VÀI CHI TIẾT VỀ BUỔI HỌP NGÀY 11-6, 2011 của CLB Sách Xưa & Nay Mở đầu phiên họp, như thường lệ Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu với các thành viên 2 cuốn sách mới. Hai cuốn được giới thiệu lần này đều còn tương đối mới vì một cuốn được xuất bản năm 1964 và một cuốn năm 1967 (47 và 44 năm trước). Một cuốn có tựa đề là “Khoa Học trong thế kỷ 20”, và cuốn thứ nhì có tựa đề là “Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ - Câu hỏi và trả lời”. Cuốn “Khoa Học trong thế kỷ 20” dày 335 trang cho người đọc biết là thế kỷ 20 được coi là thế kỷ của khoa học, và sách giới thiệu những nét đại cương của tất cả các sự kiện khoa học thuộc tất cả mọi lãnh vực như điện tử, người máy (robots), tàu hỏa, chinh phục tốc độ vv… Tóm lại sách cung cấp cho người đọc một cái nhìn tổng quát về mọi sự kiện khoa học đã xảy ra từ năm 1905 cho tới hết thế kỷ thứ 20. Cuốn thứ nhì dày 210 trang đặt ra cho người đọc khoảng 1000 câu hỏi về tất cả mọi lãnh vực sinh hoạt của nước Mỹ và cho câu trả lời gọn, chính xác cho mỗi câu hỏi được đặt ra. Cả hai cuốn sách đều là những kho tàng kiến thức phổ thông nho nhỏ, giúp cho người đọc thu thập được các kiến thức đó thật dễ dàng: CHỈ CẦN ĐỌC VÀ NHỚ chứ chẳng cần phải cất công đến trường nào, khỏi cần ông thầy nào, chỉ cần chịu đọc là lúc nào cũng có những kiến thức đó trong tầm tay. Sau phần giới thiệu sách, thành viên Hoàng Minh đã chuyển lời của thân nhân nhà thơ Lưu Trọng Lư mời các thành viên CLB tham gia lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ. Tiếp lời anh Hoàng Minh, bà Thùy Dương đã có một bài nói chuyện ngắn về cụ Lương Văn Can, mà bà là cháu ngoại. Kế đó bà Uyển, ái nữ của cố nhà văn Toan Ánh đã lên giới thiệu 4 cuốn sách mới tái bản của cụ. Tiếp lời bà Uyển, anh Vương Liêm có giới thiệu và nói qua về nội dung cuộc nói chuyện của anh ở Cung Văn Hóa Lao Động vào sáng ngày hôm sau tức là chủ nhật 12 tháng 6, 2011. Sau anh Vương Liêm là anh Hữu lên ngâm tặng các thành viên một bài thơ. Kế đó Dịch giả Vũ Anh Tuấn đã giới thiệu về cuộc nói chuyện của bà Tâm Nguyện về đề tài Phật Giáo, cũng tại Cung Văn Hóa Lao Động vào ngày chủ nhật mùng 3 tháng 7, 2011. Tiếp lời Dịch giả Vũ Anh Tuấn, nhà thơ Lan Hinh, ái nữ cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, đã nói về việc chữa bệnh thấp khớp và đã ngâm tặng các thành viên một bài thơ với giọng ngâm thật hay. Buổi họp kết thúc lúc 11 giờ 15 cùng ngày. Vào sáng ngày thứ sáu 17.6.2011, ba thành viên CLB Sách Xưa & Nay là LM. Nguyễn Hữu Triết, Dịch giả Vũ Anh Tuấn và Anh Hoàng Minh đã tham dự lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Lưu Trọng Lư tại Khách sạn White Palace, vì được anh Lưu Trọng Văn mời, và CLB Sách Xưa và Nay đã cho mượn một số tác phẩm của nhà thơ đã được xuất bản trước năm 1945 để trưng bày.
Vũ Thư Hữu CUỐN NHỮNG ĐIỀU HUYỀN BÍ LỚN CỦA QUÁ KHỨ (LES GRANDS MYSTÈRES DU PASSÉ) CỦA ALAIN DECAUX Cách đây hai tuần, tôi được một bà bạn nhờ kiếm hộ một cuốn sách của một nhà văn thời tiền chiến. Tôi gọi điện thoại đi khắp nơi, và được trả lời là ở một tiệm sách trong Cư Xá Bắc Hải hình như có một cuốn. Tôi liền đến ngay nhà sách đó và đã kiếm được cuốn sách bà bạn nhờ mua, chỉ tiếc là sách đã bị đóng lại và bỏ mất bìa trước bìa sau. Trong lúc trời nóng bức quá cỡ mà phải đi thì thực là một cực hình, nhưng, đúng là mọi sự đều có sự sắp đặt trước của Ông Trời, nhờ chuyến đi kiếm hộ sách này mà tôi được sở hữu một cuốn sách tuyệt vời… Hôm đó, tôi vội vã trả tiền và ra về ngay vì trời nóng quá, nhưng vừa ra tới cửa tôi bỗng bị chủ tiệm gọi lại và mời vào phía sau tiệm xem một cuốn sách “Tây” mà anh ta mới có. Tôi chịu khó quay trở vào và, vừa thoạt thấy tên tác giả Alain Decaux tôi đã thấy khoái quá. Tác giả Alain Decaux này là một sử gia nổi tiếng của Pháp và đã được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp năm 1980. Nhìn đến tựa đề: “Những điều huyền bí lớn của Quá Khứ” tôi lại càng mê hơn, và may mắn thay, vì lúc này hầu như hết người đọc sách Pháp văn, tôi đã được chủ tiệm “chém rất nhẹ, chỉ hơi trầy da chút đỉnh!”. Cuốn sách dày 335 trang, khổ 24cm x 32cm và có độ 250 hình ảnh minh họa. Sách chia làm 17 chương: - Chương I . Từ trang 9 - 26 nói về hòn đảo huyền thoại Atlantide mà người Hy Lạp gọi là Atlantis, mà theo nhà hiền triết Platon thì đã bị rớt xuống đáy biển khoảng 9000 năm trước. - Chương II . Từ trang 27 - 46 nói về Đại Hồng Thủy. - Chương III . Từ trang 47 - 60 nói về Những bí mật của Kim Tự Tháp. - Chương IV . Từ trang 61 - 76 nói về câu hỏi được đặt ra là “Người ta đã tìm được mộ phần của ông thánh Phêrô chưa?”. - Chương V . Từ trang 77 - 96 nói về Tấm Khăn Liệm (Chúa Giêsu) được trưng bày trong cuộc Triển lãm nghệ thuật Tôn giáo ở Turin (Ý Đại Lợi) năm 1898. - Chương VI . Từ trang 97 - 112 nói về Jean Đệ Nhất, một người lẽ ra phải được làm Hoàng Đế Pháp nhưng đã qua đời khi mới được 4 ngày tuổi, nghĩa là đã chết 4 ngày sau khi sinh. - Chương VII . Từ trang 113 - 128 nói về câu hỏi: “SHAKESPEARE có phải là SHAKESPEARE không?” - Chương VIII . Từ trang 129 - 156 nói về Người được gọi là Mặt Nạ Sắt. - Chương IX . Từ trang 157 - 172 nói về Bá Tước Saint – Germain, nhà huyền học. - Chương X . Từ trang 173 - 186 nói về Trường hợp lạ kỳ của Hiệp Sỹ D’EON. - Chương XI . Từ trang 187 - 216 nói về Lộ Y thứ XVII và điều bí ẩn về ngôi đền (le Temple). - Chương XII . Từ trang 217 - 230 nói về câu hỏi: “Phải chăng đó là Nga Hoàng Alexandre Đệ Nhất?”. - Chương XIII . Từ trang 231 - 252 nói về “Nhân vật Gaspor Hauser, kẻ mồ côi của Châu Âu”. - Chương XIV . Từ trang 253 - 268 nói về “Con tàu ma Mary Celeste”. - Chương XV . Từ trang 269 - 294 nói về “Vụ án bí ẩn ở làng Mayerling”. - Chương XVI . Từ trang 295 - 306 nói về “Vụ mất tích kỳ lạ của Đại Công Tước người Áo Jean Salvator”. - Chương XVII . Từ trang 307 tới hết nói về câu hỏi được đặt ra: “Có phải nàng là Anastasia không?” Cuốn sách thật là ly kỳ, hấp dẫn và có tới khoảng 250 hình minh họa cực đẹp, đáng được đưa vào số những sách chọn lọc của người yêu sách…
Trích Hồi ký 60 năm chơi sách, Chương VI VŨ ANH TUẤN Nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 Đạo nghĩa cha con: Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành
Dẫn nhập Ngày 4/4/2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTG về việc chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam. Điều 2 của quyết định này chỉ rõ “Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của trẻ em. Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc là góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Đoạn văn trên là một đúc kết tổng hợp mang tính lý luận khái quát nhất nhưng cũng chính xác nhất trong thực tiễn cho thấy môi trường gia đình là một yếu tố rất quan trọng nếu không nói là nguồn gốc chủ yếu vì nó là cái nôi nuôi dưỡng và hình thành nên nhân cách của trẻ em. Hơn nữa, ngoài gia đình, quê hương - đất nước cũng là hai nhân tố quan trọng trong việc hình thành nên con người mà đặc trưng là con người Hồ Chí Minh. Truyền thống của xã hội Á Đông, trong nền văn minh nông nghiệp, gia đình là đơn vị rường cột của xã hội. Theo Nho giáo gia đình – xã hội có mối quan hệ rất hữu cơ khắng khít được thể hiện qua các hoạt động “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Theo quan niệm Nho giáo cổ truyền, đạo đức xã hội được ràng buộc theo mối quan hệ “sống – chết” của vua - tôi, cha - con để nói lên chữ trung và chữ hiếu:“quân xử thần tử, thần bất tử bất trung; phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu” Từ đó, cụ Nguyễn Đình Chiểu đã mở đầu thi phẩm Lục Vân Tiên bằng hai câu thơ với ý nghĩa nói lên đạo đức cá nhân trai – gái của nền đạo lý thời xã hội phong kiến nhưng vẫn còn giữ nguyên giá trị trong xã hội ngày nay : Trai thời trung hiếu làm đầu Gái thời tiết hạnh là câu trau mình. Bác Hồ đã phát triển đạo đức xã hội lên một tầm cao mới trong việc ứng xử “trung – hiếu” đối với quân đội nhân dân. Đó là “Trung với nước, Hiếu với dân”. Trong lịch sử tiến hóa của dân tộc, nhiều nhân cách lớn đã được hình thành ngay từ buổi ấu thơ, trên cánh võng với tiếng ru ngọt ngào, tha thiết yêu thương của cha mẹ. Nhiều con người đã trở thành vĩ nhân, anh hùng do ảnh hưởng của đức tính kiên trì, dũng cảm và đức độ của người cha, công dung ngôn hạnh, cần mẫn, hiền hậu của người mẹ. Thực tiễn đời sống xã hội ngày nay đã cho phép chúng ta tin tưởng rằng gia đình cùng với những mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ là trường học đầu tiên giáo dục trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ và thể chất của con người. Đứa trẻ là con của cha mẹ nhưng đồng thời cũng là công dân tương lai của đất nước. Từ đó, giáo dục con cái trở thành người công dân chính là nghĩa vụ hết sức nặng nề trong đạo lý làm người đối với các bậc cha mẹ. Giáo dục và hình thành đạo đức nhân cách cho con cái ở gia đình, cha mẹ không chỉ dựa vào tình yêu thương mà còn đạo nghĩa xã hội, truyền thống đạo đức xã hội hay còn gọi là đạo lý mà ngày nay đạo lý “mình vì mọi người” – vì quốc gia dân tộc. Do đó, cha mẹ giáo dục con cái phải bằng toàn bộ cuộc sống của mình trong các công việc hàng ngày, trước hết là hoàn thành nghĩa vụ của người công dân, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nghĩa vụ của người công dân với việc xây dựng quê hương, đất nước. Điều đó sẽ tạo cho con cái một tấm lòng kính phục ở cha mẹ là người chân chính sống không phải vì gia đình mà còn vì lợi ích của đồng bào dân tộc. Trường hợp mối quan hệ cha – con của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc với thanh niên Nguyễn Tất Thành là mối quan hệ rất hữu cơ hoàn chỉnh qua đạo nghĩa, gọi là “đạo nghĩa cha – con” mang truyền thống đạo đức xã hội Việt Nam có tính nhân văn và tình cảm cao cả. Cặp “đạo nghĩa Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành” đã vận hành độc đáo trong bối cảnh đất nước ta ở vào thời kỳ “nửa thực dân, nửa phong kiến” của đầu thế kỷ 20 tạo nên một dấu ấn đầy kịch tính nhưng đã mang lại kết quả lợi ích rất quan trọng, làm nên lịch sử có một không hai. 1- Vài nét về Gia đình Nguyễn Sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân gọi Bác Hồ kính yêu là người anh hùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc và nhân dân ta, sinh ra và lớn lên ở một vùng quê phong cảnh hùng vĩ, có truyền thống yêu nước lâu đời, được hun đúc lại qua nhiều bước thăng trầm của lịch sử. Người sinh ngày 19/5/1890 với tên ban đầu là Nguyễn Sinh Cung tại làng Hoàng Trù (làng Chùa), quê mẹ. Quê cha ở làng Kim Liên (làng Sen). Hai làng giáp nhau cùng trong một xã Chung Cự tổng Lâm Thịnh huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Nguyễn Sinh Cung là con thứ ba của bà Hoàng Thị Loan và ông Nguyễn Sinh Sắc. Theo gia phả họ Nguyễn Sinh, Nguyễn Sinh Sắc là con trai út cụ Nguyễn Sinh Vượng (tức Nguyễn Sinh Nhậm). Gia đình cụ Vượng ở vào hạng trung lưu. Cụ bà mất sớm để lại con trai Nguyễn Sinh Trợ nên ông phải nuôi con đến trưởng thành và lập gia đình cho con rồi ông lại cưới vợ kế. Bà này đã sinh ra Nguyễn Sinh Sắc. Lớn lên, Nguyễn Sinh Sắc siêng năng, ham học được mọi người khen ngợi. Ở làng Chùa có gia đình cụ Hoàng Cường cũng thuộc hạng trung lưu có hai con gái, trong đó có Hoàng Thị Loan giỏi nghề dệt vải. Khi Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan khôn lớn thì hai họ Nguyễn và Hoàng kết thân làm suôi gia. Năm 1883, đám cưới hai người được tổ chức tại làng Chùa. Hai vợ chồng trẻ được ở riêng trong một ngôi nhà tranh ba gian xinh xắn, mới dựng bên cạnh nhà của cha mẹ. Hai người sinh sống ở đây với những ngày thơ mộng đầm ấm: Sáng trăng trải chiếu hai hàng, bên anh đọc sách bên nàng quay tơ. Bảy năm sau ngày cưới, bà Hoàng Thị Loan đã là bà mẹ của ba người con: Nguyễn Thị Thanh (Bạch Liên) sinh năm 1884, Nguyễn Sinh Khiêm (Tất Đạt) sinh năm 1888 và Nguyễn Sinh Cung (Tất Thành) sinh ngày 19/5/1890. Nguyễn Sinh Cung cất tiếng chào đời khi đất nước bị mất hoàn toàn về tay thực dân Pháp (sáu năm sau hiệp ước Patenôtre). Dân tộc Việt Nam đang đứng trước thảm họa diệt vong. Nhiều cuộc nổi dậy chống Pháp, cứu nước đã nổ ra nhưng lần lượt đều thất bại. (Nhà sử học Trần Trọng Kim viết trong Việt Nam sử lược như sau: “Nước Việt Nam trước kia, từ Nam chí Bắc là một, có cái tính cách duy nhất hơn cả các nước khác. Văn hóa, lịch sử, phong tục, ngôn ngữ đều là một cả, mà nay thành ra ba xứ: Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ; mỗi kỳ có một chính sách riêng, luật lệ riêng như ba nước vậy. Thậm chí, lúc đầu người kỳ này đi sang kỳ kia phải xin giấy thông hành mới đi được. Kỳ nghĩa là xứ, là khu trong một nước, chớ không có nghĩa là nước. Một nước mà tam phân ngũ liệt ra như thế, thật là một mối đau lòng cho người Việt Nam là dân một nước đã có một lịch sử vẻ vang hàng mấy nghìn năm” - VNSL, NXB VH-TT 1999, trang 570). Ở gia đình, Nguyễn Sinh Cung lớn lên trong tình thương yêu đùm bọc của ông bà, cha mẹ và dì An. 2- Con đường hoạn lộ của Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Học và đi thi : Ông dự thi hương lần đầu ở Nghệ An khoa Tân Mão (1891) nhưng chỉ đậu nhị trường (trong số bốn trường). Kỳ thi hương Giáp Ngọ (1894) ông đậu Cử nhân. Giữa năm 1895, ông Cử Sắc vào kinh đô Huế dự kỳ thi hội khóa Ất Mùi song không đậu. Ông lại xin vào học trường Quốc tử giám. Ông đưa hai con và vợ vào kinh theo ông học, còn cháu Thanh để lại nhờ bà ngoại nuôi. Cảnh sống của gia đình ông Cử Sắc ngày càng eo hẹp khi ông rớt khoa thi hội năm 1898. Không còn là nho sinh Quốc tử giám ông phải đi dạy học tại huyện Phú Vang ở tạm nhà bạn với hai con trai và được bà con xóm làng giúp đỡ khi nghe danh ông Cử Sắc dạy giỏi cho con tới học. Sau đó, ông được cử coi thi ở Thanh Hóa, để lại nhà vợ mang bầu và con trai thứ Sinh Cung. Bà Loan ở lại Huế sinh thêm đứa con thứ tư tên Xin nhưng sau đó cả hai mẹ con đều lần lượt qua đời do hoàn cảnh hẩm hiu, bệnh tật. Chính cậu Cung phải bồng em đi xin sữa hàng xóm sau khi mẹ qua đời trước, sau đó bé Xin bệnh tật qua đời theo. Cậu Cung rất đau xót trong tình cảnh bi thương này khiến cho ông Cử Sắc phải đưa hai con trai trở về quê. Cử Sắc lại mở trường dạy học cho trẻ con hàng xóm và cả cho hai con mình đồng thời tiếp tục “dồi mài kinh sử” để dự thi hội năm Tân Sửu (tháng 5/1901) và đỗ Phó Bảng. Ông đã đặt tên mới cho hai con khi chuyển về quê nội: Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành. 3- Hoài bão của cha - con với con đường cứu nước: Đặt tên con là Tất Đạt, Tất Thành, ông Phó Bảng mong cho các con thành đạt, có ích cho đời. Nhưng trong buổi giao thời giữa Nho học và Tây học liệu các con của ông có thành đạt theo truyền thống của gia đình Nguyễn Sinh (theo con đường Nho học để làm quan) hay đi tìm con đường khác, giữa thời buổi “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi!” Nguyễn Tất Thành khi ấy (1904-1905) tuy chỉ mới lên 15 tuổi nhưng đã hiểu được tâm trạng của cha nhưng tới hơn sáu mươi năm sau mới phát biểu với một nhà báo nước ngoài: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi, ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ…” (Trích báo Nhân Dân ngày 18/5/1965 – Bác Hồ thời niên thiếu, NXB Sự Thật 1989, trang 44). Đúng vào lúc ấy, ông Phó Bảng chuyển cái học của con từ chữ Hán sang chữ Pháp đã cho thấy chính ông đã chuyển đổi tư tưởng của mình. “Cụ cảm thấy tiền đồ Hán học không còn mấy sáng sủa và phong trào cách mạng trong nước đi vào ngõ cụt, không đủ khả năng cứu lấy quê hương. Cụ nghĩ phải có cái nhìn thông thoáng, một kiến thức tiến bộ, tiếp cận mọi xu hướng chính trị, văn hóa, tinh hoa thời đại, mới mong tìm được một hướng đi thích hợp cho Tổ quốc thân yêu… Dù sống trong cảnh ngộ nào, cụ vẫn đặt nặng vấn đề kết hợp hành động thực tế giáo dục con, truyền đạt cho con tâm tư, tình cảm, vốn sống nhân bản, khai phóng, ích nước lợi dân…” (Phạm Nguyễn Ý Tuyên, Thân sinh bác Hồ - Một nhà Nho thức thời, Đồng Tháp xưa & nay, số 15, tháng 9/2005). Sau khi đỗ đại khoa, vinh quy bái tổ nhưng ông không quay về triều nhận chức vị mới mà cáo bệnh, nấn ná ở lại quê nhà để có thời gian đưa hai con trai đi nơi này nơi nọ, gặp gỡ nhân vật này nhân vật kia… mong sao hai con mở rộng tầm nhìn, tiếp thu được nhiều thực tế để có dịp đổi mới tư tưởng. Ông đưa con tới Thanh Chương, Võ Liệt rồi Đức Thọ, Diễn Châu… nơi mà các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh (1905-1907) vừa mới ở đó hay đi qua. Phong trào ủng hộ hai ông còn đó, các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Hoa Thám, Phan Đình Phùng đang được nhân dân hướng tới đầy ngưỡng mộ nhưng vẫn không đủ sức đứng vững trước các cuộc đàn áp của thực dân. Ông còn đưa con tới Kiến Xương Thái Bình để gặp gỡ các sĩ phu vùng này. Từ đó, Nguyễn Tất Thành có thêm tình cảm sâu sắc với quê hương giàu đẹp, nghe dư luận về các nhân sĩ, trí thức yêu nước và nhìn thấy cả các hoạt động đô hộ, ngu dân của Pháp khiến cho anh rất đau lòng. Cha - con và tình yêu đồng bào, quê hương từ đó nổi lên không nguôi trong lòng của hai người. Tư tưởng của cha - con đã không còn đứng giữa ngã ba đường nữa mà tất cả đều hướng về một phía: các nhà chí sĩ đang vận động phong trào Đông Du, Tây Du, các anh hùng hào kiệt đang đấu tranh chống thực dân... phong trào Duy tân, Đông Kinh nghĩa thục… nổi lên ở nhiều tỉnh thành mặc dù chưa có kết thúc tốt đẹp. Hai cha con đã “ngủ dị sàng” nhưng lại “đồng mộng”. Sau đó, ông Phó Bảng đi nhậm chức ở Huế và cho con đi theo học sau khi học ở Kim Liên rồi ra Vinh. Tình nghĩa cha – con lại càng có dịp trỗi dậy trong ý thức “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” để tô điểm thêm tình yêu quê hương đất nước. Tháng 8/1908, Nguyễn Tất Thành học lớp nhì ở Quốc học Huế khi cha vào kinh đô nhậm chức. Ở đây, anh lại có dịp mở rộng tầm nhìn trước đời sống “phồn hoa” nhưng “giả tạo” của giặc Pháp. 4- Đi tìm đường cứu nước: cha - con đồng hành Cứ mỗi bước đường đi dần vào Nam là hai cha – con đều kề cận bên nhau. Kẻ làm quan, người đi học và được học cả trường đời. Tháng 6/1909, Nguyễn Tất Thành rời Huế vào Bình Định khi cha vào làm Tri huyện Bình Khê – Tây Sơn. Rồi anh lại được tới vùng đất khởi nghĩa của anh em Nguyễn Huệ, có dịp tìm hiểu cuộc nổi dậy của nông dân và anh hùng áo vải. Anh lại tiếp tục học ở Quy Nhơn và tới tháng 6/1910 thì hoàn tất chương trình tiểu học Pháp – Việt. Thời ấy, trình độ này đã là khá và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Pháp trôi chảy. Cha đã tạo điều kiện cho con học lên khi hiểu khả năng và chí hướng của con trai út. Chính cha đã giúp con có vốn học đủ sức để ra biển cả. Nguyễn Tất Thành bắt đầu cảm nhận được hướng đi do cha vạch ra nên tích cực rèn luyện, củng cố năng lực cho mình. Tháng 5/1908, khi còn học ở Huế anh đã tham gia cuộc biểu tình của nông dân ở 6 huyện tỉnh Thừa Thiên đòi giảm sưu cao thuế nặng, cả ở Quảng Ngãi. Từ đó, anh đã có suy nghĩ về con đường cứu nước của Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu. Đau buồn nghe tin cha bị cách chức bị triệu về kinh ngày 17/1/1910 nhưng anh không đi theo mà quyết định đi về phía Nam sau khi hai cha con gặp nhau và chia tay ở nhà ông Phạm Ngọc Thọ (cha của Phạm Ngọc Thạch tại Quy Nhơn) nơi anh đang ở đậu. Hai cha con có tình sâu nghĩa nặng nên chia tay chỉ là tạm thời, cũng là cách để giặc Pháp không chú ý. Đến tháng 9/1910, vụ án ở Bình Khê của ông Phó Bảng được triều đình xét lại nhưng ông không còn tha thiết với quan trường. Ông vội thu xếp hành lý để tìm gặp con đang trên đường vào Nam trong khi Nguyễn Tất Thành đã tới Phan Thiết cùng với ông Phạm Ngọc Thọ. Ông này từ giã Nguyễn Tất Thành đi dạy học ở nhiệm sở mới. Anh được ông Trương Gia Mô và Hồ Tá Bang (bạn của ông Phó Bảng và Phan Châu Trinh) nên đã giới thiệu Nguyễn Tất Thành vào dạy học ở trường Dục Thanh, một mô hình của Đông Kinh nghĩa thục. Trường được sự bảo trợ của Công ty Liên Thành và do bộ phận “Liên Thành thương quán” phụ trách và có sự trông coi của ông Nguyễn Trọng Lội, con trai của cụ Nguyễn Thông quê ở Long An ra đây làm việc chuyên về nghiên cứu sử - địa. Khi cụ qua đời, con trai lấy cơ ngơi của cha làm trường dạy học và để con em trai là Nguyễn Quý Ánh phụ trách. Nơi đây được cụ Phan Châu Trinh ghé thăm (1905) và bàn chuyện lập hội buôn (Công ty Liên Thành), mở trường (trường Dục Thanh). Sau đó ông ra Bắc gặp nhóm Duy tân, Đông kinh Nghĩa thục của Lương Văn Can và đi thăm Hoàng Hoa Thám ở chiến khu Yên Thế. Sang Trung Quốc gặp Phan Bội Châu, rồi về lại Hà Nội, bị Pháp bắt vụ nông dân đòi giảm thuế, đi đày Côn Đảo (1908). Tới năm 1910 ông được tha nhưng bị an trí ở Mỹ Tho. Phan Châu Trinh và Nguyễn Tất Thành như hình với bóng, kẻ đi trước người tới sau mà cùng có tư tưởng đi Tây và được ông Phó Bảng tạo ra cơ hội. Nên khi nghe tin bạn thân và con đều vào Nam thì ông Phó Bảng vội vã vào theo với kế hoạch là gặp nhau chung để cùng bàn thảo việc cứu nước. Dù bị giặc Pháp và triều đình nhà Nguyễn tìm cách ngăn trở nhưng ông vẫn tới được Sài Gòn bởi vì trong mối đồng cảm, vừa là thầy vừa là bạn của con, hơn nữa có mối quan hệ đạo nghĩa cha – con nên ông tâm đắc đi đến nhất trí với con đang có hoài bão lớn: “Chỉ có một con đường là đi ra nước ngoài hay là sang phương Tây, thậm chí sang tận nước Pháp, mới có khả năng tìm ra chân lý và muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải học chữ Pháp”. Cuối cùng, hai cha con gặp nhau ở Sài Gòn và đưa nhau đi gặp Phan Châu Trinh ở Mỹ Tho ngày 19/9/1910. Sau này, Bác Hồ có nhắc lại kỷ niệm về cụ Phan Châu Trinh: Trước khi lên đường đi Pháp, đã được cụ hướng dẫn… sang Pháp là tiếp xúc với cụ ngay. Quan hệ Bác với cụ rất gần gũi, thân thiết như ruột thịt. Cụ rất thương yêu và giúp đỡ Bác về mọi mặt, nhất là trong những năm mới sang Pháp… (Tạp chí đã dẫn, trang 3). - Kẻ ở người đi – con đường cứu nước trong hiện thực. Ngày 1/4/1911 cụ Phan đi Pháp trong đoàn giáo dục Đông Dương, được Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc tiễn đưa. Ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành xuống tàu Pháp đi Tây với tư cách công nhân phụ bếp không được cha tiễn, sau khi học trường cơ khí Á Châu (nay là trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng). Nhưng trước đó, cha đã từng căn dặn con trai: “Con đừng bận tâm về cha. Cha mong đợi ở con những điều khác, chớ không phải mong đợi sự săn sóc của con. Nước mất con lo tìm đường cứu nước… Nước mất thì lo mà cứu, con chỉ có một việc đó phải làm. Cứu nước là hiếu với cha rồi đó. Con hãy mạnh dạn lên đường. Cha chỉ quanh quẩn đất Sài Gòn để trông tin tức của con…” (Tạp chí đã dẫn). - Nguyễn Tất Thành sau khi đi các nước quay về Anh (vừa làm bếp vừa đi học tiếng Anh) có trao đổi thư từ với ông Phan (hai bức thư còn lưu giữ ở nhà thờ cạnh mộ ở Tân Sơn Nhứt) rồi Pháp, về ở chung với ông Phan, luật sư Phan Văn Trường soạn thảo Yêu sách 8 điểm gởi hội nghị hòa bình Versailles do Nguyễn Ái Quốc đứng tên. Cả hai đều hoạt động trong đảng xã hội Pháp, sinh sống bằng nghề rửa ảnh do Phan chủ động truyền nghề. - Ngày 18/2/1922, cụ Phan ở Marseilles gởi thư cho Nguyễn ở Paris, viết nhiều thứ, trong đó nhắc nhở: “Anh vẫn không ưa cái phương pháp “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của tôi, còn tôi không thích cái phương pháp của anh “Ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội”… Tôi khuyên anh nên thu xếp mà về nước khích động nhân tâm, hô hào ba kỳ đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế, ắt thành công”. Sau này, Bác Hồ cho biết không nhận được lá thư này nhưng hành động của Bác sau thời gian đi Nga hầu như có nhiều cách làm giống y như cụ Phan khuyên bảo. Phải chăng giữa hai bác - cháu có quan hệ bằng một thứ thần giao cách cảm? - Ngày 13/6/1923 Nguyễn Ái Quốc đi Nga… mở đầu cho con đường cứu nước sơ khai của mình ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… từ sau đó đến ngày về nước (1941). - Tháng 6/1925 ông Phan Châu Trinh về nước với Nguyễn An Ninh trong lúc Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội, mở lớp dạy lý luận Mác – Lê Nin và cách mạng KH XHCN . - Tháng 12/1925, ông Phan bệnh nặng, luôn có ông Phó Bảng ở bên cạnh. Trước khi mất, ông Phan trăn trối với cụ và cả cụ Huỳnh Thúc Kháng: “Độc lập của dân tộc ta sau này sở cậy có Nguyễn Ái Quốc”. 5- Đạo nghĩa cha con và nghĩa tình đồng bào - Nhớ thương cha ở trời Tây và sau khi trở về nước: Ít nhất có ba lần, Nguyễn Tất Thành tìm địa chỉ của cha, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc: Ngày 31/10/1911, Nguyễn Tất Thành gởi thư cho cha, thư bị mật thám chuyển về cho Khâm Sứ Trung Kỳ. Đầu tháng 12/1912, ở New York (Mỹ) gởi thư cho Khâm Sứ Trung Kỳ nhờ tìm địa chỉ cụ Nguyễn Sinh Huy ký tên Paul Tất Thành. Chỉ mới rời xa quê nhà chưa đầy bốn năm, Nguyễn Tất Thành đã nhờ tìm địa chỉ của cha mình. Theo Biên niên sử Hồ Chí Minh (Sổ tay Báo cáo viên 2005), ngày 16/4/1915, Nguyễn Tất Thành ký tên Paul Thành viết thư cho Toàn quyền Đông Dương qua Lãnh sự Anh tại Sài Gòn, nhờ tìm địa chỉ của cha mình. Điều này rất nguy hiểm nhưng vì tình cảm, đạo hiếu mà Nguyễn Tất Thành không ngần ngại nhờ chính tên quan Pháp đứng đầu cai quản Đông Dương tìm giúp địa chỉ của cha. Chắc chắn là không có kết quả. Trong thời kỳ đó, cả hai cha con đều là nhân vật “nguy hiểm” của thực dân Pháp ở Việt Nam. Anh từng có tên trong sổ bìa đen của mật thám Pháp ở Huế khi và bị trường Quốc học Huế đuổi học do tham gia phong trào chống thuế ở 6 huyện tỉnh Thừa Thiên. Còn cụ Phó Bảng lại bị tên De La Susse Phái viên Bộ Nội vụ Pháp ở Tòa Khâm Sứ Trung Kỳ bác đơn xin vào Bình Thuận, Sài Gòn (để theo con trai) và tên này đã báo cáo lên trên ngày 8/3/1911: “Cụ khả nghi là đồng đảng của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh vào Nam Kỳ tìm Nguyễn Tất Thành để cùng đi gặp Phan Châu Trinh”. Ngày 14/3/1911, Khâm sứ Sestier cũng điện cho Khâm sứ tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận bắt giữ cụ tại Nha Trang, Phan Thiết không cho vào Nam Kỳ. Nhưng cụ đã kịp thời cao bay xa chạy vào Sài Gòn gặp con để cùng đi Mỹ Tho ngày 19/9/1911 gặp Phan Châu Trinh... Đạo nghĩa của cha đối với con như thế này thì thử hỏi người con chí hiếu như Nguyễn Tất Thành làm sao không thương nhớ cha cho được: “Cứu nước tức là hiếu với cha rồi đó. Con hãy mạnh dạn lên đường. Cha chỉ quanh quẩn đất Sài Gòn để trông tin tức của con”. Năm 1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về tới nước Xiêm (Thái Lan) để hoạt động cách mạng đồng thời tìm cơ hội trở về nước. Bác đã vượt sông Mê Kông qua Trung Lào với ý định vượt biên giới về quê hương nhưng chưa được. Trong thời gian hoạt động ở Xiêm, công việc vất vả, bộn bề nhưng Bác vẫn nhớ về đất Tổ, nhất là cha mẹ. Một đêm, Bác nghỉ lại nhà của vợ chồng ông thợ mộc người miền Bắc Việt Nam di cư, nghe tiếng ru con bằng thơ Kiều của bà mẹ làm cho Bác xao động trong lòng. Sáng ra Bác đọc cho vợ chồng chủ nhà nghe hai câu thơ: Xa nhà chốc mấy mươi niên Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con. Khi ở chiến khu thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp, lúc chuẩn bị chiến dịch Đông Xuân và Điện Biên Phủ ở đồi Tỉn Keo, Bác trồng giàn hoa râm bụt trước lán ở và lán họp để nhớ cha mẹ. Bác nói: “Nhìn ngọn cây đa nhớ xóm làng, nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha”. Trong thời chống Mỹ, Bác Hồ lại muốn vào Nam khi nhờ Bộ Chính trị chuẩn bị cho mình, nhất là tự bản thân Bác cũng lo bồi dưỡng sức khỏe để có dịp vào Nam, trong đó chắc chắn là thăm mộ cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong Di chúc 1969 Bác lại viết: “Tôi có ý định tới ngày đó (ngày thắng lợi, thống nhất đất nước) tôi sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng, thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý”. Chắc chắn trong đó có ẩn ý “đi thăm mộ cha” ở Cao Lãnh, Đồng Tháp. Chữ hiếu ở Bác đã được nâng lên thành “hiếu với dân”. Đạo nghĩa cha con đã hòa quyện vào đạo nghĩa đồng bào, tình yêu quê hương đất nước. Sự nghiệp giải phóng giai cấp cùng với giải phóng đất nước và dân tộc luôn gắn liền với giải phóng con người. Bác từng nói: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” hoặc “Máu là máu của chúng tôi, thịt là thịt của chúng tôi” có nghĩa là “Trong đó còn có hài cốt của người cha thương yêu đầy nghĩa tình của tôi”. Từ đó, Bác đã khái quát lên thành một chân lý – đạo nghĩa của dân tộc: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn. Song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. - Mãi nhớ về con canh cánh bên lòng nơi quê nhà. Còn về phía người cha, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc ngay từ đầu khi chuẩn bị cho con xuất ngoại đã biểu lộ tình cảm cha - con câu nói gần như dặn dò: “Con hãy mạnh dạn lên đường. Cha chỉ quanh quẩn đất Sài Gòn để trông tin tức của con”. Câu nói của cha nghe thật đậm đà tình nghĩa lẫn yêu thương. Nhưng chờ tin tức của con, không phải tin tức về “sức khỏe, về sự bình an” mà chính là tin tức về sự nghiệp lập thân cứu nước của con. Hoài bão của cụ Phó Bảng trong việc nuôi dạy Nguyễn Tất Thành từ nhỏ tới khôn lớn chỉ là muốn con mình hoàn thiện trong việc lập ngôn, lập đức và lập thân. Đối với cụ, lập ngôn, lập đức của con đã từng bước hoàn thiện từ lúc còn nhỏ ở quê nhà đến khi và học ở Huế, Vinh và Quy Nhơn. Tới khi vào Sài Gòn là để lập thân, lập nghiệp hay lập danh. Cụ rất vui khi thấy Nguyễn Tất Thành xuống tàu ra nước ngoài tìm đường cứu nước vì đó chính là lập nghiệp nói chung. Nhưng ở nước ngoài con mình sẽ làm được gì để lập nghiệp cứu nước, cụ còn rất lo nên chưa thể yên lòng khi chưa biết tin con trai hành động như thế nào để cứu nước. Cụ bỏ mặc cả hai con lớn ở lại quê nhà để vào miền Nam sửa soạn cho cuộc hành trình của con thứ ba và sau đó ngày đêm ngong ngóng tin con ở trời Tây. Cụ không tiễn con vì sợ làm yếu lòng con trai mình lúc đang lên đường. Cho nên tuy sinh sống ở phương Nam nhưng cụ “chỉ quanh quẩn đất Sài Gòn để trông tin tức của con”. Vì Sài Gòn thời ấy là đầu mối của các cuộc giao thương từ Âu sang Á, từ Tây sang Đông, sẽ là nơi tiếp nhận nhiều thông tin trên khắp thế giới, trong đó có thông tin từ trời Tây. Tới khi nhận được tin Nguyễn Ái Quốc ký tên và phổ biến “Bản yêu sách 8 điểm của nhân dân Việt Nam” gởi hội nghị quốc tế hòa bình Versailles (1919) đòi tự do, dân chủ cho dân, cho nước được Lê Văn Sao con cụ Lê Chánh Đáng quê ở Cao Lãnh và một thủy thủ Việt Nam yêu nước về Việt Nam cho biết. Gần 10 năm mòn mỏi đợi trông tin con, cụ mới tin đây là sự thật: con trai thân yêu của cụ còn sống và đang đứng vững trên bước đường cách mạng mới. Sổ tay Báo cáo viên năm 2005 của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương ghi: “Ngày 18/6/1919: Thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Ái Quốc (tên mới của Nguyễn Tất Thành) gởi đến Hội nghị Versailles bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, Nguyễn Ái Quốc còn gởi thư riêng kèm theo bản yêu sách cho các đại biểu Đồng minh dự hội nghị và tất cả nghị viên của Quốc hội Pháp”. (trang 206-207). Bác còn chế tác nó thành thơ gởi về Việt Nam. Sự thật đó lại càng sáng tỏ, phấn chấn trong dịp cụ đến Sài Gòn thăm lại chí sĩ Phan Châu Trinh khi nghe tin cụ trở về nước, sau 14 năm sống ở Pháp (1911-1925) và sau đó lại được nghe chính miệng cụ Phan Tây Hồ thố lộ trong lúc lâm chung: “Việt Nam độc lập sau này sở cậy vào Nguyễn Ái Quốc. Sứ mạng con cụ quả thật là to lớn, nặng nề. Cụ đã quá lục tuần, gối mỏi, lưng còng, nhìn lại những việc làm trong năm tháng qua không phải là vô ích đối với sự nghiệp của con, của thế hệ trẻ, của cả dân tộc”. (Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay đã dẫn trang 3). Khi biết tin con trai đã đi vào con đường cách mạng cứu nước ở trời Tây thì cụ Nguyễn Sinh Sắc cảm thấy phấn chấn trong lòng và an tâm mà làm việc khác. Nhiều tài liệu cho biết cụ dấn thân vào con đường từ thiện - xã hội để cứu nhân độ thế. Đó là xem mạch, bốc thuốc miễn phí cho bá tánh nhiều nơi ở miền Nam như từ Đồng Tháp lên Sài Gòn, tới Thủ Dầu Một và xuống tận Bến Tre. Nhưng không chỉ có thế mà cụ còn tham gia vào hoạt động chấn hưng đạo Phật. Trong một báo cáo khác của mật thám Phan Thiết ngày 10/11/1923 gởi cho Chánh mật thám Trung Kỳ đã viết: “...Nguyễn Sinh Sắc mang theo một cái túi dết to chứa nhiếu giấy tờ, có khi viết suốt đêm và không có tỏ vẻ gì sợ hãi”. Đó là cụ viết báo tuyên truyền cho việc chấn hưng Phật giáo. Còn trong báo cáo ngày 3/9/1927, mật thám Pháp cho biết cụ có gởi thư về Nghệ An khuyên con cháu theo đạo Phật. Thậm chí cụ còn cho rằng phải theo đạo Phật mới có thể giải phóng được dân tộc. (Ý kiến này được ghi nhận là cụ Phó Bảng nói với ông Phan Trọng Bình, phái viên đầu tiên của Việt Nam TNCMĐC Hội lúc mới về Sài Gòn năm 1926 – ông Hà Huy Giáp kể, Tạp chí Đồng Tháp xưa và nay, trang 7). Qua thông tin này, một lần nữa cho thấy, lúc ấy Nguyễn Ái Quốc đang ở Quảng Châu, Trung Quốc mở lớp dạy về chủ nghĩa Mác – Lênin cho một số thanh niên yêu nước ở trong nước tới Quảng Châu và gia nhập Việt Nam TNCMĐC Hội. Phan Trọng Bình là một trong số hội viên của tổ chức này được Nguyễn Ái Quốc phái về nước hoạt động và ông đã vào tới Sài Gòn. Ngoài Phan Trọng Bình còn có ông Nguyễn Văn Lợi do Nguyễn Ái Quốc vận động những người Hoa trên tàu “Đại Phúc Tinh” đưa về Sài Gòn tháng 10/1926. Đây chính là những hạt giống cách mạng vô sản đầu tiên được Nguyễn Ái Quốc gieo vào thành phố giữa lúc phong trào yêu nước, phong trào công nhân đang sôi sụt cách mạng (Lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận 1 1930-1975 - NXB Tổng hợp TP HCM 2004, trang 42). - Đạo nghĩa cha con với nghĩa tình đồng bào: Trong thời kỳ kháng chiến 9 năm ở ATK chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ luôn cảm nhận về tình yêu thương gia đình và bà con xóm làng. Nơi Bác ở thường là gần bên cây đa, đình làng và hay trồng hoa râm bụt vì hai thứ đều là biểu tượng của tình yêu thương đối với hương thôn và cha mẹ. Bác thường hay nói với các cán bộ sống gần gũi ở chiến khu: “Nhìn ngọn cây đa nhớ xóm làng, nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha”. Bác lấy hoa râm bụt làm biểu tượng của chữ Hiếu. Đối với Bác, Hiếu với cha mẹ và cả anh chị. Thời thơ ấu, anh chị và Bác thường ngày ra bờ râm bụt để chơi đùa, hái hoa lá râm bụt để làm trò vui. Hình ảnh này luôn ghi lòng tạc dạ Bác làm cho Bác luôn nghĩ về gia đình ở quê nhà làng Sen làng Trù. Cha và anh chị qua đời, Bác không được thọ tang báo hiếu nên trồng hoa râm bụt trước nơi ở và làm việc để lúc nào cũng trông thấy nó khắc liên tưởng đến cha mẹ, anh chị thương yêu. Chữ Hiếu và tình yêu thương gia đình đã được Bác nâng lên thành Hiếu với dân với nước mà biểu tượng của nó chính là ngọn cây đa ở đầu làng. Do đó, ngọn cây đa là biểu tượng của tình yêu bà con, xóm làng, quê hương. Từ thương yêu cha mẹ, anh chị, bà con, xóm làng đã được phát huy lên thành tình thương người, lòng nhân ái, yêu dân tộc, yêu giai cấp mang tính nhân văn cao. Lòng nhân ái của Bác xuất phát từ sự tôn trọng con người, lấy con người làm điểm xuất phát và việc đem lại hạnh phúc cho con người là mục đích cuối cùng, hình thành nên tư tưởng đạo đức hay chủ nghĩa nhân văn. Như vậy, chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh bao gồm nhiều lĩnh vực rộng lớn, thấm đượm tình yêu nước (đã đổi tên Nguyễn Tất Thành ra Nguyễn Ái Quốc) và tình yêu bao la, tình nhân ái, nhân loại. Từ đó, được mở rộng ra cuộc đấu tranh cho việc giải phóng, giải phóng dân tộc, đất nước và giai cấp. Cũng từ đó, Người quan niệm rằng muốn thương yêu con người, đấu tranh để giải phóng và đem lại hạnh phúc, ấm no cho mọi người thì trước hết phải tu dưỡng đạo đức bản thân. (Nó có ảnh hưởng của Nho giáo: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”). Tính giáo dục của tu dưỡng đạo đức cá nhân còn thể hiện ở tác phẩm “Đường cách mệnh” và “Điều lệ Đảng”. Đó còn là đạo đức mới - đạo đức cách mạng. Nó được xây dựng trên cơ sở kế thừa mọi truyền thống đạo đức hay đạo lý của dân tộc và nhân loại. Nó lại được nâng cao thành “đạo đức cộng sản chủ nghĩa” của thời đại, đạt đến đỉnh cao của đạo đức loài người. Cuối cùng, Hồ Chí Minh đã xác định nội dung cơ bản của đạo đức mới là “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và “Trung với nước, hiếu với dân”, “Chống chủ nghĩa cá nhân “, Đặt lợi ích của dân tộc, tập thể lên trên” và “Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”, “Đoàn kết, nhân ái”. Nghị quyết của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990) đã xác nhận: “Hồ Chí Minh là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.” Vương Liêm
Phụ Bản I NGƯỜI TU PHẬT CÓ NÊN ÁP DỤNG NĂM NGUYÊN TẮC VÀNG CỦA NGÀNH KINH DOANH? Có lẽ nhiều người sẽ dị ứng khi nghe nói đến việc áp dụng những nguyên tắc vàng của ngành kinh doanh: (Năm chữ W: why, who, what, where, when) vào việc tu Phật, vì ai cũng cho là người đã chấp nhận tu hành là phải bỏ hết việc đời, không còn tính toán, hơn thua, trong khi kinh doanh là cân, đo, đong, đếm, lời, lỗ, đối phó, việc có lợi mới làm… Việc tu hành và kinh doanh xem ra chẳng có liên quan gì đến nhau. Ngược lại, có khi còn đối nghịch với nhau, sao lại mang ra so sánh, và còn cho rằng nên hay không nên áp dụng? Nhưng theo kinh nghiệm của bản thân, tôi cho rằng, không những liên quan mà còn rất là cần áp dụng những nguyên tắc vàng này vào công việc tu hành, nếu muốn thành công. Xin lần lượt trình bày từng điểm sau đây: Trước hết là câu hỏi WHY (Tại sao?). Chữ này rất quan trọng, và lúc nào người tu cũng cần đặt ra cho những gì cần hiểu để hành. Tự hỏi và tự tìm cách để trả lời là cách thức để phá Vô Minh, vì nghĩa của Vô Minh là không sáng suốt. Nghe những bài giảng, đọc những lời dạy dỗ hay dặn dò của Kinh sách hay của những vị đi trước, thì đó là tiếp thu kiến thức, sự suy nghĩ, hiểu biết của họ, không phải là cái hiểu thật sự của ta. Trên con đường tu hành, người có hiểu đúng thì mới có thể làm đúng, và phải là cái hiểu của chính bản thân mình, vì lý do phát tâm có thể không ai giống ai. Không nên tin vào bất cứ ai, Đức Phật có dặn dò như thế. Câu hỏi cần xoay quanh việc tu hành, từ thắc mắc ban đầu: Tại sao phải tu hành? Tại sao phải Phát Tâm? Cho đến tất cả mọi điều được diễn giải trong Kinh sách đều nên đặt câu hỏi: Tại sao lại phải làm những điều như thế? Có thể làm khác hơn được không? Đầu tiên, nếu chúng ta đi tu mà không biết lý do tại sao mình nên, hay cần phải tu? thì rõ ràng ta chưa biết ý nghĩa cũng như mục đích của Đạo Phật. Mục đích còn chưa biết thì làm sao áp dụng phương tiện, là những điều tối cần thiết cho việc tu Phật? Như vậy, lý do nào khiến chúng ta xông vào con đường tu đầy những khó khăn, thử thách. Phải ly gia, cắt Ái. Phải bỏ hết những thói quen. Mất hết tự do. Ăn uống cũng phải kham khổ. Mặc cũng chỉ vừa đủ để khỏi bị cái nóng, cái lạnh tấn công. Cuộc sống hàng ngày phải theo khuôn khổ là để làm gì? Nếu để Thành Phật thì Thành Phật là như thế nào? Thành Phật để làm gì? Có phải là thành một vị Thần linh để cứu độ cho mọi người? Tại sao ta phải Thành Phật? Nếu vì bản thân ta, thì với những công việc khó khăn, kham khổ, lúc nào cũng phải “điều tâm”, “thu thúc Lục Căn”... để đạt kết quả gì? Chẳng lẽ là chút danh vị của đường tu? Tại sao Thành Phật thì ngồi trên Tòa Sen mà không ngồi trên mây hay chỗ nào cao sang, giá trị khác? Ngồi đó để làm gì? Tượng trưng cho điều gì? Nếu ta tu vì muốn phụng sự cho Phật thì liệu những điều ta làm có phải là điều Phật muốn, hay yêu cầu? Phật có muốn ta phải bỏ hết mọi thứ để theo phụng sự cho Ngài hay không? Ngài đã nhâp diệt từ mấy ngàn năm rồi thì ta sẽ phụng sự như thế nào? Phật là vô tướng thì khi nhận phẩm vật của người cúng dường Tam Bảo ta chuyển cách nào? Nếu không chuyển được mà cứ vô tư hưởng dụng có phải là ta nợ của Thường Trụ hay không? Trả cách nào? Phật có cần ta kêu gọi ngày càng thêm nhiều người thờ phụng Ngài, cất thêm nhiều kiểng chùa cho nguy nga, đồ sộ, tạc tượng Ngài cho thật to chăng? Nếu vì chúng sinh thì chúng sinh là ai? Ở đâu? Họ sẽ nhờ gì vào ta khi tu hành đạt kết quả? Lần lượt trả lời cho những câu hỏi tại sao, ta sẽ thấy ra một số vấn đề có liên quan đến cái Phát Tâm tu hành của mình. Thí dụ, nếu ta cho rằng “Tu là để Thoát Sinh Tử” vậy thì ta có biết Sinh Tử là gì chưa? Ta thật sự hiểu rõ Sinh Tử để sợ, hay nghe qua người khác, qua Kinh điển? Trong khi tu hành theo Đạo Phật là để Thoát Sinh Tử, mà Chư Phật, Chư Tổ đều đã chết, thì liệu ta đã hiểu hết ý nghĩa của việc Giải Thoát Sinh Tử? Bỏ gia đình, vào Chùa thì liệu đã hết Khổ chưa? Nếu ta nghĩ rằng Phật là vị Thần linh, có thể cứu độ cho ta thì ta đừng quên tôn chỉ của Đạo Phật là Tự Độ. Con trai một của Ngài là La Hầu La, em Ngài là Anan còn phải tự tu, tự độ, sao ta nghĩ Ngài sẽ độ cho ta? Nếu ta nghĩ rằng tu hành xong thì ta sẽ độ cho chúng sinh, thì hãy nhìn thế giới từ mấy ngàn năm nay vẫn còn đầy dẫy những người đau khổ. Nếu Phật độ được thì Ngài đã độ hết rồi, đâu đợi đến lượt ta? Nếu ta cho rằng việc tu hành của mình sẽ độ được cho Bảy đời quyến thuộc thì đó là quyến thuộc nào? Tính từ đây lùi về quá khứ hay từ đây về sau? Tại sao lại 7 mà không 10 hoặc con số nào khác? Và Đạo Phật đã nói Tự Độ sao còn độ được cho 7 đời quyến thuộc? Vậy thì quyến thuộc đó mang ý nghĩa nào? Sau đó là những thắc mắc về những việc phải hành trì. Tại sao phải Giữ Giới? Tại sao phải Thiền Định? Tại sao chỉ Thiền Định 49 ngày thôi, mà Đức Thích Ca đắc đạo, mà những thế hệ về sau cả đời Thiền Định, nhưng nhiều lắm là chỉ trở thành Thiền Sư, không thể đắc đạo, thành Phật? Tại sao tu hành là để thành Phật, mà không tìm Phật, Tổ Đạt Ma lại bảo: “Muốn tìm Phật phải tìm Tâm?”