Hiện có 6 người xem / 2528477 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 08/9/2012

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY

Trước khi bắt đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên cuộc Triển Lãm mang tựa đề là “Những đóng góp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc” được tổ chức tại Nhà Truyền Thống Tổng giáo phận thành phố Hồ Chí Minh từ 25-8-2012 cho tới 25-02-2013. Trong cuộc Triển Lãm này, ở phần trưng bày “Văn hóa phi vật thể” có rất nhiều cổ thư kỳ thư mà chắc chắn là các thành viên sẽ thích thú thưởng lãm. Sau lời giới thiệu, các thành viên đã được LM Triết tặng cho mỗi người một cuốn sách giới thiệu cuộc triển lãm dày 30 trang có chứa đựng những thông tin thực hấp dẫn về Giáo Hội Công Giáo, và rất nhiều hình ảnh màu các cổ thư kỳ thư được trưng bày.

Sau phần giới thiệu cuộc Triển Lãm, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách, một cuốn mới bằng Anh ngữ và một cuốn 66 tuổi đời (1946) bằng Pháp văn. Cuốn sách mới bằng Anh ngữ mang tựa đề là “Cuốn Sổ Tay của người độc giả” (Reader’s handbook) do nhà Merriam Webster’s nổi tiếng của Mỹ xuất bản dưới dạng một cuốn Tiểu Tự Điển dày 597 trang, nội dung giải thích tất cả các từ thông thường và chuyên môn liên quan tới sách và mọi lãnh vực khác liên quan đến sách như xuất bản, in ấn, văn hóa, văn chương vân vân… Nói tóm lại với cuốn Sổ Tay này người độc giả có thể tra cứu tất cả những từ chuyên môn chủ yếu là về văn chương, văn học, là những từ không dễ kiếm trong các loại tự điển thông thường khác. Sau khi giới thiệu cuốn sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn cho biết ông sẵn sàng tra giúp bất cứ thành viên nào gặp những từ lạ không tìm thấy trong các tự điển thông thường khác. Cuốn sách 66 tuổi đời bằng Pháp văn là một bản đẹp, dành cho người chơi sách, của cuốn truyện tình nổi tiếng Mai Nương Lệ Cốt (Histoire de Manon Lescaut) của Antoine-Francois Prevost (1667-1763), thường được gọi là Tu sĩ (Abbe) Prevost, một tác giả Pháp rất nổi tiếng hồi thế kỷ thứ XVIII. Cuốn sách thuộc loại được đánh số (833) khổ 20 x 24 cm, dày 227 trang và được minh họa bởi họa sĩ minh họa nổi tiếng Raoul Serres, và các minh họa bằng màu ở trong sách cực kỳ đẹp và dễ thương. Quả là một cuốn sách rất đáng được những người chơi sách trân trọng. Truyện tình cực kỳ nổi tiếng này hình như đã được nhà văn dịch giả Vũ Ngọc Phan dịch ra tiếng Việt từ thời tiền chiến (trước 1945).

Sau phần giới thiệu sách, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã quý tặng mỗi thành viên một cuốn “Truyện vui thời @” của ông được lấy từ trên mạng và in “lưu hành nội bộ” trong CLB Sách Xưa và Nay.

Tiếp sau đó, bà Thùy Dương, một thành viên, đã có một cuộc nói chuyện ngắn về “Tranh Siêu Thực”. Tiếp lời bà Thùy Dương, anh Trần Văn Hữu đã lên ngâm tặng các thành viên bài thơ nổi tiếng Màu Tím Hoa Sim bằng giọng ngâm rất truyền cảm của anh. Tiếp lời anh Hữu, anh Lê Nguyên đã ngâm tặng các thành viên một bài thơ hơi khen CLB Sách Xưa và Nay một tí. Sau đó các thành viên thảo luận thêm về một vài hoạt động của CLB và buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày.


Vũ Thư Hữu


Vài dòng về cuốn sách cổ

được in trước năm 1888 mang tựa đề:

CUỘC CHINH PHỤC XỨ BẮC KỲ

BỞI 27 NGƯỜI PHÁP

DO ĐỒ-PHỔ-NGHĨA CHỈ HUY

(La conquête du Tong-Kin par vingt-sept francais

commandés par Jean Dupuis )

Cuốn sách cổ được xuất bản ở hậu bán thế kỷ thứ XIX (trước năm 1888) này khổ 12cm x 19cm, dày 316 trang, có 12 minh họa và phụ bản, với 3 cạnh mạ vàng, và bìa cứng màu đỏ rất đẹp. Tuy cuốn sách không để năm in, nhưng rất may là ở ngay trong trong bìa trước có dán tờ giấy ghi là sách phần thưởng được trao cho một học sinh tên là Forest Charles được giải nhất về làm tính ngày 6-8-1888, như vậy chứng tỏ là cuốn sách phải được in trước năm 1888, và đây chính là cơ may giúp cho người chơi sách xác định được thời gian cuốn sách được in. Sách còn có thủ bút của Jean Dupuis, ảnh chân dung anh Tây thực dân nổi tiếng này và một bản đồ. Người viết có được là do mua được của một người bạn mang từ nước ngoài về, với giá hơi “sứt cổ” thôi chứ chưa bị “cắt cổ” như thường lệ mỗi khi mua sách anh-đô-chin-nơ.

Cuốn sách cổ này tuy để tên tác giả là Jean Dupuis (Đồ-Phổ-Nghĩa) nhưng thực ra lại do một tác giả tên là Jules Gros làm trích đoạn từ Cuốn Hồi Ký của Jean Dupuis, và sách được sắp xếp như sau đây:

- Tiểu sử Đồ-Phổ-Nghĩa 1

- Tên họ một số nhân viên người Âu Châu

trong cuộc viễn chinh 25

Hồi ký của Đồ-Phổ-Nghĩa

Được chia thành XII chương:

- I.- Từ Hồng Kong tới Hà Nội 29

- II.- Chuyến đến Hà Nội đầu tiên 44

- III.- Từ Hà Nội tới Mang-hào 57

- IV.- Từ Mang-hào tới Vân Nam. Ở lại Vân Nam 66

- V.- Từ Vân Nam tới Hà Nội 80

- VI.- Từ khi tôi từ Vân Nam trở về

cho tới lúc ông Millot đi Saigon 96

- VII.- Từ lúc ông Millot ra đi cho tới sự can thiệp đầu tiên

của Hải Quân Đô Đốc Dupre 120

- VIII.- Từ việc can thiệp đầu tiên của Hải Quân Đô Đốc

cho tới lúc các chiến thuyền của tôi trở lại 144

- IX.- Từ lúc các chiến thuyền của tôi trở lại

cho tới lúc quân Pháp lâm trận.

Cuộc viễn chinh mới ở Vân Nam 164

- X.- Từ lúc quân Pháp tới cho tới lúc Garnier tử trận 183

- XI.- Ông Philastre tới Bắc Kỳ 224

- XII.- Hòa Ước.- Đoàn quân viễn chinh bị án binh bất động.-

Cấm buôn bán trên sông Hồng.- Cuộc tàn sát 236

Bản thỉnh nguyện của Đồ-Phổ-Nghĩa

gửi tới Hạ Viện Pháp 247

Báo cáo của ông Emile Bouchet gửi tới Hạ Viện

nhân danh Ủy Ban Xét Thỉnh Nguyện thứ nhì

sau khi xét thỉnh nguyện của Đồ-Phổ-Nghĩa 251

Các cuộc thảo luận 255

Đây là một cuốn sách ít thấy xuất hiện ở Việt Nam và là sách thuộc loại sách đẹp vì được dùng làm sách phần thưởng, do đó vì bị cứa sứt cổ, nhưng người mua cũng vẫn thấy thích thú, hơn nữa tài liệu nó chứa đựng cũng rất hữu ích cho những ai nghiên cứu lịch sử nước nhà.


Trích Hồi ký 60 năm chơi sách. Chương VI

Vũ Anh Tuấn

BIÊN HÒA

Vùng đất cổ được khai phá đầu tiên

ở Nam Bộ Việt Nam

Từ thuở mang gươm đi mở cõi

Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long.

Đó là hai câu thơ như ca dao của nhà lão thành cách mạng Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977) quê ở làng Tân Tịch huyện Tân Uyên tỉnh Biên Hòa nay là tỉnh Bình Dương. Ông là một nhà hoạt động cách mạng và là một chỉ huy quân sự tài giỏi ở miền Đông Nam Bộ thời kháng chiến chống Pháp cùng hoạt động chung với tướng Nguyễn Bình và là người đã có nhiều công xây dựng căn cứ chiến khu D thời kỳ đầu Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) chống Pháp lần thứ hai, nơi quê nhà ông.

Ông nổi tiếng về tài thi ca nên đã có bài thơ được truyền tụng trên các diễn đàn văn học nghệ thuật trong cả nước, đặc biệt bài thơ được mở đầu bằng hai câu thơ trên. Câu thơ đó có ý nghĩa rất sâu sắc, thắm đậm tình cảm của người Nam Bộ đối với Bắc Bộ, trong đó có Thăng Long – Hà Nội, nơi dựng nước và giữ nước đầu tiên của cha ông ta trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử.

Trong tiến trình lịch sử đó của dân tộc Việt Nam, nếu hai ngàn năm trước có đất cổ Bắc Bộ với nền văn minh lúa nước – nền văn minh sông Hồng, sông Đà của thời đại Hùng Vương thì hai ngàn năm sau ta có vùng đất mới phương Nam, trong đó Biên Hòa – Đồng Nai là nơi mở nước ở phương Nam dẫn đến nước Việt Nam có một dải non sông gấm vóc, rừng vàng biển bạc từ Bắc chí Nam, từ ải Nam Quan tới mũi Cà Mau, chiều dài gần 3.000 km.

Theo dòng lịch sử, năm 1558, từ câu sấm Trạng Trình của nhà tiên tri Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” mà Nguyễn Hoàng bắt đầu di chuyển dòng họ, thân thuộc vào trấn giữ Thuận Hóa, nay là Thừa Thiên – Huế. Rồi cuộc phân tranh giữa hai dòng họ Trịnh – Nguyễn kéo dài cả trăm năm đã phân chia ranh giới Nam – Bắc thành xứ Đàng ngoài và xứ Đàng trong. Từ đó, sự nghiệp khai hoang mở nước, quy dân lập ấp của chúa Nguyễn ở miền Nam cho tới tháng 2 năm Mậu Dần (1698), đoàn thuyền chiến của Kinh lược sứ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cặp bờ Đàng Trong và quyết định đặt đại bản doanh tại Cù lao Phố (nay là phường Bửu Hòa thành phố Biên Hòa, nằm giữa sông Đồng Nai có hai cầu Ghềnh bắt qua, là đoạn đường xe lửa Nam Bắc từ thành phố Hồ Chí Minh xuyên qua trung tâm Biên Hòa đến thủ đô Hà Nội).

Thuở ấy, di dân vào đây có nhiều câu ca dao mô tả cảnh quan lẫn địa hình khá ghê rợn như sau:

Đồng Nai địa thế hãi hùng

Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um!

Chèo ghe sợ sấu cạp chưn

Vào bờ sợ rắn, lên rừng sợ beo!

Đến đây xứ sở lạ lùng

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng kinh!

Má ơi, đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú, biết nhà má đâu!

Cù lao Phố là trung tâm của xứ Đông Phố tức miền Đông Nam Bộ ngày nay, được Thống suất Kinh lược sứ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh cho lệnh “chia đất Đông Phố lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình dựng dinh Phiên Trấn (hay Sài Gòn – Gia Định, nay là thành phố Hồ Chí Minh). Chẳng bao lâu, vùng Đông nam Bộ trở nên trù phú đưa nông nghiệp, thương mại cùng đời sống xã hội phát triển với sự có mặt của hơn 40 ngàn hộ, tính ra có 200 ngàn dân.

Khi ấy, phương dao có câu: Nhất Đồng Nai, nhì Hai huyện (đây là huyện Tân Bình (Sài Gòn – Gia Định) và huyện Long Hồ (Vĩnh Long – Tiền Giang)) mới phát triển. Hoặc: Rồng chầu xứ Huế, ngựa tế Đồng Nai. Ca dao của vùng đất mới cũng đã đổi khác:

Làm trai cho đáng nên trai

Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng tường!

Đó còn là trai “tứ chiếng”, gái “thuyền quyên” làm nên câu ca dao cho cuộc mở đất phương Nam đầy tình sử: Đồng Nai đi dễ khó về, trai đi có vợ gái về có con!

Chẳng bao lâu, cù lao Phố trở thành Châu Đại Phố - Cảng Đại phố đầu tiên của miền Nam. Đó là thời kỳ trước Nguyễn Hữu Cảnh đặt trị sở tại đây, thời chúa Nguyễn vào năm 1679, hai nhóm di thần nhà Minh do không phục nhà Mãn Thanh nên hai tướng Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài trấn thủ Quảng Đông và Quảng Tây di tản với 50 chiến thuyền đem theo 3.000 người gồm cận vệ và dòng tộc sang Đại Việt xin lập nghiệp ở Biên Hòa và Mỹ Tho. Nhóm ở Biên Hòa tới khai phá và định cư ở cù lao Phố. Việc giao thương nơi đây không bao lâu trở nên phồn thịnh. Vì thấy nơi xa xôi này của vùng đất mới mà có được một địa điểm và vị trí chiến lược về chính trị, ngoại giao, thương mại rất tốt nằm không xa biên giới đất nước chùa Tháp với xứ Đàng Trong của Đại Việt nên Thống suất Kinh lược sứ ưng chọn làm nơi đóng trị sở ban đầu.

Hơn nữa, trước khi chúa Nguyễn cho Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược cuộc đất này thuộc ngoại biên của vương quốc Chân Lạp (Cam Bốt) đang có nhiều di dân của Đàng Trong từ tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đi tha phương cầu thực sau khi diễn ra cuộc hôn nhân giữa công chúa Ngọc Vân con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) với vua Chân Lạp Chey Chetta II vào năm 1620 và năm 1623, chúa Phúc Nguyên đưa quốc thư hỏi mượn đất Bến Nghé – Sài Côn (Sài Gòn xưa) đặt trạm thu thuế mở đầu cho công cuộc Nam tiến của dân Việt vào vùng đất mới ở phía cực nam của Tổ quốc.

Cuộc bang giao vừa mang tính hữu nghị vừa có tính cách gia đình giữa hai nước càng tạo điều kiện cho di dân Việt xâm nhập ngày càng xa hơn vào khu vực hẻo lánh của xứ Đồng Nai. Khu vực này là đất của đồng bào dân tộc Mạ, Stieng… thuộc Miền Đông Nam Bộ. Khi người Việt tới lập nghiệp ngày càng đông thì họ di tản dần lên vùng cao Lâm Đồng, Tây Nguyên. Biên giới Việt – Cam Pu Chia ngày nay chạy dọc theo phía Tây từ Tây Nguyên xuống Phước Long, qua Tây Ninh tới An Giang, Hà Tiên được định ra từ thời ấy thông qua các Kinh lược sứ Thoại Ngọc Hầu ở An Giang – Hà Tiên, Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai – Gia Định. Ngoài nhóm di cư đầu tiên người Hoa (dân Quảng Đông) lập nghiệp ở Biên Hòa, Mỹ Tho (dân tỉnh Quảng Tây), còn có nhóm Mạc Cửu ở Hà Tiên (châu Lôi – Quảng Đông) thuần phục nhà Nguyễn năm 1708. Tới đây thì toàn cõi Đại Việt đã có liền một dải từ Nam quan tới Cà mau.

Trong suốt thời gian nhà Tây Sơn thống trị đất Đàng Trong và xảy ra giao chiến giữa quân Tây Sơn với chúa Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia Long đầu triều Nguyễn) từ năm 1780 tới năm 1800, toàn cõi miền Đông và miền Nam Bộ cả các hải đảo ở biển Đông và vịnh Xiêm La (nay là Thái Lan) đều thuộc về Đại Việt. Biên giới giữa Đại Việt với Cam pu chia đã phân định tương đối rõ ràng như ngày nay. Người Việt đã sống chung và đan xen từng vùng với các dân tộc thiểu số Hoa, Khmer, Chăm ở miền Đông và Nam Bộ, với Mạ, Stieng, Cơ ho, M’Nông… ở phía Bắc Đồng Nai và Tây Nguyên.

Theo sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức dưới triều nhà Nguyễn, Đồng Nai là Nông Nại tức nước Thù Nại xưa, Bà Rịa là nước Bà Lợi và Biên Hòa trước có tên Xích Thổ (Đất Đỏ hay Xuyên Mộc) và Chu Nại là Sài Gòn nay... cho tới khi Pháp xâm lược Việt Nam năm 1858, địa bàn này còn sót lại vương quốc Mạ mà thực dân Pháp gọi là “xứ Mọi” 

Từ năm 1698, Biên Hòa được đặt là Trấn Biên Dinh, từ sau năm 1802 có tên Biên Hòa Trấn thuộc Gia Định thành. Đó còn là ý nghĩa của một “trấn” (ải) đem lại hòa bình cho biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Hiện nay, di tích của Trấn Biên được khôi phục và xây dựng ở khu đất nằm phía sau lưng sân bay Biên Hòa và khu du lịch Bửu Long (núi Bửu Long) tạo thành một khu di tích mang truyền thống lịch sử mở đất phương Nam đầy vẻ vang của Tổ quốc.

Biên Hòa còn có khu công nghiệp I đầu tiên ở miền Nam thời chống Mỹ cứu nước và nay có thêm khu công nghiệp II sánh vai cùng các khu công nghiệp mới ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh kết nối giao thoa với nhau qua xa lộ Hà Nội, đường cao tốc Dầu Giây - Long Thành, QL 13 và đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa xuyên Bắc Nam, xưa là đường huyết mạch tiếp tế của Miền Bắc cho Miền Nam, nay trở thành một cụm công nghiệp miền Đông Nam Bộ gắn với miền Tây Nam Bộ cùng cả nước tiến vào thời kỳ công nghiệp hóa sánh vai cùng khu vực và thế giới.

Hơn bốn thế kỷ trôi qua (1630-2012), Biên Hòa từ là vùng đất mới rừng thiêng nước độc với sương lam chướng khí, phiên trấn đầu tiên được nhân dân và triều đình phong kiến ra sức khai phá và xây dựng để tới ngày nay đã trở thành một thành phố văn minh, hiện đại của miền Đông Nam Bộ bên cạnh thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu là thành phố anh hùng “đi trước về sau" trong sự nghiệp mở nước, dựng nước và bảo vệ nước.


Một số hình ảnh về Biên Hòa, Đồng Nai (nguồn Internet)

Cầu Rạch Cát (Rạch Cát Bridge - Photo by Poujade de Ladevêre - 1909)


Thành Biên Hòa:

Dấu vết thành cổ Biên Hòa:


Bến tàu Biên Hòa:

Cầu Ghềnh:

Quốc lộ 15:

Khu Tam Hiệp:


Ga xe lữa Biên Hòa:

Cầu Suối Linh:

Góc đường Biên Hùng (Biên Hùng Crossroads - Panorama 1966-72):

Tháp nước Biên Hòa:

Cầu Đồng Nai



Vương Liêm


CÓ MỘT CUỐN SÁCH

NHƯ THẾ ĐÓ

QUYỂN HẠ

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT

THÁNH KINH

BỘ SÁCH CỦA NHỮNG ĐIỀU LẠ

Những điều lạ ở đây không có ý ám chỉ những kỷ lục mặc dù Thánh Kinh cũng đã từng có các kỷ lục được ghi, ở đây chỉ nhắc tới những điều khác thường ít thấy hay không thấy nơi các sách khác, cũng không loại trừ những trường hợp được coi như một phép mầu vậy – Bạn đọc có thể hoài nghi về quả quyết này và có quyền phủ nhận, nhưng đối với người viết và những người hiểu biết và tin tưởng Thánh Kinh, thì đây là lời khẳng định chính xác.

1. Một Viện Đại học chỉ dạy về một cuốn sách!

Thánh Kinh học là một ngành học ngang tầm đại học và trên đại học được mở ra để chỉ nghiên cứu về một bộ sách duy nhất là Thánh Kinh với tầm vóc quốc tế. Cho tới hôm nay, chưa có sách nào có được vinh dự cao như thế.

Ở Trung Quốc có bộ môn Hồng Học, cũng là một ngành học chuyên nghiên cứu về một bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Quốc, đó là bộ Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần vào thế kỷ 18, nhưng tầm vóc và ảnh hưởng khiêm tốn hơn nhiều so với Thánh Kinh Học.

Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia (internet), Hồng Học là một môn học chuyên nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng, một trong tứ đại danh tác của văn học cổ điển Trung Quốc. Do Hồng Lâu Mộng có nhiều văn bản khác nhau, quan điểm của các nhà nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng cũng khác nhau… nên lịch sử Hồng Học có thể chia làm hai thời kỳ: Cựu Hồng Học và Tân Hồng Học.

- Cựu Hồng Học: gồm các lời bình trong Chi Nghiễn Trai Trùng Bình Thạch Đầu Ký – các bản Giáp Tuất (Càn Long năm thứ 17, 19, 54), Kỷ Mão (Càn Long năm thứ 24), Canh Thìn (Càn Long năm thứ 25), đây là những tư liệu Hồng Học sớm nhất (trong khi những tư liệu về Thánh Kinh Học đã có trước đây hơn 2000 năm).

- Tân Hồng Học: Sau phong trào Ngũ Tứ, các học giả nghiên cứu về Hồng Học có tới 10 vị, đặc biệt nhất là học giả Hồ Thích với tác phẩm Hồng Lâu Mộng Khảo Chứng (1921) đã chính thức khai sáng ra Tân Hồng Học.

Sau thời cải cách văn hóa ở Trung Quốc tới thời mở cửa (thập niên 60 thế kỷ 20), việc nghiên cứu Hồng Lâu Mộng lại được tiếp tục với sự ra đời của Sở Nghiên cứu Hồng Lâu Mộng, và hai tập san Hồng Lâu Mộng Học San và Hồng Lâu Mộng Nghiên Cứu Tập san. Hội thảo Hồng Lâu Mộng quy mô toàn Trung Hoa lần thứ nhất họp tại Cáp Nhĩ Tân mùa thu năm 1980, có hơn 70 bản tham luận. Tại hội thảo này Hồng Lâu Mộng Học Trung Quốc chính được thành lập.

Hồng Học ngày nay đã thành một ngành học vấn ở phạm vi quốc tế. Mùa Xuân năm 1980, trường đại học Wisconsin ở Mỹ đã đứng ra triệu tập hội nghị nghiên cứu Hồng Lâu Mộng quốc tế, và tháng 6/1986 hội thảo Hồng Lâu Mộng quốc tế lần thứ hai họp tại Cáp Nhĩ Tân Trung Quốc.

Những năm gần đây, các cuộc tranh luận về Hồng Lâu Mộng vẫn tiếp tục diễn ra gay gắt với ý kiến của nhà Hồng Học Thổ Mặc Nhiệt cho rằng Hồng Lâu Mộng không phải của Tào Tuyết Cần (vi.wikipedia.org/wiki/Hồng Học).

Tính quốc tế của Hồng Học mới chỉ là một cuộc hội thảo ở Wisconsin (Mỹ) ngoài Trung Quốc – chưa thấy nơi nào có Học viện Hồng Học với những học vị cử nhân, tiến sĩ Hồng Học. Trong khi Thánh Kinh Học đã có những Học viện tầm cỡ đại học lớn trên thế giới như Học viện Thánh Kinh Giêrusalem, Học viện Thánh Kinh Roma cấp bằng cử nhân, tiến sĩ Kinh Thánh Công giáo, còn các nước có đông tín đồ Kitô giáo như Anh quốc, Đức, Mỹ… chắc chắn đã có những Học viện Kinh Thánh riêng của họ. Ngay tại Việt Nam nhỏ bé, tín hữu Tin lành còn ít thế mà trước năm 1975 cũng đã từng có Học viện Kinh Thánh Tin lành ở Nha Trang, Khánh Hòa (xem Những Suy Nghĩ Vẩn Vơ tập 8, trang 44-46).

2. Điều kiện và thời gian để học Kinh Thánh cực kỳ gắt gao:

Để vào học ở Viện Thánh Kinh Roma và Giêrusalem, và để trở thành nhà nghiên cứu, chú giải Thánh Kinh chính thức, học viên sau tú tài, cử nhân, phải đủ điều kiện về ngôn ngữ, nghĩa là ngoài tiếng mẹ đẻ phải thông thạo ít là 3 trong các sinh ngữ Tây Âu: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý… và thông thạo ít là 4 cổ ngữ La-tinh, Hy Lạp, Hêbrêu (Do Thái) và Aram, và 1 trong 3 ngôn ngữ Đông phương như Ai Cập, Ả Rập, Copt. rồi còn phải miệt mài chuyên chú học chỉ một môn này mà thôi trong ít là 9 năm, và phải thi đậu, được cấp bằng mới đủ tư cách giải thích Kinh Thánh. Không phải chỉ lõm bõm vài câu tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức… mà học được.

Linh mục Giuse Đỗ Quang Khang sau khi tốt nghiệp đại học đã có một thời đi dạy học rồi vào tu sau 6 năm làm Linh mục, rồi được gửi qua Học viện Thánh Kinh Rôma, sau 9 năm mới về nước, ngài tâm sự: "Nếu vì bất cứ lý do gì mà nghỉ 1 tuần thôi thì không thể theo kịp nữa, phải bỏ giở mà về". Linh mục Giuse Nguyễn Văn Hội (DCCT) được gửi qua Pháp học Thần học Thánh Kinh tại Học viện Công giáo Paris (Institut Catholique de Paris) từ năm 2008 đến 2012, ròng rã 4 năm trời mà mới chỉ học khái niệm về Cựu Ước, chuyên sâu về 25 chương đầu sách Sáng Thế Ký, đặc biệt nghiên cứu chỉ có 1 chương là chương 18 sách Sáng Thế - ngài chia sẻ: "Thật vất vả, 4 năm trời chỉ học được 1 chương sách mà thôi". Nếu Thánh Kinh là một cuốn sách vô giá trị thì thế giới văn minh này làm gì phải nhọc công và tốn kém như vậy? Làm gì phải dịch ra hơn 2445 thứ tiếng (trong các văn bản của thế giới, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được dịch ra 375 ngôn ngữ đã chiếm kỷ lục, chưa sách nào vượt được), xuất bản hàng tỷ cuốn như vậy? Và làm gì mỗi ngày có hàng tỷ người đọc và noi theo như vậy?

3. Thánh Kinh – sách của Sự thật:

Thánh Kinh không phải là sử ký thuần túy, nhưng có tính lịch sử rất cao, nghĩa là hoàn toàn tôn trọng sự thật, tác giả Thánh Kinh biết sao kể vậy, không bao giờ cố tình bóp méo sự thật, khác với lịch sử của các triều đại chính trị luôn có khuynh hướng "xấu che, tốt khoe", nhiều khi sử gia không muốn vậy nhưng do những áp lực nhiều phía nên buộc phải "uốn cong ngòi bút".

Thông thường người ta rất sợ sự thật, sợ đối mặt với sự thật, nhất là những sự thật không mấy tốt đẹp, do đó mới có vấn đề những người có thế lực "sát nhân diệt khẩu" trong mọi thời đại.

Một vua Hêrôđê (thế kỷ 1) loạn luân với chị dâu ngay khi anh mình còn sống, ông Gioan Tẩy Giả đã dũng cảm lên tiếng: "Ngài không được làm như vậy", lập tức ông bị bay đầu (Lc 3,19-20). Với ông vua khét tiếng độc ác này cũng như ông trùm độc tài Hitler, sử gia nào dám nói động tới những việc sai quấy các ông làm? Với các vua chúa, những nhà độc tài khát máu khác cũng vậy.

Trong khi đó các tác giả Kinh Thánh tôn trọng sự thật cách tuyệt đối, không mảy may che giấu sự thật:

§ Quyền uy và lẫy lừng như nhà lãnh đạo Môsê mà vẫn bị "kể tội và hình phạt" vào lúc cuối đời: chết mà chỉ được nhìn thấy Đất Hứa chứ không được vào – Ds 27,12-15:

- ĐỨC CHÚA phán với ông Môsê: "Ngươi hãy lên ngọn núi kia của dãy Avarim, và hãy nhìn xem miền đất mà Ta ban cho con cái Israel. Khi đã nhìn xem rồi, ngươi cũng sẽ về sum họp với gia tiên, như Aharon anh ngươi, vì ở sa mạc Xin, trong lúc cộng đồng chống đối Ta, các ngươi đã chống lại lệnh Ta truyền làm cho nước chảy ra để tỏ bày sự thánh thiện của Ta trước mắt chúng. Đó là vụ nước ở Mơriva miền Cađê, trong sa mạc Xin" [1] .

§ Tất cả lỗi lầm của vua Đavít đã được kể lại một cách tỉ mỉ: Vua Đavít đã chiến thắng mọi kẻ thù, đã thống nhất đất nước và làm cho nước hùng mạnh. Một hôm nhà vua lên sân thượng đi dạo mát vào buổi chiều, nhìn sang hàng xóm thấy bà Batseva vợ của ông Urigia, người Khết đang tắm, bà hết sức xinh đẹp, quyến rũ, vua Đavít đã "phải lòng" và đã dùng mọi thủ đoạn để chiếm đoạt, kể cả thủ đoạn "giết chồng để đoạt vợ" người ta. Thế nhưng một bề tôi của vua là ngôn sứ Nathan đã hạch tội vua một cách "thẳng thừng", không sợ hãi, không nể nang – 2Sm 12,1-13a:

- ĐỨC CHÚA sai ông Nathan đến với vua Đavít. Ông vào gặp vua và nói với vua: "Có hai người ở trong cùng một thành, một người giàu, một người nghèo. Người giàu thì có chiên dê và bò, nhiều lắm. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó, nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông, nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông: ông coi nó như một đứa con gái. Có khách đến thăm người giàu, ông này tiếc của, không bắt chiên dê hay bò của mình mà làm thịt đãi người lữ khách đến thăm ông. Ông bắt con chiên cái của người nghèo mà làm thịt đãi người đến thăm ông". Vua Đavít bừng bừng nổi giận với người ấy và nói với ông Nathan: "Có ĐỨC CHÚA hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy, thật đáng chết! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và đã không có lòng thương xót". Ông Nathan nói với vua Đavít: "Kẻ đó chính là Ngài!". ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: "Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Israel, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Saun. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Israel và Giuđa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời ĐỨC CHÚA mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm Urigia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Urigia, người Khết, làm vợ ngươi". ĐỨC CHÚA phán thế này: "Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ của ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Israel và giữa thanh thiên bạch nhật". Bấy giờ vua Đavít nói với ông Nathan: "Tôi đắc tội với ĐỨC CHÚA".

