VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 22-01-2011 của CLB Sách Xưa và Nay Sở dĩ CLB phải họp vào ngày thứ Bẩy 22 tháng 01, 2011 VÀ PHẢI DÙNG BUỔI HỌP NÀY ĐỂ THAY THẾ CHO KỲ HỌP THÁNG HAI NĂM 2011 VÌ NẾU HỌP ĐÚNG KỲ HẠN THÌ ĐÃ LÀ MÙNG 10 TẾT VÀ KHÔNG THỂ CÙNG ĂN TẤT NIÊN. ĐỒNG THỜI NẾU HỌP VÀO THỨ BẨY CUỐI CÙNG TỨC LÀ THỨ BẨY 29 THÁNG 01,2011 THÌ CŨNG ĐÃ LÀ NGÀY 26 TẾT VÀ SẼ LÀ QUÁ MUỘN, SẼ CÓ NHỮNG THÀNH VIÊN KHÔNG THAM DỰ ĐƯỢC. Mở đầu buổi họp, như thường lệ, Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu và mang cho các thành viên nhìn tận mắt bộ sách nặng 8 kilô gồm 2 cuốn khổ lớn nhan đề là “MỘT ĐẾ QUỐC THUỘC ĐỊA PHÁP” (UN EMPIRE COLONIAL FRANÇAIS ) của tác giả GEORGES MASPÉRO. Tác giả này sinh năm 1872 và là con một nhà Ai – Cập học. Ông có học ở Trường Thuộc Địa (Ecole coloniale) và Trường Ngôn Ngữ Đông Phương (Ecole des Langues Orientales). Khi sang Đông Dương ông làm Tham Biện ở Cao Miên. Năm 1903 ông sang làm việc ở Nam Kỳ; thoạt tiên ở Cần Thơ, sau đó trong những năm 1912 – 1913 có làm việc ở mấy nơi như Tân An, Biên Hòa, Sóc Trăng và Mỹ Tho. Sau một thời gian được về Pháp nghỉ phép, năm 1915 ông trở lại Đông Dương và làm Thị Trưởng Thành phố Hải Phòng (Bắc Việt) đồng thời ông cũng là Thông Tín Viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ. Bộ sách 2 cuốn khổ lớn in năm 1933 chứa đựng gần 300 hình ảnh minh họa và trên 50 phụ bản (planches) nguyên trang vẽ và chụp các đền đài, nhân vật, phong cảnh ở Đông Dương. Sau phần giới thiệu bộ sách được các thành viên chuyền tay nhau xem một cách thích thú, có người còn chụp lại một số hình ảnh trong sách. Sau đó Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 1 tập sách cắt ra từ một tờ báo hàng ngày nhan đề là ĐẠI BỊP của một nhà báo tên là Trọng Tấu của thời kỳ những năm 50 của thế kỷ trước. Cuốn sách dày gần 150 trang này đã được người sưu tầm chờ từng ngày trong suốt gần năm tháng trời để HÀNG NGÀY CẮT RỜI RA và SẮP THEO THỨ TỰ VÀ ĐÓNG LẠI, thật đáng khâm phục. Sau phần giới thiệu sách Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã có nói vắn tắt về các “hoạt động” của CLB trong năm vừa qua, và có đề ra chương trình hoạt động cho năm mới, đặt nặng vấn đề đi thăm các nhà lưu niệm của các Danh nhân, và ông kêu gọi tất cả các thành viên để tâm tìm kiếm các nhà lưu niệm để đi thăm. Đồng thời Dịch giả Vũ Anh Tuấn cũng đề nghị CLB nên tổ chức thêm các buổi nói chuyện về chuyên đề Sách Xưa và Nay. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, anh Hoàng Minh, một thành viên, đã lên giới thiệu 2 cuốn sách cổ có mang thủ bút và chữ ký của Cụ Đào Duy Anh và của Danh họa Nam Sơn, Nguyễn Văn Thọ. Sau khi anh Hoàng Minh giới thiệu thủ bút và chữ ký, BS. Nguyễn Lân – Đính đã có một tường trình ngắn về chuyến đi Hà Nội họp về đại gia đình của Cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Tiếp lời BS. Nguyễn Lân – Đính, thành viên Phạm Vũ có nói chuyện về Hà Nội cũ. Sau anh Phạm Vũ, khách mời, Anh Trần Quang có lên đọc 2 bài thơ tặng các thành viên. Sau đó, anh Nguyễn Đức Hiệp, một Việt kiều Úc đã có sinh hoạt với CLB Sách Xưa & Nay nhiều lần cũng lên bày tỏ một số cảm nghĩ của anh về CLB. Tiếp lời anh Nguyễn Đức Hiệp, anh Nguyễn Văn Sâm, một tác giả văn học và là một Việt kiều Mỹ có lên giới thiệu một tác phẩm mới của anh liên quan đến chữ Nôm, và cuối cùng là bà Thùy Dương lên đưa ý kiến xin để cho bà nhiều thời gian để nói chuyện về Đông y. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ và các thành viên đã cùng nhau tham dự một bữa tiệc Tất Niên để cùng trao đổi những lời chúc Tết, đón mừng mùa Xuân mới.
Vũ Thư Hữu VÀI CHI TIẾT VỀ CUỐN DU KÝ NHAN ĐỀ LÀ “THĂM CAMBỐT VÀ ANNAM” CỦA TÁC GIẢ ENG. LAGRILLIÈRE-BEAUCLERC Đây là một cuốn du ký của một tác giả người Pháp, viết về chuyến đi của ông tới Cam Bốt (nay là Campuchia) và Annam. Cuốn sách này khổ 18cm x 26cm và dày 155 trang. Sách có bìa cứng mạ vàng rất đẹp, và có 35 bức hình minh họa. Tác giả này chỉ là một người Pháp bình thường đi du lịch và ghi lại những cảm nghĩ của ông ta về chuyến đi cũng như về những gì ông ta đã được chứng kiến trong chuyến đi. Tuy nhiên nó có cái hay là đây là những ý nghĩ, những cảm nhận của một người Pháp bình thường, chứ không phải của một anh quan cai trị hay một anh tây thực dân nào mang đầy mặc cảm tự tôn, tự đại. cuốn du ký này được xuất bản hồi những năm 20 của thế kỷ trước, và được chia làm 13 chương. - Từ chương I - chương VII (trang 1 tới trang 92) tác giả chỉ toàn nói về Campuchia, ngoại trừ việc ông ta cho biết có được gặp một vài thủy thủ người Annam trên con tàu đưa ông ta qua Campuchia. - Từ chương VIII - chương XIII (chương chót), tác giả nói tới Annam như sau: - Chương VIII: Ở Cần Thơ (điều này chứng tỏ tác giả đi tàu thủy cặp bến Saigon, và từ Saigon mới đi đường bộ qua Campuchia, tuy tác giả không nói tới trong sách). Lên đường đi Annam (Trung kỳ) – Tới Nha Trang – Tới Tourane (Đà Nẵng) – Trên đèo Hải Vân (chương này đi từ trang 93 tới trang 107). - Chương IX: Từ trang 108 tới trang 116, nói về Huế và chuyến đi thăm các lăng tẩm, như Lăng Minh Mạng (mà tác giả viết là Minh-Hang) và Tự Đức. - Chương X: Từ trang 117 tới trang 127, nói về việc tác giả ghé thăm một trường Trung học của người Annam, và về những cảm nghĩ của tác giả về các công chức Annam. - Chương XI: Từ trang 128 tới trang 138, nói về tác giả ngồi xe kéo đi thăm các phố xá ở Huế. Tác giả kể về các người bán hàng rong và về việc ông ta được triều kiến Vua Thành-Thái (mà tác giả viết là Thanh-Thai), và về việc ông ta được chứng kiến tang lễ của một ông quan Annam. - Chương XII: Từ trang 139 tới trang 151, nói về Cửa Thuận An, về Non Nước (Ngũ Hành Sơn), và về các ông sư ở Ngũ Hành Sơn. - Chương XIII: Từ trang 152 tới trang chót (155), tác giả kể về chuyến đi trở lại Pháp của ông. Đây là một cuốn sách có thể giúp cho các nhà nghiên cứu sử học thấy được các cảm nghĩ và thái độ của một người Pháp bình thường đi du lịch ở nước ta. Xin xem hình ảnh đính kèm. Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, chương VI VŨ ANH TUẤN
Bài viết theo ngạn ngữ Việt Nam: “Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè”. Từ miếu bà Chúa Xứ đến tháp Chăm Po Nagar và chùa Bà Ấn giáo Mariamman. Miếu bà Chúa Xứ (núi Sam – Châu Đốc), tháp Chăm Po Nagar (Xóm chài – Nha Trang) và chùa bà Mariamman (số 45 Trương Định P. Bến Thành Q1 – Thành phố Hồ Chí Minh) được xây dựng từ lâu đời có niên đại khác nhau rất xa ở ba địa điểm rất xa nhau và do ba cộng đồng dân tộc thiểu số phân lập nhưng lại có một kiểu dáng – mô típ kiến trúc tượng thờ gần giống nhau. Chúng ta thử tìm hiểu lai lịch của ba cơ sở tín ngưỡng dân gian này để xem nguồn gốc xuất hiện như thế nào trên đất nước Việt Nam. Miếu bà Chúa Xứ . Tọa lạc dưới chân núi Sam và nằm ở vị trí phía trước lăng miếu (còn gọi sơn lăng) của Khâm sai Thoại Ngọc Hầu tức Nguyễn Văn Thoại (1762-1829), một quan Tổng trấn đạo Châu Đốc (An Giang thuộc Phủ Gia Định) thời vua Minh Mạng triều nhà Nguyễn. Theo ý kiến một số nhà nghiên cứu, tượng bà Chúa Xứ được tạc bằng Diệp thạch, một loại đá thuộc trầm tích cổ được hình thành ở các tam giác châu và các hố đại dương (vùng biển sâu và xa bờ) có mặt từ thời kỳ trước nước biển rút khỏi vùng châu thổ sông Cửu Long, gọi là hải thoái. Bởi vì, tượng thần này được đặt thờ trên một bệ đá ở trên đỉnh núi Sam cao mấy trăm mét có thể do những người Ấn theo đạo Bà La Môn hay Ấn Giáo mang tới theo đường biển lúc nước biển còn mấp mé nơi đỉnh núi, rau sam (rau muống nước) mọc đầy dẫy. Có tên núi Sam cũng từ gốc tích này. Theo sử nhà Lương 502-556 (Trung Quốc) từ thế kỷ thứ IV một người Ấn Độ sang Malaysia rồi tới Phù Nam cưới công chúa lấy vương hiệu Crutavarman. Ông vua này tôn sùng Bà La Môn giáo theo phái thờ Civa (Siva) – Lịch sử bang giao Việt Nam – Đông Nam Á (Phan Lạc Tuyên 1993). Thời kỳ hải thoái vùng biển này tương ứng với thời kỳ truyền thuyết lập quốc của Phù Nam vào thế kỷ thứ I Tây lịch. Theo đó, một hoàng tử người Ấn tên Kaundinya đi thuyền tới vùng này (khu vực đại dương Nam Á) gặp công chúa Liễu Diệp con của vua rồng (hay thần rắn Nagar) đang cai quản. Công chúa đem binh thuyền ra ngăn chặn thì bị hoàng tử bắn một mũi tên trúng thuyền công chúa và thuyền bị thủng chìm. Công chúa được hoàng tử cứu sống rồi hai người trở thành vợ chồng. Vua cha bèn nhường ngôi báu cho hai người đồng thời trổ phép thần thông rút hết nước biển vùng này để đất đai màu mỡ cho họ trị vì đất nước. Truyền thuyết vua rồng rút nước biển tương ứng với thực tế của khoa hải dương học ngày nay: hiện tượng hải thoái vào đầu và thế kỷ thứ VI ở vùng biển Nam Á. Một điều rất lạ lùng là truyền thuyết lập quốc của ba vương quốc Cam-pu-chia, Champa và Phù Nam đều có cùng một nguồn gốc như trên. Như vậy, phải chăng thời kỳ đó, cả ba dân tộc Khmer, Chăm và Phù Nam đều có mặt vùng đất mới sau thời kỳ hải thoái gọi là đồng bằng sông Cửu Long mà nhiều nơi còn ngập mặn? Nhưng rồi không vương quốc nào làm chủ được đồng bằng ẩm thấp hoang vu này cho đến khi xuất hiện một số di dân người Hoa và người Việt sau thời kỳ hải thoái lần thứ hai. Theo Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh năm 1987, vương quốc Phù Nam hình thành từ thế kỷ I tới thế kỷ VI thì tan rã do người Khmer nổi lên thành lập vương quốc Chân Lạp gồm Thủy Chân Lạp (vùng Nam Biển Hồ - Tonlésap) và Lục Chân Lạp (vùng Bắc Biển Hồ). Hải thoái lần thứ I tương ứng với thời kỳ đầu công nguyên. Hải thoái lần 2 vào thế kỷ thứ VI sau công nguyên. Hiện tượng này phù hợp với nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử và địa chất: vương quốc Phù Nam biến mất cùng với phố cảng Óc Eo (Ô Keo) nơi có núi Sập (Thoại Sơn) thuộc Long Xuyên ngày nay. Có thể do trận động đất có sóng thần tràn ngập và tàn phá vùng An Giang, Long Xuyên, Cà Mau làm thành hải xâm) nên một ngọn núi lẻ của dãy Thất Sơn bị sụp lở làm phủ lấp luôn phố cảng Óc Eo. Sau đó, hiện tượng hải thoái diễn ra dần dần cho đến ngày nay, còn lại 9 cửa sông Cửu Long, biển Hồ, đồng Tháp Mười và U Minh ngập mặn... Vào những năm 1820-1825, Thoại Ngọc Hầu theo ý nguyện của vợ đưa tượng bà Chúa xứ từ trên đỉnh núi Sam xuống chân núi để lập miếu thờ cùng với công trình xây dựng cổ tự Tây An có vị trí như ngày nay qua nhiều lần trùng tu. Thoại Ngọc Hầu ngoài chiến công trấn thủ đạo An Giang còn có công bảo vệ nước bạn Cam-pu-chia có tranh giành ngôi vua nội bộ và khẩn hoang lập ấp di dân, cụ thể đào kinh Vĩnh Tế (Hà Tiên – Châu Đốc), kinh Thoại Hà (Rạch Giá – Thoại Sơn, Long Xuyên) và đắp Tân lộ kiều lương (con đường từ núi Sam tới thị xã Châu Đốc). Tượng bà Chúa Mứ có nguồn gốc của tượng thần Siva, một trong số ba thần của Bà La Môn giáo hay Ấn độ giáo là Brahman, Siva và Visnu. Sau này, người dân sửa lại gương mặt của thần Siva để thành một nữ thần, còn thân hình vẫn giữ nguyên dạng là thần nam Siva vạm vỡ. Bên cạnh nơi thờ tượng bà Chúa xứ (thần Siva) còn có tượng đá hình bộ phận sinh dục của đàn ông (Linga) được phủ vải đỏ, dân gian gọi là cậu – con bà. Còn bệ đá hình âm vật (Yoni) vẫn ở nguyên chỗ cũ trên đỉnh núi Sam. Người theo đạo trên thờ bộ linga - yoni tượng trưng cho sự sinh nở, phát triển của muôn loài. Đền bà Po Naga ở tháp Chăm Xóm bóng Nha Trang. Tên nguyên chữ là Po Yang Ino Naga (có nghĩa Bà mẹ xứ sở). Ban đầu tượng thần được bọc vàng, ngọc. Năm 781 hải tặc từ Nam Á tới cướp đi. (Văn bia nơi đây nói quân Java tới vào năm 774). Năm 918, vua Indravarma III của Champa cho đúc tượng lại bằng vàng. Quân Khmer đi đường biển tới cướp đưa về nước. Bức tượng đá còn lại ngày nay do vua Jaya Indravarma cho tạc lại năm 965. Nhưng tới khi người Việt tới lại biến tên tượng này thành “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Hồng Nhơn Phổ Tế Linh Ứng Thượng Nữ Thần”. Bên ngoài tháp có dựng tấm bia đá giải thích lai lịch do Thượng thư Phan Thanh Giản soạn năm 1858. Tới năm 1867 cụ uống thuốc độc tự tử khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long cùng với ba tỉnh miền Tây Nam Bộ. Khu vực tháp Chăm ở đây gồm có ba tháp và tượng nữ thần Po Naga được đặt trong tháp chính lớn nhất. Nữ thần với dáng ngồi có mười tay, hai tay chính để trên đùi bình thường, còn các tay nhỏ hơn cầm vũ khí như kiếm, cung, tên…Tượng bà được đặt trên một cái bệ đá vuông có tên gọi Yoni với đường rãnh viền quanh có miệng để thoát nước khi tắm rửa bà. Hai pho tượng nhỏ đặt hai bên vách, là cô và cậu, con của bà. Còn linga bằng đá được thờ riêng (cặp linga-yoni) trong tháp Giữa tượng trưng cho thần Siva của Ấn độ giáo. Người Chăm lúc đầu cũng theo đạo này, có lẽ cùng thời với sự có mặt của bà Chúa xứ ở núi Sam và ở đền Angkor Wat bên vương quốc Cam-pu-chia. Theo đó, ba vương quốc như đã nói có cùng một truyền thuyết lập quốc và theo cùng một Ấn độ giáo lúc ban đầu. Về sau, có nơi theo Hồi giáo rồi Phật giáo. Đền nữ thần Mariamman ở quận 1 TP Hồ Chí Minh. Ngôi đền thường được gọi là chùa Bà Đen tọa lạc ở số 45 đường Trương Định thuộc phường Bến Thành quận 1 là một trong số ba ngôi đền (hai đền kia thờ ông ở đường Tôn Thất Thiệp phường Bến Nghé và đường Nam Kỳ khởi nghĩa phường Nguyễn Thái Bình). Các ngôi đền này được xây dựng đúng theo kiến trúc mỹ thuật Ân độ giáo thuộc vùng Nam Ấn Độ tức ở đất nước Scri Lanka do chính các thương nhân Ấn Độ làm ăn ở Sài Gòn xây dựng từ rất lâu, có người nói trên 200 năm lúc ban đầu là ngôi nhà lá rồi lợp tôn. Ngôi đền hiện nay được xây dựng lại năm 1958-1960 do một Ấn kiều của Hội Ấn kiều hoạt động ở quanh khu vực chợ Bến Thành từ thời Pháp thuộc đến ngày Sài Gòn được giải phóng tháng 4/1975 xây dựng theo mẫu của các đền thờ bên Nam Ấn Độ. Sau đó, ngôi đền bị tiếp quản do người chủ trì bỏ về nước và tới năm 1990 ngôi đền được chính quyền quận 1 cho mở cửa hoạt động trở lại do một thương gia người Ấn Độ là cháu ruột của thương gia trước tiếp tục quản trị đền nhưng ông lại qua đời năm 2005. Ngôi đền rơi vào tình trạng tranh giành quyền quản trị của hai dì cháu người Việt gốc Khmer theo đạo Phật phái Nam tông ở Trà Vinh. Bà dì chính là vợ của thương gia Ấn Độ trước, còn cháu trai là cháu ruột của bà. Hiện nay ngôi đền được quản lý bởi một Ban Quản trị do chính quyền quận 1 cử để tiếp tục duy trì trật tự, tôn tạo ngôi đền để cho bá tánh tới lui cúng lễ hàng ngày theo tín ngưỡng dân gian. Ngôi đền thờ nữ thần Mariamman được hóa thân từ thần Siva của Ấn độ giáo thuộc mô-típ của bà Chúa Xứ núi Sam và bà Po Na ga tháp Chăm Nha Trang. Ngôi đền chính gồm ba điện thờ: giữa thờ nữ thần Mariamman, hai bên là thờ tượng cô và cậu, con cái của bà. Lối kiến trúc ở đây khác hẳn miếu bà Chúa Xứ và tháp Chăm thờ bà Po Naga như đã nói theo đúng nghệ thuật kiến trúc của các đền Ấn giáo ở Nam Ấn Độ. Trên mái điện thờ (mái bằng như sân thượng) có hai khối kiến trúc theo Ấn giáo được tạo hình theo hình tháp giật cấp mang tính nghệ thuật cao vừa tinh vi vừa bí hiểm, một nằm ngay cửa chính ra vào đền và một nằm ngay tên ba điện thờ bên dưới. Ngay trên nóc điện thờ của ba ngôi đều có các loại tượng người và thú vật chạm trổ tinh vi, đẹp mắt với nhiều màu sắc. Trên tường trước khu nhà hậu hình chử U quanh khu vực đền có 18 tượng thần kiến trúc khác nhau rất tinh vi được đặt trong vòm tròn, đều là biến thể của thần ba ngôi Brahman, Siva và Visnu. Tượng nữ thần Mariamman và cô, cậu đều bằng đá sơn màu đen tương tợ nữ thần Po Naga, tay và cổ đều đeo đồ trang sức bằng vàng, đá quý… có thứ thật, có thứ giả rất được khách hành hương sùng bái và tin tưởng vào quyền lực linh thiêng. Ngay trước cửa điện thờ nữ thần có hai bộ linga - yoni, một để nổi trên bệ đá thấp, một nằm trong vuông lõm dưới nền gạch có chiều cao hơn một mét và được bao quanh bởi một vuông rào bằng đồng để hạn chế sự đi lại của khách hành hương. Mọi việc cúng lễ đều diễn ra bên ngoài vòng rào này. Nơi đây, cách hành lễ khác với hai nơi trên. Hai nơi trên chỉ làm lễ vào ngày “vía bà” hàng năm vào ngày 23-24/4 âm lịch (bà Chúa xứ) và ngày 2-23/3 âm lịch (bà Po Naga). Còn ngày vía bà Mariamman vào ngày 15-16/10 âm lịch. Hai nơi trên, khách hành hương ra vào cúng lễ bình thường hàng ngày, tự mình thắp hương, đặt lễ vật và cầu nguyện. Riêng đền thờ nữ thấn Mariamman hàng ngày đều có hai thời điểm hành lễ lúc 8-9 giờ sáng và lúc 7-8 giờ tối, riêng ngày lễ trọng vào thứ sáu hàng tuần, mồng một, rằm hàng tháng đều có thêm một thời điểm hành lễ vào lúc 10-11 giờ trưa. Còn thời lễ tối lúc 8 giờ có giật chuông kêu vang như ở các nhà thờ Thiên chúa giáo. Việc hành lễ do một nữ (người dì) và một nam (người cháu) thực hiện riêng biệt nhau. Cả hai đều bắt chước cách làm lễ của thương gia Ấn Độ trước đây nhưng lại tụng kinh Phật giáo tiểu thừa bằng tiếng Phạn. Người làm lễ cầm khay than củi nhỏ um đầy khói hoặc chiếc đèn dầu đi xông khắp các tượng rồi để cho khách hành hương hơ khói hai bàn tay, vuốt lên mặt, có người phụ rót nước dừa vào tay khách để uống ngay như nước thánh và khách được chấm điểm son đỏ vào giữa trán để chịu lễ hưởng phước lành. Người làm lễ chính còn rung chuông tay như bên Thiên chúa giáo. Trước đây, nghi thức lễ của Ấn độ giáo như trình bày ở trên chỉ được thực hiện cho người Ấn hay lai Ấn theo đạo này. Nhưng hiện nay, nghi thức này lại được sử dụng luôn cho mọi khách hành hương khi tới đền cầu nguyện, bất kỳ ai. Khách hành hương lại có thói quen sau khi thắp hương khấn vái xong thì tới bên tường điện thờ ở phía sau hay bên hông để úp mặt vào tường cầu nguyện tiếp trong một vài giây đến một vài phút tùy theo ý nguyện của mình. Một tập quán khác nữa, khách hành hương lại đến tượng sư tử đặt gần cửa ra vào trước chính điện để cầu nguyện thêm hoặc khấn vái hoặc lấy hai bàn tay sờ vào tượng rồi vuốt lên người mình như để đón nhận sự may mắn, tiểu trừ bệnh tật. Khách hành hương là ông bà, cha mẹ còn thực hiện cách cầu nguyện này cho con cháu đi theo. Đây là một cách cầu nguyện đầy mê tín, thiết nghĩ nên bãi bỏ. Nói tóm lại, hiện nay cả ba địa điểm thờ thần Siva nói trên đều nổi tiếng trên đất nước Việt Nam, hàng ngày thu hút rất đông