VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 12-3-2011 của CLB Sách Xưa và Nay Để mở đầu phiên họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách, 1 cuốn tưởng là cổ (thế kỷ thứ 18) nhưng không phải là cổ, vì được in lại năm 1962 bằng cách chụp y chang cuốn sách cổ đã được xuất bản năm 1703 (MDCCIII), và cuốn thứ hai là một cuốn sách mới được xuất bản 27 năm trước (1984) nhưng được đóng bìa cực đẹp, và dụng ý của Dịch giả Vũ Anh Tuấn là muốn để các thành viên biết về sách cổ được in lại y chang như khi được xuất bản trên 2 thế kỷ trước(1703), đồng thời cũng để các thành viên biết về sách ở Việt Nam cũng đã được đóng bìa cứng gáy da heo đẹp như vậy. Dịch giả Vũ Anh Tuấn cũng nói qua về nội dung hai cuốn sách được giới thiệu, cuốn sách thế kỷ 18 được chụp y chang lại tên là cuốn CÁC ĐIỀU BÍ ẨN RẤT ĐÁNG KHÂM PHỤC CỦA ALBERT LE GRAND (LES ADMIRABLES SECRETS D’ALBERT LE GRAND) và đây là một cuốn sách về Ma Thuật rất khó hiểu với những độc giả bình thường không nghiên cứu lãnh vực đó. Cuốn thứ nhì xuất bản 27 năm trước nhan đề là “Khi quý bà giết” (Quand les femmes tuent) gồm 52 vụ án mạng mà quý bà là thủ phạm, rất là li kì hấp dẫn mà Dịch giả Vũ Anh Tuấn có ý định dịch một số để đăng tiếp ở cuối các bản tin trong những ngày sắp tới. Sau phần giới thiệu sách, một thành viên anh Phạm Vũ Động có một bài thuyết trình ngắn về Hai Bà Trưng, qua đó Anh Phạm Vũ Động cho biết là có một tài liệu trên mạng cho rằng Hai Bà Trưng đúng ra có tên là Hai Bà Trứng chứ không phải Trưng không có dấu sắc. Sau khi nghe Anh Phạm Vũ Động nói vậy, Anh Hoàng Minh, một thành viên khác đã lên tiếng đề nghị là không nên tin vào tư liệu lấy trên mạng và chỉ nên coi sự việc đó như là 1 giả thuyết cho đến khi nào có được các tài liệu chứng minh chính xác. Tuy nhiên có 1 vài thành viên khác cho rằng NGAY CẢ NẾU SỰ THẬT LÀ NHƯ VẬY THÌ CŨNG CHẢ NÊN THAY ĐỔI GÌ VÌ TỪ NĂM 44 ĐẾN NAY CÁI DANH XƯNG HAI BÀ TRƯNG NGHE QUÁ SANG TRỌNG, QUEN THUỘC, MÀ BÂY GIỜ ĐỔI THÀNH HAI BÀ TRỨNG THÌ KỲ QUÁ, ĐỒNG THỜI DÙ THẬT CŨNG CHẲNG MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ HUỐNG CHI ĐÂY CHỈ MỚI LÀ NGUỒN TÀI LIỆU LẤY TỪ TRÊN MẠNG. Tiếp lời Anh Phạm Vũ Động, Bs. Nguyễn Lân – Đính có nói qua về việc sử dụng 49 hạt đậu đen và về Enzyme. Sau khi Bs. Đính nói, Anh Hữu lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ “Có những người như thế”. Kế đó Anh Dương lên phát biểu về việc thơ lục bát đang được văn giới và nhà nước ta dự tính dùng làm quốc thi, đồng thời Anh Dương cũng đề nghị là CLB nên tổ chức một cuộc tọa đàm bàn về thơ Lục Bát, tuy nhiên có 1 vài thành viên không muốn tổ chức tọa đàm vì phạm vi hoạt động của CLB Sách Xưa & Nay rất giới hạn về vấn đề Thơ, mà chủ yếu là về vấn đề Sách. Do đó ai có ý kiến gì hay về thơ lục bát thì cứ chia sẻ với mọi người để cùng nhau trao đổi cho vui thôi, những việc quan trọng không phải là việc của CLB Sách Xưa & Nay, nhất là nó lại không đi đúng với mục tiêu của chúng ta. Cuối cùng bà Thùy Dương lên giới thiệu 3 cuốn sách và có một cuộc nói truyện ngắn về việc hành nghề Đông y của bà. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày. Vũ Thư Hữu
CUỐN “CÁC THƯ VIỆN LỚN TRÊN THẾ GIỚI” (GRANDES BIBLIOTHÈQUES) CỦA TÁC GIẢ ANTHONY HOBSON Vì là một người yêu sách, tôi luôn luôn ước ao có được những thông tin chính xác về các Thư Viện lớn trên Thế Giới, để rồi, cách đây hai năm, mọi ước ao của tôi đã được đáp ứng khi tôi mua được cuốn sách của tác giả Hobson này, Cuốn sách khổ 25cm x 32cm này được in bằng giấy dày, có bìa cứng thật tuyệt và dày 320 trang. Sách cho chi tiết và hình ảnh (cực nhiều hình ảnh sách cổ) của 32 thư viện được coi là lớn và đáng kể nhất trên toàn cầu. Đó là các thư viện sau đây: 1. Thư viện VÉRONE (miền Đông-Bắc nước Ý) được coi là thư viện cổ xưa nhất hoàn cầu. 2. Thư viện của Tu Viện Saint – Gall ở Thụy Sĩ (?) 3. Thư viện Bamberg ở Đức. 4. Thư viện của Tu Viện Admont (ở Áo). 5. Thư viện của Thánh Đường Durham (Anh quốc). 6. Thư viện của Tu Viện Saint – Jean ở Patmos (Hy Lạp) 7. Thư viện Malatestiana ở Cesena (ở Ý) 8. Thư viện Vaticane ở Rome (nước Ý) 9. Thư viện Laurentienne ở Florence (Ý) 10. Thư viện Hoàng gia (Royale) ở Bruxelles (Bỉ) 11. Thư viện Colombine ở Séville (Tây Ban Nha) 12. Thư viện Thành phố Selestat (Pháp quốc) 13. Thư viện Quốc gia ở Ba Lê (Pháp) 14. Thư viện Nhà Nước ở Munich (Đức quốc) 15. Thư viện Quốc gia ở Vienne (Áo quốc) 16. Thư viện của Tu Viện Hoàng Gia L’Escurial (Tây Ban Nha) 17. Thư viện Bodléienne ở Oxford (Anh quốc). 18. Thư viện Trường Cao Đẳng Trinity ở Dublin (Ái Nhĩ Lan) 19. Thư viện Ambrosienne ở Milan (Ý) 20. Thư viện Trường Đại Học Harvard ở Cambridge Massachusettes (Hoa Kỳ) 21. Thư viện của Công Tước Auguste ở WOLFENBÜTTEL (Đức quốc) 22. Thư viện của Trường Cao Đẳng Magdalene ở Cambridge (Anh quốc). 23. Thư viện Đại Học Yale ở New Haven-Connecticut (Hoa Kỳ) 24. Thư viện Coïmbre và Mafra (Bồ Đào Nha) 25. Thư viện British Museum ở Luân Đôn (Anh quốc) 26. Thư viện Cung Đình (Palais) ở Madrid (Tây Ban Nha) 27. Thư viện Arsenal ở Paris (Pháp quốc) 28. Thư viện John Rylands ở Manchester (Anh quốc). 29. Thư viện SPOELBERCH de LOVENJOUL ở Chantilly (Pháp quốc) 30. Thư viện của tỉ phú Pierpont Morgan ở New York(Hoa Kỳ) 31. Thư viện Henry E. Huntington ở San Marino Californie (Hoa Kỳ) 32. Thư viện Đại Học ở Austin – Texas (Hoa Kỳ) Cuốn sách cho hết cả mọi chi tiết về mỗi một trong số 32 thư viện có tên ở trên, và đặc biệt nhất là cuốn sách chứa đựng trên 1000 hình ảnh sách đẹp, sách quý và hình chụp tất cả 32 thư viện nói trên. Phạm vi trích đoạn này chỉ cho phép người viết nói khá chi tiết về Thư Viện Quốc Gia Pháp ở Ba Lê. Theo tài liệu được ghi nhận năm 2007 (Quid 2007) thì thư viện này chia làm 4 cơ sở ở Ba Lê (Paris) và 3 cơ sở ở các tỉnh. Ở Paris có: 1. Thư viện François-Mitterand (sách, báo chí, tài liệu vi tính) 2. Thư viện Richelieu (lưu giữ Bản Thảo hình ảnh, địa đồ cổ, tài liệu âm nhạc, kịch nghệ) 3. Thư viện L’Arsenal (dành cho ngành Văn Học) 4. Thư viện Bibliothèque-musée de l’Opéra (dụng cụ trang trí và tài liệu về nhạc kịch) Ở tại các tỉnh có: 1. Cơ sở La Maison Jean-Vilar ở Avignon (kịch nghệ) 2. Trung Tâm Kỹ Thuật de Bussy-Saint-Georges (60.000m2) là nơi khử trùng, phục chế, làm microfilm v.v… 3. Trung Tâm Joël-Le-Theule ở Sablé. Tuy nhiên theo những thông tin mới nhất thì hiện nay lại có 5 cơ sở ở Paris và chỉ còn 1 cơ sở ở một tỉnh. ngoài 4 cơ sở François-Mitterand, Richelieu, Opéra và Arsenal như ở trên còn có thêm cơ sở thứ 5 mang tên là Louvois. Còn ở tỉnh thì chỉ còn lại cơ sở Jean-Vilar ở Avignon. Thư Viện Quốc Gia Pháp với các cơ sở chỗ nào cũng to gần ngang với Dinh Độc Lập của ta, nhưng theo thống kê thì tới năm 1992 tổng số đầu sách chỉ là 11 triệu và người Pháp dự trù là nếu mỗi năm thêm được 120.000 tác phẩm thì tới năm 2045 số lượng đầu sách sẽ đạt 30 triệu. Viết đến đây người viết không thể không bược cười (nói như Cụ Tản Đà) khi thấy rằng thư viện ở nước ngoài thua xa ở nước mình khi một tiệm sách bình thường ở Hà Nội có thể có VÀI TRIỆU CUỐN SÁCH (vài triệu thì ít nhất là 2 triệu) và MỘT TIỆM NÀO ĐÓ Ở VŨNG TÀU CÓ TỚI 5 TRIỆU CUỐN SÁCH!!! Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI VŨ ANH TUẤN
Dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh Chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây Hoàng Tiến Người Việt ta, từ ngàn xưa đã giao lưu với văn hóa Trung Hoa. Những tư tưởng Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo từ Trung Hoa truyền sang, đã chi phối sinh hoạt tư tưởng của các nhà văn hóa Việt Nam nhiều thế kỷ. Thơ Đường, thơ Tống, cùng những bộ tiểu thuyết đồ sộ của thời Minh, thời Thanh (Tam quốc chí, Thủy hử, Hồng lâu mộng, Tây du ký...) đã trở thành món ăn tinh thần quen thuộc trong giới bút mực Việt Nam. Một thời gian dài Việt Nam đã dùng chữ Hán làm phương tiện biểu cảm những tư tưởng và tình cảm của mình (trong công việc hành chính cũng như công việc sáng tác). Còn nền văn hóa phương Tây, ta chỉ mới làm quen độ hơn trăm năm nay. Những người có công bắc chiếc cầu nối để ta hiểu phần nào nền văn hóa phương Tây, cũng như để người phương Tây phần nào hiểu nền văn hóa Việt Nam, là lớp trí thức hồi đầu thế kỷ, mà ông Nguyễn Văn Vĩnh là người đáng được ghi công đầu. I. Sơ qua về cuộc đời ông Nguyễn Văn Vĩnh Ông Nguyễn Văn Vĩnh không xuất thân trong một gia đình thế gia vọng tộc nào cả. Bố mẹ ông là nông dân nghèo, ở làng Phượng Vũ, phủ Thường Tín (bây giờ là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây), vùng đồng chiêm quanh năm nước ngập, đói, nên phải bỏ quê ra thành phố kiếm ăn, ở nhờ nhà bà nghè Đại Gia (tức ông nghè Phạm Huy Hổ) phố Hàng Giấy. Ông sinh ngày 15/6/1882 tại số nhà 46 phố Hàng Giấy, trong cảnh loạn lạc, vào lúc thành Hà Nội bị quân Pháp đánh chiếm lần thứ hai, do Henri Rivière chỉ huy, được hơn một tháng. Sau đó đã dẫn đến hiệp ước Patenôtre (1884) buộc triều đình Huế ký nhận đầu hàng, và Hà Nội trở thành đất nhượng địa của thực dân Pháp. Bố mẹ ông đông con, ông lại là con lớn, nên lên tám tuổi, bố mẹ xin cho đi làm thằng nhỏ kéo quạt ở trường thông ngôn của Pháp mới mở ở đình Yên Phụ để đỡ gánh nặng cho gia đình. Cậu bé ngồi phía cuối lớp kéo hai chiếc quạt nối liền nhau, vừa quạt mát cho giáo viên vừa quạt mát cho học sinh là những ông tú tài nho học thất thế quay ra học tiếng Pháp để làm thông ngôn. Cậu cũng chăm chú nghe giảng, cũng nói được và viết được tiếng Pháp, lại còn thông thạo hơn nhiều học sinh lớn tuổi khác. Hiệu trưởng là ông D’Argence thấy vậy, sau ba năm mãn khóa, cho cậu thử thi tốt nghiệp. Lớp học có 40 học sinh, cậu đỗ thứ 12 khi mới 11 tuổi. Hiệu trưởng đặc cách nhận cậu vào học chính thức, được hưởng học bổng, để theo học khóa tiếp theo. Nguyễn Văn Vĩnh được là học sinh chính thức lớp thông ngôn tập sự ngạch tòa sứ khóa 1893-1895, và đã đỗ thủ khoa lúc 14 tuổi, được tuyển đi làm thông ngôn ở tòa sứ Lao Cai. Ông bắt đầu cuộc đời viên chức vào tuổi còn vị thành niên như thế. Sau thời gian ở tòa sứ Lao Cai, ông Vĩnh được thuyên chuyển làm thông ngôn ở tòa sứ Hải Phòng. Bấy giờ Pháp đang xây dựng tuyến đường sắt Hải Phòng - Lao Cai. Rồi ông được chuyển làm thông ngôn ở tòa sứ Bắc Giang (từ 1902-1905). Lúc này Pháp đang xây dựng nhà máy giấy Đáp Cầu (1902) và tuyến đường sắt lên Lạng Sơn đã hoàn thành (1894). Viên công sứ Bắc Giang Hauser là một trí thức Pháp đỗ cử nhân luật, đi học ngạch quan cai trị thuộc địa. Thấy Vĩnh nói tiếng Pháp thành thạo, am hiểu công việc văn thư, tự mình thảo được công văn và báo cáo đủ các loại cho tòa sứ, lại viết được báo tiếng Pháp và là cộng tác viên của tờ "Courrer d’’Haiphong" và tờ "Tribune Indochinoise" của Schneider, Hauser liền đề bạt Vĩnh làm chánh văn phòng tòa sứ, nâng lương vượt ngoài khung lương thông ngôn, và giao cho các công việc đáng lẽ phó sứ phải làm, mà phó sứ Eckert nguyên là nhân viên của sở mật thám, không có trình độ văn hóa, không làm được. Tòa sứ đặt ở Bắc Ninh, gần Hà Nội, nên các quan chức Pháp thường xuyên qua lại. Ai muốn hỏi việc gì, công sứ Hauser đều giới thiệu đến chánh văn phòng và đều được giải đáp nhanh chóng, thỏa đáng với đầy đủ chứng cứ rõ ràng. Sau bốn năm làm việc, Hauser càng mến phục Vĩnh, đi đâu cũng điều Vĩnh đi theo. Cho nên khi Hauser được về làm đốc lý thành phố Hà Nội thì cũng điều luôn Vĩnh về. Khi Toàn quyền Beau sang thay Doumer, chủ trương mở mang học hành, lập các tổ chức y tế và hội thiện, đốc lý Hauser được giao nhiệm vụ vận động và giúp đỡ người Việt làm đơn và thảo điều lệ xin phép lập các trường, các hội, đệ lên phủ thống sứ để duyệt. Hauser giao toàn bộ công việc này cho ông Vĩnh. Vì vậy Nguyễn Văn Vĩnh đã trở thành sáng lập viên của các hội và các trường được lập ra thời bấy giờ như: Trường Đông Kinh nghĩa thục, Hội Trí Tri, Hội dịch sách, Hội giúp đỡ người Việt sang Pháp học vv... Một việc nữa của đốc lý Hà Nội được phủ thống sứ giao bấy giờ là tổ chức và quản lý gian hàng Bắc kỳ ở hội chợ thuộc địa mở ở Marseille (Exposition colonial de Marseille). Hauser lại giao hết cho ông Vĩnh, nào là làm đề án thu thập sản phẩm hàng hóa để trưng bầy, nào là tuyển thợ đi sang Marseille dựng gian hàng. Trần Trọng Kim được tuyển sang Pháp trong cơ hội này, danh nghĩa là thợ khảm, sau hội chợ được ở lại Pháp học đại học sư phạm. Nguyễn Văn Vĩnh vừa đúng 25 tuổi được cử sang Pháp dự hội chợ thuộc địa từ tháng 3 đến tháng 8/1906, được tận mắt thấy nền văn minh của một nước tiên tiến phương Tây. Sau khi kết thúc hội chợ, ông Vĩnh được ở lại thêm một tháng. Hauser đưa ông Vĩnh lên thăm Paris. Ông đã đến thăm nhà in và báo "Revue de Paris", nhà xuất bản Hachette, nhà soạn và in từ điển Larousse, tìm hiểu phong trào báo chí Pháp và nền dân chủ Pháp. Ông Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội nhân quyền Pháp. Về nước, ông xin thôi ngạch quan chức, chuyển sang làm báo và nghề in cùng với Schneider là kỹ sư ngành in ký hợp đồng sang giúp chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương. Hồi ấy người ta hay nói câu cửa miệng: "La plus grande invention de l’’homme c’est l’’imprimerie" (Nghề in là sự phát minh lớn nhất của loài người). Ông Vĩnh quyết định bỏ búi tó và khăn xếp, bỏ áo dài quần là, mặc áo quần Âu, đội mũ cát, tóc húi cua, đi giầy da, lái xe môtô hiệu Terrot mang từ Pháp về, và lấy bút danh là Tân Nam tử tức Người Nam mới. Ông là chủ bút các báo tiếng Việt đầu tiên dùng chữ quốc ngữ như tờ Lục tỉnh tân văn, Đăng cổ tùng báo, Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn và tờ Học báo; chủ bút các báo tiếng Pháp như tờ Notre journal, Notre revue và L’Annam nouveau; cùng làm giám đốc nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng. Ông còn có chân trong hội đồng dân biểu Bắc kỳ và hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương, đã lên tiếng bênh vực cho quyền lợi đồng bào trong đó có quyền lợi của mình. Đại hội đồng kinh tế tài chính Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts Economiques et Financiers de I’Indochine) họp ở Sài Gòn năm 1932, ông Vĩnh đã thay mặt giới doanh nghiệp phản đối việc chuyển đồng tiền Đông Dương từ ngân bản vị sang kim bản vị [1]. Cuộc họp chưa xong thì ở Hà Nội đã có trát của tòa án đòi tịch biên gia sản vì ông thiếu nợ. Ông vay tiền nhà băng để kinh doanh, dựng tòa soạn báo L’Annam nouveau, và nhà xuất bản Âu Tây tư tưởng (dãy nhà hoành tráng nhưng lòng rất hẹp ở đầu phố Hàng Gai chạy dài về phía Thủy Tạ, trông ra bồn phun nước Bờ Hồ). Vỡ nợ, ông phải đi sang Lào đào vàng, và chết vì một cơn sốt rét ác tính, trong một chiếc thuyền độc mộc, trên dòng sông Sêbăngghi, với một chiếc quản bút trong tay, đang viết dở thiên ký sự bằng Pháp văn đăng tải trên báo L’Annam nouveau: "Một tháng với những người tìm vàng" (Un mois avec des chercheurs d’or), ở tuổi 54, vào đúng ngày 1-5-1936. Ông Vĩnh là người Việt Nam đã hai lần từ chối huân chương Bắc đẩu bội tinh của chính phủ Pháp ban tặng, và ông đã cùng với bốn người Pháp viết đơn gửi chính quyền Đông Dương phản đối việc bắt giữ cụ Phan Chu Trinh. II. Hội dịch sách. Ngày 26-6-1907 ở Hội Trí Tri Hà Nội, có hơn 300 người, vừa người Hà Nội vừa người ở các tỉnh về họp, để lập Hội dịch sách. Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã đọc một bài diễn thuyết. Xin trích đoạn để độc giả tham khảo, như sau: "Trình các quan, Ở thế gian này, xem trong các nước, phàm nước nào đã gọi là nước văn minh, là cũng có văn chương riêng cả, tiếng nói thế nào, chữ viết như thế. Mà cái văn minh người ta cũng ở đó mà ra, vì chữ có là ảnh tiếng nói thì mới dùng để truyền bá hay đi trong nước ai ai đều học được cả. Cách truyền tư tưởng đi có hai cách: một là lấy miệng mà nói, thì chỉ ai đứng nghe nói thì nghe được mà thôi, mà nói xong nhời nói có nhẽ quên đi được. Một cách nữa là nghĩ điều gì hay, làm ra sách thì tư tưởng truyền đi được xa, mỗi quyển sách in ra nhiều người đọc được, mà không đọc khi này, đọc khi khác, có nhãng lại có thể đọc lại được. (...) Có như thế thì tôi thiết tưởng bây giờ mà muốn cho trí dân Annam chóng mở mang ra, thì phải có sách bằng tiếng nôm. Nhưng trong nước ta bây giờ, chưa có ai có tài mà làm được nên quyển sách để dạy dân. Dẫu có học chữ ngoại quốc, mà hiểu được một vài ý hay nữa, mà có làm ra sách mới, thì vị tất đã có ai xem, vì cách tư tưởng của mình xưa nay, huyến hồ viển vông, bây giờ nghe những nhẽ mới cũng khó vỡ. Vậy trước khi xem được những sách bắt chước ngoại quốc mà làm ra, thì dân phải đã biết qua những ý nguyên ấy. Sau nữa lại còn một nhẽ rằng: người ta không ai chịu ai, một người có làm ra quyển sách bây giờ, những người xem cũng không để vào tai, vì mình đã quen xưa nay chỉ học sách của thánh. Có họa bây giờ, những người học được các sách hay của ngoại quốc, mà cố đem tiếng bản quốc dịch ra rõ được ít nào hay chút ấy, thì người ta xem đến, dẫu không biết được hết nghĩa, nhưng cũng vỡ được đại khái, khi đã có nhiều người nghe phang phác được cái tư tưởng của người ta, rồi lúc bấy giờ có mượn những tư tưởng ấy mà làm ra sách nôm thì ta mới có nhiều người hiểu. Vì nhẽ ấy, cho nên chúng tôi định lập ra Hội dịch sách này. Chắc rằng làm việc là việc bạc, vì bây giờ đem sách người mà dịch ra tiếng bản quốc, nếu cứ dịch cho đúng từng chữ thì xem không hiểu được. Tất phải dịch lấy nghĩa. Lấy nhời nhẽ ta mà giải nhời nhẽ người. Đến lúc thiên hạ xem hiển nhiên rồi, tất có người rạch ròi muốn biết nghĩa thâm trầm thì lại đem dịch lại, nhưng lúc bấy giờ dịch kỹ mới có người hiểu. Chúng tôi cũng biết rằng sách dịch ra bây giờ, đời sau là có người chê, nhưng có thế mới gọi là tiến bộ, chúng tôi cũng sẽ thỏa lòng rằng: mình đã có cắm nêu lên trước, cho nên mới có kẻ theo hút sau. Các quan bây giờ mà giúp vào lập thành cho cái Hội này, thì cái công đức các quan thực là to nữa. Thực là đúc một quả chuông to, vì chuông này, đánh một tiếng rồi kêu mãi, mà có tiếng chuông này rồi mới nảy ra trăm nghìn tiếng khác liên thanh, tai hậu thế lúc nào cũng được nghe tiếng hay… (...) Còn nên dùng chữ nôm hay chữ quốc ngữ, thì chắc các quan cũng nghĩ như chúng tôi: nước Nam có muốn hòng một mai tiếng nói có thể nhiều tiếng ra, tiếng nhiều vần thêm bớt vô cùng, thì phải dùng một lối chữ có vần. Có nhiều ông đã nghĩ ra một lối chữ mới, cũng chắp nét diệu lắm, nhưng hễ còn dùng chữ một-vần-một, thì muôn đời tiếng nói không rộng ra được. Cũng may! Dù khéo thế nào mặc lòng, một thứ chữ một người đặt ra không ai chịu theo. Vả chữ viết có in tiện, thì dùng mới tiện. Như lối chữ quốc ngữ, thì có 25 chữ, sắp lại tiện mà chóng lắm. Còn như cái chữ nôm của mình ngày xưa, thì thực nên bỏ. Chữ phải có mẹo mực, chớ một chữ mà đọc nhiều cách viết nhiều cách được, thì khó học lắm. Bây giờ ta nên xét xem dịch thì nên dịch sách gì trước. Điều ấy phải để tùy ý những người dịch, vì những người đã có thể dịch được, tất học thức đã rộng, dân Annam đương cần học gì tất cũng đã biết, bây giờ chắc hẳn những điều cao kiến lắm, dân mình xưa nay trí khôn chỉ là là mặt đất cũng chưa với đến được. Chắc các ông vào việc dịch sẽ chọn những sách phổ thông. Mỗi thứ phải có một ít, cách trí, bác vật, hóa học, toán học, cơ khí học, thương mãi học là điều cốt nhất. Lẽ tất nhiên trong hội các quan cũng nhiều người ngoại thư cũng đã rộng, bây giờ dịch những sách phổ thông thì cũng khí chán, nên xin thế nào cũng có dịch một hai điều cao kiến như kinh tế học, chính trị học. (...) Còn như sách nho, vốn đạo Nho là gốc cách ăn ở, gốc phong tục nước mình, ta nên giữ lấy, vì trước khi bỏ một đạo hãng phải có sẵn đạo khác hay hơn mà thế vào đã! Vả sửa lại thì sửa chớ việc chi phải bỏ đạo Nho là đạo thực hay: kìa như sách nho đã có mấy nghìn năm nay mà xem những ý mới Âu châu bây giờ cũng nhiều ý không ra ngoài tứ thư ngũ kinh. Sách thì hay nhưng học không hay cũng chỉ vì vụng học. Giá bây giờ dịch ra tiếng nôm, mỗi bài chính văn lại lấy nhời nhẽ nôm mình mà bàn cho kháp vào thực sự thì có nhẽ hay. (...) Những số tiền đóng, thì chúng tôi đã tính chiếu theo số 1000 hội viên. Hễ được số ấy, thì có thể mỗi tháng in được cho mỗi ông một quyển nhỏ độ 120 trang, khổ Tân dân tùng báo, giấy cũng vậy. Nhược bằng không được số ấy, thì hội hãng sẽ in thạch bản, xem tạm vài tháng, đến khi có đủ số hội viên sẽ in bản sắt. Việc này lại còn có ích một chút nữa, là người Annam bây giờ nhiều ông muốn mở nhà in, nhưng trước khi mở một cái nhà in, phải chắc có việc làm đều, tháng nào cũng có, mới mở được. Giá hội này của ta thành, rồi về sau lại mở được vài cái nhật báo nữa, thì nghề in có nhẽ mở mang ra được to". (Nguyễn Văn Vĩnh. Trích trong Đăng cổ tùng báo số 813 và 814) Chẳng cần phải phẩm bình gì nhiều nữa. Vạn sự khởi đầu nan. Chúng ta chỉ còn biết cúi đầu bái phục lớp cha ông đầu thế kỷ, vốn Tây học còn ít, công việc thì mới mẻ, nhưng với tấm lòng cầu học, cầu hiểu biết, muốn dân trí được nâng cao, đổi mới, đã không quản ngại khó khăn ghé vai đảm nhận công việc nặng nhọc xây chiếc cầu nối giữa hai nền văn hóa Đông Tây. III. Những công trình dịch thuật của ông Nguyễn Văn Vĩnh Ông Nguyễn Văn Vĩnh đã nói một câu bất hủ, hồi ấy thường in ở các bìa sách do ông xuất bản. "Nước Nam ta mai sau này hay dở cũng ở chữ quốc ngữ". Ông và lớp trí thức thế hệ ông đã làm cuộc cách mạng chữ viết thành công hồi đầu thế kỷ. Chữ quốc ngữ đã đánh bại chữ Hán và chữ Nôm trở thành chữ viết của toàn dân tộc. Những công trình dịch thuật của ông Vĩnh tạm thống kê như sau: 1. Dịch từ Pháp văn sang Việt văn: - Thơ ngụ ngôn của La Fontaine. - Truyện trẻ con của Perrault. - Truyện Gil Blas de Santillane của Lesage (4 quyển). - Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut) của Abbé Prévost (5 quyển). - Ba người ngự lâm pháo thủ của A.Dumas (24 quyển). - Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo. - Miếng da lừa của Balzac. - Guy-li-ve du ký của J.Swift. - Tê-lê-mặc phiêu liêu ký của Fénelon. - Kịch của Molière (Trưởng giả học làm sang, Giả đạo đức, Người bệnh tưởng, Người biển lận). - Kịch của Lesage (Tục ca lệ tức Turcaret, 2 quyển). - Truyện các danh nhân Hy lạp và La Mã của Plutarque. - Rabelais của E.Vayrac. - Đàn cừu của chàng Panurge của E.Vayrac. Ngoài ra còn những bài dịch về Luân lý học và Triết học yếu lược đăng tải nhiều kỳ trên Đông Dương tạp chí. 2. Dịch từ tiếng Việt sang tiếng Pháp - Kim Vân Kiều tân điển Pháp văn của thi hào Nguyễn Du (đăng từng kỳ trên Đông Dương tạp chí và L’Annam nouveau, sau này in thành sách). 3. Dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp - Tiền Xích Bích (đăng trong Đông Dương tạp chí) - Hậu Xích Bích (đăng trong Đông Dương tạp chí). Ông Vĩnh xứng đáng là nhà quán quân trong công việc dịch thuật ở nước ta hồi đầu thế kỷ. Trong vòng 10 năm ông đã làm được một khối lượng dịch thuật đồ sộ, ngoài ra còn viết báo, in sách, soạn niên lịch thông thư, đề xuất những vấn đề cải cách nông thôn, hôn nhân, xã hội vv... IV. Sơ bộ nhận xét Nhận xét tổng quát: Xét về các nước ở châu Á và Đông Nam Á tiếp thu ảnh hưởng của nền văn hóa và văn học phương Tây, thì nước ta thuộc diện sớm nhất và biến chuyển nhanh nhất. Thực vậy, chỉ kể một giai đoạn từ 1925-1945, khoảng độ hai chục năm trời, đã nở rộ những trào lưu cùng các loại hình văn học: thơ mới, văn học lãng mạn, văn học hiện thực, văn học cách mạng, kịch nói, kịch thơ, văn triết học, văn chính luận, văn khảo cứu, vv... mà ở phương Tây, như nền văn học Pháp tiêu biểu, cũng phải đi mất hàng trăm năm. Những loại hình nghệ thuật chữ nghĩa ấy đều được viết bằng chữ quốc ngữ ngày càng chính xác, trong sáng, tế nhị và uyển chuyển. Phép lạ gì làm chúng ta rút ngắn được thời gian như vậy? Nhờ giao lưu văn hóa. Mà cái cầu để nối nhịp giao lưu là công việc dịch thuật. Sau đây xin được kể công cho ông Nguyễn Văn Vĩnh, với vị trí một dịch giả, đã làm cái công việc khai phá giới thiệu các loại hình văn học phương Tây hồi đầu thế kỷ còn quá xa lạ đối với người Việt Nam lúc bấy giờ. Tất nhiên là có nhiều người khác cùng làm công việc này, họ rất đáng được ghi công. Nhưng mong có dịp khác sẽ được đề cập đến. 1. Thơ Pháp. Thơ Pháp được giới thiệu trên báo chí Việt Nam, sớm nhất, nếu không lầm, là bài "Con Ve và con Kiến" của La Fontaine, vào năm 1907, in trên Đăng cổ tùng báo, hồi ấy còn gọi là thơ "dĩ vật giáo nhân" (lấy vật dạy người). Thoạt đầu ông Nguyễn Văn Vĩnh đã chuyển dịch sang thể lục bát, là lối thơ truyền thống của Việt Nam. Bảy năm sau ông dịch lại, theo đúng điệu Tây vần Tây đăng trên Đông Dương tạp chí năm 1914. Tại sao ông lại làm thế? Theo ý chúng tôi, hẳn là ông muốn giới thiệu một lối thơ của phương Tây với quốc dân đồng bào. Các thể loại thơ nước ta cho đến lúc ấy, thường chỉ quen làm theo lối lục bát hay song thất lục bát truyền thống Việt Nam, hoặc lối Đường luật hay Cổ phong là theo các lối của thơ Trung Quốc. Bây giờ được biết một lối thơ khác hẳn của một nền văn minh khác hẳn. Chính nó là những con suối khơi mạch tạo nên dòng chảy cho con sông thơ mới giai đoạn 1930-1945 của thơ ta sau này. Âm điệu thơ là lạ, vần chân liền hoặc cách quãng, với số chữ so le. Bản dịch bám rất sát nguyên bản, cả từ và điệu. Cho đến nay vẫn chưa có bản dịch nào vượt được bản dịch của ông Vĩnh hồi đầu thế kỷ. Xin công bố cả hai bản dịch để bạn đọc tiện so sánh. Nguyên bản tiếng Pháp: La Cigale et la Fourmi La cigale, ayant chanté Tout l’été, Se trouva fort dépourvue Quand la bise fut venue; Pas un seul petit morceau De mouche ou de vermisseau. Elle alla crier famine Chez la fourmi sa voisine, La priant de lui prêter Quelque grain pour subsister Jusqu’ à la saison nouvelle. "Je vous paierai, lui dit-elle, Avant l’oût, foi d’animal, Intérêt et principal". La fourmi n’est pas prêteuse; C’est là son moindre défaut. "Que faisiez-vous au temps chaud? Dit-elle à cette emprunteuse, - Nuit et jour à tout venant, Je chantais, ne vous déplaise. - Vous chantiez? j’en suis fort aise Et bien! dansez maintenant. Bản dịch lục bát 1907: Truyện con Ve và con Kiến Trên cây có một con Ve Hát hết mùa hè mùa lạnh kiết so Bắc phong càng thổi càng lo Ruồi, sâu bọ hết, ăn nhờ vào đâu? Âu là đành phận đem đầu Chạy sang chị Kiến kêu cầu lân bang Nhờ bà hàng xóm lòng thương Cho vay dăm hạt thóc lương trợ thì Khi nào hết lạnh sang hè Lại xin đem nộp lãi lời phân minh Nhược bà có bụng nghi tình Xin thề Giời Phật chứng minh việc này. Kiến bà tính ghét mượn vay Trong nghìn thói độc, thói này nhỏ nhen Lắc đầu rồi lại còn chèn Lúc trời nắng ráo anh em làm gì? Ve rằng tôi ngâm phú thi Đêm ngày nhai nhải, cái gì cũng ngâm. Kiến bà chúa tệ độc tâm Đáp rằng xưa hát, nhẩy đầm nay coi! Bản dịch điệu tây văn tây 1914: Con Ve và con Kiến Ve sầu kêu ve ve, Suốt mùa hè. Đến kỳ gió bấc thổi, Nguồn cơn thật bối rối. Một miếng cơm chẳng còn, Ruồi bọ không một con. Vác miệng chịu khúm núm Sang chị Kiến hàng xóm, Xin cùng chị cho vay, Dăm ba hạt qua ngày. "Từ nay sang tháng hạ, Em lại xin đem trả. Trước thu, thề Đất Giời! Xin đủ cả vốn lời". Tính Kiến ghét vay cậy, Thói ấy chẳng hề chi. "Nắng ráo chú làm gì? Kiến hỏi Ve như vậy. Ve rằng:- Luôn đêm ngày, Tôi hát, thiệt gì bác. Kiến rằng: - Xưa chú hát! Nay thử múa coi đây". 2. Truyện trẻ con. Hẳn là những người bây giờ khoảng sáu chục tuổi trở lên, có đi đọc, thảy đều còn nhớ hồi nhỏ, được xem hoặc được kể: "Truyện con bé quàng khăn đỏ" của Perrault. "Ngày xưa có một con bé nhà quê xinh thật là xinh. Mẹ nó yêu nó lắm. Bà nó lại yêu nó hơn nữa. Bà nó cho nó một cái khăn quàng đỏ, nó quàng vào đầu, vừa xỉnh vừa xinh, cho nên đi đến đâu, ai cũng gọi là con bé quàng khăn đỏ..." Nguyên văn: "ll était une fois une petite fille de vilage, la plus jolie qu’on eut su voir: sa mère, en était folle, et sa mère grand plus folle encore. Cette bonne femme lui fit faire un petit chaperon rouge, qui lui seyait si bien, que partout on l’appelait le petit Chaperon rouge..." Chaperon là một thứ mũ choàng đầu cổ xưa, dài tới chân, thịnh dùng cho đến triều vua Charles IX. Ông Vĩnh chuyển sang Việt văn như trên, thật mặn mà, có duyên, nghe như một truyện cổ tích của người mình. Và nhờ thế câu truyện được truyền tụng khắp nơi, khiến nhiều người quên là truyện dịch của nước ngoài. 3. Kịch Pháp. Sân khấu của chúng ta trước kia chỉ có chèo, tuồng, và sau đó là cải lương. Người Việt Nam làm quen với kịch Pháp đầu tiên là hài kịch của Molière (bằng văn xuôi và văn vần) thông qua những bản dịch của ông Nguyễn Văn Vĩnh. Nhờ thế mà sau này ta có thể sáng tác kịch nói và kịch thơ ở những năm 30 và 40 của thế kỷ. Ông Vĩnh chẳng những dịch kịch của Molière mà còn diễn kịch Molière trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội. Theo sự nhớ lại của con cháu gia đình ông, thì vở "Trưởng giả học làm sang" được trình diễn vào năm 1918, chính ông Vĩnh thủ vai Jourdain, và Nguyễn Hải con trai cả ông Vĩnh, thủ vai Cléonte. Có thể coi đấy là vở kịch nói đầu tiên xuất hiện trên sân khấu Việt Nam. Bây giờ chúng ta đã quá quen với kịch nói, nhưng hồi đầu thế kỷ, hẳn phải là một sự lạ, khi mọi người chỉ quen xem hát chèo, xem hát tuồng hoặc xem hát cải lương. Xin trích một đoạn trong vở "Trưởng giả học làm sang" (Le Bourgeois gentilhomme) do ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch: Ông Giu-đăng. - (bảo đứa ở) Bay hãy đưa áo dài đây để tao mặc mà nghe... Thong thả, có dễ đừng mặc áo dài thì nghe tiện hơn... ừ, mà đưa đây, dễ mặc áo thì hơn. Con đầu. - (hát) Từ khi lòng đã biết lòng Bồi hồi luống những nhớ mong đêm ngày. Người yêu mà đãi đường này Ví chăng thù ghét chẳng hay thế nào? Ông Giu-đăng. - Bài ca này ta nghe buồn lắm, tựa như ru ngủ. Tôi muốn rằng bác sửa đi một đôi chỗ cho nó vui. Thày dạy nhạc. - Thưa ông, từ phải hợp với điệu mới được. Ông Giu-đăng. - Độ trước họ dạy tôi một bài thú lắm. Khoan... để ta đọc cho mà nghe. Này!... Thế nào mất rồi nhỉ? Thày dạy múa. - Nào tôi được biết! Ông Giu-đăng. - Có vần cừu. Thày dạy múa. - Cừu? Ông Giu-đăng. - Ừ, đây rồi! (hát) Tôi vẫn tưởng cô Thiều Vừa lành lại vừa đẹp Tôi vẫn tưởng cô Thiều Hiền lành như con cừu, Không ngờ cô Thiều tệ, Tệ khác nào như thể Con cọp ở trong rừng. Hay đấy nhỉ? Thày dạy nhạc. - Hay thiệt là hay. ... vv... Nguyên bản Pháp văn: Monsieur Jourdain, - Donnez - moi ma robe pour mieux entendre... Attendez, je crois que je serai mieux sans robe... Non, redonnez-la moi, cela ira mieux. Musicien. - (chantant) Je languis nuit et jour, et mon mal est extrême, Depuis qu’à vos rigueurs vos beaux yeux m’ont soumis: Si vous traitez ainsi, belle lris, qui vous aime, Hélas! Que pourriez - vour faire à vos ennemis? Monsieur Jourdain. - Cette chanson me semble un peu lugubre, lugubre, elle endort, et je voudrais que vous la pussiez un peu regaillardir par-ci par-là. Maitre de musique. - ll faut, monsieur, que l’air soit accommodé aux paroles.
Phụ Bản I
Monsieur Jourdain. - On m’en apprit un tout à fait joli, il y a quelque temps. Attendez... Là... Comment est-ce qu’il dit? Maitre à danser. - Par ma foi, je ne sais. Monsieur Joudain. - ll y a du mouton dedans. Maitre à danser. - Du mouton? Monsieur Jourdain. - Oui. Ah! (M. Jourdain chante). Je croyais Jeanneton. Aussi douce que belle; Je croyais Jeanneton Plus douce qu’un mouton Hélas! Hélas! Elle est cent fois, mille fois plus cruelle Que n’est le tigre aux bois. N’est-il pas joli? Maitre de musique. - Le plus joli du monde. ... etc... Đến vở "Le Tartuffe" là một vở hài kịch bằng thơ có tiếng của Molière, ai cũng nhận là khó dịch, mà ông Vĩnh đã dịch ra văn vần. Thật là táo tợn! Nhưng phải chăng, nhờ thế, nó đã gây hưng phấn sáng tác kịch thơ của các kịch gia Việt Nam sau này. Tên vở kịch ông Vĩnh dịch là "Giả đạo đức", thế mà được người đời thừa nhận. "Le Tartuffe" có thể dịch là "Thằng Tác-tuýp" hoặc "Tên Tác-tuýp", nhưng ông Vĩnh đã dịch theo nghĩa chuyển từ tên riêng (nom propre) sang tên chung (nom commun) chỉ biểu tượng một hành vi cư xử của con người. Tar-tuferie trong tiếng Pháp có nghĩa là thói giả đạo đức, thói giả nhân giả nghĩa. Chẳng khác gì bên ta máu ghen tuông gọi là máu Hoạn Thư vậy. 4. Tiểu thuyết Pháp. Hồi đầu thế kỷ người ta nói, nước Pháp có ba bộ tiểu thuyết hay nhất là Princesse de Clèves (Nữ hoàng xứ Clèves) của bà La Fayette, Gil Blas de Santillane của Lesage, và Manon Lescaut của Prévost; thì Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch hai bộ Gil Blas de Santillane và Manon Lescaut. Mọi người cùng thời đều thừa nhận ông Nguyễn Văn Vĩnh là người biết chọn sách hay để dịch. Như tiểu thuyết Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo, hoặc truyện Miếng da lừa của Balzac, hoặc bộ truyện Ba người ngự lâm pháo thủ của A.Dumas, rồi Guy-li-ve du ký của Swift. Văn dịch tiểu thuyết của ông Vĩnh lưu loát, nhiều đoạn lược dịch hoặc phỏng dịch. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan đã nhận xét: "Lối dịch ấy các nhà báo thường dùng và gọi là "lược dịch" cốt lấy mau, miễn là hoạt thì thôi. Người không có nguyên văn để đối chiếu, tưởng là hay tuyệt, nhưng nếu dùng những bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh để so với nguyên bản mà học dịch, thì nhiều khi người ta thấy những ý trong câu dịch không còn là ý của tác giả nữa". (Nhà văn hiện đại. Quyển nhất trang 55. Nhà xuất bản Vĩnh Thịnh Hà Nội). Dầu vậy mặc lòng, ta vẫn phải đánh giá ông là người có công sớm nhất trong việc giới thiệu loại hình tiểu thuyết phương Tây vào nước ta, để sau này nó được mùa sai hoa trĩu quả với những tiểu thuyết tâm lý trữ tình của nhóm Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết hiện thực tả chân của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Lạp... các truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao... Có thể nói tiểu thuyết và truyện ngắn Việt Nam chịu ảnh hưởng khá lớn của tiểu thuyết và truyện ngắn phương Tây. Trước đó ta chỉ có truyện kể bằng văn vần (Kiều, Phan Trần, Nhị độ mai...) hoặc tiểu thuyết chương hồi theo lối Trung Quốc (như bộ Hoàng Lê nhất thống chí...) Cho nên tiểu thuyết ta bây giờ có thể hoà nhập dễ dàng với nền tiểu thuyết thế giới là nhờ thế. Bạn đọc nửa đầu thế kỷ đều đánh giá là bộ truyện Mai-nương Lệ-cốt (Manon Lescaut) văn dịch duyên dáng, chải chuốt, là bộ tiểu thuyết ông Vĩnh dịch hay hơn cả. Bây giờ có nhiều tiểu thuyết người ta dịch lại, như bộ tiểu thuyết Les Misérables của V.Hugo được dịch là Những người khốn khổ. Tôi chắc là nhiều đoạn dịch sẽ hay hơn thời ông Vĩnh dịch. Điều đó không sai. Vì người đi trước đã tránh cho người đi sau được nhiều sai sót. Nhưng sao cái tên truyện Những người khốn khổ tôi vẫn thấy nó chưa thật sát nghĩa, nó mang cái vẻ ý thức giai cấp, tôn trọng những người khốn khổ, sợ dịch là "khốn nạn", nó có vẻ khinh bỉ coi thường những kẻ khốn cùng chăng. Theo chỗ hiểu của tôi thì, từ misérable còn mang nghĩa loại tiếng mắng chửi. Tỏ sự khinh bỉ, mắng mỏ ai, người ta nói: Misérable! Chuyển nghĩa tiếng Việt là: Đồ khốn nạn! Victor Hugo lấy đặt làm tên truyện với hàm ý: Vâng, những con người mà thiên hạ thường khinh bỉ, đáng nguyền rủa ấy, lại có những tâm hồn thánh thiện như anh tù khổ sai Jean Valjean, có trái tim tràn ngập tình thương như cô gái điếm Fantine, có cử chỉ hào hiệp anh hùng như chú bé bụi đời Gavroche. Cho nên dịch là Những kẻ khốn nạn như ông Vĩnh, nó sát nghĩa nguyên bản, cũng như ý tưởng của tác giả hơn. Ông Vĩnh còn dịch truyện các danh nhân Hy-La, sách khảo cứu về Rabelais, sách Luân lý học và Triết học yếu lược, nghĩa là gần như đủ các loại dịch thuật của hồi đầu thế kỷ. 5. Dịch truyện Kiều. Nhận định, ông Nguyễn Văn Vĩnh là chiếc cầu nối văn hóa Đông Tây, thì ngoài việc kể trên, còn phải nói đến công việc chuyển dịch và giới thiệu nền văn hóa phương Đông cho người phương Tây biết. Ông Vĩnh đã dịch từ chữ Hán sang tiếng Pháp những bài Tiền Xích Bích và Hậu Xích Bích là những áng văn hay của văn học Trung Quốc đăng trên Đông Dương tạp chí, để những người Pháp làm quen với văn học phương Đông. Ông Vĩnh còn viết nhiều bài giới thiệu về phong tục tập quán của người Việt Nam đăng trên L’Annam nouveau bằng tiếng Pháp (như bói lá, bói trầu, tục lệ cưới xin, ma chay vv...). Nhưng đặc biệt nhất là việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Pháp. Kiều là một tác phẩm hay độc nhất vô nhị của người Việt Nam. Nó được truyền tụng khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn. Kẻ ít học cũng như người đại trí thức thảy đều mến mộ nó. Tinh hoa của ngôn ngữ tiếng Việt như được tụ hội vào cả truyện Kiều. Nó lại được Nguyễn Du viết bằng thể lục bát là thể văn vần truyền thống với những cách chơi chữ, nói lái, nói láy, điệp ngữ, đảo ngữ, hoán dụ, ẩn dụ, ngoa ngôn... thôi thì đủ vẻ, tỏa lấp lánh ánh hào quang mê đắm của ngôn ngữ Việt Nam. Dịch ra tiếng nước ngoài rất khó. Suốt 30 năm hoạt động văn học của đời mình (1906-1936) ông Vĩnh đã dịch đi dịch lại Truyện Kiều ra tiếng Pháp nhiều lần. - 1908-1910 ông Vĩnh đã dịch và giới thiệu Truyện Kiều trong báo "Notre journal" và "Notre revue". - 1913-1917 dịch lại và in tải trong "Đông Dương tạp chí". - 1933-1936 dịch lại lần cuối cùng, theo bản Kiều quốc ngữ của Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim, in tải trong "L’Annam nouveau". Đến năm 1943, sau khi ông Vĩnh mất 7 năm, nhà xuất bản Alexandre de Rhodes in thành sách, do họa sĩ Mạnh Quỳnh minh họa. Nên biết khi ông Vĩnh còn làm chủ bút tờ Đăng cổ tùng báo, ông đã cùng ông Phan Kế Bính dịch truyện Kiều từ chữ nôm ra chữ quốc ngữ, in thành sách rẻ tiền nhằm truyền bá chữ quốc ngữ. Ông còn bỏ tiền thuê đoàn tuồng Quảng Lạc diễn Kiều để quay phim. Ông bỏ nhiều công sức dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp chính là muốn giới thiệu với nước Pháp và thế giới, ngôn ngữ tiếng Việt và văn học Việt Nam. Ông đã từng viết: "Nước Annam ta đã bị mất bởi những người trí thức chỉ biết làm văn học Tầu, chúng ta hãy cố gắng để không trở thành những người trí thức chỉ biết làm văn học Pháp". (L’Annam a été perdu par les lettrés qui n’avaient faits que de la littérature chinoise, tâchons de ne pas devenir dé lettrés qui ne font que la littérature francaise - Notre journal 1908). Cách dịch Kiều của ông Vĩnh rất khác lạ. Có thể nói là sự giảng tiếng Việt bằng tiếng Pháp, cũng không sai. Ông dịch từng tiếng một (mot à mot). Rồi dịch cả câu, cốt làm rõ nghĩa, không phụ thuộc vào từ và điệu. Sau mỗi đoạn đều có giảng nghĩa và ghi chú rất công phu (Notes et Commentaires). Thí dụ: Ngày xuân con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Cỏ non xanh tận chân trời, Cành lê trắng điểm một vài bông hoa. Dịch từng chữ: Ngày (jours) xuân (printemps) con (unité d’animaux) én (hirondelle) đưa (pousser, conduire, se mouvoir) thoi (navette). Thiều quang (clartés sereines) chín (neuf) chục (dizaines) đã (déjà) ngoài (hors, dehors, dépasser) sáu mươi (soixante). Cỏ (Herbe) non (jeune, tendre) xanh (vert, verdir) tận (jusqu’à, finir, à l’extrémité) chân (pied) trời (ciel). Cành (branches) lê (poiriers) trắng (blanc) điểm (tachetées) một (un) vài (deux) bông (houppes, unités de fleurs, fleurs par extension) hoa (fleurs). Dịch cả câu: Les jours du printèmps passèrent, rapides comme l’hirondelle poussant la navette. Des quatre-vingt-dix beaux jours du printemps, on était déjà au - delà du soixantième[2]. Le tapis vert d’herbe tendre s’étendait jusqu’à l’extrême horizon. Les branches de poiriers étaient de blanc - tachetées par quelques fleurs[3]. V. Tạm kết luận. Thật ra, những công việc của ông Nguyễn Văn Vĩnh đã làm ở nửa đầu thế kỷ, có tầm cỡ của một học giả, một nhà văn hóa lớn. Cần có nhiều công trình nghiên cứu để đánh giá cho đúng những đóng góp của ông với nền văn hóa nước nhà. Để tạm dừng bài viết này, tôi muốn mượn lời nhận xét của nhà phê bình Vũ Ngọc Phan viết ở thời điểm giữa thế kỷ về ông Nguyễn Văn Vĩnh như sau: "Nguyễn Văn Vĩnh là một người rất có công với quốc văn, nhưng không phải chỉ nhờ ở những sách dịch trên này mà ông có công ấy. Ông có công lớn với quốc văn là vì ông đã đứng chủ trương một cơ quan văn học vào buổi mà đối với văn chương, mọi người còn bỡ ngỡ. Ông lại hội họp được những cây bút có tiếng, gây nên được phong trào yêu mến quốc văn trong đám thanh niên trí thức đương thời, vì ngoài một vài quyển tạp chí có giá trị, thanh niên hồi xưa không làm gì có những sách quốc văn như bây giờ để đọc. Mà Đông dương tạp chí (ông Vĩnh làm chủ bút - người viết chú thích) hồi đó như thế nào? Người Tây học có thể thấy trong đó những tinh hoa của nền cổ học Trung Hoa mà nước ta đã chịu ảnh hưởng lâu đời; người Hán học có thể thấy trong đó những tư tưởng mới của Tây phương là những tư tưởng mà người Việt Nam ta cần phải biết rõ để mà thâu thái. Những bài bình luận, những bài tham khảo về Đông phương và Tây phương đăng liên tiếp trong Đông Dương tạp chí, ngày nay giở đến, người ta vẫn còn thấy là những bài có thể dựng thành những bộ sách biên tập rất vững vàng và có thể giúp ích cho nền văn học Việt Nam hiện đại và tương lai" (Nhà văn hiện đại. Quyển nhất trang 57 Nhà xuất bản Vĩnh Thịnh Hà Nội). Chúng ta là lớp hậu sinh ở cuối thế kỷ, hay chúng ta chịu ơn những người đi trước, và càng thêm lòng kính phục khi ta biết hoàn cảnh khó khăn của lớp trí thức cha ông ở buổi giao thời. Chỉ với giác độ một dịch giả thôi, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã xứng đáng với danh xưng là chiếc cầu nối hai nền văn hóa Đông Tây. Xuân Bính Tý, tháng 2-1996 Bs. Nguyễn Lân Đính st -------------------------------------------------- [1] Trước, đồng Franc lấy vàng làm bản vị, đồng Đông Dương lấy bạc làm bản vị. Việc chuyển tiền Đông Dương sang kim bản vị chỉ có lợi cho ngân hàng Pháp, và có hại cho Đông Dương. Sau cuộc họp, phát hành tờ một đồng vàng vẽ người gánh dừa. [2] Le printemps compte quatre - vingt - dix jours, soit trois mois. Ces jours sont dits des clartés, des douces lumières. On était au troisième mois de l’année lunaire. (Mùa xuân gồm 90 ngày, tức 3 tháng. Những ngày này trời trong trẻo, ánh sáng dịu dàng. Lúc này đã là tháng thứ ba của năm Âm lịch). [3] Ces deux vers annamites traduisent deux vers chinois: Phương thảo liên thiên bích Lê chi sổ điểm hoa. L’herbe odorante se continue jusqu’au mur du ciel Les branches de poiriers portaient quelques taches de fleurs. (Hai câu thơ Annam chuyển dịch từ hai câu thơ Tầu: Phương thảo liên thiên bích Lê