§ Vua Salômon khôn ngoan lẫy lừng như thế, được Chúa thương như thế, mà cuối đời đã "gục ngã" trước sắc đẹp của đàn bà. Tội của vua đã được kể lại không một chút "nương tay" (1V 11,1-11):

- Vua Salômon yêu nhiều người đàn bà ngoại bang; ngoài ái nữ của Pharaô, còn có các bà thuộc dân Môáp, Ammon, Êđôm, Xiđôn, Khết, những dân mà ĐỨC CHÚA đã truyền cho con cái Israel là: "các ngươi không được đi lại với chúng, và chúng cũng chẳng được đi lại với các ngươi; vì chắc chắn chúng sẽ làm cho lòng các ngươi ngả theo các thần của chúng". Nhưng vua Salômon thì lại mê những người đàn bà ấy; vua có bảy trăm bà vợ chính thức và ba trăm cung phi. Và các bà ấy làm cho lòng vua ra hư hỏng. Quả vậy, khi vua Salômon về già, các bà vợ của vua đã làm cho lòng vua ngả theo các thần ngoại; lòng vua không còn chung thủy với ĐỨC CHÚA Thiên Chúa của vua, như lòng phụ vương Đavít nữa. Vua Salômon đi theo nữ thần Áttôrét của dân Xiđôn, theo thần Mincôm ghê tởm của dân Ammon. Như thế, vua Salômon làm điều dữ trái mắt ĐỨC CHÚA, chứ không theo ĐỨC CHÚA trọn vẹn như phụ vương Đavít. Bấy giờ vua Salômon xây trên núi đối diện với Giêrusalem một nơi cao cho thần Cơmốt ghê tởm của dân Môáp, cho thần Môléc ghê tởm của con cái Ammon. Vua làm như thế với tất cả các bà vợ ngoại đạo của vua; họ đốt hương và sát tế kính các thần của họ. ĐỨC CHÚA nổi giận với vua Salômon, vì lòng vua rời xa ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của Israel, Đấng đã hiện ra với vua hai lần, và truyền cho vua là đừng đi theo các thần ngoại, nhưng vua không giữ điều ĐỨC CHÚA đã truyền. ĐỨC CHÚA phán với vua Salômon: "Vì ngươi đã như vậy và đã không giữ giao ước cũng như các giới răn Ta truyền cho ngươi, thì chắc chắn Ta sẽ giựt lấy vương quốc ngươi mà trao cho một thuộc hạ của ngươi.

Các vua khác nối tiếp nhau cho tới thời Chúa Giêsu cũng đều được những ngòi bút lịch sử "nhọn sắc" ghi chép – Vị nào thánh thiện thì được khen ngợi, tôn vinh, vị nào gian ác xấu xa đều bị phê phán thẳng mặt. Vụ việc vua Akháp và hoàng hậu Ideven giết ông Navốt để chiếm đoạt vườn nho của ông một cách "hợp pháp" đã không qua mắt của ngôn sứ Êlia, ông đã đến vạch tội nhà vua và công bố án phạt của Thiên Chúa: "Tại chính nơi chó đã liếm máu Navốt, thì chó cũng sẽ liếm máu ngươi" (1V 21,1-26).

Bước sang thời Tân Ước, nguyên tắc "tôn trọng sự thật một cách tuyệt đối" còn được thể hiện một cách tỉ mỉ hơn.

Ngôn sứ Gioan Tẩy Giả đã đối mặt với vua Hêrôđê, một vị vua rất độc tài và tàn ác, khiển trách ông về tội loạn luân với chị dâu, bà Hêrôđia trong khi anh của vua đang sống sờ sờ. Gioan đã nói: "Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài", trong khi cả triều đình từ trên xuống dưới đều "nín khe" vì sợ vua Hêrôđê. Kết quả của "chén thuốc đắng chữa tật" là Gioan Tẩy Giả đã bị cầm tù và bị chém đầu (Ga 6,17-29).

Đối với Đức Giêsu, người được các môn đệ tôn xưng là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế đầy uy lực và quyền năng, Người được các môn đệ yêu mến hơn hết mọi sự, đến nỗi bỏ cả sự nghiệp, gia đình để đi theo Chúa, thế nhưng các ông vẫn không che giấu những điều sỉ nhục mà những kẻ thù ghét Chúa đã nói và làm cho Chúa, nhất là trong cuộc khổ nạn và cái chết đau đớn của Ngài.

- Chúa Giêsu mới sinh ra đã bị vua Hêrôđê tìm giết, nên thánh Giuse và Đức Mẹ Maria phải bồng Ngài trốn sang Ai Cập (Mt 2,13-16).

- Chúa Giêsu là Đấng Thánh cao cả như vậy mà cũng khiêm tốn đến xin ông Gioan làm phép rửa cho mình (Mt 3,13) – phép rửa của ông Gioan dành cho những người tội lỗi, để giúp họ sám hối.

- Chúa Giêsu là Chúa Tể trời đất thế mà cũng chịu để cho Satan cám dỗ (Mt 4,1-12) – trong cơn cám dỗ này Chúa Giêsu đã chiến thắng và xua đuổi Satan đi xa.

- Chúa Giêsu là chủ vũ trụ mà sống nghèo ơi là nghèo! "Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu" (Mt 8,20).

- Chúa chữa cho một người câm nói được, dân chúng ca tụng Chúa nhưng người Pharisêu lại bảo "Ông ấy dựa vào thế quỷ vương mà trừ quỷ" (Mt 9,33-35).

- Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Chủ nhà (Chúa Giêsu) mà người ta còn gọi là (quỷ) Bêendêbun huống chi là người nhà (các môn đệ)" (Mt 10,25).

- Chính Chúa nói về dư luận của dân chúng đối với Ngài: "Con Người đến cũng ăn uống như ai thì thiên hạ lại bảo: đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi" (Mt 11,19).

- Chúa Giêsu làm chủ ngày Sabat mà lại bị nhóm Pharisêu hạch hỏi về luật giữ ngày Sabat (Mt 12,1-8).

- Sự thù ghét của nhóm Pharisêu lên tới cực độ: "Ra khỏi đó, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giêsu" (Mt 12,14).

- Chúa Giêsu về thăm quê nhà Nazarét và vào giảng trong Hội đường, dân nghe lấy làm sửng sốt nhưng họ không tin Ngài, Ngài buồn lòng thốt ra lời than trách: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi" – Ngài không làm nhiều phép lạ ở đó vì họ không tin (Mt 13,54-58).

- Các Tông Đồ nghe Chúa Giêsu thông báo về cuộc khổ nạn của Người, ông Phêrô, Tông Đồ trưởng vội can ngăn Chúa (đừng chấp nhận cuộc khổ nạn), đã bị Chúa quở trách nặng lời: "Satan, lui lại đàng sau Thầy, anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người" (Mt 16,23).

- Trong một dịp lễ Lều, Chúa Giêsu giảng dạy cho dân… họ bàn tán nhiều về Người, kẻ thì bảo: "Đó là một người tốt", kẻ thì nói: "Không, ông ta mê hoặc dân chúng"… Dân chúng nói: "Ông bị quỷ ám rồi!" (Ga 7,12-21).

- "Người Do Thái đã đồng lòng trục xuất khỏi Hội đường kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô" (Ga 9,22).

- Người Do Thái nói với anh mù mới được Chúa Giêsu chữa lành: "Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi" (Ga 9,24).

- Người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu, Người bảo họ: "Tôi đã cho các ông thấy nhiều điều tốt đẹp… vì việc nào mà các ông ném đá tôi?", người Do Thái đáp: "Chúng tôi ném đá ông không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa" (Ga 10,31-34).

- "Nay họ đã thấy rồi mà ghét cả Thầy lẫn Cha Thầy" (Ga 15,24).

- Lần thứ ba Đức Giêsu loan báo cuộc khổ nạn: "Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư, họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá, ngày thứ ba Người sẽ chỗi dậy" (Mt 20,18-20).

- "Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua và Con Người sắp bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá" (Mt 26,2).


một trang Thánh Kinh 42 dòng

- Môn đệ Giuđa phản bội Thầy, anh đến gặp và nói với các thượng tế: "Tôi nộp ông ấy cho quý vị thì quý vị cho tôi bao nhiêu?", họ quyết định cho hắn 30 đồng bạc, từ lúc đó hắn cố tìm dịp để nộp Đức Giêsu (Mt 26,14-17).

- Chúa Giêsu bị bắt, bị tra tấn, hành hạ, bị vu cáo là kẻ phá Đền thờ… bị kết án tử hình bằng cách lột hết y phục và đóng đinh vào thập giá, còn Phêrô – Tông Đồ trưởng thì sợ hãi chối Thầy 3 lần, các môn đệ khác thì mạnh ai nấy trốn biệt, còn duy nhất môn đệ Gioan theo Thầy đến đỉnh núi Sọ, chứng kiến cuộc hành hình Chúa Giêsu, và sau đó an táng Người. Thật không còn cái chết nào nhục nhã và đau đớn hơn, bốn tác giả Tin Mừng đều kể lại đầy đủ chi tiết (bài tường thuật cuộc thương khó của Chúa: Mt 26–28, Mc 14–16, Lc 22–24, Ga 18–21).

- Chúa Giêsu nói với người Do Thái đang tìm cách giết Ngài:

"Tại sao các ông không hiểu lối nói của tôi? Là vì các ông không thể nghe lời tôi nói. Cha các ông là ma quỷ, và các ông muốn làm những gì cha các ông ham thích. Ngay từ đầu, nó đã là tên sát nhân. Nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không ở trong nó. Khi nó nói dối là nó nói theo bản tính của nó, bởi vì nó là kẻ nói dối, và là cha sự gian dối. Còn tôi, chính vì tôi nói sự thật, nên các ông không tin tôi. Ai trong các ông chứng minh được là tôi có tội? Nếu tôi nói sự thật, sao các ông lại không tin tôi?…".

Người Do Thái đáp: "Chúng tôi bảo ông là người Samari và là người bị quỷ ám thì chẳng đúng lắm sao?". Đức Giêsu trả lời: "Tôi không bị quỷ ám. Nhưng tôi tôn kính Cha tôi; còn các ông, các ông lại làm nhục tôi… Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết". Người Do Thái liền nói : "Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Ápraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Ápraham sao?" …Đức Giê-su đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Ápraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!". Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ (Ga 8,31-59).

- Trong một lời cầu nguyện, nữ thánh Bigítta (người Thụy Điển – thế kỷ 14) đã viết:

"Chúa đã chịu sỉ nhục, vì phải mặc áo đỏ, đội mão gai, và để cho người ta khạc nhổ vào khuôn mặt vinh quang của Chúa; Chúa lại kiên nhẫn chịu để cho người ta bịt mắt và quân gian ác đưa tay đấm tàn bạo vào cằm vào cổ Chúa – Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa của con, ngợi khen Chúa: Chúa đã kiên nhẫn để cho người ta trói vào cột, đánh đòn dã man, giải đến trước tòa Philatô máu me đầm đìa như con chiên vô tội – Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa của con, tôn vinh Chúa; Khi toàn thân vinh quang Chúa đã đẫm máu, Chúa bị kết án tử hình trên thập giá; rồi Chúa đã đưa đôi vai chí thánh vác lấy thập giá đau thương. Sau khi Chúa bị quân dữ điệu tới chỗ hành hình, bị lột hết áo, Chúa đã chấp nhận chịu đóng đinh vào thập giá như vậy" (trích trong Kinh Sách Các Bài Đọc của Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ).

Đọc những lời tường thuật trên, bất cứ ai dù là một người ít học cũng phải thắc mắc: "Có bề tôi nào ghi chép về Lãnh tụ muôn vàn kính yêu mà lại dám viết những điều sỉ nhục cho Lãnh tụ của mình như vậy không?". Giả như có ai dám viết như vậy, liệu họ có được yên thân không? Hay lập tức bị những thuộc hạ khác của vị Lãnh tụ thủ tiêu ngay!

Các tác giả Tin Mừng không những luôn được yên thân mà còn được phong Thánh nữa. Ngày nay chúng ta có thánh Mátthêu, thánh Máccô, thánh Luca, thánh Gioan… điều này chắc chỉ có trong Thánh Kinh mà thôi.

Thói quen ở đời từ xưa tới nay, chỉ những ông vua, những triều đại, những lãnh tụ nào bị cướp quyền, bị chiếm ngôi, bị lật đổ, bị đánh bại thì mới mới bị đối thủ hạ nhục, kết án, chửi bới, mạt sát kể cả vu khống, thêm điều, đặt chuyện cũng không sao, càng chửi mạnh thì lại càng được ghi công tưởng thưởng. Chúng ta cứ đọc lại lịch sử Việt Nam thời Nguyễn và Tây Sơn thì sẽ hiểu.

4. Với anh em trong nhóm Tông Đồ và môn đệ, những khuyết điểm, những yếu đuối, những lỗi lầm của nhau cũng được "thành thật khai báo". Cho dù Phêrô có được đặt làm chủ tịch của Đoàn, cũng không được miễn trừ.

- "Họ (lãnh đạo Do Thái) ngạc nhiên khi thấy ông Phêrô và ông Gioan mạnh dạn, và biết rằng hai ông là những người không có chữ nghĩa, lại thuộc giới bình dân" (Cv 4,13).

- Môn đệ hám danh, chức tước: Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: "Thưa Thầy! Chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây", Người hỏi: "Các anh muốn Thầy thực hiệncho các anh điều gì?". Các ông thưa: "Xin cho hai anh em chúng con một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang". Đức Giêsu bảo: "Các anh không biết các anh xin gì"… Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và Gioan. Đức Giêsu khiển trách các ông và dạy các ông: "Ai muốn làm lớn thì phải làm đầy tớ mọi người" (Mc 10,35-45).

- Các môn đệ bị Chúa quở: "Sao nhát thế, hỡi những người kém tin" (Mt 8,26).

- Cha đứa trẻ bị kinh phong nói với Đức Giêsu: "Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài mà họ không chữa được…" (Chúa Giêsu đã chưa lành em bé). Các môn đệ đến hỏi Chúa: "Tại sao chúng con đây lại không chữa nổi?", Người đáp: "Tại anh em kém tin" (Mt 17,14-21).

- Phêrô bị Chúa quở nặng lời: "Satan! Lui lại sau Thầy, anh cản lối Thầy vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người" (Mt 16,23).

- Các môn đệ tranh giành địa vị: "Đức Giêsu hỏi các ông: Dọc đường anh bàn tán điều gì vậy?, các ông làm thinh vì khi đi đường, các ông cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả…" (Mc 9,33-34).

- Ông Phêrô nói: "Lạy Chúa xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi" (Lc 5,8).

- Nghe giảng về Bánh hằng sống, nhiều môn đệ không hiểu và họ "rút lui không còn đi theo Người nữa" (Ga 6,66).

- Ông Giacôbê và ông Gioan nóng tính muốn lạm quyền khi thấy dân Samari không đón tiếp Đức Giêsu: "Thưa Thầy! Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không?", Đức Giêsu quay lại quở mắng các ông rồi Người đi sang làng khác (Lc 9,54).

- Chúa báo trước: "Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy" (Mt 26,21).

- Phêrô chối Thầy, các môn đệ khác cũng vấp ngã: "Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy… còn Phêrô, Thầy bảo thật anh, nội đêm nay gà chưa kịp gáy anh đã chối Thầy ba lần" (Mt 26,30-35).

- Giuđa tự tử: "Giuđa ném số bạc vào đền thờ rồi ra đi thắt cổ" (Mt 27,5).

Còn nhiều "điểm yếu kém" khác của đoàn môn đệ, mọi người có thể đọc trong toàn bộ Tân Ước.

Thử hỏi có chế độ nào mà các sử gia dám viết về các cấp lãnh đạo của mình như vậy, khi mà họ còn đang sống và hoạt động chung với mọi người? Điều đó chỉ có trong Thánh Kinh mà thôi.

(Còn tiếp)

Tân bình, ngày 24 tháng 09 năm 2012

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết


[1] Vụ nước ở Mơriva miền Cađê: dân nổi loạn vì thiếu nước, Chúa truyền cho ông Môsê lấy gậy đập vào tảng đá cho nước chảy ra, thay vì đập 1 cái, ông Môsê đã đập 2 cái (cho chắc ăn), thế là bị Chúa quở.

Đính chính Bản Tin số 76

Bài văn bia ở LĂNG ĐỨC CHA BÁ ĐA LỘC trên Bản Tin số 76, từ trang 12-20, do có sự lẫm lẫn khi chuyển bài:

Tác giả là Gs. Nguyễn Văn Thoa, nguyên giáo sư Hán Nôm

Đại học Cửu Long, không phải của Lm. Nguyễn Hữu Triết.

Xin nói lại cho chính xác. Cám ơn độc giả. 










Phụ Bản I

TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT (tt)

CÔNG ÁN THỨ BA MƯƠI BẢY

CÂY BÁCH TRƯỚC SÂN

*Công Án:

Một ông Tăng hỏi Ngài Triệu Châu:

- Ý Tổ Sư sang Đông là gì?

Sư đáp:

- Cây bách ở trước sân.

Lời giải:

Cũng vì các vị Thầy của Thiền Tông quá chấp vào hiểu biết của mình, không chịu đọc Kinh Phật, tham khảo tài liệu để thấy Đạt Ma Tổ Sư đã có Kệ:

"Ta cốt sang Đông thổ.

Truyền Pháp cứu mê tình

Một hoa năm cánh trổ

Tự nhiên trái kết thành"

Thầy không chịu đọc để truyền cho học trò lại còn lấy đó làm Công Án đố trò! Ý thầy muốn đưa vào Đệ Nhất Nghĩa Đế, là Tổ Sư Đạt Ma "không có Ý", trong khi chính miệng Tổ xác nhận mình CÓ Ý " sang Đông Thổ để truyền Pháp cứu mê tình ".

Câu này không có gì phải Tham. Trước nhất là Tổ Sư đã nói rõ Ý Ngài. Vì vậy, nếu có Tham là nên Tham điều ta cần tìm hiểu: là Ý của ta đang cần gì? Làm sao thực hiện cho đúng? Nếu muốn tu thì phải làm gì? Đó mới thực sự là "Hồi quang phản chiếu", có lợi cho việc tu của bản thân hơn.

Kết luận:

Nếu muốn dạy đạo đòi hỏi người dạy phải thấu đáo để đừng làm mất thì giờ của người học, vì lẽ Vô Thường không đợi bất cứ ai. Thà không biết thì đừng nói, đừng dạy. Tự mình mê thì nhẹ tội hơn là chồng mê cho người! Học trò không hiểu hỏi mình, mình lại nói vu vơ, ích gì cho người tham hỏi?

CÔNG ÁN THỨ BA MƯƠI TÁM

TRÂU QUA KHUNG CỬA

*Công Án:

Ngũ Tổ nói:

- Ví như con trâu đi qua khung cửa, đầu, sừng, bốn chân đã lọt, sao đuôi lại không lọt được?

Lời giải:

Ý Tổ muốn nhắc là người tu nếu còn chấp Mình Chứng Đắc thì còn nguy hiểm hơn cái Chấp phàm phu trước kia. Thấy mình chứng, mình đắc, mình cao, tức là cái NGÃ tu hành còn to hơn cái Ngã phám phu trước kia thì làm sao đi qua cửa Giải Thoát được!

Kết luận:

Cái đuôi đó tuy nhỏ mà không nhỏ. Chắc cũng không ít người tu vướng phải!

CÔNG ÁN THỨ BA MƯƠI CHÍN

VÂN MÔN SẨY LỜI

*Công Án:

Một ông Tăng hỏi Ngài Vân Môn

- Quang minh tịch chiếu biến hà sa.

Lời nói chưa dứt, Sư vụt hỏi:

- Chẳng phải thơ của Tú Tài Trương Chuyết đó sao?

Ông Tăng đáp:

- Phải.

Sư nói:

- Sẩy lời rồi vậy!

Về sau Tử Tâm nhắc chuyện lại, bàn rằng:

- Thử hỏi đâu là chỗ ông Tăng bị sẩy lời?

Lời giải:

Tăng không lo tụng niệm, đọc Kinh, Giới, Luật, Luận mà đi ngâm thơ của tú tài. Thầy cũng rất giỏi, thoáng nghe qua là biết ngay của ai, nhưng lại muốn trò trả lời kiểu khác. Chẳng hiểu nơi đây ông Tăng sẩy lời chỗ nào. Chỉ thấy giá mà trò đọc Kệ của Phật. Giá mà Thầy nhắc nhở cho trò nghĩ đến việc tu hành, ngâm Kệ của Phật, của Tổ thì hay biết mấy!

Lời bàn của Ngài Vân Môn còn dễ sợ hơn. " Chỉ cần thấy chỗ sẩy lời" khi đọc thơ của phàm phu mà cũng có thể " làm thầy ở hai cõi trời, người", thì quả thật là những vị đó đưa nhau đi quá xa, chẳng dính dáng gì đến Đạo Phật nữa!

Theo câu chuyện thì Ngài Vô Môn đã lạc đề! Trong Công Án này, Ngài Vân Môn chê vị sư là Sẩy lời. Nhưng qua lời bình của Ngài Vô Môn, ta thấy bản thân Ngài cũng sẩy lời.

Tóm lại, cả 3: Ông Tăng, Ngài Vân Môn và cả Ngài Vô Môn đều sẩy lời!

CÔNG ÁN THỨ BỐN MƯƠI

ĐÁ ĐỔ TỊNH BÌNH

*Công Án:

Hòa Thượng Quy Sơn trước ở với Bách Trượng, giữ chức điển tòa. Bách Trượng sắp chọn người đến núi Đại Quy làm chủ trì, bèn dạy Sư cùng Ông thủ toà ra đối đáp trước chúng, xem ai đối đáp giỏi sẽ được phái đi.

Bách Trượng cầm tịnh bình đặt xuống đất, hỏi:

- Không được gọi là tịnh bình thì gọi là gì?

Ông thủ tòa đáp:

- Không thể gọi là khúc cây.

Bách Trượng quay sang hỏi Sư. Sư bèn đá đổ tịnh bình mà đi. Bách Trượng cười nói:

- Ông đệ nhất tòa thua mất hòn núi rồi vậy!

Bèn phái Sư đi làm Tổ khai sơn.

Lời giải:

Một cuộc thi giữa công chúng để chọn người đi khai sơn. Với người thích cầm đầu thì đây là cơ hội lớn, cho nên dù không thể gọi tịnh bình là tịnh bình cũng ráng gọi một cái tên khác, chứng tỏ cái Tham địa vị hãy còn nguyên!

Người chẳng cần địa vị, đá tịnh bình rồi bỏ đi, lại được chọn, chứng tỏ người Thầy không lầm. Kẻ ham danh, còn nguyên tính chất phàm phu mà cho cầm đầu tăng chúng chắc chắn sẽ không làm được gì. Chỉ có người không còn ham danh lợi thì mới xứng đáng. Sư Quy Sơn hoàn toàn coi thường chức chủ trì, không thèm có ý tranh chấp hay cố gắng để được phái đi!

Kết luận:

Ngài VÔ MÔN đã bình sai. Hoà Thượng Quy Sơn đá cái tịnh bình tượng trưng cho việc coi thường chức đi khai sơn, nói lên cái không ham địa vị của Ngài. Hành động đó đâu có nghĩa là "Giơ chân đá phắt, Phật chẳng ra gì?! "

Đi khai sơn đâu có nghĩa là đi làm Phật? Ngài Vô Môn lại lạc đề nữa rồi! Không hiểu vì sao Ngài vẫn thích miệt thị Phật, lại gán ghép cho người khác!

CÔNG ÁN THỨ BỐN MƯƠI MỐT

ĐẠT MA AN TÂM

*Công Án:

Sơ Tổ Đạt Ma ngồi ngó vách. Nhị Tổ đứng giữa tuyết, tự chặt tay mà thưa:

- Tâm đệ tử không an, xin Ngài an cho.

Sơ Tổ dạy:

- Đưa Tâm đây ta an cho.

Nhị tổ thưa:

- Đệ tử tìm tâm mãi không được.

Sơ Tổ nói:

- Ta an tâm cho ngươi rồi đó.

Lời giải:

Cái CHÂN TÂM là cái mà Đức Thích Ca, người khai sáng Đạo Phật và bao nhiêu đời Tổ thay nhau nối truyền, kể cả chúng ta, mỗi người đều có sẵn, đã mang nó từ khởi thủy. Nhưng qua quá trình trôi lăn chúng ta đã nhuộm cho nó bao nhiêu Vô Minh, Phiền não, tạo nghiệp, để làm thành vòng quay Sinh Tử Luân Hồi. Vì thế, công việc của con đường tu Phật là phải tìm lại cho được, thấy cho được để chuyển hoá nó.

Khi nó tung ra thì " bao trùm khắp thế giới, khắp cả vũ trụ tam thiên " . Có nghĩa là khi cần suy nghĩ, tưởng tượng, thì bất cứ nơi nào: gần, xa... cũng có thể nghĩ tưởng tới. Nhưng khi gom lại, thì nó vô hình, vô tướng, không đầy mũi kim. Cái Tâm này thoạt ẩn, thoạt hiện. Khi mê thì dắt phàm phu vào địa ngục, vào mê lộ. Nhưng cũng chỉ là nó, lúc tỉnh, thì đưa người tu từ Phát Tâm vào đến địa vị Hiền Thánh, Phật, đạt Vô Thượng Niết Bàn.

Vào tu Phật, người tu được hướng dẫn cho Giữ Giới, Ngồi Thiền, Soi, Quán, mục đích cũng để gặp được nó. Nhị Tổ là người đại căn cơ, vừa gặp Sơ Tổ, nghe bảo tìm, nhưng Ngài thấy rằng cuối cùng Ngài Không Có Tâm. Tức là những suy nghĩ, những thương, ghét, hơn thua, thật ra đâu có phải là cái Tâm của Ngài.

Nhưng không phải điều đó bất cứ ai cũng làm được! Thoạt đầu, người vào tu sẽ tìm để thấy cái VỌNG TÂM. Sau đó, phải tu hành, phải công phu tẩy rửa, gạn lọc để "Phản Vọng Quy Chân" để trở về với cái Chân Tâm Cho đến lúc không còn Vọng, không còn Chân, không còn Ta, không còn Tâm, không còn Mình, không cả quả vị, chứng đắc, thì đến đó mới gọi là Giải Thoát rốt ráo, vì vậy mà an tâm.

Từ cái tìm cho đến cái Thấy và cái Hành để Chứng rất xa. Không phải vừa nghe người trước nói là đã chứng ngay. Vì thế, mới phải có công phu tu tập, phải kiên trì, phải tinh tấn, nếu không rất dễ sinh đoạn kiến.

Nơi đây Ngài Vô Môn đã chứng tỏ cái kiêu mạn quá lớn của Ngài, gọi Tổ Đạt Ma là "Lão già Hồ sún răng", lại còn cho rằng Ngài đã truyền Pháp cho một người "Không đủ Lục Căn" là Nhị Tổ!

Vì muốn chứng minh lòng thiết tha cầu Đạo nên Lúc đó Nhị Tổ còn là Tướng Quân Thần Quang, đã rút kiếm tự chặt tay của mình. Với lòng cầu đạo như thế, hẳn nhiên Ngài phải học hỏi, thực hành như thế nào mới được truyền Y Bát cho làm Tổ thứ Hai. Vậy mà Ngài Vân Môn lại lớn tiếng chê cả Sơ Tổ, Nhị Tổ!

Qua đó đủ đánh giá phẩm, hạnh, ngôn ngữ của một người đã xưng là bậc Thầy nhưng: Về Đạo thì thiếu Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, lại thừa Tăng Thượng Mạn! Về đời thì hiện nguyên hình là phàm phu. Nói năng thiếu suy nghĩ, không kính người trên, trước. Ngài khinh chê người bất túc, mà cái bất túc kia là của một vị Tổ để chứng tỏ lòng nhiệt thành cầu đạo!

Tổ đương thời là Phật hiện tiền. Tổ quá khứ là Phật xưa! Ngài Vô Môn không biết đức hạnh được bao nhiêu mà dám lớn tiếng báng bổ cả Phật, cả Tổ, và điều đáng sợ là Ngài lại viết ra để truyền cái sai lầm đó cho những lớp người sau! Truyền đạo nào, khi đạo làm người Ngài còn không xong?!

Hỡi ôi, ngôn ngữ như thế cũng là bậc Thầy đứng canh giữ cửa Thiền mấy trăm năm qua đó sao? Nếu người thời nay Tham học những lời bàn của Ngài rồi bắt chước theo để kiêu mạn, chê Phật, chê Tổ thì quả thật tội cho họ quá, vì họ cứ tin tưởng vào lời người đi trước, ngỡ đó là bậc giác ngộ, bậc thánh nhân, lời nói cần nên nghe theo! Ngài cũng trích câu chuyện “Con chồn hoang” sao không lấy đó làm bài học cho bản thân?!