khách hành hương thuộc mọi thành phần. Nhưng ở tháp Chăm Nha Trang và miếu bà Chúa Xứ ở núi Sam – Châu Đốc đã được dân gian hóa nghi thức thờ cúng, cầu nguyện. Ngoài ra còn thay đổi tên thần như tượng người nam nguyên thủy Siva được chỉnh sửa thành nữ là bà Chúa xứ, tượng thần nữ Po Naga được thay bằng tên nữ thần Việt Nam. Riêng ở chùa bà Mariamman, còn giữ nghi thức hành lễ của Ân độ giáo nhưng kinh cầu cũng đã biến thể lai Phật giáo Nam tông do người hành lễ có gốc Phật giáo Khmer ở miền Tây. Đền thờ bà Chúa Xứ đã biến thành ngôi miếu đồ sộ kiến trúc theo nhà chùa Phật giáo nhưng lễ vật cúng hoàn toàn theo cách thức của đình đền Việt Nam, có đốt vàng mã, cúng heo quay và dâng sớ cầu an, cầu tài. Tháp Chăm Nha Trang thờ nữ thần Chăm lai Việt đã được đơn giản hóa nghi thức hành lễ hàng ngày của khách hành hương. Đây chỉ là khu di tích văn hóa Chăm hơn là cơ sở tín ngưỡng dân gian nhưng lại có “xin xăm”. Chùa bà Mariamman ở quận 1 còn giữ nguyên kiến trúc cổ đậm nét nghệ thuật Ấn độ giáo về tượng thần và đền tháp. Nghi thức cúng lễ pha trộn rườm rà do có hai thời điểm làm lễ (sáng, tối) có người của chùa thực hiện và vật phẩm cúng lễ gồm nhiều thứ phức tạp như gạo, muối, dầu đốt, hoa quả và nhiều loại khác nữa như trầu, cau, chuối, dừa, bánh, kẹo, đường, sữa... Việc kết hoa lài thành nhiều kiểu như xâu chuỗi đeo tay, đeo cổ tượng, trang trí nơi thờ cúng mỗi ngày, cần tới 5, 7 lao động chuyên nghiệp thực hiện đã trở thành phức tạp, rườm rà và lãng phí. Vương Liêm ĐÔI ĐIỀU VỀ BÁT NHÃ TÂM KINH BÁT NHÃ TÂM KINH là bộ Kinh ngắn gọn nhất, chỉ có 260 chữ mà bất cứ người tu Phật nào cũng biết. Những tu sĩ trong Chùa thì hầu như tụng mỗi ngày. Các nhà nghiên cứu thì cũng theo từ ngữ mà đào sâu, phân tích, và không thể phủ nhận bởi lập luận vô cùng chặt chẽ của lời Kinh: “Mọi Khổ đau là do cái Ngũ Uẩn. Quán nó, Soi rõ nó, để thấy nó (Sắc) đâu có khác gì Không, bởi nó từ gốc Không mà ra, cuối cùng rồi sẽ trở về Không! Do có SẮC nên mới có Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Có Sắc mới sinh ra Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân, Ý, mới có dơ, sạch, tăng, giảm, Vô Minh, Lão, Tử, Khổ, Tâp, Diệt, Đạo, tu chứng. Vì thế, khi thấy SẮC chẳng khác gì KHÔNG, SẮC tức là KHÔNG, thì mọi thứ trước kia vốn là một chuỗi bám theo đó, như cây to mang theo đủ thứ dây lớn, nhỏ, chằng chịt, quấn quanh thân. Khi cây đổ, tất cả đều đổ theo. Thân là nơi chứa những nỗi Khổ. Thân không còn thì làm gì còn Khổ nữa! Từ đó, nhiều nhà tu, lẫn những nhà nghiên cứu đều dựa vào lời Kinh để chấp nhận: Cứ Soi, Quán như thế thì sẽ đạt tới Niết Bàn. Kinh là con đường mà Tam Thế Phật y theo đó để qua bờ bên kia và Kinh có “năng lực trừ nhất thiết Khổ, chân thật bất hư” là không thể chối cãi. Bờ bên nầy là cái CHẤP TA hay CHẤP NGÃ, sẽ sinh ra phiền não, khổ đau, sinh tử. Bờ bên kia là không còn Chấp Ngã, Chấp Pháp, nhờ đó mà được Giải Thoát, được thanh tịnh, an vui, Niết Bàn. Nhưng nếu người tu học soi, quán, hiểu đến đây rồi dừng ở cái chấp nhận Lý Bát Nhã, xem như mình đã nắm vững con đường tu Phật thì chưa đủ. Vì TU có nghĩa là SỬA. Tức là sau khi thấy được cái LÝ rồi thì phải đưa vào SỰ, tức là áp dụng cái Lý đó vào cuộc sống. Thế nhưng, khi áp dụng cái LÝ BÁT NHÃ, Thấy “các pháp là Không” vào cuộc sống thực tế, người tu sẽ rơi vào hai trạng thái: Hoặc lúng túng giữa Lý và Sự, không thể áp dụng được, nhựng không dám nghĩ thêm, vì sợ mâu thuẫn với lời Phật dạy. Hoặc tưởng tượng mọi thứ đều KHÔNG, nghĩ rằng mình đang KHÔNG, trong khi bản thân mình đang sống và hành xử hoàn toàn trong pháp CÓ. Thật vậy. Phải chăng một thực tế không thể chối bỏ là ta đang hiện hữu, đang tồn tại, tức là đang CÓ? Ta đã sinh ra, lớn lên, đã học biết bao điều, làm bao nhiêu việc. Ta CÓ cảm giác. Có hiểu biết. Có cả những nhu cầu: như đói phải ăn. Khát phải uống. Lạnh phải ủ ấm. Nóng nực phải cần gió mát. Bệnh phải uống thuốc. Phải học hành, làm ăn. Phải tiếp xúc, đối phó hàng ngày với biết bao nhiêu vấn đề của cuộc sống? Hơn thế nữa. Chẳng những chỉ Có Ta mà còn Có cả một thế giới cùng chung sống trên trái đất, trong đó có phải, quấy, hơn, thua, giàu, nghèo, cao, thấp, tốt, xấu, suớng, khổ, sống, chết… diễn ra mỗi ngày. Khi muốn tu hành thì Có biết bao nhiêu Tôn Giáo cho ta chọn lựa. Mỗi tôn giáo lại Có biết bao nhiêu thầy. Con đường tu hành theo Đạo Phật lại có biết bao nhiêu việc phải hành trì, bao nhiêu quả vị phải đạt đến. Tất cả đều CÓ, nếu bảo rằng Không thì liệu có hợp lý không? Các pháp CÓ hiện diện khắp nơi. Ngay cả vào tu hành cũng phải CÓ kinh sách để tham khảo, Có việc ác phải trừ, Thiện phải tập. Phải Thiền, Quán. Phải Giữ Giới, lập Hạnh… Mọi thứ đều CÓ. Mở mắt là đã Thấy, đã Nghe. Vậy liệu cái thực tế phũ phàng này có quét sạch những lý thuyết mà ta thấy quá đúng kia chăng? Từ thực tế của cuộc sống, ta thấy: Phải chăng, đã đành: “Sắc bất dị Không” nhưng người đẹp vẫn ưa nhìn hơn là người xấu. Câu khen vẫn thích nghe hơn là câu chê. Lời thanh vẫn êm tai hơn lời tục. Giao du với người tốt vẫn thích hơn là người xấu. Dễ thân cận, gần gũi với người hợp với mình hơn là người đố kỵ, hay chê bai, chỉ trích mình. Phải chăng “Có cũng như Không” nhưng Có tiền vẫn hơn là Không tiền! “Thọ bất dị Không”, nhưng khi bụng đói, không thể dùng câu Kinh hay lý luận để ru ngủ, vẫn cần phải Thọ thứ gì đó, dù ngon, dở, cho bao tử thôi kêu réo? Hàng ngày ta vẫn gặp đủ thứ vấn đề, tất cả đều cần đến pháp CÓ. Phải Có tiền để chi dụng. Phải Có nhà cửa để trú ngụ, Áo quần để che thân. Thuốc men khi trái gió, trở trời. Phải giáo dục con cái. Phải tính toán để chi tiêu hợp lý. Hàng tháng phải Có bao nhiêu thứ để chi: điện, nước, tiền chợ, tiền gạo, tiền học cho con cái, tiền tang ma, hiểu hỉ… Làm thế nào để những thứ đó trở thành KHÔNG để Thoát các Pháp đây? Các Pháp dù sẽ qua đi, sẽ về Không. Nhưng phải chăng nhiều điều vẫn được lưu truyền không dứt? Bằng chứng là thời này có ai gặp được Thượng Đế hay Thần Linh? Nhưng mọi người vẫn tin tưởng, vẫn cầu xin. Các tôn giáo dạy thờ phụng các Ngài vẫn phát triển? Phải chăng tất cả đều xuất phát từ những gì tưởng chừng như sẽ qua đi, sẽ tan biến theo thời gian? Như vậy, cuối cùng Đạo Phật sẽ đưa ta về đâu? Nếu qui tất cả thành một chữ KHÔNG, ai chấp nhận tu hành đều phải vào CỬA KHÔNG MÔN. Sống ép xác, ăn chay. Mặc y hoại sắc. Bỏ hết nhà cửa, cha mẹ, vợ chồng, con cái. Chuyên tâm tu niệm. Bỏ hết việc đời để cầu mong mai kia về Tây Phương Cực Lạc hay Đông Phương tịnh quốc. Thì ta nghĩ sao khi Đạo Phật cho là Giải Thoát phải được thực hiện ngay tại cuộc sống đầy phiền não, để mọi người sau khi tu học thì sẽ Thoát phiền não, như Hoa Sen vẫn nở trên bùn, mà không vương mùi bùn? Bởi Hoa Sen từ lúc còn là mầm cho đến lúc tàn tạ thì vẫn ở nguyên trong bùn, đâu có bứng đi để trồng vào chậu nước tinh khiết? Cái thấy các pháp là KHÔNG chưa phải là cái Lý rốt ráo của Đạo Phật, bởi không thể ứng dụng vào thực tế. Vì thế, một Thiền Sinh bị Thiền Sư Dokuon đập cho một điếu khi dông dài báo cáo: “Con thấy các pháp là Không. Không ta, không người, không nhân, không quả, không thiện, không ác, tất cả đều không”. Thế nhưng khi lãnh cái điếu liền nổi sùng lên, hỏi: “Sao Thầy lại đánh tôi?” Để rồi vị Thầy lôi anh chàng trở về với thực tế: “Nếu tất cả là Không thì cái gì đang nổi Sân lên đó?” Phải chăng đó là sự thật để người tu nhìn lại những hiểu biết của mình xem có khế hợp với Đạo hay không? Bởi vì mỗi Bộ Kinh Phật đều được Phật khẳng định: “Đây là Kinh cao nhất, là con đường mà Tam Thế Phật y theo đó để đắc Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” để người tu học tin tưởng theo đó mà thực hành. Nhưng sau đó cần phải bổ sung thêm. Vì mỗi Bô Kinh, Phật theo trình độ tu học của đệ tử mà thuyết. Lần lượt Ngài sẽ giảng tiếp, cho đến Bộ Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, Phật thuyết trước lúc Ngài nhâp diệt mới là Bộ Kinh cuối cùng. Khi người mới vào tu học còn nguyên tính chất phàm phu, đang CHẤP CÓ, thấy tất cả đều CÓ. Chính vì thấy cuộc đời là Thật. Các Pháp là Thật, là CÓ, nên mới có Nhân, Ngã, mới có THAM, SÂN, SI, THƯƠNG, GHÉT, ham muốn, tìm cầu, để rồi tạo Nghiệp ác. Do đó, muốn tháo gở cho họ, Phật phải chỉ cho họ cái GỐC cuối cùng của vạn pháp là KHÔNG, để họ thấy rằng dù có yêu thích vật chất của cải hữu vi, dùng mọi thủ đoạn gian trá để tranh dành, chiếm đoạt cho được, bất chấp gây đau khổ cho người khác. Nhưng khi cái thân hết kiếp, tất cả đều phải bỏ lại, Nghiệp quả lại mang theo, vì thế mà phải Thọ Thân khác quanh quẩn trong Lục Đạo để trả, không dứt. Cái KHÔNG chỉ là một giai đoạn tu hành, mục đích là để gở những dính mắc vào các pháp CÓ, đến lúc đủ duyên thì Phật đã hướng dẫn tiếp bằng Kinh DIÊU PHÁP LIÊN HOA. Đọc Kinh, chúng ta thấy các đệ tử thời đó của Phật chia ra làm 2 nhóm: Một nhóm 5.000 người khi nghe Phật sắp giảng thì đã lễ Phật lui về, cho rằng những gì mình được nghe từ trước đến giờ đã đầy đủ. Phật gọi đó là bọn “Tăng Thượng Mạn. Chưa được mà cho là đã được. Chưa Chứng mà cho là đã Chứng”. Số còn lại thì hoang mang, nghĩ rằng: “Hôm nay Đức Phật cớ chi ân cần ngợi khen phương tiện mà nói rằng: “Pháp của Phật chứng rất sâu, rất khó hiểu, tất cả hàng Thinh Văn cùng Duyên Giác không thể đến được” Đức Phật nói một nghĩa GiẢi Thoát. Chúng ta cũng chứng được pháp đó đến nơi Niết Bàn, mà nay chẳng rõ nghĩa đó về đâu?” Đầu tiên Phât ngần ngại không nói, vì e rằng “Nếu nói việc đó thì tất cả trong đời, trời, người, Atula đều kinh nghi, Tỳ kheo tăng thượng mạn sẽ phải sa vào hầm lớn”. Mãi sau khi Ngài Xá Lợi Phất ba lần thưa thỉnh, “xin Đức Thế Tôn nói để những người theo Phật học hỏi được nhiều lợi ích” thì Phật mới dạy rằng: “Các Đức Phật Thế Tôn vì một nhân duyên lớn là KHAI TRI KIẾN PHẬT, CHỈ TRI KIẾN PHẬT, Muốn cho chúng sinh TỎ NGỘ TRI KIẾN PHẬT. CHỨNG VÀO ĐẠO TRI KIẾN PHẬT mà hiện ra nơi đời”. Tức là mục đích sự xuất hiện của các Đức Thế Tôn là để hướng dẫn cho tất cả mọi chúng sinh đều sẽ được GIẢI THOÁT như lời Kệ: “XÁ LỢI PHẤT, NÊN BIẾT TA VỐN LẬP THỆ NGUYỆN MUỐN CHO TẤT CẢ CHÚNG BẰNG NHƯ TA KHÔNG KHÁC” Dù vậy, không thể ngay trong một bước mà có thể nói hết con đường tu tập, nên Phật phải dùng PHƯƠNG TIỆN. Bởi: NẾU CHỈ KHEN PHẬT THỪA CHÚNG SINH CHÌM NƠI KHỔ KHÔNG THỂ TIN PHÁP ĐÓ DO PHÁ PHÁP KHÔNG TIN RỚT TRONG BA ĐƯỜNG DỮ (TR.84) Vì thế, Ngài đã: VÌ CÁC LOÀI CHÚNG SANH PHÂN BIỆT NÓI BA THỪA TRÍ KÉM ƯA PHÁP NHỎ CHẲNG TỰ TIN THÀNH PHẬT CHO NÊN DÙNG PHƯƠNG TIỆN PHÂN BIỆT NÓI CÁC QUẢ” (84) Chính vì vậy mà: BÈN CÓ TÊN NIẾT BÀN CÙNG VỚI A LA HÁN TÊN PHÁP, TĂNG SAI KHÁC” (85) Trong Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN trang 233 Quyển I, Phật dạy: “Nếu người tu học nhiều Pháp KHÔNG thời là chẳng tốt. Bởi vì sao? Vì dứt tất cả pháp, vì hư hoại nhiều chơn pháp tạng Như Lai. Tu học như trên đây gọi là tu pháp KHÔNG”. Cũng chính vì vậy mà Phật quở trách hàng Thinh Văn là “Chồi khô, mộng lép” vì chẳng sinh được lợi ích cho ai, kể cả cho chính bản thân họ. Vì đã CHẤP KHÔNG tức là trên chẳng thấy có Phật để học hỏi. Dưới chẳng thấy có Chúng Sinh để cứu độ. Chính vì vậy, Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA là Kinh để khai mở cho hàng Thinh Văn, đưa họ lên địa vị Bồ Tát, cứu độ Chúng Sinh để hoàn thành Phật Quốc. Muốn ĐỘ SINH thì phải thấy Chúng Sinh. Phật mô tả Chúng Sinh như sau: “Lúc Đức Đại Thông Trí Thắng Phật đặng quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trong 10 phương, mỗi phương đều năm trăm muôn ức các cõi nước Phật sáu điệu vang động. trong các cõi nước đó, chỗ tối tăm ánh sáng của nhựt nguyệt không soi tới đặng mà đều sáng rở. Trong đó chúng sinh đều đặng thấy nhau, đồng nói rằng: “Trong đây tại sao bỗng sanh ra chúng sinh?” “Chỗ tối tăm ánh sáng của nhựt nguyệt không soi tới”, đó là cõi Tâm của mỗi người. Chúng sinh là những tư tưởng luôn khởi, diệt trong ta. Đối với chúng ta hiện nay thì quá dễ để nói, để hiểu. Nhưng thời của Phật giảng đã cách đây hơn 2.550 năm, việc mô tả cõi Tâm hay Chúng Sinh không phải dễ. Ngài phải vận dụng phương tiện, vì thế rất dễ gây hiểu lầm. Những ai đọc Kinh mà thiếu những hiểu biết căn bản của Đạo, thì rất dễ lạc vào Nhị Thừa, Thần Quyền, hoặc Tăng Thượng Mạn vì thấy Làm Phật quá vĩ đại, được “làm thầy của Tam Thiên Đại thiên thể giới”. Họ quên rằng Tu Phật là Tu Tâm, nên Tam thiên Đại thiên thế giới mà Phật nói đó cũng ở Cõi Tâm của mỗi người mà thôi! Và rồi cũng không ít người tu cho đến nay vẫn còn hiểu “Độ Sinh” là đi “độ” cho những người khác bên ngoài. Thậm chí còn bịa thêm “Độ Tử” là đi tụng niệm, cầu siêu cho người mới qua đời! Tóm lại. Tu Phật là để Thành Phật. Tức là để được Giải Thoát. Các Ngài Thinh Văn trước khi Phật giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chưa hề nghĩ đến mình sẽ được Thành Phật, vì họ tưởng lầm Phật là thần linh như Đức Thích Ca phương tiện nói về quyền phép, về sự cứu độ của Phật. Cho đến khi Phật Thọ Ký và mở ra Con Đường Độ Sinh cho họ. Chỉ cho họ biết thế nào là Chúng Sinh. Bày cách thức cho họ giáo hóa. Chỉ nguyên nhân Sinh Tử Luân Hồi và cách hóa giải để được Giải Thoát, được hết Khổ khi sống, kiếp sau cũng được sinh chỗ lành. Đó là mục đích của Ngài khi đưa Đạo Phật ra giữa đời thì họ mới vỡ lẽ ra. Con đường tu hành phải qua nhiều giai đoạn. Đầu tiên để gỡ dính mắc vào các tướng Hữu Vi, Phật đưa ra Pháp KHÔNG. Cuối cùng Ngài dạy CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO, “CHẲNG PHẢI CÓ, CHẲNG PHẢI KHÔNG, MÀ CŨNG CÓ, CŨNG KHÔNG”. Chẳng phải CÓ, vì cái CÓ không trường tồn. Chẳng phải KHÔNG vì hiện đang TẠM CÓ. Người chấp các pháp là KHÔNG sẽ trở thành mâu thuẫn với cuộc đời. vì nói KHÔNG mà hành CÓ. Do chấp KHÔNG nên họ quên rằng một ngày còn sống là vẫn còn phải THỌ mọi sản phẩm của cuộc đời, từ cơm áo, cho đến mọi vật dụng khác. Đâu thể cho rằng các Pháp là KHÔNG rồi không đóng góp công sức để trả nợ cuộc đời? Cho nên sau khi thấy các pháp là KHÔNG, người tu vẫn phải quán sát tiếp, để thấy rằng cuộc sống dù được cho là giả tạm nhưng cũng kép dài cả 100 năm, thời gian đó hưởng dụng biết bao vật dụng của đời? Đã thọ ân là phải trả ân, bởi Đạo Phật dạy người tu còn phải đền TỨ ÂN, đâu phải chỉ nói KHÔNG là buông xuôi tất cả? Chính vì vậy, người tu theo Đạo Phật chân chính thì phải sống ở con đường TRUNG ĐẠO. Không chấp CÓ mà cũng không Chấp KHÔNG. Cứ đúng theo đạo đức của con người mà thực hành. Trong đó cố gắng tìm CÁI TA THẬT. Cho đến lúc gặp được, gọi là THẤY TÁNH. Lúc đó sẽ thấy rằng MÌNH không phải là cái thân xác giả tạm này, mà chỉ nương nó để trả nghiệp và thực hiện những điều tốt đẹp cho mình, cho người để cùng được an vui trong kiếp sống. Không bám lấy các pháp. Chấp nhận những khổ, vui, được, mất của cuộc đời. Giải quyết các pháp một cách tốt đẹp nhất, thì sẽ được an ổn, gọi là “Qua bờ bên kia”, là Niết Bàn, Phật Quốc được thành lập, chẳng phải là thần thông, phép màu, Tây Phương, Đông Phương, hay chờ qua cõi nào khác! Cho nên, sau khi tu học theo BÁT NHÃ TÂM KINH, người tu còn phải bổ sung thêm nhiều Kinh khác, để thấy rằng Đạo Phật không phải đưa người tu học rời CÁI CÓ để đến CÁI KHÔNG, mà cuối cùng là CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO. Vì 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp chỉ là những cư xử trong Nhân Thừa (ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN tr. 461). Người tu có cao đến mức nào cũng không rời cõi người, nên PHẬT THỪA không rời NHÂN THỪA, và mục đích của Đạo Phật chỉ là giáo hóa cho con người. Để mọi người được sống an vui và xứng đáng kiếp người, có ích cho đời. Do biết cuộc sống không trường tồn. Mọi vật, kể cả ta, rồi sẽ phải hư hoại, cho nên không ích kỷ, tham lam, sân si, hận thù, gian manh, lừa đảo, hại người, để không phải KHỔ vô lượng kiếp vì những chấp nhất do thiếu sáng suốt vậy. Tâm Nguyện
