Hiện có 27 người xem / 2518522 lần xem
         info@sachvatranh.com       84 (0) 1 222 929 703        

VÀI CHI TIẾT VỀ KỲ HỌP NGÀY 09/6/2012

CỦA CÂU LẠC BỘ SÁCH XƯA VÀ NAY

Như thường lệ, để mở đầu phiên họp Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách, một bằng tiếng Việt và một bằng tiếng Pháp. Cả hai cuốn đều tương đối cũ, cuốn tiếng Việt được in năm 1941 (71 năm trước), và cuốn tiếng Pháp được in năm 1924 (88 năm trước). Cuốn tiếng Việt mang tựa đề là Pháp-Việt Ngạn-Ngữ bằng tiếng Việt và La Sagesse Populaire de France et d’Annam bằng tiếng Pháp. Tác giả tên là Chỉ-qua HỒ-PHỦ đã để những câu ngạn ngữ tiếng Việt ở bên tay mặt và có đánh số, sau đó ông để những câu ngạn ngữ tương đương bằng tiếng Pháp ở bên trái và cũng mang cùng một con số với câu tiếng Việt. Cuốn sách dày 117 trang chứa đựng 288 câu ngạn ngữ tiếng Việt và 288 câu tiếng Pháp tương đương rất hấp dẫn và khá chính xác. Đây là một cuốn sách rất tốt cho những ai muốn trau dồi tiếng Pháp. Cuốn tiếng Pháp dày 884 trang cộng với 48 trang phụ bản (nguyên trang) bằng hình mang tựa đề là Tiếng Pháp Cổ Điển (Le Français Classique). Đây là một cuốn Tự Điển Tiếng Pháp hồi thế kỷ thứ XVII, và vào thời đó có một số chữ mà chính tả viết khác tiếng Pháp ngày nay, ví dụ: từ “orthographe” là chính tả, vào thời đó được viết là “orthografe”, các từ “langue française” là tiếng Pháp vào lúc đó được viết là “langve françoise”, từ “nouvelle” là mới hoặc là truyện ngắn được viết là “novvelle vv… Còn 48 trang phụ bản là hình bìa các cuốn Tự Điển và các tác phẩm văn học hồi thế kỷ XVII. Đây thực sự là một cuốn Tự Điển quý và hiếm mà phải có cơ duyên mới gặp được.

Sau phần giới thiệu sách của Dịch giả Vũ Anh Tuấn, Bs Nguyễn Lân-Đính cũng giới thiệu vài cuốn sách về các phương pháp chữa bệnh mà anh mới nhận được từ nước ngoài và có kể cho các thành viên nghe một vài chuyện về cụ Nguyễn Văn Vĩnh là ông nội của anh.

Tiếp lời Bs Nguyễn Lân-Đính, anh Phạm Thế Cường có giới thiệu với các thành viên một cuốn sách nói về Nạn Đói năm 1945, và có kể qua về bức tượng Nữ Thần Tự Do mà người Pháp mang qua Hà Nội, nhưng bị Thị Trưởng Hà Nội Trần Văn Lai cho lệnh kéo sập.

Kế đó anh Hữu có lên đọc một bài thơ nhan đề là “Vầng trăng màu da cam” và ngâm tặng các thành viên bài thơ nhan đề là “Có những người như thế”.

Tiếp lời anh Hữu, anh Thanh Châu có lên hát tặng các thành viên một cách rất hùng dũng bài hát mà ai cũng biết là bài “Cô Hàng Nước”.

Anh Thanh Châu hát xong, bà Thùy Dương lên tiếng yêu cầu là trong những kỳ họp tới Câu Lạc Bộ nên có tiết mục kể chuyện hài cho vui.

Cuối cùng anh Chử lên ngâm một bài thơ mừng Câu Lạc Bộ Sách Xưa và Nay đã được 6 năm tuổi.

Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 phút cùng ngày.


Vũ Thư Hữu

CHƠI SÁCH,

DỊCH SÁCH,

& TẶNG SÁCH

Chơi sách, là chuyện tôi đã bắt đầu làm từ gần 70 năm trước, và trong suốt gần 70 năm qua, đồng thời cũng là chuyện tôi vẫn còn tiếp tục cho tới ngày… ghé về thăm ông bà, rồi về với quý bà! Dịch sách là chuyện tôi đã làm suốt ba mươi mấy năm nay, tức là từ ngày 30-4-75; thoạt đầu tôi dịch đủ thứ tài liệu linh tinh như tài liệu về du lịch, về hội họa, về quảng cáo vv… toàn những thứ chỉ một vài năm sau là lên đường đi… về miền quên lãng, tóm lại là những thứ không tồn tại với thời gian! Mãi tới những năm 90, nhờ hai người bạn lớn tuổi hơn tôi mà tôi rất quý mến là nhà văn, dịch giả TPG (Báo Văn), và nhà báo LNC (Báo Bách Khoa), khuyên tôi nên chuyển sang dịch sách văn học, là những thứ sẽ còn lại với thời gian, và hơn nữa sẽ là những đứa con tinh thần, sẽ để lại dấu vết chuyến du hành qua trần thế này của mình. Vừa nghe theo lời khuyên của hai vị, tôi đã có cơ may được thuê dịch cuốn Hiểu Biết Về Việt Nam (Connaissance du Vietnam) của Giáo Sư Maurice Durand và Thiếu Tướng Quân Y Huard. Tôi đã dịch cuốn này một cách thích thú và dễ dàng vì, dịch từ Pháp văn sang Anh văn là rất dễ, dễ hơn từ Việt sang Anh nhiều. Tôi đã không bỏ một dấu phẩy trong nguyên bản và đã chuyển toàn bộ phần thư tịch ở cuối mỗi một trong 21 chương của cuốn sách, tóm lại tôi đã chuyển từ Pháp ngữ sang Anh ngữ tên của mấy ngàn sách báo nói và được viết về Đông Dương thuộc Pháp (Indochine française) và Việt Nam lúc đó là một trong ba Quốc Gia Liên Kết (Etats Associés) Việt-Mên-Lào. Những tên các sách báo này ngày nay đang được rất nhiều người làm công việc nghiên cứu sử dụng. Thế rồi tôi dịch tiếp nhiều cuốn thơ khác như cuốn Thời Gian và Biển Khơi của Nguyễn Xuân Việt, mấy cuốn Ngọa Vân, Thi Vân Yên Tử, của Hoàng Quang Thuận, cuốn Hồn Quê Qua Tranh Lụa của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm, cuốn Tết Cả Việt Nam và Báo Xuân Nam Kỳ, các cuốn thơ Bốn Mùa, Miền Dân Gian Mây Trắng của Trần Nhuận Minh, cuốn Sắc Hương Cho Đời của Vũ Mão, bộ Kỹ Thuật Của Người Annam, cuốn Nghệ Thuật ở Huế trong bộ Đô Thành Hiếu Cổ, và Cuốn Trò Chơi của Trẻ Em ở Bắc Kỳ vv… Nhưng, mãi tới năm nay, năm 2012 mới là năm tôi thích nhất vì, mới trong sáu tháng đầu tôi đã có tới 3 đứa con tinh thần được ra đời.

Hồi tháng 2, tôi có cuốn Tàu Xanh Lướt Giữa Biển Trời (A Blue Ship Gliding Over The Boundless Sea), một tập thơ Việt – Anh gồm 144 bài thơ và 4 bài phê bình mà tôi dịch cho nhà thơ Vũ Đình Huy, một nhà thơ đồng thời là một nhà khoa học danh tiếng của Việt Nam, do nhà xuất bản Văn Học in. Tập thơ này, ngay lúc này, đang được trang web Nguoibanduong ở bên Nga đưa lên toàn tập bằng nhiều kỳ, ngay hôm nay là kỳ 3. Tới cuối tháng 4, tôi có được tập truyện ngắn in chung với nhà văn Đàm Lan ở Buôn Mê Thuột mang tựa đề là “Nụ Hôn Muộn” gồm 12 truyện dịch và truyện ngắn Hảo Mộng (có in luôn bản tiếng Anh) của tôi và 10 truyện ngắn của Đàm Lan. Cuốn sách do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in rất đẹp. Và rồi đến cuối tháng 5 thì tôi nhận được cuốn thơ tam ngữ Việt – Anh - Pháp Trinh Thiêng của nhà thơ Bùi Minh Quốc (Dương Hương Ly) mà tôi dịch phần tiếng Anh, còn phần tiếng Pháp thì do dịch giả Trần Thiện Đạo sống ở bên Pháp dịch. Cuốn này gồm 9 bài thơ tình (thuần túy) cũng do nhà xuất bản Hội Nhà Văn in rất đẹp. Bản dịch tiếng Anh tập thơ này tôi đã dịch cho nhà thơ từ năm 2006 và năm 2010, bản thảo đã được trưng bày trong kỳ Hội Nghị Quốc Tế Giới Thiệu Văn Học Việt Nam ra nước ngoài, để rồi mãi tới bây giờ mới được in.

Trong tủ sách gia đình của tôi, có một ngăn được dành riêng để tôi chơi những cuốn do chính tay tôi dịch, tôi viết và tôi soạn. Thực ra tôi chuyên dịch ngược từ tiếng mẹ đẻ ra ngoại ngữ Anh và Pháp (một cuốn duy nhất dịch ra Pháp văn cho Đặc Khu Vũng Tàu Côn Đảo năm 2005) và soạn thảo thì tôi chỉ soạn có một cuốn Tiếng Lóng Hoa Kỳ và một cuốn Danh Từ Quân Sự từ thời chế độ cũ. Ngăn sách này đầy ắp và là một ngăn tôi yêu thích nhất vì toàn là những thứ do chính mình đã làm.

Là người chơi sách, tôi đặc biệt quý mến những cuốn sách được các tác giả tặng, có chữ ký và thủ bút, tôi có tổng cộng trên 300 cuốn mà tôi để riêng ở một tủ. Vì được tặng và yêu thích sách tặng có chữ ký và thủ bút, tôi đã ngây thơ tin rằng ai cũng quý mến sách được tặng như chính bản thân tôi vẫn quý, do đó mỗi khi có sách mới, có đứa con tinh thần mới, tôi cũng rất hăng say với vấn đề tặng sách. Tôi hăng say đến mức, ngoài số sách mà tôi được tác giả tặng, tôi còn mua thêm của chính tác giả hoặc tại nhà sách, một số lượng khá nhiều, đôi lúc lên tới năm bảy chục cuốn, để đề tặng, ký tên và đóng triện son, rồi mang tặng cho toàn thể các Mẫu Hậu và một số bạn bè cùng giới (tính). Nhưng mới đây tôi đã có bằng chứng về sự ngây thơ của tôi khi bắt gặp ở tiệm sách cũ của một cô bạn thân của tôi một cuốn Bốn Mùa (dày 844 trang), mà tôi đã dịch cho nhà thơ Trần Nhuận Minh. Tôi hỏi cô bạn tôi, và được cô cho biết tên người bán, mà cô cho biết là vì người ta dọn nhà nên bán đi rất nhiều sách. Vừa nghe tên tôi bảo cô bạn: “Trời ơi, dám có chữ ký và triện son của tôi lắm!” Nhưng khi dở ra thì trang đầu có chữ ký và triện son đã bị xé bỏ mất rồi! Sau vụ việc này tôi thấy là cần phải xem xét lại việc hăng say tặng sách, vì đơn giản là không phải ai cũng quý sách được tặng như mình!

Tuy nhiên tôi vẫn thấy là mình vẫn phần nào được “Lão” thương, vì tôi chưa hề bắt gặp ở các tiệm sách cũ, những cuốn có chữ ký, thủ bút, và triện son của tôi tặng cho các Mẫu Hậu của tôi!

Trích Hồi Ký 60 năm chơi sách, chương VI

Vũ Anh Tuấn

NHÀ VĂN, NHÀ BÁO

PHAN KHÔI

VỚI CÔNG VIỆC DỊCH THUẬT NƯỚC NHÀ

Thúy Toàn

Nói đến Phan Khôi, nhiều người nghĩ ngay đến Phan Khôi nhà báo, nhà văn, nhà lý luận nổi tiếng ngay từ trước cách mạng tháng Tám 1945. Rồi nữa là Phan Khôi nhà dịch thuật văn học Trung Hoa nói chung và đặc biệt là tác phẩm của Lỗ Tấn.

Nhờ có những công trình sưu tập sách báo đồ sộ, khá đầy đủ, có hệ thống khoa học, trong đó phải kể ngay đến nhiều công trình của nhà văn – nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân, đã được xuất bản trong những năm gần đây(1), riêng bản thân tôi thật sự biết ơn vì nhờ đó mới có điều kiện tìm hiểu sâu và thấy ra dần sự đóng góp của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Khôi cho văn hóa, văn học nước nhà trong giai đoạn đầu. Đặc biệt là đóng góp của ông trong lĩnh vực dịch thuật. Thật sự phong phú, sâu sắc, bổ ích…

Phan Khôi không những dịch Lỗ Tấn một cách thành công, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dịch thuật Việt Nam, thể hiện qua cuốn sách Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, ra mắt bạn đọc cách đây đã 5 năm(2). Nhưng không chỉ có thế. Phan Khôi còn dịch thơ văn của nhiều tác giả khác của văn học Trung Quốc, cổ điển cũng như hiện đại như: trích dịch từ Tùy Viên thi thoại của Viên Mai (1716-1797), trong đó có thơ của Cổ Đại Tự, một bậc di lão hồi quốc sơ, Ngô Giả Nhân, Hồ Trung Giám, Châu Tử (đời Tống), lẫn văn thơ của các cây bút Trung Hoa mới như thơ Hồ Chính (Dưới cây hòe), Văn Mã Phong (truyện Thù làng), Lưu Bạch Vũ (tiểu thuyết Ánh lửa đằng trước)… Ông tham gia dịch cả Kinh Thánh cho đạo Tin Lành, cả truyện ngắn của nhà văn Nga Macxim Gorki (1868-1931), cả công trình nghiên cứu khoa học xã hội – tác phẩm Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học của Iôxif Stalin (1879-1953). Ông còn quan tâm đến công việc dịch thuật nói chung trong đời sống văn hóa văn học nước nhà: Ông phát biểu về quan niệm dịch thuật, ông đưa ra những ý kiến cụ thể về những yêu cầu phương pháp dịch thuật, góp ý cụ thể cho những bản dịch cụ thể. Bản thân ông tham gia công việc dịch thuật, và thành tựu dịch thuật trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp của ông đã được đánh giá cao, nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952(3)

Ngay từ đầu năm 1930, trên tờ báo Trung Lập ra ở Sài Gòn nhà báo Phan Khôi đã sốt sắng cổ vũ cho công việc dịch thuật. Nhận được Thánh Kinh báo số 1 do mục sư W.C. Cadman, chủ nhiệm báo ấy gửi tặng, ông đã mừng rỡ, viết bài giới thiệu cho độc giả của Phụ nữ Tân văn(4). Sau đó ít lâu cũng trên Phụ nữ Tân văn Phan Khôi lại viết tiếp một bài, nhân đọc tờ in làm mẫu bộ sách Sự tích Phật Thích Ca Như Lai. Nhan đề bài viết này đã cho ta thấy một quan điểm về dịch thuật hết sức rõ ràng, đúng đắn của tác giả. Phan Khôi viết:

“Trong thời kỳ sáng tạo quốc văn này, đại khái có ba cái công việc mà chúng ta nên làm. Một là tìm tòi những nguyên tắc của tiếng nói, của cách sắp đặt tiếng nói cho thành văn, hầu sau này nhơn đó làm ra sách mẹo bằng tiếng An Nam, cho kẻ học có khuôn phép kiểu mẫu mà noi theo. Hai là dùng tiếng nói mà viết sách; như vậy, một là để tập cho quốc ngữ được dần dần thành văn, hai là để cống hiến mọi sự tri thức cho đồng bào. Ba là dịch sách các nước, hoặc sách xưa, hoặc sách nay để thâu thái các học thuyết của thế giới và cùng làm cho rừng văn của ta được thêm nhiều tư liệu.

Ba điều đó đều quan hệ như nhau, nhưng ở đây tác giả “hẵng để riêng hai điều trên ra mà nói nội điều thứ ba là điều dịch sách”.

“Nói riêng về sự dịch sách, thì tôi tưởng ở nước ta ngày nay, bất cứ sách gì, nếu có thể dịch được thì nên dịch hết, vì sách gì bằng tiếng ta cũng chưa có. Bởi vậy chẳng luận các sách về khoa học đời nay, kinh truyện cùng sử ký của Tầu ngày xưa ta đều nên dịch ra mà cho đến kinh Phật, kinh Đạo, cũng nên dịch

Ta nếu không dịch được những sách ấy, thì chính các nhà tôn giáo họ dịch ra ta cũng nên tán thành và hoan nghinh.

Bởi vậy, mới rồi tôi có phê bình Thánh kinh báo trong Phụ nữ Tân văn và cũng giới thiệu cho đồng bào mà nói là một thứ báo nên đọc lắm. Thật, về sự học của nước ta, khác nào như gặp mất mùa đói kém mấy lâu nay, cho nên bất luận là lúa, là khoai, là đậu, ta đều nên kiếm giống mà trồng cho nhiều, cho rõ nhiều.

Kinh của đạo Cơ đốc còn như vậy, huống chi Phật giáo, là một đạo ta đã theo hàng ngàn năm nay, mà bằng tiếng ta chẳng có một thứ kinh thứ sách nào hết, thì há chẳng là sự đáng lạ, đáng lo sao?

Gần đây có một vài nhà sư hữu tâm, đem kinh Phật dịch ra quốc ngữ, ấy là sự chúng tôi rất lấy làm hoan nghênh lắm. Năm ngoái, sư Thiện Chiếu (1898-1974) có ra cuốn sách Phật học tổng yếu chính tôi đã phê bình và giới thiệu trong báo Thần Chung cũng là vì lòng sốt sắng ấy” (5)

Hai năm sau, năm 1932, trong báo Phụ nữ Tân văn, Phan Khôi nhắc lại quan điểm trên trong bài nói với thanh niên trí thức tân học. Ông kêu gọi:

“…Mỗi một vị thanh niên tân học hãy đem vài phần mười cái học của mình đã lấy ở ngoại quốc mà truyền bá cho dân chúng, để nâng cao cái tầm tri thức của họ lên”. Ông lấy kinh nghiệm của người Tầu, người Nhật:

“Đại phàm muốn thâu thái một cái văn hóa khác để bồi bổ cho cái văn hóa sẵn có của mình, thì một điều cần yếu trước hết là phải biết rõ cái văn hóa sẵn có ấy ra sao, phải ngấm ngầm trong cái văn hóa ấy, phải lấy chính mình dính dấp với nó mới được. Nói ví mà nghe, cũng như ta muốn sửa sang một cái nhà ấy, chỗ nào nên để, chỗ nào nên thay. Người Nhật, người Tầu họ hiểu cái lẽ đó, cho nên trước khi bọn thanh niên xuất dương họ đã lấy giáo dục bổn quốc mà tạo cho mỗi người một cái tư cách đúng đắn rồi.

Nói riêng về nước Tầu. Ở trong nước từ ấu học nhân lên cho đến đại học, đều dậy bằng chữ bổn quốc, từ trung học trở lên mới có dậy tiếng ngoại quốc, nhưng chỉ là phần phụ. Địa dư, sử ký, phong tục, chế độ của nước mình từ xưa đến nay ra sao, đại khái một trò cao đẳng tiểu học trở lên đều biết hết, và lên đến trung học, đại học lại còn phải hiểu nhiều hơn. Thường thường là một người đã tốt nghiệp đại học ở nước nhà mới xuất dương du học. Trong khi họ học được điều gì ở ngoại quốc, có thể đem mà so sánh với điều đã học ở bổn quốc, mà thấy hơn thua lợi hại thế nào, chớ không phải học tới đâu biết tới đó mà cho rằng đủ.

Bọn ấy, khi về nước rồi, làm gì thì làm, nhưng cốt nhất là họ không quên sự dịch sách và làm sách. Việc dịch thuật của họ là việc làm có ý thức, cho nên cũng thâu được nhiều hiệu quả rất lớn.

Nguyên người Tầu thuở xưa chỉ chịu kém người Tây về sự đóng tầu đúc súng, chớ còn về văn học triết học thì họ khinh đứt đi. Ấy là một sự lầm. Từ Nghiêm Phục dịch sách triết lý của người Anh, người Pháp ra, Lâm Thử (người này không du học, không biết chữ Tây, nhờ kẻ khác cắt nghĩa cho mà dịch) dịch những sách văn học ra, đến đó mới mở mắt thấy rõ sự tình trong thế giới và địa vị nước mình hơn hồi trước. Nội một cái thấy rõ được như vậy đã là quan hệ cho nước Tầu chẳng vừa, cho nên công trạng của hai người ấy cũng chẳng vừa”(6)

Đến năm 1936, trong bài Việc học ở xứ ta nên lấy tiếng gì làm gốc? Phan Khôi chủ trương lấy tiếng Việt làm gốc. Và việc dịch sách cũng lại được đặt ra. Và ông lại lấy gương nước Nhật nước Tầu: “Theo ý chúng tôi, tiếng Tầu, tiếng Nhật có thể dùng để dịch các sách người Âu thì tiếng ta cũng có thể được dùng trong việc ấy. Một ban tu thủ sẽ định các quy chế để dịch các tiếng chuyên môn về khoa học, về triết học và sẽ lần lượt biên dịch hết thẩy các sách giáo khoa cần dùng” (7)

Tuy nhiên, trong việc dịch Phan Khôi kiên trì một nguyên tắc: “Bất kỳ dịch sách gì, tôi đều muốn dịch cho đúng nguyên văn nguyên ý. Hễ sai với nguyên văn nguyên ý là tôi sẽ đứng một bên nhắc chừng cho”. Ông khen tờ in mẫu bản dịch Sự tích Phật Thích Ca Như Lai thật đẹp và có nhiều bức vẽ rất có công phu. Nhưng ông thẳng thắn nhận xét bản dịch. Không biết tên người dịch ông chỉ trích người chủ trương công trình này: “…ông Ngô (Trung Tín) học chữ Hán tinh thông và lại có tư tưởng mới, thêm nhà sẵn tiền, thế thì sao ông làm việc này là việc lớn mà hình như không được thận trọng, tôi rất lấy làm lạ, rất lấy làm tiếc”. “Trong tờ mẫu ấy có in một bài trong sách ra, chừng như muốn cho người mua coi kiểu thì phải. In nửa phần chữ Hán, nửa phần quốc ngữ. Nhờ đó mà tôi đem đối chiếu nhau, thấy nhiều chỗ sai lầm quá. Nói “quá” đây, nghĩa là chỉ trong có mấy hàng mà đã sai bộn chỗ, thì nói “quá” cũng không hại”.

Ông lấy thí dụ: “Như một bài kệ có tám câu mà chỉ dịch trúng có hai câu đầu mà thôi, còn thì dịch khác hết. Khác hết, tức là sai. Cứ theo bản dịch thì nghe cũng có nghĩa chớ không đến nỗi bậy, … sai với nghĩa của nguyên văn.

Lại còn có chỗ bỏ đứt đi, không dịch. Như chữ “Tu-di”, tiếng Phạn, tên núi, tức là núi Hymalaya, nghĩa đen là diệu và cao. Trong bài kệ có câu “nhi chỉ Tu-di đẳng”, nghĩa là “và cùng núi Hymalaya bằng nhau”, vậy mà không có trong bản dịch. Còn câu “Bất nghi cung kính ngã”, chữ “ngã” ấy là “chư thiên hiện hình” mà tự xưng, bảo thế gian “chớ nên cung kính ta” mà chỉ nên cung kính Phật. Vậy mà lại dịch “Ai không cung kính ta”, thật là sai đi đâu xa lơ xa lắc!

Câu rốt hết, bản dịch nói: “Nếu ai dám kiêu mạn, tai nạn sẽ tới nơi”, thì rõ thật là dịch bậy, đến nỗi làm sai ý Phật, bởi vì Phật không hề hăm dọa ai bao giờ. Nguyên văn có hề nói như vậy đâu, nói rằng: “Nhược nhân khứ kiêu mạn, sẽ sanh ra trên trời, chúng nghiệm cõi niết bàn”, thì có chữ gì là chữ tai nạn?

Tôi viết bài này có ý tỏ cho ông Ngô biết rằng việc ông làm đó là việc nên làm, chắc ông tốn tiền cũng lắm, lẽ đáng kiếm người dịch cho đúng thì sách mới có giá trị. Còn như cả bộ sách đều như bài ấy hết thì thà ông đừng in thì hơn”.(8)

Trước đó, trong bài Giới thiệu và phê bình Thánh kinh báo, hết lời khen “Văn chương của Thánh kinh báo còn có phần giúp ích cho văn quốc ngữ ta trong lúc mới lập nền. Bởi vì văn chương của Thánh kinh báo đặt một cách thật rõ, thật gọn mà lại dễ hiểu nữa, rất hiệp với cái lối bình dân văn học”. “Thánh kinh báo lại có một cái giá trị đáng quý nữa là viết chữ đúng. Cả 32 trương chữ đặc mà tôi thấy chỉ sai một chữ thôi, là chữ trau mà viết ra trao ở trương 22, cột 2. Lại còn cách chấm câu cũng thật là hẳn hoi, không chỗ chỉ trích được. Đến cách in cũng đáng phục, đã đẹp lại kỹ, đâu ra đó lắm, không có làm tạp nhạp bèm nhèm như lối in của phần nhiều báo chí ta”. Tuy nhiên, Phan Khôi vẫn thẳng thắn góp ý “Tôi vẫn biết liệt vị biên tập Thánh kinh báo rất là cẩn thận, chẳng phải cậy ở trí khôn mình mà cậy ở Thánh kinh soi dẫn cho. Dẫu vậy, cũng còn có chỗ làm cho tôi thấy là hồ nghi, phải chất vấn mới được.

Trương 27, về mục “Bài học ngày Chúa nhựt” cột 2, có đoạn như vầy:

“Thế gian không phải tự nhiên mà có. Nhưng phải nhờ có một quyền phép lớn lắm mà đã dựng nên trời đất, và quyền phép lớn ấy tức là Chúa Trời”.

Đó, câu cuối cùng đó phải làm cho tôi hồ nghi. Tôi thấy như Kinh thánh nói quyền phép lớn ấy ra từ Đức Chúa Trời, chứ không phải tức là Đức Chúa Trời.

Nếu nơi quyền phép lớn ấy tức là Đức Chúa Trời, thì thành ra Đức Chúa Trời với quyền phép lớn chỉ là một mà thôi. Kinh thánh có khi nào nói như vậy? Theo Kinh thánh thì Đức Chúa Trời có hình, cho nên “ngài mới nặn người ta theo như hình của ngài”. Chẳng những như vậy thôi. Đức Chúa Trời lại có khi vui, khi buồn, khi nổi ghen, khi phát cơn giận và thạnh nộ nữa: thế mà bảo rằng quyền phép lớn tức là ngài, sao được? Quyền phép dầu lớn cho mấy đi nữa cũng chỉ là một danh từ trìu tượng (un non abstrait) mà thôi, khi nào có sự vui, buồn, ghen, giận được?”

“Một câu đó - riết lại chữ chỉ hai chữ tức là – tuy không chỉ mà quan hệ lắm. Thấy câu ấy có thể hồ nghi cả bộ Kinh thánh, vì gặp những chỗ khác, người ta có thể hỏi rằng: Đức Chúa Trời chỉ là quyền phép, sao lại có hình tượng, có đủ thứ tánh tình như người ta(9)

Lại nữa, nhớ lại ngay từ năm 1929, Phan Khôi đã lên tiếng mở đầu công việc phê bình sự dịch thuật từ bài viết trên báo “Thần chung” cùng sư Thiện Chiếu bàn về lối dịch sách hay là phê bình lời dịch của sách “Phật học tổng yếu”. Phan Khôi đánh giá cao: “Tôi đọc qua sách Phật học tổng yếu thì thấy cái trình độ học chữ Hán của sư Thiện Chiếu thật đã cao. Tiếc tôi không có được thấy cả nguyên văn mà đối chiếu thử, song đọc nơi bản dịch cũng có thể biết được đại khái là đúng. Lần trước tôi thấy một số tờ báo quốc ngữ có bài của ông chi đó dịch bài Dĩ Phật pháp phê bình xã hội chủ nghĩa của Thái Hư pháp sư, tôi đọc mà chẳng hiểu chi cả, đến khi tìm được nguyên văn dò lại thì té ra ông ấy dịch sai bét hết, không nói hàm hồ, sai cũng đến sáu phần mười. Song lần này tôi đọc của Sư thì hiểu đâu ra đó, nói vậy tôi dám chắc là đại khái đúng với nguyên văn”. Nhưng Phan Khôi vẫn thẳng thắn chỉ ra “những chỗ thấy trong sách Phật học tổng yếu, mà theo ý tôi, tôi cho cái lối dịch như vậy là chưa được, vậy dẫn ra đây thương xác cùng Sư và cùng chất chánh cùng bạn đọc”. Và ông lần lượt nêu ra bẩy điểm nhận xét và đưa ra ý kiến bàn luận có lý lẽ phân minh: về sự dùng chữ Hán không cần thiết, về sự chua nguyên văn tiếng Phạn một cách thừa, về sự dịch những thành ngữ của chữ Hán chưa chuẩn, về sự xê xít nguyên văn, về sự theo đúng từng chữ của nguyên văn, về sự đọc chữa cho đúng và về sự chấm câu cho đúng”. Một sự góp ý tỉ mỉ, cặn kẽ, chu đáo. Cuối cùng ông còn ngỏ lời nhã nhặn: “Bạch Sư Thiện Chiếu, trong bài của tôi đây nếu có chỗ nào sai lầm thì xin Sư đính chánh lại. Tôi sẵn lòng thọ giáo. Một điều tôi dám tim chắc là Sư không có nhơn bài này mà giận tôi. Phật không hề giận ai”(10)

Quả thực Sư Thiện Chiếu không giận, mà còn bầy tỏ lòng biết ơn tác giả Phan Khôi: “Quyển Phật học tổng yếu vừa xuất bản, được hân hạnh có nhà học giả thương đến mà phê bình, phê bình để bổ thêm những điều khuyết điểm của tôi. Thưa tiên sanh, rất đỗi một nhà nho học còn biết nghe ai bảo mình có lỗi thì mừng, huống chi một người biết chút ít Phật học như tôi quyết lo rửa sạch sân si nghiệp chướng đặng ra khỏi biển trầm luân. Cho nên tôi đọc suốt ba bài phê bình, chẳng những đối với tiên sanh sẵn có một mối mỹ cảm, mà lại lạc quan đối với Phật học giới sau này. Từ đây những nhà học giả đã lưu tâm đến Phật học rồi! Từ đây những sách về Phật giáo nhảm nhí hoang đường không dám ra đời nữa” (11)

Tất nhiên, trong sự phê bình bản dịch thuật của Phan Khôi không khỏi có những suy nghĩ chủ quan, cũng như trong thực hành dịch thuật của bản thân ông cũng vậy, không tránh khỏi những điều mà người khác thấy chưa được hoặc khiên cưỡng. Chẳng hạn tổng kết các công trình dịch thuật của Phan Khôi trong những năm kháng chiến, Hội Văn nghệ Việt Nam đã trao giải nhì năm 1951-1952 cho toàn bộ các bản dịch của ông, kèm theo những nhận xét, bên cạnh những lời khen, cũng có những nhận xét ngược lại, chỉ ra thiếu sót. Ngay trong giới nhà văn dịch thuật cũng như bạn đọc cũng truyền tụng những chữ dịch quá “độc đáo” quá khác người của ông. Chẳng hạn, đã có chữ “khoai tây” quen dùng hàng ngày, Phan Khôi lại đưa ra từ “khoai nhạc ngựa” trong bản dịch của mình. Cái từ original ông lại đề nghị dịch là cổ quái, chứ không theo mọi người dùng chữ độc đáo. Tuy nhiên, đó là tiểu tiết. Còn tựu chung Phan Khôi suốt bao năm được nể trọng bởi khen chê, bao giờ ông cũng thành tâm, vì cái sự tiến bộ chung và bao giờ cũng đầy đủ lý lẽ. Chẳng hạn để có một khuôn mẫu bình thơ nâng chất lượng thơ ca ta ông đã “muốn dịch thi thoại của Tầu ra quốc ngữ”. Ông biết việc ấy không dễ. Ông viết: “Tôi biết sự muốn ấy là vô lý. Bởi vì, thi ta và thi Tầu tuy có hơi giống nhau, nhưng có một đều khác nhất là những điển cố dùng trong thi có nhiều cái không thể dịch ra được. Huống chi, dịch thi thoại thì phải dịch luôn những bài thơ trong thi thoại ra. Mà việc dịch thơ là một việc tất cả ai cũng phải kêu là khó, thì mình làm thế nào được? Thế nhưng vì tôi nghĩ cho thi thoại là thứ sách ích cho nghề làm thơ lắm, nên từng đã đánh bạo mà làm”12 Là một nhà Nho Phan Khôi chỉ là ông tú, nhưng các bậc khoa bảng lừng danh cũng phải nể trọng, có người khen ông chẳng kém gì tiến sĩ. Ông lại là một tấm gương kiên trì tự rèn luyện, từ một nhà nho tự mày mò học hỏi trở thành nhà Tây học uyên bác, không chỉ giỏi chữ Hán, mà thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anh. Tiếng nói của Phan Khôi trên văn đàn, báo chí Việt Nam có sức nặng lừng lẫy khắp cả nước. Riêng trong lĩnh vực dịch thuật nước nhà, như ta thấy đấy, tiếng nói của ông cũng được tôn trọng chẳng khác gì quan “ngự sử thơ văn”(13) trên báo chí một thời.

(1): Chỉ xin nêu một số công trình chính có liên quan đến Phan Khôi: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1929, NXB Đà Nẵng và TTVHNNĐT, 2005, Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1930, NXB Hội Nhà văn – TTVHNNĐT, 2006, Sông Hương (1/8/1936-27/3/1937), NXB Lao động – TTVHNNĐT, 2009

(2): Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn, NXB HNV, 2007

(3): Tạp chí Văn nghệ, số đặc biệt Giải thưởng Văn nghệ 1951-1952, số 39 tháng Hai 1953

(4): Giới thiệu và phê bình Thánh kinh báo, Phan Khôi, Phụ nữ tân văn, Sài Gòn số 74 (16/10/1930)

(5): Sự dịch sách ở nước ta ngày nay là rất cần và rất quan hệ, Phan Khôi, Trung lập, Sài Gòn, 6292 (7/11/1930)

(6):Thanh niên với Tổ quốc. Kẻ thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho Tổ quốc phải làm thế nào, Phan Khôi, Phụ nữ tân văn, bộ 4, số 172, ngày 13/10/1932, tr.5, theo Thanh Lang, 113 năm tranh luận Văn học, T3, NXB VH, 1995, tr.177-180

(7): Sông Hương, số 9 ra ngày 26/9/1936

(8): Sự dịch sách ở nước ta ngày nay là sự rất cần và rất quan hệ, Phan Khôi, Trung lập, Sài Gòn, s 6292(7/11/1930)

(9): Như trên, Trung lập, Sài Gòn, s 6292 (7/11/1930)

(10): Thần chung, Sài Gòn s.279-283 (từ 24/12/1929-30/12/1929) trích theo LNA, Phan Khôi tác phẩm đăng báo 1929, tr.276-288

(11): Như trên, tr. 212-293

(12): Phan Khôi, Chương dân thi thoại, NXB Đà Nẵng, 1998, tr.144

(13): Mục ngự sử văn đàn ký tên Ngự sử trong báo chí Phụ nữ tân văn, Sông Hương…


CÓ MỘT CUỐN SÁCH

NHƯ THẾ ĐÓ (tt)

QUYỂN TRUNG

Lm. Giuse NGUYỄN HỮU TRIẾT

III. BỘ THÁNH KINH CỦA THIÊN CHÚA GIÁO

Thiên Chúa giáo gồm các tôn giáo: Công giáo, Do Thái giáo, Anh giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành giáo (với hàng trăm phái riêng biệt như Cơ đốc Phục lâm, Trưởng lão, Ân điển, Nhân chứng Giêhôva, Thánh Kinh hội…). Riêng Hồi giáo cũng thờ Thiên Chúa nên cũng có thể được coi là nằm trong hệ Thiên Chúa giáo, nhưng tôn giáo này lấy kinh Koran làm Thánh Kinh của họ.

1. Thánh Kinh là gì?

Nói một cách vắn gọn nhất, bình dị nhất: "Thánh Kinh là Lời Chúa được chép thành sách để dạy dỗ loài người".

Tên gọi Thánh Kinh dịch từ tiếng Latinh: Biblia có nghĩa là quyển sách.

Sách được làm từ giấy cói Papyrus, sản xuất từ thành phố Biblios, một hải cảng (miền Bắc nước Israel) của người Phênixi gần Beyruth (Lebanon) ngày nay.

Từ thế kỷ V Công nguyên (CN), các Hội Thánh Hy Lạp đã dùng từ Ta Biblia hoặc Biblia cho các quyển sách Thánh Kinh, nhiều người cho rằng thánh giáo phụ Jean Chrysostome, trưởng lão thành Constantinople (398-404 CN) là người đầu tiên dùng từ này, tới thế kỷ XIII thì Ta Biblia trở thành Biblio hay Biblia. Tây phương công nhận và dùng The Bible (Anh), hoặc La Bible (Pháp). Nội dung Thánh Kinh gồm 2 phần: Cựu Ước và Tân Ước.

2. Trước khi Thánh Kinh được hình thành thì đã có cái gì?

- Thưa rằng có Thánh Truyền (truyền thống Thiên Chúa giáo) được định nghĩa là ký ức của Dân riêng Chúa, ghi nhớ lời Chúa dạy tổ tiên ông bà rồi truyền khẩu cho nhau từ đời nọ tới đời kia – "Chúng tôi truyền cho anh em phải xa lánh mọi người anh em sống vô kỷ luật, không theo truyền thống anh em đã nhận được từ nơi tôi" (2Tx 3,6 – Thánh Phaolô dạy giáo đoàn Thexalônica); "Hãy đứng vững và nắm giữ các truyền thống chúng tôi đã dạy cho anh em bằng lời nói (truyền khẩu) hay bằng thư từ" (2Tx 2,15 – Thánh Phaolô dạy giáo đoàn Thexalônica). Cũng giống như hiện tượng văn học của mỗi nước vậy. Trước khi có chữ viết để ghi chép những điều hay lẽ phải thành sử sách thì đã có văn chương truyền khẩu là những câu chuyện kể, ca dao, tục ngữ, thành ngữ, thai đố, vè, đồng dao… là tinh hoa văn hóa, gọi chung là văn chương bình dân truyền khẩu từ đời này qua đời kia, từ khi có dân tộc, giống nòi và vẫn tồn tại song hành với văn viết khi thể văn này đã bắt đầu được sử dụng.

Chúng ta cứ lấy lịch sử Việt Nam làm thí dụ. Con dân đất Việt luôn tự hào về 4.000 năm văn hiến. Hơn 3.000 năm là thời dã sử, mọi giá trị văn học đều truyền khẩu, thế hệ này tới thế hệ kia mãi tới đời Trần (thế kỷ 13) mới có bộ chính sử đầu tiên là Đại Việt Sử Ký, gồm 30 quyển của Lê Văn Hưu (1272), nhưng cuốn này hiện nay cũng chẳng còn, chỉ được nhắc tới tên trong bài tựa bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sỹ Liên đời nhà Lê (1479) gồm 15 quyển chép sử từ thời Hồng Bàng đến thời Lê Thái Tổ lên ngôi. Bản gốc Đại Việt Sử Ký Toàn Thư hiện nay cũng không còn. Bản duy nhất, xưa nhất còn lại là bản khắc gỗ in lại năm 1697 (hiện lưu trữ ở Pháp). Thời Nguyễn có một lần tái bản, hiện mang mã số A.3/1-4 có tăng cường nội dung do một số tác giả khác soạn thêm. Một chút sử liệu được nêu lên như vậy để bạn đọc có mốc so sánh và dễ nhận ra tính xác thực của Thánh Kinh là rất cao, rất đáng tin cậy.

Đối với Cựu Ước, nếu coi tổ phụ Abraham (thế kỷ 19 trước CN) là gốc gác của dân Do Thái, thì tới thế kỷ 11 trước Công nguyên những gì lưu truyền lại (thánh truyền) đã được ghi chép bằng chữ viết để từng bước hình thành bộ Thánh Kinh Cựu Ước. Còn bộ Thánh Kinh Tân Ước, chỉ 20 năm sau khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, những lời giảng dạy cũng như những biến cố của cuộc đời Chúa Giêsu đã được các môn đệ và học trò của các ông ghi chép lại đầy đủ và rõ ràng, thì tính xác thực kể như tuyệt đối. Chúng ta cần ghi nhớ một nguyên tắc sử học căn bản: "Những biến cố lịch sử được ghi chép lại càng gần nơi, gần lúc sự kiện xảy ra bao nhiêu thì tính xác thực càng cao bấy nhiêu, ngược lại, thời gian và không gian sự kiện xảy ra càng xa bao nhiêu thì tính xác thực càng thấp bấy nhiêu".

Một thí dụ khác là trường hợp tác giả Homère, nhà thơ lớn mở đầu cho lịch sử văn học cổ đại Hy Lạp được Bielinski coi là "cha đẻ của thơ Hy Lạp". Tác phẩm của ông gồm hai trường ca ILIADE và ODYSSEUS.

Về tiểu sử của Homère, chỉ có những truyền thuyết, những ý kiến phỏng đoán của các học giả với những cứ liệu mâu thuẫn nhau, thiếu chính xác. Theo ý kiến của nhiều nhà Hy Lạp học hiện nay thì Homère là một nghệ sĩ dân gian, một người đã có công sưu tầm, chỉnh đốn những bài ca dân gian ngắn về truyền thuyết cuộc chiến tranh thành Troy "để xây dựng thành hai tác phẩm hoàn chỉnh, hai bản anh hùng ca đồ sộ…" Tác phẩm của Homère trước hết là sáng tác dân gian, sáng tác tập thể truyền miệng. Việc dùng văn tự ghi lại hai bản trường ca của Homère theo các nhà nghiên cứu thuộc về thời kỳ muộn hơn. Người ta dự đoán Homère sống vào thế kỷ 9 hoặc 8 trước CN, có ý kiến cho Homère sống vào thế kỷ 7. (theo người viết, bản văn Iliade và Odysseus cổ nhất hiện còn giữ được tối đa chỉ 200 năm. Như vậy nội dung được ghi chép lại cách tác giả gần 3.000 năm).