CÔNG ÁN THỨ BỐN MƯƠI HAI

NỮ NHÂN XUẤT ĐỊNH

*Công Án:

Một hôm Phật giảng pháp, có chư Phật Mười Phương tụ hội. Ngài Văn Thù đến đó, gặp lúc chư Phật vị nào đều trở về quốc độ vị đó, chỉ còn lại một nữ nhân đến gần Phật tòa mà nhập định. Văn Thù bạch Phật:

- Nữ nhân nào mà lại đến gần được Phật tòa, còn tôi thì lại không đến gần được?

Phật dạy Văn Thù:

- Ông cứ khiến nàng xuất khỏi tam muội mà tự hỏi lấy.

Văn Thù đi quanh nữ nhân ba vòng, búng tay một cái, rồi nâng lên đến trời Phạm Thiên, lại dùng đủ hết các môn thần lực mà không sao thức nàng được.

Phật dạy:

- Dù cho trăm ngàn Văn Thù cũng không thể khiến nàng ra khỏi định được. Ở phương dưới qua khỏi số quốc độ nhiều bằng số cát của mười hai ức sông Hằng, có Bồ Tát Võng Minh mới có thể thức nàng được.

Liền đó Ngài Võng Minh từ dưới đất vọt lên chấp tay bái Phật, Phật sai Võng Minh đến thức nữ nhân. Võng Minh đến bên nàng, búng tay một cái, nàng liền xuất khỏi định.

Lời giải:

Không biết Công Án trích từ Kinh nào, nhưng kể cũng lạ. Người ta đang nhập định, mắc gì đến mình mà Ngài Văn Thù phải lôi ra cho bằng được? Nữ nhân cũng phải thế nào đó mới đến gần Phật được, còn mình nam nhân tại sao không? Sao không lấy đó mà Tham để học hỏi? lại có vẻ muốn cạnh tranh vì sao nữ nhân mà được đến gần Phật nhập định, còn mình thì không đến gần được? Gọi cho được Bồ Tát Võng Minh từ xa đến để lôi nàng ra khỏi định làm chi vậy nhỉ?

Quả là không lo cho mình, cứ soi mói chuyện tu hành, nhập định lâu, mau, được đến gần, hay không được đến gần Phật của người khác! Lẽ nào việc làm trái đời như vậy mà là của Ngài Văn Thù, bậc đại trí huệ mà Kinh hay nói đến đó sao? E rằng phàm phu nào suy nghĩ rổi gán cho Ngài để mọi người chú ý hơn chăng?

Kết luận: Tham Công Án này để thấy người tu còn đố kỵ chăng? 

Còn Tiếp

Tâm Nguyện


Có Một Thời

Tình Người Quá Lạt

Truyện ngắn của Nguyễn Văn Sâm

1.

Giữ thói quen đi bộ từ tưng bửng sớm bấy lâu nay ở bên đó Già Phát thức dậy ngay từ khi ánh sáng đầu ngày mới le lói ở cuối chơn trời đương cố gắng vươn tay qua những chòm cây còn ướt sương trên cành lá. Già đi qua xóm chợ, rẽ xuống bờ sông ngang trước mặt ngôi nhà kỷ niệm của người thương khách từng là tình nhơn của một nữ sĩ Pháp sanh trưởng ở Việt Nam mà cuộc đời được quay thành phim ăn khách mấy năm về trước. Ngôi nhà xưa, cổ kính nhưng đồ sộ, vững chắc, im lìm trong giấc ngủ, tương phản với sự nhếch nhác, rộn rịp của quán lều chứa hàng từ bạn hàng mang đủ thứ thập vật đến từ trong đồng gần đó hay từ các đò máy ghe máy tới từ mút thiệt xa. Già thích quan sát, cũng như thích hòa mình với cuộc sống của dân quê lao động nên thong thả đi dạo xem chợ sớm có cái hấp dẫn vô vàn với Già.

Già chú ý đến một ông lão lớn hơn mình chừng 5, 10 tuổi gì đó, khó đoán được vì khuôn mặt khắc khổ nhăn nheo như hầu hết người nghèo ở vùng nầy, đương ngồi trước mái hiên một gian hàng chưa mở cửa, bên cạnh một bó chổi tàu cau. Ông già méo mặt ngó xuống cái chưn đương bị chảy máu do bị xe đụng chừng đâu năm mười phút trước.

Máu từ vết thương vẫn ròng ròng, ông lão ngó quanh quất tìm một thứ gì đó có thể lau máu. Già Phát lên tiếng:

- Anh kiếm xin miếng vải sạch sạch mà lau, xài giẻ hay giấy dơ thà rằng đừng xài. Nguy hiểm lắm.

Ông lão ngước mắt lên ngó Già rồi vẫn quơ đại đùa một chút giấy báo dưới đất trước mặt lau chỗ vết thương, chép miệng:

- Cũng phải lau đỡ thôi. Không có thứ gì sạch hơn. Cái thằng ác ôn, sáng sớm mà chạy mau quá mạng, đụng mình rồi còn sừng sộ. Thôi nhịn nó, lo cho thân mình tốt hơn là chửi bới, gây gổ…

Một người đàn bà đẩy cửa tiệm bước ra, ngó xéo qua ông lão rồi đuổi xô nặng nhẹ nào là sáng sớm máu dơ xui xẻo, nào là choán chỗ không cho bà mở cửa tiệm…

Ông lão vác bó chổi của mình lên vai. Hơi cồng kềnh chút đỉnh nhưng cũng không nặng bao nhiêu, bước đi khập khểnh. Già Phát động tâm, hỏi:

- Anh bán tới chừng mấy giờ thì hết bó chổi nầy?

- Làm sao biết được? Thường thì tới trưa, chợ vừa tan tan thì hết.

- Được chừng bao nhiêu tiền?

- Ối, chừng trăm ngàn chứ bao nhiêu. Làm từ chiều hôm quá tới khuya mới được bao nhiêu đó. Bán hết thì có chút đỉnh. Mà bữa nay bị xe đụng chắc là đi không được, đành chịu ế!

Già Phát thò tay vô túi. Hai tấm giấy năm trăm ngàn mới bỏ vô trước khi ra khỏi khách sạn đề phòng đạp bể trứng gà trứng vịt của người ta vẫn còn đó. Già kín đáo xếp chúng lại bằng mấy ngón tay vẫn thọc trong túi.

- Thôi anh lấy đỡ chút nầy, bữa nay anh đi thẳng về nhà lo thuốc men, đừng bán nữa. Mớ chổi đó dành cho tuần tới.

Cặp mắt ông lão tròn xoe, tưởng chừng như tiên hiện ra giúp mình. Già Phát thấy vui vui trước sự ngạc nhiên vui mừng đó của người đối diện. Một triệu đồng bằng năm chục đô. Mình cũng chẳng nghèo hơn khi cho số đó cho người cần, nhưng chắc chắn mình giàu hơn về mặt tình cảm vì đã biết buông bỏ, chia sẻ.

Ông lão bán chổi gật đầu chào Già Phát hai ba lần nữa rồi cà thọt bước đi. Chợ sớm vẫn ồn ào nhưng Già Phát không nghe gì hết, chỉ thấy lòng mình rộn rã một niềm vui. Ngoại vật như tan biến hết thảy, chỉ còn là một tĩnh lặng thơ thới Niết Bàn mà Già Phát là một người đương ở bên trong.


2.

Trời Sàigòn nắng chang chang, không khí đương nhảy múa luân vũ mà Già Phát lãnh từ đầu tới từng ngón cẳng. Già chưa biết phải phản ứng làm sao cho đúng. Đánh lộn tới sứt đầu mẻ trán thì nguy hiểm quá mà chưa chắc ăn. Chạy kêu được công an tới thì chắc mẽm là nó đã rời khỏi địa bàn rồi. Cũng có thể tụi nó ăn chịu hay có những lý do mà mình lạ nước lạ cái không thể nào cãi lý được. La lớn để cầu may có người tới giúp thì bảo đảm dân tò mò bu coi thừa cơ giựt hốt thì nhiều mà kẻ giúp đỡ thì chưa chắc đã có mống nào. Đành bó tay thôi. Răng Già Phát đánh bò cạp, chưn Già Phát run run như đứng không vững. Muốn nói xin lại chút tiền thì cũng nói không thành tiếng. Người đàn bà trẻ đầu ắp tay gối với Già cả năm nay giờ coi bộ xẻn lẻn, làm thinh như là muốn ngó chỗ khác để cho qua tang lề.

Già ấp úng:

- Đâu… em nói coi chuyện ra làm sao mà tầy huầy như thế nầy? Cậu nầy là ai vậy?

Em không trả lời, chỉ vắn tắt như mọi khi:

- Còn hỏi?

Rồi em ngó qua thằng nhóc. Thằng nhóc trừng mắt bậm trợn với Già:

- Cha già chúa Ôn, cụp pha xuống đi. Ngó gì? Móc mắt cho thành Đồ Chiểu bây giờ! Còn không chịu biến nữa, hay là đợi ăn dao?

Vừa nói nó vừa ngồi xuống, bộ tịch tự tin, hai tay móc ra hai con dao Thái Lan dài sọc kẹp đâu sẵn trong nách, dằn mạnh lên bàn. Em giựt mình thụt lùi vô vách, lấy tay che miệng, sợ hết vía.

Già Phát từ tốn:

- Thì cậu cũng đưa trả lại cho tui chút đỉnh chứ kiểu nầy thì kẹt quá. Tiền đâu tui chi trả nầy nọ những tháng ngày sống ở đây?

- Trả cho mấy dao thì có. Ông già mượn vợ tui cả năm nay thì ai trả thiệt thòi cho tui đây. Quần thảo nó đã đời rồi, còn ức hiếp gì nữa. Bao nhiêu đó còn quá rẻ. Trả bằng mạng già mới xứng. Thiệt là đồ Yamaha!

Rồi nó phóng một dao phập lên bàn, cán dao lay động phát ra âm thanh ghê ghê răng. Vừa mỉm cười đểu vừa nghiến hàm, nó hăm he:

- Thằng nầy không ưa nói nhiều nha. Cũng không ưa lùm xùm lèng xèng. Ai chọc giận là thằng nầy xin chút lòng heo làm tiết canh đó.

Già Phát tiu nghỉu dợm cẳng bước ra, tức tối nhưng cũng muốn phì cười khi nhớ lại danh từ mà thằng nhóc gán cho mình: Yamaha, Già Mà Ham. Thiệt cũng không oan lắm, hình như mình có chút ham hố gì đó trong vòng một năm nay trong chuyện háo hức đi đi về về!

Bỗng thằng nhóc đập bàn, lườm lườm Già như muốn ăn tươi nuốt sống:

- Nè già dịch, tính đi đâu đó, bộ dễ hả? Đứng lại. Cái con Trời đánh nầy mầy xét coi kép lão của mầy còn diếm địa ở đâu không. Tụi bây với nhau chắc mầy biết rõ khứa lão diếm tiền ở chỗ độc nào. Đừng để tao phải ra tay.

- Còn gì nữa mà xét. Chả có nhiêu anh lấy hết rồi.

Rồi cô ả quay qua người tình hờ:

- Thôi đi ra đi ông ơi! Lớ ngớ hoài thấy bắt mệt!

Già Phát thầm cám ơn em. Nó vậy mà cũng hạ thủ lưu tình. Nó biết ông còn chút đỉnh bỏ trong vớ mà không khai ra. Đây là một trong số rất ít lần con Huệ nói câu dài.

Già bước như chạy ra cửa. Căn nhà thân thuộc, cái ngạch cửa Già thường đứng dựa cửa ngó mong ra hẻm, kéo vài hơi thuốc sau những phút giây lên Tiên dối tuổi cả năm trời nay giờ sao như hang cọp, xin giã từ. Già mừng rơn khi được bước qua nó mà không nghe tiếng đe dọa từ phía sau.

Lách qua mấy cái bàn choáng lối đi của vài ba quán nhậu trong hẻm, Già Phát không buồn ngó mấy ánh mắt của những bợm nhậu ngưng mấy phút chai chú chai anh bất mãn ngó Già khi Già tránh mấy cục xà bần lấp trủng đi sát vô bàn nhậu của họ. Mấy dĩa tiết canh đỏ lòm lắc rắc lòng heo thái nhỏ nằm trơ trẽn trên một hai bàn nhậu đương để cho ruồi thưởng thức trước khiến Già nhớ tới câu nói của thằng nhóc hồi nãy. Già tính thầm trong bụng về số tiền còn lại để trang trải những việc cần thiết. Già tính lời phải nói sao với con cái khi trở về. Bước ra tới đường cái tưởng là dễ thở hơn nhưng Già cảm thấy nhức đầu vì tiếng xe cộ, vì khói xăng tràn ngập, vì những cái giựt mình khi xe Honda xẹt bất thình lình tới gần đụng mình. Già húng hắng ho và thấy uể oải.

Thằng chó chết, đợi mình đem tiền về nhiều mới ra tay. Chuyện nầy dành ôm bụng mà chịu chớ nói ra càng thêm nhục. Ba chục ngàn chớ bộ ít sao! Già lẩm bẩm như người mất trí, chỉ muốn ngã xụp xuống như thân chuối đổ rồi ra sao thì ra.

3.

Già Phát theo bạn bước vô một quán cà phê ôm ở cuối con đường nhỏ. Cả một con đường dài toàn là quán cà phê ôm và quán nhậu. Không có căn nào là nhà ở thuần túy. Người bạn liên tục trấn an Già rằng quán nầy chủ nhơn tử tế, không chặt đẹp, mấy em cũng dễ coi. Già không thấy hứng thú với chuyện ôm ấp mấy em đáng tuổi cháu con mình nên chỉ ậm ừ cho qua. Đi vì nể bạn và tò mò hơn là ham thích.

Hai ba cô gái mặc quần áo có chút hở hang đương ngồi bó gối tán dóc lật đật đứng dậy chào khách và đưa mơ-nu giới thiệu mấy loại cà phê. Già Phát kêu theo bạn cho có rồi bâng quơ ngó ra đường, không chú ý gì tới mấy em. Một lúc lâu ớn hai ly cà phê phin mới được bưng ra.

- Hai anh cảm phiền cho xin tiền trước.

Con số nói ra Già Phát hơi giựt mình. Cao bằng cả chục lần bên đó. Gì mà dữ vậy? Già Phát nghĩ bụng. Người bạn của Già biết ý nên hào sảng móc tiền trả. Trong khi cô gái dợm cẳng bước đi thì Già Phát dúi thêm một ít rồi nói cám ơn. Con nhỏ tròn mắt ngó Già, lí nhí một cách thân thiện lẫn bối rối:

- Xin cám ơn hai anh. Hai anh không có gì mà phải cám ơn tụi em.

Già nói ý nghĩ chơn thật của mình:

- Mấy con còn trẻ quá mà kêu chúng tôi bằng anh nghe sao kỳ kỳ.

- Ai vô đây thì cũng là anh em suốt. Tứ hải giai huynh đệ mà!.

Rồi cô ta bẹo má già.

- Có đẻ đái gì đâu mà con con bố bố.

- Thôi kêu bằng bác đi.

Cô ta chống càm mình lên đỉnh đầu của già. Già nhắm mắt, nín thở.

- Có chút máu thịt cật ruột nào mà bác bác cháu cháu. Em từng thấy nhiều anh còn lớn tuổi hơn mấy anh nữa, lúc đầu nghiêm trang, sau rồi tay chưn còn quờ quạng kinh hồn hơn thiên hạ nhiều. Hết biết luôn!

Già Phát làm thinh, ngó qua thì bạn mình đã yên vị, đương thì thầm tâm sự ngày Xuân với một em tóc nhuộm vàng có bộ ngực bốc lửa đưa chồm ra phía trước khoe khoang.

- Thôi cô vô làm gì thì làm đi, tui cần chút yên tĩnh ngồi đây thưởng thức cà phê…

Một cái bĩu môi dài sọc. Người bạn của Già cười khúc khích. Em của ông ta thì cười dòn dài rồi chui rút vô ngực ông ta.

Lâu lắm người bạn của Già mới nói:

- Tiền ngồi gần người đẹp đã tính rồi. Không ngồi gần thì lỗ.

- Tôi thà chịu lỗ chứ cái điệu nầy không quen, thấy chướng chướng.

Người bạn của Già biết tánh bạn mình nên làm thinh, tiếp tục hưởng cảm giác đồng thời của tay mũi, miệng…

Một người đàn ông cỡ tuổi của Già dáng dấp coi bộ trang nhã, quần áo sạch sẽ, ôm cặp da đi vô quán, xâm xâm tới bàn của Già mời coi bói. Cô em hồi nãy từ bên trong bước ra, liếng thoắng ca ngợi tài của thầy bói và và năn nỉ Già cho mình tiền để coi bói xem tại sao mấy tháng nay mình xui quá, làm gì cũng hư hại, tiền đổ ra như nước.

Cũng là những lời nói chung chung, lẻo mép của người kiếm sống bằng lời nói dối trá lừa phỉnh về một tương lai tươi đẹp của người coi kèm theo những câu thiệu về tuổi tác hạn, vận, đại hạn, đại kiết, trung hạn, xung khắc, kỵ tuổi nầy tuổi kia cốt tạo lòng tin để thiên hạ xì tiền ra.

Già Phát thấy vui vui. Cha thầy bói nầy kiếm chút tiền còm, còn đáng thương hơn mấy cha nội ngoại cảm ở đây, mấy ông Trời con chế sữa ong chúa, mấy bác sĩ nắn gân chế ra cả trăm loại thuốc, bịnh nào cũng có, bán đầy trời bên đó, móc túi mấy người đau chưn phải hả miệng, chắc lưỡi tự an ủi bằng câu phước chủ may thầy, có tin có lành…

Rồi không biết ông ứng bà hành gì Già Phát đưa tay cho ông ta bói.

- …Số ông thong dong, nhìn tướng cũng biết mạng ông ở dưới chưn ông Huỳnh Đế, nghĩa là mạng có phước đi du lịch xa, lâu dài, nhiều lần. Sang hơn biết bao nhiêu người suốt đời ru rú trong làng trong xóm. Tui nói hỏng trúng thì ông liệng đồ nghề tui ra đường để tui bỏ nghề luôn! Tuổi ông năm nay nếu theo sách xưa như Diễn Cầm Tam Thế hay Dịch Lý Quy Nguyên thì trên sáu mươi là đã quá số rồi, không coi được nữa nhưng mà thời đại mới nầy Mỹ Nga phóng vệ tinh, phóng người lùm lum lên vũ trụ làm lệch đi nguyên lý âm dương của Trời Đất nên số con người ở địa cầu nầy bị ảnh hưởng. Bây giờ nhơn loại tới bảy mươi hai tuổi mới hết số, nghĩa là ai cũng có số mạng thay đổi xui hên thêm một kỷ nữa... Ông tuổi Dần, năm nay năm Thân. Dần Thân Tỵ Hợi, tứ hành xung, năm nay ông xui từ đây tới cuối năm, phải cúng sao giải hạn hay làm phước lớn mới qua khỏi đại hạn sắp tới. Hạn lớn lắm!”

Già Phát giựt mình, trước khi qua đây đi khám bịnh mới biết trong máu có mỡ hơi nhiều, áp huyết lên cao, đầu gối thỉnh thoảng sưng rồi xẹp, tuyến tiền liệt phình đại. Không phải xui là gì? Rồi chuyện vợ chết gần cả năm không khai để vẫn lãnh tiền già của vợ bây giờ bị kêu lên bắt trả lại, dầu mỗi tháng chút ít cũng là… xui. Thêm nữa, tiền bảo hiểm nhơn thọ của vợ mấy đứa con xúm lại năn nỉ mượn gần hết, hổng phải xui là gì? Gần đây nhứt là mấy cái thẻ tín dụng đòi tiền phạt trả trễ mấy tháng mình bỏ về VN tới hơn bốn trăm đồng. Chắc chắn xui là đây rồi. Trí Già miên man lục lọi chuyện nầy chuyện kia những lúc gần đây. Ờ mà còn nữa, tháng trước xuống phi trường họ bắt chờ giấy tờ gì đó một lúc lâu ớn, cuối cùng thiên hạ về gần hết mới tới lượt mình. Hai thùng đồ bị rạch xéo dán lại ai cũng thấy rõ mà không biết khiếu nại với ai. Về tới khách sạn soát lại mới hay đồ vật có giá chút đỉnh và thuốc men mất hết. Tới cái máy chụp hình cũ tính đem về cho thằng cháu cũng không cánh mà bay! Vậy chẳng phải xui là gì?

Ông thầy bói nhấn mạnh hơn:

- Cần phải làm phước để giải hạn. Làm phước như thế nào thì tôi không biết, mà có biết cũng bất khả lậu”.

Rồi ông chép miệng bộ thiệt là nghiêm trọng:

- Không dám đâu!

Con bé nãy giờ ngồi im lắng nghe bây giờ mới õng ẹo:

- Thôi anh làm ơn cưới em đi làm phước. Em đương cô đơn.

Già Phát ngó qua con nhỏ. Con nhỏ mình mẩy coi cũng được ớn, chết là nó chỉ lớn hơn cháu ngoại mình chừng chục tuổi là cùng. Nó nói chuyện vô duyên trời thần, ở gần nó chắc đau tim mà chết có ngày. Già làm thinh lơ mơ nghe ông thầy bói nói về chuyện sao hạn, về giải hạn. Nghe hoài một điệp khúc bực mình Già phán một câu làm cụt hứng mọi người:

-Ối! Bói ra ma ấy mà, con người ta sống trên đời thì phải có lúc hên lúc xui, cúng giải cũng chẳng nhằm nhò gì. Hồi xưa mấy ông Ba Tàu bày đặt ra bói toán, phong thủy để bàn tán cho vui cửa vui nhà, mấy ông Việt Nam sau đó cứ nhắm mắt tin càng... Bá vơ! Bá vơ!

Già Phát thao thao còn ông thầy bói thì lặng lẽ xếp lại đồ nghề, ngồi làm thinh chờ tiền quẻ. Thái độ của ông ta bình tĩnh, chịu đựng, có chút ê chề nhưng mà không lộ vẻ giận dữ hay bất bình. Già Phát thấy mình bất lịch sự, vội móc tiền ra trả, hậu hĩ như là chuộc lỗi.

Trời ngả về chiều. Mây bỗng kéo tới giăng giăng. Một vài giọt mưa phất phất xuống mặt đường rồi bốc hơi tan biến do sức nóng còn lại trên mặt nhựa. Gió bỗng thổi mạnh hơn, hắt tạt nước vô tới chỗ khách ngồi rồi trút xuống ào ào, một lúc không lâu thì nước đã ngập tới thềm nhà.

Một cô gái ướt mẹp bước mau vô quán. Mặt bầm tím, buồn bã, cặp mắt một trời u sầu, gật đầu chào Già Phát bằng bác. Già thấy vui vui.

Tiếng hai bạn gái của cô ta trao đổi nho nhỏ với nhau:

- Rồi! Con Huệ lại bị dập nữa. Điệu nầy hoài chắc có ngày mà chết sớm. Kêu nó bỏ đi mà nó cứ chần chờ...

Cô gái đi thẳng ra sau. Bên ngoài gió thét gào. Già Phát lơ mơ với hoạt cảnh vừa xảy ra trước mắt.

4.

Nằm gác đầu lên bụng con Huệ để lấy lại sức, Già Phát hỏi:

- Thương không?

- Biết còn hỏi.

- Sao bị đánh hoài mà trước đây em không tìm cách trốn khỏi tay thằng quỉ đó?

- Bởi!

- Nữa nhe!

- Dịch vật!

- Bữa trời mưa hỗm, mình gặp nhau lần đầu, anh thương em liền.

- Duyên nợ.

- Em có cần tiền để trả nợ cho nó và bọn đầu gấu không?

- Thôi, kỳ lắm!

- Vậy thì sao?

- Trốn luôn.

- Tháng tới anh về bển mấy tháng lo chuyện nhà cửa bên đó ở đây một mình nếu có chuyện gì thì sao?

- Tới đâu hay đó.

- Cả tuần nay anh đi ăn nhậu với thằng Khu Vực mấy lần, có gì thì em cầu cứu nó. Anh ứng trước cho nó chút đỉnh rồi!

- Vô ích. Thêm tròng khác thôi.

- Nói chuyện với em mệt thấy mồ, cứ xài một hai chữ không. Nói nguyên câu được không hè?

- Quen rồi!

- Vậy thì làm sao em tiếp khách. Làm sao nói chuyện yêu đương?

- Đâu cần đâu!

- Ờ há! Mà từ lúc nào mình đổi từ bác-cháu qua anh-em vậy?

- Bữa em trúng gió

- Rồi em nhờ anh cạo gió cho em.

- Đừng nói nữa. Mắc cỡ lắm!

- Ai mắc cỡ?

- Ai thì biết!

….

- Lúc anh mới mướn nhà cho em ở trốn thằng đó, em khỏi bị đánh đập, có thích không?

- Cô đơn. Nhớ!

- Nhớ ai?

- Ai thì biết! Bác!

Có tiếng cười dòn của hai người. Một lúc sau.

- Lúc còn làm ở quán cà phê, có nhiều người si em không?

- Cả rổ.

- Anh cũng vậy. Lớn tuổi mà còn duyên ngầm, đi đâu mấy cô cũng theo quá xá!

- Sao chọn em?

- Thì làm phước chớ sao? Thấy em như con mèo ướt bữa đó. Mèo ướt mà còn bị chó vật nữa

- Nằm vầy tội thì có,

- Trước đó là lòng tốt thì có phước. Sau nầy hư trừ bớt chút đỉnh cũng còn phước chán.

- Trừ tới số âm vô cực luôn.

Già Phát giựt mình. Con nhỏ biết dùng chữ số âm vô cực trong trường hợp nầy không phải là người ngu. Tiếc là nó quá trẻ, mình không thể lâu dài được. Mà đã lỡ ăn thua, không thể rút lui được nữa. Phải lo cho nó thôi, dầu nó không trực tiếp đòi hỏi gì. Già tính chuyến nầy về bển sẽ nói với các mấy con là mình rút tiền để dành từ đó tới giờ về đây lo xây nhà dưỡng già. Các con không thể lo được cho ba, thôi đừng cản mũi cản lái gì hết, để ba tìm người lo cho thân già của ba. Con nhỏ cũng đáng để cho mình lo, như là làm phước.

5.

Một tuần sau ngày bị gỡ tay lấy tiền, Già Phát lấy hết can đảm quay trở về xóm có căn nhà thân thuộc cũ. Quang cảnh chung không thay đổi nhưng cánh cửa nhiều kỷ niệm của Già cả năm nay thì đóng im ỉm. Mấy cái bàn nhậu như là cỏ dại đã lan ra lấn chiếm gần hết cái sân. Có tấm bản giấy treo to-òng teng trên cánh cửa, chữ nguyệch ngoạc: Nhà cho mướng. Xin liêng hệ số…

Già Phát bước thẳng đi luôn, hy vọng trong xóm không còn ai nhớ tới bản mặt mo của mình nữa. Tiền đã ra đi, tức thiệt, nhưng hy vọng cái xui cuối năm của mình cũng theo đó mà bay đi, coi như là mình giúp vốn cho một cặp vợ chồng trẻ nghèo có tiền làm ăn, đổi đời. Già quên phứt đi một năm hưởng xuân dối tuổi của mình mới vừa qua. Đi ngang mặt hai đứa nhỏ ghẻ chóc ốm o đương ngồi ăn xin ở đầu hẻm Già Phát cũng quên luôn chuyện thí cho chúng nó chút đỉnh để làm phước như đã từng quên bấy lâu nay trong suốt cuộc đời của Già.

Trời trưa nắng thiệt gắt, có tiếng la ồn ào: “Bắt cướp! bắt cướp! Nó cướp xe của người bị tai nạn”. Hai đứa nhỏ ăn mày nhăn mặt, nheo nheo mắt, còng lưng xuống cái lon không. Xe cộ vẫn xẹt qua xẹt lại như từ trước tới giờ. Chỗ người bị tai nạn đằng kia, người coi như kiến bu mỗi lúc mỗi nghẹt. Già chợt nhớ tới ông lão bán chổi, và con nhỏ ưa nói một câu bằng hai ba chữ vừa mới lướt qua trong đời Già. Sau khi làm phước cho ông lão bán chổi sao mà lòng thơ thới còn sau khi làm phước cho con nhỏ nầy sao mà trĩu nặng âm u lòng quá.

Kỳ hen?

Nguyễn Văn Sâm

(Victorville, CA, Sept. 2-19, 2012)

714-260-2430






Phụ Bản II

Thiếu Khanh giới thiệu bài thơ

Tiểu Chước

của Cao Bá Quát

小 酌

拙 妻 不 信 尙 朱 顏

笑 把 菱 花 送 與 看

試 酌 小 杯 還 自 炤

分 明 红 氣 動 眉 端

高伯适

Tiểu chước

Chuyết thê bất tín thượng châu nhan

Tiếu bả lăng hoa tống dữ khan

Thí chước tiểu bôi hoàn tự chiếu

Phân minh hồng khí động mi đoan

Cao Bá Quát

Dịch nghĩa:

Người vợ vụng về của ta không tin mình còn nhan sắc mặn mà

Mỉm cười cầm cái bông ấu đưa cho ta cùng xem

Nàng rót cho ta chung rượu nhỏ (trong đó) phản chiếu

Rõ ràng khí sắc hồng nhuận (khiến nàng cũng) nhíu động đôi mày đoan chính.

