguyễn Tăng Hích, sau này là nhạc sĩ Trần Hoàn – Lý do có bút danh này là vì ông mê mẩn bài hát Thiên Thai rất nổi tiếng của Văn Cao, trong đó có câu: “Đào Nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn, Cùng bầy Tiên đàn ca bao năm Nhớ quê chiều nào xa khơi Chắc không đường về Tiên nữ ơi!...” Chắc có lẽ ông tưởng tượng mình là một trong hai chàng Lưu Nguyễn tham dự cuộc viễn du nơi Bồng lai Tiên cảnh mà đành quên trở về trần gian chăng? – Trần Hoàn đã sáng tác bản “Sơn Nữ Ca” vừa trữ tình lãng mạn, vừa lạc quan yêu đời: Một đêm trong rừng vắng Ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh thấp thoáng Bóng cô Sơn Nữ miệng cười xinh xinh… Một đêm trong rừng núi, Có anh du kích nhìn trời xa xa Ngắm trăng say đắm một mình bâng khuâng… Lúc đó đang tham gia đoàn kiểm tra công tác thông tin ở vùng núi chiến khu Quảng Bình, Trần Hoàn đến huyện Tuyên Hóa, nơi có nhiều núi đá nên thơ nổi lên như vịnh Hạ Long thu nhỏ, nơi đó sau này có Di sản thế giới là Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nổi danh với nhiều động đẹp nhất thế giới. Quảng Bình có các dân tộc: Việt (Kinh), Bru, Vân Kiều, Chứt, Tày cùng sinh sống trong vùng đất đã một thời là ranh giới giữa Đàng Trong (chúa Nguyễn) và Đàng Ngoài (vua Lê và chúa Trịnh) – lấy sông Gianh phân chia hai miền. Đây là điểm giao thoa hội tụ của nhiều luồng văn hóa và từ đây trở vào Đàng Trong thì mới có hoa Mai, từ Hà Tĩnh ra Đàng Ngoài mới trồng cây Đào cho hoa nở vào mùa xuân, vào dịp Tết Nguyên Đán. Ngẫu nhiên mà ranh giới sông Gianh kéo dài gần một thế kỷ - cũng là ranh giới của hoa Mai và hoa Đào, liệu có khi nào do lệnh cấm trồng hoa Đào ở Đàng Trong và cấm trồng hoa Mai ở Đàng Ngoài của chúa Nguyễn – Trịnh mà đã tạo ra trong Nam thì chưng hoa Mai, còn ngoài Bắc thì chơi hoa Đào vào dịp mừng năm mới không? Chính tại một khu rừng vào ban đêm, chàng du kích đang ngắm trăng, nhớ về xa xăm… mong cho cuộc chiến sớm chấm dứt để mọi người cùng nhau hát khúc hoan ca, trong đó có chàng trai dệt mơ ước của mình… Một đêm trong rừng vắng, có cô Sơn Nữ miệng cười khúc khích Ngắm anh du kích rồi lòng bâng khuâng Một đêm trong rừng núi, có anh du kích nhìn trời xa xa Biết đâu Sơn Nữ nhìn mình đăm đăm… Việc Trần Hoàn gặp người Sơn Nữ trong rừng núi trong đêm khuya, chẳng biết chàng nhạc sĩ trẻ tuổi có được tận hưởng tục lệ rất thú vị, nên thơ như “tục Tắm Tiên” của vùng Tây Bắc nước ta không nhỉ? Chắc chỉ có Ông Trời biết vì Trần Hoàn đã lên Thiên Thai từ lâu lắm rồi. Đến Tây Bắc, bên con sông Nậm Nhé, ta có thể nhận ra bản Thái qua những con nước, cối nước, các điệu múa xòe bất tận và cả các mó nước yên bình kín đáo, nơi những cô gái dân tộc Thái thả mình vào dòng nước thiên nhiên mát lạnh. Thật khó tưởng tưởng nổi khi trên các khe nước, suối nguồn của Mường Pền, Mường Lay, Mường Tè thị xã Lai Châu, mất bóng dáng của cô gái Thái đi “tắc nặm” (vác nước), “pây áp nậm” (đi tắm suối). Nếu thế thì khác gì núi rừng Tây Bắc không còn hoa Ban. Người Thái rất coi trọng các nguồn nước xung quanh họ và coi đó như một sản vật linh thiêng mà thần linh ban tặng. Những nét sinh hoạt của người Thái đều gắn liền với dòng nước, từ giã gạo, ăn uống, giết mổ và cả việc tắm táp. Đến mỗi bản Mường, ven lối mòn đều có ống bương dẫn nước từ khe suối và mỗi con suối đều có Bến Tắm riêng dành cho phụ nữ – không che chắn, nhưng có lẽ đã thành lệ: không có người đàn ông nào dám bước vào thế giới dành cho phụ nữ. Trước đây lúc đi tắm, cô gái Thái thường vác theo ống bương nước lá thơm để tráng người sau khi tắm xong – bây giờ đã được thay thế bằng xà phòng thơm. Sơn Nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian vun vút trời mây Sơn Nữ ơi! Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ lâu nước mắt sầu thương… Lai Châu cũ được chia ra làm hai tỉnh: Lai Châu mới với tỉnh lỵ là thị xã Lai Châu và Điện Biên, tỉnh lỵ là thành phố Điện Biên Phủ, ở đây có nhiều núi đá, hang động kỳ thú, nhiều suối khoáng nóng, thác nước. Lai Châu là địa bàn cư trú của 20 dân tộc, trong đó đông nhất là người Thái (33,7%), Dao (14,8%), Việt (Kinh) 11,2%, còn có người H’Mông, Hà Nhì. Cộng đồng 20 dân tộc ở đây là tiềm năng lớn cho những du khách có nhu cầu tìm hiểu, khám phá đời sống sinh hoạt của các dân tộc thiểu số: Vào chiều tà nóng nực dọc suối Nậm Lay – con suối từ Mường Tùng chảy dọc Mường Lay và thị xã Lai Châu, thường hay gặp những cô gái váy cuốn đội đỉnh đầu “Tắm Tiên” phơi mình trên dòng suối tươi mát. Nếu bạn “vô tình” phải lội qua gần chỗ tắm, họ sẽ thả váy xuống dần theo mực nước – cạp váy lửng lên bờ. Thật là tài tình, ngay từ các bước đầu tiên lội xuống dòng nước suối trong vắt, chiếc váy xòe dần được nâng lên theo nhịp chân bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó, cho đến khi toàn bộ cơ thể đều được dòng suối nhẹ nhàng bao bọc lấy thì váy áo sẽ nằm trên đỉnh đầu. Sơn Nữ ơi! Thời gian lôi cuốn bao lần bên rừng đầy hương bát ngát trời thu Sơn Nữ ơi! Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương… Điều lạ lùng là dòng nước suối trong vắt chảy nhẹ nhàng chỉ vừa đủ để khiến mặt suối lăn tăn gợn sóng, như muốn ngăn những ánh mắt tò mò của các chàng trai vô tình đi ngang. Có khi các cô gái có thể vừa tắm vừa trò chuyên với các chàng trai bản bơi lội trong mó nước gần đó mà không hề e sợ phơi lộ những bí mật tạo hóa ban tặng. Đến khi Tắm xong, váy áo rất hiếm khi bị ướt mà cơ thể thì đã được tắm táp thỏa thích trong dòng nước mát. Váy áo lại được thả dần xuống theo bước chân cô gái Thái lên và tới gần bờ thì trang phục đã gần như chu chỉnh hoàn toàn, váy được khéo léo cuốn lên ngang ngực. Lúc này mái tóc của cô gái Thái mới được quan tâm đến, cô gái cúi gập người bên suối mà rũ tóc, quay tóc trong làn nước trong lành, tinh khiết như pha lê. Hãy nhìn trăng lên, rồi lu mờ dần Hãy nhìn mây bay, thiết tha về ngàn chờ đợi tay người Sơn Nữ Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn Khi nhìn gió cuốn, lá thu rời cành cuộn bay lên người Sơn Nữ…. Yên Bái là nơi sinh sống của cư dân nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc đều bảo tồn được bản sắc văn hóa của dân tộc mình: người Tày thể hiện qua các làn điệu hát ru truyền thống ca ngợi tình yêu lứa đôi; người Dao chăm lao động, y phục phụ nữ được thêu thùa với những họa tiết hoa văn đẹp và cầu kỳ; người H’Mông có truyền thống nhà trệt, trang phục cũng là các sản phẩm có kỹ thuật cao về tạo hình của nghề dệt và với tiếng khèn, sáo gọi bạn tình của các chàng trai H’Mông như thôi miên người nghe. Người Thái ở Tú Lệ, Yên Bái ngày nay vẫn giữ nét sinh hoạt truyền thống “Tắm Tiên” hồn nhiên bên dòng suối Tú Lệ và các cô gái Thái trở thành những nàng Tiên giữa trời đất. Lữ khách tới đây cũng có thể cùng tắm, các chàng trai bản cũng được phép tắm chung, được hòa mình vui đùa giữa thiên nhiên, nghỉ ngơi và thư giãn. Tuy nhiên, tuyệt đối phải giữ khoảng cách và không được có các hành vi xấu, nếu không sẽ bị các chàng trai bản và chính quyền trừng phạt. Khi nhìn chim bay, bay đi tìm đàn Khi nhìn gió cuốn, lá thu rời cành cuộn bay lên người Sơn Nữ… Phú Thọ là tỉnh thuộc miền núi trung du Bắc Bộ, địa hình chủ yếu là đồi núi. Nơi đây là một vùng đất tổ của Việt Nam: vua Hùng Vương đã dựng Văn Lang, quốc gia đầu tiên của nước ta. Phú Thọ cũng là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống: Việt (Kinh), Mường, Dao, Sán chay… có truyền thống văn hóa đa dạng, có nhiều lễ hội, lớn nhất là Lễ hội đền Hùng (10/3 â.l.). Người Mường có nhiều truyện thơ, ca dao, tục ngữ, hát xéc bùa, hát ví, hát đúm, họ hát trong lao động sản xuất, trong dịp hội hè, cưới xin. Sơn nữ Tắm Tiên – tuyệt tác núi rừng ở Phú Thọ. Văn minh ngày nay đã lan vào tận các bản làng xa xôi hẻo lánh, cộng thêm với những ánh mắt tò mò của người miền xuôi, khiến những phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc mất đi, trong đó tục Tắm Tiên cũng mai một đi rất nhanh. Có lẽ Tắm Tiên đã góp phần làm nên bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc cần phải được bảo tồn. Suy cho cùng thì loại trừ suy nghĩ dung tục, có lẽ Tắm Tiên là phương pháp tốt nhất để Con người hòa mình với Thiên nhiên một cách trọn vẹn nhất, ai tắm mà không phải khỏa thân. Nếu trân trọng phong tục cổ truyền, nếu biết nhìn sự việc dưới ánh mắt nghệ thuật, biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của suối nguồn vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, trong một chiều các cô Sơn nữ Tắm Tiên thì bạn sẽ thấy lòng mình trong sáng, thanh cao hơn, như được hòa mình cùng trời đất và những người của vùng cao huyền thoại. Sơn Nữ ơi! Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian, rồi thương rồi nhớ Sơn Nữ ơi! Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây? “Tắm Tiên” ở vùng Tây Bắc có lẽ là một nghệ thuật mà con gái dân tộc Thái được học ngay từ khi bắt đầu biết khép nép, thẹn thùng. Vẻ đẹp chân chất, trong sáng đến mức thánh thiện của con gái Thái đã trở thành nguồn đề tài và cảm hứng vô tận cũng như làm nên sức sống cho bao tác phẩm thơ, ca, nhạc , họa… Bài thơ “Em tắm” của Bùi Văn Ùi, dân tộc Thái, được bình chọn là 1 trong 100 bài thơ hay nhất của thế kỷ 20: Sao anh lại rình Trộm xem em tắm Da của em ngần trắng Da của mẹ, của cha Tay của em lấm lem Tay của than, của bụi Tay của rừng, của núi Tay của đất, của nương Em tắm xong lại sạch Vẫn ngát thơm hoa rừng Da của em trắng ngần Là của anh tất cả Không phải người xa lạ Việc gì mà trộm xem Em tắm suối giữa Mường Tắm trong mối yêu thương Có anh đang đứng giữ Chớ để Tây đến Mường. Chợt nghĩ chỉ trong thời gian không xa nữa, người miền xuôi và người dân tộc sẽ có sự giao lưu mạnh mẽ. Và rồi, nhiều phong tục, tập quán đặc sắc của đồng bào các dân tộc sẽ mất đi. Tắm Tiên sẽ ít đi, không còn nữa, Bến tắm cũng sẽ vắng bóng những Sơn nữ thuở nào còn Tắm Tiên trong suối nước mơ màng, e ấp bên các nhánh lan rừng, làm ngất ngây bao trái tim của các chàng Lữ khách hào hoa, đa tình từ khắp mọi miền đất nước… Hiện nay muốn gặp cảnh Tắm Tiên nơi suối nguồn thì du khách phải đi vào các bản làng tận cùng, hẻo lành xa xôi, nơi chưa có đường giao thông thì may ra mới tận hưởng được cảnh hữu tình, thú vị này của các cô gái dân tộc. Mọi người đều luyến tiếc, lưu luyến một thời mà các chàng trai, mỗi khi lạc vào Bến tắm của các cô gái dân tộc Thái, Mường… đều thốt lên trong sự hăm hở, đê mê: Phải chăng là Tiên nữ giáng trần Sơn nữ trút bỏ xiêm y Bên suối mơ, hoa rừng e ấp Nhìn Tắm Tiên này! (Lời mới bài London Bridge) 2/- XUÂN CHIẾN KHU – của Xuân Hồng Mùa Xuân về trong chiến khu tiếng chim rừng vang hót khắp nơi Mùa Xuân về trong chiến khu gió đưa cây rừng cành lá vi vu ú u u ú u chim hót mừng mùa xuân thắng lợi.. Mai vàng Mai vàng đang nở lưng đồi chào anh bộ đội thêm một tuổi đời mừng anh thêm một tuổi quân thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong.. Xuân Chiến khu khói mù còn loang quê nhà em chẳng có chi để làm quà có chi hơn là hát tặng bài ca. Xuân Chiến khu nhớ tình làng quê xóm cũ quyết lòng diệt tan kẻ thù toàn dân ta hưởng trọn mùa Xuân.. Mai vàng Mai vàng đang nở lưng đồi chào anh bộ đội thêm một tuổi đời mừng anh thêm một tuổi quân thêm nhiều chiến công toàn dân đang mong.. Xuân Chiến khu khói mù còn loang quê nhà em chẳng có chi để làm quà có chi hơn là hát tặng bài ca. Xuân Chiến khu nhớ tình làng quê xóm cũ quyết lòng diệt tan kẻ thù toàn dân ta hưởng trọn mùa xuân.. Xuân Chiến khu nhớ tình làng quê xóm cũ quyết lòng diệt tan kẻ thù toàn dân ta hưởng trọn mùa xuân.. 3/ - TÌNH CA TÂY BẮC Nhạc: Bùi Đức Hạnh – Thơ: Cẩm Giang Rừng cây xanh lá muôn đóa hoa Mai mừng đón Xuân về Vui trong nắng vàng từng đàn bướm trắng bay khắp rừng hoa Ngập ngừng bên suối nước reo quanh mình như muôn tiếng đàn Bâng khuâng nỗi lòng nhịp sáo ai đưa tiếng ca rộn vang Em là dòng Sông Mã. Anh là núi Mường Hung Cho thuyền em ngược (ơ) dòng gió đưa em về núi Em hãy về bên suối, đợi anh anh ở bên khuâng Anh làm no lòng mường. Em làm vui ấm bản.
Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng Suối nước trong xanh soi bóng anh và bóng em Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng Đất nước hòa bình hạnh phúc ta như mùa Xuân Anh là rừng xanh thắm. Em là suối ngàn sâu Cây rừng anh là (ơ) cầu vắt ngang trên dòng suối Khi nắng mùa Xuân tới rừng anh in bóng suối em Nước chảy quanh êm đềm bao ngày đêm vắng vẻ
Rừng rừng hoa với chim ca vui tưng bừng Suối nước trong xanh soi bóng em và bóng anh Bên nhau cùng sống vui êm đềm cùng núi rừng Đất nước hoà bình hạnh phúc ta như mùa xuân.
4/ LY RƯỢU MỪNG – Phạm Đình Chương Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi Người thương gia lợi tức Người công dân ấm no Thoát ly đời gian lao nghèo khó á a a a Nhấp chén đầy vơi Chúc người người vui á a a a Muôn lòng xao xuyến duyên đời Rót thêm tràn đầy chén quan san Chúc người binh sĩ lên đàng Chiến đấu công thành Sống cuộc đời lành Mừng người vì nước quên thân mình Kìa nơi xa xa có bà mẹ già Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa Chúc bà một sớm quê hương Bước con về hòa nỗi yêu thương á a a a Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính á a a a Chúc mẹ hiền dứt u tình Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương Xây tổ ấm trên cành yêu đương Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ Tiếng thi ca hát chấm phá tô thêm đời mới Bạn hỡi, vang lên Lời ước thiêng liêng Chúc non sông hoà bình, hoà bình Ngày máu xương thôi tuôn rơi Ngày ấy quê hương yên vui đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Nhấc cao ly này Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do Nước non thanh bình Muôn người hạnh phúc chan hóa ước mơ hạnh phúc nơi nơi Hương thanh bình đang phơi phới... Trước thềm NĂM MỚI, chúng ta cùng nhau hát vang các Ca khúc Xuân. Nhân đây, xin kính chúc toàn thể Quý vị “Một Năm Mới Thân Tâm An Lạc”. PHẠM VŨ (Tham khảo: tài liệu trong sách về du lịch và trên Internet) KỶ NIỆM 90 NĂM NGÀY SINH NHẠC SĨ VĂN CAO (15/11/1923 – 15/11/2013)
VANG BÓNG NGÀY XANH Kính dâng anh linh VĂN CAO Xúc cảm trong Đêm nhạc VĂN CAO đầu tiên tại TP.HCM 1988 Thùy Dương Như một huyền thoại Tôi gặp Văn Cao! Lạ lùng sao! Con người ấy – những bài hát kia? Làm sao tôi có thể hình dung nổi!
Như một giấc mơ! Tôi vẫn còn ngờ VĂN CAO thực đấy ư? Người từ cõi nào đến? Có phải từ một thời thơ ấu xa xưa…
Xa lắm rồi… Tôi biết Người từ thuở ấy Qua những bài hát làm nao nức tuổi thơ! Ôi những bài hát năm xưa… Cho đến bây giờ tôi còn nhớ mãi.
Dù đã hơn 30 năm qua Cuộc đời phiêu bạt Chẳng còn nghe ai hát Mà lạ thay sao tôi còn nhớ được
Không thiếu một bài Không sót một lời Không sai một nốt nhạc
Phải chăng những bài hát Từ thuở ấu thơ Vẫn nằm nguyên trong TIỀM THỨC?
Thuở ấy, tôi có một niềm mơ ước Là lớn lên sẽ viết NHẠC cho quê hương Như Văn Cao tôi sẽ chọn con đường Dâng hiến cả tình thương cho dân tộc
Nhưng rồi… thời gian trôi dạt… Cho đến nay niềm mơ ước năm xưa vẫn còn chưa đạt Thì bỗng đâu hôm nay… lần đầu tiên tôi được gặp Người! Trong giấc mơ hay trong huyền thoại?
Dĩ vãng xa xưa bừng sáng lại… Cả quãng đời trong sáng hồn nhiên Bên lũy tre xanh ấp ủ mộng hiền Ngày hai bữa cơm KHOAI LANG, RAU MÁ và NƯỚC LÃ Nhưng tiếng đàn ca luôn át cả tiếng đạn bom!