(Nguyễn Văn Khoa – Từ điển Văn Học,

NXB Khoa học Xã hội Hà Nội 1983,trang 309-310)

Ghi chú của người viết : Vấn đề tên các cuốn sách Thánh Kinh và chữ tắt của những cuốn đó, hiện nay tại Việt Nam chưa có sự thống nhất, lý do là các sách Kinh Thánh (bản gốc và những bản dịch đầu tiên) được chép bằng nhiều ngôn ngữ: các sách Cựu Ước được chép bằng tiếng Hipri, trừ một số đoạn bằng tiếng Aramaic. Thời ấy tiếng Hy Lạp phổ biến khắp đế quốc của vua Ptolemy ở bên Ai Cập. Tương truyền rằng chính nhà vua ra lệnh cho mỗi chi tộc Do Thái chọn 6 học giả tập trung ở Alêxandria – một hải cảng lớn ở Ai Cập, để dịch Ngũ Kinh ra tiếng Hy Lạp, cung cấp cho thư viện lớn nhất thế giới thời đó là thư viện Alêxandria, với khoảng 200.000 đầu sách, con số các học giả của 12 chi tộc là 72 vị, thế nhưng được gọi tròn 70 (Septuaginta) cho gọn. Thế là Thánh Kinh có bản dịch đầu tiên gọi là bản 70 bằng tiếng Hy Lạp vào khoảng thế kỷ 3 trước CN. Những thế kỷ sau thời đó, người Hy Lạp cai trị cả vùng Trung cận Đông, tiếng Hy Lạp càng phổ biến khắp nơi, tiếng Hipri không còn mấy ai nói. Trong các hội đường, khi đọc Kinh Thánh, các ký lục đọc bằng tiếng Hipri, hoặc Aramaic liền sau đó phải giải thích bằng tiếng Hy Lạp. Bản dịch 70 này được dùng thường xuyên và trở nên phổ quát trong cộng đồng Do Thái. Vào thời Chúa Giêsu và các môn đệ Ngài, mỗi lần đối chiếu, trưng dẫn Kinh Thánh Cựu Ước, Chúa Giêsu và các thánh sử đều trích dẫn theo bản 70.

Ví dụ: Biến cố sứ thần đưa tin cho thánh Giuse, thánh Mátthêu viết: "Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Mt 1,22 – trưng dẫn Is 7,14 theo bản 70).

Trong khi bản văn Hy Lạp dùng từ Trinh nữ thì bản văn Hipri dùng từ Ălmah, là một người nữ ở tuổi sinh nở, văn bản có quán từ, tiên tri Isaia nhắm tới một quý bà nào đó mà những người có mặt đều biết, có lẽ là một cung phi (mẹ của Êzêkia – chú thích của Linh mục Nguyễn Thế Thuấn).

Cuối thế kỷ 4, thánh Giêrônimô (340-420), tiến sĩ Hội Thánh, người gốc xứ Damaxia sang Rôma học và làm Linh mục, 35 năm cuối đời, ngài sang đất thánh, sống gần hang đá Bêlem, chuyên nghiên cứu và dịch Kinh Thánh từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh, vì vào thời điểm này, người La Mã hầu như làm bá chủ, tiếng Latinh trở thành phổ biến, tiếng Hy Lạp chỉ những nhà trí thức mới biết. Bản dịch tiếng Latinh toàn bộ Kinh Thánh đầu tiên đã ra đời mệnh danh là bản Vulgata, hoàn tất vào năm 405 CN, được Đức Giáo hoàng Damasus I chấp nhận, mãi đến thế kỷ 16 trở đi mới có những bản dịch Kinh Thánh bằng tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh… cho tới nay Kinh Thánh đã được dịch ra 2.454 thứ tiếng. Tại Việt Nam, các dịch giả Kinh Thánh, người thì căn cứ trên bản Hipri, người thì căn cứ trên bản Hy Lạp (70), hoặc bản Latinh (Vulgata), có dịch giả chỉ biết tiếng Pháp, tiếng Anh, thì lại chỉ căn cứ vào các bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp – do đó có hiện tượng không đồng nhất tên gọi các cuốn sách Kinh Thánh cũng như chữ tắt của những cuốn này.

Ví dụ:

- Sách tiên tri Abđya – viết tắt Ab theo Linh mục Nguyễn Thế Thuấn.

- Nhóm Phụng vụ Giờ kinh viết là Ovađia (chữ tắt Ov).

- Bản dịch của Tin lành viết là Apđia (chữ tắt Ap).

- Tin Mừng theo thánh Yoan (viết tắt Yn) theo Linh mục Nguyễn Thế Thuấn.

- Nhóm Phụng vụ Giờ kinh viết là Gioan (chữ tắt Ga).

- Bản dịch của Tin lành viết là Giăng (chữ tắt Gg).

Chưa thống nhất được tên gọi và chữ tắt của các sách Kinh Thánh là một điều đáng tiếc, nhưng chúng ta thông cảm cho mỗi khó khăn mà các dịch giả gặp phải khi đụng tới vấn đề phiên âm.

Hiện nay cả nước đang theo dõi những ý kiến nêu lên trong vấn đề phiên âm các từ nước ngoài, nhất là các tên riêng qua loạt bài "Loạn Phiên Âm", đăng nhiều kỳ trên nhật báo Thanh Niên. Báo chí cho biết hiện tượng "loạn" phiên âm trong các sách giáo khoa và yêu cầu Bộ GD và ĐT phải có biện pháp nhất quán, kể cả việc phải soạn một bộ từ điển phiên âm. Trên báo Thanh Niên ngày 03/05/2012, các tác giả: T. Nguyên, L. Giang, M. Luân, H. Ánh có bài:

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, yêu cầu sửa phiên âm tên gọi luật sư Francis Henry Loseby, người đã bảo vệ thành công cho Tống Văn Sơ (tức Nguyễn Ái Quốc) tại tòa án Hồng Kông năm 1931 – Sách giáo khoa nhà XB Giáo dục, phiên âm tên vị luật sư này là Lôdơbai, trong khi cách đọc chính xác là Lôdơbi (Francis Henry Loseby) .

3. Bộ Kinh Thánh gồm những sách nào?

Bộ Kinh Thánh gồm có 2 phần: Cựu Ước và Tân Ước.

A. Cựu Ước là những sách Kinh Thánh của đạo Do Thái viết bằng tiếng Hipri, trừ một số đoạn bằng tiếng Aramaic trước thời Chúa Giêsu (từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 1 trước CN), với nội dung tổng quát thể hiện Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái qua trung gian nhà lãnh đạo Môsê.

Giao Ước đó như sau: Nếu dân một lòng thờ Chúa và tuân giữ các huấn lệnh của Ngài, thì Ngài sẽ nhận họ làm dân riêng và sẽ ra tay che chở, phù trì – (Giao Ước Sinai): Chúa phán: "Vậy giờ đây nếu các ngươi thực sự nghe tiếng Ta và giữ Giao Ước của Ta, thì giữa hết mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh" (Xh 19,5-7). Ông Môsê lấy cuốn sách Giao Ước đọc cho dân nghe, họ thưa: "Tất cả những gì Thiên Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo", bấy giờ ông Môsê lấy máu (hy lễ bò) rảy trên dân và nói: "Đây là máu Giao Ước Đức Chúa đã lập với anh em dựa trên những lời này" (Xh 24,7-8).

Chúa thì luôn luôn trung tín giữ lời hứa, còn dân thì luôn bội ước, việc đó diễn ra liên tục qua dòng lịch sử của dân Do Thái.

Cựu Ước gồm 46 cuốn, có những cuốn viết bằng văn xuôi, kể lại lịch sử, những tích truyện hoặc ghi chép những luật lệ. Có những cuốn viết theo thể thơ với những lời tiên tri, những lời cầu nguyện, những câu châm ngôn, tục ngữ. Người ta thường chia các sách Cựu Ước thành 4 loại sau đây:

a. Ngũ Kinh hoặc Ngũ Thư là 5 sách luật của ông Môsê, những cuốn này được cho là do Môsê soạn vào thế kỷ 14 trước CN:

- Sáng thế (St)

- Xuất hành (Xh)

- Lêvi (Lv)

- Dân số (Ds)

- Đệ nhị luật (Đnl)

b. 16 cuốn Lịch sử :

- Giôsuê (Gs), khoảng cuối thế kỷ (Tk.) 14 trước CN

- Thủ lãnh (Tl), khoảng Tk.11 trước CN

- Rút (R), khoảng cuối Tk.11 trước CN

- Samuel 1+2 (1Sm; 2Sm), khoảng Tk.10 trước CN

- Vua 1+2 (1V; 2V)

- Sử biên niên 1+2 (1Sbn; 2Sbn), Tk.5 trước CN

- Étra (Er), Tk.5 trước CN

- Nơkhemia (Nkm), Tk.5 trước CN

- Tôbia (Tb), Tk.3-2 trước CN

- Giuđitha (Gđt), Tk.3-2 trước CN

- Étte (Et), Tk.3-2 trước CN

- Macabê 1+2 (1Mcb; 2Mcb), năm 100 trước CN

c. 7 cuốn Giáo huấn :

- Gióp (G), khoảng Tk.6-4 trước CN

- Thánh vịnh (Tv), khoảng Tk.11 trước CN

- Châm ngôn (Cn), khoảng Tk.10-7 trước CN

- Giảng viên (Gv), khoảng Tk.10-7 trước CN

- Diễm ca (Dc), Tk.3-2 trước CN

- Khôn ngoan (Kn), khoảng Tk.10-7 trước CN

- Huấn ca (Hc), khoảng Tk.2 trước CN

d. 18 cuốn Tiên tri :

- Isaia (Is), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Giêrêmia (Gr), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Ai ca (Ac), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Barúc (Br), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Êdêkiel (Ed), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Đaniel (Đn), Tk.2 trước CN

- Hôsê (Hs), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Giôel (Ge), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Amos (Am), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Ôvađia (Ov), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Giôna (Gn), Tk.6-3 trước CN

- Mikha (Mk), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Nakhum (Nk), khoảng Tk.8-6 trước CN

- Khabacúc (Kb), Tk.7 trước CN

- Xôphônia (Xp), Tk.7 trước CN

- Khácgai (Kg), Tk.6 trước CN

- Dacaria (Dcr), Tk.6 trước CN

- Malakhi (Ml), Tk.5 trước CN

B. Tân Ước là những sách Kinh Thánh của Kitô giáo, những sách này được chép bằng tiếng Hy Lạp và đã hình thành trong hậu bán thế kỷ 1 đến đầu thế kỷ 2 sau CN, với nội dung tổng quát thể hiện Giao Ước mới giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại qua trung gian Chúa Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa đã hóa thân làm người, thực hiện công trình cứu chuộc bằng cuộc khổ nạn, cái chết trên thập giá và sự Phục Sinh vinh hiển vào ngày thứ ba sau khi đã được an táng.

"Đây là chén máu Thầy, máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho muôn người được tha tội" (Mt 26,28)

"Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời" (Ga 3,18)

Tân Ước gồm 27 cuốn được xếp thành 3 loại sau:

a. 5 cuốn Lịch sử :

- Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt)

- Tin Mừng theo thánh Máccô (Mc)

- Tin Mừng theo thánh Luca (Lc)

- Tin Mừng theo thánh Gioan (Ga)

- Sách Công vụ Tông Đồ (Cv)

b. 21 cuốn Giáo huấn gồm:

§ 14 thư của thánh Phaolô:

- Thư gửi tín hữu Rôma (Rm)

- Thư gửi tín hữu Côrintô 1+2 (1Cr; 2 Cr)

- Thư gửi tín hữu Galat (Gl)

- Thư gửi tín hữu Êphêsô (Ep)

- Thư gửi tín hữu Philípphê (Pl)

- Thư gửi tín hữu Côlôssê (Cl)

- Thư gửi tín hữu Thêxalônica 1+2 (1Tx; 2Tx)

- Thư gửi ông Timôthê 1+2 (1Tm; 2Tm)

- Thư gửi ông Titô (Tt)

- Thư gửi ông Philiêmon (Plm)

- Thư gửi tín hữu Do Thái (Dt)

§ 7 thư chung gồm:

- Thư của thánh Giacôbê (Gc)

- Thư của thánh Phêrô 1+2 (1Pr; 2Pr)

- Thư của thánh Gioan 1+2+3 (1Ga; 2Ga; 3Ga)

- Thư của thánh Giuđa (Gđ)

c. 1 cuốn tiên tri : sách Khải huyền của thánh Gioan (Kh).

(Tên sách và chữ tắt theo Kinh Thánh trọn bộ

của NPD Các Giờ kinh Phụng vụ)

Ghi chú : Riêng 4 cuốn đầu của bộ Thánh Kinh Tân Ước còn được gọi là Tin Mừng (bởi vì ai đón nhận thì được hạnh phúc đời đời, còn gì mừng hơn). Các Tông Đồ rao giảng Đức Giêsu như là một Tin Mừng cả thể:

"(Có) Những kẻ không vâng theo Tin Mừng của Chúa" (2Tx 1,8)

"Còn chúng tôi, chúng tôi xin loan báo cho anh em Tin Mừng này: Điều Thiên Chúa hứa với cha ông chúng ta thì Người đã thực hiện cho chúng ta là con cháu các ngài…" (Cv 13,32-34)

"Người đã dùng Tin Mừng chúng tôi loan báo mà kêu gọi anh em"

(2Tx 2,14)

4. Ngôn ngữ Thánh Kinh.

A. Cựu Ước : chỉ có vài đoạn viết bằng tiếng Aramaic, còn toàn thể viết bằng tiếng Hipri. Tiếng Hipri viết và đọc từ phải sang trái (tương tự Hán Nôm), chỉ có 22 phụ âm mà thôi, không có nguyên âm. Nhiều học giả Do Thái thuộc phái Masoretes (do từ Masore, Masorah – có nghĩa là truyền thống, cổ truyền) thêm vào các dấu chấm (.), gạch (-) ở trên, dưới hay bên cạnh 22 phụ âm để chỉ dẫn cách phát âm (từ Tk.2 trước CN đến Tk.8 CN).

Bản văn Thánh Kinh cổ theo lối Masoretes là bản văn Qumran (được phát hiện hiện năm 1947), ở bờ tây bắc Biển chết (Dead sea Scolls), được viết từ khoảng 200 năm trước CN đến năm 68 CN. Những bản Qumran rất quan trọng vì nó xác nhận sự chính xác của bản Thánh Kinh ngày nay.


Phụ Bản I

B. Tân Ước : viết bằng tiếng Hy Lạp gọi là Koine. Có hai loại Koine: loại văn chương và loại phổ thông. Bốn cuốn Tin Mừng của Tân Ước viết bằng tiếng Hy Lạp phổ thông với ảnh hưởng của ngôn ngữ địa phương; sau đó các giáo phụ chuyển sang ngôn ngữ Hy Lạp văn chương (bác học).

C. Các bản dịch đầu tiên : cả Cựu Ước lẫn Tân Ước là những bản dịch từ nguyên ngữ sang các ngôn ngữ phổ biến thời đó: Từ Aramaic, Hipri ra tiếng Hy Lạp, rồi từ Hy Lạp ra tiếng Latinh.

Nổi tiếng nhất là bản dịch 70: toàn bộ Cựu Ước dịch sang tiếng Hy Lạp hai thế kỷ trước CN. Tân Ước thì một phần đã được dịch ra tiếng Latinh rất sớm (Tk.2-3 CN), đặc biệt có bản Vulgata đầu Tk.5 CN, từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latinh trọn bộ. Từ đó đến nay Kinh Thánh toàn bộ hoặc từng phần đã được dịch ra 2.454 thứ ngôn ngữ trên thế giới.

5. Niên biểu các sách Thánh Kinh.

A. Ngũ Kinh : đa số học giả cho rằng Môsê bắt đầu soạn vào thế kỷ XIV trước CN, trước khi ông mất. Đoạn cuối nói về cái chết của Môsê có thể do Giosuê, người kế vị ông đã viết.

B. Các sách Lịch sử, Giáo huấn và Tiên tri : …(xem tr.22-24)

C. Các sách Tân Ước :

- Bốn Tin Mừng và Công vụ Tông Đồ: từ năm 45-80 CN

- Các thư: từ năm 50-60 CN

- Khải huyền: từ năm 80-96 CN

6. Tại sao Thánh Kinh có 73 cuốn?

(46 cuốn Cựu Ước và 27 cuốn Tân Ước).

Đối với hơn 3 tỉ người Thiên Chúa giáo hiện nay, bộ Kinh Thánh này được gọi là "Thánh", nghĩa là sách của Đức Chúa Trời, sách chứa đựng Lời Đức Chúa Trời chứ không phải như các sách khác ở trần gian hoàn toàn do con người sáng tác.

Trong bức thư của Đức Hồng Y J. Villot, Quốc vụ khanh Tòa thánh Vatican, đại diện Đức Giáo hoàng Phaolô VI, gửi cho Linh mục dịch giả Trần Đức Huân, có đoạn viết: "Đức Thánh Cha rất hài lòng về tặng phẩm này và ủy tôi gửi đến cha lời tri ân nồng nhiệt… Ngài mong ước đồng bào của cha hưởng ứng tìm hiểu cách dễ dàng ánh sáng cùng sự ủy lạo tiềm tàng trong Lời Chúa rất cần thiết cho họ trong cơn thử thách này" – Vatican ngày 16/6/1970, Hồng Y J. Villot.


(Một trang Thánh Kinh 42 dòng)


Chính Chúa Giêsu và các Tông Đồ khi rao giảng những chân lý trong Thánh Kinh thì cũng tuyên xưng đó là Lời Thiên Chúa:

Thánh Phaolô nói với người Do Thái:

"Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố Lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh Lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy" (Cv 13,46-49)

"Trong khi ấy Lời Chúa vẫn lan tràn và phát triển" (Cv 12,24)

"Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn phải nhờ Lời từ miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4)

"Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ, vậy phàm ai nghe và đón nhận Lời Giáo Huấn của Chúa Cha thì sẽ đến với tôi" (Ga 6,45)

"Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống" (Ga 6,63)

"Ông Phêrô thưa: Lạy Thầy! Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những Lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68)

"Xin anh em cầu nguyện cho chúng tôi để Lời Chúa được phổ biến mau chóng" (2Tx 3,1)

"Kinh Thánh nói gì? Thưa: Lời Thiên Chúa gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là Lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin" (Rm 10,8 – thánh Phaolô nói với giáo đoàn Rôma)

"Lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy" (Ga 14,24)

"Thiên sứ của Đức Chúa mở cửa ngục đưa các ông ra mà nói : Các ông hãy đi, vào đứng trong đền thờ mà nói cho dân những Lời ban sự sống" (Cv 5,20)

Lời của Thiên Chúa chính là Đức Giêsu:

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga1,14)

Kinh Thánh dùng cụm từ Ngôi Lời Nhập Thể để chỉ Chúa Giêsu, điều này có nghĩa là Chúa Giêsu là phát ngôn viên chính thức của Thiên Chúa Cha. Tất cả những ý nghĩ, lời nói, việc làm của Chúa Giêsu đều là lời giáo huấn của Chúa Cha:

"Đây là Con Chí Ái của Ta, hãy vâng nghe Lời Người" (Lc 9,35)

"Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (Chúa Giêsu) " (Dt 1,1-2)

" Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống: Chúa Giêsu " (1Ga 1,1)

Hàng ngàn, hàng vạn lần cụm từ Lời Chúa hay Lời Thiên Chúa được nhắc đi nhắc lại trong toàn bộ Kinh Thánh.

Truyền thống phụng vụ của Giáo Hội, mỗi khi công bố xong một đoạn Thánh Kinh trong nghi lễ, dù là Cựu Ước hay Tân Ước, thừa tác viên đều xướng lên: Đó là Lời Chúa và toàn thể cộng đoàn đáp lại: Tạ ơn Chúa cho các bài sách Thánh hoặc Thánh thư, và Lạy Đức Kitô! Ngợi khen Chúa cho các bài Tin Mừng.

Theo Hiến chế về Mặc khải (Dei Verbum) của Công đồng Vaticanô II, Lời Chúa phải được tôn thờ, cung kính ngang với Mình Máu Thánh Chúa, và mỗi khi cộng đoàn phụng vụ nghe công bố Lời Chúa, tức là họ đã được nghe chính Chúa phán dạy qua những lời Thánh Kinh vừa được nghe.

Trong truyền thống tôn giáo của đạo Do Thái và đạo Kitô, chỉ những sách nào tự bản thân có chất "Lời Chúa" mới được thẩm quyền giáo huấn tối cao của Giáo Hội nhận là Thánh Kinh. Những sách được công nhận, thì xếp vào danh sách gọi là Kinh bộ hay Quy điển (Bộ kinh hay từ điển các quy luật, nguyên tắc tối thượng của đức tin và luân lý).

Hiện nay Kinh bộ Công giáo có 46 cuốn Cựu Ước và 27 cuốn Tân Ước, cộng chung là 73 cuốn (thực ra Kinh bộ có thể hơn 73 cuốn vì cho tới nay ít nhất có 1 cuốn còn bị thất lạc, đó là thư thánh Phaolô gửi giáo đoàn Laođikia. Trong phần cuối bức thư gửi giáo đoàn Galata, thánh Phaolô Tông Đồ căn dặn: "Xin cho tôi gửi lời chào các anh em ở Laođikia… sau khi anh em đọc thư này, xin liệu sao cho Hội Thánh Laođikia cũng được đọc nữa. Xin anh em cũng đọc thư của tôi gửi cho Hội Thánh Laođikia".

Làm thế nào nhận ra được chất "Lời Chúa" trong mỗi cuốn Thánh Kinh?

Khám phá ra chất "Lời Chúa" trong một cuốn sách cũng có nghĩa là khám phá ra Chúa là tác giả chính của cuốn sách. Chúa dùng các thánh ký (tác giả phụ) như những cây viết sống động để viết ra những gì Chúa muốn dạy bảo bằng ngôn ngữ của loài người, với lối suy luận, diễn tả và những hiểu biết của cá nhân tác giả đó, nhưng những chân lý mà họ trình bày thì do chính Chúa tỏ ra cho họ bằng cách này hay cách khác. Sự tỏ ra như vậy, tiếng chuyên môn của Thánh Kinh gọi là sự mặc khải (việc ngầm tỏ ra cho biết). Mặc khải trong trường hợp chép Kinh Thánh thì tiếng chuyên môn gọi là ơn Linh hứng do Chúa ban tặng.

Không có cây viết (hay máy móc) thì nhà văn không thể nào làm nên tác phẩm, nhưng cây viết không thể là tác giả của tác phẩm, nó chỉ là công cụ để thực hiện tác phẩm mà thôi, chính người (cầm bút) sáng tác ra tác phẩm mới là tác giả đích thực. Đối với Thánh Kinh cũng vậy, Chúa là tác giả chính của Thánh Kinh, người viết Thánh Kinh chỉ là công cụ có tự do trong bàn tay Chúa. Thánh Kinh xác định như sau:

"Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng giải, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính" (2Tm 3,16)

"Nhất là anh em phải biết điều này: Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa" (2P 1,20-21)

Linh mục Đaminh Trần Đức Huân trong phần dẫn nhập Kinh Thánh nơi bản dịch của mình, đã giải thích về ơn Linh hứng như sau:

Tác giả Kinh Thánh : Thiên Chúa là Tác giả chính. Tất cả Kinh Thánh đều bắt nguồn từ Thiên Chúa. Truyền thống Do Thái vẫn tin như vậy. Họ tin chính Thiên Chúa đã trao Luật cho ông Môsê, đã đọc Luật cho ông viết. Các sách Cựu Ước khác cũng vậy. Chính Chúa Giêsu cũng dẫn chứng Kinh Thánh Cựu Ước được coi là dựa trên uy tín Thiên Chúa mặc khải:

Mt 4,4-10: " Ngài đáp: Có lời chép: Không phải người ta chỉ nhờ bánh mà sống; mà còn nhờ mọi lời bởi miệng Thiên Chúa phán dạy".

Rồi quỷ đem Ngài vào thành thánh, đặt Ngài trên nóc đền thờ, và nói với Ngài: Nếu Ngài là Con Thiên Chúa, xin cứ gieo mình xuống. Vì có lời (Kinh Thánh) chép: Chúa đã truyền thiên thần gìn giữ Ngài. Các đấng ấy sẽ nâng đỡ Ngài trong tay; e chân Ngài vấp phải đá. Chúa Giêsu đáp: Cũng đã có lời chép: Đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.

Quỷ lại đem Ngài lên núi thật cao và chỉ cho Ngài xem các nước thiên hạ cùng sự vinh hiển các nước ấy. Rồi bảo Ngài: Nếu Ngài sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ tặng Ngài tất cả. Chúa Giêsu liền phán: Hỡi Satan, xéo đi! Vì có lời chép: Phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi: và phụng sự một mình Ngài thôi!".

Cv 2,23-37: "Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đavít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đavít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe. Thật vậy, vua Đavít đã chẳng lên trời, thế mà lại nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: Bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân Con. Vậy toàn thể nhà Israel phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô .

Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? ".

Cv 3,18-19: "Nhưng, như vậy là Thiên Chúa đã thực hiện những điều Người dùng miệng tất cả các ngôn sứ mà báo trước, đó là: Đấng Kitô của Người phải chịu khổ hình. Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa, để Người xoá bỏ tội lỗi cho anh em".

Cv 3,21-24: "Thiên Chúa đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ của Người mà loan báo tự ngàn xưa. Thật vậy, ông Môsê đã nói: Từ giữa đồng bào của anh em, Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em sẽ cho trỗi dậy một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; tất cả những gì vị ấy nói với anh em, anh em hãy nghe. Kẻ nào mà không nghe ngôn sứ ấy, thì sẽ bị diệt trừ khỏi dân. Sau đó, mọi ngôn sứ, kể từ ông Samuel đến các vị kế tiếp, khi lên tiếng thì cũng đã loan báo những ngày chúng ta đang sống".

Cv 4,25-29: "Ngài là Đấng đã nhờ Thánh Thần, dùng miệng tổ phụ chúng con là Đavít, tôi trung của Ngài, mà phán: Sao chư dân lại ồn ào náo động, sao vạn quốc dám bày kế viển vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng rập mưu đồ, chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương.

Đúng vậy, Hêrôđê, Phongxiô Philatô, cùng với chư dân và dân Israel đã toa rập trong thành này, chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu. Như thế họ đã thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước. Giờ đây, lạy Chúa, xin để ý đến những lời ngăm đe của họ, và cho các tôi tớ Ngài đây được nói lời Ngài với tất cả sự mạnh dạn ".

Cv 7,42-43: "Thiên Chúa liền xa lìa chúng để mặc chúng thờ kính các tinh tú như lời đã ghi chép trong sách các tiên tri: Hỡi nhà Israel, trong 40 năm trên rừng, có phải các ngươi đã dâng sinh tế và của lễ cho Ta chăng? Các ngươi đã khiêng nhà xếp Môlócvà vị sao Rempha, thần các ngươi là những hình tượng các ngươi làm ra để lễ bái; nên Ta sẽ lưu đày các ngươi sang Babylon".

Cv 10,43: "Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội".

Lc 24,44-47: "Rồi Người bảo: Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm. Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội ".

7. Tính chất Kinh Thánh hay chất "Lời Chúa" , ơn "Mặc khải", ơn "Linh hứng" hoặc nguồn gốc từ Thiên Chúa của bộ sách Thánh Kinh còn được chứng minh bằng sự thánh thiện và tính nhất quán của từng cuốn sách trong tổng thể Thánh Kinh.

7.1 Sự thánh thiện: từng câu, từng lời, từng đoạn trong mỗi cuốn Thánh Kinh không được sai sự thật (về đức tin và luân lý), không bao giờ có chủ trương dạy người ta làm điều xấu xa, sai quấy. Trái lại, lúc nào cũng "có ích cho việc giảng giải, biện bác, sửa dạy, giáo dục (loài người) để trở nên công chính" (2Tm 3,16).

Theo Linh mục Đaminh Trần Đức Huân: "Vì được linh hứng, nên Kinh Thánh không thể nào sai lầm. Điều này không có nghĩa rằng mọi điều ghi trong Kinh Thánh phải được hiểu theo nghĩa đen của chữ đã được ghi lại. Thiên Chúa mặc khải qua thân thế và sự nghiệp của ký giả. Do đó, nhiều quan niệm của các ngài không giống quan niệm ta ngày nay. Vì thế, qua ngôn ngữ, cần phải hiểu ý các ngài nữa.

"Trong phạm vi đạo đức, nhiều lời nói và cử chỉ trái với lương tâm hiện giờ. Nhưng ký giả đã chỉ ghi lại, chứ không phê chuẩn và không bảo rằng nên làm thế. Thí dụ: Giacóp nói dối, những cuộc đàn áp dã man, chinh phục đẫm máu, thù oán nghiêm khắc, dâm đãng, loạn luân… Ghi lại những sự kiện vô luân lý đó, tác giả còn muốn làm nổi bật sự nhẫn nại của Thiên chúa trong việc giáo dục nhân loại tội lỗi, Ngài hướng dẫn lịch sử, nhưng không cưỡng bách, con người vẫn còn tự do.

[Đường lối giáo dục của Chúa là tiệm tiến, từng bước hoàn chỉnh, dân riêng của Chúa ban đầu như một đứa trẻ thơ, nó muốn ăn, ngủ lúc nào, ở đâu, cha mẹ cũng chiều, thậm chí muốn "tè" ở đâu, lúc nào cũng mặc. Nhưng càng ngày kỷ cương càng được thực hiện, "tè" có nơi, ăn có chốn… cho tới mức hoàn chỉnh, đó là thời Chúa Giêsu "một chấm, một phẩy" cũng không thay đổi nữa. Khi đọc những đoạn Kinh Thánh mô tả cảnh bạo lực, dâm đãng… chúng ta cần phải biết tiêu chí để kết luận một cuốn sách hay một bộ phim, vở kịch… là tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực.

Một tác phẩm trình bày bạo lực, đàng điếm mà kết cục người đọc, người xem nhận thấy có sự lạm tả và chủ ý khuyến khích người ta làm theo thì đó là tác phẩm bạo lực, khiêu dâm cần phải loại trừ, xử lý. Trái lại, sau khi xem, đọc mà người ta cảm thấy căm ghét, ghê tởm những điều đó và cần phải lên án, trừng phạt người có hành động đó, thì đấy là một tác phẩm tích cực, có tính giáo dục cao.

- Thánh Kinh thuộc loại thứ hai này. Những câu chuyện loạn luân, bạo lực chúng ta đọc trong Kinh Thánh đều lên án tính gian giảo, mưu mô, xảo quyệt, tính chơi bời phóng túng của những người không giữ luật Chúa và đã có sự trừng phạt đích đáng: Tổ phụ Giuđa bị lật mặt nạ, phải bẽ bàng xấu hổ mà thú nhận "nó công chính hơn tôi, quả thật tôi đã không cho nó làm vợ Sêla, con trai tôi (theo luật nối dây của Môsê), rồi ông không ăn ở với nàng nữa (đã dốc lòng chừa cải)" (St 38,1-30). Vua Đavít thì cúi đầu nhận tội và sám hối ăn năn (2Sm 11,2 – 12,5). Còn hai ông già "chăn dê" thì bị phanh thây (Đn 13,1-64). Từ cổ chí kim loài người phạm tội như Giuđa và Đavít thì vô kể, nhưng có mấy người can đảm thú nhận và sám hối, khắc phục hậu quả như các ngài?

- Những người phạm lỗi toàn là những nhân vật lớn cả, sao lại vấp ngã như vậy?

Tục ngữ Latinh có câu "Errare humanum est" (bản tính loài người là sai lỗi). Các cụ cũng là người bằng xương bằng thịt, có những đòi hỏi không hợp lý mà chẳng kềm chế nổi. Từ khi ông bà tổ tông phạm tội, ý chí con người trở nên yếu đuối, dễ hướng về điều dữ hơn điều lành. Phải có ơn Chúa phù trợ mới giữ được như lời Chúa Giêsu quả quyết: "Không có thầy các con không thể làm gì được" (Ga 15,5). Ở một tầng cao hơn, những lỗi phạm của các ông cũng nói lên lòng nhân hậu và sự công bằng tuyệt đối của Chúa.

Bài học cực lớn cho các thế hệ mai sau là luôn phải đề phòng, cảnh giác nhất là trước những cám dỗ về tình dục, tiền bạc và danh lợi. Không ai có thể nói mạnh được, không ai có thể tự sức mình mà đứng vững được mãi. Hãy nhớ thân phận cát bụi, yếu hèn, hãy nhớ "Errare humanum est"; cây lim, cây sến vẫn có thể đổ - mạnh như Samson mà cuối cùng cũng thua nàng Đalila (Tl 16,1-31).

Thiên Chúa là Đấng trung tín và nhân hậu, bất chấp những yếu đuối, sai phạm của loài người, lời Chúa hứa vẫn được thực thi, Đấng Cứu Thế vẫn ra đời cứu độ nhân loại.]

"Trong phạm vi khoa học, có nhiều quan niệm không hợp với sự thực như ta biết ngày nay. Tác giả đã không phán đoán thực hư như thế nào, mà cũng chỉ ghi lại quan niệm của mình như bất cứ người đồng thời nào. Mục đích tác giả có tính cách tôn giáo. Thí dụ, việc dựng nên trời đất và con người, tác giả ghi lại sự kiện chứ không lưu ý tới cách thế sáng tạo, mặc dầu tác giả cảm hứng theo những quan niệm người đồng thời về vấn đề đó.

"Trong phạm vi văn học, mỗi sách có một lối văn riêng. Tác giả Thánh Vịnh là một thi sĩ, nên nhìn sự vật với nhiều hình ảnh. Tác giả các sách lịch sử, lại nhìn chính những sự kiện, những biến cố, những chi tiết tự chúng không quan trọng, mà phải được hiểu xem chúng giúp diễn tả một bài học tôn giáo như thế nào. Cả trong Tân Ước, các thánh trước hay thánh ký nhấn mạnh về thân thế, về ngôi vị sống động của Chúa Cứu Thế, mà ít lưu tâm đến tiểu sử của Ngài. Do đó, đã không trưng nguyên văn từng chữ những câu nói của Chúa, mà chỉ cố gắng nói lên tư tưởng sâu xa của Ngài".

7.2 Tính nhất quán: Toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước có chừng 40 tác giả phụ là các Thánh ký hay những người Chúa dùng để chép Kinh Thánh. Những người này sống trong các thời đại khác nhau, có khi cách nhau cả 1.000 năm, sống ở những nơi khác nhau, trong những hoàn cảnh khác nhau với học vấn khác nhau, địa vị xã hội khác nhau, trong các môi trường văn hóa, phong tục tập quán khác nhau, cách suy nghĩ, nói năng khác nhau… nghĩa là không có gì giống nhau cả, cũng không hề có một kịch bản hay khuôn mẫu sẵn, thế mà khi viết Kinh Thánh lại có cùng mục tiêu giống nhau và cùng viết về một chủ đề giống nhau . Đó là một phép màu!

Người ta ví Thánh Kinh như một bức tượng tôn giáo có 40 mảnh, 40 ông thợ không hề biết nhau, không hề bàn luận với nhau, không hề có kích thước, mẫu mực, bản vẽ của bức tượng, cũng không ai cho biết chất liệu làm bức tượng, ông làm mảnh thứ nhất rồi để đó, có khi chôn vùi đi, tới ông làm mảnh cuối cùng hơn 1000 năm sau… thế nhưng khi gom lại 40 mảnh và ghép với nhau thì vừa khít, không thừa, không thiếu 1 ly, bức tượng cùng 1 chất liệu thật hoàn chỉnh, trở thành tuyệt tác phẩm – Câu chuyện của Thánh Kinh cũng giống như vậy.

Điểm này chứng tỏ đã có một ông thợ tối cao (Đức Chúa Trời) điều hành mọi việc "từ khởi sự cho đến hoàn thành", mà tài tình ở chỗ không có áp đặt, bắt rập khuôn, vẫn để con người các Thánh ký hoàn toàn tự do, theo trình độ, suy nghĩ riêng của mình.

Tiến sĩ vật lý nguyên tử học Phan Như Ngọc khi trở lại đạo Chúa, đã hiểu ra điều này, ông viết: "Dần dà tôi cũng tin Kinh Thánh là Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, vì dù đã được viết bởi hơn bốn mươi tác giả, ở những địa điểm khác nhau, trải qua khoảng thời gian 1500 năm, nhưng Kinh Thánh là một thể thống nhất. Từ đầu chí cuối Kinh Thánh nói về một chủ đề duy nhất, đó là kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại. Thực ra đây cũng là vấn đề của đức tin, là tiền đề thứ hai cho mọi người theo Chúa".

(Tiến sĩ Phan Như Ngọc – pnngoc@gmx.net,

trong Bài Giảng Chúa Nhật số 4/2007, tr.74)

Kế hoạch cứu rỗi của Đức Chúa Trời được thực hiện qua Chúa Giêsu là Ngôi Hai nhập thể ở với loài người, rao giảng Tin Mừng cho mọi người, làm nhiều phép lạ để chứng tỏ Ngài là Đấng Chúa Trời sai đến, và cuối cùng chịu chết trên thập giá, được mai táng và sau ba ngày thì sống lại, lên trời vinh hiển, đồng thời thiết lập Hội Thánh để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Ngài ở trần gian cho đến ngày tận thế.

Chính Chúa Giêsu và các Tông Đồ làm chứng về điều này:

"Họ đã làm ứng nghiệm những lời ngôn sứ đọc mỗi ngày Sabat, tuy không thấy Người có tội gì đáng chết, họ vẫn đòi Philatô xử tử, sau khi thực hiện tất cả những điều Kinh Thánh chép về Người họ đã hạ Người từ trên cây gỗ xuống và mai táng trong mồ" (Cv 13,28-30)

Chúa Giêsu nói: "Các ông nghiên cứu Thánh Kinh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Thánh Kinh lại làm chứng về tôi" (Ga 5,39)

"Các ngôn sứ đã nghiên cứu tìm hiểu ơn cứu độ này, và đã tuyên sấm về ân sủng dành cho anh em. Thần Khí Đức Kitô ở nơi các ngài, đã báo trước những đau khổ dành cho Đức Kitô, và vinh quang đến sau những đau khổ đó, nên các ngài đã tìm hiểu xem Thần Khí muốn cho thấy việc đó xảy ra vào thời nào, trong hoàn cảnh nào" (1Pr 1,10-11)

"Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh"

(Lc 24,27)

"Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Thánh Kinh và Người nói: Có lời Thánh Kinh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này" (Lc 24,45-48)

Các Sách Thánh quy về Chúa Giêsu như trung tâm :

"Thế ông là ai để chúng tôi còn trả lời cho những người cử chúng tôi đến, ông nói ông là ai? Ông Gioan Tẩy Giả nói: Tôi là tiếng hô trong hoang địa – Hãy sửa đường cho thẳng để Chúa đi như ngôn sứ Isaia đã nói" (Ga 1,22-23 xem Is 40,3)

"Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người" (Ga 1,32 xem Is 11,2; 61,1)

"Người lại nói: Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên Con Người"

(Ga 1,51 xem St 28,12)

"Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán"

(Ga 2,16 xem Dcr 14,21)

"Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân"

(Ga 2,17 xem Tv 69,10)

"Vậy khi Người từ cõi chết sống lại, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói" (Ga 2,22)

"Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Ga 3,14-15 xem Ds 21,9)

"Người đến một thành xứ Samari tên là Xykha, gần thửa đất ông Giacóp đã cho con là ông Giuse, ở đấy có giếng của ông Giacóp"

(Ga 4,5-6 xem St 33,19; Gs 24,32)

Chỉ có 4 đoạn trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta đã thấy trưng dẫn Cựu Ước tới 8 lần. Còn Tin Mừng theo thánh Mátthêu trong 4 đoạn đầu đã trưng dẫn 38 lần với công thức chung: "Để ứng nghiệm lời Kinh Thánh" hay "Lời các ngôn sứ rằng…".

Cũng trong vỏn vẹn 4 đoạn Tin Mừng theo thánh Luca, tác giả đã trưng dẫn Cựu Ước tới 60 lần.

"Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá"

(1Pr 2,4)

Đối chiếu với câu:

"Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ

Lại trở nên đá tảng góc tường

Đó chính là công trình của Chúa

Công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta " (Tv 117,22)

Có những hình ảnh trong Cựu Ước tiên báo về Chúa Giêsu, nhân vật trung tâm của Kinh Thánh:

- Ađam, tổ tông loài người, đã làm cho loài người phải chết vì phạm tội dưới gốc cây. Thánh Phaolô đã gọi ông là Ađam "cũ" để so sánh với Ađam "mới", là Chúa Giêsu đã dùng một cây là cây thập giá, để làm cho những ai tin, được sống đời đời.

- St 3,1-24 xem Rm 5,12-15: "Ađam là hình ảnh Đấng sẽ tới" (Chúa Giêsu).

- Aben, người công chính bị anh ruột là Cain giết chết (St 4,1-8 xem Dt 12,24: "Anh em đã tới cùng vị Trung Gian Giao Ước mới là Đức Giêsu và được máu Người rảy xuống, máu đó kêu thấu trời còn mạnh thế hơn cả máu Aben".

- Isaác, con trai duy nhất của tổ phụ Abraham, được lệnh phải chịu sát tế trên núi (nhưng Chúa thử lòng ông mà thôi, Ngài đã cứu Isaác và nhận lễ tế cừu đực thay thế) – St 22,1-15 xem Rm 8,22: "Đến như Con Một Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta".

- Giuse bị anh em bán sang Ai Cập, chịu nhiều cay đắng nhưng sau đã nên tể tướng, cứu cả dân Ai Cập lẫn anh em mình khỏi chết đói – St 37,1-29 xem Cv 7,9-54: "Có ngôn sứ nào mà cha ông các ông không bắt bớ? Họ đã giết những vị tiên báo Đấng Công Chính sẽ đến".

- Giuse bị anh em bán 20 đồng bạc là sự kiện tiên báo Chúa Giêsu cũng bị Giuđa bán 30 đồng bạc (Mt 26,15), biến cố này còn được ngôn sứ Dacaria tiên báo chính xác hơn: "Họ tính công cho tôi là 30 đồng bạc" (Dcr 11,12). Một sự kiện trùng khớp nữa là việc Giuđa sau khi bán Thầy thì hối hận đem trả lại số bạc: "Tôi đã phạm tội nộp người vô tội khiến người phải chết oan", họ đáp: "Can gì đến chúng tôi, mặc kệ anh", Giuđa ném số bạc vào đền thờ rồi ra đi thắt cổ (Mt 27,3-6). Ngôn sứ Dacaria cũng "đem 30 đồng bạc ném vào kho bạc nhà Đức Chúa" (Dcr 11,13).

- Nhà lãnh đạo Môsê bị chết hụt lúc vừa chào đời, bị rượt đuổi phải vượt biên sang nước Madian, khi trở về Ai Cập và được Chúa dùng làm nhà lãnh đạo dân Israel, đã bị Pharaô chống đối, khi dẫn dân xuất Ai Cập thì bị chính dân mình kêu trách, phản bội… Môsê chính là hình ảnh báo trước Chúa Giêsu cũng bị săn đuổi khi mới sinh ra, bị dân Do Thái kết án… Nhưng Người đã giải thoát cả nhân loại… "Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy" (Đnl 18,18 : lời Chúa phán với Môsê).

- Con Chiên của lễ Vượt Qua là hình ảnh chính xác nhất tiên báo Chúa Giêsu chịu chết để giải cứu nhân loại. Sách Xuất hành chương 17 tường thuật chỉ thị của Đức Chúa truyền cho dân Do Thái qua nhà lãnh đạo Môsê như sau:

- Mỗi nhà sắm một con chiên đực 1 tuổi, lành lặn (không bị gãy xương, què quặt…)

- Xế chiều thì thọc huyết, lấy máu bôi trên mi cửa.

- Mọi người chuẩn bị đồ đạc sẵn sàng, vào chập tối ăn thịt chiên vội vàng và đợi lệnh lên đường ra khỏi nước Ai Cập (thoát cảnh nô lệ) về Đất hứa.

- Xem Tin Mừng theo thánh Gioan, chương 1, câu 36: "Thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, ông Gioan (Tẩy Giả) tuyên bố: Đây là Chiên Thiên Chúa".

- Chiên Vượt Qua bị sát tế khoảng 3 giờ chiều, ứng với giờ tắt thở của Chúa Giêsu trên thập giá.