Ghi chú về cái bông ấu trong bài:

Ấu , tên Hán Việt là lăng (chữ Hán: 菱 – bính âm: ling ), tiếng Anh gọi bằng nhiều tên: water caltrop, water chestnut, buffalo nut, bat nut, vân vân, thuộc hai loài Trapa natansTrapa bicornis, một loại cây thủy sinh, được trồng trong ao hay ruộng nước như sen hay súng để lấy trái làm lương thực. Trái ấu, thường được gọi lầm là củ (ca dao: “Thương nhau củ ấu cũng tròn…”), loài Trapa bicornis màu đen hay nâu cũ trông giống bộ sừng trâu tí hon (cho nên tiếng Anh có tên là buffalo nut). Trái của loài Trapa natans có bốn cạnh, đầu mỗi góc cạnh là một gai nhọn. Cả hai loài ấu này đều có ở Việt Nam, nhưng dường như củ ấu “sừng trâu” được biết nhiều hơn.

Đây là loại cây lương thực phụ lâu đời của nhiều dân tộc cho đến thế kỷ trước, có mặt ở khắp cả châu Phi, châu Âu và châu Á. Người ta thấy củ ấu được ghi chép từ rất sớm trong sách Chu Lễ của Trung Quốc, khoảng thế kỷ 2 trước công nguyên. Thời đó, củ ấu được coi là một loại lương thực quan trọng dùng làm lễ vật cúng tế. Còn theo sách Bản thảo bị yếu của Uông Ngang (Tàu), thế kỷ 17, thì củ ấu có tính mát, giải cảm và giải rượu.

Củ ấu luộc chín, gọt bỏ vỏ bên ngoài, thịt bên trong màu trắng, ăn bùi bùi, như hột mít. (Có người nói ngon hơn hột mít). Ngay ở thành phố Sài Gòn thỉnh thoảng thấy có người đẩy xe ba-gác chở củ ấu đi bán dạo.

Dường như không mấy người quan tâm chuyện củ ấu có mặt ở Việt Nam từ bao giờ. Chỉ biết củ ấu mang một hình ảnh mộc mạc, dân dã và rất quen thuộc. Bông ấu cũng chẳng phải loại hoa sang trọng hay hiếm quý gì. Đó chỉ là một thứ hoa màu trắng đơn sơ có bốn cánh, (Google image cho thấy loài Trapa natans hoa có màu đỏ), là một trong những thứ hoa bình dị, chất phác của đồng quê. Khi đưa cái bông ấu cho chồng xem, có lẽ bà Cao Chu Thần muốn nói mình giờ đây không còn giữa thời xuân sắc, mà giống như cái bông ấu quê mùa bình dị này. Nhà thơ tài hoa họ Cao, người mà theo một số giai thoại văn học nói, từng tự cho mình chiếm hai trong số bốn bồ chữ của thiên hạ, đã gián tiếp cải chính cái ý tự khiêm của vợ và đã khen bà một cách kín đáo và tao nhã: trong bài thơ, ông mô tả sắc mặt hồng nhuận đoan trang của bà phản chiếu trong chung rượu bà rót mời chồng.

Do kiến thức văn học hạn hẹp, người viết không biết bài thơ Tiểu Chước này được chép hay lưu truyền ở đâu hay trong tác phẩm nào của Cao Bá Quát. Bài được dịch và giới thiệu ở đây là căn cứ theo bản chữ Hán do người bạn rất nhiệt tình tìm tòi và giới thiệu thơ chữ Hán của tiền nhân, là Lại Quảng Nam, đưa cho đọc. Cám ơn người bạn đất Quảng này.

Dịch thơ:

Mời chồng uống rượu suông

(lục bát)

Nhà tôi đang nghĩ mình già

“Chàng xem cây ấu nở hoa đây này!”

Mời chồng chén rượu trên tay

Ánh vui tươi nhuận nét mày đoan trang

*

(song thất lục bát)

Nàng nghĩ mình lúc này già xấu

Đưa chồng xem bông ấu trên tay

Mời ta chung rượu rót đầy

Lung linh phản chiếu nét mày thắm tươi

*

(thất ngôn tứ tuyệt)

Nàng nghĩ dung nhan đã luống rồi

Trao chồng hoa ấu để xem chơi

Mời ta chung rượu còn tương ánh

Hồng nhuận đoan trang nét rạng ngời

Bài dịch tiếng Anh:

Having a small glass of wine

 

By Cao Bá Quát

My wife doesn’t believe in her charm and beauty

Smiling she shows me a flower of trapaceae family

Then she offers me a small glass of wine

Which reflects herself - so lovely and benign.

Thiếu Khanh


THƠ TẾT TRUNG THU

Trẻ em chơi Tết Trung Thu

Biết chăng Tết ấy khởi đầu từ ai?

Chuyện xưa qua khoảng đêm dài

Người đời truyền miệng lần sai ít nhiều

Vua Minh Hoàng một buổi chiều

Trung Thu thưởng nguyệt để tiêu mối sầu!

Gặp nhà đạo sĩ người tâu:

Đức vua có muốn bắc cầu lên trăng?

Vua nghe vừa ý, bảo rằng:

Lên chơi cung nguyệt ta hằng ước mong!

Gặp tung bổng cái cầu vồng

Làm bằng mây khói gác trong khoảng trời…

Vua cùng đạo sĩ lên chơi

Phiêu diêu đôi chút đến nơi Quảng Hàn,

Lâu đài lộng lẫy trang hoàng

Tiếng ca hòa với cung đàn mê ly!

Nghê thường điệu múa tân kỳ

Phi tần hạ giới dễ bì người tiên!

Nụ cười nước đổ thành nghiêng,

Mắt nhìn dâng mộng triền miên thi hoài!

Đêm tàn tỉnh giấc mơ hoa,

Trở về hạ giới sương đà lạnh đêm

Bâng khuâng nhớ cảnh cung thiềm

Nhớ người nguyệt điện càng thêm chạnh mình

Vua bèn lập ở Hàn đình

Một ban vũ nữ trẻ xinh mỹ miều!

Suối trăng người ngọc yêu kiều

Đàn ca múa nhảy, phá tiêu thành sầu!

Dân gian từ ấy về sau

Tết Trung Thu đến rủ nhau hợp đoàn

Hát ca dưới ánh trăng vàng

Lâu ngày thành lễ của đoàn thiếu niên

Hát hò, đối đáp ước nguyền

Tỏ vừng trăng bạc, ướm duyên Châu Trần!

Thưởng thu thì khách tao nhân

Rót Hoàng hoa tửu chọn vần họa thơ!

Bắc Nam cho đến bây giờ,

Chọn ngày Tết ấy, thỏa mơ cõi lòng!...


TRƯƠNG LỰC NGUYỄN XUÂN PHI

PPT st

Thân thế tác giả: Bài thơ trên đây nói về sự tích Tết Trung Thu, của một tác giả Việt kiều Mỹ đã quá cố. Ông Nguyễn Xuân Phi TX, USA tác giả vốn là một cháu ngoại của họ tộc Phạm (Điện Bàn, Quảng Nam) và đã sống qua thời thơ ấu, học sinh ở huyện Đại Lộc, cho đến năm 1994 đi định cư ở Mỹ theo diện HO. Hồn thơ theo anh đến tận miền đất hứa này. Hãy nghe qua những vần thơ mà anh cảm tác đúng tính chất huyền thoại Á Đông trong lúc đang sinh sống với gia đình tại một tiểu bang rộng nhất nước Mỹ có những cánh đồng cỏ rộng bao la và cũng có nhiều những chàng cow-boy ngồi trên yên ngựa quẳng dây vòng thòng lọng để lùa đàn gia súc hàng ngàn con về trang trại. Ông Phi qua đời tại Mỹ ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” và được gia đình đưa về an táng tại quê nhà VN.


CÕI NGƯỜI TA

Sáng nay sân trước rụng đầy hoa

Cầm chổi ngại ngần lẫn xót xa

Quét rác chừa hoa, hoa cũng rác

Mới hay muôn sự cõi người ta…

THANH PHONG


MẸ GIÀ

(Tặng những ai cùng tâm trạng)


Giờ con làm mẹ già

Đến nhà con, trông cháu

Nó dặn: “Mẹ nhớ kỹ

Kẻo bé lây rồi đau”


Ra, vô, con giữ ý

Ăn, uống, cũng dè chừng

Con gái, còn có rể

Không khéo nó coi thường!


Chợt nhớ mẹ ngày xưa

Cũng giống con bây giờ

Mấy lần con sinh nở

Một tay mẹ chăm lo


Nhà con tiệc lớn, nhỏ

Đãi bạn bè hà rầm

Mình mẹ nấu, dọn, rửa

Bọn con thả sức ăn!


Chưa bao giờ con hỏi

Mẹ thích món gì không?

Để tự tay vô bếp

Nấu cho mẹ vui lòng!


Thỉnh thoảng con đưa mẹ

Chút tiền còm bỏ lưng

Coi như đã trả hiếu

Lo thù tạc người dưng!


Chín Mươi năm mẹ mới

Mừng Đại Thọ một lần

E dè mẹ hỏi ý:

“Cho má mời bạn thân!”


Hôm đó mẹ rất vui

Áo chữ THỌ đỏ tươi

Lôi nữ trang ra diện

Giống cô dâu quá trời!


Con, rồi tới cháu cố

Một tay mẹ ẵm bồng

Một tay mẹ chăm sóc

Từ khi mới lọt lòng


Xưa chúng con cười ngất

Khi nghe mẹ nói là

“Cha mẹ già – Tất cả

“Là tôi của ông bà


“Để cho lớp sau xài

“Cứ thế mà tiếp nối

“Không tin bây chờ coi

“Có đúng lời tao nói…


Tụi con xúm chế nhạo

Lại… “Bài ca không quên”

Khi lâu lâu mẹ nhắc:

“Giờ nhận. Cúng không thèm”


Hình như con quên mất

Mẹ hiện diện bên đời

Không quan tâm, han hỏi

Chỉ lo chồng, con, thôi!


Mẹ ngày càng mòn mỏi

Rồi về với ông bà

Biết rằng đời phải thế

Vẫn đắng lòng khi xa!


Bây giờ đến lượt con

Làm mẹ già trông cháu

Nghĩ về mẹ mà thương

Mà nghe lòng đau đáu!


Hương lung linh di ảnh

Mẹ nhìn con như cười:

“Thấy chưa, tao đã nói

Bây có chạy đàng trời!”


Singapore , 02.9.2012

TÂM NGUYỆN


NGŨ HÀNH SƠN

Cảnh Ngũ Hành Sơn đẹp tuyệt trần

Gọi mời du khách hãy dừng chân

Trên cao vời vợi trời xanh biếc

Dưới thấp mênh mang nước trắng ngần

Khoảnh khắc tơ vương hồn đắm đuối

Chập chờn thơ quyện ý phân vân

Cánh chim quên lượn – chừng ngơ ngẩn

Nét họa hóa công bỗng xuất thần

NGÀN PHƯƠNG

DẶN DÒ

Vọng tưởng quê nhà nhớ cố hương

Lời cha khuyên nhủ lúc lên đường

Không hề chùn bước khi gian khổ

Chẳng quản bận tâm lúc nhiễu nhương

Yêu quyến thuộc trong cơn bão tố

Thương bằng hữu giữa kiếp phong sương

Dẫm lên nghịch cảnh – quên cay đắng

Can đảm luyện rèn chí bốn phương

NGÀN PHƯƠNG

CỤ ĐỒ CHIỂU

Ngôi sao phong cách Cụ Đồ Chiểu

Thi phú bình dân mà tuyệt diệu

Giản dị lời thơ dễ mến ưa

An bài lý lẽ đều thông hiểu

Vân Tiên chú trọng chữ ân tình

Gia huấn truyền lưu câu đạo hiếu

Lấp lánh vòm trời đất phía nam

Ngôi sao phong cách, Cụ Đồ Chiểu

THANH CHÂU

PHẢI CHI

Phải chi em là cánh mây

Anh là ngọn gió dìu bay khắp trời

Em là dòng nước biển khơi

Anh là sóng cả ủ lời thi ca

Phải chi em là đóa hoa

Hương đời ướp mộng bay xa, bay gần

Anh là cánh bướm trong ngần

Hoa cùng bên bướm hợp quần đắm say

Em là cánh én lượn bay

Trong veo giọng hót đắm say hương lòng

Anh là sợi nắng vàng trong

Chiếu tia ấm áp mênh mông đất trời

Em là tiếng sáo chơi vơi

Anh hòa giọng hát ấm lời yêu thương

Phú Nhuận, ngày 05 tháng 7 năm 2009

XUÂN VÂN


NHỚ


Ngày, anh nhớ tới em từng phút

Đêm, anh mơ đến em từng giờ


Từng giờ chờ đợi nên mong nhớ

Mong nhớ nhiều rồi thương nhớ em


Nhớ em như thiếu thứ chi

Đêm thì quên ngủ, ngày thì quên ăn


Quên ăn ra ngẩn vào ngơ

Vào ngơ ra ngẩn bên bờ đời em


Đời em như bướm như chim

Anh buồn, anh nhớ biết tìm em đâu?

LÊ MINH CHỬ

PHONG TÌNH CỔ LỤC

CÒN TRUYỀN SỬ XANH

(Dĩ đề vi thủ)

Phong vũ không thương phận Thúy Kiều

Tình này cảnh ấy mọi người yêu

Cổ lai mãi nhớ chàng Kim tốt

Lục tích luôn ghi họ Sở điêu

Còn kể Thúc Sinh nhầm độc kế

Truyền rằng Từ Hải măc hung chiêu

Sử vang chói sáng gương nhân nghĩa

Xanh hỡi chung soi được ít nhiều

VÕ THỊ TÂN VIỆT


RUNG ĐỘNG ĐẦU ĐỜI


Nghe nói về em, chưa gặp em

Lòng sao cứ nhớ, cứ yêu thêm?

Như cây khát nước mong mưa thấm,

Mong mặt trời lên xua bóng đêm


Em – con Hiệu trưởng trường đại học,

Anh chỉ là con Kỹ thuật viên

Xe than anh đẩy, người nhem nhuốc,

Em học bài xong, chợt ngẩng lên


Anh xách phích kem rao rát cổ,

Nhựa đường chảy lỏng, bỏng bàn chân

Thoáng một gương trăng bên cửa sổ,

Gọi: “Kem!”, trong trẻo tiếng chim ngân


Em, anh giờ cách con sông lớn,

Sóng vỗ rung bờ, nước cuộn sôi

Anh bơi, sóng cả như đùa giỡn,

Mấy sải tay đến với em rồi!


Em ơi, văn nghệ và khoa học

Đưa đến tình yêu của chúng mình

Một cặp chim bay – Trời Tổ quốc,

Sông dài, biển rộng – bóng lung linh…


Hà Nội, 08.08.1962

VŨ ĐÌNH HUY

FIRST VIBRATIONS IN LIFE


Hearing about you, but I haven’t met you before

Why my heart keeps on thinking of you and loving you more?

Like a thirsty tree longing for the rain

And craving for the sun to rise and drive away the night shadow


You – the daughter of the University President

Me – I’m only the son of a technician

Wearing an all smeared dress, I pushed a coal-cart

Having learned your lesson, you suddenly raised your head.


Carrying the ice cream bucket, I cried my ware with a raspy throat

The liquid road asphalt burned my feet

Glimpsingly a beautiful visage appeared at the window

Calling “Ice cream!” with a voice as pure as a bird’s chirping


You and I are now separated by a great river

Waves lapped the shaken shore, water whirled rumblingly

I swam, big waves seemed like trifling

Only a few arm lengths, and here I’m coming to you!


Dearest, Literature and Science

Have brought about our love

A brace of birds – flying over our Fatherland sky,

Long rivers, wide seas – a scintillating light…


Hà Nội, 08.08.1962

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN


CHƠI SÁCH

Thân quý tặng CLB SÁCH XƯA & NAY

L.N.


Không phải cơ quan chẳng phải nhà

Hữu duyên yêu sách cũ, gần, xa

Nên hóa tri âm tình hội ngộ

Mở trang sách cũ mở lòng ta


Biển đời biển sách quá mênh mông

Dẫu chỉ như là hạt bụi hồng

Thì ta vẫn nhân danh mầm sống

Vẫn là ngọn sóng giữa hư không


Như cây đời mãi mãi xanh tươi

Bởi nắng trên cao gốc chẳng rời

Cội nguồn đất Mẹ trao dòng nhựa

Vòng tay tầm mắt sáng nên người


Dễ gì có được một cuộc chơi

Tóc đã ngả sương tuyết cả rồi

Chúc nhau dư sức chơi sách mãi

Đắm say hơn cả rượu đầy vơi!


LÊ NGUYÊN

29.8.2012

PHÒNG CHỐNG GIẶC GIÀ

(Nhân ngày Quốc tế Người Cao Tuổi 01-10)

Thanh niên phòng chống nạn Sida

Phụ lão lo toan đuổi “giặc già”

Tim mạch, dạ dày, đừng giỡn tớ!

Đại tràng, phong thấp, chớ đùa ta!

Đường thi, lục bát rèn tâm tuệ

Thể dục, dưỡng sinh triệt bệnh tà

Tám chín mươi xuân còn trẻ mãi

Hàng hòm, tiệm thuốc ế rên la.

Hàng hòm, tiệm thuốc ế rên la

Thưa kiện đưa đơn đến nhị tòa

Phá luật thiên nhiên, trời có thứ?

Chối phần nghĩa địa, đất không tha?

Đình trên Ngọc Đế liền cười ngất

Ngục dưới Diêm Vương cũng giảng hòa

Rằng: “Cháu ông Bành nay quý hiếm

Truyền cho: “Kính lão đắc nên già!”

THÙY DƯƠNG

 

DÉFENSE CONTRE

LA VIEILLESSE REBELLE

(Pour la journée internationale des personnes âgés 01-10)

Les jeunes gens se défendent contre le SIDA

Les âgés tiennent à chasser la vieillesse rebelle

Cardio - vasculaire, gastrite, ne me plaisantez pas!

Gastro – intestinale, rhumatisme, ne me taquinez pas!

Les poèmes des Tangs, les vers hexa-octo syllables

illuminent mon esprit.

La gymnastique, l’entretien de la santé éliminent toute maladie

À l’âge de quatrevingt et quatrevingt - dix, on est encore très jeune,

jeune à jamais.

“Oh la la!” gémissent les vendeurs de cercueils et les pharmaciens,

“Où est ma clientèle ?”

“Où est ma clientèle?”, gémissent les vendeurs de cercueils

et les pharmaciens

Qui se plaignent en justice à la cour du Ciel et celle de l’Enfer

Briser la loi naturelle, est-ce que le Ciel pardonnera?

Refuser sa part au cimetière, la Terre ne tolère pas

À la cour céleste, l’Empereur Ngọc éclate de rire

Dans l’Enfer, le Roi Diêm réconcilie les deux parties

En disant: “Les descendants de Mr.Bành(*), de nos jours, sont très rares

“Écoutez la loi proclamée:” Longévité à ceux qui respectent les âgés”

Traduit par l’auteur THÙY DƯƠNG

(*) Mr. Bành Tổ: homme légendaire qui vivait 700 ans, symbol de longévité

KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH

Thi sĩ HÀN MẶC TỬ

(1912 – 2012)

Thùy Dương

Thi sĩ Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí

Sinh ngày 22-9-2012 tại làng Mỹ Lệ, Đông Hới, Quảng Bình lớn lên tại Quy Nhơn

Mất ngày 11-11-1940 tại Bình Định.

Cái tên HÀN MẶC TỬ có nghĩa là “chàng trai nghèo trầm lặng ít nói”. Nhưng thơ ông thì tuy ít lời mà lại nói lên rất nhiều!

Sự nghiệp Thi Ca đáng trân trọng của HÀN MẶC TỬ gắn liền với kiếp sống ngắn ngủi bất hạnh mà định mệnh khắc nghiệt đã dành sẵn cho ông không thể chối bỏ được! Ra đi giữa 28 tuổi thanh xuân, Ông đã để lại cho những người đương thời nỗi xót xa thương tiếc vô hạn và cho hậu thế một sự nghiệp Thi Ca kiệt xuất, với những thiên tình sử trong sáng bất diệt đã thăng hoa, mãi mãi sưởi ấm và tôn vinh anh linh người Thi Sĩ.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của HÀN MẶC TỬ, để tưởng niệm một thi sĩ tài hoa bạc mệnh, xin thành kính dâng lên anh linh Người bản dịch tiếng Anh vụng về của bài thơ:

SAY CHẾT ĐÊM NAY

Trời Hàn Giang đêm nay không sóng

Lòng cô liêu đồng vọng làm chi?

Gió đông đoài gặp tình si

Ôi chao quấn quýt nói gì nhớ thương !

Trăng cổ độ hết vương mành trúc

Hẹn đoàn viên tình thực chiêm bao

Đêm nay lại giống đêm nào

Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan

Say thôi lại muốn nàng nâng đỡ

Nhưng nàng xa từ thuở vu quy

Nhớ thôi lòng những sầu bi

Lệ rơi vào rượu, hàng mi lờ đờ…

Ta là khách bơ vơ phàm tục

Nhớ cầm trăng cung bậc tiêu tao

Không ai trang điểm má đào

Cho ta say chết đêm nào đêm nay.

HÀN MẶC TỬ

TO GET DRUNK AND DIE TONIGHT

Hàn Giang river shows no rippling water tonight

So there is nothing to kindle this lonely soul of mine

Oh, if only East breeze and West breeze could assemble!

Then we would entwine and let our passionate souls mingle!

The old moon’ll no longer shine on this bamboo screen

So our promising union has become merely a dream!

Tonight, like the other night I can remember

No sooner had I emptied the cup than sadness came through my liver!

I get drunk! Oh, if only she were here to care for me!

But I remember – She’s gone, she’s gone already!

Since that day – the day she got married!

As I think of her, my heart twists

Tears fall into the wine – my eyes get blurred

Well, I am no more than a lonely earthy traveler

Longing for a sad moon guitar melody

Oh, if only there is a rosy cheeked young lady

Who will get me drunk with her beauty, not the wine

So that I could die one night – right tonight!

Translated by Thùy Dương

In remembrance of the author on his

100th birth anniversary.

(22/9/1912 – 22/9/2012)

CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG

DO HOA KỲ KHAI SINH

Nhân cuộc bầu cử vào ngày 6-11-2012 tại Mỹ, chúng ta thử cùng nhau tìm hiểu các Thể chế điều hành Chính Phủ trên thế giới, nhất là Tổng Thống chế ở Hoa Kỳ.

I.- CÁC THỂ CHẾ CHÍNH PHỦ TRÊN THẾ GIỚI

A/ THỂ CHẾ ĐỘC TÀI

Thể chế này do một cá nhân độc đoán cai trị, độc hành và có quyền hạn vô hạn. Đó là chế độ Quân Chủ Chuyên chế, chế độ Độc tài - Quân Phiệt, chế độ Phát Xít, chế độ các nước Hồi Giáo…

1- Chế độ Quân chủ chuyên chế:

- Các nước Quân chủ phong kiến ở các châu Âu, châu Á thuở trước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha… Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ…

- Tòa thánh Vatican: Giáo Hoàng nắm quyền tối cao, thâu tóm 3 quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Tuy có Hội đồng Hồng y Giáo chủ nhưng chỉ đóng vai trò tư vấn cho Giáo Hoàng.

- Saudi Arabia: không có Quốc hội, chỉ có Hội đồng Tư vấn từ tháng 12-1993, do Quốc vương bổ nhiệm và toàn quyền định đoạt Chính phủ.

- Brunei: phải đến tháng 9-2004 Hội đồng Lập pháp mới được thành lập, do Quốc vương nắm toàn quyền bổ nhiệm, sau đó sẽ được thay thế bằng một Quốc hội mới được bầu.

2- Chế độ Độc tài - Quân phiệt: Do một người hoặc một sĩ quan Quân đội nắm giữ cả ba quyền Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp.

3- Chế độ Phát xít: Đức, Ý và Nhật thời Thế chiến thứ 2 sống dưới chế độ này, gây biết bao tang thương, tội ác với nhân dân và các nước nạn nhân khác.

4- Chế độ ở các nước Hồi giáo: Iran, Maroc, Butan, Kuwait… quyền lực tối cao nằm trong tay Giáo chủ, dù có Quốc hội và Chính phủ nhưng chỉ có thẩm quyền tư vấn.

B/ CÁC THỂ CHẾ DÂN CHỦ.

Trong thể chế này, phương thức cai trị là tôn trọng và thực hiện để mọi công dân bàn bạc và quyết định mọi công việc quốc gia, thông qua các cuộc bầu cử tự do. Các nước theo thể chế Dân chủ có thể là nước Quân chủ Lập hiến hoặc đa số là nước Cộng Hòa (chính thể trong đó quyền lực tối cao thuộc về các cơ quan dân cử với quyền hạn thật sự).

1- CHẾ ĐỘ QUỐC HỘI CỦA THỤY SĨ.

Thụy Sĩ đã theo chế độ Dân chủ Trực tiếp từ lâu đời, đó là chế độ Cộng hòa Liên bang với 26 tiểu bang nhỏ, tất cả do Quốc hội gồm hai viện: Thượng Nghị viện và Hạ Nghị viện, nắm quyền quyết định nền chính trị, xã hội và bầu ra 7 Thủ tướng đảm trách 7 lãnh vực: ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế & 7 vị này lần lượt thay nhau làm Tổng thống đại diện Quốc gia, nhưng không có nhiều quyền hạn. Vì là chế độ Dân chủ Trực tiếp nên có rất nhiều cuộc bầu cử trong năm để người dân có quyền quyết định việc nước, vì thế từ xa xưa Thụy Sĩ khai sinh ra chế độ Quốc Hội.

2- CHẾ ĐỘ ĐẠI NGHỊ CỦA ANH QUỐC.

Dù là một nước Quân chủ Chuyên chế, nhưng sau đó do lịch sử, Anh Quốc cũng là nơi khai sinh ra chế độ Quân chủ Lập hiến tức Đại Nghị chế (chế độ do nhân dân chọn đại biểu để tham dự chính trị). Năm 1066 là một trong thời gian nổi tiếng trong lịch sử Anh. Nước Anh lại bị xâm lăng và William the Conquer, một quận công xứ Norman (dân tộc từ Normandy ở bắc nước Pháp) chiến thắng và trở thành Vua Anh, ông làm vua được 21 năm. Vua và các cận thần không biết nói tiếng Anh, và vì thế trong 200 năm, tất cả văn kiện quan trọng ban hành đều viết bằng tiếng Pháp, không phải tiếng Anh (Tiếng Anh có rất nhiều từ lấy từ tiếng Pháp khởi nguồn từ thời kỳ này).

Từ thế kỷ 13, quyền hạn của Vua bị hạn chế. Năm 1215, vua John bị ép buộc phải ký Magna Carta (Đại Hiến chương), một văn kiện dành cho giới Quý tộc. Từ “Parliament” (Quốc Hội Anh) được dùng để diễn tả các cuộc họp của Vua và Quý tộc. Vua cũng gặp gỡ đại diện các tỉnh để tăng giảm thuế. Giới Quý tộc trở thành Viện Quý tộc và nhân dân từ các tỉnh trở thành Viện Thứ dân, từ đó Quốc hội có 2 viện gồm các quý tộc và thứ dân, được gọi chung là “Thành viên Quốc Hội” (Member of Parliament - M.P).

Xung đột tôn giáo giữa Thiên Chúa và Anh giáo xảy ra trong thế kỷ 17 và vào năm 1689, The Bill of Rights (Tuyên ngôn Nhân quyền) được Vua Anh ký để chấm dứt việc này. Đến năm 1714, vua George I lên ngôi, ông là vị vua Anh đầu tiên từ dòng họ Hanover từ nước Đức về, nên cũng không biết nói tiếng Anh, và các vua George II, III, IV, V,VI kế nghiệp (vua George III chịu trách nhiệm về việc Mỹ giành được độc lập, ông bị bệnh tâm thần và phải đề cử vị Thái tử Phụ chính).Vì là người Pháp nên Vua Anh phải cử một vị đại thần người Anh, để thay mặt Vua chủ tọa Nội các và liên lạc với Quốc Hội toàn nói tiếng Anh. Chính vị này thay mặt Vua Anh sau đó, đã trở thành Thủ Tướng đứng đầu Chính Phủ Anh lúc bấy giờ; và Vương quốc Anh khai sinh ra chế độ Đại Nghị trên thế giới.

Vào đầu thế kỷ 18, đã có một cuộc dàn xếp giữa Vua và Quốc Hội nên số người được đi bầu cử gia tăng. Năm 1832 Đạo luật Cải cách đầu tiên được thông qua, nhưng phải đợi tới thế kỷ 20, cải cách Quốc hội tiếp tục, từ đó tất cả người trưởng thành đều được đi bầu cử.

Hiện nay Vương quốc Anh gồm 4 xứ: England, Wales, Scotland và Bắc Ireland, có 2 đảng chính: Bảo Thủ và Lao Động thay nhau nắm đa số tại Quốc Hội – với 2 viện: Viện Quý tộc và Viện Thứ dân, từ đó Đảng nắm đa số sẽ làm Thủ Tướng điều hành Chính Phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Chế độ lưỡng đảng này đã giúp nền chính trị Anh tương đối ổn định.

- Đa số các nước ở châu Âu hiện theo chế độ Đại nghị với Vua hoặc Tổng thống có hư vị, mọi quyền hành do Thủ Tướng Chính Phủ nắm giữ và chịu trách nhiệm trước Quốc Hội. Ưu điểm là chế độ này được coi là dân chủ nhất, nhưng khuyết điểm là không bảo đảm một nền Hành pháp mạnh mẽ vì có đa đảng dễ gây chia rẽ, khiến việc điều hành đất nước khó khăn, với việc có những Chính Phủ “chết yểu”, cơ quan Lập pháp được Hiến Pháp bảo đảm quyền lực rộng lớn, nhưng thực quyền Quốc Hội phụ thuộc vào cơ chế chính trị và tính chất đảng phái nhiều hơn.