. Tại sao Thấy Tâm là Thấy Phật? Tại sao Thấy Tánh lại là Thấy Tâm? Tại sao Thấy Tánh thì Thành Phật? Liên quan gì giữa Tâm, Tánh và Phật? Tại sao thành Phật thì cứu độ được cho Tam Thiên Đại Thiên thế giới? Tam Thiên Đại thiên thế giới đó ở đâu, mà Đức Thích Ca đã Thành Phật mấy ngàn năm rồi mà thế giới này vẫn đầy dẫy đau khổ, thiên tai… Ngài cứu độ ra sao? Chúng ta sẽ thấy có hàng trăm câu hỏi Tại Sao? Với mỗi câu trả lời, làm sao ta biết đó là đúng hay sai? Bắt buộc ta sẽ phải mang Kinh ra để đối chiếu, cho tới lúc chúng ta tìm được câu trả lời nào cho vấn đề mà khớp với Kinh, gọi là “khế hợp với chính Kinh, thì mới chắc chắn là sự hiểu biết đó của ta không bị lệch lạc thì mới nên đưa vào thực hành. Câu hỏi thứ hai là WHO (Ai?) Khi muốn bắt tay vào tu hành thì AI là người mà mình tin rằng sẽ dẫn dắt cho mình đạt được ý nguyện? Người đó giảng pháp hay? Uy tín lớn? Tu lâu năm? Đã cất rất nhiều chùa? Có rất đông đệ tử ở khắp nơi? Người đó có bằng Tiến Sĩ Phật Học do những Viện Phật Học quốc tế cấp? Người đó đã viết được nhiều bộ sách về Đạo Phật? Người đó không có gì nổi bật nhưng giữ Giới tròn đầy? Người đó có những hành vi, lời nói bất thường, có thể là bậc cao nhân? Người đó tự xưng mình là Phật, Bồ Tát giáng thế? Người đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma được Tây Tạng và thế giới xem như là Phật Sống? Câu trả lời chung chắc chắn phải là người có Chánh Pháp. Nhưng làm sao biết được ai là người có Chánh Pháp? Câu hỏi này đã được Đức Phật trả lời cho một du sĩ ngoại đạo tên là Subhadda khi ông này đặt câu hỏi: “Làm thế nào để phân biệt trong các người đang thuyết pháp thao thao, Bà la Môn, Sa Môn, Giáo trưởng, Hội chủ… đang giảng pháp và được đông đảo quần chúng hâm mộ, ai mới là người có Chánh pháp?”. Phật đáp: “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Chánh Đạo thì trong đó không có Đệ Nhất Sa Môn, không có Đệ Nhị Sa Môn, không có Đệ Tam Sa Môn, không có Đệ tứ Sa Môn. Chính trong pháp luật này có Bát Chánh Đạo, những giáo pháp khác không có. Nếu những vị Tỳ Kheo này sống chân chánh thì đời này không vắng những vị A La Hán”. Để phân biệt giáo pháp của Đạo Phật với những giáo pháp khác thì chúng ta có Giới và Bát Chánh Đạo. Để phân biệt những bậc chân tu và những người lợi dụng sắc áo của Phật thì ta cũng dùng hai căn bản này. Vì vậy, dù cho vị nào đó có trình độ Phật Học cỡ nào, thuyết hay bao nhiêu, nhưng nếu thiếu hai món căn bản thì chúng ta hiểu rằng đó chưa phải là bậc chân tu, vì bậc chân tu lời nói không khác với việc làm, gọi là “tri hành hợp nhất”. Dù Kinh có đề câp đến những vị Thiện Tri Thức “Thọ thuận, nghịch hành để khai thông Vô Minh”. Nhưng làm sao ta phân biệt đâu là Chân Thiện Tri Thức đang nghịch hành, đâu là kẻ lợi dụng Đạo để mưu cầu danh, lợi? Có lẽ an toàn hơn hết là ta nên chọn người Giới Hạnh tròn đầy, bởi những người Nói mà không Làm thì trong Đạo Phật gọi là Vọng Ngữ. Người đã Vọng Ngữ thì chắc chắn đã Vọng Hành. Như vậy ta còn mong họ sẽ dắt ta đi tới đâu? Bản thân họ không thấy Giới là lợi ích nên họ đã không giữ, mà Giới là nên tảng, là căn bản của Đạo. Người thiếu Giới chắc chắn không phải là người thật tâm tu hành. Nhưng dù giữ Giới nghiêm chỉnh mà thiếu Trí Huệ thì cũng không đủ, vì “Tam Thế Chư Phật đều Y Trí Bát Nhã mà đạt vô thượng Bồ Đề”. Không có Trí Huệ thì chỉ là người sống trong vòng Thập Thiện, không bị ác nghiệp lôi cuốn, nhưng cũng không thể đi đến rốt ráo Giải Thoát được. Nhưng dù không tìm được người Thầy đáp ứng được những điều kiện như ta mong mỏi thì cũng không phải hoang mang, vì những bộ Chính Kinh là lời Đức Thích Ca trực tiếp giảng dạy lúc sinh thời, được các Đại Đệ Tử gom lại đầy đủ trong đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng, nương theo đó mà tu hành. Chắc chắn đó là người Thầy chính xác và cao nhất trong tất cả các giảng sư hiện đời. Vì các giảng sư nhiều lắm là chỉ học một số điều trong Kinh, không thể nói hết, diễn tả đầy đủ bằng chính người đã sáng lập Đạo Phật được. Trừ những người vào Đạo Phật một cách mơ hồ, chữ WHAT (Cái gì?) thì có lẽ ai cũng từng đặt ra: Khi bắt đầu Phát tâm tu Phật thì tiếp theo đó là chúng ta sẽ phải học gì? Làm gì? Xuất gia, cạo tóc, đắp y, ngồi thiền, tụng Kinh, Niệm Phật thì nhiều thế hệ đã làm nhiều rồi, tại sao người đắc đạo quá hiếm hoi? Hoặc một số trường hợp tưởng lầm là đắc đạo mà ta thường thấy nơi các vị Tu Thiền. Họ chỉ tham một Công Án, thấy được chút gì đó thì lại cho rằng mình đã thành Phật! Vậy thì Đức Thích Ca đã làm gì trong lúc Ngồi Thiền? Ngài ngồi lặng im rồi tự nhiên đắc đạo, hay Ngài suy nghĩ điều gì mà đắc đạo? Đắc Đạo là đắc cái gì? Tổ Đạt Ma dạy: “Muốn tìm Phật phải tìm Tâm”. Tâm là gì? Phật là gì? Niết Bàn là gì? Phật Quốc là gì? Giới là gì. Liên quan gì tới việc thành đạo mà kinh Đại Phương Tiện Phật Báo Ân viết: “Nếu có 100 hay 1.000 vị A La Hán thì từ vị đầu tiên cho đến vị cuối cùng đều nhân Giới mà được đạo? Nhưng tại sao bao nhiêu thế hệ qua, các vị tu hành đã giữ Giới rất là đầy đủ, mà cũng không thấy được Đạo? Vậy thì phải Giữ Giới như thế nào? Mê là gì? Ngộ là gì? Thánh là gì? Phàm là gì? Bát Nhã Ba La Mật là gì mà “Tam thế chư Phật y theo Bát Nhã Ba La Mật Đa, đắc vô thượng Bồ Đề”? Chánh Pháp là gì? Tà pháp là gì? Định, Huệ, là gì? Tu là gì? Chứng là gì mà bảo phải Tu, phải Chứng, rồi lại bảo Vô Tu, Vô Chứng, và “Trong Phật Pháp, người có chứng đắc là người tăng Thượng Mạn?” (Kinh Duy Ma cật). Thoát Sinh tử là gì? Phật Tánh là gì mà phải Thấy Tánh mới Thành Phật? Tư Duy là gì mà Kinh Đại Bát Niết Bàn viết: “Này thiện Nam Tử! Tất cả pháp lành đều do Tư Duy mà được. Vì có người dầu trải qua vô lượng vô biên vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nếu chẳng Tư Duy thời trọn không thể được Vô thượng Bồ Đề?” Văn là gì? Tư là gì? Tu là gì? mà ba việc làm này không thể thiếu trên con đường tu tập? Chánh Tư Duy khác với tà Tư Duy chỗ nào? Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Y, Tứ Nhiếp, Trí Huệ hay Trí Bát Nhã là gì? Tu Phật là gì? Khác với thờ Phật ra sao? Muốn tu Phật thì phải làm gì? Làm gì để thực hiện lời Thọ Ký: “Chúng Sinh là Phật sẽ thành?” Quy Y Tam Bảo là Gì? Nhân Quả là gì? Tiếp theo là WHERE (Ở đâu?) Ta nên tu hành ở đâu? Ở Chùa? Ở Cốc ? Ở nhà? Ở Chợ? vì “Nhất tu thị, nhị tu sơn”? Có cần phải sang tận Népal, Tây Tạng, Ấn Độ… nơi bắt đầu Đạo Phật? Từ bao đời nay, ai muốn tu hành đều phải Ly Gia, Cắt Ái, vô Chùa, tại sao Kinh Diệu Pháp liên Hoa viết: “Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường. Vì sao? Phải biết chỗ đó chính là Đạo Tràng. Các Đức Phật ở đây mà đặng Chánh đẳng chánh giác. Các Đức Phật ở đây mà Chuyển pháp Luân. Các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn? ” Chữ “Ở đây” theo Kinh viết, thì ta thấy có nghĩa là bất cứ chỗ nào. Vậy thì phải chăng đó chẳng phải là vị trí, mà là chỗ: “Đúng như lời tu hành” không cần nơi chốn, hình tướng? Vậy thì thế nào là “Đúng như lời tu hành?” Muốn tìm Phật thì tìm ở đâu? Ở Ấn Độ, nơi Ngài đã sinh, đã sống và giảng đạo? Trong Kinh sách? Trong Chùa? Hay nơi nào khác? Chư Tổ dạy tìm tâm thì Tâm ở đâu? Cuối cùng là chữ WHEN (Khi nào?) Một thời việc tu hành coi như dành cho những người thất tình: “Củi đậu, nấu đậu ra dầu. Lấy em không được cạo đầu đi tu”. Trong chuyện tình Lan và Điệp thì Lan vì không lấy được Điệp nên vô chùa tu… Cảnh chùa coi như nơi để người ta trốn cuộc đời. Vào chùa thì kể như là đã “thoát tục”, nên mọi người coi những người còn tiếp tục sống giữa bụi trần như là những kẻ “phàm phu tục tử”, và kêu gọi ai muốn tu Phật thì phải vô chùa mới có thể tu được! Ngay cả trẻ con 9, 10 tuổi cũng được cho vào chùa làm chú Tiểu để học đạo! Trong khi theo Đạo Phật thì chỉ những người sợ Sinh Tử mới đi tìm cách tu hành, Thoát Khổ. Trẻ con ăn chưa no, lo chưa tới thì biết Khổ là gì mà sợ? Tuổi nào cũng có thể đi tu! Vậy thì nên “Tu mau kẻo trễ”, hay đợi về hưu, rảnh rang việc đời, không còn lo toan cho cuộc sống thì mới Tu? Nên Tu khi tuổi còn trẻ, đầu óc còn minh mẫn, thể xác còn thanh tịnh, hay phải kinh qua việc lập gia đình, nếm đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố… chán chê rồi mới nên đi Tu? Nghe các pháp sư giảng về Phật, thấy Ngài cao cả quá nên cảm phục rồi đi tu? Thất vọng với cuộc đời, làm ăn thất bại, bị vợ, chồng bỏ, nợ đòi, kẻ thù truy sát, trốn nghĩa vụ... nên đi tu? Nghe nói “đồ tể buông dao là thành Phật”, thấy thành Phật dễ quá. Thấy các trụ trì oai phong, tiền hô, hậu ủng… nên đi tu! Kinh Phật nói gì về thời điểm đúng để đi tu? Chúng ta xem lại thời Pháp đầu tiên mà Đức Thích Ca thuyết cho 5 Đệ Tử đầu tiên của Ngài để thấy đó là: TỨ DIỆU ĐẾ. TỨ DIỆU ĐẾ gồm có: KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO. KHỔ là nói về những cảnh Khổ của cuộc đời: Sinh Khổ, Lão Khổ, Bịnh Khổ, Tử Khổ. Ưu sầu, khóc than, nhọc nhằn, trái ý, bực tức. Kẻ thù phải gặp, Người thương phải xa. Cầu mà không được… đều là KHỔ. TẬP ĐẾ là những gì đã trở thành thói quen để tạo ra cảnh Khổ đó là Ái dục. Yêu thích tìm các món: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp để thỏa mãn cho các căn: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý. DIỆT ĐẾ là tiêu diệt những thói quen gây đau khổ nói trên. Cuối cùng là cách thức để trừ khổ gọi là ĐẠO ĐẾ gồm có BÁT CHÁNH ĐẠO, tức là TÁM CON ĐƯỜNG CHÁNH đó là: CHÁNH KIẾN: Sự thấy biết chân chánh. CHÁNH TƯ DUY: là sự suy nghĩ chân chánh. CHÁNH NGỮ: Là lời nói chân chánh. CHÁNH NGHIỆP: Làm những điều chân chánh. CHÁNH MẠNG: Nuôi thân mạng một cách chân chánh. CHÁNH TINH TẤN: là Tinh Tấn một cách chân chánh. CHÁNH NIỆM: là ghi nhớ chân chánh và CHÁNH ĐỊNH: là dừng tâm một cách chân chánh. Tại sao Đức Phật không nói về điều gì cao cả như thần thông, phép màu, Tây Phương cực lạc, mà lại nói về TỨ DIỆU ĐẾ? Điều đó liên quan đến cái PHÁT TÂM của Đức Thích ca, trở thành căn bản đúng cho những người muốn thành công trên con đường tu Phật về sau. Đạo Phật được gọi là ĐẠO ĐỘ KHỔ. Đức Thích Ca Phát Tâm đi tu vì THẤY CẢNH KHỔ SINH LÃO, BỊNH, TỬ… đè nặng lên thân xác con người, nên Ngài muốn đi tìm cách thức để THOÁT những cảnh đó. Khi tìm ra được cách thức thì gọi là ĐẮC ĐẠO hay ĐƯỢC ĐẠO. Người tu hành về sau lại không THẤY, không BIẾT, không TÌM như Ngài, do đó, dù họ tu hành rất chăm chỉ, hành xác đến kiệt quệ nhưng cũng không thể đắc đạo. Rồi cũng do tu hành mà không có mục đích, nên làm sao biết cần phải tìm như thế nào, rồi tu lâu năm trở thành cao tăng, thu nhận đệ tử! Chính vì vậy Đức Thích Ca phải hướng họ bắt đầu lại từ đầu, là PHẢI HIỂU NGUYÊN NHÂN CỦA NỖI KHỔ. Phải biết nó bắt đầu ở đâu? Diễn ra như thế nào? Do đó mà có KHỔ ĐẾ, TẬP ĐẾ, DIỆT ĐẾ. Bao giờ thấy rõ nguyên nhân của SINH TỬ, muốn tìm cách để tháo gỡ thì đó là thời điểm và lý do chính đáng để Phát tâm. Khi vào tu thì BÁT CHÁNH ĐẠO là 8 con đường mà các bậc thánh nhân đi trên đó cho đến cuối đời. Nếu không có CHÁNH KIẾN, không thấy rằng những nỗi KHỔ ta đang mang không phải là do sự thử thách hay trừng phạt của một đấng tối cao nào, mà là do chính hành động của mình đã tạo ra, trở lại oán trách Thượng Đế hay cầu xin được giảm bớt, và tiếp tục những hành vi tạo nghiệp khác thì con đường cứ quanh quẩn như thế cho đến vô lượng kiếp, biết bao giờ mới thoát được! Nhưng làm sao có được CHÁNH KIẾN nếu không CHÁNH TƯ DUY? Bởi cùng nhiếp niệm Tư Duy, nhưng Đạo Phật phân ra có CHÁNH TƯ DUY và TÀ TƯ DUY. CHÁNH TƯ DUY nói về sự suy nghĩ hướng tới con đường Giải Thoát, và Tư Duy về những điều khác, theo hướng khác, thì không phải là chân chánh, nên gọi là Tà Tư Duy. Tà trong Đạo Phật không có nghĩa ghê gớm như là tà ma quỉ mị... mà chỉ là những suy nghĩ, hành động không đưa đến kết quả Giải Thoát mà thôi. Dù có những tư duy rất đáng trân trọng, đối với thế gian là cao quý, là tốt đẹp cho con người như những tìm tòi của các nhà bác học về thuốc men, về vi trùng, về cách thức để nâng cao chất lượng cuộc sống cho con người… Nhưng với Đạo Phật đó cũng không phải là Chánh Tư Duy. Vì Thiện Pháp và Pháp Giải Thoát là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Có Chánh Tư Duy mới có Chánh Kiến. Từ Cái Thấy Chân Chánh, hành giả sẽ có cái CHÁNH TRÍ để hướng tới những việc làm chân chánh khác. Biết phân biệt rõ thế nào là Lời nói Chân Chánh, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Niệm, Chánh tinh tấn vv… Sau khi trả lời hết các chữ W thì ta lại đến chữ HOW (Làm thế nào?) Phải chăng những việc Đức Thích Ca hay Chư Tổ đã làm để đắc đạo hay để thành đạo thì Kinh sách đều có đề cập đến. Đức Thích Ca chỉ mất có 6 năm từ lúc Xuất Gia và 49 ngày đêm Thiền Định thì đắc đạo. Lục Tổ Huệ Năng thì chỉ mất có 8 tháng, mà chỉ ở sau chùa chẻ củi, giã gạo, chưa được xuống tóc, Quy Y. Vậy phải chăng điều ta cần biết là: các Ngài đã làm như thế nào? Có lẽ đây là câu hỏi quan trọng nhất cho những người muốn tu hành, thành tựu. Một thí dụ mà kể ra thì ai cũng biết: Đó là về THIỀN. Phải chăng thế NGỒI thì ai cũng biết. Nhưng NGỒI THIỀN NHƯ THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC ĐẠO NHƯ ĐỨC THÍCH CA thì không thấy Kinh nói đến mà chỉ ghi lại những điều Ngài thuyết giảng sau khi thành đạo. Vậy thì Kinh dấu hay tại chúng ta chưa chịu tìm hiểu đã vội vả bắt tay vào hành trì, để rồi cũng là THIỀN ĐỊNH mà mỗi môn phái hướng dẫn một cách khác nhau. Phái TÀO ĐỘNG thì cho rằng “THIỀN CHỈ LÀ NGỒI, không suy nghĩ bất cứ điều gì”. Phái Ông Tám Luơng Sĩ Hằng, một thời rầm rộ phát triển ở Thành Phố HCM thì cho là “Ngồi Thiền là để xuất hồn lên cõi trên học đạo với chư Bồ Tát”! Kinh sách thì dạy phải Thiền Quán. Muốn thành Phật thì Kinh dạy phải Thấy Tánh. Để Thấy Tánh thì Chư Tổ bảo “Phải tìm Tâm”, nhà Thiền bảo phải Tham Công Án. Phái Lâm Tế và Tào Động thì “Đả Thiền”. Trong vô số pháp môn với vô số cách hướng dẫn ta nên theo pháp môn nào? Do đó, theo tôi, nếu ta vẫn chưa trả lời được cho những nguyên tắc vàng nêu trên thì có lẽ nên bắt đầu lại từ đầu. Bởi ngay cả việc tạc một bức tượng thôi mà nếu ta chưa có mẫu, chưa biết phải tạc hình dáng ra sao? Bằng vật liệu nào? Bắt đầu từ đâu? Thì làm sao tạc cho ra bức tượng? Huống hồ là việc tu Phật có vẻ mông lung, huyền bí, khi thì nói về thần thông, phép mầu, sự cứu độ của Phật, khi lại bảo phải Tự Độ? Ta nghĩ sao khi có người nghe nói trong rừng có vàng thì lập tức lên đường, chẳng cần sắm sửa hành trang. Chẳng cần biết hình thù, màu sắc của nó. Cũng chẳng cần biết nó xuất hiện ở đâu? Độ sâu bao nhiêu? Phải dùng phương tiện nào? Người đó có thể hao tốn thời gian, công sức, đôi khi mất cả mạng mà chẳng bao giờ gặp được vàng. Hoặc có gặp nhưng cũng khó thể nhận ra để nhặt về, vì có biết nó mặt mũi, hình dáng ra sao! Tu hành thì không đến nỗi bỏ mạng, nhưng sẽ phí công vô ích. Tu hoài mà chẳng thấy bến bờ, và chẳng lẽ ta mong lúc nào đó sẽ “hoác nhiên đại ngộ” khi còn chưa biết Ngộ là gì? Trong khi Phật dạy có năm điều khó được, mà ta đã có được thân người, được sinh ra nơi có Phật Pháp lưu hành, là 2 điều khó được lớn nhất. Kinh điển thì vô số, tại sao chúng ta muốn tu hành mà lại ngại khó, không chịu tìm cho ra lẽ? Một mai bỏ thân người, biết còn có được sinh ra nơi có đủ những điều kiện như vậy hay không? Tổ Huệ Năng dạy: “Mỗi sự lý phải hiểu đến tận chỗ chơn”. Phải chăng điều đó cho phép ta lý giải tại sao từ khi y Bát mất dấu, Đạo Phật ngày càng phát triển rầm rộ. Chùa chiền cất ngày thêm nhiều, thêm hoành tráng, mà người chứng đắc không thấy, chỉ thấy những người Thờ Phật và cổ xúy việc thờ Phật, cúng kiến, lễ lạy, cầu xin mỗi lúc một đông thêm thôi. Không biết có nên tính theo số lượng Phật tử để cho rằng Đạo Phật đang ở thời cực thịnh, khi mà những câu hỏi cần lời giải đáp thích đáng mãi mãi vẫn là ẩn số?! Tháng 6/2011 Tâm Nguyện ĐÀO DUY ANH – PHO TỪ ĐIỂN NGUYỄN VĂN THÀNH Nhà nghiên cứu Đào Duy Anh (1904-1988) Đứng trước khối lượng đồ sộ các công trình đã công bố hoặc còn ở dạng bản thảo mang tên Đào Duy Anh – hiện chưa được thống kê, sưu tầm toàn bộ – nhiều người không khỏi ngạc nhiên: liệu khả năng lao động tinh thần của một con người lại có thể vươn tới kết quả lớn đến vậy? Sẽ sửng sốt hơn nữa nếu biết thêm về tiểu sử, cuộc đời của Đào Duy Anh. Khác với số đông học giả tên tuổi khác cùng thế hệ, Đào Duy Anh bước vào con đường vốn đầy gập ghềnh của nghiên cứu khoa học chẳng mấy thuận lợi. Ông không thuộc vào lớp tri thức – tân học xuất thân dòng dõi khoa bảng để ít nhiều thừa hưởng truyền thống thi thư, cũng chẳng sinh ra ở một địa phương nổi danh. Quê gốc ông ở làng Khúc Thủy, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Tây). Thậm chí, ông không có may mắn được học hành đến nơi đến chốn để có điều kiện trang bị kiến thức một cách có hệ thống. Đào Duy Anh phải sớm bước vào cuộc sống tự lập. Khi tốt nghiệp thành chung năm 1923 – tương đương với lớp 8, lớp 9 hiện nay – Đào Duy Anh đã bước chân ra đời với nghề gõ đầu trẻ trường tiểu học. Vốn liếng chữ nghĩa ấy không đủ để có thể bắt tay vào nghiên cứu khoa học. Vậy mà bằng con đường tự học có kế hoạch và duy trì kiên định suốt cuộc đời với một nghị lực phi thường, cộng thêm khả năng khác thường của trí nhớ, Đào Duy Anh đã tự bồi đắp, mở rộng dần hành trang tri thức, từng bước tiếp cận, chiếm lĩnh đỉnh cao của học vấn đương thời, rồi vươn tới có được những đóng góp xứng đáng vào nền văn hóa mới của dân tộc trong hoàn cảnh, xã hội Việt Nam ở đầu thế kỷ này đang chuyển mình từ nền văn hóa phương Đông trung đại sang quỹ đạo văn hóa cận hiện đại của thế giới. Cái lớn của trí tuệ Đào Duy Anh là từ rất sớm đã ý thức được rất rõ ràng đặc điểm bao trùm của xã hội mình đang sống. Vì thế mà ông được liệt vào nhóm những người mở đầu cho ngành văn hóa học ở ta. Trong bài tựa của công trình mang tên Việt Nam văn hóa sử cương, xuất bản năm 1938, với nội dung như bản tổng kết đầu tiên về di sản văn hóa dân tộc cả ở mặt vật chất và sinh hoạt tinh thần dưới một quan niệm tiến bộ và toàn diện – cho đến nay vẫn chưa có một chuyên khảo nào vượt qua được – tác giả nhận định: “Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ với những điều kiện mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy. Tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”. Đây chính là chìa khóa mở vào hành trình vừa tự học vừa nghiên cứu không ngưng nghỉ của Đào Duy Anh. Nó cắt nghiã tại sao chàng trai Đào Duy Anh sau một thời gian học ở trường Tây, lại tìm về học thêm chữ Hán, chữ Nôm vào lúc mà hình thức thi cử lều chõng đã bị bãi bỏ, người người đổ xô đi học chữ Tây. Nhưng sự sáng suốt của Đào Duy Anh còn ở chỗ trong khi trở về tắm ao ta, vẫn không rơi vào tâm lý hoài cổ, nệ cổ, phục cổ mà song song với việc học Hán văn, ông lại tiếp tục bổ sung hoàn thiện vốn Tây học đã có của mình, bằng cách theo học hàm thụ qua thư từ với trường École Universelle ở Pháp. Điều ấy cũng giải thích tại sao vào năm 1927 – mới 31 tuổi – Đào Duy Anh đã bỏ nghề dạy học an nhàn để đứng ra sáng lập nhà xuất bản Quan hải Tùng thư ở Huế, với sự cộng tác của một số nhân sĩ tri thức nổi tiếng khác như Võ Liêm Sơn, Trần Đình Nam, Phan Đăng Lưu…; cho ra mắt công chúng hàng loạt sách biên dịch, biên khảo nhằm giới thiệu những tri thức mới mẻ về một số ngành khoa học còn xa lạ với đông đảo bạn đọc Việt Nam thời ấy như Lịch sử các học thuyết kinh tế. Phụ nữ vận động, Lịch sử nhân loại, Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì? Muốn hiểu sử học… Đáng chú ý là sự xuất hiện của hai bộ tự điển đồ sộ, thuộc về hai ngôn ngữ đại diện cho Đông, nền cựu học (Hán Việt từ điển – xuất bản năm 1932) và đại diện cho Tây, nền tân học (Pháp Việt từ điển – xuất bản năm 1936) được biên soạn dưới ánh sáng của những tri thức tiên tiến về ngôn ngữ học. Không phải Đào Duy Anh là người đầu tiên biên soạn từ điển về hai ngôn