chi sổ điểm hoa. Cỏ thơm trải dài đến chân trời Những cành lê đã thoáng điểm hoa) vv... Sau này cũng có vài bản dịch Truyện Kiều khác bằng tiếng Pháp. Nhưng bản của ông Vĩnh vẫn là bản được mọi người đánh giá rất cao. Đa số những người nước ngoài, biết tiếng Pháp, muốn nghiên cứu tìm hiểu Truyện Kiều đều thông qua bản dịch này. Ngay cả những người Việt Nam biết tiếng Pháp, muốn nghiên cứu sâu Truyện Kiều, hoặc muốn học thêm tiếng Pháp, cũng đều dùng bản dịch này. NHÂN NGÀY GIỖ TỔ, VỀ THĂM ĐỀN HÙNG * Hùng Vương, Thục, Trưng, Tiền Lý, Ngô * Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần , Hồ * Lê Sơ, Mạc, Lê (Trung hưng), Tây Sơn, Nguyễn * Lịch sử Tiên Rồng. (Lời mới của bài “London Bridge”) Chúng ta ai cũng nhớ đến Quốc tổ Hùng Vương, vương triều đầu tiên của Lịch sử Việt Nam, theo như bài hát “Việt sử ca” kể trên – bài hát ngắn gọn, tóm tắt tất cả 15 vương triều từ đời vua Hùng Vương cho đến đời Nguyễn (30-8-1945) – căn cứ theo Niên biểu Việt Nam của Vụ Bảo tồn bảo tàng, Bộ Văn hóa Thông tin. Nhân ngày Giỗ Tổ 10-3 âm lịch, tôi ra Hà Nôi và cố gắng tranh thủ đi Phú Thọ, ghé thăm Đền Hùng, để hiểu biết về Đất Tổ, và thế là tôi đã thu xếp, vượt gần 90km để đến với Đền Hùng. Nhờ một người anh họ ở Hà Nội nhận làm hướng dẫn viên cho chú em từ phương Nam, lơ ngớ là tôi, mới khỏi ‘lạc điệu’ trong cuộc hành hương về với Đất Tổ lần này. Từ khu mộ Làng Cả, qua cầu Bạch Hạc, đã thấy một vùng núi non hùng vĩ, mà theo lời của người anh, đó là núi Hùng, núi Văn và núi Trọc. Riêng Đền Hùng được xây dựng trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh của đất Phong Châu xưa (hiện nay thuộc xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ). Núi Nghĩa Lĩnh cao 175m, thuộc thôn Cổ Tích (xã Hy Cương). Tại đây, các đền thờ, lăng miếu nhắc nhở sự tích các vua Hùng và giải thích nguồn cội dân tộc Việt Nam. Nơi đây theo truyền thuyết còn có 99 ngọn đồi, hóa thân của 99 con voi có nghĩa, phủ phục chầu về núi Tổ. Nghĩa Lĩnh còn là nơi các vua Hùng chọn làm nơi tế Trời đất, Linh thần và các vị Tiên Tổ. Toàn bộ khu di tích gồm 4 đền, 1 chùa và 1 lăng, hài hòa trong phong cảnh thiên nhiên, có địa thế cao rất đẹp mắt. Cồng Đền Hùng nằm ở phía tây của chân núi, xây theo kiểu tam quan, hai tầng, góc mái uốn cong. Bờ nóc có “Lưỡng long chầu nhật”, cửa chính giữa cao rộng, với 4 chữ Hán phía trên cổng, viết theo lối chữ chân, đại tự là: “Cao sơn cảnh hành” (Lên núi cao nhìn xa rộng) và các câu đối viết dọc theo bốn thân cột. Từ cổng Đền, khách muốn lên Đền Hạ phải vượt qua 255 bậc đá. Tương truyền nơi đây Mẹ Âu Cơ đã sinh ra bọc trăm trứng, nở trăm con . Dâng hương ở chùa Thiên Quang xong, anh họ dẫn tôi đến nơi thờ hai vị Công chúa, nổi danh tài sắc, con của vua Hùng Vương thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa, anh giải thích: Đây gọi là Giếng Ngọc, là ‘tấm gương soi’ mà ngày xưa hai nàng Công chúa thường soi vào để vấn khăn, chải tóc, mỗi khi cần ra ngoài! Hãy ngồi mà thưởng lãm phong cảnh, nghỉ chân, chuẩn bị leo thêm 168 bậc đá nữa để viếng Đền Trung, thăm nơi hội họp và làm việc của các vua Hùng thời xưa. Ở đền Giếng, không khí đã khác xa với không khí ở cổng Đền. Gió thoảng nhẹ nhưng mát lạnh. Tôi dường như lạc vào cái không khí trầm lắng xa xưa, suy nghĩ miên man về một thời kỳ dựng nước của Cha ông ta xưa… Cột Đá Thề, Giếng Ngọc, hạt Lúa thần và cây Thiên tuế, theo Ban quản lý khu di tích lịch sử Đền Hùng, đó là những “linh vật” của Khu di tích. Chỉ cây Thiên tuế, được chống đỡ bằng cột và giá sắt, anh tôi nói vui:’Cụ cũng đã gần 800 tuổi rồi đấy’, bỗng nhiên tôi muốn chắp tay xá ‘Cụ’ trước khi giã từ để lên viếng Đền Trung. Chưa kịp ngắm nghía hết các ‘phòng họp’ của các vua Hùng, anh tôi đã đưa tay xem đồng hồ và thúc giục nhanh lên Đền Thượng, nơi có lăng vua Hùng tượng trưng cho mộ Tổ. Vậy là chúng tôi hì hục để đến với Đền Thượng. Đây là nơi mà ngày xưa các vua Hùng đã dùng làm nơi tế lễ Trời Đất, Thần Núi và Thần Lúa. Trong Đền có bức hoành phi lớn đề 4 đại tự: “Nam quốc Sơn hà”. Trước Đền có một cột đá lớn, ám đen khói hương. Đây là cột Đá Thề, mà theo truyền thuyết là do vua Thục An Dương Vương dựng lên, nguyện đời đời nối dõi cơ nghiệp các vua Hùng để lại. Trước Lăng vua Hùng, tôi cùng người anh nghiêm trang, kính cẩn dâng hương và cầu nguyện. Buổi trưa im ắng, trước phong cảnh hữu tình, nên thơ, trang trọng, thiêng liêng, tâm hồn tôi cảm thấy lâng lâng, khó tả… Không còn nhiều thời gian để ngắm cảnh và thả hồn mình theo những áng mây bay về phía Ngã ba Hạc, nơi sông Lô đổ nước vào sông Hồng, nơi các dãy núi Tam Đảo, Ba Vì mờ ảo, bồng bềnh trong mây. Chúng tôi xuống núi, tìm một hàng quán, để bạn đãi những món quà dân dã mà độc đáo, để tiếc không được chứng kiến và thưởng thức những món ngày xưa dùng để…tiến Vua, như hồng Hạc Trì, bưởi Đoan Hùng, cá Anh Vũ…Bạn ỡm ờ hẹn, lần sau cứ đến, sẽ được chiêu đãi! Hơn nửa đời người, tôi mới được một lần đến với Đất Tổ, Đền Hùng. Nơi cội nguồn của dân tộc. Đến với xứ sở của “Rừng Cọ, đồi Chè, Đồng xanh ngào ngạt”, là nguồn cội của tâm linh người Việt, mới thấy thấm thía câu nói: “Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước. Cả nước hướng về Đền Hùng”, và câu ca dao cổ: Dù ai đi ngược về xuôi Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng ba” LỄ HỘI ĐỀN HÙNG Lễ hội Đền Hùng cũng là dịp giỗ Tổ thiêng liêng. Hàng năm vào cuối xuân, nhân dân cả nước lại hướng về Đất Tổ, nô nức hành hương tưởng niệm các vua Hùng, triều vua mở nước và dựng nghiệp, lập ra nhà nước Văn Lang cổ đại. Hàng năm chính hội là ngày 10-3 âm lịch, ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đông vui nhất thường từ ngày 8-3 đến ngày 11-3 âm lịch. Sáng ngày lễ chính 10-3 có nghi lễ Rước kiệu hoành tráng, nghi lễ Dâng hương rất trọng thể, nghi lễ Dâng lễ vật của con cháu khắp mọi miền đất nước. Phần hội có nhiều hoạt động vui chơi như hát thi (hát ca trù, hát xoan), đâm trống đồng, các trò chơi truyền thống của người Việt, người Mường. Lễ hội Đền Hùng là một ngày hội lớn của Việt Nam, ca ngợi sự hưng thịnh của nòi giống, là biểu tượng của tinh thần cộng đồng, nhắc nhở người dân Việt Nam chung sức xây dựng đất nước ngày một phồn vinh. Lễ hội năm nào cũng nhộn nhịp, đông vui. Hàng chục vạn người hành hương từ mọi miền đất nước, cũng như kiều bào và du khách nước ngoài đến dâng hương lễ Tổ. Đây là một ngày Lễ quốc gia, tất cả công, tư sở, trường học đều được Nghỉ một ngày, vào đúng ngày Lễ chính 10-3 âm lịch, tương ứng với ngày dương lịch để mọi người tường nhớ đến công lao to lớn của Quốc tổ Hùng Vương. CẦN GIỮ NÉT ĐẸP TINH THẦN CHO LỄ HỘI. Hàng trăm Lễ hội lớn nhỏ của tháng giêng đi qua là những bãi rác khổng lồ chất quanh đền chùa – nơi được coi là chốn linh thiêng. Nơi này người dân bức xúc vì thanh niên vẽ bậy, nơi kia buồn vì giới trẻ ăn mặc hở hang đi chùa. Đó là chưa kể đến những lời than không dứt về việc hàng đống tiền chất đầy đền này phủ kia, ngân sách nhà nước bỏ ra cho Lễ hội bị lãng phí. Ai cũng muốn làm cái Lễ hội cho làng mình tươm tất hơn. Để rồi sinh ra hàng ngàn hệ lụy tốn tiền của người dân và nhà nước. Sau vài ngày Lễ hội, đền chùa có đẹp hơn không? Chẳng có đền, chùa hay di tích nào trụ vững trước hàng trăm ngàn người chen lấn, xô đẩy, không chen được thì trèo lên bờ tường, hàng rào, giẫm lên cỏ… Nét đẹp tinh thần của người Việt từ xa xưa hình như không còn được gìn giữ, mà đã bị lợi dụng, thậm chí biến tướng để phục vụ cho mục đích cá nhân, tập thể… Thái độ văn hóa của người tham gia Lễ hội là việc rất đáng nói trong hoàn cảnh hiện tại. Trong số đó, phần nhỏ là người về thăm lại Quê hương nói chung có thái độ rất tốt với bản quán, trừ việc cung tiến đến mức đưa vào Di sản bừa bãi những đồ thờ không hợp với cảnh quan. Nhìn cách nhiều người hành xử trong những Lễ hội mới thấy dường như, chưa bao giờ sự Dị đoan bùng nổ như hiện nay, làm mất hết ý nghĩa thiêng liêng cúa các tín ngưỡng bản địa và Phật giáo. Lễ hội văn hóa trong xã hội hiện đại ở bất cứ nước nào, đều gắn với kinh doanh. Nhưng điều tiết giữa những món lợi và hành vi văn hóa để Lễ hội còn sống mãi với thời gian, là việc mà các Địa phương nên đặt lên hàng đầu, trong đó những Nội dung Văn hóa Truyền thống phải được coi là Thiêng liêng bất biến để Trân quý, giữ gìn. (Tham khảo: - sách Non nước Việt Nam, TC Du lịch VN, 2005 - báo Tuổi trẻ Cuối tuần số 7-2011) PHẠM VŨ
BỐ THÍ và BỐ THÍ BA LA MẬT Từ rất lâu, chúng ta thấy việc Bố Thí hay còn gọi là “làm Từ Thiện” khá phổ biến trong nhiều giới. Từ hoa hậu cho đến các nghệ sĩ, ca sĩ. Từ những doanh nhân cho đến những thương gia, tiểu thương, tập thể y, bác sĩ ở những bệnh viện… Tự mỗi cá nhân hay lập thành nhóm, cách này hay cách khác, giúp đỡ những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Những việc làm tốt đẹp như thế, dù dưới hình thức, động cơ nào cũng rất là đáng quý, đáng trân trọng, nói lên nghĩa tình “lá lành đùm lá rách”. Người đang trong hoạn nạn mà thấy mọi người quan tâm chia sẻ với mình thì ấm lòng biết bao. Thế nhưng lại có câu Kinh: “Vong thiết Bồ Đề Tâm, tu chư thiện nghiệp thị danh ma nghiệp”, có nghĩa là nếu thiếu cái tâm Bồ Đề thì làm thiện nghiệp là tạo ma nghiệp, làm cho nhiều người hoang mang! Tại sao làm nghiệp thiện mà lại là ma nghiệp? Chúng ta nên hiểu điều đó ra sao? Đức Thích Ca khi quan sát vòng Luân Hồi, thấy rằng những việc mà mọi người làm trong lúc Vô Minh sẽ không ra ngoài 6 con đường gọi là LỤC ĐẠO, là: Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Nhân, A Tu La, Thiên. Người tạo nghiệp thuần thục trong đường nào thì khi bỏ thân xác sẽ thọ lấy cái Thân mới theo l trong 6 đường đó. Vì vậy, Ngài bày ra Luc Độ, là 6 việc làm để hóa giải 6 con đường này, gồm có: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Định, Trí Huệ. Mỗi “Độ” nhằm tháo gỡ một đường. Người mang Nghiệp Ngạ Quỷ là những người nghèo khổ, túng thiếu, đói khát. Hoặc dù có tiền của những không thể ăn, uống được như người bị những chứng bệnh làm cho việc ăn uống trở thành khó khăn, bị những cơn đói khát hành hạ. Bố Thí cũng là để hóa giải cho tính tham lam, bỏn xẻn, ích kỷ. Theo Đức Thích Ca, nguyên nhân của nghèo đói, thiếu thốn là do kiếp trước tham lam, bỏn xẻn, chỉ biết thu gom, vun vén, không biết bố thí, giúp đỡ cho người khác nên không khác nào người không biết để dành tiền bạc tất nhiên phải nghèo đói. Mà đã nghèo đói, cái ăn còn không có thì làm sao giúp được cho người khác? Vì thế lại tiếp tục khó thoát nghiệp đó ở kiếp tới. Do đó, Ngài dạy chúng ta nên giúp đỡ cho người khác như một hình thức tích lũy cho những kiếp về sau. Những người PHÁ GIỚI thường gây những Nghiệp nặng nên phải rớt vào Ba đường đau khổ nhất trong 6 đường, gọi là Tam Đồ, tức là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh. Vì vậy, người Trì Giới một cách nghiêm túc sẽ được bảo vệ, không phải rơi vào các đường dữ đó. Người không làm chủ được hành vi, lời nói, dễ nóng nảy, hay gây gổ, hiếu thắng, gọi là SÂN, SI. Theo Đức Thích Ca. Những người này dù là con người, gọi là đường Nhân, Hoặc ở đường thiên, là Thần, gọi là A Tu La thì cũng dễ nóng nảy, hay gây gổ, tranh chấp với người khác, vì thế, cần có hạnh Nhẫn Nhục để đối trị. Nghiệp Súc Sinh là người dù không trực tiếp mang cái thân của các loài vật, nhưng tâm trí, hành động thì đa phần thấp hèn, thích làm theo bản năng, gọi là Nhân Súc Sinh. Tất cả 6 Đường đều do Vô minh mà hành động nên rất cần có TRÍ HUỆ tức là sự sáng suốt để biết cách mà tự chỉnh sửa lại. Mỗi con đường đều có tính cách của 6 đường kia. Thí dụ như đường NHÂN thì cũng có Nhân Địa Ngục, tức là những con người nhưng luôn bị đau khổ bức bách vì bịnh tật nơi nội thân hay luôn bị truy đuổi bức hại, bị hành hạ, đánh đập, khổ sở không yên. Nhân Ngạ Quỷ, là người bị Nghiệp đói khát, thiếu thốn hành hạ. Nhân Súc Sinh là những người nhưng hành vi thấp hơn con người, thiếu những tính cách cần có của một con người là Nhân, nghĩa, mà chỉ biết tham lam, tìm cầu để đáp ứng cho những dục vọng tầm thường, thấp hèn. Nhân A Tu La là những người hay nóng tính, lúc nào cũng gây hấn, thích hơn thua, tranh chấp. Nhân Thiên là những người mang tư tưởng hướng thiện, thanh cao, tao nhã, được hưởng cuộc sống đầy đủ phước báo, an nhàn. Theo Đức Thích Ca, 3 đường dưới là Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh nghiệp quá nặng, vì thế rất khó thoát. Khi muốn phát tâm tu hành thì cũng khó thành công. Vì vậy cố gắng sao để đường rớt vào 3 Nghiệp này. Do đó, BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC là 3 việc cần làm cho người muốn Thoát Ác Nghiệp. Bước đầu vào tu Phật thì người tu được hướng dẫn cho Thoát ÁC NGHIỆP, bằng những phương cách để đối trị, để không phải rơi vào những con đường ác. Hoặc đang lỡ ở trong đường Ác rồi thì càng phải TINH TẤN hơn trong các pháp đối trị để thoát ra. Nhưng tu hành theo Đạo Phật không chỉ là CẢI ÁC, HÀNH THIỆN, mà còn phải Thoát cả Thiện, Ác. Ngài BỔN TỊNH Thiền Sư có Kệ: “Bỏ ÁC đưa về đâu? Lấy LÀNH ai giữ đó?” Có nghĩa là dù BỎ ÁC, cố gắng tạo THIỆN NGHIỆP thì cũng vẫn là CÒN CÁI TA. Còn làm để TA không bị đọa, hay cố gắng làm tốt để TA và CON CHÁU TA ĐƯỢC HƯỞNG thì vẫn là còn TA, mà Còn Ta SINH - dù là để HƯỞNG - thì tất nhiên vẫn còn Ta TỬ, là chưa thoát được vòng LUÂN HỒI. Vì thế mà có câu Kinh: “Vong thiết Bồ Đề Tâm, tu chư thiện nghiệp, thị danh ma nghiệp”, có nghĩa là làm thiện Nghiệp mà thiếu cái tâm Giải Thoát - tức là làm mà còn mong cầu - là tạo ma nghiệp, vì vẫn nối tiếp con đường Sinh, Tử. TÂM BỒ ĐỀ tức là cái TÂM GIẢI THOÁT. Cái Giải Thoát này phải THOÁT luôn cả CÁI TA, tức là chỉ nên BỐ THÍ là chỉ vì TÂM TỪ, vì muốn giúp đỡ cho hoàn cảnh nào đó, không nhằm tích lũy phước báu hay mua danh, muốn được nhiều người biết đến. Với những người thấy Kinh viết rằng “Bố Thí cho chùa chiền hay những người tu hành thì sẽ được công đức vô lượng”, nên họ chỉ nhắm vào đó để bố thí, không ngó ngàng tới những hoàn cảnh cần giúp đỡ khác. Như thế không khác nào là trao đổi, muốn bỏ vốn một mà lời gấp muôn vạn, thì Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy: “Này thiện nam tử! Cũng vậy, Bồ Tát nếu lúc làm việc bố thí phân biệt người thọ là trì giới hay phá giới, nhẫn đến phân biệt quả báo thời chẳng bố thí trọn vẹn. Nếu chẳng bố thí trọn vẹn thời chẳng đầy đủ Đàn Ba La mật. Nếu chẳng đầy đủ Đàn Ba La mật thời chẳng đặng thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Này thiện Nam Tử ! lúc làm việc Bố Thí, Bồ Tát đối với chúng sanh lòng từ bình đẳng tưởng như con mình. Lại lúc làm việc Bồ Thí, đối với các chúng sanh Bồ Tát sanh lòng thương xót như cha mẹ săn sóc đứa con đang đau ốm. Lúc làm việc bố thí, lòng Bồ tát vui mừng như cha mẹ thấy con lành mạnh. Sau khi đã bố thí, lòng Bồ Tát buông bỏ như cha mẹ thấy con khôn lớn đã có thể tự sanh sống (ĐẠI BÁT NIẾT BÀN Q.1 TR. 511). Kinh DUY MA CẬT viết về Bố Thí như sau: “Nếu người thí chủ dùng tâm bình đẳng thí cho một người ăn xin rất hèn hạ xem cũng như tướng phước điền của Như Lai, không phân biệt, lòng đại bi bình đẳng, không cầu quả báo, đó gọi là đầy đủ pháp thí vậy”(DMC tr. 89) Đã có LỤC ĐỘ, nhưng cũng có LỤC ĐỘ BA LA MẬT. Nghĩa của Ba La Mật là Qua Bờ Bên Kia. Vì vậy, Lục Độ này mới có tác dụng đưa người làm đển Giải Thoát rốt ráo. Thế nào gọi là hành LỤC ĐỘ BA LA MẬT? Trong Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Phật: “Thế nào gọi là tu chứng được sáu Pháp Ba La Mật? Phật đáp: “Nếu có chúng sinh nào hay bỏ ruợu thịt không dùng. Hay bỏ của cải không ham. Hay bỏ ân ái không luyến. Hay bỏ nhơn ngãi không tranh. Người ấy gọi là KẺ ĐỆ NHẤT BỐ THÍ BA LA MẬT. Lại nữa, nếu có chúng sinh nào hay giữ GIỚI của Phật không phạm, hay tập oai nghi của Phật, hay hàng phục được Sáu căn, hay đoạn trừ được tà mị. Người ấy gọi là Đệ Nhị Trì Giới ba La Mật. Lại nữa, nếu có chúng sinh nào hay chịu được người chê bai, hay nhịn được người mắng nhiếc, hay lấy chơn chánh đối với tà phi, hay lấy thuận thảo đối với trái nghịch. Không những hoàn toàn không oán hận mà còn tìm cách cứu độ kẻ thù. Người ấy gọi là Đệ tam Nhẫn Nhục Ba La mật. Lại nữa, nếu có chúng sinh nào hay học được 12 Bộ Kinh của Như Lai. Thọ trì, đọc, tụng, viết chép, giảng giải. Chưa thông cần phải thông. Chưa chứng cần phải chứng. người ấy gọi là kẻ được Đệ Tứ Tinh tấn Ba La Mật. Lại nữa, nếu có chúng sinh nào hay trừ được hôn trầm, tán lọan, hay tu Thiền Định, sức định vững vàng như núi, tà ma quấy rối không tán loạn. Người ấy gọi là kẻ được Đệ Ngũ Thiền Định Ba La Mật. Lại nữa, nếu có chúng sinh nào hay phá được Vô Minh. Không chấp các tướng. Giáo lý Phật Pháp đều thông. Bặt dứt hết thị phi, ngôn ngữ đứng đắn, văn tự rõ ràng. Người ấy gọi là kẻ được Đệ lục Trí Huệ Ba La Mật. Người nào hay đầy đủ SÁU pháp BA LA MẬT ấy thì nguời đó đã ra khỏi sanh tử, đến bờ Giải Thoát bên kia, gọi là vượt ra Ba Cõi, lên Thập Địa, vào Kim Cang, thành Chánh Giác”. BỐ THÍ BA LA MẬT liên quan đến BẢY BÁU mà ta thấy mô tả ở TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC. Văn thù Sư Lợi Bồ Tát hỏi Phật: “Thế nào gọi là một thân có BỐ THÍ BẢY BÁU? Phật đáp: CHẲNG THAM LÀ BỐ THÍ. Như Mắt không tham Sắc tốt đẹp. Đó là SẮC BÁU BỐ THÍ.Tai không nghe âm thanh vi diệu đờn ca xướng hát hay ho. Đó là THANH BÁU BỐ THÍ. Mũi chẳng tham ngửi mùi thơm tuyệt diệu, đó là HƯƠNG BÁU BỐ THÍ. Lưỡi chẳng tham lương mỹ vị thượng hảo. ĐÓ LÀ VỊ BÁU BỐ THÍ. Thân chẳng tham áo quần lụa là tốt đẹp. Đó là XÚC BÁU BỐ THÍ. Ý chẳng tham danh lợi ân ái. Đó là PHÁP BÁU BỐ THÍ. Tánh chẳng tham dục lạc thế gian. Đó là PHẬT BÁU BỐ THÍ. Người nào hay ngộ được trong thân mình có đủ BẢY BÁU BỐ THÍ ấy sẽ được phước đức lớn hơn đem bảy báu trên thế gian này mà Bố Thí: như vàng, bạc, trân châu, mã não, san hô, hổ phách... mà bố Thí ngàn muôn phần cũng không thể nào so sánh kịp với sự Bố Thí Bảy Báu trong thân muôn một”. Đó cũng là lý do vì sao ta thấy TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC được mô tả toàn bằng BẢY BÁU. Và sở dĩ Phật mô tả kết quả của sự THÍ XẢ những dính mắc trong THÂN, TÂM như vậy, bởi vì mọi người từ khi ý thức cuộc sống thì luôn ôm giữ những ham thích nơi Lục Căn không thể rời bỏ nên Ngài ví như người ôm giữ CỦA BÁU. Vì thế, Bảy Báu nơi Tây Phương Cực Lạc chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, không phải là những thứ châu báu của trần gian. Bởi vì Phật là vô tướng, do “vô lượng công đức mà thành” thì làm sao nhận những của báu hữu vi do con người dâng cúng? Cúng những thứ ngoại thân, cho ngoại Phật thì đó chỉ là tích lũy PHƯỚC ĐỨC. Chỉ khi thí xả những dính mắc nơi chính Thân Tâm của mình mới gọi là làm CÔNG ĐỨC, vì việc làm đó góp phần tẩy, rửa, vun bồi, hoặc gọi là tạc tượng Phật, là thiết lập Cõi Phật nơi Tâm của mình. BỐ THÍ BA LA MẬT được gọi là BỐ THÍ TAM LUÂN KHÔNG, tức là KHÔNG CÓ CỦA CHO, KHÔNG CÓ NGƯỜI CHO, KHÔNG CÓ NGƯỜI NHẬN. Bởi của thí xả cũng là CỦA MÌNH. Người CHO là chính Mình, và người nhận cũng là CHÍNH MÌNH, và kết quả đạt được là chính bản thân người làm công việc Thí xả đó được hưởng kết quả là GIẢI THOÁT. Dù rằng những việc làm từ thiện khi còn mang thân tướng, chúng ta cũng rất cần làm, vì giúp đỡ nhưng người kém may mắn hơn ta đó là trách nhiệm giữa con người và con người với nhau, để cuộc sống được tốt đẹp hơn. Nhưng nếu lấy đó làm công năng tu hành thì hoàn toàn sai lầm. Cho nên chúng ta cần hiểu cho rõ, để đừng hiểu lầm, y theo văn tự rồi dùng vàng bạc, ngọc ngà, châu báu thế gian của cái đi giúp người hay bố thí cúng dường cho chùa chiền, sư tăng, làm Phước Đức mà tưởng đó là làm Công Đức. Cho rằng không đủ điều kiện để tu hành thì tích cực làm những việc đó thay vào. Điều hiểu lầm này cũng được nêu ra trong Pháp Bảo đàn Kinh khi Vi Thứ Sử lập lại câu hỏi của Vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Đạt Ma: “Trẫm trọn đời cất chùa độ tăng, đãi chay làm phước có Công Đức gì chăng? Tổ Đạt Ma đã trả lời: “Thiệt không có Công Đức”. Lục Tổ đã giải thích cho Vi Thứ Sử rõ: “Công đức ở trong pháp thân chớ chẳng phải ở chỗ tu phước”. Công Đức Pháp Thân chính là Lục Độ Ba La Mật được giải thích trong Đại Thừa Kim Cang Kinh Luận trích dẫn phía trước. Trong Bài Kệ dạy tu Lục Tổ cũng nói: “Năng làm phước giúp người lợi lạc. Đạo nào do thí bạc mà thành”, để nói về những người dùng của cải Bố Thí cho nhiều, tưởng đó là đang tu hành, tưởng rằng càng làm nhiều chừng nào thì mau được đạo chừng đó! Không biết rằng, dù có mang hết tài sản ra để bố thí trong vô lượng kiếp thì cũng không xóa được tội, nghiệp đã gây tạo. Bố thí của cải hữu vi cũng không có ý nghĩa gì đối với việc tu hành, vì kết quả chỉ là phước báu sẽ được hưởng kiếp này hoặc những kiếp về sau. Vì vậy, chúng ta cần phân rõ đâu là PHƯỚC ĐỨC hữu vi, đâu là CÔNG ĐỨC VÔ VI. Chính CÔNG ĐỨC VÔ VI mới là công năng tu hành, có tác dụng đưa người làm sang BỜ GIẢI THOÁT. Xả những dính mắc nơi Lục Căn hay Bố Thí Ba La Mật, là hành giả đang tích góp châu báu để trang hoàng cho TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC của chính mình. Đó là ý nghĩa của Thành Phật hay Giải Thoát vậy. Tâm Nguyện