Ôi những ngày thơ ấu vàng son! Tôi vui sướng như con chim non ca hát Bên cánh đồng dậy hương quê thơm ngát
Khi Mùa Vàng lên khơi Đàn Chim Việt lả lơi Cờ Bắc Sơn lộng gió Sóng Bạch Đằng dào dạt Không gian như vang lên ngàn tiếng nhạc Hào hùng, tha thiết
Réo rắt chơi vơi Mà nụ cười Người nay sao héo hắt trên môi! Thời gian hằn nét mặt! Những tháng năm chồng chất nặng đôi vai! Tôi khẽ để ngón tay lên mạch Người(1): Dòng máu dồn dập chảy Như bài Trường Ca Sông Lô thuở ấy Thảo nào, đúng như Người đã nói: Tâm hồn Người còn trẻ mãi như xưa Tình non sông thắm thiết vô bờ Và sẽ còn nóng bỏng cho đến giờ phút cuối
Tôi muốn hát cho người nghe Bài Thơ Bên Suối(2) Ru hồn người vào giấc mộng Thiên Thai Nhưng lời ca ôi sao bỡ ngỡ lạc loài! Tưởng từ một cõi hoang sơ nào vọng lại!…
ooo Tuổi ấu thơ đã đi vào HUYỀN THOẠI ! Đẹp huy hoàng như một giấc mơ! Trong khung trời dệt những bài thơ Và vang vọng muôn ngàn tiếng nhạc…
Ơi Văn Cao! Có phải chính Người – chính Người đã làm ra những bài hát Từ thuở nào còn vang mãi trong tôi? Nhưng thời vàng son ấy đã khuất xa rồi! Tôi chợt thấy tiếng lòng tôi thổn thức! Khóc cho một THỜI THƠ ẤU VÀNG SON đánh mất!
Ôi TIẾNG NHẠC VÀNG vang mãi BÓNG NGÀY XANH!…
Một chiều cuối thu Mậu Thìn THÙY DƯƠNG (1) :Do GS Nhạc Sĩ Lưu Hữu giới thiệu Tác giả được Phu Nhân của Văn Cao mời đến nhà xem mạch chữa bệnh cho Văn Cao. Tuy người già yếu hơn tuổi rất nhiều nhưng mạch Tâm của ông lại rất mạnh! Điều này không tốt cho sức khỏe. Nghe người nhà nói ông hay uống rượu. (2) :Trong khi dùng phương pháp Thư Giãn đặc biệt do tôi tự nghiên cứu đồng thời dùng mấy cây nhang hơ huyệt cho bệnh nhân và đọc bài Thư Giãn để ru ngủ bệnh nhân, Tôi khe khẽ hát bài Thiên Thai và Suối Mơ (xưa goi là Bài Thơ Bên Suối sau người ta quen gọi tắt bằng 2 chũ đầu mới thành Suối Mơ). Nhưng lời ca của tôi nghe sao buồn thảm lạ lùng đến nỗi tôi muốn khóc! Sau nửa tiếng đồng hồ luyện thư giãn và hơ huyệt, tôi cùng phu nhân phải vừa gọi vừa lay đến 5 phút đồng hồ ông mới ngồi bật dậy. Tưởng là ông ngủ say, nhưng không, ông nói: “Tôi không ngủ tí nào,vẫn tỉnh nhưng sảng khoái quá khi nghe những luồng hơi ấm lan truyền toàn thân, cứ như mình đang ở cõi Bồng Lai nào ấy, không muốn ai gọi dậy nữa” .Tôi cũng rất vui mừng. Hai hôm sau tôi trở lại. Trông thấy tôi ông đứng thẳng và khoe: “Bây giờ tôi đứng thẳng, đi thẳng được rồi, không khom lưng nữa, không phải chống gậy nữa ” . Bà kể lại: “Hôm qua đưa ông ấy đi thăm bà con mà xuống đến cuối cầu thang mới chợt nhớ ra là quên mang gậy, lại phải trở lên lấy gậy”. Còn một điều tôi thắc mắc là những bài hát của Văn Cao mà tôi thuộc lòng từ thời thơ ấu, trước ngày Giải Phóng tôi đã chép riêng cả nhạc và lời theo hồi ức tuổi thơ vào một cuốn Tập chép nhạc, kể cả những bài dài như Trường Ca Sông Lô. Nhưng có một số bài ở Miền Nam này cũng có hát và có in ra lại khác với bản chép tay của tôi. Thì đây là dịp duy nhất để tôi giải tỏa thắc mắc này: Mang lên hỏi Tác Giả. Nhac sĩ Văn Cao tuyên bố: “Đúng đấy, chị nhớ đúng. Chúng nó tam sao thất bổn đấy”. Tôi vui sướng biết bao nhất là bài Đàn Xưa mà tôi thich nhất, bây giờ họ gọi là Cung Đàn Xưa “Hồn cầm phong hương hình dáng xuân tàn. Ngày dần buông trôi sầu lắng cung đàn…”. Bài này lời thì đúng nhưng nhạc thì câu nào cũng sai thậm chí nhiều nốt. Tôi hỏi: “Trước khi in tập nhạc VĂN CAO chắc họ phải hỏi ý kiến Bác, sao Bác không bắt họ sửa lại cho đúng?”. Ông nói: “Mình ở ngoài Bắc mà họ in trong này, mình vào đây họ mới tặng thì chuyện đã xong rồi. Thôi mặc kệ”. Dù sao tôi cũng rất vui mừng vì đã nhớ đúng và chép đúng những bài hát của Văn Cao. ooo Xuân lại về trên dải đất quê hương yêu dấu, nơi đã từng âm vang những bài hát Văn Cao hào hùng tha thiết, hay ngọt ngào réo rắt chơi vơi,… một thời đạn bom, một thời hòa bình... Chúng ta tin chắc rằng đã là người Việt Nam ở tuổi trung niên trở lên, bất cứ đang ở nơi nào trên trái đất này, bất chấp mọi quan điểm chính kiến, cũng đã từng một lần yêu mến nhạc Văn Cao, với những rung cảm chân thành, cũng sẽ dành cho Văn Cao một niềm ái mộ cao đẹp trong tâm tưởng, để rồi những phút cô đơn tình cờ lại nghe văng vẳng từ trong tiềm thức một điệu hát Văn Cao… mà ta tưởng đã quên lâu rồi. Thùy Dương 12/2013 Chúc Xuân VẠN vật chào Xuân rực ánh hồng SỰ đời quyết phải vượt gai chông NHƯ hoa hàm tiếu trong sương sớm Ý nhạc hào hùng dậy biển đông PHÚ lộc dạt dào dâng bát ngát QUÝ nhân tâm đắc mộng rừng thông VINH quang – giàu có – lòng nhân ái HOA – gấm điểm tô đẹp cõi lòng
NGÀN PHƯƠNG Mừng Xuân 2014 Kế thừa Quý Tỵ khá cao sang Giáp Ngọ vào Xuân mới rộn ràng Thịnh vượng mừng dân – thơ trỗi nhịp Thái bình vui nước – nhạc hân hoan Thượng kinh phấn khởi – đồng xanh lúa Nam Bắc chan hòa ca hát vang “Mã đáo thành công” chào đón tết Lối về hạnh phúc thật khang trang NGÀN PHƯƠNG
XUÂN XƯA & NAY Xuân về tươi sáng đẹp Xưa Nay Góp mặt đông vui trí thức tài Vẽ phượng tinh vi đường thánh thiện Thêu rồng sắc sảo nét thần oai Tao nhân triết lý vui trình diễn Mặc khách chơi thơ khéo luận bài Thoải mái giao lưu trong cảm mến Sum vầy hội điểm Tết đua mai. Thanh Châu GIÁP NGỌ Con ngựa nhanh chân chạy bước dài Thâu đường rút dặm thật là hay Núi cao vực thẳm qua truông giỏi Chiến địa trường sa lướt bãi tài Phấn đấu anh hùng nương cậy sức Truy phong quân tử mượn nhờ oai Trung thành gắn bó lòng phò chủ Dẫn lối đưa đường chẳng lạc sai. Thanh Châu NỮA RỒI CÁI TẤT NIÊN Con số nhỏ Gá trên tờ lịch mỏng Gió thổi ngày qua sông Chớp bóng Nắng vẫn vàng bên hiên Dài rộng bước đường trần Nơi xa chốn gân Hương phấn
Sân đời vẫn phơi trải Nhập nhằng đỏ xanh Chập chờn đen trắng Ngọt mặn Tình tang tình tang Biển vẫn rát sóng tràn Xanh thẫm đại ngàn Mê mải
Nữa rồi cái tất niên Lát cắt tự nhiên Gợn nét đăm chiêu Nhiều ít Lẫn khói lòng Vương vít…
ĐÀM LAN EM ĐẾN RỒI ĐẤY Ư? Vẫn biết rằng xuân đến Sao cứ đợi cứ chờ Cứ bồn chồn thấp thỏm Sống giữa thực và mơ Ngoài trời lất phất mưa Bụi nghiêng bay trong gió Chồi biếc non tơ đó Thoang thoảng một mùi hương
Cơn gió thoáng hơi sương Ôi! Nàng xuân đang tới Trái tim ta bối rối Em đến rồi đấy ư? LÊ MINH CHỬ MỖI ĐỘ XUÂN VỀ Cứ mỗi độ xuân về Nỗi nhớ quê náo nức Ôi! thiêng liêng giây phút Cảnh trời đất giao hòa Cho trời xuân nắng biếc Chồi non nhú tươi xinh Và trăm hoa đua nở Khoe sắc gợi xuân tình
Cứ mỗi độ xuân về Nỗi nhớ nhung còn đó Giờ âm dương giao hòa Xuân lao xao trong gió Cho các nhà lộc đỏ Cho gia chủ an khang Cho học hành đỗ đạt Cho mùa màng bội thu
LÊ MINH CHỬ ANH HÔN EM Nikolai Rubtxov (Nhà thơ Nga, 1936-1971) Anh hôn em nhòa hai hàng lệ. Chỉ có điều em chẳng thấy mà thôi, Bởi vì cái đêm thu bữa ấy Ẩm thấp làm sao, lại tối trời. Trên mặt đất lá rủ nhau đi trốn, Còn trên biển khơi – bão tố, phong ba, Những chiếc lá này phần em ở lại, Phong ba, bão tố phận anh lo.
Từ bốn phía mông mênh, ghẻ lạnh, Rồi hung hăng biển nước tung hoành, Nhưng cũng có đôi khi biển lặng Và bình minh hửng trong mù sương. Anh thầm nghĩ, em thường tới biển Đứng trên bờ ngong ngóng chờ anh. Chỉ một niềm vui nghĩ suy như vậy Trong lòng anh như lóe vừng hồng!
Cứ để cho tiếng rền bão tố Thổ lộ tình anh, thương nhớ em, Hy vọng, niềm tin anh ấp ủ Gửi gấm bình minh giữa mịt mùng. Thúy Toàn dịch Áo Mộng Ngày Xuân Tết sắp đến rồi chọn áo hoa Áo màu xanh đỏ đính kim sa Áo vàng lộng lẫy tô nhan sắc Hay áo hoa cà mỏng lụa là... Anh thích áo em hoa tím Soan Pense' màu nhung nhớ ngút ngàn Hay màu mực tím tình chung thủy Tím cánh hoa sim mộng dở dang?
Em sẽ vì anh mặc áo xanh Xanh màu trời biếc áng mây xinh Hoa lá Xuân về bừng sắc thắm Áo em xanh, ước mộng lung linh... Em chọn thêm áo vàng Cúc Mai Áo hồng lụa nõn cánh Đào phai Làm duyên thục nữ đầu Xuân mới Hương Xuân ngây ngất, tình nồng say...
Phạm Thị Minh-Hưng VỊNH CON NGỰA (Nhân kỷ niệm năm Giáp Ngọ) Vó ngựa đường trường đẫm nắng mưa Siêng năng, cần mẫn nói sao vừa Đuôi dài phe phẩy trông càng đẹp Bờm ngắn đong đưa ngắm dễ ưa Đoàn kết chung bầy luôn gắn bó Trung thành với chủ chẳng cò cưa Giúp người: đi, đứng, đua, thồ, tải Phục vụ cho đời tự xửa xưa! XUÂN VÂN Hoa Mai Dáng vẻ thanh tao sắc diễm kiều Rừng mai vàng rực đón NGUYÊN TIÊU Mưa phùn, tuyết điểm càng tươi tốt Nắng nhạt sương pha lại mỹ miều Mỗi độ XUÂN về khơi nỗi nhớ Bao lần TẾT đến gợi niềm yêu Tượng trưng cốt cách người Nam bộ Hoa rộ bao cành, lộc bấy nhiêu XUÂN VÂN
HOA ĐÀO Xinh xắn nõn nà tắm nắng mai Đỏ hồng thắm thiết động hồn ai! Nghênh XUÂN nụ nở khoe màu thắm Đón TẾT vươn cành tỏ dáng oai Hứng gió, gió đùa hoa chẳng rụng Dầm sương, sương cợt sắc không phai Khách xưa lỡ bước ĐÀO NGUYÊN lạc Tưởng vạn mùa XUÂN… mãi đắm say XUÂN VÂN KHÓ THAY LÀ BIẾT… Khó thay là biết điểm dừng Trẻ không hiếu thắng, già đừng tham lam Bạn thân chọn lúc cơ hàn Tài càng ngắn lại, mồm càng dài ra Cây trong im lặng, trổ hoa Trời xanh không nói vẫn là trời xanh… Trần Nhuận Minh NGÀY XUÂN Ngày xuân chơi Oản tù tì Trong tay, anh có cái gì thì ra… Anh có mười cái bánh đa Một chai rượu nếp với ba củ riềng Ngoài đồng, anh có cô Tiên Cưỡi con trâu đỏ làm nên mùa vàng Trong nhà, anh có cây đàn Gảy lên một tiếng cả làng cùng nghe… Ngày xuân chơi Oản tù tì Trong tay, em có cái gì thì ra… Em có một con thuyền hoa Theo sông Ngân chở trăng tà về chơi Có cái thúng hứng sao rơi Tung lên thành bóng điện soi phố phường Bên mình, em có chiếc gương Khi soi, da thịt toả hương thơm lừng…
Trần Nhuận Minh A SPRING TIME DAY… On a springtime day, let’s play one, two, three I’ll show what I have in my hand I’ve ten dry pancakes A bottle of fermented sticky-rice wine and three galingales Out in the field I have a Fairy Riding on a red buffalo and producing a golden season At home, I’ve a musical instrument Twanging a sound the whole village can hear… On a springtime day, let’s play one, two, three Show what you have in you hand You’ve a flower-boat Sailing on the Ngân (Silver) river carrying the moon to our place You’ve a basket to collect falling stars, When thrown up they turn into electric light bulbs illuminating our streets You have beside you a mirror Upon mirroring your skin and flesh send out fragrance…
Trần Nhuận Minh Translated by Vũ Anh Tuấn XUÂN Trên trần gian, làm gì có mùa xuân vĩnh cửu; Vậy ta sống làm chi cho uổng phí ba vạn sáu ngàn ngày! Và khi chết đi, thực sự có cần loay hoay Lo cho thây ma nằm đó những điều chẳng cần cho kẻ sống? Nhưng mỗi chút thôi, mùa xuân vẫn hoài vương vấn Không chỉ trong mấy ngày hoa rực cả phố phường; Không chỉ trong tà áo thơm rất thơm Của cô thiếu nữ vừa đột nhiên thấy mình sao đẹp lạ!
Mùa xuân gõ cửa đôi khi từ cái nhìn bỡ ngỡ Kìa ai đến nhà, đôi mắt cứ tròn trông Rồi òa lên: Một tích tắc phiêu bồng Một người cũ, sau hàng bao tháng ngày biền biệt! Mùa xuân im lặng khi ta hằng mải miết “Sáng vác ô đi, tối vác về” Có khi đào bới từ sáng sớm đến tận đêm khuya Lo sao cho tủ ngày càng đầy những thứ xài không bao giờ cạn. Cho đến một hôm, nghe thật là vớ vẩn: Một bóng hồng như nuốt trửng hồn ta Mỗi khóe cười, mỗi ánh mắt, dẫu thật xa Ôi như có mùa xuân trong từng tích tắc!
Đôi khi mùa xuân có trong từng tiếng khóc Mừng xum vầy sau những biền biệt khôn nguôi Hồn sáng lên và ánh mắt ngời ngời Miệng lắp bắp những câu nghe như trẻ dại! Mùa xuân, ôi mùa xuân tưởng như tàn lụi Sau bao ngày vật vã với tử thần Rồi bật lên, run rẩy cả châu thân Ôi ta còn sống, dẫu chỉ còn như cỏ phai trong chiều úa!
Đừng nghĩ mùa xuân gói tròn trong nhung lụa! Gánh hàng rong mẹ chỉ có dăm hào Vuốt cho ngay. Khi con trẻ gọi chào Mẹ mừng tuổi mà lòng vui đẫm lệ. Một phút thôi, mùa xuân đôi khi chỉ cần có thế Để bùng lên nơi anh lính xa nhà Nụ hôn còn khói thuốc nhưng thật đậm đà; Người vợ trẻ chưa bao giờ thấy thuốc thơm như vậy!
Thầy giáo già lòng mừng vui biết mấy: Đứa trẻ ranh thầy dạy chữ khi xưa Mùa xuân về, anh đến thật bất ngờ Biếu thầy món quà; Đôi kính lão của thầy nhìn ra: Kìa chẳng phải là Ngài Tiến Sĩ! -Vâng con đây! Đừng gọi con như thế! Con chỉ là đứa trẻ của thầy thôi! Chữ hôm nay con có dẫu đầy vơi; Cũng từ thầy uốn nên mà vành vạnh! Ôi, căn nhà cô đơn hôm nay sao ấm hẳn. Dường như xuân đã nhớ đến thân già… Người vợ hiền thức dậy giữa tinh mơ Rón rén để chàng của mình no giấc Nàng không dám hôn chồng mình, sợ chàng dậy mất Khẽ xuống nhà pha vội tách cà phê: Thứ chàng ưa vào mỗi sáng cà kê Đắm nhìn vợ như ngày chưa hỏi cưới. Ôi có ai ôm eo nàng, tươi rói: Em của tôi, em nhất định là tiên! Anh của tôi, anh nhất định là xuân! Không phải đâu, ta là đôi uyên ương vài ngàn năm không chết!
LAM TRẦN 23.12.2013 ĐẾN NIU-ĐÊLI Niu-Đêli, đêm: đèn không đủ sáng Xe đạp, xe lam, xe máy đi về. Trong taxi cánh quạt quay nhoang nhoáng, Phả xăng nồng, tôi váng vất như mê. Niu-Đêli, nhà thấp ưa màu xám, Không cửa hàng, khách sạn chọc trời xanh. Niu-Đêli, người người da đen sạm, Mà miệng cười sao óng ánh, trong lành!
Vào khoa học, họ như thành tướng lĩnh Diễn giải thao thao, thảo luận chân tình. Những cách mạng xanh, phần mềm vi tính Nâng họ ngang tầm các nước văn minh. Niu-Đêli, đêm: đèn không đủ sáng Xe đạp, xe lam, xe máy đi về. Chim hòa tấu gọi bình minh hé rạng, Sóc giỡn đùa cho khách lạ say mê…
Niu-Đêli (Ấn Độ), 08.3.2004 VŨ ĐÌNH HUY COMING TO NEW DELHI New Delhi, at night its streetlights aren’t bright enough Bicycles, Lambrettas, and motorbikes ride back and forth. Inside the taxi the fan revolved flashingly Reeking of strong gasoline, making me feel dizzing like fainting. New Delhi with its low houses mostly grayish Has no big shops and hugely high hotels. In New Delhi, everybody have a sickly dark complexion, While their smiling mouths are so friendly and pure!