ngữ này, nhưng có lẽ không có bộ từ điển nào trước đó và cho tới hiện nay – hơn nửa thế kỷ đã trôi qua – vượt qua nổi hai công trình này. Giáo sư ngôn ngữ học Phan Ngọc – một học trò xuất sắc của ông – đã tiên đoán rằng: “Hai bộ từ điển của Đào Duy Anh và bộ Danh từ khoa học của Hoàng Xuân Hãn là những công trình bất tử”. Đào Duy Anh rất nhạy cảm khi nắm bắt được nhu cầu tri thức của thời đại, nhất là của tầng lớp thanh niên nên đã cho ra đời hai bộ sách mang tính công cụ này. Sự có mặt của hai bộ tự điển và tần số sử dụng cao của nó, trên thực tế trong nhiều năm, từ thập niên 1960 trở về trước, là một nhân tố quan trọng thúc đẩy sự trưởng thành của tiếng Việt, đưa nó đạt tới độ chuẩn xác, đủ sức làm môi giới truyền đạt cả vốn tri thức cũ lẫn nguồn tri thức mới, từ trên phương diện này tác động có hiệu quả vào bước chuyển mình của văn hóa, giáo dục nước ta. Đó phải chăng là giá trị vô giá của hai bộ tự điển này? Trong cuộc sống, Đào Duy Anh nhiều lần phải chịu đựng sự xô đẩy nghiệt ngã của hoàn cảnh, nhưng ông vẫn bền bỉ tự vượt lên những khó khăn, tiếp tục tâm lực vào những đề tài nghiên cứu mới. Khi thì bàn luận về một vấn đề triết học (Khổng giáo phê bình, tiến luận – 1943) hoặc tìm hiểu, phân tích một tác phẩm vào loại lớn nhất của nền văn học cổ dân tộc trong chuyên luận Khảo luận về Kim Vân Kiều, dành công sức xác minh một văn bản Truyện Hoa tiên đích thực, tìm tòi thêm những tư liệu về thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Huy Hổ và toàn bộ những điều trần canh tân đất nước của Nguyễn Trường Tộ và bài văn Thiên hạ đại thế luận nổi tiếng của Nguyễn Lộ Trạch… Khi tuổi cao, Đào Duy Anh lại giành giật với thời gian, chiến thắng bệnh tật để dịch những tác phẩm cổ điển của Trung Quốc như Kinh Thi, Sở Từ, Thơ Đỗ Phủ hay các văn bản hóc búa của Phật giáo Việt Nam như Khóa hư lục và tham gia hiệu đính nhiều công trình lớn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục, Lịch triều hiến chương loại chí, chủ biên công trình Nguyễn Trãi toàn tập… Nhưng lĩnh vực mà Đào Duy Anh bỏ công sức, thời gian nhiều hơn cả và chính ở đây ông cũng cống hiến những giá trị đáng kể trong toàn bộ sự nghiệp phong phú của mình là sử học, nhất là phần cổ sử. Ông tập trung thu thập tư liệu và suy nghĩ viết đi viết lại bộ Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ XIX. Ngay trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, giữa muôn vàn khó khăn, ông hoàn thành Giáo trình Lịch sử Việt Nam, in thạch, làm tài liệu giảng dạy và tham khảo cho trường Dự bị đại học các khóa 1952 – 1954, rồi tiếp tục bổ sung, sửa chữa cho công bố vào năm 1955 với tên gọi mới Lịch sử Việt Nam (hai tập) – một bộ sử dân tộc lần đầu tiên được viết theo quan niệm duy vật lịch sử, ghi dấu bước tiến mới của nền sử học hiện đại Việt Nam. Công trình này được Viện Hàm Lâm khoa học Liên Xô (cũ) và giới sử học Trung Quốc đánh giá cao cả về tính chính xác của các nguồn tư liệu và tính khoa học của việc phân kỳ các giai đoạn lịch sử cùng các nhận định. Sau đó công trình này đã được dịch sang tiếng Nga và tiếng Hoa. Bắt tay vào nghiên cứu cổ sử dân tộc, trong điều kiện nhiều bộ môn khoa học gần gũi có vai trò hỗ trợ như khảo cổ học, dân tộc học, địa lý học chưa hình thành ở ta, Đào Duy Anh tiếp tục tinh thần tự học, độc lập suy nghĩ, tham khảo kinh nghiệm thế giới về phương diện này rồi vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam. Ông đã từng bước xác lập nhiều khái niệm cơ sở cho ngành khảo cổ học non trẻ của đất nước. Trong hai công trình Vấn đề hình thành dân tộc Việt Nam (1957) và Đất nước Việt Nam qua các đời (1964), ông cũng gần như đầu tiên tiến hành một cách có hiệu quả phương pháp nghiên cứu liên ngành dân tộc học – lịch sử và địa lý học, đem lại những triển vọng mới cho ngành sử học và các bộ môn hữu quan. Dù hoạt động nghiên cứu mở ra ở nhiều ngành, dù phạm vi đề cập tiếp chạm tới nhiều phương diện ngỡ rất xa nhau nhưng toàn bộ sự nghiệp khoa học của Đào Duy Anh vẫn rất nhất quán, vẫn quy tụ lại trong một hệ thống học thuật có chủ đích nối lại xưa – nay. BS. NGUYỄN LÂN-ĐÍNH st. TRAO ĐỔI ĐÃ XÁC ĐỊNH ĐƯỢC NĂM SINH NĂM MẤT
CỦA BÀ THAM HIỆP TRẤN YÊN QUẢNG –
NHÂN ĐÓ BÀN THÊM VỀ THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG (1772 – 1822) TRẦN NHUẬN MINH Xung quanh tiểu sử của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, có một số điều đã được thời gian bạch hóa. Đến nay thì bà là vợ kế (chứ không phải vợ lẽ) quan tham hiệp trấn Yên Quảng (tỉnh Quảng Ninh ngày nay) thì đã rõ. Bà đã hai lần từ Nghi Tàm (Hồ Tây, Thăng Long) về Yên Quảng thăm người yêu, là ông Trần Phúc Hiển, để lại 2 bài thơ tình chữ Nôm viết bên bờ sông Bạch Đằng và 5 bài thơ viết về Vịnh Hạ Long bằng chữ Hán, đã in trong tập LƯU HƯƠNG KÝ, từ năm 1814, thì cũng đã rõ. Như vậy, bà ở hẳn tại Yên Quảng từ năm 1815 (khi ông Hiển cưới bà, thường cho bà dự vào việc quan) đến khi chồng bà bị án tử hình, vì đã nhận hối lộ 700 quan tiền, (dù bố chồng bà là tướng Trần Phúc Nhân, đã từng giúp vua Gia Long đánh thắng Tây Sơn rồi tử trận). Việc chồng bà chết ở Yên Quảng năm 1919, cũng đã rõ, vì điều đó còn ghi trong Thực lục của nhà Nguyễn. Khi vua Minh Mạng rà soát lại các bản án liên quan đến các quan, ông rất chú ý đến vụ án quan Tham Hiệp trấn An Quảng Trần Phúc Hiển, ông phê vào bên cạnh: “Tham nhũng như thế mà không giết, thì lấy gì mà khuyến liêm”. Chính căn cứ vào các tư liệu mới phát hiện này, và không còn gì phải tranh cãi này, mà người ta đã xác định được năm sinh của Hồ Xuân Hương là 1772, đặc biệt năm mất là 1822. Điều đó đã được dòng họ Hồ Quỳnh Đôi Nghệ An, quê hương bà, cho khắc vào tấm bia đá lớn, thờ ở ngay đầu làng. Vậy việc đó, cũng đã rõ không có gì phải bàn thêm. Nếu năm mất được xác nhận là 1822, thì nơi mất có thể có cơ sở, đó là chùa Giải Oan ở Yên Tử, vì cùng một nguồn tư liệu. Theo tư liệu trên, sau khi chồng chết, để thể hiện lòng thủy chung đúng đạo nhà nho của bà, bà đi tu ở Yên Tử và khi mãn tang chồng thì chết theo chồng ở đây. Bà yêu thi hào Nguyễn Du, điều đó cũng đã rõ vì bà có thơ tặng người yêu cũ là Nguyễn Du, in trong Lưu Hương ký hẳn hoi. Chắc bà có tâm sự với người bạn thân nhất của Nguyễn Du là Phạm Quý Thích, nên trước khi bà tự tử, Phạm Quý Thích có đến Yên Tử thăm bà. Chồng bà (Trần Phúc Hiển) mất năm 1819, người cũ của bà (Nguyễn Du) mất năm 1820, bà mất năm 1822. Năm 1823, phủ Tam Đới, mà ông Hiển từng làm tri phủ khoảng hơn 10 năm trước, mới đổi tên là phủ Vĩnh Tư ờ ng. Vậy bài thơ Khóc ông phủ Vĩnh Tường mà hàng chục năm nay gán bừa cho bà là không phải của bà vậy. Ấy là chưa kể, khi chồng chết vì án tử hình, liệu có bà vợ nào nỡ khóc chồng: Cán cân tạo hóa rơi đâu mất / Miệng túi càn khôn khép lại rồi. Ta hiểu cán cân kia và miệng túi ấy là cái gì rồi. Khóc thế không những vô văn hóa mà còn vô cả đạo lý nữa. Ấy là chưa kể, phủ Vĩnh Tường có tên, khi Hồ Xuân Hương đã chết rồi. Còn mộ bà hiện nay ở đâu? Có cơ s ở để nghĩ rằng, sau mấy năm hung táng ở Yên Tử, thân nhân đã đưa hài cốt bà về nơi ở của bà trước khi làm v ợ kế ông Hiển, là ở Nghi Tàm, gần Hồ Tây. Căn cứ vào bài thơ của Tùng Thiện vương Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con vua Minh Mạng, em ruột vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, in trong Thượng sơn thi tập, thì nơi đó ở bên hồ Tây, và bây giờ có thể là ở lòng hồ, gần bờ hồ. Trong tập L ưu Hương k ý, mà theo L ờ i Tựa của ông Tốn Phong viết ở đầu sách, khắc in năm 1814, thì Hồ Xuân Hương nói rằng: “đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ trước đến nay”, trong đó không có một bài thơ nào trong số h ơn 100 bài thơ Nôm truyền tụng được gán cho bà mà Xuân Diệu vinh danh là Bà chúa thơ Nôm. Trong bài Tựa nói trên, viết tháng 3 năm Giáp Tuất (1814), Tốn Phong nhận xét, thơ Hồ Xuân Hương “xuất phát từ cảm hứng nhưng biết dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa. Vui mà không đến nỗi buông tuồng... thơ đúng phép mà văn hoa...” Đọc Lưu Hương ký mới thấy Tốn Phong nhận xét thơ bà rất chuẩn xác. Như vậy thơ thực của bà hoàn toàn xa lạ với thơ được coi là của bà. Xuân Diệu còn khẳng định đặc trưng để bà có lối thơ ám chỉ cái ấy của phụ nữ và chuyện ấy trong buồng kín, (dù đã được viết rất tài) tạo thành đặc sắc nhất thế giới của thơ bà vì bà làm Kỹ nữ, mà bất c ứ quyển Từ điển tiếng Việt nào cũng ghi kỹ nữ là mãi dâm, là làm đĩ. Xin dẫn nguyên văn: Sách Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, phần Hồ Xuân Hương, bà chúa thơ Nôm, Nhà xuất bản Văn học, 1998. có một mục viết hoa THIÊN TÀI, KỸ NỮ, trong đó, trang 377 – 378 Xuân Diệu viết: “tâm hồn Xuân Hương đẹp đẽ như vậy. Và do một số điều kiện sinh lý nào đó, với do hoàn cảnh gia đình xã hội ở thời đại Xuân Hương, tâm hồn ấy cũng là hiện tượng độc đáo kỳ lạ, có thể nói là một không hai trong văn học Việt Nam, có lẽ trong văn học thế giới. Đó là một kỹ nữ.” Trang 382, Xuân Diệu còn nói rõ hơn: “Chẳng lẽ bây giờ, ta yêu cầu Xuân Hương đừng là kỹ nữ nữa? Như vậy là ta đã mất Xuân Hương”. Đến đây thì ai cũng biết: nhà thơ Xuân Hương họ Hồ Quỳnh Đôi, Nghệ An, vợ kế quan Tham Hiệp trấn Yên Quảng (tỉnh Quảng Ninh ngày nay), người từng yêu Cần Chánh điện học sĩ – Hầu tước Nguyễn Du, chú ruột vợ vua Gia Long, em tể tướng Nguyễn Khản, con tể tướng Nguyễn Nghiễm… bản thân bà cũng có anh con bà cả làm tể tướng, bố chồng hàm Thái bảo, một trong ba tước cao nhất của triều đình, không phải là gái làm nghề … mãi dâm. Trong nghiên cứu khoa học, cứ liệu nền tảng không vững vàng, ổn định, thì các luận điểm đưa ra, chắc chắn không vững bền, dù tác giả của những luận điểm ấy là một người có uy tín rất lớn. Theo tôi, công trình rất nổi tiếng Hồ Xuân Hương, bà chúa th ơ Nôm này của Xuân Diệu dứt khoát sẽ tự sụp đổ, chỉ có sớm hơn hay muộn hơn mà thôi. Tôi đồng tình với nhận định của giáo sư Hoàng Xuân Hãn đưa ra tại Pa ri (Pháp) từ năm 1952 và giáo sư Trần Thanh Mại, đưa ra tại Hà Nội năm 1964, cho rằng, TOÀN BỘ thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương, tất thảy đều không phải của Hồ Xuân Hương mà là thơ dân gian của các ông đồ, sáng tác và nhuận sắc cùng thời với truyện Trạng Quỳnh, Trạng Lợn. Để hiểu quá trình dân gian hóa thơ được gọi là của Hồ Xuân Hương, tôi chỉ dẫn một bài là Chơi đu đã có trong thơ Lê Thánh Tông (1442 – 1497) Bốn cột lang nha khéo trồng / Ả đánh cái, ả còn ngong / Vái thổ địa, khom khom cật / Khấn hoàng thiên, ngửa ngửa lòng… Tôi thấy thơ vua Lê, âm hưởng rất hay, hình ảnh rất đẹp và sang trọng. Bốn cột người đứng đầu xã (lang nha) đã cho trồng, để dựng cây đu. Ả lên chơi đu (đánh cái) rồi, ả còn chờ đến lượt mình. Chữ ngong chính là chứ ngóng biến dạng mà thành. Hai câu tả chơi đu rất chuẩn xác mà rất gợi cảm, khi cây đu quay lại, người cúi xuống là vái đất, lúc cây đu hất lên, người ngửa ra là khấn trời… Hai câu thơ rất tài nghệ đó, khi bị “Hồ Xuân Hương hoá” là lập tức có “mùi giường chiếu”, để người đọc hình dung cái “chuyện kia”: Trai cong gối hạc, khom khom cật / Gái uốn lưng ong, ngửa ngửa lòng… Xin dẫn thêm nguyên văn hai bài thơ của Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký để các bạn cùng đọc. Bài thứ nhất viết về mối tình của bà với quan Tham Hiệp trấn Yên Quảng, Trần Phúc Hiển, lúc bà về thăm ông, ở trấn lỵ Yên Quảng, bên bờ sông Bạch Đằng, khi ông chưa cưới bà làm vợ. Đọc bài thơ này, các bạn sẽ thấy bà Hồ Xuân Hương yêu ông Hiển đến mức nào, chỉ lo ông Hiển không giữ lời hứa với mình: BẠCH ĐẰNG GIANG TẠM BIỆT Khấp khểnh đường mây bước lại dừng Là duyên là nợ phải hay chăng Vun hoa khéo kẻo lay cành gấm Vục nước mà xem động bóng giăng Lòng nọ chớ rằng mây nhạt nhạt Lời kia nay đã núi giăng giăng Với nhau tình nghĩa sao là trọn Chớ có lưng vơi cỡ nước Đằng… 1813 Các sách đều chú thích nước Đằng là một quốc gia nhỏ bé bên Trung Quốc. Theo tôi, chú thích thế là sai. Nước Đằng chỉ là nước sông Bạch Đằng khi lưng, khi vơi theo mức lên xuống của thủy triều. Bà Hương nhắc ông Hiển lòng dạ yêu bà chớ có như thế. Bài thứ hai là nỗi nhớ người cũ, gửi Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân: CẢM CỰU KIÊM TRÌNH CẦN CHÁNH HỌC SĨ NGUYỄN HẦU (Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân) Dặm khách muôn ngàn nỗi nhớ mong Mượn ai tới đấy gửi cho cùng Chữ tình chốc đã ba năm vẹn Giấc mộng rồi ra nửa khắc không Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập Phấn son càng tủi phận long đong Biết còn mảy chút sương siu mấy Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong 1813 Nguyên tác ghi rõ Hầu người làng Tiên Điền huyện Nghi Xuân. Như vậy, Nguyễn Hầu ở đây đúng là Nguyễn Du, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, được phong tước Hầu, tháng 2 năm Quý Dậu (1813), vua Gia Long bổ nhiệm làm Cần chánh điện học sĩ, rồi cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc. Để kết thúc phần trao đổi này, tôi nghĩ ta cũng nên đọc lại hai bài thơ truyền tụng, được coi là của Hồ Xuân Hương, để xem xét, đối chiếu, suy ngẫm: GIẾNG NƯỚC Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông Giếng tốt thảnh thơi, giếng lạ lùng Cầu trắng phau phau đôi ván ghép Nước trong leo lẻo một dòng thông Cỏ gà lún phún leo quanh mép Cá diếc le te lách giữa dòng Giếng ấy thanh tao, ai chẳng biết Đố ai dám thả nạ dòng dòng Thả dòng dòng (cũng gọi là đòng đòng) là thả con cá nhỏ vào cái giếng ấy. DỆT CỬI Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau Con cò mấp máy suốt đêm thâu Hai chân đạp xuống năng năng nhắc Một suốt đâm ngang thích thích mau Rộng hẹp nhỏ to vừa vặn cả Ngắn dài khuôn khổ cũng như nhau Chị nào muốn tốt ngâm cho kỹ Chờ đến ba thu mới giãi màu… CHIÊU HỔ TRONG “THƠ NÔM TRUYỀN TỤNG HỒ XUÂN HƯƠNG”
KHÔNG PHẢI LÀ PHẠM ĐÌNH HỔ TRẦN NHUẬN MINH Trong Thơ Nôm truyền tụng nhiều chục năm nay được coi là của nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772 – 1822) có một số bài liên quan đến Chiêu Hổ. Tập Thơ Hồ Xuân Hương, nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2008, có ba bài, xin được dẫn lại như sau (bài xướng, bài họa và chú thích, đều chép lại từ bản in này): TRÁCH CHIÊU HỔ (I) Anh đồ tỉnh, anh đồ say Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày Này này chị bảo cho mà biết Chốn ấy hang hùm ch ớ mó tay… Chiêu Hổ họa lại: Này ông tỉnh, này ông say Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày Hang hùm ví bẵng không ai mó Sao có hùm con bế chốc tay… TRÁCH CHIÊU HỔ (II) Sao nói rằng năm lại có ba Trách người quân tử hẹn sai ra Bao giờ thong thả lên chơi nguyệt Nhớ hái cho xin nắm lá đa… Bài này Hồ Xuân Hương ám chỉ Chiêu Hổ nói dối như thằng Cuội nên mới có hình ảnh “nắm lá đa”. Chiêu Hổ họa lại Rằng gián là năm, quí có ba Bởi người thục nữ tính không ra Ừ rồ i thong thả l ê n chơi nguyệt Cho cả cành đa lẫn củ đa … Thời xưa tiền của ta có hai loại, một loại là tiền gián, ăn 36 đồng kẽm, một loại là tiền quí ăn 60 đồng kẽm, vì vậy giá trị 5 đồng tiền gián bằng 3 đồng tiền quí. TRÁCH CHIÊU HỔ (III) Những bấy lâu nay luống nhắn nhe Nhắn nhe toan những sự gùn ghè Gùn ghè nhưng vẫn còn chưa dám Chưa dám cho nên phải rụt rè Chiêu Hổ họa lại Hỡi hỡi cô bay tớ bảo nhe Bảo nhe không được gậy ông ghè Ông ghè không được ông ghè mãi Ghè mãi rồi sau cũng phải rè… (Theo Sách đã dẫn) Cũng từ nhiều chục năm nay, nhiều người cho rằng Chiêu Hổ trong Thơ Nôm truyền tụng này là Phạm Đình Hổ (1768 – 1839). Cũng có ý kiến cho rằng có lẽ không phải hoặc cao hơn, chỉ dụt dè khẳng định thật khó mà tin Chiêu Hổ lại là Phạm Đình Hổ. Theo tôi, điều này hoàn toàn ngã ngũ được. Chiêu Hổ HOÀN TOÀN KHÔNG PHẢI là Phạm Đình Hổ (1768 – 1839). Phạm Đình Hổ, có tên chữ là Tùng Niên và Bình Trực, tên hiệu là Đông Dã Tiều, người làng Đan Loan huyện Đường An, nay là huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Ông sinh trong một gia đình có truyền thống khoa bảng, nhưng bản thân ông chỉ đỗ tú tài. Biết ông là người tài xứ Bắc, trong dịp ra Hà Nội, vua Minh Mạng nhà Nguyễn cho mời ông lên gặp và chỉ sau ít phút tiếp kiến, đã đặc cách phong ông làm Tế Tửu Quốc Tử giám Thăng Long – Hà Nội, tức Hiệu trưởng trường, chức này chỉ dành cho các tiến sĩ mà bài thi (hoặc sự tiếp xúc sau đó của nhà vua với vị tiến sĩ,) thấy được tính uyên bác hơn người. Xin nhớ rằng, tài giỏi như Chu Văn An, thời Trần, cũng chỉ là Tư nghiệp, tức Hiệu phó, để thấy sự liên tài của vua Minh Mạng và cái thoáng, rất trọng th ự c tài, trong quan chế của nhà Nguyễn. Phạm Đình Hổ có nhiều trước tác, nhưng nổi tiếng nhất là Vũ trung tùy bút. Vũ trung tuy bút, tác phẩm duy nhất Phạm Đình Hổ nói về mình, về chuyện đời mình, cho thấy ông là một ngưởi “trầm lặng, mực thước, khắc khổ, nhạt nhẽo”, đặc biệt, ông “rất ghét thanh sắc, nghề cờ bạc, và những chuyện rủ rê chơi đùa”– lời Phạm Đình Hổ - thì không thể có chuyện ông (quan Tế Tửu – hiệu trưởng - Quốc Tử giám Thăng Long, Hà Nội) là tác giả của các bài thơ trên, lại “ghẹo nguyệt giữa ban ngày”, cho Hồ Xuân Hương, “cho cả cành đa lẫn củ đa”, và chửi đời rất sảng khoái theo kiểu lưu manh: Rày thì đù mẹ cái hồng nhan… (và Hồ Xuân Hương, một nhà thơ “đúng phép mà văn hoa”, bao giờ cũng biết “dừng lại ở phạm vi lễ nghĩa” (tựa thơ Hồ Xuân Hương trong Lưu Hương ký – khắc in năm 1814), cũng không thể là tác giả của những bài thơ trên). Phạm Đình Hổ nói, suốt đời ông, ông chỉ có “mỗi một cái tội là nghiện… nước chè”, chủ yếu là do ông tự pha lấy cho mình. Xin nhớ cho, Bộ Luật Gia Long thời Nguyễn ghi rõ: “Phàm quan văn võ ở đêm với con hát, hay đem con hát vào tiệc rượu, phạt 60 trượng”, nghĩa là giải ra công đường, lột mũ áo, đánh cho 60 gậy rồi đuổi về vườn. Xin nói thêm: tên tập thơ duy nhất của Hồ Xuân Hương là Lưu Hương ký. Theo giáo sư Trần Thanh Mại, thì chữ Lưu có bộ ngọc ở bên, chỉ quê hư ơ ng Quỳnh Lưu , không phải là lưu biệt hay lưu truyền, còn Hương là tên bà. Vậy đây là th ơ của người Quỳnh Lưu tên là Xuân Hương, được ghi lại. Giáo sư Trần Thanh Mại khẳng định: “Lưu Hương ký là một tài liệu chân chính, đáng tin cậy, và trong trường hợp này, không thể có vấn đề, có kẻ nào đó muốn chơi khăm, làm ra tài liệu giả mạo để đánh lạc hướng nghiên cứu của chúng ta”. (Lưu Hương ký và lai lịch phát hiện nó - Trần Thanh Mại, toàn tập, tập III. Nxb Văn học, 2004). Căn cứ vào lời Tựa của Tốn Phong: “Khi hỏi đến tên họ, mới biết cô ta là em gái ông lớn họ Hồ, đậu Hoàng Giáp, người làng Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu”, từ đó, các nhà nghiên cứu mới bạch hóa được tiểu s ử của Hồ Xuân Hương. Làng Hoàn Hậu nay là làng Quỳnh Đôi. Bà là con Hồ Sĩ Danh, không phải con Hồ Phi Diễn, như các sách giáo khoa đã ghi, vì Hồ Phi Diễn không có con đỗ Hoàng Giáp và làm ông lớn. Hồ Phi Diễn và Hồ Sĩ Danh là anh em con chú con bác, lại rất xa nhau, kể ngược lên đến đ ờ i thứ 10 mới cùng một ông tổ. Bà là em ruột Hồ Sĩ Đống (1738 – 1785), đậu Đình nguyên, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, (tức Hoàng Giáp), làm quan đến Hành Tham tụng, (Quyền Tể tướng) tước Quân Công, cùng với Bồi tụng Bùi Huy Bích, đứng đầu chính phủ thời Trịnh Sâm và Trịnh Khải. Hồ Sĩ Danh (1706 – 1783), chỉ đậu Hương cống (tức Cử nhân), không ra làm quan, nhưng có con làm to, được phong tặng chức Hàn lâm thừa chỉ, hàm Thái bảo. Như vậy là đã rõ. Khi giao tập Lưu Hương ký cho Tốn Phong đề tựa, Hồ Xuân Hương nói Đây là toàn bộ thơ của cuộc đời tôi từ xưa đến nay. Như vậy, xếp Thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương là thơ dân gian khuyết danh là tôn trọng ý kiến của chính Hồ Xuân Hương vậy. Và “Hồ Xuân Hương” cũng như “Chiêu Hổ” trong thơ Nôm truyền tụng, chỉ là nhân vật hư cấu của văn học dân gian, Hồ Xuân Hương trong “thơ Nôm truyền tụng”, không phải là Hồ Xuân Hương, nhà thơ có tên tuổi, người làng Quỳnh Đôi và Chiêu Hổ cũng hoàn toàn không phải Phạm Đình Hổ vậy. Nhân đây, xin nói thêm một chút về Nguyễn Du (1766 – 1820), người cũ của Hồ Xuân Hương, trong Lưu Hương ký. Nguyễn Du được vua Gia Long phong tước Du Đ ức hầu, sinh năm 1766, hơn Hồ Xuân Hương 6 tuổi. Khi đối chiếu âm lịch với dương lịch, Nguyễn Du sinh đầu tháng Giêng năm 1766 (Lịch quốc gia ghi Nguyễn Du sinh 3/1/1766) chứ không phải tháng 12 năm 1765 như tiểu s ử Nguyễn Du, đã từng ghi trong các tập Từ điển văn học, các sách giáo khoa các cấp học và tất cả các loại sách danh nhân và tương tự về Nguyễn Du từ hàng mấy chục năm nay. Cũng nên đính chính lại để đảm bảo tính chính xác của tư liệu khoa học, tránh nhầm lẫn đáng tiếc cho những người nghiên cứu và biên khảo về sau.