Phụ Bản II THƠ VĂN NHƯ MỘT BÀI TOÁN KHÓ Năm 1873 (Tự Đức thứ 26) tình hình miền Bắc nước ta rất rối rắm, sau khi đại úy Pháp là Françis Garnier theo lệnh Súy phủ Sài Gòn đem quân ra lấy cớ là bảo vệ cho Jean Dupuis mở đường thông thương theo dòng sông Hồng Hà lên Vân Nam để giao thương với Trung Quốc. lần lượt các tỉnh thành Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định và Hải Dương bị Pháp đánh chiếm. Nhưng sau đó xảy ra vụ Françis Garnier bị quân cờ đen phục kích giết tại Cầu Giấy, trong lúc hai bên Pháp và ta tại bàn hội nghị đang bàn chuyện Pháp trả lại bốn tỉnh đã chiếm để tiến tới một thỏa ước khác. Hội nghị do Trần Đình Túc(1) lúc bấy giờ là Hà Ninh Tổng Đốc làm trưởng phái bộ, cơ hồ tan vỡ, nhưng may nhờ khâm sai Nguyễn Văn Tường khéo léo vận động can thiệp mới thanh thỏa được. Ông Tường nói với người Pháp: tình hình bên ngoài chưa ổn định trong lúc hội nghị thì việc Françis Garnier bị giết cũng như Nguyễn Tri Phương bên chúng tôi bị hạ là chuyện cũng không khác thường nên phái bộ mới chịu tiếp tục thương nghị. Nhưng sau khi người Pháp rút khỏi Bắc Kỳ thì tình hình trở nên nhiễu nhương, thổ phỉ cùng các dư đảng của Ngô Côn là bọn cờ đen, cờ vàng trở thành thổ phỉ, lại thêm xung đột tôn giáo, thiên tai lũ lụt, đê vỡ nhiều năm liền nên dân tình rất khổ sở, trong lúc đó người pliền nên dân tình rất khổ sở, trong lúc đó người Pháp đã trả lại 4 tỉnh cho ta nhưng mặt khác họ chủ trương khuếch trương thương mại để tranh quyền lợi với nước láng giềng của ta là Trung Hoa. Thấy thương nghiệp đã dần trở thành vấn đề thời cuộc, chiếm lĩnh nguồn lợi hơn là nông nghiệp thuần túy như nước ta xưa nay, vua Tự Đức đã có ý chọn một vị quan trong triều có tiếng là làm việc cần mẫn, có nhận xét tình hình nhạy bén và không hề từ nan trước một công việc khó nào để ban cho chức vụ: Tổng lý thương chánh(2) đại thần kiêm nhiệm Tổng Đốc Hải An (tức Hải Dương và Quảng An (Yên)). Tình hình ở đất Bắc lúc bấy giờ do bọn du đảng của Ngô Côn là giặc cờ đen do Lưu Vĩnh Phúc, cờ vàng do Hoàng Sùng Anh và cờ trắng do Bàn Văn Nhị lúc ban đầu đã hợp tác nhau cướp bóc, quấy phá khắp nơi, nhưng về sau nhờ có Hoàng Kế Viêm(3) được triều đình Huế cử ra lãnh Tiết Chế Bắc Kỳ quân vụ Đại thần đã thu dụng được Lưu Vĩnh Phúc – chủ tướng quân cờ đen về giúp cho họ Hoàng đánh dẹp và tiêu diệt được bọn cờ vàng, cờ trắng mới yên. Lại thêm đám thố phỉ ở đảo Cát Bà, ban đầu là những dân đã sống dưới triều Minh, bây giờ không chịu đầu phục nhà Thanh nên chạy sang nước ta mượn đất làm căn cứ chống lại tân triều, ban đầu được ta coi như là chí sĩ, nhưng về sau thế cùng họ lại trở thành hải tặc, cướp phá để mưu sinh. Tàu thuyền của họ rất lớn chứa được nhiều người và đặc biệt sơn toàn màu đen, nên lúc bấy giờ dân chúng gọi là “quân tàu Ô”. Về sau, quan quân triều đình ta đánh dẹp được bọn tàu ô lại rút về căn cứ ở đảo Hải Nam vốn là đất Trung Quốc và đi quấy nhiễu vùng duyên hải nước này. Vào thập niên 1940 – 1950, lúc người Pháp còn đương quyền tại Đông Dương, lực lượng tuần dương của họ không biết bắt được tại đâu và vào lúc nào một chiếc tàu ô, kéo về cho neo đậu tại cửa sông Hàn (Đà Nẵng), trông lớn như một chiếc chiến hạm sơn đen ngòm. Năm 1874, tuy quân Pháp đã rút khỏi đất Bắc, nhưng tình hình vẫn chưa được yên ổn do đám tàn dư của Ngô Côn vẫn còn đánh phá cướp bóc các nơi lại thêm nhiễu loạn do đàn em của Tạ Văn Phụng gây nên xung đột lương giáo ở các vùng Bắc Ninh, Quảng Yên, Hải Dương. Nhưng vấn đề lớn vẫn là mở màn cho việc tranh thương của ta với hai thế lực Pháp - Trung Hoa trên đất nước ta, đã được manh nha từ đấy. Vị đại thần được nhà vua chọn lựa để ra chống chọi nơi đầu sóng ngọn gió chính là cụ Phạm Phú Thứ, đương kim chức vụ Hộ Bộ Thượng thư của triều đình. Trong triều, các quan thuộc phe không mấy ưa cái tính cương trực của ông “Nhị Nguyên”(4) này có lẽ cũng được nhẹ nhõm phần nào. Nhưng còn nhà vua thì sao? Chỉ cần được kẻ bề tôi đem hết khả năng ra thực hiện ý muốn của mình. Vua Tự Đức giao nhiệm vụ cho cụ Phạm bằng 2 câu thơ sau: “Tuyền dũng chiêu thương nhiêu quốc phú Băng tan quần đạo tĩnh quân nhu” Được hiểu nôm na như: làm sao cho việc buôn bán dồi dào như nước trong suối chảy ra để làm cho nước nhà giàu có, làm cho giặc giã tan như băng để nhà nước đỡ tổn hao binh phí. Trong bữa tiệc tiễn chân tại Bộ Lễ có vua đến dự, vua Tự Đức lại hỏi cụ Phạm: Khanh đi nhận nhiệm vụ xa, có cần triều đình giúp đỡ gì không? Cụ Phạm tâu xin chỉ cần cho Ông Phạm Ích Khiêm, có lỗi đang bị phạt về nằm khoèo ở quê nhà, đi theo cụ ra đất Bắc để dẹp giặc, chứ không xin gì khác. Quả thật qua yêu cầu này, người ta thấy cụ Phạm cũng có nhận xét về con người rất tinh tế. Ra đến đất Bắc, chính nhờ Ông Ích Khiêm, vị tướng trẻ tài kiêm văn võ này đã dẹp yên được Ngô Côn, và vùng Ba Bể đám thổ phỉ hay quấy nhiễu cũng bị tiêu diệt. Như người ta thường nói: có an cư mới lạc nghiệp, vùng Ninh Hải, tức Hải Phòng bây giờ càng ngày càng trở nên trù phú, việc thương mại càng ngày càng phát đạt, trên bến dưới thuyền, ghe thuyền ra vào tấp nập, dân tình hớn hở. Những nơi đất bị bỏ hoang vì giặc giã nay đã yên ổn, cụ Phạm cho thanh niên trai tráng đến khai khẩn, nông nghiệp phát triển song song với thương nghiệp đem về một mối lợi lớn cho nước nhà và cũng để nâng cao dân trí, tiếp thu kiến thức khoa học của Âu Tây, cụ đã cho mở trường dạy tiếng Pháp và Hải Phòng được coi là nơi có trường dạy tiếng Pháp đầu tiên ở nước ta. Thể diện và chủ quyền: Khi cụ Phạm Phú Thứ ra làm Hải An Tổng Đốc, các vị kỳ lão ở Hải Phòng thường nhắc nhở ca ngợi tính khí cương nghị và đảm lượng hào hùng của cụ. Câu chuyện như sau(5): Khi ấy (1874) nước ta đã bị thuộc Pháp, ở Hải Phòng họ đặt Chủ sự thương chánh do một người Pháp chủ chốt nằm thường trực ở đường sở, có dinh thự riêng, có văn phòng riêng để trực tiếp hành thâu thuế thương chánh (tức thuế quan bây giờ). Các quan đại thần thương chánh người Việt do triều đình phái ra Hải Phòng để liên hệ điều hành xử định thuế má với ông chủ sự người Pháp, thì thường các quan đại thần trước, mỗi khi đáo nhiệm đều mặc áo mão như chầu Vua mà đến yết kiến ông chủ sự Pháp, dần dần thành lệ, ông chủ sự Pháp lại coi là bổn phận của quan triều phải giữ lễ như vậy. Đến khi cụ Phạm đáo nhậm chức thương chánh Hải Phòng thì lại khác, cụ không đến yết kiến chủ sự Pháp như các quan triều trước. Đợi đến 3 tháng không thấy Tổ đến, ông tây chủ sự bèn đến dinh sở của Tổ, mới vào quan ta hống hách hỏi Tổ tại sao các quan trước đều đến yết kiến y, còn ông lại không đến? Cụ nghiêm trang tiếp đón, mời ngồi rồi chậm rãi trả lời: Quý quan là triều thần nước Pháp, tôi là triều thần nước Việt Nam thì tôi là chủ, mà quý quan là khách, quý quan là là người của một đại quốc văn minh, quý quan chắc đã trước hiểu, người chủ có bổn phận đến yết kiến người khách hay người khách có bổn phận trước đến yết kiến người chủ. Ông quan tây ấy nghe nói đúng lý, ngồi sượng sùng đôi giây rồi đứng dậy bắt tay Tổ một cách thân mật. Rồi từ đấy đối với quan triều lại thay đổi cung cách đối xử. Nhưng có lẽ hệ lụy về sau của sự việc này cộng với tài trị chính trong địa hạt tỉnh Hải An làm cho cảng Hải Phòng thương mại ngày càng phát đạt, dân chúng yên ổn làm ăn, đúng như ước muốn của vua Tự Đức, mà nó cũng tạo ra xu thế cạnh tranh quyền lợi giữa người ngoại quốc và người bản xứ, nên Pháp gây áp lực với triều đình Huế bằng cách cho người phao vu là cụ Phạm đã dành ưu tiên việc buôn gạo cho người Trung Hoa hơn là cho người Pháp và đề nghị cho người thay thế cụ. Vua Tự Đức không nghe, vẫn giữ cụ ở lại nhiệm sở; và lúc cụ bị bệnh xin được về làm việc ở triều để chữa bệnh, vua bèn cử một “ngự y” hạng nhất ra Bắc để bốc thuốc cho cụ. Trong lúc tình hình khẩn trương, công việc bề bộn mà cụ lại bị đau cánh tay mặt, không cầm viết được, nên mọi văn thư giấy tờ, kể cả sớ tấu, ông quan chủ tỉnh này đều phải nhờ viên tri huyện Cẩm Giàng là Nguyễn Tường Tiếp(6) viết hộ, vốn cảm phục tài năng và tinh thần phục vụ cho xứ sở, ông Tiếp có đôi câu khen tặng cụ Phạm như sau: “Huệ chính kỳ huân, Lục đầu giang, đông hạ thiên vạn lý Hùng văn lại bút, Ngũ hành sơn, nam trung đệ nhất phong” Hiểu nôm na như: Trị chính tiếng thơm vang phúc một vùng đông sông Lục đầu(7) – Bút quan hùng tráng miền Nam, chính giữa núi Ngũ hành, một đỉnh cao. Con đường hoạn lộ của cụ Phạm Phú Thứ trong hơn 30 năm phục vụ cho xứ sở cũng không được suông sẻ lắm vì cái tánh cương trực cụ việc gì cũng nhằm vào lợi ích của quần chúng, đem lại hạnh phúc cho người dân, trong lúc quân quyền được coi là tuyệt đối, nên cũng lắm lần cụ bị vua phạt và cách chức hàm, nhưng vẫn lưu nhiệm, như trong lần phạt cuối về việc đào sông Bình Giang. Trong lần cụ Trương Vĩnh Ký ra đất Bắc, hai bên gặp nhau, tay bắt mặt mừng trò chuyện thân mật vì trước năm 1863 hại cụ đã biết nhau trong kỳ đi sứ Pháp chuộc đất. Trong câu chuyện cụ Trương hỏi cụ Phạm: Việc đào sông có phải là ngài cho làm mà không có sớ tâu trước? Cụ Phạm nói tôi có gởi sớ xin triều đình, nhưng đợi lâu quá, không thấy ai dám quyết có lẽ vì e rằng mở mang thủy lợi thông thương sẽ giúp cho thương mại của ta phát triển, cạnh tranh với người ngoại quốc đang có mặt ở đây nên tôi làm. Và vua Tự Đức cũng nhận thấy khả năng “Kinh bang tế thế” của cụ Phạm nên đã lệnh cho Nguyễn Tư Doãn lúc bấy giờ là Tuần vũ Hà Nội là mọi việc liên quan đến thương mại đều phải báo tình hình và bàn tính với cụ Phạm Phú Thứ rồi mới được làm. Cho đến năm 1880, cụ Phạm mới được chuẩn cho về làm việc tại triều cũng để xem xét lý tình đầy đủ phân minh và đã được gia ân bổ nhiệm làm Tham Tri – Bộ Binh và đến ngày 17 tháng Chạp năm Tân Tỵ thì cụ qua đời, an táng tại quê nhà: làng Đông Bàn, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Để tỏ lòng thương tiếc một viên quan đã có nhiều đóng góp cho triều đình, vua Tự Đức đã truy phong cho cụ Phạm Phú Thứ thụ hàm nhất phẩm với tước Vinh Lộc Đại Phu Trụ Quốc Hiệp Biện đại học sĩ. Và chỉ dụ cho quan tỉnh sở tại tổ chức tang lễ theo nghi thức tế lao(8), trong lời điều của vua có câu khen ngợi về sự nhanh nhẹn, nhạy bén của cụ: “Quân cơ tọa định ư phiến ngôn Thương chánh nghị thành ư bất nhật” Có nghĩa là: Việc quân chỉ nói nửa lời là xong, việc buôn bán chỉ bàn chưa hết ngày là thành việc. Và cho là bậc kỳ tài của đất Nam trung như trong câu: “Thị Nam trung tối thiên hạ kỳ” Có nghĩa: Thật là một bậc kỳ tài của Nam Trung. PTT. ghi Ghi chú: 1. Trần Đình Túc: người huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, tham chính từ đời vua Thiệu Trị cho đến vua Hiệp Hòa, mất năm Thành Thái thứ 4 (1899). Ông là người sau ngày Pháp đánh chiếm cửa biển Thuận An (20.8.1883) đã vâng mạng vua Hiệp Hòa nhận chức toàn quyền đại thần cùng với Phó toàn quyền Nguyễn Trọng Hợp sang lầu sứ hội nghị với Harmand và De Champeaux để đến ngày 25.8.1883 ký tờ Hòa ước 27 khoản (gọi là Hòa ước Harmand hay Hòa ước Qúy Mùi) chịu nhận cuộc bảo hộ của Pháp. 2. Tổng Lý Thương Chánh: tức tổng giám đốc thương mại và quan thuế 3. Hoàng Kế Viêm: người làng Văn La, tổng Văn Đại, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (1820 – 1909) theo học trường Quốc Tử Giám đỗ Cử Nhân – ông là Phò Mã, kết duyên với Hương La công chúa con gái thứ 5 vua Minh Mạng, Hoàng Kế Viêm là danh tướng triều Nguyễn, trải ba đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã có công đánh dẹp các đám loạn quân và giặc ngoại xâm ở đất Bắc để bảo toàn thanh thế cho triều đình Huế. Năm 1887 (triều Đồng Khánh) ông được thăng Thái Tử Thiếu Bảo, sung cơ mật viện đại thần. tuy là võ tướng, ông cũng sính văn thơ và có để lại tác phẩm như: Tiên Công sự tích biệt lục (thân thế và sự nghiệp của thân phụ ông là Hoàng Kim Xán) – Khổn y lục (tiểu sử Hương La công chúa) vv… 4. Nhị Nguyên: Thi Hương và thi Hội đều đỗ thủ khoa thì được gọi là Nhị Nguyên - Thi Hương, thi Hội và thi Đình, cả ba khoa thi này đều đỗ đầu thì được gọi là Tam Nguyên – thí dụ như cụ Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đỗ, hoặc Trần Bích San là Tam Nguyên Vị Xuyên. 5. Câu chuyện như sau: chuyện trích từ Tộc – Phổ họ Phạm – Phú. 6. Nguyễn Tường Tiếp: Ông Nguyễn Tường Tiếp là người gốc Bình Định, sau ra lập cư tại Hội An (Quảng Nam). Ông là Nội tổ của nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, rất nổi tiếng với những tiểu thuyết luận đề trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. 7. Lục đầu giang: tên một con sông ở Bắc phần, Ngũ Hành Sơn: tên 5 hòn núi ở Trung phần, bây giờ thuộc quận Ngũ Hành Sơn của Tp. Đà Nẵng cũng có tên nôm na là núi Non Nước. 8. Tế lao: là lễ tế có kèm thao vật cúng như heo dê vv… Ở Tp.HCM, có tên đường Phạm Phú Thứ là tên đường nằm trong quận 6, nối liền đường Bình Tiên với đường Trần Văn Kiểu (xa xưa đường Phạm Phú Thứ có tên là đường Coffin) và ở quận Tân Bình (Tp.HCM) cũng có tên đường Phạm Phú Thứ nối liền đường Lạc Long Quân và đường Đồng Đen (gần ngã tư Bảy Hiền). NHỮNG CUNG ĐƯỜNG TUỔI THƠ Tác giả: Dương Lêh 1. Tại một vùng quê… Tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng năm đó cha mẹ tôi từ xóm chùa Long Vân bên Gia Định dời về khu Cây Mai sinh sống. Trước đó, tại xóm chùa Long Vân, gia đình chúng tôi sống chung với ông bà ngoại, các dì dượng, cậu mợ, các anh chị em bà con với tôi làm thành một đại gia đình gồm mấy chục nhân khẩu ẩn náu trong một căn nhà lá ba gian hai chái và hai căn nhà lá riêng biệt, một dành cho gia đình Dì Năm và đối diện là căn nhà lá chừng hai mươi bốn mét vuông của gia đình Dì Ba. Ông Bà ngoại có vừa hơn một chục người con. Đầu tiên là năm người con gái từ thứ hai đến thứ sáu, người ta hay gọi là ngũ long công chúa. Đây là những công chúa vùng đồng quê rẫy bái, của những người bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Má tôi rớt vào thứ tư. Nói vậy chứ bây giờ xem lại hình ảnh của má tôi và mấy bà dì ngày xưa rất đẹp. Lúc đó mấy bà còn ở cái tuổi U30 và khi chụp hình, các bà được cửa hàng trợ giúp một số trang phục tây phương như áo lông thú, mũ quý tộc, trông như là mấy bà đầm sang trọng, chỉ tiếc là cái mũi không được cao. Rồi một dọc sáu người con trai từ cậu Bảy, Tám, Chín rồi cậu Út, chưa hết, cậu Ít và sau cùng là cậu Nữa. Vậy là đủ quân số một đội bóng đá, cầu thủ có đủ nam lẫn nữ. Khi tôi có trí khôn (thường người ta hay nói như vậy, nhưng không nhớ có khôn thật không), thì hai ông dượng Năm và Sáu đã ra người thiên cổ hồi còn rất trẻ, nhìn hình ảnh hai ông trên bàn thờ cũng còn oai phong lắm. Còn cậu Tám cũng đã ra đi biền biệt không hề thấy xuất hiện trong gia đình.Cậu Út và cậu Ít thì chết đâu hồi còn nhỏ vì bị tiêu chảy. Bà ngoại tôi kể lại hồi xưa chiến tranh khói lửa lu bù, trẻ con bệnh không có bác sĩ, thầy thuốc mà chỉ có mấy cha lang băm cho thuốc bậy bạ nhưng cũng không phải dễ kiếm. Con nít chết vì bị tiêu chảy rất nhiều. Nhà nào không tìm được thầy thuốc thì tự chữa cho đứa nhỏ bằng cách không cho uống nước. Người lớn hoặc cha mẹ sợ rằng cho uống nước thì “trên vô dưới ra” đứa nhỏ sẽ tiêu chảy thêm. Cứ như vậy hết đứa này tới đứa khác được đưa về dưới ba tấc đất. Đến lượt tôi, nghe má tôi kể lại, may mắn tìm được ông Thầy Bẩy cứu sống. Tôi hỏi má tôi ông ấy trị bệnh bằng cách nào. Mẹ tôi cho biết là không nhớ rõ lắm mà chỉ thấy ngày nào cũng uống nước tàn nhang và qua mấy ngày sau đó tôi hết tiêu chảy và khỏi bệnh. Sau này lớn lên tôi nghĩ tôi sống được là nhờ nước tàn nhang cũng như bây giờ người ta cho con nít uống orésol khi có bệnh tiêu chảy. Thực ra hồi xưa nước tàn nhang chỉ là một tô nước lạnh, ông thầy cúng cầm bó nhang đang cháy, khói lửa lên nghi ngút, thổi khói lửa vào tô nước kéo theo một lô tàn nhang nằm đầy trên mặt. Sau đó ông lấy cho đứa nhỏ uống. Phước chủ may thầy, vậy mà hết bệnh. Trước mặt nhà ông bà ngoại tôi là con rạch Cầu Bông. Từ ngoài đường cái, bây giờ là đường Bạch Đằng, theo con đường đất, hai bên là ruộng mênh mông, vào xóm Chùa phải qua một cái cầu gỗ cong lên ở giữa. Chỗ này vào buổi chiều, con nít thường đứng để phóng xuống rạch bơi lặn nô đùa trong giòng nước đục ngầu, với những đám lục bình lảng đảng trôi. Gần đó dọc theo bờ rạch có mấy cây dừa với những tàu lá thòng xuống tới đất. Cũng những đám con nít này sau khi nhảy cầu chán, chúng chạy tới bám vào mấy tàu lá dừa đánh đu ra giữa rạch buông tay cho rớt “chủm” xuống nước, rồi lội đến cầu leo lên, chạy vòng xuống chờ bám được lá dừa tiếp tục đu ra giữa rạch. Chúng thường reo hò thích thú khi ba bốn đứa bám một lúc vào những tàu lá dừa đánh đu ra buông tay để rơi chủm, chủm, chủm xuống giữa rạch. Thỉnh thoảng có đứa bị lạc hướng đánh đu thay vì bay ra giữa rạch lại nhè thả dù xuống cạnh một cầu tiêu. Chỗ này cạn, thằng nhỏ rớt xuống ngập dưới sình đến ngang bụng. Nó bì bõm rẽ cái đám ô rô, cóc kèn vừa chạy vừa bơi ra giữa rạch để rửa cái đám sình lầy có mùi thum thủm đó. Qua khỏi cầu bước thêm mấy bước là tới cổng chùa Long Vân, người lớn ở đây thường gọi là “chùa Long Vân Tự”. Hình như họ đã quen cách gọi vừa “chùa” vừa “tự” nghe có vần có điệu hơn. Cách nói “vừa chan vừa húp” theo kiểu này cho tới bây giờ nhiều người còn bị “dính chấu” khi nói “ngày sinh nhật”, “người nhạc sĩ”, “nhà thể tháo gia”.vv… Chùa Long Vân Tự lúc bấy giờ coi có vẻ âm u tĩnh mịch. Tôi vốn tính thỏ đế, mỗi khi đi ngang tôi không bao giờ dám nhìn vào bên trong chùa. Khi trời nhá nhem tối hay khi tảng sáng, tiếng chuông chùa ngân vang buồn bã hòa theo tiếng cóc, nhái, ểnh ương, nhái bầu kêu vang như một giàn nhạc đám ma. Hồi xưa tôi có đọc một cuốn tiểu thuyết nhan đề “Bộ áo cà sa nhuộm máu” của nhà văn Tô Nguyệt Đình có nói chuyện về ngôi chùa này. Thuở đó khu vực này tuy là vùng ven đô nhưng giống hệt như một vùng sâu, vùng xa ở các miền quê hẻo lánh. Trong xóm có ông Sáu Gồng, hôm Chủ Nhật trước đó đám thanh niên trong xóm nhặt được một trái bom dài hơn một thước, Họ kêu ông tới xem họ cưa ra lấy thuốc nổ. Thấy họ đang hăng say cưa cưa, đục đẽo leng keng, ông Sáu dè dặt: “Bây coi chừng, nó nổ một cái, bà nội bây cũng lìa”. Đám thanh niên cười rộ: “Bác Sáu ơi, sao mà Bác nhát quá vậy?”. Ông Sáu quay lưng vừa lơn tơn đi vừa nói: “Kệ tao, bây làm gì thì làm”. Ông mới bước đi được năm bảy bước gì đó, trái đạn phát nổ. Ba xác thanh niên và xác ông già bị chết lây được đưa về an táng. Người ta nói ông già có gồng mà đạn nổ cũng banh xác. (Còn tiếp)
Trông tìm Chờ đến bao giờ mới gặp lại em? Rảnh rỗi từ lâu mỏi mắt trông tìm, Trong gió cuốn những tên người xa lạ, Sao mà nghe như thăm thẳm bóng chim. *** Đường thì còn xa mà nắng đã tàn rồi, Những tảng mù sương từ chiếc lá rơi, Gói ghém tương lai làm hành trang rảo bước. Thấy ngỡ ngàng bóng vẫn lẻ, đơn côi. *** Hình ảnh em sao vẫn biền biệt xa xăm, Từng dòng thơ say, trăng sáng đêm rằm. Nghe nhung nhớ những chiều mưa da diết, Cho xin cơn buồn dài theo tháng năm. *** Tôi vẫn mãi tìm em từng đêm thênh thang, Thời gian rồi qua và thanh xuân lụi tàn Cơn gió đường xa bàn chân du mục. Và xin giả từ những mong đợi miên man. Dương Lêh 5-2010 Vô chiêu Ngày anh luận kiếm Hoa Sơn Trăng còn bé bỏng, em còn trẻ thơ Bởi trời chẳng lộ thiên cơ Anh đâu biết có bây giờ là đây
Gặp người đối thủ non tay Không cao bí kíp chẳng dày võ công Nụ cười tin cậy mênh mông Thấm qua kinh mạch mở lòng anh ra
Anh về trong cõi người ta Trăng sao vằng vặc – cỏ hoa ngời ngời
Chợt hay công lực tan rồi Em vô chiêu đã thắng người hữu chiêu!
Thiếu Khanh (Nghìn Xưa Ðể Lại) KHUNG TRỜI KỶ NIỆM
Vầng trăng e ấp khuất màn sương Lướt sóng – chuyến tàu vượt đại dương Vẫn gởi tâm hồn nơi chốn cũ Từ miền phố thị đến thôn phường.
Phượng hồng đa nở góc sân trường Kỷ niệm êm đềm vẫn ngát hương Bên ánh đèn đêm tình quyến luyến Khung trời xanh nhớ áng mây vương
Bóng xế chiều quê hiu hắt nắng Làm sao quên được lối qua trường Ngày xa cách Mẹ buồn sầu lắng Thương nhớ luyến lưu suốt dặm đường
Tiếng ve mùa hạ khơi niềm nhớ Lưu lạc ngược xuôi khắp bốn phương Thao thức năm canh sầu vạn thuở Trọn đời gắn bó với quê hương
NGÀN PHƯƠNG
ÁNH ĐẠO Cách nhau chỉ một hàng cây Bên kia là đạo… bên này là thơ Dưới trời giữa thực và hư Mây bay chìm nổi cũng như bọt bèo
Tay ai giữ nổi bóng chiều Thuyền ai vớt nổi cánh bèo qua sông Đến không rồi lại về không Cảm thương núi lở! bèo sông cát bồi
Bánh xe quay suốt dòng đời Tây dâng nhịp mõ luân hồi vào thơ Mái tranh ẩn dưới mái chùa Vài con chim sẻ mới vừa gọi nhau
Ở đây sương khói nhiệm mầu Chim bay nhẹ cánh thân sầu nhẹ thân.
TRẦN LỮ VŨ DÁNG QUÊ HƯƠNG
“Trông áo dài nhớ quê hương Ngắm áo dài thấy người thương cận kề”
Từ thuở ngàn xưa chiếc áo dài Thướt tha trong gió nhẹ nhàng bay Dịu dàng, mỏng mảnh mà rung cảm Như nụ hoa hồng khiến bướm say!
Đây chiếc áo dài điệu cách tân Ngắn, dài thay đổi biết bao lần Cổ tròn, vuông, đứng eo cao thấp Vẫn giữ nguyên hình một nét chân
Dù có đi đâu xa vắng quê Áo dài vẫn quyện mãi câu thề Rằng hồn dân Việt luôn đằm thắm Tiếng vọng tình quê quyện tứ bề
Nét đẹp dân gian mãi sáng ngời Càng phơi sương nắng lại xinh tươi Dẫu từ gốc biển chân trời lạc Trông áo dài bay thấy ấm đời.
11.3 XUÂN VÂN – Tp. HCM THÚ Ở NGOẠI THÀNH
Thị thành nhà san sát, Người giàu, khôn, quá đông Ta nghèo lại dở ngốc Về ngoại thành cho xong
Buổi đầu im ắng quá Bốn bề nghe vắng tanh Cỏ lau um tùm mọc Gió tha hồ vờn quanh !