- Chế độ Cộng hòa Hỗn hợp: ở Châu Âu không có nước nào xây dựng mô hình Chính Phủ theo kiểu Mỹ, nhưng một số nước như Pháp và Nga đã cải cách để nhân dân trực tiếp bầu Tổng thống – từ đó vị này có quyền thế mạnh hơn, Tổng thống chỉ định một Thủ tướng điều hành Chính Phủ và không chịu trách nhiệm trước Quốc Hội mà chỉ chịu trách nhiệm trước Tổng thống mà thôi. Cả Tổng thống cũng như Quốc hội độc lập với nhau (ảnh hưởng Mỹ).

3- CHẾ ĐỘ TỔNG THỐNG – DO HOA KỲ KHAI SINH.

Năm 1787, để điều hành 13 tiểu bang Bắc Mỹ tức Hợp Chủng Quốc vừa mới được thành lập, những nhà soạn thảo Hiến Pháp, phân vân giữa hai chế độ Quốc Hội của Thụy Sĩ và chế độ Đại nghị của Anh Quốc. Họ cho rằng dân chúng không đủ khôn ngoan để đánh giá đức hạnh Ứng cử viên Tổng thống và họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng chức vụ Tổng thống nên được Quốc Hội quyết định. Chính vì thế, Hiến Pháp Hoa Kỳ đã khai sinh ra một thể chế hoàn toàn mới: Tổng Thống chế. Trong đó, Vua và Thủ Tướng của Anh Quốc gộp lại làm một vị duy nhất - vừa lãnh đạo tối cao đất nước, vừa điều hành Chính phủ - vị đó có danh xưng là Tổng Thống Hoa Kỳ (President of the USA), Hoa Kỳ cũng khẳng định Hoa Kỳ là một nước Cộng hòa trong “The Pledge of Allegiance” dành cho các học sinh Mỹ tuyên đọc: “Em thề trung thành với lá Quốc kỳ Mỹ và với nước Cộng Hòa mà nó đại diện, một Liên Bang, dưới sự che chở của Thượng Đế, bất khả phân, với sự tự do và công bằng cho mọi người”.

Từ đó, dân Mỹ bỏ phiếu Chọn Tổng thống (vote for President) nhưng họ không thật sự Bầu Tổng thống (elect President): đây là chế độ Dân chủ Gián tiếp, vì các nhà lập hiến cho thành lập Đại cử tri (Đại biểu cử tri, Elector) trong Cử tri đoàn mới thật sự là những người quyết định ghế Tổng thống chứ không phải Cử tri Phổ thông (Voter).

Hiến Pháp Hoa Kỳ cho phép các Tiểu bang chọn Đại cử tri. Thoạt đầu, Đại cử tri được chỉ định bởi các nhà làm luật tại Tiểu bang và cuối cùng được chính thức chọn làm Đại cử tri bởi sự ủng hộ của các nam công dân thuộc hàng có tên tuổi của các Tiểu bang khác. Dần dần, các đảng phái (may mắn là Hoa Kỳ cũng chỉ có hai đảng lớn là Cộng hòa và Dân chủ nên việc điều hành Liên Bang giữa Tổng thống và Quốc hội tương đối ổn định) ở từng Tiểu bang tự đứng ra chọn Đại cử tri. Tuy điều này dẫn đến tình trạng Đại cử tri có thể thiên vị (từng bị báo chí phản đối nhiều), nhưng Luật không cấm. Đầu tháng 12 sau cuộc bầu cử, Đại cử tri sẽ tập trung tại thủ phủ Tiểu bang mình để Bỏ phiếu bầu Tổng thống, sau khi cuộc Bầu cử phổ thông được thực hiện vào tháng 11 (năm nay cuộc Bầu cử sẽ là ngày 6-11-2012).

Có 26 Tiểu bang không yêu cầu Đại cử tri phải bỏ phiếu cho tương ứng với lá phiếu Phổ thông và có 19 Tiểu bang (trong đó có khu vực Washington, D.C.) buộc Đại cử tri phải bỏ phiếu tương ứng với lá phiếu Phổ thông. Tuy nhiên, không ai phạt vạ gì khi Đại cử tri không tuân thủ điều trên. Chỉ có 5 Tiểu bang có luật phạt vạ Đại cử tri không tuân thủ luật này nhưng mức phạt không đáng kể (Oklahoma chẳng hạn, mức phạt là 1,000USD).

Mỗi Tiểu bang có số Đại cử tri tương đương số Thượng Nghị sĩ trong Thượng Nghị Viện (TNV) và Hạ Nghị sĩ trong Hạ Nghị Viện (HNV) của Quốc Hội Liên Bang.

Tổng cộng: số Đại cử tri hiện nay là 538 vì Quốc Hội có 435 Hạ Nghị sĩ và 100 Thượng Nghị sĩ (3 Đại cử tri cộng thêm thuộc khu vực thủ đô Washington, được thêm vào theo Tu chính án thứ 23 năm 1961). Sự phân phối kiểu này được gọi là Bản đồ Đại cử tri (Electoral map) và được điều chỉnh theo từng thập niên. Thập niên 1981-1990, Florida có 21 lá phiếu Đại cử tri, thập niên 2001-2010 có 27. Cần nhớ luật quy định rằng: nếu Ứng cử viên (ƯCV) Tổng thống nào có số phiếu bầu Phổ thông cao hơn đối thủ trong một Tiểu bang, thì ƯCV này sẽ được hưởng trọn số Đại cử tri của Tiểu bang, nên có thể ƯCV dù được nhiều phiếu Phổ thông nhưng vẫn thua ƯCV có nhiều phiếu Đại cử tri (vì phiếu Đại cử tri quan trọng hơn).

Nói cách khác, việc thành lập Cử tri đoàn mang ý nghĩa đem lại công bằng hơn cho các Tiểu bang nhỏ, ít dân (nơi lá phiếu Phổ thông ít) ngang với các Tiểu bang lớn, đông dân, vì Tiểu bang nào cũng có Đại cử tri. Tuy nhiên, Tiểu bang có dân số đông cũng có nhiều phiếu Đại cử tri hơn! Vì vậy các Tiểu bang lớn luôn có tính quyết định cho cuộc đua giành ghế Tổng thống. Tuy nhiên trong thời kỳ vận động tranh cử sơ bộ, các ƯCV đều đến các Tiểu bang nhỏ, trung thành với Đảng của mình để vận động, dù có số phiếu Đại cử tri tuy ít nhưng “tích tiểu thành đại” nhằm để mỗi ƯCV hội đủ số phiếu cần thiết để đảng Dân chủ hoặc Cộng hòa “chính thức đề cử làm ƯCV của mỗi đảng”, rồi trong cuộc bầu cử Tổng thống mới hy vọng đắc cử từ tổng số phiếu Đại cử tri của các Tiểu bang nhỏ, chưa kể số phiếu Đại cử tri của các Tiểu bang lớn như California và New York.

- Năm 1888, ƯCV đảng Dân chủ G. Cleveland có 48,6% phiếu phổ thông nhưng cuối cùng B. Harrison đắc cử vì ông có 233 phiếu Đại cử tri so với 169 phiếu Đại cử tri của Cleveland.

- Gần đây nhất là năm 200, ƯCV đảng Dân chủ Al Gore thắng G.W.Bush của đảng Cộng hòa ở lá phiếu phổ thông: 49.222.339 so với 48.999.451 phiếu – nhưng Bush (con) giành đa số Đại cử tri, đặc biệt tại tiểu bang nhỏ Florida, nơi em trai của Bush đang làm Thống đốc và một phần cũng nhờ vào phán quyết có lợi cho Bush của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (vì đa số 9 vị Thẩm phán Tối cao thời kỳ đó do Tổng thống đảng Cộng hòa bổ nhiệm, nên họ ra phán quyết có thiên vị cho phía Cộng hòa).

- Kỳ bầu cử năm 2008, Obama thắng John McCain là nhờ vào số phiếu Đại cử tri của Tiểu bang nhỏ là Ohio.

II.- HIẾN PHÁP HOA KỲ QUY ĐỊNH “TAM QUYỀN PHÂN LẬP”

Hiến Pháp ban hành vào ngày 19-9-1787, có nội dung như sau:

LỜI MỞ ĐẦU:

“Chúng tôi, Nhân dân Hoa Kỳ, để tạo lập một Liên Bang hoàn hảo hơn, thiết lập sự công bằng, bảo đảm sự an vui trong nước, cung cấp nền quốc phòng toàn dân, gia tăng hạnh phúc quốc dân, bảo đảm ước vọng tự do cho Chúng ta và Hậu thế, Chúng tôi nhất trí và thiết lập bản Hiến Pháp này cho Hợp Chủng Quốc:

- ĐIỀU KHOẢN I:

Gồm có Mục 1 đến 10: Quy định về Quốc Hội lưỡng viện, Thượng Nghị Viện và Hạ Nghị Viện. TNV tượng trưng cho sự thống nhất Liên Bang, nên mỗi Tiểu Bang, dù lớn nhỏ đều có 2 Thượng Nghị sĩ, tổng cộng hiện có 100 vị trong TNV với nhiệm kỳ 6 năm, cứ mỗi hai năm lại bầu lại 1/3 số Thượng Nghị Sĩ. HNV gồm các Hạ Nghị Sĩ với nhiệm kỳ 2 năm, căn cứ vào số dân của từng khu vực trong Tiểu Bang, hiện nay có 435 Hạ Nghị Sĩ.

Quốc Hội giữ quyền Lập Pháp, biểu quyết các Luật với đa số quá bán, sau đó phải chuyển sang Tổng Thống ký ban hành. Tổng Thống có thể “phủ quyết” Dự Luật, nếu muốn chống lại, Quốc Hội phải họp lưỡng viện và biểu quyết với đa số đặc biệt là 2/3 tổng số T.N.Sĩ và H.N.Sĩ. Ngoài ra, Quốc Hội có thể luận tội Tổng Thống vi phạm lỗi nặng với đa số 2/3 để “Truất quyền Tổng Thống”. Thời Tổng thống Nixon, vì sợ bị Quốc Hội truất quyền nên ông đã phải từ chức trước khi hết nhiệm kỳ của mình.

- ĐIỀU KHOẢN II:

Gồm có Mục 1 – 4: Quy định về Tổng Thống Liên Bang giữ quyền Hành pháp, thực thi các Luật do Quốc Hội biểu quyết và Tồng Thống ban hành. Ông lãnh đạo Quốc gia và là Tổng Tư lệnh tối cao Quân dội Mỹ, ông thành lập Chính Phủ nhưng phải có sự chuẩn y của TNV, kể cả các chức vụ quan trọng trong Chính Phủ như: Đại sứ, Thẩm phán Tối cao Pháp viện… cũng phải do TNV chuẩn y. Phụ tá ông có Phó Tồng thống, khi bầu cử, cả hai đứng chung trong một liên danh ƯCV Tổng thống và Phó Tổng thống do mỗi đảng đề cử. Hiện nay Chính Phủ Liên Bang có 14 Bộ (Department) do Bộ Trưởng (Secretary) đứng đầu trong khi các Bộ Trưởng trong Nội các chế độ Đại nghị gọi là Minister (Tổng Trưởng một Bộ). Tổng Thống độc lập và Chính Phủ do ông điều khiển không chịu trách nhiệm trước Quốc Hội nên Tổng Thống có quyền hành rất lớn.

- ĐIỀU KHOẢN III:

Gồm có Mục 1-3 : Quy định về Tối cao Pháp viện (TCPV) giữ quyền Tư Pháp có 9 Thẩm Phán với nhiệm kỳ suốt đời, vị Thẩm Phán này phải do Tổng Thống đề cử, Quốc Hội chuẩn y và Tổng Thống bổ nhiệm. TCPV có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp và các Luật do Quốc Hội biểu quyết và Tổng Thống ban hành xem có vi hiến không, nếu TCPV phán quyết vi hiến thì Luật đó phải bị đình chỉ thi hành. Có một thời kỳ Hành Pháp khổ sở vì Luật nào ban hành cũng bị 9 ông Tòa TCPV cho là vi hiến! Hơn nữa, TCPV cũng còn giữ quyền phúc thẩm các bản án quan trọng do các Tòa án Tiểu bang chuyển lên.

Đặc biệt, vì Hiến Pháp Mỹ có tính linh hoạt, nên các nguyên tắc căn bản của nó có thể được áp dụng và giải thích khác nhau ở từng thời kỳ khác nhau. Đây là thẩm quyền quan trọng nhất của 9 vị Thẩm phán TCPV.

- ĐIỀU KHOẢN IV:

Gồm Mục 1 – 4: Quy định về quyền của các Tiểu Bang, các Quyền nào mà Hiến Pháp không quy định dành cho Chính Phủ Liên Bang thì đều thuộc về các Tiểu Bang. Nếu có tranh chấp giữa Tiểu bang và Liên bang về một điều khoản nào trong Hiến Pháp thì sẽ do TCPV giải quyết.

- ĐIỀU KHOẢN V:

Quy định về việc sửa đổi Hiến Pháp với đa số 2/3, cho tới nay Quốc Hội đã có 26 Tu Chính án sửa đổi Hiến Pháp: trong đó quan trọng là 10 Tu Chính án đầu tiên được gọi chung là “The Bill of Rights” (Tuyên bố Nhân quyền Hoa Kỳ), - Tu Chính án thứ 15 cho người Mỹ da đen được quyền bầu cử, - Tu Chính án thứ 19 cho phụ nữ được quyền bầu cử.

- ĐIỀU KHOẢN VI: gồm Điều khoản Tổng quát.

- ĐIỀU KHOẢN VII:

Quy định việc phê chuẩn bản Hiến Pháp này tối thiểu phải được 9/13 Tiểu Bang (lúc đó Hoa Kỳ mới có 13 Tiểu Bang) thì Hiến Pháp mới có hiệu lực.

KÝ TÊN CHẤP THUẬN:

Gồm Chủ tọa George Washington (sau là Tổng Thống đầu tiên) đại biểu Virginia và các Đại biểu của 12 Tiểu bang khác: Massachusetts, New Hampshire, Rhodes Island, Connecticut, New York, New Jersey, Pennsylvania, Delaware, Maryland, North Carolina, South Carolina và Georgia. Đây là 13 Tiểu bang Nguyên thủy của Hoa Kỳ - được tượng trưng trên Quốc kỳ với 13 sọc trắng và xanh dương, cùng với 50 ngôi sao tượng trưng cho 50 Tiểu bang.

TÓM TẮT

Tổng Thống chế là sự dung hòa giữa hai chế độ Quốc Hội và chế độ Đại Nghị. Hiện nay trên thế giới, các nước theo thể chế Dân chủ thì có khoảng 30 nước theo Đại Nghị chế (có Vua hoặc Tổng Thống), đó là đa số là các nước thuộc địa cũ nằm trong khối Thịnh Vượng Chung của Anh và đa số ở Châu Âu. Các nước theo Tổng Thống chế kiểu Mỹ thì có độ 40 nước, hầu hết các nước này đều áp dụng phân quyền triệt để, ở số nước tại châu Á và châu Phi bộ máy nhà nước có tính cách tập quyền, quyền lực tập trung vào tay một vị Tổng Thống trong khi quyền lực của Quốc Hội rất mờ nhạt. Một số nước theo chế độ Tổng Thống dung hòa với Đại Nghị, họ vừa có Tổng Thống vừa có cả Thủ Tướng với sự độc lập với Quốc Hội.

Hiến Pháp Hoa Kỳ quy định hệ thống “Tam quyền phân lập” (checks and balances), nhằm để ngăn ngừa sự độc tài của Hành Pháp mà đứng đầu là Tổng Thống với rất nhiều quyền hành. Theo đó, mỗi ngành Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp có một số thẩm quyển để kiểm soát các ngành kia. Chẳng hạn, Quốc Hội lưỡng viện làm luật nhưng Tổng Thống có quyền phủ quyết một Dự luật đã được Quốc Hội biểu quyết xong và Tối cao Pháp viện có thể phán quyết một Luật là vi hiến và như thế Hành Pháp và Lập Pháp lại phải tiến hành lại từ đầu.

Đây là bản Hiến Pháp thành văn đầu tiên và chế độ Tổng Thống cũng xuất hiện đầu tiện trên thế giới.

Tham khảo:

Một số tài liệu của trường Luật và sách báo về Hoa Kỳ

PHẠM VŨ


                                                          CHIA BUỒN                                                     

Được tin cô Marie Bernadette Vũ Tú Anh là em gái của

Chủ nhiệm CLB sách Xưa & Nay vừa qua đời lúc 18g55 ngày 07/10/2012.

Câu lạc bộ sách Xưa & Nay xin chân thành chia buồn cùng

Anh Vũ Anh Tuấn và gia quyến.

Xin Chúa đưa cô về hưởng nhan thánh Cha trên trời.

Được tin trễ con trai của Anh Thiếu Khanh, cháu Phước An

Nguyễn Hoàng Vĩnh Phương qua đời đêm 22/9/2012.

Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay xin chia buồn cùng

Anh Thiếu Khanh và tang quyến.

                                                                                                    CLB Sách Xưa và Nay  



Phụ Bản III

Truông Mây

&

CHÀNG LÍA

TRUÔNG MÂY có tên nữa là HÓC SÂU, ở quận Hoài Ân, xã Ân Đức. Chạy từ thôn Phú Nhuận ở phía Bắc đến thôn Vĩnh Hòa ở phía Nam.

Dài độ vài ba cây số. Hai bên mây mọc thành rừng, gai góc tua tủa. Cho nên gọi là Truông Mây.

Phía Đông, nhánh sông Kim Sơn chảy từ Nam ra Bắc, cuồn cuộn lục lìa. Phía Tây núi non trùng điệp, và hòn Núi Một tách ra đứng sừng sững bên truông.

Quang cảnh man dại. Người cứng bóng vía đến đâu, lúc gió chiều sương sớm quạnh quẽ hắt hiu, một mình đi ngang qua cũng cảm thấy rờn rợn. Lại thêm nhiều cọp. Cho nên hành khách ít dám qua lại, ngày nay cũng như ngày xưa, thời bình cũng như thời loạn.

Ít người qua lại, nhưng ở Bình Định không mấy ai không biết tiếng Truông Mây. Đó là nhờ CHÀNG LÍA. Ca dao có câu:

Chiều chiều én liệng Truông Mây.

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

Chàng LÍA, hay Chú Lía, là ai?

Là một hiệp sỹ áo vải, sống vào thời Chúa Nguyễn (không biết chắc chắn thời Chúa nào). Cha là người huyện Phù Ly, ở gần “miền Bích Khê”(1). Mẹ là người Phú Lạc huyện Tuy Viễn. Lía mồ côi cha. Mẹ đem về nuôi ở quê ngoại. Lớn lên cho ở chăn trâu cho một phú hộ trong miền.

Lía rất thương mẹ. Đến ở nhà người, nhưng tối nhất định trở về với mẹ. Và những lúc ra đồng, vào rừng, hễ bắt được con cá con chim, đều để dành về dâng cho mẹ. Những khi không bắt được chim cá, thường bắt trộm gà vịt ở các thôn xóm xa, làm thịt mang về, nói dối rằng vịt nước, gà rừng. Nhiều lần, bà mẹ sinh nghi, không chịu ăn, gạn hỏi:

- Bắt trộm của ai?

Lía năn nỉ:

- Thấy mẹ khổ, Lía kiếm về nuôi mẹ. Mẹ ăn đi cho Lía vui lòng.

Bà mẹ nhất định không ăn thì Lía chui đầu vào lòng khóc đến lúc mẹ chịu ăn mới thôi. Bà mẹ giận dỗi thì Lía xin chừa. Nhưng rồi thỉnh thoảng vẫn đem về không chiếc đùi gà thì cũng nửa chân vịt.

Lía trông không có gì khác chúng. Thân vóc cũng không được vạm vỡ. Song sức mạnh thật phi thường. Mỗi lần gây sự đánh nhau, Lía chấp hàng vài ba chục trẻ em đồng lứa. Những khi hai trâu báng lộn, một mình Lía nắm một đuôi trâu, cả bọn mục đồng nắm một đuôi, kéo lui ra không cho báng. Lúc nào trâu của Lía cũng bị kéo lui xa hơn. Bởi thế bọn mục đồng đều khiếp sợ Lía. Lía bảo gì phải nghe theo nấy, không ai dám cãi, cũng không ai dám tỏ ý bất bình.

Một hôm cao hứng, Lía bảo bọn trẻ vật một trâu nghé của Lía chận, xẻ thịt thui ăn. Ăn xong sai đem tất cả da xương và lông lá… vào rừng chôn dấu kỹ, chỉ để lại đuôi trâu. Lía lấy đuôi cắm xiên xiên xuống đất, rồi khuân một tảng đá to lớn đè lên trên, chừa ló mỏm chót với chòm lông đen. Đoạn chạy về nhà báo cùng chủ:

- Trâu đương ăn, bỗng rống lên một tiếng, rồi chui tuột xuống đất. Chúng tôi nắm đuôi kéo không lên.

Chủ nhà lật đật chạy ra xem. Thấy đuôi trâu, nắm kéo thử, nhưng mắc cứng nhổ không ra. Hỏi đoàn mục đồng, chúng đều nói theo Lía. Sau dò biết được sự thật, chủ nhà tức mình đuổi Lía ra khỏi nhà.

Lía về ở cùng mẹ. Thấy mẹ làm lụng đầu tắt mặt tối, mà tháng ngày vẫn hụt trước thiếu sau, bèn lén đi bẻ bí trộm, đào khoai trộm… đem về giúp mẹ. Bà mẹ rầy rà mãi không được. Mong nhờ chữ nghĩa thay đổi tánh tình, bà cho Lía đi học. Lía học rất tốt, lại hay gây gổ, đánh đá bạn bè. Thầy dạy mãi không được, phải đuổi ra khỏi trường.

Sợ mẹ không dám về nhà, Lía đi lang thang trong rừng. Chợt thấy một lão trượng đương đánh cùng cọp. Lão trượng râu tóc bạc phơ, nhưng diện mạo quắc thước, tay kiếm lanh như chớp. Còn cọp là một con vện tàu cau, vừa lớn vừa dữ. Hai bên đánh nhau cả buổi vẫn không bên nào chịu nhượng bên nào. Rồi hai bên đều dừng lại, đứng thủ thế ghìm nhau. Lía đi lẻn ra phía sau lưng cọp, thình lình nhảy bổ tới, tay ôm cổ, chân kẹp hông. Cọp thất kinh nhào lộn mấy vòng, nhưng Lía đeo cứng không sao hất ra nổi. Cọp thất thế, vuốt không dùng được, nanh không dùng được, chỉ cố sức vùng giãy để thoát thân. Cọp càng vùng giãy, Lía càng siết chặt. Cọp nghẹt thở, lần lần đuối sức rồi tắt hơi. Lão trượng vui mừng đến hỏi. Lía thưa rõ lai lịch. Lão trượng tỏ ý muốn đem về nuôi. Lía hớn hở đưa về xin phép mẹ. Bà mẹ làm lễ Lão trượng mà gởi con. Lão trượng để cọp lại cho mẹ Lía xẻ thịt bán làm vốn nuôi thân, và dắt Lía lên núi.

Lão trượng vốn là một võ tướng của nhà Lê. Vì chán họ Trịnh, ghét họ Nguyễn, bỏ quan về ở ẩn. Lão trượng dạy Lía võ nghệ. Lía học văn thì tối, mà học võ lại rất sáng. Học đâu thuộc đó. Học quyền xong, học sang kiếm, côn… Môn nào cũng tinh nhuệ. Lía lại tự luyện được phép phi thân, đứng đỉnh núi này nhảy sang đỉnh núi kia một cách dễ dàng như nhảy qua khe suối. Lại có thể đứng dưới đất nhảy lên đọt cây cao đứng như con chim, rồi nhảy xuống nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng.

Lía ở núi hơn năm năm. Sau khi Lão trượng qua đời thì trở về cùng mẹ. Lúc bấy giờ Lía đã trưởng thành, thường ngày lên núi kiếm thịt về nuôi mẹ. Nhưng tánh khí ngang tàng, không chịu nổi những cảnh bất công trong xã hội. Nên thường can thiệp vào việc người. Bọn cường hào, ô lại rất ghét, nhưng sợ không dám làm gì.

Một hôm, một tên lính nha về làng, cậy thế hiếp đáp dân chúng. Lía nổi giận đánh chết. Bọn cường hào được dịp trả thù, liền đi báo quan. Quan cho lính đến vây nhà bắt. Biết rằng không thể ở quê nhà được nữa, Lía bèn cõng mẹ, nhảy chuyền từ nóc nhà này sang nóc nhà nọ, chạy ra bờ sông Côn, nhảy sang qua Phú Phong, đi thẳng vào núi xanh trú ẩn.

Vào núi Lía gặp một đoàn lục lâm mời làm chúa. Lía sai sửa sang thành Uất Trì của Chiêm Thành ở Bá Bích làm sơn trại(2). Ngày ngày kéo nhau đi ăn cướp. Dân tuần, lính canh… không chống nổi. Ai nấy đều khiếp sợ. Nhiều nhà giàu thuê võ sỹ đến giữ tài sản. Nhưng tất cả xa gần đều thất đảm mỗi khi bọn Lía đến. Vì tay côn của Lía mỗi khi vung ra thì hàng nghìn người phải ngã quỵ, không một võ sỹ nào có thể chịu nổi một roi. Bởi vậy tiếng tăm của bọn Lía lừng lẫy khắp nơi. Không ai còn dám lãnh giữ của mướn, và bọn Lía đến đâu, không ai dám chống cự.

Nhưng không bao giờ Lía lấy của những người không dư ăn dư để, mà chỉ lấy của những nhà giàu, nhất là nhà giàu bất nhân thất đức. Lía lại đặt ra lệ:

- Nếu chủ nhà biết điều đem của ra dâng, thì bọn Lía lấy hai phần để lại cho chủ một phần. Vàng bạc, lúa thóc cũng như bò trâu heo dê. Bằng kháng cự thì bị đánh lấy hết. Nếu đi báo quan để cầu cứu, thì nhà cửa bị tiêu tan, có khi còn bị thiệt mạng.

- Những của cướp được, đem về trại một phần, còn bao nhiêu đem phân phát cho người nghèo khó, trước hết là người trong địa phương bị cướp.

Bởi vậy chỉ có nhà giàu oán bọn Lía mà thôi.

Lại thêm, chẳng những Lía ăn cướp của nhà giàu, đem san sẻ cho nhà nghèo, mà còn luôn luôn bênh vực, che chở cho những kẻ yếu thế bị hà hiếp. Nhiều tên cường hào, nhiều tên tham quan ô lại bị xẻo mũi cắt tai, hoặc bị bể đầu vỡ mặt.

Kẻ cầm quyền tìm đủ mọi cách để trừ khử bọn Lía, song nơi sào huyệt thì không dám vào vì núi khe hiểm trở, một vào không còn mong ra. Còn những khi có vụ cướp xảy ra, hễ quan quân nghe tin kéo đến, thì bọn Lía đã đi rồi. Đôi lúc gặp được lại chỉ thêm khổ cho quân lính mà thôi, vì phần thì ngọn roi của Lía vương nhằm ai thì không còn mong sống, phần thì đồng bào tìm cách ủng hộ ngấm ngầm… không tài nào bắt được. Cuối cùng phần ai nấy lo…!

Lía vào Bá Bích được ít lâu thì bà mẹ tạ thế. Không nỡ để mẹ nằm nơi quê người, Lía quyết đem di hài về chôn ở Phú Lạc. Nhưng chôn ở đồng bằng, sợ về thăm viếng bất tiện, lại sợ bọn cường hào manh tâm xâm phạm đến phần mộ, Lía bèn chọn đỉnh Trưng Sơn. Trưng Sơn ở Bắc Ngạn sông Côn, cách sơn trại của Lía chừng năm, sáu cây số đường thẳng, xiên xiên về hướng Tây bắc. Để đưa mẹ về, Lía đội quan tài lên đỉnh núi Chớp Vàng ở phía ngoài sơn trại. Một tay đỡ quan tài, một tay cầm chiếc mâm đồng ngắm về hướng Trưng Sơn, ném mạnh. Mâm đồng vút bay, Lía đội quan tài nhảy theo đứng trên mâm, rồi lấy thế nhảy vọt một nhảy nữa đến Trưng Sơn. Chôn cất mẹ xong, Lía khuân một tảng đá to đặt lên trên mộ để giữa nắng mưa, và kê hai thớt đá nhỏ lên nhau ở bên mộ để ngồi khóc mẹ.

Mẹ mất rồi, Lía buồn bỏ Tuy Viễn ra Phù Ly thăm mộ cha rồi thẳng đường đi thẳng ra phía Bắc. Một đoản côn, một khăn gói, lang thang hết Phù Ly đến Bồng Sơn.

Một buổi chiều Lía đi ngang qua Truông Mây. Tư bề vắng lặng. Thấy địa thế hiểm yếu, dừng chân ngắm nhìn. Bỗng một toán cướp, kẻ hèo người mác, từ trong rừng kéo ra đón đường:

- Muốn qua truông, phải để khăn gói xuống.

Lía cười:

- Ai đời ăn cướp lại giựt của ăn cướp bao giờ.

Bọn cướp không thèm đáp, áp tới đánh, Lía đưa nhẹ cây đoản côn ra đỡ. Mấy tên ngã lăn. Mấy tên khác xông vào, cũng bị gạt ngã lăn nữa… Chúng thất kinh chạy lên núi báo cùng chủ trại.

Chủ trại là hai tên cướp nổi danh, tục gọi là CHA HỒ và CHÚ NHẪN. Cha Hồ, Chú Nhẫn nghe báo liền vác đại đao xuống núi. Trông thấy tướng mạo của Lía tầm thường, vóc vạc lại không lấy gì làm cao lớn, Cha Hồ, Chú Nhẫn chê không xứng tay… Lía nổi xung đánh cho một côn. Cha Hồ đưa đao lên đỡ thì đao văng. Chú Nhẫn tiếp đánh. Lía hất đao co chân đá lăn cù. Cha Hồ, Chú Nhẫn thất kinh! Hỏi ra, biết là Lía, mừng rỡ đón lên sơn trại, mở tiệc chung vui. Lía cho biết việc mình. Cha Hồ, Chú Nhẫn liền tôn lên làm đệ nhất trại chủ.