Phụ Bản I NGOẠI HÌNH CỦA MẤY NHÂN VẬT Ở LẦU XANH LÂM TRI TRONG TRUYỆN KIỀU PHẠM ĐAN QUẾ I. NGOẠI HÌNH CỦA MÃ GIÁM SINH Trong các nhân vật Truyện Kiều, Nguyễn Du chỉ tả ngoại hình của một số nhân vật, trong đó đặc biệt có 3 tên ở lầu xanh Lâm Tri. Mã Giám Sinh xuất hiện đầu tiên vì là người trực tiếp đi mua Kiều: 0623. Gần miền có một mụ nào, Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh. 0625. Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh. Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần. Mã Giám Sinh có một lai lịch mập mờ, là người viễn khách nhưng nói dối lại trả lời cũng gần, và đây là ngoại hình của Mã: 0627. Quá niên trạc ngoại tứ tuần, Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Tên buôn người đầu tiên xuất hiện như một con chim mồi chuyên nhử gái nên phải có một ngoại hình đỏm dáng trai lơ dù đã trạc ngoại tứ tuần, hơi già một chút nhưng ưu điểm chính là có tiền. Ngoại hình của y được tác giả mô tả qua mày râu và y phục bằng hai tính từ láy đặt ở vị trí thông thường ngay sau danh từ “Mày râu nhẵn nhụi , áo quần bảnh bao” - quay “cận cảnh” để nhìn thấy cả mày râu lại "quay lướt" để thấy áo quần - vừa có giá trị miêu tả lại vừa nêu được nhận xét của tác giả. Sau câu lục “Quá niên - trạc - ngoại tứ tuần” với nhịp thơ khập khễnh 2-1-3, giới thiệu y một cách tưởng như vô tình, nhưng chính cái cách đặt câu lục có 5/6 từ Hán -Việt trang trọng và ngay sau đó là câu bát thuần Việt nôm na (Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao) này cho ta cảm giác như tác giả muốn hạ bệ Mã, đặt y vào đúng vị trí của mình với thái độ khinh ghét của ông. Với cách giới thiệu như trên, chỉ bằng 2 câu thơ, kết hợp hai kiểu quay, Nguyễn Du đã để Mã Giám Sinh tự bộc lộ tính cách trai lơ “bất cận nhân tình” của một tên buôn người mạt hạng. II. NGOẠI HÌNH CỦA TÚ BÀ . Khi Kiều cùng Mã Giám Sinh về đến trú phường thì trong cái đêm đầy đau khổ này, nàng đã thủ sẵn một con dao để phòng thân: 0801. Phòng khi nước đã đến chân, Dao này thì liệu với thân sau này! 0803. Đêm thu một khắc một chầy, Bâng khuâng như tỉnh như say một mình. 0805. Chẳng ngờ gã Mã Giám Sinh, Vẫn là một đứa phong tình đã quen. 0807. Quá chơi lại gặp hồi đen, Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa. Và đây là lần đầu tiên, tác giả nói đến Tú Bà: 0809. Lầu xanh có mụ Tú Bà, Làng chơi đã trở về già hết duyên. 0811. Tình cờ chẳng hẹn mà nên, Mạt cưa mướp đắng đôi bên một phường… Tuy nhiên Thuý Kiều chưa được gặp mụ cho tận đến một tháng sau, lúc tới Lâm Tri: 0921. Xe châu dừng bánh cửa ngoài, Rèm trong đã thấy một người bước ra. 0923. Thoạt trông nhờn nhợt màu da, Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao? Cái thân hình ngoại cỡ của mụ gây cho Thúy Kiều ngay từ cái nhìn đầu tiên một ấn tượng mạnh mẽ, một cảm giác kinh tởm, ngạc nhiên đầy lạ lẫm. Một từ láy nhờn nhợt được đặt trước danh từ màu da theo lối đảo ngữ lại được đặt ở vị trí gần cuối câu lục vừa có tác dụng nhấn mạnh đặc điểm ngoại hình của mụ vừa nêu bật được cảm giác ghê sợ nơi Kiều. Rồi lại còn tiếp theo một câu hỏi đầy mỉa mai với một từ láy đẫy đà cũng đặt ở vị trí gần cuối câu bát “Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao?”. Nguyễn Du đã “quay cận cảnh” rồi “quay lướt” để làm rõ cả nước da lẫn thân hình mụ trùm lầu xanh chỉ bằng hai câu thơ. Cái nước da nhờn nhợt và thân hình cao lớn đẫy đà đã tố cáo cuộc đời chơi bời trụy lạc vô độ của mụ. Chỉ có đoạn đời dài trác táng chuyên hoạt động về đêm, lấy đêm làm ngày mới cho mụ một làn da có sắc màu nhờn nhợt - một màu da tái mét nhợt nhạt trông thật tởm và chúng tôi lại muốn như một số bản Kiều dùng từ lờn lợt cho thật là phù hợp với mụ vì nó gợi cho ta một cái gì thật là “bẩn thỉu”. III. NGOẠI HÌNH CỦA SỞ KHANH . Nếu Mã Giám Sinh đã ở tuổi trạc ngoại tứ tuần để đóng vai người có của đi lấy nàng hầu thì Sở Khanh với nhiệm vụ quyến rũ lừa gạt những cô gái trong trắng nên phải trai lơ đỏm dáng đặc biệt là phải trẻ hơn vì hắn không có tiền lại mang dáng vẻ nho sinh: 1059. Một chàng vừa trạc thanh xuân, Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng. Cũng như với Mã Giám Sinh với hai từ láy đặt ở vị trí thông thường sau danh từ: mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao, Nguyễn Du dành cho Sở Khanh hai tính từ láy đặt ở cùng vị trí “Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng” nhưng ngay sau một câu lục với từ song tiết Hán-Việt trang trọng thanh xuân trong Một chàng vừa trạc thanh xuân. Ngược lại, vẻ “nho nhã” Sở Khanh lại được giới thiệu cùng với tên của hắn ở hai câu tiếp theo: 1061. Nghĩ rằng cũng mạch thư hương, Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh. Chúng ta cần để ý là ở đây tác giả dùng chữ hình dong chứ không phải hình dung, dung còn là từ gốc Hán vẫn có cái nghĩa trang trọng nhưng dong đã trở thành từ thuần Việt nôm na nên hình dong chải chuốt mới có ý mỉa mai khinh ghét (Trong ca dao có câu: Trông mặt mà bắt hình dong - Con lợn có béo thì lòng mới ngon). Cụm từ Hình dong chải chuốt ấy lại kết hợp với những ý nghĩ từ điểm nhìn của Thúy Kiều: Nghĩ rằng... Hỏi ra mới biết... ở sau đã thể hiện rõ sự nghi ngờ, thiếu tin tưởng ở con người Sở Khanh càng tố cáo cái vẻ đội lốt văn nhân của hắn. § Qua ba mục trên, cùng với cái màu da nhờn nhợt và cái khổ người cao lớn đẫy đà của mụ Tú, ta thấy với ba tên lưu manh ở nhà chứa Lâm Tri, Nguyễn Du đã dành cho mỗi tên hai từ láy thật là đắc địa để tả ngoại hình của chúng. Và cũng thật là mỉa mai nếu ta lại dùng câu Kiều sau đây để nói về ngoại hình của chúng qua cách mô tả của tác giả Truyện Kiều: Mỗi tên một vẻ, mười phân vẹn mười. Mỗi tên ra mắt độc giả bằng bốn câu trong đó có hai câu tả ngoại hình, nhưng tác giả đã rất tinh tế khi ông giới thiệu chúng một cách linh hoạt chứ không đơn điệu bởi: + Lúc thì danh xưng quê quán trước, ngoại hình sau (Mã Giám Sinh): 0625. Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh. Hỏi quê, rằng: Huyện Lâm Thanh cũng gần. 0627. Quá niên trạc ngoại tứ tuần, Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. + Lúc thì ngoại hình trước, danh xưng sau (Sở Khanh): 1059. Một chàng vừa trạc thanh xuân, Hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng. 1061. Nghĩ rằng cũng mạch thư hương, Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh. + Lúc chưa nêu danh vội mà bằng sự xuất hiện kịp thời của nhân vật trước khi tả ngoại hình, như với Tú Bà trong bốn câu: 0921. Xe châu dừng bánh cửa ngoài, Rèm trong đã thấy một người bước ra. 0923. Thoạt trông nhờn nhợt màu da, Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao? Tên của mụ đã được giới thiệu từ trước cùng với Mã Giám Sinh: 0809. Lầu xanh có mụ Tú Bà, Làng chơi đã trở về già hết duyên… Nguyễn Du đã rất khéo léo và chính xác khi cho lần đầu tiên mỗi nhân vật xuất hiện bằng 4 câu thơ trong đó có 2 câu tả ngoại hình với 2 từ láy dùng đúng chỗ, cái nhẵn nhụi - bảnh bao của Mã, cái nhờn nhợt - đẫy đà của mụ Tú, cái chải chuốt - dịu dàng của Sở Khanh làm hiện lên cái thần của từng nhân vật mang từ thực tế sống động vào văn chương. Thế mới biết chỉ với 6 câu thơ mà tác giả đã mô tả ngoại hình của ba nhân vật điển hình này một cách thần tình biết bao. Chính vì vậy mà các nhân vật của ông mới sống mãi trong lòng độc giả. Như vậy là với mấy nhân vật trong chốn lầu xanh này - những nhân vật phản diện cũng là những thủ phạm đầu tiên trong cuộc đời Kiều - Nguyễn Du khinh ghét chúng nên khi miêu tả đã dùng chủ yếu ngôn ngữ của đời thường - lớp từ thuần Nôm đã cho phép trình bày ngoại hình nhân vật một cách cụ thể mà ta vẫn thấy được thái độ, cảm xúc của ông. Chính là với những nhân vật này bút pháp truyền thống của nghệ thuật tượng trưng đã nhường chỗ cho việc thể hiện sự cách tân của tác giả Truyện Kiều. Chỉ bằng một vài câu, Nguyễn Du không thể đi vào chi tiết. Ông chọn lối vẽ truyền thống là lối chấm phá của các nhà hội họa phương Đông, từ chi tiết tiêu biểu mà dùng bút lực làm bật lên cái thần sắc của từng người, đặc biệt với lớp từ láy đầy gợi cảm mà chúng tôi sẽ xét thêm ở mục sau. IV. TỪ LÁY VỚI NHÂN VẬT TRUYỆN KIỀU . Chúng tôi cũng muốn nêu thêm mấy nhận xét nữa về vài nhân vật điển hình được khắc họa bằng những hành động bởi những từ láy đặc trưng riêng cho từng nhân vật: + Mã Giám Sinh với từ sỗ sàng trong: 0631.Ghế trên, ngồi tót sỗ sàng, Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra . Ngoài ra còn có thể kể Mã đã dặt dìu, cò kè khi mặc cả: 0641.Mặn nồng một vẻ một ưa, Bằng lòng khách mới tuỳ cơ dặt dìu… 0647.Cò kè bớt một thêm hai, Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm . và Thúy Kiều cũng đã nhận xét về gã: dùng dắng, vội vàng, lỡ làng trong câu: 0883.Khi về bỏ vắng trong nhà, Khi vào dùng dắng khi ra vội vàng, 0885.Khi ăn, khi nói lỡ làng, Khi thầy, khi tớ, xem thường, xem khinh. + Sở Khanh với từ đeo đai trong: 1063.Bóng nga thấp thoáng dưới mành, Trông nàng, chàng cũng ra tình đeo đai. và Sở Khanh ngoài cái ra tình đeo đai, cũng đã có cái lẩm nhẩm gật đầu hay tủm tỉm gật đầu, cái lên tiếng rêu rao rồi lại quát mắng đùng đùng khi định ra tay với Kiều. + Tú Bà với từ lơi lả trong: 0925.Trước xe lơi lả han chào, Vâng lời, nàng mới bước vào tận nơi . Với mụ Tú ta lại có thể kể mụ đã phải cầm cập mặt nhìn hồn bay khi Kiều tự tử, rồi phải lựa lời khuyên giải mơn man gỡ dần, kề tai mấy nỗi nằn nì, lại hăm hăm áp điệu một hơi lại nhà, hung hăng chẳng hỏi chẳng tra, đang tay vùi liễu dập hoa tơi bời... đến lúc kể nhặt kể khoan, gạn gùng đến mực nồng nàn mới tha, rồi sau đó mới thong dong dặn dò... + Nếu trước đây, Nguyễn Du cũng đã dành cho ngoại hình hai chị em Kiều cũng mỗi người hai từ láy đặc trưng - với Thúy Vân là hai từ láy đầy đặn, nở nang và hai từ song tiết Hán-Việt trang trọng, đoan trang, với Thúy Kiều lại là hai từ láy sắc sảo, mặn mà và hai từ song tiết Hán-Việt thu thủy, xuân sơn. Với Kim Trọng là hai từ có thể coi là từ láy đề huề và hào hoa - còn Từ Hải là đường đường và vẫy vùng... Với Hoạn Thư là cái sâu sắc nước đời, cái thơn thớt nói cười, cái thủng thỉnh như chơi, cái cười cười nói nói ngọt ngào... vv. và vv. Nguyễn Du quả là độc đáo trong việc sử dụng từ láy! PHẠM ĐAN QUẾ Theo quyển Thế giới nhân vật Truyện Kiều (Nhà xuất bản Thanh Niên – 2005) Địa chỉ liên lạc : phamdanque@yahoo.com Phạm Đan Quế, 18/42 đường Trần Quang Diệu, Phường 14, Quận 3, TP Hồ Chí Minh, ĐT: 08.38435270 – DĐ: 0909842973. GÒ ĐỐNG ĐA – THĂNG LONG HÀNH KHÚC CA Nhạc sĩ tiền bối Văn Cao đã viết nhiều ca khúc về lịch sử Tiên Rồng nhằm để kích thích tinh thần yêu nước của thanh thiếu niên Việt Nam, xếp bút nghiên lên đường chống Pháp, giành lại độc lập cho Tổ quốc thân yêu. Các ca khúc “Thăng Long hành khúc ca’ và “Gò Đống Đa” luôn được mọi người nhớ tới mỗi độ Xuân về. - Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng, - Trong khói sương chiều ám trên dòng sông. - Nhị Hà còn kia, Nhị Hà còn đó - Lũ quân chàng Tôn sập cầu trôi đầy sông. Tới thăm thành Thăng Long, chúng ta nhớ lại trang sử hào hùng của hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ đã đánh tan tác giặc Thanh đến nỗi quân của Tôn Sĩ Nghị phải chạy ‘bán sống bán chết’ qua cầu bắc ngang sông Hồng (tức Nhĩ Hà, vì dòng sông khi tới Hà Nội uốn quanh có hình như vành tai), đến nỗi cầu thô sơ bị quá tải, sụp đổ làm chết rất nhiều quân giặc… - Tháp đây, Gươm thần đâu dưới nước biếc, - Có chăng bao người bao lưu luyến tiếc… Vào thành Thăng Long, chiêm ngưỡng Tháp Rùa cổ kính, liên tưởng đến Gươm thần mà Rùa vàng đã đòi lại sau khi Lê Lợi thắng giặc Minh, hồ Lục Thủy liền được đồi tên là hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm). - Này phường này phố cũ, này đường về ô xưa - Bóng xưa ngàn năm Hồ phai khi tàn mơ - Thăng Long thành xưa, Thăng Long ngày nao cờ khoe sắc phấp phới - Loa vang xa, chiêng thu không, tiếng bát ngát trong trống Thành - Bao năm qua khắp chốn cũ cũng đã mất hết tinh anh. - Thăng Long thành, Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long ngày nay - Dân chí sống yên vui, chờ gió mới bay về - Bao ánh sáng phương tây, từ khắp chốn bay về - Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long Ôi Thăng Long ngày mai - Xây đắp dưới vinh quang bằng chí khí anh hùng - Gần xa hò hét: Thăng Long, Thăng Long, Thăng Long thành! Ngày mồng 5 Tết (7-2-1946), tại đền Trung Liệt trên Gò Đống Đa ở Thái Hà ấp, lần đầu tiên người dân Thủ đô được tổ chức công khai lễ tưởng niệm người anh hùng dân tộc, hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ. Trước đó, dưới chế độ phong kiến và thực dân, người dân Việt Nam phải “mượn” một lễ hội của Hoa kiều “giỗ trận” đối với những đồng bào người Thanh của họ, để tưởng nhớ đến chiến công hiển hách cùa quân Tây Sơn đại phá quân Thanh vào mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789). Nhạc sĩ Văn Cao viết thật xúc động về Gò Đống Đa: - Từng đoàn dân chúng trên Đế đô tưng bừng đi - Tìm về thăm chốn non nước thiêng trang hùng ghi - Cố bước bước bước bước trên đường thơm gió mát - Ta đi đi đi đi thăm Gò xưa chất thây. Ngày nay, Thủ đô Hà Nội tổ chức Lễ hội Đống Đa (thuộc quận Đống Đa) hàng năm diễn ra vào ngày mồng 5 Tết Nguyên Đán (5/1 âm lịch). Đây là Lễ hội chiến thắng, mừng công chiến tích trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. Cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang. Sau đám rước “Rồng lửa Thăng Long” là lễ dâng hương, lễ đọc văn. Lễ hội còn có nhiều trò vui, đua tài, đua trí trên sân bãi tại Gò Đống Đa lịch sử. - Đống Đa còn chốn đây (Lời 2: Tiến quân hành khúc ca) - Nhắc xương đầy máu xây (Lời 2: Thét vang rừng núi xa) - Ngàn tiếng thét tiếng rít lên, còn vướng vất giáo mác tên - Mấy ai qua mà lòng khôn ngây. - Cùng thăm nơi xưa ai là người không bái sùng - Giòng máu ái quốc lưu truyền trong bao đấng hùng - Ngày ngàn quân Thanh chết, dưới toán quân Việt Nam - Thề quyết phấn đấu đồng tâm, hy sinh làm sao cho hơn thời xưa - Rồi cất sức sống ngày mai, máu đào đồng bào hết hòa cùng màu quốc kỳ. Về bài Quốc ca Việt Nam, nhạc sĩ Văn Cao cho biết: - Tên bài hát và lời ca của nó là sự tiếp tục từ “Thăng Long hành khúc ca”: Cùng tiến bước về phương Thăng Long thành cao đứng… Hay trong bài “Gò Đống Đa”: Tiến quân hành khúc ca, Thét vang lừng núi xa… Lời trên đã rút ngắn thành tên bài “Tiến quân ca”, và tiếng thét ấy đã ở đoạn cao trào của bài hát: “Tiến lên! Cùng tiến lên! Chí trai là đây nơi ước nguyền!” (Vào kỳ họp Quốc hội tháng 9-1955, Quốc hội đã mời nhạc sĩ Văn Cao đến để đổi lời mới: “Tiến lên! Cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền”) Ngót 150 năm, nhà Nguyễn cố làm cho người người quên nhà Tây Sơn. Nhưng tiếng “Anh hùng áo vải”,”Anh hùng dân tộc” mãi mãi còn vang, khi nhẹ nhàng, khi mạnh mẽ, trên đất nước Việt Nam, từ Nam chí Bắc. Còn nhà Nguyễn đã làm được gì? – Có người bảo rằng đã thống nhất Bắc Nam. Đó là quên rằng chính nhà Tây Sơn đã thống nhất Bắc Nam, rồi Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm trên tay Đông Định Vương và Cảnh Thịnh. Sau bao phen ‘dâu chìm bể nổi’ nhà Nguyễn còn để lại tiếng “Rước voi, cõng rắn”. Trăm năm bia đá thời mòn Nghìn năn bia miệng mãi còn trơ trơ. (Tham khảo: - Văn Cao, NXB Thanh niên-2007 - Tạp chí Xưa & Nay, số Xuân 2011). PHẠM VŨ HAI MỐI TÌNH ĐẸP NHẤT THẾ GIỚI Cả thế giới đều yêu một kẻ si tình – như văn hào Shakespeare của Anh đã nói – nhất là những đôi tình nhân có những cái tên ghép liền nhau mãi mãi qua những câu chuyện tình được truyền tụng từ đời này sang đời khác. Loạt bài này sẽ ghi lại những mối tình lớn từ Đông sang Tây, thuộc thần thoại hay xảy ra thật ngoài đời, đã góp phần thêu hoa dệt gấm cho hai chữ TÌNH YÊU. I. KIỀU LOAN và ĐÌNH CHƯƠNG – Một Thiên Tình Hận Trường hận ca vi thùy tác? Thoại đáo tương tư tình tiện ác Triêu tư, mộ tưởng vô tận kỷ Tái bả loan tiên tố tình bạc… Đã được một nhà văn phỏng dịch như sau: “Thiên trường hận vì đâu mà viết? Lệ tương tư bi thiết mảnh tình Sơm khuya hồn mộng lung linh Mượn thơ khóc khúc bạc tình đời hoa…” “Tình bạc” chính là nội dung của thiên “Trường Hận Ca”, dài mấy ngàn chữ mà tác giả của nó là một tiểu thư vẹn toàn cả tài lẫn sắc. Nàng mỹ danh là Vương Kiều Loan, đã đoản mệnh vì tình lúc vừa mới vừa 21 tuổi. Lúc ấy là vào niên hiệu Thiên Thuận đời nhà Minh bên Tàu. Vương Trung, người Lâm An, được bổ giữ chức Thiên hộ vệ quân tại vệ Nam Dương, tỉnh Hà Nam. Vương có ba con; ngoài người con trai là Vương Bưu tòng quân ở xa, nhà chỉ còn hai ái nữ mà Kiều Loan là chị. Cô em Kiều Phượng đã lấy chồng rồi, chỉ có Kiều Loan sớm hôm phụng dưỡng cha mẹ và làm bạn với thi văn, kinh sách. Văn hay chữ tốt, nàng rất đắc lực trong việc giấy tờ công văn giúp cha, họ Vương hết mực yêu quý. Một hôm, nhân tiết Thanh Minh, Vương tiểu thư rủ người dì là Tào Di và lũ a hoàn ra vườn dạo chơi ngắm hoa cỏ ngày xuân. Đang vui đùa bỗng trông thấy một thư sinh nép mình bên tường nhìn trộm, Kiều Loan thẹn thùng vội dục mọi người trở vào nhà. Trong lúc bối rối, nàng đánh rơi chiếc khăn lụa xuống cỏ mà không hay. Khi nhớ ra, Kiều Loan vội sai con a hoàn ra vườn tìm, nhưng khăn đã lọt vào tay chàng thư sinh nho nhã ban nãy. Chàng tự xưng là Chu Đình Chương, người ở Ngô Giang, con quan Chu giáo trường ở cách nhà Vương Thiên hộ có một bức vách. Chiếc khăn là cơ hội bằng vàng để “cua” người đẹp nên chàng đâu có vội trả ngay, mà trái lại, ra điều kiện với con a hoàn: “Nghe đồn tiểu thư rất hay chữ, vậy phiền cô trao giúp bài thơ này cho người. Nếu có phúc đáp, tôi sẽ trả khăn ngay”. Bất đắc dĩ, ả a hoàn phải cầm lấy mảnh giấy hoa tiên của khách si tình vào trình với Kiều Loan. Những lời tỏ tình của chàng mới tha thiết làm sao: Phụ xuất giai nhân phân ngoại hương Thiên công giao phó hữu tình lang Ân cần ký thủ tương tư cú Nghĩ tác hồng ty nhập động phòng Được tạm dịch: “Khăn rơi mỹ nữ đượm hơi hương Tạo hóa khiến xui kẻ vấn vương Gởi khúc tương tư tình tha thiết Chỉ hồng buộc chặt mối lương duyên” Khiến cho cô tiểu thư khuê các cảm động, biết không nên trả lời mà vẫn cứ thảo một bài thơ sai con a hoàn cầm ra vườn cho chàng trai lạ, lúc ấy vẫn còn lảng vảng đợi chờ bên tường. Rồi thư đi thư lại mãi, không ngày nào con a hoàn không phải tìm cách ra vườn để trao đổi những lá thư tình cho hai kẻ yêu nhau. Mối tình được sự hỗ trợ của thi văn xướng họa ngày càng nẩy nở bền chặt. Một ngày nọ, Kiều Loan đem chuyện lòng của mình kể hết cho Tào Di nghe. Bà dì thiết thực liền khuyên cháu nhắn với Chu Đình Chương cho người sang hỏi để mối tình thầm lén được danh chánh ngôn thuận. Chàng Chu vội làm theo lời người yêu, nhưng Vương Thiên hộ dùng dằng không quyết. Là con nhà võ biền, Vương rất hâm một tài học của Đình Chương nhưng ông quá yêu con nên không đành gả Kiều Loan xuống tận đất Giang Nam xa xôi. Vả, nàng xuất giá rồi, lấy ai sớm hôm phụ giúp ông trong việc văn thư, sổ sách? Suy đi nghĩ lại cả mấy tháng trời, Vương Thiên hộ đâu ngờ đã làm cho đôi trẻ nhiều phen khóc thầm vì mối tình trắc trở. Chu sinh đau đớn đã nghĩ đến chuyện chết, Kiều Loan cũng rối cả ruột nhưng vẫn gắng gượng khuyên người yêu chăm lo đèn sách, kiếp này hãy tạm làm anh em để đợi ngày xum họp ở kiếp sau. Trong lúc khổ sở, bức thư của Kiều Loan đã giúp Đình Chương sáng nghĩ ra một kế tuyệt hay để được gần người yêu. Chàng lấy cớ nhà chật chội, xin cha qua nhận họ hàng với Vương phu nhân – vốn cũng cùng họ Chu – để được tạm trú nơi hậu viên nhà họ Vương lo việc học hành. Chu sinh khéo chiều đãi nên Vương Thiên hộ rất mến, đã cho nhà còn cấp cả lương thực cho chàng yên tâm đọc sách. Đã đạt ước nguyện chung một mái nhà nhưng phép nhà họ Vương rất nghiêm, được xem như anh em mà chẳng mấy khi Đình Chương được tự do gặp mặt Kiều Loan, bao giờ nàng cũng có Tào Di và ả a hoàn đi theo. Tuy nhiên, Kiều Loan rất tương đắc với họ, nên dần dần chàng và nàng cũng được dịp tâm sự với nhau, khi dạo vườn, khi kề vai xướng họa, ban đầu còn trong vòng lễ giáo nhưng càng ngày càng cuồng nhiệt đến quên cả giữ gìn. Thương cháu, Tào Di đành thuận theo lòng Kiều Loan đứng ra làm “nhân chứng” cho mối tình keo sơn của hai người. Bà buộc họ phải viết tờ hôn thệ thề nguyền chung thủy với nhau đến trọn đời để làm bằng phòng khi sau này một trong hai người trở mặt. Yên tâm vì mối tình của họ đã được trời đất chứng giám, kể từ ngày