Rồi quen dần thấy thích Trời đất rộng thênh thang Đêm trăng treo lồng lộng Ngày nắng hồng chứa chan
Chỉ quăng vài nắm lúa Chim kéo đến đầy sân Gieo bí, bầu vài tháng Quả đong đưa trên giàn !
Ngày nắng thì chim chóc Hót líu lo ngoài vườn Cơn mưa vừa đổ xuống Nghe hợp xướng ểnh ương !
Rau xanh, ra hè hái Trái ngọt, tự tay trồng Thở mùi hương lá cỏ Nghe thêm yêu ruộng đồng
Xa bon chen thành phố Cuộc đời thật thảnh thơi Chăm vài loài hoa kiểng Quên mọi chuyện trên đời.
Tâm Nguyện
Của Chợ và Người
Thiếu Khanh Chợ trong tâm thức người Việt Nam Các kết quả khảo cổ học cho thấy người Việt cổ đã biết trồng trọt từ hàng vạn năm trước, và là một dân tộc chuyên về nông nghiệp từ rất sớm. Tuy về sau chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc với tư tưởng trọng nông khinh thương của Nho giáo, nhưng trong tâm hồn mỗi người Việt hầu như đều có khắc sâu một định hướng về địa bàn cư trú: Nhất cận thị nhị cận giang. Giang, nói rộng ra là những thuỷ lộ giao thông hoặc sông hoặc biển đã góp phần quan trọng phát triển các nền văn minh nhân loại. Will Durant nhận thấy rằng “Văn minh nẩy mầm trong căn chòi của nông dân nhưng chỉ phát triển và khai hoa trong các thành thị” (1). Mà thành thị thường được hình thành và phát triển bên cạnh các trục giao thông, trong đó những thủy lộ đóng một vai trò quan yếu. Cho đến thời đại ngày nay, các thủy lộ vẫn là các mạch giao thông thuận tiện cho sự giao lưu và phát triển của bất cứ xã hội nào. Từ xưa, khi giao thông đường bộ chưa phát triển, hầu như tất cả các thành phố lớn trên thế giới đều hình thành trên bờ các thủy lộ. Các thành phố, đô thị, làng mạc Việt Nam ngày trước càng không nằm ngoài quy luật đó. Có thể thấy rằng ý hướng cận giang đã thể hiện trong cuộc sống định cư nông nghiệp của người Việt ngay từ thủa sơ khai. Cận giang là cách tốt nhất thời xưa để tiến đến cận thị, nghĩa là tiến đến cuộc sống xã hội có tổ chức. Nước là yếu tố thứ nhất không thể thiếu của nông nghiệp. Người Việt cổ đã quần tụ sinh sống bên những bờ nước, và dùng tên của những bờ nước đó làm địa danh phân định mỗi tập thể quần cư. Đến nay nhìn lên bản đồ các vùng đất cổ của người Việt ta vẫn còn thấy sót lại rải rác đây đó những địa danh đứng sau từ Nước hoặc dak - một từ cổ của nước. Đó là di tích những điểm sinh cư từ hàng vạn năm xưa. Theo nhịp phát triển của các tập thể sinh tụ, xã hội lớn dần dần hình thành. Từ Nước, dần dà mở rộng nghĩa nguyên thủy và mang thêm một khái niệm mới chỉ quốc gia. Có lẽ không có một quốc gia nào khác trên thế giới gọi đất nước của họ bằng chính cái từ chỉ chất lỏng thiên nhiên thân thiết và diệu kỳ ấy. Theo các bài mo “Đẻ Đất Đẻ Nước” của người Mường, một dân tộc anh em cùng ngôn ngữ với người Việt, thì Dạ Kịt đẻ ra đức vua Dịt Dàng Ăn đất đồng kỳ tam quan kẻ chợ.(2) Người Việt cổ định cư từ rất sớm trên các bờ thủy lộ. Điều đó có nghĩa là họ đã sớm có những điều kiện để tập họp cuộc sống có tổ chức, thuận tiện cho sự phát triển văn hoá và văn minh. Từ đó hình thành khái niệm kẻ chợ. Trong truyền thuyết Mường, Dạ Kịt, hay nàng Kịt, là một trong những con người đầu tiên của nhân loại nở ra từ một trong những quả trứng do chim Ây Cái Ứa đẻ ra. Dạ Kịt lấy lang cun Cần, cũng từ trứng nở ra, (lang cun là người đứng đầu một mường hay một thị tộc), đẻ ra Dịt Dàng, tức Vua Việt, theo cách nói của người Mường, lập nên kẻ chợ. Dân tộc Việt đã sớm hình thành cuộc sống kẻ chợ ở vùng đồng bằng ngay từ thời sơ khai đó. Dịt Dàng đưa dân mường trở lại Đưa dân mường trái chân trở về Về đất đồng kỳ kẻ chợ lũ lượt Về đất đồng kỳ kẻ chợ đông đông. (Đẻ Đất Đẻ Nước) Lịch sử của chúng ta cũng nói rằng các vua Hùng lập nước Văn Lang trên một địa bàn gồm vùng trung du và đồng bằng rộng lớn, và đóng đô ở Phong Châu. Kẻ chợ – về sau trở thành Kẻ Chợ, để chỉ kinh đô Thăng Long thời ban sơ – có lẽ thoạt đầu, kẻ chợ, mới chỉ là một khái niệm chỉ trạng thái quần cư có tổ chức của một cộng đồng người ở miền xuôi. Trong đó, từ cổ kẻ có nghĩa là làng. Hôm qua anh đến chơi nhà Thấy mẹ nằm võng thấy cha nằm giừơng Thấy em nằm đất anh thương Chạy ra kẻ chợ đóng giường tám thang (Ca dao) Ý nghĩa nguyên thủy của chợ còn được thấy thể hiện trong một câu thơ trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan: Lom khom dưới núi tiều vài chú Lác đác bên sông chợ mấy nhà. Từ chợ trong câu thơ nên được hiểu là xóm làng. Không thể chỉ có lác đác mấy quán chợ buôn bán mà không có dân cư.3 Khái niệm chợ = vùng cư trú, hoặc chợ (thị) gắn liền với đơn vị dân cư là rất tự nhiên và phổ biến trong ngôn ngữ Việt Nam: phố thị, thành thị, cảng thị, đô thị, thị xã, thị trấn, vv… Nhiều chợ như thế hiện nay vẫn còn tồn tại mà không nhất thiết là địa điểm buôn bán. Trái lại chúng vẫn là những đơn vị dân cư (dĩ nhiên là có các địa điểm buôn bán) – những hình thái phát triển của xã hội có tổ chức, trong đó, mọi sinh hoạt giao tiếp đều thể hiện tính văn hóa cộng đồng ở một chừng mực nhất định. Chợ Bến nguyên là một mỏ vàng sa khoáng ở xã Long Sơn, huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình. Chợ Bờ vốn là tỉnh lỵ tỉnh Hòa Bình (Có thời là tỉnh lỵ của tỉnh Chợ Bờ4). Khu du kích Chợ Cháy thuộc huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây rất nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Chợ Điền là một mỏ kẽm ở huyện Chợ Đồn (trước kia là Châu Chợ Đồn, lập năm 1916), tỉnh Bắc Cạn. Chợ Lách là tên một huyện của tỉnh Bến Tre. Huyện Chợ Mới hiện nay thuộc tỉnh An Giang. Huyện Ba Bể của tỉnh Bắc Cạn ngày nay, trước năm 1996 là huyện Chợ Rã thuộc tỉnh Bắc Thái (trước đó là của tỉnh Cao Bằng). Chợ Giầu5 là tên nôm của làng Phù Lưu, huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh. Những Chợ Chu, Chợ Mới ở Thái Nguyên là tên các đơn vị hành chánh. Chợ Lầu là một thị trấn của huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận (không có cái chợ nào có lầu cả). Tại Tp Hồ Chí Minh có ít nhất là ba tên chợ đã biến thành tên khu vực dân cư. Đó là Chợ Lớn, Chợ Rẫy và Chợ Quán. Cho đến nay, khi mà chợ đã được thu hẹp ý nghĩa, cụ thể hoá thành một địa điểm mua bán đổi chác hàng hoá, cái nghĩa cổ rất thâm mật của chợ vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người Việt. Trong một đoạn thơ sau đây của nhà thơ Huy Cận, từ chợ bộc lộ rõ nghĩa xã hội, xóm làng: Chú tôi người thấp, béo tròn vai Học đủ xem thư, thực giỏi cày Ít nói, khi vui ưa hóm hỉnh Trong làng ngoài chợ bậc tài trai. (Huy Cận – Chú Tôi) Từ chợ của cô gái trong câu ca dao quen thuộc này cùng mang một nghĩa như thế: Thân em như tấm lụa đào Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai. “Ông sẩm chợ” trong một bài thơ khác của Huy Cận, chẳng nói gì về chợ cả, mà chỉ cho thấy hình ảnh một góc nhỏ cuộc đời: Cuối phố gốc cây chiều chủ nhật Là ông sẩm chợ với hai con “Kinh đô thất thủ” vè quen thuộc Lớn nhỏ ngồi nghe nặng trĩu hồn. (Huy Cận – Phố Đông Ba Của Tôi Ngày Bé) Nếu Nguyễn Công Trứ có câu ca trù: Thị tại môn tiền náo (chợ ở trước nhà thì ồn ào - Chữ náo [閙] có nghĩa ồn ào náo nhiệt được viết với chữ thị [市 - chợ] ở trong chữ môn [門 - cửa] ), là ông chỉ đề cập mặt ngoài, hình thức tiêu cực của chợ. Trong tinh thần văn hoá Việt Nam, nội dung của chợ có vai trò tích cực nhiều lắm. Đó là hình ảnh sinh động của cuộc sống, môi trường thuận lợi giúp đào luyện bản lãnh và nhân cách con người. Chẳng thế mà ông cha ta xưa đã phát biểu một kinh nghiệm như quy luật: Trai khôn tìm vợ chợ đông! Thời xưa, khi các phương tiện thông tin đại chúng chưa phát triển, chợ (= xã hội, xóm làng / nơi buôn bán) là nơi vừa có thể cung cấp nhiều thông tin cần thiết trong cuộc sống, vừa là nơi chọn lọc, hoàn thiện và biểu hiện năng lực và tính cách mỗi người qua giao tiếp. Ý thức như thế thì mới hiểu được hết câu “định lý” của nhân gian: Thứ nhất là tu tại gia Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa. Và mới thấu nhận được ý nghĩa của kinh nghiệm này: Chưa đi đến chợ thì ngây Đã đi đến chợ thì hay mọi điều. (ca dao) “Hay” vừa có nghĩa là tinh thông lại vừa có nghĩa là giỏi giang nữa Thế thì không phải là điều gì khó hiểu khi một dân tộc “dĩ nông vi bổn”6 như dân tộc Việt Nam lại mang trong tâm thức một định hướng tưởng như nặng tính trọng thương: nhất cận thị nhị cận giang. Cận thị bày tỏ khuynh hướng hướng đến những đơn vị xã hội có tổ chức (cũng là có tính văn hóa văn minh cao như thành thị, phố thị…) chứ không nhất thiết có nghĩa là gần địa điểm buôn bán. Buôn bán dường như vốn không phải là sở trường của người Việt, một dân tộc sống nặng về tình cảm.7 Tuy vậy, buôn bán trao đổi vật chất là sinh hoạt tự nhiên của mỗi cộng đồng người, và hầu như là một thuộc tính của thành thị: có thành thì có thị. Còn thành thì còn thị. Thành và thị, đô và thị, xã và thị… là một thể thống nhất. Có lúc thị phát triển thành thành một cách tự nhiên, như trường hợp những địa danh mang từ chợ đã đề cập trên. “Có dân thì có chợ,” một lời dụ trong điều lệ mở chợ thời Hồng Đức, thời mà tinh thần trọng nông khinh thương được thể hiện rất cao với sự quản lý chặt chẽ của triều đình, coi việc buôn bán là làm điều bất hảo,8 càng nói lên đặc tính căn bản đó của quá trình phát triển xã hội, không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, do tính thống nhất của hai hai yếu tố cư dân tập trung có tổ chức (đô, thành, xã) và giao tiếp kinh tế xã hội (thị), nếu một trong hai yếu tố này ngưng phát triển hay thoái hoá thì yếu tố còn lại cũng ngưng đọng, hoặc thoái hóa theo. Khi các kinh đô Cổ Loa, Hoa Lư, Tây Đô, Lam Kinh không còn giữ vai trò lãnh đạo trong hệ thống tổ chức hành chánh quốc gia, phần thị theo đó cũng mất các điều kiện thuận lợi, tự co hẹp lại ở mức độ tương ứng. Cũng như thế, khi yếu tố thị không còn, thì thành, đô, xã, trấn cũng ngưng phát triển, hoặc thậm chí thoái hóa dần phù hợp với thực trạng của thị. Và đó cũng là tình trạng của những đô thị cổ như Phố Hiến, Thanh Hà, Hội An... Vốn là một dân tộc nông nghiệp hướng đến cơ cấu xã hội có tổ chức, chứ không hề có ý hướng thoát ly khỏi căn bản nông nghiệp để xây dựng một cấu trúc xã hội duy lý như ở phương tây9 – hoặc chưa dễ thực hiện được điều đó – cho nên yếu tố thành trong các đô thị, thành thị, thị xã của ta vẫn cứ đậm đà tính nông nghiệp. Nhất là khi yếu tố thị giảm cường lực, thì thành bộc lộ rõ bản chất nông nghiệp truyền thống. Có lẽ đây là đặc tính riêng biệt cho thấy các đô thị, thành thị… của Việt Nam hiện nay chưa có nhiều tính chất như những đô thị, thành thị ở các nước Tây phương. Có một thời chưa xa lắm, người ta muốn dùng ý chí điều chỉnh lại dòng chảy tự nhiên của xã hội, làm giảm sút sự hoà hợp bện xoắn của hai yếu tố phát triển thành và thị. Chợ búa và các hoạt động thương nghiệp tư nhân không được hoan nghênh. Các hoạt động phân phối trao đổi hàng hóa sản vật trong nước đều bị hạn chế và được đặt dưới sự quản lý tập trung của nhà nước. Các nhà chợ biến thành Trung Tâm Thương Nghiệp, hoặc Hợp Tác Xã Mua Bán do một nhúm người có đặc quyền điều hành. Hoạt động mua bán của tư thương bị xem như một biểu hiệu thoái hoá nhân cách, một tội lỗi đáng xấu hổ, như quan niệm dưới thời nhà Hậu Lê từ năm trăm năm trước. Bên trong và bên ngoài mỗi chiếc xe đò chở khách thời ấy đều mang những dòng chữ “Xe tôi không chở con buôn”, như thể con buôn là một thứ dịch nguy hiểm làm băng hoại xã hội. Người ta gọi đó là thời “cấm chợ ngăn sông”. Cấm chợ, nhưng không thể triệt tiêu được các nhu cầu và hoạt động buôn bán đổi chác của người dân. Nó vẫn tiếp tục tồn tại “chui” dưới muôn ngàn hình thức phong phú bên cạnh dòng “thương nghiệp chính thống” ban phát ân huệ quan liêu và kém hiệu quả. Sinh hoạt xã hội lập tức trầm xuống, chững lại. Quy luật “đồng tiến, đồng thoái” của cơ cấu thành + thị phát huy ngay tác động, mà có người cho là “một cuộc ‘nông thôn hoá đô thị’ triệt để.”10 “Trong thành phố Việt Nam, hễ có mảnh đất nào trống là người ta cuốc lên để trồng rau. Trên các tầng lầu, nhiều gia đình thu hẹp khu vệ sinh, bếp núc lại để nuôi gà, nuôi lợn.”11 Vào những năm cuối 70 – 80, “lắm phố chiều chiều giống như một ngõ xóm, người người tắm giặt, rửa rau, vo gạo, làm thịt, làm cá bên cạnh cái bể nước ngay trên hè đường. Trẻ con thả diều và đánh khăng... Buổi trưa vang lên tiếng rao của anh chàng hoạn lợn. Nửa đêm chó sủa ông ổng.”12 Vậy mà không lâu sau “đổi mới”, các mặt kinh tế, nhất là thương mãi đã phát triển trở lại (thực ra có lẽ là quay lại nếp sinh hoạt kinh tế cũ), bộ măt các thành phố, đô thị, thành thị, thị trấn, thị xã... đã trở lại sinh động hẳn lên. Khi nói đến chợ, người Việt mặc nhận những sinh hoạt trao đổi có tính phân công, thúc đẩy phát triển và điều hoà sản xuất hết sức thiết thân của chúng trong xã hội, mà không hề bị phiền hà, ái ngại vì tính tiêu cực có thể có, hoặc nghi ngờ tính đạo đức hay tính “phi sản xuất và ăn bám xã hội” của giới thương nghiệp. Chính vì vậy, dù chịu ảnh hưởng tư tưởng trọng nông khinh thương nặng nề của nho giáo, các nhà nho ta ngày trước không thấy có gì trái khoáy khi đề cập đến đời sống sinh hoạt kẻ chợ một cách tự nhiên và gần gũi13. Tháng chạp hai mươi bốn chợ Đồng Năm nay chợ họp có đông không? … Hàng quán người về nghe xáo xác Nợ nần năm hết hỏi lung tung… (Nguyễn Khuyến) Họp chợ xuân nhiều khách vãng lai Dạo điếm nguyệt phải khi kinh quá. … Sang chợ Vịnh, rắp than cùng dì Út, đường đông ắp ắp thấy mà kinh khăn nhiễu quần điều. (Nguyễn Du, Văn Tế Sống Hai Cô Gái Trường Lưu) Thẫn thờ gối chiếc màn suông, Rối lòng như sợi ai guồng cho xong Phiên nào chợ Vịnh ra trông Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba. (Nguyễn Du, Thác Lời Trai Phường Nón) Cụ Tam Nguyên thấy chợ là phần thiết yếu trong cuộc sống. Ở xa chợ là điều bất tiện, có lúc gây khó khăn bối rối: Đã bấy lâu nay bác đến nhà Trẻ thì đi vắng chợ thì xa... Có trường hợp vì xa chợ mà nẩy sinh một tấm gương hiếu tử (tuy rằng hơi quá đáng) Tới đây lỡ chợ lỡ đò Xẻo cẳng tay nuôi mẹ, tưởng thịt bò mẹ xơi. Nhà thơ Huy Cận còn đem cả câu hát kẻ chợ vào thơ nữa kia: Anh tặng em cả những ưu phiền Trong câu hát cũ nghe bên Chợ Cầu. (Huy Cận – Tặng Em Buổi Sáng Hôm Nay) Người Việt ở nước ngoài, nhất là ở các nước phát triển, có thể thỏa mãn những nhu cầu mua sắm tại các siêu thị hiện đại, ở đó hàng hóa thừa mứa, sự phục vụ lịch sự và chu đáo. Trừ những người sinh ra và lớn lên tại chỗ, đã hoàn toàn hoà nhập vào văn hoá và phong cách sống trong các xã hội đó, những người mới gia nhập có thể vẫn cảm thấy thiếu vắng một thứ gì trong các siêu thị lộng lẫy trù phú nhưng xa lạ kia. Những cái “siêu chợ” siêu sạch, siêu ngăn nắp, đầy ắp hàng hoá mà dường như vẫn thấy thiếu. Thực ra họ cảm thấy trong hồn mình thiếu chợ. Hoặc những cái chợ cao cấp sang trọng kia thiếu cái hồn chợ Việt thân quen. Thế là ở những nơi mà cộng đồng người Việt đủ đông, những cái chợ riêng của ngươi Việt được hình thành. Từ khu “Little Saigon”, “giang sơn riêng” của người Việt ở bang Caliphornia (Hoa Kỳ), đến những khu bán-chợ-trời ở các nước Đông Âu bày bán quần áo may sẵn, giầy dép đủ oại, nước hoa, thuốc lá, hàng điện tử,14… hay những trung tâm thương nghiệp bề thế ở Moscow15. Một phần là do nhu cầu sinh sống. Phần khác, người ta cần được gặp gỡ giao tiếp với người đồng bào, được nói được nghe tiếng nói quê hương, được thoát khỏi gian nhà hoặc căn hộ khép kín, tách biệt, để nhập lại với khung cảnh thân mật trong cộng đồng ruột thịt. Trong bài viết “Chợ Việt Nam ở Sofia”, trên tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, (số 25/98, tr. 9.) tác giả Nguyễn Lê Bách thuật lại cảm tưởng của mình nhân đi thăm chợ của người Việt ở thủ đô nước Bungary: “Tôi đã có dịp lang thang trong chợ 1, chợ 2, và chợ 3 ở Sofia, thăm một số quầy hàng của bà con mình kinh doanh ở đó. Nếu không có các khách hàng và một số quầy hàng đan xen của người Á rập, người Bun, người Thổ Nhỉ Kỳ... thì tôi hoàn toàn có cảm giác mình đang đi dạo trong chợ Bến Thành ở Tp. HCM, hoặc chợ Hàng Da ở Hà Nội. Cũng đủ các ngữ điệu của tiếng Việt mình từ các miền quê trong nước, cũng đủ các sắc màu quần áo giày dép “made in Vietnam”. Cũng một dãy quán gồm đủ cả phở, bún chả, nem rán, cơm bụi... văng vẳng đâu đó tiếng hát karaoke của bà con mình”. Nhịp sống cấp bách cộng với những thay đổi trong lối sống hiện đại khiến hầu hết người Việt ngày nay quên mất thói quen đi chơi chợ mà ông cha ta xưa đã từng coi là một cái thú. Mồng một chơi cửa chơi nhà Mồng hai chơi điếm mồng ba chơi đình. Mồng bốn chơi chợ Qua Ninh Mồng năm chợ Trình, mồng sáu Non Côi. Nghỉ ngày mồng bảy mà thôi Bước sang mồng tám đi chơi chợ Viềng. (ca dao) Trước kia, chợ không chỉ là chỗ buôn bán. Nó còn là chỗ để dạo chơi, và gặp gỡ bạn bè hay người quen. Nhu cầu gặp gỡ giao tiếp ở chợ như thế còn thấy rất phổ biến nơi các dân tộc ít người ở Việt Nam hiện nay. Dù cuộc sống còn giản dị, ít nhu cầu, người dân tộc vùng cao vẫn rất cần có chợ. Ở các chợ phiên vùng cao, chuyện mua bán là không quan trọng mấy. Chẳng qua một vài sự đổi chác đơn giản. Ngưới ta đến chợ là để dạo chơi, như đi dự lễ hội. Vì vậy già trẻ trai gái đi chợ đều ăn mặc đẹp. Nhiều người mang theo cả nhạc cụ – thường là những chiếc khèn – vừa tấu nhạc vừa đi suốt trên đường đến chợ. Người ta sung sướng đến chợ để gặp gỡ bạn bè, để trò chuyện. Đàn ông thì thù tạc chén chú chén anh cho đến say khướt rồi về16. Còn đối với thanh niên nam nữ, chợ thực sự là nơi nắm giữ phần quyết định vận mệnh tình duyên của đời họ. Đó là nơi và dịp trai gái gặp nhau, tìm hiểu, hẹn hò và gắn bó. Từ đó có một loại chợ của người các dân tộc vùng cao họp đều đặn hàng tuần mà không ai bán buôn gì: chợ tình. Một lần nữa, chợ minh chứng nghĩa giao tiếp xã hội của nó. Chính vì ý nghĩa này mà hai tiếng chợ tình không hề bị hiểu sai một cách thông tục hay bị ô nhiễm. Mặc những xáo trộn xô bồ của cuộc sống, và mặc những soi mói phàm tục của của đám du khách đến từ những nền văn hóa khác, các phiên chợ tình cứ vẫn ngọt ngào và trong veo trong lòng những người trẻ tuổi miền cao đi đến chợ. Chợ Việt Nam xưa và nay Chợ – theo nghĩa hiện đại, là địa điểm tập trung dịch vụ mua bán đổi chác hàng hoá thanh toán bằng tiền– tại Việt Nam đã có từ bao giờ? Truyện thơ Mường “Đẻ Đất Đẻ Nước” kể, sau một “trận hồng thủy”, Vua Dịt Dàng Bảo muông gấu ở lại một phía Muông hùm ở lại một bên Đức vua Dịt Dàng ở giữa Một nửa để mở chợ làm hàng.17 Thực ra, chợ theo nghĩa hiện đại đã không thể xuất hiện vào thời lập quốc sơ khai. Bấy giờ xã hội chưa phát triển, nhu cầu trao đổi hàng hoá qua trung gian tiền tệ chưa có. Chỉ có thể đã tồn tại rất lâu một hệ thống đổi chác vật dụng trực tiếp (a barter system) giữa người thừa và kẻ thiếu. Sử liệu trực tiếp về chợ thì mãi đến thời nhà Lý mới thấy ghi nhận lần đầu tiên, và rất đại lược: Vào năm 1035, vua Lý Thái Tông cho “mở chợ Tây Nhai có hành lang dài.”18 Phải đến thế kỷ XVI mới lại thấy có một tư liệu viết hiếm hoi liên quan đến chợ. Đó là một bài văn bia do một vị tiến sĩ họ Đặng viết và được khắc trên “Nguyễn Kiều thị bi” (bia chợ Nguyễn Kiều), ghi việc xây dựng lại chợ Nguyễn Kiều ở xã Phúc Hải huyện Ngư Thiện (tỉnh Thái Bình) vào năm Tân Mão, niên hiệu Đại Chính 2 (1531) đời vua Thái Tông nhà Mạc, tức Mạc Đăng Doanh (1530 - 1540).19 Tuy nhiên, theo nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam, chợ đã xuất hiện trong nền kinh tế hàng hoá Vịêt Nam rất sớm, ít ra cũng từ những thế kỷ đầu công nguyên. Nhiều mảnh đồng tiền cổ Trung quốc niên hiệu Cảnh Nguyên đời Hán (263 – 265), và niên hiệu Khai Nguyên đời Đường (722 – 766), được phát hiện tại cố đô Hoa Lư cho thấy sự trao đổi hàng hoá qua hình thức buôn bán có lẽ đã thịnh hành ở đây từ rất lâu trước thế kỷ X, nghĩa là trước khi Ngô Quyền giành lại độc lập vẻ vang cho nước ta, chấm dứt một ngàn năm mươi năm nô lệ. Dẹp xong 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Tiên Hoàng Đế đã cho đúc tiền “Thái Bình Thông Bảo”, loại tiền đầu tiên của ta. Điều này càng khẳng định sự hiện hữu của chợ búa vào thời đó. “Xung quanh Hoa Lư còn có nhiều chợ như Chợ Điềm, Chợ Rịa, Chợ Nu, Chợ Nội Lâm. Tương truyền trong vùng kể rằng những chợ đó một số có từ đời Đinh, một số có thể có từ trước”. 