In scientific domains, they seem like turning into general officers Explaining endlessly and discussing sincerely. The green revolutions and computers’ softwares Raise them to an equal level with civilized nations. New Delhi, at night its streetlights aren’t bright enough Bicycles, Lambrettas, and motorbikes ride back and forth. Birds sing in concert, calling dawn to break Squarrels play pranks, overflowing strangers with wonders…
New Delhi (India), 08.3.2004 VŨ ĐÌNH HUY Translated by VŨ ANH TUẤN LỖI HẸN VỚI MÙA THU Tiếc thay hương sắc trời trao Sao em lại nỡ chôn vào âm u? Lẽ nào em chọn đường tu? Cho mùa xuân… nhớ, mùa thu… ngậm ngùi! Tp. Hồ Chí Minh, 27.02.2005 VŨ ĐÌNH HUY FAILURE TO KEEP ONE’S PROMISE WITH THE FALL It’s regretful that the scent and beauty given by Heaven Were burried by You into gloominess? It’s unbelievable that you choose the religious life? For Spring… to remember, and the Fall… to bewail! Hồ Chí Minh city, 27.02.2005 VŨ ĐÌNH HUY Translated by VŨ ANH TUẤN
Hoa Ưu Đàm
- Chúc ơi lại đây xem nè. - Gì đó anh? - Đây là loài hoa cách đây hai năm đã được xôn xao trên báo chí đó. - Sao nó lại mọc trên cái bóng đèn vậy anh? - Nó còn mọc trên tai Phật, cửa sổ, yên xe, chuông chùa… nghĩa là thích mọc ở đâu thì mọc và ai có duyên thì gặp. - Ồ! Mau kêu mọi người lại đi anh. - An ơi! Lại đây mau lên. Xem nè hàng hiếm đó… - Hoa này mọc cả trên kẽm gai nữa đó anh… Hôm đó là Chủ Nhật 22/12, chỉ còn 3 ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh 2013. Mọi người tranh nhau chụp hình hoa lạ mọc trên dây đèn trang trí xung quanh gốc mai ghép của cha Giuse Vũ tại nhà thờ Mai Khôi. Cha Quản Đốc Fx.Minh Nhật, cô Ngọc Cầm đang chấm thi hang đá cho các em thiếu nhi cũng thi nhau bấm hình kỷ niệm và mọi người đều cho là điều tốt khi sắp đến lễ Giáng Sinh. Ngày lễ Thiên Chúa mang ơn lành đến cho mọi người trên dương thế. Hoa Ưu Đàm là phiên âm Hán-Việt của từ "udumbara" trong tiếng Phạn hay tiếng Pali còn gọi là ưu đàm bát la, ưu đàm ba la, ưu đàm bạt la, ưu đàm bà la, ô đàm bà la, ô đàm la, ưu đàm bát, ưu đàm, ô đàm, Tên của loài hoa này theo nghĩa Hán Việt là Hương thơm đóa quỳnh, còn có nghĩa là “loài hoa linh thiêng mang điềm lành từ Trời”. Có hai giả thuyết khác nhau về việc nó nở ra sao: Một cho rằng, loài hoa chỉ nở 3.000 năm một lần rất hiếm gặp, thuyết khác lại cho rằng nó nở 12 năm một lần. Việc đề cập thời gian nở của hoa Ưu Đàm 3.000 năm một lần mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó. Kinh văn nhà Phật đều có nói về loài hoa Ưu Đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường, chỉ mọc trên tiên giới, không có ở trần gian. Theo kinh Phật , hoa chỉ nở khi có Đức Phật hay vị Kim Luân Vương , Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện, đó là điềm lành hiếm có của nhân gian. Quyển 8 kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” của nhà Phật viết: ”Hoa Ưu Đàm do điềm lành linh dị sinh ra; đây là một loại hoa của Trời, thế gian không có. Nếu một đấng Như Lai hoặc Đức Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện nơi thế giới con người, loài hoa này sẽ xuất hiện nhờ đại đức và đại ân của Ngài”. Kinh Phật cũng ghi lại rằng Đức Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua lý tưởng, người sẽ cai trị thế giới không phải bằng vũ lực mà bằng công lý. Những ai dùng thiện để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội được gặp Đức Chuyển Luân Thánh Vương, bất kể người đó thuộc tôn giáo nào. Theo bài viết “Tìm duyên Thánh hoa” thì Phật Thích Ca Mâu Ni từng nói: “Đến khi có một loại hoa gọi là Ưu Đàm Bà La nở rộ khắp nơi, là báo hiệu có Chuyển Luân Thánh Vương ra đời, các con nhất định phải trân quý!”. Kinh Phật có ghi vào thời khắc Đức Thích Ca Mâu Ni ra đời có hoa Ưu Đàm nở, tức là thể hiện sự hiếm hoi lắm nhân loại mới gặp được một vị Phật tại thế. Năm 2012, theo Phật lịch là năm 3039, hoa Ưu Đàm Bà La đã nở rộ tại nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam, hoàn toàn trùng khớp với lời Ngài Thích Ca đã giảng xưa kia. Vào tháng 7 năm 1997, 24 đóa hoa Ưu Đàm Bà La đầu tiên được phát hiện nở trước ngực bức tượng đồng vàng Như Lai đặt trong phòng phương trượng tại một ngôi chùa ở Đại Hàn; kể từ đó, loài hoa kỳ diệu này tiếp tục được phát giác nở tại nhiều nơi trên thế giới. Sau đó, nó xuất hiện ở Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Úc, Mỹ, Việt Nam… Hoa "Ưu Đàm Bà La" - một loài hoa không có rễ, không có lá, không cần nước, không cần đất; có thể mọc, sống và nở hoa ở khắp nơi, trên lá, trên hoa, trên quả nho, trên gỗ, trên thanh nhựa, trên thanh sắt, trên tượng Phật, trên chuông đồng, trên trái cây, trên mặt đá, trên mặt thủy tinh, trên cửa nhôm, trên xô nhựa, trên giấy, trên bóng đèn… Cho đến nay, tại sao hoa Ưu Đàm Bà La lại có thể mọc trên sắt, đồng,... vẫn chưa có lời giải đáp thực sự thuyết phục. Có hoa mọc hơn một năm nhưng vẫn rất tươi đẹp. Các nhà thực vật học đã tận mắt chứng kiến và đều cho biết rằng tự cổ chí kim họ chưa từng gặp loài hoa nào kỳ lạ đến như thế. Hoa Ưu Đàm Bà La có thể mọc thành chùm hoặc đơn lẻ:
Hoa Ưu Đàm Bà La này đã giữ trong nhà hơn một năm. Chỉ có một số thì bị héo, phần còn lại thì vẫn nở
Tại Việt Nam ngày 7/ 6 /2012, một người dân Lê Văn Mậu ở Tuy Hòa , Phú Yên cho rằng Hoa Ưu Đàm mọc trên lá sả nhà mình nhưng có một số ý kiến cho rằng đây có thể là trứng của một loài côn trùng cánh gân nào đó trong họ Chrysopidae . Chiều 8/8/2012, anh Võ Minh Nhật (quê Bình Định), chủ nhân của chiếc xe máy trên địa bàn Đà Nẵng đã tình cờ phát hiện trên chiếc xe máy của mình xuất hiện những bông hoa nhỏ li ti. Theo anh Nhật, vào sáng cùng ngày khi dắt xe đi làm, anh chưa phát hiện hoa mọc trên xe. Đến khoảng 14 giờ chiều, khi dắt xe ra ngoài anh phát hiện những đốm hoa li ti mọc trên vành trước của xe máy. Anh Nhật cho biết, qua sách báo anh được biết loại hoa đang mọc trên xe máy của anh rất giống hoa Ưu Đàm.
Hoa mọc sát nhau thành một chùm với khoảng 20 bông có sợi màu trắng rất nhỏ, bông hoa bé như đầu cây kim. Khi rọi ánh sáng vào, hoa phát quang và lấp lánh trông rất đẹp. Từ khi phát hiện ra chùm hoa này, nhiều người trong công ty đổ xô ra xem, người dân khu vực đó cũng kéo đến rất đông. Mọi người cho rằng đây là điềm may với anh Nhật vì loài hoa này rất hiếm khi xuất hiện. Ngày 16/6/2013, rất nhiều người dân xã Thạnh Phước (Tân Uyên, Bình Dương) kéo đến nhà bà Phạm Thị Là (quê Quảng Ngãi) để chiêm ngưỡng chậu kiểng có "hoa Ưu Đàm". Trước đó 2 ngày, bà cụ 75 tuổi mua 4 chậu kiểng với giá 800.000 đồng tặng cho gia đình cháu gái sống tại ấp Cây Da. Ngồi chiêm ngưỡng các chậu kiểng, cụ bà phát hiện đám hoa trắng li ti nằm dưới mặt lá nên gọi người đến xem. Bà cụ vui mừng khi phát hiện dưới tán lá chậu kiểng mình mua có "hoa Ưu Đàm" nở lung linh dưới nắng sớm. "Mọi người nhận ra đó là hoa Ưu Đàm, tổng cộng có 41 hoa nở trên 3 chiếc lá", cụ bà nói và cho biết rất vui bởi đây là điềm lành, mang nhiều may mắn cho gia đình.
Ảnh: Nguyệt Triều Ông Nguyễn Đức Toàn ở xã Điện Tiến, tỉnh Quảng Nam cho biết, chiếc máy tuốt lúa lâu ngày không dùng đặt ở góc vườn. Trong lúc nghỉ trưa, ông thấy đốm sáng phía dưới chiếc máy nên tò mò lại xem thì thấy một một chùm hoa màu trắng 15 bông, thân mềm, nhỏ như sợi cước, dài khoảng 3cm, trên đầu nở nụ trắng bằng hạt gạo. Những bông hoa kỳ lạ này nở vào buổi sáng và khép cánh lại khi mặt trời lên cao. Dưới đây là hình ảnh hoa Ưu Đàm Bà La nở trên chuông đồng tại đền Tràng Kênh, Hải Phòng, Việt Nam, chụp vào sáng ngày 3 tháng 5 năm 2012. Được báo chí trong nước đưa tin.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nghĩ rằng người ta đã lầm lẫn trứng của một loại côn trùng gọi là Green Lacewing (Chrysopa) với hoa Ưu Đàm bởi vì cả hai có bề ngoài giống nhau. Ấu trùng của con Lacewing được gọi là Aphid lions. Khi đẻ trứng, con cái tiết ra một chất keo dính và nâng bụng của nó lên để tạo thành một cuống mỏng. Các trứng màu trắng được đẻ vào những cuống mỏng này để giữ cho các ấu trùng không ăn thịt lẫn nhau sau khi nở. Minh chứng cụ thể nhất được anh Hà Minh Đức đưa ra chính là chùm ảnh "loài hoa" này do anh chụp lại. Anh Hà Minh Đức cho biết, thực ra những "bông hoa" mà người dân cho rằng là hoa Ưu Đàm Bà La thực chất chỉ là trứng của một loài côn trùng thuộc nhóm Green Lacewing. Chúng thường đẻ trên các bề mặt cứng, khô ráo và trứng có hình dạng giống như 1 cái cây nhỏ. Khi ấu trùng chui ra khỏi trứng, vỏ để lại nhìn rất giống 1 bông hoa đã nở. Nếu nhìn sơ qua, mọi người có thể nhầm chúng với 1 loại cây nhỏ.
Chùm ảnh do anh chụp và cung cấp là 1 loài tương tự như "hoa 3000 năm mới xuất hiện". Anh cũng cho biết thêm, việc cung cấp ảnh này nhằm chứng minh câu chuyện "hoa 3000 năm" rất có thể là chuyện hoang đường và người dân không nên vội tin. Nghiên cứu của Gs TSKH Trịnh Tam Kiệt - Phòng Công nghệ và giống gốc nấm, Viện vi sinh vật và công nghệ sinh học (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Không chỉ bằng cảm quan và kinh nghiệm, GS Trịnh Tam Kiệt đã dùng kính lúp và kính hiển vi để tìm hiểu về “hoa Ưu Đ àm”. Từ trên cao xuống qua lăng kính của kính lúp có độ phóng đại 400 lần cho thấy hoa có hình dáng như bông hoa sen chưa nở với chóp nhọn phía trên. Sự trong trắng, tinh khiết của "hoa" nổi bật trên nền giá thể xanh của lá cây Sống đời. Mẫu được bạn đọc Kienthuc.net.vn chuyển từ Hải Phòng lên. “Hoa” được phát hiện từ 19/5 đến nay vẫn tươi nguyên. Bước đầu nghiên cứu GS Trịnh Tam Kiệt cho hay, đây không phải là hoa mà là sinh vật bậc thấp chưa có cấu trúc mô. Đồng thời, đây không phải là thực vật, cũng không phải loài nấm chính thức. Nhiều khả năng cho thấy đây là nấm nhầy với cơ thể là một khối nhầy: “Hoa” – hay còn gọi là quả nấm – có đế nâng đỡ khá vững chãi bằng đế có hình loe. Nhìn kỹ, “bông hoa” có cấu trúc chồng xếp lên nhau, “Đế hoa” trong suốt như pha lê, “Thân hoa” nhìn từ trên cao như một ống thủy tinh trong suốt được trang trí như những giọt sương mai còn đọng lại. Khi soi kỹ, đó không phải là những giọt sương mai mà chính là bào tử. Bào tử là bộ phận sinh sản, khi đủ điều kiện sẽ phát tán ra ngoài môi trường, hình thành nên các “hoa Ưu Đàm” mới. Có hai loại bào tử được phát hiện ra trên “thân hoa”. Trong hình là cộng bào tử, tức nhiều bào tử gộp lại, tạo nên hình xù xì như quả dâu. Bào tử này nằm sát vào “thân hoa”
Còn đây là bào tử đơn lẻ. Bào tử này nhìn rõ có nhiều đốt, dây nối xoắn lấy “thân hoa
Và phía dưới gốc, các nhà khoa học đã phát hiện một thể nhầy trong suốt vắt ngang chiếc lá. Trong ảnh là một thân cây mới, chưa có hoa bắt đầu nhú lên từ thể nhầy. Thân này cũng trong suốt như pha lê. Chính các yếu tố này đã khiến các nhà khoa học cho rằng đây không phải là nấm sợi mà có thể là nấm nhầy. Nấm nhầy với cơ thể là một khối nhầy, khi muốn sinh sản sẽ tạo ra các thể sinh sản mang bào tử. Cột đưa bào tử lên cao đu trong gió để phát tán. Khi có điều kiện thích hợp, môi trường thuận lợi sẽ phát triển.
Sự có mặt của sinh vật hay người dân thường gọi là “hoa Ưu Đàm” chỉ thị môi trường sinh thái an lành (Theo Kiến Thức). Vậy thì nguồn nào là đúng đây? Loại hoa được cho là hoa Ưu Đàm cũng có kích thước tương tự như trứng Lacewing và cũng nằm trên một cuống mỏng. Ông Lý, một người dân ở Malacca, Malaysia, đã phát hiện ra cả hoa và trứng. Phát hiện này có thể minh chứng rằng loại hoa được tin là hoa Ưu Đàm không phải là trứng Lacewing. Vào ngày 25/6/2009, ông Lý và một vài người bạn đã để ý thấy hơn 20 bông hoa trắng nhỏ trên các lá bưởi dọc theo con đường trên đồi St. Paul, một thắng cảnh ở Malacca. Thoạt nhìn, chúng giống như những bông hoa Ưu Đàm huyền thoại. Do sự tương đồng đến bất ngờ của hoa Ưu Đàm và trứng Lacewing, ông Lý đã đem các bông hoa này đến chỗ một người bạn và họ đã quan sát các bông hoa dưới kính hiển vi. Khi người bạn của ông chụp hình các bông hoa bằng kính hiển vi, các cánh hoa và nhụy hoa được nhìn thấy rất rõ ràng. Các bức ảnh này đã đưa ra bằng chứng vững chắc rằng thứ mà họ tìm thấy chính là các bông hoa. Một tuần sau, ông Lý quay trở lại chỗ cũ và tìm thấy một vài hạt trắng giống như lần trước. Ông cũng dùng kính hiển vi để chụp các hạt nhỏ này. Lần này, chụp dưới bất kỳ góc độ nào cũng không nhìn thấy được cánh hoa và nhụy hoa. Tất cả những gì nhìn thấy được là các hạt hình bầu dục có kích thước bằng nhau như các hạt trứng Lacewing. Sau một thời gian, ông Lý quan sát thấy các bông hoa vẫn giữ được màu trắng tinh khiết, nhưng các trứng Lacewing thì dần dần ngả sang màu đen và hình dạng bầu dục của chúng vẫn không hề thay đổi. Nói tóm lại, dù là hoa hay không là hoa nhưng thấy tận mắt một công trình của Tạo hóa là mọi người đã mãn nguyện lắm rồi. Giả như là Hoa Ưu Đàm 3000 năm mới nở một lần chỉ ở trên tiên giới mới có thì ai mà thấy được? Chắc phải làm tiên ông hay tiên bà để thưởng lãm? HÀ MẠNH ĐOÀN CƠN HẤP HỐI CỦA CON TÀU SÉMILLANTE (L’agonie de la Sémillante) của Alphonse Daudet Vì cơn gió chướng đêm rồi đã thổi chúng tôi đến bờ biển Corse; vậy thì hãy để tôi kể cho bạn nghe, một câu chuyện hãi hùng về biển cả mà những ngư phủ ở đó thường nói cho nhau nghe vào buổi chiều tối trà dư tửu hậu, và do đó mà sự tình cờ đã cung cấp cho tôi những thông tin rất là ly kỳ… Lối chừng hai hoặc ba năm gì đó!..., tôi có đi biển, kết bạn đồng hành với các thủy thủ hải quan. Một cuộc viễn du đầy gian khổ cho một người mới tập sự như tôi. Suốt cả tháng ba, chúng tôi không có được một ngày tốt lành. Gió đông cứ thổi mạnh vào chúng tôi và biển cả không nguôi cơn thịnh nộ. Một buổi chiều chạy bão, thuyền của chúng tôi đến ẩn náu trong cửa khẩu của eo biển Bonifacio, ở giữa một quần đảo… Cái quang cảnh ở đó không được mấy hấp dẫn; những ngọn đồi trọc, đầy chim chóc, và trong vũng bùn lầy đây đó, những mảnh gỗ đang mục nằm lẫn vào các bụi cỏ áp xanh. Vậy mà theo tôi, thì ngủ qua đêm ở trong các hóc đá buồn tẻ nầy còn sướng hơn là bằng lòng ngủ trên boong tàu ướt át, tràn đầy sóng biển. Mới xuống tàu, trong khi các thủy thủ lo nhúm lửa để nấu nướng, thì ông chủ tàu vừa gọi tôi, vừa chỉ một vòng tường rào trắng ẩn hiện trong sương mù ở cuối đảo và hỏi tôi: - Bạn có đi viếng nghĩa trang không? - Đi viếng nghĩa trang à!, ông chủ Lionetti!, Chúng ta đang ở đâu vậy? - Tại quần đảo Lavezzi đó!, ông bạn ạ!. Chính tại nơi đây, người ta đã chôn cất 600 thi thể con người trên con tàu Sémillante, cũng chính tại nơi đây, con tàu đã tự hủy, cách đây có 10 năm rồi!... Những người tội nghiệp!... Họ không được ai đến viếng thăm nhiều đâu!. Ít ra chúng ta cũng nên đến đó để nói với họ đôi lời chào hòi, vì lẽ rằng chúng ta hiện đang ở đây!... - Vâng, xin hết lòng với ông chủ. Cái nghĩa trang của con tàu Sémillante sao mà buồn thảm vậy!... Tôi vẫn còn trông thấy nó, với cái bức tường rào nhỏ thấp, cánh cửa cổng vào đã rỉ sét, khó mở. Cái miếu thờ thì lặng lẽ, âm u, và mấy trăm cây thánh giá đen mập mờ trong cỏ!... Không có một vòng hoa phúng điếu, không có một lưu niệm!... Không có gì cả!... Ôi!, những người chết đã bị bỏ quên rồi, có lẽ họ phải chịu lạnh lẽo trong những nấm mồ tình cờ nầy!... Chúng tôi ở lại đó một lúc để quỳ gối tưởng niệm. Ông chủ tàu lớn tiếng cầu nguyện!... Chỉ có những con chim hải âu to lớn là người bảo vệ duy nhất của nghĩa trang, đang bay vần vũ trên đầu chúng tôi và buông ra những tiếng kêu khô khan, hòa lẫn vào nỗi than van của biển cả. Cầu nguyện xong, chúng tôi buồn bã trở về phía cái góc đảo, nơi mà con thuyền đang thả neo. Trong lúc vắng mặt của chúng tôi, mấy người thủy thủ vẫn tranh thủ thời gian. Chúng tôi có được một đống lửa to đang cháy rực rỡ, ẩn nấp sau một khối đá to, và cái nồi thức ăn đang bốc hơi thơm phức. Người ta ngồi vòng tròn, chân hướng vào