- Chiên Vượt Qua phải còn nguyên, không bị què quặt… Chúa Giêsu cũng được bảo toàn như vậy: "Hôm đó là ngày áp lễ, người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sabát, mà ngày sabát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Philatô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giêsu. Khi đến gần Đức Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh : Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu" (Ga 19,31-37). Điều này ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà Gioan nhắc tới là sách Xuất hành chương 12 đã nêu trên. Còn việc Con Chiên bị thọc huyết ứng nghiệm sự kiện Chúa bị đâm ở cạnh sườn, biến cố này còn được ngôn sứ Dacaria báo trước bằng câu: "Chúng sẽ ngước nhìn lên Ta, chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu" (Dcr 12,10).

Tin Mừng theo thánh Mátthêu còn cho chúng ta những chi tiết chính xác lạ lùng trong cuộc tử nạn của Chúa Giêsu:

- Trong vườn Cây Dầu, trước khi nộp mình chịu chết, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được" (Mt 26,38), điều này đã được vua Đavít báo trước 1.000 năm trong Thánh Vịnh 42,6: "Hồn tôi hỡi cớ sao phiền muộn, xót xa phận mình mãi làm chi!".

- Chúa Giêsu cầu xin: "Lạy Cha! Nếu có thể được xin cho con khỏi phải uống chén (đắng) này. Tuy vậy xin đừng theo ý Con mà theo ý Cha" (Mt 26,39) – Chén đắng đã được ngôn sứ Isaia báo trước 800 năm: "Từ tay Đức Chúa, ngươi đã nhận, đã uống chén lôi đình, ngươi đã cạn chén nồng choáng váng" (Is 51,17)

- Giuđa – một trong Mười Hai Tông Đồ, kẻ nộp Người đã cho họ một dấu hiệu, hắn dặn rằng: "Tôi hôn ai thì chính là người đó, các anh bắt lấy!". Ngay lúc đó Giuđa tiến lại gần Đức Giêsu và nói: "Rapbi! Xin chào Thầy", rồi hôn Người. Điều này đã được báo trước 1.000 năm trong Thánh vịnh 41, câu 10 của vua Đavít: "Cả người bạn thân con hằng tin cậy, đã cùng con chia cơm sẻ bánh, mà nay cũng giơ gót đạp con"; và Thánh vịnh 55, câu 18:

"Giả như tên địch thù phỉ báng, thì tôi cũng cam lòng, hay kẻ ghét ghen lên mày lên mặt, tôi có thể lánh đi.

Nhưng đây lại là bạn, người đồng vai đồng vế, chỗ thân tình tâm phúc với tôi, đã cùng tôi chia ngọt sẻ bùi, trong đền Thiên Chúa, giữa hội vui cùng sánh bước "

Chúa Giêsu nói với những kẻ đến bắt Người:

"Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến bắt? Ngày ngày tôi vẫn ngồi giảng dạy ở Đền Thờ thì các ông không bắt. Nhưng tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm những lời chép trong Sách Các Ngôn Sứ" (Mt 26,55-56).

Chúa Giêsu muốn nhắc tới lời ngôn sứ Dacaria đã báo trước hàng thế kỷ: "Hãy đánh mục tử thì đàn chiên sẽ tan tác" (Dcr 13,7).

- Bị cáo gian nhiều điều "nhưng Đức Giêsu vẫn làm thinh" (Mt 26,63). Thái độ này ứng với lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: "Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng" (Is 53,7). Vị Thượng tế phải nhân danh Thiên Chúa, buộc Đức Giêsu trả lời, Người mới nói: "Từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến" (Mt 26,64), so với Thánh vịnh 110, câu 1: "Sấm ngôn của Đức Chúa, ngỏ cùng Chúa Thượng tôi, bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù Cha sẽ đặt làm bệ dưới chân con". Họ xé áo mình ra… "Rồi họ khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Người. Có kẻ lại tát Người" (Mt 26,67) – Sự việc này ngôn sứ Isaia đã nói tới: "Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ" (Is 50,6).

- Chuyện tổng trấn Philatô thấy phiền toái, muốn trao Chúa Giêsu cho dân tự xử nên lấy nước rửa tay và tuyên bố: "Ta vô can trong vụ đổ máu người này, mặc các ngươi liệu lấy" (Mt 26,24), thì Thánh vịnh 26, câu 6 đã viết trước: "Con rửa tay nói lên lòng vô tội".

- Việc "quân lính bện vòng gai đặt lên đầu Đức Giêsu rồi quỳ xuống nhạo Người" (Mt 27,29), đã được báo trước trong Thánh vịnh 22, câu 8: "Thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bỉu mỏ chúng thời mỉa mai".

- Việc "chúng cho Người uống rượu pha với mật đắng" (Mt 27,29 – cho tê, bớt đau, đó là một tí nhân đạo của luật La Mã, nhưng Chúa Giêsu không uống), vua Đavít đã báo trước qua Thánh vịnh 69, câu 22: "Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước chúng lại cho uống giấm chua".

- Việc "quân lính đóng đinh Người xong, chúng đem áo Người chia làm 4 phần, còn áo trong thì để nguyên và bắt thăm ai trúng thì được" (Mt 27,35), đã được báo trước trong Thánh vịnh 22, câu 19: "Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn".

- "Cùng đóng đinh với Người có hai tên trộm cướp, một tên bên phải, một tên bên trái" (Mt 27,38), sự việc này đã ứng với lời ngôn sứ Isaia: "bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân"

(Is 53,12).

- Ngôi mộ của ông Gioseph, một người giàu có, đục vào sườn đá, chưa chôn cất ai nay dùng cho Chúa Giêsu, nói lên lòng tôn kính của những người tin theo Chúa, đồng thời cũng làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia tiên báo về Người Tôi Trung của Thiên Chúa (ám chỉ Chúa Giêsu): "Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh,
vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, (nhưng) được mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa
" (Is 53,8-9).

Sau cùng sự kiện lớn lao nhất, phép mầu lớn nhất của Chúa Giêsu, đó là việc Ngài từ cõi chết sống lại sau 3 ngày an táng (các sách Tân Ước Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan và sách Công vụ Tông Đồ cũng như các thư Thánh Phaolô và các thư chung đã tường thuật và nói tới). Sự kiện đó đã được báo trước nhiều lần, nhiều cách, qua nhiều ngôn sứ, cụ thể nhất là dấu chỉ của ngôn sứ Giôna, chính Chúa Giêsu đã áp dụng vào bản thân Ngài, trước khi Ngài chịu chết. Dấu lạ ngôn sứ Giôna (sách ngôn sứ Giôna) so với Tân Ước theo thánh Mátthêu: "Bấy giờ có mấy kinh sư và mấy người Pharisêu nói với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ. Người đáp: Thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy. Trong cuộc phán xét, dân thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa"

(Mt 12,38-42).

Chúng ta cần lưu ý đến một điểm quan trọng nữa là khi rao giảng, làm chứng về Đức Giêsu, các Tông Đồ luôn đối chiếu từng biến cố trong đời sống của Chúa Giêsu (từ khi sinh ra cho tới khi sống lại lên trời), với toàn bộ Cựu Ước bằng công thức chung: "Để ứng nghiệm Lời Chúa trong Sách Các Ngôn sứ", "Có lời Kinh Thánh chép rằng", "Như Lời Chúa phán qua các ngôn sứ" … Quả thật đúng như Lời Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái: "Kinh Thánh làm chứng về tôi" (Ga 5,39). Chúa Giêsu đúng là trung tâm của Kinh Thánh.

7.3 Quá trình hình thành quy điển (thư mục) Tân Ước: Những tiêu chuẩn để chọn lựa và những ngụy thư (sách có hình thức Thánh Kinh mà không được Giáo Hội công nhận):

Trong khoảng thời gian hơn một thế kỷ, đã xuất hiện nhiều tác phẩm của các Kitô hữu. Vấn đề được đặt ra rõ nét từ thế kỷ 2 là vấn đề xác định xem đâu là danh sách những tác phẩm cần được bảo tồn và coi như Sách Thánh, nói cách khác, đó là xác định quy điển (cũng gọi là thư quy) của Tân Ước. Có một vài tiêu chuẩn hướng dẫn công việc này:

a. Tác phẩm phải bắt nguồn từ các Tông Đồ thì mới được nhận vào quy điển. Thư gửi tín hữu Hipri và sách Khải huyền mãi đến thế kỷ 3 vẫn còn trong vòng tranh luận, bởi lẽ có nơi không tin thánh Phaolô và thánh Gioan là tác giả của chúng. Ngày nay, người ta hiểu "tác giả" ở đây không nhất thiết phải là người đã cầm bút để viết nên tác phẩm, nhưng có thể chỉ là người đã có liên hệ và ảnh hưởng trên tác phẩm. Dù sao, đối với Giáo Hội các thế kỷ đầu, tông đồ tính của tác phẩm là điều quan trọng. Như các ngôn sứ xưa đã loan báo Đức Kitô nhờ ơn linh hứng (x. 2Pr 1,20-21), thì Nhóm Mười Hai (và Phaolô) giờ đây cũng làm chứng về sự hoàn tất viên mãn, nhờ cùng một ơn linh hứng đó (x. Cv 2,17-18).

b. Phần lớn các sách Tân Ước đều được viết cho những cộng đoàn Kitô hữu nhất định, nên lịch sử và tầm quan trọng của một cộng đoàn cũng giúp cho việc bảo tồn một tác phẩm và thậm chí cho việc nhận tác phẩm đó vào quy điển. Dường như Tin Mừng Mátthêu được gửi cho các cộng đoàn ở Xyri, và họ đã làm tốt nhiệm vụ này. Các Giáo Hội ở Hy Lạp và Tiểu Á có lẽ đã bảo trì các tác phẩm của thánh Phaolô và thánh Gioan. Giáo Hội ở Rôma đã bảo trì Tin Mừng Máccô và thư gửi tín hữu Rôma.

c. Tác phẩm phải phù hợp với quy luật đức tin . Chẳng hạn như Tin Mừng của thánh Phêrô không được đưa vào quy điển, vì có thể dẫn đến lạc giáo.

Sau đây là một vài thời điểm đặc biệt trong lịch sử hình thành quy điển:

- Đầu tiên, rất có thể là tập thư của thánh Phaolô đã được gom lại và sử dụng trong Giáo Hội. Từ đầu thế kỷ 2, nhiều tác giả Kitô giáo cho thấy: họ đã biết đến một số lớn các thư của thánh Phaolô, có lẽ là nhờ các thư này được thu thập và phổ biến dựa trên uy tín lẫy lừng của ngài. Trước đầu thế kỷ 2, thư này được coi là sách Thánh như các sách Cựu Ước. Dần dần toàn bộ thư của thánh Phaolô được các Giáo Hội ở thế kỷ 2 công nhận, vì có tông đồ tính.

- Ở thế kỷ 1, các Tin Mừng chiếm chỗ đứng mờ nhạt so với các thư của thánh Phaolô. Trước năm 140, không thấy có tài liệu nào nói đến tập sách Tin Mừng, nhưng từ nửa sau thế kỷ 2 có nhiều bằng chứng hơn. Thánh Giúttinô nói đến sự kiện các Tin Mừng được đọc vào Chúa nhật, được coi như tác phẩm của các Tông Đồ (hay những đồ đệ của các ngài) và được dùng như Kinh Thánh. Càng lúc bốn Tin Mừng càng tỏ ra trổi vượt hơn các sách khác vì tính chân thực trong những lời chứng về Đức Giêsu. Có lẽ khoảng năm 170, bốn Tin Mừng đã được nhận vào quy điển.

- Một thời điểm quan trọng trong lịch sử quy điển là chọn lựa của ông Máckiôn (144). Ông này gạt bỏ toàn bộ Cựu Ước, chỉ chấp nhận một Tin Mừng duy nhất (bản ngắn của thánh Luca) và những thư của một Tông Đồ duy nhất (10 thư của thánh Phaolô). Thái độ của Máckiôn rõ ràng là ngược với Giáo Hội xưa nay, nên nó đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ, nhất là từ thánh Giúttinô và thánh Irênê. Các Giáo Hội địa phương bắt đầu đưa ra quy điển riêng của mình.

- Vào đầu thế kỷ 3, khắp nơi đều nhìn nhận bốn sách Tin Mừng, 13 thư của thánh Phaolô (trong đó không có thư Hipri), Công vụ, thư thứ nhất của thánh Phêrô và phần nào thư thứ nhất của thánh Gioan nữa. Các sách còn lại chưa đạt được sự nhất trí trọn vẹn. Các cuộc tranh luận còn kéo dài.

- Dần dần có một sự nhất trí. Ở Đông Phương, năm 367, thánh Athanaxiô, giám mục Alêxandria chấp nhận quy điển gồm 27 cuốn như ta ngày nay. Ở Tây phương, "Sắc lệnh của đức Đamaxô" do công nghị Rôma công bố (năm 382) cũng chấp nhận như vậy. Quy điển coi như đã được ấn định vào cuối thế kỷ 4. Năm 1546, công đồng Trentô đã tái khẳng định quy điển của toàn bộ Kinh Thánh.

Ta thấy một tác phẩm được nhận vào quy điển vì nó là văn bản được linh hứng, nhưng ta chỉ biết chắc chắn là nó được linh hứng khi nó được nhận vào quy điển. Giáo Hội trước khi nhận vào đã phải suy nghĩ về truyền thống được coi là bắt nguồn từ các Tông Đồ, đó là tiêu chuẩn để chọn lựa.

Khi quy điển được xác định, một số lớn tác phẩm không được kể vào quy điển này. Trong đó có cả những tác phẩm nổi tiếng, thậm chí đã từng được một số vị có thẩm quyền công nhận là Sách Thánh như sách Giáo huấn của mười hai Tông Đồ (cuối thế kỷ 1 hay bắt đầu thế kỷ 2 tại Rôma), Người Mục Tử của Hécmát (đầu thế kỷ 2 tại Rôma), thư của Banaba, hai thư của Clêmentê. Các tác phẩm này được bảo tồn cẩn thận và ngày nay vẫn được xếp vào loại các tác phẩm có giá trị của Giáo Hội buổi đầu.

Nhưng cũng có những tác phẩm khác bị loại bỏ, không được Giáo Hội dùng làm nền tảng cho giáo lý của mình, và vì thế không được dùng trong phụng vụ, ta quen gọi là ngụy thư . Ngụy thư có hình thức và nội dung khá gần với các sách Tân Ước. Tuy nhiên, cũng phải nhận là một số ngụy thư có chứa đựng những sai lầm về giáo lý, thí dụ nghiêng về thuyết ảo thần (docétisme, thuyết này không nhìn nhận nhân tính của Đức Kitô) hay bài bác hôn nhân. Phần nhiều các ngụy thư đều ẩn dưới danh nghĩa các vị Tông Đồ.

Ta có thể chia các ngụy thư thành 4 loại như các sách trong Tân Ước:

- Các sách Tin Mừng: Tin Mừng của thánh Phêrô (tìm thấy một mảnh ở Ai Cập vào năm 1886). Tin Mừng của thánh Tôma, nay được chia làm 114 câu trong đó có 79 câu gần giống với Tin Mừng Nhất Lãm… Các Tin Mừng này ít nhiều mang dấu vết của thuyết ngộ đạo (gnosticisme); thuyết này cho rằng chỉ có việc giác ngộ mới đưa con người đến ơn cứu độ. Ngoài ra, còn có Tin Mừng thời thơ ấu của thánh Tôma Tiền Tin Mừng của thánh Giacôbê, hai tác phẩm này mang nhiều yếu tố huyền hoặc, lạ lùng.

- Các sách Công vụ: Công vụ của thánh Anrê chịu ảnh hưởng của thuyết ngộ đạo qua việc lên án hôn nhân và nhấn mạnh đến bản tính thiêng liêng của con người. Công vụ của thánh Gioan, Công vụ của thánh Phaolô, Công vụ của thánh Phêrô, Công vụ của thánh Tôma. Nói chung, tác giả các sách Công vụ thích khai thác những yếu tố kỳ diệu, lạ lùng trong cuộc đời vị Tông Đồ mà họ muốn ca ngợi.

- Các thư: Thư thứ ba gửi tín hữu Côrintô, Thư gửi tín hữu Laođikia, Thư của các Tông Đồ. Nội dung của các thư này không có gì đặc sắc (trừ Thư của các Tông Đồ) và giống với những bài về thần học hơn là những lá thư.

- Các sách Khải huyền: sách Khải huyền của thánh Phêrô kể lại việc Đức Giêsu chỉ cho các môn đệ thấy những miền ở thế giới bên kia, chỗ ở của kẻ dữ và hình phạt họ phải chịu. Còn sách Khải huyền của thánh Phaolô lại xoay quanh thị kiến của thánh nhân được nói đến ở 2Cr 12,2.

Tóm lại có 3 tiêu chuẩn để chọn lựa và ấn định quy điển (thư mục Thánh Kinh Tân Ước):

§ Tác phẩm phải có nguồn gốc từ các Tông Đồ (do đó cũng giới hạn thời gian viết sách từ giữa thế kỷ 1 sang đầu thế kỷ 2).

§ Tác phẩm phải phù hợp với quy luật đức tin.

§ Tác phẩm phải được thẩm quyền tối cao của Giáo Hội lựa chọn và xác nhận.

(Trích phần dẫn nhập vào Tân Ước của NPD Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong Thánh Kinh ấn bản 2011, tr. 2098-2100)

8. Văn bản Tân Ước và khoa phê bình văn bản.

Hiện nay chúng ta không còn giữ được một văn bản Kinh Thánh nào do chính tay tác giả viết, hay nói cách khác, văn bản gốc không còn nữa. Tuy nhiên, chúng ta lại có rất nhiều bản chép Tân Ước bằng tiếng Hy Lạp và những bản dịch Tân Ước cổ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau. Đây là những bản chép tay thuộc nhiều thế kỷ trước khi xuất hiện kỹ thuật in. Các bản chép này hiện đang nằm rải rác ở các thư viện trên thế giới.

Các bản chép tay Tân Ước được viết trên giấy cói hay giấy da.

- Giấy cói làm từ cây papyrus, một loại cây cói hay sậy mọc ở các vùng đầm lầy bên Ai Cập, cao từ 2 đến 3m. Trong hai thế kỷ đầu, Tân Ước thường được chép trên loại giấy này. Tuy không bền bằng giấy da, nhưng nhờ khí hậu khô nóng ở Ai Cập, loại giấy này vẫn còn tồn tại. Hiện nay, còn chừng 90 bản giấy cói, đa số gốc Ai Cập, chép trong khoảng giữa thế kỷ 2 và thế kỷ 8. Đây chỉ là những mảnh của Tân Ước, nhưng lại có giá trị cao, vì có những bản giấy cói cổ hơn những bản giấy da lâu đời nhất. Các bản giấy cói được đánh số và mang ký hiệu P. Sau đây là một vài bản quan trọng:

+ Bản P52 (Papyrus Rylands) chỉ gồm Ga 18,31-33,37-38. Đây là bản chép Tân Ước cổ nhất hiện có. Nó được chép khoảng năm 135, nay được lưu trữ tại thư viện John Rylands (Anh).

+ Bản P46, khoảng năm 200, gồm có các thư của thánh Phaolô, trừ những thư mục vụ. Bản này gồm 86 tờ giấy cói được đóng lại thành tập (codex).

- Giấy da làm bằng da, được sử dụng nhiều từ thế kỷ 2 CN. Văn bản Tân Ước được chép trên giấy da dưới dạng chữ hoa (majuscules) hay chữ thảo (minuscules). Như giấy cói, các tờ giấy da có thể được đóng thành tập (codex) hay nối lại với nhau thành một miếng dài rồi cuộn lại (volumen). Sau đây là một vài tập chữ hoa quan trọng:

+ Bản Vaticanô (Codex Vaticanus) mang ký hiệu là B, được chép vào thế kỷ 4. Bản này bằng tiếng Hy Lạp gồm cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, nhưng Tân Ước bị thất lạc phần cuối. Hiện bản này được lưu trữ tại thư viện Vaticanô.

+ Bản Sinai (Codex Sinaiticus), thế kỷ 4, tìm thấy tại Tu viện thánh Catarina ở núi Sinai vào năm 1844. Bản này cũng bằng tiếng Hy Lạp gồm một phần Cựu Ước và toàn bộ Tân Ước, thậm chí còn thêm Thư của Banaba và một phần tác phẩm Người Mục Tử của Hécmát. Bản này mang ký hiệu là S, hiện để tại Luân Đôn.

Đây là hai bản nổi tiếng hơn cả trong số khoảng 250 bản chữ hoa chép trên giấy da, trong khoảng từ thế kỷ 3 đến thế kỷ 10.

Như đã nói ở trên, các bản chép tay hiện có là những bản sao hay bản dịch từ bản gốc; chúng cũng có thể chỉ là những bản chép lại từ các bản sao. Khi đối chiếu những bản chép tay Tân Ước hiện có với nhau, ta thấy chúng có khá nhiều điểm dị biệt, cũng gọi là dị bản. Phần lớn là những điểm dị biệt nhỏ liên quan đến các chi tiết ngữ pháp, từ vựng hay trật tự các từ trong câu. Tuy nhiên, cũng có những điểm dị biệt quan trọng, có ảnh hưởng đến ý nghĩa của cả đoạn.

Các điểm dị biệt trên đây bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Trước hết, văn bản gốc của Tân Ước đã được các ký lục sao đi chép lại nhiều lần trong bao thế kỷ. Khi sao chép, khó tránh khỏi những sai sót vì bất cẩn hay vì thiếu khả năng. Thêm vào đó, có những ký lục, do ý hướng tốt, đã đôi khi sửa đổi văn bản mẫu mà họ cho là viết sai, viết không hay, hoặc thiếu rõ ràng về mặt thần học. Ngoài ra, khi dùng các trích đoạn Tân Ước trong phụng vụ, người ta cũng thường làm cho chúng trở nên dễ đọc hơn, hay dung hòa chúng với văn bản song song của một tác giả khác trong Tân Ước.

Như thế, Lời Chúa trong bộ sách Tân Ước cũng chịu một số phận như những tài liệu cổ khác, đó là bị biến đổi ít nhiều qua dòng thời gian. Nhiệm vụ của khoa phê bình văn bản là phục chế, tái tạo lại hình thức nguyên thủy của văn bản gốc bằng cách dựa vào những bản chép tay hiện có.

8.1 Trước hết là thu thập mọi bản Tân Ước chép tay, cả những bản Hy Lạp lẫn những bản dịch cổ bằng tiếng Latinh, Xyri, hay Ai Cập… Đôi khi, có những bản dịch lại sát với bản gốc hơn cả bản Sinai hay bản Vaticanô, bởi lẽ chúng được dịch từ các bản Hy Lạp còn cổ hơn hai bản này.

Các giáo phụ thường trích dẫn Tân Ước trong các tác phẩm của mình. Những trích dẫn này cũng có thể giúp khoa phê bình tìm lại được văn bản Tân Ước ở tình trạng rất gần với bản gốc.

Tuy nhiên, dựa vào các bản dịch cổ hay các trích dẫn của các giáo phụ để mong tìm lại văn bản gốc là một việc tế nhị. Đọc một từ trong bản dịch, chúng ta không dễ biết chắc được từ tương ứng bằng tiếng Hy Lạp trong bản gốc. Còn những trích dẫn thì quá ngắn và nhất là các giáo phụ lại thường trích dẫn dựa theo trí nhớ, chứ không trích nguyên văn.

8.2 Sau khi đã thu thập các tài liệu trên đây, khoa phê bình văn bản sẽ cố gắng sắp xếp lại để tiện dụng cho việc tiếp cận với nguyên bản. Các nhà chuyên môn nhận thấy rằng các bản chép tay hiện có tuy nhiều, nhưng có thể chia thành một số nhóm chính. Mỗi nhóm tượng trưng cho một loại văn bản mà ta có thể xác định được nguồn gốc của nó một cách tương đối chắc chắn. Sau đây là ba loại văn bản chính yếu:

- Văn bản "Ai Cập" hay còn gọi là văn bản Alêxandria, vì nó bắt nguồn từ vùng Alêxandria bên Ai Cập, vào trước năm 300. Các bản chữ hoa quan trọng nhất như bản Sinai (S) và bản Vaticanô (B) đều thuộc loại văn bản này. Từ nửa sau thế kỷ 19, ở Tây phương, các ấn bản Tân Ước thường dựa theo loại văn bản này. Dù có những khiếm khuyết, nó được các nhà chuyên môn nhìn nhận là loại văn bản có giá trị cao, ngắn gọn và ít có những biến đổi hay điểm dung hòa.

- Văn bản "Xyri", còn gọi là bản Antiôkhia hay bản Phổ Thông. Người ta thường cho rằng nó bắt nguồn từ vùng Antiôkhia vào khoảng năm 300. Nhiều bản chữ hoa thuộc thế kỷ 9 và thế kỷ 10, cũng như phần lớn các bản chữ thảo thuộc loại văn bản này. Ở Đông phương ngày nay, văn bản này vẫn được sử dụng. Còn ở Tây Phương, các ấn bản đầu tiên của Tân Ước đều đã dựa trên văn bản này, nó được coi như văn bản được công nhận (textus receptus). Mãi đến thế kỷ 19, nó mới nhường chỗ cho văn bản Alêxandria nói trên. Đặc tính của loại văn bản này là trau chuốt và sáng sủa, có những thay đổi vừa phải, có lẽ để thích nghi với việc dùng trong phụng vụ. Loại văn bản này không có giá trị phê bình cao như loại trên.

- Văn bản "Tây Phương". Văn bản này được gọi như vậy từ thế kỷ 18, vì thoạt tiên người ta biết đến nó qua những bản dịch Latinh cổ (nửa sau thế kỷ 2) hay những bản song ngữ Hy Lạp – Latinh (như bản Bêda, ký hiệu là D, khoảng thế kỷ 4). Nhưng giờ đây người ta khám phá thấy nó cũng đã có mặt ở Đông phương từ lâu. Văn bản này thiên về việc giải thích dài dòng để làm rõ nghĩa, và hay sửa đổi văn bản gốc cho có sự tương hợp giữa các đoạn song song.

Vậy vấn đề là phải phân loại và lượng giá các văn bản, cũng như xác định vị trí của chúng trong không gian và thời gian. Nhờ đó, ta có thể nhận ra đâu là những hình thức cổ nhất của văn bản, nghĩa là những hình thức dễ gần với bản gốc hơn.

8.3 Công việc trên đây là nhiệm vụ của khoa phê bình ngoại tại (critique externe). Khoa này còn cần sự trợ giúp của khoa phê bình nội tại nữa (critique interne). Trước những dị bản, tức là những chỗ mà các bản chép không đồng nhất với nhau, khoa này sẽ giúp ta chọn dị bản nào có khả năng gần với bản gốc hơn, nhờ một số quy tắc. Sau đây là một vài quy tắc tiêu biểu:

- Chọn dị bản nào khó hiểu hơn, miễn là nó không mâu thuẫn với văn cảnh, vì người chép thường có khuynh hướng làm cho văn bản trở nên dễ hiểu hơn.

- Chọn dị bản nào ngắn hơn, vì người chép có khuynh hướng giải thích dài dòng.

- Chọn dị bản phù hợp với ngôn ngữ và tư tưởng của tác giả hơn.

- Trong các văn bản song song, chọn dị bản nào còn giữ lại được nét riêng, hơn là dị bản đã bị dung hòa.

Những quy tắc trên đây không có tính tuyệt đối, nên cần áp dụng cách uyển chuyển và thận trọng, nhất là khi quy tắc này dẫn đến một kết luận trái với quy tắc kia. Để tránh rơi vào thái độ chủ quan, ta chỉ nên dùng khoa này như một bổ túc cho khoa phê bình ngoại tại. Dù sao, nhờ những kết quả lớn lao mà khoa phê bình đạt được trong khoảng 150 qua, hiện nay văn bản của Tân Ước có thể coi như đã được xác định.

(Trích phần dẫn nhập vào Tân Ước của NPD Các Giờ Kinh Phụng Vụ trong Thánh Kinh ấn bản 2011, tr. 2100-2103)

9. Kinh Thánh được ghi bằng văn tự từ khi nào?

Theo truyền thống của dân Do Thái, dâng riêng của Chúa, thì chính Chúa đã viết Thập giới trên bia đá tại núi Sinai, ban cho ông Môsê (thế kỷ 14 trước CN), để ông xuống núi dạy dỗ dân chúng. Có thể những lời dạy của Chúa qua ông Môsê đã từng bước được ghi lại bằng văn tự Do Thái cổ, nhưng do chiến tranh liên miên nên không thể nào lưu giữ được các bản văn.

Theo lịch sử Do Thái sau thời Salômon (Tk.10 trước CN): Các bộ lạc phía bắc ly khai với Giêrusalem. Phía bắc cũng lại mưu toan củng cố độc lập bằng cách ly khai tôn giáo. Đương nhiên trong tình trạng này, các truyền thống lại phát triển trong cuộc sống của dân ở hai vương quốc. Nhưng ở phía bắc, vì triều đình xa rời Thiên Chúa của Giao Ước, nên có một trào lưu tôn giáo tách khỏi chính trị, do các ngôn sứ khởi xướng. Trào lưu này trở về với Giao Ước Sinai, kêu gọi người ta trung thành với Thiên Chúa của Giao Ước.

Sản phẩm của trào lưu này là một sách Luật Giao Ước được đem xuống phía nam (hay biên soạn tại phía nam?), sau khi vương quốc phía bắc bị tiêu diệt năm 722 trước CN. Một thế kỷ sau, khi vua Giôsigia trùng tu Đền Thờ, người ta phát hiện ra cuốn sách này ở trong đền thờ (năm 622) và vua dùng làm cơ sở cho việc phục hưng tôn giáo. Hiện nay cuốn sách này là một phần trong sách Đệ nhị luật (các chương 5-26 và 28). Gọi là Đệ nhị luật vì trong bộ Ngũ Thư các Luật của Giao Ước đã được ghi ở ba cuốn trước (Xuất hành, Lêvi, Dân số).

Trong thời kỳ lưu đày ở Babylon, Dân Chúa không còn gì để nương tựa ngoài Lời Chúa đã phán dạy qua ông Môsê và các ngôn sứ, nên họ mới tìm lại các truyền thống xưa. Đây là lúc các môn đệ của của các ngôn sứ và các tư tế ra công sưu tập và biên soạn. Hoạt động này tiếp tục cả sau khi đã hồi hương.

Người ta nhận ra bàn tay của các tư tế trong việc biên soạn bốn cuốn đầu, bàn tay của trào lưu đệ nhị luật hoàn chỉnh cuốn Đệ nhị luật.

(Trích phần dẫn nhập Cựu Ước của NPD Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh trọn bộ 1998, tr. 21)

10. Thánh Kinh được chép thành văn bản hơn 1.000 năm trước Công nguyên, liệu có cơ sở để tin điều này không?

Đây là điều khả tín vì khoa khảo cổ học đã cho chúng ta những bằng chứng cụ thể về chữ viết thời tối cổ:

10.1 Phát hiện mảnh cuối tử thư Amenhotep: Huyền thoại liên quan đến thế giới tâm linh của người Ai Cập cổ đại một lần nữa trỗi dậy với sự phát hiện những mảnh cuối cùng của tử thư Amenhotep.

Theo báo Daily Mail, hiện những mẩu cuối cùng thuộc về quyển sách phép thuật của một thầy tư tế tên Amenhotep đã được tìm thấy sau hơn 100 năm tìm kiếm. Ra đời năm 1420 trước CN, những phần còn lại của tử thư Amenhotep cuối cùng đã được phát hiện tại một viện bảo tàng ở Queensland (Úc). Theo tờ Courier Mail, bản thân các chuyên gia xứ sở kangaroo cũng không biết họ đang giữ đầu mối về một trong những bí ẩn của đời sống tâm linh Ai Cập khi nhận những mẩu giấy này từ năm 1913. Chuyên gia về Ai Cập của Viện Bảo tàng Anh - tiến sĩ John Taylor chia sẻ cảm giác không thể nào diễn tả nổi khi biết được tông tích của 100 mảnh ghép, chấm dứt cuộc tìm kiếm kéo dài hơn 1 thế kỷ của các chuyên gia thế giới trong nỗ lực chắp vá cuộn giấy quan trọng trên. Đây không phải là tử thư của người thường, mà được cho là thuộc về kiến trúc sư trưởng của ngôi đền Amun. Hiện những mảnh đã được phát hiện trước đây đang được bảo quản như báu vật tại Viện Bảo tàng Anh, Viện Bảo tàng Mỹ thuật Boston và Viện Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Trước đây, các nhà khảo cổ học không thể phục hồi nguyên trạng cuộn giấy dài đến 20m trên, do còn thiếu quá nhiều mảnh. Bởi vậy, nỗ lực theo dấu hành trình đằng sau cửa tử của nhân vật quan trọng như Amenhotep đành bị bỏ dở trong nhiều năm qua.

(Hạo Nhiên, báo Thanh Niên ngày 28/4/2012, tr.10B)

Theo lịch sử Israel, dân Do Thái đã phải làm nô lệ cho Ai Cập mấy thế kỷ, họ là những người thông minh, đã xây dựng thành Ramses và nhiều cơ sở khác (vào Tk.14 trước CN), không lẽ họ lại không học được chữ nghĩa của người Ai Cập và với truyền thống dân tộc cao, có thể họ đã có chữ viết riêng của họ là tiếng Hipri tối cổ, hoặc tiếng Aramaic để chép Kinh Thánh…

10.2 Cổ bản Kinh Thánh Cựu Ước mới được tìm thấy: (Trên Yahoo news ngày 30/10/2008 đã đăng bài của Ari Rabinovitch về Cổ Bản Kinh Thánh Cựu Ước mới được tìm thấy. Chúng tôi xin lược dịch sau đây) :

Các nhà khảo cổ Israel nói là hôm thứ năm, 30/10/2008, họ đã đào lên được một bản Kinh Thánh tiếng Do Thái cổ, cổ nhất trong các bản đã khám phá ra được từ trước tới nay. Nơi tìm thấy bản Kinh Thánh này là một cổ Thành nhìn sang thung lũng mà theo Kinh Thánh, là nơi Đavít đã hạ sát được Gôliát (người khổng lồ). Địa điểm các nhà khảo cổ đang đào bới để tìm tòi về quá khứ là một vùng ngày xưa là một chiến trường nằm trong thung lũng Elah. Bây giờ là nơi trồng nho và nhà máy làm rượu.

Khám phá này ảnh hưởng lớn đến cuộc bàn cãi gay go hiện nay về số phận thành Giêrusalem trong tương lai. Địa điểm này cách Giêrusalem khoảng 20 cây số (12 miles).

Các nhà khảo cổ từ Đại học Do Thái nói là "cổ bản" đó gồm 5 câu Kinh Thánh viết bằng mực đen trên một mảnh vỡ của một chiếc bình sành, đào được nơi một vùng rộng 2 mẫu đất, có tên gọi là Elah Fortress hoặc Qeiyafa.

Các nhà chuyên môn chưa thể giải mã được các chữ trong cổ bản đó, nhưng các nhà khảo cổ nói là nhờ phương pháp "phân tích carbon" những cổ vật chung quanh cho thấy cổ bản Kinh Thánh này đã được viết vào khoảng 3.000 năm trước đây, cổ hơn bản Dead Sea Scroll hơn 1.000 năm (Bản Dead Sea Scroll cũng được gọi là Cổ Bản Qumran, tìm thấy vào giữa những năm 1946 va 1956 trong những hang động trên bờ Biển Chết, gần địa điểm có tên là Qumran – chú thích của dịch giả).

Cho đến bây giờ, các nhà chuyên môn có thể nhận dạng được một số chữ, như: "Quan án", "Nô lệ" và "Vua". Các nhà chuyên môn cũng nói họ hy vọng việc tìm hiểu Cổ bản này có thể giúp tìm ra được chữ viết tiếng Do thái cổ đã được phát triển như thế nào.

Các nhà khảo cổ nói rằng, đối với người Do Thái, cuộc khám phá này có một giá trị đặc biệt, nói lên rằng có thể đã có một vương quyền trung ương mạnh mẽ ở Giêrusalem vào thời kỳ mà các nhà học giả cho là Vua Đavít đang cai trị thành Thánh Giêrusalem và nước Do Thái.

Người Do Thái thời nay thường dẫn chứng sự liên hệ của Vua Đavít với thành Giêrusalem để nhất quyết rằng Giêrusalem là một "Kinh Thành muôn thuở và bất khả phân ly!", dù điều này không được Quốc tế công nhận.

Riêng ông Yosef Garfinkel, người cầm đầu đoàn khảo cổ tại nơi cổ Thành, nói rằng: Những niên đại và địa chí của Qeiyafa tạo được một mối liên hệ thống nhất những gì được coi là huyền thoại, những gì được coi là sự kiện lịch sử, cùng với những nghiên cứu về lịch sử và khảo cổ về Vua Đavít.

( Lm. Anphong Trần Đức Phương, báo nguyệt san Dân Chúa Âu châu

số 314, tháng 12/2008, tr.13)

- Chương trình HTV7 ngày 23/2/2010 xác nhận nguồn tin trên qua hình ảnh tường thuật sự việc các nhà khảo cổ Do Thái khai quật và khám phá một bức tường thành cổ thời vua Salômon: đó là một tháp canh và chừng 70m tường thành, vua Salômon đã xây và bị tàn phá, bị chiếm đóng gần 50 lần. Vùng khai quật có tên là Elah.

Theo nhà khảo cổ học Maza, việc khai quật này làm chứng các vua Đavít và Salômon là có thật – bằng chứng cụ thể nhất chứng minh nguồn gốc bức tường và niên đại là nhũng mảnh gốm được tìm thấy.

- Chương trình TV ngày 9/5/2007 đưa tin và hình ảnh các nhà khảo cổ đã tìm ra mộ của vua Hêrôđê Cả, người truy đuổi Chúa Giêsu khi Ngài mới giáng trần, khiến thánh Giuse và Đức Mẹ phải bồng Ngài trốn sang Ai Cập lánh nạn, cho tới khi nhà vua băng hà, Thánh Gia mới được lệnh trở về và cư ngụ tại Nazareth.

10.4 Đoạn văn bản Kinh Thánh cổ xưa nhất mới khám phá:

MOUNT SINAI, Ai Cập Một mảnh da có chép văn bản Kinh Thánh, mới được tình cờ khám phá mấy ngày trước đây tại Tu viện Thánh Catarina ở chân núi Sinai (Ai Cập). Đoạn văn này thuộc Cổ bản Sinai (Codex Sinaiticus), được coi là một trong hai thư bản cổ xưa nhất.

Người tìm ra được mảnh da này là Nikolas Sarris, một sinh viên 30 tuổi người gốc Hy lạp, tình cờ thấy được khi anh đang tiến hành cuộc nghiên cứu tại tu viện trong học trình tiến sĩ chuyên về các văn bản chép tay thuộc thế kỷ 18.

Sarris cũng là thành viên thuộc một nhóm hiện đang phụ trách xuất bản Cổ bản Sinai trên mạng lưới điện toán, mới hoàn chỉnh từ tháng 7 vừa qua do sáng kiến của Thư viện Anh quốc, Thư viện trường Đại học Leipzig (Đức) và Thư viện Quốc gia Nga, với sự hợp tác của ngài Damianos, Tổng Giám mục Chính thống giáo vùng Sinai đồng thời là tu viện trưởng tu viện Thánh Catarina.

Văn bản trên mảnh da tương ứng với đoạn mở đầu trong Sách Josua. Cha Justin, quản thủ thư viện của nhà dòng đã xác nhận sự khám phá này.

Theo lời của cha Justin phát biểu với The Art Newspaper, có thể còn có nhiều phần nằm khuất dưới các lớp gáy sách khác; tuy nhiên hiện nay tu viện không có đủ phương tiện kỹ thuật cần thiết để có thể tiến hành cuộc khai thác mà không gây ra hư hại. Tại thư viện nhà dòng có ít nhất 18 cuốn sách khác đóng thành tập như thế do hai tu sĩ sưu tập, dùng lại văn tự trong Cổ bản.

Theo truyền thống, người ta tin Cổ bản Sinai là một bản Kinh Thánh chép tay được viết trong khoảng từ năm 330 đến 350 theo lời thỉnh cầu của Hoàng đế Constantin. Thư bản này, cùng với Cổ bản Vatican (Codex Vaticanus), được coi là bản văn Kinh Thánh cổ xưa nhất trên thế giới.

Nhà học giả người Đức Constantin Von Tischendorf đã khám phá ra Cổ bản Sinai tại Tu viện Thánh Catarina vào năm 1844 và đã lấy ra nhiều phần của thư bản này trong những thập niên kế tiếp. Hiện nay các phần trong Cổ bản đó được phân chia và lưu giữ tại Thư viện Anh quốc, Thư viện trường Đại học Leipzig (Đức) và Thư viện Quốc gia Nga. Trang Anh ngữ của mạng internet trình bày Cổ bản Sinai là : www.codexsinaiticus.ort/en/.

(Phụng Nghi – báo nguyệt san Dân Chúa Âu châu

số 324 tháng 10/2009, tr.14)

10.5 Bản Kinh Thánh Cổ Nhất Được Đưa Lên "Mạng lưới Toàn cầu ".

Thứ hai 21/7/2008, nhân viên Thư viện Đại học Leipzig (Đức quốc), loan báo một trong hai bản Kinh Thánh (Bible) cổ nhất sẽ được đưa lên "Mạng lưới toàn cầu" lần đầu tiên. Đó là Cổ Bản Kinh Thánh Sinai (The Codex sinaiticus). Cổ Bản này đã được viết trên da thuộc, bằng tiếng Hy Lạp vào khoảng năm 350 tại Ai Cập. Cổ Bản Kinh Thánh toàn thư khác là Cổ Bản Vaticanus (The Codex Vaticanus).


Đây là cổ bản Kinh thánh Sinai, được viết trên da bằng tiếng Hy Lạp

Cổ Bản Sinai đã được học giả Kinh Thánh Konstantin von Tischendorf (quốc tịch Đức) tìm thấy tại Tu viện Thánh Catarina (Saint Catharine’s Monastery) Núi Sinai (trong Sa mạc Sinai) vào năm 1844 và ông được phép đưa một số cuốn về Leipzig. Rồi vào năm 1859, ông trở lại Tu viện và do sự bảo trợ của Hoàng gia Nga, ông đem được hầu hết phần còn lại khoảng 350 trang viết trên da thuộc về St. Peterburg (Nga Sô) và được lưu giữ ở đó . Đến năm 1933, Stalin đã bán hầu hết các Cổ Bản rất qúy giá này cho Thư Viện Anh Quốc ở Luân Đôn.

Cổ bản Sinai gồm toàn bộ Tân Ước, còn các sách Cựu Ước không còn được toàn vẹn, gần như một nửa đã thất lạc. Từng phần của Cổ Bản Sinai hiện đang được lưu giữ ở 4 nơi khác nhau: Thư viện Đại Học Leipzig (Đức quốc), Thư viện quốc gia Nga Sô, Thư Viện Anh Quốc và Tu Viện Thánh Catarina (Sinai, Ai Cập).

Công trình đem toàn bộ Cổ Bản Sinai lên "Mạng lưới toàn cầu" là do nỗ lực của Đại học Leipzig và Thư viện Anh Quốc cùng với sự cộng tác của Nga sô và Tu viện Thánh Catarina. Theo ông Ulrich Johannes Schneider, Giám Đốc thư viện Đại Học Leìpzig, công trình này nhằm mục đích giúp những ai muốn nghiên cứu, học hỏi về tài liệu nền tảng quan trọng của Kitô giáo; đồng thời cũng giúp mọi người có thể đọc được toàn bộ Cổ Bản Kinh Thánh rất quý giá này trên "Mạng lưới toàn cầu", mà trước đây ít ai có thể đọc được. Cũng theo nguồn tin của Đại Học Leipzig, cuốn Phúc Âm theo Thánh Máccô và nhiều cuốn trong Cựu Ước sẽ được đưa lên "Mạng lưới toàn cầu" vào tháng 7/2008. Một số cuốn khác sẽ được đưa lên vào tháng 11/2008 và phần còn lại sẽ đưa lên vào năm 2009.