20 Sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay), Hoa Lư mất yếu tố phát triển của (kinh) thành, sinh hoạt ở các chợ cổ đó đã dần dần sa sút, và trở thành những chợ nhỏ địa phương. Từ đời Lý nền kinh tế nước ta đã khá phồn thịnh. Nhiều ngành sản xuất thủ công nghiệp khá phát triển như nghề gốm, nghề dệt, nghề làm giấy, làm muối. Sản vật trong nước dồi dào. Nhu cầu mua bán đổi chác của nhân dân cũng tăng lên. Kinh đô Thăng Long đã giữ vai trò một trung tâm kinh tế quan trọng bậc nhất trong nước, với các chợ lần lượt xuất hiện ở cả ba mặt Đông, Tây và Nam của kinh thành.21 Nhưng phải đến đời Trần, sinh hoạt của chợ búa mới được đề cập thêm vài nét nữa trong các tư liệu viết. Và đến khoảng nửa sau thế kỷ XIX, tên chợ lớn nhỏ trong nước mới được liệt kê khá rành mạch trong bộ sách địa lý chính thức của triều Nguyễn, bộ Đại Nam Nhất Thống Chí. Hình thức chợ búa ở nước ta vào thế kỷ XIII được Trần Cương Trung ghi lại bằng vài nét đại lược trong quyễn “An Nam Tức Sự”, một loại “hồi ký chiến tranh”. Trần Cương Trung, tức Trần Phu, một viên quan trong đội quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta vào đời Trần. Sau khi bị quân dân Đại Việt đánh cho tơi tả, đội quân hung hản nhất của mọi thời đại đó đành tháo chạy thoát thân về nước. Trần Phu sống sót trong đám bại quân. Trong “An Nam Tức Sự”, Trần Phu kể lại những điều y tai nghe mắt thấy ở Đại Việt trong đó có tình hình chợ búa của nước ta lúc bấy giờ: Trong nước cứ 5 dặm thì dựng một cái nhà 4 mặt đều đặt chõng làm nơi họp chợ. Mỗi hai tháng chợ họp một lần. Trăm thứ hàng hoá đều tụ họp lại đây. Đặc biệt, từ thế kỷ XIII (hoặc có thể từ trước nữa), tại Việt Nam đã tồn tại một hình thức “chợ quốc tế” nổi trên mặt biển như các chợ nổi ở miền Tây ngày nay. Trong “An Nam Tức Sự”, Trần Cương Trung viết về chợ nổi ở Đại Việt như sau: “Phủ Tinh Hoa (Thanh Hóa) cách thành Giao Châu hơn 200 dặm, các phiên thuyền ở hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền rất đông... Thật là một thị trấn lớn.”22 Do nền ngoại thương phát triển, trong nước hình thành nhiều cảng thị, phố thị buôn bán phồn thịnh. Cảng Vân Đồn được vua Lý Anh Tông thiết lập năm 1149,23 là một cảng thị quan trọng. Dần dần về sau xuất hiện thêm các trung tâm ngoại thương nổi tiếng khác: Phố Hiến, Thanh Hà và Hội An. Phố Hiến, khu chợ quốc tế sầm uất cạnh tỉnh lỵ tỉnh Hưng Yên, một thời từng được xưng tụng “Nhất kinh kỳ, nhì Phố Hiến”. Những người nước ngoài đến buôn bán ở Phố Hiến gồm người Hoa, người Nhật, người Xiêm (Thái Lan), và đến thế kỷ thứ XVII có cả người Âu châu từ Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Anh và Pháp. Thanh Hà ở Thuận Hóa (Huế), nằm phía đông huyện Hương Trà là một cảng thị phồn thịnh vào thế kỷ XVI, XVII. Tuy nhiên, về sau do các trục giao thông tiếp cận với khu vực Huế ngày càng bộc lộ nhìều nhược điểm24 nên từ khoảng đầu thế kỷ XVIII, Thanh Hà suy tàn dần, để sau đó chỉ còn được nhắc lại có vài dòng đơn sơ trong Đại Nam Nhất Thống Chí “xưa là nơi đô hội có tiếng”. Dù sao, sự suy tàn của cảng thị Thanh Hà đã đưa đến sự ra đờl của một chợ khác cũng lớn nhất ở cố đô Huế. Đó là chợ Đông Ba. Tương truyền tên chợ trước kia là Đông Hoa vì chợ tọa lạc trên phố Đông Hoa, gần cửa Đông Hoa. Do một sự kỵ húy gì đó trong hoàng gia mà Đông Hoa được đổi thành Đông Ba.25 Về sau chợ dời ra bờ sông gần cầu Gia Hội và vẫn giữ tên Đông Ba đó. Ngày nay tên chợ Đông Ba hầu như được cả nước biết đến, có lẽ do tên Đông Ba đã đi vào thi ca và các điệu hò dễ thương xứ Huế. Thuyền từ Đông Ba thuyền qua Đập Đá, thuyền về Vĩ Dạ, thẳng ngả ba Sình Lờ đờ bóng ngả chênh vênh, giọng hò xa vọng nhắn tình nước non. Bến chợ Đông Ba tiếng gà eo óc Bến chùa Thọ Lộc tiếng trống sang canh Giữa sông Hương rợn sóng khuynh thành Đêm khuya một chiếc thuyền mành ngửa nghiêng. Hội An hiện nay trở thành một trong những di sản văn hóa của Việt Nam và thế giới, một trung tâm du lịch đặc sắc, và không còn vai trò một thương cảng trong nền nội ngoại thương của đất nước. Tuy nhiên, chợ Hội An xưa từng trải qua một thời phát triển vô cùng rực rỡ, còn được thấy ghi lại trong mục Chợ và Quán tỉnh Quảng Nam trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán triều Nguyễn: “Chợ Hội An: ở xã Hội An về phía đông huyện Diên Phước tục gọi phố Hội An, phía nam liền sông cái, trên bờ hai bên phố ngói liên tiếp chừng hai dặm, bến sông thuyền ghe tấp nập đi lại như mắc cửi; có nhiều khách buôn người Thanh trú ngụ, có 4 bang là Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu và Hải Nam, buôn bán hàng hoá phương Bắc, có đình chợ và hội quán, buôn bán tấp nập, là nơi đô hội lớn xưa nay. Lại ở phía nam sông là đầm Trà Nhiêu, chỗ thuyền buôn các nước dừng đậu.”26 Nên biết rằng Hội An không những từng là một trung tâm ngoại thương quan trọng của cả xứ Đàng Trong mà còn được giới doanh nhân quốc tế thời bấy giờ coi như một trung tâm thương mại của cả vùng Đông Nam Á. Trong Phủ Biên Tạp Lục, Lê Qúy Đôn dẫn lời một khách buôn họ Trần người Quảng Đông (Trung Quốc) nói về sự phồn thịnh của Hội An như sau: “Thuyền từ Sơn Nam về thì chỉ mua được một thứ củ nâu, thuyền từ Thuận Hóa về cũng chỉ có một thứ hồ tiêu; còn từ Quảng Nam (tức Hội An) về thì các hàng không món gì không có, các nước phiên không (bì) kịp được. Phàm hóa vật sản xuất ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngải, Qui Nhơn, Bình Khang và dinh Nha Trang, đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa, đều hội tập ở phố Hội An, vì thế người khách phương Bắc đều tụ tập ở đấy để mua về nước. Trước đây hàng hoá nhiều lắm, dù trăm chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được.”27 Thế nhưng, vào thế kỷ XIX, do chính sách bế quan tỏa cảng của triều Nguyễn, nền kinh tế nước ta lâm cảnh sa sút. “Sự buôn bán với ngoại quốc rất ít đã đành, mà ở trong nước thì xứ này qua xứ khác đường giao thông không tiện, cho nên sự buôn bán thường hạn trong phạm vi địa phương (...) Giá trị của những cuộc giao hoán ấy chẳng là bao nhiêu.”28 Trong Nam, từ trước năm 1698 (là năm Chưởng dinh Lễ Thành Hầu Nguyễn Hửu Cảnh lập dinh Phiên Trấn ở Gia Định), khu vực Sài-Gòn đã có đông cư dân, việc buôn bán trao đổi hàng hoá trong nhân dân ắt hẳn đã thành nề nếp, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong tinh thần tự chủ của chợ búa sau này, trong thời kỳ Pháp chiếm đóng. “Du khách phương Tây đến Sài-Gòn vào những thế kỷ trước ngạc nhiên về cách tổ chức ngăn nắp, trật tự của các chợ ở thành phố Sài-Gòn. Hàng hóa phương Tây không bày bán trên các quầy (…). Du khách phương Tây cho rằng chỉ riêng phố chợ Sài-Gòn (gồm cả Chợ Lớn) đã bằng kinh đô Băng Cốc của Xiêm (Thái Lan)”29. Thành phố Sài Gòn có thời nổi tiếng “Hòn Ngọc Viễn Đông” là không lạ. Theo nhận xét của những lái buôn nước ngoài đến giao thương với Việt Nam, từ khoảng giữa thế kỷ XVII, các khu chợ ở Thăng Long đã phát triển đến mức có thể so sánh ngang ngửa với nhiều đô thị ở châu Á!30 Không biết từ thời nào đã xuất hiện quan niệm “buôn có bạn bán có phường” dẫn đến việc hình thành tại kinh đô Thăng Long những phố chợ chuyên kinh doanh một loại mặt hàng, tạo nên nét độc đáo rịêng biệt của “Hà Nội 36 phố phường” làm sửng sốt cả những du khách tây phướng đến từ những quốc gia có nền kinh tế thương mại phát triển. Năm 1884, một du khách châu Âu đến Thăng Long đã ghi nhận một cách thú vị: “Mỗi loại hàng hoá đều có một phố riêng. Ở phố Bát Sứ, tất cả đều xanh. Tiếp đến phố Bát Đàn, tất cả đều đỏ. Rồi đến phố Hàng Đồng lấp lánh ánh kim vàng chói. Phố Hàng Thêu và phố Hàng Tranh màu sắc tươi vui sặc sỡ”. Năm 1889, một người khác nhận xét: “Tôi đã trông thấy nhiều phố. Điều đặc biệt là những phố này do những nhà công nghệ hoạt động trong cùng một nghề cư trú... Điều đó thoạt nhìn hình như có vẻ vô lý về phương diện thương mại. Cứ như vậy, trên một quãng dài độ chừng 100 – 200 mét không có gì khác ngoài các cửa hàng đồ khảm. Xa hơn không có gì khác ngoài các cửa hàng mây đan. Xa hơn nữa không có gì khác ngoài cửa hàng bán gạo...”31 Khuynh hướng chuyên doanh đó hiện nay cũng được thấy khá phổ biến tại TP HCM. Trên một đoạn đường dài người ta chỉ cùng bán một mặt hàng, hoặc một chủng loại hàng. Ngoài ra còn có các chợ chuyên doanh: - Chợ Kim Biên, Phường 13 quận 6, chợ xưa nhất thành phố, buôn bán 4 mặt hàng chính: Bách hóa mỹ phẩm, dụng cụ gia đình, bột màu thực phẩm, hoá chất, dụng cụ cầm tay. - Chợ Bình Tây chuyên hàng tiểu thủ công nghiệp nội địa. - Chợ Bến Thành: quần áo may sẵn, giày dép, bánh mứt. - Chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ong Lãnh1, chợ Hòa Bình: đầu mối cá biển, rau quả. - Chợ Soái Kình Lâm: chuyên vải sợi. - Chợ Tôn Thất Đạm: chuyên đồ hộp, bánh kẹo. - Chợ Nhựt Tảo: chuyên linh kiện điện tử. - Chợ Tân Thành: chuyên phụ tùng xe các loại. - Chợ Trần Chánh Chiếu: chuyên nông sản thực phẩm. - Chợ Hà Tôn Quyền: chuyên sắt thép, phế liệu. - Chợ Đại Quang Minh: chuyên phụ liệu ngành may33. - Chợ hoa tươi ở đường Hồ Thị Kỷ, Phường 1 Quận 10. Và một chợ hoa tươi khác ở thành phố Hồ Chí Minh mới mở gần đây là Chợ Đêm Hoa tươi Đà Lạt ở Đầm Sen, hoạt động từ 10 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Ở Cần Thơ cũng có một loại “chợ chuyên” đặc biệt. Đó là Chợ rùa rắn Phụng Hiệp, ở huyện Phụng Hiệp, bán đủ thứ chim chóc, rùa rắn, chồn chuột… Chợ Bò ở Ba Đồn (Quảng Bình), đúng như tên gọi, là một “chợ chuyên” khác dành cho nông dân các vùng chung quanh bán và mua bò dùng trong việc cày, kéo hoặc giết thịt. Chợ họp ba lần mỗi tháng vào các ngày 6, 16, 26 âm lịch. Ở Huế có khu quán ăn mang tên “Cơm Âm phủ”, nhưng không thành chợ. Trái lại Chợ Âm Phủ ở thành phố Đà Lạt họp từ 5 giờ chiều đến 7 giờ sáng hôm sau ven hồ Hồ Xuân Hương phục vụ thực khách – du khách dạo phố ban đêm. Một chợ Âm phủ khác nữa họp từ khoảng nửa đêm về sáng, quanh khu vực bến Ninh Kiều thành phố Cần Thơ là một chợ chuyên hàng bông, bán sỉ các loại rau quả. Một chợ khác cũng sinh hoạt vào giờ đó hằng đêm là chợ bán chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp, thường gọi tắt là chợ chiếu Định Yên. Cũng có người goi là Chợ Ma. Ban ngày nhân dân trong xã dệt chiếu. Cứ đến sau nửa đêm, người ta đem sản phẩm của mình ra khoảng đất trống trước một ngôi chùa trên bờ một con kênh, tụ họp ở đó để bán. Mỗi người bán chiếu cầm một ngọn đèn dầu leo lét như đèn ma. Và tất cả người trong chợ đều đứng mà mua bán với nhau. Chẳng ai ngồi cả! Ngoài ra còn có những khu chợ chuyên độc đáo do tính chất hoạt động của chúng. Đó là các chợ Hoa ngày Tết, và, từ vài mươi năm nay, chợ Báo Xuân mỗi năm chỉ đông đảo nhộn nhịp có một lần vào dịp Tết. Có lẽ có thể kể thêm một loại “chợ chuyên” bất thường trong những thập niên 1980 - 90, mà thực ra là một “hệ quả” nảy sinh từ những biến động nhất thời trong quản lý kinh tế, đó là “chợ tiền”. Hoạt động chủ yếu của loại chợ này là mua bán hoặc đổi chác ngoại tệ. Thông thường chợ tiền không có điểm họp công khai và nhất định. Dường như đây là loại chợ duy nhất thường bị coi là hoạt động bất hợp pháp, và chỉ xuất hiện tại các đô thị có nhiều hoạt động xuất nhập khẩu lớn, như ở thành phố HCM hoặc Hà Nội.34 Từ xưa các khu chợ nói chung thường hình thành dần dà một cách tự phát theo nhu cầu mua bán đổi chác tự nhiên của một vùng dân cư. Sự thay đổi địa điểm hoặc cách tổ chức quản lý do chính quyền địa phương hoặc trung ương, nếu có, là xảy ra về sau. Tuy nhiên sử sách cũng đề cập một số chợ ngay từ ban đầu do một cá nhân tạo lập. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi nhận Chợ Hội Xuyên ở huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương tương truyền do Đoàn Nhữ Hài, quan Ngự Sử Trung Tán đời Trần Anh Tông lập. Có thuyết lại nói chợ do phò mã đô úy triều Trần là Nguyễn Chế Nghĩa lập. Một chợ khác, có tính hội xuân mỗi năm chỉ họp một lần. Đó là chợ tết Gia Lạc ở làng Nam Phổ cách trung tâm thành phố Huế chừng 7 cây số về phía Vỹ Dạ. Chợ họp từ chiều 29 đến hết ngày mồng 2 Tết. Chợ do Nguyễn Phước Bình, con thứ tư của vua Gia Long lập nên. Chợ Gia Lạc là một thứ chợ Tết văn hoá, nhằm thưởng xuân vui Tết hơn là mua bán. Người ta trình diễn ở chợ các tiết mục dân gian như hát bài chòi, bài vè, hò giã gạo… và nhiều trò vui khác. Tuy vậy, hàng hóa bán mua ở chợ Gia Lạc cũng phong phú như một loại chợ trời trong các ngày Tết khi các chợ phố đóng cửa35. Chợ Bình Tây tại TP. HCM do một người Tàu là Quách Đàm (thường được gọi theo tên hiệu buôn là ông Thông Hiệp) tự bỏ ra một số tiền rất lớn xây tặng cho chánh quyền Pháp thời đó (khoảng những năm 20 của thế kỷ 20). Quách Đàm mua vùng đất ruộng Bình Tây với giá rẻ. Để biến vùng đất ruộng thành đất thổ cư thành phố kiếm một món lời to, ông ta xây tặng nhà nước (Pháp) ngôi nhà chợ, chiêu dụ giới kinh doanh buôn bán tập trung đến khu chợ mới khang trang. Chung quanh chợ, Quách Đàm xây hàng dãy phố lầu làm cửa hàng buôn bán để cho thuê. Theo lời kể của cụ Vương Hồng Sển trong “Sài-Gòn Năm Xưa”, đương thời kế hoạch làm ăn lớn của Quách Đàm đã không thành công như ý. Ngày nay chợ Bình Tây là chợ đầu mối lớn nhất trong cả nước. Vào khoảng đầu thế kỷ 20, hầu như người dân Nam bộ nào cũng thuộc lòng câu hát hò thường nghe vang lên lảnh lót từ những con thuyền lênh đênh trên vùng sông nước ở đây: Hò... ơ... Đèn Sài gòn ngọn xanh ngọn đỏ Đèn chợ Mỹ ngọn tỏ ngọn lu (hò... ơ...) Anh về học lấy chữ nhu (chữ nho) Chín trăng em cũng đợi, (hò... ơ...) mười thu em cũng chờ... Hoặc “câu hát huê tình”: Cúc mọc bờ ao kêu bằng cúc thủy Chợ Saigon xa chợ Mỹ cũng xa, Viết thư thăm hết nội nhà Trước thăm phụ mẫu, sau là thăm em. Chợ Mỹ là chợ Mỹ Tho. Thời đó, do vị trí thuận tiện trên trục giao thông đường thủy, chợ Mỹ Tho có vai trò một chợ đầu mối quan trọng, nổi tiếng trong cả Nam kỳ lục tỉnh. “Trên Sàigòn, dưới Mỹ Tho.” Ngày nay, tình hình đã thay đổi, chợ Mỹ Tho trở lại là một ngôi chợ tỉnh trung bình như mọi chợ tỉnh khác. Về sự “thay bậc đổi ngôi” này, từ gần nửa thế kỷ trước cụ Vương Hồng Sển đã đưa ra những lời giải thích xác đáng, vừa nhân đó tiên báo sự tàn lụi của khu vực buôn bán hai bên bến phà Mỹ Thuận cũ: “Từ Chợ Lớn xuống xa một đỗi thì có chợ Mỹ-Tho là giáp mối các con đường thửy vận về miền Nam lục tỉnh, và lên thẳng Nam-Vang. (Ngày nào sự chuyên chở còn “ăn chịu” vào đường nước thì chợ Mỹ-Tho sung túc phồn thịnh ngày ấy). Ngày nay khách bộ hành và hàng hoá xoay qua dùng nhiều xe hơi chạy ét-xăng hơn dùng tàu bè, cho nên chợ Mỹ đã “xuống chưn”. Câu thi xưa “Trên Saigòn dưới Mỹ-tho, đâu đâu thiên hạ cũng nhường cho...” nay không còn đúng sự thật! Trái lại các chợ búa không nằm trên đường nước nhưng vẫn nằm trên đường lộ cái, như chợ Cai-Lậy, bến phà Mỹ-Thuận, chợ Cần-Thơ, chợ Sóc-Trăng, vẫn tấn phát như thường nhờ xe qua lại hằng bữa. Riêng bến phà Mỹ-thuận, ngày nào cầu bê tông cốt sắt xây cất xong, xe khỏi xuống bắc, thì chợ nhóm nơi đây sẽ mất phồn thịnh.”36 Do nhu cầu vận chuyển, các chợ đều chọn địa điểm gần trục giao thông, nếu không ở bên đường bộ thì cũng phải “bên dưới có sông bên trên có chợ” thì mới thuận tiện cho sự phát triển: Đồn rằng Kẻ Lạng vui thay Đi ba bốn ngày kể đã lắm công Bên dưới có sông, bên trên có chợ Anh lấy em về làm vợ nên chăng? Tre già để gốc cho măng… (Ca dao) Từ xưa trong Nam đã có nhiều khu chợ với phong cách sông nước nam bộ rất riêng được Trịnh Hoài Đức miêu tả trong sách Gia Định Thành Thông Chí: “Chợ Hưng Lợi (tục gọi Vụng Cầu) ở phía nam sông Bảo Định, nhà san sát như vẩy cá. Chợ trông xuống sông lớn, người đi lại thường đợi nước thủy triều để theo giòng nước mà đi xuôi đi ngược... cho nên sông này nhiều thuyền nhỏ bán thức ăn qúy, cũng có khi bán thịt chín gọi là thịt Bãi Đáp. Bởi vì xã Bãi Đáp huyện Quảng Điền, kinh Phú Xuân làm nghề mổ lợn, bán nước luộc thịt có cách riêng ăn rất ngon lành. Người ở đây bắt chước cũng gọi là thịt Bãi Đáp.37 - Chợ Long Hồ ở phía đông trấn thự cách 1 dặm, hai mặt trông xuống sông. Chợ này lập từ năm Nhâm tý Túc Tông thứ 8 (1732); phố xá nối liền, bách hoá tụ tập, dăng dài 5 dặm, thuyền ghe suốt bến, đền thần, đình làng, đàn hát náo nhiệt, là chợ phố lớn của trấn. - Chợ Sa Đéc ở phía đông huyện lỵ Vĩnh Am. Chợ ở ven sông. Nhà phố nối liền đối nhau san sát như vẩy cá, dăng dài 5 dặm. Bè tre ở dưới sông cũng dựng nhà buồng san sát thành hàng. Chỗ thì bán lụa đoạn, đồ dùng nam bắc; chỗ thì bán các thứ dầu rái, than gỗ, mây tre, muối mắm. Trên bờ dưới sông, hàng hoá choáng mắt say lòng, thực là đất phồn hoa”38 Tùy theo thời gian, không gian và hoàn cảnh mà chợ tồn tại dưới những hình thức khác nhau. Hoặc những kiến trúc khang trang bề thế ở các thành phố hoặc đô thị lớn, như Chợ Đồng Xuân (là chợ cổ phần đầu tiên và duy nhất trong cả nước) của thủ đô Hà Nội, Chợ Bến Thành, chợ Bình Tây ở thành phố HCM, chợ Đông Ba ở Huế, Chợ Cồn Đà Nẳng, chợ Đầm Nha Trang…, Chợ Đà Lạt ở thành phố du lịch Đà Lạt; hoặc siêu thị, một thứ chợ hiện đại như một cửa hàng lớn, gần như bán đủ các chủng loại hàng. (Tại Việt Nam hiện nay hầu như phần lớn – nếu không phải là hầu hết – các siêu thị tập trung tại các đô thị hoặc thành phố tương đối lớn. Một số do người nước ngoài đầu tư). Hoặc chợ họp lê la chồm hỗm trên mảnh đất nhếch nhác đâu đó trong làng, hay “trên bãi đất trống trếnh như nghĩa địa. Người ta cắm mấy que tre, gác lên một tấm phên lợp bằng lá mía khô... thế là thành quán chợ.”39 Có những khu chợ không cần được xây dựng hoặc che chắn, và hoàn toàn phản ánh đặc tính của vùng đất địa phương. Chợ Nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, và Chợ Nổi Cái Răng (huyện Châu thành, Cần Thơ), Chợ Nổi Cái Bè (huyện Cái Bè Tiền Giang) và Chở Nổi Gành Hào (Cà Mau), chẳng hạn. Đó là những khu chợ họp trên những chiếc thuyền nhỏ, đan xen vào nhau, bán các loại trái cây nông thổ sản trong vùng và hoạt động suốt đêm ngày bập bềnh trên sông nước. Mỗi chiếc ghe bán hàng treo món hàng mình bán lên một cây sào. Bầu, bí, rau, củ, quả,… và cả cá tươi, gà, vịt... Người mua tự biết mà bơi thuyền đến. Người ta có thể bước đi liên tiếp trên thuyền, từ thuyền này sang thuyền khác, từ đầu này đến đầu kia của chợ có khi dài hàng cây số, giữa những âm thanh nhộn nhịp của tiếng chèo khua, tiếng máy nổ, tiếng người nói vang động trên mặt sông. Ở các vùng biên giới thì có chợ biên giới. Chợ ở đây thường chỉ là khu vực trao đổi hàng hoá giữa nhân dân hai nước chứ không có kiến trúc chợ búa gì quan trọng. Chợ biên giới ở vùng cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) vang bóng một thời những năm trước đây là một ví dụ. “Ở đó không có gì có vẻ gì là chợ cả, bởi không có nơi tập trung nhóm họp để thành cái chợ, mà phân tán rải rác ở nhiều khu vực... Vì vậy cái gọi là chợ có thể là một dãy nhà, một bến xuống hàng, một chỗ đậu ghe xuồng… tứ tán mỗi chỗ một kiểu không theo thông lệ nào cả. Chỉ cần giấy tờ hợp lệ, hàng hoá được cho phép là cứ trao đổi mua bán.”40. Một lượng lớn hàng nông sản, chủ yếu là trái cây, từng được xuất qua nước bạn Campuchea qua khu vực cửa khẩu này. Ở vùng biên giới Việt – Lào thì có chợ phiên Cam Lộ gần cửa khẩu Lao Bảo. Tên chợ Cam Lộ đã có từ nhiều thế kỷ trước. Thời Pháp, chợ được gọi là chợ Đông Dương, là khu vực buôn bán nhộn nhịp của nhân dân vùng ba biên giới Việt Nam, Campuchea và Lào (cho nên cũng từng có tên Chợ Vùng Ba Biên Giới). Hiện nay chợ phiên Cam Lộ vẫn họp mỗi tháng sáu phiên vào các ngày âm lịch 3, 8, 13, 18, 23, và 28. Đặc biệt ngày trước ở vùng Tây Bắc đây đó thỉnh thoảng có những “chợ không người bán”. “Ở đó người ta treo những món hàng thổ sản của mình làm ra, trên những cành cây ven đường. Khách qua đường cứ tự tiện lấy xài, tuỳ ý để lại tiền bạc hay vật trao đổi, một cách hoàn toàn tự giác.”41 Các nhóm dân tộc vùng cao miền Bắc nước ta còn có một loại chợ rất độc đáo và đậm tính nhân bản gọi là chợ tình, như đã đề cập ở phần trên. Gọi là chợ thực ra chẳng có người mua kẻ bán gì. Đó là dịp trai gái người các dân tôc gặp gỡ, hẹn hò, tìm hiểu và đính ước với nhau. Người các dân tộc vốn thưa thớt lại sống rải rác heo hút trên các vùng núi cao, trai gái hiếm khi có dịp gặp gỡ. Mỗi tuần một lần các cô gái chàng trai từ các vùng núi xa xôi, có khi phải đi suốt một ngày đường, về một điểm tập trung nhất định để tìm bạn tình, hoặc để bày tỏ tình cảm với nhau, chỉ vào một tối thứ Bảy. Nếu tâm đầu ý hợp họ sẽ đi đến hôn nhân. Có nhiều điểm chợ tình rải rác trên các tỉnh cực Bắc, nhưng chợ tình Sapa trên dãy Hoàng Liên Sơn (huyện Sapa tỉnh Lào Cai) được nói đến nhiều hơn cả. Gần đây do thường xuyên bị du khách quấy rầy, các chợ tình, nhất là chợ tình Sapa mất đi phần nào chất thơ hồn nhiên vốn là vẻ đẹp truyền thống riêng biệt của nó. Các chợ tình thường phải dời đổi địa điểm hoăc giờ giấc để tránh những những cặp mắt thô lỗ dòm ngó. “Đêm đêm, giờ tí, bao giờ cho Tây du lịch lùi về khách sạn, chui vào chăn ngủ thì chợ tình lại họp. Chợ tình Sapa giờ đây trải rộng ra, phân tán đi, diễn suốt dọc suối Tà Vằn, men thảm cỏ Tá Phìn, và trên rừng đá Hàm Rồng”42 Một loại chợ tình khác không kém độc đáo là “Phiên chợ Gặp Lại Người Yêu.” Hàng năm các đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng Mèo Vạc, Đồng Văn, Quảng Bạ, Cốc Lếu, Mường Khương, dành một phiên chợ cho những đôi trai gái của những mối tình dang dở được gặp lại nhau. Họ yêu nhau từ thuở vào đời, nhưng vì những éo le ngang trái nào đó mà không lấy được nhau. Đến ngày phiên chợ đặc biệt này, những cặp tình nhân cũ tái hợp với nhau, và được sống với nhau như vợ chồng – đúng nghĩa – trọn một ngày của phiên chợ, để được ôn lại thuở yêu đương xưa cho thỏa lòng mong nhớ, mà không hề bị mang điều tiếng hay tội lỗi gì với vợ hay chồng mình. Hôm sau họ chia tay nhau về với nghĩa vụ đời thường của họ. Phiên chợ này phần nào làm vơi nỗi đau của các cuộc tình tan vỡ vì nghịch cảnh, và chứng tỏ rằng họ vẫn là người tình ban đầu tha thiết của nhau. Tất nhiên không phải cặp tình nhân tan vỡ nào cũng tìm về phiên chợ, vì có những cuộc tình phải chia tay mà không vướng mắc gì, thậm chí còn thù ghét nhau.43 (còn tiếp) (1) Will Durant, Nguồn Gốc Văn Minh, Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1991, trang 8.
(2) Đẻ Đất Đẻ Nước, Nxb Văn Học, Hà Nội, 1976.
(3) Trước năm 1975 có một tác giả (ở miền Nam) có lẽ không hiểu ý nghĩa của từ chợ này nên trong một cuốn sách giáo khoa bình giảng thơ văn của mình đã tự ý sửa từ chợ trong câu thơ trên của bà Huyện Thanh Quan thành ra rợ, nhưng không thấy nói căn cứ theo chữ viết trong một bản Nôm nào.