lửa để sưởi ấm, và chẳng bao lâu, mỗi người phải ngồi chồm hổm lên để nhận một tô thức ăn đầy đủ với hai lát bánh mì đen… Bữa ăn rất là lặng lẽ; vì rằng chúng tôi bị ướt át, chúng tôi bị đói khát, kế tiếp là cái môi trường gần nghĩa trang!... Tuy vậy, khi mà cái tô đã cạn, người người châm thuốc hút, và bắt đầu nói chuyện một chút. Dĩ nhiên là người ta bàn bạc về con tàu Sémillante. Thấy ông chủ tàu, đang tay ôm đầu nhìn ngọn lửa ra dáng nghĩ ngợi, tôi mới hỏi: - Rốt cuộc rồi thì sự việc đã xảy ra làm sao? - Sự việc đã xảy ra làm sao ư?, ông Lionetti tốt bụng trả lời với một tiếng thở dài!... Ôi thôi!, ông bạn ạ!, không một ai trên thế gian nầy có thể nói được. Tất cả những gì mà chúng tôi đã biết, đó là chiếc tàu Sémillante chở binh lính đi từ tỉnh Toulon để đến hòn đảo Crimée, vào chiều hôm đó, với thời tiết xấu. Tối đến, thời tiết càng tệ hại hơn!... Gió, mưa, biển động chưa từng thấy!... Sáng ra, gió có dịu đi một phần nào, nhưng mà biển thì vẫn luôn luôn trong tình trạng hung dữ, và với điều đó còn thêm một màn sương mù dày đặc đến độ mà người ta không phân biệt được một ngọn đèn pha cách xa mấy bước!... Ông bạn ạ, vậy mà người ta luận rằng, màn sương nầy vẫn chưa phải là nguyên nhân chánh!... Nó chẳng nhằm nhò gì cả. Không phải là do sương mù đâu. Tôi cho rằng chiếc tàu Sémillante đã bị mất bánh lái vào lúc sáng sớm, bởi vì, nếu không có một sự trục trặc, hư hỏng thì ông thuyền trưởng không để cho con tàu phải va chạm vào nơi nầy đâu… Đó là một vị thuyền trưởng tài ba, mà tất cả chúng tôi đều biết. Ông đã điều khiển bến tàu Corse trong vòng ba năm ròng rã, và hiểu biết bờ biển như lòng bàn tay. - Và vào mấy giờ thì chiếc Sémillante gặp nạn? - Dường như vào trưa!... Vâng!, ông bạn ạ, vào giữa trưa!... Nhưng mà, mẹ kiếp!... Với đám sương mù biển, thì buổi trưa đó cũng như một đêm tối mịt mù, như cái họng của con chó sói. Một người lính hải quan kể lại cho tôi nghe về ngày hôm đó… Gần 11 giờ rưỡi, y đi ra ngoài để sửa lại cái cửa, thì bị một luồng gió thổi bay cái nón đi, và y cũng suýt bị sóng biển cuốn trôi vì phải chạy theo cái nón, dọc theo bờ biển bằng bốn chân. Bạn cũng nên hiểu rằng, lính hải quan không giàu, mà cái nón thì quá đắt!... Nhân lúc người lính ngẩng đầu lên thì thấy gần bên, trong sương mù, một con tàu to, không buồm, chạy biến đi theo hướng gió về quần đảo Lavezzi. Con tàu đó chạy thật nhanh,… thật nhanh đến nỗi người lính hải quan không kịp trông thấy rõ… Tuy nhiên, tất cả các dấu hiệu đều chứng tỏ, đó là con tàu Sémillante, bởi vì nửa giờ sau, người chăn cừu trên đảo đã nghe tiếng vang động trên các mỏm đá!... Mà nầy ông bạn ạ!, đây chính thật là người chăn cừu mà tôi đã nói đến đó, sẽ kể lại sự việc bằng miệng của y… - Chào mừng Palombo!... Vào đây sưởi ấm một chút đi; đừng ngại ngùng gì. Một người đàn ông đội mũ, mà tôi thấy đôi lúc đi rảo quanh đống lửa, và tôi cứ tưởng là một người thủy thủ nào đó, vì tôi không biết trong đảo có kẻ chăn cừu, y đi đến với chúng tôi một cách dè dặt. Đó là một ông già phong cùi, ba phần tư ngớ ngẩn. Tôi không biết là lão ta mắc chứng bịnh hoại huyết gì mà cái môi thừ lừ ra trông rất là dễ sợ. Người ta phải khó khăn lắm mới giải thích cho lão hiểu sự việc. Thế rồi, lão vừa lấy ngón tay đỡ cái môi bệnh tật, vừa kể lại cái ngày có vấn đề. Vào trưa, đang ở trong nhà, thì lão nghe một tiếng động kinh hoàng trên vách đá!... Bởi vì đảo đang ngập nước nên ông lão không tài nào đi ra được, chỉ có đợi đến ngày mai mà thôi!... Tuy nhiên, khi mở cửa ra, lão ta mới thấy bờ biển ngổn ngang những mảnh gỗ vụn và những thi thể mà sóng gió đã bỏ lại!... Thất kinh hồn vía, lão ta cuống quýt chạy đi lấy xuồng mà đi về Bonifacio để tìm người!... Mỏi mệt vì đã nói nhiều, ông già chăn cừu ngồi nghỉ, và ông chủ tàu tiếp lời: - Vâng, bạn ạ!, chính ông già tội nghiệp nầy đã đến thông báo cho chúng tôi. Ông ta muốn điên lên vì khiếp sợ!... và vụ việc nầy làm đầu óc ông ta trở nên thác loạn! Thực ra, thì phải làm sao đây!... Bạn hãy hình dung, 600 thi thể nằm chất đống ngổn ngang trên cát, với gỗ bể và buồm rách của con tàu Sémillante tội nghiệp!... Biển cả đã nghiền nát con tàu bằng một cú chính xác đến đỗi nó biến thành những mảnh vụn mà lão chăn cừu Palombo phải khó nhọc lắm mới tìm ra được vài miếng to để làm rào quanh chòi. Còn về con người, thì dường như tất cả đều bị biến dạng, què quặt một cách thảm hại. Thật đau lòng mà thấy họ nằm chồng chất với nhau, người nầy trên người kia!... Chúng tôi tìm được ông Thuyền Trưởng trong bộ lễ phục, ông Cha Đạo còn đeo thánh giá nơi cổ, trong một góc giữa hai khối đá, thằng nhỏ tập sự với đôi mắt còn mở trừng!..., người ta cứ tưởng là nó còn sống; nhưng mà không, đã nói là không có một mạng người nào thoát khỏi!... Nói đến đây, ông chủ dừng lại bảo: - Coi chừng!, bạn Nardi, lửa sắp tàn! Bạn Nardi bỏ vào đống than hồng mấy miếng gỗ tẩm dầu, thì lửa phừng lên và ông Lionetti tiếp tục kể: - Có một điều đáng buồn hơn ở trong câu chuyện nầy, đó là!... Ba tuần trước cái thảm họa nầy, có một con tàu hộ tống nhỏ cũng đi đến đảo Crimée, giống như chiếc Sémillante, đã bị đắm cùng một cách và gần như cùng một chỗ. Chỉ duy lần đó, chúng tôi kịp thời đến cứu hộ được toàn bộ thủy thủ và 20 người lính lưu động trên tàu!... Những người lính tội nghiệp nầy, họ không tự quyết định được gì… Bạn hãy nghĩ xem! Người ta đưa họ về đảo Bonifacio, và chúng tôi đã đùm bọc họ trong hai ngày tại Sở Hải Quan… Một khi đã được khô ráo, và khỏe khoắn rồi!... thì xin chào!... chúc may mắn!... Họ trở về Toulon, nơi mà sau đó một thời gian, người ta lại chở họ thêm một lần nữa để đến đảo Crimée!... Bạn hãy đoán xem trên chuyến tàu nào?... Trên chiếc tàu Sémillante đó bạn ạ!... Chúng tôi đã tìm thấy họ tất cả, 20 người trọn vẹn, nằm lẫn lộn trong các xác chết, tại nơi mà chúng ta đang ngồi đây!... Chính tay tôi đã nâng lên một đội trưởng trẻ có râu mép mượt mà, người Paris tóc nâu, mà tôi đã cho nghỉ tại nhà, và gã có những câu chuyện làm cho chúng tôi cười suốt buổi!... Bây giờ thấy gã nằm ở đó, mà tôi đau xót con tim!... Ôi! Thánh Santa Madre ôi!... Sau đó, vì quá cảm động, ông Lionetti vội gõ cái ống điếu cho sạch tro, và quấn mình trong cái áo tơi, vừa chúc cho tôi một đêm ngon giấc!... Thêm một thời gian, mấy người thủy thủ thì thầm nói chuyện với nhau… Rồi người nầy kế người kia, những điếu thuốc tàn dần. Người ta không còn nói chuyện nữa… Ông lão chăn cừu ra đi… Và chỉ còn tôi một mình để mà mơ mộng, ở giữa mấy người thủy thủ đang an giấc ngủ… Vẫn còn bị ấn tượng của câu chuyện thảm thương mà tôi vừa nghe qua, tôi thử phác họa lại trong trí tôi con tàu tang tóc đó, và câu chuyện của cơn hấp hối nầy, mà chỉ có đàn chim biển hải âu chứng kiến mà thôi!... Một vài chi tiết đã làm động não tôi: ông Thuyền Trưởng vận lễ phục, cây thánh giá của ông Cha Đạo, 20 người lính lưu động, giúp tôi suy đoán những tình tiết của thảm kịch!... Tôi nhìn thấy chiếc thuyền khởi hành từ Toulon trong đêm tối!... Nó lìa bến hải cảng!... Biển động!... Gió to kinh khủng!... Nhưng người ta có được một vị Thuyền Trưởng dũng cảm tài ba, và mọi người đều yên tâm trên boong!... Sáng ra, sương mù bao phủ. Tất cả thủy thủ đều lên trên. Ông Thuyền Trưởng không rời tay lái. Những người lính thì được ở trong sàn giữa tối và nóng!... Vài người bị bệnh phải nằm gác lên ba lô!... Con tàu chòng chành khủng khiếp; không thể nào đứng vững được, người ta phải ngồi xuống từng nhóm vừa vịn bợ vào bàn ghế vừa phải nói thét lên thì mới nghe được. Có người bắt đầu lo sợ!... - Nghe nầy!... Những vụ đắm tàu thường hay xảy ra ở vùng nầy!... Những người lính bảo nhau như vậy, và những điều họ kể thì không có gì làm cho an tâm. Kể cả người đội trưởng, dân Paris, luôn làm cho chúng ta nổi da gà với những lời nói đùa của y: - Một vụ đắm tàu à!... Nhưng mà cũng vui thôi!... Một vụ đắm tàu à!... Xem như chúng ta dự một buổi tắm lạnh mà!, và họ đưa chúng ta về Bonifacio, để rồi có dịp ăn chim biển tại nhà của ông chủ tàu Lionetti!... Và mấy người lính đồng cười!... Thình lình, một tiếng gãy rắc… vang lên!... - Cái gì vậy?!... Cái gì đã xảy ra?!... - Cái bánh lái đã đi đời rồi!... Một người thủy thủ ướt mem vừa chạy qua, vừa thông báo!... - Chúc mừng thượng lộ bình an!... Nhưng mà không còn ai cười được nữa!... Sự ồn ào náo nhiệt nổi lên trên boong tàu. Sương mù đang hạn chế tầm nhìn. Những người thủy thủ hốt hoảng lần mò tới lui!... Mất bánh lái! Sự điều khiển không thể được! Con tàu Sémillante trôi dạt theo gió cuốn. Đó là lúc mà người lính ở trên bờ nhìn thấy nó chạy ngang qua lúc 11 giờ 30. Trước mũi tàu, người ta nghe có tiếng đại bác nổ vang rền!... Coi chừng đá ngầm!... Coi chừng đá ngầm!... Thôi hết rồi!... Không còn hy vọng gì nữa!... Con tàu đâm thẳng vào bờ!... Ông Thuyền Trưởng trở về phòng!... Một lúc sau, ông trở lên buồng lái, chỉnh tề trong bộ y phục đại lễ!... Ông muốn làm đẹp để chết!... Ở sàn giữa, những người lính âu sầu nhìn nhau mà không nói năng gì!... Mấy người bệnh hoạn cố gắng ngồi dậy!... Gã đội trưởng trẻ cũng không cười được nữa rồi!... Ngay lúc đó, thì ông Cha Đạo bước vào cửa với cây Thánh Giá: - Hãy quỳ xuống đi, các con!... Mọi người đều vâng theo. Bằng một giọng vang rền, vị Linh Mục bắt đầu đọc kinh cầu nguyện cho những người hấp hối!... Bỗng nhiên một sự va chạm kinh hoàng, chỉ có một tiếng la mà thôi, một tiếng la triền miên!... Những cánh tay dang ra, những bàn tay quýu lại, những cái nhìn kinh ngạc, nơi mà ảo tưởng của Thần Chết thoáng qua trong nháy mắt!... Thảm thương thay! Như vậy đó!..., mà tôi đã trằn trọc suốt đêm để mơ mộng, khơi dậy cái khoảng thời gian 10 năm qua, các linh hồn của con tàu, mà những mảnh gỗ vụn của nó còn nằm rải rác chung quanh đây!... Ngoài xa kia, trong eo biển, bão tố vẫn còn đang điên cuồng!... Ngọn lửa trại tạt ngang theo cơn gió lộng, và tôi nghe con thuyền của chúng tôi đang nhảy nhót dưới chân ghềnh vừa làm lay động sợi dây đỏi cột thuyền kêu ken két!... Dịch thuật THANH CHÂU
Phụ Bản III CÁC DI SẢN THẾ GIỚI TẠI VIỆT NAM A. KINH THÀNH HUẾ (Di sản văn hóa thế giới). Kinh thành Huế được vua Gia Long tiến hành khảo sát từ năm 1803, khởi công xây dựng từ 1805 và hoàn chỉnh vào năm 1832 dưới triều vua Minh Mạng. Diện tích toàn kinh thành là 520 hecta và chu vi là 9.950 mét. Có 11 cửu và 24 pháo đài… Các di tích trong kinh thành gồm: 1. Kỳ Đài: Còn gọi là Cột cờ, nằm chính giữa mặt Nam của Kinh thành Huế thuộc phạm vi pháo đài Nam Chánh cũng là nơi treo cờ của triều đình. Kỳ Đài được xây dựng vào năm Gia Long thứ 6 (1807) cùng thời gian xây dựng Kinh thành Huế. Đến thời Minh Mạng, Kỳ Đài được tu sửa vào các năm 1829, 1831 và 1840. Trong lịch sử, Kỳ Đài thường là nơi đánh dấu các sự kiện quan trọng và sự thay đổi thể chế chính quyền ở Huế. 2. Trường Quốc Tử Giám: Năm 1803 vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường tại địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách Kinh thành Huế chừng 5 km về phía Tây, trường năm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Đây được xem là trường quốc học đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Đến năm 1908, thời vua Duy Tân, Quốc Tử Giám được dời vào bên trong Kinh thành, bên ngoài, phía Đông Nam Hoàng thành (tức vị trí hiện nay). 3. Điện Long An: Điện được xây dựng vào năm 1845, thời vua Thiệu Trị với tên gọi Điện Long An trong cung Bảo Định, phường Tây Lộc (Huế) làm nơi nghỉ của vua sau khi tiến hành lễ Tịch điền (cày ruộng) mỗi đầu xuân. Đây cũng là nơi vua Thiệu Trị thường hay lui tới, nghỉ ngơi, đọc sách, làm thơ, ngâm vịnh. 4. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế: Tại số 3, Lê Trực, Huế. Tòa nhà chính của viện bảo tàng chính là điện Long An xây năm 1845 dưới thời vua Thiệu Trị. Hiện bảo tàng trưng bày hơn 300 hiện vật bằng vàng, sành, sứ, pháp lam Huế, ngự y và ngự dụng, trang phục của hoàng thất nhà Nguyễn. Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế giúp người tham quan một cái nhìn tổng thể về cuộc sống cung đình Huế. 5. Đình Phú Xuân: Đình Phú Xuân được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX ở tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế; nay thuộc phường Tây Lộc, thành phố Huế, cách trung tâm thành phố 2 km về phía Bắc. 6. Hồ Tịnh Tâm: Hồ Tịnh Tâm là một di tích cảnh quan được kiến tạo dưới triều Nguyễn. Trước đây, hồ nguyên là vết tích của đoạn sông Kim Long chảy qua Huế. Đầu thời Gia Long, triều đình cho cải tạo một số đoạn sông và khơi dòng theo hướng khác để tạo thành Ngự Hà và hồ Ký Tế. Hai bãi nổi trong hồ này được dùng làm nơi xây dựng kho chứa thuốc súng và diêm tiêu. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), triều Nguyễn đã huy động tới 8000 binh lính tham gia vào việc cải tạo hồ. Năm 1838, vua Minh Mạng cho di dời hai kho sang phía đông, tái thiết nơi này thành chốn tiêu dao, giải trí và gọi là hồ Tịnh Tâm. Dưới thời vua Thiệu Trị đây được xem là một trong 20 cảnh đẹp đất Thần Kinh. 7. Tàng thư lâu: Tàng thư lâu là được xây dựng năm 1825 trên hồ Học Hải trong Kinh thành Huế, dùng làm nơi lưu các công văn cũ của cơ quan và lục bộ triều đình nhà Nguyễn. Đây có thể coi là một Tàng Kinh các của Việt Nam dưới triều Nguyễn lưu trữ các tài liệu các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập. Có thể nói Tàng thư lâu rất quan trọng trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng lúc bấy giờ. 8. Viện Cơ Mật – Tam Tòa: Là cơ quan tư vấn của nhà vua gồm bốn vị đại thần từ Tam Phẩm trở lên, là Đại Học Sĩ của các điện Đông Các, Văn Minh, Võ Hiến và Cần Chánh. Viện lúc đầu đặt ở nhà Tả Vu. Sau khi kinh đô thất thủ năm 1885 phải dời đi đến nhà của bộ Lễ, rồi bộ Binh, và cuối cùng là về chùa Giác Hoàng cùng với tòa Giám Sát (của người Pháp) và Trực Phòng các bộ nên gọi là Tam Tòa. Hiện nay Tam Tòa nằm ở địa chỉ 23 Tống Duy Tân, thuộc phường Thuận Thành, ở góc Đông-Nam bên trong Kinh thành Huế, hiện là trụ sở của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. 9. Đàn Xã Tắc: Đàn Xã Tắc đã được dựng lên bên trong Kinh thành Huế (trước đây thuộc xã Hữu Niên, sau là phường Ngưng Tích), thuộc địa phận phường Thuận Hòa (thành phố Huế ngày nay) vào năm Gia Long thứ 5 (1806) để tiến hành các nghi lễ cầu thần đất và lúa giúp mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử và không được quan tâm bảo quản đúng mức, Đàn tế Xã Tắc ngày nay hầu như đã bị hủy hoại hoàn toàn. 10. Cửu vị thần công: Cửu vị thần công là tên gọi 9 khẩu thần công được các nghệ nhân Huế đúc dưới thời vua Gia Long. Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, khi lên ngôi, vua Gia Long liền cho các nghệ nhân đương thời tập trung tất cả chiến lợi phẩm là binh khí và vật dụng bằng đồng để đúc thành 9 khẩu thần công làm vật chứng cho chiến thắng vẻ vang của mình. Công việc đúc chính thức từ năm 1803 và hoàn thành vào năm 1804. Hoàng thành nằm bên trong Kinh thành, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Hoàng thành và Tử Cấm Thành thường được gọi chung là Đại Nội. Các di tích trong hoàng thành gồm: 1. Ngọ Môn: Ngọ Môn là cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế, được xây dựng vào năm Minh Mạng 14 (1833). Ngọ Môn có nghĩa đen là Cổng giữa trưa hay Cổng xoay về hướng Ngọ, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Về mặt từ nguyên học, “Ngọ Môn” có nghĩa là chiếc cổng xoay mặt về hướng Ngọ, cũng là hướng Nam, theo Dịch học là hướng dành cho bậc vua chúa. Điện Thái Hòa và sân Đại Triều Nghi: Điện Thái Hòa là cung điện nằm trong khu vực Đại Nội của Kinh thành Huế. Điện cùng với sân chầu là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như: lễ Đăng Quang, sinh nhật vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức và các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Trong chế độ phong kiến cung điện này được coi là trung tâm của đất nước. Điện được xây dựng vào năm 1805 thời vua Gia Long. Năm 1833 khi vua Minh Mạng quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội, trong đó có việc cho dời điện về mé Nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn. 2. Triệu Tổ Miếu: Triệu Tổ Miếu còn gọi là Triệu Miếu, được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804). Miếu này nằm ở phía Bắc của Thái Miếu trong Hoàng thành Huế, là miếu thờ Nguyễn Kim, thân sinh của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. 