Cổ Bản Sinai quý giá này (cùng với công trình chú giải qua nhiều thế kỷ), đang được giữ từng phần ở 4 nơi rất xa cách nhau, sẽ được chụp phiên bản điện tử rất rõ và như vậy sẽ hợp thành toàn bộ trên "Mạng lưới toàn cầu". Chúng ta có thể đọc được nguyên Cổ Bản bằng tiếng Hy Lạp cùng với những hình ảnh chụp điện tử rất rõ; đồng thời sẽ có bản dịch tiếng Anh và tiếng Đức những phần quan trọng để những ai không thông thạo cổ ngữ Hy Lạp có thể nghiên cứu được.

Sau cùng, học giả Schneider nói: thật là tuyệt vời, nhờ kỹ thuật tân tiến, mà chúng ta có thể đưa lên "Mạng lưới toàn cầu" thật rõ ràng và chính xác một công trình cổ điển vô cùng quý giá mà trước đây ít ai có thể biết tới; bây giờ thì người nào cũng có thể truy cập được. Chúng ta có thể truy cập công trình kỳ diệu này qua "Mạng lưới toàn cầu": www.codex-sinaiticus.net.

(Lm. Anphong Trần Đức Phương, báo nguyệt san Dân Chúa Âu châu

số 311 tháng 9/2008, tr.43)

Tân bình, ngày 01 tháng 06 năm 2012

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Triết 

Chú thích :

1. Gutenberg (người Đức, 1400–1468): 1436 đúc chữ để xếp và phát minh máy in đầu tiên.

2. Năm 1450 Gutenberg (Johannes Gensfleisch) hợp tác với J. Fust, in tuyệt tác phẩm là cuốn Kinh Thánh được mệnh danh là "Kinh Thánh 42 dòng" vào năm 1455 tại Mayence (Đức).

(La Civillisation Écrite, Encyclopédie Française XVIII 1943 printed in France par Julien Cain).

3. Theo các bản dịch Việt ngữ, Thánh Kinh hay Kinh Thánh đều đúng, đôi khi còn gọi là Sách Thánh.




Phụ Bản II

SỰ TÍCH

Tết  Đoan  Ngọ

Hàng năm cứ đến ngày mùng năm tháng năm âm lịch không phải chỉ riêng tại Tp. HCM mà dường như ở các nơi thấy có bày bán tại các chợ một loại bánh gói bằng lá dung hoặc lá tre tàu, hình thức cũng có góc cạnh như chiếc bánh ú nhưng nhỏ hơn, gọi là “bánh ú tro” và chỉ bày bán trong những ngày Tết Đoan Ngọ gọi nôm na là Tết mồng năm tháng năm. Người Hoa thường gọi Tết này là Tết Trùng ngũ, lễ cúng cũng khá lớn và phong tục này cũng đã lan truyền tới Việt Nam từ lâu. Nhưng chắc ít người biết đến sự tích. Theo lịch sử Trung Hoa, vào thời Nhà Tiền Hán (206 trước TC) trong thời kỳ Hán Sở tranh hùng, vua Sở muốn qua Hán để lập thế giao hiếu nhưng triều thần có ông Khuất Nguyên hết sức can ngăn vua Sở không nên qua Hán trong lúc hai nước chưa được hòa hiếu, nhưng vua Sở không nghe nên cuối cùng đã bị hại trên đất Hán, Khuất Nguyên giận mình không can nổi vua để vua bị hại nên đã nhảy xuống sông Mích La tự trầm. Người dân nước Sở tiếc thương một vị trung thần nên hàng năm cứ đến ngày mùng năm tháng năm có lễ cúng giỗ Khuất Nguyên. Tương truyền khi lễ vật cúng xong, thả xuống sông đã bị cá ăn hết, nên dân chúng mới nghĩ ra cách làm chiếc bánh có góc cạnh như chiếc bánh ú tro để cho cá sợ không dám ăn. Vào ngày giỗ Đoan Ngọ (cũng gọi là Đoan Dương) tức là chính giữa trưa, người Việt Nam cũng có tục bảo nhau kéo hết cả nhà ra trước sân, ngước mặt lên trời, nháy mắt nhiều lần, làm như vậy tin rằng sẽ tránh được bệnh đau mắt. Cúng mùng 5 tháng 5 ngoài bánh ú tro là món không thể thiếu, vật cúng cũng luôn có xôi vò và cơm rượu, tin tưởng rằng cơm rượu sẽ trừ được sâu bọ cho nên Tết mùng 5 tháng 5 cùng có một tên gọi khác nữa là “Tết giết sâu bọ” và tại sao lại gọi là bánh ú tro: bánh gói bằng nếp ngâm qua một đêm trong nước tro đã lược sẵn, nên bột bánh ăn thấy rất nhuyễn và có mùi vị cũng rất đặc trưng. Ngoài ra thức uống không phải là nước trà, mà nấu bằng nhiều thứ lá. Truyền thuyết cũng kể rằng vào ngày mùng 5 tháng 5 không đâu có thể thấy bóng dáng một chú “thạch sùng” trên vách tường nhà hoặc trong xó bếp, vào ngày này, trẻ con trong xóm thường rủ nhau có đứa cầm một cây gậy dài để đi lùng kiếm “thạch sùng” theo lời thách thức của người trong nhà, thật ra sự thách đố ấy có phần đúng. Cũng nên kể qua lịch sử Trung Quốc, có hai nhà cự phú sống vào thời nhà Tấn tên Thạch Sùng và Vương Khải (265-420) vốn rất giàu có ruộng vườn, vàng bạc châu báu có rất nhiều không thiếu một thứ gì, mới cùng nhau bày ra một cuộc đấu “tài sản” với điều giao ước bên nào thua thì phải chịu giao hết tài sản của mình cho người thắng cuộc. Vương Khải đưa ra một tài sản nào Thạch Sùng cũng đều có hết, rốt cuộc mới đưa ra một cái tách bể thì Thạch Sùng không tìm đâu ra món tài sản xem như vô giá trị này, nên đành thua mẹo và phải giao ruộng lúa, tài sản của mình cho Vương Khải, và cự phú họ Thạch khi chết hóa kiếp ra con Thạch Sùng, nên xấu hổ cứ đến ngày mùng 5 tháng 5 đã trốn biệt và bây giờ vào những đêm thanh vắng, nằm ngủ thì chúng ta vẫn nghe thấy tiếng chặc lưỡi của con vật nhỏ bé thuộc loại bò sát đâu đó trong đêm tối, qua tiếng kêu như người tiếc của.


PPT ghi

LỄ HỘI HOA PHƯỢNG ĐỎ

&

“KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC”

LỄ HỘI HOA PHƯỢNG ĐỎ

Lễ hội “Hoa Phượng Đỏ lần thứ nhất” vừa khai mạc ngày 9-6-2012 tại Hải Phòng – thành phố nằm trong Tam giác du lịch Hà Nội – Hạ Long – Hải Phòng của miền Bắc, nhằm để chuẩn bị cho Năm Du lịch Đồng bằng Sông Hồng năm 2013. Lễ hội giới thiệu cho du khách các tiềm năng du lịch của Hải Phòng, với hai màn hoạt cảnh diễn lại “Người mở cõi: Nữ tướng Lê Chân sáng lập vùng đất An Biên” tức là Hải Phòng ngày nay.

Năm 2010, Hà Nội đã tổ chức Lễ hội 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vang dội cả nước, (nhưng tiếc là không lưu lại hậu thế một công trình thế kỷ nào cả). Sau đó, với việc Vịnh Hạ Long được bình bầu là một trong 7 Tân kỳ quan Thiên nhiên cùng với hai sự kiện rầm rộ:

- Ngày 27-4-2012 Lễ đón nhận danh hiệu và công bố “Tân Kỳ quan thế giới” ở Hà Nội.

- Ngày 1-5-2012 Lễ hội Carnaval ở Hạ Long chào mừng Vịnh Hạ Long – rạng danh dòng giống Tiên Rồng. Và bây giờ là góc thứ ba của Tam giác du lịch là Hải Phòng tổ chức Lễ hội Hoa Phượng Đỏ này.

Khắp mọi nơi, khi nghe bài hát “Thành phố Hoa Phượng Đỏ” thơ của Hải Như, nhạc của Lương Vĩnh, thì ai cũng nhớ tới một thành phố biển, lớn thứ hai ngoài Bắc:

Tháng Năm rợp trời hoa Phượng Đỏ

Ôi! Hải Phòng thành phố quê hương…

Quả thật, khi người viết ghé thăm Hải Phòng, thì thấy khắp các con đường phố, trong nội thành cũng như ngoại thành, đều rực màu hoa phượng đỏ, du khách nín thở để cảm thấy không gian đầy cây phượng với hoa phượng đỏ. Màu đỏ tượng trưng cho màu quốc kỳ. Màu đỏ là màu môi của cô thiếu nữ trong tà áo dài cổ truyền dân tộc. Màu đỏ còn là màu nối tiếp một thời trai trẻ, một thời yêu đương. Phượng có lá nhỏ, chỉ lớn hơn lá me, lá phượng chẳng có công dụng gì ngoài việc tạo “việc làm” cho học sinh thực tập “vệ sinh trường lớp”. Nhưng Phượng có hoa màu đỏ (người ta còn thấy hoa phượng màu hồng, tím, trắng, có lẽ do chiết cành), một màu đỏ tươi thắm tuyệt vời, một màu đỏ trẻ trung vui vẻ, tượng trưng xứng đáng cho tuổi học trò, cho lứa tuổi vừa lớn, “tuổi ô mai”. Khi phượng “già” đi, màu đỏ có hơi sẫm hơn, cánh hoa trở thành mỏng manh, một cơn gió nhẹ thổi qua có thể làm các cánh hoa rơi lả tả. Phượng lại còn có trái, trái phượng có cánh hình cung, dài chừng 3, 5 tấc, khi trái già, bóc ra, bên trong có nhiều hột nằm xếp hàng theo hình cánh cung, ăn có vị chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt. Phượng cũng còn có một nhiệm vụ vô hình nhưng rất là thân thiết với học trò, đó là báo hiệu mùa Hè đã về. Ai từng đi học mà chẳng mong… Hè về! Vì thế hoa phượng còn được gọi thân thương là “Hoa Học trò”. Cây phượng vĩ có gốc từ đảo Madagascar, thuộc địa cũ của Pháp, nên dân Hải Phòng phải nhớ ơn đảo quốc này.

Ta yêu Thành phố quê ta

như yêu chính người thương yêu nhất

Những hẹn hò bên bờ sông Lấp

Những con đường tấp nập áo Thợ ngày đêm

Những Bến Bính, Xi Măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên…

Hải Phòng có tiềm năng về du lịch rất lớn, dù hơi kém hơn hai góc kia của Tam giác du lịch là Hà Nội và Hạ Long một chút ít, Hải Phòng có:

Khu du lịch Đồ Sơn.

Đây là một trung tâm du lịch lớn, có khu nghỉ mát với những bãi biển lượn quanh bán đảo Đồ Sơn, vươn ra biển đông tới 5km. Từ nhiều năm nay, Đồ Sơn, Cát Bà đã trở thành những khu nghỉ mát và giải trí nổi tiếng trong nước và quốc tế.

Tại quận Đồ Sơn, cách nội thành Hải Phòng trên 20km người viết được tham dự Lễ Khai trương Tuyến xe Điện chạy trong Khu du lịch vào chiều ngày 24-5-2012 để mở màn cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ vào ngày 9-6-2012. Đồ Sơn là nơi có Casino đầu tiên của Việt Nam, có Biệt thự Bảo Đại nằm trên một ngọn đồi nhỏ.

Đồ Sơn còn nổi tiếng với lễ hội Chọi Trâu, diễn ra vào ngày 9-8 âm lịch, phần nghi lễ rất trang trọng với lễ thần trên kiệu rồng, có tán và lọng che, phường bát âm.

Đền Nghè.

Đền nằm ở trung tâm thành phố Hải Phòng, cách Nhà Hát thành phố chừng 600m về phía tây nam. Đền thờ bà Lê Chân, một nữ tướng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng năm 40-43. chính bà Lê Chân là người lập ra làng An Biên, tiền thân của thành phố Hải Phòng sau này. Lúc đầu, đền là một miếu nhỏ, năm 1919 tòa hậu cung của đền được xây dựng, năm 1926 tòa nhà tiền bái được xây dựng, đây là một kiến trúc văn hóa quý với voi đá, ngựa đá, sập đá, bia đá. Nổi tiếng nhất là với bức tượng nữ tướng Lê Chân oai phong trong bộ áo giáp đứng cao ngất ngưởng trên tượng đài, nhìn ngắm Hải Phòng, đây là bức tượng to lớn nhất tại thành phố này.

Lễ hội Đền Trạng.

Lễ hội tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm được tổ chức nhân ngày mất (28-11 AL), đây là sự kiện văn hóa lớn, cư dân nhiều địa phương trong vùng thôn Trung Am, xã Lý Học, Vĩnh Bảo, rất nhiều du khách cũng đến dâng hương tưởng niệm cụ Trạng Trình dịp này và thăm khu du tích Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Những cái tên nghe chẳng thơ đâu

nhưng với ta vô cùng oanh liệt

Ôi thân thiết tự hào quê hương

Hỡi em yêu trong đêm dài tiễn biệt

Chưa trọn nghĩa Sài Gòn – Đà Nẵng

Ta tạm biệt xa nhau chào Phố biển thân yêu…

Hải Phòng với hải cảng sầm uất, nhộn nhịp ngày đêm, luôn nhớ tới các hải cảng anh em: Sài Gòn và Đà Nẵng thân thương…

Cát Bà – Khu dự trữ sinh quyển Thế giới

Cát Bà là một quần đảo có 366 đảo lớn nhỏ. Đảo chính là Cát Bà, có nhiều cảnh quan đẹp, tài nguyên rừng và biển phong phú, hang động trên biển làm mê hồn du khách. Năm 2004, Cát Bà được UNESCO công nhận là khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới.

Bằng tàu thường hay cao tốc, du khách có thể tới thăm đảo và vườn quốc gia Cát Bà, vịnh Hạ Long hay Bái Tử Long. Nằm kề bên vịnh Hạ Long, quần đảo Cát Bà – đúng ra là Các Bà, nữ sĩ Vân Đài với bài “Bốn năm trên đảo Các Bà” tháng 7-1944 viết: “Các Bà xưa kia vẫn có một tên mà người Khách gọi là Appovan và người Nam gọi là Các Bà, do lấy tên một ngôi mộ của hai nữ thần không tên, chết ở đâu, trôi về và hiển linh tại đấy. Ngôi mộ ấy gọi là ngôi mộ của Các Bà, người ta lập miếu thờ và người ta muốn biểu dương cái uy linh của các bà, nên lấy tên Các Bà đặt cho hòn đảo”… Trước đây, quần đảo này thuộc tỉnh Quảng Ninh, đến năm 1956 mới tách về Hải Phòng và gọi là Cát Bà, có lẽ vì nằm trong huyện đảo Cát Hải? (Vì vịnh Hạ Long có vô số đảo nên nhường bớt lại cho thành phố này).

Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, có diện tích 15.200ha, trong đó có 9.800ha rừng và 5.400ha biển. Địa hình rất đa dạng, chủ yếu là núi đá vôi, nhiều hang động kỳ thú và xen kẽ là những bãi cát trắng phau, với hệ động vật có 32 loài thú, 69 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng cư. Đặc biệt là loài Voọc đầu trắng trên vách núi đá cheo leo ven biển Cát Bà, đây là loài thú quý hiếm, đang được bảo vệ nghiêm ngặt và trở thành biểu tượng của Vườn quốc gia Cát Bà. Tại đây còn có khỉ vàng, sơn dương và nhiều loài chim đẹp như: cao cát, bói cá, hút mật, đầu rìu… những cánh rừng nguyên sinh nhiệt đới lớn với 620 loài thực vật bậc cao gồm có 438 chi và 123 họ, trong đó có 350 cây thuốc.

Hải Phòng đó hiên ngang chỉ biết ngẩng đầu

Trăm trận đánh quê ta kiên cường

Hải Phòng ơi, năm xưa bé nhỏ

Nay ta đã thấy rộng dài rực sáng

Sánh vai cùng Sài Gòn – Đà Nẵng quê hương

Ta mang người trong giữa trái tim ta.

Sông Bạch Đằng

Con sông lịch sử ở phía đông bắc Hải Phòng, cách trung tâm thành phố 20km. Bạch Đằng là con sông nổi tiếng với những chiến công vang dội trong lịch sử chốn ngoại xâm của dân tộc Việt Nam:

- Năm 938, Ngô Quyền đã đánh tan các đạo thủy binh lớn của quân Nam Hán.

- Năm 981, tướng Lê Hoàn cũng đã tiêu diệt các đạo thủy binh của quân Tống trên sông Bạch Đằng (sau là vua Lê Đại Hành).

- Năm 1288, quân dân nhà Trần dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trần Hưng Đạo đã nhấn chìm hàng trăm chiến thuyền của quân Mông Nguyên (nhà Nguyên của Mông Cổ chiếm đóng Trung Hoa), bắt sống tướng Ô Mã Nhi, chấm dứt âm mưu thôn tính nước ta – như chúng đã xâm chiếm gần hết Châu Âu.

Hàng năm trên dòng sông lịch sử này thường tổ chức Hội thi bơi thuyền Vượt sông Bạch Đằng.

Hội đền An Lư

Đền An Lư thuộc xã An Lư, huyện Thủy Nguyên, thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn và An Sinh vương Trần Liễu (thân phụ Trần Hưng Đạo). Hàng năm vào ngày 10 – 11/11 ÂL, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Trần Hưng Đạo đã có công đánh tan giặc Nguyên cứu nước và tôn vinh Trần Liễu. Lễ dâng hương được tổ chức rất trang nghiêm, sau phần nghi lễ là phần hội với những trò vui như: chơi đu, đánh đúm nam nữ, chọi gà, cờ tướng…

Từ Đồ Sơn về trung tâm thành phố Hải Phòng, ngay đoạn giữa lộ trình, chúng ta bắt gặp khu đền đài uy nghi, rạng rỡ, đó là:

KHU TƯỞNG NIỆM VƯƠNG TRIỀU MẠC.

Tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng với Di sản Thế giới “Thành nhà Hồ” – là bức tường thành duy nhất trên đất Việt xây bằng đá - được UNESCO công nhận ngày 27-6-2011 và vừa mới tổ chức Lễ Đón nhận Bằng công nhận vào ngày 16-6-2012. Lễ Đón nhận này được tổ chức ngay tại khu vực Thành nhà Hồ với nhiều hoạt cảnh ngay trên bức tường thành cao ngất ngưởng, diễn lại cảnh dân phu cả nước vất vả mang tường tảng đá to lớn, về ráp lại, dù không có xi măng mà bức tường thành vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt trên 3 thế kỷ nay, làm quan khách bàng hoàng, xúc động – vì các kỳ quan thế giới như Kim tự tháp Ai Cập, Đền Taj Mahal Ấn Độ, Vạn lý Trường thành Trung Hoa… cũng đều trộn lẫn mồ hôi lẫn xương máu của biết bao dân phu mới tạo dưng nên.

Chúng ta nhớ lại Lịch sử với 15 Vương triều đất Việt:

Hùng Vương – Thục – Trưng – Tiền (Hậu) Lý – Ngô –

Đinh – Tiền Lê – Lý – Trần – HỒ –

Lê Sơ – MẠC – Lê (Trung hưng) – Tây Sơn – Nguyễn.

Lịch sử Tiên Rồng!

(Lời mới bài “London Bridge”)

Chính Thành nhà HỒ ở Tây Đô này về sau đã là nhân chứng lịch sử cho cuộc khởi nghĩa kháng Minh của Lê Lợi, thiết lập triều Lê Sơ, và rồi đến triều MẠC với thời Nam – Bắc Triều: nhà Mạc định đô ở Đông Kinh (Thăng Long) và nhà Lê Trung hưng đóng đô ở Tây Kinh (Tây Đô cũ ở Thanh Hóa). Và sau khi nhà Mạc thất thủ phải di dời lên đất Cao Bằng thì nhà Lê trở về lại Thăng Long, nhưng Khủng hoảng Cung đình vẫn tiếp diễn với việc tướng nhà Lê là Nguyễn Kim đã bị một hàng tướng nhà Mạc giết chết, rồi Trịnh Kiểm lên thay chủ tướng và có thái độ lộng hành, nên vua Lê chỉ còn hư danh dẫn đến thời kỳ “Vua Lê – chúa Trịnh”, rồi “Trịnh – Nguyễn phân tranh” kéo dài cho đến cuộc khởi nghĩa của Tam kiệt Tây Sơn, chính Nguyễn Huệ tài ba đã dẹp tan vua Lê, chúa Trịnh – Nguyễn, thống nhất sơn hà.

Triều nhà Hồ của Hồ Quý Ly (dù chỉ tồn tại 7 năm) cũng bị ngộ nhận và tai tiếng như triều nhà Mạc của Mạc Đăng Dung, ngày nay cả hai vương triều đó được Lịch sử nhìn nhận lại những công lao đã đóng góp cho đất nước, hy vọng theo thời gian, hai từ “ngụy triều” sẽ thay đổi, từ từ mọi người sẽ hiểu rõ hơn, thông cảm hơn…

Chính vì lý do đó, thành phố Hải Phòng đã đặc biệt xin Nhà Nước cho xây dựng Khu tưởng niệm Vương triều Mạc tại đất Dương Kinh xưa, quê hương của Thái tổ Mạc Đăng Dung do ông Hoàng Văn Kế, Phó chủ tịch UBND thành phố và là Chủ tịch Hội đồng Mạc Tộc Hải Phòng (ông Kế thuộc họ Hoàng gốc Mạc) vận động kêu gọi các dòng họ Phạm, Phan, Vũ, Hoàng (gốc Mạc, vì chính trị nên cải họ khác để bảo toàn dòng họ Mạc) đóng góp thêm để xây dựng.

Trong cộng đồng trăm họ ở Việt Nam, họ Mạc là một trong số ít dòng họ phát tích, có nhiều đóng góp trong lịch sử phát triển của dân tộc. Trong lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước, họ Mạc đã sản sinh ra nhiều danh thần trí dũng song toàn, có nhiều công lao với dân với nước, như: Mạc Hiển Tích năm 1086 đỗ Trạng nguyên triều Lý, thời vua Lý Nhân Tông (1066-1127) Mạc Đĩnh Chi sáng danh “Lưỡng quốc Trạng nguyên” thời vua Trần Anh Tông (1272-1346).

Gần 200 năm sau, vào năm 1527, đất Dương Kinh phát tích, Mạc Đăng Dung đăng quang ngôi Hoàng đế, mở đầu một Triều đại tồn tại 150 năm trong lịch sử hào hùng của nước Đại Việt, có nhiều cải cách tiến bộ…

Để ghi nhớ công đức các vị Vua triều Mạc, năm 2009, Nhà Nước đã cho xây dựng “Khu tưởng niệm Vương triều Mạc” trên đất Dương Kinh xưa (thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy) thành phố Hải Phòng nay. Công trình được gắn biển chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, vào dịp khánh thành giai đoạn I, ngày 25-12-2010.

Trong lịch sử dân tộc cũng nhiều lần xảy ra Khủng hoảng Cung đình như khủng hoảng cuối triều Tiền Lê sang Lý, khủng hoảng cuối Lý sang Trần, hay như “Loạn ba vương thời Lý”, việc tiếm ngôi của Dương Nhật Lễ cuối Trần… nhưng chưa bao giờ khủng hoảng lại diễn ra lâu dài và trầm trọng như lần này. Lịch sử đang cần có một nhân vật đứng ra giải quyết khủng hoảng để yên dân, dựng nước. Lịch sử chọn Mạc Đăng Dung. Ông là cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi. Ngày trước vốn ở Hải Dương sau dời sang thôn Cổ Trai, huyện Nghi Dương, tỉnh Kiến An (nay là thành phố Hải Phòng). Mạc Đăng Dung thuở trẻ nhà nghèo làm nghề đánh cá nhưng có sức khỏe phi thường, thi đỗ Đô Lực sĩ, làm Đô Chỉ huy sứ triều Lê Uy Mục, đến triều Tương Dực được phong Vũ Xuyên Bá, sau vua Chiêu Tông lại phong Vũ Xuyên Hầu.

Năm 1527 Mạc Đăng Dung lên ngôi, ông làm vua được 3 năm rồi truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh, lui về Cổ Trai làm Thái Thượng Hoàng. Nhà Mạc truyền ngôi được 5 đời (65 năm):

- Thái tổ Mạc Đăng Dung (1527-1529)

- Thái tông Mạc Đăng Doanh (1530-1540)

- Hiển tông Mạc Phúc Hải (1541-1546)

- Tuyên tông Mạc Phúc Nguyên (1546-1561)

- Mục tông Mạc Mậu Hợp (1562-1592)

Ngoại giao:

Nhà Mạc đã thi hành chính sách mềm dẻo, khôn khéo, linh hoạt. Riêng việc “Cắt đất dâng cho nhà Minh” thì lịch sử vẫn còn để lại rất nhiều nghi vấn. Việc “Xin hàng” này, Minh sử có chép, nhưng không hề chép việc cắt đất mà chỉ chép “Mạc Đăng Dung đã trả lại đất 4 động đã xâm chiếm, xin nội vụ xưng thần.” Như vậy, nhà Mạc trả lại cho nhà Minh là trả lại đất lấn, không phải cắt đất để đút lót. Thần Siêu trong “Phương Đình dư địa chí” đã soi tỏ vấn đề lịch sử để soi tỏ sự vô tội của nhà Mạc. Cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng sử nhà Minh chép hệt như Thần Siêu: Đấy chẳng qua là đường lối “thần phục giả vờ” của triều Mạc.

Sau khi thất thế, nhà Mạc tiếp tục dựa vào ảnh hưởng của nhà Minh để tồn tại ở Cao Bằng, nhưng tuyệt nhiên không mượn quân nhà Minh. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, đại thần Mạc Ngọc Liễn trước khi mất, đã dặn lại vua tôi họ Mạc rằng: “Nay khi vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại phục hưng… Dân ta là dân vô tội mà để phải mắc nạn binh đao, sao lại nỡ thế!... Lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than, đau khổ, đó cũng là Tội lớn không gì nặng bằng…” Các đời sau họ Mạc đã làm đúng như vậy. Thua trận phải dời khỏi ngôi cai trị nhưng không cố giành giật lại bằng mọi giá.

Kinh tế:

Mạc Đăng Dung đưa ra một số quy chế về ruộng đất gồm: binh điền, lộc điền, quân điền và cho đúc tiền Thông Bảo.

Nội trị:

Thời thịnh trị của triều Mạc đời sống nhân dân no đủ, xã hội ổn định. Theo sách Đại Việt Thông sử của Lê Quý Đôn phải thừa nhận Mạc Đăng Dung “được lòng người hướng về”. Sau đó, thua chúa Trịnh Tùng, nhà Mạc lên cát cứ tại Cao Bằng, nếu không được lòng người thì không thể tồn tại tới 85 năm.

Thi cử:

Nhà Mạc rất chú trọng tới nhân tài, tuy chinh chiến triền miên nhưng nhà Mạc vẫn tổ chức các khoa thi Hội, lấy Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên… Trong 65 năm định đô ở Thăng Long, nhà Mạc mở 22 kỳ thi Hội, lấy đỗ 485 Tiến sĩ, trong đó có 13/49 Trạng nguyên trong suốt 800 năm thi cử Nho học thời phong kiến Việt Nam. Khi rút lên Cao Bằng, họ Mạc vẫn tổ chức thi cử để lấy người hiền tài. Có một kỳ thi người đỗ đầu là một phụ nữ giả trai đi thi tên là Nguyễn Thị Duệ.

Di tích Mạc Triều

1. Thành nhà Mạc ở Lạng Sơn: hiện nằm trong khu vực phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, đã dược xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia, đưa vào phục vụ khách du lịch tham quan.

2. Thành nhà Mạc ở Tuyên Quang: được xây vào năm 1592, được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia.

3. Thành nhà Mạc ở Cao Bằng: là thành Trà Lữ, khi nhà Mạc rút lên Cao Bằng (1592 – 1677), trong 85 năm, bốn đời Thân vương triều Mạc đóng đô ở Cao Bằng đã cho tu sửa, xây thành cao lên để phòng thủ.

4. Thành nhà Mạc ở Thủy Nguyên, Hải Phòng: thành ở bờ tây sông Bạch Đằng, trong thung lũng núi Dền, địa thế hiểm trở, thành xây dựng dựa vào thế núi, tạo lợi thế cho phòng thủ.

5. Khu tưởng niệm Vương triều Mạc : ở đất Dương Kinh xưa, Hải Phòng nay, mới khánh thành giai đoạn 1 vào ngày 25-12-2010, còn được gọi là Thế Miếu:

Người viết có dịp thăm viếng Thế Miếu này với với khuôn viên to lớn, gần bằng khu Văn miếu – Quốc Tử giám Hà Nội. Khu này thờ tượng 5 vị Hoàng đế triều Mạc định đô tại Thăng Long. Du khách chú ý đến một “Thanh đại long đao của Thái tổ Mạc Đăng Dung” – đã được bảo quản và lưu thờ nhiều thế kỷ tại Từ đường chi họ Phạm gốc Mạc, thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân Trường, Nam Định. Thanh đại long đao này được Mạc Đăng Dung, thời làm võ tướng, sử dụng để xông pha trận mạc với nhiều trận bách chiến bách thắng Từ đất Dương Kinh 418 năm về trước, Thanh đại long đao đã ra đi lánh nạn sau ngày Thăng Long thất thủ. Trải qua hành trình lịch sử đằng đẵng, 418 năm sau từ đất Thiên Trường (Từ đường họ Phạm gốc Mạc), Báu vật của Tiên đế được long trọng rước về Dương Kinh, trưng bày tại Thế Miếu, trước linh vị thần tượng vị “Hoàng đế Anh linh hộ quốc an dân, Sáng nghiệp Mạc triều thiêng liêng” trong ngày Lễ chính kỵ lần thứ 469 Đức Mạc Thái tổ (1541 – 2010), trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Hiện nay, Châu Á chỉ còn 2 binh khí được lưu thờ là vật thái bảo:

- Thứ nhất là Thanh đao của Tống Thái Tổ nhà Bắc Tống (Trung Hoa)

- Thứ hai là Thanh đại long đao của Mạc Thái Tổ đang được lưu thờ tại Khu tưởng niệm Vương triều Mạc, thành phố Hải Phòng.

TÓM LẠI

Với tiềm năng du lịch của một Thành phố biển, Hải Phòng với biết bao thắng cảnh thiên nhiên và lịch sử, khu du lịch Cát Bà – Đồ Sơn, bức tượng Bà Lê Chân uy nghi, vĩ đại, nhưng nay, đặc biệt với việc Khu tưởng niệm Vương triều Mạc xuất hiện tại đất Dương Kinh xưa – với Thanh đại long đao quý giá của Mạc Đăng Dung - thì tiềm năm du lịch của Thành phố Hoa Phượng Đỏ này chắc chắn sẽ được nâng lên một tầm cao mới!

Tham khảo: Các tài liệu do Khu tưởng niệm Vương triều Mạc cung cấp và trên Internet.

PHẠM VŨ

VẤN ĐỀ TRÁI ĐẤT, MÔI TRƯỜNG

& NGÀY TẬN THẾ

Thùy Dương

Có lẽ chưa bao giờ vấn đề Trái Đất và Môi Trường lại được cả thế giới quan tâm như hiện nay, có thể nói hơn cả các vấn đề kinh tế toàn cầu suy thoái, thảm họa hạt nhân, nạn khủng bố liều chết… Bởi tất cả những thứ đó, dù là những hiểm họa lớn lao của loài người nhưng có nghĩa gì khi mà Trái Đất của chúng ta đang có những dấu hiệu gần kề ngày tận diệt! Điều này đã được báo động ngay từ những năm cuối của thiên niên kỷ thứ 2 bước sang đầu thiên niên kỷ thứ 3. Đó đây trên khắp thế giới, các thảm họa thiên nhiên hay do con người xảy ra dồn dập khác thường, báo hiệu một ngày tận diệt không xa của Trái Đất.

Xét cho cùng thì vạn vật trong vũ trụ lớn hay nhỏ, đều không thoát khỏi tiến trình: SINH, THÀNH, HOẠI, DIỆT. Việc Trái Đất của chúng ta ở tình trạng “xuống cấp” này đang đi vào tận diệt cũng là chuyện bình thường thôi. Mà đây đâu phải lần đầu tiên. Từ nguyên thủy, trải qua nhiều triệu năm, Trái Đất đã bao lần thay da đổi thịt mà gần đây nhất là trận Atlantis (*) (khoảng 12.000 năm trước Tây Lịch) với một tổn thương khá lớn khi mà con người với nền văn minh tột đỉnh, đã vô tình tự tay dùng vũ khí tối tân của mình làm nổ tung cả một châu lục lớn thành những hòn đảo lớn nhỏ để rồi chìm sâu dưới đáy Đại Tây Dương! Âu cũng là “vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản”, “thái cực bĩ lai, bĩ cực thái lai”, cái quy luật chung của Tạo Hóa không sao tránh khỏi.

Còn sắp tới thì sao? Nền văn minh của nhân loại đã lên tới tột đỉnh chưa? Nhưng sự xuống cấp thì đã thấy rõ ở nhiều mặt: hạ tầng cơ sở thiên nhiên, rồi đạo đức con người… Các nhà tiên tri lớn trên thế giới như Nostradamus, Edgar Cayce đã dự đoán từ lâu một ngày tận thế không xa. Các tôn giáo như Thiên Chúa Giáo, Cơ Đốc Giáo cũng gọi đó là “Ngày phán xét cuối cùng của Thượng Đế”. Đạo Phật thì từ lâu vẫn đang chuẩn bị chào đón một Hội Long Hoa với Đức Di Lặc hạ sanh tái thế. Người hiền được cứu vớt, kẻ ác bị thanh lọc. Trong dân gian thì các nhà ẩn sĩ cũng đưa ra những lời sấm khá mơ hồ. Người ta bảo nhau “tu mau kẻo trễ”. Có điều là tất cả những lời tiên tri Đông Tây ấy, tuy đều dự đoán một ngày Tận Thế vào khoảng cuối TK 20 sang đầu TK 21, nhưng chưa một ai dám khẳng định chính xác vào thời điểm nào. Nay chúng ta đã ở vào đầu TK 21, qua 12 năm rồi mà ngày Tận Thế vẫn chưa xảy ra. Nhưng biết đâu nó chẳng đang diễn ra từ từ rồi đấy, qua các thảm họa dồn dập khắp nơi. Rồi nhiệt độ trái đất tăng dần rõ rệt và những tảng băng ở Nam Bắc Cực đang lở dần trôi lềnh bềnh trên đại dương, rồi nó sẽ chỉ còn dính toòng teng như những mảng đá trong tủ lạnh khi ta bấm nút xả đá, rồi một phút nào đó nó sẽ rớt đánh oàng một cái, đưa mực nước biển dâng lên thành Đại Hồng Thủy! Ấy là chưa kể đến những nguyên nhân chủ động khác như chiến tranh hạt nhân, chiến tranh sắc tộc….

Liệu có cứu vãn được không ? Từ nhiều năm nay cả thế giới đang nỗ lực bảo vệ Trái Đất bằng mọi cách để ít nhất cũng đẩy xa ngày Tận Thế lâu được chừng nào hay chừng nấy. Thế giới đã có ngày Môi Trường 6 tháng 5 và giờ Trái Đất từ 20 đến 21 giờ cùng ngày.

Còn ở nước ta thì sao?

Như ta đã biết từ hàng chục năm nay, Nhà Nước ta đã đưa vấn đề Trái Đất và Môi Trường lên một trong những vấn đề hàng đầu. Để giáo dục ý thức Bảo Vệ Môi Trường cho mọi lứa tuổi, từ mẫu giáo cho đến học sinh và người lớn, các vấn đề Môi Trường đã được thường xuyên đưa vào các phương tiện truyền thông đại chúng như Báo, Đài, học đường v.v… Việc xả nước thải chưa được xử lý của các nhà máy được xử phạt nghiêm ngặt. Việc sản xuất bao nylon được giới hạn, thay thế bằng những bao tự hủy. Việc trồng rừng được khuyến khích và việc bảo vệ rừng chống lại bọn lâm tặc được đề cao. Ngoài ra người ta còn tổ chức các cuộc thi vẽ tranh về đề tài Bảo Vệ Môi Trường, xây dựng “ngôi nhà xanh” cho các em học sinh nhỏ và cả các bé ở tuổi Mẫu Giáo. Tôi thật yêu thích và khâm phục các bức tranh ngây thơ trong sáng nhưng rất sinh động của các em bé nói lên niềm khao khát một ngôi nhà xanh sạch đẹp để các em sẽ làm cho nó ngày càng đẹp hơn. Tôi cũng còn nhớ vào đầu năm 2000, Hội Âm Nhạc Việt Nam có phát động một cuộc thi Sáng Tác Ca Khúc Bảo Vệ Môi Trường với quy mô toàn quốc. Tuy không trúng được giải nào nhưng tôi cũng rất vui vì được tặng một tuyển tập những bài hát trúng giải kèm theo một cuốn băng cassette về những bài hát ấy để xem và nghe một mình và có thêm một dịp để tự đánh giá khả năng của mình. Nhưng không hiểu sao những bài hát ấy lại không được phổ biến rộng rãi trên Truyền Hình để mọi người dân cùng được nghe và cùng hát? Bên cạnh đó, nạn ô nhiễm môi trường tuy có giảm, nhưng nạn lâm tặc phá rừng thì hầu như ngày càng phổ biến hơn, thậm chí nhiều khi bọn lâm tặc còn uy hiếp hành hung cả các Cán Bộ Kiểm Lâm. Tệ hại hơn là nghe nói đôi khi Cán Bộ Kiểm Lâm địa phương còn tiếp tay cho lâm tặc vì bị chúng mua chuộc! Ôi, thật đau xót khi nghĩ đến để có được một khu rừng xanh tốt làm bờ bao kiên cố chống lại thảm họa lũ lụt, có khi phải mất đến nửa thế kỷ hay hơn. Thế mà bọn người vô lương tâm kia đã vì mối lợi cá nhân nhỏ nhoi mà đang tâm phá hoại trong chốc lát!

Trở lại câu hỏi đã nêu trên: “Liệu có cứu vãn được không?” Nếu là vấn để của cá nhân, dù cho mối họa lớn đến đâu, cũng có câu trả lời: “Đức năng thắng số”. Nhưng đây Tận Thế là vấn đề của cả một cộng đồng lớn: Nhân loại. Thiết nghĩ câu: “Đức năng thắng số” vẫn có thể thực hiện được. Nếu như loài người biết đoàn kết thương yêu lẫn nhau đồng lòng đồng chí tháo gỡ những khó khăn, cùng chung tay chống đỡ xây dựng ngôi nhà chung thì chắc chắn nó sẽ còn tồn tại lâu dài hơn. “Của bền tại người”. Còn ngược lại nếu ai cũng ích kỷ, vô trách nhiệm, chỉ nghĩ đến những mối lợi cho mình, hiềm khích, tranh chấp, oán thù …, thật dễ hiểu điều gì sẽ xảy ra. Có lẽ vì thế các nhà tiên tri lớn cũng không ai khẳng định được chính xác ngày Tận Thế, bởi nó còn tùy thuộc vào nhiều điều kiện, nhiều yếu tố mà chủ yếu và quyết định là LÒNG NGƯỜI.

THÙY DƯƠNG

(*) Nhiều người cho rằng truyền thuyết Atlantis chỉ là huyền thoại. Nhưng các nhà địa chất học đã chứng minh cho tới nay những di tích từ những hòn đảo hay mảnh vỡ của Atlantis vẫn còn tiếp tục nổi lên trong vùng Đại Tây Dương.

Nhân dịp mùa lũ lụt đang lăm le ập tới những cơn bão số 3, số 4, số 5… như thường lệ từ nay đến cuối năm, gây đau thương thảm họa cho đồng bào ruột thịt miền Trung và các vùng sâu vùng xa, xin gửi đến Quý độc giả cùng đồng bào cả nước bài hát “Rừng Là Lá Chắn” còn non nớt của tôi (bài hát rớt giải) nhưng đầy nhiệt tình tha thiết mong đóng góp một chút nhỏ nhoi cho công cuộc Bảo Vệ Môi Trường của đất nước và toàn dân.


CÂU LẠC BỘ

SÁCH XƯA & NAY

(Kỷ niệm 6 năm ngày thành lập)

Câu lạc bộ Sách Xưa – Nay

Đem bao cái đẹp, cái hay ở đời

Như bông hoa của đất trời

Hương thơm lan tỏa mọi người hưởng chung

LÊ MINH CHỬ


Lời của HOA

Hoa dạy ta về tình yêu trong trắng

Biết đợi chờ, tiến hóa bởi thời gian

Càng chóng thắm thì lại mau tàn

Hãy từ nụ, nở hoa rồi kết trái.


Hoa dạy ta về tình yêu quảng đại

Tỏa hết hương không giữ lại cho mình

Vì hiểu rồi ý nghĩa hy sinh

Chẳng bao giờ giận hờn, ghen tỵ.


Đời ngắn ngủi nhưng không vô vị

Đã là hoa thì đều nở hết mình

Làm đẹp cho đời, rồi lặng lẽ hy sinh

Và tất cả sẽ đi vào quên lãng.


Xin hãy thắp ngọn lửa yêu tươi sáng

Của hồn ta và hồn của muôn người

Ôi tình yêu là tột đỉnh tuyệt vời

Vì tình yêu còn mạnh hơn cái chết.

LÊ MINH CHỬ


Vào


Họa bài Vào Hè của nhà thơ Thùy Dương

Nhìn hoa phượng đỏ thắm ngày hè

Cơn nắng thiêu người, rên tiếng ve

Con chó xù lông, thè tấc lưỡi

Đàn gà bới lá, núp tàn tre

Cụ bà lau trán, than oi bức

Ông lão mở khuy, quạt xập xòe

Mùa nóng năm nay tăng quá độ

Mệt người thị tứ lẫn thôn quê

THANH CHÂU

01.6.2012



             ĐỒ CỔ


Một chiếc bình con ở bảo tàng

Ngồi trong tủ kính thật là sang

Nắp hoen men rỗ dăm ba chỗ

Quai sết sợi bung sáu bảy hàng

Các cụ nhìn qua khen đáo để

Vài O liếc lại chuyện bình thường

Cho hay vật cổ vô phương luận

Thôi để nằm yên trong tủ gương

TRẦN VĂN HỮU




Lời ru SỎI ĐÁ


Người về trong bóng hoàng hôn

Thu – yên man mác – ngõ hồn lâng lâng

Lời yêu ngào nghẹn bao lần

Rêu xanh ấp ủ – chỉ ngần ấy sao?