(4) Nguyễn Văn Tân, Từ Điển Địa Danh Lịch sử Văn Hóa Việt Nam, Nxb Văn Hóa - Thông Tin, Hà Nội, 1998.
(5) Có chỗ gọi sai là chợ Giàu (đối nghĩa với Nghèo). “Phù Lưu” là âm cổ (phlu, tlâu) của từ “trầu”. Nhiều địa phương ở miền Bắc gọi “trầu” là “giầu”. Chợ Giầu một tháng sáu phiên, Ai ơi nhớ lấy đừng quên chợ Giầu. (ca dao).
(6) Lấy nông nghiệp làm gốc.
(7) Có một thời kỳ thật lâu, các hoạt động buôn bán lớn nhỏ trong nước đều có mặt người Hoa tham dự. Và họ thường tỏ ra xuất sắc hơn người Việt trong lãnh vực này. Những ngành thương nghiệp quan trọng ở Việt Nam ngày trước hầu như tập trung trong tay người Hoa.
(8) Năm 1461, vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ: “Từ nay về sau trong việc làm ruộng, phải khuyến khích quân dân đều chăm nghề nghiệp sinh nhai để đủ ăn mặc, không được bỏ gốc theo ngọn, hoặc kiếm chuyện buôn bán làm trò du thủ du thực. Người nào có ruộng dất mà không chăm cày cấy thì quan cai trị bắt trình trị tội.” Đại Việt Sử ký Toàn Thư - [Sau đây sẽ gọi tắt là ‘Toàn thư ’] - tập 2, bản dịch của Hoàng Văn Lâu, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội. 1985, trang 296 – 297.
(9) “Người nước ta xưa kia chỉ chăm nông nghiệp và sĩ nghiệp mà để sự buôn bán lại cho Hoa-kiều”. Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Nxb Bốn Phương, Sài Gòn, 1951, trang 72.
(10) Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản Sắc Văn Hóa Việt Nam, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1997. Trang 254.
(11) Trần Ngọc Thêm, sđd. 254.
(12) Mai Ngữ, Tuổi Trẻ Xuân 1993. Dẫn theo Trần Ngọc Thêm, sđd. 255.
(13) Trong thời phong kiến, vì không có cùng quan điểm xã hội về chợ như chúng ta nên người Trung Quốc đã không thể nào hiểu được trong các buổi chợ Việt Nam hầu như chỉ gồm toàn phụ nữ. Họ cho như thế là “vô luân”. Phát xuất từ cội nguồn du mục trong tiềm thức xa xưa, người Trung Quốc coi chợ chỉ thuần là môi trường hoạt động mưu lợi và thuần lý trí phù hợp với nam giới. Hoạt động chợ búa buôn bán thường do đàn ông đảm trách và họ tỏ ra xuất sắc trong lãnh vực này. Thế nhưng, và do đó, cũng chính họ cố tình xem nhẹ vai trò thương nghiệp vì tính “phi đạo đức” của nó, không đáng cho kẻ sĩ quan tâm. Có lẽ đó là một phản ứng tự cân bằng trong tâm thức dân tộc.
(14) Ví dụ chợ của người VN ở Cộng Hòa Séc: “Một người Sec hoăc VN thuê một khu đất trống, dựng lên các lều lán tạm, dùng sơn phân chia các ô rồi cho thuê. Có hai hình thức họp chợ: Chợ bán đổ (bán buôn) như các chợ đổ Petys, 22 giờ HKH ở Praha, ở Teplice, Ostrava, Brno… Chợ Teplice mỗi tuần chỉ họp một phiên từ 16.30 giờ... ngày Thứ Sáu. Chợ đổ Ostrava mỗi tuần họp liên tục ba buổi sáng thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật. Chợ bán lẻ thường xuyên hầu như có ở tất cả các thành phố… Phần đông người VN buôn bán quần áo may sẵn, hàng thực phẩm châu Á, hàng giầy dép, hàng điện tử… Một số mở các tiệm ăn, có cả các quán bán phơ, lòng heo, tiết canh, tái dê… “Tạ Hữu Trầm, “Chợ đổ VN và Vợ Chồng Hữu Nghị”, Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 21/97, tr.12.
(15) “Matscơva ngày nay có nhiều trung tâm thương mại do người Việt cai quản, những khu chợ đúng nghĩa, đường hoàng trên luật pháp, trên cả tên gọi, (…)Hàng chục ô tô lớn nhỏ của người Việt đậu san sát nơi cổng. Các “cửu vạn” Nga còng lưng vác những tải hàng to tướng ngang qua các bà chủ Việt Nam nhỏ thó tay vung vê quyển sổ, miệng liên tục la quát…” Việt Linh, “Chợ Việt Trên Đất Nga,” Saigon Tiếp Thi Xuân 2000, trang 28.
(16) -“Chợ Mường Hum (biên giới cực bắc Lào Cai) nằm dưới thung lũng nhỏ, ven suối Mường Hum, chung quanh là những dãy núi cao ngất trùng mây. Cái chợ phiên cuối tuần ven suối Mường Hum này là nơi gặp gỡ, giao lưu mua bán và vui chơi của bà con các dân tộc Hà Nhì, H’mông, Hoa, Giấy, Dao Đỏ, Dao Tuyển, Hán……Những cô gái chàng trai ở bản làng đi chợ đâu chỉ để mua bán mà còn đi để vui chơi tìm bạn tình. Vì thế ai cũng làm đẹp chẳng khác gì đi dự ngày hội”. – Tấn Vịnh, Đi Chợ Mường Hum, Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 36/99, tr. 28.
(17) Đẻ Đất Đẻ Nước, sđd. Trang 141.
(18) Toàn Thư, Tập I, Bản dịch của Ngô Đức Thọ, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hànội, 1983, tr. 264.
(19) Trung Tâm Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Quốc Gia, Văn Bia Triều Mạc, Nxb Khoa Học Xã Hội HN, 1996. trang 40 – 41.
(20) Nguyễn Hồng Mao, “Bước Đầu Tìm Hiểu Thương Nghiệp Thế Kỷ X”, in chung nhiều tác giả trong tập “Thế Kỷ X Những Vấn Đề Lịch Sử” Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1984, tr. 81.
(21) Phạm Văn Kính, “Vài Nét Về Bộ Mặt Thương Nghiệp Việt Nam Thời Lý Trần” in chung nhiều tác giả trong “Tìm Hiểu Xã Hội Việt Nam Thời Lý Trần”, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội. 1981. trang 191.
(22) Dẫn theo Phạm Văn Kính , sđd. tr.195.
(23) “Năm Kỷ Tỵ, niên hiệu Đại Định thứ 10 (1149) mùa xuân, tháng hai, đoàn thuyên buôn nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào Hải Đông xin cư trú buôn bán, (vua Lý Anh Tông) bèn cho lập trang trại ở nơi hải đảo gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quí, dâng tiến sản vật địa phương.” (Toàn Thư 2, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1985, trang 338.)
(24) “Về phương diện kinh tế thì Huế là nơi bất tiện. Thuỷ thì chỉ có một đường theo sông Hương thông ra biển, mà cửa Thuận An lại hay bị tắc; về đường bộ thì chỉ một đường thiên lý thông với các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và Quảng Nam, mà lại phải qua sông qua đèo khó khăn, cho nên kinh thành (tức Huế) không phải là nơi trung tâm về kinh tế.” Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, sđd, trang 75 – 76.
(25) Đến nay người đất Thuận - Quảng vẫn còn gọi Hoa là Ba, như trong câu ca dao xứ Quảng: Thủng thỉnh lượm bông ba rơi; lượm cho có cách hơn người trèo cao.”
Theo ĐNNTC, Ở xã Đông Ba huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam cũng có chợ tên Đông Ba.
Tên cũ của tỉnh Thanh Hoá là Thanh Hoa. Tại TP. HCM có cây cầu tên Cầu Bông mà trong quyển sách biên khảo “Sài-gòn Năm Xưa” cụ Vương Hồng Sển nói ngày trước tên là Cầu Hoa, sau đổi ra Cầu Bông vì một sự kỵ húy. Không biết có trùng hợp gì với chợ Đông Hoa và tỉnh Thanh Hóa?
(26) Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, Nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1970. Tập II, trang 330 – 331.
(27) Lê Quý Đôn Toàn Tập, Tập 1 - Phủ Biên Tạp Lục, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1977, trang 234.
(28) Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, sđd. trang 69 – 70.
(29) Trịnh Tri Tấn, Nguyễn Minh Nhựt, Phạm Tuấn – “Saigon Từ Khi Thành Lập Đến Giữa Thế Kỷ XIX”, Nxb Tp. HCM, 1998. trang 19.
(30) “Các chợ với diện tích của nó có thể so sánh với rất nhiều đô thị ở châu Á. Nó lại còn to hơn nhiều đô thị về mặt dân số, đặc biệt là những ngày phiên chợ vào ngày mùng 1 và 15 âm lịch, khi dân các làng lân cận đổ về với hàng hóa của họ đông không tưởng được. Rất nhiều phố tuy rộng rãi, lúc đó đông đến nổi là nếu trong nửa tiếng đồng hồ mà có thể lách qua đám đông đi được trăm bước cũng là giỏi rồi.” (Baron White, lái buôn người Anh mô tả chợ ở kinh thành Thăng Long năm 1659, dẫn theo Phạm Văn Kính, “Vài Nét Về Bộ Mặt Thương Nghiệp Việt Nam Thời Lý Trần”, trong “Tìm Hiểu Xã Hội Việt Nam Thời Lý Trần”, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà-nội, 1981, tr. 192)
(31) Văn Tạo (chủ biên), Đô Thị Cổ Việt Nam, Viện Sử Học, Hà Nội 1989. Dẫn theo Trần Ngọc Thêm, Tìm Về Bản SắcVăn Hóa Việt Nam, sđd, trang 251. Hiện nay các chợ này không còn nữa.
(33) Theo Nguyễn Thế Truật – Hỏi Đáp 300 năm Sài Gòn Tp. HCM, Nxb Trẻ, Tp. HCM, 1998.
(34) Chợ tiền Hà Nội những năm trước, theo một bài báo ghi nhận, “nằm trên đoạn phố ngắn Đinh Tiên Hoàng, ngay bờ hồ Hoàn Kiếm, khoảng từ đầu phố Lê Lai đến đầu phố Tràng Tiền, dài quãng 50 mét. Chợ có cỡ từ 35-45 vị chuyên buôn bán ngoại tệ, cả đàn ông lẫn đàn bà… Mỗi người một bọc kè kè bên nách, hoặc cầm trên tay, toàn loại tiền mệnh giá lớn 50.000 và 20.000 đồng, với số lượng độ chục triệu đồng tiền Việt. Ai đi qua ta tây đều được chào mời. Mua và bán ngoại tệ, nhưng chủ yếu ở đây họ mua gom tiền là chính. Theo Trọng Huân, “Chợ Tiền Giữa Trung Tâm Thủ Đô”, Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 14/98, trang 38.
(35) Bùi Thiết, Tự diển Hội lễ Việt Nam, Nxb Văn Hóa, 1993, trang 181 – 182.
(36) Vương Hồng Sển, Sài-gòn Năm Xưa, nxb Tự Do, Sài-gòn 1960, tr.59. Chợ Bến Phà Mỹ Thuận thì sau khi cầu Mỹ Thuận hình thành, chợ này cũng không còn tồn tại nữa.
(37) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, chợ Bãi Đáp ở kinh sư về sau đổi tên là chợ Phù Lễ.
(38) Dẫn theo Saigon Tiếp Thị, số Xuân 2000, trang 25.
(39) Trần Đăng Khoa, Chợ làng người Quê, Saigon Tiếp Thị Xuân 2000, trang 15.
(40) Dương Thế Hùng, Chợ Biên Giới Mùa Nước Nổi, TTCN, 40/97, tr. 38.
(41) Tam Thái, “Chợ Cùng Trời Cuối Đất”, Saigon Tiếp Thị Xuân 2000, trang 28.
(42) Phạm Hồng, Chợ Tình và Quyền Tỏ Tình, Saigòn Tiếp Thị, xuân 2000, trang 7.
(43) Theo Bùi Thiết, Tự Điển Hội Lễ Việt Nam, Nxb Văn Hoá, 1993. trang 179 – 180.
Phụ Bản III HỒI ỨC VỀ LÊ VĂN TRƯƠNG Ngọc Giao Thời tiền chiến – 1930-1945 – kể về số lượng tác phẩm. Lê Văn Trương là một nhà văn lớn. Theo tôi nhớ, ông có tới 60 tiểu thuyết dài không nói khá nhiều truyện nhỏ đăng trên các báo khắp ba miền trong nước. Ở miền Nam, nhất là tại Sài gòn, tủ sách nhà nào cũng có Lê Văn Trương. Giai đoạn ấy, văn học lãng mạn thịnh hành. Về mặt chính trị, con người, nhất là giới trí thức, lâm vào đời sống tinh thần bế tắc, đứng ở ngã ba lịch sử kể từ sau cái đêm Yên-bái đỏ, mười ba cái đầu yêu nước, cùng một lúc, rụng dưới lưỡi dao thực dân Tây. Bắt đầu 1932, xuất hiện Lê Văn Trương trong làng báo, làng văn. Họ Lê ra mắt độc giả một cách khiêm tốn với những bài ngắn đăng đều hàng ngày trên nhật báo Trung Bắc Tân Văn của ông Nguyễn Văn Luận (bố nhà cử nhân văn chương thứ nhất của Việt Nam – ông Nguyễn Khắc Kham ở Pháp về, thiên hạ hồi ấy quen miệng gọi là cậu Cử Kham). Trên báo Trung Bắc Tân Văn mỗi ngày một cột trang đầu, không hề thiếu vắng tên Cô Lý (cô Lý luận) nội dung triết lý, hài hước, nói về các tầng lớp xã hội, đả kích rất chua cay. Quan lại phần lớn bị ông xỉa bút vẫn làm ngơ, Tây cũng mần thinh, không có dấu hiệu gì phản ứng. Tờ nhật báo của ông Luận nhờ Cô Lý được nhiều người yêu mến, làm ngả nghiêng mấy bạn đồng nghiệp Ngọ Báo của Bùi Xuân Học, Đông Pháp của Ngô Văn Phú, Tia Sáng của Ngô Vân… Được hơn một năm, Lê Văn Trương thôi viết báo, bắt đầu sáng tác văn học. Tôi không nhớ tác phẩm đầu tay là cuốn gì, chỉ biết rằng ngay từ bước đầu, chủ “động” Tân Dân Vũ Đình Long đã rung đùi xoa tay, hài lòng với tiểu thuyết Cô Ba Trà của họ Lê. Thuở ấy, người ta đang say sưa với mớ tiểu thuyết tình lâm ly của Pháp như Trà Hoa Nữ, Mai Nương Lệ Cốt, Graziella… Độc giả nữ mê say và ảnh hưởng đến mức đã xảy ra mấy vụ “trầm hương đắm ngọc” ở Hoàn Kiếm, Tây Hồ. Về vụ đó, đáng kể nhất là vụ “Tuyết Hồng lệ sử”. Cô gái đẹp Hà thành này là hội viên Hội “Phi Cao đẳng bất thành phu phụ”. Hội viên nào phạm nội quy: Không lấy chồng sinh viên Cao đẳng sẽ bị tử hình. Cô Tuyết Hồng, vì khuôn phép giáo dục gia đình đã bị bức bách lấy một thanh niên tên là Đạm ở phố Hàng Mã. Ngay hôm đón dâu, cô nhận được bản án tử hình. Cô vẫn bình tĩnh lên xe hoa, rồi sớm ngày nhị hỉ, một nữ đao phủ đứng đón Tuyết Hồng tại đầu phố Hàng Mã, áp đảo cô lên Tây Hồ, đọc bản án, rồi lập tức đưa mình xuống nước. Nhân vật Cô Ba Trà của Lê Văn Trương cũng như các nhân vật nam nữ khác ở mọi tiểu thuyết của ông không hề có hành động, tư tưởng yếu hèn, sống khổ, chết khổ vì tình. Ông quyết liệt chống đối lối yêu đương, lề thói hôn nhân ngu muội của cái bọn nữ ma đầu tư sản “Phi Cao đẳng bất thành phu phụ” đó. Từ Cô Ba Trà, tiếp đến Cô Tư Thung, ông được độc giả hoan nghênh. Đây là hai cô gái đẹp, nổi danh tài sắc của Sài gòn, yêu tỉnh táo, yêu cuồng bạo với thủ đoạn dẫm lên đầu kẻ đàn ông, không hề biết khóc, không hề quỳ gối trước mấy ông Nghị gật, mấy anh nhà giàu đốt giấy bạc kiểu công tử triệu phú Cần Thơ. Hai cuốn tiểu thuyết này đã khiến những chàng, những nàng vốn tôn thờ Mai Nương Lệ Cốt, Trà Hoa Nữ…quay đầu về phía Lê Văn Trương, ôm ấp tác phẩm của ông, và đón đợi những tác phẩm sau. Cuốn truyện ra tiếp đó là Người Anh Cả, in thành hai tập loại Phổ thông bán nguyệt san của Tân Dân. Đây cũng là một tác phẩm đáng ghi nhớ. Nhân vật chính chỉ là một chàng trai nhà nghèo, sau lưng anh, một đàn em nheo nhóc đói ăn, thiếu học. Người anh Cả đã lao vào cuộc sống kiếm tiền nuôi lũ em, dạy dỗ, dẫn dắt chúng, trở nên những con người hữu dụng. Câu chuyện cũng rắc rối, phức tạp, ly kỳ như Anh em Karamadốp của Dostoievski. Tác phẩm Lê Văn Trương, chủ yếu dựng lên những nhân vật, nam cũng như nữ, phải có một cơ thể mạnh để chứa đựng một tinh thần mạnh. Bởi thế, thời đó, người ta mệnh danh ông là nhà văn triết lý người hùng với luận điệu nửa đùa, nửa mến. Thời kỳ ấy, trí thức một số đông, hâm mộ hai nhà văn chủ trương con người phải mạnh. Đó là, Nietsch và Kant. Lê Văn Trương tán thành ảnh hưởng chủ thuyết này. Lê Văn Trương luôn nghĩ con người phải nuôi dưỡng tinh thần mạnh, ý chí nam nhi. Ông thường nhắc nhủ “Soyons hommes!” (Hãy là Người!). Và với luận cứ ấy, ông bán chặt vào con người hùng trong tất cả sáng tác của ông. Giữa giai đoạn này, xuất hiện một số trí thức tôn sùng André Gide qua tiểu thuyết La porte e1troite (Cửa hẹp). “Gia đình, ta căm thù mi” (Ô famille, je te hais). Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã là tín đồ của Gide. Bài thơ tứ tuyệt của ông đăng trên Tiểu thuyết Thứ bảy, tôi đã bảo thợ đóng khung trang trọng: Vô liêu như chiếc đồng hồ Đôi kim đã chết trên giờ thê nhi Sông hồ thưa vắng biệt ly Người lành của rẻ có đi cũng sầu. Tâm trạng những người trí thức, nhất là những văn nghệ sỹ, như tôi đã nói, đứng ở ngã ba lịch sử, ngày tháng rối ren, không biết làm gì, không biết đi đâu, ngoài những chuyến đi giang hồ vặt. Lê Văn Trương, ngược lại, không tán thành A.Gide, không căm ghét gia đình, coi gia đình là cái lồng hẹp, nhốt đại bàng. Ông càng viết khỏe, bảo vệ chủ thuyết yêu cuộc sống, vượt qua mọi thăng trầm. Hồi đó, một số người nhắc đến Lê Văn Trương, với giọng mỉa mai, xem ông là người hùng kiểu Đông ky sốt, đánh cối xay. Và cho đến ngay cả bây giờ, thanh niên chưa hề đọc Lê Văn Trương, cũng tưởng lầm Lê Văn Trương là người hùng loại cao bồi phong kiến. Số lượng tác phẩm khổng lồ của Lê Văn Trương, trước khi in, tôi đều đọc bản thảo, thật tình, chưa hề bắt gặp một truyện nào thiếu đạo đức, vắng cái hào khí của con người đất Việt. Tôi tưởng cũng cần phác họa dáng dấp nhà văn Lê Văn Trương. Ông cơ thể to cao, da ngăm đen, trán hơi gồ, cặp mắt tinh khôn, có một hột cơm dưới đuôi mắt phải, tiếng cười sảng khoái, đi đứng ung dung, chững chạc. Bạn bè quý mến tính hào phóng, lễ độ, ngang tàng, chân thật, gắn bó với bạn văn nghèo. Gần họ Lê, không có gì đáng phải đề phòng. Duy có điều đáng ngại là mỗi lần gặp nhau, cái bắt tay thân ái của ông khiến người được ông chào phải cố gắng dấu nét mặt đau đớn trong bàn tay sắt của ông. Thật vậy, bàn tay Lê Văn Trương không phải sinh ra để cầm bút, mà để bóp chết những kẻ nào mà ông căm ghét. Mỗi lần Lê Văn Trương đến động Tân Dân hoặc nhà xuất bản nào đó, về đến nhà thì anh em văn hữu, được ông hẹn, đã ngồi chật căn nhà lá hẹp ông thuê tại Ngã Tư Sở, gọi đùa là “Chiêu Anh Quán”, cũng được mang cái tên nữa là Lương Sơn Bạc. Bạn bè đùa ông là Tống Công Minh. Bà vợ cả Lê Văn Trương quanh năm ở ngôi nhà dưới ngõ Chùa Vua với hai con trai, một con gái. Bà cả người miền Nam, dáng điệu, cốt cách ung dung như một phu nhân mệnh phụ. Cạnh bà vợ quá nghiêm túc, ông tìm hết cách sống riêng, xa vợ, xa con. Và, quả vậy, ông đã sống riêng với một nàng kỹ nữ (chị Đào) nhảy ở tiệm Fantasio, phố Hàng Bông. Bà cả không hề phản đối, không hề liếc mắt ngó coi ông chồng nghệ sĩ sống cách nào. Những ngày trong túi có món tiền bán sách, ông hô bạn đến nhà, cơm rượu suốt đêm ngày, cầm bằng như đốt bạc. Ông có hai đồ đệ tận tụy trung thành là hai gã trẻ tuổi Đặng Đình Hồng, Tân Hiến. Hồng thấp bé, những ngày đói rách, đã từng làm cái nghề đi tuyên truyền đạo Tin Lành ở khắp nơi. Hiến thì cao lớn; bên cạnh vẻ thấp lùn của Đặng Đình Hồng, Tân Hiến tháo vát, khỏe mạnh, tính nết hiền hòa. Tôi nhớ mỗi lần tôi vào “Lương Sơn Bạc” thăm Lê Văn Trương, thấy bóng tôi từ đầu ngõ, ông đã vui vẻ hô to: “Kìa, đại ca đã đến. Chú Hồng, chú Hiến đâu, mau đi làm việc”. Làm gì, tôi kinh ngạc tự hỏi? Thì ra, ngay lúc đó, Tân Hiến đã với tay lên vách, lấy cây lao sắt nhọn. Còn Đặng Đình Hồng thì cắp cây nỏ và một túi tên tre. Tuần trà vừa trọn, ngoảnh ra sân, thấy hai cao đồ của họ Lê, đã xách về một chú gà, chú vịt, và không thiếu một xâu cá béo bắn trộm ở ao trong xóm. Những nhà văn, nhà thơ gần gũi Lê Văn Trương hồi ấy là Nguyễn Bính, Lan Khai, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm… lẫn cả anh chàng Viễn, một tay đồ tể khét tiếng ở lò sát sinh Lò Đúc. Làm nghề chọc tiết lợn, nhưng Viễn rất yêu mến, hiểu biết về văn học, hào hiệp như một hảo hán thời Đông Chu liệt quốc. Bài thơ Tống biệt hành bất tử của Thâm Tâm chính là ông gởi tâm sự vào đó trong bữa rượu tại nhà Lê Văn Trương, chia tay Viễn, đi xa… Thâm Tâm ứng khẩu đọc bài thơ ấy trên chum rượu bên Hồ. Nhắc đến Thâm Tâm, tôi không thể nào không thương nhớ con người gày choắt, cao thước rưỡi, hầu như không nói, không cười. Có cảm giác, con người Thâm Tâm sâu như cái giếng. Rượu uống chẳng kém gì thi sĩ đời Đường. Thơ ứng khẩu nhanh chẳng kém Tào Thực nhà Hán. Con người nhỏ bé này chưa hề biết sợ ai. Chúng tôi thường ví Thâm Tâm là Yêu Ly, là Lạn Tương Như đất Triệu. Cũng ví Lê Văn Trương là đại tướng Liêm Pha, cũng người nước Triệu. Một Lạn Tương Như nhỏ bé, một Liêm Pha thét lửa, cả hai đều khiến bạo Tần phải nể. Lê Văn Trương chịu đọc sách, nghiên cứu sâu văn học Pháp, từ thế kỷ Ánh sáng. Nhưng ông không khoe sách trong câu chuyện văn học với bạn bè. Về sức mạnh, họ Lê luôn khiêm tốn. hồi ấy, ở Hà Nội, phố Hàng Trống có một lực sĩ tên là Nguyễn Lộc, mở lò dạy võ, chụp hình trên sách báo, bắp thịt trông ghê như nhà quyền Anh vô địch thế giới Tysơn ngày nay. Nguyễn Lộc vắng đồ đệ, có cơ đói rách. Có người xui Nguyễn Lộc thách đấu với Lê Văn Trương, mà thiên hạ thì thầm nhà văn này là cao thủ gồng trà kha, vũ thuật Cao miên. Chuyện ấy tới tai Lê Văn Trương, Trương chỉ mỉm cười. Sau lại nghe vũ sĩ Nguyễn Lộc được báo đưa tin ông vừa biểu diễn võ nghệ cho công chúng nhìn tận mắt: trước một tấm mành che cửa, ông Lộc phất tay một cái là lá mành tự động cuốn lên chừng bốn mươi phân. Sau đó, ông Lộc đứng bên một miệng giếng, nước cao gần bằng thành giếng, ông phất tay, làm cho mực nước dâng lên, sóng lăn tăn bắn ra ngoài miệng giếng. Rồi thì báo chí đăng rầm rĩ, ca ngợi Nguyễn Lộc quá trời. Báo Đông Pháp lại mạnh hơn, tung ra cái tin vũ sĩ Nguyễn Lộc thách đấu với nhà văn gồng trà kha Lê Văn Trương. Đã có một lúc, Lê Văn Trương mất cái bình tĩnh thường ngày. Ông định nhận lời thách thức đó. Chúng tôi vội xúm lại hết lời can ngăn, nhắc ông: dù thắng bại cũng làm trò cười cho thiên hạ. Nguyễn Lộc, bán sức kiếm ăn như một anh mãi võ, thua không ai cười. Nhà văn Lê Văn Trương mà bị Lộc đánh ngã trước quần chúng thì đó là cái nhục chẳng riêng cho ông, mà nhục chung cho cả làng cầm bút. Cuối cùng ông nghe chúng tôi, rồi câu chuyện lố bịch ấy cũng qua đi. Năm tháng không đứng lại. Chúng tôi tan tác dần, mỗi người một ngả, vác bút đi kiếm ăn ở khắp ba kỳ. Chao ôi, cái nghề viết mướn mang thuê! Lê Văn Trương vẫn ở ngôi nhà lá cũ, với hai đồ đệ, với kỹ nữ Đào, người đàn bà xinh đẹp, hiền hậu, cơm nước, hầu hạ ông chồng, càng thêm tuổi càng sinh biến tật, nóng nguội thất thường. Ông vẫn viết, quanh năm ít có một ngày nghỉ bút. Chỗ làm việc của Lê Văn Trương là một góc gian phòng tối. Những hôm thời tiết đông âm u tối, ông bảo đốt nến trắng, soi bản thảo. Một bàn giấy gỗ mọt, một ghế gần như còn có ba chân. Ông ngồi đó, mặt đăm chiêu, suy nghĩ. Trên bàn giấy, ngay trước mặt đặt một cái sọ người luộc kỹ, sọ bóng lên bởi nhiều bàn tay đã mó vào. Ông ngồi đó, môi mím chặt, mắt trũng sâu, dưới tay một chồng giấy bản thảo. Chúng tôi đã lặng lẽ ngắm nhìn cái đầu ông lẫn với cái đầu lâu sọ người nào đó lung linh trong ánh nến. Theo thói quen, có khi mạch văn bí tắc, ông cầm bút gõ mạnh lên cái đầu lâu mấy tiếng liền. Rồi im lặng. Sau đó ít phút, ông cầm bút viết lia