Phụ Bản II TỪ CHỢ TÌNH SA PA, KHAU VAI ĐẾN HỘI CHỢ “SCARBOROUGH FAIR” 1/- CHỢ TÌNH SA PA Sa Pa là một địa danh du lịch đẹp và thơ mộng nằm trên độ cao 1.600m so với mặt biển, thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lao Cai - cách thành phố Hà Nội 370km, cách thành phố Lào Cai 38km. Phiên chợ chính Sa Pa họp vào Chủ nhật hàng tuần. Chợ ở đây có trao đổi, mua bán các loại hàng hóa, sản phẩm địa phương. Nhưng sự độc đáo là khu chợ tình Sa Pa – là nơi nam nữ giao duyên, một hình thức sinh hoạt văn hóa đặc biệt ở Sa Pa và một số địa phương vùng núi phía bắc. Khi mặt trời khuất sau đỉnh núi Hoàng Liên Sơn, ánh sáng nhạt nhòa, chợ là tâm điểm của các nhóm trai gái người H’Mông, người Dao cùng vui chơi, trổ tài múa hát, thổi kèn… các chàng trai, cô gái đùa vui trong cuộc hội ngộ rất tự nhiên. Khi màn đêm buông xuống, cuộc vui qua âm thanh của Kèn lá, Sáo, Khèn càng thêm hấp dẫn, quyến rũ… Nhịp cầu âm thanh của các nhạc cụ, lời ca hay các vũ điệu như có men, dính kết trai gái với nhau. Cuộc vui chung cũng là cơ duyên để nhiều cặp nam nữ đưa nhau đến nơi khuất vắng trò chuyện tâm tình, có cặp ngồi bên nhau thâu đêm. Gặp người tri kỷ họ trao kỷ vật cho nhau, khi chia tay, hẹn phiên chợ sau gặp lại… Sinh hoạt văn hóa này đã có từ ngàn xưa. Chợ tình Sa Pa là nơi hấp dẫn những du khách thích tìm hiểu văn hóa các dân tộc. 2/- CHỢ TÌNH KHAU VAI Khau Vai nằm ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang – tiếp giáp tỉnh Lao Cai. Trước năm 1992, Chợ họp mỗi năm một lần vào ngày 27–3 âm lịch. Truyền thuyết chợ Khau Vai được dân gian kể lại: …Ngày ấy ở Khau Vai có chàng trai dân tộc Nùng khôi ngô tuấn tú, khỏe mạnh, chăm làm, dân gọi là chàng Ba. Chàng yêu say đắm cô gái dân tộc Giáy xinh đẹp, khéo tay, hát hay ở bản bên tên là nàng Út. Hai người thường rủ nhau lên núi Khau Vai tâm sự. Mối tình của họ đẹp như hoa rừng, trong như nước suối, đằm thắm như đôi chim “Nộc Hang, Nộc Phày” (giống chim có màu sắc đẹp, hót hay, sống từng đôi). Nhưng theo phong tục hồi đó, trai gái không được lấy người khác dân tộc; con gái không được phép tự tìm hiểu bạn đời, nên gia đình họ hàng đều ngăn cấm. Sự cấm đoán khiến họ càng yêu nhau tha thiết. Hiềm khích giữa hai bản và hai gia đình đã xảy ra. Một ngày kia, khi đôi trai gái đang ngồi bên nhau trên núi thì nhìn thấy người hai bản đang đánh nhau đổ máu ở phía dưới. Họ biết tình yêu của họ đã trở thành mối họa. Hai người gạt nước mắt chia tay, hẹn kiếp sau nên vợ nên chồng và sẽ gặp nhau mỗi năm một lần đúng vào ngày chia tay, tại nơi thường hò hẹn – Khau Vai. Và cũng ngày ấy lần hẹn gặp nhau, họ đã cùng nhau về thế giới bên kia để không phải sống trong nỗi mòn mỏi, nhung nhớ, chờ đợi suốt cả năm trời đằng đẵng. Hai gia đình hốt hoảng đi tìm khắp non cao, rừng thẳm nhưng vẫn không tìm thấy. Vài ngày sau, xác chàng Ba và nàng Út được tìm thấy dưới chân vách đá. Họ vẫn đang ôm chặt nhau như không muốn rời xa. Thương xót và ân hận, gia đình họ đã làm lễ mai táng, dựng lên hai miếu thờ, nay gọi là miếu Ông, miếu Bà… Rồi sau đó. Khau Vai trở thành nơi hò hẹn chung cho những người yêu nhau, nhưng gặp trắc trở không lấy nhau được. Chợ Khau Vai ngày trước không có người mua, không có người bán. Người đến chợ, không kể tuổi tác, già hay trẻ, tình duyên trắc trở ngày trước sớm hay muộn. Chợ là nơi tìm lại bạn xưa mà lòng đã trao thương gửi nhớ, gặp nhau để tâm sự, trút bỏ những nỗi niềm thầm kín trong lòng, vui chơi cho thỏa nỗi nhớ mong. Họ đem theo thức ăn từ nhà, đến bữa bỏ ra cùng ăn với nhau gói cơm nếp, củ sắn, miếng bánh… Tâm trạng người đi chợ rất háo hức. Nếu ở xa người ta đến chợ từ chiều ngày 26. Đến nơi là cuộc tìm kiếm. Khi tìm được cố nhân thì họ đưa nhau vào nơi yên ắng trò chuyện. Có những cặp vợ chồng cùng đến Khau Vai tìm bạn tình - cố nhân của nhau, họ đều tôn trọng tình cảm riêng của nhau. Chiều ngày 27 là lúc chợ tan, đôi bạn tình xưa bịn rịn chia tay, không ai biết trước có còn gặp lại nhau lần nữa. Cặp vợ chồng nọ tìm nhau cùng che ô về nhà, kể cho nhau nghe những chuyện về người tình xưa. Thế nhưng có những người đến Khau Vai nhiều lần mà vẫn chưa gặp được cố nhân, sự tìm kiếm, ngóng đợi cứ vô vọng, đến khi chiều tà lại ngậm ngùi lẻ loi ra về, lòng càng day dứt, trĩu nặng. Chợ tình Khau Vai hôm nay không chỉ là chợ của những mối tình trắc trở, trái ngang của người Mèo vạc, của các dân tộc sống trên cao nguyên đá Đồng Văn, mà nó đã trở thành sinh hoạt văn hóa độc đáo, hấp dẫn, là điểm đến của nhiều thanh niên nam nữ của Hà Giang cùng đến chợ hò hẹn, tìm bạn, để từ đó có nhiều đôi lứa đã nên vợ nên chồng từ chợ tình này. Thời gian cùng cuộc sống văn minh hôm nay đã làm chuyện hôn nhân thay đổi theo hướng tích cực. Vì thế, các chàng trai, cô gái được tự do tìm hiểu và quyết định hôn nhân, mà không gặp phải sự cản trở của các bậc làm cha làm mẹ như chàng Ba, nàng Út thuở xưa. Từ năm 1992 trở lại đây, chợ Khau Vai đã họp thành phiên 5 ngày một lần. Chợ phiên Khau Vai cũng có mua, có bán những sản vật, hàng hóa. Nhưng mỗi năm, Chỉ một lần vào ngày 27-3 âm lịch, chợ tình Khau Vai vẫn là điểm hẹn của những người muốn tìm về quá khứ với bao hoài niệm. Khau Vai đã chứng kiến bao nỗi buồn vui của những cuộc hội ngộ sau những tháng năm dài xa cách, biệt ly. Khau Vai cũng xoa dịu nỗi đau cho bao số phận bởi những ngang trái nhân duyên và tìm lại niềm vui sau bao vất vả thường nhật. Chợ tình Khau Vai vẫn là điểm hẹn thiêng liêng cho bao lứa đôi tình duyên trắc trở, là hiện thân của biết bao câu chuyện tình đã đi vào huyền thoại. Với những giá trị tự thân cúa nó, chợ tình Khau Vai cũng đã trở thành điểm đến mỗi năm của nhiều du khách, nhất là khi Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là “Công viên Địa chất Toàn cầu”. Ngày 28-4-2011 (26/3 âm lịch) vừa qua, Lễ hội Chợ tình Khau Vai được tổ chức với quy mô lớn hơn những năm trước, trong đó có lễ đón nhận Bằng công nhận Chợ tình Khau Vai là “Di sản văn hóa phi vật thể” cấp tỉnh. Lễ hội Chợ tình Khau Vai đã tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người dân Hà Giang và cũng là phiên chợ tình độc đáo, hiếm có trên mọi quốc gia. Chợ tình là ngày hội của Tình yêu của mọi lứa tuổi đi tìm bạn tình, của những người đã từng yêu và cả những ai chưa từng yêu. Khau Vai bao đời vẫn thế - là nơi hò hẹn của Tình yêu. Khau Vai ám ảnh “cửa vào lòng thương nhớ”. Bao người thẫn thờ, xót xa trước “một Khau Vai trong số phận chúng mình” để tìm kiếm, để chờ đợi “người ấy”, “cố nhân thương nhớ ngàn năm”… 3/- HỘI CHỢ “SCARBOROUGH FAIR” Scarborough là tên một thị trấn ven biển North Yorkshire của nước Anh, nơi Hội chợ nông phẩm Scarborough Fair tổ chức hàng năm vào thời Trung cổ. Hội chợ thu hút thương nhân, các nam thanh nữ tú và những người làm trò tiêu khiển từ mọi miền đất nước… Cứ tới ngày 15-8, hội chợ bắt đầu diễn ra và kéo dài 45 ngày. Vào thế kỷ XVII, khi nước khoáng được phát hiện ở Scarborough, nơi đây đã trở thành một thị trấn nghỉ dưỡng (Spa). Ngày nay, Scarborough là một thị trấn yên tĩnh với một lịch sử phong phú và Hội chợ Scarborough đã trở thành một lễ hội văn hóa du lịch nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, hầu hết mọi người biết và đến với Lễ hội Scarborough Fair là bởi nơi đây sinh ra một khúc Dân ca nổi tiếng cùng tên với Lễ hội, có từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII. Các đôi trai gái đến Hội chợ Scarborough thường hát bài này như khúc Tụng ca Tình yêu. Bài dân ca nhanh chóng phổ biến thành du ca do các thi sĩ hát rong phổ biến khi họ chu du từ thị trấn này đến thị trấn khác. Không ai biết tác giả của bản Tình ca này và qua nhiều thế kỷ, bài hát đã xuất hiện nhiều phiên bản với ca từ khác nhau, nhưng vẫn giữ nhạc gốc và các phiên bản đều gọi chung là Scarborough Fair. Ca từ bài Tình ca nói về một người đàn ông đang cố gắng đạt được tình yêu đích thực. Lời gốc tiếng Anh nguyên thủy có 8 lời, mỗi lời 4 câu. Qua nhiều thế kỷ, dù lời hát có bất cứ thay đổi gì, nhưng câu thứ 2 trong cả 8 lời vẫn luôn được giữ nguyên “Parsley, Sage, Rosemary and Thyme”, đơn giản câu này chính là linh hồn của Tình ca. “PARSLEY, SAGE, ROSEMARY and THYME” Đó là tên bốn loài thảo mộc thơm: - Parsley (ngò tây): tượng trưng cho sự dễ chịu. - Sage (xô thơm): tượng trưng cho sự mạnh mẽ của người hiệp sĩ. - Rosemary (hương thảo): tượng trưng cho sự chung thủy. Các chàng trai Hy Lạp xưa thường tặng lá hương thảo cho người yêu, hiện nay, tại nước Anh và vài nước châu Âu, các cô dâu vẫn giữ truyền thống cài lá hương thảo lên tóc trong ngày cưới. - Thyme (húng tây): tượng trưng cho sự can đảm. Thời Trung cổ, hình ảnh cây húng tây thường được vẽ hay thêu lên tấm khiên của hiệp sĩ. Không như các loài hoa muôn sắc được người đời gán cho những ý nghĩa thông qua cảm xúc riêng, các thảo mộc đó chỉ là lá cây dân dã, bình dị nhưng mùi hương của chúng chính là sự khác biệt. Chúng lưu giữ ký ức lâu dài và mạnh mẽ nhất trong tâm khảm con người, như chàng nhạc sĩ đã nhẹ nhàng, khéo léo nhắc nhở người yêu hãy theo mùi Hương trở về với tình yêu chân thật mà chàng đã dành trọn vẹn cho nàng. Sự điệp ngữ Hương thảo mộc cố ý của tác giả, đã nói lên lời ước muốn sâu xa nhất của chàng. TỪ DÂN CA CỔ THÀNH TÌNH CA NHÂN LOẠI Thế nhưng, có lẽ mãi mãi tình ca Scarborough Fair chỉ là một bài dân ca lãng mạn, quanh quẩn nơi làng quê nước Anh, nếu nó không tình cờ “hạnh ngộ” Paul Simon, một ca-nhạc-sĩ người Mỹ. Năm 1964, Paul Simon và Art Garfunkel thành lập song ca Simon & Garfunkel và thất bại ngay album đầu tiên ‘Wednesday Morning, 3 AM.’ Chán nản, năm 1965 Paul Simon sang nước Anh với dự định chuyển sang hát solo. Anh tình cờ nghe được tình ca Scarborough Fair lần đầu từ Martin Carthy, một ca sĩ nổi tiếng chuyên hát nhạc dân ca và Paul lập tức mê đắm giai điệu mượt mà và ca từ da diết của nó. May sao lúc ấy tại Mỹ, ca khúc ‘The Sound of Silence’ nằm trong album kể trên đã đứng đầu bảng xếp hạng dưới dạng Single. Paul vội quay lại Mỹ để tái ngộ Garfunkel, khởi đầu sự nghiệp lừng lẫy của đôi song ca này. Giai điệu ngọt ngào của Scarborough Fair đã thôi thúc Paul quyết định phối âm lại (cover). Tình ca nguyên thủy có 8 lời, anh chỉ giữ lại 5 lời và đổi vài chữ cho dễ hát. Tháng 10-1966, Simon & Garfunkel tung ra album “Parsley, Sage, Rosemary and Thyme” với bài đầu tiên của album là ‘Scarborough Fair’. Bản hòa âm đã trở thành chuẩn mực với kiểu phối bè cực kỳ điêu luyện. Do “Scarborough Fair” ra đời vào năm 1966 - 1967, cũng là thời điểm phản chiến chống chiến tranh đang sục sôi trên khắp nước Mỹ, nên mặc nhiên lịch sử âm nhạc đương đại đã xếp “Scarborough Fair” là một trong những ca khúc phản chiến nổi tiếng nhất. Với ẩn ý chống chiến tranh Việt Nam, bài hát được sử dụng trong bộ phim truyền hình “The Wonder Years”, cảnh Kevin Arnold ôm ấp Winnie Cooper. Trong bộ phim này, anh trai của Winnie đã thiệt mạng tại Việt Nam. Đến năm 1968, tình ca này chính thức chinh phục khán giả thế giới khi nó được sử dụng trong bộ phim hài nổi đình đám của năm đó “The Graduate”, đạo diễn Mike Nichols hâm mộ Simon & Garfunkel nên sử dụng khá nhiều ca khúc của họ trong phim, nhưng khán giả vẫn nhớ nhất là ‘Scarborough Fair’. Sau đó, ‘Scarborough Fair’ đã được phát hành Single và thu được thành công rực rỡ. Ca sĩ Anh Martin Carthy đã buộc tội Paul ăn cắp một phần bản phối âm của mình, mãi tới năm 2000, Martin và Paul mới nói chuyện với nhau và cùng biểu diễn tình ca này để gạt mối bất hòa năm xưa. Phần hòa âm và phối khí tuyệt vời của Paul Simon đã biến “Scarborough Fair” mãi mãi bất tử. Đến nay tuy đã có hàng trăm phiên bản trên khắp thế giới với đủ mọi quốc tịch, nhưng “Scarborough Fair” của Simon & Garfunkel vẫn là số 1! “ÔI! GIÀN THIÊN LÝ ĐÃ XA…” Khi vừa ra đời vào thập niên 1960 - 1970, tình ca đã được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển lời Việt dựa theo lời Pháp ‘Chevrefeuille que tu es loin’ do nữ danh ca Nana Mouskouri trình bày. Phạm Duy chọn hình ảnh hoa thiên lý vào tựa đề, thành “Ôi! Giàn thiên lý đã xa”, có lẽ vì màu xanh ngọc, mùi thơm của chúng thoảng nhẹ tương tự mùi thơm của bốn loài thảo mộc ở tít trời Âu. Với ca từ nhẹ nhàng, nhạc sĩ tài danh đã kể câu chuyện tình xanh màu tuổi thơ, với hình ảnh thằng bé con mới lớn lỡ yêu cô em ngày xưa. Và trái tim cậu cứ thổn thức mãi về vùng quê nhỏ bé với giàn thiên lý đã xa… - Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi…. - Này, này nàng hỡi nhớ may áo cho người Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên chăn mượt mà Là chiếc chăn đắp chung những ngày đã qua. - Tìm một miếng đất cho gã si tình Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xanh Miếng đất cát hoang, miếng đất ngay bên giáo đường Biển sẽ ru tiếng hát êm trùng dương - Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi Lấp đất hố tôi, lấp với đôi tay cô nàng Tình hãy chôn trái tim non buồn thương. BÀI GỐC CỦA PAUL SIMON “SCARBOROUGH FAIR” - Are you going to Scarborough Fair Parsley, Sage, Rosemary and Thyme Remember me to one who lives there She once was a true love of mine. - Tell her to make me a cambric shirt Parsley, Sage, Rosemary and Thyme Without no seams nor needlework Then she’ll be a true love of mine. - Tell her to find me an acre of land Parsley, Sage, Rosemary and Thyme Between the salt water and the sea strand. Then she’ll be a true love of mine. - Tell her to reap it with a sickle of leather Parsley, Sage, Rosemary and Thyme And gather it all in a bunch of heather Then she’ll be a true love of mine. - Are you going to Scarborough Fair Parsley, Sage, Rosemary and Thyme Remember me to one who lives there She once was a true love of mine. Lời Mới: “CHỢ TÌNH SA PA – KHAU VAI” - SA PA, Lao Cai du khách tham quan, hẹn hò Chợ Tình ái bao cặp đã nên duyên Buôn bán, trao đổi hàng giữa người H’Mong và Dao Phiên chợ chính nhóm vào ngày Chủ nhật. - Mặt trời khuất núi (Hoàng Liên sơn), SA PA chợ tình bắt đầu Chợ Tình ái bao cặp sẽ nên duyên Nam nữ thổi khèn, múa hát và vui chơi Gặp người tri kỷ lần sau hẹn gặp lại. - KHAU VAI, Hà Giang họp trên cao nguyên Đồng Văn Chợ Tình ái bao cặp đã nên duyên KHAU VAI Mới có mua bán, trai gái đến hẹn hò Sau 92, nhóm 1 lần mỗi 5 ngày. (Riêng chợ dành cho tình dở dang vẫn nhóm 1 lần mỗi năm vào ngày 27-3 ÂL) - SA PA chiều thứ bảy trai gái H’Mong, Dao hẹn hò Chợ Tình ái bao cặp sẽ nên duyên KHAU VAI nam nữ Nùng, tình dở dang, năm một lần (chỉ vào ngày 27-3 ÂL) Gặp lại, nhớ ai… xao lòng ngoài ‘vợ chồng’. (Tham khảo từ Internet và sách Non Nước VN của TC. Du Lịch) PHẠM VŨ
TUỔI NGỰA
Đỗ nhờ giấc ngủ đêm nay Rồi mai thui thủi tháng ngày lao đao Cồn hoang gió động phương nào Rừng xanh tiếp núi xanh cao chập chùng Ngựa đi gót vọng rưng rưng Mải mê đuổi bóng quên vùng cỏ xưa Ngậm sầu nhai cọng rơm khô Nghĩ thương tuổi trẻ hồ đồ u mê Chia bầy nát dấu sơn khê Ngày xa lầm lũi đi về tủi thân Đêm này dấu ngựa phân vân Mùa xuân chừng đã nhú mầm giữa khuya Tung bờm hất rụng cơn mê Đã nghe móng gõ bốn bề thiên thai. Quy ngưỡng tôn vinh Những tấm lòng tôn vinh Phật đạo Hạnh chân tu để lại cho đời Gạch tâm kiến tạo nền công đức Ngói tuệ đan hoa mái tuyệt vời VIÊN mãn hương đài cao chót vót GIÁC hoàng phạm vũ đỉnh chơi vơi Không gian vàng điểm thời gian tích Ngọc ẩn rêu phong tỏa rạng ngời Ngàn sau dưới nắng mặt trời Nơi đây còn dấu tay người ngàn xưa TRẦN LỮ VŨ Tầm Đạo Cuộc đời cũng ví trồng cây Ngày nay gieo vận, mai nầy hái thơ Trần gian thực thực hư hư Mất còn trôi nổi cũng như cánh bèo Vui buồn nắng sớm mưa chiều Vẩn vơ như thể cánh diều trên sông Những điều có có không không Lăng xăng vọng tưởng trong lòng đó thôi Ai đi du lãng quên đời Vẫn chưa tính việc quy hồi tư gia Tìm phương rèn luyện cái ta Vô ngã trụ lại để mà ngộ khai Đức Phật thuyết giảng trần ai Dù cho vạn pháp không ngoài cái tâm Mới hay Phật ở tại tâm Đâu cần khổ nhọc đi tầm chi xa Phật tâm ở tại lòng ta Phật tâm nầy vốn là hoa cuộc đời THANH CHÂU Bến Mơ Ngựa phi qua chín tầng mây Cát vàng gió cuốn đong đầy xót xa
Ngựa phi xé ánh trăng ngà Dặm ngàn giông tố vỡ òa tiếc thương
Ngựa phi gãy vụn đêm trường Rưng rưng nước mắt vấn vương mộng đầu
Ngựa phi lướt giọt mưa ngâu Ngưu Lang Chức Nữ khóc sầu chia ly
Ngưa dừng bước dưới rèm mi Vó câu rời rã – biên thùy cách ngăn
NGÀN PHƯƠNG Tiếng Thơ
Tiếng thơ êm ả mênh mông Lời thơ trang trải nỗi lòng đầy vơi Thơ bay cao vút lưng trời Thơ nghe ngào ngạt hương đời ngất ngây Thơ về quyện gió cùng mây Thơ thêm hương vị tháng ngày trong ta Thơ mang tình nghĩa đậm đà Thơ gieo bao nỗi thiết tha với đời Thơ làm vui cả đất trời Thơ xoa dịu mọi đầy vơi nỗi lòng Thơ hòa gió mát trăng trong Thơ nguồn an ủi hoài mong cuộc đời Thơ như tiếng sáo ngàn khơi Thơ là câu hát đẹp trời yêu thương Thơ liền tình bạn bốn phương Thơ ơi ta mãi vấn vương bên lòng Bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông Hãy xin gởi chút hương nồng cùng thơ XUÂN VÂN Nghiệp ca
Màn nhung vô cảm khép lại rồi Mình ta hiu hắt nỗi đơn côi Ai hay nghiệp hát đầy bi kịch Đời kép từ nay khép lại rồi
Vốn nghề nghệ sĩ vị tiếng ca Hỏi còn chi nữa lúc về già Người xem chỉ nhớ thời thanh sắc Ai người thấu hiểu nỗi lòng ta?
Khuya về quá khứ lần quay lại Thời vàng son còn đọng mãi trong tim Em như loài vạc ăn đêm Tiếng kêu lạc lõng khuất chìm trong sương
Lê Minh Chử
TRUYỆN KIỀU (Câu 1307-1384) Dưới trăng quyên đã gọi hè Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông Buồng the phải buổi thong dong 1310 Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa Rõ ràng trong ngọc trắng ngà Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên Sinh càng tỏ nét càng khen Ngụ tình tay thảo một thiên luật Đường 1315 Nàng rằng: “Vâng biết lòng chàng “Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu! “Hay hèn lẽ cũng nối điêu “Nỗi quên nghĩ một hai điều ngang ngang “Lòng còn gửi áng mây vàng 1320 “Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay.”
By moonlight, cuckoos were calling summer days coming, On the wall pommegrenades showing their red buttons sparkling. The weather was getting warm and one leisure afternoon, Kiều dropped her rosy hangings to have a perfume bath in her room. How clearly he could see: a statue of jade and ivory? What a masterpiece Nature had done so cleverly! Before such a beauty, Thúc got emotionally stricken, He improvised a Tang poem (1) and read it out with high inspiration. Kiều said: “Thank you for you appreciation. What a nice poem you made! Your words are gems and pearls, your lines embroidered brodcade! No matter good or poor, I should have to answer your rime, But my mind is troubled with nostalgic ideas at this time. And my heart is confided to yellow clouds faraway, So answering your rims, I must fail now and shall try another day.
Rằng: “Sao nói lạ lùng thay! “Cành kia chẳng phải cỗi này mà ra?” Nàng càng ủ dột thu ba Đoạn trường lúc ấy dở mà buồn tênh 1325 “Thiếp như hoa đã lìa cành “Chàng như con bướm liệng vành mà chơi “Chúa Xuân dành đã có nơi “Ngắn ngày thôi chớ dài lời làm chi” Sinh rằng: “Từ thuở tương tri 1330 “Tấm riêng, riêng những nặng vì nước non “Trăm năm tính cuộc vuông tròn, “Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông.” Nàng rằng: “Muôn đội ơn lòng, “Chút e bên thú bên lòng dễ đâu.”
Thúc said: “What strange things you are saying! “Aren’t you the daughter of Madam as I think?” Kiều couldn’t answer, her eyes saddened like Autumn water, She felt her heart broken and finally she uttered: “I am just a flower broken off from her bough as shelter, “You are a butterfly hovering outside for pleasure. “You already have a Spring Queen(2) to care for your life, “Your days with me are short, long talk would waste our time. “ To tell the truth”, said Thúc, “Since the first days of our acquaintance, “I already cherished between us a fine accordance. “To plan a lifetime union with most satisfaction, “We must sound the river from its source as initiation.” Kiều said: “Thank you so much for your nice feeling, “But it’s not easy for wife and concubine to have a fair living. -------------------- (1) Yellow clouds: referred to native land (2) Kiều meant to say: “You are married.”
1335 “Bình Khang nấn ná bấy lâu “Yêu hoa yêu được một màu điểm trang “Rồi ra lạt phấn phai hương “Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng? “Vả trong thềm quế cung trăng 1340 “Chủ trương đã có chị Hằng ở trong “Bấy lâu khăng khít giải đồng “Thêm người người cũng chia lòng riêng tây “Vẻ chi chút phận bèo mây “Làm cho bể ái khi đầy khi vơi 1345 “Trăm điều ngang ngửa vì tôi “Thân sau ai chịu tội trời ấy cho?
So far lingering in Bình Khang, you thought you love me, Actually, you love this flower by its artificial beauty. Later when the make-up and perfume have faded away, Will your heart keep on remaining the same as today. Besides, in the Moon Palace, Sister Hằng is on throne, She controls all over and offers you her love, she alone. So far you’ve been so closely attached to each other, Now another one added would loosen your attachment to her. Being just a small duckweed accepting her poor destiny, I daren’t trouble your love sea’s tranquility. To ruin your family happiness is a great crime, That I would have to pay for later in my next life.
“Ví chàng có vững tay co, “Mười phân cũng đắp điếm cho một vài “Thế trong dù vững hơn ngoài 1350 “Trước hàm sư tử gửi người đằng la. “Cúi đầu luồn xuống mái nhà “Giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng “Ở trên còn có nhà thông “Lượng trên trông xuống biết lòng có thương? 1355 “Sá chi liễu ngõ hoa lường “Lầu xanh lại bỏ ra phường lầu xanh “Lại càng dơ dáng dạng hình “Đành thân phận thiếp nghĩ danh giá chàng “Thương sao cho vẹn thì thương, 1360 “Tính sao cho vẹn mọi đường thì vâng.”