ấy, tiểu thư tài hoa và chàng công tử đa tình khắng khít bên nhau như thể vợ chồng… Được một năm hương lửa, Chu giáo trường phải đổi đi Nga Mi, Tứ Xuyên. Chu sinh không nỡ xa người yêu, lấy cớ có bệnh xin ở lại hà Nam để dưỡng. Lại thêm nửa năm nữa trôi qua… Một ngày nọ Đình Chương được tin cha mình nhậm chức nơi xa không hợp thủy thổ, lâm bệnh phải cáo quan về quê. Chàng xót xa muốn về thăm cha cho trọn đạo hiếu nhưng lại không có can đảm lìa người yêu, lòng băn khoăn không biết định liệu thế nào cho trọn vẹn. Vương tiểu thư hiểu ý, khuyên chàng nên dẹp bỏ tình riêng để chu toàn bổn phận làm con và biết đâu lại chẳng nhân cơ hội ấy mà thưa chuyện để cuộc hôn nhân sớm được thành tựu. Thấy chàng vẫn bịn rịn không nỡ rời chân, Kiều Loan xui Tào Di thưa với Vương Thiên hộ rằng Chu sinh muốn về thăm quê nhà. Vương đặt tiệc rượu tiễn đưa rất nồng hậu, Đình Chương buộc lòng phải ra đi. Đêm cuối cùng trước khi chia tay, Kiều Loan nhắc lại với người yêu lời thề nguyện khi trước và hỏi chỗ ở của chàng để về sau dễ bề liên lạc. Chu sinh không do dự, đáp ngay: “Quê tôi ở Ngô Giang, tại bến Diên Lăng. Nhưng tôi về rồi sẽ trở lên ngay, không bao giờ để nàng phải nặng lòng trông đợi”. Lời hứa ấy, Đình Chương đã không bao giờ giữ vì cha chàng ở Ngô Giang đã đính ước với một người bạn đồng hương giàu có họ Ngụy. Về đến quê nhà nghe Chu công trình bày tự sự, Đình Chương từ chối ngay. Nhưng ít lâu sau, nghe đồn Ngụy tiểu thư là người có nhan sắc, chàng quên bẵng ngay lời hẹn thề với Kiều Loan để vui duyên mới. Trong một năm chàng xa đất Hà Nam, Kiều Loan vẫn một lòng tin tưởng. Bất cứ người nào quen biết có dịp trẩy qua Ngô Giang là được nàng nhờ đưa thư cho chàng. Thư giãi bày nỗi nhớ nhung, tấm tình tha thiết có đi mà không có về, thảng hoặc có tin thì là những lời thăm hỏi suông v.v… Thời gian qua mà Đình Chương vẫn bặt tăm, Kiều Loan cứ một mình thui thủi trước cảnh gia đình đầm ấm của anh và em gái, nhất là Kiều Phượng vừa sinh thêm một trai, được cả nhà tưng tiu rất mực. Vương Thiên hộ thấy con ngày một võ vàng, muốn kén chồng cho nhưng nàng nhất quyết không thuận, khăng khăng một lòng chung thủy với Chu sinh dù đã lâu không tin tức mà cũng không biết chàng có còn nhớ lời thề cũ chăng. Giữa lúc ấy, có tin đồn Đình Chương đã lấy vợ giàu, Kiều Loan bèn nhờ một người lính vệ rất trung thành là Tôn Cửu đem thư sang Ngô Giang kèm với một bài cổ phong nhắc lại mối tình thắm thiết ngày xưa. Đến Ngô Giang, biết được tin đồn là đích xác, Tôn Cửu nhất quyết tìm gặp tận mặt Chu sinh để hỏi cho ra lẽ. Gã bạc tình lang chẳng tỏ vẻ gì ân hận, đem tấm khăn lụa và tất cả thư từ của Kiều Loan gửi ngày trước đưa cho Tôn Cửu; bảo rằng mình lấy vợ đã hai năm, Kiều Loan hãy liệu lấy thân. Tôn Cửu cả giận, gặp ai cũng rêu rao câu chuyện bạc tình này khiến cả đất Ngô Giang đều chê cười họ Chu bất nghĩa. Ở Nam Dương, Kiều Loan lòng đau như cắt khi nhìn lại mảnh khăn “mai mối”, những tờ hoa tiên còn in đậm lời yêu, câu thề nguyền của đôi lứa ngày nào trước mặt Tào Di. Mặc cho Tào Di khuyên dỗ, nàng khóc lóc đến bỏ cả ăn uống, đem hết cả nỗi lòng của mình viết thành 36 thiên tuyệt mệnh và một bài “Trường Hận Ca” toàn những lời oán trách não nùng nhờ Tôn Cửu cầm xuống Ngô Giang. Nhưng Tôn Cửu oán ghét Đình Chương thậm tệ, nhất định không chịu đi nữa. Vừa lúc ấy gặp khi Vương Thiên hộ gửi công văn sang huyện Ngô Giang nhờ bắt một tên đào binh, Kiều Loan chợt nghĩ được một cách. Nàng cho tất cả thơ từ xướng họa cùng 36 thiên tuyệt mệnh và bài “Trường Hận Ca” mới làm gói thành một tập chung với công văn; trộm lệnh cha gửi đi. Đêm ấy, Kiều Loan dùng tấm khăn lụa ngày nào thắt cổ tự vẫn. Tại huyện Ngô Giang, quan đô sát Phàn Công qua mớ công văn bằng thơ kỳ lạ của Kiều Loan đã hiểu hết câu chuyện thảm thương. Tội cho một tiểu thư tài sắc vì yêu lầm mà phải ra người thiên cổ, Phàn Công ra lệnh tìm bắt Chu Đình Chương, điều tra rồi đánh bằng hèo cho đến chết tan xác mới nghe. Chu công sợ quá cũng nhuốm bệnh chết theo. II. DANTE và BEATRICE – Khi Nhà Thơ Yêu Tình yêu của giới nghệ sĩ thường không mấy khi dành cho một người duy nhất; nhưng riêng với Dante, khuôn mặt thi sĩ rực rỡ nhất của thế kỷ 13, thì Beatrice chính là hình bóng làm cho ông một đời rung động, là nguồn cảm hứng bất tận cho những tác phẩm lừng danh thế giới. Hay như một nhà chép tiểu sử đã viết, Beatrice đã “được yêu thương và được ca ngợi nhiều hơn tất cả mọi người đàn bà, chỉ thua có Thánh nữ đồng trinh Maria mà thôi”. Dante Alighieri sinh năm 1265 ở Florence, trung tâm văn hóa và nghệ thuật số một thế giới lúc bấy giờ, nay thuộc Ý Đại Lợi. Gia cảnh của nhà thi hào rất tầm thường, cha chuyên cho vay tiền, bà mẹ mất khi cậu con trai duy nhất mới lên năm tuổi. Ít lâu sau đó người cha cũng qua đời, để Dante sống với bà dì ghẻ cậu không hề yêu thương. Một người quen của gia đình Alighieri tên Manetto Donati nhận đỡ đầu cho cậu bé cô đơn và theo tục lệ lúc ấy, làm lễ đính hôn cho Dante với cô con gái, Gemma. Lúc ấy Dante mới 12 tuổi. Trước đó, Dante đã được gặp Beatrice Portinari lần đầu lúc cả hai mới lên chín, một cuộc gặp gỡ mà về sau Dante đã tả lại trong La Vita Nuova (Đời Sống Mới). Cái “thuở ban đầu” ấy đã ghi khắc sâu đậm trong trí não Dante, làm rung động đến tận cùng quả tim của cậu bé đa cảm. Những bài thơ đầu tiên của đời thi sĩ đã được làm ra cho Beatrice, người được Dante xưng tụng là “nàng tiên trẻ nhất”. Như một ánh đuốc không bao giờ tắt, Beatrice đã hướng dẫn cả cuộc đời và sự nghiệp thi ca của Dante. Nàng đã được lý tưởng hóa đến mức độ sùng bái; bao giờ chàng cũng thấy nàng ở vai trò “người ban ơn phước và hạnh phúc” như ý nghĩa cái mỹ danh Beatrice. Và khi có người hỏi nhà thi sĩ chàng đã tìm được hạnh phúc gì trong tình yêu ấy, Dante hãnh diện đáp “Hạnh phúc được ca ngợi nàng”. Dante đã nói thật, vì mối tình nồng nhiệt ấy chẳng bao giờ được Beatrice đền đáp. Trên thực tế, ngoài thiên tài của một nhà thơ, Dante không có gì để hấp dẫn phái đẹp. Dáng người thấp, một đôi mắt sâu hoắm, cái mũi quặm ngự trị trên khuôn mặt gầy, chàng chẳng có chút gì là qúy phái. Về phần Beatrice, thế kỷ 20 còn biết ít hơn. Các nhà viết tiểu sử chỉ cho biết nàng nhỏ hơn chàng chừng vài tháng và cũng là người ở Florence. Sau cuộc gặp gỡ gây chấn động cho Dante trong thuở thơ ấu, chàng vẫn nhiều lần trông thấy nàng nhưng không có cơ hội nào bắt chuyện. Chín năm sau đó, lúc Dante 18 tuổi và Beatrice đã trở thành vợ một nhân vật có thế lực ở Florence, họ mới lại có dịp gặp gỡ nhau trên một đường phố gần cầu Santa Trinita. Nàng vận toàn một màu trắng toát, có hai người đẹp đi cùng, ngừng bước nói chuyện với nhà thơ. Dante bị xúc động mãnh liệt. Tối hôm ấy, chàng kể lại trong La Vita Nuova giấc mơ thấy Thần Tình Yêu bế Beatrice trong tay đến gặp chàng… Lúc ấy Dante hãy còn nghèo khó và vô danh, chỉ biết chiêm ngưỡng nàng trong âm thầm. Nhưng tình yêu si dại ấy cả thành phố đều biết, và Beatrice thì lại càng biết lắm. Vốn nhút nhát, Dante không nói gì được trước mặt người yêu để khi vắng nàng, chàng lại khóc cho mối tình vô vọng, khóc nhiều đến nỗi phải gọi căn phòng của mình là “phòng nước mắt”. Đó cũng là lúc Dante làm thơ để bất hủ hóa “tiên nữ” của chàng. Beatrice chết sớm – lúc 24 tuổi – trước khi Dante nổi danh nên không hưởng được cái vinh dự ấy, nhưng cũng đồng thời hoạt động rất mạnh trong các lĩnh vực chánh trị, tôn giáo ở Florence. Chính thành phố này đã được vinh danh ở thế kỷ 13 nhờ sự có mặt của Dante. Năm 1300, Dante là một trong số sáu prieurs được chọn để cai trị thành phố mỗi năm. Chàng lấy nàng Gemma Donati và có hai trai, một gái. Trong giai đoạn đầy tham vọng này, thảm kịch đời Dante đã xảy ra. Chàng xung đột với Đức Giáo Hoàng trong ý muốn tách rời Quốc gia và Giáo hội. Trong lúc Dante lên đường đi La Mã để hội kiến với Giáo Hoàng, một kẻ thù lên cướp quyền ở Florence và ra lệnh cấm Dante trở về thành phố. Thế là vào năm 37 tuổi, Dante đã là một kẻ thân bại danh liệt. Từ đó chàng không bao giờ còn có cơ hội nhìn lại quê hương của mình và của người trong mộng Beatrice nữa. Nhưng thời gian đầy đau khổ ấy đã đem lại cho Dante những xa xỉ phẩm mà danh vọng không cung cấp được: tự do và thì giờ để nhà thơ thai nghén tác phẩm vĩ đại vào bậc nhất của thế giới, La Divine Comédie. Cả một cuộc đời, kiến thức và kinh nghiệm rộng lớn về đời sống của chính Dante đã được đúc kết để tạo ra kiệt tác ấy, dĩ nhiên là tấm tình chung thủy với Beatrice cũng là một trong những yếu tố hình thành quan trọng nhất. Trong La Divine Comédie, Dante đã đặt Beatrice vào ngôi vị cao nhất, ngang hàng với Thánh nữ đồng trinh và Thánh nữ Lucie trên chốn Thiên Đàng. Giấc mơ hội ngộ người yêu đã được Dante thực hiện ở gần cuối tác phẩm. khi ông đã vượt qua Inferno (Âm Ty), Purgatorio (Luyện Ngục) và bước chân đến Paradiso (Thiên Đàng). Ở đây Beatrice đã chờ đợi, một vòng nguyệt quế - tượng trưng cho nữ thần Trí Khôn - quấn trên tấm mạng màu trắng, và Dante run sợ vì bắt đầu cảm thấy “uy lực của một mối tình đã xưa”. Sau khi trách nhà thi sĩ đã lãng phí những ân huệ trời đất dành cho để chạy theo những vị thần hư ảo, nàng đưa kẻ si tình này đến bảy tầng trời của Thiên Đàng. Chính những lời cầu nguyện, những phiền muộn của Beatrice đã đem Dante lên đến nơi đây, nàng giải thích cho chàng biết rằng tình yêu đích thực là tình yêu dành cho sự Thánh Thiện Tối Cao hay Chân Lý Tuyệt Đối. Năm 57 tuổi, chứng bệnh sốt rét đã thật sự đưa ông về cõi Thiên Đàng sau một thời gian khôi phục được ít nhiều uy tín. Nhà thơ đã mất Beatrice hơn một phần tư thế kỷ trước đó, nhưng cái chết đã giúp ông hội ngộ với nàng. Nhờ nàng, thế giới mới có được một thiên tài như Dante; và cũng chính nhờ nàng mà Dante đã biết qua bản chất của tình tục để rồi sau đó, hiểu rằng hình thức cao cả hơn của tình yêu ấy chính là chìa khóa mở cửa Thiên Đàng… ĐỖ THIÊN THƯ st.
Phụ Bản II Đám tang và chuyện ô nhiễm Trong chung cư tôi ở vừa có một đám tang. Người chết là một phụ nữ trẻ, vừa qua cột mốc bốn mươi. Nghe đâu trong mấy ngày đầu năm, chị đột nhiên bị sốt và nhức đầu. Sau khi đưa vào bệnh viện, bác sĩ đã vội cho nhập viện vì nghi ngờ chị gặp phải một căn bệnh hiểm nghèo. Người nhà cũng như bà con hàng xóm không ai biết rõ tình trạng nguy nan của chị nên vẫn đều đều vào ra thăm viếng. Đến một ngày nọ, bác sĩ thông báo cho người nhà biết, bệnh tình của chị đã đến hồi nguy kịch, chị đang hôn mê, và sẽ ra đi trong thời gian rất ngắn. Sau đó xe cứu thương đã đưa chị về nhà và chỉ sau vài giờ người ta đã rút ống thở để chị ra đi êm ái. Thực ra các đám tang không có gì khác nhau. Đội phục vụ chung sự làm việc đâu ra đó, rập khuôn theo công thức đã có từ trước. Đầu tiên là chủ nhà dọn dẹp phía trước che rạp chuẩn bị cho thời gian làm các nghi lễ. Thông thường nhà có tang sự che rạp bít toàn bộ lề đường phia trước. Có nơi vì lề đường quá hẹp nên họ che rạp xuống cả một phần lòng đường. Ở những con đường nhỏ như tại một con đường ở quận 3, vì lề đường quá hẹp nên mỗi khi có tang sự ở nơi này thì y như rằng chủ nhà sẽ che rạp xuống lòng đường. Con đường đã hẹp lại càng hẹp thêm. Thủ tục kế tiếp là nhà đòn mang quan tài và các đồ tế nhuyễn để chuẩn bị tẩn liệm người quá cố. Người chết được mặc quần áo đẹp, rồi bọc nhiều lớp vải, lớp nylon để tránh cho trường hợp xác chết bị thối rửa không chảy lan ra bên ngoài. Những nhà giàu có thường bỏ vào miệng người chết một miếng vàng ròng nhỏ, hoặc một món trang sức bằng vàng y, hay một hạt kim cương không biết có phải để cho người chết dùng làm lộ phí chung chi cho các quan chức ở dưới âm phủ. Hóa ra tục lệ hối lộ này đã có tự lâu đời và áp dụng cho cả thế giới bên kia. Biết được như vậy, bọn xấu thường mai phục ở những nghĩa trang nơi đồng không mông quạnh, đợi đêm đến chúng ra tay. Chúng đào địa đạo bắt đầu từ bên ngoài khu vực ngôi mộ vừa mới đắp đất, hoặc mới đắp phần che chắn bên trên, đến chỗ đặt quan tài và kéo quan tài đi dưới lòng đất ra khỏi khu vực khu vực ngôi mộ. Đến chỗ cửa hầm chúng khui quan tài và hôi của. Vấn đề là sau khi ăn cắp tài sản của người chết, chúng không trả quan tài về vị trí ban đầu mà cứ để vậy rồi lấp đất lên. Cho nên sau này đã xảy ra trường hợp có người muốn cải táng thân nhân, nhưng khi đào lên thì không thấy quan tài đâu cả. Họ phải xuất tiền ra thuê đám thanh thiếu niên sống tại khu vực nghĩa trang đào xới tìm kiếm. Cuối cùng chúng cũng đã tìm được cho khổ chủ. Thù lao trả cho bọn này không phải là ít. Thân nhân tức lắm vì biết chắc chắn rằng bọn con nít này chính là con cháu hoặc chính là đám đạo chích ban đêm đi đào mồ cướp của. Trước khi đưa xác chết vào quan tài. Các đạo tỳ khiêng xác chết cho hạ xuống đất rồi dở lên ba lần như vậy, gọi là “hạ thổ” hay “nhập thổ” gì đó, rồi mới đặt vào trong quan tài. Sau đó họ trải một lớp giấy tiền vàng bạc lên trên người chết và tiếp theo là trà được đổ lên tràn ngập đến miệng quan tài. Phải mất đến mấy bao trà để làm công việc này. Hiện nay có lẽ đã phát sinh một nền công nghiệp sản xuất trà không phải để uống (có thể chết vì không qua kiểm tra y tế) mà chỉ để tẩn liệm người chết. Cũng giống như “tiền âm phủ”, nay có thêm “trà âm phủ” và ghi “hell tea” để tham gia thị trường thế giới. Thế là xong cái khâu tẩm liệm người chết. Gia chủ tiến hành công việc phát tang tức là phát những bộ quần áo tang cho thân nhân người chết trong lúc ban nhạc Tây trổi lên bài “Lòng mẹ” vì người chết là phụ nữ có chồng con rồi. Sau đó là các bản như “Ơn nghĩa sinh thành” và những bài khác. Âm thanh khủng khiếp đang lan tỏa khắp xóm cộng hưởng với sự ô nhiễm tiếng ồn đang gây bức xúc người dân đô thị. Tại đây còn có một ban nhạc cổ thường trực có đủ kèn, trống, đàn các loại với ampli và loa công suất lớn cho ra âm thanh vang dội. Mỗi khi có người đến viếng, kèn trống nổi lên dồn dập. Thanh niên, thiếu nữ còn bỡ ngỡ rất dễ dàng cảm thấy luống cuống. Thật ra đã có nhiều tang gia không mời các ban nhạc cả tây lẫn ta đến phục vụ tại lễ tang làm cho cái phong trào “tân cổ giao duyên” này xuống dốc. Trước tình thế đó các ban nhạc này đã tung ra một chiến lược kinh doanh mới. Họ gắn với các trại hòm cung cấp dịch vụ chung sự để các nơi này, khi tính tiền với khách hàng, nâng giá dịch vụ cao lên bao gồm giá tiền hai ban nhạc. Nhưng đầu tiên họ không nói với khách hàng là đã bao gồm hai ban nhạc. Nếu khách hàng vì “tang gia bối rối” yêu cầu ban nhạc thì họ sẽ tính tiền thêm một lần nữa. Nếu khách hàng không bị “bối rối” và không yêu cầu ban nhạc, họ sẽ “khuyến mãi tưng bừng” là sẽ tặng không cho hai ban nhạc. Thế là khách hàng có thể ra về thơi thới hân hoan, cứ nghĩ rằng mình đã có được một món hời. Xin luôn luôn nhớ cho rằng cái đám dịch vụ chung sự luôn luôn ăn mạnh bạo trên xương và… da của người chết (đã hết máu rồi). Thế rồi sau cái lễ tẩn liệm đó, cả khu chung cư được thưởng thức một thứ âm nhạc vô cùng bát nháo, không có một chút gì gọi là nghệ thuật. Anh chàng thổi trompette phùng mang như con rắn mãng xà, còn anh chàng trombone đưa đẩy cái khung hơi của kèn như một ngư dân kéo lưới, và anh chàng đánh trống quả là độc nhất vô nhị, một tay vịn trống trước ngực, một tay cầm dùi phang vào trống như một ông bố đang nện tới tấp vào mông thằng con siêu quậy. Hết giờ nhạc tây đến ban nhạc ta vang lên những bài cổ nhạc réo rắt, chát tai. Vì âm thanh được mở hết công suất nên không thế nào thưởng thức được cái hay của bài vọng cổ, bài xàng xê, mà chỉ thấy đinh tai nhức óc. Qua đến ngày hôm sau, cũng những âm thanh đó vang dội vào những bức tường của chung cư đập vào tai những cư dân đang nằm mở mắt trao tráo nhìn lên trần nhà, đếm những con thằn lằn đang tranh nhau từng con ruồi, con muỗi. Hai ngày nay giấc ngủ đã đến với họ vô cùng khó khăn. Cuối cùng thì cũng phải đến hồi kết thúc. Đám tang bế mạc. Người chết được đưa đi hỏa táng. Thời buổi bây giờ, đa số người dân chọn phương án hỏa táng cho thân nhân của mình. Vừa gọn nhẹ vừa không phải nơm nớp lo âu nghĩa trang bị giải tỏa, qui hoạch làm sân golf hay công viên, hay phúc lợi công cộng khác. Bây giờ là lúc chuẩn bị đưa quan tài ra xe. Đám đạo tỳ đang hợp ca bài hát “Lòng mẹ”. Những giọng hát đầy mùi cà phê đen đặc quánh và mùi thuốc lá khét nghẹt đưa bài hát lẩn quẩn ở một quãng tám, trầm trầm, u uất. Có lẽ nhờ vậy mà làm cho không khì vô cùng áo não. Tiếng khóc của bà con thân nhân người chết cũng lớn dần lên và sau cùng vượt lên tiếng kèn trống của ban nhạc tây. Chiếc quan tài đang được khiêng ra khỏi nhà. Đám đạo tỳ kê vai vào quan tài bước từng bước chậm chạp, bỗng nhiên một người dẫn đứa con gái của người chết khoảng 18, 19 tuổi ra rồi đè nằm dài xuống đất trên đường đi tới của đoàn người khiêng quan tài. Những người đạo tỳ vừa khiêng vừa cẩn thận bước qua người cô gái. Khi người sau cùng đã “vượt chướng ngại vật”, thì người nhà đỡ cô gái dậy lôi cô này đang vừa khóc vừa xiêu vẹo, chạy vòng lên phía trước nhóm khiêng quan tài rồi đè nằm dài xuống lần nữa. Đoàn người khiêng lại tiếp tục “vượt chướng ngại vật”. Khi người cuối cùng bước qua khỏi cô gái, cũng như lần trước cô lại được vực dậy chạy vòng ra phía trước và bị đè nằm xuống làm chướng ngại vật lần thứ ba. Cô gái như bị kiệt sức. Khi ông đạo tỳ sau cùng bước qua khỏi người cô, cô như nằm im bất động. Người nhà phải đỡ dậy cõng chạy theo cho kịp chiếc quan tài. Đoàn xe tang vượt qua ngã tư gần đó rồi dần dần mất hút ở phía xa để lại một quãng đường tràn ngập giấy tiền vàng bạc. Vẻ đẹp của thành phố lại bị làm cho ô nhiễm, và những người phu quét đường chiều nay chắc phải về nhà trễ hơn vì phải dọn dẹp cái đám rác rưởi này. Dương Lêh (Đầu xuân Tân Mão) TRUYỆN KIỀU (1675-1804) 1675. Hỡi ôi nói hết sự duyên, Tơ tình đứt ruột lửa phiền cháy gan! Gieo mình vật vã khóc than: Con người thế ấy thác oan thế này. Chắc rằng mai trúc lại vầy, 1680. Ai hay vĩnh quyết là ngày đưa nhau! Thương càng nghĩ nghĩ càng đau, Dễ ai lấp thảm quạt sầu cho khuây. Gần miền nghe có một thầy, Phi phù trí quỷ cao tay thông huyền. 1685. Trên tam đảo dưới cửu tuyền, Tìm đâu thì cũng biết tin rõ ràng.