3. Hưng Tổ Miếu: Hưng Tổ Miếu còn gọi là Hưng Miếu là ngôi miếu thờ cha mẹ vua Gia Long (ông Nguyễn Phúc Luân – hay Nguyễn Phúc Côn – và bà Nguyễn Thị Hoàn), vị trí ở Tây Nam Hoàng thành Huế (cách Thế Miếu chừng 50 mét về phía Bắc) 4. Thế Tổ Miếu: Thế Tổ Miếu thường gọi là Thế Miếu tọa lạc ở góc Tây Nam bên trong Hoàng thành Huế, là nơi thờ các vị vua triều Nguyễn. Đây là nơi triều đình đến cúng tế các vị vua quá cố, nữ giới trong triều (kể cả hoàng hậu) không được đến tham dự các cuộc lễ này. 5. Thái Tổ Miếu: Thái Tổ Miếu còn gọi là Thái Miếu là miếu thờ các vị chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần. Miếu được xây dựng từ năm Gia Long thứ 3 (1804) ở góc Đông Nam trong Hoàng thành, đối xứng với Thế Tổ Miếu ở phía Tây Nam. 6. Cung Diên Thọ: Cung Diên Thọ tên ban đầu là cung Trường Thọ, các tên khác là Từ Thọ, Gia Thọ, Ninh Thọ; được bắt đầu xây dựng năm 1803 để làm nơi sinh hoạt của Hoàng Thái Hậu của triều Nguyễn. 7. Cung Trường Sanh: Cung Trường Sanh hay Cung Trường Sinh (còn có tên gọi khác là Cung Trường Ninh), được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ nhất (1821) ở phiá Tây Bắc Hoàng thành với vai trỏ ban đầu là hoa viên, nơi các vua triều Nguyễn mời mẹ mình đến thăm thú ngoạn cảnh. Về sau cung được chuyển thành nơi ăn ở sinh hoạt của một số bà Hoàng Thái Hậu và Thái Hoàng Thái Hậu. Trong thời kỳ rực rỡ nhất, kiến trúc cảnh quan của Cung Trường Sanh được vua Thiệu Trị xếp vào hàng thứ bảy của thắng cảnh đất Thần Kinh. 8. Hiển Lâm Các: Hiển Lâm Các được xây dựng vào năm 1821 và hoàn thành vào năm 1822 thời vua Minh Mạng, nằm trong khu vực miếu thờ trong Hoàng thành Huế, cao 17 mét và là công trình kiến trúc cao nhất trong Hoàng thành. Đây được xem là đài kỷ niệm ghi nhớ công tích của các vua nhà Nguyễn và các quan đại thần có công lớn của triều đại. 9. Cửu Đỉnh: Cửu Đỉnh của nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước Hiển Lâm các đối diện với Thế Miếu, phía Tây Nam Hoàng thành Huế. Tất cả đều được đúc ở Huế vào cuối năm 1835, hoàn thành vào đầu năm 1837. Mỗi đỉnh có một tên riêng ứng với một vị hoàng đế của triều Nguyễn, chúng có trọng lượng khác nhau và hình chạm khắc bên ngoài đỉnh cũng khác nhau. Chín đỉnh đó là: Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh, Chương Đỉnh, Anh Đỉnh, Nghị Đỉnh, Thuần Đỉnh, Tuyên Đỉnh, Dụ Đỉnh và Huyền Đỉnh. 10. Điện Phụng Tiên: Điện Phụng Tiên là một ngôi điện nằm ở gần cửa Chương Đức, phía trước Cung Diên Thọ, cửa Tây của Hoàng thành được vua Gia Long và vua Minh Mạng xây dựng dùng để thờ cúng các vua triều Nguyễn. Khác với Thế Miếu, điện này tuy cũng thờ các vị vua và hoàng hậu nhà Nguyễn nhưng nữ giới trong triều được phép đến đây cúng tế. Ngoài ra, nó còn là nơi lưu trữ nhiều bảo vật của nhiều đời vua nhà Nguyễn. Tháng 2 năm 1947, toàn bộ điện bị đốt cháy, hiện nay chỉ còn lại cửa Tam Quan và vòng tường thành còn tương đối nguyên vẹn. 11. Tử Cấm Thành: Tử Cấm Thành nguyên gọi là Cung Thành là vòng tường thành thứ 3 của Kinh đô Huế, giới hạn khu vực làm việc, ăn ở và sinh hoạt của vua và hoàng gia. Các di tích trong Tử Cấm Thành gồm: · Tả Vu và Hữu Vu: Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, và cải tạo vào năm 1899. Tả Vu là tòa nhà dành cho các quan văn, còn Hữu Vu là tòa nhà dành cho các quan võ; đây là nơi các quan chuẩn bị nghi thức trước khi thiết triều, nơi làm việc của cơ mật viện, nơi tổ chức thi Đình và yến tiệc. · Vạc đồng: Tại cố đô Huế hiện còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc đồng là những tác phẩm nghệ thuật thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời. Trong số đó, 11 chiếc được đúc từ thời các chúa Nguyễn, còn 4 chiếc được đúc vào thời Minh Mạng. · Điện Kiến Trung: Điện Kiến Trung trong Tử Cấm Thành (Huế) được vua Khải Định cho xây vào năm 1921-1923 cùng thời gian với xây lăng để làm nơi sinh hoạt cùa vua trong hoàng cung. Sau này, vua Bảo Đại cho tu sửa lại điện, tân trang các tiện nghi Tây phương và cùng hoàng hậu Nam Phương dọn về ở tại đây. · Điện Cần Chánh: Điện Cần Chánh trong Tử Cấm Thành (Huế), được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804), sau còn được tu bổ nhiều lần. Điện là nơi vua thiết triều, thường tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình của triểu Nguyễn, hiện nay đã trở thành phế tích do bị phá hủy từ năm 1947. · Thái Bình Lâu: Thái Bình Lâu được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1919, đến năm 1921 thì hoàn thành, là nơi để nhà vua có thể nghỉ ngơi lúc rảnh rỗi, cũng là chỗ để nhà vua đọc sách, viết văn, làm thơ, thư giãn. · Duyệt Thị Đường: Duyệt Thị Đường được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826) nằm bên trong Tử Cấm Thành. Là một nhà hát dành cho vua, hoàng thân quốc thích, các quan đại thần xem biểu diễn các vở tuồng. Đây được xem là nhà hát cổ nhất của ngành sân khấu Việt Nam. Từ năm 2004, Duyệt Thị Đường được Trung tâm bảo tàng di tích cố đô Huế khôi phục và đưa vào hoạt động biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế phục vụ khách du lịch. B. VỊNH HẠ LONG (Di sản thiên nhiên thế giới): 1. Vị trí: Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần phía Tây Vịnh Bắc Bộ, bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía Tây Nam giáp đảo Cát Bà, phía Tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km. Vịnh có tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía Tây), hồ Ba Hầm (phía Nam) và đảo Cống Tây (phía Đông) Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi địa danh này chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí. Bên cạnh đó, vịnh Hạ Long còn là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình cùng với hàng nghìn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng. Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa – lịch sử hào hùng của dân tộc. 2. Giá trị thẩm mỹ: Vịnh Hạ Long nổi bật với hệ thống đảo đá và hang động tuyệt đẹp. Đảo ở Hạ Long có hai dạng là đảo đá vôi và đảo phiến thạch, tập trung ở hai vùng chính là vùng phía Đông Nam vịnh Bái Tử Long và vùng phía Tây Nam vịnh Hạ Long. Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 – 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Carxto bào mòn, phong hóa gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới. Hàng trăm đảo đá, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau hết sức sinh động: hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn cánh Buồm, hòn Trống Mái, hòn Lư Hương… Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thần kỳ như động Thiên Cung, hang Đầu Gỗ, động Sửng Sốt, hang Trinh Nữ, động Tam Cung… Đó thực sự là những lâu đài của Tạo Hóa giữa chốn trần gian. Từ xưa, Vịnh Hạ Long đã được đại thi hào Nguyễn Trãi mệnh danh là “kỳ quan đất dựng giữa trời cao”. 3. Giá trị lịch sử địa chất Vịnh Hạ Long được đánh giá qua hai yếu tố: lịch sử kiến tạo và địa chất, địa mạo. Đặc trưng cơ bản của Vịnh Hạ Long 1000 năm qua là biển lấn mở rộng Vịnh, xói lở mạnh các bãi bằng sú vẹt, nước Vịnh trong hơn, mặn hơn và san hô phát triển. Quá trình ăn mòn của nước biển tích cực tạo nên các ngấn sâu làm tăng thêm vẻ đẹp kỳ thú độc đáo của địa tầng Carxtơ. Vịnh Hạ Long là kết quả của quá trình tiến hóa địa chất lâu dài. Du khách đến vịnh Hạ Long không chỉ đến với kỳ quan của thế giới mà còn đến với một bảo tàng địa chất quý giá được gìn giữ ngoài trời đến 300 triệu năm. Những hang động chính là bằng chứng sinh động về quá trình xâm thực của mực nước biển qua các kỷ địa chất. Môi trường địa chất vịnh Hạ Long còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác. Vịnh Hạ Long tập trung đa dạng sinh học cao với các hệ sinh thái của vùng biển nhiệt đới như: Hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới và đặc biệt là hệ sinh thái tùng áng đặc thù. Đến nay sơ bộ đánh giá hệ thực vật trong vùng Vịnh Hạ Long có khoảng 347 loài, thực vật có mạch thuộc 232 chi và 95 họ. Trong tổng số 347 loài thực vật đã biết, có 16 loài đang nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam đã nguy cấp và sắp nguy cấp. Trong các loài thực vật quý hiếm, có 95 loài thuộc cây làm thuốc, 37 loài cây làm cảnh, 13 loài cây ăn quả và 10 nhóm có khả năng sử dụng khác nhau. Các đảo tại vịnh Hạ Long có các loài động vật thân mềm đa dạng, đặc biệt là các loài cư trú trong hốc đá, và có tới 60 loài động vật đặc hữu. Hải sản Hạ Long được khai thác và nuôi trồng bao gồm bào ngư, hải sâm, sá sùng, tôm, cá, mực (mực ống, mực nang, mực thước), bạch tuộc, sò huyết, trai và điệp nuôi lấy ngọc… Vịnh Hạ Long còn là vùng đất mang trong mình những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những đại danh nổi tiếng như Vân Đồn – nơi có những thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12, có núi Bài Thơ lịch sử, và cách đó không xa là dòng sông Bạch Đằng – chứng tích của hai trận thủy chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hóa Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ Đồ Đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng… Ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mỹ, theo tiêu chuẩn của Công ước quốc tế về bảo vệ tự nhiên và văn hóa thế giới. Ngày 02/12/2000, tại Hội nghị lần thứ 24 tại thành phố Cairns, Queensland, Úc, Hội đồng Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang xúc tiến đệ trình UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 3, dựa trên những giá trị về khảo cổ học và đa dạng sinh học trong vùng Vịnh. BÙI ĐẸP st ĐÁNH ĐỔI Chị ngồi thừ ra trong cái tối om om của căn phòng. Chẳng phải cúp điện hay đèn hỏng, nhưng chị muốn đắm mình vào cái đơn côi, để cho cái nhớ tiếc thấm đẫm hơn trong hồn, dù chị vẫn mơ hồ muốn thoát ra để trở về với cõi thực mà sống những tháng ngày kế tiếp cho có chút niềm vui. Chồng chị mới mất được mấy tháng. Nỗi đớn đau đã nguôi ngoai, công việc hàng ngày đã bận rộn như thường lệ. Nhưng những phút như thế này, lúc căn nhà chỉ còn mình chị, chị chả thiết gì đến mọi sự, kể cả cái TV mà những bộ phim hấp dẫn luôn làm chị phải dõi theo, kể cả chút ánh sáng chị cũng tắt đi cho cái tối tăm bao kín trọn tâm hồn. Tiếng pháo bông đã ì ầm từ xa. Giao thừa đã điểm. Giá như anh còn sống thì thể nào vợ chồng chị cũng len lỏi ra bến Bạch Đằng không chỉ để xem cái rực rỡ của những viên pháo nổ giòn trên mặt sông, mà còn nghe trong tâm hồn niềm vui lâng lâng như hai kẻ yêu nhau khi còn trẻ. Chị lại thừ người ra… Bỗng có tiếng gõ cửa, tiếng lao xao và cái lấp lóa của bóng người dưới chân cửa thấp thoáng vào. Chị hỏi: - Ai đó? - Ô! Bạn bè đây! Nghe giọng quen quen, chị đứng lên mở cửa, lòng thắc mắc vì đêm giao thừa, ai lại… Và một lũ ùa vào. Họ nhanh nhảu tranh nhau nói những gì nghe không rõ vì giọng người nọ lấn người kia, nhưng chị thật cảm động vì bạn bè đến chúc tết chị, cũng là để chị khỏi cô đơn trong phút giây linh thiêng của bao người con đất Việt. Ngạc nhiên hơn vì trong số họ có Dũng, người lâu lắm chị không gặp. Mời mọi người vào ghế ngồi, chị hướng về Dũng, hỏi: - Ồ! Giao thừa sao anh không về nhà mà lại đến đây? Các bạn gái của chị cũng lắng nghe lời giải thích của Dũng. - Ừm! Tại mình có nhà mà như không, nên đêm giao thừa nhiều năm nay cứ lang thang ngoài đường thôi. Hôm nay, trời xui đất khiến sao mà mình gặp mấy chị này, cũng là chỗ quen biết, rủ, nên mình lại tới thăm Loan ấy mà. Hì hì… Loan - tên chị - thở dài đánh sượt. Chị nhớ ra hoàn cảnh anh chàng này. Có vợ con đàng hoàng như ai, mà chả hiểu sao, 2 vợ chồng họ ly thân ngay tại tổ ấm họ từng đắp xây. 4 đứa con họ đều có công ăn việc làm tử tế, và chúng cũng cố gắng để sao cho tình yêu của chúng luôn san sẻ đầy tràn cho cha mẹ chúng, những người chúng thật sự thương yêu. Chúng chẳng làm bố thất vọng, mà cũng chưa hề làm mẹ buồn lòng. Hai đứa con gái đẹp như hoa, và đẹp như mẹ ngày nào. Hai đứa con trai to con tốt tướng, dự báo cho bố và mẹ, sau này chúng sẽ có vợ đẹp, con khôn. Nhưng chúng nào có quan tâm tới chuyện con khôn vợ đẹp, chúng cũng chẳng đoái hoài tới cái dung nhan đẹp đẽ trời cho, mà lũ con luôn chỉ quan tâm tới mỗi một việc: Cầu nguyện cho mẹ cha lại có ngày vui vẻ. Trò chuyện hồi lâu, rồi ai lại về nhà nấy. Chị cảm ơn mọi người, rồi cứ mãi miên man với câu hỏi trong lòng: Dũng rồi sẽ đi đâu, và về đâu đêm nay, ngày mai mồng một? Những thao thức ấy rồi cũng chìm dần vào giấc ngủ, vì cái ấm áp của bạn bè đã làm tan đi sự cô đơn mà chị đã buông mình vào đó. Tháng ngày trôi đi. Một buổi chiều, đứa con trai thứ của Dũng đi làm về. Nó vào nhà tắm, rồi như mọi khi, nó lấy cái ghế dài kê sát cổng, nơi mẹ nó hay ngồi trên cái ghế nhỏ nhìn người qua lại. Thỉnh thoảng mẹ con nó nói với nhau chuyện gì đấy, khi trong nhà, bố nó chăm chú đọc báo. Nó biết bố nó chả đọc được gì cả vì nỗi buồn trong tim ông còn to lớn hơn bất cứ tin tức nào trên thế giới; cũng như chả có câu chuyện gì hấp dẫn ông khỏi cái ưu tư triền miên. Hôm nay mẹ nó đi đâu không biết, nên nó nằm đấy, nhìn mảng trời thấp thoáng qua kẽ lá… Rồi nó thiếp đi hồi nào không hay. Lúc mẹ nó về, khẽ gọi nó mà không thấy nhúc nhích, chị gọi to hơn, rồi lay nó mãi… Nó đã chết tự lúc nào! Dũng và vợ làm đám cho con, họ chỉ nói với nhau những gì thật cần thiết. Nhưng cái điều cần nhất là nói lên lòng yêu thương thì họ không thể. Ai cũng muốn mà chẳng ai làm. Người chung quanh đã quen với cái hình ảnh 2 người 2 lối ấy, nhưng tất cả đều thầm ước, giá như… Rồi họ lại chuẩn bị giỗ trăm ngày cho đứa con xấu số. Chiều hôm ấy, đứa con trai lớn đi làm về, thấy người mệt mệt nên cũng ra sân ngồi trên cái ghế em nó nằm bữa trước. Nó thấy buồn ngủ, và cứ để giấc ngủ tới trong tư thế ngồi chống 2 khuỷu tay trên đầu gối. Tội nghiệp nó, nó cũng như em nó gần trọn trăm ngày trước, chết mà không ai hay. Bố mẹ nó lại làm đám cho con trong cái xót xa cùng cực nơi tâm hồn. Vị Linh mục cử hành lễ an táng cho cậu lớn cũng chính là vị đã làm lễ cho cậu em, trong bài giảng, Ngài chia sẻ, biết đâu Chúa muốn nhắc nhở chúng ta điều gì… Loan kể cho tôi nghe câu chuyện trên, chị còn kể thêm: Sau này, Dũng gặp bạn bè, anh luôn luôn vỗ bình bịch vào cái yên sau chiếc xe Lambretta cổ lỗ và đầy kỷ niệm của anh mà nói, mấy chục năm nay bà xã tôi mới lại chịu ngồi trên cái yên này để tôi chở đi đây đó. Rồi từ ngày ấy, 2 vợ chồng Dũng rất siêng đi nhà thờ. Tôi thấy mình có lỗi, vì không biết mà đã không đến chia buồn với Dũng. Tuy không thân, nhưng chúng tôi thỉnh thoảng vẫn gặp nhau. Tuy không tay bắt mặt mừng, nhưng dầu sao, nỗi buồn của anh lớn quá. Rồi, chẳng tìm mà tôi gặp anh. Chân thành, tôi chia buồn với anh. Mỉm cười, anh đáp lời khi tay anh nắm chặt tay tôi: - Cám ơn bạn nhé! Mình cũng cám ơn Chúa, vì tuy Chúa lấy mất của vợ chồng mình 2 đứa con, nhưng Chúa đã ban lại cho tụi mình 2 linh hồn, bạn ạ! Mãi đến bây giờ, khi viết những giòng này, tôi còn cứ mãi có âm vang trong đầu câu nói ấy… LAM TRẦN LIECHTENSTEIN, QUỐC GIA BÉ (HẠT TIÊU) VÀ NĂNG NỔ NHẤT ÂU CHÂU Tất cả mọi người, ai nấy đều biết Liechtenstein là một quốc gia nhỏ bé gần như nhất thế giới, ngoại trừ nước Vatican, nhưng ít ai biết rằng quốc gia này, với bề ngoài nhỏ bé xinh xắn êm đềm như trong truyện thần tiên, lại là một quốc gia vô cùng năng động, có thể được coi như một thứ người hùng của chủ nghĩa tư bản. Nằm sâu trong dãy núi Alpes, trong lưu vực sông Rhin, ở giữa Thụy Sĩ và Áo Quốc, diện tích của Liechtenstein chỉ có 160 cây số vuông, với 76 cây số biên thùy (44 cây số về phía Thụy Sĩ và 35 cây số về phía Áo Quốc), dân số tính tới ngày 01.01.1998 chỉ có 31.200 người, trong đó gần một phần ba đang sống ở ngoại quốc. Thủ đô là Vaduz chỉ có 4975 cư dân, các tỉnh đáng kể khác theo thứ tự từ lớn đến bé gồm: Schaan, 5096 cư dân; Triesen, 4062 cư dân; Balzers, 4016 cư dân; Eschen, 3513 cư dân; Schellenberg, 920 cư dân; và Planken, 337 cư dân. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng ở đây là Đức ngữ. Về mặt tôn giáo thì Công Giáo La Mã chiếm 79,6 phần trăm; Tin Lành 7,2 phần trăm; phần còn lại là 13,2 phần trăm là các tôn giáo linh tinh khác. Chế độ chính trị là chế độ quân chủ và quốc vương nổi tiếng và có công nhất là vua Francois-Joseph II, người đã kỹ nghệ hóa đất nước ông, và đưa Liechtenstein hòa nhập vào đời sống hiện đại. Khoảng độ nửa thế kỷ trước, người ta đâu có thể mong đợi gì được ở một nước bé tí teo chỉ có 27.000 dân, không có quân đội, không có tiền tệ riêng và thủ đô Vaduz cũng chả có được một nhà ga? Với Liechtenstein năm 1938 có thể được coi như một cột mốc lịch sử, vì trước năm đó các ông hoàng trị vì chỉ cai trị từ xa, có nghĩa là từ thành Vienne bên Áo Quốc. Nhưng tới năm 1938 thì quốc vương Francois-Joseph II từ Áo trở về trị vì ở thủ đô Vaduz. Vào lúc ông trở về, một phần ba dân chúng sống lay lắt trên những mảnh đất hiếm hoi có thể tạm trồng trọt được, còn về mặt kỹ nghệ thì chỉ có một vài cơ sở công nghiệp về dệt, về xây cất và về in ấn, sử dụng không quá 2000 nhân công. Hầu như không có hoạt động xuất khẩu và mọi công việc làm đều rất bấp bênh. Để đưa đất nước mình hòa nhập vào thế giới hiện đại, quốc vương Francois-Joseph II đã để tâm khuyến khích việc kỹ nghệ hóa. Ông áp dụng một hệ thống thuế má rất nhẹ, giúp các doanh nghiệp có thể dùng lợi nhuận của họ để tái đầu tư, và giúp cho rất nhiều thứ kỹ nghệ tranh nhau đua nở, thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Cho đến nay (theo một thống kê thực hiện hồi năm 1988), chỉ còn dưới 4 phần trăm dân cư lo việc đồng áng so với 45 phần trăm dân cư hoạt động trong các ngành kỹ nghệ, cả ở trong nước lẫn ngoài nước. Ở quốc ngoại thì phần lớn các kỹ nghệ gia người Liechtenstein hoạt động ở Hoa Kỳ và ở Cộng Hòa Liên Bang Đức. Năm 1984, ở tuổi 78, quốc vương Francois-Joseph II thoái vị và chuyển giao quyền hành cho con trai ông là Hans Adam, năm đó 43 tuổi. Một trong những yếu tố đảm bảo sự thịnh vượng vượt bực cho Liechtenstein là sự liên minh về hải quan với Thụy Sĩ: kể từ 1923 Liechtenstein được gắn liền với Thụy Sĩ về mặt thương mại và đã sử dụng đồng Quan Thụy Sĩ làm đơn vị tiền tệ chính thức. Đây là một con chủ bài đáng kể ở Âu Châu là nơi mà các thương nhân thường thấy các lợi tức của họ biến mất tăm trong những biến động kinh tế tàn bạo! Sự ổn định về mặt tiền tệ do đó là rất cần thiết, giúp cho các kỹ nghệ gia tính toán chính xác giá thành cũng như có thể quyết định về những ý định đầu tư lâu dài của họ. Về mặt đối ngoại, Thụy Sĩ giúp Liechtenstein giải quyết mọi công việc nhưng Liechtenstein vẫn tự dành quyền được tự quyết định những thỏa hiệp riêng rẽ. Ảnh hưởng của Thụy Sĩ về lãnh vực ngân hàng cũng rất rõ rệt: cũng như Thụy Sĩ, các ngân hàng ở Liechtenstein giữ bí mật tuyệt đối các nghiệp vụ của các khách hàng của họ. Chính sách này, được Thụy Sĩ cho áp dụng từ năm 1934 để đối phó với việc bọn Đức Quốc Xã tịch thu các tài sản của người Do Thái, đã lập tức được đem áp dụng ở Liechtenstein và còn được duy trì cho tới ngày nay, đôi khi còn triệt để hơn ở Thụy Sĩ; sự việc này có thể được minh họa bởi câu ngạn ngữ sau đây: “Nếu bạn muốn có một tài khoản “thực sự” ở Thụy Sĩ, hãy mở tài khoản đó ở Vaduz”. Bí mật ngân hàng và sự vững chắc của tiền tệ thu hút rất nhiều tiền được đổ vào Liechtenstein, vì ở đây, những đồng tiền đó sẽ được bảo vệ kỹ càng; hơn nữa, thuế đánh trên các doanh nghiệp lại là loại thấp vào bậc nhất trên hoàn cầu, khiến cho ai nấy đều muốn khởi sự đầu tư. Ngoài ra lại cũng không có sự đánh thuế trên các giá trị thặng dư của các công ty ngoại quốc, trong khi thuế thu nhập bắt đầu bằng 3,6 phần trăm lên tới mức tối đa là 17,82 phần trăm đối với những thu nhập trên 196.000 quan Thụy Sĩ (785.000 quan Pháp). Ở Pháp, tỷ suất tối thiểu là 5 phần trăm và tối đa là 65 phần trăm! Tới đây xin các bạn đọc hãy cùng tôi duyệt qua những thành quả chứng minh và minh họa cho sự năng động của quốc gia nhỏ bé này. Trước nhất ở Liechtenstein vấn đề thất nghiệp hầu như không có – một thống kê gần đây cho thấy cả nước chỉ có mười tám người chưa có việc làm – do có nhân công có tay nghề giỏi và đồng đều, có tinh thần ham thích kinh doanh, và do sự can thiệp của chính quyền được giảm thiểu tới mức tối đa, Liechtenstein đã có thể chứng minh rằng chính sách kinh tế tự do chính là một con bài chủ. Tập đoàn Hilti AG, sử dụng nhân công nhiều nhất ở Liechtenstein là một tập đoàn quốc tế sản xuất dụng cụ, thiết bị xây cất, rầm, kèo bằng thép, bù-loong và đinh. Năm 1985, doanh thu của tập đoàn này ở 80 nước trên thế giới đã lên tới 15 tỷ quan Thụy Sĩ (60 tỷ quan Pháp). - Mọi người vẫn thường ngạc nhiên, Andreas Zogg, một trong những giám đốc của tập đoàn cho biết, khi thấy chúng tôi sử dụng 1400 nhân công của Liechtenstein và 9000 trên toàn thế giới. Tập đoàn Presta-Liechtenstein hiện đang là một tập đoàn hàng đầu trong ngành cơ khí tại Âu Châu với doanh số 120 triệu quan Thụy Sĩ (480 triệu quan Pháp). Còn rất nhiều công ty khác của tiểu quốc Liechtenstein đang hoạt động rất thành công trong nhiều lãnh vực sản xuất, thí dụ như Công Ty Ivoclar-AG-Vivadent chuyên sản xuất các sản phẩm và dụng cụ về Nha y; mỗi năm công ty này xuất cảng khoảng 50 triệu răng giả sang gần 100 nước trên thế giới. Tập đoàn Hilcona rất thành công về đồ hộp, tập đoàn Hoval chuyên về các hệ thống sưởi hiện đại… Dù thuộc về các lãnh vực khác nhau, các doanh nghiệp ở Liechtenstein có một đặc điểm chung rất hay là họ đều có khả năng thích ứng và đổi mới. Nhiều công ty sử dụng đến 15 phần trăm chuyên viên của họ vào công việc nghiên cứu và phát triển, và tất cả mọi người đều cho rằng dòng họ đang trị vì đã chỉ đường dẫn lối cho họ. Tuy nhiên trên bầu trời quang đãng của Liechtenstein cũng có thấp thoáng một chút mây đen: đó là vấn đề thiếu nhân công. Với một dân số hiện diện khoảng 12.000 người, Liechtenstein quả thật rất thiếu nhân công và đã phải sử dụng khoảng 5000 nhân công đến từ biên thùy Thụy Sĩ và Áo. - Ở Liechtenstein, Boeglin, một giám đốc cho biết, các chủ nhân không thể cho phép mình mất nhân công, hoặc làm họ mất lòng. Kết quả là: các nhân công ở Liechtenstein là những nhân công được trả lương cao nhất hoàn cầu, và sự kiện này cộng với sự thiếu nhân công đủ để giải thích tại sao ở Liechtenstein tự cổ chí kim tuyệt đối chưa hề có đình công. Tóm lại, ta có thể nói, trừ việc hơi thiếu nhân công, mọi sự ở quốc gia nhỏ bé này đều toàn mỹ, nếu không muốn nói là thần tiên, là thiên đàng trên mặt đất. Nói vậy, vì ở đây chính sự cũng rất tốt đẹp nữa, chỉ có hai phe đảng duy nhất: phe “đỏ” là “Liên Hiệp Những Người Yêu Nước” và phe “đen” là “Đảng Các Công Dân Cấp Tiến” và cả hai phe liên hiệp với nhau để cùng cai trị một cách êm đẹp từ 1938. Việc này đưa đến câu nói đùa là: Phe đầu là phe Quân Chủ, Công Giáo và Tư Sản, Phe thứ nhì là phe Tư Sản, Công Giáo và Quân Chủ! Cả hai phe cùng chia sẻ và áp dụng phương châm: Thượng Đế, Quốc Vương và Tổ Quốc. Còn về phần chính phủ thì chỉ có năm thành viên, trong đó chỉ có ông Thủ Tướng và ông Phó Thủ Tướng là làm việc đầy đủ giờ hành chánh, ba nhân vật còn lại lúc có mặt lúc không. Trái với nhiều tiểu quốc khác cần phải trông chờ viện trợ của bè bạn, Liechtenstein có vẻ như hoàn toàn tự túc, tự đứng vững một mình. Quốc gia này không có quân đội từ 1868 và chính quyền rất ít can thiệp vào nền kinh tế quốc gia, ngược lại chính quyền Liechtenstein lại chỉ trực tiếp chú tâm vào việc sản xuất sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất của nước này là những con tem. Đây là những sản phẩm nghệ thuật nhỏ xíu đẹp tuyệt vời rất được các nhà sưu tập trên thế giới thưởng thức mỗi năm mang lại cho đất nước này khoảng 22 triệu quan Thụy Sĩ (gần 90 triệu quan Pháp). Các kỹ nghệ gia và các doanh nhân ở Liechtenstein không mấy thích thú về chuyện xuất khẩu tem vì họ cho rằng đây là một hình ảnh hơi lỗi thời, hơi cổ hủ của quê hương họ. Nhưng những con tem đã cho thấy rằng chúng nhỏ nhưng vẫn tuyệt đẹp, không những chỉ đẹp không thôi mà còn mang lại biết bao lợi lộc, cũng như nước Liechtenstein nhỏ bé cũng cho chúng ta thấy rằng một nước nhỏ bé cũng có thể được cường thịnh, an bình tuyệt vời, chứ chả cần phải là một cường quốc để luôn luôn chinh phục chỗ này, áp đặt chỗ kia, nhưng chưa chắc bản thân mình đã được sung sướng hạnh phúc! VŨ ANH TUẤN
Phụ Bản IV LÀM THẾ NÀO ĐỂ TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ? NGUYỄN HÀ Có phải người sung sướng vật chất sẽ sống lâu không? Và người thoải mái về tinh thần có được trẻ mãi không? Thời xưa các vua chúa cho rằng giao hợp với các trinh nữ sẽ được sống lâu, có đúng không? Nếu bạn vào tuổi 30, bạn sẽ chậm chạp hơn vài năm trước một chút. Bạn vào tuổi 40, hãy coi lại mái tóc, vòng cổ, vòng eo. Khi vào tuổi 50, bạn nên xem lại tấm hình mà bạn đã chụp 10 năm trước. Khi bạn đến tuổi 60 hoặc già hơn, bạn không cần bất cứ sự hướng dẫn nào cả – sự tiến hóa của tuổi tác đã thật rõ ràng trong một thời gian lâu. Bây giờ bạn nên làm điều gì đây? Các nhà Nhân tuổi học (những chuyên viên nghiên cứu về tuổi tác) mô tả sự tiến triển của tuổi già như một chứng bịnh lãng phí. Da bắt đầu khô xếp ly từng đường nhăn nheo. Tóc bắt đầu hoa râm và thưa dần. Các võng mô của mắt dày hơn và ánh sáng khó xuyên qua hơn. Không còn thính tai nữa. Mỡ thì súc tích ở vùng giữa. Bắp thịt co rút lại. Sự suy đồi của tuổi tác mỗi ngày càng đi sâu vào cơ thể. Tim bơm máu yếu ớt và các mạch máu trở nên mềm hơn. Hai lồng phổi giữ dưỡng khí lại ít hơn. Thận làm việc giảm sút một nửa. Xương chậu vận động yếu đuối hơn. Sự luân chuyển của các kích thích tố cũng suy giảm có khoảng 100.000 tế bào thần kinh trong não bộ chết mỗi ngày. Cơ thể mỗi ngày càng dễ bị bệnh tật tấn công hơn, như bệnh ung thư, bệnh cứng động mạch và bệnh đái đường. Cuối cùng của tuổi già là cái Chết! Hiện nay một số lớn nhà Nhân tuổi học cho rằng con người có thể làm được những cải thiện trước tuổi già. Trong các phòng thí nghiệm trên khắp thế giới, các nhà bác học nầy đã bắt đầu “mở khóa” những bí mật về sự tiến triển của tuổi tác – và mỗi khám phá mới là một cải thiện niềm hy vọng sẽ kéo dài tuổi thanh xuân trước khi con người trở nên già nua. Bác sĩ Alex Comfort, giám đốc viện nghiên cứu Nhân tuổi học tại Đại Học Đường Luân Đôn cho biết: “Chúng tôi hy vọng tìm ra một kỹ thuật để can thiệp vào sự tiến trình tuổi tác của con người trong bốn hoặc năm năm tới đây – không phải để ngăn chặn sự tiến trình đó, nhưng để làm sự tiến trình đó chậm lại”. Một số các đồng nghiệp của BS Comfort nghĩ rằng tính đến cuối thập niên 70 nầy, giai đoạn sống của người lớn sẽ được kéo dài thêm 20 phần trăm – nhờ các kiến thức mới về tiến trình của tuổi tác. Một vài nhà Nhân tuổi học, như Bác sĩ Bernard Strehler thuộc Đại Học Đường Southern California lạc quan hơn. Strehler tuyên bố: “Rồi đây chúng ta có thể sống dài vô định”. Theo các tài liệu y học hiện nay thì một người đàn ông trung bình sanh ở Thụy Điển hiện có thể hy vọng sống khoảng 72 tuổi; ở Nhật, khoảng 69 tuổi; ở Hoa Kỳ, khoảng 67 tuổi. Khi thay đổi thế kỷ thì con người có thể trung bình sống lâu thêm được 25 năm. Hầu hết những năm sống phụ trội nầy không đạt được qua sự kiểm soát sự tiến triển của tuổi tác, nhưng bằng cách chiến thắng được các bệnh tật quan trọng trong thời thơ ấu. Tuy nhiên, đối với người lớn ngày nay, sự hưởng thụ đời sống đã không gia tăng khá nhiều. Một người Nhật đúng 65 tuổi khi đổi thế kỷ có thể hy vọng sống thêm 10 năm nữa. Ngày nay một người Nhật 65 tuổi có một thời gian sống phụ trội 12 năm. Nếu những người lớn chết vì các bệnh tật được hoàn toàn không còn nữa, các nhà sưu tầm ước lượng rằng có lẽ khoảng thời gian sống “phụ trội” cho người lớn sẽ thêm 10 năm. Các thuốc men và kỹ thuật của thế kỷ 20 nầy đã giảm thiểu được các bệnh tật của tuổi trẻ và vì vậy sẽ gia tăng lớn lao quãng thời gian sống khỏe của người già trong mai sau. Số người trên 65 tuổi ở Hoa Kỳ đã nhiều hơn 3 lần so với tỷ lệ toàn dân số. Ở Thụy Điển, ngày nay người già chiếm 14 phần trăm dân số. Đa số những người già nầy vốn đã thoát khỏi những bệnh tật hiểm nghèo khi còn trẻ trung. Cuộc nghiên cứu tiến hành Trong khi nghiên cứu sự tiến trình của tuổi tác, các nhà Nhân tuổi học rõ ràng đối đầu với một loại song quan luận pháp xã hội mà luận pháp nầy đi ngược lại với các nhà Vật lý học những người đã khám phá ra nguyên tử. Để bành trướng đời sống mà không có sự loại bỏ những suy nhược của tuổi già, hầu hết các bác học đồng ý rằng vấn đề đặt một gánh nặng trên cơ cấu xã hội và kinh tế. Tiết chế sự tăng trưởng để duy trì sự trẻ trung của cơ thể. Nếu vấn đề thực hiện được thì một người chỉ mười mấy tuổi đã tốt nghiệp trường Sư phạm và tốt nghiệp Cao đẳng vào tuổi 40. Do đó, hầu hết các nhà sưu tầm đã đồng ý rằng mục tiêu của họ sẽ nhằm mục đích kéo dài những năm trung niên của họ. Theo bác sĩ Comfort thì mai sau con người vào tuổi 50 sẽ thấy và cảm thấy họ còn trẻ trung thơ thới như người vào tuổi 40 hiện nay. Và cuối cùng người già 80 tuổi mà vẫn thấy mình trẻ trung khỏe mạnh như người 60 tuổi hiện nay. Việc kiểm soát mức độ tuổi tác của các năm thuộc tuổi trung niên sẽ có lợi ích y học quan trọng. Bác sĩ Roy L. Walford thuộc Đại học California tại Los Angeles (Hoa Kỳ) cho biết: “Những người đang chết vì bệnh ung thư vào tuổi 65, họ có thể chết cũng vì bệnh ung thư tương tự nhưng vào tuổi 90”. Các nhà Nhân tuổi học càng ngày càng quan tâm đến ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý và xã hội trên sự tăng trưởng tuổi tác. Một nguyên nhân cho sự quan tâm nầy của họ là tiến trình tuổi tác đã trở thành yếu tố tạo lập trong xã hội đồng nhất. Trong xã hội chuyển vận ngày nay, người già có thể phải sống những năm sau cùng trong một “làng ẩn dật” (retirement village) hoặc trong một tập đoàn người già hoặc trong một viện dưỡng lão. Các nhà sưu tầm tin chắc rằng sự tách rời người già có một ảnh hưởng trực tiếp đến sự trường thọ của họ. Bác sĩ Erdman Palmore, một nhà xã hội học thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Tuổi Tác và Phát Triển của Con Người Đại học Duke, nói: “Thật rõ ràng rằng nếu một người bị bắt buộc sống ẩn dật, nếu người đó cảm thấy mình vô dụng và lợi tức xuống dần, thì sức khỏe của người đó có thể gặp thiệt hại”. Các cuộc nghiên cứu về người già cho thấy rằng một tỉ lệ cao bất thường của những người trên 60 tuổi liên hệ vào các cuộc tử tự – tại Hoa Kỳ chiếm gần 30% số người tử tự. Yếu tố thời gian Hiện nay, con số các nhà sưu tầm đang làm công việc kiểm soát sự tiến triển của tuổi tác thật nhỏ. Nguyên nhân chính cho sự kiện nầy là cuộc thí nghiệm về tuổi tác chiếm một khoảng thời gian chờ đợi các đối tượng già đi. Bác sĩ Nathan W. Shock, trưởng Trung Tâm Nghiên Cứu Tuổi Tác tại Baltimore, nói: “Mỗi cuộc thí nghiệm vào một con chuột có thể mất 3 năm”. Nhưng mới vừa đây những hy vọng đã rực sáng hơn. Các ngân khoản