“If you have firm arms to settle instable situation, “You could only defend me a bit from humiliation. “Should your inner power be stronger than your outer cleverness(3), “To love me would be to bring a good prey to the mouth of the lioness(4). “If I accepted to stoop my head, creeping under your roof as she desires, “Then sour vinaigar would be three times worse than hot fire(5). “Moreover, above her there are still your father certainly, “Looking down, would he have any pity on me? “Or a road willow, a wall flower picked up from around, “Or a girl from green house that he would send back to green house. “This would make me more shameful, but I’ve been used to humiliation, “I am just afraid to hurt your reputation. “So if you really wish to share a happy life with me, “I shall say “yes” if you can settle everything perfectly. ------------------- (3) By politeness, the wife of a gentleman is called “nội tướng” (domestic or inner general) (4) A jealous wife is called “sư tử Hà Đông” (Hà Đông lioness) (5) Her jealous torturing words are worse than her hot anger.
“Chàng rằng: “Hay nói dè chừng “Lòng đây, lòng đấy chưa từng hay sao “Đường xa chớ ngại Ngô Lào “Trăm điều hãy cứ trông vào một ta 1365 “Đã gần chi có đường xa, “Đá vàng cũng quyết phong ba cũng liều.” Cùng nhau căn vặn đến điều, Chỉ non thề biển nặng gieo đến lời Nỉ non đêm ngắn tình dài 1370 Ngoài hiên thỏ đã non đoài ngậm gương.
“You are too prudent while saying such things”, Thúc replied, “Didn’t we know each other so well after such a long time? “Don’t worry, my dear, there wouldn’t be long way as you thought, “For everything, just count on me, and have a good trust. “Our hearts are close, so our goal is not far, “Gold and stone(6) will overcome windstorms, how strong they are!” Thus intimate feelings were exchanged whole heartedly, Calling mountains and sea to witness their words seriously. A full night was too short for their hot sentiments, Outside the lunar mirror was already half concealed behind the West mountains. -------------------------- (6) Gold and stone: symbol of true love and faithfulness (see foot note on verse 363)
Mượn điều trúc viện thừa lương Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi Chiến hòa sắp sẵn hai bài Cậy người thầy thợ, mượn người dò la 1375 Bắn tin đến mụ Tú Bà Thua cơ mụ cũng cầu hòa dám sao Rõ ràng của dẫn tay trao Hoàn lương một thiếp thân vào cửa công Công tư đôi lẽ đều xong 1380 Gót tiên phút đã thoát vòng trần ai.
Thúc then feigned a travel to his bamboo palace, He took Kiều along and hid her in a temporary place. Then planned a double solution, peaceful and fighting, Asking people for legal advice and sounding Tú Bà reacting. Thúc’s demand at court reached her, she was puzzled with anxiety, Finally, she agreed to release Kiều with a sum paid satisfactorily. The agreement was certified by court with money handed in time, Thus setting free a brothel girl for a good life as a concubine. Now her private life was legalized and new days began happily, Within a minute, her fairy feet were freed from the worldly grief boundary.
Một nhà xum họp trúc mai Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông Hương càng đượm lửa càng nồng 1384 Càng xôi vẻ ngọc càng lồng màu sen.
What a happy union they shared on their private house, Like river and sea, their love seemed endless, their debt so profound. The more grew their love incense, the warmer their close sentiments, As the jade brightened, lotus color looked more radiant.
Thùy Duơng ( To be continued )
NHỮNG CUNG ĐƯỜNG TUỔI THƠ Tác giả: Dương Lêh 4. …vì sao cô giáo bị chó cắn? Qua năm sau, tôi được xếp vào một lớp Ba khác. Cô giáo của lớp này còn trẻ, nghe nói vừa mới lấy chồng. Cô rất hiền. Từ khi học lớp cô Bảy hồi năm ngoái, tôi cảm thấy lo sợ khi vào một lớp có cô giáo lớn tuổi mà còn độc thân. Cô này cũng có một cây roi mây để trên bàn nhưng chỉ để nhịp nhẹ nhẹ và la cho lớp yên lặng và thỉnh thoảng mới đập mấy thằng ngồi cuối lớp nghịch ngợm, phá phách. Nhưng cô đánh cũng nhẹ như phủi bụi. Mà cũng đúng như vậy. Mấy đứa đó hay chơi giỡn la lết dưới đất nên khi cô giáo phết roi vào mông bụi bay mù mịt. Không hề có đứa nào khóc sau khi bị ăn đòn. Có đứa còn so sánh: “Cô này đánh không bằng má tao đánh ở nhà”. Suốt năm đó tôi học hành thoải mái, được xếp chung với mấy đứa học giỏi, không hề bị một roi nào. Có vậy chứ! Ở lại lớp mà còn học dở cuối năm không được ở lại, phải bị đuổi. Hồi đó chúng tôi rất sợ bị đuổi học, vì theo cô Bảy lớp Ba Đ, đứa nào bị đuổi học lớn lên chỉ có nước đạp xích lô, chạy xe kéo. Xe kéo là một loại xe thô sơ, có cái thùng giống như xe xích lô, nhưng không có bánh sau, chỗ để chân kéo dài ra thành hai cái càng. Người điều khiển kẹp hai càng vô nách rồi chạy bộ kéo người khách ngồi trong thùng phía sau. Chúng tôi đều sợ cái nghề này vì sợ rủi ro gặp người khách mập quá sẽ kéo không nổi. Nhờ học khá, cuối năm tôi được lên lớp Nhì, tức Cours Moyen, bây giờ là lớp 4. Trong lớp, bên phía con gái có vẻ già giặn hơn phía con trai. Thời đó, đa số con nít đi học rất trễ. Mới lớp Nhì trai cũng như gái có nhiều đứa mười ba, mười bốn tuổi rồi. Phía con gái, có đứa trông giống như một thiếu nữ và cũng có vẻ xinh đẹp.Tôi cũng đã bắt đầu nhận thức được con gái có đứa đẹp, đứa xấu. Cô giáo là con gái của Ông Hiệu Trưởng, có chồng và có hai đứa con gái xinh xắn còn nhỏ xíu. Ở Cours Moyen tôi học thoải mái nhờ học ngoài giờ ở nhà cô giáo. Đứa nào học thêm với cô đều là học trò giỏi trong lớp. Có gì khó đâu. Khi học ở nhà cô, chúng tôi đều được cô chuẩn bị toàn bộ bài vở cho lớp học ở trường như toán, chánh tả, bài tập tiếng Pháp và cả những bài học thuộc lòng. Tuy nhiên lớp học ở nhà cô giáo không vì thế mà thêm phần đông đúc, bởi lẽ đa số gia đình học trò thời đó còn nghèo, mặc dù họ không phải trả một phí tổn nào cả khi cho con vào học một trường Nhà nước. Đầu bàn phía sau tôi là thằng Gia. Nó là người Bắc vô đây trước khi có vụ di cư. Nhà nó ở bên kia sông Chánh Hưng. Mỗi ngày nó phải đi đò qua sông để đến trường. Hôm nào không có tiền đi đò, nó cởi quần áo bỏ vô cặp bằng giấy dầu, đội lên đầu, ở truồng lội qua sông. Qua đến bờ bên này nó mặc quần áo rồi đi đến lớp, tỉnh bơ. Thằng Gia giỏi môn composition vietnamienne, tức là môn tập làm văn tiếng Việt, các bài viết của nó thường được cô giáo cho điểm cao và được đọc cho cả lớp nghe. Nhiều bạn trong lớp, nhất là bên phía con gái thường tỏ ra ganh tị với nó, cho nên mỗi khi có một đứa con gái được điểm cao, được đọc bài viết của mình thì cả đám “nữ kê” thường reo hò đắc thắng. Nhà thằng Gia có nuôi một con chó khá lớn. Một hôm, dây xích ở cổ nó bị tuột ra, nó lặng lẽ theo thằng Gia đi học. Khi thằng Gia lên đò qua sông chánh Hưng, con chó phóng xuống nước lội theo. Chủ nó không hay biết gì thản nhiên đợi đò cập bến, phóng lên cầu chạy một mạch tới trường học. Con chó cũng từ từ bơi vào bến đò, nó bước lên phần cầu chìm lấp xấp dưới nước, đứng lại xù lông rảy cho ráo nước rồi phóng lên bờ thong thả chạy theo cậu chủ. Tới cửa lớp học, con chó đứng nép ngoài cửa, đợi chủ nó xếp hàng vào lớp ở cửa phía đối diện. Khi chủ nó ngồi vào bàn, con chó rón rén, lẻn vào nằm ở gầm bàn ngay dưới chân chủ nó. Bấy giờ chủ nó mới phát hiện con chó đã theo vào tới lớp học. Cậu chủ không biết làm gì hơn là lấy chân gạt cho con chó nằm xê vào bên trong một chút sợ cô giáo nhìn thấy. Vô phước cho cậu chủ nhỏ, một lát sau, tự nhiên cô giáo vụt đứng dậy bước xuống bục đến cạnh thằng Gia bảo nó đưa cô xem cuốn vở tập làm văn. Trong lúc cậu học trò lúi cúi lấy quyển vở, chân cô bước sâu vào trong giữa hai dãy bàn và vô tình đạp vào đuôi con chó. Tức thì một loạt tiếng sủa vang dội của con chó và khi mọi người nhìn lại thì thấy cô giáo ôm chân la bài hãi, mặt xanh dờn: “Trời ơi, chó cắn!” rồi chờn vờn muốn xỉu. Một đứa con gái nhảy đến đỡ và dìu cô trở về bàn. Cô giáo cúi xuống kéo ống quần lên, chỗ mắt cá chân phải có một vết trầy rướm máu. Trong lúc mọi người đang chăm sóc cô giáo, thằng Gia đã đuổi con chó ra khỏi lớp và cùng nó chạy ra khỏi cổng trường. Cô giáo được đưa lên văn phòng ông Hiệu Trưởng để băng bó vết thương, và ngay sau đó cô được đưa lên xích lô để đến viện Pasteur chích ngừa bệnh dại. Ngày hôm đó cả lớp chúng tôi được nghỉ học với lý do cô giáo bị… chó cắn. Ngày hôm sau thằng Gia bị kêu lên văn phòng ông Hiệu Trưởng, hồi đó tụi tôi gọi là ông Đốc, chừng nửa giờ sau nó trở về mặt mày méo xẹo. Nó kể lại đã bị ông Đốc quất cho ba cây roi mây rồi bắt ra quì gối ở gốc cây táo sau vườn. Quì được một lát chợt có con dê con nhà ông Đốc nuôi chạy chơi bị lọt xuống cống, người nhà la lên, ông Đốc bảo nó lội xuống cống bắt con dê lên. Nhờ vậy ông tha cho nó về lớp sau khi hăm nó nếu để chó vô lớp lần nữa ồng sẽ kêu xe bắt chó bắt đi và bắt luôn chủ nó tức là thằng Gia. Đặc biệt trong lớp 4 này luôn luôn có bầu không khí học tập luôn luôn có tinh thần cạnh tranh ráo riết. Ngoài môn tập làm văn, phía con gái quyết chí hạ bệ cây bút chiến đấu là thằng Gia, còn môn tiếng Pháp bên con trai cũng có phần trội hơn. Cho nên bọn con trai nhất là ở mấy dãy bàn cuối lớp thường xì xào trêu chọc mỗi khi bên con gái đứng dậy trả lời những câu hỏi của cô. Đám con gái tức lắm chạy lên mét cô, cô giáo chỉ nhịp roi lên bàn, nạt im lặng, chừng một lát sau, đâu lại vào đấy. Một buổi trưa, vừa tới giờ ra chơi, trời nóng hừng hực, mấy cây vẹc-ni không đủ che bóng khắp mặt sân trường, tôi chạy vội xuống phông tên kê miệng vô vòi nước tu một hơi cho đã khát, rồi quay lưng chạy ngay về lớp để tránh nắng. Về đến lớp, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy toàn bộ con trai và con gái đứng hết lên trên bàn, lấy lối đi chính giữa làm ranh giới. Hai bên đâu mặt với nhau, chỉ chỏ, la hét, bên này chê bên kia học dở, bị cô giáo đánh đòn. Bên con gái chừng mười đứa với vũ khí là hai chiếc guốc cầm trong tay, thách thức con trai tấn công. Bên con trai cũng khoảng chín, mười đứa đang gân cổ chọc tức bọn con gái, lên giọng anh hùng mã thượng là không dùng vũ khí, đồng thời cũng thách thức bọn con gái tấn công. Mấy thằng nhỏ con diễu hành qua lại ở lối đi chính giữa, lấy thước kẻ gõ lên bàn phía con gái hoặc dọa đánh vào chân mấy đứa con gái đứng hàng đầu. Lối trêu chọc của mấy thằng nhóc con rất có hiệu quả. Bên phía con gái đã nổi giận. Một cô nàng ở cuối dãy đã phát lệnh tấn công bằng cách bay thẳng qua bàn con trai, hươi guốc bổ tới tấp vào một anh chàng đứng đối diện. Tiếp theo là cả đám con gái phóng hết qua bàn phía con trai sử dụng chiến thuật lấy… yếu đánh mạnh nhưng không có vũ khí. Những chiếc guốc ngày thường chỉ gõ lạch cạch dưới sàn nhà bây giờ phát triển hết uy lực, vụt phải vụt trái như những cao thủ bóng bàn. Bọn con trai giơ tay che đầu chống đỡ. Chịu không thấu, bọn con trai phóng ra cửa chạy hết ra sân cố thủ dưới nắng. Hai, ba cô nàng bám riết theo, nhưng khi ra tới sân, nắng nóng, chân không mang guốc chịu không nổi, mấy cô quay trở vô lớp, về bàn ngồi tỉnh rụi như không có chuyện gì xảy ra. Bọn con trai cũng đã kéo hết vào lớp ai về bàn nấy. Tiếng trống hết giờ ra chơi đã kết thúc cuộc chiến, nhưng bầu không khí vẫn còn hừng hực dưới sức nóng của trưa hè. Mùi mồ hôi bên phía con trai xông lên nồng nặc… Cuối năm đó tôi được lên lớp dễ dàng. Tôi đã bắt đầu thấy hãnh diện vì đã lên được lớp cao nhất ở một trường Tiểu học. Cours supérieur, gọi theo tiếng Việt là Lớp Nhứt, bây giờ là lớp 5. (còn tiếp) Chuyện vui thời @ BẠN TÔI III hay là BỖNG NHIÊN THẤY MÌNH GIÀU QUÁ! Bẩy mươi lăm năm sống ở trên đời, mà những kẻ thích “đao to búa lớn” bày đặt gọi là thế gian, trần gian, trần thế, hoàn cầu, hoàn vũ, rồi gần đây là cõi tạm, cõi bợ gì đó, bạn tôi chưa bao giờ là triệu phú, tỷ phú, có tiền muôn bạc tỷ trong Ngân Hàng, có Phủ nọ, lâu các kia, có du thuyền trên sông Sài Gòn, có máy bay riêng vân vân và vân vân… nhưng ngược lại, bạn tôi cũng chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh thiếu thốn, đói rách, cơm chẳng có để ăn, áo chẳng có để mặc… Tóm lại có thể nói, trong suốt 75 năm ở trên đời, bạn tôi lúc nào cũng có một cuộc sống phong lưu, hanh thông, không trở ngại, lý do khiến anh luôn tự nhận mình là một “con quỷ phong lưu” vì, này nhé, nhà thì luôn được ở nhà đẹp, nhất là căn nhà anh sinh sống thời niên thiếu ở Hải Phòng trước năm 54, và những căn nhà anh ở sau đó cũng đều rất đẹp, tuy chẳng có căn nào là của anh cả… Niềm tự hào duy nhất mà bạn tôi có là anh ta luôn luôn tự biết, và chỉ tự biết thôi một vài điều như dưới đây mà anh ta đã có lần tâm sự với tôi. Anh cho biết rằng Thượng Đế, hoặc Chúa Trời đã ưu ái tặng anh ta điều mà anh yêu quý nhất ở trên đời: đó là Tự Do, một sự Tự Do tuyệt đối; vì mấy chục năm nay anh chả phải làm cho ai cả, chả có anh sếp, chị sếp nào, chẳng một phút giây nào bị giờ giấc chi phối, muốn ăn là ăn, muốn ngủ là ngủ, đang làm việc gì mà có người rủ đi xem có “cổ thư” được gọi bán, là ngưng hết… và đi liền. Tuyệt vời hơn nữa là do anh có một nghề chuyên môn và rất sạch sẽ, kiếm được đủ sống, nên cũng chẳng phải trông nhờ dựa dẫm vào ai mà cứ hiên ngang sống rất an nhiên, tự tại. Anh thường tâm sự: “Một đời người mà được gần bốn chục năm Tự Do là một hồng ân của Thượng Đế!” và “Có thật sự được tự do, mới biết Tự Do quý giá như thế nào! Tự Do thật sự là số I La Mã như người tôi yêu thường nói!” Điều anh thực sự yêu thích thứ nhì là “Được CƯỜI” và anh thật sự đã cười trung bình 20 tới 25 lần mỗi ngày, và anh thường bảo tôi: “Tuấn ạ, có rất nhiều kẻ cả tháng nó cũng không cười được nhiều bằng mình cười trong một ngày! Vậy, mình sống có lãi ghê nhỉ? Chơi với anh đã nhiều năm, tôi biết rõ một điều là, mỗi khi gặp một hoàn cảnh khó khăn nào anh đều bình tĩnh đối mặt, để rồi sau đó lại vui vẻ bảo tôi: “Ông Trời cho mình nhiều thì đôi lúc Ổng tiếc, và đòi lại một chút thì “Được rồi” (chứ không thèm nói OK) trả liền không có vấn đề gì!” Anh quan niệm rằng việc được vui cười giúp cho con người sống thọ, còn nếu phải nhăn nhó hoài thì khó mà sống… dai! Tóm lại bạn tôi luôn luôn tự hào (hơi giống AQ của Lỗ Tấn) là anh là một tỷ phú về Thời Gian Tự Do và về Số Lượng những Nụ Cười… Bạn tôi là một người “chơi sách” và có rất nhiều sách, và đương nhiên anh cũng đọc rất nhiều sách báo. Anh đặc biệt yêu thích một tờ báo Mỹ là tờ “Forbes”, một tờ báo rất chịu theo dõi đời tư của các nhà tỷ phú ở trên đời, vì anh nói cố đọc và nhớ để xem các tỷ phú ăn tiêu ra làm sao? Có rộng rãi không? Sở dĩ anh muốn biết, vì trong đời sống thường nhật, những tay nhà giàu anh gặp, ít người anh thấy ăn tiêu rộng rãi, có người còn so đo hơn cả người bình thường nữa! Chính vì việc anh biết rõ các tỷ phú trên đời tiêu pha ra sao cho nên mới xảy ra chuyện anh bỗng thấy mình giàu quá! Xin được kể lại nguyên văn câu truyện như dưới đây: Một buổi sáng cách đây hai tuần, tôi bỗng nhận được điện thoại của anh hẹn tôi trưa lại gặp anh ở một nhà hàng ở Quận Ba để nghe anh kể một truyện rất lạ, mà theo anh, khi lại để nghe tôi sẽ được hưởng một lợi lộc “khó tin mà có thật”! Tôi đã y hẹn tới gặp anh và sau đây là tất cả những gì đã xảy ra, xin kể lại không bỏ sót một chữ: - Này ông ạ, mình vừa khám phá ra một việc là mình ăn tiêu sang hơn mấy tay tỷ phú Mỹ nhiều, thật khó tưởng tượng được là chuyện này xảy ra thật! Đây tôi không nói tới các chuyện làm việc thiện, chỉ năm chừng mười họa mới xảy ra, mà tôi chỉ nói tới chuyện ăn tiêu thường ngày. Và nếu nói về ăn tiêu thường ngày thì liệu có tên tỷ phú nào dám trong vài phút tặng cho người khác các thứ như: 10.000 cuốn sách, 13.000 bưu thiếp cổ - thứ cực mắc, 1000 đĩa hát, 700 phim Đài Loan, Hồng Kông, Pháp, Mỹ, Đại Hàn,… Toàn bộ các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh trên 60 bộ tiểu thuyết, toàn bộ bộ Bản Tin của CLB Sách Xưa và Nay 60 số gần 5000 trang bài vở… không? Và trên đây là các thứ mà tí nữa khi về nhà ông sẽ nhận được của tôi gửi tặng, ÔNG XEM CÓ TỶ PHÚ NÀO DÁM TRONG NHÁY MẮT XÀI SANG NHƯ TÔI KHÔNG? Có đúng là khó tin mà có thật không? Và, sau khi nhận được tất cả các thứ đó THÌ CHÍNH ÔNG LẠI CŨNG BIẾN THÀNH SANG HƠN TỶ PHÚ NHƯ TÔI ĐỂ LẠI QÚY TẶNG ĐƯỢC TẤT CẢ CÁC THỨ ĐÓ CHO CÁC NGƯỜI BẠN KHÁC CỦA ÔNG! Hì! Hì! Hì! Tôi đành phải chịu nhận là bạn tôi nói đúng, tỷ phú thật hoặc siêu tỷ phú đi nữa cũng khó mà có thể cho ai nhiều thứ như thế trong nháy mắt. ĐỂ RỒI, VỪA VỀ ĐẾN NHÀ VÀ LÊN MẠNG, TÔI ĐÃ NHẬN ĐƯỢC ĐÚNG NHỮNG GÌ BẠN TÔI ĐÃ HỨA SẼ GỬI…