“Oh!”, He cried bitterly, “What a cruel destiny? “Such an innocent woman had to die so unjustly! Deep pain broke his heart, grief fire burned his liver, He threw himself on the bed crying, rolling over “We were so certain to meet again happily! “I never thought that cup we shared would be a farewell for eternity!” The more he thought of her, the bitter grew his pain, Who could easily appease his grief or chase off his deep torment? In the neighbor region, there was a sorcerer, Who was clever in calling demons and divine power Over the three mountains (1) and deep down the nine springs (2) He could instantly get clear news from everything ----------- (1) and (2): Heaven and Hell Sắm sanh lễ vật rước sang, Xin tìm cho thấy mặt nàng hỏi han. Đạo nhân phục trước tĩnh đàn, 1690. Xuất thần giây phút chưa tàn nén hương. Trở về minh bạch nói tường: Mặt nàng chẳng thấy việc nàng đã tra. Người này nặng kiếp oan gia, Còn nhiều nợ lắm sao đà thoát cho! 1695. Mệnh cung đang mắc nạn to, Một năm nữa mới thăm dò được tin. Hai bên giáp mặt chiền chiền, Muốn nhìn mà chẳng dám nhìn lạ thay!
Thúc then prepared good rites to invite the master, He implored him to find Kiều so he could inquire her The sorcever knelt down in front of the decease’s altar, The incense sticks had not burned out when his spirit had slid afar When it came back in a few minutes, the man said: “I didn’t see her face, but I was told she was not dead! “She was bearing a heavy unjust Karma in this life, “So many depts she had to pay, so how could she have died? “Her horoscope says that she is now in great danger “You have to wait another year until you can meet her “But what a queer meeting! I can not explain why “You daren’t look at each other, even face to face close by!”
Điều đâu nói lạ dường này, 1700. Sự nàng đã thế lời thầy dám tin! Chẳng qua đồng cốt quàng xiên, Người đâu mà lại thấy trên cõi trần? Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân, Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên. 1705. Nước trôi hoa rụng đã yên, Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian.
“What strange things he was saying!” Thúc told himself at the moment “Was it a dream? No, what happened to her was evident “How could I believe in silly words of a sorcerer? “How could I meet her again in this world? Oh, never!” His love for her now became a fortorn regret, To meet a fairy twice in his life, he never expected Let the falling flower floating down tranquil water, He never thought of seing her again in a Hell on Earth!...
Khuyển ưng đã đắt mưu gian, Vực nàng đưa xuống để an dưới thuyền. Buồm cao lèo thẳng cánh suyền, 1710. Đè chừng huyện Tích băng miền vượt sang. Dỡ đò lên trước sảnh đường, Khuyển ưng hai đứa nộp nàng dâng công. Vực nàng tạm xuống môn phòng, Hãy còn thiêm thiếp giấc nồng chưa phai. 1715. Hoàng lương chợt tỉnh hồn mai, Cửa nhà đâu mất lâu đài nào đây? Bàng hoàng giở tỉnh giở say, Sảnh đường mảng tiếng đòi ngay lên hầu.
Carrying on their wicked scheme, the two servitors Carried her aboard, raised the sail and auchor To the direction of Tích country, they sailed straightly Back in shore, they unwaded the boat quickly And put everything including the girl in front of the hall, But they had to deliver the kidnapped girl first of all As a temporary place, they put her in a room near the gate, She was lying motionless as though still in a dreaming state Suddenly she wake up, her juvenule soul puzzle “Where has my house gone?” she wondered, “Whose is this castle?” She was in a state of half awake half dreaming When from the hall she heard someone’s voice calling
A hoàn trên dưới giục mau, 1720. Hãi hùng nàng mới theo sau một người. Ngước trông tòa rộng dãy dài, Thiên Quan Trủng Tể có bài treo trên. Ban ngày sáp thắp hai bên, Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà. 1725. Gạn gùng ngọn hỏi ngành tra, Sự mình nàng phải cứ mà gửi thưa. Bất tình nổi trận mây mưa, Mắng rằng: Những giống bơ thờ quên thân! Con này chẳng phải thiện nhân, 1730. Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng. Ra tuồng mèo mả gà đồng,
Some maids came down, urging her to get ready To come up and present herself to the Lady Quite frightened, she hastened to follow one of the maids, Glancing up, she saw a large building with somptuous things laid. Above was a line of characters “Prime Minister” inscribed on a sign, Candles were burned brightly on both sides in full daylight On a bed inlaid with seven precious materials, sat a lady, She asked Kiều numerous questions about her identity Honestly, Kiều answered them all without hiding anything, But the old Lady burst into a rainstorm, shouting: “You vicious girl! I do not believe it. Do not cheat me! “This girl isn’t a honest person, I can see. “If not an escaping servant, she must be an unfaithful wife, “A kind of wild cat on graves or a hen on the fields of rice.
Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào. Đã đem mình bán cửa tao, Lại còn khủng khỉnh làm cao thế này. 1735. Nào là gia pháp nọ bay! Hãy cho ba chục biết tay một lần. A hoàn trên dưới dạ ran, Dẫu rằng trăm miệng không phân lẽ nào. Trúc côn ra sức đập vào, 1740. Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh. Xót thay đào lý một cành, Một phen mưa gió tan tành một phen. Hoa nô truyền dạy đổi tên, Buồng the dạy ép vào phiên thị tì. 1745. Ra vào theo lũ thanh y, Dãi dầu tóc rối da chì quản bao.
“She spoke confusedly and couldn’t make clear what to say, “She must know she was sold to my house as a slave, “But she still talked with a haughty air so arrogant. “Hey, servants! Apply the house discipline! Give her a lesson. “Thirty whips – to let her know the rule of my family” “Yes, Madam!”, answered all the maids in chorus loudly. Even if Kiều had one hundred months, how could she plead? With bamboo sticks, over the poor girl they rushed to beat Any flesh could remain unsmashed, any bold spirit would not fear. How pitiful of a flowery bough of peach, a fresh bloom of pear! Just a heavy rainstorm made it become completely taltered! She was given the name “Hoa nô”, meaning a slave flower And was forced to learn how to become a typical maid Coming in and out with those blue blouse housemaids She didn’t mind her messy hair and darkened complexim
Quản gia có một mụ nào, Thấy người thấy nết ra vào mà thương. Khi chè chén khi thuốc thang, 1750. Đem lời phương tiện mở đường hiếu sinh. Dạy rằng: May rủi đã đành, Liểu bồ mình giữ lấy mình cho hay. Cũng là oan nghiệp chi đây, Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng. 1755. Ở đây tai vách mạch rừng, Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi. Kẻo khi sấm sét bất kỳ, Con ong cái kiến kêu gì được oan?
The housekeeper was a kindhearted old woman, Feeling pity of the virtuous girl in her calamity, She used to give her some medicines, or a cup of tea, And, by the way, some advice to get safer in her hard time: “My daughter, as a frail willow, you should know how to take care of your own life. “There must be something unjust from your previous existence “That has followed you until such an ill consequence. “Here the walls have good ears as forests have their springs (3) “If you see any old friend, just pretend to see nothing “To avoid windstorms and high tides that may raise unex peetedly, Being an ant or a bee, how could you explain your genuine purity? (4) ------------ (3) Be careful, everything you say is heard. (4) Justice belongs to the stronger.
Nàng càng giọt ngọc như chan, 1760. Nỗi lòng luống những bàng hoàng niềm tây: Phong trần kiếp chịu đã đầy, Lầm than lại có thứ này bằng hai. Phận sao bạc chẳng vừa thôi, Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan. 1765. Đã đành túc trái tiền oan, Cũng liều ngọc nát hoa tàn mà chi. Những là nương náu qua thì,
At these words, Kiều could not hold her torrential tears She felt bitter for her lonely griefs through so many years Misfortunes did not end but they still changed in double cruelty! Oh, my ill destiny! Is not this enough for me? Are you linking up to this rosy cheeked girl for all her life? If it was an unjust debt from my previous lives. I would not mind sparing this crashed pearl and torn flower to pay it out In this hard time, just try to live and wait what’ll come about”
Tiểu thư phải buổi mới về ninh gia. Mẹ con trò chuyện lân la, 1770. Phu nhân mới gọi nàng ra dạy lời: Tiểu thư dưới trướng thiếu người, Cho về bên ấy theo đòi lầu trang. Lãnh lời nàng mới theo sang, Biết đâu địa ngục thiên đàng là đâu. 1775. Sớm khuya khăn mắt lược đầu, Phận con hầu giữ con hầu dám sai. Phải đêm êm ả chiều trời, Trúc tơ hỏi đến nghề chơi mọi ngày. Lĩnh lời nàng mới lựa dây, 1780. Nỉ non thánh thót dễ say lòng người.
One day, Hoạn Thư came to see her mother at her residence, Mother and daughter had a joyful talk that broke the house silence. The old lady had Kiều come out to receive her order, “My daughter is wanting a maid”, said the old mother “I want you to come and serve her satisfactorily” Kiều obeyed the order and followed the young lady, Without knowing, she was going to Hell or Paradise. Morning and night, she served her with towels and combs or something alike. The role of a maid she tried to complete satisfactorily One calm night, absorbed by the nocturnal serenity, Hoạn Thư asked her about her skill in lute playing To please her mistress, Kiều took the lute and altune strings Like water dripping, murmuring notes moved the listener’s heart
Tiểu thư xem cũng thương tài, Khuôn uy dường cũng bớt vài bốn phân. Cửa người đày đọa chút thân, Sớm ngơ ngẩn bóng đêm năn nỉ lòng. 1785. Lâm Tri chút nghĩa đèo bồng, Nước bèo để chữ tương phùng kiếp sau. Bốn phương mây trắng một màu, Trông vời cố quốc biết đâu là nhà. Lần lần tháng trọn ngày qua, 1790. Nỗi gần nào biết đường xa thế này.
Before the maid’s talent, Hoạn Thư seemed to have some good regard Since then, her severity seemed to be somewhat lessened Like a slave, Kiều endured her hopeless days with patience Sharing her griefs with her own shadow, sorrows with her heart She thought of that small love in Lâm Tri, so loyal on both parts Barred by mountains and rivers, their reunion was a dream in next life She looked upon all directions, white clouds blurred her eyes. Where is her homeland? She could not find. Days and months passed by, their hearts so close, but so long was the way! Why?
Lâm Tri từ thuở uyên bay, Buồng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân. Mày ai trăng mới in ngần, Phần thừa hương cũ bội phần xót xa. 1795. Sen tàn cúc lại nở hoa, Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân. Tìm đâu cho thấy cố nhân? Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương. Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương, 1800. Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê. Tiểu thư đón cửa giãi giề, Hàn huyên vừa cạn mọi bề gần xa. Nhà hương cao cuốn bức là, Buồng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng.
Far away in Lâm Tri, since the day the poor oriole had gone, How pitiful of him who stayed day and night alone. Those days, her green eye–brows reflected the new moon so fresh! Now, old perfume and powder she left filled his heart with bitterness. Lotuses languished as marguerites started blooming, Days shortened while sorrows kept unending. Winter was ceding its way to new spring to come over, Where could he find his former beloved? Oh, never! “It was fate”, Thúc said to himself, “Never and never again!” Only to believe in fate could he appease his deep pain. His pain appeased, he was thinking of his native village Without wasting a moment, he hastened to start the voyage. So warmly, his wife welcomed him at the front gate, So many things to say though it was rather late She had the silk curtain rolled up to make the room lighter, They ordered Kiều to come out to pay regard to her master (To be continued) Thùy Dương
HOA ĐỐI ẢNH
Khói núi ngoài xa gió dậm ngàn Sương mờ thu hẹp cả không gian Xuân phơi vài cánh mai đang nở Đông cảm dăm bông cúc chớm tàn Giữa ngã ba đời hoa đối ảnh Trên đường hai cõi mộng tương quan Thảo nào mưa nắng phai mầu tóc Đếm mỗi ngày qua một võ vàng. TRẦN LỮ VŨ
HOA CUỐI MÙA Mến tặng Ngàn Phương Rụt rè em khe khẽ Mở cửa khu vườn yêu Từ lâu thành phế tích Với khung cảnh tiêu điều
Từng hàng cây ủ rủ Bên khóm hoa xác xơ Ghế đá mờ bụi phủ Xác lá kín dấu xưa..
Bắt tay em chăm sóc Từng bụi cỏ, luống hoa Mời chim về làm tổ Để bình minh hát ca
Khép trang buồn quá khứ Em vun lại vườn yêu Cho nụ hoa nở muộn Lung linh trong nắng chiều
Tưởng con tim đã khép Dè đâu vẫn rộn ràng Ngỡ hoa lòng đã héo Ngờ đâu vẫn nồng nàn
Tình cuối đời tha thiết Hoa cuối mùa nồng hương Vườn yêu giờ bừng dậy Những nụ hồng yêu thương
Chắt chiu từng giọt nhớ Ủ thành vò rượu thương Dâng anh men mật ngọt Của tình yêu cuối cùng
Tâm Nguyện 1/2011
CHÂN DUNG
Khi về vỗ cánh thinh không Nghe rơi tiếng hạc muôn trùng núi cao Em phiêu du tuổi hoa nào Nghìn xưa để lại nghìn sau dấu giầy
Khi về giấu mặt hai tay Lời kêu ca đã phơi bày chân dung Em từ vô thỉ vô chung Tan theo tiếng hạc phụ lòng anh yêu
Khi về đầu núi trăng treo Con từ qui lạc cuối đèo gọi nhau
Khi về nắng nhặt mưa mau Vắng em anh cũng nhạt màu chân dung.