viết lịa, không ngừng nghỉ, có lẽ không cả thở. Biết ông say viết, chúng tôi bấm nhau lặng lẽ ra về. Cũng đã nhiều lần, ông bảo đồ đệ Đặng Đình Hồng, Tân Hiến, mỗi người ngồi một đầu bàn, cầm bút viết theo ông đọc. Đầu ông ngả lên lưng ghế, mắt nhắm lại, như người ngủ nói mê. Không, ông rất tỉnh. Ngồi mãi mỏi, ông vùng đứng dậy, đi đi lại lại quanh bàn giấy, vẫn tiếp tục đọc cho hai đồ đệ viết. Những tác phẩm sáng tạo theo kiểu đó, khá nhiều. Có tác phẩm thành công, không ít cuốn thất bại. Cũng nhiều khi ông thảo nội dung với đầy đủ chi tiết, ném cho hai đồ đệ viết. Bởi thế, qua mấy năm liền, mấy nhà xuất bản cương quyết khước từ bản thảo tiểu thuyết Lê Văn Trương, vì kém quá, hơn nữa, chữ bản thảo không phải là nét chữ quen thuộc của ông. Họ Lê đi vào túng quẫn. Ông đành vác bản thảo kiểu hàng rởm đó đến “động” Tân Dân. Tất nhiên, ông chủ Vũ Đình Long đưa tôi đọc, cho ý kiến. Thật tình, “nói trộm linh hồn ông Vũ Đình Long” – tôi đã biết là hàng rởm, nhưng thương bạn, tôi không đọc, phê ngay bằng mực đỏ ngoài bìa: “Tốt. In được”. Thế là, ngay hôm sau, Lê Văn Trương, lúc nào y phục cũng chỉnh tề, ngửa cao đầu bước qua động khẩu Tân Dân, tay múa can như Sác-lô, tiếp nhận chiếc phong bì lớn đầy giấy bạc do tay “Tiên ông” đưa nộp. Sau đó, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Nguyễn Bính, Vũ Trọng Can được tin mừng, đã đến đủ mặt trong Lương Sơn Bạc. Với Lê Văn Trương, viết cho văn học, cho độc giả thân kính. Với Lê Văn Trương, tiền viết kiếm được, chỉ có giá trị trong việc tiếp đãi, giao du, thỏa mãn bạn văn nghèo. Cho nên, hôm nay, tiệc lớn, không tiếc một ai. Ngày mai, lại xác xơ, nghèo túng. Nhưng họ Lê không vì thế mà than thở, chau mày. Những năm tháng ấy, chúng tôi thực tình yêu thương nhau, đùm bọc nhau, cái nhục cái vinh cùng chia sẻ. Cho đến một buổi chiều cuối đông, gần tết. Anh em cùng kiết xác, họp nhau uống rượu suông ở nhà Thâm Tâm. Trần Huyền Trân nâng cốc, nhìn Thâm Tâm, Nguyễn Bính, nước mắt lăn xuống má. Trân cúi đầu, lau nước mắt, ứng khẩu mấy câu thơ này, mỗi lần nhớ đến, tôi thấy não lòng: Thôi thế anh về yên xóm cỏ Xứ nghèo đã cỗi gốc yêu thương. Nhớ nhau vẩy bút làm mưa gió Cho đống xương đời được nở hương. Nghe xong, con người sắt thép như Lê Văn Trương mà cũng cúi đầu dấu tiếng thở dài. 1950. Nhà văn Lê Văn Trương vào Nam, chúng tôi không hề biết trước. Tôi tình cở giở tờ tuần báo Mới của Phạm Văn Tươi, chủ nhà in, nhà xuất bản Tín Đức thư xã phố cũ Sabourain, thấy truyện dài in hàng tuần, nhan đề Cô gái họ Phạm. Ít ngày sau, tin Sài gòn đưa ra: làng báo trong đó, không biết vì lý do nào, đang phát động phong trào tẩy chay Lê Văn Trương? Tuần báo Mới không in tiếp Cô gái họ Phạm nữa. Lần lữa mãi, Lê Văn Trương, cũng như Vũ Bằng, Tam Lang, Thượng Sỹ, đều thất nghiệp. Sống trơ vơ, cùng quẫn, họ Lê ốm, già, kiệt sức. Không ai thân thích, ông vẫn hàng ngày đi xoay xỏa. Đói thì chịu vậy, nhưng ông không nỡ để đói lũ mèo 30 con, đủ các loại, các giống, sống quanh ông, bầu bạn chung thủy với ông. Cho đến một ngày, ông bạn Thanh Châu nhận được thư Thượng Sỹ (nhà văn phê bình cũ trong nhóm Vũ Bằng) gởi ra, kèm theo một mẩu báo cắt nham nhở, đưa tin nhà văn Lê Văn Trương đã qua đời trên căn gác ổ chuột. Trương ơi, anh chết đói hay chết bệnh? Bệnh gì? Vẫn chỉ là căn bệnh chung của lũ mình, cái bệnh của những con người không chịu sống bình thường. Bài báo không quên tả, quanh thi thể ông, một đàn 30 con mèo đói, không kêu gào gì hết. Chúng lặng lẽ bám quanh xác chết, rúc đầu vào nhau. Chúng, chỉ có chúng, những con mèo chung thủy, tiễn ông đi. Lê Văn Trương ơi, Hôm nay, ngày xuân Hà Nội. Mây trời u ám. Gió xuân se lạnh. tôi, đã tám mươi, râu tóc bạc phơ rồi. Tôi khép chặt cửa phòng, run tay cầm bút, viết về Anh, nhớ thương Anh. Viết theo thể hồi ức, nhớ gì viết nấy, không bố cục, không văn hoa. Con chim già, đang rơi rụng cánh, tiếng hót thường lảnh lót. Bạn đọc cổ kim thân quý của tôi, đọc tôi, hãy tin tôi. Sức quá yếu rồi, mạch văn cũng yếu. Bạn đọc hãy thể tình cho cây bút về già. Hoàng Chúc st TIẾNG ANH RẮC RỐI (KỲ 4) AMERICAN COLLOQUIAL ENGLISH (Tiếng Anh thông dụng của người Mỹ) Đây không phải là tiếng lóng (slang) mà là thứ tiếng Anh không chính thức (informal) mà hầu hết tất cả người Mỹ dùng hàng ngày một cách thoải mái trong gia đình, với bạn bè, ngay cả với những người mới gặp lần đầu. Đây cũng là thứ tiếng Anh mà ta gặp trong các phim ảnh của Hollywood, trong các quyển truyện, tiểu thuyết của các tác giả Mỹ, kể cả John Steinbeck và Mark Twain. Vì thế ta có thể nói đây là thứ tiếng Anh được dùng nhiều nhất trên thế giới. Đặc điểm của American Colloquial English là thân mật, cởi mở, chứ không gò bó, máy móc như tiếng Anh chính thức (formal English) dùng trong trường học, sách vở, các cuộc hội nghị. Tuy nhiên một số người nói tiếng Anh cẩn thận, đúng văn phạm không thích loại tiếng Anh phổ thông này. Đây là một số điểm khác biệt trong American Colloquial English, không kể đến các từ, thành ngữ: - Ít khi dùng “yes”, mà dùng “yeah”, “yea”, “yap” hoặc “uh - huh” (đọc là “à – há” khi mở miệng, hoặc “ừ - hứ” khi ngậm miệng, có thể kèm theo một vài cái gật đầu. - Tượng tự, chữ “no” được thay bằng “nah”, “nope” hoặc “uh – uh” (đọc là “á – à” khi mở miệng, hoặc “ứ - ừ” khi ngậm miệng, kèm theo một vài cái lắc đầu, hay nhún vai.) - Thay “going to” bằng “gonna”, “want to” bằng “wanna”: She wants to be a singer = She wanna be a singer, hoặc She’s a singerwannabe. - Thường hay dùng “got” mặc dù ở thì hiện tại. Got money? = Do you have any money? Gotcha = I got you = I understand you. Bản nhạc “More than I Can Say” có câu “Oh, oh, yea, yea…Tell me please, I gotta know”. - Người da đen, hoặc người ở các tiểu bang Miền Nam, (ngoại trừ những người có học) thường dùng “ain’t” thay cho tất cả những chữ sau đây: don’t, doesn’t, didn’t, haven’t, hasn’t, hadn’t, isn’t, aren’t, am not, wasn’t, weren’t. Ví dụ: I ain’t got no money = I don’t have any money. - Hay dùng “you guys” trong trường hợp “you” đây là nhiều hơn một người. Và “guys” có thể là đàn ông hay đàn bà. Ở các tiểu bang miền Nam, người ta thường dùng “you all” hoặc “y’all” thay cho “you guys”. - Không dùng “whom” mà chỉ dùng “who” (sai văn phạm) Thí dụ: Who do you want to speak to? - Dùng “a lot of” hoặc “ lots of” thay cho “many”, “much” trong mọi trường hợp. Kỳ tới: Tìm hiểu cái tên của người Mỹ. N.C.T PHÂN BIỆT CHÂN HỎA VỚI HƯ HỎA, CHÂN THỦY VỚI TRỌC ÂM (tiếp theo bản tin 54) THÙY DƯƠNG Thủy hỏa là gì ? Trong phần trước ta đã nói đến nguồn nguyên khí âm dương tàng trữ tại thận để duy trì sự sống của cơ thể cũng như mọi sinh hoạt trong đời sống của con người. Đó là hai nguồn khí dương và khí âm, còn gọi là chân dương – chân âm. Từ ngữ âm, dương nghe hơi có vẻ trừu tượng, thực ra âm, dương chỉ là tính từ: âm là có tính mát mẻ, tĩnh lặng, dương là có tính nóng ấm, năng động. Nhưng người ta thường quen gọi âm, dương như danh từ, thay vì phải gọi là “Khí âm, Khí dương” (thật sự thì đây không hẳn là khí như nghĩa thông thường). Vì thế người mới làm quen với Đông Y mới thấy có phần mơ hồ trừu tượng. Xét về mặt tác dụng của âm dương trong cơ thể con người thì rất phong phú nhưng cũng không kém phức tạp. Tuy nhiên, nổi bật nhất và dễ nhận ra nhất là LẠNH và NÓNG, Hai đặc tính tiêu biểu của nước và lửa. Vì thế để cụ thể hóa cho dễ hiểu, về mặt tác dụng, người ta thường gọi ÂM là THỦY, DƯƠNG là HỎA. Cho nên Đông Y nói: “THỦY HỎA là TRƯNG TRIỆU của ÂM DƯƠNG”. “ÂM DƯƠNG LÀ NGUỒN GỐC CỦA THỦY HỎA” Tuy nhiên, THỦY hay HỎA cũng có thứ trong sạch hữu ích, và cần thiết cho cơ thể được gọi là CHÂN THỦY, CHÂN HỎA, ví như vàng ròng bạc thật từ trong két sắt mới lấy ra. Nhưng cũng có thứ khi lưu thông trên “thị trường” thường bị ô nhiễm trở thành xấu hay dơ bẩn, mất đi tính trong sạch của nó, không giúp ích mà còn tác hại cho cơ thể, khi đó được gọi là HƯ HỎA và TRỌC ÂM, tức là thứ hỏa giả tạo và thứ âm ô uế. * Chân Thủy và Chân Hỏa được gọi là CHÍNH KHÍ, coi như quân đội chính quy của một đất nước để chống lại giặc ngoại xâm và nội tặc bất cứ lúc nào. Ngược lại với chính khí là tà khí, tức là những gì tác hại gây bệnh cho cơ thể. Về ngoại tà, Đông Y phân ra 6 thứ gọi là lục dâm gồm có: 1) Phong (gió): tức những cơn gió độc – 2) Hàn (lạnh) – 3) Thử (nắng) – 4) Thấp: thời tiết hoặc môi trường xung quanh quá ẩm thấp – 5) Táo: thời tiết có thể không nóng nhưng quá khô ráo lsm da khô , môi nứt lẻ – 6) Hỏa: trời nóng quá cũng dễ gây bệnh. Phong, Hàn, Thử, Thấp, Táo, Hỏa là tên của 6 bọn giặc bên ngoài luôn rình rập tấn công những cơ thể yếu nghĩa là khi chính khí suy. Còn nội tà là gì? Đó chính là HƯ HỎA và TRỌC ÂM được hình thành từ bên trong do sự suy yếu của chính khí tức chân hỏa, chân thủy biến chất gây nên. * Chính khí và tà khí là hai lực lượng đối lập luôn hiện hữu, đấu tranh để giành đất sống và tất nhiên thắng lợi sẽ thuộc về kẻ mạnh. Vậy ta phải luôn quan tâm bảo vệ và bồi dưỡng nguồn chính khí vững mạnh để chống lại bọn giặc tà ô hợp đang từng lúc lăm le cấu kết với nhau để hại ta! Về ngoại tà thì dễ nhận diện, nhưng nội tà, hai tên Hư Hỏa và Trọc Âm kia ta phải tìm ra bộ mặt thực của chúng để tìm cách đối trị. Phân biệt chân hỏa với hư hỏa. * Chân hỏa là thứ hỏa hữu ích và cần thiết cho cơ thể, nó có thể có nhiều dạng khác nhau: 1. Nhiệt làm ấm cơ thể để chống lại những cơn gió lạnh đột nhập hay thời tiết lạnh kéo dài. 2. Năng lượng cơ học để cung cấp cho sự vận động thể chất như đi đứng, chạy nhảy, các việc lao động chân tay, luyện tập thể thao… 3. Năng lượng sinh hóa cần cho các phản ứng sinh học, hóa học trong các chức năng bên trong cơ thể như tiêu hóa (biến thức ăn thành chất dinh dưỡng), hô hấp, tuần hoàn, sự sản sinh và tăng trưởng các tế bào vv… 4. Năng lượng trí lực rất cần thiết cho các hoạt động trí óc như suy nghĩ, tính toán cho các nhà toán học, khoa học, nhà văn, luật gia, chính trị gia, các học sinh, sinh viên nhất là thời gian học thi. 5. Và cuối cùng là một dạng tổng hợp cô đọng của tất cả các dạng năng lượng kể trên mà người ta gọi là nhân điện (électricité humaine) – Nhiều người không tin cho là nhảm nhí, nhưng ta có thể chứng minh được dễ dàng. Nhân điện được phân bố dọc theo các dây thần kinh ngoại biên, luôn sẵn sàng cung ứng theo nhu cầu trong khả năng, như làm dịu một cơn đau cấp tính, làm một cánh tay bại liệt tự giơ lên được, chỉ trong 2 phút, làm đôi chân yếu bước được không cần chống gậy vv… bằng cách dò và ấn huyệt ở mặt (diện chẩn). Người viết đã làm được cho nhiều bệnh nhân cách đây 5 năm trở về trước. Nhân điện cũng được dùng cho khoa châm cứu và ấn huyệt rất mầu nhiệm, nhưng người thầy phải dồi dào sức lực. Tóm lại chân hỏa là thứ hỏa không bốc thành ngọn lửa, cũng không nhất thiết phải nóng. Nó tác dụng một cách âm thầm nhưng cho ta những kết quả đa dạng, đôi khi kỳ diệu. * Hư hỏa là thứ hỏa thường bốc lên có khi trong tim ta, có khi trong đầu ta hay trong mắt ta. Nó làm ta cảm thấy nóng và bực bội khó chịu, đêm không ngủ được, ngày thì đứng ngồi không yên. Đó là cái hỏa của những cơn giận dữ mà ta không kiềm chế được, nguyên do là vì ta thiếu chân thủy. Đó là thứ hỏa có hại cho sức khỏe, đôi khi làm ta mất tình bạn và có thể tình yêu nữa! * Để minh họa cho hư hỏa ta tưởng tượng một nồi cơm nấu bằng rơm như ở nông thôn ta thường làm. Ngọn lửa của rơm cháy bùng với khói đen mù mịt làm nồi cơm sôi tràn cả ra bếp. Dù ta có bớt lửa khi cơm cạn, nhưng nếu tiếp tục đun nhỏ lửa thì cơm cũng sẽ trên sống dưới khê (cháy khét) cho nên người ta phải bện một bùi nhùi lớn quấn chặt quanh thành nồi rồi đốt âm ỉ cơm mới chín được. Ngọn lửa cháy bùng đầy khói đen của rơm ví như hư hỏa. Trái lại nếu ta nấu cơm bằng bếp than, lửa của than không cháy bùng mà âm ỉ nhưng làm cơm chín rục, thậm chí có thể hầm chín rục cả xương. Đó mới là thứ hỏa không nóng lắm mà có công năng cao ví như chân hỏa. * Chân thủy: là làn nước trong tươi mát cung cấp bởi nguồn khí âm trong cơ thể. Nó cho ta một làn da tươi tắn, một tâm hồn thoải mái với những cảm giác dễ chịu, một giấc ngủ an lành mỗi đêm. Bên trong cơ thể nó là dòng máu đỏ lưu thông khắp các huyết quản, là những hormones và các chất dịch trong, có độ nhầy vừa phải làm trơn tru các bộ phận để sự hoạt động của các cơ năng được dễ dàng. * Trọc âm: Khi chân hỏa trong cơ thể bị thiếu hụt các chất nước và dịch của chân thủy nói trên sẽ bị lạnh và ngưng trệ không lưu thông được, sẽ đọng lại thành những chất nhầy như đờm trong đường hô hấp, máu đen và đặc trong các tĩnh mạch, hoặc các chất nhầy đặc lại trong các khớp xương làm giới hạn cử động và gây đau nhức lại chỗ. Tất cả những chất nhầy bị cô đọng hay máu đen ấy là do chân thủy đã biến chất (vì thiếu chân hỏa). Chúng không còn là chân thủy trong sạch và hữu ích nữa mà trở thành những chất ô uế gọi là trọc âm. Đông Y còn gọi là hàn thấp, đờm ẩm hay âm ế. Dù ở hình thức nào trọc âm cũng gây nghẽn tắc làm khí huyết không lưu thông được và gây đau nhức. Nguyên nhân nào gây nên mất quân bình âm dương? Trong bài trước ta đã thấy theo định luật cơ bản 1: Âm dương hỗ tương, âm và dương luôn có khuynh hướng hỗ trợ và chế ngự lẫn nhau để duy trì một trang thái quân bình tương đối. VD: * Về mùa hè trời nóng quá thì nước ở sông hồ bốc hơi làm giảm bớt nhiệt độ. * Trong gia đình, chồng nóng thì vợ bớt lời, tỏ ra dịu dàng để duy trì hạnh phúc. Nhưng không phải khuynh hướng này luôn đạt được kết quả như ý mà đôi khi có giới hạn, nếu một bên đi quá giới hạn đó sẽ gây nên mất quân bình âm dương. VD: * Nắng lâu không mưa thì sông hồ cũng cạn gây hạn hán. * Chồng nóng quá vợ không can nổi sẽ gây bất hòa, hai người bạn đồng hành sẽ trở thành đối thủ và người chồng, kẻ mạnh hơn sẽ thắng. Do đó Đông Y có quy luật: Your browser may not support display of this image. (hư ở đây nghĩa là hư yếu, không phải hư hỏng) Ngược lại trong một gia đình mà người chồng quá yếu ớt nhu nhược không giúp đỡ và điều khiển được vợ thì thường xuyên có cảnh bất hòa cãi cọ, và khi đó người vợ sẽ là kẻ thắng và điều khiển chồng. Do đó có quy luật: Your browser may not support display of this image. Tuy nhiên trong cả 2 trường hợp cái thắng này không phải là “vinh quang” và cũng không ai mong muốn, bởi vì mọi sự thái quá đều không tốt mà còn đi đến xằng bậy. Bởi thế Đông Y thường nói: “Cái thắng đi càn”. Trong quy luật 1) Dương thắng ở đây không phải là cái dương trong sạch như chân hỏa mà chỉ là cái dương giả tạo hư hỏa. Trong quy luật 2) Âm thắng ở đây cũng chỉ là cái âm ô uế tức trọc âm hay hàn thấp. Hai quy luật này cũng chính là hai trường hợp Âm hư hỏa vương và Dương hư hàn thấp ở bài “Âm Dương trong cơ thể con người” – Hỏa vượng chính là hư hỏa và Hàn thấp chính là trọc âm vì thế: * Khi mới có dấu hiệu mất quân bình âm dương ta phải sớm nhận ra và tìm cách tự điều chỉnh cách sinh hoạt, nghỉ ngơi, ăn uống của mình. Đừng để lâu ngày, chân âm chân dương sẽ hao tổn cạn kiệt hết. Thí dụ: 1. Nếu Âm hư hỏa vượng lâu ngày thì chân hỏa sẽ bốc lên mãi thành hư hỏa làm hao tổn chân dương và như thế dương cũng hư thành Âm Dương Lưỡng Hư. 2. Nếu Dương hư Hàn thấp lâu ngày thì chân thủy sẽ biến thành hàn thấp hay trọc âm làm hao tổn châm âm và như thế âm cũng hư thành Âm Dương Lưỡng Hư. Bệnh sẽ khó chữa hơn. * Ngoài đời cũng vậy, một gia đình mà hạnh phúc có dấu hiệu lung lay thì cả vợ lẫn chồng đều có trách nhiệm tìm ra nguyên nhân để tự điều chỉnh củng cố, không nên đổ lỗi cho người kia. Nếu chồng hay ăn chơi là do người vợ không vụng về hoặc không đủ nữ tính. Nếu vợ lăng loàn hay ngoại tình là do ông chồng nhu nhược, không đủ tư cách cho vợ kính nể. Do đó: Chồng hư tại vợ không ngoan Vợ hư chồng phải lo toan sửa mình * Có người nghĩ: Trong trường hợp Âm Dương Lưỡng hư vẫn có thể có được quân bình sao lại không tốt, thí dụ: âm 30%, dương 30%. Tuy quân bình nhưng cả hai đều thiếu hụt nên sự quân bình này không bền vững mà chỉ nhất thời. Đông Y nói: “Âm Dương Lưỡng hư thì hay tranh thắng” lẫn nhau. Ví như hai vợ chồng nghèo tuy yeu nhau nhưng mõi khi gặp khó khăn vẫn hay cãi cọ bất hòa. Hoặc hai đứa trẻ con nhà nghèo, mỗi lần cái bánh nhỏ đã được chia làm 2 phần rất đều nhau nhưng em vẫn bảo: “Sao phần của anh lớn hơn?” và anh thì bảo: “Sao phần của mày lớn hơn?” rồi đánh nhau! Vậy quân bình chưa đủ mà còm phải đầy đủ nữa mới chắc an toàn và nâu bền. VÀI LỜI KHUYÊN ĐỂ GIỮ GÌN SỨC KHỎE 1. Hãy luôn luôn quan tâm chăm sóc “nguồn nguyên khí” của bạn. Nó là “ngân quỹ của sức khỏe” để chống lại mọi bệnh tật. Nó phải được âm dương quân bình và đầy đủ. Khí có dấu hiệu mất quân bình ta phải nhận ra là âm hư hay dương hư để tự điều chỉnh cách sinh hoạt của mình. Hãy tập thói quen điều độ. Nhiệt tình và đam mê là rất quý cho cuộc sống, nhưng những gì thái quá đều bất lợi cho sức khỏe. Nó sẽ dẫn đến mất quân bình âm dương và làm cạn kiệt nguồn nguyên khí quý báu của ta. 2. Đừng ham làm việc quá nhiều. Ở tuổi về hưu không nên làm quá 6 – 7 tiếng một ngày. Nếu bạn làm quá số đó một tiếng, hôm sau bạn phải trả 1 tiếng nghỉ ngơi. Nếu quá 2 tiếng, hôm sau bạn phải nghỉ không phải 2 tiếng mà 22 = 4 tiếng; nếu quá 3 tiếng, hôm sau bạn phải nghỉ 32 = 9 tiếng, nghĩa là nghỉ nguyên cả ngày hôm sau và vài tiếng hôm sau nữa. Cứ như thế, nếu bạn không thể trả đủ mà cứ tiếp tục cố gắng làm việc, một thời gian sau sẽ có một hôm Thần Bệnh (và có thể Thần Chết) sẽ đến gõ cửa nhà bạn, với một chiếc máy tính nhỏ cầm tay, sẽ đòi bạn phải trả đủ số nợ ngay tức khắc (Quy luật này không phải là thái quá. Bạn cứ thử độ vài tuần thì biết). 3. Đừng ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng, nếu cơ thể yếu bạn sẽ không đủ năng lượng để tiêu hóa chúng và những thức ăn tiêu hóa dở dang sẽ biến thành chất độc làm hại dạ dày và cơ thể bạn. Nếu bạn có sức khỏe và đủ năng lượng để tiêu hóa, các chất giàu dinh dưỡng sẽ làm bạn mập phì kèm theo những chứng bệnh khó chữa. 4. Khi bạn mệt hay vừa qua một cú sốc làm suy sụp năng lượng hoặc khi mắc mưa bị lạnh, gặp bữa không nên ăn uống bình thường mà chỉ nên ăn chút ít dù đói. Dù là các thức ăn ngon lành, hợp vệ sinh, nhưng vì không đủ năng lượng tiêu hóa, bạn có thể bị đau bụng dữ dội, nôn ói. Lúc ấy người ta thường nghĩ bạn bị ngộ độc và đổ lỗi cho các thức ăn vô tội kia là thủ phạm. Bản thân tôi đã bị như thế 1 lần, nhưng không chịu để họ chở đi cấp cứu, chờ qua cơn đau lại ngồi ăn nốt chỗ thức ăn còn lại đã nguội ngắt mà chẳng sao! 5. Nếu bạn bị dương hư, khi tập thể dục chỉ nên giới hạn ở những động tác nhẹ, thở hít là chính, tránh các động tác mạnh làm ra mồ hôi tổn hại chân dương. 6. Hãy canh giữ “Lãnh thổ con người” của bạn chống lại bọn giặc ngoại xâm. Chúng có thể đột nhập vào cửa miệng, lỗ mũi hay bất cứ vùng “biên giới” nào phơi bày ra khí lạnh và ẩm thấp. Ở đường miệng, ta cần tránh các thức ăn làm tăng thêm bệnh, như cá biển, nấm, măng tre sẽ làm tăng cơn đau bệnh phong thấp và bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm xoang, viêm mũi. 7. Đừng bao giờ đi chân đất dù ở nhà nền lát đá hoa lau sạch, nhất là tầng trệt. Ta nên mang dép mỏng đi trong nhà. Đừng nằm trên sàn nhà dù những hôm trời rất nóng, hoặc nằm gần cửa sổ hay quạt máy.Thói quen này rất khó sửa. Có thể bạn thấy mát dễ chịu và không cảm thấy lạnh, vì cơ thể bạn đã tự động điều ra các vùng đó một lượng nhiệt để chống lạnh nên đi dép hay đóng cửa bạn sẽ thấy nóng không chịu được. Như thế bạn đã phí phạm bỏ mất một số nhiệt hay năng lượng mà cơ thể bạn đang cần thiết để làm những chức năng khác rất cần.Và đó chính là nguyên nhân gây nên các chứng bệnh trong cơ thể bạn. Chúng sẽ không thể chữa khỏi chừng nào mà nguyên nhân đi chân đất, nằm đất kia chưa được loại trừ. Nên nhớ rằng trong 10 cái cửa nhà bạn, nếu bạn chỉ đóng có 9 cửa rưỡi, bọn kẻ trộm vẫn có thể vào và lấy đi những đồ quý giá trong nhà bạn. Năng lượng trong cơ thể còn quý hơn cả vàng bạc. Còn nhiều điều nữa để nói nhưng thời gian có hạn. Để kết thúc buổi nói chuyện này, tôi muốn nhắc nhở quý vị một điều quan trọng: Tạo hóa đã ban cho mỗi người chúng ta một món quà quý giá, một cỗ máy duy nhất để làm phương tiện sống và hưởng hạnh phúc, với những bộ phận duy nhất mà một khi hao mòn hay cũ đi không thể dễ dàng thay thế bằng một bộ phận mới như đồ phụ tùng của một chiếc xe. Ta phải biết giữ gìn nó, cỗ máy duy nhất của chúng ta để duy trì nó ở trạng thái tốt. Đừng phó thác nó hoàn toàn cho các thầy thuốc mỗi khi nó trục trặc. Tiếng Việt ông bà ta có câu: “Của bền tại người”. Kính chúc quý vị giữ được cỗ máy bền lâu và xin hẹn gặp lại.
Phụ bản IV
CUỘC ĐỜI LY KỲ VÀ GIAN NAN CỦA RÔ - BIN - SƠN
(tiếp theo)
|