Lía sửa đổi kỷ cương, không cho chận đường cướp giựt nữa, và đem thi hành chánh sách đã áp dụng ở quê hương: Lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo. Truông Mây nổi tiếng hơn trước. Bọn giàu có quyền thế đêm ngày lo sợ nơm nớp. Còn đám bình dân thì vui vẻ làm ăn. Người đi qua Truông Mây không còn phải lo nộp tiền mãi lộ.

Được ít lâu ở thành Qui Nhơn tổ chức cuộc thi võ để chọn nhân tài cầm quân đi đánh Trịnh. Cha Hồ, Chú Nhẫn bàn cùng Lía đi lập công danh. Lía ưng thuận, cùng Cha Hồ, Chú Nhẫn thay đổi y trang xuống núi.

Thanh thế Truông Mây tuy lừng lẫy, song không ai biết mặt những kẻ cầm đầu. Nhờ vậy mà bọn Lía vào thành được vô sự. Nhưng lại rủi gặp phải viên giám khảo là một tên tham quan. Lấy tiền tài làm chủ nghĩa. Bọn Lía không chịu lo lót nên bị đuổi ra như một số võ sĩ chỉ đến với tài năng. Bọn Lía tức mình về Truông Mây kéo lâu la xuống đốt phá trường thi và bắt giết viên giám khảo. Nhân lúc bất ngờ, đánh phá luôn kho lương và cướp đem về núi một số lớn. Tuần phủ khám lý phủ Quy Nhơn ra quân truy kích. Nhưng đến Truông Mây thì bị đánh lui.

Quyết tảo thanh Truông Mây, Tuần phủ cho thêm binh đến vây. Nhờ thế núi hiểm xung, bọn Lía giữ vững được sơn trại.

Một đêm, trong khi quân lính bao vây sơn trại, Lía cùng một ít quân lâu la lẻn ra đường núi, đi thẳng đến thành Quy Nhơn. Thừa lúc tối trời, Lía cõng lâu la nhảy vào thành, phóng hỏa đốt các doanh trại. Quân canh không trở tay kịp. Lửa cháy ngất trời. Nhân dân trong thành tưởng giặc đến cướp thành, kéo nhau mà chạy. Kẻ chạy lên, người chạy xuống… hớt hải quấn quýt, xô lấn nhau, dẫm đạp nhau. Tiếng khóc tiếng la vang dội khắp đây đó… Viên Tuần phủ giật mình thức dậy, vừa bước chân xuống đất thì đầu liền bay! Người ái thiếp cùng chung gối bị bắt mang đi…

Không biết giặc nhiều ít thế nào, sợ Quy Nhơn bị thất thủ, bọn quan lại phò tá viên Tuần phủ liền hỏa tốc gọi quân đóng Truông Mây về giữ thành. Phần bị Lía gặp đổi đường chận đánh, phần bị Cha Hồ, Chú Nhẫn thúc lâu la đuổi theo đánh, quân Qui Nhơn thất kinh không dám chống cự ném khí giới chạy thoát thân…

Được tin Quy Nhơn có biến, quan Thừa Tuyên dinh Quảng Nam, một mặt cho binh vào cứu viện, một mặt làm sớ tâu về Phú Xuân. Chúa Nguyễn cử người vào trấn Quy Nhơn và cấp thêm cho một đạo tinh binh để dẹp giặc.

Lía biết trước, cho đắp thành lũy thêm cao và mở thêm đường bí mật để tiếp tế cho được dễ dàng trong khi bị bao kích. Địa thế đã hiểm, việc phòng bị lại chu đáo, nên Truông Mây bị công phá mấy năm liền, vẫn không chút nao núng. Liệu dùng sức không thắng nổi, Viên Trấn Thủ Quy Nhơn rút quân về để mong thắng bằng mưu. Dò biết nàng ái thiếp của cựu Tuần Phủ, từ khi bắt về trại, được Lía tin yêu lấy làm vợ, y viên bèn tìm người thân quyến của nàng cho vào trại dụ dỗ làm nội ứng.

Mưu chước đã thành, chỉ còn chờ cơ hội.

Một hôm bọn Lía đánh cướp được một đám lớn, về xẻ bò mổ trâu ăn mừng. Vợ Lía lén bỏ thuốc mê vào rượu. Cả trại đều say vùi. Lía và Cha Hồ, Chú Nhẫn bị nàng ép uống, cũng say. Cha Hồ, Chú Nhẫn thì nằm gục nơi bàn tiệc mà ngủ. Còn Lía thì gượng vào nội tẩm. Lúc bấy giờ trời đã khuya.

Nơi Lía nằm không để vật gì khác hơn là một tấm phản ngựa gõ độc chiếc, dày hơn một gang, rộng năm gang và nặng đến mươi người khiêng. Lúc nghỉ ngơi, Lía cởi trần nằm sải trên phản, không cần chăn, không cần gối.

Lía lảo đảo vào nằm sải nơi phản. Vừa đặt lưng thì ngủ thiếp. Vợ Lía lấy dây thừng trói tay chân chắc chắn rồi trói ghì cả châu thân vào tấm phản. Lại biết Lía có đầu tóc dài và lợi hại như đầu tóc Lã Bố, nàng rẽ mái tóc vóc thành hai đuôi sam làm dây cột siết đầu Lía vào phản. Nàng trói luôn Cha Hồ, Chú Nhẫn bỏ nằm giữa trại. Đoạn mở cửa thành đi thẳng về Quy Nhơn báo tin cho viên Trấn Thủ.

Viên Trấn Thủ Quy Nhơn đem quân lên trại Lía thì đã gần sáng. Cả trại đều còn say. Trong ngoài im phăng phắc. cửa thành bỏ trống. Nhưng viên Trấn Thủ còn ngại Lía bày mưu gạt gẫm nên không dám cho quân nhập thành. Quân vây thành đợi trời thật sáng. Sau khi cho người dò la hư thiệt, viên Trấn Thủ hô binh ùa vào thành. Lúc bấy giờ một ít lâu la vừa tỉnh rượu thấy quân lính kéo vào, thất kinh la ó. Nhưng bọn lâu la giật mình tỉnh dậy, chưa kịp đứng lên thì lớp đã bị giết, lớp bị bắt! Cha Hồ, Chú Nhẫn không cựa quậy nổi! Lía nghe ồn, mở mắt, thấy mình bị trói, nổi giận hét lên một tiếng, giãy đứt dây trói chân… Vừa lúc ấy quân lính ùa vào bắt. Lía vùng đứng lên, mang tấm phản sau lưng… Quân lính áp tới, Lía quay tròn mình, dùng phản làm binh khí, đánh ngã ất cả. Ra ngoài thấy toàn thể bộ hạ bị hại, liệu không phương cứu vãn, bèn mở vòng vây, mang tấm phản nhảy lên núi. Quân lính không thể đuổi kịp, đành phá hủy sơn trại, rồi dẫn bọn Cha Hồ, Chú Nhẫn về Quy Nhơn.

Lía lên núi, cứ mang tấm phản, theo đường rừng mà đi. Phần thương đồ đảng bị hại, phần giận con đàn bà gian ác, Lía muốn xuống thẳng thành Quy Nhơn để trả thù. Nhưng không sao cởi trói được. Đi mãi trong rừng ngót mấy ngày đêm, chợt nhớ lại cảnh cũ, bèn băng rừng về Phú Phong. Vào Bá Bích thấy thành lũy đã bị phá tan hoang, cảnh vật đìu hiu quạnh quẽ! Phần thì đói, phần thì mỏi, phần thì buồn thương… Lía không muốn đi nữa. Dựa tấm phản vào vách đá đứng nghỉ, lòng phân vân chưa biết phải làm gì đây. Chợt một ông lão, dép da trâu, vai mo cơm đòn gánh, tay xách rựa, ung dung đi tới. Lía gọi đến nhờ mở dây. Ông lão không chút do dự. Mở xong hỏi:

- Kẻ anh hùng sao đến nỗi sa cơ thất thế?

Lía đáp:

- Có cơm cho ăn rồi sẽ nói chuyện.

Ông lão trao mo cơm bầu nước. Lía ăn uống xong, thuật hết mọi nỗi, rồi nói:

- Chỉ vì một con đàn bà mà bạn bị hại, thân bị nhục tội thật đáng chết. Ơn lão trượng mở dùm dây trói, cứu dùm đói, không biết lấy gì đền đáp. Kính dâng vật này để đem xuống phủ lãnh thưởng.

Nói đoạn giựt rựa nơi tay ông lão, tự chặt vào cổ… Máu phun đầu rơi!

Ông lão ứa nước mắt nói:

- Sao nhà ngươi nóng nảy thế?! Lão đây tài sơ sức yếu phải đợi chết già. Chớ nếu được như nhà ngươi thì há để cho bọn tham ô sống an nhàn trên mồ hôi nước mắt của dân chúng.

Rồi lo chôn cất Lía tử tế. Về nhà kể chuyện lại cho con cháu nghe, dặn không nên tiết lậu cho bọn quan quyền biết, và nói:

- Nếu Lía gặp được người như Lưu Huyền Đức để phò, hoặc có một người như Phạm Tăng ra giúp, thì sự nghiệp nhất định là vẻ vang. Có thiên tài mà không có thiện duyên, cũng trở thành vô dụng.

Lại nói:

- Những kẻ có tài xuất chúng, không thể đem tài năng ra giúp đời được, thì không làm ăn cướp còn biết làm gì để bài tiết được nỗi uất hận ở trong lòng!

Viên Tuần Phủ Qui Nhơn ra sức truy nã Lía, lâu ngày không thấy thu được kết quả gì, bèn bỏ qua. Và để trừ hậu họa, sai phá bằng tất cả thành lũy và chặt hết mây ở nơi Truông.

Truông Mây hiện thời chỉ là một phần của ngày trước.

Và từ khi sào huyệt của Cha Hồ, Chú Nhẫn bị diệt, khách bộ hành thỉnh thoảng có đi qua. Đối cảnh nhớ người, bèn soạn ra câu hát:

Chiều chiều én liệng Truông Mây ,

Cảm thương chú Lía bị vây trong thành.

BĐ (st)

------------

(1): Trong bài vè “Chàng Lía” có câu:

Có người ở phủ Quy Nhơn

Ở Phù Ly huyện gần miền Bích Khê

Người Phù Ly không ai biết Bích Khê ở chỗ nào. Có lẽ
không phải địa danh, mà là tiếng danh từ chung chỉ miền
sơn cước. Bích khê là khe xanh.

(2): Cho nên thành Uất Trì cũng thường gọi là Thành Lía, hoặc
thành Ôn Công tức là thành của các ông ác ôn.

Theo dòng đời

(4)

Dương Lêh

4. Trở về mái nhà xưa.

Về đến Tổ hợp Tâm Phúc, trời cũng đã xế chiều, mọi người cất len, cuốc, xẻng vào trong gian nhà nhỏ phía sau dùng để cất giữ những đồ đạc ít khi dùng, sau đó ai về nhà nấy. Hầu hết đám thanh niên đều có nhà cửa ở khu nhà thờ Bùi Chu thuộc huyện Thống Nhất, một số ở bên kia quốc lộ gần khu nhà thờ Văn Côi. Tại khu vực này có nhiều gia đình chuyên làm nghề sản xuất miến dong, giống như miến nhưng có sợi to hơn. Nghe đâu trước đây khu vực này sản xuất rất nhiều miến dong để xuất khẩu đi các nước khác. Đời sống người dân trong vùng này rất sung túc. Họ yêu nghề, ngày đêm chăm chỉ làm lụng, an hưởng cuộc sống thanh bình. Bỗng nhiên, đầu năm nay, công việc sản xuất của họ bị chậm lại rồi ngưng hẳn, lý do là các công ty nước ngoài đột nhiên kết thúc hợp đồng, không còn mua miến dong của khu vực này nữa. Tất cả bà con trong vùng cũng không biết vì sao người nước ngoài không tiếp tục mua hàng và cũng không biết bao giờ họ sẽ quay trở lại. Họ mỏi mòn chờ đợi. Các loại máy móc thiết bị nằm im lìm trong những tấm đệm không đủ che chắn màng nhện và bụi bặm đang dần dần dày lên. Nhiều người đã phải đi đến các vùng lân cận để tìm công ăn việc làm. Mỗi gia đình phân công mỗi người đi một hướng hy vọng tìm được phương kế sinh nhai mà Tổ Hợp Tâm Phúc là một điểm đến và chiếm số lượng lớn về lao động trong tổ hợp. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu Tổ hợp còn gặp khó khăn, những phương án, kế hoạch kinh doanh còn nằm trên bàn ông Tổ Trưởng. Các bạn thanh niên tiếp tục đào ao cá, mãi đến nay đã gần 4 tháng, chưa ra hình dáng một cái ao. Đất cứng, sỏi đá nhiều không như ở Đức Huệ, đất sình không cần dân chuyên nghiệp, chỉ trong mười lăm ngày đã đào được một đoạn kênh gần hai chục mét. Nhưng ở đây khác hơn nhiều, qua lớp đất mặt khoảng bốn tấc gặp ngay tầng đá tổ ong, loại đá mà ngày xưa người ta dùng để xây mộ, làm bậc thang, xây nền nhà. Muốn đào lớp đất này người ta phải dùng một loại “cúp”, giống như cuốc, lưỡi gồm một đầu nhọn và một đầu dẹp. Mỗi khi phang lưỡi cúp xuống, đầu nhọn ăn vào đất không đầy một phân, do đó đến nay độ sâu cũng chưa đạt.

Đối diện với khu đất của Tổ hợp Tâm Phúc là vạt đất của anh Ba ốm. Miếng đất rộng hơn một mẫu, chỗ làm ruộng, chỗ làm rẫy, có nơi trồng cây ăn trái, bao chung quanh ngôi nhà lá ọp ẹp dành riêng cho cả gia đình anh Ba với bà vợ và năm đứa con lớn nhất mới mười hai mười ba tuổi gì đó. Một mình anh Ba bao sân tất cả mọi công việc ruộng rẫy cho nên đã ốm anh còn gầy thêm. Trợ thủ duy nhất và rất đắc lực của anh là chiếc máy xới anh Ba thường dùng để đi xới đất thuê cho những nơi có yêu cầu. Có lần anh nói với tôi: “Coi vậy chứ cũng không đủ ăn dượng Bảy ơi. Mỗi năm tới hồi giáp hạt nhà tui phải ăn cháo cầm hơi”. Tôi nhìn “cơ ngơi” của anh Ba rồi nhìn về miếng đất nhỏ xíu của gia đình bà xã tôi, thật tình mà nói, tôi thấy khó mà tạo dựng nên một cuộc sống sung túc nơi đồng quê rẫy bái thường được mô tả trong các cuốn tiểu thuyết của nhà văn cổ thụ Hồ Biểu Chánh. Anh Ba kể lại mới đây anh trồng mấy ngàn bọc dưa leo. Chỉ hơn một tháng sau thu hoạch được bảy tám trăm ký, trái dưa không được suôn sẻ như dưa miệt Bình Chánh mà vặn vẹo, đầu to đuôi teo. Anh kể thêm có một loại rầy màu vàng óng ánh rất đẹp nhỏ con hơn loại rầy đen thui gần bằng ngón tay cái thường bu phá các cây xoài. Loại rầy vàng này rất khó tiêu diệt. Dây dưa leo mới lên vài ba tấc, lá xanh mơn mởn trông rất dễ thương, vậy mà chỉ một buổi sáng bị đám rầy vàng này tấn công, dây dưa leo trở nên xơ xác. Nếu xịt thuốc cho nồng độ mạnh thì rầy chết la liệt nhưng mà mấy dây dưa leo cũng anh dũng hy sinh. Nếu xịt thuốc nhẹ thì rầy núp dưới lá rỉ rả nhai phần lá không bị thấm thuốc, và kết quả sau cùng dây dưa leo cho ra trái có hình dáng cái chai bowling với chiều dài vừa hơn một tấc. Do không nằm trong đường dây thu mua của thương lái, anh thuê xe ba gác chở ra chợ Hố Nai tự bán. Tiền thu được vừa đủ lấy công làm lời với mức rẻ mạt, để mua thêm gạo nuôi đàn con nheo nhóc…

Trở lại Tổ hợp Tâm Phúc, hai ngày sau khi đi đào kênh về, trong lúc Tổ trưởng và mọi người đang ngồi bàn bạc kế hoạch khai thác ao cá, Cô Tư và người em trai đi xe máy về tới nét mặt hớn hở tươi vui. Cô Tư rút trong cặp ra một bì thư lớn đưa về phía Tổ trưởng: “Tin vui đây bà con”. Tổ trưởng xé bì thư lấy ra một tờ giấy khổ lớn bằng cuốn vở học trò in màu sắc rực rỡ. Tổ trưởng giơ cao tờ giấy, tươi cười nói: “Thấy chưa mấy em? Tổ hợp mình được quận khen nè”. Thì ra đó là tờ giấy khen của quận nhà ông Tổ trưởng cấp cho Tổ hợp Tâm Phúc sau chuyến công tác đào kênh ở Đức Huệ. Ông Tổ Trưởng đứng lên dõng dạc tuyên bố: “Để tưởng thưởng cho tất cả mọi người đã tham gia công tác đào kênh vừa qua, tôi đề nghị chúng ta tổ chức một buổi liên hoan trong ngày hôm nay”. Mọi người reo hò sung sướng, phân công mỗi người một việc. Kẻ về nhà bắt gà, người bắt vịt đóng góp vào buổi liên hoan. Cô Tư xuất tiền túi mua mấy gói bánh. Anh Hồng có người nhà chuyên ngâm rượu thuốc bỏ mối cho các tiệm nhậu ở khu Hố Nai mang vào một can rượu thuốc mười lít, bà con thích chí vỗ tay hoan hô rần rần. Buổi trưa hôm đó tất cả mọi người trong tổ hợp quây quần ăn uống vui vẻ. Tổ trưởng cũng hòa mình với tất cả mọi người, cụng ly rôm rốp, mặt tổ trưởng đỏ bừng, giống như Quan Công đang xông trận Hoa Dung Đạo. Cao hứng, tổ trưởng cất giọng hát: “Từ Mát-cơ-va tui nghe câu hò Nghệ Tĩnh…” Bà con vỗ tay hoan hô, có người huýt sáo, có người khen: “Tổ trưởng có lỗ tai tốt quá, từ bên kia xa lắc mà nghe được tiếng hò ở tận bên này”. Tổ trưởng hát xong, bà con vỗ tay rầm rộ. Tổ trưởng nói: “Hát nữa đi bây!”. Một anh chàng trẻ khác đứng lên hươ tay nắm cây đàn ghi-ta rảy một cú điệu nghệ, ngồi xuống lấy dáng vẻ của những chàng nghệ sĩ lang thang của Saigon ngày trước. Anh chàng bắt đầu rên rỉ một bài hát của Trịnh công Sơn: “Hãy sống giùm tôi. Hãy nói giùm tôi. Hãy thở giùm tôi…”. Mấy người khác vừa nhậu vừa nghe. Họ để một cái ly nhỏ người ta thường dùng để cúng trên bàn thờ đổ đầy rượu cho chạy ngược chiều kim đồng hồ, người này uống hết lại đổ đầy đưa sang người bên cạnh. Anh chàng kia vừa hát xong, bà con lại vỗ tay khen thưởng. Tổ trưởng cao hứng nói: “Trời ơi, thời buổi bây giờ có làm mới có ăn, mà mầy cái gì cũng bảo người ta làm giùm mầy hết trơn. Sao không nhờ luôn, hãy ăn giùm tôi, hãy lãnh lương giùm tôi, rồi mầy ngủm, he”. Bà con cười lên khoái trá. Chàng nhạc sĩ kia thẹn thùng gắp một miếng thịt gà bỏ vào miệng rồi uống nguyên một ly rượu, khà lên một tiếng vô cùng thích thú.

Sáng hôm sau, mặt trời đã lên quá lùm tre phía sau ngôi mộ song phần, tỏa ra một thứ ánh sáng rực rỡ trên phần đất của ông Phan, mấy cây xoài, vú sữa, chôm chôm cho bóng mát lên mặt ao cá khoe hình dáng ngoằn ngoèo không hề giống một cái ao cá nào trên trần thế. Trận mưa hôm trước đã làm cho ao cá ngập nước mang màu đỏ của đá ong. Một điều chắc chắn là chưa có con cá nào được thả xuống. Ao cá như đang chờ đợi kế hoạch lớn của ông luật sư, người có đầu óc kinh doanh siêu việt mà người phàm khó mà có ai theo kịp.

Mặt trời lên cao dần, nắng bắt đầu gay gắt, ông tổ trưởng chấp tay sau lưng đi ra đi vô trong nhà, miệng lầm bẩm: “Sao chưa có đứa nào tới vậy cà?”. Tôi bước ra sau hè gặp cô Tư đi tới. Tôi nói: “Cô cho phò mã ra Hố nai kiếm tụi nó coi”. Cô Tư chạy ra nhà trước kiếm tổ trưởng. Sau đó thằng phò mã máng dây con ngựa vô cây cột mái nhà sau rồi lấy xe đạp chạy về hướng ấp Cam Tân.

Chừng một tiếng đồng hồ sau, thằng phò mã trở về, tóc bị gió thổi xơ xác dựng ngược về phía sau. Nó kể với ông tổ trưởng: “Ra Hố Nai gặp ba bốn đứa, tụi nó nói là không đi làm tổ hợp nữa, ở nhà làm miến dong. Cái đám nước ngoài quay trở lại đặt hàng rồi”. Thằng phò mã còn kể nó thấy người ta dựng lại xưởng trại, cho máy chạy thử, nhà nào nhà nấy có vẻ lăng xăng, nhộn nhịp.

Tổ trưởng ngồi trầm ngâm nghĩ ngợi. Cô Tư ngồi ghế sa lông gần đó. Một chặp sau Tổ trưởng phán: “Tư, đi chuẩn bị về Saigon liền để chỉnh đốn lại công việc. Anh Bảo về nhà nghỉ há, chừng nào có việc gì khác tôi kêu anh”.

Tôi lững thững đi về nhà. Con đường đất ngập tràn nắng sáng nhưng trong đầu tôi cảm thấy tối thui. Tôi cũng đang chỉnh đốn lại cuộc sống của tôi chứ không chờ ông Tổ trưởng ba trợn này. Hình ảnh anh Ba ốm lởn vởn trước mặt tôi, và tôi cũng đã có một quyết định.

Ngay sáng hôm sau tôi và vợ tôi cùng với hai đứa con lững thững nuốt quãng đường đất dài hơn năm cây số. Quãng đường không dài lắm nhưng lại là một khoảng cách quá xa về không gian giữa một vùng nông nông thôn xa xôi với vùng đất có nền văn minh đô thị, đầy đủ tiện nghi vật chất. Tôi nghĩ nếu không kịp thời rời khỏi nơi này chừng mười năm sau con trai tôi sẽ là một anh cao – bồi vườn, một anh trai làng ngày tối gắn liền với công việc cày sâu cuốc bẫm, và con gái tôi trở thành một cô thôn nữ lặn lội dưới sình bắt từng con tôm con cá để làm cái ăn.

Tôi đã trở về căn nhà của cha mẹ tôi trong Chợ lớn, trở về mái nhà xưa, dù chật hẹp nhưng gần trường học, gần bệnh viện để bất cứ lúc nào chúng tôi cũng có thể đến trong trường hợp khẩn cấp.

Ngay trong ngày đầu tiên, sau khi ổn định chỗ ở cho vợ con trong một góc nhà, tôi bàn với vợ tôi lấy đôi bông tai, đồ sính lễ cho cô dâu trong ngày cưới của chúng tôi, bán đi để đặt tiền thế chân lấy một chiếc xích lô cà tàng làm phương tiện câu cơm độ nhật. Ánh bình minh của cuộc đời tôi đã bắt đầu rực sáng…

-Hết-

Dương Lêh

Một chuyện tình qua mạng,

đẹp như cổ tích

“Câu chuyện của Trân và Philippe, hai người bạn bị câm điếc, mà tôi sẽ kể với các bạn sau đây là một câu chuyện tình, một câu chuyện có thật giống như cổ tích”, đó cũng là phần mở đầu của tác giả có cái tên cực lạ Olivier Bướm Bay.

Hồ Thụy Huyền Trân là một thiếu nữ Việt Nam 22 tuổi, cô thật đẹp với mái tóc đen dài và đôi mắt hiền dịu. Cô sống cùng cha mẹ tại thị xã Ngã Bảy (Phụng Hiệp), cách phía Nam Cần Thơ 30km. Cô quyến rũ, duyên dáng, thông minh nhưng lại bị tật nguyền bẩm sinh: cô bị câm điếc từ khi mới lọt lòng mẹ.

Cuộc sống của cô không hề bất hạnh bởi cha mẹ luôn dành cho cô tất cả tình yêu thương mà cô cần. Cô cũng không phải lo lắng gì về đời sống vật chất bởi gia đình cô không phải chịu cảnh bần hàn. Cha cô, ông Hoàng là chủ doanh nghiệp, ông điều hành một công ty sản xuất vật liệu xây dựng.

Trân hạnh phúc, nhưng cô lại cảm thấy cô đơn về mặt tình cảm. Cô mơ ước gặp được chàng hoàng tử quyến rũ, người sẽ mang lại một niềm hy vọng mới cho cuộc sống của cô. Trái tim cô đơn của cô tìm kiếm một con tim khác để yêu thương.

Trước khi cưới nhau, con người ta cần phải yêu nhau, và trước khi yêu nhau họ cần phải biết nhau và vậy là trước hết cần phải gặp được nhau. Chính sự tình cờ làm nên các cuộc gặp gỡ. Khi hai bạn trẻ gặp nhau rồi đem lòng yêu nhau, ta có thể nói rằng đó là một sự tình cờ hạnh phúc...

Webcam tình yêu

Giống như nhiều thiếu nữ ở tuổi cô, Trân thường dùng Internet để giải trí. Một lần, khi truy cập mạng cô phát hiện ra một địa chỉ dành cho những người câm điếc trên thế giới. Cô vào địa chỉ ấy để tìm một thanh niên cùng độ tuổi với mình, với mong muốn được làm quen và có một người bạn tốt để có thể trò chuyện với nhau qua webcam.

Trong khi tìm kiếm, cô gặp một chàng trai người Pháp cũng bị câm điếc giống mình, chàng trai này sống cách cô hơn 10.000km. Anh tên là Philippe. Anh là người Pháp và hiện đang sống tại thành phố Le Mans, phía Tây nước Pháp. 26 tuổi và vẫn còn độc thân, anh là nhân viên trông coi cửa hàng trong một trung tâm thương mại.

Philippe rất ngạc nhiên và hạnh phúc khi được gặp cô gái Việt Nam này qua mạng, một cô gái rất khác so với phụ nữ Pháp. Ban đầu giữa hai người là mối quan hệ bạn bè xã giao, họ trò chuyện cùng nhau qua webcam trong nhiều tuần liền. Vì không thể nói như đa số mọi người nên họ dùng ngôn ngữ dấu hiệu, tức là trò chuyện thông qua các cử chỉ của bàn tay. Cùng với thời gian, mối quan hệ giữa Trân và Philippe tiến triển, mối quen biết sơ sơ biến thành tình bạn, rồi tình bạn trở thành tình yêu... Balzac đã từng nói, “Tình yêu là một ngọn gió huyền bí và mạnh mẽ nhưng ta lại chẳng biết nó từ đâu thổi tới”.

Hai người tiếp tục gặp nhau từ xa qua màn hình máy tính và trò chuyện cùng nhau mỗi ngày. Hàng nghìn kilômét ngăn cách họ như không còn tồn tại, khoảng cách như được rút ngắn nhờ sức mạnh kỳ lạ của tình yêu và định luật vạn vật hấp dẫn. Quả là vị thần tình yêu bắn mũi tên của mình vào ai và khi nào tùy thích! Một tình huống mới lạ kỳ làm sao! Một thiếu nữ Việt Nam và một chàng trai người Pháp đem lòng yêu nhau nhờ chiếc webcam! Họ chỉ thấy nhau qua khung màn hình máy tính nhỏ bé, nhưng từng ấy cũng đủ để tình yêu của họ nảy nở. Tháng ngày trôi đi, tình yêu ấy không phai nhạt mà ngược lại, mong muốn được hiểu nhau rõ hơn càng tăng lên trong họ.

Một ngày, Trân cho mẹ cô hay rằng cô đã gặp một chàng trai qua Internet. Cô phải thuyết phục bà mẹ rằng anh chàng Philippe này có tình cảm sâu nặng với mình. Trân giải thích cho cha mẹ rằng cô muốn thật sự gặp chàng tình nhân yêu quý này, người cũng bị câm điếc giống cô nhưng sống ở nửa kia của Trái đất, ở một nơi rất xa, tại nước Pháp!

Đối với hai bạn trẻ, máy tính và khung màn hình nhỏ bé không đủ để thỏa mãn mong muốn hiểu nhau của họ. Họ muốn bước qua thế giới ảo, tuy thật tiện dụng nhưng chỉ là nhân tạo để tới với thế giới thực nơi mọi thứ thật hơn.

Hiện tượng Cyberlove có những hạn chế của nó bởi một người đàn ông và một người phụ nữ chỉ có thể thực sự hiểu nhau kể từ thời điểm họ có thể gặp mặt nhau.


Chàng trai khuyết tật một mình đến Việt Nam

Philippe bắt đầu để dành tiền và mua một vé máy bay từ Paris tới Việt Nam. Anh lên đường chỉ có một mình dù bị tật nguyền, anh tự xoay xở và tới sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 10/2008. Trân cùng cha mẹ tới đón anh. Philippe qua khu vực kiểm soát hải quan rồi tiếp tục bước qua cánh cửa cuối cùng của sảnh đến sân bay, và anh nhận ra Trân ngay giữa đám đông chen chúc.