Khi về vỗ cánh thinh không... Thiếu Khanh Pleiku, 5. 1963 Sàigòn, 7-1965 (Trích Nghìn Xưa Để Lại) Ước Vọng Mong Manh
Ước gì tan loãng vào nhau Như mây với gió Dạt dào tin yêu Như trời thu với bóng chiều Như hoàng hôn Tiếng sáo diều xôn xao
Ước gì tan loãng vào nhau Như dòng máu đỏ Rạt rào trong tim Như mùa Xuân với tiếng chim Như thi nhân Với vạn niềm thương đau
Ước gì tan loãng vào nhau Như vành môi Với ngọt ngào nụ hôn Như hương thơ với tâm hồn Như dòng suối chảy Về nguồn thanh cao
Ước gì tan loãng vào nhau Như làn sóng bạc Hòa vào biển xanh Nhựa non nuôi lá trên vành Như cây với nắng Như mình với ta…
NGÀN PHƯƠNG
Xin Xin cho nhau một nụ cười Và xin được nhận bao lời yêu thương Vườn đời đậm sắc thơm hương Buồn đau vứt bỏ, vấn vương nhọc lòng Trời xanh nắng tỏa mênh mông Chở đi những chuyện bão lòng thế gian Xin vơi những cuộc lỡ làng Để thương trọn vẹn, thắm tràn con tim Xin chia gánh nặng ưu phiền Gạt bao lừa lọc lỡ dìm lương tâm Trong như mạch suối nước ngầm Thơ ngâm nhạc trỗi trăng rằm đưa duyên Dù đời còn lắm truân chuyên Nhưng mà lại rất diệu huyền bên ta Tặng đời thêm những đóa hoa Sớt chia gian khổ chan hòa bên nhau Xin đừng xát muối tim đau Mắt trong ánh mắt dạt dào niềm thương Dù cho đời lắm đoạn trường Xin cho nhau những đóa hường cảm thông. XUÂN VÂN TRẦN GIAN PHÁI TRẢI
2 kẻ sống ở trần gian Thường ngày gặp nợ ứa gan lên đầu Ấy vậy chứ chẳng bao lâu Lại tươi khúc khích tâm đầu miệng hoa Số là phải trái mà ra Cho là phải hết hóa ra một Người Ngộ chưa lại toét môi cười Một đôi tay phải sai rồi Cái phải mẹ đất Con trời trái ngang Một cặp một chiếc rõ ràng Chiếc cặp chưa rõ Chàng Nàng đều trinh Trần gian nào phải trần tình Cứ y như thế trắng tinh đen ngòm Giàn Trân phái trải Thế thôi!? TRẦN QUANG 15:30/ CN. 19.12.2010 Lời tạ từ của mây
Khi em quay l ưng về khung trời xa, Nâng niu những cành mai nắng chiếu mượt mà. Rồi từ đó con đường về im vắng, Có lá mai vàng cơn gió nhẹ thoáng qua. *** Những bước chân nào đem về nỗi nhớ nhung, Với những lời ca làm em phải thẹn thùng. Cho xin lại từng vì sao lạc bước, Và mắt nai buồn như vạc nắng rưng rưng. *** Buổi chiều nào em về ngang dòng sông xưa, Có thấy gì không vẫn lả lướt bóng dừa. Gió mải mê nô đùa trên sóng nước Và đợi đêm về trên những giọt mưa. *** Sao không nói lời tạ từ của mây? Lãng đãng từ nơi xa tít đọa đày. Phải chăng còn những chiều hoang trống vắng, Cho nắng vàng và những cánh bướm đắm say. Dương Lêh NGÀY XƯA... Ngày 6-2 âm lịch (ngày 10-3-2011) chúng ta kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tuẫn tiết tại sông Hát. Nhạc sĩ Tô Vũ – tên thật là Hoàng Phú, em ruột nhạc sĩ Hoàng Quý, tác giả bài “Cô láng giềng’ - đã diễn tả tấm lòng cảm động, ngậm ngùi khi viết bài “Ngày xưa” để tưởng nhớ đến Hai vị anh thư đầu tiên của Việt Nam: Dòng sông Hát nước xanh mờ sâu Êm đềm trôi về bến nơi đâu? Sóng đưa lăn tăn con thuyền ai xuôi Theo gió khơi tiếng ca âm thầm trầm rơi… Mọi người đều biết là Tr ưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em ruột, con gái Lạc tướng huyện Mê Linh. Chồng Trưng Trắc là Thi Sách, con trai của Lạc tướng huyện Chu Diên. Là người yêu nước, Hai Bà đã đi khắp nơi vận động nhân dân gia nhập nghĩa quân và được nhân dân hết lòng ủng hộ. Những hoạt động của Hai Bà đã bị Tô Định theo dõi và y đã vô cớ bắt giết Thi Sách để đe dọa Trưng Trắc. Nhưng điều đó chỉ làm cho nhân dân Âu Lạc thêm căm phẫn và khiến cho Trưng Trắc càng quyết tâm đứng lên “đền nợ nước, trả thù nhà”. Cờ phất lên vào đầu năm 40 trên đất Mê Linh đã được nhân dân khắp nơi hưởng ứng, thống nhất thành một phong trào rộng lớn trong cả nước và đã giành được chính quyền trên khắp “65 huyện thành”. Tô Định phải chạy trốn về Nam Hải. Chính quyền đô hộ bị lật đổ hoàn toàn. Đất nước sau 200 năm bị trị, đã trở lại tự do. Sau khi quét sạch bọn đô hộ Đông Hán ra khỏi đất nước, Trưng Trắc và Trưng Nhị được suy tôn làm Trưng Vương, đặt tên nước là Hùng Lạc (theo ‘Dư địa chí’ của Nguyễn Trãi), lấy Mê Linh làm kinh đô. Ngày xưa khi nơi đây đã từng vang hình bóng Hai Bà Trưng đem máu đào hòa nước sông nhà Hồn linh thiêng sống trong muôn trùng sóng Những khi nào chiều vắng trầm đưa lên tiếng ca… Bực tức vì bại trận trước Hai vị nữ lưu, vua Hán sai Mã Viện, là một viên tướng già lão luyện, mang 2 vạn quân cùng 2000 thuyền xe sang đánh phục thù. Được tin giặc kéo xuống, Trưng Vương cử Thánh Thiên công chúa đem quân lên biên giới chặn giặc theo đường bộ, Trưng Nhị tiến quân đóng ở Đại Đồn (Vân Đồn) cùng Lê Chân ở An Biên (Hải Phòng) chặn đường tiếp tế lương thực của giặc theo đường biển. Còn đại quân do Trưng Trắc chỉ huy thì đón đánh giặc ở tả ngạn sông Cà Lồ. Thế giặc đang mạnh, quân ta chống không nổi buộc phải rút lui. Quân giặc tràn xuống và hội quân ở vùng Lãng Bạc. Sau một thời gian chờ đợi cho quân giặc mỏi mệt, Hai Bà Trưng bèn chủ động tấn công vào doanh trại giặc. Một trận đánh lớn đã diễn ra ở vùng Lãng Bạc. Quân ta có tinh thần chiến đấu dũng cảm, nhưng vì lực lượng yếu, chưa được huấn luyện chu đáo đã bị thua. Trưng Vương buộc phải rút quân về Mê Linh. Bị Mã Viện đuổi theo, Trưng Vương tiếp tục rút quân về động Cấm Khê. Hai Bà bị thất trận phải nhảy xuống sông Hát (sông Đáy) tự vẫn. Sau khi bình định xong Giao Chỉ, Mã Viện đem quân vào Cửu Chân. Đến cuối năm 43, cuộc Khởi nghĩa Hai Bà Trưng kết thúc, nhà Đông Hán thiết lập trở lại ách đô hộ trên đất nước ta, mở đầu cho giai đoạn Bắc thuộc lần thứ hai. Thuyền ai lướt sóng trên dòng sâu Êm đềm trôi về bến nơi đâu? Có hay chăng ai! Trên dòng sông xanh Tiếng ca thuở xưa như gọi tâm tình. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng đã chứng minh hùng hồn cho ý chí độc lập tự chủ không gì lay chuyển được của nhân dân ta. Đây là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn, đã giành và giữ vững được chính quyền tự chủ trong hơn 2 năm trời, mở đầu một phương hướng đúng đắn cho phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta suốt thời Bắc thuộc. Chính vì những ý nghĩa đó, sự nghiệp của Hai Bà Trưng đã sống mãi trong lòng mọi thế hệ người Việt Nam. Chúng ta biết rằng dân tộc ta, sau thời đại Hùng Vương, đã chìm sâu vào đêm dài nô lệ. Kể từ khi Triệu Đà xâm lược nước Âu Lạc của An Dương Vương năm 179 trước Công nguyên cho đến khi Ngô Quyền đuổi được quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi, xây dựng nền tự chủ (938), dân tộc ta đã trải qua một cuộc trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc suốt 1.117 năm! Ai là người khởi đầu cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trường kỳ ấy? Chính là Hai vị anh thư Trưng Vương. Nếu cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thất bại thì biết đâu dân tộc ta đã bị diệt vong, cùng chung số phận với các dân tộc trong cộng đồng Bách Việt. Vị cứu tinh của dân tộc Lạc Việt, đã khiến cho dân tộc tiếp tục quật khởi để xây dựng nên những vương triều độc lập về sau như Vạn Xuân, Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam và Việt Nam. Tương tự về sau này vào thời Tây Sơn, nếu Quang Trung – Nguyễn Huệ không chiến thắng giặc Thanh với trận Đống Đa, đây là thời điểm cực kỳ quan trọng đến vận mệnh quốc gia, vì sau đó, các nước Tây phương bắt đầu công cuộc chinh phục các nước để làm thuộc địa, lúc đó họ sẽ vẽ lại bản đồ châu Á – theo địa giới mới của nhà Thanh. Nếu không có chiến thắng Đống Đa thì đất nước hình chữ S có lẽ không có mặt trên bản đồ châu Á mới chăng? Với chỉ 3 năm độc lập, sau khi đốt lên ngọn đốc bất khuất đầu tiên, Hai Bà Trưng đã để lại cho các thế hệ sau một bài học quý giá: “Đoàn kết toàn dân tộc, quyết tâm giải phóng dân tộc để giành lại nền độc lập, thì sớm muộn dân tộc ta cũng thành công” Hiện nay. ở nội thành Hà Nội có hai làng Đồng Nhân đều có đền thờ Hai Bà Trưng: 1- Đền Hai Bà hiện diện ở Đồng Nhân Châu (bãi Đồng Nhân) từ thế kỷ 12, nay thuộc phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng 2- Đền Hai Bà có từ thế kỷ 19 (Đền này là hậu thân của đền Hai Bà ở phường Bạch Đằng, vì sông lở, Đền gốc ngoài Đồng Nhân Châu mới dời vào đây và được cấp hơn 6 mẫu đất), nay thuộc phường Đồng Nhân, cùng thuộc quận Hai Bà Trưng. Sách Trưng Vương lưỡng vị sự tích ghi: “Sau khi Hai Bà tự trầm trên sông Cái thì hóa thành Hai tượng đá ngồi bên dòng nước, thường vọt ra khí sáng, trôi mãi đến khúc sông bãi Đồng Nhân”. Vua Lý Anh Tông giáng chỉ truyền cho dân làng này dựng Đền thờ Hai cỗ tượng đá ở bên sông (năm 1142) Từ đó, lễ hội Đồng Nhân thuộc quận Hai Bà Trưng thờ Hai Bà, tại đây hàng năm thường mở Lễ hội vào ngày 5-2 Âm lịch để tưởng nhớ công ơn Hai Bà Trưng. Nghi thức có lễ tắm tượng, lễ rước, tế múa đèn tiến hành rất trang nghiêm, uy nghi. Phần hội có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc vui tươi. Hằng năm vào ngày 8-3 kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ - trong ngày này, các đấng phái mày râu chỉ nghĩ đến việc mua hoa Hồng để tặng cho phái đẹp, chẳng ai nghĩ về ngày lễ kỷ niệm Hai vị anh thư đầu tiên - chúng ta ghép vào ngày 8-3 Dương lịch để kỷ niệm Ngày 6-2 Âm lịch kỷ niệm Hai Bà Trưng như vậy có ổn thỏa không? Những ngày húy nhật của các Danh nhân dân tộc trong lịch sử, của Ông bà Tổ tiên trong gia phả, luôn luôn được ghi chép bằng ngày tháng Âm lịch. Lễ hội lịch sử, lễ hội dân gian, từ làng đến nước, cũng được tổ chức theo ngày tháng Âm lịch. Đó là truyền thống văn hóa dân tộc đã trải qua nghìn đời, khắc sâu vào ký ức, vào tâm linh dân tộc. Kỷ niệm Hai Bà Trưng, vì thế, phải nên tổ chức vào ngày truyền thống 6-2 Âm lịch, không thể kỷ niệm vào một ngày tháng Dương lịch! (Tham khảo: - sách Lịch sử Việt Nam của Huỳnh Công Bá - 2004, - sách Thăng Long Hà Nội của Tô Hoài - 2000) PHẠM VŨ
Phụ Bản III PHÚC ÂM CHÚA GIÊ SU VỚI NGÀNH KINH DOANH THEO MẠNG Thoạt nghe có người sẽ cho rằng: Phúc âm Chúa Giêsu thì liên quan gì đến ngành KDTM. Cuộc đời của Ngài đã trôi qua hơn 2000 năm rồi(1) còn ngành KDTM là mới đây (1934 – Karl Renborg – Mỹ) khoảng 77 năm, khá là non trẻ, chưa hết một đời người 100 năm. Kinh Thánh nói chung và Tân Ước nói riêng, ra đời gần 2000 năm rồi có lẽ đã quá cũ, quá xưa chỉ dành cho giới linh mục, tu sĩ nam nữ, những người mộ đạo hay những người thích nghiên cứu. Qua những năm nghe lời Chúa, người viết bỗng nhận ra cuộc đời Chúa Giêsu có rất nhiều điểm chung với ngành KDTM. Xin mạo muội viết vài dòng về lĩnh vực Tuyển dụng, Đào tạo, Phản đối… Tuyển dụng Chúa Giêsu ngay khi bước vào cuộc truyền đạo cũng đã được ma quỷ tuyển dụng bằng cách cám dỗ Ngài: Ma quỷ cám dỗ 3 điều (Lc 4,1-13): - Cơm bánh - Của cải - Quyền lực Trong cuộc sống hàng ngày biết bao nhiêu công ty KDTM (hơn 5000 công ty với 65.000 mặt hàng) mời chào cũng có những cám dỗ tương tự như vậy: - Có tiền tiêu dùng hàng ngày - Rất nhiều tiền: mua nhà, xe hơi - Làm chủ doanh nghiệp… Vào đây bạn có tiền ngay, nhiều tiền, mạng lưới có sẵn bạn sẽ trở thành giám đốc, chỉ cần mua hàng một lần là bạn thành ông chủ một doanh nghiệp lớn, gia nhập ngay đi… Hãy từ bỏ ngay khi có những công ty đưa ra những lời mời chào này . Chính Chúa đã từ bỏ khi được đưa ra những lời mời béo bở này. Ở đời khó có việc “ngồi mát ăn bát vàng”. Chúa Giêsu đã chọn con đường từng bước một xây dựng hệ thống bằng cách tuyển dụng những người hợp tác. Phúc Âm thuật lại việc chọn lựa môn đệ của Ngài: - Từ ban đầu nhận thấy Chúa Giêsu mới là Đấng Cứu Thế, Yoan Tẩy Giả đã chuyển giao 2 môn đệ của mình cho Chúa Giêsu: Anrê là một trong hai môn đệ đó đã giới thiệu anh mình là Simon. Ông này được Chúa Giêsu đổi tên là Phêrô nghĩa là Đá – Ngài đặt cả niềm tin vào Đá Tảng này – cửa hỏa ngục cũng không thắng được. - Hôm sau Ngài gặp Philip; Chúa Giêsu nói với ông: “Hãy theo ta”. Philip theo ngay, sau đó ông dẫn Nathanael (một học giả) giới thiệu với Chúa (Yn I. 35-51). - Yacôbê và em là Yoan đang vá lưới cùng cha là ông Zêbêđê; Ngài kêu gọi họ. Lập tức, họ bỏ cả thuyền cả cha mà đi theo Ngài (Mt V. 21-22). - Tuyển Matthêo: Chúa Giêsu đi ngang qua thấy một người ngồi nơi sở thuế, gọi là Matthêo, và Ngài nói: “Hãy theo ta”. Và ông đứng dậy đi theo Ngài (Mt, IX 9). - Lần lượt Chúa Giêsu có 12 tông đồ trong đó có Yuda người môn đệ (tầng 1) yêu quý đã phản lại thầy mình, vì hám lợi mà bán thầy mình cho phe phản đối. Sau này Chúa Giêsu còn tuyển dụng thêm: - Luca một Y sĩ, Phaolô anh nhà giàu học giỏi, luôn phản bác Chúa. Ông được Chúa tuyển dụng khi đang trên đường bách hại đạo. Lòng nhiệt thành đã kết hợp ông và Phêrô đồng hành trên mọi nẻo đường rao giảng Tin Mừng cứu độ. Để lời mời gọi của Ngài chỉ vỏn vẹn có một câu nói: “Hãy theo Ta” hẳn Chúa phải có một bí quyết nào đó. Đọc kỹ Kinh Thánh, ta thấy: Đó là ba mươi năm học hỏi để khi ra làm việc chưa đầy 3 năm. Ngài thông thạo các sách kinh, sách luật (loại sách dành cho các bậc giỏi nhất lúc bấy giờ) từ khi lên 12 tuổi… Trong Phúc Âm có thuật lại một dụ ngôn về việc tuyển dụng như sau: Dụ ngôn người gieo giống: “Người gieo giống đi ra gieo lúa giống của mình. Và trong khi người ấy gieo thì có phần rơi dọc đường, bị người ta chà dẫm lên, và chim trời ăn mất. Phần khác rơi vào đá, và mộng mọc bị chết khô vì không ướt đủ. Phần khác rơi vào giữa gai, gai cùng mọc làm nó chết ngạt. Còn phần khác rơi vào đất tốt, và nảy mộng mà đậu được gấp trăm” (Lc 6 5-8) Được giải thích như sau: Hạt giống là lời Chúa. Hạng “ở dọc đường”, là những kẻ đã nghe, rồi ma quỉ đến mà cất lời đi khỏi lòng chúng, kẻo chúng tin mà được cứu. Hạng “ở trên đá” là những kẻ khi nghe thì vui mừng đón lấy lời, nhưng chúng không có rễ, chúng tin nhất thời, song đến buổi thử thách thì tháo lui. Hạng “rơi vào gai” là những kẻ đã nghe, rồi trên đường đời, bị những mối lo âu và phú quý, khoái lạc đời sống làm chết ngạt mà không kết quả. Hạng “trên đất tốt” là những kẻ lấy tâm thành thiện ý nghe lời, và nắm giữ, và sinh hoa kết quả trong kiên nhẫn” (Lc 8, 11-16). Đọc xong dụ ngôn trên người viết bỗng thấy đoạn trên như được viết ra để dành riêng cho ngành KDTM này quá: Hạt giống đây tượng trưng cho cơ hội: - Hạt ở dọc đường: là những kẻ đã nghe nhưng bị chim trời tha mất, ví như những kẻ đã nghe nhưng bị kẻ khác đánh cắp ước mơ. Trong Tân ước dùng chữ ma quỷ, đây chính là kẻ thù nguy hiểm nhất và trong KDTM kẻ ăn cắp ước mơ là chính là loại người nguy hiểm nhất, càng tránh xa càng tốt. Đây là loại người phá hoại những kiến thức mà mình đã thu lượm được sau khi tìm hiểu, sau khi nghiên cứu: “lừa đảo đó, bạn làm không được đâu”. Kể ra cũng thật lạ, vì mỗi người chúng ta chỉ sau khi chết Chúa mới phán xét còn có những người bạn chúng ta chẳng cần nghiên cứu, nghe xem hay tìm hiểu gì cả mà đã phán luôn!!! Kẻ cắp này đã lấy đi một việc làm, một cơ hội cải thiện cuộc sống gia đình họ. Kẻ cắp này đã lấy đi sức khỏe lẽ ra họ sẽ có... Nếu đã là ăn cắp thì phải trả và đây là loại nợ khó trả nhất vì chẳng biết họ thiệt hại bao nhiêu để mà trả được. Theo luật công bằng nếu lỡ nói phạm đến ai phải xin lỗi tại nơi đã nói và với số người hiện diện lúc ta đã nói. Nếu viết phạm đến ai, phải xin lỗi (hoặc đính chính) tại trang ta đã viết. Điều này thật khó thực hiện và rất khó mở lời. Một trong hai câu nói ít được sử dụng đó lời cám ơn và lời xin lỗi. Chúa dạy: “Anh em chớ mắc nợ với nhau đều gì trừ ra tình thương mến vì tình thương là luật Chúa thiện toàn”. - Hạt “ở trên đá” là những kẻ khi nghe thì vui mừng đón lấy lời, nhưng chúng không có rễ, chúng tin nhất thời, song đến buổi thử thách thì tháo lui; ví như một số người đã rất hồ hởi đón nhận thông tin nhưng cũng lại nhanh chóng tháo lui ngay khi gặp những sự khó khăn: hàng hóa bán không được, tuyển dụng không ra người, nghe quá nhiều lời phản đối từ gia đình, từ bè bạn…chẳng khác nào kẻ húc đầu vào đá rồi chê đá cứng!!! - Hạng “rơi vào gai” ví như là những kẻ đã nghe, rồi trên đường đời bị những ngành KDTM khác làm chết ngạt mà không kết quả. Nay theo công ty này khen hay, mai theo công ty kia khen tốt, mốt theo công ty khác khen tốt hơn để rồi cuối cùng chẳng còn ai tin lời mình nữa!! - Hạt “trên đất tốt” là những kẻ lấy tâm thành thiện ý nghe lời người dẫn dắt, LÀM VIỆC CÓ KẾ HOẠCH CÓ MỤC ĐÍCH RÕ RÀNG, có những ước mơ, những hoài bão rõ ràng để sau một thời gian học và hành nghiêm túc chắc chắn sự thành công sẽ đến. Đây là một ngành mới chưa có trường lớp dạy cứ theo những người thành công dẫn dắt, ta sẽ đạt được những ước mơ, những mục đích đã đề ra và trên hết là ta đã đem đến cho mọi người những gì là tốt đẹp nhất với sự tâm thành của mình. Nhưng làm sao để biết đâu là tôn giáo tốt, đâu là ngành kinh doanh tốt? Một câu hỏi cần phải có nhiều kiến thức: Đạo nào là đạo thật và ngành KD nào là tốt? Chúa Giêsu tuyên bố trước khi dẫn dắt các môn đệ: “Ta là đường và là sự thật, ai theo ta sẽ không sợ đi trong tối tăm”. Xin kể một mẩu đối thoại ngắn giữa thần học gia người Brazil, Leonardo Boff, và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Leonardo là một trong những người cải cách Thần học Giải phóng : Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về tôn giáo và tự do có Đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi cùng tham dự. Lúc tạm nghỉ, tôi hỏi ngài, vừa tinh nghịch vừa tò mò : “ Thưa Ngài, tôn giáo nào tốt nhất ?” Tôi nghĩ ngài sẽ nói :“ Phật giáo Tây Tạng ” hoặc “ Các tôn giáo phương đông, lâu đời hơn Kitô giáo nhiều ” Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi N gài trả lời : Tất cả cái gì làm anh biết thương cảm hơn, biết theo lẽ phải hơn, biết từ bỏ hơn, dịu dàng hơn, nhân hậu hơn, có trách nhiệm hơn, có đạo đức hơn.” “Tôn giáo nào biến anh thành như vậy là tôn giáo tốt nhất. ” Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác : “ Anh bạn ơi, tôi không quan tâm đến tôn giáo của anh hoặc anh có ngoan đạo hay không . “ Điều thật sự quan trọng đối với tôi là cách cư xử của anh đối với người đồng đẳng, gia đình, công việc, cộng đồng, và đối với thế giới .” “ Hãy nhớ rằng vũ trụ dội lại hành động và tư tưởng của chúng ta .” “ Quy luật của hành động và phản ứng không chỉ dành riêng cho vật lý. Nó cũng được áp dụng cho tương quan con người . Nếu tôi ở hiền, thì tôi gặp lành . Nếu tôi gieo gió, thì tôi gặt bão.” “ Những gì ông bà nói với chúng ta là sự thật thuần túy . Chúng ta luôn nhận được những gì chúng ta mong muốn cho người khác. Hạnh phúc không phải là vấn đề số mệnh . Đó là vấn đề lựa chọn .” Cuối cùng ngài nói : “ Hãy suy tư cẩn thận vì T ư Tưởng sẽ biến thành Lời Nói . Hãy ăn nói cẩn thận vì Lời Nói sẽ biến thành Hành Động . Hãy hành xử cẩn thận vì Hành Động sẽ biến thành Thói Q uen . Hãy chú trọng Thói Quen vì chúng hình thành Nhân Cách . Hãy chú trọng Nhân Cách vì nó hình thành Số Mệnh , và Số Mệnh của anh sẽ là Cuộc Đời của anh … và … Không có tôn giáo nào cao trọng hơn Sự Thật .” Ngành KDTM dành cho mọi người, chỉ cần có Lòng tốt và sự Ham muốn là người đó có thể thành công. Nếu theo ngành này để có thu nhập ban đầu là một số tiền nào đó thì hãy quên đi nhưng nếu để 3-5 năm sau ta có cái gì đó thừa kế lại cho con cháu thì đây là một ngành nên theo. Có người chỉ cần biết nó có hợp pháp hay không là làm nhưng trong lúc ngành này mới du nhập thì đâu là một công ty thực. Hãy xem những điều trong Dạy con làm giàu Q.2 trang 116: Hãy tìm kiếm những tổ chức nào mà: - Có kỷ lục thành tích chứng nhận, một hệ thống phân phối và một chế độ thăng thưởng thành công trong nhiều năm. - Có cơ hội kinh doanh mà bạn có thể thành công, biết tin tưởng và dám chia sẻ cơ hội ấy một cách tự tin với mọi người. - Có các chương trình đào tạo dài hạn, thường xuyên trong việc phát triển bạn như một con người. Sự tự tin là yếu tố quan trọng sống còn của một người đứng trong thế giới bên phải của tứ đồ (2). - Có một chương trình đỡ đầu, hỗ trợ vững mạnh. Bạn muốn học hỏi từ những nhà lãnh đạo chứ không phải những nhà cố vấn, hãy học từ những người đã trở thành những kẻ lãnh đạo ở phía bên phải kim tứ đồ (2) và mong muốn bạn thành công như họ. - Có những con người mà bạn kính trọng và bạn thích được làm bạn với họ. Nếu một tổ chức đáp ứng được 5 tiêu chuẩn trên, hãy nghiên cứu đến sản phẩm. Một sản phẩm tốt dễ kinh doanh phải gồm 4 yếu tố sau: - Đó là một sản phẩm độc quyền - Độc đáo về kết quả sử dụng - Ai cũng có thể sử dụng - Có tính chất tự bán được. Nếu bạn muốn trở thành một kẻ bán hàng, một người nhóm T(2), thế thì sản phẩm sẽ trở thành quan trọng nhất. Nhưng nếu bạn muốn tự hoàn thiện để trở thành một nhà doanh nghiệp dài hạn, thế thì chính hệ thống, kiến thức thu nhập suốt đời và bản chất con người sẽ trở nên quan trọng nhất. Đào tạo và dẫn dắt: Những môn đệ đầu tiên chỉ là những ngư dân chuyên nghiệp, ít học thức. Vậy Chúa Giêsu đào tạo ra sao đây? Ngài theo sát họ cùng ăn, cùng ngủ, sinh hoạt chung với họ thậm chí có những lúc “không có chỗ tựa đầu”. Theo Ngài không phải là con đường vinh quang, không phải để ăn mâm trên, ngồi cao mà chỉ là phục vụ. Càng làm lớn càng phải phục vụ nhiều. Và trên hết đó là: “Ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Chúa Giêsu sát cánh cùng các môn đệ của Ngài. Dạy cho họ làm việc có đội nhóm: từ 12 tông đồ dẫn đến 72 môn đệ và sai 2 người đi cùng nhau. Nơi nào làm việc tốt cứ ở lại và phát triển. Chỗ nào không đón nhận các ngươi và nghe các ngươi, thì hãy đi ra khỏi đó, và rũ bụi đất dưới chân các ngươi trả lại họ (Mc 6 11). Ngành KDTM luôn áp dụng tam giác vàng 2x1 đi đâu cũng có đội nhóm và ít nhất là 2 người. Luôn phát triển thị trường mới, nơi nào có thể mở rộng hãy tung hoành, nơi nào chưa phát triển hãy để đó làm nơi khác. Là thủ lĩnh không dừng lại khi đã thành công, cũng chẳng nản lòng khi thất bại. Với đội nhóm hai người, người viết rất thích một chuyên gia: Che Guevara, ông cũng đã miệt mài với Alberto Granado hai người đã lên đường, bắt đầu chuyến hành trình đến các nước châu Mỹ Latinh khác bằng chiếc xe mô-tô La Poderosa II 500 phân khối của Alberto. Họ đã đi qua hầu hết các nước trong vùng, hai người di chuyển liên tục và rất thành công trong việc liên kết đội nhóm. Phản Đối Ngay trong các môn đệ của Ngài có Yuda bán Ngài bằng một dấu hiệu thật thân thiết, có Phêrô người mà Ngài rất tin tưởng cũng đã chối Ngài 3 lần, nhưng sau đó đã ăn năn và trở lại và là thủ lĩnh đúng như sự tin tưởng ban đầu của Chúa Giêsu. Dù bị nhiều thế lực phản đối khiến Chúa Giêsu phải chết, Các môn đệ theo ngài cũng không thoát khỏi, những người còn lại trốn chui trốn nhủi trong những hầm mộ chôn sâu trong lòng đất… nhưng hệ thống của Ngài vẫn phát triển ra toàn thế giới. Ngày hôm nay ngành KDTM lúc đầu cũng chịu nhiều sự phản đối cũng có những công ty thủ lợi như Yuda lừa đảo những vố lớn cho những người nhẹ dạ, cả tin. Cũng có những nhà phân phối sợ nghe lời từ chối nên cũng không dám tự nhận mình là đang đi theo con đường này giống như Phêrô, không dám giới thiệu cho người khác, rụt rè, thiếu tự tin khi mình mang đến cho họ sức khỏe, mang đến cho họ cơ hội thay đổi cuộc sống…khiến nhiều người vẫn cho rằng đây là một ngành buôn nước bọt, công ty nào thì cũng như công ty nấy thôi, nhưng có những công ty đã đem lại sức khỏe cho bao người, đem lại việc làm thu nhập tốt cho hàng triệu người trên thế giới, làm lợi cho nhà nước khi thu thuế từ hàng hóa, từ lợi tức mà người kinh doanh có được… Ngành này thật hay nhưng chẳng phải khi bạn nói ai cũng nghe nếu ai cũng nghe làm KDTM vậy ai sẽ dạy con bạn? Ai làm nhà cho bạn ở? Ai làm ra xe cho bạn đi? Ai chụp hình, quay phim khi con bạn có đám cưới? Ai làm ra những khu du lịch phục vụ cho bạn?... Ban đầu ai cũng sợ bước vào ngành này vì sợ bán hàng nhưng sự thực ai cũng đang bán hàng hết. Giáo viên bán tri trức cho học trò, anh công nhân bán mồ hôi trên công trường, người thu tiền điện, tiền thuế… đang bán thời gian, thậm chí người mẹ cũng đang bán cho con mình những kinh nghiệm để sống trên đời… Tom Schriter là một nhà kinh doanh theo mạng lỗi lạc đang bán kiến thức của mình với giá khủng khiếp 200.000 USD cho 1 giờ nói chuyện với các nhà phân phối Vision (hơn 4 tỉ !!!). Vậy thì c c uối cùng của ngành KDTM là gì? Đó là “Học và dạy lại những gì đã học”. Xin được lặp lại lời Chúa khi Ngài dạy xong dụ ngôn người gieo giống: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (Lc 8, 8). Tóm lại Thánh kinh nói chung và Tân ước nói riêng, đó là quyển sách luôn cũ với “người cũ” và luôn mới với “người mới”. Chúa Giêsu đem một chân lý mới, thổi một luồng hơi mới cho một dân tộc đã quá lệ thuộc vào những lề luật cũ. Ngài đã bị phản đối để rồi cuối cuộc đời là cuộc tử nạn chết treo trên thập giá. Dưới mắt người đời đó là một thất bại nhưng hãy xem từ hạt giống đầu tiên bây giờ là gì? Trên khắp địa cầu nơi nào cũng có những người sẵn sàng xả thân vì Đức Kitô. Ngành KDTM hiện nay cũng đã tràn lan khắp thế giới, tại Việt Nam mới chỉ phát triển 5% cho ngành này. Vậy đây là thị trường bao la, và những ai biết những gì người khác còn chưa biết sẽ là người thành công lớn. Đấy chính là điều hiển nhiên “Con cá nhanh ăn con cá chậm”. Mạnh Đoàn (Viết trong những ngày Tết con Mèo) --------------------- (1) Dương lịch tính sai ngày sinh của Chúa ít là 4 năm. Năm 532, LM. Denys le Petit, hiệu chỉnh bản tính ngày lễ Phục Sinh kể từ khi Đấng Christ ra đời, mà ông định ngày 25/12 năm 753 Rome. Năm Rome thứ 754 trở thành năm 1 (không có năm 0). Kiểu tính toán này được nước Pháp dùng kể từ thế kỷ thứ 8. Sau đó người ta nhận thấy rằng Denys đã tính lầm ít nhất 4 năm. Năm 2011 đáng lý ra phải là năm 2016. Năm 1582, Đức Giáo Hoàng Gregory XII mời các nhà thiên văn Lilio, Clavius và Chacon thành lập một cuốn lịch mới và nhận thấy rằng theo mặt trời thì César tính trễ mất 10 ngày nên giáo hoàng cho nhảy lên 10 ngày cho Rome và các nước Espagne và Portugal: sau ngày 4/10/1582 là ngày 15/10/1582. Nước Pháp tới 9/12/1582 đổi hoàn toàn, còn Anh quốc thì đợi đến 2/8 năm 1752 mới thêm 11 ngày (sau ngày 2/9 là 14/9/1752). Vì sự thông tin chậm trễ và vì lý do tôn giáo, nhiều nước không áp dụng lịch Gregory ngay sau đó. Nước Anh (và Hoa Kỳ lúc còn là thuộc địa của Anh) mãi đến 3/9/1752 mới theo lịch này, và khi đó phải bỏ bớt 11 ngày trong lịch (do đó George Washington sinh ngày 11 tháng 2 năm 1731, nhưng Hoa Kỳ ăn mừng sinh nhật của ông vào ngày 22 tháng 2. Nga chỉ theo lịch này sau năm 1917, do đó Cách mạng tháng Mười Nga diễn ra vào tháng 11 dương lịch. Do đó, lịch này gọi là lịch Grégorien, được áp dụng cho những nước theo Thiên Chúa giáo và cho nước Pháp ngay tức thời. Tại Roma, Espagne và Portugal, cũng như các nhà thờ Thiên Chúa giáo thì ngày hôm sau của thứ năm 4/10/1582 là 15/10/1582. Dưới triều đại của Henri III, ngày hôm sau của ngày Chúa nhật 9/12/1582 là ngày thứ hai 20/12/1582. Chỉ 26 năm sau ngày cải cách lịch của Giáo hoàng Gregory XII, Québec đã áp dụng (năm 1608), Nhật: 1873, Trung quốc 1912, Nga năm 1917, Roumanie 1820, Hy Lạp 1923, ... Ngày nay lịch Grégorien được áp dụng cho hầu hết các nước. (2)Kim Tứ Đồ:
Vạch một vạch thẳng chia mảnh giấy làm hai bên trái là khu A, bên phải là khu B. Vạch một vạch ngang chia mảnh giấy thành 4 mảng: L : Nhóm người làm công lãnh lương (công nhân viên, giáo viên, kỹ sư…) T : Nhóm người làm tư vừa làm chủ vừa làm công (chủ quán càfe, quán cơm, nhà may…) C : Nhóm chủ doanh nghiệp, công ty. Đ : Nhóm nhà đầu tư. Khi nghe một lời khuyên về kinh doanh, về đầu tư… ta hãy xem họ đứng ở đâu tại kim tứ đồ sau đó có nên nghe hay không. PHỤ NỮ THỰC SỰ MUỐN GÌ? Vua Arthur vị vua trẻ tuổi của nước Anh, bị quân Pháp phục kích và bắt giữ. Lẽ ra vua nước Pháp sẽ giết ngài, nhưng vẻ trẻ trung dễ mến của Arthur đã làm cho vua Pháp cảm động. Ông ta hứa sẽ trả tự do cho Arthur nếu ngài giải được một câu đố cực khó. Thời hạn để Arthur đưa ra câu trả lời là một năm. Nếu sau một năm không tìm ra lời giải, Arthur sẽ phải chết. Câu đố là: Phụ nữ thật sự muốn gì? Đó là câu đố mà có lẽ đến nhà thông thái nhất thế gian này cũng phải bó tay. Và với Arthur câu đố này quả là một thử thách quá lớn. Nhưng dù sao nó vẫn tốt hơn là cái chết. Arthur đành chấp nhận mạo hiểm. Khi trở về Anh quốc, ngài hỏi tất cả mọi người từ các công chúa, các cô gái mại dâm, các vị cha xứ đến cả các quan toà, nhưng không ai có thể đưa ra một câu trả lời hoàn hảo. Điều mọi người khuyên vua là đến hỏi bà phù thuỷ già bởi vì có lẽ chỉ còn bà ta mới giải được câu đố hóc búa đó. Những ngày cuối năm cũng đã tới gần. Arthur không còn cách nào khác là đến xin ý kiến của mụ phù thuỷ. Bà ta đồng ý sẽ đưa câu trả lời nhưng với một điều kiện. Đó là bà ta muốn lấy Garwain hiệp sĩ dũng cảm của Hội bàn tròn, bạn thân nhất của vua. Arthur thất kinh. Bà ta vừa xấu vừa bẩn thỉu. Ngài chưa từng bao giờ thấy một ai đáng tởm như mụ ta. Không, ngài sẽ không để bạn thân của mình phải chịu thiệt thòi như vậy. Khi biết chuyện, Garwain nói với Arthur rằng sự hi sinh đó của chàng làm sao có thể so sánh được với sự sống của vua, sự tồn tại của hội bàn tròn và vương quốc Anh. Và chàng hiệp sĩ quyết định hy sinh. Cuộc hôn nhân được chấp thuận và vua Arthur cũng nhận được câu trả lời. Điều phụ nữ thật sự muốn đó là: “Có toàn quyền quyết định mọi việc trong cuộc sống của mình”. Ngay lập tức ai cũng nhận ra rằng mụ ta vừa thốt ra một chân lý. Vua của họ nhất định sẽ được cứu. Quả thật vua nước láng giềng rất hài lòng với lời giải đáp và cho Arthur khỏi cái án tử hình. Lại nói về đám cưới của mụ phù thuỷ và chàng hiệp sĩ. Tưởng chừng như không có gì có thể khiến Arthur hối hận và đau khổ hơn nữa. Tuy nhiên chàng hiệp sĩ của chúng ta vẫn cư xử hết sức chừng mực và lịch sự. Mụ phù thuỷ thì trái lại, trong tiệc cưới, mụ ta làm nháo nhào mọi thứ lên. Thỉnh thoảng mụ lại lấy cái tay bẩn thỉu của mụ nhón cái này một chút, bốc cái kia một tý. Thật chẳng ra làm sao cả. Mọi người thì hết sức khó chịu. Đêm tân hôn, Garwain thu hết can đảm bước vào động phòng hoa chúc. Nhưng, gì thế này? Trên giường không phải là mụ phù thuỷ già nua xấu xí mà là một cô gái vô cùng xinh đẹp đợi chàng tự bao giờ. Nhận thấy sự ngạc nhiên trên nét mặt chàng hiệp sĩ, cô gái từ tốn giải thích là vì chàng rất tốt với cô lúc cô là phù thuỷ, nên để thưởng cho chàng hiệp sĩ, cô sẽ trở thành một người xinh đẹp dễ mến đối với chàng trong một nửa thời gian của 24 giờ một ngày. Vấn đề là chàng phải lựa chọn hình ảnh đẹp của nàng vào ban ngày hay ban đêm. Chao ôi sao mà khó thế? Garwain bắt đầu cân nhắc: Ban ngày nếu nàng là một cô gái xinh đẹp thì ta có thể tự hào cùng nàng đi khắp nơi, nhưng ban đêm làm sao mà ta chịu cho nổi? Hay là ngược lại nhỉ, ta đâu cần sỹ diện với bạn bè cơ chứ, cứ để nàng ta xấu xí trước mặt mọi người đi, còn khi màn đêm buông xuống, ta sẽ được tận hưởng những giây phút chồng vợ với thiên thần này. Garwain đã trả lời “Nàng hãy tự quyết định lấy số phận của mình. Nàng muốn đẹp hay xấu vào lúc nào cũng được”. Tất nhiên câu trả lời này đã làm cho mụ phù thuỷ đội lốt cô nàng xinh đẹp kia hài lòng và nàng ta nói rằng nàng sẽ hóa thân thành một cô nương xinh đẹp suốt đời. Đó là phần thưởng cho người biết tôn trọng ý kiến của phụ nữ. Từ câu chuyện kể trên, ta có thể kết luận: "Vợ đẹp hay xấu điều đó không quan trọng, từ sâu bên trong cô ta vẫn là một mụ phù thuỷ" . Văn Lạc st THUỐC HAY QUANH TA Khoảng giữa tháng 11/2010, mẹ tôi, đã 94 tuổi, bị nổi nhiều nơi trên người: Lưng, nách, hông, bắp vế non, bụng, dưới chân… những mụn rộp nước mà dân gian ta hay gọi là Ghẻ Phỏng. Những mụn nước này khi vỡ ra tới đâu thì ăn lan tới đó, rất nhanh. Từ khi phát hiện đến khoảng 1 tuần sau là thành từng cụm, có màu đỏ, đau rát. Bác sĩ gần nhà cho thuốc Giời leo, nhưng không khỏi. Gia đình tôi sốt ruột, đưa bà đến Bệnh Viện FV để chữa trị. Bác sĩ ở Bệnh Viện FV cho biết là bịnh của mẹ tôi không phải là Giời leo, nhưng BV chưa xác định được đó là loại vi rút nào, nên không có thuốc để điều trị. Nếu gia đình đồng ý, thì BV sẽ làm sinh thiết, gởi đi xét nghiệm ở Pháp và Thái Lan với chi phí khoảng 5.000.000đ. Trong thời gian chờ đợi thì BV chỉ rửa vết thương, thay băng, ngày 2 lần, và vô máu, vô nước biển, đạm, sắt vv... Nằm viện l tuần, bịnh ghẻ phỏng không thấy bớt. Chi phí điều trị đã lên đến hơn 45.000.000đ, và sức khỏe mẹ tôi có vẻ giảm sút hơn so với lúc nhập viện. Mắt lờ đờ, nằm thở Oxy, gần như là thoi thóp, nên tôi sốt ruột xin xuất viện để tìm cách điều trị khác. Khi về nhà, mẹ tôi vẫn còn thở yếu, lại bị bí đái, bụng trướng lên, tay sưng phồng lên như bọng nước. Tôi nhờ BS gần nhà tới săn sóc. Mẹ tôi được cho uống thuốc thông tiểu, chích ngừa nhiễm trùng, rửa nước tím, sau đó là rửa bằng Bleu Methylène ngày 2 lần và uống thêm thuốc bổ để tăng sức. Tôi sực nhớ toa thuốc của Ô. Nguyễn An Định (trưởng nam của nhà ái quốc Nguyễn An Ninh) gọi là Thần Dược Cứu Mệnh (Gồm có 4 Vị: Địa Long khoảng 50 con. Đậu Đen, Đậu Xanh mỗi thứ 100 gr. Rau Bù Ngót khoảng 2-300 gr cả cọng và lá, sao, khử thổ). Tôi cho mẹ tôi uống 3 thang thì thấy săc mặt bà bớt xanh xao, sau đó hồng trở lại. May mắn tôi cũng nhớ ra có người bạn giới thiệu thuốc gia truyền của dòng họ Bùi Quang ở Mỏ Cày, Bến Tre, chuyên trị bịnh về da: Phỏng, đứt tay, chó, mèo cắn, mụn nhọt... cả trĩ, đau mắt, sưng trặc, bầm... nên tôi mua về bôi cho mẹ tôi. Trong khi các BS đều khẳng định: “bịnh này phải mang theo đến chết” và bảo phải bỏ hết nệm, drap, mùng, mền, chiếu, gối… vì đã nhiễm trùng, thì chỉ cần bôi thuốc, ngày 3 lần, sau khi đã rửa thuốc, thay băng. Các vết loét dần bớt đỏ, ráo lại trông thấy. Và chỉ trong 3 tuần, những vết nhỏ khô mặt, bong da. Còn vài vết lớn, tôi bôi bằng “Dầu nấu bằng 100 thứ lá” của An Giang để thử hiệu quả của thuốc này, vì cũng nghe nói trị bệnh về da rất tốt, thì thấy hiệu quả cũng rất tốt. Thế là chỉ hơn 1 tháng, mẹ tôi hoàn toàn lành hẳn. Gia đình tôi phải lén BS điều trị để bôi thuốc dân gian, vì BS cho là “bôi thuốc bậy bạ vô làm vết thương loét thêm ra, không trị được!” Ông còn đe: “Nếu cứ tiếp tục bôi thuốc ông sẽ không trị nữa!” Nhưng kết quả là nhờ lén bôi thuốc gia truyền 3 cử mỗi ngày, mà mẹ tôi lành hẳn. Tôi biết đây là công hiệu của thuốc bôi, bởi BS chỉ cho rửa vết thương, và chích ngừa nhiễm trùng, chớ không cho loại thuốc Tây nào để bôi hết. Cả tuần ở BV FV, sau đó mời Y tá đến nhà tiếp tục rửa vết loét và thay băng cả 10 ngày nữa, bệnh không hề thuyên giảm mà còn tiếp tục mọc thêm. Chỉ sau khi bôi thuốc mới từ từ giảm cho đến hết. Tôi xin phổ biến để ai biết có người chẳng may bị bệnh giống như thế thì mách giùm cho họ đỡ kéo dài thời gian đau đớn. Loại bệnh này, BV tối tân như FV cũng không biết đó là lọai vi rút gì, nhưng dân gian ta lại có thuốc đặc trị, hiệu quả mà lại ít tốn kém. Suốt thời gian bôi cả 2 loại thuốc cho đến lành bịnh, tốn chưa đến 500.000đ. Chưa hết. Em rể của tôi bị mũi khoan điện đâm lủng tay, máu phún ra. Con tôi trét thuốc đó vào, lấy băng dán lại thì cầm máu rồi sau đó hết luôn, không bị sưng hay đau nhức gì hết. Tôi cũng biết rằng trong dân gian ta vẫn còn lưu truyền nhiều bài thuốc rất quý, có thể trị được nhiều thứ bệnh mà Tây Y bó tay. Vì vậy, cũng nhân cơ hội này, xin đề nghị ai có biết phương thuốc nào hiệu nghiệm, đã trị khỏi, thì gởi về Bản Tin để đăng lên phổ biến cho dân nghèo đỡ tốn kém. Vì chúng ta không thể phủ nhận hiệu quả của Tây Y đối với vô số bệnh. Nhưng cũng có những bệnh mà Tây Y không điều trị được, thuốc dân gian lại chữa khỏi. Cụ thể như trường hợp bệnh của mẹ tôi chẳng hạn. Nếu không đích thân dùng thử sau khi thất vọng với Tây Y thì cũng không thể biết được đó là phương thuốc do người Việt mình bào chế, hình thức tầm thường, đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả thì thật không ngờ là trên cả tuyệt vời. Tâm Nguyện ĐẬU ĐEN I. Đậu đen xanh lòng trong Đông y. Đậu đen được trồng rất nhiều tại một số nước Á Châu. Người Trung Hoa không những đã biết dùng đậu đen để chế biến các loại thực phẩm như nước tương, tương khô và bột đậu mà còn dùng để luyện cao và làm thuốc. Có hai loại đậu đen: loại vỏ đen ruột trắng và loại vỏ đen ruột xanh thường gọi là đậu đen xanh lòng. Loại sau này thường được người ta chọn lựa dùng để làm thuốc nhiều hơn. Theo sách Y Học đời Mãn Thanh ghi chép: “Đậu đen tính hàn, vị cam (ngọt), sắc đen, chứa nước, hình dáng giống quả thận, nên có khả năng làm sáng mắt, lợi thủy, bổ thận, nhuận tâm, giải nhiệt, khu phong, hoạt huyết, giải độc, giảm đau và trừ được chứng sưng phù. Dùng đậu đen giã nát hay đâm vụn rồi đắp lên chỗ sưng đau thì sẽ chóng lành. Những người thường ăn đậu đen nấu chín sẽ phòng ngừa được các chứng ban trái”. Sách Bản Thảo Bị Yếu của Trung Quốc viết rằng: Đậu đen có đặc tính làm cho người già mắt yếu được sáng trở lại. Nó còn có công hiệu bổ thận và điều hòa hệ thống tim mạch. Ở Trung Hoa có nhiều người đã trên 80 tuổi, nhờ dùng đậu đen thường xuyên, mà không cần đeo kiếng lão, lên xuống thang lầu không biết mệt và khi viết chữ, tay không run. Có người bị táo bón kinh niên cũng