Phụ Bản III BẠN TÔI IV Bạn tôi tính tình chẳng giống ai, và cách xử sự của anh cũng chẳng giống con giáp nào. Biết rất rõ về anh, tôi thấy một đôi lúc cách xử thế và xử sự của anh có những nét là lạ, vui vui, xin kể lại để quý vị giải trí, và xin hãy coi những chuyện này như những chuyện vui thời @... Bạn tôi tối kỵ những kẻ thích dựa hơi những người nổi tiếng, những người có quyền, có thế, suốt ngày đi khoe mình quen ông này, ông nọ, đi chơi với ông này ông nọ vân vân… Nói tóm lại bạn tôi cực kỳ ghét những chuyên gia “thấy sang bắt quàng làm họ”. Tại cái Câu Lạc Bộ mà bạn tôi làm Chủ Nhiệm, có một thành viên suốt ngày bắt các thành viên khác phải nghe anh ta khoe quen biết với ông D…, ông Kh…, ông C… Bạn tôi đã nhỏ nhẹ can ngăn, và khuyên thành viên đó chẳng nên mang những chuyện riêng tư đó ra bắt mọi người phải nghe, nhưng anh ta vẫn chứng nào tật ấy, và bạn tôi buộc lòng phải hành động để giải quyết vấn đề này và anh đã làm như sau: trong một buổi họp, anh để thành viên kia thỏa mái khoe mới chở ông Kh… đi chơi, sau đó mới bảo anh ta:” Đây là những chuyện hoàn toàn riêng tư của anh, và tôi đã nhiều lần khuyên anh đừng nên kể ở đây, nhưng anh vẫn kể, phải chăng anh nghĩ rằng chỉ có anh mới quen biết với các nhân vật như ông D…, ông KH…, ông C…, anh biết không, tôi cũng quen với những nhân vật còn quan trọng gấp bội, anh biết tôi quen những ai không? Tôi ấy à, tôi quen với Á Lịch Sơn Đại Đế, người sáng lập ra Đế Quốc Ba Tư, tôi quen với Cléopâtre VII, người mà nếu cái mũi ngắn đi hơn một chút, cục diện thế giới lúc đó sẽ đổi khác… Sau cuộc họp đó, thành viên hay khoe đã … biến khỏi CLB luôn! Vì thời trẻ anh tiếp xúc với rất nhiều ngoại nhân nên từ lúc trọng tuổi anh hơi bị bài ngoại. Tôi nói hơi bị vì anh chỉ bài nam ngoại, còn nữ ngoại thì không những anh không bài, mà còn thân mật trên mức trung bình nhiều. Do đó anh có 3 cô bạn ngoại, trong đó có một cô đầm mỗi lần ghé chơi đều hỏi rỡn anh câu: “Này ông bạn vàng ơi, trên đời này có một ngọn núi Olympia thật à?” Mỗi lần ghé là mỗi lần hỏi, vì cô ta muốn nói xỏ xiên bạn tôi là trong cái chương trình đố vui để học “Đường lên đỉnh Olympia” các học sinh, sinh viên của ta “đang leo một cái… núi ảo”. Bạn tôi không lạ gì chuyện chữ Olympia không được dùng làm tên một ngọn núi nào cả, vì chính anh và nhà báo An Chi của tờ Kiến Thức Ngày Nay khi tìm hiểu đã thấy rằng chữ Olympia là tên thành phố thủ phủ của tiểu bang Washington ở Hoa Kỳ, là tên một kiệt tác hội họa của danh họa Manet vẽ một thiếu phụ khỏa thân, và ở nước ta thì chữ này là tên mấy vũ trường ở Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh… Lần đầu cô ta hỏi bạn tôi đã nhỏ nhẹ giải thích là hơi bị nhầm một tí, có chết anh Tây nào đâu? Nhưng sau vì thấy cô bạn cố tình “chọc” mãi, anh đã nghĩ ra một cách giải quyết vấn đề khá hay. Lần này sau khi nghe cô ta cười cợt hỏi, anh nghiêm mặt và dõng dạc nói: “Này em gái, nguời Hy Lạp gọi ngọn núi đó là Olimbos, người Mỹ gọi là Olympus, người Pháp các người gọi là Olympe, THÌ VÌ SAO NGƯỜI VIỆT CHÚNG ANH LẠI KHÔNG ĐƯỢC QUYỀN GỌI LÀ OLYMPIA!” Sau khi được trả lời như vậy, cô đầm thôi không hỏi “chọc” tiếp nữa… VŨ ANH TUẤN THẬP ĐIỆN DIÊM VƯƠNG THÁI BẠCH Tháng 7 Âm lịch là tháng cúng quải các vong hồn từ mười điện dưới âm (Thập điện Diêm Vương) được phép về thăm cõi dương gian. Sách “Thiên đường địa ngục ký” của nhà văn Vương Hối Am đời Minh đã ghi chép cách tổ chức mười điện ấy. Chúng ta tạm gạt ra một bên yếu tố mê tín dị đoan, sẽ thấy “Thập điện Diêm Vương” nói lên quan niệm của con người lương thiện muốn trừng trị cái xấu, cái ác. 1. Điện thứ nhất là điện Tần Quảng Vương. Trước điện có các đài cao, trên đài có để tấm gương gọi là “nhiệt kính đài”. Các vong hồn người chết xuống âm phủ phải tới điện này trước, bước lên đài soi mặt vào gương, soi đến đâu, các ý nghĩ lành dữ, các việc làm phải trái đã qua đều hiện ra rõ rệt, không sót một mảy may. Các phán quan căn cứ theo đó lập án, ai công nhiều tội ít thì được tiếp dẫn lên thiên đình, công tội bằng nhau thì đưa qua điện thứ mười cho đầu thai chuyển kiếp, hoặc gái làm trai, hoặc trai làm gái, và mắc nợ nần thì phải trả cho nhau. Công ít tội nhiều thì phải trải qua các điện khác để lãnh các hình phạt tùy theo các tội trạng đã ghi, thể theo bộ luật hình âm phủ có chữ chuẩn y của Ngọc Hoàng thượng đế. 2. Điện thứ nhì là điện Sở Giang Vương, chuyên xử những kẻ dụ dỗ trẻ em hoặc những người làm hại tai mắt chân tay người khác hoặc chiếm đồ đạc khi người ta gởi gắm; hoặc những kẻ không biết mạch lý, không thông tính dược cũng làm thuốc làm men; hoặc những người giàu mà bất lương; hoặc những kẻ làm mai (mối) ăn lễ; hoặc những kẻ khỏe mạnh tỉnh táo mà cũng đi ganh đua làm nghề bói toán để cướp cơm áo của những người mù lòa tàn tật, phí phạm các đồ ăn thức uống. 3. Điện thứ ba là điện Tống Đế Vương chuyên xử những kẻ làm quan không biết lo việc dân; làm dân không biết lo nghĩa vụ, những kẻ trốn chúa lộn chồng, hoặc vợ hỗn láo với chồng hay chồng phụ bạc vợ; những kẻ bất hiếu với cha mẹ nuôi, đầy tớ phản chủ; lính tráng ở bạc với người chỉ huy; chủ hà hiếp tớ, những kẻ mua gian bán dối; hay quên mồ mả tổ tiên; hoặc xúi người thưa kiện; tố cáo hay bịa đặt chuyện gièm pha, lường công quỵt nợ; giả mạo giấy tờ; lường gạt lật lọng; viết thư nặc danh hại người… 4. Điện thứ tư là điện Ngũ Quan Vương chuyên xử bọn lường dối; làm hàng giả; bớt xén tiền bạc, hoặc đi đường không nhường người già, trẻ con, những người gánh to mang nặng, những kẻ tật nguyền; hoặc thấy người bệnh mà có thuốc không cho; hoặc thấy kẻ mắc nạn, có thể cứu được mà không cứu; hoặc cố ý làm dơ bẩn đường sá; hoặc làm hư hại vườn ruộng nhà cửa của người khác; hoặc hăm he dọa nạt; hoặc nguyền rủa trù dập; hoặc nghèo mà sinh bậy; hoặc giàu có mà bất nhân, hoặc mượn của chùa chiền để làm chỗ mưu sinh; hoặc ăn chay tụng kinh mà lừa gạt thiên hạ; hoặc ở chức cao mà kiêu ngạo, hống hách. 5. Điện thứ năm là điện Sâm La Vương chuyên xử 16 hạng người: hạng bỏ chánh theo tà, hạng sinh sống bằng mê tín dị đoan, hạng vu oan giá họa, hạng ích kỷ hại nhân, ghen ghét gièm pha; hạng trai gái gian dâm, hạng buôn thần bán thánh; hạng ngông càn ngỗ nghịch; hạng cướp bóc trộm cắp; hạng vong ân bội nghĩa, gây thù tác oán; hạng xúi bẩy lường gạt; hạng sát sinh bừa bãi; hạng ỷ giàu khinh nghèo; hạng đào phá mà hoang; hạng chia rẽ vợ chồng người ta; hạng có học hành mà bất chấp phải trái, hạng soi bói tọc mạch. 6. Điện thứ sáu là điện Biện Khánh Vương, dùng để trị tội những kẻ làm sách bậy bạ; hoặc làm các kinh truyện nhảm nhí; hoặc phỉ báng những người ngay người thẳng; hoặc tích trữ lúa gạo để làm giàu lúc thiên hạ đói kém, hoặc cho vay nặng lãi, hoặc bán giá cắt cổ, hoặc hủy hoại sách vở; hoặc xướng xuất những yêu ngôn loạn ngữ… 7. Điện thứ bảy là điện Thái Sơn Vương chuyên xử những hạng gái trắc nết lăng loàn, trai chơi bời lêu lổng, hoặc trai hai vợ, gái hai chồng; hoặc dì ghẻ ác độc; hoặc cha ghẻ tàn bạo; hoặc cho người ăn dơ uống bẩn; hoặc hốt thuốc bậy bạ; hoặc đẻ hoang vất bỏ; hoặc không kiêng nể anh em, họ mạc và xóm giềng; hoặc đánh chửi tôi tớ; hoặc gạt tình phụ nghĩa; hoặc lấy trộm xương cốt trong mồ mả để làm thuốc; hoặc chế bùa mê; hoặc làm thuốc lú; hoặc gả con dâu đi làm bé; hoặc thầy để trò hư; hoặc cha mẹ xử ác với con cái; hay nuông chiều để con hư hỏng; hoặc xúi kẻ làm chuyện dâm tà và đánh lộn; hoặc cổ vũ cờ bạc rượu trà; hoặc bắt ép con gái người làm thê làm thiếp; hoặc bỏ thuốc độc cho người ăn; hoặc ghen tuông phi lý; hoặc ỷ có tiền mà chơi bời quá độ. 8. Điện thứ tám là điện Bình Đảng Vương chuyên xử những kẻ làm con bất hiếu, làm dâu bất thuận, làm rể bất hòa; hoặc làm anh không thương em, làm em không kính anh; hoặc tự hủy hình hài; hoặc tử tự; hoặc chết vì đánh nhau (trừ những trường hợp trận mạc và hy sinh vì đại nghĩa); hoặc tranh nhau gia tài; hoặc oán hận cha mẹ; hoặc đày ải vợ con; hoặc bỏ bê gia đình; hoặc vào bè kết đảng với những kẻ vô lương bất nghĩa; hoặc mượn chỗ tu hành thờ phụng để làm chuyện tà dâm và mưu toan các công việc bất chính… 9. Điện thứ chín là điện Đô Thị Vương chuyên xử bọn hôn quân ám chúa, bọn hoạn thần tặc tử, bọn bán nước cầu vinh, bọn tham quan ô lại, bọn tướng tá hèn nhát, bọn tham quyền cố vị, bọn ỷ thế hiếp cô, bọn trị nước mà không lo việc dân, bọn cầm binh mà không lo sĩ tốt; hoặc bọn tu hành tham sân si; hoặc bọn học thức mà a dua nịnh bợ; hoặc bọn phỉ báng những anh hùng liệt sĩ; nói chung là những tội ác nặng nhất ở dương gian. 10. Điện thứ mười là điện Chuyển Luân Vương. Khi các tội phạm đã qua các điện trên bị giải qua đây sẽ tùy theo nặng nhẹ mà cho đi đầu thai theo sáu ngả, tục gọi là sáu kiếp luân hồi tức ngả giàu sang (vua quan, nhà giàu); ngả khó hèn (quan quả cô độc và ăn mày ăn xin); ngả thai sinh (làm giống thú 4 chân); ngả noãn sinh (loài đẻ trứng); ngả thấp sinh (loại dưới nước như tôm cua ốc hến); ngả hóa sinh (loài sâu bọ). Tại đây các phán quan làm sổ đưa qua điện thứ nhất rồi đưa lên Phong Đô đại đế tức Tổng Diêm Vương (thủ tướng dưới âm phủ) xét duyệt, đệ trình lên Ngọc Hoàng để được phép thi hành. Trước khi đầu thai, các vong hồn được lên Vọng hương đài, ngó về quê hương và gia đình lần chót để xem sự vui buồn biến đổi, đoạn qua quán cháo lú, húp cháo cho quên hết mọi sự rồi qua cầu Nại Hà, xuống khe nước đỏ để đầu thai theo án đã quyết định. ĐỖ THIÊN THƯ st. LĂNG VÕ – DI – NGUY Trên đường Phan-Đình-Phùng thuộc quận Phú Nhuận khoảng gần chợ có một con đường tẻ tráng nhựa, hẹp, có chỗ chỉ vừa cho một chiếc xe con lăn bánh qua. Đó là đường Cô Giang nối liền Phan-Đình-Phùng với đường Phan-Xích-Long, cách đường lớn Phan-Đình-Phùng chưa tới 100m là nơi có Lăng Võ-Di-Nguy. Lăng nằm ngay mặt tiền đường, phía trước là đền thờ và sân phía sau là phần mộ. Sân rộng có chiều ngang khoảng 20m và chiều dài 25m, chính giữa là ngôi mộ, nấm mộ có hình vuông mỗi chiều khoảng 10m và cao 1m. Theo truyền thống kiến trúc lăng mộ thì luôn có hội đầu ở đầu mộ và bình phong ở chân mộ, chung quanh có tường dày bao bọc, theo quan niệm người xưa, nơi yên nghỉ của người quá cố cũng cần được bảo vệ như khi còn tại thế, ở đây chỉ khác một điều là nấm mộ thường thấy ở các lăng mộ khác phần nhiều theo kiểu hình bầu dục hoặc tròn chứ không vuông vức như nấm mộ Võ-Di-Nguy. Theo lời vị thủ từ, năm nay khoảng ngoài 70 tuổi thì kiến trúc của ngôi mộ từ xưa đến nay vẫn giữ hình dáng cũ, có điều đặc biệt là toàn thể lăng mộ được xây bằng ô-dước(1) nên cho đến nay mặc dù đã qua 200 năm ngôi mộ thấy vẫn còn chắc chắn không có chỗ nào bong tróc. Riêng ngôi nhà thờ mặt tiền ngó ra đường Cô Giang thì cũng đủ các nghi thức có tiền đường, hậu sảnh, nhưng không theo đường nét của nơi thờ tự mà hơi mỉa mai giống nhà ở, nhưng đổi lại nhờ có trước cổng gắn bảng đề Lăng Võ-Di-Nguy, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, được xếp hạng năm 1993 Phủ Trung Quý Tế Hội, Lăng và đền thờ Bình Giảng quận công Võ-Di-Nguy. Võ-Di-Nguy (1745-1810) là công thần thời Nguyễn Sơ, ông vốn người huyện Phú Vang thuộc tỉnh Thừa-Thiên Huế (Trung phần). Dưới thời Định Vương Nguyễn-Phúc-Thuần (1763-1790) chỉ huy đội Thủy Trung Thuyền. Khi thành Phú Xuân lọt vào tay quân Trịnh, Định Vương chạy vào Gia Định (1775) sau đó ít lâu Võ-Di-Nguy và Cai đội Tô-Văn-Đoài đem 200 quân theo Chúa Nguyễn, sau khi Định Vương bị Tây Sơn hại, ông theo phò chúa Nguyễn-Phước-Ánh. Mùa thu năm Nhâm Dần (1782) được phong làm Trung quân Cai cơ, cùng với Trung quân Trương-Phúc-Định tổ chức binh thuyền cho chúa Nguyễn. Năm Giáp Thân (1786) ông theo Nguyễn Vương chạy sang Vọng-Các (Xiêm). Đến năm Đinh-Vị(2) (1787) khi Nguyễn Vương trở về đóng ở Long Xuyên, ông được cử ở lại Phú Quốc để bảo vệ cho Vương mẫu và cung quyến Nguyễn Vương. Năm Mậu Thân (1788) sau khi thành Gia Định về tay Nguyễn Vương, Võ-Di-Nguy lãnh chức Nội Thủy Trung Thủy Thuyền, sau đó lại được thăng Khâm sai thuộc nội cai cơ. Năm Quý Sửu (1793) theo Nguyễn Vương ra đánh Quy Nhơn, ông cùng với Nguyễn-Văn-Trương và Võ-Tánh cầm đầu thủy sư đánh lấy được phủ Bình Khang. Năm Kỷ-Vị (1799) lại theo đại binh ra đánh Quy Nhơn, Võ-Di-Nguy cầm đầu cánh Trung quân và Hậu quân Thần sách để chống lại quân Tây Sơn dưới quyền chỉ huy của Tư đồ Võ-Văn-Dũng. Đầu năm Tân Dậu (1801) Võ-Di-Nguy phụng mạng cùng với Lê-Văn-Duyệt đem thủy quân vào đánh cửa bể Thị Nại để đốt phá Thủy trại Tây Sơn. Tối ngày rằm tháng giêng năm ấy (tức 27.02.1801) khi quân Nguyễn Vương đang tiến thẳng vào vị trí đối phương thì ông bị trúng đạn mà mất. Thắng trận thủy chiến Thị Nại xong Nguyễn Vương cho đưa thi hài Võ-Di-Nguy về Gia Định để làm lễ mai táng và phong cho ông làm Tả mạn Công thần đại tấn thượng Trụ Quốc Thiếu Bảo Quận công, thụy Trung Túc. Năm Gia Long thứ nhất (1801) ông được thờ tại Thị Nại Công thần miếu. Sang đời Minh Mạng thứ 12 (1831) được truy tặng là Tả vận công thần đặc tấu Trang Võ tướng quân, Thủy quân Đô thống Phủ chương phủ sứ Thái Bảo, thụy hiệu là Trung Túc, tước Bình Giang quận công, mộ và đền thờ Võ-Di-Nguy (xây dựng từ năm 1860) tại Phú Nhuận hiện nay vẫn còn và do Hội Phủ Trung tương tế trông coi. PPT st. Ghi chú : (1) Ô dước : Chất liệu xây dựng cũng bằng vôi, cát nhưng được trộn với nước ngâm cây bời lời nên rất cứng. Một thí dụ cho thấy độ cứng của ô-dước, là vào sau 1795, một chủ hiệu buôn thực phẩm đồ hộp rất lớn ở đường Catinat (bây giờ là đường Đồng Khởi) vốn người Trung Hoa bốc mộ thân nhân về cải tang bên cố quốc, toán thợ bốc đã dùng xe ủi đất để phá vỡ nấm mộ, thì thấy bửng xe bị bóp méo. (2) Đinh Vị : năm Đinh Vị tức là năm Đinh Mùi. Đường Võ-Di-Nguy : trước kia thành phố Saigon có 2 con đường mang tên Võ-Di-Nguy, một ở Quận I và một ở Quận Phú Nhuận, xuyên qua một phần của Quận Gò Vấp. Đường Võ-Di-Nguy ở Quận I nay là đường Hồ Tùng Mậu. Đường Võ-Di-Nguy thứ hai, đoạn từ chân cầu Kiệu đến ngã tư Phú Nhuận là đường Phan-Đình-Phùng hiện nay. Từ ngã tư Phú Nhuận lên đến ngã 5 đường Quang Trung (dân chúng thường gọi là ngã 5 chuồng chó) là đường Nguyễn Kiệm . GIẢI THÍCH CÂU KIỀU 2168: “VAI NĂM TẤC RỘNG THÂN MƯỜI THƯỚC CAO” THANH HUY Truyện Kiều ra đời đã lâu nhưng đến nay câu 2168 ấy chưa ai giải thích cụ thể rõ ràng. Lâu nay các nhà nghiên cứu truyện Kiều phần nhiều không giải thích, có vị giải thích lại không thỏa đáng, ví dụ Nguyễn Văn Vĩnh bảo một thuớc bằng 0,44m – mười thước bằng 4,40m. Trên báo chí cũng đã có nhiều người nêu câu hỏi nhưng vẫn chưa có câu trả lời đúng đắn. Tôi tin là Nguyễn Du không viết lên một câu thơ vô ý nghĩa. Do đó tôi tìm tòi những tư liệu nói về chiều cao của con người và đã được biết như sau: 1. Tang Duy Hàng, đời Tần, có tiếng chăm học, người lùn, thân cao bảy thước (7 th). X. Thành ngữ Điển tích của Diên Hương, tập 2, tr.120 2. Hạng Võ, người mạnh có tiếng của Trung Hoa, bề cao tám thước (8 th). X. Văn Đàn Bảo Giám tập 3, tr.26, có bài thơ Bái Công khóc Hạng Võ của Tôn Thọ Tường có câu: “Cái thân tám thước tủi cùng thân”. 3. Khổng Tử cao chín thước sáu tấc (9 th 6 tấc). X. Thành ngữ Điển tích của Diên Hương, tập 1, tr.207. 4. Vua Văn Vương nhà Chu cao mười thước (10 th). X. Truyện Kiều do Bùi Khánh Diễn chú thích, tác giả đã so sánh Từ Hải với vua Văn Vương cũng cao mười thước (10 th). Lại xem trong tác phẩm Luận cổ suy kim (lời bình về Tam quốc chí) của Mộng Bình Sơn, NXB TP.HCM 1996 có tả hình dạng các nhân vật như sau: - Lưu Bị, Trương Phi, Mã Siêu… cao tám thước (8 th) - Quan Vân Trường cao chín thước (9 th)…vv… Xem trên thì biết thực tế có người cao thấp khác nhau. Người thành niên mà cao bảy thước là người lùn, còn thường thì cao tám, chín, mười thước… Nguyễn Du đã tả hình dáng Từ Hải bằng một câu thơ tám chữ rất hay, đoạn trên và đoạn dưới trong câu đối rất chỉnh, lời văn đẹp, nhạc điệu tuyệt vời và nghĩa rất chỉnh chu chứ không phải là câu thơ theo lối văn ước lệ như nhiều người đã tưởng. Vậy chúng ta cần tìm hiểu mười thước là bao nhiêu, bằng chừng nào? Bấy lâu nay ta lúng túng vì nghiên cứu chưa đúng phương pháp, chưa khoa học. Nay chúng ta cần tìm hiểu nghĩa chữ Thước. Chúng ta hẳn đã biết chữ Thước là dịch Hán tự Xích mà ra. Tham khảo Từ điển Giải tự của Trung Quốc và bản Caractères Chinois (Hán tự) giải thích nguyên gốc Hán tự của nhà truyền giáo Léon Wieger in ở Đài Loan bằng tiếng Pháp thì chữ Xích có nguyên nghĩa là một gang tay dài phỏng hai tấc tây (0,20m). Đối chiếu thì mười thước tức là mười xích đo phỏng hai mét (2m). Vai năm tấc rộng tức phỏng một tấc tây (0,1m). Vai rộng đo từ phía trước ra sau. Với kích thước ấy Từ Hải cao, to, dũng mãnh, cân đối, có vẻ đẹp thẩm mỹ. Các vận động viên nhiều người cao và to lớn bằng hoặc hơn Từ Hải là chuyện thường. Muốn hiểu rõ chữ Xích xin xem Từ điển Giải tự của Trung Quốc hay bản tiếng Pháp Caractères Chinois của Léon Wieger tr.92. Như vậy chúng ta đối chiếu thì biết người cao bảy thước (7 th) tức là 1,40m, người cao 8 thước tức là 1,60m, cao 9 thước tức là 1,80m… TRẢ LỜI BÀI VIẾT : GIẢI THÍCH CÂU KIỀU 2168 (VAI NĂM TẤC RỘNG THÂN MƯỜI THƯỚC CAO) CỦA TÁC GIẢ THANH HUY Kính thưa Anh Tôi đi công tác hơn tuần, mới về tới nhà vào chiều hôm nay, thì nhận được bản thảo, bài của anh viết gởi cho tôi chưa kịp đọc, lại nhận tiếp tập nguyệt san “Sông Hương” vội vã mở ra xem, trong tập san Sông Hương có đăng bài viết nói về thân hình Từ Hải của anh. “Râu Hùm hàm Én mày Ngài Vai năm tấc rộng, lưng mười thước cao” Trong cuốn Kim Vân Kiều truyện của cố thi hào Nguyễn Du, kính thưa anh, theo sự suy nghĩ của tôi, được có một tác phẩm văn chương như truyện Kiều, nó đã tồn tại bao nhiêu thế kỷ, mà các đại thi hào trong và ngoài nước đều công nhận là tuyệt tác, đã dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Cụ Phan Thạch Cơ, viết trong bài vịnh truyện Kiều có câu: Hữu minh nhất đại vô song kỷ Đại việt thiên thu tuyệt diệu từ Nếu Nguyễn Du có viết sai thước tấc đó là lỗi của mấy ông thầy Tàu qua đô hộ và truyền bá Tứ Thư Ngũ Kinh, cho dân tộc ta, còn cụ Nguyễn Du hoàn toàn không có lỗi. Cuốn Kim Vân Kiều truyện đã được ghi vào Văn Học Lịch Sử hơn 300 năm nay, vậy còn gì để mà tranh cãi nữa, chi bằng anh em mình ngồi lại với nhau uống vài chung trà, bình vài câu thơ hay đó là cái thú vị nhất trên đời này, có phải vậy không anh? Có một cây cổ thụ ở ngoài Bắc nói: một bài thơ hay, một bản nhạc hay, người ta nhắc tới trong vòng năm năm thôi, cũng sống lắm rồi, chứ đừng nói một bài thơ, một tập thơ hay mà người đời đã truyền tụng nhau từ đời này sang đời khác, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác, như truyện Kiều của cố thi sỹ Nguyễn Du. Tôi xin kể lại một câu chuyện có thật, về thi cử ở nước ta vào năm Kỷ Mùi, “1919” (khoa thi ân khoa cuối cùng của nho học chấm dứt từ đây) dưới triều Khải Định, khoa nầy cụ Hồ Đắc Trung làm chủ khảo, ông là Cơ mật viện đại thần kiêm đại học sỹ bộ thượng thơ, ông muốn đổi mới về thi Hội năm 1919, bằng lối văn thực dụng, có ích cho đời. Ông mới lựa đề thi tân tiến, thay vì thi phú theo lối cũ quá lỗi thời, kỳ thi ân khoa nầy cụ Hồ Đắc Trung có thêm vào một bài luận văn bằng chữ Quốc Ngữ rất tân kỳ, bài luận văn: “đề bài” lợi ích của dầu thù đủ, và thêm vào bốn phép toán (carré nhân cộng trừ chia số lẻ), cuộc thi này sỹ tử rớt như sung. Các nhà nho lúc bấy giờ tức quá mới rải truyền đơn ở kinh thành Huế làm xôn xao dư luận một dạo, bài thơ rải ở Huế như sau: Luận thù đủ bài toán ca rê (Carré) Mấy cụ quan trường dốt đã chê Lê Văn Kỳ phăng xe (français) cũng dữ Nguyễn Phong Di Nhật Bản mới về Luận bài dầu thù đủ của cụ Nguyễn Phong Di được chấm đậu đầu (vô đình thi cụ được chấm đậu đầu khoa tiếp) ông làm bài luận có hai câu không chê vào đâu được đến bây giờ người dân ở Huế vẫn truyền tụng: Dầu thù đủ để làm thuốc xổ Xổ những điều ô uế nội trường ra Các quan chấm thi tức cành hông mà không làm gì được, họ đều công nhận hai câu thơ ấy rất hay. Năm đó đậu chính thức tiến sỹ có sáu người đậu như sau: 1. Nguyễn Phong Di (người Thanh Hóa) 2. Trịnh Hữu Thắng 3. Lê Văn Kỳ (bác sỹ người Hà Tĩnh) 4. Nguyễn Cao Tiên (người Thanh Hóa) 5. Nguyễn Hữu Hưu 6. Võ Khắc Triển (Quảng Bình Lệ Thủy) Ông Võ Khắc Triển, là cha của ông Võ Khắc Văn, ban trị sự bảo hiểm CRISTAL PALACE Saigon trước 1975, và bà Võ Thị Tân Việt, hiện nay là phó hội trưởng CLB Văn Hóa Quận 10, chị có ghé lại nhà và xin tôi tài liệu viết về thân phụ chị (ông Võ Khắc Văn ở trong Nam còn chị theo thân phụ tập kết ra Bắc) Kính thưa anh, trước khi anh em mình bàn luận về thước tấc, em xin kể một câu chuyện Liêu Trai có liên quan đến thước tấc.