Chạnh buồn gió lạ xôn xao

Lời ru sỏi đá dạt dào mong manh

Tiếng ca biền biệt âm thanh

Nét mi hạ giới – trời xanh nhuốm sầu


Nai vàng lạc nẻo rừng sâu

Thềm rêu nắng úa phủ màu chân như

Ngẩn ngơ thầm hỏi thực hư

Về đâu giấc mộng thiên thư nhạt nhòa


Tình thơ lay động lá hoa

Ngàn mây thao thức đậm đà

duyên xưa

Lắng nghe dĩ vãng đong đưa

Nơi xa hun hút mộng chưa cạn lời


     Còn dư vang cũ tuyệt vời

     Người không trở lại – cõi đời buồn tênh

NGÀN PHƯƠNG

 

Chỉ ước mong ANH

Tặng anh Vũ Đình Quang

Đêm thu thăm thẳm ánh sao mờ

Tiếng dế xa vời gió thoảng đưa

Thao thức, băn khoăn, lòng bứt rứt

Anh giờ không biết ngủ hay chưa?


Em biết anh nhiều nỗi xót đau

Đắng cay hằn vết trán in sâu

Trắng đêm em thức không hề ngại

Chỉ ước mong anh vợi nỗi sầu


Bão đã tan, mưa đã tạnh rồi

Trời xanh rộng đẹp lắm anh ơi!

Đường dài gai góc không ngăn được

Bước của ta đi dựng cuộc đời

27.9.1962

VŨ ĐÌNH HUY

CRAVING ONLY FOR YOU

The unfathomably autumnal night with blurred starlight

The far away cricket chirping, flashingly carried by the wind

Restless, anxious, with an uneasy mind

I’m asking myself whether you already sleep or not yet?


I do know that you’re having a great deal of sufferings

Bitterness has left deep traces on your forehead

Without any worry I can stay up all night long

Only hoping that your melancholy might be relieved.


The storm is over, the rain has stopped

So wide and beautiful is the blue sky, oh my dear!

The long and thorny way simply cannot hamper

Our footsteps on our way to build a brighter life.

27.9.1962

VŨ ĐÌNH HUY

Translated by VŨ ANH TUẤN


TỪ TU THIỀN ĐẾN TU PHẬT (tt)

CÔNG ÁN THỨ HAI MƯƠI BA

KHÔNG NGHĨ THIỆN ÁC

*Công Án:

Lục Tổ bị Thượng Tọa Huệ Minh đuổi theo đến núi Đại Diễu Lĩnh, Tổ thấy Huệ Minh đến, liền quẳng Y Bát trên tảng đá mà nói:

- Áo này vốn để làm tin, há tranh đoạt được ư? Ông cứ việc lấy đi.

Huệ Minh toan lấy áo lên, thấy nặng trịch như núi, tần ngần run sợ nói:

- Tôi đến cầu Pháp, chẳng phải vì áo. Xin hành giả khai thị cho.

Tổ nói:

- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác. Ngay lúc ấy thì mặt mũi xưa nay của Thượng Toạ Huệ Minh là gì?

Huệ Minh liền ngộ, khắp mình đẵm mồ hôi, khóc lóc sụp lạy nói:

- Ngoài mật ý, mật ngữ đó ra, Ngài còn truyền thọ ý chỉ gì nữa chăng?

Tổ nói:

- Điều tôi nói với ông đây không có chi là mật. Nếu ông tự quay nhìn mặt mũi chính mình, thì bí mật chính là ở phía bên ông.

Huệ Minh thưa :

- Tôi tuy ở trong Tăng chúng học Ngài Hoàng Mai thực chưa từng xét kỹ mặt mũi mình. Nay đội ơn ngài trỏ cho lối vào, như người uống nước, nóng lạnh tự hay. Giờ đây Ngài là thầy tôi vậy.

Tổ nói:

- Nếu được như thế, tất tôi cùng ông đều là học trò của Hoàng Mai. Nên tự giữ gìn cho khéo.

Lời giải:

Do không biết tu là gì? Tu để làm gì? Chỉ biết rằng nếu được truyền Y Bát là cả một vinh dự lớn, vì thay mặt Tổ, cầm nắm Chánh Pháp, dạy dỗ cả ngàn tăng chúng, uy tín lẫy lừng, nên khi nghe tin Y Bát đã được Lục Tổ mang đi, thì cả mấy trăm người còn lại trong Chùa rần rần kéo nhau đi tìm để tranh đoạt! Cho đến khi dở không lên, mới biết rằng Y Bát không phải là vật tầm thường có thể tranh dành, Huệ Minh hoảng sợ mới xin được nghe pháp!

Dù Huệ Minh đã chạy đến rượt đuổi Lục Tổ với đầy đủ tà tâm, ác ý, nhưng Phật Pháp và người tu Phật bao giờ cũng bao dung, "Sông mê quay đầu là bờ". Sám hối là hết tội. Nên Lục Tổ cũng sẵn sàng giảng cho nghe.

Trước khi giảng, Ngài bảo: "Ông đã vì Pháp mà đến đây thì khá dứt hết trần duyên, chớ sanh một niệm tưởng. Tôi sẽ nói rõ Phật Pháp cho Ông nghe".

Đó là căn bản tất yếu để học hỏi. Vì có nghe với cái Tâm thanh tịnh thì mới có thể tiếp thu tốt điều người giảng đang nói. Nếu Huệ Minh muốn nghe pháp. Nhưng nghe với cái Tâm cầu mong chứng đắc, đầy lao xao, động dậy chắc cũng không thể hiểu được gì! Và chúng ta cũng chỉ nên nghe pháp với cái Tâm như thế mới mong được lợi lạc.

Tổ nói cho Huệ Minh : "Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, chính trong lúc ấy là tỏ cái bản lai diện mục của Thượng Toạ vậy".

Cái Bản Lai Diện Mục hay cái Chân Tánh của mỗi người vốn như như, không động. Như gương soi khắp, chiếu khắp mà không phân biệt để yêu, ghét riêng tư hoặc giận hờn bực tức vì những hình ảnh không vừa ý soi vào. Đó là cái mà mỗi người tu đều phải cố gắng để trở về. Công năng đó gọi đó là tu hành. Phải làm các Hạnh Xả, Thí, Lục Độ, Bát Chánh Đạo, những phẩm trợ đạo v.v.. lại phải Thiền Định, Quán Soi, Tư Duy, để tìm cho được cái Lý đúng, sau đó áp dụng phần Lý này vào cuộc sống cho phù hợp với mục đích mà mình đang muốn đạt tới.

Sở dĩ người tu loay hoay làm đủ thứ mà không thành công là vì không rõ mục đích của Đạo Phật, và chưa có cái Phát Tâm chân chính. Thật vậy, quan sát cái Ngồi Thiền của Đức Thích Ca và của những người thời sau này ta thấy ra rõ ràng. Dù cũng là Ngồi khoanh tay, xếp chân, mắt lim dim... tại sao Đức Thích Ca ngồi có 49 ngày đêm mà đắc Đạo, còn người nay ngồi hoài không đắc? Nếu cho rằng do ngồi liên tục 49 ngày đêm mới đắc đạo thì chư Tổ về sau có người nào ngồi lâu như thế. Thậm chí Ngũ Tổ và Lục Tổ còn không dạy về Thiền! Lục Tổ cũng chỉ chẻ củi, giả gạo, đâu có thì giờ để Ngồi mà cũng đắc đạo?!

Do đó, trước khi Thiền thì chúng ta cần hiểu rằng Thiền chỉ là phương tiện để Đức Thích Ca tập trung tư tưởng mà tìm ra thủ phạm đã xây ngôi nhà Sinh Tử. Ngài có đối tượng để tìm, nên khi gặp thì biết là mình đã thành công. Người ngày nay ngồi khơi khơi, chẳng biết để làm gì? Không biết rằng dù cái Thân không còn hoạt động vì bị trói lại đó, nhưng cái Tâm chạy nhảy khắp nơi. Chính vì thế mà buông ra thì đâu lại vào đó. Hoặc có người bị hôn trầm. Ngồi vào là ngủ. Đó là ngủ ngồi, đâu có phải Thiền Định? Đâu có phải nhập định? Do đó, người chưa biết rõ về Thiền, chưa đắc Thiền mà cứ ham làm Thầy rồi mở ra dạy người khác Thiền, coi chừng người học bị tẩu hoả nhập ma thì tội cho họ, mà mình sẽ lãnh nghiệp không hay!

Mục đích THIỀN của Đức Thích Ca đã đạt được, là đã Thấy được cái CHÂN TÂM, sau đó Ngài mới lập ra phương tiện để hướng dẫn cho đệ tử. Muốn Thiền được thành công, người tu phải có người đã chứng đắc hướng dẫn. Thêm vào đó là phải hành rất nhiều phương tiện của Đạo để hỗ trợ. Bao giờ đầy đủ thì cũng sẽ thấy được cái CHÂN TÁNH, hay CHÂN TÂM. Do đó, người mới vào tu không thể áp dụng ngay câu: "Không nghĩ Thiện, không nghĩ ác" để rồi khi hiểu được ý nghĩa của câu này, tưởng đó là Thấy Tánh!

Ta nên nhớ rằng: Chư Tổ hay người đi trước chỉ nêu ra cái căn bản về tính chất của cái Chân Tánh cho người sau nắm lấy, để theo hướng đó mà tìm thì với sự cố gắng, kiên trì, chắc chắn sẽ gặp được. Đó là kết quả của bao nhiêu chuỗi việc: Soi, Quán, Tư Duy, thực hành. Không phải để chúng ta hiểu cái ý đó rồi tưởng mình đã đạt được!

Huệ Minh đã nhờ lục Tổ nhắc để "Quay vào trong" mà tìm, vì mật ẩn đó bên trong mỗi người. Được Đạo hay không là ở công phu thanh lọc cái Tâm của mình. Y, BÁT là hình tướng dành cho người bên ngoài hướng về. Người tu chân chính phải là người không màng danh, lợi. Chỉ lo tu sửa cho bản thân. Khi đã hiểu Phật pháp, thì việc giảng nói cho người sau là trách nhiệm, để làm cho ánh sáng Phật Pháp được lan tỏa. Không phải để được danh, lợi, hay hơn thua, cao thấp. Người mới vào tu hành, việc của Mình còn lo chưa xong mà nghĩ đến việc độ cho bá tánh làm chi? Do đó, cái khởi ý tưởng tranh dành là do cái Vọng Tâm điều khiển. Nếu không dẹp bỏ thì làm sao về được với cái Chân Tâm?!

CÔNG ÁN THỨ HAI MƯƠI BỐN

LÌA KHỎI NÓI NĂNG

*Công Án:

Một ông Tăng hỏi Ngài Phong Huyệt

- Nói hay im lặng đều là vặt vãnh, làm sao khỏi vướng mắc?

Sư đáp:

- Giang Nam nhớ mãi ngày xuân ấm.

Hoa lừng trong chốn chá cô kêu.

Lời giải:

Hỏi đông, đáp tây! Nếu cứ đáp như thế thà đừng hỏi, đừng đáp còn hơn!

Đây thường là lối tiếp cơ của những vị tự xưng là Thiền Sư thời đó. Cũng vì thế mà số đệ tử đắc pháp quá hiếm hoi cho đến đi vào tiêu diệt của môn phái! Cứ tự do Tham, tự do nghĩ. Không hướng dẫn. Không chỉ vẽ. Không nêu được lẽ đúng, sai!

Tổ Đạt Ma dạy: “Nếu tự mình sáng tỏ được thì chẳng cần học, khác với kẻ mê trắng đen không phân rõ lại lếu láo tuyên lời Phật dạy, báng Phật, chê Pháp”. Càng bí truyền càng chóng bị thất truyền! Chẳng hiểu do Thầy ích kỷ hay trong đó cũng có nhiều Thầy dốt, vì họ không mở miệng ai biết là họ biết hay không?!

Học trò hỏi cách để áp dụng Phật Pháp. Thầy trả lời bằng hai câu thơ thuộc về thế gian pháp! Phải chi Thầy cũng nhớ Pháp Phật như "nhớ ngày xuân ấm, và tiếng chá cô kêu ở Giang Nam" có lẽ hay biết mấy! Lục Tổ dạy trong Pháp Bảo Đàn Kinh: “Nếu chẳng biết cái ý chỉ của Phật Pháp, tự mình lầm còn khá, sợ e lại khuyên dạy người khác”. Các Thiền Sư hình như không có đọc Kinh nên chẳng chút để ý tới lời nhắc nhở của Tổ!. Cũng không trách được về sau con cháu không còn đường để nối truyền tông chỉ. Không rõ những người kế thừa thời nay có kịp nhìn lại để chân chỉnh hay không?!

CÔNG ÁN THỨ HAI MƯƠI LĂM

TOÀ THỨ BA NÓI PHÁP

*Công Án:

Hòa Thượng Ngưỡng Sơn nằm mơ thấy đến chỗ Phật Di Lặc, ngồi toà thứ ba. Có một tôn giả bạch chùy thưa :

- Hôm nay đến phiên toà thứ ba thuyết pháp.

Sư liền đứng dậy bạch chùy nói :

- Pháp Ma Ha Diễn rời bốn câu lý luận, dứt hết trăm cách phủ nhận. Nghe cho kỹ.

Lời giải:

Chưa kịp giảng pháp, nằm mơ mới nói được cái đề đã đem ra làm Công Án ắt để người khác bàn sao thì bàn!

Đã đành Pháp Đại Thừa không phải là "Tứ Cú, Bách Phi", nhưng người học đạo ít ra cũng phải biết nghĩa của Tứ cú: "Có, Không, vừa có, vừa không. Không phải Có, không phải Không ? là như thế nào? Áp dụng vào đâu ? Phủ định tất cả là như thế nào? Tại sao cho rằng Phật thuyết để rồi phủ định, làm cho người nghe sinh đoạn kiến, cho rằng nếu thế thà không cần thuyết còn hơn.

Các Thiền sư vẫn thích lối tu tắt. Cho rằng pháp môn của mình là “Đốn Giáo”, nghĩ rằng mình sẽ dắt người sau đi nhanh hơn các môn phái khác! Tiếc rằng bản thân họ vì chưa thấu hiểu Phật Pháp nên không có phương tiện, làm người nghe không thể nào theo đó mà hành trì để vào đạo được. Hơn nữa, TU là SỬA, Tu đâu phải chỉ Nghe và Hiểu Pháp?

Phật Pháp là Pháp Giải Thoát. Nhưng để Giải Thoát trước phải thấy điều gì ràng buộc, rồi phải dùng Phương Tiện của Đạo mà tháo gỡ. Kinh còn dạy rõ phải Thiền như thế nào, Quán như thế nào? Quán những gì để có thể trừ được Vô Minh, hoá giải những buộc ràng. Phật đâu có nói xong là phủ nhận ngay như Ngài Nguyệt Khê đã luận?!

Kết luận: Phật Pháp tuy Không rời, nhưng cũng không dính các Pháp. Không khẳng định mà cũng không phủ định, mà là để hành, để áp dụng. Hành cho được, xong rồi mới Xả. Không phải để lý luận, để hiểu, để nói!

Tâm Nguyện

(còn tiếp)

                Nhớ về

TRƯỜNG VÕ TÁNH NHA TRANG

Trong thời học sinh, chúng ta hầu như không ai không thuộc bài hát “Trường Làng tôi” của nhạc sĩ Phạm Trọng (trước đây ghi tên Phạm Trọng, sau năm 1975 mới ghi tên đầy đủ Phạm Trọng Cầu) sau đây:

Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh

Muôn chim hót vang lên êm đềm

Lên trường tôi con đê bé xinh xinh

Len qua đám cây xanh nhẹ lướt.

Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ

Che trên miếng sân vuông mơ màng

Trường làng tôi không giây phút tôi quên

Dù cách xa muôn trùng người ơi…

Từ đó, lòng tôi nao nao nhớ về những ngôi trường với biết bao kỷ niệm tại Nha Trang…

Trường Nam Tiểu học Nha Trang

Khi gia đình thân phụ tôi về sống tại Nha Trang năm 1956, tôi đã học dở dang lớp Nhất trường Quang Trung Hà Nội nên thân phụ xin cho tôi vào học lớp Nhất H trường Nam Tiểu học (tôi nhớ thầy tôi tên là Nguyễn Địch Giỹ dạy lớp này) thường được gọi tắt là “Trường Nam”, nằm trên đường Hàn Thuyên. Tôi còn nhớ mãi là sân trường Nam thời ấy được tráng bằng đất sét có trộn lẫn với sỏi nhỏ. Mùa mưa, nhờ có sỏi cho nên sân trường không trơn lắm. Mùa nắng, nền đất rất cứng. Trong sân trường có hai loại cây chính là Bàng và Phượng, cây nào cũng thuộc loại cổ thụ, có lẽ đã được trồng từ bao nhiêu đời rồi. Cây to, cao lớn, tỏa bóng mát cho sân trường.

- Cây Bàng rất to và cao. Lá bàng là loại lá cây thật to và dày, khi còn trên cây thì có màu xanh lục đậm, lúc già thì chuyển sang màu vàng đậm rồi rụng xuống đất, phủ đầy sân trường. Ngoài công dụng làm “chất đốt” cho nhà nghèo, lá bàng còn thường được dùng làm miếng đệm để ngồi xuống đất cho khỏi dơ quần áo. Trái bàng to bằng cỡ hột trứng gà nhưng không tròn hẳn, khi chín thì chuyển sang màu vàng và rụng xuống, lớp “cơm” ngoài ăn rất thơm. Ăn hết lớp cơm ngoài thì đụng phải một lớp vỏ rất cứng có cạnh và hai đầu rất sắc. Để khô đến một mức nào đó, đập lớp vỏ này ra, bên trong ruột lại là một loại “hạt dẻ”, ăn rất bùi giống như hạnh nhân.

- Cây Phượng cũng rất to và cao, nhưng lá phượng thì nhỏ, chỉ cỡ lớn hơn lá me. Lá phượng chẳng có công dụng gì ngoài việc tạo “việc làm” cho học sinh thực tập “vệ sinh trường lớp”. Nhưng phượng có hoa màu đỏ, một màu đỏ tươi thắm tuyệt vời, một màu đỏ trẻ trung vui vẻ, tượng trưng xứng đáng cho tuổi học trò, cho lứa tuổi vừa lớn, lứa tuổi “ô mai”. Khi hoa phượng già đi, màu đỏ có hơi sẫm hơn, cánh hoa trở nên mỏng manh, một cơn gió nhẹ thổi qua có thể làm các cánh hoa rơi lả tả, giống như xác pháo đốt vào ngày Tết hay ngày cưới. Phượng lại còn có trái, trái phượng có hình cánh cung, dài chừng hai, ba tấc; khi già, bóc ra, bên trong có nhiều hột nằm xếp hàng theo hình cánh cung, ăn có vị chát chát, bùi bùi, ngọt ngọt.

Vì hoa này trông giống đuôi chim phượng hoàng, nên người ta gọi là hoa cây “Phượng Vĩ” (vĩ là đuôi), sau gọi gọn lại là hoa Phượng, cây này có nguồn gốc ở đảo Madagascar, thuộc địa Pháp tại Châu Phi, nên Pháp đã mang giống cây này sang trồng ở Việt Nam, để loài hoa này gắn bó với cuộc đời học trò với biết bao vui buồn lẫn lộn. Nhiều người nhầm lẫn hoa phượng và hoa Điệp, hoa cũng tương tự hoa phượng, nhưng cây điệp nhỏ hơn và vì hoa điệp nhìn giống con bướm nên được gọi là hoa “Hồ Điệp” (con bướm), sau gọi gọn lại là hoa điệp.

Phượng cũng còn có nhiệm vụ vô hình nhưng rất là thân thiết với học trò, nhiệm vụ của một cái đồng hồ báo tin mùa hè đã về. Ai đã từng đi học mà chẳng mong… Hè về! Tuy đang bù đầu vì thi cử, nhất là thi đệ nhị lục cá nguyệt hoặc thi các cấp bằng tiểu và trung học, thoạt nhìn thấy màu hoa phượng nở là người cứ rạo rực, nôn nao hẳn lên. Bận rộn hơn, nhưng nhanh nhẹn hơn, vui vẻ hơn… Bên cạnh các bài thi là những tập “lưu bút ngày xanh” chuyền tay nhau, viết cho nhau… Rộn ràng, náo nhiệt… Rồi ngày chia tay về nghỉ hè đến, hoa phượng nở đỏ rực sân trường.

Cuối năm học ở trường Nam, tôi được lãnh phần thưởng danh dự là một cuốn “Việt Nam Tân Từ điển” của Thanh Nghị to tướng (và một vài cuốn sách nữa), mà cho tới ngày hôm nay, tôi vẫn còn giữ được kỷ niệm đó, dù giấy cuốn Từ điển đã biến thành màu vàng ố, nhiều trang sách bị rách tơi tả cùng năm tháng từ năm 1956 tới nay…

Trường Trung học Công lập Võ Tánh.

Rồi sau đó, tôi thi đậu đệ Thất và được vào học trường Trung học Võ Tánh, đây là một ngôi trường lớn thứ hai ở Miền Trung, chỉ đứng sau trường Quốc học Huế, hơn nữa, vì là một trường có lớp đệ Nhất nên học sinh sẽ được theo học suốt từ đệ Thất đến đệ Nhất (sau khi thi đậu bằng Tú tài I), nên cũng là một niềm hãnh diện lớn lao cho chính bản thân mình và cũng là niềm vui cho gia đình. Ngôi trường này nằm trên con đường Bá Đa Lộc, cũng có hàng cây Bàng xanh lá xum xuê phía trước mặt trường và vài cây Phượng hoa đỏ thắm rải rác trong sân trường, rợp bóng mát cho học sinh trong những ngày nắng chói, nhưng so với trường Nam trước kia thì trường Võ Tánh ít cây bàng và phượng hơn nhiều. Dưới xa một chút là trường Pháp và tận cùng là khoảng trời của biển cả.

Lúc đó, ngôi trường đang xây dựng mới được nửa dãy lầu 2 tầng ở mặt trước. Thêm một nhà vệ sinh nối liền dãy trước với khu phòng học phía sau gồm 6 phòng. Đất sân trường còn rộng rãi với một sân đá bóng đầy cát trắng. Con đường trước mặt trường rợp bóng cây xanh. Trường tôi học sinh nam nữ còn học chung với nhau vì chưa có trường Nữ Trung học. Giáo sư trong trường thì Thầy nhiều hơn Cô. Đa số Thầy đi dạy bằng xe đạp, có chen vài chiếc Mobylette. Dọc theo con đường bên trái trường (nay là đường Hoàng hoa Thám) chỉ có một dãy nhà bằng fibro xi măng dành cho thầy Tổng Giám thị. Cuối dãy nhà này là một biệt thự nhỏ của thầy Hiệu trưởng. Chỉ bấy nhiêu thôi mà sao đầm ấm quá, dễ thương quá. Nam nữ học sinh đều mặc đồng phục, hiền hòa.

Tôi bùi ngùi nhớ lại tên của những vị như, thầy Lê Khắc Nguyện, Lê Nguyên Diệm (Hiệu trưởng), thầy Võ Thành Điểm, Cao Xuân Huy (Tổng Giám thị), thầy Nguyễn Khoa Phước (Giám học, có vợ dạy Sử địa), thầy Bửu Thả dạy toán hiền lành và nhỏ nhẹ, làm giáo sư Hướng dẫn lớp tôi, đệ Tam B4 (sau diễm phúc lấy được cô nữ sinh hoa khôi Cẩm Vân, chị của Kim Anh), thầy Nguyễn Đức Nhơn (dạy Việt văn), thầy Nguyễn Tri Phương (dạy Toán), Trần Thanh Lý (dạy Lý Hóa), thầy Đỗ Quang Phiệt (dạy Anh văn), thầy Trần Đức Long (Luật sư, dạy Công dân giáo dục), vv…

Vài giáo sư nổi tiếng trong trường như:

- Thầy Nguyễn Vỹ (sinh 1901) vừa làm lễ Thượng thọ Bách niên vào năm 2002, tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương, về dạy học ở Quy Nhơn, Huế, Quảng Ngãi, về làm hiệu trưởng trường Võ Tánh (1957-58) sau về làm Thanh tra Trung học (1959-60) rồi về hưu. Xin đừng ngộ nhận với nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ (1912-1971) ở Sài Gòn nổi tiếng với báo Dân Ta và tạp chí Phổ Thông.

- Thầy Thạch Trung Giả (tên thật là Trần Văn Long) dạy môn Việt văn. Nhiều người còn nhớ, một hôm đang trong giờ thầy giảng đoạn Kiều với Từ Hải… thì bất chợt một nữ sinh ngó lên bàn hàng trên, lơ đãng… Thầy Giả ngưng giảng, nhìn về phía chị và giận dữ mắng: “Chị M. sao chị ngu xuẩn thế? Làm ồn trong lúc tôi đang giảng bài, chị biên cho tôi 100 lần “tôi không ngu xuẩn làm ồn trong giờ giảng bài”… Tuần sau thầy gọi chị ấy lên trả bài và chị nộp bài phạt, thầy nhận và hỏi chị: “Tôi giận mắng chị có buồn không?”. “Thưa thầy không ạ !!!” Nhớ đến những lúc thầy bị ốm, sổ mũi, thầy không có khăn tay nên thầy lấy giấy học trò vò lại mà hỉ. Nghĩ lại hình ảnh đó mà thấy thương thầy. Các bạn ai đã học với thầy chắc cũng có một lần chứng kiến cảnh đó. Khi dạy Việt văn, thầy Thạch Trung Giả tỏa ra phong thái của một nghệ sĩ, luôn mặc quần áo và mũ cối trắng nhưng đã ngả vàng, răng có dấu nhựa thuốc lào, trà đặc. Khi thầy giảng bài, cả lớp im phăng phắc như không chỉ nghe lời thầy nói mà còn thấy được hình ảnh mà thầy muốn đề cập… Học sinh sớm bắt gặp cái hay, cái đẹp của văn thơ, thầm cám ơn thầy.

Trong khi phê điểm Việt văn cho học sinh, dường như thầy cho theo cảm tính và tùy hứng. Cùng một sách luận đề, bốn năm đứa chúng tôi chép lại đem nộp và thầy đã phê điểm khác nhau rất xa. Thật là chán khi nhìn thấy hình dáng rất “Phở” của thầy. Thầy được học sinh tặng biệt danh “Phở” vì quần áo thầy trông rất luộm thuộm và bạc màu. Học Văn với thầy, học sinh phải đọc thêm sách báo mới đủ trình độ tiếp thu bài giảng của thầy, phải biết đặt câu hỏi mới lạ để thầy giải thích hầu mở rộng kiến thức. Trong cổ văn Việt Nam, các tác giả hầu hết đều học rộng, hiểu biết sâu sắc về Phật, Khổng, Lão nên các tác phẩm cũng bàng bạc tư tưởng cao siêu đó. Và đấy cũng là sở trường của thầy Thạch Trung Giả. Đôi lúc nhìn thầy giảng bài với đôi mắt lim dim, xuất thần như một đạo sĩ. Với đôi mắt và tâm hồn thoát tục đó, tôi nghĩ chắc rằng thầy không nhớ nổi 10 đứa học trò trong hàng ngàn đứa đã học với thầy. Nữ sinh Nguyễn Thị Hoàng đã từng làm một bài luận văn dài 20 trang giấy lớn, được thầy chấm 20/20 điểm và đem vào đọc và bình cho cả lớp nghe.

Vào một buổi chiều cuối năm, những buổi như vậy học sinh thường rất lười vì thích đi chợ Tết Nha Trang (thường họp từ bùng binh đầu đường Độc Lập, tiếp nối đường Phan Bội Châu đến Chợ Đầm), lớp học vẫn đông đủ học sinh trong giờ Việt văn của thầy. Thầy diện một bộ quần áo mới, veston bên ngoài, trông thầy ra dáng một trung niên đạo sĩ lắm. Thầy say sưa giảng về Tản Đà với giấc mộng lớn, giấc mộng con. Cả lớp say mê theo dõi, lớp học im phăng phắc. Học sinh như những tín đồ ngoan đạo đang uống từng lời của thầy và thầy đang xuất thần như một thiền sư hay đạo sĩ trong lời giảng trầm trầm. Bỗng một tiếng “Phở” thật to rao lên ngoài đường vang dội vào lớp học, cả lớp bật cười. Thầy tỉnh mộng cũng cười theo. Tiếng cười chưa dứt lời, thầy chêm thêm một câu:

- Tôi như thế này mà “Phở” à! Các anh cứ!!!...

Rồi thầy lại cười, cười chảy nước mắt. Từ đó mọi người biết rằng biệt danh Phở đã đến tai thầy và thầy đã thay đổi y phục tươm tất hơn trước…

Nhiều người cho biết là cứ đến mùa hè là thầy Giả lên chùa Vào Hạ (một khóa học của các tu sĩ), tham thiền với các vị sư và trong thời gian sau năm 1975, thầy Giả thường hay lên chùa và thầy đã mất tại chùa, vì hoàn cảnh khó khăn, chùa quá nghèo nên không có tiền mua hòm nên các vị sư chỉ còn cách quấn chiếu và tìm ván cũ đóng lại chôn thầy…

Học sinh trường Võ Tánh Nha Trang cảm thương thầy quá. Thầy ơi! Thầy ơi!

Thầy Bửu Cân:

Môn chính của thầy là Vạn vật, nhưng thầy có dạy cả Sử Địa và Công dân Giáo dục nữa. Học trò của thầy thuộc lớp tiền bối là cỡ các học giả Hoàng Xuân Hãn, Thái Văn Kiểm, thẩm phán Trần Thúc Linh… Chúng tôi kính thầy như cha! Mà có lẽ thầy cũng coi chúng tôi như con! Lúc còn học thầy, chúng tôi rất sợ thầy, nhưng vì tuổi còn nhỏ nên nhiều lúc chúng tôi đã… rất phiền thầy! Chúng tôi thấy thầy nghiêm khắc quá, khó tính quá, gay gắt quá, đôi lúc gàn dở và tàn nhẫn quá… Cùng với tuổi đời, cùng với kinh nghiệm thực tế, chúng tôi thật là đã hiểu được thầy.

Tiểu sử sơ lược của thầy Bửu Cân:

- Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm năm 1923, thầy là sinh viên trẻ nhất (21 tuổi) của khóa Sư phạm đầu tiên mở tại Hà Nội.

- Giáo sư Toán Lý Hóa College Vinh, trung học Khải Định. Di tản ra Thanh Hóa, dạy trường Đào Duy Từ, về trường Võ Tánh Nha Trang từ năm 1952 cho đến ngày hưu trí.

- Tận tụy với thiên chức nhà giáo, thầy thành lập và làm hiệu trưởng trường trung học tư thục Đăng Khoa Nha Trang trong một thời gian ngắn. Ngoài một số sách giáo khoa, thầy đã viết: - Hán Việt Thành ngữ - Lễ Mệnh Tiếu – Những người hay – Vi Trùng học – Ông Pasteur, nhà bác học…

Theo trí nhớ của riêng tôi và một vài bạn khác thì thầy có nhiều kỷ niệm như sau:

- Thầy vẽ hình Vạn vật và viết chữ rất đẹp. Đứng trên bảng đen trong lớp, thầy quay mặt nhìn học trò, chỉ hơi nghiêng người một chút mà tay phải thầy cầm phấn vẽ và viết lên bảng rất đẹp, rất đều và rất ngay hàng thẳng lối.

- Thầy hay nói chuyện đời hay kể chuyện vui để cho không khí học đỡ buồn ngủ. Một hôm thầy hỏi “Tối nay có bài phải học mà lại có một phim xi nê rất hay còn chiếu bữa chót, nên ở nhà học bài hay nên đi coi xi nê?”. Các anh nghĩ coi, ở cái tuổi học trò ngày đó, có đứa nào dám trả lời là không ở nhà học bài! Nhiều đứa trong đám chúng tôi nhao nhao lên “Thưa thầy con ở nhà học bài!” cứ làm như mình ngoan lắm. Thầy mỉm cười, phán ngay “Tụi bay ngu lắm, bài thì lúc nào học chả được, phim hay biết đến bao giờ mới chiếu lại!”

- Một hôm thi lục cá nguyệt, lúc bước vào lớp thầy đưa tay kéo cánh cửa lớp học nằm ở vị trí xéo cỡ 45 độ, mà chúng tôi không đứa nào để ý. Thầy mang theo một tờ báo hàng ngày. Sau khi ra đề thi xong, thầy ngồi tại bàn, lúc thì quay ghế nhìn ra cửa lớp, lúc thì mở rộng tờ báo để đọc. Tuyệt nhiên thầy không hề nhìn xuống đám học trò. Một lúc, thầy bước xuống, tới ngay chỗ một em đang giở sách dấu dưới bàn để “quay cóp”. Thầy lôi cuốn sách ra, để ngay lên bàn và bảo người học trò “Tau cho mi để trên bàn mà chép. Tau không muốn mi ngày sau trở thành một thằng ăn cắp”. Mãi sau này chúng tôi mới khám phá ra là trên tờ báo thầy giả vờ đọc, thầy đã khoét sẵn một lỗ nhỏ, qua đó thầy nhìn xuống đám học trò. Hoặc khi nhìn ra cửa, cánh cửa kính ở vị trí 45 độ phản chiếu toàn bộ đám học trò trong lớp học vào con mắt của thầy.

- Thầy thường giảng cho họ trò nghe về “cái học trong trường” và “cái sống ngoài đời” khác nhau thế nào: Thầy bảo “Tụi bây muốn được nhiều điểm, tao cho nhiều! Tụi bây ưng phê học bạ tốt, tao phê cho! Nhưng sau này ra ngoài đời những thứ này sẽ không giúp được gì cho tụi bay đâu. Tụi bây muốn thành công, phải sống “không tranh giành, không nịnh bợ, không gian xảo, không lòn cúi, không lừa đảo, phải sống cho ngay thẳng, hiên ngang, nỗ lực…”

- Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, tôi luôn luôn nhớ các buổi học với thầy, nó đã hướng tôi vào cuộc sống đạo đức và sống vui, coi cuộc đời như một trò chơi lớn chứ không như giấc mộng. Thầy đối xử bình đẳng với mọi học trò, thầy yêu thương tất cả. Thật là một lối dạy cao thượng, tôn trọng con người, giống phương pháp dạy của Đức Phật “Mỗi người hãy tự thắp đuốc mà đi”. Chúng tôi xin tri ân Thầy Bửu Cân đã dạy cho bài học chỉ gồm có 8 chữ ngắn gọn nhưng thật nhiều ngụ ý.

Nha Trang, đó là thành phố của tình yêu và chia biệt, thành phố của những mối tình hè, của những con sóng vô tình, những dấu chân bị nước cuốn đi, không để lại một vết tích nào, như thể trước đó nó không tồn tại…

Khánh Hòa - Nha Trang là nơi quy tụ nhiều hào kiệt, riêng ở lãnh vực Văn học nghệ thuật đã xuất hiện nhiều nhân tài xuất sắc:

Trường Võ Tánh của tôi xuất thân nhiều nhân tài về “toán học và văn học ”, như:

- Thầy Nguyễn Xuân Vinh (sinh năm 1930): dạy Toán đệ Nhất, lần đầu tiên học sinh có sách “Toán lớp Đệ Nhất B” sử dụng, thầy rất giỏi môn Toán cao cấp, nên về sau thầy sang Hoa Kỳ vào làm trong cơ quan Hàng không và Vũ trụ NASA, đem lại niềm vinh dự cho con người Việt Nam.

Thầy là giáo sư danh dự ngành kỹ thuật Không gian đại học Michigan, là nhà toán học, nhà khoa học Không gian xuất sắc, Tiến sĩ Toán học đại học Sorbonne, Paris. Năm 1984, thầy là người Mỹ thứ ba và là người châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian của Pháp. Thầy viết sách “Gương danh tướng”, “Theo Ánh tinh cầu” và nhất là sách “Đời Phi công” với bút danh là Toàn Phong được nhiều học sinh thích thú tìm đọc.

- Thầy Cung Giũ Nguyên: dạy Pháp văn ở trường Võ Tánh, sau làm hiệu trưởng trường bán công Lê Quý Đôn Nha Trang, đã viết nhiều tác phẩm nổi tiếng bằng Pháp văn. Hiện tại Hoa Kỳ, nhóm cựu học sinh trường Võ Tánh và Nữ Trung học mới thành lập Trung tâm Cung Giũ Nguyên (bao gồm Quỹ Học bổng giúp học sinh nghèo tỉnh Khánh Hòa – Nha Trang).

- Nguyễn Thị Hoàng, nữ sinh năm đệ Tam (1956-57) đã nổi tiếng khắp trường Võ Tánh với một bài luận văn dài 20 trang giấy lớn, được đem vào nhiều lớp để đọc cho học sinh nghe và nhất là bài thơ “Chi lạ rứa”. Chị là người có nhiều tai tiếng với một vị thầy cao niên, sau chị cũng dạy học và viết tiểu thuyết “Vòng tay Học trò” – gây xôn xao lớn cho văn nghệ miền Nam, mà nhân vật Minh, thực ra là Mai Tiến Thành chỉ học lớp đệ Tam (không phải đệ Nhất như trong sách) khá đẹp trai kiểu “Playboy”, con nhà giàu ở Ban Mê Thuột sau này về Sài Gòn anh ta viết cuốn sách “Tiếng hát Học trò” để trả lời cuốn Vòng tay Học trò. Chị Hoàng hồi đó, người nhỏ, dân Huế rặt, thân hình “bốc lửa”, nhan sắc trung bình, rất lãng mạn, có tài văn nghệ, hay mặc áo dài trắng như nữ sinh và khoác áo lông trắng. Sau về dạy ở trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt, chị Hoàng có dẫn học sinh đệ Nhất đi tham quan, khi đến nơi, chị nhảy xuống xe GMC, bị gãy một chiếc guốc, chị vứt luôn chiếc kia, và đi chân trần nên học sinh gọi chị bằng “Bà Hoàng đi chân không” thì chị rất thích. Vì lúc đó ở Đà Lạt đương chiếu cuốn phim “Nữ Bá tước chân không” (La Comtesse aux pieds nus) dường như do Ava Garner đóng. Chị thích người ta gọi bằng “Bà Hoàng” hơn là “Cô Hoàng” mà nhiều người cho rằng chị khoái liên hệ với Hoàng tộc, nên sau này lấy ông Bửu Sum (hoàng phái) – giáo sư triết Đà Lạt, nhưng lại trốn lính nên chị rất vất vả khi về Sài Gòn viết văn, bỏ nghề dạy học.

Ngoài ra, các nghệ sĩ sau đây ngày xưa cũng là học sinh trường trung học Võ Tánh:

- Dương Nghiễm Mậu, tức Phi Ích Nghiễm là một nhà văn rất tài hoa…

- Trịnh Cung (tên thật là Nguyễn Văn Liễu) là họa sĩ khá nổi tiếng, bạn thân của nhạc sĩ Trinh công Sơn.

- Nhà văn Nguyễn Mộng Giác

- Nhà thơ Hoàng Hướng Trang

- Nhà thơ Cao Hoàng Nhân (Bùi Cao Hoàng)…

Thế là, khi lên trung học, cuộc đời tôi cùng tuổi học trò gắn liền với trường trung học Võ Tánh Nha Trang. Tôi học hết trung học tại ngôi trường này. Cũng nằm trên đường Bá Đa Lộc nơi trường tôi tọa lạc, về hướng sát bờ biển là trường College Française de Nhatrang – nơi mà vài người em của tôi theo học, thời đó học sinh của hai trường Võ Tánh và trường College thường hay gây sự với nhau ỏm tỏi. Và sau lưng trường Pháp, xa xa một chút là trường trung học tư thục Bá Ninh – một trường Thiên Chúa khá nổi tiếng. Sau lưng trường tôi, xa xa là trường trung học bán công Lê Quý Đôn, gần đó là trường Nữ Trung học Nha Trang (sau đổi là trường Huyền Trân, sau năm 1975 trường Huyền Trân đổi lại là trường Thái Nguyên cùng thời với trường Võ Tánh đổi tên là trường Lý Tự Trọng).

Trong thời gian là cậu học sinh của trường Võ Tánh, nhà trường đã tổ chức cho học sinh các lớp chúng tôi đi cắm trại tại: - Khu rừng nhỏ nằm gần trường Lasan và Hòn Chồng nổi tiếng – Suối Ba Hồ với cảnh trí rất hoang dã, thơ mộng, ở Ninh Hòa và – Bờ biển Đại Lãnh, cách Nha Trang 80km nằm giữa đèo Rọ Tượng và đèo Cả, có bờ biển khá rộng, dài với bãi cát trắng mịn và ngay từ xa xưa, phong cảnh Đại Lãnh đã được vua Minh Mạng cho thợ chạm hình vào một trong Cửu Đỉnh trang trí trước sân Thế Miếu và có tên trong Từ điển quốc gia do triều Tự Đức biên soạn.

Những kỷ niệm trên sẽ hằn ghi mãi mãi trong suốt cuộc đời của chính tôi về trường trung học Võ Tánh mến yêu của tôi - với thành phố quê hương cát trắng qua bài hát “Nha Trang” của nhạc sĩ Minh Kỳ:

Nha Trang là miền quê hương cát trắng

Có những đêm nghe vọng lại, ầm ầm tiếng sóng xa đưa.

Nha Trang cánh đồng bao la bát ngát

Hương quê dân lên ngào ngạt, hòa cùng sức sống yên vui…

Còn đâu những chiều vui xưa

Còn đâu những chiều say sưa

Ngồi nơi biển buồn trông ra khơi mênh mông.

Còn đâu Tháp Bà êm mơ

Còn đâu Đá Chồng bơ vơ

Còn đâu bến Cầu Đá nên thơ

PHẠM VŨ


Phụ Bản III

Cô dâu xứ BẮC

LẤY CHỒNG XỨ NGHỆ

                       (chưa về làm dâu đã biết rành“TIẾNG NGHỆ”)

Trên chuyến tàu từ Hà Nội, tôi theo người bạn đưa cô dâu về Nghệ An, qua mấy câu chuyện hàn huyên, tôi nảy ra có ý trêu hai cô dâu nầy cho vui trên đường về quê chồng, cố thử tài tôi ngầm pha vào tiếng Nghệ Tĩnh.

Câu đầu tiên tôi đố các cô tìm một câu Kiều phù hợp với câu: “Ngong ngái có chộ mô mồ” cứ tưởng là quá khó, ai ngờ hai cô đều đồng thanh: “Trông xa nào thấy đâu nào”.

Chúng tôi trố mắt nhìn, vẫn không buông tha, tôi lại đố tiếp thêm một câu nữa để thử sự hiểu biết của hai “O” (cô) này.

Chúng tôi rất phục sự hiểu biết của hai cô, vậy xin hai cô giải mã câu thành ngữ: “Chị em du như trù một bịn” (chị em gầy như trầu cau non).

Một cô nói giọng buồn buồn: “Câu thành ngữ gợi em nhớ tới những ngày em ốm, mẹ em mất sớm, tất tật mọi chuyện đều dựa vào em gái. Rồi chiến tranh ác liệt lan đến quê nhà, em gái hy sinh, em như chết nửa thân người.

Cô kia tần ngần kể: Hôm qua em đi ăn sáng, qua hai quầy phở cạnh nhau, gặp hai chị em đon đả chào mời, em chọn quầy đông người, thế là chị quầy ít người nhìn sang văng tục. mấy khách ăn kháo nhau: “Đến nay mà vẫn còn cảnh em dâu ghen ăn tức ở”.

Từ hứng thú tôi chuyển sang thán phục bởi hai cô dâu xứ Nghệ này hiểu các từ “du” (dâu) “trù” là (trầu) “bịn” (dây) “gấy” (gái) “trấy” là (quả) thật rành rọt.

Trên quãng đường còn lại, tôi chỉ nói chuyện cho vui, có những từ miền Bắc dùng chữ khác với xứ Nghệ Tĩnh nên hiểu lầm nhau. Nếu nói về các thầy giảng dạy (người ba miền “Trung Nam Bắc” đọc chính tả cứ để Hàn Lâm Viện nhận xét “nếu có”). Kể xong cả hai cô vỗ vai chồng cười ngả cười nghiêng nhờ dựa vào thành ghế nếu không thì đã bổ “té ngã” xuống sàn tàu rồi.

Đến đây tôi cũng không bàn luận gì thêm nữa về chất Nghệ Tĩnh đậm đặc, song lại nghĩ tới những trớ trêu khác. Một số cô gái Nghệ về thăm nhà đã pha tiếng “rõ” được hỏi sao đổi thay nhanh thế? Có cô trả lời cộc lốc “Uốn lưỡi cho đỡ quê”

Lại chuyện đáng nhớ nữa, một bạn đồng hương của tôi, thời bao cấp gặp nhiều khó khăn phải gửi ba con nhỏ về cho ông bà nội nuôi hộ, các cháu lên sáu anh lần lượt đưa các cháu ra Hà Nội đi học, buồn thay, khi dẫn cháu tới lớp, cô giáo không muốn nhận đã nói: “Giọng Nghệ ảnh hưởng tới thành tích chung!?” (van nài xin lắm cô mới miễn cưỡng nhận).

Song sự việc diễn ra lại khác. Cả ba cháu đều học rất giỏi, tư cách rất hiền ngoan, cuốn hút bạn bè thích nghe tiếng Nghệ cố phấn đấu, đưa những lớp cô đảm nhận vào vị trí xuất sắc. Cô đã thốt lên trong niềm kiêu hãnh và tự hào: “Tôi được lên lương nhanh, và được cấp trên khen nhiều lần, phần lớn các lớp tôi phụ trách, đa số là học trò xứ Nghệ”.

Điều đặc biệt nữa, nhiều học giả trong nước và nước ngoài khẳng định “không sành tiếng Nghệ Tĩnh thì chưa hiểu hết cái hay của truyện Kiều”, ví như đọc câu thơ: “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” rồi giải thích: Nét ngài nở nang là lông mày nàng Thúy Vân thì rõ là hết biết. Nét ngài ở đây phương ngữ xứ Nghệ chỉ “vóc người (thân người) nở nang” (theo tướng pháp thì những người nầy thêm phúc cho chồng con).

Giải thích “ngài” là lông mày chỉ đúng với câu thơ “Râu hùm hàm én mày ngài” để tả những nét oai hùng trên khuôn mặt “Từ Hải”; từ góc độ này, tôi càng hiểu sự khát khao của các nhà nghiên cứu truyện Kiều của “Nguyễn Du” nếu họ có được bản Kiều cổ nhất ở đây hẳn chứa nhiều điều thú vị về phương ngôn xứ Nghệ “Ôi! tiếng Nghệ thú vị biết chừng nào”.


DƯƠNG QUANG MINH (Việt Báo: theo Tiền Phong)

TRẦN VĂN HỮU st.



Tôi (Hữu) xin nói rõ ở đây là chúng tôi thích tìm tòi học hỏi những câu, những chữ nào các nhà học giả giảng dạy hay, giải nghĩa rõ ràng đa số đều hiểu như nhau đó là chúng tôi học, không ai có quyền áp đặt ai, nhưng cũng cho có quyền phản biện cái gì mình không hiểu.

Trong một lớp học “có khoảng năm mươi sinh viên” đến giờ dạy văn, ông thầy giáo giảng Kiều đến đoạn “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”, ông giảng là mày của Thúy Vân giống như con Tằm!

Có một sinh viên khối A cắc cớ hỏi: “Thưa thầy ‘Nét ngài nở nang’ với ‘Râu hùm hàm én mày ngài’ của Từ Hải có khác nhau không, thưa thầy?”

Thầy im lặng một hồi rồi bảo “Ai muốn hiểu sao thì hiểu”. Thế là sinh viên nhao nhao lên tranh cãi, chia thành hai nhóm, nhưng rốt lại nhóm A giải: Từ “Nét” đứng trước chữ “Ngài”, và chữ “Nở nang” đứng sau chữ “Ngài” sau khi phân tích nhóm A giải có lý hơn nhóm A cho rằng: Nét ngài của Thúy Vân là Nét con người nở nang dáng vẻ đẹp, còn “Râu hùm hàm én mày ngài” của Từ Hải là con ngài “Bombys” (thứ bướm do con tằm hóa ra) “nở nang” hình dáng đẹp đẽ hơn (rốt lại toán A giải có lý nên sinh viên theo về nhóm A đông hơn nhóm B; nếu giải nghĩa như thầy giáo nọ, ai hiểu sao thì hiểu!!! là không có đoạn kết (đúng vậy! không ai được quyền áp đặt ai, nhưng cũng phải giải nghĩa sao cho sinh viên được hiểu thấu tình đạt lý thì họ mới phục thầy chứ.

Có buổi bình Kiều (hàng tuần truyền đi trên đài phát thanh V.N) nhiều quý vị có tên tuổi như Vương Trọng - Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Vũ Quần Phương - Bác sỹ, nhà thơ nổi tiếng có nhiều nhà văn nhà thơ hợp lại bình luận chung, và có nhiều độc giả gởi bài hỏi những câu Kiều, và góp ý nhiều câu chưa hiểu.

TRẦN VĂN HỮU

Theo dòng đời

Tác giả: Dương Lêh

1. Vì sao tôi quyết định về quê

Khi tôi dọn về ấp Cam Tân này thì cái Tổ hợp Tâm Phúc đã được thành lập cách đó nửa tháng. Nói là dọn nhà cho nó oai chứ chúng tôi có gì đâu mà dùng từ ngữ dao to búa lớn là dọn nhà. Hai vợ chồng, hai đứa con, đứa lớn sáu tuổi, đứa nhỏ vừa mới xong thôi nôi. Nơi đến của chúng tôi là gia đình ông bà ngoại của mấy đứa nhỏ.

Cả gia đình bé nhỏ của tôi trước đây ở tại Saigon chung với ba mẹ ruột của tôi và hai người em, người em trai kế tôi cũng đã có gia đình và cùng ở chung nhà, cô em út thì còn solo. Căn phố mặt tiền nằm trên một con đường sầm uất của quận Năm nếu để làm kinh doanh mua bán thì rất tốt nhưng quá chật chội với gần một chục nhân khẩu. Tôi cũng có công việc làm tại một công ty và phụ trách công việc bán hàng, tiền lương nuôi vợ con thoải mái, dù không có tích lũy dư thừa nhưng yên tâm qua ngày đoạn tháng. Rồi có lẽ vì ông trời không thương cho nên đã xui cho ông chủ tôi nhảy vô nghiệp đỏ đen, dong ruổi theo bác thằng bần, nợ nần tùm lum, ông chủ bỏ trốn, cảnh sát tịch thu hàng hóa đồ đạc, niêm phong công ty, tôi và những người làm công khác ra đường ngồi chơi xơi nước.

Sau đó, tôi lang thang đi hết chỗ này đến chỗ khác, nhưng vì thời vận đen đủi không kiếm đâu ra được việc làm. Lúc bấy giờ tôi mới biết thế nào là thất nghiệp. Người như bị nhão ra có lẽ giống như những người nghiện lên cơn đói thuốc. Có hôm, sáng thức dậy nuốt một tô mì gói, vợ con tôi thì ăn xôi bắp người ta bán trước nhà, tôi mặc quần áo đàng hoàng, đi tới đi lui. Vợ hỏi: “Huynh đi đâu mà coi bộ bảnh bao?” Lỡ trớn tôi trả lời đại: “Ối, đi lòng vòng coi có mấy thằng khùng điên nào đó mướn không”. Rồi tôi thả bộ ra đường, không giống như người ta biết bấm quẻ coi đi hướng nào cát, hướng nào hung, riêng tôi cứ nhắm nhà mấy thằng bạn cũ tương đối khá giả đến uống cà phê đấu láo, có mấy bộ kiếm hiệp Kim Dung nói đi nói lại hoài, hoặc có khi gặp bạn biết đàn gui-ta thì bảo nó rải mấy bản cổ điển nghe cho đã rồi… ngủ lúc nào không biết. Mấy người bạn thường chê cười tôi không biết chơi đàn. Cũng đúng thôi, ngay cả bài 14 trong cuốn bài tập của Carulli mà tôi tập đàn từ nhỏ đến bây giờ cũng không xong. Đến trưa, chúng tôi xoay ra làm vài xị cây lý, rồi lại rỉ rả tiếng đàn, câu hát, cho “ta lắng nghe ta…” trong làn khói thuốc. Ngay thời điểm đó, ở nhà, vợ tôi cũng đoán được tôi sẽ trở về tay trắng nên yên tâm cho con cái ăn trưa và an ủi chúng nó: “Ăn đi con, ba con hôm nay mới tìm được công ăn chứ chưa có việc làm đâu”. Đúng như vậy, vì nếu tìm được việc làm tôi đã ba chân bốn cẳng chạy về báo tin mừng cho vợ con biết.

Một buổi tối, tôi cùng vợ con đi tản bộ một vòng qua đường Nguyễn Duy Dương, đến chợ An Đông giống như những kẻ nhàn du sau bữa ăn chiều nhiều đạm và đầy chất béo. Tôi đang có một kế hoạch rất to lớn là phải tìm cho được một phương hướng kinh doanh để nuôi tất cả bốn cái máy nhai này.

Tối đó, tôi đã tìm ra chân lý. Khi các con tôi đã đi ngủ, tôi mới bật mí cho bà xã: “Vừa rồi, khi đi dạo mát, ngang qua xe bán cháo huyết, đột nhiên anh “ngộ” liền…”

Sáng hôm sau, tôi biểu diễn tay nghề thợ mộc, thu gom gỗ ván dư thừa tại các xó xỉnh trong nhà và đến chiều tối tôi đóng được ba cái bàn nho nhỏ và sáu chiếc ghế đẩu xinh xắn giống như bàn ghế ở các quán cóc trên lề đường.

Quán cháo huyết của chúng tôi bán vào buổi sáng để cho người ta ăn điểm tâm nên khách đến cũng lai rai. Thêm một lợi thế của quán chúng tôi là ở gần một bệnh viện phía bên kia đường nên những người nuôi bệnh cũng đến mua để mang về cho bệnh nhân. Tôi cũng an tâm vì mình bán cháo cho bệnh nhân nên không sợ họ bị trúng độc hay gì gì khác. Để phục vụ cho khách đúng theo kiểu cách của người Hoa trong Chợ Lớn, chúng tôi cũng có đính kèm thêm cải hũ và dầu chá quảy. Nhờ món dầu chá quẩy tôi có dịp kể cho khách đến ăn nghe sự tích của cái món bánh rất khoái khẩu này. Trước hết là cái tên gọi. Rất nhiều người Việt nam thường gọi sai là “giò cháo uẩy”.Gọi đúng theo tiếng Quảng Đông phải là “dầu chá quẩy” có nghĩa là con quỷ bị chiên trong dầu. Theo truyền thuyết ngày xưa ở bên Tàu, đời Tống có tướng tài là Nhạc Phi từng đánh bại quân Kim hơn trăm trận nhưng bị Tần Cối gièm pha hại chết. Vua Tống đời sau đó phục hồi danh dự cho Nhạc Phi, sai người đúc 2 tượng đồng, tượng trưng cho Tần Cối và vợ là Vương Thị, thường trực quì hầu trước mộ Nhạc Phi như muốn xoa dịu nỗi oan ức của Nhạc Phi ở chốn cửu tuyền. Còn người dân vì quá thương và tôn kính Nhạc Phi như một vị thần, rất căm thù vợ chồng Tần Cối, nên nghĩ ra một cách trừng phạt vợ chồng tên gian ác này bằng cách nắn hai cục bột đặt dính vào nhau rồi kéo dài ra tượng trưng cho hai hình nhân, rồi bỏ vào chảo chiên, ngụ ý quăng vợ chồng Tần Cối vào vạc dầu, không ngờ biến thành một thứ bánh chiên ngon lành lưu truyền cho tới bây giờ. Dầu chá quẩy nhúng vào cà phê sữa rồi ăn cũng ngon lắm. Ở ngoài Bắc, người ta gọi món bánh này là “quẩy” và ăn với nước mắm ngọt.

Quay lại cái gian hàng cháo huyết của tôi. Coi vậy mà cũng lây lất kéo dài được hơn một tháng. Ngày nào cũng bán hết sạch. Thu nhập cũng đủ tiền chợ cho bốn nhân khẩu nhưng có phần bổ dưỡng hơn trước, thỉnh thoảng có gà rô-ti, thịt sườn nướng… Đột nhiên, một ngày trước đó, cháo bán không hết. Mười giờ sáng mà còn dư khoảng năm, sáu tô. Vợ tôi phải dẹp hàng, để kịp chạy ra chợ mua một số vật liệu về chuẩn bị cho ngày hôm sau. Thế là hôm đó vợ chồng con cái có món cháo huyết thay thế cơm trưa. Tâm sự với anh bạn sửa xe gắn máy bên cạnh, anh cho biết đã mấy ngày nay, bệnh viện có tổ chức phát cháo miễn phí cho bệnh nhân. Thì ra vậy. Việc từ thiện của bệnh viện đã làm công cuộc kinh doanh cháo huyết của tôi bị tê liệt. Tôi không căm ghét bệnh viện, nhưng chỉ tiếc là “thời cơ” mình chưa tới.

Ăn cháo huyết trừ cơm được mấy hôm, cả gia đình nhỏ bé của tôi chịu hết nổi, tôi lên kế hoạch thay đổi phương án kinh doanh. Tối hôm đó, tôi nằm trằn trọc suy nghĩ coi sẽ làm cái gì để nuôi cái rờ-moọc đang ngáy khò khò bên cạnh. Tôi nghĩ tới, nghĩ lui, chưa tìm được cách nào để kiếm cơm, chỉ cần đủ để qua ngày, không dám nghĩ đến việc làm giàu chi cho mệt. Hồi xưa đọc Gheorghiu, ổng nói “Tất cả mọi hoàn cảnh khó khăn đều có lối thoát”. Tôi tin như vậy, rồi tôi mơ màng đi vào giấc ngủ. Nhưng cùng lúc đó tôi thấy mình đang đi trên một con đường đất, hai bên là đồng ruộng bao la, gió thổi mát rượi. Tôi không biết đang đi đâu và để làm gì, cứ tung tăng như hồi còn trẻ chưa vợ, chưa con. Đột nhiên tôi thấy đang đi vào một khu rừng núi, phía xa có tiếng thác đổ rì rầm. Tôi thong thả vẹt lau sậy, những nhánh cây rừng gie ra trước mặt, từ từ bước tới gần chỗ thác nước. Lúc đó tôi nghĩ phía sau thác nước là một hang động có vàng bạc châu báu như trong chuyện cổ tích. Thế là tôi bắt chước Quách Tỉnh trong truyện Anh hùng xạ điêu, bay qua thác nước. Cột nước mạnh mẽ đổ vào người và giữ tôi đứng lại ngay chỗ nước đang tràn xuống. Tự nhiên tôi thấy không phải nước đổ lên người tôi nữa mà là… cháo huyết, giống như đang có ai đó đứng trên cao bưng nồi cháo huyết đổ vào người tôi. Tôi hét lên và giựt mình thức dậy theo thủ tục thông thường của một người vừa gặp ác mộng. Vợ tôi cũng vừa thức giấc vỗ nhẹ vào vai tôi và gọi khe khẽ như sợ tôi hốt hoảng. Tôi dần dần hồi tỉnh, mồ hôi ra ướt cả chiếc áo thun. Tôi quay sang nói nhỏ với vợ tôi: “Hôm nay bán xong mình dẹp hàng nghỉ luôn. Anh sẽ tìm phương kế khác làm ăn. Em đừng lo!”.

***

Mấy hôm sau đó, trong khi tôi đang động não tìm một phương án kinh doanh mới, ông ba vợ tôi đột nhiên từ nhà quê đạp xe xuống thăm cháu. Ông mang theo lỉnh kỉnh vài củ khoai lang, vài củ khoai mì, vài trái xoài làm quà. Vợ tôi thu nhặt mấy món hàng nông sản này đưa xuống bếp và chuẩn bị luộc khoai cho mấy đứa nhỏ thưởng thức. Có lẽ lạ miệng, trưa hôm đó hai đứa con tôi cứ đòi ăn khoai chứ không chịu ăn cơm. Trong bữa ăn, khi biết chúng tôi vừa dẹp tiệm, ông già ngỏ ý muốn tất cả chúng tôi về quê sinh sống. Người đầu tiên vui mừng là vợ tôi vì sẽ được chung sống với cha mẹ và các chị em. Riêng tôi không biết vui hay là buồn. Nói là quê nhưng cũng không xa thành phố mấy, bằng cớ là ông già vợ đã sáu chục tuổi mà còn đạp xe đi về Saigon một cách thoải mái. Về quê thì không sợ đói. Ruộng rẫy có sẵn, gà, vịt, heo, dê, cứ ra sức chăn nuôi thì làm gì không có cái ăn. Nói chung, một cuộc sống vô cùng tự do. “Ta có làm thì ta có ăn”. Tuy nhiên tôi cũng có đôi điều nghi ngại. Từ nhỏ tới lớn sống tại thành phố, công việc nhà nông chưa hề biết qua. Cái liềm, cái cuốc chưa từng đụng tới. Nói ra thì còn bao nhiêu chuyện nhà nông mà bản thân chưa từng được ai dạy. Tuy nhiên với tinh thần của một hướng đạo sinh đã được rèn luyện từ nhỏ. Tôi thấy “không có việc chi khó, chỉ sợ lòng không bền…”, cuối cùng tôi đã nhận lời. Khi nghe tôi đồng ý về quê, vợ tôi vui mừng ra mặt. Điều đó làm tôi vô cùng hạnh phúc.

***

Dương Lêh

(còn tiếp)

WHO’S WHO

CUỐN TỪ ĐIỂN NỔI TIẾNG

VỀ NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG

PHAN QUANG

Trên thế giới có nhiều loại sách tham khảo, trong đó có những từ điển tổng hợp giới thiệu từng quốc gia về các mặt: chính thể, tổ chức kinh tế, tôn giáo, thương mại, ngoại giao, thông tin đại chúng, giao thông vận tải, vv… Một trong những từ điển được nhiều người biết loại này có lẽ là cuốn niên giám The Europa World Year Book, sắp phát hành bản in năm 1995.

Cuốn niên giám này được ấn hành bằng năm thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Nga. Sách được xếp theo thứ tự ABC theo vần chữ cái tiếng Anh, bắt đầu bằng Afghanistan đến Zimbabwe và được chia thành hai tập. Phần Việt Nam (V) ở vào gần cuối sách (Mục từ Đài Tiếng nói Việt Nam xếp vào trang 3318 bản tiếng Anh, niên giám 1995).

Từ điển này do Nhà xuất bản Europa Publications Limited, Luân Đôn (Anh) phát hành. Giá bản khá đắt: nếu đặt trước từ đầu năm (được trừ tỷ lệ %) cũng phải trả tới 610 USD.

Loại từ điển thứ hai chuyên về nhân vật. Về loại này có cuốn Dictionary of International Biography do trung tâm International Biographical Center đặt trụ sở tại Cambridge (Anh), một tổ chức thành viên của Phòng thương mại Hoa Kỳ (ở nước Anh) chủ trì việc biên tập và phát hành.

Từ điển này được tổ chức biên soạn từ năm 1960. Bản in lần thứ nhất ra đời năm 1963. Cuốn sách tập hợp khoảng 175.000 mục từ, tên những người nổi tiếng ở hầu khắp năm châu. Hiện nay nhà xuất bản đang chuẩn bị bản in thứ 24 (năm 1995), sẽ phát hành rộng rãi vào mùa thu này. Giá đặt sách, bản thường là 95 bảng Anh (khoảng 165 USD). Bản bìa đóng bằng da thật lên tới gần 600 USD một bản, có kèm thêm một bằng chứng nhận, nếu người đặt mua có tên trong từ điển.

Cũng trong năm nay, Viện ABI của Mỹ (American Biographical Institute Inc) có trụ sở tại bang North Carolina chuẩn bị xuất bản từ điển 5000 Personalities of the World (5000 nhân vật trên thế giới). Giá mỗi cuốn 175 USD, loại “de luxe” giá gần gấp đôi.

Cuốn từ điển về nhân vật có lịch sử lâu đời và nổi tiếng nhất có lẽ là cuốn Who’s Who. (Trước đây có người dịch là Từ điển danh nhân, tôi e không đúng, vì những người có tên trong sách tham khảo là những người đang còn sống, và dĩ nhiên không phải ai cũng có thể là danh nhân).

Người sáng lập từ điển Who’s Who là ông Albert Nelson Marquis, do đó từ điển còn được gọi là Marquis Who’s Who để phân biệt với những từ điển khác cùng tính chất.

Ông A. Marquis vốn là một nhà báo. Trong những năm cuối thế kỷ trước, ông thường bực mình khi cần tra cứu về những nhân vật lãnh đạo các địa phương, các nhà doanh nghiệp nổi tiếng vv… mà thiếu tài liệu đáng tin cậy. Và ông tự hỏi: tại sao ta lại không thể tổ chức một nguồn thu thập thông tin loại này cho chính mình? Xuất phát từ ý nghĩ đó, cuốn The Original Marquis WHO’S WHO IN AMERICA chào đời năm 1899 và gặt hái ngay thành công vang dội.

Được khích lệ, ông tiếp tục tổ chức biên soạn và xuất bản một loạt từ điển chuyên đề về những nhân vật lịch sử Mỹ, về những nhân vật (đương đại) thuộc các ngành giáo dục, luật học, khoa học nghệ thuật… và các từ điển chuyên đề về các khu vực Đông, Trung Đông, Tây Nam… của Mỹ và cuối cùng là Who’s Who in the World (Những người nổi tiếng trên thế giới).

Bộ từ điển Marquis hiện nay đã có 27 loại, không kể hai tập mục lục ấn hành riêng, cho dễ tra cứu.

Bản biên soạn năm nay là bản xuất bản lần thứ 12. Đây là một cuốn từ điển khuôn khổ không lớn lắm (khổ 30x23cm) dày 1567 trang không kể 16 trang giới thiệu và hướng dẫn cách tra cứu. Nhưng có một lượng thông tin đồ sộ vì in chữ rất nhỏ như đầu que tăm (cỡ 2 trong bộ chữ in) và chủ yếu dùng nhiều cách viết tắt, trừ những tên riêng. Ví dụ: để chỉ ngày tháng năm và nơi sinh, chỉ ghi một chữ b (born); trước tên bố mẹ đẻ chỉ có một chữ s (son); mem. thay cho member; pres. thay vì president; chmn bd được hiểu là chairman of board; assn là association vv… và vv…

Từ điển Marquis Who’s Who tự tạo cho mình một phong cách rất cô đọng. Trong một mục từ (tên riêng), trừ những trường hợp có kèm dấu hoa thị (*) để hiểu là thiếu tư liệu, còn nói chung bao gồm 19 loại thông tin:

1. Tên họ,

2. Nghề nghiệp,

3. Ngày tháng năm và nơi sinh,

4. Tên bố mẹ,

5. Tên vợ hoặc chồng,

6. Tên các con,

7. Trình độ học vấn,

8. Bằng cấp chuyên môn,

9. Công việc hiện đang làm,

10. Những chi tiết liên quan đến thân thế và sự nghiệp,

11. Tác phẩm, công trình sáng tạo,

12. Hoạt động công dân hoặc chính trị,

13. Binh nghiệp,

14. Các huân chương, tặng thưởng,

15. Thành viên những tổ chức, hội đoàn nào,

16. Đảng phái chính trị,

17. Tôn giáo,

18. Địa chỉ nhà riêng (không bắt buộc),

19. Địa chỉ nơi đang làm việc,

Mỗi người có tên đưa vào từ điển được gửi một bản thảo về mục từ của mình trước khi đưa in. Tác giả có quyền thêm bớt, sửa chữa xác nhận, và đương nhiên có quyền không cho sử dụng những thông tin mà mình không muốn công bố. Mỗi lần tái bản, nếu vẫn giữ mục từ, thì người có tên được yêu cầu bổ sung những chi tiết cập nhật nhất.

Khác với nhiều từ điển ở châu Âu thường thiên về giới thiệu những người thuộc dòng dõi danh gia vọng tộc hoặc người giữ chức vụ lãnh đạo cao, từ điển Marquis theo quan điểm của Mỹ, nghiêng về những người tự tạo lập nên sự nghiệp và thành đạt trong cuộc đời.

Hai tiêu chí để Hội đồng biên tập căn cứ mà lựa chọn đưa vào mục từ là:

Thành tựu cá nhân : những người nổi bật lên trong những người đương đại với mình nhờ các hoạt động thuộc những lĩnh vực mà người ấy lựa chọn, qua đó có cống hiến cho sự hiểu biết của con người và cống hiến cho nền văn minh.

Vị trí : thông thường được lựa chọn xuất phát từ những cống hiến cá nhân, nhưng cũng có khi dựa trên vị trí xã hội của người đó như một số thành viên cao cấp trong chính phủ, trong giới quân sự, các nhà luật học, giới kinh doanh lớn vv…

Từ điển Who’s Who không nhận đưa vào mục từ của mình tên những người tự giới thiệu hoặc tự yêu cầu.

Với quan niệm như trên, từ điển Who’s Who in the World bao quát một số nhân vật thuộc nhiều lĩnh vực (đương nhiên qua lăng kính của Hội đồng biên tập):

- Một số nguyên thủ quốc gia hoặc vị đứng đầu chính phủ,

- Các tướng lĩnh cao cấp,

- Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lớn,

- Các nhà khoa học, văn hóa, thông tin đại chúng,

- Các nhà khoa học được giải thưởng Nobel,

- Các nghệ sỹ được các giải thưởng lớn (như giải Liên hoan điện ảnh quốc tế Cannes, vv…)

Bản in phát hành năm 1995 gần khoảng 38.800 mục từ. Bắt đầu bằng nhà lãnh đạo doanh nghiệp người Na Uy Aadahi Jorg, hiện đang làm việc ở California, và kết thúc với một nhà vật lý học người Đức Zywietz Martin Michael, ở thủ đô Bonn.

Số người Việt Nam được đưa vào từ điển chưa nhiều, chủ yếu là một số nhà khoa học hiện đang làm việc ở nước ngoài: Mỹ, Pháp, Bỉ, Úc, Đức, Nga… Trong nuớc có các nhà ngoại giao nổi tiếng Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Mạnh Cầm, vài vị bộ trưởng (chỉ có tên và chức vụ đang giữ), một nhà khoa học và một nhà báo.

Trụ sở của Nhà xuất bản Marquis ở thành phố New Providence bang New Jersey (Hoa Kỳ).

Từ điển Who’s Who in the World được ghi vào danh mục của Thư viện Quốc hội Mỹ dưới ký hiệu 79 – 129375.

Giá một cuốn xuất bản năm 1995 là 330 USD (bản thường) và 370 USD (bản đóng bìa giả da).

ĐỖ THIÊN THƯ st.



TÌM RA MỘT BÀI THƠ TÌNH CỦA SHAKESPEARE

Gary Taylor, người Mỹ 32 tuổi, được coi là một trong những nhà phân tích nguyên bản tác phẩm của Shakespeare xuất sắc nhất thế giới, vừa tìm ra một bài thơ chưa từng được biết đến của Shakespeare tại thư viện Bodley (Oxford, Anh).

Nếu quả thật như vậy thì đây là tác phẩm mới đầu tiên của Shakespeare được phát hiện ở thế kỷ này, thậm chí là tác phẩm đầu tiên được tìm thấy từ thế kỷ 17. Kỳ công này đang hấp dẫn giới nghiên cứu tại các học viện và các trường đại học, mở ra khả năng là các tác phẩm khác của Shakespeare có thể còn đang nằm phủ bụi trong các thư viện chờ được phát hiện.

Bài thơ nằm trong một cuốn hợp tuyển chép tay những bài thơ Phục hưng của Anh, có l4 được sưu tập trong những năm 1630, hai thập kỷ sau khi Shakespeare mất. Cuốn sách đã có tại thư viện Bodley từ năm 1756, nhưng chưa ai để ý đến bài thơ, bìa đóng bằng da viết bằng mực đen. Có lẽ một người nào đó muốn có một tuyển tập thơ riêng đã thuê một người chuyên viết thuê chép lại.

Người viết thuê ký tên tác giả dưới mỗi bài thơ. Về hai bài được coi là của Shakespeare, Taylor đã biết bài thơ thứ nhất, nhưng không biết bài thơ thứ hai. Anh nói: “Ngay khi bắt đầu ngiên cứu, trong thâm tâm tôi cảm thấy rằng tác giả của nó là Shakespeare, nhưng khẳng định với mình chuyện đó thì thật dễ, bởi vậy tôi chạy khắp nơi cố gắng chứng minh rằng mình sai. Bấy giờ nhiệm vụ của mọi người là chứng minh rằng bài thơ đó không phải của Shakespeare.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng giả sử Shakespeare đã viết nhiều bài thơ khác thì tất cả đã bị thất lạc. Tuy nhiên, bản thân Taylor tin rằng có khả năng nhiều bài thơ riêng lẻ vẫn tồn tại. Theo anh, ít có khả năng tìm thấy một vở kịch mới hơn, vì các vở kịch đã được bạn bè của Shakespeare thu thập và xuất bản sau khi ông qua đời, mặc dù hiện nay người ta cho rằng Shakespeare còn viết hai vở kịch khác nhưng đã bị mất. Đó là các vở: Love’s Labours WonGardenio.

Sau khi biết chắc rằng bản thảo không phải là giả mạo, Taylor đã liên hệ với các thư viện ở Anh và Mỹ để xem họ biết gì về bài thơ không, nhưng tất cả các thư viện này đều không biết. Sau đó, Taylor trở về với nguyên bản bài thơ. Nó được viết bằng tiếng Anh cổ, với rất ít dấu chấm câu, Taylor đã chuyển bài thơ sang tiếng Anh hiện đại và sửa chữa những sai sót của người chép lại.

Đó là một bài thơ trữ tình viết theo lối thịnh hành thời nữ hoàng Elizabeth I, có lẽ được Shakespeare sáng tác vào cuối những năm 1580.

Dựa vào một cuốn từ điển điều khiển bằng máy tính điện tử, Taylor đã có thể tìm hiểu bài thơ qua cách phân tích phương pháp sử dụng từ của tác giả. Anh phát hiện ra rằng bài thơ gồm gần 100 câu giống với những từ ngữ được sử dụng trong các tác phẩm của Shakespeare, Shakespeare có một số lượng từ vựng lớn nhất trong số các nhà văn Anh và mỗi vở kịch hay bài thơ của ông đều chứa một số từ chưa từng được sử dụng ở đâu.

Taylor hy vọng rằng các học giả khác sẽ nhiệt tình khảo sát và nghiên cứu hàng trăm hợp tuyển thơ của thế kỷ 17. Anh nói: “Chúng tôi không muốn cuốn toàn tập thơ mà chúng tôi đã bỏ tám năm để hoàn thành sẽ được nhớ tới như là “cuốn toàn tập có bài thơ mới”, mà nó sẽ đưa đến việc nhiều người khác sẽ tìm ra những bài thơ mới; khi ấy chúng ta sẽ vô cùng vui sướng”.


L.N (Theo Thời báo Ấn Độ)

Bùi Đẹp st.

Vui vui tiếng VIỆT

Tác giả: Trang Khanh

Tuần rồi, nhân buổi dạy cuối học kỳ, sau phần ôn thi, cô giáo còn dư chút thì giờ, ngồi tán năm điều ba chuyện với các em cho vui. Cô hỏi các em: “Các em dùng tiếng Việt, vậy có biết từ nào gốc Hán từ nào gốc Nôm không?”. Như nhiều lần hỏi ở các lớp trước, cô vẫn nghe câu trả lời là “Không”.

Tiếng Việt của ông bà xưa là tiếng nói, ông bà chưa có chữ viết để truyền tải thông tin bằng văn bản, nên phải mượn chữ Hán để viết, do đó trẻ em con nhà khá giả theo học các lớp do ông đồ dạy. Ông đồ dạy các học trò cách viết chữ Hán bằng những nét tượng hình như người Hoa vẫn sử dụng bình thường, nhưng đọc thì phát âm ra âm Hán-Việt, chứ không phải là tiếng nói của người Hoa. Đó là vài khái niệm đơn giản về cách hình thành những từ Hán-Việt. Tất nhiên những từ Hán-Việt cũng rất khó hiểu đối với những người Việt không được theo học chữ Hán đến nơi đến chốn, và nếu muốn hiểu cũng cần phải đọc bản dịch Nôm mới mong biết tác giả muốn nói gì. Ví dụ hai câu cuối trong bài Hoàng Hạc lâu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị 

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Nhà thơ Tản Đà dịch:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

Cũng xin nói thêm một chút, nói dịch Nôm như hai câu trên đây, có nghĩa là đã dùng “chữ quốc ngữ” để diễn đạt âm thanh tiếng Việt, chứ chữ Nôm ngày xưa lại là một vấn đề gay go vô cùng. Các cụ xưa đã cố gắng diễn đạt âm thanh tiếng Việt bằng các chữ tượng hình xuất phát từ cơ sở chữ Hán, các cụ sửa đổi cách viết và quy định cách phát âm theo tiếng Việt.

Đến khi các nhà truyền giáo Tây phương đến Việt Nam, với mục đích truyền giáo cho được hiệu quả, các vị ấy phải biết nói tiếng Việt, và các nhà truyền giáo ấy đã tìm cách diễn đạt các âm thanh tiếng nói của người Việt bằng các mẫu tự a, b, c... thêm vài nguyên âm ư ơ ê và năm dấu giọng để hoàn thiện.

Điều đó giúp họ mau nhớ cách phát âm và học tiếng Việt thuận lợi hơn. Đương nhiên trong những bước đầu muôn vàn khó khăn ấy, những âm tiếng Việt không hiện hữu trong cách phát âm phương Tây sẽ bị diễn đạt sai lệch đôi phần, ví dụ “trời” được viết là “blời”, vì người phương Tây không có âm “trờ”, nhưng sau cùng, nếu cố gắng lắm người Tây phương cũng có thể phát âm “trời” thay vì “tờ rời”. Ngày nay nếu muốn dùng ký hiệu phiên âm để diễn đạt âm “trờ”, người Việt dùng ký hiệu chữ ‘t’ có cái đuôi cong cong tròn xoắn ốc như cái vòng của chữ @. (Người viết đã tra cứu bản symbol nhưng không thấy). Nhờ công sức của các nhà truyền giáo phương Tây và sự đóng góp của những học giả Việt Nam như Pétrus Trương Vĩnh Ký và Paulus Huỳnh Tịnh Của mà chữ quốc ngữ được hình thành.

Nhưng ngày nay, cho dù chúng ta đã dùng các mẫu tự La tinh để viết chữ Việt đi nữa (một may mắn vô cùng so với các nước châu Á khác), thì tiếng Việt vẫn không thể tách rời hoàn toàn khỏi các từ gốc Hán-Việt.

Cứ đơn giản như chuyện đặt tên cho con, con trai tên Long, thật vừa hay vừa đẹp, vừa thể hiện mơ ước của cha mẹ gởi gắm, chứ ai kêu là “Rồng ơi, nấu cơm đi con” nhỉ? Sao mà nghe kỳ kỳ, hồi giờ có ai thấy rồng nấu cơm đâu? Con gái Tường Vân, xinh đẹp biết bao, chứ cái cô “Mây Lành” nếu hỏi “Mây Lành xem phim gì đó?”, nghe cũng lạ lạ.

Nói đến việc kinh doanh cũng vậy, dùng tên “Đệ Nhất Khách Sạn” nghe oai phong hơn nhiều so với “Nhà Nghỉ Thứ Một”. “nghệ thuật ẩm thực” làm món ăn tăng thêm giá trị so với “nghệ thuật uống ăn”. Đã có một thời trong các tiệc cưới thấy toàn những món “Bát bửu trân châu”, “Loan phụng hòa minh” hay “Kình ngư quá hải” dù chưa ăn cũng có cảm giác nó hoành tráng bậc nào, chứ ai lại nói “tám thứ thịt nguội”, “gà nấu lá giang” hay “cá hấp bún nấm mèo”. Tuy vậy, ngày nay đã có thay đổi, thực đơn nói chung đều được dùng tiếng Việt, để người ăn còn biết món gì mà kêu cho cụ thể.

Lại nói qua việc cưới hỏi cũng phải dùng từ Hán-Việt mới lịch sự, ông bà… báo tin lễ Thành Hôn/Vu Quy của… Trưởng nam/Trưởng nữ… vv… Dù trong tiếng Việt vẫn có chữ cưới vợ, lấy chồng, con trai lớn, con gái lớn, nhưng đâu có ai chịu dùng. Trưởng nam hay trưởng nữ cũng có chút ghi nhận như sau, theo đúng ý nghĩa Hán-Việt thì đứa con đầu tiên dù trai hay gái cũng sẽ là trưởng, những đứa tiếp theo sẽ là thứ. Chứ không phải chia con ra hai dòng nam nữ, để nhà nào nếu có được vừa trai vừa gái, sẽ vừa có trưởng nam mà vừa có luôn trưởng nữ, như gần đây nhiều nhà tổ chức đám cưới cho con vẫn ghi trong thiệp là trưởng, dù người trưởng này bên trên vẫn có một vài anh hay một vài chị. Theo cách người Việt dùng tiếng Việt thì vẫn dùng một dọc thứ tự, từ hai xuống tới ba tư, có anh hai rồi thì kế tiếp sẽ là anh ba hoặc chị ba, chứ chị không thể chiếm ngôi chị hai, bởi vậy không hiểu tại sao ngày nay có người dùng chữ “trưởng” theo kiểu chia con ra hai dòng. Nhiều nhà sính Hán-Việt, (hay biết đâu do nhà in thiệp đề xuất) lại thêm hàng chữ “Quyền huynh thế phụ” trên dòng họ tên, khi đứng ra làm lễ cưới cho em, trong trường hợp cha mẹ đã khuất. Thiệt là đa dạng cách dùng từ Hán-Việt. Mấy năm gần đây, thấy từ Út nam, Út nữ, nửa Hán nửa Nôm, xuất hiện nhiều trên các thiệp cưới, không ai dùng chữ con trai út, con gái út, đương nhiên nửa Nôm nửa Hán cũng dễ đọc dễ hiểu thôi nhưng nghe chỏi chỏi sao ấy. Lại có phát minh mới hơn nữa: Quý nam, Quý nữ, ý nói con một, mà con một tất phải quý.

Trong quá khứ, cách nay độ trên dưới 15 năm, chiếc máy bay trực thăng cương quyết vọt lên trời khi hóa thân thành cái máy bay “lên thẳng”, nhưng hình như “lên thẳng” lại không có vẻ dũng mãnh cho lắm, nên nó lại từ từ hạ xuống với hình dáng cũng như tên gọi ban đầu “trực thăng” cho bình thường mà lại oai phong. Bệnh viện phụ sản, một thời là “xưởng đẻ”, may mà nhanh chóng trở lại hình thức bệnh viện, chứ “xưởng” sao nghe cứ như trong nền công nghiệp nặng nào đó.

Thời bao cấp quốc doanh, chỉ có cửa hàng ăn uống, cửa hàng may mặc, chứ không có tửu lầu, trà quán hay nhà thiết kế thời trang nào dám ló mặt ra.

Tiếng Việt lại còn được bổ sung bằng nhiều từ gốc Pháp thông dụng. Mấy chị đi chợ, mua cà-rốt về nấu súp chứ nếu đòi cho được củ cải đỏ chắc tìm trắng mắt không ra. Có lần người viết bài mua sách học nấu ăn, muốn làm món gỏi, xem phần nguyên liệu: củ cải trắng, củ cải đỏ…, tự nghĩ thôi món này khó làm rồi, tìm đâu ra củ cải đỏ, cái thứ củ cải cả đời mình chưa thấy. May sao sách có hình giới thiệu món ăn đã hoàn tất, mới biết cái củ khó tìm đó chỉ là cà-rốt bán đầy chợ. Thức uống thông dụng có cà-phê, không có từ gì thay thế được, dù nay có cóp-phi thì mọi khách vô quán nước cũng không chịu kêu.

Các loại xe gắn máy, có hỏng hóc, chủ nó nhờ anh sửa xe coi lại dùm cái bu-gi, anh sửa xe nào cũng hiểu ngay người ta muốn nhờ anh làm gì, dù anh ở thành thị hay thôn quê, chứ nếu cứ khăng khăng ép anh ấy tìm sửa cho được cái “nến điện” (như đã có một thời), chắc mười anh cũng chào thua.

Ngôn ngữ nào cũng có những đặc trưng, rất thú vị, cuối bài, đây là vài ghi nhận về tiếng Việt của chúng ta. Trong tiếng Việt, nước và quốc gia được dùng chung một cách hòa đồng là “ nước”. Bởi vậy, chúng ta mới phải “lặn lội” đường xa, dù chúng ta đang đi trên cạn. Cũng như phải “lặn ngòi ngoi nước” mới vượt qua đoạn đường khó khăn. Thêm vào đó, với nền văn minh lúa nước, ông bà xưa cần nhiều động tác đa dạng để chuyển lúa từ ruộng về làng, từ đó mà phát sinh “gồng, gánh, ôm, đội, bưng, xách, vác”. Trong khi, tiếng Pháp lại ít động từ chỉ các động tác này, người Pháp có nhiều động từ chỉ việc di chuyển đường xa, vì họ có nền văn hóa du mục.

Trang Khanh


Phụ Bản IV

ĐỘT QUỴ hãy xem LƯỠI

MÁU VÓN CỤC / ĐỘT QUỴ

-THÊM CÁCH ĐỊNH BỆNH THỨ TƯ, NHÌN LƯỠI

CÁCH ĐỊNH BỆNH ĐỘT QUỴ (Tai biến mạch máu não):


Trong một buổi tiệc ngoài trời. Một chị bạn trượt chân và bị ngã nhẹ - bạn bè định gọi bác sỹ nhưng chị ta bảo đảm rằng mình khỏe thôi, chị chỉ vấp một viên đá vì đôi giày mới. Bạn bè chùi sạch và lấy cho chị đĩa thức ăn khác. Chị có vẻ run nhẹ, nhưng rồi Ingrid tiếp tục cuộc vui suốt buổi tối. Sau bữa tiệc, chồng Ingrid gọi báo tin cho mọi người là vợ ông đã vào bệnh viện và đã chết hồi 6 giờ tối, chị đã bị đột quỵ trong buổi tiệc ban chiều. Nếu mọi người biết cách phát hiện ra sự đột quỵ thì có thể hôm nay chị Ingrid còn ở với họ rồi. Một số người đột quỵ thoát chết nhưng lại rơi vào tình trạng vô vọng, vô phương. Mời bạn dành một phút để đọc bài này…

Một bác sỹ thần kinh nói rằng nếu ông ta tiếp nhận bệnh nhân bị đột quỵ trong vòng ba giờ đồng hồ, ông có thể hoàn toàn cứu được… hoàn toàn. Ông nói bạn nên biết một mẹo nhỏ để nhận ra chứng đột quỵ và đưa bệnh nhân đến chuyên viên y tế trong vòng ba giờ đồng hồ để được cứu.

NHẬN DIỆN CHỨNG ĐỘT QUỴ:

Cầu Trời cho bạn có thể nhớ được ba bước,

Xin nhớ ba chữ cái C.N.Đ.

Nhớ Đọc và Học lấy nhé!

Đôi khi thật khó nhận ra dấu hiệu của sự đột quỵ. Bất hạnh thay, sự thiếu hiểu biết nhiều khi có nghĩa là tai họa. Nạn nhân đột quỵ có thể bị tổn thương nghiêm trọng não nếu như người thân không nhận ra các biểu hiện của chứng đột quỵ.

Ngày nay, các bác sỹ nói rằng những người qua đường bắt gặp cũng có thể phát hiện đột quỵ bằng cách hỏi 3 câu đơn giản sau:

C (cười): yêu cầu người ấy cười

N (nói): yêu cầu người ấy nói một câu đơn giản. Ví dụ: Hôm nay trời nắng

Đ (đưa tay lên): yêu cầu người ấy đưa cao hai tay lên.

Nếu người ấy tỏ ra khó khăn với bất cứ một câu yêu cầu nào trên đây thì hãy gọi xe cấp cứu ngay lập tức và mô tả các dấu hiệu này cho người tiếp nhận.

Dấu hiệu Mới để nhận diện Đột quỵ… Làm ơn Thè Lưỡi Ra.

GHI CHÚ: Yêu cầu người bệnh thè lưỡi ra. Nếu lưỡi bị cong queo hoặc dính vào một bên miệng thì đúng là bị đột quỵ . Một bác sỹ tim mạch nói nếu bất cứ ai nhận được email này nếu chịu chuyển cho 10 người khác thì bạn có thể cá rằng có ít nhất một người đột quỵ được cứu sống.

Bs Nguyễn Lân Đính st

THÊM MỘT ĐIỀU LẠ

CHO KHU VƯỜN KỲ LẠ LONG AN

Tôi vừa mới trở lại Khu Vườn Kỳ Lạ Long An theo yêu cầu của em tôi. Người bạn của nó nhờ tôi tới Khu Vườn xem có gì thay đổi không để hè này về sẵn dịp ghé ở vài hôm để trị bệnh, vì thấy trên mạng có đề cập nhiều trường hợp đã khỏi bệnh mà không cần phải dùng thuốc. Đó là điều rất lạ so với thời buổi khoa học hiện nay, làm cho người bạn đó cũng tò mò, nên tôi lại đến Khu Vườn thêm một chuyến.

Đây là lần thứ 3 tính từ đầu năm nay. Lần thứ nhất là nhân dịp em gái tôi và chồng nó ở Mỹ, về ăn Tết và thăm gia đình. Sẵn còn thời gian, tôi khuyên nó thử xuống Khu Vườn xem có chữa được chứng dị ứng da mà nó khổ sở nhiều năm qua không? Số là em tôi làm chủ một tiệm uốn tóc, đồng thời là thợ chính gần 20 năm qua. Ngày nào cũng phải tiếp xúc với thuốc uốn tóc, nhuộm tóc, nên tay của nó thường xuyên bị dị ứng. Mùa lạnh hoặc ăn thịt bò vô là da bị ửng đỏ và ngứa đến nỗi có khi nó phải lấy nước đá, đập nhuyễn ra, rồi thọc tay vô đó mới hết ngứa. Chúng tôi thường nói chuyện với nhau qua Skype. Có lúc mùa Đông, tôi thấy nó phải mang một lúc 2 chiếc bao tay để tránh hóa chất tác động lên da. Cứ đi Bác Sĩ, uống thuốc và bôi kem thì không sao. Ngưng là ngứa, ngồi nói chuyện phải liên tục xoa hai bàn tay nên rất khó chịu. Lần đó, tôi đưa em tôi xuống tới nơi, tìm thuê phòng trọ rồi trở về. Vợ chồng em tôi ở lại. Tôi định vài ngày sau sẽ xuống cùng ở đó vài hôm. Nhưng được ba ngày, chưa kịp xuống, thì vợ chồng nó trở về nhà vì nói rằng đã quen ngủ nệm, nhà trọ đó chỉ có giường lót bằng gỗ nên khó ngủ. Lần thứ nhì, tôi cùng đi với Câu Lạc Bộ Những Người Yêu Sách Xưa & Nay. Cả nhóm chỉ đi tham quan, nên mọi người chỉ tìm một chỗ để ngồi trong Khu Vườn, rồi nằm nghỉ lưng và ăn trưa ở quán cơm đối diện, chưa tới 2 giờ chiều là quay trở về.

8 giờ sáng, tôi lên xe bus số 13, Bến Thành - Củ Chi. Tới bến Củ Chi thì qua xe Bus Hậu Nghĩa. Từ bến xe Hậu Nghĩa tôi gọi 1 xe ôm để đưa vô vườn. Tới nơi, tôi chưa vội vào, mà ghé cửa hàng giải khát ngay cửa Khu Vườn, gọi l ly cà phê sữa đá, giá vẫn là 8.000đ. Sau đó qua hàng cơm kế bên để dùng cơm, dù chỉ mới hơn 10 giờ, vì sợ đến giờ cơm thì đông người khó tìm bàn để ngồi. Một dĩa cơm kèm l chén canh là 18.000đ, không có gì thay đổi. Dùng cơm xong tôi đi vào trong Khu Vườn, bắt đầu quan sát, vì mấy lần đến trước thú thật là tôi chưa nhìn kỹ xem Khu Vườn có gì.

Ngay cổng vào ta thấy có bảng ghi giờ mở cửa và đóng cửa của Khu Vườn. Phía tay phải, khuất sau những chậu kiểng là nhà của Chủ Vườn và khu vực để những thùng nhựa, có gắn nhiều vòi nước để nhiều người có thể lấy cùng lúc. Trước nhà Chủ Vườn có bảng đề “Không nhận quà biếu”, để dù ai có nhiệt tình cũng biết trước là sẽ không được nhận. Có lẽ nhiều lần đã phải từ chối nên chủ Khu Vườn buộc phải ghi rõ để đừng ai quấy rầy vụ quà cáp. Phía bên trái là Nhà Cầu nguyện, và Khu Vườn nơi mọi người bệnh tự do lui tới, nằm, ngồi, tùy ý.

Đầu tiên, do không trông thấy bảng yêu cầu không được để túi xách phía bên phải, vì thấy trống trải, không có ai ngồi, nên tôi để túi xách và ngồi tại đây, thì có người ra chỉ bảng và nhắc nhở tôi là để đồ đạc phía bên trái của nhà cầu nguyện. Tôi bèn dời qua phía trái và lẳng lặng ngồi quan sát. Tôi thấy phía bên ngoài nhà cầu nguyện là một nền gạch khá rộng, có lẽ đến 50m2 hay hơn, được lót gạch men màu đỏ tím, sạch sẽ, nóc lợp bằng tôn thiếc cũ, có chỗ đã bị thủng khá lớn nhìn thấy mây trời. Nếu mưa chắc chắn sẽ dột. Có một số người đang nằm gối đầu lên hàng gạch chạy viền theo nền sân, chân quay vào trong. Nhà cầu nguyện là một căn nhà cấp 4, diện tích khoảng 4x8m . Ngay cửa có bảng treo đề Nhà Tình Nghĩa, năm 2002 và chữ Công Ty Thăng Long. Có lẽ do Công Ty này xây tặng. Trong nhà đang có khoảng 20 người Ngồi Thiền mặt quay vào tấm vách tường màu xanh nhạt. Cũng có người ngồi dựa vách tường quay mặt ra. Có một cửa đi bên tay phải, phía trên treo tấm rèm cũ kỹ. Tuyệt nhiên không có một bàn thờ, bát nhang hay hình tượng gì để thờ. Trên tường chỉ treo một cái đồng hồ và một quyển lịch bloc năm 2012 ở góc trái.

Tôi bước ra Vườn, thấy toàn bộ được trải đá mi, với những cây sơ ri tỏa tàn che mát cả Vườn, và một số cây to. Trên mỗi thân cây đều có treo bảng xanh, chữ trắng với lời nhắn nhủ của chủ Vườn: “Xin đừng ăn, nói to, mua bán trong vườn” “Xin đừng bẻ cành, hái lá ở vườn” “Không truyền bá, mê tín, dị đoan” “Vì sức khỏe, xin đừng hút thuốc” “Cấm hút thuốc”... Trước lối đi, có hai xe lăn và l gậy chữ U dựng ở góc vườn. Trong Vườn hôm đó khá vắng, chỉ vào khoảng trên dưới 100 người. Kẻ thì ngồi riêng một mình trên chiếu. Có nhóm đi chung 4, 5 người, trải chiếu cùng ngồi với nhau. Họ không nói chuyện lớn tiếng, chỉ vừa đủ nghe. Không có ai ăn uống hoặc hút thuốc trong Vườn. Cũng không thấy bóng dáng cây nhang nào. Nhìn những người đang ở trong Vườn thì tuổi tác có lẽ đa số đều trên 50.

Tôi chọn góc phía cuối nhà, nơi có vài người lớn tuổi đang ngồi, tìm chỗ để túi xách, rồi ngồi xuống, lôi tờ báo ra đọc. Nhân có người hỏi mượn tờ báo, tôi mới bắt chuyện với một người đàn ông đứng tuổi trông có vẻ khỏe mạnh, hỏi xem ông có bịnh gì mà tới đây ? Ông cho biết năm nay ông 66 tuổi. Quê ở Cà Mau. Thời gian trước, ông bị tai biến, đã bị liệt nửa người. Gia đình đưa vô BV Chợ Rẫy có mấy ngày mà đã tốn hết gần 50 triệu, nhưng bịnh không thuyên giảm. Vợ con ông quyết định chở ông vô đây. Thời gian đầu họ khiêng ông. Cứ sáng khiêng vô, chiều khiêng về. Ở trong Vườn ông chỉ uống nước, không có dùng thuốc, vậy mà ông đã bình phục sau hơn 3 tháng, bây giờ có thể tự đi xe từ nhà tới đây. Vừa qua, gia đình ông đã mua một căn nhà ở Hậu Nghĩa để ở luôn. Vợ ông may vá kiếm thêm, và ông thường ngày vô Vườn lấy nước để uống. Vài người quanh đó cũng nói rằng họ tới đây và thấy bịnh tình bớt đi rất nhiều. Họ nói rằng Khu Vườn chưa hề xảy ra mất cắp đồ đạc. Trật tự rất tốt, dù số người có đông bao nhiêu, và những bệnh nhân đối với nhau rất tốt, sẵn sàng giúp đỡ nhau. Đó là chuyện hiếm thấy bên ngoài.

Nghỉ ngơi được khoảng hơn l giờ, lại thấy trời có vẻ muốn mưa nên tôi quay về sớm, vì thông tin đã hỏi xong. Khu Vườn vẫn mở cửa như thường lệ. Giá cả thức ăn và phòng trọ không thay đổi.

Cả ba lần tôi đều đến và về nhanh, phần không có gì để trao đổi nên không gặp Chủ Vườn, chỉ lặng lẽ đến rồi về. Cũng chưa có nhu cầu trị bịnh, dù tôi thấy thông tin trên mạng là bịnh Suyễn và gai cột sống như tôi có người đến đây đã hết. Nhưng ít ra cũng phải có thời gian ở đó vài đợt, mà tôi thì chuyện không tên cứ tiếp tục, hết việc nọ đến việc kia, nên chưa thu xếp thời gian dài ngày được. Nhưng thông tin về Khu Vườn trên mạng khá phong phú, và thấy có nhiều ý kiến trái chiều. Kẻ khen nhờ đến đó mà hết bệnh, thậm chí có người ở Miền Bắc bản thân đã khỏi bệnh, khuyên bà con có bệnh thì nên tới đó. Vài bài viết chống, cho là ô nhiễm môi trường, mất trật tự, an ninh, do nhiều người tụ họp!

Trong số đó, không thể không tin những lời của các vị vừa là cán bộ, đảng viên lão thành như Ô. Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng, Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã đưa chồng là Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đến ở trong Khu Vườn một thời gian, và xác nhận chính bản thân họ nhận được nhiều lợi ích từ năng lượng siêu nhiên do Khu Vườn phát ra. Có người đã viết thư đến nhiều cơ quan, đề nghị chính quyền nên cử các nhà khoa học đến đó để tìm hiểu, nhằm khai thác khả năng trị bệnh của Khu Vườn. Có người đã mang mẫu nước đến Viện Pasteur để xét nghiệm. Kết quả là nước hoàn toàn tinh khiết. Dù đến đó rồi sức khỏe có cải thiện hay không, nhưng mọi người đều đồng ý là Khu Vườn có một không khí rất mát, so với bên ngoài, dù là vào giữa trưa trời đang nóng bức.

Em tôi ban đầu cũng không tin vào tác dụng chữa bệnh của Khu Vườn, vì chưa từng tiếp xúc với người đã hết bệnh nhờ tới đó. Nhưng những ngày thuê phòng trọ để ở lại Khu Vườn, vợ chồng em tôi tận mắt chứng kiến những niềm vui của bệnh nhân được phục hồi sức khỏe. Thường thì mỗi tối thứ Năm thì hay có những bệnh nhân ở đêm sinh hoạt, kể chuyện, hát hò với nhau. Đang ở đó nên em tôi tham dự và phát biểu là “Khu Vườn nghe đồn là trị bệnh, sao thấy ở đây toàn là những người khỏe mạnh, vui vẻ, có thấy ai bị bệnh gì đâu?”. Lúc đó chính những người vui vẻ hát hò kia mới mới cho biết là lúc tới đây, họ là những người mang bệnh rất nặng, hiện tại đã khỏe lại, nên mới vui mừng như vậy. Ngoài ra, em tôi cũng âm thầm quan sát, vì không tin là giữa thời buổi này lại có người tốt, có Khu Vườn hiếm hoi, có khả năng chữa bệnh lại mở cửa tiếp bá tánh một cách vô vụ lợi. Nó kín đáo hỏi thăm những quán nước, quán ăn, phòng trọ xung quanh, coi nơi nào có phần hùn của gia đình chủ Khu Vườn hay không? Thì được biết là chủ Khu Vườn chẳng có liên quan gì đến những dịch vụ cho thuê phòng hay ăn uống quanh đó. Sau đó, em tôi cùng một người nữa, là Việt Kiều ở Đức về, vào gặp vợ chồng chủ Vườn, đề nghị xin được góp chút ít tiền để chi phí cho việc bơm nước. Nhưng ông bà cương quyết từ chối. Cô con gái cho là còn đất ở Đồng Xoài, có gì thì sẵn sàng bán bớt để phục vụ cho Khu Vườn, để người bịnh có thêm nơi mà trị bệnh không tốn kém.

Lòng tốt cũng lây lan. Em tôi kể, người khai thác phòng trọ cũng cho biết: Nhiều người nghèo, mang bệnh nặng ở tận miền Bắc, nghe đồn Khu Vườn cũng cố gắng gom ít tiền để vô ăn, ở tại đây. Thời gian khá dài, bệnh chưa hết mà tiền đã cạn. Thấy vậy họ không nỡ thu tiền phòng trọ, để người bệnh có thể ở thêm chờ thuyên giảm. Ngoài ra, lúc bước vô căn nhà của gia chủ Khu Vườn ở, em tôi lại thấy khá nóng bức, không được mát mẻ so với phía bên Khu Vườn, làm cho nó thêm một ngạc nhiên, vì theo nó nghĩ, lẽ ra gia chủ phải dành phần tốt nhất cho gia đình, không ngờ lại nhường phía mát mẻ nhất trong Khu Vườn cho bệnh nhân, còn cả gia đình lại ở bên phía nóng nực hơn.

Khi về nhà, em tôi mở điện thoại để cho tôi xem hình ảnh mà nó quay được tại Khu Vườn. Đó là một vùng sáng có dạng hình chữ nhật, đôi lúc giống như trái tim, có màu đỏ giống màu cờ, ở giữa có đốm vàng, bay lơ lửng trên hàng tre. Khi cao, khi thấp, lúc to, lúc bé. Có điều lạ là khi nó cầm máy quay thì có hình, mỏi tay quá, giao cho chồng nó, thì dù cũng hướng máy ngay địa điểm nó đã quay, nhưng không thu được hình. Nhiều người khác thấy chủ Vườn mang máy ảnh ra thì cũng theo hướng đó mà chụp, mà quay, nhưng người chụp được, người không. Không biết có phải do cấu trúc của máy hay không ? Chính tay em tôi thu được hình ảnh, và nhìn thấy Chủ Vườn chỉ vị trí cho nhiều người tới đứng để chụp ảnh với vầng sáng đó nên tin đồn chủ Vườn dùng photoshop là không đúng sự thật.

Thông tin về nhiều người bị bệnh nan y đến đó mà hết hoặc giảm đầy trên mạng. Có người còn viết thành sách, cất công sưu tầm cả danh tính, địa chỉ, người hết hoặc giảm bệnh, con số lên đến cả 100. Dù chưa gom được tất cả, nhưng có lẽ phần nào cũng nói lên được hiện tượng siêu nhiên đặc biệt được thiên nhiên ban tặng cho Khu Vườn. Tất nhiên, ngay cả Bệnh Viện với các Bác Sĩ được đào tạo chuyên môn, bài bản với đầy đủ thiết bị hiện đại còn không bảo đảm trị tất cả bệnh nhân hết bệnh 100/100, huống chi đây là năng lượng thiên nhiên chưa giải thích được. Người hợp thì hết bệnh. Người không hết, hoặc chỉ giảm là điều đương nhiên. Chủ Vườn đâu có mời gọi, chỉ là mọi người nghe người quen đến đó rồi hết bệnh thì đồn nhau. Hoặc do chính bản thân người hết bệnh vui mừng kể lại, và “hữu sự thì vái tứ phương”. Tiền không có thì nghe nói ở đâu có thể hết bệnh lại miễn phí thì kéo nhau tới để tìm chút hy vọng, may ra được thuyên giảm. Tuy nhiên, quá tin đến độ bịnh viện đã chê, đã thở oxy mà còn đưa tới Khu Vườn, hy vọng chữa khỏi thì có lẽ hơi quá đáng. Nhưng cũng không trách được họ. Ai cũng vậy thôi. Trong lúc hết phương thì dù một tia hy vọng mong manh cũng sẵn sàng bám lấy, cố níu kéo tính mạng cho người thân. Cũng không trách được chủ Vườn, trong trường hợp như vậy nỡ lòng nào xua đuổi, không cho vào? Dù vậy, 10 năm dài với những bệnh nhân đủ loại, nặng, nhẹ đều có, nếu chỉ có 13 người chết - chưa xét rõ tình trạng lúc đến - trong khi chẳng có một phương pháp trị liệu nào, ngoài tự hít thở không khí trong Khu Vườn, so với Bệnh Viện hẳn là một kỳ tích! Về bệnh dị ứng da của em tôi thì lúc ở Khu Vườn không thấy xuất hiện, nhưng về Mỹ thì trở lại, chỉ giảm đôi chút. Có lẽ do thời gian đến Khu Vườn quá ngắn nên chưa thu đủ năng lượng trị bệnh chăng? Em rể tôi thì vừa bị bệnh Tiểu Đường, vừa mổ tim, nên mỗi ngày phải dùng cả mấy loại thuốc. Nhưng trong thời gian ở Khu Vườn thì dù không dùng viên thuốc nào nhưng vẫn không thấy bị mệt như mọi khi.

Điều đáng biểu dương, là giữa thời buổi cuộc sống còn khó khăn, gia đình chủ Khu Vườn cũng không thuộc loại khá giả, mà hy sinh phần lớn diện tích đất lẽ ra dùng để canh tác, tăng gia, để nhiều người tự do đến, đi, lại chịu tốn tiền để bơm nước miễn phí mà tôi từng chứng kiến những can đựng nước xếp hàng dài chờ lấy, ngày này qua ngày khác trong cả chục năm qua là cả một sự hy sinh lớn lao của họ, không thể phủ nhận. Thông thường, ai có cái gì mới lạ thì mang bán hay sang nhượng để bù đắp cho cuộc sống. Càng hiếm hoi thì giá càng cao, đó là điều đương nhiên. Ngược lại cả gia đình chủ Khu Vườn lại chịu chấp nhận sống kham khổ, và lại thấy hạnh phúc vì được ơn trên ban cho họ cơ hội để giúp cho bà con. Lẽ ra việc hy sinh lợi ích cá nhân và làm điều tốt cho xã hội cần được tôn vinh, làm điển hình để nhân lên, thì ngược lại, bản thân gia đình họ lại phải chịu thử thách, bị đi tù vì cho là truyền bá mê tín, dị đoan. Trong khi đó, cả 3 lần đến, tôi chưa thấy ai thu phí đồng nào, thậm chí còn chưa được biết mặt chủ Vườn! Khách cứ tự do đến, đi. Chủ Vườn cũng chẳng ra xem khách giàu, nghèo, sang, hèn ra sao! Họ cũng không có phần hùn với các dịch vụ chung quanh, không biết họ trục lợi vào khoảng nào?! Mười năm rồi, hàng ngày họ vẫn kiên nhẫn chịu thiệt thòi để duy trì niềm hy vọng cho những bệnh nhân nghèo một cách vô vụ lợi. Phải chăng đó cũng là một điều kỳ lạ giữa xã hội ngày nay, thêm vào điều kỳ lạ, bí ẩn chưa giải thích được của thiên nhiên mà Khu Vườn chứa đựng?

Tâm Nguyện

Tháng 5/2012

BẠN TÔI XI

hay là “Làm thế nào để có một sưu tập KIỀU thật ấn tượng”

Tối hôm qua tôi và bạn tôi tính đi xem một buổi ca nhạc tại nhà hát lớn, nhưng đã không đi được, vì giá vé từ 500.000 tới 2.500.000; thấy giá vé quá mắc, hai chúng tôi đi uống cà phê tại một cái quán mới mở ở gần nhà bạn tôi. Lợi dụng lúc nhàn rỗi, tôi nhờ bạn tôi giúp cho một ít kinh nghiệm trong việc làm sưu tập Kiều, vì tôi biết là anh rất thông thạo trong vấn đề này. Anh hỏi tôi tại sao lại nẩy ra ý định làm sưu tập Kiều, và tôi đã cho anh hay là vừa mua được một sưu tập nhỏ tại một tiệm sách cũ, và tôi hiện có ý định mua thêm để dần dần gây dựng thành một sưu tập lớn. Tôi ngỏ ý nhờ anh chỉ cho cách phân chia và sắp loại như thế nào, đồng thời cũng muốn hỏi anh những cuốn Kiều nào là quý hiếm nhất, giá trị nhất, và đắt nhất. Anh vui vẻ nhận lời và cho biết anh rất vui khi thấy tôi bắt đầu chia sẻ với anh niềm vui sưu tập Kiều. Sau khi uống một hai hớp cà phê anh đã giảng giải cho tôi như dưới đây:

“Tuấn biết không? Việc sưu tập và chơi sưu tập ở nước ta tuy có, nhưng không nhiều. Phần lớn người Việt mình chỉ sưu tập quanh quẩn có mấy món chính như Tem, Bưu thiếp, Ống điếu, Tranh, Sách… Nhưng, thực ra với những người thích sưu tập thì cái quái gì cũng có thể được sưu tập hết, CÁC MÓN ĐỒ SƯU TẬP NẾU CHỈ LẺ TẺ VÀI ĐƠN VỊ THÌ KHÔNG CÓ GIÁ TRỊ GÌ, NHƯNG KHI SƯU TẦM ĐƯỢC SỐ LƯỢNG LỚN, VÀ CÀNG NGÀY CÀNG LỚN HƠN, THÌ CHÚNG ĐÃ ĐƯƠNG NHIÊN TRỞ THÀNH MỘT BỘ SƯU TẬP, VÀ CŨNG ĐƯƠNG NHIÊN CÓ MỘT GIÁ TRỊ LỚN. Giá trị của các bộ sưu tập KHÔNG NHẤT THIẾT DO SỐ TIỀN ĐÃ BỎ RA, MÀ LÀ DO SỐ LƯỢNG THỜI GIAN ĐÃ BỎ RA VÀ NHẤT LÀ SỰ HIỂU BIẾT VỀ VẬT ĐƯỢC SƯU TẤM MÀ NGƯỜI CHƠI CÓ ĐƯỢC. Bây giờ tôi xin nói về vấn đề sưu tầm và làm sưu tập Kiều. Thú chơi này có nghĩa là tìm cách thu gom lại tất cả các loại sách truyện Kiều của cụ Nguyễn Du, được chú giải bởi hằng hà sa số các tác giả khác nhau, bằng chữ Quốc Ngữ, bằng Hán Nôm, cũng như bằng các ngoại ngữ khác. Đồng thời cũng tìm cách gom lại tất cả những sách vở bất cứ thuộc lãnh vực nào như văn hóa, lịch sử, phong tục, trào phúng vv… miễn là trong những sách đó có những trang, những đoạn có nhắc tới truyện Kiều, hoặc tới cụ Nguyễn Du. Sau đó lại cũng cần thu gom tất cả các loại báo ngày, báo tuần, nguyệt san, giai phẩm vv… cũng có bài viết liên quan tới nàng Kiều hoặc cụ Nguyễn Du. Trong thời gian mấy chục năm gần đây, đã có cả những sách bằng ngoại ngữ có nói tới Kiều của nhiều nước khác nhau như Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Hàn quốc vv…

Một sưu tập lớn và ấn tượng, thường được thực hiện qua hai phương thức dưới đây:

A/ Sưu tập được bắt đầu bằng vài cuốn và được tiếp tục gia tăng.

B/ Sưu tập được bắt đầu nhờ may mắn mua ngay được một sưu tập nhỏ để làm nồng cốt sau đó tiếp tục phát triển lớn dần. Anh bảo tôi: “Trường hợp của Tuấn là trường hợp B, Tuấn ạ”. Rồi anh tiếp tục giảng giải:

Khi bắt tay vào việc sưu tập, người sưu tập phải biết PHÂN LOẠI CÁC THÀNH PHẦN CỦA BỘ SƯU TẬP.

Trước nhất phải chia như sau đây:

A/ Các loại truyện Kiều cũ và mới bằng đủ thứ ngôn ngữ, và đương nhiên là bằng tiếng Việt là chính.

B/ Các thứ sách cũ và mới Ở TRONG CÓ BÀI VIẾT LIÊN QUAN TỚI KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU bằng đủ thứ ngôn ngữ.

C/ Các loại báo tháng, báo tuần, báo ngày, cũ và mới, bên trong CÓ BÀI VIẾT LIÊN QUAN TỚI KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU, bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.

D/ Các thứ đồ vật có minh họa, đề tài liên quan tới Kiều và cụ Nguyễn Du, thí dụ như guốc vẽ Kiều, bình hoặc đĩa bằng sứ vv…

Với các phần A, B. và C nói trên, sau khi đã được phân loại rồi, người sưu tập lại phải tiếp tục PHÂN CHIA Ở MỖI LOẠI như sau:

Loại A. Phải để riêng các thứ Kiều bằng chữ Quốc ngữ - bằng chữ Nôm – và các thứ Kiều bằng các ngoại ngữ như Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, Hàn quốc vv…CẦN PHẢI SẮP LOẠI NÀO VÀO LOẠI ĐÓ, và ở loại nào thì cũng phải SẮP THEO NIÊN KỶ, và MỨC ĐỘ QUÝ HIẾM, ví dụ như các bản chữ Nôm: Liễu Văn Đường tàng bản năm thứ 19 đời Tự Đức (1866) – Bản Nọa Phu gốc Huế (1870) – Bản Liễu Văn Đường (1871) – Bản Quan Văn Đường (1879). Và các bản chữ Pháp như bản Abel des Michels (1884) – Bản Nordemann (Ngô Đế Mân) năm 1897 vv… Tóm lại nên để những bản niên kỷ cao và quý hiếm vào với nhau, sau đó mới tới các bản thời Tiền chiến (trước năm 1945), thời tiền Giải Phóng (trước năm 1975) và cuối cùng là các bản từ 1975 cho tới nay.

Loại B . Với các loại sách kim, cổ, có chứa đựng tài liệu liên quan tới nàng Kiều và cụ Nguyễn Du, có thể là cả cuốn, hoặc là một chương trong cuốn, hoặc là chỉ vài trang, ta cũng nên sắp theo các giai đoạn và ngôn ngữ như ở loại A.

Với loại B này, tức là CÁC LOẠI SÁCH NÓI VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU, hoặc có lời bàn hay phê bình về Kiều, tóm lại là có những dòng, những đoạn, nói về Kiều và cụ Nguyễn Du, ta có thể nói là GIỜ ĐÂY CÓ RẤT NHIỀU, nên người sưu tầm cần phải biết cách (và sau đây là cách duy nhất) LÀ CHỊU KHÓ XEM MỤC LỤC, hoặc cẩn thận hơn nữa thì CHỊU KHÓ ĐỌC LƯỚT QUA, để hễ thấy có nhắc tới Cụ hay Nàng thì phải ẵm về. Loại sách này cho tới giờ phút này có thể ước lượng khoảng trên 3000 cuốn, và với thời gian số lượng sẽ chỉ tiếp tục gia tăng chứ không giảm. Với các loại sách này người sưu tầm, ngoài việc chăm chỉ tìm kiếm còn phải là người tinh mắt và có trí nhớ tốt. Nói tới đây Bạn tôi bảo tôi: “Để mình kể cho Tuấn nghe một thí dụ về điểm này: Một bữa mình bắt gặp cuốn Phi Lạc sang Tàu của Hồ Hữu Tường ở một tiệm sách cũ, mình đọc lướt qua, và thật bất ngờ khi thấy trong cuốn tiểu thuyết hài cấp cao, có đầy hơi hướm cô “Chị” hôi rình này lại có 4 trang bàn về truyện Kiều, nhưng mình đã không mua, vì nhớ rõ là mình đã có một cuốn ở nhà. Mình nghĩ bụng khi về sẽ tìm ngay cuốn sách để ghi lên trang đầu thông tin về những trang này, đồng thời ghi luôn cả số của những trang đó. Nào ngờ vừa về đến nhà thì có hai người bạn ở Pháp về tới thăm, sau đó mời mình đi ăn cơm luôn. Nhưng rồi lúc về đến nhà đã gần 9 giờ tối mà mình vẫn nhớ lấy cuốn Phi Lạc sang Tàu ra để ghi là đoạn nói về Kiều nằm ở các trang 109 tới 112, TUẤN THẤY TRÍ NHỚ CỦA MÌNH TỐT KHÔNG?”

Rồi anh tiếp tục dẫn giải tiếp về loại C.

Loại C. Các loại báo tháng, báo tuần, báo ngày kim cổ CÓ BÀI VIẾT VỀ KIỀU HOẶC VỀ CỤ NGUYỄN DU. Cần phải phân loại theo ngôn ngữ, niên kỷ, và thời kỳ như hai loại trên. Tuy nhiên, với các thứ báo thì cần phải có thêm một động tác nữa là phải sắp xếp các BÁO DANH TIẾNG GIÁ TRỊ VÀO VỚI NHAU. Chằng hạn ta chẳng nên để một tờ NAM PHONG nằm cạnh một tờ Sáng Tạo hồi trước, đồng thời cũng không thể để các báo danh tiếng như Phong Hóa, Ngày Nay, Tri Tân, Thanh Nghị chung với những tờ Văn Nghệ lúc trước được. Tóm lại cần phải cân nhắc, sắp xếp những tờ có giá trị lớn chung với những tờ có giá trị lớn và những tờ lá cải chung với những tờ lá cải. TUY NHIÊN DÙ LÀ BÁO GÌ ĐI NỮA, HỄ CHÚNG CÓ CHỨA ĐỰNG BÀI VIẾT LIÊN QUAN TỚI CỤ VÀ NÀNG THÌ TA VẪN NÊN GIỮ.

Khi để trong các tủ, CẦN ĐỂ NHỮNG BÁO CÓ GIÁ TRỊ LỚN Ở NHỮNG NƠI TRANG TRỌNG NHẤT, VÀ LẤY RA CẤT VÔ DỄ DÀNG NHẤT vì ta sẽ có rất nhiều cơ hội để bạn bè chiêm ngưỡng và tham khảo thường xuyên.

Kinh nghiệm cho biết là ngay giờ phút này, nếu ta để tâm sưu tầm THÌ TRUNG BÌNH TRONG 1 TUẦN LỂ SẼ CÓ ÍT NHẤT LÀ 5 TÀI LIỆU NỐI VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU TRÊN CÁC SÁCH BÁO. Do đó khi chơi sưu tập Kiều, người sưu tập ĐANG CHƠI MỘT SƯU TẬP SỐNG và nó càng ngày càng trở thành lớn, thành nhiều nếu người chơi rành cách sưu tập.

Việc sưu tầm như các phương cách nói trên khác hẳn việc sưu tầm theo cách CẮT VÀ DÁN vì cách sưu tầm đó CHỈ CÓ MỘT CÔNG DỤNG NHẤT ĐỊNH CHỨ KHÔNG ĐA CÔNG DỤNG cho người chơi NHƯ LÀ CÁCH SƯU TẦM NGUYÊN CUỐN SÁCH,NGUYÊN TỜ BÁO, lý do đơn giản là NGOÀI CÁC TÀI LIỆU VỀ KIỀU VÀ CỤ NGUYỄN DU, CÁC SÁCH BÁO NGUYÊN CUỐN, NGUYÊN TỜ CÒN CHỨA ĐỰNG HÀNG VẠN, HÀNG TRIỆU THÔNG TIN VÀ TÀI LIỆU VỀ ĐỦ MỌI LÃNH VỰC KHÁC.

Hơn nữa sưu tầm nguyên cuốn sách, nguyên tờ báo, người sưu tầm sẽ có trung bình năm sáu tủ sách trông thật đã mắt, thay vì chỉ có vài ba cuốn albums trông chẳng ấn tượng gì.

Giá trị tinh thần của những sưu tập lớn thì CÓ THỂ NÓI LÀ VÔ GIÁ, KHÔNG THỂ TÍNH BẰNG TIỀN, nhưng còn giá trị vật chất, kinh tế thì cũng không phải là nhỏ, và đây CHÍNH LÀ BUÔN THẤT NGHIỆP LÃI QUAN VIÊN, vì khi chỉ mới lẻ tẻ ít cuốn, ít chục thứ thì giá trị chẳng là bao nhiêu, NHƯNG KHI ĐÃ SƯU TẬP ĐƯỢC VÀI NGÀN CUỐN ĐỂ TRONG 5, 6 TỦ THÌ ĐÃ LÀ CẢ MỘT TÀI SẢN LỚN!

Thú sưu tầm và làm sưu tập Kiều chính là một thú vui vừa mang lại lợi ích tinh thần vừa giúp người sưu tập CÓ ĐƯỢC THỨ MÀ KHÔNG PHẢI BẤT CỨ AI CŨNG CÓ THỂ CÓ!

Nghe bạn tôi dẫn giải xong, tôi khoái quá và mời anh ghé xem sưu tập nhỏ mà tôi mới mua được, anh vui vẻ nhận lời, và trưa nay, sau khi tôi mời anh đi dùng cơm, anh đã ghé và sắp xếp đâu ra đó trên 100 cuốn sách báo trong sưu tập nhỏ của tôi TRONG CÓ NỬA GIỜ ĐỒNG HỒ, khiến tôi phục anh quá! Tôi hỏi anh: “Anh có thể cho biết những cuốn Kiều được dịch ra Pháp văn hay nhất là những cuốn nào?” Anh nói: “Với trên mười cuốn Kiều được dịch ra Pháp văn, vừa của những người dịch cũ, lẫn cùa những người dịch mới, tôi chỉ thấy và tin tưởng được có 4 cuốn, 3 cuốn từ rất lâu về trước và 1 cuốn thời nay; ĐÓ LÀ NHỮNG CUỐN CỦA ABEL DES MICHELS (1884), cuốn của NGUYỄN VĂN VĨNH (1944) VÀ CUỐN CỦA RENE CRAYSSAC (1926), cuốn này được dịch ra thơ Alexandrin (12 chân). CÒN CUỐN MỚI NGAY LÚC NÀY LÀ CUỐN CỦA BÁC SĨ NGUYỄN KHẮC VIỆN, còn những cuốn còn lại thì tôi hơi bị ít thích thú, sưu tập để cho có, chứ tôi ít khi mất thì giờ giở ra đọc. Nhờ anh, tôi đã mạnh dạn bước trên con đường sưu tầm Kiều, và đã tự hứa với lòng mình là sẽ tận dụng những điều anh chỉ bảo…

VŨ ANH TUẤN

BẠN TÔI XII

Bạn tôi các số X và XI đã nói về các truyện có rất ít tính cách “truyện vui thời @”, nên Bạn Tôi số XII này xin dành để nói về một vài cách xử thế rất ư là lạ và tếu của bạn tôi mà chư vị độc giả có thể coi như những truyện vui nói trên.

Hôm qua, tôi ghé thăm bạn tôi, và trong lúc chúng tôi đang trò chuyện với nhau thì có tiếng điện thoại reo. Tôi đứng dậy tính đi ra chỗ khác để bạn tôi nói chuyện, nhưng anh ra hiệu bảo tôi cứ ở nguyên chỗ cũ. Tôi tuân lời ngồi tại chỗ và, dù không muốn, cũng phải nghe thấy những gì anh nói. Sau mấy giây người gọi nói, tôi thấy bạn tôi nói: “Thôi cháu ạ, chú xin lỗi không thỏa mãn yêu cầu của cháu được, cháu biết vì sao không? Vì sau 9, 10 lần được báo đài các cháu phỏng vấn và quay phim, nhất là sau lần gần đây nhất, chú đã tự thề với chú là sẽ “lê văn cạch một mạch tới già” cháu ạ!”. Nói xong anh cúp máy. Tôi hỏi anh, ai gọi và chuyện gì mà anh đòi “lê văn cạch một mạch tới già”? Mà anh chưa già à? Anh cười và trả lời: “Để tôi trả lời câu hỏi số hai của Tuấn trước: “Ai chứ tôi thì còn rất lâu mới già, mới 26 tuổi lần thứ ba thì làm sao mà già được, hơn nữa ai bắt được tôi phải già ngay? Thượng Đế cũng có bắt mình già ngay đâu? Những người đàn ông theo đúng nghĩa có thể trẻ cho tới hơi thở cuối cùng!” rồi anh cho biết là người gọi là một nữ phóng viên của một đài truyền hình muốn tới phỏng vấn anh về Câu Lạc Bộ Sách Xưa & Nay mà anh là chủ nhiệm, và muốn quay phim mấy sưu tập sách quý sách cổ của anh. Tôi hỏi anh: “Một cơ hội tốt như thế cớ sao anh lại từ chối? Trên đời này khối kẻ mất khối tiền mới được lên tivi, anh có cơ may không mất tiền mà vẫn được đưa lên, sao lại từ chối”. Anh chậm rãi trả lời: “ Tuấn nghe kỹ những gì tôi giải thích nhé. Trước nhất, Tuấn nói: khối kẻ mất khối tiền mới được lên tivi, Tuấn nói đúng, nhưng cậu không chịu suy nghĩ kỹ để thấy rằng chuyện mất khối tiền mới được lên tivi là chỉ có xảy ra ở nước ta, còn ở nước ngoài thì kẻ đến phỏng vấn và quay phim phải trả khối tiền cho người được họ xin phỏng vấn và quay, còn với những nhân vật cộm cán như Clinton chẳng hạn thì người phỏng vấn và đòi quay phải trả tiền mệt nghỉ! Ở ta thì hiện nay, có những kẻ phải trả rất nhiều tiền mới được lên tivi, Tuấn nói đúng, đơn giản là vì họ cần phải tự quảng cáo, và cần được đưa lên, do đó họ phải trả nhiều tiền. Còn những người như tôi thì chỉ là một dạng đề tài ít nhiều hấp dẫn mà báo đài thích đưa lên nhưng cũng chẳng được một xu chết tiệt nào, ngoại trừ một cái đĩa DVD, mà có lúc cũng chẳng có!”. Tôi nói: “Ôi nhưng dù sao thì có phải ai cũng được lên tivi đâu?”. Anh trả lời: “Phải, nhiều năm trước mình cũng nghĩ như cậu vừa nói, và đã chấp thuận cho quay và phỏng vấn tổng cộng 9 lần bởi nhiều báo đài khác nhau, nhưng qua những lần quay đó mình đã phải chịu đựng một số điều oan ức, khó chịu mà mình sẽ cho Tuấn biết ngay sau đây. Nghe hết, cậu sẽ dễ dàng hiểu tại sao tôi đã từ chối bằng câu: “Lê văn cạch một mạch tới già” cậu bạn vàng của tôi ạ!

Và anh bắt đầu kể: “Cậu biết không, có một lần một đài, xin miễn cho tôi phải nhắc lại là đài nào, nhưng cậu dư biết là tôi chẳng bao giờ thèm nói xạo. Ngày hôm họ tới phỏng vấn và quay, tôi đã mở toang tủ sách chứa đựng 400 cuốn sách cổ hồi thế kỷ thứ 19 của tôi và nhắc đi nhắc lại số lượng là 400 cuốn, nhưng đến hôm được phát hình trên đài đó cho cả nước xem, cô phát ngôn viên mặt đẹp như hoa, đã nói dẻo quẹo là 2000 cuốn, nghĩa là số sách được nhân lên gấp năm lần! Đúng là tôi bị oan “Thị Mè” không? Các bạn tôi gọi điện thoại trách tôi tới tấp: “Gớm! không ngờ ông xạo thế!” – “400 mà phịa thành 2000, bó tay với ông!” – tôi chỉ còn một cách là kêu oan, nhưng may thay vì các bạn tôi hiểu tôi, nên ai nấy đều cười và khuyên “bận sau nghỉ… dại nhé!”. Một lần khác, nếu tôi không lầm là lần thứ 5, cách đây ba năm, khi cô phóng viên hỏi tôi về giá sách cổ tôi có nói với cô ta là ở Pháp chẳng hạn, những cuốn sách được gọi là sách hiện đại do các danh họa minh họa (livres modernes de peintres), mỗi cuốn giá trung bình phải bằng cả chục lượng vàng ở nước ta, nhưng đến ngày phát hình, không biết họ cắt xén điều chỉnh thế nào mà câu trả lời của tôi biến thành “những bộ tự điển bách khoa trong tủ sách gia đình của tôi trị giá hàng chục lượng vàng”, giá tiền của những sách hiện đại do các danh họa minh họa ở bên Pháp, bỗng được gán cho những bộ bách khoa tự điển trong tủ sách gia đình của tôi! Tôi tự nhiên bị biến thành một xạo gia hơi bị ít giỏi vì ở ta, và ngay ở ngoại quốc, cũng làm quái gì có những bộ bách khoa đáng giá hàng chục cây vàng; thực là ít khôn khi đưa đầu ra hứng chịu những sự ít giỏi ở đâu đó rớt xuống! Đấy là lần thứ hai tôi bị “oan Thị Mè”. Và vào lần áp chót, lần thứ 8, cách đây hơn một năm, một anh nhà báo trông khá hiền lành tử tế tới phỏng vấn tôi về tủ sách gia đình của tôi đã có lần được giải Ba trong cuộc thi Tủ Sách Gia Đình lần thứ nhất năm 2006 trong Hội Sách lần thứ IV. Tôi trò chuyện với anh trong hơn một tiếng đồng hồ với sự hiện diện của một bà bạn của tôi. Trong cuộc trò chuyện chúng tôi có nói về tủ sách của cụ Vương Hồng Sển và ý định hiến sách và lập nhà Lưu Niệm Vương Hồng Sển của cụ, thế nhưng khi bài báo được đưa lên thì ý định của cụ Sển bỗng biến thành ý định của tôi muốn tặng tủ sách cổ của tôi cho một nhà xuất bản nào đó để sách được tới tay công chúng! Tôi lập tức phản ứng ngay bằng cách mail cho Đại diện của tờ báo đó ở chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, nói là tôi chẳng bao giờ nói và chẳng bao giờ có ý định hiến hiếc cái gì! Tủ sách của tôi có là do mồ hôi nước mắt của tôi, mà tôi đâu có dại gì mà tính chuyện hiến hiếc để kiếm chút hư danh. Tôi đã được người Đại diện tờ báo đó cho biết là họ sẽ có lời cải chính trên báo… nhưng rồi sau im re luôn, nhưng ít nhất tôi cũng cất được điện thư đó để làm bằng… Và mới đây nhất, chỉ cách đây khoảng 6,7 tháng là một đài nghe nói là tư nhân, nhưng rất có uy tín, đến xin phỏng vấn và quay phim. Đây là lần thứ 9, vừa nghe tôi đã từ chối và cho biết đã quá mệt mỏi với vụ này, nhưng sau vì mấy phóng viên nói mãi tôi đã lại đồng ý cho phỏng vấn và quay. Lần này họ làm rất kỹ và tôi đã phải ngồi chịu đựng suốt hai giờ đồng hồ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại mới xong việc và được hứa hẹn sẽ được thông báo ngày giờ phát hình và sẽ được biếu đĩa DVD cuộc phỏng vấn và quay, để rồi từ hôm đó tới nay là… im re luôn! Đó chính là lý do phụ khiến tôi muốn “Lê văn cạch một mạch tới già” với mọi vụ việc này! Tôi hấp tấp hỏi anh: “Còn lý do chính là gì?” Anh cười cười và chậm rãi trả lời: “Lý do chính là “Tôi chỉ cần được lên tivi trong lòng các Mẫu hậu mà thôi!”…

VŨ ANH TUẤN

Bạn Tôi XIII hay là

MỘNG ƯỚC CHO TƯƠNG LAI

Chiều hôm qua tôi ghé thăm bạn tôi và bắt gặp anh ngồi mơ màng suy tư. Ngồi đối diện với anh, tôi hỏi anh suy nghĩ gì mà lung giữ vậy. Anh nói: “Tôi đã 78 và đã có 16 tác phẩm dịch thuật để kể công với Mẹ Âu Cơ, với cuộc đời hiện tại, tôi coi như đã làm tròn nhiệm vụ. Điều tôi đang bận tâm là điều tôi muốn dành trọn kiếp sau để thực hiện. Tôi có nhiều anh bạn mong ước trong kiếp tới sẽ đầu thai ở Mỹ, ở Pháp, ở Thụy Điển, còn nếu trở về châu Á thì phải ở Singapore, ở Nhật vv… Mặc cho họ muốn đi đâu thì đi, tôi thì tôi nhất quyết sẽ lại trở về sống thêm một kiếp, và nhiều kiếp nữa nơi quê nhà, nhưng trong kiếp tới, khi lại trở lại quê nhà, tôi có một ước vọng mà tôi sẽ dành trọn cuộc đời mới để thực hiện cho bằng được, cho dù phải trả bất cứ giá nào!” Tôi rất quý bạn tôi, nên khi thấy anh nói vậy tôi năn nỉ anh cho biết ước vọng của anh ra sao, để xem có hợp với điều tôi và các bạn bè của cả hai chúng tôi đang mong muốn không?

Anh mỉm cười và nói: “Ước vọng mà tôi đang mong ước sẽ thực hiện được rất ư là độc đáo và riêng tư. Do đó, tôi không nghĩ là Tuấn, và các bạn khác đã có thể có lúc quan tâm tới vấn đề tôi mong ước thực hiện được này, nhưng dù Tuấn và các bạn thấy hợp hay không hợp thì tôi cũng sẽ vẫn dành cả cuộc đời sắp tới để làm cho bằng được mới thôi… để được nhắm mắt ra đi một cách thanh thản trong kiếp sắp tới!”

Với một người nào khác thì tôi sẽ cho ngay là anh bạn này hơi bị hâm hâm rồi, vì còn đang sống sờ sờ, mà lại đi lo chuyện kiếp sau; nhưng với anh thì tôi hoàn toàn không có ý nghĩ như vậy, vì là bạn của anh từ ngày cùng học trường Henri Rivière cạnh Bưu Điện Hải Phòng, rồi sau đó chúng tôi luôn luôn sống như là có nhau trong suốt 6, 7 chục năm sau, tôi luôn thấy anh là một người sống an nhiên, tự tại, chịu khó học hỏi, rồi từ ngày Giải Phóng đến nay anh hoàn toàn tự do làm một nghề tự do sạch sẽ. Có được một số thành tựu và một số tác phẩm, theo cách anh nói, là để kể công với Mẹ Âu Cơ, cho nên tôi có lý do để tin rằng ước vọng anh đang bận tâm suy tính không phải là cái gì vớ vẩn phi lý, nhưng đồng thời tôi lại nghĩ rằng rất có thể là ước vọng này có tính khôi hài cao, vì anh là người viết lách rất ư là khôi hài, vui nhộn và tếu… hơn nữa anh luôn là người nghĩ sao viết vậy, cũng như viết sao nghĩ vậy! Trên đời này, ngay lúc này,có thiếu gì kẻ, đằng sau lưng thì chúng chửi tàn độc một đối tượng nào đó, nhưng trước mặt và trên giấy tờ thì chúng lại ca và đưa đối tượng đó lên đến tận tầng trời thứ bảy!

Để có thể được anh chia sẻ điều anh đang bận tâm suy nghĩ, tôi mời anh đi dùng cơm với tôi tại một quán ăn tại một khu vườn nhỏ rất đẹp. Anh vui vẻ đi với tôi và quả nhiên là khu vườn nhỏ và xinh đẹp đã làm tâm hồn anh vui, nên trở nên cởi mở, và anh đã bật mí cho tôi hay điều anh muốn thực hiện trong những ngày tới, trong kiếp sống mới. Và dưới đây là toàn bộ những gì anh đã chia sẻ với tôi:

“Tuấn biết không, điều mà mình ước mong thực hiện cho bằng được trong kiếp sống sắp tới là một chuyện rất nhỏ, rất nhỏ nhưng lại rất khó thực hiện. Chắc Tuấn hơi thấy là lạ, là tại sao mình lại không thực hiện ước mơ ấy ngay lúc này, khi còn sống nhăn, mà lại phải chờ tới kiếp sau? Câu trả lời cho thắc mắc có thể có đó là ngay lúc này, tiếng nói của một lão ông gần kề miệng lỗ như mình, sẽ không được những kẻ mắc bệnh trầm kha để ý thèm nghe. Tôi nói vậy vì ước vọng của tôi là muốn chữa một phần rất nhỏ một căn bệnh trầm kha mà người mình, nhất là giới trẻ, đang mắc phải. đó là bệnh sính ngoại ngữ và thích dùng hai từ Ô kê (OK) của Mỹ. Tuấn thử nghĩ xem, mình là người Việt con Rồng cháu Tiên đang sống trên quê hương mình mà không còn được nghe những từ quen thuộc như “Vâng”, “Được rồi”, “Đồng ý” nữa mà lúc nào cũng bị nhức tai vì hai chữ Ô kê (OK) mượn của Mẽo. Do đó, tới kiếp sau, với tư thế một người trẻ, mình sẽ dành nhiều thời gian lên tiếng khuyên răn và nếu cần, sẽ năn nỉ, để người mình trả lại những từ “Vâng”, “Được rồi”, “Đồng ý” rất Việt Nam, rất dễ thương cho… Tổ Hùng Vương!”

Tôi hỏi anh: “Có vậy thôi mà sao lúc nãy tôi thấy anh ngồi suy tư rất ư là lung vậy? Anh cười cười và nói: “Mình đang nghĩ tới việc tìm một giải pháp gì có thể được dùng để dung hòa, khi người mình không chịu từ bỏ hai từ Ô kê mượn của Mẽo, và này Tuấn ạ, mình đã nghĩ ra một giải pháp rất có thể được chấp nhận, vì nó vừa vui, vừa là lạ. Đó là nếu người mình không chịu đưa hai từ Ô kê ra khỏi tiếng Việt yêu quý của mình, thì ta tạm cho chúng ở lại, nhưng phải Việt hóa chúng bằng cách nói là Ô gà (vì kê là gà) cho năm Dậu, còn các năm khác như năm thì là Ô chuột, năm Sửu thì là Ô trâu, năm Dần thì là Ô hổ, năm Mão thì là Ô mèo, năm Thìn thì là Ô rồng, năm Tỵ thì là Ô rắn, năm Ngọ thì là Ô ngựa, năm Mùi thì là Ô dê, năm Thân thì là Ô khỉ, năm Tuất thì là Ô chó, và cuối cùng năm Hợi thì là Ô heo, như vậy ít ra Tổ Hùng Vương cũng nhận ra được những từ như gà, chuột, trâu, hổ, rồng vv… còn về người mình thì mỗi năm mỗi có đổi mới, Tuấn thấy hay không?

Tôi cố nén cười và trả lời anh rằng đó cũng là giải pháp hay, còn việc thực hiện được hay không thì… kiếp sau phân giải!

Đưa bạn tôi về nhà xong, trên đường về tôi bỗng thấy giải pháp dung hòa của anh không phải là quá dở, trái lại, nếu được áp dụng thì lại rất vui, nhất là trong những… năm Mùi!

Vũ Anh Tuấn



CÂU CHUYỆN NHỎ

ĐÀM LAN

C uộc đời mỗi người là một chuỗi dài những câu chuyện nhỏ nối tiếp. Có những câu chuyện chỉ như một thoáng vút qua, chìm khuất nhanh chóng giữa bao nhộn nhã bộn bề, nhưng cũng có những câu chuyện mà mỗi lần có gì khơi gợi, lại thấy còn sống động y nguyên từng chi tiết nhỏ một. Không chỉ hình ảnh mà cả những cảm xúc cũng cuộn trào như đang lúc xảy ra vậy. Như một nếp gấp, rất khó mà miết phẳng đi được. Câu chuyện mà tôi sắp kể cho các bạn đây là một câu chuyện mang tính chất ấy. Và có lẽ bất kỳ một ai, nếu có một câu chuyện tương tự chắc cũng không dễ nào quên, cho dù con sóng thời gian có ào ạt cuốn phăng mọi thứ đến tận phương trời xa tít tắp nào.

Ngày ấy tôi mười chín tuổi, cái tuổi mười chín, hai mươi của chúng tôi là vào những năm đầu thập kỷ 80. Không được khôn ngoan lanh lợi, không được một tầm tri thức như các bạn trẻ ngày nay. Chúng tôi ngày ấy còn ngờ nghệch lắm. Đôi khi cứ tưởng là mình đã hiểu biết sâu xa, nhưng có rất nhiều hành động mà bây giờ nhìn lại mới thấy ngây ngô đến tội nghiệp.


Tôi ngày ấy là một con bé không xinh xắn mà cũng không xấu xí. Chưa biết gì ngoài cây chổi, que diêm. Lại chân tay đểnh đoảng, làm đâu hư đó, nói trước quên sau. Cũng chẳng sáng soi gương, trưa chải tóc, lại hay ăn cốc vì cái tội ưa đọc truyện Kim Đồng để cơm thành bánh khảo. Bị câu mắng, lời đe, dăm bảy nhát que vào thịt là chuyện thường ngày. Có ấm ức thì tấm tức khóc một lúc rồi lại đâu vào đó. Vậy mà cũng đến lúc nỗi ấm ức vượt ra ngoài sự kềm tỏa của những giọt nước mắt, để bật ra một ý định bất thường.

Hôm ấy tôi bị đòn oan, mà nguyên do thì rất là vặt vãnh. Nhưng là vặt vãnh với bây giờ thôi, chứ ngày ấy thì không vặt một chút nào. Có lẽ phải kể qua một chút về bối cảnh gia đình tôi lúc bấy giờ để các bạn dễ hình dung ra một giai đoạn của cuộc sống. Cũng như đa số những người dân sau ngày giải phóng, đời sống vật chất rất nhiều hạn chế. Lại cha tôi sớm qua đời sau ngày hòa bình không lâu. Gánh nặng gia đình dồn cả lên vai mẹ tôi. Một đàn con còn ngờ nghệch non dại, giữa chật vật miếng sống hàng ngày, mẹ tôi không khỏi những lo âu bươn trải, rồi đôi khi vì phải lo toan nhiều quá, cộng với những va đập của những bon chen giành giật hàng ngày, mẹ tôi cũng trở nên nóng tính. Con cái có những lúc là nơi để trút cơn giận dữ không phải là chuyện lạ. Nhất là với cái tính đểnh đoảng của tôi thì chẳng khác gì cơm ngày hai bữa, có khi còn dăm bữa phụ nữa ấy chứ. Nhưng hôm ấy là một sự việc căng thăng hơn mức bình thường. Nhà tôi ở ngay trong một khu chợ, rất thuận lợi cho việc mua bán, mẹ tôi thuộc típ phụ nữ tháo vát, nên nói cho ngay, đời sống của anh chị em tôi cũng không đến nỗi quá đói khổ. Vốn tính tham việc, luôn tận dụng những điều kiện có thể để tăng thu nhập, thấy những thứ thức ăn thừa thãi từ các sạp bán hàng thải ra mỗi ngày, mẹ tôi nuôi thêm một bầy gà. Phải nói là nhìn phát mê những cái diều no căng mỗi chiều chúng lục tục trở về chuồng. Vừa vui vừa có thêm dăm ba quả trứng bồi bổ, con cái thi thoảng được bữa thịt gà hỉ hả thì ai mà không thích không ham chứ. Nhưng nghiệt nỗi lại ngay giữa chợ, cái hay là không phải cho ăn một tí gì mà những chú gà cứ nần nẫn béo mẫm ra, nhưng cái dở là thi thoảng lại thiếu đi một con lúc chiều về. Mỗi lần mất gà là chị em tôi đến khổ, cứ nhớn nhác khắp đầu chợ đến cuối chợ dõi căng mắt ra mà tìm. Có hôm may mắn tìm được thì chao ôi là sung sướng, quanh mâm cơm hôm ấy là những nụ cười, còn không thì… nhưng rồi cũng qua đi. Hôm ấy khác hơn một chút là ngoài chuyện mất con gà, lại là một con gà mái to đang đẻ, tôi còn bị cộng thêm một vài tội vặt gì nữa đấy, nếu không có chuyện mất gà, chắc những sơ sảy ấy cũng chẳng là gì. Ngặt nỗi, khi cơn nóng của mẹ tôi nổi lên rồi thì tổng hợp những cái hỏng thành một trận lôi đình. Một trận đòn đau chưa đủ mẹ tôi hả giận, cho dù chẳng phải chính tay tôi làm ra sự mất mát ấy, nhưng rõ ràng như thể tôi là một thủ phạm chính trong mọi sự. Nếu chỉ là một trận đòn lúc buổi tối thôi thì chắc tôi cũng chưa đến nỗi. Ai dè, một đêm không ngủ được vì tức, vì tiếc, sáng ra mẹ tôi lại trút giận thêm một trận nữa. Quá đau và cũng quá uất ức, nên khi mẹ tôi đẩy tôi ra khỏi nhà với một câu dằn "Không tìm được con gà thì đừng vác mặt về nhá, tao đánh cho què thì thôi". Vừa sợ vừa ức, tôi cứ đi, đi mãi. Và rồi tôi bỗng nghĩ đến một điều…

Chiếc xe lam phì phạch đưa tôi đi qua một đỗi đường dài đến hai mươi cây số, hai bàn chân tôi mỏi nhừ vì cứ phải co lên tránh luồng hơi lạnh ngắt tỏa từ những cây nước đá xếp giữa lòng xe. Bây giờ mà chủ xe nào có lối tận dụng như thế chắc sẽ khó mà tồn tại trên những tuyến đường, ngày đó thì hành khách cứ thin thít mà chịu đựng. Duỗi và co bóp mãi hai chân tôi mới bắt đầu những bước đi. Từ nơi xe lam dừng để trả khách đến nơi tôi muốn đến còn phải hơn tám cây số đường đất nữa. Bây giờ các du khách đến tham quan du lịch Thác Drây Sáp thì thong dong một lèo thẳng thớm trên con đường trải nhựa láng e đến tận cổng thác. Còn ngày đó, con đường dài bụi mù đất đỏ, qua hết được con đường chẳng khác nào người của một bộ tộc hẻo lánh xa xưa. Trước đó tôi đã một lần đi qua, đi du lịch hẳn hoi nhé. Nhưng các bạn biết chúng tôi đi du lịch bằng gì không? Một chiếc xe cần cẩu, một loại xe chỉ chuyên đi lấy cây trong rừng, ngày nay thì khó mà nhìn thấy trong thành phố. Không muốn tin cũng phải tin, chiếc xe đánh vật qua con đường không bằng phẳng ấy không biết bao lần trồi sụt, dằn lắc, và hành khách trên xe, khoảng mấy chục mạng đều chơi: vé đứng. Cũng nhờ có lần đi chơi đó mà tôi biết được nơi ấy, và dự định kế hoạch cho một lời vĩnh biệt thật êm thấm và lãng mạn. Ngây ngô là ở chỗ đó, trẻ con là ở chỗ đó. Nhưng cái sự êm thấm và lãng mạn ấy trước hết là buộc tôi phải nuốt trọn quãng đường hơn tám cây số ấy chỉ với đôi chân mảnh mai của mình. Nếu trước đó có ai bảo tôi phải trải qua quãng đường ấy thế nào, chắc có lẽ tôi đã không đủ dũng cảm mà đi như thế. Không như bây giờ, xe cộ qua lại vù vù, để còn có cơ hội xin quá giang. Suốt một con đường vắng ngắt, chỉ có nắng và bụi. Họa hoằn lắm mới có người dân tộc mang gùi, cũng cắm cúi với đôi bàn chân. Hầu như không có nhà cửa dân cư gì, chỉ toàn có cây cao, núi lơ lỡ, đồi thoai thoải. Tiếng chim, tiếng những loài động vật lạ lẫm thi thoảng xua bớt cái vắng lặng của một vùng rừng heo hút. Nhưng tất cả những thứ ấy lại chẳng gây cho tôi chút cảm giác sợ hãi nào thì đã quyết đi chết còn gì để sợ nữa. Thế rồi đôi chân đã bắt đầu phản kháng, chúng chậm dần, rồi nhích nhắc nhích nhắc lê từng bước một. Bụng đã đói, mắt đã tóa đom đóm, lưng vai, xương cốt chỉ chực vỡ vụn. Mỗi khi đứng lại nghỉ lại cảm thấy mình như muốn ngã quỵ xuống, tôi biết, nếu chỉ một lần quỵ ngã thì chắc tôi sẽ không thể nào đi tiếp được hết con đường. Hình ảnh dòng thác hùng vĩ tung bọt nước trắng xóa, mát rượi lại như vẫy gọi. Tôi lại ráng động viên mình, cứ gắng thêm ít nữa đi, rồi sẽ phải đến nơi thôi. Thế mà rồi tôi đến được thật. Khi nhìn thấy những vuông đá làm bậc đi xuống, tôi thở ra một hơi dài nhẹ nhõm, tiếng nước đổ ầm ù phía xa trong làm tôi phấn chấn lên. Vào được đến khu vực thác chính, tôi ngã người lên một phiến đá to, cảm giác gân cốt rã rời một cách thoải mái làm sao. Lúc đó trong tôi như không còn nỗi buồn nặng trĩu như lúc bước chân ra khỏi nhà, nhưng ý định trở về thì tuyệt nhiên không. Nằm một lúc cơn mệt đã nguôi đi thì cơn đói lại đến, đói thì lại nghĩ lại buồn lại tủi thân và khóc. Khóc chán, tôi lơ mơ thiếp vào giấc ngủ. Bên tiếng thác ầm ào, những bụi nước li ti như một làn sương bắn vào da mặt, tạo một cảm giác tê tê và mát rượi. Tôi chợt tỉnh khi nghe có tiếng người, mở mắt ra thì thấy có hai thanh niên ôm một bó củi khô đang cách chỗ tôi một đoạn. Tôi ngồi vụt dậy, đưa mắt nhìn quanh, cái phản xạ tự nhiên của giới tính muốn tìm một cái gì đó để có thể chở che, nương náu. Hai người thanh niên kia như đoán biết được tâm trạng tôi, họ không đi ngang con đường mòn sát chỗ tôi ngồi, mà đi vòng qua những tảng đá phía bên kia. Nhưng dù sao thì cũng không bỏ lỡ một tình huống.

- Gì mà buồn thế bé ơi! Đi kiếm củi với tụi anh cho vui đi.

Tôi im lặng, quay mặt nhìn ra dòng thác. Vài tiếng cười khe khẽ cùng mấy tiếng nói nho nhỏ rồi im vắng. Một lúc nhìn lại thì không thấy ai nữa. Tôi thở ra, giấc ngủ đã giúp tôi khỏe lại phần nào. Lần qua những tảng đá, tôi xuống đến mép nước, vốc vã lên mặt, thấy thật sảng khoái dễ chịu. Bây giờ tôi mới nghĩ đến tình cảnh và ý định của mình. Chắc chắn tôi không thể nào thực hiện nó được với một vị trí có người qua lại thế này. Mông lung nhìn ra mặt nước, tôi vội lắc đầu khi nghĩ đến cảnh tượng một cái xác trương sình sẽ gây sự hoảng sợ cho ai đó, lại nữa, chết như thế thì không đẹp tí nào cả. Đúng là đồ con gái mà, đến chết mà cũng sợ xấu nữa. Tôi nghĩ đến một phương cách êm ả và dễ chịu hơn. Chỉ cần tìm một chỗ nào đó yên tĩnh, khuất nẻo không ai có thể phát hiện, và tôi sẽ nằm yên đó cho tới lúc nào lịm dần đi thì thôi. Tự cho là mình thông minh khi tìm ra được một cách hay như thế. (Bây giờ nghĩ lại, tôi mới nhận ra là mình bị ảnh hưởng từ những trang tiểu thuyết dở hơi hồi ấy, chứ chỉ một mình tôi chắc không thể nào có cái ý tưởng lạ lùng như thế. Thế mới biết, những người cầm bút phải biết có trách nhiệm đến thế nào với những gì mình viết ra, bởi với một nội dung không lành mạnh, rất nhiều khi gây nên những hậu họa khôn lường cho nhiều người khác, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên chưa có đủ độ chín chắn trong nhận thức). Tôi nhìn quanh để tìm một chỗ phù hợp. Suốt dọc theo mép nước chỉ toàn là đá, lẫn giữa những khe đá là những cây rừng cao thấp, có vẻ không dễ gì tìm được một chỗ như tôi muốn. Một thoáng nghĩ về nhà, gương mặt mẹ tôi lúc giận dữ lại hiện ra rõ rệt. Tôi nhắm mắt xua đi, tôi nghĩ, mọi người rồi cũng sẽ mau chóng quên đi thôi, vắng đi một người như tôi trong nhà có khi lại bớt những cảnh ồn ĩ vì la mắng, roi vọt. Chị em tôi cũng bớt đi những lúc ghen tị hoặc tranh giành nhau những vặt vãnh gì đó. Nghĩ thế, nên lòng tôi hầu như không một chút vướng mắc, hối hận hay sợ sệt nào. Tôi đứng dậy, men theo rìa đá, chắc sẽ phải có một chỗ nào đó chứ nhỉ, bao la thế này cơ mà. Chợt tôi giật bắn mình:

- Cô bé ơi !

Ngoảnh lại thì ra hai người thanh niên lúc nãy. Bối rối, tôi chưa biết phải nói gì thì tiếng nói kia lại vang lên:

- Trời chiều rồi, cô bé ở đâu thì về đi, kẻo chậm nữa sẽ không có xe về đâu.

- À… tôi còn phải chờ mấy bạn tôi nữa.

- Nãy tôi đâu thấy có ai đi cùng cô bé đâu.

- Có mà…

Nói rồi, tôi vờ chụm tay làm loa gọi ầm lên vài cái tên nào đó, vừa gọi tôi vừa tìm đường chạy trốn, biết ý đồ của tôi, hai người thanh niên kia lập tức bám theo. Tôi cảm thấy lo sợ trong lòng, không hiểu những người kia thuộc hạng người nào, tình thế này chắc là khó mà thoát được sự truy đuổi của họ rồi. Nếu không thoát thì phải làm sao đây? Lần đầu tiên trong đời tôi rơi vào một tình huống khó khăn như thế. Từ trước đến giờ có bao giờ tôi đi xa một mình thế này đâu. Hai người kia vừa chạy đuổi theo vừa nhắc chừng :

- Đừng sợ, cô bé ơi! Chúng tôi không làm gì cô bé đâu, cẩn thận khéo ngã đấy…

Hình như họ không phải là người xấu, nhưng không thể tin vào một chút biểu hiện ấy, tốt nhất là cứ phải thoát được cái đã. Tôi gặp may khi lòn qua một tảng đá lớn, hụp đầu xuống để tránh tầm mắt của hai người kia, và họ mất bóng tôi thật. Tôi nghe tiếng họ bảo nhau:

- Trông thế mà cũng nhanh chân gớm nhỉ.

- Không chạy xa được đâu, chắc chỉ trốn dưới mấy gờ đá kia thôi. Ta cứ tìm tiếp đi.

Có nghĩa tôi chưa thể an toàn, tôi vẫn luồn lỏi dưới những khe đá, bất chợt tôi nhìn thấy một lỗ hổng to dưới một gốc cây, mừng qua tôi chui tọt vào, trong đầu không có chút đề phòng gì những con vật nguy hại như rắn rết đang chực chờ trong cái hốc cây ấy. Càng mừng hơn khi tôi nhìn thấy rõ những gộp đá như có tay người sắp xếp thành một cái giường đá vậy. Tôi ngồi ngay lên, rất vừa với vóc người của tôi. Tôi lóng tai nghe ngóng phía ngoài một lúc, không có động tịnh gì, đúng là hai người kia đã mất dấu tôi. Yên tâm, tôi nhìn lại chỗ mình ngồi một lần nữa, đúng là quá lý tưởng so với yêu cầu của tôi, chắc ông trời đã giúp tôi đây mà. Thật buồn cười, đang muốn chết, được một nơi như mong đợi lại mừng, lại bảo được trời giúp. Từ chỗ tôi ngồi nhìn thẳng ra mặt chính của dòng thác, vừa yên ổn vừa lãng mạn, thật không chê vào đâu được. Thế này thì chắc cũng khó có ai mà tìm ra được, nhưng để cho yên tâm hơn, tôi lò dò ra ngoài bẻ một số cành lá dựng ngụy trang trước của. Ở xa nhìn tới chắc chắn không thể nào nghĩ được là trong đây có người. Xong xuôi, tôi ngả lưng lên cái giường đá, thấy sao mà khỏe khoắn, dễ chịu thế không biết. Nằm quay mặt ra ngoài, tôi nhìn dòng thác cứ tuôn đổ hết ngày này qua tháng khác mà không hết nước. Không biết nước ở đâu ra mà lắm thế nhỉ? Nhìn ngắm một lúc tôi nghĩ về gia đình, giờ này không biết mọi người ở nhà đã phát hiện ra sự vắng mặt của tôi là đã quá lâu rồi chưa nhỉ? Đã có phán đóan gì chưa? Có lẽ cùng lắm là nghĩ tôi đến nhà người bạn nào đấy thôi, dám chắc một trăm phần trăm là không thể nào nghĩ ra được là tôi đi gửi thân ở chốn này đâu. Trong thâm tâm tôi thầm xin lỗi mẹ, mẹ đã khổ nhiều vì lo lắng cho chúng tôi, mà tôi lại hay làm mẹ phải buồn bực, từ nay thì không còn đứa con gái vụng về, đểnh đoảng này làm mẹ phải cáu giận nữa mẹ nhé. Con tự nguyện rời xa cuộc sống này, mong sao những người còn lại sẽ có những tháng ngày vui vẻ hơn. Tôi đinh ninh là thế. Bởi nếu đã không yêu không thích thì tốt nhất là đừng phải trông thấy hàng ngày, tôi nghĩ đến cả những lần cãi cọ của mấy chị em tôi. Chị em gái, lại sàn sàn với nhau, thường không chịu nhường nhau những chuyện nhỏ nhặt. Đây là một cách tốt nhất để giải quyết tất cả những bất hòa dai dẳng và khó chịu ấy. Có lẽ các bạn đang rất chê cười tôi, nhưng quả thật lúc ấy tôi chỉ nghĩ được có thế. Và chính ý nghĩ mình đang đem lại sự giải thoát cho mọi người đã làm tôi không thấy có tư tưởng sợ chết. Hình như đôi khi trong sự ngây ngô và cao cả có nét tương hợp nhau. Tôi thiếp đi trong lan man nghĩ ngợi, trong cơn đói âm ỉ của dạ dày, cùng những giọt nước hoen ra từ đôi mắt. Một thoáng nghĩ mình đang lịm dần đi rồi đấy, và tôi không biết gì nữa.

Một lần nữa tôi giật thót tim và choàng tỉnh khi:

- Hồi chiều tụi em đuổi đến đây thì mất dấu.

- A. tao biết rồi, ở gần đây có một cái hang nhỏ.

Vừa kịp biết nơi mình ẩn nấp sẽ không còn an toàn, thì một bàn tay đã xô vẹt đám cây lá ngụy trang một cách vụng về, và hiện ra dưới thứ ánh sáng nhờ nhờ của màu trời sâm sẩm tối là một gương mặt, một dáng người đàn ông cao lớn. Tôi gần như đông cứng trong một tư thế. Giọng người đàn ông có vẻ reo vui:

- Đây rồi!

Lan ra một vài tiếng kêu mừng rỡ phía sau. Người đàn ông ấy cất giọng nhẹ nhàng, chủ yếu để trấn tĩnh tôi:

- Chào cô bé. Cô bé đừng sợ, tụi anh không có ác ý gì đâu, chỉ là muốn đưa cô bé lên nghỉ ngơi trên trạm canh của tụi anh thôi.

Tôi đã hơi bình tĩnh, đáp lại với giọng bướng bỉnh:

- Dạ thôi, em ở đây cũng được rồi.

- Không được. Ở đây rất nguy hiểm vào ban đêm, vì có cả thú dữ lẫn người xấu. Anh không thể để cô bé ở lại một nơi như thế này được. Ngoan nào, nghe lời anh đi.

Tôi im lặng, trong lòng rối rắm, không biết mình nên làm gì nữa. Người ấy lại tiếp tục với giọng nói như dỗ dành, như động viên, và như bắt buộc:

- Anh biết cô bé có chuyện gì đó không vui. Nhưng không sao, chuyện gì rồi cũng qua đi thôi mà. Với một tình người đơn thuần, và một trách nhiệm nhất định, anh không thể để cô bé có những hành động dại dột được. Nghe lời anh, ra đi nào. Ra rồi lên trạm ăn cơm, chắc là bé đói lắm rồi phải không?

Một lần nữa tôi cố dùng dằng:

- Không sao đâu. Em ở đây cũng tốt mà.

- Anh biết cô bé lo sợ điều gì rồi. Yên tâm đi, anh lấy danh dự một sĩ quan biên phòng mà bảo đảm mọi sự an toàn cho cô bé. Tụi anh là một đơn vị đóng quân nơi đây, có trách nhiệm an ninh cho mọi người. Cô bé yên tâm rồi chứ?

Thấp thoáng ngoài cửa hang, là một bóng người nữa. Tôi lại im lặng. Trong tôi không có sự quyết định, nửa muốn đi ra theo lời gọi kia, nửa muốn lì lợm cố thủ trong cái hang này, mà nửa sau thì rõ ràng khó mà thực hiện được. Đúng thế. Dường như hơi sốt ruột vì thái độ của tôi, giọng người kia hơi đổi sắc một chút, nhưng vẫn cố dịu dàng:

- Nếu cô bé không tự nguyện bước ra, thì buộc lòng tụi anh phải giúp cô bé thôi.

Một sự bắt buộc và đe dọa thật sự. Một giọng nói khác cất lên:

- Anh cứ để cô bé sẽ tự ra mà, trông cũng có vẻ hiền lành dễ thương đấy, không cứng đầu khó bảo đâu.

Bây giờ nghĩ lại, tôi mới hiểu rõ ngụ ý của câu nói ấy là gì. Còn lúc đó, nửa biết mình không thể lì được nữa, nửa như được cho uống thìa nước đường, tôi ngần ngừ một chút rồi ngoan ngoãn chui ra. Ánh mắt tôi thoáng lia ra mặt nước, lập tức người thứ hai kia nhảy chắn trước tôi. Người lúc đầu vẻ hài lòng với kết quả liền nói:

- Thôi anh em ta đi nào, trời tối rồi.

Có ánh đèn pin lấp lóa soi đường, bấy giờ tôi mới nhìn thấy có hai người phía trước nữa, tôi biết đó là hai thanh niên lúc chiều đuổi theo tôi. Dòng người nối hàng nhau, đi sau tôi là người đã nhảy chắn mặt nước và cũng là người góp phần sau cùng lôi tôi ra khỏi cái hang ấy. Con đường đá lô xô, khúc khuỷu, ban ngày còn khó khăn đặt những bước chân, huống chi, vừa tối trời, lại vừa mệt vừa đói, những bước chân tôi chập chỗm, đã mấy lần bị vấp té. Bất chợt giọng nói phía sau tôi cất lên:

- Phải vậy thôi, không còn cách nào khác, xin lỗi bé nhé.

Dứt câu thì cả người tôi nhẹ hẫng theo đà nâng của đôi tay mạnh mẽ, tôi cũng không phản kháng, là bởi hiểu rằng việc phải thế, và cũng có một cảm giác yên tâm, tin tưởng vào những con người này. Một dự cảm đúng giúp tôi thấy nhẹ lòng. Đi một đoạn, người đang bế tôi mỏi tay nên chuyền cho người đi phía trước. Tất cả đều im lặng với những bước chân. Lên gần đến những bậc thang đá. Tôi được nhẹ nhàng thả xuống bên một vũng nước trong vắt, ánh đèn pin soi thấy rõ mấy chú cá nho nhỏ đang dạo bơi.

- Bé hãy rửa mặt và chân tay đi.

Tôi nghe lời ngồi xuống khoát nước rửa mặt. Trông tôi lúc ấy chắc nhếch nhác lắm thì phải. Nước mát cộng thêm những bậc đá bây giờ đã khá bằng, nên tôi đi lên có vẻ vững vàng hơn. Vừa nhô mặt lên đến bậc thang trên cùng, tôi bất ngờ vì những tiếng reo vui gần như cùng một lúc.

- Có rồi… tìm thấy rồi… may quá…

Một xúc cảm kỳ lạ dâng ngập lòng tôi, sự xúc động của một thứ tình người ấm áp, cộng thêm một cảm giác là mình có lỗi khi đã gieo sự lo âu cho những người xa lạ kia. Họ không có chút gì liên quan đến bản thân tôi, mà họ lại hết sức vui mừng khi thấy tôi được bình an trở về. Vậy mà tôi… Bước lên cái lán đang tù mù những ngọn đèn dầu, tôi lại càng hối hận hơn khi nhìn thấy những mâm cơm lạnh tanh xếp chỏng chơ giữa một cái bàn dài. Những cái nhìn vừa vui mừng vừa tò mò khiến tôi ngượng ngùng cúi đầu. Bấy giờ tôi nhận rõ nơi mình đã đến, một trạm canh của những người lính biên phòng. Trong trí óc của tôi, khái niệm về những người lính còn xa lạ và có một chút gì như là đáng sợ vậy. Người đã khuyên dụ tôi lúc còn ở dưới cái hang, mà tôi chắc anh là người có cấp bậc cao nhất ở đây, khi nghe những chú lính gọi là thủ trưởng, vừa cười vừa nói:

- Thôi, đi ăn cơm đi, cô bé đói lắm rồi đó.

Mệnh lệnh được tuân thủ một cách nhanh chóng, tôi được xếp ngồi phía đầu bàn, những miếng thịt, miếng rau được gắp vào bát tôi kèm theo lời giục giã, sự săn sóc tận tình của những người đã khổ vì tôi khiến tôi muốn khóc, phải lén quay đi chùi giọt nước mắt. Cơm xong, một nồi chè ngũ cốc còn bốc khói được bê ra. Một người nói vui:

- Bữa nay linh tính có khách quý nên nấu chè đãi khách đấy ạ. Mời quý khách xơi nhiệt tình cho.

Những tiếng cười rộ lên, tôi cũng cười và hướng về mọi người một ánh nhìn biết ơn. Lúc này tâm trạng tôi đã hoàn toàn nhẹ nhõm. Tôi chợt thoáng nghĩ, nếu không tìm được tôi, chắc tất cả những người này sẽ không có một bầu không khí vui như thế, vì một niềm thương cảm, vì một nỗi ray rứt đè nặng. Ngoài trời không một thứ phát sáng mỏng manh nào hòng làm giảm bớt sự hoài nghi và bất trắc trong màn đêm đen kịt kia.

Khi các thứ bát đũa được dọn đi. Anh Thuộc (thủ trưởng) lấy từ trong cái ba lô ra một túi bánh ít, nói:

- Hôm nay ai đi phố rồi thì không ăn bánh nữa nhé.

Tôi hiểu đó là một thứ quà không thường xuyên với nơi này. Khi anh Thuộc đặt một cái trước mặt tôi và bảo:

- Ăn đi em.

Tôi từ chối:

- Em cũng ở phố vô mà.

Đó là câu nói đầu tiên từ lúc tôi bước chân lên căn lán này, làm bật ra những tiếng cười.

- Cũng hóm hỉnh ghê đó chứ.

Câu thúc giục của anh Bằng, là người đã bế tôi lên lúc trước:

- Ăn đi cô bé, hay chê quà nghèo của lính?

Tôi lí nhí "dạ đâu có" rồi bóc chiếc bánh ra ăn. Xong xuôi anh Thuộc mới rủ rỉ hỏi tôi nguyên do. Tôi kể cho anh nghe câu chuyện là vậy, nhưng anh không tin, cứ gặng tôi mãi:

- Em nói thật đi, có phải cậu nào đó đã lừa phỉnh gì em không? Hãy coi anh như một người anh trai của em, nếu đúng là có ai đó làm điều xấu vói em, cứ nói cho anh biết, anh sẽ cho họ một bài học.

- Dạ không, em nói thật mà.

Nhưng dù sao thì anh vẫn không tin, có ai tin được chỉ vì một trận đánh mắng của mẹ mà lại có hành động dại dột như tôi đâu. Anh Thuộc giảng giải cho tôi những đúng sai trong sự việc, giọng anh nhẹ nhàng trầm ấm, đầy vẻ bao dung và thân thiết, đã cho tôi thấy được lỗi lầm của mình. Suýt nữa thì tôi đã gieo đau khổ cho bao người. Ôi là cái con bé tôi, một con bé quá ngốc nghếch khờ khạo. Đêm đó đã có một anh lính phải đi ngủ ké để nhường nguyên một bộ chăn màn cho tôi. Một bộ chăn màn khác thì cách tôi độ 2m, dành cho anh Sáng. Anh rủ rỉ hỏi tôi đủ thứ chuyện, rồi khi anh tin lý do tôi bỏ nhà đi là thật thì anh hỏi:

- Em có biết em đang gây ra một chuyện gì cho gia đình không? Và em có biết mọi người trong nhà bây giờ đang lo lắng cho em những gì không?

Hỏi nhưng không đợi tôi trả lời, anh tiếp luôn:

- Cha mẹ nào cũng có những lúc nóng giận với con cái, cũng có những lúc la mắng oan con cái, cũng chỉ vì muốn con mình được nên người. Nếu con cái nào cũng hành động như em thì thế giới này còn đâu con người nữa.

Cũng như anh Thuộc, anh Sáng giảng giải và bảo ban tôi một số điều, trong tôi dậy lên một sự ấm áp của một đứa em nhỏ dại khờ được sự yêu thương bảo bọc của người anh trai, đồng thời cũng ngập tràn lòng tôi nỗi nhớ nhà.

Sáng hôm sau thức dậy, sau bữa cơm sáng, anh Thuộc hỏi:

- Em đã muốn về chưa? Chưa thì anh dẫn đi chơi, phía trên kia còn mấy cái hang đẹp hơn cái hang em ngồi hôm qua nhiều.

Tôi nghĩ đến sự lo lắng, nháo nhác trong gia đình tôi, nhất là khi con gái một mình qua đêm ở ngoài, dù cũng còn đôi chút sợ sệt mẹ, nhưng tôi biết tôi không thể chậm trễ hơn được nữa. Đêm qua sau khi nhận rõ sự sai trái của việc mình làm, tôi đã chỉ muốn lập tức quay về. Thấy tôi tỏ ý muốn về, anh Thuộc gật gù:

- Đúng, em muốn về là đúng. Thôi để anh cho người đưa em về, hồi nào có dịp trở lại đây thì anh sẽ dẫn đi chơi nhé.

Đưa tôi trở về là một anh lính trẻ có tên là Lân. Cũng một chặng đường dài hơn tám cây số tôi đã qua, nhưng lần trở ra này thì khác. Anh Lân đem theo trong ba lô một chai nước và một gói cơm nếp, dọc đường lại rất để ý chăm sóc tôi, nên tôi không hề cảm thấy cái mệt như hôm qua một chút nào. Về đến tận bến xe lam trong lòng phố, tôi chào tạm biệt anh Lân. Người lính nhận nhiệm vụ đặc biệt này còn chưa yên tâm một khi chưa tận mắt thấy tôi bước vào nhà, tôi phải hứa mãi anh mới chịu đi. Nhưng hình như chỉ đến khi tôi thực sự bước chân vào cửa nhà mình, thì người mang trách nhiệm mới nhẹ lòng quay đi.

Vừa giận vừa mừng, đó là gương mặt và ánh mắt của mẹ tôi, tôi chỉ phải nghe thêm vài câu mắng qua loa, thế rồi câu chuyện trôi qua. Về sau tôi có vài dịp trở lại nơi ấy, nhưng khu trạm canh ấy đã không còn, có lẽ các anh đã phải chuyển đi nơi khác, khi khu thắng cảnh được người ta đưa vào khai thác quy mô hơn. Lần gần đây nhất, tôi thấy cái cây to có cái hang trong lòng gốc ấy đã bị đổ, cái gốc chĩa lên còn nguyên một dáng vòm. Hơn hai mươi năm còn gì. Tôi bây giờ nhìn tôi ngày đó mà bật cười. Câu chuyện ngày xưa có lẽ cũng khuất chìm trong tâm trí những người ân nhân của tôi. Cũng chỉ là một câu chuyện nhỏ giữa bộn bề tháng năm thôi mà. Nhưng tôi thì còn nhớ mãi. Những người đã cứu mạng tôi một lần trong đời, nhưng tôi thì chưa nói lên được một lời cảm ơn.

Hỡi những anh Bằng, anh Thuộc, anh Lân, anh Hảo, anh Sáng… Có lẽ các anh vẫn ngược xuôi đâu đó trong dòng đời này, nếu có một lần nhớ về câu chuyện nhỏ ấy, xin hãy yên tâm rằng: Em: cô bé khờ khạo, ngốc nghếch ngày nào, đã biết sống có trách nhiệm với mình với người hơn rồi, các anh nhé. Và hãy nhận của em một lời tri ân, cầu mong các anh cũng sẽ nhận được nhiều niềm vui và hạnh phúc như khi các anh đã từng đem đến cho em.

Đàm Lan


|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
 56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
 61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
 71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
 76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
 86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
 91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
|  51 |
 52 |
 53 |
 54 |
 55 |
|  56 |
 57 |
 58 |
 59 |
 60 |
|  61 |
 62 |
 63 |
 64 |
 65 |
|  66 |
 67 |
 68 |
 69 |
 70 |
|  71 |
 72 |
 73 |
 74 |
 75 |
|  76 |
 77 |
 78 |
 79 |
 80 |
|  81 |
 82 |
 83 |
 84 |
 85 |
|  86 |
 87 |
 88 |
 89 |
 90 |
|  91 |
 92 |
 93 |
 94 |
 95 |
|  96 |
 97 |
 98 |
 99 |
 100 |
 
Netadong.com thiết kế