tại Trung Tâm của Shock đã gia tăng từ 9,3 triệu Mỹ Kim năm 1971 lên 12,3 triệu Mỹ Kim trong năm 1973, và năm 1974 gia tăng hơn nữa. Nhiều đề nghị được đưa ra trước Quốc Hội Hoa Kỳ nhằm thiết lập một viện Quốc Gia Nghiên cứu tuổi tác. Từ thời xa xưa, việc tìm cách kéo dài đời sống là một sản phẩm huyền hoặc hoang đường. Vua David mong muốn được sống lâu bằng cách ngủ với những nàng trinh nữ để thu hút những nguồn sinh lực băng trinh từ cơ thể của họ. Lối “chữa bệnh già” nầy không biết có hiệu nghiệm gì không nhưng điều chắc chắn là giữ cho ông ta thoát khỏi cảm tưởng cô đơn. Achilles đã ăn óc tủy của gấu con để tăng cường tuổi sống và can đảm, và khoa học gia Ấn Độ Surruta (năm 800 trước Thiên Chúa) đã khuyên các bệnh nhân bất lực nên ăn trứng dái cọp. Ngày nay các chuyên viên “phục hồi sinh lực” tìm được những phương pháp ít kỳ dị hơn. Ở Âu Châu, hàng ngàn đàn ông phụ nữ thường chữa bệnh “già” bằng phương thuật của cố Bác sĩ Paul Niehans của Thụy Sĩ. Cách chữa trị nầy là chích các tế bào sống rút từ những con cừu non mà trên lý thuyết thì những tế bào đó phục hồi những cơ quan yếu kém và tạo cho cơ thể sinh khí mới. Theo các tường thuật thì Bác sĩ Niehans đã đích thân chữa trị theo cách nầy cho các nhân vật quan trọng, trong đó có Đức Giáo Hoàng Pius XII, ông Windsor, Gloria Swanson, Bernard Baruch, Charlie Chaplin và Winston Churchill. Viện nghiên cứu của Niehans mang tên “La Prairie” là một tòa lâu đài nằm trên bờ Hồ Geneva; ngày nay tòa lâu đài nầy nằm dưới sự chỉ huy của Bác sĩ Walter Michel. Các tế bào sống được rút ra từ một đàn 500 con trừu đen đặc biệt nuôi tại một nông trại ở Fribourg. Các bệnh nhân thường ở lại viện 8 ngày để điều trị với một phí khoảng là 2.000 dollars (chừng 1 triệu đồng VN). Bác sĩ Michel ước lượng rằng đã có hơn 5.000 người ở Âu Châu được điều trị ở tòa lâu đài nầy từ xưa đến nay. Tại làng Lenggries, sâu trong chân đồi Bavarian Alps, Bác sĩ Siegfried Block đang điều hành một cơ sở 40 phòng theo khuôn mẫu của Bác sĩ Niehans. Cứ mỗi đợt điều trị 6 ngày, tổn phí từ 1.300 đến 1.600 đô la. Bác sĩ René-Basile Henry, người điều hành một viện điều trị theo phương pháp Niehans tại Saint-Germain-en-Laye (ngoại ô Ba Lê) chỉ thu phí khoảng từ 100 đến 600 đô la. Các bác sĩ thuộc khoa chữa trị nầy cho rằng với phương pháp chích tế bào vào cơ thể có thể chữa trị được rất nhiều bệnh từ bệnh trí óc chậm phát triển đến bệnh khí thủng. Các bác sĩ nầy nhấn mạnh rằng sự chích các tế bào sống làm phục sinh cơ thể và trí óc của người già cả. Họ còn nghiên cứu để đưa ra một sản phẩm gọi là “Gerovital”, một loại thuốc gồm đa số acid procaine, thật ra đã được Bác sĩ Ana Aslan phát triển từ hơn 20 năm qua. Chất procaine tại Hoa Kỳ được hiểu là Novocain. Bác sĩ Aslan cho rằng hợp chất của loại acid nầy rất hiệu nghiệm trong việc chữa trị chứng sưng khớp xương, bệnh cứng động mạch và sự suy nhược toàn diện của tuổi già. Nikita Khrushchev là một trong những bệnh nhân của Aslan. Sukarno, Marlene Dietrich cũng là những người được Aslan chữa trị. Bác sĩ Nathan S. Kline thuộc Bênh Viện Tiểu Bang Rockland ở Orangeburg (Nữu Ước) hiện đang thí nghiệm sử dụng Gerovital cho các bệnh nhân già. Có loại thuốc trường sanh bất lão không? Dù có bất cứ loại thuốc gì có thể so sánh như một thần dược trường sanh bất lão nhưng không có vấn đề tuyệt đối. Từ năm 1932, Bác sĩ Clive Mckay thuộc Đại Học Đường Cornell đã cho thấy ông có thể kéo dài được đời sống của loài chuột bằng cách giảm bớt 1/3 số ca-lo-ry trong các bữa ăn của chúng. Việc tiết giảm ca-lo-ry sẽ có thể áp dụng cho loài người nhưng chưa được thực hiện. Nhưng các dân cư trong làng Vilcabamba ở Ecuador được ghi nhận về sự sống lâu của họ, họ dùng số ca-lo-ry bằng nửa số ca-lo-ry của một người Mỹ trung bình sử dụng trong một bữa ăn. Các nhà nghiên cứu Nhân tuổi học rất say mê những nơi như làng Vilcabamba (giống như xứ Abkhazia ở Nga và xứ Hunza ở Kashmir, các xứ nầy những người sống đến 100 tuổi là chuyện thường). Các bữa ăn của dân cư làng Vilcabamba và Hunza có ít chất mỡ. Tất cả ba khu vực kể trên đều là vùng nông thôn và dân cư thường kéo dài sự lao động thể chất. Nhưng điều quan trọng trong việc sống lâu của họ là thái độ của những dân cư nầy đối với tuổi già. Bác sĩ Alexander Leaf thuộc Đại Học Y Khoa Harvard, người vừa mất 2 năm để viếng thăm ba vùng nói trên, đã tường trình rằng những người già rất được kính mến và những người trên 100 tuổi vẫn làm những công việc đặc biệt của họ như lau nhà hoặc chăm sóc các cháu nhỏ. Không có việc ở ẩn dật và chính những người già đã nhấn mạnh tầm quan trọng việc duy trì sự trầm lặng, tình trạng vô lo của trí óc. Bác sĩ Leaf ghi nhận, một kết quả của vấn đề nầy là người ta chờ đợi sống lâu dài và xem cái tuổi 100 là tuổi thông thường phải đạt tới của mỗi người. Một yếu tố ngoại vi khác trong việc gia tăng tuổi thọ, ít nhất trong các loài máu lạnh, là hạ thấp nhiệt độ cơ thể. Những thí nghiệm khác có thể kéo dài gấp đôi đời sống loại cá Cynolebias bằng cách giảm nhiệt độ nước chúng sống xuống 5 hoặc 6 độ. Bác sĩ Strehler làm thí nghiệm nầy và những nghiên cứu khác rồi đề nghị rằng nhiệt độ cơ thể giảm xuống – có lẽ bằng thuốc – chỉ một hoặc hai độ, có thể gia tăng đời sống mỗi người thêm 25 đến 30 tuổi. Vài bác học khác nghĩ rằng một “yếu tố trẻ trung” có thể được cô lập lại. Nhiều nhà sưu tầm đã lấy một chút da từ một con chuột con và cấy chúng vào những chú chuột đồng lứa. Khi con chuột được cấy già đi, miếng da cấy được lấy ra và cấy lại vào một thế hệ chuột trẻ hơn. Duy trì cách cấy nầy qua nhiều thế hệ liên tiếp, những miếng da “ghép” sống lâu hơn con vật mà đầu tiên bị lấy da. Trong một thí nghiệm tương tự, những liên kết thường trực được thực hiện giữa mạch máu của những chú chuột non và già. Máu non dường như có một hiệu nghiệm phục sinh vào những con vật già, và chúng sống lâu hơn tốt đẹp hơn. Nhưng việc đó được thực hiện với những viên thuốc, hoặc những bữa ăn đặc biệt, việc kiểm soát bất thần về tuổi tác có thể tùy thuộc sự nghiên cứu căn bản về bản chất tự nhiên của sự tiến triển tuổi tác. Bác sĩ Shock, một chuyên viên về tuổi tác, nói: “chúng ta càng hiểu nhiều về các nguyên nhân căn bản của tuổi tác, chúng ta càng có khả năng chọn thuốc cho thích ứng các trường hợp”. Hầu hết các nhà sưu tầm đều đồng ý rằng có thể có nhiều yếu tố liên quan đến tuổi tác và không có ma thuật đơn giản nào sẽ chứng tỏ được câu trả lời. Sau khi nghiên cứu gần 2000 cặp sinh đôi sống trên 60 tuổi, Bác sĩ Lissy F. Jarvik cho rằng những người đẻ sinh đôi sống lâu hơn người không phải là sinh đôi. Vì hầu hết các giống loại dường như có một thời lượng sống nhất định – muỗi sống 40 ngày, chuột sống 3 năm, người sống 110 năm – nhiều bác sĩ nghĩ rằng có một cái “đồng hồ sinh thực” được tạo thành các tế bào của cơ thể mà những tế bào nầy quyết định được tuổi tác. Bằng chứng tốt nhất để hỗ trợ cho quan niệm nầy đã được tình cờ khám phá năm 1961 bởi Bác sĩ Leonard Hayflick thuộc Đại Học Y Khoa Stanford khi ông đang nghiên cứu bệnh ung thư về các tế bào con người đang nẩy nở trong việc cấy mô. Rồi tất cả các nhà sinh vật học đều đồng ý rằng tế bào loài người đang lớn lên trong việc cấy mô như vậy hoàn toàn không chết nếu được nuôi nấng đầy đủ. Nhưng trong khi quan sát các tế bào đã cấy vốn lấy từ mô phổi của một phôi thai người, Hayflick ngạc nhiên ghi nhận rằng mỗi “dân số” tế bào gia tăng gấp 50 lần – và rồi chúng không gia tăng nữa. Kế đến ông khám phá ra rằng các tế bào “thuộc địa” được đặt vào môi trường đông lạnh, chúng gia tăng 20 lần rồi dừng lại tại 30 lần. Bác sĩ Hayflick khám phá ra rằng các tế bào lấy ra từ mô phổi người lớn để cấy, trung bình chỉ sinh nở ra 20 lần. Cuối cùng Hayflick kết luận rằng: “dân số” tế bào chỉ có thể nẩy nở được 50 lần là tối đa. Ông cho rằng tuổi tác liên hệ đến những thay đổi sinh thực, tâm lý và kiến tạo trong tế bào đã xảy ra trước khi tế bào ngưng việc phân hóa. Ông ghi nhận: “chiếc đồng hồ sinh thực” chận đứng sự phân hóa của tế bào, chiếc đồng hồ nầy đóng vai trò quan trọng về những thay đổi đó. Hai lý thuyết chính Trong gần 20 năm qua người ta cho rằng giống tính ảnh hưởng vào sự tiến trình tuổi tác. Có 2 giả thuyết chính: Thứ nhất cho rằng các tế bào chỉ nẩy nở đến một mức độ nào đó rồi ngưng lại, trong khi giả thuyết thứ hai cho rằng các tế bào vẫn nẩy nở nhưng đến một giai đoạn nào đó các hoạt động của chúng tự động ngưng lại. Hiện nay Bác sĩ Hayflick đang thực hiện hàng loạt các thí nghiệm để xác định rõ ràng sự tăng trưởng của tế bào. Nhiều chuyên viên nghĩ rằng tuổi tác được kiểm soát bởi những “bộ phận tập dượt” đặc biệt trong cơ thể, và ở trong mỗi “cá nhân” tế bào. Sự sống lâu của da được cấy vào nhiều thế hệ chuột liên tiếp cho thấy rằng vài loại kích thích tố hoặc “yếu tố trẻ” đã kiểm soát các tế bào được cấy. Và có sự kiện rằng da nhăn và xương teo đôi khi xảy ra ở người phụ nữ sau thời kỳ tắt kinh nguyệt là kết quả của sự thiếu các loại kích thích tố nữ do noãn sào cung cấp. Các sự kiện đó cho thấy kích thích tố cũng giữ một vai trò “điều hành” tuổi tác trên căn bản hằng ngày. Theo Bác sị Caleb E. Finch thì cơ quan điều hành tuổi tác có thể là cơ quan “hypothalamus” nằm sâu trong não bộ. Trong loài chuột, Bác sĩ Finch đã tìm ra những thay đổi tùy theo mức độ của các kích thích tố thần kinh. Ông cho rằng những thay đổi như vậy có thể ảnh hưởng đến tuyến nước nhớt, tuyến nội tiết và các tuyến khác khắp châu thân. Ông đề nghị: Trong tương lai chúng ta có thể lấy được vài milimeters máu từ một người, tiếp tục cuộc khảo cứu để tìm thấy các mức độ kích thích tố của người đó, rồi để cho người đó uống một ly trái cây để điều chỉnh vài bất thăng bằng liên quan đến tuổi tác. Bác sĩ Erdman Palmore cho rằng: Sự trường thọ của một người tùy thuộc vào ba yếu tố chính: thể chất, tâm lý và xã hội. Trên căn bản các cuộc nghiên cứu, các nhà sưu tầm nầy cho rằng sự sống lâu có thể tùy thuộc vào thái độ của mỗi cá nhân đối với các viễn ảnh tuổi già trong suốt thời gian đầu đời của người đó. Những người đã sống lâu nhất là những người không chịu khuất phục. Nếu bị góa bụa, họ thường tái kết hôn. Nếu sống ẩn dật, họ được sự thoải mái. Họ đã đi bộ thật nhiều và ngắm nhìn những gì họ ăn. Kết thúc loạt bài nầy, Bác sĩ Eric Pfeiffer nói: “Quyết định để có một đời sống trí óc tích cực, khỏe mạnh và xã hội thật sự là quyết định rất quan trọng. Đó là định luật cho thuật trường sanh bất lão vậy!”. ĐỖ THIÊN THƯ st MÀU LÁ ÚA Mới vừa Noel xong, tuy chưa có không khí của ngày tết, nhưng nhìn những tờ lịch còn thoi thóp trên tường, ta thấy lòng có chút quặn thắt lại khi nhớ về những người thân yêu lâu ngày không gặp. Nhìn những dòng ghi chú chi chít trên tờ lịch tháng, mà nếu không đeo kính vào thì chẳng thể nhớ ra mình đã viết gì trên ấy, ta biết đời mình còn rất nhiều việc dở dang, ta biết còn nhiều địa chỉ cần đến mà vì lần chần, ta chưa bao giờ bước chân đến chốn vẫn còn lạ lẫm với mình. Ta nghĩ về gia đình mình, nghĩ đến những tháng ngày vui buồn luôn có người bạn đời kề cận. Ta thoáng thấy xót xa khi chưa làm cho người ta yêu mến được thật sự hạnh phúc và thoải mái trong cái xã hội còn nghèo từ tinh thần đến vật chất này. Ta cũng thật tiếc vì những đứa con ta chưa vào đời bằng con đường đầy hoa thơm cỏ đẹp! Chỉ vì ta bất toàn mà ra! Dĩ nhiên, ta đã sống hết mình, nhưng ta thật là kém cỏi đã không thể tìm được thứ ta ưng ý nhất cho con cái của mình. Ta nhìn ra khung cửa kính. Thậm chí các ô cửa còn phủ đầy bụi, chứng tỏ rằng ta chưa thật nỗ lực làm những điều cần làm. Các chậu hoa trồng những thứ vớ vẩn vẫn đều đều cho ra chút bông đơn sơ, những thứ chẳng có giá trị gì, ngay cả với chính ta; trừ ra việc hàng ngày ta vẫn cố nhớ mà tưới tắm cho chúng để chúng còn tồn tại dưới cái gay gắt của mặt trời và dưới cái mù mù của bụi bặm! Ta thấy những chùm dây điện giăng ngang đường, những sợi dây vô tri lại mang trên mình nhiệm vụ trọng đại là truyền tải ánh sáng cho mọi ngõ tối, là thay thế cho những chú bồ câu mà đưa đi những dòng thư nóng hổi ân tình. Những sợi dây như cái mạng nhện khổng lồ kết nối với những nơi có người vẫn đoái hoài đến ta trong khi, chính tại nơi ta sống, chắc gì ta được nụ cười đáp trả khi ta giơ tay chào thân thiện. Ta nhìn xuống đường, nơi xe cộ vẫn chảy như những mạch máu khổng lồ đưa máu đi khắp châu thân. Và cũng như các mao mạch ấy có khi cũng chuyển những con virus nguy hiểm đến các cơ phận con người, thì dòng xe tấp nập kia chắc không thể tránh khỏi có những hiểm nguy đang tiềm ẩn! Đường phố vẫn luôn ồn ào, nhưng trong một góc nào đó cũng có những người đang đứng chờ để đến giờ nhận phần cơm bác ái. Lại cũng có kẻ vất bừa chiếc xe giữa dòng xe mà lủi vào chỗ nào đó đỏ đen, mặc những ánh mắt tò mò có phần khó chịu dõi theo. Ta nhìn lên ngọn tháp giáo đường, nơi có mấy chú chim chả lo gì trời trở gió mà rỉa lông. Chẳng biết chúng có hiểu rằng, mỗi khi Tết gần kề là bao người lo lắng. Dường như chúng chỉ giật mình khi những quả chuông bắt đầu ngân nga, làm rung động cái tháp đã lâu nay chúng làm nơi hò hẹn. Những chiếc chuông ngân thật xa, len tận cõi lòng người, báo tin rằng, mới có cụ bà tạ thế. Trời cuối năm trở lạnh. Các cụ già có thể bất chợt ra đi. Ta nghĩ mà thương cho không chỉ cha mẹ già yếu của mình, mà cả những cụ già neo đơn, có khi hàng ngày phải lê bước trên đường phố kiếm chút tiền vặt bằng những gánh hàng rong nghèo nàn, bằng những tập vé số, mà nhìn vào đôi dép mòn nhẵn, ta biết cụ đã phải vất vả như thế nào để mưu sinh. Ta nhìn những cành cây khô đét, mùa thu đã làm rơi đi những chiếc lá gầy guộc. Cây ít đung đưa hơn, nhưng vẫn kiên nhẫn chờ ngày những chiếc chồi bé tí xuất hiện để làm thành vòng quay mới. Ta nhìn lên trời xanh! Không xanh lắm, vì còn phảng phất mây mù, và đó đây còn vương vương chút se se lạnh, làm ta cảm thấy thèm tách cà phê, và thèm có ai đến rủ ta đi ra, quán cóc cũng được, để nói về cuộc đời, và nói về bất cứ thứ gì những người bạn có thể nói được với nhau. Những ngày cuối năm, sao ta thèm gặp bạn bè quá. Ta chẳng còn màng đến ánh đèn rực rỡ, nơi có các ly bia óng ánh, các nụ cười dòn tan, các khuôn mặt thỏa thuê vì dư ăn thừa mặc. Ta thấy cô đơn giữa cái không khí thân mà chẳng ngọt ngào. Ta thấy điếc đặc giữa tiếng karaokê inh tai nhức óc của ai đó khoe cái giọng tưởng mình là trung tâm của vũ trụ. Họ chẳng hề làm ta buồn! Họ vẫn luôn mời mọc ta vào cuộc vui. Nhưng sao ta thờ ơ quá! Ta cứ nghĩ đến những bạn bè bất hạnh. Ai đó đã làm hơn ta khi gửi cho các bạn ấy chút quà gì gì đó, giúp bạn có thể bơi qua quãng sông u ám. Nhưng ta biết, những người bất hạnh còn cần nhiều hơn những món quà tuy đầy tình người như thế! Có khi vừa buồn buồn chia sẻ với ta điều đau đớn gì đó mà họ đang nếm trải, vừa cảm thấy ấm áp khi có ai đó lắng nghe điều họ thường chôn kín tận đáy lòng. Họ cần lắm những tâm hồn thật rộng rãi để chứa mọi u ẩn mà họ sẵn sàng sẻ chia, chỉ để vơi bớt đi nỗi buồn chẳng bao giờ quên. Lắm khi ta thấy thật ngon lành ở ly cà phê lề đường, nơi chẳng có nhạc trữ tình để nghe như sở thích, cũng chẳng có tiếng loa inh ỏi chứa những khúc nhạc metal rock. Chỉ có xe cộ lại qua, chả ai ngó đến ai trên dòng người và xe xuôi ngược. Ta nghe rõ từng lời của anh bạn mới quen mà thân với ta lắm. Anh nói về chuyện nhân nghĩa ở đời, và về những con người có đầy nghĩa ân ấy. Ta nghe trong lòng ấm lại vì những chuyện tưởng như chẳng còn trong cõi nhân sinh chết tiệt này. Chầu cà phê có khi kéo dài bằng nhiều mẩu chuyện chẳng hề có đối đáp, mà chỉ có một người nghe cho người kia nói, rồi đến lượt, sẽ đổi vai. Rồi dành nhau trả tiền. Số tiền không là bao, nhưng kẻ được trả tiền và người bị bao đều ra về với thật