Cả hai cùng bật khóc, như hai vì sao lạc nhau tìm lại được nhau vào buổi bình minh, họ nhẹ nhàng ôm lấy nhau, siết chặt vòng tay. Đây là lần đầu tiên họ thực sự gặp nhau, bên ngoài màn hình máy tính của họ! Sau 12 tháng chờ đợi và hy vọng, sau một thời gian dài đến vậy, giấc mơ đã trở thành hiện thực, cyberlove của họ đã hiển hiện: cuối cùng hai người bạn trẻ đã có thể gặp mặt nhau. Họ đã yêu nhau qua màn hình máy tính. Giờ đây trong đời thực, họ không hề thất vọng, họ vẫn luôn yêu nhau nhường ấy. Chẳng hề có điều bất ngờ ngoài ý muốn nào đối với anh cũng như với cô.

Philippe cùng Trân bước lên chiếc ôtô của gia đình cô chạy thẳng hướng đồng bằng châu thổ. Philippe lần đầu tiên khám phá Việt Nam. Mọi thứ đều mới mẻ với anh. Đây thực sự là một cú sốc hạnh phúc! Anh mê đi trước đất nước và nền văn hóa này, và đặc biệt là trước người dân ở đây.

Philippe vui thích khám phá ra biết bao kênh rạch rợp bóng cây tạo thành một mạng lưới đường thủy nơi hàng nghìn con thuyền chất đầy hàng hóa tấp nập qua lại. Cha mẹ Trân đã mời Philippe tới nghỉ một tuần tại nhà họ ở gần Cần Thơ. Ngôi nhà nằm ngay bên bờ sông. Từ phòng Philippe nhìn ra quang cảnh thật đẹp. Suốt một tuần, Trân cùng Philippe dạo chơi trên chiếc xe máy Nhật của cô. Mỗi ngày lại là một niềm đắm say đối với đôi tình nhân trẻ chỉ giao tiếp bằng tay. Nếu không biết thứ ngôn ngữ đặc biệt dành cho những người bị câm điếc này bạn sẽ không thể hiểu được họ.

Để nói chuyện với cha mẹ mình, Trân nhìn miệng cha mẹ để hiểu những gì họ nói. Đôi khi mẹ cô viết vài lời lên một tờ giấy. Cha mẹ Trân tiếp đón chàng trai trẻ người Pháp bằng tấm lòng nồng nhiệt và họ đã nghĩ tới một đám cưới cho cô con gái đang rất hạnh phúc và vui sướng trong vòng tay anh chàng Philippe này.

Sau một thời gian suy nghĩ, Philippe và Trân báo tin họ đồng ý cưới vào năm 2009. Sau một tuần hạnh phúc bên nhau, giờ chia tay đã đến. Philippe trở về Pháp để lại Trân rưng rưng nước mắt tại sân bay. Những thủ tục hành chính và pháp lý cho đám cưới bắt đầu được thực hiện vào mùa đông năm 2008. Một cô gái Việt Nam cưới một chàng trai Pháp là chuyện hoàn toàn có thể nhưng cần phải có thời gian để tập hợp tất cả những giấy tờ cần thiết theo quy định của hai Chính phủ. Tới tháng 7/2009 họ mới có thể làm đám cưới.

Đám cưới dưới mưa, đám cưới hạnh phúc.

Có một câu ngạn ngữ Pháp nói rằng nếu trời mưa vào ngày hôn lễ, cô dâu chú rể sẽ được hạnh phúc. Ngày 20/7/2009, tại Cần Thơ, trời mưa rất to, nước như trút xuống từ bầu trời phủ kín mây. Bầu trời toàn một màu xám xịt chỉ trừ trong trái tim đôi vợ chồng trẻ, họ mặc quần áo cổ truyền của người Việt Nam với màu sắc rực rỡ: màu xanh lam cho chú rể còn màu vàng cho cô dâu.

Ngay từ sáng sớm, đoàn đón dâu bên gia đình Philippe đã tập trung trong sân một khách sạn tại Cần Thơ. Trong số các thành viên gia đình, có mẹ anh, Sylvie, đây cũng là lần đầu tiên bà tới Việt Nam, người bạn của bà Gil cùng con trai ông. Chị gái Philippe tên là Adèle, cô cũng bị câm điếc giống em trai mình. Cô thực sự rất mong muốn tới Việt Nam dự lễ cưới. Chồng cô tên Claude, anh là người thuộc quần đảo Antilles và trông rất giống Ronaldo.

Tại chợ Cần Thơ, nhiều bạn trẻ Việt Nam tới thật gần để nhìn anh chàng ngoại quốc này với ánh mắt như muốn nói: “Anh có phải Ronaldo không?” Từ Cần Thơ tới nhà cô dâu mất nửa tiếng đi ôtô. Những thành viên trong gia đình chú rể đã tới thị xã Ngã Bảy. Họ mang tới nhiều đồ lễ trên những chiếc mâm trang trí sặc sỡ, theo đúng truyền thống Việt Nam. Trên ngưỡng cửa gia đình, cô dâu xinh tươi trong chiếc áo dài vàng được cha mẹ, người thân vây quanh, và hơn 500 khách mời đã tới chật kín phòng ăn lớn nơi sẽ diễn ra bữa tiệc cưới.

Sau khi đã đứng suốt để chờ đợi, họ chào đón chú rể, theo đúng nghi lễ xa xưa của người Việt Nam. Mọi phong tục đều được tuân thủ. Gia đình chú rể trao những mâm lễ vật cho các thành viên gia đình cô dâu. Lễ cưới cũng diễn ra theo truyền thống của Việt Nam: thắp hương trước bàn thờ tổ tiên gia đình cô dâu, lễ vật, hai gia đình có vài lời, trao nhẫn cưới, rồi đến thời điểm xúc động của đám cưới. Sau đó, Trân và Philippe mời mỗi khách dự đám cưới một ly "vodka Hà Nội" nhỏ.

Bên ngoài nhà hàng, mưa tiếp tục rơi, mưa to tới mức một tấm bạt che đầy nước đã đổ sụp xuống... Nó khiến mọi người sợ hãi chứ không gây thiệt hại gì. Trời mưa nhưng Mặt Trời thì lại nằm trong tim tất cả mọi người vào ngày hôm ấy. Đôi vợ chồng trẻ nhìn nhau và họ ra dấu bằng tay: yêu nhau mãi mãi!

Olivier Bướm Bay tên thật là Olivier Page. Anh là Tổng Biên tập của cuốn cẩm nang du lịch Le guide du routard Vietnam. Olivier Page năm nào cũng qua Việt Nam vài lần để cập nhật thông tin cho cuốn sách và cả để đi du lịch. Anh lấy bút danh là Olivier Bướm Bay, vì như anh nói, anh giống con bướm cứ lang thang mãi hoài.

Lần trở lại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa rồi đặc biệt hơn vì anh là nhân chứng của một đám cưới giữa một chàng trai Pháp bị câm điếc và một cô gái Việt không nghe, không nói được.

Oliver Bướm Bay

Theo Sinh Viên Việt Nam

Bs Nguyễn Lân-Đính sưu tập

BẠN TÔI XV

hay là “Những câu văn nhớ đời

Tối hôm qua trời nóng quá, lúc gần 8 giờ bạn tôi có ghé, mang theo hai chai nước sâm rất ngon, mà anh nói anh mua ở đường Châu văn Liêm bên Chợ Lớn, và một ít mực nướng và vịt quay. Anh đề nghị hai chúng tôi lên sân thượng trên lầu 2 nhà tôi để “nhậu nước sâm” và hàn huyên cho đỡ nóng. Tôi mừng quá vì đây là cơ hội cho tôi “thẩm vấn” anh về một điều mà tôi rất muốn biết. Đó là, với một người đã đọc rất nhiều văn chương lãng mạn như anh, có những câu văn nào mà anh thực sự yêu thích, và luôn luôn nhớ chẳng thể quên không? Vừa nghe tôi hỏi anh cười hi hí và bảo tôi: “Gớm! gần tớm mươi rồi mà còn lãng với chẳng mạn!”. Và anh nói tiếp: “Tuy nhiên, cậu đã muốn biết thì tôi chiều, trong đời tôi, tôi thực sự chẳng bao giờ quên nổi một đoạn trong tác phẩm bất hủ “Những kẻ khốn cùng” của đại văn hào Pháp Victor Hugo. Tuấn biết không, đoạn đó mang tựa đề là “Con tim dưới tảng đá”, và tại sao lại gọi là “Con tim dưới tảng đá”? Câu chuyện xảy ra như thế này: nhà của nhân vật Cosette có một ngôi vườn nhỏ, ở trong có để một ghế dài bằng đá, kê sát ngay hàng rào. Một buổi tối Cosette ở nhà có một mình với người đầy tớ trung thành Toussaint. Cosette ra ngồi chơi ở ghế đá một lúc, rồi đứng dậy đi dạo quanh vườn, khi trở lại ghế đá thì cô có cảm tưởng như trông thấy trên cái ghế đá một tảng đá lớn không biết tự nhiên ai mới để lên đó trong lúc cô bỏ đi. Sợ quá Cosette chạy tọt vào trong buồng khóa cửa lại. Mải suy nghĩ về ảo tưởng trông thấy tảng đá trên ghế, Cosette quên không nói gì với Toussaint về tảng đá bất ngờ xuất hiện đó, sau đó cô ngủ thiếp đi… Sáng hôm sau khi trở dậy, Cosette cho rằng có lẽ tối hôm qua tảng đá chỉ là một ảo tưởng, và chắc gì có tảng đá trên cái ghế đá. Cô mặc quần áo, rồi ra vườn, và giật bắn mình khi thấy có tảng đá nằm chình ình trên ghế đá thật! Tối hôm qua trong bóng tối Cosette thấy sợ, nhưng sáng nay, ánh ban mai đã biến nỗi sợ thành sự tò mò. Cosette tiến lại, lật tảng đá lên và thấy một phong bì to và trắng, không tên người nhận và cũng không có tên người gửi, nhưng bên trong là một cuốn sổ, với những trang có đánh số, ở trên là những dòng chữ khá đẹp. Cuốn sổ cũng chẳng có tên người, chẳng có chữ ký. Gửi cho ai đây, Cosette nghĩ là có lẽ cho cô, vì một bàn tay bí mật nào đó tối hôm qua đã lén để tảng đá và cái phong bì đựng cuốn sách trên ghế đá nhà cô, và Cosette bắt đầu đọc…

Bạn tôi giải thích: đó chính là Marius đã lén để tảng đá, ở dưới có cái phong bì chứa cuốn sách, lên ghế đá của Cosette, và mượn những câu văn cực kỳ lãng mạn để tỏ tình với nàng. Anh kể tiếp: “Có tất cả là vài chục câu, 32 câu thì phải, nhưng trong số những câu đó, tôi chỉ nhớ được độ một phần ba, vì những câu đó đã như được in sâu trong tâm trí tôi, sang bên kia chắc cũng còn nhớ như thường!”

Tôi xin anh một phút để đi xuống nhà lấy giấy bút ghi, và sau đây là những câu văn tuyệt vời mà bạn tôi đã cho tôi nghe và ghi chép:

1- Thu hẹp vũ trụ vào một Con Người, và thăng hoa một Con Người lên ngang với Thượng Đế: đó là Ái Tình.

2- Chỉ cần một nụ cười hé nở, dưới cái mũ rộng vành bằng nhiễu trắng, cũng đủ khiến hốn vía ta lạc vào lâu đài hảo mộng.

3- Thượng Đế ở sau tất cả mọi sự, và muôn sự che lấp Ngài. Sự vật đen ngòm, và các sinh vật thì mờ đục, yêu thương một ai là làm cho người ấy thành trong vắt.

4- Những kẻ yêu thương nhau mà phải xa cách, có thể lừa dối sự xa vắng bằng hàng ngàn điều hư ảo, nhưng có phần thực. Bị cấm gặp nhau, bị cấm thư từ cho nhau; họ tìm được rất nhiều phương cách bí ẩn để liên lạc với nhau. Họ gửi cho nhau tiếng hót của loài chim, hương thơm của muôn hoa, tiếng cười của con trẻ, ánh sáng của Thái Dương, tiếng than của gió, tia sáng của ngàn sao và… vạn vật luôn. Tại sao không nhỉ? Tất cả mọi tác phẩm của Thượng Đế đều là để phục vụ Ái Tình. Ái Tình đủ sức mạnh để thuyết phục Thiên Nhiên phải chuyển tất cả những thông điệp của mình.

5- Một số ý tưởng là những nguyện cầu, có những lúc mà, dù thân xác đang ở tư thế nào, tâm hồn cũng đang quỳ gối.

6- Ôi Mùa Xuân, em là một lá thư mà ta gửi cho Nàng.

7- Những gì mà Tình Yêu đã bắt đầu, chỉ có thể được kết thúc bởi Thượng Đế.

8- Nàng còn tới vườn Luxembourg không? – Thưa, không.- Nàng thường đi lễ ở nhà thờ này phải không? - Nàng không đi lễ ở đây nữa. – Nàng có còn ở căn nhà này không? – Nàng đã dọn đi rồi. – Nàng dọn đi đâu? – Nàng không cho biết. – Ôi, đau buồn xiết bao khi ta không biết địa chỉ của Tâm Hồn ta!

9- Thực là một điều kỳ lạ, bạn biết không? Tôi đang ngập chìm trong đêm tối, có một Người khi ra đi, đã mang theo cả bầu trời.

10- Bạn đau khổ vì bạn yêu, hãy yêu hơn nữa đi. Chết vì Tình Ái, chính là sống vậy.

Bạn tôi cho biết anh đã đọc bộ “Những kẻ khốn cùng” của Victor Hugo mấy lần trong đời, và mỗi lần đọc lại vẫn thấy thích như thường. Ngoài những câu văn dễ thương ở trên, bạn tôi cho biết tác phẩm đó còn có những đoạn, mà theo anh, nếu một thiếu niên mới bước vào đời mà được đọc, thì sẽ rất cảm động, và sẽ có khuynh hướng sống rất tốt. Tôi hỏi anh: “Đoạn nào chẳng hạn?”. Anh cho biết đó là đoạn đầu, khi nhân vật chính, Jean Valjean vửa ở tù về, lòng đầy oán hận, ở trọ nhà Giám Mục Myriel, ăn cắp cái chân nến, bị bắt, nhưng được Giám Mục Myriel tha, và nói thác ra là chính ông đã cho, chứ anh ta không ăn cắp, do đó Jean Valjean đã biết hối cải…

Khi ra về lúc gần 10 giờ, anh hứa với tôi là sẽ cho tôi mượn bộ “Những kẻ khốn cùng” để tôi đọc cho biết.

Vũ Anh Tuấn


Phụ Bản IV

BẠN TÔI XVI

hay là “Một cuộc tình an vui và đẹp”

Bạn tôi lúc này thường ở nhà, ít khi đi đâu, vì nếu trời không mưa thì lại quá nóng nực, còn ngoài phố thì giao thông lộn xộn rất bực bội và nguy hiểm. Để như đền bù cho việc suốt ngày ở nhà, mỗi sáng bạn tôi thường có những chuyến đi du hí ngắn hạn để tận hưởng những giây phút mát mẻ lúc ban mai. Phương tiện bạn tôi sử dụng cho các chuyến du hí này là xe buýt; dĩ nhiên với xe buýt thì bạn tôi có thể đi nhiều nơi, nhưng như tôi được biết gần đây, trong gần hai năm trời, sáng nào bạn tôi cũng chỉ đi Củ Chi. Vì tò mò tôi hỏi bạn tôi xem Củ Chi có cái chi hấp dẫn khiến bạn tôi sáng nào cũng đi xuống đó. Nghe tôi hỏi, bạn tôi hỏi ngược lại tôi: “Tuấn không biết là cách bến xe buýt Củ Chi độ 3 cây số, trên đường từ Saigon xuống, có một khoảng đất và ruộng khô trống rộng mênh mông mà sáng nào sương mù cũng phủ kín, khiến cảnh vật mờ mờ ảo ảo đẹp tuyệt vời à?”. Tôi nói tôi không để ý nên không biết, và sáng hôm sau tôi liền tháp tùng bạn tôi xuống Củ Chi để xem hư thực ra sao; tới nơi tôi phải công nhận là bạn tôi nói đúng quá, chỗ ấy đẹp ơi là đẹp! Bạn tôi liền khoe với tôi rằng thỉnh thoảng anh lại đi cùng ba bà bạn xuống đây, mang theo một vuông chiếu, đồ ăn và thức uống để cùng ăn sáng trong sương mù mờ ảo, và đương nhiên là trong bữa ăn thơ mộng, lãng mạn đó, mọi người tha hồ kể các chuyện vui, chuyện tếu, để được cười thật nhiều, được hàng ngàn thang thuốc bổ, và rồi ăn sáng xong, nói rỡn và cười cho đã xong, mọi người lại trở ra xe buýt trở về để vui vẻ bắt đầu một ngày mới. Tôi hỏi anh là ngày nào cũng đi ăn sáng cùng các quý bà đó hay sao, thì được anh trả lời là mỗi tháng anh xuống đó với các bà bạn độ 3 hay 4 lần thôi, còn những ngày khác anh đi một mình và ăn điểm tâm ở khu chợ Củ Chi. Tôi bảo anh: “Tôi không tin là chỉ để đi ăn sáng mà mỗi ngày anh chịu khó ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng như anh đã làm. Nhất định là ngày ngày anh đi Củ Chi vì một lý do nào khác. Mình chơi với nhau trên nửa thế kỷ rồi, cho tôi biết lý do bí mật đó đi!” Anh cười và trách tôi “người đâu mà tò văn mò thế?”, nhưng rồi anh khen tôi là đã nhận xét đúng, anh thường đi Củ Chi, không đơn giản là chỉ để ăn sáng, mà chính ra là để mỗi sáng được gặp vị giai nhân chủ nhân cái quán bán bí tết và bò né, nhân vật chính đã cùng anh chia sẻ một cuộc tình vừa an vui, vừa đẹp, vừa thật trong sáng. Tôi vội xin anh kể cho nghe chuyện tình này của anh để tôi được hiểu tại sao anh lại khoe là an vui, đẹp, và trong sáng nữa. Và anh bắt đầu kể…

Lần đầu tiên mình trông thấy cái quán bán bí tết và bò né của Huyền, tên nàng, mình thấy thích ngay vì thấy nó thoáng đãng, bàn ghế rất đơn giản nhưng sạch sẽ, gọn ghẽ và hệ thống quạt rất mát. Món bí tết thì rất ngon và giá cả rất hợp lý, có bốn chục ngàn một đĩa, và chai trà xanh không độ mà mình thích uống chỉ có tám ngàn, trong khi ở các nơi khác thường là mười hoặc mười hai ngàn. Đấy là mấy chi tiết khá hấp dẫn, nhưng chi tiết hấp dẫn nhất, và gấp bội, chính là dung nhan chim sa, cá lặn của nữ chủ nhân. Một khuôn mặt hiền và sang, một cái mũi dọc dừa thuần Việt, thiệt 1000%, và một ánh mắt thường xuyên vui tươi ấm áp. Còn nữa, mặc dầu chủ quán đã gần lục tuần, cô ta có một thân hình thon thả, hài hòa, không quá mập, không quá gầy, thứ gầy của cô ta người Tây Phương thường gọi là gầy giả mà mình rất thích. Sau khi mình tới ăn năm sáu ngày liền, mình cảm thấy ánh mắt cô ta nhìn mình có vẻ hơi thân thiện hơn, và rồi cô hỏi mình ở gần đây hả? Mình giải thích là mỗi sáng mình đi từ Bến Thành xuống, và đi để ngắm đoạn đường có sương mù bao phủ, đồng thời hưởng chút gió mát lúc ban mai. Cô khen là mình hơi “bị” lãng mạn, và cho biết rất thích mình mỗi sáng tới chiếu cố quán ăn của cô. Khi được hỏi mình làm gì, mình trả lời là gần bốn chục năm nay, mình chả làm gì cả và chỉ có mỗi một anh chủ dáng người nhỏ bé, đeo kính trắng, và tên chủ này rất ngoan, rất tốt với mình. Vừa nghe xong, cô ta cười tươi như hoa và nói: “Ý anh nói anh chỉ làm cho anh thôi, đúng không?”. Mình phải công nhận là cô ta thông minh và đành khai thật nghề dịch sách văn học của mình; nghe xong cô ta lộ vẻ thích thú và bảo mình “Tên em là Huyền, từ nay anh có thể gọi em là Huyền”. Mình liền hỏi ngay là cô ta có thích đọc sách không, thì được cô cho biết cô rất thích đọc, nhưng chỉ thích văn thơ Việt thôi, không thích truyện dịch, mặc dầu lúc này sách dịch được trải bán đầy đường. Nghe cô nói vậy mình thích quá và sáng hôm sau đem “kính tặng” ngay cuốn Hảo Mộng(*) của mình. Sau ngày hôm tặng sách mình có việc phải đi Cần Thơ mất ba ngày, vừa về tới là mình đi gặp Huyền ngay. Gặp nhau, Huyền cười thật tươi và cho biết đã đọc hết cuốn Hảo Mộng và rất thích văn phong bình dị chân thành của mình. Huyền cho biết nàng rất thích một vài chi tiết và một vài câu thơ trường phái Thiên Cữu (Cậu Ông Trời) của mình, và khi mình hỏi nàng thích những chỗ nào xin cho biết thì nàng bảo mình: “Sáng mai Chủ Nhật em nghỉ không bán, nhưng nếu tiện anh cứ ghé, vẫn có bí tết cho anh ăn như thường và anh em mình sẽ nói chuyện về những gì em thích trong cuốn Hảo Mộng của anh”. Sáng hôm sau mình xuống, Huyền cho ăn bí tết ngoài cửa hàng, rồi mời vào phòng khách ở phía sau để trò chuyện. Huyền sống độc thân từ khi người chồng phản bội cùng người yêu của anh ta vượt biên qua sinh sống ở Mỹ, và gia đình nàng hiện chỉ có nàng, bà cụ thân sinh ra nàng 91 tuổi sống trong một căn phòng ở lầu 1, và 2 người cháu gái phụ bán hàng cũng ở trên lầu 1, trong một phòng kế bên phòng của Huyền.

Mình và Huyền đã trở nên khá thân thiết, và mình bảo Huyền nghĩ gì cứ nói thẳng, cần chê chỗ nào xin cứ chê, nhưng Huyền cho biết nàng đâu phải là nhà phê bình phê bèo gì mà khen với chê, nàng nói: “Em chỉ dám nói về những ý tưởng, những đoạn em thích thôi” và nàng cho biết trong truyện Hảo Mộng nàng rất thích đoạn tôi viết là sau khi hai người đã sống ở khắp nơi trên trần thế thì cuối cùng lại trở lại Quê Mẹ Việt Nam. Huyền nói: “Anh viết như vậy chứng tỏ anh thật sự yêu thương quê hương đất nước, khác hẳn với những kẻ chỉ thương nước bằng nước rãi của chúng thôi! Nàng cũng rất thích mấy câu thơ trường phái Thiên Cữu của mình Đôi ta sẽ sống - Chẳng cần sang giầu - Chỉ cầu cho được - Suốt ngày bên nhau”. Huyền khen: “Mấy câu thơ trường phái Cậu Ông Trời này của anh đọc rất dễ hiểu, rất dễ thương, rất dễ đi vào lòng người và rất dễ nhớ, khác hẳn những loại thơ nhăng nhít đầy ẩn dụ, hiện dụ, hậu hiện đại, hậu ma dại, đọc lên nghe trúc trắc, thơ chẳng ra thơ, văn xuôi chẳng ra văn xuôi, thấy mà kinh! Được Huyền khen mình thích quá, cho dù có được làm Hội Thảo để khen mình cũng cóc thích bằng, hì! hì! Cuối cùng Huyền cho biết nàng cũng rất thích hai câu: Trong ta tiếng Việt đi đầu - Tiếng Anh, tiếng Pháp đi hầu hai bên” và nàng nói: “Anh viết hai câu này chứng tỏ anh thực sự chỉ coi những ngoại ngữ như những dụng cụ để làm việc, và thứ tiếng anh thực sự yêu thương quý trọng chính là tiếng… Mẹ Âu Cơ anh nhỉ? Em nghĩ có đúng không?”. Mình vội xác nhận là quá đúng và cảm ơn Huyền đã nổi hứng phê bình Hảo Mộng của mình. Huyền cho biết trước ngày Giải Phóng Huyền đã có lúc làm việc tại một Hãng Thuốc Tây của Pháp, và mấy chục năm về trước nàng là một nữ sinh của trường Marie Curie nên có đủ tiếng Pháp để đọc các tác phẩm văn học Tây Phương không cần phải đọc bản dịch. Nghe vậy mình vội thông báo cho Huyền biết là mình giữ khá nhiều tác phẩm danh tiếng của các tác giả Pháp và Anh, muốn đọc gì cứ mời lại lấy.

Nghe bạn tôi kể vậy tôi vội hỏi: “Rồi câu chuyện anh và cô Huyền đó đi tới đâu? Tại sao lúc này anh thôi không xuống Củ Chi mỗi sáng nữa?”. Anh cho biết là trong hơn một năm qua, hai người đã càng ngày càng trở nên thân thiết hơn và đã được cùng nhau chia sẻ những giây phút tuyệt vời, mà trên cõi đời này, nếu phải mua bằng tiền, thì cả tỷ tỷ cũng không mua được, cho tới tháng 6 năm ngoái, sau khi Cụ Bà thân sinh ra Huyền qua đời, vợ chồng người con lớn của Huyền, một doanh nhân rất thành đạt, sống ở Arkansas đã về đón Huyền qua sống với họ. Hiện nay chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua thơ điện tử và qua trò chuyện trên mạng. Tôi lại thẩm vấn anh tiếp: “Trong gần hai năm trời có nhau, anh và Nàng có kỷ niệm gì đặc biệt đáng ghi nhớ không, có gì thực sự vui và tếu không? Tôi hỏi vậy vì anh khoe đây là một cuộc tình an vui mà! Bạn tôi cười và kể:

“Có một chuyện thật tếu và vui Tuấn ạ, đồng thời chuyện này cũng minh chứng là Huyền là một quý bà rất dí dỏm và vui tính”. Và bạn tôi kể:

“Trong những buổi sáng mình xuống ăn điểm tâm món bí tết, và trong thời gian tình cảm giữa hai người ngày càng gia tăng, thì trên đĩa bí tết miếng thịt cũng to dần lên, hôm nay to hơn hôm qua một tí và cứ tiếp tục mỗi ngày mỗi to hơn như vậy, cho đến một hôm miếng bí tết gần choán hết cái đĩa. Mình đành phải bảo Huyền: “Em bán thế này thì em lỗ chết, vì miếng bí tết cứ mỗi ngày mỗi to thêm, mà tiền thì em đâu có cho anh trả thêm!”. Tuấn biết nàng đã trả lời làm sao không? Nàng nói: Ôi! anh khỏi phải lo con bò trắng răng! Em chỉ cần bớt phần của các kẻ khác, mỗi tên một tí xíu là anh ăn mệt nghỉ!”

Nghe nàng nói vậy mình nói với Huyền rằng: “Em thật là tếu, vì đã nói đùa rất thông minh, chứ thực ra anh dư biết, một con người như em có bao giờ lại làm được chuyện bớt xén đó, em chỉ đã trả lời rất tếu và vui thôi!” Huyền cười ngặt nghẽo và nói: “Ôi! trên đời này, ít ai hiểu em hơn anh, anh ạ!”…

Vũ Anh Tuấn

(*) Hảo Mộng là cuốn truyện tình của tác giả bài viết do nhà Xuất Bản Văn Nghệ in năm 2009.



SẠN MẬT

Lan Hương

Sạn mật rất thông thường cứ 12 người Mỹ thì lại một người bị sạn mật... Nếu bạn thỉnh thoảng lại đau bụng phía ngang với dạ dầy, dưới gan 1 chút, rất khó chịu nhiều khi lại buồn nôn nữa thì rất có thể là bạn bị sạn mật. Sạn mật rất thông thường cứ 12 người Mỹ thì lại một người bị sạn mật và mỗi năm có thêm 1 triệu người bị bệnh này và bạn phải đi khám bác sĩ ngay vì để lâu ngày sạn lớn ra càng nguy hiểm hơn.

Mật là gì?

Mật là một chất có mầu xanh lá cây do gan tiết ra để đánh tan chất mỡ và giúp tiêu hóa thức ăn. Túi mật hình trái lê, nằm ngay dưới là gan để chứa mật từ gan tiết ra. Khi cơ thể cần mật để tiêu hoá thì túi mật co thắt, bóp vào và tiết ra vào ruột non qua những ống dẫn mật li ti.

Khi mật trong túi có vấn đề hoá học thiếu cân bình, thì sẽ vón lại thành chất cứng, lâu ngày thành sạn có thể nhỏ bé tí như hạt cát đến lớn nhất bằng quả banh golf. Túi mật có thể chứa một viên sạn hay cả trăm viên tùy theo trường hợp. Có 2 loại sạn mật:

1.- Loại sạn mật do cholesterol:

Loại này thành hình là do những cholesterol mà mật không tiêu hoá được, cô đọng lại. Khoảng 80% sạn mật tìm thấy trong người sinh sống ở Mỹ và Âu Châu là loại này.

2.- Loại sạn mật có mầu sắc: do bệnh nhân có bệnh về máu và gan.