nhờ dùng đậu đen mà nay được nhuận trường, đại tiện bình thường trở lại. Những người bị bịnh đậu mùa, mặt rổ hoa mè, sau khi áp dụng phương pháp dưỡng sinh bằng đậu đen một thời gian thì thấy các vết thẹo khỏi hẳn, da trơn mịn màmg bình thường. Sách Y Học cổ truyền Trung Quốc cũng viết: “Ngoài bông cúc ra, đậu đen là loại thực phẩm dưỡng sinh tốt nhất để bổ mắt, đến già vẫn còn đọc chữ được rõ ràng”. Sách Thọ Thân Dưỡng Lão Tân Thư viết: “Lý Mỗ tiên sinh mỗi sáng thức dậy là nuốt 27 hạt đậu đen tròn lẵng. Đến nay đã già nhưng mắt ông còn tỏ và tai ông vẫn thính như thuở thanh xuân”. Sách Dưỡng lão càn thư của Huy Thân viết: “Mỗi sáng nuốt 49 hạt đậu đen xanh lòng suốt đời sáng mắt, thính tai, đen tóc tiêu mụn nhọn”. Có người lúc còn trẻ, hàng ngày chỉ nuốt một hạt đậu đen, rồi tăng dần liều lượng mỗi năm thêm một hạt. Cho đến già, vẫn thấy mạnh khỏe hơn những người cùng tuổi. Mắt còn tỏ, không cần phải đeo kiếng lão. Nuốt đậu đen xanh lòng ra sao? Lựa những hạt đậu đen mướt (bổ thận) có ruột xanh (bổ gan). Cách thức dùng đậu đen để bồi dưỡng và trị liệu tùy theo sự tiện lợi hay ý thích của mỗi người. Cách thông thường nhất để thử nghiệm trong một tuần lễ là chúng ta có thể dùng 49 hạt đậu đen xanh lòng thứ tốt (no tròn, đen mướt và còn mới) rửa sạch. Mỗi sáng nuốt 7 hạt với nước chín để nguội hay còn ấm. Nhớ rửa sạch mỗi lần 7 hạt trước khi dùng. Đừng rửa một lượt 49 hạt rồi để dành vì sau khi dùng rồi, phần đậu còn lại sẽ lên mộng. Sau đó số lượng đậu dùng hàng ngày có thể gia tăng tùy thích. Người bị bịnh thận có thể dùng nước sôi nguội pha muối thật loãng để nuốt đậu đen. Còn người bị bịnh phù thũng chỉ nên dùng nước sôi nguội bình thường và không pha muối. Hạt đậu không được rang hay nấu chín. Nên được nuốt trọn, không được cắn bể hay nhai nát. Nuốt đậu đen rồi, chốc lát sau có thể dùng điểm tâm và sinh hoạt bình thường, không kiêng cử gì cả. Bất kỳ người lớn hay thiếu niên đều có thể áp dụng phương pháp dưỡng sinh này để kiện thân và bồi dưỡng sức khỏe. Đừng lo ngại đậu đen nguyên hạt sẽ không tiêu hóa được ở trong ruột. Chỉ 3 tiếng đồng hồ sau khi nuốt đậu xong là chúng ta cảm thấy phải đi đại tiện rồi. Tài liệu dưỡng sinh trên đây có nguồn gốc từ Trung quốc và đã đươc dịch và do chùa Phước Huệ tại Wetherrill, Sydney (Úc) phổ biến. Quý bạn nào muốn thử nghiệm xin hãy cứ nuốt một hạt vào mỗi sáng để thăm dò, xem có bị sình bụng, tiêu chảy hay cảm giác khó chịu không. Nếu không có gì trở ngại, thì sau một tuần lễ quý bạn có thể gia tăng liều lượng từ từ đến con số mà mình mong muốn. Dựa theo tài liệu “Nuốt đậu đen xanh lòng đề phòng và chữa bệnh” (do bạn Bao Nguyen chuyển tới). http://www.tintuccaonien.com/docs/docs_4/4_2_36.htm II. Trị bệnh bằng Đậu Đen PGS-TS NGUYỄN MẠNH PHAN Sách “Lãnh Hải Y Thoại” của La Đình Phổ đời nhà Thanh Trung Quốc có ghi khí của đậu đen xanh lòng làm sáng mắt, bổ thận, tim, gan, mắt sáng, thính tai, đen tóc, mạnh gân cốt, nhuận trường, không táo bón không rối loạn, giải độc, tiêu thủy, thanh nhiệt, hoạt huyết, giảm đau, không vặt. Sách “Dương Tâm Thư” của Huy Thần viết: Mỗi sáng nuốt 49 hạt đậu đen xanh lòng suốt đời sáng mắt thính tai, tóc đen, tiêu mụn nhọt Truyện “Bông Hoa giản dị” của Ngô Doãn Phú có đoạn ghi: Trẻ nhỏ mỗi ngày nuốt một hạt, đến mười tuổi nuốt 49 hạt sẽ ít bị ốm đau, không đau mắt. 1. DƯỢC TÍNH: Mát ngọt không độc - Đậu đen giã nát đắp chỗ sưng tấy. - Ăn đậu đen nấu chín trị mụn nhọt. - Nuốt đậu đen mỗi sáng 49 hạt làm bổ thận, bổ gan, bổ tim, thanh nhiệt hoại huyết, giải độc tiêu đàm, giảm đau, sáng mắt, đen tóc, đen râu, mạnh gân bổ cốt, tránh táo bón, phòng bệnh. - Khí của đậu là bí quyết mạnh khỏe sống lâu, vì thân khai nhị (lỗ tiêu, lỗ tiểu) thận khí đủ thì đủ tiêu, tiểu thông lợi. Có một thầy giáo 42 tuổi tối đọc sách, chấm bài, biết được bài thuốc này ông dùng liên tục 4 năm, kết quả là đứng giảng bài liên tục 4 giờ liền không thấy mỏi mệt, miệng không khô, lưỡi không ráo, tiếng không khàn, ít có cảm giác mệt mỏi, đặc biệt là nhãn lực khỏe hơn hồi trẻ. Một ông tên Lý 20 năm bị táo bón, sau khi dùng đậu đen một tháng đại tiện được thoải mái, ông vui mừng nói sung sướng hơn trúng số độc đắc. Một cô nhân viên bưu điện mặt đầy mụn trứng cá, chỉ uống đậu đen hơn 1 tháng, các mụn nhọt đều không còn nữa. Một cụ già 80 tuổi, dạy chữ nho hàng ngày phải giơ tay viết nhưng không run, mắt không đeo kính, lên lầu cao không thở dốc. Hỏi bí quyết trường thọ mạnh khoẻ, cụ trả lời 50 năm liền, mỗi ngày cụ nuốt 49 hạt đâu đen. 2. CÁCH DÙNG - Sáng thức dậy, sau khi đánh răng rửa mặt, dùng nước sôi để nguội rửa sạch hạt đậu đen, uống với nước đã nấu chín, đừng ngâm lâu đậu đen sẽ bị lên men. - Không nấu, không tán, không nhai, chỉ nuốt trọng như thuốc. - Nuốt xong, ăn điểm tâm. - Ai cũng nuốt được, không kiêng cữ. - Với những người không bị bệnh thận, có thể dùng nước rửa đậu. 3. LỜI DẶN THÊM - Đây là phương thuốc kỳ diệu, vì chỉ một loại mà chữa được nhiều chứng bịnh cho mọi lứa tuổi. - Rất kinh tế vì rất rẻ tiền, 1 ký đậu dùng được mấy tháng. - Khả thi vì bất cứ ai dù nghèo đến mấy cũng có thể mua được và ở đâu cũng có bán. 4. TRỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG a. PHƯƠNG THUỐC - Buổi sáng trước khi ăn sáng, nuốt sống (nuốt trọn không nhai) 49 hạt đậu đen xanh lòng (chọn lấy hạt to). - Phật có 2 con số: 7 và 7 số 49 là bội của 2 số (7x7=49), con số mang tính khoa học huyền bí. b. TÁC DỤNG - Bổ tim, gan, thận - Mắt sáng, thính tai, đen tóc - Mạnh gân cốt - Nhuận trường, không táo bón không rối loạn - Giải độc, tiêu thủy - Thanh nhiệt, hoạt huyết, giảm đau, không vặt. Trên cơ sở phát huy của 6 tác dụng trên, BỆNH TIỂU ĐƯỜNG tự nhiên biến mất, đường trong máu trở về mức thích nghi. Ta uống liên tục từ giờ đến hết đời, dù bệnh tiểu đường có muốn tái phát cũng không tài nào tái phát được, có nghĩa là suốt đời không bị tiểu đường nữa. Bệnh tiểu đường thuộc loại nan y, thế giới không có thuốc đặc trị dứt bệnh, chỉ giải quyết cơn thôi rồi cũng tái phát. Nếu có bị nặng sẽ không ứng loại thuốc nào hết. Chính nó là cơ sở phát sinh ra nhiều loại bệnh quái ác đưa đến tử vong. Các bạn chớ nên coi thường. 5. TRẺ EM - Đậu đen ngâm nước sôi 1 đêm sáng uống - Trẻ con từ 3 tuổi đến 10 tuổi chỉ cần mỗi ngày uống 7 hạt thì: a- Mắt sáng, không đau mắt, dù học nhiều cũng ít bị cận b- Tiêu hóa tốt, không táo bón c- Sức khỏe tốt, ít ốm đau. - Từ 11 đến 16 tuổi uống 21 hạt (3x7=21), Tuổi 17 trở lên uống 49 hạt như người lớn. - Bài thuốc này của thi hữu Thạch Trung, chủ nhiệm CLB thơ Lê Anh Xuân Mỏ Cày Bến Tre sưu tầm và uống có kết quả rất tốt đã khỏi bệnh, uống 6 tháng lên 10 kg, nên tặng cho thi hữu Nguyễn Thành chủ nhiệm CLB thơ Ba Tri Bến Tre, Nguyễn Thành bị tiểu đường lâu năm uống vô cũng khỏi, sức khỏe được tăng cường theo 6 tác dụng trên, mới uống được 5 tháng tóc bạc giảm dần thấy rõ rệt, có khả năng đen tóc trở lại mặc dù tuổi đã 73, Nguyễn Thành thấy quá hay nên tặng cho tôi. Tôi không bị tiểu đường nhưng rất cần 6 tác dụng của nó nên bắt đầu uống từ 1/10/2004. - Bài thuốc này nằm trong tập sách LÃNH TRAI Y THOẠI của LỤC ĐÌNH PHỔ đời nhà Thanh, là loại thuốc quý có tầm cỡ thần dược. - Chúc bạn bị tiểu đường uống được khỏi hẳn, các bạn không tiểu đường uống nâng được sức khỏe lên. II. Bồi Bổ Sức Khỏe Bằng Đậu Đen Source from vnfa.com (Nguyên bản Hoa ngữ, do ông Tăng Tam Dương ở Bonnyrigg tặng. Người viết đã dịch và đăng trên đặc san Phước Huệ Công Đức Tòng Lâm của Chùa Phước Huệ, Wetherill Park, Sydney). Sách Y Học cổ truyền Trung Quốc viết: “Ngoài bông cúc ra, đậu đen là loại thực phẩm dưỡng sinh tốt nhất để bổ mắt, đến già vẫn còn đọc chữ được rõ ràng”.Sách Thọ Thân Dưỡng Lão Tân Thư viết: “Lý Mỗ tiên sinh mỗi sáng thức dậy là nuốt 27 hạt đậu đen tròn lẵng. Đến nay đã già nhưng mắt ông còn tỏ và tai ông vẫn thính như thuở thanh xuân”. Người ta còn mách, nên nuốt 49 hạt đậu đen xanh lòng với nước sôi nguội hay còn ấm vào mỗi buổi sáng thì sẽ công hiệu nhanh chóng hơn trong việc hồi phục thị giác của mắt. Có người lúc còn trẻ, hàng ngày chỉ nuốt một hạt đậu đen, rồi tăng dần liều lượng mỗi năm thêm một hạt. Cho đến già, ông thấy mạnh khỏe hơn những người cùng tuổi. Mắt còn tỏ, không cần phải đeo kiếng lão. Tác giả bài này (nguyên văn bằng tiếng Trung Hoa), năm nay đã 42 tuổi tự thuật rằng lúc trẻ ông đã bị bịnh quáng gà, mỗi khi trời sẫm tối thì quờ quạng không trông thấy gì cả. May nhờ được một người bạn mách cho phương pháp dưỡng sinh bằng đậu đen để chữa. Trải qua 5 năm kiên trì không gián đoạn, rốt cuộc mắt ông đã hồi phục thấy rõ bình thường. Ngoài ra cũng nhờ áp dụng phương pháp dưỡng sinh này mà ít khi ông bị bịnh. Mỗi ngày ông giảng bài tại trường hàng 10 tiếng đồng hồ vẫn không biết mệt, miệng không khô và giọng nói vẫn còn thanh thoát. Mỗi lần vào tiệm để hớt tóc, người thợ cạo ngạc nhiên bảo rằng chân tóc của ông đã hồi phục lại màu đen. Tóc bạc đã bớt đi rất nhiều. Đây là một bí quyết vô cùng kỳ diệu, nhưng cần phải kiên nhẫn. Theo sách Y Học đời Mãn Thanh ghi chép: “Đậu đen tính hàn, vị cam (ngọt), sắc đen, chứa nước, hình dáng giống quả thận, nên có khả năng làm sáng mắt, lợi thủy, bổ thận, nhuận tâm, giải nhiệt, khu phong, hoạt huyết, giải độc, giảm đau và trừ được chứng sưng phù. Dùng đậu đen giã nát hay đâm vụn rồi đắp lên chỗ sưng đau thì sẽ chóng lành. Những người thường ăn đậu đen nấu chín sẽ phòng ngừa được các chứng ban trái”. An Lão tiên sinh ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), tuổi trên 80, hàng tuần đều dạy học trò về nghệ thuật thư pháp (viết chữ đẹp bằng bút lông). Tay ông không run và không cần đeo kiếng. Có người hỏi ông nhờ bí quyết nào mà có sức khỏe như vậy. Ông bảo nhờ phương pháp nuốt đậu đen từ 50 năm nay. Khi mua đậu đen, chúng ta nên chọn lựa thứ hạt đen mướt (bổ thận) và ruột xanh (bổ gan). Loại đậu đen này thường được dùng để làm thuốc rất tốt. Cách thức dùng đậu đen để bồi dưỡng và trị liệu tùy theo sự tiện lợi hay ý thích của mỗi người. Cách thông thường nhất để thử nghiệm trong một tuần lễ là chúng ta có thể dùng 49 hạt đậu đen xanh lòng thứ tốt (no tròn, đen mướt và còn mới) rửa sạch. Mỗi sáng nuốt 7 hạt với nước chín để nguội hay còn ấm. Nhớ rửa sạch mỗi lần 7 hạt trước khi dùng. Đừng rửa một lượt 49 hạt rồi để dành vì sau khi dùng rồi, phần đậu còn lại sẽ lên mộng. Sau đó số lượng đậu dùng hàng ngày có thể gia tăng tùy thích. Người bị bịnh thận có thể dùng nước sôi nguội pha muối thật loãng để nuốt đậu đen. Còn người bị bịnh phù thũng chỉ nên dùng nước sôi nguội bình thường và không pha muối. Hạt đậu không được rang hay nấu chín. Nên được nuốt trọng, không được cắn bể hay nhai nát. Nuốt đậu đen rồi, chốc lát sau có thể dùng điểm tâm và sinh hoạt bình thường, không kiêng cử gì cả. Ai cũng đều có thể áp dụng phương pháp dưỡng sinh này để kiện thân và bồi dưỡng sức khỏe. Đừng lo lắng đậu đen nguyên hạt sẽ không tiêu hóa được. Chỉ 3 tiếng sau là chúng ta cảm thấy phải đi đại tiện rồi. Theo dõi số người đã áp dụng phương pháp này để trị bịnh, Lý tiên sinh đã bị táo bón kinh niên, mỗi sáng chỉ nuốt 2 hạt đậu đen mà nay đã dứt. Ông rất mừng còn hơn trúng số độc dắc. Ngoài ra một nữ nhân viên của sở Bưu Cục, mặt nổi nhiều tàn nhang và mụn bọc. Cô đã nuốt đậu đen liên tục chỉ mới 7 ngày sau đã thấy có công hiệu. Cô mừng quá tiếp tục sử dụng đến khi hoàn toàn bình phục, da mặt trở lại lành lặn bình thường mới thôi. Tóm lại đậu đen không chỉ là thực phẩm mà còn là một thứ thuốc để cường thân kiện thể. Nó có công hiệu trong lãnh vực làm sáng mắt, ngăn chận bịnh đau mắt, giải độc trong cơ thể, bồi bổ gan và thận, điều hòa bộ máy tuần hoàn huyết và bộ máy tiêu hóa. Một cân đậu đen giá chẳng bao nhiêu tiền nhưng lại là một cân thuốc vô cùng quý báu. Trên đây là tài liệu dưỡng sinh bằng Hoa ngữ, chúng tôi phỏng dịch với tính cách thông tin quảng bá để quý độc giả tham khảo. Mặc dầu một số bằng hữu và bản thân của dịch giả đã thực hành có hiệu quả. Tuy nhiên với tính cách dè dặt, dịch giả sẽ không chịu trách nhiệm về những phản ứng bất lợi, nếu có, xảy ra cho người áp dụng vì tính thích ứng của tạng phủ mỗi người mỗi khác. Để thử nghiệm, chúng tôi đề nghị quý vị nên nuốt trước mỗi sáng một hạt để thăm dò, xem có bị sình bụng, tiêu chảy hay cảm giác khó chịu không. Nếu không có gì trở ngại, thì sau mỗi tuần lễ quý vị có thể gia tăng liều lượng từ từ đến con số mà mình mong muốn. http://www.quantheambotat.com/FolderChuaBinh/DauDenXanhLong.htm IV. PHÒNG BỆNH VÀ TRỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG ĐẠI TÀI UỐNG ĐẬU ĐEN XANH LÒNG: là một phương pháp đông y cổ truyền xuất xứ từ Trung Hoa (Bài thuốc này nằm trong tập sách “Lãnh trai y thoại” của Lục Đình Phổ đời nhà Thanh là loại thuốc quý có tầm cỡ thần dược. Đây là một phương pháp thanh lọc cơ tạng tuy thô sơ, đơn giản nhưng lại có hiệu quả rất cao. Có thể chữa được các chứng bệnh và có những khả năng sau: 1. Thanh nhiệt, hoạt huyết, giảm đau, trị ốm vặt 2. Hượt trường, trị táo bón, rối loạn. 3. Giải độc trong bộ ruột, tiêu thủy, làm mạnh gân khỏe cốt, không đau nhức các khớp xương, làm hết phong thấp và tê mỏi. 4. Bổ tim, gan, thận, làm mắt sáng, thính tai, đen tóc. 5. Tiêu trừ một số bệnh linh tinh thường xảy ra cho người cao tuổi. 6. Ổn định huyết áp, điều hòa lượng đường trong máu, tăng sức đề kháng, chống chỏi bệnh tật. Riêng đối với phụ nữ, uống đậu đen xanh lòng sẽ giúp cho sắc diện xanh xao được trở nên hồng hào, da dẻ sẽ được mịn màng, xinh đẹp hơn. Trên cơ sở phát huy của 6 tác dụng trên: Bệnh tiểu đường tự nhiên biến mất, đường trong máu trở về mức thích nghi, ta nên uống liên tục từ bây giờ cho đến hết đời dù bệnh tiểu đường có muốn tái phát cũng không tài nào tái phát được, có nghĩa là suốt đời không bị bệnh tiểu đường nữa. Bệnh này thuộc loại bệnh nan y, y học thế giới không có thuốc để trị dứt bệnh, chỉ giải quyết cho qua cơn bệnh thôi, rồi cũng tái phát, và nếu có bệnh nặng sẽ không ưng loại thuốc nào hết, chính nó là cơ sở phát sinh ra nhiều bệnh quái ác đưa đến tử vong, các bạn chớ coi thường. DƯỢC LIỆU: Chỉ có một thứ duy nhất là đậu đen xanh lòng (Blackbeans with green kernel), tức là một loại đậu nhỏ, vỏ ngoài thì đen nhưng trong ruột có màu xanh đậm hoặc lợt tùy theo giống (chứ không phải loại đậu đen có ruột màu trắng thông thường). Chúng ta có thể ra chợ hoặc đến tiệm có bán các loại đậu, và bảo họ bán cho vài trăm gram đậu đen xanh lòng đủ để dùng cho một thời gian ngắn thôi, khi uống hết lại mua tiếp, vì sợ mua nhiều quá để lâu có thể bị hư hay bị mọt ăn... vì đây là loại còn sống, loại sấy hạn dùng 6 tháng không xài được. Để xác định có đúng là đậu đen xanh lòng hay không, ta cắt hoặc cắn bể một vài hột để xem ruột nó có xanh hay không. LIỀU LƯỢNG: Buổi sáng trước khi ăn điểm tâm tối thiểu nửa tiếng đồng hồ, uống sống, nuốt trọng 49 hạt “đậu đen xanh lòng”, chọn lấy hạt to rửa, vớt bỏ những hạt nổi, bù lại hạt tốt cho đủ số lượng 49 hạt, uống nhiều nước chừng nào tốt chừng ấy và liên tục như vậy mỗi ngày, uống mãi rất có hiệu quả. Thật là đơn giản, rẻ tiền, dễ thực hiện, đúng là thực phẩm chức năng! Trẻ em từ 3-10 tuổi, chỉ cần uống mỗi ngày 10 hạt thì mắt sẽ sáng, không đau mắt dù học nhiều cũng ít bị cận; tiêu hóa tốt, không táo bón; sức khỏe tốt, ít ốm đau. Từ 11-16 tuổi, uống mỗi ngày 21 hạt. Từ 17 tuổi trở lên, uống theo người lớn. CÔNG DỤNG: Khi đậu đen xanh lòng uống vào trong ruột sẽ nở ra và hút các độc tố ở trong ruột vào nó rồi đem các độc tố ấy theo phân ra ngoài. Đó là nguyên lý giải độc và trị bệnh của phương pháp uống đậu đen xanh lòng. http://www.bacbaphi.com.vn/entertainment/showthread.php?t=216743 Bs Nguyễn Lân Đính st Đính chính: Bản Tin số 55: ài thơ Nước Mắt Bây Giờ trang 48, dòng số 3: Thấy khổ, vui, do CHẤP MÌNH, CHẤP CHÁNH Xin đọc là: CHẤP MÌNH, CHẤP PHÁP Bản tin số 57: Bài Xuân Tự trào Trang 72, dòng số 4 Tớ khổ chờ Xuân dạ bồi hồi Xin đọc là: dạ rối bời Xin cảm ơn C ƯỜ I Thày giáo hỏi cả lớp trong giờ toán đố: - Nếu năm ngoái thầy sinh đôi hai cậu con trai, năm nay sinh thêm một gái, đố các em thầy có bao nhiêu con Cả lớp im phăng phắc, tiếng con ruồi bay cũng nghe. Thấy không ai giơ tay, thầy bảo: - Tí, nói thày nghe nào? Tí lúng túng: - Thưa thầy không có đứa nào cả. Thầy ngạc nhiên: - Này nhé, năm ngoái 2, năm nay 1... Tí lắc đầu quả quyết: - Thưa, thày không sinh con được ạ... chỉ có đàn bà mới sinh con được thôi ạ. Tắt đèn Cô vợ lo lắng hỏi chồng: - Anh yêu, hôm qua anh mới nhận gác hải đăng cơ mà. Sao tối nay lại về nhà rồi? - Người ta đã sa thải anh. - Sao lại có chuyện đó? - Theo thói quen, anh thường tắt đèn trước khi đi nằm Một trận bóng đã quốc tế sắp diễn ra. Một chú bé 10 tuổi vào vào cửa với tấm giấy mời danh dự ngồi ở khán đài A. Người soát vé hỏi: - Vé này chắc chắn là mời cha cậu. Tại sao cha cậu không tới xem? - Cha cháu bận việc ở nhà. - Bận việc gì? - Dạ, ổng đang tìm tấm vé mời này ạ! Đúng nghề Hai người bạn lâu ngày gặp nhau: "Lúc này nghề nghiệp sao rồi?". "Tôi bị treo bằng mấy tháng rồi. Tôi có bệnh nên đứng lâu cũng không được, ngồi lâu cũng chẳng xong, bất cứ sự xáo trộn dù nhỏ nào của thời tiết cũng làm tôi mệt mỏi". - Tóm lại là ông mắc bệnh gì? - Bệnh thấp khớp. - Trời, tưởng gì. Chắc chắn, tôi sẽ kiếm được cho ông việc làm phù hợp. - Việc gì? - Dự báo thời tiết. Hoàng Chúc st
Phụ Bản IV VÀI DÒNG GIỚI THIỆU Người viết đã có cơ may có được bản dịch tác phẩm ROBINSON CRUSOÉ của nhà văn Anh Daniel De Foe (1660 - 1731), và bản dịch này là của một nhà văn tiền chiến mà người viết có quen biết và rất ái mộ: đó là nhà văn Thế Lữ. Bản dịch này rất ít người biết và tương đối hiếm vì được in làm 4 tập Sách Hồng hồi năm 1939 (71 năm trước). Vì rất quý mến nhà văn Thế Lữ và vì là bạn khá thân của mấy người con của ông (những người con sinh sống ở Miền Nam) như Nguyễn Thế Học, Nguyễn Thị Tâm nên người viết muốn bản dịch được đọc và được thưởng thức để làm vui lòng bác Thế Lữ ở thế giới bên kia. Do đó bản dịch này sẽ được giới thiệu trên Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay trong 8 số liên tục, bắt đầu từ số 58 này. Tác phẩm Robinson Crusoé này rất nổi tiếng và đã được dịch ra trên 60 thứ tiếng. Người viết đã đọc nó một cách ngấu nghiến khi 15 tuổi và ngày hôm nay, ở tuổi 25 lần thứ 3 vẫn còn cảm thấy rất ư là thích. Xin được chia sẻ niềm vui thích này với tất cả các thành viên CLB và thân hữu. Vũ Anh Tuấn
(Còn tiếp) |