PHẤN ĐIỆP (truyện liêu trai) Dương Việt Đán, một sỹ nhân phủ Quỳnh Châu (tỉnh Quảng Đông) một hôm đi chơi ở quận khác trở về, giong thuyền trên biển, tình cờ gặp bão. Thuyền sắp lật, bỗng từ đâu trôi lại một chiếc thuyền, trên thuyền không có người lái, chưa kịp suy nghĩ vội vàng nhảy sang, ngoái cổ nhìn lại, mới hay các bạn đồng hành trên thuyền đã chìm mất cả, gió càng dữ dội, bèn nhắm mắt lại, mặc cho thuyền muốn đưa mình đi đâu thì đi. Chẳng mấy chốc nghe gió lặng sóng êm, Đán mở bừng mắt, bỗng thấy mờ mờ trong sương hiện ra một hòn đảo, cố gắng bơi thuyền tới gần. Thuyền cập bến, chàng bước lên bờ, nhìn thấy xa xa có cái cổng làng đầu ngõ, Đán đi tới rẽ vào trong xóm, nhìn thấy nhà cửa vắng tanh không một bóng người, trông về hướng Bắc, lần theo hàng tùng giữa rừng trúc râm mát, Đán nhớ lại bây giờ là mùa đông chẳng biết bên trong tường có những cây hoa gì mà đầy cành đâm chồi nẩy lộc rất xinh tỏa hương thơm ngát, chưa nỡ dời chân. Vẳng nghe bên trong có tiếng đàn vọng lại, chưa kịp bước đi, thoáng nhìn thấy một người con gái từ trong nhà đi ra, tuổi chừng mười bốn mười lăm, trông thấy Đán, vội lui gót cũng là lúc tiếng đàn im hẳn. Rồi Đán nhìn thấy một thanh niên cung cách văn nhã bước ra cúi đầu chào, hỏi khách từ đâu đến, Đán vội vã cúi chào đáp lễ rồi thưa đủ mọi điều, chủ lại hỏi: “Khách thuộc về bang nào? tộc nào?”. Đán đều trả lời không sót, thanh niên mừng rỡ nói rằng: “Vậy là bà con với nhà tôi”, bèn kính cẩn mời khách. Chủ khách cùng tiến bước về phía cổng, Đán nhìn thấy nhà cửa cao ráo xinh xắn, bên trong lại có một thiếu nữ tướng mạo đoan nghiêm đang ngồi lên dây đàn, tuổi độ mười tám, mười chín, phong thái rực rỡ, thấy khách bước vô cửa nàng vội đẩy đàn sang một bên định tránh mặt, thanh niên ngăn lại mà nói rằng: “Lánh đi đâu, cậu đây chính là quyến thuộc của mình kia mà”. Đán mới kể lại tất cả ngọn nguồn, thiếu nữ mừng rỡ đáp: “Thì ra đây là cháu gọi tôi bằng cô”, rồi vui vẻ hỏi, “Bà nội có khỏe mạnh không? Cha mẹ được bao nhiêu tuổi?”. Đán đáp: “Kính thưa cô, cha mẹ cháu đã hơn bốn mươi đều khỏe mạnh, riêng bà nội trên sáu mươi tuổi rồi, có bệnh lâu ngày đi đứng khó khăn phải nhờ tới người giúp đỡ”. Đán hỏi: “Thưa cô cháu thật tình không được rõ cội nguồn cho lắm, vậy xin cô chỉ giáo. Thưa cô, chẳng hay cô thuộc về chi nào, mong cô nói rành rẽ cho cháu biết, để khi về cháu sẽ thưa lại cho tiện”. Thiếu nữ nói: “Đường sá xa xôi, biệt vô âm tính đã lâu rồi, chừng về cháu chỉ nói với bà rằng, cô Mười nhắn thăm, tự khắc bà sẽ rõ”. Đán hỏi: “Còn chú thuộc về tộc nào?”, thanh niên đáp: “Một tộc ở vùng cù lao giữa biển xa, họ Án, còn đây gọi là Thần Tiên Đảo, cách Quỳnh Châu ba ngàn dặm (0,576km x 3000 = 1728km), ta lưu ngụ tại đây cũng chưa bao lâu”. Thập Nương hối hả vào trong bảo con tỳ nữ, dọn cơm rượu ra đãi khách, người hầu dọn ra bàn xong chủ khách cùng nhau ngồi lại dùng bữa. Cuộc gặp gỡ bất ngờ, nên câu chuyện có phần vui vẻ. Đán thấy có nhiều thức ăn mùi vị thơm ngon, mấy đĩa rau không biết rau tên gì, dùng bữa vừa xong chủ mời khách ra sân ngoạn cảnh, Đán nhìn thấy trong vườn cây trái sum suê hoa quả xanh tươi đào lý đang đơm bông nẩy lộc, Đán lấy làm ngạc nhiên, Án biết ý cười mà bảo: “Nơi đây mùa Hè không nắng gắt, mùa Đông không lạnh giá, hoa quả quanh năm chẳng bao giờ vơi”. Đán vui vẻ mà thưa rằng: “Đây thật là cõi thần tiên, chừng về cháu sẽ thưa với bà và cha mẹ cháu nên dời nhà đến đây ở gần cô chú cho vui”. Án nghe chỉ mỉm cười mà không nói. Bóng chiều đã ngả, hoàng hôn buông xuống, chủ khách dắt tay nhau trở về phòng, những cây nến con tỳ nữ đã thắp lên ánh sáng tỏa khắp phòng, cây đàn còn để trên bàn, Đán nói: “Xin cho cháu nghe lại ngón đàn ưu nhã của cô chú”. Án bèn so dây, Thập Nương trong phòng vừa bước ra, Án bảo: “Lại đây mình hãy đánh một khúc đàn cho cháu nghe”, Thập Nương liền ngồi xuống hỏi: “Cháu muốn nghe những bài, giai điệu bản đàn nào?”, Đán đáp: “Cháu thuở nay chưa từng học nhạc phổ đàn cầm, thật tình chẳng có một ước vọng nào xác định”. Thập Nương nói: “Thôi tùy ý cháu ra đề, cô vẫn phổ ngay thành giai điệu đều được cả”. Đán cười mà rằng: “Gió biển đẩy thuyền đi, cô có phổ được không?”. Thập Nương đáp: “Được chứ”. Lập tức ôm đàn gảy lên một điệu nhạc tưởng chừng đã có sẵn, tiếng đàn lúc nhặt lúc khoan, lúc trầm lúc bổng. Đán lắng tai nghe mà tưởng chừng như còn ở trên con thuyền, vừa bị gió cuốn vật vờ nghiêng ngả, Đán ngợi khen không kể xiết, rồi hỏi: “Thưa cô, cháu muốn học những bản đàn này có được không?”. Thập Nương nói: “Được chứ, vậy cháu muốn học những giai điệu bản đàn nào?”. “Thưa cô, cháu muốn học bản cuồng phong mà cô vừa mới đàn, vậy chẳng hay mất mấy ngày mới học xong, xin cho cháu chép khúc điệu trước để cháu học cho thuộc”. Thập Nương nói: “Bài này không có lời cô chỉ lấy ý mà phổ ra đó thôi”, rồi bảo con tỳ nữ đi lấy một cây đàn khác, ôm đàn làm điệu dạo qua một lượt cô bảo Đán bắt chước theo, tập hơn một canh, âm tiết tạm hòa hợp bấy giờ hai vợ chồng Thập Nương mới quay về phòng an nghỉ. Đán chú mục tùy tâm chong nến canh dài ôm đàn ngồi học một mình, hốt nhiên lĩnh hội, bất giác đứng dậy khoa chân múa tay, ngửng đầu ngoái lại chợt thấy con tỳ nữ còn đứng bên góc bàn, ngượng ngùng thốt lên: “Em chưa đi nghỉ sao?”. Ả mỉm cười mà rằng: “Cô Mười dặn coi chừng đến khi nào huynh yên giấc, thì lo khép cửa bưng đèn đi”. Nhìn kỹ ả, khóe thu ba trong ngần, nghi dung kiều mỵ vô cùng xinh đẹp, Đán động lòng mở lời ướm thử, ả chỉ cúi đầu cười nụ, Đán càng mê mẩn, thoạt bước tới bá cổ. Ả nói: “Xin đừng làm vậy, đêm đã hết canh tư, chủ nhân sắp thức giấc, nếu hai bên ví có lòng nhau, thì tối mai cũng chẳng muộn đó mà”. Trong lúc còn đang lơi lả quàng vai, âu yếm bỗng nghe Án gọi “Phấn Điệp”, ả hốt hoảng hờn dỗi mà rằng: “Nguy rồi!”. Rồi tất tả chạy đi, Đán rón rén bước nép sau màn rình nghe nhận được tiếng Án nói: “Tôi đã bảo con nữ tỳ này trần duyên chưa dứt, mình cứ nhất quyết mượn nó, thì bây giờ xem thử ra sao, phải cho nó một trận đòn mới được”. Thập Nương nói: “Đã nảy ra lòng dạ ấy, thì không thể nào để tâm lo việc phục dịch nữa, chi bằng đuổi nó đi để tính việc gây dựng cho cháu thiếp”. Đán lấy làm xấu hổ vội trở về phòng tắt đèn đi ngủ. Sáng hôm sau, thấy một chú tiểu đồng đến thay lo việc quét dọn, tuyệt nhiên không còn thấy Phấn Điệp nữa, Đán rất là ân hận lo sợ nàng đã bị đuổi, một lát thấy Án cùng Thập Nương đi tới, tưởng chừng như chẳng có điều gì xảy ra, rồi có ý muốn khảo xét, để xem việc học hành của Đán đã tiến tới đâu, Đán vâng lời cầm đàn lên gảy qua một lượt, Thập Nương nói; “Cháu tuy chưa nhập thần, chớ mười phần cũng được tám chín, chừng nào nhập tâm mới đi tới chỗ tuyệt diệu của bản đàn”. Đán lại xin cô truyền cho bài khác, Án bèn đem khúc tiên nữ bị đày ra dạy cho Đán, ngón đàn tuy tế nhị, Đán phải luyện tập mất ba ngày mới bắt đầu nghe được, Án nói: “Đại cương thế là đã học hết, về sau chỉ cần tập luyện mà thôi, hễ làu thông hai khúc này rồi, thì trong nghệ thuật đàn cầm, tất không còn một điệu nhạc nào gay go nữa. Thời gian trôi qua mau, mới đây đã hơn một năm, Đán nhớ nhà quá, bèn vào thưa cùng Thập Nương: “Cháu ở đây nhờ cô chú chăm chút cho. Ơn đức như trời biển, cháu không biết lấy gì báo đáp, ngặt một nỗi cháu nhớ nhà quá, không biết bà và song đường có mệnh hệ gì chăng? Còn ở đây lại cách xa tới ba nghìn dặm, không biết ngày nào cháu mới trở về được lòng cháu thật áy náy. Kính xin cô chú cho cháu được trở lại quê nhà để săn sóc bà và song thân, thì cháu cảm tạ ơn đức của cô chú thật như trời biển”. Thập Nương nói: “Nghe cháu nói, cô chú đây cũng rất bùi ngùi, còn việc cháu về đâu có gì khó, thuyền xưa vẫn còn, cháu hãy vào trong lo sửa soạn hành lý mà về. Đán lấy làm mừng rỡ, vội cúi đầu chấp tay tạ ơn cô chú, vội vã trở về phòng lo thu xếp hành lý lên đường, mọi việc đều xong xuôi đến thưa cùng cô chú để xin từ biệt, cô chú tiễn chân Đán ra tận bến, khi bước xuống thuyền Thập Nương nói: “Cô chú đã sắp đặt xong xuôi dưới thuyền đều đầy đủ cả, rồi lấy ra một gói thuốc trao cho Đán mà dặn rằng, thuốc này cháu đưa về để điều trị bệnh cho bà, chẳng những chữa khỏi được cố tật, mà còn tăng thêm tuổi thọ cho bà”. Đán vừa bước xuống thuyền, để mắt kiếm chèo, Thập Nương cười nói: “Cần gì mái chèo”, bèn cổi cái “Cũn” mặc trong người ra treo lên làm buồm, lấy dây buộc chặt vào cột rồi giương lên, Đán e sợ lạc lối, Thập Nương biết ý bảo: “Đừng lo, cứ để mặc cho buồm lôi gió cuốn đi, mọi việc đều êm xuôi không việc gì cháu phải lo sợ”. Giong buồm lên xong, đẩy thuyền xuống nước, Đán bùi ngùi vừa quay lại, định chào bái biệt, bất ngờ gió nồm vút lên, thoắt trông thì đã xa bờ, con thuyền lướt nhanh như tên trên mặt sóng, biển nước mênh mông không còn trông thấy đâu là bến bờ được nữa, bước vào trong khoang, kiểm lại những đồ vật trong thuyền, lương khô nước uống đều đầy đủ. Nhưng thấy ít quá, độ chừng chỉ ăn một ngày là hết, thầm trách cô bủn xỉn bụng đói, bèn lấy ra một cái bánh Khảo ra ăn cho đỡ đói, còn lại gói để dành phòng khi hữu sự, những ngày lênh đênh trên biển cả, cầm bánh lên ăn thoang thoảng có mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, ăn xong không còn thấy đói nữa. Bóng chiều xuống dần, sực nhớ lại lúc lên thuyền mình chưa xin cô đèn nến, đang lo sợ, nhìn ra ngoài khoang thuyền bỗng thấy nhà cửa san sát, vội nhìn kỹ lại, hóa ra là phủ Quỳnh Châu, mừng khôn kể xiết. Khi thuyền cặp bờ, Đán tháo tấm lụa làm buồm xuống, gói bánh đi về, thoắt đã tới nhà, Đán bước vào những người đứng trước cửa trông thấy kinh ngạc, mừng vui không xiết kể, bởi, Đán xa nhà đã mười sáu năm qua, họ hàng bà con nghe Đán kể, mới biết Đán đã gặp được tiên, Đán vội bước tới thăm bà nội, thấy bà càng ngày càng suy yếu, vội lấy thuốc ra cho bà uống, lập tức bệnh trầm kha dứt hẳn, ai nấy đều cho là kỳ diệu, hỏi thăm tíu tít, Đán bèn kể lại những gì mình nghe thấy được. Bà nội rưng rưng nước mắt, mà rằng: “Người ấy là cô mầy, thuở ấy bà có đứa con gái còn trẻ, tên Thập Nương, sinh ra phong tư tú lệ, hứa gả về họ Án, chú rể vừa lên mười, đi chơi núi rồi không về, cô Mười đợi mãi, đến khi được hơn hai mươi tuổi, không có bệnh tật gì bỗng nhiên nằm ngủ sáng ra người nhà mới hay Thập Nương đã chết, đám tang trên ba mươi năm rồi”. Hôm nay được nghe bà và Đán kể lại ai nấy đều nghĩ là Thập Nương chưa chết, đem cái Cũn ra xem, thì ra cái cũn thêu thuở trước nàng thường vận, Đán lấy bánh chia mọi người ăn, chỉ một cái bánh mà tất cả đủ no trọn ngày, tinh thần lại thêm phấn chấn lên gấp bội. Bà nội bảo: “Thử ra đào mộ lên nghiệm xem sao?”. Khi người nhà đào mộ lấy quan tài lên mở nắp ra xem thì bên trong trống rỗng, ai cũng cho là lạ. Đán trước đây có đi hỏi con gái nhà họ Ngô nhưng chưa cưới, rồi bao nhiêu năm chờ đợi Đán không về, bèn gả đi nơi khác. Đán nhắc lại câu chuyện Thập Nương nói, ai nấy đều tin lời đó là thật, cứ để cho Đán chờ đợi Phấn Điệp, nhưng chờ mãi không thấy tăm hơi gì bèn để Đán đi hỏi nơi khác. Huyện Lâm Ấp tỉnh Sơn Đông, có ông tú tài họ Tiền được một người con gái tên Hà Sanh, gần xa nức tiếng kiều diễm, tuổi vừa mười sáu, tuy chưa gả cho ai mà đã ba lần chịu tang chồng hụt. Đán bèn cậy mai mối tới hỏi rồi chọn ngày lành làm lễ thành hôn, lúc nàng bước qua ngạch cửa, trông lộng lẫy không ai bằng, Đán nhìn ra chính là Phấn Điệp. Ngạc nhiên gợi lại chuyện xưa, nàng ngơ ngác không biết, Đán nhớ lại ngày Phấn Điệp bị đuổi, tức là ngày nàng giáng sanh. Lần nào Đán ngồi gảy bài Tiên nữ bị đày cho nàng nghe nàng chỉ ngồi trầm tư, lấy tay chống cằm bâng khuâng ngơ ngẩn tưởng chừng như lĩnh hội được đôi phần.
Phụ Bản IV PHỤ CHÚ Về chữ Thước và Dặm Ông Huỳnh Tịnh Của giải thích: “Dặm” là chặng đường xa, ngó con Trâu bằng con Dê, bề xa cách chừng 135 trượng, mỗi trượng có mười thước mộc (Đại Nam Quốc Âm tự vị) xuất bản năm 1895. Ông Génibrel dịch là Stade-Mesure-itinéraire de 888 mètre (Dictionnaire Annamite Français) xuất bản năm 1898. Đồng ý với các bậc tiền bối đáng kính, Việt Nam Tự Điển của “Hội Khai Trí Tiến Đức” in năm 1931 cũng cho rằng “Dặm” là một thôi đường dài 135 trượng. Ra sau ba cuốn trên, và muốn rành rẽ hơn, Từ Điển Văn Liệu của Nguyễn Văn Minh in năm 1942 giải thích rằng: ở Việt Nam và cả Trung Quốc, cứ đếm 360 bước là một Dặm hay 135 trượng là một Dặm, lại có người nói cứ để một con trâu đứng trông thẳng không thấy là một Dặm (120 trượng). Ông Nguyễn Duyên Niên, đối chiếu hai phép đo lường, “Tây và Ta” bảo rằng Dặm là quãng đường dài 1350 thước ta hay 54m (Tự Điển Chính Tả, tập Ba, trang 24, xuất bản năm 1951). Chúng ta có cảm tưởng “Dặm” là một hồn ma bóng quái rất mơ hồ, một khái niệm cực trừu tượng, cho đến nỗi khó mà nhận thức được, tựu trung nó là cái gì? Duyệt qua các lời giải thích trên đây, có cái phải dùng đến Bước (do chữ BỘ mà ra), đến Trượng để xác định chiều dài của Dặm, chúng ta có thể suy luận rằng, phép đo lường của Việt Nam xưa chẳng khác gì của Tàu, và “Dặm với Lý” cũng có một giá trị ngang nhau. Khi Hán Việt Tự Điển cắt nghĩa chữ Thiên Lý Mã là con ngựa chạy rất mau, mỗi ngày đi được nghìn Dặm, chúng ta có thể cho rằng, ông Đào Duy Anh phát biểu, không phải một lối hiểu riêng, mà là một kiến giải được mọi người thừa nhận. Kỳ thật Lý là gì? Những quyền uy tối thượng của ngữ học Trung Hoa như Từ Nguyên, Từ Hải, Trung Hoa Đại Tự Điển, đều đồng thanh bảo rằng: theo cựu chế người ta dùng hai thứ đơn vị chính: XÍCH (= thước mộc) để tính chiều dài của đồ vật, và LÝ (= dặm) để tính chiều dài của đường sá, sông ngòi. Phải 1800 “XÍCH” ghép lại mới bằng một “LÝ”. Đem so sánh với phép đo lường quốc tế ta thấy rằng: 1 XÍCH= 0,32m và 1 LÝ=1800 XÍCH= 0,32m x 1800= 576m XÍCH có 3 ước số là LI - PHÂN - THỐN, và 2 bội số là TRƯỢNG và DẦN. LI = 0,00032m PHÂN = 10 LI = 0,0032m THỐN = 10 PHÂN = 0,032m XÍCH = 10 THỐN = 0,32m TRƯỢNG = 10 XÍCH = 3,2m DẦN = 10 TRƯỢNG = 32m LÝ không có bội số, mà chỉ có 2 ước số là BỐ và VŨ. LÝ (dặm) = 576m BỘ = 1/360 của LÝ = 576m: 360 = 1,6m VŨ = nửa BỘ = 1,6m: 2 = 0,8m Lời giải thích chính xác tìm thấy trong các từ điển hán văn, sao lục ra đây, giúp ta hiểu đúng những chi tiết về trường độ đầy rẫy trong cổ văn Việt Nam và trong sách vở Trung Hoa, cả xưa lẫn nay. Kiểm điểm lại 5 đoản ngôn trên kia, ta nhận thấy rằng chỉ có ông Nguyễn Văn Minh nói đúng một điểm: “360 bước là một Dặm”; vì phải 180 trượng ghép lại thành 1 Dặm (3,2m x 180 = 576m) và phải 1800 thước mộc mới thành một Dặm (0,32m x 1800 = 576m). TRẦN VĂN HỮU st. Ghi chú : “bèn cổi CŨN làm buồm” nguyên văn là “Nhân giải quần tác phàm”. Đọc đến đây tôi rất kinh dị bởi vì giở Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh ra tôi thấy rõ ràng: “Quần: cái quần để che phần dưới thân thể”. Đã đành tiên nữ rất có thể có một phương thức sanh hoạt khác hẳn người phàm, nhưng lẽ đâu họ lại làm một động tác (cổi quần) quái gở thế trong lúc lâm biệt hay sao, nhất là trước mắt đàn ông? Đem dạ hoài nghi Hán Việt Tự Điển, tôi bèn tra Từ Nguyên (bản in tại Hương Cảng năm 1951) thấy giải thích chữ quần là “Cựu thì phụ nữ để hạ thường xuyên tại khố tử ngoại diện” (đồ che thân dưới của phụ nữ thời xưa vận phủ lên quần) thì ra Việt Nam gọi là quần thì người Trung Hoa gọi là khố, còn cái mà xưa kia họ kêu là quần thì ta kêu là Cũn. CƯỜI NGỰA PHI NGỰA PHI Trong buổi tiếp tân tại biệt thự ông chủ ngân hàng Tứ Tượng. Cơm rượu xong, tất cả sang phòng khách uống trà, cà phê và nghe nhạc. Nghe chính ông Tứ Tượng trổ tài đánh đàn. Đánh dương cầm, mà phải gọi là “đánh” mới đúng vì quả thật ông Tứ Tượng đang đánh đấm phím đàn chứ không phải là chơi đàn như các nhạc sỹ khác. Từ những đánh đấm phím đàn của ông thoát ra những tiếng ồn ào như muốn thủng tai tân khách. Nhưng một gia nô của ông Tứ Tượng lại vỗ tay bốc thơm ông chủ ngân hàng. Tên gia nô nói: - Hay quá! Hay quá! Đàn hay quá. Nghe tưởng đâu như đang sống lại những trận ngàn xưa, tưởng như quân Mông Cổ đang cỡi ngựa rầm rộ tiến vào các thành thị cướp phá tứ tung. Một nhà báo nghe tên gia nô nịnh thối như vậy liền nói tiếp: - Vâng, nghe tiếng đàn như vó ngựa quân Mông Cổ rầm rộ cướp phá… và nếu quân Mông Cổ ấy phá mẹ luôn cây đàn dương cầm này để chúng ta đỡ phải nghe… thì hay hơn nữa. CHẾT VÌ NÓI DỐI Tám Thẹo bữa ấy bị gẫy tay, phải bọc cánh tay trong bột. Anh Tám gặp mới hỏi thăm Tám Thẹo: - Tại sao gẫy tay thế này? Tám Thẹo: - Vì lái xe đâm vào cột đèn. - Tại lái ẩu quá nên mới xẩy ra tai nạn chớ gì? - Không phải vì lái ẩu, mà chỉ vì bị bạn nói dối. - Trời! chỉ vì bạn nói dối mà cũng đụng xe vào cột đèn? Như vậy chắc anh phải chết thảm vì ở đời này thiếu gì người nói dối. Tám Thẹo thở dài: - Nhưng có nhiều cách nói dối. Có câu tai hại câu không. Người bạn tôi lần này đã nói dối một câu tai hại vì chiếc xe hơi tôi lái là xe hơi của anh ta bán cho tôi, và xe anh ta hư thắng, anh lại nói dối tôi là thắng tốt. CHA NÀO CON ẤY Chàng Lại Cái nọ (đàn ông mà lại khoái son phấn như đàn bà) lấy vợ, rồi có con, một thằng con trai. Tới năm thằng con trai này 16 tuổi, một bữa kia, đi học về nó bị thâm tím mặt mày. Cha nó liền hỏi: - Bữa nay, đi học, gây gổ với ai, mà thân tím mặt mày thế kia? Thằng nhỏ ỏn ẻn trả lời: - Ba nghĩ coi, thấy con ăn mặc như con gái, tụi bạn học của con chúng cười con, chúng nói rằng con giả bộ làm con gái để trốn động viên. Con chửi chúng, chúng liền đánh con. - Thế tại sao con không đấm lại chúng cho chúng vỡ mặt? Thằng con lại ỏn ẻn, đưa bàn tay nó lên cho cha nó coi và trả lời: - Con đấm chúng rủi gẫy móng tay của con thì sao? (Thì ra, thằng nhỏ này đã để móng tay dài và thoa mầu đỏ như con gái vậy). BỎ TU Một nhà sư đi khất thực giữa một trưa hè oi bức. Khát quá, bèn vào nhà một gia đình bên đường xin nước uống. Một cô gái trẻ vội mang chai nước lọc ra nhưng quên mang ly ra. Vì khát quá nên vị sư kia cầm chai lên uống. Cô gái thấy thế ái ngại và nói: - Thầy đừng tu, để em lấy... Vị sư kia liền trả lời: - Thôi, đừng lấy. Để thầy tu... - Xin Thầy cứ tu, em vẫn lấy. Thầy vui mừng đáp: - Nếu em lấy, Thầy bỏ tu. PHỎNG VẤN THƯỢNG ĐẾ. Có một lần, tôi mơ thấy được phỏng vấn Thượng Đế. - Con muốn phỏng vấn ta à? Thượng Đế hỏi. - Nếu Ngài có thời gian. Người mỉm cười: - Thời gian của ta là Vĩnh cửu ... Con muốn hỏi ta điều gì? - Điều gì ở Con Người khiến Ngài ngạc nhiên nhất? Thượng Đế trả lời: - Con người nhàm chán tuổi thơ, vội vã lớn lên, rồi lại mơ ước được trở lại làm trẻ nhỏ. - Họ tiêu phí sức lực để kiếm tiền, rồi lại tiêu tiền để phục hồi sức khỏe. - Họ nghĩ nhiều tới tương lai mà quên đi hiện tại, để rồi chẳng sống ở hiện tại mà cũng chẳng ở tương lai. - Họ sống như sẽ chẳng bao giờ chết, và chết dần như chưa từng được sống. Rồi Người nắm tay tôi, im lặng ... Tôi lại hỏi: - Thượng Đế tạo ra muôn loài, Ngài muốn chúng sinh ghi nhớ những bài học nào trong cuộc sống? Thượng Đế trầm ngâm: - Hãy nhớ rằng không bao giờ có thể bắt ai đó phải yêu mình. Chỉ có thể tự làm cho mình trở nên đáng yêu thôi. - So kè mình với người khác là điều không tốt. - Hãy học cách tha thứ, và tập tha thứ. - Hãy nhớ rằng để làm tổn thương ai đó chỉ cần có vài giây ngắn ngủi, nhưng để chữa lành vết thương đó phải cần tới hàng năm dài dằng dặc. - Hãy hiểu rằng người giàu không phải là người có tất cả mọi thứ, họ chỉ là người ít thiếu thốn hơn thôi. - Cần biết rằng, có nhiều người yêu mến mình, nhưng họ chưa biết cách bộc lộ ra. - Khi cả hai người cùng nhìn vào một sự việc, sự nhận biết có thể sẽ không giống nhau. - Tha thứ lẫn nhau chưa đủ, mà còn cần phải tự tha thứ cho chính mình nữa. " Cám ơn Ngài đã bớt chút thời gian!"- Và tôi rụt rè: - Ngài còn điều gì muốn gửi tới chúng sinh không ạ? Thượng Đế cười đáp: - Hãy nói với họ rằng Thượng Đế ở đây vì họ ... mãi mãi! CÁI HỘP ĐỰNG GIÀY Hai ông bà cụ nọ, đã sống với nhau hơn 60 năm. Họ chia sẻ ngọt bùi đủ mọi thứ. Duy chỉ có cái hộp đựng giày bà cụ để ở gầm tủ là ông cụ không hề biết trong đó đựng cái gì. Và cũng tôn trọng riêng tư của bà, ông chẳng bao giờ hỏi tới cái hộp đó. Năm này qua năm nọ, một ngày kia bà cụ bỗng bệnh nặng. Biết vợ mình không qua khỏi, cụ ông chợt nhớ tới cái hộp giày bí mật, bèn lấy đem đến bên giường bà cụ, bà cụ cũng đồng ý cho ông cụ mở cái hộp ra. Khi chiếc hộp được mở ra, bên trong chỉ vỏn vẹn có hai con búp bê bằng len nhỏ và một số tiền là 95.000 đô. Ông cụ ngạc nhiên hỏi vợ: “Thế này là sao?”. Cụ bà nói: “Khi chúng ta mới lấy nhau, Bà nội của em có dặn rằng: Bí quyết để giữ hạnh phúc gia đình là đừng bao giờ cãi nhau. Nếu lỡ chồng con có làm điều gì khiến con bực mình tức giận. Con nên im lặng và bình tĩnh, đi ra chỗ khác lấy len đan một con búp bê nha con. Và anh thấy đó...” Cụ ông không cầm được nước mắt. Cả suốt cuộc đời sống chung với nhau, người vợ thân yêu của mình chỉ giận mình có 2 lần thôi ư? Ông cảm thấy hạnh phúc vô cùng, “...vậy còn món tiền lớn này thì sao?”, ông cụ hỏi. Cụ bà mắt đỏ hoe trả lời: “Và đó là số tiền em đã bán những con búp bê mà em đã đan....” CUỐN PHIM HẤP DẪN Trong một phiên họp của các nhà chấn hưng đạo đức. Cử tọa bữa ấy toàn là phụ nữ. Diễn giả là Tú Gàn. Tú Gàn nói: - Cơ quan kiểm duyệt phim ảnh của chúng ta thật là bê bối. Các bà, các cô nghĩ coi, đêm qua tôi đi coi xi-nê với vợ con, đụng phải một phim thật là tồi tệ. Đề tài chánh của cuốn phim là diễn tả những cảnh bề hội đồng, những cảnh tình yêu vụng trộm bên bờ suối, những vụ mua bán tình yêu bên xa lộ vv…và vv… Tú Gàn nói tới đây, tất cả các bà các cô đều giơ tay xin phát biểu ý kiến. Và ý kiến của các bà các cô đều như nhau, đó là: - Xin ông Tú cho biết, cuốn phim ấy đang chiếu ở đâu? ĐÈN ĐÃ TẮT Một anh mù đến từ giã bạn mình. Người bạn cho anh một cây đèn lồng. Anh mù cười hỏi: - Tôi đâu cần đèn lồng. Với tôi, sáng hay tối có gì khác. - Tôi biết. Nhưng nếu không mang nó theo, trong bóng tối người khác có thể đụng vào anh. - Ồ, vậy thì được. Đi được một đoạn, bất ngờ anh mù bị một người đâm sầm vào. Bực mình, anh ta quát: - Bộ không thấy đèn hả ? - Đèn của ông đã tắt từ lâu rồi mà. MĐ. st
|