Xem hình bên người ta nhận thấy là khi túi mật bóp và tiết ra mật thì sạn mật cũng ra theo, nếu sạn mật quá lớn thì nó chặn lại tại những ống dẫn mật nên gây nên đau đớn khó chịu phải giải phẫu ngay. Khoảng 30, 40 năm trước thì người ta chỉ mổ túi mật ra để lấy viên sạn mật ra rồi khâu lại, nhưng có nhiều trường hợp chỉ vài năm sau túi mật lại có thêm sạn mật nữa, phải mổ đi mổ lại. Về sau thì y khoa kết luận là nên cắt túi mật đi luôn để trừ hậu hoạn. 15, 20 năm trước thì người ta phải giải phẫu lớn nghĩa là rạch 1 đường dài 10, 20 cm trên bụng mới lấy túi mật ra được, bệnh nhân phải nằm nhà thương cả tuần lễ và phải nghỉ dưỡng bệnh ở nhà chừng 1, 2 tháng để trị vết thương. Bây giờ họ cũng dùng kiểu giải phẫu "cũ" này nếu túi mật đã bị sưng to.

Ngày nay cứ theo hình bên thì họ đục 4 cái lỗ, một lỗ để đút giây video camera chiếu hình lên màn ảnh, một lỗ để đút giây đèn vào soi, một lỗ nhìn, một lỗ xỏ kéo vào để cắt. Kỹ thuật giải phẫu tân tiến này chỉ cần hơn 1 tiếng đồng hồ và bệnh nhân có thể ra về trong ngày và đi làm trở lại trong vòng 2-3 ngày.

Tại sao có sạn mật.

Có nhiều yếu tố gây nên sạn mật. Một là có nhiều cholesterol (mỡ) trong mật vì mỡ rất khó tan và nếu trong mật lại có nhiều mỡ quá thì làm sao mật có giờ thanh toán mỡ được cho kịp vì vậy nó đóng thành sạn. Thêm vào nữa là nếu túi mật lúc nào cũng đầy mật mà không chảy vào ruột non thì nó sẽ đông lại và đóng thành sạn. Ngoài ra còn có nhiều yếu tố như:

a- Phái tính: Đàn bà có cơ nguy bị sạn thân gấp đôi đàn ông vì kích thích tố nữ (estrogen) có nhiều mỡ trong mật, thêm vào nữa là những thuốc ngừa thai làm tăng số lượng mỡ trong mật.

b- Lên cân quá mức: Mập quá cũng làm tăng số lượng mỡ trong mật và làm cản trở việc co bóp túi đẩy mật ra ngoài.

c- Ăn uống: Nếu ăn uống nhiều mỡ quá và ít chất xơ cũng làm tăng mỡ trong mật.

d- Dùng thuốc chống cholesterol: Nếu dùng các loại thuốc giảm cholesterol như TRICOR hay LOPID cũng làm tăng xác suất có sạn mật vì thuốc ảnh hưởng đến mật.

e- Tuổi tác: Càng già càng có nhiều cơ hội có nhiều cholesterol trong mật.

f- Di truyền: Gia đình có người có sạn mật cũng sẽ ảnh hưởng di truyền đến người khác.

g- Sắc tộc: Người Mỹ da đỏ đứng đầu sau đó đến người gốc Mễ Tây Cơ là 2 sắc dân có nhiều sạn mật nhất tại Hoa Kỳ.

Khi nào cần chữa trị ngay

Khi túi mật co thắt để bài tiết mật vào ruột non, thì một viên sạn hay nhiều viên sạn theo nhau chạy ra không có gì trở ngại cả, trừ phi viên sạn quá lớn làm nghẽn ống chuyển mật, làm bệnh nhân đau nhói không chịu được ở phần bụng trên, lan ra cả sau lưng và bả vai kéo dài từ 15 phút đến 1 vài giờ. Sau đó đến màn nôn mửa, nóng, lạnh, mắt trắng da vàng, nước tiểu mầu đậm, phân mầu lợt lạt.

Nếu bạn có những triệu chứng như vậy thì vào nhà thương ngay. Có thể ít giờ sau, cơn đau sẽ qua đi nhưng túi mật có thể bị nhiễm trùng và bị bể ra nếu viên sạn vẫn chặn lối. Và nếu bị chặn thì lá lách cũng có thể bị sưng, có thể gây ra chết chóc.

Muốn chẩn bệnh sạn mật, thừờng phải thử máu để xem có bị nhiễm trùng không sau đó làm "ultrasound" (= siêu âm) là phương pháp hữu hiệu nhất để tìm sạn mật. Một cách khác là dùng một sợi giây có gắn máy chụp hình, chuyền từ cổ họng xuống để xem có viên sạn nào chặn lối ống dẫn mật vào ruột non không, nếu có thì họ có thể lấy ra ngay. Còn một cách là MRI (magnetic resonance imaging) (= chụp hình cộng hưởng từ) .

Những cách chữa trị sạn mật:

Nếu sạn mật không gây ra đau đớn hay biến chứng gì thì không cần chữa trị. Còn những viên sạn khuấy rối gây đau đớn thì cách tốt nhất là cắt túi mật đi, vì túi mật không phải là một cơ phận thiết yếu của con người, nếu không cắt đi mà chỉ lấy sạn ra thì ít lâu sau sạn sẽ trở lại. Giải phẫu lấy túi mật rất thông thường tại Hoa Kỳ.

Con người sống không có túi mật ra sao?

Sau khi cắt túi mật, thì gan vẫn bài tiết mật như thường nhưng thay vì mật được dự trữ trong túi mật thì chảy thẳng vào các ống dẫn vào ruột non. Trong trạng thái "mất túi mật" này thì sẽ đi đại tiện nhiều hơn và phân sẽ lỏng hơn khi trước rồi sẽ trở lại bình thường. Nếu không trở lại bình thường và vẫn tiếp tục bị "tiêu chảy" thì phải nên khám bác sĩ để xin thuốc trợ mật và lá lách.

Bs Nguyễn Lân-Đính st

GIÓ MÙA LỒNG LỘNG

ĐÀM LAN

Tiếng gọi cổng, tiếng chó sủa, tiếng ngỗng quang quác, đã dứt tôi ra khỏi bàn phím.

Lại phải tạm dừng những dòng chữ, ai mà đến không đúng lúc thế nhỉ? Nghĩ linh tinh, ai biết lúc nào là đúng, họ có việc thì họ cứ đến thôi chứ. Cười thầm với lan man của mình, tôi ngánh qua ô cửa. Một cái xe dựng và hai bóng người, “ai thế nhỉ? quen hay lạ?”. Chưa biết cứ tới rồi sẽ biết. Đó gần như là một câu phương châm của tôi, tôi thường không mất nhiều thời gian cho sự e dè, ngần ngại. Nếu với tình huống cần thiết, thì chỉ với một chút phán đoán, cảnh giác, còn thì mất thời gian và tâm sức cho sự giải mã một ẩn số không quan trọng là một sự phí hoài. Tôi cầm chùm chìa khóa đi ra, vừa nhận ra người đang đứng ngoài cổng là ai thì cậu ta đã nhanh nhảu lên tiếng chào:

- Chào chị. Chị khỏe không? Lâu quá rồi bữa nay em mới đến thăm chị được đây.

- À Khang hả? Sao lâu nay em đi đâu mà biệt tăm vậy?

- Dạ, em đi làm xa, lâu lâu mới về thăm nhà chị ạ.

- Vậy không phải làm ở chỗ cũ nữa à?

- Dạ, chỗ làm bây giờ có vẻ hợp với em hơn.

- Các cậu còn trẻ ham nhảy nhót, cứ đổi chỗ làm hoài làm sao ổn định được? Lại cứ phải mất thời gian cho giai đoạn đầu, vừa kịp quen lại nhảy, thế thì có mà…

- Chắc chỗ này không đổi nữa đâu chị. Mà cũng chưa biết chừng…

- Đấy, lại nhấp nhổm.

Tôi đẩy cổng cho rộng rồi né người cho Khang dắt cái xe vào. Người đàn ông đi cùng Khang lúc này mới khẽ gật đầu chào tôi, tôi cũng gật đầu chào lại. Chi tiết đầu tiên làm tôi chú ý là dáng đi giống tôi. Trong tôi cợn lên một cảm giác. Chiếc bàn mây thanh nhẹ và những chiếc ghế mây thon thả thêm một lần thực hiện nhiệm vụ. Những tách trà chan chát thơm thơm được đặt trước mặt mỗi người. Khang giới thiệu:

- Đây là anh Phú, anh bà con với em, còn đây là chị Trúc, chị kết nghĩa của em. Anh Phú nghe em nói chuyện về chị, ảnh cứ đòi đến thăm chị, bữa nay em mới dẫn ảnh đến được đó chị.

Khang là một cậu trai khá mồm miệng, giọng nói lại mang thổ âm xứ Quảng khá nặng, lúc đầu mới nghe tôi cứ phải hỏi lại mới rõ nghĩa, giờ thì nghe cũng quen quen rồi, nhưng mà cái cách nói lấp chữ thì sửa mãi không được. Cuối câu nói, Khang kèm theo một cái cười ngụ ý, cảm giác cợn lên trong tôi lúc ngoài cổng lại xuất hiện, tôi rất dị ứng với cái kiểu ngụ ý này, nhưng không tiện thể hiện. Đây không phải là lần đầu tiên tôi gặp tình huống này, cũng đã từng có những tình huống tương tự. Những tình huống xuất phát từ một ý tốt của người trung gian, nhưng lại rất phản cảm với tôi, và không ít lần tôi phải sử dụng một số ngôn từ mạnh mẽ cùng một thái độ dứt khoát để giải quyết. Có thể lần này sẽ lại phải một lần nữa như thế, nhưng sẽ phải dùng thái độ nào để xử lý thì còn phải xem diễn biến của sự vụ, tuy nhiên có thể khác hơn những tình huống trước một chút, vì anh ta cũng có một khuyết tật như tôi. Trước mắt, tôi cứ phải là một chủ nhà lịch sự, và ít ra cũng thả sẵn vài câu hàng rào.

- Hân hạnh được anh đến thăm nhà, nhưng cũng xin lưu ý anh là những gì cậu ấy nói, anh nên trừ hao 50% đấy nhé.

- Chị… làm em mất uy tín quá. Có trừ thì cũng chỉ trừ 10% thôi.

- Đấy, em cũng thừa nhận là có số dư chứ chị có nói oan cho em đâu.

Khang cười, loay hoay câu chuyện, dường như chỉ có tôi và Khang trao đổi, người khách lạ thi thoảng góp chút cười. Tôi cũng xã giao vài câu thăm hỏi, có vẻ anh ta hơi nhút nhát, vẻ thiếu tự tin và ít giao tiếp. Đây hầu như là nét chung của những người khuyết tật, phần lớn họ luôn mang trong mình một sự mặc cảm, một nỗi tự ti, và thường né mình sang một bên trong những câu chuyện. Chỉ có một số ít có khả năng hoạt tính, thông thường phải có tham gia một số việc thuộc tính xã hội, cộng đồng thì mới bước qua một phần khuyết hạn của bản thân. Nhiều khi ngẫm nghĩ, tôi cũng lấy làm mừng, vì may mắn mà tôi đụng chạm được tí chút vào lĩnh vực chữ nghĩa này, nó không chỉ là chiếc cầu nối tôi với cuộc đời, đem lại cho tôi một đời sống tinh thần phong phú sắc màu, mà nó còn giúp tôi nhìn nhận ra những ngóc ngách của mình và của người, phần nào đó giúp tôi tránh được những vấp váp thông thường của cuộc sống, cho tôi thêm lòng tự tin, niềm vui và sự giao tế đa mảng với cuộc sống. Có một điều rất thực tế, là khi có được những yếu tố tư duy sâu, người ta dễ lý giải những hạn chế trong các vấn đề đời sống, và dễ tạo cho mình trạng thái cân bằng hơn.

- Anh Phú có vẻ ít nói quá hả? Hay anh đang lẳng lặng trong vai trò thẩm định đấy?

- Chết, chị nói thế thì tội tôi quá, tôi có dám thẩm định gì đâu.

- Tại bữa nay có em nên ảnh im im vậy đó, chứ bữa khác ảnh đến một mình chắc không im vậy đâu.

Khang nói vẻ mở đường, tôi mỉm cười không ra khuyến khích, không ra ngăn cản.

- Cuộc sống vui hơn khi ta có thêm bạn mà. Mong rằng chúng ta có thể là bạn tốt với nhau, anh Phú nhỉ!

- Hơn cả bạn tốt nữa chứ chị.

- Em đừng nói linh tinh mà anh Phú hoảng, bạn tốt là đủ rồi, hơn nữa có khi lại không tốt. Phải không anh Phú?

Trả lời tôi chỉ là một cái cười ngượng ngịu. Lô la thêm một lúc tôi đưa đà vài câu khách sáo khi tiễn khách ra về. Câu chuyện rơi nhanh khi tôi trở lại trang viết của mình.

Chỉ ít ngày sau, có thể gọi là sự nhiệt tình hay nôn nóng của người khách lạ ấy, tôi lại thêm một lần đóng vai chủ nhà lịch sự. Lần này anh ta đến một mình, quả nhiên khi chỉ có hai người, anh ta có chịu khó nói một chút, vả cũng có ai đỡ lời cho nữa đâu mà. Lần thứ ba rồi lần thứ tư, tôi đã hơi bực mình vì mất khá nhiều thời gian cho những câu chuyện không đâu, bực nhất là đang trong đoạn viết cao trào phải bỏ dở. Lại một điều nữa là không khí chuyện rất nhạt, rất gượng. Tôi là người hay nói, và cũng đôi lúc biết dẫn chuyện với một số người, nhưng quả là cái duyên giao tiếp cũng là một yếu tố quan trọng. Có những người, mình chỉ gặp lần đầu tiên hay lần duy nhất, nhưng sao lại có thể nói được rất nhiều chuyện, và khi phải dứt câu chuyện vì bất kỳ một lý do gì đó thì rất luyến tiếc và thầm mong có lúc lại được chuyện tiếp. Nhưng lại có một số người, chán ngay khi bập vào câu đầu tiên, bỗng nhiên mà mất hứng nói, muốn nói cũng không biết nói gì nữa. Đây cũng là trường hợp với anh chàng tên Phú này. Thực tình, lúc đầu tôi cứ nghĩ sẽ có thể nói về nhiều chuyện, vì ít ra cả hai cũng có một điểm chung về thân trạng. Có thể chia sẻ với nhau một chút về những thuận tiện và bất tiện trong đời sống. Nhưng kỳ lạ là chẳng thể nào tôi đề cập đến được, chỉ vài câu thăm hỏi vu vơ rồi tắc. Nhưng qua vài buổi tiếp xúc, tôi nhận ra đây là một típ người “thô giản”, tôi không hề có ý xem thường anh ta, nhưng quả là cũng khá thất vọng khi phải tiếp chuyện với kiểu người này. Cũng đang muốn tìm một cách nào đó để xử lý vấn đề cho ổn thỏa, ít nhất là cũng kéo giãn thời gian của những lần tiếp khách bất đắc dĩ càng dài càng tốt. Chuẩn bị một vài phương án tình thế, tôi định bụng lần gặp tiếp theo sẽ áp dụng. Chẳng lâu la gì, vì cứ khoảng hai, ba ngày là anh ta lại đến. Lần này khi đến anh ta mang theo một gói quà nho nhỏ, cái hộp hình vuông trong lớp giấy hoa cài nơ khiến tôi thắc mắc về ý định của anh ta. Mới vừa rót xong ly trà mời khách, tôi đã bị chậm mất một bước.

- Cô Trúc…à, em à…

Sự thay đổi ngôi xưng đột ngột đã làm tôi đoán ngay ra ý Phú muốn nói gì. Tôi chận ngang:

- Anh Phú này, có thể là anh sẽ không vui, nhưng tôi mong anh không nên gọi tôi bằng thứ từ ấy nhé. Không hợp đâu.

- Thì ít nhất em cũng nhỏ hơn anh vài ba tuổi mà.

- Vâng, có thể là tôi kém tuổi anh thật, nhưng tôi không thích lối gọi ấy, anh thông cảm vậy nhé.

- Nhưng anh thích.

Tôi nghiêm mặt nhìn thẳng vào anh ta:

- Xin lỗi, nếu không có việc gì cần thiết, mong anh hiểu cho tôi đang có việc bận cần làm ngay.

- Hôm nay thì em có bận gì cũng phải bỏ đó, vì anh đang có chuyện cần thiết muốn nói với em đây.

Giọng điệu anh ta rõ ràng làm ra vẻ chủ động, dường như anh ta đang nắm chắc kết quả một việc gì đó, tôi thầm nghĩ hãy cứ để anh ta nói luôn đi rồi giải quyết một lần cho xong.

- Vâng! Thế có việc gì, anh nói đi ạ.

Thái độ nhẹ nhàng của tôi hình như làm anh ta hài lòng lắm, anh ta cười rồi đẩy cái hộp đến trước mặt tôi :

- Đây là món quà anh muốn tặng em, em cứ mở ra xem đi rồi nói chuyện tiếp.

- Rất tiếc là tôi không bao giờ muốn nhận một món quà mà không rõ nguyên nhân, hơn nữa, sự quen biết giữa tôi và anh cũng chưa đủ thân thiết đến mức tôi có thể nhận quà.

- Nhưng đây là một món quà đặc biệt, em cứ mở ra là biết ý nghĩa của nó thôi mà.

Tôi đã đoán được trong chiếc hộp nho nhỏ kia là cái gì. Một sự bực tức dội lên trong tôi:

- Tôi nói lại một lần nữa là tôi không thể nhận, cảm phiền anh mang về giùm.

Giọng nói tôi rõ ràng là đanh hẳn đi, nhưng anh ta vẫn tỏ ra rất chủ quan:

- Không, anh không mang về, em phải nhận, anh chắc là em sẽ rất vui khi nhìn thấy. Em cứ mở ra xem đi.

Tôi xẵng giọng:

- Không cần mở ra tôi cũng đã đoán được trong đấy là cái gỉ rồi.

- Em không đoán được đâu, vì nếu đoán được em đã không khó chịu thế. Cứ mở ra xem đi đã, không nhận thì em sẽ ân hận lắm đó.

- Anh lầm, chính vì đoán được tôi mới rất khó chịu, và trước khi tôi mất hết kiên nhẫn làm người lịch sự, thì mong anh hãy cầm nó và về đi.

Thái độ anh ta chưng hửng, như bị vấp phải cục đá, anh ta cố nói:

- Thế thì em nói xem, trong đó là cái gì?

- Tôi chỉ e nói ra sẽ làm anh không vui nhiều hơn. Thôi, cho phép tôi tiễn anh nhé. Tôi đang rất bận.

Nói rồi, tôi đứng lên tỏ ý dứt khoát, Phú sầm mặt:

- Cô dám đuổi tôi à?

- Anh nói quá rồi, tôi chỉ tiễn anh thôi.

- Tôi nói cho cô biết, trong cái hộp kia là chiếc nhẫn hạt ngọc đến năm phân vàng đấy.

Tôi nhếch mép:

- Thế à! Tôi đoán không sai mà, chỉ riêng nó là chiếc nhẫn tôi đã không thể nhận rồi, huống chi nó lại là nhẫn hạt ngọc đến năm phân vàng thì to tát quá, làm sao tôi dám nhận. Thôi, anh nên cầm về đi, vì thật ra anh đã tặng nó không đúng chỗ rồi.

Đến lượt Phú giận dữ:

- Cô dám từ chối tôi à? Cô xem thường tôi vậy sao? Cô có hơn gì tôi mà làm bộ thế?

Bây giờ thì tôi không còn kềm chế nổi nữa rồi, tôi chỉ tay ra cửa quát:

- Anh bước ra khỏi nhà tôi ngay, và đừng bao giờ đến đây nữa. Anh cho anh là cái gì chứ? Anh tưởng anh màng đến tôi là may cho tôi lắm rồi đấy à? Anh lầm to rồi. Đúng, tôi không hơn anh về mặt sức khỏe thể chất, nhưng tôi hơn anh rất nhiều về lòng tự trọng. Tôi không thèm đến thứ tình cảm chiếu cố ấy đâu. Anh ra khỏi nhà tôi ngay…

- Thì nồi nào úp vung nấy, không phải sao?

- Đó chỉ là suy nghĩ của anh, hay của những người phiến diện, anh tưởng tôi cần cái vung như anh à? Tôi tuy không lành lặn thật, nhưng tôi chỉ có thể nói chuyện tình cảm với người mà tôi thực sự yêu thương, chứ không phải kiểu gá ghép của một con đực và một con cái đâu nhé. Nếu tôi thực sự yêu ai, dù người đó có hơn tôi những gì đi nữa, thì tôi cũng sẽ nói thẳng, nếu người đó không tiếp nhận tình cảm của tôi thì thôi, tôi cũng không van xin hay nài ép, tôi đủ bản lĩnh để tự lo mọi việc cho mình, chứ không vì bất cứ một lý do gì mà phải sống chung với một người mà mình không yêu. Anh bảo tôi phải ân hận à? Thật quá buồn cười.

- Tình Yêu? Tình Yêu? Cô tưởng những người như chúng ta dễ có được tình yêu lắm à? Thế cô đã bao giờ có chưa?

- Tôi có hay chưa không liên quan gì đến anh. Nếu anh thực sự là một người đàn ông có bản lĩnh, có tự tin, có nghị lực, thì đừng bao giờ anh hành động như thế này một lần nữa. Đừng để chút khuyết tật thân thể làm hạ cấp cả nhân cách của một con người. Tôi không phải là loại người dễ chịu sự áp đặt đâu. Anh đi về đi.

Phú nhìn tôi hằm hằm, rồi chộp chiếc hộp trên bàn đi ra cửa. Chiếc xe ga của anh ta rú ầm lên khi ra khỏi cổng nhà tôi. Tôi ngồi phịch xuống cái ghế, cơn giận còn làm tôi run bật người. Hừ, cái thói ngạo mạn ấu trĩ. Hắn là cái gì mà hắn tự cho phép có quyền lựa chọn chứ? Hắn tưởng chỉ cần hắn tỏ ra là tôi phải vội vàng túm lấy à? Hình như hầu hết những người đàn ông đều nghĩ rằng họ muốn là được. Họ cho rằng phụ nữ là một thứ đồ vật cho họ chọn lựa sao? Một gã như hắn, chỉ vài lần gặp mà đã tỏ ra quyền năng đến thế à? Đồ khùng. Thật tức điên lên mất. Cái thằng Khang chết tiệt, bữa nào gặp phải cho nó một trận mới được, cho chừa cái thói dắt người vớ vẩn đến nhà mình đi. Mai với mối, rách việc. Cơn tức bực theo tôi đến tận chiều tối. Không làm được việc gì cả, mà cũng không biết trút vào đâu cho hết tức cả. Chén cơm cũng chỉ hết một nửa, hơi thở cũng không ra vô một cách bình thường, mà cứ ngắc lại như có một cục gì chẹn ngang cổ. Không phải tôi chưa từng phải chịu đựng những ánh nhìn, những sự đối xử bất cập, với một số trường hợp thì tôi mỉm một nụ cười chua chát rồi quên, với một số trường hợp khác thì bật ra vài giọt nước mắt rồi quên. Chẳng sao, cuộc sống mà, những vênh vẹo với mình đâu hiếm, cứ nặng lòng vì cơ man ấy thì làm sao sống nổi. Từ lâu, tôi đã học được cách đi qua đi qua, và cũng đã tìm được cho mình một cách dung hợp với cuộc đời. Sự bất bằng sẽ không bất bằng mấy nữa khi ta nhìn nó như một tự nhiên. Nhưng lần này thì cơn tức giận của tôi cứ như một sự tổng hợp bao ẩn ức chất chứa mà bùng lên vậy. Người đời vốn có thói quen coi rẻ những người kém may mắn hơn mình, có thói quen tỏ ra thương xót tội nghiệp mà không cần biết đến cảm trạng của người đó là thế nào, và họ tự cho đó là “Tình nhân ái”. Họ không biết rằng, khi không yêu cầu, không xin xỏ, không quỵ lụy mà phải tự nhiên mà chịu đụng sự thương hại, chiếu cố, ban phát nó uất ức đến thế nào. Tôi cũng là người. Anh cũng là người. Chị cũng là người. Chỉ vì tôi ra đời trong một cung mạng bất túc, bức nghiệt hơn anh hơn chị một chút, mà tôi bị đánh xuống hàng hai hàng ba sao? Nhưng cho dù tôi nghĩ ngẫm thế nào? Phản ứng ra sao? Nổi loạn đến đâu? Cố gắng vùng thoát mấy thì vẫn mặc nhiên mà cuộc đời này tồn tại một số quan niệm bất biến. Tôi đã đủ mệt mỏi, đủ cảm nghiệm, đủ nhận thức về mình về người, và dọn được cho mình một chốn riêng tư, ít ra cũng cách biệt được phần nào với xô bồ nhân cảm, vậy mà vẫn chưa yên, vẫn bập đến tôi những thói thường vô thức.

Bỏ mặc chiếc ti vi với bản tin thời sự, tôi mở cửa bước ra ban công, một mùi hương dìu dịu lan nhẹ trong gió, tôi khẽ hít một hơi dài, lòng nhẹ đi một chút. Tôi ngước nhìn trời, một bầu trời đầy sao, những ánh lấp lánh lấp lánh như những nụ cười thấp thóang. Trong hàng vạn nụ cười thấp thoáng kia thì nụ cười tôi ở đâu nhỉ? Nó chỉ là một ánh cười mỉm lặng lẽ, đã lặng lẽ thì làm sao nhìn thấy được. Bất thần một luồng gió xộc đến, luồng gió làm bật lên trong tôi một cảm xúc. Cái thứ cảm xúc này mỗi năm tôi đều bắt gặp một lần. Thứ cảm xúc mà tôi không biết gọi tên là gì, dù nó rất rõ rệt. Nó khiến tôi nao nao, chống chếnh, cảm giác như không gian quanh mình rộng hơn, cảm giác mình như bé nhỏ hơn, hiu hắt hơn. Trong cái khí se lạnh của cơn gió đầu đông đột ngột trở về, báo hiệu một sự chuyển mùa, báo hiệu những ngày giá buốt, nhắc nhở một đoạn thời gian đã qua đi trong đời, nhắc nhớ những hoài niệm, nhắc nhớ những điều không muốn gọi thành tên. Chẳng phải tự nhiên mà mùa đông có cái tên gọi khác là mùa cưới. Trong cô đơn lạnh lẽo, người ta muốn tìm đến hơi ấm của nhau. Trong giây phút, tôi cảm thông cho sự vội vàng của gã đàn ông tên Phú, hẳn anh ta cũng đã từng đi qua những cảm trạng như tôi. Nhưng đâu phải chỉ là hơi ấm của hai thân nhiệt, mà hơi ấm ấy phải được tỏa khắp tâm hồn đến thể xác, có khi chẳng ở gần nhau, chỉ nghĩ đến nhau là đã có thể cảm nhận được hơi ấm ấy tràn ngập trong mình rồi. “Tình yêu! Tình yêu! Cô tưởng những người như chúng ta dễ có được tình yêu lắm à?”. Câu riết róng của anh ta bỗng nổi cộm lên trong tôi. Thực ra anh ta nói rất đúng. Và chính cái rất đúng ấy đã có thể lý giải toàn bộ hành xử của anh ta. Quả thực, cho đến từng tuổi này, cái tuổi của mớ tóc đã hai màu, tôi chưa từng có được hai chữ “Tình Yêu” đúng nghĩa. Cho dù tôi cũng đã từng vật vã những cuộc tình, nhưng hầu hết chỉ là đơn phương hay ngộ nhận. Và khi đã nhận ra, tất cả những bóng hình đầy đặn, hào hoa, khả ái, đều không thể dành cho những người như tôi, thì tôi lặng thầm chui vào một cái vỏ. Chút nào đó tìm cho mình được sự bình yên. Tôi có thể hiểu, Phú cũng đã từng đau khổ như tôi, nhưng tôi thì không thể nghĩ như Phú, rằng một cuộc hôn nhân chỉ là hai mảnh ghép tá túc vào nhau. Chỉ là để thực thi những gì tạo hóa sắp đặt, thế thì vô vị quá, thế thì động vật quá, thế thì đọa đày quá. Hôn nhân ít nhất phải bắt nguồn từ tình cảm, con người ta, ai cũng có nhiều thất trách, chỉ có yêu thương nhau thì mới dung hợp được những thất trách ấy, còn nếu chỉ là những mảnh ghép thì sẽ chỉ làm cuộc sống chung là sự chịu đựng, mệt mỏi, và hoàn toàn vô nghĩa. Con người có thể ví như những khối hình lập thể mà bàn tay tạo hóa vung tóe khắp trần gian. Những khối hình lập thể ấy tùy nhiên mà ở cạnh nhau, có cái chạm nhau bằng những góc nhọn, có cái chạm nhau bằng những cạnh bằng, và nhiều nhiều trong số đó chạm được vào nhau như một sự bù khuyết. Từ đó mà tạo ra những hình thái của đời sống. Thực ra thì Phú không sai trong việc đi tìm cho mình một phối ngẫu, nhưng Phú sai ở sự nhận định đối tác và xử sự. Đàn ông khó sống độc thân hơn đàn bà, vì rất nhiều liên quan vụn vặt. Nhưng đàn ông lại dễ tùy tiện ứng nhập. Ví dụ như Phú, chắc rồi sẽ một lúc nào đó anh ta cũng tìm được một người, một người chỉ cần đáp ứng một số như cầu đời sống cho bản thân anh ta là được. Còn tôi thì khác, khác hoàn toàn. Hay và dở luôn có mặt trong cùng một bối cảnh. Và người ta luôn chấp nhận cả hai theo từng quan điểm sống của riêng mình.

Cơn gió mỗi lúc mỗi mạnh hơn, tôi không quay vào để khoác thêm chiếc áo lạnh, mà vẫn như bao mùa tôi đã, giữa lồng lộng gió trời, tôi cảm nhận cái lạnh se thắt ngấm vào đến tận cùng mọi xúc giác. Một cái thú tuyệt vời.

ĐÀM LAN



|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế