VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 13/8/2011 của CLB Sách Xưa & Nay Như thường lệ, để mở đầu phiên họp, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách mới: một cuốn nhỏ xíu cỡ 6x15cm và một cuốn cỡ 26x30cm. Cuốn nhỏ dày 146 trang là một cuốn sách thuộc dạng sách dành cho những người chơi sách và được xuất bản khoảng những năm 20 của thế kỷ trước (1920). Sách mang tựa đề là Các Giai Thoại liên quan tới lịch sử bí mật của người Ebugors và thực chất là một loại sách về Tình Dục mà chủ đề chính là Thói Kê Gian (Sodomie). Người chủ nhân cũ của cuốn sách này là Cụ Vương Hồng Sển. Cụ đã dành riêng trang trống ở đầu sách để ký một chữ Sển to đùng ở giữa trang đó. Ngoài đặc điểm là sách trước đây thuộc về tủ sách của Cụ Sển, sách này còn có một đặc điểm khác là nó thuộc loại sách được đánh số (số 691), và được in bằng một loại giấy đặc biệt dành cho người chơi sách và phải đăng ký trước mới mua được. Cuốn sách này còn giữ được bìa nguyên thủy hồi năm 1920. Cuốn thứ nhì là một cuốn khổ 26x30cm, dày khoảng 500 trang và nặng khoảng 3 kilos, và là một cuốn trong bộ BÁCH KHOA TỰ ĐIỂN của PHÁP QUỐC gồm tổng cộng 20 cuốn, được xuất bản từ 1936 đến 1965, mỗi cuốn nói về một đề tài riêng biệt. Cuốn được giới thiệu này nói về NỀN VĂN MINH CHỮ VIẾT và được chia làm bốn phần: Lịch sử ngành in, Kỹ thuật in ấn, Sách và Báo, và Các loại Thư viện. Sách được minh họa bằng rất nhiều minh họa cực đẹp và khoảng một chục Phụ bản in màu. Các thành viên đã chuyền tay nhau xem hai cuốn sách quý sau khi chúng được giới thiệu. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, anh Phạm Thế Cường đã giới thiệu 2 cuốn sách mới in là các cuốn Hoạt Động Ngoại Giao của người Pháp và Nguyễn Trường Tộ của tác giả Bùi Kha. Trong cuốn Hoạt Động Ngoại Giao của người Pháp, có 9 chương được dành để nói về các tư tưởng canh tân của Nguyễn Trường Tộ. Sau khi anh Cường giới thiệu hai cuốn sách, anh Hữu đã ngâm một bài thơ tặng các thành viên. Tiếp lời anh Hữu, anh Trần Quang đã có một cuộc thuyết trình nhỏ trình bày ý định muốn đầu tư vào khu đất của anh ở Phan Thiết để làm một thứ resort nhỏ, và anh có ý mời các anh em thành viên CLB cùng cộng tác nếu thích. Sau khi anh Trần Quang trình bày, bà Thùy Dương đã có nói qua về một cuốn sách do một Việt kiều dịch mang tựa đề là “Cõi Vô Hình”, và bà đã nói qua về “Cái chết và những gì tiếp sau cái chết” trong gần 20 phút. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ kém 15 cùng ngày. VŨ THƯ HỮU
LẠI THÊM MỘT CUỐN SÁCH KHÔNG PHẢI TÔI “CHƠI” MÀ TÔI ĐÃ LÀM Đây là một cuốn thơ song ngữ Việt – Anh (Tiếng Việt đi trước, tiếng Anh theo sau) mang tựa đề là MIỀN DÂN GIAN MÂY TRẮNG (THE WHITE CLOUD POPULAR AREA) của nhà thơ TRẦN NHUẬN MINH. Cuốn này tôi đã dịch xong từ một năm trước, nhưng bây giờ mới được in thành sách. Cuốn thơ song ngữ Việt – Anh này khổ 15x21cm và dày 152 trang. Nội dung gồm 43 bài thơ rất vui và hóm hỉnh, dân dã. Các đề tài chỉ là những vấn đề, tình huống rất đời thường, rất bình dân. Tôi đã dịch cuốn này một cách thích thú một năm trước đây. Trong công việc dịch thuật, nếu đề tài được người dịch thích thú, thì việc dịch rất dễ dàng, hanh thông. Tôi lúc này hầu như đã thoát khỏi hẳn những tai nạn mà trước kia tôi đã gặp phải vài lần khi làm công việc dịch thuật. Ý tôi muốn nói lúc này các tác giả có sách nhờ dịch ĐÃ RẤT TIN TƯỞNG VÀO VIỆC LÀM CỦA TÔI nên không còn chuyện mang nhờ người khác xem lại bản dịch và… góp ý. Tôi tối kỵ việc đó, nhất là việc mang nhờ một vài anh chị ngoại quốc nào đó xem lại hộ. Vì thiếu tin tưởng vào người dịch các tác giả đã mang bản dịch đi nhờ họ (mấy người ngoại quốc) xem lại hộ. Khi làm việc này các tác giả chả bao giờ biết nghĩ là “có phải anh ngoại quốc nào cũng giỏi văn chương cả đâu?” và hơn nữa, là ngoại quốc, họ làm sao mà hiểu thấu đáo tiếng Việt của chúng ta? Tôi đã đưa lên mạng nhiều trường hợp ngoại quốc hiểu sai và dịch thơ tiếng Việt của mình một cách rất ư là ba lăng nhăng! Còn về việc đưa nhờ các người Việt xem lại và góp ý, thì bản thân tôi đã bị không dưới ba lần trong 16 dịch phẩm của tôi. Khi được đưa để xem và góp ý, vị nào cũng phải cố mà đưa ra một vài góp ý, một đôi khi rất tức cười, như có lần một vị đã muốn gọi anh Trương Chi là “The Trương Chi guy” và thật tội nghiệp cho anh Trương Chi khi anh bị gọi là “guy” có nghĩa là “gã”! Ngoài ra lại có rất nhiều vị góp ý với những từ KHÔNG HỀ CÓ TRONG TIẾNG ANH, thế có sướng không? Trong cả ba lần tôi gặp “nạn tác giả mang bản dịch đi nhờ người khác xem lại hộ” lần nào bản dịch, khi chưa bị nhờ xem lại và góp ý, cũng có thể được ví như một cháu bé xinh xắn, trắng trẻo, nhưng sau khi được xem lại, góp ý, cháu bé đã trở thành đen đủi, xấu xí, mụn nhọt đầy người khiến tôi phải kiên trì đấu tranh mãi mới loại trừ được hết các mụn mạy đó để bản dịch trở lại đẹp đẽ như cũ. Lần này, bản dịch này là dịch phẩm thứ 16(*) của tôi, và tôi sắp làm xong bản dịch thứ 17, có thể sẽ là bản dịch chót của tôi vì, với 17 bản dịch đã được xuất bản và ba bản dịch rất quan trọng và rất ấn tượng khác chưa được in, tôi đã đóng góp được tổng cộng 20 bản dịch từ Việt sang Anh và Pháp, hoặc từ Pháp dịch sang tiếng Anh (3 bản), tôi CẢM THẤY MÌNH ĐÃ ĐÓNG GÓP QUÁ ĐỦ, nên về hưu thôi để đọc cả nghìn cuốn sách tôi yêu thích MÀ CHƯA CÓ THÌ GIỜ ĐỌC… Tập thơ Việt-Anh mới này tôi được tác giả gửi từ Hà Nội vào cho tôi 30 cuốn, và tôi rất vui thích là mình có thể tặng cho những thành viên chính của CLB mỗi vị một cuốn để làm kỷ niệm… Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI VŨ ANH TUẤN (*) Tất cả 16 bản dịch (đã được xuất bản) và 3 bản dịch từ Pháp văn sang Anh văn (chưa xuất bản) đều là THUẦN VIỆT và THUẦN CHỦNG. Thuần Việt vì không có ngoại nhân nào được bén mảng lại gần các bản dịch của tôi, và thuần chủng vì tất cả mọi góp ý, đề nghị, của mọi người mà các tác giả nhờ xem lại, ĐÃ BỊ TÔI GẠT BỎ HẾT, vì quý vị đó đã ai nấy đều SỬA LÀNH THÀNH QUÈ, để rồi tôi đã kiên trì tranh đấu và đã thành công trong việc SỬA QUÈ THÀNH LÀNH, do đó chỉ có tôi đứng đơn độc đằng sau 16 bản dịch đã in và 3 bản chưa in của mình.
TRỜI CHO NHAN SẮC... Trời cho nhan sắc hơn người Chị tôi cùng thủ trưởng tôi, cặp bồ Khi xoắn xuýt, lúc hững hờ Người nhàu váy ngắn, kẻ trơ thân gầy... Chị tôi đi Nhật, đi Tây Muốn cái gì thì cũng được ngay cái gì... Cơ quan cứ thế mà suy Trong thì chán nản, ngoài thì kêu ca...
Cho hay sợi tóc đàn bà Trói trâu trâu chết, kéo nhà nhà xiêu...
GOD MADE HER BEAUTIFUL... God made her beautifuller than other women My elder sister became the mistress of my boss At times clinging to each other, at times indifferent One got her short skirt rumpled, the other one showed his skeleton body... My sister went to Japan, to France Whatever thing she wants, she immediately gets it... The service then continued to decline Inside it, people were disheartened,
outside people were complaining
This shows that a woman's hair When used to bind a buffalo, it would die and when served to pull down a house,
the house would collapse...
NGÀY NÀO EM ĐẸP Ngày nào em đẹp, em dòn Em qua, chó đá cũng còn vẫy tai... Bây giờ em đã nghe ai
Mà môi em mỏng, mà vai em gầy... Ối giời ơi! Đến nỗi này Ăn gì mà bụng mỗi ngày một to...
- Ứ hừ... ai khiến anh lo Lo trâu đen cổ, lo bò trắng răng...
AS LONG AS YOU ARE BEAUTIFUL... As long as you are beautiful and brittle Even the stone dog would still weave his ears when you pass by... Now to whom did you listen To make your lips thin and your shoulder skinny Oh my God! To such a pitch have you reached What did you eat to make your belly greater and greater day after day...
- Pshaw!... who ask you to worry Worrying about buffalos with their black necks, and oxen with their white teeth...
NGƯỜI VIỆT NAM ĐẦU TIÊN BIÊN SOẠN BỘ SÁCH “DI SẢN THẾ GIỚI” Đó là ông Bùi Đẹp, một cán bộ hưu trí hiện ở Tp.HCM. Từ năm 1986-2003, ông đã sưu tầm và biên soạn bộ sách “Di sản thế giới”. Bộ sách gồm 10 tập về châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương và Nam Cực… Tổng số trang của bộ sách là 3.773 trang và 1.775 ảnh (đen trắng), mỗi cuốn trong bộ sách đều khổ 20x15cm. Ngoài ra, từ 10 tập sách trên, người biên soạn và NXB Trẻ đã tuyển chọn thành tập “Di sản chọn lọc” dày 542 trang với 102 ảnh. Tính đến tháng 5 năm 2005, bộ sách “Di sản thế giới” đã in được 41.500 cuốn, 13.910.000 trang. Do đây là công việc cần nguồn tư liệu phong phú và chính xác nên ông Bùi Đẹp đã thu thập nhiều thông tin, hình ảnh từ các báo, tạp chí Người đưa tin UNESCO, Kiến thức Ngày nay… Đồng thời, ông còn gửi thư đến đại sứ quán, lãnh sự quán của các nước đóng trên lãnh thổ Việt Nam nêu rõ mục đích của mình và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía họ. Bằng sự phân chia hợp lý thời gian, thu thập tư liệu một cách nghiêm túc, khoa học, lần đầu tiên bộ sách “Di sản thế giới” được biên soạn tại Việt Nam của tác giả Bùi Đẹp đã hoàn thành. C.T.V. (Theo Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam – Vietbooks) BÀI HỌC VỀ LÒNG KIÊN NHẪN Ấn tượng đóng vào tâm trí tôi sau những lần gặp gỡ ông là lòng kiên nhẫn đến kỳ lạ. Câu chuyện về một ông già 78 tuổi đời, 50 tuổi Đảng, không biết tí gì về Anh văn, vi tính, trình độ học vấn chỉ ở mức lớp 3 trường làng lại kiên trì theo đuổi cho bằng được ý định “làm sách”về các di sản văn hóa thế giới cứ như một giấc mơ. Nhưng rồi giấc mơ ấy cũng thành sự thật khi hiện tại bộ sách đã ra đời và tác giả của nó - ông Bùi Đẹp - được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietbooks đề xuất kỷ lục là người Việt Nam đầu tiên làm được chuyện đó. Từ ẩn ức của chàng trai nghèo mới học hết lớp 3 Ông Bùi Đẹp sinh năm 1928 tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Là con trai duy nhất trong một gia đình có 4 người con, ông Đẹp có cái may mắn không ngờ là được đi học. Nhưng đi học giữa lúc cha mẹ và các em phải chạy giặc, chạy ăn từng bữa là một điều xa xỉ. Cố lắm, cố mãi rồi thì sức lực của cái gia đình bần cố nông ấy cũng kiệt cùng, cha mẹ chỉ có thể cho ông học hết sơ học yếu lược – tương đương lớp 3 trường làng – đủ cho ông biết đọc, biết viết và biết làm vài con tính. Đảng ra đời, cuộc kháng chiến Pháp bùng lên, 18 tuổi, ông Đẹp bỏ nhà theo kháng chiến. Ông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi mới ngoài hai mươi. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc. Sống những ngày hòa bình ở miền Bắc, mơ ước được học bấy lâu vẫn xếp gọn trong lòng nay trở lại đầy câu thúc. Ngày tay súng, tối tay viết, ông không bỏ sót buổi học nào của lớp bổ túc văn hóa. Nhưng miền Nam còn chưa yên tiếng súng, quê hương còn đầy bóng giặc thì mấy ai khư khư giữ cho mình một giấc mộng con con, mấy ai yên cái bụng mà học hành cho tới nơi tới chốn. Chuyện học của ông cứ phập phà phập phù. Nguồn kiến thức duy nhất đến với ông là số sách báo ít ỏi mà hễ có được là ông đọc nghiến ngấu trong cái thời “đất nước mình còn nghèo lắm” ấy. Như người sống ở sa mạc luôn cất giấu trong lòng thứ ẩn ức tuyệt vời về những dòng nước ngọt, ông Đẹp cũng như nhiều thanh niên thời đó vẫn mơ mộng về một ngày đất nước giải phóng, ông sẽ được thả sức học tập, nghiên cứu và có thể viết sách. Chưa bao giờ ông tin tưởng nhiều đến thế. Bài học sinh động về lòng kiên nhẫn Chờ mong mãi cuối cùng ngày tự do cũng đến. Nhưng công việc ở Viện Khoa học hình sự cứ cuốn ông đi cho mãi đến năm 1986 được “rửa tay gác kiếm”, ông Đẹp mới bắt đầu thực hiện ý định viết lách của mình. Vốn mê du lịch, ông nhất định phải làm sách về danh lam thắng cảnh. Bây giờ nghĩ lại, ông mới giật mình: Sao ngày đó ông liều đến thế. Ngoại ngữ không, vi tính không, chụp ảnh không, tiền bạc không, kiến thức thì gần như không, thế mà đòi làm sách về mấy trăm di sản văn hóa ở khắp năm châu bốn bể! Người ta làm sách thì học hàm học vị rần rần, kiến thức uyên thâm, cộng sự, phụ tá đắc lực kề bên. Còn ông chỉ có vốn liếng “năm không” cộng với lòng quyết tâm bước vào cuộc hành trình thăm thẳm gần hai chục năm trời như mò kim đáy biển để thu thập tư liệu thai nghén bộ sách. Suốt từ năm 1986 cho tới năm 2003, ông kiên trì lục tìm tư liệu từ rất nhiều nguồn: sách, báo, tạp chí, tờ tin trong và ngoài nước, Internet, bảo tàng văn hóa, gửi thư đến các đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam xin tài liệu… Mỗi bài báo, mỗi mẩu tin là một mảnh ghép mà ông là người đang chơi trò chơi ghép hình dài ngày với khát vọng tạo nên bức tranh hoàn chỉnh hay ít ra cũng là bức phác họa chi tiết về những di sản văn hóa trên khắp thế giới. Ông rủ rỉ nói: “Khó khăn nhất là cái khoản dịch thuật. Các đại sứ quán họ nhiệt tình lắm nhưng tài liệu gửi sang toàn là tiếng nước ngoài: nào tiếng Anh, tiếng Pháp, Đức, Ấn Độ, Malaysia, tiếng Lào… mình nghe họ nói cứ như vịt nghe sấm. Nhưng chả lẽ bó tay. Thế là phải nài nỉ mấy anh giáo viên ở Trường Nguyễn Thái Bình gần nhà dịch hộ. Nhưng chỉ dám đưa sang chừng vài trang một thôi, lấy về trang này lại đưa tiếp trang khác, nơm nớp sợ họ “ngán”, họ “nản”, họ “bỏ cuộc”. Xong được phần dịch, ông lại phải “đối phó” với rào cản vi tính và Internet. Thằng con trai, đứa con gái của ông sành sỏi lắm, lướt mạng cứ nhanh nhoay nhoáy, gõ vi tính nghe rào rào. Nhưng chúng nó còn mải học, mải chơi, chả đứa nào để ý đến công việc của bố. Vậy là ông mò mẫm học một mình. Thời gian đầu thấy ông cứ tồng tộc đạp xe đi rồi về, bà nghi lắm. Có lần bà thấy ông tần ngần dựng xe trước hiệu Internet nữa chứ. Thôi chết, từng này tuổi rồi, hay là ông lại sinh tật hẹn hò chát chít như bọn trẻ bây giờ thì khốn! Nhưng rồi bà cũng yên tâm bởi lần nào từ trong “dịch vụ” ra ông đều khệ nệ mang theo bao nhiêu là giấy tờ chi chít, nhằng nhịt những chữ, tiếng Việt có, tiếng Tây có. Ông già gần 80 tuổi đã biết lên mạng, biết “online” rồi! Lo được phần nội dung thì nào đã xong chuyện. Ông lại tính đến phần hình ảnh. Ông nghĩ đơn giản như vầy: “Mình dắt người ta đi khắp thế giới chỉ với cuốn sách trên tay bằng “tư duy trừu tượng” mà không có “trực quan sinh động” thì chán bỏ xừ. Phải tìm được một thợ chụp hình thật “máu me” du lịch cùng đồng hành mới được”. Nhiếp ảnh gia Minh Đức, một ông già cũng vào hàng thất thập cổ lai hy được “huy động” vào dự án của ông. Đôi bạn già ấy đã đèo nhau rong ruổi khắp các bảo tàng, thư viện, đại sứ quán, hiệu sách cũ để chụp lại ảnh. Hàng trăm bức ảnh trong bộ sách đã được ra đời như thế. Để có tiền nuôi dưỡng kế hoạch dài ngày, ông cặm cụi viết hơn 300 bài cộng tác khắp báo lớn báo nhỏ từ trung ương đến địa phương, cần mẫn đến mức tờ tin quận 11 phải cấp cho ông cái giấy công nhận “Thành tích tích cực tham gia công tác tuyên truyền”. Kiến tha lâu cũng có ngày đầy tổ, vừa tìm, vừa tổng hợp, vừa viết, cuối cùng bộ sách “Di sản văn hóa thế giới” gồm 10 tập về tất cả những di sản văn hóa ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Đại Dương, châu Nam Cực đã ra đời. Cái ngày ấy với ông trọng đại lắm. Ông tỉ mẩn tính luôn cả những lần tái bản thì đã có 13.910.000 trang sách ông viết đến tay bạn đọc. Hôm tôi vào “đại náo” kho tư liệu của ông thì phát hiện ra chồng bản thảo viết tay của ông đã cao hơn 1 mét. Đã 19 năm, tính chi li ra là xấp xỉ 6.935 ngày nhà nước cho ông về nhà nghỉ dưỡng. Nói ra thì thật khó tin nhưng suốt gần 7.000 ngày đó, ông chỉ chịu nghỉ vẻn vẹn có 20 ngày vì cái “món” tai biến mà dường như tuổi già nào cũng phải nếm qua. Nằm được vài ngày ông lén bà trèo lên yên con ngựa sắt, mới khua được mấy vòng thì té sấp té ngửa. Xe cấp cứu hụ còi inh ỏi chở ông vào viện. Bác sĩ chẩn đoán ông bị nứt xương hông. Cũng may mà đầu óc không việc gì. Hôm tôi đến nhà, ông nhất định lần tường lê bước chân cà nhắc dẫn tôi thăm phòng sách. Ông cười lắc rắc tiết lộ một kế hoạch rất chi tiết về 2 quyển tiếp theo của bộ sách mà ông sẽ gấp rút hoàn thành trong năm nay để bổ sung thêm hơn 200 di sản văn hóa thế giới vừa được UNESCO công nhận. Ngoài ra, ông còn muốn làm một quyển tự điển về danh lam thắng cảnh thế giới nữa. Lúc về, tôi rỉ tai hỏi bà xem có bao giờ bà thử “thanh tra” số tài khoản ông kiếm được từ viết lách không. Bà lắc đầu: “Ông ấy chả giữ lại được một xu nào đâu. Lại đổ vào sách báo, tranh ảnh hết”. Sức lực của người cựu chiến binh từng nhận Huân chương Chiến công chống Mỹ hạng 2, Huân chương Chiến công hạng 1 ấy bền bỉ đến kỳ lạ. Và lý do mà ông đưa ra để giải thích cho sự kiên trì hiếm thấy của mình chỉ là: “Già rồi, nếu không có niềm đam mê nào, quanh quẩn mãi trong nhà có nước mà… tự tử, phải làm chút gì đó để lại dấu ấn cho con cháu, cho cuộc đời này”. ĐOÀN MAI HƯƠNG Kỷ niệm 626 năm ngày sinh của Lê Lợi Mười năm kháng chiến thắng lợi lật đổ ách thống trị của nhà Minh (1418-1428) Theo “Sổ tay Báo cáo viên năm 2005”, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về việc kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm, ngoài hướng dẫn tổ chức những ngày kỷ niệm trọng thể những sự kiện lịch sử trọng đại từ sau cách mạng tháng tám 1945 tới nay còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các ngày kỷ niệm các anh hùng dân tộc để qua đó “làm cho nhân dân ta thêm tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, về các giá trị cao đẹp của nền văn hiến Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử, về tính thống nhất dân tộc trong các cộng đồng dân tộc Việt Nam, về chính sách đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, trên cơ sở đó củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc” (trang 8). Trong tháng 9 hàng năm, có kỷ niệm ngày sinh của Lê Lợi (10/9/1385) tức vua Lê Thái Tổ là vì vua đầu tiên của triều đình phong kiến nhà Lê (tức Hậu Lê) sau nhà Trần và nhà Hồ, kéo dài đúng 100 năm (1428-1527), người đã có công chuẩn bị và vận động nhân dân, được Nguyễn Trãi giúp sức, đã phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn (tỉnh Thanh Hóa), được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng chuyển thành chiến tranh giải phóng dân tộc. Cuộc kháng chiến vĩ đại này kéo dài 10 năm (1418-1428) và kết thúc thắng lợi, lật đổ ách thống trị của nhà Minh (Trung Quốc ngày nay). (Sđd trang 66). Đọc lại lịch sử giữ nước của dân tộc, chúng ta rất tự hào về cuộc khởi nghĩa và kháng chiến của Bình Định Vương Lê Lợi – anh hùng áo vải đất Lam Sơn kéo dài 10 năm đầy hy sinh, gian khổ với sự tham gia của nhiều anh hùng, lực lượng dân quân và nhân dân trong cả nước đang nằm dưới ách đô hộ của nhà Minh 13 năm (1414-1427). Cuộc kháng chiến này không thua gì cuộc toàn quốc kháng chiến 9 năm của nhân dân do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo chống thực dân Pháp đã xâm chiếm và đô hộ nước ta trên 80 năm (1859-1945) và tiếp theo sau đó là 20 năm chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam (1955-1975). Chính sách nô dịch của Pháp lẫn Mỹ đều không khác với việc cai trị của nhà Minh thời ấy. Nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết trong Việt Nam sử lược: “Đến tháng 8 năm Giáp Ngọ (1414) Trương Phụ và Mộc Thanh về Tàu (sau khi đánh chiếm nước ta và đặt xong bộ máy cai trị), đem những đàn bà con gái về rất nhiều. Bọn Hoàng Phúc ở lại sửa sang các việc trong nước để cho người An Nam (tức Việt Nam) đồng hóa với người Tàu, lập ra đền miếu, bắt người mình cúng tế theo tục bên Tàu, rồi từ cách ăn mặc cho tới sự học hành đều bắt theo như người Tàu cả. Còn cái gì là di tích của nước mình như là sách vở, thì thu nhặt đem về Tàu hết sạch. Lại đặt ra thuế lệ, bổ thêm sưu dịch để lấy tiền của, làm cho dân ta bấy giờ phải nhiều điều khổ nhục”. Việc xâm chiếm, cai trị nước ta của triều đình nhà Minh còn nhằm mục đích vơ vét của cải bằng nhiều hình thức, như “Phàm chỗ nào có mỏ vàng mỏ bạc thì đặt quan ra để đốc dân phu đi khai mỏ. Những chỗ rừng núi thì bắt dân đi tìm ngà voi, sừng tê; ở chỗ gần bể thì bắt dân phải đi mò ngọc trai. Còn những thổ sản như hồ tiêu, hương liệu cũng bắt cống nộp. Đến những hươu, voi, rùa, chim, vượn, rắn, cái gì cũng vơ vét đem về Tàu”. (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, NXB VH-TT 1999, trang 217). Nhận xét về mối quan hệ triều đình phương Bắc đối với triều đình phong kiến nhà Trần, nhà Hồ khi sang xâm chiếm nước ta, tác giả Việt Nam sử lược đã chép: “Nhà Minh không phải có yêu gì nhà Trần mà sang đánh nhà Hồ, chẳng qua là nhân lấy cớ nhà Trần mất ngôi mà đem quân sang lấy nước Nam. Một ngày gì nữa mà còn lạ cái lòng hùm beo của người Tàu, thế mà hễ khi nào trong nước có biến loạn, lại chạy sang van lạy để rước chúng sang. Khác nào đi rước voi về giày mồ vậy. Sử gia họ Trần còn bình phẩm: “Dẫu người Tàu có lòng vị nghĩa mà sang giúp mình nữa thì nghĩ cũng chẳng vẻ vang gì cái việc đi nhờ người ta, huống chi kỳ thực thì lúc nào chúng cũng chực đánh lừa mình, như đánh lừa trẻ con, để bóp cổ mình, thế mà mình vẫn không biết cái dại, là tại làm sao?” (Sđd trang 200). Bình Định Vương Lê Lợi sau khi đánh thắng ngoại xâm đã sai Nguyễn Trãi làm tờ báo cáo cho thiên hạ biết. Đó là bản văn “Bình Ngô đại cáo” mà các nhà nghiên cứu sử ngày nay cho đó là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta. “Kháng chiến thắng lợi, dân tộc ta đã vượt qua một thử thách ác liệt, Bình ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của dân tộc ra đời sau cơn thử thách đó”. (Lịch sử Việt Nam tập II, NXB KH-XH Hà Nội 1971, trang 258). Bản Tuyên ngôn độc lập thứ nhất là bài thơ trên sông Như Nguyệt được tướng Lý Thường Kiệt ngâm đọc vào lúc nửa đêm để động viên tinh thần đánh giặc Tống của ba quân tướng sĩ đang lúc hoảng loạn, ngã lòng. Còn bản Tuyên ngôn độc lập thứ ba chính là bản tuyên ngôn được Bác Hồ đọc tại cuộc mít tinh ra mắt Chính phủ lâm thời trong ngày Quốc khánh đầu tiên 2/9/1945. Đánh giá về cuộc khởi nghĩa kháng chiến chống ngoại xâm nhà Minh của Bình Định Vương Lê Lợi, Lịch sử Việt Nam tập II nói trên đã viết: “Sau mười năm chiến đấu bền bỉ, gian khổ và ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến là đã quật ngã ách thống trị của nước ngoài, đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Minh – một quốc gia phong kiến hùng cường trên thế giới lúc bấy giờ. Đất nước được giải phóng và nền độc lập dân tộc nhờ đó được bảo đảm trong gần bốn thế kỷ (đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII) không bị nạn ngoại xâm của phong kiến phương Bắc đe dọa (trang 254). Nhà thơ Nguyễn Trung Ngạn thời ấy đã nhận xét tinh thần quân sĩ của triều đình phương Bắc như sau: “Lính già từng trải mùi chinh chiến Nghe nói Nam chinh ủ mặt mày”. Vương Liêm
Phụ bản I LƯỢC SỬ TRUYỆN TRANH Từ ngàn xưa, con người luôn luôn có nhu cầu kể truyện bằng hình ảnh. Mười ba ngàn năm trước công nguyên, vào thời đại Macdalen, đã có một số tổ tiên người Pháp khắc vào thành hang động ở Lascaux thuộc vùng Dordogne (Tây-Nam nước Pháp) những hình ảnh cuộc chiến đấu thường nhật của họ chống lại thú dữ. Mười ngàn năm sau đó, người Ai Cập đã phủ đầy hình vẽ và những chữ tương hình lên trên tất cả những bức tường ở các lăng mộ đền đài của các vị vua của họ. Năm 1077 sau công nguyên, hoàng hậu Mathilde nước Anh đã thêu vào một băng vải dài 70 mét 34 phân và cao 50 phân tất cả các chiến tích của phu quân của bà là vua Guillaume Đệ Nhất. TRUYỆN TRANH Ở PHÁP VÀ Ở THỤY SĨ Trong thời cận đại và hiện đại, ở Pháp và ở Thụy Sĩ, các tên tuổi sau đây được coi là những thủy tổ của truyện tranh: ở Thụy Sĩ có Rodolphe Topffer (1799-1846), họa sĩ và nhà văn người Thụy Sĩ, cha đẻ của nhân vật Jabot trong truyện tranh “Histoire de M.Jabot” (Truyện ông Jabot) xuất bản năm 1833. ở Pháp thì có họa sĩ CARAN D’ACHE (1859-1909) – ông này là người Pháp sinh ở Moskva, tên thật là EMMANUEL POIRE. Bút hiệu Caran D’Ache của ông được đặt theo chữ Kanrandash có nghĩa là “bút chì” trong tiếng Nga. Ông này nổi tiếng về những bức họa chống bọn theo phe ủng hộ Dreyfus. Cùng thời với ông này có họa sĩ CHRISTOPHE (1856-1945), tên thật là Georges COLOMB – ông này là Phó Giám Đốc một Phòng Thí Nghiệm về Thực Vật Học của Đại Học Sorbonne và là cha đẻ của các nhân vật truyện tranh như chú lính công binh Camember, nhà bác học Cosinus, và gia đình Fenouillard mà ông đã tưởng tượng ra để mua vui cho các con trẻ. Ông ký bút hiệu là CHRISTOPHE vì tên ông cộng với Christophe thì thành Christophe… Colomb! Nhân vật thứ ba được coi như một trong những người đi tiên phong về mặt truyện tranh là BENJAMIN RABIER (1864-1939), ông này là cha đẻ của chú vịt GEDEON, một chú vịt Pháp không thua kém gì chú vịt Mỹ DONALD. TRUYỆN TRANH Ở BỈ Lịch sử truyện tranh ở Bỉ, và có thể nói ở trên toàn thế giới, không thể không nhắc tới họa sĩ HERGÉ, tên thật là Georges Rémi (1907-1983) là cha đẻ của nhân vật TIN TIN, chàng phóng viên trẻ tuổi và chó MILOU danh tiếng. Năm 1927, Hergé làm việc cho tờ báo hàng ngày ở Bỉ tên là tờ “Thế Kỷ 20”. Ban Biên tập đã có ý kiến hay là giao cho nhà họa sĩ một trang báo phụ, dành cho thanh thiếu niên – một trang báo lớn, khi gấp lại thì thành 8 trang nhỏ gọi là tờ “Tiểu Thế Kỷ 20”. Số đầu tiên ra ngày 1 tháng 11, 1928. Tới số 11, ra ngày 10 tháng Giêng 1929, HERGÉ bắt đầu cho đăng truyện tranh TIN TIN Ở LIÊN XÔ. Kể từ đó chàng phóng viên trẻ tuổi TIN TIN không hề có được một giờ phút nghỉ ngơi. Chàng ta sang Congo (1930), sang Châu Mỹ (1931) và sang phương Đông (1932) trong truyện tranh LES CIGARES DU PHARAON (Những điếu xì gà của vua Ai Cập). Năm 1934, Tin Tin sang Viễn Đông trong tác phẩm Le Lotus Bleu (Bóng Sen Xanh), sang Nam Mỹ với tác phẩm L’Oreille cassée (Tai sứt) năm 1935, và sang Anh Quốc và Tô Cách Lan năm 1937 trong tác phẩm L’Ile Noire (Đảo đen). Chàng phóng viên trẻ tuổi của chúng ta còn đi tới một vương quốc tưởng tượng là vương quốc Syldavie trong tác phẩm Le Sceptre D’Ottokar (Vương trượng của Ottokar) vào năm 1938. tác phẩm L’Or Noir (Vàng đen) đưa Tin Tin tới các tiểu vương quốc Ả Rập; tác phẩm này ra được tới trang (khổ lớn) thứ 56 thì bị đứt quãng vì báo Thế Kỷ 20 đình bản vào ngày 8 tháng Năm, 1940 khi quân Đức Quốc Xã tràn vào Bỉ. Các độc giả phải chờ đợi tám năm sau, ngày 28 tháng 10, 1948 mới được đọc đoạn tiếp theo, nhưng lần này được in trong tờ tuần báo Tin Tin. TRUYỆN TRANH Ở NƯỚC TA Thời tiền chiến (trước năm 1945), ở nước ta không có truyện tranh được in thành tờ báo hoặc thành quyển riêng mà chỉ có những truyện tranh in trong một vài tờ báo như Cậu Ấm Cô Chiêu (của Thái Phỉ) với các nhân vật Vá, Vếu, Học Sinh (của Phạm Cao Củng) với các nhân vật Típ Tốp vv… đăng làm nhiều kỳ, mỗi kỳ vài trang. Những truyện tranh này rất hay và đầy tính giáo dục, cũng như đầy tình người quả là rất đáng quý và đã thực sự làm say mê kẻ đang viết mấy dòng này. Kể từ những năm cuối thập niên 80, truyện tranh bắt đầu xuất hiện ê hề ở nước ta, nhưng số truyện tranh do họa sĩ của chúng ta vẽ và các tác giả Việt Nam viết thì rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay, còn các loại truyện tranh của Nhật, của Pháp, của Mỹ thì có tới không dưới vài chục thứ, với những đường nét cách điệu, méo mó, trông chẳng giống ai và phần lớn nhằm cổ võ bạo lực cùng những tính chất hung ác. Gần đây có nguyên một loạt của Nhật nhan đề là “Thám Tử Conan” mấy chục cuốn toàn dậy chuyện giết người, mỗi cuốn có nhiều truyện ở trong và trong mỗi truyện đều có ít nhất là vài ba vụ giết người, đủ kiểu, đủ loại, xem xong người lớn cũng thấy sợ nữa chứ đừng nói con nít. Rồi mới đây nhất lại còn có loại ma quái, bị đưa lên báo và hình như đã bị ngưng không cho lưu hành nữa. Nhưng bây giờ, thì ôi thôi, lại vũ như cẩn và nhiều gấp bội nữa. Kẻ viết bài này trong thời niên thiếu đã từng được đọc rất nhiều truyện tranh ở miền Nam (trong những thập niên 50 và 60) vẽ rất đẹp, và đưa ra toàn những cốt truyện đáng quý, giúp cho các thanh thiếu niên đọc chúng trau giồi được nhân cách, tự luyện cho mình tính dũng cảm, lòng nghiã hiệp. Cho tới nay, tuy đã ở tuổi 25 tới lần thứ ba, nhưng vẫn chưa thể quên được những truyện tranh tuyệt vời đó. Ước mong rằng trong tương lai con cháu chúng ta sẽ được đọc những loại truyện tranh tương tự đó, không còn phải đọc những loại truyện tranh vẽ xấu, kể tuyền những truyện bạo lực giết chóc… ĐỖ THIÊN THƯ
Đại tá Nhà Báo Nguyễn Trần Thiết và tác phẩm:
Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn
Phạm Thế Cường Tôi đến thăm Đại tá nhà văn Nguyễn Trần Thiết vào sáng Chủ Nhật 22/5/2011, trong ông vẫn còn sự háo hức, hân hoan dù tác phẩm đã được phát hành hơn một tháng. Sau khi hai chú cháu ngồi xuống Ông nói. - Cháu uống với chú một lon bia nhé. Biết ông muốn được uống mừng với những ai đến chung vui với ông khi tác phẩm “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” ra mắt bạn đọc sau bao khó khăn vất vả, tôi cũng biết ông đã từng bị đột qụy nên việc uống bia rượu đối với ông không hề đơn giản. Nhưng muốn chung vui với ông tôi đồng ý, vậy là hai chú cháu lặng im nhấm nháp như để cho bia thấm dần vào huyết quản nhưng thực tế là ông đang tận hưởng niềm vui lớn của mình. Sau một hồi ông nói tiếp. - Vậy là sau 3 năm chờ đợi, nhiều thư qua lại, nhiều văn bản trên xuống, dưới lên, cuối cùng tác phẩm viết trong hơn 30 năm, hút cạn cả sinh lực của tôi nay đã ra mắt bạn đọc cả nước. Lại một ngụm bia nhấm nháp, ông trầm ngâm nói tiếp: - Cháu ạ! Nhiều lúc tôi cứ tưởng mình không thể sống đến lúc nhìn thấy tác phẩm được in. Đúng vậy, ngày 20/6/2010 ông đã phải viết một lá thư gửi ông NTK với tựa đề “Tôi gần kiệt sức rồi”, phàn này về việc những khó khăn trong việc xuất bản “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn”. Ông đứng lên lấy cuốn “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” trong tủ kính đặt ở phòng khách cùng với cây bút chậm rãi ngồi xuống và viết lời tặng cho tôi. “Chú rất tâm đắc có độc giả nhiệt tình như Phạm Thế Cường” Sau khi đưa cuốn sách cho tôi, ông nói với tôi một câu rất tưng tửng: - Cường ăn với tôi một bắp ngô nhé Ông nói vợ mang ngô tới, không khách sáo tôi cầm một bắp cùng ăn với ông. Nhìn ông ăn tôi thấy ông như trở về tuổi thanh niên, ông ăn nhanh, nhồm nhoàm loáng một tí hết cái bắp. Tôi cũng vui cho ông, vì thấy ông còn ăn được, như vậy ông còn sống lâu để lắng nghe dư luận về tác phẩm của mình và biết đâu ông lại cho ra mắt độc giả một tác phẩm mới về một chiến sĩ tình báo mà chưa một nhà văn nào viết tới. Dù vẫn còn yếu, lúc chia tay ông vẫn tiễn tôi ra tận cổng và ông còn nói với tôi một giọng rất chân tình nhưng cũng rất toại nguyện pha chút sự luyến tiếc cõi trần của người đã bước vào cái tuổi cổ lai hy: - Bây giờ chú có thể yên tâm nhắm mắt được rồi. Tôi cười và nói vui với ông: - Cụ Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi chờ chú chắc còn lâu lắm đấy. Các cụ nhắn khi xuống chú nhớ mang ngô xuống cho các cụ. Ông cười lớn, nói: - Ừ, mong được vậy! Đôi nét về Đại tá nhà báo Nguyễn Trần Thiết và tác phẩm Cuốn Tiểu thuyết - ký sự “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” của Nhà văn, Nhà báo, Đại tá Nguyễn Trần Thiết do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin ấn hành đầu năm nay 2011. Nhà văn, Nhà báo, Đại tá Nguyễn Trần Thiết năm nay 82 tuổi. Ông là một sĩ quan quân đội từ lúc nhập ngũ (1949) cho đến khi về hưu (1989). Ông ham mê làm việc, đi và viết. Không qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ nhưng nhờ vốn thông minh sẵn có lại cần cù, chịu khó, có mặt ở những mặt trận, thời khắc lịch sử như Điện Biên Phủ (1954), Đường 9 - Nam Lào (1971), trong Phái đoàn Liên hợp quân sự 4 bên, hai lần ở trại Đa - vít (1973 và 1975), trong chiến dịch Hồ Chí Minh, chứng kiến chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng ngày 30/4/1975, là người đầu tiên hỏi cung Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu vv… nên ông có vốn sống rất phong phú, giàu tư liệu để xây dựng tác phẩm. Năm 2000, ông bị một trận tai biến mạch máu não, đột qụy, phải cấp cứu và điều trị ở Viện Trung ương Quân đội 108 dài ngày. Ai cũng tưởng ông “mất sức chiến đấu” vào lúc tác phẩm viết về Dương Văn Minh còn dang dở. Nhưng như ông nói “Tác phẩm lớn nhất của đời ông chưa hoàn thành nên ông không thể chết được.” Hiện nay, di chứng vụ tai biến vẫn còn ảnh hưởng nên tay ông run run, giọng nói khó khăn hơn trước, phát âm như người nói ngọng. Trong sự nghiệp gần 60 năm làm báo, viết văn, ông đã có 97 đầu sách được in. Một số tác phẩm được chuyển thể thành kịch bản điện ảnh, dựng phim phát sóng nhiều tập. Tiểu thuyết - ký sự “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” là tác phẩm Nguyễn Trần Thiết ấp ủ, thực hiện từ năm 1980. Cùng với việc khai thác tài liệu để viết về tướng tình báo Nguyễn Hữu Hạnh trong tác phẩm “Viên chuẩn tướng”, “Ông tướng tình báo và hai bà vợ”, tác giả đã liên hệ với các vị lãnh đạo cấp cao như ông Võ Văn Kiệt để xin ý kiến, dày công làm việc với các đồng chí cựu cán bộ Ban Binh vận, Cục Địch vận (Tổng cục Chính trị) vv… nhằm khai thác tài liệu, vừa viết vừa củng cố tư liệu. Tác phẩm được nung nấu, nghiền ngẫm và viết 30 năm trời với mong muốn phác thảo chân dung một nhân vật cấp cao phía bên kia chiến tuyến, cũng là nhân vật chính trong tác phẩm. Qua đó, bạn đọc hiểu thêm về Dương Văn Minh, trong thái độ, hành động vào thời khắc lịch sử làm Tổng thống trong 48 giờ của chế độ Việt Nam Cộng Hoà. Cũng qua tác phẩm, người đọc hiểu hơn về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ vĩ đại của dân tộc ta. Dưới ngòi bút chân thực của Nguyễn Trần Thiết, tướng Dương Văn Minh được phác thảo tính cách của một nho sĩ, viên tướng được đào tạo và trưởng thành từ dưới thời Pháp. Về chính trị, ông ta đề cao chủ nghĩa dân tộc, hoạt động theo xu hướng trung lập, khéo léo sử dụng các thủ đoạn mềm dẻo để giành quyền lực trong nội bộ ngụy quyền; về quân sự thì chủ trương dùng thanh thế chế áp tinh thần hơn là dùng bạo lực vũ trang, ông không đồng tình với việc lập ấp chiến lược, dùng biệt kích quấy rối miền Bắc, thả bom phá vỡ đê, mở rộng chiến tranh ra miền Bắc vv… Dương Văn Minh có lối sống lành mạnh, thuỷ chung với gia đình, tình nghĩa với bạn hữu, trọng lễ tiết, trọng danh dự… Trong những ngày cuối cùng trước sức tiến công “thần tốc”, “táo bạo” của quân và dân ta vào giải phóng Sài Gòn, trong tình thế bế tắc, hoảng loạn của bộ máy đầu não và quân ngụy, Dương Văn Minh tỏ ra muốn hợp tác, hoà giải, cuối cùng phải tuyên bố đầu hàng, kêu gọi quân đội ngụy hạ vũ khí, nhanh chóng giải giáp vô điều kiện, ngăn ngừa được một trận chiến đẫm máu ở Sài Gòn và Nam bộ… “Dương Văn Minh - Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn”, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức hội thảo, tác phẩm qua tay tới 5 nhà xuất bản, ở đâu cũng dè dặt, thận trọng cho nên cuối cùng NXB VHTT mới đồng ý in và phát hành. Khi tác phẩm được phát hành, Nguyễn Trần Thiết đã thốt lên: “Hạnh phúc quá! Vui sướng tột cùng, bây giờ tôi có thể gác bút được rồi”. Ông viết thư gửi bạn bè, người thân: “Là người cầm bút, tôi rất vui vì tác phẩm Dương Văn Minh… được in phát hành số lượng lớn. Tôi hoàn toàn khách quan, vô tư, không có bất cứ lý do gì buộc tôi uốn cong ngòi bút, viết sai sự thật. Tôi đã thành công sau 31 năm chờ đợi”. TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT (Tiếp theo) * Để biện giải và chứng minh vì sao “Thiền tự nhận là trao truyền cốt tủy của Phật Giáo – Tâm ấn – thay vì những tín vật – hình tướng- như đã được chép giữ lại bằng văn tự, cần tước bỏ những cái rườm rà đắp thêm vào và bọc kín chân tinh thần Phật giáo làm cho cái sanh lực nguyên thủy của nó bị che mất, và khiến người ta nhận lầm cái phụ làm cái chánh”. (45 Q.Thượng). Lý lẽ thì nghe rất kêu, nhưng chỉ có một phần đúng, là người tu Phật nếu thiếu THIỀN ĐỊNH thì không sinh được Trí Huệ. Chính cái Trí Huệ sẽ là ngọn đuốc để soi đường để người tu có thể tránh được nhầm lẫn hầu đi đến đích, để cho rằng vì sao THIỀN TÔNG được thừa nhận như một thành phần tất yếu. Nhưng đâu phải vì thế mà “cần phải tước bỏ những tín vật, hình tướng như đã được chép, giữ lại bằng văn tự”, cho rằng đó là “những cái rườm rà đắp thêm vào và bọc kín chân tinh thần Phật Giáo?” Những thứ đã được chép, giữ lại bằng văn tự mà Ngài cho là rườm rà đó chính là KINH, là những quyển sách ghi chép những gì Đức Phật giảng dạy cho chư đệ tử từ lúc vừa giác ngộ cho đến cuối đời, về cách thức tu hành. Từ phát tâm, cho đến cách quán, soi, cách thức để kiểm chứng kết quả hành trì vv... mà các Đại Đệ Tử gom lại sau khi Phật Nhập diệt. Kinh điển được Đạo Phật xem là la bàn, là bản đồ để chỉ con Đường tu Phật. Người tu không nương theo, không dò từng bước trong đó thì biết mình đang ở nơi nào trong Phật Đạo? Đang tiến bộ hay đã lạc ra ngoài từ bao giờ rồi? Phật ngôn có câu: “Ly Kinh Nhất tự đồng ma thuyết”. Có nghĩa là chỉ cần rời Kinh một chữ thôi là cũng như ma thuyết giảng, huống là còn đề xuất chê, bỏ Kinh! Pháp Bảo Đàn Kinh, trang 136, Lục Tổ dạy: “Chúng người phải biết, tự mình mê còn dung được, sao dám chê bai Kinh Phật? Chẳng nên chê Kinh mà phải mang tội chướng vô cùng”! * Các Thiền Sư xem nhẹ Kinh, chỉ cổ súy việc “Truyền Tâm Ấn” thôi. Vậy thì cái Tâm Ấn đó nếu thiếu văn tự trong Kinh sách để đối chiếu thì thì ai biết nó là cái gì? Có đúng theo tinh thần Đạo Phật hay không? Hay do ai bịa ra? Cách truyền như thế là đúng hay sai? Và truyền tới, truyền lui mà không có văn tự ghi lại để làm bằng và có cơ sở mà kiểm chứng cho rõ ràng thì liệu có “tam sao thất bổn”? * Việc “Truyền Tâm Ấn” của Đạo Phật có nghĩa là người thầy đã Thấy được cái Bổn Thể Tâm, hướng dẫn lại cho đệ tử cách thức hành trì, để người đệ tử cũng Thấy được cái Bổn Thể Tâm của chính họ. Vì thế nên gọi là “Dùng Tâm Ấn Tâm”. Cách truyền của nhà Thiền, đúng ra phải nói là “dùng Công Án, ấn Công Án” mới đúng, vì vị Thầy trong Tu Thiền đâu có bao giờ giảng dạy về cái Chân Tâm? Đâu có kêu đệ tử tìm Tâm? Chỉ kêu đệ tử “Tham Công Án” thôi. Giải được Công án thì cho là Chứng Đắc. Do vậy, theo tôi, nhà Thiền dùng từ Truyền Tâm Ấn là hoàn toàn không đúng với thực tế và vay mượn của bên Phật gia. * Thiền Sư Suzuki cho rằng: “Thật không gì lầm, hơn là nghĩ rằng những mối đạo lớn trong thế gian nầy, do các đấng giáo chủ trao truyền cho hậu thế, là một cái gì đã được tâm luyện đến mức tinh vi nên hàng đệ tử chẳng phải làm gì hơn là nhận lấy cả hai: giáo chủ và giáo lý như một di sản thiêng liêng, một kho tàng không nên để cho bất cứ công phu chứng nghiệm cá nhân nào xâm phạm vào. Vì nghĩ vậy tức không đếm xỉa đến công phu tu chứng của mỗi người chúng ta”. (47 Q.Thượng). Điều này thì Ngài nói đúng. Giáo pháp của Phật không phải là chiếc bánh đã làm sẵn, đệ tử chỉ việc cho vào miệng rồi nuốt, mà là để chỉ cách thức hành trì, rồi do công phu của mỗi người sẽ tự đạt lấy cho bản thân. Nếu dùng một thí dụ hết sức cụ thể thì Đức Thích Ca chỉ để lại một công thức là: GIỚI - ĐỊNH - HUỆ, BÁT CHÁNH ĐẠO… để tẩy chất nhơ đã bám vào Tâm của mỗi chúng ta từ vô lượng kiếp. Mỗi người phải tự hành trì để tẩy rửa cho mình. Tùy theo nó dơ nhiều hay ít. Tùy theo sự siêng năng tẩy rửa mà Cái Tâm của mỗi người sẽ sạch trong thời gian lâu hay mau. Nói cách khác là mỗi người phải tự PHÁ VÔ MINH. Phật đâu có phá giùm cho ai, hay nhờ ai phá giùm được? Ngay cả Kinh có dạy cách thức để phá Vô Minh, nhưng người đọc mà không trực tiếp Hành thì Vô Minh đâu có tự biến mất? Do đó đâu thể nói là Đạo Phật “không đếm xỉa đến công phu tu chứng” của mỗi người chúng ta. Đạo Phật dạy TƯ TU, TỰ ĐỘ, đó chẳng phải là nói về công phu tự tu chứng sao? Kinh nói một cách, nhưng Ngài lại luận ra cách khác, nhằm tôn vinh pháp môn Tu Thiền. * Ngài khen ngợi một đạo tâm siêu đẳng của Nhật, (Sư Thân Loan, đệ tử của Sư Pháp Nhiên) vì ông này thú nhận: “Tôi không cần biết sau này tôi xuống địa ngục hay nơi nào khác, nhưng vì sư phụ tôi dạy tôi niệm hồng danh Phật thì tôi cứ theo đó mà vận hành” (tr.49 Q.Thượng). Lời nói đó chứng tỏ vị Sư này không có đọc Kinh nên không thấy lời dặn dò của Phật trong Kinh Đại bát Niết Bàn: “Ngay đối với lời nói của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ thì cũng không nên thọ tri”. Vì cứ nhắm mắt tin Thầy thì không phải là thái độ của một người có Trí Huệ! Trong kinh có ghi rõ ba điều kiện tất yếu cho người tu Phật là GIỚI - ĐỊNH - HUỆ! Như vậy, ông Sư này chỉ có GIỚI những thiếu ĐỊNH, HUỆ là sự sáng suốt quan trọng nhất đối với người tu. * Ở trang 70, Ngài định nghĩa: “NIẾT BÀN chẳng khác gì hơn là Giác Ngộ. Giác Ngộ là đạt Niết Bàn”. Trong khi Phật dạy có 4 giai đoạn: Khai, Thị, Ngộ và Nhập mà Giác Ngộ chỉ mới là giai đoạn thứ 3, còn phải Nhập nữa thì mới đạt tình trạng Niết Bàn. Chính Ngài đã trích dẫn Kinh Hoa Nghiêm nói về Diệu Nguyệt Bồ Tát giải thích cho Thiện Tài đồng tử về người khát nước đi tìm nước. Có người chỉ hướng có giếng nước. Dù anh ta đi đúng hướng, đến bên giếng nước, nhưng đâu đã hết khát nếu chưa trực tiếp uống? Như thế thiết nghĩ đã quá rõ cho việc Ngộ và Nhập của Đạo, tức là cái Thấy và cái Chứng khác nhau rõ ràng. * Ngài cho rằng những lời Đức Thích Ca tuyên bố sau khi xả Thiền: “là cái gì tuyệt hậu, tối cực mà 49 năm tích cực du hóa sau ngày thành đạo đều nhằm luận giải sự Giác Ngộ ấy mà rồi vẩn chưa nói được tiếng nói cuối cùng, rồi tất cả nhũng trầm tư sau này của Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân và Vô Trước, tất cả không biện minh được hết lời, cạn ý”. (tr. 74 Q.Thượng). Nếu chẳng biện minh được thì làm sao có đến 32 vị Tổ sau đó tiếp nối bước đường Giác Ngộ của Phật? Con đường của Đức Thích Ca cách đây hơn 2.550 năm vẫn được chư đệ tử tiếp tục. Còn con đường Tu Thiền chỉ được thời gian ngắn, chưa đầy vài trăm năm mà con cháu nhà Thiền: “khi được hỏi về gia phong tông chỉ thì ngơ ngác chẳng thể trả lời. Đó là những bằng chứng hiển nhiên để cho ta so sánh về lợi ích của việc truyền thừa qua văn tự và “bất lập văn tự” vậy! * Nơi trang 70 Thiền Sư đã giải sai khi cho rằng “Kể ra thì La Hán và Bồ Tát chỉ là một”. Trong Đạo Phật, đã có một danh xưng thì đã có một nghĩa, nói lên hành trì nhất định của danh xưng đó. Không thể trùng lấp, lẫn lộn. La Hán được Kinh viết là Quả Vị cao nhất của hàng Thinh văn. Thinh Văn tức là những người chỉ cần NGHE rồi tin tưởng, thực hành. Bồ Tát là những người có quán sát, tư duy, đã biết được Con Đường Độ Sinh và bắt đầu bước vào Con Đường đó, để sau khi độ hết chúng sinh thì cũng sẽ thành Phật. Thinh Văn, theo Kinh viết thì không thể thành Phật nếu không qua giai đoạn Bồ Tát. Đọc Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA ta thấy Phật nói là giảng Kinh này là vì hàng Thinh Văn, để đưa họ đến Bồ Tát Đạo. Nếu Thinh Văn, La Hán đã là Bồ Tát thì Phật còn giảng cho họ làm chi! * Nơi trang 72, Ngài cho rằng “Nếu vì công lực của Giác Ngộ mà sa môn Cồ Đàm được chuyển hóa thành Phật, vậy, nếu tất cả chúng sanh đều sẵn đủ tri giác Bát Nhã, và đủ khả năng Giác Ngộ - nói một cách khác, nếu tất cả đều là Bồ tát – vậy lý đương nhiên tất cả Bồ tát đều là Phật, hoặc sẵn sàng để thành Phật khi gặp thời tiết” . Lại thêm một luận không đúng. Vừa nói rằng “chúng sanh đã sẵn đủ tri giác, tất cả đều là Bồ tát, sẽ “thành Phật khi gặp thời tiết” thì trang 75 lại viết: “Chứng La Hán không phải là vấn đề chuyên học, mà đó là cái gì hốt nhiên xảy đến trong chớp mắt, sau bao nhiêu năm tinh chuyên tu tập”! Câu: “Sau bao nhiêu năm tinh chuyên tu tập” đã nói lên rằng: không phải “chúng sanh đã sẵn tri giác, đều là Bồ tát thì đương nhiên “sẽ thành Phật khi gặp thời tiết” như Ngài luận. Vì đã đành ‘Tất cả chúng sinh đều có Phật Tánh, đều có khả năng để Thành Phật”, nhưng đều phải qua cả một quá trình hành trì, tu tập. Kệ Viên Giác viết: PHẬT TÁNH TUY SẴN CÓ PHẢI TU MỚI HIỂN HIỆN CŨNG NHƯ VÀNG SẴN CÓ PHẢI LỌC QUẶNG MỚI THÀNH” Tức là dù vàng nằm sẵn trong quặng, nhưng muốn lấy được vàng, phải qua quá trình gạn lọc. Quặng đâu phải là vàng khối. Chẳng lẽ Ngài Suzuki không biết điều đó? Chính câu Ngài trích đã viết rõ: “Vì công lực của Giác Ngộ mà được chuyển hóa thành Phật”. Như vậy, Chúng sanh nào mà có công lực của Giác Ngộ, hay là phải qua quá trình gọi là Tu tập mới thành Phật, chớ đâu phải như bông hoa mà đương nhiên đủ ngày tháng hay gặp thời tiết là nở! Nếu luận như Ngài, Đức Thích Ca nói rằng: “Chúng sinh là Phật sẽ thành” thì chúng sanh đương nhiên là phải thành Phật, cần gì phải học hỏi, phải tu hành?! Ngài viết: “Thời gian chuẩn bị có thể kéo dài nhiều năm dai dẳng, nhưng đến một lúc nào đó thì chớp nhoáng cơn khủng hoảng vỡ bùng, và người ta thành La Hán, hoặc thành Bồ Tát, hoặc thành Phật luôn nữa!” Rõ ràng Ngài chưa hề phân biệt được các Quả Vị trong Đạo Phật, và chưa hiểu Lý Nhân Quả. Ngài không biết rằng làm Hạnh Bồ Tát thì mới được kết quả của Bồ Tát. Làm Hạnh Phật thì mới được thành Phật. Các quả vị có tên riêng biệt ắt phải có quá trình chuẩn bị riêng biệt. Đâu thể trong chớp nhoáng mà một lúc có thể thành cả 3 quả vị: La Hán, Bồ Tát, Phật? Vì nếu cả 3 là một thì cần gì phải đặt ra 3 tên? Và lý do gì không chọn cái cao nhất để thành? * Ngài luôn bài bác tri thức, trong khi đó, lời Phật được Ngài trích đã nói ngược lại: “Ta đã gội sạch hết ô trược (asava). Ta đã giải thoát tâm (ceto vimutti) và trí (panna vimutti); tại đây, trong thế giới hữu hình, ta đã tự mình tỏ rõ, đến đích, và làm chủ chánh pháp; ta đã ngộ nhập trong pháp, đã giải hết ngờ vực, đã gạt bỏ hết điên đảo, đã trọn đầy tín lực, ta đã ứng dụng vào thế gian, đã làm những gì phải làm, đã chặt đứt mối dây trói buộc vào vòng tái sinh; ta đã ngộ pháp như thực vậy”. Nếu không dùng tri thức thì làm sao tỏ rõ, làm sao ngộ nhập, giải hết ngờ vực, gạt bỏ hết điên đảo? Nếu không dùng ngôn ngữ thì làm sao diễn tả được Phật đã phải làm những điều như thế để gọi là “ngộ pháp như thực” kể trên? * Nơi trang 199, Quyển Thượng, khi nói về Kệ phó pháp của các Tổ, Ngài cho là: “Để phù hợp với quan điểm Thiền “được Phật truyền riêng tâm ấn ngoài giáo lý văn tự” các sử gia Thiền còn đấy lui cuộc truyền thừa trước cả Thích Ca Mâu Ni; vì theo truyền thuyết lưu hành giữa hàng Phật Tử ban sơ thì ít nhất có đến 6 cổ Phật ra đời trước Phật Thích Ca và mỗi vị đều có lưu lại một bài Kệ phó pháp được khăng khăng lưu giữ trong Thiền sử. Mà nếu 6 vị quá khứ Phật có kệ thì tại sao chư Tổ sau, tất cả từ Thích Ca đến Đạt Ma lại không có? Nên tất cả đều có lưu lại kệ phó pháp, trước có lời mở đầu như vầy: “Nay ta trao lại ngươi kho tàng con mắt của chánh pháp, ngươi khá giữ lấy và ghi nhớ luôn luôn”. Chắc hẳn đó toàn là sáng tạo lông bông của những sử gia Thiền đầu tiên, hẳn vì khích lệ bởi lòng tin quá nhiệt thành đối với mối đạo chánh thống nên đã cực luyện ngọn bút tưởng tượng đến cao độ như vậy”! Thật ra, việc Kệ phó pháp trước Phật Thích Ca có thật hay không thì chúng ta không thể biết được, vì không thể kiểm chứng. Có điều đã là Kệ thì nếu người chưa đắc pháp khó thể viết ra được một bài Kệ có tính cách Thoát được. Xin đối chiếu Kệ của Sư Thần Tú và Lục Tổ sẽ thấy. Dù Sư Thần Tú, bản thân là người học cao hiểu rộng, nhưng vẫn không thể “sáng tác” ra cái Thấy Tánh được. Đó là chỗ khác nhau nói lên trình độ của người tu. Do đó, các nhà Thiền sử nếu chỉ “sáng tạo lông bông”, chỉ cần “cực luyện ngọn bút” mà làm được Kệ, chắc trình độ cũng chẳng phải tầm thường! Thiền Sư Suzuki có lẽ không hiểu điều đó. Không hiểu Ngài đã có lần nào thử “cực luyện ngòi bút”, sáng tác ra bài Kệ nào để có cơ hội tự so sánh rồi kết luận là ai cũng làm được Kệ chưa? Vấn đề thông hiểu Phật Pháp được chứng tỏ qua bài kệ đắc pháp đã được chứng minh qua chính lời của Thiền Sư kể: Sau khi Thần Tú tịch thì Bắc Tông không tìm ra được người kế thừa đành mai một. Có nghĩa là, cái hiểu đạo dù chỉ gói gọn trong 4 câu Kệ, nhưng người đắc pháp là đã nắm vững đường lối tu hành, có thể truyền lại cho thế hệ sau. Người không đắc pháp không làm được điều đó. Người đắc pháp dù không có thể hiện gì khác biệt với người không đắc, nhưng một điều chắc chắn là họ đã Tứ đại giai không. Khi thể hiện thì Lục Hòa, Thân, Khẩu, Ý ba nghiệp thanh tịnh. Vì thế, ta chưa từng thấy các bậc chân tu đi gây sự hay tranh chấp với người khác. Ngược lại, phía Bắc Tông thời đó, hết sai người đi trộm pháp, (Thầy Tăng Chí Thành) đến sai Thầy Tằng Chí Triệt mang dao đi chém Lục Tổ, và chém 3 dao mà không đứt mới buông dao sám hối! (Pháp Bảo Đàn Kinh)!. Phái Bắc Tông vẫn không ngừng tranh chấp. 16 năm, sau khi Lục Tổ nhập diệt, Thần Hội mới đứng lên chấn hưng pháp môn thì cũng vu cho vua bắt đày đi! Qua đó ta có thể so sánh trình độ tu học của tín đồ hai Tông Nam, Bắc! * Nơi trang 251, Thiền Sư Suzuki viết: “Thần Tú tịch năm 706 trước Huệ Năng 7 năm. Trường phái của Sư gọi là Bắc Tông, đối với Nam Tông của Huệ Năng rất hưng thịnh ở Phương Bắc hơn Huệ Năng ở phương Nam nhiều lắm. Nhưng từ khi Mã Tổ và Thạch Đầu tích cực phát huy đạo Thiền ở Phương Nam và đặt xong tại đó cơ sở Thiền pháp thì Bắc Tông không tìm ra người thừa tiếp đành mai một hẳn đến nổi những gì nay ta được biết về Thần Tú đều do tài liệu của phái đối lập và Nam Tông. Thế chính Huệ Năng, chớ không phải Thần Tú được hậu thế thừa nhận là Tổ Thứ Sáu của Đạo Phật Thiền Trung Hoa”. Việc truyền Y Bát, là trao lại quyền làm Tổ kế tiếp rất quan trọng đối với Đạo Phật thời bấy giờ. Vì Phật Pháp chưa phổ cập, Chánh, tà chưa phân, vì thế rất cần có dấu ấn để người muốn tu học nương theo, khỏi sợ nhầm lẫn. Khi trao Y Bát, Ngũ Tổ đã nói: “Ngươi làm Tổ Thứ Sáu. Hãy giữ gìn và nhớ lấy đạo tâm của mình. Phải quảng độ chúng hữu tình và lưu truyền cái chánh pháp cho đời sau”. Đó là việc truyền thừa chính thức được ghi vào lịch sử của đạo Phật. Đâu có đợi hậu thế nhìn nhận hay không? Ngài luận như thế chứng tỏ chưa dánh giá đúng ý nghĩa của việc truyền Y Bát. Về việc “không Thiền không có Ngộ, không Ngộ chẳng phải là Thiền” (tr.276 Q. Thượng) ta thấy đó là một sự khác biệt lớn giữa THIỀN của đạo Phật và Thiền của Đạo Thiền. Với đạo Phật, THIỀN chỉ là một trong Lục Độ, mục đích là để sinh ra sự sáng suốt để thấy hướng đúng mà tu hành gọi là TRÍ HUỆ, vì vậy THIỀN không có gì lớn lao, ghê gớm, “kinh thiên động địa” như phía các Thiền gia nghĩ, chỉ là một trong chuỗi việc làm hỗ tương với nhau, gồm 6 việc: BỐ THÍ, TRÌ GIỚI, NHẪN NHỤC, TINH TIẾN, THIỀN ĐỊNH, TRÍ HUỆ. Người tu cứ kiên trì làm các việc này, cứ vẹt hết lớp che chắn này đến lớp khác thì ánh sáng sẽ rọi vào. Ta nghĩ sao nếu có người chỉ Thiền Định mà thiếu Giới, thiếu Nhẫn Nhục và không Thí Xả những tính xấu, ác đi. Lại thiếu cả Trí Huệ thì lấy gì soi đường mà tiến tu? Thiền gia thì chăm bẩm vào môn THIỀN, tập trung tất cả vào một Công Án, nên chỉ có mổi một Công Án mà có người phải mất 8 năm, như Nam Nhạc Hòa Thương chỉ để trả lời câu: “Ở đâu đến? Mà cái gì đến”. Trong khi đó bên Phật Gia còn rất nhiều nghi vấn cần khai thông, phải đâu chỉ riêng chữ VÔ hay một vài Công Án? Và cũng không cần đến nhiều năm như thế. Bằng chứng là Lục Tổ chỉ mất có 8 tháng, và Ngài cũng không có Ngồi Thiền, chỉ có chẻ củi, giã gạo thôi! Nếu chỉ dựa theo Ba Gậy mà Lục Tổ đánh Thần Hội, cho đó là “Đốn Giáo” thì ta thấy hoàn toàn sai. Bởi sau khi bị đánh 3 gậy, Thần Hội theo hầu Lục Tổ rất nhiều năm, phải đâu bị đánh đã Thầy Tánh mà cho gậy đó là “Đốn”? Hơn nữa, suốt thời gian hoằng Pháp, Lục Tổ đã thuyết giảng, biện luận rất nhiều, đệ tử Ngài thu gom lại thành quyển PHÁP BẢO ĐÀN KINH, Trong đó, ngoài 3 gậy đánh Thần Hội để khai mở cho y, Ngài đâu có la hét, đánh đập ai? Trái lại, Ngài dạy: “Mỗi sự lý phải hiểu tới tận chỗ chơn, cả thảy sự lý phải hiểu tới tận chỗ chơn”, và mỗi từ, mỗi pháp Ngài đều giảng giải hết sức rõ ràng. Trong khi Lục Tổ được các phái Thiền phong tặng là “Tổ Sư Thiền” thì dạy: “Mỗi sự lý phải hiểu tới tận chỗ chơn”, thì những đệ tử Thiền Tông của Ngài chết sống chỉ biết cột cái tâm vào chữ VÔ! Cách tu hành đó phải chăng rơi vào lời Tổ cảnh báo: “Bằng đối với mọi vật lòng không nghĩ đến, khiến cho niệm tưởng dứt đi, tức là bị pháp ràng buộc. Ấy gọi là biên kiến”! Nói về THIỀN thì hai câu đầu trong Bài Kệ VÔ TƯỚNG của Lục Tổ đã chỉ rõ : “Lòng bình đẳng đâu cần giữ GIỚI. Làm việc ngay há đợi TU THIỀN !” Hoặc: ““Chư Thiện tri Thức. Sao gọi là THIỀN ĐỊNH? Ngoài lìa tướng là THIỀN. Trong không tán loạn là ĐỊNH. Ngoài Thiền, trong Định, ấy là THIỀN ĐỊNH”. Cái chứng ngộ của Lục Tổ là: “Chư thiện tri Thức, trong niệm niệm tự mình thấy Bổn tánh thanh tịnh, tự mình tu, tự mình hành, tự mình thành Phật Đạo”. Đâu có quá bí hiểm, hay đôi khi lại quá đơn giản như Huệ Lăng Trường Khánh phát biểu: “ Hễ hiểu cây trụ trượng là gì tức không còn phải học Thiền nữa”! (Tr. 34 Q.Thượng) như phía Thiền Tông. Có lẽ ngay cả mục đích Tu hành của Đạo Phật các vị đó còn không nắm vững cho nên mới dám phát biểu như thế. Việc Thoát Sinh Tử, Thoát Phiền Não đâu có liên quan gì tới cây trụ trượng? Thiền Định là thời gian dừng lắng cái tâm để suy nghĩ tìm ra cách thức để Thoát Phiền Não, vậy mà chỉ cần biết cậy trụ trượng là không cần Thiền nữa sao? Có thể câu nói này đã gây cho biết bao nhiêu Thiền Sinh thời tốn không ít công sức vô ích! Quả là chỉ có những kẻ không rõ lý Nhân Quả, không biết lời nói của mình sẽ gây hại cho nhiều người khác mới dám mạnh miệng như thế. Thiền Sư Suzuki cũng trích Kinh để nói rằng “Cuối cùng Phật xác định lại lý tự giác, tức sự Chứng Đạo của Phật, như sau: “Đó cũng như nhìn thấy bóng mình trong gương hoặc trên nước, cũng như nhìn bóng mình trong ánh trăng hoặc ánh đèn. Lại nữa, cũng như nghe tiếng nói của mình dội lại trong thung lũng; hễ có vọng cầu thì có vọng tưởng phân biệt phải trái; hễ có phân biệt phải trái thì không thoát khỏi thế kẹt hai đầu, tự nhiên chấp cái phải nên tinh thần không thể “tịnh” được. Tịnh có nghĩa là lắng sạch hết sở cầu, có nghĩa là đi sâu vào định, từ đó phát sanh Thánh Tri Tự Giác, và đó tức là Như Lai tạng”. Ngài cũng trích Kinh: “Trong kinh, Thích Ca Mâu Ni chứng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thành Phật, bằng cách vượt ngoài cả hai thiên chấp “Có” và “Không” (nasty – asty- vikalpa). Cái lầm căn bản là ở đó – chấp cả hai – cần phải xả trừ trước hết để đạt cảnh giới tự giác. Lầm bởi không nhận thức được tướng Không (sunya), tướng vô Sanh (anutpada) tướng Vô Bất (advaya) và tướng vô Tự Tánh (nihsvabhavalakshana) của muôn vật”. Câu trên đủ chứng minh là cái tâm mong cầu chứng đắc khi Tham Công Án của các Thiền Sinh là không đúng với tinh thần tu Phật. Đức Thích Ca đã nói rõ: Hễ có vọng cầu thì có vọng tưởng phân biệt, hễ có phân biệt thì không thoát khỏi thể kẹt giữa hai đầu, tự nhiên chấp cái phải nên tinh thần không thể tịnh được”. Đã không tịnh thì làm sao tâm trí có thể trong sáng để thấy được điều gì? Chính vì vậy ta thấy Kệ gọi là “chứng đắc” của Ngài Vô Môn chỉ có 20 chữ Vô. Đắc chữ VÔ bằng 20 chữ Vô, chứng tỏ Ngài đâu có thấy được gì? Mặt khác, dù cho các Thiền Sinh có thể đắc được chữ VÔ, thì lẽ nào tất cả những sự hiểu biết về Sinh Tử, Vô Thường, Vô Ngã, Phật Tánh, Có, Không, Hư Không, Niết Bàn, Phật Quốc, Mê, Ngộ, Chân Vọng vv… được hiểu hay đạt đến bằng cách tham mỗi một Công Án, hay mỗi chữ VÔ? Và sự chứng ngộ của một Công Án lại còn đưa người chứng nó cao hơn cả Phật, Tổ? Đó là điều mà người có chút hiểu biết ắt là không chấp nhận được, vì tính cách phi lý của nó! (còn tiếp) Tâm-Nguyện
BƯỚC VÀO TUỔI CỔ LAI HY Tác giả: Dương Lêh Tôi không ở trong ngành y khoa cả tây lẫn ta, cũng không biết một tí ti gì về tân dược hay đông dược, chỉ biết một điều là nếu có bệnh tôi sẽ chạy đến bác sĩ hay vào bệnh viện điều trị. Tại những nơi này tôi coi như giao phó hoàn toàn cái mạng bèo giạt hoa trôi của tôi cho các ông thầy thuốc, những cô y tá xinh đẹp theo dõi, định bệnh và điều trị. Nếu khỏi bệnh thì hạnh phúc cho tôi còn nếu không khỏi cứ tiếp tục điều trị cho đến khi… hết tiền, vợ con không lo được nữa. Tuy nhiên tôi sẽ không để tình trạng này xảy ra bởi lẽ không thể để vợ con tán gia bại sản chỉ vì phải lo chữa bệnh cho tôi. Nếu rủi ro tôi phải rớt vào tình trạng thập tử nhất sinh, nằm ngay đơ cán cuốc, thì bằng lá thư từ biệt cõi đời tôi đã làm sẵn, gia đình sẽ yêu cầu bác sĩ rút hết các loại ống lớn nhỏ trong mũi trong miệng tôi ra và gọi điện ngay bệnh viện đại học Y Dược đến nhận xác tôi, vì tôi đã làm thủ tục hiến xác trước đó rồi. Gia đình không nên lý luận “còn nước còn tát” để rồi vay mượn thêm tiền mà điều trị cho tôi. Đã đến giờ giựt chuông rồi thì dù có kéo thêm khoảng thời gian một vài năm trong tình trạng đời sống thực vật thì quả là vô tích sự. Trong giờ phút cuối cùng đó, việc hiến xác của tôi đâm ra cũng giúp tí gì cho xã hội, cho khoa học. Không cần thiết phải làm ma chay, phiền toái, tạo cơ hội cho tụi cò đám tang, bọn đạo tỳ làm eo, làm giá cắt cổ. Mấy ông sư, thầy cúng đến uống cà phê sữa đá, hút thuốc ba số bày vẽ lễ tam lễ tứ tầm ruồng, bá láp báo hại vợ con quì đau đầu gối. Khôi hài nhất là mấy ông đạo tỳ, chữ nghĩa không đầy lá mít mà bày vẽ cho người nhà quỳ chỗ này lạy bốn lạy, chỗ kia cúng miếng thịt ba rọi, con tôm và cái hột vịt mà họ gọi là tam sanh. Khi đưa quan tài ra đường còn bảo người nhà quỳ xuống dưới đường lạy tạ về hướng những người đi đưa. Họ còn lên mặt nói rằng giữ lễ như vậy sau này con cái làm ăn mới khá nổi. Làm thế nào là khá? Môi trường lại bị ô nhiễm vì đốt giấy tiền vàng bạc, hoặc kèn trống rùm beng, làm phiền hàng xóm của mấy ban nhạc kèn ta kèn tây. Có luật lệ nào bắt phải làm như vậy đâu? Thực ra, người viết bài này đang rất khỏe mạnh, hạnh phúc và đặc biệt rất yêu đời mặc dù tuổi tác đang bước dần đến con số cổ lai hy. Cứ mỗi world cup trôi qua tôi lại ao ước được xem một world cup tiếp theo và cứ như thế tôi sống trong niềm hy vọng được xem những trận cầu hấp dẫn bốn năm một lần.Thời gian để hưởng thụ tuổi già được tính theo từng world cup. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa hề có một ngày nằm điều trị ở bệnh viện. Nói như vậy tôi e rằng sẽ bị người đời sửa lưng bằng cái câu “Bẩy mươi chưa đui chưa què chớ khoe rằng lành”. Tôi không nghĩ là mình hay, giỏi về việc giữ gìn sức khoẻ. Có lẽ số mình như vậy, ông Trời cho được như vậy là mừng quá rồi. Tôi cũng hoàn toàn không thích cái màn cạo gió, giác hơi. Nhiều người mỗi khi trái gió trở trời, “long thể bất an”, lập tức bảo vợ cạo gió hoặc giác hơi cho đến khi cái lưng và cả phần ngực đầy những dấu tròn, bầm tím như những cái dấu mộc kiểm dịch, hoặc những vết đỏ chạy theo hình xương cá ở lưng ở ngực giống những lằn roi tra tấn trong các phim bạo lực. Thỉnh thoảng trên đường phố người ta thấy nhiều cô gái mặc áo treo để lưng trần trông rất đẹp mắt. Nhưng khi cái lưng đó in những dấu tròn, bầm tím của dấu giác hơi hoặc những vết cạo gió theo hình xương cá thì thật phản cảm, không còn một tí gì thẩm mỹ ở người phụ nữ. Cách đây vài năm, tôi đi Nha Trang thăm một đàn anh tuổi vừa trên bẩy chục, nhưng vẫn còn khỏe mạnh, có phần vai u thịt bắp chứ không có vẻ gì ốm đói, bệnh hoạn. Gặp tôi và mấy người bạn đi cùng, anh khoe mấy bảng kết quả xét nghiệm với vẻ hài lòng, tự mãn. Từ lục phủ ngũ tạng đến huyết áp, cholesterol đều tốt, tốt, tốt. Anh búng tay kêu bóc, bóc mỗi lần phát âm chữ “tốt”, ra cái điều anh cũng có nhiều kiến thức về y học. Hai tháng sau một người bạn cũ từ Nha Trang gọi điện vào báo cho biết đàn anh đó đã nằm một chỗ vì bị đứt dây “ăng-ten”. Tôi lại bay trở ra Nha Trang thăm coi bệnh tình như thế nào.Thấy anh nằm trên giường tại nhà, người nghiêng về một bên, không nói được, giơ một tay ra dấu xin tiền. Chúng tôi kẻ một trăm, người năm chục nhét vào tay ổng, ổng cười khoái trá nhưng không phát âm thanh. Có một anh bạn nhét vào tay ông ta một tờ hai chục, ông khoác tay từ chối với vẻ tức giận không chịu lấy, anh này phải móc túi lấy tờ năm chục thế là ông ta lại cười tươi rói. Coi vậy ông cũng còn minh mẫn lắm. Người nhà nói ổng bị liệt nửa thân mình. Ổng đang đứng lau nhà tự nhiên ngã chúi xuống. Người nhà đưa vào bệnh viện, từ đó một bên thân mình ông không còn nhúc nhích được nữa. Việc ăn uống làm vệ sinh đều được người nhà cúc cung tận tụy chăm sóc, ngoại trừ khi nhắm mắt ngủ thì ổng tự… một mình lo liệu. Tôi trở về Saigon với nỗi băn khoăn không biết tình trạng của ông sẽ kéo dài đến bao giờ và người nhà sẽ phải vất vả nhọc nhằn với ông đến khi nào nữa. May mắn thay chỉ một tháng sau, khi người nhà cảm thấy kiệt sức vì phải chăm sóc người bệnh, ổng vội “đi” sớm. Bây giờ tôi thường e ngại khi nhìn thấy ai đó khoe mấy tờ giấy kết quả xét nghiệm, hay những đơn thuốc, sợ giống như cái “huông” của người bạn già ở Nha Trang. Còn tôi thì không bao giờ khoe cho ai xem mấy thứ giấy xét nghiệm, đơn thuốc linh tinh đó. Tôi chưa đến nỗi lẩm cẩm hay khó tính như người ta thường nói già hay sinh tật. Tôi còn đi kiếm ăn bằng nghề dạy học có nghĩa là sức khoẻ tôi còn ngon lành. Cái libido của tôi cũng còn tốt. Buổi sáng tôi đi bộ khoảng bốn mươi lăm phút sau đó tôi nhào xuống hồ bơi vùng vẫy cũng trong chừng đó thời gian. Vào thời điểm cuối năm tiết trời giá lạnh, nhiều ông bà già vẫn tới hồ bơi tung tăng dầm mình trong nước, và tôi cũng thường xuyên bon chen có mặt. Ngày nào bà nhà tôi có lớp buổi sáng, tôi phóng xe từ hồ bơi ra chợ mua vài món thịt cá rau dưa theo cẩm nang ghi sẵn của bà xã vào buổi tối trước đó. Đi chợ về tôi ăn sáng, thường thì một ổ bánh mì loại loại nhỏ và một trứng gà “ốp la”. Sau đó uống một tách cà phê sữa và hút một điếu thuốc. Thế là xong thủ tục buổi sáng. Tôi cũng nghiện cà phê sữa nhưng đây lại là cái nghiện của một người… không biết uống cà phê. Tôi thường mua cà phê lề đường về pha thêm nước sôi và sữa rồi thưởng thức một mình trước màn hình TV đang phổ biến tin tức buổi sáng. Sở dĩ tôi chọn cà phê lề đường vì đây là loại cà phê dỏm, chỉ toàn bắp rang không có một hạt cà phê nào hết thì làm sao có sự xuất hiện của chất caféin để làm khó dễ trái tim của tôi luôn luôn yếu đuối trước mọi vẻ đẹp của thiên nhiên. Có người nói rằng bắp rang cháy sẽ gây ung thư. Cái đó hạ hồi phân giải. Nhưng ai đảm bảo cà phê thật rang cháy sẽ không gây ung thư? Chưa thấy có luận văn nào nói về vụ này. Cũng có người nói cà phê thật uống ngon hơn, thơm hơn, và uống cà phê thật mới là sành điệu... Thật ra cà phê dỏm cũng ngon, cũng thơm không khác gì cà phê thật. Hai chữ sành điệu này thường được tự phong bởi những anh chàng… dỏm, thích “nổ”, muốn chứng tỏ ta đây lịch lãm biết thưởng thức cà phê. Một bác sĩ dinh dưỡng khuyên tôi nên uống một lon bia vào mỗi bữa ăn. Tôi đề nghị ngày thường sẽ không uống, để dành đến cuối tuần tiêu thụ một lần mười bốn lon chia cho hai người, tôi và một người bạn, mỗi người một nửa. Vị bác sĩ đó cho biết nếu tôi làm như vậy ông sẽ báo ngày sớm nhất để tôi tiêu diêu về miền cực lạc. Có khi bà xã tôi phải dạy thêm một lớp ca hai vào buổi sáng, thế là tôi phải xông vào bếp chuẩn bị các món ăn trong ngày. Tôi không giỏi nấu ăn cho lắm nhưng cũng biết được cách chế biến năm bẩy món ăn thông thường đủ để làm menu cho hai buổi sáng, chiều. Thực ra tôi cũng thích cái màn chiên xào nấu nướng như anh chàng Yan can cook trên TV, hướng dẫn nấu ăn bằng thứ tiếng Anh mang “ắc xăng” nặng mùi xì dầu của mấy Chú Ba “chúng koọc”. Tôi cũng làm được vài món nhậu đơn giản như gỏi cá khô với trái điều, bắp xào mỡ hành, đậu bắp luộc, bầu luộc, đậu hũ chiên giòn ăn với mắm tôm, rau kinh giới, hoặc cao cấp hơn có món bún xào Singapore, đậu hũ cũng Singapore. Dạo này ở nhiều quán nhậu sàng sàng bậc trung thường có nhiều món mang tên nước ngoài. Không phải được gọi bằng tiếng Tây tiếng u gì cả mà mang tên các quốc gia trên thế giới, như xà lách Nga, lẩu Thái (có lâu lắm rồi), bò hầm Tây Ban Nha, bánh mì bơ tỏi Đức, bò Mễ Tây Cơ, vịt Bắc Kinh… nhờ vậy dân nhậu bây giờ có vẻ thông thái hơn vì biết được tên nhiều quốc gia trên thế giới. Thỉnh thoảng tôi làm một món nhè nhẹ rồi ới mấy ông bạn già ra quán nhậu bình dân quen thuộc, mỗi người chiêu khoảng bốn năm chai bia rồi chia nhau trả tiền sau đó rút về nhà đánh một giấc đến chiều, hết sức bình yên. Tôi có một ông bạn già tuổi hạc nay đã bước vào gần nửa giai đoạn cổ lai hy. Số ông thường xuyên có nhiều lộc. Cứ một hai tháng có người mang đến biếu ông ấy một ký thịt quay, có khi một con vịt quay. Thế là chúng tôi lại kéo nhau ra quán chén chú chén anh, chén tôi chén bác. Mỗi lần Tết đến chúng tôi thường chúc ông ấy sang năm có nhiều lộc và kéo ông ấy ra kênh Nhiêu Lộc để chụp hình vì Nhiêu Lộc tức là “nhiều lộc”. Trở lại cái sức khỏe của tôi, nói thật tình tôi hiện nay cũng đang được bác sĩ theo dõi chứng huyết áp và chứng thiếu máu cơ tim. Cứ mười ngày nửa tháng tôi lại đi khám bệnh theo diện bảo hiểm y tế để lấy thuốc uống mỗi ngày. Sau mỗi hai tháng tôi lại được bác sĩ cho “lục xì”, nghĩa là bác sĩ cho xét nghiệm máu, nước tiểu, chụp x - quang, siêu âm, rồi căn cứ vào đó bác sĩ điều chỉnh thuốc cho tôi uống. Tôi lại có một đam mê nữa là bất cứ khi nào có thời gian là nhảy lên cái máy vi tính cổ lỗ sĩ của tôi để viết lách, để đọc và xem đủ thứ trên đời. Đây là cái thư viện mà tôi đọc đến bao nhiêu đời nữa cũng không hết. Thật tuyệt vời khi trong đời tôi cũng biết sử dụng được cái máy vi tính, hưởng thụ được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Cuộc sống của tôi như vậy là quá đầy đủ, quá hạnh phúc. Nhờ vậy tôi rất yêu đời chưa hề có ý nghĩ mình sẽ phải quy tiên trong lúc này. Mất vui! Nhiều khi tôi cũng tỏ ra vẻ trầm ngâm, làm lại cái bilan để tổng kết cuộc đời mình, tôi thấy cũng hài lòng, nói chung không có gì phải bực bội nuối tiếc. Dĩ nhiên trong cuộc đời cũng có lúc “ba chìm bẩy nổi”, nhưng rồi nó cũng qua dù rằng có khi qua một cách bầm dập để lại vết hằn và thời gian rồi cũng nhanh chóng xóa mờ.
Phụ bản II Vài ông bạn già của tôi khi bước qua hàng bẩy, tức là đi vào giai đoạn cổ lai hy, đâm ra lẩm ca lẩm cẩm. Có ông thích nói về ngày xa xưa ấy trong cái quá khứ của ông. Ông thường kể từng quen ông lớn bà lớn nào đó, hoặc ông nói “chuyện đó không có tớ giải quyết thì nguy cho cái ghế của ông sếp rồi”. Có ông nằm ngay đơ một chỗ, may là còn nói được, cũng ráng gào lên “tui ngày xưa huy hoàng lắm. Buổi sáng điểm tâm bằng bánh mì thịt nguội ở Givral, cơm trưa ở nhà hàng Thanh Thế chứ không phải “cơm trưa văn phòng” xoàng xĩnh như bây giờ. Tối ăn ở nhà hàng Continental, sau đó vô Arc-en-ciel nhảy đầm với mấy em ca sĩ phòng trà, tui luôn luôn đi xế hộp…”. Thực sự anh này ngày xưa cũng có được chiếc xe Renault “cách” (4 ngựa). Loại xe này thời đó người ta mua về để chạy taxi, chứ ở bên Kampuchea thì đã bị đưa đi “trồng hành” tức là phế thải rồi. Mấy tụ điểm ăn chơi, nhà hàng, quán nhậu năm thì mười thuở ông ta mới tới một lần chứ sức mấy mà ông ta đi được mỗi ngày. Nhiều người lớn tuổi thích đi du lịch nơi này nơi khác, gần cũng đi, xa cũng đi. Đây là cách sống rất thú vị, rất sinh động. Trước hết là tiêu khiển thời gian nếu không có việc gì làm sẽ rất nhàm chán, sau đó là được thưởng thức những danh lam thắng cảnh, những dân tộc, những nền văn hóa mới lạ mà ngày xưa chưa có dịp tiếp xúc. Đi như vậy tâm hồn của người ta lúc nào cũng thơi thới hân hoan, xóa được mọi phiền toái trên đời mà hiện nay có phong trào gọi là stress hay là “chét” theo cách nói của mấy ông xe ôm. Ngược lại có nhiều ông không thích đi đâu cả, ngồi nhà hết xem TV, lại nghe nhạc, đọc sách đọc báo, không thích vận động, cứ thấy nhức đầu, sổ mũi là chạy ngay đến bác sĩ, đến bệnh viện điều trị. Cũng có người hay tưởng tượng mình sẽ mắc một thứ bệnh nào đó rồi yêu cầu bác sĩ xét nghiệm tìm cho ra cái chứng bệnh do ảo tưởng này. Gần đây khi đi bộ trong công viên tôi gặp vài ông già cũng xuýt soát tuổi tôi, cùng đi và bàn chuyện thiên địa hội, tức là nói chuyện trên trời dưới đất. Tôi phát hiện nhiều ông tin vào thế giới tâm linh, chuyện ma quỷ, chuyện mấy ông thầy lang băm trị bệnh bằng các phương pháp bí truyền, bằng lên đồng, xuống bóng. Có ông khuyên về mua dầu mè để… nhai sẽ trị được nhiều thứ bệnh. Trong đời tôi chưa thấy ai đi nhai dầu bao giờ. Trong tiếng Việt, động từ “nhai” không bao giờ đi với một chất lỏng. Ông này còn nói là phải mua thứ dầu mè nguyên chất do một nhà máy ở Tân Bình sản xuất. Tôi cười trong bụng. Ông không biết rằng trên thị trường không kiếm đâu ra dầu mè nguyên chất một trăm phần trăm. Dầu mè bày bán trên thị trường thường được pha chung với một loại dầu khác rẻ tiền hơn và với tỉ lệ rất nhỏ để lấy mùi dầu mè thôi, ông ạ. Còn có một ông, cũng là dân đi bộ trong công viên, hình như muốn chứng tỏ mình là “đờ-mi lương y” khuyên chúng tôi về mua đậu đen “xanh lòng”, mỗi sáng để bụng đói nuốt sống bốn mươi chín hạt. Cách này cũng trị bá bệnh. Tôi thấy “rét” quá và thắc mắc tại sao phải bốn mươi chín hạt mà không phải bốn bảy, bốn tám hay năm chục? Rồi còn nuốt sống nữa. Dạ dày phải làm việc vất vả như thế nào để tiêu hóa bốn mươi chín hạt đậu đen xanh lòng này. Phong trào đã lên cao điểm hồi năm ngoái. Bà con đổ xô đi mua đậu đen xanh lòng, có người mua để tặng nhau như người ta tặng quà cáp, biếu xén. Nghe đâu mặt hàng này đã lên giá vì không phải dễ dàng thỏa mãn cái điều kiện “xanh lòng”. Những người dễ tin rủi ro gặp mấy ông đờ-mi lương y này coi như gặp phải “dì ghẻ” chứ không phải “từ mẫu” vì không sớm thì muộn sẽ phải vào bệnh viện điều trị chứng đau dạ dày. Có ông thì sợ người ta bỏ quên mình ở một xó xỉnh nào đó. Lúc nào cũng chê bọn trẻ bây giờ kém lắm không bằng các ông ngày xưa. Nhiều người lớn tuổi sợ bị gia đình cho chìm trong quên lãng quay ra vòi vĩnh con cái. Những ngày lễ lạc, kỷ niệm, sinh nhật vv… thường bắt các con phải mua quà cáp. Nếu không có, các ông bà mặt lớn mặt nhỏ, giận hờn sâu sắc. Có ông bạn ngày xưa thi tốt nghiệp rớt chỏng gọng vậy mà bây giờ chê tất cả các bạn đồng môn không có trình độ bằng ông. Thật ra ông ấy chỉ lớn tuổi nhất lớp hồi đó mà thôi. Để chứng tỏ là một nhà nghiên cứu tài tử về thuốc đông dược, một ông vừa đi bộ vừa bày mua rượu ngâm cao hổ cốt, cao khỉ, cao ngựa, hải mã, bìm bịp, sừng tê giác, uống vào sẽ “sung” như thời trai trẻ. Báo hại một ông bạn khác thường có máu Tề Tuyên, nghe theo, kiếm mua được một xị mất mấy trăm ngàn để chiều đó mời tôi và một người bạn đến nhà uống thử. Tối đó ông đi tìm nơi kiểm tra hiệu quả của món rượu thuốc “đại bổ” này. Hai ngày sau gặp lại chúng tôi, ông giận dữ cho biết: “Rượu dở ẹc!”. Cũng có ông, già rồi sinh tật thích các em gà móng đỏ, thỉnh thoảng lén vợ con đi bia ôm, hoặc chạy theo mấy em tiếp viên nhà hàng đáng tuổi cháu nội cháu ngoại, nắm tay, nắm chân như thèm khát lắm. Vừa rồi có ông gần bẩy chục vô quán nhậu sàm sỡ với mấy em sao đó bị mấy em tát vào mặt, làm cho mấy ông già ngồi chung bàn vô cùng xấu hổ. Có ông lén lút vô Chợ lớn mua thuốc Viagra dự trữ phòng khi hữu sự. Rủi ro mua nhằm thuốc giả, bèn chạy ra quán nhậu than thở với bạn bè: “Ê toa, sao mỏa uống mà không thấy ép-phê gì hết. Chắc thuốc này làm bằng bột mì pha với ký ninh?”. - Đúng vậy đó, báo có nói rồi mà!... Dương Lêh
Hữu hạn đời người
Viết cho những ai…
Trời đang nắng bỗng mây đùn giông tới Cỏ đang xanh bỗng gió dập mưa vùi Miệng đang cười bỗng tê đắng vành môi Trong thoáng chốc bầu trời như đổ sụp
Là giây phút trong tay tờ xét nghiệm Bệnh nan y đã mắc tự bao giờ Đôi chân run tay mỏi mắt mờ Ngày phía trước đang dần thu ngắn lại
Ngất lịm đi trong tận cùng tê dại Chuyến tàu tôi sao vội bến không người Lời thăm hỏi nhói lên từng mũi chích Tiếng suýt soa thêm nỗi nấc nghẹn ngào
Là thật sao ? ta muốn hét “THẬT SAO ?” Không. Không thể. Không thể nào. Không thể Xin cho ta một nhiệm màu linh ứng Xin cho đây chỉ là giấc chiêm bao
Nghe tê xót câu “Đời người hữu hạn” Ngọt hôm nay nào biết đắng mai kia Trong phút giây chua xót nỗi chia lìa Ngày thương nhớ, ngày qua, ngày đã mất
Ôi tiếng khóc !!! Xin mi đừng vội cất Cho ta thêm khoảnh khắc để biệt từ Trần gian này bao đắng đót tâm tư Ta đã đến đã vui cùng tất cả
Kìa bao thứ đã quen giờ hoá lạ Cứ như ta một kẻ bỗng lạc loài Như chăn gối ấm êm lời iu ấp Sao bây giờ lạnh toát một vòng ôm
Lỡ mai kia… còn biết có linh hồn Cho ta khất người qua từng món nợ Ta nợ bạn một ly chưa kịp rót Ta nợ em nửa kiếp chẳng trọn duyên
Ta nợ cha nợ mẹ những ưu phiền Nợ con trẻ bước đường mai chập chững Ta đã nợ nợ từng ngày cuộc sống Nợ cả ta những khoảnh khắc an nhiên
Trước mắt kia là vạn điều tiếc nuối Trong tim đây là chất ngất thương đau Một cuộc đời đang thảng thốt qua mau Về đâu hỡi cánh gió mùa tan tác
Thôi thì hãy trước bóng tròn chung cuộc Còn lại đây là những phút vội vàng Ta hối hả đóng gói từng ước nguyện Gửi trao người lần sau cuối yêu thương
Để một mai ta rũ áo lên đường Đành xin lỗi những gì còn dang dở Kiếp sau ơi có muộn màng hơi thở Xin nồng nàn mà sóng bước cùng nhau ĐÀM LAN
BA SINH
Vốn dĩ ba sinh sầu thuận nghịch…! Tìm mua chẳng có! bán không xong! Tưởng thành hóa bại! buồn hoa mắt! Ngỡ đến mà đi! Tủi mộng lòng Ngửa mặt nhìn trời mậy lãng đãng Thả chân cười sỏi đá mênh mông Con sông vào bến đời dâu bể…! Dòng chảy thời gian sóng chập chùng. TRẦN LỮ VŨ CHỈ MỘT CHÚT THÔI
“Một chút buồn, một chút ghen, hờn dỗi “Một chút ngẩn ngơ, một chút nhớ bâng quơ “Một chút thương thương, một chút mong chờ “Một chút mơ, một chút thơ hòa điệu
Và phải chăng đấy là tình yêu đôi lứa Mà cõi lòng đã trao hết về nhau Một màu xanh đậm in sắc màu Một áng mây hồng mơn man theo gió nhẹ
Có phải chăng tình yêu vừa gọi khẽ Cảnh vật quanh ta bỗng hóa thiên đàng Một tình yêu tràn ngập cả không gian Ôi! Tất cả đang bừng lên sức sống
Có phải chăng tình yêu luôn sống động Hóa đại bàng bay vào cõi mênh mông Hòa vào niềm hư ảo sắc sắc không không Đón nhận vòng hoa kết ngàn hoa tuyệt tác
Và phải chăng tình yêu là huyễn hoặc Ánh trăng rằm luôn chiếm ngự trong ta Mảnh sao khuya sáng rực kiêu sa Để hồn ta lả lơi cùng gió lộng
Có phải chăng tình yêu là mơ mộng Là lời ca điệu nhạc lâm ly Là bài thơ tuyệt tác diệu kỳ Là dòng nước mát rạt rào vô tận
Có phải chăng tình yêu xua tan oán hận “Người với người sống để yêu nhau” Một mùa xuân đầy hương vị ngọt ngào Khi được yêu và yêu nhau tha thiết
Phải chăng đấy là tình yêu diễm tuyệt Không cầu kỳ, không đòi hỏi giàu sang Một mái nhà tranh, hai quả tim vàng Chân thật hiền hòa xây nên hạnh phúc…
XUÂN VÂN
Sau một chuyến đi
Cao nguyên lạnh mênh mông vùng đất lạ Thông rì rào ca ngợi tấm lòng son Mây giang hồ vương vấn phủ sườn non Màu sim tím ngút ngàn xa chẳng hết Thác Cam Ly ngời xanh như lê bích Nét bâng khuâng thương nhớ khuất tia nhìn Gió bồi hồi nghiêng cánh nhạn đưa tin Nhạc sầu mộng luyến lưu từng nhịp thở Suối thổn thức bao niềm tin vời vợi Thung lũng tình yêu chìm đắm giấc mơ dài Em thả hồn theo dõi bóng chim bay Chạnh nhớ buổi hẹn hò trên lối phố Suốt cuộc sống lầu mơ không sụp đổ Mộng tương lai hoa thắm nở trên cành Giấc mơ hồng ôm ấp khoảng trời xanh Đăm-Bri khắc chuyện tình yêu thuở trước Đồi không tên làn cỏ nhung xanh mượt Kỷ niệm xưa chùng lắng bước thời gian Màn khói lam dìu dịu phủ thôn làng Làn sương trắng u hoài đang nức nở Thành phố Ngàn hoa nồng nàn ngóng đợi Mở vòng tay tha thiết đón người về Mây trắng Cỏ non Vần thơ mỹ lệ Thiên nhiên tuyệt vời ngan ngát hương quê NGÀN PHƯƠNG
Hương mắm quê nhà
Hò…họ…ạ…ơi Anh thèm ăn mắm Cá Lóc Em gành từ Châu Đốc đưa lên “Chớ”.. hương đồng cỏ nội khó quên Cá tung tăng sông Hậu…Hờ… Lúa vàng kênh Ngọc Hầu Hò…họ…ạ…ơi Gạo trắng tinh, em rang làm thính Vô tình để dính lên má ửng hồng “chớ”…mồ hôi nhỏ giọt xuống sông Cá hớp bọt nước… hờ… Cá về đồng cũng ngon HẢI ĐĂNG TRẦN VĂN HỮU
THIÊN NHIÊN VÀ TRUYỀN THUYẾT Quả địa cầu chúng ta là một trong tám hành tinh nằm trong thái dương hệ quay quanh mặt trời và các hành tinh cũng tự quay quanh - có thể kể ra sau đây: Thủy tinh (Mercure) có đường kính 4.880km và ở cách xa mặt trời 580 triệu km. Kim tinh (Venus) có đường kính 12.000km và cách xa mặt trời 1 tỷ 80 triệu km. Trái đất (Terre) có đường kính 12.700km và cách xa mặt trời 1,5 tỷ km. Hỏa tinh (Mars) có đường kính 6.700km và cách xa mặt trời 2,270 tỷ km. Mộc tinh (Jupiter) có đường kính 143.000km và cách xa mặt trời 7,780 tỷ km. Thổ tinh (Saturne) có đường kính 120.000km và ở cách xa mặt trời mười 4,3 tỷ km. Thiên vương tinh (Uranus) có đường kính 50.800km và cách xa mặt trời 28,7 tỷ km. Hải vương tinh (Neptune) có đường kính 50.000km và cách xa mặt trời 45 tỷ km. Ngoài ra còn có Diêm Vương Tinh (Pluton) là một hành tinh ở xa hơn Hải Vương Tinh nhưng không thuộc Thái Dương hệ vì vũ trụ bao la, có thể có nhiều thái dương hệ khác, Pluton được khám phá năm 1930. Quỹ đạo của mỗi hành tinh là một ê-líp (ellipse) gần như tròn và mặt phẳng quỹ đạo gần trùng nhau, làm thành một hệ thống vòng tròn đồng tâm là mặt trời. Riêng Thổ tinh có một vùng sáng bao quanh.
Truyền thuyết kể rằng ngày xưa câu chuyện Lưu-Thần và Nguyễn-Triệu đi hái thuốc lạc vào động Thiên-Thai được hai tiên nữ kết làm vợ chồng và đem về ở cõi tiên. Nhưng ở mãi trên tiên cảnh hai chàng cũng chán và nhớ về hồng trần nên được vợ tiên đưa về quê cũ, nào ngờ khi về đến quê xưa thì trần thế đã trải qua mấy trăm năm. Hai chàng bèn quay lại nơi ở của hai người vợ tiên, nhưng đường xưa đã đi lạc lối. Luận theo một cách khoa học thì khi Lưu-Thần Nguyễn-Triệu lạc vào động Thiên-Thai là chốn thần tiên mà chốn này có thể là một hành tinh trong Thái dương hệ lớn hơn quả đất hàng trăm lần thì khi ở đó hai chàng vẫn cảm nhận được thời gian vì hành tinh họ đang ở vẫn tự nó quay quanh mặt trời và có chu vi lớn hơn quả đất nên một ngày đêm trên đó có thể bằng rất nhiều ngày đêm trên quả đất, chúng ta cũng từng nghe trong dân gian hay nói: một ngày trong cõi tiên bằng một năm dưới trần. Cho nên Lưu-Thần và Nguyễn-Triệu ở trên cõi tiên chẳng bao lâu mà khi về quê cũ thì trần thế đã trải qua mấy thế hệ con cháu và truyền thuyết cũng cho rằng thần tiên có kiếp sống đến hai ngàn năm chứ không phải không đến một trăm năm như nhân loại của quả đất, có thể vì ở những cõi đó ít người và môi trường rất trong sạch, con người không bị tác dụng của chất độc trong không gian làm cho bịnh hoạn, mau già, nên đời sống ngắn ngủi. Đẹp như tiên cũng là câu nói trong dân gian khi có người may mắn bắt gặp người ngoài hành tinh đến viếng quả đất và nhìn thấy dung mạo xinh đẹp của họ. Về mặt trăng, truyền thuyết cho rằng, ngày xưa quả đất có đến 9 mặt trăng là vệ tinh quay chung quanh, nhưng Hậu Nghệ là người có được phép mầu có thể bay xa và chế được thuốc trường sinh bất tử, nhưng một hôm đã bị vợ là Hằng Nga đánh cắp phép mầu và thuốc trường sinh bay lên cung trăng. Hậu Nghệ mất phép mầu không thể đuổi theo vợ được nên lấy cung tên bắn vào các mặt trăng làm rớt hết tám cái, chỉ còn lại một và Hằng Nga may mắn ở lại đó trong cung Quảng. Mặt trăng theo khoa học đã khám phá ra là một vệ tinh quay quanh quả đất và nhỏ hơn quả đất 50 lần và cách xa quả đất 384.000 km. Bề mặt của mặt trăng có nhiều thung lũng, mặt trăng không có khí quyển và cũng không tự quay nên phía sau lưng mặt trăng không được biết như thế nào. Vào ngày rằm trăng tròn, chúng ta từ quả đất nhìn lên thấy trên mặt trăng một dạng bóng đen có hình giống như cây đa đó là thung lũng nên mới có câu: Thằng Cuội đứng giữa mặt trăng, Cầm rìu cầm rựa đến săn kiền kiền. Mặt trăng không có khí quyển bao quanh như quả đất, chỉ là chân không, nên không có hấp lực, một cử động nhẹ bước đi của con người có thể văng xa đến mấy chục thước, nên chúng ta thấy các phi hành gia lên trên đó phải đeo theo bình dưỡng khí sau lưng, ngoài ra khi đổ bộ xuống mặt trăng phải thận trọng nhích từng bước một, nếu không muốn cột giày vào phi thuyền con đang đậu gần đấy chứ nếu không đi lạc trên đó thì chỉ có thể gặp Chị Hằng và ở lại trên đó luôn không cách nào trở về được bỏ lại vợ con dưới trần gian. Một truyền thuyết khác là vua Đường Minh Hoàng gặp được một Tiên ông đã cho nhà vua một cây gậy phép, quẳng lên không trung sẽ biến thành cầu vồng nối liền quả đất với mặt trăng để đi thăm cung Quảng. Vua Đường Minh Hoàng khi lên đến cung trăng đã được các tiên nữ trên đó múa khúc “Nghê thường” tiếp đón nên khi trở về nhà vua mới chế ra Nghê thường vũ khúc cho các cung nữ của triều đình. Đặc biệt là loài người trên quả đất ngày nay đã có những sáng chế phần nào khắc phục được thiên nhiên nhưng vẫn cho là các hành tinh trong Thái dương hệ mà có người thì chắc con người đó sẽ có phép lực hơn đối với người trần gian cho nên đã có những lời nói đối với người trái đất mà có nhiều tài năng được gọi ví như “người ngoài hành tinh”. Trước đây Nostradamus tiên đoán là vào cuối thế kỷ 20 sẽ có tận thế, nhưng nay đã qua hơn một thập kỷ, trái đất của chúng ta vẫn “bình chân như vại” người ta cho rằng nhà tiên tri người Pháp này sở dĩ nói lên như vậy cũng dựa vào những điều khám phá của khoa học, cho biết vào thời điểm đó 8 hành tinh của thái dương hệ và mặt trời đã gần thẳng hàng với nhau (1831) nhưng khi chỉ mới gần thẳng hàng với nhau thì lực quay của các hành tinh chưa phải quá mạnh đối với quả đất, nên những thiên tai xảy ra chưa gây thiệt hại đáng kể. Nhưng mấy lúc gần đây, dư luận lại rậm rang là năm 2010 sẽ có tận thế và theo thông tin khoa học thì vào năm này, 8 hành tinh trong thái dương hệ sẽ: “một hàng dọc thẳng, mặt trời làm chuẩn” mà một khi các hành tinh thẳng hàng với nhau thì khỏang cách giữa chúng là ngắn nhất và như vậy lực quay sẽ tác động mạnh hơn lên hành tinh kế cận và các thiên tai xảy ra như bão tố sẽ có gió mạnh hơn, các trận lụt nước dâng cao hơn và sóng thần thì là những đợt sóng khủng khiếp lôi theo những tàn phá về vật chất và con người vô cùng to lớn và những nơi có cơ sở do con người làm ra, dưới tác động của thiên nhiên không gì chế ngự nổi sẽ trở thành nơi hoang vu – thì câu nói “tận thế” cũng không phải là lời nói quá đáng. Trường hợp quả đất thì hai hành tinh gần nhất là Kim tinh (Venus) và Hỏa tinh (Mars), lực quay của hai hành tinh này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quả đất. Nhưng mọi việc dù đã có chứng minh bằng khoa học thì cũng phải chờ xem kết quả hư thực ra sao. PPT. st Văn Hóa Đọc Đàm Lan
Lâu nay khi nhắc đến cụm từ này, người ta thường liên tưởng đến những cuốn sách, và gần như mặc định “Văn hoá đọc” có nghĩa là đọc sách. Nhưng đó là một cảm niệm không chính xác. Bởi tất cả các loại hình chữ được truyền tải qua đôi mắt đều có thể gọi là “Văn hoá đọc”. Vì vậy, khái niệm này nên mở biên ra với tất cả các hình thức đọc. Không thể phủ nhận với sự phát triển công nghệ thông tin, đã giúp con người có thêm nhiều tiện ích. Chiếc máy tính với nhiều cách nối mạng là một thứ phương tiện hiện diện gần như trong mọi ngóc ngách cuộc sống, là chiếc cầu nối liền rất nhiều khoảng cách, là một trạm trung chuyển hữu hiệu của thời đại, nói một cách lộng ngôn thì thế giới này sẽ tắt ngóm nếu không còn bóng dáng computer. Nhưng luôn luôn có tính hai mặt trong cùng một vấn đề. Thông tin mạng có thể nói trên cả mức đầy đủ, trên cả mức phong phú, chỉ cần một thao tác nhanh gọn, người ta có thể tìm cho mình nhiều hơn thứ mình đang cần. Không những thuận tiện mà chi phí cũng hết sức tiết kiệm. Lại trong một môi trường luôn luôn tiếp xúc, phù hợp với nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng, thì thế giới mạng hiển nhiên là một sự lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, thái quá đôi khi lại thành bất cập. Sự lợi hại song hành đòi hỏi người tham gia sử dụng phải biết sàng lọc. Vì vậy mà hình thành “Đối tượng nào nhu cầu đó”. Và khi đã có sự chọn lựa đúng đắn, thì góc độ tích cực sẽ được nhìn nhận một cách rõ rệt. Quay lại với việc đọc sách. Vì sao lâu nay bóng dáng những cuốn sách bén tay người ngày càng ít đi? Chẳng có chuyện gì mà không có căn nguyên cả. Vậy căn nguyên của câu chuyện này là gì? Xin thưa không phải một mà là nhiều hơn một. Đầu tiên phải nói là giá của một cuốn sách. Phải nói là quá mắc. Giá thành một cuốn sách thường là hơn gấp đôi chi phí chính. Phải nói thêm một chút rằng: Lợi ích này thường là không thuộc về tác giả. Nó được chung chia cho các khâu phát hành, bởi việc trừ đến 40 – 50% cho phát hành vốn là chuyện bình nhiên như tại. Đó là nói những đầu sách mà tác giả lọt được qua cổng hệ thống phát hành, hay bấp bênh hơn là ký gửi, mà việc thu hồi vốn là điều không dễ. Nhưng với người đi mua, con số là con số, con số ấy luôn làm người ta phải cân nhắc. Và sự cân nhắc trước hết liên quan đến chất lượng nội dung. Đây là yếu tố hết sức quan trọng của việc chọn lựa đọc sách của ngày nay. Do xu thế xã hội, do phương thức liên kết xuất bản, do những luồng tư tưởng quan niệm sống đa dạng của thời đại, do ảnh hưởng quá nhiều văn hoá du nhập chưa được sàng lọc và thẩm định, do nhịp độ ăn nhanh sống gấp của con người hiện đại mà sản sinh ra vô vàn sản phẩm văn hoá đa chủng loại. Phần nhiều trong số không đủ chất lượng chinh phục độc giả có yêu cầu thưởng ngoạn đúng đắn, Không ít người đã thở dài hối tiếc khi bỏ một số tiền mua lấy một cái tiêu đề và một cái bìa khơi gợi, hứa hẹn. Vậy nên tốt nhất là mua sách dịch, nếu muốn hoặc cần, vì tối thiểu nó cũng đã lọt qua được vài cái lưới. Cảm giác yên tâm vì không bị hẫng, cảm giác đáng với đồng tiền khó nhọc của mình phải bỏ ra. Vấn đề thứ ba là câu chuyện thời gian. Hơi thở gấp gáp của cuộc sống hàng ngày liên tục phả sau gáy khiến người ta mở mắt ra là đã thấy mệt. Cái vòng xoay kín mít từ khi mở mắt cho đến lúc nhíu lại đã vắt gần hết năng lượng sức lực của con người hiện đại. Có cuốn sách nào ồn ào ầm ĩ lắm cũng chỉ vẫy nổi vài trang trong vài phút tranh thủ. Sự hứng thú vì thế cũng khó mà tồn tại lâu. Cho dù với một cuốn sách thì người ta sẽ tuỳ nghi trong nhiều trạng huống, nhưng với những hạn chế như đã nêu thì “Văn hoá đọc không đơn thuần chỉ là đọc sách”. Nhưng không phải vì thế mà ta đồng tình với sự làm ngơ thế giới sách. Bởi nếu thế thì đồng nghĩa với một môi trường ngày càng yếu đi động lực lao động cho các nhà văn. Lại càng không thể phủ nhận ưu thế của mảng thông tin toàn cầu. Kể cả là nhiễu, là trái chiều thì người đọc vẫn có thể đọc thêm được những gì đằng sau thông tin. Bởi khi đọc với tất cả sự tập trung thì không phải chỉ tiếp nhận trên mặt bằng của dung lượng, mà còn rất nhiều góc cạnh của các vấn đề mà người đọc có thể khai thác qua góc nhìn của mình. Đây mới chính là cái đúng để gọi là VĂN HOÁ ĐỌC.
ĐỀ NGHỊ GHI ĐÚNG TÊN “NGƯỜI THẦY CỦA MUÔN ĐỜI” TRẦN NHUẬN MINH Nói ra điều này có vẻ lẩn thẩn nhưng nghĩ đi nghĩ lại không thể không nói. Đó là Danh nhân văn hoá Chu An, thời Trần, người dâng sớ xin vua chém 7 tên gian thần đang ngự ở trong triều, vua không nghe, bèn bỏ kinh thành về Chí Linh Hải Dương mở trường tư, kiếm sống bằng nghề dạy học và bốc thuốc. Khi chết được thờ ở Văn Miếu và được vinh danh là: “Người thầy của muôn đời”. Oái oăm thay, một người suốt đời bảo vệ cái đúng mà khi chết, ngay chính tên mình lại bị viết sai, in sai, sai lâu đến mức thành quen: tên đường phố, tên trường, tên công viên, tên làng xã, đặc biệt tên ghi trên Lăng mộ chôn mình và tên ghi Đền thờ thờ mình, cũng ghi sai tên mình (cả hai công trình Lăng mộ và Đền thờ đều xây lại trong những năm gần đây tại Hải Dương). Cụ không phải là CHU VĂN AN (thực ra, cũng không có ai trong số những người nổi tiếng có tên là Chu Văn An cả). Cụ là CHU AN, mất năm 1370. Sau khi mất, Cụ mới được vua Trần Nghệ Tông truy tặng tước VĂN TRINH CÔNG. Như vậy, đương thời Cụ không biết mình có tên là Văn Trinh. Vì thế, ghi tên Cụ: CHU AN là đúng, hoặc CHU VĂN TRINH (ghi theo tước sau khi đã chết) cũng được, nhưng ghi là Chu Văn An là sai; cũng như Trần Quốc Tuấn là tên, Hưng Đạo Vương là tước, ghi Trần Quốc Tuấn hoặc Trần Hưng Đạo đều đúng, nhưng ghi TRẦN HƯNG TUẤN là sai. Ghi CHU VĂN AN cũng tương tự như ghi TRẦN HƯNG TUẤN vậy. Giả sử bất cứ một người nào có tên thực như thế mà viết như thế, liệu công an của ta hiện nay có ghi vào sổ hộ khẩu hay cấp chứng minh thư cho không? Theo thông tin tôi được biết và hy vọng là không nhầm, thì sai lầm này, là từ bác sĩ Trần Văn Lai. Ông là người thân Nhật. Sau khi đảo chính Pháp, Nhật đưa ông lên làm Thị trưởng Hà Nội. Trong thời gian rất ngắn cầm quyền ( từ tháng 3 đến tháng 8/1945) ông đã làm được một việc rất có ý nghĩa là đổi lại tên cho nhiều tên phố ở Hà Nội, trước kia mang tên người Pháp, nay mang tên các anh hùng và nhà văn hóa người Việt. Ông bác sĩ yêu nước này, am tường lịch sử chống ngoại xâm, nên nhiều tên đường phố Hà Nội mang tên các vị anh hùng dân tộc, từ thời ông còn được giữ đến bây giờ, nhưng hiểu biết về các nhà văn hóa thì ông bác sĩ này còn hạn chế. Chính ông đã sai khi viết (hoặc cho viết) Chu An là Chu Văn An. Cái sai này không biết đến bao giờ mới sửa được đây? Trong trường hợp của một người trung thực và tiết tháo như Chu An, thì điều này quả thực là rất oan nghiệt.
Phụ bản III SÀI GÒN ĐẸP LẮM SÀI GÒN ƠI ! (Kỷ niệm 35 năm Sài Gòn – Gia Định được đổi tên) So với Hà Nội, Sài Gòn có ít ca khúc viết về thành phố này, vì Sài Gòn to lớn quá, các nhạc sĩ sáng tác phần lớn đều từ các miền khác nhau của đất nước đến đây cư ngụ, nên họ quên đi Sài Gòn – nơi họ đang sinh sống - trong khi sáng tác nhạc. Hơn nữa vì Sài Gòn là nơi không có nhiều di tích lịch sử rêu phong, nhiều mảng cây xanh mát và nhiều hồ nước long lanh như Hà Nội, cho nên sự rung động của các nhạc sĩ cũng khó khăn hơn khi muốn có những ca khúc ngợi ca thành phố này. Nhạc sĩ Y Vân sáng tác ca khúc “Sài Gòn” – là bài ca nổi tiếng viết về Sài Gòn – mà những người ngoại quốc thường hát, vì giai điệu bài này trẻ trung, vui vẻ, tương đối dễ hát. - Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai - Từ xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay Áo dài là trang phục truyền thống cho thiếu nữ Việt Nam, nên khi mới đến thành phố này, mọi người đều chiêm ngưỡng biết bao tà áo bay tung tăng trước gió… Theo một số tài liệu lưu truyền thì chiếc Áo dài của phụ nữ Việt Nam khởi phát từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (khoảng giữa thế kỷ 18). Xuất phát từ ý định muốn thay đổi trang phục của người dân, xóa đi hình mẫu trang phục cũ tạo một vẻ mới đối với phụ nữ trong nước. Nền tảng là chiếc áo dài của phụ nữ Chăm (hay Champa, là tên một loài hoa đại, có hương thơm ngát ở xứ sở này – mà hiện nay là quốc hoa của nước Lào), kết hợp với chiếc áo Tứ thân ở miền Bắc và một số áo của những dân tộc thiểu số khác, triều thần ở Phú Xuân đã sáng tạo mẫu cho chiếc Áo dài mới này. Đây là sản phẩm kế thừa được vẻ đẹp từ trang phục nữ giới ở cả hai miền Nam – Bắc. Khởi phát từ Huế nhưng Áo dài là sản phẩm văn hóa hội tụ được vẻ đẹp chung cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam và từ lâu Áo dài đã trở thành tài sản chung của cả dân tộc. Theo thời gian, đường nét, kiểu dáng chiếc Áo dài đã thay đổi khá nhiều. Thân áo lúc thì rộng, lúc thì bó sát cơ thể: lúc cổ cao, lúc cổ thấp, lại có lúc cổ tròn, cổ bẹt; lúc tà áo dài chấm gót, lúc lại lưng lửng gần đầu gối… Chiếc Áo dài hiện tại có thân bó sát cơ thể người, làm cho vẻ đẹp hình thể phụ nữ hiện lên với những đường cong mềm mại, phù hợp với vóc người nhỏ nhắn của phụ nữ Việt Nam. Hai tà áo thả xuống gần sát bàn chân, thướt tha, quấn quýt từng bước đi. Mọi chi tiết khác cũng được thay đổi phù hợp với thị hiếu, nhưng đều tôn lên vẻ đẹp trang nhã, kín đáo, duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều người nghĩ rằng các nữ sinh các trường trung học và đại học nên mặc Áo dài khi đi học – chứ không nên như hiện nay các nữ sinh mặc váy và áo sơ mi đi học - trước nhất để các em biết vẻ đẹp tiềm ẩn của chiếc Áo dài, sau đó để tôn vinh trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Cứ tưởng tượng hàng ngày biết bao Tà áo dài cùa các nữ sinh tung bay trên khắp phố phường, trông như từng đàn bướm lượn bay thì cuộc đời thơ mộng biết bao! - Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi đây - Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi! Đia danh Sài Gòn như chúng ta biết, có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “Prey (hay Brai) Nokor” (thị trấn trong rừng) – do Trương Vĩnh Ký nêu ra và đã được các nhà ngôn ngữ học phân tích về mặt cứ liệu lịch sử và quy luật ngôn ngữ thấu đáo. Mặc dù còn có 4 giả thuyết khác về địa danh Sài Gòn: 1- do chữ “Thầy Gòn” 2- do chữ “Đê Ngạn, Tây Cống” 3- do từ “Củi Gòn, Cây Gòn Cai Ngon” 4- do từ “Glainagara”. Còn “Sài Côn” chỉ là cách phiên âm Sài Gòn của người Việt trong các bản chữ Hán mà thôi. - Ngựa xe như nước trên đường vẫn qua mau - Người ra thăm bến câu chào nói xôn xao - Phố xa thênh thang đón chân tôi đến chung vui - Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài gòn ơi! Sài Gòn là vùng đất mới. Tính từ khi địa danh Sài Gòn được ghi vào sổ sách năm 1698 thì đến nay thành phố này đã thành lập gần 300 năm. Vào đầu năm Mâu Dần (1698), Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào kinh lý vùng đất phía Nam. Ông đã thành lập phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (sau này trở thành một đô thị lớn của Việt Nam). Vùng đất Nam Bộ lúc đó còn ít người, dinh Phiên Trấn chỉ có huyện Tân Bình, còn dinh Trấn Biên chỉ có huyện Phước Long. Năm 1772, lũy thành Bán Bích được xây dựng. Năm 1790, thành Bát Quái ra đời. Đó là một thành lũy vào loại lớn nhất ở phương Nam. Năm 1859, thực dân Pháp đánh chiếm Nam Bộ, thành Gia Định thất thủ. Từ năm 1862, một phương án qui hoạch thành phố với 500 ngàn dân được phê duyệt. Thống đốc quân sự người Pháp là Bonard chia tỉnh Gia Định thành 3 phủ, mỗi phủ có 3 huyện, dưới huyện có tổng, dưới tổng có xã. Sài Gòn lúc bấy giờ vừa là tỉnh lỵ của Gia Định, vừa là phủ lỵ của phủ Tân Bình, vừa là huyện lỵ của huyện Bình Dương; còn Chợ Lớn là huyện lỵ của huyện Tân Long, cùng phủ Tân Bình. Năm 1864, Chợ Lớn được tách ra khỏi Sài Gòn (về phương diện địa bạ) vì là thành phố người Hoa đang trên đà phát triển. - Lá là là lá là lá là là lá là. - Tiếng cười cùng gió chan hòa niềm vui say sưa. - Lá là là lá là lá là là lá là. - Ôi đời đẹp quá đẹp quá tràn bao ý thơ. Thành phố Sài Gòn từ đây có dáng dấp một đô thị theo kiểu phương Tây thế kỷ 19 đã dần dần hình thành theo hai trục Bắc - Nam và Đông – Tây. Thành phố đã hình thành những trục đường lớn có ngã tư, ngã năm, ngã bảy. Nhà nhiều tầng bằng gạch, xi măng cốt thép, công trường, bến cảng, công viên… lần lượt ra đời. Do vị trí địa lý và những yếu tố đất đai, khí hậu thuận lợi, vùng đất này sớm trở thành nơi hội tụ của các thương nhân bốn biển, năm châu. Cảng Sài Gòn được thành lập từ năm 1862. Các tàu buôn của người phương Tây và các nước lân cận, đã tấp nập ra vào cảng Sài Gòn và họ cũng rất quen thuộc các địa danh: chợ Cầu Ông Lãnh, chợ Cầu Kho, chợ Rẫy, chợ Bến Thành, chợ Sài Gòn. Từ đó, thành phố Sài Gòn đã được Pháp ca ngợi là “Hòn ngọc của Viễn Đông”. Cuối thế kỷ 19 (ngày 15-3-1874) Tổng thống Cộng hòa Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Sài Gòn thực sự trở thành một đô thị với hàng loạt công trình lớn được xây dựng theo kiểu phương Tây với những công sở, trung tâm thương mại, công nghệ dịch vụ, giao thông. Đầu thế kỷ 20, Chợ Lớn sát nhập vào Sài Gòn, thành phố trở thành đô thị lớn nhất Đông Dương. Kỳ họp thứ nhất ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. - Một tình yêu mến ghi lời hát câu ca - Để lòng thương nhớ bao ngày vắng nơi xa - Sống mãi trong tôi bóng hôm nay sẽ không phai - Sài Gòn đẹp lắm Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi… Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm du lịch lớn nhất nước, thu hút hàng năm 70% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sở dĩ như vậy, vì ngoài cơ sở hạ tầng khá tốt, giao thông tương đối thuận tiện, thành phố là một nơi có tài nguyên du lịch phong phú. Nơi đây là một vùng đất gắn liền với lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc kể từ khi thực dân Pháp đặt chân lên Việt Nam. Hệ thống các bảo tàng, nhà hát, nhà văn hóa, các công trình kiến trúc thời Pháp là những điểm du lịch hấp dẫn. Với 300 năm hình thành và phát triển, thành phố có nhiều công trình kiến trúc cổ như Nhà Rồng, đền Quốc Tổ, dinh Xã Tây, Nhà Hát thành phố, Bưu Điện, hệ thống các ngôi chùa cổ (chùa Giác Lâm, chúa Bà Thiên Hậu, chùa Tổ Đình Giác Viên, chùa Xá Lợi, chùa Vĩnh Nghiêm…), hệ thống các nhà thờ cổ (nhà thờ Đức Bà, Huyện Sỹ, Thông Tây Hội, Cha Tam, Chợ Quán, Thủ Đức…mà các cây thánh giá trên đỉnh nhà thờ có logo “con gà trống” của Pháp). Nhìn chung, một trong những đặc trưng văn hóa của 300 năm lịch sử đất Sài Gòn – Gia Định, nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa, là “ cơ cấu kiến trúc” Việt – Hoa – châu Âu. Một nền văn hóa kết hợp hài hòa giữa truyền thống dân tộc của người Việt với những nét đặc sắc của văn hóa phương Bắc và phương Tây. Có thể nói Sài Gòn là trung tâm văn hóa của Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố này là nơi phổ biến báo quốc ngữ đầu tiên, là nơi ra báo quốc ngữ đầu tiên của cả nước. Sự ra đời và phát triển phong phú của sách, báo, trường học, của đội ngũ trí thức và văn nghệ sĩ, của các hoạt động và giao lưu văn hóa, văn học, nghệ thuật…đã tạo cho Sài Gòn từ lâu là một thành phố có ảnh hưởng lớn về văn hóa đối với cả nước. Những lễ hội lớn ở Sài Gòn là lễ hội tưởng niệm, ghi công các anh hùng dân tộc: Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… Hàng năm được tổ chức trọng thể vào mùa xuân. LỄ HỘI TRONG NGÀY GIỖ VUA HÙNG Hàng năm, cứ đến ngày giỗ Quốc Tổ 10-3 âm lịch, lễ được tổ chức tại Đền thờ Hùng Vương trong khuôn viên Thảo Cầm Viên, kết hợp giữa lễ hội cổ truyền với các hoạt động văn hóa hiện đại. Nghi thức cử nhạc khí cổ truyền (trống đồng, đàn đá, chiêng, trống…) trong bầu không khí trang nghiêm. Sau đó là phần lễ bái, tế lễ cổ truyền của mọi tầng lớp nhân dân trong Đền. Phần hội ngoài sân Đền là chương trình biểu diễn cờ người, võ thuật, múa lân, sư tử, múa rồng…rất hấp dẫn, thu hút đông đảo người xem. NGÀY GIỖ TRẦN HƯNG ĐẠO Hàng năm vào ngày 20-8 âm lịch, ngày giỗ được tổ chức tại Đền thờ Trần Hưng Đạo ở số 36 đường Võ Thị Sáu, quận 1, lễ giỗ Danh tướng Trần Hưng Đạo có quy mô lớn, diễn ra trong ba ngày 19, 20, 21 tháng 8 âm lịch, với các nghi thức hát chầu văn ca ngợi công đức của vị anh hùng. Ngoài ra còn tổ chức chơi cờ người… Trong những ngày này, các tầng lớp nhân dân tề tựu về lễ bái rất đông. THẢO CẦM VIÊN Thảo Cầm Viên Sài Gòn là một trong những địa chỉ văn hóa của thành phố, nơi bảo tồn động – thực vật có tuổi thọ đứng hàng thứ 8 trên thế giới. Bắt đầu xây dựng vào tháng 3-1864 trên một khu đất rộng 12ha nằm cạnh sông Rạch Lăng (phía đông bắc Sài Gòn). Công trình hoàn thành vào năm 1865, trong đó trồng nhiều loại cây quý ở trong nước và trên thế giới, nhập từ Ấn Độ, Thái Lan, Lào, Campuchia như cacao, café, vani. Một vài giống mía gọi là Jardin Acclimater…Nhiều loại động vật lạ và quý hiếm được đưa về nuôi ở đây và nơi đây được gọi là Sở Thú. Năm 1929, Pháp cho xây Temple du Souvenir có kiến trúc giống như Đền thờ lăng tẩm Huế. Trên lầu có thư viện khá rộng. Năm 1956, tòa nhà này được tu sửa và thiết kế lại, viện bảo tàng Blanchard de la Bross tại đó được đổi là Viện Bảo Tàng Quốc gia Sài Gòn, Sở thú đổi là Thảo Cầm Viên. Nơi đây hàng ngày đón hàng ngàn lượt khách đến tham quam. CÔNG VIÊN VĂN HÓA TAO ĐÀN Với diện tích 90.503m2, công viên Văn hóa là nơi lý tưởng cho du khách trong nước và ngoài nước. Nơi đây thường xuyên diễn ra các chương trình Lễ - Tết - Hội dân tộc như: hội Hoa Xuân, hội Đền Hùng, lễ hội văn hóa các dân tộc Việt Nam… đồng thời cũng là nơi du ngoạn, nghỉ ngơi, tập luyện thể dục thể thao, vui chơi giải trí của nhân dân thành phố với các hoạt động: sân khấu ca nhạc Trống Đồng, nơi tổ chức biểu diễn những chương trình ca nhạc chọn lọc, chất lượng mang tính nghệ thuật cao, đã hấp dẫn và lôi cuốn công chúng. CÔNG VIÊN NƯỚC “SAIGON WATER PARK” Mở cửa từ ngày 13-12-1997, là khu giải trí hiện đại dưới nước đầu tiên tại Việt Nam, bao gồm các trò chơi: cầu trượt nước và hồ bơi mới lạ theo tiêu chuẩn quốc tế. Công viên nằm trên khu đất rộng 5ha bên bờ sông Sài Gòn thuộc quân Thủ Đức, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Tới đây, khách có thể tham gia các trò chơi như “Thác bạc, Ghềnh sông” từ độ cao 15m của 6 cầu trượt khác nhau, thả mình trượt qua 120m gồm các khúc quanh vòng vèo trước khi bay xuống hồ nước trong xanh. Thấp hơn một chút là cầu trượt nhiều làn và cầu trượt xoắn gồm hai ống trượt xoắn vào nhau bắt đầu từ độ cao 12m và dài 70m. Với những nét độc đáo của mình, công viên nhanh chóng thu hút nhiều người thuộc mọi lứa tuổi tìm nơi nghỉ ngơi vui đùa với sóng nước ngoài trời ngay trong thành phố. CHỢ LỚN Năm 1788, một nhóm người Hoa từ cù lao Phố và Mỹ Tho kéo về bờ rạch Bến Nghé lập chợ buôn bán. Khu chợ đó phát triển thành Chợ Lớn ngày nay. Nơi đây có thể xem như một China Town (thành phố người Hoa) của Việt Nam với những phố chợ san sát và đầy ắp hàng hóa từ lâm thổ sản đến những hàng tiểu thủ công nghiệp. Khu vực Chợ Lớn là nơi tham quan hấp dẫn cho du khách đến tìm hiểu cuộc sống thường ngày của nhân dân thành phố nói chung và của cộng đồng người Hoa nói riêng. CHỢ BẾN THÀNH Nằm ở trung tâm thành phố, chợ Bến Thành rất đỗi quen thuộc với người dân Việt Nam và khách quốc tế. Trước khi Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, có một chợ nhỏ nằm ở khu đất sình lầy kế bên bờ sông Bến Nghé và sát thành Sài Gòn (lúc đó). Từ xuất xứ ấy mà chợ đã mang tên ghép là Bến Thành. Chợ được xây bằng gạch, khung gỗ, lợp tranh. Năm 1870, chợ bị cháy một phần. Năm 1911, chợ cũ bị phá đi, chợ mới được xây khang trang rộng rãi hơn và hoàn thành vào tháng 3-1914. Chợ Bến Thành là một trung tâm buôn bán lớn không chỉ của thành phố, mà còn của các tỉnh phía Nam. Cũng như chợ Đồng Xuân ở Hà Nội, hàng hóa trong chợ Bến Thành rất phong phú, dường như có đủ mặt các sản vật trong nước và hàng công nghệ hiện đại trên thế giới. Thăm chợ Bến Thành cũng là một thú vui của bao người. Tóm lại, thời gian thấm thoát trôi qua, nhìn lại thế mà đã vừa tròn 35 năm thành phố Sài Gòn và tỉnh Gia Định (thêm huyện Củ Chi, tỉnh Hậu Nghĩa cũ) – hai Tỉnh Thành nhập chung – được Quốc Hội đổi tên là thành phố Hồ Chí Minh. Cũng tương tự, gần đây hơn, Quốc Hội quyết định vào ngày 1-8-2008, thành phố Hà Nội mở rộng và sáp nhập tỉnh Hà Tây (thêm huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc và huyện Lương Sơn, Hòa Bình). Hai Tỉnh Thành nhập chung này trở nên một đại đô thị lớn nhất nước về diện tích, hơn cả thành phố HCM [Hà Nội: diện tích 3 344km2, dân số 6 500 000 (2009). Tp.HCM diện tích 2095km2, dân số 7 100 000 (2009)]. Thế là từ đây Sài Gòn – Thành phố HCM đã mất đi vị trí là một thành phố lớn nhất nước rồi! (Tham khảo: sách Non nước Việt Nam, Tổng cục Du lịch – Hà Nội 2005) PHẠM VŨ Collagen - thần dược trẻ trung Sử dụng collagen trong trẻ hoá da hiện nay rất phổ biến trong các trung tâm thẩm mỹ cao cấp, tuy nhiên người tiêu dùng rất hay lúng túng khi chưa có các tiêu chí lựa chọn sản phẩm tốt nhất cho mình. Collagen trong kem dưỡng da, collagen trong đồ uống, collagen trong mặt nạ dưỡng da. Vậy thực hư công dụng của collagen như thế nào? 1. Collagen đặc biệt quan trọng trong cơ thể Là một loại protein chiếm tới 25% tổng lượng protein trong cơ thể người, Collagen có chức năng chính là kết nối các mô trong cơ thể lại với nhau. Collagen giống như một chất “keo” dính các bộ phận trong cơ thể người lại thành một khối hoàn chỉnh, nếu không có chúng cơ thể người sẽ chỉ là các phần rời rạc. Chỉ riêng điều này thôi cũng đủ chỉ ra tầm quan trọng của collagen đối với sự sống của con người. Với làn da, ngoài nhiệm vụ liên kết collagen còn có nhiệm vụ tạo sự đàn hồi. Đây chính là lý do tại sao collagen ở da có định dạng khác so với collagen ở các bộ phận khác, các liên kết sợi collagen ở da lỏng hơn nhằm giúp làm tăng sự đàn hồi và tính linh hoạt của collagen, vì chúng có thể đàn hồi theo 4 chiều, tuy nhiên cũng chính vì vậy mà chúng dễ bị tổn thương hay đứt gẫy do tác động ở bên ngoài. Collagen của da khoẻ mạnh, liên kết tốt sẽ giúp da có sự đàn hồi như không bị rạn khi mang thai, không bị da thừa khi giảm cân, không bị nếp nhăn khi chuyển động cơ lặp đi lặp laị, không bị chũng nhão da mặt và không bị sẹo sau tổn thương. Chính vì vậy, collagen đóng vai trò đặc biệt quan trọng về sức khoẻ cũng như sắc đẹp của con người. 2. Collagen nhân tạo bổ sung cho collagen có sẵn Xưa kia, muốn sử dụng collagen các bác sĩ phải lấy chúng ngay trên cơ thể từ vùng này sử dụng cho vùng khác. Tuy nhiên phương pháp này quá tốn kém và phức tạp. Ngày nay, công nghệ thẩm mỹ hiện đại đã nghiên cứu và ứng dụng thành công 1 số loại collagen từ động thực vật như da bò, da lợn, da cá trơn và 1 số loại thực vật cho ra đời collagen nhân tạo có hiệu quả điều trị thẩm mỹ rất tốt. Trong thị trường thẩm mỹ công nghệ cao hiện nay, trị liệu collagen kết hợp máy móc đang là bước đột phá lớn trong việc xoá các nếp nhăn và sự chùng nhão. Có 3 loại collagen được yêu thích và tin dùng nhất. Collagen phục hồi: thường được sử dụng trong trường hợp da bị tổn thương hoặc trong giai đoạn tái tạo sau khi điều trị nám, mụn trứng cá, sẹo, rạn da và tiêu da thừa sau khi giảm béo. Sản phẩm Phials of Collagen and Elastin với các thành phần chính là collagen, elastin và vitamin F, trong đó collagen được chiết xuất từ da heo giúp kích thích tế bào và sửa chữa các khuyếm khuyết ở mô nhờ đó phục hồi khả năng đàn hồi của da. Ngoài ra, sản phẩm còn có thể điều trị các vết rạn do tăng cân hay mang thai. Collagen trẻ hoá: được sử dụng cho những phụ nữ từ 35 tuổi bắt đầu có dấu hiệu lão hoá với sự xuất hiện của các nếp nhăn, da bị mất nước, chùng nhão, chảy xệ không còn căng mịn như trước nữa, màu sắc da cũng trở nên xạm lại. Sản phẩm Beautee Collagen Cell Pure với hàm lượng collagen nguyên nhất lên tới 25%, có khả năng bổ sung và duy trì độ ẩm cho da, cung cấp dinh dưỡng và bảo vệ da chống lại môi trường ô nhiễm bên ngoài. Ngoài ra, sản phẩm còn có khả năng xoá bỏ các nếp nhăn nông, cải thiện và làm mờ các nếp nhăn sâu do tuổi tác, phục hồi lại khả năng đàn hồi tự nhiên cho da, ngăn chặn sự hình thành nếp nhăn trên da, thúc đẩy trẻ hoá tế bào theo cơ chế tự nhiên. Collagen phục hồi liên kết cơ: Thường được sử dụng trước khi đắp mặt nạ, và đưa sâu vào lớp màng đáy của da bằng dòng xung điện hoặc máy đẩn dưỡng chất Led Medicare. Phương pháp này chỉ định cho những người cần có trị liệu sâu do da lão hoá quá lâu hoặc nếp nhăn do chuyển động quá nhiều. Sản phẩm chỉ được dùng trong các Medical Spa. 3. Collagen trong kem dưỡng da Trong các sản phẩm dưỡng da cho độ tuổi ngoài 30 đều có hàm lượng bổ sung collagen, tuy nhiên chỉ chiếm 1 phần rất nhỏ trong việc khôi phục chuỗi collagen và elastin yết ớt trên da. Do vậy, để thực sự điều trị đàn hồi của da, bạn cần có những sản phẩm collagen chuyên nghiệp nhất. Theo đánh giá của hiệp hội sức khoẻ Hoa Kỳ, nồng độ collagen được đánh giá cao từ 18-27% được coi là chất lượng cao Một khoá lần trị liệu collagen tối thiểu 12 lần sẽ giúp bạn xoá nếp nhăn và săn chắc cơ mặt hoàn hảo nhất, có thể kết hợp với các công nghệ thẩm mỹ tiên tiến khác như sóng Radio, RF, sóng xung điện, IPL hoặc điện di để collagen phát huy hết khả năng cải lão hoàn đồng. Những cách bổ sung collagen cho cơ th ể bằng thực phẩm Thật may mắn khi thiên nhiên đã hào phóng ban tặng con người rất nhiều loại thực phẩm giàu collagen hoặc giúp cho cơ thể tổng hợp chất này Collagen chiếm khoảng 25% tổng số protein trong cơ thể chúng ta. Đây là một dạng protein có vai trò liên kết các mô với nhau đồng thời kiêm thêm chức năng hỗ trợ những cơ quan nội tạng trong cơ thể. Collagen cũng hiện diện ở trong xương, răng. Suy giảm collagen sẽ dễ gãy xương Chính vì vai trò vô cùng quan trọng của collagen trong cơ thể cho nên sự thiếu hụt chất này sẽ là một vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe. Có những chứng bệnh liên quan tới gien gây thiếu hụt collagen, chẳng hạn như bệnh osteogenesis imperfecta (xương dễ gãy). Với bệnh này, lượng collagen bị suy giảm một cách nghiêm trọng. Khi da đã bị lão hóa thì lớp collagen cũng bị thâm hụt và sẽ gây nên những nếp nhăn. Lúc bấy giờ, dẫu có ăn nhiều da động vật bao nhiêu hẳn cũng khó mà xóa cho hết vết nhăn. Các hãng mỹ phẩm thấy được điều này nên đã cho xuất xưởng hàng loạt mỹ phẩm có chứa collagen. Những thực phẩm có thể giúp cho sự tổng hợp collagen trong cơ thể Thật may mắn khi thiên nhiên đã hào phóng ban tặng con người rất nhiều loại thực phẩm giàu collagen hoặc giúp cho sự tổng hợp chất này. Cụ thể, một số loại thực phẩm có thể giúp cho sự tổng hợp collagen trong cơ thể chính là các sản phẩm từ đậu nành (như sữa đậu nành hoặc tàu hũ) do chúng có chứa một chất có tên là genistin. Chất này giúp cơ thể tổng hợp ra collagen đồng thời cũng có tác dụng “bình định” các loại enzyme gây lão hóa da. Những thực phẩm khác cũng có thể giúp cho sự tổng hợp collagen là các loại rau cải xanh giàu vitamin C (như cải bó xôi, măng tây...). Những trái cây màu đỏ là nguồn cung cấp collagen phong phú. Chẳng hạn trong trái cà chua có lycopenes là chất có tác dụng giúp cơ thể chống ôxy hóa đồng thời cũng kích thích việc tổng hợp collagen. Sự hiện diện của các chất omega acids cũng giúp cơ thể tổng hợp ra collagen. Nguồn cung cấp các omega acids phong phú nhất chính là những loại cá (như cá hồi, cá ngừ) hoặc các loại hạt (như hạt điều, hạt amonds. Cũng nên quan tâm đến các loại thực phẩm có chứa sulfur như dưa leo, rau cần tây... vì chúng rất giàu vitamin A nên sẽ giúp “nâng cấp” hàm lượng collagen trong cơ thể. Giản đơn hơn nữa là đừng quên 2 loại thực phẩm “quốc hồn quốc túy” của người xứ mình: cam và khoai lang. DS Nguyễn Bá Huy Cường (ĐH Dược Murdoch- Úc) Bs Nguyễn Lân Đính st
Phụ bản IV
(Còn tiếp)
|