nhiều quyến luyến. Ta nghĩ đến nhiều bạn bè đã rời bỏ cõi đời. Bạn có về cõi vĩnh hằng hay không, làm sao ta biết! Nhưng ta nhớ buổi sáng trước hôm bạn qua đời, bạn đã ghé thăm ta lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất. Chẳng hiểu sao bạn cứ nói về những bài học Thánh Kinh mà bạn mới hấp thụ được từ nhà thờ nào đó. Bạn ra đi, ta nhớ đã thử làm ít giòng văn tế khi cùng các bạn khác đến viếng thi hài bạn. Tự ta, ta đã muốn rơi nước mắt khi đọc những dòng chữ ấy. Mà rồi, cũng lắm kẻ chẳng ưa gì cách ấy, họ mắng ta là bày đặt. Cũng có thể là nói đúng chăng, ta chẳng biết nữa! Có lần ta nhớ chụp hình chung với hai bạn khác. Sợ các bạn kiêng chụp ba người, ta yêu cầu được đứng giữa họ. Hình chụp trên sân thượng của một tiệm ảnh đã làm nghề lâu lắm. Ta đứng giữa mà ta vẫn còn sống đây. Anh bạn to lớn hồn đã lìa khỏi xác đã tám năm rồi vì bệnh xơ vữa động mạch. Anh bạn kia, người như một đạo sĩ, thực ra anh là một họa sĩ. Anh từng sống dở chết dở nhiều lần, ấy vậy mà con người lập dị và bệnh tật như anh vẫn còn mê sống trên trần gian này lắm! Hay có những con người tài hoa, mà lại bạc số. Anh bạn kia, chữ đẹp hát hay. Vợ bỏ anh, con anh ở với mẹ nó. Anh thui thủi đi làm, rồi hàng ngày anh ghé nhà ta rủ đi uống cà phê, hay đơn giản hơn, nằm dài ra giữa nhà, cùng ta hát mấy bài tình ca xưa cũ, để thấy nỗi buồn luôn thấm đậm trong anh. Rồi ít ngày không thấy anh, mới hay anh vào bệnh viện. Mẹ anh nghèo lắm. Bạn bè ta dù có chung tay có lẽ chỉ làm anh thêm chút ấm lòng, chứ chẳng làm sao lay chuyển được tiếng gọi của tử thần ít ngày sau đó. Hàng năm ta vẫn đến viếng anh. Tài hoa hay không rồi cũng về với đất. Ta nghĩ đến những bạn bè đã chung tay với ta tạo nên chuyện này việc nọ. Mọi việc khởi đầu trơn tru tốt đẹp. Lần hồi, thời gian và cảnh sống đã biến đổi con người. Những kẻ đã cùng ta gánh vác chuyện bao đồng, riết rồi chán. Vì nỗ lực của những kẻ tham công tiếc việc cũng chẳng làm cho những người thờ ơ bớt lạnh lùng. Rồi họ rời bỏ ta, kệ ta với cái khó khăn khó gỡ. Còn ta, chả biết đổ cho ai cái gánh nặng giữa đời! Thây kệ! Ta cứ miệt mài với cái việc ta phải làm. Ta cứ vui vì những việc không vui! Ta cứ ủi an ai đó kể cả khi ta cũng rất cần an ủi. Ta cứ khuân khuân vác vác chuyện ngoài đường, dù gánh của ta vốn đã làm ta lệch vai lâu rồi. Nghĩa là, ta ơi, cứ sống đi. Ta lên mạng, vô tình thấy 1 lũ bạn mình đang đùa vui ca hát chi đó. Ta thấy có chút nao lòng. Ta trấn tĩnh lại. Cũng chẳng cần tới ly cà phê nữa. Những dòng chữ nhảy nhót dưới ngón tay ta, có lẽ sẽ làm ta vui ngay mà… LAM TRẦN 26.12.2013
NHÌN QUA MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ BÉO PHÌ Ngày Xuân là ngày đoàn tụ, là ngày sum họp. Tất nhiên không thể tránh được vào ít ly ra y lít. Nhiều người sau những ngày Xuân cảm thấy cái eo của mình hơi to to, cái quần hơi bị chật, cúi xuống hơi khó khăn. Chà lên cân rồi đây! Bước lên bàn cân với niềm hy vọng là… nhưng để rồi than thầm: “Lên dăm ký rồi! Thảo nào!!”. Vậy thì để tránh than thầm sau những ngày Xuân không ít người âu lo: Sẽ phải ăn gì và uống như thế nào cho những ngày này đây? Sau đây là một vài phương pháp có thể dùng. Phải nói ngay các phương pháp này không áp dụng cho những người có số cân bình thường (BMI trong giới hạn từ 18.5 đến 23) mà chỉ cho những ai có chỉ số BMI từ 25 trở lên. Chỉ số BMI là gì? Cách tính chỉ số BMI: BMI (Body Mass Index) chính là chỉ số cơ thể được các bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe sử dụng để xác định tình trạng cơ thể của một người nào đó có bị béo phì, thừa cân hay quá gầy hay không. Thông thường, người ta dùng để tính toán mức độ béo phì. Nhược điểm duy nhất của chỉ số BMI là nó không thể tính được lượng chất béo trong cơ thể - yếu tố tiềm ẩn các nguy cơ liên quan đến sức khỏe tương lai. Người lớn và BMI: Chỉ số BMI của bạn được tính như sau: BMI = (trọng lượng cơ thể)/ (chiều cao x chiều cao). - Trọng lượng cơ thể: tính bằng kg; - Chiều cao x chiều cao: tính bằng m; Bạn có thể tự đánh giá được chỉ số BMI của bản thân qua bảng thống kê dưới đây: - Dưới chuẩn: BMI ít hơn 18.5 - Chuẩn: BMI từ 18,5 – 25 - Thừa cân: BMI từ 25-30 - Béo - nên giảm cân: BMI 30 – 40 - Rất béo – cần giảm cân ngay: BMI trên 40 Chỉ số BMI sẽ không chính xác nếu bạn là vận động viên hoặc người tập thể hình (bởi các múi cơ luôn nặng hơn mỡ) và khi đó, chỉ số BMI của bạn sẽ nằm trong mức béo, rất béo. Nó cũng không chính xác với các bà bầu, đang cho con bú hay những người vừa ốm dậy. Bảng đánh giá theo chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới(WHO) và dành riêng cho người châu Á ( IDI&WPRO): | Phân loại | WHO BMI (kg/m2) | IDI & WPRO BMI (kg/m2) | | Cân nặng thấp (gầy) | <18.5 | <18.5 | | Bình thường | 18.5 - 24.9 | 18.5 - 22.9 | | Thừa cân | 25 | 23 | | Tiền béo phì | 25 - 29.9 | 23 - 24.9 | | Béo phì độ I | 30 - 34.9 | 25 - 29.9 | | Béo phì độ II | 35 - 39.9 | 30 | | Béo phì độ III | 40 | 40 | |
1. Chế độ ăn Xin đừng nghĩ ngay là phải nhịn ăn hay ăn kiêng! Một Chế độ ăn cân đối không có nghĩa là phải tránh hoàn toàn dầu mỡ hay bột – đường! Một Chế độ ăn có hiệu quả làm giảm cân thực sự chỉ cốt giảm số năng lượng tổng quát – nhưng sẽ khuyến khích bạn ăn làm nhiều bữa hơn bình thường và chú trọng đến việc cung cấp đủ chất đạm, muối khoáng sinh tố và nước – cốt sao giảm cân song vẫn nhằm tới tình trạng sức khỏe tối ưu giúp bạn làm việc tốt và sống vui vẻ thoải mái. Hãy có một thái độ lạc quan để thay đổi những thói quen ăn uống cũ – đã dẫn tới một tình trạng sức khỏe đầy dẫy nguy cơ bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp vv… – sang hẳn những thói quen mới đem lại nhiều sức sống mới hơn. 2. Vận Động Cũng như với ăn uống, đa số những người dư cân khởi đầu ghi tên ngay vào một câu lạc bộ thể dục thẩm mỹ, đóng tiền đầy đủ để mong chóng trút bỏ - càng chóng càng tốt - lớp mỡ dư làm mình già đi trước tuổi. Hoặc rinh luôn một “máy đi bộ” khá mắc về nhà… không biết để đâu cho gọn. Để rồi dần dần vẫn theo nếp sinh hoạt quen thuộc với thêm một chút mặc cảm vì những việc làm đó đã chẳng giúp họ vượt lên chính mình được bao nhiêu! Thực tế là vận động có hiệu quả chỉ đòi hỏi ở người “chót” dư cân một đức tính khiêm nhường: Kiên trì... đưa vận động (= làm việc chân tay) vào nếp sống hàng ngày! Và đừng nghĩ rằng mình có thể đổi đời một sớm một chiều. Cùng với việc chuyển dần thói quen ăn uống vào nếp sinh hoạt, bạn sẽ có được những “niềm vui nhỏ” mỗi lần leo lên cân thấy mình nhẹ đi được… một số cân đáng kể, quần áo thấy bớt chật và nói chung là có những suy nghĩ lạc quan, vui vẻ khiến bạn càng vững lòng vì đã và đang đi đúng hướng. Cũng đừng quá bị ám ảnh bởi số cân – lỡ có tuần không giảm cân như mong muốn - thì cũng có thể là do cơ bắp phát triển thay thế mỡ dư – cái chính là cảm giác thoải mái từ bên trong toát ra và được phản ảnh vào gương soi cũng như con mắt bạn bè và người thân. 3. Các Thuốc Cần Kê Toa. Hai thứ thuốc thường được kê toa nhiều nhất là Reductil và Xenical. Hai thứ thuốc này khác hẳn nhau về mặt hiệu ứng cũng như tác dụng phụ. Reductil không làm cho người ta hết thèm ăn, song ảnh hưởng lên các trung khu kiểm soát sức ăn ở não, theo kiểu cơ chế các lọai thuốc chống trầm cảm, giúp cho người dùng thuốc kiểm soát được sức ăn của mình. Thuốc Reductil KHÔNG DÙNG CHO: § Những người bị cao huyết áp hay không theo dõi đều đặn tình trạng huyết áp § Trẻ dưới 16 tuổi § Những ai đang dùng thuốc chống trầm cảm § Người bị migraine (đau nửa đầu). Xenical , ngăn chặn sự hấp thu của một phần ba lượng chất béo ăn vào – Chế độ ăn cũng cần giảm dầu mỡ kẻo dẫn tới các tác dụng phụ “hơi khó chịu” như: đánh rắm nhiều, mót đi cầu, tiêu chẩy và phân mỡ. 4. Chế độ ăn Atkins Gần như không có bột đường, đem lại rất nhiều protein và chất béo. Thách đố của Chế độ ăn này chính là ở đó, nhiều người khen – nó thực sự làm người ta giảm cân mau, song không duy trì được kết quả lâu… nên cũng không thiếu người chê. Bác sĩ Robert Atkins đưa ra Chế độ ăn này từ 1972, sau đó năm 1992 có Cuốn “Cuộc Cách Mạng Tiết Thực Mới của Bs Atkins được xuất bản – tới nay trên toàn cầu đã bán được 16 triệu bản. Sở dĩ sách bán chạy là vì khẳng định bạn có thể giảm cân mà vẫn ăn uống hậu hĩ và cảm thấy hoàn toàn thỏa mãn. Và còn cam đoan người theo tiết thực này sẽ không bao giờ lên cân trở lại. Chưa kể là thực đơn cho ăn những thức ăn hấp dẫn như pho-mai, bí-tết, bơ, thịt lưng heo xông khói (bacon) và thịt băm (burgers), nên sách “đắt hơn tôm tươi” cũng dễ hiểu. 5. Các Sản Phẩm Thảo Mộc Thiên Nhiên Hoodia Diet Tablets: Các viên bột xương rồng có hiệu lực ngăn cản thèm ăn (appetite suppressant) hoàn toàn không hàm chứa caffein và không có chất kích thích nào khác - tỏ ra là thảo dược làm giảm cân có hiệu quả nhất song chất lượng các sản phẩm trên thị trường không ổn định. Chỉ cần uống 1 viên 1 giờ trước bữa ăn là đến khi ngồi vào bàn bạn chỉ ăn vài miếng là đã cảm thấy no bụng, không muốn ăn nữa. Chặn Carbohydrat (Carb-Lock): Dựa vào hiệu lực giảm cân tự nhiên của một số sản phẩm thảo mộc khá là khác nhau song đều có trong thành phần một chất ức chế men amylaz à giảm hấp thu bột-đường (chỉ hấp thu khoảng 1/3). Phaseolin chiết xuất từ hạt đậu trắng có thể giúp bạn không cần ăn kiêng mà vẫn giảm cân. Acid hydroxycitric (HCA): Chiết xuất từ một giống bứa Garcinia cũng có khả năng làm giảm cân, theo cơ chế tương tự… HCA còn có một số tác dụng khác đều “có lợi” cho việc làm giảm cân: bớt thèm ăn, tăng tích glycogen (= nguồn trữ năng lượng trong gan và cơ bắp), ổn định chuyển hóa năng lượng, làm tăng tính nhậy bén với hormon insulin. Tuy nhiên HCA chỉ tác động lên tiến trình chuyển hóa carbohydrat thành mỡ khi ăn vào nhiều bột đường, chứ không hề có hiệu quả khi bữa ăn đem lại nhiều dầu, mỡ. Nói Chung , điều trị béo phì luôn luôn muốn vững bền “như kiềng 3 chân” phải phối hợp chế độ tiết thực, vận động và sử dụng Thuốc hỗ trợ. Dù phân biệt 2 loại Thuốc cần kê toa và không cần kê toa, muốn có hiệu quả cao và lâu dài, không thể thiếu vai trò tư vấn của bác sĩ về mặt dinh dưỡng và phòng tránh các bệnh mạn tính như đái tháo đường, cao huyết áp, vv… Chuyên gia Dinh Dưỡng Bác sĩ Nguyễn Lân-Đính
ĐÊM 30 Có một đêm 30 khác hẳn 11 đêm 30 trước đó. Một đêm 30 mà hầu hết những trái tim có nhịp đập khác hẳn 11 đêm 30 trước đó. Đêm 30 ấy có nhiều nhiều đôi mắt không buồn ngủ, có nhiều nhiều mảnh tâm tư ngổn ngang cũ mới sắp chồng lên nhau, có nhiều nhiều tấc lòng bỗng nhiên mà nghe chênh vênh nao nuối trong một thời khắc. Đêm 30 ấy là cái thời đoạn dấu mốc mà từ bao giờ không biết con người đã dùng để chia thành những khấc thời gian. Và cũng chính từ dấu mốc này mà khiến cho một đêm 30 không giống với 11 đêm 30 trước đó. Cái đêm 30 này đã làm tâm trạng người người mang mang lẫn lộn bao cảm xúc. Người đi xa mấy cũng vội vã trở về cho kịp trước đêm 30. Tất cả các phương tiện giao thông đường dài được huy động hết công suất cho những chuyến trở về. Và nếu như vì bất kỳ một lý do nào đó, người đi xa không thể có mặt tại nơi thân thuộc đầm ấm vào thời khắc đặc biệt của một đêm 30 đặc biệt, thì sẽ phải dầm mình trong nhung nhớ ưu tư của một đêm 30 riêng mình. Cho dù trên tất cả các địa danh có cùng ý nghĩa của một đêm 30, thì vẫn luôn có những cảm trạng khác nhau của những người không thuộc về địa danh sở tại. Cho dù trên nền trời của đêm 30 ấy đâu đâu cũng bung toả những chùm hoa lửa rực rỡ, đâu đâu cũng có những ánh sắc lung linh huyền hoặc của phút giao mùa, thì vẫn có một cảm giác chống chếnh mênh mang của những trái tim cô lẻ. Những trái tim phập phồng nhịp đập hướng về một phương trời với bao lời yêu dấu nguyện cầu. Đêm 30 còn có thể gọi là Đêm Nguyện Cầu. Người ta nguyện cầu bao đau thương mất mát qua đi và đừng đến. Người ta nguyện cầu những yêu thương hạnh phúc cho nhau, nguyện cầu sự bình an và may mắn, nguyện cầu sức khoẻ và sự thành công, nguyện cầu những ngày sắp tới là những niềm vui đầy hứa hẹn. Nguyện cầu trong linh thiêng đất trời. Nguyện cầu trong hương trầm thanh thoát. Nguyện cầu trong lung linh ngọn hồng lạp, trong thoang thoảng khói nhang, trong đức tin tôn giáo. Những nguyện cầu chung riêng cứ thành kính mà gửi đến những đấng quyền linh ở một nơi tít tắp xa mờ nào đó. Những đấng thần linh ấy dù chưa một lần, và trên thực tế thì không thể nào, xuất hiện trong con mắt nhân gian, nhưng trong phạm vi của niềm tin thì thế lực thần quyền ấy luôn tồn tại và mặc nhiên có trách nhiệm đem đến cho nhân loại muôn triệu điều ước muốn. Vậy nên dù không biết những ước nguyện của mình có được hiện thực hoá, thì những lời nguyện cầu vẫn mang đi một sự trông mong. Trong đêm 30 thì hầu như không một ai là không có ít nhất một lời nguyện ước. Bởi ước vọng luôn là một thành tố của cuộc sống. Và trước mỗi khấc đoạn thời gian thì không thể thiếu một lời nguyện cầu cho chặng đường phía trước. Đêm 30 còn có thể gọi là một Đêm Tổng Kết. Ít nhất cũng là một sự tổng kết ngắn cho cả 11 đêm 30 trước đó. Có thể tổng kết một cách cụ thể, cũng có thể tổng kết một cách trừu tượng, đa phần là sự tổng kết không văn bản. Người ta luôn có một tâm niệm nhìn lại những gì mình đã đi qua, những hay đở, được mất, những buồn vui và cả những dại khôn. Có khi không hề cố tình, mà vô hình trung người ta vẫn điểm lại một số sự kiện của cá nhân mình và của cả những người thân. Những sự kiện lớn và cả những điều nho nhỏ. Khi nhìn lại ấy, người ta bỗng như ngộ ra được một phần sống rất rõ ràng, rất đáng kể, có khi là rất đáng tự hào, cũng có khi rất đáng xấu hổ, nhưng dù với tính chất nào thì cũng là một bản tổng kết vào một thời khắc. Bản tổng kết này gần như mang một tính chất đúc rút, nhận thức và củng cố. Cái được sẽ được phát huy thêm, cái hư sẽ được sửa chữa. Trong phạm vi tâm thức, bản tổng kết này sẽ gián tiếp đưa ra những lời hứa, và những lời hứa ấy lại đóng vai trò một cái đích cho sự tiếp tục tiếp tục. Đêm 30 còn có thể gọi là Đêm Đoàn Tụ. Suốt cả 11 đêm 30 trước đó, người ta tất tả phương xa, người ta ngùi ngùi thương nhớ, người ta mỏi mong khắc khoải, thì đêm 30 này đây, người ta sẽ được đền bù bằng những nụ cười, những tiếng líu lo, những vòng tay ấm áp, những ánh mắt nồng nàn, những hành động chăm sóc với bao thân thương gần gũi. Người ta nhìn nhau với cái nhìn săm soi một cách thiện chí, quan tâm và ưu ái. Này, con gầy đi đấy, ăn uống vào chứ, đừng có ham làm quá…hoặc…trông mẹ khoẻ ra con cũng mừng… hoặc… chị xanh nhiều đấy, dành chút thời gian cho mình nghỉ ngơi đi, cố quá lại…hoặc…nhìn anh phong độ hẳn lên, trúng quả à…hoặc…con trai bố trưởng thành thật rồi, trông ra vẻ quá… hoặc… con gái mẹ có người yêu rồi phải không? Trông cô rạng rỡ thế mà… hoặc… ôi cháu của cô lớn thế này rồi á, xinh quá…hoặc… bà ơi, răng bà yếu hơn năm trước rồi, cháu mua cái này mềm cho bà ăn được này… hoặc… râu ông trắng như cước ấy, trông ông thật đẹp lão… hoặc… hoặc… hoặc… Biết bao lời vui lời buồn người ta trao về nhau trong đêm 30. Tại sao lại phải là đêm 30? Là bởi những khoảng thời gian trước đó, người ta còn tất bật với bao sắm sanh chuẩn bị lớn nhỏ, còn bộn bề với những loanh quanh cũ mới, chỉ đến khi bước vào khoảnh khắc thiêng liêng của phút giao mùa, tâm thức người ta mới có một khoảng lặng, tâm hồn người ta mới có linh khí tụ về, tâm tư người ta mới thức dậy nhịp cầu giao cảm, và người ta mới thật sự cảm nhận được chiều sâu thương thiết của khối tình thâm. Một đời người có rất nhiều đêm 30 như thế. Có thể khác nhau một chút khí sắc theo từng lứa tuổi, theo từng bối cảnh trầm thăng, theo từng cảm trạng bi tráng, nhưng luôn có chung một hàm nghĩa. Đêm 30 của những khấc đoạn thời gian mang nhiều cảm niệm theo suốt chu trình cuộc sống mỗi con người. ĐÀM LAN |